PDA

View Full Version : Những bài thơ cũ



Tuấn Nguyễn
03-28-2012, 08:48 PM
Tôi thích những bài thơ cũ. Nó gợi nhắc cho tôi một thời đời sống với những trằn trọc tra vấn của cái tôi đầy xáo động, bấp bênh. Như con nước vỡ bờ, như đợt sóng gào thét, những người lớn tuổi hơn tôi, bằng tôi, đồng hành vào đời. Sống, hiện hữu đối diện với bối cảnh đất nước chiến tranh. Sự sống và chết như một lằn ranh vô hình dễ bị phá vỡ. Mỗi bài thơ là một sinh mệnh. Tôi nghe, tôi đọc như nói với chính mình. Đó là ngôn ngữ thơ – Tuổi trẻ tội nghiệp, cô đơn – Một thời để yêu, một thời để chết.
Chiến tranh đi qua. Tôi mất tất cả. Tôi còn lại gì? Tình yêu? Sự nghiệp? Những người thân yêu?
Tôi mất tất cả, kể cả những bài thơ.
Những bài thơ cũ với tôi mãi mãi là một hoài niệm, đó là một phần đời mà tôi đã bị đánh mất.
Đó là những bài thơ trước 1975, những bài thơ tình hồn nhiên, tội nghiệp, ngụp lặn trong chiến tranh.
Các thi sĩ một thời tôi say mê như điếu đổ: Thanh Tâm Tuyền, Duy Thanh, Thanh Nam, Thạch Chương, Vương Tân, Dương Kiền, Cao Thoại Châu, Hoài Tuyết Trang, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Miên Thảo, Tần Hoài Dạ Vũ, Cao Thị Vạn Giã, Bùi Giáng, Chu Vương Miện, Mường Mán, …Rất nhiều, rất nhiều.
Đó cũng là giai đoạn mà các tạp chí văn nghệ như trăm hoa đua nở làm phong phú hóa sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam.: Tạp chí Sáng tạo, thế kỷ hai mươi, Hiện đại, Nghệ Thuật, Mai, Văn, Văn học, …
Tìm lại được một bài thơ, đọc được một bài thơ cũ, tôi hạnh phúc vô cùng. Nếu trong âm nhạc, ngôn ngữ được chuyển vận theo giai điệu. Nó là một loại ngôn ngữ kép của nhạc điệu. Bài hát khi đã được chuyển vận và hát cho người nghe. Nó không còn cô đơn. Nó được đi vào lòng khán giả và được ái mộ. Ngôn ngữ thơ, bản chất nó cô đơn, mặc dù nó có âm thanh của nó nhưng đó là hơi thở của tận cùng sâu thẳm trái tim. Nó nói chuyện với từng cá thể. Thơ tìm sự hiệp thông trong nỗi cô đơn tận cùng.
Tạp chí Sáng tạo bằng những cuộc Hội thảo, đối thoại giữa những nhà thơ, nhà văn đã khẳng định như một tuyên ngôn: Ngôn ngữ thơ là một vận động, phá bỏ quy ước rào cản. Nó hoàn toàn tự do. Nhóm Sáng Tạo quay lưng với thơ mới. Người làm thơ là người chơi với con chữ. Sắp xếp, cấu trúc ngôn ngữ để khám phá những chân trời mới. Người làm thơ là người không đi theo lối mòn cũ. Y khám phá những con đường mới.
Tôi nhớ ngày đó trong một tản văn của Bùi Giáng ở tạp chí Mai, có hai câu thơ trích dẫn đầu truyện của Cao Thị Vạn Giã: “Mù sương phi cảng não nề. Thôi anh ở lại buồn về em mang”. Lời thơ làm tôi thảng thốt như mình vừa mất một tình yêu, chuốc lấy một nỗi buồn. Ngôn ngữ thơ không mới, nhưng hình ảnh quá ư sống động, bàng bạc một nỗi lạnh lẻo: hình ảnh sân bay đầy sương mù được gán cho một tỉnh từ “não nề” làm nổi bật tâm trạng của người ra đi. Từ “thôi” như một dấu ngắt diễn tả sự quay quắt trước cảnh biệt ly. Từ “buồn về” thể hiện cụ thể tâm trạng của tác giả: “Buồn về em mang”.
Chỉ cần hai câu thơ, vậy mà tôi nhớ mãi, không sao quên được, đã 40 năm rồi còn gì. Cái độc đáo ở đây là Cao Thị Vạn Giã thể hiện bằng thơ lục bát, và các từ không có gì mới, nhưng sự sắp xếp các từ, vị trí, cơ cấu của từ đã làm bài thơ trở nên độc đáo, mới.
Bằng hai câu thơ lục bát không cần gọi tên, nhưng tôi đã hình dung được Phi trường Liên Khương Đà Lạt?
Một điều rất thú vị mà xin được gọi tên là hạnh phuc, hôm kia tình cờ lang thang trên mạng, tôi đã tìm đọc được toàn bài thơ này, mời các bạn:

Khúc Ly Ðình

http://i1167.photobucket.com/albums/q625/tuantkbbt/ThiuninhCng.jpg
(tranh của Đinh Cường, chôm trên mạng)

Tiễn chân anh tận phi trường
Lỗi đi. Lỗi ở.
Mười phương lỗi về.
Mù sương phi cảng não nề
Thôi anh ở lại buồn về em mang
Tiễn anh một chén rượu tàn
Một bàn tay nắm
Một hàng lệ mau
Cuộc cờ thế sự binh đao
Phút giây tái ngộ ngàn sau biết còn!
Môi em trong cảnh hao mòn
Một anh đất khách nhớ tròn tháng năm
Trời Tây rẽ bước âm thầm
Ngàn năm mỏi cánh chim bằng tha hương.

(còn tiếp)

ndangson
03-28-2012, 09:29 PM
---




Bài sưu tầm quá hay.
Xin phép anh Tuấn Nguyễn cho tôi được sao lại cho chủ đ ề viết mang tên :" Tại Sao Chúng Mình Làm Thơ " của tô i .



Trân trọng cám ơn anh.

đăng sơn.fr

Tuấn Nguyễn
03-31-2012, 06:13 AM
Ta lưu ý Cao Thị Vạn Giã không quan tâm cấu trúc bài thơ theo thể thơ lục bát. Sự ngắt ở câu 8 bằng phân đoạn 2 câu 4, sang hàng đã làm cho giai điệu lục bát trở nên mới, xây dựng hình ảnh, ý tưởng sống động.
Thơ tình của các bạn trẻ trước 1975 có đặc điểm là cách xử dụng các con chữ, sự tạo hình ảnh độc đáo đến lạ thường. Bài thơ lạ, hình ảnh mới mà lại không cải lương, không sáo mòn và không “sến”.
Ta hãy đọc bài thơ “Niềm tuyệt vọng huy hoàng” của Hồ Ngọc Tuyết Trang đăng trong “Tập san Văn” số 24:

http://i1167.photobucket.com/albums/q625/tuantkbbt/matrnl.jpg

1.
Thôi còn chi mà buổi chiều lên đồi ngồi hát
xin cho em niềm tuyệt vọng huy hoàng
bây giờ đôi cánh đêm đã mọc
và biển đã mênh mông
tôi nghe tiếng nói từ những vì sao khuya thật lạnh

2.
đêm nói với em những tử thi của ngày
có bao giờ có bao giờ hồi sinh
ôi giấc ngủ mặt trời!
tôi buồn khóc

3.
ngày mai khi linh hồn mình vật vờ bằng biển cả trên một hoang đảo
cho mỗi lần đàn chim xoè cánh hồng
trên những đọt cây cao mùa xuân chết lá
hỡi thanh xuân sao mãi buồn thảm
có phải không đêm đã quá mênh mông?
và ngày không là sa mạc nóng bỏng
để dấu chân chim khơi buồn trên cát
có phải không mặt trời đã quá cao và chói sáng?
vẫn không làm thức giấc những tử thi nằm chết
thôi trở về mà van nài làm kiếp hướng dương
buổi sáng mặt trời ở phương đông
những cánh hoa không nở

4.
mùa thu có hoa trắng trổ chân thành

5.
còn gì không mà buổi chiều lên đồi ngồi khóc
xin cho em niềm tuyệt vọng đó huy hoàng.

Tuấn Nguyễn
03-31-2012, 07:49 PM
Chỉ cần vài hình ảnh, nhưng nhờ cấu trúc, bài thơ lại mang một ý nghĩa rất hiện sinh, triết lý như Chinh Yên đã làm rõ thân phận con người, biểu tỏ một thái độ sống:

THÂN PHẬN

http://i1167.photobucket.com/albums/q625/tuantkbbt/thiunotmDuyTun.jpg

Một người ngồi một mình
Một mình cũng buồn quá
Hắn đánh cờ một mình
Một mình cũng buồn quá
Hắn bỏ đi một mình.

THÁI ĐỘ
Cuộc đời như điếu thuốc
Không hút cũng cháy vèo
Cuộc đời như điếu thuốc
Không hút cũng không sao.

Có những bài thơ tôi đọc một lần, cho dù thời gian qua đi, kí ức vẫn còn ghi lại.
Như bài thơ dưới đây của Dương Kiền, rất thú vị. Bài này tôi quên mất tiêu đề:

http://i1167.photobucket.com/albums/q625/tuantkbbt/Hoavngmy.jpg
(phụ bản được "chôm" từ trên mạng)

Tôi yêu tất cả nên chẳng yêu ai
Hởi những cô áo đỏ, áo vàng, áo xanh ơi
Đi ngang xin đừng khăn che mặt
Chẳng kịp nhìn nhau phút vội vàng.
Rồi mai tôi chết chẳng ai đưa
Lạy Trời hôm ấy đúng ngày mưa
Ngày mưa làm ấm hai người lạnh
Đêm ấy tân hôn ở dưới mồ…,

Hình ảnh nóng sốt của thời sự được thi sĩ vận dụng đưa vào thơ. Trần Dạ Từ chứng kiến cảnh lựu đạn cay nổ tung dẹp biểu tình, ông viết:

“…Nhưng thôi, chỉ tặng em trái lựu đạn cay
Hạch nước mắt của thời đại mới
Thứ nước mắt không buồn, không vui.

Cũng “quá khứ”, cũng “lá vàng rơi”, cũng “chuyện tình”, cũng “ly cà phê”, cũng “lạnh buốt” nhưng nhà thơ Vương Tân đã biến thời gian thành nơi chốn, cụ thể, gợi hình ảnh, sinh động:

Anh ngồi trong quá khứ
Những chiếc lá vàng bay
Câu chuyện tình lạnh buốt
Ly cà phê nhạt buồn.
Bản nhạc quay trở lại
Tiếng hát nghe dửng dung
Anh đá mãi bàn tilt
Không một ván thả cửa
Phát này bắn cho em
Phát này bắn tương lai
..............................
Bọn Nga chật đường phố
Anh khoác áo lên đường.
Động từ “ngồi” rất tuyệt, kéo theo một không gian, nơi chốn (trong quá khứ). Ở đó có lá vàng bay lồng cho một câu chuyện tình lạnh buốt, làm ta cảm thấy buồn man mác.

Tuấn Nguyễn
04-02-2012, 08:53 PM
GS NGuyễn Văn Trung trong cuốn “Lược khảo văn học tập 2” do Trung tâm học liệu Bộ Văn hóa GD xuất bản năm 1968 đã nhận xét yếu tố cấu tạo căn bản trong thơ tự do là HÌNH ẢNH, chứ không phải là ngôn ngữ.
Ta thấy chính hình ảnh trong bài thơ làm ta phải suy nghĩ. Trong bài thơ của Chinh Yên, ngôn ngữ rất thường, không có gì mới, nhưng hình ảnh?
"Một người ngồi một mình
Một mình cũng buồn quá
Hắn đánh cờ một mình
Một mình cũng buồn quá
Hắn bỏ đi một mình.”
Hình ảnh “một mình” lặp đi lặp lại làm ta tự hỏi, thì ra thân phận con người phải chăng là cô đơn?
Cũng vậy, trong bài “Thái độ”, hình ảnh điếu thuốc với hai hành động: hút và không hút. Hành động nào cũng được. Điều này làm ta phải động nảo.
Đọc thơ tự do ngày ấy, ta thấy những hình ảnh so sánh, những màu sắc rất lạ lùng và nhiều khi không ăn ý với nhau theo một thứ tự. Đang nói đến hình ảnh này, nhảy sang một hình ảnh khác. Nhưng theo Nguyên Sa đó chính là đặc điểm của thơ hôm nay (ám chỉ thơ tự do).
Ví dụ bài
LÀM THẾ NÀO ĐƯỢC
Làm thế nào được chúng tôi giữa đường Catinat và khám đường
Làm thế nào được gió lạnh về đêm
Làm thế nào được tối lửa tắt đèn
Làm thế nào được ngã ba lính gác
Làm thế nào được mắt nhìn ngơ ngác
Làm thế nào được đôi tay lạnh lẽo
Làm thế nào được đi ở nhà thuê
Làm thế nào được nhà không có cửa
Làm thế nào được đôi chân bị trói
Làm thế nào được chúng tôi yêu nhau
(Nguyên Sa)

Mỗi câu bày tỏ một hình ảnh riêng, không ăn khớp với hình ảnh câu dưới. Nhưng sự nhất trí các hình ảnh trong câu ở tại một ý tưởng hay một thái độ mà nhà thơ muốn bày tỏ:
Vứt mẩu thuốc lá cuối cùng xuống dòng sông
Mà lòng mình phơi trên hè đá
Chiều không xanh, không tím, không hồng
Những ống khói tàn mệt lã
(Thanh Tâm Tuyền)

Một điểm cốt yếu nữa trong thơ tự do là THƠ LÀ Ý THỨC. Nhà thơ không đi tìm thiên nhiên để “ru với gió, vơ vẩn cùng mây” như khách si tình với cây đàn muôn điệu. Ở đây, nhà thơ bỏ cả thiên nhiên, bỏ cả ái tình lãng mạn để trở về với thực tại trước mặt.
Thanh Tâm Tuyền quả quyết: Trong thơ hôm nay, hoặc là thiên nhiên, không được nhắc đến, nhường chỗ cho những vỉa hè, cột đèn, gạch ngói, khối sắt, khối thép, da thịt tay chân, mặt mũi, hoặc là hiện ra thản nhiên lạnh lùng khó chịu, nếu không muốn nhập vào ý thức.
Nói như vậy không có nghĩa là thơ tự do không còn nói đến ái tình với một thái độ đi tìm tình ái để ca tụng, tôn sùng nó như nguồn gốc của hạnh phúc hay đau khổ, trái lại thơ tự do coi ái tình cũng chỉ là một trong những con đường khám phá ý thức, thức tỉnh trước cuộc đời.
Thanh Tâm Tuyền nói: ”Tình ái cũng bị dùng làm phương tiện khám phá đời sống, khai quật ý thức”.

Tuấn Nguyễn
04-05-2012, 08:09 AM
Với thơ tự do , chính hình ảnh đập vào ý thức. Người đọc như phản tỉnh. Y buộc phải suy nghĩ, đặt vấn đề.
Thập niên 60 phong trào thơ tự do nở rộ, nhóm Sáng Tạo với những người đi tiên phong mà đại biểu tiêu biểu nhất, thủ lãnh phong trào là nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, nổi bật nhất là tập thơ “Liên đêm mặt trời tìm thấy”. Có thể kể một số thi sĩ tài hoa, nổi tiếng thời bấy giờ như Duy Thanh, Thạch Chương, Mai Thảo, Quách Thoại, Vương Tân, Dương Kiền, Tạ Tỵ, …
Tuy nhiên có lẽ nổi đình đám nhất, đi vào giớ trẻ nhiều nhất phải kể đến nhà thơ Nguyên Sa.
Thơ Nguyên Sa được giới trẻ yêu chuộng, ngưỡng mộ vì thơ ông bàng bạc tình yêu, tình yêu rất mới với những suy tư, thao thức, dằn vặt của tuổi trẻ. Các bạn không thể nào quên được các bài: Áo lụa Hà Đông, Tuổi 13, Tháng 6 trời mưa, …
Thơ nguyên Sa nổi tiếng và càng nổi tiếng nhiều khi nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc một số bài của ông. Có lẽ hầu hết giới trẻ trước 75 không ai là không biết bài “áo lụa hà Đông”.
Tuy nhiên, theo tôi một bài thơ khác của ông rất được sinh viên, học sinh thời đó mến mộ vì nó rất mới trong tình yêu, nó đậm đặc quan hệ tính giữa “anh” và “em”, trong đó Nguyên Sa nhấn mạnh cần thiết sự hiện hữu của tha nhân trong cuộc đời.

CẦN THIẾT

http://i1167.photobucket.com/albums/q625/tuantkbbt/TVtantrngtranh.jpg

Không có anh lấy ai đưa em đi học về?

Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học?

Ai lau mắt cho em ngồi khóc?

Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa?

Những lúc em cười trong đêm khuya,

Lấy ai nhìn đường răng em trắng?

Đôi mắt sáng là hành tinh lóng lánh

Lúc sương mù ai thở để sương tan

Ai cầm tay cho đỏ má hồng em

Ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc…

Không có anh nhỡ một mai em khóc

Ánh thu buồn trong mắt sẽ hao đi

Tóc sẽ dài thêm mái tóc buồn thơ

Không có anh lấy ai ve vuốt?

Không có anh lấy ai cười trong mắt

Ai ngồi nghe em nói chuyện thu phong

Ai cầm tay mà dắt mùa xuân

Nghe đường máu run run cành lộc biếc?

Không có anh nhỡ một mai em chết

Thượng đế hỏi sao tóc em buồn

Sao tay gầy sao đôi mắt héo hon

Anh sẽ phải cúi đầu đi vào địa ngục.

Tuấn Nguyễn
04-06-2012, 07:52 AM
---




Bài sưu tầm quá hay.
Xin phép anh Tuấn Nguyễn cho tôi được sao lại cho chủ đ ề viết mang tên :" Tại Sao Chúng Mình Làm Thơ " của tô i .



Trân trọng cám ơn anh.

đăng sơn.fr
Anh Sơn,
Anh cứ tự nhiên! hôm trước tôi có nhắn tin riêng cho anh, không biết anh nhận được chưa? Nội dung cũng vậy thôi.
Chúc anh vui khỏe!

Tuấn Nguyễn
04-11-2012, 07:57 PM
Đọc một bài thơ nhiều lúc ta thấy hay nhưng nếu có người hỏi hay ở chỗ nào, ta sẽ lúng túng. Như thế với thơ ta cảm nhận bằng trái tim, không bằng lý trí, có nghĩa bài thơ được thi sĩ viết ra, người đọc thơ có thể tìm thấy một cái gì đó mà mình tâm đắc, không cần giải thích. Bởi vì giải thích một bài thơ là giết chết nó.
Nguyễn Mạnh Trinh đã nhắc lại một trang viết của PCT trong “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”, đoạn nói về thơ, theo Phạm Công Thiện, đến với thơ, không phải là phê bình xếp loại mà phải là ca tụng khen ngợi thơ. Ông khẳng định ”Nói đến Thơ không khác gì nói đến Thượng Đế. Phê bình Thơ là làm việc phạm thánh là blasphème.
Những thi sĩ không phải là loài người họ là những Thiên Thần, những thánh hoặc những quỉ ma. Nếu ta không chấp nhận họ được thì ta phải im lặng; còn nếu chấp nhận họ thì ta phải ca tụng cho hết lời. Ta không được quyền có thái độ của học giả hoặc giáo sư hoặc nhà phê bình. Phải giết hết những nhà phê bình để cho Keats sống, để cho Chatterton đừng chết lúc mới 18 tuổi xanh.
Anh không thể cảm thơ của người ta thì anh hãy im lặng; còn nếu cảm được thì anh hãy thiết tha ca ngợi, đừng e dè giữ gìn gì cả. Không nên có những nhà phê bình thơ mà chỉ nên có những kẻ ca tụng thơ. Thơ là của riêng từng người; không có ai làm thầy ai cả. Phê bình văn nghệ ư? Buồn lắm…”
Nhắc đến Phạm Công Thiện, tôi nhớ đến bài thơ “Ngày sinh của rắn” của ông. Bài thơ là sự đột phá trong ngôn ngữ và hình ảnh, là di ngôn của Thánh Thần hay của ác quỷ? Là khát vọng của tình yêu hay của bản năng đê hèn?
Xin được trích dẫn một số đoạn:

NGÀY SINH CỦA RẮN


http://i1167.photobucket.com/albums/q625/tuantkbbt/Hoadinvnhti.jpg

...
VI
tôi chấp chới
đắng giọng
giữa tháng ngày mơ mộng
nốt ruồi của hương
hay nốt ruồi của rigvéda
tôi mửa máu đen
trên nửa đêm paris
tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng
tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người
cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ
mặt trời có thai!
mặt trời có thai!
sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt


VII
tôi nuốt nọc đen giữa đường guillaume apollinaire
từ xóm saint-germain-des-prés
mọc lên giáo đường hang động
cà phê biến hồn đầu thai
hoá thành một triệu con ma đen
nhảy múa trên núi lửa đầu tôi
tôi mặc đồ xanh
và mang đồng hồ da đen
tôi chứa chấp sáu ngọn lửa điên
trong sáu diêm quẹt còn rớt lại
tôi gọi hương và tôi chết giấc
tôi chạy lên trời làm rắn thâu đêm
máu đổ mưa đen
ồ cây mồng tơi
của thời trẻ dại
tôi gọi thầm
rắn cuộn tròn
tương lai


VIII
mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông


IX
rắn trườn vỡ trứng chim rừng
tôi nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm
khuya buồn tủi nhục môi em
mưa bay nhỏ nhẹ qua thềm bơ vơ
tiếng ru chín đỏ điện thờ
hoang vu tôi đứng đợi chờ chim kêu
tay còn ôm giữ tình yêu
tôi về phố động những chiều hư vô
đời đi trên những nấm mồ
đau tim em hát cơ hồ khăn tang
phố chiều tôi bước lang thang
nuôi con sông nhỏ mơ màng biển xanh
nửa đêm khói đốt đời anh
yêu em câm lặng khô cành thu đông
lời ca ru cạn dòng sông
trọn đời chạy trốn mống vồng cầu điên
bỏ mình nước chảy đồi tiên
theo con chim dại lạc miền thiên hương
về đâu thương những con đường
lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa
...

Tuấn Nguyễn
04-29-2012, 10:02 PM
Hình ảnh trong thơ Phạm Công Thiện rời rạc, táo bạo, không ăn khớp với nhau. Đọc thơ ông ta không hiểu và nếu giả dụ, ta thân tình hỏi ông, có thể ông sẽ lúng túng không trả lời được. Nhưng như ông đã nói, đọc một bài thơ, ta chỉ cảm, không cần phải hiểu,. thơ là thông điệp của Thượng Đế, anh chỉ có bổn phận ca ngợi, không có quyền Phê bình, …
Thập niên 60, Phạm Công Thiện trở thành một hiện tượng. Tiếng tăm ông vang dội và trở thành một mode cho thế hệ trẻ. Trong các quán Cà phê, phòng trà đầy thuốc lá, người ta bàn về hiện tượng Phạm Công Thiện: Phạm Công Thiện là dịch giả, nhà văn, nhà thơ, triết gia. Thật ra PCT chỉ nhận mình là nhà thơ.

A. Chúng ta thử nhìn tổng quát chân dung ông qua sự nghiệp:
Giáo Sư Phạm Công Thiện, Pháp danh Nguyên Tánh,
Sinh ngày 01 tháng 6 năm Tân Tỵ, 1941, tại Mỹ Tho, Việt Nam,
- Tiến Sĩ Triết Học tại Đại Học Sorbonne, Pháp,
- Nguyên Giáo Sư Triết Học tại Đại Học Toulouse, Pháp,
- Nguyên Khoa Trưởng Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn tại Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn;
- Giám Đốc Soạn Thảo Chương Trình Giảng Dạy cho tất cả các Phân Khoa của Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1966 tới năm 1970,
- Nguyên Chủ Biên Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn,
- Nguyên Giáo Sư Phật Học tại các Học Viện, Cao Đẳng Phật Học tại Hoa Kỳ,
- Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ, Văn Phòng 2 Viện Hóa Đạo.
Ngày 8/3/2011 (mùng 04 tháng Hai năm Tân Mão), ông qua đời tại thành phố Houston. 



B. NHỮNG ĐIỂM NỔI BẬT:
- Năm 15 tuổi: Ông đã cộng tác với tạp chỉ Bách Khoa.
- Năm 16 tuổi: Ông đã thông thạo 5 thứ tiếng, Anh, Pháp, Nhật, Hoa,Tây Ban Nha, và cả tiếng Sancrit và La tinh
- Năm 18 tuổi, ông đã là giảng viên môn Triết học của Viện Đại học Vạn Hạnh.
- Năm 19 tuổi ông hoàn tất cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”
- Năm 23 tuổi, ông cho ra đời cuốn Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma,
Ông rời Việt Nam từ năm 1970, chuyển sang sống ở Israel, Đức, rồi sống lâu dài tại Pháp.
Năm 1983, ông sang Hoa Kỳ, định cư ở Los Angeles, Houston và tiếp tục viết sách - phần lớn là nghiên cứu về đạo Phật.

C. PHỦ ĐỊNH TÍNH TRONG THÁI ĐỘ CỦA PCT
Đã một thời kì, đọc bài viết của PCT, người ta ngạc nhiên đến sững sờ vì thái độ bất nhất của ông. Đang ca tụng Nguyễn Du không hết lời, sang một bài khác, ông mạt sát Nguyễn Du đến thậm tệ. Theo GS Nguyễn Văn Trung thì có một dạo PCT trong một bài viết, đã ca ngợi GS Trung lên tận mây xanh, nhưng rồi trong một cuốn sách của ông xuất bản, ông lại chưởi GS Trung thậm tệ. Có người đến hỏi GS Trung, ông trả lời, thì bạn xem, Phật, Chúa, ông Thiện còn chửi rủa thì tôi là cái thá gì mà ông chừa!
Trong tác phẩm “Hố thắm và tư tưởng” Phạm Công Thiện phủ nhận tất cả các triết gia trước đó, từ Héraclite, Parmenide và Empédocle đến Socrate. Khinh bỉ Goethe, Dante.
Còn J.P. Sartre và S. de Beauvoir thì:
“Nếu họ muốn xin gặp tao, tao sẽ không cho gặp mà còn chửi vào mặt họ”... “Về dạy học, thời gian tao học ở Hoa kỳ, tao đã bỏ học vì tao thấy những trường Đại học mà tao học như Yale, Columbia chỉ toàn là những nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn, ngay đến giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời, tao có thể dạy họ hơn là họ dạy tao... Bây giờ nếu có Phật Thích Ca hay Chúa Giê-su hiện ra đứng giảng trước mặt tao, tao cũng không nghe theo nữa...”.
Cũng trong cuốn này, ông cho rằng tất cả sách vở đọc xong rồi có thể đốt hết, chỉ duy nhất sách của ông Henry Miller (một nhà văn Mỹ sinh năm 1891 mất 1980) là để lại thôi.
Như vậy thái độ của PCT phải chăng là “Phùng Phật, sát Phật”, nghĩa là theo Phật là phải vượt qua Phật. Phải luôn luôn biến chuyển và quyết rằng mình phải vượt qua người khác.