PDA

View Full Version : Cây khế



Tuấn Nguyễn
10-17-2011, 03:08 AM
http://i698.photobucket.com/albums/vv349/mosiclover1982/nhHu.jpg

Về Huế là về với kỉ niệm.
Kỉ niệm ngày bé thơ gắn kết tôi với cây trái bốn mùa của Huế
Ngày xa xưa ấy, tôi vẫn thường hay qua nhà hàng xóm để chơi đùa với các bạn cùng lứa. Thế giới của tôi là một gia đình được mở rộng với các nhà của xóm Chợ Dinh chung quanh. Nhìn trái, nhìn phải, nhìn sau, nhìn trước, ở đâu cũng là nơi chốn cho những trò chơi, những buổi ngồi học cùng nhau, trao đổi bài làm, ...
Tôi thích nhà của Hảo, ở đó là một liên gia đình gồm những anh em sống kề cận nhau trong một khu đất rộng, được ngăn chia với nhau bằng những hàng già tàu xanh chạy viền như chia ô, rất đẹp và nhẹ nhàng đượm vẻ không gian u tĩnh.
Nhà nào cũng có vườn, với hoa, với cây ăn trái. Hoa hồng trắng nhà bác Tri, cây hồng già đó, thân to, đầy gai và thường quanh năm có hoa. Lại còn cây lựu, thỉnh thoảng tôi dõi mắt tìm kiếm xem có trái lựu nào đã ửng chín mà làn da trắng láng là tôi có thể ngắt, cất vội vào túi.
Cây trái thì rất nhiều nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích cây khế và đặc biệt khế chua.


http://i698.photobucket.com/albums/vv349/mosiclover1982/ThiunThnhni.jpg
(Phụ bản tranh Đinh Cường)

Hình như nhà nào ở Huế cũng đều có cây khế. Tôi vẫn nghĩ cây khế thuộc loại mọc hoang, chứ không phải là công người trồng. Thân khế khi có tuổi phát triển cao, to, cành phủ nhiều lá xanh. Những lá nhỏ, nhọn, mềm bằng đốt ngón tay. Tôi thích nhìn hoa khế. Những cánh hoa nhỏ xíu màu tim tím. Tôi đã cố gắng để ngửi lấy hương hoa khế nhưng tôi thất vọng.
Hay hoa khế thơm về đêm? Nhưng tôi chưa bao giờ nghe hương lạ giữa đêm khuya.
Có điều tôi đã thích biết bao nhiêu, khi nhìn những chùm hoa khế rụng những cánh nhỏ, sau góc vườn nhà tôi, để lại trên cành những đài hoa khó thấy. Thế mà ai ngờ chẳng bao lâu sau, trái khế phát triển, từ khi còn bé tí. Rồi lớn dần, lớn dần.
Một sáng nào, tôi phát hiện chùm trái khế to đang lủng lẳng trái xanh, trái hồng mà 5 cạnh khế khoe màu da bóng láng.
Tôi đã thử những trái khế của hầu hết các nhà chung quanh, trong xóm. Nhà Bác Giai ở đường sau (đường Ôn Như Hầu), tôi đã nhiều lần ngước nhìn đến mõi mắt để tìm những trái khế to, chín đỏ, bóng láng để đưa sào lên hái. Khi trái khế rụng xuống, lòng khấp khởi mừng, vui hớn hở, tôi đưa vội trái khế vào miệng. Tôi nhăn mặt vì vị chua. Nhưng sau đó, tôi cắn quả khế lần thứ hai, tôi lại thấy ngọt. Bác Giai vẫn bảo đó là cây khế dành, nghĩa là không ngọt nhưng cũng không chua.
Từ nhà tôi nhìn qua nhà Hảo, tôi thấy có một cây khế sau hàng già tàu trên sân. Ở đó bọn tôi vẫn thường chơi tàu bay, khế chín có khi rụng trên lối đi nhưng mấy khi tôi buồn nhặt vì nó quá chua.
Mãi đến sau này, khi tôi giã từ Huế ra đi, làm ăn, rồi bao thay đổi của dòng đời. Tôi trở về Huế. Vẫn thích nhìn cây khế, đảo mắt nhìn quanh, đâu đâu cũng có thể thấy cây khế. Kể cả hai cây khế chua ở sau vườn nhà tôi, ở hai đầu góc mà kỉ niệm lưu dấu một vết sẹo lồi trên chân vì một hôm nào leo lên cành khế, bị té do cành gãy, may thay tôi vội chụp lấy một cành khác, nhưng chân vướng quẹt vào hàng rào dây thép gai, để lại một vết sướt, máu chảy. Tôi dấu kín bưng chuyện này. Vào nhà bôi vội thuốc đỏ.
Tôi thích cây khế phải chăng vì những kỉ niệm khó quên. Kỉ niệm mối tình đầu của tôi gắn kết với khu vườn nhà của Giáng Hương ở phía trước, một sáng nào, tôi bên này, ngồi trên lan can, trước hiên nhà, mình trần, với chiếc quần xà lõn, mắt cắm cúi vào tài liệu triết để kịp ngày vào thi vấn đáp.
Khi tôi ngước mắt nhìn qua bên vườn nhà bên kia là lúc tôi bắt gặp đôi mắt sau chiếc kính cận đang nhìn qua tôi, vẻ luống cuống trong đôi mắt nàng, hai bàn tay nàng níu vội cành khế và ngắt quả khế chín hồng.
Kỉ niệm một lần gặp nhau qua ánh mắt đó đã đưa tôi phiêu lưu vào một cuộc tình với biết bao đắng cay, biết bao lần quay quắt khi xa nhau mà mỗi lần gặp gỡ thì chỉ để lại cho chúng tôi vị mặn của nước mắt nhạt nhòa. Sự cự tuyệt của gia đình nàng, không chấp nhận tôi. Bản tính yếu đuối của nàng không chủ động đối phó với bảo táp gia đình khi mà nàng chỉ vừa tuổi 16.
Năm 1978, tôi vào Sài Gòn gặp nàng nhân chuyến đi tham quan dành cho giáo viên mùa hè. Nàng đến vẫn như ngày cũ, chúng tôi trãi qua những thời khắc hạnh phúc bên nhau. Ngôi nhà tầng 4, trên đường Thoại Ngọc Hầu, chợ Ông Tạ chất chứa biết bao kỉ niệm sau cùng giữa tôi và nàng. Bây giờ một đôi khi nghĩ lại, nếu như ngày ấy, tôi mạnh dạn và quyết liệt khi nàng ở trong vòng tay tôi thì đã có một ngã rẽ khác. Nhưng tôi không thể làm như vậy được. Tôi nghĩ nếu nàng đã vì gia đình mà không sống chung với tôi được thì tôi giữ cho nàng.
Năm ấy, tôi đã đặt vấn đề một lần nữa với nàng và nàng vẫn từ chối, bảo rằng bố mẹ nàng vẫn không thay đổi ý định và nàng thì vẫn đấu tranh liên tục để cùng tôi sống bên nhau.
Tôi nghĩ rằng đây là lần gặp sau cùng. Với tôi bấy giờ, những phiền muộn của đời sống, những biến đổi của đất nước đã làm tôi mất tất cả niềm tin.
Và giấc mơ của tôi, tôi vẫn nghĩ rằng mình đã bị người ta phá nát mất rồi.
Adieu mon amant, cuộc tình đau của tôi!
Từ đó, tôi không bao giờ gặp nàng. Tôi vẫn mơ hồ biết mang máng nàng đã lập gia đình với một người nào đó ở tuốt Bà Rịa.
Năm 1984, tôi nhận được một điện tín nàng chia buồn với tôi nhân cái chết của anh H tôi, người mà nàng cảm nhận đối với tôi, là một người cha đáng kính.
Tôi hiểu rất rõ nàng đã cảm nhận tôi như nàng là một phần đời của tôi. Năm đó, tôi đã có đứa con trai đầu lòng với người khác.
Dấu ấn cuộc tình của tôi và nàng rồi cũng lạt phai. Kỉ niệm một đôi khi trở về nhưng rồi cũng nguội lạnh dần.
Đã 33 năm rồi, chúng ta mỗi người một ngã.
Một hôm, tôi trở về Huế giỗ ông nội. Ngày đã qua, khách khứa, bà con đã về hết. Tôi nhìn qua bên vườn nhà ngoại nàng. Bùi ngùi, kỉ niệm ngày nào, nhưng tất cả đã thay đổi. Khu vườn không còn như ngày nào. Bà ngoại nàng dã chết. Dì Ch nàng đã cắt khu vườn bán cho hai chủ. Chỉ chừa lại một phần ba để ở. Trước mắt tôi bây giờ là một bức tường cao, đâu còn vườn lá xanh ngày nào.
Tôi đứng dậy, qua nhà Hảo, hàng già tàu bây giờ xơ xác, ít người chăm tĩa. Bóng đêm che kín đường. Tôi thấy nhà Hảo có bóng đèn. Tôi gọi cửa. Hảo có nhà, nàng xuất hiện:
- Ũa, T về khi mô? vào nhà chơi!
Tôi nhìn Hảo, nàng vẫn gầy như ngày nào, nhưng thời gian đã làm nên những nét nhăn trên khuôn mặt nàng. Tôi mĩm cười:
- Ừ, mình ra kỵ ông nội, bây giờ rãnh nên qua thăm Hảo.
Một nụ cười thoáng qua. Nàng nhìn tôi, soi mói, dò xét:
-Mấy cháu vẫn thường? có sui chưa? Khiếp, mới ngày nào! mau ghê T hí.
- Đã gần 40 năm rồi, còn chi nữa, kể từ khi học đại học!
- Kinh thiệt T hí, ai ngờ mau như rứa. T nì, thằng Bem (cháu của nàng) bây chừ mua đất bên cô Ch làm nhà rồi đó tề!
Tôi một thoáng ngạc nhiên, mĩm cười:
- Rứa há? mô nờ, dẫn T đi coai với!
- Ừ đi!
Hảo đứng dậy. Nàng dẫn tôi và đi trước. một tầng cấp mấy bậc trước mặt, bên cạnh là cây khế thân to, cao. Nàng nói:
- Đây là cây khế ngọt của nhà cô Ch trước, bây chừ thuộc về nhà thằng Bem. Tôi nhìn cây khế, một chút sững sờ, đây phải chăng là cây khế ngày xưa GH thường đứng dưới gốc cây, mắt ngước nhìn qua nhà tôi?
Thấy tôi quan sát kỹ cây khế, Hảo nói:
- Khế ngọt đó, Hảo vẫn hái cho học trò ăn hoài.
- Thích quá hí, mô dễ có như ri.
Tôi đi theo Hảo quan sát ngôi nhà. Ngôi nhà hoàn toàn mới với các tiện nghi phòng ốc khép kín, phòng ăn, nhà bếp, phòng thờ, ...Tôi hoàn toàn không thấy đâu một dấu vết của vùng đất ngày nào cho tôi hạnh phúc nhỏ nhoi.
Tôi từ giã Hảo ra về, vào nhà, hai vợ chồng ông anh vẫn ngồi trước mái hiên, chờ tôi. Trân, bà chị dâu nhìn tôi:
- Chú mới qua nhà cô Hảo về?
Tôi gật đầu và kể cho chị biết là vừa đi xem nhà mới mà Bem, con chị Phát mới mua. Tôi kể chuyện cây khế ngọt ngày nào với một chút bùi ngùi. Chị Trân nói:
- Vừa rồi tui đi ăn đám cưới bên nhà cô Ch mời. Trong bàn tiệc, có một bà hỏi chuyện tôi sau khi biết là chị dâu của chú, đã nói cho biết là Giáng Hương đã đi tu.
Tôi giật mình:
- Ũa, răng nghe nói Hương lấy chồng ở Bà Rịa lâu lắm rồi mà!
- Không có mô, bà đó nói là sau khi đã đan cho chú chiếc áo len là Hương bỏ đi tu.
- Chị nghe không rõ đó. Hương tặng áo len từ năm 1973, bọn tui còn liên lạc nhau mãi đến tận năm 1978. Làm răng có chuyện nàng đi tu như rứa được.
- Nhưng điều chắc là Hương đi tu rồi. Mà chuyện đã trở thành quá khứ. Chú hãy quên đi là hay nhứt. Đừng nghĩ tới nữa, không ích lợi chi mô.
Tôi mĩm cười chua xót không nói gì nữa. Đêm đã khuya, tôi trở vào bàn thờ thắp hương cho ông nội, cha, mẹ, ...Tôi nhìn chân dung cha tôi. Nỗi đau vì cuộc tình ngày nào còn quặn thắt. Tôi nói thầm:
- Cha ơi! giúp con quên nỗi đau.
Ngày hôm sau, sau khi cúng tiển. Tôi sửa soạn trở về ĐN. Chị Trân giao cho tôi một bịch ny lon khế chua chín hồng mà chị đã hái ngoài vườn. Chị nói: Đây là khế ngoài gốc vườn mà ngày xưa chú đã có lần trèo bị té. Biết chú thích ăn khế chua với mắm ruốc kho thịt ba chỉ. Tôi hái gởi chú để mang về Đà Nẵng.
Tôi cảm động nhìn chị. Tôi nói: để em ra nhìn lại cây khế trước khi vào ĐN.
Cây khế chua vẫn còn đó, mặc dù đất vườn sau nhà tôi đã bị nhà nước mở đường xâm phạm còn phân nửa. Cây khế đã gần nửa thế kỷ, vậy mà vẫn còn nguyên vẹn, thân to gấp bội ngày xưa. Tôi ngước mắt nhìn lên, những trái khế lủng lẳng xen lẫn những chùm hoa tim tím nhỏ. Dưới gốc cây, hoa khế rụng vung vãi như những hạt máu hồng.
Thời gian ơi!
Cuộc tình của tôi.

MưaPhốNúi_
10-17-2011, 09:18 AM
Đọc chuyện Cây Khế buồn và cảm xuc; bùi ngùi . Năm 2006 M có về lại Huế , tàu lửa vừa tới sân ga vào buổi chiều thì mưa to xối xả , theo người O lên xe nhìn ra bên ngoài chỉ thấy một màn mưa trắng xóa . Đêm trong Thành Nội sau khi ăn cơm tối xong sợ bị muỗi cắn nên cũng chui vô mùng ngủ sớm . Sáng hôm sau mưa chưa tạnh hẳn mới hay hôm qua mưa rơi trên cây khế , gió thổi mạnh cho nên cả đêm không ngủ được chỉ nằm nghe tiếng va chạm của những nhánh khế quật đều đặn trên mái nhà .
Nhà O của M cũng có 2 cây khế già . Ngày chị M còn sống đã ở trong căn nhà này và truyện dài của chị mang tựa là Màu Hoa Khế . Truyện đã bị thất lạc trong lúc di tản để tránh bom đạn . Chị đã qua đời , M cảm thấy tiếc những tâm tư của chị đã gửi vào trong truyện nên đã lấy nick là Mầu Hoa Khế dưới những truyện viết để luôn nhớ về chị . Đó cũng là một câu chuyện tình lãng mạn mà đoạn cuối vẫn là nỗi chia lìa xót xa .


Sáng nay ngồi đọc truyện của anh Tuấn Nguyễn một hơi như sợ hết , chỉ biết cám ơn anh .


Mưa

Tuấn Nguyễn
10-20-2011, 08:59 PM
Đó cũng là một câu chuyện tình lãng mạn mà đoạn cuối vẫn là nỗi chia lìa xót xa .

M à, hình như với tình yêu thì nó chỉ lưu lại cho ta những kỉ niệm đẹp khi mà ...ta đã mất nó!
Do đó có người nói đã là người yêu thì đừng bao giờ là người vợ hay chồng?
Cảm ơn M, câu chuyện này tôi viết sau một cảm xúc khi vừa về Huế kỵ ông nội (tháng 9 âm lịch vừa rồi), mẫu đối thoại giữa tôi và bà chị dâu, tôi đưa vào chuyện y như vậy.
Văn chương phải phản ảnh đời sống, và tôi đã ghi lại sự cảm xúc của mình, có điều tôi vẫn bức rứt mãi, tự hỏi: Phải chăng tôi có trách nhiệm trong kết cuộc của nàng?
Đúng là, "tình yêu như cơn bão đi qua địa cầu", đã 33 năm rồi.
Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ, mọi sự đã kết thúc! (les jeux sont faits)

Lúa 9
11-07-2011, 06:54 AM
Lúa xin chào làm quen anh Tuấn Nguyễn, rất thích đọc bài về âm nhạc anh mang về DT và vào đọc truyện của anh và các bạn viết. Mỗi người một mẩu truyện riêng thật là thú vị.

Chào MưaPhốNúi luôn thể nhé. Chúc Phố vui.

Lúa 9

Tuấn Nguyễn
11-07-2011, 06:28 PM
Lúa xin chào làm quen anh Tuấn Nguyễn, rất thích đọc bài về âm nhạc anh mang về DT và vào đọc truyện của anh và các bạn viết. Mỗi người một mẩu truyện riêng thật là thú vị.
Lúa 9

Chào làm quen bạn Lúa 9. Những lời của bạn viết làm tôi vui nhiều.
Rất cảm ơn bạn.