PDA

View Full Version : Gucci đả Grexit



Triển
08-04-2015, 05:16 AM
Dùng Gucci để tránh GREXIT
David Böcking tường trình từ Athen

http://cdn2.spiegel.de/images/image-878229-galleryV9-omjf.jpg
Các cửa hiệu ở Athen: các sản phẩm sang trọng mua đi bán lại

Một cái xách tay Louis-Vuitton màu cà phê sữa để cạnh cửa ra vào có giá bán gần 2 ngàn rưỡi euro. Nhưng nay chỉ còn 589 euro. Để kế bên là một kiểu của Dior, giá mới là 1800, bây giờ cũng chỉ còn bán một phần tư giá cũ. Cô Mandica Iljic dẫn tiếp xuống tầng hầm, tầng này có cả y phục của Oscar de la Renta hoặc là Stella McCartney. Một cái thì được mặc ở đại hội phim ảnh ở Cannes, còn cái kia nữ chủ nhân cũ còn chưa mặc lần nào. Cô Iljic nói, "mấy bộ đồ này họ mang bán hết hà".

Cô chủ tiệm 44 tuổi người Đức gốc Croatia mở tiệm buôn bán hàng "nước nhì" (secondhand) của các hiệu quý phái như Gucci, Prada hoặc là Chanel. Nhiều hàng hóa của cô cũng đượcmua lại từ các chủ nhân người Hy Lạp, những người không còn sức tậu nổi các món hàng xa hoa của quá khứ nữa. Theo yêu cầu cô cũng đến tận nhà để mua lại guốc, giày hay quần áo. Thỉnh thoảng những nữ chủ nhân cung cấp cũng khóc lóc và than vãn sự đời với Iljic. "Nguồn cung cấp nhiều vô hạn", cô kể, "Loại nhà giàu mới như vầy nhiều lắm".

Năm năm dài khủng hoảng đã khiến xã hội Hy Lạp thay đổi như là nền kinh tế của họ. Hàng chục ngàn cửa hiệu phải đóng cửa, trong quý đầu tiên của năm 2015, theo hiệp hội kinh tế ESEE, mỗi ngày có 59 cửa hiệu phải đóng cửa. Tuy nhiên năm ngoái có một ít dấu hiệu thay đổi thì lại đến giai đoạn thay triều đổi vị, chính phủ mới tranh cãi nhiều tháng rầm rì với chủ nợ của Hy Lạp rồi dẫn đến việc tạm đóng cửa ngân hàng.

http://cdn1.spiegel.de/images/image-878218-panoV9free-efyn.jpg
Cô chủ tiệm Iljic : "Tôi mang cảm giác như mình là ngân hàng vậy"

Mandica Iljic có may mắn là kiểu buôn bán của cô hoạt động tốt ngay trong lúc khủng hoảng, bởi vì các nữ chủ nhân các sản phẩm xa xỉ này cố gắng bán lại các thứ mong kiếm được chút đỉnh tiền xoay sở ngân sách gia đình. Bên phía các nữ chủ nhân mới, thì dù trong thời gian khó khăn họ vẫn còn muốn tìm chút lạc thú.
Tuy nhiên chuyện làm ăn buôn bán của Iljic cũng kết thúc theo ngày đầu tiên áp dụng việc kiểm soát ngân lưu. Cửa tiệm gần như không có khách, trong khi đó thì số nữ chủ nhân đưa hàng nhờ bán giùm cứ gọi liên tục hỏi thăm. Họ chỉ muốn lấy tiền mặt thật nhanh do không thể rút tiền trong ngân hàng được nữa. Cô Iljic kể, "Trong mấy ngày đó tôi có cảm giác như mình là ngân hàng vậy".

Cú sốc quá lớn

Hiện nay tình trạng tạm ổn. Ngân hàng đã mở cửa lại, Hy Lạp đã có giao kèo mới với bên chủ nợ, và Iljic lại kinh doanh suôn sẻ - cũng nhờ giá hạ. Tuy nhiên cô bình luận những biến cố xảy ra các tuần vừa qua là "Cú sốc quá lớn".
Sự thỏa hiệp tạm thời trên bình diện chính trị cũng không khiến các nhánh kinh doanh khác thở ra. Giám đốc thương nghiệp của Athen đã viết một bức thư gửi bộ tài chánh, "Nhìn chung thì việc đóng cửa nhà băng chưa hẳn là chấm dứt. Đa số các công ty Hy Lạp chỉ còn đứng cạnh nơi phải đóng cửa chừng nửa bước thôi".

Mặc dù việc kiểm soát ngân lưu đã được nới lỏng, nhưng ngày xưa chuyển ngân 100 ngàn euro ra nước ngoài mới xin giấy phép của hội đồng chính phủ, thì bây giờ chuyển 50 ngàn thôi cũng phải xin phép. Dù vậy tín hiệu đến phía đối tác kinh doanh vẫn vậy: làm ăn với Hy Lạp đồng nghĩa với mạo hiểm bất thường. Vụ ra khỏi khu vực đồng euro, ngắn gọn là GREXIT, vẫn có thể xảy ra.

"Nỗi lo sợ trước vụ GREXIT và việc kiểm soát ngân lưu đã hoàn toàn thay đổi chiều hướng kinh doanh của chúng tôi", Jannis Papagrigorakis cho biết. Ông là giám đốc một văn phòng kỹ sư đã gần như mất hết các hợp đồng làm ăn trong nước vì cơn khủng hoảng kinh tế kéo dài nhiều năm. Các kỹ sư này thích ứng bằng cách chuyển sang kiếm hợp đồng ngoài Hy Lạp.

Chỉ trong vòng ba năm mà sổ thông hành của ông đã đầy các con dấu đóng thị thực nhập cảnh của ba nước Libya, Iraq và Nigeria. Tuy nhiên cho tới nay công ty ông vẫn còn tránh được chuyện phải sa thải, nhưng cũng nhờ tiền lương giờ cho kỹ sư đã thay đổi còn có phân nửa so với thời tiền khủng hoảng. Nhưng rồi sau cùng cũng không kham nổi nữa. Đến tháng 11 năm 2014 các hợp đồng vẫn còn lạc quan, ông Papagrigorakis nói. Còn bây giờ thì họ "đã hết tồn tại".

Địa ngục hành chánh quan liêu

Cũng như ông Papagrigorakis, ở Hy Lạp cứ 3 người là có một người tự kinh doanh kiếm sống. Giới thương nhân phê bình nhà nước Hy Lạp có kiểu hành chánh quan liêu mất hiệu quả, cũng tương tự như bên phía chủ nợ Hy Lạp vậy. Ông Papagrigorakis đứng về phía cải cách. Ông tin rằng có quá nhiều luật lệ trước đây đã kiềm hãm sự phát triển. Cả cô chủ tiệm Iljic cũng thuật lại một cách ấn tượng rằng, tám năm trước đây lúc mở tiệm không biết cô đã phải vượt qua biết bao nhiêu ải giấy tờ: "Tôi đã từng đi qua địa ngục".

Cô Iljic cho biết, dù phải đối diện rất nhiều khó khăn nhưng cô không muốn sống nơi nào khác . Cô trưởng thành ở Munich, nhưng lại được sinh ra bên Nam Tư. Ở đó cô từng nhìn thấy sự thiếu hụt hàng hóa, là điều đã ám ảnh cô sợ hãi nếu Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro: "Tôi còn nhớ rõ mấy cái kệ trống trơn, chỉ có vỏn vẹn một túi bánh ngọt mà thôi". Nếu một ngày nào đó Hy Lạp phải ly khai Euro thì cô mới suy nghĩ lại có phải rời bỏ nơi này hay không. "Lúc đó chắc là đến vụ Grexit của riêng tôi".

-- chú thích
Grexit = Greek exit.


(dịch theo Spiegel Online (http://www.spiegel.de/wirtschaft/soziales/griechenland-grexit-angst-ist-fuer-firmen-nicht-ausgestanden-a-1045901.html))