PDA

View Full Version : Cúng cô hồn



Tuấn Nguyễn
09-02-2015, 10:13 PM
Người ta vẫn thường nói và cho mãi đến tận bây giờ, Huế là một thành phố của cúng bái. Điều này thật không ngoa. Quan sát những nhà hàng xóm chung quanh, hầu hết nhà nào cũng cúng, và cúng. Mỗi lần cúng, không phải cúng trong nhà thôi mà còn bày mâm cúng ra ngoài Trời.
Tôi hỏi cha tôi:
- Những mâm cúng ngoài sân là cúng cho ai? Cho lễ chi rứa?
- Đó là mâm cúng cô hồn.
- Cúng cô hồn là răng?
Cha tôi giải thích:
- Là cúng cho những vong hồn không nhà cửa lang thang vô định, những vong hồn bị chết bất đắc ký tử như chết trôi, chết bị xe cán, chêt trận mạc, …
Các mâm cúng cô hồn thường là cúng vào ngày 30, 14 âm lịch. Ngoài ra các lần cúng khác như cúng cho vong linh những người chết năm Kinh thành Huế thất thủ 23 tháng 5, rồi bây giờ có người cúng cho vong linh những người chết năm Mậu Thân, 1968. Tiếp đến cúng sao, cúng đất, đều có cúng cô hồn. Thời điểm để cúng, cha tôi nói là lúc chạng vạng tối hoặc cúng về đêm.
Nhớ lại, tôi thấy ngày ấy người ta cúng cô hồn nhưng mâm cúng của họ đơn giản, cốt là đủ lễ chứ không bày ra đủ thứ chuyện như bây giờ.
Cha tôi cũng có cúng ngoài trời nhưng chỉ cúng đêm Giao Thừa, cúng 23 tháng 5, cúng đất. Còn ngày 30, 14 cha tôi không cúng ngoài trời, chỉ cúng trên bàn thờ Phật vào mồng một, rằm.
Mục đích của cúng phải chăng là cầu xin người ở cõi âm phò trợ giúp cho người trên dương thế tai qua nạn khỏi hoặc cầu xin một việc nào đó, mong sao thành công, hay bị bệnh, cầu xin chóng lành, ....
Như vậy cúng là có vụ lợi chứ không phải cúng là để tưởng nhớ người đã khuất.
Cha tôi nói: Cúng nhiều chỉ chuốc thêm bệnh. Ma bắt ta bệnh để ta cúng cho ma hưởng. Do đó càng cúng càng bệnh. Đó chỉ là một lập luận mang tính đùa bởn của cha nhưng thực tế trong đời thường tôi thấy rõ một điều cha tôi không cúng lung tung và không tin vào những điều nhảm nhí.
Sau năm 1975, hiện tượng “cúng cô hồn” rất phổ biến không những ở Huế mà mọi nơi, khắp cả nước. Bây giờ khi cúng người ta đốt đồ mã quá nhiều, rồi phà hột nổ, những cái bánh in nhỏ tí, xanh vàng đỏ trắng, cháo thánh, …ôi thôi! Vung vãi quăng đầy đường đầy ngõ làm cho môi trường bị ô nhiễm, ruồi nhặng, chuột, tha hồ quậy phá, lại thêm mùi giấy nồng nặc khó chịu vô cùng.
Khoa học càng phát triển thì niềm tin vào các đấng thần linh, các thế lực siêu nhiên sẽ giảm lần. Thế nhưng, xã hội VN ngày nay, cụ thể là sau 1975, chúng ta đang chứng kiến cao trào của mê tín dị đoan. Các hiện tượng cúng bái, cúng thần linh, “cúng cô hồn”, bộc phát mạnh, không những ở thế hệ những người lớn tuổi, người già mà ngay cả tầng lớp trẻ, những thanh niên, mới ra đời, có nhà riêng, có tổ ấm riêng cũng cúng. Lẽ cố nhiên quyền tín ngưỡng là quyền tự do của con người. Con người có quyền tin hay không tin một tôn giáo nào, sự cúng bái, tổ chức những buổi lễ mà họ muốn dâng lên thần thánh, là quyền của họ, không ai có quyền can thiệp. Nhưng điều quan trọng là họ không nên xâm phạm quyền của người khác, nói rõ là làm ảnh hưởng đến người khác.
Điều lạ lùng là đối tượng cúng như trên nhiều nhất vẫn là cán bộ, gia đình cán bộ, những đảng viên đảng CS, những người một thời từng hô hào triệt để chống mê tín dị đoan. Đã một thời kỳ có phong trào đập phá am miếu. Tội nghiệp những công trình văn hóa xưa để lại bị đập phá hết trơn, suýt chút là họ triệt phá luôn “Đàn Nam Giao”....
Để rồi đã trên ba thập niên sau, nghề làm đồ mã bỗng chốc phát triển mạnh như cơn bão. Nhà nhà khi cúng đều đốt đồ giấy. Người người khi cúng đều cầu phúc cầu lộc: Mong sao chóng giàu kếch sù, tuổi thọ vượt trên 100 tuổi. Người ta đặt làm đồ giấy: biệt thự, xe hơi xịn, có luôn bằng lái để đốt cho người âm, bất kể giá tiền tốn lên hàng chục triệu đồng. Đại diện cho tầng lớp này là ai? Những cán bộ cấp cao, những đảng viên CS. Một thời họ hô hào, tôn giáo là liều thuốc phiện mê hoặc, ru ngủ con người.
Cụm từ “cúng cô hồn” nếu tôi nhớ không nhầm thì đã một thời nó trở thành ngôn ngữ thông dụng. Ngoài ý nghĩa chính là cúng cho những vong linh lang thang không nơi nương tựa như cha tôi giải thích, nó còn được dùng cho một ý nghĩa khác, ấy là sự tốn tiền, tốn vật chất, tốn công cho một việc gì đó rất lãng phí mà người tốn cảm thấy mình thật là tức tối.
Ví dụ: đi xe vượt đèn đỏ, anh X phải dúi cho người CS Giao thông 200. 000 đồng để khỏi phiền phức. Về nhà anh báo lại với vợ: Anh vừa “cúng cô hồn” cho thằng cha công an 200.000 đồng!. Một ví dụ khác: anh B có con tốt nghiệp đại học, xin việc hoài không được. Cuối cùng anh phải chạy chọt tốn mất 100.000.000 đồng mới được . Anh nói: Phải “cúng cô hồn” mới có việc làm. Hiện tượng này gọi là hối lộ
“Cúng cô hồn” cũng còn mang ý nghĩa làm một việc gì đó tốn tiền, tốn sức mà thất bại. Ví dụ Anh Tư thức đêm đánh bạc thua tiền liểng xiểng. Vợ anh nói: Lại đem tiền đi cúng cô hồn rồi!
Nói tóm lại "Cúng cô hồn" ở đây là cúng cho người sống
Như vậy thì, “cúng cô hồn” có hai loại: "Cúng cô hồn" cho người chết và "Cúng cô hồn" cho người sống. Cả hai hiện tượng này hiên nay xảy ra quá nhiều, quá phổ biến.
Và khi đã quá nhiều, quá phổ biến thì nó trở thành một chuyện "bình thường", có nghĩa là ai cũng chấp nhận nó và người không chấp nhận là người "không bình thường"?
Phải vậy không bạn?

Triển
09-05-2015, 08:51 PM
Trời ơi, đảng cộng sản Vịệt Nam đã luyện âm binh từ khuya rồi. Bằng chứng là chiếc xe tăng giấy này đây, hàng mã kích thước bự á! :)))))

http://img.v3.news.zdn.vn/w660/Uploaded/Jac_Huo/2015_04_26/anh1_zing_1.jpg