PDA

View Full Version : NGƯỜI VIỆT TÔI (Nhà Văn Đoàn Khuê, Canada)



hongnguyen
04-20-2015, 08:02 PM
Người Việt mình có truyền thống... cự nhau, chắc đúng. Mấy bà làm hãng chả giò hay ngoài siêu thị khoái cự nhau thì thường rồi. Mấy cô trong những tiệm Nails hay giận nhau vì giành khách thì cũng dễ hiểu thôi. Mấy ông tham gia trong mấy tổ chức cộng đồng thường không phục nhau cũng có gì lạ. Tổ chức từ thiện này bêu xấu tổ chức từ thiện kia là hay xén tiền bỏ túi riêng thì có gì mới mà phải giựt mình...

Nhưng hai người Việt cùng có lý tưởng yêu nước, cùng thích ra cộng đồng kêu gọi mọi người yêu nước mà cũng nhất định không ưa nhau nặng là sao? Tôi coi đây là một chuyện đáng buồn, dù có gì khó hiểu: Người Việt mà! Hình như người Việt không thích thấy ai tài giỏi hay “đạo đức" ngang mình: Không biết tên của thứ bệnh này là gì? có toa thuốc hay nào trị được nó liền không?

Cũng dễ thấy, gia đình người Việt mình là một tổ chức thường chặt chẽ, dù hơi phong kiến. Cha mẹ nào cũng có quyền la con, dù có khi cha mẹ sai hơn con; la chưa thấy đủ thì giận, thì khóc sao nghe cho thật thảm cho con… chừa. Chắc người Việt thuộc hàng hay thích giận nhất thế giới. Giận như là một cách bắt người khác phải chú ý tới mình, chiều mình.
Quán phở lỡ bưng phở ra hơi chậm cũng xém giận. Ai Nhờ ai ghé chợ mua gấp chút đồ mà người đó nói bận không đi, cũng gần giận mát. Ngồi vô bàn mà thấy ai nhỏ tuổi hơn gắp trước cũng dễ giận. Cùng hẹn đi đâu chơi mà người ta phone lại nói bận phút chót vì lý do gì đó, giận cú này mới là đã. Hỏi thử khách ăn đồ mình nấu bữa nay có ngon không, khách mà dám nói “cũng được” hay "hơi mặn" thì bữa sau miễn rủ nó tới...

Cha mẹ mà giận thì chắc đứa con nào cũng thấy tội lỗi. Giận đã trở thành một tập tục cho con cháu “sợ” mình. Nước mắt mẹ thường là bản án cuối cùng dành cho con dù con có tội hay không: chưa có thì bây giờ có tội làm cho mẹ khóc! Con cái người mình thường biết phụng dưỡng cha mẹ tốt hơn Tây, cũng dễ hiểu, do vậy. Trong khi con cái Tây ít nghe tới khái niệm “báo hiếu” là cái giống gì mà chẳng hiểu sao xã hội họ vẫn tốt đẹp, vẫn có trật tự, đạo đức hơn gấp mấy lần xã hội mình!

Tuy tôi không có thống kê, nhưng chắc vợ chồng Việt bền vững hơn vợ chồng Tây ít nhiều. Bền chứ chưa hẳn hạnh phúc gì hơn. Có khi nhờ bền nên mới khổ dai. Biết bao nhiêu cặp phải ở vì con vì cái, vì danh dự gia đình. Có biết bao nhiêu cặp than sau lưng nhau như bọng, hễ giận lên là… mày tao, mà vẫn còn nguyên đó... Văn hóa chịu đựng này lắm khi thật vô lý.

Con cái trong nhà Việt hay quen chứng kiến cảnh cha mẹ chúng mới chửi người ta sau lưng nát bét hồi sáng. Giờ cha mẹ gặp người ta ngoài tiệc cưới thì… mừng mừng tủi tủi, còn có khi ôm say sưa người ta để chụp hình nữa... Đóng kịch nhuần nhuyễn như vậy cũng có thể cho là hay đi, là biết cách giao thiệp đi, chớ không lẽ tránh mặt nhau thì còn tệ hơn. Ừ… con cái cũng nên học hỏi theo lối sống thật thà đó của cha mẹ!

Có một điều phải gọi là vô cùng thiếu văn hóa - không thể viết nhẹ hơn. Là các show ca nhạc Việt hay có các màn kịch nói hài, và hay thích nhái, thích giả người mập, giả người đồng tính, giả người cà lâm… để làm cho khán giả cười. Không biết người ta có thích bị nhái như thế không. Tôi không biết thứ văn hóa thích cười ngất này có tên gì. Bộ thèm cười lắm hả? Chưa kể, người ta xài mấy cái màn nhái rẻ tiền này hoài cả trăm lần rồi mà dân mình cũng còn lăn ra cười được. Tài thiệt chứ! Đã tới lúc xóa bỏ mấy cái trò diễu văn hóa này đi là vừa chớ còn ráng bào chữa gì nữa!

Tôi hay tự mâu thuẫn khi kiếm bạn chơi. Cứ vừa thích bạn có cá tính mạnh, vừa muốn hạp nhau để gật gù những lúc khác. Khi thì tôi thích bạn đồng điệu, khi thì thấy thích vậy thì tầm thường quá. Chắc miễn bạn đừng có... boring quá là điều quan trọng nhất chăng. Tôi sợ ngồi gần người boring lắm, dù không biết mình boring ra sao trong mắt người ta...

Boring kiểu như thế này này… Họ là những người nghĩ ai xấu là xấu mãi, gì cũng xấu, nhà nó cũng xấu, con nó cũng xấu. Cứ chuyện ấy mà nói hoài cũng không nhớ là đã nói. Là người nói nhiều nhất trên bàn tiệc. Mới ăn một miếng đã trề môi chê dở ẹc, món này ở nhà tui nấu ngon hơn nhiều. Rủ tới chỗ tiệc lạ là không bao giờ dám đi. Không biết mắc cỡ khi tới giờ ăn trưa ở chỗ làm mà mang canh măng, cá kho ra hâm microwave cho... Tây hửi. Ngồi trên xe bus Tây mà nói tiếng Việt rang rảng tự nhiên như người Việt bên Việt Nam, nghe ai nhắc nói nhỏ xuống thì giận. Hay hỏi giá người ta để mua món gì đó rồi trề môi chê đắt, bạn tui mua rẻ rề hà...

Chuyện mấy người boring này còn dài mà. Ra đường thấy ai mang tật hay có tướng tá lạ mắt quá là nhìn chăm chăm. Còn trẻ mà mê coi phìm hài Việt Nam làm miệng méo, đi đứng õng ẹo, múa tay múa chân rồi ngồi cười ngất. Ăn tiệm xong, ngồi tại bàn vừa xỉa răng vừa rung đùi vừa nói chuyện. Kêu bình trà, người ta mang ra để trước mặt mà ngại nói cám ơn. Ngồi ăn mà cứ dòm qua bàn bên kia không chớp mắt. Ăn cưới cứ sợ gắp miếng cuối trong dĩa, mất mặt lắm. Thấy ông Tây ngồi với bà Tàu là quay lưng lại dòm đúng 5 phút mới tha.
Đàn ông mà lâu lâu ra đường ăn tô phở cứ nhăn mặt nhìn miết vì sợ dơ, uống ly trà thì gớm phải chùi rửa mấy bận. Đi du lịch xứ Tây mà cứ tìm cho ra đồ ăn Việt mới chịu; đã vậy, ăn lỡ dở thì giận ra mặt cho chủ thấy. Gặp ai cứ muốn biết người ta kiếm nhiều tiền không.... Chắc phải tạm ngừng ở đây kẻo lại đụng chạm tùm lum!

Khi nghĩ tới những đức tánh tốt của người Việt mình, chắc người ta phải nhắc tới tinh thần cầu tiến, hội nhập. Nhưng tôi cũng không khỏi hỏi, nếu mỗi con người Việt mình thật sự cầu tiến như thế tại sao cộng đồng mình, xã hội mình, đất nước mình cứ chẳng ra gì. Chắc tại dân mình chỉ muốn cầu tiến cho quyền lợi của riêng gia đình mình, người thân mình mà thôi, ai rảnh mà nghĩ tới người dưng…

Tôi cũng đã từng gặp nhiều người đồng hương rất khó quên. Họ không giống những gì mà bạn và tôi hay nghĩ về Người Việt. Họ không tha thiết phải hơn bè bạn, không tha thiết được ở nhà to cho rỡ ràng danh phận, không nói nhiều để cho ai cũng biết họ có mặt. Họ không muốn khuyên răn ai, hay cứ ráng tìm cách đánh giá ai là tài cao hay đức trọng… Chỉ tiếc thay, họ ở đâu hay làm gì thì ít ai biết tới. Những người Việt hiền hoà nhất, bởi vậy, thiệt uổng, mình ít khi có dịp để làm bạn với họ…để biết yêu người Việt hơn...

Khi đặt bút xuống viết về gia đình mình, ai thấy dễ là người đó không thật sự viết. Viết để khen? Còn có gì boring hơn nữa trên đời để viết! Viết về gia đình có khác chi viết về cộng đồng mình giữa xã hội Tây phương với nhiều khác biệt, ganh đua, va chạm lấn cấn hằng ngày...

Thường khi sống quanh một vùng chỉ có Tây, tôi ít cần phải ngại ai biết chuyện tôi đang ăn welfare - tức trợ cấp chính phủ dành cho người bần cùng nhất, hay đang mang bệnh tật, hay đang lái loại xe gì, hay đang làm nghề gì… Có thể nói, trong xã hội Tây phương, mỗi con người được huân tập để nhận ra cái quyền sống được làm chính mình dù đang giữa thành công hay thất bại. Và hiểu nghĩa “sống cho mình” một cách khá sâu sắc, trong đó, những ý niệm tự khám phá chính mình là những thứ tìm kiếm tâm lý văn minh hơn là ích kỷ .
Và hình như “cái Tôi” không phải là cái hoàn toàn xấu, không có thứ nghĩa quá tự tôn hay hẹp hòi gì như trong văn hóa chúng ta hay thành kiến, miễn nó đi kèm với sự tôn trọng những “cái Tôi” của người khác...

Trong phong cách ăn uống cũng vậy, người Tây hay tôn trọng sự sạch sẽ riêng biệt cho họ, và cho nhau hơn. Lấy vài ví dụ. Họ ít thọc nĩa (tức thọc đũa bên mình) vào nồi canh chung; Họ hay nhắm miếng thịt nào đó và lấy chứ không dùng nĩa giơ lên coi hay hất qua một bên để tìm miếng khác do không muốn đụng nĩa cá nhân của mình làm bẩn miếng thịt cho người ăn sau. Họ ghét bỏ mứa uổng phí thức ăn. Họ không thích xài một đĩa chấm chung cho chục người; không chấm miếng chả giò lần thứ hai (đã ăn phân nửa) vào lại tô nước chấm lớn; không dùng nĩa (đũa) dơ của mình gắp cho người bên cạnh...
Nhiều người Tây còn biết ngại nói chuyện trước mặt đồ ăn vì sợ văng vãi nước miếng; họ ít thích khạt nhổ nơi công cộng…

Trong xã hội tây phương có lắm người cha giàu không muốn để hết gia tài lại cho con, và được dư luận hoan nghênh rộng rãi. Trong xã hội Việt tôi chưa thấy có ai, nếu có thì chắc cũng hiếm hơn nhiều. Hai xã hội có khác nhau lớn đó chứ dù chỉ thông qua một ví dụ nhỏ. Tôi không dựa vào thống kê, cũng thấy không cần phải có cho mỗi cảm nhận của mình. Nói quan hệ gia đình trong văn hóa Việt sâu đậm hơn trong văn hóa Tây, tôi không cần thống kê. Nói người Việt ít đoàn kết, hay thổi phồng chuyện, hay thích bịt mũi, bĩu môi hơn người Tây, tôi cũng không cần có.
Thống kê Tây gần đây lắm lúc cũng mơ hồ sai như nói người Việt trong nước thuộc hạng “hạnh phúc nhất thế giới” chẳng hạn. Thống kê tâm lý là thứ hay sai lạc nhất trong những thứ nghiên cứu. Không phải người Việt hay sợ, hay nhỏ nhẹ, lịch sự hơn khi tiếp xúc với người Tây đó sao mà phải đợi cho có thống kê mới nói được điều đó!

Nhiều người Việt bảo Tây hay kỳ thị mà quên rằng chính người Việt mình cũng kỳ thị có thua gì. Kỳ thị với dân da đen, với dân Thượng - thường gọi chung họ là “thằng Miên, con Mọi”, kỳ thị xấu xí, kỳ thị giàu nghèo, địa vị lẫn nhau khá rõ ràng... Có mấy người Việt dám đứng lại nói chuyện với một gã ăn mày? có mấy người Việt dám liều bước tới đỡ một tên vô gia cư hôi hám mới té ngoài phố Tàu?… Khi xe bị banh ngoài highway lạnh lẽo, tôi không biết thất vọng khi nhìn thấy một chiếc xe “da vàng” mới dửng dưng bỏ chạy ngang qua…

Người Việt hay lo lắng cho bạn, cho người thân, nhưng lại hay coi tha nhân nhẹ như bông là vậy. Tới hội chợ Tết là lắm người choàng áo lên chiếm từng dọc băng ghế coi ca nhạc, chiếm thừa thãi vô tư dù không biết có xài hết hay không, dù nhìn xung quanh có mấy trăm người khác già cả đang đứng chờ có ghế ngồi cũng không biết ngại. Ấy như một thứ thông lệ... bốn ngàn năm. Lắm lúc nhìn người người ăn mặc đẹp, ngồi nghe nhạc tôi nghe nhiều giọng nói vang lên:“Con nhỏ này bữa nay xấu quắc hà!”, “ Ca gì dở như hạch”, “Bà này già mà điệu quá”, "thằng đó 'gay' mà, dân bê-đê đó!"… Thiệt thấy chán cho thứ thái độ nhìn tha nhân lạnh lùng đến tàn ác, nhưng bảo đảm 100% họ tin đó là một “thứ quyền” tự do phát biểu mà họ tưởng đã học được từ xứ tự do này!
Chắc ngày nào con cháu họ, anh em họ, cha mẹ họ đứng trên sân khấu mà họ nghe người ta phun ra như vậy thì họ sẽ hiểu thế nào là vô tâm, vô cảm!

Vào nhà hàng ăn, tôi cũng thường nghe ai đó nói “Quán này dở ẹc!” mà không thèm ngại nhìn quanh coi chủ có đang đứng gần đó không. Có người ăn trúng tô phở dở quá, mặt giận lên mới là tức cười! Lắm lúc tôi thấy ông chủ vừa dưới washroom hối hả lên, hay mới thối tiền cho khách xong, nhào vô xăn tay áo lên cuốn bánh cuốn hay bốc phở bỏ vào tô mà ớn lạnh chớ cũng chả dám nói tiếng gì… Gọi báo cáo cho Cục Vệ sinh Thành phố tới theo dõi để đóng tiệm ông thì ai nỡ làm: Một thứ ái ngại vô bổ: xã hội ta cứ ì ạch dậm chân như ngày hôm qua mãi thì có gì lạ!

Trong những cuộc họp nơi công sở, người Tây thay thẳng thắn chỉ trích cá nhân nhau để cho công việc được trôi chảy hơn trong tương lai. Nhưng bước ra khỏi buổi họp là xong, không mấy ai thù ghét ai đến né tránh; vẫn chào hỏi bình thường khi ra về khá nhẹ nhàng… Ở building co-op tôi ở, cứ vài tháng người ta họp một lần để kiểm lại hộ phòng nào hay bỏ rác không đúng thùng, hộ nào hay quên bỏ đồ đạt trước ban-công làm mất mỹ thuật chung…
Người ta chỉ trích nhắc nhở nhau mà không ai thấy nổi nóng lên tự ái. Có một bà già trong building hay đi quanh dọn dẹp lá khô, cào tuyết đường đi khi thấy cần cấp bách mà building chưa kịp làm, nhưng tôi chưa bao giờ thấy bà bực bội hay kể công với ai, thấy cũng tội. Người Tây là thế, họ làm vì họ muốn làm, vì thấy nên làm chớ không chờ nghe khen, họ có tinh thần tự nguyện khá cao cho quyền lợi chung.

Người Việt mình gặp nhau hay hỏi chuyện riêng của nhau. Nó tạo một nhịp cầu thân mật nhanh hơn; nhưng cũng lắm khi - rất lắm khi - ghét nhau nhanh hơn. Quen nhau mau, biết nhau nhiều hơn, và từ đó, những thứ đánh giá xấu tốt, khen chê nhau càng mọc lên nhiều hơn, mọc nhiều đến người ta không còn thể phân biệt chuyện gì là riêng nữa để kiêng cữ đề cập tới. Người “nhiều chuyện” thường không còn có khả năng biết rằng mình nhiều chuyện; mỗi người hay dễ tin rằng mình sống “đạo đức” nên hay có tật khuyên răn người khác nên biết ăn biết ở ra sao cho tốt hơn... Ông hay Bà “Tám” được sinh sôi nẩy nở; và hình như ai cũng “tám” không nhiều thì ít. Nhưng đa số đều… không ít!

Người Tây hay thích riêng tư, nhưng tôi không nghĩ họ thích xa lánh con người. Không phải ngày xưa họ đã dang tay đón nhận hàng trăm ngàn dân tỵ nạn nghèo đói xơ xác đó sao! Ấy chắc phải là một thứ riêng rất tư tế nhị, có ai muốn cả đời cô đơn để được riêng tư mãi! Riêng tư với họ không phải là một mục đích sống gì, nó thường là những thứ trạm nho nhỏ dừng chân ngơi nghỉ. Ai cũng hay vượt riêng tư để đi tìm những mối quan hệ tốt, ai cũng muốn có tình yêu, muốn được bè bạn thân hơn với mình. Phải chăng hạnh phúc lớn nhất của đời người là được sống cùng với những người mình yêu thích. Trong văn hóa nào cũng thế, cũng có muôn bài ca tình yêu xáo trộn đời nhau, cũng có bao nhiêu nỗi nhớ nhung, bao nhiêu thứ thèm gần gũi…

Hỏi chuyện cá nhân thường là một thói quen không mấy lịch sự. Dù có khi người ta không muốn trả lời cho mình nhưng lại sẵn sàng trả lời cho người nào họ thích; hoặc bây giờ không thích nhưng mai lại thích. Có cái gì là riêng tư tuyệt đối, lắm khi chỉ là cái cớ khi ai đó không thích trả lời cho một người nào đó. Một anh Tây đứng bán xăng rất vui chớ có buồn bực gì khi có vị khách nào đó đứng lại hỏi han đời sống riêng của anh, hỏi gì cũng làm anh thấy vui, và anh sẽ chờ vị khách trở lại để cười thân thiện hơn tuần trước…

Nói chung, tôi thấy Tây văn minh hơn về phong cách đường phố, về sự bao dung, về va chạm cá nhân, chớ không phải họ là những con người lạnh lẽo như chúng ta hay hiểu sai…

Với mấy triệu người Việt trên thế giới, có nhiều cơ hội được hỏi văn hóa của Tây phương mà có ngày nhập về nước xài, chắc sẽ là một may mắn lớn cho xã hội Việt.
Đoàn Khuê