PDA

View Full Version : THEO TRAI (Đoàn Khuê)



hongnguyen
05-17-2015, 11:23 PM

Mới ngoài 60 mà người ta dễ tưởng Già già lắm. Thế giới của Già giờ đây bị thu gọn vào những trang sách lặng câm và những tiệc nhậu thâu đêm. Phải nhìn trên bàn có chai rượu đầy, chai rượu vơi, thì đấy mới là những lúc người ta thấy Già sống dậy, Già hào hứng, Già sôi nổi nhất.

Phải công nhận, Già có cái oai của một ông đao phủ trong ánh mắt của những tên tử tội. Sự có mặt của Già bao giờ cũng làm sáng lên bất kỳ bàn nhậu nào. Tuy không mấy ai thật sự kính trọng nhân cách ồn ào cao hứng bất tử của Già, nhưng hình như ai cũng phải ngán Già hết. Mỗi người ngán một kiểu.

Già thông minh, Già nhớ dai cực kỳ, Già say mê đọc sách. Sách là hơi thở, là sĩ diện, là đời sống của Già. Hết sách Việt tới sách Anh, sách Pháp, Già đọc tuốt. Nghe nói giờ Già còn đang mò mẫm đọc cả sách Tàu và sách Tây Ban Nha. Ai xui xẻo không biết Già đang ngồi đó mà dám bàn luận chuyện văn chương, chuyện chính trị một cách tà tà tự tại là người đó tới số! Giọng Hà Nội sang cả của Già mỗi khi giương, nó khí phách còn hơn một Bao Công uy nghi tra hỏi phạm nhân làm ai có ngầu cách mấy nghe cũng ớn.

Mỗi đêm trên bàn nhậu, Già chửi hết không biết bao nhiêu là người. Ghét ai, Già kêu ra cả tên lẫn họ mà mắng như mắng cháu, có khi Già lôi cả chuyện lôi thôi của gia đình, của con cái người ta ra mà… góp ý nốt. Già ghét những ai ít tỏ ra kính phục Già, những ai cứ tưởng mình đã là nhà văn lớn, Già ghét luôn cả những ai nhờ văn chương mà ăn nên làm ra. Còn thích ai thì Già xuống giọng bao dung, hay mở miệng khen lơn người ấy, nhất là những ai ra mặt kiêng nể hay cung kính Già, hoặc ít nhất cũng lâu lâu biết ghé qua nhà Già với chút quà lễ nghĩa. Cái yếu của Già cũng chính là cái dễ bị “mua chuộc” này làm nhiều lúc em út không kịp hiểu sao bỗng dưng Già “nhẹ tay” cho tay này hay tay nọ!
Nhiều lúc, Già thấy rõ thế giới quanh mình chỉ đầy dối trá, tự tôn mà chán. Già nhìn ra biết bao nhiêu khuôn mặt chỉ hom hem chút văn vẻ đã tưởng mình quan trọng.

Chắc khó ai có thể tưởng tượng ra rằng Già cũng có vợ con đề huề như người ta: một chị vợ dễ thương và hai đứa con giống mẹ, trái ngược hẳn Già. Có lẽ chúng là tất cả sức sống còn, sức chịu đựng và là niềm an ủi lớn đã giúp cho chị vợ Già còn mãi đó đến bây giờ. Muốn hiểu Già mà không tìm hiểu về tâm tư, về cuộc đời thầm kín của chị vợ Già là một thiếu sót cực kỳ lớn.

Sang Canada từ năm 85 cùng với Già, hồi mới ngoài 25, chị lầm lũi đi đi về về với cái bệnh viện này ròng đã gần 30 năm. Chị có chân trong nhóm người Á Đông lo việc lau chùi. Chị coi cái bệnh viện nhỏ này như ngôi nhà thứ hai của chị. Hai đứa, thằng con trai đang là X-ray technician, cô con gái nhỏ hơn đang làm y tá. Ba mẹ con thường gặp nhau ăn trưa vui vẻ. Tụi nó rất thương chị, hay quây quanh chị. Chắc cũng nhờ chị làm việc tốt nên tụi nó mới được bệnh viện này ưu ái nhận ngay sau khi ra trường.

Quanh năm chỗ làm có dịp vui gì như tiệc Christmas, tiệc chia tay nghỉ hưu hay tiệc Sinh nhật, người ta cũng chỉ thấy mình chị lủi thủi tới, lủi thủi về. Có người chưa biết, gặn hỏi sao chồng chị không bao giờ có mặt. Chị hay tìm cách giả lả rồi nói lơ qua chuyện khác, và không quên câu “anh đang... bận”. Chữ Bận của chị nghe nho nhỏ, ngăn ngắn tủi thân lắm. Nhìn chị im im bẽn lẽn như muốn bước đi chỗ khác, người ta cũng chợt hiểu ra lờ mờ điều gì đó mà buông tha chị. Hình ảnh ba mẹ con chị trong bệnh viện này tuy không phải cao sang gì nhưng nó là ước mơ thành công, là hạnh phúc trong mắt của biết bao nhiêu người đàn bà khác trong nhóm lau chùi cực nhọc.

Thiệt ra ngày xưa Già cũng ngon lành lắm khi quen chị. Chị là một trong những cô sinh viên tươi tắn của trường đại học Văn Khoa. Bữa kia, có vị giáo sư lạ trẻ măng đến dạy thế vài hôm, ấy là Già. Già khi ấy oai phong, ăn nói hùng hồn, văn vẻ trí thức lắm, theo lời chị kể. Hai người yêu nhau nhanh, chỉ năm sau thành chồng thành vợ. Rồi vượt biển, rồi hai đứa con lần lượt ra đời...

Nhưng nơi xứ người, Già như con cá bị bứng ra khỏi chậu nước, ngày chỉ càng trở nên lạc loài hơn cho số phận. Già không chịu nổi cái cảnh đi làm sáng dậy sớm, chiều thất thểu leo xe bus về, cái kiểu gò bó giờ giấc như một thứ công thức sống còn. Mới đầu Già cũng vô hãng xưởng làm mấy năm, sau Già nghỉ hẳn. Cũng nhờ lương chị trong bệnh viện đủ trang trải cho cả nhà trước khi hai đứa nhỏ có việc. Rồi Già rơi càng sâu vào cái thế giới bị lãng quên… Già đọc sách, Già họp bạn cuối tuần tìm nụ cười. Già ngày càng trở nên gắt gỏng, xa vắng với chị.

Nhớ những bữa tiệc nhậu cuối tuần mà Già hay kêu chị chuẩn bị nấu nướng - lúc nào cũng có đủ cả cái đám em út hà rầm kia ùn ùn mang rượu bia tới. Thường, chị phải chuẩn bị đi chợ, nấu ăn cả ngày thứ Bảy, có khi luôn sáng Chúa nhật nữa. Căn nhà nhỏ 3 phòng mướn lụp xụp của chị mấy bữa có tiệc nhậu đến mờ sáng, tang hoang be bét: đứa say, đứa ngủ, đứa quờ quạng ói mửa, khói thuốc lá ngập trời. Chị hay phải hối hả dọn dẹp một mình thì vừa kịp trước khi mấy đứa con thức dậy. Nhiều lần tụi nó đòi giúp chị, chị bảo đừng, có khi như muốn van lơn con. Chị sợ làm phiền con, sợ con bị lây cái thứ cảm giác chán chường của đời chị.

Miễn quanh năm chị cứ im im thì Già cũng im chẳng nói gì, còn nếu chị mở miệng là có chuyện lớn. Như bữa sau khi Già nói đám bạn Già sắp qua chơi và cần chị nấu cho vài món nhậu. Lúc ấy là 4 giờ chiều, mà 6 giờ chị phải tới chỗ làm ăn tiệc. Sùng quá, chị bảo Già sao không kiếm nhà đứa nào khác mà nhậu tối nay đi, chị bận lắm không lo nấu nướng gì nữa cả. Già không nói không rằng, khoác áo bỏ nhà đi mấy ngày. Bữa Già về trông như cái mền rách vì mấy đêm tiệc tùng “mất ngủ”…

Gặp mặt chị, Già không nói một tiếng. Ngại cảnh chiến tranh lạnh, chị loay hoay trở vô ở trong phòng nằm luôn. Một hồi. Già đẩy cửa bước vào, mặt Già sầm xuống như du đãng chợ Cầu Muối đang đanh mặt với con nợ lì lợm nhất, giọng Hà Nội ra oai: “Này! ...vừa vừa thôi đấy! ... Tôi không thích cái thái độ hàm hồ, hỗn xược của bà như thế đâu! ... Liệu hồn với tôi đấy! ...” Già đập rầm cửa như tiếng tát ngàn cân vô mặt chị! ... Trong muôn thứ tiếng lòng ngổn ngang tủi phận, người vợ lam lũ cũng còn nghe được chút ân hận nổi lên. Chị nghe như chị đã biết đầu hàng cho số phận. Và từ nay, chị tự hứa sẽ không dại gì mà dám nói lại gì với Già nữa, dù chỉ một câu. Hình như ba mươi năm nhẫn nhục đã đủ sức giết chết đi hết mọi sức phản kháng ở chị rồi.

Trong mắt Già, chị biết, chị là cái bếp thấp hèn, chị là cái công việc nhỏ bé ngày ngày nơi cái bệnh viện nhàm chán đó. Chị cũng hiểu Già mang một thứ tự ái buồn bực vì phải sống nhờ vào đồng tiền của chị. Có lúc nhìn Già chị cũng thấy tội tội so với những ngày nào khi Già còn là một vị giáo sư huy hoàng trên bục giảng đường đại học... Chính những thứ cảm thông tội nghiệp ấy đang ngày càng vùi sâu hơn đời chị.

Quanh năm vợ chồng mà có mấy lần chị dám nhìn thẳng mặt Già. Và cũng đã hơn hai chục năm nay, chuyện phòng the của chị lúc nào cũng đồ tới, đồ lui một bản nhạc nhờn nhợt, khổ nhục, cũ kỹ. Cứ lâu lâu, bữa nào quá chén mà nổi hứng bất tử là Già lựng khựng xông vào phòng chị lúc nửa đêm. Già thường trong bóng tối ngồi xuống bên giường giây lát như muốn lấy tinh thần mà chịu nhục vì phải thố lộ chút nhu cầu “nhỏ mọn”. Mùi rượu thịt từ miệng mũi, từ quần áo Già bao giờ cũng vây bủa dày đặc, ngột ngạt bóng khuya...

Bao giờ cũng thế, tuồng bắt đầu bằng cái bàn tay to ngón của Già sờ soạng kiếm ngực chị. Rồi giây lát chắc định thần đã moi ra mục tiêu, bàn tay thô thiển lành lạnh ấy lại lần ra ngay hàng nút áo vô tội. Cái mặt đờ đẫn rượu của gìa úp xuống hồng hộc… Rồi bàn tay kia nãy giờ bị quên lãng, nó giựt mình, giờ chạy tuột xuống một hơi kéo theo cái quần ngủ lưng thun của chị… Chị trần truồng thảm hại như một xác chết còn dính chiếc áo cánh nằm thin thít bất động nghiêng đầu qua một bên như vẫn còn chút sức tàn mà cố né tránh... phút cao điểm phải tới. Già lên hẳn giường. Già bỏ chân qua. Già leo lên trùm ụp xuống thân thể chị. Già hít thở đứt khoãng khó khăn như con thú bị trúng tên còn ráng chạy sắp đứt hơi...

Xong việc, Già vơ cái quần rút êm như chợt biết hối tiếc chuyện vừa rồi! để lại mình chị cả một chiến trận hoang tàn xác xơ trong bóng đêm trình trịch. Cái cảm giác có chút gì nhuốc nhơ trong chiếc áo, trong chiếc mền, trên cái giường sao cứ bám lấy tâm trí người đàn bà. Có khi tủi thân chị bật khóc... Chị thường không dám bước ra sợ lỡ gặp phải khuôn mặt khó hiểu hay xấu hổ gì đó của Già…

Rồi ngày kia, lựa lúc chị đang bận nấu cơm cho không gian bớt căng thẳng, Già bước vào bếp phán một câu rất lịch sự: “Tôi... muốn về Việt Nam sống luôn với mấy người bạn, nay báo cho bà biết để bà lo liệu chuyện bên này mà sống với hai đứa nó. Tôi đã nói với chúng cả rồi...”

Chị quay qua Già, bốn mắt nhìn nhau im lặng một hồi như cùng nhận ra một thứ sự thật mà đã bị ngâm quá lâu, cái sự thật ngày mạnh ai nấy đi này rốt cuộc cũng đã tới! Giọng chị nhỏ nhẹ hơn lửa đang phừng cháy trong lòng: “Sao ông không đợi ký xong giấy tờ ly dị rồi hãy đi cho nó tiện?” Câu nói của chị đã tán vô mặt Già một cú ngoạn mục mà cả đời Già chưa từng có thể tưởng tượng ra nổi! Tai Già như ù hẳn. Mắt Già mở lớn. Già vừa mới bị ai giựt ngược tóc lại. Già chết đứng nghe trong lòng bao nhiêu thứ tự ái trỗi lên…

“Bà nói sao? Bà muốn ly dị ngay à. Bà...ra lệnh cho tôi ấy à?...”

“Tôi đi ngay bây giờ, tôi dọn sang nhà bà bạn tôi ở. Cơm nước thì đấy, ông tự lo tiếp mà ăn đi!”

Nói xong, chị bỏ đi thẳng vô phòng. Chừng 10 phút sau, chị xồng xộc mang chiếc va-ly thẳng ra cửa. Cánh cửa kẽo kẹt bị giựt mạnh nghe rung cả tâm can, rung cả cái thế giới trước mắt Già. Già choáng váng xoay người tìm liền cái ghế sofa. Già ngồi phịch xuống thở phừng phừng, mắt trợn to như... heo đang bị thọc huyết!

Mấy tuần sau…

Một buổi chiều, tại phi trường. Có dáng một gã đàn ông mặc đồ lớn, râu ria trắng toát đang nói cười hóm hỉnh cùng vài ba ông bạn đang đứng phì phào khói thuốc trước cổng chờ sắp hàng lên phi cơ về nước...

Cùng lúc, ngoài công viên High Park, giữa mùa hoa Anh Đào nở, có bóng dáng người đàn bà lạ. Tay đang vói lên vịn cành hoa phơn phớt trắng, có ửng chút nắng hồng, thứ nắng chiều chói chan dễ làm cho lòng người ta râm ran hạnh phúc. Có người đàn ông tay đưa máy ảnh lên ngắm ngắm nhìn nhìn người đàn bà mà chốc chốc họ cùng nhau cười nghiêng ngửa như đã cùng chụp được những bô vừa ý nhất...
Sao đôi mắt người đàn bà cứ ánh lên một vẻ cương quyết lạnh toát xa xôi... Người đàn bà cười bước tới nắm lấy tay người đàn ông đang cầm máy ảnh, họ tựa đầu vào nhau sánh bước thư thả theo hướng bờ sông ở xa xa...

Người đàn bà ấy là chị vợ của Già. Người đàn ông kia là anh cùng làm chung trong bệnh viện với chị, người đã hết lòng âm thầm yêu thương hoàn cảnh chị mười mấy năm nay nhưng lúc nào chị cũng một lòng từ chối. Cho tới bây giờ.

Một suy nghĩ kinh khủng lúc nào cũng nằm trong đầu chị cả buổi chiều nay: Lỡ có ai bắt gặp mình đang“ngoại tình” trong lúc này thì phải trả lời sao đây với họ? Tự hỏi; rồi chị lại phá lên cười như đã tự trả lời xong! Cười hoang dại, cười như điên một mình làm cho người yêu chị đứng gần cũng thót lên giựt mình. Và rồi anh cũng chỉ biết cười theo chị chứ không hỏi gì khi anh thấy chị chưa muốn nói…

Ai giờ này, tính luôn Già, mà dám nghĩ rằng chị là người đàn bà dâm loàn lén bỏ chồng theo trai thì hãy đứng ra ngay đây! Đứng trước mặt chị mà nói thì…

Chị sẽ cho nó ăn ngay một... cái tát!

Đoàn Khuê