PDA

View Full Version : Hồi Tưởng Khúc CHƯA LẦN THỦY THỦ - NhàQuê



NhàQuê
10-28-2013, 04:19 PM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 1: Gợi Ý

Dự định sau Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG sẽ dành thời gian ngơi nghỉ và cũng bí đề tài, vậy mà mỗi lần toan tính như thế thì trong tận cùng sâu thẳm của suy nghĩ ... hình như có cái gì đó ray rứt, ... thì ra từ khi ghé qua vùng chữ nghĩa tới nay đã mang căn bịnh GHIỀN viết rất nặng ... Nhờ một người bạn thân gợi ý ...

Giỏi!!!!

Đây xuồng ba lá Lão ra khơi
Ôn hết nhiêu khê lẩn hạnh… thời
Đêm biển đen ngòm giông chực quét
Ngày mây ảm đạm sóng không ngơi
Sau lo Mẹ đuổi cong … đuôi chạy
Trước sợ Tặc gườm thót ruột bơi
Nhớ nắm tôm khô chai rượu đế
Còn tìm chưa được chỗ nhâm chơi…

GHH 11.05.13


Vậy còn chờ "công an tới" hay chờ gì nữa mà không ghi lại về chuyến hải hành!


Chưa Lần Thủy Thủ

Theo gợi ý viết về chuyện cũ
Hăm mấy năm ngủ tận ngõ sâu
Giờ nói tới theo nhau thức dậy
Nghe đâu đây vẳng sóng bạc đầu

Chiếc thuyền nhỏ trên triền may rủi
Dần xa quê bầm giập kiếp người
Nương đêm đen một lần thử vận
Hành trang buồn dong ruổi ra khơi

Chiếc ghe đó hành trình đơn độc
Áng mây đen che khuất đường đi
Không thể nói tài ba trước biển
Giữa bao la người chẳng là gì

Rằng biết đó mong manh số kiếp
Thân nơi quê đã đến ngõ cùng
Quyết ra khơi không gì lay chuyển
Hy vọng mùa đang lúc "đồng chung"

Ngang đảo Côn chờn vờn núi tím
Khói trắng lên từng cụm hòa mây
Đêm đầu tiên xa rời đất tổ
Ngọn hải đăng thầm tiễn vẫy tay

Những vùng sáng ngỡ đâu thành phố
Đèn đỏ xanh vào hội hoa đăng
Trên trục đi càng gần mới hiểu
Đoàn ngư thuyền nối tiếp giăng giăng

Họ lại sợ mình qua rách lưới
Khoát tay xua đừng tiến đến gần
Kể từ đó mây xà thật thấp
Cơn bão đầu chụp xuống hung hăng

Ghe đi sông khó lòng gối sóng
Cùng bàn nhau trở hướng thuận xuôi
Chạy chầm chậm chờ qua bão dữ
Phút nguy nan phó thác cùng trời

Đêm hôm trước qua vùng biển lạ
Giấc chập chờn nghe giọng tỉ tê
Lẫn than khóc từ đâu vọng lại
Hay hồn oan uổng tử hiện về

Bão đã tan quay đầu trở lại
May mắn sao lúc ấy ban ngày
Giờ mới hiểu ý câu xưa học
Sau cơn mưa trời đẹp lắm thay

Từ ban trưa biển êm khoe vẻ
Cá tung mình bay lượn trên không
Đàn hải âu no nê đáp nghỉ
Đại dương hiền thảm trải mênh mông

Ngày thứ tư từng đàn ghe lưới
Họ ra khơi mình chếch vô bờ
Hy vọng thêm khoảng đường còn ngắn
Chờ phía trời chút khói lơ thơ

Màu nước chàm trở xanh nhạt bớt
Nhìn xuống sâu cá mẹ cõng con
Bơi nhởn nhơ ... cùng đàn cùng loại
Trông trẻ thơ ... rồi bỗng dưng buồn

Sáng ngày cuối niềm vui hiện rõ
Rác trái trôi bọt trắng thành hàng
Dấu báo hiêu bờ còn gần lắm
Chỉ sợ ngầm đá chạm vỡ tan

Trên hướng tiến nhô lên xanh núi
Ngày càng cao hy vọng chiều nay
Đặt chân bước lên bờ hoặc đảo
Miễn đừng sao vào rọ bẫy gài

Những ghe tàu gặp ngang hay đậu
Rất khác xa về dáng về hình
Màu sặc sỡ mũi không vẽ mắt
Người sậm da càng vững niềm tin

Qua ống dòm kiểm thêm cho rõ
Về loại cây cũng giống quê ta
Y phục vận hoàn toàn khác biệt
Trên bờ kia lác đác vài nhà

Nhảy xuống bãi gặp đầu tiên hỏi
Thì ra còn ranh giới Thái Lan
Phóng lên ghe quay ra gấp rút
Và hành trình tiếp tục xuôi Nam

Trong nhấy nháy tàu tuần duyên rượt
Bắt cập vô hỏi xét một hồi
Biết ý định muốn qua xứ Mã
Họ trỏ tay phía trước ... gần thôi

Mốc thiên nhiên làm ranh hai nước
Một con sông vàm lớn chỉ bằng
Từ Cái Cối nhìn qua phía chợ
Giờ chỉ cần mấy phút ngang băng

Trong tầm mắt nhà cao thành phố
Nhìn vô bờ trại lính cờ bay
Nằm dưới dãy phi lao ngọn vẫy
Đang tính tìm chỗ đợi sáng mai

Năm ngày phải chú tâm đối phó
Với hiểm nguy chưa chút thảnh thơi
Mấy chai rượu vẫn còn nguyên vẹn
Định mừng nhau còn sống trên đời

Lính biên phòng giơ cao súng vẫy
Trước đạn đồng dự tính xếp bên
Đành quay vô hướng bờ ủi bãi
Và cuối cùng nước bạn bước lên

Trừ áo quần .... còn nhiêu bỏ lại
Tập trung người ... phun thuốc vệ sinh
Lập danh sách ... nhận phần ăn tối
Ngẫm "được - thua" mà tủi "người" mình

Kể từ đó trở thành trưởng toán
Vốn tiếng Anh không đủ ... tay quơ
Thứ ngôn ngữ trời cho nhân loại
Lại hiểu nhau một cách không ngờ

Cộng thêm nữa thấy hình xưa lính
Nghiêm chỉnh chào ... hiểu nỗi niềm nhau
Của những kẻ vào ra gian khó
Khác một nơi giáng khổ lên đầu

Tối đêm đó cơn mưa gió lớn
Mới thấy rằng may thật là may
Sáng thuyền manh đã vùi ngập cát
Còn lênh đênh chắc hẳn tan thây

Trưa hôm sau bữa ăn ngon lạ
Từ nhà hàng thành phố mang vô
Có món cá "ca - ri" nóng hổi
Nay nhắc ra ...ai cũng trầm trồ

Xin "Tạ Ơn Tình Người" tay nắm
Đã đi theo từ đó cuộc đời
Kẻ hải hành "Chưa Lần Thủy Thủ"
Và phút đầu khi đã đến nơi


NhàQuê May 17, 2013

(Viết Lại Sau Khi Bị Mất Do Bất Cẩn)

NhàQuê
10-28-2013, 04:21 PM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 2: Tưởng Đâu

Những không ngờ nối tiếp không ngờ, cho đến nay phải đành tin số mạng ... vì vậy xin được nói về những chuyện bản thân đôi chút, dù biết rằng "nói về cái ta" là điều cấm kỵ!

Vốn tôi không thích di dời chỗ ở hay công việc, vậy mà phải trải qua 3 lần mà mỗi lần đều thành khúc quanh gắt trong đời và cả ba chúng liên quan chằng chịt nhau, mới nghiệt chớ!... ai mà muốn vậy!

* Đang đứng giảng bài nghe tiếng gõ cửa, nhìn ra thấy thằng bạn cũ hồi học lớp tư trường làng, giờ nó làm cái gì đó trong văn phòng quận , nó ra dấu muốn gặp ... Thì ra nó tới giao tận tay "Lịnh Gọi Nhập Ngũ" ... sở dĩ nó phải giao tận tay vì địa chỉ cư trú lúc "kiểm tra trưng binh" thì ở xã hiện đang là vùng "giải phóng" không tống đạt được, nên xã lưu vong phải trả lịnh gọi trở về quận và nó sốt sắng chuyển giao ...cái thằng bạn mắc dịch !

Thôi từ giã "các trò", thầy ra làm quan!

Nhớ lại lúc còn đi học, trong những dịp nghỉ Hè về quê "mấy ảnh" tới rủ rê đi "giải phóng" sẽ đưa đi Liên Xô học, nghe thì cũng ham mà biết có qua nổi vài ba bữa không ! Ở rừng ở hầm ớn quá ... Đi làm quan có lính hầu, có xe đi, có lương và có lậu, ...có đủ thứ khỏe hơn!

"Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu" (Chinh Phụ Ngâm)

Chứ kỳ thực , chẳng có lý tưởng quốc gia, công sản khỉ khô gì ráo ... ở đâu theo luật đó! Thế thôi!

Con đường làm quan lại là quan võ không đơn giản chút nào, cũng sống chết trong gang tấc dù rằng suốt thời gian 3 năm trả nợ tang bồng được ở suốt một đơn vị thuộc Biệt Khu Thủ Đô sướng thấy mồ! ... Có lịnh cho về nhiệm sở cũ dạy học lại, mừng húm vậy mà ông Chỉ Huy Trưởng biểu "Cậu ở lại , tôi cho cậu đi học Sinh Ngữ Quân Đội để đi học Mỹ" ... Xin lỗi ... Lạy ông tôi về! .. Tôi nói tôi là người không ưa đi xa mà!

Nhờ có khúc quanh nầy nên được vài món lợi như biết dùng ống dòm, biết dùng la bàn, biết đọc bản đồ, ... để dùng về sau trong khúc quanh thứ 3

** Tưởng vậy là an nhàn rồi, kiếm cơm được rồi .... không đến nỗi "Một Thầy Một Cô Một Chó Cái, ". Thế cũng xong "Đời Cô Lựu".

Ông xếp mời làm "Tổng Giám Thị" .... chê liền! Hồi đi học đã không thích mấy ông bà Chằn nầy, nay lảnh chi cái chức "Cọp Rằn" coi sóc mấy ông bà chằn dưới trướng .... Chờ ít năm đứng lớp không nổi nữa sẽ kiếm chân Thư Viện đọc sách chơi, làm giàu thêm 3 bồ chữ nghĩa!

Chiến tranh đến hồi ác liệt hơn, ngay cả học trò cũng đứa theo tiếng gọi động viên, đứa thoát ly vô rừng cắc bùm hướng vô thành phố ...

Thực tình mà nói, lại thực tình nữa ... tôi không thích cái kiểu chiến tranh gì kỳ cục nầy, như mọi người cũng mong nó tàn lụi cho rồi theo cách nào cũng được ... Ước sao có vậy! Ngày đó đến thật! ...

Tù ... Quản Chế ... Đuổi Nhà ... Không Được Đi Xa Khỏi Xã Ấp, ... Con Không Được Vô Đại Học hay Chuyên Nghiệp ... Chưa từng !

Trong khúc quanh nầy tôi phải đổi chỗ ở tới 2 lần, vô Tù Cải Tạo và phải bán nhà gấp rút lấy 1 lượng vàng trong lúc khi mua, tôi làm "cầu tiêu máy" tốn 4 lượng... Không bán trong vòng 10 ngày "Họ " mượn làm văn phòng gì đó.

Thằng con thi có điểm đáng lẽ "Trường Nào Cũng Vô Được" mà rồi thành "Không Vô Được Trường Nào" ở nhà mấy năm làm Kỹ Sư tát nước mắm.

Việc không được đi học nầy, tôi đi hỏi nhiều nơi lên đến Ban Tuyển Sinh Tỉnh, Ban Tiếp Dân của Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh ... Cấp cao hơn nói "Theo Chánh Sách Thì ĐƯỢC" nhưng về cấp thấp hơn nói "KHÔNG" ...

Cuối cùng Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Huyện đưa qua bên Ban Chỉ Huy Quân Sự Huyện giải quyết và tôi được kêu vô cuộc họp có đầy đủ cấp chỉ huy quân sự huyện ngồi dọc hai bên bàn dài, vị chủ tọa ngồi cạnh ngang một đầu, tôi ở vị trí đối diện .... Tôi phải trình bày những suy nghĩ của tôi mà họ cho rằng tôi đã lên tỉnh "khiếu nại" ...

Và lý do cuối cùng vị sĩ quan có trách nhiệm nói: "Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, anh đã không có đóng góp nào cho Cách Mạng, thì nay anh đừng đòi quyền lợi!"

Hết ý! Đó là chuyện lòng vòng "có giấy của tuyển sinh gọi đi học mà địa phương không cắt hộ khẩu"

Không còn đường nào lựa chọn nữa! .... Quanh gắt

*** 11 năm, phải, đúng 11 năm qua bao nhiêu chuyện tôi chịu đựng được vì tôi không muốn chút nào việc bỏ nước ra đi ... nhiều chuyến đi trót lọt mà trước đó họ có ngỏ ý "mời" tôi ... Giờ cùng đường, đúng là đường cùng chỉ còn cách đó, ... vì vậy khi người bạn rủ, tôi ừ liền

Mọi chuyện chuẩn bị chu đáo về độ vững chắc của ghe thuyền, máy Nhật mới tinh, về trang bị bản đồ, hải bàn, ống dòm, xăng dầu, thực phẩm, nước uống thật hoàn hảo kể cả đường đi phải thao dượt mấy lần cho những chốt những đồn trạm quen mặt .

Chúng tôi lên đường và chúng tôi đã đến


Sau nầy một số người có cả đương quyền cũng công nhận là Tôi Nên Đi
Thế mới biết! Tưởng đâu sẽ được mãi mãi sống chốn quê hương

NhàQuê May 18, 2013

NhàQuê
10-28-2013, 04:22 PM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 3: Chuẩn Bị & Ra Đi

Khi bước lên bờ, tôi còn ngoái lại nhìn lần nữa chiếc ghe không người đang bị sóng nhồi nghiêng ngã, tôi thầm cám ơn chiếc máy Nhật "Yanmar" mới tinh đã làm việc liên tục 5 ngày đêm đưa được 22 người lớn nhỏ đến bờ biển nước Malaysia, phải chi có phép lạ tôi tháo gỡ máy ấy gởi về cho người muốn ra đi, mà tôi tin rằng số người vào lúc đó nhiều hơn muốn ở lại .

Nơi chúng tôi "đổ bộ" vào, thuộc hay gần thành phố Kelantan, cực Bắc của nước Malaysia chỉ cách Thái Lan một con sông nhỏ ... Ở đất nước nầy, cái ghi nhận đầu tiên là không thấy ai nhào lên chiếc thuyền giờ vô chủ đó để "hôi" hay tháo gỡ, khác biệt rất xa trong lúc ở xứ mình thì các đấng "du kích biển" gặp ghe vượt biên hầu như chuyện vơ vét là ưu tiên số 1!

Trên đó chúng tôi còn bánh phồng ăn được mấy cái Tết, còn hàng trăm dừa xiêm, dừa cứng cạy chưa đụng tới, còn cả chục bịch nylon nước ngọt chưa dùng (mỗi bịch 20 lít) và còn cái thạp da lươn nước mưa mà bão chỉ làm rơi nắp xuống biển, xăng dầu còn đủ đi thêm 5 ngày nữa, hai cháu thợ máy tay chưa dính chút nhớt nào, ....

Riêng những tập bản đồ ghi chú điểm đứng từng giai đoạn trên đường đi, các dụng cụ giúp chuyến hải hành được lịnh mang nạp cho giới chức nơi tiếp nhận đầu tiên nầy . Về sau tôi biết họ chuyển tiếp theo nhóm chúng tôi làm vật chứng, vì những cuộc phỏng vấn về an ninh tôi còn gặp lại các món đó khi họ đem ra hỏi ... Họ điều tra xem chúng tôi là người tị nạn thật hay trà trộn ... Sao người ta sợ "trà trộn" quá vậy cà! Thực ra, lại thực ra trên ghe có cậu "nghĩa vụ quân sự" vừa nhận chìm cái nón cối có huy hiệu Quân Đội xuống biển phi tang khi dãy đất liền đã hiện rõ trong ống dòm quan sát từ xa!

Ôi những tấm bản đồ được copy lại đủ những chi tiết cả về độ sâu của vùng biển từ Vũng Tàu đến tận Singapore, ống dòm M1 dùng trong QLVNCH, nhất là hải bàn có phần kính hình bán cầu được tháo gỡ ra từ chiếc giang hải đỉnh nào đó, và chiếc ghe trọng tải 6 tấn đã lượn sóng tuyệt vời, ...

Những thiết dụng nầy đã được kiểm soát độ khả dụng trước đó vài tháng khi người nhà đã đem từ Sài Gòn về ... Trước ngày đi được cất trong hộp đặt biệt trong ghe, chỉ ra đến biển mới đem dùng đến ... Ghe còn đo đạc ni tấc lập thêm giàn máy đuôi tôm máy F5 phụ , máy nầy mang qua từ chiếc ghe thứ 2 phụ chở thêm thực phẩm và sau đó vỏ ghe thứ 2 nầy bỏ lại gần cửa sông trước khi ra biển.

Mọi việc êm xuôi nhờ ở lòng quyết tâm và không phải rình rang bắt mối khách, mà kinh nghiệm bao người trước đây hay đổ bể và thất bại ...

Bạn tôi, chủ ghe vốn là anh cử nhân văn khoa (Sử Địa), gia đình hai bên nội ngoại đều "làm lớn" phía bên kia, ông già thân sinh nó đã là Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Nam Bộ tỉnh Bến Tre hồi 8 năm kháng chiến chống Pháp, khi ông tập kết ra Bắc thì trong nầy nó lại là sĩ quan phục vụ tại Phòng Quân Sử Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH; Thế mà tôi hoàn toàn tin tưởng do liên hệ gia đình thân nhau từ thuở nhỏ, hiểu nó và đã không lầm.
Trên ghe còn một Chs/THKH cũng là sĩ quan trừ bị Thủ Đức, con của ông quận trưởng Ba Tri hồi tôi mới dạy hoc.

Ba chúng tôi góp nhau thành cuốn từ điển bỏ túi khi dùng tiếng Anh! Chuyện nầy nay nhớ lại còn cười ...
Cái nầy mình nói tiếng Anh sao mậy ?! Ý là mấy tháng trước khi đi đem sách Anh Văn ra nằm võng dưới gốc cây nhai lại ... Có lần bị thằng bạn khác chạy xe lam hết tài chở khách ghé chơi kiếm nhậu bắt gặp sanh nghi, nó rề rà vì nó cũng muốn, nhưng tôi nói là xem lại để dạy mấy đứa nhỏ! (sau nầy nó kể lại với bạn bè: Tao thấy ảnh đọc sách tiếng Anh là tao nghi rồi!)


NhàQuê May19, 2013

NhàQuê
10-28-2013, 04:23 PM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"

Hồi Khúc 4: Vượt Những Hiểm Nguy Ban Đầu


Tổng cộng đoạn sông rạch vượt qua có chiều dài chừng 20 Km, phải tính toán cẩn thận thêm vào sự may mắn .

Đoạn ấy đi ban ngày, trể nhất là vừa khuất tối phải ra được sông lớn: Sông Hàm Luông. Dĩ nhiên phải qua nhiều xã, chợ, trụ sở hành chánh, quân sự, công an trên bờ của nhiều địa phương, ...

Ra sông rồi, từ đó đến biển phải qua hai tàu thuế (trạm nổi) trên sông và hai đồn biên phòng trên bờ gần cửa sông.

Giăng ngang cửa sông là mấy hàng đáy so le nhau thế răng lược, trên các chòi giữ có du kích vũ trang có thể bắn vói theo, họ không có ghe riêng để rượt ...

Trong hải phận VN còn tàu tuần, tàu đánh cá có du kích biển với súng đạn "ngon lành" nếu họ bắt được ghe vượt thoát đôi khi còn thâu lợi nhiều hơn chuyến đánh bắt, vì thế trong vùng biển nầy có nhiều "tay máu lửa" nổi tiếng danh đồn qua nhiều tỉnh khác, lên tận Sài Gòn .

Ngoài ra còn các loại tàu của Liên Xô và các nước XHCN vận chuyển hàng hóa đủ loại ra vào VN trên đường đi hoặc neo đậu chờ tàu nhỏ ra hướng dẫn, ... Tóm lại chuyện vượt thoát được có tỷ lệ thấp "năm ăn năm thua", ván bài xả láng!

Chúng tôi phải bỏ thời gian dài "giả dạng thường dân" ra vô nghiên cứu đường đi và các thói quen các điểm các trạm mà mình thấy có lợi .

Cũng sẳn sàng thay đổi lộ trình nếu gặp nguy hiểm bất trắc .... mà thực tế chúng tôi đã đổi lộ trình khác ban đầu trong vài đoạn, vì 1 người bạn dự trù tăng cường nhóm thay phiên lái đã bỏ cuộc vào giờ chót bởi gia đình hay tin ngăn cản bạn ấy. Thành ra nhóm lái chỉ còn 4 người.

Cái may đầu tiên là hôm ấy khi thăm chừng nước thì thấy có một chiếc ghe lớn hơn nằm chờ chở cam quít các chủ vườn đem tới, nhưng chiếc ghe nầy lại nằm gần cầu khỉ và chắn lối ra, nếu nước ròng thấp hơn một chút thì ghe chúng tôi không có cách gì đi được; Vì vậy chúng tôi dời ghe mình liền ra phía ngoài và do đó phải đi ngay trước giờ dự trù gần hai tiếng.

Vì đi sớm như vậy nên còn cách chừng 1 cây số tới trụ sở xã cuối cùng có công an, quân sự, ... chúng tôi lại phải nằm chờ họ hết giờ làm việc và thông tin đã phát thanh ồn ào ... Đúng thời cơ đó chúng tôi thoát ra vàm tới sông lớn: Sông Hàm Luông.

NhàQuê June 26, 2013

NhàQuê
10-28-2013, 04:24 PM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"

Hồi Khúc 5: Ráp Nối

Thường thì có một tàu thuế tới lui đến vàm rạch nơi mà chúng tôi ra sông Hàm Luông, họ chỉ tới đây là giới hạn vì đã qua ranh giới huyện khác ... dự phòng nếu thấy họ chúng tôi sẽ hướng lên thượng nguồn như đi về Tỉnh, sau đó sẽ bọc cù lao Lá qua bờ bên kia .... Nhưng may mắn thứ hai là không có họ ở đó, nhưng để tránh họ và tránh ngang qua xã của người bạn bỏ cuộc vì e rằng gia đình bạn đã làm lùm xùm rồi, tôi cho vòng mõm trên Cù Lao Đất (Nơi vua Gia Long có lần bị Tây Sơn rượt đuổi có chạy đến cù lao nầy trốn) và cặp cạnh Nam của cù lao, vừa đước che khuất vừa tránh rủi ro .

Nhưng phải quan sát tàu thuế lưu động của huyện bờ bên kia, điểm lợi là khi không di chuyển, các tàu thuế không đậu ngoài sông lớn mà nằm trong vàm của con rạch dẫn về huyện của họ một đoạn.
Ghe, đò vừa lủi vô rạch để tới chợ huyện thường phải ghé trình họ ... Vì vậy khi không thấy họ di chuyển trên sông là sự may mắn, chúng tôi có được may mắn thứ 3 đó ... Từ khỏi Cù Lao Đất chỉ lo hai đồn công an biên phòng (thực ra có tới 3 đồn) ...

Lúc nầy ghe chúng tôi chạy trước, chiếc thứ hai chở thêm thực phẩm, và số dầu phòng hờ chạy sau một khoảng xa .... gặp bất trắc có hội ý trước mạnh ai nấy vọt như chẳng liên quan gì nhau. Chúng tôi đều là bạn bè và bà con qua lại .

Chúng tôi thử nước sông xem mặn ngọt và lấy đầy các bao plastic hai lớp và cột kỹ để dành .

Ngang qua đồn biên phòng thứ nhất ngoài quan sát tôi còn nhìn xa hơn về hướng nhà tôi, ánh đèn sáng rực lên trên không vì đêm đó là đêm thứ hai đoàn hát lưu động khắp tỉnh tới đóng quân hát ngoài trời sân ủy ban xã . Đêm đầu tôi cũng lai vãng chơi cho mọi người thấy tôi còn ở nhà ... Khuya lại cha con tôi vọt để lại lý do đi Sài Gòn trị bịnh!
Nhìn vầng sáng điện đó mà ngậm ngùi ... Nhân nói về các đoàn hát lưu động sau 1975: Hãy tưởng tượng nhiều đêm mưa liên tiếp không diễn được ... có khi những nghệ sĩ miệt vườn ấy phải rủ nhau đi tát mương, tát vũng, xuống kinh, xuống rạch mò tôm bắt cá cho những bữa ăn "tập thể" ... thương lắm thay!

Nơi có đồn biên phòng thứ 2, đúng vào lúc những ghe lưới đã về bến, đèn đuốc như những vì sao, đèn ấy đủ ánh sáng cho người bán kẻ mua về bán lẻ giao nhận cho nhau .... Chúng tôi vẫn phía sông bên kia nhìn về! Tới đây không trở ngại nào lại thêm điều may mắn nữa!

Tới đồn biên phòng thứ 3, chúng tôi dừng lại như đã nhiều lần thao dượt trước đây, trên đồn không có dấu hiệu nào còn thức, bãi vừa cát vừa bùn từ nơi chúng tôi dừng đến đồn trên bờ có trên 500m theo đường thẳng.... chừng 10 phút sau ghe thứ 2 đến ...

giờ mới nhiều công việc tấp nập: Gỡ máy đuôi tôm F10 đem sang và tất cả đồ nghề, , đặt máy vào giàn làm sẳn đã ráp vững chắc lại giờ trước đây... Đem hết dầu qua ... đem hết lương thực, dừa uống nước, ăn cái qua, mấy ngày sau tôi biết có cả gà vịt, trà, cà phê, sữa đặc có hình bản đồ VN màu đỏ nữa chứ; Vì tôi được chiếu cố giữ gìn sức khỏe, sáng suốt, thức đêm ... chuyển hết người qua ghe chánh chúng tôi .. . Chiếc thứ 2 giờ chỉ còn là vỏ trống và chúng tôi cho thả trôi ... Vào lúc chúng tôi "Ráp Nối" thĩ có một ghe chèo thuận nước ngang qua, có lẽ người chèo ghe biết chúng tôi là ai nhưng lẵng lặng đi luôn ... Tới đây chúng tôi đạt được 80% của đoạn nguy hiểm đầu tiên .

Chúng tôi khởi hành với 22 người lớn nhỏ .... Chúng tôi bắt đầu gắn mũi phụ giúp ghe chẽ sóng dễ dàng hơn, dựng chòi lái cho có dáng dấp của ghe đi biển đánh cá

Đoạn sông khoảng nầy đã là đoạn sinh tử của bao ghe từ xa đến, vì lòng lạch đang hướng Tây-Đông lại quặc hướng Nam Bắc do cồn cát hình cựa gà chắn ngang, khi thủy triều lên, cồn cát bị ngập do đó ghe lạ không rành bị trướng cồn và mắc cạn chờ nạp mạng .

Còn mấy hàng đáy nằm so le răng lượt phải né qua né lại, trên các chòi giữ đáy có du kích có võ trang .... khi chúng tôi qua họ rọi đèn pin, chúng tôi rọi lại ... không biết có đúng mật khẩu của họ không mà không thấy họ bắn vói ...hay đêm đó không nhằm phiên của anh có súng! Sao mà thấy tốc tộ chậm quá!!! Lại may mắn

Cứ giữ cho đèn hải đăng Vũng Tàu luôn nằm tay trái .... vượt hết những hàng đáy rạo chúng tôi qua khỏi 20% nguy hiểm còn lại và ra biển

Lấy hướng Đông Đông -Nam ... Bây giờ đồ nghề: Hải bàn, bản đồ, ống dòm, đèn soi sáng được đem ra

NhàQuê July 07, 2013

NhàQuê
10-29-2013, 04:16 AM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 6: Bây Giờ Mới Khóc


Bây giờ mới có thể thở ra, nhìn lại phía sau, chếch bên trái ngọn hải đăng Vũng Tàu quét càng lúc càng yếu ... Ngoài ra, không trông thấy gì ngoài vệt đen đất liền từ từ chìm xuống ... chúng tôi đã trên biển mênh mông mà ánh sáng sao trời đủ để nhìn một khoảng xa, tiếng ghe khỏa nước bơi tới, tiếng máy đều đặn ...

Tôi nhẩm hát lõm bõm bài Đêm Chôn Dầu Vượt Biển mà tôi đôi lần nghe lén các chương trình phát thanh từ xa xôi vọng về:

Gởi lại đây trăm nhớ ngàn thương ...Hò ơi hò ơi tạm biệt Nước Non .... Đêm nay đêm tối trời anh bỏ Quê Hương ....Ra đi trên chiếc thuyền hy vọng vượt trùng dương ..... Xa xa núi mờ xa dần ôi rặng ở núi Quê Hương ... Đêm nay trên bản đồ có một thuyền ra đi ... Nhìn lại bến bờ nước non mình môi mặn khóc nghẹn ngào .... Tạm biệt Nước Non

Không nhìn thấy gì bờ bến hay núi non; Nhưng nước mắt tôi chảy dài xuống vào phút giây ấy, tôi cứ để như thế ... thút thít ...

Ngày nay có lẽ do kết hợp, chồng lên nhau của những xúc cảm mãnh liệt như vậy đã cho tôi viết được văn thơ chăng, thứ mà thời đi học tôi thường dưới điểm trung bình, phải nhờ các môn khác bù cho .



http://www.youtube.com/watch?v=LysSUF6PDAM

Đêm dài nhất trong đời cứ thế, cứ thế, cứ đi thầm như thế ... đến một lúc mây đâm ngang, dấu hiệu ngày bắt đầu .... Lúc có thể nhìn được bằng ống dòm thì đàng sau xuất hiện mờ mờ 2 chấm đen.

Hai chấm đen đậm dần, có thể đây là hai ghe đánh cá, cũng có thể là tàu tuần ... Họ đang rượt theo chăng ?! Đến một lúc thấy rõ là họ nhả khói đen, chúng tôi lúc đó bắt đầu thêm máy phụ và cũng tăng ga ... Cuối cùng một lúc sau họ không theo nữa .
Trong chừng mực nào đó, tôi lý giải bằng 2 lẽ: Hoặc họ không đuổi theo vì thường họ cũng e ngại ghe vượt biên đôi khi có vũ khí, có thể có cả vũ khí nặng. Cuộc rượt đuổi chưa thấy lợi gì cho lắm ...cũng có thể vì nhân đạo mà họ chỉ làm cầm chừng, lấy lệ, bàn ra vì sự hiện diện của anh du kích biển chăng !?

Hoặc đó là hai ghe đánh cá đang gặp luồng cá lớn mà họ cùng hợp lực thả lưới ra bao vây ... Những lúc như vậy, máy tăng tốc cũng làm nhả ra khói đen.
Dù gì thì cũng cám ơn họ "tha" hay để yên cho chúng tôi!

Chưa yên, phía trước mũi là 2 chấm xanh lớn hơn 2 ghe lúc nãy nhiều, Rõ là hai chiếc tàu là đà trên mặt nước ... qua ống dòm, xác định đó là hai tàu sắt chở gì nặng đang neo đậu và không thấy có cờ ...nhất là cờ đỏ , chúng tôi rẽ hướng tránh ... Có lẽ họ đang chờ tàu nhỏ trong ra hướng dẫn vào sông, cảng nào đó ... Chính vì chở nhiều hàng hóa như thế, họ không hơi đâu làm chuyện bá láp là truy đuổi theo chúng tôi ... Lại may mắn và tôi đoán thêm là thời tiết tốt họ mới neo giữa biển khơi như thế! Có lý lắm!

Yên tâm và 2 tàu màu xanh ấy từ từ mất hẳn .

Xế trưa lại, có lẽ là ngoài khơi ngang chừng Sóc Trăng hay Bạc Liêu trong bờ, chúng tôi còn gặp 2 ghe hình như đang ngủ để chờ cuốn lưới (thu hoạch) ...chỉ vậy và núi Côn Sơn mờ xanh phía hướng đi và cao dần.

Bây giờ một quyết định mới dựa vào kinh nghiệm thất bại của người đi trước nên chúng tôi sẽ bọc ngoài Côn Sơn chứ không đi giữa quần đảo ấy và đất liền vì khoảng biển nầy có nhiều tàu tuần và ghe lưới cá mà thời điểm đó gần như là quốc doạnh, ... Có dù phải đi qua vùng biển nhiều bão tố và xa hơn cả ngày đường!

NhàQuê July 09, 2013

NhàQuê
10-29-2013, 02:41 PM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 7: Giã Từ Đất Mẹ Mà Đi

Hơn xế chiều một chút, Côn Sơn rõ dần đến có thể thấy được tổng thể rừng núi, kiến trúc, bến bãi dĩ nhiên bằng điều chỉnh ống dòm, với mắt thường chỉ là một khối chỗ đậm chỗ dợt ...

Chiều xuống hẳn, Côn Đảo chuyển sang màu tím lúc bấy giờ nằm về hướng Tây của chúng tôi, dù chạy tránh xa ra, nhưng tôi cũng thấy được những sợi khói lớn nhỏ đang cất lên hòa quyện vào mây. Tôi liên tưởng đến mái lá ngày nào xa xưa khi tôi còn bé, Má tôi đang làm bữa cơm chiều .... Đó là ngọn khói cuối cùng của Quê Hương tôi gói vào hành trang xa xứ.

Rồi tất cả chìm vào bóng tối, bóng đêm đã giúp che giấu chúng tôi chỉ có ngọn hải đăng trên hòn đảo nào đó có lẽ ở cuối cùng của Côn Lôn quét đều đặn những tia sáng nhiều màu vừa như soi đường vừa như vẫy chào đưa tiễn ...Khi không còn nhìn thấy những vệt sáng trên quần đảo xưa kia vốn là nơi lưu đày của những tù nhân trọng án, thì:

Chúng tôi thực sự đã "Giã Từ Đất Mẹ Mà Đi" !

Chừng 2 giờ sau, tôi nghe tiếng máy tàu càng rõ dần, chúng tôi tắt hết mọi ánh sáng của ghe mình ... Tiếng máy tàu đều đặn lướt qua, dù khoảng cách xa vừa phải, nhưng tôi cũng nhìn thấy đèn đuốc trên ấy cũng đoán được đó là một "thương thuyền" từ vịnh Thái Lan trên đường hải hành về hướng Đông hay Đông Bắc để đến nơi nào đó như Phi Luật Tân, Đài Loan, Đại Hàn hay Nhật Bản chẳng hạn chứ không có vẻ gì đến Mã Lai hay Tân Gia Ba ở phía Nam...

Hơn giữa đêm một chút, tôi lấy làm lạ là tại sao vừa chỉnh đúng hướng muốn đi thì chỉ vài phút sau đã lệch, mà lệch rất nhiều ... Chẳng lẽ nào ở vùng biển nầy có một từ trường làm ảnh hưởng đến nam chân của hải bàn ... Hay là chung quanh hải bàn có vật gì đó bằng kim loại nhất là sắt thép nên bị ảnh hưởng ... Cuối cùng khám phá ra là Chân Vịt của cái máy đuôi tôm F10 dự phòng bị chấm sâu vào nước mỗi lần con thuyền lượn sóng, và mỗi lần như vậy nó trở thành một bánh lái thứ 2 làm thay đổi hướng của lái chánh ... Thì ra là thế! Xong ngay, gác nó lên cao.

Tôi được cho ngủ lấy sức, chính trong giấc ngủ ngắn chập chờn nầy tôi nghe nhiều tiếng lao xao than khóc, không câu nào rõ ràng để nhớ nhưng là tiếng người .... Phải chăng nơi đây đã bao người chìm xuống, vĩnh viễn nằm lại biển khơi, những hồn oan uổng tử.
Tôi không cảm thấy sợ sệt gì khi tỉnh giấc liền sau đó ...nhưng tôi miên man suy nghĩ có phải chăng họ là người đang ở cõi âm biết tôi sẽ thoát được trong chuyến đi nầy nên có lời nhắn gởi đó chăng !? Hay họ chính là những người bạn có tin mất tích của tôi!?

Bờ Kia Không Đến

Thương người đi biển chẳng về
Hướng tìm nơi nước giáp kề với non
Biết bao hải lý sẽ còn
Chực chờ tai ách dập vờn liễu hoa

Ban mai rồi lại chiều tà
Qua vùng ma quái ngọc ngà đau ơi
Xứ chi khổ nhất trần đời
Ngậm câm giấu tiếng giấu lời đã lâu

Thoát thân làm lại từ đầu
Xưa nay ly xứ nguôi sầu mong chi
Rã rời quặn thắt ra đi
Ngày mai vô định chắc gì gặp nhau

Tự Do hai chữ nát nhầu
Lê thân xứ lạ nỗi đau còn dài
Cảm thương một phút rủi may
Hương lòng ta gởi chút nầy tưởng nhau

NhàQuê



Đoạn Một

Đèn Vũng Tàu quơ quơ vẫy tiễn
Nhạt nhòa xa mảnh đất quê hương
Biển bàng hoàng đẩy thuyền tuôn chạy
Người đớn đau lìa chốn mến thương
Sừng sững đứng Côn Lôn đón chận
Hải Đăng quét cú vọ hơn thường
Đã muôn khổ xá gì thân cõi
Dẫu sóng xô lên kiếp đoạn trường

Biển chẳng hiểu lên cơn giận dữ
Người gan lì gối sóng hiên ngang
Thiếu gì chuyện Đất Trời lầm lẫn
Hàng vạn điều sông núi ngỡ ngàng
Hạt cát nhỏ còn đau tủi phận
Chiếc thuyền manh nói hộ nhân gian
Cùng chung một giống dòng nguồn gốc
Trồng cấy chi cây đắng bạt ngàn

Người vượt biển chưa lần thủy thủ
Chiếc phao cầu gói kiếp nhân sinh
Thả căn phần lượn triền muôn khổ
Ném xác phàm chìm giữa hãi kinh
Chút quá khứ bằm từng mảnh vụn
Nhúm tương lai nát biến hài hình
Biển im lặng lắng nghe lời tỏ
Tấp cập bến bờ thấu hiển linh


NhàQuê 2006


Giã Từ Đất Mẹ Mà Đi như thế đó thế gian ơi!


NhàQuê July 12, 2013

NhàQuê
11-01-2013, 05:36 AM
Hồi Khúc "CHƯA LẦN THỦY THỦ"


Hồi Khúc 8: Tưởng Là Bất Trắc

Rồi trời rựng sáng, biển có từng lượn sóng thưa, gió hiu hiu mát, nước biển màu chàm sậm cho biết rằng chúng tôi xa đất liền nhiều lắm, phải chỉnh hướng đôi chút để bù trừ khoảng cách quá xa khi tránh bên ngoài đảo Côn Sơn .

Dưới lòng ghe bây giờ mấy phụ nữ đem gà ra làm luộc nấu cháo cúng kiến gì đó và nấu cơm ...Nhờ vậy tôi cũng được phần ăn nóng sốt trên biển trời nước bao la nầy, có cả cà phê sữa ... Tiếng máy vẫn nổ đều đặn đẩy thuyền đi tới ...
Gần chiều, chúng tôi gặp nhiều phao lớn vàng đỏ , có lẽ đây là những đánh dấu của các ghe lưới .... Cứ đi chừng một giờ lại gặp nhóm phao khác ....
Trời bắt đầu vào đêm thứ ba nếu tính từ lúc xuống thuyền ... là đêm thứ hai rời xa đất Mẹ.

Riêng đêm nay tôi rất lo sợ vì tầm quan sát rất ngắn, không thấy rõ do đó ghe dễ va vào các phao mà không biết chúng làm bằng vật liệu gì và các dây nhợ ràng rịt của nó cũng có thể làm hỏng chân vịt khi cuộn phải chúng ... Biển thì bao la vậy nhưng bất trắc loại nầy không thể lường trước được.

Từ gần nửa đêm, chòm ánh sáng nằm ngay trên hướng đi, tỏa lên cả vùng trời ... Đọc lại bản đồ và ước lượng vận tốc thì quả là chưa có thành phố nào gần đến như vậy ... nhưng chúng tôi vẫn giữ hướng, tiến về thành phố đó .

Gần sáng trời bắt đầu mưa , dần nặng hạt và màn nước che khuất không còn thấy dấu tích thành phố đã nhìn được ánh sáng của nó từ nửa đêm qua ... Rồi đến khi nhìn thấy được thì đã quá gần, phải chấp nhận thực tế đó là đoàn tàu đánh cá Thái Lan có đến khoảng 30 chiếc, to như phà A-100 ở Mỹ Tho- Rạch Miễu . Thôi thì từ "chết tới bị thương nặng", chúng tôi đàn ông còn muốn hoảng huống hồ gì phụ nữ trong tình thế nầy ...Nhưng may mắn làm sao, chúng tách đàn, từng chiếc giạt xa nhau và không lâu sau mất dạng .... May mắn không ngờ!
Sau nầy tôi nghiệm lại là họ sợ va chạm vào giữa họ với nhau nên tách ra xa vì họ biết gió mạnh sóng to đang ập đến

Mưa lớn thêm và có gió mạnh, bão chăng ? ...có thể đây chỉ là trận mưa có gió mạnh chứ chưa là bão, nhưng độ lớn và mạnh của sóng phủ đầu bủa trực diện vào hướng mũi của ghe làm chúng tôi khốn đốn ...
Ghe chúng tôi chỉ là loại đi sông, không đủ sức đối phó thực tế như hiện tại. Quyết định nhanh chóng: Xuôi theo chiều gió, tức quay mũi 180 độ trở lại và chạy máy nhỏ cho ghe lượn theo sóng biển .... Nhưng giai đoạn nguy hiễm nhất là trong quá trình đổi hướng như vậy sẽ gặp lúc sóng ngang hông ghe, rất dễ bị nhận chìm ... Lựa thế, chờ cơ hội và vào lúc có lợi nhất trở hướng thật nhanh ....

May mắn lại đến với chúng tôi lần nữa chúng tôi thoát qua nguy hiểm, sau đó theo chiều xuôi sóng chờ cơn mưa gió đi qua ...Và may mắn nữa là đã đi qua trong chừng 20 phút sau .

Chúng tôi quay lại hướng cũ tiếp tục hành trình, dến hơn xế trưa một chút, thỉnh thoảng gặp từng vài chiếc ghe đánh cá nhỏ hơn trên đường ra khơi, họ không có vẻ gì chú ý đến chúng tôi ... đường ai nấy đi và tôi đoán bờ biển Thái Lan chỉ vài ba giờ đường ... Chúng tôi không có ý định vào nước nầy, dự trù đến Mã Lai .

Xa ngoài cánh trái của chúng tôi có 2 chấm đen lớn dần, khi rõ hơn đó là 2 tàu buôn, chiếc đi trước có vẻ chở nặng, chiếc sau nổi cao trên mặt biển: Chiếc thứ nhất đi luôn, chiếc thứ 2 hướng mũi về ghe chúng tôi, khi đến gần chúng tôi đọc được cả tên của chiếc tàu nầy là Sông Kiên-3 treo cờ đỏ VN, họ dùng loa kêu chúng tôi dừng lại và hình như họ gọi chiếc kia là Sông Kiên-1 chở mặt bên trên toàn vỏ xe hơi quay trở lại, họ hỏi chúng tôi đi từ đâu và đi đâu .... Sau một hồi hình như chiếc số 1 cho ý kiến quyết định là "Chim muốn bay, thì để cho nó bay!" bằng loa của máy truyền tin giữa họ mà chúng tôi nghe lồng lộng. Vậy là họ cho chúng tôi đi và còn dặn dò chúng tôi đừng đi hướng Thái Lan mà họ trỏ tay ... Chúng tôi lại gặp may lần nữa qua sự việc gặp 2 chiếc tàu buôn có lẽ họ từ Singapore trên đường về Kiên Giang. Cũng cám ơn sự rộng rãi của họ cho dù chúng tôi đang trên hải phận quốc tế hay ít ra là hải phận Thái Lan.

Chúng tôi lại tiếp tục đi đêm, lần nầy thì chưa thấy thành phố nào hiện lên nữa. Rồi suốt ngày hôm sau, trời trong vắt, biển thật êm và màu xanh dương chứ không còn màu chàm đậm. Tôi nhớ lõm bõm đến câu Pháp Văn ngày xưa "Sau Cơn Mưa, Trời Lại Sáng - Après la pluie, Il fait beautemps" (Cứ càng viết càng trật!)

Từng đàn cá nhỏ như đang đồng diễn theo sự chỉ huy của cá lãnh đạo nào trong số đó ... tưởng tượng đó là một xã hội yên vui chẳng gợn chút mải mai lo âu nào.

Tình cờ định vốc nước biền, tôi bắt gặp nhiều cá con được cá mẹ cõng trên lưng như đứa bé nũng nịu với mẹ của chúng ... rồi nhìn con tôi ở tuổi "gà chưa lìa đàn" mà buộc phải phân ly. Cuộc ra đi nầy không biết bao giờ xum họp, đoàn viên ... Tôi để yên, không khuấy động giây phút mà tình mẹ con của Người, Chim Muông, Cầm Thú có những tương đồng .
Rồi một dêm nữa trôi qua với lòng buồn miên man nhiều thứ chồng tréo lên nhau.

Trời hừng sáng cũng là lúc đỉnh núi hiện dần và càng lúc càng cao trên hướng đi, những mảng rác đủ loại trôi thành dãy dài ... tin nầy được thông báo; Đó là lúc tất cả 22 người trên chiếc ghe trọng tải 6 tấn rạng rỡ vui mừng, và những gì có thể tạo nghi ngờ là người giả dạng tị nạn được nhận chìm xuống biển, trong đó có một nón cối bộ đội của một em đang nghĩa vụ cùng trốn thoát được, chiếc nón màu xanh có huy hiệu quốc huy chìm thật chậm vì nó vốn nhẹ, còn nhìn được phía sau một khoảng xa.

Khi an tâm không còn nhìn thấy chiếc nón cối nữa, ghe chong mũi hướng đất liền, bây giờ những cây trên núi có thể phân biệt được, bờ biển giăng dài về hai phía, được hiểu đây không phải là hòn đảo có dân cư lưng chừng ngoài biển khơi ... Chiếc sào liên tục thăm dò độ sâu tránh va phải đá ngầm nơi cạn.

Dãy đất bờ biển ban đầu chỉ là vệt dài ngăn giữa màu nước và cây trên bờ, giờ đây bãi cát phẳng lì với màu chói sáng, trên bờ ngôi nhà xám đen ẩn dưới tàn cây ... Dùng sào dò độ sâu để biết chắc chắn không ngập đầu, tôi cùng vài "chàng thợ máy, lái ghe" nhảy xuống, tiến lần lên bãi biển, ý định chạy vô ngôi nhà để hỏi thăm nơi nầy là đâu ... Người trong nhà hình như cũng trông thấy ghe lạ của chúng tôi, họ túa ra bãi có đến 5, 6 người "xí xô xí xào" ngôn ngữ của họ .... Tôi hỏi ngắn gọn nhưng rõ ràng và chỉ tay xuống đất: THAILAND ....MALAYSIA ?

Họ trả lời: Thailand!

Chúng tôi vừa chạy lui, vừa đưa tay vẫy chào họ, bơi nhanh ra ghe và phóng lên gấp rút ... Lui!

Đó là cuộc đổ bộ sai mục tiêu, sau 5 ngày đêm "giã từ Đất Mẹ mà đi!"

NhàQuê, July24, 2013