PDA

View Full Version : Hòa Vang ngày ấy



Tuấn Nguyễn
08-21-2014, 07:36 PM
https://fbcdn-sphotos-g-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpa1/v/t1.0-9/s180x540/1922250_10204712037618783_970719678833833930_n.jpg ?oh=7c5f618cf93487911473417ba003c178&oe=54E5608D&__gda__=1427549547_ce9bb6c86a90808919bfb8b29adb08a f

Viết về Hòa Vang là viết về ngôi trường Hòa Vang thân thương, nơi tôi dạy khi mới ra trường, viết về những người đồng nghiệp đáng mến một thời tôi đã có với họ những ngày tháng không quên, viết về những HS yêu dấu đã trải qua những giờ nghe tôi giảng bài, kể chuyện.

1
Tôi về trình diện trường trung học phổ thông Hòa Vang vào một buổi sáng cuối đông, trời đẹp. Tôi nhớ mãi ngôi trường với dãy hành lang hình chữ U cùng cái sân ngợp màu xanh của những cây cao tõa bóng. Từ phòng Hội đồng, tôi nhìn bao quát ra ngoài, bên phải, sát cổng, tường rào là nhà xe. Trong sân, học sinh nam nữ lô nhô, đồng phục xanh trắng, một cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu.
Người đầu tiên tôi gặp là thầy Hồ Điền, Giám học của trường. Ông cầm sự vụ lệnh rồi nhìn tôi từ đầu đến chân.
Ông nói:
- Anh quá trẻ thế này mà dạy lớp 12, lại môn Triết thì có ổn không?
Rồi ông nói tiếp:
- Thôi được! Tôi sẽ giao anh dạy 3 giờ triết tại lớp 12 B, giò còn lại tôi sẽ để anh dạy 2 lớp 10 môn sinh ngữ 2 Pháp văn, và 2 lớp 8 môn Quốc văn. Cọng tất cả là trên 23 giờ rồi.
Tôi cười:
- Sao cũng được, tùy anh.
Thế là tôi bắt đầu nghề dạy kể từ đó. Năm đó là năm 1972 hình như là tháng 12. Tôi đâu ngờ rằng bước qua năm hai , thời khóa biểu phân cho tôi, toàn chi chít giờ triết: 12A1, 12A2, 12A3, 12B, 12C. Tôi cầm thời khóa biểu vào văn phòng gặp anh Hồ Điền, la lên:
- Tội em quá anh Điền, anh cho bớt giờ triết đi!
GS Hồ Điền rút ra một tờ đơn, đưa cho tôi:
- Anh xem, HS có nguyện vọng được GS Nguyễn Lương Tuấn dạy triết. Vậy thì làm sao? Anh cố lên nghe!
Tôi cười hết ý kiến.
Tôi tìm thấy ở trường trung học Hòa Vang không khí dạy học rất vui. Ngoài giờ đứng lớp, các GS gặp nhau tại phòng Hội đồng chuyện trò, trao đổi, chuyện vặt rất thú vị. Mỗi GS có một tính cách nhưng người nào cũng nhã nhặn, lịch sự. Ấn tượng nhất là GS giám học Hồ Điền, ông nói chuyện pha hài hước vui, sống động; GS Võ Văn Lượng, hiệu trưởng cũng dạy triết như tôi lại đứng đắn, phong thái nghiêm trang, chuẩn mực, điềm đạm; một GS dạy triết khác nữa là cô Nguyễn Thị Hạnh rất duyên dáng, Hạnh nói nhanh giống như tác phong của cô khi bước đi trên hành lang đến lớp. Ngoài ra có nhiều GS rất trẻ mới hoặc đi dạy chỉ chừng vái năm, tha hồ cho các GS nam chưa vợ để mắt tìm kiếm. Và đó cũng là đề tài cho những buổi chọc ghép đôi lồng trong mẫu chuyện pha tếu của các GS đàn anh.
Về trình diện cùng lần với tôi, có Nguyễn Bình dạy vật lý. Ông ít nói, chỉ ngồi yên thỉnh thoảng đằng hắng, hình như thành cố tật. Cũng như tôi và nhiều GS khác còn độc thân, Bình thường được một số đồng nghiệp người Huế cặp đôi và đối tượng là Nguyễn Thị Thanh, cũng mới ra trường.
GS Hồ Điền chọc:
- U chu choa! Thầy Bình gặp cô Thanh thì quá tốt đôi – Thanh Bình.
Nguyễn Thị Thanh chỉ mĩm cười nhún vai rất điệu còn Nguyễn Bình thì “đằng hắng” liên tục.
Chính vì tính đằng hắng như vậy mà GS Bình có biệt danh là “Bình khịt”.
Bên cạnh Thanh người Huế còn có một Việt Anh dạy môn Hóa, Lý rất sôi nổi và năng động. các giờ dạy của cô luôn tất bật vì phải chuẩn bị đồ để làm thí nghiệm. Việt Anh không đẹp, mũi tẹt nhưng được cái là ăn nói duyên dáng dạn dĩ, GS Hồ Điền chọc Việt Anh, ghép Việt Anh với Nguyễn Văn Xoa, V.Anh trả đũa ngay, và thường bao giờ mọi người cũng cười xòa vui vẻ.
Ngoài ra còn có một số GS người Huế khác vẫn trẻ chưa có gia đình như Nguyễn Văn Xoa, người Kim Long, dạy sử địa, tính tình chất phác, Kim Phượng dạy Pháp văn, mỗi khi cười thường lấy tay che miệng, Nguyễn Thị Toàn dạy pháp văn thực tập, ít nói nhưng không ngờ gây scandale với GS Tăng Đãng dạy công dân, Kim Oanh dạy toán, Nguyễn Văn Tự dạy Công dân trường chi nhánh, …
Một số GS trẻ chúng tôi chơi thân với nhau, thường tập trung, rủ nhau đi ăn chè hay cà phê, vẫn nhớ quán chè chuối ở đường Cô Giang, quán cà phê Lộng Ngọc đường Phan Đình Phùng. Vui nhất là mùa hè, chúng tôi về Huế và cùng đi chơi, tổ chức cà phê salon, tại nhà rất đầm ấm thân mật.
Đội ngủ GS Hòa Vang đông, có đến 60 người, ngoài trường chính, Hòa Vang còn có cơ sở 2 ở đó chỉ có cấp 2, nhiều người tôi chỉ gặp khi họp đại hội đồng ví dụ GS Nguyễn Văn Tự dạy công dân hay thầy Nguyễn Văn Nhơn dạy Pháp Văn. Năm đầu tiên đến dạy Hòa vang, tôi biết có nhiều GS trẻ khác. Họ tốt nghiệp đại học sư phạm Huế như Lý Năng Nhường dạy môn Pháp Văn người Đà Nẵng, Nguyễn Thanh Sang dạy Toán người Bắc hay Lê Thị Kim Ngân tốt nghiệp Đại học sư phạm Anh văn, người Bắc. Bên cạnh còn có Nguyễn Thị Mai, GS tư nhân dạy giờ môn Anh văn người mãnh khảnh xinh xắn, nước da ngâm đen, cắt tóc ngắn, dáng đi mạnh mẽ, Mai có phong thái người miền Nam, …
Kim Ngân, Nguyễn Thị Mai luôn cặp kè cùng nhau và là hai nhân vật nổi đình nổi đám trong giới HS. Vào nhà vệ sinh thấy ngang dọc những dòng chữ cặp đôi cô Mai với người này, cô Ngân với người kia làm thầy Hồ Điền sùng máu nói trong phòng hội đồng là phải tìm cho ra tác giả của những hàng chữ kia.
Sau này có GS Ngô Trần Ái sĩ quan biệt phái về dạy. Tôi nhớ kỷ niệm một buổi chiều tôi có giờ rơi, giờ thứ ba. Tôi đến phòng hội đồng, thấy có một sĩ quan trẻ mang lon chuẩn úy, ngồi tại đó. Người này không cao, da ngâm đen, cặp mắt hơi lồi, nhưng tia nhìn trực diện. Tôi tò mò hỏi:
- Anh là GS mới về trình diện.
Ái đứng dậy bắt tay tôi niềm nở và tự giớ thiệu về mình. Ái học đại học sư phạm Sài Gòn, về trường dạy Vạn Vật. Sau này tôi với Ái thân nhau. Ái thường hay mặc áo cộc tay nhưng có cố tật là lại xăn tay lên một nấc nữa. Ái năng động, vui vẻ, rất thích hoạt động và đặc biệt Ái thích ga lăng với phái nữ và nhất là với … Kim Ngân.
Ái ở với mẹ tại một ngôi nhà ở ngã ba Cẩm Lệ. Có những lần tôi ở lại qua đêm với Ái tại đây. Buổi tối chúng tôi chơi bài xì lác. Về khuya mẹ Ái nấu lẩu cá chúng tôi ăn rất tuyệt.
Bây giờ nhớ lại những ngày ấy sao vui và êm đềm quá.
Như đã nói, GS Hồ Điền vui tính và có máu hài rất thú vị, ông ứng đối rất giỏi mọi tình huống. Hồ Điền kể có lần, ông gặp một HS bỏ áo vào quần nhưng không có nịt. Ông ra hiệu HS này dừng lại và hỏi:
- Nịt quần của em đâu?
HS này không trả lời, đưa tay chỉ vào ông. GS Điền lúc đầu không hiểu, ngạc nhiên hỏi:
- Em muốn nói gì?
- HS vẫn không nói, nhưng lần này chỉ thẳng vào lưng quần của ông. GS Hồ Điền nhìn xuống và phát hiện sáng nay ông quên mang nịt quần. Một phút lúng túng. Sau đó ông nói ngay:
- Thầy có vợ rồi còn em có vợ chưa?
HS này cười. Hồ Điền nghiêm trang:
- Tôi hỏi em đã có vợ chưa, trả lời tôi!
HS lúng túng:
- Thưa thầy chưa.
- Vậy thì em không được phân bì tôi! Thôi tôi bỏ qua, lần sau nhớ phải có nịt quần!
Về phòng Hội đồng GS Hồ Điền kể lại, mọi người cười ngất.

Tuấn Nguyễn
08-21-2014, 10:38 PM
2

Trường trung học Hòa Vang nằm sát phi trường Đà Nẵng, điều này bất lợi cho việc giảng dạy của các GS. Có những lúc đang giảng bài, bỗng nhiên tiếng động cơ của máy bay lên xuống làm GS phải ngừng lại. Ngày đầu tiên đứng lớp, lại dạy giờ quốc văn lớp 8, bấy giờ tôi giảng bài “Nhớ thu” của Đinh Hùng, một bài trích đoạn, bài này, ngày học lớp đệ thất tôi đã rất thích khi nghe thầy Nguyễn Phúc giảng. Bài giảng của tôi đang thao thao theo dòng cảm xúc, đùng một cái, tiếng động cơ máy bay làm cắt dòng suy tưởng. Đến khi tiếp tục trở lại, tôi phải hỏi HS: Đến đâu rồi các em. Một HS cười rồi đưa tay xin phát biểu, tôi hỏi:
- Em có ý kiến gì?
HS trả lời:
- Thưa thầy, thầy giảng chậm cho tụi em nghe với.
Tôi cười:
- Ừ hí!
Ngày ấy các bài giảng về môn Quốc văn, thường tôi không soạn sẵn như bây giờ. Trước 75, vấn đề giảng dạy, GS có quyền chủ động, có thể dùng bất kỳ một cuốn sách nào để dạy, miễn rằng theo đúng chương trình Bộ Giáo dục đã chỉ định. Và không có ai kiểm tra cái gọi là “giáo án” như bây giờ. Do đó khi tôi giảng xong giờ Quốc văn lớp 8/1, tôi qua lớp 8/2 dạy, tôi vẫn thao thao theo dòng suy tưởng. Và có một lần, tôi mượn vở HS của hai em khác lớp đối chiếu, tôi giật mình vì hai bài giảng của tôi khác nhau. Tuy nhiên xét về trọng tâm bài giảng thì vẫn không khác. Nói điều này để bạn thấy, tôi không soạn “giáo án“ như bây giờ và dòng tư tưởng của tôi thay đổi liên tục.
Tôi vẫn nhớ, dạy môn quốc văn lớp 8, tôi đã táo bạo cho HS làm quen với phương pháp trắc nghiệm. Ký thi đệ nhất lục cá nguyệt, ngoài bài luận viết, tôi cho HS trả lời giáo khoa bằng TN.
Qua cuộc thi trắc nghiệm cho các em HS lớp 8, tôi nhận thấy, HS nào hiểu bài làm được, HS nào không hiểu bài, không học bài đều không chọn được câu đúng.
Năm đầu tiên, hai môn Quốc văn lớp 8 và Pháp văn sinh ngữ 2 lớp 10, tôi dạy thoải mái. Còn môn triết có tài liệu quay ronéo của anh Hiền, tôi giảng xong phát cho HS, em nào không hiểu cứ tự do phát biểu. Đầu tiên khi vào lớp tôi nói với HS: Các em là HS lớn nhất trường. Tôi hơn tuổi em không nhiều. Vấn đề kiến thức của tôi thì tôi nghĩ, tôi chỉ là người đi trước. Tôi giảng bài, có chỗ nào không hiểu, các em cứ hỏi. Tôi trả lời được ngay thì tốt, còn không tôi hứa sẽ về nhà nghiên cứu, giờ sau sẽ trả lời. Tôi không phải là ông Thánh. Có những vấn đề mà các em hiểu vì đã có đọc, đã biết còn tôi thì chưa, tôi xem đó là chuyện bình thường, …
Có thể vì vậy, nên giờ dạy triết của tôi diễn ra thoải mái vui vẻ, có nhiều HS thắc mắc đặt câu hỏi rất hay và làm cho tôi thích thú. Tôi thường nói với các em:
- Có hiểu bài mới đủ khả năng đặt câu hỏi!
Các giờ Tâm lý học là sinh động nhất và một số em ở lớp 12C ngày ấy rất động não như em Thắng, em Hệ, em Ý, và em Phúc.
Anh Hiền có lần căn dặn tôi, dạy triết không chỉ và không nên nói nhiều về lý thuyết, bởi vì tài liệu đã có sẵn, mục đích là làm thế nào, qua những nhận định hay quan điểm, phải đưa vào những thí dụ thật cụ thể và rất đời thường chung quanh ta hay qua các câu cách ngôn, tục ngữ, các câu chuyện để dẫn chứng. Phương pháp này sẽ làm cho HS thích thú, bớt nhàm chán và dễ hiểu hơn.
Do đó, giờ triết của tôi thường hấp dẫn HS bởi lối kể chuyện, ví dụ sinh động.
Năm đầu tiên đi dạy, có một chuyến dã ngoại đi Cù Lao Chàm, đối tượng là các GS và HS lớp 10, 11, 12.
Sau một chuyến hải hành do tàu Hải quân đưa đi, chúng tôi đến bãi thì vừa chiều. Đoàn tất bật cắm trại, chuẩn bị ăn uống thì tôi được GS Hồ Điền báo là tối nay tôi có buổi nói chuyện với các em HS. Quyết định này quá đột ngột. Đúng ra anh Điền phải báo tôi trước để tôi chuẩn bị, đằng năỳ “bắt cóc bỏ dĩa” thì tôi kẹt quá. Tôi than phiền với anh Điền, anh nói: cụ mi cứ nói thoải mái, nói bất cứ cái gì cũng được.
Đêm đó quanh lửa trại, trước rất đông HS và GS, tôi cầm micro phang đại một đề tài, tôi trình bày về huyền thoại cái hang (mythe de la caverne) của Platon để nói lên một vấn đề: nhận thức của chúng ta chỉ là một sự nhớ lại. sở dĩ có người vẫn không biết, không nhớ lại được là do bị che lấp bởi cảm tính, bị đánh lừa bởi giác quan, …
Dốt là không biết, không biết là do nhận thức, tư duy của chúng ta bị thân xác chi phối giống như người nô lệ bị nhốt trong hang tối. Họ quen với bóng tối, bây giờ đưa ra ánh sáng, họ sợ bị chói mắt …
Đề tài này tôi nghĩ là khó hiểu so với trình độ HS, nhưng thôi, biết làm sao. Tôi chỉ lo là các GS khác như GS Võ Văn Lượng, GS Nguyễn Thị Hạnh cười tôi thôi.
Dù thế nào thì tôi cũng thoát nạn.
Chuyến dã ngoại tạo thêm tình thân hữu giữa các GS, tôi nói chuyện với Mai, Kim Ngân, nhận thấy hai người rất thân nhau. Mai lại là anh em bạn dì với Ái, do đó tình cảm của hai người hình như mẹ Ái nắm được. Với tôi Mai duyên dáng, tác phong tự nhiên, phong cách của người miền Nam. Tôi có cảm tình với Mai. Mai cũng có vẻ thích nói chuyện với tôi. Mai nể tôi vì là GS dạy triết. Nhưng cho dù thế nào, tôi đối xử với Mai như bạn, một người bạn thân rất đáng mến.
Tôi chơi thân, rất tự nhiên với các nữ GS như Việt Anh, Kim Phượng, Oanh, Tuyết, Kim Ngân, Thanh hay Mai, … Tình cảm đối xử nhau chân thành vì vậy rất dễ thương như anh em một nhà.
Các GS nam cũng vậy, một số thầy dạy đệ nhất cấp như Lê Nho Binh, Nguyễn Văn Cao, Hoàng Hổ, Huỳnh Sự, Hồ Viên (em Hồ Điền), Lê Nhựt Sanh, Lê Văn Đức, Phan Gang, Hà Mạnh Thu, Lê Thị Hảo, Ngô Bá Phước, Lê Văn Nhơn, … tất cả đều vui vẻ, trao đổi chuyện trò hết sức lịch sự nhã nhặn, đoàn kết.

Tuấn Nguyễn
08-25-2014, 05:44 PM
3
Trường Hòa Vang có những cặp GS dễ thương, hạnh phúc: Anh Huỳnh Ngọc Lộc và chị Nguyễn Thị Thu Sương, anh Trần Cảnh Nhứt và chị nguyễn Thị Hạnh, anh Võ Văn Lượng và chị là Bùi Oanh Yến rồi sau này có chị Lê Thị Phú Phương và anh Nguyễn Văn Mãn, … chưa hết anh Nguyễn Thanh An và vợ là chị (quên tên, em gái chị Phú Phương) …, anh Hà Mạnh Thu và vợ là chị …(quên tên), …có lẽ còn nữa mà tôi không nhớ.
Tuy nhiên một nỗi buồn lớn cho chị Phú Phương và hội đồng GS, một tai nạn đã xảy ra. Một hôm anh Nguyễn Văn Mãn đi xe Vespa ra Huế thăm nhà, khi trở vào, gặp trời chạng vạng tối, xe đã va vào cái thanh chắn chận để xe lửa đi qua ở Nam Ô Liên Chiểu. Anh Mãn đã ngã xuống đường và qua đời.
Nếu dòng đời không có những thay đổi, những diễn biến lịch sử, tôi nghĩ sẽ có nhiều cặp GS sẽ kết thành v/c tại ngôi trường Hòa Vang này và với tôi, tôi nghĩ Hòa Vang như một mái ấm gia đình của những thành phần trí thức được đào luyện theo những chuẩn mực tốt nhất về kiến thức, năng lực cũng như đạo đức và mỗi một người đứng trên bục giảng dưới mái trường Hòa vang nói riêng và hệ thống giáo dục của miền Nam nói chung đều đã thực hiện đúng phương châm “Giáo dục là trên hết”.
Một điểm đặc biệt khác, đa số các GS dạy tại đây đều đi từ Đà Nẵng, mặc dù trường cách Đà Nẵng hơi xa, 7 km. Mọi người đi dạy bằng xe Honda, có người còn lái xe hơi, như anh Trần Cảnh Nhứt, anh Huỳnh Ngọc Lộc, anh Phan Tấn Chỉnh, anh Ngô Bá Phước, …
Tôi thich phòng hội đồng GS cả về không gian kiến trúc lẫn không khí thân mật. Phòng thiết kế cửa vào theo hình parabol, cửa sau là phòng restroom. Sát hai tường là những tủ bằng gỗ gồm nhiều hộc, mỗi hộc có dán tên GS dùng cho cá nhân các thầy cô để đồ dùng.
Buổi trưa có nhiều GS từ Đà Nẵng ở lại để dạy xuất chiều và phòng hội đồng trở thành chỗ nghỉ ngơi của GS. Nhiều người nghỉ nhưng không ngủ mà ngồi đấu láo. Thôi thì đủ thứ trên đời. Tha hồ cho mấy GS còn độc thân có cơ hội tiếp cận.
Tôi chưa có cơ hội ở lại nhưng những chuyện hấp dẫn, tôi được nghe kể. Chuyện thầy TĐ và cô NTT, đã như một scandale gây chú ý mọi người. thầy TĐ dạy công dân, cao to, khuôn mặt đàn ông nam tính mạnh mẽ, giọng nói to, dỏng dạc như đang diễn thuyết, rất thu phục, mặc dù trên khuôn mặt của ông, làn da hơi bị rỗ. cô NTT, thực tập viên dạy pháp văn đệ nhất cấp đã bị lôi cuốn bởi GS TĐ. ...
Thế rồi giữa bửa trưa, gia đình GS TĐ, vợ con ông kéo đến trường đánh ghen, gây náo loạn.
Ha! Sự việc không dừng lại đây. Một tháng sau, cả hai người, mỗi người một sự vụ lệnh của Bộ Giáo dục, lên đường đi nhận nhiệm sở mới. Rất xa …hai phương trời cách biệt!
Nói như vậy để thấy rằng đơn vị chủ quản thông qua Hiệu trưởng, Giám học nhà trường đã kịp thời, nhanh chóng giải quyết sự việc cũng như sự đáp ứng mau lẹ của Bộ Giáo dục Sài Gòn chứng tỏ Hệ thống giáo dục ngày ấy luôn luôn và bao giờ cũng rất mực thước và gương mẫu trong vấn đề mà giáo dục tự đặt ra cho mình.
Trường trung học Công lập Hòa Vang nằm trên địa bàn của huyện Hòa Vang, trước 1975 thuộc tỉnh Quảng Nam. Đây là vùng đất giáp ranh thành phố Đà Nẵng, nhưng đa phần gia đình sinh sống bằng nghề nông, nghèo. Nó là một thị trấn nhỏ, nửa quê nửa tỉnh. Điều kiện học của các em HS cũng không dễ dàng. Do điều kiện như vậy nên HS Hòa Vang có nhiều em đang học, một hôm nào đó vắng mặt không có lý do. Khi tìm hiểu tôi mang máng biết rằng các em đã đi bưng, có nghĩa là theo du kích, …
Tuy thế, các em học hành rất nghiêm chỉnh, chăm ngoan và nhiều em rất xuất sắc không thua gì các em HS Đà Nẵng. Tôi có cơ hội được so sánh với các em HS thành phố Đà Nẵng vì cùng thời điểm tôi có một số giờ dạy tại các trường tư thục như Bồ Đề, Bán Công Đà Nẵng và tôi nhận thấy HS Hòa Vang vượt trội HS hai trường trên. Có nhiên so sánh như thế cũng hơi khập khiểng vì trường tư thì có thể trình độ và hệ số thông minh của các em có thể thua HS trường công thời ấy vì HS trường công đều đã được chọn lọc bằng các cuộc thi tuyển.
Niên khóa sau cùng tôi dạy nửa chừng thì xảy ra biến cố 75. Năm này thời khóa biểu phân bố tôi dạy triết quá nhiều. 3 lớp 12A, lớp 12 B và 12C. Lẽ cố nhiên chị Hạnh, anh Lượng cũng dạy một số giờ trong những lớp này nhưng số giờ nặng về tôi nhiều hơn, nên tôi hơi vất vã. Tuy vậy các em HS học giờ triết tôi dạy cũng như làm bài rất kết quả, so với hai trường tôi dạy ở Đà Nẵng. Điều này khiến tôi rất vui. Các em lại rất kỷ luật, biết nghe lời và vâng phục thầy. Đứng từ góc độ hôm nay để so sánh cách dạy của tôi ngày ấy, tôi thấy có nhiều tình huống hình như không ăn khớp. Trước hết hình tượng GS ngày ấy dưới mắt các em là một cái gì đó rất kiểu mẫu, rất thần tượng. Các em kính nể các thầy. Điều này tôi không tìm gặp ở HS hôm nay. Có thể giải thích, hiểu được lý do về sự xuống cấp của hình ảnh người “thầy” hôm nay. Phải chăng giáo dục hiện tại mang tính kinh doanh, lợi nhuận là chính? Nhiều người ta thán nhà trường chỉ là nơi bán chữ. Và khi đã bán chữ, nghĩa là có tiền là mua được tất cả, vậy thì ở đây ta bổ sung thêm một từ nữa, ấy là “quyền lực”. Quyền lực và tiền bạc như hình với bóng. Có những người đang đứng trên bục giảng dạy đại học nhưng coi chừng! bằng cấp để đo lường năng lực của họ lại là bằng cấp do quyền lực và tiền bạc!
Khổng Tử nêu thuyết chính danh: “quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”. Thầy cho ra thầy, lúc đó trò mới ra trò.
Vì vậy những hiện tượng sai trái trong mối quan hệ thầy trò sau năm 75 là đương nhiên, tất yếu.
Tôi vẫn nao nao khi nhớ về mối quan hệ thầy trò ngày ấy. Những lúc giờ ra chơi, đi ngang qua hành lang, tôi bắt gặp từ đàng xa các em HS khối lớp lớn, đang đứng chuyện trò choán lối đi, thế nhưng thấy các thầy hay cô đang đi tới, các em vội vàng nép vào sát tường dàng lối cho thầy, cô đi qua một cách rất kính trọng. Điều này đi từ kinh nghiệm bản thân, rất khó lòng tìm thấy sau 75.
Một vài hành động của tôi khi phạt HS ngày ấy, bây giờ nghĩ lại, thấy thương và hối hận, tại sao ngày ấy mình làm quá vậy. Tôi nhớ năm sau cùng, tôi dạy HS lướp 12 C vừa là GS cố vấn của lớp. Cuối năm tôi cho các em tổ chức một tờ báo đặc san Xuân nhưng lấy tên chủ đề là “Dân ta đói khổ”. Tôi cho họp ban Báo chí và tôi nói rất rõ là tờ đặc san chủ đề đã nói lên nội dung rồi. Các em viết bài nộp để tôi đọc. Riêng các bài thơ tôi giao cho các em trong ban chủ động đọc, chọn lựa để đăng, miển rằng nội dung phải là lành mạnh, không được nói lên những tình yêu nam nữ lăng nhăng. Tôi lưu ý, tờ đặc san sẽ được tôi mang đi hai trường tư khác mà tôi đang dạy để bán cho HS, …Sau này, khi tờ báo hoàn tất, tôi cầm đọc, phát hiện thấy nhan nhãn những bài thơ về tình yêu trai gái vớ vẩn. Lúc đó tôi nghĩ rằng phải phạt nặng mấy em HS ban Báo chí để làm gương cho sau này. Tôi phân tích lỗi các em không nghe lời gây tác hại cho nội dung của tờ đặc san. Sau cùng ba em trong ban báo chí tôi phạt mỗi em 3 roi. Tôi vẫn nhớ hình ảnh các em nằm trên bục giảng và nhận làn roi của tôi. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy áy náy mãi. Đúng ra tôi không nên phải xử sự mạnh tay như thế. Chỉ cần nói cho các HS ý thức lỗi của mình và cho phạt cấm túc là được. Tuy nhiên tôi chỉ hối hận chứ không ăn năn vì làn roi của tôi xuất phát từ sự thương yêu chứ không phải thù ghét.
Một kỷ niệm về sự cố này, sau 29/3 năm 1975, tôi đến Ủy ban Quân quản phường để xin xác minh về tình trạng chiếc xe Honda dame tôi đang xử dụng, không phải là xe gian, do giấy tờ xe bấy giờ tôi chưa sang tên. Tôi nhớ khi bước vào phòng, tôi chợt thấy người ngồi làm việc là em HS Nguyễn Văn Ý, trưởng ban báo chí lớp 12C mà tôi đã đánh roi cách đây 4 tháng hơn. Tôi hơi lo. Tuy thế tôi vẫn tiến đến. Em Ý thấy tôi, em mừng rỡ ra mặt. Em đứng dậy:
- Thưa thầy!
Một thoáng bỡ ngỡ, tôi tự động nhắc lại chuyện ngày nào:
- Hôm ấy, tôi đánh roi em. Em có giận không?
Ý vui vẻ:
- Thưa thầy không có gì hết. Thầy phạt em như thế là đúng. Em phải cảm ơn thầy.
Tôi trình bày chuyện chiếc xe và em Ý đã giải quyết ngay tức thì cho tôi.
Sau này mỗi lần có cơ hội họp mặt CHS Hòa Vang, tôi vẫn hỏi thăm em Ý, được mấy bạn cho biết là em ấy đã vượt biên.

Nghi Bình
08-26-2014, 05:38 AM
Chào anh Tuấn Nguyễn,

Đã bao năm trôi qua mà anh TN vẫn còn nhớ tên rất nhiều thầy cô và học sinh, quả đúng là trí nhớ của giáo sư vậy ! Thời của NB, các thầy, cô giáo có lẽ không có những lúc vui vẻ như các thầy, cô dạy chung truòng với anh TN . Trong truòng có các ông bà giáo viên cán bộ ngoài Bắc vào dạy chung, cùng với "chính sách" học tập cải tạo, có lẽ ai cũng ngại "tai vách mạch rừng" mà giữ kẽ với nhau . NB nhớ một cô giáo chủ nhiệm của lớp NB có chồng đi học tập, cô vừa dạy học vừa buôn bán thêm để nuôi con và đi thăm nuôi thầy . Hầu như thời gian đó học trò và thầy cô giáo đều có một điều canh cánh bên lòng là tìm cách vượt biên! Lúc NB học không có lớp Triết. Cám ơn anh TN đã viết . Nhu*~ng bài viết về học đuòng bao giờ đọc cũng thấy thích .

NB

Tuấn Nguyễn
08-26-2014, 05:44 PM
Chào bạn Nghi Bình!
Tôi rất vui khi được bạn đọc, chia sẻ bài viết. Quả đúng như những gì bạn nhận xét, tôi có cơ hội đứng trên hai bục giảng của hai chế độ. Buồn quá giáo dục ngày hôm nay bạn ạ. Có lẽ bạn cũng đã theo dõi phần 3. Như tôi nhận định sơ: Thầy có ra thầy, trò mới ra trò. Giáo dục ngày nay sai từ gốc. Nhà trường chỉ là nơi kinh doanh chữ nghĩa, bán buôn bằng cấp
Bài viết của tôi như một hoài niệm, phản ứng lại hiện thực hôm nay.
Bài này vẫn còn tiếp tục ...

Hanhgia
08-26-2014, 07:26 PM
Chào tất cả các bạn,


Ở đây, Mỹ, cũng vậy, một người "thầy" Việt Nam đã treo chứng chỉ của tôi vì tôi không quà cáp cho ông ta.


Ông ta đã gợi ý cho tôi khi gọi tôi đến nhà lúc 9 giờ tối và cho tôi thấy hai cha con người Đài Loan đến biếu ông ta chai rượu đắt tiền vì ông ta cho con của người Tàu ấy được bỏ lớp (của ông ta) ngang mà không bị phạt trong học bạ.


Lúc đó tôi không hiểu được thâm ý của "ngài" và vả lại tôi vừa đi học, vừa tự nuôi mình và còn phải gởi quà về nhà để giúp gia đình qua cơn khốn khó.


Nếu không nhờ các Dean và một người bạn Mỹ thì tôi phải tốn thêm thời gian để học lại! ông ta bị "mất dạy" sau đó..



Tôi đã tha thứ và mong quên đi chuyện này nhưng cái đầu của tôi thì vẫn nhớ như vừa xẩy ra - Mỹ gọi là photographic memory.


Lần cuối tôi nghe về ông ta cách đây gần mười năm thì cái bằng Ph. D. cua? ông ta bị đánh rớt, ly dị và lê la ... quán cà phê!


Tôi chỉ trả lời người bạn thân trên phone: Thế à! Tội nhỉ?


Mà không bao giờ kể chuyện này cho ai nghe, đây là lần đầu tiên tôi kể lại.


Leo Tolstoy đã có viết một câu truyện ngắn với tựa đề: "Trời có mắt" - "God Sees the Truth, But Waits" (1872)

Tuấn Nguyễn
08-27-2014, 07:07 PM
Chào anh Hanhgia!
Rất vui được anh đọc bài viết và chia sẻ cùng tôi với chuyện anh gặp phải. Kính chúc anh và gia đình luôn vui mạnh!

Tuấn Nguyễn
09-23-2014, 08:55 PM
4
Nhà văn Anatole France trong cuốn “Le livre de mon ami” đã kể với chúng ta về cậu bé trong ngày tựu trường với hình ảnh cái cặp trên vai, con vụ trong túi, cậu vừa đi đến trường, vừa nhảy nhót như một con chim sẻ. Tác giả bảo rằng đó là một cái bóng, một cái bóng của tôi cách đây 20 năm (il y a vingt ans). Chỉ có 20 năm mà hồi đó, năm tôi 12 tuổi, khi được học bài “Ngày tựu trường” ở lớp đệ lục tôi đã bồi hồi xúc động vì những kỷ niệm trong sáng, dễ thương, ngọt ngào của Anatole. Tôi nghĩ thầm, chao ơi! Tác giả viết về kỷ niệm đã 20 năm mà sao vẫn còn như mới hôm qua.
Ngày hôm nay, một mình trong căn phòng nhỏ, tôi nhớ về kỷ niệm đã 42 năm, ngày tôi nhận quyết định, về trình diện trường trung học PT Hòa Vang. Anh tôi đã chở tôi trên chiếc xe Yamaha màu đỏ có khác gì khi xưa cha tôi chở tôi trên chiếc xe đạp lần đầu tiên đi học tại trường tiểu học Bồ Đề Thành Nội. Hai hình ảnh, hai kỷ niệm rực rỡ trong ký ức tôi. Tôi vẫn không quên, con đường từ nhà đến trường, khi đi qua khúc cua ở góc Đò Xu, có cây đa bóng mát, xe vượt qua cầu Cẩm Lệ, đường đầy lá tre mục rữa, pha lẫn bã phân trâu tạo nên một mùi nồng. Tôi vẫn nghĩ thầm, rồi đây mình sẽ đi đều đặn qua đường này, mình sẽ quen thuộc với hàng cây, xác lá, mùi phân trâu bò. Thế nhưng theo lời anh tôi, Hòa Vang là một chỗ lý tưởng cho những người trẻ mới ra trường dạy như tôi, vì ngoài yếu tố địa lý, sát nách Đà Nẵng còn yếu tố con người, trường trung họa Hòa Vang là nơi hội tụ những GS có năng lực, hết lòng vì HS.
Trường trung học Hòa Vang thành lập năm 1961, khai giảng năm đầu tiên chỉ có 2 lớp đệ thất với TS học sinh là 120 em, Hiệu trưởng là thầy Thái Văn Tình. Năm học 1963-1964, trường có 6 lớp với 325 em học sinh. Tháng 3 năm 1965 thầy Võ Viết Di được cử làm Hiệu trưởng. Sau này bằng một QĐ, kể từ ngày 5/2/1970 trường được nâng lên thành trường trung học đệ nhị cấp (cấp 3) và bổ dụng thêm thầy Tôn thất Khiêm làm Giám học.
Cho đến niên khóa 1972-1973 khi tôi về dạy thì trường đã phát triển mạnh, với số lượng HS vượt qua con số 2000 và Hiệu trưởng bấy giờ là thầy Võ văn Lượng. Năm tôi về dạy thì niên khóa đang nửa chừng. Đầu niên khóa tiếp theo anh Võ Văn Lượng tham gia Hội đồng nhân dân các cấp và anh đắc cử. Thế là anh phải từ nhiệm chức vụ chính quyền là HT để tham gia vào chức vụ đại biểu dân cử. Điều này nói lên tính độc lập của 3 cơ quan trong chính quyền miền Nam bấy giờ, đó là Hành pháp, Lập pháp và tư pháp.
Niên khóa 1974-1975, anh Hồ Điền, Giám học, được cử làm hiệu trưởng thay anh Võ Văn Lượng. Tôi nhớ lúc bấy giờ trường đang loay hoay trong việc chọn, giới thiệu chức Giám học cho trường. Hai ứng viên đang chạy đua vào chức vụ này là GS Lê Thanh Xuân và GS Ngô Trần Ái.
Lê Thanh Xuân dạy hóa lớp 12, về trước GS Ngô Trần Ái. Ái dạy Vạn vật nhưng về sau. Tôi không biết sau này ai được dính chức Giám học. Nghe Ngô Trần Ái nói lại thì Ái có QĐ nhưng cũng vừa lúc miền Nam bị mất. Tôi chỉ nhớ một điều, gần cuối tháng 3 năm 75, tại ngôi nhà ở đường Lê Đình Dương, Anh Hồ Điền vẫn về làm việc cùng Ngô Trần Ái để lên dự kiến chia thời khóa biểu cho các GS.
Ngày đó, buồn cười một điều là gặp Lê Thanh Xuân thì Xuân nói nếu không có “giải phóng thì mình làm Giám học rồi”, gặp Ái cũng nghe nói: Ái có QĐ làm giám học rồi!”.
3 năm ở Hòa Vang, nhiều chuyện vui, buồn, nhớ lại tôi bùi ngùi. Những người bạn, đồng nghiệp, các em HS một thời tôi đã có với họ những kỷ niệm, bây giờ họ thế nào? ở đâu? Cuộc sống ra sao?
Trước tôi, có một số GS đã về dạy và chuyển đi công tác khác. Hai người Hiệu trưởng đầu tiên của trường: Thầy võ Viết Di, tôi chỉ nghe chứ không hề hay biết. Chỉ mới đây, trường trung học Hòa Vang kỷ niệm 50 năm thành lập trường tôi mới được diện kiến. Thầy Thái Văn tình tôi cũng chỉ mới biết sau này nhờ cơ hội hằng năm tham dự buổi họp mặt của HS trường Bán Công Đà Nẵng, trong đó có thầy Tình đến dự. Mấy năm sau đó, tôi nghe tin thầy đã qua đời.
Tôi vẫn nhớ mãi hai anh em cùng dạy tại trường, thầy Phạm văn Vinh và thầy Phạm Hường. Hai người hiền lành, đặc điểm nói nhanh. Không quên được thầy Vinh giám thị, thầy cầm cây roi mây, đi dọc hành lang để răn đe những em HS ngỗ nghịch; rồi thầy Phạm Hường dạy vật lý đệ nhất cấp, thầy phụ trách phòng thí nghiệm thì khỏi phải chê. Cả hai người nay đã không còn tại thế. Thầy Vinh qua đời đã lâu, trong thời kỳ bao cấp, thầy Phạm Hường mới qua đời sau này. Một GS khác cũng tên Hường, mấy người vẫn gọi là Hường Apolo vì thầy cao to. Nhớ thầy Ngô Bá Phước nhà thầy ở ngoài Phước Tường thầy đi dạy thường lái chiếc xe Jep. Thầy uy nghi chững chạc, nói chuyện hấp dẫn thú vị. Rồi thầy Nguyễn Văn Nhơn, nói giọng Huế đặc, dạy ở trường Chi nhánh, tôi có dịp nói chuyện với thầy một lần nhân ngày truyền thống của trường. Thầy Nhơn kể chuyện về các nhân vật nổi tiếng ở Huế nghe như chuyện tiểu thuyết. Ông vẫn còn sống, hôm kia tôi có đến thăm cùng với người bạn – Thầy rất minh mẫn, thích nói chuyện về những nhân vật nổi bật như ngày nào.
Có 2 GS dạy ngoại ngữ thời đó mà tôi ít tiếp cận với họ vì tác phong đạo mạo và nghiêm trang: Đó là GS Phan Tấn Chỉnh dạy Pháp văn và GS Lưu Như Hải dạy Anh văn. Cả hai nay đã ở nước ngoài.
Lớp GS trẻ, thường tập trung thành nhóm, có thể vì hợp với lứa tuổi, vui, nhộn, và thường ăn nói chẳng cần giữ gìn ý tứ. Dạo đó, có một số người về dạy với tính cách là thực tập sinh, nhất là từ trường Sư phạm Huế với hệ đào tạo 2 năm theo mô hình của GD Mỹ bấy giờ. Các anh chị này bây giờ có người tôi quên tên, có người nhớ tên nhưng chẳng nhớ họ. Tôi nhớ cô Tuyết dạy toán hay vạn vật gì đó, thường đi chiếc Yamaha dame màu xanh. Nhà ở trong một hẽm nhỏ được lót bằng những tấm đan đậy cống ở đường Hoàng Diệu (hay Cô Giang?), mỗi lần đi phải cẩn thận không khéo sẽ bỗ nhào. Tuyết có nụ cười rất hiền. Mấy người kháo nhau, một giáo sinh thực tập khác là Nguyễn Văn Bé thích Tuyết và ra công tán cho kỳ được. Bé có đặc điểm, khuôn mặt với hai gò má búng ra, hơi buồn cười, có lẽ vì vậy mà Bé được mệnh danh là Bé - cá bống mú. Không biết Bé cua Tuyết có kết quả chi không, tôi vẫn tò mò thắc mắc thầm hỏi, một bửa Ngô Tr A. kể là Tuyết bị Bé - cá bống mú xiếc mất chiếc xe yamaha dame, lý do vì Bé bị Tuyết từ chối tình yêu của anh ta. Chuyện này tôi được biết sau năm 1975, trong những lần đi học chính trị tại Tại trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Điều này lạ thiệt, con trai đi cua gái mà lại mượn xe của người mình yêu mà không sợ kỳ. Mượn xe rồi lấy luôn xe lại càng kỳ hơn!
Và một chuyện lạ khác: Cho bạn trai mượn xe để rồi mất xe luôn mà không phản ứng thì thật là quá từ bi!
Không biết bên trong chuyện này thực hư thế nào?
Một số nữ GS trẻ khác tôi nhớ mãi như Oanh, thực tập sinh, hay Vinh dạy Pháp văn
Một lần, Vinh dạy pháp văn giờ thứ hai xong, khi ra về, cô bị pan xe, đạp mấy cũng không nổ máy. Tôi đến xem tình hình. Tôi mở bougie xe Vinh ra và thay vào cái bougie dự trữ trong xe của tôi. Xong đâu vào đấy. Tôi đạp xe. Xe nổ máy. Vinh mĩm cười nhẹ nhõm nói lời cảm ơn. Mấy hôm sau, Vinh gặp tôi ở hành lang:
- Cho Vinh trả cái ni nì.
Vinh vừa nói vừa đưa trao tôi một gói giấy nhỏ.
Tôi ngạc nhiên:
- Cái chi đây Vinh?
- Là cái nớ đó!
Tò mò mở ra xem, là cái bougie, tôi bật cười nghĩ thầm, thì ra cô nàng không nói, vì mắc cở - Mượn cái bougie của xe chứ đâu phải cái bougie của tôi!
Với Oanh thì khuôn mặt trở nên hồng mỗi lần bị các GS nam chú ý chọc ghẹo làm tôi không thể quên được, thấy dễ yêu vô cùng. Bình vẫn xúi dại tôi: “Oanh nó thích mi rồi đó, tán đi mi!”. Tôi cười nheo mắt: “nó thích mi thì có!”.
Tuy nhiên dòng đời cuốn trôi, thời gian với những khắc nghiệt của hoàn cảnh xã hội, sau 1975, tôi vẫn nhớ mãi kỷ niệm về Oanh. Tôi lang bang trôi giạt về Huế với một tương lại u tối, một cuộc sống vô định, không biết rồi đây sẽ ra sao, tôi gặp Oanh giữa, đường, ở Thành nội, là con đường dẫn đến Hồ Tịnh Tâm. Oanh lại đỏ mặt nhưng đôi mắt thì mĩm cười, cuống quít. Cả hai đứa đều đi xe đạp. Chúng tôi dừng xe, đứng nói chuyện bên đường. Tôi hỏi nhà. Oanh đưa tay chỉ:
- Nhà Oanh ở đầu kia tề, đường rẽ trái góc Hồ Tịnh Tâm đó, anh T vào chơi!
- Ừ tới nhà Oanh cho biết!
Từ ấy, những đêm mùa hè trời nóng, tôi ghé nhà Oanh, rủ Oanh đi ăn chè, uống nước. Đó là khoảng thời gian dễ chịu nhất mà tôi có được cùng với Oanh. Oanh làm tôi vơi bớt nỗi buồn và như được sống lại với những ngày Hòa Vang tươi đẹp.
Những ngày hè trôi qua, tôi được gọi vào Đà Nẵng. Tôi lềnh bềnh với những ngày học chính trị, những bản kiểm điểm, viết thu hoạch. Tôi chán nãn, ước mong phải chi thấy lại khuôn mặt đỏ hồng của Oanh, nụ cười vô tội của nàng…
Thế nhưng, không bao giờ ta tìm gặp lại được nỗi buồn chiều hôm nay, phải không bạn?
Tôi đã bỏ đi, không một lời từ giã, không một hẹn ước, tôi đã bỏ đi tất cả, quá khứ, tương lai,
với một hiện tại quá buồn nôn!...

Nam Hòa
10-02-2014, 08:32 PM
Chào thầy Tuấn Nguyễn
Năm 1972 em mới là học sinh lớp 12B2 Ngô Quyền Tỉnh Biên Hòa, lúc đó thầy đã là giáo sư rồi.
Vì em sinh ra tại chính (xã Hòa Minh) quận Hòa Vang Quảng Nam nên hễ nghe nói tới Hòa Vang em có cảm tưởng như có cái gì thân quen vang vọng một cách vô thức...

Em học ban B (không có học môn tâm lý) nhưng em lại rất thích môn triết (luận lý và đạo đức) và điểm thi tú tài 2 môn triết của em khá cao.

Đọc bài của thầy em rất thích thú được sống lại môi trường giáo dục ngày trước, ngày chưa "được gọi là giải phóng"!

Sau 30/4, em đang học năm thứ 2 Cao đẳng Bưu điện SG và được tiếp tục học nhưng ra trường không đựoc phân công vì có cha là sĩ quan chế độ cũ!

Được học qua 2 chế độ và sau này cũng có làm việc cho chế độ "mới", em nhận thấy có quá nhiều điều để nói và không dễ gì một cá nhân nói hết được.

Rất mong được tiếp tục đọc những bài của Thầy.
Chúc thầy luôn vui khoẻ bên gia đình và người thân. :)

Tuấn Nguyễn
10-04-2014, 05:44 AM
Cảm ơn em Nam Hòa! (cho tôi được gọi như thế)
Em làm tôi cảm động và buồn ghê gớm! Quê hương mình có biết bao nhiêu điều mà mình không thể nói được (nếu mình vẫn ở trong nước). Chỉ mong rằng một ngày có phép lạ?

SauDong
10-04-2014, 06:44 AM
Nghe nhà bác nhắc đến cô Vinh, làm tôi động lòng nhớ đến 1 cô bạn. Thường thì con gái kg có tên Vinh, nhưng cô bạn tôi có tên là Hoài Vinh. Khi quen cô này, cô mới cho tôi biết là ông bố quê ở Vinh, sau đó lập gia đình chuyển dần vào Nam nên nhớ quê nhà và đặt tên cô con gái thật dễ thương, dễ thương như trong trí nhớ của tôi bao nhiêu năm qua vậy. Tháng tới tôi có dịp bay đến Vinh rồi đi xe ra Hà Tĩnh .... thế là cuối cuộc đời cũng được nhìn xứ Vinh thực sự, mong rằng sẽ có 1 vài tấm hình kỷ niệm 1 vài địa danh ngoài đó để đem về làm quà cho cô bạn kia.

Nam Hòa
10-04-2014, 07:47 PM
Chào thầy Tuấn Nguyễn
Vâng, em rất thích được Thầy gọi em và xưng Thầy vì thực tế là như vậy.
Em sau một hành trình dài, rất dài để làm hồ sơ, đã được định cư ở Mỹ 15 năm rồi thầy ạ...
Chẳng ai muốn tự dưng làm người xa xứ cả. Nhưng quê hương chúng ta có quá nhiều oan khê đến nỗi nhiều người phải chấp nhận bỏ nước ra đi làm kẻ tha hương.
Em cũng mong sẽ có một phép lạ để mọi người đang khó khăn có cuộc sống tốt hơn.
Kính chúc thầy và gia đình luôn an vui. :)

Tuấn Nguyễn
10-14-2014, 06:59 AM
5

Tôi xin được tiếp tục về Hòa Vang những ngày sau 29/3/75.
Như đã kể, NTA và tôi chơi thân. Tôi xem nhà NTA như nhà mình, buổi trưa tôi vẫn thường hay đến nghỉ tại nhà NTA ở Cẩm Lệ. Mẹ của A xem tôi như con. NTA và tôi thường kể chuyện về mấy nàng: Cô này cô kia, … có khi thú vị cả hai cười sảng khoái.
Chiều thứ bảy, sáng chủ nhật, NTA thường về Đà Nẵng, có khi ghé nhà anh Hiền tại đường Đống Đa, khúc Thanh Bồ, ở lại cùng với tôi. Chúng tôi ngồi nhâm nhi bên cốc bia cao con cọp, nhiều lúc có thêm Bình khịt, Nguyễn Văn Xoa, Nguyễn Văn Tự. NTA thích tắm biển, sáng chủ nhật nào cũng đi biển Mỹ Khê một mình. Sau này A kể, có khi A ghé cư xá sĩ quan đường Duy Tân, gặp KN nói chuyện, tán nàng. Tôi nghĩ, A mê KN nhưng không biết có đến đâu không. Nhiều người biết, đã bắt đầu chọc, A chỉ cười không nói.
Trong ngày 28/3 năm 75, buổi chiều, tôi và Bình-khịt lên nhà A ở Lê Đình Dương hỏi thăm, bà mẹ nói không biết. Sau khi tìm hiểu, cả bọn bật ngữa, thì ra NTA lên nhà Kim Ph ở Thanh Bình suốt cả buổi chiều đến tối mới về. Trong cảnh hỗn mang của những ngày đầu 29/3 chúng tôi lượm được nguồn tin: KN không yêu NTA vì KN đã có người yêu là Tr một bác sĩ sắp ra trường. Nghe nói KN đã có với Tr tác phẩm đầu tay và Tr đã lên tàu đi tìm con đường “cứu nguy”. Riêng KN thì biệt tăm. NTA buồn tình đi tìm nơi chốn giải khuây, đó là người đẹp KPh.
Trong cảnh tranh tối, tranh sáng của những ngày đầu sau 29/3 biết bao nhiêu giai thoại dỡ khóc dỡ cười mà mỗi câu chuyện, mỗi sự việc cho tôi ghi nhận được về từng con người. Nó như những nét vẽ, những gam màu mà người họa sĩ có được để hoàn thành từng bức chân dung.
Những ngày sau 29/3 đội ngủ GS trường trung học Hòa Vang bị tan tác, một số GS theo đoàn người lên tàu chạy vào Sài Gòn như Lê Thanh Sang, Lý Năng Nhường, Kim Ngân, … Một số ở lại nhưng như vừa trải qua trận động đất, nhiều người sững sờ hoang mang, tâm trạng nặng nề. Lịch dạy của các GS bị xáo trộn hoàn toàn. Trước hết là các bộ môn như Văn, Sử Địa có thay đổi, phải điều chỉnh lại, riệng môn Triết học bị xóa bỏ hoàn toàn. Nhiều GS phải tăng giờ dạy do một số GS bỏ đi, vào Sài Gòn. Không hiểu tâm trạng các thầy cô khác như thế nào, nhưng tôi nhìn qua, cảm nhận được từng con người cụ thể. Môn triết tôi dạy bị bỏ hẳn vì theo mấy ông, triết học giảng dạy trong nhà trường Mỹ Ngụy hoàn toàn mang tính duy tâm phản động. Tôi được điều qua dạy môn Pháp văn, lại là sinh ngữ chính, phải ôm luôn mấy lấy 12 trong đó có lớp 12C. Eo ơi! Tôi như bị tẩu hỏa nhập ma. Tôi nhớ vào dạy lớp 12 C, cuốn Mauger 3 hay 4 gì đó. Tôi phải tham khảo với thầy Phan Tấn Chỉnh. Ôi! các từ vocabulaire thay vì cắt nghĩa bằng tiếng Việt, tôi phải Expliquer des mots, ban đêm, mở bài tôi tra La rousse liên tục! Lại nữa dạy quốc văn bây giờ chuyển qua văn dạy theo quan điểm Marxisme, cái gì cũng … đều là do lao động mà có, cụ thể như truyện “Sơn Tinh Thủy Tinh” là do quá trình đắp đê chống lũ mà sáng tạo nên! Coi chừng nói trật là lãnh đủ!
Nói tắt lại tất cả đều do lao động tất!
Tuy nhiên giờ nghỉ 15 phút tại phòng hội đồng mới thấm thía: hỉ nộ ái ố. Phòng Hội đồng GS trường trung học Hòa Vang như một biểu tượng của thế giới thu nhỏ, trong đó diễn ra những thế thái nhân tình, cười rơi nước mắt. Một số GS có lẽ tôi không nên nêu tên, mới ngày hôm qua còn vui vẻ, ân cần niềm nở, thế nhưng bây giờ trên khuôn mặt họ phảng phất nét “hình sự”, mặt họ cau lại, quan trọng. Một điều này nữa, phục sức áo quần của họ không còn trang nghiêm nữa. Tôi nhìn mấy nhân vật thấy họ như được đúc từ ngoài Bắc mang vào: Áo bỏ ra ngoài quần, chân lại không mang giày mà lại mang dép nhựa nữa mới chết người cơ chứ! Thêm một điều này nữa, tôi trông thấy chiêc cặp sách của thầy HMT có ló lên một tờ báo, cố tình bày ra hai chữ “Nhân Dân” to tổ bố.
Dạo đó, ngày nào cũng họp, khi thì học tập chính trị, khi thì học tập về nghiệp vụ, các bước lên lớp, ... Có khi qua học tập, nghe nói chuyện tại sân Quận Hòa Vang. Nhớ có lần người ta giới thiệu đ/c Ngô Ngọc Tâm nói chuyện về “Đất nước đổi mới”, ông than phiền bây giờ không biết “giải quyết làm reng mấy vạn con đĩ do Mỹ Ngụy để lại đây?”. Sau này mỗi lần Nguyễn Văn Tự gặp tôi vẫn nhái giọng ông “Làm reng đây, mấy vạn con đĩ?”
Đất nước thay đổi, kéo theo những đổi thay. Ngẫm nghĩ lại thấy buồn cười, có khi thú vị. cụ thể trong ngôn ngữ, một số từ mới xuất hiện, một số từ bị đảo ngược, một số từ tránh dùng chữ Tàu. Lẽ cố nhiên con người chế độ nào, xã hội nào thì dùng quen ngôn ngữ của chế độ đó, rồi theo thời gian sẽ có sự thích nghi dần. Đằng này cũng những con người ấy, hằng ngày vẫn gặp mặt, cùng chung sống với nhau, cùng làm việc trong một môi trường, bỗng nhiên lại tự dưng thích nghi với những con người mới, ngôn ngữ mới một cách cố tình làm dáng thì thật là buồn cười. Tôi vẫn nhớ một số từ quen thuộc như “bảo đảm” thành “đảm bảo”, “khai triển” thành “triển khai”, cũng như các từ mới “hồ hởi”, “phấn khởi” , “khẩn trương”, “hướng khắc phục”. “mặt tồn tại”, … rồi các từ dùng chữ Việt, tránh chữ “Hán” như “máy bay trực thăng” nói “máy bay lên thẳng”, “nhà hộ sinh” nói là “nhà đẻ”, tiếp đến “nhà đái trai” “nhà đái gái”, … đã được một số các thầy trường Hòa Vang áp dụng một cách thuần thục. Đây cũng là đề tài mà bọn chúng tôi cười chảy nước mắt khi GS Hồ Điền sẵn tài giễu cợt đã gây cười khi ông kể chuyện thấy một HS đang tè bên đường, ông đưa tay chỉ HS và nói:
- What’ s this?
- Em đang khẩn trương triển khai
- Thế nào?
- Phấn khởi, hồ hởi!
Với tài giễu cợt cộng thêm đặc điểm giọng Quảng làm bọn tôi cười ngất.
Ngày ấy, không khí nhà trường ngột ngạt. Sự thân mật, cách đối xử giữa các giáo sư không còn như trước, ngoại trừ một số đồng nghiệp mà chúng tôi biết tính nhau, mới không e ngại rào trước đón sau khi nói chuyện.
Bấy giờ trường có một hội xuất hiện, gọi là “Hội nhà giáo Yêu nước”. Hội này xem ra đối với một số người quá sức quan trọng. Các thầy như HMT, LNS. LVĐ, LTX, NVP (Trưởng ban điều hành) thưởng to nhỏ thầm thì với nhau về hội này. Các buổi họp riêng ra vẻ quan trọng bí mật, rồi một số người được kết nạp, … U chao! Mấy ông làm như ai không được mời vô Hội này là xem như tiêu đời. Mà quả thực lúc ấy, người nào không có chân trong “Hội nhà giáo yêu nước” cũng cảm thấy lo âu, khắc khoải. Ban đêm nằm trằn trọc: mình không được vào “Hội nhà giáo yêu nước”, có nghĩa là mình không yêu nước rồi, như vậy là phản động! có đường chết!
Sau này khi bước vào năm học mới thì tôi đã được trúng tuyển, nghĩa là được chọn cho đi dạy lại với diện giáo viên lưu dung (dung ở đây nghĩa là dung tha). Tôi nhớ những ngày trước đó các GV (sau này GS chuyển đổi qua giáo viên) thường tập trung trước ty tiểu học ở đường Yên Báy, chờ dài cổ để xem kết quả. Người nào có quyết định đi dạy lại, xem như thi đậu!
Khi về trường trung học cấp 2 Hòa Phát, giữa niên khóa, tôi và một số GV được hiệu trưởng cử đi học tại Phòng Giáo dục huyện Hòa Vang một ngày để kết nạp vô “Hội nhà giáo yêu nước”. Trong buổi học tập, tôi thấy có một cán bộ tổ chức lại là một người mà tôi biết trước 1975 – Là một cô gái mà các sĩ quan công binh, trong đó có anh tôi, thường hay chở “đi chơi” trên xe Jep, Thì ra ở đâu, đơn vị nào cũng có CS gài vào hoạt động!
Buổi chiều, người nào được kết nạp, thì được gọi riêng thông báo cho biết. Tôi nhớ hôm ấy tôi chở D. Ch, một GV đi cùng, khi ra về, nàng nói nhỏ với tôi: “Tuấn bị sortilable rồi!”. Tôi tĩnh bơ nói với nàng:
- Thế mà hay!
Kỷ niệm những ngày dạy và học tập chính trị sau 1975 tại Hòa Vang là những kỷ niệm buồn vui cảm động. Các GS Hòa Vang một thời cùng nhau sống , làm việc dưới một mái trường, sau 75 lại cùng chia sẻ những khó khăn hoạn nạn mà mỗi lần nhớ lại tôi vẫn thấy như mới hôm qua. Tôi nhớ Việt Anh với những lần cùng nàng đi dạy, những lần tôi chở Việt Anh bằng xe Honda vào Hội An thăm bố già vì ông bị bắt nhốt tại đây. Những ngày chúng tôi đi dạy trường xa mà phải tập dần khó khăn bằng cách đi xe đạp. Nhớ những lần đi xe Honda có Việt Anh đi xe đạp kèm. Việt Anh bao giờ cũng can trường, mạnh dạn cầm tay tôi để xe kéo đi.
Tôi vẫn bùi ngùi không thể hình dung được, một nguồn tin về anh VVL, anh bị đi học tập, sau khi mãn hạn, trở về phải đi xe kéo. Có người kể với tôi, một GV người Huế của trường, lại là người mà tôi chơi thân đã có một lần mua một món đồ gì đó ở đường Trần Hưng Đạo ĐN, hôm ấy tình cờ thấy anh Lg đang đi xe ba gác, đứng chờ khách, GV đó đã gọi anh Lg đến nhờ chở và hỏi giá rất sòng phẳng! Khi về tới nhà đã chẳng hỏi thăm, mời anh được một cốc nước!
- Sao lại có chuyện lạ lùng như thế?
Cách đây 7, 6 năm, khi đất nước đã hoàn toàn đổi mới, phát triển, anh Lg từ Mỹ về thăm, tôi được các em HS Hòa Vang thông báo để đến dự buổi họp mặt cùng anh Lượng tại một nhà hàng ở Công viên 29/3. Tôi hạnh phúc và vui bao nhiêu. Thế nhưng một em đã thì thầm với tôi là có nhiều em, nhiều cựu GS Hòa Vang đã sợ ảnh hưởng đến vị trí công việc của họ trong xã hội, đã không tới tham dự!
Ôi! đúng là thế thái nhân tình.

Tuấn Nguyễn
10-25-2014, 09:53 PM
6


Có một vài GS tôi đã quên không nhớ tới trong các bài viết trước: GS Lê Văn nhiệm, dạy môn Anh văn, tính vui vẻ, nhạy bén, rồi GS Phạm Sĩ Liêm dạy toán rất tuyệt các lớp 12. GS Liêm có nụ cười hiền, không mất lòng ai. Giữa lúc tình thế dầu sôi lửa bỏng, tình hình chiến sự cũng như chính trị, các đơn vị, trường học xuất hiện nhiều hội đoàn, trong đó có “Mặt trận cứu đói” và tôi nghe nhiều người vẫn xì xào GS là chủ tịch “Mặt trận cứu đói” của trường Hòa Vang. Nhiều người nói, thầy Liêm làm chủ tịch là đúng rồi vì trông ngoại hình ông ốm yếu như người cần cứu, khi đi tôi thoáng thấy lưng GS Liêm hơi còng!
Sau 29/3 GS Liêm là một công thần của Xã hội mới. Thời gian nước chảy mây trôi, tôi không để ý gì chuyện về thầy Liêm, nhưng sau này, khi đất nước mở cửa, giáo dục cho phép kinh doanh theo dạng trường tư, GS Liêm mở một trường gọi là bán công tại ngã ba Huế, lên Phước Tường, nghe đâu rất thành công.
Riêng GS Nhiệm thì sau này khi đất nước đổi mới, ông có mở lớp dạy anh văn nhưng hình như không khả quan mấy. Tôi vẫn nghe rất nhiều tiếng ra tiếng vào về GS Nhiệm nhưng tôi nghĩ, thôi! Hãy quên đi những chuyện trong buổi giao thời. Chúng ta hãy sống vui vẻ tốt đẹp với nhau. Sau này tôi không còn tin tức gì về thầy nhiệm nữa, chẳng biết thầy như thế nào?
Những năm tháng sau này, cả thầy lẫn trò đã nhuốm tóc bạc, các em học sinh Hòa Vang vẫn tổ chức hàng năm họp mặt CHS, GS Hòa Vang, lúc nào tôi cũng về tham dự với mấy em. Gặp lại HS và GS, lòng vui khôn xiết. Mỗi khuôn mặt, mỗi nụ cười, mỗi ánh mắt làm sống lại trong tôi bao nhiêu kỷ niệm. GS Hồ Điền vẫn chuyện trò, vẫn hài hước rất vui, nhất là với các em CHS. Mỗi lần gặp anh tôi vui mừng khôn xiết, rồi lại gặp anh Nguyễn Văn Xoa với máu văn nghệ đầy mình. Xoa rất thích hát, mỗi lần Xoa cầm micro là anh Điền buộc miệng: “chuyến này thầy Xoa hát luôn một album 10 bài nghe!” mà quả thật thế, khi đã cầm máy là anh Xoa say sưa hát từ bài này qua bài khác. Nhìn thầy Điền nở nụ cười tếu tôi chợt nhớ ngày nào, những lần anh em GS Hòa Vang gặp nhau tại một nhà hàng ở góc Quang Trung-Duy Tân Đà Nẵng, tất niên hay dịp lễ, anh Điền vẫn nghêu ngao hát bài “Tôi đưa em sang sông” để chọc anh Nguyễn Văn Xoa: “Tôi đưa em sang sông, bàn tay xoa Xoa ân cần …” thế là anh Điền và cả bọn chúng tôi cùng cười sảng khoái. Hình như câu “bàn tay xoa xoa ân cần” quá gợi hình làm anh Điền vui. Ngày đó cả bọn vẫn chọc, cặp đôi anh Xoa với Việt Anh. Không biết anh Xoa có thích Việt Anh không nhưng thấy anh không tỏ dấu, chỉ mĩm cười. Anh Xoa bao giờ cũng vậy, chọc là anh chỉ cười. Còn Việt Anh thì không vừa, nhìn Xoa, nói: “Xoa coai anh Điền hát hay chưa tề!”. Với GS Lê Thanh Xuân thì muôn đời vẫn bài hát “Tình khúc thứ nhất”. Tôi nhớ hôm đó có Lê Thị Kim GS dạy Quốc văn vừa mới được bổ dụng về dạy. Tôi xúi Nguyễn Văn Xoa lên hát bài “Kim” vậy mà Xoa hát thiệt: “Cớ sao buồn này Kim, cớ sao sầu này Kim” giai điệu Twist của bài hát thật ngộ, sinh động. Không hiểu Kim bây giờ sinh sống ở đâu hay nước ngoài?
Trở lại những buổi họp mặt do các em CHS tổ chức, và mới đây thôi năm 2014, thật vui và cảm động. Tuy học sinh không được đông nhưng GS có được 10 người. Thầy trò gặp nhau vui mừng khôn xiết, đã 39 năm, kể từ năm 1975, dấu vết thời gian in hằng trên từng khuôn mặt, nụ cười, mái tóc, … nhưng tình cảm, sự quý mến thì tăng lên bội phần. Cảm động quá, tôi gặp anh Điền, hai anh em ôm nhau, vòng tay siết chặt không muốn rời …
Chương trình hát mừng thầy trò tăng thêm phần sinh động. Đặc biệt anh Nguyễn Văn Xoa như lời GS Hồ Điền vẫn nói: Ca sĩ Nguyễn Văn Xoa luôn luôn hát một loạt trong album của mình bao gồm 10 bài. Bên cạnh có mấy em HS hát nhiều bài rất tuyệt như Hồ Văn ánh, bài “Áo lụa Hà Đông” Lê Thị Tựu bài “Hạ Trắng”, Nguyễn Văn Thiết bài “Bụi phấn”, …
Các thầy, cô được HS Đinh Thị Hựu tặng món quà tinh thần bằng cuốn sách tham khảo “Hò khoan xứ Quảng” do em sưu tầm, giới thiệu được nhà xuất bản Văn Học in, phát hành.
Năm nào cũng vậy, vào khoảng thời gian này, HS Hòa Vang lại tổ chức họp mặt. Không biết đến khi nào thì kết thúc nhưng theo HS Kiều Vi Hòa thì “em cam đoan với các thầy cô và các bạn, sau 30 năm nữa thì chẳng còn ai tới dự buổi họp mặt này!”. Kiều Vi Hòa vẫn có khiếu nói chuyện pha tếu như anh Điền. Hòa tóc đã bạc gần hết, nhưng nét thanh xuân vẫn còn mãnh liệt. nhìn các em HS rồi nhìn các GS tự nhiên tôi thấy thật thân thương, quý hiếm cho những buổi họp mặt như thế này. Rồi thời gian vẫn lạnh lùng đi qua và như lời em Hòa, không phải 30 năm nữa mà có thể sang năm hay vài năm nữa chúng ta còn ai. Cứ nghĩ như thế là tôi chạnh lòng và bao nhiêu buồn phiền hờn giận về đời sống quanh ta tôi thấy thật nhỏ nhen và nên bỏ qua hết. Hãy yêu thương nhau đi các bạn ạ!
Tôi mời anh Hồ Điền lên chụp chung với tôi một tấm ảnh, hai anh em đứng trước paneau hình phòng hội đồng trường Hòa Vang, lát sau mọi người cùng lên chụp hình chung cùng nhau: Chị nguyễn Thị Hạnh, GS Nguyễn Thị Thanh, rồi anh Hoàng Hổ, anh Lê Nhựt Sanh, anh Trần Cảnh Nhứt, anh Nguyễn Văn Xoa, anh Huỳnh Ngọc Lộc, chị Nguyễn Thị Thu Sương.
Anh Trần Cảnh Nhứt phu quân của chị Nguyễn Thị Hạnh nói với tôi một câu thật là vui:
- Này Tuấn đã có tóc bạc rồi đó nghe!
Tôi tức cười quá, nói: . Bộ anh tưởng tôi còn trẻ như ngày mới về trình diện trường à? 67 tuổi rồi đó nghe!
- Trời!
Bài “Bụi phấn”, tôi cảm động quá chừng: “Khi Thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi. Có hạt bụi nào, rơi trên bục giảng. Có hạt bụi nào, vương trên tóc Thầy ...Em yêu phút giây này. Thầy em, tóc như bạc thêm, bạc thêm vì bụi phấn, đã cho em bài học hay…”
Đặc biệt anh Hoàng Hổ, anh đứng dậy, nói rằng với cương vị là trưởng ban văn nghệ trường hôm nay anh không hát được nhưng xin đọc một bài thơ: “Không có ai lấy ai đưa em đi học về, lấy ai lau nước mắt khi em ngồi khóc, …”
Tôi nói: - Thầy Hổ vẫn còn trẻ trung và lãng mạn ghê!
Anh cười:
- Bài thơ Cần thiết của Nguyên Sa mình vẫn thích từ xưa đến giờ.
Bên kia anh Huỳnh Ngọc Lộc, chị Nguyễn Thị Thu Sương, hai vợ chồng đang chăm chú đưa máy ảnh kỹ thuật số lên để thu hình. Tôi nhìn chị Thu Sương, một thời thanh xuân giờ đã điểm nét thời gian. Nhớ ngày xưa Thu Sương với tôi cùng học một lớp tại Chứng chỉ Dự bị Văn khoa ban Việt Hán, đó là năm học 1968 – 1969, không ngờ sau này lại gặp nhau tại trường Hòa Vang.
Mỗi người là mỗi tình cảm mỗi hoài niệm về thời son trẻ của mình. Chúng ta gặp mặt để sống lại với kỷ niệm, biết đâu cũng là một cách sống để thấy cuộc đời đáng sống hơn, dễ chịu hơn.

Tuấn Nguyễn
11-13-2014, 06:42 PM
7
KÝ ỨC NHỮNG NĂM LÀ GV THỜI BAO CẤP

Ngày 20 tháng 11 gần đến. Đối với tôi đây là ngày gợi trong ký ức tôi những năm tháng làm người GV của thời bao cấp hay nói một cách cụ thể hơn GV của thời XHCN.
Những âu lo, những bỡ ngỡ, những buỏi họp chính trị, học tập chuyên môn gioa dục nghiệp vụ rồi cũng qua đi …
Hình ảnh đầu tiên tôi ngạc nhiên là cách phục sức, phong thái của một người GV ngoài ấy vào. Nhìn một giáo viên miền Bắc đến trường học, ăn mặc lôi thôi, áo bỏ ra ngoài quần, chân mang dép nhựa hay dép cao su (có quai sau) đến trường, tiếp xúc với đồng nghiệp, với học sinh là điều quá quái lạ, nữ GV lại càng phản cảm hơn: họ mặc chiếc quần đen, bạc màu, ngắn củn cởn, có người gọi là “chó táp không tới” rồi chiếc áo chemise trắng hoặc áo hoa cũ kĩ nhàu nát, bạc màu trông quá ư “tội nghiệp”.
Cũng không trách họ được, vì họ cũng muốn được ăn mặc đẹp đẽ, nghiêm trang như GS trong Nam nhưng điều kiện, mức sống không cho phép họ thực hiện được.
Có một lần, tôi trông thấy bà Hiệu phó trường cấp 2 KT Cẩm Lệ, nơi tôi dạy năm 79-80, bà này tên N, ăn mặc I sì bà bán chai bao, lại ngồi bỏ chân lên ghế, tay vừa lột vỏ trái trứng gà (Ê ki ma?)màu đỏ, vừa đưa vô miệng nhai ngóp nghép, miệng bà dính màu trái cây trông thật chẳng ra thể thống gì cả!
Hình ảnh đó quả thật đã vượt ngoài sức tưởng tượng của tôi!
Hình ảnh gây phản cảm đó lại được một số GS trong này noi gương bắt chước y chang, cũng bỏ áo ra ngoài quần, chân đi dép nhựa, may một điều là áo quần của họ không cũ kỹ, bạc màu!
Thầy cô giáo ăn mặc như thế thì bắt buộc HS ăn mặc đồng phục, áo bỏ vào quần làm sao được. Các thầy cô giáo cũng vậy, nhìn cách phục sức của Hiệu trưởng và GV miền Bắc vào dạy thì GV miền Nam muốn ăn mặc đẹp cũng không dám.
Tôi có mấy cô bạn thật tội nghiệp hết sức, cuộc sống của các cô trước đây thời còn SV, giáo sư, ăn mặc “à la mode” hết cở, thế nhưng sau 75, đi dạy không dám mặc đẹp, lại quần đen, áo bà ba, trông thật tếu nhưng cốt cách thì vẫn không lẫn vào đâu được, đích thị là “tư sản!”
Và việc này thật sự đánh đổ những điều mà nhà trường từ trước đến nay vẫn thường áp dụng: các thầy cô vẫn bắt buộc các HS đi học phải đồng phục, áo bỏ vào quần, chân mang giày, có quai sau. Bây giờ hình ảnh các ông thầy trước mắt các em lại là một tác phẩm phản cảm, đi ngược lại với những quy định mấy lâu nay của nhà trường. Hơn nữa đây lại là ông thầy.
Đó là sự phá vỡ đầu tiên về nề nếp tốt đẹp của học đường!
Một tháng sau, nhà trường áp dụng dần chính sách phân phối thực phẩm. Còn nhớ một buổi chiều, tôi đến văn phòng trường để nhận các mặt hàng phân phối: nào gạo, nào đường, nào vị tinh, nước mắm, … lúc đó các đồ dùng của miền Nam còn rất nhiều, phong phú. Lúc tôi khệ nệ mang hàng ra xe để chở về, tôi nhớ mấy đứa học trò đứng đàng xa trong dãy hành lang, thì thầm to nhỏ, tôi nghe được:
- Ê! Thầy Tuấn lãnh gạo nước mắm bây ơi!
Đối với tôi, đó là hình tượng của một ông thầy bị sụp đổ trước mắt học trò. Như đã nói ở trên, dưới mắt các em, người thầy là thần tượng, và các em không bao giờ nghĩ là ông thầy phải lo những chuyện như gạo, nước mắm, đường vị tinh, …
Sau này chế độ phân phối đi vào nề nếp, các GV ngoài việc đứng lớp, nhiều người suốt ngày cứ chằm hăm mấy chuyện mua hàng: Đã phân phối thuốc lá chưa? Đã có bán vải để may quần chưa? Ê! Hôm nay trường có mua được mấy cái lốp xe, nhà trường đang họp bộ tứ để bình bầu ai được mua, …Con người dần dần trở nên bần tiện vì phải lo đối phó với chuyện vặt vãnh về vật chất …
Còn về việc đứng lớp của GV?
Chỉ trừ các GV cũ, còn lại các GV miền Bắc hay GV mới tuyển dụng học ra trường, có một số rất nghiêm chỉnh, trách nhiệm, nhưng một số lại rất ẩu, sau này tôi không dám tin tưởng vào sự tận tụy với chức năng nhà giáo, như câu khẩu hiệu treo trong mỗi lớp: “Thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh”. Mặc dù có giáo án mẫu, thực hiện đúng 4 bước lên lớp: Ổn định lớp, kiểm tra bài cũ, giảng bài mới, Củng cố bài. Rồi hàng tuần có lịch dự giờ, dạy mẫu …
Còn nhớ tôi vào dạy giờ Pháp văn cho lớp 8 tại trường KT ở Cẩm Lệ, khi vào giờ tiếp theo, tôi thấy bảng đen chưa xóa bài ghi trên bảng của một người dạy giờ trước. Nhìn thấy dòng chữ tiêu đề viết lẫn lộn chữ hoa với chữ thường không phân biệt quy tắc, tôi ngứa mắt hỏi: Thầy nào vừa dạy các em?
Một HS đứng dậy:
- Thưa thầy, là thầy H, phụ trách đoàn đội đó!
- Là thầy mà sao viết chữ sai chính tả như rứa, chữ in hoa với chữ thường lẫn lộn trong một từ?
- Thưa thầy! thầy H vui lắm thầy.
- Vui sao em?
- Dạ thầy ra bài tập nhưng thầy không phát. Thầy giở sổ kêu tên từng đứa rồi thầy nhìn mặt, thầy cho điểm. Nói chung đứa mô cũng trên 8 điểm hết!
U chao! Như vậy là chết rồi. Có lẽ ông thầy này dồn giấy để bán giấy vụn kiếm thêm tiền!
Vậy thì chức năng của một người đứng lớp hay nói cho đúng quan điểm hơn, là “kỹ sư tâm hồn” có còn tận tụy được không? hay là chỉ lo tìm cách để làm thế nào cho gia đình có đủ ăn, sống qua ngày. Từ đó tiêu cực phát sinh …
Có thể vì vậy, mới có ngày 20/11?
Để làm gì? Để lên giây cót cho GV, cứu vãn lại hình ảnh người GV, đồng thời để cứu tế GV.
Mà quả thật ngày 20/11, giai đoạn bao cấp có tác dụng và ảnh hưởng mạnh mẽ đến phụ huynh và HS kinh khủng. Tôi nhớ ngày đó, ngoài đường phố HS đi nườm nượp, khắp hang cùng ngõ hẽm. PH và HS đi thăm nhà thầy cô giáo. Họ đến để tặng hoa, tặng quà. Họ động viên tinh thần thầy cô giáo. Quà cáp mà họ mang đến tặng thầy cô thường là bộ ly nhỏ có hoa văn chấm chấm, gói bột ngọt, kí đường, …
Sau này có nhiều GV, nhất là GV trẻ cảm thấy bực mình vì mấy món quà đó, nhưng chẳng biết làm sao. Tôi có quen một GV trẻ cũng dạy Pháp văn, gần đến ngày 20/11, anh nói thẳng giữa lớp:
- Tụi bây nhớ 20/11 đừng mua mấy cái ly, gói bột ngọt đem đến nhà thầy nữa nghe. Có được bao nhiều đồng đưa cho thầy để thầy uống cà phê quách!
- Hi! Đúng là nói thật cho khỏi bị stress!

SauDong
11-14-2014, 01:32 AM
Vậy là hổng chừng em gặp thầy ngày 20-11 này đó :)

Tuấn Nguyễn
11-14-2014, 06:10 PM
Vậy là hổng chừng em gặp thầy ngày 20-11 này đó :)
Khi ấy cảm phiền anh Sáu không chụp ảnh[-X

Tuấn Nguyễn
11-18-2014, 11:51 PM
8
Thời kỳ bao cấp, khó khăn không phải riêng cho ai, nhưng khổ nỗi GV miền Nam là người quen sống với lối sống mà mấy ông vẫn gọi là “tiểu tư sản”. Nhiều người điêu đứng, chịu không nổi và đã bỏ dạy. Chúng ta vẫn nhớ mấy câu truyền miệng: “giáo chức – Dứt cháo”, “Thầy giáo – Tháo giầy”, “Cô giáo – Cáo dô”, …
Tuy nhiên như Nguyễn Công Trứ vẫn bảo: “Còn Trời còn đất, còn non nước. Chẳng lẽ ta đây mãi thế này”. Thật quả đúng, “trong cái khó, ló cái khôn”. GV đã tìm thấy được một lối thoát, ấy là dạy thêm.
GV dạy các môn chính như Toán, Văn, Anh văn, Lý, Hóa, Sinh vật bắt đầu dạy kèm thêm cho HS ở nhà. Khởi đầu họ gọi là “Phụ đạo”. dạy cho HS ngoài giờ, thường là tại nhà, đương nhiên có học phí. Có thể nói cuộc sống GV bắt đầu khởi sắc kể từ đây.
Và cũng vì vậy vấn đề dạy thêm đã phát sinh không biết bao nhiêu tiêu cực. GV vì muốn có thu nhập thêm đã không từ một thủ đoạn nào để quyết buộc HS phải về nhà mình để dạy kèm, trong đó có vấn đề cho điểm thấp để hù dọa HS, ngược lại những HS có đi học thì cho điểm cao. Đương nhiên HS không đi học thêm nhận thấy mình bị thiệt thòi, có khi lại quá oan ức nữa, đành phải học thêm với thầy!
Đây là nguyên nhân dẫn đến sự “xuống cấp” của thầy: Hiện nay, đất nước mở cửa, xóa bỏ bao cấp, nhiều người có trách nhiệm trong vấn đề giáo dục đã kêu gọi phải dẹp cho được, điều mà họ gọi là tệ nạn, đó là “dạy thêm, học thêm”. Nhưng nó đã trở thành một nếp quen, không bỏ được, cho dù mức sống của thầy đã được nâng cao do mặt bằng xã hội, nhất là khi đất nước ta gia nhập WTO.. Tất cả các môn học đều được giáo viên kéo học sinh về nhà buộc học thêm. Học sinh nào không đi học sẽ bị giáo viên cho điểm yếu tại các bài kiểm tra ở lớp. Khi phụ huynh đến thắc mắc. Giáo viên trả lời thẳng: “Tại em không học thêm!”
Thực chất các giáo viên dạy thêm như thế nào?
Các GV giải thích bài và giải sẵn các bài tập trong sách giáo khoa tại buổi học thêm. Sau đó đến lớp GV ra bài tập trở lại các bài GV đã giải sẵn tại buổi học thêm. Như vậy học sinh nào đi học thêm đương nhiên được điểm cao hơn học sinh không đi học thêm. Tình trạng này kéo theo một tệ nạn khác: Các GV chỉ dạy qua loa lấy lệ ở lớp. Khi dạy thêm ở nhà, GV dạy kĩ hơn.
Điều này làm phụ huynh ta thán. Họ phải tốn tiền cho hai nơi: Học phí tại trường và học phí trả riêng cho GV. Trong hoàn cảnh đó hình ảnh GV làm sao không bị sụp đổ dưới mắt học sinh?
Tôi làm đơn xin nghỉ dạy năm 1980, nghĩa là khi đất nước đổi mới, tôi không còn ở trong hàng ngủ giáo viên nữa. Tuy nhiên bạn bè, và nhất là mấy đứa con đi học thì không thể nào tôi không quan tâm đến chuyện dạy dỗ, cuộc sống của người GV được.
Lúc bấy giờ tôi là một anh thợ hàn khung xe đạp nhưng mấy thằng bạn đi dạy vẫn thường hay đến chơi, vẫn đấu láo về tình hình đất nước mình. Cuộc sống của người dạy học, …
Hình ảnh của người GV sau khi xóa dần mô hình bao cấp được thay đổi, trước mắt, GV không còn lệ thuộc những chuyện tem phiếu, gạo nước mắm, xếp hàng cả ngày, …Ngày 20/11 không còn cảnh học sinh đi từng hàng từng lũ tìm cho ra nhà thầy cô đến đến viếng, mang theo mấy món quà, bộ ly, gói vị tinh, ki đường, … Và lần đầu tiên, người ta ghi nhận thầy cô giáo dặn không được mang quà khi đi thăm thầy cô giáo …
Hiện nay một số GV ở các thành phố lớn, có tiếng dạy giỏi đã mở thêm các lớp ở nhà, mở các trung tâm, cũng như một số GV dạy tại các trường chuyên có thu nhập cao. Mức sống của họ đã nâng lên rõ rệt. Một số lớn các GV ở các thành phố lớn, dạy có tiếng đã trở nên giàu nhờ dạy thêm, Họ đi xe hơi tiền tỷ, ở biệt thự.
Mới đây, một bài báo đã nói rõ lương GV dạy Đại học trung bình thu nhập một năm một tỷ đồng. Thực chất chưa rõ thế nào nhưng dù sao điều này nói lên được một tín hiệu vui: Đời sống GV thực sự đã thay đổi hẳn.
Người ta vẫn bảo rằng “có thực mới vực được đạo”. Hy vọng rằng mức sống GV cao sẽ nâng cao hình ảnh của GV tốt đẹp hơn trước mắt HS.
Tuy nhiên những vụ án liên quan đến Giáo dục, những chuyện đáng tiếc vẫn xẩy ra trong mối quan hệ thầy trò đã làm cho nhiều người đau lòng, phải trăn trở. Bạn có thể mở Google nhập vào mấy chữ: “Trò đánh thầy, thầy đánh trò hay thầy hãm hiếp trò” thì các trang báo kể cả báo lề phải xuất hiện không biết bao nhiêu vụ. Bài viết thiết tưởng không nên kê ra đây, đọc thấy bẩn miệng.
Ở đây mỗi người trong chúng ta có thể ai cũng tự đặt ra câu hỏi tại sao và cũng có thể tự trả lời được. Phạm vi bài viết tôi không muốn đào sâu. Tuy nhiên một trong những lý do nồng cốt và quan trọng là quyền lực chính trị bao trùm hầu hết!
Trước khi kết thúc, tôi kể một vài kỷ niệm cảm động, dễ thương mà tôi vẫn trân trọng, nhớ mãi …

*)Nhớ em HS Mai Bằng!
Những năm tháng tôi xin nghỉ dạy, về nhà làm khung xe đạp, có một vài em HS thường tìm đến tôi chia sẻ với tôi về cuộc sống, niềm vui, nỗi buồn. Tôi nhớ dạo đó, ban ngày ngồi vo ống, hàn khung, mệt nhọc, ban đêm là thời gian thư giãn mà tôi trân quý.
Một hôm khoảng 8 giờ tối, có tiếng gọi:
- Thầy! Thầy Tuấn!
Tôi nhìn ra ngoài, một thanh niên, người tầm thước trung bình, áo quần nghiêm chỉnh.
- Thầy Tuấn, em là HS Bồ Đề đây!
Tôi bước ra sân, mở cửa cho em, mời em ngồi ở ghế có bàn kê sát cửa sổ. Tôi nhìn em HS và nói:
- Thầy xin lỗi em thầy không nhớ tên
- Em là Mai Bằng, HS Bồ Đề học triết với thầy.
- Chào em, em đến thầy chơi hay có việc gì không?
- Dạ em muốn mời thầy uống với em ly bia!
Tôi sững sờ nhìn Bằng, cảm động, Không ngờ giữa đêm hôm khuya thế này lại có một HS đến thăm mình và muốn uống bia với mình.
Tôi nói:
- Chà! Bây giờ đi tôi cũng nhác quá, hay ta uống nước trà cũng được!
- Không thầy! em có mang theo đây! Thầy cho em mượn 2 cái ly.
Bằng nói xong đi ra cửa lấy 2 chai bia mua sẵn để nơi xe Honda. Tôi vào lấy 2 cái ly để trên bàn. Vậy là hai thầy trò cụng ly.
Hôm ấy Bằng kể Bằng đi làm ở Ủy Ban TP, Bằng vẫn biết tôi làm sườn xe đạp. Bằng nói:
- Em đi làm nhà nước nhưng em vẫn nhớ những ngày đi học tại trường Bồ Đề. Em nhớ trường, nhớ thầy.
Tôi cảm động không ngờ một người đi làm với nhà nước XHCN mà vẫn đến với tôi. Bạn nên biết giai đoạn bao cấp, rất căng về chính trị, nhiều lần gặp vài HS mà tôi biết, thấy tôi các em không chào vì sợ ảnh hưởng này nọ, …
Sau này, có lần họp mặt CHS Bồ Đề, tôi có nhắc em Mai Bằng và các HS Bồ Đề cho biết em đã bệnh mà qua đời. Hôm đó tôi nhờ mấy em đưa tôi đến nhà thắp hương cho em.

*)Thầy đừng làm khung xe nữa
Có một lần tôi bị Quản lý thị trường vào lập biên bản, chở đi bộ bin hàn gió đá (Oxy+Acétylene). Lý do: tôi đã vi phạm giấy phép hành nghề, ấy là chỉ được hàn sửa khung xe đạp, không được sản xuất khung xe đạp. Họ hẹn tôi, ba ngày sau lên Cơ quan ở đường Trần Quốc Toản Đà Nẵng giải quyết. Đúng hẹn tôi lên, tôi ngồi chờ ở chỗ tiếp khách. Chốc sau, một người đàn ông bước ra, gặp tôi chào rất kính cẩn. Tôi ngạc nhiên, nghĩ thầm: "người nầy sao lịch sự khác thường, không giống như những cán bộ quản lý Thị trường mà mình tiếp xúc". Người này lại quen quen. Ông ta đến chào, bắt tay tôi:
- Chào thầy! thầy có biết em không?
Tôi nói:
- Xin lỗi anh! tôi không nhớ, chỉ biết anh là người tôi cần gặp để giải quyết giúp cái bộ đồ hàn, để tôi sinh sống.
Ông ta nói:
- Thầy không nhớ em là đúng. Còn em phải nhớ thầy. Em đã biết chuyện vi phạm giấy phép hành nghề của thầy. Thôi em ký giấy để thầy chở về nhưng thầy đừng làm khung xe mới nữa nghe!
Tôi mừng quá, nói:
- cảm ơn anh, tôi sẽ cố gắng. Tôi có phải nộp tiền phạt không?
- Khỏi phải nộp thầy ạ. Thôi thầy ra ngoài này, có người giải quyết, trả thầy bộ đồ hàn.
Tôi xúc động, tự nghĩ là học trò mà không nói ra đây thôi.

*)Một kỷ niệm dễ thương
Một bửa nọ, tôi đang làm khung xe, người mồ hôi nhễ nhại, bỗng có đứa cháu chạy qua nói:
- Chú ơi có hai HS đến hỏi chú.
Tôi chưa kịp trả lời thì hai cô gái tuổi 15, 16 đang đứng trướcc mặt tôi mĩm cười cúi đầu chào:
- Thưa thầy!
Tôi nhận ra ngay hai em nầy liền:
- A! Tư và Nghiệp
Cả Tư và Nghiệp đều cười sung sướng:
- Thầy nhớ tên em!
Tôi nói:
- Thì mới đây thôi mà, hai đứa là HS trường Khuê Trung Cẩm Lệ: Trương Thị Tư, Nguyễn Thị Nghiệp, đúng không? Nhờ hai đứa học giỏi đó!
Tư cười để lộ má núng đồng tiền:
- Em lên thăm thầy để từ giã thầy luôn!
- Hai đứa vào nhà chơi đã! Cái gì mà từ giã với không từ giã, thì ở Đà Nẵng, Cẩm Lệ thôi mà.
- Dạ em đi Mỹ thầy ơi!
Tôi trố mắt nhìn:
- Ô! Thích ghê chưa, em đi theo diện chi mà nhanh rứa?
- HO!
- Ừ thầy hiểu rồi. Còn Nghiệp? Em ít nói rứa?
Cô bé Nghiệp nhoẻn miệng cười, mắt to, hàng lông măng mịn rất nhỏ thưa phía trên bờ môi hồng.
- Em đi theo Tư thăm thầy luôn!
- Hai đứa là HS giỏi về môn Pháp văn của thầy đó nghe! Đi đâu hay ở bất cứ đâu nhớ sống cho tốt đẹp.
Tư tinh nghịch:
- Và nhớ mãi thầy!