PDA

View Full Version : Ký ức về một ngôi trường ít học



Tuấn Nguyễn
11-20-2013, 08:51 PM
Lớn lên, trưởng thành trong xã hội miền Nam, tôi được giáo dục trong môi trường Tự do, Dân chủ. Những thầy cô dạy tôi học là những tấm gương cả về đạo đức lẫn năng lực chuyên môn. Giờ đây tuổi đời đã cao, nhìn lại những năm tháng đi qua, tôi kiêu hãnh vì mình đã không làm những gì thẹn với lương tâm. Rất cảm ơn các thầy, các cô đã giảng dạy tôi. Cảm ơn môi trường ,xã hội miền Nam Việt Nam..
Một đôi khi ngẫm lại những ngôi trường mà tôi đã học tập, tôi tự hào và nhớ mãi. Từ trường tiểu học trong xóm đến trường tiểu học Bồ Đề Thành Nội, rồi trường trung học tư thục đệ nhất cấp Nguyễn Du Huế, trường trung học công lập đệ nhị cấp Nguyễn Tri Phương, sau cùng là trường đại học Văn Khoa Huế.
Tuy nhiên có một ngôi trường đã làm tôi, ấm ức, pha chút ngậm ngùi, đó là trường Nguyễn Tri Phương.
Trước hết xin ghi lại nét khái quát lịch sử về ngôi trường này :

http://ftp.quancoconline.com/ShowImage.aspx?claimer=elib.quancoconline.com&src=http%3A%2F%2Fi1167%2Ephotobucket%2Ecom%2Falbum s%2Fq625%2Ftuantkbbt%2FTr1B001EDDngNTPHu1EBF%5Fzps af241021%2Ejpg

Năm 1940, trường Trung học đệ nhất cấp Nguyễn Tri Phương được thành lập, là trường tư thục mang tên Việt Anh, do Cụ Phạm Doãn Điềm xây dựng.
Năm 1955. trường chính thức mang tên Nguyễn Tri Phương.
Lúc đầu Thầy Lê Khắc Tố làm Hiệu Trưởng, về sau Thầy Đinh Qui thay thế.
Tôi trải qua 4 năm học tại trường trung học tư thục Nguyễn Du Huế. Sau khi thi đỗ Dipplôme nhờ đạt hạng Bình thứ năm 1964, tôi được nhận vào học trường công lập Nguyễn Tri Phương Huế. Giai đoạn này, thầy Hồ Văn Lê làm Hiệu trưởng.
Đó là hai niên khóa năm 1964 – 1965, 1965 - 1966
Những năm tháng học cấp 3 và đại hoc, đất nước đầy biến động.
Tôi học lớp đệ tam B1 và đệ nhị B1 trong hai năm nhưng bây giờ ngồi nhớ lại, thú thật ký ức tôi mù mờ chẳng nhớ được những gì cụ thể rõ ràng.
Các thầy mà tôi đã đã được dạy, tôi còn không phân định rõ là đã dạy tôi năm lớp đệ tam hay đệ nhị. Nhưng những vị thầy đó tôi vẫn hình dung rõ ràng, dáng dấp của thầy, tính cách của thầy, giọng nói, nụ cười của thầy.
Các thầy mà tôi đã học như thầy Trinh dạy toán, thầy Hồ Đình Chữ, thầy Du dạy Quốc văn, thầy Vinh dạy Vật lý, thầy Bách dạy Pháp Văn thầy Đích dạy Anh văn, Thầy Hoành, thầy Thứ dạy Công dân, thầy Triêm, thầy Mẫn dạy Lịch sử, …
Ký ức tôi rất tồi, vì sao ? Vì đó là những ngày tháng đầy biến động, những biến cố chính trị dồn dập. Trường bị ảnh hưởng, cứ đến lớp là bãi khóa rồi bãi khóa, …
Có thể nói tôi chưa làm quen nhiều với ngôi trường nổi tiếng nầy. Những người thầy, người cô giảng dạy rất tận tình, chu đáo, một số các vị trong trường này sau này đã làm những chức vụ lớn trong chính quyền VNCH.
Một số các vị đàn anh thuộc thế hệ trước tôi đã viết về ngôi trường này, ghi lại kỷ niệm về các GS khả kính mà họ không bao giờ quên. Tôi đọc và tôi biết rằng mình đã bị người ta lấy mất một phần những gì quý báu của đời học sinh giai đoạn 1964-1966.

Anh Quế Chi đã cho tôi những cảm xúc nhẹ nhàng về ngôi trường này trong bài viết:

MỘT THỜI HỌC TRÒ

« …Nhớ mới ngày nào đây,một sớm mùa thu năm 1952, thằng nhóc là tui, đầu húi ca rê, chân sáo tung tăng cùng các bạn mới vui mừng thi đậu càng cua ( concours) được vào học trường Việt Anh tính đến ngày nay cũng đã 60 năm qua. Thằng nhóc chừ tóc đã bạc trắng như mây trời, không còn chân sáo tung tăng , mà chỉ là một một thân già khẳng khiu với đôi chân run rẩy mỗi ngày bước gần đến nấm mồ mình một bước .
Trường Việt Anh ( tên cũ) ngày ấy là chi nhánh của trường Khải Định, Thầy Huỳnh Hòa làm Hiệu trưởng và Thầy Nguyễn Đóa làm Tổng Giám Thị. Thầy Huỳnh Hòa , người Quảng Nam , văn phòng ở trên trường chính đường Lê Lợi, bên giòng Hương Giang xanh ngắt. Thầy Hiệu Trưởng ít khi xuất hiện, mọi việc ở trường đều do Cụ Thân trọng Hy, Phó Hiệu Trưởng phụ trách khối Đệ nhất Cấp trực tiếp xử lý. Thầy Tổng Giám Thị cũng là người Quảng Nam , có khuôn mặt ốm dơ xương và rất nghiêm khắc nên bọn nhóc chúng tôi rất sợ hãi và đặt cho Thầy một biệt hiệu là Chúa Đảng Sọ Người theo tên cuốn phim mà chúng tôi ưa thích :” Năm chàng Zorro và Đảng Sọ Người”. Thầy dữ thiệt tình , kỷ niệm mà tôi nhớ đời là có một lần đứng sắp hàng vào lớp, thằng nhóc hiếu động , nói cười vung vít sao đó mà đứng không thẳng hàng , Thầy liền chạy lại xán cho một bạt tai như trời giáng , thằng nhóc tóa hỏa tam tinh, khóc không ra tiếng….Về Qúy Thầy tôi nhớ đầu tiên là Thầy Phạm văn Nhu dạy Luân Lý, thầy không mang theo sách vở gì, cứ vào lớp là chắp tay sau đít, đi tới đi lui, nói chuyện đời xưa , trên trời dưới đất với nụ cười rất hiền hòa. Về sau vào thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Thầy giữ chức Chủ Tịch Quốc Hội ( Đệ I VNCH).Thầy Tôn Thất Đào dạy môn Hội Họa ( ngày đó chúng tôi gọi đơn giản là :Vẽ) cho tất cả các lớp, và vì tôi vẽ qúa xấu cho nên luôn luôn được một que ( điểm một). Có lần thầy cho học trò vẽ một bàn tay nắm chặt, cuối giờ thầy cho tôi một que như thường lệ với lời phê :” bàn tay hay củ khoai lang ? …” .
« …Khỏang thời gian này chúng tôi được học với những thầy rất trẻ, có lẽ mới đậu Tú Tài Toàn Phần, ra đi dạy tạm một vài năm để kiếm tiền đi học tiếp, vì có ba vị Thầy của chúng tôi mà sau này trở thành ba Dược Sĩ nổi tiếng ở Huế . Đó là Dược Sĩ Lưu Sơn, DS Lê bá Nhàn và DS Huỳnh văn Chỉnh là Thầy dạy chúng tôi trong lớp Đệ Thất B5 ngày đó. Tôi quên Thầy Sơn và Thầy Nhàn dạy môn chi nhưng nhớ rất rõ Thầy Chỉnh dạy môn Hán Tự. Ngày thi Lục Cá Nguyệt tôi lót bài thơ chữ Hán dưới tờ giấy làm bài thi, đè sát cho hiện ra những nét râu ria của các chữ trong bài thơ mà đồ từng nét , chơ làm răng mà nhớ nổi mấy cái chữ Tàu rắc rối đó :
Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi
Có một ông Thầy rất trẻ , độc đáo mà về sau tôi lại được hân hạnh làm bạn vong niên là Thầy Nguyễn Văn. Theo như nhiều người quen biết Thầy kể lại thì Thầy Văn học rất giỏi, rất thông minh nhưng có tính khí hơi nóng nảy và ăn nói bạt mạng. Có lần trong giờ học , trò Thùy Rỗ phạm lỗi chi đó mà tôi không nhớ. Thầy Văn đã đuổi đánh khiến trò Thùy phải chạy dọc hành lang, qua một dãy lớp học ,cuối cùng chạy vào trốn trong phòng thầy Tổng Giám Thị . Thầy Văn đánh cờ tướng rất cao, ít người địch lại, lại rất giỏi Hán Tự , khi ở trong Quân Đội, được đi du học ở Hoa Kỳ, Thầy Văn tuy không nói được tiếng Tàu nhưng đã “ bút đàm “ với mấy ông Sĩ Quan Quân Đội Trung Hoa Dân Quốc ( Đài Loan), làm cho mấy ông này phải ngả nón cúi đầu thán phục. Những năm về sau dù gặp nhau ở Sàigòn hay Huế thì hai thầy trò, hai anh em chúng tôi cũng chén chú chén anh say sưa lúy túy mà nói chuyện đời liên tu bất tận… »
« …Thầy Hồ văn Tùng dạy môn Vạn Vật, khi học đến mấy con sâu bọ , hay bướm , chim chi đó thì thầy bắt học trò phải lấy kim chỉ ghim con vật đó vào trong tấm giấy carton để chấm điểm, tôi cứ nghĩ mấy con vật nho nhỏ thì được chơ mấy con to như trâu, bò, cọp, voi thì làm răng hè ? Bọn học trò cứ kháo với nhau là Thầy Tùng Điên vì Tình, nghe đồn là thầy thất tình với cô nào đó tên là Mẫu Đơn. Tội nghiệp sau năm 1975 người ta thấy Thầy đi lang thang, nói lẩm bẩm một mình trong miệng, gặp người quen hay học trò cũ Thầy thường nói huyên thuyên những điều không ai hiểu và cuối cùng nghe nói Thầy đã chết vì...Đói như Thầy Nhạc sĩ Ngô Ganh vậy.
Thầy Tùng Sống thì Điên vì Tình mà Chết thì vì Đói. Tạo Hóa thực bất công và khắc nghiệt đã dành riêng một số phận qúa bi thảm cho một kiếp người… »
« …Sang năm Đệ Ngũ trường chính thức đổi tên thành trường Trung Học Nguyễn Tri Phương, lúc đầu Thầy Lê Khắc Tố làm Hiệu Trưởng, về sau Thầy Đinh Qui thay thế. Thầy Đinh Qui dạy Toán, cùng với 2 Thầy Lê Nguyên Diệm và Bùi Tấn soạn một cuốn sách Toán rất được học sinh ưa chuộng. Thầy có mở nhà sách hiệu An Xuân tại nhà gần Đập Đá. Ba bốn năm sau Thầy lên làm Hiệu Trưởng Trường Quốc Học thay thế Thầy Nguyễn Đình Hàm … » (Một thời học trò – Quế Chi )

Anh Lê Tất Đạt :

HUẾ TRONG TÔI

« …Thầy Tùng dạy Sử Địa năm đệ thất Nguyễn Tri Phương truyền thụ một chiêu pháp mà gần năm mươi năm sau tôi vẫn còn nhớ như in. Hầu như cứ mỗi đầu giờ thì việc đầu tiên là thầy bắt một đứa nào đứng lên niệm thần chú: “Mạ hề hề, con hỡi con, bồng em cho chị, xuống sông qua đò”.Mạ hề hề (Mahé), Con hỡi con (Karaikan), Bồng em cho chị (Pondichéry), Xuống sông qua đò (Yanam) đó là tên bốn cựu thuộc địa của Pháp ở Ấn độ. Thầy Tùng tính hơi bất thường, thầy thấy đứa nào đội nón cối mà để loang lổ thì giật xuống dẫm nát, khi nạn nhân khóc lóc thầy lại cho tiền mua nón mới. Nhiều đứa lợi dụng, đội nón cũ lảng vảng quanh thầy để hy vọng được nón mới. Sự thể ra sao thật ra tôi cũng chưa được thấy tận mắt. Nhưng rõ ràng thầy không được bình thường lắm. Bảy năm sau khi hết làm học trò của thầy, tôi trở thành bạn đông liêu, ngồi bên cạnh thầy ở trường Luật Khoa. Ngày đó thầy dịch bài quốc ca ra tiếng Anh, và ngạc nhiên thay, theo thầy cho biết thì thầy mới học tiếng Anh sau này mà thầy dịch tôi không thấy được chỗ sai dù không biết chắc có đúng hẳn không.
Khuôn mặt thứ hai mà tôi vẫn nhớ rõ là thầy Niên, thầy dạy Việt văn, mỗi lần kể chuyện đường rừng của Thế Lữ thì cả lớp như bị thôi miên.
Thầy Hồ Nghinh dạy Vạn vật lái chiếc Volkswagen đầu tiên ở Huế, thầy Hiệu trưởng Lê Khắc Tố dạy Đức dục, mang cặp kính trắng rất ư đạo mạo,
Thầy Tống Viết Mẫn dạy Anh văn, dáng người bạch diện thư sinh. Tôi nhớ Dũng nhà ở Nam phổ bị thầy Mẫn nhiếc là đồ ngu, hắn hiên ngang đứng dậy cãi liền, thưa thầy không biết đâu phải là ngu, con vật mới là ngu, ngu thì đâu có dạy được. Con không biết mới phải đi học chứ đâu phải con ngu. Vậy mà thầy Mẫn xin lỗi nó. Thầy dễ thương, thầy tiến bộ, thầy không lấy thịt đè người như một số thầy khác thời đó.
Thầy Dương Minh Ninh dạy Nhạc, được nửa năm thì thầy đi du học ở Pháp, thầy là tác giả bản Gấm Vàng sau này tôi không còn nghe tin thầy và cũng chẳng thấy sáng tác nào mới của thầy. Tôi cố nhưng không nhớ ra thầy dạy Toán và Pháp văn.

Năm đệ Thất tôi chơi thân với Nguyễn Văn Thử và dù lên đệ Tam hắn theo ban C, hai đưá tôi vẫn giữ thâm tình mật thiết, hắn có bàn tay tài hoa có giọng hát trầm ấm, giọng hát mà bác Đại, thân phụ Trần Văn Nghĩa gọi là Tino Rossi Việt nam. Nhà Nguyễn Văn Thử chung hàng rào với nhà người đẹp xôn xao yến oanh đầu ngõ: Đặng Thị Hẹ. Nếu muốn mô tả người đẹp Đặng thị Hẹ thì tốt hơn hết là mượn lời Ôn Như Hầu:

Chìm dưới nước cá lờ đờ lặn
Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa
Khung trời đắm nguyệt say hoa
Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình.
(trích câu 17-20: Cung Oán Ngâm Khúc)
Một người đẹp của Huế mình phải cần bốn người đẹp nhất của Trung Hoa ngày xưa cùng với Hằng Nga hợp lại mới so sánh được:
-Tây Thi lạc nhạn (nhạn sa).
-Vương Tường Chiêu Quân trầm ngư (cá lặn).
-Điêu Thuyền bế nguyệt (trăng thẹn)
-Dương Quý Phi say hoa (hoa nhường)
Nếu các bạn không tin thì cứ hỏi Phạm Lương Cơ, hắn là một học sinh xuất sắc cớ sao lại đi học hè. Rõ ràng là hắn chỉ viện cớ để lăn theo gót hài. Và còn rất nhiều đưá nữa trong đó hẳn nhiên có tôi đi nạp tiền làm giàu cho thầy Trực. Nhắc đến thầy Trực thì lớp hè của thầy năm nào có người đẹp thì đông nghẹt, không biết tôi theo học thầy bao nhiêu khoá duy có một lá bùa thầy cho, tôi vẫn dùng phòng thân trong mấy năm trung học và ngày nay vẫn còn nhớ để thỉnh thoảng mang ra loè mấy đưá con chơi.
Tìm Sin lấy Đối chia Huyền.
Cosin hai cạnh Kề Huyền chia nhau.
Còn Tang ta hãy tính sau,
Đối trên Kề dưới chia nhau thấy liền.
(Côtang thì mgược lại với tang)
Côtang tính cũng chẳng phiền
Kề trên đối dưới tính liền ra ngay (Phạm Cơ bổ sung)

Ngoài ra còn một câu châm ngôn của Napoléon mà thầy Trực bảo học trò viết vào trang đầu tập vở toán hè năm đệ Ngũ :
En mathématique comme en la stratégie, le genie n’est qu’une longue patience/Về Toán học cũng như về chiến lược, thiên tài chỉ là một sự bền chí lâu dài.
Nguyễn Văn Thử sau khi tốt nghiệp sư phạm Quy Nhơn, về dạy ở Đà Lạt, lấy xong cử nhân Anh Văn. Lần cuối tôi gặp là vài tháng trước khi mất Sàigòn. Sau này theo lời Hồ Đắc Duy thì Thử mất ở bệnh viện Chợ Rẫy.
Năm đệ Thất có một biến cố khá lạ lùng mà mãi về sau tôi vẫn không hiểu rõ sự tình. Trong lớp hồi đó có Bảo Thạch, nhà hắn ở đường Gia Hội, gần tiệm bún bò Mụ Rớt. Cái biến cố cho gia đình Bảo Thạch hình như thảm khốc lắm, ông bố là bác sĩ đã giết chết cả gia đình trong giấc ngủ bằng một loại acid cực mạnh và tự tử luôn. Chỉ có mỗi một mình Bảo Thạch sống sót. Người ta bàn tán nhiều lắm nhưng ít ai biết rõ sự tình. Sau đó Bảo Thạch đi nơi khác và từ đó tôi không còn nghe tin tức gì của Thạch.
Qua năm đệ Lục không có gì quá nổi bật nhưng năm đệ ngũ thì có hai thầy giáo đáng nhớ nhất; Thầy Tuân dạy Anh Văn và thầy Mai dạy Việt văn.
Việc đầu tiên khi thầy Tuân bước vào lớp thì một trò nào đó phải xuống bếp mụ cai trường lấy lên một cây củi than còn cháy. Thầy hút thuốc lá cẩm lệ liên tục cho đến hết giờ. Học trò hồi đó coi thầy như một quyển tự điển sống, cũng phải thôi, vì trước đó thầy làm Thông dịch viên cho Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến.
Còn thầy Mai, hẳn nhiên tôi không thể quên vì suốt năm học đó tôi đứng đầu Việt văn. Ngoài điểm ấy ra mọi trò khác phải nhớ thầy vì thầy mặc quần bó chả nói tiếng Bắc, có bà vợ tân kỳ và nhất là người từ Sài gòn bổ ra. Thầy giảng Chinh Phụ Ngâm mê say. Thầy vừa đi vừa đút tay túi quần sau, có thói quen ngồi trên mép bàn, dáng điệu trẻ trung, và quá mới so với tiêu chuẩn nhà giáo Huế thời bấy giờ. Thầy nói tiếng Bắc hay đến nỗi mới đây Ngô Viết Trọng còn ngạc nhiên hỏi tôi, ủa vậy ông Mai là người Huế sao . Vâng ông ấy một trăm phần trăm Huế.
Cũng năm này tôi và Trần Đại Hiền làm bích báo lớp. Hình như Hiền làm chủ nhiệm thì phải vì hắn đẹp trai và có dáng dấp văn nghệ, hèn chi sau này hắn có một đứa con thành công trên lãnh vực nghệ thuật. Trong những bài gửi hợp tác có bài thơ ký tên Đơn Thương Hạnh, tội nghiệp Đơn sau đó bị thầy hướng dẫn mắng vốn vì đem tên người yêu ra khoe, nếu là ngày nay thì coi như thầy xâm phạm riêng tư. (Chuyện này xảy ra năm đệ tam hay đệ nhị với thầy Trương Quý Địch:”:Anh Đơn Anh thương ai thì thương chớ đừng viết lên báo của lớp nghe)(Phạm Cơ chú thích)
Năm đệ Tứ thầy Hoành (có tiệm bán gạo ở đường Hàng Bè) dạy Việt văn nhưng hôm nào đi dạy mà quên mang theo quyển Việt Nam Thi Văn Giảng Luận của Hà Như Chi là thầy cho các trò làm gì thì làm, đem môn khác ra mà học miễn đừng làm ồn. Một hôm thầy giảng bốn chữ NGÂY THƠ BÁCH DIỆP một cách rất trịnh trọng. Ngây thơ là ngây thơ, các trò biết rồi. Bách là trăm. Diệp là lá. Ngây thơ bách diệp là ngây thơ trăm lá, nghĩa là ngây thơ nhưng mà tra lắm. Thầy giảng xong xoa tay đắc chí rồi nghiêm trang nói: trò Đồng Sĩ Bé, trò là người họ Đồng thuộc Mậu tài đại xã, một giòng họ trâm anh thế phiệt, trò đứng lên lập lại cho thầy nghe sướng cái chơi. Ấy chết một câu như vậy mà phải đòi hỏi một cậu học sinh đệ Tứ thuộc giòng họ trâm anh thế phiệt làng Mậu tài đại xã mới lập lại được. Tôi thắc mắc và tự thử sức mình, mấy lần lập lại đúng y bon và tự hào coi như mình cũng thông minh nhất nam tử, cũng thuộc giòng họ trâm anh thế phiệt nào đây.
Còn thầy Lê Xuân Đích hồi đó mới đi Tây về nên thầy hay kể đến bộ vét mặc được hai bề cả trong lẫn ngoài. Thầy dạy Anh văn từ quyển song ngữ Anh Pháp L’anglais Vivant của Barrat. Một hôm thầy dịch một đoạn ra Việt văn, tôi đứng dậy tỏ ra không đồng ý, thầy nhìn trở lại vào sách một lúc rồi nói, thầy không thể sai được vì thầy dịch từ tiếng Pháp. Làm sao tôi dám cãi, thầy là tác giả một trong những quyển Văn Phạm Anh Văn đầu tiên ngày đó mà ngoài bìa ghi, tác giả: Lê Xuân Đích, tốt nghiệp Ngữ Học Paris. A, té ra thầy dạy Anh văn bằng tiếng Pháp.
Năm đệ Tứ có Nguyễn Đức Trung trí nhớ như gương soi. Hắn trả bài vạn vật, sử địa trơn tru hơn tôi nhìn sách đọc ra, không lạ gì về sau đương sự vào sư phạm Sử Điạ. Không biết có bạn nào còn nhớ trên đường Trần Hưng Đạo, khoảng giữa rạp Tân Tân và nhà sách Gia Long có một tiệm sách sống sót chỉ chừng trên dưới một năm, đó là tiệm Thống Nhất của gia đình Nguyễn Đức Trung. Trung có ông anh Kiến trúc sư, cũng văn nghệ lắm vì hồi đó đã đặt lời Việt cho bản nhạc Sayonara từ cuốn phim mang cùng tên do hai tài tử Mỹ và Nhật Marlon Brando& Milko Taka đóng vai chính. Phim này được thực hiện năm 1957 nói về mối tình Mỹ-Nhật mười hai năm sau ngày hai trái bom nguyên tử có ẩn danh “Little Boy” rơi xuống Hiroshima ngày mồng 6 tháng 8 năm 1945 và “Fat Man” ở Nagasaki ba hôm sau đó… » (trích Huế trong tôi/Lê Tất Đạt).

Tôi thuộc thế hệ đàn em của các anh Quế Chi, Lê Tất Đạt. Hai anh học từ đệ thất đến đệ tứ. Tôi học từ đệ tam đến đệ nhị. Tôi nhớ kể từ niên khóa 1964-1965, các trường Nguyễn Tri Phương, Hàm Nghi mới bắt đầu mở rộng thêm các lớp thuộc đệ nhị cấp (cấp 3).
Như đã nói, hai năm học trường Nguyễn Tri Phương là hai năm tôi được cho nghỉ dài dài vì bãi khóa liên miên…
Xin cho tôi được ghi lại những kỷ niệm về ngôi trường Nguyễn Tri Phương yêu dấu :
(còn tiếp)