PDA

View Full Version : Được và không



Triển
02-16-2014, 02:24 AM
Khóa dạy về nước Đức cho người tị nạn Syria:
"Đồng tình luyến ái thì cấm, còn Đức quốc xã thì cho phép?"

Ulrike Putz tường thuật từ Beirut

http://cdn4.spiegel.de/images/image-653297-galleryV9-dmpy.jpg
cô giáo Zeinab Artel: Cái gì ở Đức được phép làm, chuyện gì hoàn toàn cấm?


Những người tị nạn Syria trước khi di cư sang Đức phải qua "khóa hướng dẫn văn hóa". Chung quanh các chuyện như phân loại rác, Đức quốc xã, quyền tự do đồng tình luyến ái. Và câu hỏi được phép xẻ thịt cừu của mình ở nơi nào trên nước Đức.

Trên căn bản gia đình ông Fares chẳng học hỏi được thêm gì cả. Cô giáo Zeinab Artel cố gắng hướng dẫn ba ngày trời cho bốn người lớn rằng ở Đức không được hối lộ. Ai cố hối lộ công chức là phạm tội. Ngay cả "quà cáp" để tỏ lòng tri ân cũng không được.

Tuy nhiên thói quen xưa nay đã thâm căn cố đế, cũng như việc họ đã đút lót để có chỗ trên chuyến bay sớm nhất sang Đức. Hoặc là bà Anas Fares cố hỏi tại sao cô giáo không thể nói một lời tốt đẹp với bác sĩ khám tổng quát, để ông này xác nhận cho tờ giấy là bà mẹ đang rất yếu đi máy bay sang Đức được. Mọi chuyện đều có thể thu xếp ổn thỏa để tất cả mọi người hài lòng đâu ra đó hết mà.

Cô giáo Artel ở tuổi 28 thấy buồn cười về những lời đề nghị này và cho biết trong văn phòng Tổ chức Nhập cư Thế giới (IOM) rằng, "dĩ nhiên các học trò của tôi không thể hiểu được một cuộc sống không có hối lộ sẽ ra sao". Nước Syria đã tham nhũng thối nát đến tận xương tủy y hệt cái chế độ độc tài của nó vậy. Cô giáo Artel kể về những học trò tị nạn Syria trong khóa cấp tốc ba ngày chuẩn bị cho cuộc sống mới ở Đức, "Cả cuộc đời họ có được bằng hối lộ. Chỉ có như vậy họ mới có thể thành đạt".

Năm ngàn người tị nạn Syria cần đặc biệt che chở sẽ được nương náu ở Đức. Trong đó có các gia đình như gia đình Anas Fares một bên có mẹ già đau tim nặng, một bên có ba đứa con thơ. Có một ca sĩ Syria bị sốt tê liệt đi đứng rất khó khăn tạo nhiều chú ý trong lớp học do khôi hài cũng thuộc vào diện được đi. Kế đến là các gia đình như gia đình ông Maaz trước chiến tranh chuyển sang đạo Chúa và bắt đầu từ ngày hôm ấy cuộc sống của họ không còn an toàn nữa.

"Khóa học hướng dẫn văn hóa Đức"

Tuy nhiên trước khi bay sang Đức nhà chức trách đã bắt họ phải qua "khóa học hướng dẫn văn hóa Đức". Trong khi con cái họ ngồi kế bên được trông coi cho tô màu các tấm ảnh hiệp sĩ, thì 25 người lớn phải ráng nhồi nhét hiểu biết về nước Đức. Việc tìm hiểu xoay quanh vấn đề quan liêu, tìm việc làm, hệ thống y tế và cũng có cả chuyện đối với người Syria không thể tưởng tượng được là "Ở Đức cảnh sát là phe ta, họ sẽ giúp đỡ bạn đó", cô giáo Artel bảo đảm trước những người học trò đa đoan. Ở quốc gia cảnh sát trị của Bashar al-Assad chỉ có vài người có quan hệ tốt với nhà cầm quyền.

Cao điểm của khóa học là lúc cô giáo Artel chia các tấm ảnh bọc nhựa. Các người sắp di cư phải nhìn hình ảnh đoán xem điều gì là quốc cấm, chuyện gì là quyền lợi. Có nhiều chuyện tự ai cũng biết rồi như ma túy, trộm cắp, bạo lực cưỡng bức phụ nữ ở Syria cũng bị trừng phạt.

Tuy nhiên các chuyện tiếp theo hơi khó một tí, ví dụ như tấm ảnh con cừu vừa bị cắt cổ. Cô giáo Artel giải thích: "thú vật không được giết trong nhà, ngoài ban-công hay là ngoài đường phố". Ông Murhaf Kasuha từng là chủ nhân của 3 tiệm may trước chiến tranh ngạc nhiên hỏi, "nhưng mà lúc làm đám cưới phải xẻ thịt cừu thì làm sao bây giờ?"

Ông có hai đứa con mười một tuổi và bảy tuổi, các tiệm may của Kasuhas và nhà của ông đã trở thành đống gạch vụn. Ông cho xem hình ảnh của mình trong giờ giải lao. "Chúng tôi không thể trở về, tôi nghĩ rằng sẽ sống đến bạc đầu ở xứ Đức rồi", người đàn ông 42 tuổi tâm sự, vợ ông 38 tuổi gật đầu đồng tình. Cho nên đối với họ bây giờ lo vụ con cái họ sau này đám cưới theo kiểu Syria như thế nào có lý hơn. Cô giáo Artel khuyên, "thì đem con cừu đến lò sát sinh xẻ thịt ở đó".

Tấm ảnh kế tiếp có một người đàn ông tay trong tay với ba người phụ nữ. Cô giáo Artel giải thích, "cưới nhiều vợ theo kiểu Hồi giáo bị cấm", rồi cô giơ cái biểu tượng có hai người đàn ông nắm tay nhau cộng với trái tim. Một ông học trò hô lên: "đồng tình luyến ái bị cấm!". "Sai bét luôn!", cô giáo Artel nhấn mạnh khiến cả đám cười ngặt ngoẽo. Quan hệ đồng tính là một quyền tự do cá nhân ai cũng được hưởng ở Đức. Cô nói, "nếu quý vị ngồi trong một quán cà-phê mục kích hai người đàn ông ở chung với nhau thì không được phép dè bỉu".

Làm ơn đúng giờ giấc, tính tới từng phút

Và cứ tiếp tục dạy như vậy, ví dụ như không được đánh trẻ con, người Đức quan trọng việc đúng giờ giấc tính đến từng phút, rồi còn một chuyện phải nói nữa là phân chia rác ra từng loại. Tuy nhiên cho đến lúc cô giáo giơ tấm bảng thập tự sắt trên nền đỏ lên, thì ai cũng tẩu hỏa nhập ma. Những người tị nạn đặt câu hỏi: "Tại sao cầm cờ của Đức quốc xã là quốc cấm chứ?". "Người Đức không tự hào về lịch sử nước họ sao?".
Trong vụ này chúng ta phải biết rằng ở vùng Trung Cận Đông cho đến ngày hôm nay vẫn còn có người vinh danh Adolf Hitler. Chuyện nhà cầm quyền Đức quốc xã tiêu diệt người Do Thái vẫn còn là đích đáng đối với những người Ả Rập mang tư tưởng bài Do Thái. Tuy nhiên cô giáo Artel cảnh cáo ngay: "Tuy vậy mang chuyện này ra mà khen ngợi người Đức là thất sách". "Hitler, Đức quốc xã, lò thiêu sống - đơn giản là hãy quên những chữ này đi. Dân Đức rất nhạy cảm vụ này."
Ông bố tên Maaz, người bị đuổi bắt vì theo đạo Chúa phát biểu, "Sao với chúng tôi tất cả điều này rắc rối lộn xộn quá đi". "Nhưng mà con cái chúng tôi sẽ học tập hết từ lúc nhỏ. Bọn chúng phải trở thành trẻ con Đức thôi".





(* dịch từ "Deutschland-Kurs für syrische Flüchtlinge: "Schwulsein verboten, Nazis erlaubt?" (http://www.spiegel.de/politik/ausland/beirut-deutschland-kurs-fuer-fluechtlinge-aus-syrien-a-951604.html))