PDA

View Full Version : Nhạc tiền chiến - nghe lại ngày xưa



tieudao
09-16-2013, 05:26 AM
1. DƯ ÂM – MỘT THUỞ
Mỗi người trong đời có chút duyên với nhạc với đời trong khoảnh khắc đó sự thăng hoa ngẫu ngộ đã để lại những tác phẩm không vào giờ nhạc phai trong lòng người. Nguyễn Văn Tý là một nhạc sỹ như vậy.
Xin giới thiệu bài viết của Nghệ sỹ Minh Hiển như một hoài vãng mà ai trong chúng ta hữu duyên đã từng gặp và thương hoài …. Một thuở … ngày xưa
http://i224.photobucket.com/albums/dd284/dk1111/DuAmNVT-1.jpg?rnd=1271307374191

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
Nghệ sĩ ưu tú Minh Hiển
Vừa vào Thành phố Hồ Chí Minh, nghe tin anh Nguyễn Văn Tý ốm nằm ở bệnh viện, tôi và nghệ sĩ sáo Đinh Thìn vội đến thăm anh. Cùng đi với chúng tôi có anh Đinh Phương, cũng người quê ở Khu 4, một tiến sĩ rất yêu quý nghệ sĩ.
Anh Tý nằm ở khoa tim mạch, anh bị đau tim và rối loạn tuần hoàn mạch máu não.
Gặp nhau chúng tôi rất mừng vì anh không đến nỗi ốm nặng. Tôi giới thiệu các bạn với anh. Chúng tôi ôn lại những ngày kháng chiến.
Mới cách nhau vài năm mà tóc anh đã bạc trắng, vui câu chuyện tôi đùa: Phải chăng “nhớ em mấy thuở bạc đầu”? Và cũng do đó đã nhắc đến bài Dư âm.
Nghe nói đến hai chữ Dư âm, anh Tý bỗng im lặng trầm tư.
Đinh Thìn hỏi: Anh Tý sáng tác Dư âm vào năm nào?
Anh Tý ngẩng mặt lên, nhìn về phía xa xăm, không trả lời thẳng câu hỏi mà thong thả kể, như tự nói với mình:
Hồi đó tôi có người bạn rất thân tên là Thủy, anh ấy rủ tôi về chơi nhà người chị của anh ấy ở một làng ven biển Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Nơi đây gạo trắng nước trong
Đường làng cát mịn, đỏ hồng gót chân.
Chị anh ấy có hai người con gái, cô chị tên là Hà, kém tôi dăm ba tuổi, cô em là Hoàng đang học lớp 10. Hình như bạn tôi muốn tôi làm quen với cháu anh, cô Hà. Khi tôi đến, gia đình niềm nở đón tiếp. Hà, một cô gái khá xinh, có đôi má lúm đồng tiền, đun nước pha chè, thứ chè xanh vừa hái ở vườn, vò nát, chế nước sôi, uống rất thơm và ngon.
Hà ngồi lại tiếp tôi. Chúng tôi nói chuyện với nhau về văn thơ, về ca nhạc. Hà yêu cầu tôi hát một số bài của tôi đang thịnh hành và những bài vừa sáng tác. Hà thông minh, sắc sảo.
Trong lúc đang nói chuyện với Hà, tự nhiên tôi cảm thấy hình như có đôi mắt nào đó đang nhìn tôi.
Khi Hà đi vào nhà trong pha thêm nước vào chè, như một phản ứng tự nhiên tôi quay lại đằng sau thì bắt gặp một cặp mắt với bờ mi dài rậm đang chăm chăm nhìn tôi, đôi mắt của một cô gái, không, của một cô bé khoảng 15 tuổi, đôi mắt như hai giếng nước trong tĩnh lặng với một chiều sâu thăm thẳm, đôi mắt như biết xóa đi những ham muốn trần tục, nhưng lại có một cái gì đó thật hấp dẫn, thật lôi cuốn. Tôi choáng ngợp vì sự hiện diện bất ngờ của cô bé. Đó là Hoàng, em ruột của Hà.
Vừa lúc đó có tiếng dép của Hà, bờ mi khép lại, đôi mắt biến mất.
Hà đưa tôi xem tập ca dao cô vừa mới sưu tầm, nhờ tôi góp ý sắp xếp. Cô trình bài ý đồ, tôi chăm chú lắng nghe nhưng thật ra chẳng hiểu gì cả.
Vừa lúc ấy đôi mắt lại xuất hiện, Hoàng bước nhẹ đến sau lưng chị, Hà không để ý vẫn say sưa nói.
Giữa ánh sáng rực rỡ của chiều tà, Hoàng càng đẹp lộng lẫy hơn, một vẻ đẹp đến nín thở, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng với mái tóc đen nhánh chảy dài xuống đôi bờ vai đến tận lưng như một giòng suối, và… đặc biệt vẫn là đôi mắt, bây giờ không tĩnh lặng mà long lanh, lấp lánh như mặt hồ xao động, đôi mắt biết nói, biết cười, biết giận hờn, biết nuôi khát vọng, biết cầu xin và rõ ràng… biết yêu. Nhìn vào đôi mắt Hoàng tôi bị phân tâm, tôi không còn hiểu gì, nghe gì thấy gì nữa.
Hà ngước mắt nhìn tôi, thấy tôi cứ chăm chăm nhìn vào một điểm trên đầu nàng, nàng vội đưa vuốt tóc, nhưng rồi nàng quay mặt lại và thấy Hoàng, em mình, đang đứng đằng sau, bốn mắt Hoàng và tôi đang nhìn nhau đắm đuối, Hà chợt hiểu, vùng vằng bỏ đi.
Tôi như tỉnh cơn mê, còn Hoàng thì bỏ chạy theo chị vào nhà trong.
Mấy tháng sau tôi mới gặp lại Thủy, anh cho tôi biết anh và Hà, hai cậu cháu, đã cãi nhau. Hà nhất định không đồng ý để cậu Thủy đưa tôi về chơi nhà, còn Thủy thì cứ muốn đưa bạn về.
Anh trách tôi: Cậu vụng về thế nào để Hà giận ghê thế? Chắc lại chê thơ của nó chứ gì? Đối với phụ nữ như thế là không được, thiếu tâm lý.
- Không, tôi không hề chê một câu nào.
Thủy ngạc nhiên nhưng rồi như chợt hiểu:
- À, hay cậu khen nó quá lời? Con bé ấy tinh lắm, không dối nó được đâu, nó ghét nhất là tính dối trá.
- Không, tôi cũng chưa hề khen một câu nào.
- Thế nghĩa là thế nào? Không khen, không chê, cậu nghe xong rồi cứ ngồi im à?
- Vâng.
- Thôi chết! Thế thì còn nặng gấp mấy lần. Như thế là nó cho cậu coi thường tài năng của nó. May mà cậu chưa khen: chữ viết đẹp và trình bài trang nhã đấy! Thôi cậu phải đến nhà mình xin lỗi cháu tôi, sau đó phải khen vài câu rồi hãy góp ý kiến một cách thẳng thắn. Nói thật, mình rất muốn cậu trở thành cháu của mình, đừng tự ái nhé!
Tôi chân thành trả lời: Vâng, tôi cũng rất muốn trở thành cháu của anh (tất nhiên với một nghĩa hoàn toàn khác).
Thủy lại đưa tôi về nhà vào một buổi chiều hè. Tiếng sáo diều vi vu trên cánh đồng êm ả đượm hương thơm mùi cốm.
Anh mời tôi ngồi ở bộ ghế mây đặt tại góc hiên nhà, nhìn ra một sân gạch rộng. Anh pha chè mời tôi uống, còn anh phải lên phố huyện có tí việc, anh nháy mắt khuyên tôi hãy kiên trì.
Tôi ngồi đợi mãi chẳng thấy ai ra. Chè đã nhạt nước và hoàng hôn đã buông xuống, hình như tôi đã bị bỏ quên. Tôi định đứng vậy ra về thì vừa lúc ấy, không phải Hà mà cô bé Hoàng tóc ướt sũng đang từ trong nhà đi ra sân, đến ngồi trên tường hoa, quay lưng về phía tôi, mặt hướng về phía chân trời xa, thỉnh thoảng nàng ngửa đầu rũ rũ tóc để hong gió.
Nàng có biết là tôi đang ngồi trong góc hiên này không? Tôi cũng không hiểu sao nàng lại gội đầu vào lúc chiều muộn và hương bưởi thoang thoảng không biết có phải từ mái tóc nàng tỏa ra hay không…
Tôi lặng yên ngồi ngắm nàng trong ánh hoàng hôn, một vẻ đẹp thơ ngây, kỳ diệu, lung linh, huyền bí.
Tôi, tuy chưa đến tuổi ba mươi, nhưng cũng đã trải qua bao đau khổ ê chề của cuộc sống; từ lâu tôi đã biết cái gì là thực tế có thể đạt được và cái gì là không thể được. Cô bé đẹp ngồi kia là một giấc mơ không thể với tới được, mà thậm chí cũng không dám nghĩ đến nữa, vì tuổi tôi gần gấp đôi tuổi nàng. Mẹ nàng, cậu nàng, chị nàng và có lẽ cả nàng cũng không bao giờ chấp nhận, vậy thì chớ có dại dột đuổi theo ảo vọng!
Trăng lên, nàng đi vào nhà và lấy cây đàn ghi ta ra. Nàng gẩy nhẹ dây dạo nhạc và khe khẽ hát như để riêng cho riêng mình nghe. Ánh trăng trải dài trên suối tóc. Tiếng hát to dần.
Tôi lắng nghe đến sững sờ giọng hát trong vắt, ngọt ngào mà sâu lắng của cô gái nhỏ. Tiếng hát nói lên sự khát khao và ước vọng, thương cho người cô lữ đêm đông không nhà, khóc cho những mối tình thầm kín đã vỡ, những giấc mộng tuổi thơ đã chết.
Ngồi trong bóng tối mắt tôi ứa lệ, tôi xúc động đến thấy ớn lạnh ở xương sống.
Bỗng tiếng hát cất lên cao vút pha lẫn những tiếng nấc nghẹn ngào.
Tôi chết lặng theo tiếng hát buốt nhói của con tim đau khổ, đầy lòng bác ái, vị tha. Tôi ngồi đó, lặng yên như hóa đá…
Năm 1950 tôi gia nhập quân đội nhân dân và được cử làm Đoàn trưởng Đoàn văn công Sư đoàn 304.
Một đêm, sau khi tôi đi kiểm tra đơn vị về, dưới ánh trăng trong, trên cánh đồng bát ngát dậy hương cốm, những kỷ niệm ở làng ven biển sống lại trong tôi, những nét nhạc tự nó mang âm vang thôi thúc. Sợ nó biến mất mà không kịp ghi lại, tôi vội xách cây đèn bão xuống nhà bếp, hạ cái nia xuống đất, lấy tấm cót vây quanh để che ánh sáng đề phòng máy bay địch tập kích. Tôi chui vào ngồi giữa cái nia như ngồi trong lòng giếng, gẩy đàn và sáng tác. Có lẽ không phải tôi sáng tác mà tôi chỉ ghi lại những gì vốn có trong đêm trăng ấy:
“Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ
Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ
Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn sóng
Yêu ai em nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa xôi…”
… và nét nhạc cũng tự thân nó trào ra như một giòng suối uyển chuyển, nhịp nhàng theo lời ca.
Như vậy là bài hát Dư âm đã được sáng tác chỉ trong một đêm, trên một tấm nia có tấm cót vây quanh.
Nó là bài hát bỏ túi, riêng tư cho mình và cho các bạn rất thân, nhưng không biết tự bao giờ nó đã phổ biến.
Năm 1957, công tác ở Hội nhạc sĩ, tôi đi về Vĩnh Yên, Vĩnh Phú sưu tầm dân ca. Một buổi chiều đang đi trên cánh đồng rộng mênh mông thì trời nổi giông, nhìn quanh không có nhà cửa, chỉ có một doanh trại bộ đội gần đấy. Tôi vào phòng trực, đưa giấy tờ định sẽ xin trú lại qua đêm với lời hứa sẽ sáng tác cho bộ đội một ca khúc.
Tôi lững thững đi vào doanh trại thì có một nữ chiến sĩ dáng cao cao, mặc quân phục mới, đầu đội mũ cối, quai hạ xuống cằm, đi ra.
Từ xa tôi đã ngờ ngợ thấy một bóng dáng nào đó rất quen. Đến gần chỉ còn độ dăm bước thì tôi chợt nhận ra Hoàng, chính là Hoàng. Tôi dừng lại, ngỡ ngàng, rồi quay gót đi nhanh như chạy trốn, ra phòng thường trực xin lại giấy giới thiệu, bỏ đi dưới trời mưa tầm tã.
Sao tôi lại chạy trốn Hoàng?
- Không, tôi không chạy trốn nàng mà tôi chạy trốn chính những ảo vọng đã bừng cháy trong tôi, tôi sợ nó tan vỡ. Chỉ có một điều tôi băn khoăn mãi là liệu nàng có kịp nhận ra tôi không?
Năm 1962, ở Hà Nội, một hôm tôi thấy Hoàng – vẫn mặc áo quần bộ đội nhưng đã trải màu sương gió – đang đi vào hiệu sách cạnh nhà tôi. Mười ba năm đã trôi qua rồi còn gì! Tôi quyết định sẽ gặp Hoàng, tôi đứng ở cửa chính để chờ. Rõ ràng có lần nàng quay lại nhìn tôi, bỗng nàng lách vội qua cửa phụ rồi biến mất.
Đấy, cuộc đời là sự trả giá! Tôi đã chạy trốn nàng thì bây giờ nàng lại tránh mặt tôi.
Từ bấy đến nay tôi chưa bao giờ gặp lại nàng. Tất cả đã qua đi và cánh cửa quá khứ đã khép lại. Dư âm chỉ là một mối tình không một lời nói, không một nụ hôn… và… cũng có thể là một mối tình đơn phương, một ảo ảnh mà thôi.
- Thế anh có biết chị Hoàng bây giờ làm gì và ở đâu không?
- Nào tôi có biết!
Lúc này Đinh Phương lên tiếng: Anh Tý ạ, tôi cũng người Quỳnh Lưu đây! Nhà Hoàng ở cách nhà tôi không xa. Em gái tôi là Diệu Hương học cùng lớp với Hoàng, hai đứa chơi thân với nhau. Qua Hương, tôi biết Hoàng rất quí mến anh. Khi bài Dư âm của anh không biết từ đâu lọt về trường, Hoàng là người dám công khai trình diễn và là người trình diễn đầu tiên. Có lúc cô bé ngồi nhìn bản nhạc một mình rồi cười khúc khích.
Nhưng rồi ngày tháng trôi qua, đến học kỳ sau có một điều làm chúng tôi ngạc nhiên: Hoàng vốn hồn nhiên, nhí nhảnh là vậy, bỗng trở nên trầm tư, ít nói, hay buồn, hình như có điều gì khắc khoải chờ mong. Hoàng thích sống cô đơn ngay giữa những người thân: mẹ, chị, cậu, bè bạn…
Có lần Hoàng nhìn bầy ong trong vườn và nói với Hương: Con ong bay đi tìm hoa hút nhụy về làm mật, rồi sẽ chẳng bao giờ trở lại với đóa hoa ấy nữa. Ai có thể trách nó là bạc bẽo hay vô tình! Nó hiến dâng đời vị ngọt mà nó đã dùng cả trái tim mình chắt lọc ra.
Hương cãi lại: Nhưng hoa cũng phải tự hào vì đã được đóng góp sức mình cho những giọt mật đó.
Hoàng nói với giọng lạnh lùng: Mật có loạt ngọt… mà cũng có loại đắng lắm!
Cũng từ dạo đó Hoàng hầu như không bao giờ hát nữa, hoặc có chăng chỉ hát một bài… Dư âm.
Tiếng hát của nàng tha thiết:
“Dư âm tiếng hát reo trong lòng anh bao nhớ nhung
Đê mê lòng nhớ đêm qua giấc mơ, môi em hé rung
Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió
Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây, muôn kiếp bên nàng”.

Vâng, Hoàng đã đổi chữ “đàn” thành chữ “nàng”. Hoàng cho rằng tác giả đã vô ý chép sai (?)
Nhưng có một điều trái nghịch mà tôi và em tôi đều thấy: khi hát Dư âm mắt Hoàng ngấn lệ. Hình như Hoàng đang khóc cho một cái gì rất đẹp, rất cao thượng đã chết.
Anh Tý như người mất hồn, lẩm bẩm: Lỗi tại tôi! Nàng cho tôi là kẻ vô tình… Từ giờ đến khi nhắm mắt nhất định tôi phải tìm gặp Hoàng để nói với Hoàng một câu, chỉ một câu thôi: Không! Anh không phải là người như thế!
Anh lặng đi hồi lâu, ngồi im bất động.
Sợ anh bị ảnh hưởng đến tim, tôi cầm tay anh an ủi:
- Dù sao hôm nay anh cũng biết được một tin vui về Hoàng, đó cũng là niềm an ủi trong cuộc đời. Tất cả không phải là ảo ảnh mà đã gần với sự thật hơn
Anh Tý buồn rầu nói: Chính vì vậy tôi càng thấy tôi có lỗi lớn hơn biết bao! Giá chi…
Cuộc đời của mỗi người, nói cho cùng rồi cũng qua đi, còn lại chăng chỉ là dư âm của một thời dĩ vãng, lắng đọng mãi trong lòng chúng ta.

tieudao
09-16-2013, 07:34 AM
2. Đêm Đông – Bản du ca bất tuyệt của Lữ khách Nguyễn Văn Thương.
Hà Nội, đêm giao thừa tết (Kỷ Mão) 1939… Một chàng học sinh gốc Huế lang thang trên con Phố Khâm Thiên trong cơn mưa rét não nùng. Trên bước lang thang u buồn nhớ quê, chàng gặp một cô đào đang ủ rũ soi gương đợi giao thừa trong tê tái. Chợt một giai điệu chợt bât ra từ tâm khảm:
"Ðêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu
Ðêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai trông chồng
Ðêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư
Ðêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng.."
Nhạc phẩm “Đêm đông” ra đời như thế.
https://lh3.googleusercontent.com/-DcQ_LflkMOk/TtuGLqJ9JGI/AAAAAAAAEVQ/gXWCpe6MddE/s800/Dem%2520dong.jpg

Hedeigger nói rằng : “ Người cô độc thực sự là cô độc ngay trên chính quê hương mình”. Đã từng có một tuổi học sinh lang thang tại Huế. Nơi đã dạy cho tuổi học sinh biết bước di thê đầu đời của một loài thiên di. Trong những đêm rét của xứ sở mưa mùa, nghe Đêm Đông ở Quán cà phê Chiều bên đường phượng bay. Không còn đủ tiền cho một ly cà phê, chỉ được ngồi trước nội thành nghe lén Đêm đông cũng đủ tái tê lòng lữ khách

tieudao
09-17-2013, 12:41 AM
3. Chuỗi nhạc "Thu quyến rũ" của Công tử họ Đoàn:
Xuất thân từ một đại gia - một nhãn hiệu nước mắm nổi tiếng đất Hải Phòng, Đoàn Chuẩn đã để lại những mùa thu tình yêu quyến rũ nhất trong nhạc tiền chiến. Trong khoản chừng 22 nhạc phẩm của ông có khoản 16 nhạc phẩm viết về mùa thu: tà áo xanh, thu quyến rũ, gửi gió cho mây ngàn bay..... Đoàn công tử có 2 sở thích nổi tiếng: Sưu tầm xe hơi và chơi nhạc .... Nhưng người nghe nhạc biết ông vì chuỗi bài viết về mùa thu đầy quyến rũ: thu đi cho lá vàng bay, lá rơi cho đám cưới về, ngày mai người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa tình duyên đành dứt .... Anh mong chờ mua thu trái đát kia ngã màu xanh lơ ....
Chỉ riêng duy nhất một bài viết về mùa xuân cũng là một tuyệt tác: Gửi người em gái Miền Nam : cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng....
http://i58.photobucket.com/albums/g270/maylangthang_04/ThuQuyenRu-lyric.jpg
Nghe nhạc mùa thu của ông luôn đọng lại vị đậm đà như uống cà phê tây nguyên hay nhấp một ngụm trà bắc thái trong cái se lạnh cuối thu. Nó luôn đọng lại một dư vị xót xa của sự lỡ làng như thơ Nguyễn Bính:
Huyền trân ơ!
Mùa xuân, mùa xuân, mùa xuân rồi
Ngoài kia chín vạn bông trời nở
Chỉ có tình ta khép lại thôi....

tieudao
09-17-2013, 08:20 PM
4. Đặng thế phong - Ánh sao băng tiên phong của âm nhạc tiền chiến.
Có những con người tài hoa không chịu dừng chân chỉ đi lướt cõi đời và nghệ thuật nhưng hình bóng của họ kịp lưu lại hết sức đậm nét trên bầu trời như một ánh sao băng để ta hoài tiếc nuối: Đó là Đặng thế Phong. Âm hưởng nhạc ông sẽ dùng đúng những chữ: Vạn cổ sầu. Đây cũng là tựa đề đầu tiên của bài Giọt mưa thu mà sau này ông đã sửa tên lại. Chỉ để lại 3 nhạc phẩm: Đêm thu, Con thuyền không bến, Giọt mưa thu ... nhưng là những nhạc phẩm ảnh hưởng lớn đến dòng nhạc thu mà Văn Cao và Đoàn Chuẩn tiếp nối. Con thuyền không bến là nhạc phẩm được nhiều người biết với những tâm sự thật buồn: Đêm nay thu sang cùng heo may, đêm nay sương giăng mờ chân mây... Bài giọt mưa thu được viết trong những ngày cuối đời trong cái mưa khắc khoải của mùa thu đất Bắc: Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi, trời lắng u sầu .... Ôi thật là sầu vạn cổ. Nếu Rimbault có nghe nhạc của Đặng Thế Phong chắc phải sửa lại thơ của mình: Một mùa địa ngục thành bốn mùa địa ngục ....
http://i321.photobucket.com/albums/nn364/honghot2007/giotmuathu.jpg
Ở quê mình khi có ánh sao băng lướt qua thì người ta cầu nguyện. Thôi thi chúng ta cùng cầu nguyện, cầu nguyện rằng: nền âm nhạc việt nam ngày càng nhiều những người tài hoa, và họ hãy ở lại nhiều hơn với nhân gian không chỉ bằng nhạc phẩm của mình.

tieudao
09-19-2013, 09:38 PM
5. Bao giờ gặp lại em - Nhật Ngân
http://baotreonline.com/images/stories/BAOTREONLINE/GIAITRI/am-nhac/dallas764_vannghe_01.jpg
Thật đáng chần chừ khi xếp ông vào dòng nhạc tiền chiến. Nhưng "Bao giờ gặp lại em" có lẽ là bài nhạc nói về những cuộc lưu biệt phản chiến thuộc hàng xuất sắc nhất. Có thể thấy một Nhật Ngân rất gần với Remarque trong "bản du ca của loài người không còn đất sống". Với tác phẩm này, ông đã vượt khỏi tầm của một người cầm súng nói về "bên ni, bên nớ" như Phạm duy đã vướng vào cõi tục lụy đó. Bài hát như một câu chuyện kể về đoàn người ly hương: em theo đoàn lưu dân, bờ vai em nhỏ quá trời. Em theo đoàn lưu dân bờ vai thấm nồng bông bí nụ.... Nếu trong "Đôi mắt người Sơn Tây" của Quang Dũng còn niềm u uẩn chiều lưu lạc, thì bờ vai người em gái trong đoàn ly hương thấm nồng bông bí nụ đã đi tới khúc du ca cuối cùng của cõi hỗn mang chiến trận của trời Nam.
... Ôi, đường xa vạn dặm, biết bao giờ gặp lại em...