PDA

View Full Version : Vẻ Vang Dân Việt Nơi Hải Ngoại



V.I.Lãng
06-19-2012, 08:12 AM
MỪNG TA CÓ NHỮNG NHÂN TÀI

Ngô Minh Hằng

Mừng rằng Người Việt Quốc Gia
Vì yêu công chính, tìm ra nước ngoài
Sau bao năm tháng miệt mài
Nước người, có những nhân tài Việt Nam

Một Dương Nguyệt Ánh tuyệt phàm
Sắc - tài, hai chữ danh vang khắp vùng
Nhẹ nhàng, sâu sắc, khiêm cung
Trái tim vàng với non sông, với cờ!

Eli - Phạm, chiến đấu cơ
Tung mây lướt gió, ngẩn ngơ bao người
Chim xanh làm chủ vùng trời
Mục tiêu rót đạn, tơi bời địch quân

Lương Xuân Việt, cánh hoa thần
Rừng dù, hoa nở, cánh gần, cánh xa
Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn Ba
Anh làm người Việt Quốc Gia vui mừng

Tài năng hiếm, Đoàn Chính Trung
Hơn trăm bằng quí, đã từng chế ra
Không Quân, Trần, đậu thủ khoa
Bảy năm,Tuệ, bảy bằng ngà, vinh quang

Cộng mà đừng chiếm giang san
Hoặc đừng tàn bạo, dã man, ác lòng
Thì tài con cháu Lạc Long
Sẽ huy hoàng khắp non sông cõi bờ

Bá Hùng, dòng dõi Âu Cơ
Theo Lê nghiêm phụ, dệt mơ hải hà
Hạm Trưởng nhận chức tuần qua
Một Khu Trục Hạm rất là tối tân

Chính trường, Việt cũng dự phần
Tòa nhà Quốc Hội có chân một người
Là Cao Quanh Ánh, vừa rồi
Hoàn thành Nghị Quyết tặng đời: Thuyền Nhân

Với Hoa Kỳ, để tri ân
Việt Nam, để nhớ đường trần thê lương
Nhớ người chìm giữa đại dương
Thuyền tan, sóng phủ, tang thương ngậm hờn!

Nhớ mình phải bỏ giang sơn
Bởi ai đã tạo nguồn cơn hận sầu...
Mong manh trên một con tàu
Sóng gầm bão thét, biển sâu hãi hùng!

Trời thương, may mắn vô cùng
Số người sống sót, đến vùng Tự Do
Sau ngày phấn đấu cam go
Thành công bao kẻ, ấm no mọi nhà

Tài năng trác tuyệt, tinh hoa
Đã làm hãnh diện chúng ta, Lạc Hồng
Làm người thế giới ước mong
Làm dân bản xứ trong lòng hân hoan

Nhưng ta còn một Việt Nam
Hãy xin dựng lá Cờ Vàng cứu quê!

V.I.Lãng
06-19-2012, 08:14 AM
Phạm Ngọc Quỳ Thiết Kế Giàn Khoan Hibernia

http://farm4.static.flickr.com/3223/5808038294_9f3c4e127c.jpg
Kỹ sư Phạm Ngọc Quỳ - người Pháp gốc Việt

http://farm4.static.flickr.com/3301/5808023894_1baffdda1c_z.jpg
Hibernia là dàn khoan vĩ đại lớn nhất thế giới cách St. John's Newfoundland, Canada khoảng 315km là do kỹ sư Phạm Ngọc Quỳ thiết kế.

Ông sinh năm 1935 tại Hà Nội, hiện ông đang sống ở ngoại ô Paris, Pháp. Công trình này thực hiện trong 6 năm, 1990-96.


http://farm6.static.flickr.com/5196/5808023924_7c998a00b9_z.jpg
Khối bê tông đế 16 hình răng cưa của dàn khoan là do ý tưởng của kỹ sư Phạm Ngọc Quỳ thiết kế để chống lại sức ép của băng tuyết và những tản băng khổng lồ [sức ép 780 tấn trên một mét vuông], sóng biển cao đến 30m lúc biển động, và gió lớn trong mùa đông khắc nhiệt bắc Đại Tây Dương.

Kỹ sư Quỳ trực tiếp điều khiển trên dưới 100 kỹ sư giỏi, và 300 họa viên chi tiết kỹ thuật quan trong. Còn những chi tiết không quan trọng ông giao cho 50 kỹ sư khác.

Tổng số nhân viên kỹ thuật và xây cất dàn khoan Hibernia là 5,000 người


http://farm3.static.flickr.com/2546/5807472033_ce86991b47_z.jpg

Năm 1994, Tạp chí Times bình chọn công trình giàn khoan Hibernia tại Canada của một kỹ sư gốc Việt là 1 trong 8 kỳ quan mới của thế giới.

Vùng biển Hibernia (Canada) hiện nay là nơi có nhiều mỏ dầu lớn của thế giới. Theo kỹ sư người Pháp gốc Việt Phạm Ngọc Quỳ, tác giả công trình giàn khoan Hibernia, việc xây dựng công trình dự án đã gặp không ít khó khăn bởi địa hình, khí hậu của vùng biển này có nhiều tảng băng lớn, có khi sức ép của nó gấp 8 lần 1 quả bom nguyên tử khi nổ.

Vốn là người khá kín tiếng nên phải đến sau gần 10 năm (dự án được thực hiện năm 1991), thông tin công trình được Tạp chí Times công nhận là 1 trong 8 kỳ quan mới lớn nhất thế giới, mới được phổ biến qua website cá nhân của em trai ông Quỳ, kiến trúc sư Phạm Ngọc Quế, một Việt kiều Mỹ

Tin tác phẩm của mình được bình chọn là kỳ quan mới của thế giới có khiến ông ngạc nhiên không?
Tôi đã từng tham gia khá nhiều công trình lớn nổi tiếng quốc tế, kể cả vài công trình chưa hề được thực hiện trước đó như: sửa chiếc cầu lớn Lestelle tại Pháp, xây một bức tường chung quanh giàn khoan Ekofisk ở Na Uy để che chắn giàn khoan khỏi bị sóng đánh, hoặc xây đê nổi dài 355 m, rộng 44 m chống sóng bảo vệ hải cảng Monaco... Và công trình lớn nhất là Hibernia, vì vậy, tôi không ngạc nhiên nhưng rất lấy làm vinh hạnh, bởi đây là một công trình do người Việt thiết kế ra và được thế giới coi trọng.

Trước khi nhận lời tham gia dự án, ông có nghĩ mình sẽ để lại một dự án để đời tại Canada không?

Đáy biển sâu phía Đông Canada có nhiều dầu, song cũng lắm hiểm trở vì sâu tới 80 m, thường xuyên có bão, sương mù và nhiều băng tảng lớn. Vùng này được coi là một trong những nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới. Cách đây 1 thế kỷ, tàu Titanic đã bị đắm vì đụng phải tảng băng nổi ở gần vùng này. Tuy hiểu rõ việc thực hiện xây dựng giàn khoan dầu nơi đây là cực kỳ khó khăn, gần như bất khả thi, song Chính phủ Canada vẫn quyết tâm làm và họ có lý bởi khi giàn khoan Hibernia hoạt động đến nay đã bơm được 150.000 thùng dầu mỗi ngày.

Về việc tham gia dự án, năm 1991, tôi là kỹ sư trưởng của Doris Engineer, đơn vị đứng đầu Tổ hợp Quốc tế Nodeco tham gia bỏ thầu và trúng thầu dự án. Sau thành công với công trình chống sóng biển Ekofisk Protective Barrier ở Na Uy (trị giá 400 triệu USD, thời giá năm 1989), Hãng đã giao cho tôi thiết kế dự án để dự thi và sau đó là tham gia xây dựng. Trong lịch sử, chưa có một công trình nào phải chịu sức công phá mạnh như vậy, nên nó hoàn toàn xứng đáng được bầu chọn là kỳ quan của thế giới.
Tất nhiên khi thực hiện, tôi cũng có hy vọng sẽ làm được một công trình lớn lao, để lại dấu ấn trong lịch sử xây dựng hiện đại của nhân loại và đặc biệt là cho Canada

Nay đã nghỉ hưu tại Pháp, ông có bao giờ có ý định trở về Việt Nam để cố vấn một công trình lớn nào đó?
Năm 1995, tôi được Doris Engineer gửi về Việt Nam dự diễn đàn về dầu khí ở Hà Nội. Sau đó, chúng tôi đến trụ sở Petro Vietnam họp vài buổi với Ban Giám đốc ở đây về dự án xây một công trình bằng bê-tông để đựng dầu hỏa cạnh giàn khoan Bạch Hổ, nhưng việc không thành. Đối với Việt Nam, điều tôi quan tâm nhất là mở mang giáo dục, y tế và chống nghèo. Tôi nay cũng đã lớn tuổi rồi, đang nghỉ ngơi nên chưa nghĩ đến chuyện về Việt Nam làm việc. Song, tôi quan tâm đến sự phát triển các công trình xây dựng hiện đại tại quê nhà.

Ông có nhận xét gì về kiến trúc đô thị Việt Nam hiện đại?

Khi tham quan các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, tôi thấy chúng ta đã lưu giữ được một số kiến trúc rất đẹp như phố Tràng Tiền, phố nhà cổ quanh Nhà Hát Lớn ở Hà Nội... Tại TPHCM, khu vực đường Đồng Khởi, nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố còn giữ được nét kiến trúc đô thị rất hay. Xa quê lâu năm, đứng trước những kiến trúc này, thật lòng thấy xúc động. Tuy nhiên, cũng tại các đô thị này, điều tôi thấy chưa ổn là hệ thống thoát nước chưa tốt. Buồn nhất là ô nhiễm trên các kênh rạch, hồ trong lòng thành phố, giao thông nghẽn thường xuyên...

Nếu được nói chuyện với giới kỹ sư xây dựng trẻ ở Việt Nam, ông sẽ nói điều gì?

Bằng cấp chỉ là chìa khóa để mở cửa bước vào thế giới việc làm. Quan trọng là phải có kinh nghiệm thực hành, đặc biệt trong ngành xây dựng, phải thường xuyên tìm tòi học hỏi qua các tạp chí chuyên ngành nước ngoài để cập nhật thông tin. Bởi kỹ thuật xây dựng phát triển rất nhanh, nếu không cập nhật sẽ bị bỏ lại ngay. Tại châu Âu và Mỹ, khi tìm việc, người ta chú trọng bản khai quá trình làm việc, kinh nghiệm hơn là bằng cấp, học vị. Kinh nghiệm học được trong quá trình làm việc luôn được coi trọng và đánh giá cao hơn bằng cấp

V.I.Lãng
06-19-2012, 08:20 AM
Henriette Bùi Quang Chiêu - Nữ Bác sĩ Việt đầu tiên tại Pháp

http://farm7.static.flickr.com/6184/6079914964_0917ab166e.jpg
Nữ Bác sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu

PARIS - Về lại Paris sau bao nhiêu năm xa cách, Paris vẫn là Thủ Ðô Ánh Sáng, thủ đô tráng lệ, là cái nôi của văn hóa.



http://farm7.static.flickr.com/6206/6081013757_aa9dcea7e1.jpg

Bà Henriette Bùi Quang Chiêu, ở tuổi 105. Hình chụp tại Paris nhân chuyến viếng thăm của đoàn bác sĩ từ Hoa Kỳ. (Hình: Tác giả cung cấp)

Không ai có thể phủ nhận, rằng Paris là thủ đô ánh sáng, nhưng ở đây chúng tôi muốn đưa ra những “ánh sáng” ít khi được nêu lên, có liên quan đến cộng đồng gốc Việt chúng ta. Ðó là những sinh viên Việt Nam xuất sắc, xuất thân từ các đại học ở Paris nói riêng và ở xứ Pháp nói chung, từ những thập niên 1920s, 1930s xa xôi. Thời gian ấy, người Việt Nam chúng ta vẫn còn rất “mù mờ” về nền văn minh Âu Tây!

Hội Nghiên Cứu Y Khoa Việt Mỹ - “Vietnamese American Medical Research Foundation” - được thành lập trên 15 năm qua. Ngoài việc nghiên cứu trong ngành y khoa, hội thường khuyến khích và vinh danh người Việt Nam tài ba, xuất sắc, làm rạng danh cộng đồng người Việt hải ngoại bởi những đóng góp của họ trong các ngành nghề vào cộng đồng thế giới. Chuyến đi tháng 6, 2011 vừa qua không ngoài mục tiêu vừa nêu ra.


http://farm7.static.flickr.com/6069/6079915056_833fc50d41_z.jpg
Di ảnh gia đình. Từ trái: Madeleine, Henriette, ông Bùi Quang Chiêu, Louis, Camille, Helene. Hình chụp tại Phú Nhuận, Sài Gòn, năm 1921. (Hình: Tác giả cung cấp)

Cách đây năm năm, Hội Nghiên Cứu Y Khoa Việt Mỹ ngỏ ý mời một nhân vật đặc biệt trong giới Y khoa Pháp sang Mỹ, để mừng thượng thọ 100 tuổi, và cũng để cộng đồng Việt Nam tại California được chiêm ngưỡng và vinh danh. Ðó là bác sĩ Việt Nam đầu tiên, tốt nghiệp tại “Faculté de Médecine de Paris,” Ðại Học Y Khoa Paris, từ năm 1934. Ý định này không thành, vì vị nữ bác sĩ vừa bị tai nạn và từ đó Hội Nghiên Cứu Y Khoa Việt Mỹ không còn liên lạc được với bà nữa.

Trong những câu chuyện hàng ngày, Bác Sĩ Lương Vinh Quốc Khanh, người sáng lập Hội Nghiên Cứu Y Khoa Việt Mỹ, từng ngỏ ý tiếc đã “để mất liên lạc với vị bác sĩ đặc biệt này.” May mắn thay, Bác Sĩ Nguyễn Tấn Phát, người sáng lập “Hiệp Hội Trường Không Biên Giới” - “École Sans Frontiere,” người thường sinh hoạt trong các trại tỵ nạn và trong cộng đồng Việt Nam ở Pháp, đã tìm được địa chỉ của nữ bác sĩ này. Ông còn xin được cái hẹn cho phái đoàn Hội Nghiên Cứu Y Khoa Việt Mỹ sang Pháp để gặp gỡ. Vị nữ bác sĩ tỏ ý “vui mừng đóng tiếp phái đoàn đến từ Hoa Kỳ.”



http://farm7.static.flickr.com/6206/6081550560_43fcfc8dfa_z.jpg
Bà Henriette Bùi, thời sinh viên y khoa tại Bordeaux. (Hình: Tác giả cung cấp)


Dùng chữ phái đoàn nghe to lớn, trên thực tế, vì chuyến đi đột ngột, “phái đoàn” chỉ có hai ông bà Bác Sĩ Lương Vinh Quốc Khanh và phu nhân, bà Bác Sĩ Nguyễn T. Hoàng Lan và hai ông bà nhạc sĩ Nhật Ngân. Chỉ có ba ngày, chúng tôi phải khăn gói lên đường đến Paris cho đúng ngày hẹn với “người đặc biệt,” và phái đoàn chỉ có... 5 người.

Nhân vật đặc biệt

Người mà chúng tôi tìm kiếm cho chuyến thăm viếng này là bà Bác Sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu. Bác Sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu sinh tại Hà Nội ngày 8 tháng 9, 1906, là ái nữ của ông Bùi Quang Chiêu, người miền Nam, và bà Vương Thị Y.

Sau khi ông Bùi Quang Chiêu tốt nghiệp Kỹ Sư Canh Nông tại Pháp quốc, ông trở về Việt Nam làm việc trong ngành chuyên môn. Là người của khoa học, ông Chiêu lại nổi tiếng về lập trường chính trị. Ông sáng lập đảng Lập Hiến, sở hữu tờ báo “La Tribune Indochinoise.” Mặc dầu hoạt động trong khuôn khổ bất bạo động, theo lập hiến để đòi quyền tự trị, ông là người Tây du, đi cùng đường hướng với cụ Phan Châu Trinh, người Ðông du, dưới con mắt của người Pháp thuộc địa, ông là người có tinh thần quốc gia nguy hiểm, không khác nào người làm cách mạng.

Ðảng Cộng Sản Việt Nam thì xem ông như một chướng ngại vật có tầm vóc nên Việt Minh không ngần ngại sát hại ông cùng rất nhiều nhà yêu nước khác, đồng thời buộc tội ông là người hợp tác với chính quyền Pháp thuộc địa.



http://farm7.static.flickr.com/6184/6079914964_0917ab166e.jpg
Bà Henriette Bùi, hình chụp năm 1931. (Hình: Tác giả cung cấp)


Con gái ông Bùi Quang Chiêu, là bà Henriette Bùi Quang Chiêu, thừa hưởng tính chất năng nổ, hoạt bát từ người mẹ, đồng thời được sống trong môi trường thuận lợi: gia đình khá giả, có kiến thức của hai nền văn hóa Âu Á, được thêm sự giáo dục phóng khoáng. Vì nền tảng ấy, từ rất sớm, bà đã thể hiện cá tính độc lập với năng lực khác thường. Sống ở Saigon khi còn bé, vào tiểu học năm 1915 “l'École Primaire Superieure des jeunes filles,” sau đó bà vô Lycée Marie Curie. Cô học sinh Henriette là một người thông minh, lại có tính bướng bỉnh nhưng không kém phần hoạt kê, dí dỏm. Bà đỗ bằng tiểu học Certificat d'Études với thứ hạng cao, rồi sau đó nằng nặc đòi thân phụ cho đi học ngành Y khoa ở Paris như người anh Henri của bà.

Gởi con gái đi xa gia đình, vào thời bấy giờ là chuyện hy hữu. Bà Henriette cứ tiếp tục “quấy nhiễu” thân phụ mẫu, đòi được sang Pháp du học. Cuối cùng, ông bà phải chiều ý. Cô tiểu thư Henriette Bùi ra bến tàu Sài Gòn, xuất ngoại mùa Hè 1921, khi chưa tròn tuổi 15.

Henriette vào Lycée d'Agen và Bordeau năm 1922-25, thuộc miền Tây Nam nước Pháp. Cô học sinh gốc Á hấp thụ đời sống Âu Tây một cách tự nhiên, lấy bằng tú tài năm 1926 dưới sự giám hộ của giáo sư triết Madame Meyerson, nơi bà thường gặp nữ bác học Marie Curie. Bà bắt đầu vào trường Y Khoa năm 1926. Thời bấy giờ, đại học còn rất ít sinh viên nữ, và ngành Y khoa lại càng hiếm hoi hơn. Sau mười năm “tu luyện” nội trú trong các bệnh viện, bà chọn ngành chuyên môn là Sản Phụ Khoa, với luận án bác sĩ được tưởng thưởng huy chương. Bà trở thành bác sĩ gốc Việt đầu tiên xuất thân từ Ðại Học Y Khoa Paris. Lúc ấy, bà vừa tròn 28 tuổi. Sự kiện bà hồi hương năm 1935 là một biến cố quan trọng, làm chấn động dư luận xã hội và truyền thông thời bấy giờ.

Về Việt Nam, Bác Sĩ Henriette Bùi được bổ nhiệm làm trưởng khoa Hộ Sinh ở Chợ Lớn, và là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có trách nhiệm chăm lo hệ thống bệnh viện thuộc địa thời ấy. Với cá tính độc lập, bướng bỉnh, bà thường gặp nhiều khó khăn với các “ông tây thuộc địa,” và sự tranh chấp, đố kỵ xảy ra gần như hàng ngày. Tương truyền, bà từ chối mặc y phục Âu Tây để người Pháp kính nể hơn. Giới bác sĩ Pháp thời ấy nói rằng, nếu bà mặc y phục Việt Nam, người ta sẽ lầm tưởng bà là một “bà mụ đỡ đẻ” hơn là một bác sĩ sản khoa. Bà cương quyết từ chối, vẫn cứ tiếp tục hãnh diện trong bộ y phục Việt Nam của mình!
Không những thế, bà không ngừng chống đối sự kỳ thị, về giới tính và chủng tộc. Trong nghề, bà để hết tâm huyết, công sức mở các lớp huấn luyện các bà mụ sản khoa. Một trong những chế độ kỳ thị trắng trợn thời ấy là, cho dầu cùng là bác sĩ, những đồng nghiệp cùng khoa bảng lãnh lương cao gấp 10 lần nữ bác sĩ bản xứ. Ðơn giản, vì các đồng nghiệp ấy là... người Pháp. Bà nhất định tranh đấu, đòi quyền bình đẳng, cho bà, cho nữ giới bản xứ, và cho cả bệnh nhân người bản xứ. Người Pháp rất bực mình về thái độ của bà; họ tố cáo bà “làm cách mạng.”

Trong cuộc sống xã hội, Bác Sĩ Henriette Bùi hành xử rất “Tây.” Bà làm những việc gần như không thể chấp nhận được cho nữ giới thời ấy: bơi lội trong các hồ bơi tập thể, lái xe hơi. Bà chỉ tiếc là đã bỏ cuộc trong việc học lái máy bay!

Cuối năm 1950, bà lại sang Nhật Bản học châm cứu, rồi trở về Pháp hành nghề trong ngành chuyên môn mới, rất thành công tại Paris.

Ðến năm 1966 bà gia nhập một tổ chức từ thiện, trước khi tổ chức “Medecins Sans Frontière” (Bác Sĩ Không Biên Giới) được thành lập. Khi chiến tranh Việt Nam bùng nổ dữ dội, bà tận tụy chữa trị mọi người, không phân biệt bạn, thù.

Bà trở về Pháp năm 1971, làm việc đến năm 1976. Về hưu, bà vẫn tiếp tục công du khắp lục địa.

Về đường gia đình, nữ Bác Sĩ Henriette Bùi thành hôn với ông Vương Quang Nhượng, luật sư nổi tiếng của Tòa Án Sài Gòn, cũng là người bạn thân của thân phụ bà. Hai người ly dị hai năm sau. Sau đó, bà sống với người bạn đời mà bà từng quen biết khi ông còn đi học ở Paris. Ðó là ông Nguyễn Ngọc Bích, người từng tốt nghiệp Kỹ Sư Cầu Cống từ trường nổi tiếng bậc nhất xứ Pháp, “École Polytechnique,” vốn chỉ dành riêng cho sinh viên uu tú nhất của nước Pháp và thế giới thời ấy. Ông Nguyễn Ngọc Bích thuộc thành phần người quốc gia, yêu nước chân chính, đáp lời tiếng gọi quê hương, gia nhập phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được các anh em đồng đội tin tưởng và ngưỡng mộ, bầu làm Khu Bộ Phó Khu 9. Ảnh hưởng của ông càng ngày rộng lớn, và vì ông từ chối gia nhập Ðảng Cộng Sản, ông bị Việt Minh gài cho quân đội Pháp bắt trong vùng tỉnh Sóc Trăng. Dù bị tra tấn, ông nhất định không tiết lộ tên thật, và bị lên án tử hình.

Những năm đau khổ nhất trong cuộc đời của bà Henriette Bùi là khi cha và anh bà bị Việt Minh ám sát tháng 9, 1945. Rồi đến 1947, người bạn đời của bà, kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích, bị Việt Minh gài cho quân đội Pháp bắt, rồi bị lên án tử hình. Ðược tin không lành, bà Henriette Bùi ráo riết tìm các bạn học trường Polytechnique cùng chồng, là những người nay trở thành những nhân vật có ảnh hưởng quan trọng trong chính quyền Pháp, nhờ can thiệp. Kết quả, ông Nguyễn Ngọc Bích được chuyển sang danh sách trao đổi tù binh, thay vì án tử hình. Ðổi lại, ông không được trở lại Việt Nam, mà phải sang Pháp lưu trú. Tại đây, ông trở lại trường Y khoa và thành tài trong mấy năm sau. Tuy nhiên, ông không hành nghề bác sĩ và lại trở thành giáo sư dạy môn Vật Lý tại trường Y Khoa. Chuyện liên hệ ngẫu nhiên: giảng sư Nguyễn Ngọc Bích lại là thầy của Bác Sĩ Vũ Ngọc Quỳnh, người gần gũi ông nhất (Bác Sĩ Quỳnh cũng có mặt trong buổi thăm viếng với phái đoàn) và cũng là thầy của Bác Sĩ Nguyễn Tấn Phát, người bắt được liên lạc với bà Bác Sĩ Henriette Bùi.

Người 105 tuổi

Phái đoàn đến thăm viếng bà Henriette Bùi tại nhà dưỡng lão sang trọng thuộc Quận 19, Paris. Bà tiếp phái đoàn 8 người trong một phòng khách rộng lớn, trên lầu cao có cả sân thượng. Trên đường đến thăm bà, tất cả những người trong phái đoàn ai cũng hân hoan nhưng lo ngại, không biết bà sẽ như thế nào. Ðến khi gặp mặt, mọi người đều vui mừng, thán phục thấy bà tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn ở tuổi 105.

Bà vui mừng nắm tay từng người, hỏi han từ đâu đến và hành nghề gì. Bà vui mừng khi biết các bác sĩ từ Hoa Kỳ đến thăm. Bà rất thoải mái trong bầu không khí trẻ trung không gò bó, ai cũng gọi “bà Henriette,” thay vì gọi “bà cụ” hay “bác sĩ.” Khi bác sĩ Hoàng Lan xin chữ ký, bà để chức vụ “M.D. Henriette Bùi Quang Chiêu” chứ không dùng chữ Docteur vì biết Bác Sĩ Hoàng Lan đến từ Hoa Kỳ. Kể ra những chi tiết để thấy bà vẫn còn minh mẫn, và vẫn còn tính... nghịch ngợm, khôi hài.

Trong lúc trò chuyện, bà hay hỏi lại tên người này người kia vì bà hay quên những gì trong hiện tại, trái lại những gì trong quá thì bà nhớ rất rõ. Bà đọc lại bài vè thật dài, học được khi còn bé, cho mọi người hiện diện cùng nghe. Rồi bà quay qua hỏi người mà bà từng đỡ cho ông được sinh ra 75 năm trước: “Ông là ai?” Người này trả lời: “Dạ thưa, con là Nguyễn Duy Tân.” Bà thản nhiên phát ra một câu không chờ đợi: “A! ông ắt phải là một ông lớn.” Mọi người hiện diện trong phòng cười rộ lên. Bà tỏ ra phấn chấn, vì biết câu nói đùa của mình được mọi người tán thưởng.




http://farm7.static.flickr.com/6204/6081013803_fb525b0d0f.jpg
Ông bà Bác Sĩ Lương Vinh Quốc Khanh và Nguyễn Thị Hoàng Lan trao “plaque” kỷ niệm chuyến viếng thăm bà Bác Sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu ngày 6 tháng 3, 2011. (Hình: Tác giả cung cấp)


Ðộng tác của bà cụ 105 tuổi nay đã chậm, nhưng tư duy vẫn rất nhạy bén. Nói về quá khứ, bà nhớ từng chi tiết một, và khi hỏi bà có hận thù cộng sản đã giết cha và anh của bà không? Bà trả lời: “Không oán hận, vì đó là lịch sử.” Bà nói, mọi chuyện hãy “để cho lịch sử phán xét.”

Trên hai tiếng đồng hồ rộn tiếng cười, đột nhiên bầu không khí trở nên nghiêm trang khi ông bà Bác Sĩ Lương Vinh Quốc Khanh và Bác Sĩ Hoàng Lan trao tặng bà tấm phù điêu thủy tinh, vinh danh bà và cũng để đánh dấu ngày 3 tháng 6, 2011, ngày kỷ niệm phái đoàn của Hội Nghiên Cứu Y Khoa Việt-Mỹ đến thăm viếng. Cảm động, bà ôm lấy tặng vật vào lòng, một hình ảnh xúc động, dễ thương!

Trời đã trưa, phái đoàn ngỏ ý mời bà dùng buổi cơm trưa ngoài phố, bà đồng ý ngay. Có người đỡ bà đứng dậy, rồi bà tự động cầm lấy cán xe (walker), thong dong đi một mình đến gọi thang máy để xuống lầu. Nhà hàng ăn ngoài phố không xa nơi bà cu trú. Khi đẩy xe bà đến, tất cả nhân viên của nhà hàng niềm nở đón tiếp như thượng khách; bà là khách thường xuyên ở đây!
Sau gần năm tiếng đồng hồ được trò chuyện, sinh hoạt cùng bà, mọi người đưa bà trở lại nơi cư ngụ. Bịn rịn, cảm động, bà bắt tay từng người, bảo: “Phải trở lại thăm bà nữa nhé.” Khi chúng tôi chúc bà sức khỏe và trường thọ, bà phán: “Bà sẽ sống đến 121 tuổi để lấy giải sống lâu hơn một bà người Pháp sống đến 120 tuổi.”

Bác Sĩ Henriette Bùi, biểu tượng của cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như tại Paris nói riêng, một nhân vật đặc biệt, chứng nhân của cả một thế kỷ Việt Nam đầy biến động.


Nguyễn Quang

V.I.Lãng
06-19-2012, 08:22 AM
Monica Thieu (Thiều Kim Ngân) - Thắng giải nhất College Jeopardy $100,000
vào ngày 14 tháng 2 năm 2012

http://farm6.staticflickr.com/5448/7050256191_93d891d8fe.jpg
Nữ sinh gốc Việt Monica Thieu thắng giải nhất trong cuộc thi kiến thức College Jeopardy ở Mỹ 14/2/2012


Thiều Kim Ngân (Monica Thieu), 18 tuổi, sinh viên trường trường đại học North Texas, vừa giành chức vô địch trong chương trình "Jeopardy!", một cuộc thi kiến thức trên truyền hình với các câu hỏi hóc búa ở nhiều lĩnh vực.

Kim Ngân là người sinh viên trẻ tuổi nhất từ trước đến nay đã thắng giải nhất trong chương trình College Jeopardy.

Kim Ngân đã vượt qua nhiều vòng thi và đánh bại 14 sinh viên khác đến từ khắp nước Mỹ để giành giải thưởng. "Tôi mong rằng chiến thắng của mình sẽ cho các bạn sinh viên khác thấy họ cũng có thể làm được, bất kể kinh nghiệm hay tuổi tác", Ngân nói.

Ngân cho biết đã khá run ở vòng thi thứ nhất nhưng sang vòng thi tiếp theo thì đã bình tĩnh hơn và xuất sắc vượt qua hàng loạt câu hỏi. Nhưng Ngân vẫn chưa hết xúc động vì được gặp và đứng cùng sân khấu người dẫn chương trình nổi tiếng Alex Trebek của chương trình "Jeopardy!".

Gây được sự chú ý lớn sau cuộc thi, Ngân trở nên nổi tiếng và trở thành khách mời của nhiều chương trình truyền hình và các tờ báo. Ngân nói với Star-Telegram rằng sẽ chỉ dùng một phần nhỏ số tiền thưởng để đi mua sắm, còn lại sẽ dành phần lớn để đóng học phí.

"Jeopardy!" ra đời năm 1964 và có một lịch sử phát sóng dài hàng thập niên tại Mỹ. Các chương trình mà Ngân tham gia được thực hiện và ghi hình từ một tháng trước khi phát sóng. Và với Ngân, điều khó nhất là giữ bí mật về chiến thắng với mẹ, chờ cho đến khi bà xem công bố kết quả trên truyền hình.



***

http://farm8.staticflickr.com/7041/6904165868_fc8684c665_c.jpg

http://farm6.staticflickr.com/5236/6904176774_26f2dcd4ec_b.jpg

V.I.Lãng
06-19-2012, 01:00 PM
Jacquelyn Ngô - Tài năng hội họa 6 tuổi người Úc gốc Việt

http://farm7.staticflickr.com/6093/7030164441_840cf4f42c.jpg


Đài phát thanh Úc châu SBS do Phan Bách thực hiện

Audio phần 1:
nghe liền: http://dl2.musicwebtown.com/ndvy/playlists/285575/3311035.mp3

download: http://www.mediafire.com/?1e9wxnsok7dm74m

Audio phần 2:
nghe liền: http://dl2.musicwebtown.com/ndvy/playlists/285575/3311036.mp3
download: http://www.mediafire.com/?t2v3i64pyjb679x

Audio phần 3:
nghe liền: http://dl2.musicwebtown.com/ndvy/playlists/285575/3311038.mp3
download: http://www.mediafire.com/?ulgn2azc39iwywv

Audio phần 4:
nghe liền: http://dl2.musicwebtown.com/ndvy/playlists/285575/3311719.mp3
download: http://www.mediafire.com/?9j4ohprpskasie5

Audio phần 5:
nghe liền: http://dl2.musicwebtown.com/ndvy/playlists/285575/3312636.mp3
download: http://www.mediafire.com/?ebgt9gxv2hvey2v


Nhiều tờ báo như The Sydney Morning Heraldnews, Women's Day đã viết về Jacquelyn Ngo như một thần đồng và là niềm hy vọng của hội họa sau khi triển lãm riêng của có bé mang tên Through Young Eyes khai mạc hồi tháng 2/2011

Phòng triển lãm Casula Powerhouse Arts Centre của thành phố Liverpool đã trưng bày 30 tác phẩm hội họa của một nữ họa sĩ mới 6 tuổi gốc Việt. Cô bé có tên là Jacquelyn Ngô. Thị trưởng thành phố - ngài Wendy Waller đã đích thân khai mạc triển lãm này.


http://farm8.staticflickr.com/7209/6884063892_c4c77391b3.jpg

Người tổ chức cuộc triển lãm này, Steven Alderton, giám đốc của trung tâm nghệ thuật Casula Powerhouse Arts Centre tỏ ra rất hào hứng. Ông đã xem qua tác phẩm nghệ thuật Jacquelyn một vài tháng trước, khi cô giành chiến thắng tại hạng mục Thiếu nhi của giải thưởng Nghệ thuật thành phố Liverpool.

"Cô bé có một khả năng hội họa rất tươi sáng. Tôi đã nghĩ về hàng trăm tác phẩm nhỏ của cô ấy cho tới hàng ngàn tác phẩm lớn hơn mà cô bé sẽ vẽ sau này. Đó là ánh sáng và năng lượng, bạn có thẻ cảm thấy sự trẻ trung trên những tấm toan."


http://farm7.staticflickr.com/6047/7030164585_22b02a0568.jpg

Steven Alderton thừa nhận, ban đầu ông đã nghi ngờ rằng những bức tranh có thể được tạo ra bởi một nghệ sĩ trẻ, vì vậy ông đã gửi một đồng nghiệp để xem Jacquelyn sơn, vẽ trong 2 giờ rưỡi. "Cô ấy đã khóc và nói rằng cô ấy thực sự kinh ngạc trước tài năng của cô bé 6 tuổi này", ông kể lại.

Tại triển lãm, Steven Alderton cho biết đã nhận được những cuộc gọi từ những người muốn mua tranh của Jacquelyn Ngô. Thậm chí có cả những người gọi từ các quốc gia khác muốn triển lãm các tác phẩm của cô bé.


http://farm8.staticflickr.com/7216/7030164633_3ef3001224.jpg

Thu Ngô - dì của Jacquelyn cho biết gia đình đã nhận thấy tài năng của em khi 3 tuổi. "Cô bé bắt đầu vẽ cái này, cái kia. Phác thảo của bé khá tốt, vì vậy chúng tôi nghĩ rằng mình nên làm một điều gì đó."

Sự đa dạng về văn hóa và sự cởi mở của tâm hồn có thể được cảm nhận rất rõ nét. Những bức tranh của Jacquelyn cũng phản chiếu một nguồn năng lượng dồi dào, mang lại sự tiếp cận tự nhiên và trẻ trung tới những hình ảnh được vẽ. Nhìn vào chúng, người ta thấy được khả năng, bố cục, ý thức và thế giới tưởng tượng của tuổi trẻ được bày ra trước mắt một cách trung thực.


http://farm7.staticflickr.com/6051/6884064056_25e3921df1.jpg

Cái nhìn của Jacquelyn về thế giới là sự kiên quyết và trực tiếp, đa dạng và hồn nhiên. Sự lựa chọn phạm vi cũng khá rộng và em thích thử nghiệm với các kĩ thuật và phong cách của những họa sĩ đi trước. Có thể thấy không dưới 3 bức tranh có sự tương đồng về bố cục và màu sắc với Vincent Van Gogh - người họa sĩ yêu thích của cô bé. Cô bé không ngần ngại thổ lộ: ""Vincent là nghệ sĩ yêu thích của cháu", cô bé nói không do dự. "Bức tranh yêu thích của cháu là Hoa Hướng Dương và bức ông đã vẽ phòng ngủ của mình (Bedroom In Arles)"

Jacquelyn được hướng dẫn bởi họa sĩ Đỗ Trọng Nhơn, nhưng nguồn cảm hứng những bức tranh thì hoàn toàn là của cô bé "Cháu vẽ tất cả mọi thứ," em nói. "Cháu vẽ người, động vật và cảnh quan"


http://farm8.staticflickr.com/7090/6884063814_27b159226d.jpg

Jacquelyn cũng chơi đàn piano nhưng khả năng hội họa vượt trội hơn. Khi được hỏi cô bé có muốn trở thành một nghệ sĩ, Jacquelyn trả lời: "Cháu nghĩ thế''.

Tháng 5/ 2011, Jacquelyn Ngô tiếp tục có một cuộc triển lãm thành công tại Trung tâm Nghệ thuật Casula Powerhouse, Sydney. Các nhà phê bình đã dự đoán những điều lớn từ cô gái bé nhỏ này. Tại triển lãm, mẹ cô bé cho biết: "Đừng hỏi giá bao nhiêu một bức tranh, Jacquelyn muốn giữ tất cả các bức tranh của cô bé - vì cô bé yêu thương chúng quá nhiều,". Tại triển lãm ở Liverpool, những người tổ chức cũng đã không bán một bức tranh nào của cô bé, dù chúng được trả giá hàng ngàn đô la.

Steven Alderton - giờ đây đã trở thành cựu giám đốc - tin tưởng rằng Jacquelyn đang có tương lai hứa hẹn và có thể chinh phục các giải thưởng họi họa như Archibald hay Moran.

(sưu tầm)

V.I.Lãng
06-19-2012, 01:03 PM
Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Cố vấn cho Tổng thống Obama
Đài phát thanh VOA do Trà Mi thực hiện

http://farm8.staticflickr.com/7067/6883951604_a651431d53.jpg
TS - BS Nguyễn Thanh Tùng được bổ nhiệm chức cố vấn Tổng thống Obama từ đầu tháng 3 năm 2012

Audio
nghe liền: http://dl2.musicwebtown.com/ndvy/playlists/285575/3311039.mp3

download: http://www.mediafire.com/?n2u7bd3mw9e5cyr



Người Việt đã có tiếng nói trong chính quyền Mỹ khi Tổng thống Barack Obama mới đây vừa bổ nhiệm một bác sĩ trẻ gốc Việt vào Ủy ban Cố vấn cho Tổng thống chuyên trách về người Mỹ gốc Châu Á-Thái Bình Dương.

Gương thành công của Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, giáo sư y khoa của Đại học California-San Francisco là một niềm hãnh diện cho cộng đồng người Việt và đặc biệt là cho giới trẻ Việt Nam

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng cùng gia đình sang Mỹ tị nạn chính trị từ năm 1975 và hiện định cư tại San Jose, bang California. Thành tích học tập của anh đã tỏa sáng ngay từ thời trung học với tấm bằng tốt nghiệp ưu hạng và học bổng toàn phần trong thời gian học cử nhân khoa triết tại trường đại học lừng danh Havard.

Ra đại học, anh rẽ sang ngành y với ước mong phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng người Mỹ gốc Á. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ từ trường đại học nổi tiếng Stanford, anh được mời về giảng dạy tại Đại học California-San Francisco từ năm 1997 tới nay, vừa dạy, vừa chăm sóc bệnh nhân, và miệt mài trong công tác nghiên cứu. Anh là Giám đốc Dự án Thăng tiến Sức khỏe cho cộng đồng người Việt tại Mỹ và đồng thời là thanh tra chính của Mạng lưới Đào tạo-Nghiên cứu-Nâng cao nhận thức về ưng thư thuộc đại học California-San Francisco, chuyên tiến hành các cuộc nghiên cứu để phòng bệnh cho người Mỹ gốc Á Châu. Các cuộc nghiên cứu của anh giúp tăng cường tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung, và ung thư trực tràng, cũng như các căn bệnh do thuốc lá gây ra cho người gốc Á tại Mỹ đã mang về cho anh Giải thưởng từ Hội Ung thư Mỹ vào năm 2002.

Nếu như những thành tích ngoại hạng về khoa bảng đã mang lại cho anh các văn bằng từ các trường đại học danh tiếng của Mỹ thì những thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu y khoa và những đóng góp không ngừng nghỉ trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng đã khiến tên tuổi anh được giới chuyên môn chú ý và đánh giá cao và kết quả là ngày 7/10 vừa qua, anh được đích thân Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bổ nhiệm vào Ủy ban Cố vấn cho Tổng thống chuyên trách về người Mỹ gốc Châu Á-Thái Bình Dương.

Khi được hỏi về bí quyết của những thành công đáng nể này, bác sĩ Tùng nói đó là nhờ sự phấn đấu không ngừng:
“Mình cứ cố gắng thôi chứ không có gì đặc biệt hết. Mình kiên nhẫn, cố gắng học hành,cứ cố gắng tiếp tục. Thắng cũng tiếp tục mà thua cũng tiếp tục tại vì mình đi di cư, mình còn mạng sống là đủ rồi. Cho nên, bất cứ việc gì mình cứ cố gắng làm, không mất gì cả, bởi mình đã mất hết tất cả rồi. Cứ mỗi lần tôi gặp cơ hội là tôi làm, nhiều khi được nhiều khi không, nhưng tôi không lo bị thua, và cũng may là gia đình tôi có chú ý về vấn đề giáo dục.”

Cũng như bao người Việt khác sang xứ lạ quê người để an cư lập nghiệp, trên đường tiến thân đến thành công hôm nay, bác sĩ Tùng đã nếm trải không ít khó khăn kể cả phương diện vật chất lẫn tinh thần, từ những khó khăn ban đầu về ngôn ngữ, những cảm giác trống vắng, vương vấn với một quê hương Việt Nam bỏ lại sau lưng, cho tới những vất vả trong đời sống mưu sinh hằng ngày. Vị bác sĩ trẻ giờ đây là thành viên Ban Cố vấn Tổng thống từng một thời đi phụ việc nhà để có thêm chút tiền đỡ gánh nặng cho ba mẹ.

Bác sĩ Tùng kể lại:

“Tôi đi làm từ hồi 15 tuổi, vừa đi học vừa đi làm suốt thời gian trung học và đại học. Tôi làm việc trong thư viện, đi bỏ sách, đi dọn dẹp nhà người ta. Tôi nghĩ muốn tiến thân thì lúc nào cũng phải có một chút lên, một chút xuống.”
Dù theo đuổi ngành y, một trong những ngành nghề đòi hỏi nhiều thời gian nhất, nhưng bác sĩ Tùng vẫn hướng tới cộng đồng. Không những chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, anh còn mong được phục vụ cho số đông người Mỹ gốc Việt nhiều hơn nữa, và anh đã đầu tư công sức và thời gian vào rất nhiều cuộc nghiên cứu giúp cải thiện sức khỏe cho người Việt tại Mỹ.

Bác sĩ Tùng tâm sự:

“Ra trường y khoa, quan trọng nhất đối với tôi là chú ý giúp đỡ cho cộng đồng bắt đầu bằng công việc bác sĩ để lo cho bệnh nhân. Sau đó, tôi nhận thấy làm bác sĩ không thôi chỉ có thể lo cho một số bệnh nhân, mà cộng đồng ngoài kia có rất nhiều người cần được giúp đỡ trong khi tài liệu về nghiên cứu y khoa cho cộng đồng người Việt ở Mỹ rất ít. Cho nên, tôi chú ý và bắt đầu làm nghiên cứu thêm.”

Bác sĩ Tùng cho biết anh cũng mong được tham gia vào các cuộc nghiên cứu về sức khỏe của người Việt trong nước và các chương trình y tế ở Việt Nam khi điều kiện cho phép.

Một lời khuyên dành cho các bạn trẻ đang nghe chương trình với tư cách là một gương thành công đi trước, bác sĩ Tùng nói:

“Không bao giờ nói tôi không muốn làm việc này, hay tôi không làm được việc kia, hoặc tôi không thích làm việc nọ. Cơ hội nhiều khi mở ra cho mình những cánh cửa không biết trước được. Trong đời mình cần cơ hội mà nhiều khi cơ hội tới mà mình không biết, mình đóng cửa lại. Cơ hội nhiều khi có, nhiều khi không, nhưng vấn đề quan trọng là mình cứ tiếp tục làm những việc mình muốn làm.”

Vị bác sĩ trẻ người Việt trong Ban Cố vấn cho Tổng thống Mỹ cho rằng sự thành đạt của anh hôm nay 30% nhờ vào cơ hội và 70% là do tự lực phấn đấu cùng với ý chí kiên trì vượt khó vươn lên. Thành công của anh quả là một tấm gương đáng khâm phục để giới trẻ noi theo.

V.I.Lãng
06-19-2012, 01:12 PM
Giáo Sư Huỳnh Sanh Thông (1926-2008)

http://farm7.static.flickr.com/6230/6276513951_c4b633e168.jpg

Giáo-sư Huỳnh Sanh Thông, một trong mấy dịch-giả văn-học hàng đầu từ tiếng Việt sang tiếng Anh, vừa mất hôm thứ Hai, 17 tháng 11, 2008, tại nhà thương gần nhà ở Hamden, Connecticut, do tim ngừng đập. Được biết, đã từ nhiều năm nay, ông phải ngưng làm việc do một vụ tai-biến mạch máu não làm cho ông bị liệt nửa người và phải ngồi xe lăn.

Sinh năm 1926 ở miền Nam Việt-nam, ông Huỳnh Sanh Thông là một trong những du-học-sinh Việt-nam sang Hoa-kỳ từ rất sớm, chỉ ít năm sau Thế-chiến II. Sự-nghiệp của ông có thể chia ra làm mấy giai-đoạn như sau:

Ông bắt đầu làm giảng-viên dạy tiếng Việt tại Đại-học Yale ở New Haven, Connecticut, vào những năm cuối thập niên 1950 và liên-tiếp dạy ở đây trong vòng 15 năm, tới đầu thập niên 1970. Trong giai-đoạn này, ông đã là tác-giả chung với một học-giả người Mỹ, ông Robert B. Jones, Jr., để làm ra một số sách giáo-khoa dạy tiếng Việt cho người nói tiếng Anh. Đó là những cuốn như Introduction to Spoken Vietnamese (Washington, DC: American Council of Learned Societies, có hai ấn-bản, năm 1957 và 1960). Sau đó, hai ông lại cộng-tác trong một tác-phẩm khác, đó là cuốn Spoken Vietnamese (Ithaca, New York: Spoken Language Services, khoảng năm 1979). Cũng trong thời-gian này, ông được Hội-đồng Hoa-kỳ các Hội Chuyên-khoa (American Council of Learned Societies) tài-trợ trong nhiều năm để làm một cuốn từ-điển Việt-Anh thật lớn mà cuối cùng ông chỉ hoàn-tất được đến có vần “G” mà thôi. (Cuốn đại-từ-điển này, tuy chưa hoàn-tất, vẫn được Trung-tâm Ngôn-ngữ-học Ứng-dụng, Center for Applied Linguistics, in ra thành nhiều tập khoảng năm 1968-69 trong một lần in rất giới-hạn.)

Có một thời-gian, khoảng giữa thập niên 1960, ông theo tiếng gọi của quê hương và về Việt-nam để đảm trách chức Tổng-giám-đốc Việt Tấn Xã nhưng duyên chính-trị của ông không bền. Ông đã rời VN và trở lại Mỹ sau chỉ mấy tháng làm việc trong một khung cảnh rất khó khăn, gặp nhiều gò bó.

Trở lại Mỹ, ông lại lao vào học-thuật và tác-phẩm đầu tiên làm cho ông nổi tiếng là bản dịch Truyện Kiều, The Tale of Kieu, của Nguyễn Du (1765-1820) do nhà Random House in ra năm 1972, với Gloria Emerson (ký-giả New York Times) viết tựa và Alexander Woodside, cựu-sinh-viên của ông mà sau này đã trở thành một giáo-sư nổi tiếng về VN ở Harvard, viết về phần lịch-sử. Cuốn này, đến năm 1986, ông lại để cho Yale University Press in ra trong một bản song ngữ Việt-Anh đối-chiếu, với minh-hoạ của Hồ Đắc Ngọc.

Sự thành công của bản dịch Kiều này đã khuyến khích ông dốc toàn-thời vào việc dịch thơ văn VN. Và cuối cùng là hai tuyển-tập thơ Việt-nam dịch sang tiếng Anh, The Heritage of Vietnamese Poetry (“Di-sản Thi ca Việt-nam,” Yale University Press, 1979) và An Anthology of Vietnamese Poems from the Eleventh through the Twentieth Centuries (“Tuyển-tập Thơ VN từ Thế-kỷ XI đến Thế-kỷ XX,” Yale University Press, 1996). Ba tác-phẩm trên đây đã mang lại cho ông nhiều giải thưởng cao quý: Giải thưởng Harry Benda của Hội Á-đông-học (Association of Asian Studies) năm 1981 và nhất là Đại-tặng-dữ MacArthur Fellowship năm 1987 (trị giá $365,000, tương-đương hay còn lớn hơn cả với giải Nobel về văn-học).

Với giải MacArthur, ông không còn thấy cần phải đi dạy học nữa và đã bỏ toàn thời ra làm mấy tập-san về Việt-học nổi tiếng một thời. Ông lập ra Lạc Việt Series để in sách dịch từ Việt-ngữ hay Pháp-ngữ nhưng chuyên về Việt-nam, trong đó phải kể bản dịch Lục súc tranh công (The Quarrel of the Six Beasts, in song ngữ, tựa-đề do G.S. Nguyễn Ngọc Huy và minh-họa của Mạnh Quỳnh) (New Haven, CT: Yale Southeast Asian Studies, 1987), To Be Made Over: Tales of Socialist Reeducation in Vietnam (dịch một số truyện đi cải tạo tập trung của người miền Nam sau khi CS vào thành) (New Haven, CT, 1988), The Song of a Soldier's Wife - Chinh Phụ Ngâm (bản dịch song ngữ, New Haven, CT, 1986, với tranh minh-hoạ của Hồ Đắc Ngọc) và nhất là Flowers from Hell - Hoa Địa Ngục (bản dịch song ngữ tác-phẩm nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, dịch khoảng gần 200 bài, New Haven, CT: Southeast Asia Studies, 1984). Chính bản dịch sau này đã mang lại cho nhà thơ Nguyễn Chí Thiện Giải Thơ Quốc-tế Rotterdam (Hoà-lan) năm 1985. (Cách đây vài tháng, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã lên thăm ông và cho hay ông đã nói lại và viết lại được, tuy còn rất chậm chạp.)

Sức sáng-tác của ông được xem là phi thường vì ngoài những tác-phẩm trên, ông còn cho ra tập-san chuyên-đề về văn-chương và văn-hoá VN in trong ba thứ tiếng, Việt-Anh-Pháp, mang tên The Vietnam Forum, cuối cùng cũng ra được mười mấy số. Sau đó, ông đã cộng-tác với nhà phê-bình Hoàng Ngọc Hiến ở trong nước và nhà văn Trương Vũ ở Maryland để cho ra tạp-chí The Vietnam Review in bài trong hai thứ tiếng Anh và Pháp mà ông là chủ-biên, phát hành hai số một năm. Số ra mắt độc-giả là vào năm 1996 và số 2 (dày 568 trang) là số Xuân-Hè 1997 gồm nhiều thơ, truyện, biên khảo của các tác-giả cổ, kim, trong và ngoài nước.

Ngoài ra, ông cũng còn có những bài biên-khảo khá sâu sắc, có khi dài cả 100 trang, để nói về một đề-tài như nguồn gốc tiếng Việt trong tập-san Dòng Việt (1994), do hai G.S. Lê Văn và Nguyễn Đình Hoà chủ-trương và G.S. Hà Mai Phương đứng tên chủ-bút.

Rất tiếc là ông đang khi sung sức nhất thì bị tai-biến mạch máu não làm cho ông phải ngưng mọi hoạt-động viết lách cũng như xuất bản trong nhiều năm qua. Tuy-nhiên, sự đóng góp của ông vẫn phải kể là thật đồ sộ trong nỗ lực giới-thiệu văn thơ VN với thế-giới nói tiếng Anh mà ít người bì kịp.

V.I.Lãng
06-19-2012, 01:13 PM
Tiến Sĩ Huỳnh Mỹ Hằng - Nữ khoa học gia gốc Việt đoạt giải “Thiên Tài”


Người Việt Nam thứ nhì được trao MacArthur Fellowship

http://farm7.static.flickr.com/6034/6267113544_36f1652d96.jpg

LOS ALAMOS, New Mexico (NV) - Một nữ khoa học gia Việt Nam nằm trong số 24 người nhận giải MacArthur Fellowship 2007, theo bản tin từ MacArthur Foundation báo Người Việt nhận được. Giải thưởng MacArthur Fellowship, còn được quen gọi là “Genius Grants” (giải “Thiên Tài”) là một trong những giải thưởng cao quí nhất về mọi ngành khoa học, xã hội, nhân văn, nghệ thuật v.v

Nữ khoa học gia Việt Nam này là Tiến Sĩ Huỳnh Mỹ Hằng, hiện làm việc tại phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, tại tiểu bang New Mexico. Thành tựu của Tiến Sĩ Mỹ Hằng là phát minh những kỹ thuật dùng để tổng hợp các chất năng lượng mạnh. Một số loại chất nổ, năng lượng mạnh, được áp dụng trong nhiều lãnh vực khác nhau, nhưng thường để lại hậu quả xấu về mặt môi trường và nhiệt độ. Phát minh của Tiến Sĩ Mỹ Hằng giải quyết được cả hai yếu tố này.

Theo bản tin của MacArthur Foundation, Tiến Sĩ Huỳnh Mỹ Hằng đã tạo ra hai cơ chế phản ứng hóa học dựa trên các chất azides và alkynes. Thuộc tính nhiệt học của các chất này giúp tổng hợp thành một hợp chất có thể chịu nhiệt ở mức độ cực đoan nhất; đồng thời, cấu trúc của hợp chất mới giúp thay thế các chất độc của kim loại nặng (như thủy ngân hay chì) bằng các chất ít độc hơn, như đồng hoặc iron.

Giải thưởng MacArthur trị giá $500,000 tiền mặt, được trao toàn quyền cho người trúng giải muốn làm gì thì làm, không bị bó buộc điều kiện gì cả. Giải này không nộp đơn xin mà phải được đề cử. Một ủy ban 12 người tuyển chọn những nhân vật trúng giải trong năm.

MacArthur Foundation là một tổ chức bất vụ lợi tại Hoa Kỳ. Hàng năm tổ chức này chọn ra một số người để trao giải MacArthur Fellowship. Những người trúng giải là những người có những sáng tạo đem lại điều hữu ích cho nhân loại.
Như vậy, sau 20 năm, đây là lần thứ nhì một người Việt Nam được trao tặng giải thưởng MacArthur Fellowship. Người đầu tiên là học giả Huỳnh Sanh Thông, được trao giải năm 1987.

Tiến Sĩ Huỳnh Mỹ Hằng sinh năm 1962. Bà tốt nghiệp hai bằng cử nhân (nhân văn và kỹ thuật) năm 1991 từ trường State University of New York, Genesseo. Năm 1998, bà lấy bằng tiến sĩ hóa học tại đại học State University of New York, Buffalo. Từ năm 2002, Tiến Sĩ Mỹ Hằng làm việc tại High Explosives Science and Technology Group, thuộc phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos.

V.I.Lãng
06-19-2012, 07:37 PM
Bác sĩ Philipp Roesler gốc Việt làm bộ trưởng tiểu bang của Ðức

http://farm7.static.flickr.com/6055/6276578437_3343601b64.jpg
Phóng viên Jurgen Damsch và Marc - André Russau của báo Bild (Đức) đã tìm về Sóc Trăng, nơi vị tân bộ trưởng y tế Đức gốc Việt Philipp Roesler, thành viên trẻ nhất (36 tuổi) trong nội các của Thủ tướng Angela Merkel, đã chào đời. Bài báo vừa công bố ngày 1/11.


http://farm7.static.flickr.com/6233/6276578917_aa6fbce297.jpg
Bà Đỗ Thị Suốn với tấm hình của tân Bộ trưởng Y tế Đức Philipp Roesler (ảnh chụp chiều 2-11).

Con đường tìm về quá khứ của Philipp Roesler rất nhọc nhằn. Tôi hít bụi, đinh tai nhức óc vì còi xe gắn máy, trời nóng oi bức phủ khắp người tôi một lớp mồ hôi.

Cảm ơn trời, tôi đã tìm thấy sơ.

Từ Sài Gòn, chiếc taxi của tôi chạy gập ghềnh bảy giờ trên những con đường đầy ổ gà của miền Nam Việt Nam, qua những hàng thức ăn và những ngôi nhà được che bằng lá dừa nước. Khoảng 11g trưa, Bình (34 tuổi), người phiên dịch của tôi, và tôi đến thành phố Sóc Trăng. Ông tân bộ trưởng y tế đã sinh ra ở đây 36 năm trước. Một đứa bé trai ngày ấy còn chưa mang tên Philipp đã được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi lúc mới 9 tháng tuổi.

Chúng tôi bước vào ngôi nhà thờ Công giáo ở số 190 Tôn Đức Thắng. “Ở đây có xơ Maria Martha và xơ Sylvia không?” - người phiên dịch của tôi hỏi người trông nom nhà thờ. Ông Roesler mới chỉ về Việt Nam một lần (theo lời thúc giục của vợ ông hồi năm 2006), đã nêu tên của hai xơ trong một cuộc phỏng vấn. Ông chưa từng đến thăm các sơ.

Người trông nom nhà thờ chỉ cho chúng tôi đến nơi cách đấy hai căn nhà nơi các xơ ở. Một phụ nữ già đi về phía chúng tôi. “Bà có biết các sơ ngày trước bây giờ ra sao không?”. “Sơ Sylvia qua đời rồi - bà nói - Chỉ còn tôi thôi, sơ Đỗ Thị Suốn”.
Còn xơ Maria Martha? Người phụ nữ già cười: “Đó chính là tôi, đó là tên thánh của tôi”.

Cảm ơn trời, cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy bà! Tôi kể về Philipp Roesler, người được nhận làm con nuôi trong tháng 11/1973 và bây giờ là một người đầy quyền lực ở Đức. Chúng tôi cho bà cụ 78 tuổi này xem một tấm ảnh của ông bộ trưởng. Bà cầm tấm ảnh gần như âu yếm trong đôi tay. “Philipp chắc chắn phải ở tại chỗ của chúng tôi - bà nói - Thời đó, xơ Sylvia và tôi đã chăm sóc nhiều trẻ mồ côi và tìm cha mẹ cho chúng thông qua Tổ chức Terre des Hommes. Đứa bé nào rồi cũng có người nhận. Phần lớn sang Pháp hay Mỹ, nhiều nhất cũng chỉ 30 trẻ sơ sinh sang Đức”.


http://farm7.static.flickr.com/6103/6276578985_9df854db96.jpg
Hình ảnh trên tờ Bild (Đức): gương mặt thời niên thiếu của Bộ trưởng Y tế Đức Philipp Roesler

Đó là một thời khó khăn

Chúng tôi đứng trước trại mồ côi thời ấy, một căn nhà màu vàng có cửa sổ trắng. “Chúng tôi chăm sóc trẻ ở đây - xơ Maria nói và giơ cao ngón tay run rẩy - Con trai ngủ ở tầng trệt, con gái ở lầu một”. Đó là một thời khó khăn, thời chiến tranh Việt Nam.

“Các bà mẹ chạy trốn từ những làng đang cháy đặt vào tay chúng tôi những đứa bé đang đói ăn của họ - xơ kể lại - Hoặc là những người lính mang đến cho chúng tôi những đứa bé sơ sinh mà họ tìm thấy được ở đâu đó”.

Ở đây, chỉ cách vài mét sau hàng rào, các xơ đã cố công nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ rơi vì chiến tranh - ngay cả khi họ không thể cứu sống được tất cả.

“Mấy đứa bé nằm đầy trong phòng, nhiều đứa đau ốm, bị tiêu chảy, có giun sán hay viêm phổi - xơ Maria kể - Tất cả những gì mà chúng tôi có thể đem đến cho các cháu là một ít thức ăn, thỉnh thoảng có một ít thuốc men và tình thương của chúng tôi”.

Ngôi nhà của Hội đồng Chúa Quan Phòng ngày nay là một ký túc xá và một bệnh viện. Heo ụt ịt trong một cái chuồng nhỏ trong sân, chó chạy rông. “Chúng tôi ngày ấy nuôi heo và có một vườn rau - xơ Maria kể - Cho đến nay cũng vậy”.

Chúng tôi bước sang ngôi trường ở cạnh bên. Trên bàn ở cạnh cửa ra vào có một bình hoa giả màu vàng, bé gái tóc thắt bím cười khúc khích. Xơ Maria ngồi xuống. Xơ đã sang Pháp vài năm vào lúc 22 tuổi để học ngôn ngữ và nay là nhân chứng duy nhất từ thời Khánh Hưng để có thể kể lại về thời gian đó: “Xơ Sylvia bao giờ cũng tháp tùng theo những đứa bé về Sài Gòn đến các đại sứ quán để làm các thủ tục nhận con nuôi”.

Xơ Maria ở lại khi trẻ em được đưa lên Sài Gòn. “Tôi là cô giáo, phải dạy học” - bà nói, nhưng người ta có thể cảm nhận được lần từ biệt nào cũng gây nhiều cảm xúc cho bà. Bà lại nhìn vào tấm ảnh của Philipp Roesler: “Chúng tôi biết ở nơi khác những đứa bé này sẽ có cuộc sống tốt hơn”.

“Thành đạt và hạnh phúc” là điều duy nhất mà xơ Maria ước mong cho những đứa bé của xơ. “Tôi không còn muốn gì cho bản thân nữa - bà nói và cười - Hay là điều này - bà sực nhớ - Có lẽ là một điều rất nhỏ nhoi thôi: tôi có được phép giữ lại tấm hình của Philipp không?”.

Thời gian gần đây các phương tiện truyền thông cho rằng tân Bộ trưởng Y tế Đức Philipp Roesler sinh ra ở tỉnh Khánh Hòa. Nhưng mới đây hai nhà báo Đức đã sang Việt Nam, mang theo những thông tin từ khai sinh của chính vị bộ trưởng này với dòng chữ Khánh Hưng - Ba Xuyên.

Tối 2-11, chúng tôi đã tìm đến tu viện của Hội đồng Chúa Quan Phòng ở số 190 Tôn Đức Thắng, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) để tìm lại dấu tích của 36 năm trước. Tiếp chúng tôi là một cụ bà 78 tuổi còn rất minh mẫn. Bà là Đỗ Thị Suốn, tên thánh là Maria Martha.

Bà Suốn cho biết vài ngày trước có hai nhà báo Đức đến với một xấp hình ảnh của tân Bộ trưởng Y tế Đức Philipp Roesler. Hai nhà báo này tìm bà Maria Martha và bà Sylvia (tu sĩ Giang Thị Hương) nhưng hiện nay chỉ bà Suốn còn sống.

Theo bà Suốn, năm 1973 tu viện của Hội đồng Chúa Quan Phòng Sóc Trăng nằm cạnh một con đường nhỏ đầy đá thuộc làng Khánh Hưng, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Ba Xuyên, nay là phường 8, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

Bà Suốn nhớ lại 36 năm trước ngày nào làng Khánh Hưng cũng vang rền tiếng súng. Nhiều đứa trẻ còn đỏ hỏn mới sinh ra đã được gửi vào tu viện bởi nhiều lý do như: gia đình nghèo khó, ly tán vì chạy loạn hoặc người thân chết hết. Những đứa trẻ gửi vào đa số đều không có khai sinh nên tu viện không biết các bé sinh ra ở đâu.

Thường là ở các huyện lân cận làng Khánh Hưng nên trong lúc chạy loạn ngang qua tu viện, người thân các bé chỉ vội hôn con rồi nhanh tay gửi cho các nữ tu sĩ mà chẳng kịp dặn dò lời nào. Cũng có trẻ có khai sinh nhưng đó là những đứa trẻ đã được vài ba tuổi, khai sinh đôi khi chỉ có tên mẹ hoặc tên cha, có khi là tên của chính người bồng bé vào gửi được các tu sĩ ghi lại ở phần cha hoặc mẹ trong khai sinh.

Do tu viện nhỏ, chỉ bảo bọc khoảng 50-60 trẻ nên lúc có quá nhiều trẻ được gửi vào, tu viện đã liên hệ với Tổ chức Terre des Hommes để đưa trẻ đi tìm cha mẹ nuôi. Khi có nhiều trẻ bị bệnh nặng thì tu viện liên hệ Tổ chức Hồng thập tự đưa lên Sài Gòn điều trị rồi tiến hành tìm cha mẹ nuôi.

Bà Suốn quê ở Long Xuyên, An Giang, sau một thời gian đi tu đã được phân công về Trường Chúa Quan Phòng dạy học bởi bà rất giỏi ngoại ngữ. Chính vốn ngoại ngữ này nên bà được hiệu trưởng là bà Giang Thị Hương mời tham dự những buổi tiếp xúc với những người nước ngoài làm việc cho Tổ chức Terre des Hommes để tìm cha mẹ nuôi cho những đứa trẻ đang được bảo bọc, nuôi dưỡng tại tu viện.

Khi ấy, bà Suốn thường làm việc, trao đổi với một phụ nữ người Úc tên Taylor để đưa trẻ đi làm con nuôi cho một số vợ chồng người nước ngoài. Bà Suốn nói nếu khai sinh của Philipp Roesler ghi Khánh Hưng - Ba Xuyên thì chắc rằng ông ấy đã được gửi vào tu viện nơi bà sống, bởi làng Khánh Hưng của tỉnh Ba Xuyên từ trước đến nay chỉ có một tu viện của Hội đồng Chúa Quan Phòng.

Hiện nay tu viện đã trở thành khoa nhi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, cạnh đó là Trường Chúa Quan Phòng nay cũng đã được chính quyền địa phương chuyển đổi thành Trường tiểu học phường 8, TP Sóc Trăng nhưng kiến trúc cổ xưa ngày nào vẫn còn hiện hữu.

Jurgen Damsch - Marc Andre Russau
Phan Ba dịch



-------------------------
Cuối cùng sự tiên đoán và kỳ vọng vào một nhà chính trị trẻ gốc Việt Nam trong bộ máy chính quyền Đức đã trở thành sự thật.
Bá Linh, 05/4/2011

http://farm7.static.flickr.com/6049/6277100940_ee0ff091bf_z.jpg

Chức vụ chủ tịch đảng cho một đảng đang cầm quyền tại Đức là bậc thang cao nhất trong sự nghiệp của một người làm chính trị. Điều lý thú hơn nữa lại là một người ngoại quốc đầu tiên trong lịch sử nước Đức nắm giữ vị trí quan trọng này.
Ông Dr. Philipp Rösler, 38 tuổi, đương kim Bộ trưởng Y Tế, là người đầu tiên không phải gốc Đức tham gia trực tiếp vào bộ máy chính quyền Đức tại thủ đô Bá Linh từ năm 2009. Nếu nhìn trên thế giới thì ông Dr. Philipp Rösler cũng là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tham gia trực tiếp cầm quyền cho một quốc gia sở tại. Tại các quốc gia khác như Mỹ, Canada, Úc, v.v… đều có các nghị viên hoặc dân biểu gốc VN đang có sự nghiệp chính trị trong quốc hội liên bang hoặc tiểu bang, nhưng trong giới này chưa có một ai tham dự trực tiếp điều khiển guồng máy quốc gia bằng một chức vụ bộ trưởng.

Trưa ngày 05/4/2011 ông Dr. Philipp Rösler đã được ban chấp hành trung ương đảng Dân Chủ Tự Do (FDP) đồng thuận chấp nhận việc ứng cử vào chức vụ Chủ tịch liên bang FDP. Với chức vụ này theo thông lệ cho một đảng liên minh cầm quyền tại Đức thì sẽ kiêm nhiệm thêm chức vụ Phó Thủ Tướng, là người đứng thứ nhì trong nội các của nước Đức.

Ông Dr. Philipp Rösler sẽ là vị chủ tịch đảng trẻ nhất của nước Đức, cũng là vị Phó Thủ Tướng Đức trẻ nhất từ trước tới nay. Và điều ngạc nhiên và tưởng rằng không bao giờ xảy ra được tại Đức, một quốc gia khó chấp nhận bỏ phiếu ủng hộ các ứng cử viên không là gốc Đức, thì ông Rösler đang viết lên trang sử đầu tiên trong lịch sử nước Đức về việc nắm giữ chức vụ trọng yếu này trong nội các của nữ Thủ Tướng Dr. Angela Merkel.

Với tư cách Phó Thủ Tướng Đức ông Dr. Philipp Rösler sẽ trực tiếp điều khiển nội các Đức 2 lần trong năm khi nữ thủ tướng vắng mặt.

Đảng FDP tại Đức là đảng Tự Do Dân Chủ tranh đấu cho quyền tự do của mỗi người dân, nghiêng về thành phần trung lưu, tầng lớp trí thức và luôn thúc đẩy canh tân thị trường kinh tế tự do.

Cuộc bầu cử Liên Bang Đức đã được tổ chức vào tháng 9/2009 đảng Dân Chủ Tự Do FDP thắng lớn với tổng số phiếu 14,6% đạt được 93 ghể trong quốc hội. Sau 11 năm vắng mặt cầm quyền từ 1989 đảng FDP trở lại nghị trường tham gia nội các Đức với Liên Minh CDU/CSU.

Trong cuộc đàm phán liên minh nội các của 2 đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU và Tự Do Dân Chủ FDP sau cuộc bầu cử Liên Bang năm 2009, tên tuổi Dr. Philipp Rösler tỏa sáng và làm cho nữ thủ tướng Angela Merkel chú ý và đề nghị ông tham gia trực tiếp nội các với chức vụ Bộ trưởng Y Tế.

Bộ Y Tế Đức là một bộ rất khó điều động để đạt hiệu qủa tốt vì chẳng lúc nào mà đủ tiền cho việc chi tiêu với mức lượng 263 tỷ Euro, đổ đồng lên đầu người là 3.210 Euro cho nhu cầu y tế trong năm. Đến nay tiền đóng bảo hiểm y tế tại Đức cho mỗi người làm việc là 15,5% của mức lương tháng chưa đóng thuế. Thuế y tế được tính như sau: người nhân viên trả 8,2% thuế hàng tháng và người chủ trả bù vào đó thêm 7,3% cho một người làm việc.

Thêm vào đó y tế Đức được bao bọc với bao nhiêu mạng lưới Lobby chằng chịt: nhà thương, nhà dưỡng lão, nghiệp đoàn bác sĩ và nhà thuốc, các đại công ty dược phẩm, công ty chế tạo dụng cụ y khoa, v.v… Nhóm nào cũng có những nhà chính trị làm Lobby cho nhóm riêng của mình.

Ai cũng nói khi dính vào bộ Y Tế thì người bộ trưởng lúc nào cũng phải tứ đầu thọ địch. Tân bộ trưởng Rösler muốn cải cách nền y tế tại Đức sau khi nhậm chức bằng phương cách giầu nghèo đều trả tiền đều như nhau thì bị chính người trong đảng liên minh chống đối kịch liệt, nhất là từ Bang Bayern với đảng CSU. Tiến trình cải cách bị ngừng trệ, từ đó mức đánh giá bản năng chính trị của ông Dr. Philipp Rösler không được lên cao trong nội các Đức khi so sánh lúc làm việc tại tiểu bang Niedesachsen.

Một sự nghiệp chính trị mới của tân Chủ Tịch đảng FDP gốc Việt Nam


http://farm7.static.flickr.com/6106/6276578793_d2e1194689_z.jpg


Đảng Dân Chủ Tự Do FDP khi còn là phe đối lập trong quốc hội Đức trong 10 năm thì đã tạo ra được rất nhiều ấn tượng với chủ tịch đảng Dr. Guido Westerwelle, một người trẻ tài năng về hùng biện, rất cao ngạo và thủ đoạn. Phe đối lập FDP lúc nào cũng làm cho đảng cầm quyền, có lúc liên minh SPD với Grün và SPD với CDU gặp khó khăn tại quốc hội. Đại thắng của ông Dr. Westerwelle là cuộc bầu cử liên bang vào năm 2009 với số phiếu cử tri đạt cao nhất 14,6% trong lịch sử đảng FDP.


Quá tự tin chủ tịch Dr. Guido Westerwelle, 49 tuổi gây ra nhiều lỗi lầm và không giữ được chữ tín trong mùa bầu cử: Ai làm việc thì hưởng thành qủa (tiền làm ra), nghĩa là giảm thuế cho giới lao động. Nhưng sự việc không diễn ra tốt đẹp như ý muốn, nhất là đảng FDP đã thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử Tiểu Bang vào cuối tháng 3 vừa qua tại Baden-Württemberg (Stuttgart), Rheinland-Pfalz (Mainz) và Sachsen-Anhalt (Magdeburg).


Một điều không may mắn cho ông Dr. Guido Westerwelle vào giữa mùa bầu cử tiểu bang 2011 lại xảy ra tai nạn nhà máy nguyên tử Fukushima sau cơn sóng thần tại Nhật. Làn sóng chống đối nhà máy nguyên tử tại Đức dâng cao và đảng Xanh Grün như được chắp thêm đôi cánh cho ngày bầu cử đạt được những thành quả kỷ lục cho họ. Đảng Dân Chủ Tự Do FDP mất phiếu cử tri vào cuối tháng 3/2011 và mất cả cầm quyền tại Bang Baden-Württemberg, xấu hơn nữa FDP không vượt qua được ngưởng cửa 5% để bước vào 2 quốc hội tiểu bang Rheinland-Pfalz và Sachsen-Anhalt. Cuộc sống còn của đảng FDP đang đứng bên bờ vực thẳm nếu các cử tri cứ ngoảnh mặt quay đi trong chính quyền tiểu bang.


Điều mỉa mai chính trị cho ông chủ tịch Dr. Guido Westerwelle vì người dân không nhìn đến thành quả kinh tế to lớn của Đức sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, quốc gia này vẫn đạt đến năng xuất xuất khẩu nhất nhì thế giới, nạn thất nghiệp giảm tối đa xuống con số 7,6%, ít hơn cả con số thất nghiệp cách đây 20 năm sau thống nhất. Trong tất cả quốc gia của khối Liên Minh Âu Châu, duy nhất chỉ có nước Đức đứng vững về kinh tế hiện nay. Dân Đức không cho ông Dr. Westerwelle hưởng thành quả kinh tế hiện tại mà ngược lại còn trừng phạt ông bằng cánh không bỏ phiếu cho đảng FDP tại các tiểu bang.


Sau 2 năm cầm quyền trong nội các của nữ thủ tướng Dr. Angela Merkel đảng FDP đang tụt dốc. Chủ tịch Dr. Guido Westerwelle không tìm ra lối thoát để kiếm được phiếu của cử tri và đồng thời bị nhiều chỉ trích từ nội bộ đảng cho đến việc đòi ông không ứng cử vào chức vụ chủ tịch cho nhiệm kỳ kế tiếp vào tháng 5/2011. Đảng FDP đang gặp khủng hoảng nặng nề và họ muốn canh tân đảng với các đảng viên trẻ. Đúng ra các nhà chính trị trẻ của FDP đang cưa chân ghế nhằm lật đổ chủ tịch Dr. Guido Westerwelle.


Truyền thông và báo chí Đức trong vài ngày qua đã nhắc nhở nhiều đến ông Dr. Philipp Rösler. Tối ngày 04/4 trên truyền hình quốc gia ARD bí thư đảng FDP, ông Christian Lindner đã nhận định về ông Philipp Rösler là một „nhà chính trị xuất sắc và, hơn thế nữa đặc biệt có thiện cảm chính trị" và từ đó ông Rösler sẽ mang đến mối quan hệ lòng tin cho người dân.


Nhật báo Süddeutsche Zeitung cũng bình luận thêm: „Dr. Philipp Rösler luôn bày tỏ rõ ràng lòng ao ước của một đảng từ quần chúng để tạo ra một khuôn mặt mới trong giới lãnh tụ nhằm kết nối những người trẻ với phẩm chất“.


Cựu Bộ Trưởng Giao Thông và Kinh Tế của bang Niedersachsen, ông Walter Hirche nhận định về người kế vị Philipp Rösler vào năm 2009: „Ý tưởng bén nhọn và những lời nói chau chuốt chính là nhãn hiệu của Tân Bộ Trưởng Rösler. Sự Phân tích chớp nhoáng và cho ứng dụng nhanh chóng cũng như nhìn ra con đường mà ai cũng có thể đi được: Đó là tài năng lớn của Dr. Philipp Roesler.“

Cựu chủ tịch đảng FDP, ông Otto Graf Lambsdorff đã khen không ngớt trong bài phỏng vấn với tờ báo Handelsblatt khi được hỏi về Dr. Philipp Rösler: „Đó là một nhà chính trị trẻ sẽ mang nhiều hy vọng (Hoffnungsträger) cho đảng FDP.“


Hôm nay Đảng Dân Chủ Tự Do FDP tại Đức chọn lại lãnh tụ của đảng và đứa bé mồ côi cha mẹ từ Việt Nam khi còn bọc trong tã được nước Đức nuôi nấng tạo nên một nhà chính trị xuất sắc để đảm nhận chức vụ chủ tịch đảng FDP là ông Dr. Philipp Rösler. Ngày họp đảng FDP toàn quốc, 13/5/2011 tại tỉnh Rostock ông Rösler sẽ được chính thức bầu vào chức vụ chủ tịch và sẽ là người đứng thứ nhì trong nội các của nữ thủ tướng Dr. Angela Merkel. Đồng thời Dr. Philipp Rösler sẽ là vị chủ tịch thứ 13 từ ngày thành lập đảng FDP.


Với tài năng thiên bẩm về chính trị ông Dr. Philipp Rösler đang đạt đến đỉnh cao sự nghiệp, tuy rằng hoàn cảnh mồ côi không cho ông cơ hội tiếp cận được với nền văn hoá Việt Nam trong thời thơ ấu và trưởng thành, nhưng ông Philipp Rösler đang là một biểu tượng thành công và rất đáng quý cho cộng đồng Việt Nam hải ngoại nói chung và cho riêng cộng đồng Việt Nam đang sinh sống tại Đức.


Đảng liên minh CDU trước đây vài năm cười miả mai ông Dr. Philipp Rösler thì giờ đây dưới sự dẫn dắt của tân chủ tịch đảng FDP sẽ làm cho họ phải kính trọng người gốc Việt Nam này.


Người Việt Nam sống tại Đức và trên thế giới sẽ nhìn thấy thường xuyên người đồng hương Dr. Philipp Rösler trong chính trường Đức và thế giới. Và trong tất cả các quyết định vận mạng của nước Đức cho đối nội cũng như đối ngoại tại quốc hội đều có sự hiện diện quyết định của vị Phó thủ tướng Dr. Philipp Rösler bên cạnh nữ thủ tướng Dr. Angela Merkel.


Vài hàng tiểu sử về ông Dr. Philipp Rösler



http://farm7.static.flickr.com/6095/6277101052_b3041a19fc_z.jpg


Philipp Rösler là một đứa bé sơ sinh Việt Nam sống trong một trại mồ côi . Bố mẹ nuôi người Đức đón nhận về làm con nuôi vào năm 1973 lúc còn là baby bú sữa đúng 9 tháng tuổi và đặt tên là Philipp Rösler. Trong giấy tờ em bé Philipp sinh ngày 24/2/1973 tại Khánh Hưng. Từ lúc này em bé Philipp hoàn toàn không còn quan hệ với Việt Nam và cũng không có tên Việt Nam. Philipp Rösler lớn lên trong gia đình Đức và môi trường Đức như một đứa trẻ Đức thực thụ và chưa bao giờ có cơ hội gặp người Việt Nam trong lứa tuổi thơ cho nên Philipp Rösler không hề biết tiếng Việt.


Vào năm 2006 với sự thúc đẩy của vợ, ông Rösler về thăm quê hương Việt Nam lần đầu tiên để tìm lại cội nguồn của mình nhưng không khám phá được các chi tiết liên quan vì các hồ sơ cá nhân thuộc diện con nuôi cho người nước ngoài đã bị nhà cầm quyền cộng sản VN sau ngày 30/4/1975 thiêu hủy toàn bộ.

Báo chí luôn tò mò hỏi về nguồn gốc của ông Rösler, một lần ông Rösler trả lời với phóng viên: "Nếu bạn thích, đúng! tôi là một đứa trẻ mồ côi. Rõ ràng cha mẹ tôi đã chết trong trong sự hỗn loạn của cuộc chiến tranh tại thời điểm đó, và ai đó đã đưa tôi vào một trại mồ côi."

Khi được hỏi tên gọi Việt Nam thì ông Rösler phải thú nhận về số phận hẩm hiu của mình: "Tôi phải làm bạn thất vọng vì tôi không có tên Việt Nam.“

Theo công việc của bố mẹ nuôi người Đức Philipp Rösler phải di chuyển nhiều nơi vào thời niên thiếu trong vùng Bắc Đức như ở Hamburg, Bückeburg und Hannover. Sau bậc trung học chàng thanh niên Philipp Rösler gia nhập quân đội Đức với tương lai sẽ trở thành bác sĩ quân y. Sau chương trình học y khoa tại Hannover Philipp Rösler học chuyên khoa về mắt và trở thành bác sĩ trong quân đội Đức.

Sự nghiệp chính trị của Dr. Philipp Rösler


http://farm7.static.flickr.com/6048/6277100746_5968ea26bf_z.jpg

- Năm 1992 (19 tuổi) Philipp Rösler gia nhập vào đảng FDP của giới trung lưu tại tiểu bang Niedersachsen. FDP tuy là đảng nhỏ nhưng trong nhiều năm đã kết hợp với một trong hai đảng lớn CDU (Thiên Chúa Giáo) và SPD (Xã Hội) để điều khiển chính quyền Liên Bang Đức. Riêng tại tiểu bang Niedersachsen đã bầu lại chính phủ vào ngày 27/01/2008 và đảng FDP dưới sự dẫn dắt của chủ tịch Philipp Rösler đạt được số phiếu 8,2%. Hai đảng liên minh FDP và CDU tiếp tục đủ trên 50% số phiếu để cầm quyền cho 5 năm tới.

- 1996 (23 tuổi) Philipp Rösler trở thành một thành viên trong ban chấp hành đảng FDP của tiểu bang Niedersachsen.
- Năm 2000 (27 tuổi) Philipp Rösler đã tiến lên thật mau với chức vụ tổng thư ký của đảng FDP tại tiểu bang Niedersachsen.
- Năm 2003 (30 tuổi) tiến thêm bước nữa trong sự nghiệp chính trị Dr. Philipp Rösler được tín nhiệm vào chức vụ trưởng khối FDP trong quốc hội tiểu bang Niedersachsen. Lúc ấy đảng liên minh CDU nhìn Dr. Philipp Rösler có vẻ mỉa mai cho vóc dáng Á Châu của anh.
- Từ năm 2005 (32 tuổi) Dr. Philipp Rösler được bầu làm chủ tịch đảng FDP tại tiểu bang Niedersachsen trong một cuộc đại hội đảng tại Göttingen với đa số số phiếu tín nhiệm tuyệt đối 96%, người chủ tịch đảng trẻ nhất tại Đức từ trước đến nay khi mới 32 tuổi đời.
- Năm 2007 (34 tuổi), sau một bài phát biểu hùng hồn tại thủ đô Berlin Dr. Philipp Rösler được bầu vào ban chấp hành đảng FDP của toàn Liên Bang Đức với số phiếu thật ấn tượng 95%. Đó là sự tin tưởng không những tuyệt đối so với các ứng cử viên khác mà còn vô tình tạo ra cuộc tranh luận ai sẽ là chủ tịch đảng FDP tại Đức sau này.
- Năm 2008 (còn trong tuổi 34), dưới sự dẫn dắt của chủ tịch Philipp Rösler, đảng FDP đạt được số phiếu 8,2% trong cuộc bầu cử tại tiểu bang Niedersachsen và tiếp tục cầm quyền với đảng CDU cho đến năm 2013.
- Ngày 18/2/2009 (còn trong tuổi 35) Dr. Philipp Rösler tuyên thệ trở thành Bộ Trưởng Kinh Tế và Giao Thông, đồng thời kiêm nhiệm chức vụ Phó Thống Đốc của tiểu bang Niedersachsen, người quan trọng thứ nhì trong bộ máy cầm quyền tại đây.
- Ngày 28/10/2009 (36 tuổi), sau 8 tháng từ nội các tiểu bang Dr. Philipp Rösler tuyên thệ trở thành Bộ Trưởng Ý Tế Liên Bang trong nội các nữ thủ tướng Dr. Angela Merkel. Ông Dr. Philipp Rösler, một nhà chính trị đầu tiên mang chức vị bộ trưởng tại Đức không sinh ra trong phần đất Âu Châu, một trong những Bộ Trưởng trẻ nhất tại Đức được ghi vào lịch sử nước Đức.

Dr. Philipp Rösler đặt hạnh phúc gia đình lên hàng đầu


http://farm7.static.flickr.com/6233/6276579057_f6cee3aec6.jpg
Gia đình Bộ trưởng Y tế Đức Philipp Roesler

Với vóc dáng của một người cao 1,79 mét mảnh khảnh mặc dù luôn tập luyện thể thao nhưng Dr. Philipp Rösler là một nhân vật chính trị có tính cách quyết định mau lẹ, thực tiễn, ứng khẩu tài tình và khôn ngoan, không ngại một câu trả lời và không bao giờ chạy trốn trước một thách đố.

Cho vóc dáng Á Châu của một người gốc Việt Nam mà đạt được đến đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị tại nước Đức thì đúng là khó khăn hơn tại các quốc gia khác, tuy nhiên đó không phải là điều trở ngại cho ông Dr. Philipp Rösler: „Tôi biết, tôi nhìn khác người Đức. Tôi có một cái mũi tẹt, mái tóc đen và đôi mắt nhỏ như tất cả các người Á Châu,“ câu trả lời rất rõ ràng cho báo chí Đức của ông về cội nguồn. Nhiều hơn nữa Dr. Philipp Rösler không có thể đón nhận được nét văn hóa Á Đông vì là một đứa con mồ côi và lớn lên với bố mẹ Đức thời còn bú sữa.

Hạnh phúc gia đình là một điều thiêng liêng đối với Dr. Philipp Rösler, khi còn ở Bang Niedersachsen năm 2009 từ sở làm về điều đầu tiên là vui sướng được thay tã cho 2 cô con gái sinh đôi lúc ấy được 4 tháng, hai cháu được đặt tên là Grietje Marie und Gesche. Người vợ Đức yêu thương tên Wiebke và cũng là một là nữ bác sĩ.

Ông Dr. Philipp Rösler chỉ về thăm gia đình tại Hannover mỗi 2 tuần một lần từ thủ đô Bá Linh vì công vụ không có nhiều thời gian. Báo chí cho biết ông sống tạm trong chiếc phòng bên cạnh văn phòng làm việc tại Bộ Y Tế ở Bá Linh.



------------------------

Tiến sĩ Philipp Rösler chính thức trở thành Chủ tịch FDP và Phó Thủ tướng Cộng Hòa Liên Bang Đức

http://farm7.static.flickr.com/6219/6280111156_7a94701060_z.jpg

Đúng như dư luận chờ đợi từ hàng tháng nay, ngày 13-5, tại đại hội đảng FDP tổ chức ở Rostock, Tiến sĩ Philipp Rösler - một người Đức gốc Việt đã được bầu làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đồng thời giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ của CHLB Đức.

Lần đầu tiên, và có thể sẽ còn rất, rất lâu nữa mới có một người gốc Việt thứ hai vinh dự đảm nhận trọng trách Phó Thủ tướng, vị trí quyền lực thứ hai trong chính phủ CHLB Đức.

Tiến sĩ Rösler được bầu với đa số áp đảo: 95,1 % số phiếu (619 phiếu thuận, 22 phiếu chống và 10 phiếu trắng trong tổng số 651 phiếu), một trong những kết quả bầu cử tốt đẹp nhất trong lịch sử đảng FDP. Như vậy Tiến sĩ Rösler đã trở thành nhà lãnh đạo FDP trẻ nhất trong lịch sử đảng này ở độ tuổi 38, tiếp nối vị trí của Guido Westerwelle - người giữ chức vụ Chủ tịch đảng FDP suốt 10 năm qua, đã không tiếp tục ứng cử sau khi FDP thất bại liên tiếp trong các cuộc bầu cử địa phương từ đầu năm đến nay, nhưng vẫn giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao


http://farm7.static.flickr.com/6048/6277100746_5968ea26bf_z.jpg
Tiến sĩ Philipp Rösler đọc diễn văn tại đại hội đảng FDP ngày 13/5/2011 tại Rostock

Ngày 12-5, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cải tổ nội các và bổ nhiệm Tiến sĩ Rösler làm Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ. Trước đó, ông Rösler giữ chức Bộ trưởng Y tế và sau đó vị trí này được chuyển giao cho ông Daniel Bahr


http://farm7.static.flickr.com/6097/6276578293_26e72bc232_z.jpg

Lễ trao quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các bộ trưởng ngày 12.05.2011 tại Phủ tổng thống CHLB Đức. Từ trái sang: Tân Bộ trưởng Y tế Daniel Bahr, Thủ tướng Angela Merkel, Tổng thống Christian Wulff, Tân Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Philipp Rösler và cựu Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Rainer Brüderle (miễn nhiệm bộ trưởng, chuyển sang làm Chủ tịch đoàn nghị sĩ quốc hội của đảng FDP)

Dù vậy, ông Rösler vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi các chính trị gia cho rằng Đảng FDP đang trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.


http://farm7.static.flickr.com/6217/6276578359_b47fa019ab_z.jpg
Chủ tịch (bên phải) tặng hoa và chúc mừng tân Chủ tịch FDP Philipp Rösler. Ảnh Reuters

http://farm7.static.flickr.com/6049/6277100798_463e8211b4_z.jpg
Lãnh đạo mới của FDP: Chủ tịch đảng Philipp Rösler và Chủ tịch đoàn nghị sĩ quốc hội Rainer Brüderle

http://farm7.static.flickr.com/6060/6277100880_4afc67a8fa_z.jpg
Chủ tịch FDP Philipp Rösler tặng quà và cảm ơn cựu chủ tịch Westerwelle. Ảnh DPA

V.I.Lãng
06-19-2012, 07:39 PM
Tân Lê và phát minh EPOC Headset (Wireless Mind Reader Controller)

http://farm8.staticflickr.com/7141/6550947803_3517750af1_z.jpg
Born 20 May 1977 Technology entrepreneur. Co-Founder of Emotiv

http://farm8.staticflickr.com/7172/6550947705_5f4aa68bb0_z.jpg


Cô Tân Lê, sinh năm 1977 tại Việt Nam là một nhân tài xuất chúng trong cộng đồng Việt Nam tại Úc. Cô và người em gái nhỏ cùng mẹ là thuyền nhân đã đến Malaysia sau 5 ngày 5 đêm lênh đênh trên biển. Cô lớn lên, tốt nghiệp Luật khoa và Thương Mại tại Úc. Với kỹ thuật điện toán sử dụng tư tưởng điều khiển máy rô-bô, Tân Lê đã mở ra một kỹ nguyên mới trong lãnh vực này. Cô Tân Lê cũng là một luật sư, một doanh nhân nổi tiếng tại Úc và trên thế giới.

Cô Tân Lê là đồng sáng lập viên và Chủ Tịch của Emotiv Systems, một công ty khai triển năm 2003 tại Úc Châu sử dụng Não Quản Điện Tử để thay đổi hệ thống phát minh trên Thế Giới.


***

Tan Le - Co-founder and President Emotiv Systemsof Emotiv Systems
By: Dan Macsai
March 30, 2010


There’s a reason computers, cell phones, and even basic remote controls come with instructions: We need to learn how to use them. “But imagine a device,” says Tan Le, founder and president of Emotiv Systems, an electronics company focused on brain-computer interfaces, “that learns how to use you.” In December, Le unveiled the company's first commercial device, the EPOC headset ($299), which plugs into a USB port and makes it possible for specially designed computer apps to be controlled and influenced by the player's mind and facial expressions. “It senses your neurons firing,” Le explains, “and, over time, it starts sensing your intent -- whether you want to move forward or backward, or jump up and down.” Though the headset is being buzzed about primarily as a gaming interface, Le also points out that similar tech is being used to control electronic wheelchairs and prostheses, and could be an early step toward a host of devices -- lights, TVs, billboards -- that respond to our mental commands. “We’re really just scratching the surface of what’s possible,” she says.

For more info please check out the following links:
http://www.fastcompany.com/article/tan-le-emotiv-systems
http://news.yahoo.com/blogs/this-could-be-big-abc-news/never-worry-focusing-camera-again-044916300.html
"Mind Control Flies Toy Helicopter: Autism or Epile"

Triển
06-19-2012, 09:26 PM
Bác sĩ Philipp Roesler gốc Việt làm bộ trưởng tiểu bang của Ðức


Ông ấy làm đến chức phó thủ tướng kiêm bộ trưởng kinh tế rồi. Chức phó thủ tướng nghe oai hơn. :))
Tuy nhiên hết nhiệm kỳ này chắc là tiêu, vì đảng ông đang mất tín nhiệm quá.

À, theo thông tấn xã Đức DPA, hôm qua ông ta bất đắc dĩ phải đi dạo phố phường Hoa Thịnh Đốn
tí ti vì tài xế ông đậu xe sai chỗ trước tòa Bạch ốc. Khi ông đi gặp cố vấn kinh tế của Obama trong
tòa Bạch ốc ra thì xe không .... chạy được nữa. Vì tài xế bị ..... rút bằng lái do ....đậu bậy (???).

Cảnh sát chỗ này đúng là chơi phó thủ tướng Đức mình sát ván ta ơi. :)) Vì cận giờ và có lẽ gần nên
phó thủ tướng.... di hành...bằng hai chân....đến khách sạn gần đó có cuộc hẹn kế tiếp ... :)

Tuy nhiên, phó thủ tướng trước khi lên chức vụ này từng là bộ trưởng y tế kiêm gốc bác sĩ, và có gặp cộng
đồng Việt mình tặng máy đo máu cộng khuyên bà con mỗi ngày đi bộ 3 cây số. Cho nên phó thủ tướng mình
bị đì đi bộ thì cũng như cọp rụng sợi lông, không hề hấn gì ! :))

http://www.thelocal.de/articleImages/43245.jpg
White House parking mix up leaves Rösler on foot
(xem tiếp (http://www.thelocal.de/politics/20120619-43245.html))

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------


(*) PS: à ông Rössler này dân Đức gốc Việt chứ không phải dân Việt


Lễ khánh thành tượng đài thuyền nhân VN có mời ông đến đây
http://www.congdongnguoiviet.fr/Images/0910BoTruongRoesler1.jpg


Dân Đức gốc Việt mấy năm gần đây còn có người trẻ Marcel Nguyễn vô địch Châu Âu lần thứ hai
môn ngựa kép (??) nè ... ( http://www.marceltest.wg.vu/index/ )

http://www.braunschweiger-zeitung.de/img/mehr_sport/crop671206/1779106630-cstandard-w472/jpeg-148176005E7A9F57-20120527-img-36746426.jpg




Bé Kiều Dương 15 tuổi cũng người Đức gốc Việt lấy vô địch môn nhảy nước năm 2009 nè

http://www.sportfotos-online.com/gallery/albums/Diving-Photos-Day2/Kieu_Duong1.jpg

V.I.Lãng
06-20-2012, 03:29 AM
Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh

http://farm7.static.flickr.com/6177/6257657467_fae5f821d8_z.jpg


Sách lý thuyết của phi cơ siêu thanh
http://farm7.static.flickr.com/6216/6258163312_0622389fc5_z.jpg


Sách lý thuyết bay ngoài bầu khí quyển
http://farm7.static.flickr.com/6109/6257637045_31a42b2a48_z.jpg



Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, người đã thành danh từ hồi còn ở trong nước . Ông là một thiên tài đa dạng và có thể nói là một trong những người VN kiệt xuất của nửa hậu thế kỷ 20 và sang đầu thế kỷ 21 . Là một sinh viên giã từ nghiên bút theo việc đao cung khi nghe tiếng gọi của sơn hà trong cơn nguy biến , thời Đệ Nhất Cộng Hoà ông đã từng giữ chức vụ Tư Lệnh Không Quân . Nhưng binh nghiệp chỉ mang lại tên tuổi cho ông trong quân đội mà ông được người đời biết đến qua tài văn chương xuất chúng đã giúp ông tạo dựng được tác phẩm ‘‘Đời Phi Công’’ là một áng văn trác tuyệt đã thi vị hoá nghiệp dĩ của những người hàng ngày trải cuộc đời bay trên mây trời để lo tròn nhiệm vụ trấn không cho non sông . Ông lại còn là một nhà khoa học và giáo dục và trong phạm vi này công nghiệp của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, kể từ ngày ông giã từ binh nghiệp để trong hơn ba mươi năm giảng dậy và nghiên cứu về toán học không gian ở nhiều đại học tại Hoa Kỳ và các nước tiền tiến trên thế giới, đã ghi thêm sự đóng góp quan trọng của người Việt Nam trong giai đoạn tiến triển vuợt bực về sự thám hiểm không gian của loài người trong thế kỷ vừa qua.

Qua bài phỏng vấn này Hương Kiều Loan được hân hạnh giới thiệu tới độc giả Hồn Quê thêm nhiều chi tiết về tài năng toàn diện của Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh .

Hương Kiều Loan (HKL): Trước đây HKL đã được gặp giáo sư hai lần và cũng đã có nhiều lần nói chuyện với giáo sư qua điện thoại và HKL nhận xét thấy giáo sư ít nói về mình . Lần này HKL hy vọng giáo sư sẽ giãi bầy tâm sự hơn và kể nhiều về cuộc đời phong phú và đầy thi vị cuả mình để độc giả biết rõ về những đóng góp của giáo sư cho khoa học, dân tộc và nhân loại .

Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh (GS NXV): Đó chỉ là một thói quen của nghề nghiệp . Về toán học, muốn chứng minh một định đề người ta chỉ được dùng một số tối thiểu dữ kiện . Là phi công khi bay trên mây trời, sự liên lạc vô tuyến cũng cần phải ngắn gọn . Tuy vậy những thông tin bao giờ cũng phải chính xác . Vì vậy tuy quen nói vắn tắt tôi cũng sẽ trả lời thật đầy đủ những câu hỏi của Kiều Loan .

HKL: Mới đây HKL được coi một CD Rom nói về giáo sư của Hội Khuyến Học ở Saint Louis trong đó có nói là giáo sư mang nặng ba nghiệp dĩ là Nghiệp Bay , Nghiệp Văn và Nghiệp Giáo . Vậy HKL xin bắt đầu hỏi là vì sao mà giáo sư lại chọn vào Không quân để vương lấy nghiệp bay ?

GS NXV : Tôi vào trong lớp những học sinh chuyên khoa , sinh viên đại học và công chức có khả năng văn hoá được gọi động viên năm 1951 để theo học Khoá I, những Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định và Thủ Đức . Lúc đó tôi đã học được phần đầu của văn bằng cử nhân toán học và ước nguyện của tôi là trở thành một toán gia vì Việt Nam có rất ít người trong ngành này . Lúc sắp ra trường ở Thủ Đức như là một sĩ quan công binh thì tôi được biết là sẽ phải ở trong quân đội một thời gian bất định . Vì vậy tôi xin thi kỳ tuyển sinh viên theo học Trường Sĩ Quan Không Quân ở Salon de Provence bên Pháp để có dịp ra nước ngoài học hỏi thêm. Sau ba năm ở Pháp và ở Maroc, 1952-1955, tôi được huấn luyện thành một sĩ quan phi công , có bằng lái phi cơ hai động cơ và thẻ trắng (carte blanche) để bay trời mù theo đúng tiêu chuẩn của Không Quân Pháp . Cũng trong thời gian ở Pháp, tôi hoàn tất chương trình cử nhân toán ở Đại học Marseille và cũng có thêm văn bằng cao học để chuẩn bị thi tiến sĩ toán học.



NXV - thăm viếng Bộ Tư Lệnh Không Quân Hoa Kỳ Thái Bình Dương ở Honolulu (1962)
http://farm7.static.flickr.com/6217/6257657601_1f60b0ebf5_z.jpg


HKL : Hương Kiều Loan được biết là sau này giáo sư cũng có bằng tiến sĩ quốc gia toán học . Như vậy giáo sư cũng thi ở Đại học Marseille, và như thế vào năm nào ?

GS NXV : Không , sự việc không giản dị như vậy đâu Kiều Loan. Như tất cả những người cùng lứa tuổi , chúng tôi lớn lên ở trong thời loạn và sự học luôn luôn bị gián đoạn, không thể nào xếp đặt chương trình theo như ý của mình . Khi tôi thi xong chứng chỉ cao học về Hình Học Cao Cấp ở Đại Học Marseille là nơi gần Trường Không Quân ở Salon de Provence thì tôi được gửi đi Avord , thuộc hạt Cher, để hoàn tất phần phi huấn . Nơi đây chỉ cách Paris có hai giờ đi xe lửa nên tôi xin chuyển hồ sơ về Đại Học Paris để ghi danh học chương trình tiến sĩ quốc gia toán học. Lúc đó là vào năm 1954 . Năm sau đó tôi học xong chương trình sĩ quan phi công và phải trở về Việt Nam để phục vụ trong quân đội quốc gia . Phải đợi cho đến năm 1972 tôi mới có dịp trở lại Đại Học Paris để nộp luận án tiến sĩ quốc gia về môn toán học .

HKL : Đạt được trình độ tiến sĩ quốc gia toán học ở Đại Học Sorbonne tại Pháp quốc là một điều khó khăn vô cùng và HKL sẽ trở lại để hỏi thêm giáo sư về điều này . Để hỏi tiếp về nghiệp bay và cũng để chuyển sang những câu hỏi về nghiệp văn của giáo sư , xin người phi công và cũng là nhà văn Toàn Phong cho biết chút ít về tác phẩm Đời Phi Công, cuốn truyện mà HKL còn nhớ vào những năm cuả thuở trung học ngày xưa, không một cô nũ sinh Trưng Vương naò lại không biết đến cuốn truyện đó. Thưa giáo sư tác phẩm ‘‘Đời Phi Công’’đã được thai nghén trong trường hợp nào ạ?. Theo HKL nghĩ thì thật là một sự đặc biệt mà tác phẩm đầu tay của một nhà văn trẻ lại được chọn để trao Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc cùng năm với những nhà văn đàn anh đã thành danh từ nhiều năm trước như các ông Vũ Khắc Khoan và Võ Phiến .

GS NXV : Đời Phi Công là một tuyển tập những bức thư của một phi công viết cho một thiếu nữ còn đang là sinh viên ở đại học để kể cho nàng nghe cuộc đời của những người hàng ngày bay trên gió mây trời .Tôi bắt đầu viết vào năm 1959 và đăng mỗi tuần một kỳ, vào ngày thứ Hai, trên báo Tự Do là một nhật báo có nhiều độc giả trên toàn quốc . GS Văn Khoa Phạm Việt Tuyền là chủ nhiệm.

Giới trẻ thời đó hay đón đọc vì ai có một chút mơ mộng cũng có thể tưởng tượng được rằng nếu sau này trở thành phi công thì mình cũng có thể là người viết những bức thư tâm tình đầy thi vị như thế này .

Những bài viết này cũng không phải là những bài đầu tiên tôi đăng báo vì trước đó gần mười năm tôi cũng đã là một thành viên trong nhóm Thế Kỷ và cũng đã viết nhiều truyện ngắn tình cảm cho nguyệt san này . Cuốn sách đầu tay của tôi là cuốn ‘‘Gương Danh Tướng’’, là một tập sách nhỏ chưa đến 100 trang , do Nha Chiến Tranh Tâm Lý thuộc Bộ Quốc Phòng in ra vào năm 1956 . Tuy sách in ra tới mười ngàn cuốn nhưng dạo đó tôi đang làm phụ tá tùy viên quân lực tại Sứ quán Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn, nên chỉ nhận được mươi cuốn và đem tặng ngay các thân hữu nên không còn giữ được một bản nào .

Tôi viết cuốn ‘‘Gương Danh Tướng’’khi mới còn đang là một đại úy để nêu lên những đức tính cần phải có của những người lãnh đạo trong quân đội. Cũng nhằm mục đích nêu lên tình người và tình yêu tổ quốc và không gian của những người nặng nghiệp bay mà sau này tôi viết cuốn ‘‘Đời Phi Công’’. Nhờ sự phổ biến sâu rộng của cuốn sách này mà giới thanh niên và sinh viên hiểu biết thêm về Không Quân Việt Nam và chúng tôi đã tuyển mộ được nhiều thanh niên ưu tú để gửi sang theo học những khóa huấn luyện bay những phi cơ tối tân của Không Quân và Hải Quân Hoa Kỳ



GS NXV - Thăm viếng Không Quân Hoa Kỳ (1960)
http://farm7.static.flickr.com/6057/6258184536_78772e9b3a_z.jpg


HKL : Thưa giáo sư, không những Không Quân Việt Nam đã tuyển được nhiều thanh niên ưu tú vào nghiệp bay này, mà... rất nhiều nữ sinh thuở đó đã mơ có người tình là một chàng không quân haò hoa đó a. Trở lại câu chuyện về văn chương, nghe nói khi ở trong nhóm Thế Kỷ giáo sư có quen biết với nữ sĩ Tương Phố và được bà viết tặng một bài thơ đã đăng trên báo . Giáo sư có thể kể lại cho độc giả nghe một vài kỷ niệm với vị nữ lưu tiền bối đáng kính này không ?

GS NXV : Nhóm Thế Kỷ có những người như các anh Bùi Xuân Uyên , Viên Phong, Triều Đẩu, Trúc Sĩ, Phạm Khanh, Tạ Tỵ, Trọng Bình,..., toàn là những người có uy tín trên văn đàn và là công hay tư chức có địa vị trong xã hội . Bà Tương Phố chỉ gửi bài tới toà soạn chứ không đi họp đều như chúng tôi, mỗi tuần một lần ở quán cà phê Tùng Lâm trên bờ hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội . Thỉnh thoảng các anh lại tổ chức đi ăn nhưng tôi khi đó ít tuổi nhất và còn là một sinh viên nên không phải đóng góp gì .

Bà Tương Phố hay dịch Đường Thi nên khi nào được đọc một bài dịch đặc sắc tôi lại viết cho bà để góp ý . Cũng vì vậy mà bà có cảm tình đặc biệt với tôi và khi được tin tôi nhận được giấy động viên phải lên đường nhập ngũ bà viết một bài thơ tặng với ý khuyên nhủ là những người thật có tài năng thì không cần phải ra binh đao trận mạc mà cũng có thể đưa lại thái bình cho sơn hà, xã tắc .

Có một điều đặc biệt là vào dịp đó có một nghệ sĩ , danh thủ điêu khắc Trung Hoa sang mở triển lãm ở Hà Nội. Ông ta có tài khắc tranh và chữ nhỏ li ti trên những miếng ngà, phải soi kính hiển vi mới đọc được . Bài thơ của nữ sĩ Tương Phố làm theo thể thất ngôn dài 16 câu được ông khắc trên một miếng ngà to bằng ngón tay cái và gắn trên một tấm sơn mài đen để treo trên tường.

Mãi năm sau tôi có dịp lại thăm bà ở Nha Trang khi đó ở cùng với người con trai lớn là giáo sư Thái Văn Châu, cũng là một bạn đồng nghiệp dậy toán nhưng lớn tuổi hơn tôi, và được bà cho coi bảo vật đó. Bà Tương Phố là một nữ sĩ được nhiều người mến mộ . Bà có cho tôi coi một cuốn sổ lưu niệm có bút ký của nhiều danh nhân Âu và Á và bảo tôi ghi lại vài dòng. Tôi nhớ là có viết hai câu thơ


‘‘Người là danh sĩ đế đô,
Còn tôi nặng kiếp sông hồ phải mang’’.


Câu viết ngày xưa không ngờ nay lại tả đúng cuộc đời của mình vì mấy năm sau , tôi lên đường du học ở Hoa Kỳ và từ đó đến nay sống cuộc đời xa quê hương triền miên , là khách thăm viếng của nhiều nước trên thế giới.



GS NXV - Tiếp đón Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson tại Việt Nam (1961)
http://farm7.static.flickr.com/6108/6257657831_23b436a3cb_z.jpg


HKL : Trong trường hợp nào mà giáo sư lại rời chức Tư Lệnh Không Quân để du học. Nếu theo đúng nghĩa là khách sông hồ thì giáo sư đã tới thăm những nước nào ? Tự mình đi du lịch hay được mời thăm viếng ạ?

GS NXV :Tôi được bổ nhiệm vào chức vụ Tham Mưu Trưởng Không Quân Việt Nam vào cuối năm 1957 và sang tháng Hai năm 1958 được giao chức vụ Tư Lệnh Không Quân . Cho đến tháng Tám năm 1962, khi tôi lên đường du học ở Hoa Kỳ thì tổng cộng khoảng thời gian mang trọng trách cũng là gần 5 năm trời, một thời gian có thể nói là lâu hơn thời gian trung bình bổ nhiệm 4 năm của các Tư Lệnh Quân Chủng các nước văn minh trên thế giới .

Tôi quan niệm nhận chức vụ chỉ huy không phải là có được quyền hành mà là mang lấy trách nhiệm . Vì vậy tôi tự chọn lấy một nhiệm kỳ và xin với Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà cho được đi nước ngoài học hỏi thêm sau khi được Không Quân Hoa Kỳ cấp cho một học bổng đặc biệt để theo học chương trình tiến sĩ .

Từ nhiều năm qua, là giáo sư đại học tại Hoa Kỳ , hàng năm tôi thường tham dự và được mời thuyết trình tại những Hội nghị về hàng không và không gian quốc tế (International Congress of Astronautics), luân phiên được tổ chức mỗi năm tại một nước khác nhau .

Tôi đã dự họp ở hầu hết các nước có chương trình không gian ở Âu châu như Anh, Pháp, Áo, Đức, Ý, Hoà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Hung Gia Lợi và Do Thái. Niên học 1974-1975 tôi được mời sang làm khảo cứu và dậy học ở Pháp . Ngoài ra có một lần tôi được mời làm tổng thư ký cho một khóa hội thảo về Cơ Học Phi Hành Không Gian do cơ quan NATO tổ chức ở Lục Xâm Bảo .

Ở Mỹ châu tôi cũng đã được mời thuyết trình ở Gia Nã Đại và Ba Tây, và tất nhiên ở nhiều đại học khác trên Hoa Kỳ .

Ở Á châu thì tôi đã tới thuyết trình hay giảng dậy những khoá ngắn ở nhiều đại học hay cơ quan chính phủ ở những nuớc Nhật Bản, Trung Hoa Quốc Gia ở Đài Loan, và Đại Hàn còn ở Úc châu thì tôi đã tới dự Hội nghị không gian họp ở Melbourne năm 1998 và nhân dịp đó được Đại Học Queensland mời lên thuyết trình ở Brisbane .

Có những nước khác ở Âu châu và Bắc Phi châu tôi không kể ra đây nhưng cũng đã có dịp tới theo bước chân giang hồ khi còn là một sinh viên ở Pháp . Trong thời gian làm Tư Lệnh Không Quân ở Việt Nam tôi cũng đã được mời đi nhiều nước ở Đông Nam Á và hai lần du hành sang Hoa Kỳ để thăm viếng nhiều căn cứ không quân bạn có liên hệ kỹ thuật với không quân mình.



GS NXV - Yết kiến Tổng Thống Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan (1961)
http://farm7.static.flickr.com/6094/6258184774_e090bdc0ca_z.jpg


HKL : Như thế thì có thể nói là giáo sư đã tới thăm viếng và thuyết trình ở nhiều trung tâm khoa học hay đại học danh tiếng trên thế giới. Nhưng ngoại trừ nước Hung Gia Lợi, mà Hương Kiều Loan nghĩ là giáo sư đã tới thủ đô Budapest ở bên giòng sông xanh Danube, không thấy giáo sư nói gì đến những nước ở bên kia bức màn sắt .


GS NXV : Tôi nghĩ là Kiều Loan muốn nhắc tới những nước còn theo chế độ cộng sản như nước Nga và Trung cộng . Những nước này cũng là hội viên của tổ chức không gian quốc tế với danh xưng là International Federation of Astronautics (viết tắt là IAF) , và như vậy họ cũng có năm đứng ra tổ chức Hội nghị .

Tôi nhớ là có một lần tổ chức ở Bắc Kinh , và một năm khác hội nghị tổ chức ở thành phố Bangalore ở Ấn Độ . Hai lần ấy tôi không tham dự vì không có những chuyến bay tiện lợi đi từ Detroit là phi trường phát xuất từ Michigan là nơi tôi dậy học.

Hội nghị quốc tế thường tổ chức vào tháng Mười mỗi năm, và nếu lịch trình kể cả những ngày họp và những ngày đi đường mà kéo dài quá mười hôm thì rất khó cho tôi thu xếp công việc với sinh viên vì môn tôi dậy không có người thay thế .

Tôi cũng nhận được thư mời sang dậy những khoá ngắn ở Hoa Lục, đúng ra là một thư mời của Viện Bách Khoa Miền Tây ở Tây An và một thư mời của Viện Khảo Cứu Hàng Không, thuộc Trường Đại Học Nam Kinh . Trên nguyên tắc tôi đã nhận lời mời nhưng chưa có dịp thuận tiện để sửa soạn lịch trình thăm viếng .

Ngoài ra tôi cũng có mấy bài khảo cứu được dịch ra Nga ngữ và đăng trên báo khoa học ở nước Nga khi còn là Liên Sô . Tôi cũng có cộng tác với giáo sư viện sĩ V. A. Yaroshevskii thuộc Central Aerohydrodynamic Institute (viết tắt theo tiếng Nga là TsAGI), là viện khảo cứu về khí động lực học quan trọng nhất ở Moscow, trong một bài viết về lý thuyết thu hồi vệ tinh và phi thuyền không gian vào bầu khí quyển của trái đất và các hành tinh đã đăng trên báo kỹ thuật ở Nga .

Một khoa học gia khác là tiến sĩ A . Filatyev cũng thuộc viện này , sau khi nghe một bài thuyết trình của tôi tại Hội nghị không gian họp năm 1994 ở Juresalem, Do Thái, cũng đã thu xếp để giáo sư viện sĩ German Ị Zagainov là Tổng Giám Đốc của viện mời tôi sang thăm viếng để có dịp gặp gỡ và thảo luận về cơ học không gian vói các giáo sư và nghiên cứu gia của những viện TsAGI, Moscow Institute of Physics and Technlogy (MPhTI) và Moscow Aviation Institute (MAI) là những trung tâm giáo dục và kỹ thuật hàng không và không gian hàng đầu ở nước Nga .

Thư mời gửi cuối năm 1994 , và tôi cũng đã nhận lời trên nguyên tắc. Cho tới nay, bước sang năm 2002, lời mời có thể mất thời gian tính và ban giám đốc có thể thay đổi, nhưng điều này thật không quan trọng. Tài liệu khoa học về hàng không và không gian tôi đã viết cũng được biết đến nhiều ở Đông Âu . Nối lại nhịp cầu để sang thăm viếng những trung tâm khảo cứu về khoa học không gian ở những nước này thật cũng dễ dàng . Còn đi như là du khách thì chọn dịp nào cũng được


GS NXV - Duyệt toán dàn chào danh dự ở March AFB, CA (1960)
http://farm7.static.flickr.com/6093/6257657763_742773517b_z.jpg

HKL : Theo trong phiếu tiểu sử thì giáo sư là người đầu tiên được cấp văn bằng tiến sĩ khoa học hàng không và không gian của Đại Học Colorado . Tại sao giáo sư lại chọn ngành này mà không học tiếp về toán học và tại sao giáo sư lại chọn Đại Học Colorado thay vì tới những đại học khác có tiếng tăm hơn như Đại Học Harvard ?

GS NXV: Tình thực mà nói, nếu được chọn trường thì dạo đó tôi muốn tới Đại Học Paris để hoàn tất luận án tiến sĩ toán học đã bỏ dở nhiều năm vì công vụ. Nhưng tôi cần có học bổng toàn phần trong nhiều năm cho một ngân sách về tiền ăn ở, tiền sách vở và tiền học cùng những chi phí cần thiết cho một sinh viên bậc cao học như để tham dự những khoá hội thảo chuyên môn và điều này chỉ có Không Quân Hoa Kỳ mới có thể chu toàn được .

Ngân sách huấn luyện của họ cũng chịu sự kiểm soát của Quốc Hội nên họ chỉ có thể ghi học bổng cho tôi để theo học ngành hàng không và không gian mà thôi chứ không thể nào chứng minh sự cấp học bổng cho một sĩ quan đồng minh để theo học chương trình tiến sĩ về toán học được.

Mặt khác, các sĩ quan Hoa Kỳ được cử đi học thêm những văn bằng cao học thường được gửi tới những Đại Học công vì những nơi đó đã có sẵn Trung Tâm Huấn Luyện Sĩ Quan Trừ Bị (gọi tắt là ROTC) để lo việc hành chánh. Một lý do nữa để tôi chọn Đại Học Colorado là nơi đó gần Căn Cứ không Quân Lowry ở thành phố Denver là nơi tôi có thể tới để bay duy trì khả năng, và cũng gần Trường Sĩ Quan Không Quân ở Colorado Springs là nơi có nhiều sĩ quan cán bộ có trình độ tiến sĩ để trao đổi kinh nghiệm .

Colorado là một miền cao nguyên, có núi non hùng vĩ, rất hợp với bản tính trầm lặng của tôi . Phân Khoa Hàng Không và Không Gian ở Đại Học Colorado đã có từ lâu, nhưng chuyên nhiều về kỹ thuật và môn khí động học.

Làm khảo cứu thực nghiệm về những môn này đòi hỏi nhiều dụng cụ tốn kém và chuyên viên trợ giúp nên trước tôi chưa có sinh viên nào đạt được trình độ tiến sĩ . Cùng với năm tôi tới thì Đại Học Colorado mời được nhà bác học người Đức là tiến sĩ Adolf Busemann là người được mệnh danh là cha đẻ của phi cơ cánh suôi, cũng là đồng nghiệp nhưng lớn tuổi hơn của tiến sĩ Wernher von Braun ở Trung Tâm Hõa Tiễn Peenemunde trong Thế Chiến II , và hai khoa học gia trẻ vừa tốt nghiệp tiến sĩ tại California Institute of Technology là Đại Học nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ về kỹ thuật hàng không và không gian.

Một trong hai vị ấy là tiến sĩ C. Forbes Dewey , đã cùng với giáo sư Adolf Busemann nhận bảo trợ luận án cho tôi và sau hơn hai năm làm việc không ngừng nghỉ tôi đã hoàn tất công trình nghiên cứu và trở thành người đầu tiên được cấp văn bằng tiến sĩ về môn Khoa Học Hàng Không và Không Gian của Đại Học Colorado . Sự kiện lịch sử này đã được ghi trong cuốn sách ‘‘Proud Past, Bright Future’’ xuất bản năm 1966 nói về lịch sử của Trường Kỹ Thuật của Đại Học Colorado . Trường này, vì toạ lạc ở tỉnh Boulder là nơi có National Bureau of Standards (viết tắt là NBS) và National Center for Atmospheric Research (viết tắt là NCAR) là hai Trung Tâm nghiên cứu khoa học quan trọng của Chính Phủ Liên Bang, nên cũng thu hút được nhiều nhân tài về khoa học cho ban giảng huấn. Năm 2001 giải Nobel về vật lý học cũng về tay một khoa học gia của NBS và một giáo sư của Đại Học Colorado .

HKL : Sau khi tốt nghiệp, giáo sư đã được mời ở lại trong ban giảng huấn ở Đại Học Colorado . Trong trường hợp nào giáo sư lại tới Đại Học Michigan?
GS NXV : Trong thời gian là sinh viên tiến sĩ ở Colorado, tôi được mời dậy một khoá về môn cơ học. Những bài giảng của tôi in ra để phát cho sinh viên đã được giáo sư Ẹ V. Laitone , lúc đó là chủ nhiệm phân khoa hàng không ở Đại Học California ở Berkeley, trong một kỳ tới Colorado để thanh tra mỗi ngũ niên và chuẩn định trường kỹ thuật, chú ý tới vì ông cho là những tài liệu có giá trị có thể in thành sách được.

Ông mời tôi tới hỏi chuyện và ngỏ ý muốn mời tôi dậy ở Berkeley như là một giảng sư (Lecturer) , và cũng hứa với tôi là khi nào có ghế giảng huấn chính thức ông sẽ đề nghị cho tôi vào ngạch giáo sư .

Làm lecturer thì mỗi năm lại phải có giấy bổ nhiệm lại nên tôi nhận lời mời của Đại Học Colorado làm assistant professor vì như thế ít ra cũng được hạn kỳ ba năm để cho mình có thời gian chứng tỏ tài năng.

Theo luật lệ thì sau ba năm, nếu người giáo sư trẻ phát triển điều hòa thì được bổ nhiệm thêm ba năm nữa trước khi có hội đồng duyệt xét cả ba phương diện về dậy học, khảo cứu và phục vụ để quyết định sự thăng cấp lên associate professor.

Nếu được thăng cấp thì sự bổ nhiệm lần tới sẽ thành vĩnh viễn. Bằng không thì mình bắt buộc phải nghỉ việc sau khi được gia hạn thêm một năm . Trong trường hợp của tôi thì chưa hết hạn ba năm tôi đã được Đại Học Michigan, là một đại học rất có tiếng tăm trong và ngoài nước mời tới làm associate professor .

Tới đó chỉ bốn năm sau, nghĩa là vào năm 1972 tôi đã được thăng cấp giáo sư thực thụ (professor) là ngạch cuối cùng trong ngành giảng huấn . Sự thăng cấp như vậy có thể gọi là rất nhanh chóng. Để đáp tạ sự tri ngộ của giáo sư Laitone, trước khi đi Michigan , vào năm 1967 tôi cũng đã tới Berkeley để dậy một khoá học trong dịp hè . Sau đó tôi vẫ giữ liên lạc với ông và chúng tôi đã viết chung với nhau mấy bài khảo cứu .

HKL : Hương Kiều Loan tuy cũng ở trong ngành giáo dục nhưng không rành rẽ cho lắm về sự thăng thưởng ở bậc đại học. Giáo sư có thể cho độc giả biết vì sao lại được thăng cấp nhanh chóng như vậy không ?

GS NXV : Cuối năm 1998 khi tôi quyết định về hưu để chuyển hướng hoạt động nhiều hơn về văn hoá thì Hội Đồng Nhiếp Chính (Board of Regents) tại Đại Học Michigan đã đồng thanh chấp thuận một bản tuyên dương công nghiệp giáo dục và khoa học của tôi và trong đó có ghi rõ những kỳ thăng cấp . Nếu ai đọc thì cũng thấy rằng đó là một tiến trình kỷ lục tại một trong những đại học hàng đầu ở Hoa Kỳ . Nhưng để đạt được như vậy tôi đã cố gắng hoạt động không ngừng nghỉ trên cả hai phương diện giáo dục và khảo cứu . Tôi là một trong số rất ít người được tặng cả hai giải xuất sắc về giáo dục và xuất sắc về khảo cứu của Trường Kỹ Thuật ở Đại Học Michigan . Mỗi lần được đề nghị thăng cấp là phải có một hội đồng gồm bốn vị giáo sư thâm niên hơn và khi lập hồ sơ họ lấy cả ý kiến của những nhà giáo dục và khoa học gia ở các đại học khác và trong kỹ nghệ nữa . Sau khi lấy đầy đủ mọi giữ kiện, ba thành viên trong hội đồng sẽ viết phúc trình về ba phương diện giáo dục, khảo cứu và phục vụ của ứng viên và đưa ra toàn thể phân khoa gồm những giáo sư có thâm niên hơn để lấy biểu quyết trước khi chuyển đề nghị thăng cấp lên ông khoa trưởng và ủy ban thường vụ khoa . Sự chấp thuận của ủy ban này được coi như là chung kết tuy rằng nghị định thăng cấp bao giờ cũng phải do ông viện trưởng đại học đưa ra hội đồng nhiếp chính để lấy chấp thuận . Hồ sơ đề nghị để được cấp giải giáo dục xuất sắc hay khảo cứu xuất sắc cũng làm như vậy, nhưng quyết định là do hội đồng khoa .

Những lề luật về thăng cấp hay tưởng thưởng như vậy rất là dân chủ ; những người được lựa chọn bao giờ cũng xứng đáng vì đã được sự tín nhiệm của các bạn đồng nghiệp . Mặt khác ở cạnh ông khoa trưởng có hội đồng thường vụ do các giáo sư bầu ra và ở cạnh ông viện trưởng có hội đồng nhiếp chính do dân chúng bầu ra . Những quyết định quan trọng phải qua những hội đồng này chấp thuận . Vì vậy dù có sự nâng đỡ đặc biệt của ông chủ nhiệm phân khoa hay ông khoa trưởng chăng nữa mà tự mình không chứng tỏ được tài năng thì cũng không đứng vững lâu được trong ngành giáo dục ở bậc đại học .

HKL : Giáo sư là một khoa học gia đã hoạt động trong ngành hàng không và không gian hơn ba mươi năm và đã được mời giảng dậy tại nhiều đại học trên thế giới . Hương Kiều Loan được đọc một bài của Thiện Nhân Nguyễn Khánh Do, là một nhà văn và cũng là một giáo sư toán, trong đó nói rằng giáo sư đã viết được hai cuốn sách và hơn tám mươi bài khảo cứu về toán học và khoa học không gian cùng đào tạo được nhiều sinh viên tiến sĩ trên thế giới . Nhân dịp này giáo sư có thể kể cho độc giả biết đã đóng góp được những gì cho cơ quan không gian Hoa Kỳ ? HKL cũng xin hỏi thêm là trong những sáng tác về khoa học, điều gì giáo sư cho là quan trọng nhất .

GS NXV : Bài viết của giáo sư Nguyễn Khánh Do được đăng trên cuốn‘‘Theo Ánh Tinh Cầu’’là cuốn truyện ký sự của tôi xuất bản năm 1991 . Theo bài giới thiệu thì tôi đã viết ra hai cuốn sách về khoa học không gian với những tựa đề là ‘‘Hypersonic and Planetary Entry Flight Mechanics’’ và ‘‘Optimal Trajectories in Atmospheric Flight’’. Những cuốn sách này giờ đã bán hết. Năm 1993 tôi có viết thêm cuốn sách với tựa đề laø ‘‘Flight Mechanics of High-Performance Aircraft’’. Cuốn sách này do nhà xuất bản Đại Học Cambridge ở Anh Quốc xuất bản và sau khi in ra đã được nồng nhiệt đón nhận và năm 1995 nhà xuất bản lại cho ra ấn phẩm với bià mỏng để làm sách giáo khoa .

Trong những năm qua , khi tiếp súc với giới trẻ ở khắp năm châu , tôi thường được hỏi là tôi đã cộng tác thế nào với Nha Quản Trị Hàng Không và Không Gian Quốc Gia (National Aeronautics and Space Administration , gọi tắt là NASA ) , và trong quãng đời làm công tác khoa học , sáng tác nào đã làm tôi thích thú nhất . Trong giòng họ tôi , có rất ít người ra làm quan và , trong các tổ tiên , những người đỗ đạt dù có xuất chính rồi ít lâu sau cũng cáo quan về nhà dậy học . Cũng vì vậy mà từ khi ra trường tôi đã đi theo những bước chân của các bậc tiền nhân mà chọn con đường giáo dục . Trải hương thơm theo gió , tôi muốn hoàn trả lại bốn phương những gì tôi đã thâu thập được trong cuộc đời tầm học , và như thế dậy học và viết những tài liệu khảo cứu là con đường hữu hiệu nhất để thực hiện điều này .

Một khi đã quyết tâm theo ngành giáo dục và khảo cứu , tôi cũng phải hành xử theo như các bạn đồng nghiệp khác để được ở cùng một bình diện với họ . Ở các đại học có một thành ngữ mà ai cũng ghi nhớ là ‘‘Publish or Perish’’ có nghiã là không công bố được trên sách báo chuyên môn những sáng tác hay những kết quả khảo cứu của mình thì sẽ bại liệt .

Tuy chính thức là ở trong ban giảng huấn nhưng trên thực tế các giáo sư được đánh giá qua những kết quả khảo cứu , được thể hiện bằng những bài đăng trên những báo chuyên khoa , những cuốn sách đã xuất bản , và những lần được mời đi thuyết trình ở các đại học trong và ngoài nước hay ở những hội nghị tầm vóc quốc gia và quốc tế .

Muốn làm khảo cứu , tìm ra những điều mới lạ , ở một thời đại văn minh tuyệt đỉnh , ai cũng cần có một ngân khoản , thường thì do một cơ quan quốc gia , hay một xí nghiệp đài thọ , và muốn xin được những tài trợ này giáo sư phải sẵn có một uy tín trong lãnh vực của mình , nghiã là đã phải có một số những bài khảo luận đăng trên sách báo , và muốn viết được những bài này lại cần phải có những phuơng tiện để làm khảo cứu nghiã là phải có ngân sách để quản lý . Trong cái vòng lẩn quẩn đó , nhiều người không tìm ra đầu mối bắt đầu từ đâu , và đã phải giải nghệ , nghiã là đi tìm cách tiến thân theo con đường khác .

Tôi cũng đã trải qua những năm thử thách đó trong xã hội rất mực cạnh tranh ở Hoa Kỳ , và trong phần vụ nghiên cứu cũng đã xin được những ngân khoản khảo cứu của các cơ quan chính phủ và kỹ nghệ tư . Những kết quả khảo cứu , hoặc được đăng trên các nguyệt san khoa học và kỹ thuật như những bài khảo luận, hay dưới hình thức những bản báo cáo chuyên ngành , đều được phổ biến qua các thư viện chuyên môn trên toàn thế giới . Một số những báo cáo chuyên môn tôi viết ra, hoặc đứng tên một mình, hoặc làm chung với các bạn đồng nghiệp hay các môn sinh , đã được Không Quân Hoa Kỳ (USAF) , hay NASA là những cơ quan đã trợ cấp ngân khoản, in ra như là nhũng tài liệu chuyên môn (technical document hay technical report) .
Những tài liệu này đều có thể tìm được ở các thư viện , hay gửi mua ở Clearinghouse for Federal Scientific and Technical Information địa chỉ gửi về là Springfield, Virginia 22151 .

Ngoài ra một số những sinh viên tiến sĩ do tôi đào tạo ỏ Đại học Michigan, nếu không đi theo đường giáo dục cũng làm việc cho kỹ nghệ và cũng có những người làm việc trong những phòng khảo cứu của Không Quân Hoa Kỳ (USAF) hay cơ quan NASA . Một trong những người ấy là tiến sĩ Jennie R. Johannessen, một nữ chuyên gia rất xuất sắc làm việc cho cơ quan Jet Propulsion Laboratory thuộc Đại Học Caltech ở Pasadena , California, là trung tâm điều khiển vệ tinh thám sát Thái Dương Hệ . Bà đã là người quản nhiệm nhóm tính qũy đạo cho vệ tinh nhân tạo Galileo bay lên thám hiểm Mộc Tinh .

Trở lại câu hỏi là tôi thấy thích thú nhất về sáng tác nào thì thật khó trả lời vì trong khi làm về khoa học tôi để chen vào một chút văn nghệ tính , và giống như một họa sĩ vẽ tranh , tôi không hay sao lại một tác phẩm nào đã thực hiện trước đây . Vì vậy khi đọc lại bất kỳ bài viết nào đã đăng , mỗi bài có một vẻ đẹp khác nhau làm tôi vẫn thấy hào hứng như lần đầu tiên tìm ra được phương pháp giải bài toán này còn ở trong vòng bí hiểm .

Tháng Tám năm 1994, tại hội nghị thường niên toàn quốc về cơ học không gian của American Institute of Aeronautics and Astronautics họp ở Scottsdale thuộc tiểu bang Arizona , ở bữa tiệc chính có vào khoảng một ngàn kỹ sư và khoa học gia danh tiếng tham dự, tôi được mời lĩnh giải Mechanics and Control of Flight cho năm ấy .

Ngoài bằng tưởng lục và một nút tròn để đeo vào ve áo, tôi được ông Chủ Tịch đương nhiệm của Viện choàng vào cổ tấm huy chương vàng danh dự . Ở một mặt tấm huy chương có khắc hình chiếc phi cơ cánh đôi của hai anh em ông Wright chế tạo và vết chân đầu tiên của phi hành gia Neil Armstrong in trên mặt trăng , những hình vẽ biểu dương cho sự phát triển khoa học hàng không và không gian Hoa Kỳ trong thế kỷ XX . Ở mặt bên kia có khắc tên tôi và hàng chữ tuyên dương ‘‘For outstanding contributions to the mathematical theory of optimal control, applied to the flight mechanics of aerospace vehicles in the atmosphere and in space’’.


Được tặng giải này trước hết phải có những đồng nghiệp đề nghị, và sau đó được một ủy ban chọn lựa và vì mỗi năm chỉ chọn một người nên cái hy vọng nhận đưọc huy chương này thật không bao giờ đến vói ý tưởng tôi



GS NXV - Nhận Giải Mechanics and Control of Flight của American Institute of Aeronautics and Astronautics (1994)
http://farm7.static.flickr.com/6172/6258184848_f7c40e65a4_z.jpg


HKL : Giáo sư đã ở trong ngành giáo dục một thời gian lâu dài, học sinh theo học có thể tới một vài ngàn người và số sinh viên tiến sĩ được giáo sư đào tạo cũng không phải là ít . Họ là những người ở những quốc gia nào và trong số những người ấy có nhiều người là sinh viên Việt Nam hay không ?

GS NXV : Sự ước lượng của Kiều Loan cũng khá đúng . Phân khoa hàng không và không gian ở Đại Học Michigan là một phân khoa lớn, có một lịch sử lâu dài . Lấy một vài thí dụ là cả ba phi hành gia của chuyến bay Apollo 15 lên mặt trăng, là những đại tá không quân David R. Scott, James B. Irwin và Alfred M. Worden đều là cựu sinh viên của Michigan . Kỹ sư Clarence L. (Kelly) Johnson là người đã vẽ những kiểu phi cơ F-104 Starfighter , và U-2 danh tiếng của Hãng Lockheed, ông đã tốt nghiệp kỹ sư hàng không ở Michigan năm 1932, và được bằng cao học năm 1933 . Trong những năm tôi dậy ở đây tính trung bình thì năm nào cũng có vào khoảng từ 50 tới 60 sinh viên tốt nghiệp cấp kỹ sư, và cũng có vài chục người được cấp bằng cao học. Như vậy trừ những năm tôi được nghỉ để đi làm giáo sư thỉnh giảng ở những nước khác số lượng sinh viên đã theo học những lớp tôi dậy cũng có thể lên tới gần hai ngàn người . Dĩ nhiên là phần đông những sinh viên là người Mỹ nhưng ở bậc cao học cũng có tới một phần tư là những sinh viên tới từ các nước khác, thường thì là từ những nước ở Á châu nhưng cũng có một số sinh viên tới từ Âu châu .

Cũng vì thành phần sinh viên có tính cách quốc tế như vậy mà trong phân khoa của tôi các giáo sư hay được mời tới thăm viếng và giảng dậy ở các đại học khác trên thế giới. Riêng tôi, ngoài sự được mời đi giảng dậy ở nước ngoài như đã nói ở trên, vì những sách chuyên khoa của tôi được dùng ở nhiều nơi nên đôi khi tôi được mời chấm luận án tiến sĩ ở những đại học khác. Lấy một vài tỷ dụ là tôi đã được mời cho ý kiến về những luận án tiến sĩ nộp tại Đại Học Princeton ở Hoa Kỳ, Đại Học McGill ở Montréal, Gia Nã Đại, và Viện Khoa Học Ấn Độ ở Bangalore. Cuối năm 1997 tôi được mời sang Pháp để dự trong ban giám khảo chấm thi tiến sĩ toán học cho một sinh viên ở Institut National Polytechnique de Toulouse.

Tôi không nhớ hết được tên những sinh viên người Việt ở trình độ kỹ sư đã học ở phân khoa của tôi nhưng tôi nghĩ là vào khoảng mười người trong đó cũng có vài chị . Tôi nhớ có cháu Nguyễn thị Hà, vì là con một người bạn, ra trường đã lâu và làm cho Hãng Boeing ở Seattle, và được trọng dụng. Được cấp bằng tiến sĩ có anh Brian Nguyễn, nhưng anh theo học một giáo sư khác không cùng môn với tôi . Một sinh viên khác cũng rất xuất sắc là chị Nguyễn Khánh Lưu , nhưng sau khi được bằng cao học thì đuợc cấp học bổng để làm luận án tiến sĩ ở Đại Học Colorado . Nay Khánh Lưu làm việc cho Không Quân Hoa Kỳ và rất chăm về khảo cứu nên tôi cũng hay gặp lại ở những hội nghị hàng năm .

Những sinh viên Việt Nam theo học ở Michigan về kỹ thuật thường học những môn dễ kiếm việc như cơ khí hay điện tử, và nhiều người đã đạt được học vị tiến sĩ . Trường y khoa của đại học cũng được xếp hạng trong mười trường đứng đầu ở Hoa Kỳ nên năm nào cũng có một vài anh chị tốt nghiệp bác sĩ y khoa. Những môn khoa học khác như vật lý hay hóa học đều có người Việt theo học tới tột cùng .

Nói chung thì thế hệ thứ hai của những người Việt di cư, nghĩa là những con em của chúng ta hiện nay đang ở lớp tuổi thanh niên, các anh chị đều có những thành quả xuất sắc ở học đường và sau khi ra đời đã có những tiến bộ đáng kể trong xã hội . Riêng trong những ngành y, nha, dược và nhãn khoa thì, so với thành phần dân số, tỷ lệ tốt nghiệp khá cao đối với các sắc tộc khác



GS NXV - Thăm Đại Tướng Guéguen là bạn học đồng khoá ở Bộ Tư Lệnh Phòng Không Pháp (1989)
http://farm7.static.flickr.com/6091/6257658033_cce594b56b.jpg


HKL : Theo trong bài giới thiệu của nhóm New Horizon thì trong gia đình của giáo sư các cháu đều học thành tài . Vậy có em nào theo gót của giáo sư và trở thành khoa học gia hay không ? Còn về tiếng Việt, HKL chắc giáo sư cũng lưu tâm đến sự hướng dẫn con em hướng về cội nguồn và tìm đọc những tác phẩm trác tuyệt trong văn học nước nhà .

GS NXV :Tôi đã đi nói chuyện ở nhiều nơi và lúc nào cũng lưu ý giới trẻ Việt trân qúy ngôn ngữ của nòi giống , như những người Do Thái và những người Hoa , dù trải qua hàng mấy mươi thế kỷ sống rải rác khắp nơi trên thế giới mà họ vẫn giữ được tiếng nói và chữ viết truyền đời .Vì vậy tôi luôn luôn nhắc nhở con cái phải trau dồi tiếng Việt để ít ra là cũng nói được lưu loát khi giao thiệp với người đồng hương .

Ở Đại Học Michigan tôi đã cùng với các sinh viên và phụ huynh vận động cho tiếng Việt được giảng dậy như là một sinh ngữ và từ mười năm nay những lớp học ấy do một cô giáo phụ trách lúc nào cũng thu hút được một số đông sinh viên Việt và Mỹ theo học. Còn về sự lựa chọn ngành học tôi để các cháu trong gia đình tự tìm lấy môn nào thích hợp với năng khiếu của riêng mình để theo đưổi . Cháu trai lớn của chúng tôi là một chuyên gia về văn chương miền Nam của Hoa Kỳ . Cháu trai thứ hai là một bác sĩ y khoa . Tiếp theo chúng tôi có một cháu gái tốt nghiệp về quản trị và kinh doanh và cháu trai út sau khi có bằng kỹ sư điện tử thì học thêm bằng cao học về tài chánh ở Đại Học Chicago vì theo cháu đó là khuynh hướng của lớp trẻ Âu Mỹ bây giờ .

HKL : Bây giờ HKL xin hỏi giáo sư một câu chót . Qua những bài báo đã viết về Nguyễn Xuân Vinh như là một khoa học gia , Hương Kiều Loan được biết là giáo sư đã được bầu vào Hàn Lâm Viện Không Gian Pháp Quốc và Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế . Xin giáo sư cho biết là muốn là hội viên thì phải làm đơn xin gia nhập, hay là phải có người tiến cử , và sự chọn lựa như thế nào ? Có phải vì giáo sư đã có bằng tiến sĩ toán ở Pháp mà được mời gia nhập Hàn Lâm Viện hay không ?

GS NXV : Tôi là một hội viên ngoại quốc của Viện Hàn Lâm Quốc Gia Hàng Không và Không Gian (Académie Nationale de l’Air et de l’Espace) của nước Pháp .Viện này mới được thành lập năm 1983 dưới sự bảo trợ của bốn vị Tổng Trưởng Quốc Phòng, Kỹ Nghệ và Khảo Cứu, Quốc Gia Giáo Dục và Giao Thông .

Như tất cả các viện hàn lâm khác, số hội viên rất giới hạn và theo quy chế khi thành lập chỉ dự trù có sáu mươi hội viên người Pháp và ba mươi hội viên ngoại quốc mà thôi. Ông chủ tịch viện viết thư chính thức mời hội viên mới sau khi vị này đã được ba hội viên đề nghị và được toàn thể hội đồng họp những khoá tam cá nguyệt bỏ phiếu bầu mỗi khi có ghế trống .

Tôi là người Á châu đầu tiên được bầu vào ngày 15/05/1984 và người thứ hai là tiến sĩ kỹ sư Bacharuddin Habibie được bầu ngày 18/04/1985 . Về sau ông trở thành Tổng Thống của Nam Dương sau nhiệm kỳ của ông Suharto .

Những hội viên Pháp được bầu vào đều là những ngôi sao sáng trong các ngành kỹ nghệ, giáo dục và khảo cứu liên hệ đến hàng không và không gian, nhưng cũng có những chính trị gia tên tuổi như cố thủ tướng Michel Debré, ông cũng là viện sĩ Hàn Lâm Viện Pháp (Académie Francaise ) là viện văn chương uy tín nhất chỉ gồm có bốn mươi vị được gọi là những ông hàn bất tử .

Ngoài ra viện cũng có những nhà văn tên tuổi như Pierre Clostermann , tác giả cuốn sách nổi tiếng ‘‘Feux du Ciel’’viết về những kỷ niệm không chiến và Albert Ducrocq là một tác giả viết rất phong phú về khoa học . Họ đều là những người xưa nay tôi hâm mộ, và nay được là bạn đồng viện của những bậc tài danh ấy tôi lại thấy mình càng phải cố gắng hơn nữa .

Nhiều hội viên là những giáo sư đại học có tên tuổi ở Pháp, nên tước vị tiến sĩ quốc gia không phải là yếu tố quan trọng trong hồ sơ của ứng viên.

Viện Hàn Lâm Không Gian Quốc Tế (International Academy of Astronautics) thì rộng lớn hơn vì bao trùm vào khoảng saú mươi nước , và trụ sở đặt ở Paris . Những nước lớn như Hoa Kỳ thì có đông đại diện, tới vào khoảng gần một trăm người, còn những nước nhỏ như Thụy Sĩ thì chỉ có một vài người được bầu vào . Hồ sơ đề nghị cũng phải có ba người ký tên và mỗi năm viện đưa ra một danh sách các ứng viên có đủ điều kiện để các hội viên từ các nước gửi phiếu bầu qua đường bưu điện . Vì số ghế trống mỗi năm chỉ vào khoảng một phần ba số ứng viên nên có nhiều người có thành tích lỗi lạc được đề nghị mà vẫn bị lọt sổ mấy năm liền.Viện có một nguyệt san khoa học tên là ‘‘Acta Astronautica ’’và tôi đã được đề cử làm phụ tá chủ bút chuyên về cơ học vũ trụ (Astrodynamics) trong khoảng thời gian từ 1979 đến 1999 khi tôi nghỉ hưu



GS NXV - Nhận lời chúc mừng của ứng cử viên Phó tổng thống Hoa Kỳ Jack Kemp trong lễ phát giải Excellence 2000 Award ở Hoa Thịnh Đốn (1996)
http://farm7.static.flickr.com/6160/6258184980_b90b25b099.jpg


HKL : Từ nhiều năm nay giáo sư hằng lưu tâm tới tương lai của giới trẻ Việt ở hải ngoại, và cuộc đời của giáo sư cũng là một trong những gương sáng cho thế hệ tương lai noi theo. HKL được biết là Hội Khuyến Học ở Saint Louis , Missouri cũng đã đặt ra một giải thưởng hàng năm lấy tên là giải thưởng Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh . Để kết luận xin giáo sư ngỏ đôi lời với độc giả về kỳ vọng giáo sư đặt vào thế hệ trẻ tương lai của đất nước .

GS NXV : Thế hệ chúng tôi được lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước nên không được may mắn như các bạn trẻ bây giờ . Các bạn hiện nay như những bông hoa tươi thắm được nở rộ trên xứ người với muôn vẻ đẹp . Tôi mong mỏi các bạn biết đến công ơn của cha mẹ, đã vượt qua bao nhiêu khó khăn và trở ngại để tạo ra điều kiện thuận lợi cho sự thành công của các bạn. Đối với các bạn, sự thành công của cá nhân mình là điều đáng qúy, nhưng biết hướng về cội nguồn, nghe lời chỉ dậy của cha mẹ , gìn giữ được những nét hay vẻ đẹp để tiếng nói, chữ viết và văn hóa của dân tộc được truyền đời mới là điều làm ta hãnh diện . Vòng giây giữa các thế hệ phải được nối tiếp . Khối người Việt ly hương phải được kết hợp lại thành một tập thể quốc gia , để tranh đãu cho tự do và dân chủ được thực hiện trên quê hương xưa và trong thế kỷ này các bạn sẽ là những người lãnh đạo . Đó là điều tôi kỳ vọng nơi các bạn .

HKL : Xin cám ơn giáo sư đã dành cho buổi phỏngvấn này. HKL xin thay mặt ban biên tập kính chúc giáo sư và gia đình một năm mới an khang thịnh vuợng

V.I.Lãng
06-20-2012, 03:32 AM
Dương Nguyệt Ánh

http://farm7.static.flickr.com/6112/6276852012_b310075970.jpg


Bà Dương Nguyệt Ánh, đứng đầu một toán khoa học gia Mỹ, đã phát minh một loại chất nổ mới dùng trong việc chế tạo ra loại bom ‘áp nhiệt’ có khả năng diệt các hầm ngầm hay hang động sâu trong lòng núi mà quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong cuộc chiến Afghanistan.

Bà Ánh cho biết từ lúc mới còn là khái niệm, toán khoa học gia dưới sự điều động của bà đã hoàn thành bom thermobaric tạm dịch là bom ‘áp nhiệt’ trong một thời gian kỷ lục là 67 ngày.

Khi được Xuân Hồng (BBC) hỏi là võ khí tạo ra hòa bình hay chỉ tạo ra chiến tranh, bà Dương Nguyệt Ánh nói : “Chiến tranh hay hòa bình là quyết định của con người, còn võ khí chỉ là phương tiện như trăm ngàn phương tiện khác mà thôi”.

Bà Ánh nói tiếp: “Nếu bảo rằng không nên chế tạo hoặc phát triển võ khí, thì chẳng khác nào bảo rằng một quốc gia ưa chuộng hòa bình không cần có quân đội”.

Bà Dương Nguyệt Ánh đã được chính phủ Hoa Kỳ trao tặng huy chuơng ‘ National Security Medal’ hồi năm 2007 vì công trình phát minh ra loại chất nổ mới này.

Dân chủ

Trên cương vị một công dân Mỹ gốc Việt, bà Ánh cho biết bà quân tâm đến các diễn biến trong xã hội của của nước mẹ đẻ và nước đã cho bà và gia đình “cơ hội thứ nhì để lập lại cuộc sống.

Bà tự nhủ phải đóng góp phần nhỏ bé của mình vào sự phồn vinh và bình an của quê hương mới và để tạo điều kiện cho thế hệ con cháu cũng sẽ được sống tự do và hạnh phúc như mình, do đó, bà “rất quan tâm về tệ nạn khủng bố hiện nay”.

Trên cương vị một người Mỹ gốc Việt, bà Ánh cho biết : “Lúc nào cũng quan tâm tới 85 triệu người đồng hương đang sống dưới sự thống trị của đảng Cộng Sản Việt Nam, không có tự do, nhân quyền”

Bà hy vọng “Chính quyền Việt Nam đặt quyền lợi của dân tộc lên trên quyền lợi của cá nhân, của đảng để cho Việt Nam được tiến bộ và phú cường”
Nhìn vào Việt Nam, bà Ánh nói : “Điều tôi lo nhất là hiểm họa mất nước trước ý đồ rất rõ ràng của Trung Quốc muốn xăm lăng Việt Nam”

Cao trào dân chủ khắp thế giới, theo bà Ánh là ”Một điều đáng mừng vì sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của giới trẻ Việt Nam giúp cho họ tự hỏi là tại sao quê hương vẫn không giàu, không mạnh, không tiến bộ như những nước láng giềng”.

Bà Ánh nói rằng ”Một ngày nào đó, giới trẻ Việt Nam sẽ đứng lên đòi hỏi dân chủ và đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa cho Việt Nam.
Kinh nghiệm

Bà Ánh nói : “Không có sự thành công nào mà không có sự giúp đỡ của người khác, do đó, nếu mình thành công, thì mình phải nhớ ơn những người đã giúp đỡ mình, và cách nhớ ơn hay nhất là mình phải giúp đở những người đi sau mình”.

Bà Ánh nói tiếp: “Khả năng sáng tạo có thể được thi thố trong bất cứ môi trường nào, không cứ phải là văn chương, mà khoa học kỹ thuật cũng là môi trường để phát huy khả năng sáng tạo”.

“Trong trường hợp của tôi, nghiên cứu khoa học kỹ thuật là sáng tạo vì tôi đã áp dụng các nguyên tắc khoa học để sáng tạo ra môt cái gì mới”
“Không phải học giỏi là yếu tố duy nhất đưa đến thành công, vì 20% là óc, 60% là mồ hôi còn lại là trái tim “.

Bà Ánh khẳng định “tài phải đi đôi với đức mới đưa đến thành công”.

Dương Nguyệt Ánh rời Việt Nam hồi năm 1975, khi còn là một nữ sinh 15 tuổi mới học lớp 9 trường Lê Quý Đôn, Sàigòn, để cùng gia đình sang tỵ nạn tại Hoa Kỳ, với số vốn tiếng Anh chỉ có ‘ vỏn vẹn 50 từ ‘.

Bà đã nghe theo lời thân phụ để theo học khoa học, mặc dù ôm giấc mộng theo văn chương từ tấm bé.

Bà Ánh tốt nghiệp trường đại học Maryland với hai bằng B.S. về hóa học và khoa học điện toán. Đến năm 1983, bà bắt đầu làm kỹ sư hóa học tại trung tâm nghiên cứu võ khí diện địa thuộc Hải quân Hoa Kỳ.

Theo BBC 12/1/2009

---

Nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh chính thức được quốc hội Hoa Kỳ trao tặng Huy Chương Phục Vụ Quốc Gia về An Ninh (Service to America Medal for National Security)

Trong một cuộc tiếp xúc gần đây, Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh cho biết, cô cùng gia đình đến Hoa Kỳ vào năm 1975, trong làn sóng tỵ nạn Cộng Sản đầu tiên sau khi miền Nam Việt Nam bị thất thủ. Khi ấy cô mới 15 tuổi. Cô và gia đình định cư ở Maryland và theo học lớp 10 trường Trung học địa phương với vỏn vẹn vài chục chữ Anh ngữ. Nhưng cô quyết tâm phải thành công vì tự ái dân tộc, và vì cô không muốn ai khinh thường người tỵ nạn Việt Nam.

Với ý chí đó, cô đã tốt nghiệp Trung Học, Kỹ Sư Hóa Học, Ðiện Toán và Cao Học Quốc Gia Hành Chánh, tất cả đều với hạng danh dự. Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh cũng cho biết, vì lớn lên trong chiến tranh, nên cô rất quý và thương chiến sĩ. Cô luôn tri ân chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã bảo vệ cho cô được sống bình an và tự do trong suốt 15 năm ở quê nhà và cô tri ân chiến sĩ Hoa Kỳ ngày nay đang tiếp tục bảo vệ cho cô và gia đình được sống bình an và tự do ở quê hương mới. Với lòng tri ân đó cô đã chọn làm việc cho Bộ Quốc Phòng để có dịp trả ơn chiến sĩ đã góp phần vào nghĩa vụ bảo vệ nền dân chủ, tự do cho Hoa Kỳ.

Cho đến nay, Khoa học gia Nguyệt Ánh đã đóng góp hơn 24 năm cho Khoa Học và Kỹ Thuật Quốc Phòng. Cô là một trong những chuyên gia chất nổ hàng đầu của Hoa Kỳ, với tầm vóc Quốc Tế. Trong thập niên 90, cô từng lãnh đạo toàn bộ chương trình nghiên cứu và chế tạo chất nổ của Hải Quân, và đã đem lại 10 chất nổ mới cho 18 loại vũ khí đang được trang bị cho Hải Quân, Lục Quân, Không Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Với thành tích kỹ luật này, Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh được Hải Quân trao Giải thưởng cao quý Dr. Arthur Bisson Award for Naval Technology Achievement vào năm 2000.

Cô cũng từng là đại biểu của Hoa Kỳ ở Liên Minh Phòng Thủ Bắc Ðại Tây Dương . Cô là tác giả nhiều bài viết nghiên cứu về chất nổ và đã từng thuyết trình ở rất nhiều hội nghị chuyên môn quốc tế và quốc nội.
Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh được nhiều người biết đến qua thành quả chế tạo bom Áp Nhiệt cho chiến trường A Phú Hãn. Vào Tháng 11/2001, hai tháng sau biến cố 9/11, cô nhận được yêu cầu giúp chế tạo gắp một loại vũ khí mới có khả năng hủy diệt hang động, nơi quân khủng bố thường trù ẩn, để tránh tổn thất nặng nề cho binh sĩ Hoa Kỳ trong những cuộc tảo thanh.

Cô đã gắp rút thành lập và lãnh đạo một toán gồm hơn 100 Khoa học gia, kỹ sư, chuyên gia và đã đi từ khái niệm rồi thực hiện, đến thử nghiệm và chế tạo thành công một loại vũ khí mới, được gọi là "Bom Áp Nhiệt". Tất cả đã thực hiện được trong thời gian kỷ luật 67 ngày! Ðể vinh danh sự thành công rực rỡ này, Bộ Trưởng Hải Quân đã gắn huy chương Military Commendatin Unit cho Trung Tâm Nghiên Cứu và Chế Tạo vũ khí Hải Quân, nơi Cô Nguyệt Ánh làm việc. Toán Khoa học gia dưới quyền cô được giải Roger Smith Team Award và riêng Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh được trang trọng gắn huy chương Civilian Meritorious Medal.

Năm 2002, Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Giám Ðốc Khoa Học và Kỹ Thuật của Trung Tâm Nghiên Cứu và Chế Tạo Vũ Khí Hải Quân ở Maryland. Ở chức vụ này , Cô là người định hướng và điều khiển tất cả các chương trình nghiên cứu trên mọi lãnh vực khoa học và kỹ thuật của Trung Tâm này với mục đích áp dụng vào việc chế tạo những vũ khí tương lai cho Hoa Kỳ.

Kể từ tháng 11/2006 cho đến nay, Khoa học gia Nguyệt Ánh về làm ở Ngũ Giác Ðài và hiện đãm nhận chức vụ Cố Vấn Khoa Học Kỹ Thuật cho Phó Ðô Ðốc John Morgan, Tư Lệnh Phó Hải Quân, Ðặc Trách về Kế Hoạch và Chiến Lược, và cho Tổng Giám Ðốc Thomas Betro, Chỉ Huy Trưởng Cơ Quan Ðiều Tra Tội Phạm và Phản Gián của Hải Quân. Ở chức vụ hiện tại Cô Nguyệt Ánh hoàn toàn chú tâm vào chiến tranh chống khủng bố, kể cả việc áp dụng khoa học kỹ thuật của tình báo, phản gián và điều tra tội phạm vào công tác chiến trường và các sứ mạng chống khủng bố toàn cầu.

Ngoài kiến thức khoa học chế tạo bom, Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh còn được biết đến rất nhiều qua khả năng lãnh đạo và tinh thần phục vụ quốc gia. Năm 2004, cô được vinh danh với giải thưởng Award of Excellence for Public Service bởi U.S. Pan Asian American Chamber of Commerce. Cô từng xuất hiện trên nhiều tờ báo và tạp chí lớn như The Washington Post, The Sun, Asian Week, vv…và các đài truyền thanh và truyền hình như BBC London, Voice Of America, SBTN …

Cô cũng được mời trình bày quan điểm của mình về chiến tranh trong cuốn phim tài liệu đoạt giải thưởng Sundance Film Festival tựa đề là "Why We Fight" và là một trong những nhân vật được đề cao trong cuốn sách mới xuất bản của The American Society of Civil Engineers năm 2006, tựa đề là "Thay Ðổi Thế Giới Của Chúng Ta: Những Câu Chuyện Thật Về Những Nữ Kỹ Sư" ("Changing Our Word: True Stories of Women Engineers").

Tháng 3/2006 Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh được Bộ Chỉ Huy Hải Quân "Naval Sea System Command" dàn chào để vinh danh cô nhân dịp Tháng 3 là tháng của lịch sử Phụ Nữ Hoa Kỳ. Gần đây nhất, Ðài Truyền Hình Discovery và Military Channel đã cho trình chiếu thành quả khoa học của vũ khí Áp Nhiệt và tường thuật về Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh trong loạt phim tài liệu về những bộ óc đàng sau những vũ khí tưong lai của thế giới. ("Future Weapons").

V.I.Lãng
06-20-2012, 03:44 AM
Người Việt Tại NASA



http://farm6.static.flickr.com/5012/5529340785_b49107056f_z.jpg
Eugene Trinh (Trịnh Hữu Châu) người thứ hai từ phải và phi hành đoàn Columbia

Ðược làm việc cho Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) là ước mơ của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Suốt 40 năm qua, tại đây đã ghi lại nhiều dấu ấn của các nhà khoa học Việt Nam.

Dù chưa có thống kê chính thức nhưng ước tính có thể lên đến vài trăm nhà khoa học Việt đang làm việc cho NASA. Chỉ riêng Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA ở bang California, hiện đã có khoảng 100 chuyên gia người Việt.

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh

Nếu có dịp thăm phòng trưng bày thành tựu chinh phục không gian của NASA ở Trung tâm điều khiển bay ở Houston, bang Texas, bạn sẽ thấy tên của một người Việt được trang trọng tôn vinh: GS.TS toán học Nguyễn Xuân Vinh.

Ông là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người đầu tiên ở Ðại học Colorado được cấp bằng tiến sĩ khoa học không gian vào năm 1962 với công trình tính toán quỹ đạo tối ưu cho phi thuyền. Những lý thuyết của ông đã góp phần quan trọng đưa các phi thuyền Apollo lên Mặt Trăng thành công và sau này được ứng dụng vào việc thu hồi các phi thuyền con thoi trở về trái đất.

Ngoài ra, ông còn dạy về không gian tại Ðại học Michigan (Mỹ), Trường Cao đẳng quốc gia nghiên cứu Hàng không và Không gian (Pháp) và phụ trách môn toán học ứng dụng tại Ðại học Thanh Hoa (Ðài Loan).

Tiến sĩ Trịnh Hữu Châu

Trên một trong những chuyến bay dài ngày nhất trong chương trình tàu vũ trụ con thoi Columbia của Mỹ có một phi hành gia gốc Việt. Ðó là TS. Vật lý Thiên văn Eugene H. Trinh, tên Việt là Trịnh Hữu Châu, làm việc tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) của NASA.
TS. Châu, sinh năm 1950 tại Sài Gòn, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Ðại học Yale năm 1977. Ông từng là giám đốc Bộ phận nghiên cứu Vật lý tại Tổng hành dinh của NASA và hiện là giám đốc Bộ phận Khoa học tự nhiên của NASA tại Washington.

Năm 1992, ông đã thực hiện chuyến bay trên tàu vũ trụ con thoi Columbia mang ký hiệu là STS-50 (chuyến bay thứ 50 của tàu vũ trụ con thoi) cùng đoàn phi hành 7 người và đây là một trong những chuyến bay dài ngày nhất trong chương trình tàu con thoi vũ trụ của Mỹ (kéo dài 13 ngày 19 giờ 30 phút, từ 25.6.1992-9.7.1992). Thông thường, các chuyến bay khác chỉ kéo dài khoảng 1 tuần. TS. Châu cũng đã có trên 40 công trình nghiên cứu khoa học, là thành viên của nhiều hiệp hội tại Mỹ và Châu Âu. Ông cũng nhận được nhiều huy chương của NASA, trong đó có Huy chương Phi hành gia vũ trụ và Huy chương Thành tựu khoa học xuất sắc.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Tiến

Cùng làm việc tại JPL của NASA còn có TS. Nguyễn Thành Tiến, người đã được NASA trao tặng Huy chương ngoại hạng vì những đóng góp trong chương trình đưa trạm thăm dò Galileo lên thám hiểm sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời. Trạm thăm dò này phóng ngày 19.10.1989 sau khi đi mất 6 năm trên chặng đường dài 4 tỉ kilômét, ngày 7.12.1995 đã đến bầu khí quyển sao Mộc, đo nhiệt độ, áp suất, thành phần khí quyển sao Mộc và truyền kết quả về Trái Ðất.

Tiến sĩ Bùi Trí Trọng

Một trong những tên tuổi của ngành hàng không thế giới được ghi nhận có cái tên Bùi Trí Trọng (sinh 1965 tại Sài Gòn), TS. Hàng không và Không gian Ðại học Stanford. Ông hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Glenn của NASA, chuyên nghiên cứu và thử nghiệm các loại hoả tiễn.

Tiến sĩ Bruce Vu (Thanh Vũ)

Bảo vệ tiến sĩ ngành kỹ sư hàng không Ðại học Mississippi năm 1999, TS. Thanh Vũ về làm việc cho Trung tâm Marshall của NASA, chuyên chế tạo các hệ thống giả lập trên máy tính để nghiên cứu động học chất lỏng, những chuyển động của khí và chất lỏng có thể tác động đến các phương tiện lưu giữ, lắp ráp và phóng phi thuyền con thoi. Hiện nay, ông đang làm việc ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida, nghiên cứu cách ứng dụng công nghệ nano để chế tạo những máy tính có kích thước nhỏ như tế bào.

Tiến sĩ Ðinh Bá Tiến

Khác với các tiến sĩ gốc Việt khác đang làm việc ở NASA, họ hầu hết được đào tạo tại nước ngoài, TS. Ðinh Bá Tiến trước khi sang Anh là giảng viên Ðại học Khoa học tự nhiên tại Sài Gòn. Năm 2004, lúc mới 25 tuổi, khi đang theo học chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ về tin học tại Ðại học Huddersfield (Anh), Ðinh Bá Tiến đã chiến thắng hàng trăm ứng viên khác trên toàn cầu và được tuyển dụng vào chương trình nghiên cứu trí thông minh nhân tạo của NASA để chế tạo các phần mềm điều khiển robot, phi thuyền tự hành.

RaginCajun
06-20-2012, 05:20 AM
Đậu xe bậy bạ thì một là ăn ticket (phạt tiền), hai là bị khóa xe hay kéo xe. Rút bằng lái chỉ dành cho đám uống rượu say lái bậy bạ thôi. Tớ nghĩ, một là bị kéo mất xe, hai là trong lúc chờ, tài xế buồn buồn đi làm vài xị :P. Nghe nói bên Âu Châu được uống nước có men trong giờ làm việc, phải không?

V.I.Lãng
06-20-2012, 06:36 AM
Hi các Anh / Chị ,

Ai có tới đất thần kinh - Washington DC , thì mới biết .

Lái xe nơi đây khÔng phải là chuyện dễ , huống hồ là chuyện đậu xe . Dân thổ địa đất thần kinh đậu xe cũng bị ticket và towed lia chia , huống chi là dân từ nơi khác (Mỹ) , đặc biệt là vị Phó Thủ Tướng nước Đức Philipp Rösler . Chẳng có gì phải đáng cười ông ta .


Hôm rồi Feb 2012 - vụ người Việt tại Washington DC - Bao nhiêu người ai cũng " rên " về chuyện xe & đường nơi đó . Có anh làm trong goverment có nhiệm vụ đưa đón khách Việt từ bốn phuơng về, ảnh cũng lạc đường và bị ticket đậu xe :)


Riêng V hong dám lái vô Washington DC, ở khách sạn ngoài ngoại ô rồi đi xe lửa vô, thế mà cũng lạc tùm lum . Còn cuốc bộ ở Washington DC , hmmmm, V cũng đã nếm mùi rồi ... Ai có tới thăm Washington DC thì nên chuẩn bị đôi sneakers :)

Nhân việc Anh Triển nhắc chuyện Washington DC, V xin gửi vài tấm hình V chụp năm ngoái vào dịp Lễ Quốc Khánh của Hoa Kỳ (lỡ có ai complain tại sao góc " Vẻ Vang Người Việt Hải NgoạI " giờ đem post hình thì .... lỗi là ở anh Triển đó nha :) )




Lễ Quốc Khánh của Hoa Kỳ - July 4th

Đêm July 4th, 2011 hơn triệu người về đây đón mừng Lễ Độc Lập

http://farm7.static.flickr.com/6026/5929358189_f6df5a73c7_z.jpg

http://farm7.static.flickr.com/6005/5929358375_baab5b7e24_z.jpg

http://farm7.static.flickr.com/6028/5932854513_13a5874641_z.jpg

http://farm7.static.flickr.com/6017/5933406080_bfbfddea22_z.jpg

http://farm7.static.flickr.com/6022/5933414006_5fe5ca863d_z.jpg

http://farm7.static.flickr.com/6012/5932854589_a1fa899edd_z.jpg

http://farm7.static.flickr.com/6006/5932846971_3fb583c38f_z.jpg

http://farm7.static.flickr.com/6136/5933435944_88720a91f4_z.jpg

http://farm7.static.flickr.com/6129/5929358469_0a4a0c7901_z.jpg

http://farm7.static.flickr.com/6148/5924780812_1f155b4726_z.jpg

http://farm7.static.flickr.com/6028/5929142448_79ba4a237f_z.jpg

Triển
06-20-2012, 07:50 AM
Hi các Anh / Chị ,

Ai có tới đất thần kinh - Washington DC , thì mới biết .

Lái xe nơi đây khÔng phải là chuyện dễ , huống hồ là chuyện đậu xe . Dân thổ địa đất thần kinh đậu xe cũng bị ticket và towed lia chia , huống chi là dân từ nơi khác (Mỹ) , đặc biệt là vị Phó Thủ Tướng nước Đức Philipp Rösler . Chẳng có gì phải đáng cười ông ta .


Hôm rồi Feb 2012 - vụ người Việt tại Washington DC - Bao nhiêu người ai cũng " rên " về chuyện xe & đường nơi đó . Có anh làm trong goverment có nhiệm vụ đưa đón khách Việt từ bốn phuơng về, ảnh cũng lạc đường và bị ticket đậu xe :)


Riêng V hong dám lái vô Washington DC, ở khách sạn ngoài ngoại ô rồi đi xe lửa vô, thế mà cũng lạc tùm lum . Còn cuốc bộ ở Washington DC , hmmmm, V cũng đã nếm mùi rồi ... Ai có tới thăm Washington DC thì nên chuẩn bị đôi sneakers :)

[/CENTER]

Bị phạt thì nói làm gì, taì xế bị rút bằng lái cơ. Xem lại bài viết tiếng Anh đi kia kìa. Cho nên mới nói, cảnh sát Hoa Thịnh Đốn chơi phó thủ tướng nước mình ợi. Cho đi ngắm phố phường một phát khơi khơi.

Bên My~ đường rộng thênh thang mà lái sợ lạc, rên lên rên xuống, sang đây chắc quý vị bên Hoa Kỳ đậu xe vaò lề ngồi khóc. Còn về Việt Nam chắc là nhảy lầu tự tử luôn quá. :))




Nhân việc Anh Triển nhắc chuyện Washington DC, V xin gửi vài tấm hình V chụp năm ngoái vào dịp Lễ Quốc Khánh của Hoa Kỳ (lỡ có ai complain tại sao góc " Vẻ Vang Người Việt Hải NgoạI " giờ đem post hình thì .... lỗi là ở anh Triển đó nha :) )
Đâu có, góc này ghi "vẻ vang dân Việt" nhưng trưng bài vở dân Đức không hà, thành ra ..... "xa cạ" luôn đi. :))

V.I.Lãng
06-20-2012, 07:56 AM
Carol Huỳnh (Canada) - Ngôi sao vàng Olympic

(Thế Vận Hội tại Bắc Kinh 2008)





http://farm6.static.flickr.com/5291/5529632178_51a717e3e9.jpg

http://farm6.static.flickr.com/5258/5529632396_99689db466_z.jpg

Canada's Carol Huynh (C) celebrates after defeating Japan's Chiharu Icho during their women's 48kg gold medal match at the 2008 Beijing Olympic Games on August 16, 2008. Huynh beat Icho to win the gold.



Năm 2008, Carol Huỳnh trở thành niềm tự hào của cộng đồng người Việt khi trở thành vận động viên đầu tiên của Canada đoạt huy chương vàng môn vật tự do tại Olympic Bắc Kinh. Ít ai biết khi còn ở Việt Nam, gia đình cô gái vàng này đã phải kiếm sống bằng đủ mọi nghề gồm cả thu mua phế liệu, bán đồ lưu niệm dạo…

Ngày 14.7.2008, các ngôi sao thể thao hàng đầu của Canada từ nhiều bộ môn đã trao một tấm séc trị giá tương đương 15.000 USD cho KidSport, tổ chức thể thao từ thiện cho trẻ em. Nữ đô vật Carol Huỳnh đã nói với các em tại Kid Sport rằng: “Khi chơi thể thao, đừng quan tâm vào phần trăm những người được chọn dự Olympic. Cứ tập và chơi vì sức khỏe của mọi người, đó mới là điều tuyệt vời nhất”. Đúng như Carol Huỳnh nói, số người tập thể thao tại Canada và mơ ước dự Olympic rất nhiều nhưng chỉ có một phần nhỏ trong số đó được tranh tài tại Thế vận hội. Và số người có thể đứng trên bục vinh quang thế giới lại càng hiếm nhưng Carol Huỳnh có mặt trong số đó.

Năm 2008, Carol Huỳnh trở thành niềm tự hào cho cộng đồng người Việt khi cô trở thành vận động viên đầu tiên của Canada đoạt huy chương vàng môn vật tự do ở Olympic Bắc Kinh. Trước đó, người đạt thành tích cao nhất cho bộ môn vật của Canada chỉ là tấm huy chương bạc của Tonya Verbeek tại Athens 2004. Báo chí Canada khi đó cũng tràn ngập những lời ca ngợi về cô gái nhỏ nhắn đã mang HCV đầu tiên cho Canada tại Olympic Bắc Kinh. Để có được thành công như vậy, Carol Huỳnh đã phải khổ luyện trong một thời gian dài và được sự hậu thuẫn lớn từ gia đình.

Theo Carol Huỳnh, cha cô – ông Huỳnh Viêm là một người Trung Hoa sang Việt Nam từ khi 3 tuổi, còn mẹ cô – bà Trịnh Mai là người sinh ra tại Việt Nam. Cả hai đều không phải là dân chơi thể thao chuyên nghiệp mà là những người rất bình thường. Khi còn ở Việt Nam, họ đã phải kiếm sống bằng đủ mọi nghề gồm cả thu mua phế liệu, bán đồ lưu niệm dạo… Khi họ sang Canada và sinh Carol Huỳnh, cuộc sống cũng rất vất vả, ông Viêm làm công nhân tại một xưởng mộc còn bà Mai làm tại một cửa hàng ăn. Phải mãi sau này, họ mới đủ tiền để mở một khách sạn nhỏ nhưng năm 2008, họ đã bán khách sạn đó để có tiền sang Trung Quốc cổ vũ Carol Huỳnh.

Cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn của cha mẹ ảnh hưởng tích cực đến Carol Huỳnh. Trong giờ phút đăng quang tại Thế vận hội, Carol Huỳnh đã nói trên tờ The Globe and Mail: “Cha mẹ tôi luôn lao động vất vả để có một tương lai tươi sáng hơn. Tôi chắc chắn đã học được nhiều điều từ họ”. Khi chưa nổi tiếng, để chăm lo cho cuộc sống, Carol Huỳnh phải làm nhân viên tại Talisman Centre với công việc được cô mô tả là: “Tư vấn sức khỏe cho mọi người, đảm bảo mọi trang thiết bị tại Talisman Centre luôn sạch sẽ và sẵn sàng giúp đỡ mọi người tại đó”.

Carol Huỳnh bắt đầu tập đấu vật từ năm 15 tuổi và con đường đưa cô đến bộ môn thể thao mà nữ giới ít quan tâm xuất phát từ người chị. “Chị tôi là một trong những thành viên đầu tiên của đội vật nữ ở trường trung học. Chị đã khuyến khích tôi và một người em gái khác tham gia bộ môn này. Tôi nhận thấy chị ấy luôn vui vẻ và có thân hình đẹp từ khi tập đấu vật. Vì vậy, tôi cùng nhiều bạn gái khác đã gia nhập đội vật của nhà trường. Đấu vật rất thú vị và nhiều thử thách. Tôi cảm thấy rất thú vị mỗi khi vượt qua được các thử thách. Là một môn đối kháng, nó đòi hỏi bạn phải có kỹ năng bản thân. Nhưng nó cũng là bộ môn thể thao đồng đội vì bạn luôn cần có sự giúp đỡ của HLV và bạn bè”, Carol Huỳnh tâm sự.

Khi tài năng được phát hiện và chuyển sang tập chuyên nghiệp, Carol Huỳnh phải hy sinh nhiều thứ. Theo Carol Huỳnh, khó khăn nhất khi trở thành vận động viên chuyên nghiệp là những đợt tập huấn xa nhà vì cô vốn quen sống gần gia đình. Carol Huỳnh cũng chịu nhiều thất bại và cay đắng, nhất là khi không được chọn vào tuyển Canada tranh tài tại Olympic 2004. Khi đó, Carol Huỳnh đã xuống tinh thần và có ý nghĩ thôi đấu vật nhưng rồi sự động viên của người thân đã giúp cô vượt qua cú sốc.

Giờ đã trở thành một ngôi sao nhưng Carol Huỳnh vẫn giữ cuộc sống bình thường. Mỗi tuần, cô vẫn tập 5 ngày đều đặn, dành thời gian chăm sóc cho chồng con và chơi các môn thể thao khác. Nhưng sang năm, cô có thể sẽ lại phải quay về chế độ tập luyện khắt khe để chuẩn bị tranh tài tại Olympic 2012.

V.I.Lãng
06-20-2012, 08:01 AM
Thảo Nguyễn - Thiếu nữ Anh gốc Việt đoạt huy chương công nghệ NANO




http://farm6.static.flickr.com/5099/5530453545_bec0cd467d.jpg
Cô Thảo Nguyễn nhận huân chương Roscoe về hóa học

http://farm6.static.flickr.com/5292/5531037924_0b0a2d1833.jpg
Cô Thảo Nguyễn giơ biểu tượng cấu trúc hóa học công trình của mình

Giới khoa học chuyên môn tại Luân Ðôn, Anh quốc đã trao Huân chương Roscoe trong cuộc tranh tài tầm vóc mang tên “Set for Britain” tạm dịch là “Chuẩn bị cho nước Anh”, cho công trình nghiên cứu của cô Nguyễn Thảo Nguyên là một người Anh gốc Việt.

Công trình của Thảo Nguyên sau ba năm học tiến sĩ được đánh giá là đem tiềm năng cho công nghệ nano, một trong nhiều mảng nghiên cứu khoa học đang được quan tâm nhất hiện nay. Từ nghiên cứu của mình, các nhà khoa học có thể tính tới khả năng chế ra các con chip nano cho tương lai và tiềm năng sử dụng trong định vị và chữa tế bào ung thư.

Set for Britain là cơ hội cho những nhà khoa học trẻ làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, để có thể thử sức, giới thiệu với giới chuyên môn, quốc hội, giới công nghiệp về công trình nghiên cứu mà họ đã thực hiện. Cuộc thi bao gồm nhiều lĩnh vực, và Thảo Nguyên đã giành giải nhất trong lĩnh vực hóa học.

Cô gái 26 tuổi đã được mời vào Quốc hội vương quốc Anh để báo cáo công trình nghiên cứu của mình sau khi vượt qua hàng trăm đơn dự thi. Kết quả công bố Nguyễn Thảo Nguyên là người gốc Việt Nam đầu tiên được nhận Huân chương Roscoe của chính phủ Anh.

V.I.Lãng
06-20-2012, 08:02 AM
Nam Nguyễn - Tài năng trượt băng gốc Việt tỏa sáng ở Canada





http://farm6.static.flickr.com/5055/5539831430_e36de6ce6b_z.jpg
Nam Nguyễn trong cuộc tranh tài giải vô địch trẻ Canada hồi giữa tháng 1. Ảnh:Glodenskate.com

http://farm6.static.flickr.com/5092/5539831498_690505d6d4_z.jpg
Nam Nguyễn được đánh giá là thần đồng và niềm hy vọng đoạt huy chương ở Thế vận hội mùa đông 2018 của làng trượt băng nghệ thuật nam Canada. Ảnh: Namnguyen.

http://farm6.static.flickr.com/5014/5539831484_e77806b781_z.jpg
Nam Nguyễn (giữa) trên bục chiến thắng ở giải vô địch trẻ Canada hồi giữa tháng 1. Ảnh: Vancouver Sun

Ở tuổi 12, Nam Nguyễn đang được xem như hiện tượng thú vị của làng trượt băng nghệ thuật Canada khi trở thành vận động viên ít tuổi nhất đăng quang ở giải vô địch trẻ quốc gia hồi cuối tháng 1.

Trong phần thi chung kết giải trẻ Canada hôm 20/1, Nam chiến thắng hai vận động viên lớn hơn cậu tới bảy tuổi để đăng quang thuyết phục với tổng điểm 169,89 và 114,67 cho phần thi tự do. Nam hôm đó mở màn phần thi bằng ba vòng xoay tuyệt đẹp và chỉ mắc một lỗi nhỏ – chưa xoay đủ vòng trong một lần xoay khác. Nhiều khán giả đã đứng dậy, vỗ tay thán thưởng khi Nam hoàn thành phần thi và cả trong khi cậu thực hiện các động tác khó.

“Đến giờ cháu vẫn chưa thể quen với việc mình là nhà vô địch trượt băng nghệ thuật trẻ quốc gia”, hãng tin Canadian Press dẫn lời cậu học sinh lớp 7 đến từ hạt Richmond, Bristish Columbia, Tây Nam Canada, một ngày sau khi đăng quang.

Khi bước lên bục nhận huy chương vàng tối 20/1, ấn tượng về Nam, ngoài nụ cười rạng rỡ, chỉ là vóc dáng nhỏ xíu của cậu khi đứng giữa hai vận động viên cao lớn đoạt huy chương còn lại. Nơi cao nhất trên mái tóc vuốt keo cứng của Nam thậm chí vẫn chưa cao tới vai của chủ nhân huy chương bạc, Shaquille Davis và huy chương đồng, Peter O’Brien. Tuy nhiên, với Nam, việc cậu chiến thắng trước các đối thủ có tầm vóc vượt trội ở giải trẻ dường như đã trở thành một thói quen

“Tôi không ngỡ ngàng với việc chiến thắng các đối thủ lớn hơn, bởi điều đó đã diễn ra nhiều lần. Nghĩ cũng buồn cười, ở hầu hết các cuộc thi trượt băng tôi từng dự, những người về nhì và ba thường luôn cao to hơn tôi rất nhiều”, VĐV trẻ nói thêm.

Giải vô địch trẻ Canada 2011 là lần thứ tư Nam đăng quang trong năm lần cậu dự các giải tầm quốc gia 4 năm qua. Năm 2007, cậu là vận động viên trẻ tuổi nhất vô địch trượt băng Canada lứa tuổi thiếu nhi. Hai năm tiếp theo, Nam lên ngôi ở hai giải thiếu niên quốc gia. Và năm ngoái, khi dự giải vô địch trẻ quốc gia, cậu đoạt huy chương đồng. Nam, sau đó, được chọn biểu diễn rồi gây tiếng vang lớn trong đêm Gala trượt băng nghệ thuật quốc gia hồi tháng 2/2010 – sự kiện nhằm chào mừng thành công của Thế vận hội mùa đông Vancouver.

Thành công đến sớm kèm theo sự nổi tiếng và quan tâm từ người hâm mộ. Như vài lần khác, ngay sau thời khắc trở thành nhà vô địch trẻ quốc gia, Nam đã mỏi tay ký tặng cho các fan. Dù vậy, vận động viên đang được xem như thần đồng trượt băng mới của Canada này vẫn có chút e thẹn: “Cháu thấy việc đứng đó chỉ để ghi tên mình ra giấy cho mọi người cứ kỳ quặc thế nào”.

Phải chờ tới ngày 20/5 tới, khi cậu bước sang tuổi 13, Nam mới đủ tư cách dự thi ở các giải quốc tế. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, cậu học sinh tiểu học này đã đề ra cho bản thân những mục tiêu tham vọng – tranh tài ở hệ thống giải Grand Prix trượt băng nghệ thuật trẻ của Liên đoàn trượt băng thế giới (ISU) mùa 2011-2012 và dự giải vô địch quốc gia Canada dành cho các vận động viên chuyên nghiệp.

Nam là con trai của hai kỹ sư điện toán gốc Việt nhập cư, ông Sony và bà Thu. Cậu bắt đầu trượt băng từ khi lên 5 tuổi và từng tập hockey trên băng một thời gian ngắn. Tuy nhiên Nam ngày càng thích những môn thể thao cá nhân rồi quyết định chọn tập trung vào trượt băng nghệ thuật. Gần đây Nam thậm chí còn tạm gác lại cả việc học đàn piano mà cậu từng theo rất nghiêm túc để dành thời gian cho niềm đam mê với trượt băng nghệ thuật.

V.I.Lãng
06-20-2012, 08:18 AM
Mylene Trần Huỳnh - Nữ Đại Tá Không Quân Hoa Kỳ



http://farm6.static.flickr.com/5299/5528833471_e17cf33ec1.jpg

Trung Tá Bác Sĩ Không Quân Mylene Trần Huỳnh, 44 tuổi, giám đốc của Air Force Medical Service (AFMS), thuộc chương trình Chuyên Viên Y Tế Quốc Tế (International Health Specialist - IHS), trực thuộc văn phòng “Office of the Air Force Surgeon General,” vừa được vinh thăng Ðại Tá trong một buổi lễ được tổ chức hôm 14 tháng 5 năm 2012 vừa qua.

Ở chức vụ Giám Ðốc AFMS, nữ bác sĩ gốc Việt, Trần Huỳnh, có trách nhiệm thiết lập các qui định, hướng dẫn và giám sát cho 65 nhân viên thuộc quyền ở 15 địa điểm khác nhau trên thế giới, và cho cả 150 nhân viên quân y của Không Lực Hoa Kỳ thuộc chương trình IHS.

Ðại Tá Huỳnh hoàn tất văn bằng cử nhân và bác sĩ y khoa tại đại học University of Virginia. Bà phục vụ trong Không Lực Hoa Kỳ suốt 18 năm, và hướng dẫn 25 cuộc trao đổi hợp tác về y tế ở 15 quốc gia, trong đó có hai lần ở Việt Nam.

Bác Sĩ Mylene Trần Huỳnh là ái nữ của cựu bác sĩ quân y, binh chủng Nhảy Dù, QLVNCH, Bác Sĩ Trần Ðoàn, và Dược Sĩ Phan Thị Nhơn. Mylene tròn chín tuổi khi Sài Gòn thất thủ. Gia đình bà tìm cách ra khỏi Việt Nam nhưng bất thành nên quay về quê ở Nha Trang, nơi cha bà bị đưa đi “cải tạo” một năm.

Sau đó mẹ bà chung với ba gia đình khác, mua một chiếc thuyền đánh cá để vượt biên. Sau sáu ngày đêm vượt qua chặng đường dài 703 dặm, họ cập bến Manila.

31 năm sau, Ðại Tá Huỳnh tổ chức công tác nhân đạo giúp đỡ Việt Nam lần thứ hai. Bà triệu tập 45 bác sĩ, y tá, nha sĩ, nhà vệ sinh học, kỹ sư công chánh, cùng những chuyên viên tiếp liệu từ bảy tổ chức khác nhau, gồm cả Không Quân và Lục Quân Hoa Kỳ, và các nhóm nhân sự vụ Mỹ lẫn Việt.

Từ 11 đến 17 tháng 3, toán công tác đã thực hiện những cuộc giải phẫu và săn sóc y tế cho hơn 3,000 người ở tại Huế và vùng phụ cận, kể cả xây dựng lại hạ tầng cơ sở cho các trường ốc. Trong sáu ngày làm việc 10 giờ mỗi ngày, ban đêm phải họp ban để trao đổi về công việc trong ngày, toán y tế của Ðại Tá Huỳnh đã mang lại ánh sáng cho 63 bệnh nhân nhờ mỗ cataract; dạy về tiến trình của toàn nhóm cho tám bác sĩ nhãn khoa cùng với 160 sinh viên y khoa; giải phẫu tim cho một em bé bốn tháng; khám, cấp thuốc và giáo dục cho 2,000 bệnh nhân có bệnh tim và huyết áp cao; khám chữa răng cho 2,711 người; khám chữa mắt cho 1,000 người khác; cấp phát 900 kính đọc sách và biên toa thuốc cho hơn 10,000 bệnh nhân.

Toán chuyên viên y tế Hoa Kỳ trao đổi về những kỹ thuật lâm sàng cũng như giải phẫu với đối tác Việt Nam, và thuyết trình kiến thức y khoa ở trường Ðại Học Huế. Ngược lại, họ cũng học được của đồng nghiệp Việt Nam một số phương cách chữa bệnh như chữa mồ hôi tay bằng phương thức đông y cổ truyền.

Trong buổi lễ thăng chức Ðại Tá của Bác Sĩ Mylene Trần Huỳnh, Cựu Trung Tướng QLVNCH Lữ Lan, phát biểu rằng: “Thành tựu của Bác Sĩ Mylene Trần không những là một niềm vinh dự của riêng cô, mà còn là của cả cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chỉ 35 năm trước đây khi những người tỵ nạn mới đặt chân lên miền đất hứa này, mấy ai nghĩ rằng cô bé 'thuyền nhân' nhỏ nhắn đã đến đây từ 30 năm trước, lại có ngày trở thành một y sĩ đáng kính trong ngành Quân Y của Quân Lực Hoa Kỳ. Giá như cô không sang được đây, nơi cô được nuôi dưỡng trong môi trường tự do và bình đẳng, tài năng của cô sẽ hoàn toàn bị phí phạm. Ðó là sự khác biệt giữa đời sống trong môi trường tự do với chế độ bạo quyền. Ðiều đáng ca ngợi nơi Mylene hơn nữa là, trong khi đang sống một cuộc sống tự do và hạnh phúc nơi xứ sở Hoa Kỳ, cô vẫn không quên nguồn cội mình và người dân Việt Nam còn đang sống khốn khổ dưới chế độ cộng sản. Cô cùng toán công tác y tế của mình đã nhiều lần trở về Việt Nam để cung cấp những săn sóc y tế cho người nghèo cùng những kẻ thiếu may mắn.”

Trong đoạn kết của bài phát biểu, Cựu Trung Tướng Lữ Lan nói rằng: “Luôn ghi nhớ, cô đã mang lại niềm hân hoan cho gia đình và cũng là niềm vinh dự của cả cộng đồng. Bất kể đạt được thành tựu đến đâu cũng đừng quên di sản truyền thống của dân tộc và hãnh diện rằng mình là người Mỹ gốc Việt.”

Buổi lễ vinh thăng cấp bậc Ðại Tá cho Bác Sĩ Mylene còn có sự hiện diện của Thiếu Tướng Byron C. Hepburn; thân phụ mẫu của Bác Sĩ Mylene; cựu Thượng Nghị Sĩ VNCH Nguyễn Khoa Phước (em trai Cố Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam) và phu nhân... (TP)


http://farm6.static.flickr.com/5133/5528833519_0a8b918e47_z.jpg
Chuẩn tướng (Brigadier General) Byron C. Hepburn


http://farm6.static.flickr.com/5257/5528833691_1b807262b7_z.jpg


http://farm6.static.flickr.com/5051/5528833567_51503df3c9_z.jpg
Chồng (Kỹ sư Cơ Khí) Huỳnh Quốc Thành & con trai lớn gắn cấp bực mới , áo ngoài


http://farm6.static.flickr.com/5137/5528833749_cef78ba87f_z.jpg
Cha (Bác Sĩ Trần Đoàn, Đại Uý Quân Y Sư Đoàn Dù/QLVNCH) gắn cấp bậc cầu vai áo trong.


http://farm6.static.flickr.com/5172/5528833625_a0f493985c_z.jpg


http://farm6.static.flickr.com/5260/5529422792_65cdd90760_z.jpg
Mẹ ( Dược Sĩ Phan Thị Nhơn) gắn cấp bậc, cầu vai áo trong


http://farm6.static.flickr.com/5060/5529422862_b7146bfbe3_z.jpg
Đại gia đình & Chuẩn tướng Byron C. Hepburn


http://farm6.static.flickr.com/5257/5528833887_4d7d913cbf_z.jpg
Ông-Bà Trần Đoàn - Đại Tá Mylene Huỳnh - Ông-Bà Trung Tướng Lữ Lan


http://farm6.static.flickr.com/5100/5529422936_fd8e91f047_z.jpg
Mẹ và thân quyến


http://farm6.static.flickr.com/5216/5528833957_b1186c475b_z.jpg
Bà Trần Đoàn & Đại Tá Trịnh Hưng ( US Public Health Service) bạn học

V.I.Lãng
06-20-2012, 12:20 PM
Giáo sư Jane X. Luu (Lưu Lệ Hằng) - Nhận hai giải thưởng thiên văn học danh giá nhất thế giới

GS nhận giải Kavli Thiên văn học tại Oslo vào tháng 3, 2012
GS nhận Giải Shaw Thiên văn học tại Hongkong vào tháng 5, 2012


http://farm9.staticflickr.com/8150/7409362938_aa4d6190ab.jpg





Giáo sư Lưu Lệ Hằng, tên nhập quốc tịch Hoa Kỳ là Jane X Luu.

Giáo Sư Lưu, sinh năm 1963 và sang Mỹ từ năm 1975. Cô học trò gốc Việt sau đó giành được học bổng ngành vật lý tại Đại học Stanford. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1984, cô tân cử nhân đã dành mùa hè thảnh thơi của mình để bắt đầu học lên cao học tại Đại học California – Berkeley, cùng lúc đó cô làm việc cho Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (Jet Propulsion Laboratory) ở Pasadena.

Thích thú trước những bức tường treo đầy hình ảnh các hành tinh do tàu nghiên cứu không gian Voyager gửi về, Lưu Lệ Hằng quyết định theo đuổi ngành thiên thể học. Sau khi hoàn thành cao học tại Berkeley, cô lấy bằng tiến sĩ ở MIT. Trong thời gian ở MIT, cô cùng với nghiên cứu sinh David Jewitt làm đề tài Khảo sát các vật thể di chuyển chậm (Slow-Moving Objects) ngoài hệ Mặt trời.

Sau đó Lưu Lệ Hằng tham gia giảng dạy tại Đại học Harvard rồi chuyển sang Đại học Leiden ở Hà Lan. Khi quay về Mỹ, cô tạm xả hơi chuyên ngành thiên văn quan sát của mình và công tác tại Phòng thí nghiệm Lincoln của MIT cho đến nay.

Cô hiện đang nghiên cứu các giải pháp công nghệ cho vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Vào năm 1991, Hiệp hội Thiên văn Hoa Kỳ đã trao giải Annie J. Cannon Award Thiên văn học cho cô. Để ghi nhận công lao của cô trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh, người ta lấy tên cô đặt cho tiểu hành tinh 5430 Luu.


Năm nay – 2012 quả là năm của người phụ nữ gốc Việt khi cái tên Lưu Lệ Hằng được xướng danh ở cả hai giải thưởng thiên văn học danh giá nhất thế giới.


Năm 1996, nhà báo khoa học Marcia Bartusiak đã viết về hành trình tuyệt vời của GS Lưu Lệ Hằng khi cô còn giảng dạy tại Đại học Harvard.


http://www.marciabartusiak.com/uploads/8/5/8/9/8589314/odyssey_of_jane_luu.pdf


Vì sao lại là "hành trình tuyệt vời"?


Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, cô là Học giả sau tiến sĩ Hubble (Hubble Postdoctoral Fellowship) - phần thưởng danh giá nhất cho các nhà nghiên cứu trẻ trình độ sau tiến sĩ.



***


http://farm9.staticflickr.com/8027/7409361884_2e1c855a9f.jpg






Cuối tháng năm vừa qua, tại Hồng Kông, Quỹ Shaw đã xướng danh người đạt Giải Shaw Thiên văn học 2012 là Giáo sư Lưu Lệ Hằng về những đóng góp của cô trong việc định danh “các vật thể ngoài Hải Vương tinh” (Trans-Neptunian Objects), viết tắt là TNOs


Giáo sư Jane X. Luu (Lưu Lệ Hằng) cùng với người thầy – đồng nghiệp của mình là Giáo sư David C. Jewitt, Giám đốc Viện nghiên cứu thiên thể (Institute for Planets and Exoplanets), Đại học California – Los Angeles, Hoa Kỳ đã đạt giải Shaw với công trình khám phá ra các vật thể ngoài Hải Vương tinh (TNOs) – những kho báu khảo cổ giúp chúng ta quay ngược thời gian về lúc hình thành nên hệ Mặt trời và nguồn gốc của các sao chổi chu kỳ ngắn. Giải Shaw danh giá được ví như là "Giải Nobel của châu Á", được bắt đầu trao tặng từ năm 2004. Giải trao cho các thành tựu nghiên cứu khoa học mới nhất trong các lĩnh vực: thiên văn học, khoa học sự sống và y học, toán học. Điểm đặc biệt là giải chỉ được trao cho các nhà khoa học còn sống (cho đến lúc ra quyết định) giống như Giải Nobel. Giải Shaw mỗi năm gồm 3 triệu đô la Mỹ, chia đều cho ba lĩnh vực khoa học được xét thưởng. Ngài Run Run Shaw, ông trùm truyền thông Hồng Kông năm nay 105 tuổi là người bảo trợ cho giải thưởng này.



***


Giáo sư Lưu Lệ Hằng - Nhận giải "Nobel Thiên văn học" thế giới






Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, tại thủ đô Oslo của Na Uy, Quỹ Kavli cũng đã công bố Giải Kavli năm 2012 cho bảy nhà khoa học tiên phong thuộc ba lĩnh vực nghiên cứu hiện đại:

- Vật lý thiên văn học (astrophysics)
- Khoa học nano (nanoscience)
- Thần kinh học (neuroscience)


Giáo sư Lưu Lệ Hằng, nhà thiên văn học Mỹ gốc Việt đã là một trong những chủ nhân của giải Kavli thiên văn học năm nay.

Giải Kavli được khởi xướng từ năm 2008 bởi nhà khoa học người Na Uy Fred Kavli và Quỹ Kavli của ông. Một hội đồng chuyên gia quốc tế đến từ nhiều viện nghiên cứu khác nhau trên thế giới sẽ lựa chọn và hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu đoạt giải. Mỗi lĩnh vực nghiên cứu sẽ có 1 triệu đô la Mỹ tiền thưởng, chia đều cho các đồng chủ nhân giải thưởng.



http://farm8.staticflickr.com/7131/7409362040_facc55358b.jpg
Nhà thiên văn nữ gốc Việt Lưu Lệ Hằng (giữa) - đồng chủ nhân của giải Kavli Thiên văn học 2012 (Ảnh: KavliPrize)






Giải Kavli Thiên văn học được mệnh danh là "Giải Nobel Thiên văn học" của thế giới. Giải thưởng Thiên văn học 2012 được trao cho công trình khám phá ra vành đai Kuiper của ba nhà thiên văn học:

- David C. Jewitt, Đại học California - Los Angeles (UCLA), Hoa Kỳ;
- Jane X. Lưu (Lưu Lệ Hằng), Phòng thí nghiệm Lincoln, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Hoa Kỳ
- Michael E. Brown, Viện Công nghệ California (Caltech).

Giải Kavli Thiên văn học 2012 ghi nhận công trình khám phá ra vành đai Kuiper và những vật thể lớn nhất của nó. Công trình này sẽ giúp ta có những bước tiến lớn trong việc tìm hiểu lịch sử hệ Mặt trời. Một điều đáng chú ý là năm nay, "nóc nhà công nghệ của thế giới" MIT có tới ba nhà khoa học nữ đoạt giải ở tất cả lĩnh vực nghiên cứu.



***


Công trình lịch sử của thiên văn học hiện đại


http://farm6.staticflickr.com/5279/7409362454_64165b840e.jpg
Ảnh: KavliFoundation






Bên ngoài quỹ đạo của Hải Vương tinh là vành đai Kuiper (Kuiper Belt hay còn được biết đến với cái tên vành đai Edgeworth – Kuiper). Đây là một dĩa gồm hơn 70 ngàn vật thể nhỏ cấu thành bởi đá và băng, có đường kính trên 100km và quay xung quanh Mặt trời.

Giải Kavli Thiên văn học 2012 vinh danh hai nhà thiên văn đã khám phá ra vành đai Kuiper là GS David Jewitt và GS Lưu Lệ Hằng; cùng với một nhà khoa học khác – GS Michael Brown đã khám phá ra rất nhiều vật thể lớn trong vành đai này.

Khám phá của các nhà thiên văn học này là kết quả của những chiến dịch quan sát tinh tế nhằm tìm ra những phân loại mới cho các vật thể ở xa (hơn các hành tinh) trong hệ Mặt trời.

Nghiên cứu của họ đòi hỏi những thủ thuật đầy sáng tạo, sự kiên trì không mệt mỏi và một sự cởi mở đón chào những điều không như mong đợi.

Các vật thể trong vành đai Kuiper (Kuiper Belt Objects) là những tàn tích vật chất nguyên sơ của thời kỳ đầu hình thành hệ Mặt trời, không khí, bụi và băng đá trong vũ trụ bồi tụ nên những hành tinh khí khổng lồ (Mộc tinh, Thổ tinh, Thiên vương tinh và Hải vương tinh). Mặc dù những gã khổng lồ này quét sạch toàn bộ vật chất ban đầu ở xung quanh chúng nhưng người ta nghĩ rằng vành đai Kuiper nằm khá xa quỹ đạo của những hành tinh khổng lồ và ẩn chứa những tàn tích hoá thạch sau quá trình hình thành các hành tinh. Do đó, thành phần cấu tạo và đặc điểm quỹ đạo của chúng cung cấp những bằng chứng độc nhất vô nhị về các giai đoạn tiên khởi của hệ Mặt trời.

GS Michael Brown đã thiết kế nên và bổ sung vào đề tài Khảo sát các vùng rộng lớn (tạm dịch từ Caltech Wide-Area Survey – NV) – công trình quan sát một vùng rộng đến 20 ngàn độ vuông mặt phẳng của hệ Mặt trời. Ông đã tối ưu hoá đề tài này để tìm kiếm các vật thể có khối lượng lớn nhất trong vành đai Kuiper.

GS Brown cũng đã khám phá ra Quaoar (năm 2002), Makemake (2005), Eris (2005) và rất nhiều vật thể lớn khác trong vành đai Kuiper. Điều này minh chứng rằng Diêm vương tinh không đơn độc, nó là một trong số những đối tượng ông tìm kiếm. Nhờ các vật thể lớn nhất của vành đai này cũng là một trong những vật thể sáng nhất nên người ta có thể dùng quang phổ kế để định lượng thành phần cấu tạo nên bề mặt của chúng.

Một khám phá không kém phần quan trọng khác của GS Brown là vật thể Sedna. Mất 10 ngàn năm quay quanh Mặt trời, Sedna có một quỹ đạo bị kéo dài và thuôn nhọn ở hai đầu. Điểm cực cận của Sedna với mặt trời bằng khoảng 76 đơn vị thiên văn AU (tức bằng 76 lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời) và rộng hơn gấp đôi quỹ đạo của Hải vương tinh. Đã có tranh luận sôi nổi về nguồn gốc của Sedna và hai giải thuyết thú vị được đưa ra là quỹ đạo của Sedna có thể đã bị kéo giãn ra bởi một ngôi sao xẹt ngang hoặc nó có thể đã bị hệ Mặt trời của chúng ta “bắt cóc” từ một hệ mặt trời khác.



http://farm8.staticflickr.com/7123/7409362584_65dfd463b4.jpg
Ảnh: NASA/JPL-Caltech/R. Hurt (SSC-Caltech)






Hình vẽ đầu tiên cho chúng ta thấy quỹ đạo của các hành tinh rắn thuộc hệ Mặt trời (trong đó có Trái đất) và vành đai tiểu hành tinh nẳm giữa Hoả tinh và Mộc tinh.

Trong hình thứ hai, ta có thể thấy Sedna nằm ngoài quỹ đạo của các hành tinh khí và các vật thể trong vành đai Kuiper.

Toàn bộ quỹ đạo của Sedna được minh hoạ trong hình thứ ba với tỉ lệ tương ứng thực tế cùng vị trí hiện tại của nó. Sedna đang ở gần điểm cực cận với Mặt trời và quỹ đạo 11,400 năm của nó quanh Mặt trời sẽ còn đưa nó đi xa hơn nhiều.

Hình cuối cùng cho ta cái nhìn xa nhất có thể về một quỹ đạo hình bầu dục, nằm gọn trong cái mà chúng ta đã từng nghĩ là rìa phía trong của đám mây Oort. Đám mây Oort là một tập hợp hình cầu của các vật thể băng giá, nằm ở vùng giới hạn xa nhất lực hấp dẫn của Mặt trời.

Hai giải thưởng hàng đầu thế giới về thiên văn học năm 2012 cùng trao cho một đề tài về vành đai Kuiper hay rộng hơn là các vật thể ngoài Hải Vương tinh đã tái khẳng định nghị quyết của Hiệp hội Thiên văn quốc tế (IAU) đưa ra vào 2006, trong đó đưa ra 3 điều kiện rõ ràng cho khái niệm “hành tinh” và từ đó “giáng cấp” Diêm vương tinh xuống thành một hành tinh lùn. Đây cũng là đòn quyết định làm tiêu tan những hy vọng mong manh cuối cùng của luồng ý kiến phản đối nghị quyết năm 2006 của IAU. Có lẽ những ai phản ứng với việc “giáng cấp” Diêm vương tinh sẽ phải cất cái tên “Diêm Vương tinh – một trong 9 hành tinh của hệ Mặt trời” vào kỷ niệm.

Dù vậy, Diêm vương tinh chắc sẽ không buồn tí nào vì gia đình “hành tinh lùn” mới toe của nó đã có tới 5 thành viên và chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới.

(sưu tầm từ VietAstro . Và Vco' rearrange bài lại cho dễ đọc hợn Cảm ơn nhiều )

V.I.Lãng
06-21-2012, 09:01 AM
Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn (Pháp)


http://farm8.staticflickr.com/7154/6642823557_e4b1f39e77.jpg
Bảng tiểu sử của GS Hoàng Xuân Hãn đặt trước giảng đường.



GS Hoàng Xuân Hãn được đặt tên cho giảng đường tại Pháp Trường Đại học Ponts et Chaussées , một trong những đại học có uy tín hàng đầu của Pháp vừa chọn giáo sư Hoàng Xuân Hãn đặt tên cho giảng đường đại học.

Ông cũng là người Việt Nam duy nhất được chọn đặt tên bên cạnh những danh nhân Pháp như Christian Beullac, Jacques Boulloche, Albert Caquot, Célia Russo, Bejamin Nadault de Buffon, Jean Kérisel…

Hoàng Xuân Hãn, người Việt Nam, là cựu sinh viên của Đại học Polytechnique (Bách khoa), kỹ sư của Trường Pont et Chausssées, nhà toán học và là một học giả. Cuộc đời ông, cuộc đời của một nhà nhân văn lớn được nuôi dưỡng bởi ba nền văn hóa, ông đã hiến dâng đấu tranh giành độc lập suốt của dân tộc ông.

Từ 6 tuổi, cùng với việc học chữ trong gia đình, ông bắt đầu tiếp thu một cách vững chắc nền văn hóa Trung Hoa. Năm lên 9, ông học tiếng Pháp ở trường tiểu học ; ở trường trung học Albert Sarraut Hà Nội, ông khám phá tinh thần của Descartes, tư tưởng của thời đại Khai Sáng và các con đường của khoa học.Ngay khi mới bắt đầu nhập học ở trường Polytechnique, ông đã quan niệm rằng để du nhập khoa học và kỹ thuật phương tây vào tư tưởng Việt Nam, thì điều quan trọng là phải tự trang bị một ngôn ngữ phù hợp. Chính với quan niệm này mà ông bắt đầu soạn thảo cuốn Từ điển thuật ngữ khoa học sẽ được công bố năm 1942.Vì ở Việt Nam chính quyền thực dân ngăn cản ông tiếp cận với mọi vị trí công việc trong lĩnh vực chuyên môn dành cho một kỹ sư được đào tạo ở Đại học Pont et Chaussées, nên ông đã tham dự kỳ thi Thạc sĩ (agrégation) về toán. Một số người trong số vài nghìn học sinh của ông sau này đã được đảm nhận những trọng trách.Năm 1936, khi tham gia chiến dịch xóa mù chữ, ông nghĩ ra một phương pháp sử dụng cùng lúc cả ngữ âm hiện đại và truyền thống truyền miệng của đất nước.Trong những bài báo xuất bản trên Tạp chí Khoa học Sài Gòn (ông giữ mục Toán học của tạp chí này) ông đã kết hợp truyền thống dân gian và tính chặt chẽ tuyệt đối của toán học, những bài báo đó là những hình mẫu về sư phạm. Như vậy, qua thực hành, ông đã làm rạng rỡ những phương tiện tiếng Việt sử dụng trong lĩnh vực khoa học, vì thế mà mở một con đường cho sự “Việt Nam hóa” giáo dục mà ông sẽ vận dụng với tư cách là Bộ trưởng của chính phủ độc lập đầu tiên (năm 1946).

Trong tư cách là sử gia và là nhà ngữ văn học, ông đã phát hiện ra di tích Đò Lèn, chỉ ra tầm quan trọng về mặt văn hóa của các tấm bia và của các gia phả do các dòng họ gìn giữ; và đặc biệt ông đã khôi phục các tác phẩm văn học viết bằng chữ Nôm. Ông đã thực hiện bản văn có chú giải của tiểu thuyết bằng thơ Truyện Kiều của Nguyễn Du (1765-1820), một công trình uyên bác mẫu mực, được Hiệp hội Aubonne xuất bản sau khi ông mất. Ông đã sáng lập Hiệp hội này năm 1992, cống hiến cho cả hai nền văn hóa Việt Nam và Pháp, mà nhiều người Việt Nam hiện đang sống ở Pháp cùng chia sẻ

V.I.Lãng
06-21-2012, 09:03 AM
Ông Nguyễn Thông - Một trong những lãnh đạo của ngân hàng Bank Of America
(Mỹ)

January 2012


http://farm8.staticflickr.com/7025/6642866591_406903d1a2.jpg

Theo bản tin trên Wall Street Journal, trước đây Tổng Giám đốc điều hành của Bank of America là Brian Moynihan lựa chọn ông Lyons vào chức vụ Giám đốc kế hoạch.

Theo đó, Tổng Giám đốc Moynihan sẽ áp dụng chiến lược mới của năm 2012 của Giám đốc kế hoạch Lyons. Tuy nhiên, khi ông Brian Moynihan ra trước hội đồng quản trị trong tuần qua để thảo luận về kế hoạch năm 2012 của ngân hàng, đã xuất hiện cùng với một chiến lược gia mới tinh là Thông Nguyễn, khiến cho các giới chức nhà băng hết sức ngạc nhiên.

Cũng như Lyons, ông Thông Nguyễn từng hoạt động trong ngành tài trợ kỹ nghệ cho thuê tài sản của Bank of America và được Tổng Giám đốc Moynihan đề cử lên trách nhiệm cao hơn sau khi từ một công ty khác gia nhập Bank of America năm 2004.

Ông Thông Nguyễn từng có kinh nghiệm về bán hàng, tiếp thị và xây dựng thương vụ khi làm cho các công ty General Electric, McKinsey & Co., và IBM. Ông cũng từng làm việc chung với ông Moynihan ở bộ phận quản trị tài sản cho thuê trước khi ông Moynihan được cử làm Tổng Giám đốc điều hành của Bank of America.



http://farm8.staticflickr.com/7014/6642823755_67574bb032.jpg
Trước khi ông Thông Nguyễn được cử làm Giám đốc kế hoạch, ông là Giám đốc Quản trị US Trust, một ngành phục vụ những khách hàng giàu có nhất của Bank of America. Thời còn đi học, ông được học bổng của Trường Đại học Columbia, tốt nghiệp với bằng kỹ sư cơ khí, rồi đậu bằng Cao học Quản trị xí nghiệp.

Bank of America đã trở thành ngân hàng có giá trị tài sản lớn nhất nước Mỹ kể từ quý I/2009 thông qua các hoạt động thâu tóm, bao gồm nhà phát hành thẻ tín dụng MBNA và Tập đoàn Countrywide Financial - 2 tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động tài chính. Tuy nhiên, đến giữa tháng 10 vừa qua, ngân hàng này đã đánh mất vị trí số 1 sau khi Tổng Giám đốc điều hành Brian Moynihan cắt giảm việc làm và bán các chi nhánh

For more info please đọc :

http://mediaroom.bankofamerica.com/phoenix.zhtml?c=234503&p=irol-newsArticle&ID=1390343&highlight

Tiểu sử về ông Nguyễn Thông bằng tiếng Anh
http://www.eyedrd.org/2011/11/thong-nguyen-formerly-vietnamese-refugee-becoming-strategy-chief-of-bank-of-america.html

V.I.Lãng
06-21-2012, 09:04 AM
Giáo sư Nguyễn Hùng - Australia

http://farm8.staticflickr.com/7008/6772598159_cf579754eb_z.jpg
Nhà phát minh nổi tiếng người Australia gốc Việt Nguyễn Hùng vừa được chọn là nhân vật đại diện cho tiểu bang New South Wales, tranh giải Người Australia của năm 2012.

"Tôi rất bất ngờ khi biết đề cử này, nhưng phải chờ tới buổi công bố kết quả hôm gần ngày Lễ Quốc khánh vào tháng cuối tháng 1 năm sau (2012)", giáo sư Hùng cho biết.

Giáo sư Nguyễn Hùng sống ở Castle Hill, là Phó trưởng khoa Kỹ thuật và Công nghệ thông tin tại trường Đại học Công nghệ Sydney, Australia. 20 năm qua, giáo sư đã phát minh ra những phát minh hữu ích với các bệnh nhân. Do đó, ông được mệnh danh "Người thầy của những phát minh".

Một trong những phát minh y tế mang tính đột phá đó là sáng kiến Aviator - công nghệ "xe lăn thông minh" được tạp chí sáng tạo kinh doanh Australian Anthill xếp thứ 3 trong danh sách "100 phát minh hàng đầu Australia". Để tạo ra chiếc xe này, ông mất 10 năm nghiên cứu về nó.

"Chiếc xe lăn thông minh đã tạo ra cuộc cách mạng cho người bị liệt. Nó được thiết kế có chức năng như một robot có thể tự di chuyển và tránh các vật thể mà chúng nhìn thấy được qua camera gắn trên xe. Chiếc xe lăn có thể di chuyển theo mệnh lệnh từ cái lắc đầu, ánh mặt, thậm chí là suy nghĩ của bản thân", giáo sư Hùng thông tin.

"Những gì tôi đang cố gắng làm là giúp đỡ người khác. Được đề cử tranh giải Người Australia của năm khiến tôi rất bất ngờ và hạnh phúc", ông nói.

Giáo sư Nguyễn Hùng và cộng sự còn nghiên cứu ra nhiều phát minh y tế như thiết bị chuyên theo dõi chứng bệnh tiểu đường, giúp đo được lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức quy định và kết nối với một hệ thống báo động giúp bệnh nhân tránh khỏi những biến chứng do giảm glucoza huyết, mà không cần phải lấy máu làm xét nghiệm.

Bên cạnh đó, nhóm của giáo sư Hùng còn phát minh ra thiết bị phát giác ung thư vú sớm, máy báo hạ đường huyết, máy kiểm tra sức khỏe dành cho tài xế.

(sưu tầm)

V.I.Lãng
06-21-2012, 09:08 AM
Ông Lê Văn Hiếu - Phó Toàn Quyền tiểu bang South Australia (Nam Úc)


http://farm7.static.flickr.com/6218/6260541649_05cb86ab59_z.jpg


Ông Lê Văn Hiếu hiện cư ngụ tại Burnside, là một trong những thuyền nhân Việt Nam đặt chân lên đất nước Úc vào năm 1977. Ông Lê Văn Hiếu (Hieu Van Le), sinh năm 1954 tại Quảng Trị ngay lúc chia đôi đất nước gia đình ông dời vô Đà Nẵng sinh sống, là một trong những thuyền nhân vượt biển qua Úc tị nạn, vừa được bổ nhiệm vào chức vụ Phó toàn quyền bang South Australia (Nam Úc). Ông Hiếu sẽ chính thức nhậm chức vào tháng 9 sắp tới bằng một lễ tuyên thệ với 21 phát đại bác chào mừng. Ông Lê Văn Hiếu là học sinh trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng từ năm 1965 đến 1973, sau đó học Đại học Chính trị-Kinh doanh Đà Lạt và vượt biển tị nạn định cư tại Úc từ năm 1977. Ông tốt nghiệp đại học Adelaide với văn bằng cử nhân kinh tế và cao học quản trị xí nghiệp. Ông Hiếu từng giữ chức chủ tịch ủy ban sắc tộc và đa văn hóa tại Nam Úc (SAMEAC) và là khuôn mặt quen thuộc trong sinh hoạt cộng đồng người Việt tự do cũng như hội Phật tử tại Nam Úc.

Đài ABC Adelaide, trong cuộc phỏng vấn mới nhất đã cho rằng đây là người gốc Việt Nam đầu tiên trên thế giới được cử vào một chức vụ chính quyền cao nhất ở nước ngoài. Tại Úc, ông từng được tặng danh hiệu công dân danh dự, giữ các chức vụ Chánh thanh tra, Giám đốc Ủy ban Chứng khoán và đầu tư liên bang từ đầu những năm 1990, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc và đa văn hóa bang Nam Úc. Ông đã tốt nghiệp bằng cử nhân kinh tế và MBA tại Đại học Adelaide. Trả lời phỏng vấn Đài ABC, ông Hiếu cho biết ông mồ côi cha từ khi sinh ra (cha ông chết khi tham gia kháng chiến chống Pháp). Đến Úc, vợ chồng ông từng làm công nhân hái trái cây và chế biến trái mơ để nuôi gia đình và tiếp tục ăn học.

Năm 1996 chính phủ Nam Úc tưởng thưởng ông Hieu Van Le huy chương Australia Day Medal vì những đóng góp cho hội đồng giám sát đầu tư và chứng khoán, cũng như uỷ ban sắc tộc và đa văn hóa.
Vào năm 2004, ông Hieu Van Le đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động xây dựng một ngôi chùa tại Hillier. Ngoài ra ông Hieu Van Le còn sinh hoạt trong hội Nông gia Việt Nam tại Virginia.

Tại đây ông đã vận động xây dựng một trung tâm văn hóa. Ông Hieu Van Le còn có chân trong hội đồng tổ chức Quốc khánh Úc tại Nam Úc và là quản trị viên của hội đồng giám sát đầu tư và chứng khoán (Australian Securities and Investments Commission) tại Nam Úc.

Vị tân phó toàn quyền có vợ tên Lan và hai con được đặt tên theo hai danh thủ cricket của Úc: Don (lấy tên từ danh thủ Don Bradman) và Kim (từ tên của Kim Hughes). Với chức vụ phó toàn quyền tiểu bang Nam Úc, ông Hieu Van Le sẽ là người Việt đầu tiên tại Úc được chọn vào chức vụ này.

Hay tin mình được chọn làm phó toàn quyền, ông Hieu Van Le nói: 'Tôi quá vui sướng với điều xảy đêán'. Ông cho biết sẽ dùng chức vụ của mình để giới thiệu hàng hóa và sản phẩm của Nam Úc với thế giới nói chung và với châu Á nói riêng. Phó toàn quyền tân cử nói: 'Thí dụ như tôi giới thiệu Singapore mua dưa leo của bà con nông gia ở Virginia'.

Theo hiến pháp của tiểu bang Nam Úc, chiếu theo lời đề nghị của thủ hiến Nam Úc, Nữ hoàng sẽ bổ nhiệm phó toàn quyền (Lieutenant-Governor). Khi toàn quyền vắng mặt, phó toàn quyền sẽ đứng ra thay thế. Truyền thống Nam Úc thường cắt cử chánh án tòa tối cao vào chức vụ phó toàn quyền như Sir Mellis Napier.

Nhưng gần đây, Nam Úc dành danh dự này cho người di dân nổi bật. Tiền nhiệm của phó toàn quyền tân cử người Việt Nam là ông Bruno Krumins AM, một di dân Latvia.
Thủ hiến Mike Rann đã loan báo bổ nhiệm tân toàn quyền và tân phó toàn quyền vào cuối tuần qua.

V.I.Lãng
06-21-2012, 09:10 AM
Minh Tran Huy đoạt giải văn học Pháp

http://farm7.static.flickr.com/6160/6266625845_e43f34713b.jpg

Một người Pháp gốc Việt tên Minh Tran Huy đã được trao giải văn học Gironde của Pháp dành cho những cây bút mới năm 2008.

Hội đồng giám khảo nhận định tác phẩm đoạt giải tựa đề Nàng công chúa và chàng chèo thuyền của cô đạt tới "sự tinh tế trong việc hòa quyện thực tại vào tưởng tượng, sự nhạy cảm nằm trong văn phong buồn man mác".

Minh Tran Huy sinh năm 1979 tại Paris, hiện là trợ lý tổng biên tập tạp chí Văn Học Pháp - Le Magazine Littéraire. Theo Hãng tin Aqui, quyển Nàng công chúa và chàng chèo thuyền của cô lồng ghép chuyện cổ tích về công chúa Mỵ Nương và chàng Trương Chi, và chuyện tình có thật giữa tác giả với một chàng trai người Việt cách đây 14 năm.

Theo Minh Tran Huy, chuyện tình thật ngoài đời chỉ thoáng qua, nhưng mượn cảm xúc để lại cô đã phát triển thành một câu chuyện tưởng tượng. Cái chính là "lấy nó để đào xới những bí ẩn về một VN" mà cô khao khát muốn biết.

Được hội đồng tỉnh Gironde sáng lập cách đây 19 năm, giải văn học Gironde dành xét tặng tác phẩm đầu tiên hoặc thứ hai của những nhà văn viết bằng tiếng Pháp. Giải thưởng có giá trị hiện kim là 7600 euro.

V.I.Lãng
06-21-2012, 09:13 AM
Triệu phú Julie Nguyễn Brown: Sức mạnh của người biết ước mơ




http://farm6.static.flickr.com/5102/5654728737_d3c64c67aa.jpg


Từng làm hầu bàn để kiếm tiền nuôi em trai ăn học, Julie Nguyễn Brown (ảnh) mơ ước có ngày làm nên sự nghiệp riêng của mình. Và đúng như điều mà người ta vẫn nói: Thế giới thuộc về những người biết ước mơ. 18 năm sau khi bước chân vào thương trường, Julie đã làm được điều khiến nhiều người phải nể phục. Từ hai bàn tay trắng, người phụ nữ Mỹ gốc Việt nhỏ bé này giờ đây là chủ công ty sản xuất thiết bị nội thất xe hơi Plastech với lợi nhuận hằng năm lên đến 1,5 tỉ đô la Mỹ.

Công ty Plastech hiện được xem là một trong những nhà cung cấp khuôn đúc nhựa dẻo lớn nhất ở Bắc Mỹ do người nhập cư sở hữu. Vụ Plastech bỏ 290 triệu đô la mua đứt Công ty LDM Technologies Inc, một công ty chuyên sản xuất khuôn đúc các chi tiết tự động và hệ thống hãm xung ô tô có trụ sở ở thành phố Romulus, bang Michigan (Mỹ) khiến Julie Nguyễn Brown trở thành người "bị" đám đông chú ý.

Thương vụ mua bán xảy ra cách đây 2 năm đã giúp Plastech trở nên ngày càng hùng mạnh. Công ty Plastech của Julie mở rộng hoạt động với 3.000 nhân công làm việc tại 18 nhà máy ở Bắc Mỹ. Doanh số hằng năm và uy tín của công ty tăng đều đặn khiến danh tiếng của Julie Nguyễn Brown lan truyền đi rất nhanh. Đầu năm 2006, Julie cùng với Phó chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Thông tin của hãng Daimler Chrysler AG - Sue Unger là 2 trong số 7 người có vinh dự được lưu danh tại Bảo tàng Automotive Hall of Fame ở thành phố Dearborn, Michigan. Bảo tàng này lưu giữ tên tuổi của những người có công đóng góp vào ngành công nghiệp động cơ mô tô.

Nhưng Julie Nguyễn Brown dường như trốn biệt khỏi cánh báo chí. Nữ chủ nhân của Plastech không muốn hình ảnh của mình xuất hiện trên phương tiện truyền thông. Ngay trong thời đại của Google, người ta chẳng dễ kiếm những tấm hình của Julie trong khi có rất nhiều bài báo viết về cô. Julie muốn đóng góp cho cộng đồng theo cách riêng của cô chứ không thích đánh bóng tên tuổi trên báo chí.

Để có được vị trí của ngày hôm nay, Julie đã trải qua những năm tháng cơ cực, sống thiếu thốn ở nước Mỹ xa xôi. Julie đến Mỹ học đại học và tốt nghiệp cử nhân Toán tại Trường Newcomb College thuộc Tulane University vào năm 1972.
Sau đó, cô quay về Việt Nam rồi trở lại Mỹ năm 1975 cùng cậu em trai 15 tuổi. Hai chị em định cư tại Thousand Oaks, California. Người con gái có cá tính mạnh mẽ sớm nhận thức được rằng chỉ có học vấn cao mới là con đường duy nhất để cô thoát khỏi địa vị thấp hèn của tầng lớp nhập cư nghèo. Julie quyết định dốc hết sức mình để kiếm tiền nuôi cậu em ăn học. Cô xin làm hầu bàn trong các quán ăn, suốt ngày chạy đôn chạy đáo, hết bưng bê rồi lại lau chùi. Nhưng cực khổ mấy cũng không làm giảm quyết tâm của Julie, cô tự nhủ: nhất định mình sẽ lấy bằng thạc sĩ!

Vào một ngày năm 1985, cánh cửa cuộc đời mở toang trước mắt Julie khi cô lên bục nhận tấm bằng thạc sĩ khoa học tại Trường Wayne State University, thành phố Detroit, bang Michigan. Julie biết ơn những ngày miệt mài trong giảng đường. Chúng không chỉ đem đến cho cô giấy thông hành bước lên những chuyến đi về miền tương lai xán lạn. Những buổi học và gặp gỡ trong thư viện đã tạo điều kiện cho Julie gặp được người đàn ông của đời mình. Chàng trai Mỹ James A.Brown phục trí thông minh và nghị lực nơi người con gái Việt Nam đặc biệt. Anh yêu và ngỏ lời hỏi cưới người bạn học làm vợ.

Trước lúc thành lập Công ty Plastech vào năm 1988, Julie đã kinh qua nhiều vị trí kỹ sư khác nhau tại Công ty Ford Motors, chủ yếu liên quan đến các dự án chế tạo các chi tiết làm bằng chất dẻo trong những bộ phận tự động của xe hơi. Julie khai sinh Plastech cùng với việc mua lại một nhà máy nhỏ ở Caro, Michigan. Từ đó đến nay, dưới sự lèo lái của Julie, Plastech không ngừng lớn mạnh và trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Cô khôn khéo qua mặt tất cả các đối thủ cạnh tranh, tận dụng những mối quan hệ tốt đẹp đã xây dựng được từ những năm làm việc với Ford để giành được những hợp đồng béo bở.

Năm 1999, Plastech bắt tay với một công ty có quy mô lớn hơn mình nhiều lần là Johnson Controls để thành lập Công ty TrimQuest, mở thêm 2 nhà máy mới ở Ohio và Michigan để sản xuất các đơn đặt hàng từ hãng Ford. Thời điểm đó, Công ty Johnson Control có doanh thu hằng năm đạt 12,6 tỉ đô la với 57.000 nhân công tại 275 cơ sở trên toàn thế giới. Trong khi đó, Plastech chỉ ở vai "cò con" với 400 triệu đô la doanh số hằng năm, 16 nhà máy và 2.500 công nhân. Nhưng Julie Brown không chịu để Plastech lép vế trước đối tác đàn anh. Đối với TrimQuest, đứa con chung của hai công ty, Julie đề ra chiến lược là Plastech phải chiếm đa số cổ phần và bản thân cô nắm giữ chức vụ CEO. Cạnh tranh sòng phẳng trong kinh doanh, Julie không thích để người khác điều khiển mình. Cô muốn tự ra mọi quyết định.

Dưới sự "tổng chỉ huy" của Julie Nguyễn Brown, Plastech từng đoạt giải thưởng Crain do Hiệp hội American Business Media. Vào năm 2003, Hội đồng kinh tế tiểu bang Michigan trao cho Plastech giải "Đối tác của năm" bởi đã tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Với uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, Julie được bầu vào vị trí ủy viên quản trị ở trường đại học nổi tiếng Brown University. Căn cứ trên bảng xếp hạng tháng 3.2006 của Princeton Review, trường này hiện xếp thứ 6 trong top 10 những trường đại học tốt nhất Hoa Kỳ. Julie sẽ tham gia vào hội đồng hoạch định chính sách tài chính và quản lý bất động sản cùng những vấn đề nhân sự, hành chính khác ở Đại học Brown cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2009. Đây cũng là ngôi trường mà hai người con của cô học hệ cử nhân.

Dường như Julie luôn nhìn thấy những cơ hội nằm phía trước mình ngay cả trong những tình thế nan giải nhất. Không chịu khuất phục trước khó khăn và kiên trì theo đuổi những ước mơ một cách thầm lặng - đó là tố chất nổi bật ở Julie, người trở thành tấm gương điển hình cho các thế hệ Việt kiều trẻ ở Mỹ hiện nay. Như ngày hôm qua 15/7, rất nhiều sinh viên gốc Việt ở Bắc Cali đã háo hức đến Trường San Jose State University nghe cô diễn thuyết về kinh nghiệm để trở thành nhà lãnh đạo và quản lý giỏi trong kinh doanh.

V.I.Lãng
06-21-2012, 09:15 AM
Tiến sĩ Đỗ Đức Cường: Cha đẻ của máy ATM

http://farm7.static.flickr.com/6167/6194599473_5fa7784a96.jpg


“Bạn có tin cha đẻ ATM là người Việt Nam không?”.Ai cũng nghĩ đó có thể là người Anh, người Pháp, người Mỹ hay một người nước nào đó nhưng không ai nghĩ đó là người Việt Nam....

Sự thật là phát minh đó mang tên một người Việt Nam – Tiến sĩ Đỗ Đức Cường.

Cảm nhận đầu tiên khi được nói chuyện với ông là gần gũi, nhiệt tình và thông thái. Ông luôn trân trọng khi nói chuyện với bất kỳ ai, từ một người nông dân, anh xe ôm đến người tri thức. Bạn có thể nhìn thấy ông say sưa giải thích về các phát minh với một người tri thức mặc com lê, và bạn cũng có thể nhìn thấy một sự say sưa tương tự khi ông nói chuyện với một người nông dân chân đất.

Thích làm việc ở chân cầu thang để được gặp gỡ mọi người. Trong ví lúc nào cũng có hàng chục thẻ ATM. Là tác giả của trên 50 phát minh và sáng chế, 20 năm làm việc tại ngân hàng Citibank - Mỹ, chuyên viên cao cấp cho ngành ngân hàng Hoa Kỳ, là Đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc. Trở về Việt Nam năm 2003, hiện ông là cố vấn cao cấp cho ngân hàng Đông Á.

Chết đói và may mắn của số phận

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đức Phổ, Quảng Ngãi. Những năm tuổi thơ nghèo khó. Các anh chị em lần lượt chết vì đói. 6 tuổi ông cũng đã chết hụt một lần và sống lại ngay kề miệng huyệt. Sau này ông luôn tự nhủ: “Phải làm giàu, không chỉ bản thân mình giàu có mà mọi người cũng phải giàu có, vì khi mình nghèo thấy số phận hẩm hiu quá!” Có lẽ đó chính là một dấu ấn góp phần tạo nên ý trí vươn lên mạnh mẽ của ông.

Từ sinh viên Y khoa thành cha đẻ ATM

"Bí quyết để thành công là đừng đi tìm sự thành công! Hãy tiếp nhận cuộc sống một cách tự nhiên, hãy khen ngợi những cái tốt và hãy sửa sai những cái mình không vừa ý." Khởi đầu sự nghiệp học hành tại trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Sau đó chuyển sang học ngành Kỹ cơ khí tại Đại học Phú Thọ.

1963, trong kỳ kiểm tra của một phái đoàn của Nhật nghiên cứu về trí thông minh người Việt Nam ông là người có chỉ số thông minh cao nhất. Ông được cấp học bổng sang Nhật học tại Đại học Osaka . Ông vừa đi học vừa làm thêm tại công ty Toshiba.

Một phát minh bất ngờ đã đưa ông đến Mỹ. Gặp Giám đốc ngân hàng Citibank (Mỹ) trong một buổi ca nhạc do ông tổ chức. Ngay lúc đó ông nhận được một lời mời đến Citibank cùng đề nghị: “Dùng kỹ thuật để kiếm cho ngân hàng 1 tỉ khách hàng”.

Ông đưa ra 20 câu hỏi buộc ông chủ của Citibank phải thừa nhận 20 cái sai của ngân hàng và từ chối lời mời làm việc. Sự nhiệt tình, thẳng thắn cùng lời cam kết sẽ ủng hộ ông “lội ngược dòng” của Tổng giám đốc đã thuyết phục ông gia nhập Citibank. Mục tiêu của ông là “bình dân hoá dịch vụ ngân hàng”.
Trong thời gian này, ông đồng phát minh ra máy ATM. Đó chính là một bước tiến lớn của nhân loại trong lĩnh vực ngân hàng.

Trở về Việt Nam

Tháng 6/2003 trở về Việt Nam sau 40 năm để tham gia phiên họp đầu tiên về WTO ở Việt Nam, trợ giúp Seagames 22 và giúp WB làm bản báo cáo về viễn cảnh tốt đẹp của Việt Nam.

Người đầu tiên tìm gặp lại là mẹ. Nỗi buồn sau 40 năm gặp lại mẹ lâm bệnh nặng. Chợt thấy mọi thứ trở nên vô nghĩa, ông biết rằng “Mẹ chỉ có một trên đời”. Từ bỏ mức lương cả triệu USD/ năm, chấp nhận mất hết cổ phiếu chưa đáo hạn, ông rời Mỹ về Việt Nam để chăm sóc mẹ.

Lời khuyên cho ngành ngân hàng Việt Nam

Trở về Việt Nam cùng mong muốn góp công sức cho việc phát triển ngành ngân hàng, đưa ngân hàng đến từng người dân. Ông đã nhận lời làm tư vấn cho nhiều ngân hàng Việt Nam . Theo ông “ngân hàng Việt Nam nói chung có rất nhiều khiếm khuyết: không minh bạch và khó khăn về vốn và nguồn nhân lực”.

Tuy vậy theo đánh giá của ông thì chúng ta cũng có nhiều lợi thế “người Việt, đất Việt, ngân hàng Việt. 83 triệu dân, 47 ngân hàng, 5 triệu tài khoản, 2,5 triệu thẻ”.

Ông Đỗ Đức Cường đã tư vấn và đưa ra 4 lời khuyên cho dịch vụ ngân hàng:

1. Quần chúng hoá dịch vụ ngân hàng, biến ngân hàng thành dịch vụ của cả xã hội chứ không chỉ là câu lạc bộ của người giàu.

2. Bình dân hoá dịch vụ để cô bán cà phê, anh lái xe ôm cũng có thể giao dịch với ngân hàng.

3. Chuyên nghiệp hoá đội ngũ cán bộ. Để phục vụ tốt thì lúc nào cũng phải mỉm cười và coi người sử dụng dịch vụ là người tiêu dùng.

4. Hiện đại hoá đi từ dân dụng đến chuyên dụng. Đừng cạnh tranh kỹ thuật mà phải tìm hiểu nhu cầu khách hàng.

Khi được hỏi cái gì là khởi đầu cho những phát minh của ông, ông Cường trả lời: “Lúc nào tôi cũng nghĩ rằng khởi đầu của mọi tìm tòi khám phá của mình đều xuất phát từ cuộc sống. Cuộc sống khó khăn quá, cần cải thiện nó tốt hơn. Tôi tìm ra nguyên lý sống của mình là đừng nhìn xa xôi mà hãy nhìn, hãy yêu, hãy chăm sóc cuộc sống trước mắt cho thật tốt cái đã. Như thế tự nhiên thành công sẽ đến với mình”.

Câu chuyện về ông Đỗ Đức Cường là câu chuyện về một con người chân chất, mộc mạc, gần gũi như chính mong muốn của ông: “Để cô bán cà phê, anh lái xe ôm cũng có thể giao dịch với ngân hàng”.

V.I.Lãng
06-21-2012, 09:18 AM
Danny Graves - Baseball Star Người Mỹ gốc Việt

http://farm6.static.flickr.com/5067/5634548709_7bf82e0c03.jpg

http://farm6.static.flickr.com/5181/5635130128_65127a90ed.jpg
Danny và Mẹ

http://farm6.static.flickr.com/5148/5634548697_aea248b32d_z.jpg
Danny Graves


Bóng chày, hay còn gọi là baseball, là môn thể thao phổ biến hàng đầu tại Hoa Kỳ, cũng như tại khu vực Trung và Nam Mỹ. Môn thể thao này cũng rất được ưa thích tại Nhật Bản và Triều Tiên, nơi mà thỉnh thoảng cũng sản sinh ra những cầu thủ nổi trội, được tuyển vào thi đấu cho các câu lạc bộ thuộc Liên Đoàn Bóng Chày Nhà Nghề của Hoa Kỳ.

Thế nhưng ít người biết rằng có một cầu thủ người Việt chơi trong Liên Đoàn Bóng Chày Nhà Nghề Mỹ, đó là Danny Graves. Mẹ của Danny người Việt. Danny ra đời tại Sàigòn vào năm 1973. Hiện nay anh là cầu thủ ném bóng của đội Cleveland Indians. Danny là cầu thủ bóng chày đầu tiên sinh tại Việt Nam thi đấu tại giải thuộc Liên Đoàn Bóng Chày Nhà Nghề Mỹ. Danny cho biết rằng anh đang rất vui sướng và hồi hộp trước chuyến về thăm Việt Nam lần đầu tiên đa số những người ái mộ Danny không hề biết anh là người Việt. Danny có đầu tóc vàng hoe, bù xù, tiếng nói hoàn toàn giống như một người Mỹ, và hầu như không nói được tiếng Việt. Song cũng có nhiều thanh thiếu niên Việt Kiều ngưỡng mộ mẫu thành công của Danny.

Ông Jan Scruggs là người sáng lập ra Quỹ Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Tham Chiến tại Việt Nam, gọi tắt là VVMF. Mục tiêu của tổ chức này là nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh và thúc đẩy cho sự thông hiểu lẫn nhau giữa hai quốc gia.

Ông Scruggs cho biết trong số những người Mỹ gốc Việt, Danny Graves là một anh hùng vĩ đại, và ông nghĩ Danny cũng sẽ là một anh hùng tại Việt Nam.

Ông Scruggs sẽ cùng đi với Danny trong chuyến đi thăm Việt Nam lần này. Ông thừa nhận rằng môn bóng chày không thể nào sánh kịp với môn bóng đá tại Việt Nam, tuy nhiên nó sẽ bắt được nhịp.

Ông Scruggs nói đại ý rằng đây sẽ là phương cách tuyệt vời để tiếp cận với dân chúng tại Việt Nam. Ông rất hy vọng là trong tương lại môn bóng chày sẽ được yêu thích và phát triển tại nước này, và một ngày nào đó sẽ có thêm một cầu thủ nữa của Việt Nam chơi cho Liên Đoàn Bóng Chày Nhà Nghề của Mỹ.

Ông Scruggs nhận xét rằng đây sẽ là một cơ hội thực sự để Danny Graves có thể hiểu rõ hơn về văn hóa và con người ở quê hương của anh, và những người bà con đang sinh sống tại Sài Gòn.

Một trong những chương trình quan trọng VVMF thực hiện tại Việt Nam là dự án dọn sạch mìn và chất nổ còn sót lại sau chiến tranh. VVMF đã bảo trợ cho công tác này thực hiện tại Quảng Trị, và mới đây tại khu vực gần trường Lê Lợi nơi Danny sắp đến chơi bóng với các em thiếu niên.

Mẹ của Danny trước đây làm việc tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sàigòn. Kể từ lúc rời Sàigòn vào năm 1975 cho đến nay, cả hai mẹ con chưa có dịp về thăm lại quê hương.

Danny tâm sự rằng anh đã nói với mẹ của anh là chuyến đi này sẽ rất xúc động, do đó anh khuyên mẹ anh hãy chuẩn bị trước, và anh cũng vậy.

Ông Scruggs nói đại ý rằng các chính phủ trên thế giới luôn có những vấn đề với nhau, nhưng ông thấy rằng người dân của các nước có thể dễ tìm đến với nhau bằng những hành động tốt hơn, và đó cũng là lý do tổ chức của ông giới thiệu môn bóng chày đến Việt Nam, và họ rất mong muốn là môn chơi này có thể sớm góp mặt cùng với các môn thể thao phổ biến khác tại Việt Nam.




~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~


Vietnamese American Pitcher a Man for All Seasons

http://farm1.static.flickr.com/41/117181514_bd0f7707d2_z.jpg


SAN FRANCISCO-- It is the bottom of the ninth and final inning at SBC Park. Danny Graves walks to the pitcher’s mound, scraping the dirt with his feet, getting ready to pitch the ninth inning for the Cincinnati Reds who are leading the home team, the San Francisco Giants, 8-7
As the “closer” — a specialized pitcher called on to end the game — Graves walks a fine line. He’s expected to protect the lead and shut down the opposition. If he allows runs to score and blows a “save,” he becomes the target for the frustration of the Reds’ spectators.

Against the Giants on this night, the first batter he faces hits a fly ball to right field. One out.

Graves walks the second batter, allowing the tying run on base. He walks the second batter and Marquis Grissom up next gets a hit. With two on, he remains unfazed and strikes out the fourth batter of the inning and then gets Edgardo Alfonzo to ground out to shortstop. Three outs. Game over. Reds win.

It’s just another day at the office for Graves, the first Vietnamese-born man to play major-league baseball. In his entire nine-year career, he’s been baffling batters in a sport that his countrymen have yet to fully embrace.

Daniel Peter Graves was born in the summer of 1973, the youngest son of an Army sergeant and a young Vietnamese woman working at the U.S. Embassy in Saigon. He and his family, which includes an older brother, moved to the United States when he was 14 months old.

Graves’ dad, Jim, loved baseball. Danny learned to love it, too, as a child in the Florida city of Tampa, where the neighborhood kids would pitch in the streets. At 5, he asked his parents to register him for Little League.

At first, he wanted to be a catcher but abandoned the idea.“As a catcher, you have to be able to hit, and I didn’t hit very well, but I always had a strong arm growing up,” he remembered.That arm propelled him through Brandon High School and earned him a scholarship to the University of Miami, where during his junior season for the Hurricanes, Graves posted a 0.89 earned-run average and led the nation with a school-record 21 saves. In 1994, the Cleveland Indians selected him in the fourth round of the amateur draft.

His mother, Thao, who teaches English to Vietnamese students in Florida, thought he was crazy for wanting to be a professional baseball player. She didn’t understand why he wanted to take up the sport for a living.

“She wanted me to have a normal job,” he said. “She didn’t know you can get paid a lot of money being an athlete and able to take care of your family that way. Once she figured it’s a good way for people to have a career, she was OK with it.”

It’s been a more than a good career for Graves, who earns a reported $6 million a year. After two years in the minor leagues, he made his major-league debut on July 13, 1996, for the Indians against the Minnesota Twins, becoming the first Vietnamese-born player in a sport with an increasing number of Asians.

The following season, he and three other players were traded to the Cincinnati Reds. On May 20, 2004, he became the Reds’ all-time leader in saves, successfully closing out 149 wins for the team in his career. He’s been a member of the National League All-Star team twice.

At Dodger Stadium in Los Angeles, Japanese fans stand up, signs in their hands and cheer whenever Hideo Nomo runs to the pitcher’s mound or Kazuhisa Ishii stands in the batter’s box. Korean fans do the same for Hee-Seop Choi. It’s not an uncommon sight in any stadium where an Asian player takes the field.

But until Graves came along, the Vietnamese were left out of rooting for one of their own. Still, despite Graves’ success, Vietnamese Americans do not flock to major-league stadiums. Other sports — soccer, tennis, basketball, football and, it seems, even table tennis — generate more fervor among the Vietnamese.

Maybe baseball is just more difficult to grasp. How many strikes constitute an out? How many outs to end an inning? What’s a sacrifice fly? With soccer, it seems easier to follow. Ball in net equals goal. Plus, in baseball, there isn’t the non-stop action other sports offer.

The lack of interest among Vietnamese hasn’t gone unnoticed by Graves. He said he would like to take his skills to the country of his birth and teach baseball.

“Any way I can introduce another sport where I came from would be nice because I know they don’t know much about it,” said Graves, who is emphatic about his love for Vietnamese food, particularly his mother’s cooking
...

Triển
06-21-2012, 08:21 PM
Ông Scruggs nói đại ý rằng các chính phủ trên thế giới luôn có những vấn đề với nhau, nhưng ông thấy rằng người dân của các nước có thể dễ tìm đến với nhau bằng những hành động tốt hơn, và đó cũng là lý do tổ chức của ông giới thiệu môn bóng chày đến Việt Nam, và họ rất mong muốn là môn chơi này có thể sớm góp mặt cùng với các môn thể thao phổ biến khác tại Việt Nam.


;)

Nguồn:
-- http://www.hatnang.net/showthread.php?p=507588
-- http://www.voatiengviet.com/content/a-19-2006-01-16-voa37-81671477/507635.html

V.I.Lãng
06-21-2012, 08:52 PM
:)

Cảm ơn Anh Triển nhiều nhé .

Đúng ra là V khong có ý dựng thread này lên, nhưng Anh NgocDam mang bài về Jane Luu đăng trong kia , nên V thấy tiếc vì đặt không đúng chỗ trang trọng cho những người tài . Vì thế V dựng thread này lên .

Nay Anh đã tìm ra thì V thôi nhé . Ai cần đọc thì về link Anh cho .

Xin mời Anh rảnh rỗi ghé HN thăm cho vui :)

V.I.Lãng
09-21-2012, 02:42 AM
Ông Ngô Thanh Hải - Thượng nghị sĩ gốc Việt đầu tiên tại Canada

09 September 2012

http://farm9.staticflickr.com/8443/7976407992_0840fe8b55.jpg
Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải
Ông Ngô Thanh Hải vượt biên và định cư tại Canada năm 1975



Thông cáo báo chí từ Văn phòng Thủ tướng Canada hôm 07/09/2012 loan báo quyết định của Thủ tướng Harper bổ nhiệm 5 Thượng Nghị sĩ mới, bà Diane Bellemare, ông Tobias C. Enverga Jr (gốc Philippines), ông Ngô Thanh Hải (gốc Việt Nam), ông Thomas Johnson McInnis và ông Paul E. McIntyre vào Thượng viện Canada.

"Đó là một niềm vui để công bố quyết định bổ nhiệm năm vị công dân Canada ưu tú này vào Thượng viện Canada," Thủ tướng Harper nói. "Những kinh nghiệm và sự cống hiến cho cộng đồng của họ sẽ tiếp tục giúp kiện toàn Thượng viện và mang lại lợi ích cho toàn quốc gia Canada," và "tôi mong muốn được làm việc với những cá nhân tài năng này vì sự thịnh vượng lâu bền cho tất cả người dân Canada".

Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải là công dân Canada gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm vào Thượng viện nước này. Ông Ngô Thanh Hải sẽ là Thượng Nghị sĩ đại diện cho tỉnh bang Ontario, một trong 10 tỉnh bang lớn nhất Canada.

Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải được Văn phòng Thủ tướng Canada giới thiệu như một thuyền nhân Việt Nam vượt biên và định cư ở Canada năm 1975 sau khi trốn chạy chế độ cộng sản tại Việt Nam.

Kể từ đó, ông đã đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền, và sự thượng tôn pháp luật và là người ủng hộ mạnh mẽ chống lại sự đàn áp của cộng sản.

Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải từng được bổ nhiệm làm Thẩm phán cho Tòa Quốc tịch tại Ottawa vào tháng 12 năm 2007. Ông cũng là người Canada gốc Việt đầu tiên đuợc bổ nhiệm làm Thẩm phán.

Ông tốt nghiệp cử nhân giáo dục tại đại học Sorbonne, Pháp và Cao học ngành giáo dục đại học tại Ottawa, Canada.
Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải là một thành viên tích cực của cộng đồng Việt Nam ở Canada và hải ngoại. Hiện giờ ông đang làm Thủ lãnh của nhóm Liên Minh Dân Chủ Việt Nam do cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy sáng lập.



http://farm9.staticflickr.com/8462/7976413706_c0b658cef5.jpg


Trả lời phỏng vấn báo chí sau khi được bổ nhiệm, Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải nói : « Đây là một cơ hội để tôi đền đáp những gì mà Canada đã ban cho tôi kể từ năm 1975, khi tôi đặt chân đến Canada."



LS Vũ Đức Khanh
Gửi tới BBC từ Ottawa, Canada (thứ hai, 10 tháng 9, 2012)

(sưu tầm)

V.I.Lãng
09-21-2012, 02:46 AM
Hai Anh Em Bác sĩ Nguyễn Thế Triệu Huy và Nguyễn Thế Thiên Năng
trong ca mổ / cắt túi mật dùng bằng robot
tại Regional Medical Center Of San Jose (Mỹ)




http://www.youtube.com/watch?v=RF5YBT2BL4o


http://www.youtube.com/watch?v=80gmZD52mXE

V.I.Lãng
09-21-2012, 02:54 AM
Christine Hà - Cô gái khiếm thị người Việt trở thành Vua đầu bếp Mỹ

10 September 2012

http://farm9.staticflickr.com/8302/7976284606_f7705b0d0e_z.jpg
Christine Hà


http://www.youtube.com/watch?v=2uXcQXQR0HQ


http://www.youtube.com/watch?v=CFyNM8ye85o


http://www.youtube.com/watch?v=uBzx_TUI0Xs


Giải thưởng cho Christine Hà là 250.000 đô tiền mặt, 1 quyển sách nấu ăn được viết bởi người chiến thắng và 1 cúp Master Chef danh giá. Song có lẽ, chiến thắng lớn nhất đối với riêng cô gái gốc Việt chính là sự vượt qua những khiếm khuyết mất mát của người khiếm thị để chứng minh bản thân với mọi người xung quanh.

Christine Hà từng gây sửng sốt tất cả khán giả theo dõi chương trình Master Chef lẫn bộ ba giám khảo Gordon Ramsay, Joe Bastianich và Graham Elliottại vòng loại khi xuất hiện dự thi với một chiếc gậy dành riêng cho người khiếm thị



http://farm9.staticflickr.com/8453/7976284664_7fc4fc3af0_z.jpg


Vậy nhưng, khi chứng kiến khả năng dùng dao lẫn tài nấu ăn của Christine Hà, không ai là không nghiêng mình ngưỡng mộ. Món cá kho tộ đậm chấtViệt Nam của cô đã chinh phục được ba giám khảo khó tính tại vòng loại và Joe Bastianich còn chia sẻ đây là một trong những câu chuyện cảm động nhất từng xảy ra ở một chương trình truyền hình thực tế.

Sau khi gây ấn tượng tại vòng đầu tiên, Christine Hà tiếp tục bước những bước đi vững chắc tại Master Chef và lọt vào trận chung kết. Ở trận đấu cuối cùng này, Christine Hà đã đánh bại đối thủ Josh Marks trong một trận chiến khá căng thẳng khi cô phải hoàn thành một thực đơn đầy đủ gồm món khai vị, món chính lẫn món tráng miệng.

Christine Hà đã chọn cua salad Thái Lan mở màn, thịt lợn om làm món chính, và kem dừa là món cuối cùng. Các món ăn của Christine Hà được ba giám khảo khen ngợi về hương vị, nhưng bị nhận xét hơi đơn giản và cách trình bày chưa thực sự chuyên nghiệp. Khi nghe công bố kết quả mình là người thắng cuộc, Christine Hà đã không giấu nổi niềm vui sướng xúc động.

Cô đã trở thành người khiếm thị đầu tiên chiến thắng tại show truyền hình thực tế Master Chef của Mỹ và viết nên một câu chuyện cổ tích về đam mê, nghị lực cho tất cả những người khiếm thị khác trên thế giới. Hãy cùng chúc mừng cho chiến thắng của Christine Hà. Cô thực sự là niềm tự hào lớn của người Việt Nam trên toàn thế giới.


(sưu tầm)

V.I.Lãng
08-27-2014, 05:54 PM
Elizabeth Phạm - Nữ Phi Công F18





http://farm6.static.flickr.com/5218/5531112408_ac6998640e_z.jpg


Cùng một nụ cười xinh tươi, hồn nhiên với vóc dáng oai hùng của người Nữ phi công phản lực F-18 và nét đẹp dịu dàng của người thiếu nữ Việt Nam bình dị trong đêm từ thiện. (hình trên) với tác phong của người phi công chuẩn bị xuất phát, vẩy tay chào người bạn đồng ngũ trên đường băng của hạm đội ngoài khơi ở một vùng biển nào đó ... Hai hình ảnh, hai bối cảnh nhưng cùng một niềm vui ra trận và bên cạnh người chú, ký giả Nguyễn Tấn Lai.


(Seattle) Người can đảm, còn là người biết nhận giá trị đích thực của bản thân mình. Tự vận động chính mình để kiên trì làm việc, chứ không hề tự khen để rồi dẫn đến tự kiêu. Tự tập thói quen đó trong nhiều năm tháng để thúc dục và hun đúc cho nghị lực của mình. Can đảm là khi gặp nguy hiểm tới bản thân, nếu có, thì vẫn kiên trì theo dõi mục tiêu cho tới khi đạt được kết quả còn ngược lại không biết sợ nguy hiểm mà cứ hành động thì sự thể đó gọi là sự liều lĩnh chứ không thể gọi là can đảm được.


Ví dụ : Ngày 02/06/1995 Đại Úy Không Quân Hoa Kỳ Scott O’Grady điều khiển một oanh tạc cơ siêu thanh F-16 bị hỏa tiển SA-6 Địa-Không của địch quân bắn rơi trên bầu trời Bosnia. Đại Úy O’Grady bung dù thoát ra khỏi máy bay và rơi xuống trong một khu rừng rậm dày đặc địch quân sùng lục, tìm bắt. O’Grady phải lũi trốn đến 6 ngày dài trong các buội rậm và đói khát ... Chỉ biết bắt kiến mà ăn cho đở đói, tìm đủ mọi cách để tránh né địch quân trong cùng cực của đói và lạnh nhưng tin tưởng vào khả năng của mình để kiên trì liên lạc được về hậu cứ chứ không chịu đầu hàng ! Hành động nầy là một hành động vô cùng can đảm. Đại Tá TQLC Hoa Kỳ Martin Berndt dẫn 40 binh sĩ, không ngại nguy nan với hai chiếc trực thăng H.53 cất cánh từ một căn cứ ở Ý bay đến Bosnia hạ cánh ngay trên đầu địch quân, đúng vào địa điểm mà O’Grady đang lẫn trốn và bốc ngay O’Grady trong vòng 4 phút và bình yên bay trở về Ý. Đại Tá Martin Berndt và 40 binh sĩ TQLC nầy đã hành động có tính toán rất chính xác, tự tin, không ngại hiễm nguy và đã đạt thành công thì "hành động nầy thật là can đảm" chứ không phải là liều lĩnh.


Trong một lễ hội từ thiện của người Việt tuần qua tại nhà hàng Jumbo (Seattle), có sự xuất hiện của một phụ nữ. Thoạt trông người thiếu nữ nầy với dáng dấp rất ư bình dị, khiếm tốn. Ít nói, rất lịch thiệp và rất lễ phép đối với người lớn tuổi, mặc dù được sinh ra tại Mỹ, trưởng thành tại Mỹ nhưng nói tiếng Việt như "Gió". Trong 3 tiếng đồng hồ của ngày hội đó, ít ai để ý đến người thiếu nữ nầy. Chỉ có vài người đến trò chuyện với cô ấy. Bởi vì không ai biết chứ giá như mà họ biết thì chắc chắn là rất nhiều người đến hỏi thăm, chúc tụng, khen ngợi, tặng hoa hoặc vồn vã vây quanh như thường vẫn thấy đối với các khuôn mặt phụ nữ vang danh trong cộng đồng người Việt.


Sự thể cũng na ná như sự ái mộ của người Việt dành cho khoa học gia Dương Nguyệt Ánh hay Leyna Nguyễn (Người dẫn chương trình thời sự cho KCAL-TV tại Los Angeles) hoặc Betty Nguyễn (CNN) và gần đây nhất là cô Lê Duy Loan (phó tổng giám đốc kỷ thuật của Texas Instruments ... Không ai biết trong ngày hội đêm hôm đó có sự hiện diện của một thiếu nữ Việt Nam. Người mà các trung tâm băng nhạc Paris by Night và Asia đã năm bảy lượt mời xuất hiện trong các video của họ nhưng tất cả đều bị từ chối. Sự từ chối đó thoát đi từ cá tính rất khiêm tốn của người phụ nữ nầy. Sự từ chối đó thoát đi từ chỗ quá bận rộn của một quân nhân đang tham chiến trên một chiến trường nóng bỏng hằng ngày. Sự từ chối đó cũng thoát đi từ một sĩ quan triệt để tôn trọng quân kỷ ... Từ chối tất cả mọi đề nghị để được tiếp xúc hay phỏng vấn của giới truyền thông ngoại trừ những mẫu đối thoại bình thường với những người bạn thân thiết trong gia đình.


(Nhân đây, chúng tôi (người viết) chân thành cảm tạ thân phụ của người phụ nữ nầy, đã dành mọi ưu ái đối với chúng tôi nói riêng và với bạn đọc của tờ Phương Đông Times tại Seattle nói chung). Đó đây, có một vài bản tin về người phụ nữ Việt Nam lừng danh nầy. Những bản tin ngắn đó không chính xác, không có dữ liệu vững chắc và có thể tạm gọi là "phịa" tin. Ví dụ một tổ chức ở Nam Cali mời người phụ nữ nầy xuất hiện trong trong một "Show" của họ. Dĩ nhiên là cô ấy từ chối vì bận công tác trên chiến trường Iraq, thì làm sao mà về Cali được, nhưng họ vẫn quảng cáo trên các "poster" và sau đó loan tin là cô đã gặp tai nạn và đang được điều trị tại một bệnh viện tại Ý


Trên vùng trời Seattle, hằng năm, nhân ngày hội Seafair, những phóng pháo cơ siêu thanh bay rền khắp một vùng trời, biểu diễn nhào lộn vô cùng ngoạn mục với những pha, đôi lúc rất nguy hiểm, mà người xem có lúc đến "đứng" cả tim đó là các chiếc oanh tạc cơ siêu thanh "Ong Bầu" F 18 Hornet, thuộc toán phản lực cơ biểu diễn "Blue Angels" của Hải Quân Hoa Kỳ.


Ít ai biết là trong đêm lễ hội ở nhà hàng Jumbo cách đây một tuần lễ, có một người trẻ đang nghiêm trang cùng Thân Phụ hát vang bài quốc ca, chào Quốc Kỳ Việt Nam. Người đó là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên và cũng người phụ nữ Á Châu đầu tiên, trong lịch sử Không Quân Hoa Kỳ đang điều khiển một oanh tạc cơ chiến đấu F 18 Hornet trị giá $35 000000 (Ba Mươi Lăm triệu Đô La). Hằng ngày đã và đang vùng vẫy, ngụp lặn, thả bom, rầm trời, trên chiến trường Afghanistan và Iraq. Người phụ nữ trẻ nầy với một cuộc sống vô cùng bận rộn trong 24 giờ đồng hồ một ngày, Nữ Đại Úy Không Quân của Binh Chủng TQLC Hoa Kỳ đang sống một đời sống vô cùng năng động nhưng lúc nào cũng sẳn sàng cho nhiệm vụ, cuộc sống hằng ngày không thể biết trước được và lúc nào cũng chỉ biết "Sắp Sẳn" mà thôi. Cô không lạ hay ngạc nhiên gì khi :

"Đang ngồi ăn sáng thì phải bỏ dỡ, đứng rột dậy, vì có lệnh khẩn phải cất cánh bay ngay ra chiến trường ...". Cô chẳng bao giờ ngạc nhiên là khi đang nghĩ dưỡng sức tại Mỹ thì chỉ mới có vài ngày lại được lệnh phải leo lên máy bay, vèo qua Iraq !
Đại Úy Elizabeth Phạm là một nữ phi công duy nhất và xuất sắc nhất của Quân Chủng TQLC Hoa Kỳ. Đại Úy Liz Phạm hiện đang phục trong Không Đoàn 242 TQLC Yễm Trợ và Tấn Công Dưới Mọi Thời Tiết. (Marine All Weather Attack Fighter Squadron 242). Không Đoàn nầy còn vang danh trong Quân Chủng TQLC Hoa Kỳ với danh xưng là Không Đoàn "Bats" (Con Dơi - Cú đánh bất ngờ và chính xác, không chậm trễ). Không Đoàn nầy hiện nay có nhiệm vụ không yễm cực cận cho các lực lượng bộ binh khi chạm địch trên các mặt trận tại Iraq. Những phi công của không đoàn nầy được tuyển từ những phi công ưu tú nhất của Quân Chủng TQLC Hoa Kỳ và Đại Úy Elizabeth Phạm là người nữ phi công duy nhất có mặt trong Không Đoàn 242 Marine All Weather Figther Squadron.

Họ là những phi công mà đôi khi phải thả những quả bom để chận mức tiến quân của địch chỉ cách vị trí của các đơn vị bạn có 600 Feet, tức là chỉ cách có 200 mét hay là một khoảng cách giửa ba cái trụ điện. Và rằng một sơ hở nhỏ nào đó xãy ra thì hậu quả sẽ không sao mà lường cho được, thế cho nên những phi công của không đoàn "242 Marine All Weather Attack Fighter Squadron" đều là những tay cừ khôi, rất giỏi ngang ngữa với các phi công Do Thái, những phi công mà từ trên cao vòi vọi thả một quả bom rơi ngay vào cái lổ ống khói cuả một cơ xưởng chế bom nguyên tử của Syria trong thập niên trước đã vang danh trên thế giới.


Trên chiến trường Falujah (Bắc Baghdad-Iraq), theo tài liệu của Không Quân Hoa kỳ, là một chiến trường mà không phận được mô tả là mỗi khi lực lượng bộ binh chạm địch thì hàng loạt máy bay đủ các loại của quân đội Hoa Kỳ xuất hiện trên bầu trời từng lớp, từng lớp từ trên cao nhìn xuống "như một đàn ong" thế mà những chiếc F 18 Hornet từ tuốt trên cao độ, lao sầm xuống với một tốc độ kinh hồn là 1190 Miles một giờ (2380 cây số) để thả một quả bom chỉ cách vị trí của các đơn vị bạn có 200 mét rồi xoẹt một khắc "Ba Mươi Lăm Triệu Đô La" vút lên cao mất hút trong không gian ... Hình ảnh nầy mô tả được những phi công điều khiển các phóng pháo cơ F.18 Hornet rất tối tân của Hoa Kỳ là những tài năng rất ưu tú, rất can đảm (chứ không phải là liều lĩnh) của không lực Hoa Kỳ và trên thực tế lại lẫy lừng hơn cả một dàn dựng Top Gun của Hollywood mà trên chiến trường, Đại Úy Elizabeth Phạm có mặt thường xuyên trong các thành phần ưu tú đó.


Đại Úy Elizabeth Phạm sinh ra tại Seattle, của những ngày đầu tị nạn cách đây 29 năm. Cô là ái nữ của Bác Sĩ Phạm Văn Minh hiện có phòng mạch tọa lạc trên đường Rainier, Seattle tiểu bang Washington. Liz Phạm tốt nghiệp từ Đại Học USD (University of San Diego) và theo học về kỷ thuật bay tại trường huấn luyện phi hành T 34 của Hải Quân Hoa Kỳ tại Pensacola (Florida) với cấp bậc Thiếu Úy. Sau đó, cô tiếp tục theo học về kỷ thuật bay cấp cao T 45 Goshawk tại trung tâm huấn luyện Meridian của Hải Quân Hoa Kỳ tại tiểu bang Mississippi. Tốt nghiệp, Elizabeth Phạm đỗ "Top Hook" (Thủ Khoa) và được Đại Tướng Chỉ Huy Trưởng đích thân trao bằng tốt nghiệp đồng thời được tuyển chọn là Phi Công đầu tiên của Quân Chủng TQLC Hoa Kỳ điều khiển một phóng pháo cơ siêu thanh F 18 Hornet vào cuối năm 2003 với cấp bậc là Trung Úy. Năm 2005 Liz Phạm thăng Đại Úy. Cô thành hôn với Đại Úy Alexander Roloss cũng là một sĩ quan Phi Công F 18 Hornet và tốt nghiệp sau Liz Phạm một khóa huấn luyện, Đại Úy phu quân của Liz Phạm cũng phục vụ trong cùng một đơn vị.

Theo thân phụ của Đại Úy Elizabeth Phạm thì cặp vợ chồng nầy như "Mặt Trăng và Mặt Trời". Chồng từ chiến trường trở về Mỹ thì Vợ lại bay ra chiến trường và khi Vợ về thì Chồng lại vút lên không trung bay đi Iraq ! Và hiện tại thì Đại Úy Elizabeth Phạm đang nghĩ ngơi tại Mỹ và sẽ lên đường trở lại Iraq vào trung tuần tháng 01/2009 và Alex Roloss sẽ trở về Mỹ cùng thời gian đó.

Nhin bức ảnh Đại Úy Elizabeth Phạm đang leo lên "Cockpit" của chiếc F.18. Tâm phục, khẩu phục chăng ? Có lẻ còn hơn thế nhiều !

Nguyễn Tấn Lai (24/12/2007)


(sưu tầm)




http://lizpham.blogspot.com/2012/05/interview-elizabeth-pham.html





https://www.youtube.com/watch?v=XD1Uh8fltSQ

V.I.Lãng
08-27-2014, 05:58 PM
Michelle Vũ - Nữ phi công gốc Việt trong phi đội kỵ binh Hoa Kỳ





http://farm6.static.flickr.com/5054/5530512429_18c76dda0d_z.jpg


MOSUL, Iraq - Vừa tốt nghiệp đại học lúc 22 tuổi, tham gia lục quân Hoa Kỳ, học lái máy bay hai năm, sau đó được điều động về trung đoàn kỵ binh 17, rồi cùng đơn vị di chuyển từ Alaska sang Kuwait, rồi sang chiến trường Iraq và đang đóng quân tại căn cứ FOB Diamdback, gần Mosul.

Ðó là đại úy Michelle Vũ, nữ phi công duy nhất trong 35 thành viên phi đội 6-17 CAV. "6-17 CAV" có nghĩa là phi đội 6, trung đoàn 17. CAV có nghĩa là "calvary" (kỵ binh).

Mặc dù là nữ, đại úy Michelle Vũ luôn cố gắng thi hành nhiệm vụ một cách chu đáo và rất tự hào là thành viên của phi đội.

Theo tờ nội san của trung đoàn kỵ binh 17 số ra Tháng Mười, 2008, nữ đại úy gốc Việt này, cư dân Saratoga, một thành phố gần San Jose, cho biết cô "đến Iraq và hiểu tình hình cuộc chiến. Ðây là một vinh dự được cùng các đồng đội chiến đấu" và công việc của cô là "phải hoàn thành nhiệm vụ được giao."



http://farm6.static.flickr.com/5054/5530512477_cf96ee9460_z.jpg


Công việc của phi đội 6-17 CAV hiện nay là tuần tra và bảo vệ bầu trời Mosul, thành phố lớn thứ nhì của Iraq, sau thủ đô Baghdad.

Loại máy bay mà đại úy Michelle Vũ lái là trực thăng OH-58 Kiowa, một loại trực thăng trinh sát, trang bị nhẹ có thể bay rất thấp để yểm trợ các lực lượng dưới mặt đất và không gây tiếng ồn quá lớn.

Trong một email gởi cho gia đình mới đây, đại úy Michelle Vũ kể rằng mỗi lần bay, cô phải mặc bộ đồ bay nặng 50 pound và ngồi một chỗ, bay liên tục sáu giờ đồng hồ.

Theo một người bạn của gia đình, sở dĩ đại úy Michelle Vũ học lái máy bay là muốn theo nghiệp cha, một cựu phi công QLVNCH.

Ngay sau khi tốt nghiệp trung học Lynbrook High School, San Jose, năm 2001, cô gái Michelle đã muốn học lái máy bay.

Nhưng vì thương mẹ không muốn con đi xa, cô học xong cử nhân thương mại tại đại học Cal Poly San Luis Obispo, California, rồi mới vào quân ngũ. Nhưng để chuẩn bị trước, trong lúc học đại học, cô đã tham gia lực lượng trừ bị ROTC.

Cô Michelle Vũ cùng đơn vị đến Iraq vào Tháng Tám, 2008 và vừa được thăng cấp đại úy hồi Tháng Hai



http://farm6.static.flickr.com/5175/5530512495_00acb249ea_z.jpg
Michelle Vũ và trận bão cát phía sau, gọi là "haboob," dài đến 60 dặm.





(sưu tầm)

V.I.Lãng
08-27-2014, 06:24 PM
Marie Hiền Nguyễn - Nữ phi công Việt Nam đầu tiên lái máy bay (Gia Nã Đại)



http://farm7.static.flickr.com/6225/6263667125_344fe1272d.jpg



Từ trước đến nay, trong ngành hàng không, đa phần những phụ nữ chỉ làm tiếp viên hay làm việc trong văn phòng. Ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, phụ nữ là phi công rất hiếm. Tại Montreal, Canada, có một thiếu nữ Việt Nam duy nhất đang hành nghề lái máy bay và đang dạy lái tại phi trường Mascouche.


Trang Phụ Nữ kỳ này xin mời quí vị nghe những lời tâm tình của nữ phi công Marie Hiền Nguyễn, một thiếu nữ năm nay vừa tròn 24 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Quebec, Canada, thông thạo 3 tiếng Anh, Pháp và Việt.


Phần đông, đa số các bạn trẻ ở hải ngoại đều nói tiếng Việt không rành rẽ. Riêng đối với Marie Hiền Nguyễn thì lại khác, ngoài tiếng Anh, tiếng Pháp, cô nói tiếng Việt khá trôi chảy và diễn tả tâm tình của mình rất rành mạch. Theo lời cô cho biết, trong gia đình, ngay từ khi còn bé, cha mẹ cô luôn yêu cầu cô nói tiếng Việt.


Bản thân cô thì thích coi các băng video ca nhạc Việt Nam hay các bộ phim Tàu dịch sang tiếng Việt, nhờ đó, cô không quên được ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Ngay từ khi còn nhỏ, cô học rất giỏi và thông minh. Với tính tình vui vẻ, hoà nhã, khiêm tốn, cô luôn chiếm được cảm tình của mọi người.


Cũng như phần đông các gia đình người Việt ở hải ngoại, cha mẹ cô chỉ mong cô theo học ngành bác sĩ, kỹ sư… Nhưng cô lại nhất quyết chọn ngành hàng không và mơ ước trở thành một nữ phi công. Vẫn biết điều này không phải là dễ dàng thực hiện, vì biết bao gian nan và thử thách trước mắt, nhưng cô quyết tâm vượt qua. Cô cho biết:

“Có 400 người nộp đơn vô trường của chính phủ, nhưng trường chỉ nhận 40 học sinh thôi và năm của Hiền thì chỉ có mình em là nữ duy nhất. Thông thường mỗi năm cũng có khoảng 4, hay 5 phụ nữ trên 40 học sinh. Nếu mình không pass được một cái “test” nào thì sẽ bị đuổi ra khỏi trường.

Trong năm của Hiền cũng có những bạn bị rớt. Năm đầu học hoàn toàn về lý thuyết, năm thứ hai bay những máy bay nhỏ, trong đó có một bằng gọi là private license, phải lái một trăm mấy giờ, sau đó năm thứ ba thì mới có được professional license. Bằng này mình có thể đi ra ngoài làm cho các hãng, các công ty.”

Với ý chí mãnh liệt, cô Marie Hiền Nguyễn đã vượt qua từng kỳ kiểm tra một. Theo lời cô cho hay, ngoài việc phải chịu một chế độ huấn luyện rất gắt gao, học giải quyết các tình trạng rủi ro bất ngờ khi lái máy bay... cô còn phải gìn giữ sức khoẻ sao cho thật tốt để vượt qua các kỳ kiểm tra sức khoẻ cứ 6 tháng một lần. Điều quan trọng hơn cả là phải giữ bình tĩnh trong mọi trường hợp. Hiền nhớ mãi cảm giác lần đầu tiên được tự điều khiển chiếc máy bay. Cô kể:

“Lần đầu tiên được bay một mình lần đầu tiên trong máy bay thấy vui quá, vinh hạnh quá, rất muốn được chia xẻ những điều vui mừng này cho gia đình, cho bạn bè… Dĩ nhiên thì cũng hơi hồi hộp vì lần đầu tiên mình cầm lái máy bay một mình mà!”


Vượt qua bao gian nan thử thách

Sau 3 năm vất vả học hành, vượt qua bao gian nan thử thách, cuối cùng cô đã thành công. Ngày tốt nghiệp, cô được nhà trường cho phép mời thân nhân bước lên máy bay mà do chính cô sẽ điều khiển, làm cho cô vô cùng sung sướng. Cô cho biết: “Lúc Hiền ra trường có một ngày để cho gia đình của mình bay. Hiền dẫn ba má và anh của mình bay một chút xíu. Lúc đó rất là vui mừng vì lần đầu tiên ba má được lên chung với Hiền.”

Ngược lại, cha cô, ông Nguyễn Tài, một chuyên viên kỹ thuật về điện ảnh, thì lại có tâm trạng: “Lúc nó ra trường, được mời phụ huynh lên trường và nhà trường cho chuyến bay chở cha mẹ hay anh em, khoảng 8 người… Trước khi lên thì cũng hớn hở lắm vì con mình thành công, nhưng bay được 15 phút thì tôi run quá trời, sợ lắm, vì lúc đó trời không được tốt, không có nắng, có gió, máy bay hơi lắc, mẹ nó cũng ngồi im lặng, không dám nói gì, không ai nói năng gì hết…chừng nửa tiếng thì chỉ cầu mong sao cho nó xuống lẹ cho rồi (cười). Nhưng Marie thì nó chỉ cười thôi… Đến chừng khoảng một tiếng thì xuống và Marie nói là trường cho đi một vòng nữa, và chuyến đó chỉ có hai chỗ thôi, ai muốn đi thì đi nữa, nhưng tôi nói: thôi mệt lắm, sợ quá rồi, không dám đi nữa…

Khi Marie về phi trường Mascouche ở Montreal làm việc thì có đi, lúc đó trời nắng, im gió, đẹp lắm, không như hồi nó bay lúc ra trường, thành ra cảm thấy thích…Nhưng cũng có mấy người bạn của tôi cũng leo lên, chừng khoảng 5 phút thì khều khều nó và nói “con cho chú xuống, con bay 5 phút nữa, chắc chú chết tại chỗ..” (cười) nhưng cũng phải đánh một vòng 10 phút mới xuống được…tức cười lắm.”

Còn mẹ cô thì cho hay: “Lúc đó, em cũng bước lên đại, mình cũng nghĩ chắc giống như đi máy bay bình thường thôi, thì thấy cháu lái cũng vững vàng…”

Ngoài ra, bà cũng cho biết rằng, cho đến giờ phút này, mặc dù Hiền đã trở thành một phi công thực thụ, nhưng lúc nào trong lòng bà cũng nơm nớp lo sợ. Bà tâm sự: “Mỗi lần nó bước lên máy bay thì em ở dưới cầu nguyện, vái Trời Phật cho nó. Lúc này cũng vẫn cầu nguyện, lúc nào cũng sợ lắm.”


Hy vọng cao hơn

Trở lại với Marie Hiền Nguyễn, khi hỏi rằng cô có nghĩ nghề phi công sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống riêng tư của mình không, cô cười và nói:

“Một khi mình chọn ngành này thì cũng biết là rất khó có thời giờ cho gia đình, cho mình, nhưng Hiền nghĩ là mình đang còn trẻ, Hiền rất thích đi du lịch vòng quanh thế giới, chừng nào ba mươi mấy tuổi thì Hiền mới suy nghĩ để lập gia đình… còn bây giờ thì Hiền chỉ muốn tập trung vào nghề của mình thôi.”

Nhân đây, cô cũng cho hay rằng khi học nghề phi công đã giúp cho cô có nhiều tự tin, nhất là tạo cho cô sự chín chắn trong mọi công việc. Điều này đã tạo cho cô sự thành công hôm nay, cô nói:

“Quan trọng nhất là trước khi quyết định một điều gì thì mình phải suy nghĩ kỹ vì phi công lúc nào cũng phải suy nghĩ trước, làm điều gì thì chắc chắn điều đó phải đúng. Đó là một trong những điều quan trọng nhất để thành một phi công.”
Được biết, ngay sau khi tốt nghiệp vào mùa hè năm ngoái, cô được nhận vào dạy lái máy bay cho một trường công duy nhất của Canada, ngay tại Montreal. Không chỉ dừng ở đây, Marie Hiền còn ấp ủ niềm hy vọng cao hơn nữa. Cô tâm sự:

“Hiện nay em đang dạy cho người ta bay để sau này Hiền có thể nộp đơn lên công ty lớn hơn, chẳng hạn như Boeing hay là Air Canada, Air Vietnam gì đó.”

Tuy thế, cô gái trẻ này rất biết lo xa và thực tế… Để phòng hờ chẳng may vì lý do sức khoẻ, một ngày nào đó, chẳng may cô không còn được bay cao trên bầu trời cao rộng, nên ngoài giờ đi làm, cô dành hết thời gian còn lại để quay trở lại trường đại học để có thêm mảnh bằng về Quản Trị Kinh Doanh. Cô cho hay:

“Hiền cũng đang học thêm những course tối để có thêm một bằng đại học.. vì làm phi công thì mỗi năm phải khám sức khoẻ, nếu mình bị bệnh mà mình bị mất bằng phi công vì sức khoẻ thì Hiền cũng phải nghĩ cho mình một kế hoạch khác, lấy một cái bằng management để quản lý trong ngành hàng không.”

Mới đây, lần đầu tiên được cha mẹ đưa về Việt Nam, cô rất thích thú và trong lòng cô luôn ao ước được bay trên vùng trời của quê mình. Cô kể lại: “Lúc về đó, Hiền rất là vui mừng vì thấy được nước mình ra sao, thấy Việt Nam rất đông người, Hiền không nghĩ là Việt Nam sẽ đông như vậy…Hiền thấy Việt Nam rất đẹp, thấy nước mình đẹp quá, Hiền sẵn sàng trở lại Việt Nam liền và Hiền rất muốn bay trên bầu trời quê hương của mình. Hiền ước mơ được lái máy bay lớn như Boeing hay Airbus.

Hiền cũng chưa thấy phụ nữ Việt Nam nào lái máy bay thì nếu Hiền được là người phụ nữ đầu tiên lái máy bay trong hàng không thì Hiền rất vinh hạnh và vui mừng lắm.”

Vừa rồi là những lời tâm tình của nữ phi công Marie Hiền Nguyễn, một thiếu nữ trẻ sinh ra và lớn lên ở Canada, nhưng tự trong trái tim của cô, luôn có hình ảnh của quê hương Việt Nam.

Mong rằng ước mơ của cô sẽ sớm trở thành hiện thực để không những đem vinh dự về cho bản thân, gia đình, cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại, mà còn nhất là cho các chị em phụ nữ chúng ta nữa, phải không thưa các bạn ? Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau


Phương Anh, phóng viên đài RFA


(sưu tầm)


p.s:

Lúc trước V2012 có xem một đoạn video được phỏng vấn Marie Hiền Nguyễn tại phi trường Việt Nam (hình như là Tân Sơn Nhất) . Vì Marie lái chuyến bay đưa hành khách từ Canada về Việt Nam và ngược lại .

Tính từ ngày ấy tới nay đã khoảng 3 năm rồi , V2012 không tìm lại được clip đó nữa . Marie nói chuyện rất dễ thuơng , rất hiền, rất nhu mì , dáng rất Việt Nam . Nếu bạn xem đoạn video đó , bạn sẽ không nghĩ Marie là một phi công giỏi , đưa mấy trăm mạng người từ Canada xuyên qua Thái Bình Duơng an toàn như vậy

Nhã Uyên
08-29-2014, 06:45 AM
Hello V2012. Mạch này rất informative NU luôn ghé qua. Rất vui khi thấy V up nó lên lại. Thanks!

chieubuon_09
08-29-2014, 10:25 AM
Chào V2012 cùng bạn hữu,

Hôm nọ em post về Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt, chị tìm được vài tấm hình và một bài viết về ông, nếu V thích bài khác hay hình khác thì chị sẽ lấy xuống. Hy vọng V sẽ tìm lại cảm hứng trong thread này em nhé .

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt

http://i.imgur.com/kXNKqpc.jpg http://i.imgur.com/iFD9qfH.jpg


http://i.imgur.com/CUuu9lk.jpg http://i.imgur.com/0xpRJ3f.jpg

Nguồn hình: nguoivietblog.com & Internet


Theo nguồn của Đài Á Châu Tự Do : Người Mỹ gốc Việt đầu tiên thăng cấp Chuẩn Tướng

Sáng ngày 6 tháng 8 năm 2014, lần đầu tiên trong quân sử Hoa Kỳ, một người Việt tị nạn được vinh thăng Chuẩn tướng.

Ông là Đại tá Lương Xuân Việt, Phó tư lệnh đặc trách hành quân của Sư đoàn I Thiết kỵ. Chức vụ vừa được gắn lên chiếc nón Thiết kỵ đã đưa ông vào danh sách người Việt Nam đầu tiên vinh dự có tên trong hàng tướng lãnh Hoa Kỳ vốn là nơi xét duyệt một cách nghiêm ngặt chức vụ này trong quân đội của họ.

Vinh quang của Chuẩn tướng Lương Xuân Việt cũng là niềm tự hào của người Việt tại Hoa Kỳ. Hàng trăm đồng hương đã lặn lội đến tận Cooper Field, tiểu bang Texas nơi tổ chức gắn lon cho ông để chia sẻ những gì mà một đứa con trong gia đình có đến bảy chị em gái, theo cha mẹ sang Mỹ lúc ông mới 10 tuổi. Cha ông là Thiếu tá Thủy quân lục chiến Quân lực VNCH và do đó ông đã thấm sâu ba chữ Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm.

Trong bài phát biểu bằng tiếng Việt, Chuẩn tướng Lương Xuân Việt nhắc lại truyền thống này một cách tự hào và cũng không quên cám ơn đồng ngũ với cha của ông, người từng mang trên người trọng trách bảo vệ quốc gia như ông đang làm trong vai trò một tướng lãnh:

"Nhìn những bộ quân phục lòng tôi thật bùi ngùi xót xa. Những người đã làm con tim tôi rung động vì ba chữ Danh dự, Trách nhiệm, Tổ quốc và những ý nghĩa của các câu dặn dò do cha ông để lại như. “Nam quốc sơn hà nam đế cư”… Chính là thân phụ tôi, đồng đội của các anh, vì vậy ngọn lửa trong tim tôi lúc nào cũng hướng về đất mẹ dù đã 30 năm xa cách. Không có sự hy sinh xương máu của các anh thì chúng tôi chắc chắn không có ngày hôm nay. Tổ quốc mãi mãi ghi ơn, vì vậy tôi xin các anh nhận cái chào của tôi!"

Chuẩn tướng Lương Xuân Việt gia nhập quân đội Hoa kỳ chức vụ đầu tiên ông nhận được vào năm 1987 là Thiếu úy bộ binh. Từ đó ông lần lượt được thăng tới cấp Đại tá và giữ chức Lữ đoàn trưởng cho chiến trường Afghanistan năm 2012.

V.I.Lãng
09-17-2014, 01:15 PM
Ông Lê Văn Hiếu - Phó Toàn Quyền tiểu bang South Australia (Nam Úc)





http://farm7.static.flickr.com/6218/6260541649_05cb86ab59_z.jpg




Ông Lê Văn Hiếu hiện cư ngụ tại Burnside, là một trong những thuyền nhân Việt Nam đặt chân lên đất nước Úc vào năm 1977. Ông Lê Văn Hiếu (Hieu Van Le), sinh năm 1954 tại Quảng Trị ngay lúc chia đôi đất nước gia đình ông dời vô Đà Nẵng sinh sống, là một trong những thuyền nhân vượt biển qua Úc tị nạn, vừa được bổ nhiệm vào chức vụ Phó toàn quyền bang South Australia (Nam Úc). Ông Hiếu sẽ chính thức nhậm chức vào tháng 9 sắp tới bằng một lễ tuyên thệ với 21 phát đại bác chào mừng.

Ông Lê Văn Hiếu là học sinh trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng từ năm 1965 đến 1973, sau đó học Đại học Chính trị-Kinh doanh Đà Lạt và vượt biển tị nạn định cư tại Úc từ năm 1977. Ông tốt nghiệp đại học Adelaide với văn bằng cử nhân kinh tế và cao học quản trị xí nghiệp. Ông Hiếu từng giữ chức chủ tịch ủy ban sắc tộc và đa văn hóa tại Nam Úc (SAMEAC) và là khuôn mặt quen thuộc trong sinh hoạt cộng đồng người Việt tự do cũng như hội Phật tử tại Nam Úc.

Đài ABC Adelaide, trong cuộc phỏng vấn mới nhất đã cho rằng đây là người gốc Việt Nam đầu tiên trên thế giới được cử vào một chức vụ chính quyền cao nhất ở nước ngoài. Tại Úc, ông từng được tặng danh hiệu công dân danh dự, giữ các chức vụ Chánh thanh tra, Giám đốc Ủy ban Chứng khoán và đầu tư liên bang từ đầu những năm 1990, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc và đa văn hóa bang Nam Úc. Ông đã tốt nghiệp bằng cử nhân kinh tế và MBA tại Đại học Adelaide. Trả lời phỏng vấn Đài ABC, ông Hiếu cho biết ông mồ côi cha từ khi sinh ra (cha ông chết khi tham gia kháng chiến chống Pháp). Đến Úc, vợ chồng ông từng làm công nhân hái trái cây và chế biến trái mơ để nuôi gia đình và tiếp tục ăn học.

Năm 1996 chính phủ Nam Úc tưởng thưởng ông Hieu Van Le huy chương Australia Day Medal vì những đóng góp cho hội đồng giám sát đầu tư và chứng khoán, cũng như uỷ ban sắc tộc và đa văn hóa.

Vào năm 2004, ông Hieu Van Le đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động xây dựng một ngôi chùa tại Hillier. Ngoài ra ông Hieu Van Le còn sinh hoạt trong hội Nông gia Việt Nam tại Virginia.

Tại đây ông đã vận động xây dựng một trung tâm văn hóa. Ông Hieu Van Le còn có chân trong hội đồng tổ chức Quốc khánh Úc tại Nam Úc và là quản trị viên của hội đồng giám sát đầu tư và chứng khoán (Australian Securities and Investments Commission) tại Nam Úc.

Vị tân phó toàn quyền có vợ tên Lan và hai con được đặt tên theo hai danh thủ cricket của Úc: Don (lấy tên từ danh thủ Don Bradman) và Kim (từ tên của Kim Hughes). Với chức vụ phó toàn quyền tiểu bang Nam Úc, ông Hieu Van Le sẽ là người Việt đầu tiên tại Úc được chọn vào chức vụ này.

Hay tin mình được chọn làm phó toàn quyền, ông Hieu Van Le nói: 'Tôi quá vui sướng với điều xảy đêán'. Ông cho biết sẽ dùng chức vụ của mình để giới thiệu hàng hóa và sản phẩm của Nam Úc với thế giới nói chung và với châu Á nói riêng. Phó toàn quyền tân cử nói: 'Thí dụ như tôi giới thiệu Singapore mua dưa leo của bà con nông gia ở Virginia'.

Theo hiến pháp của tiểu bang Nam Úc, chiếu theo lời đề nghị của thủ hiến Nam Úc, Nữ hoàng sẽ bổ nhiệm phó toàn quyền (Lieutenant-Governor). Khi toàn quyền vắng mặt, phó toàn quyền sẽ đứng ra thay thế. Truyền thống Nam Úc thường cắt cử chánh án tòa tối cao vào chức vụ phó toàn quyền như Sir Mellis Napier.

Nhưng gần đây, Nam Úc dành danh dự này cho người di dân nổi bật. Tiền nhiệm của phó toàn quyền tân cử người Việt Nam là ông Bruno Krumins AM, một di dân Latvia.


Thủ hiến Mike Rann đã loan báo bổ nhiệm tân toàn quyền và tân phó toàn quyền vào cuối tuần qua.


(V2012 sưu tầm đã lâu)





o0o



Toàn quyền Nam Úc sẽ là Người Việt Nam - Ông Lê Văn Hiếu


Nhật báo Advertiser của tiểu bang Nam Úc, hôm nay 18 Oct 2011 đã chính thức loan tin: Ông Lê Văn Hiếu hiện đang giữ chức vụ Phó Toàn Quyền tiểu bang South Australia (Lieutenant Governor), sẽ được chính quyền đề cử lên giữ chức vụ Toàn Quyền của tiểu bang South Australia, thay thế Governor Sir Kevin Scarce (cựu thiếu tướng quân đội Hoàng Gia Úc) sẽ về hưu năm tới.

Governor là chức vụ cao nhất trong chính quyền, đại diện cho Nữ Hoàng tại tiểu bang Nam Úc.

Ông Lê Văn Hiếu là một thuyền nhân tỵ nạn, vượt biển đến thẳng Úc Châu năm 1977. Ông tốt nghiệp trường đại học chính trị kinh doanh Đà Lạt, hiện là hội viên hội Thụ Nhân tại Nam Úc.

Ông Hiếu hiện kiêm nhiệm luôn chức vụ "Giám Đốc Cơ Quan Đa Văn Hóa và Sắc Tộc Sự Vụ" của tiểu bang Nam Úc.

Nhạc phụ của ông Hiếu là một Sĩ Quan Không Quân QL/VNCH.

Ông Lê Văn Hiếu cũng có hai người anh ruột đang định cư tại Úc Châu

Gia đình ông Hiếu là một gia đình Công Giáo thuộc CĐCGVN tại Adelaide - Nam Úc.

Thời kỳ mới đặt chân lên đất Úc, ông Hiếu đã từng sinh hoạt trong đoàn Thanh Niên Công Giáo CĐCGVN - Nam Úc



(V2012 sưu tầm đã lâu)





o0o



Ông Lê Văn Hiếu nhậm chức Toàn Quyền vùng Nam Úc vào ngày 01/9/2014



http://www.youtube.com/watch?v=_Yt7K4lJN8Y




(sưu tầm)

V.I.Lãng
09-17-2014, 01:28 PM
Giao Phan - Một phụ nữ gốc Việt tham gia đóng mẫu hạm USS George H.W. Bush




http://farm6.static.flickr.com/5134/5529525076_9196808250.jpg

Bà Giao Phan là Phó Giám đốc cơ quan quản trị các chương trình tiếp thu quân dụng của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ


Chắc hẳn nhiều người Việt đã nghe đến cái tên Hàng không mẫu hạm USS George H. W. Bush của Hải quân Hoa Kỳ, tuy nhiên có lẽ còn khá ít người biết rằng trong số những người tham gia dự án đóng con tàu này có một phụ nữ gốc Việt. Người phụ nữ đó là bà Giao Phan, hiện là Phó Giám đốc cơ quan quản trị các chương trình tiếp thu quân dụng của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ.

Dưới đây là phần chia sẻ của bà Giao Phan về những điều mọi người ít biết liên quan đến Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ.
Hàng không mẫu hạm USS George H. W. Bush là một trong những tàu chiến lớn nhất trên thế giới và là hàng không mẫu hạm thuộc chủng loại Nimitz class thứ 10, hay còn được gọi là siêu Hàng không Mẫu hạm, của Hải quân Mỹ. Dự án xây dựng mẫu hạm này được bắt đầu từ năm 2001 và kết thúc vào năm 2009.

Vào thời gian đó khi còn trên cương vị Trợ lý Giám đốc Dự án, bà Giao Phan được giao nhiệm vụ giám các hoạt động liên quan đến việc thiết kế, xây dựng, kiểm tra, xác định và bàn giao chiếc tàu chiến được coi là niềm tự hào của Hải quân Hoa Kỳ này.


http://farm6.static.flickr.com/5174/5528936409_b41d75fa4e.jpg
Hàng không mẫu hạm USS George H.W. Bush là 1 trong 10 siêu Hàng không Mẫu hạm, chủng loại Nimitz class, của Hải quân Hoa Kỳ. Ảnh: United States Navy


Bà Giao nói rằng bà cảm thấy may mắn vì được giao nhiệm vụ quan trọng như vậy và hơn nữa việc tham gia dự án xây dựng mẫu hạm này còn có một ý nghĩa quan trọng hơn.

“Lúc 30 tháng 4, Ba tôi với người Bác bay trên một máy bay trực thăng với ông phi công, chiếc máy bay đã cũ và không có đủ xăng. Lúc mà họ sợ máy bay bị rớt vì hết xăng cũng là lúc họ nhìn thấy một tàu của Hải quân Hoa Kỳ ở ngoài khơi, chính lúc đó họ đã cảm thấy dấu hiệu của sự sống và tự do. Bởi vậy, lúc nghe tôi nhận chức này, cả ba tôi và tôi đều sung sướng vì coi như đã trả được món nợ cho Hoa Kỳ, mà không có gì trả nợ cho xứng bằng là được tham dự vào dự án xây dựng một hàng không mẫu hạm tối tân nhất. Chiến hạm này còn là biểu tượng cho quyền tối cao của hải quân Hoa Kỳ, cho nên tôi rất thích.”

Bà Giao Phan và gia đình sang Mỹ định cư sau khi cuộc chiến tranh kết thúc lúc bà mới 15 tuổi. Bà còn nhớ đó là giai đoạn khó khăn nhất của gia đình mình. Bà kể rằng từ một gia đình thượng lưu ở Việt Nam, nhưng khi qua Mỹ gia đình bà đã phải sống nhờ vào các khoản tiền trợ cấp của chính phủ Hoa Kỳ, từ trợ cấp y tế cho tới quần áo, trong một thời gian dài, vì công việc duy nhất mà Ba của bà tìm được là công việc lao công trong khách sạn.

Bà nói rằng nếu không có sự giúp đỡ đó của chính phủ Mỹ thì chị em bà đã không có được sự thành công như ngày hôm nay. Chính vì luôn mang ơn sự cưu mang của nước Mỹ nên bà đã gia nhập Hải quân Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư công chánh tại Đại học Công nghệ Virginia (Virginia Polytechnic Institute) vào năm 1984 với mong muốn làm một điều gì đó để trả nợ cho quê hương thứ hai của mình. Bà Giao đã làm việc cho Hải quân Hoa Kỳ trong suốt hơn 20 năm sau đó.

Vào ngày xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001, bà cũng là người đã có mặt tại Ngũ Giác Đài, một trong những địa điểm bị tấn công. Sự kiện đó đã làm bà bắt đầu chú ý và ngưỡng mộ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ vì những hoạt động đối phó với các hoạt động khủng bố của họ, rồi sau đó là các hoạt động đối phó với trận bão Katrina. Bà đã tự hỏi không biết mình có thể làm gì để đóng góp vào những công việc quan trọng như vậy.

Nhưng mãi tới năm 2007, cơ hội được làm việc cho Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ mới đến với bà khi bà được chọn vào vị trí lãnh đạo cao cấp cho cơ quan tiếp thu quân dụng (US Coast Guard’s Acquisition Programs).

Hiện tại, trên cương vị phó giám đốc, bà quản lý và giám sát dự án tiếp thu quân dụng trị giá 27 tỷ đôla, trong đó gồm việc duy trì và hiện đại hóa các loại máy bay, tàu chiến v..v để phục vụ cho nhiều hoạt động trên biển của lực lượng tuần duyên. Bà cũng đứng trong hàng ngũ những nhân viên dân sự cấp cao nhất trong Lực lượng Bảo vệ Bờ biển, đơn vị quân sự duy nhất trong khuôn khổ Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.

Bà cho biết thêm về các hoạt động hiện tại của chương trình tiếp thu quân dụng mà bà chịu trách nhiệm:

“Lực lượng bảo vệ bờ biển muốn đạt được kết quả mỹ mãn trong các nhiệm vụ cao cả, thì chúng tôi cần được trang bị với các phi cơ, phản lực, trực thăng, tàu bè mới và tối tân, nhưng hiện nay các tàu bè và máy bay này cũ quá. Vì vậy công việc chúng tôi làm là cơ quan quản trị là phải theo dõi các hoạt động từ việc đấu thầu cho tới việc kiểm tra diễn tiến đóng tàu của nhà thầu, rồi sau đó bàn giao cho tàu mới hay máy bay mới. Mới đây chúng tôi cũng vừa hoàn tất hai tuần dương hạm lớn nhất và tối tân nhất chưa từng có trong lực lượng, cùng hàng trăm chiếc tàu nhỏ để thay thế những chiếc tàu cũ, rồi cũng hoàn thành 10 phi cơ và trực thăng để bổ sung vào tổng số máy bay mà hiện nay được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động ngày càng gia tăng của lực lượng.”

Bà Giao cho biết mặc dù phải đảm trách rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhưng lực lượng bảo vệ bờ biển lại được ít người biết tới:
“Tôi nhận thấy so với những binh chủng khác của quân đội Hoa Kỳ thì Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ không được nhiều người biết tới cho lắm, tuy rằng chúng tôi đã gặt hái được nhiều thành quả trong nhiều lĩnh vực và có rất nhiều trách nhiệm đối với người dân Hoa Kỳ. Nhất là mới đây lực lượng đã được chính phủ Hoa Kỳ giao cho vai trò lãnh đạo tất cả các cơ quan của chính phủ liên bang trong việc đối phó với dầu loang ở vịnh Mexico. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ, tức U.S Coast Guard, được thành lập vào năm 1790 và hiện có hơn 40 ngàn nhân viên đang phục vụ khắp mọi nơi trên Hoa Kỳ. Tuy nhiên, rất ít người biết là lực lượng này đã ra đời trước cả hải quân Hoa Kỳ.”

Bà Giao Phan giải thích thêm rằng sở dĩ bà gọi U.S Coast Guard là Lực lượng Bảo vệ Bờ biển thay vì Lực lượng Tuần duyên vì nhiệm vụ của lực lượng này vượt ra ngoài các hoạt động tuần duyên thông thường. Bà nói thêm về tầm quan trọng của lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ:
“Tôi thấy ngoài nhiệm vụ tuần duyên để ngăn chặn các vụ phạm pháp dọc bờ biển, bảo toàn an ninh, lực lượng Hoa Kỳ này còn có nhiệm vụ bảo vệ môi sinh ngoài biển cũng như cứu hộ nhiều người lâm nạn ở đại dương. Bởi vì những nhiệm vụ cao cả này mà lực lượng còn được gọi là người bảo vệ bờ biển. Và khẩu hiệu của chúng tôi là ‘Semper Paratus’ tức là ‘Luôn luôn sẵn sàng’.”

Không chỉ nắm giữ nhiều chức vụ cao cấp trong Hải quân cũng như Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ, bà Giao Phan cũng đã nhận được những giải thưởng cao quí nhất mà Hải quân Mỹ trao tặng cho những nhân viên dân sự có thành tích và những đóng góp suất sắc nhất, trong đó gồm có những huân chương như Superior Civilian Service Award vào năm 2006, và Navy Meritorious Civilian Award vào năm 2004.

Bà Giao Phan khiêm tốn nói về những thành tích mà bà đạt được:
“Được vinh danh những giải thưởng này thì thực sự tôi rất mắc cỡ vì bối rối. Ai cũng biết đâu có người nào có thể đạt được thành công một mình đâu. Bởi vậy, tôi rất ngạc nhiên và rất vinh dự nhưng cũng biết là mình đã may mắn được làm việc chung và được học hỏi trong nhiều năm qua lúc phục vụ hải quan và lực lượng bờ biển Hoa Kỳ, tôi cảm thấy mình còn mang nợ nhiều hơn nữa với những giới lãnh đạo cao cấp của mình, cũng như các bạn đồng nghiệp và nhân viên của mình. Những lúc như vậy tôi cảm thấy mình may mắn và được nhiều người trợ giúp quá.”

Bà Giao cho biết có rất nhiều cơ hội để các bạn trẻ gốc Việt có thể tham gia vào lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ cũng như cơ hội để các bạn thăng tiến tại đơn vị này, nhưng điều quan trọng là phải có niềm tin và quyết tâm cao:
“Tôi tin tưởng rất mạnh vào câu châm ngôn của Việt Nam ‘Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi cách, sông ngăn’. Do đó với lớp trẻ thì tôi có một lời nhắn nhủ các em là điều quan trọng nhất là dù có đi đường nào chăng nữa thì cũng phải đạt được một trình độ đại học, phải học thật tốt vì đó là một nền tảng vững chắc đưa tới sự phát triển sự nghiệp trong tương lai. Cho dù các em có chọn bất cứ ngành nào thì cũng phải có lòng đam mê với công việc và phải linh hoạt và thích ứng với sự thay đổi.”

Quí vị có thể tìm hiểu thêm về bà Giao Phan cũng như các hoạt động của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ tại trang web: www.uscg.mil (http://www.uscg.mil).

Minh Anh



o0o


Ms. Giao L. Phan




Ms. Phan assumed duties as the Coast Guard Deputy Director of Acquisition Programs on Nov. 13, 2007. As Deputy Director, Ms. Phan is responsible for supporting the Coast Guard’s Program Executive Officer (PEO) in overseeing the execution of all Coast Guard major acquisition programs and projects, a $27 billion investment portfolio, which provides for the sustainment, modernization, and recapitalization of surface, air, command and control, and logistics assets for the Coast Guard's multiple maritime missions. Working closely with the Coast Guard’s Technical Authorities, this includes delivering the Coast Guard’s first National Security Cutter (USCGC Bertholf), and new Response Boat – Medium assets; refurbishing 270’ and 210’ Medium Endurance Cutters and 110’ Island Class Patrol Boats through the Mission Effectiveness Program to extend asset life cycles; delivering new fixed wing Maritime Patrol Aircraft and re-engined rotary wing assets; and enhancing enterprise C4ISR capabilities.

Ms. Phan previously worked as a naval engineering and acquisition professional with the Department of the Navy, managing the development and acquisition of complex weapons systems, and serving as the U.S. Navy’s Deputy Program Manager for In-Service Aircraft Carriers Program. With a budget in excess of $10 billion, she was responsible for new construction, overhauling refueling complexes, and overseeing in-service aircraft carrier life cycle support programs.

Other career highlights include assignment as the Assistant Program Manager for Nimitz Class New Construction, where she directed and oversaw the $6 billion design, construction, test, evaluation, delivery and outfitting of the final Nimitz-class ship, the USS George H. W. Bush; and assignment as the Director for Aircraft Carriers and Amphibious Ships in the Office of Deputy Assistant Secretary of the Navy (Research, Development and Acquisition) for Ships, with execution and oversight of more than $20 billion in major ship programs. Ms. Phan served as the Electronics Systems Manager for the Seawolf Fast Attack Submarine Program, managing all aspects of design, development and ship integration for the Electronic Warfare, Navigation Radar, and Periscope systems.

Ms. Phan began her civil service career with the Navy in 1984. Her awards include the Superior Civilian Service Award (2006), and the Navy Meritorious Civilian Award (2004). She earned her undergraduate degree in Civil Engineering from the Virginia Polytechnic Institute in 1981, and received an MS in Management from the Florida Institute of Technology in 1997.





(sưu tầm)

V.I.Lãng
09-17-2014, 01:33 PM
Giám đốc Hồ Văn Phước - Đặt viên gạch đầu tiên cho công trình xây dựng "Lâu đài Humboldt" tại Berlin (Đức)



http://farm4.staticflickr.com/3827/9407238631_5f4f144d66_z.jpg
Giám đốc Hồ Văn Phước tại buổi lễ




Chiều ngày 12/06/2013, tại Trung tâm Thủ đô Berlin, Tổng thống CHLB Đức Joachim Gauck đã gõ nhát búa tượng trưng đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Lâu đài Humboldt.





Tổng thống Joachim Gauck đang tươi cười gõ nhát búa đặt nền móng cho việc xây dựng Lâu đài Humboldt
http://farm3.staticflickr.com/2813/9407238649_ed63b96bc8_z.jpg




Tổng thống Joachim trả lời phỏng vấn báo chí
http://farm8.staticflickr.com/7314/9407238507_083371e2ca_z.jpg




Bản vẽ công trình Lâu đài Humboldt, danh sách các nhà tài trợ…
Ống đồng chứa tiền xu của Tổng thống được bảo quản vĩnh cửu để gửi lại thế hế sau.
http://farm6.staticflickr.com/5467/9407238409_a88cb61f38_z.jpg



Buổi lễ được cử hành long trọng trước sự chứng kiến của:

- Tiến sĩ Peter Ramsauer - Bộ trưởng Liên bang về Giao thông vận tải, Xây dựng và Phát triển Đô thị;
- Klaus Wowereit - Thị trưởng Thành phố Berlin ;
- Giáo sư về kiến trúc Franco Stella (người Ý);
- Cùng nhiều Giáo sư, Kiến trúc sư, Tiến sĩ và đông đảo các nhà hảo tâm cùng khách mời.





Tiến sĩ Peter Ramsauer - Bộ trưởng Liên bang về Giao thông vận tải, Xây dựng và Phát triển Đô thị (người phát biểu)
http://farm3.staticflickr.com/2822/9409996796_15f23bc753_z.jpg




Klaus Wowereit - Thị trưởng Thành phố Berlin (người phát biểu)
http://farm6.staticflickr.com/5465/9407238535_7f826b21ce_z.jpg




Hồ Văn Phước - Kỹ sư kiêm Giám đốc Công ty Giám định đo lường bất động sản.
Ông Hồ Văn Phước đang trao đổi cùng bộ trưởng Peter Ramsauer
http://farm4.staticflickr.com/3777/9407238523_625ff6d503_z.jpg




Trái qua: Giáo sư, Kiến trúc sư Volkwin Marg, (người thiết kế nhà Quốc hội Việt Nam), Hồ Văn Phước, phu nhân và Hubert Nienhoff là đối tác trong Công ty của Kiến trúc sư Volkwin Marg cùng chụp ảnh lưu niệm.


http://farm6.staticflickr.com/5495/9407238493_0f08cc1eb9_z.jpg





Kỹ sư, Giám đốc Công ty Giám định đo lường Hồ Văn Phước có trụ sở tại Berlin là người Việt đã được mời tới dự sự kiện trọng đại này.

Theo nhiều tài liệu, Lâu đài Humboldt (1443 - 2013) trải qua rất nhiều thăng trầm của lịch sử. Năm 1443, trên nền đất hiện nay, ngay sát bờ sông Spree Vua Kurfürst Friedrich II đã đặt nên móng cho việc xây dựng và lâu đài hoàn thiện vào năm 1448...


Trải qua nhiều lần tu sửa, mở rộng của các triều đại, lâu đài tồn tai đến 1918. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Lâu đài bị phá hủy nặng nề. 20 năm sau chính quyền Cộng Hòa Dân Chủ Đức đã cho xây dựng tại đây một công trình mới lấy tên là Cung Cộng Hòa (Der Palast der Republik). Ngày 23.04.1976 Cung Cộng Hòa khánh thành và đưa vào sử dụng, không lâu sau bức tường Berlin sụp đổ (23.08.1990), công trình này một lần nữa bị rỡ bỏ vì ô nhiễm bởi chất gây ung thư (A-mi-ăng).




http://farm8.staticflickr.com/7408/9407238245_050e9b01db_z.jpg





Lâu đài Humboldt được xây dựng trên nền của Cung Cộng Hòa thời Cộng hòa Dân Chủ Đức (DDR) xưa kia. Công trình này, trước khi chính thức thi công đã được Công ty do anh Hồ Văn Phước làm giám đốc khảo sát, đo đạc và làm các thủ tục cần thiết theo luật định.

Công ty Giám định đo lường là cơ quan cao nhất quyết định cho phép xây dựng các công trình trong quy hoạch của nhà nước, do tính chất công việc nên Giám đốc điều hành Công ty Hồ Văn Phước được mời tham dự buổi lễ âu cũng là chuyện thường ngày, nhưng người Việt ở nước ngoài đứng ở vị trí này quả là hiếm.

Được biết, công trình này có tổng chi phí lên đến 690.000.000, phần lớn ngân sách trên đều do các nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp, chính vì thế Bộ trưởng Liên bang về Giao thông vận tải, Xây dựng và Phát triển Đô thị Tiến sĩ Peter Ramsauer nói rằng: „Đây là Ngôi nhà của nhân dân“

Chàng thiếu niên Hồ Văn Phước qua Đức năm 1981, sau nhiều năm miệt mài trên ghế nhà trường, rồi tu nghiệp, năm 2000 tấm bằng thạc sĩ về đo đạc của trường Đại Học kỹ thuật tổng hợp Berlin (Technische Universität Berlin) đã có chủ.

Hai năm làm thạc sĩ xong, Phước về làm việc tại Công ty kiến trúc (gmp) của hai Giáo sư, Kiến trúc sư: Meinhard von Gerkan và Volkwin Marg. Chính Công ty này đã thiết kế nhà Quốc hội Việt Nam, khi công trình trúng thầu xây dựng, anh rất vui và tự hào vì điều đó.

Năm 2012, sau khi Giáo sư Borgmann nghỉ hưu, Hồ Văn Phước là người nối nghiệp, chính thức làm giám đốc và Công ty đo đạc và giám định bất động sản tại Berlin.

Hiện nay Giám đốc Hồ Văn Phước còn là giảng viên trường Cao Đẳng Kỹ Thuật (Beuth Hochschule)





http://farm6.staticflickr.com/5442/9409996428_e48730a724_z.jpg




Kỹ sư Hồ Văn Phước và công trình nhà thờ phía sau hậu cảnh do Công ty anh chịu trách nhiệm khảo sát đã đi vào sử dụng nhiều năm qua.
http://farm4.staticflickr.com/3741/9409996594_0ed22bc6ba_z.jpg





Một giàn nhạc cổ điển đứng từ trên cao cách địa điểm Lễ hội cả vài trăm mét.
http://farm4.staticflickr.com/3740/9407238379_53c6eefcc6_z.jpg





http://farm8.staticflickr.com/7319/9409996592_4baf1479a3_z.jpg





http://farm4.staticflickr.com/3742/9407238287_7298fede35_z.jpg






http://farm6.staticflickr.com/5518/9407238269_49a538f4c0_z.jpg



Bài, ảnh: Quang Chí (từ Berlin).

(sưu tầm)

V.I.Lãng
09-17-2014, 01:41 PM
Ông Trần Ngọc Phúc - Chủ của công ty Metran với chiếc máy trợ thở nổi tiếng ở Nhật



http://farm8.staticflickr.com/7442/9411253442_c45f4ebc9a_z.jpg
Ông Trần Ngọc Phúc bên chiếc máy





Ông Trần Ngọc Phúc, cha đẻ của chiếc máy trợ thở nổi tiếng, đã viết lên câu chuyện về ý chí và nghị lực của một Việt kiều dựng nghiệp trên đất Nhật.

Năm 2012, doanh nghiệp Metran của ông Trần Ngọc Phúc được lựa chọn là một trong ba doanh nghiệp được đón tiếp Nhật Hoàng Akihito đến thăm. Đây là vinh dự rất lớn, bởi Nhật Hoàng chỉ viếng thăm duy nhất một lần trong năm một doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật.


http://farm8.staticflickr.com/7374/9408490733_72b847436b_z.jpg
Bên phải là Nhật Hoàng Akihito và bên trái là Ông Trần Ngọc Phúc



Ông Trần Ngọc Phúc xúc động chia sẻ: “Được gặp Nhật Hoàng là ước mơ của người dân Nhật. Với tôi, được hướng dẫn ông tham quan nhà máy trong hơn một tiếng đồng hồ quả là vinh dự quá lớn. Có thể nói, đó là ngày đáng nhớ nhất trong lịch sử phát triển của Metran”.



Người mang lại sự sống
Ông Trần Ngọc Phúc là người con của cố đô Huế và có hơn 40 năm sống tại Nhật. Năm 1968, ông sang Nhật du học ở Đại học Tokai, ngành hóa công nghiệp. Tốt nghiệp năm 1974, ông làm việc cho một công ty nghiên cứu thiết bị y tế trong 10 năm, trước khi cùng người bạn thành lập công ty Metran tại thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitama vào năm 1984.


Sản phẩm đầu tiên công ty nghiên cứu được là chiếc máy hô hấp tần số cao Humming Bir và đã giành giải nhất tại cuộc thi máy hô hấp nhân tạo do Viện Y tế quốc gia Mỹ tổ chức.

Một đứa trẻ sinh non, phổi thường chưa hoàn thiện vì chưa nở ra hết. Nếu áp dụng máy thở thông thường là bơm o-xy vào phổi, không khí không vào được các phế nang của phổi mà lại làm khí quản phình ra gây nguy hại đến tính mạng.

Ông Phúc đã dùng 30 năm làm việc của mình để sáng tạo và hoàn thiện thiết bị giúp thở mới, gọi là máy thở rung cao tần HFO (High Frequency Oscillatory Ventilation).

Nguyên tắc của máy không phải là bơm không khí vào mà là rung từ từ cho oxy thấm và tan vào buồng phổi yếu ớt của trẻ. Nếu dùng phương pháp bơm thở theo nhịp 15-20 lần/ phút thì máy thở HFO rung nhẹ 900-1500 lần/ phút.



http://farm8.staticflickr.com/7328/9408490709_4ccd84dab2_c.jpg
Nhật Hoàng Akihito đang đứng cạnh bên trái Ông Trần Ngọc Phúc



Hiện đã có hơn 1400 chiếc máy HFO được trang bị tại 90% bệnh viện, phòng chăm sóc trẻ sơ sinh trên toàn nước Nhật. Hơn 200 máy đã được xuất khẩu đến 12 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chiếc máy tần số cao đầu tiên được Metran tặng cho Bệnh viện Nhi Hà Nội cách đây 6 năm.

Đến nay, một số bệnh viện phụ sản cũng đã đặt mua. Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, chỉ riêng trong năm 2011, nhờ chiếc máy trợ thở tần số cao của Metran, bệnh viện đã cứu sống được 120 bé sinh non nặng dưới 1kg.

Đại học Oxford (Anh), hiện cũng đang tiến hành thử nghiệm thiết bị của Metran cho 800 bệnh nhân mắc hội chứng suy giảm hô hấp cấp. Dự kiến sau hai năm theo dõi, Oxford sẽ công bố kết quả. Và nếu thành công, phương pháp sẽ được công nhận rộng rãi toàn cầu.


Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh
Ông Phúc cho biết: “Tôi muốn dành năng lượng còn lại của đời mình cho niềm đam mê nghiên cứu. Và Metran chỉ tập trung cho nghiên cứu, còn về thương mại, một đối tác ở Nhật đảm nhận”.

Với ông, đã dấn thân vào làm khoa học, phải nghiên cứu cái gì mà người ta chưa làm. Chiếc máy trợ thở tần số cao này là câu trả lời cho nỗ lực và cũng là triết lý sống của nhà khoa học này.

Có người cho rằng, ông Phúc chính là hiện thân của sự kết hợp tinh tế của hai nền văn hóa Việt – Nhật. Người Nhật ngày nay nổi tiếng là những người có tư duy làm việc “hitech” nhất, song thực chất đó là độ tinh tế như nghệ thuật sống của con người xứ Phù tang này.

Ông Trần Ngọc Phúc đã dành gần 30 năm để đạt đến thành công cho ra đời chiếc máy trợ thở tần số cao này. Nhớ lại những ngày đầu du học sang Nhật, ông Phúc bộc bạch: “Học ở Nhật khó nhất là ngôn ngữ, nhưng chúng tôi tìm thấy ở quốc gia này một tinh thần kiên cường, khả năng vượt qua các tai biến để vươn lên rất tuyệt vời”.



Không ngừng vươn tới
Hiện Metran đã có công ty tại Việt Nam, tập trung nghiên cứu và sản xuất một số thiết bị dùng cho chiếc máy trợ thở tần số cao này. Sản phẩm cũng đã được Bộ Y tế Nhật Bản đồng ý cho nhập khẩu để lắp ráp tại Nhật Bản.

Theo nhận xét của giới kinh doanh, điều này quả không dễ chút nào, bởi Nhật là quốc gia khắt khe trong vấn đề y tế, đặc biệt liên quan đến mạng sống con người.

Trong chuyến thăm của Nhật Hoàng đến với Metran, ông Phúc đã được Nhật Hoàng “đặt hàng” làm sao để chiếc máy này có thể giúp những người lớn tuổi bị hội chứng suy giảm hô hấp cấp. Nhật Hoàng cũng đưa ra ý kiến, có thể dùng thiết bị này làm quà tặng đặc biệt cho các hoàng tộc khác trên thế giới.

Theo ông Phúc, công ty đang có 3 bộ phận nghiên cứu và sản xuất 3 dòng sản phẩm chính được dùng cho bệnh viện (các loại máy hô hấp nhân tạo), dùng tại nhà và sản phẩm dùng một lần rồi bỏ (ống thở)...

“Trong lĩnh vực y khoa, không nên quá coi trọng lợi ích kinh tế nhất thời mà phải tính chuyện phát triển lâu dài. Và điều cần nhất là trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, con người”, ông Phúc tâm sự.

Câu chuyện gây dựng sự nghiệp từ nghiên cứu có giá trị đóng góp cho cộng đồng cũng như những trăn trở về hướng phát triển của ông Phúc và Metran đã trở thành câu chuyện được cộng đồng ở Nhật quan tâm, nhất là khi truyền hình Nhật Bản cũng đã cùng ông Phúc về Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu về cuộc đời ông hồi tháng 8 năm trước.




(sưu tầm)

V.I.Lãng
09-17-2014, 01:44 PM
Jenny Tạ - Nàng công chúa lọ lem ở thị trường chứng khoán Wall Street


http://farm8.staticflickr.com/7392/9970648163_d38885ca3d_z.jpg



Jenny Tạ đến Mỹ khi được 6 tuổi.

Ngay từ nhỏ, Jenny Tạ đã không được hưởng cuộc sống đầy đủ như bao người khác. Cũng chính vì thế, khi đặt chân đến Mỹ đã cho chị một góc nhìn mới mẻ và khát vọng làm giàu. Ngay khi tốt nghiệp trung học, Jenny Tạ đã vạch rõ con đường tương lai của mình: trở thành một nhà kinh doanh. Vì thế chị tập trung lấy bằng cử nhân với thời gian chỉ 3.5 năm.

Năm 21 tuổi, với tấm bằng Hệ thống thông tin (Business Information Systems) và Tài chính (Finance), Jenny Tạ được mời vào làm tại Công ty chứng khoán Shearson Lehman danh tiếng. Chứng kiến dòng tiền khổng lồ giao dịch tại Phố Wall mỗi ngày, Jenny Tạ khao khát sẽ mở một công ty chứng khoán của riêng mình. Chính vì thế, chị đã bỏ ra vài năm để học lấy đủ các "licenses” cần thiết, trải nghiệm ở những công ty chứng khoán khác để rồi năm 27 tuổi chị có được công ty của riêng mình.

Gần 20 năm lăn lộn tại thế giới tài chính, chị được nể phục vì là phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên thành lập 2 công ty chứng khoán có tầm vóc quốc tế tại Wall Street. Jenny Tạ chia sẻ để có được thành công ấy là rất nhiều khó khăn: “20 năm trước, phụ nữ Mỹ làm kinh doanh gặp khó khăn hơn nam giới 4-5 lần. Và phụ nữ làm trong ngành chứng khoán đã khó khăn, thì phụ nữ gốc Á lại gặp khó khăn còn nhiều hơn thế nữa và vì thế mà vô cùng hiếm phái nữ trong lĩnh vực này. Làm trong ngành này, phụ nữ cần hết sức bản lĩnh, cương quyết”.

Một kỷ niệm Jenny Tạ không bao giờ quên, đó là khi chị làm CEO cho Công ty chứng khoán Vantage Investments của riêng mình. Trong một giao dịch cổ phiếu tới hơn 100 triệu USD, người “Market Maker” vì thấy chị là phụ nữ nên đã đưa ra một giá rất tệ, chênh lệch 1/8 của hợp đồng đủ thấy một con số khủng khiếp: 12,5 triệu USD! Khi phát hiện ra chuyện đó, chị kiên quyết buộc ông phải trả lại cho chị phần chênh lệch đó.



Khai sinh khái niệm Social Networthing™

Năm 2013 đánh dấu một bước ngoặt lớn của Jenny Tạ khi chị dấn thân vào thế giới truyền thông xã hội (Social Media) qua việc thành lập Công ty Sqeeqee.com với giá trị lên trên bạc tỉ USD. Đây là công ty đầu tiên trên thế giới khai sinh khái niệm Social Networthing™ - nói một cách nôm na là một mạng xã hội giúp mọi người kết nối và kiếm lợi nhuận.

Khi hỏi lý do vì sao chị lại bước chân vào thị trường đầy rẫy những "ông lớn" sừng sỏ như Google, Facebook, Twitter và LinkedIn,… Jenny Tạ chia sẻ: “Trong sự bùng nổ của truyền thông xã hội, tôi nhận thấy trong hàng tỉ đô la doanh thu quảng cáo hằng năm, chưa có một truyền thông xã hội nào trên toàn quốc chú ý đến hàng tỉ người sử dụng, để giúp họ nhận lấy một phần nào trong khoản tiền khổng lồ đó. Đây là một thiếu sót quá lớn của những trang web truyền thông xã hội ngày nay. Vì vậy tôi đã đầu tư vào dịch vụ trực tuyến và sáng lập công ty Sqeeqee.com để khởi động phong trào Social Networthing™ để giúp người dùng đem về những lợi tức riêng cho mình”.

Ý tưởng táo bạo và đột phá này đã được người tiêu dùng tại Mỹ bước đầu đón nhận đầy hào hứng. Sqeeqee.com bao gồm hàng chục tính năng của những trang web nổi tiếng như Google, Facebook, Amazon, Ebay, YouTube... thành một nền tảng đa khía cạnh. Chỉ cần một mật khẩu đăng nhập là người sử dụng có thể lập tức "socialize" với bạn bè toàn quốc, "list" sản phẩm để mua bán, và chia sẻ hình hay video với bạn bè và người thân. Ngoài ra, Sqeeqee.com có những loại "gây quỹ" thời đại mới qua web.

Sqeeqee.com giương buồm trong biển truyền thông xã hội vào thời điểm này đồng nghĩa phải đương đầu với những “ông lớn” trong truyền thông xã hội. Tuy vậy, Jenny Tạ rất vững tin - thời gian lăn lộn 20 năm qua trên Phố Wall đã cho người phụ nữ gốc Việt này một bản lĩnh cực kỳ kiên cường. Chị biết một trong những chiêu mà những công ty lớn này thường làm, để nắm lấy thế "độc quyền" là mua đứt những cạnh tranh của mình. Như Facebook đã mua Instagram với giá 1 tỉ USD; Microsoft mua Yammer với giá 1.2 tỉ USD, gần đây nhất Yahoo mua Tumblr với giá 1.1 tỉ USD và Google mua Waze chỉ vài tháng qua với giá 1.3 tỉ USD.

“Sqeeqee.com có những đặc điểm "độc quyền" mà chính những “ông lớn” này không có ở những trang web của họ, vì vậy tôi đứng rất vững tin về lập trường của mình”, Jenny Tạ quả quyết.

Tại Việt Nam, quê hương của mình, Jenny Tạ muốn đặc biệt phát triển Social Networthing™ để hỗ trợ mọi người cùng kiếm lợi nhuận.

“Không khác gì Facebook đã lan tỏa khắp nơi, Sqeeqee.com cũng sẽ lần lượt dùng hết những kỹ năng tuyệt vời và những chiêu thức mạnh, nhanh nhất để thu hút người sử dụng và tạo cho họ một nền tảng tài chính”, Jenny Tạ cho biết. Hiện chị đang phát triển Sqeeqee.com qua đủ loại ngôn ngữ toàn cầu cho người sử dụng dễ dàng hơn.





(sưu tầm)

V.I.Lãng
09-17-2014, 01:46 PM
Jacques Verges - Luật sư gốc Việt chuyên biện hộ cho "Quỷ sứ - Devil's Advocate"


http://farm3.staticflickr.com/2867/10041078674_1931dc9f20_z.jpg


Luật sư Jacques Verges (Sinh ngày 5/3/1925 tại Ubon Ratchathani, Thailand. Qua đời ngày 15/8/2013 tại Paris, France)




http://farm3.staticflickr.com/2852/10041026755_ceae950e68_z.jpg
Luật sư Jacques Verges trong một phiên tòa xử Klaus Barbie (Klaus Barbie là người được mệnh danh giết người "Butcher Of Lyon" trong thời kỳ Đức Quốc Xã. Ông Klaus Barbie đang ngồi cạnh bà kẹp tóc )




Jacques Verges, luật sư sáng chói được mệnh danh là “Devil's Advocate”, tức thầy cãi của quỷ, vì ông chuyên biện hộ cho các cựu đảng viên Quốc Xã, những kẻ đặt bom khủng bố, những nhà độc tài khét tiếng, kể cả các phụ tá của họ, vừa qua đời ở tuổi 88.

Ông qua đời vì bệnh tim hôm Thứ Năm ngay tại phòng ngủ của triết gia Voltaire, vào đêm ông được mời đến chung cư này ăn tối.

Pierre-Guillaume de Roux, chủ biên cuốn hồi ký viết về ông Verges, nhan đề “Lời Tự Thú của Tôi,” nhận xét: “Ông ấy chết ngay trong căn phòng nơi Voltaire thở hơi thở cuối cùng. Đây quả là nơi lý tưởng cho hồi cuối của một người sinh ra làm diễn viên.”

Ông từng biện hộ cho Klaus Barbie, cựu đại úy mật vụ Gestapo, kẻ chỉ huy chiến dịch tra tấn và thủ tiêu ở miền Nam nước Pháp, khi ông này bị truy tố tội chống lại nhân loại vào năm 1987 ở Lyon, Pháp. Sau đó, ông cũng cãi cho ông Paul Touvier, một người Pháp phụ giúp ông Barbie trong việc xử tử. Ông này cũng bị cáo buộc cùng tội trạng.

Ông Verges có lần tuyên bố: “Tôi mất cơ hội biện hộ cho Hitler. Biện hộ không có nghĩa là xin tha tội. Công việc của một luật sư không phải xét xử, không lên án, và không tha tội. Ông chỉ cố gắng để hiểu mà thôi.”

Ông thua vụ xử Carlos the Jackal, kẻ khủng bố người Venezuela từng bắt cóc 11 bộ trưởng khối dầu hỏa OPEC vào năm 1975, và chỉ đạo một loạt các vụ nổ bom và bắn giết vào các thập niên 1970 và 1980.

Trong vụ xử vào năm 1994, tên ông được đăng trên hàng tít của các báo lớn, tố cáo ông làm gián điệp và là “đồng chí” của bị cáo Carlos. Cuối cùng ông không bị truy tố và nghề nghiệp ông cũng không bị ảnh hưởng. Sau khi ông Verges rút lui, ông Carlos bị buộc tội và lãnh án tù chung thân.

Ông Verges, có mẹ Việt và cha Pháp, ra đời tại Thái Lan vào năm 1925. Ông lớn lên ở đảo Reunion, quê quán của cha, và ngay từ thời còn trẻ đã nuôi ý tưởng chống thực dân.

Người ông cưới làm vợ lại là thân chủ đầu tiên của ông, đó là bà Djamila Bouhired, người Algeria, bị đem ra xử vào năm 1957 về tội đặt bom ở một nơi công cộng. Bà bị tuyên án tử hình, nhưng cuối cùng được tha bổng vào năm 1958, sau khi ông không ngừng nêu lên tính cách hợp pháp của tòa án và tội trạng của bà Bouhired. Lần đầu tiên ông sử dụng chiến lược “legal disruption,” tức gây rối hợp pháp, mà sau này trở thành “thương hiệu” của ông.

Ông nhập quốc tịch Algeria, theo đạo Hồi và được thăng tiến trong Bộ Ngoại Giao.

Ông đột ngột biến mất vào năm 1970. Trong hơn tám năm không ai thấy tăm hơi ông đâu cả. Cả vợ và bạn bè ông đều kêu nài ai trông thấy ông thì hãy mời ông xuất đầu lộ diện. Thế rồi, ông tái xuất hiện ở Paris vào năm 1979 mà không chịu đưa ra một lời giải thích nào.

Những người khác được ông cãi giúp còn có Slobodan Milosevic, cựu lãnh tụ Serbia, tuy nhiên, ông này không chịu ông biện hộ mà đòi tự cãi lấy. Ông Milosevic qua đời trước khi vụ xử kết thúc. Ông Verges cũng nằm trong nhóm luật sư biện hộ cho ông Saddam Hussein và phụ tá thân cận nhất của ông này là ông Tariq Aziz.

Gần đây nhất, vào năm 2011, ông cũng cãi cho ông Khieu Samphan, cựu lãnh tụ Khmer Đỏ của Cambodia thời Polpot.

Ông George Kiejman, một luật sư Pháp thường đụng độ với ông Verges trong các phiên xử, nhận định: “Ông ấy là một trong hai hoặc ba luật sư xuất sắc nhất trong thế hệ của tôi. Tôi dành cho ông ấy tất cả sự tôn kính.”




(sưu tầm)

V.I.Lãng
09-17-2014, 02:13 PM
Cynthia Sin Nga Lam phát minh sản phẩm H2PRO (Úc)



https://farm6.staticflickr.com/5579/15084722709_2720c15d77_z.jpg
Cynthia Sin Nga Lam với phát minh H2Pro



Vào ngày 23-9 tới, Google sẽ công bố danh sách đoạt giải Hội chợ khoa học Google 2014. Đây là cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trực tuyến hằng năm dành cho nhóm lứa tuổi từ 13 đến 18 trên toàn thế giới.


15 thí sinh lọt vào vòng chung kết đều là những gương mặt xuất sắc với các phát minh hữu ích cho cuộc sống loài người. Trong số đó, đáng chú ý là sáng chế thiết bị lọc nước thải và tạo ra điện năng của cô bé gốc Việt Cynthia Sin Nga Lam.




https://farm4.staticflickr.com/3884/15271616105_fc6a1a9395_z.jpg





Hiện tại, Lam mới 17 tuổi và đang sinh sống tại Melbourne (Australia). Ban đầu thiết bị có tên gọi là H2Pro. Đây là một cỗ máy xách tay và chỉ sử dụng nguồn năng lượng là ánh sáng mặt trời. Cơ chế hoạt động chủ yếu của máy dựa trên nguyên tắc: Nước bẩn sẽ được đưa vào qua một đầu của thiết bị, sau đó lưới bằng titan sẽ sử dụng ánh sáng mặt trời để khử trùng nước và đẩy chúng qua một bộ lọc. Phản ứng quang xúc tác sẽ tách phân tử nước thành oxy và hydro. Lượng hydro tạo ra sẽ được dẫn qua các thiết bị pin năng lượng để sinh ra năng lượng sạch. Ngoài ra, các chất bẩn trong nước như chất tẩy rửa, xà phòng và các chất ô nhiễm khác cũng sẽ là một nguồn cung cấp chất xúc tác phong phú để tạo ra hydro cho quá trình này.

Nhà phát minh trẻ tuổi cho biết, không chỉ các nước kém phát triển mới phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch và điện mà cả thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng và ô nhiễm nguồn nước.

Với H2Pro, Lam có mục đích nhằm giải quyết hai vấn đề cùng một lúc: Làm thế nào để cung cấp nước sạch và năng lượng cho nhiều người trên thế giới. Bằng việc phát triển cách tiếp cận tiết kiệm và thân thiện với môi trường để đưa ra một quy trình sản xuất năng lượng và lọc nước bền vững.





https://farm4.staticflickr.com/3916/15253126886_93d4f99097_z.jpg




Trên thế giới cũng đã tồn tại một số công nghệ để khử trùng nước tương tự, song những giải pháp đó hầu như phải cần có một nguồn điện để vận hành. Bởi vậy, chúng không thể nào sử dụng được tại các địa điểm xa xôi. Trong khi đó, với thiết bị mới này, điều bạn cần chỉ là ánh sáng mặt trời là có thể tạo ra nước sạch, thậm chí cả năng lượng sạch cũng có thể đồng thời được sản xuất. Bên cạnh đó, chi phí để tạo thành sản phẩm này cũng khá rẻ, quy trình thiết kế đơn giản và có thể bảo dưỡng dễ dàng theo thời gian. Lam hy vọng thiết kế này sẽ có ích cho người nghèo, những người cần cứu trợ thiên tai và các hộ gia đình.

Chỉ còn hơn một tuần nữa Hội chợ khoa học Google 2014 sẽ kết thúc, nhưng nhiều người hy vọng thiết bị lọc nước thải và tạo ra điện năng của Cynthia Sin Nga Lam sẽ đoạt giải cao nhờ mục đích, ý nghĩa đầy tính nhân văn.





http://www.youtube.com/watch?v=mLcdXCYVft8





(sưu tầm)




Bạn muốn đọc thêm tiếng Anh thì bấm lên link dưới :



http://www.iflscience.com/technology/google-science-fair-2014-finalists-announced (http://www.iflscience.com/technology/google-science-fair-2014-finalists-announced)

https://www.googlesciencefair.com/projects/en/2014/77b0af7d78199d72bb8b7b077459fcc0c443cabde6ec353188 e8c08dd551cb83 (https://www.googlesciencefair.com/projects/en/2014/77b0af7d78199d72bb8b7b077459fcc0c443cabde6ec353188 e8c08dd551cb83)

V.I.Lãng
02-19-2015, 01:16 PM
Michelle Phan trở thành triệu phú nhờ youtube qua cách trang điểm và lựa chọn mỹ phẩm


https://farm9.staticflickr.com/8658/16557714156_84778bf980_z.jpg





Michelle Phan sinh ngày 11/4/1987 tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ .

Khi còn nhỏ, Michelle định học y khoa như mẹ cô mong ước. Nhưng sau đó, Michelle thuyết phục mẹ cho cô học về hội hoạ và thiết kế .

Michelle tốt nghiệp từ Trường Cao đẳng Nghệ thuật và Thiết kế Ringling (Ringling College of Art and Design) và Trường Cao đẳng Nghệ thuật và Thiết kế Massachusetts (Massachusetts College of Art and Design).

Sau khi tốt nghiệp trường Cao Đẳng Nghệt Thuật , Michelle xin vào làm việc ở hãng Lancôme để làm người giới thiệu và bán mỹ phẩm , nhưng Lancôme đã không nhận , họ chê Michelle không có kinh nghiệm . Michelle năn nỉ người đại diện cho Lancôme hãy mướn cô ta, cô sẽ có thể bán mỹ phẩm và cô muốn chỉ cách cho nữ giới àm đẹp hơn cho chính bản thân họ , nhưng cô vẫn bị từ chối .

Sau đó, Michelle nhờ youtube đã đăng những video làm đẹp của chính mình , em gái, và chị dâu . Michelle trở thành người nổi tiếng trên youtube về kinh nghiệm làm đẹp

Tên của Michelle Phan trên youtube là RiceBunny . Những video clips của Michelle được àng tỉ người xem và hàng triệu người lưu lại .

Cô tham gia YouTube từ 18 tháng 7 năm 2006 với một video tự tạo, và đã làm trên 300 video. Những chủ đề trang điểm mà Michelle hướng dẫn vô cùng phong phú, từ những bước trang điểm căn bản, trang điểm nhanh 5 phút đến trang điểm trong những dịp đặc biệt như Valentine, Halloween,... vv... và hóa trang thành các nhân vật khác nhau, từ Bạch Tuyết đến Lady Gaga. Đặc biệt là cô tạo cảm thức mới mẻ về vẻ đẹp châu Á.

Thành công của Michelle Phan trên YouTube đã làm cô nổi tiếng trên báo chí và được công nhận trên toàn cầu, cũng như có một lượng người ái mộ đông đảo.

Cô xuất hiện trên số tháng 8 năm 2009 của tạp chí Seventeen Magazine, tạp chí St. Petersburg Times vào ngày 23 tháng 8 2009, the Sun Sentinel vào ngày 24 tháng 8 năm 2009, và trên Blog BellaSugar vào tháng 4 năm 2009. Phan được vinh danh trên báo của Chile vì video Barbie của cô. Gần đây, Phan cũng được nêu danh trong số tháng 5 của tạp chí NYLON magazine. Cô cũng xuất hiện trên tạp chí Forbes Magazine.

Trong năm 2010, Phan được được hãng mỹ phẩm cao cấp Lancôme mời làm gương mặt đại diện trên mạng của hãng, từ đó, các videos của cô bao gồm các sản phẩm làm đẹp của Lancôme.

Michelle Phan đã nhận được giải thưởng "ngôi sao mới" của Women"s Wear Daily Biz năm 2010. Tạp chí Marie Claire của Mỹ cũng đánh giá cô là Nhân vật đáng chú ý dưới tuổi 30. Ngoài ra, Michelle còn là trợ lý trang điểm của những show thời trang như Chris Benz và Michael Kors

Tính tới hôm nay cô là triệu phú với số tiền 84 triệu Mỹ kim


V.I.Lãng tạm lược dịch qua racked.com & wikipedia websites

V.I.Lãng
11-12-2015, 05:09 PM
Tiến sĩ Trương Công Hiếu - Người đầu tiên và duy nhất trên thế giới phát minh trong ngành kỹ thuật đánh tiền kim loại tại Canada



https://farm6.staticflickr.com/5729/22532503782_62f3f2c97f_o.jpg
Tiến sĩ Trương Công Hiếu trong phòng làm việc tại Nhà Máy Đúc Tiền Vàng Royal Canadian Mint






https://farm1.staticflickr.com/616/22557660251_3ea6f8c97b_o.jpg
]DR. HIEU C. TRUONG CENTER OF EXCELLENCY

Cơ sở khảo cứu nầy đã được khánh thành vào ngày 13/6/2013 được danh dự mang tên Ông Truơng Công Hiếu





Tiến Sĩ Trương Công Hiếu nguyên là cựu học sinh trường Jean-Jacques Rousseau ở Saigon, sau khi đậu Tú Tài II Ban Toán năm 1959, Ông được học bổng sang Hoa Kỳ để theo học ngành kỹ thuật tại trường Đại Học New York. Ông là sinh viên đậu Thủ Khoa khi lấy bằng kỹ sư và theo học lấy bằng Master về Kỹ Sư Hóa Học của trường Đại Học New York. Năm 1964 Ông trở về Việt Nam đi dạy ở trường Cao Đẳng Hóa Học và trường Cán Sự Hóa Học ở Phú Thọ và được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng của trường nầy. Sau 3 năm là giáo sư ở trường Hóa Học nói trên Ông trở lại Hoa Kỳ để lấy bằng Tiến Sĩ Kỹ Sư vào năm 1971.





https://farm6.staticflickr.com/5644/22357655058_751d3968a8_o.jpg
Giáo Sư Trương Công Hiếu và các sinh viên Trường Cao Đẳng Hóa Học Phú Thọ . Ảnh chụp ngày 1/2/1966




https://farm1.staticflickr.com/740/22556544001_6c88ba50cb_o.jpg
Ngày 1/2/1966 là ngày được đánh dấu cho Ngày Hóa học đầu tiên tại Việt Nam Cộng Hòa




https://farm6.staticflickr.com/5699/22545359355_e543843cca_o.jpg
Giáo Sư Trương Công Hiếu và các sinh viên trường Cao Đẳng Hóa Học Phú Thọ trong ngày Hóa Hoc đầu tiên 1/2/1966





Sau 1971 Ông rời Mỹ sang định cư ở Canada đảm trách chức vụ kỹ sư tại nhiều công ty lớn:

•Ông là Giám Đốc Kỹ Thuật của Công Ty Groupe Victoriaville, Québec, Công Ty sản xuất bàn ghế lớn nhất ở Québec, Canada.

•Ông làm Giám Đốc Sản Xuất của Công Ty Bombardier. Công Ty Bombardier chuyên sản xuất xe chạy trên tuyết (Snowmobile), xe chạy dưới đường hầm (Subway), máy bay Canadair Regional Jet (loại máy bay jet bay đường ngắn).

•Năm 1978 Ông vào làm việc cho Công Ty Đánh Tiền Kim Loại Hoàng Gia Canada (Royal Canadian Mint). Nơi đây ông được giử nhiều trọng trách trông coi về phần kỹ thuật đánh tiền kim loại và đến năm 1980 Ông được bổ nhiệm làm Giám Đốc Kỹ Thuật của Công Ty Đánh Tiền Kim Loại Hoàng Gia Canada.

Năm 2006 Ông được đề cử làm Tổng Giám Đốc Kỹ Thuật Ban Khảo Cứu của Công Ty Đánh Tiền Hoàng Gia Canada (Royal Canadian Mint).

Royal Canadian Mint, Nhà Máy Đánh Tiền Hoàng Gia Gia Nả Đại, là Tổng Công Ty thuộc sở hữu của chính phủ Canada, được thành lập vào năm 1908 tại Ottawa để sản xuất tiền kim loại cho Canada và tinh chế vàng ròng được vận chuyển từ rất nhiều mỏ vàng ở Quebec, Ontario, Manitoba, phía Bắc Alberta và British Columbia.

Nhà Máy Đánh Tiền Hoàng Gia Gia Nả Đại chuyên sản xuất tiền xu lưu hành và đồng phôi với cao độ dập tự động cho hơn 80 quốc gia trên thế giới tại cơ sở đánh tiền ở Winnipeg. Những kỹ thuật chuyên sản xuất những loại tiền xu lưu niệm, những loại tiền kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim, palladium để đầu tư trên thế giới đều được sản xuất tại cơ sở lịch sử Ottawa.

Năm 2008 Canada tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày thành lập Nhà Máy Đánh Tiền Hoàng Gia Gia Nả Đại (Royal Canadian Mint) để đánh dấu sự thành công của Công Ty Đúc Tiền Hoàng Gia Canada được nổi danh là một công ty hàng đầu của thế giới về những kỹ thuật và những phát minh hiện đại, những hiểu biết sâu rộng về khoa học và kỹ thuật đúc tiền.

Trong quyển sách: "Lịch Sử 100 Năm của Nhà Máy Đánh Tiền Hoàng Gia Gia Nả Đại", "ROYAL CANADIAN MINT 100 YEARS OF HISTORY" Tiến Sĩ Trương Công Hiếu đã được ghi nhận là người đầu tiên trên thế giới đã thay đổi hệ thống đánh tiền bằng những kỹ thuật dùng kim loại và thép để làm cho đồng tiền mỏng hơn, nhẹ hơn và không bị rỉ sét.

Ngày nay những kỹ thuật hiện đại của Sở Đúc Tiền Hoàng Gia Gia Nả Đại do Ông phát minh đã thay đổi tất cả tiền lưu hành hiện tại của nước Canada. Ông là người đầu tiên và duy nhất phát minh kỹ thuật in màu trên tiền kim loại lưu hành giống như in mầu trên giấy bạc bằng cách sử dụng tia laser để đổi màu trên tiền kim loai... Những phát minh mới về kỹ thuật đánh tiền của Ông hiện nay đã tạo nhiều ảnh hưởng về hình thức và phương cách đánh tiền kim loại trên thế giới như: tinh chế vàng nguyên chất 4 số 9 (.9999) làm tiêu chuẩn quốc tế từ năm 1982, và kỹ thuật lọc vàng 5 số 9 (.99999), kỹ thuật mạ đa lớp trên thép ( kỹ thuật nầy đang được xữ dụng trong tiền kim loại của hơn 35 nước trên thế giới ).

Ngoài ra Ông cũng là người đã phát minh kỹ thuật sản xuất tiền xu với hình ảnh ba chiều (hologram), và dùng kiến thức DNA trong tiền lưu hành và vàng để bảo mật và định tính xác thực đồng tiền vàng ròng của Canada lưu hành ở bất cứ nơi nào trên thế giới qua hệ thống vệ tinh điện thoại di động (smartphone).

Tiến Sĩ Trương Công Hiếu là người có nhiều phát minh và sáng chế trong ngành kỹ thuật đánh tiền kim loại với hơn 10 bằng sáng chế đã được nhiều nước trên thế giới và Sở Đúc Tiền Hoàng Gia Gia Nả Đại ghi nhận là quá xuất sắc.

Hiện nay tiền xu ở các nước như: Canada , Singapore, New Zealand, Barbados , Ghana, Ethiopia , Thailand, Philippines , Venezuela, Panama, Albania, United Arab Emirates… cũng đang dùng những kỹ thuật của Ông. Chính phủ Mỹ cũng đã bình chọn kỹ thuật của Ông để đưa vào áp dụng trong chương trinh tuyển lựa kim loại mới cho ngành tiền tệ của Mỹ, do Thượng và Hạ Nghị Viện Mỹ chấp thuận cho phép chánh phủ Obama thay đổi tiền tệ Mỹ trong tương lai.

Trong quyển sách: "Chuyện Kể Về Các Cuộc Triển Lãm Tiền Xu Quốc Tế", "STORY OF WORLD MONEY FAIR" được xuất bản vào năm 2012, tác giả Albert M Beck, Chủ Tịch và Sáng Lập Viên của Hội Chợ Quốc Tế Tiền Tệ Berlin tại Đức đã viết và bình luận về Tiến Sĩ Trương Công Hiếu như sau:

"Trong 40 năm vừa qua người mà có công lao nhiều nhất trong sự tiến bộ về nghành đúc tiền trên thế giới, người đã đóng góp nhiều nhất về những kiến thức mới về nghành đúc tiền trên thế giới chính là Tiến sĩ Hieu C. Truong của Sở Đúc Tiền Hoàng Gia Gia Nả Đại".

Ông M. Beck cũng đưa thêm lời bình luận: " Tôi cho rằng ông Hieu C. Truong là người có công nhiều nhất đối với ngành kỹ thuật đánh tiền kim loại của thế giới. Sở Đúc Tiền Hoàng Gia Gia Nả Đại cũng công nhận rằng Tiến Sĩ Trương Công Hiếu là người kỹ sư nổi tiếng nhất trên thế giới và là người hiểu biết nhiều nhất trong kỹ thuật đúc tiền. Theo tôi ai muốn biết kỹ thuật đánh tiền sẽ đi về hướng nào trong tương lai thì nên hỏi ông Hiếu ".

Để tiếp tục lưu danh là một Công Ty dẫn đầu thế giới về kỹ thuật đúc tiền và để thành công trong những lảnh vực phát triển các công nghệ mới hầu phục vụ ngành công nghiệp đúc tiền của thế giới và cũng để tôn vinh và ghi nhớ những công trạng của Tiến Sĩ Trương Công Hiếu đối với Sở Đúc Tiền Hoàng Gia Gia Nả Đại, Royal Canadian Mint đã cho xây dựng một Trung Tâm Khảo Cứu Xuất Sắc và Hiện Đại với ngân sách 10 triệu đô la tại Winnipeg và đặt tên cho cơ sở khảo cứu về kỹ thuật đánh tiền vừa mới xây dựng nầy là:







https://www.youtube.com/watch?v=nJcsuKdq3Mk


TRUNG TÂM KHẢO CỨU XUẤT SẮC Tiến Sĩ TRƯƠNG C. HIẾU
Dr. HIEU C. TRUONG CENTER OF EXCELLENCE
Centre d' excellence Hieu C. TRUONG, Ph.D.
Royal Canadian Mint, Winnipeg, Manitoba, Canada



Cơ sở khảo cứu nầy đã được khánh thành vào ngày 13 tháng 6 năm 2013 cùng lúc với nhà máy mạ thứ hai được xây dựng với ngân sách 70 triệu đôla. Tất cả những cơ sở nầy là nơi mà những kỹ thuật mới nhất về đúc tiền trong lảnh vực khoa học, trong lảnh vực tự động hóa qua máy vi tính, trong kiến ​​thức mới nhất với điện tín vệ tinh, phát triển phần mềm, khoa học vật liệu trong việc quản lý tiền tệ, trong lảnh vực thông tin liên lạc bằng điện thoại hoán chuyển thói quen của người tiêu dùng ... tất cả những phát minh mới về tiền tệ của Tiến Sĩ Trương Công Hiếu sẽ được đưa vào áp dụng và sẽ được phát triển tại nơi nầy để phục vụ cho các thế hệ trong tương lai.


Trung Tâm Khảo Cứu mới nầy cũng sẽ là nơi được dùng để đào tạo các kỹ sư, các nhà quản lý và các giám đốc của các Nhà Máy Đánh Tiền trên thế giới. Những người đi tu nghiệp sẽ được đưa đến Trung Tâm nầy để học các kỹ thuật căn bản cũng như các kỹ thuật hiện đại về đánh tiền, vì từ trước đến nay kỹ thuật nầy chưa từng được giảng dạy tại một trường đại học nào trên thế giới. Trung Tâm Khảo Cứu nầy cũng sẽ là nơi hội tụ của các kỹ sư, các nhà khảo cứu trên thế giới tìm đến với nhau để cùng nhau hợp tác khảo cứu về môn đúc tiền.


Ngoài việc phục vụ cho đất nước Canada, Tiến Sĩ Trương Công Hiếu cũng tham gia và ủng hộ các chương trình họat động của Cộng Đồng Việtnam tại Canada. Ông làm có vấn cho các tổ chức: Thể Thao Người Việt Bắc Mỹ lần thứ IX được tổ chức tại Ottawa năm 1981, Ủy Ban Lập Đền Kỹ Niệm của Liên Đoàn Hội Người Việt, bao gồm 11 Hội Người Việt của các địa phương khắp nước Canada, Ủy Ban xây dựng Trung Tâm Văn Lang, ngân sách do chánh phủ Ontario, Canada tài trợ. Trung Tâm Văn Lang là một chung cư gồm 80 căn hộ được xây dựng lên để nâng đở, trợ giúp cho những bô lão người Việt và những hộ gia đình có nguồn lợi tức thấp có được nơi ổn định cho đời sống. Ông cũng cộng tác với Hội Phật Giáo Người Việt xây dựng lên Chùa Từ Ân với kiến trúc thuần túy của một ngôi chùa Việt Nam tại thủ đô Ottawa.




Nguồn: Cộng đồng Người Việt tại Ottawa , Canada