PDA

View Full Version : ...



thangtram
10-02-2011, 11:18 PM
Mưa, từ bão ở đâu đó ngoài Trung, nghe nói là siêu bão. Mưa dai dẳng, hết to rồi nhỏ, hết nhỏ lại to. Cả một không gian ướt sũng những nước là nước. Hồn người có lẽ cũng ẩm ương theo trời đất.

Quạnh. Một mình ta.

thangtram
10-06-2011, 08:49 PM
Đi. Rồi thấy. Thấy đủ chuyện.

Thấy những người giàu mệnh danh "đại gia" lên cơn ngẫy hứng xòe tay ra chớp cả đất trời cho vào túi, chả thèm nhếch một chút môi. Bâng khuâng nhớ cái danh xưng lừng lẫy một thời "triệu phú".

Một người bán vé số dạo cầm 100 vé trị giá 10.000 đồng/vé đã sở hữu tài sản cả triệu bạc, gọi là triệu phú cũng không ngoa. Người bán vé số dạo ở Việt Nam có lẽ bảnh nhất thế giới.

Đọc ở đâu đó, 1% nhà giàu Mỹ sở hữu 35% tổng tài sản quốc gia. Ở VN con số tương ứng là bao nhiêu, chưa thấy ai khảo cứu hết.

thangtram
10-09-2011, 09:21 PM
Thiên hạ điên cả rồi...(Hà, dành cho một mình ta tỉnh chắc) :-s

Bụng dạ mình như một thứ hổ lốn, chính xác hơn là một cái lẩu thập cẩm vừa hết...cồn. Lạnh tanh, nguội ngắt, tanh tưởi (vì có cá...đuối, một thứ cá biển ngon miệng khi nóng, còn nguội thì...trời cứu !).

Lẳn ngoẳn lằn ngoằn những tạp niệm. Sáng, ngồi trong phòng vệ sinh, nhai "Tư tưởng Phật giáo trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung" của Thầy nào đó, cũng qua một...bữa. Chi tiết hơn thì là...gồm 4 quyển, Thiên Long Bát Bộ, Hiệp Khách Hành, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lộc Đỉnh Ký. Ngon dở tùy tâm.

Đọc hơn chục trang đầu đã thấy mùi dom dỏm. Lật tới lật lui xem lại, lộ ra vài chiêu thức tân kỳ, hết hồn. Hóa ra...cảm xúc ban đầu chưa chắc trúng. Xưa nay tự tin vụ này lắm mà. Sao vậy, em trai ? Em trai cằn, khằn, già đi rồi à ?

Dám lắm chứ.

Công lý là một cái cân chưa bao giờ chỉ ra số 0 tuyệt đối. Tiệm cận sát tới cỡ nào chắc là tùy...duyên, nhỉ ?

thangtram
10-11-2011, 07:21 PM
Có những điều tưởng chừng kinh khủng lắm, bỗng dưng thành...như không. Ai hóa giải giùm thế ? Không biết.

Mặt trời mọc rồi lặn, trăng khuyết lại tròn, nước ròng nước lớn...những thứ vốn đã thành quy luật của thiên nhiên. Con người, một thành phần không thể tách rời của cái thiên nhiên ấy, có đổi được những quy luật kia không ? Một số thiên tài hiếm hoi, đôi khi tưởng (lầm) rằng mình đã vượt lên, thoát ra...đã cố thuyết phục thiên hạ tin vào điều này. Và, thực tế không ít người cũng đã tin theo (mù quáng hay đầy lý tính). Nhưng, e rằng đã có những thời điểm, một số (cũng không ít) người nhận ra có lắm điều cấn cáy.

Tôi. Vẫn cứ đang lè tè ở cảnh giới thấp nhất của bất cứ một sự tu tập nào.

Vậy mà, đôi khi, sướng...rên mé đìu hiu.

thangtram
10-15-2011, 09:18 PM
"Sướng rên mé đìu hiu" đích thị là một thành ngữ của Duyên Anh Vũ Mộng Long, nhà văn quá cố đầy danh (tai) tiếng. (Câu này để xác nhận với vài bạn hữu chịu khó vào đọc ở đây, những lời...chắc chắn rối rắm và tối nghĩa)

Hôm nọ, đọc trên tờ báo nào đó ở Sài Gòn, quên mất tiêu là báo gì, có in mấy bức hình bìa báo Tuổi Ngọc với nét vẽ quen thuộc của họa sỹ LY (hình như cũng chính là nhà văn Đinh Tiến Luyện), cả một ký ức tràn về. Lại nhớ (đâm bang) qua báo Văn, sau này biến thành giai phẩm Văn vì bị kẹt chuyện giấy phép gì đó. Văn, và ông Trần Phong Giao với tôi là cả một trời kỷ niệm. Xin minh định một chút, chỉ với riêng tôi thôi, ai mà tưởng bở đi hỏi ông Giao là...chết tôi. Cả một thời hoa niên, mơ một lần có bài của mình (nằm) chễm chệ trên tờ báo lừng lẫy này mà...chưa một lần thỏa mộng. Như một nỗi ngậm ngùi chưa bao giờ biến mất. Mờ đi chút chút thì..có lẽ. Nhưng, vẫn cứ là một thứ ray rứt, dứt day hoài. Đôi khi, trong chiêm bao, vẫn nghe tiếng nó gặm nhấm mình như có một con chuột chui vào ngăn tủ ký ức mà...hành sự.

Đời người, cứ hẳn khi ta chăm chăm vào các nỗi nhớ trong ký ức, ắt hẳn đã bước vào cái tuổi mà nhà văn bác sĩ tên Ngọc (quên hai chữ đầu - họ và tên lót - già thiệt mà) gọi là "gió heo may đã về...Cứ đặt tay lên bàn phím, trước màn hình chữ nhật, là phải miên man miên man hằm bà lằn thứ hồi xửa hồi xưa...

Nhắc tới màn hình còm píu tơ, muốn nói thêm một chi tiết. Sao mà tôi không thể khoái cái loại tỷ lệ của loại màn hình mới, y như màn hình "đại vĩ tuyến" của chớp bóng xưa thay cho loại hình ảnh vuông vuông của phim 16 ly thời kỳ đầu cũng làm tôi "khíu chọ". Còm píu tơ sau này, cũng như TV, kéo dài thêm bề ngang, ăn hiếp bề cao thấy rõ. Hẳn là, các khoa học gia đã nhìn thấy sự lợi ích của màn hình loại này thích hợp với cặp mắt của nhân loại hơn loại cũ nên mới cải tiến nó. Cỡ tôi là không dám có ý kiến. Nhưng, cảm nhận cá nhân, nhiều người gọi là cảm tính thì...quả là không khoái chút nào.

Nhớ (lại nhớ) hồi xưa, lâu lâu chui vô rạp Lê Lợi, xem một phim cũ xì loại 16 ly với khung hình vuông vuông, thường là đen trắng hoặc màu mè ảm đạm là thấy vui vui vô cớ. Mặc dù nhiều phim...lãng xẹt. Còn nhớ một lần đọc trên báo Đới (báo Đời thiệt thọ chứ không phải báo đời nghĩa kia) thấy có ông tên tuổi nào dó viết giới thiệu cho một phim trinh thám của Pháp hay Ý gì quên rồi, rằng thì là có màn đụng độ giữa hai người khổng lồ làm chấn động màn ảnh. Tới hồi vô rạp để xem, trận chiến kinh hồn đó (giữa hai ông hơi to con một chút, chả thấm thía gì với các đô vật Mỹ thời nay) diễn ra đúng 20 giây theo đúng kiểu đánh lộn của...ngoài đời thực, nghĩa là không có cước, quyền, trảo...đẹp mắt kiểu Hong Kong hoặc Hollywood lúc sau. Cười cái khì, cười cái sự tưởng bở của mình khi cứ nôn nao chờ đợi...

Vậy mà vui !

Cũng tốt chứ. Nhớ lâm râm lai rai, đào sâu cái mỏ ký ức mà không vướng vào mớ cảm xúc bùi ngùi cũng là hay. Hóa ra, ta đâu đã gọi là già lắm. Già, thì đâu được vậy, phải không ?

thangtram
10-16-2011, 08:26 PM
Hồi còn trẻ, lơ thơ loáng thoáng chọn cái chết cho mình, "mê" nhất vẫn là một thứ bệnh nào đó cho "sang sang một chút", cỡ tim mạch là...OK.

Sau đó, lại nghĩ, bệnh chi cũng tốt, bất đắc kỳ tử cũng không sao, miễn đừng...đau quá.

Già rồi, nghĩ thêm một chút, gì thì gì, nhanh là dược, càng nhanh càng tốt. Đỡ phiền con cháu...

Nói chung, tới tuổi này rồi thì...sinh lão bệnh tử chỉ còn thiếu một (mà cái một này bảo đảm không chạy vào đâu được), kể ra cũng an tâm...

thangtram
10-18-2011, 08:46 PM
Khoảng trống, nhiều khi có ý nghĩa nhiều hơn khoảng...không trống.

Nỗi buồn, nhiều khi không buồn bằng...không buồn nổi.

Tôi, lắm lúc không vị kỷ bằng...ta.

Viết, như bữa nay, tù mù câu chữ hơn là...nói.

thangtram
10-21-2011, 09:08 PM
Không chắc lắm, nhưng có vẻ là trùng ngày, của hai cái chết. Một, bé Duyệt Duyệt, quốc tịch China, 2 tháng tuổi. Hai, Đại tá Gaddafi, nhà lãnh đạo độc tài thứ dữ của Lybia.

Hai cái chết tốn khá nhiều giấy mực trước đó. Bé Duyệt Duyệt thì chỉ trong vài ngày, còn ông Đại tá thì cả mấy tháng trời.

Rất nhiều người sẽ dễ dàng liên tưởng tới thuyết "quả báo nhỡn tiền" khi chứng kiến đoạn video clip ngắn ngủi quay cảnh ông Đại tá bị giằng kéo sau khi rời khỏi miệng cống. Nhất là nhớ lại những lời lẽ từ chính miệng ông này gọi những kẻ nổi dậy chống lại ông là "chuột". Đời mà, có vay có trả. 42 năm thét ra lửa, thách thức cả một hệ thống các quốc gia hùng cường nhất thế giới. Và, cũng dễ dàng nhận ra rằng, trị giá cái TRẢ của ông nhẹ hều, chưa thấm vào đâu với những cái mà ông đã VAY của thiên hạ.

Thế còn bé Duyệt Duyệt, cô bé 2 tháng tuổi đã từng VAY được những gì từ cái cõi nhân gian này ?

Nhớ mang máng ông Dos từng có lần cho nhân vật mình nói ý đại khái vầy, khi chứng kiến trẻ con,rất nhiều trẻ con bị bức hại với nhiều cách thức tàn bạo và vô cùng đau đớn, tôi nghi ngờ cái gọi là Thiên Chúa của các anh, OK cái mà các anh gọi là tội tổ tông đi, cũng OK luôn rằng thì là những linh hồn bé nhỏ ấy sẽ định cư mãi mãi ở NƯỚC THIÊN ĐƯỜNG, nhưng, có thể gọi là cần thiết những cảm giác đau đớn để dành cho những đứa trẻ sơ sinh kia ?

Ôi chao...những "câu hỏi muôn đời khôn giải đáp"................................

thangtram
10-31-2011, 08:07 PM
Tối qua về. Mưa bất ngờ như đổ thác. Hối hả trùm áo mưa. Vẫn ướt (thiếu điều như chuột).

Sáng nay đi cày. Bất ngờ kẹt xe một cách lãng nhách. Một chiếc xe hai bánh và một chiếc xe taxi bốn bánh quẹt nhau. Hai gã đàn ông hùng hùng hổ hổ (thiếu điều thượng cẳng tay hạ cẳng chân).

Cuộc sống ẩn chứa những bất ngờ cực vô duyên. Đến bất chợt, tưởng chừng chẳng dính dấp gì đến ta mà vô cùng ảnh hưởng. Tai họa chắc không khác mấy.

Chờ.

thangtram
02-16-2017, 06:29 PM
Một bài thơ của nhà thơ Tô Thùy Yên !

ANH HÙNG TẬN
Tô Thùy Yên

dựng súng trường , cởi nón sắt
đơn vị dừng quân trọn buổi chiều
trọn buổi chiều , ta nhậu nhẹt
mồi chẳng bao nhiêu rượu rất nhiều

đây ngã ba sông , làng sát nước
xuồng ba lá đậu kế chân bàn
trời mới tạnh mưa còn thấp ướt
lục bình , mây mỏi chuyến lang thang

mấy kẻ gặp nhau nào có hẹn
nên gặp nhau không giấu nỗi mừng
ta gạn dăm lời thơ tặng bạn
dẫu từ lâu bỏ việc văn chương

thiệt tình , tên bạn ta không nhớ
nhưng mà trông mặt thấy quen quen
hề chi , ta uống cho say đã
nào có ra gì một cái tên

tới đây toàn những tay hào sĩ
sống chết không làm thắt ruột gan
cũng không ai nhắc gì thân thế
có vợ con mà như độc thân

bạn hỏi thăm ta cho có lệ
cuộc đời binh nghiệp . ta cười bung :
còn mười tháng nữa lên trung uý
có thể ngày mai chửa biết chừng ..

mặt bạn , mặt ta còn trắng cả
như mặt trời chiều mới tạnh mưa
tiếng hò mời dzô dzô tở mở
muỗi thuỷ triều chừng cũng giạt ra

phía phía rừng tràm xanh mịt mịt
sông không bờ , trời cũng không chân
người thuở trước tìm vàng khẩn đất
tiêu xác thân , để lại oan hồn

ngày nay , ta bạn đến đây nữa
đất thì không khẩn , vàng không tìm
bạn nhủ ta : đừng hỏi khó
uống mất ngon vì chuyện loạn tâm

ta chắt cho nhau giọt rựơu sót
tưởng đời sót chút thiếu niên đây
giờ cất quân, đưa tay bắt
ước cõi âm còn gặp để say !

thangtram
02-16-2017, 06:50 PM
Bực bội kinh người ! Tin tức đọc xong tức như bò đá !

Một bà Hiệu trưởng cho xe taxi chạy thẳng vô văn phòng, băng ngang sân trường (Tiểu học) giữa giờ ra chơi, làm gãy chân một cậu học trò. Rõ ràng là, với ý thức của một người bình thường thì giải quyết không có chi khó lắm. Thế nhưng, bà Hiệu trưởng của đất ngàn-năm-dịch-vật không chịu giải quyết đơn giản kiểu người thường như vậy, bà phải hành xử kiểu khác !

Bà cho thuộc cấp phát phiếu làm một cuộc khảo sát để đạt được kết quả 100% cán bộ giáo chức và học sinh khẳng định rằng không có bất cứ chiếc xe nào chạy vào sân trường lúc đó, và thông báo với gia đình cậu học trò rằng, cậu chạy giỡn và tự té gãy chân. Má ơi, sau đó còn họp Giáo viên, bảo có thể sẽ kêu xã-hội-đen tới làm việc với gia đình nếu không biết điều mà cố tình làm lớn chuyện !

Bà mẹ nó ! Khi gia đình cậu học trò tới nhờ Công an Quận điều tra minh định sự việc thì được bỏ nhỏ gia đình này thế lực lớn lắm, không nên làm vậy. Sau, nhờ bạn bè thân hữu đốc thúc lôi sự việc ra ánh sáng, một vài nhà báo tung câu chuyện lên báo lề phải lẫn mạng lề trái, sự việc mới được sáng tỏ. Kế tquar là, bà Hiệu trưởng được Sở Giáo dục HN điều chuyển công tác sang chỗ khác. Thua !

Mô Phật, mô phạm là vậy đó !

Cái xã hội này nó thúi hoắc tới nghẹt thở luôn rồi !

Tại ai vậy trời ?

thangtram
02-21-2017, 06:00 PM
Một bài viết của một người quen mà tui...thích !

Sài Gòn nhớ nắng (Hồng Vân)

Sài Gòn nhớ nắng - VTPA


Tựa của bài viết này thế nào cũng làm cho ai đó thắc mắc. Sài Gòn sao lại phải nhớ nắng? Chỉ có thể là viết nhầm, còn nếu không thì do người viết điệu đà,ý nói “Nhớ nắng Sài Gòn” nhưng lại đảo ngược trật tự câu để tạo sự độc đáo đó thôi.


Chứ nếu không phải như vậy thì biết giải thích thế nào đây? Ai mà chẳng biết rằng nắng là là món quà mà thiên nhiên đã ban tặng hào phóng đến độ thừa mứa cho Sài Gòn, thành phố phương Nam ấm áp ấy. Nắng rõ ràng là một trong những đặc điểm nhận dạng của Sài Gòn, nên khi năm hết Tết đến, thời điểm mà trời Tây bước vào giai đoạn lạnh lẽo nhất trong năm, khi bầu trời xám xịt và tuyết trắng thê lương phủ dày khắp nơi, thì cũng là lúc mà những người Việt xa xứ nhớ Sài Gòn quay quắt.


Phải mở ngoặc ở đây để giải thích ý nghĩa của cụm từ người Việt xa xứ. Vì những “đặc thù” lịch sử của thân phận người Việt, xét một cách nào đó thì cũng chẳng khác số phận lưu đày của dân tộc Do Thái trước đây, nên người Việt đã nhiều lần bị buộc phải bỏ xứ ra đi, “mang theo quê hương trong tim” như một văn nhân nào đó đã từng viết. Nhưng trong lịch sử hiện đại của Việt Nam thì đợt bỏ xứ ra đi ồ ạt nhất, thê thảm nhất và kéo dài nhất là từ biến cố 1975, với tổng cộng cả triệu ra đi trong khoảng gần hai thập niên từ nửa cuối 1970 đến nửa đầu 1990. Nên cụm từ “người Việt xa xứ”ở đây là để chỉ những người mà nhà cầm quyền Việt Nam gọi là “Việt kiều”, khúc ruột ngàn dặm, cách gọi mà “đối tượng” bị gọi thì ghét cay ghét đắng vì nhiều lý do mà tôi cũng chưa bao giờ có thời gian tìm hiểu kỹ là tại sao.


Những người Việt xa xứ ấy, lúc này đang nhớ nắng Sài Gòn. Nhớ ơi là nhớ ôi niềm nhớ đến bất tận … cái thành phố đẹp xinh, nơi lúc nào trời cũng xanh, mây cũng trắng còn nắng thì vàng ươm như mật. Trời ơi, tìm ở đâu ra dưới gầm trời này cho được một nơi đẹp tuyệt vời như thế? Thậm chí chỉ cần đẹp bằng một nửa thôi, có khi cũng chẳng có ấy chứ. (!)

Thậm xưng chăng? Có lẽ. Ký ức mà, bao giờ cũng chọn lọc chỉ những nét đẹp nhất, rồi phóng đại lên nhiều lần, để thỏa nỗi nhớ nhung. Mà cũng phải thôi, biết bao nhiêu văn nhân, thi sĩ Việt Nam trong và ngoài nước đã bỏ tâm trí, tài năng và công sức để vẽ lên những bức tranh tuyệt vời về cái nắng của Sài Gòn. Có người Việt Nam nào mà chẳng biết câu Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát …, câu thơ đẹp như lụa của nhà thơ Sài Gòn gốc Hà Nội Nguyên Sa Trần Bích Lan?


Và có chàng trai nào lần đầu biết yêu mà không cảm thấy biết ơn nhạc sĩ Sài Gòn gốc Huế đã nói hộ lòng mình qua bài hát Nắng thủy tinh, với những ca từ đẹp như một bức họa - Màu nắng hay là màu mắt em … để rồi mỗi khi chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm …lại thấy chợt lòng buồn dâng mênh mang….


Vì nhớ.


Nhớ mắt em ngây tròn, lung linh nắng thủy tinh vàng, của những buổi hẹn hò dưới bầu trời Sài Gòn ngập nắng.


Nhưng những hình ảnh đẹp lung linh ấy chỉ có trong thi ca và trong ký ức của những người yêu Sài Gòn. Sự thật thì thành phố vốn từng là Hòn ngọc Viễn Đông ấy giờ đã đổi thay nhiều lắm. Từ những tên đường, những hàng cổ thụ, những kiến trúc cổ xưa, đến cái văn hóa công sở của một nền hành chính chuyên nghiệp, cách ăn mặc, nói năng, ứng xử và sự trật tự, ngăn nắp cùng gu thẩm mỹ của không gian công cộng - tất cả đã đột ngột hoặc dần dà bị xóa bỏ, bị mất dấu, để thay vào đó là sự nhốn nháo, phô trương lòe loẹt, quê kệch như những dàn đèn màu trang trí xanh đỏ tím vàng sặc sỡ mừng Xuân trên đường phố Sài Gòn năm nay.


Sài Gòn mà ngày nay người ta gọi nó bằng cái tên xa lạ, xấu xí là thành phố Hồ Chí Minh, giờ đây ngày càng có những nét giống như bất kỳ một thành phố nào trên đất nước này. Tết đến cũng tưng bừng cờ đỏ, cũng đầy các biểu ngữ “mừng Đảng. mừng Xuân”, cũng chen lấn, chửi nhau, xả rác ngang nhiên ngoài đường phố. Cũng phải thôi, đã gần nửa thế kỷ thống nhất rồi, những đứa trẻ được sinh ra sau năm 1975 giờ cũng đã ngoại tứ tuần, làm sao mà tránh khỏi việc lây nhiễm nền văn hóa mới từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, “thiên đường của các con tôi” mà Tố Hữu đã từng viết trong Bài thơ xuân sáu mốt vô cùng nổi tiếng – notorious – ấy. Nổi tiếng vì sự ca ngợi chế độ quá mức đến lố bịch của bài thơ nói trên.


Xin mở ngoặc để nói thêm rằng tôi vẫn nghĩ Tố Hữu đã viết những lời nói trên một cách thật lòng. Là một ông quan văn hóa to của cộng sản, được ăn lộc của chế độ, ai nghèo đói thiếu ăn chứ gia đình của ông ta thì làm sao mà thiếu thốn được?


Nhưng thôi, hãy để cho Tố Hữu và những bản tụng ca gớm ghiếc của ông ta ngủ yên trong dĩ vãng. Hãy quay về với chủ đề của bài viết này là nắng Sài Gòn. Thật may mắn, dù Việt Nam đã hơn 40 năm miệt mài xây dựng cho bằng được thiên đường cộng sản cho những ông quan cộng sản như Tố Hữu, vẫn có một thứ không ai có thể ép theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” cho giống với khuôn phép của Hà Nội. Dù cũng vẫn một kiểu cờ đỏ rừng rực, cũng trang hoàng lòe loẹt lòe lố lăng ta không ra ta xẩm không ra xẩm, thì trời Xuân ở Sài Gòn nói riêng, và miền Nam nói chung vẫn khác rõ rệt. Mặc kệ Hà Nội và khu vực miền Bắc co ro trong mưa phùn gió bấc, trong cái “rét đậm, rét hại” nơi khoảng cách giàu nghèo được thể hiện rõ ngay từ cách ăn mặc - người giàu thì áo dạ, giày da, khăn lụa, túi xách hàng hiệu nhập từ nước ngoài với những nhãn hiệu đắt tiền nhất thế giới, ấm áp bảnh bao; người nghèo thì lôi thôi lếch thếch áo trong dài hơn áo ngoài, áo quá rộng quần quá chật, khăn nón vớ giày chắp vá đủ kiểu miễn sao cho bớt lạnh.


Trong cái nắng ấm chan hòa của mùa Xuân Sài Gòn, mọi người đều bình đẳng. Giàu đến đâu cũng chỉ có thể mặc một áo sơ mi, ngắn tay lại càng mát, một cái quần, một đôi giày hoặc dép da có hoặc không có quai hậu mà dân Sài Gòn vẫn gọi là xăng-đan. Giàu thì mặc hàng hiệu sang trọng, nghèo thì mặc đồ chợ, rẻ tiền nhưng trông vẫn tươm tất như ai. Có phải chính cái khí hậu ấm áp này đã ít nhiều giúp duy trì sự hào hiệp, tinh thần bình đẳng và dân chủ của miền Nam, trong đó Sài Gòn là đại diện ưu tú nhất - nói theo cái phong cách đầy mỹ từ và uyển ngữ của nền báo chí “cách mạng” - đó hay không?


Tôi vẫn luôn tin như thế.


Nhưng nắng Sài Gòn không phải là ai cũng yêu, mà ngược lại, không ít người Sài Gòn ghét và sợ nắng. Cũng phải thôi, nắng sẽ đẹp khi được lọc qua hàng cây xanh thắm, khi rọi qua bầu khí trong trẻo không bị vẩn đục bởi khói bụi công nghiệp mịt mù. Nhưng ở Sài Gòn của ngày nay - à quên, thành phố Hồ Chí Minh chứ nhỉ? - thì những mảng xanh không còn nữa. Ai đó nhớ thương Sài Gòn thì cứ thử lái xe gắn máy chạy vòng vòng Sài Gòn vào khoảng 3 giờ chiều mà xem. Nắng gay gắt như đổ lửa, nắng rọi thẳng xuống đường nhựa rồi hắt cái nóng hầm hập lên mặt người đi đường. Nắng chang chang quanh năm nên những cô gái Sài Gòn luôn có nước da ngăm ngăm bánh mật; ai thích thì gọi là đen dòn duyên dáng mà ai không thích thì chê là đen nhẻm và xấu như ma lem. Trong một năm, Sài Gòn chỉ được ít ngày râm mát, không nắng cũng chẳng mưa, và mọi người đều cảm thấy vô cùng sảng khoái và thích thú, vì chạy xe ngoài đường mà không cần phải diện “thời trang Ninja” như mọi bữa.


Lâu lâu mới được dịp hiếm hoi khoe má hồng môi đỏ mắt xanh, eo nhỏ chân dài, có cô gái nào mà không thích?


Nhưng năm nay thì lại khác. Dịp Tết Đinh Dậu 2017 này, khi cả thế giới đang rối loạn vì những quyết định bất ngờ về chính sách đối nội đối ngoại của “Trump tổng thống”, thì ở Sài Gòn chẳng hiểu sao trời không có nắng. Cả gần hai tuần lễ từ lúc giáp Tết đến tận hôm nay là mùng 3 Tết, bầu trời vốn xanh ngăn ngắt của Sài Gòn cứ xam xám mịt mù như bầu trời Hà Nội lúc lập đông. À không, là tôi đang sử dụng ngoa ngữ, chứ thật ra là không giống lắm. Nếu có hơi giống thì cũng chỉ ở chỗ thiếu nắng thôi, chứ không hề có cái rét mướt của mùa Đông, mà chỉ mát theo tiêu chuẩn Sài Gòn, tức là đâu đó khoảng gần 30 độ. Nhưng giữa trưa ở Sài Gòn mà không vượt quá 30 độ thì đã là mát mẻ lắm rồi.


Không có nắng, các bà, các cô bán hàng ngoài chợ trong ngày Tết cũng đỡ khổ, nên có vẻ dịu dàng hơn, đỡ cau có gắt gỏng khi có khách mua hàng đòi xem hết món này đến món kia, hỏi giá đủ thứ mà không trả giá một tiếng nào, nhất là lúc sáng sớm khi chưa có người mở hàng. Những người từ nơi khác đến hưởng không khí Tết tại Sài Gòn lần đầu thì cảm thấy dễ chịu lắm. Tôi có một người bạn từ Hà Nội, lần đầu tiên vào Sài Gòn ăn Tết với cô con gái vừa lập gia đình, thích Sài Gòn ra mặt, khen tấm tắc rằng thời tiết Tết ở Sài Gòn đẹp quá, trời dịu mát, nắng nhẹ, đường phố thoáng đãng, không khí trong lành, chắc là từ năm sau năm nào cũng sẽ vào Sài Gòn ăn Tết.


Chị ấy có biết đâu rằng chỉ có năm nay đặc biệt thế thôi, chứ mọi năm, ba ngày Tết cũng là những ngày nóng bức nhất, đến độ món thịt đông mà những người di cư năm 1954 đã đem vào Sài Gòn từ miền Bắc, lúc đem từ tủ lạnh ra thì đông cứng nhìn ngon lành như thế, mà chỉ cần đến nửa bữa ăn đã bị nóng chảy ra thành những miếng thịt rời rạc nhao nhão, chỉ nhìn thôi đã no không ăn được nữa. Bởi vậy cho nên người Sài Gòn đâu có quan tâm gì đến món thịt đông, trong khi nhiều món ăn đặc thù hương vị Bắc khác đã di cư vào Sài Gòn cùng với những người Bắc 54 giờ đây đã trở thành một phần của văn hóa ẩm thực địa phương. Có thể kể ra những bánh cuốn, canh bún, bún riêu, và, tất nhiên rồi, một món ăn Bắc nhưng giờ đây đã có mặt khắp nơi ở đất Sài thành này, đó là món phở.


Giá mà thời tiết trong dịp Tết của Sài Gòn lúc nào cũng như năm nay thì có lẽ món thịt đông sẽ được đánh giá đúng và được chấp nhận để đưa vào trong danh sách những món ngon của ẩm thực Sài Gòn, vùng đất cởi mở nhất trên cả nước, một melting pot của Việt Nam rồi.


Trời Sài Gòn không có nắng kéo dài được đến mấy tuần như vậy, có ai tưởng tượng được không? Thật lạ lùng đẹp đẽ, và dễ chịu như vậy đó. Giá mà thời tiết cứ thế này nhỉ: Chẳng nắng đừng mưa/ Cứ râm râm mát cho vừa lòng ai ….


Nhưng ơ kìa, thời tiết tuyệt vời như vậy mà sao năm nay tôi lại thấy Sài Gòn có chút gì buồn buồn, rầu rầu như trong câu thơ Có gì vừa mất ở đâu đây … trong bài thơ Hồn người trinh nữ của Nguyễn Bính vậy?


Không phải tôi tưởng tượng đâu ạ; tôi có chứng cứ hẳn hoi. Cái tâm trạng buồn rầu ấy được bộc lộ rất rõ qua đám “hoa cỏ mùa xuân” trước mỗi sân nhà. Thời tiết của Sài Gòn năm nay thực sự thất thường, gần Tết lại còn có mấy trận mưa trái mùa, nên hoa mai năm nay hầu như hỏng hết, nhiều cây không ra hoa do thiếu nắng nên không thể bung nụ, cây nào may mắn có nụ - dù không rộ như mọi năm - thì nở tòe loe ngay từ trước tết, đến đúng mùng một Tết thì cây đã tanh bành rụng cánh hết cả. Xuân ở Sài Gòn mà không có những cành mai vàng rực đến nhức mắt thì sao có thể gọi là xuân? Mà không chỉ có mai, các loài hoa phổ biến khác như bông giấy, vạn thọ, mào gà, rồi cả hoa hồng tường vi, hoa cúc bách nhật vốn là những loài trồng quanh năm nhưng xuân về cũng chen đua sắc thắm - tất cả, năm nay đều như hụt hơi, thiếu sức, cũng gọi là hé nở đón xuân nhưng sao kém rực rỡ, cứ như những nụ cười gượng. Buồn buồn thế nào ấy!


Hay thật ra, đó là nỗi buồn trong lòng mỗi người? Buồn vì nhà máy thép Formosa, buồn vì sắp có thêm nhà máy thép Cà Ná, buồn vì biển nhiễm độc, vì đồng bằng sông Cửu Long nhiễm mặn, buồn vì kinh tế khó khăn, buôn bán ế ẩm, tiền thưởng Tết eo hẹp, buồn vì tin đồn đổi tiền, và buồn cả vì Trump vừa lên làm Tổng thống Mỹ với những chính sách thất thường chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến toàn thế giới, trong đó có Việt Nam? Và riêng tôi thì còn buồn vì con trai lấy vợ, con gái đi học ở Mỹ (và đang lo lắng về chính sách visa của Mỹ đối với sinh viên quốc tế), tổ ấm nho nhỏ của tôi giờ trở nên quá rộng và lạnh lẽo vì đã trở thành tổ rỗng, chỉ còn hai ông bà già về hưu lẩm cẩm, suốt ngày mất thời gian đi tìm đồ đạc vì không biết đã cất ở đâu.


Buồn tình, tôi chụp vài tấm hình quanh hoa lá quanh nhà. Định chụp xong sẽ đưa lên facebook nếu đẹp, nhưng nhìn thấy hoa lá rầu rầu, nước hình không sáng mà mờ mờ, đùng đục, tôi thốt lên: Năm nay em làm sao mà lạ quá, hình vẫn chụp buổi sáng như mọi năm mà sao nhìn thấy buồn buồn, chẳng rực rỡ gì cả?


Và ông xã tôi trả lời: Bà bị làm sao thế? Chụp hình lúc không có nắng thì phải mở flash lên, hình thiếu sáng chứ buồn cái gì? Buồn ở trong lòng bà vì nhớ con gái thì có!

Thiếu nắng, ờ ha! Vậy thì tôi biết lý do tại sao Tết năm nay cảnh vật rầu rầu như vậy rồi. Chẳng qua là vì nhớ thôi. Tôi thì nhớ con, rõ rồi.



Còn Sài Gòn thì đang nhớ nắng! Nắng ấy, bây giờ có lẽ đang ở Cali, không biết chừng!

Tác giả: Vũ Thị Phương Anh

thangtram
02-22-2017, 01:10 AM
Bài mới đăng Facebook, chưa hết ấm ức, quăng vô đây nhâm nhi chơi !

VÀI LỜI CHO NHỮNG AI ĐỒNG QUAN ĐIỂM VỚI TUI VỀ HIỆN TÌNH ĐẤT NƯỚC, THẰNG NÀO ĐỨA NÀO, BÀ NÀO, ÔNG NÀO KHÔNG CÙNG QUAN ĐIỂM THÌ...MỜI ĐI CHỖ KHÁC CHƠI.
QUAN ĐIỂM ĐÓ LÀ: CÁI NHÀ-NƯỚC-ĐẢNG NÀY LÀ THỦ PHẠM CHỦ CHỐT CỦA HIỆN TRẠNG XÃ HỘI BẦY HẦY, QUỐC GIA RỆU RÃ, DÂN TỘC NGHÈO HÈN...

Hiện tình quốc gia như một nùi giẻ rách, trừ một số người ngu ngơ, thậm chí có thể kêu bằng ngu dốt, mới không ngó thấy được điều đó.
Nhà-nước-đảng, được cầm đầu bởi một nhúm người quyền cao chức trọng, ăn tàn phá hại cả một quốc gia rộng lớn và đông đảo dân cư. Tương tự như trên, gần như ai cũng biết.

Một số ít lãnh đạo công khai ra mặt thể hiện ý chí sẵn sàng quy phục Trung quần què, một số khác hô hào ngoài miệng sẽ đặt lợi ích dân tộc lên cao nhứt nhưng hành động lúc nào cũng nơm nớp trước sức mạnh của Bắc Kinh, còn toàn bộ chức sắc khác, câm miệng hến ! Điều này, cũng dễ dàng để thấy, trừ khi...nhắm tịt mắt lại hoặc vùi đầu vào cát học theo con đà điểu...

Quân đội, công an thì chăm chăm theo lịnh, không dám có bất cứ tiếng nói nào để phản kháng lại những cái lịnh thất nhơn tâm, đàn áp người dân tay không tấc sắt. Lại rất giỏi trong việc kiếm tiền phi pháp lẫn hợp pháp. Ai cũng ngó thấy.

Ngồi kể tới sáng chắc cũng chưa hết những thứ đốn mạt bày ra trước mắt ! Tui là tui căm lắm, uất lắm, nhưng...không dám làm gì, chỉ biết nói thôi, nói ở những chỗ mà hệ thống thông tin tuyên truyền văn nô bồi bút không thể cấm đoán hoặc kiểm soát nổi.

Kể ra, như vậy cũng là một thứ thần dược trị được bịnh khùng. Nếu không, chắc là tui đã sớm nhập viện tâm thần Biên Hòa chẳng hạn, sẽ không kéo dài được mấy chục năm nay mà ham.

Nói thôi, mà có nói cái gì cao siêu sâu xa đâu, chỉ nói điều ai cũng thấy, cũng uất, cũng chướng mắt gắt mũi...

Vậy mà, rất nhiều người cứ răn bảo tui, bảo nói làm gì, nói có thay đổi được gì đâu, nói ai nghe, nói hoài coi chừng...thụt lưỡi...

Nghe mà bắt nóng ! Đã trót mang cái thân vô tài bất đức, không dám làm chuyện gì để thay đổi tình trạng càng ngày càng xuống đáy của xã hội này, xã hội của mình, quê hương của mình...thì chấp nhận nói thôi, mà cũng bị ngăn trở...Mà, đau nhứt là bị ngăn trở từ những người biết quá rõ hiện tình đất nước, có khi còn nắm rõ hơn tui...

Thà là tui bị chửi, bị vùi dập bởi bọn dlv ăn lương nhà-nước-đảng, tui không tức, không đau...Đằng này, bị ngáng trở bởi những người, tạm gọi là đồng quan điểm, mới tức hơn bò đá !

Chắc họ nghĩ, mọi thay đổi (từ xấu hoắc qua xấu vừa vừa, từ xấu vừa vừa qua đèm đẹp, tôn tốt, từ tôn tốt qua quá tốt, quá hay...) của bất cứ xã hội nào trong lịch sử nhơn loại, ở bất cứ đâu trên mặt đất này, đều...từ trên trời mà rớt xuống hay sao vậy ? Hoặc giả, của ông A bà B thằng X con Y nào đó bá vơ nhón mấy ngón tay cầm lên mà đặt xuống chắc ? Hoặc giả, họ tự cho họ cái quyền, ai làm làm, tui chỉ có bổn phận chờ ?

Trời đất ! Làm không làm nổi, thì cất lên tiếng nói, rền rỉ râm ran khắp xóm làng thành thị chớ, để cho những người tài giỏi hơn người ta cảm thấy, dòm thấy được rằng, à...điều mình làm là điều đúng, quan điểm của mình không phải đơn độc mình ên...Vậy mới gọi là phải đạo chớ !

Đằng này, làm đã không chịu làm, nói không chịu nói, mà nghe có ai nói là lên tiếng gàn trở là sao ?

Làm ơn đi ! Tha cho tui cái !

thangtram
03-01-2017, 11:45 PM
Đọc cái bài này, nể tác giả quá, nên...chôm bỏ vô đây làm của. Cũng khai luôn, chôm của người sưu tập, thành ra, không biết tác giả luôn...
(Lấy từ facebook Dân Saigon Xưa của Facebooker Quan Nguyen Thanh)

TẢN MẠN về XÍ QUÁCH


Xí quách là gì? Đơn giản xí quách là trư cốt, là xương heo đọc theo âm Quảng Đông. Hồi đầu mới du nhập Việt Nam, xí quách chỉ là xương heo, nhưng sau xương bò, xương gà, xương gì gì nữa cũng được kêu tuốt là xí quách. Xương heo để nấu nước lèo hủ tiếu (phở thì dùng xương bò).
*
Chiều chiều, các bợm nhậu thường ghé quán hủ tiếu gọi một tô xí quách lai rai. Chừng mà chủ quán kêu hết xí quách rồi thì coi như đời tàn, chẳng còn gì vui hết, lại phải về sớm với bà vợ lắm điều. Mà nhiều khi còn bị vợ hỏi xóc hông “Ông chơi với bạn bè ra sao mà người ta không cho vô bàn nhậu, phải về sớm vậy nè, hả?”. Xương còn cứng thì dáng người thẳng thớm, tướng đi hùng dũng. Xương loãng rồi tướng đi lòm ròm, đầu gối lủng củng còn gì là uy phong. Ngoài ra, xương sống mà nhất là tủy sống là nơi sản sinh ra cội nguồn sự sống. Lớn tuổi rồi, bộ máy sinh học đã mệt mỏi theo năm tháng, phần cần dùng lúc nào cũng nhiều hơn năng lực sản xuất. Không biết cách điều tiết thì nhiều khi phải ăn vào vốn, là nguy cơ đi gặp ông bà sớm. Vậy là hết xí quách rồi.
*
Giờ bàn qua hủ tiếu. Hủ tiếu là món ăn gốc Tàu. Gọi người Hoa là dân Tàu hoàn toàn không có ý khi dễ. Nguyên xưa người Hoa "phản Thanh phục Minh" trốn chạy nhà Thanh di cư xuống Đông Nam Á bằng tàu biển nên dân Việt gọi họ là dân Tàu. Người Việt là anh Hai rồi thì người Hoa là Ba Tàu thôi chứ biết sao. Hủ tiếu có ba loại là Hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho và hủ tiếu Tàu. Không biết ba loại này khác nhau ra sao, ai biết chỉ giùm. Có dịp ở Phnom Pênh, tui hỏi ngừơi Miên, họ gọi đó là món đọc nghe như Ku Tíu. Vậy có thể đoán món đó từ người Tàu ở Nam Vang có trước rồi mới truyền sang Miền Nam. Sợi hủ tiếu xưa gốc bằng bột gạo, sau này để sợi thêm dai, họ cho nhiều bột năng. Muốn ăn hủ tiếu gạo, phải về Miền Tây mà trong miệt vuờn mới có. Hủ tiếu nước thì có nhiều quán ăn được nhưng như tui là fan của hủ tiếu khô thì hơi khó tìm quán nấu ngon. Trước kia kêu tô khô, chỉ cần trộn đều là vừa ăn, đi kèm là chén nước lèo có thịt bằm và hành lá nổi đầy mặt chén. Còn giờ bắt buộc phải xịt thêm nước tương (nước tương lại không rõ nguồn gốc), còn chén nước lèo trong veo, nhiều khi hơi mặn, phải bỏ, tiếc hùi hụi.
*
Kêu sẵn cho mỗi người một tô đây:
Còn đây là xí quách (Xí quách này hơi xịn, thịt không hà)
Có món ngon rồi, lại phải biết cách ăn mới thú. Tui có sưu tầm được cái kêu là “triết lý gặm xương” xin chép lại đây chia sẻ với mọi người:
Cái thú thứ nhất về khẩu vị trong việc gặm xương là hưởng được những bất ngờ. Dĩ nhiên cục xương phải là loại xương có thịt như giò heo, đuôi bò, hoặc xí quách. Xương như xương nấu nước lèo phở thì chẳng còn gì để gặm; xương ở nhà hầm thì được vì còn dính nhiều thứ. Xương nước lèo phở phải là loại xương trắng, đã bị cạo bỏ tất cả những gì bám bên ngoài, và thụt bỏ tuỷ bên trong. Nước lèo của tiệm phở trong veo như nước mưa, mùi thơm nức. Để chuẩn bị nấu nước lèo, thấy họ nạo xương ống sạch trơn bên ngoài, rồi cưa ra thọc bỏ tuỷ bên trong; nếu còn dính tí gì thì nước đục, không thơm. Xương như vậy thì chẳng còn gì để gặm. Xương còn dính thịt cho ta cái bất ngờ là lúc đang gặm tí thịt còn lắt léo trong góc kẹt của cục xương thì bỗng sựt một cái, ta cắn được một miếng gân hoặc một miếng sụn dòn. Đang gặm tí da tí mỡ của giò heo thì lại đớp được một mẩu thịt nạc. Khoái hơn nữa là gặm cái sụn giòn tan nằm cuối xương ống chân gà, nhất là loại gà công nghiệp. Những khi ăn đám ăn tiệc, ta buộc lòng phải bỏ mấy cái xương gà loại này vì muốn bảo toàn danh dự, tuy lòng tiếc hùi hụi. Hưởng được những bất ngờ đó khoan khoái như “tha hương ngộ cố tri” hoặc “nắng hạn gặp mưa rào.” Lòng ta phơi phới. Ta nhai nhai một tí, rồi tợp một tợp hoặc tu một tu.
*
Cái thú thứ hai là hưởng được nhiều thứ cùng một lúc. Tuỳ là bò, gà, hay heo, những thứ bám vào xương có thể kể ra nhiều: thịt nạc, thịt mỡ, gầu, nạm, da, sụn, gân, tuỷ. Cục xương to nhất không hơn nắm tay như giò heo hoặc đuôi bò, dài khẳng khiu không hơn cây bút chì như xương chân gà, lại cho ta nhiều thứ để thưởng thức như vậy. Ăn thịt heo luộc thì chỉ có nạc và mỡ, ăn bít tết thì chỉ có thịt, ăn nem thì có thịt có da; không thức ăn nào cho ta hưởng được nhiều thứ như gặm xương. Có lẽ vì sảng khoái như vậy nên dân nhậu thường lấy xương làm mồi.. Rỉa một miếng xí quách, chấm vào xì dầu (nước tương) có pha tương ớt, cho vào miệng nhai, rồi ngẫm nghĩ, “Đời cũng còn nhìều thú vui đơn sơ mà đáng sống.” Mà đúng thật, ăn xí quách cũng như sống cuộc đời, đủ mùi vị khi ngọt bùi, khi cay đắng, khi đầy toan tính, khi thực bất ngờ. Ấy là chưa kể nhấm thêm vài lá húng quế hoặc ngò mùi, ngò gai, cắn một tí ớt. Cộng hưởng với men nồng của rượu, thực không có gì tiêu biểu cho cuộc đời lên voi xuống chó cho bằng gặm xương.
*
Gặm xương còn là một liều thuốc bổ, Calcium. Không hiểu sao nhiều người phải mua calcium về uống, trong khi xương là nguồn calcium vô tận. Thử hỏi uống một viên Calcium, vừa nhạt nhẽo vừa nóng, sao cho bằng gặm một cục xương, vừa béo vừa bùi? Người Mỹ người Tây cần uống Calcium vì họ không biết gặm xương!
Ngoài việc được khoái khẩu ra, cái thú gặm xương còn đem lại cho ta nhiều lợi ích tinh thần. Trước hết, gặm xương tập cho ta biết lập kế hoạch. Gắp cục xương bỏ vào tô, vào chén, hoặc vào đĩa xong, ta phải ngắm nghía để lập phương án. Ta nên bắt đầu từ chỗ nào? Phải gặm ngay từ bàn chân heo hay phải bắt đầu từ chỗ bên trên có nhiều thịt? Gặm ở đâu thì còn tuỳ người. Có người thích cái dễ dàng trước khi đến chỗ khó, nghĩa là gặm chỗ thịt nhiều trước khi đến chỗ gân. Gặm thế này là gặm xuôi. Người khác lại thích gặm ngược, nghĩa là bắt đầu từ chỗ móng, tuy khó khăn nhưng được cái miếng ngon thích thú, cái sần sật của bàn chân heo.
*
Gặm xương tập cho ta đức kiên nhẫn. Ai không kiên nhẫn sẽ gặm ngay vào chính cục xương, không gãy răng cũng dập môi. Từ từ mà gặm, nhìn lui nhìn tới tính toán cho kỹ rồi ghé răng vào cắn một cái. Không chắc là cắn ra được ngay đâu. Có thể lại phải cắn lui cắn tới, nhùng nhà nhùng nhằng.
*
Gặm xương là một việc mạo hiểm. Khi gặm xương, ta không biết điều gì đang chờ ta. Thịt chăng? Mỡ chăng? Gân chăng? Sụn chăng? Hay lại chính là cục xương làm mẻ răng ta? Ta chẳng khác gì người đang mò mẫm trong một hang động hoang vắng có cái khoái cảm của người mạo hiểm “ngậm ngải tìm trầm”.
*
Một cái lợi nữa của việc gặm xương là tập luyện miệng răng lưỡi. Ba cơ quan này phải phối hợp chặt chẽ để đạt hiệu quả cao nhất. Khi đã luyện được mười thành công lực, ta có thể đem công phu này áp dụng nhiều nơi. Nhưng quan trọng nhất là ta có thể tuyên bố xí quách ta vẫn còn ngon.
Hết xí quách rồi…

Mã Bé sưu tầm

thangtram
03-02-2017, 07:06 PM
Bữa nay dành chỗ cho một cơn quằn quại của người bạn tui...

Bài thơ 2017

Biết tìm đâu?
Tiếng vó ngựa Hà Hồi
Trong mơ ấy, trời xuân Kỷ Dậu
Trong mơ ấy, đoàn quân bắc phạt
Luân phiên, thần tốc
Xẻ núi, bạt rừng
Tiến vào những cửa Ô
Gươm tuốt, súng gờm

Lũ ghẻ phù, bẩn bọ, đuôi sam
Nhốn nháo trong đêm, hiện nguyên hình hắc thử
Máu đã ghê thấm đầy thành ngoại
Xương còn rợn che khuất nội hào

Một tiếng hô
Vạn vạn đáp lời
Đầu dễ cắt, non sông này khó bỏ
Mạng lông hồng, nghiệp cả đấy hề buông

Về Thăng Long
Muôn dạ đồng lòng
Cùng với Bắc Bình Vương
Lưng pháo thần công, bầy voi dũng mãnh
Phải làm cho:
Triều cường nghịch lũ
Sóng dậy nam hà
Mưa thét đông môn
Sấm rền tây khẩu

Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ…

Giặc đến từ Tuyên Quang
Giặc kéo qua Sơn Lạng
Bọn dâng lũy, cầu cơm
Bọn hiến đồn, kiếm hẩm
Một phen:
Đuôi quắp thành chồn cáo
Tai cụp hóa cẩu ngao

Bách thắng quân, bào giáp nám đen
Lửa trong mắt thắp mùa xuân dân tộc
Thu hồi Thượng Khương, Nhật Tảo
Tái phục Nguyệt Quyết, Mục Nhân

Tuyết, Lộc, lệnh Vương ban, ghìm giữ bắc giang
Mồng 4, mồng 5, Ngọc Hồi sụp vỡ
Tràn vực Hồng, cá không thèm thân rữa
Ngập gò Đa, giòi chê rúc xác tanh
Sầm Nghi Đống, Hứa Thế Hanh
Bêu đầu dưới nắng
Bầy Nghị, Thống ….
Cút xéo quá Nam Quan

Nguyên Đán, lễ vọng, khói hương
Chiến tướng nơi nơi về báo tiệp
Xuân giữa lòng dân
Nỗi mừng vui bất tận
Giặc ngoài, đoạn phen tiêu sạch hết
Chỉ ngại e, dài nỗi hận thù trong
Sài lang giấu mặt
Mục rã thối tha ngầm
Mối họa ấy ai lường biết được

Bả vinh hoa, chuyện hạ hèn thuở trước
Sử bia rành rọt, há dám coi thường
Ngẫm mà xem, loài kên quạ trần gian
Lấy rỉa rói, tạo điều bình nhật
Lấy cắp tha, dựng thành thói tật
Vóc dáng người, nhưng tim óc vô luân
Tố cha, đấu mẹ, lừa thầy, phản bạn, bất lương
Rêu rao một thứ chiến công
Mồm nhai, tay vét
Dán chặt da trên ngai quyền lực
"Hèn với giặc, ác với dân"
Chẹt cổ người, bịt miệng, dối gian

Làm tiếng nấc giữa bài thơ tôi viết
Làm hận căm, ngôn từ sôi sục
Mùa xuân Kỷ Dậu, rách mắt mơ khan

Lê Chiêu Thống xưa
So ra, chỉ là phường ghẻ lở cỏn con
Bây giờ, nhọt, mủ, ung thư
Cấy vi khuẩn Ăng Den, Các Mác
Tuồn sang Hán rợ
Theo gió thối tha thổi qua xứ Nghệ
Cương thổ Nam, long mạch Việt điêu tàn

Ôi! Những Đường Lâm, Lam Sơn, Kinh Bắc, đất Sóc, núi Bàn
Ôi! Mê Linh, Thái Bình, Ninh Bình, Cổ Loa, sóng Bạch
Tiền nhân hỡi! Có thiêng! Xin hiển linh về xóa sạch
Đốt tan hoang thú dữ, bọn thù trong

Cho mưa lành, ngọt tưới đất thơm
Rửa sạch bẩn nhơ giữa lòng dân tộc
Cho lúa tươi đòng, xanh xa bất tận
Cho rừng trổ mộc, quả chín giăng đồi
Cửu Long, dòng Nhị, nuôi mớm bãi bồi
Tuôn ra biển những đoàn thuyền đánh cá

Để dưới mái trường, thanh niên học điều lợi ích
Để nơi thị thành, công xưởng
Đàn ông, phụ nữ, làm lụng, xây đắp, xới vun
Để chiều tà, mẹ nấu bữa cơm ngon
Quây quần, yêu thương, chân thật

Rồi 10 năm, 20 năm, 50 năm, 100 năm qua khuất
Lại trong veo làn suối mật trường tồn
Việt Nam, từ đất đai, nhân phẩm, tâm hồn
Hoa sẽ nở bên bàn chân bước
Chỉ có thiết tha, không lừa lọc
Chỉ có niềm tin bao phủ lấy tình

Đối với loài vi khuẩn ác sinh
Tóm vào trang sử đen, cho ngàn sau hiểu, đọc

Rằng:
Từ khi gã họ Hồ trá dân thờ giặc
Bầy đoàn nô lệ, bán nước, hại người
Gương xấu xa, khuyển nhục đời đời
Biết:
Để nhớ không bao giờ lặp lại
Đừng vì miếng ăn mà mang thân tôi mọi
Đừng vì quyền lực để hóa thú, cầm, tinh
Quyết:
Bằng mọi giá, kể cả mạng cá nhân
Là rẻ, so với sự sống còn dân tộc
Là đề phòng bọn Tàu phù luôn rình rập
Là phải cương cường bảo vệ, hy sinh
Chết cho quốc gia, hồn sẽ anh linh
Về phù hộ giống nòi tồn tại

Thơ kết, ngày đầu năm Đinh Dậu
Việt Nam mình, mơ ước mãi trường niên

(Ghi chú: Những câu chữ nghiêng, in đậm trong bài thơ là lời của Bắc Bình Vương – Nguyễn Huệ. Câu trong ngoặc kép ".." là slogan của người dân Việt dành cho bọn csVN)

Đặng Tam Lang

thangtram
03-03-2017, 07:39 PM
Lâu nay tui có một cách hành xử vầy, thú thiệt, cũng có lúc lăn tăn chút, nhưng, tổng thể mà nói, tui luôn luôn cố gắng hết sức để không lạc ra ngoài quỹ đạo của nó, cái cách mà tui đã chọn, cho mình. Nó vầy...

Phàm là con người, nhứt là người tài, đều có tham vọng cá nhơn. Tài càng cao, tham vọng càng lớn. Đó gần như là một quy luật không thể chối cãi. Tui nói, kể cả Chúa Jesus, Phật Thích Ca, Giáo chủ Mahomed, tui dám chắc, tham vọng bằng...trời ! Dĩ nhiên, những bậc thánh nhơn như vậy, cái tham vọng của họ sẽ là những tham vọng, mặc dầu là cá nhơn rặt nhưng...sẽ quán trùm lên những lợi ích mang tầm vóc nhơn loại.

Chính vì vậy, tui bất chấp những con người đang đấu tranh cho nhơn quyền, tự do cho Việt Nam hiện nay, có phải là kẻ mang tham vọng cá nhơn hay không...Miễn là họ đang hành động có lợi cho tiến trình giành những thứ quý giá đó. Tui sẵn sàng ủng hộ, thậm chí khen ngợi họ mà không cần lăn tăn con người thiệt thọ của họ là gì, ra sao. Nó minh bạch ở chỗ, tui khen ngợi và ủng hộ cụ thể một hành động (hay phát ngôn) nào đó ở một thời điểm nào đó chớ không nhằm đánh bóng tên tuổi của bất cứ ai. Thậm chí, kể cả kẻ đó là một tên Cơm Sườn nằm vùng, nhưng, ngay lúc này, ở đây, nó đang làm hoặc nói, có lợi cho nhơn quyền, tui cũng sẵn sàng ủng hộ hành động hoặc lời phát ngôn đó.

Với tui, thấy cũng đơn giản chớ không có gì rắc rối và khuất tất. Hì, dĩ nhiên tui không phải là bậc thức giả cao siêu gì gì, nên sẽ có lúc nhầm lẫn về sự có lợi, hay có hại (của tiếng nói hay hành động) cho mục tiêu mà tui và triệu triệu người dân Việt đang nhắm tới. Trật, thì sửa. Nhưng, có một điều, đừng ai dư hơi mà nhắc tui rằng cha này, mụ nọ, là CS nằm vùng gì gì...Đã nói là tui bất kể vụ đó rồi !

(Tưng tưng một chút nên càm ràm nãy giờ...)

thangtram
03-05-2017, 08:42 PM
(Copy từ face của mình)

Mở trang này ra, bấm vô ô có ghi hàng chữ "Nghe hết 5 bài" để bạn có thể nghe lần lượt (có cả lời đầy đủ của bài hát):

- Ngàn Khơi
- Hợp xướng
- Hòa ca
- Hợp ca - Asia
- Ban Hoa Xuân

...trình bày bài Việt Nam Việt Nam của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Tui cứ tưởng tượng sẽ tới một ngày, mọi người Việt đều biết đều thuộc để hát trọn bài này từ nam phụ lão ấu cùng cất lên trong những cuộc xuống đường, hẳn sẽ là một hình ảnh vô cùng ngoạn mục.

Cũng có thể, không cần phải đồng loạt cất tiếng đồng ca, nhưng, trong tim, trong thịt xương của mỗi người Việt đều có bài này, tui nghĩ...sẽ không có thứ bạo quyền nào trấn áp nổi.

Lời bài hát rất giản dị và, quan trọng nhứt, không hề có bất cứ lời kêu gọi hận thù nào. Tui chắc rằng ngay cả những người cùng thời với tui, có rất nhiều người không biết, hoặc chỉ nghe nói loáng thoáng về bài này, chớ khoan hẵng nói tới những lứa em, cháu sau này...

Giá như, mỗi một người rành rẽ về bài này, có thể chỉ dẫn và tập tành cho 5, hoặc giả chỉ cần 3 người thôi và cứ thế, cứ thế...

Riêng cá nhơn tui, suốt thời gian gần bốn mươi hai năm nay, cứ mỗi khi tui cảm thấy lòng phẫn uất của mình mấp mé ranh giới vỡ tung, tui bèn lẩm nhẩm bài hát này để giữ cho con người mình bình tĩnh lại và kiên cường hơn. Kể cả những khi gần như tuyệt vọng tới tận cùng, lời lẽ của bài hát này đã...giúp đỡ tui nhiều lắm để gượng ngồi dậy, gượng đứng lên và tiếp cuộc hành trình thương khó của mình, và của mọi người...

Hơn lúc nào hết, tui biết, bĩ cực ắt thới lai. VIỆT NAM VIỆT NAM của PHẠM DUY đủ sức củng cố niềm tin (dẫu nhiều khi chỉ còn leo lét cháy) của tui vào một ngày tà quyền sụp đổ...

Việt Nam Việt Nam - Phạm Duy

Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời
Việt Nam hai câu nói bên vành nôi
Việt Nam nước tôi.
Việt Nam Việt Nam tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời
Việt Nam đây miền xinh tươi
Việt Nam đem vào sông núi
Tự do công bình bác ái muôn đời
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Việt Nam trên đường tương lai,
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời
Tình yêu đây là khí giới,
Tình thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người
Việt Nam! Việt Nam!
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn đời




https://external.xx.fbcdn.net/safe_image.php?d=AQC0N0kEwyWt-CQx&w=158&h=158&url=http%3A%2F%2Flyric.tkaraoke.com%2Fresources%2F images%2Ffblogo.jpg&cfs=1&upscale=1&_nc_hash=AQDV0nBtdmqOq3uD

(http://lyric.tkaraoke.com/18253/viet_nam_viet_nam.html)

Việt Nam Việt Nam (https://l.facebook.com/l.php?u=http%3A%2F%2Flyric.tkaraoke.com%2F18253%2F viet_nam_viet_nam.html&h=ATPUuvhknSdEIFyTZcXT4DPtdOKnpakRI6nEODrVmiOpY2VQ aSXmLqraZQpMrEzZIK_UMrI_sd09EjDqg9nFDQBjosvCGyUeFX 5dlF5sz5hiyyN9B0mb9A4-xsaVx7Gx7-eO-g&enc=AZOSiehoQ9wLrpgcGBgye3ZpmKRWdYr-Ani674kkUdMhZKUbFfD36wmT9_KZdl2a4FuRbHzDbVzAizsBxz W1BRnIdpaMfgJNlNWAy9Hvc9bBv7RLML-ed3hebEDYH_65kNa_yIDsV9WYp_ek25aSnTH9q8JaIQqwaOuMD hqupRaK06lH-zd724oLlxhElLdWMq-UotTEFB1fEztduk9PHrPa&s=1)
Việt Nam Việt Nam Phạm Duy . Ca sĩ thể hiện: Ban Hoa Xuân, Hợp Ca - ASIA, Hoà Ca, Hợp Xướng, và Ngàn Khơi
LYRIC.TKARAOKE.COM

thangtram
03-13-2017, 08:00 PM
Sáng nay, tui mới đăng trên Facebook của mình, chưa đã tức, đem vô đây đăng một lần nữa cho...hạ hỏa !

Tuyệt vời Leo ơi. Tui thú thiệt, lần đầu coi Dưa Leo mà cảm thấy, những tiếng chửi thề của anh xứng đáng biết bao, mặc dầu, nó tục tằn và trắng trợn tới hết mức có thể, trắng trợn tục tằn nhứt so với toàn bộ các clip của Leo trước giờ.

Cái xã hội hiện giờ rất cần, tuyệt đối rất cần những tiếng chửi thề thẳng thừng và mạnh mẽ từ mức này trở lên ! Đã qua rồi cái thời nói năng nhỏ nhẹ góp ý với nhau. Bọn chúng nó, tui nhắc lại, BỌN CHÚNG NÓ đã tước đoạt của chúng ta, những thằng dân đen, quyền nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự lịch sàng mất rồi, chỉ cần những tiếng chửi, càng nặng nề mất dạy càng tốt, chỉ có những tiếng chửi như vậy mới có thể làm lung lay BỌN CHÚNG NÓ lẫn những người DÂN ĐEN NHƯNG ĐÃ BỊ TÊ LIỆT với những thói quen vô trách nhiệm,vô cảm mà BỌN CHÚNG NÓ đã cố tình gầy dựng suốt mấy chục năm qua.

Chửi đi Leo, chửi mạnh vào, dữ dằn vào, để...nếu không làm lung lay được BỌN CHÚNG NÓ, thì cũng hy vọng ĐÁNH THỨC được những con người đang mê ngủ.

Đốt sạch mẹ nó đi những thứ thúi tha đang phủ chụp lên đầu lên cổ xã hội này !

https://www.youtube.com/watch?v=uxL32ufmaCQ

thangtram
03-15-2017, 08:14 PM
ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH ?

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...

Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...
Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...
TRẦN THỊ LAM
Trường PTTH chuyên Hà Tĩnh.


không có ngộ đâu em . chỉ là quái đản
cái dân tộc còn trong cơn mê sảng
bú mớm hoài dòng sữa của ma vương
lớn làm chi ? phải đội trời đạp đất !
thôi . cứ thà khụy gối với khom lưng

cũng chẳng lạ chi . chỉ khốn nạn vô cùng
căng bao nhiêu túi riêng một tượng đài nghìn tỷ
dâng tổ tiên thứ bánh chưng đánh đĩ
mạng dân nghèo ? mặc xác đi em

biển bạc ư ? rừng xanh ư ? cũng chớ lo buồn
có đám trung quần què lo giùm tất thảy
biển phải dấy ba đào . rừng cần mồi lửa cháy
nỗi buồn đã đủ làm cơn phẫn nộ bùng lên ?

đất nước mình . rốt cuộc . ai thèm thương ?
nếu mỗi con người cứ nín thinh số phận
cứ thụt lưỡi . cứ cúi đầu chịu trận
cháu con còn quốc sử ? giở ra xem...

sắp xuống lỗ rồi . anh còn gì để lại cho em ?
một bức dư đồ sắp trở thành giẻ rách
tráng khí nghìn xưa tiêu pha đã sạch
còn một chút đớn hèn đủ tạ lỗi với ai ?

sắp xuống lỗ rồi . mãi chẳng nguôi ngoai
chấp nhận chết như một thằng nô lệ
chấp nhận khóc cười cho qua cơn xấu hổ
anh mất cả rồi . em ơi . em ơi

(mấy dòng chữ này ... cũng chỉ ... một trò chơi)

thangtram
03-20-2017, 09:19 PM
Để nhớ một thằng bạn - cũng hơn một năm rồi...

Cho L. Đ. H.

OK . Mày tới bến rồi
Cặp bờ . Dừng bước nổi trôi bấy chày
Bao lần ngất ngưởng tỉnh-say
Giờ say một giấc ngút dài...Vậy đi !

Hai năm mươi . Cuộc li bì
Danh hờ của hão đem gì được đâu

Sáu mươi . Là lâu . Hay mau ?
Mình ên làm một chuyến tàu hư vô
Vợ con dẫu có thẫn thờ
Thì . Hồi chung kết có chừa sót ai !

Sáu mươi . Là ngắn . Hay dài ?
Hồi chuông gióng . Buộc vẫy tay kiếu từ

Kệ bà nó . Nên . Hay hư
Biết đâu...tưởng mất . Hồ như lại còn
Sống đã vuông . Chết cho tròn
Hết gai . Hết góc . Hết buồn . Hết vui

Tụi tao nán lại . Bùi ngùi
Rồi . Mai mốt cũng buông xuôi...giống mày
Bữa nay mày đó tao đây
Rồi . Mai mốt cũng sum vầy . Phải không ?

Ừ nghen . Thắp chút hương lòng
Bài thơ tao quẹt mấy dòng tiễn đưa
Khóc . Hay cười . Nắng . Hay mưa
Bao nhiêu cũng thiếu...cũng thừa mà thôi

Lầm bầm trong bụng H. ơi
Thong dong một chuyến lìa đời
Chẳng sao !

tháng 3.2016

thangtram
03-23-2017, 11:39 PM
https://www.facebook.com/nhabaohuynhquochuy/videos/vb.100001743902265/1245320502202735/?type=3&theater

thangtram
04-07-2017, 01:38 AM
Sống ở Sài Gòn, chẳng ai bận soi mói nhau, chỉ cần chơi được
Thế rồi tôi chợt buồn cười, ơ kìa, mình có phải dân Sài Gòn gốc đâu nhỉ! Sinh ra, lớn lên và trưởng thành, sống và làm việc ở ít nhất là 6 thành phố khác nhau và cho tới giờ thì đang sống ở đây, tôi chỉ thuộc nhóm người phổ biến nhất ở Sài Gòn.

Từng bực bội phát điên với kẹt xe, bụi, rác, ồn ào, cướp giật. Từng cứ cuối tuần là trốn người về ngoại thành kiếm nắng, kiếm gió, kiếm cây xanh và không gian. Từng than thở nhớ nhung cái vườn của bà ngoại, nơi tới bữa cơm mà không thấy con đâu là các bà mẹ trong xóm gióng giả gọi kiếm, biết chắc nếu nó đang không ngoài biển thì chỉ chạy chơi trong vườn này, trời ơi, vậy mà ở cái Sài Gòn này nè, tới hàng xóm mà mình cũng không biết tên nữa!

Rồi bất ngờ sau chuyến công tác đầu tiên về miền Tây, tới lúc về lại Sài Gòn, nhìn thấy xa xa những con đường đan nhau chằng chịt khác hẳn không gian bằng phẳng mênh mông của đồng bằng, tim tôi chợt nhảy nhót reo mừng. Lạ chưa, đây có phải là cảm giác mà người ta gọi là của người đi xa trở về nhà không? Sao những con đường đông nghẹt này, những làn xe rối mắt kia, cái đám đông người hỗn tạp đó, những cảnh bán bán buôn buôn náo nhiệt bất kể trật tự quy luật nọ từng khiến mình cáu gắt muốn chết, giờ lại vui mừng khi thấy nó đến vậy? Cái thứ tình cảm phức tạp này gọi là gì đây?

Chắc gọi là nhớ đó. Mà đã nhớ, thì tức là yêu rồi. Đã yêu thì … thì ngưng phân tích.Nói cho đúng ra, như một nick facebook tên Linh Nguyen viết trên trang Sài Gòn Xưa và nay, chắc không ít người tâm đắc. “Sài Gòn không phải là một địa danh, Sài Gòn là phong cách, là lối sống”. Nó đó, cái lối sống bề ngoài lạnh lùng đi lướt qua nhau, cũng không ít hàm hồ hàm chứa nghênh ngang chỉ biết mình mình, đồng thời cũng lại vô vàn quan tâm, ân cần, sâu xa, nồng ấm.Drew Taylor – Giám đốc đối ngoại Trung tâm tư vấn du học ELS, cái tên quen thuộc trong làng cộng tác viên nước ngoài của một vài tờ báo uy tín ở Sài Gòn – đã ở sáu năm ở Việt Nam và dự định sẽ ở đến 60 tuổi, rồi về lại Canada. Trên một tờ báo, anh nói “Không ở đâu chấp nhận tôi là một người Việt dễ dàng như Sài Gòn”.Nếu Taylor, một anh tây trăm phần trăm còn cảm nhận rõ nét điều đó, thì bất cứ một người Việt nào đến và sống tại Sài Gòn, tôi nghĩ đều có thể thấu được ngay từ câu chào đầu tiên cho đến lối sống đặc trưng nơi này.Văn hóa Sài Gòn, tôi nghĩ, là văn hóa chấp nhận, thích nghi và cải biến, là thứ bản sắc rất rõ ràng phân biệt với bản sắc những địa phương khác, nhưng đồng thời được tạo thành từ sự hòa hợp những gì riêng biệt nhất của mỗi nhóm nết đều cố gắng nói giọng Bắc.Ồ tốt thôi, như vậy thì dễ nghe hơn.Nhưng mà ở Sài Gòn thì trong bất kỳ nhóm người nào, từ công sở, nhà hàng, quán ăn, lề đường, sân khấu, từ chợ cóc cho đến các cuộc họp cao cấp, trong giới quản lý chính quyền, doanh nhân, nghệ sĩ, người lao động… bạn dễ dàng nghe cùng lúc hàng chục giọng nói vùng miền nguyên gốc.Từ nặng trình trịch đến véo véo von von, từ con ca co đuôi qua ca co cuong (con cá có đuôi, quả cà có cuống- giọng Hà Tây mất hết dấu sắc, hoặc nhấn rất mạnh dấu huyền đến nỗi nó biến thành dấu sắc). Cho tới mô tê răng rứa, cái đằng màu đăng treo trên vách (cái đèn màu đen treo trên vách), chu cha con vua héng to chi mà héng to (chu cha con voi nó to chi mà to), dẹ be mé đi làm thơ hớt rầu, chú dô eng chéng chéo ghè chờ be mé dìa (dạ ba má đi làm thuê hết rồi, chú vô ăn chén cháo gà chờ ba má về), tới con cá gô nhảy trong gổ.Từ giọng Bắc trí thức Tây học của bảy mươi năm về trước được niềm nhớ quê ướp giữ tươi nguyên trong ngôi nhà da vàng nơi xứ tuyết, cho tới những giọng đai đãi cưng cứng của người Hoa Chợ Lớn, người vùng Tây nguyên hay người Khmer mới lên thành phố lần đầu.Từ cách ăn nói văn hoa cầu kỳ trịnh trọng của các bậc trí thức xưa, cho tới nhanh gọn vắn tắt sốc độc bây giờ…, tất cả đều có thể có mặt cùng lúc, trong một nhóm người, một không gian chung. Và đáng yêu nhất là họ thích thú với giọng của người kia chứ không châm chọc.Ở Sài Gòn, chẳng ai nếu tự mình không muốn, lại phải học lấy một giọng nói khác giọng nói cha sinh mẹ đẻ của mình.Cứ như thế, dân Sài Gòn cứ thoải mái giữ những nét riêng của vùng miền mình, dân tộc mình, thậm chí cộng đồng nhỏ của mình.Không phải tự nhiên mà ở Sài Gòn, tỷ lệ người đồng tính cao nhất nước. Vì ở đây không dòm ngó đánh giá nhau qua bề ngoài. Người ta chỉ cần “chơi được”.Giới thiệu bạn bè hay mối làm ăn với nhau, mai mối cho nhau, kiếm việc làm giúp nhau, chỉ cần nói một câu “thằng đó chơi được”, hoặc hơn nữa là “chơi đẹp”, thì giá trị chắc như khâu tay, có thể thay cả bản lý lịch dài thượt con ông nào nhà ở đâu bằng cấp…

Trên một diễn đàn thương nhớ Sài Gòn có nhận xét chí lý thế này: “Ở Sài Gòn, cứ cái gì bán được thì đều có người bán”. Nhờ đó mà có Sài Gòn không ngủ, tự do, năng động và sáng tạo bậc nhất cả nước.Ở Sài Gòn, chỉ cần siêng năng chăm chỉ thì đời sống no lành là trong tầm tay.Người ở xa nghĩ Sài Gòn hời hợt. Không chuộng nghệ thuật mà chỉ ưa giải trí, chỉ hài kịch hay kịch ma, những thể loại kinh điển cao siêu sâu sắc vắng như chùa bà Đanh.Nói vậy cũng đúng nhưng chưa trúng.Người Sài Gòn quần quật, quay cuồng làm ăn, chưa mở tiệm thì lo học nghề, có tiệm rồi lo hút khách, giữ khách. Đông khách rồi lo mở thêm tiệm thứ nhì, thứ ba… Hết đất lãnh vực này thì tấn công sang lãnh vực khác. Ở các quán cà phê mở cửa từ sáng sớm tới đêm khuya, có một tỷ lệ cao là các cuộc cà phê làm ăn, hợp tác.Vì vậy sau một ngày mệt nhoài, người Sài Gòn ưa giải trí. Cười đã đời, nhảy nhót, cụng ly, ca hát tưng bừng… để xả hơi thật hết rồi sáng mai lao vào cuộc chiến đấu mới.Cho nên không mặn mà với những triết lý cao siêu trên sân khấu hay trong sách vở.Thôi, kể về Sài Gòn thì kể đến bao giờ cho hết. Tôi kể thêm một câu chuyện nhỏ xíu thôi. Tôi có người bạn tôi là giám đốc kinh doanh một công ty của Mỹ. Được cấp xe hơi và lái xe, nhưng nhất mực đòi đi xe máy riêng. Lý do rất thực tế: các đại gia đầu tư xây cao ốc-nhóm khách hàng mục tiêu của chị, lại chỉ ưa quần short cà phê lề đường. Hỏi vì sao không xe hơi cà phê sang chảnh cho “xứng tầm”, họ lắc đầu quầy quậy: “Tầm gì ở đó, sướng gì chui trong mấy cái hộp”!
Hoàng Xuân

http://saigonplus.net/song-o-sai-gon-chang-ai-ban-soi-moi-nhau-chi-can-choi-duoc.html

thangtram
04-19-2017, 10:13 PM
Những dòng cùng quẫn

Không hiểu được chính tui đang suy nghĩ gì, cảm thấy gì trong mấy ngày qua. 6.000 cư dân của Đồng Tâm-Mỹ Đức bị dồn vào chân tường, đã bùng phát mở một cuộc chiến không cân sức với cả một nhà-nước-đảng đầy đủ binh hùng tướng mạnh.

- Có nên cầu nguyện cho những nông dân bị cướp đất - thứ sinh nhai duy nhứt của họ - giữ được sự bình tĩnh để họ không phải tắ trong máu của chính họ ?

- Hay là, nên cầu nguyện ngược lại, cầu nguyện cho họ tăng gấp đôi sự quyết liệt, gấp đôi lực phản kháng, để cả cái xã hội thờ ơ mackeno đến ít nhứt 90% kia có dịp chống mắt ra nhìn cho rõ cái gì đang xảy ra với nông dân Đồng Tâm-Mỹ Đức và cũng cho chính bản thân họ trong tương lai ?

- Có nên vùng chạy ra đường như một thằng điên, gào thét lên để đòi hỏi quyền làm Người, thứ sinh vật đã bị vùi dập suốt mấy chục năm nay ? Để rồi có thể bị bắt bỏ tù, đánh gãy răng, vỡ xương, thậm chí có thể bị đâm, bị bắn, bị thắt cổ chết ?

- Có nên tiếp tục gào thét trên internet với một kết quả hiển nhiên: diễn biến càng ngày càng tệ hơn, tàn khốc hơn, bóp nghẹt hơn - Có phải rằng, trải qua mấy chục năm sống dưới "ánh sáng chói lòa của đảng", tui cũng đã chớm trở thành một thằng người mù, câm, què, điếc...sẵn sàng để mặc cho ai ai đó đấu tranh cho mình, đòi hỏi giùm mình, dấn thân thay mình ? Những ngày tháng đối đầu với cảnh sát dã chiến, hít lựu đạn cay, mằn mò kẻ từng biểu ngữ phản đối chánh quyền VNCH ra săc lịnh Đôn Quân với toàn bộ nhiệt huyết người tuổi trẻ đã rất xa, xa hun hút, xa tới mờ mờ ảo ảo...Cái bầu máu nóng đó chắc hẳn đã nguội lạnh, thay vào đó bằng thứ rượu lạt nhách chứa chấp đầy methanol độc địa rồi chăng ? Rồi...cả những ngày bi thương sau tháng Tư năm 75, dõng dạc bắt bẻ những thằng "cách mạng ba mươi tháng tư" lẫn cách mạng thứ thiệt, giấu súng lục trong nhà, in ấn truyền đơn thủ công cho công cuộc "chống phá cách mạng", cũng đã bèo nhèo và mai một ?

- Hèn hạ và nhát nhúa đã trở thành tính cách của con người tui ?

- Cam chịu và nhẫn nhục đã trở thành nguyên tắc sống ?

- Có phải, con người tui chính là hình mẫu đại diện cho rất nhiều, rất rất nhiều con người của các công dân Việt nam hiện giờ ?

Trời đất thánh thần ơi, tui sẽ làm gì, nên làm gì, trong những tháng ngày sắp tới ?

20.04.2017

thangtram
04-22-2017, 02:48 AM
Gần tới ngày cuối tháng Tư, lắm thứ chuyện nhảy nhót trong đầu, đủ mọi cảm xúc cứ tưng tưng tèo tèo không nắm bắt nổi. Khi không mà nhớ tới chuyện cờ vàng-cờ đỏ, suốt 42 năm coi như chưa ngã ngũ cái sự AI THẮNG AI, mặc dầu, rõ tàng trên phương diện chánh thức, cờ đỏ, bằng một ưu thế quân sự áp đảo, tưởng chừng đã kết thúc trong một chiến dịch long trời lở đất, "55 ngày đêm chiến dịch HCM" nghe được trên các thể loại đài phát thanh, hoặc, "Tiến về Sài gòn, ta chiếm nhà mặt tiền..." như trên cửa miệng không ít người dân miền Nam hát nhại...
Tui, cũng như bao con dân khác của miền Nam (tức từ vĩ tuyến 17, định giới bằng con sông Bến Hải và chiếc cầu Hiền Lương) hẳn không có đủ tư cách lẫn tư thế đê bài bác chuyện "cờ đỏ đã thắng trong cuộc chiến "20 năm nội chiến từng ngày", lại càng không đủ tài liệu, thống kê để có thể khẳng định cờ vàng đã thắng trong cuộc chiến 42 năm sau đó. Mặc dầu, như rất nhiều người thấy, vài ngày trước, cờ vàng (có 3 sọc đỏ đàng hoàng, chớ không phải cờ vàng [trắng] Vatican, đã...như một nụ cười nhạo, xuất hiện một cách ngạo nghễ trên quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh, vùng đất thiêng thánh của những người Cộng sản Việt nam.
Không đủ dữ kiện tuyệt đối trung thực, nên, tui không dám bàn tới chuyện cờ vàng và cờ đỏ, AI THẮNG AI, tui chỉ muốn hỏi một hai câu, dành cho những người yêu cờ đỏ.
Trước hết, tui xin mình định, tui là một thằng yêu cờ vàng, nên tui đặt câu hỏi với tư cách một đứa yêu cờ vàng, thành ra, nếu có chi kêu bằng thiên vị, cũng xin quý vị yêu cờ đỏ bỏ quá cho, mà rộng lòng tha thứ.
Tui hỏi vầy.
Kệ cái chuyện cờ đỏ được manh nha thành hình từ một lá cờ của tỉnh Phúc Kiến bên Tàu thời nội chiến, tui không khe không rãnh gì. Chuyện mê mẩn, mê muội một hình ảnh nào đó rồi xun xoe đem về làm quốc kỳ (hay cờ nước, hay cờ tổ quốc gì gì...) là chuyện của quý vị, tui vô can, không yêu không thích thì không...thèm bàn. Túm lại là kệ...
Tui chỉ hỏi vầy, suốt thời gian qua, từ thời quý vị chọn cho mình cái lá cờ (na ná) cờ tỉnh Phúc Kiến, quý vị có thiệt sự yêu thương kính trọng nó như miệng quý vị vẫn gào thét mỗi ngày, phất phới cầm mỗi trận đá banh xuống đường đi bão, phất phới cầm mỗi lượt xuống đường đòi đất bị cướp, đòi cá bị giết, đòi rừng bị đốt, đòi biển bị chiễm...
Tui là tui thấy không có thiệt là như vậy, hoặc giả, tình yêu thương kính trọng lá cờ đó của quý vị, nó ở cái mức chưa được kể là xứng đáng với nó như tình cảm tui, và tụi tui, dành cho lá cờ vàng thân yêu của tụi tui.
Tại sao tui dám nói thẳng thừng như vậy ? Ậy, nó buộc phải có lý do để tui phán, đâu phải dễ mà dám phán như vậy, phải không, nếu không có chứng cớ.
Tui hỏi rằng: Suốt bao nhiêu năm qua, quý vị yêu cờ đỏ đã có bao giờ thắc mắc, và phản đối về cái chuyện lá quốc kỳ của quý vị chưa bao giờ dám được treo, vẽ, thêu, gắn...cao hơn cái lá cờ đảng với cái búa và cái liềm đầy tính de dọa, hay chưa.
Tui thú thiệt, tui chưa bao giờ nghe bất cứ một động thái nào có thể coi như là gần giống với điều tui vừa nói. Hoàn toàn không ! Quý vị sẵn sàng coi cái lá cờ quý vị sẵn sàng tuyên bố là tối thượng, nghĩa là cao nhứt hạng, chả hơn gì cái lá cờ của một dúm người vài triệu mống. Sao vậy ? Sao kỳ vậy ?
Thời gian gần đây, quý vị hay lu loa rằng, quốc gia Việt Nam, cái mà lá cờ đỏ của quý vị đại diện, là của chung toàn dân, là tối thượng, là...kể cả tụi tui (những kẻ đã minh định yêu cờ vàng) cũng không được...không yêu (bà mọe nó, yêu mà cũng phải, cũng buộc, cũng bắt).
Xin lỗi cái, quý vị buộc tụi tui phải yêu, phải kính trọng tuyệt đối cái thứ mà cả bao nhiêu đời quý vị từ ông bà trở xuống cháu chắt, chưa một lần thắc mắc cái chuyện nó bị khinh lờn, bị coi rẻ không hơn gì một lá cờ đảng phái chánh trị, hay bè đảng gì gì...
Sao kỳ vậy ? Mình chưa tôn trọng đúng mực mà bắt người ta (nhứt là những người công khai nói với quý viij rằng, tui không thể yêu thương được nó) phải tôn trọng, là sao ?
Dởm bà cố !
Quý vị sẽ trả lời sao đây ?

thangtram
05-08-2017, 08:31 PM
Láp váp mà chơi...

Thiệt lòng luôn, loay hoay hoài với cái đời sống nhiêu khê này, muốn, một hôm nào đó, ình-chéo một cái, hay một phát, hay một nhát...gì gì, nhảy phốc ra khỏi nó, gọi là thoát ly, từ bỏ, gột rửa...

Thèm lắm, mà không dám, hoặc là chưa dám (hy vọng chưa thì sẽ tới khi) tự mình ên ình-chéo phát một. Cũng đơn giản thôi mà, chỉ là một phản ảnh của một hình bóng, nghĩa là, hình bóng của hình bóng, đơn giản tới tội nghiệp !

Bởi, rằng thì mà là, thường thường tui cứ mải cho rằng cái TÔI là cái gì đó đặc trưng lắm, kiểu có-một-không-hai, một tiểu vũ trụ trong vô vàn tiểu vũ trụ khác, một phần...mấy mấy triệu triệu tỷ trỷ chăng...Thẳng thừng mà nói, dòm vô cái phân số mà tử số thì tối thiểu, còn mẫu số thì vô thiên lủng, cũng ngán ngược. Cái rồi từ đó, đâm nản ngang, quỷnh quá, nhận ra rằng, trong cái gọi là hình bóng của cá nhơn mình, thì phần hình, nhỏ thoi thấy thương, còn phần bóng, dài thăm thẳm, dài thê thiết, dài bất biết !

Vậy là rồi, đâm ra ngán ngược. Nói ngán ngược vô cớ cũng không sai, mà nói ngán ngược bởi tứ lung tung nguyên nhơn cũng không thể nói là trật.

Gần như trọn cái tháng Tư, năm nào cũng vậy, đầu óc cứ lan man lổ mổ, dở khóc dở cười, cảm thấy cái thân phận mình (kiểu định mạng á mà) vừa ưng vừa oan, đáng đời cũng đáng, mà cho là oan khốc rớt cái bộp vô đầu cũng đáng luôn !

Vạch con người mình ra, mổ xẻ như mổ xẻ mấy con ếch tội nghiệp hồi nẫm, thấy nhiều điều mà già già rồi mới thấm, chớ, hồi còn măng trẻ, cứ nhơn nhơn nháo nháo chẳng kể số kể sổ gì !

Này hen, vô thần là một, thiên tả là hai, khoái mấy thằng vô chánh phủ...mê mẩn mấy hình tượng kiểu dọc ngang nào biết trên đầu có ai là ba, đạp được thứ lề luật nào xuống cống là khoái tơn trong bụng là bốn...rồi năm, rồi, sáu, rồi bảy, khỏi cần kể ra cũng biết đại loại ra sao ! Coi phim Sạc Lô mà thấy cảnh Sạc Lô giỡn mặt cảnh sát hay tụi nhà giàu là cười rần rần khoái trá.

Vậy mới đáng kiếp ! Oan gì mà oan ?

Bởi vậy cho nên, lượn sượn hoài...