PDA

View Full Version : Những ...



NhuLien
02-01-2012, 07:40 AM
Phong cảnh đẹp làm bằng từ rau quả



Óc sáng taọ hay thật!!!





Nhiếp ảnh gia Carl Warner đã tạo nên những bức ảnh phong cảnh tuyệt đẹp bằng chất liệu độc đáo: đủ loại thức ăn như hoa, quả, rau, bơ, bánh mì, cá, thịt… Sự sắp đặt khéo léo cộng với kỹ năng chụp ảnh đã mang đến những khung cảnh giống hệt như thực…


http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/112.jpg (http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/112.jpg)





Đoàn tàu Express được làm từ chocolate.







http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/32.jpg (http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/32.jpg)





Thế giới san hô lung linh: san hô được làm từ cây súp lơ, cá làm từ các loại quả và rau, đảo là những quả dứa.







http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/42.jpg (http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/42.jpg)





Khung cảnh đêm thu được làm hoàn toàn từ ngũ cốc.







http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/52.jpg (http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/52.jpg)





Chiếc thuyền (làm từ ngũ cốc) trôi trên biển (tạo bằng thịt cá hồi) với những hòn đảo (làm từ bánh mì và khoai tây).







http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/62.jpg (http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/62.jpg)





Bánh mì và bơ tạo nên một cảnh độc đáo.







http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/72.jpg (http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/72.jpg)





Những quả khinh khí cầu làm từ các loại quả và cánh đồng chính là măng tây, bí xanh, đậu và ngô.







http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/82.jpg (http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/82.jpg)





Vách núi kỳ vĩ được tạo từ bột khoai tây, kết hợp với cải xoong, bắp cải lá nhăn và bắp cải đỏ.







http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/92.jpg (http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/92.jpg)





Cảnh sân trại với đống rơm làm từ quả dừa lột vỏ.







http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/101.jpg (http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/101.jpg)





Những cây súp lơ tạo nên một khu rừng nguyên sơ.







http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/113.jpg (http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/113.jpg)





Cảng biển với những hòn đá được làm từ vỏ con hàu, càng cua. Thuyền được làm từ bí xanh, măng tây. Sóng biển được tạo nên từ cá.







http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/121.jpg (http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/121.jpg)





Khu chợ với rất nhiều loại rau quả.







http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/131.jpg (http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/131.jpg)





Góc bếp với rèm và khăn trải bàn được làm từ mì sợi.







http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/141.jpg (http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/141.jpg)





Chiếc thuyền đêm giông bão, khung cảnh kỳ bí này được tạo nên từ những cây cải tím.







http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/151.jpg (http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/151.jpg)





Cảnh hang động được làm từ cà rốt (nhũ đá), súp lơ (sinh vật dưới nước).







http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/161.jpg (http://www.tamduyen.com/wp-content/uploads/2011/10/161.jpg)




Củ tỏi và lá cải bắp biến thành khung cảnh ngôi làng với những ngôi nhà sáng đèn trong đêm




__._,_.___

NhuLien
02-01-2012, 12:46 PM
muop hong dao (Hà Nội)















Đến quán cà phê ngoài trời của Viện Goethe Hà Nội vào những ngày này, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước một giàn cây leo mới xuất hiện ở nơi đây. Đó là một giàn mướp được dựng trên những sào tre, dựa vào bức tường vốn thường được để trống khiến cho không gian của quán như thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên hơn…

Nếu chỉ có vậy thì cũng chẳng có gì đáng nói. Điều kỳ lạ là ở chỗ, quả của giàn mướp kể trên dù cũng thuôn dài, nhưng lại không xanh tươi như những quả mướp bình thường khác. Sự thật là, chúng có màu hồng hào và… gợi cảm không khác gì gò bồng đảo của phụ nữ.


http://media.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thunga/20111212/cdv-muop-01.jpg (http://media.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thunga/20111212/cdv-muop-01.jpg)

http://media.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thunga/20111212/cdv-muop-02.jpg (http://media.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thunga/20111212/cdv-muop-02.jpg)


http://media.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thunga/20111212/cdv-muop-03.jpg (http://media.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thunga/20111212/cdv-muop-03.jpg)
Nhưng lại có màu hồng hào.

http://media.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thunga/20111212/cdv-muop-04.jpg (http://media.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thunga/20111212/cdv-muop-04.jpg)
Và hình dáng gợi cảm như gò bồng đảo của những người phụ nữ.

http://media.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thunga/20111212/cdv-muop-05.jpg (http://media.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thunga/20111212/cdv-muop-05.jpg)


http://media.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thunga/20111212/cdv-muop-06.jpg (http://media.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thunga/20111212/cdv-muop-06.jpg)


http://media.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thunga/20111212/cdv-muop-07.jpg (http://media.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thunga/20111212/cdv-muop-07.jpg)


http://media.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thunga/20111212/cdv-muop-08.jpg (http://media.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thunga/20111212/cdv-muop-08.jpg)

NhuLien
02-02-2012, 12:17 PM
Posted 12 June 2011 - 01:01 PM
Saigon Của Tôi
Phan Hạnh

http://hoanghaithuy.files.wordpress.com/2008/06/sgvb_bike1.jpg


Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai .. Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay .. Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi đây .. Saigon đẹp lắm Saigon ơi, Saigon ơi .. Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau .. Người xa thăm bến câu chào nói xôn xao.. Phố xá thênh thang đón chân tôi đến chung vui .. Saigon đẹp lắm, Saigon ơi, Saigon ơi ..

Saigon đẹp lắm, Saigon ơi, Saigon ơi! Bài nhạc của Y Vân. Tôi đoán ông cảm tác nó khi di cư vào tới thủ đô của miền Nam. Ông viết bài nhạc bằng cảm nghĩ chân thật của một người lần đầu tiên đặt chân tới Saigon hoa lệ. Ông ghi lại vào ký ức vài hình ảnh bắt mắt: một chiều nắng chưa phai với muôn tà áo tung bay, dĩ nhiên là của phái nữ, phố xá thênh thang nhộn nhịp ngựa xe như nước áo quần như nêm. Một nếp sống vui tươi chào đón người di dân mới. Y Vân đã nói giùm cho hằng triệu người di dân khác đến Saigon từ khắp nẻo đường đất nước. Thi sĩ Bàng Bá Lân vừa vào Saigon cũng yêu thích tâm tình và nếp sống của người Saigon và cảnh đẹp miền Nam ngay qua nhiều bài thơ của ông, trong đó có những câu như: Yêu xe thổ mộ xôn xao, Trên đường khúc khuỷu đi vào miền quê; hoặc: Tôi yêu nắng lóa châu thành, Trận mưa ngắn ngủi, gió lành hiu hiu. Thật vậy, Saigon chợt nắng chợt mưa, phố phường lúc bấy giờ nhộn nhịp với tiếng vó ngựa lóc cóc trên mặt đường nhựa của những chuyến xe thổ mộ lót chiếu chạy các tuyến lộ trình Saigon ra khắp các vùng ngoại ô. Tôi cũng là dân di cư trong khoảng thời điểm đó. Người di cư đến từ miền Bắc, miền Trung, và họ cũng đến từ đồng bằng sông Cửu long như câu hát Anh từ đồng quê đến; Tôi từ miền cát lên .

Saigon đẹp lắm! Đúng hay sai? Đẹp hay xấu là tùy theo quan niệm riêng của mỗi người, một câu nghe hoài. Hình ảnh đứa con bao giờ cũng đẹp trong lòng một người mẹ, một câu khác nữa. Nhưng đối với đa số thi nhạc sĩ đã từng gắn bó với Saigon, họ ưa thích xem Saigon như người tình hơn, vì chỉ có yêu người tình mới đê mê,thắm thiết, mãnh liệt, nồng nàn, da diết, lâu dài, suốt cả cuộc đời. Họ thích gọi Saigon bằng một tiếng “em” rung cảm.

Tôi chết nhát, không dám gọi Saigon bằng em. Tôi sợ các vong hồn tiền nhân Saigon vặn cổ. Họ là những nhà tiên phong khai phá từ xứ Quảng miền Trung gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), Quảng Nam, Quảng Ngãi vào đây lập nghiệp dưới thời các chúa Nguyễn từ đầu thế kỷ thứ mười tám; hoặc là những thuyền nhân người Minh hương (vì thế mới bị gọi là Ba Tàu) đến từ hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa (cũng lại Quảng nữa!). Họ là những Ông Lãnh, Bà Chiểu, Thị Nghè, Đỗ Hữu Phương, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trịnh Hoài Đức, Hui Bòn Hỏa,Nguyễn An Ninh, Lê Quang Định, Võ Tánh, Trương Tấn Bửu, Võ Di Nguy, Cha Cả Bá-Đa-Lộc, v.v.

Vong hồn tiền nhân Saigon linh thiêng nhứt là Lê văn Duyệt. Nếu ông không linh thiêng thì tại sao người dân Saigon xây lăng mộ ông lớn nhất, tôn thờ ông như một vị thần và hằng năm cúng lễ ông đông nhất để khấn nguyện xin ông phù hộ. Nếu bạn dám vỗ ngực tự hào xưng là dân Saigon thứ thiệt thì ít nhứt một lần bạn phải đến viếng thăm lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt vào một ngày đầu năm để hái lộc, để bị khói nhang xông cay chảy nước mắt trong lúc chờ người yêu làm một quẻ bói xăm. “Lăng Ông”, “Vườn Ông Thượng”, không cần phải kể tên, người ta cũng biết “ông” là ai. Cái oai, cái vía của ông vẫn còn tồn tại mãi mãi trong lòng người dân Saigon và đã trở thành bất tử, mặc dầu ông mất từ lâu lắm, năm 1832.

Tuy Saigon ngày nay bị đổi tên, nhưng đối với người dân Saigon, làm sao ông Hồ Chí Minh được tôn kính bằng ông Lê Văn Duyệt. Là Tổng trấn thành Gia Định dưới triều vua Minh Mạng, dưới trướng còn có đứa con nuôi Lê văn Khôi gốc người Nùng dũng mãnh, còn có ông Hoành, ông Trấm hầu cận, Lê văn Duyệt tỏ ra là một nhà hành chánh giỏi tài tổ chức và quản trị, có đủ uy danh và đức độ, ai ai cũng nể vì, kể cả mấy ông vua Cao-Miên thuở đó. Với cây gươm Thượng-phương-kiếm của vua trao cho quyền tiền trảm hậu tấu, ông thẳng tay chém đầu kẻ tội, dù người đó là Huỳnh Công Lý, cha vợ của vua, ông cũng không tha. Ông có công lớn trong việc mở mang bờ cõi, xây dựng và phát triển Saigon. Trong khi triều đình Huế khắc khe áp dụng chính sách bài ngoại và bế môn tỏa cảng, ông đón nhận di dân nước ngoài, khuyến khích thương mãi và giao dịch, một mặt duy trì an ninh trật tự xã hội. Ông đáng được gọi là Người Sài Gòn Số Một. Saigon thu hút dân tứ xứ đến sinh cơ lập nghiệp kể từ đó và tiếp tục phát triển.

Nhưng danh hiệu Hòn Ngọc Viễn Đông – Le Perle de l’Extrême Orient, The Pearl of the Far East – mà Saigon có được vào đầu bán thế kỷ hai mươi phải nhìn nhận là do công của người Pháp. Sau khi toàn cõi miền Nam đã trở thành thuộc địa của Pháp vào năm 1859, người Pháp muốn đặt nền móng hành chánh lâu dài nên ra sức canh tân thành phố Saigon, thiết kế đô thị theo kiểu mẫu kiến trúc Âu châu trong suốt 80 năm cho đến trước khi Đệ Nhị Thế Chiến. Saigon thu hút đầu tư của giới kinh doanh kỹ nghệ Pháp cùng với sự đóng góp của kiều dân gốc Hoa, Ấn, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi, Ái Nhĩ Lan, Mã Lai, và nhiều nước khác nữa. Sau khi thực dân Pháp hoàn toàn rút chân ra khỏi Việt Nam vào năm 1954, nhiều công ty tư nhân của Pháp vẫn còn tiếp tục làm ăn ở Saigon: Denis Frères, Mitchelin, B.G.I., Mélia, Bastos, v.v.

Tuy cách xa bờ biển gần một trăm cây số nhưng Saigon được xem như là một hải cảng có nhiều ưu điểm chiến lược và lý tưởng vì mọi tàu bè viễn dương thời đó đều vào được. Saigon cũng mang đầy đủ đặc tính tiêu biểu của những thành phố cảng khác trên thế giới như Marseille, New Orleans, Montreal, Thượng Hải; là nơi dân giang hồ tứ chiến dừng chân. Họ thuộc đủ mọi thành phần, từ những bậc vương tôn công tử lắm bạc tiền cho đến những tay anh chị khét tiếng thuộc xã hội đen, những con buôn thủ đoạn nắm bắt thời cơ làm giàu, ăn chơi hưởng thụ, thích ứng và hài lòng với đời sống mới, xin chọn Saigon làm quê hương và gởi nắm xương tàn nơi đó.

Hai mươi tám năm qua rồi, tôi chưa nhìn thấy lại Saigon; hai mươi tám năm cách trở giữa tôi với thành phố mà nơi đó, tôi đã trãi qua lứa tuổi hoa niên thơ mộng và đáng nhớ nhất của cuộc đời mình. Hai mươi tám năm, một nửa phần đời đã qua, dài hơn phần đời còn lại. Hai mươi tám năm sống trên xứ lạ, tâm tư thật nhiều nhớ nhung, vọng tưởng, thật nhiều hồi ức và hoài niệm về thành phố thân yêu đó. Hai mươi tám năm dõi mắt hướng về, lắng tai ngóng đợi, cố thu thập mọi diễn tiến xảy ra nơi vùng đất cũ, nơi đã in dấu biết bao kỷ niệm vui buồn.

Tôi bước chân đến thành đô Saigon lần đầu tiên vào mùa bãi trường và nghỉ hè năm 1950, khi quái kiệt Trần Văn Trạch hay hát Con chim hòa bình đang đau nặng, Ngày và đêm càng thêm lo lắng. Thằng bé nhà quê sáu tuổi như bị thôi miên trước Saigon hoa lệ, rực rỡ ánh đèn, dập dìu xe cộ. như đi lạc vào trong một thế giới mới lạ của chuyện thần tiên. Phố xá thênh thang đón chân tôi đến chung vui. Saigon đẹp lắm, Saigon ơi, Saigon ơi! Suốt mấy tháng cuối hè năm ấy, tôi mãi mê tiếp nhận những kinh nghiệm mới mẻ, đẹp đẽ và hấp dẫn đầy những hình ảnh và âm thanh quyến rũ, quyến rũ đến nỗi tôi quên cả nhớ nhà, nhớ bà ngoại, nhớ mẹ và đứa em nhỏ. Quyến rũ đến nỗi ba tháng trôi qua một cái vèo, và đã đến lúc tôi phải từ giã Saigon lần đầu tiên trong bịn rịn luyến tiếc. Không luyến tiếc làm sao được khi tôi đã được chiêu đãi như một hoàng tử bé trong suốt quãng thời gian đó. Tôi chỉ có vui chơi, dạo xem các thắng cảnh của thành phố, ăn ngon mặc đẹp, và tham dự vào những thú tiêu khiển giải trí thời thượng của cả người lớn nữa.

Lúc bấy giờ tôi chưa hiểu lý do tại sao tôi lại được cha tôi cưng chiều như vậy và tôi cũng chẳng cần đi tìm một sự giải thích. Mãi về sau, khi đã trưởng thành thêm, tôi mới chứng ngộ được đầu đuôi sự việc. Tôi xin kể sau đây.

Vì lý do an ninh và kinh tế, cha tôi một mình rời quê Mỹ Tho lên Saigon tìm công ăn việc làm, trong khi mẹ tôi và anh em tôi ở lại quê ngoại. Ông tìm được việc ngay, thư ký kế toán cho Nhà Đèn Chợ Quán, tức nhà máy điện của đô thành. Thỉnh thoảng ông đáp chuyến xe lửa Saigon-Mỹ Tho (dài bảy mươi hai cây số, mất hai tiếng rưỡi đồng hồ) về quê thăm gia đình, mang theo nhiều quà cáp cho tất cả mọi người trong nhà, thường là các loại kẹo bánh Pháp như chocolat Nestlé ổ chim, bánh hộp Bisquit, Lu, bơ Bretel, fromage La Vache Qui Rit con bò cười. Hè năm đó, ông không về mà chỉ nhắn tin gọi tôi lên thăm ông. Ông thu xếp với một người quen làm tài xế xe hàng chở dừa cho tôi quá giang lên Saigon, xong ông đến vựa bán dừa của người quen ở Chợ Cầu Muối đường Kitchener (sau nầy là đường Nguyễn Thái Học) đón tôi về nhà trọ ở khu Nancy (Chợ Quán). Đó là lần đầu tiên tôi đi xe điện chạy tuyến đường Saigon-Chợ Lớn dài sáu cây số và cũng là tuyến đường xe điện độc nhất của thành phố Saigon. Sau khi đã định cư ở xứ cờ lá phong, trong mấy năm cuối của thập niên 1970, tôi đi làm mỗi ngày trên đường Queen St., thành phố Toronto, cũng bằng xe điện streetcar, y như hai mươi tám năm trước đó ở Saigon.

Về đến nhà trọ, cha tôi giới thiệu tôi với một phụ nữ trẻ khoảng độ hai mươi tuổi, bảo tôi gọi là Dì Ngân. Dì Ngân là người thành phố, tuy không đẹp lắm nhưng tánh tình dan dĩ, tự nhiên, tự tin, hoạt bát, vui vẻ. Dì gọi tôi bằng con nghe ngọt xớt, xoa đầu tôi, cặp cổ tôi, bẹo má tôi, xem tôi như một món đồ chơi. Dì chăm sóc tôi chu đáo, mua sắm quần áo, giầy dép mới cho tôi. Dì nấu ăn khéo, làm cơm ngon, mua thức ăn đắt tiền như tôm càng rim, thịt bò xào dưa cải, canh nấm đông cô. Dì Ngân có một người chị làm đào cải lương đoàn hát Hoa Sen của Bảy Cao, cứ vài ba đêm lại dắt tôi di coi cải lương ở rạp hát Nguyễn văn Hảo trên đại lộ Galliéni (Trần Hưng Đạo). Vãng hát, cha tôi và dì Ngân còn dắt tôi đi ăn “xíu dề”, cữ ăn khuya theo thói quen của người Tàu Chợ Lớn, ở “La-Cai” (Lacaze, tức đường Nguyễn Tri Phương), thường là món cháo hoa ăn kèm hột vịt muối hoặc hột vịt bắc thảo ở một quán người Tàu, rồi mới về nhà.

Những ngày cận Tết Trung Thu, tôi được dắt vô Chợ Lớn dạo phố, mua bánh, mua đèn. Cuối tuần, cha và dì dắt tôi đi dạo vườn Bờ-Rô (do chữ Pháp “pelouse”, sân cỏ, theo như sự giải thích của nhà văn Sơn Nam trong quyển bút ký Người Sài Gòn), tức Vườn Tao Đàn, coi người ta chơi boules (học giả Vương Hồng Sển trong tác phẩm Saigon Năm Xưa gọi môn chơi thể thao nầy là “quần lăn”), một trò chơi thảy những trái banh bằng sắt cỡ vừa lòng bàn tay. Lúc khác nữa, tôi được dắt đi bát phố Catinat, Charner, Bonard (các đường Tự Do, Nguyễn Huệ, Lê Lợi sau nầy), xem phòng trưng bày xe hơi ô tô có các hiệu Citroen, Peugeot, Traction, xem xi-nê, ăn kem, mua bánh kẹo Pháp ( Thật không ngờ năm mươi năm sau, ngày nay tôi vẫn còn mua fromage hiệu La Vache Qui Rit ăn lai rai). Còn nữa, tôi được dẫn vô khu giải trí Đại Thế Giới ở Chợ Lớn, Kim Chung ở Saigon coi thiên hạ cờ bạc, trường đua Phú Thọ coi đua ngựa và coi thiên hạ đánh cá ngựa, người nào thua cháy túi thì coi như bị ngựa đá. Một tình yêu mến như lời hát câu ca. Để lòng thương nhớ bao ngày vắng nơi xa. Sống mãi trong tôi, bóng hôm nay sẽ không phai. Saigon đẹp lắm, Saigon ơi, Saigon ơi.

Saigon một thời được tặng cho danh xưng Hòn Ngọc Viễn Đông kể cũng không ngoa. Tuy Saigon không đồ sộ bằng những thành phố lớn ở Bắc Mỹ, không cổ kính bằng những thành phố ở Ấu Châu, nhưng Saigon duyên dáng mỹ miều với những con đường rợp bóng cây, những công trường ngã năm, ngã sáu, ngã bảy đầm ấm nhộn nhịp, những dinh thự, phố xá và nhà ốc có nét kiến trúc yêu kiều. Saigon có một nền kinh tế phồn thịnh, nằm sát vựa lúa trù phú miền đồng bằng sông Cửu Long. Bến cảng Saigon có hải xưởng bảo trì và chỉnh trang tàu bè, là cửa ngõ mậu dịch với thế giới, là trạm tiếp vận cho hai nước Cao Miên và Lào. Tuyến đường hỏa xa dự định nối liền Saigon-Nam Vang chỉ mới thực hiện đoạn đầu đến Mỹ Tho đã phải bị đình chỉ khi sự vận chuyển bằng xe hàng dễ khả thi hơn và đường hàng không lần lượt phát triển mạnh mẽ. Tâm tình người Saigon xuề xòa, không quá bon chen đua đòi, có làm có ăn, cầu vừa đủ xài và luôn luôn mở rộng tấm lòng đón nhận dân mới đến.

Sau khi đã trở lại làng quê Long Bình Điền, quận Chợ Gạo để bắt đầu năm học mới, tôi tỉnh bơ nói ra cảm nghĩ thật của mình về cha tôi, về cô tình nhân của ông là dì Ngân, về những ngày vui của tôi ở Saigon. Tôi nào biết điều đó đã làm cho mẹ tôi, ngoại tôi buồn lòng rất nhiều. Mỹ Tho cách Saigon chỉ có 72 cây số, sự giao-thông thuận tiện, có xe lửa, xe đò, xe lô chạy suốt ngày, tuy gần mà xa. Hèn chi tôi hay nghe cha tôi ngâm nga mấy câu thơ: Cúc mọc bờ ao kêu bằng cúc thủy, Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa. Viết thơ thăm hết nội nhà, Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em. Hoặc: Mười giờ tàu lại Bến Thành, Xúp-lê vội thổi, bộ hành xôn xao. Tôi cũng hay nghe mấy câu hát ru con Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ, Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu. Anh về anh học chữ nhu, Chín trăng em đợi, mười thu em chờ. Học chữ nhu, phải chăng ý nói hiền bớt lại, đừng nóng nảy cộc cằn, đừng mắng chửi em, đừng bạt tai em; hay chữ nhu do “chữ nho” nói trại ra, điều nầy hoàn toàn tôi không được rõ.

Tôi lên Saigon lần thứ nhì để định cư luôn vào cuối năm 1953 cùng với mẹ và em tôi. Tôi định khoe với đứa em trai chiếc xe điện chạy trên đường rầy, ở trên mui có cái đuôi dài móc dính lên giây điện, mỗi lần xe chạy, cái đuôi xẹt ra ánh sáng nghe lạch tạch. Nhưng xe điện đã bị dẹp mất tiêu! Cha tôi mua một căn nhà trong hẽm 192 đường Đề Thám cho gia đình ở, đồng thời vẫn duy trì “phòng nhì” với dì Ngân trong khu Nancy. Lúc ấy cha tôi bắt đầu làm việc cho ngân hàng Banque Franco-Indochinoise trên đường La Somme, đại-lộ Hàm Nghi; ông có sắm một chiếc xe Mobilette để đi làm mỗi ngày ở Chợ Cũ. Sau đó khá giả hơn nhờ có cao trào chuyển ngân qua Pháp, cha tôi sắm một chiếc xe hơi hiệu Fiat của Ý để đi chơi xa, về quê Mỹ Tho hái mận hồng đào, đi tắm suối Trị An ăn canh chua lá vang, tắm biển Gò Công ăn hột vịt lộn, biển Vũng Tàu, Long Hải, đi Đà Lạt đồi thông, Nha Trang cát trắng, Ban-Mê-Thuột đất đỏ.

Xóm 192 Đề Thám là một xóm lao động, đa số dân cư trong xóm là phu phen, thợ thuyền, bạn hàng buôn bán lẻ. Cha tôi nằm trong thiểu số có ít vốn liếng chữ nghĩa, đi làm mặc áo sơ-mi trắng, ôm cặp-táp, nên được lối xóm kêu bằng thầy Tư, vì mẹ tôi thứ tư. Nhà trong xóm là nhà dãy san sát nhau, trệt, lầu lẫn lộn, có một vài gia đình người Tàu sống hòa thuận với chòm xóm người Việt.

Xóm lao động dĩ nhiên là đông đúc và ồn ào, suốt ngày nghe đủ loại những tiếng rao hàng. Một ông Tàu không rành rẽ tiếng Việt, đầu đội một cái nia lớn, vai đeo khung chân ghế xếp cất tiếng rao:”Bánh bò bánh tiêu bánh bò .Dầu-chá-quải bánh bò .Bánh bò lá dứa nước dừa .Mại dô mại dô .”. Một ông Tàu khác gánh cần-xé đi mua đồ lạc-xon rao:”Ve chai .Ai có xon nhôm nồi đồng hư bể bán hôn .” . Một ông Tàu khác mặc áo có nhiều túi rộng phình, đi tay không rao:”Vàng vụn bạc vụn bán hôn. Răng vàng hư, đồng hồ bể bán hôn”. Có ông gánh nồi nước bốc khói, tiết kiệm lời rao, hoặc ngượng nói tiếng Việt không rành, chỉ lắc một cái trống nhỏ nghe lung tung, người ta cũng biết ngay đó là ông thợ nhuộm. Ông mài dao thì quơ một xâu dài có nhiều miếng sắt móc dính với nhau; khi quơ phát ra tiếng kêu reng rẻng. Hai cha con ông bán mì thì chỉ cần gõ thanh gỗ “cắc cụp”. Vui nhất là ông Tàu bán thuốc trừ gián, chí, rệp:”Thuốc chí trừ chí, thuốc rệp trừ rệp”. Một lần người ta hỏi mua một gói thuốc trừ rệp, ông Tàu lục túi dết kiếm một hồi rồi lấy đưa ra. Người mua thắc mắc, “Sao tui mua thuốc rệp mà ông đưa thuốc chí?”, ông Tàu đáp tỉnh bơ:”Thuốc chí chừ dệp cũng lược mà hầy lớ!”

Người Việt bán hàng rong ít khi di chuyển mà chỉ thích quây quần lại một chỗ nhất định ở đầu hẻm, trước trường học, trước rạp hát, là những nơi có đông người qua lại. Số người đi dạo vào tận xóm trong qua từng nhà có một chị bán chè với tiếng rao trong trẻo lảnh lót Ai ăn chè bột khoai nước dừa đường cát hôn .nghe êm tai vô cùng. Ngoài ra còn có một chị bán sương sa hột lựu, một bà xỏ lỗ tai, một bà cắt lể, một ông vác hơi, một ông đấm bóp và mấy chú nhỏ bán cà-rem cây mang trên vai cái bình thủy nặng nề. Một cây cà-rem béo ngon lúc bấy giờ giá chỉ có năm cắc bạc và một tô hủ tiếu hai đồng. Những người bán dạo nầy dần dần giải nghệ hoặc cải tiến theo thời gian, theo sự biến đổi của luật tuần hoàn và theo sự đào thải của luật cung cầu.

Hằng ngày, tôi đi học ở trường tư thục Tiên Long, đường Cô Bắc cho đến hết lớp Đệ Tứ; sau đó học tiếp các lớp Đệ Tam, Nhị, Nhất trường Hưng Đạo của thầy Nguyễn văn Phú (Cống Quỳnh), trường Trường Sơn của thầy Nguyễn Sỹ Tế (Lê văn Duyệt), trường dạy Anh-ngữ của thầy Trần Việt Anh (Đinh Tiên Hoàng, Đakao). Tôi đi học ở Saigon trong mười một năm liền, rớt tú tài một mấy keo, tú tài hai thêm mấy keo nữa vì ham mê văn nghệ hơn là ham học các môn toán, lý hóa, vạn vật. Sư tổ chuyên trị thi rớt là Trần Tế Xương (1869-1907) thi hương tám lần mà vẫn rớt có phán rằng Mai không tên tớ, tớ đi ngay. Giỗ tết từ đây nhớ lấy ngày. Tội nghiệp ông tú Vị Xuyên sinh bất phùng thời, có bằng tú tài mà không có Trường Võ Bị Thủ Đức để mà kiếm cái lon chuẩn úy le lói chơi, đành sống trong cảnh nghèo, làm thơ chua và mất sớm. Thi rớt, làm đúng theo lời sư phụ, tôi đi ngay thật. Tôi đi ngay vào rạp hát xuất permanent ngồi suốt buổi sau khi không thấy tên mình trong danh sách thí sinh trúng tuyển…Vui chi khi chàng trai hỏng thi, Khóc như cô thiếu nữ lúc bước đi về nhà chồng .Tôi đâu có khóc, mà cũng không thể khóc như cô dâu về nhà chồng. Cô dâu buồn trong chốc lát rồi sẽ được vui nhiều, chớ người trượt vỏ chuối ở trường thi thì …buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm, thấy buồn sao là buồn!

Những ngày nghỉ (nhiều lắm!), tôi lội nát quận nhì, quận nhứt, lan lên tới quận ba. Những con đường Hồ văn Ngà, Nguyễn văn Sâm, Lefèvre, Yersin, Calmette của quận nhì, tôi lội bộ qua đó đều đều để bắn me bằng giàn ná thun, để ăn vặt bò viên, bánh ướt tôm khô chả lụa, gỏi đu đủ bò kho, bò bía, phá lấu, mực luộc. Tôi đi coi “xiné” ở các rạp Khải Hoàn, Thanh Bình, Rex, Kinh Đô, Vĩnh Lợi, Lê Lợi, Majestic, Long Phụng, Casino Saigon, Moderne Tân Định. Gần nhà nhất là rạp Đại Quang ngay đầu hẽm 192, Đề Thám. nhưng tôi chê vì rạp nầy chuyên hát phim Tàu, xem mặt cô đào Lý Lệ Hoa mãi củng chán. Xa hơn chút nữa có rạp hát Đại Nam trên đại lộ Trần Hưng Đạo. Rạp nầy xịn lắm, với màn ảnh đại-vĩ-tuyến, ghế nệm và có máy lạnh đàng hoàng. Đường Cô Giang gần Chợ Cầu Muối có rạp Diên Hồng, bên Bến Vân Đồn thuộc quận tư có rạp Nam Tiến tệ hệ quá, nước đái khai rùm, chỉ đi coi một lần là dội ngược, không trở lại lần thứ hai.

Thuở đó tôi mê coi phim chiếu bóng lắm. Phim Pháp chẳng có bao nhiêu, tôi chỉ nhớ phim Khỉ Đột Xin Chào Le Gorille Salue Bien do tài tử Lino Ventura đóng, một số phim khác có hề “mặt ngựa” Fernandel , có kép đẹp Alain Delon, có các đào đẹp Catherine Deneuvre, Claudia Cardinale, Brigitte Bardot, v.v. Đa số là phim Mỹ với các tựa phim bằng chữ Pháp mới tức cười, chẳng hạn như Le Soleil Se Lèves Aussi Mặt Trời Vẫn Mọc, Vallée de la Mort Thung Lũng Tử Thần, L’Auberge au Sixième Bonheur Quán Trọ Lục Phúc, L’Homme au Colt d’Or Dũng Sĩ Súng Bá Vàng, Le Pont de la Rivière Kwai Cầu Sông Kwai, Bonjour la Tristesse Buồn Ơi Ta Chào Mi, Le Jour le Plus Long Ngày Dài Nhất, v.v.

Tôi cũng mê coi cải lương nữa, thành thử ra học dốt là phải!. Rạp Nguyễn văn Hảo ở ngay góc đường Trần Hưng Đạo với Đề Thám, rất gần nhà, tôi đi bộ không đầy mười phút, là rạp tôi coi thường trực. Rạp nầy thiết kế bên trong theo kiểu hí viện Âu Châu, cũng có hai từng balcon hình vòng cung, hai đầu vòng cung có các khu ngồi ngăn riêng cho khách xộp. Hai tuồng cải lương “Đoàn Chim Sắt” và “Mộng Hòa Bình” của đoàn hát Hoa Sen diễn cả tháng, tôi xem không biết là mấy lần. Tôi mê sự mới lạ của kỹ thuật điện ảnh, ánh sáng, âm thanh, cơ giới, mà ông bầu Bảy Cao với đầu óc sáng tạo, tiên phong đem áp dụng vào sân khấu cải lương. Tôi khoái coi ông thợ vẽ affiche bằng bột màu ngồi khòm lưng làm việc ngay một góc trước rạp. Về nhà, tôi cũng bắt chước kẻ ô vuông một tấm hình trong tạp chí rồi cọp-py lại trên một tờ giấy trắng lớn hơn.

Sau rạp Nguyễn văn Hảo là Ngã Tư Quốc Tế góc đường Đề Thám và Bùi Viện, một khu vực thiết thân của giới nghệ sĩ, là nơi gặp gỡ của các ông bầu, soạn giả, họa sĩ vẽ phông, ký giả săn tin, và các tay làm áp-phe văn nghệ.. Gọi đó là Ngã Tư Quốc Tế cũng xứng đáng, vì chỉ trong vòng tròn với đường bán kính vài cây số, có ba rạp hát cải lương và bốn rạp chiếu bóng thường tổ chức đại nhạc hội thi ca vũ nhạc kịch vào dịp cuối tuần hoặc vào những ngày lễ lớn. Đại nhạc hội nào càng có nhiều hề, tôi càng khoái đi xem. La Thoại Tân bô trai giả bộ anh khờ ngây thơ, Túy Hoa xí xọn, Thanh Việt chuyên đóng vai đầy tớ, Thanh Hoài hiền ngoan vô tư, Khả Năng chàng ngốc vai u thịt bắp , Tùng Lâm mỏ chuột ma lanh, Xuân Phát lên mặt dạy đời, Hoàng Mai nổi nóng gây sự, Phi Thoàn õn ẹo như lại cái, Văn Chung cười băm lăm con dê hết xẩy. Nằm lọt trong cái vòng tròn đó là đường Bùi Viện, nổi tiếng là nơi tập trung những quán nhậu thuần túy đặc sản quê hương, và một quán cơm bình dân tự-phục-vụ self-service theo kiểu một cafeteria nằm ngay góc đường của ngã tư. Cuối Đề Thám về hướng Bắc là ngã ba đường Phạm Ngũ Lão, bản doanh của nhiều tòa soạn nhật báo, tuần báo, tạp chí. Phía bên kia đường rầy xe lửa là đường Lê Lai với rạp Thành Chung của đoàn Kim Chung, với nhiều cửa hàng cung cấp nhiều mặt dịch vụ khác nhau. Bến xe đò đi lục tỉnh Nguyễn Cư Trinh, Ga Xe Lửa và Chợ Bến Thành cũng nằm trong vòng tròn đó.

Suýt soát hai mươi năm sống ở Saigon, tôi hay la cà ở cái ngã tư đầy cám dỗ nầy. Ban đầu, tôi mê mẩn những giọng hát lời ca ngọt ngào như mía hấp hoặc tài diễn xuất lôi cuốn như nam châm của Út Bạch Lan, Thành Được, Thành Công, Kim Cương, Ngọc Giàu, Văn Chung, Ngọc Nuôi, Việt Hùng, Bích Thuận, Bích Sơn, Bạch Tuyết, Hùng Cường . Dần dần, tôi mơ mộng một thần tượng Thanh Nga tài sắc vẹn toàn. Tôi đã từng lén ra hậu trường để coi Thanh Nga sắm tuồng, thoa son dồi phấn. Đám tang của nghệ sĩ Năm Nghĩa, thân phụ của Thanh Nga, diễn ra trên đại lộ Trần Hưng Đạo, tổ chức lớn lắm, người đi rất đông, tôi cũng có xem. Dĩ nhiên sau nầy khi đã vào lính và đã lập gia đình, tôi chỉ còn mơ mộng đến Ngã Tư Quốc Tế qua hình ảnh mấy món nhậu gà xối mỡ, cua rang muối, bò lúc lắc, lươn um xả, đùi ếch chiên bơ, tôm gỏi ngó sen, đầu cá hấp, và mấy chai bia 33, bia con cọp mà thôi.

Đại lộ Trần Hưng Đạo là một trong những con đường huyết mạch, là trục giao thông chính nối liền Saigon với Chợ Lớn. Lề đường hai bên rất rộng, được che mát bởi hai hàng cây cao vút, thân to lớn, thẳng đứng, nhánh xòe mang nhiều trái có hình thù giống dái ngựa(?) nên cây bị đặt luôn cho cái tên khó nghe đó. Nghe vậy mà không phải vậy, vì theo tôi nhận thấy, thành phần nào của loại cây nầy cũng dễ thương hết. Tôi đã từng say sưa ngửa mặt dang tay hứng đón những cơn mưa hoa vàng đổ xuống trong khi gió lay lá reo xào xạc. Đến mùa trái khô, những trái hình quả lê hay quả bơ màu nâu láng năm cánh nở bung ra rớt xuống lề đường, tức thì cả đống hột có cánh đơn đồng loạt bay, vừa bay vừa quay mòng trông giống như một màn đổ bộ của đoàn quân nhảy dù lơ lửng trên không. Nhà phố hai bên rất khang trang, sầm uất, có nhiều cơ sở thương mãi, trường học công lập, hí viện, nhà thương, cơ quan chính phủ, giáo đường. Nhà thờ Tin Lành Saigon (nằm ngay góc Trần Hưng Đạo/Đề Thám) cũng là nơi tôi hay la cà vì ham vui, nhất là vào dịp lễ Giáng Sinh, được nghe ban hợp ca hát liên tiếp nhiều bài êm ả lỗ tai vô cùng (Đêm đông lạnh lẽo, Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá, trong máng lừa.). Tôi từng vào bên trong thánh đường ngồi chăm chú nghe rao giảng đạo của Đức Chúa Trời, được phát cho mấy tập bài giảng có nhiều hình vẽ rất đẹp.

Lễ Quốc Khánh 26/10 hằng năm dưới thời Đệ Nhứt Cộng Hòa nhiều lần được tổ chức trên con đường nầy với khán đài danh dự được dựng lên trước trường nam tiểu họcTôn Thọ Tường. Tiếng trống, tiếng kèn của các ban quân nhạc vang vọng vào tận nhà tôi nghe rất rõ. Bài hát Suy Tôn Ngô Tổng Thống với những câu Ai bao năm từng lê gót nơi quê người . Cứu đất nước, thề tranh đấu cho tự do . đã bị bọn trẻ trong xóm tôi sửa lời lại là Ai bao năm từng lên gối nơi be sườn . Cú cái cốc ngồi chong ngóc trong cầu tiêu!. Sân trường Tôn Thọ Tường rộng lắm, được dùng làm nơi tổ chức hội chợ triển lãm hàng nội hóa mấy lần, có sân khấu và chương trình ca nhạc sống giúp vui. Tôi đã nghe ca sĩ Việt Ần hát bài Hận Đồ Bàn ở đấy. Sân trường nữ tiểu học Phan văn Trị có trồng mấy cây chuối, cả bầy dế cơm làm ổ dưới gốc, tôi bắt mấy chục con cho ông hàng xóm dồn đậu phọng chiên nhậu chơi. Một lần khác, cà cuống bay về ngã tư nầy rất nhiều lúc ban đêm quần theo ánh đèn đường sáng quắc và đâm đầu rớt xuống dưới chân cột điện, tôi lượm đem về cho mẹ tôi nướng để giầm vô nước mắm pha lấy mùi thơm. Trường Phan Văn Trị vào ban đêm biến thành Trường Bách Khoa Bình Dân Học Vụ dành cho học sinh người lớn trau giồi kiến thức văn hóa cho nên nhộn nhịp với đèn đuốc sáng trưng vui lắm.

Cạnh rạp hát Đại Nam có lò bánh mì Vạn Kim của người Tàu hầu như mở cửa suốt ngày đêm. Bánh mì ổ kiểu Pháp và kiểu Ý xuất phát từ lò nầy ra nổi tiếng ngon nhứt Saigon. Tôi hay ra lò bánh mì nầy mua vài ổ nóng hổi mới ra lò thơm phức đem về ăn với vịt quay, xá xíu mà cha tôi đã mua ở Chợ Cũ. Vừa bước vào cửa và đứng ở quầy đặt hàng và trả tiền, tôi có thể nhìn thấy sau vách ngăn thấp có gắn kính trong suốt bên trên, những người thợ toàn là thanh niên trẻ đang nhanh nhẹn làm việc. Họ làm việc hầu như suốt ngày đêm vì bất cứ giờ nào tôi lội bộ ngang qua đó cũng đều thấy. Họ mặc áo thun trắng, bụng quấn tạp-dề trắng, đầu đội nón nồi trắng, cả nước da của họ nữa cũng trắng luôn vì dính đầy bột mì và vì luôn luôn làm việc không có ánh nắng mặt trời. Họ làm việc trong im lặng, hai tay cử động lẹ làng thoăn thoắt nhồi nhồi nắn nắn mấy cục bột rồi dùng một cây que thật dài bằng gỗ giống y như mái chèo để đưa bột vào lò gạch, bên dưới lửa than cháy đỏ rực.

Xin mời bạn đọc một văn sau đây nói về con đường Trần Hưng Đạo trích trong quyển tùy bút Thành Phố Trong Hồi Tưởng của Trần Hồng Châu, bút hiệu của giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, người từng giữ chức Khoa trưởng Đại học Văn khoa Saigon trước 1975:

Tôi vốn có duyên với đường Trần Hưng Đạo. Đổi nhà mấy phen vẫn quanh quẩn trong lưu vực của dòng Trường giang thành phố đó. Tôi trầm ngâm nhìn ngoài bản đồ Saigon và trong tâm tư để xác định những điểm “cao”, những địa linh rải rác khắp dọc “sông”. Đường Đồng Khánh hay Trần Hưng Đạo nối dài, vùng các khách sạn Đồng Khánh và Thiên Hồng-Arc en Ciel-nhất định phải là hẽm Vu-sơn, Vu-giáp trong Tình sử và Đường thi. Lòng đường bỗng dưng co hẹp lại, nhà cao tầng san sát, rập rình lớp lớp ngựa xe, từng hồi chao đảo, từng hồi nhấp nhô như sóng nước Trường giang bị kẹp chặt giữa hai sườn núi đá chênh vênh. Luôn luôn âm u sương khói phủ, khói phù dung và phạn điếm giống như những nét mịt mùng, đậm nhạt, rất thủy mặc của vùng cao-nguyên Tứ-xuyên, đầy lam sơn chướng khí và màu sắc u huyền. Luôn luôn chìm trong mênh mông màn khói thuốc lá thơm và hoang tưởng mùi phấn hương của nhạc chiều luân vũ, gần bên những Tân-Đào-Viên, những Bá-Lạc-Đài, những Đại-Thế-Giới của một thuở nào. Đây là nơi đã từng đốt cháy hơn một cuộc đời, đất hứa của những cảm giác lạ, những giấc mơ tình ái có nhiều mây và mưa trong vương quốc của nữ thần huyền thoại. Đây là nơi, đúng như trong những diễm tình tiểu thuyết cổ điển, ta có thể lên ngôi hoàng đế một đêm, để sớm mai lại lủi thủi đi bên lề đường, cô đơn, như một Mại-du-lang đa tình, hay một thư-sinh chưa trọn giấc kê vàng sau buổi lạc đề thi ngoài cửa khuyết.

Đi xa hơn nữa tới vùng Nancy, mang tên con gái êm đềm của một vang vọng tình cảm, là đường Cộng-Hòa, mà tôi tạm gọi là sông Tương chảy vào Trường-giang.

Tác giả Trần Hồng Châu còn nói rất nhiều nữa ( bảy trang giấy) về con đường Trần Hưng Đạo mà ông ví nó như một con sông chính có nhiều nhánh phụ chảy vào. Ông nhắc đến phía “hạ lưu” của dòng sông Trần Hưng Đạo có cái xóm Đề Thám của tôi với rạp hát Nguyễn văn Hảo, Ngã Tư Quốc Tế, một cách ưu ái. Ông gọi đó là “một vùng Giang, Triết phồn hoa”, “một trong vài tụ điểm của những người đẹp Saigon, một trong vài vương quốc của phụ nữ đô thành, của những cái gì đem lại một tấm linh hồn yểu điệu, nồng thắm cho trái tim miền Nam”. Ông khen cái khúc phố tôi ở có nhiều người đẹp, điều đó đúng, vì thằng bé mười mấy tuổi là tôi trong những năm cuối của thập niên 50 đã rong chơi cuối trời quên . học làm chứng cho ông. Tôi đoán chắc ông đã nhiều lần lân la ở phòng trà ca vũ nhạc Tháp Ngà (Tour d’Ivoire) nằm cùng một dãy với rạp Nguyễn Văn Hảo. ở đó thì khỏi nói, là nơi tụ họp của bao nhiêu ca sĩ tân nhạc thời danh như Kim Tước, Mỹ Thể, Bạch Yến, Bích Chiêu, Khánh Ngọc, người đẹp, quần áo đẹp, xe hơi đẹp, dân chơi cũng đẹp. Trai thanh và gái lịch nói cười rộn rã. Tiếng kèn saxophone, trombone, trumpet từ các cửa sổ trên lầu thoát ra vọng xuống đường mê hoặc. Những bóng đèn đủ màu chớp nháy chạy vòng khung bảng hiệu vũ trường nằm thẳng đứng càng làm cho môi son, má phấn, tóc mây trở nên thêm huyền hoặc. Gió mát của trời đêm thoảng mùi nước hoa Channel No. 5 mân mê tà áo gợi ngất ngây. Một vùng phồn hoa. Đúng quá phải không Người Tân Định?

Thật ra cái gì cũng có mặt trái của nó. Người ta thường có quan niệm văn chương thì phải hoa mỹ, bàn rộng khai triển mặt tốt và lượt bỏ những nét tiêu cực. Thành phố Saigon, dẫu mà khó thương, cũng vẫn là thành phố tôi đã lớn lên, đã sống, đã yêu, đã nuôi dưỡng tôi khôn lớn. Những nét xấu của nó không ít, nhất là cái xóm Đề Thám, rồi đến cái xóm Khánh Hội đã mang tiếng rất nhiều. Hai nơi đó có đầy đủ hết những tệ đoan của xã hội. Đề Thám có đĩ điếm, hút sách, cờ bạc, rượu chè. Vĩnh Hội có du đãng, trộm cướp, đá cá lăn dưa. Đã nói Saigon là thành phố có đầy đủ đặc tính của một thành phố bến cảng tất nhiên phải hiểu cái tốt và cái xấu cùng hiện hữu song hành bên nhau. Tôi không ca ngợi cái xấu, nhưng tôi cũng không nhắm mắt chối bỏ sự có mặt của nó. Xã hội nào cũng có mặt phải thắp sáng hào quang và mặt trái bị tránh né bỏ quên. Một thành phố tân tiến ở Bắc Mỹ cũng không ra khỏi ngoại lệ nầy, cũng có khu sang trọng, khu bình dân, cũng có những vấn nạn khó giải quyết và tệ đoan xã hội.

Thành phố nước văn minh tân tiến có lường gạt kiểu tinh vi hiện đại; Saigon chậm tiến lường gạt kiểu cò con. Dọc theo tường ngăn ga xe lửa Saigon đầu đường Phạm Ngũ Lão, vào những năm cuối của thập niên 1950, tôi thấy có mấy người Thượng người Mường, gia tài chỉ có một cái gùi, ngồi xổm bán thuốc dân tộc gia truyền trị bệnh tầm bậy và tà ma. Tôi bị họ níu lại một lần. Tuy nói tiếng Việt không rành bằng một giọng khó nghe, nhưng họ rất kiên trì giảng giải về mức công hiệu của thuốc. Trước hết, họ kêu hoặc ngoắc một khách bộ hành dừng lại rồi làm giọng như thương hại như thế nầy:”Chà! Cậu em đang bị bịnh nặng lắm đó! Da xanh, mặt mụn, cổ ốm cao nhòng! Dương khí đi đâu mất hết! Di tinh, mộng tinh, hoạt tinh, linh tinh! Hay là bị thư bùa ngải gì rồi! Lại đây, lại đây. Tui có thuốc nầy hay lắm! Ma lai trên rừng mà còn phải chịu thua! Có năm đồng thôi. Uống vô bảo đảm một tháng sau là hết! Không hết lợi đây tui trả tiền lại!” Dù trước đó chưa xanh mặt nhưng nghe họ phán xong, tôi cũng phải xanh vì sợ. Định bỏ đi thì bị níu lại:”Tui chỉ muốn cứu người làm vui, nếu cậu không có năm đồng thì trả tui hai đồng cũng được, miễn là cậu hết bịnh!”. Thằng nhỏ vốn cả nể nên mất toi hai đồng cho yên thân. Gói thuốc thì quăng luôn xuống cống. Mấy ngày sau đi ngang qua đó thì các thầy thuốc “dân tộc ít người” kia cũng đã chuồn đi chỗ khác! Đọc phóng sự Hà Nội Lầm Than của ký giả Trọng Lang, tôi mới biết nơi chốn thủ đô ngàn năm văn vật cũng có mặt những người Mường ngồi vĩa hè xóm Khâm Thiên bán thuốc trị bệnh kín cho các gái nhẩy nghèo.

Trên khúc đường Đề Thám giữa Trần Hưng Đạo và Cô Bắc có mấy tiệm may áo dài sát liền nhau, khách hàng thuộc phái đẹp dập dìu. Nhà may Hạnh Dung rất nổi tiếng trong giới nghệ sĩ cải lương. Bà chủ có hai cô con gái tên Hạnh và Dung, trạc tuổi tôi. Tình nhân của bà chủ là nghệ sĩ Thành Công, hay đến đó lắm. Mỗi ngày đi học, tôi bắt buộc phải đi ngang qua tiệm may, chạm mặt hoài. Một lần không biết vì lý do gì, em trai của tôi và em trai của Hạnh và Dung đánh lộn. Bạn trai của Hạnh cũng nhào vô chơi đòn hội chợ. Em tôi chạy về nhà kêu tôi tiếp cứu. Tôi nổi máu anh hùng, quên mất tấm thân ròm, cùng em tôi chạy trở lại chiến trường hỏi tội “bọn côn đồ” và đấm đá một trận với thằng bạn trai đáng ghét của Hạnh. Sau đó tôi mới biết nguyên nhân chỉ vì em tôi đi ngang qua tiệm may và bị bọn chúng chọc ghẹo, em tôi tức quá đáp lại vỏn vẹn hai tiếng “công ngủ”, thế là bị đánh!

Tưởng như vậy đã yên, ai dè sau đó ít lâu, một bữa bọn tôi ba đứa gồm có chú Mười tôi, thằng Kiệt em tôi và tôi đi học lội bộ về ngang qua đó, lại có chuyện xảy ra. Ba chị em Hạnh, Dung đi học trường Tây cũng vừa về tới nhà bằng xế hộp Peugeot 403. Hạnh Dung mặc đồ đầm bước xuống xe, tôi mới đưa mắt liếc một cái thì con chó berger từ trong tiệm may phóng ra sủa mừng bọn chủ. Chú Mười tôi (chú út, nhỏ hơn tôi mấy tháng) thích chọc chó hơn là ngó gái nên dậm chân giả bộ gừ gừ. Con chó quay qua, thằng em tôi sợ chó cắn nên chạy, hai chú cháu cũng chạy luôn, thế là con chó chạy theo và ngoạm vô ống giò của tôi một phát rách da chảy máu, báo hại tôi phải nghỉ học ngày hôm sau để cha tôi chở đi viện Pasteur chích ngừa bịnh dại. Tôi bị lụi kim vô bụng cả chục mũi, đau còn hơn chó cắn.

Ngã tư Đề Thám – Cô Bắc có hai tiệm nước (bán cà-phê, hủ tiếu) chéo góc nhau tây-bắc và đông-nam, góc tây-nam là phông-tên nước công cộng, góc đông-bắc có trường tư-thục Tiên-Long. Trường nầy rất có uy tín, với ban giáo-sư tên tuổi giàu kinh nghiệm, cỡ tuổi ba mươi mấy trở lên, phân nửa đã già. Pháp văn lúc bấy giờ vẫn còn là sinh ngữ chánh; thầy Đồng văn Nam với dáng người hom hem xổ tiếng Pháp nói với học trò, bắt học trò quỳ gối lia chia nhưng vô cùng tận tụy với nghề nghiệp, luôn luôn tự đánh máy bài giảng (cours) trên giấy pelure phát cho học trò. Tôi ngồi gõ keyboard bài viết nầy mà hình dung lại cảnh ông phải lụm khụm đánh máy chữ nhiều lần, mỗi lần từng xấp sáu tờ giấy mỏng có lót xen kẽ năm tờ giấy than được dùng đi dùng lại, tôi thấy tội nghiệp cho ông quá. Thầy Hồ Công Mến dạy hóa học cũng là kỹ sư ở Pháp về, đầu tóc bạc phơ, luôn luôn thắt cravate mặc complet màu ngà giống như một Trần Văn Hương. Thầy Lê Thọ Xuân cao gầy dạy Sử Địa là một học giả vừa dạy học vừa làm quản lý nhà in Maurice in sách cho nhà xuất bản Phạm Văn Tươi nên thân với học giả Nguyễn Hiến Lê, khuyên học trò chúng tôi nên mua cuốn bút ký phóng sự Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hiến Lê mà đọc. Thầy Tư Mã Lộ dạy Việt văn chắc cũng gần sáu chục, mặt đen, mang kính cận dầy, rất ngọt ngào với đám học trò, gọi đứa nào cũng bằng con hết. Thầy Phong dạy vật lý tương đối còn trẻ, dáng dấp cao lớn khỏe mạnh. Thầy Đông lai Tây, trắng trẻo, mắt sâu, tóc dợn sóng, dạy Anh-văn sinh-ngữ hai bằng quyển L’Anglais Vivant, sau đó mới đổi qua English for Today theo chương trình mới của Bộ Giáo Dục. Thầy Trần Hiếu Trung dạy vẽ phát họa bằng bút chì, thật chậm và thật kỹ, mỗi tuần chỉ có một giờ làm tôi sốt ruột. Tôi chỉ lo kẽ ô hình mấy minh tinh Doris Day, Linda Blair, Vivien Leigh, Debbie Raynold, Audrey Hepburn, Jayne Mansfield, và cóp-pi lại bằng màu nước để tặng cho tụi bạn gái trong lớp. Thầy dạy nhạc là nhạc-sĩ Văn Lương, tác giả của những bản nhạc Tía Em, Má Em, Anh Đi Giữa Trời Xuân, Thao Thức, Nhìn Theo Xe Hoa, Tiếng Hát Trên Ngàn, Giấc Mơ Không Đến Hai Lần, Tình Không Biên Giới, Người Yêu Của Tôi, Yêu Không Nói, Em Vẫn Là Hoa Khôi Thành Phố, Trăng Với Tuổi Trẻ, v.v. Thầy Văn Lương nhỏ con thôi, vậy mà ông lái một chiếc Harley Davidson đồ sộ, máy nổ rầm rầm, đúng là nghệ sĩ chịu chơi; trong khi những ông thầy khác đi dạy bằng xe tắc-xi, xe xích-lô đạp, xe Mobilette mà thôi.

Dường như trường Tiên Long là một ổ cách mạng, một tiểu tổ đảng phái hay một chi nhánh hội kín làm chính trị, vì cứ lâu lâu lại có một ông thầy biến mất, lâu lâu lại có công an mật vụ xuất hiện ở văn phòng nói chuyện với ông hiệu trưởng rất nghiêm trọng. Một vài thằng bạn trong lớp rõ chuyện nói với tôi là “thầy A, thầy B vô nằm trong Chí-Hòa rồi!” Tôi là đứa vô tư, đầu óc đơn giản, ham chơi hơn ham học, ham làm chuyện nhỏ hơn chuyện lớn, cho nên tôi không mấy quan tâm đến việc làm ngoài lớp học của mấy ông thầy. Lắm lúc nghĩ lại, tôi nhận thấy việc học hành của tôi gặp nhiều lận đận một phần do tôi khăng khăng nghe theo lời khuyên của các thầy. Thầy khuyên tôi theo ban Toán, trong khi tôi chỉ khá các môn sinh ngữ và văn chương, giống như mấy câu thơ Xuân Diệu tự nói về mình trong tập Thơ Thơ “Hãy biết rằng anh lúc ở trường, Rất tồi toán pháp, khá văn chương. Chàng trai đi học nghe chim giảng, Không thuộc bài đâu, ấy sự thường”. Lớp học không có cửa sổ; tôi không có nghe chim giảng. Tôi chỉ mê văn chương thôi. Tôi nghĩ nếu tôi thi ban C từ đầu thì tôi đã đậu. Nhưng tôi đã ngoan cố thi ban B mới trợt vỏ chuối dài dài.

Vỏ chuối hay vỏ dưa hấu cùng với đủ loại trái cây khác trong Chợ Cầu Muối lúc nào cũng nhiều, lối đi trong chợ lúc nào cũng lầy lội trơn trợt. Một thằng bạn cùng lớp học dốt hơn tôi sống luôn nơi vựa trái cây trong chợ. Nó tên Các, chị nó tên Anh. Hai chị em học cùng lớp mấy năm đệ lục, ngũ, tứ với tôi. Chị nó có cái mỏ trớt nên nói tía lia, đúng là con gái buôn bán, lanh lợi vô cùng. Thằng Các và chị nó đều ngủ ghế bố. Ba Má nó thì ngủ trên một cái sạp thấp chủm, trên sạp lại có treo một cái võng. Chiều tan học, Các hay rủ tôi theo về vựa nó ngồi ké bên mép sạp đánh cờ tướng ăn củ sắn non, cam, quít, mận, ổi xá lị. Mỗi lần mẹ tôi cần mua trái cây để cúng hoặc ăn tráng miệng, tôi giành mua, ba má thằng Các bán rẻ cho tôi.

Mặt tiền Chợ Cầu Muối xây ra đường Nguyễn Thái Học, cũng là một đại lộ với bóng cả cây già. Tháng cậïn Tết, các vựa dưa hấu cất lấn ra chiếm hết lề đường, và lan dài ra gần tới Trần Hưng Đạo. Đối diện với Chợ Cầu Muối là Trường Trung Học Tư Thục Bồ Đề ba tầng lầu chiếm một góc của ngã tư Nguyễn Thái Học với Nguyễn Công Trứ. Kế bên trường Bồ Đề là trường dạy nhạc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, tiếp theo là một dãy tiệm chạp phô bán đồ khô của người Tàu, lâu lâu bị đám học trò nghịch ngợm đi ngang qua bóc một nhúm tôm khô hay mấy quả táo tầu đựng trong các bao bố để sát lề đường. Đường Nguyễn Thái Học chấm dứt ở ngã ba Bến Chương Dương dưới chân Cầu Ông Lãnh và Chợ Cá.

Tôi không nhớ lý do tại sao có nhiều lần tôi lội vô Chợ Cá nhầy nhụa nầy. Nhưng tôi dám chắc một điều là không phải tôi đi cua đào, mặc dầu tôi biết rành câu ca dao “Trai khôn tìm vợ chợ đông, Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”. Tôi lội vô Chợ cá Cầu Ông Lãnh chắc là chỉ vì theo một thằng bạn học nào mua cá, hoặc là để thỏa tính phiêu lưu thôi. Tôi xuống các ghe chành chở đầy cá từ Biển Hồ ở Nam Vang về đậu san sát mấy hàng dưới con rạch Bến Nghé để cung cấp cá cho các vựa chánh bán sĩ trong chợ. Từ đó cá được lựa ra và chứa trong những thùng tròn lớn bằng thiếc để phân phối lại cho các bạn hàng buôn bán lẻ. Cá ở Biển Hồ to lớn hơn cá ruộng đồng Tiền Giang quê tôi. Nhiều con cá lóc bự bằng cổ chân người lớn, một bàn tay cầm không giáp vòng. Mỗi ghe cá chứa hàng mấy ngàn con dưới lòng ghe có ba ngăn, bên trên lót ván làm sàn có chừa nắp làm chỗ thòng vợt xuống vớt cá. Con nào con nấy khi được vớt lên đều sứt đầu vỡ trán chứng tỏ chúng không ngừng tung mình tìm cách thoát thân.

Trong loạt bài phóng sự kể chuyện thăm lại Saigon dịp đầu năm 2001, tác giả Nguyễn Tường Phong có kể sinh hoạt buổi sáng sớm của khu lao động đó như sau:

Với lòng phấn khởi, tôi tà tà thả bộ (từ khách sạn đang trú ngụ) ra khu Cầu Ông Lãnh tìm ly cà phê buổi sáng xem dân tình thế sự. Trên hè đường, lác đác vẫn còn một vài bạn hàng căng ghế nằm ngủ trước những khu cửa tiệm mở cửa trễ. Trái cây sắp vào mùa, chiếc xe ba bánh của cặp vợ chồng trẻ bên đường chất lớp lớp những trái măng cầu xiêm trên lớp rạ tỏa mùi thơm ngát. “Mua đi anh Hai, mười lăm ngàn một ký.” Chị vợ mời.

Nhìn những trái măng cầu xanh tươi chín mộng, có trái hơi nứt ra khoe thớ thịt trắng phau. Tôi nuốt nước miếng: “Dạ cám ơn” rồi hướng về ngã tư Ký Con, Nguyễn Thái Bình. Chao ơi, thật đúng Sài Gòn năm xưa của tôi. Thiên hạ, đa số là dân lao động thợ thuyền, dân làm ăn, xe ôm… đầy trên các bàn thấp quanh những sạp đồ ăn và các xe cà phê trên vỉa hè. Tôi xà xuống chọn cái ghế trống giữa đám đông ngay sau một trạm sửa máy xe nơi góc đường gọi một ly cà phê sữa nóng.

“Nóng đấy nhé cô hàng, thật nóng cho tôi.” Sự thật là tôi phải giữ gìn mồm miệng trong khi ăn uống để tránh cảnh ôm quần mà chạy. Không tuyệt vời nhưng đúng ý, tôi cảm thấy vị cà phê trong hơi nóng còn đang bốc khói. Xem nào, trước mặt tôi là sạp “cơm bụi.” Năm ngàn đồng một dĩa cơm gồm hai nửa cái giò heo kho tàu, trái trứng “vzịt” và một gắp đầy đồ chua rồi chan thêm nước mắm pha kiểu Sài Gòn ngòn ngọt cay cay.

Hình ảnh vài bạn hàng căng ghế nằm ngủ vào năm 2001 thật chẳng khác với hình ảnh tôi chứng kiến gần nửa thế kỷ trước của hai chị em thằng bạn học tên Các sống trong vựa bán trái cây Chợ Cầu Muối. Sau trận hỏa hoạn cuối năm 1979 Chợ Cầu Muối được xây dựng lại khang trang hơn và ngăn nắp hơn, nhưng dường như nếp sinh hoạt và đời sống của người dân quanh chợ vẫn không thay đổi. Xe ba gác đã thay cho xe thổ mộ, nhưng con người lao động, lời gọi chào, lối xưng hô, hàng quán bên vĩa hè, ly cà phê, dĩa cơm bình dân vẫn như dạo nào, thật đúng là Saigon năm xưa của tôi như tác giả Nguyễn Tường Phong đã thốt lên.

Đợt di cư 1954 mang vào Saigon cho tôi nhiều bạn mới và thầy mới. Giọng nói khác và một số từ ngữ lạ chẳng những không gây ra một khó khăn trở ngại nào mà còn làm cho cuộc nói chuyện tăng thêm phần hứng thú và vui nhộn. Tôi có mấy đứa bạn học, bạn cùng sở làm người Bắc gia đình định cư ở Thị Nghè, Bàn Cờ, Hòa Hưng, Lăng Cha Cả. Một điều khiến cho tôi kinh ngạc là trong số bạn đó có đứa cũng nghịch ngợm, phá phách, ham chơi và chịu nhậu như tôi vậy.

aigon có một cái “flea market” lớn lắm. Đó là khu Dân Sinh trên đường Yersin, cách Chợ Cầu Muối chỉ một “block” đường. Vào những năm đầu của cuộc di cư của đồng bào miền Bắc, khu Dân Sinh tràn ngập quần áo cũ để mặc vào mùa đông ở các xứ lạnh. Tôi ngạc nhiên quá đỗi khi thấy hàng đống áo choàng bằng lông thú bự sự cồng kềnh quá khổ. Tôi đoán chừng số hàng nầy là quà tặng của các cơ quan từ thiện và cứu trợ từ các nước Âu Mỹ. Sau nầy, khi sự hiện diện của quân đội Mỹ ngày một gia tăng ở Việt Nam, khu Dân Sinh là nơi hàng quân dụng thặng dư tràn ngập, món gì cũng có, trừ súng đạn. Gọi là quân dụng thặng dư cho nó lịch sự chớ thật ra, đó là hàng nhảy dù, hàng lậu, hàng ăn cắp từ các kho tiếp liệu của Mỹ hoặc hàng quân-tiếp-vụ của QLVNCH. Tôi lui tới cái “chợ rận” nầy cũng năm bảy lần, lúc thì mua một cái “field jacket”, lúc thì một đôi “botte de saut” tân trang có may “fermeture” bên hông, ghế bố cá nhân, mùng, võng bằng giây dù rất bền chắc.

Gần ngã ba Yersin với Bến Chương Dương có một ngôi chùa Minh Hương thật cổ kính được dựng lên từ khi những người Hoa đầu tiên đến vùng đó lập nghiệp, mặt tiền xây ra sông, trước sân chùa có hồ nuôi rùa, có vòng rào bao bọc. Không kể vùng Chợ Lớn, trong phạm vi Saigon, người Hoa tập trung ở quận nhì đông hơn cả. Nhân vật nổi tiếng là Chú Hỏa, tức Hui Bòn Hỏa. Ông ta là một tay tài phiệt làm chủ nhiều đất đai nhà cửa vào bậc nhất ở Saigon, cũng giống như một Donald Trump của thành phố Nữu Ước. Dinh cơ của ông ta như một lâu đài có tường rào bao bọc chiếm nguyên một khu đất nằm lọt trong các đường Nguyễn Văn Sâm, Hồ Văn Ngà, Yersin và Ký Con, gần nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam sau đó đã dời về đường Trần Hưng Đạo. Ngôi dinh thự Chú Hỏa xây trên gò đất cao giữa vườn, chung quanh có cây cối, phía sau có một ngôi nhà phụ nhỏ hơn. Hồi đó tôi hay đi ngang qua đó thấy ngôi nhà lúc nào cũng vắng vẻ im lìm. Tôi nghe người ta đồn một người con gái của Chú Hỏa bị bịnh điên, phải nhốt riêng ở cái nhà phía sau đó.

Trên Bến Chương Dương hai bên ngã ba Calmette là Công Trường Diên Hồng tức trụ sở Thượng Nghị Viện và Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam. Sát mé sông trước Công Trường Diên Hồng có một cái parkette nho nhỏ sạch sẽ, có băng ghế xi măng, chiều chiều ra đó hóng mát cũng khoái lắm. Từ đó nhìn lên cây cầu Calmette hình vòng cung đen xì thấy cũng hay hay. Vào buổi nước lớn, bọn trẻ con hay leo lên cầu rồi plongeon phóng mình xuống nước vừa hò hét om sòm. Tôi cũng là một tay thích tắm sông, nhưng thà chịu khó đạp xe đạp lên Bình Nhâm tắm nước trong veo mát lạnh chớ tôi không khi nào có can đảm tắm sông Ông Lãnh đầy rác rưởi. Tuy nhiên, khúc sông Ông Lãnh từ cầu Công Lý trở ra phía sông Saigon tương đối cũng đã sạch sẽ hơn vì không có ghe thuyền, chợ búa bừa bãi nữa.

Gần cầu Khánh Hội chỗ ngã ba sông Ông Lãnh nhập vô sông Saigon có Cột Cờ Thủ Ngữ và Hội Quán Thể Thao Trượt Nước có cái tên Tây Cercle Nautique Saigonais có sân thượng patio che dù, dân tây đầm ngồi dựa ngửa hướng mắt ra thương cảng Saigon, dõi nhìn những chiếc ca nô hors-board kéo theo dân chơi trượt nước rẽ sóng, vừa uống bia vừa hóng gió. Thủ Ngữ là từ Hán Việt, nếu dịch sát nghĩa đen là dùng ngôn ngữ bằng cách ra dấu tay. Nhưng thật ra người ta dùng cờ vải đủ màu và hình thể để làm hiệu cho các tàu bè theo quy luật hàng hải. Qua cầu Khánh Hội là con đường mang tên vị tướng Trịnh Minh Thế tử trận trên cầu trong một trận đánh giữa quân đội quốc gia với quân phiến loạn Bình Xuyên năm đầu tiên của nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Đây là lãnh thổ Quận Tư với thương cảng Saigon, với các dãy nhà kho mênh mông và với huyền thoại về những tay anh chị đâm thuê chém mướn xóm đường Tôn Đản. Nghe thì ghê vậy chứ tôi chưa hề gặp một tay mặt rằn giết người không gớm tay nào cả trong suốt bảy năm sống vùng đó.

Cha tôi quan niệm có làm việc thì phải có hưởng thụ. Cuối tháng lãnh lương, ông hay đưa gia đình đi ăn cơm thố ở Chợ Cũ, nhà hàng Đồng Khánh trong Chợ Lớn, bò bảy món ở quán Bảy Lọ (góc ngã ba Cống Quỳnh – Bùi thị Xuân), Quán nầy nguyên là một ngôi biệt thự nhỏ nằm ở góc đường, sân trước có rào, đặt mươi cái bàn, khách ngồi ghế xếp, nhưng đông khách vì nấu ngon. Cha tôi cũng đưa gia đình đi ăn nhà hàng Arc-en-Ciel, Parc-au-Lac rộng lớn, có sân lộ thiên lót gạch, trang trí các chậu sứ cây kiểng uốn hình chim thú. Cuối tuần đi làm ra, ông hay ghé Chợ Cũ mua thịt heo quay, hoặc vịt quay, hoặc xá xíu cùng với vài ổ bánh mì tây mang về nhà ăn thay cơm thường ngày. Vì vậy, anh em chúng tôi trong gia đình cũng bị lây nhiễm triết lý sống đó, có khi lạm dụng, hưởng thụ hơi nhiều. Thành tích hưởng thụ của riêng tôi không lấy gì làm ghê gớm. Tôi hay đạp xe đạp đi câu cá ở vùng ngoại ô: đi An Lạc, Bình Chánh, Phú Lâm câu cá rô, cá trê vàng, cá lóc; đi Phú Xuân Nhà Bè bắt cua, bắt còng; đi gần hơn ra cầu Bình Lợi câu cá ngác, tôm càng; siêng nữa thì lên tuốt Bình Nhâm Bình Dương tắm suối tắm sông, bẻ mía và ăn trái cây đã đời.

Tôi cũng mê sưu tầm tem một thời gian dài. Khởi đầu, tôi trầm trồ ngắm ngía những con tem cha tôi mang về từ sở làm. Dần dần, tôi đạp xe đạp ra Passage Eden để la cà hàng giờ nơi tiệm tem lớn Philatelique gần bên tiệm sơn mài Thành Lễ. Lần nào ra đó, tôi cũng dốc hết tiền túi ra để mua tem, album tem, kính rọi, kẹp gắp tem. Vào những ngày có phát hành tem đầu tiên, tôi ra Bưu Điện chực chờ và chen lấn với đám đông một cách hứng thú để mua phong bì in sẳn từ những người bán lẻ, xong rồi mua mấy bộ tem mới tinh từ các guichet bưu điện, xong lại cẩn thận dán tem lên phong bì cho ngay ngắn, và cuối cùng đến các bàn xin đóng cho cái dấu “Ngày phát hành đầu tiên”.

Sau nầy, khi “tiện nội” đã vào làm việc ở Nha Viễn Thông của Tổng Cục Bưu Điện, tôi đã có một “tay trong” đắc lực lo hộ mua vài bộ tem phát hành đầu tiên đó. Địa chỉ Nha Viễn Thông, số 3 đường Nguyễn Hậu bên hông Bưu Điện Saigon đã đi vào thiên tình sử với những buổi Em tan sở về .Đường mưa rầm rập . (thay vì Em tan trường về .Đường mưa nho nhỏ . của Ngày Xưa Hoàng Thị). Những ngày đó của những năm 1967 – 1973, có một anh chàng lính văn phòng gầy gò đậu chiếc xe Yamaha (sau đổi qua Honda dame) bên lề đường đầy lá me bay trên con đường Nguyễn Hậu ngắn ngủn để ngóng chờ bóng dáng người yêu trong chiếc áo dài thướt tha xuất hiện nơi đầu bậc thềm cao vào giờ tan sở.

Thuở chúng tôi mới quen nhau vào năm 1961, nàng ở với người cậu ruột trên đường Gia Long. Khu vực nầy thuộc Quận Nhứt gồm toàn những biệt thự kín cổng cao tường. Cậu nàng là một sĩ quan hải quân cao cấp ở gần tư dinh của đại tướng Lê văn Tỵ. Nhà cậu nàng có nuôi hai con vượn trắng bị cột giây xích thả trên cành cây ngoài vườn. Mỗi lần tôi dừng chiếc vélo solex trước cổng và hồi hộp bấm chuông là hai con vượn nhảy nhót tưng bừng và hú lên inh ỏi vang tiếng trong vòm cây làm cho tôi càng khớp hơn. Vài năm sau, nàng lại dọn về ở nhà người chú mãi trên đường Hoàng Hoa Thám, Gia Định. Cuối tuần đi gặp nàng, chuyến đi của tôi xa hơn và dài thêm. Đề Thám, đại lộ Trần Hưng Đạo, đại lộ Hàm Nghi, Bến Chương Dương, đường Đinh Tiên Hoàng thăm thẳm qua Đakao, ngang qua lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt, thêm một đoạn dài trên đường Hoàng Hoa Thám ngang qua đền thờ Hai Bà Trưng, mừng quá, tôi đã đến nhà nàng! Hoàng Hoa Thám. Quả là định mệnh. Tên đường chất chứa tên hai đứa. Tên tôi chất chứa tên nàng. Con đường xưa em đi . cũng là con đường vu qui vào năm 1965. Nàng rời nhà ở đường Hoàng Hoa Thám để về nhà tôi ở đường Đề Thám, thì cũng chỉ là tên của một người, vị anh hùng chống Pháp trên suốt 25 năm và từng được mệnh danh là hùm thiêng Yên Thế.

Tôi là một con dế mèn thích phiêu lưu, tuy chỉ là phiêu lưu vặt quanh khu xóm, quanh thành phố trong vòng vài tiếng đồng hồ cuốc bộ bằng bộ giò ống điếu của tôi. Tôi từng vừa cõng vừa dắt mấy đứa em đi Hội Chợ Thị Nghè năm 1958, cũng may buổi chiều lo về sớm, nếu không thì có thể bị đám đông đè chết trên cầu Thị Nghè. Tối hôm đó nghe tin tức trên radio, tôi mới biết là tai nạn đã xảy ra khi hai đám đông từ hai đầu cầu dồn nhau lại gây hỗn loạn khiến cho lan can cầu sập, người ta lớp bị đạp nghẹt, lớp lọt xuống sông, chết mấy chục mạng. Mỗi khi bắt được tin nóng hổi có biến cố xảy ra, tôi dọt ra khỏi nhà liền. Năm 1954, tôi dắt em tôi đi coi biểu tình do những người Bắc mới di cư vô Saigon tổ chức.

NhuLien
02-17-2012, 09:37 AM
Valentine cho mình

Ngày Valentine, chưa kịp có quà tặng, tôi đã đi mua ngay một bó hoa để... tặng mình. Cắm hoa vào lọ, tôi say sưa ngắm, mỉm cười hạnh phúc. Hoa đẹp, tôi đẹp, và cuộc đời cũng đẹp...

Ai không mong sẽ có món quà dễ thương vào ngày Valentine. Thế nhưng, không phải ai cũng có người tặng quà. Nhiều người chỉ mang nửa trái tim, chưa tìm được nửa kia ghép lại. Nhiều người mang trái tim tan vỡ, đớn đau. Có người cả hai mảnh tim đều hoàn hảo nhưng "đối tác" không biết cách tỏ bày, hoặc thiếu một chút lãng mạn. Có người lại không màng "ngày này ngày nọ" cho mệt tâm... Rất nhiều "hoàn cảnh" để ngày Valentine trôi đi trong thờ ơ, hoặc trong chờ đợi mỏi mòn, hoặc trong dằn vặt xót xa...

Tôi may mắn luôn có quà Valentine mỗi năm. Nhưng tại sao phải thụ động ngồi chờ kẻ khác yêu mình nhỉ? Tại sao không yêu lấy chính mình? Cuộc đời của mình trước tiên do mình "quản lý", sao cứ phải phụ thuộc vào lòng yêu ghét của người khác. Mình phải trân trọng lấy mình, vì mình chỉ có một cuộc đời để sống mà thôi. Thế cho nên, phải yêu nó, chăm chút lấy nó. Một đóa hoa, một bộ quần áo đẹp, hoặc một bản nhạc, một vài tiếng đồng hồ thư giãn quên phức lo toan... thế cũng là quà. Mình tặng mình trước khi người tặng.

Mà đời đã tặng mình nhiều thứ lắm rồi, tại mình không chịu nhìn, cứ mơ tưởng những thứ "chưa có" nên khổ tâm. Thử nhìn lại những thứ "đang có" sẽ thấy hạnh phúc. Những món quà vô giá mà tạo hóa, cha mẹ, xã hội đã ban cho. Mình mấy chục tuổi là mấy chục năm được tặng quà, được yêu, được vui, sao mình lại quên! Đời không chỉ có một ngày Valentine, mà là 365 ngày mỗi năm, mình sống trong tình yêu của biết bao người chung quanh. Tình yêu, đâu chỉ là trai với gái, mà là với tất cả mọi người. Có tìm được thứ tình này thì mới không dằn vặt riêng tư.
Mà mình tự yêu mình thế có gọi là ích kỷ? Không đâu. Mình không biết yêu mình thì làm sao biết yêu người khác? Khi mình biết trân trọng bản thân, biết nạp năng lượng cho đời mình, thì mình mới tỏa năng lượng ra chung quanh để làm ấm áp tha nhân. Một tâm hồn lạnh lẽo, một thân xác héo mòn, một trí tuệ cùn nhụt, sẽ không thể nào giúp ích cho ai. Một cái đèn chỉ tỏa sáng được khi chính nó có năng lượng, có ánh sáng. Hãy chăm sóc mình cho tử tế rồi lấy đó mà chăm sóc gia đình, bạn bè, thầy cô, xã hội. Thế là yêu.

Những cánh hoa của tôi đang rạng ngời trong lọ, hương hoa thoang thoảng một góc nhà. Ngày Valentine của tôi...

Diệu Kim

NhuLien
03-09-2012, 04:22 PM
ĐỌC NGUYỄN NGỌC NGẠN







Đây rồi.... biếu quý vị web site Chuyện Đọc
Nguyễn Ngọc Ngạn,
Nghe mệt nghỉ
Không mỏi mắt

















SƯU TẦM NHỮNG TRUYỆN ĐỌC (AUDIO BOOKS) CỦA NGUYỄN NGỌC NGẠN

A
ÁNH MẮT VÔ TÌNH - NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2196)

B
BÃI ĐẤT HOANG SAU NHÀ - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2114)
BÊN HÀNG LANG TOÀ ÁN - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2182)
BIỄN VẪN ĐỢI CHỜ - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2330)
BÓNG MA BÊN CỬA (NNN) Đọc: NNN & Hông Đào (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=458)
BÒNG NGUỜI DUỚI TRĂNG (NNN & Hồng Đào diễn đọc) (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2112)
BÙA YÊU NNN) (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=297)
BUỚC CHÂN NGUỜI TÌNH (NNN) (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2181)

C
CASINO - NNN (Đoc Hồng Đào & NNN) (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2120)
CĂN NHÀ SÔ 24 (NNN) (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=298)
CÂY TRỨNG CÁ - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2300&p=71257#p71257)
CHÚT KỶ NIỆM XƯA - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2299)
CHUNG QUANH TÔI - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2180)
CHUYỆN NĂM XƯA - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2207)
CHUYỆN VUI NGUYỄN NGỌC NGẠN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=450)
CÕI ÂM (ĐỌC: NNN & Hông đào) (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=310)
CÕI ĐÊM - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2157)

D
DỐC CAO - NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=4292)
DỐC CAO VỜI VỢI - NNN (Diễn đọc: Thanh Lan & NNN) (https://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2199)
DỐC ĐỨNG (NNN) (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=308)
DÒNG ĐỜI LẶNG LẼ - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2275)
DÒNG MỰC CŨ - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2243)
DÒNG SÔNG HỜ HỮNG - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=4291)
DẤU CHÂN XƯA (NNN) Đọc: NNN & Nguyẽn Cao Kỳ Duyên (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=347)
DẤU TÍCH ÂN TÌNH - NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2173)

Đ
ĐA THÊ - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2214&p=71152#p71152)
ĐÊM KHÔNG TRĂNG - NNN (Hồng Đào & NNN diễn đọc) (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2113)
ĐÊM TRONG CĂN NHÀ HOANG (NNN) (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=295)
ĐÊM VẮNG (Đọc: Hồng Đào & NNN) (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=323)
ĐẾM NHỮNG MẢNH TÌNH - NNN (Diễn đọc: Thanh Lan, Ái Vân, NNN) (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2222)
ĐI THÊM MỘT BUỚC - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2298)
ĐỢI NGÀY LY HÔN (NNN) Đoc Hồng Đào & NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=449)

G
GÀ TRỐNG NUÔI CON (NNN) Đọc: Hồng Đào & NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=451)
GẶP GỠ LẦN ĐẦU (NNN) Đọc: NNN & Aí Vân (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=446)
GIÃ TỪ SÂN KHẤU - NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2297)
GIÒNG SÔNG HỜ HỮNG - NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2296)

H
HỒN VỀ TRONG GIÓ (NNN) Đọc: Hồng Đào - NNN (Âm thanh: Chí Tài) (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=4)

K
KỂ MỘT CHUYỆN TÌNH (NNN) Đoc: NNN & Thanh Lan (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=445)
KHU PHỐ CHỢ TRỜI - NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2172)
KỶ NIỆM SÂN KHẤU (Nguyẽn Ngọc Ngạn) Tuấn Bảo phỏng vấn nhà văn NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=4346&p=79669#p79669)

L
LẠ GIƯỜNG - NNN (Đọc NNN & Nguyễn Cao Kỳ Duyên) (https://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2117)

M
MÁI ẤM - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2189)
MÀU CỎ ÚA - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2211)
MÂY ĐEN (NNN) Đọc: NNN & Ái Vân (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=1170&p=67343#p67343)
MÓN QUÀ CUỐI NĂM (NNN)Đọc: NNN & Hồng Đào (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=447)
MỘT LẦN HẠNH PHÚC (NNN) Đọc: NNN - Thanh Lan (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=8)
MỘT LẦN RỒI THÔI (NNN)Đọc: Nguyẽn cao Kỳ Duyên & NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=448)
MƯA BÊN CHỒNG (NNN) Đọc: NNN - Hồng Đào (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=10)
MƯA TRONG BÓNG ĐÊM - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2274)

N
NGÀY BUỒN CŨNG QUA MAU - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2210)
NGÀY TRỞ LẠI - NNN (Diễn đọc: Hồng Đào & NNN) (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2167)
NGHỀ TAY TRÁI - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=3531&p=75739#p75739)
NGÔI MỘ MỚI ĐẮP (Quang Minh, Hồng Đào & NNN diễn đọc) (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2111)
NGÔI NHÀ PHONG THỦY - NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2198)
NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI BÊN TÔI - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2276)
NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI TRUỚC - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2331)
NHÌN QUANH MỘT MÌNH (NNN) Đọc: Hông Đào & NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=413&p=65172#p65172)
NHỊP CẦU - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2169)
NỖI MONG ĐỢI KHỐN CÙNG - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2168)
NỖI SẦU SÂU KÍN (NNN) Đọc: NNN - Hồng Đào (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=32)
NƯỚC ĐỤC - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2235)
NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG - NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2118)

P
PHÒNG MẠCH (NNN) Đọc: Hồng Đào & NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=436)
PHÒNG TẮM (NNN)Đọc: Aí Van & NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=452&p=65267#p65267)

Q
QUA ĐƯỜNG - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2170)
QUAY TRONG CƠN LỐC - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2242)

R
RỒI ĐẾN MỘT NGÀY - NNN (Diễn đọc: NNN & Nguyẽn cao Kỳ Duyên) (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2166)

S
SAU LẦN CỬA KHÉP - NNN (Hồng Đào & NNN diễn đọc) (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2116)

T
TÂM BỆNH - NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2197)
TẤM VÉ SỐ - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2273)
TÀU VỀ MIỀN XUÔI (NNN) Đọc: NNN - Aí Vân (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=13)
THẦY THANH - NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2139)
THỜI VẬN - NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2206)
TÌNH MUÔN - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2171)
TIẾNG QUẠ RÉO VONG HỒN - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2212)
TRONG QUAN TÀI BUỒN - NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2213)
TRONG SÂN TRUỜNG NGÀY ẤY - Đọc: NNN - Hồng Đào (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=303)
TỰ TRUYỆN - NNN (http://hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2151)

V
VÁCH TUỜNG CŨ (NNN) Đọc: NNN - Mai Phuơng (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=12)
VEN RỪNG - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2179)
VIỆT KIỀU 1-6 (NNN) (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2237&p=71181#p71181)

X
XÓM ĐẠO 1 & 2 - NNN (http://www.hinhtran.com/forums/viewtopic.php?f=276&t=2215)




















































































































__________________________________________________ __________

NhuLien
03-24-2012, 10:47 AM
Như Liên

Sidney
03-24-2012, 12:02 PM
Như Liên
:)

http://files.myopera.com/trinhhaiphuong/albums/6477952/hoa-sen.gif
(from google :D)

Nhã Uyên
03-25-2012, 05:14 AM
Đây rồi.... biếu quý vị web site Chuyện Đọc


Cám ơn chị NhuLien!
NU cũng rất thích những hình chụp Food Arts trên. Đẹp lắm.

Chị ngày vui.

NhuLien
03-26-2012, 07:07 AM
:)

http://files.myopera.com/trinhhaiphuong/albums/6477952/hoa-sen.gif
(from google :D)

Cám ơn Sidney đã cho chị bức tranh " Như Liên " đẹp tuyệt vời nè!

Thân,

NL

NhuLien
03-26-2012, 07:14 AM
Cám ơn chị NhuLien!
NU cũng rất thích những hình chụp Food Arts trên. Đẹp lắm.

Chị ngày vui.

Chị Liên phải cám ơn Nhã Uyên đã ghé sang thăm nè! Được Nhã Uyên thích, chị Liên sẽ post thêm cho Nhã Uyên vào ngắm nha! Tên của Nhã Uyên đẹp lắm! Chị Liên có gọi Uyên Vy cho cô cháu nội của chị Liên đó!

Thân,

NL

Camel
04-01-2012, 11:02 PM
Chào chị Như Liên,

Không chỉ có mình Nhã Uyên , có lẽ có nhiều người khác cũng thích những hình chụp của Carl Warner , chị cứ post thêm để mọi người được ngắm cho đã :)

Năm thế vận hội Sydney 2000, camel có mặt ở đó , họ có trưng bày rất nhiều gian hàng nói về nông phẩm của Úc , tiếc là hồi đó không biết chụp hình , đám hình cũ bây giờ cũng ố vàng ... nếu không scan lại cho chị xem rất nhiều mẫu hình thích thú !

(Mấy hôm nhận lời khen của chị bên nhà anh Gun và hôm nọ bên nhà sis Lan , thực sự ra camel nghĩ ai với đấng sanh thành ra mình đều ít nhiều có lòng mong muốn cha mẹ mình được tốt . Cha mẹ Á Đông mình thường hết lòng vì con cái ... nhất là các thế hệ trải qua cuộc bể dâu trước và sau 75 khi còn kẹt lại tại quê nhà . Gia đình camel những khi ngồi ôn lại chuyện cũ , mấy anh em vẫn thường nói mẹ mình ở vào cái tuổi 42 , nách đeo 8, 9 chín đứa con còn non dại , đứa bé nhất mới có lên 5t , chồng đi cải tạo , nhà bị đuối ... thế mà cũng một tay lo toan cho cả gia đình để ngày hôm nay con cái đều ăn học đến nơi đến chốn nơi xứ người , cứ nghĩ mình bây giờ còn "già" hơn mẹ mình hồi đó , đụng chuyện lớn như vậy chắc gì đã vượt qua . Nên bây giờ có làm được 1 chút gì thì cũng chẳng trả được hết công nuôi dưỡng của mẹ mình , do đó chẳng dám nghĩ mình là tốt chị NL ạ , may mà camel đông anh em nên đùn qua đùn lại cho nhau, chứ một mình ên thì cũng chẳng biết sẽ phải làm sao .
Hồi đầu có đọc các post của chị , có lúc còn lầm tưởng chị là bà chị dâu họ , chả là camel có ông anh họ dân pilot , cái ngày 30 tháng 4 anh ấy cũng chạy loạn với gia đình bên vợ ... :) )

NhuLien
04-02-2012, 07:47 AM
Búp Bê Hoa Tươi






























Tác phẩm búp bê này được nghệ sĩ Elssa Mora, người Cuba thực hiện. Elsa đã ghép những cánh hoa, cành hoa lại với nhau, và qua bàn tay khéo léo của người nghệ sĩ, chúng biến thành những con búp bê đẹp tuyệt vời.

Chúng ta có thể nhận thấy những cánh hoa nhỏ bé, những chiếc lá... đều trở nên đẹp hơn rất nhiều, và những búp bê bằng hoa này vô cùng trong sáng và đáng yêu. Ðể thực hiện tác phẩm này nghệ sĩ Elsa đã sử dụng rất nhiều loại hoa khác nhau, ngoài để làm 1 tác phẩm cô phải rất tỉ mỉ và cẩn thận. Chúng mình cùng ngắm bộ sưu tập đặc biệt này nhé.


http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/01/101101cl4hoa-16.jpg

http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/01/101101cl4hoa-15.jpg
Rất đẹp và sáng tạo !

http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/01/101101cl4hoa-14.jpg

http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/01/101101cl4hoa-13.jpg

http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/01/101101cl4hoa-12.jpg

http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/01/101101cl4hoa-11.jpg
Chân là 2 nụ hoa hồng.

http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/01/101101cl4hoa-10.jpg

http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/01/101101cl4hoa-9.jpg

http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/01/101101cl4hoa-8.jpg
Rất nhiều loại hoa được sử dụng trong bộ sưu tập này.

http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/01/101101cl4hoa-7.jpg

http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/01/101101cl4hoa-6.jpg

http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/01/101101cl4hoa-5.jpg

http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/01/101101cl4hoa-4.jpg

http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/01/101101cl4hoa-3.jpg

http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/01/101101cl4hoa-2.jpg

http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/01/101101cl4hoa-1.jpg








































__._,_.___

NhuLien
04-02-2012, 08:26 AM
Chào chị Như Liên,

Không chỉ có mình Nhã Uyên , có lẽ có nhiều người khác cũng thích những hình chụp của Carl Warner , chị cứ post thêm để mọi người được ngắm cho đã :)

Năm thế vận hội Sydney 2000, camel có mặt ở đó , họ có trưng bày rất nhiều gian hàng nói về nông phẩm của Úc , tiếc là hồi đó không biết chụp hình , đám hình cũ bây giờ cũng ố vàng ... nếu không scan lại cho chị xem rất nhiều mẫu hình thích thú !

(Mấy hôm nhận lời khen của chị bên nhà anh Gun và hôm nọ bên nhà sis Lan , thực sự ra camel nghĩ ai với đấng sanh thành ra mình đều ít nhiều có lòng mong muốn cha mẹ mình được tốt . Cha mẹ Á Đông mình thường hết lòng vì con cái ... nhất là các thế hệ trải qua cuộc bể dâu trước và sau 75 khi còn kẹt lại tại quê nhà . Gia đình camel những khi ngồi ôn lại chuyện cũ , mấy anh em vẫn thường nói mẹ mình ở vào cái tuổi 42 , nách đeo 8, 9 chín đứa con còn non dại , đứa bé nhất mới có lên 5t , chồng đi cải tạo , nhà bị đuối ... thế mà cũng một tay lo toan cho cả gia đình để ngày hôm nay con cái đều ăn học đến nơi đến chốn nơi xứ người , cứ nghĩ mình bây giờ còn "già" hơn mẹ mình hồi đó , đụng chuyện lớn như vậy chắc gì đã vượt qua . Nên bây giờ có làm được 1 chút gì thì cũng chẳng trả được hết công nuôi dưỡng của mẹ mình , do đó chẳng dám nghĩ mình là tốt chị NL ạ , may mà camel đông anh em nên đùn qua đùn lại cho nhau, chứ một mình ên thì cũng chẳng biết sẽ phải làm sao .
Hồi đầu có đọc các post của chị , có lúc còn lầm tưởng chị là bà chị dâu họ , chả là camel có ông anh họ dân pilot , cái ngày 30 tháng 4 anh ấy cũng chạy loạn với gia đình bên vợ ... :) )

Chào anh,

Mong anh thông cảm vì Liên đã không nhìn thấy cái reply của anh, nên Liên vào hồi âm lại có chút muộn màng! Anh nói rất đúng, sự hy sinh của Cha mẹ đã cho chúng ta, chưa chắc chúng ta có thể bù đấp lại những gì cho Cha Mẹ đã bỏ biết bao nhiêu công sức vì chúng ta. Khi Liên đọc được những dòng anh đã viết về mẹ, thú thật với anh! Liên cũng không ngăn được những dòng nước mắt vì nhớ cha nhớ mẹ của Liên.

Liên rất quý mến những người con hiếu thảo với đấng sanh thành của họ. Trong đó có anh, mặc dù Liên là người rất ngại và e dè trong ĐT rất nhiều! Nhưng Liên cũng viết đến anh đấy chứ! Thì ra là thế! Cho Liên kính lời thăm hỏi bà cụ anh nhé!

Thân,

NL

P/S: Vậy là Liên sẽ post thêm nhé!

NhuLien
04-12-2012, 08:16 AM
CHÚNG TA QUÁ MAY MẮN CÒN ĐÒI HỎI GÌ HƠN ?
N/A


Trong các chuyến du lịch đến Angkor Wat, du khách cần được thấy cộng đồng này.

Người ta có thể chi hàng triệu USD từ Quỹ Toàn Cầu cho việc phục hồi Đền Thờ nhưng lại không dành chút nào cho những người dân nàysao???

Phải chăng chúng ta đang sai lầm trong việc sắp xếp các thứ tự ưu tiên???

Chỉ cách 30km từ những khu đền Angkor nổi tiếng khắp thế giới của Campuchia là một quang cảnh đáng kinh ngạc mà du khách không bao giờ ngờ được.

Được che giấu khỏi tầm mắt của các du khách nước ngoài là vùng ngoại ô Siem Reap (Xiêm Riệp) với một cộng đồng khoảng 500 người đang sống - hay tồn tại - trong một bãi chứa rác.

Phóng viên ảnh người Tây Ban Nha, Omar Havana, đã dành bảy tháng từ tháng 10 năm 2010 đến tháng 4 năm 2011 để làm quen với người dân ở bãi chứa rác này và ghi chép lại cuộc sống của họ.

Ông nói rằng những gì ông nhìn thấy là "từ một thế giới khác", nhưng những người dân lại cảm thấy hạnh phúc.

Dưới đây, Havana chia sẻ hình ảnh và câu chuyện của ông với ABC News Online.





http://www.trungtamhotong.org/attachment/image/bairac1.jpg
Trẻ em và cha mẹ lọc tìm thực phẩm từ bãi rác (Nguồn: Omar Havana)



Một ngày ở Campuchia, một cậu bé nói với tôi rằng em đã sống nhiều năm trong các bãi rác. Tôi đã rất cố gắng để có được quyền viếng thăm họ nhưng thất bại, vì thế tôi đã quyết định cứ đi mà không cần được cho phép. Những gì tôi thấy là từ một thế giới hoàn toàn khác.

Trong số khoảng 500 người làm việc ở đó, hầu hết là sống, ngủ, ăn và uống ở ngay trong các bãi rác. Sau vài tháng làm việc trong các bãi rác, tôi thậm chí còn nhìn thấy một bé sơ sinh.





http://www.trungtamhotong.org/attachment/image/bairac2.jpg

Một phụ nữ cho bé ăn dưới một nơi trú ẩn tại bãi rác (Nguồn: Omar Havana)



Với 34% dân số sống dưới 1 đô-la một ngày thì những người trong bãi rác cũng còn có thể kiếm được đồ ăn và lều che thân. Họ kiếm khoảng 35 cen (0.35 $) mỗi ngày trong 14 giờ lao động.



http://www.trungtamhotong.org/attachment/image/bairac3.jpg

Một cậu bé trèo vào thùng rác để lục tìm thực phẩm (Nguồn: Omar Havana)





Họ là những người du mục. Họ di chuyển từ bãi rác này đến bãi rác khác khi có một bãi đầy rác mới được hình thành, thường là khoảng bốn năm. Toàn bộ cuộc sống của họ là trong các bãi rác; họ chỉ di chuyển từ bãi này đến bãi khác mà thôi.



http://www.trungtamhotong.org/attachment/image/bairac4.jpg

Bé gái tươi cười giữa đống chất thải (Nguồn: Omar Havana)





Họ là những người bình thường. Hầu hết các em nhỏ trong độ tuổi từ 3 đến 15, và chúng luôn luôn mỉm cười - đó là điều làm tôi sốc nhất.

Mùi hôi thối ở đây mạnh đến nỗi nó xộc thẳng vào cổ họng của bạn. Bạn có thể nếm được cả mùi. Đôi mắt của bạn trở nên đầy nước mắt. Thật là kinh khủng, nhưng với thời gian bạn sẽ quen dần.





http://www.trungtamhotong.org/attachment/image/bairac5.jpg

Mọi người tìm thực phẩm từ các chất thải mới vừa chuyển đến (Nguồn: Omar Havana)





Ngày nọ, một cậu bé mang theo một bịch máu hỏi tôi tại sao những người ở nước tôi không bao giờ mỉm cười. Tôi không biết trả lời em thế nào. Vừa nhìn vào bịch máu em mang theo để ăn như thể đó là cả một kho tàng, em giải thích với tôi: "Cháu luôn mỉm cười, cháu thật may mắn. Hôm nay cháu sẽ ăn món này và ngày mai cháu sẽ được thấy mặt trời một lần nữa".



http://www.trungtamhotong.org/attachment/image/bairac6.jpg

Cậu bé khoe "chiến lợi phẩm" của mình (Nguồn: Omar Havana)





Họ dường như miễn dịch từ rác. Các bệnh thông thường rất hiếm; thường chỉ là tiêu chảy, đau bụng hoặc cảm. Một điều rất chung ở đây đó là các vết cắt và vết bầm tím, vì hầu hết trẻ em ở đây đều đi chân trần giữa hàng tấn rác thải.





http://www.trungtamhotong.org/attachment/image/bairac7.jpg

Hai người bạn trẻ (Nguồn: Omar Havana)






Về cơ bản bãi rác là "trung tâm mua sắm" của họ. Mọi thứ cần thiết cho cuộc sống đều đến từ bãi rác. Họ luôn nói với tôi rằng họ sẽ rất may mắn nếu tìm được chuối vì đây là thực phẩm sạch nhờ lớp vỏ che phủ bên ngoài.





http://www.trungtamhotong.org/attachment/image/bairac8.jpg

Một phụ nữ đang lấy nước (Nguồn: Omar Havana)





Rác đến từ Siem Reap (Xiêm Riệp), thành phố du lịch chính ở Campuchia, nơi có nhiều khách sạn với giá phòng có thể lên đến hơn 1.500USD cho một đêm. Đây là một thành phố của gần 150.000 người.



http://www.trungtamhotong.org/attachment/image/bairac9.jpg

Đống "phế liệu" (Nguồn: Omar Havana)





Họ xứng đáng được biết đến, họ xứng đáng có tiếng nói, và tôi nghĩ rằng nụ cười của họ là cách tốt nhất mà họ dùng để thể hiện mình. Họ đang hạnh phúc chỉ vì ngày mai họ sẽ lại thấy mặt trời.



http://www.trungtamhotong.org/attachment/image/bairac10.jpg

Bé gái ngồi trong đống rác (Nguồn: Omar Havana)





Thành thật mà nói, tôi không tìm thấy nỗi buồn ở đó. Tôi đã hạnh phúc mỗi khi được ở cùng với những người dân ở đó.





http://www.trungtamhotong.org/attachment/image/bairac11.jpg

Nụ cười vui vẻ của cô gái khi lục tìm thức ăn (Nguồn: Omar Havana)





Nỗi buồn và những giọt nước mắt sau đó lại đến, khi bạn ngồi trong phòng khách sạn, bao quanh bởi đầy rẫy vật chất mà lại thiếu vắng nụ cười, và khuôn mặt của những người dân sống ở đó xuất hiện trong tâm trí bạn - đó là lúc nỗi buồn bắt đầu xâm chiếm bạn.





http://www.trungtamhotong.org/attachment/image/bairac12.jpg

Trẻ em sống ở bãi rác (Nguồn: Omar Havana)





Tôi gọi Campuchia là Thế Giới Bị Quên Lãng. Nhiếp ảnh không thể làm thay đổi thế giới, nhưng có thể làm chúng ta thay đổi cách suy nghĩ và chạm đến trái tim chúng ta. Đó là lý do vì sao tôi là một nhiếp ảnh gia... để lên tiếng cho những người sống trong im lặng...

NhuLien
04-12-2012, 08:24 AM
NGÔN NGỮ TRÍ TUỆ CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA








http://www.kvinh19.com/Picture7/DL1.jpg

http://www.kvinh19.com/Picture7/DL2.jpg

http://www.kvinh19.com/Picture7/DL3.jpg

http://www.kvinh19.com/Picture7/DL4.jpg

http://www.kvinh19.com/Picture7/DL5.jpg

http://www.kvinh19.com/Picture7/DL6.jpg

http://www.kvinh19.com/Picture7/DL7.jpg

http://www.kvinh19.com/Picture7/DL8.jpg

http://www.kvinh19.com/Picture7/DL9.jpg

http://www.kvinh19.com/Picture7/DL10.jpg

http://www.kvinh19.com/Picture7/DL11.jpg



=













._,_.___



.

http://geo.yahoo.com/serv?s=97359714/grpId=70879576/grpspId=1705083764/msgId=46740/stime=1333731678/nc1=5028924/nc2=4836043/nc3=5898818
__,_._,___

NhuLien
04-12-2012, 08:31 AM
Fwd: 33 Truyên ngän cua Tiêu Tử- Rât hay . (http://mail.yahoo.com/) 1 (https://dtphorum.com/pr4/#)










Duoi day la 33 truyen ngan cua Tieu Tu ma mot so truyen qui vi da doc qua that tham thia. Xin chia se voi qui vi.Thiet nghi nhung vi nao chua doc va nhat la da vuot thoat khoi VN truoc 30-5-75 thi hay doc mot lan de thay cai thien duong cua CSVN nhu the nao qua ngoi but cua ky su tot nghiep o Phap, Vo Hoai Nam, da vuot thoat khoi Thien Dang CS vao nam 1978.


Mời các bạn xem 33 truyện ngắn của Tiểu Tử dưới đây:

(xin bấm vào links)
33. Tấm vạc giường (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/33_tam-vac.htm)


32. Những hình ảnh đẹp (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/32_Nhunghinhanh.htm)


31. Tôi nằm gác tay lên trán (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/31_Toinam.htm)


30. Giọt mưa trên tóc (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/30_Giotmua.htm)


29. Chuyện di tản 1975 (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/29_Chuyenditan.htm)


28. "Thằng đi mất biệt" (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/28_Thangdimatbiet.htm)


27. Ông già ngồi bươi đống rác (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/27_onggiabuoidongrac.htm)


26. Cái mặt (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/26_Caimat.htm)


25. Cái miệng (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/25_Caimieng.htm)


24. Tôi đi bầu (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/24_Toidibau.htm)


23. Tiết Nhơn Quý (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/23_Tietnhonqui.htm)


22. Mùa thu cuộc tình (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/22_MuathuCuoctinh.htm)


21. Ông Năm Từ (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/21_ongNamTu.htm)


20. Đèn trung thu (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/20_denTrungThu.htm)


19. Người viết mướn (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/19_Nghevietmuon.htm)


18. Chuyện giả tưởng (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/18_Chuyengiatuong.htm)


17. Thằng chó đẻ của má (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/17_Thangchodecuama.htm)


16. Thằng dân (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/16_Thangdan.htm)


15. Chợ trời (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/15_Chotroi.htm)


14. Cái loa (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/14_CaiLoa.htm)


13. Tô cháo huyết (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/13_Tochaohuyet.htm)


12. Thèm (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/12_Them.htm)


11. Con Mén (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/11_ConMen.htm)


10. Chuyện chẳng có gì hết (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/10_ChuyenChangCoGiHet.htm)


9. Nội (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/9_Noi.htm)


8. Viết một chuyện tình (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/8_VietmotChuyentinh.htm)


7. Bài ca vọng cổ (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/7_BaicaVongco.htm)


6. Made in Việtnam (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/6_MadeinVN.htm)


5. Xíu (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/5_Xiu.htm)


4. Làm thinh (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/4_LamThinh.htm)


3. Đi xe đò, đi xe ôm (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/3_DixedoDixeom.htm)


2. Chị Tư Ù (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/2_ChiTuU.htm)


1. Con rạch nhỏ quê mình (http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/1_ConRachNhoQueMinh.htm)


------------------------------


Tiểu sử của tác gỉa:
Họ tên : Võ Hoài Nam
Sanh : 1930
Nguyên quán : Gò Dầu Hạ ( Tây Ninh )
Bút hiệu : Tiểu Tử

- Tốt nghiệp trường Kỹ sư Marseille năm 1955.
- Dạy Lý hoá trung học Pétrus Ký : 1955/1956.
- Làm việc cho hãng dầu SHELL Việt Nam từ năm 1956 đến 30/04/1975.
- Vượt biên cuối năm 1978. Ðịnh cư ở Pháp từ đầu năm 1979 đến nay.
- Làm việc cho hãng đường mía của Nhà nước Côte d' Ivoire ( Phi Châu ) :
1979/ 1982.
- Làm việc cho hãng dầu SHELL Côte d' Ivoire từ năm 1982 đến 1991, về hưu ở Pháp.
- Trước 1975, giữ mục biếm văn " Trò Ðời " của nhựt báo Tiến.
- Bắt đầu viết truyện ngắn khi lưu vong qua Côte d'Ivoire.
- Tập truyện " Những Mảnh Vụn " ( Làng Văn Toronto xuất bản ) là tập truyện đầu tay.













,_.___

.

http://geo.yahoo.com/serv?s=97359714/grpId=21947451/grpspId=1705083764/msgId=97569/stime=1329987805/nc1=3848584/nc2=5758219/nc3=5741395
__,_._,___













1 Attached file| 30KB



33 Truyên ngän cua Tiêu Tử- Rât hay ..eml (https://dtphorum.com/pr4/#)
Download (https://dtphorum.com/pr4/#)

Nhã Uyên
04-13-2012, 01:43 PM
Hello chị Như Liên,

Nhìn những hình ảnh của Omar Havana thật xót. Cho thấy Campuchia, với hằng tỷ dollars viện trợ từ nước ngòai vào, mà hoàn cảnh của những “đời rác” này vẫn không hề thay đổi!

Năm ngoái NU đi Campuchia, có ghé khu Biển Hồ (Tonle Sap), nhìn thấy đời sống của người dân ở đấy thật khó khăn, cả về cuộc sống vật chất lẫn tinh thần nhưng trước mắt du khách, họ, nhất là những đứa bé, vẫn mỉm cười.

Không hiểu đó là nụ cười của một thứ hạnh phúc hiếm hoi, khó hiểu, hay đó là nụ cười được sắp xếp sẵn trước mắt du khách với hi vọng được kiếm thêm vài xu... để còn thấy ngày mai mặt trời lên?

Dù gì, cám ơn chị NL đã mang về. Thế mới sực nghĩ là trong lúc mình lên fb kiếm thêm bạn mới, thì có những đứa bé quần áo tả tơi đang bươi rác kiếm một cái gì đó để lót dạ ... :hopelessness:


On a lighter note, rất thích búp bê hoa tươi. Xinh!

NhuLien
04-14-2012, 08:48 AM
Hello chị Như Liên,

Nhìn những hình ảnh của Omar Havana thật xót. Cho thấy Campuchia, với hằng tỷ dollars viện trợ từ nước ngòai vào, mà hoàn cảnh của những “đời rác” này vẫn không hề thay đổi!

Năm ngoái NU đi Campuchia, có ghé khu Biển Hồ (Tonle Sap), nhìn thấy đời sống của người dân ở đấy thật khó khăn, cả về cuộc sống vật chất lẫn tinh thần nhưng trước mắt du khách, họ, nhất là những đứa bé, vẫn mỉm cười.

Không hiểu đó là nụ cười của một thứ hạnh phúc hiếm hoi, khó hiểu, hay đó là nụ cười được sắp xếp sẵn trước mắt du khách với hi vọng được kiếm thêm vài xu... để còn thấy ngày mai mặt trời lên?

Dù gì, cám ơn chị NL đã mang về. Thế mới sực nghĩ là trong lúc mình lên fb kiếm thêm bạn mới, thì có những đứa bé quần áo tả tơi đang bươi rác kiếm một cái gì đó để lót dạ ... :hopelessness:


On a lighter note, rất thích búp bê hoa tươi. Xinh!

Nhã Uyên thân mến,

Đôi khi có những lúc lòng mình như bị chùng xuống và chìm đắm trong nỗi buồn của riêng mình! Thì những lúc đó chị Liên lại nhìn những hình ảnh của những mảnh đời bất hạnh mà lau khô những giòng nước mắt của chính mình đang rơi nhè nhẹ xuống đời mình! Ít ra mình cũng còn may mắn hơn nhiều. Càng giống như người đang đi trong một đường hầm tối tăm mà nhìn thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm... Đó là niềm hy vọng để ngắm được bầu trời thật xanh...

Chị Liên rất cảm kích những việc mà Nhã Uyên đã làm, phải có một trái tim đầy lòng nhân ái, mở vòng tay yêu thương những mảnh đời bất hạnh! Quả là hiếm hoi thật! Chị Liên rất vui là Nhã Uyên đã ghé vào, nhất để lại những giòng tâm tình rất dễ thương. Chúc Nhã Uyên luôn luôn xinh tươi như búp bê hoa tươi nè!


Thân,


Chị Liên

Camel
04-17-2012, 01:35 AM
Chào chị Như Liên,

Như NU viết phải chăng nụ cười là một thứ hạnh phúc hiếm hoi khó hiểu , được sắp xếp v.v... camel nghĩ đứng ở một góc nhìn người này thấy sự bất hạnh của người khác, nhưng người được thương xót có đôi khi chẳng mảy may suy nghĩ đến điều bất hạnh họ đang phải gánh chịu, nếu Thượng Đế có hiện hữu thì nụ cười và hạnh phúc được con người ta cảm nhận có thể không khó lắm ... như nụ cười trên gương mặt những đứa bé qua ống kính của ông Omar . Có lẽ đa số người ta ai cũng "phải" sống theo bản năng , ít ai thắc mắc tại sao mình được sinh ra và điều gì đang đón chờ mình .
Hoặc nói khác đi mỗi ngày bầu trời xanh vẫn hiện hữu , có chăng là vì tâm tưởng mình cứ tìm khúc quanh , bóng tối mà hướng tới nên minh hay rơi vào sự trầm cảm :) ... kể chị Liên nghe một mãu chuyện trong gia đình, hôm rồi 3 anh em + 1 em rể và 1 em dâu sang Wa_DC thăm cô em út lâp gia đình nắm ngoái dọn về Maryland , ông anh , bà chị và anh rể , chị dâu càm ràm cô út tại sao lại đi mua Camry , không mua chiếc nào 4 wheel drive tốt hơn , tất cả chỉ vì các anh các chị lo lắng cho cô em gái nhiều quá , camel chỉ hỏi thăm chứ không có ý kiến về chuyện này , thấy em gái mình đầu óc tinh tế , hiểu rõ nơi mình sinh sống vậy là được rồi ... nghĩ bao người chưa có được xe tốt mà chạy họ vẫn sống trong vùng tuyết đấy thôi . Camel nghĩ những tấm hình của ông Omar không hẳn khiến mình nhận ra mình dù sao cũng hạnh phúc hơn họ ... như cách nói khác của Nhã Uyên , đó chính là những hình ảnh khiến mình feel guilty về sự bất công của Thượng Đế !

phiulinh
04-17-2012, 05:46 AM
Thượng đế làm gì mà bất công?
Mà tại sao mình lại phải "feel guilty về sự bất công của thượng đế"? (trừ khi mình là thượng đế)

Ai cũng suy nghĩ đến cái chữ hy sinh là hy sinh cho người khác.
Có mấy ai dám nghĩ hy sinh cho chính mình. Chấp nhận sống và chết trong sự cô độc.
Ai cũng nghĩ dài cao thượng đế là một cái ông nào đó để rồi đổ thừa cho sự bất công.
Có mấy ai dám nghĩ ngắn lại để khỏi đổ thừa.
Thượng đế ngắn ở chổ cái đầu của mình thôi. Nhưng Thượng đế cũng không thấp ở giữa cái háng.
Một khi đã thấy được TĐ là ai rồi thì sẽ không thấy con nít cười trên đống rác.

(chào Như Liên và Nhã Uyên và anh Camel)

gun_ho
04-17-2012, 06:49 AM
Nhưng Thượng đế cũng không thấp ở giữa cái háng.


Thượng đế có mặt ở mọi nơi à nhe.

Nhã Uyên
04-22-2012, 09:58 PM
.
Thượng đế ngắn ở chổ cái đầu của mình thôi. Nhưng Thượng đế cũng không thấp ở giữa cái háng.
Một khi đã thấy được TĐ là ai rồi thì sẽ không thấy con nít cười trên đống rác.



Hello phiulinh.

Vậy có nên đổ thừa Thượng đế để ngắn ở cái đầu? :-)

Nhã Uyên
04-22-2012, 10:00 PM
Thượng đế có mặt ở mọi nơi à nhe.

Câu này là để an ủi những tín đồ ngắn ở cái đầu thôi thầy ho.:))

NhuLien
05-18-2012, 08:31 AM
http://mw2.google.com/mw-panoramio/photos/medium/61052694.jpghttp://mw2.google.com/mw-panoramio/photos/medium/48408162.jpghttp://mw2.google.com/mw-panoramio/photos/medium/71451488.jpg
ảnh minh họa: by Langdu, Ductri

Con Ơi! Đi Theo Má Hái Rau Dền

"Con ơi! Đi theo má hái rau dền," là câu nói của mẹ tôi mà hai anh em tôi có một thời thường nghe vào những buổi sáng, nghe câu nói này là hai anh em tôi xách rổ rá chạy theo mẹ ra các bãi tập bắn ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung (TTHLQT) để hái rau dền dại mang ra chợ Trung Chánh bán.
Ông Ngoại tôi mất lúc mẹ tôi mới 15 tuổi. Mẹ là người con lớn nhất trong gia đình và bà có năm người em. Mẹ tôi được sanh ở tại một thôn quê nghèo thuộc tỉnh Bình Định. Bà kể rằng bà không được đi học mà phải phụ cha mẹ để làm ruộng. Vì thôn của bà lúc đó Việt Minh "quậy" lắm, nên ông bà Ngoại tôi bán ruộng đất dọn ra thành phố Qui Nhơn lập nghiệp.
Mẹ của tôi lúc còn trẻ đẹp gái lắm! Bây giờ bà ngoài 70 tuổi vẫn còn đẹp, đẹp thiệt đó nha! Tôi hay chê chữ viết của mẹ tôi. Mẹ tôi viết chữ thì nguệch ngoạc, viết tùm lum tùm la. Mỗi lần bị tôi chê chữ viết, mẹ tôi thường cười... nói:
- Mày cứ chê chữ viết của má mày! Tao mà được đi học thì tao là tiến sĩ rồi, còn lâu chứ thằng cha của mày...lính binh nhì mà cưới được tao.
Trong đầu mẹ tôi nghĩ sao thì viết vậy. Trước khi bà qua Mỹ đoàn tụ với tôi, bà thường gởi thư cho tôi, tôi đọc muốn hụt hơi, vì bà viết dài cả một dặm mà không thèm bố thí cho thằng con một dấu chấm, dấu phẩy. Nói vậy chứ tội nghiêp cho mẹ tôi lắm. Bà học mót mà viết đựợc như vậy là hay lắm rồi. Mẹ tôi còn dám làm thơ, rồi lại ngâm thơ của bà trên sân khấu trước bá quan văn võ, mà cứ tỉnh bơ không sợ ai cười chê. Mẹ của tôi "ngầu" lắm đó. Thằng con quỷ quái này có ngày sẽ "xúi" mẹ nó học hát tiếng Mỹ rồi "thi"…American Idol.
Mùa hè đỏ lửa 1972, ba tôi đóng quân ở Pleiku đã để lại mẹ và anh em tôi ở tại thành phố Qui Nhơn. Mùa hè đó tôi đang học lớp bốn. Mùa hè mà không nghe tiếng ve kêu, tôi chỉ nghe tiếng súng nổ đùng đùng, âm thanh ầm ĩ của các phản lực cơ lượn trên nóc nhà...Mẹ tôi đành bỏ xóm làng theo dòng người chạy di tản. Bà dắt tay hai đứa con chạy theo dòng người di tản, chen vào một chiếc xe lam chở đầy nhóc người. Vào được tới Nha Trang, đoàn người di tản được đưa vào các trường học tạm trú. Mẹ của tôi lanh lắm! Cả lớp học chỉ có một cái bục gỗ kê bàn giáo viên, mẹ tôi lanh tay lanh chân chộp cái bục gỗ đó ngay, làm giừơng cho con ngủ. Dù chỉ tạm trú di tản, mẹ tôi cũng tìm lớp dạy học hè để tôi học. Bị mất liên lạc với ba, thì mẹ tôi phải kiếm tiền để nuôi con. Tôi có bao giờ thấy mẹ tôi nấu chè sương sa hột lựu đâu? Mẹ tôi tôi hay quá! không quen biết ai ở chợ Đầm mà sao bà cũng kiếm một chổ kê một cái bàn bán chè sương xa hột lựu. Ban ngày lo bán tối phải kiếm cái cột đèn có đèn sáng để ngồi nấu sương sa, vì trong phòng học ai mà cho nấu nướng. Còn nữa, mẹ tôi phải dẫn thằng em mới năm tuổi của tôi theo ra chợ, bà vừa bán chè vừa trông nom nó. Còn tôi bà phải bắt học hè để sửa soạn một năm sau thi vào đệ thất. Kết quả là tôi thi đậu vào trường trung học Văn Hóa Quân Đội Quang Trung. Công của mẹ của tôi đó!

Rồi một ngày…

Đùng! Đùng!...Bàng! B…àng! là những tiếng súng cuối cùng tôi nghe được của buổi sáng ngày 30-4-1975. Sáng ngày 1-5-1975, tôi thấy có hai chiếc xe tăng T-54 của bộ đội nằm ngay ngã tư Trung Chánh, thế là ba tôi mất hết của hơn 20 năm đời binh nghiệp của ông. Ba tôi hết được lãnh lương . Hên là mấy bộ đồ lính cũng còn có giá, ba tôi mang ra chợ trời bán gỡ gạt chút vốn. Lúc bấy giờ gia đình tôi đang ở trong khu gia binh. Tình cảnh lúc bấy giờ thật là nảo nề, hoang mang vì mỗi ngày đều thấy vài gia đình rời bỏ khu gia binh. Quê ba tôi ở Nam Định, chắc chắn không về được, quê mẹ tôi ở Bình Định mà ba là "ngụy" không dám về. Gia đình tôi đành phải tiếp tục an cư ở trong khu gia binh. Khu gia binh vắng teo, chỉ còn lưa thưa vài gia đình. Ba không còn lãnh lương nữa, khu gia binh chỉ còn lại mấy bức tường vô tri của Mỹ để lại, chẳng lẽ ngồi đó mà ngắm cho no bụng. Cuộc đời mẹ tôi thật vất vả từ đây...
Tháng 5-1975, mỗi sáng mẹ tôi xách mấy cái rổ ra ngoài bãi tập bắn TTHLQT, bà tìm hái từng cọng rau dền dại, phải còn non, mọc len lỏi trong cỏ. Mỗi lần mẹ con tôi ra quân hái rau dền dại, thì hái đầy được ba cái rổ, cái loại rổ mẹ tôi hay dùng để vo gạo. Mẹ mang về nhà rửa cho sạch bụi xong đem ra chợ Trung Chánh ngồi bán. Chỉ được vài tháng thì TTHLQT bị thay thế bằng cái tên "Doanh Trại Quân Đội Nhân Dân," thế là mẹ con tôi không được phép vào bãi tập hái rau dền dại nữa.

Mẹ tôi không để cho các con đói rách đâu. Mấy năm đầu bà tất tả ngược xuôi, chuyển từ nghề buôn này đến nghề buôn khác như lắc hột xí ngầu: từ bán chuối chiên, quay qua làm nón, rồi bán thuốc lá lẻ ở lề đường, rối mua đi bán lại quần áo cũ ở chợ trời Nguyễn Văn Thoại, cho đến đi xuyên tỉnh, ngủ bờ ngủ bụi để mua từng ký gạo, cà phê về bán. Người ta chưởi mắng, người ta bắt nhốt mẹ của tôi, nhưng tôi không bao giờ thấy bà khóc, hay là bà đã từng khóc mà tôi không thấy.

Tôi nhớ rõ lắm và vẫn còn ghét cái bà chủ nhà "hắc ám" lắm. Bộ bả tưởng bả giàu có lắm hả? Có một hôm mẹ tôi bị bà chủ nhà, người cho mẹ tôi ngồi nhờ trước vỉa hè để bán chuối chiên, mang tiếng là ngồi nhờ chứ hàng tháng cũng đưa chút tiền cho bả, vậy mà bả còn hăm he là sẽ không cho mẹ tôi ngồi nhờ ở đó nữa. Cũng chỉ vì củi bị ẩm, mẹ tôi đốt củi để chiên chuối bán, cây củi ẩm ướt cà chớn đó gây ra khói mù mịt bay vào phía trong cái "nhà giàu" đó làm mẹ tôi bị trách móc, mẹ tôi sợ bị mất chổ ngồi, bà sai tôi đi ngay mua mấy bó củi khác.
Mùa hè 2005, lần đầu tiên tôi về thăm quê hương Việt Nam. Việt Nam thay đổi quá nhiều! Nhiều đến nổi làm tôi không thể nhận ra con đường hẻm đi vào căn nhà xưa của gia đình tôi. Chiếc xe taxi chở tôi từ phi trường Tân Sơn Nhất, lòng tôi rất nao nức, mong xe chạy nhanh đưa tôi về căn nhà xưa của tuổi thiếu niên. Nhưng khi xe taxi chở tôi chạy trên con đường Trung Chánh, tôi bảo vị tài xế chạy chậm lại để tôi tìm đúng cái vị trí mà đã mãi ăn sâu trong ký ức của tôi. Chợt tôi vỗ vai anh tài xế nghe một cái "bộp", tôi vừa nói vừa lấy tay chỉ trỏ:
- Đúng rồi! Ngay chỗ đó!
Anh tài xế quay đầu lại nhìn theo tay tôi, rồi bảo:
- Không phải anh ơi! chạy một chút nữa mới tới.
Tôi vừa nói vừa chỉ tay vào hướng mấy cái nhà bên kia đường:
- Đúng chổ đó! Mẹ tôi... À thôi anh cứ tiếp tục lái xe!

Đúng chỗ đó! Ngày xưa là cổng trại Tây Sơn. Sau cổng trại đó có đặt một cái thùng sắt cônét. Làm sao tôi quên được đêm hôm đó....một buổi tối của mùa hè năm 1977... Mẹ tôi ngồi bán bánh kẹo và thuốc lá lẻ vĩa hè trên con đường Trung Chánh, có dì Út và tôi cũng ngồi ở đó. Đêm ấy có hai anh bộ đôi đeo cái "đài" bên hông thả bộ tới quầy tủ thuốc lá của mẹ tôi. Họ mua thuốc lá, lời qua tiếng lai...giận dữ . Họ bỏ đi tưởng là yên chuyện. Nhưng mươi lăm phút sau, "họ" trở lại, kéo theo một số người của họ. Rầm rầm! Trời ơi họ đạp đổ tủ thuốc lá của mẹ tôi rớt xuống đất, rồi họ túm lấy mẹ và dì đi tới nơi có cổng trại mang tên "Tây Sơn" của chế độ cũ. Tôi lui khui ngồi nhặt từng gói thuốc lá, cái bánh, viên kẹo bị văng tung trên lề đường. Xa xa vài thước, người qua lại dừng chân bu lại nhìn cảnh trạng xảy ra, chắc họ tưởng mẹ và dì tôi "gây tội ác" gì đó. Mẹ của tôi bị bắt đi rồi, mà tôi không làm gì được. Rồi họ nhốt mẹ và dì của tôi cả chục ngày trong cái thùng cônét khốn nạn đó. Mẹ tôi cũng vì miếng cơm manh áo cho con cho chồng mà phải ăn, ngủ bên cạnh những đống phân nước tiểu, mùi hôi thúi trong bóng tối, sống với cái nóng oai nghiệt của mùa hè trong cái thùng cônét đó. Một sự tàn nhẫn của "họ" nhưng một sự chịu đựng cao cả của người làm mẹ, mẹ của tôi. Cái vị trí đó vẫn mãi trong ký ức tôi. Mỗi lần tôi vô tình bắt gặp được cái thùng cônét ở đâu đó cũng gợi lại hình ảnh đêm hôm đó và làm tôi thuơng mẹ của tôi lắm.

Bị nhốt như vậy mà mẹ tôi không sợ! hay là mẹ sợ nhưng vẫn phải làm? Cứ vài ba ngày, mẹ tôi mờ sáng đi, chiều tối mới về. Bà đi xa lắm để mua gạo. Bà cho gạo vào trong những túi vải rộng bằng nửa gan tay, dài nửa thước, xong bó chặc sát xung quanh bụng và dọc dài hai cái chân. Mỗi lần xe đò chạy qua trạm kiểm soát, mẹ tôi hồi hộp lắm. Bữa nào ông Trời ham vui quên làm cho mấy ông gác trạm kiểm soát ngủ gục, để mấy ổng phát hiện được bên trong chiếc áo cái quần của mẹ tôi có gạo, ngày đó cả vốn lẫn lời coi như đi tiêu, coi như "cúng" hết cho "mấy thằng chả", thì bữa đó ông Trời không được trả công. Đi buôn kiểu này có keo thắng có keo thua, nhưng thua hay thắng gì mẹ tôi đều mang về cho các con, không một nải chuối hương thì cũng là vài cái bánh ít nhân dừa.

Dù giãi dầu mưa nắng lặn lội kiếm tiền, có bao thấy mẹ tôi mua sắm gì cho mẹ đâu, mẹ có gì mặc nấy. Mẹ tôi sống như vậy đó, dành dụm từng cắc bạc để cho các con không thiếu ăn thiếu học, để cho tôi đi vượt biên. Khi tôi sắp bắt đầu học lớp 9, thì mẹ cho hay tin sắp mua được nhà. Nghe xong tôi giựt mình. Không thấy ba cũng không thấy mẹ đi hỏi mượn tiền của ai. Lạ thật! Thì ra mẹ tôi dành dụm tiền để mua một căn nhà, mà căn nhà sắp mua lại gần cái căn nhà của bà "hắc ám" khi xưa mẹ tôi ngồi nhờ bán chuối chiên, làm tôi khoái chí vô cùng. Cha mẹ mua căn nhà vừa đủ để gia đình ở vừa bán tạp hóa ngay tại nhà, không phải ngồi lê lết vỉa hè của người ta nữa. Gia đình tôi không còn phải ở trong cái khu gia binh dột nát nữa.
Những gian truân trong cuộc đời mẹ tôi đều chịu đựng chỉ vì con vì chồng. Mẹ tôi hy sinh rất nhiều không những cho chồng cho con mà còn cho anh em, cho các cháu của bà. Năm 1990, Mẹ tôi đến Mỹ theo diện đoàn tụ. Tôi cứ tưởng mẹ tôi ở Mỹ thì bà không còn cực thân nữa. Bà không hưởng được trợ cấp chính phủ mà chỉ sống dựa vào đồng tiền hưu của ba tôi. Tôi không biết người thân của mẹ tôi có biết không? Những đồng tiền mẹ tôi gởi về Việt nam cho họ là những đồng tiền các con cho bà, là tiền bán lon bà để dành, là mồ hôi của bà đó. Hàng ngày bà đội cái nón lá đi đến từng cái thùng rác, có khi phải trèo vào bên trong thùng để moi kiếm từng cái lon dưới cái nắng khủng khiếp của tiểu bang Arizona.
Với một tình yêu thương cháu vô bờ bến, ba mẹ tôi chia nhau mỗi người sống một nơi để được chăm sóc các con của hai anh em tôi. Mẹ tôi lo cho các cháu từ khi mới chào đời cho đến khi tụi nó bước vào đại học. Các cháu được sanh ra trên đất nước Mỹ, tụi nó nói tiếng Việt câu được câu không cho nên có mấy khi tụi nó chuyện trò với ông bà nôi. Mấy đứa cháu bây giờ lớn dần nó đi học ở xa, bà cứ lo lắng sợ có chuyện gì xảy ra. Nhiều khi thấy mẹ tôi lo cho lắng cho các cháu, làm tôi nhớ thời gian khi tôi còn ở Việt Nam, tôi học nội trú xa nhà, mẹ gói những cục đường thẻ, những gói mì tôm cho tôi mang theo, mẹ tôi nhét những tờ giấy bạc vô túi tôi và dặn dò tôi cả trăm điều.
Ngoài ra, mẹ tôi còn có lòng bác ái. Lòng bác ái thể hiện qua viêc làm từ thiên của bà. Mẹ tôi âm thầm, không ồn ào, bà gom góp tiền từ bạn bè, ít nhiều, bà gói ghém mang về Việt Nam trợ giúp trại cùi. Niềm vui thể hiện trên khuôn mặt khi bà ngồi đếm được những đồng tiền thu góp, hoặc tôi xem được những tấm ảnh mẹ tôi ngồi bên cạnh những người bệnh cùi, tôi cảm nhận được tấm lòng của mẹ tôi.
Mẹ tôi hay lo lắng đủ điều. Cũng vì "căn bệnh lo lắng” vô thuốc chữa của bà, mà làm cho chồng con phải bực mình. Bà quan tâm đến cuộc sống của các con, các con nó lớn hết rồi, các con không cám ơn bà mà còn "quạo" với bà. Mẹ tôi thuơng cho các em của bà đang sống khó khăn ở bên Việt Nam. Không biết chữ, bà phải nhờ các con, các con la bà um xùm, bà cam chịu nghe những lời cằn nhằn, rồi cuối cùng bà mang các em các cháu qua được Mỹ.
Mẹ tôi hay đón xe buýt đi ra biển một mình, bà đi cả ngày, ăn cơm của bà mang theo. Bà nói với tôi bà thích ra biển để đi dạo mát. Thật ra căn nhà bà ở không còn ồn ào như xưa nữa, bà cảm thấy cô đơn. Tôi hình dung bà ngồi ở một băng ghế ngoài biển, nhìn người qua lai...rồi bà lấy cơm ra ăn, ăn một mình.
Mẹ tôi bệnh cả năm nay, bệnh tình không thuyên giảm. Hai tuần rồi xe cấp cứu phải đưa bà vào bệnh viện. Một đêm tôi ở lại với bà trong bệnh viện, tôi thấy một cái bóp đầm của vợ tôi vứt bỏ hơn hai mươi năm qua vậy mà nay mẹ tôi đang dùng để trong học tủ. Mẹ ngủ, tôi tò mò mở bóp ra xem. Trong bóp của bà có vài lọ thuốc tây, một cái căn cước cũ của VNCH, một cái thẻ medical, vài giấy tờ tùy thân khác, một mảnh giấy nhỏ có ghi các số điện thoại của các con và ở Việt Nam. Trong cái bóp còn có một cuốn album chứa hình các cháu của bà chụp từ lúc sơ sinh đến những tấm hình các cháu tốt nghiệp trung hoc, và...mấy tờ vé số Mega. Tôi nhìn cái bóp cũ mèm mà mẹ tôi không thèm mua cái mới, rồi tôi nhìn mẹ đang thiếp ngủ vì thuốc ngủ. Nhìn những tờ vé số trên tay...tôi không cầm được nước mắt.

…........
Má ơi!

"Con ơi! Đi theo má hái rau dền," Nhờ những cọng rau dền dại má hái để nuôi con khôn lớn, mà con thành đạt ngày hôm nay. Con cám ơn má.

Má ơi!

Con biết trên đời này có rất nhiều người mẹ vĩ đại. Nhưng nếu kiếp sau con được làm người một lần nữa, con muốn má làm người mẹ của con.
Anthony Lưu Anh Tuấn
13-5-2012

Kính mời quý vị đọc bài viết : Con Ơi! Đi Theo Mẹ Hái Rau Dền.
Bài viết được đăng trên báo Saigon Nhỏ, Việt Báo và websites.
Tác giả Lưu Anh Tuấn là một họa sĩ, vượt biên đến Mỹ năm 1982, Cựu Chủ Tịch Hội Sinh Việt Nam Phoenix, AZ; Cựu Ủy Viên Hiệp Hội Ngưởi Việt, San Diego; Hội Viên San Diego Skyline Artists, hiện ngụ tại San Diego, California. Anh năm nay 49 tuổi, với lối viết mộc mạc dễ thuơng. Anh theo đạo Công Giáo và thích về hội họa. Anh vẽ từ năm 13 tuổi, những tác phẩm đầu tay của anh mang nội dung tôn giáo.

Gần đây anh có những bài viết tạp ghi,với lối viết mộc mạc dễ thuơng. Xin mời quý vị đọc bài viết: " Con Ơi! Đi Theo Mẹ Hái Rau Dền" mới nhất của anh nhân ngày Mother's Day, viết về Mẹ.

NV Trần M Tú

NhuLien
06-08-2012, 08:38 AM
http://www.vimeo.com/11817894


Even though I have been warned many times in the past about eating basa, catfish, pacific dory, any white fillets - it is still hard to remember this all the time. Must think more carefully in the future before we order in a restaurant from now on...
see this 4-min video, and be reminded before you order!

I never knew that Basa was catfish.
I never buy it as I don't like anything that comes from polluted waters in Vietnam or China or Bangladesh.

I bet most of the Asian markets and restaurants use these fish from that Mekong river!
This may also the steamed white fish fillet they serve in many Chinese restaurant
now i know what BASA fish is, often see it on menu in Asian restaurants.
You can now cross catfish off your menu...
Just look for the "Made in Vietnam label".

ô...
06-10-2012, 08:57 AM
http://www.vimeo.com/11817894









Người Tây xem VN nuôi cá như vầy, họ thấy ớn. Chứ chuyện này từ năm nào tới giờ rồi, có gì lạ đâu.

NhuLien
10-07-2012, 07:07 AM
Fw: Tân Định Ngày Xưa - Hẻm 60 Yên Đổ (http://mail.yahoo.com/) 1 (https://dtphorum.com/pr4/#)









Xin chuyển cho ai từng ở Tân Định ngày xưa. Đọc để nhớ lại kỷ niệm.







Tân Định Ngày Xưa - Hẻm 60 Yên Đổ











Dù chỉ là một con hẻm nhỏ, chiều dài không quá hai trăm thước. Nhưng nhiều kỷ niệm thời thơ ấu vẫn còn in đậm trong ký ức không thể nào nhạt nhoà trong tôi. Xin được ghi ra đây để quý bạn có thể hình dung ra con hẻm thân thương này. Xin được thông cảm bỏ qua những gì sai sót.

Hẻm nằm trên đường Yên Đổ. Phía bên kia đường là đường Huỳnh Tịnh Của. Nếu quẹo trái đi ra đường Hai Bà Trưng và quẹo phải thì ra đường Công Lý.

Từ đầu hẻm đi vào phía bên phải là tiệm tạp hoá Quảng Đức Long do một phụ nữ gốc Hoa, goá chồng làm chủ. Tiệm mang tên người chồng quá cố của bà. Con gái bà tên Xây Dùng rất duyên dáng và vui vẻ. Hai người con trai là A Xí và A Ngầu. Khi đến tuổi nhập ngũ. Bà không muốn cho con làm lính kiểng, lính ma, nên tìm cách cho hai con trốn qua Cambodge. Rồi từ đó sang Hương Cảng. Tiệm QĐL bán đủ các mặt hàng thiết yếu hàng ngày cho bà con lao động trong vùng. Từ cây kim, sợi chỉ, lọ chao, hủ mắm, cân muối, ký đường, than, củi, gạo và nhiều mặt hàng linh tinh khác. Đối với ai gặp hoàn cảnh khó khăn, bà đều sẵn sàng vui vẻ bán thiếu. Tới cuối tháng, họ tự động mang tiền đến trả.

Trước cửa tiệm để chiếc xe ba bánh chở hàng. Bọn trẻ con nghịch ngợm, phá phách như quỷ tụi tôi thường lén lấy đem giấu đi chỗ khác. Mười mấy đứa hò nhau hì hục vừa đạp, vừa đẩy, vừa nhào lên xe. Sau đó đem bỏ tận cuối xóm. Bà phải cho người làm đi tìm, lấy lại, rồi mét với cha mẹ chúng tôi. Thế là cả đám cùng hè nhau mà bị đòn. Tuy nhiên, chứng nào vẫn tât đó. Hễ có dịp là chúng tôi tiếp tục “Con Đường Xưa Em Đi.”

Kế bên tiệm là hai căn phố lầu của Luât Sư Đinh Xuân Quảng. Phía trước nhà có cây me to. Trẻ con trong xóm và nơi khác thường trèo hái, hết ngày này qua tháng nọ khiến trái me mọc ra không kịp. Tiếp đến là một con hẻm rất ngắn, đi xuyên qua được hẻm 58 xóm Giếng, có nhà ông Hoàng Đạo Minh. Ông chỉ là thư ký của trường Đại Học Luật Khoa. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, khi đến các kỳ thi Luật, nhiều sinh viên tấp nập đến nhà ông để tặng quà và biếu xén. Gần đó có hai căn nhà của người gốc Hoa là nhà thím Lầm và Chú Hoà bán hủ tíu mì, hoành thánh. Kế bên có tiệm tạp hoá nhỏ của ông bà Ba Đồng Hồ. Nhà ông bà có cái đồng hồ to nhất xóm ! Con trai bà tên Đính thường chiếu phim Charlot 16 ly câm cho con nít xem, với yêu cầu là phải giữ thật trật tự và không được mang dép, guốc vào trong nhà. Nếu ồn ào, chương trình sẽ chấm dứt ngay lập tức. Sau này, anh Đính lập gia đình với chị Dung là con gái ông Lê Văn Lung, Trường Ty Tiểu học Sàigòn. Học sinh nào đã từng học trường Trung Học Công Lập Võ Trường Toản các lớp đệ thất, đệ lục. Chắc chắn không bao giờ quên dung nhan cô giáo Dung dễ thương.

Bây giờ đến quán cà phê pha bằng vợt vải của ông Tư Ó. Có lẽ gương mặt ông giống như con Ó hay là ông có tướng Ó đâm, nên bà con đặt cho ông biêt danh này. Quán mở từ sáng sớm đến chiều tối. Bà con đến uống vì giá rất rẻ và có dịp trút các bầu tâm sự về chuyện gia đình, vợ con. Có thể nghe đưọc tuy dô, đoán chiêm bao hay bàn các hiện tượng xảy ra bất thưòng để đánh số đề được xổ vào buổi chiều. Lâu lâu tình cờ trùng hợp cũng trúng, rồi sau đó thì thua liên miên chí tử. Nợ nần tứ tung, phải bỏ xóm nghèo trốn đi nơi khác. Đúng là “Cờ bạc là Bác thằng bần”. Làm ăn đàng hoàng còn không khá, huống hồ lo chăn nuôi bốn mươi con thú làm sao mà khá được ! Cách quán cà phê một căn là tiệm may của anh Tài Lùn. Chuyên may quần tây và áo sơ mi, tính giá rất nhẹ. Mỗi dịp tựu trường và Tết đến cả gia đình anh phải tăng năng suất tối đa mới kịp thoả mãn cho khách hàng. Một con hẻm nhỏ, phía trong chỉ bốn căn nhà, có bà bán bún ở chợ Tân Định. Bà luôn luôn quấn khăn đen trên đầu, che cả hai bên tai. Bà có một con gái tên Tí Ghẻ. Sau này dến tuổi dậy thì đẹp hẳn ra,và một con trai mà người ta quen gọi tên là cu Bún. Có lẽ là con bà bán bún. Kế bên là tiệm Bi Da, lúc nào cũng ồn ào vì cá độ. Vừa đánh, vừa chọc quê. Đôi khi các cơ thủ lấy cây cơ làm vũ khí ẩu đả. Một vài trường hợp phải đưa đi bệnh viện để vá các vết thương. Đặc biệt có môt ông thợ hớt tóc lớn tuổi, tốt nghiệp ở bên Tây về. Ông ghiền bi da. Đánh riết ngày này qua tháng nọ, đến nỗi phải bán căn nhà nhỏ, sang chỗ hớt tóc kiếm cơm để trả nợ, khiến vợ con nheo nhóc, không còn chỗ che nắng, tránh mưa.

Tiếp tục đi thêm khoảng hai chục thước là một con hẻm đi ra được đưòng Hai Bà Trưng, cầu Kiệu và chợ Phú Nhuận. Hẻm có tên là Vựa Gạo. Hẻm này có hai anh em Bé Tư và Bé Năm thích tập tạ, nên thân hình lực sĩ rất đẹp, được nhiều em trong xóm để ý. Thêm anh Quyền chơi cờ tướng thuộc loại kỳ thủ, chuyên phá mọi thế cờ. Anh có biệt danh là Đế Thiên, Đế Thích. Ngoài ra anh còn chuyên nghe hột bầu cua, đánh đâu trúng đó và được nhiều người bên ngoài đánh theo anh, khiến những tay lắc bầu cua vào dịp Tết năn nỉ xin anh tha, tôn anh là Sư Phụ, để còn kiếm ăn lai rai. Tiếp đến là tiệm bán dụng cụ học sinh của người Hoa có con trai tên A Biếu. Gia đình có thêm một tiệm lớn hơn ở gần tiệm may Tụ Bảo, đường Trần Văn Thạch, đối diện đường Lý Trần Quán – Tân Định. Tiệm lấy tên là Thế Giới, được giao cho cô con gái lớn đứng bán. Sau đó là đến nhà của ông Hai Huệ và Năm Tòng. Thời Bình Xuyên cực thịnh, dân trong xóm đều ngán oai của hai ông. Nhất là đám con nít thấy hai ông chạy chạy bình bịch Harley thì phải lo né từ xa. Môt lần nọ, có anh bán bánh chưng, bánh giò chở bằng xe đạp.Vừa chạy vừa rao. Khi xuống dốc, thắng bằng gót chân không kịp, nên cán chết hai chú gà nòi con trong bầy gà quý của ông Hai Huệ. Mặt anh tái mét như tảu lá úa. Anh vừa đứng, vừa run lập cập vì biết là đã rơi đúng vào ổ kiến lửa. Phen này chắc tiêu tán đường quá! Bỗng dưng hôm đó ông Hai Huệ hiền như bụt, sai người nhà ra lượm xác hai cục cưng bỏ thùng rác và cho anh tiếp tục đi bán. Hú Hồn ! Hú vía. Chắc là kiếp trước anh có căn tu.

Đi đến cuối hẻm, quẹo phải có hơn hai mươi căn nhà. Bên trái là nhà sàn nằm sát bên sông cầu Kiệu. Nơi đây có gia đình ông Hai Được là một gia đình theo đạo Thiên Chúa gốc. Cả nhà thường đọc kinh mỗi đêm trước khi đi ngủ, đi nhà thờ thường xuyên vào buổi sáng, và phụ giúp các công việc cho nhà thờ Tân Định. Có thầy Ba Chẩn tu tại gia, chuyên môn cạo gió, giác hơi, cắt lễ bằng cây kim vàng. Ai bệnh nặng không đi được. Thầy vui vẻ đến tận nhà. Thầy chữa bệnh rất mát tay, giúp nhiếu người khỏi bệnh. Bà con muốn trả bao nhiêu cũng đưọc. Thường thì thầy chỉ lấy tượng trưng. Mục đích là chữa bệnh làm phước. Thầy được mọi người kính trọng. Ngoài ra có gia đình ông Bảy. Ông bà có một cô con gái là nữ sinh Gia Long, tóc dài chấm vai, có nét như ca sĩ Thanh Thúy. Hình cô được trưng bày trong tủ kính trước cửa tiệm chụp hình Mỹ Quang, đối diện với rạp hát Kinh Thành -Tân Định, để làm kiểu cho thiên hạ ngắm. Cô được nhiều anh theo đuổi. Nào là Thủ Đức, Không Quân, Hải Quân, Võ Bị Đà Lạt…Bị bám riết quá, đến nổi cô thi rớt Tú Tài I mấy keo liên tiếp. Buồn đời ! Cô đi lấy chồng khi tuổi mới vừa ngoài hai mươi. Bỏ dở dang cuộc chơi ! Chồng cô lớn tuổi hơn cô cũng sấp sỉ một con giáp. Anh làm nghề dạy học. Ba Má cô an tâm vì ván đã đóng xuồng và không sợ con gái rượu của mình sớm trở thành “Goá Phụ Ngây Thơ.”

Trở lại đầu hẻm phía tay trái. Trước khi đi vào chi tiết của đoạn này cũng cần nhắc đến vài căn nhà ở phía ngoài mặt tiền đường Yên Đổ. Đó nhà anh Thịnh cho thuê Xích Lô Máy. Bỏ đi một căn là giang san của ban kích động nhạc Les Vampires nổi tiếng vào những năm thập niên 60, 70 với Tòng thổi Saxo, Hồng Hải chơi trống. Tiếp theo là nhà số 74 của chị Sáu Nhàn. Nơi thưòng lui tới của những đấng mày râu quyền thế và lắm tiền; thích ăn phở hơn xơi cơm nguội nhạt lách ở nhà.

Kế đến là nhà nữ tài tữ Mai Trâm, một trong những vai nữ chính của phim“Chúng Tôi Muốn Sống.” Cô có hai công chúa tên Mai Dung và Mai Vân cũng xinh đẹp, duyên dáng như mẹ, được nhiều thanh niên trong vùng ngắm nghé. Nhưng cuối cùng chẳng anh nào lọt được vào mắt xanh hai nàng. Phải kể thêm nhà ông thầu khoán có cậu con trai thuộc loại dân chơi tài tử tên Khai, trường dạy lái xe hơi Yên Đổ, nhà in Ngô Mạnh Hùng. Ông chủ nhà in có hai con gái. Một tên Ngô Kim Thu là một thì sĩ học trò, chuyên làm thơ ca tụng màu an pha đỏ Võ Bị Đà Lạt. Cô kia tên Ngô Phi Nga, nữ sinh Trưng Vương, có dáng xinh xắn như búp bê. Anh chàng nào láng cháng trêu chọc sổ sàng thì biết tay nàng ngay và cuối cùng phòng mạch bác sĩ Trần Đình Ngân. Ông tốt nghiệp ở ngoại quốc về. Một con người đầy lòng nhân từ bác ái, thương người nghèo và tận tụy với mọi bệnh nhân. Rất tiêc số phần ông quá ngắn ngủi. Sau khi ông mất bác sĩ Vũ Ban thay ông tiếp tục cho đến 1975.

Bây giờ bắt đầu kể tiếp nhà thuốc Nguyễn Huy do Dược Sĩ Nguyễn Huy làm chủ. Ông cao lớn, vạm vỡ với hai con mắt thồ lộ. Bên hông nhà thuốc là môt khoảng đất trống nhỏ. Chỗ này có thể coi như một cái chợ nhỏ và một cửa hàng ăn uống dã chiến. Hoạt động từ tờ mờ sáng cho đến khuya lắc, khuya lơ. Ban ngày bán đủ các loại rau, hoa ,trái, thịt cá. Về ăn uống có bánh mì thịt, bánh cuốn, bánh bèo, bánh ít trần, xôi bắp, cháo huyết, cháo sườn, bún riêu, cơm tấm, hủ tiếu mì, khoai mì chà bông, sữa đậu nành, nước mía, đậu xanh đậu đỏ bánh lọt, sương sa hột lựu, nước trà Huế… Ban đêm có xe bán sâm bổ lượng, hột vịt lộn, xe bò viên, cơm bình dân, khô mực với rượu đế, bắp nướng mỡ hành, bánh tráng mè nướng than. Đây cũng là chỗ các người đạp xích lô và các tài xế Honda ôm dùng làm bến nghỉ chân, đón khách.

Tiếp đến là đầu ngỏ hẻm 62, đi ra được đường Công Lý, sang chợ Phú Nhuận, còn gọi là xóm Nhà Đèn vì đa số là bà con từ Quảng Bình kéo nhau vô Sàigòn lập nghiệp mà hầu hết làm nghề thợ điện. Ngay đầu xóm là nhà ông Tư Soan hớt tóc, con cái đùm đề. Ông kiêm thêm nghề kéo đàn ò e đám ma. Khi nào có ai mời chơi nhạc cho đám tang thì ông tạm nghỉ hớt tóc vì kéo đàn thu nhập cao hơn và còn được mời ăn uống đầy đủ. Xóm này có thần đồng ca nhạc Phương Mai của ban Tạp Lục Tùng Lâm, về sau diễn kịch cho ban Tân Dân Nam. Có các hoa khôi như chị Nguyệt, chị Jacqueline, chị Nữ, Chị Thu, chị Bách và một số người đẹp khác mà tôi không nhớ tên hết. Tuy nhiên cũng phải kể thêm hai chị em ruột Phủ, Hạnh hợp cùng chị Hoa Lửa ở hẻm 58 để trở thành bộ tam sên khét tiếng trong giới nữ kê mà các đấng hào kiệt đều kiêng nễ. Trong xóm có một cầu tiêu sông công cộng. Những gia đình ở gần rất khổ sở mỗi khi nước thủy triều xuống.

Ngay đầu ngỏ là cà phê bình dân của bà Thân mở ra đã lâu. Bà nói năng ngọt ngào, giá cả bình dân, nên được cảm tình của dân ghiền cà phê. Con trai út của bà tốt nghiệp kỹ sư Điện trường Đại học Phú Thọ, vang tiếng cả vùng, làm bà hãnh diện với xóm làng. Chẳng uổng công sức bà ngày đêm pha cà phê nuôi con ăn học nên nguời. Tiếp đến là trụ sở Hội Thuận Bài Tương Tế. Cách hai căn là nhà có cây mít rất sai trái. Chủ nhà là quản lý nhà hàng nổi tiếng Majestic- Quận Một, Sàigòn. Các con ông đều học giỏi, trong đó có Hà Cẩm Tuyền. Sát bên nhà ông là nhà của ca sĩ tài tử Trần Ngọc Phong là sinh viên trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt với bài hát Mexico ngân dài hơi bất hữu. Anh Phong có một ông anh tên Trần Ngọc Giao. Không hiểu sao cứ khoảng mười giờ tối là lấy kèn Trompette ra thổi bản nhạc Cầu Sông Quay (The Bridge on the River Kwai.) Riết rồi bà con trong vùng không cần xem đồng hồ cũng biết. Bây giờ đã là mười giờ đêm : “Xin bà con cô bác vui lòng vặn vừa đủ nghe để khỏi làm phiền hàng xóm đang cần yên tĩnh nghỉ ngơi.”

Cạnh nhà anh Phong là nhà gia đình ông bà Phạm Tá. Ông tốt nghiệp kỹ sư Hoá Học ở Pháp về. Tướng bệ vệ, đeo kính trắng dầy. Ông ra ứng cử trong một liên danh vào ThượngViện nhưng không được. Bà dạy nữ công gia chánh tại trường nữ Tiểu Học Đồ Chiểu vào buổi chiều.

Bỏ qua một hẻm nhỏ là tiệm giặt ủi không tên của hai ông bà di cư từ miền bắc vào năm 1954. Ngoài cô con gái. Hai ông bà có năm người con trai. Thật đúng là Ngủ Hổ Tướng. Du đảng dù sừng sỏ cở nào cũng không dám đụng vào đám anh em nhà này. Người con trai lớn tên Vũ Đình Sơn tức Sơn Đảo vì anh ở tù ngoài Côn Đảo được thả về. Anh Sơn Đảo có nước da trắng, cao ráo, đẹp trai, tướng oai hùng và giỏi võ. Anh được nhiều cô, nhiều bà mến mộ. Địa bàn hoạt động chính của anh là khu ngả ba Ông Tạ và ngả tư Bảy Hiền. Anh bị một người lạ mặt bắn tử thương tại góc Nguyễn Du và Lê Văn Duyệt, lúc anh cúi xuống bóp bánh xe mô tô mà kẻ nào đó cố tình xì lốp. Đám tang anh Sơn Đảo rất lớn, được nhiều giới giang hồ, đàn em khắp nơi về đưa tiễn. Ngưòi con trai kế tên Vũ Đình Tường là Sĩ Quan thuộc binh chủng Nhảy Dù, hy sinh khoảng cuối năm 1969 trong trận đánh ở đèo Lao Bảo. Tiếp đến là Vũ Đình Cương, một tay vợt bóng bàn có hạng của đội Quân Vận. Về sau anh Cương bị vào Chí Hoà. Trong lúc tranh giành ảnh hưởng. Anh đã bị một đàn em của Đại Ca Thay là Lâm chín ngón đâm chết. Sau đó giám thị Chí Hoà phải đổi ngay Lâm chin ngón đi nơi khác vì sợ đàn em của anh Cương tìm cách trả thù. Kế anh Cương là Vũ Đình Hoàn, năm nay đã ngoài 60, sống an phận như kẻ tu hành và người con trai út là Vũ Đình Tiềm mất vì bệnh ung thư sau năm 1975.

Đi thêm khoảng mười mét là võ đường Nhu Đạo của Võ Sư Nguyễn Hữu Khánh. Ông cũng là huấn luyện viên võ thuật của Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Nghe đâu ông mất tại Mong Cáy năm 1977. Võ đường hoạt động một thời gian thì đóng cửa. Ông Phạm Tá mua lại võ đường này để thành lập xưởng nhuộm mang tên ông. Tuy nhiên, xưởng nhuộm chỉ hoạt động được một thời gian ngắn thì dẹp tiệm. Cạnh xưởng nhuộm là trường Tiểu Học Hùng Vương. Trường chỉ mở đến lớp ba. Thầy Vũ Hửu Tiềm, một giáo viên nổi tiếng dạy luyện thi Đệ Thất vào các trường công lâp đã mượn nơi đây để mở các lớp luyện thi. Nhiều phụ huynh, kể cả các nơi khác cũng gửi con em đến học rất đông. Năm nào sỉ số học sinh của thầy thi vào lớp Đệ Thất trúng tuyển cũng đông hơn các nơi luyện thi khác.

Đi thêm khoảng năm căn nhà nữa là nhà của cô giáo Mai. Cô dạy trường Tiểu Học Con Trai Tân Định. Cô Mai cùng soạn chung với thầy Hiệu Trưỏng Nguyễn Văn Xuân một quyển sách Toán lớp Nhất và luyện thi vào đệ thất. Học sinh nào gia cảnh khó khăn, không có điều kiện học thêm. Nếu chịu khó ôn luyện quyển sách này kỹ, cũng hy vọng thi đậu vào Đệ Thất. Cô giáo Mai theo Đạo Phật. Cô qui y với pháp danh là Nhất Chi Mai. Cô đã tự thiêu để phản đối chính quyền đuơng thời đàn áp Phật Giáo. Trong hẻm nhà cô Mai có anh Chín Máy sửa xe hai bánh gắn máy rất giỏi. Anh không bao giờ vẽ vời khách hàng để lấy thêm tiền. Ngoài ra có hoạ sĩ nỗi tiếng tên Nhan Chí, tóc để dài như nghệ sĩ Trần Văn Trạch. Ông có biệt tài về vẽ chân dung một cách xuất thần. Ông ghiền Bi Da còn hơn ông thợ hớt tóc già. Con trai ông tên Trung bị tật gù ở lưng bẩm sinh từ nhỏ, nên có biệt danh là Trung Gù cũng nối nghiệp ông. Hoạ sĩ Trung Gù chuyên vẽ chân dung các tài tử ngoại quốc như Slyvie Vartan, Dalida, Mary Monroe, Audrey Hepburn, Charles Bronson, Clark Gable, Marlon Brando, Johnny Halliday, Alain Delon, James Dean……để trang hoàng ở trước các rạp xi nê lớn như Rex, Đại Nam…

Bây giờ đến nhà ông Sáu Voi. Tướng ông cao, to như con voi đúng như cái tên mọi người đặt cho ông. Ông Sáu Voi chuyên làm việc xã hội, thâu tiền ma chay, thăm viếng người bệnh và hay tổ chức cho bà con Phật tử trong vùng đi hành hương các chùa chiền vào những dịp lễ lộc.

Cuối cùng quẹo phía trái gặp nhà bà Thìn bán tiết canh, lòng heo, cháo huyết. Bà bán chung với tiệm cà phê Hải Nàm, nằm ở đầu đường Yên Đổ + Hai Bà Trưng vào buổi chiều. Nhà bà Năm Nghĩa bán củi do ghe chở từ ngoài cầu Kiệu và đậu sau nhà sàn của bà. Kế bên là nhà giáo sư Pháp Văn Nguyễn Ngân. Thầy mù hai mắt, nhưng dạy các học sinh về văn phạm tiếng Pháp rất hay. Nhất là phần phân tích Grammatical và Logique. Học phí thấy lấy rất rẻ vì đa số học sinh là con nhà nghèo. Muồn đi vào nhà bà Năm Nghĩa và thầy giáo Ngân phải qua một cái cầu ván gập ghềnh. Mỗi khi nước thủy triều lên, việc đi lại rất khó khăn.

Con hẻm Cù Lao với hầu hết là bà con lao động là thế đó! Bây giờ những người muôn năm cũ không còn bao nhiêu. Một số đã theo Trời theo Phật. Một số vì hoàn cảnh phải dọn đi nơi khác. Nếu ai có dịp trở lại con hẻm Cù Lao này, chỉ biết ngậm ngùi cho cảnh vật đổi sao dời.

Dù sao nó cũng là một phần trong ký ức tuổi thơ mà tôi cố ghi lại.

Xin được một lần chào con hẻm 60 Yên Đổ – Tân Định thời thơ ấu của tôi trước khi con hẻm này không còn nữa. Nó sẽ biến mất vì sự phát triển đô thị trong vài năm sắp tới ./.

Trần Đình Phước (San José – Xuân Nhâm Thìn)






http://www.canhthep.com/image.php?module=101&image=forums/70a/tuybut/notes/87899.tandinhngayxua.jpg (http://us.mg204.mail.yahoo.com/neo/)









Tôi đi để lại đường xưa
Cùng bao kỷ niệm nắng mưa bên đời …

Chả hiêủ tại sao, nhưng hễ cứ nghe ai nhắc hoặc nói đến hai chữ Tân Định là tôi lại thâý lòng nao nao, xúc động một cách kỳ lạ. Không kềm được. Chỉ mới nghe đến hai chữ Tân Định không thôi là đã thâý cả một quãng đời thơ âú thần tiên như hiện ra trước mắt với biết bao kỷ niệm vui buồn thân yêu, cả một thời mới lớn vô tư đâỳ mơ với mộng, và cũng cả … một thời "đổi đời" khốn đốn chật vật lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái ăn, cái mặc….

Đã ở Saigon, ai mà chả biết hoặc chưa từng đi ngang qua nhà thờ Tân Định? Qua Hai Bà Trưng, con đường chính nối liền Phú Nhuận và …cứ thế đi thẳng tắp lên phố? Đi thẳng ra chỗ tượng đức Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, giang sơn của Hải Quân, thì có lẽ chính xác hơn, nhưng phố Catinat và Bonard cũng đã nằm lẩn quẩn gần đâu đâý, chỉ cách có vài bước.Cái đất Tân Định của tôi có nhiêù… thứ nổi tiếng lắm nhé. Rất rất nhiêù thứ. Những nhân vật trứ danh của vùng quận nhất Tân Định nói chung, và khu Nhà Thờ của tôi nói riêng, thì … ối thôi hằng hà vô số, nhớ sao cho hết, và kể sao cho xuể? Một thí dụ nôm na thôi, tầm thường thôi, nhưng chắc chắn sẽ còn rất nhiêù người vào lứa tuổi sồn sồn như tôi khó mà quên cho được… Chú Hòa (còn được gọi một cách thân mật là Chí Hòa) có cái xe đâỷ bán sirop đá bào ở đâù cái hẻm đối diện với nhà thờ Tân Định. Những buổi trưa nắng gắt mà được sà vào dầm dầm khuâý khuâý một ly "đá nhận" thoang thoảng chút mùi chanh muối rồi chấm chấm mút mút từng muỗng đá bào có xịt xịt tí sirop mâù xanh mâù đỏ, thì cứ gọi là…coi ông mặt trời như …nơ-pa, đã khát và mát ruột gì đâu !!!



Lại nhớ hồi tôi còn đâù tắt mặt tối với cái quán café cóc (sau 75 âý mà, buôn bán nhì nhằng chỉ mong kiếm đủ tiền đi chợ hằng ngày thôi, có mâý ai mà chẳng phải thế, như tôi, nhỉ ?) cũng ở ngay đâù hẻm, đã biết bao lần chú Hòa thương hại "giải vây" cho tôi vay tạm từng cục nước đá BGI để tôi phục vụ bán café "sữa đá" hay "đen đá" cho những người vừa tan lễ nhà thờ ùa vào hàng loạt … khiến tôi lính quýnh tíu tít pha pha chế chế luôn tay không kịp thở và cái thứ hàng gì tôi bày bán cũng hết sạch nhẵn, chỉ trong nhấp nháy, sau những giờ tan lễ ngày chủ nhật.

Cái quán café cóc của tôi thật ra thì…chả có mâý người còn nhớ đến, nhưng nức tiếng lắm lắm cả Sài Gòn lẫn Chợ Lớn là (quán đàng hoàng) Café Thu Hương nằm gần ngã tư đèn xanh đèn đỏ Hiền Vương ( Mayer cũ và bây giờ hình như là Võ thị Sáu thì phải). Ngày xưa, lúc đang còn trong thời kỳ nhắng nhố… sắp sửa thành người lớn, bọn ghiền ngồi café chúng tôi cứ phân vân không biết phải chọn café Văn Hoa Dakao hay Thu Hương Tân Định để được nghe những bài nhạc ngoại quốc "mới ra lò", thịnh hành nhất, romantique nhất … Văn Hoa thì nhạc hay, âm thanh hay và có mâý cô caissières yé yé xinh xẻo nhưng café lại chỉ tàm tạm thôi, nên chúng tôi đóng đô Thu Hương thường hơn, vả lại những hôm lười đi xa, tôi chỉ việc băng qua đường là đã tới, gần xịt.

Gần xịt hơn nữa là cái quán bánh xèo Đinh Công Tráng, rộn rịp từ xế xế chiêù cho đến tối khuya, lúc nào cũng tấp nập người và xe. Nghe nói sau gần 40 năm rồi mà đến bây giờ vẫn còn tấp nập xe và người, cả ngày lẫn đêm nữa cơ đấy !

Đi quá thêm vài ba bước nữa là tới cái ngõ hẻm của nghệ sĩ Tùng Lâm, danh tiếng thì ... cả nước biết. Tôi thường đi băng tắt ngang cái hẻm này mỗi ngày để ra chợ, cái hẻm đâm thẳng vào hông chợ, đâù hẻm có xe nước miá (pha lẫn với dâu Đàlạt) của chị Tám, trời thần ơi là ngon, nhất là được uống vào những buổi tối cúp điện. Có lẽ chưa có loại nước uống nào trên thế giới, theo tôi nghĩ, mà vừa rẻ, vưà đã khát, vừa ngon lại vừa bổ như nước miá, nêú đừng để ý đến cái đám nhặng xanh bay vần vũ trên những xác mía đã được ép lâý nước rồi, cũng như những đẵn miá chưa ép…

Cứ gì phải ra tận ngoài Hà Nội để mò đến Chả Cá Lã Vọng mới thưởng thức cho được cái món chả cá thì là chấm mắm tôm? Chả cá Sơn Hải ở ngay ngã ba Lý Trần Quán và Đinh Công Tráng (còn gọi là Calmette) mà không ngon ư? Cứ gọi là lịm cả người đi âý chứ! Và trong cái ngõ hẻm sát kế bên còn có một nhân vật, lúc còn sinh thời, đã từng làm mưa làm gió trong giới điện ảnh hồi đó: tài tử Đoàn Châu Mậu, bố của Tuyền, cô bạn học cùng lớp với tôi ởM.C. và cùng học violon với ông xã nhà tôi ở trường Quốc Gia âm nhạc. Một cô bạn tính tình hiền hậu, lành như cục đất, ai nói gì cũng chỉ ngỏn ngoẻn cười … Cô bạn này của tôi đã có dạo, trước 75 một chút, cùng với Đức Huy là một Duo khá nổi tiếng trong làng ca nhạc Saigon .

Cha Tr. của giáo xứ Tân Định những năm 70 cũng là một nhân vật được nhắc đến khá nhiêù, nhất là trong giới trẻ. Một thần tượng, một hiện tượng …lạ thì đúng hơn, đáp ứng được cái "máu hippie" của bọn choai choai chúng tôi thuở bấy giờ. Những buổi lễ của Cha, dành riêng cho giới trẻ, lúc nào cũng đông nghẹt!

Bọn con gái chúng tôi mê nhất là bộ râu quai nón của Cha, giọng nói từ tốn "lịm cả hồn" và những bài giảng rất là giản dị và cởi mở, những bài thánh ca soạn theo thể loại mới, nghe mà cứ "ngơ ngẩn cả người"..vì hay! Tôi biết, đã có khối con chiên ghẻ bỗng dưng trở thành ngoan đạo, chăm chỉ sốt sắng đi lễ nhà thờ không bỏ sót chủ nhật nào, cũng chỉ vì …Cha. Và trong số những con chiên ghẻ đó có tôi.

Sát bên nhà thờ Tân Định là trường Thiên Phước. Ngôi trường đạo này là của các Sơ, chỉ nhận toàn con gái và có một đặc điểm rất dễ thương là bắt các nữ sinh phải mặc đồng phục váy mầu hồng thay vì mặc váy mâù xanh nước biển đậm và blouse trắng như các trường đạo khác (Couvent des Oiseaux, Régina Pacis và Régina Mundi…chẳng hạn ). Cứ đến giờ tan học là cả khu Tân Định nhộn nhịp hẳn lên với một đàn bướm mâù hồng khổng lồ ríu rít túa ra xúm đông xúm đỏ các gánh hàng rong túc trực sẵn trước cổng trường, trông vui mắt đáo để. Quà vặt của vùng Tân Định là có tiếng đâý. Có tiếng là ngon! Mà cũng có tiếng là đắt !

Chả thế mà người ta vẫn thường kháo với nhau là "Chợ Tân Định chỉ dành riêng cho những dân nhà giâù, bán toàn hàng "tuyển" nên mắc như quỷ (?). Mà cũng đúng thôi, tiền nào của nâý !"

Chẳng ngoa tí nào sất, thật, dân vùng Tân Định, phần lớn là "có máu mặt" cả mà! Những ngôi nhà lịch sựxinh xắn trong các con hẻm tương đối rộng rãi nêú so với những con hẻm của các vùng khác, và những cử

































1 Attached file| 276KB



Tân Định Ngày Xưa - Hẻm 60 Yên Đổ.eml (https://dtphorum.com/pr4/#)




Attachments




Tân Định Ngày Xưa - Hẻm 60 Yên Đổ.eml
Download All (https://dtphorum.com/pr4/#)

ngocdam66
10-07-2012, 08:21 AM
Hình như trước năm 1954 nơi này là Bến tắm ngựab-), phía đôi diện đường Huỳnh tịnh Của co ́ hẻm Hầm sỏi, du đảng cũng có tiếng một thời:)

NhuLien
10-08-2012, 07:50 AM
Chào anh NgocDam66,

Cám ơn anh đã ghé sang cho biết, vì thời gian đó thì Liên chưa được chạm chân xuống đất Sài Gòn, nên không biết anh à! Hay là anh cho tất cả mọi người và Liên biết về thời gian đó anh nhé!

ngocdam66
10-08-2012, 12:16 PM
Chào anh NgocDam66,

Cám ơn anh đã ghé sang cho biết, vì thời gian đó thì Liên chưa được chạm chân xuống đất Sài Gòn, nên không biết anh à! Hay là anh cho tất cả mọi người và Liên biết về thời gian đó anh nhé!
Thưa chị đó là những ngày SG còn hoang sơ làm gì có xe Lam,xe ba gác,hay xích lô đạp,phương tiện chuyên chở công cộng là xe ngựa nên các bác Xà ích thường mang ngựa đế bờ sông đó tắmb-)

khờ khạo
10-08-2012, 01:24 PM
Em nghĩ chị Liên không biết là đúng, vì ngày ấy chị đang ở tại đầu gối thì phải, em cũng thế.b-)

hoài vọng
10-08-2012, 08:14 PM
Lạc vào đây nghe chuyện cũ khu Tân Định , sao không thấy đề cập cái nhà TOBIA ( đối diện với cà phê Thu Hương ) ngồi uống cà phê Thu Hương, ai cũng gật gù...suy tư...đăm chiêu như những nhà hiền triết nên tôi không thấy chàng nào lạng qua , lạng lại trước cửa nhà TOBIA dù trong nhà cũng có vài cô xem cũng dễ thương ( chắc vì sợ nếu có chết thì mấy cô đó sẽ .... tặng quan tài không tính tiền...

Đậu
10-09-2012, 06:06 AM
Lạc vào đây nghe chuyện cũ khu Tân Định , sao không thấy đề cập cái nhà TOBIA ( đối diện với cà phê Thu Hương ) ngồi uống cà phê Thu Hương, ai cũng gật gù...suy tư...đăm chiêu như những nhà hiền triết nên tôi không thấy chàng nào lạng qua , lạng lại trước cửa nhà TOBIA dù trong nhà cũng có vài cô xem cũng dễ thương ( chắc vì sợ nếu có chết thì mấy cô đó sẽ .... tặng quan tài không tính tiền...


Em đoán là mấy anh giai nhớn ngại là khi mấy cổ về nhà chồng thì được ông chủ trại hòm TOBIA cho mấy cái hòm làm của hồi môn. Mấy ảnh chả biết xử lý sao cho đúng quy hoạch. Cất giấu trong nhà làm của thì không tiện mà đăng báo rao bán thì sợ chả ai mua. Rức đầu chứ chả chơi. Thôi thì sớm liệu mà xa nhau vì sách có câu "tình chỉ đẹp khi còn dang dở". Thế cho nó lành.

NhuLien
10-10-2012, 02:11 AM
Thưa chị đó là những ngày SG còn hoang sơ làm gì có xe Lam,xe ba gác,hay xích lô đạp,phương tiện chuyên chở công cộng là xe ngựa nên các bác Xà ích thường mang ngựa đế bờ sông đó tắmb-)

Cám ơn anh đã cho biết về Sài Gòn trong khoảng thời gian đó! Hình như Liên có được một lần ngồi trên chiếc xe ngựa thì phải? Bến đậu lại là gần bồn binh Chợ Bến Thành trước cửa tiệm bán máy may, lại không xa mấy khu chợ chó hướng về phía chợ Cũ Hàm Nghi thì phải? Học được thêm chữ Xà Ích từ nơi anh.

NhuLien
10-10-2012, 02:28 AM
Chào anh Khờ Khạo,

Vậy là chúng ta đồng hội đồng thuyền* nhưng kẻ trước người sau hay sao? Cám ơn anh đã ghé sang.


* Lại là Hậu Sinh khả úy!

NhuLien
10-10-2012, 02:44 AM
Chào anh Hoài Vọng,

Mời anh đọc bài viết " Tân Định của tôi " do một người bạn của tôi gởi đến, vì bài viết đã không đầy đủ như anh đã cho biết! Cafe Thu Hương, tiệm thuốc Bắc của Hùng Kim Khuê ... Hảo Trinh Shoes ... hoặc dân CBC

http://newvietart.com/index2.11.html

NhuLien
10-10-2012, 02:50 AM
Hello mr. Peanut,

Cám ơn Đậu đã ghé sang! Mong Đậu ghé vào luôn cho " Những... " càng vui nhộn hơn nhé!

NhuLien
10-11-2012, 06:48 AM
Merci Em Paris gởi sang bài viết về Phú Nhuận! Em nhớ tìm bài viết về Chợ Lớn và khu chợ Cũ cho người đã từng ở hai nơi, được không Em?




Cũng là chốn quê nhà





http://1.bp.blogspot.com/_ZYLGCbwkkJg/TPXSCIV9skI/AAAAAAAAAlo/JIVbNvDskXA/s400/phunhuan2.jpg (http://1.bp.blogspot.com/_ZYLGCbwkkJg/TPXSCIV9skI/AAAAAAAAAlo/JIVbNvDskXA/s1600/phunhuan2.jpg)
Không có nhiều đất đai cho Phú Nhuận, một quận nhỏ xíu chỉ rộng hơn quận 4 - vốn là cái cù lao trên sông - một chút. Phú Nhuận là “thị trấn giữa đàng”, để mọi người băng ngang về Tân Bình, Gò Vấp, đi sân bay hoặc ra miệt quận 1, quận 3 để làm việc. Phú Nhuận xưa chỉ là một làng nhỏ có cha con hương cả Đành lần lượt làm hương cả, là người Pháp rặt nhưng nói tiếng Việt, ăn mắm, bận áo the đen, dùng cơm bằng đũa. Có bến Tắm Ngựa dưới chân cầu Kiệu mà nhà thơ Nguyễn Hồi Thủ nhớ hòai khi lang thang khắp Nhật, Pháp. Phú Nhuận xưa là nơi hát ả đào, du nhập từ miền Bắc vào để Nguyễn Tuân khi vào Nam đến hát cho đỡ ghiền. Phú Nhuận là nơi đội bóng xưa nhất Việt Nam “Ngôi sao Gia Định” đóng đô, đến những năm 1950s sân banh chỉ còn là bãi đất trống. Phú Nhuận chứng kiến những chuyến xe ngựa đầu thế kỷ XX, chở những ông Tây bà Đầm chạy dọc theo đường Hai Bà Trưng từ bến Bạch Đằng xuống Gò Vấp, mong tìm được chút hơi hướm khí hậu ôn đới vào buổi sáng sớm mù sương.
Những ngày tuổi thơ ở Phú Nhuận mới đây mà vèo bốn mươi năm. Nhớ trường Đình có cây đa to sát bên Đình làng Phú Nhuận nhìn ra đường sắt. Những đêm diễn hát bội ở Đình có nhóm Đồng ấu Minh Tơ toàn là các diễn viên nhỏ tuổi ca rât nghề. Tiếng chuông chùa Kỳ Quang, chùa Đại Giác và mùi nhang thơm luôn làm hồn trẻ nao nức những ngày gíap Tết. Xóm Mả Đỏ, xóm I Wai, xóm Mô, những cái tên bí ẩn nhưng hấp dẫn gắn liền những tệ nạn thời nào cũng có. Xóm nhà nghèo với ánh điện câu “Đêm khuya sâu, ngõ như không màu”, những cuộn ống nước nằm bên hè những nhà mới nhập cư đợi lúc câu nước nhờ. Nhà nào trong xóm cũng mơ một nền nhà bằng gạch bông hoặc cái mái bằng có mặt dựng thay cho mái tôn dốc xuống. Buổi trưa bầy trẻ nhỏ lang thang đi bắt chuồn chuồn, hái trái mồng tơi hay lượm trái điệp vàng, đi qua những xóm đìu hiu, hàng rào bông bụp, mái tôn nóng hực buông cái mành che nắng hướng tây. Những người vợ có chồng đi lính hát ru sao con mà não nuột trong cái trưa hè xóm nghèo với câu “Ví dầu…” . Tiếng máy may đạp xành xạch. Buổi tối, cha con lên giường nằm nghe cải lương, ở giữa nhà cái đèn tròn tỏa ánh sáng vàng ệch sao mà buồn giữa tiếng hát Út Bạch Lan hay Thành Được. Tiếng còi tàu từ cổng xe lửa số 9 kéo dài tô đậm thêm không khí bàng bạc và lo lắng của hậu phương thời chiến. Người Phú Nhuận lắng tiếng cánh quạt hay tiếng ì ì của động cơ máy bay trực thăng, chiến đấu cơ mà đóan chuyện chiến cuộc. Xóm vui khi giáp tết, nhà nào xêng xang thì mua đuợc cái Ti vi mới hiệu Denon hay National, coi như năm qua làm ăn thành công. Nghèo thì sắm cái radio chạy pile nghe cải lương hay không sắm gì hết. Dù sao, bầy con nít vẫn có áo mới. Con gái thích đồ bộ có in bông. Con trai may quần Tây, áo sơ mi kiểu người lớn, mặc qua Tết còn tiếp tục bận đi học đỡ tốn. Đi chơi Tết thì ít tốn tiền nhất là đợi Hăm Tám, Hăm Chín Tết ra đường Võ Di Nguy gần chợ Phú Nhuận xem hàng tết bày đầy các Kiosk mới mọc. Về nhà thì vui như mở cờ khi thấy có mấy xâu lạp xưởng Ba má mới mua, bánh phồng tôm Sa Giang, thấy cây đèn cầy bự chưng bàn thờ cũng đẹp mướt mát, đỏ tươi. Hôm nào đi gặp một kép hát, đào hát hay tài tử dạo chợ Tết là về khoe inh ỏi. Ông Hề Thanh Hòai ở ngoài hay cười như trong kịch. Ông Xuân Phát, ba của Dustin Nguyễn bây giờ, với đôi mắt nhỏ giống hệt ông Ba Tàu thứ thiệt khi hát bài “Tình chú Thòong” với câu “Ngộ có chết đi thì cũng theo trời theo Phọot…”. Phú Nhuận nhỏ nhưng nghệ sĩ không thiếu. Nhớ cái nhà rộng có sân vườn của nhạc sĩ Phạm Duy ở cư xá Chu Mạnh Trinh, đám con trai hay ra chơi bên cái hồ nước. Thỉnh thỏang lại có mở tiệc, bầy trẻ ngóng mỏ nhìn những ca sĩ đẹp rực rỡ dưới ánh đèn điện đến dự tiệc. Gần đó là nhà của ông văn sĩ người Bắc thần tượng của học trò Sài gòn vì là ngừơi viết truyện Chương còm, Dũng Đakao, Mơ thành người Quang Trung. Ca sĩ Phương Hồng Ngọc xinh như mộng vẫn theo mẹ ra khu chợ Ga đuờng Trương Tấn Bửu nối dài mua vải, mua xà bông thơm. Nhà nghệ sĩ Kim Cương ở Hoàng Diệu kín cổng cao tường, thỉnh thỏang lại có người tò mò ngóng ngó, ao ước nhìn kỳ nữ nổi tiếng làm rơi nuớc mắt đêm qua với mấy vở Lá Sầu riêng, Dưới Hai Màu Áo. Thỉnh thoảng lại thấy ca sĩ Thanh Phong ban Tam ca Sao Băng mặc quần tây trắng đứng hút thuốc với dáng vẻ hào hoa dưới dãy phố lầu đối diện Nhà thờ Nam. Cách đó vài trăm mét trên đường Trương Tấn Bửu (nay là Trần Huy Liệu) là nhà của ca sĩ Kim Loan, cô ca sĩ xinh đẹp với giọng khàn hát tuyệt hay bài Đan áo mùa xuân của Phạm Thế Mỹ. Quanh quẩn đâu đó ở Phú Nhuận những năm sau này, ngừơi Phú Nhuận quen với sự có mặt của những nghệ sĩ như Hoạ Mi, Hồng Vân, Chí Tài, họa sĩ Nguyễn Lâm, Đằng Giao…Những người chọn Phú Nhuận để sinh sống như một vùng đất nội thành tiện lợi đi lại nhưng êm đềm.
Dù phố phường chật chội mấy, vẫn có những khoảnh khắc lắng dịu khi đi qua dăm ngôi nhà đường Nguyễn Trọng Tuyển, Đặng Văn Ngữ. Giữa lúc tấc đất tấc vàng, một miếng đất mặt đường rộng ba mươi mét bề ngang nằm trơ gan tuế nguyệt với hàng rào cũ kỹ, bên trong thấp thoáng sau mấy cây vú sữa tím là ngôi nhà nhỏ đặt vài chậu kiểng trước nhà như một thứ bình phong. Cái bàn thiên trước đặt mấy trái vú sữa chắc là cây nhà lá vườn, sân vẫn là sân đất, thấm nước khi mưa về và bôc lên mùi đất ẩm, mùi cỏ lá. Khách đi ngang qua chợt thèm có dịp vào ngôi nhà vào một dịp giỗ Tết gì đó để biết đâu tìm lại không khí của Sài gòn cũ những năm sáu mươi ở Phú Nhuận hay xa hơn là cảnh sống miệt vườn Mỹ Tho, Cao Lãnh. Bà cụ già ra thắp nhang bàn thiên vẫn giữ nét mộc mạc của người Nam bộ xưa, cái khăn rằn vắt vai. Mấy người con trai đi làm cơ quan nhà nước, về nhà lo tưới cây, quét lá. Họ sống không ồn ào, ít tham vọng, rất lặng lẽ như rất nhiều người gốc gác từ lâu ở Sài Gòn, để mặc đất cũ đãi người mới đến.
Một thế hệ người cũ của một thời Phú Nhuận đáng trôi dần về quá khứ. Ngôi nhà của cô giáo lớp Ba trường Võ Tánh của tôi nép mình dưới bóng cây vẫn là cái mái ngói dột nát. Hồi cuối những năm sáu mươi đến nhà cô cả đám học trò mê mẩn khi nhìn thấy những cái trứng chim cút kỳ lạ nhỏ xiú có đốm màu nâu, khác hẳn với trứng gà trứng vịt ở nhà, Một đứa chìa ra mấy đồng xu keng xin mua về một trứng cút để mang về chơi nhưng cô chỉ mỉm cười . Phong trào chim cút làm giàu rồi cũng sập tiệm và cô vẫn sống một mình đến cuối đời. Ngời trên bộ ván cũ mà giờ đây quá mỏng mảnh khác với cái nhìn con nít hồi xưa, tôi nhìn dáng cô cóm róm pha trà nước mà thấy thời gian như bóng câu qua cửa. Xe lửa lại sầm sập đi qua. Tiếng còi tàu không thay đổi khi đi ngang qua Phú Nhuận, từ cổng số 6 Lê Văn Sĩ, số 7 Nguyễn Văn Trỗi, số 8 Nguyễn Trọng Tuyển và số 9 Hoàng Văn Thụ . Đó là chut thanh âm ngày cũ còn sót lại của quận Phú Nhuận, chốn quê nhà nhỏ của người sinh ra trên đất Sài gòn rộng lớn này.

Được đăng bởi saigon61

NhuLien
10-20-2012, 09:35 AM
Một sưu tầm that công phu
MỤC LỤC MẸO VẶT HAY






3 bước bảo quản đồ gỗ để ngoài trời (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=81884)
3 điều 'không nên' khi ăn hải sản (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=93918)
3 mẹo hay với trứng (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=86178)
3 mẹo làm bánh ngon và đẹp mắt (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=104255)
4 cách cắm hoa đón Tết (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=99978)
4 cách trang trí đẹp với quả thanh long (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=99421)
4 chữ C cần nhớ khi mua kim cương (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17660)
4 công dụng tuyệt vời của Coca cola (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=119428)
4 mẹo khử mùi tanh của cá (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=124261)
4 mẹo nhỏ với cam, quýt (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=108462)
4 mẹo nướng thực phẩm tránh nguy cơ ung thư (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=86478)
4 mẹo vặt gia đình (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=34646)
5 cách dễ dàng để làm chàng vui. (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=71401)
5 cách làm quả hồng hết chát (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=83125)
5 mẹo nhỏ để món chiên ngon hơn (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=68184)
5 mẹo sử dụng nút chai rượu (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=128226)
5 mẹo vặt giúp món ăn ngon hơn (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=54747)
6 cách tẩy vết gỉ (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=78286)
6 điều nên tránh khi nướng thịt (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=79692)
6 mẹo giúp giảm mùi khó chịu của cơ thể (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=99097)
6 mẹo giúp giảm mùi khó chịu của cơ thể (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=99097)
6 mẹo nhỏ với đồ thủy tinh (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=88043)
6 mẹo nhỏ với nước gạo (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=61802)
7 cách dùng sữa có thể bạn chưa biết (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=52001)
7 cách khử mùi hôi của thịt dê (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=69150)
7 mẹo giữ thảm nhà bạn luôn mới và sạch (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=106994)
7 mẹo nhỏ chống say xe . (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=49218)
7 mẹo nhỏ khi gội đầu (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=125844)
8 mẹo biến mắt bé thành to (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=33390)
8 Mẹo Vặt Khi Vào Bếp (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=52277)
8 mẹo vặt với hành tây (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=106602)
9 công dụng lạ của bia (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=57653)
9 mẹo làm sạch nhà bếp dễ dàng hơn (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=90797)
9 mẹo nhỏ dọn nhà đón Tết (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=59100)
9 mẹo nhỏ giúp giảm tác hại của rượu tới sức khỏe (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=86887)
9 mẹo nhỏ làm trắng răng (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=58436)
9 mẹo tránh bị bỏng trong nhà bếp (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=67124)
9 mẹo vặt tẩy rửa thú vị trong nhà (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=68560)
10 bí kíp “hạ gục” cơn đói (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=85164)
10 bí quyết vệ sinh tủ lạnh (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=99709)
10 "chất tẩy" sẵn có trong gia đình (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=82618)
10 điều cần tránh khi dùng lò vi sóng (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=67123)
10 mẹo hay chống ngộ độc thực phẩm (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=119587)
10 mẹo nhỏ giữ hoa tươi lâu (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=63596)
10 tác dụng khác của dầu ô liu (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=70375)
10 thói quen để thành người bảnh bao (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=71739)
11 mẹo vặt thiết yếu cho gia đình (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=80618)
12 mẹo chống say tàu xe (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=76593)
15 ích lợi tuyệt vời của giấm trắng (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=109646)



24 mẹo hay trị bệnh từ nhà bếp (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=84744)


42 công dụng từ giấm (1 + 2) (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=95403)

1001 mẹo vặt nhà bếp (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=118082)

A

Ăn món nướng mà không sợ ung thư (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=57644)

B

Bã cà-phê (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=70339)
Ba cái mẹo nhỏ ... (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=121830)
Bã chè cũng nhiều công dụng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=50696)
Bàn ăn đẹp như mơ cho lễ Phục sinh (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=106182)
Bạn có biết tại sao bánh mì của người Việt ngon “không thể tả’ không? (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=20636)
Bánh Gateâu Chưa Chín Kỹ (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12843)
Bảo quản nữ trang và đá quý (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=40059)
Bảo quản thực phẩm mùa hè (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=34687)
Bảo quản thực phẩm ngày Tết (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=98205)
Bé yêu, đừng cắn mẹ ! (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=48962)
Bị Ong Chích (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17904)
Bí quyết bảo quản rượu (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=52581)
Bí quyết câu cá (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=15159)
Bí quyết chăm sóc giày da (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=58159)
Bí quyết chiên khoai giòn (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=94216)
Bí quyết cho món luộc (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=67474)
Bí quyết cho từng loại mứt Tết (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=100913)
Bí Quyết Chọn Và Giữ Đào Theo Ý Muốn (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12998)
Bí quyết dã rượu (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=59670)
Bí quyết để giặt sạch bằng máy (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=67342)
Bí quyết để tóc mọc nhanh (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=34314)
Bí Quyết Giữ Hoa Hồng Tươi Lâu (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12997)
Bí quyết giữ rau quả luôn tươi (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=59833)
Bí quyết giữ mỹ phẩm lâu hỏng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=52114)
Bí Quyết Làm Bánh Ngon (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12842)
Bí quyết làm bánh với socola (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=35366)
Bí Quyết Làm Đẹp Của Phụ Nữ Các Nước (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16530)
Bí quyết làm mát ngôi nhà mùa hè (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=115251)
Bí quyết làm sáng ghế salon (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=55654)
Bí quyết lau sạch đĩa CD/DVD (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=35264)
Bí Quyếc Luột Gà Đẹp và Ngon (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12996)
Bí quyết luộc gà (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=50695)
Bí Quyết Mài Dao (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11471)
Bí quyết mua xăng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=21240)
Bí quyết nấu ăn ngon (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=36428)
Bí quyết nấu nước dùng ngon (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=43531)
Bí quyết nêm gia vị đúng lúc (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=52313)
Bí quyết pha cà phê ngon (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14391)
Bí quyết rửa rau an toàn (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=72169)
Bí Quyết Son Môi (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16415)
Bí quyết sử dụng gia vị (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=38545)
Bí Quyết Trang Điểm (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16416)
Bí Quyết Trang Điểm Nhanh (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16418)
Bí quyết trang trí món ăn ngày Tết (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=95576)
Bí quyết uống rượu mà không say (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=92177)
Bí quyết và công thức chung cho mứt hoa quả (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=94950)
Bí Quyết Về Cách Làm Thịt, Cá Nhanh (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=52754)
Bia Có Nhiều Việc Bổ Ích (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12841)
Bia - những điều bạn chưa biết (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=76265)
Biến Mắt Nhỏ Thành Mắt To (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16419)
Biến Tấu Tóc Dài Trong 7 Ngày (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16529) ????!!
Bỏng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17903)
C

Các mách nước để tiết kiệm chi tiêu (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=39007)
Các mẹo chữa hôi nách (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=76056)
Các mẹo làm món cá ngon (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=55653)
Cách bảo dưỡng quần áo (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=46810)
Cách bảo quản hoa quả tươi ngon (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=64814)
Cách bảo quản rượu đã khui (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=82997)
Cách bảo quản rượu vang (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=124148)
Cách Bảo Vệ Đồ Bằng Bạc (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12316)
Cách Bảo Vệ Đồ Mạ Vàng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12396)
Cách bày bàn ăn cho bữa tối Noel (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=92787)
Cách block số điện thoại unwanted. (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=77955)
Cách chăm sóc hoa lan tươi lâu và đẹp (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=47394)
Cách chọn áo ngực vừa vặn (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=71990)
Cách chọn đu đủ ngon (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=64419)
Cách chọn mực khô (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=110233)
Cách chọn quả măng cụt (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=78721)
Cách chọn tôm khô loại 1 (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=62442)
Cách chữa hóc xương cá (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=63602)
Cách copy tài liệu từ trang web không cho copy (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=113844)
Cách dọn sạch lò vi sóng chỉ với 1 quả chanh (video) (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=115255)
Cách Dùng Nước Javel (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12249)
Cách Dưỡng Da Mặt (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16667)
Cách Đóng Đinh Dễ Dàng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12397)
Cách Giảm Độ Mặn Cho Canh (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13413)
Cách giữ Bánh mì được lâu. (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=20697)
Cách giữ các loại bánh được ngon (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=43202)
Cách giúp trẻ nhỏ uống thuốc (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=51750)
Cách giữ hoa tươi lâu (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=49358)
Cách giữ vitamin trong rau xanh khi nấu (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=96163)
Cách Gỡ Dằm Gai (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11654)
Cách khử cặn trong ấm nước (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=48441)
Cách khử dầu chiên có mùi (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=70735)
Cách khử mùi hôi ở phổi và bao tử heo (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=73033)
Cách khử mùi tanh của hải sản (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=69148)
Cách khử vị đắng của măng tươi (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=69152)
Cách làm bầu dục heo không hôi (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=78287)
Cách Làm Cá (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13112)
cách làm đồ nghề để sếp áo (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=18559)
Cách Làm Lươn (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13114)
Cách làm món cá ngon (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=65450)
Cách Làm Ốc (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13001)
Cách làm sạch bao tử (dạ dày) heo (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=92103)
Cách làm sạch ngọc trai, hột xoàn (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=40058)
Cách làm sườn nướng được mềm (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=74967)
Cách làm trứng muối tiết ra nhiều dầu (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=54209)
Cách làm và bảo quản cua, ghẹ (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=75813)
Cách Lau Chùi Tranh Sơn Mài (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12706)
Cách lau gương đơn giản mà sáng bóng (Video) (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=115987)
Cách Luộc Thịt (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13115)
Cách mở ổ khóa bị han rỉ. (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=50443)
Cách nấu thịt bò mau nhừ (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=78654)
Cách nhận biết món ăn vừa chín tới (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=59401)
Cách nướng thịt ngon (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=38953)
Cách phân biệt cá tươi (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=95800)
Cách phân biệt mật ong giả và thật (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=21369)
Cách Rửa Mặt Bằng Nước (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16669)
Cách rửa sạch các loại sò, ốc (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=124847)
Cách sơ chế nha đam hết đắng (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=123185)
Cách Sử Dụng Tỏi (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13249)
Cách tỉa cây cảnh và Hoa (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=21527)
Cách tính lượng sơn, vôi dùng quét tường (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=77495)
Cách ướp gia vị cho món nướng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=34791)
Cai sữa cho bé khi nào (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=51096)
Cai sữa cho bé yêu (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=51097)
Cầm Máu Khi Chảy Máu Cam (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16818)
Cần Biết Khi Chọn Nước Hoa (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16670)
Cần làm gì khi gặp tai nạn xe hơi? (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=21370)
Cánh Cửa Phòng Bị Kêu (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12315)
Cạo Lông Mày, Lông Nách (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16531)
Cắt Cổ Chai Thủy Tinh (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12248)
Chả Giò Cuốn Bị Chảy Nước (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13252)
Chế biến hải sản đúng cách (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=52275)
Cheap Baterries (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=53031)
Chiên Bánh Không Bị Chua (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13253)
Chiên Bánh Phồng Tôm Giòn (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13412)
Chiên Cá (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12999)
Chiên Cá Không Bị Vỡ (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13251)
Chiên Khoai Tây (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13116)
Chiên, nướng thịt heo, bò cuộn không bung (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=52324)
Chiên Thức Ăn (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13113)
"Chiêu" làm sạch và mới túi, ví để đi chơi Tết (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=100631)
Chill A Coke In 2 Minutes! (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=84785)
Chín mẹo trọng yếu cho đàn bà (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=70969)
Chọn hoa & Cách giữ hoa tươi lâu ngày Tết (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=100014)
Chọn Kiểu Tóc Hợp Khuôn Mặt (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16820)
Chọn ly hợp với đồ uống (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=48440)
Chọn mua lạp xưởng ngày Tết (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=99797)
Chọn quà cho trẻ (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=75279)
Chọn và chăm sóc cây trồng trong nhà (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=63597)
Chống gỉ cho đồ dùng bằng sắt (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=51871)
Chữa Bàn Ủi Quá Nóng Bị Vàng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12707)
Chữa Bệnh Thiếu Ngủ (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16668)
Chữa Bột Quá Nhão (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13250)
Chữa đau nhức răng bằng cây lá (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=48635)
Chữa Khan Tiếng (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=16666)
Chữa Ngăn Kéo Khó Mở (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12252)
Chữa Phù Mặt (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16539)
Chữa say tàu xe bằng... khoai lang (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=82621)
Chữa Tủ, Hộp Bị Mốc, Ẩm Hôi (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12709)
Chữa Vết Phỏng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16540)
Chùi Bóng Cửa Kiếng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12008)
Chùi Bóng Đồ Sứ (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11603)
Chùi Bóng Nồi Gang (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12007)
Chùi Cửa (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11553)
Chùi Đồ Bằng Đồng Mạ Vàng (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=12553)
Chùi Đồ Vật Bằng Kim Loại (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12554)
Chùi Đồ Vật Bằng Thép (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12107)
Chùi Mặt Kính (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11554)
Chùi Nylon Bị Mốc (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11964)
Chùi Rửa Lavabo (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11653)
Chùi Sạch Đồ Dùng Bằng Mây (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12705)
Chùi Sáng Bóng Đèn Điện (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12398)
Chùi Sáng Đồ Vật Bằng Thau (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12558)
Cốc Thủy Tinh Bị Xếp Chồng Lên Nhau (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13414)
Con trai hay con gái ? (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=54518)
Công dụng của bia trong nấu nướng (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=38955)
Công dụng của giấm (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=37780)
Công dụng của rượu trong nấu ăn (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=33503)
Công dụng của rượu vang (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=39146)

D
Da Mặt Bình Thường (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16902)
Da Mặt Khô (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16821)
Da Mặt Nhờn (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16822)
Da Nhờn Nên Trang Điểm Thế Nào? (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17009)
Da Trắng Quá (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16823)
Dáng Nào Trang Phục Ấy (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16904)
Diệt Vi Khuẩn Ở Mặt Thớt (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13554)
Dùng Bả Chè Nhiều Việc Có Ích (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13555)
Dùng bia xào thịt (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=29058)
Dùng dầu ăn: Những quan niệm chưa đúng (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=72216)
Dùng điều hòa sao cho tiết kiệm điện? (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=67603)
Dùng Đường Nhiều Việc Có Ích (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13556)
Dùng Gas Thật Tiết Kiệm (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13415)
Dùng Muối Để Luộc Trứng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13416)
Dùng Muối Để Sát Trùng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16903)
Dưỡng Da Bằng Các Loại Hoa Quả (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16906)
Dưỡng Da Vào Mùa Đông (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=16905)

Đánh bay cảm giác khó chịu khi say rượu (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=117657)
Đánh Bóng Đồ Bạc (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11655)
Đánh Bóng Đồ Bằng Nhôm (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12104)
Đánh Bóng Đồ Đạc Bị Xám Đen (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12105)
Đánh Bóng Đồ Đồng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11670)
Đánh Bóng Đồ Gỗ (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11621)
Đánh Bóng Đồ Mạ Vàng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12005)
Đánh Bóng Đồ Sắt Đen (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12004)
Đánh Bóng Gạch Bông (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11965)
Đánh Bóng Giày Da (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11656)
Đánh Bóng Nền Cement (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12006)
Đánh Trứng Không Dính Tô (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13659)
Đánh Trứng Mau Nổi (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13559)
Để Bắp Chuối Xanh Không Xám (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13660)
Để Có Cháo Ăn Sáng Thật Mau (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13768)
Để Có Mái Tóc Đẹp (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17012)
Để Có Vóc Người Thon Thả (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17099)
Để cốc thủy tinh không bị nứt (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=51755)
Để Dành Chanh Đã Dùng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13656)
Để Dành Thịt, Jambon, Patê (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13657)
Để Dao Khỏi Tanh (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13558)
Để dao luôn sắc (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=58333)
Để hạt điều giòn và thơm hơn (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=48027)
Để món cháo thơm ngon (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=40169)
Để nước dùng trong và ngọt (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=118353)
Để món rán (chiên) ngon (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=35229)
Để tôm dai khi nấu cà ri (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=35662)
Để tránh những chất độc hại trong rau, củ (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=94852)
Để rau luộc luôn xanh (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=111932)
Đẹp Hơn Nhờ Sữa Tươi (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17097)
Đẹp Hơn Với Hoa Hồng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17098)
“Điều trị” bé hay đòi (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=75668)
Độc Tố Trong Rau Xanh (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13655)
Đôi Môi Nổi Bật (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17011)
Double Your Gas Mileage! 2X (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=78240)
Đun Sữa Tươi Không Cháy Xém (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13769)
Đúng sai về cách giặt giũ (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=53660)
Đuổi Muỗi (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11604)



F - G
Gấp khăn ăn đẹp cho bàn tiệc năm mới (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=59107)
Giảm Bớt Vị Mặn Của Thức Ăn (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14044)
Giặt Chăn, Mền (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=15683)
Giặt Len, Lụa (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=15682)
Giặt Màn, Rèm Cửa (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=15770)
Giặt Quần Áo Làm Bằng Tơ Lụa (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=15865)
Giặt Ren Cho Trắng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=15772)
Giặt Thảm (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11671)
Giặt Thảm Bằng Sợi Bố (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=15773)
Giặt Thảm Nylon (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=15684)
Giày Cao Gót và Công Thức Tính (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17157)
Giày Da Quá Cũ (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11672)
Giấy bạc - những điều nên và không nên (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=107487)
Giữ Áo Da Khỏi Mốc (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=15771)
Giữ Bánh Mì Được Lâu (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13891)
Giữ Cam, Chanh, Bưởi Được Lâu (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14185)
Giữ Cho Làn Da Tươi Trẻ (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17101)
Giữ Cho Trẻ Đẹp (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17100)
Giữ Cho Vải Được Tươi Sáng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=15774)
Giữ Cơ Thể Dồi Dào Sức Khỏe (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17156)
Giữ Đồ Dùng Bằng Sứ (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11700)
Giữ Dưa Chuột Được Tươi Lâu (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14042)
Giữ Gìn Cá, Mỡ, Trứng, Cua (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14040)
Giữ Gìn Khoai Tây, Bánh Mì (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14187)
Giữ Gìn Những Trang Sách Quý (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12106)
Giữ Gìn Rau, Trái Cây (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13893)
Giữ Gìn Vật Dụng Bằng Đồi Mồi (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11710)
Giữ Hơi Nước Suối Trong Chai (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14043)
Giữ Khoai Cho Trắng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13772)
Giữ Khoai Không Rã Khi Nấu (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14041)
Giữ màu xanh cho khổ qua hầm (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=48026)
Giữ Mỡ Lâu Hư (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13770)
Giữ môi không nứt nẻ trong mùa hanh (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=50693)
Giữ Món Trứng Đẹp Màu (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13895)
Giữ Mức Khỏi Mốc (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13771)
Giữ mùi cho gia vị (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=63601)
Giữ Nét Tươi Sáng Trên Khuôn Mặt (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17158)
Giữ Sirop Khỏi Bị Chua (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13892)
Giữ Sữa Tươi Không Đóng Váng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14186)
Giữ Trà Không Bay Hơi (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=13894)
Giúp bạn giữ thực phẩm tươi lâu (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=88576)
Giúp chảo thường có khả năng chống dính (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=70336)
Gỡ Đinh Bị Sét Lâu Ngày (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11701)
Gọt và bày hoa quả thật hấp dẫn (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=95202)

H
Hành Lá Làm Hôi Tủ Lạnh (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14303)
Hầm Đậu Mau Mềm (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14301)
Hầm Thức Ăn (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14189)
Hấp Cơm Nguội Cho Ngon (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14302)
Hấp Thức Ăn (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14188)
Hạt xoàn: Nên đi kiểm định (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=53796)
Học cách thu hút “mục tiêu” (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=75278)
Học cách rã rượu (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=75084)

I - K


Bi bị nấc (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=51874)
Khi Chảo Mỡ Bén Lửa Bốc Cháy (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14540)
Khi Nấu Món Ăn Có Bơ (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14405)
Khi Mua Đồ Gốm Sứ (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11712)
Khi Sử Sụng Máy Giặt (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11713)
Khi uống rượu, không được ăn thạch rau câu (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=52027)
Kho Thức Ăn (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14304)
Khoai Tây Chiên Không Bị Cháy (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14541)
Khoai Tây Sau Khi Chiên Bị Mềm (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14542)
Khử mùi cho chân (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=37310)
Khử Mùi Dầu Mazút (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11711)
Khử Mùi Hôi Của Chai Lọ (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12108)
Khử Mùi Hôi Của Dầu Phộng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14407)
Khử Mùi Hôi Của Soong, Chảo (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14408)
Khử Mùi Hôi Của Thịt Bò (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14406)
Khử mùi hôi nội tạng gia cầm (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=75333)
Khử mùi hôi trong tủ lạnh (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=53527)
Khử Mùi Tanh Của Cá Trên Tay (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14409)
Khử mùi tanh và mật đắng của cá (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=73036)
Khử Mùi Thuốc Lá (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11673)
Khử Rêu, Nấm Mốc (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11694)
Khử Vị Cay Của Ớt (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14305)
Kinh nghiệm dân gian về ăn uống (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=94949)
Kinh nghiệm muốn hỏi .( Chữa bệnh bằng thuốc Nam ) (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=62482)


L
Lạc vào thế giới nấm (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=32835)
Làm bánh với bột mì (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=117966)
Làm Bóng Hạt Trai (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11738)
Làm Cho Da Bớt Nhám (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17160)
Làm Cho Mỡ Không Bị Cháy Đen (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14770)
Làm cho mực ngon, giòn không dai (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=117997)
Làm Da Mặt Tươi Tắn Hơn (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17243)
Làm Da Mịn Màng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17240)
Làm Gọn Chân Mày (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17241)
Làm Lòng Heo Được Trắng, Giòn (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14771)
Làm Mềm Những Đôi Giày Cũ (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12318)
Làm mới các dĩa CD 1 cách đơn giản (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=117720)
Làm Mới Đồ Đăng Ten (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=15868)
Làm món nướng thế nào cho đúng? (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=57648)
Làm Quần Áo Cũ Trở Nên Sáng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=15869)
Làm Ruột Heo, Bao Tử Heo (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14660)
Làm sạch bếp với chanh và muối (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=98532)
Làm Sạch Chất Nhớt Xà Bông (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17244)
Làm Sạch Nón Rơm (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11741)
Làm sạch tai heo (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=109113)
Làm Sạch Tay Dính Nhựa Rau (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17306)
Làm sao để không chết đuối dù không biết bơi? (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=76473)
Làm Tan Dầu Ăn Bị Đông (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14657)
Làm Trắng Da Mặt (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17159)
Làm Trắng Đồ Vật Bằng Ngà (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12317)
Lãng mạn với không gian màu hồng (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=75328)
Lau Chùi Đồ Vật Bằng Sừng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12251)
Lau Đồ Vật Bằng Kim Loại (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=12250)
Lau Kiếng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11714)
Lau Sạch Tranh Sơn Mài (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11837)
Lau Xe Cho Bóng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11736)
Lấy Bánh Bông Lan Cho Dễ (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14659)
Lỡ ăn nhằm miếng ớt quá cay ...? (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=31251)
Lỡ Nuốt Phải Vật Lạ (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17242)
Loại bỏ xương cá như thế nào? (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=70734)
Lột Vỏ Trái Cây Dễ Dàng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14656)
Lụa Trắng Muốn Không Bị Vàng (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=15950)
Lựa chọn sàn gỗ như ý (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=74416)
Lựa Đậu Hủ (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14543)
Luộc gà: Những bí quyết không thể thiếu (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=52330)
Luộc Khoai Sọ, Khoai Môn (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14658)
Luộc Rau Đúng Cách (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=14544)
Luộc từ nước lạnh (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=37820)
M

Mách bạn - Mùa thu thay áo mới (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=48193)
Mái Tóc Đẹp Toàn Diện (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17401)
Massage Cho Khuôn Mặt (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17402)
Mẹo bảo quản bánh đa nem (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=68180)
Mắt Bị Vướng Bụi, Vật Lạ (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=17403)
Mẹo bóc tỏi dễ dàng (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=91642)
Mẹo chăm sóc giày da (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=65026)
Mẹo chế biến cua biển tươi sống (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=72434)
Mẹo chế biến hải sản (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=87778)
Mẹo chế biến món ăn với sữa tươi (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=73839)
Mẹo chế biến thịt bò (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=123656)
Mẹo chiên cơm ngon miệng (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=123527)
Mẹo chọn dưa hấu tươi ngon (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=97448)
Mẹo chọn gạo để nấu cơm ngon (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=70933)
Mẹo chọn giày cho người chân to (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=87957)
Mẹo chọn giày hợp với bạn (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=84617)
Mẹo chọn sò huyết ngon (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=68586)
Mẹo chọn và chế biến tỏi (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=122488)
Mẹo chọn và thưởng thức rượu vang (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=94863)
Mẹo chống mối mọt cho đồ gỗ nhà bạn (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=119316)
Mẹo chữa bệnh bằng hành tây (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=63600)
Mẹo chữa hôi chân (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=113611)
Mẹo chữa hóc xương cá (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=118349)
Mẹo chữa loét miệng (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=34632)
Mẹo chữa mắc nghẹn (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=120003)
Mẹo chữa nhanh khi bị chuột rút (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=107828)
Mẹo chữa vết cháy trên chảo (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=107485)
Mẹo chữa ù tai (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=121435)
Mẹo chụp ảnh đẹp trong ngày Tết (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=60335)
Mẹo diệt sạch vi khuẩn bồn cầu (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=127065)
Mẹo diệt trừ gián, muỗi không cần hóa chất (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=84020)
Mẹo đơn giản xua tan mùi hôi chân (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=67134)
Mẹo giúp da tay không bị khô (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=37499)
Mẹo giải rượu (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=122205)
Mẹo giảm chất béo trong nấu ăn (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=115577)
Mẹo giảm chất béo trong thức ăn khi nấu nuớng (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=105294)
Mẹo giảm đường trong ăn uống (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=108468)
Mẹo giữ trái cây tươi trong mùa hè (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=69696)
Mẹo gói bánh chưng ngon (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=99712)
Mẹo hãm hoa đào nở đúng Tết (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=100438)
Mẹo hay cho bánh ngọt (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=31948)
Mẹo hay để bà bầu ngon giấc (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=52980)
Mẹo hãm hoa đào nở đúng Tết (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=100438)
“Mẹo” hấp cá không có mùi tanh (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=72211)
Mẹo hấp cách thủy giữ hương vị thơm ngon (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=107408)
Mẹo hay cho người buồn ngủ ngày (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=91935)
Mẹo hay chống rụng tóc cho quý ông (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=117204)
Mẹo hay khắc phục chứng nhiều mồ hôi (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=112476)
Mẹo hay không ngờ với củ hành tây (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=114318)
Mẹo hay làm thịt vịt (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=119399)
Mẹo hay trị chứng ngủ ngáy (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=64670)
Mẹo hay từ dầu ôliu (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=80994)
Mẹo hay từ khoai tây (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=80790)
Mẹo hay với muối (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=120671)
Mẹo hay với rượu khi nấu ăn (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=121905)
Mẹo hay với trứng gà (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=109236)
Mẹo khử bớt mùi tanh hải sản (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=122812)
Mẹo khử mùi cho thớt (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=128316)
Mẹo khử mùi cơ thể khi hè sang (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=35487)
Mẹo khử mùi hiệu quả (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=39747)
Mẹo khử mùi hôi của gà, bò, cá (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=110519)
Mẹo khử mùi hôi tủ lạnh (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=73841)
Mẹo khử mùi tủ lạnh rất hữu dụng (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=114659)
Mẹo khử mùi tanh của cá (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=43943)
Mẹo khử mùi tanh và dai của nghêu (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=54210)
Mẹo làm giảm nếp nhăn ở mặt (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=70492)
Mẹo làm mắm tôm bớt mùi (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=119322)
Mẹo làm sạch giày da (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=114868)
Mẹo làm sạch lò vi sóng và ấm nước (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=63477)
Mẹo làm sạch vết bẩn bằng hành tây (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=68462)
Mẹo làm sáng đồ trang sức bằng bạc (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=68463)
Mẹo làm se lỗ chân lông (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=53274)
Mẹo mở nắp chai quá chặt (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=61982)
Mẹo nấu ăn cho ngày Tết (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=97168)
Mẹo nấu cháo thuốc chữa bệnh (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=70377)
Mẹo nấu cơm ngon và bổ dưỡng (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=69768)
Mẹo nấu nướng giữ hương vị thức ăn (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=119622)
Mẹo nấu thịt ngon mềm (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=82067)
Mẹo nấu thức ăn cho người tiểu đường (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=121839)
Mẹo ninh sườn nước trong (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=88877)
Mẹo nhà bếp (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=59102)
Mẹo nhà bếp: Lau rửa đồ dùng thủy tinh (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=46809)
Mẹo nhà bếp với vỏ cam, quýt (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=119189)
Mẹo nhận biết cá nhiễm độc (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=112622)
Mẹo nhận biết món tôm chín tới (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=84758)
Mẹo nhận biết rau không an toàn (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=106851)
Mẹo nhận biết trứng gà mới - cũ (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=118189)
Mẹo nhỏ cho làn da trắng hồng tự nhiên (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=54073)
Mẹo nhỏ để "chuyện ấy" nóng bỏng hơn (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=106188)
Mẹo nhỏ để “tống khứ” chứng khó tiêu (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=124797)
Mẹo nhỏ để xóa nếp nhăn bằng bột gạo (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=57520)
Mẹo nhỏ giúp tóc đen hơn (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=11761)
Mẹo nhỏ khi chế biến lòng heo, bao tử (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=87148)
Mẹo nhỏ khi dùng son ! (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=56947)
Mẹo nhỏ khi làm bánh Noel (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=94468)
Mẹo nhỏ trắng răng (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=121665)
Mẹo nhỏ trị bong gân (http://forums.uminhcoc.com/showthread.php?t=44146)
Mẹo nhỏ trị mụn cơm (http://uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=33678)
Mẹo nướng cá nục không bị tanh
Mẹo nướng gà ngon và đẹp (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=79428)
Mẹo nướng hải sản ngon miệng (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=119330)
Mẹo nướng thịt bằng bếp than (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=68318)
Mẹo pha cà phê ngon (http://www.uminhcoc.com/forums/showthread.php?t=69149)

NhuLien
10-22-2012, 09:39 AM
Dien mao moi cua Passage EDEN . (http://mail.yahoo.com/) 16 (https://dtphorum.com/pr4/#)






Dien mao moi cua Passage EDEN .





Ngày hôm nay khu mua sắm Eden có bộ mặt mới và được khai trương vào sáng nay ( 10/10/2012 ) . Nó có tên mới là Vincom Center A thay cho tên cũ Eden và chủ đầu tư là việt kiều Ucraina ( một nước tách ra từ Liên sô cũ ) .
Tay này chiếm 2 khu đất vàng tại khu trung-tâm Saigon : Công-viên Chi Lăng đường Đồng Khởi ( đường Tự Do cũ ) và Khu mua sắm Eden ( không biết đằng sau lưng còn những ông trùm nào khác hổ-trợ tiền bạc nữa hay không ).
1. ảnh mô hình Vincom Ct A .
2.ảnh chụp từ trên cao ( từ thương-xá Tax )
3. một góc chụp khác .
4 - 5 - 6
7. chính diện quán Givral cũ .
8. Quán Givral mới hiện nay ( xê dịch qua phải một chút bên đường Tự do )
8 - 9 : Vincom A bên đường Lê Lợi .
-- Skype Name: tranducthuan1949
http://us-mg4.mail.yahoo.com/ya/download?mid=2_0_0_1_246235_AH7XiGIAAX2BUISY1QiDqk x6vOs&pid=2.2.2&fid=Inbox&inline=1&appid=YahooMailNeo

http://us-mg4.mail.yahoo.com/ya/download?mid=2_0_0_1_246235_AH7XiGIAAX2BUISY1QiDqk x6vOs&pid=2.2.3&fid=Inbox&inline=1&appid=YahooMailNeo

http://us-mg4.mail.yahoo.com/ya/download?mid=2_0_0_1_246235_AH7XiGIAAX2BUISY1QiDqk x6vOs&pid=2.2.4&fid=Inbox&inline=1&appid=YahooMailNeo

http://us-mg4.mail.yahoo.com/ya/download?mid=2_0_0_1_246235_AH7XiGIAAX2BUISY1QiDqk x6vOs&pid=2.2.5&fid=Inbox&inline=1&appid=YahooMailNeo

http://us-mg4.mail.yahoo.com/ya/download?mid=2_0_0_1_246235_AH7XiGIAAX2BUISY1QiDqk x6vOs&pid=2.2.6&fid=Inbox&inline=1&appid=YahooMailNeo

http://us-mg4.mail.yahoo.com/ya/download?mid=2_0_0_1_246235_AH7XiGIAAX2BUISY1QiDqk x6vOs&pid=2.2.7&fid=Inbox&inline=1&appid=YahooMailNeo

http://us-mg4.mail.yahoo.com/ya/download?mid=2_0_0_1_246235_AH7XiGIAAX2BUISY1QiDqk x6vOs&pid=2.2.8&fid=Inbox&inline=1&appid=YahooMailNeo

http://us-mg4.mail.yahoo.com/ya/download?mid=2_0_0_1_246235_AH7XiGIAAX2BUISY1QiDqk x6vOs&pid=2.2.9&fid=Inbox&inline=1&appid=YahooMailNeo

http://us-mg4.mail.yahoo.com/ya/download?mid=2_0_0_1_246235_AH7XiGIAAX2BUISY1QiDqk x6vOs&pid=2.2.10&fid=Inbox&inline=1&appid=YahooMailNeo

http://us-mg4.mail.yahoo.com/ya/download?mid=2_0_0_1_246235_AH7XiGIAAX2BUISY1QiDqk x6vOs&pid=2.2.11&fid=Inbox&inline=1&appid=YahooMailNeo

http://us-mg4.mail.yahoo.com/ya/download?mid=2_0_0_1_246235_AH7XiGIAAX2BUISY1QiDqk x6vOs&pid=2.2.12&fid=Inbox&inline=1&appid=YahooMailNeo

http://us-mg4.mail.yahoo.com/ya/download?mid=2_0_0_1_246235_AH7XiGIAAX2BUISY1QiDqk x6vOs&pid=2.2.13&fid=Inbox&inline=1&appid=YahooMailNeo

http://us-mg4.mail.yahoo.com/ya/download?mid=2_0_0_1_246235_AH7XiGIAAX2BUISY1QiDqk x6vOs&pid=2.2.14&fid=Inbox&inline=1&appid=YahooMailNeo

http://us-mg4.mail.yahoo.com/ya/download?mid=2_0_0_1_246235_AH7XiGIAAX2BUISY1QiDqk x6vOs&pid=2.2.15&fid=Inbox&inline=1&appid=YahooMailNeo

http://us-mg4.mail.yahoo.com/ya/download?mid=2_0_0_1_246235_AH7XiGIAAX2BUISY1QiDqk x6vOs&pid=2.2.16&fid=Inbox&inline=1&appid=YahooMailNeo



















































16 Attached files| 2.0MB



image001.jpg (https://dtphorum.com/pr4/#)


image002.jpg (https://dtphorum.com/pr4/#)


image003.jpg (https://dtphorum.com/pr4/#)


image004.jpg (https://dtphorum.com/pr4/#)


image005.jpg (https://dtphorum.com/pr4/#)


image006.jpg (https://dtphorum.com/pr4/#)


image007.jpg (https://dtphorum.com/pr4/#)


image008.jpg (https://dtphorum.com/pr4/#)


image009.jpg (https://dtphorum.com/pr4/#)


image010.jpg (https://dtphorum.com/pr4/#)


image011.jpg (https://dtphorum.com/pr4/#)


image012.jpg (https://dtphorum.com/pr4/#)
View Slideshow (https://dtphorum.com/pr4/#)Download All (https://dtphorum.com/pr4/#)




Photos





image001.jpg


image002.jpg


image003.jpg


image004.jpg


image005.jpg


image006.jpg


image007.jpg


image008.jpg


image009.jpg


image010.jpg


image011.jpg


image012.jpg


image013.jpg


image014.jpg


image015.jpg
Download All (https://dtphorum.com/pr4/#)
Attachments




Fwd: Dien mao moi cua Passage EDEN ..eml
Download All (https://dtphorum.com/pr4/#)

NhuLien
10-28-2012, 05:59 AM
N贸n l谩VN








Thật vui khi thấy nón lá Huế được các nhà thiết kế thời trang quốc tế yêu thích và sử dụng trong biểu diễn thời trang ở Ý (Italy Fashion Show).

http://i16.ebayimg.com/01/i/001/2f/d1/ac08_35.JPG

http://fashionworldz.com/images/uploads/Philosophy-SpringSummer-2011-collection.jpg

http://4.bp.blogspot.com/_myvbHA1NK-Q/TI-T5ODuM0I/AAAAAAAACG0/LegGLX8nr24/s1600/afp1.jpg

http://1.bp.blogspot.com/_myvbHA1NK-Q/TI-USXRqXGI/AAAAAAAACG8/_dDEdACpgOI/s1600/afp2.jpg










https://lh5.googleusercontent.com/_dMqamj8Awjg/TVIiI4yb_oI/AAAAAAAAAKY/k5C96U7Oz1E/s512/spvl_non_la (1).jpg






https://lh3.googleusercontent.com/_dMqamj8Awjg/TVIiI_uFYxI/AAAAAAAAAKc/-rGE_nA9_wE/s512/spvl_non_la (2).jpg





https://lh6.googleusercontent.com/_dMqamj8Awjg/TVIiWILnlXI/AAAAAAAAAK8/oeBaCK7awZ4/s512/spvl_non_la (10).jpg



https://lh4.googleusercontent.com/_dMqamj8Awjg/TVIiV0aCzAI/AAAAAAAAAK4/T_nvBgnIssg/s512/spvl_non_la (9).jpg






https://lh6.googleusercontent.com/_dMqamj8Awjg/TVIiV0roVEI/AAAAAAAAAK0/yahcSveYB94/s512/spvl_non_la (8).jpg


https://lh5.googleusercontent.com/_dMqamj8Awjg/TVIiVj_UhsI/AAAAAAAAAKw/cXCkir2gvl0/s512/spvl_non_la (7).jpg


https://lh4.googleusercontent.com/_dMqamj8Awjg/TVIiVu_77CI/AAAAAAAAAKs/-gV0NHbRZaE/s512/spvl_non_la (6).jpg


https://lh4.googleusercontent.com/_dMqamj8Awjg/TVIiJIc98fI/AAAAAAAAAKo/7j-4S7x8xqY/s512/spvl_non_la (5).jpg


https://lh3.googleusercontent.com/_dMqamj8Awjg/TVIiJCHAPmI/AAAAAAAAAKk/K4s-RnyND6s/s512/spvl_non_la (4).jpg


https://lh3.googleusercontent.com/_dMqamj8Awjg/TVIiJP4U5rI/AAAAAAAAAKg/koCg0BVhEfU/s512/spvl_non_la (3).jpg


https://lh3.googleusercontent.com/_dMqamj8Awjg/TVIiI_uFYxI/AAAAAAAAAKc/-rGE_nA9_wE/s512/spvl_non_la (2).jpg

NhuLien
10-28-2012, 06:03 AM
BEAUTIFUL AUTUMN LANDSCAPES IN JAPAN! (http://mail.yahoo.com/)










BEAUTIFUL AUTUMN LANDSCAPES IN JAPAN!

Vài hình ảnh Nhật Bản
Người Nhật họ vui trọn vẹn với mùa thu.
Nên khi mùa đông đến họ không luyến tiếc và vẫn tìm ra được cái vui của mùa đông


http://farm5.static.flickr.com/4131/5217535280_159b619df5_b.jpg

Row of Planatus, Japan
Shinuku Gyoen National Garden, Tokyo, Japan.



http://farm6.static.flickr.com/5289/5220050660_3ecd6a9eb7_b.jpg

Mitake-Shosenkyo, Chichibu-Tama-Kai National Park, Japan.




http://farm6.static.flickr.com/5126/5220049346_9c6cd6081c_b.jpg

Mitake-Shosenkyo, Chichibu-Tama-Kai National Park, Japan.




http://farm6.static.flickr.com/5085/5219457323_d5c9462808_b.jpg

http://farm6.static.flickr.com/5209/5235265202_2f5db4d8ca_b.jpg

Rikugien Gardens, Tokyo, Japan




http://farm6.static.flickr.com/5284/5234662895_a2b53d87a9_b.jpg




http://geo.yahoo.com/f?s=792600099&t=30075211dad67155fce15e0855dc7fe0&r=http://www.flickr.com/photos/thailandbeach/5217535280/&fl_ev=0&lang=en&intl=us Một trong những thú vui tuyệt vời của người Nhật vào mùa đông là đi làm về ghé quán " yatai " nhầm nhí sake nóng
http://farm5.static.flickr.com/4104/5207210714_114d498f7e_b.jpg

NhuLien
11-03-2012, 05:42 AM
Sau hơn một năm, những người thợ tài hoa đã tạo nên được một pho tượng Phật Bà Quan Âm bằng ngọc bích cao hơn 2m. Đây là bức tượng phật bằng ngọc bích lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.






Giấc mơ kỳ lạ về bức tượng khổng lồ
Mới đây, bức tượng quan âm bằng ngọc liền khối lớn nhất Việt Nam đã được chế tác thành công và đặt tại làng Bưởi Tân Triều, ấp Vĩnh Hiệp, Tân Bình, Đồng Nai.
Ngay khi bước vào khuôn viên nơi an vị của bức tượng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi toàn bộ kiến trúc của quần thể tâm linh nơi đây được thiết kế, xây dựng rất độc đáo và tinh tế. Đặc biệt là bức tượng Phật Bà Quan Âm cao 4,3m (tính cả bệ) bằng ngọc bích nguyên khối. Tượng phật ngọc có chiều cao hơn 2m, bên dưới là tòa sen bằng đá sapphire tự nhiên nặng 6 tấn, dưới cùng là bệ đỡ chạm nổi hình 9 con rồng, bằng đá thạch anh trắng nặng 23 tấn.


http://img2.news.zing.vn/2012/10/24/img2453.jpg



Pho tượng quan âm bằng ngọc bích lớn nhất Việt Nam




Để tìm hiểu thông tin về pho tượng "có một không hai" này, chúng tôi đã trò chuyện với ông Trịnh Hữu Hòa (64 tuổi), chủ nhân của khu điện thờ và bức tượng Phật ngọc. Kể về cơ duyên khiến ông quyết tâm tạc ra bức tượng Quan Âm “khủng” bằng ngọc bích, ông Hòa nói, ông vốn sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Thành Nam nhưng khi lớn lên lại nam tiến lập nghiệp.
Vốn là một người mộ đạo, nên trong suốt quãng thời gian thực hiện công việc kinh doanh của mình, ông Hòa cũng luôn tham gia công tác từ thiện tại các chùa và giúp đỡ bà con phật tử. Khoảng năm 1997, ông Hòa về hưu và quyết định xây dựng một quần thể tâm linh tại làng Bưởi Tân Triều, ấp Vĩnh Hiệp, Tân Bình, Đồng Nai.
Sau khi quần thể tâm linh hoàn tất được nửa năm, bất ngờ, ông Hòa mơ thấy giấc mơ kỳ lạ về hình ảnh phật bà quan âm to lớn hiện diện trong tâm trí. Ông Hòa nảy sinh ý nghĩ phải tạc một bức tượng quan âm bằng ngọc bích để đặt vào quần thể tâm linh của mình.
Nghĩ sao làm vậy, ông Hòa đã một thân một mình đi khắp nơi tìm cho bằng được khối ngọc bích để tạc tượng nhưng sau hơn 2 năm trời tìm kiếm, ông vẫn không thể tìm được. Ước nguyện tưởng chừng như dang dở thì bỗng một ngày mùa hè năm 2010, ông Hòa tình cờ nhận được tin báo của một người bạn về một khối ngọc bích được khai quật gần Bắc Cực thuộc địa phận Canada.
Không quản ngại khó khăn, ông Hòa đã đáp chuyến bay sang nước bạn và tìm tới ông Kirk Makepeace, người được mệnh danh là “ông trùm ngọc” trên thế giới, hiện đang là chủ của khối ngọc bích. Ngay khi nhìn thấy khối ngọc khổng lồ với trọng lượng 11,5 tấn tỏa ra màu xanh kỳ diệu, ông Hòa như bị hút hồn và ông đinh ninh rằng, chỉ có từ khối ngọc này mới có thể tạc ra bức tượng quan âm (http://live.zing.vn/topic/t%C6%B0%E1%BB%A3ng-quan-%C3%A2m) mà ông đã thấy trong giấc mơ.
Theo đánh giá của “ông trùm ngọc”, đây là khối ngọc loại quý 100% nephrite jade có màu xanh lá cây nặng khoảng 11,5 tấn, được đặt tên là Viên ngọc Langley (Langley Bouder), cũng được đặt tên giống như khối ngọc nặng 18 tấn Polar Pride Bouder làm ra tượng Phật ngọc Vì Hòa bình Thế giới. Theo như khẳng định của ông Kirk Makepeace, đây là khối ngọc bích đẹp nhất mà ông tìm được trong vòng 25 năm trở lại đây và có chất lượng cao nhất A++.
Bức tượng mang đẳng cấp thế giới do bàn tay người Việt tạo thành
Khi đưa được khối ngọc bích về nước, ông Hòa đã tính đến chuyện tìm thợ chế tác lành nghề nhất để tạc tượng Phật ngọc Quan Âm. Rất nhiều ý kiến cho rằng ông là phải tìm kiếm thợ ở nước ngoài về mới có thể tạc được tượng Phật ngọc. Theo lời giới thiệu của ông Kirk Makepeace, đoàn của ông Hòa đã đến xưởng chế tác phật ngọc của công ty chế tác Jade Thongtawee, là nơi chế tác tượng Phật ngọc nổi tiếng Vì Hòa bình Thế giới.
Tuy nhiên, công ty cho biết là họ cũng chưa tạc tượng Phật Bà Quan Âm bao giờ. Họ yêu cầu khối ngọc phải được vận chuyển và mang đến xưởng của họ, với khoảng cách vận chuyển hàng nghìn cây số, thời gian làm việc tối thiểu là hai năm và mỗi một tháng ông Hòa phải có mặt ở đó hai lần để giám sát và nghiệm thu công việc.


http://img2.news.zing.vn/2012/10/24/img2477.jpg



Các khối ngọc bích tách ra được chế tác thành 6 pho tượng phật khác nhau.




Nhận thấy việc tiếp tục vận chuyển và giám sát việc chế tác khối ngọc khó khăn và phức tạp, ông Hòa quyết định tìm kiếm thợ trong nước. Nhưng ở Việt Nam thì khó có thể tìm được người thợ nào mạnh dạn nhận lời bởi việc tạc khối ngọc lớn và quý hiếm như thế này từ trước tới giờ chưa ai có thể đảm nhiệm.
May mắn thay, qua một người bạn giới thiệu, ông Hòa gặp được một nhóm thợ ngọc lành nghề người Việt Nam do anh Mai Viết Cường làm trưởng nhóm. Lúc đầu ông Hòa tỏ vẻ hoài nghi bởi không có gì để khẳng định rằng họ là sẽ làm được một tượng ngọc lớn như vậy. Thế nhưng, với sự cả quyết cũng như nhìn thấy nhiệt huyết của anh Cường đối với công việc này, cuối cùng ông Hòa đã bị thuyết phục và đồng ý để nhóm thợ này gia công, như cũng là một cách để khẳng định về tay nghề của những người thợ ngọc Việt Nam.


http://img2.news.zing.vn/2012/10/24/img2578-1.jpg



Ông Cường, trưởng nhóm thợ, bên bức tượng phật đẳng cấp thế giới




Anh Mai Viết Cường chia sẻ về việc nhận làm pho tượng: “Loại ngọc bích này có cấu tạo rất cứng vì thế rất khó khăn trong việc tạc thành bức tượng. Hơn nữa, trong quá trình khoan cắt khối ngọc, chỉ cần vài giây không có nước thì điểm tiếp xúc sẽ bị nổ do nhiệt độ tăng lên. Để có thể hoàn thành bức tượng này thì phải có sự đồng thuận cũng như sự bền bỉ và kỹ năng khéo léo”.
Sau hơn một năm, những người thợ tài hoa đã tạo nên được một pho tượng Phật Bà Quan Âm bằng ngọc bích cao hơn 2m. Đây là bức tượng Phật Bà Quan Âm bằng ngọc bích lớn nhất (http://live.zing.vn/topic/l%E1%BB%9Bn-nh%E1%BA%A5t) Việt Nam và trên thế giới từ trước đến nay. Các khối ngọc nhỏ tách ra từ khối ngọc lớn sau khi đã chế tác tượng Phật Bà Quan Âm, được ông Hòa cho chế tác thêm được 6 pho tượng ngọc nữa gồm có một pho tượng Thích Ca Mâu Ni, một pho tượng A Di Đà, ba pho tượng Mẫu và một pho tượng đức Thánh Trần có chiều cao từ 90cm đến 100cm.
Với 7 pho tượng bằng ngọc bích (http://live.zing.vn/topic/ng%E1%BB%8Dc-b%C3%ADch), có thể nói đây là quần thể tâm linh có nhiều tượng Phật ngọc nhất ở Việt Nam, là công trình văn hóa tâm linh mới, có giá trị khơi dậy và giữ gìn truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt.
Quốc Thế – Kinh Vân
Theo Infonet
Chuyện chưa kể về những "linh ứng" trong việc tạo tượng Phật ngọc Quán Âm lớn nhất VN


http://chuaphuclam.vn/images/stories/2012/T10/ngocquan5.jpg
Giá trị và được chú ý nhất tại khu điện thờ Nam Minh (Đồng Nai) là pho tượng Phật Bà Quan Âm bằng Ngọc bích Nephrite lớn nhất Việt Nam được chế tác bởi bàn tay tài hoa, sáng tạo của những người thợ Việt.Công trình xây dựng khu điện thờ Nam Minh với tổng diện tích 5ha tại ấp Vĩnh Hiệp, Tân Bình, Đồng Nai vừa hoàn thành. Đây là một trong những công trình mang ý nghĩa tâm linh, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo.
Giá trị và được chú ý nhất tại khu quần thể này là pho tượng Phật Bà Quan Âm bằng Ngọc bích Nephrite lớn nhất Việt Nam được chế tác bởi bàn tay tài hoa, sáng tạo của những người thợ Việt.
Cơ duyên và nguồn gốc Ngọc Nephrite
Ngọc bích Nephrite là một trong những loại báu vật đặc biệt được xếp thứ hai trong hàng “Ngũ Hoàng, Nhất Hậu”, mang biểu tượng của trí thông minh, lòng nhân ái, tận tâm và chân thật.
Người Mông Cổ cổ đại coi Nephrit là tượng trưng của chiến thắng và được dùng để trang trí kiếm và thắt lưng. Ở Châu Âu, Nephrit tượng trưng cho lòng ngay thẳng, tận tâm can đảm, sự đoan chính, sự chung thuỷ và anh minh, nó được coi là biểu tượng của sự hoàn thiện và trong sạch. Người Trung Quốc tôn thờ gọi nó là đá vĩnh cửu, đá thần linh và đá bình an.
Tại tỉnh British Columbia, Canada (giáp với vùng Alaska Bắc cực) là nơi được trời đất ban tặng cho một thềm Ngọc Bích Nephrit lớn nhất thế giới.

http://chuaphuclam.vn/images/stories/2012/T10/ngocquan1.jpg
Khu điện thờ Nam Minh

Ấp ủ từ lâu một ước nguyện là có một bức tượng Phật Bà Quan âm bằng ngọc thật đẹp trong khu điện thờ Nam Minh, đồng thời sáng tạo một kiệt tác để đời cho nhân loại mang một thông điệp an lành đến mọi nơi; ông Trịnh Hữu Hòa - một doanh nhân thành đạt tại TP Hồ Chí Minh, chủ nhân của khu điện thờ đã tìm đến công ty New World Gemstones Corp, thuộc Tập đoàn Jade West Group (JWG) - Tập đoàn khai thác ngọc bích lớn nhất thế giới. Đây cũng chính là Tập đoàn khai thác khối ngọc tạc ra bức tượng ngọc nổi tiếng có một không hai là tượng Phật ngọc vì Hòa bình Thế giới.
Như một cơ duyên, tại đây ông Hòa đã được chiêm ngưỡng một khối ngọc bích lớn có chất lượng A++, chất lượng ngọc tốt nhất. Theo nhận định của ông Kirk Makepeace – chủ tich Tập đoàn JWG: “Đây là khối ngọc quý hiếm 100% Nephrit Jade trong vòng 25 năm trở lại đây. Ngọc có mầu xanh lá cây, nặng khoảng 11,5 tấn và được đặt tên là Lang Ley (Langley Bouder)” .
Hành trình đưa Ngọc quý về Việt Nam
Chất lượng và sự quý hiếm của khối ngọc đã mê hoặc ông Hòa, ngay lập tức ông quyết định đặt mua và ủy thác cho Công ty Giovanni Việt Nam nhập khẩu về Việt Nam. Mất một quãng thời gian dài mới tìm được Ngọc quý, vận chuyển về Việt Nam cũng là cả một bài toán khó không kém.
Ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch hãng thời trang Giovanni cho biết: “Tôi và ông Hòa cùng luật sư Nguyễn Toàn Thắng đã cùng nhau tính toán kỹ lưỡng phương án vận chuyển để đảm bảo khối ngọc về Việt Nam an toàn và sớm nhất”.
Vì khối ngọc có kích thước và trọng lượng lớn, nhiều phương án đã được đưa ra, cuối cùng ông Hòa quyết định đưa ngọc về bằng đường hàng không. Ông Kirk Makepeace nói: “Trong lịch sử kinh doanh mấy chục năm của ông, chưa thấy một khách hàng nào quyết định vận chuyển bằng đường hàng không như thế, bởi chi phí đắt đỏ và mạo hiểm hơn rất nhiều phương án vận chuyển phổ biến là đường biển”.

http://chuaphuclam.vn/images/stories/2012/T10/ngocquan2.jpg
Giấy chứng nhận của Tập đoàn JWG

Quyết định xong phương án vận chuyển, ông Hòa phải đặt mua một container theo kích thước chuẩn của hàng không dành riêng cho khối ngọc, thế nhưng không có hãng hàng không nào nhận vận chuyển một khối ngọc nặng như thế. May mắn thay, như được Phật độ chỉ đường, một hãng hàng không của Hàn Quốc đã đồng ý nhận vận chuyển, với điều kiện sẽ nhận hàng tại sân bay Seatle, tiểu bang Wasington, Hoa Kỳ.
Thế là khối ngọc được vận chuyển bằng đường bộ từ Surrey City Canada, nhập cảnh vào Hoa Kỳ và lên máy bay tại sân bay Seattle chuyển về đến cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Việt Nam một tuần sau đó.
Tìm người chế tác: Thợ Việt hay nước ngoài?
Ngọc về tới Việt Nam, theo giới thiệu của ông Kirk Makepeace, ông Hòa đã tìm đến xưởng chế tác Phật ngọc của công ty chế tác Jade Thongtawee (Thái Lan), công ty đã chế tác tượng Phật ngọc vì Hòa bình Thế giới (Phật Thích ca Mâu ni).
Thế nhưng công ty này chưa có kinh nghiệm tạc tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát, thời gian chế tác tối thiểu 2 năm và phải vận chuyển khối ngọc sang xưởng của họ. Công ty Jade Thongtawee cũng yêu cầu ông Hòa phải có mặt ở đó 2 lần 1 tháng để giám sát và nghiệm thu công việc.
Nhận thấy việc tiếp tục vận chuyển và giám sát việc chế tác khối ngọc là vô cùng khó khăn và phức tạp, ông Hòa quyết định tìm kiếm thợ trong nước để chế tác. Tuy nhiên từ trước tới nay, những bức tượng Phật ngọc cần chế tác đều phải đưa sang nước ngoài để tạc, vì thế tìm được thợ trong nước và dám nhận lời thi công khối ngọc bích quý giá này không phải là dễ.

http://chuaphuclam.vn/images/stories/2012/T10/ngocquan3.jpg
Ông Hòa và ông Kirk Makepeace bên cạnh khối ngọc

Nhưng với một trái tim từ bi, môt tấm lòng Phật pháp luôn hướng về đức Phật, một lần nữa cơ duyên và Phật độ lại đưa ông Hòa tìm gặp được nhóm thợ ngọc lành nghề của anh Mai Viết Cường. Tuy có chút hoài nghi, nhưng ông Hòa vẫn tin tưởng giao trọng trách chế tác cho nhóm của anh Cường.
Tâm và Tầm của những người thợ Việt Nam
Nephrite là loại ngọc bích có cấu tạo rất cứng vì thế khó khăn nhiều trong quá trình tạc tượng, trong quá trình khoan cắt khối ngọc, chỉ cần vài giây không có nước thì tại điểm tiếp xúc sẽ bị nổ do nhiệt độ tăng lên. Thêm vào đó tại Việt Nam, công nghệ chế tác đá chưa được chú ý và đầu tư, thợ Việt chủ yếu vẫn dùng phương pháp thủ công và vật dụng thô sơ.
Dẫu vậy ông Cường cùng nhóm làm việc vẫn hạ quyết tâm thực hiện bằng được tác phẩm nghệ thuật mang đậm nét tâm linh này. Ông nói: “Tôi cảm phục ông Hòa bởi dám bỏ ra một số tiền lớn để chế tác tượng Phật Bà Quan Âm cầu mong cứu khổ cứu nạn và chia sẻ cho mọi người cùng chiêm bái, chính tư tưởng lấy chữ nhân làm trọng và luôn hướng về đạo Phật của ông Hòa đã thuyết phục tôi”.
Ông Nguyễn Văn Minh thợ cả trong nhóm cũng chia sẻ thêm: “Chúng tôi làm việc với động lực và niềm tin vào đức Phật cộng với niềm đam mê, khao khát tạc thành công một bức tượng có giá trị nghệ thuật, tâm linh không chỉ mang ý nghĩa là di sản của Việt Nam mà còn là di sản chung cho thế giới”.
Mang phẩm chất giống như ngọc Nephrite, những người thợ Việt kiên trì, bền bỉ, cần cù, sáng tạo đã làm nên một điều kỳ diệu gây ngạc nhiên, xen lẫn nghi ngờ cho tất cả những người đến chiêm bái.
Với khối ngọc thô ban đầu nặng 11,5 tấn, cao 1800 x 1600 x 40mm, ông Cường và nhóm thợ đã chế tác thành phẩm một pho tượng Phật Bà Quan Âm cao hơn 2m (với những chi tiết vòng tay và tràng hạt được đeo “sống” như thật). Thêm vào đó ông Cường còn tận dùng khối ngọc dư chế tác thêm được 6 pho tượng ngọc có chiều cao từ 90 – 100 cm.

http://chuaphuclam.vn/images/stories/2012/T10/ngocquan4.jpg
Tượng Phật Bà Quan Âm đã hoàn thiện

Tất cả hoàn thiện trong vòng chưa đầy một năm. Điều này vượt xa yêu cầu của ông Hòa đặt ra cho nhóm chế tác là cố gắng chế tác được tượng cao 1,6 – 1,7m (bởi chiều cao kích thước phủ bì của tảng ngọc là 1,8m).
Khối ngọc khi mua về đã bị nứt cạnh một mảng lớn, vậy mà ông Cường và nhóm thợ đã khéo léo xử lí tránh và lách được các tì vết để có một pho tượng ngọc hoàn mỹ không tì vết, tận dụng được tối đa chiều cao. “Chúng tôi vui và cảm thấy nhẹ nhàng giống như được giải nghiệp khi hoàn thành xong công việc” Ông Cường hạnh phúc nói.
Tượng Phật ngọc vì Hòa bình Thế giới bắt đầu bằng giấc mơ của vị Lạt Ma Zopa Rinpoche được kết nối thực hiện với ông bà Ian và Judy.
Tại Việt Nam, một ước nguyện lớn được định hướng bằng chữ Nhân hướng về đức Phật, ông Trịnh Hữu Hòa đã cùng với ê kip thực hiện là ông Nguyễn Trọng Phi, công ty Giovanni Việt Nam, luật sư Nguyễn Toàn Thắng và nhóm thợ Việt của ông Mai Viết Cường sẽ đưa tượng Phật Bà Quan Âm bằng ngọc Nephrite lớn nhất Việt Nam đến với hàng triệu người Việt cùng chiêm bái trong niềm an lạc và hòa ái.
Như lời của Lạt Ma Zopa Rinpoche từng nói: “Phật ngọc sẽ thắp sáng toàn cõi thế gian này, mang lại niềm an lạc, hạnh phúc cho chúng sanh, sự ảnh hưởng của Phật ngọc sẽ góp phần ngăn chặn những cuộc chiến tranh, những hủy hoại tàn phá đang sảy ra khắp nơi trên thế giới”, và chúng ta có quyền tin vào điều đó.
Theo Thi Dung - DĐDN


__._,_.___






. (http://groups.yahoo.com/%3b_ylc=X3oDMTJlcW9jOGwzBF9TAzk3MzU5NzE0BGdycElkAz c5ODcyNDAzBGdycHNwSWQDMTcwNTA4Mzc2NARzZWMDZnRyBHNs awNnZnAEc3RpbWUDMTM1MTc1MDM1MA--)






http://geo.yahoo.com/serv?s=97359714/grpId=79872403/grpspId=1705083764/msgId=15270/stime=1351750350/nc1=4836042/nc2=5898810/nc3=5758222__,_._,___

NhuLien
11-03-2012, 05:47 AM
Cám ơn Anh Triển.

NhuLien
11-03-2012, 06:11 AM
Cám ơn Anh Triển.

NhuLien
05-21-2013, 12:17 PM
NHỮNG ĐIỀU (NGAY CẢ) HARVARD CŨNG KHÔNG DẠY BẠN"

Trong vụ cướp nhà băng được cho là ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, một tên cướp hét lên: "Tất cả đứng im, nên nhớ tiền thuộc về Nhà nước, còn mạng sống thuộc về chúng mày!"

Mọi người trong ngân hàng nghe xong liền im lặng nằm xuống.
...
> Điều này được gọi là: "Cách thức khai tâm - Thay đổi những suy nghĩ theo lối mòn"

Có cô nhân viên nằm trên bàn trong tư thế khêu gợi, một tên cướp hét lên: "Làm ơn cư xử văn minh, chúng tôi là cướp chứ không phải những kẻ hiếp dâm!"

> Điều này được gọi là "Hành xử chuyên nghiệp - Chỉ tập trung vào công việc mà bạn được huấn luyện!"

Khi tên cướp quay lại, một tên cướp trẻ hơn (có bằng MBA) nói với tên cướp già hơn (kẻ mới tốt nghiệp hết phổ thông): "Đại ca, có phải đếm xem chúng ta cướp được bao nhiêu?". Tên cướp già gằn giọng: "Mày ngu lắm, bao nhiêu tiền, đếm thế nào được? Đợi đi, tối nay TV sẽ nói chúng ta cướp được bao nhiêu!"

> Điều này được gọi là: "Kinh nghiệm - Ngày nay thì kinh nghiệm quan trọng hơn giấy tờ, sách vở"

Sau khi băng cướp rời khỏi, giám đốc chi nhánh định gọi báo cảnh sát. Kế toán trưởng vội vã chạy đến, thì thầm vào tai ngài: "Đợi đã, hay để 5 triệu chúng ta biển thủ vào trong số bị băng cướp lấy mất!"

> Điều này được gọi là: "Bơi theo dòng nước - Chuyển đổi những tình huống bất lợi trở thành thuận lợi"

Người giám đốc tự nhủ: "Vậy thật tuyệt nếu cứ mỗi tháng lại có một vụ cướp!"

> Điều này được gọi là: "Hãy loại bỏ những điều khó chịu - Hạnh phúc là điều quan trọng nhất"

Ngày hôm sau, TV đưa tin 100 triệu đã bị cướp khỏi nhà băng. Những tên cướp đếm đi đếm lại thì chỉ có 20 triệu. Chúng rất giận dữ: "Chúng ta mạo hiểm mạng sống của mình chỉ để lấy 20 triệu, bọn chó lãnh đạo chỉ ngồi chơi mà cướp được 80 triệu. Đúng là học hành, có bằng cấp thì chúng nó được ngồi cái ghế đấy, cướp tiền siêu đẳng hơn chúng ta!"

> Điều này giải thích tại sao: "Kiến thức thì giá trị như vàng"-

KẾT LUẬN: Trong cuộc sống luôn có những điều chúng ta có thể nhanh chóng nhìn ra, có những điều không như chúng ta thấy từ bên ngoài, và chân lý chỉ mang tính tương đối.
Quan trọng nhất là thái độ đối với cuộc sống này, hay cách nhìn chúng ta lựa chọn để mang lại vui vẻ, hạnh phúc cho bản thân, cho những người thân xung quanh mình.

NhuLien
06-06-2013, 01:24 PM
Câu chuyện thật là cảm động, mà đêm qua cả hai chúng tôi đã nói về câu chuyện ... Cứ đọc đi đọc lại ... Nên post lên mời tất cả mọi người xem ...


Tôi sinh ra là một người con gái con nhà nghèo. Bố tôi mất sớm lúc tôi chưa được 8 tuổi, mẹ tôi phải đi ở đợ cho một gia đình giầu có. Công việc hàng ngày của mẹ tôi là dọn dẹp nhà cửa, đi chợ và nấu ăn cho nhà bà Đạm, một thương gia, chồng chết, có 2 người con, một trai và một gái. Con gái bà tên Minh Thư bằng tuổi tôi, có lẽ vì lý do này mà bà Đạm đã mướn mẹ tôi để có người chơi với con gái bà. Con trai bà tên Thuấn hơn tôi 7 tuổi.

Tôi được đi học cùng với Minh Thư, chúng tôi chơi thân với nhau khiến bà Đạm rất vui mừng và đối xử tử tế với mẹ con tôi. Tôi được biết trước đây bà Đạm có mướn một người làm nhưng Minh Thư không thích chơi với người con gái nên đã bị cho nghỉ việc.

Thuấn thương em gái nên tôi được thương lây. Thuấn thường hay đưa chúng tôi đi chơi, đi coi hát và chỉ dẫn cho chúng tôi làm bài ở trường. Thuấn che chở cho tôi và bênh vực tôi mỗi khi bị những đứa trẻ khác bắt nạt. Có lần chơi ở sân tôi bị té ngã, Thuấn ôm tôi vào lòng và an ủi tôi: “Em bé ngoan đừng khóc nữa anh thương”. Tôi cảm động muốn trào nước mắt. Thuấn vuốt nhẹ mái tóc tôi và lau nước mắt cho tôi . Chàng bảo “ Ngân Khánh phải cười trông mới đẹp”. Được Thuấn khen đẹp tôi thích và cười với chàng. Thuấn ôm chặt tôi một lần nữa rồi mới buông ra. Tuy mới 12 tuổi nhưng tôi mơ hồ hình như có một cảm giác là lạ, hay hay. Tôi mong té ngã một lần nữa để được Thuấn ôm tôi và lau nước mắt cho tôi… Tôi buồn nhất là ngày Thuấn phải ở nội trú trong trường Đại học. Tôi bắt đầu nhớ Thuấn. Mỗi cuối tuần tôi đứng ở cửa đợi Thuấn về và cứ như thế năm này qua năm khác rồi chúng tôi đã yêu nhau lúc nào tôi cũng không biết. Khi tôi học xong bậc Trung học thì Thuấn tốt nghiệp bác sĩ y khoa. Tôi yêu Thuấn, một tình yêu chân thật, trọn vẹn chứ không bao giờ dám có ý định làm vợ Thuấn vì hai gia đình quá cách biệt, mặc dù Thuấn có nói với tôi là Thuấn sẽ cưới tôi làm vợ. Tôi tin tưởng ở Thuấn nhưng làm sao bà Đạm có thể chấp nhận mẹ tôi thông gia với bà. Tuy biết như thế nhưng chúng tôi vẫn yêu nhau say đắm và không thể rời xa nhau được.
Bà Đạm là một người đàn bà tốt nhưng rất cương quyết và thẳng thắn. Hình như bà đã biết được chuyện hai chúng tôi yêu nhau và chuyện Thuấn muốn cưới tôi làm vợ. Một hôm đợi Thuấn và Minh Thư đi vắng bà Đạm gọi hai mẹ con tôi lại và nói rất ôn tồn: “ Con gái chi Tư đã lớn nên ở đây bất tiện. Mặc dù tôi và hai con tôi rất quý hai mẹ con chị nhưng tôi vẫn phải cho chị nghỉ việc. Trai gái không nên để chúng nó gần nhau. Trong vòng một tuần chị tìm nơi khác để dọn ra. Tôi cho chị 6 tháng đủ tiền ăn ở, sau đó mẹ con chị có thể tự túc được. Tôi chỉ yêu cầu chị và cháu hứa với tôi một điều là không cho hai con tôi biết gì hết và không bao giờ được liên lạc với chúng nữa. Chị cứ sẵn sàng rồi đợi hôm nào hai con tôi không ở nhà thì dọn ra…”. Tôi quá bất ngờ và sửng sốt. Tim tôi ngừng đập, mặt tôi tái đi. Bà Đạm nhìn hai mẹ con tôi như ra lệnh. Tôi thấy bà thật nghiêm nghị. Gần 10 năm sống trong nhà bà, lần đầu tiên tôi thấy nơi bà đáng sợ như vậy. Mẹ tôi cũng sợ bà và nói trong nghẹn ngào: “ Tôi xin hứa và sẽ làm theo lời bà”. Bà Đạm gật đầu như để chấp nhận lời hứa của mẹ tôi. Bà nhìn sang phía tôi. Lúc này nước mắt tôi đã trào ra. Tôi nghĩ đến ngày phải xa Thuấn, xa Minh Thư, xa mái nhà thân yêu với bao kỷ niệm thời niên thiếu mà tôi đã quên đi tưởng như nhà mình. Không thấy tôi nói gì, mẹ tôi nắm chặt tay tôi và lắc nhẹ. Bà Đạm nhướng mắt lên ra lệnh. Tôi nói trong nghẹn ngào: “Cháu xin hứa sẽ làm theo lới bà ”.
Bốn hôm sau Thuấn và Minh Thư đi vắng, mẹ con tôi dọn ra khỏi nhà bà Đạm. Trước khi lên xe tôi nhìn ngôi nhà một lần cuối lòng không khỏi bùi ngùi. Nơi đây như một mái ấm gia đình trong thời niên thiếu, có bao nhiêu kỷ niệm, có mối tình đầu. Tôi bước đi nhưng đôi chân như hụt hẫng. Tôi thương tôi nhưng nhìn mẹ sụt sùi lau nước mắt tôi càng thương mẹ hơn. Thuấn ơi! Từ nay em sẽ phải xa anh, vĩnh viễn xa anh. Vì danh dự, vì giữ lời hứa với bà Đạm em không thể nào gặp lại anh được. Mối tình em với anh tưởng là thần tiên, bây giờ đây mỗi người một ngả. Anh biết gia đình em quá nghèo sao anh lại còn yêu em, sao anh lại muốn cưới em làm vợ để em phải xa anh… Đứng ở cửa tần ngần một lúc rồi mẹ con tôi lên xe để đến ở chung nhà với bà bán rau muống ngoàì chợ mà mẹ tôi đã quen vì hay mua rau của bà. Cuộc sống của mẹ con tôi hoàn toàn thay đổi. Bao nhiêu mộng đẹp của thời con gái đã tan theo mây khói. Tôi đang dự định thi vào một trường chuyên nghịêp nào đó để giúp đỡ mẹ tôi, nhưng không may chuyện xẩy ra quá bất ngờ, tôi không kịp xoay xở gì nữa. Tôi phải xin đi làm thư ký cho một hãng bào chế thuốc Tây. Nhìn những chuyên viên mặc áo trắng đi qua lại, tôi liên tưởng tới Thuấn trong bộ đồ bác sĩ y khoa, lòng tôi không khỏi xót xa. Tôi không bao giờ được gặp chàng nữa.
Mẹ tôi từ ngày dọn ra ngoài ở thì sức khỏe đã suy yếu nên không còn làm được gì nữa ngoài việc nấu ăn. Mẹ tôi nấu ăn ngon lắm. Nếu mẹ tôi còn trẻ bà đã mở một quán ăn. Gần 10 năm nấu ăn, cả nhà bà Đạm mọi người đều thích. Thuấn, con trai bà Đạm đã nói với mẹ : “ Con đã đi ăn tiệc ở nhiều nơi nhưng không ăn ở đâu ngon bằng ăn ở nhà do bà Tư nấu” . Nào là món gỏi gà bắp cải thêm chút rau răm, đậu phộng rang rắc lên trên . Rau muống xào tỏi hoặc xào với thịt bò, rồi món rau muống trộn với mắm tôm vắt chanh, thêm ít ngò gai, kinh giới và đậu phộng rang, có khi mẹ tôi cho thêm tép hay thịt thái nhỏ. Món nộm hoa chuối mẹ tôi gọi là nham hoa chuối cũng rất ngon. Cuối tuần mẹ tôi hay nấu bún riêu, bún ốc hoặc canh chua… món nào cũng đặc biệt. Nay mẹ con tôi đi rồi Thuấn không được ăn những món mà chàng thích nữa. Càng nghĩ tôi lại càng thương chàng. Anh ơi mẹ em đi rồi ai nấu cho anh ăn những món mà anh thích. Em đã học ở mẹ một vài món, dự định sẽ nấu cho anh ăn nhưng em chưa kịp làm thì đã phải xa anh. Xa anh em không được nói câu từ giã. Anh có trách em vô tình em cũng xin đành mang.
“Ngày đi lặng lẽ không từ giã
Cất bước âm thầm thương nhớ thôi”
Hai câu thơ của NT đã áp dụng với tôi bây giờ thấy đúng làm sao. Nếu một ngày kia tình cờ gặp lại anh hay Minh Thư em sẽ phải trả lời ra sao. Em có được nói sự thật là vì chúng mình yêu nhau nên mẹ anh đuổi mẹ con em không? Đầu óc tôi rối loạn, tôi không tìm được câu tả lời. Chắc tôi không nói thế được. Tôi không oán trách gì bà Đạm, nếu là tôi liệu tôi có làm khác bà được không ? Bà Đạm là người đàn bà có thế lực, làm sao bà có thể thông gia với mẹ tôi, một tôi tớ trong nhà mà bạn bè, khách khứa ai cũng biết. Tuy buồn nhưng tôi cũng thông cảm với bà. Mẹ tôi cũng biết thân phận mình nên không hề oán trách bà Đạm. Đôi lúc tôi tự trách tôi, làm sao tôi dám với quá cao để giờ bị té đau, nhưng rồi tôi lại bênh vược cho chính tôi. Người con trai như Thuấn làm sao tôi không yêu được. Thuấn có đầy đủ mọi điều kiện, người con gái mới lớn như tôi sao không ngã lòng. Con tim có những lý do riêng của nó, người ta vẫn nói thế.

Nhưng nếu chỉ yêu nhau rồi xa nhau thì cũng là sự thường tình của thế nhân, hợp để rồi tan, Trên đời này có biết bao nhiêu mối tình chia ly bằng nước mắt. Nhưng tôi đã yếu đuối, không làm chủ được thân xác tôi và đã dâng hiến trọn vẹn đời con gái của tôi cho Thuấn. Hai tháng nay tôi không thấy có kinh nguyệt, cơ thể tôi bắt đầu thay đổi, ngực tôi căng phồng thêm, tôi bắt đầu lo sợ. Tôi đi thử nghiệm và được biết tôi đã mang thai. Tôi đắn đo nhưng rồi cũng phải thú nhận với mẹ. Mẹ tôi không la mắng như tôi nghĩ, bà chỉ khuyên tôi cố gắng giữ gìn sức khoẻ cho cái thai được tốt. Mẹ tôi cũng nghĩ như tôi là vì danh dự và giữ lời hứa nên không cho Thuấn biết tôi đã có thai. Tôi thấy mẹ tôi buồn, tôi hỏi là mẹ có trách vì tôi mà bà Đạm đuổi mẹ con tôi không thì mẹ tôi trả lời là bà không trách nhưng thương tôi, tội nghiệp cho tôi. Bà biết trai gái mà để sống chung với nhau trong nhà thì chuyện gì rồi cũng sẽ phải xẩy ra, nhưng bà chưa kịp khuyên bảo tôi.
Tôi mang thai được gần 9 tháng thì mẹ tôi qua đời. Buổi tối với chàng mẹ tôi nói bà bị nhức đầu, tôi lấy thuốc cho mẹ uống và nửa đêm thì mẹ tôi ra đi. Bà ra đi bình yên, lặng lẽ, buồn thảm như cuộc đời mẹ, Tôi không ngờ mẹ tôi chết dễ dàng quá. Tôi đau buồn và đã ngất xỉu đi, không còn biết gì nữa…
Sau năm ngày ở trong bệnh vịên, tôi tỉnh lại và đã nhận thức được. Sờ tay lên bụng thấy bụng đã xẹp xuống biết là tôi đã sinh nhưng không biết đứa bé giờ ra sao. Đợi người y tá đến gần tôi hỏi thăm về con tôi. Người y tá trả lời: “ Bác sĩ thấy không có hy vọng cứu sống cô nên đã mổ để lấy cháu bé ra. Cháu rất khỏe mạnh. Không biết cô có đủ sức để nuôi nấng con không. Cháu là con gái, mặt mày sáng sủa lắm. Rất mừng cô bình phục trở lại, đó cũng là nhờ 3 vị bác sĩ đã tận tình chữa trị, các vị ấy tử tế với cô lắm, coi cô như người nhà …”. Một giờ sau người y tá mang con đến đưa tôi bế và nói : “Cho cháu ở đây với cô một lúc rồi tôi đưa cháu trở lại phòng để cô nghỉ vì vết mổ chưa lành”. Nhìn thấy con, tôi hết sức vui mừng, sao tôi thấy nó thân thương gần gũi quá. Có nhà văn đã nói: “ Đứa con là tác phẩm vĩ đại nhất trong số những tác phẩm mà tôi có”. Nhưng vừa vui tôi chợt buồn ngay. Tôi chỉ có một thân một mình làm sao có thể nuôi được con. Tôi lại phải đi ở đợ như mẹ tôi ngày xưa. Nhưng mẹ tôi còn có người mướn chứ tôi đứa con còn đỏ hoẻn ai chịu cho làm. Hay tôi nhờ người báo cho Thuấn biết. Tôi vội xua đuổi ý nghĩ này, vì tự trọng, vì danh dự của hai mẹ con, tôi không thể liên lạc với gia đình bà Đạm được nữa. Người y tá đến mang con tôi trở lại phòng dưỡng nhi, nước mắt tôi trào ra…
Tôi khai ở bệnh viện là chồng tôi đi lính chết bây giờ chỉ có mình tôi, không có thân nhân, không bạn bè, mẹ tôi mới chết hôm tôi vào đây. Hoàn cảnh của tôi đa số các nhân viên đều biết, họ nói chuyện với nhau tôi nghe được: “Cô ta còn trẻ và xinh đẹp quá, tội nghiệp chồng bị chết
sớm”. Mấy hôm sau ông chủ sự phòng hành chánh của bệnh viện đến bên tôi và nói: “ Tôi xin lỗi đã đi vào đời tư của cô và có thể làm cô buồn, nhưng trong hồ sơ tôi thấy hoàn cảnh cô thật khó khăn. Chúng tôi rất aí ngại không biết khi xuất viện cô ở đâu và làm sao nuôi được con, lúc đó cô cũng phải đem cho hoặc bỏ vào viện mồ côi và người nhận nuôi con cô không biết họ thế nào, có được tốt không, rồi lại tội nghiệp đứa bé… Tôi có quen hai ông bà này rất giầu và tử tế, họ lấy nhau trên 16 năm mà không có con, đang có ý định tìm nuôi một đứa con nuôi, nếu cô đồng ý cho họ nuôi tôi sẽ nói với người ta. Cô suy nghĩ rồi cho tôi biết”. Tôi quá đau buồn, mới gặp con vài lần giờ sắp phải xa nhau. Ông chủ sự nói đúng, tôi không đủ phương tiện để nuôi con. Biết bao người hoàn cảnh như tôi đã phải bỏ con ngoài đường, bỏ vào cổng chùa, viện mồ côi… Nếu con tôi có được người tử tế nuôi cũng là điều may cho nó. Đi ở với người ta cuộc đời nó có thể khá hơn là ở với tôi. Tôi đã làm khổ con tôi rồi, nó không có tội gì để phải khổ thêm nữa. Tôi không thể ích kỷ giữ mãi con bên tôi. Nghèo là khổ lắm. Tôi với Thuấn yêu nhau chỉ vì tôi nghèo mà phải xa nhau. Thuấn ơi! Chỉ vì nghèo mà em phải xa anh, chỉ vì em nghèo mà chúng ta phải xa con chúng ta.
Tôi trả lời ông chủ sự là tôi muốn được gặp bố mẹ nuôi của con tôi. Hôm sau hai người này tới. Đúng như ông chủ sự nói, nhìn hai ông bà rất phúc hậu khiến tôi yên tâm. Người chồng hỏi tôi có yêu cầu đìều gì không, tôi nói tôi chỉ mong có con và đặt tên là Thuận Khanh (tức là gần tên Thuấn và tên tôi), nhưng nay tôi không còn cái quyền này nữa. Người chồng ôm vai vợ cười lớn: Em tên Thuận, cô ấy tên Khánh. Một bên mẹ nuôi, một bên mẹ đẻ, đúng là trời đã xếp đặt, sau này cháu bé sẽ gặp nhiều may mắn lắm. Chúng tôi bằng lòng với lời ước nguyện của cô. Cô còn yêu cầu điều gì nữa không? Tôi lắc đầu không nói ra lời… Buổi chiều ông chủ sự gặp tôi để cho biết lúc tôi xuất viện thì họ mang con tôi đi. Ông còn nói thêm là ông bà này rất mừng khi thấy tôi không đề cập đến tiền bạc, chỉ lo đặt tên cho con chứng tỏ tôi trọng tinh thần chứ không phải vật chất, như vậy gốc đứa bé rất tốt. Cô lại rất xinh đẹp, họ hy vọng con họ sau này cũng sẽ đẹp như cô. Ngày cuối cùng tôi được bế con tôi một giờ. Tôi ôm chặt con tôi trong lòng như giữ gìn một báu vật, tôi không muốn rời xa nó nữa, nhưng vì chữ tín tôi không thể nào đổi ý được. Nước mắt tôi trào ra, ai nhìn thấy cảnh chia ly này cũng phải ngậm ngùi. Dù đã quá giờ người y tá không nỡ lấy đứa bé ra khỏi tay tôi. Tôi ghì chặt con tôi vào lòng và đặt chiếc hôn lên má con rồi đưa cho người y tá. Đích thân ông chủ sự trao tôi một túi vải lớn, nói tôi nên giữ cẩn thận vì đây là số tiền khá nhiều do bố mẹ nuôi đứa bé đưa, đủ cho tôi ăn ở 4, 5 tháng như là để cám ơn tôi chứ không có ý mua bán gì đâu. Tôi nói lời cám ơn ông chủ sự cùng bác sĩ và các nhân viên trong nhà thương rồi ra về.
Tôi thuê xe đến thẳng nhà bà bán rau muống. Khi đến nơi tôi không gặp bà và thấy có người lạ ở trong. Tôi hỏi thì được biết vì có người chết nên bà bán rau sợ hãi và đã bỏ đi. Người thuê nhà mới con cái đông và giá thuê rẻ nên đã dọn vào. Tôi ra ngoài đường và phân vân không biết đi đâu, chợt một chiếc xe Honda dừng trước mặt, tôi nhận ra chị bạn làm chung hãng với tôi khi trước. Sau khi hỏi han chị biết chuyện nên đã thương tình rủ tôi về nhà ở chung với chị. Trong khi đó những người trong hãng họ không biết lại tưởng tôi đã theo chồng đi ngoại quốc.
“ Hãy cố yêu người mà sống, lâu rồi đời mình cũng qua…”
Lời ca của bản nhạc trong “Bài không tên số 5” đã thức tỉnh tôi phải can đảm và cố gắng chịu đựng.
Mấy tháng sau nhờ có người chỉ dẫn tôi tìm được mộ mẹ và thắp nén hương lên mộ bà. Thời gian này tình hình Saì Gòn ngày càng giao động và biến cố tháng Tư năm 1975 xẩy ra. Tôi theo đoàn người ra bến Bạch Đằng, sao may tôi lên được tàu và sang tới Hoa Kỳ, định cư tai tiểu bang California . Tôi cố gắng lập lại cuộc đời, vừa đi làm vừa đi học . Sau một năm bổ túc Anh văn tôi ghi danh vào Đại học, 4 năm tôi ra trường về ngành kỹ sư điện tử, rồi tôi lập gia đình với một nha sĩ giầu có. Tôi đi khám răng và gặp chồng tôi. Chồng tôi hơn tôi 11 tuổi, góa vợ và có một con trai. Chúng tôi lấy nhau được gần 14 năm. Chồng tôi mới qua đời cách nay 3 năm. Tôi tiếp tục vừa làm chủ trung tâm nha khoa cũ của chồng tôi vừa đi làm cho công ty điện tử. Đời sống tuy có bận rộn nhưng vật chất rất đầy đủ vì có hai nguồn lợi tức. Tôi nghĩ đến thời gian nghèo khổ khi xưa, nhớ đến mẹ và đứa con gái riêng lòng không khỏi xót xa. Tôi đã tìm kiếm khắp nơi nhưng không biết được con tôi bây giờ ra sao, còn ở lại Việt Nam hay đã qua Mỹ ? Tôi có nhờ hội Hồng Thập Tự tìm kiếm nhưng không ra. Tôi ngày đêm cầu nguyện để được gặp con gái tôi…
Tôi đi khám định kỳ hàng năm và được giới thiệu đến bác sĩ Nguyễn Trọng Toản chuyên về tim mạch. Nghe tên bác sĩ tôi chợt nhớ ra vị bác sĩ đã cứu sống tôi ở bệnh viện Việt Nam khi xưa. Sau khi khám bệnh và cho thuốc, tôi nói với bác sĩ Toản chính tôi là người được bác sĩ chữa trị gần 25 năm về trước.. Nhận ra tôi vị bác sĩ này mừng lắm. Cũng may tôi là người khách cuối cùng nên ông đã có nhiều thì giờ nói chuyện với tôi. Bác sĩ Toản cho tôi biết cách đây 2 năm trong cuộc họp mặt của hội y sĩ toàn quốc tại Texas ông có gặp Thuấn, người tình cũ của tôi. Nghe tên Thuấn tôi lặng người đi nhưng cố giữ bình tĩnh để nghe kể: “ Thuấn với tôi học cùng lớp với nhau nhưng không thân. Tôi có gặp chị đi chơi với Thuấn vài lần nên nhớ. Tôi chữa trị cho chị và nghĩ Thuấn bỏ rơi chị, nên tôi tránh không muốn nói gì với ai, ngay cả lúc chị sinh đẻ trong bệnh viện cũng vậy. Kỳ vừa qua gặp nhau ở Texas tự nhiên Thuấn tâm sự với tôi là Thuấn yêu chị lắm nhưng bị bà mẹ ngăn cản và không có cách nào gặp được chị. Sau khi chị đi rồi Thuấn giận mẹ nên không chịu lấy vợ, mãi sau thấy bà cụ quá buồn nên Thuấn mới lập gia đình. Đến nay Thuấn vẫn không có con và vợ chồng đã ly dị vì không hợp nhau. Nghe tôi nói chị đã có thai với Thuấn và chính tôi chữa trị cho chị, Thuấn xúc động lắm. Thuấn thương chị và thương đứa con của anh chị phải đi làm con nuôi người ta, không biết giờ này ra sao. Mẹ Thuấn biết tin cũng buồn lắm, bà đã hối hận cho hành động của bà để đứa cháu duy nhất bị bỏ rơi, nay bà đã trên 80 tuổi vẫn chưa có cháu bế…”. Nghe lại chuyện xưa lòng tôi nặng chĩu và không cầm được nước mắt. Bác sĩ Toản hỏi tôi có đồng ý cho Thuấn biết đã gặp tôi không, tôi dặn bác sĩ thôi đừng nói gì cả, chuyện xưa nên cho vào dĩ vãng, điều cần thiết là tìm được đứa con chúng tôi. Tôi chào bác sĩ Toản rồi ra về, lòng buồn mênh mang:

Biết được tin anh cũng đủ rồi
Tâm sự có nhiều vẫn thế thôi
Ra đi không nói câu từ giã
Em biết chuyện mình mãi cách đôi
*
Cứ mỗi năm nhìn lá uá vàng
Chạnh lòng nhớ lại lúc Thu sang
Anh ơi! Thu đến mang sầu tới
Khơi dậy mối tình đã cách ngăn
*
Một lần yêu đã quá khổ rồi
Nhắc làm chi chuyện cũ anh ơi
Thân tuy gầy yếu tim băng gía
Giữ mãi trong em bóng một người
*
Biết được tin anh đã đủ rồi
Em bây giờ cũng vẫn đơn côi
Bao nhiêu kỷ niệm, bao đau đớn
Và khóc âm thầm, khóc mãi thôi…

Nhưng thôi tôi không muốn tiếp tục làm thơ buồn nữa. Tôi trở về với đời sống hiện tại của tôi. Tôi không có con nên yêu con trai của chồng tôi như con đẻ. Tân (tên con trai của chồng tôi) rất quý tôi. Tuy đã ra hành nghề bác sĩ nhưng tất cả những chuyện riêng tư Tân đều mang ra hỏi ý kiến mẹ. Một hôm Tân khoe với tôi Tân quen một cô gái tên Thuận Khanh kém Tân 4 tuổi. Hiện nay Thuận Khanh là dược sĩ, trông nom tiệm thuốc Tây của gia đình. Tân và Thuận Khanh quen nhau qua dịch vụ thương mại. Nghe con trai nói đến Thuận Khanh tôi rất hồi hộp, liệu có sự trùng tên, trùng tuổi được không? Thuận Khanh có phải là con gái tôi không? Tôi hỏi con trai xem gia đình Thuận Khanh ra sao, thì được biết bố Thuận Khanh đã mất chỉ còn mẹ già trên 70 tuổi. Nhà giầu lắm, tất cả tài sản sau này sẽ là của Thuận Khanh hết. Tôi hơi lạ, nếu là mẹ nuôi thì đúng chứ mẹ đẻ có thể trùng tên. Tôi nói con trai tôi đưa Thuận Khanh về nhà tôi chơi. Gặp Thuận Khanh tôi linh cảm ngay người con gái này là con tôi. Nét mặt vừa giống tôi vừa giống Thuấn. Không cầm được lòng tôi ôm chầm lấy Thuận Khanh và thốt lên: “con ơi! mẹ đây”, nhưng rồi tôi chợt nhớ ra, chưa phải là lúc mẹ con thổ lộ tâm tình nên đã buông Thuận Khanh ra và nói lời xin lỗi: “ Bác xin lỗi con, tại bác thấy con dễ thương quá nên bác mến”. Thuận Khanh nói: “ Không sao đâu bác. Được bác yêu quý và cho đến nhà thăm bác con rất vui mừng. Trước khi đến con sợ lắm, nay thấy bác vui vẻ như mẹ con ở nhà, con thật có phước. Mới gặp bác lần đầu nhưng con có cảm tưởng như đã gặp bác từ lâu rồi ”. Lòng tôi dịu xuống, tôi thầm cám ơn ông bà mẹ nuôi đã dạy giỗ con gái tôi nên người, dạy cách ăn nói khôn khéo và lễ phép. Tân thấy mẹ yêu thích bạn thì mừng lắm, chàng mỉm cười nhìn Thuận Khanh. Tôi giữ Thuận Khanh ở lại ăn cơm. Lần đầu tiên tôi được nấu cơm cho con gái tôi ăn. Tôi hỏi thăm sơ qua về những ngày đã qua của Thuận Khanh, tôi tránh những chi tiết sợ con gái nghĩ tôi tò mò. Cám ơn Trời Phật đã giúp cho mẹ con tôi được gặp lại nhau…
Khi Thuận Khanh ra về tôi hỏi con trai tôi chương trình dự trù như thế nào, Tân cho tôi biết tháng sau chúng định làm đám hỏi và 4 tháng nữa sẽ làm đám cưới. Thuận Khanh muốn lo sớm vì mẹ đã già, muốn cho mẹ được vui.
Ngày đám hỏi qua đi một cách thuận lợi. Người mẹ nuôi của con gái tôi không nhận ra tôi. Có lẽ bà không ngờ một cô gái nghèo khổ ngày xưa nay là thông gia với bà. Tôi nhận ra bà Thuận nhưng vẫn giữ im lặng không cho ai biết chuyện tôi là mẹ đẻ của Thuận Khanh để cho các con tôi không phải bận tâm và tránh gây nên sự buồn phiền cho bà mẹ nuôi, một ân nhân của tôi. Tôi rất vui mừng sửa soạn đám cưới cho con. Tôi hồi hộp lo đến ngày đám cưới vừa cho con gái vừa cho con chồng.
Bốn tháng qua đi thật mau. Đám cưới của các con tôi tổ chức rất trọng thể. Gần 700 quan khách tham dự. Con gái tôi lộng lẫy trong bộ áo cưới. Có nhiều người đã nhận xét là mẹ chồng với con dâu trông rất giống nhau như hai mẹ con, chắc là sẽ hợp với nhau lắm. Tôi vui mừng nghĩ ngợi từ nay con gái tôi sẽ được ở chung nhà với tôi, và tôi sẽ dành hết thì giờ săn sóc con gái tôi. Văng vẳng bên tai như lúc nào cũng nghe thấy lời chúc mừng hạnh phúc…
Đám cưới xong hai con đi hưởng tuần trăng mật, tôi ở nhà một mình. Vì quá lo lắng và bận rộn cho ngày đám cưới nên tôi thấy trong người hơi mệt. Tôi sợ có vấn đề về tim như trước nên đi khám bác sĩ gia đình nhưng khi đến nơi mới biết bác sĩ đã đi nghỉ hè và ông nhờ người khác tạm thay thế vài ngày. Vì đến trễ và không có hẹn trước nên tôi là người được khám sau cùng. Cô y tá cân đo và thử nhiệt độ. Nhịp tim và nhiệt độ của tôi bình thường. Tôi ngồi trong phòng đợi một lúc thì Thuấn mở cửa bước vào. Bất ngờ gặp Thuấn tôi kêu lên: “Anh!”. Thuấn cũng ngạc nhiên, ôm chầm lấy tôi: “Em ! Không ngờ gặp em ở đây, anh mừng quá !”. Thuấn kể lể những sự nhớ nhung và xin tôi tha lỗi. Thuấn nói : “Anh không ngờ mình đã có con với nhau. Từ ngày nghe bác sĩ Toản nói chuyện về em anh buồn và ân hận quá. Khi đẻ chỉ có một mình em làm sao xoay xở…”. Tôi bảo Thuấn : “ Hãy quên đi ngày tháng cũ”. Bây giờ mỗi người có một cuộc sống riêng, còn gặp nhau và quý nhau là đủ rồi. Tôi không oán hận ai cả, chỉ mong mọi chuyện cho qua đi. Thuấn hỏi tôi về con gái chúng tôi, tôi nói Thuận Khanh bây giờ rất hạnh phúc nhưng chuyện hơi dài, sẽ nói cho Thuấn sau. Thuấn rất mừng khi thấy tên con gái là tên Thuấn và tên Khánh hợp lại. Biết tôi bây giờ vẫn còn độc thân nên Thuấn đề nghị cùng chàng tái hợp. Mặc dù vẫn còn yêu Thuấn nhưng tôi rất ngại, một lần chia tay đã quá khổ rồi, bây giờ tôi đang sống yên ổn và hạnh phúc với con gái mới tìm được, tôi không muốn có sự xáo trộn trong đời sống nên đã từ chối. Không được tôi chấp thuận Thuấn có vẻ thất vọng. Một lúc sau Thuấn hỏi thăm về mẹ tôi, khi biết mẹ tôi đã qua đời chàng cúi đầu xuống che dấu sự xúc động rồi cho biết bà Đạm bây giờ bệnh tình rất nặng, sức khoẻ được tính từng ngày. Bà đang nằm trong bệnh viện, nếu được tôi bỏ qua chuyện cũ thì bà mừng lắm. Thuấn gợi ý muốn tôi đến bệnh viện thăm bà Đạm, tôi nhận lời.
Hôm sau tôi đến bệnh viện thấy Thuấn và vợ chồng Minh Thư đã ở đó. Minh Thư gặp tôi rất mừng . Minh Thư hỏi thăm tôi và cho địa chỉ mời đến nhà chơi. Hàn huyên một lúc, Thuấn và vợ chồng Minh Thư ra ngoài cho tôi nói chuyện với bà Đạm. Tôi cầm bàn tay gầy yếu của bà và hỏi:
- Bà còn nhớ cháu không, cháu là Ngân Khánh đây ?
Bà Đạm thều thào:
- Ngân Khánh ! Làm sao tôi quên được cháu. Mong cháu tha lỗi cho tôi. Vì tôi quá nghiêm khắc mà mẹ con cháu phải khổ. Tôi cũng nghe tin bà Tư đã qua đời. Tội nghiệp bà Tư. Thôi tôi sẽ gặp bà ở bên kia thế giới để xin lỗi bà vậy.
Bà Đạm tiếp:
- Ông trời đã phạt tôi. Có đứa cháu duy nhất thì hất hủi nó, bây giờ tôi không có cháu nào ở bên cả. Vợ chồng Minh Thư lấy nhau lâu rồi vẫn chưa có con.
Nói xong nước mắt bà trào ra vì ân hận khiến tôi cũng buồn lây. Giọng bà run run tiếp :
- Tôi không sống được nữa và sắp phải ra đi. Tôi xin cháu một điều không biết cháu có thể giúp tôi không ?
Tôi lắc tay bà Đạm:
- Xin bà cứ nói.
Bà Đạm cố lấy sức lực còn lại nói ngắt quãng từng câu:
- Bác mong cháu nhận lời tái hợp với con trai bác, có như vậy bác mới yên tâm ra đi. Thuấn yêu cháu lắm. Thuấn đã lấy vợ nhưng lúc nào cũng nghĩ đến cháu nên hai vợ chồng đã bỏ nhau.

Đôi mắt bà Đạm yếu đuối nhìn tôi như cầu xin. Tôi thấy thương bà như mẹ. Gần 10 năm ở với nhau tình cảm dù sao cũng đã sâu đậm, thật khó có thể từ chối lời yêu cầu của một người sắp lìa đời như bà. Tôi im lặng suy nghĩ giây lát rồi nói trong xúc động:

- Vâng, con xin nghe lời bác.

Bà Đạm mỉm cười, mắt bà mở hé ra như thầm cám ơn tôi. Giữa lúc đó Thuấn và vợ chồng Minh Thư đi vào. Bà Đạm cầm bàn tay Thuấn để lên bàn tay tôi, một lúc sau mắt bà nhắm lại và hơi thở yếu dần. Y tá vội vàng gọi bác sĩ. Tôi và Thuấn đứng cách ra xa cho y tá làm việc. Tôi lau nước mắt cho Thuấn rồi nắm chặt tay chàng, nghẹn ngào nhìn bà Đạm từ từ lịm đi…

Hồng Y Nương
06-06-2013, 01:56 PM
Cám ơn chị NhuLien đã post một câu chuyện thật cảm động , HY vừa đọc vừa lo đoạn kết buồn , chừng đọc xong rồi thở phào nhẹ nhõm . Kết cuộc thật có hậu , mừng cho họ cũng ứa nước mắt :)


Chúc chị ngày vui chị nhé .

HYM

NhuLien
06-07-2013, 09:15 AM
Cám ơn chị NhuLien đã post một câu chuyện thật cảm động , HY vừa đọc vừa lo đoạn kết buồn , chừng đọc xong rồi thở phào nhẹ nhõm . Kết cuộc thật có hậu , mừng cho họ cũng ứa nước mắt :)


Chúc chị ngày vui chị nhé .

HYM

Chào chị,

Liên phải cám ơn chị đã ghé sang đọc mới phải nè! Liên vẫn âm thầm nghe chị hát và đọc những bài viết của chị, chị tài thật! Đúng như lời chị Ngân Hà đã viết về chị. Liên rất hân hạnh được tâm tình với chị nè.

Chúc chị mọi sự như ý.

Thân,

Liên

MưaPhốNúi_
06-08-2013, 07:10 AM
Chào chị,

Liên phải cám ơn chị đã ghé sang đọc mới phải nè! Liên vẫn âm thầm nghe chị hát và đọc những bài viết của chị, chị tài thật! Đúng như lời chị Ngân Hà đã viết về chị. Liên rất hân hạnh được tâm tình với chị nè.

Chúc chị mọi sự như ý.

Thân,

Liên

MPN vui vui lắm khi biết có người âm thầm dành cảm tình cho mình :"> . Khi nào có thời gian chị Như Liên ghé qua Cổ Mộ chuyện trò với Hồng Y Nương nha . Dạo này MPN có sinh hoạt trong FB , vô đó trổ tài phô Tô Xốp biến hóa cho bạn và cả người chưa quen , ôi thôi ai nấy đều cười tươi như bông . :semi-twins:

Sáng thứ 7 thật vui nha chị Như Liên .

MPN

NhuLien
08-30-2013, 11:33 AM
...thất thập cổ lai hy" Ngô Phan Lưu



Nhà tôi treo một “lốc” lịch to nơi phòng khách, mỗi sáng thức dậy, tôi gỡ một tờ quăng đi… Khi ló tờ mới, tôi xem kỹ câu danh ngôn nếu có, coi đấy như lời dạy dỗ đầu ngày của các bậc tiền bối ! Không biết ai sao, riêng tôi thấy tâm đắc việc này lắm !

Ví như, sáng thứ 2 tuần trước, ngủ dậy liền đến bóc tờ lịch, tờ mới có ghi câu danh ngôn của Turenne: “Tôi có ý kiến này muốn tặng bạn: Đó là, mỗi khi bạn muốn nói, bạn hãy làm thinh”.
Xem câu ấy xong, tôi ngẫm nghĩ… và thấy có lý, hay lắm. Quá hay đi chứ! Lời khuyên răn này rất xác đáng, đã đúc kết một kinh nghiệm quí báu trong cuộc sống đầy những chuyện khôn lường của lòng dạ con người! Và, ngày hôm đó tôi cẩn ngôn hơn! Tôi chỉ thực hành nửa câu nói ấy mà cũng thấy mình khá rồi! Còn thực hành nguyên câu dĩ nhiên là không nổi! Xin cảm ơn ông hay bà Turenne người nước nào tôi không rõ, đã cho tôi một chút của báu giắt lưng phòng thân trên đường đời gian truân! Tôi không muốn coi tiếp câu danh ngôn của ngày kế tiếp… Ừ, cứ giữ bí mật để đó, vội gì!

Đến sáng ngày thứ 3, ngủ dậy, tôi lại gỡ lịch, gặp câu nói của Swift:
“Nổi giận là tự gánh giùm lỗi của người khác!”.
Chí lý ! Dại gì mà nổi giận cơ chứ! Quả nhiên, câu ấy tác động nơi từng sâu thẳm tâm hồn, ngày hôm đó nhiều việc bực mình, mà tôi đâu có thèm giận! Ngu gì gánh lỗi kẻ khác! Lại phải cảm ơn cái ông Swift hay bà Swift gì đó nữa!…

Rạng đông ngày thứ 4, lại ló tờ lịch ghi câu của Montesquieu:
“Phải khóc con người lúc sinh ra, chứ đâu phải lúc chết”.
Chết rồi có phải làm gì nữa đâu mà cực với nhọc! Thế thì cũng chả nên khóc lóc mà làm chi! Ừ nhỉ! Lạ thật! Cái chết đột nhiên giảm bộ mặt khủng khiếp trong tâm tưởng tôi, nói chí tình cũng phải có chút ít tác dụng của Montesquieu mới ra thế! Và, ngày hôm đó tôi nghị lực hơn, yêu đời hơn! Lại cảm thấy mình cứng cáp lên!

Sang ngày thứ 5, tờ lịch hiện lên câu ngạn ngữ Ba Tư:
“Lưỡi dài thu ngắn đời sống”.
Ôi, quá chất lượng! Dân Ba Tư kinh nghiệm quá dày dặn! Nói lắm chỉ được cái “nguy to”, chỉ được cái “rước họa vào thân”! Còn nhớ trong ngày ấy, lúc nhậu cùng bạn bè, vậy mà tôi cũng ráng tịnh khẩu! Cứ sợ sa vào cái “vạ mồm”!

Đến ngày thứ 6, tờ lịch lấp lánh câu danh ngôn khác, thật cao siêu của Villier de l’Isle Adam:
“Người nhục mạ bạn, họ chỉ nhục mạ ý nghĩ của họ có về bạn, tức là họ nhục mạ chính họ!”.
Câu này trong tầng sâu là đúng, nhưng thưc hiện quả là thiên nan vạn nan! Lên hàng thánh mới xài được! Tâm đắc lắm nhưng cứ cất yên đấy! Công lực chưa đủ, chờ thời gian nữa hẵng hay!

Sáng ngày thứ 7, lại ló câu của Cervantes:
“Ăn to thì di chúc nhỏ”.
Úi cha! Cũng có lý quá! Tôi coi tiếp luôn ngày Chủ nhật xem sao… Đó là câu của G. Herbert:
“Ai cũng có một thằng điên trong ống tay áo”.
Trời đất ! Lại cũng quá đúng! Những lúc bưng ly bia, cốc rượu chỗ đông người, trong ống tay áo tôi thường rớt ra thằng điên, thậm chí đôi lúc rớt ra hai thằng ! Say quá, có khi rớt tới ba thằng!

Ôi chao! Riêng về phần danh ngôn, tờ lịch vậy mà hay! Một lần nữa xin cảm ơn, cảm ơn… tờ lịch gỡ mỗi ngày! Việc gì phải đi thư viện đọc sách hao thời gian, cứ lịch đấy mà học mãn đời không hết!…



Trần Gian Một Khúc

Con người ta sinh ra, ai thoát khỏi: sinh, lão, bệnh, tử?

Sinh, Trụ, Hoại, Diệt là định luật của tạo hóa, không có cách chi thay đổi được.

Cây cối đâm chồi nảy lộc vào muà xuân, xanh tốt xum xuê trong mùa hè, lá héo vàng vào mùa thu, đến mùa đông thì lá vàng rơi rụng, chỉ còn trơ trụi cành cây. Rồi tới mùa xuân năm sau, cây lại đâm chồi nảy lộc. Cái chu kỳ sinh, trụ, hủy, diệt cứ tiếp nối nhau, không ngưng nghỉ.

Ðời người là bể trầm luân, cõi thế gian đầy những ưu tư phiền não. Vạn vật đều bị chi phối bởi luật vô thường.. Vừa mới sinh ra cất tiếng khóc oa oa chào đời. Rồi lớn lên, bước vào đời với bao nhiều mộng đẹp. Thoắt một cái, mái tóc đã điểm sương, mắt đã mờ, lưng đã mỏi, 2 chân đã chậm chạp. Rồi cuối cùng, là hai tay buông xuôi, đi vào lòng đất, bỏ lại trên thế gian tất cả các thứ mà cả đời phải bôn ba vất vả mới làm ra được..

Ðời người như giấc mộng. Người ngoại quốc cũng có câu: Life is too short. (cuộc đời quá ngắn) Thế mà, con người ta khi còn sức khỏe thì mải mê kiếm tiền, lo củng cố địa vị, danh vọng, không có thì giờ để hưởng đời đúng nghĩa.

Cũng ít ai sửa soạn tâm tư để đón nhận những cái vô thường của tuổi gìa. Ðến khi mái tóc đã điểm sương, da đã nhăn, mắt đã mờ, chân đã chậm thì mới giật mình, rồi buồn phiền, thất vọng, nuối tiếc. Khi đó, bao nhiêu tiền của cũng trở thành vô dụng. Ăn uống thì phải kiêng thứ này, cữ thứ kia vì đường lên cao, cholesterol lên cao. Ăn đồ cứng không được vì hàm răng cái rụng, cái lung lay. Ði chơi xa thì không dám, vì sức khỏe kém, đầu gối đau nhức. Nghe nhạc, xem phim cũng không được vì tai đã nghễng ngãng, mắt đã kèm nhèm.

Người VN mình vốn cần kiệm, chăm làm, chắt bóp để có của ăn của để. Làm việc thì liên miên quên cả cuối tuần, bất kể ngày lễ hay ngày Tết. Làm thì nhiều, mà ít dám vui chơi huởng thụ như người Âu Mỹ..

Suốt đời cặm cụi, nhịn ăn nhịn mặc, để dành, mua cái nhà cái cửa để một mai khi chết thì để lại cho con cháu. Sống như vậy quả là thiệt thòi.

Người xưa đã nói:

Một năm được mấy tháng xuân

Một đời phỏng được mấy lần vinh hoa

Và:

Chẳng ăn, chẳng mặc, chẳng chơi

Bo bo giữ lấy của trời làm chi

Bẩy mươi chống gậy ra đi

Than thân rằng thuở đương thì chẳng chơi

Con người có tham vọng, có nhu cầu nên mới bon chen. Suốt đời cứ miệt mài lo tìm kiếm những thứ vô thường mà quên mất chữ “nhàn”. Những thứ vô thường này là nguyên nhân đưa đến lo âu, căng thẳng, mất ăn, mất ngủ. Và nếu kéo dài có thể đưa đến Strock, bệnh tâm thần.

Ông Cả ngồi trên sập vàng

Cả ăn, cả mặc, lại càng cả lo

Ông bếp ngồi cạnh đống tro

Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm

Ðời người sống mấy gang tay

Hơi đâu cặm cụi cả ngày lẫn đêm

Hoặc là

Ăn con cáy, đêm ngáy o..o

Còn hơn ăn con bò, mà lo mất ngủ.

Người xưa tuổi thọ kém, ngay tới vua chúa cũng chỉ sống tới khỏang 50 tuổi. Tới 60 tuổi đã ăn mừng “lục tuần thượng thọ. Còn tới 70 tuổi, thì thực là hiếm hoi. Bởi vậy mới có câu:
“nhân sinh thất thập cổ lai hy" (tức là, người ta có mấy ai mà sống được tới 70).

Ngày nay nhờ khoa học tiến bộ. Con người được sống trong điều kiện vật chất vệ sinh, và thoải mái hơn.

Những phát minh của ngành Y, Dược đã giúp nhân loại vượt qua được các bệnh hiểm nghèo, mà người xưa kêu là bệnh nan y như bệnh lao, bệnh phong cùi, bệnh suyễn. Ngày nay người ta sống tới 80, 90 tuổi không phải là ít. Tuy nhiên sống lâu chưa phải là hạnh phúc. Hạnh phúc là luôn cảm thấy vui vẻ, yêu đời, biết tận hưởng cuộc sống. Muốn vậy thì cần phải giữ cho thân tâm được an lạc.

Tâm thân an lạc là biết vui với những cái trong tầm tay của mình, chấp nhận những điều mình không thể nào tránh khỏi. Sống hòa hợp vui vẻ với mọi người xung quanh, không chấp nhất, tỵ hiềm. Lớn tuổi thì không làm ra tiền, nhưng cũng may, ở những nước tân tiến đều có khoản tiền trợ cấp cho người gìà để có thể tự lực mà không cần nhờ cậy vào con cháu. Các cụ gìà nên mừng vì sang được xứ này, thay vì ấm ức với số tiền quá khiêm nhượng, không thể tiêu pha rộng rãi như bạn bè.

Già thì phải chịu đau nhức, mắt mờ, chân chậm, đừng nên than thân trách phận, cau có, gắt gỏng, đã không làm được gì hơn mà còn tạo sự áy náy, thương cảm cho những người xung quanh.

Ở đời mỗi người một cảnh, vui với cảnh của mình, không suy bì, thèm muốn, ganh ghét với những người xung quanh.

Biết đủ thì đủ (Tri túc, tiện túc).

Người ta bảo trên 60 tuổi, mỗi ngày sống là một phần thưởng cho thêm (bonus_jackpot) của Thượng Đế_nếu đi kéo máy slotmachine....dzui hết biết đi !!

Vậy thì hãy nên vui vẻ, tận hưởng những ân sủng mà không phải ai cũng có được :
Ðời sống của mình vui tươi hay buồn khổ,đều do ở mình cả!

NhuLien
09-24-2013, 08:38 AM
Share voi qui vi doc cho vui :) ... dung qua , dung qua .... hihihi



TỪ BI VỚI MÌNH



Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc


Ngậm ngùi bởi tiếc nuối tuổi trẻ đã trôi qua lúc nào không hay ! Ngậm ngùi phải chi hồi đó thế này thế khác... Hình như ta chẳng bao giờ thực sống.

Lúc còn trẻ, ta mơ ước tương lai, sống cho tương lai. Nghĩ rằng phải đạt cái này cái nọ, có được cái kia cái khác mới là sống. Khi có tuổi, khi đã có được cái này cái nọ, cái kia cái khác thì ta lại sống cho quá khứ ! Nhỏ mong cho mau lớn, lớn mong cho nhỏ lại. Quả là lý thú ! Tóm lại, ta chẳng biết quý những giây phút hiện tại.

Từ ngày "thế giới phẳng", ta còn sống với đời sống ảo.

Ta ngồi đây với bạn nhưng chuyện trò với một người nào khác, cười đùa, nhăn nhó, giận dữ, âu yếm với một người nào khác ở nơi xa. Khi bắt lại câu chuyện thì nhiều khi đã lỡ nhịp !
Hiểu ra những điều tầm thường đó, tôi biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn. Nhờ vậy mà không có thì giờ cho già nữa ! Hiện tại thì không có già, không có trẻ, không có quá khứ vị lai. Dĩ nhiên, không phải trốn chạy già mà hiểu nó, chấp nhận nó, thưởng thức nó. Khi biết "enjoy" nó thì quả có nhiều điều thú vị để phát hiện, để khám phá.


Một người 60, tiếc mãi tuổi 45 của mình, thì khi 75, họ sẽ tiếc mãi tuổi 60, rồi khi 80, họ sẽ càng tiếc 75 ! Vậy sao ta đang ở cái tuổi tuyệt vời nhất của mình lại không yêu thích nó đi, sao cứ phải....nguyền rủa, bất mãn với nó. Có phải tội nghiệp nó không ? Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa!


Ta cũng có thể gạt gẫm mình chút đỉnh như đi giải phẫu thẩm mỹ chẳng hạn. Xóa chỗ này, bơm chỗ nọ, lóc chỗ kia. Nhưng nhức mỏi vẫn cứ nhức mỏi, loãng xương vẫn cứ loãng xương, tim mạch vẫn cứ tim mạch... Cơ thể ta cứ tiến triển theo một "lộ trình" đã được vạch sãn của nó, không cần biết có ta !
Mà hình như, càng nguyền rủa, càng bất mãn với nó, nó càng làm dữ. Trái lại nếu biết thương yêu nó, chiều chuộng nó một chút, biết cách cho nó ăn, cho nó nghỉ, biết cách làm cho xương nó cứng cáp, làm cho mạch máu nó thông thoáng, làm cho các khớp nó trơn tru thì nó cũng sẽ tử tế với ta hơn.

Anh chàng Alexis Zorba nói: " Cũng phải chăm nom đến thân thể nữa chứ, hãy thương nó một chút. Cho nó ăn với. Cho nó nghỉ với. Đó là con lừa kéo xe của ta, nếu không cho nó ăn, nó nghỉ, nó sẽ bỏ rơi mình ngang xương giữa đường cho mà coi" (Nikos Kazantzaki).

Từ ngày biết thương "con lừa" của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì có vẻ tôi... cũng khác tôi xưa. Tôi biết cho con lừa của mình ăn khi đói, không ép nó ăn lúc đang no, không cần phải cười cười nói nói trong lúc ăn. Món gì khoái khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt. Cá khô, mắm ruốc gì cũng được, miễn là đừng nhiều muối quá !

Một người cô tôi mắc bệnh "ăn không được", "ăn không biết ngon" vậy mà vẫn béo phì, đi không nổi, là bởi vì các con thương bà quá, mua toàn sữa Mỹ mắc tiền cho uống ! Sữa giàu năng lượng, nhiều chất béo bổ quá, làm sao còn có thể ăn ngon, làm sao không béo phì cho được? Giá nghèo một chút còn hay hơn! Cá kho quẹt, rau muống mà tốt, miễn bà ăn thấy ngon, thấy sướng !

Tôi cũng biết cho con lừa của mình ngủ hơn. Ngủ đầy giấc, đủ giấc. Ngủ đủ giấc là cơ hội tốt nhất cho các tế bào não phục hồi, như sạc pin vậy. Sạc không đủ mà đòi pin ngon lành sao được !

Bảy trăm năm trước, Trần Nhân Tông viết: Cơ tắc xan hề khốn tắc miên! (Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền!) trong bài Cư trần lạc đạo, (ở đời mà vui đạo)! Ông là vị vua nhà Trần sớm nhường ngôi cho con, lên tu ở núi Yên Tử, Tổ sư thiền phái Trúc Lâm. Tu hành như vậy mà khi quân Nguyên xâm lấn nước ta, ông liền xuống núi, ra tay dẹp giặc, xong, phủi tay lên núi tu tiếp !


Mỗi người có đồng hồ sinh học của riêng mình, không ai giống ai, như vân tay vậy, cho nên không cần bắt chước, chỉ cần lắng nghe mình. Phương pháp này, phương pháp nọ của người này người kia bày vẽ chẳng qua cũng chỉ để tham khảo, nắm lấy nguyên tắc chung thôi, rồi áp dụng vào hoàn cảnh riêng cụ thể của mình, tính cách mình, sinh lý mình. Phương pháp nào có sự ép buộc cứng ngắc quá thì phải cảnh giác!


Cũng nhớ rằng tới tuổi nào đó, tai ta sẽ bắt đầu kém nhạy, mắt bắt đầu kém tinh, đấu óc bắt đầu kém sắc sảo. Tai kém nhạy để bớt nghe những điều chướng tai. Mắt kém tinh để bớt thấy những điều gai mắt. Đầu óc cứ sắc sảo hoài ai chịu cho nổi! Tuy vậy, tai kém mà muốn nghe gì thì nghe, không thì đóng lại mắt kém mà muốn thấy gì thì thấy, không thì khép lại. Thế là "căn" hết tiếp xúc được với "trần". Tự dưng không tu hành gì cả mà cũng như tu, cũng thực tập ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm!


Rồi một hôm đẹp trời nào đó ta còn có thể phát hiện mắt mình chẳng những nhìn kém mà còn thấy những ngôi sao lấm chấm, những lốm đốm hoa trên bầu trời trong xanh vời vợi kia. Nếu không phải do một thứ bệnh mắt nào đó thì đây hẳn là hiện tượng thoái hóa của tuổi già, nói nôm na là xài lâu quá, hết thời hạn bảo hành. Cái mà người xưa gọi là "hoa đốm hư không" chính là nó. Tưởng hoa đốm của trời, ai dè trong mắt mình!

Chỉnh cái "tưởng" của ta nhiều khi làm hại ta. Biết vậy ta bớt mất thì giờ cho những cuộc tranh tụng, bớt tiêu hao năng lượng vào những chuyện hơn thua. Dĩ nhiên có những chuyện phải ra ngô ra khoai, nhưng cái cách cũng đã khác, cái nhìn đã khác, biết tôn trọng ý kiến người khác, biết chấp nhận và nhìn lại mình.

Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình. Đến 40 thì ai nghĩ gì mặc họ. Đến 60 mới biết chả có ai nghĩ gì về mình cả !

Tóm lại, chấp nhận mình là mình và từ bi với mình một chút. Nhưng muốn vậy, phải... chuyển đổi cách thở. Thở ư ? Đúng vậy! Một bác sĩ có thể biết rất nhiều về bộ máy hô hấp, về cơ thể học, sinh lý học, bệnh lý học của bộ máy hô hấp nhưng chưa chắc đã biết thở !




Già
Lâu nay cứ tưởng mình già
Bây giờ mới biết quả là y chang
Suốt ngày nói chuyện thuốc thang
Gặp nhau lại kể cả tràng chuyện xưa
Tivi dỗ giấc ngủ trưa
Sức khoẻ lại giảm, mắt mờ, da nhăn
Đọc chữ phóng đại mấy trăm
Lại còn đãng trí, tần ngần, hay quên
Cả ngày mỏi mắt đi tìm
Hết tìm khoá cửa lại tìm khoá xe
Nhiều hôm thăm viếng bạn bè
Được dăm ba phút nằm phè ngủ ngon
Tóc bạc chen chúc tóc non
Không dám nhổ nữa sợ còn bình vôi
Kiến thức mới nuốt chẳng trôi
Bước ra khỏi cửa trùm người áo len
Ra đường chẳng ai gọi tên
Cứ gọi chú, bác có phiền hay không ?
Khi lên xe buýt dẫu đông
Dăm người nhường chỗ 'Mời ông cứ ngồi
Lại hay nhạy cảm, tủi đời
Thích được săn sóc hơn thời ngày xưa
Thấy tình nhân trẻ vui đùa
Mà lòng chua xót phận vừa cuối thu
Suốt ngày trung tiện lu bù
Cơm thì phải nhão, phở cho thật mềm
Thích nghe tiếng hỏi, lời khen
'Lúc này thon thả, trẻ hơn dạo nào'
Thức ăn cứ lấy ào ào
Ăn thì chẳng nổi mà sao cứ thèm
Ngủ trưa giấc cứ dài thêm
Đứng, ngồi, 'chuyện ấy' ngày thêm chậm rì
Đánh răng, tìm thuốc loại gì
Để răng được trắng không thì khó coi
Cà phê chỉ hớp một hơi
Đêm về trắng mắt nhìn trời đếm sao
Gặp người cùng tuổi như nhau
Thường hay hỏi 'Bác thế nào ? Khoẻ không?'
Cell Phone thì khổ vô ngần
Lúng ta lúng túng thường không trả lời
Để chuông reo mãi một hồi
Mở ra thì đã chậm rồi còn đâu ?
Bệnh tật nó đến từ đâu
Cao mỡ, cao máu lâu lâu ... tiểu đường
Tránh né việc nặng là thường
Việc nhẹ thì cũng đau xương, mệt nhoài
Đi chơi càng khổ gấp hai
Đi đâu cũng ngại đường dài lái xe
Giữ thân cho khỏi tròn xoe
Vòng hai sao cứ bè bè phình to
Thang lầu càng nghĩ càng lo
Chỉ sợ trượt ngã khổ cho thân này
Ngủ thì chẳng ngủ được say
Bốn năm giờ sáng dậy ngay tức thì
Sinh nhật, sinh nhiếc làm gì
Cái chuyện lẻ tẻ ấy thì nên quên
Vẫn hay nhìn kiếng thường xuyên
Xem chân dung đã trở nên thế nào
Buồn tình đếm thử xem sao
Bao nhiêu triệu chứng ấy bao nhiêu già!
Vo Danh


Attachments




TỪ BI VỚI MÌNH - Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc.eml

Download All (https://dtphorum.com/pr4/#)

NhuLien
11-01-2014, 02:13 PM
http://youtu.be/ZtmHLJ5-K20

NhuLien
12-12-2014, 08:51 AM
Roemer's home in the Woodlands, a master-planned community in the Houston area, became world-famous over the summer when luxury department store Neiman Marcus. (Có lần tôi đọc NN về Theresa Roemer).



https://s1.yimg.com/bt/api/res/1.2/0WE2yYIAQ1Hw4HlSli1FZg--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTQwMA--/http://l.yimg.com/os/publish-images/homes/2014-12-11/3167e450-8170-11e4-bd74-07f4096d624a_4-ext-texas-closet.jpg (http://yhoo.it/1Dicycb)



https://homes.yahoo.com/blogs/spaces/america-s-biggest-closet-hits-market--along-with-its-attached-mansion-195303612.html