PDA

View Full Version : Anh tôi và chuyện ngày ấy



Tuấn Nguyễn
08-07-2014, 09:13 AM
Cha tôi làm nghề rèn lại điều khiển đám học trò học việc, thợ làm đồ sắt nên tính tình nóng nảy, hay la mắng các anh chị em tôi. Mỗi khi cha ra khỏi nhà là mấy anh em mừng vì có chút không gian dễ chịu nhưng khi cha về là ai nấy lại lặng lẽ làm việc. Trong nhà chỉ có tôi là được cưng nhất, có thể vì là út mà lại mồ côi mẹ quá sớm.
Tôi lớn dần trong sự thương yêu đùm bọc của mọi người. Năm tôi lên 6, 7 tuổi gì đó, ký ức tôi nhớ rõ là anh Hiền vẫn theo cha đi làm sắt để đúc bê tông cho nhiều nhà trên phố như Thái Lợi, Rồng Vàng, Trương Đình Kiểm, …. Anh Hiền làm việc chăm chỉ được mọi người cảm mến. Có lần, khi làm xong nhà, ông Thái Lợi cho anh Hiền chọn một món quà trong quày tủ của tiệm và anh đã chọn cây đèn pin.
Ban ngày làm lụng vất vả thế nhưng về đêm anh Hiền lại qua nhà bác Uyển để học cùng anh Thông. Một hôm, anh Thông cùng cha mình qua nhà gặp cha tôi để xin cho anh Hiền đi học. Thế là anh Hiền được ông đồng ý cho đi học ngay đầu niên khóa. Lớp đầu tiên anh học là lớp đệ thất. Tôi không hiểu tại sao anh mình không học tiểu học, mà lại đi học liền lớp cao như thế cũng được.
Một điều ngạc nhiên hơn nữa là anh Hiền lại học quá giỏi. Hầu như trong bốn năm học từ đệ thất cho đến đệ tứ tại trường trung học Nguyễn Du Huế rồi sau này qua học Quốc học, tháng nào và năm nào anh cũng đứng vị thứ cao, không nhất thì nhì. Phần thưởng cuối năm mà anh có được luôn là phần thưởng toàn thành phố. Mỗi lần lãnh thưởng anh đều phải nhờ xe xích lô chở. Trên tủ sách của anh một dãy sách từ điển (La rousse) đều là phần thưởng của anh.
Anh học xuất sắc tất cả các môn nhưng sau này khi thi tú tài và chọn ngành học anh lại theo ban Triết.
Tốt nghiệp Đại học sư phạm Triết tại Đại học Đà Lạt, anh ra trường được bổ dụng về dạy tại trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng.
Người anh thứ ba - anh Hiệp, cũng ở nhà làm nghề với cha nhưng vẫn rất hiếu học, ban đêm anh đi học, có gì không hiểu anh nhờ anh Hiền bày. Tôi còn nhớ mỗi lần cha đi lên phố mua vật liệu hay đi nhà bà con kỵ giỗ là hầu như anh Hiệp đều bỏ việc đang làm vội lên nhà trên ngồi vào bàn lấy sách vở ra học. Và với sự cố gắng hết mình, năm 1964, anh Hiệp thi đỗ
Diplôme (trung học đệ nhất cấp), lúc này anh Hiền đã vào Đà Nẵng dạy học.
Do anh Hiền học quá giỏi, bạn bè, bà con, nể phục, thường tiếp cận với nhà tôi rất đông vui, mục đích là để được học hỏi từ anh Hiền. Tôi có một ông chú, anh em thúc bá với cha tôi đã gửi con cho về ở tại nhà chúng tôi để đi học, ấy là chú Giáo, một người thuộc thế hệ với anh Hiền.
Chú Giáo học tầm thường, có thể nói là không học được. Chú thi hoài bằng Dipplome không đổ, mặc dù về ở nhà chúng tôi suốt hai năm trời.
Nhắc đến chú Giáo là tôi không quên được một kỷ niệm vui. Chú Giáo có một thói quen, cứ mỗi chiều, sau khi ăn cơm xong là chú rửa mặt và cứ thế chú khăn lông vắt vai, miệng ngậm cây tăm, thỉnh thoảng cầm tăm xĩa, xĩa, đi lui đi tới trong sân… Hình ảnh này hình như đập vào mắt bác Oanh nhiều lần và … có lẽ làm cho bác ngứa … mắt. Thế nên có một hôm, chú đang đứng … xĩa răng trong sân, trước cổng nhà, bỗng nhiên bác Oanh từ bên kia đường chạy qua rồi một động tác thật bất ngờ, bác Oanh tụt cái quần đùi đang mặc xuống và bác đưa chim trẻ cho chú Giáo, bác nói: “con c tau đây nì!”.
Tôi và anh Hiệp ở đằng sau gần cái bể cạn ngạc nhiên nhưng lại tức cười. Còn chú Giáo thì tái mặt và phản ứng:
- Bác này lạ quá ta! Tự nhiên lại trẻ c … cho người ta.
Tôi vẫn thầm nghĩ có thể bác Oanh mắc bệnh ưa khoe của quý và chứng bệnh của bác lây truyền qua người khác vì bác Tư (vợ bác Oanh) cũng tụt quần mỗi khi gây với bác Oanh và theo lời anh Hiệp thì ôn Bộ, cha bác Oanh cũng vậy. Ha! Thì ra cả nhà mắc phải chứng bệnh ưa trình làng của quý.
Trở lại chuyện học của anh Hiền, ngoài giờ đi học ở trường, anh Hiền dạy kèm tôi học. Mùa hè, ban đêm anh dạy cho mấy HS hàng xóm học thêm với các em như anh Hiệp, anh Cự. Bản tính anh rất nghiêm khi đứng dạy nhưng bài giảng của anh dễ hiểu. Mọi người theo học anh đều thích. Và một điều này nữa, tất cả mọi người theo anh đều được học chùa, nghĩa là anh không nhận tiền.
Tôi nhớ ngày ấy, tôi cùng Hảo, cô bạn láng giềng được anh dạy toán. Anh dùng mấy quyển sách Hình học, đại số viết bằng tiếng Pháp. Anh giao chúng tôi tự dịch và làm lấy. Anh chỉ định, số trang, số bài. Đến ngày hôm sau, anh kiểm tra. Người nào không làm …thì lãnh đủ với anh. Anh vẫn chủ trương, phải soạn bài tập. Làm đúng hay sai không quan trọng. Có lần tôi bị anh phạt quỳ, úp mặt vô tường vì không làm bài, trước mặt Hảo. Tôi xấu hổ quá. Sau đó nhờ anh Lê Văn Sâm, bạn anh xuống chơi xin giúp, mới được tha.
Anh Sâm, cao to như quân cảnh Mỹ, da trắng, tính tình dễ thương. Nhà anh Sâm ở sát chùa áo vàng Tăng Quang Tự. Đó là một vườn rộng gồm nhiều cây ăn trái, trong đó đặc biệt ổi Xa lỵ quá nhiều. Khi tôi lên chơi, tôi tha hồ ăn thoải mái, vậy mà ra về lại được anh cho mang theo, cả hai túi quần đầy ổi.
Anh Sâm thích chơi đàn. Không hiểu anh kiếm đâu cây đàn violon, có lần lên chơi anh lấy đàn kéo tôi nghe một bài của NS Trúc Phương mở đầu là: “Vừa mới yêu nhau mà đã xa rồi …” tiếng đàn réo rắt nghe buồn quá!
Mấy người bạn của anh Hiền học đều giỏi nhưng so với anh Hiền thì vẫn không sao bì kịp. Các anh: Lê Văn Sâm, Võ Văn Điểm, Trương quang Phú, Võ Khắc Giai, … là những HS giỏi của trường trung học Nguyễn Du.
Mới đây tôi được nghe Võ Văn Đôn, em ruột Võ Văn Điểm, đồng thời là bạn thân của tôi kể lại, Anh Điểm so với anh Hiền thì chỉ đáng là học trò. Ngày ấy, anh Điểm đã phải sắm bảng đen để nhờ anh Hiền lên dạy toán thêm cho anh Điểm và mấy bạn của anh Hiền tại nhà thờ cụ Võ. Không ai ngờ rằng, sau này khi lên Đà Lạt học, anh Hiền ở nhà của bà o ruột anh Điểm và kết hôn với con gái đầu của chủ nhà, trở thành em của anh Điểm.
Các anh, khi lên học Đại học, mỗi người theo đuổi một nghành: Anh Điểm theo anh Hiền lên Đà Lạt học Văn, anh Lê Văn Sâm học SPCN, anh Trương Quang Phú học sư phạm Anh Văn. Có lần tôi lên nhà anh Điểm, đang ngồi dịch một tài liệu về Michel Ange với Võ Văn Đôn thì anh Phú bước vào. Thấy vậy, anh Phú cho một lời khuyên: Khi dịch, không cần phải bám sát nghĩa của từng từ mà có thể cho qua những từ chưa biết, sau đó sẽ tra tự điển các từ để trống đó. Tra tự điển có lợi là làm cho mình nhớ từ.
Khi anh Hiền lên Đà lạt theo học Đại học sư phạm ban Triết thì ở xóm trên, trong kiệt Cây Gòn có gia đình cụ Chưởng mà cha tôi mỗi lần tiếp chuyện vẫn gọi là ‘quan” một bẩm quan hai bẩm quan vì cụ làm quan cuối triều nhà Nguyễn. Vợ cụ Chưởng lại có mối quan hệ bà con với bà nội tôi. Một hôm cụ Chưởng ghé nhà tôi và ngõ ý qua cha tôi, cụ quyết định gởi con thứ là anh Phan Thập Toàn lên Đà Lạt để anh Hiền có điều kiện kèm cho anh Toàn học để thi đỗ cho bằng được Tú tài toàn phần. Sau một năm đèn sách tại Đà Lạt, anh Toàn về Huế thi và kết quả đã đậu tú tài toàn.
Vẫn chưa hết, mỗi lần về Huế nghỉ hè hay tết, tôi thấy anh Hiền lại vào nhà cụ Chưởng để kèm cho con gái cụ tức là chị Quế, chị anh Toàn học để thi Tú tài.
Vấn đề các kỳ thi tốt nghiệp ngày ấy quả là rất khó. Tỷ lệ đỗ vẫn là rất thấp, khoảng chừng 15 đến 20% là quá cao. Tôi còn nhớ, tôi đỗ bằng Diplôme mà cha tôi đi khoe cùng xóm.
Khu xóm Chợ Dinh nơi nhà tôi sinh sống, sao quá thân tình và đầm ấm. Láng giềng giúp đỡ nhau như người cùng một nhà. Tôi vẫn bồi hồi khi nghe anh tôi kể lại nhờ bác Uyển cha anh Thông và anh Thông đích thân qua xin mà cha tôi đã đồng ý để anh Hiền đi học. Anh Hiền học qua bài vở của anh Thông, thế mà sau này anh Thông và anh Hiền hai người đều cùng học một lớp, lên đại học anh Hiền thì học triết ở Đà Lạt, anh Thông thì học Việt văn tại đại học Huế nhưng rồi hai người lại gặp nhau tại trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Cả hai đều để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng mọi HS thế hệ trước 1975.
Như đã kể, anh Phan Thập Toàn sau khi đỗ bằng tú tài, anh thi vào sư phạm Quy Nhơn. Hai năm sau, ra trường, bổ dụng, anh Toàn về dạy tại trường tiểu học Phú Hậu, ở dưới Bãi Dâu. Có điều kiện thuận lợi, anh ghi danh học tại đại học Văn khoa cũng ban Triết, hệ niên chế, khác tôi hệ chứng chỉ. Năm anh học năm hai thì tôi cũng thi lấy cái chứng chỉ cuối cùng. Anh vẫn thường hay ra chơi nhà và xem tôi như bạn, mặc dù tôi thuộc thế hệ đàn em của anh.
Phan Thập Toàn rất vui tính, lại thích kể chuyện tiếu lâm. Dạo ấy anh Toàn chưa có gia đình thường đến rủ tôi đi chơi, có khi vào Đại nội, hai anh em chụp hình. Anh Toàn kể tôi nghe những ngày anh lên Đà lạt học luyện thi. Mỗi khi rãnh anh thường hay đi chơi với Bình, mà sau này trở thành em vợ anh Hiền. Có những lần hai anh em, Bình Toàn rủ nhau đi hái trộm mận nhà người ta, mang về vừa ăn vừa bỏ, rất lãng phí. Vườn mận bị phá quá, chịu không nổi, bà chủ nhà nhờ người viết trên tờ giấy lớn hàng chữ: “đứa nào ăn trộm mận xem như chui qua đáy quần tau!” bà chủ nhà cẩn thận lấy một cái quần rách, gắn vào hai ống quần, xong bà treo lên cây mận. Tuy nhiên do bà chủ nhà không biết chữ, bà gắn ngược. Đêm đó hai người chui qua vườn bà hái trộm mận, thấy vậy, buồn cười quá, phát ra tiếng, bà chủ nhà rình bên trong chạy vội ra bắt trộm. Hai người nhanh chân lĩnh mất.
Vốn còn độc thân, Phan Thập Toàn rất thích thú khi được diện kiến hay nói chuyện với phái nữ. Mấy cô bạn của chị tôi - chị Chanh, anh Toàn rất hiếu kỳ. Chị Chanh có mấy cô bạn xinh, dễ thương như chị Dung ở vườn đào đường Chi Lăng hay chị Giáng, Thuyết ở đường Cao Bá Quát, anh Toàn đều biết.
Có lần tôi hỏi anh Toàn:
- Chị Dung đẹp, dễ thương vẫn hay về chơi với chị Chanh, sao anh không tán đi!
Anh trả lời:
- Mình mà tán Dung thì bà mẹ bắt ghế cao đứng chưởi cho nát nước.
Tôi bật cười:
- Kể chi! quan trọng là chị Dung có ưa anh không?
- Cụ mi đừng có xúi ẩu. Ông già mình treo cổ mình lên xà nhà!
Thế rồi có một hôm, anh Toàn ra chơi, khi nói chuyện bồ bịch anh tiết lộ:
- Cụ mi biết không, mình tán dính nhỏ Giáng rồi, một bửa tối lên nhà nó, hai đứa đứng sau vườn, mình ôm nó, hôn đại nhưng vụng về luống cuống răng mình đụng răng con nhỏ, kêu cái “cộp”, thấy hết ham.
Tôi tức cười quá nhưng nghe anh kể cũng thấy thích, tôi nói với anh:
- Anh làm răng tài rứa, bày chiêu cho tui với.
- Cụ mi muốn dạn dĩ khi tán gái chỉ có cách là phải theo tui xuống ngủ đò một lần là thấy khác hẳn liền. Trai mà còn trinh thì không được chi mô.
Tôi cười:
- Đệ tử là Nguyễn Lương Tuấn xin bái phục sư phụ!
Mùa hè Huế, trời nóng dữ dội. Mọi người đổ xô về tắm Bãi Dâu, kể cả những người trên phố, suốt dọc đường Chi Lăng. Anh Toàn vẫn chiều chiều, ra rủ tôi, có khi cả anh Hiệp đi tắm. Anh thích ngắm mấy cô gái ở xóm trên về tắm như Cẩm Hoa, Mai Hoa, …
Một hôm anh tâm sự với tôi anh thích Mai Hoa, bỏ công theo dõi, biết Mai Hoa là Hướng đạo sinh. Anh đón đường, cặp kè tán chuyện, đã có kết quả, rủ đi chơi được rồi nhưng cha Mai Hoa cấm cản. Một bửa, ông tìm về tận nhà nói thẳng với cụ Chưởng, ba anh Toàn. Ông cụ la cho một trận. Anh chán quá bỏ luôn ý định chinh phục người đẹp.
Anh Toàn vẫn thường trực tại nhà chúng tôi, tám chuyện với anh tôi, anh Hiệp, nói chuyện tình hình cuộc chiến, các biến động chính trị VN với cha tôi. Cả nhà đều mến anh. Kỵ giỗ, ngày tết luôn có mặt anh. Còn nhớ mỗi mùa xuân sát tết khi anh chị Hiền và mấy cháu về, anh Toàn ra chơi, gặp mặt, anh vui lắm, kể cả anh Hiền.
Anh Toàn như thành viên trong gia đình tôi, cho đến sau 1975 thì hoàn cảnh xã hội và con người thay đổi quá nhiều … trong đó tôi ít có cơ hội gặp anh.

Tuấn Nguyễn
08-31-2014, 01:27 AM
ANH TÔI VÀ CHUYỆN NGÀY ẤY (tt)

Rồi cũng tới lúc tôi phải chia tay ngôi nhà yêu dấu. Nơi tôi lớn lên với nhiều kỷ niệm. Cũng tới lúc tôi phải xa gia đình, người thân, bạn bè.
Tôi nhận quyết định vào Đà Nẵng dạy học
Lúc này, anh Cự đi sĩ quan trừ bị, tốt nghiệp ra trường theo học chuyên ngành Công Binh kiến tạo ở Bình Dương, được bổ dụng về Đà Nẵng và anh lại ở cùng với anh Hiền. Chị Chanh một thời gian làm việc với BS Nam Anh đã thi vào trường Tá Viên Điều Dưỡng, ra trường được bổ dụng lên làm việc tại Kontum, sau đó được thuyên chuyển vào Bệnh viện Sài Gòn.
Còn anh Hiệp, sau năm 1968, anh làm xong công trình Dòng Chúa Cứu Thế Thủ Đức, anh quay về Huế và mua đất làm nhà trên phần đất đối diện với Ty CS Thừa Thiên Huế. Dự án của anh là làm một ngôi biệt thự tại đây, có nhà xưởng để anh làm nghề.
Tôi nhớ ngày tôi tốt nghiệp đại học ra trường (1972), tôi có lần lượt 3 cái sự vụ lệnh của Bộ Giáo dục bổ dụng tôi dạy tại các trường: Nữ trung học Quy Nhơn, nữ trung học Pleime, nữ trung học Quảng Tín nhưng cái nào anh Hiền cũng bàn và khuyên tôi, thôi để từ từ anh xin chỗ dạy Đà Nẵng hoặc Quảng Nam cho gần nhà để ở cạnh anh. Và quả thật, sau đó, anh cầm hồ sơ của tôi nhờ Võ Văn Lượng, hiệu trưởng trường trung học Hòa Vang mang trực tiếp vào Bộ Giáo dục ký quyết định về dạy tại trường của anh Lượng.
Anh Hiền dạy triết học tại trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng kể từ năm 1964 cho đến tận năm 1975. Những giai đoạn trước năm 1975, anh dạy học hầu hết tại các trường Đà Nẵng. Lịch dạy của anh liên tục, kín giờ, kể cả ban đêm do các trường tư thục thời ấy như Phan Thanh Giản, Bán Công, Bồ Đề, Sao Mai, Thọ Nhơn, Phan Châu Trinh đêm vẫn đòi cho kỳ được GS Hiền dạy triết.
Anh nghiêm trang ít nói, tình cảm không để lộ ra ngoài, nhất là đối với tôi, đứa em út mất mẹ từ lúc quá sớm. Tôi nhớ những lần tôi nằm ở nhà chờ QĐ, mặc dù bận dạy lu bù nhưng anh vẫn quan tâm tới tôi. Ngại tôi chờ việc, sốt ruột, anh chở tôi đi dạo quanh các con đường thành phố ĐN, dẫn tôi đi ăn, vào quán cà phê Dũng ở đường Độc Lập. Hai anh em ngôi đối diện nhau. Anh rất ít nói chỉ thỉnh thoảng nhìn tôi với ánh mắt thương yêu… Những sáng chủ nhật tôi cùng anh đứng ở góc đường Trần Hưng Đạo – Độc Lập tán gẫu với bạn bè hay vào nhà sách để mua sách, chọn sách, …
Một hôm, anh chở tôi đến nhà một người bạn của anh, không phải là GS nhưng chuyên chạy affaire, hôm ấy trời mưa lớn, chúng tôi đi qua một cái sân lội nước bì bõm. Đến đó tôi mới biết là anh đòi cái máy magnétéphone hiệu Sony về cho tôi nghe nhạc vì anh biết tôi rất thích khoản này.
Một lần anh cho tôi kinh nghiệm vấn đề dạy triết. Theo anh, dạy triết không chỉ và không nên nói nhiều về lý thuyết, bởi vì tài liệu đã có sẵn, mục đích là làm thế nào, qua những nhận định hay quan điểm, phải đưa vào những thí dụ thật cụ thể và rất đời thường chung quanh ta hay qua các câu cách ngôn, tục ngữ, các câu chuyện để dẫn chứng. Phương pháp này sẽ làm cho HS thích thú, bớt nhàm chán và dễ hiểu hơn.
Anh là một trong các GS thời ấy dùng tài liệu cho HS (tài liệu được quay bằng máy quay ronéo) sau khi đã dạy xong bài. HS chỉ nghe giảng bài chứ không phải thầy đọc cho HS chép. Mãi đến tận sau này (1973), nhà Xuất bản Trường Thi đã mời anh tham gia viết bộ sách Giáo khoa Triết cho các lớp 12 ABCD bao gồm Tâm lý học, Đạo đức học, Luận lý học, Siêu hình học. Và anh Hiền viết cuốn Luận lý học. Bộ sách Giáo khoa Triết lớp 12, tác giả không đứng tên riêng mà chỉ ghi là BAN GIÁO SƯ TRIẾT (trang 2 liệt kê danh sách các GS tham gia viết sách).
Đà Nẵng thời đó giáo sư dạy triết không thiếu, một số các thầy mà tôi biết như Thầy Hương, thầy Hóa, cô Gia Lai, thầy Triệu nhưng chỉ có anh Hiền mới thật là nổi trội. Hầu như các trường tư thục có lớp 12 thì nhất quyết mời cho được thầy Hiền giảng dạy môn Triết. Đầu niên khóa các pa nô quảng cáo danh sách các GS giảng dạy thì môn triết vẫn là tên Nguyễn Lương Hiền.
Anh được mọi người trong giáo giới kính trọng, HS cảm mến.
Sau năm 1975 anh được nhà nước cho nghỉ dạy.
Suốt một thời gian xấc bắc xang bang vì lo âu cho vấn đề sinh kế, vấn đề an ninh rồi cũng qua đi. Cuối cùng anh cũng tự tìm cho mình một công việc mới: Làm khung xe đạp.