PDA

View Full Version : emails như lá mùa thu



tonthattue
10-18-2011, 04:08 PM
Không tránh né nhưng không gian riêng vẫn cho cái thú vị riêng tư, hay ích kỷ. Không gian riêng theo triết gia Pháp thế kỷ 18 JJ Rousseau bắt đầu từ khi con người biết làm hàng rào để phân biệt đất của mình và của hàng xóm, từ đó những tranh tụng dẫn đến chiến tranh v.v... Thật ra mọi việc xuất phát từ tâm, tâm thiện hay tâm ác sẽ hướng dẫn hành vi con người. Về mặt hiện tượng, hàng rào giúp ta có cuộc sống riêng hòa bình hơn là sống chung mà giết nhau.
Những năm 50 hay 60 của thế kỷ trước, trong cuộc chiến tranh lạnh, phe trung lập giả hiệu do Nga nắm đầu đưa ra khẩu hiệu sống chung hòa bình được Ấn Độ và Trung Cọng cổ súy. Coexistence Pacifique giữa con cọp và con dê thì xin tha cho em, cho em sống riêng hòa bình.
Nhưng sống riêng hòa bình cũng không xong vì người ta có thích hòa bình đâu. Po Dharma, người Việt gốc Chăm, cho rằng nước Chăm (Chiêm Thành) bị xóa trên bản đồ vì sống bên cạnh nước Việt Nam, một xứ luôn muốn nuốt lân bang, cho nên Chiêm Thành chỉ có chết thôi. Nếu đúng như vậy thì lịch sử tái diễn, quốc gia miền Bắc không bao giờ để quốc gia miền Nam yên và đã thôn tính.

Không giang riêng hàm một ý nghĩa rộng rãi hơn là sở hữu địa ốc, nó gồm sự sống vật thể và sự sống tâm linh. Cho nên không gian riêng được những kẻ văn minh tôn trọng và bảo vệ cho nhau, mà không cần những bản hiệu như cấm vượt qua, cấm săn bắn, cấm câu cá (No trepassing, no hunting, no fishing). Tuy vật ở mặt khác, con người có nhu cầu đối thoại, nhu cầu thông cảm. Cần có hai người để nói bầu trời đẹp, tục ngữ Pháp (Il faut deux pour dire que le ciel est beau).
Nhưng luật riêng của khu phố là chỉ có một chiều, one way street, tuy rằng software máy móc để bạn đi wrong way. Coi chừng cảnh sát, cho nên thân hữu có thể đi trên two way street, hay three way street. Nói khác nếu có ý kiến xin cứ cho vào mục Dấu Ngàn Năm trong diễn đàn phụ Chuyện Linh Tinh.
Vùng đất nầy sẽ được sử dụng để in lại các emails của tôi. Tôi sẽ cố gắng dẫn nhập để khỏi gây bỡ ngỡ, hay sửa đối khuôn dạng cho thích nghi vào khung cảnh nầy.

tonthattue
10-18-2011, 06:01 PM
Kinh A Di Đà không có trong dòng Nguyên Thủy Theravada nên không có trong các nước Kampuchia, Lào và Miến Điện. Những chùa Nguyên Thủy không tụng. Tại kinh đô tỵ nạn, Phật Tử VN đã quen với kinh nầy, qua cầu siêu, phát tang, và là phần chính trong buổi kinh chiều. Cho nên đồng bào không đến các chùa Nguyên Thủy của Hội Khất Sĩ cũng như chùa ở Pomona. Các thầy đã thích ứng tụng kinh nầy. Có người chê là làm business. Tôi nghĩ điều nầy quá đáng, ít nhất trong ý nghĩ đầu tiên. Tùy duyên để đem bổn dạo về chùa. Những lời phê bình do đối đãi mà ra, vì những thái độ quá khích của mấy thầy bên Nguyên Thủy. Có một vị khá nổi tiếng, thích xuất hiện trong các sinh hoạt chính trị, đồng thời luôn phủ nhận kinh Đại Thừa. Thầy nói những kinh như Hoa Nghiêm v.v... bằng chữ Phạn là sản phẩm của Ngài Long Thụ; chỉ có kinh Pali mới thiệt của Phật. Thầy có lúc bông đùa với Như Thị Ngã Văn Nhất Thời Phật Tại, là cái ngụy tạo của A nan mở đầu việc kể lại lời Phật thuyết. Nói cho cùng, tất cả kinh là do chép lại. Socrate, Jesus, Khổng Từ và Thích Ca đều không dùng chữ viết, về sau các môn đệ chép lại thành sách.

Tôi có đọc các bài giảng Kinh A Di Đà của Ngài Tuyên Hóa. Sau khi giảng thế nào là kinh và đi sâu vào phần dẫn nhập, Ngài nói rằng duy chỉ một lần trong 40 năm thí pháp, Phật tự ý thuyết giảng mà không có ai hỏi như ông Tu Bồ Đề hỏi Phật trong Kinh Kim Cang. Ngài nói vì lý do đó kinh A Di Đà là Kinh Bậc Nhất, và cuối cùng kinh điển của Phật chỉ còn lại câu Nam Mô A Di Đà Phật.

Trước đó, như tôi có dịp thưa, tôi làm quen với phái Pháp Hoa Nichiren của Nhật. Tôi cũng gặp một luận thuyết như thế ấy. Họ nói Phật thuyết Kinh Pháp Hoa do tự ý Ngài vì lòng từ bi, chỉ có lần nầy thôi. Kinh khởi đầu bằng câu: Nhĩ thời Thế Tôn tùng tam đại an tường nhi khởi cáo Xá Lợi Phất. Do đó kinh Pháp Hoa là số một; tất cả chỉ còn lại câu niệm Nam Myo Ho Renge Kyo. Nam (mô) Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, tụng nó là tụng đề mục daimoku. Thiệt ra sau khi đọc điều nầy về kinh Pháp Hoa và trước khi nghe giảng về Kinh A Di Dà, tôi có gặp vài cuốn kinh tạm gọi là kinh nhỏ nói về uống rượu và ăn tối ăn trưa v.v... trong đó Phật cũng tự ý thuyết giảng. Do đó tôi có ý nghĩ rằng kinh có bắt đầu với câu hỏi hay không thì giá trị vẫn nằm trong nội dung.

Nếu tìm hiểu thêm, có thể nói rằng Kinh Pháp Hoa đã gián tiếp mở đầu bằng câu hỏi. Các nhà luận thuyết mà chính yếu là Ngài Thiên Thai cho rằng ba cuốn Vô Lượng Nghĩa, Diệu Pháp Liên Hoa và Kinh Niết Bàn là một bộ. Mà kinh Vô Lượng Nghĩa bắt đầu bởi bồ tát Đại Trang Nghiêm hỏi Phật pháp môn nào tên gì giúp nhanh chóng đạt vô thượng chánh đẳng chánh giác (a nậu đa la tam miệu tam bồ đề). Đáp: Vô lượng nghĩa. Thứ đến kinh PH cũng nhấn mạnh làm sao cho chúng sinh chóng thành Phật (đắc nhập vô thượng đạo, tốc thành tựu Phật thân). Kinh Niết Bàn dài hơn, phức tạp trở lại với nhiều danh từ, xem như phụ đính , rộng bàn về thường lạc ngã tịnh, nhấn mạnh trung đạo, phá vỡ chấp có lẫn chấp không.

Phần tôi, sau khi rời khỏi khung cảnh Tịnh Độ qua hướng năng động của Pháp Hoa, tôi trở về suy nghĩ lại những kinh mà Nichiren yêu cầu coi nhẹ để chú trọng đến Pháp Hoa. Tôi đã gặp những câu rợn người muốn khóc.Ví như đại nguyện thứ 11 của Dược Sư Như Lai: Nếu những hữu tình bị đói khát khổ, vì kiếm ăn mà tạo mọi nghiệp ác, thì ta cho ăn uống rất ngon để no thân trước đã, rồi sau ta mới cho ăn pháp vị để thành người rốt ráo an vui. Thật vậy, con người không phải là thiên thần cũng không phải là thú vật.

Tôi suy nghĩ lại về Kinh A Di Đà. Tôi không thấy thế giớí cực lạc là vô tưởng, utopia như các lý thuyết mỵ dân bịp bợm chết người. Tôi tin thế giới của chúng ta, cõi Diêm Phù Đề (Jumpuvida) có thể cho mỗi người Phi Châu một cái mùng chống sốt rét, trẻ con Afganistan không phải ăn bánh mì mốc mà mẹ chúng giả nhỏ trong cối đá để dễ nuốt trôi, cơn đói không hoành hành giờ phút nầy ờ Somalia, Bắc Triều Tiên… nếu mọi thứ súng đạn, mọi tiêu pha xa xỉ của nhà cầm quyền là những điều không xẩy ra. Nếu mọi người không bị kích động thì họ có thể nghe tiếng gió (vi phong xuy động) mà thấy tiếng lòng, tiếng của lương tâm.
Kinh A Di Dà cũng như các kinh khác cần hiểu theo lối ý tại ngôn ngoại; được thuyết giảng trong lối diễn tả đầy tưởng tượng của tiểu lục địa Ấn Hồi như hằng hà sa số còn nhân với a tăng kỳ, nhân với na do tha, cao bảy triệu do thuần ... khác với lối văn chắt vo, cô đọng như thơ Đường và Hán tự.

Những cố gắng đưa kinh đến với con người, bằng âm nhạc, bằng thi ca, bằng email như anh Giang chuyển kinh nầy trong tiếng nhạc là những ân phước vô lường. Phật nói xây chùa không bằng hành vi chỉ nhường góc chiếu cho người khác ngồi nghe Pháp. Tôi có đi với nhiều người Mỹ trong môn phái nầy làm công việc diễn qua âm Việt là "gây su", tôi hiểu ngầm như gây giống: nói cho người ta biết rằng có cái gọi là Kinh Pháp Hoa hữu dụng. Bây giờ bạn chưa thấy cần thiết nhưng việc làm của chúng tôi đại để như thế nầy. Đang lúc bạn sức khỏe, tôi lại nói cho bạn biết có những thứ thuốc ở chỗ nầy, chỗ kia. Bạn có thể đánh tôi cho là gây điềm xui. Nhưng đến khi bạn hay người thân bệnh, bạn biết ngay liều thuốc chỗ nào xử dụng ngay. Nhiều người đã trình bày hiệu quả của công việc nầy.
Một email, một lời thuyết minh với ý thánh chưa thấm thấu nghĩa lý ngay bây giờ nhưng không thể nói tác dụng không bao giờ xẩy ra.
Xin mọi anh chị và gia quyến an lành. Hôm qua tôi đồng ý để một thân hữu chuyển đến một nhà văn hiện ở VN một bài thơ chấm dứt với hai câu:
Nam mô nhân loại trong tôi
Nam mô nhân loại ngoài tôi.
Bây giờ tôi đọc hai câu ấy trước khi chấm dứt email nầy. ttt

tonthattue
10-19-2011, 11:03 AM
(cuối 2009 tôi nhân một emails với hình ảnh các cô gái Thái trần truồng vây quanh bởi khách làng chơi đang ịn vào thân thể họ những ngôi sao; nhân viên nhà hàng đứng ghi để tính tiền sau).

Scroll down, các bạn sẽ thấy các ngôi sao đẹp hơn các ngôi sao trên ga lông của Võ Nguyên Giáp, của Nguyễn Cao Kỳ đem dán vào vùng đất cấm của các nường. Thân thể ví như một thị trấn; giá nhà đất thay đội tuỳ nơi, location, location, location. Nhưng có khác là dán sao ở chỗ hang cùng tốn kém hơn, trong khi cái chéo đất hẻo lánh của thành phố thì rẻ rề.
Nay hoàng gia tôi lại nhớ một lối dán khác của người Thái nhưng nằm bên kia, xuyên tâm đối nếu dùng một danh từ hình học.

Chiều Panat
Xiêu lạc gió lùa cây đổ lá
Đường quê ẻo lả khuất mờ xa
Vòng vo u uẩn trời cô tịch
nặng gót lối về quê quán đâu?
Ta để lại đây ngày thảo bạc
Xứ người lặng lẽ nét Đông Phương
Nồng thơm gốc bưởi hoa màu trắng
Giọng cười nhỏ nhẻ độ bến mơ.
Chùa xưa mái nặng dòng suy cảm
xin nguyện cho người một bóng im. 1983

Mấy câu trên tôi dùng để quất vào cái tê tái tâm hồn một chiều trên Panat. Panat Nikhom rất quen thuộc trong thuyền nhân hay bộ nhân ghé đất Thái, là trung tâm chuyển tiếp đưa người đến nước thứ ba. Nó mang tên của thành phố nầy, thành phố được bầu là sạch nhất vương quốc Thái. Nói là thành phố nhưng chỉ bằng quận lỵ của mình như Cái Bẻ, Bình Chánh. Tôi ở trong một thiểu số của thiểu số được sống ngoài trại, có thể đi lang thang, sinh sống bình thường sau công việc dịch các tài liệu rất dỏm.
Thái rất nhiều chùa, chuyện rất dễ hiểu nhưng tôi không vào vì nó lành lạnh làm sao. Một chiều rất buồn sau khi đi xem cái chợ như chợ Đông Ba ở Huế, ngất ngây vì mùi riềng, mùi ớt, tôi hít thở không khí ở một góc đường. Ở bên kia không xa lắm, có cái gì óng ánh vàng như vảy cá vàng.
Tới gần một tí, tôi nhận rõ là một tượng Phật, trên một nền đá cao, dưới một ki ốt, chống đỡ bởi bốn cột chung quanh và không có tường. Tượng Phật lung linh trong gió vì thứ gì vàng vàng như vảy cá; tượng Phật bên Thái có mặc y vàng bằng vải. Nhưng trường hợp nầy thì khác. Tôi đi vào khuôn viên. Một bà khá lão đang quét sân, ra dấu cho tôi đến gần tượng. Toàn thân Phật, chỉ trừ hai con mắt, được đắp lên bởi những miếng giấy mỏng mà ta hay gọi là giấy thiết như thứ hay thấy trong các bao thuốc lá bóc ra khỏi giấy.
Bằng thứ ngôn ngữ quốc tế hai tay, bà bảo tôi mua mấy tấm như vàng mã cúng cô hồn. Nhưng họ làm sao khi ta ịn nó vào tượng Phật thì chỉ có thứ vàng ấy ở lại và ta thu phần giấy về.

Phật thì rất bình đẳng, dán vàng ở đâu cũng được, không có chỗ thâm sơn cùng cốc mà nhà hàng tính giá cao. Không có tiền mua vàng mã thì sờ ké cũng chẳng sao có khi còn nhiều phước hơn nữa. Nhưng có khác, không ai viết tên lên thân Phật như ký tên trên da thịt mấy cô.
Tượng Phật thì bằng đá, thiền môn đã dạy bài phá chấp bằng cách chẻ tượng bằng gỗ nấu nước trà.
Ịn một tờ mã vào thân Phật và ịn một ngôi sao vào người cô em Thái là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nhưng ở trên cái vô ngại hai hành động ấy biểu thị điều tạm gọi là hướng về, một khát khao rất người. A Nan đã có lần bị yêu nữ bắt cóc, Phật phải dùng Kinh Lăng Nghiêm giải cứu.
Trà đình tửu điếm vẫn mang nét thanh lam của đạo tràng. Gió cũng như phướng đều không động chỉ có tâm ta động. Nếu thế thì ý niệm xuyên tâm đối nói từ đầu chỉ có giá trị tương đối.
Người Thái bà con với chúng ta đó nghe các ngài. Người Thái thuộc giống Bách Việt nếu ta tin vùng sông Dương Tử với núi Lĩnh Nam là nơi phát sinh Bách Việt. Hoặc bị đẩy hoặc tự ý, các phân bộ của Bách Việt xuống Nam. Nhóm Thái theo hướng chệch chiều tây. Các ngài sẽ không đồng ý khi nhìn bề ngoài Thái Lan là một mô phỏng của Ấn Độ, từ đền đài, Phật giáo nguyên thuỷ, mẫu tự v.v....
Một người Mỹ biết tiếng Việt nói với tôi rằng cấu trúc câu văn Thái giống câu văn Việt và ông nói tiếng Thái có rất nhiều chữ gốc Hán như Hán Việt của mình. Tôi còn nhớ "xóng" là hai từ chữ "song", xảm là ba (tam), chập là mười (thập). Nhân viên quản lý trại tỵ nạn có danh sách viết loăng quăng nhưng họ đọc tên rõ ràng như ta đọc theo mẫu tự abc. Ở nông thôn vẫn còn tập tục nhai trầu cau.
Bộ tộc Thái tràn xuống Nam trên đế quốc Ấn hay đúng hơn là xứ Khmer cũng như dân Lạc Việt xuống vùng Chăm trong ảnh hưởng Ấn Hồi. Hai cánh quân Việt và Thái đã ăn dần và nay còn lại Kampuchia như một hòn đảo cách xa vùng Ấn Hổi. Nhưng ngôn ngữ Khmer rất gần Ấn; và nét mặt Khmer rặt (không lai Tiều Châu) có nước da sậm như thánh Gandhi.
Đoàn người Việt ít bị ảnh hưởng bởi vùng họ chiếm đoạt, phe ta chỉ đưa vào ngôn ngữ các danh từ của Chàm nhất là Huế. Trong lúc ấy, Thái chấp nhận các nét văn hóa chính của văn minh Ấn.
Dân trên bán đảo Malay thuộc Thái, không ở trong trường hợp trên; họ thuộc giống dân Mã Lai, theo đạo Hồi. Họ muốn ly khai và một thời đã cọng tác với CS Tàu làm khó Bangkok. Họ gần với Mã Lai cả về địa lý và tâm tư cùng văn hoá.

Con gái Thái mà mặc xà rông kim tuyến thì đẹp, đẹp, đẹp vô cùng. Bạn sẽ té ngửa, khi cô ta chắp hai tay đưa lên gần trán chào bạn. Hai tay không sít vào nhau như bạn chấp tay lạy Phật. Hai bàn tay không phải là một mà cũng không phải là hai, một hài hoà, một dung hợp, một bất nhị. Cô nghiêng mình không quá sâu như gái Nhật kiểu cách ngoại giao, nhưng nghiêng vừa làm bạn có ý nghĩ nàng muốn nhìn trộm bạn. Nghĩ đến cái regard furtif đó bạn cũng thấy điếng lòng.
Huy Phương đã nói công dụng đôi tay của gái Huế khi gặp người lạ như sau: Một tay níu vành nón, tay kia giữ tà áo, phòng cơn gió vô tình đưa cao để lộ nguyên hình. Người Thái không có nón, còn cái xà rông thì rất dày, nhiều lớp vải, không mỏng la mỏng lét như các nường Đồng Khánh. Họ cũng không thể làm như Tây phương là ôm chồm bạn. Hai tay đưa lên cao như dấu hiệu hòa bình, nhận sự hiện diện của khách thể, của đối nhân, chẳng khác hiệp sĩ, một tay cầm cương ngựa, tay kia đưa lên là tình bạn không vũ khí.
Gái Thái trần truồng và gái Thái mặc xà rông là một hay là hai?
Xin trình công án nầy đến các thiền sinh, các thiền sư, các đại lão thiền tông bởi một kẻ chuyên nghề "nói chơi, nói láo chơi".
tôn thất tuệ

tonthattue
10-20-2011, 10:37 AM
Xuân Nam Mão 2011
Thưa các anh chị,
Cách đây ba hôm tôi viết một lời bàn ngắn nhân khi có người gởi cho mấy video có Khánh Ly hát tặng lãnh sự CSVN tại SF, Ca, cùng với Cao Kỳ Duyên. Theo tôi việc nầy đã manh nha từ ngàn xưa, ngày xưa thì đúng hơn vì cô Mai tức Khánh Ly đã tham dự nhiều buổi sinh hoạt tại Đà Lạt trước những biến động đấu tranh miền Trung; trong dịp nầy Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan đã minh thị nói VN chỉ có một con đường là đi theo MTGPMN tuy ông không chịu nói đã nhiều lần vô bưng với mặt trận. Ở đoạn nầy tôi viện dẫn hồi ký của Nguyễn Đắc Xuân và viết thêm rằng các người tham dự đã đọc và bình luận thơ của Thái Luân. Các buổi họp nầy nhuốm màu CS vì ngoài LM Lan còn có nhiều nhân vật trí vận và có Trịnh Công Sơn. Cũng như sau đó TCS cho ra những bản nhạc phản chiến mạnh mẽ, tăng cường bởi tiếng hát Khánh Ly đến tầm mức công phá.
Nguyễn Đắc Xuân không nói nội dung các bài thơ của Thái Luân. Tôi còn nghi vấn phải chăng Thái Luân có mặt. Sau khi tra cứu và hỏi các nhân vật sống, Thái Luân không có mặt ở Đà Lạt bao giờ cũng như mất tích trên địa bàn sinh hoạt ở Huế (bị tù và đổi đơn vị). Nhưng không khí, như mô tả qua ngòi bút của NĐX, đã gây ấn tượng không tốt cho Thái Luân.
Thái Luân trong quá khứ đã gây cho vợ chồng tôi một cảm tưởng khó tả khi chúng tôi đến thăm Phạm Duy và nhạc sĩ nầy vừa hoàn tất phổ nhạc Bi Hài Kịch thơ của Thái Luân. PD chỉ nói tác giả là một sĩ quan QLVNCH ngành tâm lý chiến ở Huế. Bi Hài Kịch là bi hài kịch (tragecomdie) thực sự của chúng ta, khi hai bên tương tranh chém giết nhau chỉ như công cụ của một đạo diễn. Diễn viên ôm súng bắn, diễn viên gục đầu đường, diễn viên đang tra tấn, diễn viên chịu cực hình, tất cả xẩy ra trên quê hương, mà quê hương là ba má, quê hương là khoai sắn, là con thơ.
Tôi tin Nguyễn Đác Xuân đã chuyển tập thơ nầy cho PD vì PD đã phổ mấy bài của NDX trong Tâm Ca. PD nói ông đang phổ bài thứ hai thuật lại lời nói của một một kỹ nữ với học sinh Đồng Khánh: em đừng cười chị, để chị diễn lại trò móc túi để cho thằng lính Mỹ thỏa mãn thú con heo, nếu không chúng sẽ đè em ra mà làm. Vợ chồng tôi thấy khó chịu vì nó hoàn toàn khác với tính cách cao thượng và nghệ thuật của Bi Hài Kịch và tôi mất cảm tình với Thái Luân. Tâm cảm nầy tôi vẫn còn giữ khi nhắc đến các buổi họp tại ĐaLạt như trên.
Sau khi viết xong lời comment, tôi gặp bài Nửa Hồn Xuân Lộc. Tôi chưa nhất thiết đã kéo Thái Luân vào phe mình nhưng tôi thấy sự thiết tha của TL là chân thành. Tôi tìm hiểu thêm. PD hay thay đổi lời thơ của kẻ khác, theo ý mình, thêm nhân vật tên Duyên vào thơ Nguyễn Tất Nhiên; chỉ dùng ý thơ từ một bài rất dài của Phạm Thiên Thư thành bài Lên Non Tìm Động Hoa Vàng. Việc nầy không tác hại gì, hơn nữa ông phải uyển chuyển lời cho ăn khớp với nhạc. Nhưng lời diễn dịch của PD trong trường hợp đã quá xa với một đoạn ngắn Thái Luân viết như sau:
Xin cám ơn những cô gái bán bar nhỏ con
Đã gồng mình chịu đựng
Vì cuộc sống
Của các cô
Và của Việt Nam.
Thưa thầy giáo, thưa công chức:
Xin đừng vênh vênh cái mặt đạo đức
Chửi người ta
Con gái Huế bây giờ đi bán bar!

PD nên dùng những lời ca dự định trên là của chính minh, trong tự do sáng tac của ông; nhưng không nên nói là của Thái Luân.
Tôi không biết PD có hoàn tất dự định hay không. Tôi chỉ thấy bài Bi Hài Kịch trên một nguyệt san của Thích Đức Nhuận.
Đoạn thơ ngắn trên đây tôi vừa tìm gặp đã đảo ngược cái nhìn của tôi về Thái Luân, cho nên tôi đã chuyển bài Nửa Hồn Xuân Lộc cho nhiều thân hữu. Một người bạn ở bên Đức đọc và nói với tôi rằng ông nổi da gà và thích cái hào hùng chân thành của Nguyễn Phúc Sông Hương tức Thái Luân. Thái Luân lúc còn là thiếu úy ở Huế có 25 bài thơ trong đó có bài Bi Hài Kịch và Cảm ơn Bar nói trên. Ông bị phạt 40 ngày trọng cấm và ba tháng tù. Nhưng sau đó đi đơn vị khác và chức vụ cuối cùng là thiếu tá tiểu đoàn trưởng vùng 2 chiến thuật.
Xin hẹn khi có cuốn sách mới của Thái Luân, sẽ hầu các anh chị vài nhận định và thảo luận về bài giới thiệu của một ông tiến sĩ mà tôi thấy hơi khó hiểu.
Kính chúc năm Mão không bị mèo cắn như năm Mão 1975.


Nửa Hồn Xuân Lộc
Nguyễn Phúc Sông Hương

Nếu được như bố già thượng sĩ
Nghe tin lui quân chỉ nhìn trời,
Vỗ về nón sắt, cười khinh bạc,
Chắc hẳn lòng ta cũng thảnh thơi.

Còn ta nhận lệnh rời Xuân Lộc
Lại muốn tìm em nói ít lời,
Nhưng sợ áo mình đầy khói súng
Cay nồng mắt người gục trên vai.

Vì chắc ôm nhau em sẽ khóc,
Khóc theo, vợ lính cả trăm người!
Em biết dù tim ta sắt đá
Cũng vỡ theo ngàn giọt lệ rơi.

Mây xa dù quen đời chia biệt
Ngoảnh mặt ra đi cũng ngậm ngùi.
Rút quân, bỏ lại hồn ta đó
Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời!

Bí mật lui quân mà đành phụ
Mối tình Long Khánh tội người ơi.
Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn
Núm ruột miền Trung đứt đoạn rồi.

Sáng mai thức dậy, em buồn lắm
Sẽ khóc trách ta nỡ phụ người.
Lòng ta như trái sầu riêng rụng
Trong vườn em đó vỡ làm đôi!

Đêm nay Xuân Lộc vầng trăng khuyết
Như một vành tang bịt đất trời!
Chân theo quân rút, hồn ta ở
Sông nước La Ngà pha máu sôi

Thương chiếc cầu tre chờ thác lũ
Cuốn qua Xuân Lộc khóc cùng người
Ta đi, áo nhuộm màu đất đỏ
Cao su vướng tóc mãi thơm mùi,

Tiếc quá nắng vàng phơi áo trận,
Vườn nhà em chuối chín vàng tươi.
Ta nhớ người bên đàn thỏ trắng,
Cho bầy gà nắm lúa đang phơi,

Chôm chôm hai gốc đong đưa võng,
Ru nắng mùa xuân đẹp nụ cười...
Nếu được đưa quân lên Định Quán
Cuối cùng một trận cũng là vui



Núi Chứa Chan kia sừng sững đứng
Sư đoàn 18 sao quân lui?
Thân ta là ngựa sao không hí
Cho nỗi đau lan rộng đất trời.

Hồn ta là kiếm sao không chém
Rạp ngã rừng xanh, bạt núi đồi.
Hỡi ơi! chân bước qua Bình Giã
Cẩm Mỹ nhà ai khói, ngậm ngùi!

Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy
Xóm làng Gia Kiệm nhớ khôn nguôi.
Đêm nay Xuân Lộc, đoàn quân rút
Đành biệt nhau, xin tạ lỗi người.

Chao ơi tiếng tắc kè thê thiết
Kêu giữa đêm dài sợ lẻ loi,
Chân bước, nửa hồn chinh chiến giục
Nửa hồn Xuân Lộc gọi quay lui.

Ta biết dưới hầm em đang khóc
Thét gầm pháo địch dập không thôi...

@

Buổi chiều nhận lệnh rời Xuân Lộc
Ta muốn tìm em nói ít lời,
Nhưng sợ em buồn, không nói được
Nên đành lặng lẽ mà đi thôi!

Ngại phút rời xa em sẽ khóc,
Bao người vợ lính sẽ buồn theo
Yếu đuối tim ta người chiến sĩ
Loạn rừng, tội nghiệp tiếng chim kêu.

Rút quân bỏ lại đời ta đó,
Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời,
Lửa ngút, trái tim ta lửa ngút,
Trái tim người lính mới yêu người.

Vì bí mật quân, ta đành phụ
Mối tình Long Khánh tội người ơi
Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn,
Núm ruột miền Trung càng xa vời.

Sáng mai chắc chắn em buồn lắm
Sẽ trách sao ta lại phụ người.
Lòng ta như trái sầu riêng rụng
Trong vườn em đó vỡ làm đôi

Cao nguyên bài học đầy cay đắng
Lớp lớp người rơi, lớp lớp rơi ...
Ta chẳng muốn làm người bại trận
Thành người tình phụ đó em ơi.

Ðêm nay quân rút hồn ta ở
Nhìn nước La Ngà pha máu sôi,
Thương chiếc cầu chờ cơn thác lũ
Tràn qua Xuân Lộc cuốn theo người.

Ta đi áo nhuộm màu đất đỏ
Cao su vướng tóc mãi thơm mùi,
Tội nghiệp nắng vàng chờ áo trận
Khi tàn chinh chiến sẽ đem phơi.

Em hỡi, em thương đàn thỏ trắng,
Bầy gà mất mẹ sống mồ côi
Em hỡi em thương người lính trận
Người lính đêm nay phụ bạc rồi.

Bao năm ta trọn tình đất đỏ,
Một phút này thôi thẹn với đời
Sốt rét đêm run, ngày không ngã
Bao lần máu đổ dửng dưng cười.
Một phút này thôi, hừ lại ngã,
Bỏ thành, bỏ đất nhục nào vơi.

Nếu được đưa quân lên Ðịnh Quán,
Cuối cùng một trận cũng là vui.
Sáng mai chân bước qua Bình Giã,
Cẩm Mỹ nhìn lui luống ngậm ngùi!

Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy,
Một trời Gia Kiệm nhớ khôn nguôi.
Muôn năm em hỡi trời xuân Lộc
Giữ nửa hồn ta mãi với người.

Giữ nửa hồn ta bên chiếc võng
Dưới giàn thiên lý bóng trăng soi .. .
Ðêm nay quân rút sầu riêng rụng
Trong vườn em và trong tim tôi!

Tôi sợ một ngày mai bại trận
Ðể em côi cút lại trên đời.
Nếu phải một ngày mai bại trận
Ðêm nay sao ta lại bỏ người!

Em hỡi, dưới hầm ai đang khóc,
Thét gào pháo địch mãi không thôi.
Xuân Lộc trời ơi Xuân Lộc cháy
Ai gọi tôi về trời Gia Rai!!

tonthattue
10-25-2011, 06:26 AM
nghiệt ngã chờ đợi đến bao giờ?

1. Chờ đợi và nghiệt ngã, Cao Thoại Châu
2. Nghiệt ngã đến bao giờ?, Tôn Thất Tuệ
3. Phụ bản: Kinh Cô Đơn, thơ TTT.

chờ đợi và nghiệt ngã
cao thoại châu

mấy năm trước một anh bạn đồng nghiệp từ nước ngoài về có mời gặp một vài người. Ai đó hỏi người rằng cái gì là đặc thù cuộc sống ở nước ấy. Câu trả lời của người về: “ Có 2 điều không ai tránh được là thuế và chết!”. Bạn coi đó là sự “nghiệt ngã” ở nơi anh đã sống gần 20 năm.
Đóng thuế cho những gì mình thụ hưởng, dù nói thế nào vẫn là một lẽ công bằng. Với một nước phát triển thì chống trốn, gian lận thuế là điều không khó bởi luật pháp chặt chẽ và nhân viên thuế có tay nghề cao. Nộp thuế còn là ý thức về những hình phạt nếu làm ngược lại. Không có chi là nghiệt ngã cả nếu đừng có máu bất lương trốn tránh cái giá phải trả.!Chết cũng thế. Ai không biết đó là điểm đến sau cùng của mỗi con người, nó đáng buồn nhưng thật bình thường, công bằng là đằng khác và không phải điều nghiệt ngã vì nó không giáng xuống một kẻ riêng nào.
Tối tắt đèn với ý nghĩ về Thuế - Chết không phải là Nghiệt ngã…Giấc ngủ không chập chờn, say nhưng ngắn vì bây giờ mới gần 2 giờ một ngày mới.
Hiện tôi có hai lời hẹn và có hẹn là có đợi chờ. Nhà giáo Nguyễn Bá Học từng viết “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Đã loáng thoáng trong khoảng bao la này một chút ngại núi e sông .
Là kẻ sống gửi xứ người, tôi thường bị dồn dập bởi những câu “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” thơ dịch Đường thi của Tản Đà. Hoặc “Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Trông lại tha hồ mây trắng bay” của Nguyễn Bính và gần đây là nguyên một tập thơ của Phạm Cao Hoàng “Mây khói quê nhà”. Vì vậy rất cám ơn hạnh phúc khi một ngày nọ bỗng có một quê nhà không phải bằng đất đá núi sông mà bằng con người, một đời người. Nhưng có đó và chờ đợi cũng là đó, ở một hòan cảnh nào đó chờ đợi là lãng mạn thú vị nhưng khi sang một khúc quanh nó có thể thành nghiệt ngã, bao la mênh mông hơn cả tràng giang với con thuyền lá tre. Tôi yếu đuối, sức lực có lúc cạn kiệt và đêm qua đi ngủ lởn vởn trong đầu Thuế & Chết của anh bạn nước ngoài về, cùng với sự lởn vởn của Nghiệt ngã mà tôi nhận ra không phải ở hai thứ nói đó. Thấy mình như cọng rau buổi chợ chiều. Thức dậy cọng rau không tươi hơn dù một tinh mơ ngày mới đã đến…
Cái hẹn thứ hai ngắn hơn, nhỏ và gọn hơn, không bao la mờ ảo mà nằm trên cuốn lịch đang vơi dần và có thể gọi thành tên. Tôi chờ đợi hai cái hẹn từ cùng một quê nhà và hiểu thấm thía là sự đợi chờ có khi được trả lời môt cách trái ngược.
Nhớ cuốn phim chiến tranh coi hồi xưa. Một đại úy biệt kích Pháp được thả xuống Bắc Phi để bắt người lãnh đạo cao nhất cuộc kháng chiến. Vượt qua nhiều gian nguy, toán của viên đại úy đã hòan thành nhiệm vụ và giải tù binh bằng máy bay về Pháp, anh sĩ quan này còn mang theo một đứa bé không cha mẹ về như đứa con nuôi anh ta gặp trên đường nhiệm vụ. Dưới chân thang máy bay là những chiếc xe bóng lộn và một quan chức cao cấp đón người tù binh như một thượng khách công du không phải kẻ bị truy nã! Hai bên đã có một thỏa thuận mới và việc làm của toán biệt kích thành vô nghĩa! “Moi et toi, nous sommes seuls tout les deux!”- tao và mày chúng ta đều cô đơn- viên đại úy nói với đứa bé khi cả hai lên xe như những người thất bại!
Cái mà anh ta chờ đợi đã đến và đến theo một hướng khác! (từ web của cựu sinh viên Đại Học Sư Phạm)

Nghiệt ngã đến bao giờ?
tôn thất tuệ

À tôi nhớ ra rồi, cái tên của anh thầy giáo là Daru. Các thuộc địa Pháp đều có trường tiếng tây ở nhiều cấp giúp cho dân địa phương tiến thân; như ở VN, có thể ghê gớm như Bùi Bằng Đoàn lên đến hình bộ thượng thư có quyền sinh sạt (nghĩa đen) trong tay hay chỉ là thầy ký ngồi ghi sổ tiền đi chợ ở nhà ông quan năm. Cũng vậy, trên xứ Algérie Bắc Phi ở một ngôi làng xa, Daru một mình quản lãnh cơ sở giáo dục, được đối xử như một người con trong thôn xóm. Cả ba nước thuộc địa ngó qua Địa Trung Hải đã rục rịch những bất ổn, khơi mào sự đòi độc lập. Chính quyền thuộc địa đã phải vận dụng tài nguyên nhân sự bằng cách ghép mọi người Pháp vào công việc trị an, kể cả thành phần tôn giáo. Vậy huống chi Darus, thầy giáo trường làng lớp ba.

Hôm ấy chiều chưa ngã nắng, Daru đang dạy bài địa lý. Hình lục giác nước Pháp trên bảng có những con sông bằng phấn xanh, những dãy núi bằng phấn đỏ. Nhìn ra ngoài sân, Daru thấy một ông sen đầm (gendarme) gọi chàng ra nói chuyện. Chàng trở vào bãi lớp, cùng người lính bước xuống mấy cấp đến nơi có một người bản xứ bị trói hai tay và neo vào một thân cây. Daru có nhiệm vụ giải giao tội nhân nầy cho trạm công an làng bên để tiếp sức dẫn đến trung ương.
Chàng tuân lệnh, cầm sợi dây như dẫn con vật ra đồng. Người lính lui về đường cũ. Khi không thấy người kia nữa, Daru mở trói cho tội nhân chạy thoát. Daru trở lại trường, nơi đó có phòng trọ của chàng. Ngang qua lớp, chàng thấy trên bảng, hình bản đồ lục giác vẫn còn. Chàng thấy có thêm một dòng chữ lạ, cứng cáp không như chữ học trò. “Daru, mầy sẽ phải trả món nợ máu nầy”.

Mấy dòng trên tôi ghi lại khi hồi tưởng truyện ngắn Hôte của Albert Camus. Tôi không nhớ rốt ráo câu chuyện nhưng những yếu tố trên nằm trong đề tài hiện sinh như cô đơn, ngộ nhận v.v…tuy tác giả sinh ở Algérie, đã từng hoạt động kháng chiến chống Đức.
Câu chuyện hao hao giông giống với truyện phim ở phần cuối của bài Chờ Đợi và Nghiệt Ngã của Cao Thoại Châu (CTC). Một đại úy biệt kích Pháp được thả xuống Bắc Phi để bắt người lãnh đạo cao nhất cuộc kháng chiến. Vượt qua nhiều gian nguy, toán của viên đại úy đã hoàn thành nhiệm vụ và giải tù binh bằng máy bay về Pháp, anh sĩ quan này còn mang theo một đứa bé không cha mẹ về như đứa con nuôi anh ta gặp trên đường nhiệm vụ. Dưới chân thang máy bay là những chiếc xe bóng lộn và một viên chức cao cấp đón người tù binh như một thượng khách không phải kẻ bị truy nã! Hai bên đã có một thỏa thuận mới và do đó việc làm của toán biệt kích thành vô nghĩa!
Hôte cho thấy một Daru bị hàm oan, nhưng có thể giải thích được vì sự ngộ nhận dựa trên sự kiện có thật, thấy rõ là chàng dẫn tội nhân từ anh lính sen đầm, kinh nghiệm cá nhân thời tao loạn có thể cho anh thấy mối nghi ngờ trước khi nhìn lên bảng có lời de dọa. Anh tiếp nhận một cách chậm chạp.

Nay hãy nhìn đoạn phim CTC kể. Đại úy nhà ta như bị cái lưới trời, thiên la địa võng chụp xuống theo lối bẩy chim. Thế à, người ta cung nghinh đón tiếp kẻ anh phải khổ công đi bắt sống, chỉ thiếu kèn trống và cờ xí. Chính anh bị truốt bỏ cái ý nghĩa, mục đích việc làm gian nguy. Ý nghĩa việc làm, dù không đúng trên bình diện hoàn vũ, là keo sơn móc mối con người và con người; móc nối thành chuổi hành động, suy nghĩ, những thời khắc của riêng một con người.
Ý nghĩa không thể bị / được tiền tệ hóa (monétiser, monetize). Một người được thuê đào từng lỗ đất khá sâu; đào xong chủ nhà ra xem rồi ra lệnh lấp lại, và đào chỗ khác. Hắn ta bỏ cuộc khi được yêu ầu đào lần thứ tư vì thấy việc nầy vô nghĩa lý, hắn phải làm cái việc phi lý dù được trả tiền. Sau khi được giải thích mục đích là tìm một kỷ vật mà người cha không kịp chỉ rõ trước khi chết; hắn ta vui vẻ và đào nhanh hơn. Câu chuyện giáo khoa nầy giải thích trường hợp nhân viên phải xin đi chỗ khác khi bị ngồi chơi xơi nước mà hưởng lương hàng tháng đủ; ngồi chơi xơi nước trong khi kẻ khác trong bộ thì đầu tắt mặt tối kêu than mệt mỏi. Kẻ ấy thấy mình vô dụng, đứng ngoài hệ thống, nói cho văn hoa là một thứ lưu đày trên sinh quán.

Sự mất ý nghĩa vì bị tướt đoạt hay tự mình rủ bỏ cái bị buộc nhận là giá trị, sự mất nầy khởi đầu diễn trình gọi là vong thân, tha hóa, phẩn nộ ... Nói dễ hiểu là rời rạc, nhân tâm ly tán, lòng người đảo điên. Nói theo xã hội học, thiếu cái tương thuận (consensus). Thật vậy, làm sao người thọ thuế thản nhiên lặng ngắm mây trôi theo sách Thiền, khi một ông tổng thống công du mỗi ngày tốn 200 triệu dollars; Obama đã đốt một tỷ bạc khi đi Ấn Độ. Vợ tổng thống Marcos có ba ngàn đôi giày khi dân Phi Luật Tân moi rác mà sống bị rác đè chết khi núi rác lở sau cơn mưa. Cái gì là ý nghĩa phải cầm cờ tôn giáo không phải của mình mà đi biểu tình đón tiếp một người trong tộc họ kẻ cầm quyền?
Nói vậy mới hiểu Gandhi. Vị thánh nầy muốn xây dụng một Ấn Độ với cái tinh thần mà ông kêu gọi dân chúng hun đúc: vì hạnh phục cá nhân, của gia đình và xã hội, từ bỏ óc nô lệ làm giàu cho người Anh.

Tôi đang đến gần cự điểm (point focal), danh từ quang học, của CTC trong bài nầy: đi tìm một quê nhà bằng , bởi, của người đời và đời người. Cho kiểu cách một tý, quê nhà nhân bản. Như vậy quê ấy không mang tính cách trừu tượng, một xã hội vô tưởng, cũng không có tính cách tôn giáo như cõi Cực Lạc của Phật Di Đà, vùng đất của Chúa có thánh Phê Rô canh giữ, hay cảnh giới của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vv…
Quê nhà ấy được thấy qua trực giác như Thằng Bờm đã thấy lẽ công bằng nguyên thủy gồm hai vế cân xứng là nắm xôi và cái quạt mo. Khi người đời bị triệt tiêu, đời người cũng chết theo. Thế kỷ 20 là thế kỷ nhiều máu nhất, buồn nản nhất. Thời trung cổ Âu châu được xem như một đêm dài, nông nô bị xiềng bởi cái xiềng vô hình trong nông trại của chủ, nhưng vẫn có chút không khí mà thở còn nghe những chàng du ca ngồi trên mình ngựa gãy những khúc đàn êm. Họ còn chút tồn tại của tư duy, dĩ nhiên cách suy nghĩ bị điều kiện hóa bởi các thứ thần học lạc hậu. Vẫn trong khung cảnh Âu Châu, những thời như Phục Hưng, cổ điển, duy lý vv… đi kèm theo các triều đại độc tài. Nói vậy, nhưng dù bạn không được phép hô hào nơi công viên, vua Louis 14 không đến đầu giường bảo bạn suy nghĩ thế nào, nhào nắn tư tưởng theo một khuôn đúc của triều đình.
Qua đến thế kỷ 20, ý nghĩa cuộc sống bị cắt cụt đến tận vô thức. Đó là lý do có những tiếng kêu. Thống thiết nhất là Koestler: cường quyền là cực đại, con người là số không, bản ngã chỉ là một ảo tưởng văn phạm. André Malraux: cuộc đời chẳng có giá trị gì, nhưng không có gì có giá trị như cuộc đời. Tôi không rành văn học nhưng cứ nghĩ phong trào muôn dạng gọi là hiện sinh, tuy không giải quyết được nhiều như những học thuyết tôn giáo và tâm linh, báo động nguy cơ hủy diệt sự hiện sinh.
Hiện sinh đó là sự sống bình thường, không thiên thần không thú vật. Hiện sinh đó nhận chân bởi những con người tầm thường. Họ chia sẻ với một tác giả nào đó đã nói: không có cái chết, chỉ có những người chết. Khi không tìm ra lẽ sống hay ý nghĩa cuộc sống bị rứt bỏ, mình xem như đã chết. Vì vậy có thể hiểu vì sao có kẻ tự tử, vì một giá trị nào đó mất đi, như mất một mối tình vv…

Cũng vậy, đại úy biệt kích nhà ta đã chết điếng, chết đứng như Từ Hải khi thấy sự chờ đợi của mình đã chệch hướng, biến chính mình làm đồ chơi của những thế lực chính trị. Ông đã ghép đứa bé mồ côi vào chính mình, đồng thời nhận biết cả hai không còn gì ngoại trừ chính cái cô đơn, lạc loài. Toi et moi, nous sommes seuls, tous les deux. Cả hai đi vào một thế giới không hồn, thế giới ấy là thế giới khách quan hay nội tại chẳng quan trọng. Nhưng bên trong thì nhiều hơn. In me there has been a soulless world. Đây không phải là trạng thái tự tại hồn nhiên mà trái lại, sôi động, đau đớn, như con cá hất lên đất khô, cố tìm sống qua chút âm ẩm còn trên da. Còn về Daru như đã nói trên chàng chưa vào ngõ cụt, câu viết trên bảng chưa làm thân thể chàng chết, chàng lo cho cái chết của ý nghĩa thả tù, hy vọng người ta sẽ hiểu chàng hơn.
CTC không phải là tác giả cuốn phim, nhưng khi viết ông đã phóng chiếu sự chờ mong nghiệt ngã lên nhân vật nầy, dấn ông vào cái cô đơn tuyệt đối. Hãy so sánh với một nhân vật phụ của Hawthorne; cái hồn ma. Hồn ma của người đã chết trở về đứng bên lò sưởi, nhìn những người thân còn sống ngồi quanh cây đèn măng sông; hồn ma muốn thốt lên một lời thương mến nhưng khóa kín miệng. Mình đã bị bắn ra ngoài như những tinh thể không chịu nỗi sức ly tâm. Bây giờ thốt ra tiếng nồng thơm thì mình là con ma, người ta sẽ mời thầy mời cha về trừ quỷ ám. Và dĩ nhiên hình ảnh thân yêu (là chính mình) cũng mất đi trong lòng những người kia. Thôi hãy lui ra tàng cây rộng, ra cánh đồng hoang...
Thật vậy, hai bên không còn sự thuận hợp, nói theo xã hội học thì làm sao được việc cũng như Khổng Tử nói nội ngoại bất tề sự bất thành. Nhưng đất sống của viên đại úy khác với trường hợp của hồn ma, hồn ma thành hình vì những cơ duyên tự nhiên của thành trụ hoại không. Không phải là cảnh lòng người ly tán; hồn ma chơi vơi theo kiểu hồn ma; kẻ còn sống vẫn tiếp tục nếp cũ, như nếp sống của hồn năm xưa.
Viên sĩ quan của chúng ta vẫn phải sống trên cái quê nhà đất cát, núi non, cái quê nhà vô cơ (inorganic), ngày một khô thêm vì nông dân dùng phân hóa học, vì xứ sở ngày một nhiều độc tố.

Như một cơ chế tự nhiên trong tâm sinh học, sự ước mơ chờ đợi đã đến với ông để xoa dịu vết thương tâm lý. Ông mơ ước có một quê hương nhân bản, quê hương của đời người và người đời. Nhưng sức người có hạn. Viên thuốc ước mơ đã bào mòn bao tử làm cho bệnh nhân cầm nắm được trong tay sự nghiệt ngã tấy nguyên hình từ những ước mơ nhỏ nhoi không vời đến được, những cơn ác mộng, những hoài niệm đau thương, những tương tác dùi cui chấm mắm nêm. Một chân trong thế giới vô cơ, một chân trong thế giới không hồn có thật trong nội tâm.
Bao giờ sự nghiệt ngã chấm dứt?
Khi mình thành tượng đá khác nào thiếu phụ trông chồng thành Hòn Vọng Phu.
Nghiệt ngã như rứa đã vừa chưa?!
tôn thất tuệ 30/09/2011

phụ bản:
kinh cô đơn
tôn thất tuệ

Giọt nước mắt thầm buông
như suối ngọc
trôi về xa quá vực cô liêu.
Ôi suối ngọc hãy về nguyên ủy:
những ưu tư đau đớn xót chua
những ước mơ thầm kín sâu xa
những tin yêu tha thiết mặn mà.

Nơi khởi thủy của dòng đời có thật
xin suối ngọc tìm về quê cũ.
Nước mắt ơi hãy vỡ tung ra
trả lại ta thương cảm đậm đà
ta sẽ kết một vòng tràng hạt
đếm cô đơn từng giọt, tiếng cô đơn.
Kinh cô đơn ta niệm hằng giờ.----

tonthattue
10-30-2011, 12:21 PM
(Hôm qua 29.10 tôi đọc một bài ngắn trên một blog nói về cái mê. Người viết nêu vài câu hỏi như mê là bẩm sinh hay do xã hội tạo nên; nếu mê là một bệnh thì phải có trị bệnh. Nhưng chưa có triết lý phương cách nào trừ bệnh mê. Nhưng theo ông thế mà hay, trích: bởi sống mà không mê cứ tỉnh rụi thì làm sao chịu nổi khổ đau và cô đơn? Ngưng.
Nàng tiên trong em
Bệnh mê trong bài tôi hiểu là mê mệt như mê gái mê tiền. Tuy khác trong mức độ, mê nầy cũng có nguồn gốc từ mê muội, vì mê muội nên mê những chuyện không hay. Nhìn qua thì như bẩm sinh nhưng thật ra là do nghiệp lực dồn nén và dồn dập từ nhiều kiếp và cả kiếp đang sống. Tất cả nằm trong cọng duyên ; xã hội đã chỉ cho người ta mê cái gì. Voltaire, thế kỷ 18 Pháp, đã đưa một nhân vật của mình đi vào một thế giới khác nơi kim cương vàng ngọc như lá rụng, không ai thèm lấy. Có lẽ trong khung trời ấy người ta cũng có cái gì để mê, nhưng khác thôi.
Nghiệp lực là một cái màn, một écran chỉ tiếp nhận những thứ thích hợp. Đam mê của nhà thơ khác với cái đam mê thu tập vũ khí của một kẻ đi săn. Casey nhà thần bí Mỹ đã thôi miên “chủ thể” để đọc tiền kiếp (rất ngắn so với vô lượng kiếp của nhà Phật) và thấy các sở thích của thân chủ ăn khớp với quá khứ và sau đó ông đưa ra các đề nghị như ngành học, nghề nghiệp.
Ở điểm khác, các đam mê, hay mê thích, xuất phát từ bản năng. Danh từ nầy ngày nay không còn bị xem là xấu để phân biệt người và thú vật, thể xác và tinh thần. Bản năng có trong cả giới hữu tình và giới vô tình. Đó là sức sống tiềm ẩn. Các loài cỏ đã cố hết sức truyền sinh một cách mãnh liệt và nhờ vậy trái đất của chúng ta không bị xoi mòn, chúng thu hút các chất độc, chuyển hơi nước trong sương xuống rễ, làm cho đất xốp, mở đầu một loạt phản ứng sinh hóa. Cây cỏ quả thật tham sinh úy tử.
Tác giả nêu lên một vấn đề mới nhìn thì rất đơn giản như mê vàng, mê gái. Nhưng là một vấn đề khó giải quyết từ đông tây kim cổ. Quả vậy, Trang Tử nói đạo có trong phân giải.
Nếu chấp nhận lòng đam mê (thường hiểu là xấu) là một cọng hưởng của quá khứ vô thủy và hiện tại ngắn hạn, nó không phải là bẩm sinh, mà cấu tạo theo lối trùng trùng duyên khởi, do cơ duyên nầy kia tạo ra.
Bẩm sinh chỉ có Phật tính, một thuật ngữ có thể hiểu là cái chí thiện, cái trong lành, cái Chúa tính, nếu cần nói.
Tác giả nêu bệnh và chữa bệnh. Mê là một trong ba mối hại (tam độc: tham sân si). Lý do xuất hiện của Phật (tôi không gạt bỏ các vị linh thiêng khác) là trừ ba mũi tên ấy. Vì vậy Đức Cồ Đàm đã gạt bỏ và không trả lời các câu hỏi siêu hình. Ngài nói khi có ai bị mũi tên độc thì lo mà lấy ra, rịt thuốc; chờ trả lời ai bắn, chất độc gì, vì sao cùng vạn câu hỏi khác thì nạn nhân chết mất tiêu.
Về cái mê, Đức Phật có sự phân biệt lý thú trong kinh Niết Bàn. Đại để, khi tĩnh, mình mới thấy đời chỗ nào đảo điên, chỗ nào không. Nhưng khi mình mê như say túy lũy thì thấy mọi sự đều đảo điên. Đây cũng là một lối nói trong tinh thần trung đạo.
Trong cuộc đời, con người không gặp được Phật Chúa Khổng Lão… Trái lại các thế lực chính trị làm cho con người càng mê. Họ dùng các phương thức mới dựa vào các khám phá mới trong tâm lý học. Ví dụ, cùng một cuốn phim, nhưng nếu bạn đi xem ban tối thì thấy hay hơn ban ngày. Việc nầy hoàn toàn đúng với các buổi hòa nhạc cổ điển tây phương. Do đó Hitler lúc nào cũng hô hào dân chúng ban đêm với ánh đuốc bập bùng. Truyền tin trở thành ngụy tin hay tạo tin (information --> misinformation and disinformation, news making). Những di lụy của cuộc chiến tranh lạnh vẫn còn mạnh mẽ trên những xã hội khép kín và bị khống chế. Về kinh tế, kỹ thuật marketing đã tạo ra những lối suy nghĩ có lợi (mind set) ví như khăn giấy lau tay hay giấy vệ sinh phải màu trắng mới hợp sức khỏe. Thật ra điều đó rất có hại. Màu trắng có từ diễn trình bạch hóa (bleaching) bột giấy mang màu gỗ, hóa chất không thể loại bỏ sau khi biến đổi màu mà còn trong sản phẩm; gián tiếp những cặn bã của công việc nầy chảy xuống sông lạch và con người sẽ uống trở vào thân thể.
Tôi muốn ngưng với một ý nghĩ kỳ cục, trên một truyện ngắn. Trong cái khốn cùng tuyệt vọng vì thời cuộc, chui rúc dưới mái tranh gió lùa qua phên, một cô vợ trẻ hát mấy câu trong Thiên Thai của Văn Cao. Người chồng vừa hóm hỉnh vừa chảy nước mắt như đang diễn một bi hài kịch. Anh nói: trời ơi, vợ tôi đã là một nàng tiên. Khi cho hóa kiếp thành người để trừng phạt cả loài tiên huyên náo thiên đình, Ngọc Hoàng vì chiểng mãn còn để lại trong con người trần tục một chút thần tiên. Có người dùng nó để hiểu Thiên Thai. Nhưng vô số người bị đem cái thần tiên ấy làm bùa mê mà nhữ cái thiên đàng vô tưởng bằng cách hy sinh tất cả hiện tại; con tép nhỏ hôm nay quí hơn con bò mai sau.*
-----------------------------------------------------------------------------
*Ngụ ngôn La Fontaine: con cá nhỏ bị mắc câu nói với ngư ông hãy thả ra, nó lớn rồi đến câu sau sẽ được miếng mồi ngon. Ông trả lời không.
Un tient vaux mieux que deux tu l’auras.

tonthattue
11-17-2011, 03:33 AM
chiều chưa có tên

tôn thất tuệ

Tôi thích có cái chuông lớn như trong các chùa Huế, chiều chiều thỉnh vài chục tiếng ngân khắp thung lũng nầy, để người, núi đồi và thú hoang ... cùng nghe. Rồi tết vừa qua thằng con mua cho cái phong linh rất to, to như mấy ống lồ ồ. Cái chuông gió móc dưới nhà bên bờ hồ; ngồi trên nầy đóng cửa vì gió lạnh đến trễ; cho nên nghe tiếng chuông mơ hồ xa xa, như nghe qua đồng Bò Vá dưới chân đồi của chùa Tường Vân chạy qua phía Cầu Lòn; hoặc là nghe trên những vùng thấp sau Linh Mụ, qua Kim Long, xuống Văn Xá ....
Nhưng gió đánh, không phải là người đánh. Nó bỏ lửng như chú tiểu ngủ gục tay chống trên cái chày vồ bằng gỗ mít. Nó dồn dập như đánh cho xong 108 tiếng rồi xuống bếp tìm cơm nguội. Nó không tuần tự như tiếng chuông Trấn Vũ; nó cũng không lớp lang như chuông nhà thờ do anh gù điều khiển.
Nó, tiếng chuông và cái chuông gió; nó hay chúng nó không là gì cả; mà chúng hiện hữu trong một chiều rất cô tịch. Yên lặng như trong một thính đường với khách sành điệu, thà nín thở mà chết còn hơn phát ra một hơi gió độc hại đập nát các nhạc cụ, hay như chiêu cách không đả ngưu, bóp họng ca sĩ soprano.
Thấp hơn tí nữa, lại có một giao hưởng của loài cầm, symphonie des oiseaux. Một bầy chim đen thủ diễn phần hồ (string), lũ gà nhà chia nhau phần gió (wind and brass) . Nhất là con gà tre trống cầm cây clarinette chỉa lên trời mà thổi. Ba anh ngỗng trời thích chơi cái xủm xẹt, cái thanh la. Những hạt bắp vàng óng ánh trên lớp cỏ mới nhú vì hơi xuân chưa ấm.
Những nhạc công có cánh ấy sẽ đi ngủ theo mặt trời; nhưng cái chuông gió sẽ tiếp tục. Và buổi chiều vẫn tiếp tục cái cô liêu của nó, vì buổi chiều không cô đơn trong sương núi, trong màu chàm như chiếc áo của một cô Thái đen Thái trắng trên thượng du Bắc Việt nay nhượng cho Tàu.
Nhưng lại là một buổi chiều đầu tiên, tim mình đập mạnh như bị ai siết lại khi nghĩ đến các bạn ngày xưa tưởng như không dấu vết trong thời gian. Tôi đã viết đâu đây:

nghĩ tới em ta tìm một vần thơ để gọi
cho giờ nầy trong triệu phút triền miên.

Vâng, mỗi lúc có một vần thơ riêng, một suy cảm mới. Như tôi đang hỏi lấy gì làm cái tên cho chiều nay? Châu?, Bàng?, Hiền? hay Bolero của Ravel, hay Serenade của Schubert, có khi là Chiều Về Trên Sông hay một lời kinh xứ Huế: Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Xá Vệ Quốc ....

Nhưng tìm tên một người bạn cũ vẫn hay hơn.
Vẫn còn một buổi chiều chưa sẩm tối, chưa biết gọi tên là gì.
Đang ở giữa một buổi chiều buồn vô hậu...

(trích từ một email gởi cho thân hữu)

tonthattue
11-29-2011, 08:55 AM
Lá Rụng
Khái Hưng

Trời cuối đông *(thu?),vàng úa nhuộm màu buồn vô hạn. Một làn gió lạnh thổi qua : mấy chiếc lá rụng.
Mỗi chiếc lá rụng có một linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm giác riêng.
Có chiếc tựa mũi tên nhọn, tự cành cây rơi cắm phập xuống đất như cho xong chuyện, cho xong một đời lạnh lùng thản nhiên, không thương tiếc, không do dự vẩn vơ.
Có chiếc lá như con chim bị lảo đảo mấy vòng trên không, rồi cố gượng ngoi đầu lên, hay giữ thăng bằng cho chậm tới cái giây nằm phơi trên mặt đất.
Có chiếc lá nhẹ nhàng, khoan khoái đùa bỡn, múa may với làn gió thoảng, như thầm bảo rằng sự đẹp của vạn vật chỉ ở hiện tại: cả một thời quá khứ dài dằng dặc của chiếc lá trên cành cây không bằng một vài giây bay lượn, nếu sự bay lượn ấy có vẻ đẹp nên thơ.
Có chiếc lá như sợ hãi ngần ngại rụt rè, rồi như gần tới mặt đất còn cất mình muốn bay trở lên cành.
Có chiếc lá đầy âu yếm rơi bám vào một bông hoa thơm, hay đến mơn trớn một ngọn cỏ xanh mềm mại.
Mỗi chiếc lá rụng là một cái biểu hiện cho một cảnh biệt ly.
Vậy thì sự biệt ly không phải chỉ có nghĩa là buồn rầu, khổ sở . Sao ta không ngắm sự biệt ly theo tâm hồn một chiếc lá nhẹ nhàng rơi ?"

Theo Khái Hưng báo Phong Hoá số 171 ************************************************** ****

Ghi chú của người gởi::

*Tôi không còn giữ được sách Quốc văn thời Trung học trước 1975 nên không rõ là “Trời cuối đông… hay là: Trời cuối thu…” nhưng “vàng úa” thì rõ ràng là hình dung từ tượng trưng cho mùa thu. Tuy nhiên, qua tham khảo một số link khác thì thấy hình như là “Trời cuối đông…” Mong quý vị và các bạn ai nắm chắc được vấn đề này đóng góp ý kiến giùm!

Phúc đáp:
Mẹ già tham việc tiếc công
cầm duyên con lại thu đông mãn rồi. (ca dao)

Đa số người Việt và ngay cả trong lịch hằng ngày và tử vi, mùa xuân bắt đầu ngày Tết.
Xuân hạ thu đông có ghi trong các tiết của âm lịch, tính theo các ngày sóc, ngày gì đó như cốc vũ, lập xuân v.v... nhưng không ảnh hưởng. Chữ mùa xuân mà VC dùng cho 30.4 rất đổi ngạc nhiên khó hiểu, cũng như lúa đông xuân, vì dân mình không tính bốn mùa theo lối tây phương (có Nga)
Mặt khác, người mình cũng quan niệm xuân theo dương lich tính từ đầu tháng giêng.Nếu Khái Hưng hiểu như mọi người, nhất là khi ông làm tờ báo xuân, thì mùa cuối đông, tháng chạp (12) là đầu đông của thời tiết niên sóc quốc tế.
Ý chính của bài nói về viễc lá rụng. Câu đầu nói lá vàng là một ý phụ.
Vả lại, lá rụng thực sự sau mùa thu; mùa thu lá chỉ đổi màu, chuẩn bị rụng vào cuối mùa, có khi đã sang đông.
Hơn nữa việc lá rụng xẩy ra không cùng một lúc trên thế giới. Càng đi xuống phía nam càng thấy khác vì miền nam chỉ có mưa nắng hai mùa.
Do đó theo thiển ý, chữ cuối đông của Khái Hưng không tạo nên một vấn đề gì.

Tôi còn nhớ giờ quốc văn có bài Nhặt Lá Bàng, hình như trích từ Đôi Bạn hay Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Trong đó hai chị em cô bé nghèo lượm lá bàng khô làm thuốc nhuộm nâu.

Khái Hung viết: /Mỗi chiếc lá rụng có một linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm giác riêng/
làm tôi nhớ đến Lamartine: Objet inanimé, avez - vous donc une âme? Hỏi là trả lời.
Kính,

sương chiều ngõ vắng

Miền ngõ hẹp vùng mây
nắng chen vàng trổ nhụy
phấn hoa trời
vùng đất mộng ươm mầm
chiều xuống chờ sương.
Sương đã đến mà chiều chưa hay biết
gió thoảng về đá cuội ngọt vành tai
mãi theo sương chiều quên tiếng lá
lá bâng khuâng nằm buồn cuối ngõ
ngõ chờ ai.-

tôn thất tuệ

tonthattue
12-15-2011, 04:12 PM
cây bồ đề
Tôn Thất Tuệ

Sống ở Saigon ai cũng thấy rõ ngoài vùng phố xá buôn bán, phần còn lại của đô thị nầy chia làm hai: một bên chen chúc, một bên biệt thự kiểu Pháp trong những vườn lá rậm, những bãi cỏ cắt mịn...Ngoài đường cây xanh um tùm che mát bờ tường cổ kính quét vôi màu vàng. Tôi thường đưa nhà tôi qua vùng nầy. Vợ chồng phân tích từng nét kiến trúc trầm trồ khen ngợi nhà nầy nhà kia; rồi cũng có lúc bực mình vì một nhà mới mọc nửa quê nửa chợ.

Sau mấy lần vượt biên không thành và mất hộ khẩu ở vùng quê, tôi về sống bất hợp pháp ở Saigon. Những lúc cần tránh công an khu trú mới, tôi thường đi lang thang với đôi dép chiếc đực chiếc cái vào khu kiểu cách ấy nhưng không còn ngắm các biệt thự mà cúi đầu. Phần vì buồn cho kiếp lưu đày trên quê mẹ, phần để tìm các mẫu thuốc lá khá dài như Hoa Mai, Đà Lạt mà người hút bực mình không cháy liệng xuống đất.

Những bờ tường xi măng còn đó dưới những hàng cây xanh. Vĩa hè rác rưởi khá nhiều. Không ai buồn sơn lại những bức tường kia. Chủ cũ đã đi, chủ mới bận nuôi heo nuôi gà, thèm chi chút thẩm mỹ bên ngoài. Rêu phong ăn dần màu vàng.

Những cây non xé bờ vôi, mọc ra lởm chởm như hàm râu không cạo. Đó là những cây bồ đề, cây sanh non trước khi thành cổ thụ. Những cây bồ đề vắt vẻo ở bờ tường, mùa nắng chỉ còn vài ngọn lá vàng. Những rễ phụ quá khô không bám nỗi vào vách, buông thả trong gió như sợi tóc lạc lõng. Mới trông như ai nhặt một cây bồ đề đâu đó, dán vào tường cho nó khô nó héo mà chơi.

Mỗi lần đi trốn công an như vậy, tôi chỉ có một đồng dính túi để đi xe buýt lúc tối về nhà. Một hôm khi đứng nhìn cây bồ đề héo hắt, tôi đánh liều ngồi ở quán cà phê đầu đường, loại quán bỏ túi bán chui bán chạy ở đô thành đổ nát nầy. Vừa pha cà phê cô hàng vừa nhìn đôi dép hai thứ của tôi với con mắt là lạ. Vì thế tôi đứng dậy trả trước một đồng, cái đồng duy nhất. Và để khỏi bị mời, dù mời đưa, mua thuốc Samit hay Ba Số Năm, tôi móc túi để ra bàn mấy mẫu tàn thuốc mới lượm như đánh canh bạc xả láng cuối cùng với người đẹp.

Tôi đưa cốc cà phê lên uống, mắt mãi nhìn đằng kia. Nếu có ai chú ý, có lẽ nhìn đôi mắt tôi không cú vọ như công an nhìn người. Thật thế, tôi đang nhìn cây bồ đề trên tường nứt màu vàng chen vào rêu héo. Tôi ngồi xuống đánh canh bạc cuối cùng với cô hàng nầy vì cây bồ đề ấy thôi. Nào có thích gì đâu.

Xin cô hàng lon nước rửa ly, tôi đến cây bồ đề tưới nhẹ. Nước rút vào bức tường khô không còn một giọt rơi xuống đất. Dấu nước chảy dài rồi bé phía dưới, in rõ lên nền vôi như một nét bút lông thủy mạc. Tay trái cầm cái lon, tay phải chống vào tường, tôi nghiêng mình hướng về cây bồ đề đang giành dựt nước với bức tường khô.

Khi tôi trở về, thấy tôi làm công việc khá kỳ quái, cô hàng tỏ vẽ bớt nghi kỵ. Cô lại đùa khi chỉ vào gốc cây lớn:

- Khi cây nầy tàn lụi, cây bồ đề kia sẽ lớn lên che phủ khu nầy; tôi sẽ dời cái bàn nầy qua đó.

- À ra thế, tôi đáp, tôi vừa giúp cô đấy nhé. Sao cô không tưới nước cho nó?

- Mặc kệ, cô ta trả lời, cây ngô đồng không trồng cũng mọc.

***

Tôi ngồi yên lặng. Tôi nhớ hồi bé khi đi thăm ông bà nội, tôi thích hòn non bộ đặt trên bể cạn, với những tiều phu, những tiên ông, những chiếc cầu nho nhỏ, con cá, con ốc...tất cả đầu bằng sứ tráng men. Những thứ ấy ẩn hiện trong rừng cây nhỏ bé, có thác, có ghềnh, có sơn, có thủy. Những cây bồ đề vóc dáng sần sù thả chùm rễ râu xanh xuống nước để nuôi thân. Cả một cây cổ thụ nay chỉ thu nhỏ bằng gang tay, thân khẳn khiu với thời gian, với sương gió.

Cây cổ thụ tượng trưng cho sức mạnh vô biên phủ cả một góc trời mà thu lại trong tâm can, trở thành nhỏ bé vừa tầm của mọi người, mọi vật, len lỏi vào con tim của ai ai. Cây bồ đề lá nhỏ như quả tim. Thu rút lại mà không khắc khổ, trổ lá xanh tươi như nụ cười mà không nham nhở. Tuy nhỏ mà cây bồ đề vẫn tung ra cánh tay che con đường cheo leo nơi hòn non bộ hay phủ kín một nhịp cầu ước mơ.

Dưới khối núi với cỏ cây trùng điệp trong hồn nhiên tự tại, dưới đó là nước mát. Cá đỏ lội tung tăng hay nằm lững lờ như diều ngưng cánh buông thả trong gió chiều. Những con cá đứng yên như cây bồ đề đứng yên bên trên.

Giây phút bên bờ đường với cây bồ đề khô héo đưa tôi lạc cõi nào, không hiểu nằm đâu trong cung bực của thời gian và không gian, làm tôi quên bẵng cảnh lưu đày trên đất mẹ. Cây bồ đề nhỏ bé lọt lòng tay giờ đây nó an ủi tôi, nó làm bài học của lòng tôi.

Từ trước đến giờ, tôi chỉ làm việc để tung hoành, để bung ra để bành trướng và mãi mãi thêm lên. Vì thời cuộc đã khựng lại, khựng lại trong khung cửa hẹp của nhà tù, khựng lại trong đôi dép hai thứ, khựng lại trong sự săn đuổi của công an.

Cây bồ đề cổ thụ ngắn hơn gang tay, tích tụ cả gió sương thu lại thành sức mạnh, sức mạnh của yếu hèn, sức mạnh của con tim, sức mạnh của nguyện cầu. Cây bồ đề tượng trưng cho sự chuyển hoán tư thế trước những cục diện khác nhau mà tâm hồn vẫn là một. Nếu sự vương ra đã là khó thì sự trở về với bản thể con người còn khó hơn nữa.

Từ hôm ấy tôi nhặt những cây bồ đề mọc ở vách tường mới lớn hay đã có hình thù cổ quái đem về trồng trong những phiến đá nhỏ ghép vào nhau, chưng trong nắp khạp nắp lu. Cứ mỗi sáng ra nhìn rễ trắng chạy trên đá hay thả xuống nước. Tôi uốn cành cong lên cong xuống, uyển chuyển theo mốc đá. Trong số những cây trồng, tôi thích nhất cây có gốc to bằng nắm tay mà chỉ có mầm lưa thưa, lá lại xanh như đôi mắt tinh khôi, khối lòng rộng mở. Tôi khen ngầm cây ấy chỉ biểu lộ bấy nhiêu sức sống.

Những cây bồ đề không mất tiền nầy là nguồn vui không riêng gì cho tôi mà cho cả gia đình. Mấy đứa con có quyền thêm một hòn sỏi, một viên bi hay một cành rau nước. Một hôm tôi đi về thấy một hình người bằng plastic ngồi dưới gốc cây. Tôi tưởng như một hiền nhân toạ tĩnh, tôi vái chào với tất cả cung kính. Tôi thấy mình nhỏ bé lại.

Gạt bỏ tính cách triết lý trong cây cảnh Đông phương, những cây bồ đề nhỏ bé trước mắt cho tôi một bài học kiên nhẫn, thu mình để giữ lại sự hiện hữu trước bão táp của cuộc đời. Mỗi cành cây uốn cong tượng trưng cho một u uẩn của lòng tôi. Chuẩn bị một tư thế vươn ra, một vùng đất soạn sẵn để trở về. Tôi chấp nhận sự lắng thinh để cố giữ thành trì cuối cùng làm tư duy thầm kín, một tự tại của cõi lòng. Không để cho nó nát tan.

Trước một bối cảnh của quê nhà như vậy, làm sao ta cố đừng điên lên mà giữ cho lòng thật yên, cho thật lắng cho dù có lao lung tả tơi. Rất nhiều lần vợ chồng tôi thấy như đang ở trong nhà thương điên. Báo chí Tây phương chỉ trích việc đưa vào dưỡng trí viện những nhà tư tưởng, những nhà khoa học mà họ không biết sau bức màn kia là một nhà thương điên rất lớn. Chỉ khác ở chỗ không có bác sĩ tâm thần.

Phải tự chữa lấy cho qua cơn khủng hoảng nầy. Chữa bằng những công việc đơn giản. Ở Nhật Bản, khoa xếp giấy thành hoa quả, chim muông là một phương pháp trị liệu tâm thần rất tốt.

Ngày ở quê, những lúc trời mưa không làm việc được, tôi rất đau buồn nhìn công việc bỏ bê mà khoai củ trong nhà đã hết. Mưa vẫn nhiều; mái tranh dột nát. Một bức bách tâm thần không tránh được. Tôi giải quyết bằng cách chú tâm tuyệt đối vào các thanh tre, những sợi lạt, những đóm thuốc lào tách nhẹ qua cái rựa bén trên tay. Những sợi lạt mềm nhủn dẻo kẹo, những đóm thuốc lào đều đặn xinh xinh xếp trước mắt như những tư tưởng mạch lạc trở về trong trật tự trước bức bách ngoại cảnh, của hiện tại chua xót, của tương lai mờ mịt.

Khi tôi trở về sống ở Saigon, những cây bồ đề thu hút cả chú tâm của tôi. Tôi đặt vào đấy cả cuộc sống và tìm từ đó sự lắng yên của tâm hồn trước sức công phá của thời cuộc đổi thay. Hình ảnh đạo sĩ bằng plastic nhỏ bé ở gốc bồ đề nhắc tôi một câu nguyện mà tôi xem như một thế liên hoàn chân vạc:

"Xin cho tôi ba điều: 1. Đủ sáng suốt để phân biệt thiện ác, xấu tốt. 2. Đủ bình thản chấp nhận những gì không thể thay đổi được. 3. Đủ can đảm làm những gì có thể làm được."

Thưa đạo sĩ, tôi đã bình thản như những cây bồ đề trước mắt. Tôi đủ can đảm chấp nhận mọi thứ để ra đi, ra đi một mình. Và nay nếu quyết định nầy đưa đến kết quả, chắc chắn tôi sẽ để lại sau lưng mấy cây bồ đề nầy và...và...

Những cây bồ đề được tới mát săn sóc không làm tôi quên cây bồ đề héo hắt nơi bờ tường kia, cái cây cô hàng cà phê mong mỏi sẽ lớn lên che tàng bóng mát. Sau mấy lần xuống miền Tây vượt biên thất bại, tôi trở về Saigon. Một hôm có tin đi, tôi đưa nhà tôi dạo phố theo kiểu nhà nghèo. Chở nhau trên chiếc xe đạp đến góc đường mà tôi đã đánh canh bạc cuối cùng với người đẹp bằng mấy mẫu tàn thuốc lá mới lượm giữa đường. Đến quán tôi chỉ gọi một cốc ca phê đen, nhà tôi không uống gì. Giây lát sau, tôi đưa cô lại cây bồ đề khô héo kia. Tôi đứng trong tư thế như lần trước.

Đó là ngày cuối cùng trước khi tôi đi. Tôi sờ cây bồ đề như ai mới dán vào tường. Với tất cả ngậm ngùi tôi nói:

- Hy vọng lần nầy anh đi được. Anh để lại cho em cây bồ đề héo hắt nầy.

Nhà tôi đứng buồn. Một lúc sau cô nói:

- Anh còn ngại gì mà không nói thẳng rằng anh để lại đằng sau một người vợ héo hắt. Nói quanh nói co làm gì cho buồn thêm.

Tôi đáp:

- Anh không can đảm nói thẳng như vậy. Nhưng thật ra anh còn để em lại với đống rác kia. Cái đống rác mà mỗi ngày con chúng ta đào xới tìm bao nylon bán ký, những mãnh chai sắc nhọn, những vật ngộ nghĩnh mà chúng làm đồ chơi. Anh để lại cho em tất cả, những dòng chữ yêu thương từ hồi em còn mười bốn. Anh để lại tất cả, kể cả cái héo hắt của cây bồ đề nầy.-

(1982, Thái Lan)

tonthattue
12-18-2011, 06:58 AM
xuân quên
tôn thất tuệ


Ta mê ngủ không thấy gì trời đất
không thấy ta một kẻ lưu đày
những bóng ma lẩn quẩn đọng bờ mi
như réo gọi tên ta từng nhịp.

Ta lặng yên làm người xa lạ
vì tên ta đã để đâu xa
hồn chan chứa những gì xưa cũ
xó nào đâu mà đặt để tên ta.

Ta vẫn ngủ chiều xuân nơi đất lạ
ý xuân nồng ru ta ngủ thêm say.
Đừng lay động cho mơ xuân vẫn thắm.
Ta mơ người quên bẵng cái tên ta
mà chỉ nhớ một dòng thơ vô nghĩa
ta viết ra không nói với đời
cho mối mọt đêm khuya ngâm vịnh
cho côn trùng nhảy múa với hồn oan.

Xin quên ta, kẻ điên cuồng vì hư ảo
xuân đã về và nhện dăng tơ
ta vẫn ảo, vẫn còn đeo câu thơ vô nghĩa
chưa dám quên vì còn thương em vô tận
em sang sông rửa sạch bụi trần
đời tinh khiết không thơ, không nhạc.-
Bangkok 1984

tonthattue
12-29-2011, 11:12 AM
huyễn hoặc
tôn thất tuệ

Những đứa con tôi như nhành bông lúa
chờ ánh nắng há mồm uống nắng
chiều chờ sương ngậm miệng giữ hơi sương
trong thinh vắng đồng quê ngây dại
thả tâm hồn cùng đom đóm nói yêu thương.

Những đứa con tôi thích dòng nước mịn
trong vách đá trào ra như máu rịn
nuôi bên bờ những cây cói đứng song song
làm tàng lọng che lũ cá màu trắng bạc.

Chúng quên bẵng những ngày dài khoai sắn
ruột như bào không đủ cơm canh
thèm kẹo ngọt nên tưởng bờ rào là mía
có thỏi đường trong đống đá bốc hơi.

Chúng chia sẻ nguồn cơn của người lớn:
có ai kìa gọi bố lên làng
ba ngày gạo mà đi công tác
bồ về chăng hay ở mãi không thôi.
Ba ngày gạo đã là chuyện khó
mà bố đi ai dẫy cỏ nương khoai
trời mưa xuống một ngày bằng một tháng
phải chạy đua cho kịp mùa mưa
mà nắng đến cỏ khô bốc cháy
khô mãnh vườn và khô cả nồi cơm,
nhỡ bố đi không về như dạo trước
thì làm sao biết sống chết nơi nao.

Tôi để lại những đứa con nầy trong cỏ rác
với vợ hiền vóc dáng sinh viên
tay gõ nhịp trên cán cào tre nứa
hát lời ca mấy độ mới thương nhau.
Tôi để lại một lũ con thích hát
những cung vần gia điệu thật vu vơ
như gió lạc như chính mình đi lạc
thế giới người chỉ biết sợ nhau thôi.

Tôi khẳng quyết là tôi không có tội
cùng đấu tranh thua thắng chuyện đua bơi.
Nhưng tôi thấy tội tôi dày tâm khảm
đem chúng vào thế giới của đời tôi
cùng gánh chịu một oan khiên vô lối
một tội danh hoang đường huyền thoại.

Và cô bé trời xanh đi học
áo em xanh trả hàng me xanh lá
ly mía ngọt hồi xưa em uống
nay đắng nhiều với những ngày còn sót lại với đời ta.

Ôi tội danh từ thinh không mà có
định cho ta mà cũng quyết cho đời em
rồi thấm xuống lũ con vô tội.
Ta hối hận vì ta đã chung sống
với giống người
tôn huyễn hoặc
lên làm vua.-

tonthattue
01-01-2012, 07:03 AM
(dưới đấy là một email cuối năm cho các bạn học cũ, xin giữ nguyên tuy có vài điểm nhỏ có tính cách riêng rẻ)

http://ts1.mm.bing.net/images/thumbnail.aspx?q=1523390158916&id=95d5441adf127285f7bbc3f62fc1cf32http://t1.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcTG2Mht46GiWOmy1CrqvpRP0ZygbjDod t0oPvvC8_2I4pJY0Z7d


Thưa bà con cô bác,
Năm nay Nhâm Thìn tui e bình tài xuất nhập ngang nhau vì bốc ra quẻ xăm cô nhỏ xâm hình rồng nầy thiệt là rồng lộn, không như mấy cô áo xanh e Viêt Nam ngày nào. Cho nên tui xin thêm quẻ nữa thì thấy hình trái thanh long, ruột đầy sung mãn, màu sắc hài hòa tươi mát. Theo lối bốc dịch, hai quẻ ấy tốt xấu hủy diệt nhau thì tui phải xin một keo khác mới rõ hên xui. Nhưng kẻ đến sau bao giờ cũng thắng thế, cho nên xin lấy cái thùng phi to tướng bỏ trái ấy vào nấu chia cho bà con cô bác mỗi người một chén nước. Của ít người nhiều, đó là cách chia sẻ như ngày xưa Dương Diên Nghệ được vua cho một trái cam, đem về làng nấu trong chảo to để muôn loại thần dân đều hưởng ơn của Minh Quân, kẻ theo lý thuyết đại diện cho trời đất.
Xem như năm Mão đã qua; mà cho nó qua cho rồi. Năm Mão 1975 rõ là: Mèo ngao cắn cổ anh già; anh già bắt được cả bầy mèo ngao.

Thìn cầm tinh con rồng cho nên đừng cho mấy lão như Putin và nói chung dân tây phương biết, họ sẽ đưa Saint Georges cầm kiếm giết chết như đã ghi trong Histoires (des) Saints. Rồng của mình thì quý lắm.
Long tu là cây thuốc trị bá bệnh; mùa nóng nấu chè với đậu xanh trị nhiễm trùng đường ruột.
Xương rồng lá lép dân Mễ ăn như mình ăn rau muống. Nhà nào cũng treo một nhánh xương rồng gai để trị ma. Quết cây xương rồng thả xuống ao, cá chết nổi lềnh bềnh.
Thanh long ăn mát nhưng trái ấy đã làm rừng vùng Khánh Hòa tan hoang vì dân chúng đi lấy cây gỗ quí làm dàn. Thanh long cũng được nuôi thúc như nuôi gà bằng cách chong đèn nê ông sáng như ban ngày.
Đậu rồng trong Nam không đến nỗi tài danh như đậu bắp (okra) nhưng not bad.
Long nhãn đúng là mắt rồng vì ăn nhiều đỏ con mắt muốn đui luôn.
Long não ngữi vô là long cái não mà bay như rồng, bỏ vào áo quần dán mối chạy re.
Rồng thì nói mô cho hết, mà đó là tài của Võ Dật, hãy chờ nghe. Lắm rồng, lắm long.

Nhưng long đong thì phải đốt phong long. Lấy cái trách đất hay cái chảo ra quán tạp hóa mua bộ đồ trị phong long, gồm giấy tiền vàng bạc, bỏ vào trách đốt, thêm muối hột cho nổ, thêm vài loại lá cho thơm như lá chanh, lá rosemary. Các bà chủ tiệm như tiệm ăn tiệm áo cưới mà business trì trệ thì đốt như rứa rồi nhảy qua nhảy về như nhảy " xồn tố mị, bụng to lo chi" mà nhiều người được dạy trong chiến khu.
Tuần trước Phan Ngọc than nay đã lộn thời, cho nên nàng thơ cũng bỏ đi chơi, Mệ Để thì phán: lộn đời. Tui thì phải kéo nàng thơ làm thủ tục đốt phong long. Mệ Để hiểu lầm chữ "hôi mùi khét" mà cười ha há y dư mùi khét qua tận Toronto nhảy vô lỗ mũi của hoàng thân. Tui xin chép lại chân nguyên, không xiêng xỏ.

Lộn trời cũng tại cái lộn lèo
buồm rách lèo lộn mà đi kêu kêu lộn trời
tầm bậy dư ri trời sẽ phạt:
suốt đời làm răng cho tàu bè không lộn lèo.
Có được mần ri thì thuyền mới tới
Tây vực ngồi chơi nướng củ khoai
mà không sợ cảnh:
kìa cái diều ai nó lộn lèo.

Thời đã rách bươm như xơ mướp
lót ổ chó nằm chó cũng chê
nàng thơ vén váy đốt phong long
xả xui nắm muối nổ bôm bốp
ma quỉ,văn nhân sợ chạy re;
nàng thơ vén váy mưa tầm tã
hủ bát trôi sông, cồn (an côn) đã vô ruột.
Nàng đốt phong long hôi mùi khét
râu tóc nam nhi cháy sạch bách
Buồn quá đi thôi rượu cạn rồi (thơ Phan Ngọc)
Rờ lên đầu sói muốn đi tu
Trợ duyên xin mượn chiếc váy củn
xếp thành tay nảy đựng tôm khô,
dăm bảy cuốn kinh không chữ viết
xé đốt phong long, sửa lộn lèo
quyết đốt phong long, sửa lộn thời.

Vậy thì, hạ nhân đã đốt phong long của năm mèo. Và xin mời chén nước thanh long từ trái thanh long quý sáng của quê mẹ. Xin chúc bà con cô bác có cả triệu mùa xuân.

triệu mùa xuân
tôn thất tuệ

Xuân ở bờ lau xuân tháng sáu
xuân ở bờ lau mưa không ướt nhánh
đâm cành mọng dù mưa không ướt đất
ý xuân nồng tháng hạ khô khan
cho thu mượn tình xuân
thu ca vịnh suốt ngày đông
giữ cành khô không cho gió mang đi.

Ôi trong sáng, bình minh ướm nhụy
khi một người từ bỏ ra đi
xin giao lại ngai vàng điện ngọc
gốc bồ đề khởi thảo thơ xuân
chiếu ánh sáng vùng thâm sâu duyên nghiệp
nhận chân mình qua khỏi mộ chiêm bao
lên tiếng gọi tình yêu vũ trụ
có con người và trùng dế hát trong đêm.

Kìa giọt máu rơi từ Thánh giá
dấu đinh sâu gieo giống tình thương
dạy con người đem thân bón xới
đóa hoa xuân trên sỏi đá bốc hơi
và gánh chịu hàm oan thế kỷ
không hận thù mà yên ổn lương tri.

Trong trầm lắng nhiều mùa xuân thắm đọng
như mẹ tôi khâu áo mỗi chiều
mắt trông ngóng đàn con đi học
trên đường làng có những bụi cỏ thơm thơm.

Và người vợ lưng gầy quảy nặng
sắn khoai khô qua khu rừng khốc liệt
bón thân tôi trong tù đày ác nghiệt
cho tôi thấy một mùa xuân trở lại
để còn cười và giữ lấy tin yêu.

Xuân cũng nở xuân hiền cùng Matisse
những mãnh trời rực rỡ ý thơ bay
với màu tươi Nguyên Khai Bửu Khải
cứ yêu người như thuở mới lên năm.

Nay xuân mới
Ta yêu em gió xuân ta đang thở
bến sao thưa chuyển lòng khung trời hẹp
Triệu mùa xuân ngập hồn ta đang sống
mạch máu đầy ta có cả triệu mùa xuân.-



ghi chú: nếu thân hữu có comment, xin ghi ở Dấu Ngàn Năm, chuyện linh tinh:
https://dtphorum.com/pr4/showthread.php?228-Dấu-Ngàn-Năm

Ngày đầu năm Dương Lịch 2012

tonthattue
01-27-2012, 12:11 PM
kinh không chữ viết

Theo lời yêu cầu của một người bạn, tôi đã sửa mấy câu dí dỏm trong post kề trên như sau.

Bạn cũ phiền trách sinh lộn thời
Nàng thơ không đến rượu cạn khô
Khác nào Tây Vực thuyền không tới
Gió chướng buồm thưa lèo tréo hẻo.
Thời đã rách bươm như xơ mướp
lót ổ chó nằm chó cũng chê
nàng thơ vén váy đốt phong long
xả xui nắm muối nổ bôm bốp
ma quỉ,văn nhân sợ chạy re;
nàng thơ vén váy mưa tầm tã
mâm bát trôi sông, hủ phơi đáy.
Nàng đốt phong long bay mùi khét
râu tóc nam nhi cháy sạch bách
Buồn quá đi thôi rượu cạn rồi.
Rờ lên đầu sói muốn đi tu.
Trợ duyên xin mượn chiếc váy củn
nàng xé chia cho nửa yếm đào
để lộ núi đồi cây nhẵn thín
tinh yêu ma quỉ đứng chận đường.
Đạo sinh trố mắt giật khung vài
xếp thành tay nảy đựng tôm khô,
dăm bảy cuốn kinh không chữ viết
xé đốt phong long sửa lộn đời
quyết chí ra tay dẹp loạn thời.

Trong thư ông nói tôi bịp khi viết câu: dăm bảy cuốn kinh không chữ viết nhưng ông lại thích và với nhãn quan riêng ông đã gởi cho mấy câu sau:

Dăm bảy cuốn kinh không chữ viết
Bần trơn gà chọi không lông đuôi
Nhưng người đã ngộ khi chó sủa
Tay nãy đạo sinh nực mùi tôm.

Ông bạn không nói thêm vì sao cho tôi bịp. Tôi hiểu thế nào là kinh không chữ viết? Tôi hiểu rất đơn giản, không theo mô thức của thiền như phá chấp v.v… Khi mình không đọc được thì những gì cầm trên tay đều là không chữ viết. Khi ai đưa cho cuốn kinh chữ Hán thì xin chịu, chỉ đọc được chữ nhất, nhị, tam là chấm hết. Đưa cho tôi một tập nhạc cũng như đưa cho xấp giấy trắng, tôi có biết cái khóa sol thường tượng trưng cho bộ môn nầy.
Còn nhớ có người đem cuốn Diệu Pháp Liên Hoa Kinh đưa cho Lục Tổ Huệ Năng xin Ngài giải thích giúp. Ngài nói: ta có biết chữ mô mà đọc. Hãy đọc cho ta nghe xem sao.
Nghe rồi, Ngài tóm lược trong bốn chữ: khai thị ngộ nhập.
Khi viết câu nầy, tôi không nghĩ đến Lục Tổ mà vì kinh nghiệm của người bình dân.
Ở VN, mãi cho đến 1975 vẫn có những tiệm cho thuê sách truyện. Ở Huế, tôi thấy mỗi chiều thứ bảy, mấy bà bán rau, bán cá, thuê truyện tàu như Phong Thần, Tây Du, Đông Chu, Thuyết Đường … tuy các bà không biết chữ, chủ quán có đưa lộn cũng ô kê. Các bà đem về nhà gọi con cháu, hay bạn con cháu đến đọc. Trẻ con làm sau biết những ý nghĩa cao xa, chỉ biết đọc. Nhưng các bà giải thích cho nghe.
Từ đó tôi kính trọng người không học, họ có sự hiểu biết như Lục Tổ tuy không đọc được chữ.
Vậy thì đạo sinh dốt, nếu muốn học theo vô ngôn, thì xé đốt nhóm lửa, hoặc sẽ nhờ người khác đọc.
Mặt khác tôi không dùng chữ thiền sinh vì tránh động chạm, đạo sinh rộng rãi hơn, đạo là đường, là trường đời.

Nói lại: nếu có ý kiến, tham luận xin ghi ở mục Dấu Ngàn Năm, chuyện linh tinh, hay bất cứ tiêu đề nào do tôi mở; vì Không Gian Riêng không nhận trả lời

tonthattue
02-04-2012, 04:54 PM
http://oursurprisingworld.com/wp-content/uploads/2008/01/nepal_1_06.jpg
trẻ con trên xứ Nepal, hình từ internet

giới thiệu một bài viết của Lữ Hồ

Lúc ấy vào giữa chiều 29 tháng 04, tôi ngừng xe Honda trước cửa nhà thường được nói là của Nguyễn Cao Thăng vì thấy Lữ Hồ đang đứng bên vĩa hè mặc bộ bà ba trắng. Lữ Hồ - bảy năm sau khi viết bài nầy - vui buồn không để lộ nhưng có lạ là không ngậm ống điếu. Cả hai chúng tôi nhìn theo chiếc xe jeep trắng mui trần chạy hối hả trên đường Phan Thanh Giản về hướng xa lộ Biên Hòa; Trần Văn Đôn ngồi trên ghế trước. Sau vài câu chẳng nằm đâu, tôi ra về để tiếp nhận cái rời rả của đô thành như con cú đã thấy mùi tử khí của con bệnh trong nhà để đón đi cho ma ăn (ngạn ngữ: cú kêu ma ăn). Hơn ba năm sau, tôi từ vùng kinh tế mới về thăm Saigon, tôi ghé lại nhà LH ở Gia Định. LH ở một mình, vợ con đã đi Pháp, anh lại vừa qua khỏi bệnh nan y bằng cách chú tâm niệm Phật.
Hơn mười năm trước nữa, chính tại căn nhà nầy LH biếu vợ chồng tôi cái bao lì xì Tết với khoản tiền khá lớn, anh nói tôi khỏi cảm ơn vì là nhuận bút một bài tôi viết về đứa con của Bokassa. Tôi giờ nầy cũng quên mất tờ báo của LH. Dạo ấy LH ngồi ké trong tòa báo Đời của Chu Tử. Lúc ấy LH có viết về Tây Du Ký; tôi không đọc; nhưng LH nói anh ca ngợi Chư Bát Giới, tượng trưng cho nhục thể, cho bản năng, cần thiết cho một cuộc sống. Trong lúc ấy người ta chỉ chú ý đến Tôn Ngộ Không, như một loại trí thức mà quên rằng trí thức ấy đã mang một mối nguy trong mình cho nên cần có kim cô điều khiển khi thái quá. Tuy vậy đây chỉ là một truyện tàu, tự nó không mang tính cách giáo lý cũng như Tam Quốc chưa phải là lịch sử như nhiều người tin tưởng. Ở điểm nầy LH có phần nào mâu thuẩn khi viết trong bài nầy: Ngài Huyền Trang chỉ là một vi cao tăng có chí lớn, trèo non, lội suối qua Ấn Độ thỉnh kinh mà các văn sĩ Trung Hoa cũng ghép vào mấy chú Tề thiên, Bát giới, Sa tăng với 72 chúa yêu.
Về thị hiện, lối dễ hiểu nhất là chỉ có con rắn đực mới thấy con rắn cái đẹp. Lối khó hơn là kinh Pháp Hoa: Ta thành Phật từ muôn vạn kiếp trước không thể nào đếm được tuy rằng tất cả trong thế gian trời, người, a tu la đều nói Phật Thích Ca rời cung thành họ Thích đến thành Dà Gia ngồi nơi đạo tràng cách nay thật không xa chứng vô thượng chánh giác.
Thị hiện là biểu lộ một phần nhỏ của một thực thể không thể thấy, ví như nhiệt lượng cần những chất dẫn như không khí, nước v.v… điện cũng thế, nó hiện diện khi ta nấu, sấy tóc. Một ví dụ không chính xác nhưng gần gũi: hình ảnh một xướng ngôn viên trên TV, người ấy không chỉ ngần ấy thôi; trước và sau khi ra khỏi màn hình có cả một thế giới không nhìn thấy được.
Thị hiện có tính chất kỹ thuật, cần nhưng chưa đủ (nói theo lối toán học). Thị hiện vào Diêm Phù Đề, Phật không từ bỏ tục đế tuy mục đích cuối cùng là chân đế. Mặt trời đâu có lên xuống đông tây, mà làm gì có hướng đông tây nhưng Ngài phải nói phương đông, tây thì chúng sinh mới hiểu. Chân đế và tục đế không xa lìa nhau. Trong kinh Niết Bàn, Ngài nói rằng Phật cũng như trâu bò sinh trong bào thai, nhưng không thể nói rằng Phật chỉ là trâu bò.
Ngài nói: Ta là con vua Tịnh Phạn nhưng ta cũng là Như Lai (vào thời Pháp Hoa, Ngài giảng với tư cách Như Lai).
Có sự trùng hợp với Chúa Jesus Christ: Ta là con của người và là con của trời. Thật vậy, con của người là con của bà Marie, con của Trời tức là thuộc một chân lý vĩnh cữu như pháp thân.
Bế tắt của Tây Phương là không nhìn theo lối thị hiện và chỉ nhất quyết Jesus chỉ có một tư thế là con của Trời mà thôi. Họ đã đi truyền đạo bằng cách nói Phật chỉ là con ông vua còn Jesus là con Thượng Đế mới đáng theo. Tây Phương đã đi rất xa với Đạo Chúa nguyên thủy (christianisme primitif) như Nghiêm Xuân Hồng có nói. Biến thái nầy đã đưa đến quan điểm thần học khắc nghiệt và thiếu nhân bản.
Tam thế chư Phật đều thị hiện, như trong Pháp Hoa: Như Lai quảng diễn kinh điển độ thoát chúng sinh, khi chỉ việc mình, khi chỉ việc người, khi chỉ thân mình, khi chỉ thân người. Qua thị hiện, có người nói rằng Phật giáo siêu mà không cao, siêu là xuyên thấu tất cả nhưng không cao xa, xa vời với con người. Âu cũng là một cách nói.
Thân chúc Nhâm Thìn cầm tinh con rồng cùng con phụng hân hoan, lúc nào cũng như mình: we are married today.

tôn thất tuệ



Ý nghĩa thị hiện của Phật Đản
Lữ Hồ

Nên hiểu một cách đơn giản: “Phật là giác ngộ” thì ngày Phật đản chính là thời điểm của ánh sáng giác ngộ ra đời. Sự hiển hiện của con người xuất thế tại vườn Lâm-tỳ-ni vào một ngày trăng tròn cách đây 2592 năm (tính theo thời điểm 1968) là hình ảnh của Chân lý viên dung. Ngày Phật đản cho tới nay đã được các nhà bác học, văn nghệ, truyền giáo thuật lại với nhiều vẽ linh động, nhiều dữ kiện huyền bí. Có sách nói Ngài đã từ trong cánh tay vương mẫu bước ra, bước bảy bước trên bảy hoa sen nở tươi dưới gót, miệng nói “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Có người theo khuynh hướng khoa học lại cứ đoán chắc Đức Phật ra đời không khác mọi người trần tục. Những gì là quả đất rung chuyển, hoa Đàm mưa xuống, hương thơm sực nức đều là những điều tô điểm của người sau. Chung quy, một đàng coi Đức Phật như một bậc tiên thánh thần thông, một đàng nhìn Ngài dưới lăng kính của giác quan thế tục.
Nhưng điều quan hệ không phải ở đó. Điều chính yếu là Phật với Chân lý, Phật với Giác ngộ là một. Sự đản sanh của Phật là sự xuất hiện của Giác ngộ.
Có người bẻ lại rằng: Nếu thái tử Tất Đạt Đa đã giác ngộ từ phút sơ sinh thì:
– Tại sao Ngài phải du ngoạn bốn cửa thành rồi mới chứng được hệ luận thứ nhất: “Đời là bể khổ” qua thực tế “sinh, lão, bệnh, tử”?
– Tại sao, sau khi cưới vợ, sinh con, rồi đợi một đêm trăng tròn tháng hai, Ngài mới lìa xa cung vàng điện ngọc, đổi thay trang phục vương giả để lấy tấm áo chăn chiên, đi tìm chân lý?
– Tại sao, Ngài phải đi qua con đường khổ hạnh, phải suy tư sáu năm ở Núi Tuyết, rồi một sớm ngày trăng tròn tháng chạp mới chứng ngộ được Chân lý Giải thoát?
Xem thế, con đường tầm đạo của Đức Phật, tưởng cũng không khác với con đường khảo nghiệm, phát minh của các triết gia, khoa học.
Suy ra, những vấn nạn trên không vượt ra ngoài ý niệm căn bản: Đức Phật chỉ là một con người như mọi con người. Và nói theo luận lý thì những khám phá của Đức Phật, dù thuộc phạm vi siêu hình hay biểu tượng, cũng chỉ là kết quả của một chuỗi suy luận lâu dài chứ không phải là một trực kiến siêu việt như người ta hằng ca tụng. Đức Phật là một siêu nhân chứ không phải là đấng siêu nhiên. Thật ra, nếu đứng trên quan điểm thường-nghiệm như vậy, ta sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa nhân bản của Đạo Phật, của Phật đản, của các Đức Phật.
Điều trước tiên, ai cũng thấy rõ, Chân lý có thể đến trong trí tuệ nhân loại bằng hai đường: THẤY và TÌM. Thấy được Chân lý là con đường trực kiến. Tìm Chân lý là con đường suy nghiệm. Những chân lý trong những lãnh vực khoa học, tư tưởng đều phát sinh từ suy nghiệm. Điều ấy đã hiển nhiên. Những khám phá của khoa học, triết học ngày một tiến tới. Lý thuyết sau thay thế lý thuyết trước. Nguyên lý nọ đạp đổ nguyên lý kia. Quá trình phát triển của khoa học, triết học, là một chuỗi chân lý kế tục thay thế nhau, chen lấn nhau khiến cho nhân loại cứ đi mãi về cái đối tượng “chưa tìm thấy” ở đàng trước. Chưa tìm thấy thì chưa có thể tin. Chưa biến thành đức tin thì còn phải quanh quẩn ở phê phán. Nhờ tìm thấy mãi, các nhà khoa học, triết học đã có một ảo giác là đi vào quang phổ Chân lý lung linh màu sắc mà càng ngày càng cảm thấy bơ vơ! Các triết gia cho yếu tính của triết học là hoài nghi. Không hoài nghi cái “hiện có” thì không còn ai đi tìm cái “chưa có” nữa. Như vậy, những điều khám phá được mệnh danh là chân lý trong khoa học, triết học, đã không có giá trị tuyệt đối. Đã tương đối thì phải đối đãi, phải so sánh và đương nhiên không thoát khỏi thăng trầm. Đức tin cốt yếu của nhà khoa học, triết học là phải công nhận những khám phá của mình không có giá trị vĩnh cửu dù rất phổ quát và tất yếu. Phổ quát vì áp dụng rất đúng với sự vật. Tất yếu, vì đó là những bậc thang của lý trí không thể thiếu để hoạt động. Tin mình không tin như thế là tự thú một mặc cảm, xác nhận một trình độ. Mặc cảm về khả năng tương đối của suy nghiệm, thú nhận sự bất lực của những công trình nhân tạo.
Ngược lại, “thấy” Chân lý là trực giác ngoại lý siêu việt của đấng xuất thế. Thấy Chân lý là trực kiến được quy luật sâu xa chi phối mọi hiện tượng hữu hình, mọi định mệnh chi phối thân phận con người. Đã là trực kiến thì không thể biện giải được. Bởi thế, con người đạo học trong khi suy nghiệm Chân lý giải thoát là để thấy rõ cái thấy vi diệu của chư Phật chứ không phải đi tìm. Theo Phật mà đi tìm Phật thì có khác chi ngồi với chủ nhà lại đi tìm chủ nhà. Mọi sự biện giải đều là phương tiện để thấu hiểu chứ không phải để bài bác, biện giải. Muốn biện giải thì phải nhờ tới suy nghiệm, mà phương tiện này không thể đạt được cái tuyệt đối, thì dù có mượn cũng không dùng được và nếu gượng ép thì lại làm cho Chân lý bị phân hóa đi. Trước nay, đã có nhiều người cố gắng biện giải đạo Phật qua lăng kính triết học, khoa học. Ta phải nhận rằng, nhờ họ mà ánh sáng Chơn lý trở thành lung linh nhưng họ cũng làm cho ta choá mắt và không vượt nổi hình thức, giáo điều. Biết đạo chưa phải là hiểu đạo. Hiểu đạo chưa phải là hành đạo. Hành đạo cũng chưa phải là liễu đạo.
Chân lý giải thoát của Phật đã tuyệt đối, không thể biện giải được. Đã không biện giải được thì làm sao mà truyền bá cho quần sanh?
Trong mục đích này, chư Phật đã dùng một phương tiện để cảm thông: Đó là thị hiện.
* * *
Thị hiện là gì?
Tức là đem cái vô hình lồng vào cái hữu hình. Là cụ thể hóa các ý niệm trừu tượng. Là đem những gì ở lĩnh vực khả tri gắn liền với hiện tượng khả giác. Phật đản, Xuất gia, Thành Đạo đều là những biểu thị chân chính của đạo Phật. Một triết gia hiện đại có nói: “Cho dù Thượng đế có tạo ra con người chăng nữa, thì sự hiện hữu của Thượng đế cũng phải biểu hiện qua sự hiện hữu của con người”. Quả vậy, ý niệm Thượng đế chỉ có thể tồn tại qua những chứng tích của con người. Ai chẳng biết Thượng đế chỉ là một ý niệm sơ khởi. Ý niệm ấy được các người hữu thần gán cho cái khả năng sáng tạo muôn vật, nhưng nếu không có sự hiện hữu của muôn vật thì lấy ai để cho biết là có Thượng đế đây? Tôn giáo nào cũng có tượng ảnh, nghi lễ, kinh sách, giới luật, văn chương... tức là đã vay mượn các công trình sáng tạo của con người. Đã có tượng hình là đã vay mượn cái hình thể con người. Có thờ phụng là có mượn công trình kiến trúc, xây dựng của con người. Có kinh sách là có mượn ngôn ngữ, văn tự. Và, giới luật là gì? nếu không phải là những hình thức, khuôn khổ ghép con người vào phương tiện để đi vào cứu cánh? Cho nên, dù con người dù có thấp hèn, ngu dốt, vẫn là trọng tâm của mọi hiện hữu của thế gian. Vì đó, ta có thể nghĩ rằng: “nếu không có con người thì lấy ai để chứng minh cho sự hiện diện của Thượng đế?” Ấy vậy, lắm nhà thuyết giáo vẫn không chịu xác nhận sự hiện hữu nhân bản, sự hiện hữu của con người.
* * *
Đức Phật đã không vào đời với con đường ấy. Đức Phật không phủ nhận sự hiện hữu nhân thể. Trước tiên, Ngài là một nhân vật có được phụ mẫu sinh dưỡng theo quy luật sinh tử của con người phổ biến. Hoàng hậu Magia cũng hoài thai như muôn ngàn thiếu phụ khác. Đúng ngày sinh nở, Thái tử Tất Đạt Đa cũng chào đời qua lòng mẹ như mọi trẻ khác. Có điều, Ngài là một bậc vương giả, sinh trong gia đình quý tộc, phong kiến, giữa thời đại đa thần thì tất nhiên các quan thái sử chẳng ngần ngại gì mà không thêm bớt một vài huyền thoại cho vị Hoàng đế tương lai! Đến khi Phật giáo truyền qua Trung Hoa, thế giới của truyện ma quái, thì tiểu sử của Ngài lại được nhuộm thêm một phần hoang đường huyền bí nữa. Rất đổi, Ngài Huyền Trang chỉ là một vi cao tăng có trí lớn, trèo non, lội suối qua Ấn Độ thỉnh kinh mà các văn sĩ Trung Hoa cũng ghép vào mấy chú Tề thiên, Bát giới, Sa tăng với 72 chúa yêu, muốn cho Ngài muốn gặp Đức Quán Thế Âm lúc nào thì gặp, huống nữa là đức Bổn sư? Cũng may là các nhà văn ấy chưa dám tiểu thuyết hóa đời Ngài như một ông văn sĩ nước ta bây giờ. Dù vậy, các khuynh hướng thần lý trong tư tưởng học thuật Trung Hoa cũng đã lũng đoạn Chân lý không phải ít!
Lớn lên, Thái tử cũng biết nóng đến phải ở cung mùa hè, cũng rét đến ở cung mùa đông và cũng sẽ có vợ con như nghìn triệu con người khác. Tuy nhiên, những dữ kiện đầy nhân tính ấy không chứng tỏ Đức Phật trong tương lai chỉ là một kẻ nhân giả tầm thường mà chính Phật đã thị hiện nhân bản để gây nên cái ý thức tự cứu nơi mỗi con người. Đạo Phật không truyền bá sự cứu rỗi, không ai cứu ai được. Mỗi cá nhân được chư Phật chỉ cho sự u mê, vạch đường Chân lý thì phải tự mình tu tập để tự cứu. Cùng một lẽ đó, nếu Đức Phật giáng trần như một bà tiên cho phép lạ thì có ngay hai cái hại: Một là, con người nảy ra tính ỷ lại. Hai là, không tin mình có thể tự cứu lấy thân phận mình. Vì vậy, Đức Phật đã lấy đời người làm xuất phát điểm. Đản sanh, xuất gia, thành đạo, nhập diệt. Bốn giai đoạn, bốn bước tới Chân lý từ thấp đến cao. Thật rõ ràng và thực tế biết bao nhiêu? Đức Phật đã không chối bỏ con người, Ngài lại cũng không quên sự ràng buộc đớn đau của hoàn cảnh. Sống trong một hoàn cảnh kiêu xa như Thái tử Tất Đạt Đa mà nói tới sự “bỏ tất cả để được tất cả” không phải là một điều giản dị. Người ta chỉ chối bỏ hiện tại khi bị đau khổ, nghịch lý áp bức. Chính Thái tử đã không chịu được sự thống khổ đó. Nếu chỉ có những người cùng hoàn cảnh mới thương mến nhau, thì phải nói Thái tử Tất Đạt Đa là con người lẻ loi nhất thời đó và trong xã hội nhiều giai cấp như Ấn Độ, không ai có được hoàn cảnh quyến rũ như Ngài. Cần phải có sự giao tiếp với tha nhân, với ngoại cảnh. Thế rồi, nhân cuộc du ngoạn, Ngài cảm được sự đau khổ của những con người không cùng chung giai cấp, tuổi tác, hoàn cảnh. Sự thông cảm ấy đương nhiên khó mà có ở thường nhân. Đức Phật không phải nhờ học nhiều sách, nghe nhiều thầy mà nhận định được “Đời là bể khổ”. Có bao giờ phụ vương Tịnh Phạn lại dám để cho Ngài buồn đâu? Tự Ngài đã thấy, đã trực kiến, đã chấp nhận sự đau khổ của tha nhân và cũng là của tự thân, tức cái thân phận con người. Và rồi, Ngài lẫn tránh mọi phiền trược để đi tìm Chân lý.
Chính đây mới là vấn nạn lớn nhất của những người hứa đựng óc thực nghiệm. Họ cho rằng: “Phật phải tu luyện, phải suy tư rồi mới thấy được Chân lý”? Ngài là một triết gia như mọi triết gia. Và, vì Ngài xuất chúng quá nên Bertrand Russel đã suy tôn là Đại tư tưởng, Đại giáo dục, v.v...
Để hiểu được ý nghĩa thâm diệu của giai đoạn này, ta cần lưu ý tính cách liên tục suốt cả hành trạng của đời Ngài, một chuỗi thị hiện thuần nhất rất phù hợp với quy thức Tứ đế sau này. Từ giai đoạn đản sanh là một biểu thị nhân bản đến việc du ngoạn chứng kiến cảnh sinh, lão, bệnh, tử là ý thức tự giác, đến giai đoạn này là giai đoạn tìm Chân lý, vẫn có một tiến trình điều hòa vi diệu. Thực vậy, trực kiến Chân lý là diệu năng của chư Phật. Thế còn chúng sanh thì có trực kiến ấy không? Vậy thì, nhận biết chúng sanh không thể có trực kiến để thấy được tuyệt đối, sáu năm suy tưởng của Ngài ở Tuyết sơn là bài học cho thấy: con đường suy nghiệm dù chỉ có giá trị tương đối, không giúp chúng sanh thấy được Chân lý và chỉ vẫn có thể nhờ đó mà tìm tới Chân lý do Đức Phật đã trực kiến mà thôi. Công việc này có khác chi nhà triết học sau khi tìm ra tư tưởng đã phải dùng tư tưởng để giúp cho mọi người hiểu được tư tưởng của mình. Cao hơn nữa, Đức Phật lại cho rằng Chân lý không ở ngoài con người. “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Cái ý thức tự giác đốt lên trong tâm hồn của từng cá nhân. Và ý nghĩ của chuỗi ngày suy tư dưới gốc Bồ Đề chỉ bao hàm một ý dụ là bất cứ một chúng sanh nào, nếu chịu y cứ vào giáo pháp thì đều có thể chứng ngộ được Chân lý giải thoát do Ngài đã trực kiến được.
* * *
Kỷ niệm Phật đản, căn cứ vào những dữ kiện đã trình bày ở trên, ta có thể rút ra những hệ luận sau đây, nói về sự thị hiện của Phật giáo:
1. Đức Phật chấp nhận nhân bản tính
Đức Phật không bao giờ tự xưng là đấng sáng thế mà chỉ bày tỏ thiện niệm cứu thế. Có người nói: “Tôi không chấp nhận sự hiện hữu của ông sáng thế, vì ổng đã bày đặt ra lắm trò rắc rối, chỉ làm khổ cho chúng sinh. Ông càng có lại càng làm thêm rắc rối cho nhân sinh. Tôi chỉ thờ phụng đấng cứu thế mà thôi. Ai cứu tôi, cứu cuộc đời quanh tôi khỏi khổ đau là tôi thờ phượng”. Ý nghĩ ấy kể cũng có phần chua chát đấy nhưng vẫn thâm trầm lắm. Thật vậy, Đức Phật đã không tự phong cho mình chức vụ sáng thế mà chỉ muốn hoàn thành nhiệm vụ cứu thế. Thiện nguyện của Ngài đã đi trước thời đại hằng ba mưoi thế kỷ và để hoàn thành thiện nguyện ấy, Ngài cũng không tạo ra những phép thuật mầu nhiệm để phạt tội, đe dọa hay tha tội cho ai như một vài tôn giáo đã chủ trương. Ngài đã đản sanh trong nhân thể, nhân cách của con người. Ngài gợi ra cái ý thức tự cứu của cá nhân. Sống trong một xã hội phong kiến, trong khi nhân loại còn đắm trong hoang đường, thần lý, mà Đức Phật lại đề ra một phương thức tự giác như vậy thì quả là táo bạo và tiến bộ. Táo bạo vì sẽ không thoát tay bọn phù thủy Bà la môn. Tiến bộ vì không chịu mặc lấy bộ áo hoang đường. Thuận theo sự tiến triển của tư tưởng nhân loại thì trong trạng thái thần lý (état théologique) như Auguste Comte nói: “con người chỉ chấp nhận những gì hoang đường huyền bí, mà phủ nhận những gì hiện thực”. Đức Phật đã đi ngược lại. Người đi vào con đường của khoa học hiện tại. Nếu có ai đã đọc cuốn kinh “Báo phụ mẫu ân” tức thấy Ngài diễn tả sự biến hóa của cái bào thai trong bụng mẹ rất kỹ càng không khác gì khoa phôi sinh học ngày nay. Hơn nữa, Đức Phật bắt đầu việc truyền giáo từ ý thức tự cứu tức là Ngài “tìm sự giác ngộ cho mình” rồi mới “đem bốn mươi chín năm đi giác tha” cho nhân loại.
2. Đức Phật lấy nhân bản để hướng lên Siêu việt
Ở trên, căn cứ các dữ kiện, ai cũng thấy Đức Phật đi vào lòng người để cứu rỗi con người. Dù vậy, những chất người trong đời Ngài chỉ có tính cách biểu thị mà thôi. Chứng cớ, sau bốn mươi chín năm thuyết pháp, Ngài đã tuyên bố là “chưa từng nói một lời gì” hoặc “giáo lý là ngón tay trỏ, Chân lý là mặt trăng”. Không nên bám vào ngón tay (phương tiện biểu hiện) mà quên Chân lý. Ngài đã dùng cái “cụ thể” (hình hài, ngôn ngữ, hành trạng) để biểu hiện cái “trừu tượng” là Chân lý. Ngài đã đản sanh và hành đạo qua nhân thể là đem cái khả tri gửi vào biểu tượng khả giác cho mọi chúng sinh từ sơ cơ tới thượng tri đều có thể hiểu được, bắt chước mà làm theo được? Dù vậy, với hệ luận “thành, trụ, hoại, không”, Ngài luôn luôn nhắn nhủ cho nhân loại thấy mọi biểu tượng đều giả trá, tạm bợ. Đó chỉ là “bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê”. Thuyết tương đối của Einstein hiện đại đã làm cho ánh sáng Chân lý của Đức Phật thêm hiện thực. Các cuộc du hành không gian hiện tại nào có thoát ra khỏi “ba ngàn đại thiên thế giới” do Đức Phật phát kiến? Những khám phá của khoa học, triết học hiện tại chỉ là những dẫn chứng cụ thể cho giáo lý vi diệu của Đức Phật. Cũng vì đượm nhiều nhân bản tính, đạo Phật đã không mâu thuẩn với khoa học, triết học. Nhờ ở viễn kiến của Ngài mà Phật giáo đã không vấp phải một trận thánh chiến nào, dù trong lãnh vực tư tưởng. Nhà khoa học chủ trương đả phá thần quyền. Đạo Phật không đề cao thần quyền thì làm sao trở thành đối tượng đả phá của họ được. Triết học chủ trì hoài nghi nhưng làm sao nghi ngờ được Chân lý Phật giáo khi mà họ chưa đạt được cả ba đối tượng Chân, Thiện, Mỹ? Nhà chính trị cũng không phủ nhận giá trị đạo Phật vì trong công cuộc hiện đại hóa của đạo Phật có chủ nghĩa nào tiến bộ hơn phép lục hòa, tứ nhiếp của đạo Phật chưa?
* * *
Kỷ niệm ngày đản sanh, chúng ta đón nhận luồng tư tưởng giác ngộ chói rạng tâm hồn. Không nên coi đây là sự xuất hiện của một con người mà phải chiêm nghiệm sự ban bố của Chân lý. Chân lý giác ngộ ấy không ở ngoài ta. Đức Phật đản sanh ở trong ta, trong sự đau khổ hiện thực của ta, của những con người. Đức Phật vì sự đau khổ của con người mà tìm phương giải khổ cho con người. Ngài không phải là một nhà khoa học vì Ngài không đem cái trí tuệ minh mẫn của mình để chế ngự thiên nhiên bằng tư tưởng. Ngài không phải là một nhà khoa học vì Ngài không biện giải những tư tưởng hoài nghi. Xuất thân là một vị vương giả, đã nghiêng mình xuống, hòa mình với kẻ bần cùng, đau khổ. Giáo lý Ngài tồn tại trong tim óc người bị áp bức, đày đọa. Xưa nay, giáo lý của Ngài chưa bao giờ bị bọn thống trị dùng làm khí cụ để khống chế nhân loại. Các vị tăng lữ, dù hữu hành hay vô hành, đều chỉ có hai đường lối: hoặc là nhập thế độ sanh, hoặc là ly thế nhập định chứ không hề có một vị nào trở thành một phần tử của đẳng cấp thống trị. Cho nên, hãy nghĩ rằng Đức Phật đã vì ta mà đản sanh, Đức Phật đã vì chúng sanh mà thị hiện. Vậy trong cương vị chúng sanh, tưởng chúng ta chỉ có một nhân sanh quan rất nhân bản là:
Nhận định: Đời là bể khổ.
Giải pháp: Tự giác để giác tha.
Ánh sáng Chân lý đã chiếu rọi, ta chỉ cần phát triển cho rực rỡ lên. Đó cũng là tâm niệm lớn nhất cho con người Việt Nam đang đau khổ vì chiến tranh và bạo lực./.
(Tạp chí Từ Quang, số 185-186, tháng 1 & 2 năm 1968)

tonthattue
02-19-2012, 08:02 AM
Thiền Gà hay Thiến Gà ?
Sau khi nhận bài viết về thị hiện, post #14 ngay trước đấy. Một thân hữu gởi tôi email dưới đây. Bà là thân hữu ở gần nhất trong khu núi đồi nầy. Gần nhà xa cửa ngõ; hai gia đình dùng hai lối khác nhau khi đi Atlanta phía Nam và Chattanooga phía bắc, cho nên có khi hơn một năm chẳng gặp. Bà vui tính và cho tôi cái tên nhà thiền gà; khi tay chọt bậy trên keyboard mà thành nhà thiến (dấu sắc) gà, tôi cũng cho chạy luôn khỏi sửa. Thiến gà hoạn heo là môn đệ của Hoa Đà thời Tam Quốc.

Thiền sư nuôi gà ơi,
Hôm trước sư huynh có nói với muội mấy chục cái không có trong việc thành Phật mà muội nghĩ thiền sư gà nên ghi vào phần giới thiệu. Theo Phật, không có chuyện đắc đạo vì những phép bất thường như đi đầu xuống đất, như phải chặt một cánh tay, nhai cát với gạo. Bình thường, bình thường. Không bình thường là tu luyện mấy chục năm để qua sông bằng cái nón lá, bình thường là trả vài xu cho cô lái đò nhờ qua sông.
Nhân chuyện cô lái đò, muội được biết Phật có danh hiệu là Thuyền sư, chèo ghe đưa người qua biển khổ. Hình ảnh ấy đơn giản rất gần với mình.
Phật chính là tam bảo. Phật là Phật, là pháp thân; Phật là Pháp, Phật cũng là Tăng. Hóa hiện như một kẻ đồng hành, hóa hiện hình người.
Muội không hiểu gì nhiều về thị hiện như câu nói của Jesus và Phật. Nhưng muội thấy hai Ngài rất bình dân. Chúa rửa chân cho tông đồ; Phật tự rửa bình bát, thu xếp chiếc chiếu nơi ngồi giảng kinh Kim Cang.
Một người cùng quê với Đức Phật, sống thời hiện đại, đã phiền trách xã hội Ấn Độ (cho cả thế giới?), quá nhiều lễ lạc, quá nhiều nghi thức chế biến thêm mỗi ngày, quần áo màu mè, mũ mão dù lọng đã làm cho giới tăng lữ có quá nhiều quyền lực. Thi sĩ Tagore không ám chỉ PG. Nhưng muội thấy câu nói của Lữ Hồ năm 1968 sau đây cần xét lại trong hoàn cảnh hiện nay: Các vị tăng lữ, dù hữu hành hay vô hành, đều chỉ có hai đường lối: hoặc là nhập thế độ sanh, hoặc là ly thế nhập định chứ không hề có một vị nào trở thành một phần tử của đẳng cấp thống trị.
Nếu chư huynh, chư tỷ nào muốn, thì hãy cùng muội làm những đứa trẻ trong câu nói nầy cũng của Tagore:
From the solemn gloom of the temple, children run out to sit in the dust, God watches them play and forgets the priest.
(trẻ con chạy xa cái tăm tối uy nghi nơi đình miếu, ra ngồi trên đất cát; Thượng Đế nhìn chúng đùa chơi và Ngài phọt ghét đám tăng tu).
Có chi thì xin thiền sư gà tụng kinh giải nghiệp cho muội. Amen me culpa.

htc

tonthattue
03-22-2012, 07:03 PM
http://pgoh13.com/paris_dalida.jpg

Au milieu du chemin de la vie
Dante
góc đường xa
Tôn Thất Tuệ

Tôi vẫn nghĩ cuộc đời như con đường, như dòng suối chảy mãi. Con đường biểu tượng cho sự xây dựng của con người, tự nó không có khi trời đất lập nên. Mượn hình ảnh ấy, nhà văn Trung Hoa Lỗ Tấn nói rằng hy vọng do con người tạo ra như con người tạo dựng những con đường buổi ban sơ. Những ngánh sông, những ngã ba đường bao giờ cũng cho ta ý niệm xa xăm ở góc đằng kia có cái gì. Ai ở đằng kia?
@
Hồi tôi còn bé, có phong trào các nhật báo Saigon tặng bản đồ để câu khách. Tôi mua treo đầy tường khắp nhà, đứng ngắm nghía lấy que tre chỉ chọt chỗ nầy chỗ nọ. Một ông hàng xóm đến nói trong nhà rằng thằng bé sau nầy sẽ trở thành một nhà chính trị hay chiến lược. Lúc ấy tôi chưa thấy sự liên hệ giữa địa dư và chính trị. Đến khi tôi biết điều nầy, tôi cũng biết rằng người kia không biết việc tôi làm. Tôi đã không nghiên cứu các thế chiến lược, những eo bể, nách sông, những pháo đài trên mặt trận toàn cầu.
Tôi cầm bút chì chỉ chỗ nầy là Groeland, chỗ kia là góc sông Amazone, chỗ nọ là Sibérie... Các nơi ấy giờ nầy, giờ tôi đang đứng trước bản đồ, một ai đó, một kẻ nào đang làm gì? Họ ngủ chăng? Họ ăn chăng? mà ngủ thì ngủ đâu, trong giường ấm hay nơi đất lạnh? Mà ăn thì ăn sao? sung túc hay ăn trái ổi chua lừa cơn đói? Và cứ thế giờ nầy qua giờ nọ, từ Phi Châu đến Á Châu, qua Mỹ Châu... vẫn những câu hỏi vớ vẩn ấy, hỏi lấy một mình trước những tấm bảng đồ màu mè xanh đỏ tím vàng.
Việc làm ngớ ngẩn ấy được thực hiện trên bình diện lớn với bản đồ. Nó chỉ tiếp tục công việc vu vơ của tôi từ thuở bé. Đi học về với đôi chân không xủi tung bụi trên đường đất mịn, tôi cứ thầm hỏi giờ nầy ở nhà chị đang làm gì; ở làng kia cậu đang câu cá chăng? Ở tỉnh nọ, ông giáo về hưu còn sống hay chết rồi?
Những con đường vẽ vội trên bàn đồ hay trong trí tưởng đã đưa tôi đến những con người ở một nơi xa xôi không bao giờ đặt chân đến. Tôi vẫn giữ tâm cảm cho một ai rất xa, một hình bóng nhân thể. Tôi vẫn mường tượng một em bé đi trên đường mòn nhỏ như sợi chỉ, một chú bé trên lưng bò như những hình ảnh sáng chói của nhân loại. Chính vì vậy khi đọc một bài trên Asiaweek mà tôi làm quen trên đất Thái, tôi đã ủng hộ việc làm của tuần báo nầy là đưa báo chí đến những nơi lãng quên. Bất cứ nơi nào có dấu chân người đều nằm trong sứ mệnh của người cầm bút.
@
Vào một đêm văn nghệ cuối năm học, tôi được mời đóng vai Cát Nhiếp trong một vỡ kịch về Kinh Kha, chỉ xuất hiện chừng hai phút. Kiếm sĩ già đã nói với tráng sĩ trên đường hành thích Tần Thủy Hoàng vỏn vẹn có một câu:
- Ngày mai trên các nẽo đường thiên hạ, ngươi sẽ về đâu?
Xong câu ấy, tôi tiễn Kinh Kha lên đường và tôi tiễn tôi ra khỏi sân khấu để chấm dứt công việc.
Câu ấy cứ gieo mãi trong đầu tôi ý niệm cuộc đời như con đường, như ngánh sông, như một khả thể. Cảm quan ấy làm tôi nghe bản "Kỷ Vật Cho Em" của Phạm Duy với tất cả bâng khuâng, với cái mong manh của cuộc đời. Có thể, anh trở về với hàng cây nghiêng ngả, với vinh quang. Có thể, anh trở về hòm gỗ đầy hoa. Có thể anh trở về bên em tật nguyền chai đá trong ánh mắt không quen của người yêu, đó là em. Có thể, có thể, có thể... nhiều có thể hơn câu ca dao: "một xanh cỏ hay đỏ ngực".
@
Tôi gặp một huynh trưởng Hướng đạo cầm cây gậy 1,2m, một đầu bọc sắt nhọn, một đầu là một nạng hai hình chữ V, dấu hiệu tráng sinh lên đường. Anh ấy giải thích tráng sinh phải phân biệt hai con đường tốt và xấu. Sau lửa trại, chúng tôi rời đồi Từ Hiếu (Huế) đến một ngã ba đường dự lễ lên đường của một tráng sinh khác.
Nằm ngay trục lộ là một cây đèn bão. Tráng sinh lên đường đọc ba lời hứa (trung thành với tổ quốc, tôn trọng danh dự và luật Hướng đạo). Tiếp đến anh bảo trợ trao cây gậy có nạng hai và cây đèn bão, làm nguồn sáng duy nhất cho buổi lễ đơn giản nầy. Hành sĩ chào tất cả, tay cầm cây đèn, vai đeo ba lô, tay kia cầm cây gậy. Chúng tôi tiễn người đi bằng những tiếng chiêng ngân trong đêm tối. Âm thanh chập chờn như ánh đèn chập chờn từ từ xa dần. Lên đường như đi vào cuộc đời. Mọi người trở về khu cắm trại trong yên lặng như người kia yên lặng bước đi với cây đèn trong tay.
Tôi ngã người nằm trên đất cạnh lều vải trong cái lành lạnh nhè nhẹ của hơi sương, trong cái âm ấm nhè nhẹ của đất triền đồi. Ngẩn mặt lên, trời đầy sao. Sao vẫn đi, sao vẫn có một quĩ đạo. Tôi tưởng tượng chốc nữa hành sĩ kia sẽ ngã người ra nghỉ, mắt cũng nhìn sao, sao đi. Nhưng giờ nầy đang cầm cây gậy nạng hai.
Cái nạng như hai con đường mà tráng sinh kia quan niệm. Dĩ nhiên ai cũng có quyền gán cho sự vật một ý nghĩa, một nội dung. Nhưng tôi không đồng ý quan niệm cứng nhắc cho rằng cuộc đời chỉ có hai con đường. Cuộc đời có nhiều khả thể, không duy chỉ có hai; tuy rằng mỗi chúng ta chỉ có thể chọn một con đường vì chỉ có một đôi chân. Một giây phút chỉ có thể có một tâm cảm dành cho một sự việc, cho một người. Một con đường tuy rằng đời như ngánh sông. Các nẻo đường ấy hẳn làm chúng ta bâng khuâng như Cát Nhiếp đã hỏi Kinh Kha: Ngày mai trên các nẻo đường thiên hạ, ngươi sẽ về đâu?
@
Nếu con đường gợi ý niệm đời như một sinh thành, cũng không nên quên ảnh hưởng của nó trong lịch sử. Vua Lê Đại Hành đã đích thân đến khánh thành con đường phóng từ Thanh Hóa xuống Nam. Đó là ngày khai tử của dân tộc Chàm. Đó cũng là ngày khai sinh của miền Nam gồm đất Chiêm Thành và một phần lớn của Thủy Chân Lạp (xem "Lịch Sử Xứ Đàng Trong" của Phan Khoang). Con đường Trường Sơn là đòn trí mạng đánh vào số phận miền Nam. Đó là đường xương sống Việt Mên Lào vì ai chiếm cao nguyên Boloven sẽ chiếm Đông Dương, lời một nhà chiến lược Pháp và cũng là kinh nhật tụng của bất cứ ai muốn chiếm bán đảo nầy. (Qui tient Boloven tiendra l'Indochine).
Con đường xuyên Á đang được nghiên cứu sẽ ảnh hưởng đến đại lục trầm lặng nầy. Những hành lang từ Âu Châu đến Bá Linh là huyết mạch cho hòn đảo tự do trong vùng đất đen; quyết định phong tỏa của Kroutchev đã tạo nên cơn sốt hãi hùng cho thế giới. Nói đến đường, phải kể đường dầu đi, khí đốt đi. Đường tải dầu từ Alaska xuống Mỹ, đường hơi đốt từ Nga xuống Âu Châu hay qua Nhật sẽ ảnh hưởng định mệnh của thế giới. Đó chưa kể đến đường bay đường thủy, những quĩ đạo vệ tinh, sự xuất hiện phi thuyền con thoi Columbia sẽ đưa nhân loại đến một khung cảnh sống mới.
@
Nhưng thật ra tôi chỉ quan tâm đến những con đường, những mạch sống không nằm trong đầu óc của máy điện toán, trong những con người tính toán thiệt hơn. Tôi vẫn thấy con đường trong nét bút, con đường trong những dòng nước mưa chảy trên sân. Tôi vẫn thấy những con đường chảy theo những giọt nước trên cửa kính như những giọt nước mắt từ đôi mắt ướt đẫm chảy xuống má vì một phút nhớ nhung hay vì một ray rức của tâm hồn.
Tôi vẫn thấy con đường trong các lối sáng tạo nghệ thuật, những con đường khai thông bế tắt của tư tưởng. Tôi vẫn thấy tình yêu là con đường đưa đến thế giới vô biên của cõi lòng như một vườn hoa rất đẹp đưa ta đến kinh nghiệm tâm linh rất đặc biệt, những biên giới mới cần khám phá.
Một xe Lambro ba bánh dừng lại ở một làng quê: một gánh hát dạo nghèo, tất cả gói ghém trong chiếc xe kiểu đặc biệt của người Ý trên bước đường lưu diễn. Một bà mẹ đem bé gái hơn mười tuổi bán cho đoàn văn nghệ. Bé sống đây làm các công việc vặt vãnh. Có cảm tưởng ông bầu mua bé trong một phút bốc đồng, động lòng trắc ẩn muốn cho bà có số tiền lúc túng quẩn phải đem con đi bán.
Sự hiện diện của bé chỉ làm cồng kềnh thêm cho gánh hát, thêm một miệng ăn, cho thêm sức nặng đè lên xe ba bánh xe; một cục thịt thừa, một khúc ruột dư cho cơ thể vốn cần sự gọn gàn di chuyển, di chuyển mãi trong sự nghiệp cầm ca.
Bị la rầy đánh đập là chuyện thường. Bé vụng lắm; sống với quê với mẹ nào có biết gì, mà bé lại gầy, những tháng qua đâu có đủ ăn. Dần dà người ta tập cho bé thổi kèn đồng, khi những con khỉ nhảy múa trong áo quần dơ dáy, quây quanh là các khán giả đầu đường. Cuộc sống cơ cực nay đây mai đó với sự ruồng bỏ, sống xa mẹ. Tất cả chỉ làm cho bé xanh xao võ vàng thêm. Hôm ấy đoàn người ghé lại một vùng thấp có những vũng nước lầy. Sau khi mọi việc đã xếp lại chờ đi vào sáng mai, bé ra giữa đám sậy, tay cầm cây kèn đồng như một thiên thần bay lạc. Bé thổi một khúc nhạc rất buồn.
Rồi đêm ấy bé chết, trên bước đường lưu diễn của bố già, của bố già khó tính, trong đám người không chút để ý đến bé. Rồi người ta chôn bé tình cờ vào nơi chiều qua lúc mặt trời gần khuất bé tấu khúc nhạc cuối cùng của tuổi thơ. Đoàn xe tiếp tục công việc như mọi ngày.
Bất giác bố già thấy mất một cái gì, thấy đau đớn trong lòng. Bố đã mất một bé thơ mà bố đánh đập, mà bố xem như gánh nặng cho chính mình và cho các vỏ xe. Không, bố không có mặc cảm tội lỗi. Xe bồng bềnh nhồi đời trẻ thơ, nào đâu có muốn, bố muốn đường êm xe lướt nhẹ. Gánh hát bố nghèo, nào đâu có muốn; bố muốn giàu làm một ông bầu có cơ sở ổn định, nào bố có muốn lang thang đầu đường cuối xóm miền Nam Ý cằn cỗi này. Nào bố có biết mẹ bé là ai. Mẹ bé nghèo mà bán bé cho gánh hát, vì thương mà bố mua.
Nhưng bố mất một cái gì mà tâm hồn bố lúc bé còn sống bố đã thua, đã nhường bước cho công việc. Cái chết của bé làm sống dậy một hiện diện còn giữ lại như ra đi còn kẹt một chân. Bố phải đi một đoạn đường mới rõ sự việc. Bố định quay đầu xe trở về nơi chôn bé nhưng lại thôi. Vì con đường gập ghềnh xưa nay không đưa bố đến gặp bé tuy bé vẫn ngồi kề trên xe. Con đường hôm nay, con đường trong lòng bố mới thật đưa bố về với bé. Cho nên tìm về nơi chôn bé có lấy lại được bé đâu. Bé đã bay đi như tiếng kèn thổi vào một chiều định mệnh. Bố tiếp tục con đường gập ghềnh lưu diễn nay đây mai đó.
Từ đây con đường vật thể đá nhấp nhô đã thành con đường tâm cảm giúp bố tìm về nét héo mòn của trẻ thơ, của bờ sậy còn nghe tiếng kèn một chiều rất lắng bên ao nước trên đoạn đường đời của bố.*

Tôi vẫn thấy con đường như một hy vọng dù mong manh. Nhiều lần đi máy bay từ Saigon một mình và hai phi công ngoại quốc nhất là về đêm, tôi thấy gắn bó đời mình vào tiếng nói xa xăm, tiếng nói vô hình với tôi mà đi qua tay người lái. Những hành lang không khí chẳng khác gì những con đường phóng ngang một khu rừng hay ruộng lúa. Tôi vẫn hỏi giờ đây tôi nằm đâu trong không trung và ở góc nhà kia có một ai đó đang làm gì, một ai đó đang ngồi nghe tín hiệu nơi đài không lưu. Cũng giống như giờ nầy tôi đang viết, vợ con tôi làm gì ở VN và gần hơn nữa bạn hữu đang làm gì trong trại Sikiw nầy. Những tâm cảm cứ chồng chất lên nhau.
@
Và đây một con đường của hy vọng mà là con đường vô vọng nhất. Vì lẽ không có đường mà lại quá nhiều đường. Ví như con tàu trên biển.
Con tàu như một điểm trên mặt phẳng từ đó có thể vẽ vô số đường thẳng. Biết bao con đường mà biết đi con đường nào đây, khi không có hải đồ, không hải bàn, khi không có xăng nhớt, khi không có thức ăn. Mà biển đâu có bằng như mặt phẳng của hình học, bao gió táp, bao đá ngầm và bao con người không có nụ cười đang nhấp nhô trong vô tận chờ đón những ai lấy biển khơi làm con đường lớn nhất cho hy vọng lớn nhất.
Nói không có con đường trên biển; trước nhất vì các hải đạo nầy đâu có dành cho những con đò, các chiếc mãn, chiếc bách mà thuyền nhân níu kéo như giải pháp cuối cùng đối chọi với biển khơi. Đó là chiếc lá mỏng manh hơn chiếc thuyền trẻ con xếp bằng giấy thả vào lúc trời mưa ngập nước ngõ sân. Thứ đến nào đâu có thấy con đường, nó chỉ lộ ra đằng sau với lằn rẻ nước kế cận cái chân vịt thô sơ của máy đuôi tôm, rất ngắn trong tầm gợn, không đủ để phản chiếu ánh trăng. Không có con đường vì trước mắt đường còn quá xa, miệng đã khô, da mặt nhăn vì muối đóng khằn, trí óc không bình tĩnh vì đã nhét đầy những ảo giác của biển khơi.
Mà có khi không phải là con đường của ta mà của một xác chết đang trôi. Xác ấy cũng như thuyền ta hư máy, mất chân vịt, cả hai đang giành nhau con đường của gió mà chơi. Nó còn hơn thuyền của ta nữa: nó nhấp nhô với sóng một cách êm ả, không có tiếng la của trẻ con, không có tiếng ói mữa của thiếu phụ. Cái xác ấy, nó có con đường, con đường hủy diệt, trong lúc con thuyền của ta chưa tìm ra được con đường sinh thành.
@
Và ai cũng có một con đường như cuộc đời trôi chảy không ngừng nghỉ, trôi chảy không thôi để không ai tắm hai lần trong một dòng suối như Hiraclide nói. Đó là con đường đi vào ý thức của cuộc sống, làm quan niệm sống, tự soi lấy cho mình một con đường. Tôi thích danh từ "hành giả" dành cho người đi vào hiền triết Đông phương. Chỉ có chính mình đạt được vùng ý thức. Trong cái đảo điên của sự vật, trong sự quyến quận của nguyên nhân và kết quả, hành giả phải thấy cho mình cái chân cái hư bằng kinh nghiệm tâm linh mượn của người khác và của chính mình. Miễn làm sao đi đến một mẫu số chung, cái còn lại cuối cùng để có thề nằm chung với mọi người trên vạn nẽo đường thiên hạ.
@
Từ đó tôi vẫn xem những con đường - con đường vật thể như lối đi, con đường của sáng tạo, con đường của tư duy - như dây mướp, dây dưa hấu trổ ra những trái ngọt, giống như đường thiên lý cưu mang những đời người, những làng mạc, những thành phố.
Và trên con đường ta đi, ta sẽ gặp những bạn đồng hành để chia sẻ khó khăn của tâm hồn hay khó khăn của ngoại cảnh. Để cùng nhau thấy cái sinh thành của cuộc đời. Để có lúc chia tay ở ngã ba đường. Để có lúc còn gặp lại ở một nơi nào đó.
Dây mướp vẫn bò thêm, vẫn nở hoa.
Con đường riêng rẻ của đời tôi bao giờ cũng làm cho tôi hỏi chính tôi: ai chăng đó đang làm gì ở góc đường xa?

-----------
* đoạn nầy viết theo ký ức về phim La Strada của Ý sản xuất 1954. Lâu quá không nhớ hết nên cốt chuyện có chút sai biệt nhưng ý nghĩa đầy đủ. Xin tham khảo http:\\en.wikidepia.org.wiki/La_stada_(film)

tonthattue
07-23-2012, 05:58 AM
Hồ Xuân Hương làm đĩ?!

Tôi chợt nhớ đã có đọc một bài trích lời của Xuân Diệu gọi Hồ Xuân Hương là kỹ nữ (nói toạt là làm đĩ). Tác giả minh chứng luận điệu nầy sẽ gảy đổ.
Tác giả Trần Nhuận Minh ở trong nước quê Quảng Ninh. Quảng Ninh là quê chồng HXH cũng là nhiệm sở của ông và là nơi bà sinh sống. Quảng Ninh cũng là vùng có vịnh Hạ Long và sông Bạch Đằng.
Trần Nhuận Minh không những chỉ phê phán Xuân Diệu mà còn quả quyết rằng các bài thơ gọi là tục là của người khác gán ghép cho HXH. Điều nầy trước đây Hoàng Xuân Hãn và Trần Thanh Mại đã nói. Tác giả vẫn còn nhẹ tay vì còn sợ bóng ma Xuân Diệu có quyền sinh sát ít nhất thời sau 1954.
Trước đấy chừng giữa thập niền 1950, Hà Như Chi, trong một cuốn sách giáo khoa Việt văn, đã viết rằng HXH mặt mày xấu xí, rỗ hoa, da ngâm đen, tình duyên trắc trở. Giáo sư đã dùng cái dồn nén giống tính lối phân tâm học của Freud mà nói rằng nữ thi sĩ nầy đã dùng những danh từ thuộc phần sinh dục để thỏa mãn cái libido.

Rất tiếc không thể biết xuất xứ.

ĐÃ XÁC ĐỊNH ĐƯỢC
NĂM SINH NĂM MẤT CỦA
BÀ THAM HIỆP TRẤN YÊN QUẢNG
NHÂN ĐÓ BÀN THÊM VỀ
THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG
(1772 – 1822)
Trần Nhuận Minh

Xung quanh tiểu sử của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, có một số điều đã được thời gian bạch hóa. Bà là vợ kế ( chứ không phải vợ lẽ ) quan tham hiệp trấn Yên Quảng ( tỉnh Quảng Ninh ngày nay). Bà đã hai lần từ Nghi Tàm ( Hồ Tây,Thăng Long) về Yên Quảng thăm người yêu, là ông Trần Phúc Hiển, để lại 2 bài thơ tình chữ Nôm viết bên bờ sông Bạch Đằng và 5 bài thơ viết về Vịnh Hạ Long bằng chữ Hán, đã in trong tập LƯU HƯƠNG KÍ, từ năm 1814. Như vậy, bà ở hẳn tại Yên Quảng từ năm 1815 ( khi ông Hiển cưới bà, thường cho bà dự vào việc quan) đến khi chồng bà bị án tử hình, vì đã nhận hối lộ 700 quan tiền, (dù bố chồng bà là tướng Trần Phúc Nhân, đã từng giúp vua Gia Long đánh thắng Tây Sơn rồi tử trận). Việc chồng bà chết ở Yên Quảng năm 1919 còn ghi trong Thực lục của nhà Nguyễn.
Căn cứ vào các tài liệu mới tìm ta, năm sinh của Hồ Xuân Hương là 1772, đặc biệt năm mất là 1822. Điều đó đã được dòng họ Hồ Quỳnh Đôi Nghệ An, quê hương bà, cho khắc vào tấm bia đá lớn, thờ ở ngay đầu làng.
Nếu năm mất được xác nhận là 1822, thì nơi mất là chùa Giải Oan ở Yên Tử. Sau khi chồng chết, để thể hiện lòng thủy chung đúng đạo nhà nho của bà, bà đi tu ở Yên Tử và khi mãn tang chồng thì chết theo chồng ở đây. Bà yêu thi hào Nguyễn Du, điều đó cũng đã rõ vì bà có thơ tặng người yêu cũ là Nguyễn Du, in trong Lưu Hương Ký hẳn hoi. Chắc bà có tâm sự với người bạn thân nhất của Nguyễn Du là Phạm Quí Thích, nên trước khi bà tự tử, Phạm Quí Thích có đến Yên Tử thăm bà. Chồng bà (Trần Phúc Hiển) mất năm 1819, người cũ của bà (Nguyễn Du) mất năm 1820, bà mất năm 1822. Năm 1823, phủ Tam Đới, mà ông Hiển từng làm tri phủ khoảng hơn 10 năm trước, mới đổi tên là phủ Vĩnh Tường.
Vậy bài thơ Khóc ông phủ Vĩnh Tường mà hàng chục năm nay gán bừa cho bà là không phải của bà vậy. Ấy là chưa kể, khi chồng chết vì án tử hình, liệu có bà vợ nào nỡ khóc chồng : Cán cân tạo hóa rơi đâu mất / Miệng túi càn khôn khép lại rồi. Ta hiểu cán cân kia và miệng túi ấy là cái gì rồi. Khóc thế không những vô văn hóa mà còn vô cả đạo lý nữa. Ấy là chưa kể, phủ Vĩnh Tường có tên, khi Hồ Xuân Hương đã chết rồi. Còn mộ bà hiện nay ở đâu ? Sau mấy năm hung táng ở Yên Tử, thân nhân đã đưa hài cốt bà về nơi ở của bà trước khi làm vợ kế ông Hiển, là ở Nghi Tàm, gần Hồ Tây. Căn cứ vào bài thơ của Tùng Thiện vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm, con vua Minh Mạng, em ruột vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, in trong Thượng sơn thi tập, thì nơi đó ở bên hồ Tây, và bây giờ có thể là ở lòng hồ, gần bờ hồ.
Trong tập Lưu Hương Ký, mà theo Lời Tựa của Tốn Phong viết ở đầu sách, khắc in năm 1814, thì Hồ Xuân Hương nói rằng: “đây là toàn bộ thơ của cuộc đời tôi từ trước đến nay”, trong đó không có một bài thơ nào trong số hơn 100 bài thơ Nôm truyền tụng được gán cho bà mà Xuân Diệu vinh danh là Bà chúa thơ Nôm. Trong bài Tựa nói trên, viết tháng 3 năm Giáp Tuất (1814), Tốn Phong nhận xét, thơ Hồ Xuân Hương " xuất phát từ cảm hứng nhưng biết dừng lại ở phạm vi lễ nghĩa. Vui mà không đến nỗi buông tuồng...thơ đúng phép mà văn hoa.. Như vậy thơ thực của bà hoàn tòan xa lạ với thơ được coi là của bà.
Xuân Diệu còn khẳng định đặc trưng để bà có lối thơ ám chỉ cái ấy của phụ nữ và chuyện ấy trong buồng kín, ( dù đã được viết rất tài ) tạo thành đặc sắc nhất thế giới của thơ bà vì bà làm Kỹ nữ, mà bất cứ quyển Từ điển tiếng Việt nào cũng ghi kĩ nữ là mãi dâm, là làm đĩ. Trong cuốnCác nhà thơ cổ điển Việt Nam, phần Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm, có một mục viết hoa THIÊN TÀI, KĨ NỮ Xuân Diệu viết: “ tâm hồn Xuân Hương đẹp đẽ như vậy. Và do một số điều kiện sinh lí nào đó, với do hoàn cảnh gia đình xã hội ở thời đại Xuân Hương, tâm hồn ấy cũng là hiện tượng độc đáo kì lạ, có thể nói là một không hai trong văn học Việt Nam, có lẽ trong văn học thế giới. Đó là một kĩ nữ.” Xuân Diệu còn nói rõ: “ Chẳng lẽ bây giờ, ta yêu cầu Xuân Hương đừng là kĩ nữ nữa? Như vậy là ta đã mất Xuân Hương.”
Đến đây thì ai cũng biết: nhà thơ Xuân Hương họ Hồ Quỳnh Đôi, Nghệ An, vợ kế quan Tham hiệp trấn Yên Quảng (tỉnh Quảng Ninh ngày nay), người từng yêu Cần Chánh điện học sĩ – Hầu tước Nguyễn Du, chú ruột vợ vua Gia Long, em tể tướng Nguyễn Khản, con tể tướng Nguyễn Nghiễm… bản thân bà cũng có anh con bà cả làm tể tướng, bố chồng hàm Thái bảo, một trong ba tước cao nhất của triều đình, không phải là gái làm nghề … mãi dâm. Trong nghiên cứu khoa học, cứ liệu nền tảng không vững vàng, ổn định, thì các luận điểm đưa ra, chắc chắn không vững bền, dù tác giả của những luận điểm ấy là một người có uy tín rất lớn. Theo tôi, công trình rất nổi tiếng Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm này của Xuân Diệu dứt khoát sẽ tự sụp đổ, chỉ có sớm hơn hay muộn hơn mà thôi.
Tôi đồng tình với nhận định của giáo sư Hoàng Xuân Hãn đưa ra tại Paris (Pháp) từ năm 1952 và giáo sư Trần Thanh Mại,đưa ra tại Hà Nội năm 1964, cho rằng, TOÀN BỘ thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, tất thảy đều không phải của Hồ Xuân Hương mà là thơ dân gian của các ông đồ, sáng tác và nhuận sắc cùng thời với truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn.
Để hiểu diễn trình dân gian hóa thơ được gọi là của Hồ Xuân Hương, tôi chỉ dẫn một bài là Chơi đu đã có trong thơ Lê Thánh Tông ( 1442 – 1497) Bốn cột lang nha khéo trồng / Ả đánh cái, ả còn ngong / Vái thổ địa, khom khom cật / Khấn hoàng thiên, ngửa ngửa lòng… Tôi thấy thơ vua Lê, âm hưởng rất hay, hình ảnh rất đẹp và sang trọng. Bốn cột người đứng đầu xã ( lang nha) đã cho trồng, để dựng cây đu. Ả lên chơi đu (đánh cái) rồi, ả còn chờ đến lượt mình. Chữ ngong chính là chứ ngóng biến dạng mà thành. Hai câu tả chơi đu rất chuẩn xác mà rất gợi cảm, khi cây đu quay lại, người cúi xuống là vái đất, lúc cây đu hất lên, người ngửa ra là khấn trời…Hai câu thơ rất tài nghệ đó, khi bị “Hồ Xuân Hương hoá” là lập tức có “mùi giường chiếu”, để người đọc hình dung cái “chuyện kia”: Trai cong gối hạc, khom khom cật / Gái uốn lưng ong, ngửa ngửa lòng…
Xin dẫn thêm nguyên văn hai bài thơ của Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương kí để các bạn cùng đọc. Bài thứ nhất viết về mối tình của bà với quan Tham hiệp trấn Yên Quảng, Trần Phúc Hiển, lúc bà về thăm ông, ở trấn lị Yên Quảng, bên bờ sông Bạch Đằng, khi ông chưa cưới bà làm vợ. Đọc bài thơ này, các bạn sẽ thấy bà Hồ Xuân Hương yêu ông Hiển đến mức nào, chỉ lo ông Hiển không giữ lời hứa với mình:
BẠCH ĐẰNG GIANG TẠM BIỆT
Khấp khểnh đường mây bước lại dừng
Là duyên là nợ phải hay chăng
Vun hoa khéo kẻo lay cành gấm
Vục nước mà xem động bóng giăng
Lòng nọ chớ rằng mây nhạt nhạt
Lời kia nay đã núi giăng giăng
Với nhau tình nghĩa sao là trọn
Chớ có lưng vơi cỡ nước Đằng…
1813
Các sách đều chú thích nước Đằng là một quốc gia nhỏ bé bên Trung Quốc. Theo tôi, chú thích thế là sai. Nước Đằng chỉ là nước sông Bạch Đằng khi lưng, khi vơi theo mức lên xuống của thuỷ triều. Bà Hương nhắc ông Hiển lòng dạ yêu bà chớ có như thế.
Bài thứ hai là nỗi nhớ người cũ, gửi Hầu Nghi Xuân Tiên Điền nhân:
CẢM CỰU KIÊM TRÌNH CẦN CHÁNH HỌC SĨ NGUYỄN HẦU
(Hầu Nghi Xuân Tiên Điền nhân)
Dặm khách muôn ngàn nỗi nhớ mong
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
Phấn son càng tủi phận long đong
Biết còn mảy chút sương siu mấy
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong
1813
Nguyên tác ghi rõ Hầu người làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân. Như vậy, Nguyễn Hầu ở đây đúng là Nguyễn Du, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, được phong tước Hầu, tháng 2 năm Quí Dậu (1813), vua Gia Long bổ nhiệm làm Cần chánh điện học sĩ, rồi cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc.
Để kết thúc, tôi nghĩ ta cũng nên đọc lại hai bài thơ truyền tụng, được coi là của Hồ Xuân Hương, để xem xét, đối chiếu, suy ngẫm:
GIẾNG NƯỚC
Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông
Giếng tốt thảnh thơi, giếng lạ lùng
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép
Nước trong leo lẻo một dòng thông
Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá diếc le te lách giữa dòng
Giếng ấy thanh tao, ai chẳng biết
Đó ai dám thả nạ dòng dòng
Thả dòng dòng ( cũng gọi là đòng đòng) là thả con cá nhỏ vào cái giếng ấy.
DỆT CỬI
Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau
Con cò mấp máy suốt đêm thâu
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc
Một suốt đâm ngang thích thích mau
Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả
Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau
Chị nào muốn tốt ngâm cho kĩ
Chờ đến ba thu mới giãi màu…