PDA

View Full Version : Nhớ và quên với nhạc Trịnh



Tuấn Nguyễn
08-28-2015, 09:50 PM
https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xat1/v/t1.0-9/11133751_10205948347765764_2004436347556270169_n.j pg?oh=719a239d98fc11bfc34120d9bd8a8fba&oe=5682982F
(tranh của HS Đinh Cường)

Có hai tình khúc nổi bật của Trịnh Công Sơn đề cập đến vấn đề nhớ và quên: Bài "Tình Nhớ" và "Tưởng rằng đã quên"
Điểm nổi bật trong hai ca khúc này là Trịnh dùng hình ảnh rất sống động để diễn tả những nỗi niềm của ông.
Trong "Tình nhớ": "Tình ngỡ đã quên đi nhưng tình vẫn còn đầy. Người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây. Ôi! áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều ..."
Tôi thích chữ “áo xưa lồng lộng”.
Chữ “áo xưa lồng lộng” làm ta thấy được, nghe được. kể cả cảm giác được (vẻ mềm mại của vạt áo) …
Ngôn ngữ của TCS qua câu này cho ta hình dung một cách sống động thế giới trước mắt ta: Người xưa, hai tay níu chặt vạt áo để khỏi bay vì gió đang lồng lộng và tà áo xưa hẳn phồng căng vì gió.
Đâu người xưa một chiều nào ta mê đắm. Hai tay níu chặt vạt áo vì gió đang lồng lộng. Có thể nàng đang đi bộ qua cầu Trường Tiền hay trên đường Lê Lợi về Đập Đá hoặc một con đường nào đó mà tôi nghĩ là của Huế như Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu. Mai Thúc Loan hay đường trong Thành Nội, ...
Thế nhưng ảnh tượng về nàng: “Áo xưa lồng lộng” đã trôi dạt trời chiều hay trôi dạt vào miền Ký ức xa tắp?, …
Vậy mà chủ thể nhớ lắm, nhớ quay quắt “Ôi! áo xưa lồng lộng” …
thì trong "Tưởng rằng đã quên":
Tưởng rằng đã quên, cuộc tình sẽ yên. Tưởng rằng đã quên, em qua phố rộng.
Hình như với TCS: Quên cũng là một dạng "nhớ". Ông muốn quên lắm chứ nhưng ông bất lực..
Sinh hoạt con người mà cụ thể qua cấu tạo của não bộ, có khả năng lưu trữ được những biến cố, những sự việc xảy ra hàng ngày với ta, ta với những người chung quanh, ta với với xã hội. Tất cả như những cuốn phim, tự động quay và lưu trữ, … để rồi một lúc nào đó ta đối diện với nó, sống cùng với nó bằng ký ức. Cái đó người ta gọi là kỷ niệm.
Ta nhớ, nhớ mãi, hay nhớ một lần rồi thôi quên luôn, nhưng cũng có thể một lúc nào đó ta lại nhớ về nó mồn một, mãnh liệt … có khi gây cho ta những chấn thương về tinh thần hay về thể xác mà biểu hiệu rõ ràng nhất, cụ thể nhất là qua những giấc mơ, ngụy trang dưới những hình thức khác nhau như những chiếc mặt nạ đánh lừa ta.
Có những biến cố, những sự việc, những đối tượng xảy ra với ta, đi qua đời ta, ta đau khổ hay khiến người khác đau khổ, ta cố tìm cách quên đi, muốn quên hay tìm mọi cách để quên đi. Ta ngỡ rằng ta đã quên được, kỷ niệm về một người nào đó đã bị xóa nhòa, ta thảnh thơi, thong dong.
Thế nhưng một sự tình cờ nào đó, một sự xui khiến nào đó tự nhiên ta lại nhớ về nó, nhớ rõ ràng, nhớ cuồng điên …
Bài hát của Trịnh Công Sơn “Tưởng rằng đã quên” nói lên sự thất bại của chủ thể: Muốn quên đi và tưởng rằng đã quên được rồi nhưng chủ thể đã nhầm:
Kỷ niệm trở về hành hạ làm cho chủ thể rơi vào một cảm trạng bi đát:
“Tưởng rằng đã quên. Cuộc tình sẽ yên.
Tưởng rằng đã quên. Nhưng tim yếu mềm
Một ngày thấy em là đời bỗng đêm vây khốn.
Tưởng rằng đã quên. Cuộc tình sẽ yên
Tưởng rằng đã quên Thân đau muốn nằm
Vì từng bước em là từng mũi đinh cuồng điên”.
Trịnh hình dung bước chân của người tình trở về làm cho ông đau nhói . Ông so sánh với những mũi đinh đóng điên cuồng trên da thịt ông!
Không! Không thể được, tất cả lỗi lầm đều bắt nguồn từ chủ thể vì trái tim có tội lưu vong, anh một đời lang bạc, không tạo được nơi em một niềm tin, một sự yên bình.
“Còn gì đâu những đóa hoa hồng
Vì trái tim tội lỗi lưu vong
Còn gì đâu những má xưa nồng
Dù xác thân còn phút ăn năn”.
Chủ thể đã thua cuộc:
“Tưởng rằng đã quên. Cuộc tình sẽ yên
Tưởng rằng đã quên. Em qua phố rộng
Một lời trối trăn. Còn tìm thấy trong đôi mắt.
Tưởng rằng đã quên. Cuộc tình sẽ yên
Tưởng rằng đã quên. Tay em vẫn còn
Dựng đời bão lên. Làm từng vết thương hồn nhiên...
Còn lại đây những sớm mai buồn
Vì phố xưa cỏ lá mong manh
Còn lại đây những bến hoang tàn
Vì xác thân đã quá lênh đênh”.

Hởi em yêu dấu! Ngày đã hoang tàn, bóng đêm đã vây phủ, anh một mình ngồi đây, với kỷ niệm.