PDA

View Full Version : Nắng Giao Mùa



lengoclan25
10-17-2011, 03:44 AM
Món Quà Bình An
Sau những ngày tháng đói khát, nhọc nhằn từ năm 1975…, cho đến thập niên 1990, cuộc sống tương đối đầy đủ hơn. Tuy vậy, tôi phải làm việc quần quật từ sáng đến tối. Tôi làm nhiều nghề trong cùng một lúc. Như vậy mới kiếm đủ tiền cho các con tôi học hành và trang trải những chi phí cuộc sống của gia đình tôi. Chung quanh tôi, có những người giàu có một cách dễ dàng vì họ có cơ sở làm ăn tốt hoặc nhờ vào địa vị hay chức quyền mà tiền bạc vào trong tay họ như dòng thác nước. Riêng tôi, tất cả những gì tôi kiếm được đều là kết quả của mồ hôi và công sức mà tôi bỏ ra. Tôi dạy học nhưng đồng lương quá ít ỏi, tôi suy nghĩ cách xoay xở. Tôi dành dụm được một số tiền, đi mua mấy chục bộ bàn ghế, cùng với ly, chén, bát đĩa…để cho thuê. Mỗi khi có khách đến thuê, tôi soạn ra đủ số lượng ly tách, chén dĩa rồi đóng vào thùng, gọi họ đến lấy. Lúc họ trả, tôi kiểm tra lại, xong xếp đặt gọn gàng vào tủ. Bàn ghế thì có phu xe bưng lên xe chở đi, nhưng khi họ trả, tôi phải bưng bê, xếp gọn vào phòng, giặt giũ mấy cái khăn bàn dính đầy thức ăn….Ngoài ra, tôi còn làm bánh kem cho các buổi sinh nhật hay lễ tiệc đám cưới, đám hỏi…Tôi phải chia thì giờ ra để làm cho kịp tất cả công việc. Buổi sáng tôi đến lớp, bốn tiếng đồng hồ giảng bài và sinh hoạt với học trò cũng đủ làm tôi mệt nhoài. Trưa về nhà, tôi nấu bữa ăn cho gia đình. Buổi tối thì soạn bài và chấm bài vở học sinh. Tôi thường làm bánh vào buổi chiều, hôm nào người ta đặt bánh nhiều thì phải thức khuya, hoặc buổi chiều đang nặn kem, trình bày hoa lá trên cái bánh mà có người thuê hay trả bàn ghế, chén bát thì công việc phải tạm dừng, để đêm khuya làm tiếp. Tất cả sổ sách, bài vở ở trường tôi đều làm ngay, xong sớm, luôn luôn sẵn sàng dành thì giờ còn lại cho công việc khác. Vì người ta có thể đặt bánh hoặc thuê và trả đồ đạc vào bất cứ lúc nào. Thứ bảy, chủ nhật thì đi chợ mua thức ăn chất đầy tủ lạnh, để dành cho cả tuần lễ. Thỉnh thoảng, có ngày công việc nhiều quá, không thể xoay xở nổi thì tôi ra tiệm mua nhiều ổ bánh mì thịt, tạm thay cho bữa cơm. Các con tôi còn nhỏ quá, chúng không thể giúp tôi dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ hay làm bữa cơm gia đình. Vì vậy đối với tôi, mọi khe hở của thời gian đều được tận dụng. Tôi nghe nói người Mỹ làm việc tất bật, luôn chạy theo đồng hồ, tôi không biết mức độ công việc của họ có như tôi không, riêng tôi, nhiều khi tôi mong một ngày có đến 25 giờ để tôi thu xếp cho hêt công việc của mình.
Ngày tháng cứ thế mà trôi đi, các con tôi học hành chăm chỉ. Tôi không phải bận tâm về việc học tập và hạnh kiểm của chúng. Có lẽ tôi phải cám ơn Trời Phật đã ban tặng tôi hai đứa con vừa thông minh lại vừa hiền lành và học hành giỏi giang hơn bạn bè cùng lứa tuổi với chúng. Tôi làm việc mệt nhọc không kể ngày đêm. Nhất là sau này, tôi làm thêm nghề buôn bán. Trong chuyến vào Sài Gòn đưa con trai tôi đi thi đại học, chồng tôi đã mua về một số hàng hóa, tôi mang ra chợ bán. Người ta mua xong lại yêu cầu những số lượng hàng nhiều hơn như thế. Vậy là tôi bắt đầu làm quen với việc mua bán. Tôi tiếp xúc với nhiều người trong giới tiểu thương, càng ngày tôi càng đi sâu vào thương trường , mua bán nhiều loại hàng hóa..Trước hết là các loại đăng ten, chỉ thêu, fermeture…rồi quần áo trẻ em, người lớn, túi xách, valise…Hàng ngày , tôi ra các shop vài giờ, có khi cả buổi để tiếp xúc mua bán. Tôi gọi điện thoại vào SaiGon, yêu cầu chủ hàng gởi hàng ra, tôi phân phối hàng cho các quầy tiểu thương bán lẻ, về nhà làm sổ sách, tính tiền bạc…Công việc nhiều quá, tôi phải bỏ nghề làm bánh và các nghề phụ khác. Sở dĩ như vậy là vì việc mua bán có lời lãi đã đem lại cho tôi những khoản tiền đáng kể, gấp máy lần các nghề khác, nó có thể tạo cho tôi cơ hội lo tương lai học hành của các con tôi. Hơn nữa, những công việc như dạy học, soạn bài, chấm bài, lo cơm nước , giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa hàng ngày…rồi ra các shop mỗi buổi chiều để thu tiền bán hàng, giao dịch mua bán, làm sổ sách hoc sinh, sổ sách buôn bán…là tôi không còn khe hở thời gian nào cho nghề nghiệp khác. Nhiều hôm tôi cảm thấy đôi mắt đau nhức. Bên mé phải của tròng mắt xuất hiện một chấm đỏ to bằng hạt gạo, màu đỏ tươi như màu máu. Mắt đau nhức nhưng không có ghèn. Tôi nghĩ có lẽ tại ban ngày mình làm việc nhiều, lại thức khuya nên mới như vậy. Nhiều đêm, dưới ánh đèn khuya khoắt, cặp mắt tôi phải điều tiết nhiều để làm sổ sách buôn bán, để chấm bài, soạn bài dạy, cọng sổ điểm học sinh…Đầu óc luôn quay cuồng với những con số nên đau mắt và nhức đầu là chuyện thường. Chấm đỏ trong mắt xuất hiện năm bảy ngày rồi nhạt dần và khỏi hẳn. Ít lâu sau, hiện tượng cũ lại tái phát, nghĩa là đau mắt, nhức đầu rồi tự nhiên hết…nhiều lần như vậy, kéo dài đến vài ba năm…Nhiều khi, vào mùa học sinh thi cử, giáo viên phải chấm thi , bài thi nhiều, đôi mắt tôi không tốt nên tôi vào bệnh viện để bác sỹ khám và chữa ttrị, sau đó cấp cho tôi tờ giấy phép miễn chấm bài thi , tôi được nghỉ ngơi vài ba ngày. Thường thường bác sỹ hỏi vài câu, soi đèn vào mắt rồi kê toa thuốc . Lần nào cũng vậy, chỉ là một tube thuốc nhỏ mắt thông thường, thêm vài chục viên vitamin A, vitamin C…Thời gian sau này, những cơn đau mạnh hơn và xảy ra thường xuyên hơn. Vậy mà mỗi lần đến bệnh viện, tôi cũng chỉ được cấp chừng đó thuốc. Vì không có tác dụng gì cả nên tôi không thiết tha đến bệnh viện gặp bác sỹ. Một hôm, tôi đi giao dịch buôn bán ở các shop về , đã bảy giờ tối, trời đổ cơn mưa lớn. Trước mắt tôi, mọi vật nhòe đi trong màn nước mưa. Tất cả ngọn đèn hai bên đường tôi nhìn thấy đều xuất hiện một vầng hào quang ngũ sắc bao quanh. Hai má ướt đẫm nước mưa. Tôi nhắm mắt lại trong cơn nhức nhối. Hôm sau tôi quyết định đến khám mắt ở một phòng mạch tư. Rủi thay! Hôm ấy bác sỹ bận đi dự tiêc cưới nên không khám. Tôi trở về, rồi cũng như mọi ngày, tôi bị cuốn hút vào công việc . Thì giờ không đủ để làm hết việc, cho nên bỏ ra một buổi để ngồi chờ ở phòng khám đối với tôi là không dễ dàng gì. Tuy thế, nỗi lo âu về bệnh tật vẫn bám lấy tâm trí tôi. Tôi thu xếp thì giờ để đến phòng khám tư lần thứ hai. Lần này bác sỹ bận phiên trực ở bệnh viện nên phòng khám đóng cửa. Tôi đành để đến một dịp khác. Hình như đôi mắt của tôi đã thích ứng và chịu đựng đươc bệnh tật nên sự đau nhức lâu ngày thành quen. Chỉ những hôm quá nhức nhối tôi mới tạm dừng công việc để nghĩ đến cặp mắt. Lúc này , con tôi đã khá lớn. Mùa hè, tôi đến gặp hiệu trưởng xin miễn chấm thi. Hơn nữa, thời gian tôi đi chấm thi trùng vào lúc đứa con thứ hai của tôi đi thi tú tài. Tôi xin được miễn chấm thi, vừa để mắt được tĩnh dưỡng, lại vừa có thể ở nhà nấu nướng , chăm sóc cho con tôi đủ sức khỏe để làm bài . Thế nhưng nhà trường gởi giấy triệu tập về nhà, vì thiếu giáo viên nên tôi không được miễn làm giám khảo. Tôi nghĩ rằng nếu chấm bài thi thì đôi mắt sẽ lên cơn đau nhức. Hơn nữa, tôi đi một ngày tám tiếng thì lấy ai chăm sóc cơm nước cho con tôi để nó thi cử. Vì vậy tôi lấy sổ khám bệnh vào bệnh viện, với mục đích xin bác sỹ cấp giấy nghỉ ba ngày hợp pháp. Phòng khám mắt của bệnh viện nhà nước tôi vẫn đến nhiều lần trong mấy năm nay do một bà bác sỹ người miền Bắc khám chữa. Tôi đinh ninh sẽ lại gặp bà, rồi cũng như mọi lần, sẽ nhận một toa gồm thuốc nhỏ mắt thông thường và vài loại vitamin, cùng với lời ghi “ Nghỉ công tác 3 ngày”….Nhưng lần này, phòng khám được thay một bác sỹ khác. Đó là một cô trẻ hơn, nét mặt thông minh sáng sủa hơn. Sau khi khám mắt tôi, cô bác sỹ nhìn tôi :
- Chị có biết trong gần ba chục bệnh nhân ngồi trong phòng này, chị là người bệnh tình trầm trọng nhất không ? Nhà chị ở đâu ? Chị không được về nhà. Chị phải vào nằm bệnh viện ngay hôm nay. Mắt chị phải được giải phẫu gấp.
Lúc ấy đầu óc tôi thật là đơn giản, tôi không nghĩ gì ngoài việc lo cho con tôi đi thi. Tôi cho rằng nếu không có tờ giấy triệu tập làm giám khảo thì tôi đã không vào đây khám, tôi đã ở nhà bình thường để chuẩn bị mọi thứ cho con tôi, tôi cũng chẳng cần phải nằm bệnh viện mà làm gì. Tôi vội vàng nói :
- Thưa bác sỹ, xin bác sỹ cho tôi ở nhà vài ngày. Tôi nấu cho con tôi ăn để nó có sức khỏe đi thi. Sau đó hãy vào nằm bệnh viện có được không ạ ?
Cô bác sỹ lớn tiếng :
- Chị phải vào bệnh viện giải phẫu ngay. Bây giờ chị không được lo cho ai cả mà phải lo cho thân chị trước đã. Nếu chị mù thì có ai dắt chị đi suốt đời không ?
Câu nói này làm tôi giật mình. Tôi nói lời cám ơn bác sỹ. Cầm quyển sổ khám bệnh, tôi thấy thay vì cấp cho tôi 3 ngày nghỉ thì bác sỹ ghi dòng chữ :” Glaucome. mP 32; mT24 . Nhập viện gấp để giải phẫu cấp cứu.”
Bác sỹ lại nói :
- Chị không về nhà. Chị cầm giấy tờ vào ngay trong khu điều trị nội trú để làm thủ tục nhập viện, giải phẫu ngay chiều nay.
Tôi đến trạm điện thoại công cộng gọi về cho chồng tôi và tiến hành việc vào bệnh viện. Tôi đưa con tôi qua nhà Mẹ tôi để bà ngoại chăm lo việc ăn uống cho cháu đi thi. Sau một tuần lễ nằm bệnh viện, tôi hiểu ra rằng suốt thời gian qua , tôi bị bệnh glaucoma . Khi nhãn áp lên cao, đôi mắt tôi có thể mù bất cứ lúc nào .Nhưng ơn trên đã phù hộ tôi. Trong suốt nhiều năm trời, đôi mắt của tôi luôn trong tình trạng bị nguy khốn, mù lòa bất cứ lúc nào . Vậy mà tôi cứ lăn lộn với công việc, vậy mà tôi vẫn bình yên, vậy mà tôi vẫn vượt qua mọi rủi ro…Nhiều lần tôi đi khám, vị bác sỹ trước đây đã không nhận ra hay không quan tâm đến sự cực kỳ nguy hiểm của căn bệnh tôi mang trong đôi mắt. Tôi thầm nghĩ, có lẽ bàn tay vạn năng của đấng tối cao đã xếp đặt người ta mang đến nhà tôi tấm giấy triệu tập đi chấm thi , có như vậy mới xui khiến tôi đi khám ở bệnh viên nhà nước . Bàn tay ấy đã thay cô bác sỹ trẻ vào chỗ ngồi của vị bác sỹ trước vẫn thường xuyên khám qua loa đôi mắt tôi rồi cấp mấy viên vitamin, để cô bác sỹ sau này rung cho tôi hồi chuông báo động nguy cấp về đôi mắt bệnh tật đáng thương của tôi. Thế mà nhiều năm qua, tôi như người ngu dốt, không hay biết gì cả . Tôi rùng mình nhớ lại những buổi dạy xuất chiều, sau khi rời lớp học, tôi ra phố chợ lo công chuyện mua bán , tôi đã trở về nhà dưới cơn mưa. Nước mưa chảy liên tục trên trán, xuống mắt . Đôi mắt tôi nhìn mọi vật nhòe nhoẹt trong cơn đau nhức . Nếu những lần đó, sự rủi ro xảy đến, căn bệnh đến lúc nguy cấp thì tôi đã trở thành kẻ mù lòa, vô phương cứu chữa. Cho đến bây giờ, cơn ác mộng ấy đã qua đi , nhưng nó để lại trong tôi những nỗi niềm cảm xúc sâu đậm. Đôi mắt tôi đã được giải phẫu an toàn, không còn đau nhức. Vì bệnh nhãn áp cao có thể làm bệnh nhân mù lòa bất cứ lúc nào mà không cứu vãn được nên cô bác sỹ trẻ mới nói với tôi những lời cảnh báo rất khẩn cấp. Phải chăng trong số mệnh của tôi, một bàn tay nhân ái và siêu phàm đã che chở , bảo bọc tôi , đã dẫn dắt tôi vào ngôi sao may mắn, đã ban tặng tôi món quà bình an mà không phải mọi người trên thế gian này ai cũng có được đặc ân như vậy.
Lộc Mùa Xuân