PDA

View Full Version : Hoàn cảnh làm việc



Triển
08-27-2012, 04:04 AM
Trấn áp phóng viên

Bà thủ tướng Merkel phải giúp đỡ phóng viên Đức ở Trung Quốc

http://cdn2.spiegel.de/images/image-347631-galleryV9-urhm.jpg


Nhà cầm quyền Trung Quốc đã trấn áp phóng viên Đức trong lúc họ làm tường thuật, dọa xử dụng bạo lực và làm khó vấn đề nhập cảnh. Phóng viên truyền thông của Đức ở Trung Quốc yêu cầu bà thủ tướng Merkel hỗ trợ: xin bà lên tiếng cho hoàn cảnh làm việc của phóng viên trong cuộc viếng thăm Bắc Kinh.


Phóng viên nên theo sát cách làm việc của chính trị gia chứ không phải chạy theo năn nỉ họ hỗ trợ. Bình thường phóng viên báo chí truyền thông Đức cũng làm việc theo lề thói này ở Trung Quốc - nhưng rốt cuộc họ cũng quay lại cầu xin thủ tướng Đức bà Angela Merkel (đảng CDU) giúp đỡ.

Gần 30 phóng viên tường thuật tại chỗ ở Thượng Hải và Bắc Kinh viết thư cho bà Merkel nhờ giúp đỡ và yêu cầu bà "đề cập vấn đề này ở cấp cao nhất". Thứ năm tuần này bà thủ tướng sẽ bay sang Bắc Kinh dự cuộc gặp gỡ chính phủ Đức - Trung Quốc lần thứ hai. Bà Merkel dự tính sẽ gặp gỡ thủ tướng Ôn Gia Bảo và chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Ngoại trưởng Guido Westerwelle, bộ trưởng tài chính Wolfgang Schäuble, bộ trưởng kinh tế Philipp Rösler và bộ trưởng môi trường Peter Altmaier sẽ tháp tùng với bà Merkel sang Trung Quốc. Trong nhóm cùng đi có nhiều đại diện công ty với hi vọng có được hợp đồng làm ăn hấp dẫn với người Trung Quốc.

Các phóng viên truyền hình các đài chính thống của Đức như ARD, ZDF, các tờ báo danh tiếng nguyệt san, hay nhật trình như tờ "Zeit", tờ "Spiegel" cũng trình bày hi vọng. Họ cùng viết trong thư gửi bà Merkel bày tỏ muốn có được một hoàn cảnh làm việc tốt hơn; nghĩa là được đối xử rất bình thường, như phóng viên người Trung Quốc được đối xử ở nước Đức.

"Thiếu sót tiêu chuẩn bình thường trong đối xử với giới truyền thông"

Tuy nhiên chuyện phóng viên Đức xin những điều kiện làm việc bình thường đó quá xa vời với hiện thực. Danh sách kể khổ về chuyện thiếu sót trong "điều kiện làm công việc tường thuật theo tiêu chuẩn báo chí quốc tế" ở Trung Quốc rất dài: "Cảnh sát và lực lượng an ninh vẫn tiếp tục ngăn cản họ làm việc, đe dọa trắng trợn rằng nếu tường thuật các đề tài 'nhạy cảm' sẽ không được gia hạn giấy nhập cảnh". Các phóng viên cho hay, ngoài ra "các nhân vật đối thoại trước khi gặp gỡ phỏng vấn đều bị giam giữ lại hoặc bị làm áp lực khiến cho họ không dám nói chuyện với chúng tôi nữa".

Đây là lá thư cầu cứu thứ hai của giới truyền thông Đức được gửi đến bà Merkel. Ở lần gặp gỡ đại diện chính phủ hai bên lần đầu vào tháng sáu năm 2011 ở Bá Linh, họ đã xin bà thủ tướng nói giúp họ với Trung Quốc. Bà thủ tướng đã có đề cập. Tuy nhiên sau đó không có gì thay đổi. Trong lá thơ lần này họ viết "rất tiếc là hoàn cảnh phóng viên ngoại quốc được đối xử trong lúc làm việc ở Trung Quốc không khá hơn" mà còn "xấu đi". Bà Melissa Chan, phóng viên của đài Al-Dschasira gần đây còn bị buộc rời khỏi nước này.

Các phóng viên truyền thông Đức không bị đuổi khỏi Trung Quốc trong những năm qua, nhưng họ thường bị cảnh sát bắt về bót giữ hàng giờ đồng hồ, dùng dùi cui uy hiếp, thậm chí còn đánh đập. Ngay cả những người thông dịch viên người Hoa hoặc những nhân viên phụ tá cho họ càng ngày càng bị áp lực mạnh hơn. Thêm vào đó là sự xử dụng một thứ quyền lực quan liêu của chính phủ sở tại, như bộ ngoại giao cố tình kéo dài ra nhiều tháng việc xét đơn xin gia hạn nhập cảnh, có hai trường hợp các nhà ngoại giao của Bắc Kinh cố tình làm ảnh hưởng đến ban biên tập ngồi ở quê nhà của các phóng viên rằng, hãy tường thuật bớt chỉ trích đi. Một phóng viên tường thuật người Đức phải ngồi nghe ở bộ ngoại giao Trung Quốc câu đe dọa "Ông có vợ và con mà, ông nên lưu ý đến sự an ninh của họ". Những vùng tường thuật nóng bỏng như Tây Tạng đối với các phóng viên, bình thường là nơi bất khả xâm phạm.

Tình hình chính trị ở Bắc Kinh căng thẳng

Hành vi đối xử thô bạo của nhà cầm quyền đối với các phóng viên khiến nhiều ký giả báo giới cho rằng việc này liên quan đến sự căng thẳng chính trị trong hiện tình Bắc Kinh. Lãnh đạo đảng cộng sản dường như đang mất bình tĩnh qua xì-căng-đan tham nhũng của cựu chủ tịch đảng Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh. Nhiều cán bộ cấp cao có cảm giác đang bị "thế lực thù địch ngoại quốc" đe dọa, mà theo họ các thế lực thù địch này luôn muốn ngăn cản sự phát triển chính trị và kinh tế của Trung Quốc.

Kỳ đại hội đảng lần thứ 18 vào tháng 10 sắp đến sẽ thay đổi gần hết các nhân vật bộ chính trị. Ở những cuộc quyết định thay đổi nhân sự quan trọng như vậy theo truyền thống cách mạng sẽ bao trùm một màn an ninh dày đặc nhất trên toàn cõi Trung Quốc. Lực lượng cảnh sát và đặc vụ an ninh đã làm việc không ngừng nhiều tháng nay, để bảo vệ an ninh quốc gia trước những thành phần được cho là nguy hiểm.

Các quan sát viên ngoại quốc có cảm giác rằng, bộ ngoại giao Trung Quốc chuyên lo chuyện phóng viên ngoại quốc, đang phải giao lại phận sự của mình cho các cơ quan an ninh. Cơ quan an ninh là nơi những tay cán bộ cứng rắn tọa lạc. Một cán bộ cho hay rằng họ nghi ngờ nhiều phóng viên báo chí làm việc cho các thế lực đen tối, vì các phóng viên này "lùng sục bề trái của Trung Quốc".

Trong không khí "độc tài" và "trù dập" này không chỉ các người Trung Quốc tranh đấu cho nhân quyền và phóng viên bị ngộp thở mà truyền thông ngoại quốc cũng bị họa lây. Các phóng viên viết trong thư nói rằng bà Angela Merkel, người có tiếng nói có trọng lượng ở Trung Quốc bây giờ phải hỗ trợ gấp rút, để có được "một hoàn cảnh làm công việc tường thuật tốt đẹp và công bằng" cho giới truyền thông.






(* dịch lại từ nguồn: http://www.spiegel.de/politik/ausland/merkel-soll-deutschen-journalisten-in-china-helfen-a-852224.html )