PDA

View Full Version : Ông Trọng “Pác”



hongnguyen
04-28-2015, 04:35 PM
CHUYỆN ÔNG TRỌNG
Tác giả: VƯƠNG VĂN QUANG - Sài Gòn

Xóm tôi là một liên kết các con ngõ nhỏ, chằng chéo xiện xẹo, đan vào nhau như mạng nhện. Xóm tôi có nhiều chuyện vui. Nằm về cuối xóm, là dãy chuồng xí (toilet) công cộng, gồm ba buồng. Toàn bộ cư dân xóm tôi dùng chung ba buồng chuồng xí này. Ở cánh cửa buồng chính giữa, ai đó viết lên một câu lục bát:

“Cơm thơm độn rặt là ngô
Ăn rồi lại ỉa một lô cứt vàng”

Xã hội bao cấp, thực đơn trăm nhà như một, bởi vậy, thứ thải ra cũng giống hệt nhau. Thời kì này cứt cũng mặc đồng phục. Khi đó, tôi không hề biết là cứt cũng có nhiều mầu. Với tôi (cũng như hầu hết mọi người) cứt là mầu vàng. Nhưng chớ có tưởng bở, rằng cứt “monotone”, rằng thực phẩm đạm bạc thì muì cứt sẽ hiền hoà. Con người với tất cả tính năng ưu việt của nó, dù ăn gì cũng cho ra sản phẩm có chất lượng vô cùng hung hãn.

Gắn liền với dãy chuồng xí này là một ông già hình dung cổ quái, mắt chột lưng gù, râu ria xồm xoàm. Tên ông là Trọng. Bọn trẻ con chúng tôi gọi ông là “ông Trọng pác”. Chả hiểu sao ông lại có cái tên như thế. Nhà ông Trọng-gọi là nhà cho oai, thực chất nó chỉ là một túp lều đối diện nhà tôi, hơi chếch về bên trái.

Ông Trọng biết rất nhiều nghề. Trong xóm, ai thuê làm gì ông cũng làm. Dọi lại mái nhà, sữa cái chân ghế, gánh nước v.v. Nhưng thu nhập chính của ông Trọng là quét dọn dãy chuồng xí đó. Một ngày dọn hai lần, sáng-chiều. Một tháng, mỗi hộ gia đình phải trả ông một hào (*).

Ông Trọng nghèo lắm, nghèo hơn nhiều mức nghèo chung khi đó. Ông sống độc thân, không vợ con, họ hàng. Ông nuôi một con chó và không đặt tên cho nó. Tôi thấy ông gọi nó là “con”, xưng “bố”. Bọn trẻ chúng tôi rất sợ con chó này, nó beó như một con lợn, đã thế còn trụi lông vì ghẻ. Không những chỉ sợ con chó, chả hiểu vì lí do gì chúng tôi còn rất sợ ông Trọng. Đứa nào khóc nhè hay nhõng nheõ lười ăn, bố mẹ chúng chỉ việc mang ông Trọng ra doạ. Lập tức, đứa nào đang khóc liền nín bặt, đứa nào nún cơm thì nuốt vội nuốt vàng.

Việc ngày hai lần dọn ba buồng chuồng xì, nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực chất không như vậy. Dân xóm tôi có thói quen là không chịu đi trúng mục tiêu, họ cứ thích tương bừa ra bên ngoài. Nó luôn luôn bẩn. Vào ngồi chừng năm phút (nhất là mùa hè), đi ra, muì cứt ám vào người. Bởi vậy, mỗi lần dọn là một lần khổ ải cho ông Trọng. Nhưng không mấy khi ông phàn nàn về điều đó. Điều ông Trọng hay phàn nàn (với bố tôi) là, ông không dễ gì thu được cái món tiền công ít ỏi. Đi lấy tiền công lao động mà cứ như đi xin. Mà không phải cứ khúm núm xin xỏ là xong, có gia đình không đánh giá cao sự khúm núm, nên họ kiên quyết không trả. Ông Trọng có điên tiết lên chửi thì họ chửi trả, còn tiền thì đừng hòng, dứt khoát họ không đưa.

Thông thường, ông Trọng chỉ thu được hai phần ba số tiền mà lẽ ra ông phải có. Tức nước ắt vỡ bờ, có một lần ông Trọng đình công. Ông đình công được chừng hai hôm thì cả xóm nhốn nháo. Cứt đã ngập lên, không còn chỗ mà đặt chân. Có người đã phải đi vào túi ni-lon (nên nhớ đây là một sự xa xỉ, bởi thời đó, tuí ni-lon rất hiếm, có thể bán hay dùng vào nhiều việc khác), rồi ban đêm lén lút quẳng ra đường cái. Đến ngày thứ ba thì có mấy nhà thương thuyết (những chủ gia đình tương đối sòng phẳng với ông Trọng) xuất hiện, họ thuyết phục ông Trọng đi làm.

Nhưng vô ích.
Tình hình tưởng như bế tắc thì sang ngày thứ tư, ông Trọng đi làm lại. Sở dĩ ông Trọng đi làm vì bố tôi thuyết phục được ông. Vốn dĩ ông Trọng rất nể bố tôi, vì bố tôi là một nhà thơ, hơn nữa bố tôi rất sòng phẳng và hào phóng.

Sau cái buổi sáng ông Trọng đi làm lại, ở ngoài khu chuồng xí, mọi người tụ tập đông đủ như trẩy hội, cười nói râm ran. Họ xếp hàng rồng rắn, rất thứ tự (có người nhịn đủ ba hôm, vì họ không dám chơi sang đi vào bịch ni-lon). Ai đến trước, ỉa trước. Ai đến sau, ỉa sau. Hình như con người khi vui vẻ thì có xu hướng trở nên lịch lãm. Để giúp ông Trọng bớt cực nhọc, bố tôi viết lên cánh cửa buồng chuồng xí một câu lục bát khá hay, bằng sơn đỏ:

“Ỉa sao đúng lỗ mới tài
ỉa chệch ra ngoài kĩ thuật còn non”

Ngay ngày hôm sau, xuất hiện bên dưới câu lục bát của bố tôi là một câu lục bát hoạ lại, hay không kém, bằng phấn học sinh:

“Còn non thì mặc còn non
Đi trật vài hòn thì đã làm sao?”.

Đúng là khí độ của một dân tộc có truyền thống thi ca.
*
Mấy năm sau cái vụ đình công thì ông Trọng chết. Ông chết trong nhà bốn hôm người ta mới phát hiện ra. Ba hôm ông Trọng không đi làm, khu chuồng xí lại ngập ngụa, tình hình bi đát không kém vụ ông đình công. Mọi người cứ tưởng ông Trọng lại giận dỗi gì, họ cử mấy nhà thuơng thuyết vào tìm ông Trọng lại để điều đình, lúc đó họ mới phát hiện ông Trọng đã chết. Cũng may, nếu cư dân xóm tôi không có thói quen ỉa bậy, nếu như cái chuồng xí công cộng kia không ngập ngụa lên, không bốc muì khắp xóm, thì có lẽ còn lâu mọi người mới phát hiện ra ông Trọng đã chết . Vì cái xác ông không bốc mùi.

Trong nhà ông Trọng không có gì đáng giá ngoài một cuốn sổ tiết kiệm, số tiền trong đó đủ để sửa cho ông cái lễ hậu sự tử tế. Con chó trụi lông và beó như lợn của ông Trọng được cắt tiết để đám phu đòn và một số chức sắc trong xóm đánh chén một bữa linh đình.

***

Đất nước thống nhất 30 năm. Đất nước tiến hành công cuộc đổi mới cơ cấu kinh tế gần hai mươi năm. Cuộc sống thay da đổi thịt từng ngày. Xóm tôi cũng vậy, thay đổi về cơ bản. Không còn một mái nhà lá. Nhà nào thấp nhất cũng ba tầng bê-tông. Tất nhiên, nhà nào cũng có toilet riêng. Cái dãy chuồng xí ba buồng năm xưa không có lí do tồn tại. Nó đã hoàn thành sứ mạng lịch sử.

Trên khu đất đó, giờ đây mọc lên một toà nhà khang trang, công năng của nó là trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Phường. Giờ đây, mỗi khi có việc tới ủy ban phường, tôi luôn bồi hồi nhớ về dãy chuồng xí năm xưa, cả cái mùi hung hãn thân thương, lẫn nhân vật gắn liền với nó – ông Trọng “pác”