PDA

View Full Version : Thành Phố Mẹ



cao nguyên
01-27-2012, 05:24 AM
http://i5.photobucket.com/albums/y157/LeHongNguyen/159619467QqBhvb_ph.jpg


Thành Phố Mẹ

Cali có Little Sài Gòn
Paris có Sài Gòn Phố không em?
mà dẫu có một Sài Gòn ở đó
cũng chỉ là thành phố mượn tên

để mỗi lần gọi lên là nhớ
Sài Gòn - thành phố Mẹ phía bên kia
(bên tuổi buồn đã chung chia máu lệ
bên niềm vui chỉ để kể người nghe

vui như lá me bay trong chiều mưa tháng Hạ
có phượng hồng cài mái tóc yêu thương!)
ôi nỗi nhớ viết sao vừa giấy mực
khi tim ta thổn thức nhớ Sài Gòn!

Chừ em bước trên một thành phố mới
có những con đường mang tiếng nói Việt Nam
(những con đường cũng chỉ là khuôn mặt
tình những con đường ở trên đỉnh hồn ta!)

Em hãy nhớ, thành phố mình đang sống
cũng chỉ là một góc cuộc đời qua
ngày luyến nhớ Paris, Cali, Newyork
có bằng đêm em khóc nhớ Sài Gòn?

thành phố Mẹ chúng ta bên kia biển
những con đường Nguyễn Huệ , Hùng Vương
những tên gọi Bạch Đằng, Bến Nghé...
giữa đời ta là cả một trời thương!

Sài Gòn đó, Sài Gòn bên kia biển
không phải một thời, mà mãi ngàn đời
trong tim người, Hòn Ngọc Viễn Đông
trong Việt Nam, Sài Gòn bất diệt!

Cao Nguyên

cao nguyên
01-27-2012, 05:26 AM
http://4.bp.blogspot.com/_aH1bx2ubVuk/S-EG03RdjKI/AAAAAAAAMV8/RS00VZHn_Ds/s1600/saigon6.jpg



(http://kimvo.net/music/SaiGonNamXua_BietBaoGioTroLai.pps)http://www.youtube.com/watch?v=VJUxiV-vlyI&feature=player_embedded

(http://kimvo.net/music/SaiGonNamXua_BietBaoGioTroLai.pps)

cao nguyên
01-27-2012, 05:34 AM
http://i964.photobucket.com/albums/ae125/HaVi-asiaforum/2hyuvrq-1-1.jpg


Sài Gòn Qua Các Thời Kỳ


Hơn 300 hình thành và phát triển, Sài Gòn đã trải qua nhiều thời kỳ, nếm trải thăng trầm lịch sử cùng con người phương nam. Hãy tìm hiểu Sài Gòn thân yêu qua các thời kỳ đó…


Ngàn năm trước (trước 1698)

Trước khi Chúa Nguyễn thiết lập bộ máy cai trị (1698) thì Sài Gòn – Gia Định còn là một vùng đất hoang vu, rừng rậm, sông nước, xen lẫn những gò đất cao nằm trong vùng đất mới, rộng lớn, mênh mông ở phía Nam trải dài tới biển Đông.

Cách đây khoảng 3000 – 4000 năm trên vùng đất này đã có những nhóm cư dân cổ sinh sống với nhiều nền văn hóa từ thời kỳ đồ đá cho đến thời kỳ kim khí. Những cư dân cổ từng sinh sống trên vùng đất Sài Gòn từ nhiều thiên niên kỷ trước đã biết canh tác nông nghiệp và bắt đầu chinh phục vùng đất thấp ở phía nam và phía đông nam. Lúc bấy giờ cuộc sống con người ở đây hết sức tự do, không có lãnh thổ quốc gia, không có địa giới hành chánh và cũng chưa có khái niệm về vùng đất “Sài Gòn.”

Sài Gòn vào thế kỷ 16 – 17

Mãi đến giữa thế kỷ 17, vào thời Chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) được đặc quyền cai trị đất Đàng trong, đã bắt đầu công cuộc di dân người Việt đến khai phá vùng đất mới phía Nam. Vùng đất Sài Gòn lúc bấy giờ ở vị thế trung tâm vùng đất mới, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống, là một trong những nơi mà nhóm dân cư Việt đầu tiên đến đây định cư.

Đến năm 1623 Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho đặt trạm thu thuế thương chính đầu tiên tại Sài Gòn và Bến Nghé. Đây là dấu hiệu ban đầu xuất hiện hình thức kiểm soát của nhà nước trên vùng đất Sài Gòn xưa.

Tháng 3 năm 1679 Chúa Nguyễn lại cho lập đồn binh Tân Mỹ (vùng chợ Thái Bình, quận I ngày nay). Quyền lực nhà nước của Chúa Nguyễn được áp đặt vào vùng đất mới phía Nam chuẩn bị cho việc hình thành bộ máy cai trị. Cho đến thời điểm này, vùng đất mới phía Nam vẫn chưa phân định địa giới hành chánh. Song Sài Gòn đã giữ vị trí trung tâm vì quyền lực cai trị vùng đất phía Nam tập trung ở đây.

Về địa danh Sài Gòn

Tên “Sài Gòn” đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước, cách đây đã hơn 300 năm. Đó là tên gọi một vùng đất (địa danh) do cư dân Việt đặt ra để chỉ một khu vực đông dân cư sinh sống tập trung, sinh hoạt theo vùng đất đô thị ở vùng đất mới phía Nam.

Tên gọi “Sài Gòn” đã lần lượt để chỉ bốn vùng đất khác nhau. Thoạt đầu “Sài Gòn” dùng để chỉ đất của tiểu quốc Thù Nại, bao gồm phần lớn vùng đất Đông Nam bộ (khoảng 20.000 – 25.000km2). Năm 1698 tên Sài Gòn để chỉ vùng đất huyện Tân Bình rộng khoảng 5.000 km2, tính từ phía bờ tây sông Sài Gòn, một phần của xứ Sài Gòn ngày nay là địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. “Sài Gòn” còn là tên gọi của vùng đất của hai khu vực đô thị được bảo vệ bởi lũy Lão Cầm (1700), lũy Hoa Phong (1731) và lũy Bán Bích (1772) với diện tích khoảng 25 km2. Sài Gòn cũng là tên gọi của khu vực chợ buôn bán của người Hoa vào thế kỷ 18 (rộng khoảng 1km2), sau này trở thành khu Chợ Lớn.

Thành phố Sài Gòn ngày nay bao gồm cả đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn, tỉnh Gia Định và một phần tỉnh Chợ Lớn cũ, địa bàn thành phố rộng lớn hơn xưa, nhưng cũng là khu vực trung tâm của đất Gia Định xưa.


http://i964.photobucket.com/albums/ae125/HaVi-asiaforum/v4ckxs-2.jpg


Sài Gòn buổi ban đầu

Năm 1698 là mốc lịch sử đánh dấu sự khai sinh vùng đất Sài Gòn xưa, khi Thống xuất chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh Chúa Nguyễn vào Nam kinh lược lập ra phủ Gia Định để cai quản vùng đất mới phía Nam và lập ra hai huyện đầu tiên Phước Long và Tân Bình thuộc phủ Gia Định. Diện tích phủ Gia Định lúc này khoảng 30.000km2.

Huyện Tân Bình được lập ra từ xứ Sài Gòn với dinh Phiên Trấn và những đơn vị hành chánh cơ sở đầu tiên (lân, làng, phường, xã, thôn, ấp) là hình dáng Sài Gòn trong buổi ban đầu.

Sài Gòn thế kỷ 18

Trong suốt thế kỷ 18, thời Sài Gòn thuộc Gia Định phủ (1698-1802) thì địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ngày nay gồm địa phận hai tổng Bình Dương và Tân Long của huyện Tân Bình, (thuộc Dinh Phiến Trấn) và trên một nửa địa phận tổng Bình An (tức huyện Thủ Đức) của huyện Phước Long thuộc Dinh Trấn Biên. Năm 1795, Le Brun vẽ bản đồ vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn có ghi vị trí thành Bát Quái, các phố thị Minh Hương, Bến Nghé rồi đặt tên chung là Thành phố Sài Gòn. Có thể hình dung tổng quát vào cuối thời Gia Định phủ, địa bàn Thành Phố (nay) được phân biệt bởi hai vùng với hai bộ mặt khác nhau: vùng chợ nằm trong vòng “cổ lũy” và vùng quê đất rộng, thưa dân thuộc các tổng Bình Dương, Tân Long, Bình An.

Sài Gòn thời Gia Định Trấn và Gia Định Thành (1802-1832)

Sau khi chiến thắng Tây Sơn lấy lại kinh thành Phú Xuân – Huế (năm 1802), Nguyễn Ánh bỏ Gia Định kinh, đổi Gia Định phủ thành Gia Định trấn và đến năm 1808 lại đổi Gia Định trấn ra Gia Định thành, các “dinh” đều đổi thành “trấn”. Gia Định thành thống quản năm trấn (toàn Nam Bộ). Dinh Phiên Trấn đổi thành trấn Phiên An. Huyện Tân Bình đổi thành phủ, 4 tổng của huyện Tân Bình nâng lên thành huyện lập ra nhiều tổng mới. Thời kỳ này địa bàn thành phố nay bao gồm địa phận của 2 tổng Bình Trị, Dương Hòa của huyện Bình Dương và 2 tổng Tân Phong, Long Hưng của huyện Tân Long (4 tổng trên đều thuộc phủ Tân Bình, trấn Phiên An), phần còn lại là địa phận của tổng An Thủy – Huyện Bình An và một phần của tổng Long Vĩnh – huyện Long Thành (thuộc phủ Phước Long – trấn Biên Hòa).

Từ sau 1820, dưới mắt của thương gia và phái bộ nước ngoài đã có một thành phố gồm hai đô thị lớn không kém gì kinh đô nước Xiêm ở cách nhau hai dặm, thành phố Sài Gòn (là Chợ Lớn nay) và thành phố Bến Nghé mới xây dựng. Họ gọi chung là thành phố Sài Gòn nơi đô hội cả nước lúc bấy giờ không đâu sánh bằng.


http://i964.photobucket.com/albums/ae125/HaVi-asiaforum/aavcdt-1-1.jpg


Sài Gòn thời Lục tỉnh Nam kỳ (1832-1862)

Từ sau năm 1832, Minh Mạng giải thể cấp Gia Định thành, chia năm trấn thành sáu tỉnh. Trấn Phiên An đổi thành tỉnh Phiên An, trấn Biên Hòa đổi thành tỉnh Biên Hòa.

Năm 1836, tỉnh Phiên An được đổi tên là tỉnh Gia Định có thêm một phủ mới là phủ Tây Ninh. Năm 1841, phủ Tân Bình lại lập thêm huyện Bình Long (lỵ sở tại Hốc Môn). Vì vậy, sau 1841, địa bàn thành phố (nay) nằm trên địa phận ba huyện Bình Dương, Bình Long, Tân Long (của phủ Tân Bình) và một phần đất của huyện Ngãi An và Long Thành thuộc phủ Phước Long tỉnh Biên Hòa.

Sài Gòn thời Pháp cai trị (1862-1955)

Địa bàn thành phố (nay) lúc này bao gồm địa giới của hai huyện Bình Dương, Tân Long của phủ Tân Bình, với phần đất đai của huyện Bình Long thuộc phủ Tây Ninh (tỉnh Gia Định) và cộng thêm trên một nửa địa phận huyện Bình An cùng với địa phận tổng Long Vĩnh Hạ, huyện Long Thành, cùng thuộc phủ Phước Long của tỉnh Biên Hòa.

Vùng đô thị Sài Gòn – Bến Nghé nằm trên đất của phủ Tân Bình, được xác lập ranh giới từ chùa Cây Mai đến rạch Thị Nghè, nằm trong kênh vành đai giáp tới sông Tân Bình (sông Sài Gòn nay) được qui hoạch là thành phố Sài Gòn (theo bản đồ Coffin năm 1862). Năm 1865 qui hoạch “Thành phố Sài Gòn” lại được chia thành hai thành phố: Thành phố Sài Gòn ở về phía Đông địa bàn thành phố cũ, tức vùng Bến Nghé xưa nơi có tỉnh thành Gia Định và thành phố Chợ Lớn, vùng trước đây gọi là “Phố thị Sài Gòn”.

Sài Gòn thời kỳ 1956-1975

Trong khoảng 20 năm (1955-1975), thành phố Sài Gòn cũng có nhiều biến đổi. Từ năm 1956, đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn trở thành thủ đô chính quyền ở miền Nam, được quen gọi là “đô thành Sài Gòn”. Năm 1959, đô thành Sài Gòn được chia thành 8 quận hành chánh, mỗi quận chia ra nhiều phường. Tháng 12-1966, quận I thêm hai phường mới từ xã An Khánh (Gia Định) lập ra. Tháng 1-1967 tách hai phường mới của quận I (xã An Khánh cũ) lập thêm quận 9. Tháng 7-1969 lập thêm quận 10 và quận 11. Từ đấy đến năm 1975, đô thành Sài Gòn có 11 quận.


http://i934.photobucket.com/albums/ad189/havi2009asia/a485e5d6-1.jpg


by nhatdongan

cao nguyên
01-27-2012, 05:36 AM
http://i1177.photobucket.com/albums/x358/havi-4rumasia/da25e463c7.jpg



TÊN GỌI SÀI GÒN

I - Lịch Sử :

Khi nói tới tên gọi Sài Gòn, chúng ta cũng gặp khó khăn vì không có tài liệu, văn bản hành chính chứng minh rõ ràng. Có nhiều tác giả đã viết về tên gọi Sài Gòn. Trong bài này, chúng tôi xin trích dẫn một vài đoạn bài viết của Gs Nguyễn Ngọc Huy với các giả thuyết sau đây:
1. Huỳnh Tịnh Của trong tác phẩm "Đại Nam Quốc Âm Tự Vị" giải thích: Sài có nghĩa là củi thổi, Gòn: tên loại cây có bông trắng và nhẹ xốp người miền Nam dùng làm gối và nệm nằm. Về địa danh thì Sài Gòn là tên riêng của vùng Chợ Lớn, bây giờ lại hiểu là đất Bến Nghé. Như vậy, Sài Gòn chỉ vùng Chợ Lớn ngày nay, còn Sài Gòn bây giờ lại thuộc Bến Nghé. Theo hai người Anh là Crawfurd và Finlayson đã đến vùng này năm 1922 thuật lại thì Sàigòn và Bến Nghé (mà các tác giả trên đây viết là Bingeh hay Pingeh) là hai thành phố khác nhau và cách xa nhau độ 1 hay 2 dặm. Bến Nghé là nơi đồn binh và đặt cơ quan chánh phủ, còn Sàigòn là trung tâm thương mãi và là nơi cư ngụ của người Tầu (theo tập san của Hội Cổ Học Ấn Hoa, năm 1942, tập số 2 - Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises).

Khi người Pháp chiếm ba tỉnh phía đông Nam Kỳ năm 1861, họ dùng tên Sài Gòn để chỉ đất Bến Nghé cũ và dùng nơi này làm trung tâm hành chánh. Đối với người Tây thì Sài Gòn dễ phát âm hơn Bến Nghé. Khi người Pháp cai trị và gọi tên Sài Gòn thay cho Bến Nghé thì dân miền Nam bắt buộc phải theo và gọi Chợ Lớn thay cho địa danh Sài Gòn trước đây.

1. Trương Vĩnh Ký dựa vào bộ Gia Định Thông Chí của ông Trịnh Hoài Đức, tập Souvenirs historiques, lại kể lại rằng người Khmer xưa có trồng cây gòn chung quanh đồn Cây Mai và chính ông còn thấy vài gốc cổ thụ này tại vùng vào năm 1885.

1.3 Lê Văn Phát cho rằng trước đây, vùng Sàigòn Chợ Lớn hãy còn bị rừng bao phủ và tên Sàigòn có lẽ phát xuất từ tên Khmer Prei Kor tức là Rừng Gòn (Forêt des Kapokiers). Prei Kor là tên mà người Khmer dùng để gọi một địa phương mà trọng tâm là Chùa Cây Mai ở Phú Lâm ngày nay. Mặt khác, ông Lê Văn Phát cũng cho biết rằng người Lào (mà ngôn ngữ gần như ngôn ngữ Thái) đã gọi vùng này là Cai Ngon, mà Cai Ngon theo tiếng Thái cũng có nghĩa là Rừng Chỗi Cây Gòn (Brousse des kapokiers).

1. Vương Hồng Sến trong bộ Sàigòn Năm Xưa cho biết rằng theo tiếng Khmer thì Kor có nghĩa là gòn mà cũng có thể có nghĩa là con bò, và Prei Kor có thể là Rừng Bò chứ chưa ắt hẳn là Rừng Gòn.

Mặt khác, các nhà học giả Pháp nghiên cứu về nước Cam-Bu-Chia đã tìm được trong bộ sử chép tay của nước ấy một dữ kiện quan trọng về vùng này. Theo bộ sử ấy, năm 1623, một sứ bộ của chúa Nguyễn đã đến Cam-Bu-Chia xin vua cho đặt một số sở thuế ở vùng Prei Nokor và Kas Krobey. Vua Cam-Bu-Chia lúc ấy có một hoàng hậu là con gái chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên). Bởi đó, ông đã chấp nhận lời yêu cầu của chúa Nguyễn. Theo ông Etienne Aymonier thì Nokor là xức, quốc gia và Prei Nokor là rừng của vua (forf royale). Nhưng linh mục Tandart lại bảo rằng tiếng Nokor do tiếng nam phạn Nagaram mà ra, và có nghĩa là thành phố của rừng hay thành phố ở giữa rừng (ville de la forêt). Bởi vậy theo ông, Prei Nokor có nghĩa là thành phố. Nhà học giả Pháp Louis Malleret khi nêu ra tài liệu về Prei Nokor đã dựa vào ý nghĩa của tiếng Khmer này theo linh mục Tandart để bác bỏ thuyết của các học giả Việt Nam trước đó cho rằng Sàigòn có nghĩa là Củi Gòn. Ông đã theo ý kiến của một người Pháp khác là Maurice Verdeille theo đó tiếng Sàigòn có lẽ phát xuất từ tiếng Tây ngòn có nghĩa là cống phẩm của phía tây (tribut de l’ouest). Tiến Hán Việt có nghĩa là cống phẩm của phía tây nếu đọc theo VN là Tây Cống và Tây Ngòn hẳn là Tây Cống, nhưng phát âm theo giọng Trung Hoa. Sở dĩ ông Malleret theo thuyết này là vì ông đã dựa vào một dữ kiện lịch sử do ông Trịnh Hoài Đức chép lại, là khi Cam Bu Chia bị phân ra cho hai vua thì cả hai vua nầy đều nạp cống phẩm cho chúa Nguyễn ở Prei Nokor, vốn là thủ đô của vua thứ nhì từ năm 1674 (trong khi vua thứ nhứt đóng đô ở Oudong ở phía bắc Nam Vang).


http://i1177.photobucket.com/albums/x358/havi-4rumasia/Vietnam_037.jpg


Ông Vương Hồng Sến, nhắc lại trong quyển Sàigòn Năm Xưa rằng người Hoa Kiều đã tập trung vào vùng Chợ Lớn ngày nay để mua bán năm 1778 sau khi Cù Lao Phố (gần tỉnh lị Biên Hòa ngày nay) là nơi được thành lập để mua bán từ cuối thế kỷ thứ 17 đã bị Tây Sơn phá tan khi họ kéo vào đánh Miền Nam. Sau khi thành phố này đã vững, người Hoa Kiều đã đáp thêm bờ kinh Chợ Lớn, cẩn đá cho cao ráo kiên cố. Và có lẽ để ghi công việc này, họ đặt tên chỗ mới này là Đề Ngạn, tức là bờ sông cao dốc trên có đe ngăn nước. Đề Ngạn là tiếng Hán Việt, chớ người Trung Hoa phát âm theo giọng Quảng Đông thì nói thành Tài Ngon hay Thầy Ngồnn. Ông Vương Hồng Sến cho rằng tiếng Sàigòn chính do Thầy Ngồnn mà ra. Về đất Bến Nghé thì người Trung Hoa gọi là Xi Cong. Ông Vương Hồng Sến cho rằng đó là họ đọc trại lại tiếng Sàigòn của ta và khi viết ra Hán văn thì họ dùng hai chữ mà ta đọc là Tây Cống.

II-CÁCH ĐẶT ĐỊA DANH CỦA NGƯỜI XƯA

Chúng ta có thể nhận thấy rằng trong việc đặt địa danh này, ông bà chúng ta đã theo một số nguyên tắc:

1-Các cụ có thể phiên âm một địa danh Khmer đã có và bỏ dấu cho thành tiếng Việt Nam. Thí dụ như Psar Deck tiếng Khmer là Chợ Sắt đã được các cụ gọi lại là Sa Đéc, hay Me So tiếng Khmer là Người Đàn Bà Đẹp hay nàng Tiên được các cụ gọi là Mỹ Tho. Trong một bài kỷ niệm ngày 30 tháng tư, đang trong tờ Việt Báo, ông Phạm Nam Sách khi nói về tỉnh Ba Xuyên đã nhắc đến một địa danh mà ông nói là Bảy Sào, Bải Sào, Bảy Sau hay Bải Sau chi đó. Thật sự đó là Bải Xào, một tiếng phát xuất từ tiếng Khmer Bai Xao có nghĩa là Cơm Sống. Địa danh này sở dĩ có là vì trong trận đánh nhau với người Việt Nam, người Khmer đã thua chạy về đến đó và ngừng lại nấu cơm ăn, nhưng cơm chưa kịp chín thì quân Việt Nam lại kéo đến và người Khmer phải bỏ chạy. Để đánh dấu việc này, họ gọi đất đó là Cơm Sống, tiếng Khmer là Bai Xao và các cụ ta bỏ dấu thêm thành Bải Xào.

2-Các cụ có thể dịch nghĩa một địa danh Khmer đã có. Thí dụ như tên Bến Nghé phát xuất từ tiếng Khmer Kompong Krabei có nghĩa là Vũng Trâu. Theo sử Khmer mà ông Malleret viện dẫn thì ngoài Prei Nokor, vua Cam-Bu-Chia còn cho chúa Nguyễn đặt sở thuế ở Kas Krobey. Chữ Krobey rất gần Krabei, và có thể Kas Krobey với Kompong Krobei cũng là một và có nghĩa là Vũng Trâu, Bến Trâu gì đó.

3-Nhưng tên theo hai loại trên đây là do người Việt Nam bình dân đặt ra khi mới đến một địa phương, về sau, khi đã có nhiều người Việt Nam ở và triều đình Việt Nam đặt ra các đơn vị hành chánh, thì triều đình lại dùng tiếng Hán Việt như Trấn Biên, Phiên Trấn, Phước Long, Phước Tuy v.v... Mặt khác, khi viết sử hay viết sách địa lý mà gặp một tên nôm do người bình dân đã đặt, các cụ đã dịch phăng nó ra tiếng Hán Việt chớ ít khi chịu chép tên nôm. Như Ba Giỗng, các cụ dịch là Tam Phụ và Bến Nghé, các cụ dịch lại là Ngưu Chử khi chép vào sách chớ không chịu viết tên nôm là Ba Giồng, Bến Nghé. Nếu lấy các qui tắc đặt địa danh của các cụ ngày xưa làm tiêu chuẩn để suy luận thì ta thấy ngay các thuyết trên đây về nguồn gốc và ý nghĩa của Sàigòn không ổn.

3-Nếu các cụ ta ngày xưa muốn dịch tiếng Khmer Prei Kor ra tiếng Việt thì các cụ đã dùng tên Củi Gòn, Cây Gòn hay Rừng Gòn để đặt cho địa phương này, chớ không ghép một tiếng Hán Việt là Sài với một tiếng nôm là Gòn để thành Sàigòn, cũng như khi dịch Kompong Krabei ra tiếng Việt, các cụ đã gọi là Bến Nghé chớ không nói Tân Nghé, Chử Nghế hay Ngạn Nghé (Tân, Chử và Ngạn là những tiếng Hán Việt có nghĩa là cái cồn nhỏ, bến sông, bờ sông). Nếu bảo rằng gòn là một loại cây không có tên Hán Việt và các cụ đã dùng tên ấy như tiếng Hán Việt thì các cụ đã theo văn phạm Hán Việt mà gọi Củi Gòn là Gòn Sài chớ không thể gọi là Sài Gòn.

4-Chữ Sài là tiếng Hán Việt có nghĩa là Củi, nhưng cũng chữ ấy mà dùng làm chữ nôm thì lại đọc là Thầy. Vậy, nếu đọc theo tiếng nôm hoàn toàn hai chữ mà ông bà chúng ta dùng để chỉ tên đất ta đang nghiên cứu thì ta có Thầy Gòn. Tên này rất gần với Tây Ngòn hay Thầy Ngồnn là những tiếng Hán Việt Tây Công hay Đề Ngạn đọc theo giọng Trung Hoa. Nhưng các cụ ngày xưa rất sính dùng tiếng Hán Việt. Đến như tiếng nôm hoàn toàn là Ba Giồng, Bến Nghé mà các cụ còn nhứt định phải dịch ra là Tam Phụ, Ngưu Chử khi viết vào sách vở thì
không lý do gì các cụ lại không dùng các tiếng Hán Việt đã sẵn có là Tây Cống hay Đề Ngạn, mà lại dùng tiếng Thầy Gòn là tiếng phiên âm theo giọng của người Trung Hoa


.http://i1177.photobucket.com/albums/x358/havi-4rumasia/Vietnam_096.jpg


Xét về mặt nguyên tắc đăt địa danh của ông bà chúng ta ngày xưa, thì vấn đề này có thể kể là tạm giải quyết. Nhưng nghi vấn còn lại là tại sao lại có tiếng Lào hay tiếng Thái lọt vào đây? Hiện nay, không có nhiều tài liệu lịch sử giúp chúng ta có một sự hiểu biết rộng rãi và chánh xác về thời kỳ người Việt Nam mới vào ở đất Nam Kỳ. Chúng ta chỉ có thể dựa vào một số dữ kiện sau đây để suy luận:

1-Vào đầu thế kỷ 17, nước Cam Bu Chia đã bị người Xiêm (Thái Lan hiện nay) uy hiếp nặng nề, và chính vì muốn dựa vào người Việt Nam để chống lại Xiêm mà vua Chey Chetta II đã đi cưới công chúa Ngọc Vạn (là con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) về làm hoàng hậu năm 1620, rồi đến năm 1623 lại để cho chúa Nguyễn đạt những cơ sở thâu thuế ở vùng Sàigòn, Chợ Lớn ngày nay.

2-Vùng Chợ Lớn chỉ trở thành một vùng thương mãi thịnh vượng từ năm 1788 với khối người Hoa Kiều tụ tập về đó sau khi Cù Lao Phố bị Tây Sơn phá hủy. Vậy, lúc chúa Nguyễn mới đặt cơ sở thuế hơn 150 năm về trước vùng này chưa có mua bán gì nhiều.

3-Người Việt Nam chỉ vào ở Nam Kỳ nhiều từ khi có lực lượng của ông Trần Thượng Xuyên đóng thường trực để bảo vệ cho họ từ năm 1680. Vậy, lúc chúa Nguyễn đặt sở thuế ở vùng Chợ Lớn ngày nay, hơn 50 năm trước đó, chưa có đông người Việt Nam và chưa có sản xuất nhiều lúa gạo để bán.

4-Như thế, cơ sở thuế của chúa Nguyễn chắc chỉ đánh vào một vài sự buôn bán nhỏ, không quan trọng lắm, và do đó mà vua Cam Bu Chia đã dễ dàng cho chúa Nguyễn thâu lấy nguồn lợi này. Nếu có sự mua bán quan trọng và quyền lợi thuế vụ lớn thì vua Cam Bu Chia lúc đó vốn còn hoàn toàn độc lập với chúa Nguyễn, chắc không phải chấp nhận dễ dàng lời yêu cầu của chúa Nguyễn. Vậy, sự mua bán đó dựa vào món hàng gì?

Có thể một trong những món hàng được buôn bán thời đó là gòn, vì vùng này có nhiều cây gòn, có lẽ không nhiều đến thành rừng, nhưng cũng đạt mức quan trọng để có thể gọi là rừng chổi được. Người Xiêm có thể đã đến đó mua gòn đem về nước dồn gối, dồn nệm. Một ít thương gia Xiêm có thể đã có mặt ở vùng này trước khi chúa Nguyễn đặt sở thuế tại đó, và vì thấy vùng này có nhiều cây gòn, họ gọi nó là Cai Ngon tức là Rừng Chổi Cây Gòn, rồi các viên chức Việt Nam liên lạc với họ để đánh thuế lúc mới đến đã theo họ mà gọi đất này là Sàigòn, thay vì phiên âm hay dịch nghĩa tên Khmer của địa phương này.

5-Về cái tên Khmer này, các học giả đã không đồng ý kiến với Prei Kor, người thì nói là Prei Nokor. Ông Malleret đã dựa vào sử Khmer mà bảo đó là Prei Nokor và theo linh mục Tandart để dịch Prie Nokor là thành phố của rừng.

-Nếu Prei Kor có nghĩa là Rừng Gòn hay Rừng Bò thì văn phạm Khmer cũng như văn phạm Việt Nam đăït tiếng rừng lên trên, tiếng phụ nghĩa cho rừng ở dưới. Như vậy Prei Nokor dịch ra là rừng của vua như Aymonier thì vẫn hợp với văn phạm đó, còn dịch ra như linh mục Tandart là thành phố giữa rừng thì lại đi ngược với văn phạm đó rồi. Hiểu theo văn phạm như nói trên đây thì Prei Nokor là rừng của thành phố mới phải, nhưng tên Rừng của Thành Phố thì cố nhiên là không có ý nghĩa gì.
-Mặt khác, nếu Prei Nokor là thành phố giữa rừng hay rừng của vua thì nó chỉ có thể có từ năm 1674 là năm mà vua thứ nhì của Cam-Bu-Chia cho chúa Nguyễn đến đặt sở thuế tại đó thì đất này hãy còn là một thị xã nhỏ, không có vua ở nên không thể mang tên Prei Nokor là thành giữa rừng hay rừng của vua được.

Do các nghi vấn trên đây, chúng ta thấy rằng thuyết của ông Malleret không vững. Và chúng ta có thể đưa ra giả thuyết khác: địa điểm mà vua Cam-Bu-Chia cho chúa Nguyễn đặt sở thuế vẫn tên là Prei Kor, vì nơi đó có nhiều gòn và là nơi mua bán gòn. Nhưng sau đó, khi vua thứ nhì của Cam-Bu-Chia đến đóng đô tại đó, nó có tên mới là Prei Nokor (hiểu theo nghĩa là rừng của vua hay thành phố giữa rừng đều được cả).

Các sử gia Cam-Bu-Chia sau này chép lại việc cho chúa Nguyễn đến địa phương này đặt sở thuế đã chép lại tên Prei Nokor mà họ được biết nhiều hơn mà bỏ tên Prei Kor đi. Với giả thuyết này thì ý nghĩa và nguồn gốc tên Sàigòn có thể giải quyết được: đó là một tên phiên âm từ tiếng Xiêm Cai Ngon có nghĩa là Rừng Chổi Cây Gòn, và phù hợp vớ tên Khmer nguyên thủy Prei Kor cũng có ý nghĩa tương tự.

Vì không biết ngôn ngữ và văn phạm Khmer và Thái (Xiêm) nên chúng tôi không thể đi sâu vào vấn đề này và chỉ xin nêu ra những nhận xét trên đây. Chúng tôi mong ước rằng có vị nào thông thạo tiếng Khmer hay tiếng Thái lưu tâm đến vấn đề này để làm sáng thêm ý nghĩa và nguồn gốc tên Sàigòn yêu dấu của chúng ta.


(Nguyễn Ngọc Huy - Viết vào thập niên 80s)

cao nguyên
01-27-2012, 05:42 AM
http://i1177.photobucket.com/albums/x358/havi-4rumasia/28bi9.jpg


Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông

Hồi còn nhỏ khi còn học tiểu học, tôi vẫn còn nhớ những lời kể của ngoại tôi về Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông, đó là lần đầu tiên trong đời nghe tên thành phố này mặc dù không hiểu chữ Hòn Ngọc Viễn Đông là gì. Hôm nay sống và học tập tại Sài Gòn tôi dần hiểu hơn về một Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông.

Thành phố Sài Gòn trong trí óc của cậu học trò bé nhỏ là nơi đúng nghĩa của chữ thành phố với nhà cửa to lớn, với đèn điện sáng choang, với xe cộ dập dìu, với những cửa hiệu đầy những hàng hóa sản xuất tại đây hoặc nhập cảng từ ngoại quốc. Sài Gòn có nhiều cái mới lạ, người đông đúc và đi hoài không hết. Lớn lên vào học ở Sài Gòn, tôi đã hiểu thêm một chút về thành phố hơn 300 tuổi, từng là thủ đô của Miền Nam khi đất nước chia cắt.

Nhà thơ Chế Lan Viên viết về Sài Gòn trong nhưng năm thập niên 40, ông có nhắc đến những bài ca vọng cổ văng vẳng khắp phố, nghe rất lạ đối với dân miền Trung như ông, và đó là nét đặc biệt nhất mà tác giả ghi nhận.

Có lẽ thời cách đây mấy chục năm và trước đó, đa số dân cư Sài Gòn nói giọng gần giống dân miền Tây Nam Ky`. Có hai chữ của người con gái Sài Gòn nói làm tôi nhớ nhất là “chời ơi” (trời ơi) và “phải hôn” (phải không), nghe rất ngộ, dễ thương. Cái chữ “ hôn” lại càng hấp dẫn được thốt ra từ miệng người đẹp.

Khi nền tân nhạc du nhập và phát triển vào Việt Nam, sau thời kỳ đất nước chia cắt năm 1954 thành hai miền Nam - Bắc thì Sài Gòn trở thành nơi quy tụ của biết bao nhân tài từ nhiều nơi. Sài Gòn là niềm cảm hứng cho biết bao nhạc sĩ viết nên các ca khúc về Sài Gòn. Sau này tôi chỉ nghe lại các ca khúc này qua băng, đĩa nhưng tôi rất ấn tượng với các ca khúc.

Đầu tiên phải nói tới bản Sài Gòn Đẹp Lắm Sài Gòn Ơi của nhạc sĩ Y Vân, gọi tắt là Sài Gòn có câu kết: “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”. Điệu Chacha nhún nhẩy, âm thể trưởng vui tươi, âm điệu dễ nghe dễ hát dễ nhớ làm trở thành bài hát biểu tượng của thành phố. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người Sài Gòn. Ngày nay tôi rất thích khiêu vũ Chachacha với bài này.

Nhạc sĩ Anh Bằng cũng có bài Sài Gòn Thứ Bảy diễn tả nỗi buồn của một người lính trẻ về thăm kinh đô nhưng sao “Sài Gòn thứ bảy mà nghe cô đơn”.


http://farm4.static.flickr.com/3455/3181151523_34ea2f49f3.jpg


Rất nhiều ca khúc tuy không có tựa đề Sài Gòn nhưng người nghe cảm thấy chất thành phố này bàng bạc trong đó. Chẳng hạn như bản Nhớ Thành Đô của Hoàng Thi Thơ : “ Tôi xa đô thành một đêm không trăng sao. Thành đô còn nhớ mãi, nhớ mãi, chiều mưa trên công viên, giờ chia ly sân ga và khi gặp nhau trên lề đường hẹn hò”.

Một bản mà thập niên 60 rất phổ biến là Bước Chân Chiều Chủ Nhật của Đỗ Kim Bảng với câu hát: “tôi thích lang thang trong chiều chủ nhật, mây tím giăng ngang trên trời Sài Gòn”. Riêng cái âm điệu của câu đầu: si đố si si sol mi sì sì để lại ấn tượng mà sau này bài hát Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn cũng có câu mở đầu giống 90% và lấy câu này làm nét nhạc chủ yếu của ca khúc.

Tại sao bước chân chiều chủ nhật lại được ưa thích? Chợt nghĩ là thời đó ở Việt Nam làm việc 6 ngày chỉ nghĩ ngày chủ nhật, có chỗ nghỉ chiều thứ bảy. Vì thế ngày chủ nhật bà con đi dạo phố Sài Gòn ăn kem, uống cà phê, mua sắm và ngắm phố phường. Không khí rất thanh bình, không có đông đúc chen chúc hỗn lọan, bụi đường khói xe dày đặc như thành phố bây giờ.

Sài Gòn cũng là nơi tập trung các đại học nổi tiếng của miền Nam từ xưa cho đến nay và bài hát Trả Lại Em Yêu của Phạm Duy đã đưa những nét của khung trời đại học với trường Luật thơ mộng : “ Trả lại em yêu khung trời đại học , con đường Duy Tân cây dài bóng mát”.

Nhưng cũng có những bài hát tả những cảnh phố phường Sài Gòn hoa lệ hay những xóm lao động nghèo khổ như bản Xóm Đêm của Phạm Đình Chương, bản Kiếp Nghèo của Lam Phương sáng tác trong một đêm mưa bước về ngang con hẻm nhỏ nghe tiếng ru con. Hay bản Nữa Đêm Ngòai Phố của Trúc Phương, khi cất tiếng hát lên là biết tác giả tả cảnh lang thang ở Sài Gòn lúc về khuya. Sau này những người đi hát dạo, khảy cây đàn guitar thùng, ngân nga những bài hát điệu Bolero tương tự như bản Phố Đêm của Tâm Anh, là cả một bầu trời Sài Gòn hiện ra.

Sài Gòn là chủ đề lớn, là nguồn cảm hứng phong phú cho nhiều bài hát. Cái tên Sài Gòn, đã gắn liền với cái tên Việt Nam. Hòn Ngọc Viễn Đông.

nguồn = sưu tầm


http://i1177.photobucket.com/albums/x358/havi-4rumasia/2766660740_deac869448_o-1.jpg

cao nguyên
01-27-2012, 05:43 AM
Ðọc Marguerite Duras, chợt nhớ Sài Gòn...


http://i43.tower.com/images/mm100938664/marguerite-duras-life-laure-adler-hardcover-cover-art.jpg


Nguyễn Mạnh Trinh




Ðất nước của Marguerite Duras, cuộc đất từ thuở nguyên thủy, nơi chốn mà bà vẫn đinh ninh là quê kiểng của mình từ lúc sinh ra đến khi cuối đời, là Ðông Dương (Indo-China). Ðiều ấy đã thành một khuôn mẫu rõ nét trong văn chương và đời sống bà...” Laure Adler, trong cuốn sách “Marguerite Duras, A Life” đã mở đầu chương sách thứ nhất như thế. Trong lần gặp gỡ để viết một tác phẩm ghi chép lại chân dung một nhà văn nữ nổi tiếng vào bậc nhất của văn học thế giới thế kỷ hai mươi, Adler đã dành nhiều chương để nói về những nơi chốn mà Marguerite Duras đã để lại nhiều kỷ niệm. Những nơi chốn của địa danh Việt Nam: Sài Gòn, Gia Ðịnh, Vĩnh Long, Sa Ðéc, Hà Nội... Ít có một ai, lại yêu mến đất nước Việt nam như bà. Trong một cuộc phỏng vấn, bà thố lộ: “Tôi yêu những người nghèo, ở đó tôi tìm được những nét thuần lương chịu đựng. Tôi cũng là một người Pháp nhưng nghèo như họ và tôi cũng hiểu được thế nào là sự áp bức của những người Pháp thực dân. Do đó nhiều lúc tôi như có sự bức bối của những điều cần bầy tỏ”.


Marguerite Duras là một người Pháp nhưng sinh đẻ ở Gia Ðịnh, năm 1914, ngày 4 tháng Tư. Cha là một giáo sư toán và mẹ là một cô giáo tiểu học nhưng gia đình bà cũng không sung túc lắm. Từ khi mới sanh ra đến lúc mười tám tuổi nơi cư ngụ chính là Sài Gòn, một thành phố mà theo bà có những nét đẹp làm bà không thể quên được. “Tôi không có một ý nghĩ nào về thời thơ ấu của tôi ngoại trừ nước. Thành phố của tôi là một thành phố xây dựng trên nước, bên bờ những con sông rạch. . . ” Bà từ trần năm 1996 và ở ngôi mộ của bà trong nghĩa trang Montparnasse ở Paris là một bia mộ xám nghiêm trang khắc hai đóa hoa và hai chữ viết tắt: M. D. của tên tuổi Marguerite Duras, với hai hình ảnh khắc họa hai chân dung của hai thời kỳ, một của một cô bé ngây thơ đầy khêu gợi trên chuyến bắc ngang qua sông Cửu Long đội mũ đỏm dáng với đôi môi tô son đỏ thẫm, và, một của thiếu phụ với khuôn mặt và thân thể bị tàn phá bởi nghiện rượu, mặc một bộ trang phục thanh nhã. Bà đã nhiều lần điều trị bằng hóa học và chịu 5 tháng bị “coma”. Trước giây phút bà từ bỏ cõi đời đôi môi bà còn mấp máy chữ “Ecrire. ” Bà vẫn muốn viết, vẫn tha thiết với nghiệp dĩ cầm bút của mình. Bà đã viết và yêu những gì bà đã thổ lộ. Bà tự mình sử dụng những kỳ thú mà luân lý cần thiết để bắt bà sống và nghĩ trong một thế giới song hành với thế giới người khác. Tất cả năng lực của bà dồn vào cây bút và bà đã sống trong những chủ động hành động theo tâm thức bà. Khi tuổi mới mười lăm, bà đã nói với mẹ bà rằng điều duy nhất bà muốn là làm người kể chuyện và bà thực sự hứng khởi với tất cả những gì mà trong thời gian ấy chẳng có ai nhắc và để ý đến. Bởi vì, tất cả những mảnh hồi ức đau buồn đều được tinh lọc trong ngôn ngữ văn chương. Mối tình của bà với người đàn ông trưởng giả trong “L'Amant” (bản Anh ngữ “The Lover”) làm nhắc lại những nơi chốn, những phong cảnh mà bà không thể nào quên lãng được. Trong văn chương bà nhắc đến mùi hương thơm đặc biệt buổi sáng của thành phố Sài gòn, đến những phong cách, những sinh hoạt của khu phố Tàu ở Chợ Lớn, đến những đại lộ thênh thang rợp bóng mát của hàng cây me cổ thụ với những ngôi biệt thự rực đỏ mầu hoa sau hàng rào. Và, những tà áo trắng mà bà cho rằng khêu gợi một cách thơ mộng và thánh thiện của thiếu nữ Sài Gòn. Chữ “congais”đã thành một ngôn ngữ lãng mạn để ám chỉ những người thiếu nữ bản xứ. Có người đã phong chức “Ðại sứ của thời kỳ Ðông Dương không quên” cho bà. Qua tác phẩm, tràn đầy một không khí lãng mạn, của những nơi chốn đã in hằn thành nếp trong tâm thức. Bà chỉ sống ở Việt Nam đến năm 18 tuổi, trở về Pháp, học luật trước khi trở thành văn sĩ. Bà đổi tên từ Marguerite Donnadieu thành Marguerite Duras năm 1943, là tên làng xã trong Lot-et-Garonne nơi mà ngôi nhà của cha bà ở đó.




http://i964.photobucket.com/albums/ae125/HaVi-asiaforum/duras.jpg




Laure Adler kể có lần M. D. nói “Cô sẽ không tìm thấy bất kỳ một điều gì từ Việt nam. Ðể Yann (tên một nhân vật của “Yann Andrea Steiner”, mối tình cuối của mười năm chót của bà) dẫn cô đến bờ sông Seine, khoảng ba mươi kilô-mét từ Paris, chỗ khúc quanh của dòng sông, chỗ mà lá cây phủ làm nệm giường trên mặt đất bờ sông và trái đất trở thành một bọt biển khổng lồ. Ở đó, không giống như dòng sông Mekong. Mà, đích thực, nó là sông Mekong. Một dòng sông có thực. . . ” Adler đã làm theo, đến bờ sông Seine, nhướng mắt tìm kiếm. Không có gì lạ. Bây giờ là mùa thu, những cơn gió chướng lay động ánh đèn, sương mù như muốn che phủ một không gian tĩnh lặng. Không có một chút nào Việt Nam cả. Ở đây là xứ Pháp. Và tất cả như phủ định ý muốn kiếm tìm một nơi chốn mà M. D. luôn nghĩ về và tưởng tượng. Không có sông Mekong ở đây trong thế giới hiện thực của Laure Adler. Nó chỉ hiện hữu với M. D. trong niềm yêu mến vô bờ của riêng bà.



Trong tiểu thuyết của M. D. có hai tác phẩm tràn đầy không gian và thời gian của một xứ thuộc địa của Pháp gọi là Ðông Dương. Ðó là “Un Barrage contre le Pacifique” (bản Anh ngữ “Sea Wall”) và “L'Amant” ( bản Anh ngữ “The Lover”). Có thể gọi đó là một phần đời của tác giả mà chất hồi ký tự thuật nhiều khi thật rõ nét. Cái chết của người cha đã mang gia đình vào sự túng quẫn tài chính. Những người con lớn lên vất vưởng trong đói kém như những người địa phương bản xứ. Người mẹ, Marie Legrand, đã cố gắng phấn đấu để chống lại cái thiếu thốn, cái đói kém. Bà làm việc trong vô vọng trên mảnh đất của bà, đắp đê chống lại sự xâm thực của biển và gió nhưng hoài công. Mấy đứa con lớn lên trong hoàn cảnh ấy. Bà mẹ khám phá ra đứa con gái xinh đẹp gần gũi nhưng xa lạ, ăn mặc phong cách, đời sống tình cảm cũng như tình dục khác với những đứa trẻ cùng lứa tuổi khác và hiểu đó sẽ tạo thành sức hấp dẫn đối với người khác phái. Marguerite Duras gặp người đàn ông Trung Hoa giàu sang và có một tình sử lạ. Muốn trở thành một người giàu có là một ám ảnh dầy vò bà từ lúc thiếu thời. Nhiều năm sau, khi hồi tưởng lại, bà cho rằng tiền bạc cũng chẳng thay đổi được gì bởi vì bà đã luôn luôn giữ cái mặc cảm đáng ghét của người nghèo khó. Ở bà, cái nghèo từ lúc chào đời như một di truyền miên viễn. Và, cũng vô phương để thay đổi. Người đọc sẽ dễ dàng cảm thấy được nỗi thất vọng sâu sắc và nỗi đau thầm lặng phản ánh từ đời sống thực tế.


“Một ngày kia, tôi đã già, ở một lối vào của một công thự, một người đến gặp tôi.” Ông ta tự giới thiệu mình và nói, “tôi đã biết bà nhiều năm nay... Mọi người đều nói bà rất đẹp khi còn trẻ, nhưng tôi lại muốn nói với bà tôi nghĩ rằng bây giờ bà lại đẹp đẽ hơn lúc ấy. Hiếm có hơn khuôn mặt bà lúc thanh xuân, tôi thích vóc dáng bà bây giờ. Khuôn dáng của tàn phá.” Ðó là những hàng chữ bắt đầu của tiểu thuyết “L'Amant”, một tác phẩm in năm 1984 không những mang đến cho bà giải thưởng lớn nhất Goncourt của văn học Pháp mà còn có ba triệu độc giả và dịch ra hơn 50 ngôn ngữ. Ngoài ra đã được nhiều lần dựng thành phim. Câu chuyện kể về một mối tình của một cô bé người Pháp mười sáu tuổi và một người Tàu triệu phú lịch lãm. Chuyện tình ấy xảy ra ở Việt Nam với khung cảnh của phố xá vùng Chợ Lớn, chuyến bắc ngang qua sông Cửu Long, cổng trường Petrus Ký, những con đường Sài gòn tĩnh lặng, bến Nhà Rồng,...



Năm 1996 ở Sài gòn, ở hè phố đối diện với khách sạn Continental, những đứa trẻ bán dạo bán những tấm hình của “L'Amant” với một cô bé nhí nhảnh đội chiếc nón theo trang phục ngày xưa. Vóc dáng thì của Marguerite Duras nhưng lại chính là chân dung của nhân vật trong phim. Một thời kỳ như sống lại... Alder kể lại. Bây giờ, Sài gòn khác nhiều so với phong cảnh được tạo dựng lại trong phim. Con đường Catinat của những quán cà phê, tiệm ăn, cửa hiệu bách hóa thanh lịch ngày xưa nay xô bồ hỗn độn với trăm vạn cửa hàng lớn nhỏ chen chúc đầy ngập hàng hóa, từ những chiếc máy điện toán, đến những đồ gia dụng hàng ngày. Khách trên đường cũng không còn những bộ đồ trắng thời thuộc địa, với cái mũ phớt trịnh trọng, với những tà áo dài tha thướt. Bây giờ, là thế hệ của quần blue jean, của những bộ đồ thể thao đặc sệt chất Mỹ, với cái nón base ball trên đầu.




http://i7.photobucket.com/albums/y295/AQ_4/leloi_nguyenhue.jpg





Marguerite kể rằng khi còn nhỏ mẹ bà có dẫn bà đi xem cinema ở rạp hát Eden. Lúc ấy, rạp chiếu bóng này nằm nép trong một con hẻm nhỏ, bên cạnh một rạp hát cải lương. Bây giờ, chốn ấy đã thành một bãi đậu xe. Thời thế biển dâu, đã gần một thế kỷ rồi nhưng sao đọc lại thấy man mác. Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ? Một cảnh thổ khác đã được dựng lại bởi đạo diễn Jean-Jaques Annaud năm 1992 trong phim The Lover. Ðó là thành phố Sa Ðéc nơi mà gia đình M.D. trú ngụ. Ngôi trường tiểu học nơi bà mẹ đi dạy mỗi ngày cũng như ngôi nhà nhỏ vẫn còn nhưng rệu rã. Thành phố ấy nằm bên bờ sông dậy sóng và Marguerite Duras đã viết như sau: “Mẹ tôi thỉnh thoảng nói với tôi rằng không có nơi chốn nào trong suốt nguyên cuộc đời tôi lại nhìn thấy được một dòng sông đẹp đẽ, vĩ đại và hoang dã như ở nơi đây. Sông Mekong và những phụ lưu của nó đổ ào ra biển, lưu lượng nước khổng lồ tự nhiên biến mất dưới sự xoi mòn của đại dương. Trên một vùng bao la vô tận của tầm nhìn, con sông chảy uốn khúc trong trượt dốc của đất trời thấp xuống...” Ðọc những đoạn như thế rất nhiều trong “L'Amant” chúng ta cảm được lòng yêu thương của bà với đất nước, cảnh thổ này rộng lớn biết bao.

Trong “L'Amant”, những cảnh Sài Gòn buổi sáng được mô tả tuyệt diệu. Lúc sáng sớm cổng trường vừa mở, không khí nồng nàn mùi cỏ cây, với mùi hoa ngây ngất. Những ngôi biệt thự với mái ngói đỏ đỏm dáng trong màu nắng mới. Những tà áo dài trắng gợi lại một không gian tinh khiết, Marguerite Duras học ở trường Chaaeloup-Laubat. Lớp học bắt đầu lúc sáng sớm khi sức nóng của mặt trời chưa làm khó chịu và mùi của lá me còn thoang thoảng. Bà kể lại: “Ðây là con đường dẫn đến trường học. Ðúng bảy giờ rưỡi sáng. Ở Sài Gòn, thời khắc ấy mát mẻ dễ chịu làm sao khi những chuyến xe công cộng đi qua. Cả phố xá thoang thoảng mùi bạc hà mỗi khi bước chân thiếu nữ da trắng ngang qua, một mùi hương huyền diệu làm ngây ngất những cậu con trai bản xứ...”



http://i964.photobucket.com/albums/ae125/HaVi-asiaforum/l_amant_1991_reference-1.jpg





Ðọc “L'Amant” tự nhiên tôi nhớ lại những ngày học trò, thuở mới biết yêu ngu ngơ như những chàng gà trống. Duyên Anh cũng viết “Ngày xưa còn bé” và lột tả được một thời thiếu niên mơ mộng. Với “Người tình”, tình yêu chứa đầy những ẩn ức và nổ bùng ra những “scandal” tai tiếng. Một cô bé chỉ mười lăm tuổi đã yêu một người tình giàu có lịch lãm. Cuộc tình ấy bắt đầu trên chuyến bắc ở Sadec và là một mối tình trưởng thành trước tuổi. Ngây thơ đã được thay thế bằng những cảm nhận khác...

Tình yêu. Cuộc đời. Nỗi chết. Là những chuyên chở mà Marguerite Duras muốn diễn tả. Nhưng với riêng tôi, tiểu thuyết của bà làm tôi trân quí hơn những kỷ niệm.Tác giả “L'Amant” chỉ sống ở Việt nam có mười lăm năm mà đã yêu đất nước ấy như thế thì tôi đã sinh ra, sống, yêu, đau khổ trên quê hương ấy thì chắc tình cảm phải nồng nàn thắm thiết hơn. Thế mà tôi lại bất lực không viết được những điều ấp ủ thì có phải đáng trách móc và ân hận không? Trong khi quỹ đời đã đến mức tuổi sáu mươi!

Triển
01-27-2012, 06:38 AM
http://i964.photobucket.com/albums/ae125/HaVi-asiaforum/l_amant_1991_reference-1.jpg

Truyện có lẽ hay hơn phim. Phim này đóng toàn là cảnh làm tình giữa tác giả là
gái .....Tây với tên công tử .....Tàu, chỉ mỗi cái khung cảnh không gian là......Việt Nam,
thật ra chẳng có gì đặc biệt cho người Việt xem.

cao nguyên
01-27-2012, 12:05 PM
http://i1177.photobucket.com/albums/x358/havi-4rumasia/saigon-2.jpg


"Sài Gòn năm xưa" và "Người Sài Gòn thuở ấy"

Lê Văn Hảo


Năm 1698 kinh lược sứ Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn ủy nhiệm vào Nam để lấy đất Nông Nại đặt thành phủ Gia Định, rồi lập xứ Sài Gòn, đặt huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Từ đó Sài Gòn trở thành một trung tâm hành chính, văn hóa, kinh tế, thương mại quan trọng, đến nay đã hơn ba thế kỷ. Vì lẽ đó mà cách nay 8 năm (1998) người dân đã vui vẻ ăn mừng sinh nhật ba trăm tuổi của Sài Gòn.

Vào thời Nguyễn Hữu Cảnh, Sài Gòn đã có phố thị Bến Nghé, ban đầu là tên cái bến sông nằm ở ngả ba, nơi kinh Chợ Lớn đổ ra sông Sài Gòn, sau đó kinh Chợ Lớn lại được gọi là kinh Bến Nghé. Rồi vào thế kỷ 18-19, dân gian thường dùng tên gọi Bến Nghé để chỉ thành Gia Định, hoặc cả vùng Sài Gòn nói chung.

Bên cạnh phố thị Bến Nghé có xã Minh Hương của Hoa kiều, quen gọi là Chợ Lớn, được Nguyễn Hữu Cảnh ưu ái cho thành lập để người Hoa tị nạn nhà Thanh sống hữu nghị và làm ăn buôn bán với người Việt.

Từ 1772, Sài Gòn đã trở thành một thành phố. Đến 1788, Nguyễn Ánh lập trấn Gia Định. Từ 1802 đến 1832, đây là thủ phủ của Gia Định thành. Năm 1833 đổi thành tỉnh Gia Định.

Ba năm sau khi Pháp chiếm Sài Gòn, năm 1861 chính quyền thực dân xác định địa giới thành phố như sau : phía đông là sông Sài Gòn, phía bắc là rạch Thị Nghè, phía tây từ chùa Cây Mai tới đồn Kỳ Hòa, phía nam là Phú Lâm, với tổng diện tích là 25 km2.

Năm 1865, Pháp tách Chợ Lớn khỏi Sài Gòn ; năm 1931, lại sáp nhập Sài Gòn với Chợ Lớn thành khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 30-5-1954 đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn ra đời và tồn tại cho đến hết thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa.

Sài Gòn ngày nay, thành phố lớn nhất và đông dân nhất nước, ở giữa đông và tây Nam Bộ, rộng 2.029 km2, gồm 17 quận, 5 huyện. Các quận nội thành từ 1 đến 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Thủ Đức ; các huyện ngoại thành : Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, với một dân số khoảng 5,5 triệu người.


http://www.ngothevinh.com/lang ong Gia Dinh.jpg


"Người Sài Gòn thuở ấy"

Đã có nhiều người viết rất hay về Sài Gòn và Miền Nam , từ Trịnh Hoài Đức (1765-1825) với Gia Định thành thông chí tới các tác giả bộ Địa chí văn hóa , 4 tập, (1987-1998), nhưng theo thiển ý viết về Sài Gòn trước đây hấp dẫn và cảm động nhất có lẽ là cuốn Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển (xuất bản trước 1975, tái bản 1994), và Người Sài Gòn thuở ấy… của Sơn Nam (1998).

Hai tác giả lớn này đã cung cấp cho chúng ta nhiều hình ảnh về Gia Định, Bến Nghé, Nhà Bè, Chợ Lớn, Sài Gòn, một mẫu mực văn minh vừa thị thành vừa sông biển, với nghề buôn bán sớm phát triển trên qui mô lớn.

Vài chục năm sau khi Pháp sang đô hộ, Sài Gòn đã mau lẹ tiếp thu văn minh Tây Âu để trở thành một Hòn Ngọc Viễn Đông, và ở Đông Nam Á, Sài Gòn chỉ đứng sau Singapore và Hongkong nhờ cảng sông thuận lợi và khả năng sản xuất dồi dào lúa gạo, cao su, hoa lành, trái ngọt.

Trên đường phát triển người Việt ở Sài Gòn đã khéo sát cánh với người Ấn (Chà Và), người Khmer Nam Bộ và nhất là người Hoa bình dân đến từ miền Nam Trung Hoa để làm cho Sài Gòn và Nam Bộ ngày càng giàu đẹp về vật chất lẫn tinh thần.

Nhà văn Sơn Nam đã vẽ lên cái cảnh sinh động : "Chợ Bình Tây, An Lạc, cầu Ông Lãnh, Bà Chiểu, Tân Định, chợ Bến Thành tấp nập người đến kẻ về (…). Quán ăn tấp nập đủ thứ, đủ giá cả dành cho nhiều hạng người. Sẵn sàng làm quen với người dường như chưa từng gặp mặt, chưa rành lý lịch, trả tiền tách cà phê cho người bạn, hoặc bạn của người bạn (chưa từng quen biết), không tính toán vụn vặt, người Sài Gòn thích ăn uống lai rai để tìm cơ hội gặp bạn bè hoặc thư giãn (…). Ham thích di chuyển gần xa, nếu gặp hoàn cảnh thì đi du lịch, thích đi chùa miếu để cầu xin gặp may mắn hoặc sám hối, tạ ơn (…).

Kinh tế thị trường đồng nghĩa với "khi lên voi, lúc xuống chó". Gặp người làm giàu nhanh, không nể trọng cho lắm. Gặp kẻ bỗng dưng xuống dốc, không khinh rẻ (…). Cuộc sống chộn rộn như vậy, sống lâu ngày rồi quen trở nên bình thản. Tuy bối cảnh ngày nay khác hơn xưa nhưng người Sài Gòn vẫn lạc quan, sống phóng khoáng. Xứ không bão lụt, lúa gạo dư ăn, khí hậu không khắc nghiệt. Chịu khó đi tìm bạn bè, giữ chữ tín thì gặp cơ hội làm ăn (…). Sài Gòn là nơi "lộn xộn" nhưng hiếu khách dầu quen dầu lạ. Thích đọc báo (để tìm lượng thông tin), thích xem ca nhạc, cải lương (thư giãn nhanh với nghe nhìn), thích bóng đá (thư giãn nhanh, đánh thức tiềm năng đang co cụm)"…

Đồng bào Sài Gòn ta xưa nay là như vậy đó, vô cùng đáng mến, rất đỗi dễ thương....

cao nguyên
01-28-2012, 07:19 AM
Tên những con đường ở Saigon từ thời Pháp thuộc đến thời VNCH.


http://i964.photobucket.com/albums/ae125/HaVi-asiaforum/SG1975.gif


Boulevard Bonard- Lê Lợi ( Trụ sở Quốc Hội-Nhà Hát Lớn, bệnh viện Đô Thành, nhà sách Khai Trí,nước mía bò bía Viễn Đông, rạp Vĩnh Lợi, quán cơm Thanh Bạch, quán giải khát Pôle Nord, Hà Nội ice cream,quán kem Mai Hương,Thư Viện Abraham Lincoln, Nhà hàng Kim Sơn, Bồng Lai)

Boulevard Chanson - Lê văn Duyệt Ngã Bảy trở xuống(Trụ sở Tổng Liên Đoàn Lao Công,, Chợ Đủi, trụ sở Tòa Đại Sứ Miên, nơi hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu góc Phan Đình Phùng, rạp Nam Quang-ngã tư Trần Quý Cáp, rạp Kinh Đô sau là văn phòng Usaid, trường trung học tư thục Trường Sơn, Câu Lạc Bộ Kỵ Mã Sài Gòn)

Boulevard Charner - Nguyễn Huệ ( rạp Rex, rạp Eden, passage Eden, Thương xá Tax, bánh mì pâté Đô Chính, phòng trà Queen Bee, Tổng Nha Ngân Khố, Kỹ Thương Ngân Hàng, Hôtel Palace,Hãng Charner)

Boulevard Galliéni - Trần Hưng Đạo (Bộ Lao Động, Nha Cảnh Sát Đô Thành, Sở Cứu Hỏa Đô Thành rạp Nguyễn văn Hảo-Hưng Đạo, rạp Đại Nam, vũ trường Tour d’Ivoire,Bộ Tổng Tư Lệnh quân lực Đại Hàn-Bộ Tổng Tham Mưu cũ, sân bóng rổ Tinh Võ,Khiêu vũ trường Vân Cảnh, Arc en Ciel, Đêm Màu Hồng, trường tiểu học Tôn Thọ Tường, Nhà thờ Tin Lành)

Boulevard Kitchener - Nguyễn Thái Học ( trường tiểu học Trương minh Ký, trường tư thục Huỳnh Thúc Kháng, rạp Nam Tiến, rạp cải lương Thành Xương, Chợ Cầu Ông Lãnh)

Boulevard Norodom - Thống Nhất (Toà Đại Sứ Mỹ, Phủ Thủ Tướng, Rạp Norodom-Thống Nhất-xổ số quốc gia giúp đồng bào ta mua lấy xe nhà giàu sang mấy hồi-Trần văn Trạch , hãng nhập cảng xe Peugeot Jean Compte, Bộ Tư Pháp, hãng Esso)

Boulevard Paul Bert - Trần Quang Khải (Đình Nam Chơn, rạp Văn Hoa)

Boulevard de la Somme - Hàm Nghi (Đài Pháp Á, Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín,BanqueFranco-Indochinoise, Tổng Nha Thuế Vụ, chợ Chó, chợ Chim, trung tâm Cờ Tướng, tiệm incils quân đội Phước Hùng)

Rue - 11e RIC (Régiment d’Infanrerie Colonniale)- Nguyễn Hoàng (bến xe lục tỉnh, cư xá hỏa xa)
- Abattoir - Hưng Phú (Lò Heo Chánh Hưng)

- d’Adran - Võ Di Nguy Phú Nhuận(Chợ Phú Nhuận, rạp Văn Cầm, rạp Cẩm Vân, cư xá Phú Nhuận)

- Albert 1er - Đinh Tiên Hoàng ( Sân vận động Hào Thành-Hoa Lư-Citadelle, Tổng Nha Thanh Niên, Asam Đakao, mì Cây Nhãn,Chè Hiển Khánh)

- Alexandre de Rhodes - Lục Tỉnh ( trung tâm quân báo Cây Mai, bò 7 món Ngân Đình) , đường Alexandre de Rhodes tới thời Cộng Hòa thay thế đường Paracels trước dinh Độc Lập

- Alexandre Frostin - Bà Lê Chân(hông chợ Tân Định, rạp Moderne sau đổi là Kinh Thành)

- Alsace Loraine - Phó Đức Chính(biệt thự chú Hỏa-Hui Bon Hoa)

- Amiral Dupré - Thái Lập Thành

- Amiral Roze - Trương Công Định (Chùa Chà,chạy xuyên qua vườn Tao Đàn- Vườn Pelouse)

- d’Arfeuille - Nguyễn Đình Chiểu

- Armand Rousseau - Hùng Vương( Trường Trung Học Chu văn An,cư xá sinh viên Sài Gòn)

- d’Arras - Cống Quỳnh (Bệnh viện Từ Dũ, rạp Khải Hoàn, trường trung học tư thục Hưng Đạo-Giáo Sư Nguyễn văn Phú)

http://i964.photobucket.com/albums/ae125/HaVi-asiaforum/Saigon-3.jpg


- Arroyo de l’Avalanche - Rạch Thị Nghè

- Audouit - Cao Thắng ( rạp Việt Long, rạp Đại Đồng Sài Gòn, Chùa Tam Tông Miếu, bánh mì pâté Phò Mã, tư gia nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Lâm Tuyền)

- d’Ayot - Nguyễn văn Sâm(rạp Kim Châu)

- Ballande- Nguyễn Khắc Nhu

- Barbier - Lý Trần Quán(chả cá Thăng Long)

- Barbé - Lê Quý Đôn (Trung Học Lê Quý Đôn-Chasseloup Laubat)

- Blan Subé - Duy Tân (Viện Đại Học Sài Gòn,Đại Học Luật Khoa, công trường Chiến Sĩ Con Rùa,Vương Cung Thánh Đường)

- Bourdais - Calmette

- Catinat - Tự Do ( Bộ Nội Vụ, bánh mì pâté Hương Lan, Nhà Hàng Caravelle, Nhà Hàng Continental Palace, La Pagode, Brodard, Vũ trường Maxim’s, Hotel Restaurant Majestic, rạp Majestic,Tiệm quý kim Đức Âm, nhà may Cát Phương, Adam,Tân Tân, Phòng Thông Tin cho các cuộc triễn lãm)

- Chaigneau- Tôn Thất Đạm( khu Chợ Cũ, rạp Nam Việt)

- Champagne - Yên Đổ (Cư xá Đắc Lộ, trường Anh Ngữ Khải Minh)

- Charles de Coppe - Hoàng Diệu ( hiệu giày Gia, quán nhậuTư Sanh Khánh Hộ-cari dê)

- Charles Thomson - Hồng Bàng (bệnh biện Hồng Bàng, đại học Nha Khoa)

- Chasseloup Laubat - Hồng Thập Tự ( Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia, Hội Hồng Thập Tự Việt Nam, RạpOlympic, bàn ghế Phan văn Nhị, khu quán cháo vịt, Bộ Y Tế, Bộ Tài Chánh, Tổng Nha Ngân Sách Ngoại Viện, Cơ quan Tiếp Vận Trung Ương, Hông vườn Tao Đàn-vườn Ông Thượng- vườn Bờ Rô-Pelouse, Hông Dinh Độc Lập, Hông Thảo Cầm Viên, trường trung học kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ)


http://i1177.photobucket.com/albums/x358/havi-4rumasia/zxtvd1.jpg
Đường Hồng Thập Tự

- Colonel Budonnet- Lê Lai (Rạp Aristo, tiệm bánh trung thu Tân Tân, cơm chay Vạn Lộc)

- Colonel Grimaud - Phạm ngũ Lão (Chợ Thái Bình, tòa soạn nhật báo SàiGòn Mới- bà Bút Trà, rạp Thái Bình, ga xe lửa, quày bán vé Hàng Không Việt Nam)

- Cornulier - Thi Sách

- Danel - Phạm đình Hổ

- Denis Frères- Ngô Đức Kế (Ngân hàng Quốc Gia Việt Nam)

- Dixmude- Đề Thám

- Docteur Angier - Nguyễn Bỉnh Khiêm (Thảo Cầm Viên hồ tắm Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tổng Nha Trung Tiểu Học&Bình Dân GiáoDục, trường Trung Học Trưng Vương, Võ Trường Toản, Nha An Ninh QuânĐội)

- Docteur Yersin - Ký Con

- Đỗ Hữu Vị - Huỳnh Thúc Kháng (Trường trung học kỹ thuật Cao Thắng,khu chợ Trời)

- Douaumont- Cô Giang (chợ, rạp hát Cầu Muối)

- Dumortier - Cô Bắc ( hãng cao su Labbé)

- Duranton - Bùi thị Xuân( trường trung học Nguyễn Bá Tòng, trường Les Lauriers)

- Eyriaud des Verges - Trương Minh Giảng (Chợ Trương Minh Giảng, rạp Văn Lang, cổng xe lửa số 6, Viện Đại học Vạn Hạnh)

- l’Église - Trần Bình Trọng( Hôtel Massage Hồng Tá)

- d’Espagne - Lê Thánh Tôn (Tòa Đô Chánh, Cửa Bắc Chợ Bến Thành,tiệm vàng Nguyễn Thế Tài-Thế Năng tiệm incils quân đội An Thành, Rạp Lê Lợi, nhà may Văn Quân)

http://i1177.photobucket.com/albums/x358/havi-4rumasia/29prs07.jpg
Thư viện Abraham Lincoln(Góc Lê Lợi-Tự Do)

và cũng là tòa soạn tạp chí thế giới tự do( Free World)

- Eyriaud des Verges - Trương Minh Giảng (Chợ Trương Minh Giảng, rạp Văn Lang, cổng xe lửa số 6, Viện Đại học Vạn Hạnh)

- Faucault - Trần Khắc Chân

- Frère Louis - Nguyễn Trãi từ Ngã Tư Cộng Hoà đổ vô Chợ Lớn (trung tâm đào tạo huấn luyện viên thanh niên thể thao,Nhà thờ Chợ quán)

- Frère Louis - Võ Tánh (Sài Gòn) từ Ngã Tư Cộng Hòa đổ xuống Ngã Sáu (cổngchính Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, rạp hát Quốc Thanh, phở 79, nhà mồ Á Thánh Matthew Gẫm, trường nữ trung học tư thục Đức Trí)

- Frère Guilleraut - Bùi Chu (Nhà thờ Huyện Sĩ)

- Filippiny - Nguyễn Trung Trực (Nhà hàng Thanh Thế với tuyệt chiêu suôn, nhà hàng Quốc Tế, Bồng Lai, Kim Sơn, rạp Les Tropiques, Văn Khoa cũ, Pháp Đình Sài Gòn)

- Fonck - Đoàn Nhữ Hài

- Gaudot - Khổng Tử (Chợ Bình Tây)

- Georges Guynomer - Võ Di Nguy Sài Gòn(Khu Chợ Cũ)

- Guillaume Martin - Đỗ Thành Nhân

- Hamelin - Hồ văn Ngà

- Heurteaux - Nguyễn Trường Tộ

- Hui Bon Hoa - Lý Thái Tổ (Phở Tàu Bay, quán Hạ Cờ Tây)

- Jaccaréo - Tản Đà (khu tiệm thuốc Bắc)

- Jauréguiberry - Hồ Xuân Hương ( Bệnh viện da liễu-Bạc Hà)

- Jean Eudel - Trình Minh Thế (thương cảng Sài Gòn, kho 5, kho 10)

- Lacaze - Nguyễn Tri Phương ( Mì vịt tiềm Lacaze, hủ tiếu Mỹ Tiên, hủ tiếu Cả Cần, bánh bao bà Năm Sa Đéc, quán sò huyết lề đường)

- Lacotte - Phạm Hồng Thái (toà soạn nhật báo Dân Ta-ông Nguyễn Vỹ)

- Lacaut - Trương Minh Ký(Lăng Cha Cả-Linh mục Bá Đa Lộc-Pigneau de Béhaines)

- De Lagrandière- Gia Long ( Dinh Gia Long, Bộ Quốc Phòng, Thư viện Quốc Gia, rạp Long Phụng- phim Ấn Độ, tiệm bánh Bảo Hiên Rồng Vàng, tiệm Đồ da Cự Phú, tiệm quần áo trẻ em Au Printemps, tòa soạn nhật báo Tiếng Chuông-ông Đinh văn Khai, nhật báo Việt Nam của ông Nguyễn Phan Long 1936, nhật báo Tiếng Dội, Tiếng Dội Miền Nam, Dân Quyền của ông Trần Tấn Quốc và nhiều nhật báo khác)

- Larclause - Trần Cao Vân (bộ Thông Tin)

- Lefèbvre - Nguyễn công Trứ

- Legrand de la Liraye - Phan Thanh Giản (Bệnh viện Bình Dân, Chợ 20, Trường Nữ Trung Học Gia Long,bệnh viện St Paul,Trường tư thục Phan Sào Nam, Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi- Đất Hộ, cư xá Đô Thành, rạp Long Vân, bánh xèo Đinh Công Tráng)
- Le Man - Cao Bá Nhạ

- Léon Combes - Sương Nguyệt Ánh (văn phòng bác sĩ quang tuyến Lý Hồng Chương, võ trường Hàn Bái Đường ở góc Sương Nguyệt Ánh-Lê văn Duyệt 1954)

- Lesèble - Lý văn Phức

- Loucien Lecouture - Lương Hữu Khánh (đường rầy xe lửa Mỹ Tho, miền Trung)

- Luro - Cường Để (thành Cộng Hòa,Trường Đại Học Y,Dược Khoa,Văn Khoa,
Nông Lâm Súc)

- Mac Mahon - Công Lý (Dinh Độc Lập, Dinh Hoa Lan, Phủ Phó Tổng Thống, Chùa Vĩnh Nghiêm, trường tư thục Quốc Anh,Thương xá Crystal Palace-Tam Đa, rạp Hồng Bàng)

- Marchaise - Ký Con

- Maréchal Fox - Nguyễn văn Thoại ( trường đua ngựa Phú Thọ, bệnh viện Vì Dân)

- Maréchal Pétain - Thành Thái (trường trung học Bác Ái)

- de Marins - Đồng Khánh ( tửu lầu Á Đông, Đồng Khánh, Bát Đạt, Arc En Ciel-ĐạiThế Giới)

- Martin des Pallières - Nguyễn văn Giai

- Massiges - Mạc Đĩnh Chi (Hội Việt Mỹ, Ty Cảnh Quốc Gia Quận Nhứt, nhà hàng thịt rừng Trường Can,phở Cao Vân, trường trung học Les Lauriers, bộ Canh Nông)

- Mayer - Hiền Vương (Nguyễn Chí Nhiều dược cuộc, trung tâm phở gà, giò chả Phú Hương, rạp Casino Đa Kao)

- Miche Phùng - Khắc Khoan (tư dinh đại sứ Mỹ trước đó là tư dinh của tướng Năm Lửa Trần văn Soái)

- Miss Cawell - Huyền Trân Công Chúa

- Nancy - Cộng Hoà ( Trung Học Pétrus Ký, Đại Học Khoa Học, Đại Học Sư Phạm, cửa hông Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia)


http://i1177.photobucket.com/albums/x358/havi-4rumasia/2664198392_a2698fe617.jpg
Dinh Độc Lập 1955


- Nguyễn tấn Nghiệm - Phát Diệm

- Noel - Trương Hán Siêu

- Ohier - Tôn Thất Thiệp (hủ tiếu Thanh Xuân, Tài Nam Restaurant với món đuôn chà là chiên bơ rất mắc, Chùa Chà Và)

- d’Ormay - Nguyễn văn Thinh (tòa soạn nhật báo Thần Chung-ông Nguyễn Kỳ Nam, Restaurant Admiral)

- Paracels - Alexandre de Rhodes (Học ViệnQuốc Gia Hành Chánh cũ, Bộ Ngoại Giao)

- Paris- Phùng Hưng ( chợ thịt quay vịt quay)

- Pavie- Trần Quốc Toản (Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Viện Hóa Đạo - Việt Nam QuốcTự, trường tư thục Hồng Lạc, cục Quân Cụ, chợ cá Trần Quốc Toản)

- Paul Blanchy - Hai Bà Trưng (Chợ Tân Định, Tổng Cuộc Điện Lực, BGI -Brasseries et Glacières de l’Indochine, Phở An Lợi, cà phê Quán Trúc, vũ trường Mỹ Phụng, công trường Mê Linh,nhà thờ Tân Định)

- Paulin Vial - Phan Liêm

- Pellerin - Pasteur ( Viện Pasteur, Khu Phở Gà, Phở Minh, Nhà sách Khai Trí, rạp Casino Sài Gòn sau đổi thành rạp Rạng Đông, nước mía bò bía Viễn Đông)
http://i1177.photobucket.com/albums/x358/havi-4rumasia/Toa20Dai20su20My.jpg
Toà Đại Sứ Mỹ (Đại lộ Thống Nhất)

- Pierre Flandin- Đoàn thị Điểm (hông trường Nữ Trung Học Gia Long, hông Tổng Nha Ngân Sách Ngoại Viện)

- Laregnère - Bà Huyện Thanh Quan ( Cư xá nữ sinh viên Thanh Quan, Chùa Xá Lợi)

- Renault - Hậu Giang

- René Vigerie - Phan Kế Bính

- Résistance - Nguyễn Biểu (Cầu chữ Y)

- Richaud - Phan Đình Phùng ( Tổng Nha Kiến Thiết và Thiết Kế Đô Thị, Đài Phát Thanh Sài Gòn, Bảo sanh viện Hồng Đức, Kỳ Viên Tự,Trường Rạng Đông, chợ Vườn Chuối, Restaurant Sing Sing, nhà hàng La Cigale, sân vận động PĐP)

- Roland Garros - Thủ Khoa Huân

- Sabourain - Tạ Thu Thâu (cửa Đông chợ SàiGòn, Nhà thuốc tây Nguyễn văn Cao, nhà sách & xuất bản Phạm văn Tươi)

- Sohier - Tự Đức

- Taberd - Nguyễn Du (Sở xuất nhập di trú, Nhà thương Đồn Đất- bệnh viện Grall, trung tâm văn hóa Pháp-Centre Cul turel Francais )

- Testard - Trần Quý Cáp (Vũ trường AuBaccara, Đại Học Y khoa cũ, Trường Âu Lạc)

- Tong-Kéou - Thuận Kiều (bệnh viện Chợ Rẫy)

- Turc - Võ Tánh(Phú Nhuận) (Văn Phòng Quận Tân Bình, Phở Quyền, Lăng Cha Cả, bệnh viện Cơ Đốc)

- Verdun - Lê văn Duyệt Ngã Bảy trở lên (Ngã Ba Chợ Ông Tạ,rạp Thanh Vân)

- Vassoigne - Trần văn Thạch

- Yunnam - Vạn Tượng

http://files.myopera.com/sontran155/albums/2958921/thumbs/H%E1%BB%99i%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%20Di%C3%AAn%20H% E1%BB%93ng.jpg_thumb.jpg

Hội Trường Diên Hồng (trụ sở Thượng Nghị Viện-Bến Chương Dương)

- Quai de Belgique - Bến Chương Dương ( Thượng Nghị Viện- Hội Trường Diên Hồng,Tổng Nha Kế Hoạch)

- Quai Le Marne - Bến Hàm Tử

- Quai Le Myre de Vilers - Bến Bạch Đằng (Hotel Restaurant Majestic, Phủ Đặc Ủy Trung ƯơngTình Báo, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, bến đò Thủ Thiêm, Cột Cờ Thủ Ngữ-Point des BlagueurS,tư dinh Thủ Tướng, Sở Ba Son-Arsénal-Hải Quân Công Xưởng)

- Quai de Fou-Kien - Bến Trang Tử


nguồn: vietlandnews

cao nguyên
01-30-2012, 12:03 PM
Dạo phố Bonard chiều Chủ Nhật
Chu Trinh

http://lh4.ggpht.com/_ot9k8Q07Ns0/SavRKx-98pI/AAAAAAAAp3A/l9gLGHKM-V0/s800/Japan-Saigon02-12-09-2007 443.jpg
Phố Bonard chiều Chủ Nhật... Bên kia đường là tiệm kem Bạch Đằng.

“Hàng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm...” về những buổi chiều đi dạo trên phố Bonard, con đường Lê Lợi xôn xao xiêm áo, nơi hội tụ của những trai thanh gái lịch đất Sài thành, Hòn Ngọc của Viễn Ðông, một thời vui nhộn, một thời huyên náo.Trong lòng những người đã từng đi dạo qua đây một thời trẻ trung vẫn đầy ắp những kỷ niệm ấm áp ngọt ngào.
Ngày xưa ấy có lẽ Sài gòn không có nơi nào vui chơi hấp dẫn hơn phố Bonard hay sao mà bọn choai choai từ khắp nơi cứ đổ về con đường trung tâm này chỉ để ngắm nhau và khoe quần khoe áo, nhất là vào những chiều Thứ Bảy và Chủ Nhật. Khúc đường cũng chỉ ngắn thôi, bắt đầu từ chợ Bến Thành, hướng về trụ sở Quốc Hội cũ nay là Nhà Hát Thành Phố, cứ chọn đi bên lề bên trái là đông vui nhất vì bọn trẻ toàn đi trên quãng đường này còn bên kia chỉ những người có việc mới vội đi qua vì nắng chiều bên đó gay gắt và không vui mắt bằng bên này.
Trên đoạn đường này việc buôn bán có vẻ sầm uất,đủ các mặt hàng như quần áo, giầy dép, ví da, túi xách, dây nịt, các loại lịch, tranh ảnh nhưng đáng chú ý là nhà sách Khai Trí, hàng kem Bạch Ðằng ở góc Pasteur, hàng nước mía Viễn Ðông ở bên kia đường và hàng thịt phá lấu cũng ở cạnh nước mía Viễn Ðông là các cô cậu chiếu cố nhiều nhất.
Bọn trẻ lúc đó làm gì có tiền vào ngồi những nơi sang trọng như Brodard, La Pagode bên Catinat, trong túi chỉ có mấy đồng bạc nên sau khi đi tới đi lui khát bỏng cả cổ chỉ có thể rủ nhau uống ly nước mía $2 hoặc mua vài đồng thịt phá lấu xâu trong cái que tăm vừa đi vừa ăn. Sang hơn thì vào kem Bạch Ðằng ngồi ngắm giai nhân tài tử đi qua đi lại cũng chỉ mất khoảng $10. Thú vị là dân đi dạo đều ăn mặc đẹp đẽ lịch sự.
Các cô hầu hết đều mặc áo dài muôn màu muôn sắc và muôn kiểu dáng. Sau này tôi còn đọc được là nhiều nữ sinh đã tự vẽ áo dài cho mình đi dạo phố khiến thiên hạ trầm trồ vì vừa lạ vừa đẹp. Hơn nữa là họ không đi một mình mà đi hàng đàn, mặt mày tươi vui, ríu rít như đàn bướm rực rỡ. Từ khi kiểu cổ áo dài Ngô đình Nhu ra đời thì áo dài cũng đột phá sang một giai đoạn mới với rất nhiều kiểu dáng lạ, lúc đầu vạt áo dài gần tới chân, sau đó ngắn dần có lúc chỉ dài hơn cái áo bà ba vài chục phân, cỡ ngang đầu gối. Tay áo lúc thon nhỏ, lúc loe ra, lúc ngắn lại, lúc dài che nửa bàn tay. Thân áo thì ngoài nhiều màu sắc ra còn in hình hoa lá hoặc sọc đủ loại.

Cuối cùng là các kiểu áo vẽ có thể do các họa sĩ được đặt hàng hoặc do chính chủ nhân của cái áo tự thiết kế. Cái quần dài của các cô cũng có những bứt phá không tiền khoáng hậu. Lúc đầu quần bó ống, quần ống loe rồi nó cứ dần dần rộng thêm ra từ mông xuống ống quần đến nỗi thoạt nhìn không biết cô đó mặc quần hay mặc váy. Ăn mặc như vậy thường bị các vị phụ mẫu cấm đoán. Thời đó báo chí có kể việc một ông bố bắt gặp cô con gái mặc quần maxi ngoài phố đã lấy kéo xẻ một đường dài từ ống quần lên tới gần mông ! Còn lai quần lúc đầu được may lại cẩn thận sau đó người ta chỉ hơ lửa cho hết tưa vải! Cái lai quần hơ lửa nhìn mềm mại và có nét duyên dáng riêng.
Bọn con trai cũng từng đàn ra phố “rửa mắt” nói nói cười cười, ngó ngang ngó ngửa. Thời đó chưa ai biết đến cái khẩu trang là gì nên người thực việc thực là hiển nhiên, không cần phải khám phá như bây giờ. Quần tây nam tuy ít kiểu cách nhưng lúc lưng cao, lúc lưng thấp,lúc ống nhỏ, lúc ống loe, lúc ống suông với áo sơ mi là chính. Có một số người mặc áo bỏ ngoài quần vẽ hình chim cò rất vui mắt và trẻ trung, họ thường là các sĩ quan trẻ đi tu nghiệp nước ngoài về .Thấy hay, một số người cũng bắt chước.
Về sau còn có áo thung Montagut là hàng cao cấp cũng được nhiều người ái mộ. Dạo phố Bonard thực ra chỉ là đi lên đi xuống trên một đoạn đường, không phải để mua sắm gì mà chỉ cốt để ngắm thiên hạ đi lên đi xuống; nhưng hết tuần này đến tuần khác, hết tháng này đến tháng khác và thậm chí hết năm này đến năm khác các bạn trẻ cũng không chán, mỗi lần đi họ cũng vẫn tìm được niềm vui mới và những điều mới lạ, thích thú.
Trong những nhóm đi dạo thường có tiếng sầm xì: con nhỏ đó là dân Văn khoa, anh kia là dân Dược v.v... Phải chăng họ đã ghiền cái không khí, ở đó họ được gặp những khuôn mặt vui tươi,cái sinh hoạt náo nhiệt và mong tìm gặp được bóng dáng hạnh phúc của đời mình trong số những người cùng đi dạo như thế.Vì vậy chiều Thứ Bảy và Chủ Nhật phố Bonard lúc nào cũng tưng bừng náo nhiệt, hầu hết là đám thanh niên nam nữ, giới sinh viên, các quân nhân về phép.
Nơi đó chính là một vườn hoa xuân và con người là những đóa hoa tươi thắm. Hôm nay sau mấy chục năm tôi lại có dịp đi dạo trên hè phố Lê Lợi chiều Chủ Nhật, con đường xưa còn cất giữ nhiều kỷ niệm ngọt ngào không chỉ của riêng tôi mà còn của nhiều người nữa. Cũng đoạn đường cũ nay đã thay đổi khá nhiều, nhà cửa nhiều chỗ khang trang hơn. Nhà sách Khai Trí nay là FAHASA (cơ quan phát hành sách của nhà nước), không còn đông đảo người vào xem như xưa.
Kem Bạch Ðằng xây lại, lúc tôi đi qua khá thưa thớt: có mấy người trẻ nước ngoài xen với vài cô cậu người Việt. Nước mía Viễn Ðông và hàng Phá Lấu không còn lại dấu vết gì. Tôi không tìm thấy tà áo dài nào tha thướt trên đường, trừ mấy cô bán hàng bị bắt buộc mặc đồng phục, lượng người đi dạo rất lưa thưa và phần lớn là người nước ngoài. Những nam thanh nữ tú giống ngày xưa giờ chẳng thấy bóng dáng một ai:
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo!
(Bà Huyện Thanh Quan)

Ngày xưa đi giữa đám đông là hòa mình vào đám đông, ngày nay tôi lạc lõng giữa những du khách nước ngoài như đến một vùng xa lạ. Chợt có một bà người nước ngoài hỏi thăm nơi đến một siêu thị, tôi cũng ngỡ ngàng chẳng biết nó ở đâu mà chỉ. Các cửa hàng chỉ thấy những người ngoại quốc ra vào và có lẽ các chủ nhân cũng chỉ mong như thế. Khách hàng thuộc nhiều quốc tịch và màu da mà không còn có từng đàn cậu trai, cô gái trẻ trung vui tươi dắt nhau trên phố, như ngày xưa, từ các trường đại học Việt Nam trong thành phố mà con số hiện nay rất đông đảo. Không biết giờ này họ đang làm gì hoặc vui chơi ở những chỗ nào?
Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?
(Vũ Ðình Liên)

Ði mãi, tôi cũng rẽ sang khu thương xá TAX, bây giờ xây lại rất Tây, sang trọng, nhưng khách hàng lưa thưa ít người ngoại quốc và lẻ tẻ vài cặp người Việt. Ở đây tôi có cảm giác mình đang shopping ở một nơi nào không phải Việt Nam.
Có người bảo không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông. Dòng thời gian trôi đi đã xấp xỉ trên dưới bốn mươi năm, biết bao biến cố đã xảy ra, tinh thần và cả thể xác con người đã thay đổi quá nhiều, trai thanh gái lịch ngày xưa giờ chỉ còn là những cụ già nhăn nheo, lọm khọm phiêu bạt khắp nơi trên trái đất. Những ai muốn tìm lại cảm giác của quá khứ trên con đường này chỉ họa may còn thấy trong giấc mơ.”

http://lh5.ggpht.com/_ot9k8Q07Ns0/SavRICNd3gI/AAAAAAAAp20/pvmXRZyYU0M/s800/Japan-Saigon02-12-09-2007 442.jpg
Phố Bonard chiều Chủ Nhật...Bên kia đường là khách sạn Rex..

cao nguyên
01-30-2012, 12:07 PM
http://i56.tinypic.com/2u5b9rb.jpg

Gọi tên là biết Sài Gòn

Ngày 1-2-1865, Phó đô đốc Pierre Paul Marie de la Grandière (1807 - 1876) của nhà cầm quyền Pháp tiến hành đặt tên cho 26 con đường trên địa bàn thành phố Sài Gòn vốn trước đó chỉ được đánh số thứ tự.

Trải qua 311 năm xây dựng và phát triển, Sài Gòn - Saigon hiện có hơn 1.500 con đường lớn, nhỏ và từ lâu đã rối như canh hẹ bởi chuyện đường trùng tên, thiếu tên đặt cho đường. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có một điểm trọng yếu là chúng ta không mặn mà với những tên gọi gắn liền với lịch sử, văn hóa của vùng đất mình đang sinh sống.

Đường xưa lối cũ

Đường Mã Lộ nằm trên địa bàn phường Tân Định, Q.1, dài chừng 120m, lộ giới 14m, bắt đầu từ đường Nguyễn Hữu Cầu đến đường Bà Lê Chân. Đường này ngắn nhưng thuộc loại rất xưa của vùng Sài Gòn, có từ khi xây cất chợ Tân Định, năm 1928. Thời Pháp thuộc, đường này mang tên Lê Văn Duyệt. Từ ngày 16-10-1955, chính quyền Sài Gòn đổi là đường Mã Lộ và được dùng cho đến ngày nay.

Con đường này nằm phía sau chợ Tân Định. Ngày xưa chưa có các loại xe lam, xích lô, ba gác thì phương tiện đi lại chủ yếu để người ta đi lại và chuyên chở hàng hóa là xe ngựa. Những chiếc xe thổ mộ lóc cóc từ các vùng ngoại ô: Hóc Môn, Bình Chánh, Gò Vấp, Tân Bình… chở người và hàng về chợ bán mua. Sau khi đổ hàng, xuống khách, các xà ích cho xe ngựa tập trung ở một đoạn đường sau chợ cho ngựa nghỉ chân, ăn cỏ, uống nước, người tranh thủ chợp mắt hay túm năm tụm ba trò chuyện, chờ chợ tan lại đón hàng và người về. Lâu dần, đoạn đường này được gọi bằng cái tên thân thuộc: Mã Lộ (đường của ngựa).

Ở Q.3 có một con đường mà khi gọi tên ta đã nghe giăng mắc ô thửa, đó là đường Bàn Cờ, chạy từ đường Nguyễn Đình Chiểu đến đường Điện Biên Phủ, thuộc địa bàn phường 2 và 3, dài khoảng 460m. Lịch sử tên gọi đường này cũng rất độc đáo. Năm 1910, dưới thời Pháp thuộc, TP Sài Gòn được mở rộng về phía tây. Khu đất phía trong đường Nguyễn Thiện Thuật được quy hoạch, xẻ ngang, vạch dọc như bàn cờ để phân cho dân chúng xây nhà. Thấy đường sá ở đây cắt ô như bàn cờ tướng, người ta liền gọi là khu Bàn Cờ. Con đường chính băng qua khu này mặc nhiên được gọi là đường Bàn Cờ. Theo truyền văn thì khi mới làm tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho đặt ga đầu ở khu này. Đầu máy về tới đây, muốn quay lại để đi xuống Mỹ Tho, phải trướn lên một cái mâm hình tròn, quay trên một trục vững chắc để công nhân đẩy xoay đầu lại. Cái mâm ấy gọi là bàn cờ. Đường chạy qua khu có cái mâm ấy được gọi là đường Bàn Cờ.

Ở Q.4 có một đường mang tên nghề gắn liền với giấc ngủ của con người từ xưa đến nay: đường Xóm Chiếu. Con đường thuộc địa phận phường 15 và 16, dài 905m này mang tên một địa danh của đất Gia Định xưa, có từ đời vua Minh Mạng (1884). Chả là, từ thời Gia Long, vùng này chỉ có thôn Khánh Hội và Bình Ý nằm gần kinh Bến Nghé và sông Sài Gòn. Phía trong toàn bưng sình, mọc đầy cây bàng (thảo câu) và lác. Tận dụng nguồn nguyên liệu này, dân chúng quy tụ thành một xóm làm nghề dệt chiếu và lập chợ để bán. Từ đó, tên Xóm Chiếu ra đời.

Cũng thuộc ngạch đường mang tên nghề nghiệp của người dân sở tại, ở Q.5 có đường Xóm Cải (thuộc địa bàn phường 11, dài 125m, chạy từ đường Nguyễn Trãi đến đường Mạc Thiên Tích; Xóm Cải là địa danh của đất Chợ Lớn xưa kia, là nơi cư ngụ của những người chuyên nghề trồng rau cải để bán), Xóm Chỉ (thuộc địa bàn phường 10, từ đường Phan Phù Tiên đến đường Tản Đà, dài khoảng 118m; Xóm Chỉ là địa danh của đất Chợ Lớn (cũ), xưa kia, dân vùng này chuyên làm nghề kéo chỉ), Xóm Vôi (địa danh cũ của đất Gia Định, nơi có người dân lập thành xóm chuyên chở đá xanh từ vùng Hà Tiên lên để nung vôi bán cho người ta xây dựng, ăn trầu), Q.6 có đường Lò Gốm, quận Tân Bình có đường Vườn Lài (dân sở tại trồng cây hoa lài (nhài) để ướp trà, Q.9 có đường Lò Lu, huyện Củ Chi có đường Xóm Thuốc (thuốc lá để hút)...

Ai có tâm hồn ăn uống, nhắc đến tên đường Vườn Thơm, thuộc xã Lê Minh Xuân và Bình Lợi, huyện Bình Chánh, chắc phải tứa nước miếng. Quả vậy, dưới thời Pháp thuộc, đây là một đồn điền bạt ngàn thơm (dứa).

Ở tỉnh Chợ Lớn cũ có một vùng kênh rạch chằng chịt, ghe thuyền đi lại tấp nập. Dân trong vùng trồng rất nhiều cây sao để lấy gỗ đóng ghe, thuyền. Hằng năm, từ tháng 12 đến tháng 4, là mùa cây sao ra bông, đậu quả, không biết cơ man nào mà kể. Mỗi cơn gió thoảng qua, bứt bông sao khỏi cành thổi bay lơ lửng trên không trung một hồi rồi mới rơi xuống rải đầy mặt đất, mặt nước, trông đẹp như tiên cảnh. Thế là người dân lấy tên Bông Sao để gọi con đường chạy qua vùng. Nay đường này thuộc P.4, Q.8.

Chỉ về sự ấm no thì ở P.15, Q.8 có đường Mễ Cốc, dài 2.350m, lộ giới 20m. Mễ Cốc nguyên là một kho lúa, sau thành địa danh. Nghe tên đường, ta đã gợi nhớ đến vùng đồng bằng Nam Bộ, vựa lúa của miền Nam. Từ ngày một số người Hoa không phục nhà Thanh, qua đây xin chúa Nguyễn cho lập nghiệp ở vùng Chợ Lớn, lúa được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Rồi từ ngày người Pháp lập cảng Sài Gòn thì vùng này mỗi ngày có hàng trăm ghe, thuyền từ các tỉnh miền Tây đổ về Chợ Lớn, lúa được bốc lên các kho, vựa trên bến để rồi chuyển đến các nhà máy xay xát. Thế là bến mang tên Mễ Cốc (bến lúa gạo).

Để gợi nhớ thưở đất rộng người thưa, ta hãy về xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi tản bộ trên đường Mít Nài dài 1.500m. Mít nài là giống mít mọc hoang dại ở ven rừng, có trái na ná mít vườn nhưng không ăn được, gỗ chỉ dùng làm củi. Xã Phước Thạnh trước đây cả thế kỷ chỉ là rừng, mít nài mọc hoang vô kể. Cũng trên địa bàn huyện Củ Chi, có những tên đường mà khi gọi lên ta đã thấy thiên nhiên gần gụi: Cây Bài (xã Phước Vĩnh An), Cây Điệp (xã Nhuận Đức), Cây Gõ (xã An Phú), Cây Trắc (xã Phú Hòa Đông), Cây Trôm (xã Phước Hiệp, Thái Mỹ).

Ai yêu chim muông, mời về xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh đi trên con đường dài khoảng 6.000m thỏa thê nghe tiếng le le lội nước và ngắm cánh cò bay lả bay la. Đường tên là Láng Le - Bàu Cò mà! Đây là địa danh cũ của tỉnh Gia Định chỉ một vùng đất sũng nước, nơi cư ngụ của cơ man nào là le le và cò. Đường Hố Bò ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi thì nhắc ta rằng thời xa xưa, vùng này sâu trũng, cây cối rậm rạp, là nơi nương náu của rất nhiều loài bò rừng.
Để trí tưởng tượng bay xa hơn nữa, mời bạn đến đường Gò Cẩm Đệm ở P.10, quận Tân Bình. Sở dĩ con đường dài 840m, lộ giới 12m này mang tên vậy là do nơi đây xưa kia là một gò đất cao, rộng 3 dặm, nằm phía sau Giác Lâm cổ tự, thuộc địa phận xã Phú Thọ Hòa, huyện Bình Dương. Khi xưa trên gò, cỏ thơm mọc dày như trải đệm, cây cao bóng mát tỏa như lọng che nên dân chúng gọi tên là gò Cẩm Đệm rồi thành địa danh, từ ngày 13-7-1899 thì là tên đường.
Đất Sài Gòn - Gia Định rộng lớn, người hào sảng mà tâm hồn mơ mộng nên cũng luôn là đất văn chương thi phú. Điều ấy ghi dấu ở tên đường Bình Dương Thi Xã, P.5, Q.1 mang tên một hội thơ nổi tiếng và bề thế nhất tại huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định hồi đầu thế kỷ XIX. Nổi danh nhất của thi xã này là 3 danh sĩ: Trịnh Hoài Đức (chủ hội), Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh mà đương thời gọi là Gia Định tam gia…
Quyến rũ chừng… 10%

Tôi ngồi tỉ mẩn đếm đếm tính tính theo các tài liệu về tên đường ở Saigon, quỹ tên đường của Hội đồng đặt mới, sửa đổi tên đường, công viên, quảng trường và công trình công cộng Saigon thì thấy một con số đáng báo động, những tên đường độc đáo, thân thuộc, gọi là biết ngay Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định như kể trên chỉ chiếm chừng 10%.
Trong khi đó, xưa nay, chúng ta quá say sưa với những tên nhân vật lịch sử. Tất nhiên, việc tôn vinh công đức của tiền nhân là điều cần thiết, nhưng cũng đừng hồn nhiên nghĩ rằng cứ đặt tên một con đường, xây dựng một tượng đài thì chắc chắn sẽ làm được việc giáo dục truyền thống.
Có một chuyện nhỏ diễn ra đã dăm năm rồi nhưng vẫn làm tôi mỉm cười mỗi khi nhớ lại. Lần ấy, Alain Thomas - bạn tôi - từ Pháp sang. Theo bản năng, đến bữa, tôi dẫn anh đến một nhà hàng Pháp thuộc loại sang ở thành phố. Tưởng anh sẽ vui lắm khi có một người bạn Việt Nam chiều chuộng mình, đến một nơi xa lạ mà vẫn được sống trong không khí quê nhà. Ai dè, anh chối đây đẩy và nằng nặc đòi tôi dẫn đến một quán vỉa hè. Và chúng tôi đã ngồi bên hồ Con Rùa uống bia Sài Gòn xanh, ăn bò bía và tán chuyện hăng say về vùng đất của tôi. Alain bảo đó mới là điều thu hút anh ấy “chứ sang đây mà vẫn ăn đồ Pháp, nói chuyện nước Pháp thì tôi ở nhà cho xong”.
Trở lại chuyện tên đường cũng vậy. Đến mỗi địa phương, đi trên những con đường mang đậm dấu tích văn hóa của vùng đất, con người nơi ấy, chắc chắn chúng ta thấy thú vị hơn rất nhiều khi gặp những tên đường mà ở đâu cũng có.
Chẳng hạn, ở Sài Gòn, 146 năm trước, me là cây đầu tiên được người Pháp mang trồng ở hai bên đường. Hầu hết các con đường trên địa bàn thành phố đều có bóng me; me đã là nhạc, là thơ, là hơi thở của người dân xứ này! Đến Sài Gòn mà được tản bộ trên con đường mang tên Lá Me Bay và giơ tay bắt những lá me chao trong gió, nếm vị giôn giốt của trái me thì thật là ấn tượng đặc biệt. Ai biết ở Saigon, từ giữa tháng 5, trái dầu rái bứt khỏi cành, tạo thành những chiếc chong chóng xoay tít khắp phố phường để mơ về một con đường mang tên Dầu Rái?
Cũng vậy, nếu chúng ta cởi mở và lãng mạn hơn, trên những nẻo đường đất Việt sẽ có những tên đường, phố độc đáo, gắn với những sản vật của địa phương như: đường Hoa Ban ở Điện Biên, phố Hoàng Lan ở Hà Nội, đường Phượng Bay (từ cảm hứng trong những chiều đi trên đường này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết “Đường phượng bay mù không lối vào” (Mưa hồng) ở Huế… là một nét thi vị và luyến nhớ cho cả dân địa phương và du khách. Đồng cảm với chúng tôi về vấn đề này, TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu - Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Saigon chia sẻ: “Theo tôi, nên lưu giữ những địa danh dân gian để đặt tên đường phố hay tên đơn vị hành chính mới trong quá trình đô thị hóa. Dân gian hay đặt tên cho một khu vực nào đó theo đặc điểm về tự nhiên hay truyền thuyết của khu vực ấy, hoặc cũng hay gọi một cách không chính thức nhưng lại dễ nhớ, dễ tìm. Vì vậy, tên các loài cây, hoa - nếu là đặc điểm, đặc trưng của một khu vực, một con đường, một ngõ hẻm... rất nên dùng để đặt tên cho khu vực, đường, hẻm ấy. Nó sẽ làm cho người dân trân trọng và gìn giữ các loài cây, hoa đó, góp phần bảo vệ môi trường, tạo nên nét đẹp văn hóa đa dạng của TP. Những giá trị văn hóa vật thể như thế qua thời gian sẽ lắng đọng, trở thành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của từng địa phương”.
Cũng theo bà, trong các khu đô thị mới hiện nay, cần khuyến khích người dân trồng các loại cây, hoa làm đẹp, mang lại bóng mát cũng như mảng xanh cho thành phố. Và cũng rất hay nếu như đặt tên đường, khu phố mới theo tên các loài thực vật đó.
... Biết đâu chừng, một ngày, giữa Sài Gòn ồn ã, kẻ lãng đãng là tôi lại được tủm tỉm nhắn nhe lũ bạn rằng: «Nhà tôi ở hẻm Cây Điệp, đường Chiêu Liêu. Sáng sáng, sau khi tản bộ trên đường Nhạc Ngựa, tôi đến đường Đủng Đỉnh uống cà phê rồi về làm việc ở đường Long Não»...

Box:
- Năm 2008, Hội đồng thị trấn Dartford, London, Anh đã phê chuẩn đặt tên 13 đường phố trong một khu dân cư mới xây dựng lấy cảm hứng từ tên các ca khúc của ban nhạc Rolling Stones như: Sympathy Street (cảm hứng từ ca khúc Sympathy for the devil), Cloud Close (từ ca khúc Get off of my cloud), Rainbow Close (She’s a rainbow), Babylon Close (Bridges to babylon), Dandelion Row (Dandelion), Ruby Tuesday Drive (Ruby Tuesday)...
- Nếu chúng ta cởi mở và lãng mạn hơn, trên những nẻo đường đất Việt sẽ có những tên đường, phố độc đáo, gắn với những sản vật của địa phương.
- Đến mỗi địa phương, đi trên những con đường mang đậm dấu tích văn hóa của vùng đất, con người nơi ấy, chắc chắn chúng ta thấy thú vị hơn rất nhiều khi gặp những tên đường mà ở đâu cũng có.

Hàn Mai Tự

cao nguyên
01-31-2012, 02:00 PM
http://i18.photobucket.com/albums/b130/tieuvuvi/f6170598.jpg


Sài Gòn đâu đó trong tiếng gọi

Sài Gòn đâu đó trong tiếng gọi
mà nghe hoài mỗi tối chưa quên
nên nhiều lúc chính mình tự hỏi:
con đường nào có những lối đi quen?

như con đường từ Bến Thành, ngược Bắc
qua khỏi cầu Công Lý tới Dakao
ở đó, một dạo nào mình gặp
dáng lụa vàng khua guốc mộc kiêu sa!

Bẵng thật lâu hơn phần tư thế kỷ
sống ở đâu cũng nghĩ đến Sài Gòn
thế mới biết tấm lòng người viễn xứ
còn thiết tha lời guốc mộc âm vang

Sài Gòn đâu đó trong tiếng gọi
nên mãi chờ về lại lối xưa quen
nhìn áo lụa vàng, nghe lời guốc mộc
đẹp như thơ theo dòng nghĩ vào đêm!

Cao Nguyên

cao nguyên
01-31-2012, 02:03 PM
GIỌNG SÀI GÒN



Với tôi, giọng nói Sàigòn mãi mãi hay hơn giọng Bắc Kỳ Hà Nôi gốc Nghệ đang lan tràn trong nước.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, trong đầu lúc nào cũng có một ý định là sẽ “thở đều” trên mảnh đất ồn ào này, ý định đó chắc sẽ giữ mãi cho đến lúc một ngày nào đó âm thầm không bứt rứt cắn tay áo mà mỉm cười he he he xuống dưới ấy…

Gọi là yêu Sài Gòn thì có phần hơi quá ! Không dám gọi thứ tình cảm dành cho Sài Gòn là tình yêu, nó chưa thể đạt đến mức ấy. Cái tình với Sài Gòn là cái tình của một thằng ăn ở với Sài Gòn hơn 20 năm, cái tình của một thằng mà với nó, Sài Gòn còn quá nhiều điều níu kéo, quá nhiều chuyện để mỗi khi bất chợt nghĩ về Sài Gòn, lại thấy nhơ nhớ, gần gũi…
Hồi còn đi học, vẫn hay chọc mấy đứa bạn bằng 2 câu thơ nhại :


Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Gái Sài Gòn cái mỏ cong cong

***



Chuyện con gái Sài Gòn “mỏ” có cong không thì hổng có biết, chỉ biết con gái Sài Gòn có cái dẩu môi cong cong dễ làm chết người lắm, nhất là khi cánh môi be bé ấy cong lên một chữ “hônggg…” khi đứa con trai rủ rê đi đâu, năn nỉ gì đó. Lúc đó, đem gương hay kiến soi, chắc cái mặt của đứa con trai đó tội lắm. Mà con gái Sài Gòn có điệu đà, õng ẹo chút thì mới đúng thiệt là con gái Sài Gòn. Ai mà chẳng biết vậy. Gọi đó là cái duyên ngầm của người con gái đất Gia Định cũng chẳng có gì sai. Ai hiểu được, người đó sẽ thấy sao mà yêu mà thương đến vậy…

Có dạo đọc trong một bài viết về Sài Gòn – Gia Định của nhà văn Sơn Nam, có thấy ông viết giọng Sài Gòn, cũng như văn hóa và con người Sài Gòn là một sự pha trộn và giao thoa đến hợp nhất của nhiều nơi. Đó là những người Chăm bản địa, những người khách trú (người Hoa hay chú ba tàu), những người miền Trung đầu tiên đến đất Gia Định…Từ đó hình thành một loại ngôn ngữ vừa bản địa, vừa vay mượn của những người đi mở đất…

Giọng người Sài Gòn được xem là giọng chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của người miền Bắc. Giọng chuẩn tức là giọng không pha trộn, không bị cải biến đi qua thời gian. Như nói về giọng chuẩn của người Hà Nội, người ta nói đến cái giọng ấm nhẹ, khi trầm khi bổng, khi sắc khi thanh, và chẳng ai phủ nhận người Hà Nội nói chuyện rất hay và “điêu luyện”. Cái “điêu luyện” ấy như thuộc về bản chất của người Hà Nội mà chỉ người Hà Nội mới có được. Nếu nói là người Việt Nam nói như hát, thì đúng ra chỉ có người Hà Nội là “nói như hát” mà thôi, họa chăng chỉ còn có giọng tha thiết của người con gái xứ Huế trầm tư mới cùng được ví von như thế…

Người Sài Gòn thì khác, giọng Sài Gòn cũng khác. Không ngọt ngào… mía lùi như một số người dân Tây Nam Bộ ven vùng sông nước mênh mang chín rồng phù sa, không nặng nề cục mịch như người miền Đông Nam Bộ nóng cháy da thịt. Giọng người Sài Gòn cũng ngọt, nhưng là cái ngọt thanh hơn, nhẹ hơn. Đó là chất giọng “thành thị” đầy kiêu hãnh của người Sài Gòn, thứ giọng chẳng lẫn vào đâu được mà dù người khác có bắt chước cũng khó lòng. Dường như qua nhiều năm cùng với đất Gia Định – Sài Gòn phù hoa trong nhịp sống, trong đổi mới và phát triển, thì giọng nói của người Sài Gòn cũng trở nên “cao sang” hơn. Dù vậy, nó chính là cái “thanh” của một vùng đất một thời là thủ phủ Nam Bộ, nhưng cũng chẳng mất đi đâu cái mộc mạc không bỏ được của cái gốc chung Nam Bộ.

Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước, bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao như người Hà Nội, không nặng như người Trung, mà cứ ngang ngang, sang sảng riêng… Mà điều đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ “nghen, hen, hén” ở cuối câu… Người miền khác có thích hay khoái, có yêu người Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ “nghen, hen” này.

Khách đến nhà chơi, chủ nhà tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu “Thôi, tôi dìa nghen !” – Chủ nhà cũng cười “Ừ, dzậy anh dìa hen !”.

Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết câu chuyện và cúp máy, một người nói “Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen !”. “Thôi” ở đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên lên tiếng “Hay hén mậy ?” bằng giọng điệu thoải mái…

Giọng người Sài Gòn đôi khi diễn đạt cùng một câu nói, nhưng lại bằng nhiều cung bậc giọng điệu khác nhau, lại mang ý nghĩa khác nhau. Đám nhỏ quậy, nghịch phá, người chị mắng, giọng hơi gằn lại và từng tiếng một, có chút hóm hỉnh trong đó “Dzui dzữ hen !”. Đám bạn cùng tuổi, ngồi chơi chung, cười đùa, một người nói giọng cao cao vui vẻ “Dzui dzữ hen !”… Người Sài Gòn có thói quen hay “đãi” giọng ở chữ cuối làm câu nói mang một sắc thái khác khi hờn giận, khi đùa vui như “Hay dzữuuu”, “Giỏi dzữưưu…!”

Nghe người Sài Gòn nói chuyện, trong cách nói, bắt gặp “Thôi à nghen” “Thôi à !” khá nhiều, như một thói quen, như cái “duyên” trong giọng Sài Gòn. Người Sài Gòn nói chuyện, không phát âm được một số chữ, và hay làm người nghe lẫn lộn giữa âm “d,v,gi” cũng như người Hà Nội phát âm lẫn các từ có phụ âm đầu “r” vậy.

Nói thì đúng là sai, nhưng viết và hiểu thì chẳng sai đâu, đó là giọng Sài Gòn mà, nghe là biết liền. Mà cũng chẳng biết có phải là do thật sự người Sài Gòn không phát âm được những chữ ấy không nữa, hay là do cách nói lẫn từ “d,v,gi” ấy là do quen miệng, thuận miệng và hợp với chất giọng Sài Gòn..

Ví như nói “Đi chơi dzui dzẻ hen mậy !” thì người Sài Gòn nói nó… thuận miệng và tự nhiên hơn nhiều so với nói “Đi chơi vui vẻ hen !”. Nói là “vui vẻ” vẫn được đấy chứ nhưng cảm giác nó ngường ngượng miệng làm sao đó. Nghe một người Sài Gòn phát âm những chữ có phụ âm “v” như “về, vui, vườn, võng” có cảm giác sao sao ấy, không đúng là giọng Sài Gòn chút nào…
Nhìn lại một quãng thời gian hơn 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn từ Phiên Trấn, Gia Định Trấn, Gia Định Thành, Phiên An, Gia Định Tỉnh… cho đến Sài Gòn, dân Sài Gòn đã là một tập hợp nhiều dân tộc sinh sống như Việt, Hoa, Kh’mer… Các sử sách xưa chép lại, khi người Việt bắt đầu đến Đồng Nai – Gia Định thì người Kh’mer đã sinh sống ở đây khá đông, rồi tiếp đó là khách trú (người Hoa), và một số dân tộc láng giềng như Malaysia, Indonesia (Java) cũng có mặt. Sự hợp tụ này dẫn đến nhiều sự giao thoa về mặt văn hóa như đàn ông không mặc quần mà quấn sà rông, nhà giầu quê bận bộ áo bà ba mầu trắng, làm ăn khi giao tiếp phải có chầu “nhậu”, cũng như những mặt khác của đời sống, trong đó dĩ nhiên phải nói đến ngôn ngữ.

Tiếng nói của người Sài Gòn không chỉ thuần là tiếng Việt, mà còn là sự học hỏi, vay mượn nhiều từ ngữ của dân tộc bạn, đâm ra mang nhiều “hình ảnh” và “màu sắc” hơn. Những từ như “lì xì, thèo lèo, xí mụi, cũ xì,cái ki …” là tiếng mượn của khách trú, những từ như “xà quầng, mình ên…” là tiếng của người Kh’mer. Nói riết đâm quen, dần dần những từ ngữ đó, những tiếng nói đó được người dân Sài Gòn sử dụng một cách tự nhiên như của mình, điều đó chẳng có gì lạ…Thêm vào đó, nó được sửa đổi nhiều cho phù hợp với giọng Sài Gòn, thành ra có những nét đặc trưng riêng.

Vậy nói cho cùng thì người Sài Gòn cũng có những tiếng gọi là “tiếng địa phương” (local dialect !?). Những tiếng này thể hiện rõ nhất khi người Sài Gòn nói chuyện cùng người miền khác. Nghe một người Sài Gòn nói chuyện cùng một người khác vùng, dễ dàng nhận ra những khác biệt trong lời ăn tiếng nói giữa hai người, hai miền. Có một số từ người Sài Gòn nói, người miền khác nghe rồi… cười vì chưa đoán ra được ý. Điển hình như tiếng “địt”, có nghĩa là cái bụng nó sả hơi. Cũng như khi nghe người Huế dùng một số từ lạ lạ như “o, mô, ni, chừ, răng…” trong khi nói chuyện vậy thôi. Khác là mấy tiếng người Sài Gòn nói, vẫn có chút gì đó nó… vui vui tai, là lạ, ngồ ngộ làm sao.

Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ “dạ” khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ “vâng”. Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ “vâng”. Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói “vâng!” là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt.

Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ “dạ” vào mỗi câu nói. “Mày ăn cơm chưa con ? – Dạ, chưa !”; “Mới dìa/dzề hả nhóc ? – Dạ, con mới! “… Cái tiếng “dạ” đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó “thương” lạ…dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng “dạ” là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẳng hay…
Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói “Từ bữa đó đến bữa nay”, còn người Sài Gòn thì nói “Hổm nay”, “dạo này”… người khác nghe sẽ không hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ “ghê” phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng. Tiếng “ghê” đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là “nhiều”, là “lắm”. Nói “Nhỏ đó xinh ghê !” nghĩa là khen cô bé đó xinh lắm vậy.)

Lại so sánh từ “hổm nay” với “hổm rày” hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Nghe người Sài Gòn dùng một số từ “hổm rày, miết…” là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất Nam Bộ chung mà.
Nghe một đứa con trai Sài Gòn nói về đứa bạn gái nào đó của mình xem… “Nhỏ đó xinh lắm !”, “Nhỏ đó ngoan !”…Tiếng “nhỏ” mang ý nghĩa như tiếng “cái” của người Hà Nội. Người Sài Gòn gọi “nhỏ Thuý, nhỏ Lý, nhỏ Uyên” thì cũng như “cái Thuý, cái Uyên, cái Lý” của người Hà Nội thôi.

Nói một ai đó chậm chạp, người Sài Gòn kêu “Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề… nhìn phát bực !” Nghe cứ như là đùa, chẳng làm câu nói nặng nề lắm. Một người lớn hơn gọi “Ê, nhóc lại nói nghe !” hay gọi người bán hàng rong “Ê, cho chén chè nhiều nhiều, tiền ít coi !”… “Ê” là tiếng Sài Gòn đó, kiểu bắt chước Tây, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu, có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người Sài Gòn. Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì đó, thường “quên” mất từ “bán”, chỉ nói là “cho chén chè, cho tô phở”… “cho”ở đây là mua đó nghen.

Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này “Lấy cái tay ra coi !” “Ngon làm thử coi !” “Cho miếng coi !” “Nói nghe coi !”… “Làm thử” thì còn “coi” được, chứ “nói” thì làm sao mà “coi” cho được nè ? Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ “coi” cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà.

Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi “mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta ?” – Mà “dzậy ta” cũng là một thứ “tiếng địa phương” của người Sài Gòn à. Người Sài Gòn có thói quen hay nói “Sao kỳ dzậy ta ?” “Sao rồi ta ?” “Được hông ta ?”…Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà…hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà.

Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… “bạn hông biết gì hết chơn hết chọi !”. Mà giọng Sài Gòn đã thế, cách người Sài Gòn xưng hô, gọi nhau cũng có phần mang “màu sắc” riêng.

Người Sài Gòn có cái kiểu gọi “Mày” xưng “Tao” rất “ngọt”. Một vài lần gặp nhau,nói chuyện ý hợp tâm đầu một cái là người Saigon mày tao liền. Nếu đúng là dân Sài Gòn, hiểu người Sài Gòn, yêu người Sài Gòn sẽ thấy cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô thiển mà còn rất ư là thân thiện và gần gũi.

Mày-tao là kiểu xưng hô hay thấy trong mối quan hệ bạn bè của người Sài Gòn. Cách xưng-hô này thấy dàn trải từ đủ các mối quan hệ bạn bè; từ bạn học giữa mấy đứa nhóc chút xíu, cho đến mấy bác mấy anh lớn lớn tuổi. Hổng biết cái máu dân Sài Gòn nó chảy mạnh quá hay sao mà thấy mấy cách gọi này nó… tự nhiên và dễ nói hơn là mấy từ như “cậu cậu – tớ tớ” của miền Bắc. Nói chuyện bạn bè với nhau, thân thiết mà gọi mấy tiếng mày mày tao tao thì nghe thật sướng, thật thoải mái tự nhiên, và khoai khoái làm sao ấy. Gọi thế thì mới thiệt là dân Sài Gòn.

Đấy là ngang hàng, ngang vai vế mà gọi nhau, chứ còn như đám nho nhỏ mà gặp người lớn tuổi hơn, đáng bậc cha, chú thì khác. Khi ấy “tụi nhỏ” sẽ gọi là chú, thím, cô, dì, hay bác và xưng “con” ngọt xớt. Có vẻ như người Sài Gòn “ưa” tiếng chú, thím, dì, cô hơn; cũng như đa phần dân miền Nam khác vậy mà. Mà có lẽ cách gọi này cũng còn tuỳ vào việc ước lượng tuổi của người đối diện. Gặp một người phụ nữ mà mình nhắm chừng tuổi nhỏ hơn mẹ mình ở nhà thì “Dì ơi dì…cho con hỏi chút…!” – còn lớn hơn thì dĩ nhiên là “Bác ơi bác…” rồi. Khi gọi một cách thân mật có ý khuyên bảo với một em nhỏ, người Sài gòn thường nói “Nầy, chú em…”
Những tiếng mợ, thím, cậu,… cũng tuỳ vào vai vế và người đối diện mà gọi. Có người chẳng bà con thân thuộc gì, nhưng là bạn của ba mình, lại nhỏ tuổi hơn, thế là gọi là chú và vợ của chú đó cứ thế gọi luôn là thím. Gọi thì gọi thế, còn xưng thì xưng “con” chứ không phải “cháu cháu” như một số vùng khác. Cái tiếng “con” cất lên nó tạo cho người nghe cảm giác khoảng cách giữa mình với đứa nhỏ đang nói kia tự dưng… gần xịt lại. Nghe sao mà quen thuộc, và gần gũi đến lạ lùng. Tự dưng là thấy có cảm tình liền.

Nói tiếp chuyện xưng-hô, người Sài Gòn có kiểu gọi thế này : Ông đó = ổng – Bà đó = bả – Anh đó = ảnh – Chị đó = chỉ

Không hiểu sao mà dấu hỏi tự nhiên cái trở nên giữ vai trò quan trọng… ngộ nghĩnh vậy nữa. Nhưng mà kêu lên nghe hay hay đúng hông ? Gọi vậy mới đúng là chất Nam Bộ – Sài Gòn á nghen.
Người Sài Gòn cũng có thói quen gọi các người trong họ theo… số. Như anh Hai, chị Ba, thím Tư, cô Chín, dượng Bảy, mợ Năm…Mà nếu anh chị em họ hàng đông đông, sợ gọi cùng là chị Hai, anh Ba mà hổng biết nói về ai thì dzậy nè, thêm tên người đó vào. Thành ra có cách gọi : chị Hai Lý, chị Hai Uyên, anh Ba Long, anh Ba Hùng, anh Sáu Lèo …

Thêm nữa, nếu mà anh chị em cùng nhà thì tiếng “anh-chị-em” đôi khi được…giản lược mất luôn, trở thành “Hai ơi Hai, em nói nghe nè…” và “Gì dzạ Út ?”… Tôi thích cách gọi này, đâm ra ở nhà gọi Dì Út tôi chỉ là một tiếng Út gọn lỏn. Có chuyện nhờ là cứ “Út ơi…con nhờ chút !” hoặc với mấy chị tôi thì “Hai ơi Hai… em nói nghe nè !”. Cách gọi này của người Sài Gòn nhiều khi làm người miền khác nghe hơi…rối. Có lần, kể cho người bạn ở Hà Nội nghe về mấy người anh chị trong gia đình. Ngồi kể lể “anh Hai, chị Hai, dì Hai, Út, cậu Hai, mợ Hai, chú Ba…” một hồi cái bị kêu là hổng hiểu, xưng hô gì rối rắm quá chừng, làm phải ngồi giải thích lại suốt một hồi…lâu.

Cách xưng hô của người Sài Gòn là vậy. Nghe là thấy đặc biệt của cả một mảnh đất miền Nam sông nước. Cứ thế, không sang trọng, điệu đà như giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Thần Kinh. Cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào, bằng cái chân chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái “chất Sài Gòn” chảy mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn. Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “Dạ !” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương…

cao nguyên
02-01-2012, 07:44 PM
http://i934.photobucket.com/albums/ad189/havi2009asia/a485e5d6-1.jpg


Theo dấu thời gian:
Sài Gòn "tiếng lóng"



Một thời, một nơi chốn nào đó, trong đời sống ngôn ngữ dân gian lại nảy sinh ra một số tiếng lóng, một số thành ngữ, một câu hát nhại theo câu hát chính phẩm, hầu hết là để châm biếm, tạo nên nụ cười, hay có khi là để răn đe, tìm sự hoàn thiện trong cuộc sống, chúng chỉ sống một thời rồi tự biến mất, nhường chỗ cho đoạn đời "tiếng lóng" khác đến thay thế. Do đó, việc ghi chúng lại để đọc vui chơi hay phục vụ nghiên cứu văn học dân gian, chỉ có giá trị, khi ghi rõ định vị địa lý và thời gian.

Tỷ như Sài Gòn vào thập niên 60, thịnh hành một chùm tiếng lóng "sức mấy" để thay nói bất lực hay chuyện không thể. Phổ biến đến nỗi, một nhạc sĩ đã chọn làm đề tài cho một bài hát đường phố "Sức mấy mà buồn, buồn chi bỏ đi Tám".
Những câu chuyện thuộc loại tiếng lóng đó xuất hiện vào thời buổi Sài Gòn bị tạm chiếm, Tây - Mỹ nhiễu nhương, quê hương chiến tranh buồn phiền; "sức mấy" đã trở thành bút hiệu của một chuyên mục phiếm luận trên báo, sau đó một kỹ thuật gia sản xuất còi ôtô đã chế ra một điệu còi ôtô, bấm còi là kêu vang trên phố một dòng nhạc còi auto 9 nốt "tính tính tè tè, tè ti tè ti té", làm cho đường phố càng náo loạn hơn.

Trước đó cũng từ bài ca Diễm xưa của Trịnh Công Sơn mà sinh ra cụm từ tiếng lóng "xưa rồi Diễm ơi", mỗi khi có ai lặp lại một đòi hỏi nào đó,mà người nghe muốn gạt phăng đi.



http://i934.photobucket.com/albums/ad189/havi2009asia/dc333bb7-1.jpg


Thời các vũ trường mới du nhập Sài Gòn như Mỹ Phụng, Baccara, Tháp Ngà, thì dân chơi gọi Tài-pán tức người điều phối nhóm vũ nữ, bằng tiếng bóng "Cai gà", gọi cảnh sát là "mã tà", vì police (cảnh sát) hay mang cái dùi cui, tiếng Tây là matraque, đọc trại thành "mã tà". Cũng từ thời thuộc địa, tiếng Tây chế ra tiếng lóng âm Việt rất nhiều như: "gác-dang" tức thuê người làm bảo vệ; tiếng Pháp gardien đọc trại ra thành gác-dang. Cũng như nói "de cái đít" tức lùi xe arriere; tiền bồi dưỡng người phục vụ tiếng Pháp: pour-bois âm bồi gọi "tiền boa", sau này chế ra là "tiền bo".

Cũng thời Pháp thuộc, Sài Gòn có nhiều cách nói mà đến nay không ai biết nguyên do. Tỷ như gọi ngân hàng là nhà băng, gọi sở bưu điện là nhà dây thép, mua tem dán bao thư gọi là "con cò", còn nếu gọi "ông cò" là chỉ cảnh sát trưởng mấy quận ở thành phố, gọi "thầy cò" tức là các ông chữa morasse các tòa báo do chữ correcteur, nhưng nói "cò mồi" là tay môi giới chạy việc, "ăn tiền cò" thì cũng giống như "tiền bo", nhưng chữ này chỉ dùng cho dịch vụ môi giới.



http://i934.photobucket.com/albums/ad189/havi2009asia/9271a404-1.jpg


Thời kinh tế mới phát triển, đi xe auto gọi là đi "xế hộp", đi xe ngựa gọi là đi "auto hí", đến thời xe máy nổ ầm ào, đi xe đạp gọi là "xe điếc", đi nghỉ mát Vũng Tàu gọi là "đi cấp", đi khiêu vũ gọi là "đi bum", đi tán tỉnh chị em gọi là đi "chim gái", đi ngắm chị em trên phố gọi là "đi nghễ", gọi chỉ vàng là "khoẻn", gọi quần là "quởn", gọi bộ quần áo mới là "đồ día-vía". Đi chơi bài tứ sắc các bà gọi là "đi xòe", đi đánh chắn gọi là "múa quạt", đi chơi bài mạt chược các ông gọi là "đi thoa", đi uống bia gọi "đi nhậu", đi hớt tóc gọi đi "húi cua". Có một cụm tiếng lóng từ Huế khoảng 1920 - 1950 du nhập Sài Gòn, đó là "đi đầu dầu", tức các chàng trai ăn diện "đi nghễ" với đầu trần không mũ nón, để cái mái tóc chải dầu brillantine láng cóng, dù nắng chảy mỡ. Tuyệt vời gọi là "hết sẩy", quê mùa chậm chạp gọi là "âm lịch", hách dịch tự cao gọi là "chảnh".

Tiền bạc gọi là "địa", có thời trong giới bụi đời thường kháo câu "khứa lão đa địa" có nghĩa ông khách già đó lắm tiền, không giữ lời hứa gọi là "xù", "xù tình", tức cặp bồ rồi tự bỏ ngang. Làm tiền ai gọi là "bắt địa", ăn cắp là "chôm chỉa", tương tự như "nhám tay" hay "cầm nhầm" những thứ không phải của mình.

Ghé qua làng sân khấu cải lương hát bội, người Sài Gòn gọi là làng "hia mão", có một số tiếng lóng người ngoài làng có khi nghe không hiểu. Tỷ như gọi "kép chầu", có nghĩa là đào kép đó tuy cũng tài sắc nhưng vì một lý do nào đó không được nhập biên chế gánh hát, đêm đêm họ cũng xách valyse trang phục phấn son đến ngồi café cóc trước rạp hay túc trực bên cánh gà, để đợi, ngộ nhỡ có đào kép chính nào trục trặc không đến rạp được, thì kép chầu thay thế vào ngay. "Kép chầu" phải thuần thục rất nhiều tuồng để đau đâu chữa đó.


http://macdinhchireunion.net/misc_pictures/raphat2.jpg

Đào chính chuyên đóng vai sầu thảm gọi là "đào thương", kép chính chuyên đóng vai hung tàn gọi là "kép độc". Có một cụm tiếng lóng xuất phát từ hai nơi, một là cải lương rạp hát, hai là quanh các tòa soạn báo chí, đó là "café à la... ghi" tức uống café thiếu ghi sổ...Vào làng báo mà tiếng lóng người Sài Gòn xưa gọi "nhật trình". Nếu thiếu tin lấy một tin cũ nhưng chưa đăng báo để đăng lấp chỗ trống, gọi là "tin kho tiêu", các loại tin vớ vẩn dăm dòng từ quê ra tỉnh gọi là "tin chó cán xe", tin quan trọng chạy tít lớn gọi là "tin vơ-đét" vedette, nhặt từ tài liệu dài ra thành một bài gọn gọi là "luộc bài", chắp nhiều thông số khác nguồn ra một bài gọi là "xào bài", truyện tình cảm dấm dớ gọi là "tiểu thuyết 3 xu", các tạp chí bình dân xoi mói đời tư gọi là "báo lá cải". Làng nhật trình kỵ nhất là loan tin thất thiệt, lóng gọi là "tin phịa", nhưng trong "tin phịa" còn có hai mảng chấp nhận được đó là loan tin thăm dò có chủ đích, lóng gọi là "tin ballons" tức thả quả bóng thăm dò, hay tin thi đua nói dối chỉ được xuất hiện vào đầu tháng tư, gọi là "tin Cá tháng Tư".

Có đến bảy tiếng lóng để thay cho từ chết. Đó là "tịch", "hai năm mươi", "mặc chemise gỗ", "đi auto bươn", "về chầu diêm chúa", "đi buôn trái cây" hay "vào nhị tỳ", "nhị tỳ" thay cho nghĩa địa và "số dách" thay cho số một... đều ảnh
hưởng từ ngôn ngữ minh họa theo người Hoa nhập cư.

Thời điểm truyện và phim kiếm hiệp của Kim Dung nói chung là chuyện Tầu thịnh hành, người Sài Gòn đã chế ra nhiều tiếng lóng, như ai dài dòng gọi là "vòng vo Tam Quốc", ai nói chuyện phi hiện thực gọi là "chuyện Tề Thiên", tính nóng nảy gọi là "Trương Phi". Một số tên nhân vật điển hình của Kim Dung được dùng để chỉ tính cách của một người nào đó. Tỷ như gọi ai là "Nhạc Bất Quần" tức ám chỉ người ngụy quân tử, gọi là "Đoàn Chỉnh Thuần" tức ám chỉ đàn ông đa tình có nhiều vợ bé... Sài Gòn là đất của dân nhập cư tứ xứ, nơi tha hương văn hóa bốn phương, nên ngôn ngữ càng thêm phong phú, trong đó tiếng lóng cũng "ăn theo" mà ra đời. Thời Mỹ đến thì một tiếng "OK Salem", mà các trẻ bụi đời vừa chạy vừa la để xin ông Mỹ điếu thuốc. Thời gọi súng là "sén" hay "chó lửa", dân chơi miệt vườn gọi "công tử Bạc Liêu" còn hiểu được, Sài Gòn xuất hiện cụm từ "dân chơi cầu ba cẳng" thì thật không biết do đâu? Có lẽ cầu ba cẳng có tên Pallicao, lêu nghêu 3 cẳng cao như dáng vẻ cowboy trong các phim bắn súng, nên mới gọi "dân chơi cầu ba cẳng"? Đó cũng là lúc các tiếng lóng như "dân xà bát", "anh chị bự", "main jouer" tay chơi ra đời, chạy xe đua gọi là "anh hùng xa lộ", bị bắt gọi là "tó", vào tù gọi là "xộ khám". Bỏ học gọi là "cúp cua", bỏ sở làm đi chơi gọi là "thợ lặn", thi hỏng gọi là "bảng gót". Cũng do scandal chàng nhạc sĩ nổi tiếng kia dẫn em dâu là ca sĩ K.Ng. qua Nhà Bè ăn chè, để ngoại tình trong túp lều cỏ bị bắt, từ đó "đi ăn chè" trở thành tiếng lóng về hành vi ngoại tình trốn ra ngoại ô.

http://i934.photobucket.com/albums/ad189/havi2009asia/cd03f928.jpg

Cũng có một số tiếng lóng do nói lái mà ra như "chà đồ nhôm" tức "chôm đồ nhà", "chai hia" tức chia hai chai bia bên bàn nhậu, nó cùng họ với "cưa đôi". Lóng thời sự loại này có "tô ba lây đi xô xích le" tức "Tây ba lô đi xe xích lô". Trong tiếng lóng còn chất chứa ân tình. Họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn mài đề tài lá hoa sen xuất thân xứ Ca Trù hay than "buồn như chấu cắn", hay có người than phiền vì câu né tránh trách nhiệm với hai tiếng "lu bu" để thất hứa, nay còn có người nhấn thêm "lu xu bu" nại lý do không rõ ràng để trốn việc. Để tạm kết thúc phần dẫn này, tôi muốn nhắc một số âm sắc Bắc Hà. Những âm sắc theo chân người Hà Nội vào Nam rồi trở thành tài sản chung của người Việt. Bắt quả tang thành "quả tó", gọi chiếc xe Honda là "con rim", gọi tờ giấy 100USD là "vé", đi ăn cơm bình dân gọi là "cơm bụi", xuống phố dạo chơi gọi là "đi bát phố", gọi người lẩm cẩm là "dở hơi"...



http://i934.photobucket.com/albums/ad189/havi2009asia/d2f03ba5.jpg


LÊ VĂN SÂM

cao nguyên
02-03-2012, 06:10 PM
SÀI GÒN SAU HIỆP ÐỊNH GENÈVE (20-7-1954)

Ðịa vị của Sài Gòn trong lịch sử Việt Nam: Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Ðông

.http://www.quanvan.net/imgupload/im12593360201.jpg

Trước thế kỷ thứ 17, tại Miền Nam đã có các dân tộc Phù Nam, Bồn Man, Chàm, Chân Lạp...(chúng ta thường gọi là người Miên hay Khmer) đến khai thác những chỗ đất cao như vùng Trà Vinh, Sóc Trăng, v.v... Ða số phần đất còn lại chưa có người ở là một vùng đất mênh mông, nhiều chỗ còn hoang vu, đồng lầy ngập nước với những cánh rừng tràm và cây đước mọc um tùm, muỗi mòng, rắn rết, cá sấu, cọp beo, thú dữ, đĩa đói... Qua các đợt Nam tiến, các chúa Nguyễn đã quy tụ những những người dân có máu phiêu lưu mạo hiểm, có tinh thần tranh đấu, cho đi lập nghiệp ở đất mới. Họ đã phải đối đầu với quân thù, với ma thiêng nước độc, cọp beo thú dữ, cá sấu, rắn rết, muỗi mòng, đỉa đói... Bàn tay của họ đã dựng nên nhà cửa, ruộng vườn, lập thành làng mạc. Trên phần đất vô chủ nầy, ai có sức mạnh thì làm chủ, ai có công lao khó nhọc thì tạo nên ruộng vườn, nhà cửa, làng mạc.

Thời Hiền vương Nguyễn Phúc Tần (1649-1687) quân đội của chúa Nguyễn rất hùng mạnh, hai danh tướng Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật đã đem quân đánh chiếm 7 huyện phía Nam sông Lam của vua Lê chúa Trịnh trong 06 năm và đã đốt cháy 03 chiếc tàu của Hòa Lan do Van Liestvel chỉ huy ở trên biển Ðông, chỉ còn một người sống sót chạy về Batavia (Nam Dương), đã làm cho tất cả các nước trong vùng phải kiêng nể. Vua Chân Lạp đã chịu thần phục chúa Nguyễn và triều cống hàng năm. Năm 1692, đầu đời chúa Nguyễn Phúc Chu, toàn bộ lãnh thổ Chiêm Thành đã thuộc về chúa Nguyễn.

Ðể bảo vệ những nơi có người Việt đến khai khẩn đất hoang, chúa Nguyễn đã cho đóng quân bên cạnh quân đội Chân Lạp. Tại những vùng đất mới, chúa Nguyễn đã cho tổ chức những lực lượng tự vệ gồm có binh sĩ và gia đình của họ kết hợp với dân đến định cư, lập nghiệp. Họ đã thành lập những làng gọi là “đồn điền”, thời bình thì làm ruộng, khi có chiến tranh thì họ là lực lượng chiến đấu tự vệ. Ðó là chính sách “tịnh vi nông, động vi binh” đã có từ thời Lý, Trần, Lê... ở nước ta.

Lợi dụng lúc chú cháu vua Miên là Nặc Ông Chân và Nặc Ông Ðài tranh quyền, chúa Hiền lấy lý do bảo vệ người Việt nên ra lệnh cho Nguyễn Hữu Cảnh đem 3000 quân vào đóng ở Bà Rịa, bắt được Nặc Ông Chân, sau đó tha cho về và bắt phải triều cống nước ta. Sau khi Nặc Ông Chân chết, Nặc Ông Nộn và Nặc Ông Ðài tranh nhau ngôi vua. Ðài qua cầu viện vua Xiêm (Thái Lan), Nộn thì chạy sang cầu cứu với chúa Nguyễn. Quân chúa Nguyễn đánh Nặc Ông Ðài tại Sài Gòn, Ðài bỏ chạy qua Nam Vang và chết ở trong rừng. Chúa Nguyễn chia đôi nước Chân Lạp cho Nặc Ông Thu (là con dòng trưởng) làm vua một nửa nước và Nặc Ông Nộn làm vua phần còn lại. Hai vua Miên đều dưới quyền của chúa Nguyễn, hằng năm phải triều cống. Người Miên (Chân Lạp) dần dần suy yếu, cho đến thời chúa Nguyễn Phúc Ánh (1790-1800), thì còn lại 12 thủ lãnh người Miên chiếm cứ 12 vùng chung quanh Gia Ðịnh. Trước khi Nguyễn Phúc Ánh thắng Tây Sơn, thống nhất đất nước vào năm 1802, tất cả 12 thủ lãnh người Miên nầy đã theo về với ông.

Từ thời lập quốc đến thế kỷ thứ 10, biên giới nước ta mới đến Ðèo Ngang (Hà Tĩnh sang Quảng Bình). Cuộc Nam tiến thời Lê Thánh Tông (thế kỷ 15,16) quân ta mới đến Ðèo Cả (tỉnh Phú Yên). Bảo vệ và phát triển vùng đất mới từ Ðèo Ngang trở vào là công lao của Nguyễn Hoàng và con cháu của ông. Cho đến đời Nguyễn Phúc Tần (1649-1687), Nguyễn Phúc Chu (1691- 1725) thì người Việt mới có mặt ở vùng Ðồng Nai, Cửu Long (Miền Nam ngày nay). Diện tích xứ Ðàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn mở mang còn lớn hơn diện tích nước Việt Nam từ thời Ðinh, Lê, Lý, Trần và Hậu Lê. Nói lên điều đó để thấy rằng việc nhà nước CSVN hiện tại xóa bỏ tên Sài Gòn là phủ nhận công lao của tiền nhân đã ba trăm năm mở mang vùng Ðồng Nai - Cửu Long tức Miền Nam nước Việt của chúng ta ngày nay.

Tổ tiên của những người Miền Nam chính là dân Ngũ Quảng vào (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ðức (Thừa Thiên), Quảng Nam, Quảng Ngãi), những danh tướng như Nguyễn Hữu Cảnh (Quảng Bình), Nguyễn Cư Trinh (Thừa Thiên), Châu Văn Tiếp (Bình Ðịnh), Ðỗ Thanh Nhân (Thừa Thiên), Nguyễn Văn Thành (Thừa Thiên), Lê Văn Duyệt (Quảng Ngãi), Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu, Quảng Nam), v.v...

Sự có mặt của người Hoa (Minh hương) dưới thời các chúa Nguyễn:

Dưới thời chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1649-1687) người Mãn Châu xâm lăng Trung Hoa, lật đổ nhà Minh, lập ra nhà Thanh. Những người trung thành với nhà Minh đã bỏ nước ra đi, đem quân đội và gia đình đến nước ta xin theo chúa Nguyễn. Sách “Ðại Nam Thực Lục Tiền Biên” và “Ðại Nam Liệt Truyện Tiền Biên” do Quốc Sử Quán nhà Nguyễn biên soạn (ghi chép công nghiệp các chúa và các công thần thời các chúa Nguyễn) cho biết:

“Vào một ngày tháng Giêng năm Kỷ Mùi (1679) tức năm thứ 31 dưới triều đại chúa Hiền Vương, hai quan phòng giữ cửa biển Tư Hiền (Thừa Thiên) và Ðà Nẵng (Quảng Nam) bỗng phát hiện một đoàn chiến thuyền của Trung Quốc kéo đến nước ta. Lệnh cấp báo được ngựa trạm trình về kinh đô Phú Xuân (Huế) và toàn bộ hải quân của xứ Ðàng Trong được lệnh phải phòng giữ cửa biển thật nghiêm ngặt. Nhưng đoàn chiến thuyền kia đã dừng lại ở ngoài khơi và một chiếc thuyền nhỏ chở phái đoàn khách đã đáp vào bờ với những lễ vật và tờ tấu trình bày hoàn cảnh của họ: Ðó là những quan quân nhà Minh, bị người Mãn Châu (Nhà Thanh) xâm lăng, không chịu khuất phục cường quyền và để tỏ lòng trung thành với nhà Minh nên họ đã bỏ nước ra đi, đến xứ Ðàng Trong, xin được phục vụ và thề hứa tuyệt đối trung thành với chúa Nguyễn. Ðạo quân thứ nhất do Dương Ngạn Ðịch (nguyên Tổng binh Long Môn) chỉ huy, với phó tướng Hoàng Tiến. Ðạo quân thứ hai do Trần Thượng Xuyên, (nguyên Tổng binh ở Cao Lôi Liêm, tỉnh Quảng Ðông) chỉ huy, với phó tướng Trần An Bình. Toàn bộ lực lượng của họ gồm có 50 chiến thuyền với 3.000 binh sĩ và gia đình”.

Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (tức Thái Tông Hiếu Triết Hoàng Ðế của nhà Nguyễn), sinh năm 1620, lên nối nghiệp chúa cai trị xứ Ðàng Trong từ năm 1648 đến 1687 là người anh hùng đã từng đem quân đánh chiếm 7 huyện phía Nam sông Lam (Nghệ An) của họ Trịnh trong 6 năm và cũng đã tiêu diệt Chiêm Thành và thôn tính đất Chân Lạp, biến xứ Ðàng Trong thành một nước giàu có, hùng mạnh vào bậc nhất ở vùng Ðông Nam Á thời bấy giờ, uy danh vang dội đến nhà Minh, nhà Thanh bên Trung quốc. Thương nhân người Hoa, Nhật Bản, Mã Lai, Thái Lan (Xiêm La), Phi Luật Tân và các nước Tây Phương như Hòa Lan, Tây ban Nha, Bồ Ðào Nha, Pháp, Anh,v.v... cũng đã vào ra buôn bán ở các cửa biển nước ta, đã làm cho Hội An (Quảng Nam) và các nơi khác ở xứ Ðàng Trong trở thành những thành phố thương mãi sầm uất.

Ðược tin cấp báo, Hiền Vương liền triệu tập một cuộc họp tại Huế để bàn về vấn đề nầy. Các quan trong triều đã nhận định rằng: “Phong tục tiếng nói của họ đều khác, khó bề sai dùng, nhưng họ bị thế cùng bức bách đến đây thì không nỡ cự tuyệt” (Ðại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, bản Hán văn, quyển 6 tờ 14 b bản dịch của Trần Vinh Anh, Lê Ngọc Bích, Nguyễn Ðức Cung, Nguyễn Lý-Tưởng, nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1974 và Ðại Nam Thực Lục Tiền Biên, bản dịch, Hà Nội , 1962, q.5 trang 125)

Với lập luận trên, triều đình chúa Nguyễn đã có hướng giải quyết là chấp thuận cho họ vào tỵ nạn ở nước ta và được làm dân của chúa Nguyễn, phục vụ xứ Ðàng Trong. Tờ trình của các quan tâu lên chúa Nguyễn có đoạn viết như sau: “Nay đất Ðông Phố, nước Chân Lạp, đồng ruộng phì nhiêu nghìn dặm. Triều đình chưa rỗi mà kinh lý (khai thác, mở mang), chi bằng nhân lấy sức của họ cho đến khai thác để ở, làm một việc mà lợi ba điều” (Ðại Nam Thực Lục Tiền Biên, bản dịch, Hà Nội, 1962, q.5 tr.125). Chúa theo lời bàn, bèn đặt yến tiệc ủy lạo khen thưởng, trao cho quan chức, khiến đến ở đất Ðông Phố.

Họ đã được chúa Nguyễn cho vào khai phá vùng Bến Tre, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Biên Hòa... ngày nay. Họ lập chợ ở bờ sông, mở sòng bài, tổ chức hành chánh, kiểm tra dân số, thu thuế ruộng, đất, thuế bến đò, thuế buôn bán để nuôi quân và nộp cho chúa Nguyễn. Họ có công dẹp yên các cuộc nổi loạn của người Miên ở trong vùng. Thuyền buôn Quảng Ðông, Quảng Tây, Phúc Kiến đến buôn bán, bà con người Hoa nghe tin tìm đến lập nghiệp... đã biến vùng nầy thành một nơi trù phú. Về sau, phó tướng là Hoàng Tiến nổi loạn giết chủ tướng là Dương Ngạn Ðịch để tranh quyền. Chúa Nguyễn ra lệnh cho Nguyễn Hữu Cảnh, (Khâm Sai Kinh Lược ở Biên Hòa) đem quân bắt Hoàng Tiến giết đi, rồi đưa sĩ quan người Việt vào chỉ huy lính người Minh, cho lập ra những làng dành cho người Hoa gọi là Minh hương.

Trần Thượng Xuyên, là người có công lớn trong việc bình định nước Chân Lạp, vào sinh ra tử, nhiều trận đánh thắng người Miên, đem lại ổn định cho dân chúng. Sau khi qua đời, dân những nơi ông đã đóng quân trấn nhậm, lập đền thờ để nhớ ơn. Hiện nay tại Biên Hòa và Vĩnh Long đều có đền thờ Trần Thượng Xuyên. Con trai của ông là Trần Ðại Ðịnh cũng đã phục vụ chúa Nguyễn và được phong làm Tổng binh, là người trung thành, ngay thẳng, lập được nhiều công và cũng được ghi tên vào sử sách.

Mạc Cửu ở Hà Tiên là người Lôi Châu, tỉnh Quảng Ðông, trung thành với nhà Minh, không chịu theo tập tục của nhà Thanh (Mãn Châu), đem gia đình theo đường biển chạy về phương Nam, đến đất Sài Mạt nước Chân Lạp (Kampuchia), chiêu dụ người Hoa, Mã Lai, Nam Dương, Ấn Ðộ, Chân Lạp (Miên)... đến tụ tập buôn bán, bèn mở sòng bạc kiếm lời; lại gặp được hầm chôn giấu tiền bạc nên chẳng bao lâu trở nên giàu có, bèn bỏ Sài Mạt đi đến xứ Phương Thành, chiêu dụ dân phiêu bạt các nơi đến Phú Quốc, Cần Bột, Giá Khê, Luống Cày, Hương Úc, Cà Mâu lập được 7 xã. Nghe đồn nơi ấy thường có tiên hiện ra trên sông nên đặt tên là Hà Tiên. Ðất nầy dựa vào núi, dọc theo biển có thể tụ tập buôn bán làm giàu được.

Người nước Xiêm (Thái Lan) thường đến xâm phạm, dân Chân Lạp nghe giặc đến bèn bỏ chạy, Mạc Cửu bất đắc dĩ phải xin hàng tướng Xiêm, được vua Xiêm cho ở tại núi Vạn Tuế. Nhân nước Xiêm có nội biến, ông liền bỏ núi Vạn Tuế về đất Lũng Kỳ, dân phiêu bạt về với ông mỗi ngày một đông. Nhận thấy đất Lũng Kỳ chật hẹp nên ông dời về Phương Thành, dân buôn bán theo về với ông càng ngày càng đông, chẳng mấy chốc đất Phương Thành càng ngày càng phồn thịnh.

Lúc bấy giờ chúa Nguyễn Phúc Chu (1691- 1725) đang cai trị xứ Ðàng Trong, là người văn võ kiêm toàn, tiếng tăm lừng lẫy đến tận nhà Thanh và các nước Ðông Nam Á, người Trung Hoa, Nhật Bản và Âu Châu tới buôn bán tấp nập ở các cửa biển, nhất là Hội An. Người Hoa và người Việt tuy khác tiếng nói nhưng cùng chung một văn tự (chữ Hán) nên Mạc Cửu tuy ở xa mà cũng biết rõ tin tức. Nhân có người bạn là Tô Quân, khuyên Mạc Cửu: “Người Chân lạp tính tình gian xảo, thiếu trung hậu, nên theo về với chúa Nguyễn để vạn nhất có điều gì còn có chỗ nhờ cậy lâu dài”. Mạc Cửu nghe theo. Tháng 8 năm Mậu Tý (1708) tức năm thứ 17 đời chúa Nguyễn Phúc Chu, Mạc Cửu cùng đàn em là Trương Cầu, Lý Xá mang lễ vật đến Huế yết kiến chúa Nguyễn, dâng đất Hà Tiên. Nguyên đất nầy là do chính Mạc Cửu khai phá, xây dựng nên. Chúa Nguyễn không nhọc công chinh chiến mà có, lại thấy bọn họ tướng mạo oai hùng, tới lui cung kính và có lòng trung thành bèn thu nhận đất mới nầy, đặt tên là trấn Hà Tiên, phong cho Mạc Cửu làm Tổng binh. Mạc Cửu được chúa Nguyễn ban cho ấn kiếm, cờ hiệu, được quyền cai trị dân trên một dải đất bao gồm vùng Hà Tiên, Châu Ðốc, Rạch Giá, Long Xuyên, Cà Mâu... ngày nay. Chúa cho mở yến tiệc khoản đãi rồi tiễn chân ra về. Mọi người đều hoan hỷ vui mừng.

Với danh nghĩa quan Tổng Binh của chúa Nguyễn, danh chính ngôn thuận, Mạc Cửu cho xây thành quách, tổ chức quân đội, hành chánh, đặt quan cai trị tại địa phương, xây dựng cơ sở, kiểm tra dân số, chiêu hiền đãi sĩ, đón tiếp nhân tài, tổ chức làng mạc, khai khẩn đất hoang... dân chúng theo về mỗi ngày một đông, chẳng bao lâu Hà Tiên trở thành phố thị phồn hoa, đô hội. Ông mất năm 1735, hưởng thọ 80 tuổi. Ông là người đã đóng góp công lao rất lớn cho việc bình định mở mang vùng Châu Ðốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau ngày nay, được tặng chức Nhai trấn Thượng trụ quốc Ðại tướng quân Võ nghị công, năm 1823 dưới thời vua Minh mạng, ông được phong Thuận Nghĩa Trung Ðẳng Thần, cho phép dân xã Mỹ Ðức ở Hà Tiên được thờ tự như cũ.
Con ông là Mạc Thiên Tứ, một người văn võ song toàn vừa là danh tướng đánh Ðông dẹp Bắc, giữ vững giang sơn, mở rộng bờ cõi; vừa là nhà thơ, nhà văn, đã lập ra Chiêu Anh các tiếp đãi nhân tài, có tác phẩm Hà Tiên Thập Vịnh để lại cho đời sau. Khi Tây Sơn nổi lên, chúa Nguyễn bị giết, ông theo phò chúa Nguyễn Phúc Ánh lưu lạc qua Xiêm, bị người Xiêm bắt giam và chết trong tù.

Họ Mạc vì trung thành với nhà Minh, không chịu làm tôi người Mãn Châu (nhà Thanh), đã bỏ nước ra đi đến quy thuận chúa Nguyễn và trải qua nhiều đời trấn giữ vùng biên cương, vào sinh ra tử, mở mang bờ cõi, xây dựng phố chợ, làng mạc làm cho đất Hà Tiên trở nên phồn thịnh. Họ Mạc đã tận trung với chúa Nguyễn, một lòng chết sống với quê hương dân tộc Việt Nam.

Người Hoa đối với nước ta thời đó, tuy ngôn ngữ bất đồng nhưng cùng chung một văn tự (chữ hán) nên việc giao thiệp giữa họ với ta không khó khăn lắm. Sống ở nước ta một thời gian, họ dần dần hiểu và nói được tiếng Việt, trải qua một hai thế hệ, con cháu của họ đã thực sự trở thành người Việt.

Trong cuộc Nam tiến, người Việt đã không đi sâu vào vùng Rừng Lá (là vùng đất dọc theo quốc lộ I từ Phan Thiết đến Long Khánh ngày nay) theo kiểu tằm ăn dâu, mà lại theo đường biển xâm nhập vùng Bà Rịa, Ðồng Nai, Bến Tre, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên...

Sau khi Sài Gòn, Gia Ðịnh, Biên Hòa đã thuộc về người Việt thì vùng Rừng Lá đương nhiên là phần lãnh thổ của nước ta. Nhưng mãi cho đến giữa thế kỷ 19, khi người Pháp dòm ngó nước ta thì vùng nầy mới được khai thác. Ðầu thế kỷ 20, khi thực dân Pháp mở mang quốc lộ I nối liền Sài Gòn với Phan Thiết thì vùng nầy càng phát triển mạnh nhất là ngành khai thác gỗ và lập các đồn điền cao su, cà phê và trồng cây ăn trái... Sau 1954, dưới thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã đưa dân từ miền Trung và miền Bắc vào và nhất là sau 1975, khi đất nước hòa bình toàn bộ vùng nầy, từ bờ biển cho đến tận rừng sâu đã tràn ngập người Việt đến định cư, sinh sống.
Xin trích dẫn một vài sử liệu chứng minh sự quan trọng của Sài Gòn (Gia Ðịnh) đối với dân tộc Việt Nam:

Sách Ðại Nam Thực Lục Chính Biên, Ðệ I Kỷ, 1963, trang 113 ghi lại công tác xây thành Gia Ðịnh vào năm Canh Tuất (1790) dứơi thời chúa Nguyễn Phúc Ánh như sau:

“Thành đắp theo kiểu bát quái, mở tám cửa, ở giữa là cung điện, bên tả dựng nhà Thái Miếu, phía sau miếu là kho tàng, bên hữu đặt cục chế tạo, chung quanh là nhà tranh cho quân túc vệ ở. Giữa sân dựng kỳ đài ba tầng, trên làm toà vọng đẩu bát giác, ban ngày kéo cờ, ban đêm thì kéo đèn làm hiệu cho các quân. Thành xây xong gọi tên là kinh thành Gia Ðịnh... Tám cửa thành đều xây bằng đá ong, phía Nam là cửa Càn Nguyên và cửa Ly Minh, phía Bắc là cửa Khôn Hậu và cửa Khảm Hiểm, phía Ðông là cửa Chấn Hanh và cửa Cấn Chỉ, phía Tây là cửa Tốn Thuận và cửa Ðoài Duyệt. Ngang dọc có tám đường, Ðông sang Tây dài 131 trượng 2 thước. Nam sang Bắc cũng thế, cao 13 thước, chân dày 7 trượng 5 thước. Phía ngoài thành là hào, hào rộng 10 trượng 5 thước, sâu 14 thước, có cầu treo bắc ngang. Chu vi ngoài thành là 794 trượng. Ở ngoài là đường phố chợ búa, dọc ngang la liệt đều có thứ tự. Hai bên đường quan đều trồng cây thích nghi, gọi là đường thiên lý” (chú thích: Toà vọng đẩu bát giác là xây theo kiểu bát giác không có mái che. Có mái thì gọi là vọng lâu)

Năm 1822, một phái đoàn Anh Quốc do ông Crawfurd dẫn đầu có yết kiến Tả Quân Lê Văn Duyệt, Tổng Trấn Gia Ðịnh. Trong dịp nầy, Crawfurd đã có nhận xét như sau:

“Ðây là lần đầu tiên tôi tới Saigun (Sài Gòn) và Pingeh (Bến Nghé). Và tôi bất ngờ thấy rằng nó không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt, trông nó còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hoá phong phú hơn, giá cả hợp lý hơn và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng” (trích Nguyễn Thanh Liêm: Tìm hiểu văn hoá Ðồng Nai - Cửu Long, đăng trên Tập san Tìm Hiểu Văn Hoá Ðồng Nai - Cửu Long, số 2, trang 31)
Crawfurd cũng đã nhận xét về sinh hoạt của thành phố Sài Gòn dưới thời Lê Văn Duyệt, như sau:

“Thành phố Saigun (Sài Gòn) không xa biển, có lẽ cách độ 50 dặm; thành phố Pingeh (Bến Nghé) gần đó cách thành phố Saigun (Sài Gòn) độ 3 dặm. Dinh tổng trấn khá đồ sộ và uy nghiêm. Các thành trì nằm ở bờ sông An Thông Hà. Nơi đây buôn bán sầm uất. Dân xiêu tán tới đây được tổng trấn cho nhập hộ tịch, qua một hai đời đã trở thành người Gia Ðịnh. Ðông nhất nơi đây là dân Trung Hoa. Các dân tộc nơi đây được nhà nước bảo hộ và họ đều có nghĩa vụ như nhau. Tất cả đều được sống trong bầu không khí an lành. Trộm cướp không có. Người ăn mày rất hiếm. Tổng trấn rất nhân từ, tha thứ cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp ăn năn. Nhưng ông lại rất tàn bạo với bọn cố tình không chịu quy phục triều đình. Chưa ở đâu kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây. Một vị quan nhỏ ra đường ghẹo gái cũng bị cách chức lưu đày. Một đứa con vô lễ chửi mẹ, tổng trấn biết được cũng bị phạt rất nặng.

“Ở đây chúng tôi mua được rất nhiều lúa gạo, ngà voi, sừng tê giác, các hàng tơ lụa, đũi thật đẹp. Từ các nơi, dân đi thuyền theo các kênh rạch lên bán cho chúng tôi. Nhìn dân chúng hân hoan vui vẻ, chúng tôi biết dân no đủ. Nhiều người rất kính trọng vị tổng trấn của họ.

“Con người này ít học. Nhưng lạ lùng thay là có được cái nhìn cởi mở hơn những đại thần và cả nhà vua học rộng, làu kinh sử của Khổng Giáo. Ngài sống thanh liêm, muốn mở mang đất Gia Ðịnh này trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng Biển Ðông” (sđd, trang 32)

Năm 1863, Phạm Phú Thứ đi theo phái đoàn Phan Thanh Giản vào Sài Gòn để đi qua Pháp thương lượng chuộc lại 03 tỉnh miền Ðông Nam Kỳ bị Pháp chiếm đóng dưới thời vua Tự Ðức. Ông đã có nhận xét về thành phố Sài Gòn vào thời đó như sau:

“Trước dinh soái phủ, bên kia đường đi là nơi làm việc của tham biện (1). Bên tay mặt, cách vài trăm trượng, xây sở xem xét khí hậu (2); bên tay trái là nhà ở của các quan tham tán (3) và lãnh binh. Tiếp theo đó là kho thuốc súng. Cách chừng một dặm, ở phía trước và bên trái là bãi tập bắn súng tay (4). Sau dinh soái phủ, dựng một vọng gác, trên nhọn, dưới vuông, chân rộng vài trượng, cao đến năm thước, rỗng ở giữa và có xây bậc thoai thoải, giống hình kỳ đài. Xa một chút, bên tay mặt và bên tay trái dinh (5) là trụ sở của phủ Tân Bình. Phía Ðông Bến Nghé là kho, gồm hơn mười dãy nhà lợp bằng lá “phạn cái” (6), chứa gỗ, sắt cùng mọi vật liệu kềnh càng. Kế theo là trại lính và xưởng sửa chữa thuyền sắt và kế theo nữa là kho chưa than đá. Phía Tây Bến Nghé, là nhà ở của các quan bố chính, án sát Tây và nhà ở của sở cảng; ngoài chỗ ở của quân ra, tùy theo vùng đất, người ta chia ra từng khu, nơi này thì xây dựng phố xá, nhà tầng cho những người buôn bán và nơi kia thì vét cửa, đào mương hoặc làm đường, đắp lộ. Các thứ cơ xảo của phương Tây như máy luyện thép, máy xay bột máy điện lôi để truyền tin, đều đã được dùng.” (trích Nhật Ký Ði Tây của Phạm Phú Thứ, bản dịch của Quang Uyển, nhà xuất bản Ðà Nẵng, 1999, trang 58)

* Chú thích: (1) inspecteur des affaires indigènes (2) đài khí tượng (chiêm hậu sở) (3) tham mưu (4) pháo thủ trường (5) tức dinh soái phủ (6) tre hay dừa nước.

Năm 1894 (Thành Thái thứ 6), nhân dịp Toàn quyền De Lanessan về Pháp, Hoàng Cao Khải, đang giữ chức Phụ chính đại thần, Thái tử thiếu bảo, Võ hiển điện đại học sĩ, Khâm sai Bắc Kỳ kinh lược đại sứ tước Diên mậu tử, hiệu Thái Xuyên... từ Huế vào Gia Ðịnh để trình bản dự thảo thỏa ước... lần đầu tiên được đặt chân lên đất Sài Gòn - Gia Ðịnh, đã phải ngạc nhiên khâm phục sự trù phú, thịnh vượng của miền Nam:

“Ðất Gia Ðịnh nguyên là đất của bản triều từ thời long hưng (thời dựng nghiệp của nhà Nguyễn), từ ngày thuộc quyền cai trị của nước Pháp, kể đã hơn 30 năm rồi, xe thuyền kéo đến như góp gió, bến đò, đường sá, quán chợ được mở mang mỗi ngày một đẹp đẻ, thấy được sự tươi tốt sầm uất” (trích văn bia của Lê Văn Duyệt do Hoàng Cao Khải lập ngày 1 tháng 8 năm 1894 tức 1 tháng 7 năm Giáp Ngọ, Thành Thái thứ 6, nguyên bản Hán văn, do Nguyễn Lý-Tưởng dịch ra quốc văn, đăng trong sách Nhà Bè Nước Chảy Chia Hai, 2003, trang 85)

Và đây, tâm tình của một học sinh từ Bắc di cư vào SàiGòn năm 1954, đã so sánh Sài Gòn với các thành phố lớn của Miền Bắc như sau:

“Tôi vốn là một cậu bé Bắc Kỳ, ngây ngô, theo gia đình vào Nam năm 1954, người lớn gọi đó là cuộc di cư tránh nạn Cộng Sản, còn tôi, với tuổi 12 lúc đó, chỉ đơn thuần cho là một cuộc phiêu lưu hứa hẹn nhiều lý thú. Quê tôi là một làng ngoại ô thành phố Hải Phòng, hàng ngày tôi cuốc bộ khoảng 2 cây số lên tỉnh học, cuộc sống nửa, tỉnh nửa quê đã cho tôi được nhìn những văn minh của đời sống thời đó, nghĩa là không lạ lùng gì với những máy móc, xe cộ, v.v.... nhưng khi biết được gia đình tôi sẽ di cư vào Nam, lòng tôi vẫn cứ nôn nao khi nghĩ rằng, mai kia tôi sẽ được đến Sài Gòn, lúc đó có mỹ danh là “Hòn Ngọc Viễn Ðông”, mà theo lời của một vị Linh Mục quen với gia đình tôi, đã có dịp ghé qua kể lại, thì Sài Gòn là một thành phố đèn điện sáng suốt đêm, xe taxi, xe xích lô máy chạy như mắc cưỡi, người bình dân thì có xe buýt, cứ năm mười phút lại có một chuyến, sự đi lại ngày đêm tấp nập. Ðúng là nơi phồn hoa đô hội. Ngoài lòng háo hức muốn sớm biết một thành phố nổi tiếng ra, tôi không còn một ý nghĩ nào khác” (Nguyễn Văn Học, tập san Biệt Ðộng Quân số 17, phát hành tại California Hoa Kỳ, tháng 4/2006, trang 10)


Không phải chỉ có thế hệ 1954 mới mơ ước được thấy tận mắt Thành phố Sài Gòn mà ngay sau 1975, biết bao thanh niên, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ở Miền Bắc cũng mơ ước được đi vào Nam một chuyến cho biết Sài Gòn. Người Miền Bắc được đặt chân đến Sài Gòn cũng như được đi ra ngoại quốc vậy!

Trước 1954, mặc dù đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh, nhưng Sài Gòn vẫn như hồi thái bình, không bị Việt Minh phá hoại. Từ 1954 trở về sau, dưới thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cũng như thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nói chung là dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Sài Gòn càng phát triển hơn nữa. Nếu kể từ thời các chúa Nguyễn cho đến 1975, trải qua hàng mấy trăm năm với hàng triệu triệu người đã góp công sức mồ hôi và cả xương máu của mình để mở mang, xây dựng Miền Nam, xây dựng Sài Gòn xứng với tên “Hòn Ngọc Viễn Ðông”.

Sài Gòn là thành phố quan trọng nhất về kinh tế, văn hoá, chính trị của nứơc Việt Nam, là thành phố quốc tế, thành phố đa văn hoá gồm đủ mọi sắc dân, mọi ngôn ngữ; là nơi mọi người được sống hạnh phúc, yên ổn làm ăn, nơi đất lành chim đậu, nơi mọi ngừơi mơ ước, tìm đến lập nghiệp... Sài Gòn là trục giao thông quốc tế, đường bộ, đường biển, đường hàng không đều thuận lợi. Trong thế kỷ thứ 18 (năm Canh Tuất, 1790) chúa Nguyễn Phúc Ánh gọi Gia Ðịnh là Kinh Thành; trong thế kỷ thứ 19, thời Lê Văn Duyệt làm Tổng Trấn, Sài Gòn được sánh ngang hàng với Bangkok, thủ đô nước Xiêm (Thái Lan), Sài Gòn được gọi là “hòn ngọc Viễn Ðông”. Từ 1862 trở đi, sau khi ba tỉnh miền Ðông Nam Kỳ bị quân Pháp chiếm đóng, Sài Gòn đã đi tiên phong trong các cuộc cải cách giáo dục, các phong trào học chữ Quốc Ngữ (thay vì học chữ Hán, chữ Nôm) và viết sách báo, tiểu thuyết bằng tiếng Việt, dịch truyện Tàu bằng chữ Hán ra tiếng Việt... với các nhà trí thức tân học trẻ như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của,v.v... trứơc các cuộc vận động tại miền Trung, miền Bắc hơn nửa thế kỷ! Tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời tại Sài Gòn (Gia Ðịnh báo, 1865) do Trương Vĩnh Ký chủ trương, trứơc tờ Nam Phong (1917) do Phạm Quỳnh chủ trương tại Hà Nội 52 năm! Sài Gòn là đất mới nhưng đã được xây dựng và phát triển qua nhiều đợt để trở thành một thành phố lớn và quan trọng nhất Việt Nam.

Từ năm 1949, Sài Gòn đã trở thành Thủ Ðô của Việt Nam
Năm 1802, sau khi thống nhất đất nứơc, lên ngôi Hoàng đế, vua Gia Long đã chọn Huế (Phú Xuân) làm Kinh đô của nứơc Việt Nam. Cuối thế kỷ 19, sau khi thôn tính toàn cõi Việt Nam, người Pháp đã đặt Phủ Toàn Quyền tại Sài Gòn (và một Văn Phòng tại Hà Nội) để cai trị toàn cõi Ðông Dương gồm 5 xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao, Cao Mên và Quảng Châu Loan (nhượng địa của Pháp tại Trung Hoa). Từ đó địa vị của Huế lu mờ dần. Năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp tại Ðông Dương, vua Bảo Ðại tuyên bố độc lập ở trong khối Ðại Dông Á của Nhật và xé bỏ các hiệp ước bất bình đẳng mà Triều đình Huế đã ký với Pháp trong thế kỷ 19. Nhưng chính phủ Trần Trọng Kim lúc đó chưa kịp củng cố nền độc lập của Việt Nam thì Nhật đã đầu hàng Ðồng Minh (8/1945) và Việt Minh (do Hồ Chí Minh lãnh đạo) đã tổ chức cướp chính quyền thành công tại Hà Nội (19/8/1945) và 01 tuần sau đó, vua Bảo Ðại đã tuyên bố thoái vị (25/8/1945) trao chính quyền cho Việt Minh.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Ðộc Lập, ra mắt Tân Chính Phủ và đã chọn Hà Nội làm Thủ đô của Việt Nam. Nhưng chỉ ba tuần sau, quân Pháp đã trở lại thay thế quân Anh tại Sài Gòn, chiếm đóng và thiết lập bộ máy hành chánh trên các tỉnh, thành phố Miền Nam, đồng thời tiến dần ra Trung, Bắc... Sau những cuộc thương thảo với Pháp thất bại, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Từ 1947 đến 1949, hầu hết các thành phố, thị trấn Việt Nam đều bị Pháp chiếm đóng và thiết lập chính quyền lâm thời... Trước 1954, Hồ Chí Minh đã phải bỏ Thủ đô Hà Nội, bỏ thành phố, rút toàn bộ lực lượng ra miền quê hoặc vào chiến khu ở vùng rừng núi miền Trung và miền Bắc... Trên thực tế, Hà Nội không còn là thành phố thủ đô nữa.

Hoàn cảnh những ngừơi quốc gia, không Cộng Sản lúc đó phải “lưỡng đầu thọ địch”, vừa chống Pháp, vừa chống Cộng Sản, một số chạy theo quân Tưởng Giới Thạch qua Trung Hoa, một số ở lại và đã bị Việt Minh bắt giam hoặc bị thủ tiêu. Có ngừơi theo Việt Minh để chống Pháp (gọi là thành phần kháng chiến) về sau đã bị nhuộm đỏ, trở thành Cộng Sản. Những ai không hợp tác với Việt Minh, chạy về thành phố thì bị mang tiếng Việt gian, theo Tây, chống lại tổ quốc, chống lại đồng bào... Người quốc gia, theo Việt Minh hay theo Pháp đều mất chính nghĩa. Nếu lập chiến khu tự vệ thì trứơc sau gì cũng sẽ bị tiêu diệt, không chết về tay Cộng Sản thì cũng sẽ chết về tay ngừơi Pháp. Chính vì thế mà các tôn giáo và đảng phái quốc gia nghĩ đến giải pháp Bảo Ðại. Chỉ có Bảo Ðại mới có đủ tư cách đoàn kết các tôn giáo, đảng phái và chỉ có Bảo Ðại mới có đủ tư cách đại diện cho Việt Nam nói chuyện với Pháp.

Trong lúc đó, tại Sài Gòn, Bolaert, đại diện cho nứơc Pháp, kêu gọi những ngừơi “không Cộng Sản” trong hàng ngũ kháng chiến trở về hợp tác. Vì thế đại diện các tôn giáo, đảng phái, nhân sĩ trí thức tại Sài Gòn, Huế, Hà Nội, v.v... đã qua Hồng Kông gặp cựu hoàng Bảo Ðại, yêu cầu ông đứng ra vận động Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam. Với hậu thuẫn nầy, Bảo Ðại đã lên tiếng tranh đấu đòi hỏi Pháp phải trả độc lập cho Việt Nam.
Từ 1947 đến 1949, sau gần hai năm vận động ngoại giao, cựu hoàng Bảo Ðại đã đạt được nhiều thắng lợi... Từ thông cáo chung ngày 5/6/1948 tại Vịnh Hạ Long đến thỏa ứơc ngày 8/3/1949, Bảo Ðại đã trở thành Quốc Trưởng của nứơc Việt Nam độc lập, có chính phủ, có quân đội, có nền tài chánh và ngoại giao riêng, được quốc tế thừa nhận. Quân đội Pháp có nhiệm vụ bảo vệ cho chính quyền Việt Nam đang còn mới mẻ, đợi khi nào Việt Nam tổ chức được một Quân Ðội hùng mạnh thì Pháp sẽ rút lui. Mỹ đã viện trợ cho quân Pháp tại Ðông Dương với danh nghĩa bảo vệ thế giới tự do chống lại sự bành trứơng của Cộng Sản. Việt Nam được độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp, xứ Nam Kỳ không còn là xứ thuộc địa của Pháp như trứơc nữa mà Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất với ba miền Trung, Nam, Bắc, mỗi miền có một bộ máy hành chánh do vị Thủ Hiến lãnh đạo trực thuộc Chính Phủ Trung Ương đặt tại Sài Gòn. Quốc Trưởng Bảo Ðại ban hành Sắc Lệnh bổ nhiệm Thủ Tứơng và thành phần Chính Phủ. Sài Gòn là Thủ Ðô của Quốc Gia Việt Nam.

Sau Hiệp Ðịnh Genève (20/7/1954), nhân tài cả nứơc tập trung vào Sài Gòn
Hiệp định Genève (20/7/1954) nước Việt Nam đã bị chia đôi: Từ vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải thuộc tỉnh Quảng Trị) trở ra Bắc gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà theo chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa (tức Cộng Sản) do Hồ Chí Minh lãnh đạo, đặt thủ đô tại Hà Nội. Từ vĩ tuyến 17 trở vô Nam gọi là Việt Nam Cộng Hoà theo chế độ Tự Do (chủ nghĩa Quốc Gia) do Quốc Trưởng Bảo Ðại uỷ quyền cho Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm lãnh đạo, đặt thủ đô tại Sài Gòn. Thủ Tứơng Ngô Ðình Diệm tranh đấu bắt buộc quân đội Pháp trú đóng tại miền Nam sau Hiệp định Genève phải rút về nước, giành lại chủ quyền cho người quốc gia và thành lập chế độ Cộng Hoà (1955), đối lập với Cộng Sản miền Bắc.

Mặc dù Sài Gòn là thủ đô của Việt Nam Cộng Hoà (miền Nam) sau Hiệp định Genève (20/7/1954) nhưng từ 1949, Quốc Trưởng Bảo Ðại đã chọn Sài Gòn làm Thủ đô của Quốc Gia Việt Nam. Ngoài ra, cũng sau ngày ký kết Hiệp định nầy, nhân tài của cả nước đều quy tụ về đây. Cả triệu ngừơi đã bỏ nhà cửa, ruộng vừơn, tài sản, cơ nghiệp, mồ mả tổ tiên, bỏ cả quê hương xứ sở, bỏ miền Bắc vào Nam tìm tự do, trốn thoát chế độ Cộng Sản Hà Nội. Các nhà trí thức, giáo sư đại học, văn nghệ sĩ, thương gia, nghệ nhân lành nghề, họa sĩ, nhạc sĩ nổi danh... ngay cả những nhà hàng ăn, những đầu bếp giỏi, những món ăn ngon... từ Bắc, Trung, Nam cũng đều tập trung về Sài Gòn...

Vào thời điểm đó, người ta không xem Sài Gòn là nơi dành riêng cho Nam Kỳ lục tỉnh nữa, mà là thủ đô của nước Việt Nam, vì nơi đây đã có mặt hầu hết dân Việt từ khắp mọi miền đất nước tụ hội. Tên Sài Gòn luôn luôn được mọi người nhắc nhở, sử sách ghi chép, nói đến Sài Gòn là nói đến miền Nam, là nói đến lịch sử của dân tộc Việt Nam, là nói đến công lao của hàng triệu triệu người, trải qua hơn ba trăm năm, với biết bao thế hệ đã đổ mồ hôi, xương máu, góp công khai phá miền Ðồng Nai-Cửu Long, xây dựng và bảo vệ Miền Nam. Vận mệnh của TP Sài Gòn đi liền với vận mệnh của dân tộc Việt Nam.

GS Nguyễn Lý Tưởng

cao nguyên
02-06-2012, 06:48 PM
http://i964.photobucket.com/albums/ae125/HaVi-asiaforum/saigon2.jpg


Sàigòn Dĩ vãng

Sàigòn một thuở là Hòn ngọc Viễn đông, một Paris lấp lánh khắp cõi Châu Á, tới hôm nay, lại mang một cái tên khác lạ, chẳng đẹp đẽ chi, nếu không muốn nói là vô nghĩa. Bởi thế nên người ta vẫn gọi tên cũ chính danh là Sàigòn. Một thành phố mãi mãi vẫn mang tên là Sàigòn. Sàigòn của muôn đời. Sàigòn trong trái tim người đang sống ở thành phố đó hay lưu lạc khắp năm châu thế giới.

Người Sàigòn không nhất thiết phải sinh ra tại đó, có bao nhiêu đời Ông Bà Cha mẹ từng lập nghiệp lâu năm bền vững. Một người, bất cứ ai, cũng có thể nhận chính mình là dân Sàigòn, dù chỉ ở đây một ngày, một tuần hay một tháng, một năm. Chỉ sống một ngày ở Sàigòn, nhưng yêu Sàigòn mãi mãi, và mang Sàigòn ở trong tim, như một phần của thân xác, linh hồn mình. Chỉ như vậy thôi, người ta có thể ngẩng cao đầu, tự hào vỗ ngực tuyên xưng, tôi chính là dân Sàgòn.

Tóm lại, Sàigòn là của tất cả mọi người suốt giải giang sơn, từ Bắc qua Trung tới Nam. Sàigòn như một hiền mẫu, dang vòng tay ôm thương yêu quảng đại tới con người tứ xứ, không phân biệt Bắc, Trung, Nam và ngay cả người ngoại quốc nữa

Một người Pháp sinh ra ở Paris, bỗng dưng một hôm tuyên bố, từ nay tôi không còn là một Parisien, cư dân ở Paris nữa. Tôi là người Sàigòn và sẽ ở lại đây cho tới cuối đời. Thế là dân Sàigòn bèn gọi chàng Tây là anh Hai, hoặc anh Tư gì đó. Tinh thần người Sàigòn là như vậy đó, thiệt là cởi mở và phóng khoáng.

Một nhạc sỹ sáng tác nhạc gửi: Sàigòn ơi! Ta hứa rằng ta sẽ trở về. Rồi chàng cũng đã trở về thật, sau hơn chục năm xa cách. Nhưng chàng khám phá ra mình thực sự mất Sàgòn trong thực tại. Thế nên, nếu có sự trở lại, thì chỉ còn một hành hương về Sàigòn trong quá khứ, với ngọc ngà dĩ vãng..

Hãy cùng trở về Sàigòn từ một ký ức xa tắp mù khơi. Sàigòn của những thập niên 1950 từ hơn nữa thế kỷ trước. Sàigòn với các hộp đêm, sòng bài Đại Thế Giới, Chợ Lớn, một Las Vegas thu nhỏ. Tại đây có đủ loại sòng bài và cách chơi khác nhau, lại có chỗ giải trí như xe nhỏ chạy bằng điện húc nhau đùa rỡn, hiện nay Las Vegas vẫn còn trò chơi nầy. Khu văn nghệ khác như phòng trà vũ trường. Con đường Trần Hưng Đạo Galliéni, Đồng Khánh chạy dài từ Sàigòn tới Chợ Lớn dài vun vút dẫn khách tới sòng bài, lưu thông hàng ngàn chiếc xe hơi nối đuôi nhau, đèn pha sáng chói, chẳng khác gì đại lộ Champs Elyseé tại Paris.

Đường Richaud Phan Đình Phùng quả thật văn nghệ với quán cà phê Gió Nam nỗi tiếng vì cô hàng café tuyệt sắc giai nhân. Nàng có nước da trắng xanh liêu trai với mái tóc thề ngây thơ nữ sinh. Nhân vật đã đi vào truyện Duyên Anh, qua bao chàng trai say đắm, tranh đua nàng, từ trí thức đến du đãng yên hùng. Cũng tại đường Phan Đình Phùng với quán phở Con Gà sống thiến cùng hai kiều nữ con chủ quán, nổi danh tài sắc. Yến Vỹ cùng chị , cả hai để mái tóc bồng rối như minh tinh Brigitte Bardot. Bao thực khách đến chẳng phải phở ngon, nhưng vì Yến Vỹ đẹp lại hát hay. Thì ra ngoài quán café, nhà hàng phở giai nhân cũng khiến một chàng Cử Văn Khoa phải vào nhà thương điên vì tình si. Phan Đình Phùng còn thêm café quán Luật Khoa và cơm gà Xing Xing, với những giai nhân lai Pháp, càng làm thêm Sàigòn có một chút Paris.

http://i964.photobucket.com/albums/ae125/HaVi-asiaforum/anhso-021820_Ca_sC3AC_Thanh_ThC3BAy_1961.jpg

Thanh Thúy

Sàigòn by night đã là những phòng trà ca nhạc và vũ trường khiến màn đêm Thành Đô trở nên lung linh ảo huyền, như một ngàn lẻ đêm huyền thoại. Nổi bật nhất từ cuối thập niên 50 là phòng trà ca nhạc Anh Vũ. Nơi đây khởi đi cho nhiều danh ca sau nầy. Thanh Thúy ở tuổi mượt mà thanh xuân đôi tám đã hát tứ Anh Vũ, làm mê say bao tao nhân mặc khách. Người ta mê Thanh Thúy vì có lối trình diễn độc đáo bên giọng ca trầm buồn. Thanh Thúy vừa hát vừa đưa tay vuốt làn tóc buông rơi, sau đó gây chú ý là tự vuốt đôi chân ngọc tuổi dậy thì, có lúc nàng lại vuốt cây micro nữa, khiến các chàng trai sởn da gà vì sốt nóng lạnh. Ban CBC thuở Anh Vũ đã là ban nhạc kích động nhỏ nhất thế giới, với tuổi khoảng sáu, bảy mà thôi. Thảm kịch cũng xảy ra cho phòng trà Kim Điệp Sàigòn, khi một chàng Tây lai bị giết, vì dám cặp kè với người đẹp Tuyết Không Quân. Tuyết là một giai nhân nổi tiếng sát phu qua hai đời chồng bị từ nạn trong chiến tranh. Phòng trà Kim Điệp sau vụ ấu đả vì ghen tuông, bị đóng cửa để trở thành Nhà sách.

Quán café trà thất đẹp nhất Sàigòn phải kể là Quán Gió, sau thành “Hầm Gió”, thiết trí sâu dưới đất, như một hầm rượu bên Âu châu. Người đẹp ngồi cash, bên một thùng rượu làm thành cái bàn khá ngoạn mục. Ca sỹ Thanh Lan thường có buổi trình diễn tại đây.

Chính những phòng trà đêm Sàigòn đã đưa nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn lên đỉnh cao. Nhiều ca khúc phản chiến cấm hát ở Đài phát thanh nhưng tại phòng trà thì vẫn được trình diễn tự do.

Vũ trường, phòng trà Sàigòn còn ghi lại một thiên tình sử đẫm lệ, khi nữ ca sỹ Diệu Anh kiều diễm hát hay, đã tự tử vì … bị một nam ca sỹ bỏ rơi. Chàng trai bạc tình sau đó vì buồn và hối hận, đã bỏ hát vài năm. Đêm Sàigòn trà thất vũ trường còn ghi đậm cây si thường xuyên Mai Thảo và Hồng Dương, để viết thêm những tình sử lâm ly với hai nữ danh ca khác.

http://i964.photobucket.com/albums/ae125/HaVi-asiaforum/KL_LT_TT_1.jpg

Đêm Sàigòn bạc vàng, bạc triệu với Lệ Thu và Khánh Ly, những tiếng hát vàng ròng cả nghĩa trắng lẫn nghĩa đen, vì lương tháng hai nữ danh ca nầy lên tới một triệu. Trong khi đó, lương một Đốc sự, Phó quận trưởng tới năm 1975 chỉ có 33 ngàn đồng một tháng.

Vũ trường thơ mộng nhất Sàigòn là Mỹ Phụng ngay tại bến Bạch Đằng. Thuở đó cuối thập niên 50 đầu 60, người ta thích đi Mỹ Phụng vì ban đêm có gió sông Sàigòn mát dịu lại thêm nữ danh ca Lệ Thanh. Nàng chuyên hát những tình khúc ướt át, trong điệu slow tắt đèn, mờ ảo như “Dang dở” “Nỗi Lòng”. Tiếng hát mê đắm Lệ Thanh đã thu hồn một Bác sỹ trở thành phu quân của nàng.

Đêm Sàigòn ngọc ngà dĩ vãng khiến người ta khó quên được vì những dạ vũ Bal Fami có khi kéo dài từ đêm suốt sáng. Ai có ngờ cô bé Mai đen 16 tuổi, thường đi với bé Phú, sau nầy lại trở thành ca sỹ Khánh Ly nổi danh cho tới nay. Phú mệnh danh là Phú chuột, trắng trẽo, mũm mĩm xinh như thỏ con, thường nhảy cùng Mai với đám bạn trai. Mai nhảy có khi bỏ cả giày cao gót giữa đêm vui đã gần rạng sáng.

Thuở ấy, người đi dạ vũ phải trầm trồ khen ngợi tài nhảy của Tony Khánh, thường nhảy cặp với vợ. Mỗi lần Khánh cùng phu nhân ra sàn nhảy, mọi người đều ngừng khiêu vũ để thưởng thức tài nghệ bậc sư biểu diễn. Sau đó là pháo tay nổ ròn như ngày Tết.

http://i964.photobucket.com/albums/ae125/HaVi-asiaforum/Thanh20ThC3BAy20TrC3BAc20Mai20Thanh20Lan20NguyE1BB 85n20Long20TrE1BAA7n20VC483n20TrE1BAA1ch20XuC3A2n2 0Thu20NS20LC3AA20VC483n20ThiE1BB87n20Kim.jpg

Hòn ngọc Viễn Đông Sàigòn từ thập niên 50 nay đã trên nửa thế kỷ, Sàigòn đổi tên và Sàigòn ngọc nát châu chìm. Những cột đèn tuy không biết đi, nhưng đã chắp cánh bay xa, thành bao nhiêu Little Sàigòn rãi rác khắp hải ngoại. Và dân Sàigòn năm xưa, những chàng trai hào hoa phong nhã, bao giai nhân ca sỹ lừng danh, nay đã thất thập cổ lai hy, hay gần mấp mé tuổi hạc. Thế nhưng trái tim chằng bao giờ già. Bởi vậy nói như Thi sỹ Thanh Tâm Tuyền ta gọi tên ta, Sàigòn cho đỡ nhớ. Hỡi những Đêm Mầu Hồng, Queen Bee, Arc En Ciel, Mỹ Phụng, Tự Do… Những đêm vui thắp sáng kỷ niệm, những ngày xuân mãi mãi xanh tươi, để làm thành một Thủ Đô Sàigòn bất tử, ta yêu lắm và yêu mãi mãi. Sàigòn trong lời nhạc của Ngô Thụy Miên, thì dù Em của ta có đi khắp thế giới Paris, Vienne, cũng chẳng thể tìm đâu đẹp hơn Sàigòn của ta ngày hôm qua dĩ vãng cũng như Sàigòn mai sau, khi hết Cộng sản.

Sàigòn đã ra đi và Sàigòn tung cánh chim viễn xứ, quy tụ quây quần tại Mỹ, Canada, Úc, Pháp, Đức v.v… Ba triệu người Việt lưu vong là ba triệu trái tim nồng nàn vẫn yêu thương Việt Nam và thắp sáng mãi Sàigòn hòn ngọc viễn đông nay thắp sáng ở xứ người. Sàigòn đã ra đi và tương lai sẽ có lúc, Sàigòn trở lại, như một Châu về Hiệp phố. Sài gòn khi ấy sẽ rực sáng tin yêu của Tự Do, Dân Chủ và Phú Cường.


Tâm Triều