PDA

View Full Version : Giao Thừa - Nguyễn Phước Đáng



Ngô Đồng
02-09-2013, 08:03 AM
Một

Bà Đạt ngẩng lên nhìn đồng hồ treo tường, miệng bà vẫn lẩm nhẩm đếm theo từng mũi móc, cho đến khi đủ số dự tính, bà mới xoay qua ông nói:
- Còn sớm lắm, ông đi ngủ một giấc đi. Ba giờ rưỡi ông còn phải dậy... Chừng gần tới giao thừa tôi sẽ đánh thức ông. Chắc tụi nó không về trước 12 giờ đâu! Chắc chỉ có hai đứa mình cúng giao thừa thôi.
Không nói không rằng, ông ngoan ngoãn, uể oải ngồi dậy, uể oải đứng lên, uể oải đi vào phòng, để bà một mình ngồi lại sofa, âm thầm, kiên trì đan móc tiếp chiếc hài mùa Đông cho ông dùng đi trong nhà.
Trước mặt nhà, đường Sierraville Av, bên hông nhà, đường Sierra Rd, không có bóng xe chạy qua lại. Cảnh vật vắng lặng như đang giữa đồng không mông quạnh. Mỗi ông bà theo đuổi một tâm sự riêng khó đoán biết được. Trước khi khép cửa phòng, ông còn nghe tiếng bà:
"Giờ nầy là giữa trưa mùng một bên nhà. Không biết tụi nhỏ bên bển có ăn chay ngày nầy không?"

Hai

Tiếng sè sè máy sấy tóc làm ông thức giấc. Mắt nhắm mắt mở, ông lè nhè hỏi:
- Mấy giờ rồi? Bà đang làm gì vậy?
- Tôi vừa tắm xong, đang sấy khô tóc... Tẩy sạch những xui rủi, những bất hạnh của năm cũ, để mở lòng đón năm mới... Còn sớm, ông ngủ tiếp đi. Tôi ra nấu ấm nước, pha cà-phê, pha trà như mọi năm. Xong xuôi tôi sẽ vào gọi ông.
Vẫn trùm chăn, ông mở tròn đôi mắt thấy bà đang diện bộ đồ đầm mới tinh, ông nghĩ thầm “Giữa khuya, một mình nhốt trong nhà mà diện như thời vàng son năm nào xa lắc xa lơ. Bà nầy vẽ chuyện”.
Ông khép mắt, nghe lời bà, cố dỗ lại giấc ngủ.
Đã hơn nửa tiếng trôi qua, mà không làm sao ngủ lại được. Ông ngồi bật dậy. Mười một giờ ba mươi. Còn những nửa tiếng nữa...
Những năm còn bên nhà, đến giao thừa, ông ăn mặc tươm tất và bắt cả nhà cũng phải ăn mặc như vậy. Năm nào bà cũng trịnh trọng mặc áo dài. Cúng xong, ông bà ăn tí bánh, tí mứt dừa, mứt hạt sen, mứt bí, uống nửa ly cà phê đen đậm quánh. Sau đó, ông bà tay trong tay đưa nhau tản bộ du Xuân, đến cúng chùa Ông ở đường Thoại Ngọc Hầu, rồi lòng vòng qua khắp công viên thị xã Long Xuyên xem người ta lũ lượt hái lộc đầu Xuân. Sáng mùng Một Tết, công viên thành phố trở nên xấu xí, tàn tạ như qua một cơn bão, vì trận đòn hái lộc giữa đêm giao thừa.
Từ khi qua đây, giao thừa hành lễ trong nhà, chỉ mở hé cửa sổ cho thoát khói hương. Chung quanh hàng xóm toàn Mỹ, không biết âm lịch là gì, làm gì biết Tết Việt Nam! Ông đâm ra chểnh mảng đến độ lè phè mặc cả bộ pyjama trong giờ cúng giao thừa. Ông chợt hối hận vì thả lỏng tinh thần tuột dốc quá đổi. Ông vụt nghĩ đến thái độ bền vững của bà: Trang trọng, chỉnh tề, tươm tất trong giờ giao thừa, mặc kệ ông có bê tha, có lếch thếch mặc đồ ngủ ra cúng qua quít. Mà ông có cúng vái gì đâu! Bao giờ ông cũng chỉ là người chứng kiến mà thôi. Năm thì mười hoạ, khi nào trịnh trọng lắm, ông đứng cạnh phía ngoài, hai tay chắp trước bụng nhìn bà khấn vái. Ông thì không. Thương bà lắm, nể trọng thái độ thành khẩn cúng vái của bà lắm, ông chỉ giúp bà cắm nén nhang lên lư hương thôi. Vậy mà hôm nay ông vụt nghĩ lại “Bà nầy có lý! Sao lại không diện bảnh bao, trang nghiêm trong giờ phút thiêng liêng giao thừa?”

Ông kéo cửa closet, soạn lấy chiếc áo sơ-mi trắng dài tay mới tinh. Ngay cả đi dự tiệc cưới ông cũng chưa đụng tới chiếc áo nầy. Ông chọn chiếc cà-vạt màu huyết dụ có điểm những đốm hoa trắng nhỏ, cũng mới tinh, do thằng Út mua tặng nhân ngày Father’s Day năm ngoái. Ông mang đôi vớ xanh dương đậm mới...
Ông Đạt bước ra phòng sinh hoạt gia đình trong lúc bà đang lom khom sắp xếp bánh trái, hoa quả lên cái bàn thấp đặt trước bàn thờ kê gá trên đầu lò sưởi. Bà ngẩng lên nhìn ông, trố mắt ngạc nhiên:
- Ồ! Ông dậy chi sớm? Còn những 15 phút!... Năm nay chắc tui phát tài, trời quang mây tạnh, thế giới thanh bình... Ông chịu ăn dọn như độ nào!
- Vừa thôi bà! Đừng chọc tôi quê... Có nước súc miệng mỗi nơi chưa? Để tôi đi lấy. Cúng có thức ăn thì phải có nước súc miệng, dù lúc sinh tiền ông bà cha mẹ có ăn trầu hay không...
- Cổ lệ làm vậy, mình cứ giữ vậy cho đúng lề thói, cho trang nghiêm.
- Còn ngày nào, cố giữ ngày nấy. Nếu kể bọn mình là thế hệ thứ nhứt, thì tôi nghĩ đâu còn xa xắc gì, đến thế hệ thứ nhì con mình, tôi e rằng các lề thói mình đang cố giữ đây sẽ tan biến như mây khói!
- Thì một phần cũng do ông! Không có tôi, thì cha con ông đã điện tử hoá cả bàn thờ, để khói nhang khỏi phải tù động trong nhà. Cha con ông lập trình ráo trọi hết mọi thứ trong nhà nầy. Vặn tròn vòng là các nhang đèn điện tử cho thời cúng kéo dài 1 giờ, nửa vòng là 30 phút, một phần tư là 15 phút... Vong linh tổ tiên về dự phải nhìn đồng hồ từng chập để toan liệu cho kịp qui định của cha con ông!... Có những cái không lý giải được, không đòi hỏi hợp lý được, không truy nguyên tìm mục đích thực sự được... Ông truy lùng nguyên động lực thực sự của cái lạy để mà làm gì, để rồi ông tìm thấy cái trống không của mỗi cái lạy. Có thiện tâm lắm, ông nghĩ cái lạy nhứt bộ nhứt bái là những động tác thể dục mà một người chân tu nào xưa kia đã nghĩ ra, lồng vào tôn giáo để khuyến dụ người cổ đại vận động cơ thể. Rồi ông nghĩ, bây giờ ông tập thể dục, chơi thể thao hằng ngày là đủ rồi, nên ông không lạy. Ông đứng xem tôi lạy mỗi khi cúng vái, mỗi khi đi chùa...
- Bà khéo để ý! Tôi vẫn bái lạy đấy chớ?
- Thì đôi khi ông có lạy đấy. Lúc Ba còn sống, những khi ông về phủ thờ, dự cúng những ngày lễ lạt, giỗ chạp, ông vẫn lạy... Tôi thấy! Nhưng tôi biết lòng ông trống không. Ông lạy cho người sống vui. Ông thắp nén hương, chấp tay đưa lên trán, ngừng lại đó khá lâu, nhưng ông không nguyện cầu gì cả. Ông há không từng mỉa mai nói hay sao “Thắp một nén hương, dập đầu lạy 4 lạy, rồi nguyện cầu nào được tài lộc, được dâu hiền rể thảo, được nhà cao cửa rộng, được bước một bước là lên xe xuống ngựa, có người hầu kẻ hạ, nhứt hô bá ứng...”? Ông biết không có bậc linh thiêng nào nghe thấy và chứng chiếu cho những lời cầu nguyện, nên đầu óc ông trống không khi ông khấn vái. Ông hành động khấn vái, bái lạy là để người sống vui, người sống thân thương của ông an tâm. Ông có thiện tâm với mọi người sống. Nhưng ông không có thiện tâm với chính ông. Và từ đó với tôi và với các con ông nữa.
- Bà... lắm chuyện, nghĩ vẩn vơ đâu đâu
- Gần năm mươi năm chung sống, chớ đầu hôm sớm mai gì mà tôi không thấu biết tận tim đen ông! Hậu quả là mấy thằng con ông bây giờ mang ý nghĩ y như ông vậy. Không có đứa nào có tín ngưỡng tôn giáo. Cả thằng Út, tủ sách chất đầy kinh Cựu Ước, Tân Ước, kinh Kim Cang, kinh Hồi Dương Nhân Quả, kinh Pháp Hoa, kinh Lăng Nghiêm, Áo Nghĩa Thư..., không chừng có cả kinh Coran... Nhưng nó vẫn y như ông, một lòng nghi hoặc những tín ngưỡng tôn giáo. Thế hệ của tụi nó còn tệ hơn. Chúng thẳng thắn hơn ông. Chúng không cần làm vui lòng người sống. Ông đứng lặng, nghiêm trang, tề chỉnh, kiên nhẫn nhìn và chờ tôi mỗi khi tôi cúng vái. Tụi nhỏ thì không, bọn chúng có tiếp tay tôi khi dọn cổ, nhưng đến lúc tôi bắt đầu thắp nhang thì tất cả tản lờ đi nơi khác chơi. Ông có thấy lần nào chúng bái lạy không?
- Có chứ! Mà còn lạy nhứt bộ nhứt bái nữa kia. Hồi đám cưới, thằng Truyền lạy, bà trông không đẹp sao?
- Lạy để quay phim đó mà! Hôm đó ông lạy cũng đẹp nữa. Tâm ông, tâm 6 thằng con ông đều trống rổng niềm tin tâm linh. Tâm trống rổng như vậy không có hạnh phúc. Tôi thương hại ông! Tâm trống rổng!...
Bà Đạt nhìn đồng hồ. Hai phút nữa là tới giờ giao thừa. Ông Đạt đứng lên giúp bà đốt ngọn nến, bước đến mở hé cửa sổ, cửa ra sân sau, rồi đốt từng nén nhang trao cho bà. Ông đứng loanh quanh bên bà, nghiêm chỉnh, kiên trì chờ bà cúng vái, đón rước từng cây nhang từ bàn tay bà để cắm lên bàn thờ Phật Thích Ca trên cao, bệ thờ Phật Bà Quan Thế Âm lưng lửng bên cạnh, bệ thờ Thần Thổ Địa sát sàn nhà, và bàn thờ Gia Tiên.
Cúng vái mỗi nơi xong xuôi, bà bước sang một bên, ý chừng chờ đợi phiên ông. Chờ ông có hơn 1 phút, 2 phút... rồi mất kiên nhẫn, bà nhắc:
- Năm nay ông cúng giao thừa chứ?
- Bà đại diện anh được rồi! Chắc lúc nãy, bà cũng đã van vái, cầu xin gì đó cho phần anh rồi? Thôi để chút nữa anh rót cúng nước mỗi nơi. Bánh trái, cà-phê xong xuôi, mà thiếu nước trà là cũng chưa đủ...

Ba

Ông bước lại tủ Ti Vi, tìm chọn một băng video.
Ông lục lọi mãi mà cũng chưa tìm được cuồn băng nào để đưa vô máy.
- Ông kiếm gì? Tới bây giờ nhà vẫn chưa có băng nhạc xuân nào đâu. Nhớ thuở trước bảy lăm, giờ giao thừa nầy mình cho hát băng nhạc Xuân..., Ly Rượu Mừng, Xuân và Tuổi Trẻ, gì gì nữa...
- Sau bảy lăm tới nay, không có băng nhạc Xuân nào ra hồn. Tôi đang đắn đo không biết nên chọn băng nào. Bà thích băng nào? Ngoài cải lương ra, bà thích cái nào, tôi nghe ké theo cái đó.
- Ông thì chắc là thích tân nhạc rồi. Các ông mà! Đâu phải chỉ thích lời ca tiếng hát mà thôi... Ca sĩ bây giờ phải đa tài, đâu phải chỉ luyện giọng mà đủ. Phải biết nhảy nhót, uốn éo, lắc lư..., phải biết khoe da thịt... Hồi còn bên VN, băng nhạc từ ngoại quốc tuồn về, chỉ có mỗi một mình Linda Trang Đài ăn mặc xếch-xi ca hát, bây giờ leo thang đến tột đỉnh rồi. Gần như ca sĩ trẻ nào cũng phải biết nhảy nhót, biết lắc mông, biết tục tĩu hẩy hẩy cái bụng càng tốt. Ăn mặc thì phải trịch quần xuống ba đì, áo cũn cỡn lên trên rốn, cổ áo banh ra tới vai, khoét càng sâu đến chỗ không còn khoét được nữa càng tốt. Củn đã ngắn mà còn xé tả tơi tới thắt lưng. Đạo diễn, editor phải biết đưa những đoạn hình dẫn dắt ý nghĩ người xem đi xa mịt mù. Ông nhớ bài hát gì đó do cô ca sĩ bạn thân của cô Kỳ Duyên ca... Cô gì... có chữ Bích đây?...
- Cô Lưu Bích?
- Ờ... ờ! Cô đó. Khởi đầu bài hát, người ta đưa đoạn hình cô đang tuột cái quần từ cao trên bắp đùi nõn nà, xuống đầu gối, xuống óng quyển. Xuống mắt cá chân, bàn chân rồi tuôn ra ngoài... Hình ảnh như vậy dẫn dắt ý nghĩ người xem đi xa hơn thực tế, làm đầu óc họ đợi chờ... và tiếc hùi hụi những hình ảnh kế tiếp sao không giống như cái họ mong đợi. Ý nghĩ luôn bị dẫn dắt chỉ lối như vậy, có khi mon men đến chỗ mà sực tỉnh ra đã thành tội ác rồi. Cái úp úp mở mở là cái khêu gợi, cái đẩy con người xuống chỗ thấp bản năng. Người ta đang khai thác cái đó. Con người kỳ lạ! Vừa báo động, kêu gọi người ta hướng thượng, vừa lôi kéo, khai thác thị hiếu nhục dục của con người, lùa họ vào vũng sa ngả!
- Bà khéo để ý! Để khi rảnh rỗi, tôi xem lại băng nhạc đó, và nghiền ngẫm những chỗ bà quan tâm...
- Ông chưa quan tâm à? Mô Phật! “mình-ơi” của tôi đạo cao đức cả!

Bốn

Tiếng cửa ga-ra vén lên..., tiếng cửa ga-ra lại rầm rập sập xuống. Tiếng cửa xe cạch mở, rồi đóng phập vào, sau cùng là tiếng khoá xe tự động bằng tiếng “tút” ngắn gọn. Rồi cánh cửa thông vô bếp xuỵt mở. Vĩnh hơi ngỡ ngàng khi thấy trong nhà sáng choang và nhận ra ông-già-bà-già còn thức nghe nhạc. Đã mười hai giờ rưỡi có hơn rồi. Nó kinh ngạc đến hớn hở khi nhận ra cha mẹ già đang ăn mặc thật trịnh trọng, bà áo đầm nhung, ông thắt cà-vạt, vẻ mặt cha mẹ trông hạnh phúc. Nó cảm thấy lây cái hạnh phúc của ông bà Đạt. Nó ồn ào lên tiếng trước:
- Năm nay Ba Má ăn giao thừa trịnh trọng. Trông Ba Má thật đẹp.
- Ăn đâu mà ăn. Ba Má mới vừa cúng xong thôi.
- Má con chủ xướng ăn mặc đẹp trong lúc cúng vái. Năm nay ba nhận ra làm vậy cũng hay, nên ba chạy theo bả thôi. Máy hình còn pin không? Chụp Ba Má vài pô đầu năm.
- Con sẽ chụp nhiều “pô’’ nhiều góc cạnh khác nhau, sau đó lựa lại. Máy digital, khỏi lo hao phim. Chụp xong, con đưa vô computer Ba Má coi hình được ngay. Hình nào đẹp, Ba Má ưng, con in lấy liền.
Vĩnh soạn đồ nghề.
Ông Đạt kéo bà đến trước bàn thờ, tay phải choàng ôm vai bà, miệng dặn dò thằng con:
- Chụp cận ảnh, nửa người trở lên, lấy đủ hình Ông Bà Nội, Ông Bà Ngoại trên bàn thờ. Ba Má đứng tư thế nầy coi được không?
- Má nghiêng đầu qua Ba một chút... chút nữa... À... à! Như vậy trông đẹp lắm. Ba Má cười tươi đầu năm nghe! Một... Hai... Ba!
Bàn cúng bánh mứt, trái cây, cà-phê, trà... là chiếc bàn dài, thấp của bộ sô-pha, không có ghế ngồi. Ông Đạt vói lấy 2 chiếc gối tựa nhỏ, trao cho bà một, ông nói với bà:
- Mình ngồi đối thực đối ẩm theo lối Nhựt Bổn cho nó chụp hình. Quì lên trên chiếc gối, rồi ngồi quập xuống, bàn toạ đè lên hai cẳng chân, bàn chân duỗi xuôi trên sàn nhà, là đúng cách ngồi của Nhựt... Không ... không phải vậy. Ngồi quẹp một bên, mà không đè thẳng trên cẳng chân là lối ngồi lạy của nữ giới Việt Nam. Mấy bà già trầu ở quê miền Nam gọi là ngồi xếp chè he. Bà coi tôi ngồi nè. Như vầy mới là ngồi lối Nhựt, lưng thật thẳng...
- Ồ! Năm nay con sẽ chộp được mấy kiểu hình thật đặc biệt của Ba Má. Đúng là hình ảnh đối ẩm rất mới của Ba Má trong thiên niên kỷ mới. Đẹp và lạ lắm. Ba thì giống Nhựt lắm rồi. Chớ chi có tính trước, Ba Má mặc kimono thì hết sẩy. Má dường như chưa thoải mái lắm... Ba Má cứ tự nhiên, con sẽ xê dịch khắp chung quanh, chọn góc cạnh mà chụp, không báo trước khi chụp đâu, để săn tìm những tấm ảnh hồn nhiên. Ba má cứ ăn uống, chuyện trò như không có con, như không có chuyện chụp hình nhé!
Bà Đạt loay hoay trên thế ngồi không quen, vói lấy thỏi mứt bí, trong lúc ông bưng chung trà đưa lên miệng. Cử chỉ của hai ông bà có vẻ ngập ngừng không được tự nhiên. Ông nói:
- Chỉ có thể có được tấm hình tự nhiên thực sự khi chụp lén, quay phim lén. Còn như vầy, nếu có được tấm hình trông hồn nhiên thì đó là thứ hồn nhiên tạo dựng. Những tấm hình của những tay nhà nghề phần lớn cũng là những tấm hình tự nhiên do tạo dựng. Tấm hình “Vá Cờ” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, lấy được giây phút người đàn bà đang cắn sợi chỉ rất đúng với tự nhiên cũng là thứ tự nhiên dàn dựng mà thôi. Hẳn là nhiếp ảnh gia phải chụp rất nhiều “pô” để chọn lấy một tấm tối ưu.
- Chọn được tấm nào ưng ý hay không, cũng chụp bấy nhiêu mà thôi, đủ rồi. Vĩnh dẹp máy ảnh, rồi đến trước bàn thờ khấn vái gì đi con. Không lạy thì xá cũng được.
- Ba Má cúng xong rồi. Miễn cho con cũng được Má há?
Bà Đạt quay qua ông. Mặt ông thật bình thản. Ông chờ nghe bà nói:
- Bầy con trai ông chính là hình ảnh của ông nối dài. Sau nầy ông có nằm xuống rồi, hình ảnh và cuộc sống của ông vẫn còn lại qua phong cách sống của mấy thằng con ông!
- Phong cách đó tốt hay xấu bà?
- Hừm! Không lẽ tôi chê phong cách của chồng tôi! Không lẽ tôi chê phong cách của 6 thằng con tôi!
Ngưng một chút. Ông chưa kịp đối đáp lời nói mù mờ của bà. Bà lại tiếp:
- Và... không lẽ tôi khen phong cách ông mọi mặt đều tốt! Tôi là đàn bà mà!... Chớ chi tôi là người đàn bà ngoài gia đình nầy, chắc tôi ngợi ca phong cách của ông là tuyệt vời!...
Câu nói của bà lại càng mù mờ hơn. Ông bỏ cuộc! Đối đáp với bà chỉ mang vào người những rắc rối.
Ông quay qua chiếc Ti-vi. Trên màn hình, nam ca sĩ mặc bộ com-lê màu trắng, đầu đội nón nỉ nghiêng nghiêng, như thời trang thuở xa lắc xa lơ nào. Ca sĩ sinh động, duyên dáng giữa phong cảnh có sông, có núi, có rừng tuyệt vời của Việt Nam, đang hát:
“Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh. Có sông sâu lơ lửng vờn quanh...êm xuôi về Nam!...”
Tiếng hát trầm ấm của ca sĩ Anh Dũng đưa tâm hồn ông bà Đạt bềnh bồng trôi vào một nỗi niềm nhớ về quê hương thật thấm thía.(*)

(*) Thực tế, không phải ca sĩ Anh Dũng hát bài Làng Tôi.