PDA

View Full Version : Cọp đá Rồng



Triển
05-02-2013, 01:01 PM
Khi cọp Ấn Độ và rồng Trung Quốc chọi nhau

Padma Rao


Lính Trung Quốc lấn sang lãnh thổ Ấn Độ và không muốn lui về một phân nào. Người biểu tình la ó trên đường phố. Có nguy cơ khủng hoảng giữa hai dân tộc có hàng tỉ người?

http://www.welt.de/img/ausland/origs115818028/9739729563-w900-h600/India-China-Protest.jpg
(* ảnh AP)

Rạng sáng ngày 15 tháng tư, cảnh sát biên giới Ấn Độ miền Tây Bắc Ladakh phát giác khách khứa không mời mà đến. Năm mươi lính của quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã dựng lều ở Daulat Beg Oldi, 19 cây số phía sau đường biên giới dã chiến giữa hai nước vĩ đại Á Châu. Trên cao cái tiền đồn không bóng người trơ trọi trên Con Đường Tơ Lụa nằm 5100 thước cao hơn mặt nước biển được bao quanh các đỉnh núi lởm chởm của dãy Karakoram.

Dù nhiệt độ nơi đây có thể xuống đột ngột đến 30 độ âm và trong bầu khí quyển loãng không có sự sống, đâu đó xảy ra những cuộc nghỉ chân không phải là hiện tượng mới. Địa danh Daulat Beg Oldi được một thương gia ở Tân Cương (Xinjiang), một tỉnh đông dân người Hồi giáo của Trung Quốc, đặt cho địa danh khi chết chỗ này vào năm 1671. Và ngày hôm nay vẫn còn xảy ra chuyện lính tráng hai bên vô tình hoặc cố ý vượt biên giới của nhau.

Một vị sĩ quan quân đội Ấn ở Ladakh cho biết, "nếu chuyện này xảy ra, chúng tôi sẽ cầm mấy cây cờ đỏ có thông điệp bằng tiếng Trung Quốc là 'đây là lãnh thổ chúng tôi, yêu cầu xin rời khỏi', và thông thường họ cũng bỏ đi". "Nhưng lần này họ ở lại", một sĩ quan Trung Quốc giải thích cho ông Ấn Độ có vẻ ngạc nhiên rằng, họ phải đợi lệnh từ Bắc Kinh xuống đã. Và chuyện xảy ra hàng ngày do lầm lẫn leo thang trở thành khủng hoảng, mà 1,3 tỉ người Hoa và 1,2 tỉ người Ấn bỗng dưng nhớ lại mối cựu thù của họ. Một phần ba dân số nhân loại bỗng dưng tranh chấp.

Với chiến khuyển và hỏa tiễn nguyên tử

Mâu thuẫn tranh giành thống trị Châu Á đã ăn sâu vào trí óc hai quốc gia vĩ đại này từ ngày lập nước của họ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khi Trung Quốc tách khỏi Mạc Tư Khoa từ thập niên 60, Đề Li tìm thêm hỗ trợ. Sau kết thúc thời kỳ chiến tranh lạnh, cả hai nước mang mô hình thành công khác nhau của những nước phát triển kỹ nghệ mới, một bên là Trung Quốc với chế độ Tư bản nhà nước toàn trị, bên kia là Ấn Độ với kiểu Dân chủ kinh doanh Tự do hỗn loạn.

Tuy nhiên mối tương phản sâu sắc là biên giới: năm 1962 Trung Quốc và Ấn Độ bùng nỗ cuộc chiến tranh giành biên giới lãnh thổ, mà người Anh đã kẻ ra giữa hai quốc gia trong thời còn thuộc địa. Tranh chấp bắt nguồn từ chuyện Ấn Độ nhận ông Dalai Lạc Ma tị nạn. Trung Quốc thắng trận, hai nước thỏa thuận biên giới tạm bợ, là biên giới Line of Actual Control dài hơn 4 ngàn cây số "có kiểm soát thực sự" mà hình dáng của nó dễ thường khó xác định được. Daulat Beg Oldi đã bị Trung Quốc chiếm đóng nhưng đã trả lại sau hiệp định ngừng bắn. Ngay tại chỗ này giờ đây lại nổi lửa.

Ban đầu có 70 người Ấn đối diện 50 người Hoa. Bản doanh của họ chỉ cách nhau 300 thước. Bây giờ phía Trung Quốc có thêm 5 lều đầy ắp, tăng cường chó dữ và cắm một cây cờ có dòng chữ tiếng Anh cho đối thủ thấy rõ ràng: "You are on the Chinese side!", bạn đang ở trên phần đất Trung Quốc của biên giới. Bây giờ thực sự xảy ra tranh chấp lãnh thổ và các lều trại, lính tráng và chó dữ là biểu tượng cho hai khối quyền lực nguyên tử.


Liệu có khủng hoảng ngoại giao không?

Chính quyền Ấn Độ đặc biệt đang bị áp lực. Đảng nghị viện sẽ giải quyết vụ tranh chấp xưa nay bằng đường nhẹ nhàng như các luận điệu "ngoại giao mềm dẻo" và "hòa bình đối thoại" chăng. Trong cuộc họp báo, phát ngôn viên chính phủ Ấn Độ Syed Akbaruddin cho biết sáng thứ năm: "Cả nước Ấn đang lo lắng. Nhưng mà sự gây hấn còn nằm trong vòng địa lý có giới hạn. Mục tiêu của chúng ta là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trở về nguyên trạng trước khi lấn lướt nhau".

Cuộc viếng thăm Bắc Kinh vào ngày 9 tháng năm của ngoại trưởng Ấn Độ sẽ xảy ra như dự định. Tân thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ công du Dehli, chỉ còn thiếu thông báo ngày giờ mà thôi. Tuy nhiên sau cái bắt tay trước đây, nên biết rằng cả hai chuyến công du đang được suy xét lại. Nếu hai chuyến công du đôi bên bị hủy bỏ, điều đó có nghĩa là đang bước vào khủng hoảng ngoại giao. Quân đội Ấn Độ sẽ có nỗi lo lắng lớn hơn nữa.

Ấn Độ đã được Liên Xô cũ trang bị vũ khí nhiều năm thành quân đội lớn thứ ba thế giới và năm 2010 cũng là nước mua vũ khí nhiều nhất địa cầu. Nhưng rồi vì nạn quan liêu dai dẳng, đình trệ vụ mua sắm vũ khí, tham nhũng nặng nề và một hạ tầng cơ sở vá víu, Ấn Độ giờ đây không đủ khả năng chống lại Quân đội Giải phóng Nhân dân. Trong khi Trung Quốc ra sức đẩy mạnh xây dựng rất nhiều đường sá và đường rầy ở khu biên giới giáp Ấn Độ, thì Ấn Độ chỉ làm được 17 con đường của 75 con đường được cho là mang tầm quan trọng về chiến lược trong vùng tranh chấp.

"Chiến thuật chuỗi ngọc" mạo hiểm của Bắc Kinh

Một viên chức sĩ quan biên giới Ấn Độ cảnh báo, "Do điều kiện giao thông quá tốt của họ, Trung Quốc có thể điều động nhiều đơn vị trong vòng một tháng, rồi chúng ta trở thành miếng mồi ngon". Trễ nhất là từ khi hiệp ước nguyên tử giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ được ký kết năm 2005 và quan hệ quân sự ngày một tăng giữa Tân Đề Li và Hoa Thịnh Đốn, Trung Quốc đi màn chính sách gây hấn với Ấn Độ. Cũng như đối đầu cứng rắn chống lại nước láng giềng là toàn bộ chiến lược của Trung Quốc hiện nay đe dọa bao vây cô lập Ấn Độ.

Bắc Kinh đã bành trướng "chiến thuật chuỗi ngọc" với tất cả các quốc gia phía Nam Ấn Độ Dương. Ở Miến Điện họ đã xây đường sá và mạng lưới đường rây xe lửa, ở Sri Lanka họ xây hải cảng sâu và phi trường. Ở quần đảo Maldives, Trung Nguyên đã mướn cả một hòn đảo để làm căn cứ tàu ngầm nguyên tử.

Ông Rahul Bedi của tạp chí quân sự "Jane's Defence Weekly" cho biết, "tám mươi phần trăm buôn bán trên thế giới đặc biệt dầu khí và xăng được vận chuyển ngang qua Ấn Độ Dương và Trung Quốc hiện nay đã là quốc gia thải khí độc CO2 đứng nhì thế giới".


Ấn Độ giữa gọng kiềm Trung Quốc và Pakistan

Cũng có những cố gắng hợp tác vài lãnh vực với nhau. Trong những tháng gần đây Trung Quốc và Ấn Độ đã nhận mối bang giao song phương qua ngõ A Phú Hãn, nơi cả hai nước vào đầu tư. Hầu hết là thương vụ chung quanh việc chống khủng bố. Trung Quốc là đối tác giao thương lớn nhất của Ấn Độ. Thương vụ giữa con rồng và con cọp đã lên đến 4 tỉ euro vào năm 2002 và lên 57 tỉ trong năm 2011. Tuy vậy sau 15 lần đàm phán từ khi xảy ra chiến tranh vào thập niên 60 đến nay, vấn đề biên giới vẫn tiếp tục không thể giải quyết được.

Những viên chức sĩ quan quân đội Ấn đứng mặt đối mặt với người Trung Quốc ở Daulat Beg Oldi lại có thêm nỗi lo khác. Trung Quốc là đồng minh thân cận và bán vũ khí quan trọng nhất cho Pakistan, kẻ thù truyền kiếp của Ấn Độ. Bắc Kinh mua quyền quản lý của hải cảng Gwadar thuộc Pakistan và chia xẻ kỹ thuật hạch tâm [anh Tê ;)] cho Islamabad.

Khoảng 10 ngàn lính của Quân đội Giải phóng Nhân dân đang đóng quân để "xây dựng hạ tầng cơ sở" tại Kashmir bên địa phận thuộc quyền kiểm soát của Pakistan. Chỉ cách đó vài cây số đường về phía Bắc là nơi xảy ra căng thẳng kéo dài Ladakh. Vị viên chức sĩ quan quân đội cảnh báo, "nếu như Pakistan bị thuyết phục quấy rầy chúng tôi phải đối phó ở vùng biên giới khác của chúng tôi với họ, thì Trung Quốc sẽ hợp nhất vùng chiếm đóng biên giới này. Bây giờ là thời điểm tốt nhất để chúng tôi nắm lấy quỹ đạo".


(* dịch từ Wenn indischer Tiger und chinesischer Drache kämpfen (http://www.welt.de/politik/ausland/article115818030/Wenn-indischer-Tiger-und-chinesischer-Drache-kaempfen.html) )

Triển
05-02-2013, 11:04 PM
So sánh tương quan lực lượng giữa cọp và rồng...


http://www.welt.de/img/ausland/origs115818024/2069729354-w900-h600/DWO-MilitaerischeRiesen-2-.jpg
(* nguồn ảnh từ bài Wenn indischer Tiger und chinesischer Drache kämpfen (http://www.welt.de/politik/ausland/article115818030/Wenn-indischer-Tiger-und-chinesischer-Drache-kaempfen.html) )



Chú giải:

Soldaten: lính tráng
Reservisten: lính trừ bị
Paramilitärs: lính bán chuyên nghiệp
Panzer: xe tăng
U-Boote: tàu ngầm
Kampfflugzeuge: chiến đấu cơ
Flugzeugträger: hàng không mẫu hạm