PDA

View Full Version : Chuyện Ngày Thơ Ấu



phamthangvu
12-20-2014, 08:50 AM
Ở tuổi nào thì ký ức con người ta mới bắt đầu giữ lại được các hình ảnh cũ? Còn tuổi sơ sinh phải có người bồng bế trên tay thì chắc chắn sẽ không nhớ gì cả. Vậy từ tuổi lên ba hay lên năm, lên sáu... thì mới có thể nhớ chút chút về cái ngày còn bé của mình? Ai cũng có một tuổi thơ còn bé và nó bắt đầu từ tuổi nào? Cái tuổi thơ đó tất nhiên nó đã là một ngày xưa lắm của cuộc đời mình. Nhà văn Duyên Anh thì gọi cái thời tuổi thơ đó là Ngày Xưa Còn Bé trong một tác phẩm của ông. Điều đó đúng nhưng theo Phạm Thắng Vũ (PTV) là phải nhớ được cái tuổi thơ này thì mới thú. Với PTV thì ngày xưa còn bé bắt đầu ở tuổi lên bẩy vì bản thân chỉ nhớ được ít chuyện xẩy ra trong thời kỳ này, xa hơn nữa thì chịu. Để tránh sự trùng lập đề bài, PTV xin sửa cái tựa là Chuyện Ngày Thơ Ấu.


Không biết bố gặp mẹ ở đâu từ ngoài Bắc mà khi PTV có các ký ức về thời xưa của mình thì gia đình đã cư trú tại vùng Ngã Tư Bẩy Hiền (NTBH) rồi. Đây là một xóm nhà của dân di cư từ miền Bắc vào Nam dịp 1954. Bố PTV là một quân nhân nên ông theo đơn vị di chuyển nhiều nơi rồi sau đó, thấy mang theo gia đình (gồm mẹ, anh trai, bản thân PTV và mấy đứa em gái) sẽ rất bất tiện và nguy hiểm (bố kể có một lần Việt Cộng tấn công vào một cái đồn lính làm chết lây khá nhiều thân nhân của các binh sĩ) nên bố mua căn nhà nhỏ ở vùng NTBH này để cho gia đình tạm sống. Bố cứ đi theo đơn vị và hàng năm, ông chỉ có vài lần về phép thăm nhà rồi sau đó lại đi ngay. Tuổi lên bẩy, không hiểu do đâu mà PTV bị bịnh cứ nghe tiếng động lớn là sợ là khóc nên mẹ mới dắt ra tiệm thuốc Bắc của ông người Tàu gần nhà để khám lấy thuốc uống. Cái tiệm thuốc Bắc đó có tên là Anh Sanh Đường. Đến tiệm cũng chưa được ông thầy thuốc khám ngay cho vì phải chờ đến lượt nên PTV mới đi đến chỗ có cái bàn nhỏ ngay góc nhà để xem người ta làm thuốc. Cái bàn nhỏ đó, gắn chặt một con dao to tướng được một anh lớn tuổi hơn đang dơ tay nâng cán lên xuống nhịp nhàng để cắt từng nhúm thuốc thành các sợi nhỏ. Mùi hăng hắc thơm thơm bốc lên làm PTV ngạc nhiên vì thấy nó rất quen mũi nên lấy tay cầm một miếng thuốc mỏng đưa lên ngửi rồi xem kỹ. Thì ra chỉ là các vỏ cam, vỏ quýt đã ỉu khô, đen sậm. Mẹ thấy PTV đứng gần chỗ làm việc của người nhà thuốc sợ phiền nên bước đến kéo tay dẫn về chỗ ngồi. Vừa ngồi vào chỗ, PTV khoe với bà nho nhỏ:


- Vỏ cam vỏ quýt mẹ à. Con dao to quá.


Không nhớ ông thầy thuốc người Tàu đã chẩn bịnh ra sao mà chỉ biết từ hôm đấy, cứ vài ngày thì PTV được mẹ bắt ăn nguyên một quả tim heo nấu chín đựng trong một cái chén nhỏ. Chỉ tim heo thôi chứ chẳng có thuốc uống nào khác. Buổi trưa, sau khi tan học về nhà, PTV phải ngồi ăn từng lát thịt từ quả tim heo do mẹ sắt thành miếng còn âm ấm trước khi ăn cơm. Có một chút nước đỏ hồng từ trong lòng quả tim mà PTV cứ nghĩ là chất lỏng tiết ra từ thịt nhưng sau này mới biết do bột thuốc Thần Sa phôi ra thành. PTV có một anh trai hơn mình năm tuổi và mỗi khi thấy mẹ ngồi cắt thịt thì anh lại gần ngồi xem rồi xin mẹ cho anh ăn chung nữa. Nhưng mẹ chỉ cho anh trai các chỗ có phần dính thịt mỡ và những chỗ có gân trắng mà PTV lừa ra ngoài, không ăn. Ăn mãi món tim heo này nên PTV chán miệng muốn bỏ cho anh trai ăn dùm thì mẹ cứ ép phải ăn. Con phải ăn, ăn để hết bịnh, mẹ bảo vậy và còn nói với anh trai là phải biết thương em mà đừng đòi.


Vùng NTBH khi đó còn hoang vắng lắm. Tầm mắt còn nhìn thấy vòng đai của phi trường Tân Sơn Nhứt xa xa. Gần hơn thì nghĩa địa từ thời Pháp còn đầy những bia mộ trắng nằm đều đặn bên nhau. Hướng đi về Chợ Lớn còn nhiều hàng cây cao su đều đặn, thẳng tắp mà có người nói đi vào trong sâu hơn, sẽ thấy có cả một kho chứa đạn của lính Nhật bỏ lại. Chung quanh xóm nhà của PTV ở vẫn còn là các đám ruộng ngập nước, đầy rau muống mọc hoang, chính là chỗ mà buổi chiều lôi cuốn nhiều người đến câu cá. Chợ là hai bên vệ đường chính ở gần ngã tư đi vào nội đô Sài Gòn mà sau này có tên là NTBH.


Mẹ PTV có một người em họ xa tên là Dậu, mồ côi cha mẹ từ năm mới sinh ra. Anh em PTV trong nhà, được mẹ dặn gọi dì là dì Dậu. Tên của dì là do người trong họ đặt cho như một kỷ niệm về cái chết của cha mẹ dì trong cái năm có nạn đói ở miền Bắc. PTV cũng không biết nhờ đâu mà dì sống được trong cái thảm nạn năm đó và cũng do ai đưa dẫn mà dì di cư vào miền Nam dịp 1954 để rồi bây giờ đến trú tại nhà. Chỉ biết là dì da dẻ trắng trẻo, tướng người thon thả và khuôn mặt khá đẹp. Hôm đó, một buổi chiều sau khi chạy chơi trong xóm với đám bạn cùng tuổi đến chán, PTV về nhà định đi tắm trước khi trời tối thì gặp mẹ đang ngồi tiếp hai người khách. Khách đây là dì Dậu và người chồng của dì. Tính ra thì khi đó dì ở tuổi mới mười chín, đôi mươi mà sao PTV thấy dì chững chạc như là mẹ vậy. Cậu Luận, chồng của dì là người miền Nam và điều đó cũng là cái lạ cho người trong họ hàng. Lấy ai không lấy lại đi lấy dân Nam Kỳ! Mẹ PTV lúc đầu cũng nói riêng vậy với dì nhưng sau một thời gian sống trong nhà thì mới biết cậu Luận là người rất hiền, tính ít nói và rất chịu khó làm lụng để nuôi dì Dậu ở không nên ai cũng thương cả. Thực ra thì cũng không hẳn là dì Dậu chỉ ngồi không cho chồng nuôi mà dì đi chợ mỗi buổi sáng để mua thịt heo, củ sắn trắng... về làm các đồ nhồi cho cậu Luận đi bán bánh mì mỗi buổi chiều tối. Cậu Luận có một chiếc xe đạp gắn cái thùng nhôm nắp tròn to tướng ở yên sau. Trong thùng nhôm đó có hai ngăn, một bên là các ổ bánh mì khá dài được ủ trong một bao vải kín. Ngăn bên kia có một khay nhỏ để ít than nóng dưới đáy thùng dùng làm nóng bánh mì trước khi bán cho khách. Giữa hai ngăn là chỗ cậu Luận để thịt heo luộc chín bôi phẩm đỏ ngoài phần da chung với chả lụa, thịt xíu mại cùng đồ chua là củ sắn trắng sắt thành sợi ngâm dấm, lọ ớt băm, chai nước tương. Bánh mì, cậu Luận lấy từ một cái lò tuốt gần trường đua ngựa Phú Thọ về hướng Chợ Lớn. Ở ghi đông xe có gắn cái kèn tay nhỏ. Cứ chập tối thì cậu Luận bắt đầu đạp xe bánh mì đó đi bán cho tới quá khuya thì về nghỉ. Đắt hàng, hết bánh bán thì về sớm nhưng cũng có hôm phải đến gần sáng mà trong thùng vẫn còn dư bánh chưa bán hết. Cả nhà PTV phải bữa ăn bánh mì giúp cậu. Như đã kể, nhà dân di cư từ miền Bắc vào cất nhà gần bên đường chính. Đi vô hơi sâu thì nhà cửa rất thưa thớt dần, gần như đất bỏ hoang đầy mồ mả cùng cây thưa và lau sậy. Vẫn có người thỉnh thoảng còn bắt được chồn, trút, rùa... nữa. Mỗi tối, cậu Luận đạp xe đi bán bánh mì thì phải đảo cả một vùng rất rộng để tìm khách ăn đêm. Cậu đạp xe, thỉnh thoảng bóp kèn báo hiệu cho người ta biết có xe bán bánh mì. Xe chạy trong đêm được là nhờ có bóng đèn chiếu sáng dùng một cục dinamo nhỏ gắn bám vào niền xe. Ở thùng nhôm đằng sau còn treo một cái đèn bão nhỏ giúp cậu thấy đường mà làm bánh khi bán hàng.


Đến ở chung, mẹ PTV cho vợ chồng dì Dậu cất thêm một cái chái nhỏ bên cạnh nhà còn bếp, giếng nước... vẫn xài với gia đình. Có một buổi khuya, cậu Luận đạp xe về giao tiền cho dì Luận rồi đi ngủ ngay. Ngày nào cũng vậy, đạp xe bán hàng cả mấy giờ đồng hồ như cậu Luận rất mệt nên về nhà thì cậu ngủ vùi, mặc trời sáng cho dì Dậu tự lo sắp sẵn hàng để bán cho buổi chiều. Như thường ngày, dì Dậu lấy túi vải đựng tiền bán hàng trong đêm ra đếm, tính lời lỗ thì thấy chỉ có ít tiền cắc tiền giấy chung với lá, giấy vụn. Dì nghĩ tiền để trong thùng nhôm nên lục tìm mà không thấy, đành phải gọi cậu dậy. Cậu Luận nói tiền để trong giỏ nhưng dì coi lại vẫn không có. Xem kỹ các mảnh lá thì thấy lá cắt thành hình vuông, chữ nhật và giấy là các mảnh vàng mã, tiền âm phủ. Người trong xóm nghe chuyện cậu Luận bán bánh mì cho ma nên mới chạy đến xem tiền. Các mảnh tiền vàng mã thì không ai lạ nhưng tiền lá cây đều một màu tái như bị luộc chín nhưng ở phần rìa lại có màu vàng đậm hơn. Người xem bảo đây là lá chuối nhưng người khác bảo lá củ rong hoặc lá cây nghệ... mà sau cùng thì là lá cây gì thì ai cũng không chắc. Hỏi, cậu Luận trả lời hồi khuya rõ ràng đã gặp người mua bánh trả bằng tiền mà bây giờ chỉ là giấy và lá thì cũng chẳng biết do đâu ra? Ai cũng bảo là đây là tiền của ma không nên giữ nó trong nhà. Dì Dậu sợ và nghe lời người ta khuyên, đã đốt bỏ các tờ tiền giấy, lá đó. Sau, dì còn xin nước thánh từ nhà thờ đạo Thiên Chúa về, đem vẩy vào cái xe đạp cùng thùng nhôm bánh mì đó.


Sống chung trong nhà được khoảng hai năm thì cậu Luận đăng lính rồi sau đó đưa dì đi theo đơn vị quân đội xuống tuốt dưới miền Tây và gia đình PTV cũng ít liên lạc với vợ chồng dì nữa. Sau này PTV mới biết cậu Luận cũng hoàn cảnh mồ côi cha mẹ từ nhỏ y như dì Dậu. Cùng hoàn cảnh nên khiến cả hai người họ dễ dàng đến với nhau hơn, bất kể gốc gác miền Bắc miền Nam.


Vợ chồng dì Dậu ra khỏi rồi mẹ PTV lại cho một người cô khác về ở ngay trong căn phòng trống đó. Cô này tên Chi và là bà con phía bên bố PTV. Bằng vai với mẹ nhưng cô Chi chỉ hơn PTV khoảng bẩy tuổi, tám tuổi gì đó. Do đó có khi PTV vẫn lẫn lộn khi gọi cô bằng chị. Cô Chi cũng thế, hay gọi không cái tên Vũ hay em thay vì cháu, nhất là khi có chuyện đi ra ngoài. Bố mất từ khi còn ngoài Bắc, cô Chi theo mẹ vào Nam năm 1954 rồi sống trên trại di cư ở Tân Phú Trung gần vùng Củ Chi-Hậu Nghĩa. Được vài năm thì mẹ cô bị bịnh chết nên người trong họ ba PTV thay phiên luân chuyển từng gia đình nuôi cô cứ vài năm một. Vì PTV không có chị ruột, giờ có cô Chi sống trong nhà nên rất thích mà cô Chi cũng không có em thành ra đi đâu bên ngoài cũng rủ nhau. Thời gian này, trên con đường chính dẫn về hướng ngã ba Bà Quẹo đã có thêm nhiều căn nhà mới. Chủ những căn nhà lợp lá, lợp tôn này là dân từ miền Trung vào hay là dân chạy loạn từ sau trận đánh ở Bình Giã tràn về. Hai bên đường, nhờ có thêm người ở cùng trại lính dù mở rộng nên đã bớt vắng vẻ hơn trước. Có nhà buổi tối còn bày hàng chè, hàng cháo bán trước sân để kiếm thêm nữa. Một buổi tối mùa hè trời rất nóng, cô Chi kéo PTV đi dọc theo con đường chính thì bị một người đàn ông lạ mặt chạy xe hai bánh ngang qua, vỗ tay vào mông cô một cái thật mạnh. Người đó bỏ chạy xa rồi mà hai cô cháu vẫn chưa hoàn hồn. Chẳng rõ người chạy xe đó mặt mũi ra sao? Trẻ, già, lính lác hay dân thường? Cái vỗ mông làm cô Chi đau đến phát khóc, chảy nước mắt cho đến khi về tới nhà báo cho mẹ PTV hay. Vết bàn tay năm ngón còn in đỏ trên phần da mông khi cô trật quần xuống cho mẹ PTV thoa dầu nóng để làm dịu cái đau. Cô khóc vì đau làm mẹ PTV cũng khóc theo nữa.


Cũng vì mất cha mẹ khi còn nhỏ nên phải nương nhờ vào các gia đình họ hàng mà sống và cũng vì cảnh luân chuyển vài năm ở nhà này nhà khác nên cô Chi bỏ học sớm. Sống chung trong nhà, cô theo mẹ PTV phụ bán hàng sáo ở chợ rồi có khi lại đi theo mấy người chị họ khác lên vùng Thủ Đức để dệt vải mướn cho các gia đình có máy khung trên đó. Mẹ PTV vai chị của cô, vẫn dặn cô là con gái mới lớn, đi làm xa gia đình thì phải tự phòng thân, ráng tiết kiệm tiền bạc làm được để thành nếp sống sau này. Đi đi, về về thăm gia đình từng tháng một rồi đánh đùng cô Chi nói cho mẹ PTV biết có người theo cô, nói thương cô lắm mà người đó cũng dân miền Nam. Mẹ PTV nghe vậy, lo lắng:


- Trước đã gặp con Dậu, bây giờ lại đến em... Sao lại quen với cái người Nam Kỳ này. Không biết rồi ra có được như thằng Luận?


Không phải mẹ PTV kỳ thị dân Nam gì, chính là muốn cô Chi khi lớn lấy chồng thì phải cùng dân Bắc sẽ hay hơn. Mẹ nói vậy. Bố PTV đóng lính xa nhà biết tin về cô Chi, viết thư về bảo mình vào miền Nam sống rồi lấy dân Nam Kỳ là chuyện thường. Phu đồn điền cao su từ miền Bắc vào Nam thời trước cũng thế, rồi cũng yên ấm cả. Đừng cấm đoán, chỉ nên khuyên cô Chi phải cẩn thận, dò xét người đó cho kỹ.





http://i907.photobucket.com/albums/ac276/minhduynamphuong/hinhchange_zps30408c7a.png (http://s907.photobucket.com/user/minhduynamphuong/media/hinhchange_zps30408c7a.png.html)



Hình chụp PTV, đứng giữa anh trai và mẹ (mẹ tay bế em gái) của ngày xưa. Ảnh do bố chụp ở Tân Hương-Kon Tum.



Chính vậy mà cô Chi ngần ngừ chưa dám để người đó tiến gấp, nói cần thời gian để suy nghĩ cho chín. Cô đưa người đó về nhà ra mắt mẹ PTV rồi mà vẫn dùng dằng mãi. Người đàn ông miền Nam đó tên là Bạch, hơn cô cả chục tuổi nhưng được cái cũng hiền lành, thành thật như cậu Luận. Cậu Bạch là lính đóng đồn trên vùng Thủ Đức, thân quen với gia đình mà cô Chi đến làm thuê nghề dệt. Tới lui với gia đình PTV vài lần, mẹ bảo cô Chi quyết định dứt khoát nhưng cô lại nói để xem đã. Cái để xem đã đó, cô muốn biết gia đình cậu Bạch như thế nào và dịp đó đến khi xin phép mẹ để đi theo cậu Bạch trong một chuyến thăm nhà. PTV không biết có sự sắp xếp giữa mẹ và cô Chi hay không mà lại được đi theo với cô và cậu Bạch. Sau này nghĩ lại đó là sự phòng xa, tránh những bất trắc có thể có với cô, một người con gái mới lớn phải đi xa cùng một đàn ông lạ nếu không có mặt PTV gần bên. Nhưng cũng có thể thực lòng cô Chi muốn có người thân trong nhà đi cùng cho vui, chỉ biết khi đó PTV rất thích.


Nhà hay quê của cậu Bạch ở tuốt tận cái vùng gọi là Thủ Dầu Một tức tỉnh Bình Dương bây giờ. Sống ở Sài Gòn, nơi đến xa nhất trước giờ với PTV mới chỉ là trại di cư Tân Phú Trung hoặc vùng Hốc Môn-Bà Điểm. Khi được gia đình cho đi xa như vậy nên háo hức lắm nhưng cũng sờ sợ khi nghe mẹ nói trước chuyến đi với cô Chi là chỗ cậu Bạch có Việt Cộng hoạt động, phải cẩn thận. Sợ rồi quên ngay vì tuổi còn bé cái sợ cái nhớ cái lo... có đến rồi cũng tan biến chóng vánh.


Ngày lên đường là buổi sáng Chủ Nhật của mùa hè trời nắng ráo. Cậu Bạch mặc quần áo dân sự còn cô Chi thì áo dài trắng, quần satanh đen, nón lá, chân guốc cao gót. Không hiểu tại sao ngày xưa phái nữ đi đâu bên ngoài hầu như họ chỉ mặc bộ quần áo dài kiều như vậy. PTV mặc bộ đồng phục học sinh áo trắng, quần dài xanh, dép da như ngày đi học. Bình Dương cách Sài Gòn khoảng năm sáu chục cây số mà phải đi nhiều chặng đường thì mới đến được nhà cậu Bạch vào lúc xế chiều. Ngồi xe lam, xe đò và cả xe ngựa lẫn đò chèo tay nữa rồi khi qua được bến đò còn phải đi bộ một quãng đường khá xa mới đến được nhà cậu Bạch nằm trong một khu vườn đầy những cây cao lớn xum xuê. Những cây ăn trái, những bụi tre bao chung quanh căn nhà vách gỗ mái ngói của gia đình cậu Bạch trông cũng không khác gì mấy với các căn nhà dân khá giả ở gần khu NTBH. Mẹ cậu Bạch là một bà cụ già miệng móm, ngồi nhai trầu trên tấm phản gỗ và dù cô Chi đã nói khi ở nhà là cậu Bạch con trai út trong gia đình nhưng khi đối diện, cô cũng không ngờ bà cụ già quá. Cái già lộ ra từ mái tóc bạc trắng, các nếp nhăn nằm đầy trên cánh tay, khuôn mặt cùng vẻ run rẩy trong khi bà nói chuyện với cô Chi. Có mấy đứa trẻ trai, gái trạc tuổi ra chào rồi sau đó đám này dẫn PTV ra các cây gần nhà hái ổi, hái khế ăn chung trước khi trời tối hẳn. Bữa ăn hôm đó gồm các món lạ, lần đầu PTV biết đến như cá rô chiên dòn dầm nước mắm gừng, canh khổ qua nhồi cá xay, thịt kho tàu, dưa mắm... nên ăn rất ngon.


Phạm Thắng Vũ
(còn tiếp)

phamthangvu
12-20-2014, 08:53 AM
(tiếp theo)


Khi còn ở nhà, cô Chi đã nói cho mẹ là không biết nhiều về gia đình cậu Bạch nên giờ đây, có đến mới biết bà cụ đang ở chung trong nhà với gia đình một người đàn bà lớn tuổi hơn tuổi mẹ nữa. Bà đó là chị dâu của cậu Bạch, cô Chi dặn PTV phải gọi là bác Ba. Dưới bà Ba, còn vài người nữa mới đến cậu Bạch. Người thân thuộc trong gia đình cậu Bạch khi nghe tin cậu về và có đưa mợ tương lai tức cô Chi nên họ cũng đến thăm. Rồi cả hàng xóm ở gần bên nữa làm bác Ba phải đốt thêm cây đèn dầu lớn cho sáng và vì vậy, PTV thấy khách là các phụ nữ cùng trẻ nhóc nhơ nhỡ trạc tuổi mình mà không thấy các người đàn ông đâu cả.


Đêm về tuy mệt vì cả ngày đi đường nhưng PTV vẫn chưa ngủ ngay, chính vậy mới thấy cảnh vùng quê thật im ắng không một tiếng còi xe máy, không cả tiếng chó sủa chỉ thuần tiếng côn trùng rả rích, tiếng ếch nhái kêu đêm... Thật khác hẳn với lúc còn ở nhà tại Sài Gòn. Ngày hôm sau, cậu Bạch đưa cô Chi cùng PTV đi lòng vòng lối xóm chung quanh, ghé nhà người này người kia trong chốc lát như để cảm ơn việc họ đến thăm lúc chiều tối hôm qua. Đến một bãi đất khá rộng trên một vùng đất cao trồng đầy khoai lang trong các luống dài thẳng tắp, cậu Bạch lấy tay chỉ cho cô Chi cùng PTV thấy một vùng đất khuất sau các rặng cây của một con kênh cùng những ruộng lúa xa xa. Cậu nói:


- Chỗ đó khi trước là nhà của gia đình qua, phải dỡ vào đây ở tạm vì lý do an ninh. Hết chiến tranh sẽ về lại đẳng đặng cất nhà ở cho thoáng.


Lẽ ra cậu Bạch sẽ ở thăm nhà lâu hơn như dự tính nhưng không hiểu sao chỉ mới quá trưa vừa xong bữa cơm thì đã vội vã thu xếp để về trở lại Sài Gòn. Thay đổi chương trình đột ngột nên chuyến trở về Sài Gòn không kịp, đành phải ngủ lại ở một nhà trọ trong bến xe đò vùng Hốc Môn để chờ trời sáng. Gọi bến xe đò nhưng ở đó chỉ có vài chiếc xe chở khách đi các đoạn đường xa thôi, còn nơi gần thì hầu như phương tiện di chuyển chính là các xe ngựa và xe lam ba bánh. Ở bến xe ngựa nào cũng chung một cảnh khách đi phải ngồi bó gối bên nhau trên tấm chiếu cói trong cái thùng xe nhỏ. Xe ngựa còn có cái tên gọi là xe thổ mộ. Khách còn phải máng dép guốc của mình vào cái móc trước khi bước lên thùng xe ngồi. Quang gánh của khách cũng phải treo vào hai cánh tay bằng đồng ở hai bên phía sau thùng xe ngựa.


Buổi sáng đến, sau bữa ăn điểm tâm thì cậu Bạch cùng cô Chi và PTV ngồi trên chiếc xe đò tài nhất đang chờ thêm khách để chạy vào Sài Gòn. Phải về nhà sớm làm PTV tiếc vì không được đi tắm kênh như lời hẹn của mấy đứa trẻ mới quen trên nhà cậu Bạch. Bến xe đò Hóc Môn như một cái chợ bán hàng ăn thu nhỏ. Xe hủ tiếu, sập cháo lòng, hàng cơm tấm, tiệm cà phê... trải đều dọc theo các phía của bến xe. Mùi xăng dầu của khói xe lam cũng không át mất mùi hôi từ phân, nước tiểu ngựa nồng nặc trong buổi sớm mai. Xe lam chạy về hướng Lái Thiêu hoặc Củ Chi còn xe ngựa chạy về Bà Điểm, Thành Ông Năm hay Gò Vấp. Chỉ có xe đò mới chạy tuyến Sài Gòn mà tuyến đường này ít khách nên phải chờ cho đủ số. Những tiếng huyên náo, la hét ở bến xe làm PTV quay người ra ngoài nhìn. Gần cái sập bán cháo lòng, bốn người phụ nữ thay nhau đánh tới tấp một cô gái trẻ mà không có ai đến can thiệp. Bốn phụ nữ hung dữ đó đã xé tan y phục của cô gái và mỗi người một góc, khiêng ngửa cô đi rảo qua dãy xe lam, xe ngựa cùng hàng quán trong bến xe. Khi họ đến gần chiếc xe đò PTV đang ngồi, cô Chi lấy tay nắm vai PTV xoay vào trong xe và ra lệnh:


- Vũ! Không được nhìn... Kệ người ta.


Dù vậy, PTV cũng thấy mặt cô gái đó còn trẻ trạc tuổi với cô Chi. Một bên gò má của cô ửng đỏ dấu răng cắn hay vết đánh còn rướm máu. Khi về tới nhà, kể lại chuyện cho mẹ nghe về cảnh vừa thấy ở bến xe khi sáng, cô Chi bảo mãi cho đến khi có cảnh sát đến thì bốn người phụ nữ đó mới tha cô gái nạn nhân. Cô Chi nói:


- Phải lấy bao bố chỉ xanh che đỡ... rồi em cũng không biết họ lấy đâu ra quần áo cho chị đó thay. Mấy bà đánh ghen đó xé tan hết cả.


- Khổ thân chưa! Em thấy, cứ hay nghe lời dụ ngọt của đàn ông mà có ngày... Rồi cái ông đó đâu mà không can ra? Mẹ hỏi lại.


- Có thấy ông ta đâu! Chắc chạy mất rồi. Ngồi ăn cháo lòng chung một chỗ với tụi em nè.


Sau lần đi thăm gia đình cậu Bạch thì cô Chi và cả gia đình cùng họ hàng phía bên bố PTV đều đồng ý chuyện đám cưới của cô. Con gái lớn lên ai cũng phải lấy chồng, đó là lẽ thường, gia đình đó kể như vậy cũng được, giàu út ăn, nghèo út chịu... Mẹ nói vậy với cô Chi nhưng không ngờ có một trở ngại nẩy sinh, đã làm chuyện hôn nhân của hai người không thành. Đó là việc cậu Bạch khác với tôn giáo của cô Chi. Cậu thì đạo Phật còn cô Chi lại đạo Thiên Chúa Giáo. Bên phía bố thì PTV còn có một người bác sống ở vùng Hóc Môn-Gia Định và một người chú sống ở vùng Tam Hà-Thủ Đức cùng số đông họ hàng sống ở trại di cư Tân Phú Trung thuộc Củ Chi-Hậu Nghĩa nữa. Họ đã đem việc của cô Chi và cậu Bạch vào trình cho các cha đạo của các xứ đạo Thiên Chúa giáo đó biết.


- Nếu muốn lấy em làm vợ thì cậu Bạch phải theo đạo Thiên Chúa, đó là luật đạo. Mình là tín đồ thì phải tuân theo lề luật đạo, ai cũng thế cả. Mẹ bảo với cô Chi.


- Các anh chị dạy sao thì em nghe vậy. Chuyện của em với anh Bạch thì em sẽ liệu. Cô Chi trả lời mẹ cũng giống như với các bác, chú cùng những người trong họ của PTV.


Việc thấy vậy mà không đơn giản để tính cho xong. Cậu Bạch thì không thể theo đạo mới còn cô Chi lại không dám trái lời đã nghe từ cha đạo cũng như từ các người trong họ. Mẹ cũng hiểu chuyện buồn của cô Chi khi bảo cứ để yên chuyện, may ra sẽ có cách giải quyết hay hơn. Cậu Bạch cũng biết chuyện ngăn trở mối duyên của hai người nhưng cậu vẫn đến nhà thăm cô Chi như thường lệ. Có lúc, cô Chi lánh mặt khi thấy bóng cậu Bạch xuất hiện ở đầu ngõ hẻm hoặc cô như từ chợ về nhà, thấy cậu ngồi chờ ở phòng khách mà cô vẫn không ra tiếp. Đã có lần, PTV từng giúp cậu chuyển thư dùm đến tay cô Chi. Xem lá thư rồi cô khóc và dặn PTV đừng nói cho ai trong nhà biết vụ cậu Bạch gửi.


Anh trai ruột của PTV tên Trung được mẹ mua cho cái xe đạp để đi học hàng ngày. Khi mới có xe đạp thì PTV phải giúp anh tập chạy bằng cách giữ yên xe sau cho thăng bằng, cho đến khi anh tự chạy một mình được. Có xe đạp rồi, nhiều hôm anh Trung đã chở PTV đi tuốt đến chỗ sau này được gọi là Ngã Ba Bà Quẹo. Lý do có đến đây thì hai anh em mới thấy rõ máy bay bay lên hay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt trong tầm mắt nhìn thật gần. Chỗ này khi đó còn là bãi hoang đổ rác từ nội đô Sài Gòn ra. Bãi rác rộng, có chỗ âm ỉ cháy suốt ngày đêm dù trời mưa hay nắng. Có hôm đi ngang qua, hai anh em còn thấy xe máy đẩy đang đủn gom rác gọn vào một chỗ. Bãi rác chỉ toàn rác mà không thấy người nhặt phế liệu như thời sau này. Từ bãi rác, đi theo đường đất đỏ về hướng Chợ Lớn, hai anh em đã gặp cả một nghĩa địa rất rộng mà có những ngôi mộ được xây lớn như căn nhà. PTV hỏi có phải đây là mả của vua, anh Trung bảo đó là của một ông quan thời xưa, giàu có lắm mới được chôn như vậy. Anh còn nói mộ vua chỉ có ở ngoài Huế thôi. Anh Trung rất thương PTV, có gì cũng nhường cho xài riêng. Có lần, cả hai anh em đi dọc theo con kênh Nhiêu Lộc chơi rồi men theo đó đến một xóm nhà cũng dân Bắc di cư ở gần Ngã Ba Ông Tạ thì gặp một bọn con trai ba đứa choai choai ra gây sự. Kênh Nhiêu Lộc khi đó là một con rạch nhỏ chảy từ hướng Bàu Cát băng qua đường lộ chính rồi chạy ngoằn nghèo vào tuốt nội đô Sài Gòn. Ba đứa trai choai choai đó thấy hai anh em PTV là người lạ, đi vào xóm này nên chúng tiến lại kiếm chuyện. Khi thấy không tránh được xô xát, anh Trung đã bảo PTV chạy về nhà ngay, để anh một mình ở lại tính chuyện với họ. PTV nghe lời anh, chạy ngay về nhà và may vừa lúc đó gặp mẹ ở chợ về. PTV kể lại cho mẹ nghe và cùng bà đi ngay ra chỗ cũ thì gặp anh Trung đang trên đường chạy về. Thấy anh bị đánh, mẹ đã dắt cả hai anh em PTV đến tận xóm nhà di cư đó để hỏi thăm rồi tìm được đúng nhà của ba đứa trai gây sự này mà mách tội chúng. Khi về nhà mẹ bảo hai anh em đừng có đi chơi quá xa nhà không tốt.


Thương em mình rất nhiều nhưng anh Trung lại không giống như cô Chi, anh rất ít khi nói chuyện riêng tư với PTV. Có thể vì khi đó anh hơn PTV tới năm tuổi nên không cùng sàn sàn đồng trang lứa mà tâm sự chuyện riêng cho nghe hay vì vai là anh trai trong nhà nên anh phải hành xử như vậy. Anh Trung lúc nào cũng ít nói, mặt luôn có vẻ buồn buồn và đó cũng là lý do khiến PTV thắc mắc về anh. Khi tuổi lớn hơn thì PTV mới biết lý do tại sao anh lại như vậy. Anh không có bạn thân nên sau này khi đi lính rồi những lần về phép thăm nhà thì anh dẫn PTV đi chơi đây đó trong nội đô Sài Gòn. Có khi ghé quán Mai Hương ăn kem hoặc vào rạp chiếu bóng xem phim. Có bữa phim chiếu thì vẫn chiếu mà anh cứ ngủ vùi trong ghế. Hỏi thì anh trả lời ngủ để bù cho những đêm thức trắng ở đơn vị. Những lần đi chơi như vậy, hễ PTV thích món gì thì anh liệu đủ tiền sẽ mua ngay mà không hề hỏi lý do tại sao. Đòi cây bút máy Pilot ngòi vàng, anh cũng mua cho lại còn dẫn đến chỗ người khắc, khắc tên PTV vào thân bút nữa.


Trong xóm có nhà anh Hành là gia đình đáng cho PTV để ý hơn cả các gia đình khác vì có các sự khác biệt. Thứ nhất, nhà anh Hành tuy là một căn nhà lợp tranh vách đất trông bình thường như các căn nhà khác chung quanh nhưng lại có rất nhiều sách tiếng Pháp bên trong. Thêm vào đó nhà anh Hành còn có cả một khu vườn rộng trồng đủ loại cây ăn trái từ khế ngọt, ổi, na, hồng quân, mít, xoài, chuối... Mẹ anh Hành cứ lâu lâu hái một số trái cây nhà rồi mang ra bán ở chợ. Cũng vì bán trái cây nhà mà mẹ anh Hành với mẹ PTV gặp mặt nhau ở chợ rồi quen biết nhau. Từ các người mẹ mà PTV và anh Hành làm bạn với nhau lúc nào cũng không nhớ. Chỉ nhớ nhất là những khi đến chơi trong khu vườn của gia đình anh, một khu vườn lúc nào cũng mát rượi kể cả những buổi trưa hè và đầy trái cây chín. Muốn ăn trái gì thì tự ý hái lấy nhưng phải cẩn thận khi trèo cây. Hầu như PTV chỉ ăn ổi và hồng quân thôi. Ổi nhà anh Hành có loại ruột hồng, ruột trắng và đều rất ngọt. Anh Hành chỉ ăn những trái ổi nào bị giống dơi nhấm dở. Lúc đầu khi thấy anh Hành hái trái ổi bị dơi nhấm rồi dùng dao gọt bỏ phần thừa đi trước khi ăn thì PTV nghĩ do anh tiếc mới làm vậy nhưng sau nghe anh bảo là những trái cây do dơi nhấm, ăn rất ngon. Anh nói khi đưa cho PTV một nửa quả ổi đã gọt bỏ phần thừa.


- Dơi đánh hơi biết trái nào đã thật chín nó mới ăn. Đêm tối giống dơi có thấy gì đâu, nó phân biệt được trái ngon là nhờ cái mũi. Vũ cứ ăn thử đi sẽ thấy lời mình nói.


Trái hồng quân nhỏ như hòn bi thủy tinh mà lại mọc ở một cái cây thật to. Muốn hái phải có sào lồng luồn vào chùm quả mà rứt. Trước khi ăn còn phải dùng tay mà vò cho mềm nữa. Anh Hành bảo có vò trước khi ăn thì mới ngọt chứ không sẽ chát lừ, hết ngon. Lần đầu tiên khi theo anh Hành vào nhà để anh giới thiệu với ba của anh, PTV đã ngạc nhiên vì ông trông rất già. Về hỏi chuyện với mẹ thì bà bảo mẹ anh Hành là người vợ lẽ của ba anh, nguyên là một nhân viên thời còn thực dân Pháp. Đó cũng là lý do người trong xóm gọi ba anh Hành là ông Phán. Thứ hai, ông Phán tuy người Việt rõ ràng nhưng lại có Pháp tịch và hiện tuy ông không còn sức làm việc được nhưng cứ vài tháng, mẹ anh Hành lại đến bưu điện trung tâm Sài Gòn gần nhà thờ Vương Cung Thánh Đường để lãnh chi phiếu tiền hưu từ bên Pháp quốc gửi sang cho. Nhờ vậy, tại sao gia đình ba mẹ của anh Hành không cần phải làm lụng gì mà cũng sống an nhàn.


Hai điều trên trong nhà anh Hành đã là một việc lạ cho dân trong xóm nhà thời đó của PTV. Nhưng đó cũng chưa hết khi sau này làm bạn khá thân với anh thì PTV còn biết thêm một điều nữa là ba anh Hành còn hút thuốc phiện. Cái điều này mới khiến cho dân trong xóm xầm xì nói nhà anh Hành tuy mái tranh vách đất nhưng là dân giàu ngầm. Chưa bao giờ PTV thấy ba anh Hành hút thuốc phiện cả nhưng đã được ngửi mùi thuốc từ trong nhà bay ra sân. Cái mùi hay nói đúng hơn là khói thuốc phiện đó nó rất ngọt mũi và không lẫn với bất kỳ mùi khói hay mùi hương nào nếu như ai đã từng có lúc ngửi được. Mẹ PTV thì nói nghe người ta bảo dân nghiện thuốc phiện sẽ có làn da bủng, môi thâm xì và không dám tắm thường xuyên vì sợ nước. Đến nhà anh Hành chơi, PTV thấy ba anh đang đọc một quyển sách tiếng Pháp nên lân la đến xem và nhờ vậy mới thấy ông cụ có nước da trắng như người bình thường và làn môi không thâm như lời người ta truyền khẩu. Mẹ PTV nghe kể thì bảo có lẽ do ba anh Hành giàu, hút thuốc phiện loại nguyên chất, không phải hút thuốc sái rẻ tiền nên hình hài ông mới được như vậy. Có một dịp đến chơi nhà anh Hành vào buổi cuối năm thì thấy mẹ anh pha chậu nước nóng cho ba anh tắm dưới gốc cây xoài gần cái bể cạn chứa nước tưới cây. Gọi là tắm nhưng ông cụ chỉ lấy tấm khăn lông nhúng nước trong chậu rồi cứ thế mà lau qua loa khắp người là xong việc.


Phạm Thắng Vũ
(còn tiếp)

phamthangvu
12-27-2014, 08:09 AM
(tiếp theo)



Ông Phán tắm giống như kiểu người ốm dở lâu ngày, chỉ lau sơ sài mà không chút xà phòng làm sạch thân. Sau này lớn hơn một chút thì PTV còn nghe người khác nói dân nghiện thuốc phiện sợ nước nên ít tắm lắm.


Trong vườn nhà anh Hành, gần bụi tre tàu nơi góc vườn có một mái nhà lợp tranh nho nhỏ gần như bỏ hoang, PTV có lần bước chân vào mái nhà đó thì thấy hai bên vách là hai dãy lồng thấp bằng cây giống như kiểu chuồng nuôi gà. Lại gần xem kỹ thì không phải vì có những ngăn nhỏ ở trong hai dãy lồng này. Nếu để nuôi gà thì mỗi ngăn chỉ vừa chỗ cho một con là cùng. Những ngăn đó lại có các hộc bé hơn treo ở phía trước nằm lồi ra bên ngoài và cũng chẳng thấy có máng đựng cám hay cóng chứa nước như trong chuồng nuôi gà. Trước đây chắc các lồng này đã từng nuôi giống vật nào đó vì vẫn còn dấu vết là các viên phân nhỏ, rau cỏ khô quắt... nằm sót trên nền đất của phòng. Hỏi thì anh Hành bảo đây là chỗ gia đình để nuôi thỏ nhưng giờ thì bỏ không. Nghe anh Hành nói thì PTV nghĩ đến hình ảnh con thỏ rừng lông trắng có hai cái tai dài cùng đôi mắt bi đỏ long lanh hiền khô đang nhấm mẩu cà rốt trong cái chuồng sắt ở Thảo Cầm Viên của một chuyến đi chơi từ trước nên hỏi:


- Sao nhà Hành không nuôi thỏ nữa... Hồi đó mình mà biết sẽ bảo mẹ cho tiền mua một con mang về nuôi. Mình thích thỏ lắm.


Anh Hành bảo nhà không nuôi thỏ nữa vì ít người Việt chịu ăn thịt thỏ. Làm thịt thỏ phải lột da, tránh không ướt nước... đã thế lại còn nấu bằng rượu vang hoặc bằng bia la de nên phiền phức lắm. Anh còn bảo những cái hộc treo lồi ra bên ngoài chuồng là để cho thỏ mẹ khi đẻ sẽ nhẩy vào đấy mà sinh con. Chuồng thỏ do ông Phán xem kiểu chỉ dẫn trong sách chăn nuôi của Pháp rồi gọi thợ đến nhà đóng cho. Căn nhà tranh nhỏ đó bỏ không cả bao lâu cho đến những năm về sau thì được gia đình anh Hành sửa lại để nuôi chim cút nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn lại phải ngưng vì lỗ do chim cút bị xuống giá, không thấy ai nuôi nữa


Mùa hè được nghỉ học thì có năm mẹ cho phép PTV theo cô Chi xuống nhà người bác ruột ở vùng Hóc Môn-Gia Định có tên là Thành Ông Năm. Cái thành này do người Pháp, bọn Tây đen xây từ trước và thời kỳ PTV có mặt thì không còn người lính ngoại quốc nào đóng trong đó nữa. Ở Ngã Ba Bà Quẹo thì PTV đã quen mắt vì anh Trung vẫn thường đèo xe đạp chở PTV đến đây để xem máy bay trong phi trường Tân Sơn Nhứt bay lên hoặc bay xuống như kể trên. Phi trường có hàng rào kẽm gai tới cả chục lớp chung với các lô cốt nơi này nơi kia và một cái cổng khá rộng nằm ngay bên sát vệ đường mà lúc nào cũng đóng kín. Cái cổng này chỉ những năm sau mới mở để những đoàn xe nhà binh chở đầy lính Mỹ từ trong phi trường chạy ra. Có khi hai anh em PTV thấy những chiếc máy bay hai đầu là hai chong chóng như hình chữ V trông rất lạ hoặc máy bay trực thăng bay xa xa y hệt một con chuồn chuồn. Về nhà bác Cả thì phải bằng xe đò mà lần đi nào về Hóc Môn thì PTV cũng thích ngồi gần bên cửa sổ để ngắm cảnh vật hai bên đường. Xe đò thời đó chạy rất chậm chứ không nhanh như thời sau này. Bên đường cứ có chỗ nhà dân ở thì sau đó lại là những cánh đồng lúa hoặc rừng thưa, bãi tha ma và rồi là các đồn bót, trại lính. Ở Thành Ông Năm có mấy xứ đạo Thiên Chúa của người miền Bắc di cư vào từ hồi 1954. Các xứ đạo Thiên Chúa ở đây lấy tên ghép của quê gốc ngoài Bắc chung với địa danh tại đây mà thành như Bùi Môn, Phát Môn, Bắc Đoàn, Sơn Lộc, Châu Nam, Nam Hưng...


Bác ruột của PTV tên là Phong nhưng người trong họ hàng lại gọi là bác Cả. Không hiểu do đâu mà những người làm nghề may quần áo, hớt tóc, xây cất... đều được dân di cư miền Bắc gọi chung cái tên là Phó. Bác Cả làm nghề may quần áo và người bên ngoài gọi là bác Phó giống y như ông Tuất làm nghề hớt tóc trong khu phố gia đình PTV ở, cũng được người trong xóm gọi giống như vậy. Bác Phó Tuất. Hai chị gái con bác Cả cũng biết nghề may quần áo như bố mình. Nghề bác làm thì chắc đã từ lâu lắm vì ba người con của bác đều sinh từ ngoài Bắc cả. Anh lớn nhất tên là Phú còn hai chị có tên là Nụ và Ti. Cũng có người thì lại gọi bác Cả là bác Phú, cái tên của con trai bác. Nhà bác cũng có một cái vườn nhưng không rộng như vườn của nhà anh Hành. Trong vườn chỉ có vài cây mít, ổi, na, chuối... được trồng ở sát cạnh vườn và phần đất lớn nhất ở chính giữa thì để cho bác Cả gái cùng hai chị trồng rau mang đi bán ở cái chợ gần nhà. Sau này bác Cả gái còn nuôi thêm cả lợn, gà nữa. Mẹ vẫn bảo trong họ hàng ruột thịt của ba PTV thì chỉ có gia đình nhà bác Cả là khá giả nhất. Anh Phú lớn tuổi hơn cả tuổi anh Trung của PTV và anh học nội trú trong nội đô Sài Gòn. Thỉnh thoảng hoặc đến mùa nghỉ Hè thì anh Phú mới về nhà và vì vậy mỗi khi có PTV lên chơi, anh rất vui, thường kéo vào cái phòng của riêng anh ở mé sau nhà và mở máy hát dĩa cho nghe. Loại máy hát dĩa của anh thì PTV chẳng còn nhớ nó chạy được bằng cách lên dây thiều hay bằng pin nữa vì thời kỳ đó vùng dân cư Thành Ông Năm này chưa có điện. Điện chỉ có ở trong trại lính Thành Ông Năm thôi nhưng cũng chỉ đến 11 giờ khuya thì lính cúp điện làm cảnh vật tối thui một mầu đen. Dân có công việc đi ra ngoài đường giữa đêm khuya thì trong tay phải cầm đèn dầu soi đường. Dĩa hát cái mầu đỏ mầu đen làm bằng nhựa mỏng dính và đều là dĩa nhạc. Mỗi khi anh Phú muốn nghe thì phải lấy cái chổi lông nhỏ quét sơ bề mặt dĩa trước khi gắn nó vào máy. Anh Phú cũng chẳng có nhiều dĩa nhạc nên PTV vẫn còn nhớ ít lời ca sĩ hát trong các dĩa này như: " Người từ là từ phương Bắc, ghé qua giòng sông, sông dài tìm đến nơi này một nhà thân ái... Từng đêm lại từng đêm, tâm sự em gói trọn mấu áo trận của người miền xa nặng ba lô bóng hình em nhỏ. Để tìm vui giữa núi rừng sương lạnh chưa tan. Thư mấy hàng mà không dám đọc để cho giờ tóc liễu còn giận... Đêm nay xa lộ không đèn, dạy em tập lái Vespa một mình...". Cũng có lúc máy hát lại đoạn cũ làm anh Phú phải lấy tay nhấc cần kim quay trên dĩa cho nó qua tua. Không nhấc kim lên thì máy cứ hát đi hát lại đoạn này mãi.


Thường thì PTV chỉ đến nhà bác Cả một hai tuần lễ nhưng có năm lại ở nguyên cả mùa Hè cho tới ngày gần khai trường mới quay trở lại nhà. Cô Chi thì học cắt quần áo do hai chị Nụ, Ti chỉ dẫn. Những buổi chiều rảnh rỗi thì cô Chi và PTV ra vườn phụ gia đình bác Cả trồng rau. Phụ đây là ngồi nhặt cỏ, tỉa bỏ rau thừa, múc hộ nước từ cái ao xi măng cạn đến các luống rau để cho hai chị tưới ướt hoặc bó rau cho gọn để sáng gánh ra chợ bán. Bữa cơm nào thì hai chị Nụ, Ti vẫn hối PTV và cô Chi ăn thêm thức ăn. Sở dĩ gia đình bác Cả chăm sóc chu đáo cho PTV và cô Chi là do tình thân ruột thịt của họ hàng. Nhà bác Cả chỉ có mình anh Phú là con trai nên rất thương PTV khi đến ở. Hai chị Nụ, Ti hợp với cô Chi thành một nhóm ba người đi đâu cũng có mặt chung cùng những chị khác của các gia đình quen biết trong xứ đạo. Anh Phú thương PTV y như anh Trung vậy. Có những quyển truyện hình, các hòn bi ve nhỏ, cái dàn ná thun bắn chim... của anh chơi từ mấy năm trước cũng mang ra cho PTV làm quà. Có những buổi chiều trời mát, anh lấy chiếc xe đạp khung ngang ra khỏi nhà, đèo PTV đi gần như khắp cả vùng Thành Ông Năm. Anh bảo Ông Năm là tên gọi cấp bậc của người chỉ huy cái thành lính ở đây mà nên địa danh cho cả vùng. Thành lính này rất rộng, chỉ có mặt trước của thành giáp với khu chợ, các xứ đạo Thiên Chúa là còn thấy nhà cửa, vườn tược của dân chúng chứ ở mặt sau thì hầu như vẫn là rừng hoang. Có một ngôi chùa tên Hoàng Pháp do phật tử di cư từ miền Bắc lập nên ở mé bên cạnh của thành lính. Chỉ có con đường mòn từ cổng chùa hướng ra đường đất đỏ nối với quốc lộ mới có gia đình phật tử ở chứ xung quanh chùa vẫn còn là rừng hoang. Con đường đất đỏ này nối với quốc lộ trải nhựa về hướng Củ Chi-Hậu Nghĩa thì thành một cái ngã ba khá rộng đầy những cây sao đen cổ thụ như một khu rừng nhỏ. Gần chỗ những cây sao đen có một cái cân bằng xi măng thật lớn dành để cân các xe vận tải khi lưu thông qua. Phía bên kia con đường nhựa là một tiệm ăn khá lớn gần hàng cây trôm cao to, xanh rì lá. Cây trôm có chất nhựa trắng đóng thành cục bên thân mà người ta thường lấy nó ngâm vào nước để khi nở thành các cục trong suốt, pha uống chung với nước đá hòa đường cát cho mát. Người ta gọi ngã ba này là Hồng Châu, cái tên của tiệm ăn ở đây. Anh Phú còn chở PTV đến gần bên các bờ đất khá cao trồng đầy tre tầm vông mà anh bảo hồi trước là vòng rào bao quanh của ấp chiến lược cũ nhưng giờ đã bị dỡ bỏ. Dưới những hào nước bên ngoài bờ rào, vẫn còn lởm chởm một ít các ngọn chông tre nhọn hoắt. Qua khỏi bờ hào là các mảnh ruộng trồng đậu, dưa leo, khổ qua... và xa hơn là cánh đồng lúa trải dài tít tắp. Anh Phú bảo bên ngoài đồng lúa là các cánh rừng thưa đầy cây hoang không một bóng người ở và cũng chẳng ai dám héo lánh đến đó. Ngã ba Hồng Châu có hai ấp chiến lược, ngăn cách bởi quốc lộ trải nhựa. Chiến lược là tên người ta gọi nhưng thực tế thì PTV thấy vẫn cổng vào ấp ghi hàng chữ Ấp Tân Sinh. Lính trong Thành Ông Năm thường đóng chốt canh gác ở dưới gốc những cây sao ở ngã ba Hồng Châu này cả ban ngày lẫn ban đêm.


- Dân sống trong ấp chiến lược hầu như là người địa phương trong này mà dân Bắc mình gọi là làng Nam. Người Bắc di cư lại ở khu chợ gần thành lính hoặc trong các xứ đạo thôi. Hồi trước hai ấp chiến lược đều có trạm gác nhưng từ khi bị phá bỏ, dân làng Nam ra vào tự do thì thỉnh thoảng Việt Cộng lại mò về. Anh Phú bảo.


- Việt Cộng ở đâu ra hả anh? PTV hỏi.


- Anh không biết... Người ta bảo họ ở trong chỗ rừng tận tuốt đàng xa kia.


Nhà thờ, nhà dân ở xứ đạo chỉ làm gần mặt đường thôi... còn đi vô hơi sâu bên trong thì vẫn nguyên những hàng cây cao su thẳng tắp. Chỗ nào không có những hàng cao su thì là những đoạn rừng um tùm cùng các lùm bụi, bãi lầy đầy cỏ hoang hoặc mồ mả từ xa xưa.


Có một đêm khuya, đột nhiên vang nhiều tiếng súng nổ làm trong nhà ai cũng sợ. Sáng ra thì hai chị Nụ, Ti và cô Chi rủ PTV đi xem Việt Cộng cho biết. Việt Cộng là xác của một người đàn ông nằm gần bên chỗ cân xe dưới gốc một cây sao lớn ngay tại ngã ba Hồng Châu này. Người chết chỉ mặc một quần đùi, tóc cắt ngắn và đi chân không. Một vết thương lớn ở trên đầu cùng những lỗ nhỏ đây đó trên thân ông ta mà những người đứng xem cạnh PTV nói do vết đạn bắn vào. Nhìn xác người chết đó ghê lắm vì các vết thương bầm máu, ruồi vo ve đậu vào ở các phần thịt đỏ. Xác nằm mãi mà không thân nhân đến nhận thì sau cùng, các người lính mới bó chặt vào trong một cái chiếu cói rồi đem chôn ở một bãi đất trống gần các thửa ruộng sát bên ngã ba. Chôn rồi nhưng chỉ mấy bữa sau, vào buổi sáng dân báo cho lính gác biết mộ này đã bị quật lén giữa khuya và bây giờ không còn xác chết trong đó nữa.


Anh Phú còn đèo xe chở PTV đến một hãng thuốc lá ở sau xứ đạo Châu Nam. Xung quanh hãng là vùng đất rất rộng trồng đầy cây thuốc lá trong các luống thẳng tắp. Anh Phú bảo hãng thuốc lá có chủ là người Pháp nhưng khi họ về nước đã nhượng lại cho người Việt Nam. Giáo dân xứ đạo thành công nhân của hãng thuốc lá. Dân làng Nam vẫn là chủ các thửa ruộng trồng thuốc lá, anh nói:


- Vũ biết lá thuốc lớn vậy nên khi mang về người ta phải cắt bỏ cọng cứng rồi cuộn tròn đem ủ. Ủ rồi lại cắt chỉ thành các sợi nhỏ xong đem tẩm thêm các thứ khác nữa thì công nhân mới vấn thành các điếu thuốc như trong các gói giấy bán ở tiệm nước. Công phu lắm mà hút có chốc lát thì điếu thuốc thành khói thành tro hết cả.


Bố mẹ của anh Phú đều có hàm răng nhuộm đen trong khi bố mẹ của PTV lại răng trằng. Sau này hỏi thì mẹ mới cho biết là cả bố lẫn mẹ đã đến tiệm răng trong vùng Chợ Lớn để thuê nha sĩ mài bỏ lớp nhuộm đó đi. Mẹ có lần kể với PTV cùng cô Chi là khi nhuộm răng đen cực lắm. Nhuộm đi nhuộm lại thì răng mới có màu đen hạt na, miệng mồm sưng hết cả... chỉ húp cháo thôi. " Con gái không nhuộm răng, để răng trắng thì người ta bảo là răng chó... ai mà lấy ", mẹ kể vậy. Cũng vì cạo đi lớp bọc mầu đen mà sau này răng của bố mẹ PTV bị hư sớm phải làm răng mới. Hai bác Cả đến tận khi chết vẫn còn nguyên hàm răng đen nhánh trong miệng.


Có buổi trưa trong nhà ít việc thì anh Phú chạy xe đạp đi gọi cho bố những người khách đến chơi đánh Chắn trong nhà. Chắn đây là Tổ Tôm, một loại bài mà bây giờ PTV thấy hầu như không còn mấy ai biết chơi nữa. Mỗi lần có vụ đánh Chắn đó thì PTV làm nhiệm vụ chia bài sẵn vì nhà bác Cả có hai bộ bài. Cứ xong mỗi ván bài Chắn thì PTV đẩy cái dĩa có năm tụ bài đã chia rồi vào giữa chiếu ngồi của hội Tổ Tôm. Các lá bài của ván vừa xong thì PTV gom gọn, xốc đều rồi chia dành sẵn cho ván mới. PTV vẫn còn nhớ những lá bài đó có hình con cá, trái cây, phụ nữ, đàn ông, thuyền... cùng chữ Tàu hay chữ Nhật ở trên. Chơi ăn tiền nên cứ dứt mỗi ván thì người thắng thưởng cho PTV một đồng bạc kim loại nhỏ mà tới bây giờ thì thực sự không còn nhớ rõ giá trị. Bài chia làm năm cho mỗi người chơi một tụ, còn lại tụ cuối để rút từng lá bài khi đến lượt. Ù, chạy, phỗng... là những tiếng PTV nghe trong các lần chia bài đó nhưng chẳng hiểu nghĩa. Chỉ biết là bản thân PTV được tiền nhờ ngồi chia bài là thích thôi. Khách chơi đánh Chắn với bác Cả đều là dân Bắc di cư sống trong vùng như ông lang Diễn bốc thuốc Bắc, ông Phó Thịnh làm nghề chụp hình, thầy Suy dạy học, cụ Giang và ông trùm Tuấn trong xứ đạo Thiên Chúa. Ông lang Diễn, cụ Giang và ông trùm Tuấn cũng có hàm răng đen như bố mẹ của anh Phú, còn ông Phó Thịnh và thầy Suy thì để răng trắng.


Có lần PTV theo chân anh Phú đến tiệm nhà của cụ Giang ở dưới phố chợ để xem khách chơi thục bi da. Thực ra thì tiệm bi da này là của người con trai cụ Giang. Trong tiệm chỉ có hai bàn bi da thôi nhưng lúc nào cũng đông khách là các người lính trong Thành Ông Năm. Tiệm bi da thì PTV không lạ vì trong khu phố nhà của PTV ở trên Sài Gòn cũng có một tiệm như ở đây. Buổi chiều nào khi trời chập choạng thì nhà cụ Giang đã phải đốt hai cây đèn Măng sông để có ánh sáng cho tiệm rồi. Chơi bi da là dùng một thanh gỗ khá dài gọi tên cây cơ để thục quả bi trên bàn bọc vải cho chúng đụng vào nhau nên còn gọi là thục bi da. Chơi bi da thường là kiểu có ba quả bi nhưng cũng có khi PTV thấy khách chơi loại bi da có các cây ky, cây dù bằng gỗ nhỏ dựng đứng cố định ở trên bàn bọc vải nữa. Đây là thục bi da dù và khách chơi phải móc lấy số riêng cho mình. Số là điểm của người khách đó. Khách khi thục quả bi da lỡ làm đổ cây dù hay chơi vượt quá số điểm mình cầm trong tay thì coi như thua. Tường chung quanh căn phòng có đặt hai bàn bi da của nhà cụ Giang được dán nhiều tờ giấy viết chữ Tàu. Một trong các tờ giấy đó làm PTV nhớ cho tới bây giờ vì ở dưới mỗi chữ Tàu có chú thích bằng chữ Việt. Các chữ Việt đó là Tửu Trung Bất Ngữ Chân Quân Tử-Hà Thượng Thanh Minh Thị Trượng Phu.


Phạm Thắng Vũ
(còn tiếp)

ideal
02-10-2015, 08:38 PM
Chàng có cách thức yêu riêng của mình khi ngồi bên cạnh nàng.Mùi hương tóc của nàng,bờ vai tròn lẳng có những sợi tóc dài của nàng đã cho chàng nhiều thứ.Nàng biết cười bằng mắt khi đọc được ý nghĩ từ ánh mắt của chàng.