PDA

View Full Version : BS Trần Lữ Y và giai thoại tiểu đường



thuykhanh
10-18-2015, 06:39 AM
BS Trần Lữ Y và giai thoại tiểu đừơng


Lời toà soạn:

BS Trần Lữ-Y là một bậc đàn anh dễ thương, một người Thầy đáng kính, đã vĩnh viễn ra đi, để lại bao thương tiếc trong giới y khoa.

Nếp sống bình dị, ngang tàng, lồng trong con người của một vị bác sĩ có kiến thức uyên bác, có lòng thương bệnh nhân bao la, hết lòng tận tụy chỉ dạy cho đàn em, đã đưa ông vào một chổ đứng vĩnh viễn trong lòng của các bác sĩ Việt Nam, thu phục mọi sự kính nể và yêu thương của những người đã một thời là môn đệ của ông.

Xin mời bạn đọc hãy nghe lời tâm sự sau đây của Y-sĩ Thiếu Tá Trần Thanh Nhơn, một người học trò của ông, hiện đang phục vụ trong Quân Lực Hoàng Gia Úc Đại Lợi.


Mỗi lần nhắc đến chứng-bệnh Tiểu-Đường (Diabetes), là tôi lại nhớ ngay đến vị thầy khả-kính y-khoa lừng-danh ngày nào: BS Trần-Lữ-Y và giai-thoại "đái đường" của ông.

BS Lữ-Y thì chắc ai lại không biết.
Ông đạt tới đỉnh cao danh-vọng khi được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bổ-nhiệm là Tổng-trưởng Y-tế của miền Nam lúc cuộc chiến Nam-Bắc ở vào giai-đoạn khốc-liệt nhất.

Thật ra danh-vị Tổng-trưởng Y-tế chỉ giúp đánh bóng thêm phần nào tiếng-tăm vốn nổi như cồn của vị Thầy đáng kính nầy mà thôi ! Ông vốn là "dân Tây", tên Pháp là Louis.
Nhưng tình-yêu quê-hương đã khiến ông ở lại quê nhà, chấp-nhận cùng chịu những bất-trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho một người dân trong một quốc-gia lửa đạn.
Ông từ bỏ tên Pháp Louis, và đổi lại là Lữ-Y.

Trong giới Y-khoa BS Lữ-Y hầu như được lòng tất-cả mọi người. Bên cạnh tài chữa bệnh lẫy-lừng, ông còn là một vị Thầy đáng kính và cũng là một cấp chỉ-huy được lòng thuộc-cấp.

Lúc còn đi trực cấp-cứu tại bệnh-viện Chợ-Rẫy, tôi được các đàn anh kể lại một giai-thoại về ông như sau :

Đó là một đêm trực khá bận rộn cuối tuần. Bệnh-nhân cấp-cứu chờ được khám nằm la liệt cả phòng chờ đợi.

BS trưởng-phiên và các sinh-viên trực đang đầu tắt mặt tối, thì một quan Năm (trung-tá) áo quần rằn ri, bên hông lủng lẳng cây Colt, hùng hổ xô cửa phòng điều-trị và bắt buộc các bác sĩ trực phải khám ngay cho người nhà của ông ta.

Ông văng tục và hăm dọa các nhân viên tại phòng trực. Nhìn cây súng bên hông vị sĩ-quan, và các cận-vệ của ông, ai nấy đều xanh mặt. Thời buổi chiến-tranh mạng người như cỏ rác. Lỡ ông Trời con nầy làm thiệt thì cũng mệt lắm chớ chẳng chơi ! Tuy nhiên, nếu chiều ông để phải bỏ những người bệnh đến trước, thì cũng ê mặt giới thầy thuốc quá ...

Đang phân-vân lo-lắng, thì Thầy Lữ-Y tình cờ bước vào kiểm soát các bác-sĩ trực. Ông bao giờ cũng mặc một cái áo cụt tay, bỏ ngoài quần, lại mang đôi dép da lẹp bẹp. Nếu chưa gặp và biết ông, không ai nghĩ ông là Thầy của những bác-sĩ và đương kim Tổng-trưởng cả!

Sau khi nghe các bác-sĩ trực tường trình nội vụ, và nhìn thấy thái-độ hung-hãn của vị sĩ-quan, ông túm ngay ngực vị trung-tá và nện một thoi như Trời giáng vào mặt ông quan Năm nầy. Ông trung-tá lồm cồm ngồi dậy, cho tay vào bao súng Colt bên hông. Các cận-vệ của ông cũng phản-ứng tức thì. Tiếng lên đạn súng AR 15 nghe lạnh mình.

BS Lữ-Y nhanh hơn ông trung tá và các cận-vệ của vị nầy nhiều :Ông rút ngay cây Colt trong mình, chĩa ngay đầu vị trung tá rồi lên tiếng :
- ĐM tao là BS Lữ-Y Tổng-trưởng Y-tế đây. Tổng thống Thiệu tao còn đéo ngán, hà huống gì tụi mầy. Thằng nào có ngon thì nhào vô đi .....

(Các đàn anh cho tôi biết : ông vốn là huấn-luyện-viên Thái-Cực-Đạo, và đôi lúc đem theo con "chó lửa" bên mình như hôm ấy).

Có lẽ đã nghe tiếng của Thầy Lữ-Y trước, và nhất là cái chức Tổng-trưởng của ông, nên vị sĩ-quan và đoàn tùy tùng đành ngậm bồ hòn mà về .....

Tôi cũng đã một lần "suýt chết" với ông ...


Năm thứ 4, chúng tôi được phân phối đến bệnh-viện Nguyễn-Văn-Học Gia-Định để được Thầy Lữ-Y dạy về môn Bệnh lý.

Nhà trường, vốn đã biết tánh Thầy, nên dặn-dò chúng-tôi phải đến trước 8 giờ sáng. Cả bọn tập họp trước phòng của ông từ 7 giờ sáng mà mãi đến 8.30 chẳng thấy Thầy ở đâu.

Chờ mãi không được, tôi đành đến hỏi một ông "già" đang ngồi gác chân kiểu dân quê trên chiếc ghế đặt trước phòng Thầy. Thật tình có kê súng vào đầu rồi bảo tôi đó là BS Tổng-trưởng tôi cũng đành phải nói không thôi. Ông có vẻ như một nông-dân nhà quê lên chờ khám-bệnh, lại phảng-phất nét đệ-tử "lưu-linh", làm sao tôi "dám" nghĩ đó là Thầy ???

Chưa kịp nói hết câu "thưa Bác ...", ông đã "xổ nho" vào mặt tôi :
- ĐM tụi mầy đi đâu mà giờ nầy mới tới ? Mới có năm thứ 4 mà như thế nầy thì sau nầy tụi mầy làm cái đéo gì được hả ?

Tôi không tin vào đôi tai của mình nữa.
Cái gì kỳ vậy ta : mình chỉ định hỏi phòng của Thầy Lữ-Y thì cái ông ni nầy chửi đông đổng là cái gì ???
Hay là ông ni nầy "đụng dây điện" ? Dù sao tôi cũng đường đường là một "chuẩn" bác-sĩ, trưởng nhóm sinh-viên, lại là một chuẩn quan Hai Quân Y, chứ bộ "cứt" sao cà ?

Đang chuẩn-bị trả miếng với "ông già quê", thì thời may BS Dương-Minh-Hoàng trưởng phòng đi đến. Như đoán được cái "nóng" của tôi, anh vẫy tay :

- Thôi mấy em tập-họp lên giảng-đường chờ anh chút ...
Và anh quay sang "ông già quê" kính-cẩn :
- Thưa Thầy tại em kẹt cái Lumbar puncture (lấy nước tủy-sống) dưới khu. Xin lỗi Thầy. Để em đưa tụi nó xuống hội-trường chờ Thầy ...

Cha mẹ ơi ! Xém chút nữa là cuộc đời tôi có lẽ đã đổi-hướng ...


Bên cạnh cái ngang tàng và bình dị đó, Thầy Lữ-Y nổi tiếng về tài định và trị bệnh của ông. Muốn khám tại phòng-mạch tư của ông thường phải chờ cả tháng mới tới phiên. Bệnh-nhân tại các vùng xa xôi về khám, thường mang tặng ông cây trái, gà vịt thôi ê-hề.


Cái giai-thoại "Đái đường" của Thầy Lữ-Y nghe kể lại như sau : hôm ấy Thầy Lữ-Y đến khám-bệnh cho một bạn thân tại khu Khánh-Hội bùn lầy nước-đọng. Đây là một bạn "nhậu" rất tâm-đắc nên Thầy phải đến tận nhà chữa trị.

Gia-đình người bạn lăng xăng chờ đón BS "Tổng-trưởng", nên chẳng mấy lát thiên-hạ đã ùn ùn đến để "xem mặt" ông Tổng-trưởng. Trong số nầy, thành phần dân nhi-đồng chiếm rất đông.

Khám bệnh cho người bạn xong, ông lững thững ra về. Ông vốn có tật là uống bia thay nước. Trong xe lúc nào cũng có sẵn cả lố bia để "chữa lửa".

Khi gần đến chỗ xe đậu, nhu cầu vệ-sinh trong người ông bổng đòi hỏi dữ.
Đi ngược về nhà người bạn thì bất tiện, và cũng do cái tính ngang-tàng, bất cần đời, Thầy cứ đứng ngay gốc cây mà ... xả !!!
Lũ trẻ hiếu-kỳ được dịp la lên ầm ĩ: "Tụi bây ơi, ra coi ông bác-sĩ đái đường..."

Thầy Lữ-Y chẳng chút ngượng-ngùng, nhăn răng cười với lũ trẻ :
- Coi cái chó gì tụi bây ? Bộ bác-sĩ không có "cu" hả ?


Câu chuyện lan truyền về trường Y khoa, và trở thành một giai thoại dễ thương trong giới thầy thuốc. Trong các kỳ thi cuối năm ở trường Y khoa, nếu nghe bạn bè báo lại đã gặp "Thầy Lữ-Y mầy ơi !" là chúng tôi biết ngay thằng bạn đã gặp trường hợp Tiểu-Đường trong kỳ thi bệnh lý đó !

Một lần rỗi rảnh sau giờ giảng dạy tại bệnh-viện Nguyễn-Văn-Học. Thầy gọi chúng tôi vào văn-phòng. Và Thầy trò chuyện trò lang-bang chuyện trên Trời dưới đất.

Trong một phút cao-hứng, Thầy kể cho chúng-tôi nghe: "Tụi bây biết không trước đây có lần tao xém bị VC bắt đó ! Số là có một buổi chiều nổi hứng bất tử, tao một mình lái xe lên thăm cái thửa đất của tao ở Xuân-Lộc.

Đương lui-cui cắm lại mấy cây cọc trốc gốc, thì một nhóm VC mặc áo chính qui AK, B40 ôi thôi đủ mọi loại, đến hỏi tao là ai và đến đây làm gì ? Tao tưởng phen nầy chắc là tiêu-tùng rồi chứ, nhưng cũng lanh miệng tìm cách đối-đáp.

Thấy tụi nó toàn con nít, và kêu tao bằng "Bác", nên tao cũng xưng đại Bác xem như mình già lắm rồi. Tao nói tao đi xem vườn và săn sóc mấy cây cao su lâu quá chưa có thì giờ chăm bón...
Vậy mà tụi nó tin, và cho tao về ... "

Bạn bè trong nhóm chúng tôi đứa nào cũng le lưỡi, mừng cho Thầy thoát nạn.

Riêng tôi lại nghỉ khác. Tôi tin chuyện Thầy không bị VC dẫn đi lúc đó là hoàn toàn tự nhiên :
ai bắt làm chi một "ông già" ăn mặc xuề xòa, người đen đúa, quần cụt áo ngắn, lúc nào cũng bỏ ngoài quần như vậy làm chi cho tốn thêm cơm? Nếu toán quân VC mà biết được đó là đương-kim tổng-trưởng y-tế, thì chắc-chắn Thầy đã được một chuyến tham-quan miền Bắc miễn-phí rồi !

Một vài dòng ghi lại những câu chuyện đáng yêu của một vị Thầy lừng danh đáng yêu của chúng ta.

Tám Râu
10-18-2015, 02:22 PM
"BS trưởng-phiên và các sinh-viên trực đang đầu tắt mặt tối, thì một quan Năm (trung-tá) áo quần rằn ri, bên hông lủng lẳng cây Colt, hùng hổ xô cửa phòng điều-trị và bắt buộc các bác sĩ trực phải khám ngay cho người nhà của ông ta."

Tô không biết tác giả bài này là ai, viết cho báo nào, và những chi tiết trong bài viết này chính tác giả chứng kiến hay nghe kể lại , hoặc sáng tác .Rất tiếc đây không phải là bài của chính tác giả mang lên diễn đàn nên không hỏi thêm vài chi tiết khả dĩ chứng minh đây là chuyện có thật .Nếu là sáng tác thì đây là một bài sáng tác không hay, ca ngợi 1 cá nhân Trần Văn Lu+~ Y bằng cách hạ giá cả một tập thể sĩ quan tác chiến .

thuykhanh
10-18-2015, 07:37 PM
"BS trưởng-phiên và các sinh-viên trực đang đầu tắt mặt tối, thì một quan Năm (trung-tá) áo quần rằn ri, bên hông lủng lẳng cây Colt, hùng hổ xô cửa phòng điều-trị và bắt buộc các bác sĩ trực phải khám ngay cho người nhà của ông ta."

Tô không biết tác giả bài này là ai, viết cho báo nào, và những chi tiết trong bài viết này chính tác giả chứng kiến hay nghe kể lại , hoặc sáng tác .Rất tiếc đây không phải là bài của chính tác giả mang lên diễn đàn nên không hỏi thêm vài chi tiết khả dĩ chứng minh đây là chuyện có thật .Nếu là sáng tác thì đây là một bài sáng tác không hay, ca ngợi 1 cá nhân Trần Văn Lu+~ Y bằng cách hạ giá cả một tập thể sĩ quan tác chiến .


Chào anh Tám Râu,

Tác giả bài này là Y sĩ Thiếu tá Trần Thanh Nhơn, một học trò của ông, hiện đang phục vụ trong Quân lực Hoàng gia Úc, đã đăng ở phần mở đầu; có lẽ anh đọc lướt nhanh nên không để ý.

Tôi nhận được bài viết về cố BS Trần-Lữ-Y từ ngày 22 tháng 9 nhưng hơi băn khoăn vì có vài chữ không được thanh tao mấy.
Tuy nhiên sau nhiều lần suy nghĩ, cách hành xử của ông đối với người bịnh cũng như học trò của mình đã giúp tôi vượt qua nỗi ưu tư riêng và sáng nay mang vào đây chia sẻ với bạn đọc của Đặc Trưng.

Tôi không nghĩ là bài viết này có thể làm giảm giá trị và khí phách của người lính VNCH mà tôi hằng ngưỡng mộ và biết ơn đâu anh.
BS Trần-Lữ-Y trước kia cũng đã từng ở trong binh chủng Nhảy Dù.

Anh có thể tham khảo thêm trên webside của Y học và Đời sống ( Medecine and Modern Life) :
http://www.medicinemodernlife.com/default.asp?id=368

hay

Hải Ngoại Phiếm Đàm: http://www.haingoaiphiemdam.com/BAC-SI-TRAN-LU-Y-VA-GIAI-THOAI-TIEU-DUONG-53375

Cảm ơn anh Tám Râu đã ghé đọc và nói lên suy nghĩ của mình, cho tôi cơ hội tìm hiểu và biết thêm về cách đối xử bình dị của ông BS Tổng trưởng Y tế VNCH ngày xưa.

Ngô Đồng
10-18-2015, 08:20 PM
Chị Thụy Khanh ơi! Em đọc bài này và mang vào đây để thêm tài liệu về Bác Sĩ Phero Trần Lữ Y . (http://hysvn.ca/tapsanysi/1-178/10-than-th-s-nghip-bac-s-phe-ro-trn-l-y)

http://hysvn.ca/tapsanysi/1-178/10-than-th-s-nghip-bac-s-phe-ro-trn-l-y

Thân thế sự nghiệp
Bác sĩ Phê-Rô Trần Lữ Y

Lý Hồng Sen
tháng 8 năm 2000


Thưa anh Lữ Y
Thưa quý vị
Thưa quý hội đoàn

Chúng tôi xin thay mặt một số thân hữu hiện diện và một số thân hữu vắng mặt nơi đây.
Ngày hôm nay chúng em tiễn anh ra đi, một người bạn, một vị đàn anh, một bậc thầy, một quân nhân, một bộ trưởng, một người của quốc gia dân tộc, liêm khiết, chính trực.
Anh sinh ngày 16 tháng 4 năm 1926 tại Sa Đéc, đến nay hưởng thọ 75 tuổi, thất lộc tại bệnh viện Jean Talon, Montreal vào buổi sáng ngày 25 tháng 8 năm 2000 vào lúc 8 giờ 10 phút.
Anh sinh ra trong một gia đình thuộc ngành giáo dục, được trưởng thành trong khuôn khổ đạo đức. Anh đã sống từ lúc trẻ trong tinh thần quốc gia và xã hội, anh còn là một nghệ sĩ vĩ cầm, một võ sinh.
Khi chúng tôi chỉ mới là một học sinh trung học đã được biết anh tại võ đường Hàn Bái.
Từ lúc trẻ, anh đã hoạt động xã hội và có khuynh hướng chính trị, anh đã tham dự cuộc biểu tình đốt chợ Bến Thành cùng trò Ơn, anh đã đứng ra tổ chức Đại nhạc hội để yểm trợ phong trào học sinh.
Khi vào Đại học Y khoa, Anh đã từ sinh viên, giảng huấn viên tại Cơ thể học viện, y sĩ giải phẫu, rồi theo Giáo sư Massias đổi qua Nội khoa.
Học hết năm thứ 5 trường Y khoa, Anh được gọi nhập ngũ, người y sĩ Nhẩy Dù đầu tiên của Việt Nam Cộng Hoà, đã tham dự các cuộc chiến tại miền Bắc và giải ngũ vì bị sưng màng phổi.
Anh tiếp tục học Y khoa và tu nghiệp tại Pháp, trở về Việt Nam làm Giáo sư giảng huấn tại Đại học Y khoa Sàigòn về khoa Huyết học.
Trong những biến cố của đất nước, anh là người mặc dù bị kỳ thị tại Đại học Y khoa, nhưng đã đứng ra làm Bộ trưởng Y tế và Xã hội với tinh thần hoà đồng dân tộc Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1969 với chính phủ của thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Là một trí thức thiết tha cho đất nước, anh đã thiết kế kế hoạch cải tổ ngành Y khoa, cùng lúc xây dựng cơ cấu huấn luyện chuyên viên y tế, mở lớp giảng dạy sinh viên Y khoa để xuất ngoại tu nghiệp.
Trong thời gian tại Bộ Y tế và Xã hội, anh đã liên lạc với các quốc gia bạn: Pháp, Mỹ, Nhật, Đại Hàn và Đài Loan, yêu cầu yểm trợ trang bị kiến thiết khuếch trương các bệnh viện và cơ sở huấn luyện.
Vào lúc biến cố Mậu Thân, anh đã là một Bộ trưởng mà còn là một chiến sĩ quốc gia, đã xông xáo lo cho ngành y tế và yểm trợ đắc lực công cuộc xã hội cho đồng bào và dân tộc qua thời buổi “nồi da xáo thịt” do bè lũ cộng sản gây ra.
Sau biến cố Mậu Thân, chính phủ quốc gia Việt Nam đề tặng Bảo quốc Huân chương, nhưng chính anh đã khước từ.
Với tất cả những hy sinh vì dân, vì nước, vì y học, bởi anh là con người liêm khiết, không màng tiền tài, công danh, cho nên khi bước chân ra khỏi chính phủ, anh chỉ vẫn là một giáo sư nghèo, giàu long nhân ái.

Thưa quý vị,

Anh Lữ Y là người ngay thẳng, cương trực, đạo đức, đại trí thức, quân tử, thiết tha yêu nước thương dân, suốt đời làm và nói trung thực ý nghĩa, vì đó mà có thể làm phật long những kẻ thiếu đạo đức, gian manh, chính trị.
Chúng tôi, một đàn em, đã được gần gũi rất nhiều với anh trong khoảng hơn 10 năm nay, 10 năm ẩn dật thanh đạm, gà trống nuôi con, nghiên cứu Kinh dịch ngũ hành, châm cứu, tử vi, bốc phệ. Vào những lúc trà dư tửu hậu, lúc nào anh cũng dậy bảo hướng dẫn tinh thần và thường nói câu “Phải nói cho rành”. Anh cho biết ý kiến, phê bình về mọi phương diện, và còn nói rằng, nếu ai có hỏi thì cứ nói “Trần Lữ Y nói đó”
Anh Lữ Y, chúng em và gia đình mất đi một người ông, một người cha, một người bác, một người anh quý báu, quốc gia dân tộc đã vô cùng thiệt thòi, mất đi một nhân vật mẫu mực, tài ba, đức độ, thương dân, yêu nước. Ngành Y khoa mất đi một bậc thầy khả kính.
Anh Lữ Y ! Để thay mặt cho một số thân hữu hiện diện và một số thân hữu vắng mặt hôm nay, tất cả, với một tấm chân tình ngưỡng mộ, thương mến Anh và đã vô cùng đau đớn xúc động trước sự ra đi bất ngờ của Anh.
Một lần nữa, kính xin Anh cho em được ghi nhớ lời Anh dậy bảo: Sống đạo đức, chân chính, trung thành với tổ quốc, vững vàng lập trường quốc gia để xây dựng dân tộc.
Em xin linh hồn anh Hai được siêu thoát, yên hưởng an lành.

Xin kính chào quý vị