PDA

View Full Version : Nô en nhớ ngôi nhà đại úy biên



Tuấn Nguyễn
12-08-2013, 04:11 AM
http://i1167.photobucket.com/albums/q625/tuantkbbt/M1B00aHu1EBF_zps8adb7930.jpg

Cứ mỗi mùa Nô En tôi lại nhớ đến ngôi nhà đại úy Biên.
Nhà tôi ở cuối đường Chi Lăng, thuộc địa bàn của xóm Chợ Dinh, trãi dài một vùng rộng lớn, lên tận bến đò Cạn, đi sâu về phía phải (đối diện sông Hương), bởi các con hẽm nhỏ từ đó ra đường Võ Tánh cũ.
Xóm Chợ Dinh đông đúc dân cư, ngoài nhà mặt tiền chính trở ra đường Chi Lăng, còn lại vào trong các hẽm là nhà vườn, nhà của dân lao động bình dân, …
Tuy đông dân, nhà vườn san sát nhưng hầu hết đều theo đạo Phật, đạo thờ cúng ông bà. Rất hiếm đếm được trên đầu ngón tay những nhà họ Đạo.
Nhà tôi sát cạnh nhà một gia đình Thiên Chúa giáo, chỉ cách một hàng rào già tàu xanh biếc. Đó là một ngôi nhà trở mặt ra đường Chi Lăng, phía sau nhà là một vườn cây xanh rộng trồng đủ các loại cây, cây ăn trái, cây cho bóng mát và hoa.
Tôi vẫn còn nhớ nhà của đại úy Biên, số 287, còn nhà tôi là 289.
Gia đình đại úy Biên chỉ có một người con trai độc nhất, anh Châu, cùng tuổi với ông anh thứ ba của gia đình tôi. Anh Châu đi học một trường tư thục, tôi không nhớ lớp. Còn anh tôi thì ở nhà làm nghề thợ rèn với cha tôi. Nhà đại úy Biên có một cái quán, sát hàng rào phân cách, thuộc nhà dưới của ông. Quán này dùng cho bà vợ bán đồ gia vị, hàng tạp hóa, thuốc lá, bánh kẹo, rượu, …
Đại úy Biên thuộc lính Bảo An, ông đi làm ngày hai buổi, hình như thuộc đơn vị văn phòng, hậu phương. Ông có khiếu vẽ rất đẹp. Dạo đó, tôi vẫn thường thích thú say mê đứng hàng giờ xem ông vẽ những bức chân dung Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Đại úy Biên đi làm bằng chiếc xe gắn máy Zundap, thời điểm 1954 - 1955, mà có xe gắn máy đi là xem như hách quá rồi. Nhà tôi, dạo ấy tuy là nhà ngói, 3 căn hai chái, sân đất khá rộng nhưng tôi nhớ chỉ có mình cha tôi là có được một chiếc xe đạp dàn gọi là demie – courbe, sang lắm đó.
Xóm Chợ Dinh, chung quanh chỗ tôi ở đủ thành phần, công chức, quan lại về già, khất sĩ, tu sĩ Phật giáo, buôn bán, ... Nói chung là thuộc nhiều giai cấp, nhưng những người hàng xóm láng giềng quanh tôi đều hiền hòa, sống chân thật, giúp đỡ nhau. Dưới mắt tôi ngày ấy, Chợ Dinh là một đại gia đình mở rộng của tôi. Cuộc sống sao êm đềm quá!
Ngày ấy tôi còn quá nhỏ, ký ức tôi có thể chưa ghi đậm hình ảnh kỷ niệm nhưng với tôi ngôi nhà của người họ Đạo ấy đã để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc.
Tôi còn chưa nhắc để bạn biết là người anh đầu của tôi, anh Tụy, dạo ấy là lính của đại úy Biên. Nhưng bản tính anh tôi lêu lõng, thích chơi bời trác táng với bạn, thường bỏ việc, không đi làm. Đại úy Biên nể tình anh tôi là con người hàng xóm nên chỉ qua nhà tôi và kể chuyện cho cha tôi. Đôi lần cha tôi đã xin lỗi nhưng rồi chứng nào tật nấy, ông anh tôi vẫn làm cho cha tôi mất mặt.
Cho đến một hôm, tôi nghe tiếng xì xào giữa cha tôi với một người phụ nữ lạ mặt. Tôi chẳng biết chuyện gì, nhưng mang máng hiểu rằng, anh tôi đã bỏ đi, lần này, không về nữa.
Sau này lớn lên, hiểu chuyện, tôi biết rằng, anh tôi đã nghe lời ai đó xúi giục, bỏ ngủ, tập kết ra Bắc.
Cuộc sống êm đềm qua đi theo ngày tháng, và tôi có nhiều kỷ niệm với gia đình đại úy Biên. Những kỷ niệm mà với tôi vẫn còn rực rỡ ngọc ngà.
Tôi không quên những mùa Nô En ấm áp trong ngôi nhà đại úy Biên. Tôi không quên nụ cười thân ái của ông, không quên sự săn sóc trìu mến mà anh Châu đã dành cho tôi. Có lẽ ngày ấy tôi còn quá bé, chỉ là một cậu bé lên 7, lên 8 ham chơi, thích ăn quà vặt, …
Mùa đông ở xóm Chợ Dinh lạnh lắm. Ngày ngắn đêm dài. Tâm điểm của gia đình tôi vẫn là cái lò rèn mà ngọn lửa hồng đỏ rực đã hấp dẫn mọi người sà vào ngồi chung quanh sau mỗi chiều khi chạng vạng tối. Và đại úy Biên, khi nào cũng vậy, thói quen, đi làm về, không có việc gì, ông qua chơi nhà tôi, ngồi hơ lửa bên bếp hồng. Ông kể chuyện tiếu lâm, khôi hài. Cũng có khi ông tranh luận với cha tôi về một vấn đề nào đó liên quan đến hiện tình đất nươc. Ông ca ngợi Tổng thống Ngô Đình Diệm với chính sách canh tân miền Nam VN, mặc dù phải lo đối phó với CS nhưng vẫn lấy nhân trị làm đầu , …
Và cha tôi thì bao giờ cũng không đồng ý, cãi lại đại úy Biên, cho rằng Tổng thống Diệm bị lệ thuộc chính phủ Mỹ, kỳ thị tôn giáo.
Mặc dù vậy, đại úy Biên lúc nào cũng cười vui, ông nói với tôi:
- Bửa mô, Nô en nhớ qua nhà chơi để xem hang Bê Lem nơi Chúa Zê Su chào đời.
Tôi thích lắm và vẫn cứ chờ, chờ đến ngày ấy.
Và kỷ niệm đêm Nô En, tôi đã dàn trãi trong bài “MỘT PHỐ CỦA TRỜI”
Sau biến cố năm 1963, với phong trào bài trừ đảng Cần lao nhân vị mà ở Huế là các vụ xuống đường do sinh viên HS Huế tổ chức, thực chất đứng đàng sau là nhóm “Lập Trường” do Lê Tuyên khoa trưởng đại học sư phạm đứng đầu. Nhóm Lập trường là nhóm trí thức khuynh tã do các GS đại học đứng tên theo sau như BS Lê Khắc Quyến, Giám đốc bệnh viên trung ương Huế, Tôn Thất Hanh, GS đại học Khoa học Huế, …
Và đại úy Biên cùng chung số phận theo trận cuồng phong chụp mũ “Cần lao” ác ôn.
Dạo ấy đại úy Biên có nuôi một con bé giúp viêc tên Lai, để lo mấy việc lặt vặt trong nhà. Người ta đồn rằng, đại úy Biên đã hãm hiếp con bé rồi giết chết phi tang. Khu vườn của đại úy Biên bị đám đông tràn vào phá tan hoang, mục đích để tìm xác con bé Lai.
Vô ích, bé Lại vẫn biệt tích.
Sau cùng không chịu đựng nổi, đại úy Biên bán nhà lên ở Phú Cam. Và người đến mua là gia đình bà ngoại của cô bé Giáng Hương, người yêu đầu tiên của tôi.
Cách đây 2 năm, tôi về Huế kỵ giỗ mẹ tôi, nhìn khu xóm Chợ Dinh, tôi bùi ngùi quá đổi. Ngôi vườn xưa không còn nữa. Một ngôi nhà mọc lên, bức tường cao che kín tầm mắt tôi.
Tôi qua chơi nhà bác Oanh ngày xưa, bây giờ người con ở, hỏi thăm xóm, trong câu chuyện, tôi được Ky, con bác Oanh cho biết là Lai hiện đã 60 tuổi, chồng con, cháu chắt đầy đủ. Tôi hỏi:
- Răng ngày ấy, ai cũng nói là Lai bị ông đại úy Biên giết chết phi tang!
Ky cười buồn:
- Miệng thế ác nhơn, là nhóm người chống Cần Lao hại người đó.
Thời gian trôi qua, vật đổi sao dời, mới đó mà đã nửa thế kỷ, tôi vẫn còn ưu tư không biết những người trong gia đình đại úy Biên bây giờ ra sao? Ai còn? Ai mất? Tôi hỏi anh tôi, hiện ở Huế. Ông trả lời:
- Sau năm 1975, có lần tau gặp ông Biên ngồi xe lăn bán vé số. Thấy rất tội nghiệp. Tau chạy đến hỏi thăm, ông bảo do một cơn tai biến mà bị liệt nửa người. Ông nở nụ cười với tau nhưng tau buồn quá, hỏi thăm bà vợ thì được biết bà qua đời đã lâu, do phiền muộn sinh bệnh.
- Còn anh Châu?
- Châu đi học tập về, có lần tình cờ tau gặp đi ngang qua trước nhà kêu lớn nhưng Châu chỉ đưa tay chào mà không nhìn lui.
Tôi nghĩ rằng anh Châu bây giờ đã qua Mỹ theo diện HO, nhưng cuộc sống anh thế nào, gia đình anh ra sao? Tôi tự hỏi và sẽ tìm cách để có đáp số
Cho đến mới hôm kia, cách đây 2 tuần, tôi liên lạc được với Thú, người bạn láng giềng ngày xưa ở sau đường Ôn Như Hầu, hiện ở Mỹ, thì được biết rõ: Anh Châu qua định cư ở Mỹ, cưới vợ nhưng vì chuyện lục đục gia dình, vợ anh ly dị. Năm 2006 anh Châu đã qua đời vì ung thư.
Tất cả đều qua đi, tất cả đều không còn gì. Những người thân yêu ấy một thời tôi đã sống cùng với họ, nay đã trở thành cát bụi. Và ngôi nhà đại úy Biên, mỗi lần về Huế, tôi đều nhìn lại - ngôi nhà chỉ còn lại 1/3, vì chủ nhà đã bán lần lượt. Dấu tích đó, rồi sẽ bị xóa sổ theo thời gian ...
Chỉ còn lại mình tôi, ngậm ngùi cho những kỷ niệm.

Tuấn Nguyễn
12-08-2013, 04:13 AM
MỘT PHỐ CỦA TRỜI

http://i1167.photobucket.com/albums/q625/tuantkbbt/Ph1ED1tuy1EBFt_zps38a0f53f.jpg

Bếp lửa những chiều mùa đông thường đỏ rực, sưởi ấm cho tôi cảm giác hạnh phúc, dịu dàng, khi gia đình chúng tôi ngồi quây quần bên nhau. Bây giờ không còn ai…
Tôi nhìn qua khu vườn nhà đại úy Biên. Hoàn toàn quạnh hiu, buồn bã. Sau biến cố 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đỗ, đại úy Biên đã bán nhà ra đi. Ông mua nhà ở Phủ Cam để sống cùng với họ Đạo.
Tôi nhớ sinh hoạt trong ngôi nhà của đại úy Biên mỗi mùa Nô En như một kỉ niệm khó quên. Khu xóm Chợ Dinh toàn là dân ngoại đạo, đa số đều theo đạo thờ cúng ông bà và thờ Phật. Chỉ riêng mình nhà đại úy Biên là Thiên Chúa giáo.
Đêm 24 tháng 12, dù thế nào, tôi cũng được đại úy Biên cho tôi vào xem hang Bê Lem, nơi Chúa giáng sinh. Tôi tò mò nhìn hang động, những đám cỏ xanh non, những cành cây lá xanh che bóng cho những con thú đang quỳ xuống, đón chào Chúa vừa ra đời. Phía trong hang, Chúa nằm trong máng cỏ. trên cao là hình những chú bé có đôi cánh dang rộng bay xuống. Tất cả tạo thành một thế giới ấm cúng, thu nhỏ, văng vẳng tôi nghe tiếng hát của một dàn đồng ca: “Đêm đông lạnh lẻo, Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá bên máng lừa. Trong hang Bê Lem, ánh sáng chói lòa nhấp nhô, …”. Trong thời khắc ấy tôi thấy mình trở thành một con chiên ngoan đạo. Trên bàn thờ là hình chúa Giê Su đang bị đóng đinh, khuôn mặt người Tây Phương có râu xồm xoàn cho tôi một cảm giác xa lạ, kèm theo lòng hoài vọng pha chút sợ hãi. Tôi thích nhất là cây Thông ở góc nhà. Đây là một cây thông thật được đại úy Biên lấy từ đồi Thiên An. Ở mỗi cành thông treo những gói quà với đủ loại giấy nhiều màu sắc, lắp lánh ánh sáng của chất lumineur rất vui mắt. Đại úy Biên nhìn tôi và hỏi:
- Mi thích không?
Tôi gật đầu không đáp.
Đại úy Biên dẫn tôi vào một góc phòng, chỉ cho tôi xem những ống tròn dài có những kí hiệu, giòng chữ mà tôi không quan tâm. Ông nói:
- Chốc nữa sẽ có bắn pháo hoa đẹp lắm.
Điều đại úy Biên nói cũng là điều tôi chờ đợi. Từ những ngày trước, mỗi lần qua chơi, ngồi hơ lửa bên bếp, ông đã quảng cáo trước về những chiếc pháo bông mà ông sẽ cho bắn vào đêm Nô En để mừng Chúa giáng sinh.
Và rồi phút giây chờ đợi cũng đã đến, đúng 12 giờ đêm, khi tiếng chuông nhà thờ ở đâu đó giống từng hồi rộn rã, đại úy Biên đã cho anh Châu, con trai của ông tung những chiếc pháo hoa lên bầu trời đêm lạnh giá, một vùng tối om bây giờ bùng lên ánh sáng đủ màu sắc theo những ngôi sao, những đường đi tạo thành những hình ảnh đẹp.
Khi kết thúc, anh Châu đã cho tôi một chiếc dù màu trắng mà anh nhặt được từ trên cao rơi xuống để làm quà kèm với một túi bánh kẹo. Tôi mở to mắt ngập tràn niềm vui sướng.
Mùa Noel tôi tham dự nhà đại úy Biên hàng năm trở thành thân quen, với không khí ấm cúng với niềm yêu thương thánh thiện của đêm Noel đã mang lại cho tôi một tình cảm dạt dào khó tả. Thời gian biến đổi, biển dâu, ngôi nhà đại úy Biên đã bán lại cho một gia đình khác, theo Phật giáo, lại là bà ngoại người tình năm nào.
Bây giờ dã hết, xa rồi một mùa Noel đầy ắp yêu thương. Ngôi nhà ngoại nàng giờ đây do mấy dì của nàng ở, ngoại nàng đã không còn. Một hôm tôi trở về Huế, nhìn qua khu vườn xưa, tooiboongx thấy khu vườn đã biến mất. Trước mắt tôi là một bức tường xây cao, che kín tầm mắt. Khi tôi hỏi anh tôi, thì được biết, mấy dì của nàng đã bán một nửa cho người khác. Họ đã xây nhà, không còn màu xanh nữa.
Hôm ấy lại đúng vào mùa Noel. Tiết trời lạnh giá. Tôi bồi hồi hồi xúc động nhớ lại ki niệm. Ôi! Mới ngày nào…
Trở vào nhà, nằm trong chăn ấm, tôi lạc giữa sắc màu và một chú bé đến dẫn tôi đi, đi mãi đến một thành phố lạnh ngắt chỉ toàn là một màu trắng của tuyết.
Phút chốc cậu bé biến mất. Tôi một mình giữa thành phố lạnh. Trời không có tuyết nhưng một màu trắng đục như chiếc mùng khổng lồ phủ kín không gian. Con đường vắng ngắt, không một bóng người, không một chiếc xe chạy qua. Các nhà đều cửa đóng. Tôi nhìn hai bên đường. Hàng cây cúi đầu. Thành phố buồn thiu. Lúc này tôi thèm khát một ánh mắt người yêu, một câu nói rất dịu dàng của nàng:
- Lúc này trời thường hay trở, chú hãy bảo trọng!
Nhưng không, không còn gì nữa. Tôi đã mất tất cả. Giấc mơ của tôi, cha tôi, anh tôi, người tôi yêu, các bạn bè, người hàng xóm tốt bụng, … Tất cả đều đã biến vào hư vô. Và bây giờ, chỉ mình tôi. Thế giới này chỉ mình tôi, không còn một ai. Nỗi cô đơn trãi rộng làm tôi sợ hãi và nhớ nàng. Bây giờ cô bé ở đâu? Tôi và nàng xa nhau đã mấy mùa Nô En? Tôi phải đi tìm nàng. Nếu không, có lẽ tôi sẽ chết trong cô độc.
“Một đàn chim tóc trắng, bay về qua trần gian, báo tin rằng, có nàng Giáng Hương. Nàng ngồi trong cung vắng, trong một đêm đầu trăng, phá thêm vàng, bước vào vườn hoa. Không gian tràn dâng, niềm thương rồi tiếng hát xui cuộc tình duyên …”
Điều tôi ao ước đã hiện thực? Tôi thấy mình đang đứng ở con dốc quen thuộc của Đà Lạt. Hình như là ngã ba Phan Đình Phùng – Duy Tân. Tôi lần theo đường Duy Tân, tìm số nhà 100. Căn nhà nàng cửa đóng. Tôi nhìn quanh tôi. Nhà nào cửa cũng đều đóng kín, tôi chợt nhận ra con đường hiu hắt, không một bóng người. Tất cả đều lạnh lẻo.
Là một thành phố chết?
Tôi không tin. Tôi gõ cửa nhà nàng với lòng hồi hộp sợ sẽ gặp mặt người cha lạnh lùng. Nhưng cửa vẫn im lìm, không một tiếng động.
“Tôi vội vã về xô bật cửa em.
Căn nhà trống như lời lối xóm.”
Nhà thơ Viên Linh đã sống trong tâm trạng ấy, và tôi, bây giờ tôi đã đồng cảm. Tôi xô bật cửa nhà nàng. Cánh cửa mở tung. Ngôi nhà vắng ngắt. Tôi hoảng loạn đi vào phía trong, và căn phòng nàng hiện ra trước mắt. Nàng ngồi đó, đang đọc sách. Khuôn mặt ngây thơ vô tội, không một phản ứng nào khi thấy tôi. Tôi xúc động, bước vội đến bên nàng. Tay tôi đặt nhẹ lên vai nàng. Nàng vẫn bất động. Tôi bỗng rùng mình. Một cảm giác lạnh buốt chạy từ bàn tay chuyền thẳng vào tim. Nàng là một tảng băng? Tôi lay nhẹ nàng. Nàng hoàn toàn trơ cứng. Thì ra nàng đã hóa băng. Lúc này tôi mới nhận biết, thế giới chung quanh tôi đã đóng băng. Bàng hoàng, tôi lách nhẹ vào sâu ngôi nhà: Mẹ nàng đang đứng sau bếp. Bố nàng đang ngôi nơi bàn ăn cùng em trai nàng, Nguyên. Tất cả đều hóa băng.
Ôi! Tôi đang ở trong một thành phố hóa băng. Có thể, tôi sẽ là thành phần của khối băng này? Lúc này đây, tôi cũng chẳng cần gì nữa. Trước mắt tôi là nàng, người yêu bé bỏng của tôi của những ngày tháng xa xưa, thuở học trò. Nàng là cô bé học trường Yersin Đà Lạt. tôi là chàng trai học Đại học Huế. Chúng tôi có một cuộc tình tưởng như trong mơ. Những lá thư từ Đà Lạt gửi về Huế. Huế gửi lên Đà Lạt. Cuốn nhật kí nàng gửi về cho tôi với những trang bị nhòe vì nước mắt của nàng. Đà Lạt một chiều nào chúng tôi sưởi ấm cho nhau bằng những nụ hôn nồng cháy. Vậy mà bây giờ? Người yêu của tôi – Cuộc tình mong manh của tôi ngày nào như thế này đây hay sao? Tôi không thể tin và tôi không hiểu nổi.
Nhưng trước mắt tôi vẫn là nàng, bất động, vô cảm. Không, tôi không thể mất nàng. Nàng là của tôi, không phải là của bố hay của mẹ nàng. Tôi nhào đến bên nàng, ôm lấy thân thể bất động. Nước mắt tôi ràn rụa trên má, chảy dài rớt trên mặt nàng. Nàng vẫn vô cảm. tôi vẫn hoàn toàn xa cách nàng vạn dặm cho dù nàng đang trong vòng tay của tôi.
Hết rồi! những ngày tháng chúng tôi hiếm hoi có nhau. Hết rồi khung cửa sổ cho chúng tôi nhìn nhau những mùa hè bố nàng kềm sát bên nàng, không cho chúng tôi gần nhau. Hết rồi, sáng mồng 4 tết tại quán cà phê Tổng hội vắng người, chúng tôi vội vàng trao nhau nụ hôn khi nàng được cô bạn chở đến cho chúng tôi được gặp nhau.
Hết rồi! Tất cả đều hết rồi. Tôi điên cuồng bồng nàng chạy như biến theo một tiếng gọi vô hình sâu thẳm. Đằng xa là ánh mặt trời. tôi tung mình đuổi bắt mặt trời. Tôi phải tìm ánh nắng, tia lửa sưởi ấm nàng. Xua tan băng giá vây bọc nàng. Trong cơn mê, tôi thấy tôi và nàng đã tìm được miền đất hứa.
Mặt trời làm tan băng giá.
Tôi và nàng biến thành hư vô
Văng vẳng đâu đây tiếng hát của Thái Thanh:
“Ngày đó có em đi nhẹ vào đời và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối…Ngày đó có bơ vơ lạc về Trời, tìm trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới. Ngày đó có kêu lên gọi hồn người. Trùng dương ơi! có xót xa cũng hoài mà thôi.”

robert000
01-29-2015, 09:43 PM
Đàn bà ghét sự im lặng.Trời sinh ra đàn bà để chia sẻ,để nói.
Đàn ông khi đụng chuyện gì cần suy nghĩ,họ có thể im lặng cả ngày.