PDA

View Full Version : Phát phiếu



Triển
10-05-2012, 08:04 AM
Adidas cũng không khá hơn các thương hiệu bán hàng rẻ
Christian Teevs


http://cdn3.spiegel.de/images/image-409126-galleryV9-cjqi.jpg


Adidas ra kế hoạch thực hiện một quỹ tài trợ cho công nhân thu nhập thấp ở Á Châu. Ý kiến nghe rất hay nhưng liệu có điều gì ẩn nấp phía sau không? Các tổ chức thế giới dè dặt hơn và phỏng đoán rằng chuyện này chỉ là một phương thức quảng cáo hình ảnh thương hiệu mà thôi.

Hamburg - công nhân ở những quốc gia nhân công thấp như Bangladesh, Nam Dương có rất ít quyền lợi. Và nếu có, họ cũng thường bị giật mất. Ví dụ khi một hãng xưởng bị đóng cửa, công nhân có quyền đòi tiền bồi thường. Nhưng chủ hãng ở đây không hiếm khi bỏ trốn không trả đồng nào. Bây giờ Adidas hứa hẹn sẽ cố gắng ngăn chận sự việc này. Đại công ty chuyên sản xuất hàng hóa thể thao lên kế hoạch, lập một quỹ tài trợ cho công nhân các hãng chuyên làm hàng cho họ. Adidas sẽ vào cuộc, nếu đối tác của họ ở Á Châu không trả tiền bồi thường hoặc đầy đủ lương hướng cho công nhân của họ. Adidas đã mời các đối thủ cạnh tranh trên thương trường gặp gỡ vào cuối tháng mười để bàn thảo chi tiết.

Thoạt tiên nghe kế hoạch rất cảm động. Có thể nói rằng, rốt cuộc cũng có một công ty chịu gánh trách nhiệm của mình. Tuy nhiên rất tiếc chuyện không phải đơn giản như vậy. Kế hoạch của công ty chuyên sản xuất hàng hóa thể thao lớn thứ nhì trên thế giới này đã khiến người ta nghi ngờ. Nhất là không có gì xác nhận liệu quỹ tài trợ này có khi nào xuất hiện hay không. Adidas thú nhận rằng họ còn đang khởi sự, các cuộc bàn thảo được thực hiện trên danh nghĩa "kết quả để trống". Cho đến nay không có chi tiết nào của sự việc được công bố.

Quan trọng hơn là việc các tổ chức thế giới như Hội Vận Động Cho Y Phục Sạch (CCC - Clean Clothes Campaign) cảnh báo rốt ráo, chuyện trông cậy vào lời hứa hẹn của đại công ty này, như sự tài trợ bằng hiện kim. Sự chênh lệch giữa sáng kiến và thực trạng xảy ra ở các công ty chuyên làm hàng cho họ, có sai biệt rất lớn. Ông Lars Stubbe, chuyên gia của hội CCC cho hay rằng "Adidas cư xử với các công ty chuyên làm hàng cho họ không khá hơn các thương hiệu bán hàng rẻ ở Đức, như Aldi, Lidl hay là Kik bao nhiêu".

Ông đoán rằng, chuyện lập quỹ tài trợ có thể là một phản ứng vội vàng trước áp lực gia tăng của các đại học ở Hoa Kỳ lên công ty Adidas. Giữa tháng chín vừa qua đại học Cornell, một trong những đại học lớn của Mỹ đã cắt hợp đồng tài trợ với đại công ty của Đức. Các trường đại học ở Mỹ vì có các đội bóng đá và bóng rổ, mà có thể so sánh như các câu lạc bộ thể thao ở Châu Âu. Thường khán giả đến xem các trận đấu lớn còn đông đảo hơn các trận đấu của các đội chuyên nghiệp. Do đó thị trường này rất quan trọng đối với các đại công ty thể thao.

Nguyên nhân của sự tranh cãi, là công ty Adidas đã cự tuyệt trả tiền bồi thường cho 2800 nhân viên của công ty PT-Kizone, một công ty chuyên làm hàng cho Adidas ở Nam Dương. Hiện tại còn 1,8 triệu đô la không được giải quyết. Thay vào đó, Adidas phát phiếu mua thực phẩm trị giá 525 ngàn đô la, nhưng thối thoát trách nhiệm chi trả bồi thường khác. Lúc hãng con đóng cửa, mới vỡ lẽ là hãng này đã không còn sản xuất từ lâu. Ngoài ra Adidas đã hỗ trợ những công nhân đó tìm việc làm mới.

Adidas lẫn tránh trách nhiệm

Đối với Hội Vận Động Y Phục Sạch, chuyện làm của Adidas là chưa đủ. Ông Stubbe của CCC nói, "Adidas đã lẫn tránh trách nhiệm". Chuyện Adidas phát phiếu mua thực phẩm làm tổn thương tự ái người Nam Dương mà cũng không thỏa mãn được nhu cầu của họ. "Tiền mướn nhà và chi phí cho trường học con cái họ không thể trích được từ phiếu mua sắm. Ngoài ra nhiều người cảm thấy cách cư xử như vậy của Adidas là hạ nhân phẩm".

Hiệu trưởng đại học Cornell, ông David J. Skorton viết về vụ hãng PT-Kizone trong thư gửi cho Adidas. Ông kêu gọi Adidas hãy can dự nhiều hơn cho công nhân Nam Dương. Nếu công ty Adidas làm chuyện này, ông sẽ "vui vẻ làm lại chuyện kinh doanh". Cũng trường hợp tương tự, đại học Wisconsin đã tranh cãi với Adidas. Ban lãnh đạo nhà trường đã tố ra tòa.

Adidas phủ nhận lời cáo buộc và bây giờ phản ứng trước áp lực của các trường đại học. Nữ phát ngôn viên Adidas cho hay rằng "kế hoạch không phải một ngày một bữa mà có". Họ đã suy nghĩ rất lâu về chuyện làm sao có thể cải thiện tình trạng cho các hãng chuyên sản xuất cho họ ở Á Châu. Công ty Adidas hiện đang hợp tác với 1232 hãng trên khắp 63 quốc gia.


Adidas đổ lỗi cho quy tắc cư xử của các hãng làm cho họ

Theo phỏng đoán, 60 phần trăm y phục bán ở Âu Châu xuất xứ từ các quốc gia nhân công rẻ mạt Á Châu. Người ta vẫn thường chỉ trích tình trạng xảy ra ở Nam Dương và Bangladesh. Ông Stubbe của CCC cho biết vấn đề chính "nằm ở đồng lương quá thấp". Một công nhân dẫu có làm toàn thời gian, vẫn không thể nuôi nổi một gia đình 4 miệng ăn. Từ đó sinh ra thêm vấn đề khác, như tình trạng trẻ con phải làm việc và các ca-16-tiếng. Công nhân thì bị ngăn chận không cho tham gia công đoàn hoặc nghiệp đoàn một cách có hệ thống.

Theo ông Stubb vì vậy mà tình trạng ở các hãng xưởng sản xuất cho các đại công ty như Adidas, Nike cũng không khá hơn các hãng xưởng sản xuất cho các chuỗi thương hiệu bán rẻ như Aldi, Kik. Cũng có vài hãng xưởng có chuẩn mực cho công nhân tốt hơn, nhưng tuyệt đối là những trường hợp ngoại lệ.

Ngược lại Adidas quy trách nhiệm theo các thỏa thuận giữa họ và các hãng sản xuất cho họ, "qua đó các chuẩn mực được bảo đảm theo đúng luật lao động". Nữ phát ngôn viên của Adidas nói thêm rằng, thỏa hiệp này cũng được Fair Labor Association (FLA) thanh tra.

Tuy nhiên Hội CCC vẫn tố cáo rằng, các cuộc thanh tra của FLA thông thường là bằng chứng duy nhất được mang ra bào chữa cho lối cư xử của họ. Ông Stubbe nói thêm rằng "thay vì thanh tra, thì hãy để công nhân họ được tham gia nghiệp đoàn và hãy chăm sóc đồng lương đàng hoàng cho họ". Ông không tin tưởng vào chuyện hô hào rầm rộ lập quỹ hỗ trợ này nọ: "Tất cả mọi thứ nghe cứ như là chiến dịch đánh bóng hình ảnh thương hiệu mà thôi".

---

Chú thích:
Discount store

----


(* dịch lại từ "Adidas ist nicht besser als die Discounter" (http://www.spiegel.de/wirtschaft/unternehmen/adidas-hilfsfonds-fuer-arbeiter-in-indonesien-und-bangladesch-a-859491.html) )