PDA

View Full Version : Các bài liên quan ca nhạc và nghệ thuật



Lotus
05-04-2012, 04:48 AM
Miền Nam Việt Nam có được một thời kỳ thái bình thạnh trị, nghệ thuật cải lương đem nguồn sống tươi vui tới tận những miền quê hẻo lánh.

Hát bội ở đình làng, một hình thức thưởng thức nghệ thuật ở nông thôn Việt Nam

Những năm cuối thập niên 1950 sau ngày chiến tranh Việt – Pháp chấm dứt, đất nước thái bình, thiên hạ đi lại dễ dàng do bởi trên các quốc lộ từ Nam ra Trung xe cộ chạy suốt ngày đêm. Đây là thời kỳ mà các nhóm đờn ca tài tử mọc lên như nấm, nghệ thuật cải lương nở rộ, đem lại sinh khí tươi vui cho vùng nông thôn.

Lúc bấy giờ người ta thấy ở miền thôn quê có những gánh hát nhỏ dọn đến tận nơi phục vụ bà con, và ở đâu có gánh hát dọn tới thì ở đó vui như ngày hội từ chiều tối cho đến nửa đêm. Những gánh hát đi xuống tận xã ấp nầy tuy nhỏ nhưng cũng có phông màn, tranh cảnh, trang phục. Đào kép thì đầy đủ để đảm nhận các vai trò, cộng với giàn đờn và công nhân tính chung trên dưới 20 người. Địa điểm trình diễn thường là các đình làng, các nhà lồng chợ, và mỗi xuất hát có bán vé.

Những gánh hát nhỏ này thường thì dọn đến đâu là ở cả tháng hoặc hơn, có khi mỗi tuần chỉ hát 1, 2 ngày. Những ngày không hát thì đào kép tự mưu sinh với bất cứ nghề gì mà ở địa phương đó thuê mướn, kể cả gặt lúa, cày ruộng v.v..., và cũng có thể đi bắt cua bắt cá để sống.

Ngoài những gánh hát nhỏ có bán vé kể trên, lại còn có rất nhiều gánh hát nhỏ hơn, chẳng có phông màn trang phục gì hết, thông thường chỉ có khoảng từ 5 đến 7 người, mà thiên hạ gọi là gánh hát dạo bán thuốc, bởi hình thức cùng hoạt động nghệ thuật chẳng khác gì mấy gánh hát Sơn Đông mãi võ của người Tàu.

Khi dọn đến một xã ấp nào thì các gánh hát này thường hay chọn bãi đất trống nào đó, có thể là trước sân chợ, sân banh v.v..., và hát miễn phí chớ không có bán vé. Họ chỉ mong bà con thương tình mua giúp cho một vài chai thuốc, vài gói cao đơn hoàn tán.

Buổi chiều trước khi trời tối, việc trước tiên là đánh trống quy tụ bà con, và khi 2 chiếc đèn măng-xông được cháy sáng thì bắt đầu rao bán thuốc bằng cách ca các bài bản cổ nhạc. Lúc này thì ban đờn làm việc liên tục, đờn cho các nghệ sĩ vừa ca vừa cầm thuốc giới thiệu, lời ca cũng được sáng tác nói lên sự công hiệu của loại thuốc nào đó. Tóm lại đối với gánh hát này dù khán giả có mua thuốc hay không, cũng được nghe ca, nghe đờn, và xem trình diễn cải lương.

Thông thường thì diễn viên gồm 4 người: kép mùi, kép độc, một cô đào và một anh hề (có gánh 2 hề) là đủ cho buổi diễn. Nghệ sĩ của những gánh hát bán thuốc này là mấy người biết ca cổ nhạc, sau thời gian đi ca tài tử thì bầu gánh mời đi theo. Hoặc cũng có thể là đào kép của các gánh bầu tèo bị rã gánh, thất nghiệp nên tạm gia nhập các gánh bán thuốc để có cơm ăn thôi, khá hơn một chút là có tiền cà phê, chớ còn lương đêm thì hầu như chẳng có.

Về tuồng tích thì thường là sao chép lại của các gánh, rồi bỏ bớt đi để cho vừa với thời lượng 45 phút, hoặc nhiều hơn cũng một giờ đồng hồ là vãn hát. Bà con miền quê rất thích xem các gánh hát bán thuốc cao đơn hoàn tán này, bởi họ đi đến tận nơi nơi để hát mà lại coi không mất tiền. Do đó mà đêm nào khán giả cũng đông đảo bao quanh địa điểm bán thuốc cũng là sân khấu luôn.

Về phía gánh hát thì đêm nào bán được nhiều thuốc thì hầu hết đều vui vẻ, hăng say hát. Còn như đêm nào bán ế, thuốc còn chất đầy thì kể như đêm đó cả đoàn đều xuống tinh thần phải miễn cưỡng mà hát vậy.

Dù sao thì các gánh hát bán thuốc này cũng tạo nguồn vui cho bà con nông thôn được một thời gian vài năm. Cho đến năm 1961 thì hầu hết các gánh tự nhiên biến mất. Lý do chiến tranh bắt đầu nổi lên ở nông thôn. Từ đó bà con vùng quê kể như không còn được coi cải lương, muốn coi hát phải ra quận, ra tỉnh. Tuy vậy ở vài nơi vùng nông thôn thỉnh thoảng cũng được coi hát cải lương...Gánh bầu tèo Huỳnh Long vừa mới đến là được tiếp đón một cách niềm nở với trọn vẹn cảm tình, khán giả ủng hộ nồng nhiệt nhưng phải hát ban ngày, bởi tình trạng không còn như những năm thái bình, tối đến là không ai ra khỏi nhà.

Đoàn hát gồm gần hai mươi người, tất cả chỉ cần chở ba xe lôi là hết... Có vài tấm đề co, một hai tấm màn đã phai màu, có nhiều chỗ đã dậm vá. Đào kép mỗi người mỗi va li nhỏ, hoặc túi xách tay. Vợ chồng ông bầu kiêm luôn cặp đào kép chánh. Một cô đào phụ kiêm luôn vũ nữ; anh kép độc kiêm luôn thầy đờn... Nói đúng hơn hết cái hình ảnh của đoàn Huỳnh Long nầy là mỗi người kiêm nhiều chức, kép hát, thầy đờn, thợ đèn, quảng cáo viên v.v...

Vừa đến, đoàn đã thu hút được một số khán giả con nít rất đông... và chẳng bao lâu, đoàn hát Huỳnh Long được khắp chợ xã, xóm đều hay biết.
Sự bỡ ngỡ của bầu gánh không lâu, bởi ngay khi ấy, có vài người lớn tuổi sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ những việc cần thiết.

Sân khấu được lập trên một khoảnh đất rộng, không có tường vách, chỉ có một ít lá buông làm khung để dựng rạp. Đào hát, kép hát quét dọn sân khấu đất cho sạch sẽ. Nhờ những tàn cây to nên khi nắng lớn không gây sự khó chịu nhiều. Chu vi rạp được che bằng lá buông đủ chứa vài trăm người, không có ghế, khán giả đứng. Hình ảnh rõ ràng nhứt để người ta so sánh khi đoàn diễn có khán giả.

Buổi hát đầu tiên với tuồng “Hiền Thần Cứu Giá” (tức Tiết Nhơn Quí chinh đông) khán giả hoan nghinh nhiệt liệt. Và nhờ thế mà thu hút khán giả mãnh liệt. Giá vé có ba hạng, hai hạng cho người lớn và hạng thứ ba dành cho trẻ em.

Khán giả cũng bày tỏ nhận xét, tức giận kép đóng vai Cáp Tô Văn, thương cảm Tiết Nhơn Quí, bởi cái tình cảm đó mà người ta ghi nhận một chuyện hết sức buồn cười. Đó là sau khi vãn hát, mấy chú trẻ em làm quen và dễ làm quen sớm nhất với Đường Thế Dân, Tiết Nhơn Quí. Những kép đóng vai trung thần thường bị hoạn nạn được các em “thông cảm” dẫn đi chơi... Trái lại những vai ác, dữ như Cáp Tô Văn, Bàng Hồng, Quách Hòe thì nhóm trẻ nầy coi bộ không thích và không chịu làm quen.

Một tuần qua, đoàn Huỳnh Long tươi tỉnh hẳn nếp sống, bởi ngoài sự có tiền họ còn được sự tiếp tế của đồng bào nữa. Nhưng rồi dần dần khán giả bắt đầu thưa thớt, bởi đến mùa cá. Đó là căn bản của sự sống người dân ở đây, và khi có những ghe cá đầy ắp về đậu ở dưới bến thì gánh hát bắt đầu bán vé hát bằng cá.

Khán giả không thích trả bằng tiền nữa, có phương tiện nào thì họ trả bằng phương tiện ấy, và dĩ nhiên bầu gánh phải chấp nhận hơn là để hát mà không có khán giả. Do vé hát đổi cá nên bầu gánh cũng trả lương đào kép bằng cá, và một sự mới lạ lan nhanh vào nếp sống nghệ sĩ: khi vãn hát đào kép bắt đầu xẻ cá phơi khô.

Chỉ một tuần thôi, mỗi nghệ sĩ đã có vài mươi ký lô khô. Có vài chị giữ việc xếp đồ hội, gác cửa cũng bắt đầu có một “kế hoạch” mới trong đầu họ. Họ mua thêm cá, hễ họ mua thì đồng bào bán với giá đặc biệt rẻ hơn bán cho lái cá, rồi mấy bà nầy đã xông xáo làm khô có cả vài trăm ký lô.

Tuy không còn thu hút được khán giả nhiều nữa, nhưng đoàn vẫn sống phây phây. Bây giờ vé hát được bán bằng cá, bằng khô và luôn cả bằng gạo nữa...Một “chiến dịch” quảng cáo miệng được tung ra: “Chỉ còn hai đêm nữa, với hai tuồng đặc sắc: “Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ” và tuồng “Tên Trộm Thành Bá Đa”. Đoàn sẽ dời đi nơi khác...Tuy chiến dịch được quảng cáo hết mình khéo léo, nhưng cũng không thu hút được khán giả, bởi đời sống của dân ấp Mương Vũ đã gắn liền với sông, với nước, với cá... rồi. Họ dành thời giờ để lo cho cuộc sống, nên không còn thời giờ giải trí cải lương.


http://cailuongvietnam.com/uploads/news/2012_04/36.jpg

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/TraditionalMusic/the-poor-cailuong-groups-in-1950s-02062012111744.html/a-great-name-in-1940s
Cô Bảy Phùng Há, một đại danh lừng lẫy của nền cải lương từ thập niên 1940s



http://www.rfa.org/vietnamese/programs/TraditionalMusic/the-poor-cailuong-groups-in-1950s-02062012111744.html