PDA

View Full Version : chăm sóc cha mẹ ở tuổi xế chiều



gtmt
10-20-2015, 11:57 AM
Các mem đã có kinh nghiệm chăm sóc cha mẹ ở tuổi xế chiều cho mình hỏi: Ngoài viện dưỡng lão ra, các mem làm sao chăm sóc cha mẹ khi họ không còn khả năng tự lo nữa? Nhất là ở xã hội thời bây giờ, ai cũng phải đi làm suốt ngày, không thể ở nhà để xem chừng được.

Angie
10-20-2015, 03:15 PM
Thử xem http://www.cdss.ca.gov/agedblinddisabled/pg1296.htm do chính phủ tài trợ
http://www.aplaceformom.com/assisted-living Tự túc

gtmt
10-20-2015, 03:37 PM
thanks, Angie

chieclavotinh
08-29-2017, 09:54 AM
Sắp đến Lễ Vu Lan rồi các bạn ơi

Bát Bún Riêu
Lê Bảo Trân

Từ Eau Claire, theo đường liên tỉnh 53 ngược lên mạn Bắc, đến Solon Spring thì rẽ phải theo hương lộ P nhỏ hẹp ngoằn ngoèo len mình giữa khu rừng phong ngút ngàn trùng điệp. Tiếp tục thêm vài dậm, vòng qua những lưng đồi thoai thoải dốc là tới thung lũng Nebagamon cạnh đặc khu Lac Court Oreilles của người Da Đỏ.

Trời vào Thu, rừng phong đã thay chiếc áo choàng màu hồng lựu!

Hơn nửa giờ xe, không một bóng người! Ngoài tiếng gió thở dài, tiếng lá khô xào xạc, tiếng rừng cây trăn trở, không còn một âm thanh nào khác. Tôi cảm tưởng như lạc vào một hành tinh xa lạ không sinh vật.

Đồi lại đồi liên liên tiếp nối tay nhau...

Sau cùng, tới Nebagamon. Nơi đây có viện Dưỡng Lão Lakeview mà theo lịch trình mỗi năm tôi phải đến một lần để thanh tra y vụ.

Lần đầu tiên đến đây nên tôi không khỏi ngỡ ngàng. Tưởng dù hẻo lánh đến đâu ít ra cũng có xóm làng, một giáo đường nho nhỏ hay vài ngôi nhà be bé xinh xinh, nhưng tuyệt đối “không”. Ngoài rừng phong đổ lá chỉ có hồ nước trong veo xanh ngắt màu trời!

“Trung Tâm An Dưỡng Lakeview”, như tên gọi, ẩn mình dưới tàng cây sồi rợp bóng trên khu đất rộng, quay lưng vô rừng thông, nhìn ra mặt hồ phẳng lặng như gương.

Tôi ngẫm nghĩ:

-Nơi nầy có thể là điểm nghỉ ngơi lý tưởng cho những người quanh năm lao lực hoặc những ai muốn tìm sự quên lảng. Còn chọn làm viện dưỡng lão thì...” hơi tàn nhẫn “!

Tuổi già vốn đã cô đơn mà nơi đây lại hầu như cách biệt với thế giới bên ngoài. Trừ y tá y công và vài chuyên viên dịch vụ thì chẳng còn ai khác. Người nào cũng bận bù đầu rảnh rỗi đâu mà tán gẩu với người già? Nhất là sau buỗi cơm chiều khi hoàng hôn buông xuống, ai nấy đều về nhà thì bóng đêm chắc sẽ thật dài....

Vừa đẩy cửa bước vào tôi đã giật mình vì gặp một hàng 6 chiếc xe lăn đang “giàn chào”. Trên mỗi xe là một lão ông hoặc lão bà độ bảy tám mươi, mái tóc bạc phơ, mắt hom hem sau làn mục kỉnh. Có người trông còn sáng suốt, người thì như xác không hồn. Họ chăm chú nhìn tôi từø đầu đến chân như quan sát một quái nhân đến từ hành tinh xa lạ.

Có lẽ vì tôi là người Á Châu duy nhứt tới đây chăng?

Cô y tá hướng dẫn như đoán được cảm nghĩ của tôi, bèn nhoẻn cười:

-Ông ngạc nhiên hả?

Tôi ngập ngừng:

-Chắc họ biết hôm nay tôi đến nên hiếu kỳ muốn trông thấy mặt?

Cô ta khẻ lắc đầu:

-Mỗi ngày đều như vậy. Sáng nào họ cũng ngồi đó để mong chờ...

-Chờ thân nhân tới đón?

-Không!

-Hay bè bạn đến thăm?

Cô y tá phì cười, pha trò:

-Ông nghĩ...già ngần ấy tuổi mà còn ham bạn gái sao?

-Ý tôi là bạn thông thường.

-Nếu những người bạn ấy chưa nằm xuống thì cũng đang ngồi xe lăn như họ tại một viện dưỡng lão nào đó.

Rồi ngậm ngùi:

-Họ mong chờ những hình bóng không bao giờ đến, xa xôi trong hồi ức....

Và khẻ thở dài:

-Tôi làm việc ở đây hơn mười năm, đã chứng kiến nhiều hoạt cảnh. Tháng nào cũng có người mới tới và cũng có người vĩnh viễn ra đi.

-Chắc ít nhiều lòng cô cũng phần nào xao xuyến?

-Thật tình mà nói. Lúc đầu thì có, nhưng giờ đã quen rồi.

-Cô rất mãnh cảm!

-Là do luyện tập thôi, bằng không sẽ ngã quị.

Chúng tôi vào thang máy lên tầng trên. Một cụ già chống gậy tập tễnh vô theo.

Cô y tá nhìn ông ta và hỏi:

-Ông đi lên hay đi xuống?

Cụ đáp như cái máy, giọng nói khò khè yếu ớt khó nghe:

-Đi xuống... đi lên...đi xuống....đi lên.

Tôi nhận thấy ông ta chẳng nhìn ai cả, ánh mắt không hồn đăm đăm hướng về phương trời vô định.

Dường như quá quen thuộc với những hiện tượng nầy, cô y tá thản nhiên nói:

-Vậy mời ông bước ra chờ, chuyến sau sẽ có người cùng đi với. Chúng tôi đang bận.

Cô bèn nắm tay dẫn ông cụ ra ngoài rồi lạnh lùng khép cửa.

Tôi thắc mắc:

-Nếu ông ấy lại tiếp tục bấm nút thang máy thì sao?

-Chúng tôi đã lượng trước điều ấy nên tất cả nút các điện trong viện đều gắn rất cao, người già không với tới.

-Thì ra vậy!

Công tác xong, trời cũng về chiều. Tôi từ giã. Cô y tá tiễn tôi ra cửa.

Đoàn xe lăn vẫn còn “giàn chào”.

Chợt trông thấy trong góc tối, một ông lão độ trên dưới tám mươi đang cô đơn ngồi bất động trên xe lăn như pho tượng cũ. Điểm khác biệt khiến tôi chú ý là ông ta không phải người da trắng và cũng không hòa nhập vào toán “dàn chào”.

Da ông màu đồng nâu có nhiều vết nhăn đậm nét thời gian hằn trên mặt. Mái tóc bạc phơ rủ lòa xòa trên trán. Vóc người bé nhỏ, mắt hom hem trân trối nhìn tôi như muốn nói điều gì. Tôi đoán chừng ông là thổ dân Da Đỏ.

Hiếu kỳ, tôi hỏi cô y tá:

-Viện dưỡng lão nầy cũng nhận người Indian sao? Tôi nghỉ là trách nhiệm của chính phủ Liên Bang chứ?

Cô ta ngạc nhiên:

-Sao ông hỏi vậy?

Tôi trỏ ông lão ngồi xe lăn:

-Không phải Indian là gì?

Cô y tá phì cười:

-Ông ta người Á Đông đó.

Tôi giật mình:

-Người Á Đông?

- Phải. Dường như là Việt Nam.

Thêm một kinh ngạc. Tôi không ngờ nơi vùng đất hẻo lánh đìu hiu lạnh lẽo nầy cũng có người Việt định cư. Tôi bèn hỏi dồn.

-Sao cô biết ông ta người Việt?

-Hồ sơ có ghi rõ.

-Ông ấy vào đây lâu chưa?

-Hơn mười năm.

Cô khẻ lắc đầu:

-Tội nghiệp! Ông ta rất hiền lành dễ thương, ai cũng mến, nhưng hiềm chẳng nói được tiếng Anh nên suốt ngày thui thủi một mình, không có bạn.

-Thân nhân ông ấy có thường xuyên tới thăm không?

-Một lần, cách nay lâu lắm.
..
Lòng se lại. Hẳn có uẩn khúc gì đây? Không thể cam tâm quay mặt làm ngơ trước người đồng hương đang gặp cảnh bẽ bàng nơi đất khách, tôi tự giới thiệu:

-Tôi cũng là người Việt....

Cô ta trố mắt:

-Thế mà tôi đinh ninh ông là người Trung Hoa.

Tôi cười:

-Trong mắt người Tây phương, bất cứ ai da vàng cũng là Tàu.

Cô pha trò:

-Cũng đâu phải lạ. Hiệu ăn Tàu nhan nhãn khắp nơi, ngay trong xóm Da Đỏ hẻo lánh tít mù trên mạn Bắc cũng có. Lần nào qua đó tôi cũng ghé mua cơm chiên, chả giò, vừa ngon vừa rẻ, nhưng phải tội là...

Tôi nhoẻn cười:

-Mỡ dầu và bột ngọt hơi nhiều!

Cô ta cũng cười xòa:

-Phải nói là nhiều quá mới đúng. Khổ công tập thể dục cả tháng, ăn một bữa cơm Tàu là đâu vào đấy, có khi “thặng dư “ .

Tôi quay lại vấn đề:

-Tôi muốn tiếp xúc với ông lão người Việt để chào hỏi làm quen. Có thể ông ấy cũng đang cần người nói chuyện vì lâu lắm chưa có dịp.

Cô y tá mừng rỡ:

-Hay lắm, đó cũng là điều chúng tôi mong muốn. Vùng nầy hẻo quá lánh không thể tìm ra người thông dịch. Nhân tiện nhờ ông hỏi xem ông ấy có nhu cầu hay đề nghị gì hầu chúng tôi đáp ứng.

-Vâng, tôi sẽ cố gắng.

Thấy tôi đi tới, ông lão ngước lên nhướng đôi mắt hom hem nhìn chòng chọc, vừa ngạc nhiên vừa thoáng chút ngại ngùng.

Tôi gật đầu chào:

-Chào cụ.

Nét mặt rạng niềm vui, giọng nói run run vì xúc động:

-Dạ...chào thầy. Thầy là...người Việt?

Giọng ông hơi nặng và chân thật. Tôi thân mật nắm tay ông:

-Thưa cụ, cháu cũng là người Việt như cụ!

Ông lão nghẹn ngào:

-Cảm ơn Thiên Chúa, cảm ơn Đức Mẹ từ bi đã cho tui gặp ông.

Tôi kéo ghế ngồi bên cạnh và bắt đầu trò chuyện.

-Thưa cụ. Vì sao cụ cho là cuộc gặp gỡ hôm nay do Thiên Chúa và Đức mẹ sắp đặt?

-Đêm nào tui cũng cầu nguyện ơn trên cho tui gặp người đồng hương...

-Có chuyện khẩn cấp gì không, thưa cụ?

-Để được nói chuyện bằng tiếng Việt thôi.

Cụ thở dài:

-Lâu lắm rồi...tui chưa được nói hay nghe tiếng mẹ đẻ.

Nhối trong tim. Tôi bùi ngùi thương cảm. Một ước mơ đơn giản quá mà sao quá xa vời. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Ông kể:

-Tên tui là Tỉnh, Nguyễn văn Tỉnh... Trước kia ở Bình Tuy, làm nghề biển, có thuyền đánh cá, tuy không giàu nhưng cuộc sống cũng sung túc. Có vợ, ba con trai, đứa lớn nhứt nếu còn sống thì giờ đã gần 50. Năm 75 cộng sản tràn vào, cả nước kéo nhau chạy nạn. Sẳn phương tiện trong tay, tui bèn chở vợ con vượt thoát. Nhưng chẳng may sau ba ngày lênh đênh trên mặt biển thì gặp bão lớn, tàu chìm. Tui và đứa con út lên sáu may mắn được tàu Mỹ vớt còn vợ và hai đứa lớn thì mất tích.

Sau đó tui được bảo trợ về Louisiana. Nơi đây có đông người đồng hương nên cũng đỡ buồn. Tui bắt đầu tái tạo sự nghiệp, hùn hạp với bạn bè mua tàu đánh cá làm việc ngày đêm, trước để vơi buồn, sau là tạo dựng tương lai cho thằng Út, giọt máu cuối cùng còn sót lại.

Tui ước mong thằng bé sẽ theo cha học nghề biển, nhưng nó không muốn. Nó chỉ thích làm bác sĩ kỷ sư ngồi nhà mát chớ không chịu giải nắng dầm mưa như bố. Thế nên vừa xong Trung Học là nó quyết chọn trường xa để tiếp tục Đại Học.

Ông ngừng lại một chút dễ dằn cơn xúc động rồi ngậm ngùi kể tiếp:

-Tui chỉ còn một mình nó. Không thể sống xa con nên quyết định bán hết tài sản để dọn theo. Bạn bè ai cũng ngăn cản, nhưng tui quyết giữ lập trường, mang hết tiền dành dụm đến Tiểu Bang nầy mua một căn nhà nhỏ ở ngoại ô, còn lại chút ít thì gửi vào quỉ tiết kiệm lấy lời sống qua ngày. Hai cha con đùm bọc nhau, cuộc sống tuy chẳng sung túc nhưng cũng nhẹ nhàng.

Tuổi ngày một già sức khỏe càng yếu. Năm ấy trời làm mưa đá, tui bị ngã gãy chân. Bác sĩ cho biết xương già không lành được, phải vĩnh viễn phải ngồi xe lăn.

Thằng Út ra trường, có việc làm tốt ở Nữu Ước. Tự biết khó thể theo con và không muốn làm trở ngại bước tiến thân của nó, tui muốn xin vào viện dưỡng lão. Tôi lên tiếng trước cho nó khỏi bị khó xử. Nó giúp tui làm thủ tục và hứa khi việc làm yên ổn sẽ đón tui về.

Các viện dưỡng lão tương đối khá đều hết chỗ. May thay đang lúc bối rối, thì có anh bạn học người Da Đỏ mách cho nơi nầy. Thấy con buồn tui bèn an ủi nó: “Nơi nào cũng là quê người, giống nhau thôi. Thỉnh thoảng con về thăm là bố vui rồi”.

Thế là cả ngôi nhà lẩn tiền dành dụm đều phải trao hết cho viện dưỡng lão. Dĩ nhiên là tui được nhận.

Ánh mắt xa xôi nhìn về phía chân trời đang có đàn chim chiều đang xoải cánh, ông chép miệng:

-Nhanh quá....Mới đó đã mười năm.

-Thưa cụ, thời gian qua chắc anh Út cũng thường về thăm cụ?

-Một năm sau nó có trở lại, khoe với tui hình cô gái Mỹ và nói là “dâu tương lai của bố đấy”. Rồi....từ đó biệt tăm luôn.

-Cụ hoàn toàn không biết tin tức gì về anh ấy?

-Không, mà thật tình... tui cũng không muốn biết.

-Tại sao? Anh ấy là con trai duy nhứt của cụ mà? Cháu sẽ giúp cụ tìm anh ấy.

Ông lão rớm nước mắt:

-Tui sợ lắm... Thà biền biệt như thế mà tui vẫn tin tưởng là nó đang sống tốt với vợ con ở nơi nào đó trên quả đất, còn hơn là biết tin buồn. Quả tình, tui không kham nổi.

Tôi nghẹn lời không nói được. Chập sau, qua cơn xúc động, tôi hỏi:

-Giờ đây cụ có ước nguyện gì xin cho biết, cháu sẽ hết lòng giúp với tất cả khả năng mình.

Ông lão thở dài:

-Già rồi, còn được mấy năm trước mặt?

Ánh mắt chợt linh động, ông nhìn tôi và chép miệng:

-Tôi thèm một bát bún riêu!

Hai tuần sau, vào ngày Chúa nhựt, tôi nhờ chị bạn thân nấu giùm hai bát bún riêu cua, bún nước để riêng, có đầy đủ chanh, rau, nước mắm, ớt hiểm tươi, đặc biệt còn thêm lọ mắm ruốc thật ngon. Tôi cho tất cả vào túi xách đem đến viện dưỡng lão Lakeview.

Mất hơn 4 giờ đường, sau cùng tôi đã tới. Như lần trước, ông lão vẫn ngồi trên xe lăn gần cửa sổ cuối phòng. Bất ngờ trông thấy tôi, ông mừng rỡ kêu lên:

-Kìa thầy...Lại về đây công tác à?

Tôi chạy tới nắm tay ông:

-Lần nầy cháu chỉ đến thăm cụ. Cháu có món quà đặc biệt mang biếu cụ.

Lộ vẻ cảm động, cụ nhoẻn cười đuôi mắt nhăn nheo.

-Bầy vẽ làm chi hà...Thầy đến thăm tui là quí rồi...

Tôi xin phép ban quản lý đưa cụ ra vườn. Vì thức ăn nặng mùi mắm ruốc nên tôi phải mang theo một lò cồn nhỏ để đun nóng ngoài trời. Cụ chăm chú nhìn tôi sớt bún ra tô, trộn rau ghém, nêm mắm ruốc, châm nước dùng sôi nghi ngút bốc hơi, rắc chút tiêu thơm lên lớp gạch cua nổi vàng trên mặt, nặn hai lát chanh tươi và sau cùng là ba quả ớt hiểm đỏ thơm nồng cay xé lưỡi. Không nén được thèm thuồng, chốc chốc cụ lại nuốt nước bọt.

Tôi đặt tô bún riêu trước mặt và mời cụ cầm đũa. Cụ run giọng:

-Cám ơn...cám ơn thầy. Không ngờ hôm nay tui còn được ăn bát bún riêu cua... Mời thầy cùng ăn cho vui.

-Cháu đã ăn xong ở nhà. Xin cụ dùng tự nhiên...Bún riêu còn nhiều, hết tô nầy cháu sẽ hâm tô khác.

Cụ trịnh trọng húp từng muỗng xúp, gắp từng đũa bún, cắn từng miếng ớt cay ngon lành như chưa từng được ăn ngon. Chốc chốc cụ dừng tay để lau mồ hôi và luôn mồm khen tấm tắc :

-Bún riêu ngon quá. Mắm ruốc thơm quá!

Tôi cảm động đặt tay lên vai cụ:

-Nếu cụ bằng lòng nhận cháu làm con, cháu sẽ thay anh Út thường xuyên thăm viếng cụ.

Cụ sững sờ nhìn tôi thật lâu như không tin ở tai mình rồi hai dòng nước mắt từ từ lăn dài trên đôi má cóp.

-Tui có được diễm phúc như vậy sao?

Tôi yêu cầu ban quản lý ghi tên tôi vào danh sách thân nhân và dặn dò khi có chuyện cần thì cứ gọi.


* * *


Năm sau....

Còn một ngày nữa là Tết. Tôi đã chuẩn bị xong quà cáp, có cả trà thơm mứt ngọt, dự định sáng hôm sau, mồng một đầu năm sẽ mang lên Lakeview mừng tuổi cụ.

Đang ngon giấc chợt có chuông điện thoại. Tôi nhấc ống nghe, bên kia đầu giây, tiếng cô y tá trực của viện Dưỡng Lão Lakeview:

-Xin lỗi... phải ông Trần?

-Vâng, chính tôi.

-Cụ Tính đau nặng...

-Tình trạng thế nào? Có nguy không?

-Đang nằm phòng hồi sinh bệnh viện thành phố.

-Cám ơn cô, ngày mai tôi sẽ đến.

-Ông nên đi sớm hơn vì sợ không còn dịp.

Tôi rụng rời!

Tuyết rơi càng lúc càng nhiều! Trời trở lạnh. Gió giật từng cơn, hoa tuyết bay nghiêng như ngàn vạn mũi tên bắn vào kiếng nghe rào rào như vải cát. Không gian mờ mịt, rừng phong trắng xóa một màu.

Tuyết phủ một lớp dầy trên mặt đất. Tôi rà thắng cho xe chạy chậm để khỏi rơi xuống hố.

Sau cùng tới được bệnh viện Hayward.

Cô cô y tá nhìn tôi ái ngại:

-Suốt đêm qua ông ấy cứ gọi tên một người nào đó, không biết phải là ông?

-Cô còn nhớ ông ấy gọi tên gì?

-Chỉ một tiếng duy nhứt, dường như “Ouk” hay “Ouc” gì đó.

Tôi đã hiểu là “thằng Út”.

Tôi hé cửa lách vào, trân trối nhìn ông rồi ngồi xuống bên giường. Người ông khô đét, hai mắt nhắm nghiền, hơi thở yếu ớt. Tôi nhẹ nhàng đặt tay lên vầng trán nhăn nheo. Ông chợt cử động rồi thều thào:

-Út...Út...

Nước mắt chực trào ra. Giờ phút nầy tôi cần phải làm một điều gì để giúp ông được mĩn cười trước khi vĩnh biệt. Tôi bóp nhẹ bàn tay già gầy guộc và nghẹn ngào:

-Thưa cha...con đã về.

Mi mắt ông động đậy cố nhướng lên nhìn, rồi kiệt sức nên từ từ khép lại nhưng môi còn mấp máy:

-Út...Út ...con...?

-Phải...Thưa cha con là Út, đứa con bất hiếu đã quay về xin cha tha thứ.

Tôi cảm được các ngón tay khô gầy đang bắt đầu cữ động trong lòng tay tôi, cố nắm giữ đứa con yêu đừng có xa rời. Nước mắt tôi vô tình rơi xuống làn môi khô nứt nẻ đang hé một nụ cười.

“Gia tài” ông để lại là một bọc vải nhỏ, trong ấy có tượng Chúa Giê Su bị đóng đinh trên cây thập giá và tấm hình đen trắng đã trổ vàng chụp gia đình 5 người đoàn tụ, đứa nhỏ nhứt còn bế trên tay, tôi đoán nó tên là Út.


* * *

Những năm sau, mỗi lần có dịp lên mạn Bắc, tôi đều ghé nghĩa trang thăm ông.

Hôm nay, trời vào Thu! Nghĩa trang chiều hoang vắng quá! Lá vàng từng chiếc rơi trên mộ. Tôi lặng người nghe khóe mắt rưng rưng...

Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.....

chieclavotinh
08-31-2017, 07:40 AM
Về thăm mẹ
Kim Thoa

Có từ nào để diễn tả hết ý để nói về Mẹ. Mẹ tôi một người đàn bà cả đời gian lao cực khổ, từ lúc nhỏ tôi đã được nghe mẹ tôi kể về cuộc đời truân chuyên của mẹ.

Ông ngoại của tôi, một lãng tử rày đây mai đó, gặp bà ngoại kết nghĩa với nhau, sinh 3 người con, kiếp sống không nhà, cuộc đời không định hướng, xứ Cà Mau rừng thiên nước độc ông chọn làm chỗ trú chân, xứ sở tôm cá đầy đồng nhưng muỗi vắt quanh năm, ông bà ngoại dựng chòi lập nghiệp.

Nghe mẹ kể, từ năm lên 6, mẹ tôi một mình dám chèo xuồng 3 lá dọc theo kênh nhỏ, lượm củi đem bán lấy tiền đưa ngoại, có hôm không có củi mẹ chèo đi xa hơn, lúc về trời sập tối, mẹ thấy ông cọp với hai mắt sáng như sao, ngồi bên bìa rừng, mẹ vừa chèo vừa vái ông đừng ăn thịt.

Năm mẹ mười tuổi, bà ngoại tôi đem gửi mẹ cho một gia đình, tiếng là bà con họ xa bên chồng, là chủ tiệm cầm đồ Tân Hưng ở Hòa Hưng, nói là bà con, nhưng “bắn súng cành nong” ba ngày cũng không tới, ngoại gửi với lời nhắn “chỉ cho nó ăn cơm thôi, cho nó giữ em làm việc nhà gì cũng được”, từ đó mẹ tôi kiêm đủ thứ việc, chỉ cần có cơm ăn mà thôi.

Bà Tư Tân Hưng, chủ tiệm cầm đồ ở Hòa Hưng là người nhân đức, bà phân công việc cho mẹ, sáng sớm qua chợ hoặc đón hàng gánh mua đồ ăn sáng cho cả hai ông bà và 4 đứa con nít, xong xuôi lo đút cơm, đút cháo cho con bà, rồi sửa soạn cho 2 đứa lớn đi học, bà cho má tôi ít tiền ăn sáng, rồi dẫn 2 đứa con của bà đi học. Má tôi để dành những đồng tiền ăn sáng đó về lục cơm nguội ăn, chờ vài ba tháng ngoại tôi lên thì đưa tiền cho ngoại, không mẻ một cắc. Bà Tư cũng biết, nhưng bà nhân hậu, không bao giờ hỏi, thỉnh thoảng lại còn cho tiền riêng dặn má tôi bỏ ống heo để dành cho ngoại.

Má tôi từ nơi đồng chua nước mặn, chèo xuồng mót củi bán kiếm tiền cho ngoại, tối ngủ phải ung củi đước, người ngợm quần áo hôi mùi củi ẩm, tay chân thì đóng phèn, cơm thì bữa đói bữa no, bây giờ thì được quần quần áo áo, đồ cũ của đứa con gái lớn của bà, bà cho má tôi mặc, duy chỉ có điều mỗi ngày đi bộ đưa rước con bà mà không được đến trường học chữ như con bà, nhưng đối với người nghèo như má tôi có cơm ăn, có quần áo mặc là cũng quá tốt rồi.

Một buổi tối nọ, đang chơi đùa giữ em thì ông ngoại tôi lên, ông có vẻ bệnh nặng lắm, mẹ tôi kể:

-Ông của con ít khi nào lên thăm má, một tay giang hồ ngang dọc, giờ có vẻ bệnh, chắc cũng biết sức của mình, nên ghé thăm má lần cuối cùng trên đường phiêu bạc.

Bà Tư biểu má tôi xuống bếp xem còn gì thì dọn cho ông ăn. Hồi chiều chị bếp có nấu món canh cải bẹ xanh cho cả nhà ăn, má tôi xuống trạn xem thì thấy còn nửa tô trong tủ, bà dọn cho ông ăn với cơm và chút thịt kho còn lại, mà chị bếp hay nấu dư và chừa lại cho má tôi ăn sáng. Đêm đó ông ngoại tôi ra đi trong giấc ngủ ngàn thu. Sau này má tôi hay dặn các con là “Không được ăn canh cải bẹ xanh vào chiều tối, nếu cảm thấy trong người không được khỏe.”

Thời đó, khoảng năm 1945, đâu có điện thoại mà liên lạc, ông ngoại là tay giang hồ lãng tử, may là chết nơi nầy có người chôn, chứ có khi chết bờ chết bụi vợ con không ai biết, phải mấy tháng sau bà ngoại lên thăm má tôi mới biết là ông ngoại chết rồi.

Bà Tư tốt bụng cho làm đám ma rồi chôn đất thí ở nghĩa địa Chí Hòa.

Bà tốt bụng, xem má tôi như con cháu thân tình, bà cho những nữ trang vụn vằn mà khách bỏ không có tiền chuộc, má tôi con nhà nghèo mà có vàng đeo, bà Tư thấy ngoại ở xa mà chồng thì chết nên bỏ tiền mua căn nhà nhỏ xíu cho ngoại và các con ở mà không lấy tiền thuê nhà, miễn là má tôi cứ ở đợ nhà bà, ngoại tôi ở nhà đó mua bán đắp đổi qua ngày.

Mỗi tháng má tôi lấy tiền để dành mua gạo rồi đội đến cho ngoại, má tôi dặn bà đừng đến nhà bà Tư mà bị nhà giàu coi rẻ lại sinh nghi kỵ (sau nầy má tôi cũng hay dặn câu ấy với các con, là đừng có thấy sang bắc quàng làm họ, mà phải biết phận mình). Mỗi ngày đi bộ đưa trẻ đi học thì chạy ù cho lẹ để thăm ngoại, mẹ tôi chạy đường tắt mà sau nầy cũng con đường tắt ấy mẹ tôi chỉ cho tôi để đội gạo đem cho bà ngoại và cậu dì mà nội tôi không hề biết.

Năm má tôi 18 tuổi, trong một lần đến thăm nhà người bạn gái, má tôi đã gặp ba tôi. Ba tôi một thanh niên đẹp trai, có nghề sửa xe hơi, má tôi kết ba tôi vì biết lo làm ăn, ba tôi thương má tôi vì nghĩ rằng cháu của bà chủ tiệm cầm đồ lớn nhất chợ Hòa Hưng, chứ ông không biết rằng má tôi tuy danh nghĩa là cháu, nhưng là đầy tớ ở đợ không trả tiền công. Nhưng ngày má xuất giá theo chồng, bà Tư cũng cho má tôi một chiếc kiềng đeo cổ bằng vàng y để kỷ niệm. Sau nầy lúc có 4, 5 đứa tụi tui rồi má tôi bán chiếc kiềng để mua nhà riêng, không ở với nội nữa.

Trải bao dâu bể, ba tôi bị động viên đi lính xa nhà, một mình má tôi vừa lo gia đình riêng của mình, vừa lo cho ngoại, ôi có bút mực nào tả cho hết sự giỏi giang của người đàn bà Việt Nam mà điển hình là má tôi.


***

Ngồi trong chiếc phản lực nhìn đường bay chậm rì trên màn hình, tôi vượt 10,400 km đường chim bay để về thăm mẹ. Năm nay mẹ tôi 80 tuổi rồi, suốt cả đời lo cho bà ngoại, lo cho chồng cho các con, bây giờ còn lại chỉ một mảnh hình hài gầy yếu.

Càng nghĩ, càng thương mẹ tôi quá chừng đi.

chieclavotinh
09-04-2017, 08:58 AM
Lễ Tạ Ơn Trong Viện Dưỡng Lão
Nguyên Phương

Theo lời khuyên của một vị thượng tọa, “nếu có dịp đại chúng nên đến thăm viện dưỡng lão, để an ủi, khuyến khích những cụ già trong đó, nhiều cụ cảm thấy thật cô đơn khi con cháu không có thì giờ đến thăm, hơn nữa đó cũng là một nơi mà mai mốt mình cũng sẽ phải tới…”.

Nghe lời thầy chúng tôi thu xếp một chương trình để đi thăm viện dưỡng lão vào ngày lễ tạ ơn.

Tôi y phục chỉnh tề ngồi ngay nơi cửa số để chờ mấy bà bạn đến đón, hôm nay chúng tôi hẹn nhau đến một viện dưỡng lão chung vui với các cụ trong ngày lễ tạ ơn.

Viện dưỡng lão này có mẹ của Lan, cụ ở đó đã ba năm, từ khi cụ bị bệnh Alzheimer, gia đình Lan đồng ý đưa cụ vào trong đó thỉnh thỏang con cháu vào thăm. Ở nhà cụ thường bị lẫn và hay đòi đi ra ngòai đường, cửa ngõ lúc nào cũng phải đóng kín cẩn thận, bếp núc phải tắt kỹ lưỡng có khi cụ bật cả bốn cái bếp, khi Lan, con gái cụ, vào bếp thấy bốn cái bếp đỏ rực, hỏi cụ “mẹ nấu gì hả mẹ” cụ cười lắc đầu không biết.

Quyết định đưa cụ vào nursing home cũng là một quyết định đau lòng, nhưng đành thôi, con cái người thì ở xa, Lan ở chung với cụ nhưng cũng không sao dành trọn 24 giờ một ngày cho me.

Lúc đầu Lan ghé thăm cụ từng ngày, thỉnh thỏang đón cụ về nhà, đưa cụ ra ngoài ăn uống, nhưng gần đây thì cụ không biết nhiều, ngay cả con cái cũng không nhận ra, Lan bận ở xa nên chỉ thăm cụ mỗi tuần.

Chúng tôi đến nơi thì xe đã đậu chật trong parking, nhưng nơi đây rất cẩn thận họ tổ chức valet parking cho những người không tìm được chỗ đậu xe.

Vào đến nơi, tôi chóa mắt vì cảnh nhộn nhịp những trang hòang thật vui mắt, Lan đưa chúng tôi vào phòng lớn, nơi họ đang tổ chức ăn uống,các cụ được đẩy xe lăn ngồi sẵn tại bàn, những bình hoa tươi đang được sửa sọan cắm vào bình, và được đem tới từng bàn, bong bóng, hình ảnh, chữ viết tất cả chu đáo cho một ngày lễ tạ ơn. Nhạc sĩ đang sửa sọan nhạc cụ để giúp vui các cụ. Mẹ Lan đã được đưa ra ngồi ở bàn gần cửa ra sân. Cụ cười cười, Lan lại ôm lấy mẹ vuốt tóc cụ, Mai xà lại bên cạnh cụ hỏi thăm “mẹ nhớ con không?” (Mai thường gọi cụ bằng me). Đến nơi Lan sắn tay áo vào phụ giúp trong việc cắm hoa, bưng thức ăn đến từng bàn cho các cụ.

Các cụ đều được ăn mặc tươm tất, các cụ bà đều được đánh móng tay móng chân, mặt mũi tươi cười ngồi ngay ngắn trên xe lăn trên mỗi bàn một bình hoa tươi, mới hái ở ngòai vườn.

Mảnh vườn nho nhỏ nhưng hoa nở thật vui mắt, dù là đang cuối mùa thu nhưng cây vẫn xanh lá, hoa vẫn nở, khí hậu vùng nam California thật thích hợp cho những cụ già Việt Nam, thời tiết chỉ hơi se lạnh làm tôi liên tưởng đến Đà Lạt.

Viện dưỡng lão này gồm nhiều sắc dân không riêng gì Việt Nam. Các cụ có lẽ sức cũng đã yếu nên không thấy chuyện trò với nhau, có cụ ngồi suy tư không hiểu cụ đang nghĩ gì, tôi tới hỏi thăm thì cụ không trả lời, cụ ngồi nhìn chăm chăm vào bình hoa, bữa tiệc chưa bắt đầu nhạc sĩ dạo vài nốt nhạc thử âm thanh và micro. Nhân viên tấp nập chạy ra chạy vào, khi nhạc bắt đầu, có những người vừa làm vừa nhún nhẩy, mặc dù đang cắm hoa, lấy nuớc, hay đang bưng thức ăn. Tiếng ồn ào tắt hẳn khi nhạc sĩ vừa đàn vừa hát, nhạc vang lên rộn rã, mẹ Lan lắc nhẹ đầu theo điệu nhạc, miệng cười chúm chím trông thật dễ thương, Lan chợt nhớ ra chạy vội vào phòng cụ mang ra con búp bê cho cụ, mặt cụ tuơi hẳn lên, ôm siết con búp bê vào lòng như người mẹ mới đi đâu về gặp con. Những người già thường trở lại như con nít, lúc nào cụ cũng bế con búp bê, âu yếm nựng nịu như chơi với một em bé thật. Tôi ghé vào tai cụ hỏi nhỏ “bác có vui không?” cụ gật đầu nhẹ một cái rồi lại tiếp tục lắc lư đầu theo địệu nhạc. Cụ âu yếm con búp bê như ôm con, cháu có lẽ để cho bớt cảm giác cô đơn, cho thấy rằng mình vẫn có người ở bên cạnh. Cụ không phải là người duy nhất thích “em bé”, một số các cụ bà khác cũng có cùng sở thích.

Thức ăn bắt đầu được đem ra, mỗi cụ được quàng vào một cái yếm dãi cho khỏi rơi thức ăn ra áo. Ngồi chung bàn với cụ là một bà cụ người Đại Hàn nét mặt tươi như hoa, quần áo bảnh bao, tóc tai thật tươm tất, bà vào nhà bếp bưng ra một khay thức ăn rồi từ từ đút cho ông chồng. Bà cho biết ông chồng bị bệnh và được đưa vào đây đã bốn năm, con cái không có ai ở gần, chỉ có một mình bà mỗi ngày vào thăm và đút thức ăn cho chồng, nhìn cử chỉ bà thật là nhẹ nhàng và trìu mến trong mỗi muỗng thức ăn đưa lên miệng cụ ông. Hai cụ đều đã ngòai tám mươi. Một cặp khác bà vợ cố đút thức ăn cho ông chồng, tôi nghe ông cự nự nho nhỏ nhưng bà vợ vẫn dịu dàng và âu yếm đưa từng muỗng thức ăn vào miệng chồng. cặp vợ chồng này không già nhưng khôngcòn trẻ có lẽ ông chồng bị bệnh.

Mai xí phần xúc thức ăn cho cụ mẹ của Lan. Cụ ăn nhưng mắt nhìn lên anh chàng nhạc sĩ, hai tay ôm chặt “em bé”. Tôi đề nghị ôm em thế cụ để cụ ăn, cụ càng giữ chặt hơn nhất định không đưa cho tôi.

Có ba cô gái Việt Nam còn trẻ, mặc áo dài thật đẹp như ngày tết, các cô ào vào như một luồng gió xuân, các cô mang vào những trái bong bóng hình trái tim đến từng bàn đưa tặng mỗi cụ một trái bóng và gửi lời chúc mừng ngày lễ tạ ơn đến các cụ.

Chỉ vỏn vẹn có một anh chàng nhạc sĩ vừa đàn vừa hát nhưng cũngđủ làm rộn ràng cả phòng, anh chàng hát đủ mọi lọai nhạc, khi hát nhạc Rock giọng anh ta hát không thua gì Elvis Presley, sau mỗi bản nhạc mọi người vỗ tay tán thưởng vang rân cả phòng, có cụ mải nghe nhạc không chịu ăn. Ông Director lại mời chúng tôi ăn chung vui với các cụ, chúng tôi từ chối. Director là một người Đại Hàn, anh ta còn trẻ, trông thật trẻ trung trong chiếc áo chemise mầu hồng, thật hồn nhiên yêu đời.

Một cụ bà chắc khỏang ngòai bẩy mươi tuổi, cụ ngồi trên xe lăn nhưng chân tay như ngứa ngáy, Lan thấy vậy đến gần cụ vừa nhẩy vừa nắm tay cụ, chân cụ bơi bơi cho chiếc xe lăn chạy theo điệu nhạc, mọi người vui cười vỗ tay vang rền, cụ càng thích chí hơn, cười to hơn, đẩy xe bằng chân nhanh hơn, khi đến điệu nhẩy cha cha cha, cụ không dừng lại được nữa, cụ đứng lên và khiêu vũ không cần xe lăn, cứ thế cụ nhẩy khỏang hai muơi phút sợ cụ quá mệt Lan đưa cụ trở lại chỗ ngồi để cụ tiếp tục ăn, nhưng được vài phút cụ lại đứng lên nhẩy tiếp tục, ông Director lại nhẩy cùng với cụ và những thành phần ban giám đốc cùng những nhân viên cũng chung vui và kéo nhau ra nhẩy. Một ông cụ khác ngồi xe lăn cũng tham gia vào cuộc nhẩy vui nhộn này.

Sau một hồi nhẩy cùng bà cụ anh Director lên sân khấu ca một bản nhạc thật vui, anh ta cất cao giọng hát lên chin từng mây, tôi tưởng tượng như mình đang nghe nghe một ca sĩ đang hát trong một cuốn phim Đại Hàn.

Chúng tôi cũng vui theo niềm vui của các cụ, những tràng pháo tay tưởng như không bao giờ dứt. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng tàn, đã đến giờ các cụ về phòng nghỉ ngơi, anh nhạc sĩ cũng cần nghỉ sau cả giờ đồng hồ một mình độc diễn.

Khu của mẹ Lan là khu riêng biệt của những người bị Alzheimer nên phải đi qua một cái cửa có khóa, cần phải bấm nút hai cánh cửa mới được mở ra, hôm nay là ngày lễ, Lan yêu cầu cho mẹ ra khu ngoài chung vui với những cụ còn tỉnh táo. Đẩy xe cho mẹ Lan trở về phòng, trong khu này mỗi phòng đều có hình các cụ ở ngòai cửa để nếu có cụ nào lang thang không tìm thấy phòng mình thì nhân viên của viện có thể dắt cụ về đúng phòng của cụ.

Cụ mẹ của Lan đã quên nhiều, hình như cũng không nhận ra con nhưng khi Lan chào từ biệt “mẹ ở lại con về đi làm” thì cụ gật gật đầu không hiểu cụ có hiểu không. Chúng tôi ra về trong sự bịn rịn, khi cánh cửa đóng lại các cụ trong đó sống với một thế giới riêng của các cụ.

Bước ra ngòai, chúng tôi gặp một bà cụ Việt Nam ngồi xe lăn, cụ cười tưoi với cái miệng móm trông thật dễ thương và làm tôi nhớ mẹ của tôi. Tôi lại gần cụ hỏi thăm sức khỏe cụ, cụ vuốt cánh tay tôi một cách trìu mến:

- Thỉnh thỏang nhớ vào thăm bà nhé.

Chắc cụ nghĩ tôi là cháu cụ, tôi vuốt vai cụ thì thầm

- Vâng thỉnh thỏang cháu sẽ vào thăm bà.

- Nhưng cũng không còn lâu đâu cháu ạ, bà sắp đi rồi.

Tôi giật mình, chắc cụ bị bệnh nặng và sắp qua đời, nhưng cũng cố vớt vát hỏi lại

- Thưa bà bà có khỏe không?

- Khỏe, bà đang chờ con đến đón về nhà đây, chúng không cho bà ở trong này mà muốn mang bà về nhà.

Tôi thở phào và hoang mang không hiểu có thật vậy không nếu vậy thì thật mừng cho cụ, cụ lại vuốt cánh tay tôi và chỉ vào Mai:

- Cô kia cuời tuơi quá nhỉ, xinh xinh quá

- Con vui và cuời tươi giống bà. Mai nhanh nhẩu trả lời cụ.

Chúng tôi chào cụ để ra về cụ lại nhắc thêm một lần nữa thỉnh thỏang nhớ vào thăm bà nhé.

Vẫy tay chào, ra khỏi cổng chúng tôi cũng thấy buồn vui lẫn lộn, cuộc đời mai sau của chúng tôi là như thế đó, nhưng nếu mình biết thích hợp với hòan cảnh cuộc sống sẽ không đến nỗi buồn chán nếu còn sức khỏe vừa đủ để nếm hương vị của cuộc đời, thưởng thứcnhững ngày lễ mà ban giám đốc của viện cố gắng giúp vui. Những người già nơi xứ Mỹ cũng vẫn được chăm sóc, được nghĩ đến, được an ủi. Ngày thanksgiving, ngày mà người người đều được ở nhà để bên nhau cùng ăn mừng, những nhân viên của viện dưỡng lão đã phải đi làm nhưng họ vẫn vui vẫn cùng các cụ nhẩy múa, ca hát cho các cụ cái cảm giác không bị bỏ rơi.

Thế hệ lớn hơn chúng tôi có thể sẽ buồn nhiều hơn vì chưa hòa nhập được những niềm vui của đời sống Mỹ về vấn đề ngôn ngữ, về phong tục tập quán.

Cuộc đời như một bánh xe lăn, nếu mình không lăn theo thì sẽ bị văng ra ngòai, hoàn cảnh nào cũng có vui có buồn, tại sao mình không chọn những niềm vui? Nếu không còn một sự lựa chọn nào khác thì căn nhà cuối cùng của cuộc đời mọi người già trên đất Mỹ là Viện Dưỡng Lão, cũng không có gì đáng ngại.

Chúng tôi cùng cười với nhau khi nhớ đến bà cụ buông cả xe lăn đứng lên nhẩy, hòa nhập với cuộc sống thật cũng không đến nỗi quá khó, chỉ cần mình biết tùy hỷ và tùy duyên.

chieclavotinh
09-07-2017, 08:50 AM
Quà Nô Ên
Võ Kim Sơn

Quà Noel. Quà Giáng Sinh. Không riêng trẻ con mong quà của Ông Già Nô Ên. Mà cả người lớn đều mong đợi mùa Giáng Sinh. Trẻ con hồn nhiên thích món quà mơ ước. Còn người trưởng thành thì có khi chờ gặp người cho quà hơn là chính món quà.

Chiều nay 24 tháng 12, áp lễ Sinh Nhựt Chúa. Mẹ tôi bồn chồn, đứng ngồi không yên, thỉnh thoảng lại hỏì:

- Chuyến xe cuối về tới chưa?

- Dạ, chưa ba giờ mà Mẹ.

Rồi đến ba giờ, bà mẹ lại hỏi:

- Chuyến xe cuối về tới chưa?

- Dạ chưa bốn giờ mà Mẹ.

Đến bốn giờ bà mẹ không hỏi nữa mà tự ra bến xe đứng chờ. Xe trờ tới. Bà mẹ vội vã rảo mắt nhìn đến người khách cuối cùng rời xe. Không có bóng dáng người con gái thân yêu mới lấy chồng xa vài tháng trước đây. Bà mẹ thất thểu cầm gói quà của con gái gửi cho mẹ do anh “lơ xe” vừa trao. Thế là mùa Nô Ên nầy con không về. Mùa Giáng sinh đầu tiên bà mẹ không có con cùng làm bánh, nấu nướng để ăn “réveillon” sau khi đi Lễ Nửa Đêm về. Thế là đêm nay... “Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời…” không có tiếng con thân yêu hát chào mừng Thiên Chúa Giáng Trần. Thế là đêm nay vắng tiếng đàn organ của con mà Mẹ quen thưởng thức mười mấy năm qua. Năm nay không có tiếng đàn đệm réo rắc theo tiếng hát véo von “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…” Con đã về nhà chồng. Mẹ phải tập quen dần vói món quà con gửi, thay con bên cạnh mẹ. Mẹ thích quà con gửi nhung có con bên cạnh quý hơn mọi thứ quà con ạ.

Không ngờ câu nói nầy tôi lại được nghe lập lại. Cũng lại mùa Nô Ên. Bạn tôi bên Mỹ nhờ mua quà đem lại thăm bà mẹ của bạn ở Phú Nhuận. Nhấn chuông gọi cổng. Bà mẹ đang ăn cơm, buông đũa chạy ra. Lòng bà đang mong ước thấy bóng dáng đứa con thân yêu từ Mỹ về thăm Mẹ trong mùa Giáng Sinh. Ờ, biết đâu niềm mơ ước Mùa Giáng Sinh của bà mẹ được Chúa Hài Đồng ban phép mầu. Sững sờ, bà cụ ngạc nhiên nhìn một nguòi con gái lạ.

- Thưa bác, con là bạn của Chị Thanh Vân.

Nghe hai chữ Thanh Vân, bà mẹ mở cửa chạy bổ ra và ôm chầm lấy tôi như là chính con gái của bà. Rồi bà mẹ lôi tôi vào nhà. Vừa hỏi bà vừa đưa tay sờ vào đầu, vào mặt, nắn nót từng ngón tay của tôi:

- Cháu ở bên con Vân về hả? Nó mạnh không Cô? Chừng nào nó về? Cô gặp nó, nói tôi nhớ nó lắm.

Rồi bà mẹ quẹt nước mắt, nức nở:

- Tôi không gặp nó sáu năm rồi. Không biết bây giờ nó mập hay ốm. Cô nói giúp, gặp nó là đủ cho tôi rồi. Về thăm tôi là đủ rồi, đừng mua quà cáp gì hết.

Tội nghiệp bà mẹ ôm niềm mơ ước Mùa Giáng Sinh xuống tuyền đài. Còn bao nhiêu bà mẹ nữa cùng một mơ ước có được toại nguyện không? Tôi hay kể cho sinh viên nghe loại quà Giáng Sinh các bà mẹ mong muốn để khuyến khích sinh viên về thăm gia đình trong mùa Winter Break.

Thế rồi hôm tôi về Việt Nam, Kim nhờ tôi mang về cho mẹ hai trăm đô la. Một món quà không nhỏ so với đời sống vất vả của một sinh viên sống hoàn toàn tự túc trong sân trường đại học. Nhìn địa chỉ của bà mẹ ở Cầu Ông Lãnh tại Sài Gòn, tôi hơi ngần ngừ nhưng tình con thương mẹ của Kim khiến tôi không nên chùn bước. Thế là tôi ra đi mang theo sứ mạng: Trao tận tay số tiền do công lao cực khổ của Kim dành dụm và chụp hình với bà mẹ. Kim rời bà lúc 12 tuổi. Xa nhau ngần ấy thời gian. Bao nhiêu là thương nhớ nung nấu trong lòng bà mẹ. Xe dừng lại trước địa chỉ trong khu Cầu Ông Lãnh. Quả là căn nhà nằm trong một nơi đúng như tôi lo sợ, một vùng nổi tiếng là “khu anh chị, khu của dân đá cá lăn dưa”. Chúng tôi quyết định tìm bà mẹ của Kim vào ban đêm với hy vọng được dễ gặp bà. Rời xe, tôi leo lên lầu của căn nhà và căn dặn mọi người trên xe:

- Nếu không thấy tôi trở ra trong vòng 10 phút thì báo công an liền. Tôi không cầm gì trong tay. Không tiền. Không máy chụp hình.

Lúc ấy là 10 giờ tối. Bước vào căn phòng lờ mờ nhờ ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn đường, tôi muốn vội trở ra. Người và người nằm xếp lớp trong phần đầu căn nhà. Tôi chìa tên bà mẹ ra và hỏi xem tôi có đến đúng chỗ không. Tuy tôi đến vào giờ phá giấc ngủ của người dân lao động, vậy mà mọi người đều ân cần hướng dẫn tôi đi dần vào phía sau. Qua phần thứ hai của căn phòng cũng chưa gặp bà mẹ của Kim. Cố gắng đi nhẹ nhàng như con mèo nhảy để khỏi phá giấc ngủ của những người cần lấy lại sức chuẩn bị lao động từ lúc hai giờ đêm. Tôi hối hận là không đến sớm hơn. Và cuối cùng tôi vỗ nhẹ vào vai người phụ nữ nằm gần cuối phòng. Nghe tiếng nói nhỏ mà bà mẹ đang trong giấc ngủ chập chờn ngồi phắc dậy:

- Có thơ thằng Kim hả Cô? Thật vậy sao? Hơn mười năm rồi tôi không gặp nó. Thằng Kim bây giờ ra sao hả Cô? Chắc là nó lớn lắm rồi.

Tôi nhỏ nhẹ:

- Mời Bà theo tôi xuống đường nói chuyện để mọi người ngủ.

Bà mẹ cố nén câu hỏi trong khi chúng tôi lần lượt ra cửa. Tôi cố nhìn trong ánh sáng tranh tối tranh sáng để không đạp lên thân người nằm chật cả lối đi. Ước lượng có trên hai mươi người nằm chen chúc trong căn nhà chật chội đầy mùi người và cũng đầy tình người. Xuống xe tôi mới lấy tiền trao cho bà mẹ, thư của Kim và chụp với bà một tấm ảnh. Tôi không kể về Kim nhiều ngoài sự chăm học của một sinh viên tự túc cố gắng tiến lên. Rồi đến lúc chia tay, bà mẹ mếu máo:

- Nhờ Cô nói với thằng Kim, tôi nhớ nó lắm. Như Cô thấy, hai trăm đô la đối vói tôi nhiều lắm. Với cái thùng bán thuốc lá lẻ ở một góc đường có của ăn hàng ngày là mừng lắm chứ nói gì dành dụm được tới 200 đô la. Được số tiền của con gửi về mừng lắm. Nhung nếu tôi được đánh đổi ôm thằng Kim vào lòng, thà tôi nhịn đói cả tháng, thà chịu nghèo suốt đời tôi cũng đánh đổi hơn là cầm 200 đô la trong tay. Nói vậy không phải là phụ lòng Cô đâu. Nhờ Cô nói với nó để biết là tôi nhớ thương thằng Kim thế nào. Và nhờ Cô nói mùa Nô Ên nào tôi cũns mong gặp được con.

Kim ơi, đă về gặp mẹ chưa? Được gặp cháu nội, chắc bà nội mừng lắm. Cho Cô tò mò hỏi em.

Rồi đến lượt Mẹ Chồng tôi. Nghe tiếng gọi cổng, từ cổng bà chạy phóng ra. Tôi hoảng sợ, e ngại bà cụ bị ngã. Bà mẹ ngó dáo dát:

- Thằng Sáu đâu? Nó còn trên xe hả?

Sợ làm bà cụ thất vọng đột ngột tôi chậm rãi thưa:

- Dạ anh con chưa dám về.

Mặt bà cụ đanh lại để kềm tiếng nấc nhưng các giọt nước mắt vẫn trào ra cho vơi nhớ thương.

Dìu bà cụ vào nhà, rót nước mời bà uống rồi từ từ tôi lấy cuốn tape mở máy:

Thưa Má,

Con của Má đây. Thằng Sáu hay đòi Má nấu món nấm tràm mỗi khi con về thăm nhà. Vợ con về trước thăm Má và các em. Con hứa là đến Mùa Giáng Sinh năm sau, con sẽ về đi lễ với Má và sẽ đàn Organ ở Nhà Thờ Đức Bà cho Má thưởng thức. Thế nào con cũng đàn bài Má ưa thích:“Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Bê Lem ánh sáng toả ra...” Con đã nhốt lòng nhớ thương trong gói quà gửi Má đây. Má có cảm nhận chưa? Má nhớ con bao nhiêu thì con nhớ Má bấy nhiêu đó. Má cứ lấy lá me, bứt rời ra từng lá phụ rồi xếp nối đuôi với nhau. Mỗi lá tượng trưng một ngày con chưa gặp Má. Hàng lá me dài lắm rồi phải không Má? Gần mười năm rồi nào phải ít ỏi gì đâu.

Thôi, Má và con cùng chung lời cầu nguyện: “Xin Chúa ban Hòa Bình dưới thế”. Xin cho mọi gia đình được sum họp trong mùa Nô Ên. Đó là món quà người người đều mong ước. Và năm sau con sẽ về ôm Má vào lòng. Con ôm Má chứ không phải Má ôm con như ngày con còn bé nhen.

chieclavotinh
09-11-2017, 03:08 AM
Đạo lý gia đình
Nam Huỳnh

Sau 30-4-1975, như tất cả các Sĩ Quan QLVNCH còn ở lại miền Nam, bản thân tôi đã phải chịu hơn 6 năm tù cải tạo.

Trước khi có dịp định cư tại Hoa Kỳ, tôi đã nghe nhiều chuyện “dở khóc, dở cười” tại cái quê hương hợp chủng này, nên tôi luôn cẩn thận, chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đối diện với thực tế.

Đặt chân đến Mỹ vừa tròn 3 tháng, thì gia đình tôi đã phải ứng phó với sự “kỳ thị” của “cô con dâu”!

Từ quê hương đau khổ, nghèo nàn, được sang một đất nước giàu mạnh, văn minh tột đỉnh, dân chủ thật sự, tự do nhất thế giới... thật là một phúc đức lớn lao! Nhưng niềm vui chưa trọn, thì chuyện buồn lại đến liên miên...

Vì con trai tôi sponsor, nên bước đầu gia đình tôi phải về ở chung tại San José. Tôi cũng đã sòng phẳng “trả tiền phòng” hàng tháng coi như “share phòng” hầu tránh phiền muộn về sau. Thế nhưng càng ngày tôi thấy “cô con dâu” càng tỏ ra “kỳ thị” với 3 đứa em chồng và thường sửa sai, gây gổ luôn cả chồng. Bà vợ tôi phải lo đi chợ nấu ăn cho cả nhà nên bận rộn suốt ngày! Thế mà chẳng được ơn mà còn bị oán.

Bạn hữu của cô con dâu thấy chuyện bất bình, đã lén gọi điện thoại lại báo cho chúng tôi. Cô ta nói với bạn, “Phải gắt gao với họ (chúng tôi) để chồng không dám giúp đỡ họ... và đoan chắc rằng họ chẳng bao giờ dám xa rời hoặc bỏ đi, vì lý do duy nhất là họ mới qua Mỹ, chưa có xe. Không tiền thì phải chấp nhận đau thương thôi!”

Chịu đựng đau khổ được 3 tháng, vợ chồng tôi bàn nhau tìm đường “di tản”!

May mắn làm sao, chỉ vài hôm sau, một người bạn thân từ Dallas gọi sang và rủ chúng tôi qua. Thế là chúng tôi quyết định “move” sang Garlant (Dallas) thuộc tiểu bang Texas.

Chúng tôi ra đi vì hạnh phúc của con trai tôi, tôi không muốn cái hạnh phúc của con bị sứt mẻ vì sự hiện diện của chúng tôi, và cũng để cho chúng tôi được an thân.

Thượng đế cũng thương nên qua Garland tôi tìm được việc làm tại hãng Mervyn. Làm “Machine Operator” được 3 tháng, thì nhận được “giấy” đi khám sức khỏe để vào permanent, nhưng vì vết thương chiến tranh còn để lại “nơi cột sống” nên tôi phải nghỉ việc.

Một lần nữa, gia đình tôi phải “move” đi tìm việc làm. Cuộc phiêu lưu vì “đô la” bắt đầu.

Chúng tôi di chuyển xuống Houston, một thành phố khá lớn, nằm phía Nam của Texas. Tại thành phố nghèo việc làm này, tôi cũng may mắn tìm được một job: lái xe đưa rước những gia đình H.O mới sang Mỹ đi học Anh ngữ ESL. Nhờ vậy, tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều bạn bè thuộc mọi giới trong xã hội để được tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm.

Mỗi người một số phận, mỗi gia đình một hoàn cảnh, tuy nhiên đa số đều giống na ná nhau: khó khăn về ngôn ngữ phong tục tập quán, trong gia đình thì vấn đề con cái đã trở nên nghịch lý.

Tôi chỉ biết lấy kinh nghiệm của người đến Mỹ trước, an ủi tất cả anh em để họ có đủ niềm tin và an tâm, hầu vượt qua được bước “khởi đầu nan”! Và tôi đã đi thấy nghe, hoặc chứng kiến, nhiều chuyện “cười ra nước mắt”!

Tháng 5/95 tôi có dịp giúp đưa một người bạn là chị H. đến “viện dữởng lão” để thăm “bà cô chồng”.

Bà cô trong “Viện Dưỡng Lão” là một bà cụ đã 89 tuổi nhưng vẫn còn nét đẹp lão quí phái. Tóc trắng cả mái đầu, mắt vẫn còn long lanh, trong sáng. Bà đọc báo không cần mang kính lão. Bà chỉ có một khuyết tật nhỏ là hơi lãng tai. Khi tiếp xúc với Bà chỉ viết trên giấy để bà đọc, và bà trả lời rất rõ ràng.

Lần đầu đi với chị H, và sau khi chị H trở về Cali, chúng tôi vẫn đến thăm bà ta những khi rảnh rỗi và rồi được bà kể là bà lập gia đình năm 19 tuổi, đến năm 24 tuổi thì ông nhà mất, để lại 3 đứa con, mà đứa con gái út chỉ mới lên 2 tuổi!

Góa chồng ở lứa tuổi 24, tuy vẫn còn trong độ thanh xuân, nét mỹ miều còn làm bao thanh niên trong Quận theo đuổi, nhưng vì thương con, thương chồng, bà quyết ở vậy nuôi ba đứa con đến ngày khôn lớn.

Bà tần tảo mua bán, lập nghiệp từ một ít vốn của ông chồng để lại. Sau đó bà làm chủ 2 tiệm vàng tại quận TB thuộc tỉnh Tây Ninh.

Ngày 30/4/75 miền Nam thất thủ. Thời thế đổi thay. Bà cùng 2 con gái di tản sang Hoa Kỳ. Dù tuổi đời bà đã 69 tuổi. Quyết định bỏ cả ruộng vườn nhà cửa và chỉ mang theo 03 bao cát vàng.

Đến cuối năm 1975, bà ta và 2 con được phép định cư tại Texas.

Qua năm 76, dù mới định cư chưa được 1 năm nhưng với số vàng sẵn có trong tay, bà quyết định mua một ngôi nhà để cho con gái út (còn gọi là Út Thơm) và chồng cùng các cháu an cư rồi sẽ lập nghiệp, và các cháu được an tâm học hành.

Sau 9 năm, hai cháu ngoại đã tốt nghiệp Đại Học. Một là Bác Sĩ, một là Dược Sĩ...

Khi thấy cháu ngoại dự trù mở phòng mạch mà không có tiền, bà đã không do dự, mà còn khuyến khích, hỗ trợ bằng cách trao lại cho Út Thơm tất cả tài sản còn lại của Bà để Út Thơm lo cho cậu con bác sĩ có được phòng mạch...

Theo bà nghĩ sở dĩ trước đây bà giữ số vàng mang theo là vì sợ con, cháu ỷ lại, tiêu pha hết. Không còn để phòng thân khi hữu sự. Nay, các cháu đã thành tài. Bà không cần lo nữa và an tâm sang luôn tên nhà, giao hết của cải cho Út Thơm.

Một tuần lễ sau đó, Út Thơm cùng chồng và 2 con tổ chức đãi mừng Ngoại 79 tuổi và Út Thơm cùng chồng ngỏ ý đưa Bà đi nghỉ mát vùng xa... đổi gió. Bà ngập ngừng suy nghĩ nhưng vì 2 cháu năn nỉ thêm, nên miễn cưỡng bằng lòng cho gia đình được vui!

Sáng thứ bảy, cả nhà dậy sớm lo cho Bà ăn sáng, quần áo và vật dụng thường dùng. Hai cháu ngoại dìu Bà ra xe để lên đường. Ngồi trên xe khoảng 30 phút, xe dừng trước một tòa nhà lớn lao, sang trọng.

Tại đây, Bà được Bác Sĩ Mỹ khám bệnh trước khi đi chơi xa. Khám xong, Út Thơm vui vẻ bảo với Bà bác sĩ nói sức khỏe Mẹ rất tốt, ngoại trừ chỉ bị hơi lãng tai thôi! Sau đó Út Thơm dìu Bà lên phòng khách ngồi, mang cho Bà lon trà ướp lạnh, rồi bảo: “Mẹ uống nước chờ con vào trong thanh toán tiền cho Bác Sĩ, xong con trở ra chở Mẹ đi.”

Ngồi chờ suốt mấy tiếng đồng hồ, Bà sốt ruột nên đi tìm. Chẳng thấy cô Út ở đâu! Bà bắt đầu lo sợ...thì xuất hiện cô y tá người Mỹ đến nói gì Bà chẵng hiểu và dẫn Bà vào phòng ăn. Đến nơi nhưng Bà không ăn, nhìn quanh toàn là những bà Mỹ già, chẳng có người VN và cũng chẳng có ai quen.

Bà gọi tên Út Thơm... nhưng vô vọng! Bà chạy ra ngoài nhưng nhân viên trực không cho Bà đi. Bà la, khóc và nói thật nhiều nhưng chẳng ai hiểu Bà, vì Bà chưa hề biết tiếng Mỹ.

Bắt đầu từ đây, Bà phải sống với bao nhiêu cực hình mà đám y tá Mỹ trắng, Mỹ đen rất bạc đãi, đôi khi còn xô đẩy Bà nữa!

Khi tôi đến thăm thì Bà đã ở đây được 9 năm, tuổi đã 88 tuổi. Suốt 9 năm dài, Út Thơm, con gái Bà không bao giờ trở lại thăm mẹ. Con cháu Bà, tuy phòng mạch ở downtown cách nơi đây chỉ 20 phút lái xe, cũng chẳng hề thăm viếng!

Gặp chúng tôi Bà vẫn còn sáng suốt. Bà yêu cầu chúng tôi giúp cứu Bà ra khỏi trại Dưỡng Lão này, liên lạc giùm với em trai của Bà, hy vọng sẽ đưa Bà trở về quê hương. Nhưng, than ôi, chúng tôi cũng như em trai Bà tất cả phải bó tay. Vì luật của Hoa Kỳ là ai gởi Bà vào thì chính người đó mới có quyền lãnh ra. Em trai Bà là cậu ruột của Út Thơm, đã có lần đến gặp Út Thơm để yêu cầu cô lãnh Bà ra giao cho gia đình Ông nuôi. Chẳng những bị Út Thơm xua đuổi, ông cụ còn bị gia đình Út Thơm hăm gọi cảnh sát vì chen vào nội bộ gia đình cô!

Từ lúc hiểu được hoàn cảnh của Bà, chúng tôi thường dành thì giờ đến thăm Bà. Mang quà bánh biếu, Bà không ăn. Biếu tiền, Bà không nhận. Bà nói Bà tuyệt thực và cầu nguyện ơn trên cho Bà chết sớm. Từ hơn 2 năm rồi, Bác Sĩ ra lịnh bắt Bà ngồi xe lăn, nên đến nay Bà không đi đứng được nữa.

Giữa năm 1995, vì tôi bị thất nghiệp nên phải move đi tiểu bang khác. Mãi đến năm 1998, chúng tôi trở về Houston thăm Bà ta...nhưng, tiếc thay Bà đã vĩnh viễn lìa bỏ cái “địa ngục xa lạ” này, ra đi trong cô quạnh. Hết một kiếp người!

Hình ảnh bà cụ bị con cháu bỏ rơi trong viện dưỡng lão làm tôi trăn trở mãi. Mỹ quốc là một siêu cường quốc, có nền văn minh và phát triển cao nhứt thế giới, nơi có đủ thứ luật lệ bảo vệ con người. Một xứ xở tốt đẹp như thế, tại sao đạo lý lại không được quan tâm? Phải chăng đây là nơi suy tàn của đạo lý gia đình Việt Nam?

Công Cha như núi bỏ hoang!
Nghĩa Mẹ như nước lụt tràn lối đi!

Nhớ bà cụ đã mất. Thương chính thân thế gia đình mình, tôi không muốn tin điều ấy là có thực. Đành chỉ còn biết cầu mong cho các thế hệ tương lai không còn thảm cảnh này.

chieclavotinh
09-15-2017, 04:51 AM
Một trăm một chén nước trà
Người Buôn Gió

Lúc ấy trời còn đang trong mùa lạnh, chỉ có trà nóng là bán được. Mẹ cứ gặp gió lạnh là nôn khan, hắn ngồi bán hàng thay cho mẹ. Giờ nhà chỉ còn hai mẹ con và quán nước chè của mẹ là kế sinh nhai.

Hắn mới ra tù, sau nhiều năm trong trại cải tạo trở về cuộc sống bên ngoài còn nhiều bỡ ngỡ. Hôm đầu tiên hắn nhìn đường phố kêu sao chật thế. Mẹ cười bảo anh đi đến anh về nhà vẫn từng ấy mét, phố xá vẫn từng ấy thước, mất đi đâu mà kêu bé. Hắn phì cười, ừ nhỉ, chẳng qua mấy năm ở trên ruộng đồng, núi non rộng rãi sải bước chân quen rồi. Giờ đi mấy bước là đụng người, đụng vật bé là phải thôi. Còn nữa lúc ngủ chiều nghe tiếng kẻng đổ rác, hắn vùng dậy lao xuống giường, mẹ hỏi làm sao, hắn mới nhớ ra ở nhà mà cứ nghĩ tiếng kẻng báo thức ở trại giam. Tiếng kẻng mà bọn tù gọi là kẻng gọi hồn.

Mẹ đưa 5 nghìn bảo đi chợ, dặn 2 nghìn mua gạo, 2 nghìn mua thịt ba chỉ, 1 nghìn mua rau cải. Thịt ba chỉ luộc lấy nước để nấu rau cải, xong đem thịt rim cháy cạnh. Hắn nấu cơm xong ăn trước rồi ra trông hàng cho mẹ ăn, mẹ dặn

- Trà nóng một trăm một chén, trà đá thì hai trăm, thuốc lá hai trăm một điếu con nhé.

Tối mẹ con ngồi ăn cơm, mẹ nói

- Thôi anh mới về, cứ bán hàng với mẹ, rồi tìm công việc gì sau.

Hắn bán hàng cho mẹ, mua báo Rao Vặt đọc mục tìm việc, chỗ đòi có xe máy, chỗ đòi có tay nghề. Hắn chỉ tìm được mục bảo vệ, đưa hàng (không cần có xe). Sáng mẹ cho hai nghìn ăn sáng, uống nước hắn mượn xe đạp hàng xóm đạp xe đến nơi xin việc. Hóa ra đều là văn phòng giới thiệu việc làm. Họ nói phải nộp 50 nghìn lệ phí.

8 tờ năm nghìn, 5 tờ 2 nghìn, mẹ vuốt từng tờ thật phẳng kẹp gáy thành từng chục nghìn một. Hai tờ năm nghìn tờ nọ kẹp gáy tờ kia, một tờ 2 nghìn kẹp gáy 4 tờ còn lại. Đếm trong xong rồi đếm gáy, đủ 5 gáy tiền là đủ năm chục nghìn. Mẹ bảo cầm cẩn thận, anh là hay ẩu lắm, từng này là bao nhiêu chén nước trà của mẹ đấy anh biết không?

Hắn làm bảo vệ cho một công ty THHH, hắn chỉ nghe nói vậy, cái công ty ấy có cái xác nhà không, chả thấy ai làm việc. Hàng ngày hắn đến ngồi ở cái phòng có đúng cái ghế và bàn cũ mèm. Trưa mua cơm hàng ăn, chiều khóa cửa về. Mỗi sáng hắn đi làm, mẹ nhìn thương mến lắm, mẹ khoe mấy bà hàng xóm cháu nó có việc làm, nét mặt mẹ rạng ngời niềm vui. Được bốn ngày thì người chủ công ty dẫn một người đàn ông khác đến, bảo hắn trao chìa khóa, ông ấy nói hắn làm không hợp, cứ về rồi mai kia công ty hoạt động sẽ gọi đến làm chân đi đưa hàng.

Nghỉ nhà mãi cả tuần không ai gọi, mẹ bảo có khi họ không muốn anh làm họ đuổi khéo. Hắn mò đến chỗ nhà ấy, thấy có người ở, vào hỏi thi họ nói nhà này tôi mới mua được hai hôm, đang dọn đồ đến. Hắn hỏi công ty ấy người ta đi đâu, chủ nhà nói làm gì có công ty nào ở đây, nhà này tôi mua hai tháng nay, nhưng mới đặt tiền, hôm kia trao hết thì nhận chìa khóa người ta rao nhà là hoàn tất mua bán. Hắn quay lại văn phòng môi giới việc làm, hỏi sao lại thế, bên môi giới đưa nói họ chỉ biết giới thiệu việc làm và lấy phí, nào công đưa đi, công giới thiệu còn, đã có người nhận làm rồi, còn làm được hay không làm được thì là người làm với chủ thuê, làm sao họ biết được.

Hắn lại ở nhà bán nước chè giúp mẹ, một hôm có hai người khách vào nói chuyện, họ nói về mở văn phòng môi giới việc làm, nhà đất là ăn nhất. Khách mua nhà cứ đưa đến chỉ nhà là lấy 50 nghìn, mua hay không mặc kệ chủ nhà với nhau, ngày 3 khách là cũng có 150 nghìn. Rồi họ còn nói là ông kiếm nhà nào quen cứ giả vờ là muốn bán, khách dẫn đến đòi giá cao không mua được, những cứ có 50 nghìn dẫn đi chia cho nhà kia mấy chục là ngon. Ồ thì ra là lừa đảo à, hắn chợt nghĩ đến việc mình đi làm, hỏi ông khách. Ông khách bảo môi giới việc làm thì cứ hợp tác với đứa nào đó, giả vờ nhận thử việc vài ngày đến 1 tuần rồi bảo không hợp. Mình có tiền thu phí, còn đứa kia được có kẻ làm thuê dăm hôm không bị mất tiền trả lương là được. Đứa nào cãi được mình cơ chứ, mình làm chặt chẽ, đúng luật, ông mua nhà được hay không việc của ông, tôi chỉ lấy công 50 nghìn dẫn đi, mua cái nhà thì 50 nghìn bõ bèn gì. Phần xin việc thì tôi chỉ giới thiệu, đưa đi, bảo đảm đúng công việc thỏa thuận môi giới. Ông làm được không với người ta là do khả năng của ông, tôi sao mà biết được.

Hai ông khách trả 1 nghìn cho hai chén nước và hai điếu thuốc, không lấy tiền trả lại. Hắn cầm tờ một nghìn máu sôi sùng sục, răng nghiến chặt. Hắn từng chém người thuê, đòi nợ thuê được hàng trăm nghìn, miễn là đối tượng phải vào viện, có phải khâu thế là ngon tiền. Hắn biết chém vào đâu để đối tượng không chết, không di chứng hậu quả, nhát chém sâu từng nào đủ phải khâu, cứa dao thế nào để đủ khâu bao nhiêu mũi. Chém ở thời điểm nào, thoát thân ra sao...

Ề chề, cay đắng, hôm nay hắn bị người ta chém, chém bằng luật lệ chặt chẽ. Chém đúng vào cái lúc hắn muốn tìm công việc lao động chân tay, sống bằng mồ hôi, sức lực sau bao năm vác đá, trồng rau nắng mưa ở trại tù. Lúc mà hắn và mẹ bưng từng chén nước trà lấy được 100 đồng có cả vốn lẫn lãi, công sức vào đó. 50 nghìn là bao chén nước chè của mẹ. Lúc mà bao thằng bạn giang hồ đảo qua thì thầm rủ rê mối nọ, mối kia bị hắn bỏ ngoài tai... Hắn cay cái con ranh ở phòng môi giới việc. Đm con chó con, bố mày chém người lấy tiền, từng phạm pháp đi tù, giờ về thương mẹ muốn làm người lành cho mẹ già vui những ngày còn lại trong đời. Không phải túi nhỏ, to lỉnh kỉnh đi tiếp tế cho con những ngày hè đổ lửa hay mùa đông mưa gió. Giờ những con chó như chúng mày lại chém cả tao lẫn mẹ tao lúc này. Cả đêm hắn không ngủ, chỉ mong sáng dắt dao đến hỏi tội con ranh xem chúng nó trả tiền lại không. Hắn nhớ lúc mẹ vuốt tiền đưa, lời mẹ như gửi hết hy vọng vào đó, một trăm một chén nước trà con ạ.

Mờ sáng hắn dậy đánh răng, rửa mặt. Phải đợi thêm chút nữa mới mượn được xe đạp, hắn bọc con dao vào mấy lượt giấy báo nhìn đồng hồ chờ. Tiếng đồng hồ tích tắc, trong khi nghe tiếng tíc tắc ấy hắn nghe thấy thấy tiếng mõ của mẹ trên gác. Hắn lên đứng ở cầu thang nghe tiếng mẹ lần cuối thế nào. Hắn xử xong bọn này sẽ đi theo bọn thằng Thắng, biết bao giờ còn nghe tiếng mẹ. Tiếng mẹ rì rầm...

- Nam mô quan thế âm Bồ Tát, Nam mô... con xin cho nam tử con là... tuổi Tân… năm nay sớm có được công ăn việc làm, sớm yên bề gia thất, con Nam Mô... phù hộ độ trì, con lạy Thánh… con lạy Mẫu... con lạy chín phương trời, mười phương Phật, con lạy...

Hắn gục đầu vào bậc thang, đi lên các bậc thang kia là mẹ già đang cầu nguyện, đi xuống là đến chỗ con ranh ở văn phòng môi giới việc làm. Một lúc sau hắn bừng tỉnh khi nghe tiếng động mẹ cất mõ, chuông. Hắn đi lên xin mẹ tiền mua báo Rao Vặt.

Mẹ cho 4 nghìn, bảo con ăn gì đó nhé, lâu rồi mấy khi anh dậy sớm để ăn sáng đâu.

Mùa xuân năm đó hắn xin được việc làm không mất phí. Người đàn ông tuyển người gắt với hắn.

- Tôi đăng báo là tuyển người có tay nghề cơ mà.

Hắn nhìn sâu vào đôi mắt của ông. Nói chậm từng tiếng.

- Em hứa với anh em sẽ biết nghề nhanh nhất, xin anh cho em được thử việc.

Không biết người đàn ông khó tính ấy đọc được gì trong mắt hắn, ông thở dài.

- Thôi tao cho mày thử một tuần.

Được 3 ngày, ông gọi hắn bảo

- Giờ tháng đầu lương mày là 300 nghìn.

Ba tháng sau lương hắn được 800 nghìn. Lúc đưa tiền lương cho mẹ, mẹ bảo để dành rồi mẹ vay bát họ mua cho cái xe máy mà đi làm con ạ. Anh đi làm thế này là mẹ yên tâm, không lo còn dại dột như xưa nữa.

Bây giờ mẹ hắn không còn bán nước chè nữa, nhưng thứ nước mà hắn thích uống nhất trên đời này vẫn là trà mạn, thích nhất cái thứ uống rẻ tiền lúc đầu chan chát sau vị ngọt đọng trên miệng lâm râm.

Lần nọ trên đường phố của Châu Âu, hắn đi tìm mãi thứ nước ấy, sau người bạn đi cùng phải đưa hắn vào một quán ăn sang trọng. Hai thằng ăn hết gần 200 euro để được ấm trà tráng miệng nhạt toẹt. Hắn bảo bạn rằng.

- Tôi không xa quê hương được đâu ông ạ, tôi nghiện trà.

Bạn nói

- Ở đây cũng có, tại ông muốn ngay, chứ mình tìm mua siêu thị thì cái gì bên Việt Nam có bên này cũng có, ở khu bán cho người Việt mình có hết, rau muống cũng có mà.

Hắn lắc đầu

- Không, tôi thích quán trà ở vỉa hè, hay đầu ngõ, nơi có những chiếc ghế dài bằng gỗ bóng loáng vì ngồi nhiều, có mặt bàn gỗ xước tróc, có những chiếc cốc Bát Tràng, có một bà cụ già áo nâu bán hàng cơ, ở đây không có được như thế. Ngày xưa mẹ tôi cũng bán nước trà mạn đấy, hồi ấy có một trăm đồng một chén thôi. Tôi còn làm thơ về điều ấy là.

Một trăm một chén nước trà
Mẹ đong từng chén để mà nuôi con.

phiulinh
09-15-2017, 08:50 AM
Đọc bài Đạo lý gia đình mình thấy cần phải nói một tí dù bị chửi tôi không quan tâm

Những bài viết tương tự như thế này chỉ nói lên sự kém hiểu biết của tác giả. Một xã hội có luật pháp bảo vệ quyền lợi một con người già vô dụng tới mức tối đa không dính dáng gì tới vấn đề tình cảm hay cái gọi là luân lý đạo nghĩa của văn hóa riêng của gia đình.

Sự ích kỷ của bà mẹ già đối với con cái xuất phát từ cái văn hóa ngu xuẩn dân trí thấp còn lại. Già rồi được chính quyền lo hết không phải bận tâm giấy tờ bills cộ sướng mà không biết mình được sướng. Con cái nó có cuộc sống riêng của nó, một gia đình riêng của nó, một cách sống riêng của nó, sự riêng tư của một tổ ấm mà nó cố gắng để thực hiện. Không có cái tổ nào mà thấy chim mẹ cõng chim ngoại mớm chim con ăn bao giờ.

Phải rước họ về ở chung rồi mới thông cảm sự xung đột giữa những khác biệt. Nên nhớ mỗi một con người có một tâm tính...thói quen...tật xấu ...vv

Cho nên, trước khi quyết định có con cái hãy nghĩ mình sẽ làm được gì cho con mình và chấp nhận hệ quả. Hãy suy nghĩ ngang với con chim thôi là mẹ vui khi thấy con chắp cánh bay.

Triển
09-16-2017, 04:54 AM
Hình ảnh bà cụ bị con cháu bỏ rơi trong viện dưỡng lão làm tôi trăn trở mãi. Mỹ quốc là một siêu cường quốc, có nền văn minh và phát triển cao nhứt thế giới, nơi có đủ thứ luật lệ bảo vệ con người. Một xứ xở tốt đẹp như thế, tại sao đạo lý lại không được quan tâm? Phải chăng đây là nơi suy tàn của đạo lý gia đình Việt Nam?


Cái bài viết cũng được. Tác giả này khoái mu, cứ mu tới mu lui hoài. Chỉ có cái kết luận thì lãng xẹt. Việc mấy đứa con Việt Nam tàn nhẫn bỏ cha bỏ mẹ như vậy đâu có ăn nhập gì đến việc nước Mỹ giàu có. :) Thứ con cái bất hiếu như vậy ở Việt Nam nó cũng bỏ như thường.

Người già cả mà không có khả năng hội nhập, tối thiểu là sinh ngữ không đủ để tự lo cho mình thì không nên sang các nước phương Tây sinh sống nữa.

ốc
09-16-2017, 11:32 PM
Chiều nay ghé vào nhà thờ để coi đám cưới, tình cờ nghe lời Chúa khuyên người Việt chúng ta:


Vì thế người Nam hãy rời bỏ cha mẹ mình...

(trích Phúc âm Mát thiu).

Triển
09-17-2017, 04:47 AM
Thì ra là do sống cuộc đời đạo đức theo phúc âm:


Lìa cha mẹ >< chăm nom cha mẹ (10 điều răn - Thảo kính cha mẹ)
Sống gắn bó với vợ mình >< không cấm thiếu gắn bó với mẹ cha (10 điều răn - Thảo kính cha mẹ)
trở nên một thịt (????)

phiulinh
09-17-2017, 09:23 AM
Hiếu ơi hiếu...

Không nên nói về đời tư người khác, nhưng vì ĐVHưng đã tự sự ra công chúng trên youtube nên mình cần cân nhắc lại cái chữ khủng bố "hiếu (để)" của người Vn. Vì cái chữ mang tính chất áp đặt đó mà vô số người làm nạn nhân trong câm lặng. Chưa hề có một tòa án nào xử treo cổ cái chử "hiếu" dùm cho con nhờ. Với ĐVH "không có hiếu là sai mà có hiếu cũng sai". Vì một người mẹ, một tình mẫu tử mà hủy hoại sơ sơ hai thế hệ kế tiếp.
Nói nữa đi "hiếu". Cho "hiếu" nói thêm lời cuối bên cái huyệt chờ đợi đó.

Triển
09-17-2017, 11:30 AM
https://www.youtube.com/watch?v=K1JwFYeRnIg

ốc
09-17-2017, 05:32 PM
Anh này diễn thuyết như bán thuốc tiên, chả biết là có hiểu đạo Phật quy định người Phật tử khi xuất gia thì cũng từ bỏ cha mẹ luôn.

Nguyễn công Trứ vì thế mới dám bảo: Không quân thần phụ tử đếch ra người.

Triển
09-17-2017, 09:13 PM
Anh này diễn thuyết như bán thuốc tiên, chả biết là có hiểu đạo Phật quy định người Phật tử khi xuất gia thì cũng từ bỏ cha mẹ luôn.

Thì đó, anh này ếch ngồi đáy giếng nên không biết Phật tử cũng tu tại gia như thường. Tu là sửa đổi mình chứ không phải "neo nên tàu dza đi tìm đường kíu nước".

chieclavotinh
09-19-2017, 04:17 AM
Cái bài viết cũng được. Tác giả này khoái mu, cứ mu tới mu lui hoài. Chỉ có cái kết luận thì lãng xẹt. Việc mấy đứa con Việt Nam tàn nhẫn bỏ cha bỏ mẹ như vậy đâu có ăn nhập gì đến việc nước Mỹ giàu có. :) Thứ con cái bất hiếu như vậy ở Việt Nam nó cũng bỏ như thường.
Mình nghĩ có lẽ ý tác giả - mới tới Mỹ, không biết nhiều - muốn nói Mỹ là nước văn minh, sao không có luật cấm con cái bỏ rơi cha mẹ già!


Đọc bài Đạo lý gia đình mình thấy cần phải nói một tí dù bị chửi tôi không quan tâm

Những bài viết tương tự như thế này chỉ nói lên sự kém hiểu biết của tác giả. Một xã hội có luật pháp bảo vệ quyền lợi một con người già vô dụng tới mức tối đa không dính dáng gì tới vấn đề tình cảm hay cái gọi là luân lý đạo nghĩa của văn hóa riêng của gia đình.

Sự ích kỷ của bà mẹ già đối với con cái xuất phát từ cái văn hóa ngu xuẩn dân trí thấp còn lại. Già rồi được chính quyền lo hết không phải bận tâm giấy tờ bills cộ sướng mà không biết mình được sướng. Con cái nó có cuộc sống riêng của nó, một gia đình riêng của nó, một cách sống riêng của nó, sự riêng tư của một tổ ấm mà nó cố gắng để thực hiện. Không có cái tổ nào mà thấy chim mẹ cõng chim ngoại mớm chim con ăn bao giờ.

Phải rước họ về ở chung rồi mới thông cảm sự xung đột giữa những khác biệt. Nên nhớ mỗi một con người có một tâm tính...thói quen...tật xấu ...vv

Cho nên, trước khi quyết định có con cái hãy nghĩ mình sẽ làm được gì cho con mình và chấp nhận hệ quả. Hãy suy nghĩ ngang với con chim thôi là mẹ vui khi thấy con chắp cánh bay.

Con nào mà có được bố mẹ như bác thì nhất rồi !!!

Mà thế hệ sandwich generation cũng nhiều đó bác, 66 million theo AARP năm 2012, theo như bài dưới.

Mình thì nghĩ vấn đề này không có đúng / sai mà tuỳ vào nhân sinh quan và hoàn cảnh từng người, như bà trong bài nói “She raised 10 of us on her own. I should be able to take care of her.” Làm mình nhớ đến câu đố dân gian Việt Nam “Một mẹ nuôi được mười con. Mười con không nuôi được một mẹ.”

http://archive.azcentral.com/arizonarepublic/news/articles/20120907baby-boomers-middle-caring-two-generations.html

Triển
09-19-2017, 06:31 AM
Mình nghĩ có lẽ ý tác giả - mới tới Mỹ, không biết nhiều - muốn nói Mỹ là nước văn minh, sao không có luật cấm con cái bỏ rơi cha mẹ già!

Nước Mỹ có luật pháp gì cho việc này khi cha mẹ già?

1. tài chánh
2. tinh thần

Bên tui (Đức) luật pháp chỉ ràng buộc tài chánh nếu tiền hưu của cha mẹ không đủ sống thì con cái phải cấp dưỡng. Nhưng về tinh thần thì không ai có thể ra cái luật "cấm bỏ rơi cha bỏ mẹ" như nước ..... "tàu". Cha mẹ mình làm sao mình có thể bỏ được. Đó là số chung và tui nghĩ là đa số. Một thiểu số bị cha mẹ áp bức, áp đặt, cưỡng bách ....v.v.v.v hồi còn trẻ (Michael Jackson ???) nên lúc cha mẹ già đem lòng thù hận, hoặc tìm cách bỏ rơi cha mẹ chỉ là thiểu số. Vì một thiểu số mà ra cái luật về đạo đức là chuyện chẳng đặng đừng. Tui nghĩ không có quốc gia tân tiến nào làm.

RaginCajun
09-19-2017, 10:07 AM
Bên tui (Đức) luật pháp chỉ ràng buộc tài chánh nếu tiền hưu của cha mẹ không đủ sống thì con cái phải cấp dưỡng.


Vậy là nước Đức vẫn còn bảo thủ, chưa được cấp tiến mấy.

phiulinh
09-19-2017, 01:03 PM
Cảm ưn anh các post của anh Triển anh Tôm và Clvt và chủ nhà.

Chieclavotinh, xin nói một cách nôm na là
Chính cái câu thán của clvt là câu đáp của nước Mỹ. Đó là sự khác biệt giữa chính phủ giỏi và giở làm cho đất nước nghèo và giàu cũng như dân trí và nhận thức.
Khi nói đến vấn đề 'cha mẹ' tức đã có 'con cháu' thế hệ đã đang và sẽ đóng góp công việc và thuế má cho nhà nước. Như vậy, khi nhà nước lo việc lão dưỡng cho dân là cũng chính bằng tiền của con cái họ chứ đâu mà ra. Điều này giúp cho thế hệ con cháu đỡ nhọc lòng lẫn thời gian để sống vui và làm việc đóng góp cho công việc hiệu quả cao hơn. Và đó cái hay cái giỏi biết nhìn xa trông rộng vấn đề của một chính phủ giỏi.
Còn lại về mặt tình cảm tôi nghĩ không có gì qua khỏi luật tự nhiên, cái quả tốt và quả báo.

Triển
09-19-2017, 09:06 PM
Vậy là nước Đức vẫn còn bảo thủ, chưa được cấp tiến mấy.

Vậy là tiến rồi chứ sao không tiến. Nếu bảo thủ sẽ xây tường cao lên bao bọc cha mẹ lại cho ở trong đó ngóng gió Đông rồi còn bắt cha mẹ trả tiền xây tường đó mới dữ!

ốc
09-19-2017, 10:33 PM
Nhớ lại hồi có sóng thần bên Nhật làm hỏng nhà máy điện nguyên tử. Chính quyền địa phương bèn cử những người đàn ông già cả vào khu vực bị nhiễm phóng xạ để thăm dò tình hình. Chả thấy con cái nào xin đi thay chân các ông cụ.

Sau này đọc báo Nhật còn thấy có những đứa con nhận nuôi cha mẹ già nhưng không khai báo khi cha mẹ chết cứ tiếp tục nhận tiền trợ cấp chính phủ. Đấy là lợi ích của việc báo hiếu.

Triển
09-19-2017, 11:14 PM
Chả thấy con cái nào xin đi thay chân các ông cụ.

Chắc tại các ông cụ không có góp thuế má?

Triển
09-19-2017, 11:19 PM
PS: Thành ngữ "chết tía" chắc là có xuất xứ từ Nhựt Bổn?

chieclavotinh
09-24-2017, 04:05 AM
Hương áo Mẹ
Như Thương

(Kính tặng Mẹ)

Kể từ mốc thời gian của Tháng Ba năm 1975, phấn son “mệnh phụ” của Mẹ đã không còn nữa... Dăm ba chiếc áo cũ lượm lại của Ngoại đắp thêm vài miếng "vá chằng vá đụp" cho những buổi chợ sớm trưa, những ngày đầm mình dưới ruộng, dưới mương.

Bất chợt một hôm Mẹ nhận được tin báo "Sẽ có đợt thả tù trong Tết này" từ những bà bạn đi thăm nuôi chồng trong trại tù "cải tạo" ngoài Bắc. Tin ấy đã vực Mẹ tôi dậy như một phép mầu. Không biết Ba tôi bao giờ về. Không biết từ trại nào về. Không biết sẽ về bằng phương tiện gì... thế nhưng lời báo tin ấy như chiếc đũa thần gõ lên định mệnh của Mẹ. Để rồi Ngoại Năm bảo Mẹ tôi: “Đi may một chiếc áo dài đi con!”.

Đó là chiếc áo dài màu lam của Phật có thêu những cành hoa lan. Chiếc áo được Mẹ chọn màu hiền hòa, nhu mì của Phật để tạ Ơn Trên cứu mạng chồng bao lần nơi rừng sâu nước độc, được những đứa con gái của Mẹ cặm cụi, tỉ mỉ thêu từng đường kim mũi chỉ. Người thợ may trên mảnh ruộng quê nghĩ tình hàng xóm đã lấy tiền công tượng trưng, như thể là góp chút công cho người đàn bà đợi chồng về được mặc một tấm áo tươm tất mà đón chồng…. sau đằng đẵng 13 năm trời xa cách trong vòng tù ngục.

Lúc ra chợ chọn vải, Mẹ lại đắn đo: Nên mua hay là để dành tiền nuôi con, đừng mua áo nữa, dẫu tiền vải và tiền công may áo do Ngoại Năm cho Mẹ cả. Chắc là vì lòng kính Phật, thương Ngoại Năm, mà Mẹ tôi đã vâng lời hơn là nghĩ đến tấm áo mới, khi biết chắc rằng ngày Ba tôi về sẽ gầy guộc, hốc hác như bộ xương ma ở dương gian. Chứ nếu Mẹ ngần ngừ, có lẽ chẳng có chiếc áo nào "cho ra hồn" để lên chùa lễ Phật trong ngày Ba tôi về đoàn tụ gia đình cả!

Rồi đêm ngày Mẹ thổn thức theo từng đường kim thêu của con gái Mẹ. Bốn cô con gái ngọc ngà, tiểu thư, ngày xưa chỉ biết “chân chỉ hạt bột” với sách vở học trò, nay đã ngồi đêm ngày làm thợ thêu. Thêu áo cho người bao nhiêu năm và lần này là lần đầu tiên thêu áo cho Mẹ.

Mẹ đã cùng các con chọn mẫu thêu cho chiếc áo dài màu lam ấy, chọn hoa lan cho áo Mẹ vì đó là loài hoa mà Ba thích. Ba tôi đã hãnh diện vì công chăm sóc một giàn hoa lan đặc sản của núi rừng Banmê. Công xin với núi rừng những cành phong lan trên đường hành quân của Ba và các chú lính, công khó leo lên hái lan- gỡ sao cho khéo, lấy cả rễ già, rễ non... Rồi chúng theo nhau về phố trên những chiếc ba lô, chiếc xe GMC vương đầy bụi đỏ đường xa. Phong Lan Rừng về đến phố thị thì trở thành những đóa lan vương giả với những cái tên thật đài các như Hoàng thảo, Ngọc Điểm, Nghinh Xuân, Bạch Hạc, Chu Đinh, Giáng Hương, Bạch Câu, Dã Hạc, Phi Điệp, Hoàng Phi, Hoàng Lạp... Gửi lại cho rừng đại ngàn tên gọi "Phong Lan Rừng" thân thương của thuở hồng hoang bạt ngàn.

Mẹ đã mất hết tất cả những chiếc áo dài ngày xưa Ba sắm cho Mẹ sau trận giặc năm 1975, nhưng hơn 10 năm sau, khi may chiếc áo dài lam Phật, Mẹ vẫn chọn chiều cao của cổ áo... như thuở xưa, thuở Ba còn bên cạnh Mẹ, không hề thay đổi cổ áo cho hợp thời điểm ấy. Có ai thấu hiểu được chiếc cổ áo dài 3 phân ấy là một phần cuộc đời của Ba Mẹ không? Sự chung thủy quả thật đã thử thách một người phụ nữ, để chẳng đơn giản cho con thuyền của một người đàn bà có chồng trong ngục tù Cộng sản, chiếc thuyền ấy tròng trành giữa đêm tối mênh mông bão tố của vận nước đến lúc cạn cùng trong uất hận và oan khiên.

Ngày Mẹ đi may chiếc áo dài, tóc người vẫn còn lọn dài, lọn ngắn - trắng nhiều hơn đen pha lẫn nhau - búi vội vàng sau gáy người phụ nữ độ tứ tuần. Mái tóc uốn quăn ngăn ngắn cho gọn kể từ khi Mẹ lấy chồng đã dài theo năm tháng ở ruộng và ngấm nước phèn chua mằn mặn, nên đã quên mất hương bồ kết với chanh, quên hết sợi mềm, quên cả gương lược thời Mẹ nhan sắc khi về với Ba, để rồi mái tóc khô khốc ấy trộn lẫn màu đất nâu, vàng hoe của những cơn nắng đổ lửa, lẫn màu trắng bạc của thời gian.

Mái tóc chải chuốt ngày xưa giờ đã lệch ngôi rẽ, khi Ba tôi đi biền biệt qua những trại tù... Gió bụi đường xa của những lần thăm nuôi nằm bờ nằm bụi, nắng mưa cuộc đời đổi thay, của thương hải tang điền. Những vất vả, bươn chải của tay nách một bầy con thơ tám đứa, còn có tâm trí và thời gian đâu để mà nhớ đến mái tóc.

Tất cả đã làm tôi có cảm tưởng như Mẹ chỉ còn cái xác, còn phần hồn đã gởi đi mãi tận những nơi mang danh địa ngục xa lạ nghìn trùng: Trại 3, trại 7 Hoàng Liên Sơn, trại Vĩnh Quang (Vĩnh Phú), Trại Hàm Tân Z 30 D …v...v..., nên từ đầu đến chân Mẹ là một “mớ” khổ trần ai ráp nối nhau để đi, để đứng, để nằm ngồi, chứ không còn là một con người với tâm thân nhất quán nữa!

Cô thợ may đo ni áo cho Mẹ xong nhìn lại khuôn mặt Mẹ sạm vì nắng và những vết hằn ngang trên trán, chợt nhìn mái tóc Mẹ rồi buột miệng hỏi: "Dì Tư muốn cắt tóc lại cho gọn để mặc áo dài đón dượng Tư về không, con cắt cho!". Cuối cùng Mẹ tôi đã uốn tóc lại như ngày xưa trước khi chồng đi tù và lòng thì nghẹn ngào xen lẫn nỗi mừng vui đợi chồng về - hay nói đúng hơn là "... sống sót trở về từ lao tù Cộng sản...".

Thời con gái eo thon của Mẹ đã qua trong chén tình bén duyên, đến thời gian hạnh phúc được làm Mẹ, sinh nở từ vòng eo nhiệm mầu mà Thượng đế ban cho người phụ nữ. Vòng eo ấy đã có lúc từng nách con chạy giặc, từng khệ nệ thúng lúa, thúng khoai nuôi con nên người, nay trải qua vòng eo của người vợ đợi chồng qua tấm áo lam. Mẹ trong chiếc áo dài màu lam ẩn dấu chữ Tình, chữ Nghĩa, chữ Thương... mà quên đi chữ Riêng Mình!

Khi chiếc áo thêu và may xong, Mẹ ướm thử một lần ở tiệm may, rồi giặt và xếp lại cẩn thận, bỏ trong bao nylon... chờ đợi người về! Kể từ đấy Mẹ lại càng đi hỏi han tin tức nhiều hơn, làm quen với tất cả những người đi thăm nuôi tù "cải tạo", bởi cái tin dạo nọ đã như ngọn lửa âm ỉ trong lòng Mẹ từng giây, từng phút... Ngày qua ngày, tuần qua tuần và tháng này qua tháng nọ, Mẹ tôi vẫn không nản lòng đi tìm kiếm, nghe ngóng, chờ đợi tin tức người cha ở trong rừng. Tìm qua lời kể, tìm qua linh tính rằng chuyện chồng về sẽ có thật! Chiếc áo màu lam như một lá bùa thiêng mà Ơn Trên ban cho Mẹ "Áo của Phật", nên Mẹ tin rằng sẽ còn gặp Ba như một sự đền bù khổ nạn 13 năm trời của hai người.

Và cũng từ đấy, những buổi chợ của Mẹ là những buổi chiều về muộn màng hơn để kiếm thêm vài đồng lẻ, lời nài nỉ mua hàng ế đã lay động lòng người, để rồi về nhà dấm dúi cất để dành... đợi chồng về! Chiếc áo dài mới may được xếp vuông vắn bên cạnh chiếc túi nhỏ cất những đồng tiền lẻ ấy như một hình ảnh hồi sinh của Mẹ. Còn những chiếc áo Mẹ mặc thường ngày khô ướt với bùn sình đồng ruộng, mủ chuối, mủ cau hay những vết máu khô của con cá lóc, cá trê của những buổi chợ, những con cá từ mẻ chài lưới, tát đìa, tát mương của con, thì Mẹ lại dửng dưng phơi nó dưới những ngày nắng khô hạn hay lúc mưa dầm dề trên sân phơi lúa. Có ai biết những chiếc áo ấy cũng mặn dòng nước mắt khóc thầm khi ngóng chồng, nhìn đàn con dại ngủ chen chúc nhau trên chiếc giường ọp ẹp trong một mái nhà tranh giữa đồng không mông quạnh?

Không còn gần nhau để Ba thấy Mẹ vai gầy theo năm tháng. Không còn gần nhau để Mẹ săn sóc Ba qua chiếc nút đơm tươm tất cho chiếc áo lính trận sau mỗi lần Ba đi hành quân về, thế nhưng cả Ba và Mẹ đều có nhau... Để có lần Mẹ ra thăm nuôi Ba ở rừng núi Việt Bắc, Mẹ đã thúc hối Ba: "Anh mặc hai chiếc áo em may vô người đi, kẻo chúng nó thấy anh có nhiều áo quá thì lấy bớt, rồi làm sao anh đủ áo mặc trong bao nhiêu năm sau nữa. Em không biết năm sau có ra thăm anh được nữa không... bỏ đàn con ở nhà em sợ điều may rủi, còn để anh một mình ngoài chốn rừng sâu núi thẳm này thì em lo!".

Trái tim Mẹ đã đợi "chồng về" từ "Mười- Ba-Năm" trước - trong một lần Ba dặn: "Anh đi 1 tháng rồi về, em ở nhà trông con và giữ gìn sức khỏe, anh sẽ về!..."

"Mười-Ba-Năm" mà tôi viết trong dấu ngoặc kép là nỗi đoạn trường của một "người vợ tù cải tạo" là khúc đời gãy đôi của hai người bạn lòng đang độ xuân sắc, mặn nồng, là đôi bờ cách ngăn và vọng tưởng, là chữ "Sống" và chữ "Chết" về trong ý nghĩ của đôi vợ chồng trong từng ngày dài, từng đêm trắng...

"Mười-Ba-Năm" phu phụ vẫn một lòng bên nhau, dẫu áo Ba mặc trên người hay đem theo đã mòn, đã sờn, đã rách và cả những chiếc áo Mẹ may thế mạng Ba giữa rừng đã không còn nữa; dẫu biết bao nhiêu chiếc áo của Mẹ đã trôi theo dòng đời bươn bả nuôi con, duy chỉ có chiếc áo dài màu lam Phật này là linh thiêng nhất, bởi nó đã vượt qua biết bao khúc khủyu cuộc đời để sống còn.

Ngày Ba về - trong hương áo Mẹ, vai áo dài lam không là vai thuôn mà là vai gầy, vai áo của Ba lại nhô lên dáng xương xẩu như chứng tích của những năm tháng lưu đày, tù tội. Ba Mẹ đã ôm vai nhau khóc thật lâu trước những đôi mắt ngây thơ của ... "đàn con tám đứa" và khóc trong hương tình chung thủy của đôi vợ chồng từ thuở tấm mẳn đến hồi gian nan, đoàn tụ.

Tôi quay lại, chợt thấy Ngoại Năm đứng đó tự lúc nào, đang kéo vội vạt áo lên, lau đôi mắt già nua …

chieclavotinh
10-01-2017, 07:27 AM
Phật ở Ngay Trong Ta
Nguyễn Kim Dục

Ở đời, nếu ta làm được việc gì có chút hữu ích cho xã hội cho mọi người, thường là do cơ duyên đưa đến. Từ mười mấy năm qua, tôi tham gia đạo tràng của sư cô Chân Phụng, hàng tuần vào các Nursing home tụng kinh, phát quà cho các bệnh nhân nằm điều trị tại nơi đó để họ nguôi ngoai giây lát nỗi cô đơn, nỗi đau của bệnh tật. Việc làm đều đặn này còn được tiếp tục cho đến nay, đó là do duyên may và được ơn trên gia hộ cho còn sức khỏe còn dài dài, dù năm nay đã gần tám chục cái xuân già.

Cái duyên may mà tôi ngộ được xảy ra cách đây trên mười năm. Số là hồi đó ở bên nhà tôi có cậu bé, nói bé nhưng cũng khoảng hai mươi tuổi rồi, cứ hàng tuần vào ngày thứ bảy, cậu ta mua nước trái cây và bánh, nào là bánh mì bánh ngọt chở đến khu Santa Ana phát cho những người Homeless, đều đều tuần nào cũng vậy, chung với các bạn trẻ làm công tác thiện nguyện, tự móc tiền túi ra làm thật là đáng quý.

Nghĩ mình phận già, lãnh tiền già ba cọc ba đồng không làm được như tụi trẻ thì cũng nên đóng góp một chút công sức mình vào việc làm từ thiện nên tôi đã gia nhập vào đạo tràng của cô Chân Phụng. Đây chỉ là một đạo tràng đơn sơ, thanh bạch vì sư cô đi đúng tôn chỉ của Phật "Chúng sinh vô biên thề nguyện độ", không bỏ công lôi kéo Phật tử để quyên góp xây chùa cho to. Phật từ có thành không, còn mình từ không thành có.

Đạo tràng của sư cô trước cũng đông Phật tử lắm, nam có, nữ có nhưng rồi cũng rơi rụng gần hết, bây giờ chỉ còn bốn nam Phật tử là Nguyên Khanh, Trường Thọ, Tâm Đức và tôi Quảng Trí Hạnh. Sở dĩ không kiên trì lâu dài được vì sức nữ không tham gia được vì vào các Nursing home một phần vì ngộp, một phần vì các mùi hôi từ bệnh nhân phát ra, thành ra họ không vượt qua được, chỉ còn bốn ông tù cộng sản, họ chịu đựng quen rồi, đi đến đâu cũng đi, dù mưa hay nắng.

Trong bốn ông thì ba ông không biết lái xe, gần thì đạp xe đạp, còn xa thì nhờ sư cô rước, không có thì tôi. Cái thân tôi cũng tội, nhiều khi phải đi chở, và sư cô đi làm Phật sự nơi khác "nhờ bác thay cô làm chủ lễ" cũng phải dạ thưa vâng. Nhiều Nursing home họ làm vệ sinh không sạch, bước vô cũng phải dội ra. Tôi phải khuyến cáo yêu cầu chấn chỉnh lại không có chúng tôi không lại nữa. Họ cần chúng tôi vì không có chúng tôi các bệnh nhân Phật tử họ bỏ đi nơi khác có ban hộ niệm hàng tuần đến với họ, âu cũng là business cả!

Hồi ở tù cộng sản ngoài miền Bắc Việt Nam, tôi nằm chung với Đại Úy Vũ Khang, ông làm bài ca "Phật ở ngay trong ta", hát thầm trong bụng riết rồi thuộc lòng:

Phật ở ngay trong ta
Thân tâm ta hiền hòa
Phật ở ngay trong ta
Lòng từ bi hỉ xả
Phật ở trên trời cao
Đêm đêm ta nguyện cầu
Phật ở giữa biển khơi
Lời tâm niệm như nhau

Phật ở khắp muôn nơi
Cõi ta bà yên vui
Tôi phải tự cứu tôi
Thoát khỏi kiếp luân hồi
Chỉ có Phật trong tôi
Là cứu được tôi thôi.

Sau này, đi tụng ở Nursing home, sau khi tụng kinh xong chúng tôi bắt đầu hát bài này trước rồi hát các bài Phật ca sau. Các bệnh nhân hát theo riết rồi họ cũng thuộc lòng. Bây giờ chúng tôi cất hát lên là họ hát theo vui ghê.

Ở một Nursing home vùng Santa Ana có một cậu bé khi vào đây mới mười ba tuổi tên là Nguyễn Kiên đi xe không gài dây seat belt gặp tai nạn, cái thân hình của cậu xoắn lại như cái khăn lông người ta vắt cạn nước, đem vào nhà thương tưởng không cứu được, ông bố ở nhà nghe tin con như vậy chết liền tại chỗ thật là thương tâm. Cậu bé sau được cứu sống nhưng tứ thân bất toại đưa về Nursing home này đã mười mấy năm rồi, bây giờ gần ba mươi tuổi, sống cuộc đời thực vật, chẳng thấy ai thăm nuôi. Cứ mỗi sáng thứ sáu, cậu được đẩy ra nằm một chỗ, hai chân teo lại, hai tay còn cử động được nên không teo, cầm báo và kinh đọc làu làu. Lần nào trước khi vào lễ, khi tôi lại trò chuyện, cậu hỏi bác có khỏe không, làm mình cũng bật cười. Cậu chịu nghe thầy cô giảng, sau đó nêu ra những điều Phật dạy xin thầy cô giải thích cho rõ, người trẻ chịu khó học hỏi, tinh thần rất minh mẫn, không buồn phiền, không than van oán trách gia đình không ngó ngàng thăm hỏi.

Bên cạnh đó có một bệnh nhân nữ được biết tên là Vy Vy Trần, hồi xưa có tiệm chụp hình nổi tiếng, bây giờ nằm bất động không biết gì hết, cũng không có thân nhân thăm viếng.

Tại một Nursing home khác ở City Westminster có bệnh nhân nữ còn trẻ bị bệnh ung thư mà bác sĩ chê rồi nên đem vào đây. Khi tôi lại thăm, cô nắm lấy tay tôi nói bác sĩ ơi tôi đau quá xin cho thuốc uống đi. Tôi nói:

- Tôi không phải bác sĩ nên không cho thuốc được, cô cứ niệm cho tôi "Nam Mô A Di Đà Phật" thì bớt đau đớn và được Phật rước đi.

- Con đạo Tin Lành.

- Phật không phân biệt tôn giáo, sắc dân, ai cầu xin Phật, Phật sẽ giúp cho để thoát cõi ta bà này xin được vãng sanh để về Tây Phương Cực Lạc. Lúc đó không còn đau khổ nỗi đau của con người và hưởng nhiều phép lạ giúp lại chúng sanh ở trên thế gian này.

Ở các Nursing home còn nhiều cảnh đau thương lắm. Nhiều cụ bị con cái tống vô để rảnh nợ, các cụ buồn phiền rồi cũng đi đến cái chết, thương cho quý cụ. Chỉ mong rằng các giới trẻ hãy nghĩ đến công ơn cha mẹ, mang nặng đẻ đau nuôi dưỡng cho mình có cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay, hãy nhớ ơn đó mà đừng đối xử thậm tệ đối với bố mẹ. Nếu mình không có thì giờ chăm sóc các cụ thì mướn một người về nuôi, đối đế lắm thì hãy đưa các cụ vào Nursing home, đừng phó mặc cho người ta muốn nuôi thế nào thì nuôi, mình phải vào trong đấy xem coi y tá nào săn sóc cụ thì dúi cho họ ít tiền đề họ săn sóc đặc biệt, tắm rửa cũng như ăn uống thì cũng đỡ hơn các người khác.

Còn đạo tràng của chúng tôi một tuần đi bốn ngày từ thứ tư đến thứ bảy. Thứ tư phải đi hai nơi, chia ra cô Chân Phụng ngày thứ tư, cô Trí Minh thứ năm, cô Hiền Lương thứ sáu và bây giờ có thầy Viên Pháp thứ bảy. Thầy Viên Pháp ở bang xa về thấy pháp môn này đi lo cho các cụ ở Nursing home nhiều phước báu nên xin gia nhập và cô Hiền Lương thấy vậy đẩy cho thầy phụ trách luôn ngày thứ sáu.

Đây là ngày đi tụng kinh xa ở French Park Center ở Santa Ana, mấy ông thần nước mặn không đạp xe tới được tôi phải lo chở các ông ấy và chở ông thầy luôn. Trước khi tới đó một ngày, tôi phải mua trái cây sẵn để hôm sau cúng Phật sau để các cụ dùng, mà phải để cho y tá xem cụ nào dùng được thì mới cho chứ không dám đưa thẳng có gì mình trách nhiệm. Còn đi vào ngày thứ bảy thì trái cây tôi khỏi lo vì có nhiều các bà lo, tôi chỉ lo việc tụng kinh thôi và ngày đó tôi phải bao sân vì ba ông kia mắc lo việc riêng của các ông ấy. Ông thì đi Thọ Bát quan trai, ông thì đi tụng kinh ở chùa khác.

Nhiều hôm thầy Viên Pháp không đi giao tôi làm chủ lễ tôi cũng phải nhận, sợ không ai đi chuông đi mõ, tôi phải nhờ nhà tôi đi theo để lo phần ấy, phần ẩm thực cho các cụ đã có người lo, khi tụng kinh xong, tôi phải thuyết pháp. Nói thuyết pháp cho nó oai vậy chứ tôi cũng chưa rành về Phật pháp nên đâu dám múa rìu qua mắt thợ. Tôi nói về cuộc sống hàng ngày của các cụ, sống ở bên Mỹ cũng như sống ở Việt Nam cách xa một trời một vực để các cụ yên tâm đừng phiền hà gì cả. Tôi thích ở đây nhất vì họ đưa các cụ ra đông lắm, có khi trên bốn mươi cụ. Thấy mình đem niềm vui cho nhiều người nên thuyết giảng có hứng thú, và trước khi nói tôi đều bắt giọng hát bài "Phật ở ngay trong ta". Các cụ cùng hát theo.

Công việc mà đạo tràng của sư cô Chân Phụng đề ra hiện vẫn tiếp tục, nhưng lớp già chúng tôi rồi cũng mai một mà lớp trẻ thì cho tới nay chưa thấy ai xung phong gánh vác, có thể rồi sẽ dẹp tiệm luôn. Tôi cầu mong sẽ có thêm duyên may giúp cho những công việc tốt lành được tiếp sức, tồn tại.

Triển
10-03-2017, 02:42 AM
đừng phó mặc cho người ta muốn nuôi thế nào thì nuôi, mình phải vào trong đấy xem coi y tá nào săn sóc cụ thì dúi cho họ ít tiền đề họ săn sóc đặc biệt, tắm rửa cũng như ăn uống thì cũng đỡ hơn các người khác.

Nên xin số trương mục để chuyển nhà băng chứ đừng đưa cầm tay để không bị lộ liễu quá. Theo đạo Phật đây là hạnh bố thí được chuyển tải thích hợp trong thế kỷ mới hiện đại ngày nay.

ốc
10-03-2017, 08:29 AM
Tại một Nursing home khác ở City Westminster có bệnh nhân nữ còn trẻ bị bệnh ung thư mà bác sĩ chê rồi nên đem vào đây. Khi tôi lại thăm, cô nắm lấy tay tôi nói bác sĩ ơi tôi đau quá xin cho thuốc uống đi. Tôi nói:

- Tôi không phải bác sĩ nên không cho thuốc được, cô cứ niệm cho tôi "Nam Mô A Di Đà Phật" thì bớt đau đớn và được Phật rước đi.

- Con đạo Tin Lành.

- Phật không phân biệt tôn giáo, sắc dân, ai cầu xin Phật, Phật sẽ giúp cho để thoát cõi ta bà này xin được vãng sanh để về Tây Phương Cực Lạc. Lúc đó không còn đau khổ nỗi đau của con người và hưởng nhiều phép lạ giúp lại chúng sanh ở trên thế gian này..

Hay là mang cần sa cho bệnh nhân sử dụng thay thuốc giảm đau trong khi chờ Phật rước đi. Ở ngay tiểu bang Cali thì đâu có ai cấm chuyện ấy.

RaginCajun
10-03-2017, 08:48 AM
Hay là mang cần sa cho bệnh nhân sử dụng thay thuốc giảm đau trong khi chờ Phật rước đi. Ở ngay tiểu bang Cali thì đâu có ai cấm chuyện ấy.

Right on bác Ốc :).

chieclavotinh
10-08-2017, 04:30 AM
Nên xin số trương mục để chuyển nhà băng chứ đừng đưa cầm tay để không bị lộ liễu quá,
Ý kiến bác hay, cần là nói khéo để họ đừng ngại.

Bóng Xế Chiều Hôm
DS Minh Cúc

Người khách nhẹ nhàng đặt toa thuốc qua cửa sổ và nói nhỏ với tôi :

- “Bà Dược Sĩ cứ thong thả, tôi đi chợ và sẽ trở lại sau”

Tôi ngước nhìn người khách - Đó là một khách hàng quen thuộc của tôi khoảng gần ba năm nay

- Bà luôn có thái độ rất từ tốn, khoan thai, không bao giờ thúc giục - Những lúc đợi tôi soạn thuốc, bà luôn kiên nhẫn ra ghế ngồi chờ, nụ cười hiền hòa luôn nở trên môi. Đôi khi bà lấy 1 quyển sách say sưa đọc, hoặc ăn một quả cam, quả táo - Những khi tôi cho biết thuốc đã soạn xong, bà cũng luôn từ tốn mượn phone của tiệm thuốc và gọi về nhà với giọng rất nhẹ nhàng :

- “Con đó hả ? Má đang ở tiệm thuốc đây. Chừng nào con xong việc ghé qua đón má nhé” - Một đôi khi người con đầu giây bên kia trả lời sao đó, bà vẫn luôn dịu dàng:

- “Không sao đâu, má ngồi chờ đợi ở đây cũng được. Bà Dược Sĩ cho hay còn lâu tiệm mới đóng cửa - Con... đang nấu bún bò hả ? Ờ... ờ... đợi thịt nhừ chút rồi con hãy ra đi. Chớ con đừng để lửa trên bếp mà đi ra khỏi nhà...”

Tôi cầm toa thuốc của người khách quen lên đọc - Thuốc men cũng như mọi lần. Tôi chợt để ý đến 1 món thuốc mới ở cuối toa và cẩn thận đọc lại.

- “PROZAC 20mg, 30 viên...”

Rồi bắt đầu ra label và đếm thuốc.

Khoảng một giờ sau, người khách trở lại. Tôi cẩn thận giao cho bà từng món thuốc.

- “Đây là những thức thuốc Bác vẫn dùng hàng tháng...”

Khi tôi cầm đến ống thuốc PROZAC, người khách vội vàng hỏi tôi :

- “Thưa Bà, đây là thứ thuốc Bác Sĩ mới cho lần đầu phải không ?”

Rồi bà mở ngay ống thuốc, trút vài viên thuốc ra lòng bàn tay, nhìn đăm đăm - Tôi nhẹ nhàng dặn khách :

- “Vâng, thứ thuốc này Bác Sĩ mới cho lần đầu, Bác uống cẩn thận nhé, chỉ có 1 viên mỗi sáng.”

Người khách ngước nhìn tôi buồn bã và bỗng nhiên, những giọt nước mắt chợt ứa ra, lăn trên đôi gò má nhăn nheo.

Tôi đặt nhẹ tay tôi lên bàn tay người khách và hỏi nhỏ :

- “Bác... có điều gì phiền muộn phải không ? Bác có... cho phép chia xẻ cùng Bác không ?”

Người khách chậm rãi đưa ngón tay lên gạt những giọt nước mắt và gượng cười :

- “Xin lỗi bà Dược Sĩ nghe, tôi... không cầm lòng nổi - Ban nãy nơi phòng mạch, tôi cũng đã làm cho ông Bác Sĩ quan tâm - Ông ta nói Bác phải kể thật ra hết, tôi mới chữa bệnh cho Bác được”...

- “Bác Sĩ nói đúng đấy Bác ạ. Không nên để cho sự phiền muộn ảnh hưởng đến sức khỏe của Bác - Nếu Bác chia xẻ, hoặc coi nhẹ nó đi, thì tốt hơn...”

Người khách khẻ quay đầu nhìn quanh và nói :

- “Bà Dược Sĩ không bận tiếp khách, và luôn quan tâm săn sóc tôi, xin hãy chia xẻ cùng tôi... Tôi chỉ xin hỏi bà Dược Sĩ một câu thôi... Sao... Con người dễ đổi thay quá vậy?”

- “Nhưng điều gì đã khiến cho Bác có ý tưởng buồn bã như thế ?”

Gương mặt người khách lại một lần nữa chan hòa nước mắt, và bà bắt đầu chia xẻ nỗi buồn cùng tôi - Bà có ba người con gái và một người con trai út - Những người con gái đã có gia đình, đã ra riêng và đang sống rất hạnh phúc - Gần 10 năm nay, kể từ khi sang Mỹ, bà sống với người con trai trong một căn Condo nhỏ - Người con trai rất ngoan, rất hiếu thảo, vừa đi làm, vừa đi học và bà rất mực lo lắng, chăm sóc và thương yêu đứa con - Rồi người con trai đến tuổi lập gia đình

Nhân một dịp về Việt-nam thăm quê nhà cũ, bà đã gặp lại một người bạn thân xưa, có một đứa con gái rất ngoan ngoãn và xinh xắn. Người con gái, học rất giỏi và có ý muốn được sang Mỹ tiếp tục việc học hành. Bà rất cảm động và sắp xếp cho con trai của mình gặp gỡ người con gái ấy. Duyên số thuận hòa và Trời Phật run rủi, hai người con này rất hợp tính tình và tiến tới hôn nhân - Khi người con dâu sang được Mỹ và tiếp tục việc học hành, là thời gian hạnh phúc và đầm ấm nhất của gia đình Bà - Bà đã không quản tuổi tác, hết sức chăm lo quán xuyến mọi việc cho con trai và con dâu có trọn thì giờ vừa làm lụng sinh nhai, vừa lo việc học.

Cho đến... mùa hè năm nay, cả hai đều tốt nghiệp và may mắn đều tìm được việc làm mới đúng với khả năng, và cuộc sống bắt đầu vô cùng sung túc - Vợ chồng người con bắt đầu có ý tưởng lập một cuộc sống riêng, muốn mua nhà rộng rãi hơn và... không muốn có mặt người mẹ trong cuộc sống mới riêng tư của họ nữa - Người con trai hiếu thảo, nhưng bỗng nhiên lặng yên, im lìm trước những lập luận mới của người vợ - Đó là... mẹ già nên chung sống với những người con gái... là hợp lý. Gia đình người con trai chỉ là nơi để mẹ thỉnh thoảng lui tới, thăm hỏi mà thôi...

Người khách ngước đôi mắt buồn bã nhìn tôi và lập lại câu hỏi :

- “Sao... con người ta mau thay đổi quá vậy ? Trước đây, cả hai đứa luôn nói là chúng con luôn cần đến má từng giây từng phút...”

- “Thôi Bác ạ, vì bây giờ tụi nó đã trưởng thành rồi, đã có thể tự lo... Những người con gái tốt của Bác cũng muốn sống gần Bác mà...”

- “Nhưng tôi thương thằng con út của tôi lắm Bà ơi. Hai mẹ con sống với nhau hai mươi mấy năm trời, chưa bao giờ tôi xa nó hơn 1 ngày. Bây giờ vợ chồng nó ra điều kiện, tôi có thể ghé thăm mỗi tháng, trong hai ba ngày thôi...”

- “Bác ơi, rồi những người con gái của Bác cũng sẽ khiến Bác nguôi ngoai nỗi nhớ thương - Bác nên nghĩ và mừng cho con trai của Bác có một cuộc sống mới hoàn toàn hạnh phúc...”

Người khách cố nén tiếng thở dài, gật đầu theo lời khuyên của tôi - Bà cầm lấy bao thuốc và chập choạng bước qua cửa ra về.

Bên ngoài bóng chiều cũng đang dần dần buông xuống - Tôi đưa tay đóng cánh cửa nhỏ lại mà lòng bỗng dưng buồn man mác - Bỗng nhiên, một đoạn trong bài giảng văn lớp Đệ Lục thuở nào như sống lại trong tâm trí của tôi - Đó là bài “Bên rặng tre già”, tả nỗi niềm của một người dân chài di cư từ Bắc vào Nam, vì một lý do nào đó phải cách chia người mẹ.

Chiều chiều, anh “Năm Sẹo”, tên người dân chài, ra ngồi ven sông, dõi mắt qua bên kia con sông rộng lớn để cố tìm lại vài hình ảnh nơi quê nhà cũ - Anh như nhìn thấy trọn vẹn hình ảnh làng quê trong bóng chiều, qua trí nhớ của Anh, “và thương ôi, trong bóng tối thê lương ấy, một mẹ già lọm khọm ra vào... Anh Năm Sẹo lặng lẽ đưa tay lên lau nước mắt...”.

Hỡi những người con đang có diễm phúc còn đầy đủ cha mẹ già gần gũi quanh đây, có một lúc nào chạnh lòng với hình ảnh người cha, hay mẹ già loạng choạng ra vào, trong chiều hôm bóng xế ?!!

chieclavotinh
10-15-2017, 04:12 AM
Vị tướng già trong nhà dưỡng lão
Huy Phương

“Anh hùng mưu sự chẳng nên
Cúi xuống thẹn Ðất, ngước lên thẹn Trời!”
(Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai)

DALLAS - Một người bình thường lúc về già sống cô đơn trong nhà dưỡng lão đã là một chuyện buồn, một vị tướng lãnh đã từng bao năm trận mạc, hôm nay sống trong một nhà dưỡng lão quạnh hiu đã gây không ít cho chúng tôi những cảm xúc bùi ngùi đau xót khi đến thăm ông.

Cùng với anh Thái Hóa Lộc, chủ nhiệm tuần báo Người Việt-Dallas, chúng tôi đến thăm Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai vào một chiều Chủ Nhật mùa Ðông tại “Pleasant Valley Healthcare and Rehabilication Center, 1525 Pleasant Valley Rd., Garland, TX 75040.” Khi chúng tôi bước vào phòng, thấy ông đang ngồi trên chiếc xe lăn, ông cho biết đang thay y phục, nên chúng tôi tạm lui ra chờ. Khi trở lại, ông đã tươm tất hơn trong bộ đồ mới.

Nhận ra anh Lộc là người quen, thường thăm viếng ông, ông vui vẻ chuyện trò và nhờ chúng tôi đẩy ông ra ngoài phòng khách ngay lối ra vào, nơi mà các y tá có thể quan sát. Ở đây đã có nhiều ông bà già hiện diện, tất cả đều ngồi xe lăn. Ðây là một thói quen của ông, mỗi chiều, hoặc là ngồi đây vui hơn, hoặc là ông đang chờ ai đó, có thể vào thăm ông. Vào chiều Chủ Nhật, nhưng tôi không thấy có một thân nhân nào đến thăm những bệnh nhân ở đây, ngoài chúng tôi đang ngồi với Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai.

Ông chuyện trò rời rạc, khi đáp những của thăm hỏi của tôi, là người khách lần đầu đến thăm ông.

Lúc còn khỏe và tỉnh táo, trí nhớ tốt, mỗi tuần ba ngày, ông đến sinh hoạt tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cao Niên tại thành phố Garland.

Bà Ðỗ Kế Giai qua đời vào tháng 11, 2012 sau khi ông vào bệnh viện được ba tháng. Từ bệnh viện, ông được chuyển thẳng về trung tâm này.

Ông bà có tất cả bảy người con, một gái và sáu trai. Bốn người đều ở các tiểu bang xa, chỉ còn lại ba người con trai ở gần ông. Hiện nay, ông còn có thể tự ăn uống và lo chuyện vệ sinh cho mình. Ông đã ở đây hơn ba năm, và tỏ bày: “Ở đây buồn quá!”

Những vị cao niên nằm trong viện dưỡng lão như hoàn cảnh của ông, còn nhớ chuyện này chuyện nọ, còn biết buồn, biết vui, có lẽ cảm thấy khổ hơn là những người đã mất trí nhớ hoàn toàn.

Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai sinh năm 1929 tại Bến Tre, trong một gia đình điền chủ, ông theo học khóa 5 Hoàng Diệu tại trường Võ bị Liên Quân Ðà Lạt, ra trường vào tháng 4, 1952, và đơn vị đầu tiên của ông là Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù, đóng tại Bắc Việt.

Lần lượt ông đã giữ các chức vụ tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù, tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù, chiến đoàn trưởng Chiến Ðoàn 2 Nhảy Dù (1962), tham mưu trưởng Sư Ðoàn 25 BB, tư lệnh Sư Ðoàn 10 BB (tiền thân của SÐ 18BB-1966). Năm 1967 ông mang cấp bậc chuẩn tướng. Năm 1972, ông là chỉ huy trưởng binh chủng Biệt Ðộng Quân và được vinh thăng thiếu tướng vào tháng 4, 1974.

Ngày 28 tháng 4, 1975, Tướng Times bên Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ngỏ lời sẵn sàng giúp đưa cả gia đình ông đi Mỹ, nhưng ông quyết định ở lại vì trách nhiệm của một tướng lãnh. Ngày 15 tháng 5, 1975, Cộng Sản đến nhà mời ông đi họp và đưa thẳng vào khám Chí Hòa, sau đó đưa ông cùng với các vị tướng lãnh khác ra Bắc Việt.

Ðến ngày 5 tháng 5 năm 1992, sau 17 năm ông mới được trả tự do, là một trong 4 vị cấp tướng cuối cùng ra trại với Thiếu Tướng Trần Bá Di, Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo và Chuẩn Tướng Thiếu Tướng Lê Văn Thân.

Ông và gia đình được xếp vào danh sách H.40 nhưng cuối cùng được đôn lên H.07, đến Mỹ vào tháng 11 năm 1994 và định cư tại thành phố Garland, Texas.

Theo lời kể của anh Thái Hóa Lộc, không phải là thân thích của ông, người vẫn thường ghé thăm ông, cho biết ông thích ăn các thức ăn Pháp và thích nhâm nhi chút rượu, nếu có thể. Lúc còn khỏe, ông cũng sẵn sàng nói chuyện xảy ra trong thời loạn lạc, một số chi tiết về Ðại Tướng Cao Văn Viên liên quan đến vụ đảo chánh 1963, cái chết của Thiếu Tá Nhung và một số chi tiết nhưng ông yêu cầu không nên đưa lên báo chí.

Bây giờ có chuyện nhớ chuyện quên nhưng ông cho biết vào mùa Ðông thân thể thường đau nhức, “chỉ có Wishky mới trị nổi thôi,” điều mà bác sĩ hoàn toàn cấm, nhưng đôi khi các cô y tá cũng thông cảm cho ông, khi biết ông xưa kia là một tướng lãnh.

Ông tâm sự với chúng tôi, là ông đã nghĩ đến ngày ra đi và không sợ chết. Ngày ông mất, xin nhờ bên anh em thuộc binh chủng Nhảy Dù lo chuyện hậu sự cho ông tươm tất là ông cảm thấy mãn nguyện rồi.

Ông đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ dài ông đã làm trong nhà tù Bắc Việt sau 9 năm bị giam cầm (khoảng năm 1984.) Bài thơ dài 65 câu, lời thơ đầy bi phẫn, xót xa của một tướng lãnh thất trận và là của một người tù không bản án, vô vọng không có ngày về.

Chỉ trong vòng mười lăm phút, ông đã đọc đi đọc lại cho chúng tôi nghe bài thơ này ba lần, điều này chứng tỏ ông đã đi vào thời kỳ lú lẫn. Anh Thái Hóa Lộc cho tôi biết, ông thường vào thăm ông, mang thức ăn cho ông, và lần nào, anh Lộc cũng nghe ông đọc bài thơ này. Ông cho biết trong nhà tù ông đã làm bài thơ và ghi nhớ trong đầu, đọc đi đọc lại nên thuộc nằm lòng, mà không dám viết ra giấy.

Trong khi Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai đọc đi đọc lại bài thơ viết trong nhà tù Việt Bắc, chúng tôi đã ghi âm lại và chép ra để các chiến hữu và độc giả hiểu được phần nào tâm sự của ông, một vị tướng già, thất trận đang sống những ngày cuối cùng xa quê hương, lẻ loi trong một nhà dưỡng lão xa lạ. Vì khuôn khổ của trang báo, chúng tôi chỉ xin trích một đoạn trong bài thơ của ông, bài thơ chưa đặt tên:

...“Ý thức hệ miền Nam kiếp nạn
Chín năm (1984) cố quốc dạ nào quên.
Không xoay thế cuộc, anh hùng lụy
Hào kiệt ngục trung, nợ nước đền.
Anh hùng mưu sự chẳng nên
Cúi xuống thẹn Ðất, ngước lên thẹn Trời.
Mài gươm rồi để hận đời
Chôn vùi thế hệ lụy người tù chung.
Oán thế nhân, xin đừng trách nữa
Lỗi lầm này hãy sửa sai chung.
Ðem xương máu học bài đắt giá
Chi đem thành bại luận anh hùng.
(Ðỗ Kế Giai-1984)

chieclavotinh
10-22-2017, 04:49 AM
Tâm Tình Gởi Mẹ
Green Frog

"Anh ơi, anh ơi... mình có con rồi" đó là giọng rất vui của mẹ nói với ba, sau khi mẹ nhìn thấy kết quả thử nghiệm thai.

Đúng vậy, tôi đã hình thành trong bụng mẹ cách đó hai tuần. Sự hiện diện của tôi đã làm cho cơ thể mẹ thay đổi, tôi cũng thay đổi rất nhiều thói quen và tánh tình của mẹ. Tôi bắt mẹ phải ăn trong lúc đêm khuya, khi mọi người đang yên giấc và đôi lúc còn làm cho mẹ nôn ói, cáu gắt với mọi người, chắc mẹ mệt lắm nhỉ! nhiều khi tôi nghịch ngợm đá lung tung làm mẹ phải giật mình, tôi mỉm cười khoái chí, mẹ nói với tôi: "Con à, để cho mẹ yên được không"" Tiếng của mẹ nghe thật ngọt ngào và êm tai, những lúc như thế tôi cố gắng ngồi yên không phá nữa, nhưng có những lúc vì muốn nhắc nhở mẹ về sự hiện diện của mình, tôi đá "giò lái" mấy cái làm mẹ giật nẩy mình.

Ở trong bụng mẹ thật sự rất ấm và an toàn, mẹ ôm chặt tôi phía trước và mang tôi đi bất cứ nơi nào mẹ đi qua. Ngày sanh tôi, mẹ quằn quại trong đau đớn. Tôi biết chứ, nhưng vì cứ tưởng sẽ xa mẹ vĩnh viễn nên không chịu ra đời, sự rụt rè của tôi đã làm cho cơn đau của mẹ kéo dài. "Xin lỗi mẹ! xin lỗi mẹ! nhưng mà mẹ biết không, vì không muốn xa mẹ và muốn được làm một với mẹ nên con cứ ì ra không đi đâu cả." Khi vừa lọt lòng mẹ, tôi sợ hãi vì thế lấy hết sức mình khóc thật lớn và nghĩ thầm: "Sao ở ngoài này lạnh thế kia" Đây là thế giới ồn ào, hoàn toàn khác biệt với thế giới mà mình đã từng sống. Liệu mình còn có những ngày an bình như ở trong lòng mẹ không"" Nhưng chỉ vài giây thôi, một vòng tay mềm mại ôm lấy tôi, giọng nói ấm áp quen thuộc vang lên: "Nín đi con cục cưng của mẹ sao khóc lớn vậy" Nhờ giọng nói êm ái đó, tôi lấy lại bình tĩnh và mỉm cười. Lần đầu tiên trong đời nhìn thấy mẹ, một cảm giác gần gũi trong tôi vì suốt chín tháng cưu mang mẹ và tôi nối liền nhau, cảm nhận được những niềm vui và nỗi buồn của nhau.

Lúc tôi chập chững những bước đi đầu đời, mẹ là người nắm tay dẫn tôi từng bước, đỡ tôi lúc té ngã, chỉ cần mẹ ôm tôi vào lòng xoa nhẹ lên chỗ đau thì vết thương như đã lành hẳn, tôi quên mất mình vừa bị té. Nhớ ngày đầu đi học, tôi nhút nhát sợ hãi đứng thập thò ở cửa lớp, nhưng mẹ đã giúp tôi thêm can đảm, bịn rịn bước vào với nụ cười gượng gạo để giấu đi giòng lệ đọng trên khoé mắt. Những trưa hè tan học, tôi chui vào lòng mẹ để được nghe những câu ru hời, những lời vỗ về, để được mẹ xoa vào cái lưng bé xíu. Ôi! bàn tay mẹ sao mát lạnh và dễ chịu quá, khiến cho giấc ngủ trưa đến với tôi thật êm đềm. Lúc ốm đau, mẹ là người ngồi cạnh, có lúc đã phải thức trắng đêm vì tôi. Mẹ như muốn gánh đi sự đau đớn mà tôi đang có vì cơn bệnh, mẹ hoàn toàn chia sẻ mọi vui buồn cùng tôi. Khi tôi lầm lỗi, vấp ngã bị mọi người chê cười, ruồng bỏ nhưng mẹ vẫn dang rộng đôi tay đón tôi vào lòng, dùng tình thương để nâng tôi dậy... chỉ có mẹ là người duy nhất có thể làm điều này thôi! đó là bao dung chấp nhận, hy sinh cho con cái của mình cho dù những đứa con của mẹ đã bao lần lạc lối.

Ở tuổi mới lớn, tôi ngơ ngác, sợ hãi trước những thay đổi của cơ thể, mẹ là người chỉ dẫn cho tôi, giúp tôi hiểu rõ đó là việc tự nhiên của tạo hoá. Lúc tôi trưởng thành, mẹ dạy tôi phải làm gì để luôn là đứa con gái ngoan, ngõ hầu sau này trở thành người mẹ, người vợ tốt trong gia đình. Ngày tôi lên "Xe Hoa", nhìn mắt mẹ rưng rưng ngấn lệ, tôi hiểu phần nào nỗi lo lắng và ưu tư của mẹ, mẹ lúc nào cũng lo lắng và hy sinh cả tuổi xuân vì tôi cho dù con của mẹ đã lớn. Đúng là "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình..." Tôi càng hiểu rõ hơn sự bao la ấy khi tôi thực sự làm mẹ, như người đời thường có câu:

"Thức đêm mới thấy trăng sao
Nuôi con mới biết công lao mẹ thầy"

Đúng thế, tôi cảm nhận tình thương sâu xa của mẹ dành cho tôi nhiều hơn khi lòng mình quặn thắt vì nhìn thấy con tôi té ngã hoặc chảy máu, mơ hồ như có ai đang cào xé trong lòng vậy. Mỗi lúc thấy nụ cười ẩn hiện trên gương mặt non nớt của con mình, tôi cũng hân hoan. Khi con sà vào lòng, ôm ghì lấy tôi thỏ thẻ: "Me, con nhớ mẹ quá!" cảm giác hạnh phúc len vào trong tôi, những mệt mỏi sau một ngày làm việc bỗng biến mất. Có lẽ đây là liều thuốc thần dược giữa tình mẹ con mà không bút mực nào có thể diễn tả hết được.

Cũng như mẹ, tôi luôn hướng lòng về con cái của mình, luôn mong những điều tốt đẹp đến với con mình, và cầu mong chúng được hạnh phúc.

*

Cám ơn mẹ đã cưu mang, sinh ra con, cám ơn mẹ đã cho con giòng sữa ngọt, đã dạy dỗ, dìu dắt con trên đường đời. Mẹ ơi! Lắm lúc con và mẹ đã không hiểu nhau vì sự cách biệt về tuổi tác, thay đổi của xã hội nhưng con không cố tình làm mẹ buồn đâu, chỉ mong mẹ luôn vui và sống với chúng con. Đừng để chúng con mồ côi mẹ nhé!

chieclavotinh
10-29-2017, 05:02 AM
Ba mãi là điểm tựa cần thiết đời con
Phượng Vũ

**"Con viết cho ba không vì trả nghĩa
con biết ba chẳng cần!
Con viết cho ba từ thôi thúc lòng mình
từ kính yêu và nể trọng."**

Từ lúc tôi có trí khôn, ba tôi luôn hiện ra như hình ảnh một người cha nghiêm khắc. Mỗi lần má nói gì mà chị em tôi không chịu nghe lời, má chỉ cần nói: "Về méc ba!" là chị em tôi răm rắp nghe lời ngay. Sau này lớn lên tôi mới nhận ra, bên trong cái vỏ bọc nghiêm khắc là một tình thương con vô bờ, ba thương con nhưng ba không nói.

**"Ơn cha như Thái Sơn cao bao từng
Ngoài tuy cương quyết, mà lòng thương mến."**

Năm tôi đủ tuổi vô lớp 1, ba dặn má thay cho tôi áo đầm mới, rồi tự tay dẫn tôi tới trường tiểu học gần nhà xin nhập học. Ai dè ông hiệu trưởng vừa nhìn thấy tôi đã chê liền:

- Bé có chút xíu mà bắt đi học nỗi gì!

- Nhưng thưa ông hiệu trưởng, cháu đã đủ tuổi đến trường rồi!

Nói xong ba tôi đưa cho ông xem giấy khai sinh. Đọc xong ông nói:

- Đúng là cháu đã đúng năm, nhưng sinh cuối tháng 12, thành thử coi như bé bị oan 1 tuổi. Hơn nữa bé nhỏ con quá, đi học sẽ bị bạn bè ăn hiếp, tội nghiệp! Đem bé về nuôi, sang năm lớn thêm chút nữa, đi học mới được.

Tôi nghe nói vậy thì mừng rơn trong bụng, nhỏ con cũng có lợi quá chứ! Vậy là tôi được thêm 1 năm rong chơi không phải đi học, nhưng ba tôi thì buồn ra mặt. Ba muốn nài nỉ ông hiệu trưởng cho tôi vô học, nhưng sợ con gái bị bạn bè “ăn hiếp” nên thôi. Ba đưa tôi về mà lòng đầy tiếc nuối:

- Tiếc quá, con bị mất 1 năm học rồi! Kỳ này về con phải nhớ ăn thêm mỗi bữa 1 chén cơm cho mau lớn mà đi học với người ta.

Sau này lớn lên tôi mới biết ba rất quý trọng sự học của các con, đó có lẽ cũng là nét đặc trưng của tất cả cha mẹ Việt Nam. Việc học của các con luôn là ưu tiên hàng đầu của ba. Bất cứ việc gì chỉ cần nêu lý do vì việc học là ba đồng ý liền.

Năm tôi thi vô Gia Long, ba dặn dò tôi đủ điều: “Gia Long là trường nổi tiếng, lớn nhất Saigon, thi đậu vô rất khó, nên con phải ráng hết sức nghen con!” Tôi ngoan ngoãn gật đầu: “Dạ”.

Khi làm bài thi xong, dò lại rồi, không biết làm gì, tôi bèn lên nộp bài rồi đi ra. Thấy tôi chạy ra cổng, ba tôi vội tới đón:

- Con làm bài được không? Sao còn 30' phút nữa, con ra sớm làm gì? Khổ quá ba đã dặn con rồi, cứ ngồi yên trong đó, dò tới dò lui cho chắc ăn.

- Con làm bài được, con cũng dò lại rồi ba à!

Ba chở tôi về mà lòng không an tâm vì vụ ra sớm của tôi. Mãi sau này khi nhận được kết quả thi tuyển, tôi không những đậu mà còn đậu cao được lãnh học bổng toàn phần, ba mới hài lòng vui vẻ xoa đầu tôi và khen:

- Con gái ba giỏi, thông minh!

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là ba yên tâm, không theo dõi sát vụ học hành của con. Hồi còn học tiểu học thì mỗi ngày ba kiểm tra bài, rồi kèm học thêm, nhưng lên trung học rồi, ba chỉ nhắc nhở thôi. Nhà tôi có căn gác phía sau, ba dành làm chỗ học và ngủ của 2 chị em tôi. Tối nào ba cũng lên kiểm tra coi chị em tôi học hành ra sao? Mỗi lần ba lên kiểm tra thì đều thấy chị tôi vẫn chong đèn ngồi học, còn tôi thì đã chui vô mùng ngủ tự lúc nào. Ba phải vén mùng lôi chân tôi ra :

- Sao con ngủ sớm vậy? Phải lo thức học bài chứ.

- Nhưng con học xong hết rồi mà ba!

- Học gì mà lẹ vậy? Chị con còn thức học, mà con thì lúc nào cũng lo ngủ là sao?

Tôi ấm ức, nhưng đành phải nghe lời ba, ngồi vô bàn cầm sách giả bộ học cho ba yên lòng. Đợi 15 phút nhìn xuống dưới nhà thấy tắt đèn biết ba đi ngủ rồi, tôi rón rén xếp sách lại, chui vô mùng ngủ tiếp. Đến cuối năm khi tôi được lãnh phần thưởng, thấy ba vui mừng hớn hở như là chính ba được lãnh phần thưởng chứ không phải tôi. Tôi bèn lợi dụng thời cơ thủ thỉ nói với ba:

- Ba ơi! ba thấy con học được lãnh thưởng, nên ba phải tin là con tự học được nha! Từ nay ba đừng theo canh chừng bắt ép con học nữa nhen ba!

Ba đành gật đầu và dặn:

- Ừ ba tin con, nhưng con phải nhớ học giỏi nghen!

Tôi sung sướng gật đầu: "Dạ, con biết rồi ba."

Từ đó, mỗi tối tôi không còn bị ba lôi chân ra khỏi mùng để bắt ngồi học nữa. Không biết tôi giống tính ai, có lẽ tôi ảnh hưởng tính cách của người dân phương Nam, nhìn nhận đời sống nhẹ nhàng, thoải mái, không thích hơn thua. Khi làm bài thi tôi hay nhẩm trong đầu tính điểm, thấy dư điểm đậu (đủ xài), sau này tôi trừ hao thêm (cho ba) ít điểm cho "dư sức qua cầu". Xong rồi phần còn lại tôi làm bài thoải mái "đúng thì tốt, mà trật cũng không sao!" Vì cái tính này mà tôi bị ba la hoài! Ba thì hay "ky cóp" tính từng điểm, tôi thì lại không hề "ham" điểm bao giờ. Đó là điều 2 cha con không giống nhau! Ngoài ra còn 1 điểm không giống nữa là ba tôi cao, má cũng cao, mà sao tôi lại nhỏ con? Đôi khi tôi tự hỏi: "Ủa, tôi giống ai vậy ta?" Thắc mắc hỏi má, má cười: "Chắc giống ông hàng xóm?", tôi nghe mà ấm ức hoài.

Nhớ lại có một lần hồi còn nhỏ tôi bịnh gì không biết mà ba phải chở tôi qua bên kia cầu chữ Y để gặp ông lang hốt thuốc. Trên đường về đi ngang một cái chợ “chồm hổm” có nhiều ổ gà, “tưng” một cái, tôi vừa nhỏ, vừa nhẹ, rớt xuống đất mà ba không biết cứ mải miết đạp xe. Mấy bà bán hàng kêu réo, nhưng chắc lúc đó ba mải suy nghĩ lo âu cho bệnh của tôi nên không để ý. Tôi thút thít khóc vì vừa đau, vừa sợ bỗng dưng bị rớt giữa đường giữa những người xa lạ. May là mấy bà bán hàng tử tế an ủi: "Nín đi, lát nữa thế nào ba cũng quay lại kiếm con". Đúng vậy, khoảng 10 phút sau, ba hớt hải quay lại dáo dác kiếm con. Thấy tôi, ba mừng quá: “Con có sao không? Sao rớt hồi nào mà không kêu ba?" Mấy bà bán hàng lanh miệng trả lời giùm: “Kêu quá trời mà ông đâu có nghe!” Từ lần đó trở đi, khi chở tôi đi đâu ba đều bắt tôi phải ôm ba thật chặt, kẻo rớt mất con gái cưng nhỏ bé của ba.

Tôi nhớ lại khi lớn lên một chút, nhìn thấy mấy bạn hàng xóm biết đi xe đạp, tôi về nhà đòi ba tập cho tôi đi xe đạp. Thời đó có mấy tiệm cho mướn xe đạp theo giờ, nên không cần phải mua xe. Mỗi chiều ba đi làm về, ba dẫn tôi ra sân trường gần nhà để tập cho tôi. Lúc ba giữ tay lái cho chặt thì tôi yên tâm đạp ngon lành, rồi dần dần ba giữ sau yên xe, khi nào ba thử buông ra là tôi sợ, đạp lạng quạng rồi lảo đảo muốn té. Sau đó mỗi lần lên xe là tôi phải nhắc, "Ba đừng buông con ra nha!" Ba gật đầu, "Ừ, lúc nào ba cũng chạy bên cạnh con đây". Nhưng ba dạy tôi là phải tự tin, đừng sợ thì mới đạp xe một mình được. "Con yên tâm, ba luôn bên cạnh, đừng sợ, con sắp té là có ba đỡ con liền." Nhờ vào sự tin tưởng ba luôn bên cạnh nên tôi an tâm tự tin và mạnh dạn từ từ đạp xe được một mình. Có lẽ cuộc đời tôi sau này cũng vậy , ba luôn là người "chạy bên cạnh" để đỡ nâng tinh thần giúp tôi yên tâm trên đường đời gập ghềnh. Tôi cũng luôn nhớ lời ba dạy "phải tự tin, đừng sợ" để làm hành trang vững vàng đi vào cuộc sống độc lập của riêng mình.

Theo năm tháng tôi lớn lên vô tư hồn nhiên trong sự ân cần chăm sóc của ba, chưa hề biết buồn, biết nhớ nhung là gì? Cho đến một hôm khi đi ngủ tôi bỗng thấy bất an, trằn trọc không ngủ được, hình như có cái gì đó thiếu vắng trong căn nhà này? Tôi chợt nhớ ra sáng nay ba đi theo chú A lên Ban Mê Thuột coi vụ làm ăn gì đó trên đồn điền cà phê từ sáng sớm khi tôi đang ngủ. Tôi thức dậy, ăn sáng, rồi đi học, vui chơi với bạn bè như không có gì xảy ra. Nhưng giờ đây trong không gian yên tĩnh của đêm tối, trái tim non nớt nhỏ bé của tôi lần đầu tiên thấy xao xuyến với một cảm xúc khó tả. Tôi thầm gọi, "Ba ơi! con nhớ ba quá!", rồi nước mắt ứa mi! Ba đi tới 3,4 ngày mới về, con cầu nguyện cho ba đi bình an, rồi mau về với con nha ba. Hình như sự vắng mặt của ba mới làm tôi ý thức được rằng: tôi thương ba biết là bao nhiêu. May quá sau lần đó, ba không bao giờ đi xa nhà nữa. Sau này thỉnh thoảng ba vẫn nhắc tôi nhớ ăn cơm nhiều cho mau lớn, (trong khi bây giờ ở Mỹ đa số các bà đều "kiêng ăn cơm") kẻo nhỏ con quá bị bạn bè ăn hiếp, chắc ba lại nhớ lời ông hiệu trưởng năm xưa. Không biết có phải vì sự quan tâm nhắc nhở đó của ba, mà tôi ăn cơm nhiều và mau lớn hơn chăng?

Năm lên đệ tam, tôi bỗng nhiên "nhổ giò" trổ mã cao lên hẳn chỉ sau mấy tháng hè, làm bạn bè lâu không gặp vô cùng ngạc nhiên:

- Nhỏ này uống thuốc tiên hả, sao mau lớn quá vậy? Nhìn không ra, bây giờ nhỏ có chiều cao lý tưởng mà đám con gái tụi tao luôn mơ ước à nhen!

- Đâu có uống thuốc gì! Tại tui giống "gien" của ba tui nên mới cao!

Như vậy là thắc mắc năm xưa đã có câu trả lời: Ba ơi, con đúng là con gái ba thiệt rồi, con giống ba chứ đâu giống "ông hàng xóm" như má nói! Ba tôi có lẽ giống những người cha Việt Nam khác: ít nói và kiệm lời khen. Hằng năm hay có bão lụt miền trung, tôi theo ban xã hội của trường GL đi lên bộ xã hội phân loại quần áo: đàn ông, đàn bà, con nít...rồi theo nhóm Thanh Sinh Công ôm thùng đi từng nhà xin tiền, xin quần áo cũ về để giúp đồng bào bão lụt miền trung. Không hiểu sao tôi luôn tìm thấy niềm vui trong những công tác từ thiện này. Có khi tôi đi liên tiếp 3,4 ngày, má nói, “Lo đi hoài, không chịu lo học ba biết thế nào cũng bị rầy!” nên tôi luôn canh giờ về nhà trước khi ba về. Một hôm vì công việc nhiều quá, tôi về trễ thấy ba đã ngồi trong nhà, tôi dắt xe vô nhà rồi len lén tính dông ra phía sau. Ai dè ba thấy gọi lại, tôi líu ríu tới gần, khoanh tay cúi đầu đợi nghe ba rầy, nhưng ba ôn tồn nói:

- Con biết cảm thông và giúp đỡ những người khốn khổ hơn mình là tốt, nhưng nhớ là không được bỏ bê việc học hành.

Tôi mừng hết lớn “dạ” một tiếng thiệt to, rồi chạy lẹ ra phía sau. Hú vía, tưởng bị rầy, nhưng như vậy là ba khen việc tôi làm từ thiện là "tốt". Cám ơn ba đã "đồng cảm" với con. Tôi thấy ba cũng hay gom góp quần áo cũ trong nhà với ít tiền rồi đạp xe đi thiệt xa, xuống tận Tân Sơn Nhì để giúp những người đồng hương nghèo

Năm lên đệ nhị ba hứa nếu đậu tú tài 1 điểm cao, ( chắc ba sợ tôi làm bài thi thấy điểm “đủ xài” không thèm kiếm điểm thêm!) ba sẽ mua thưởng xe Velo Solex để đi học năm đệ nhất. Và ba đã giữ lời, cám ơn ba yêu! Thời đó con gái mặc áo dài đi học bằng Velo Solex là “oách” nhất, vì nó vừa nhanh, vừa lịch sự lại trang nhã làm sao. Hình ảnh cô nữ sinh ngồi Velo Solex đến trường vẫn là hình ảnh kỷ niệm đẹp đáng yêu thời đi học đệ nhất Gia Long của tôi.

Ba luôn khuyến khích và động viên con cái học hành giỏi giang, vì đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đời của ba. Vậy mà sau khi đậu tú tài 2, tôi đủ tiêu chuẩn nhận học bổng du học Nhật, nhưng ba không đồng ý cho đi. Tôi vốn ham thích du lịch từ nhỏ, thích khám phá những chân trời mới và được du học là cơ hội tốt nhất để mở rộng kiến thức, mở rộng tầm nhìn nên tôi nài nỉ:

- Ba ơi, cho con đi du học Nhật nghen ba.

- Không được con à, làm sao ba có thể yên tâm khi để con gái ba “một thân, một mình” nơi xứ lạ quê người, rồi thời gian học kéo dài 4,5 năm lỡ con yêu rồi lấy chồng ngoại quốc thì ba mất luôn con gái sao? Ở Saigon học đại học cũng được rồi con à! Con không thương ba sao mà đòi đi hoài vậy?

Ba nói tới đây thì tôi chịu thua, phải nghe lời ba thôi. Vì tôi thương ba nhất trên đời. Ba luôn là điểm tựa của đời tôi. Khi tôi lên đại học, ba nói: "Bây giờ con đủ trưởng thành rồi, ba tin con đã biết suy nghĩ để quyết định mọi chuyện cho đời con. Ba chỉ nhắc nhở con sống sao cho đúng con nhà gia giáo, nề nếp, dù “giấy rách phải giữ lấy lề”, làm gì cũng phải nhớ tới người khác, luôn lấy nhân nghĩa làm đầu.” Những lời dặn dò của ba luôn là "kim chỉ nam" cho cuộc sống tôi sau này. Từ bây giờ tôi sẽ được tự do quyết định chọn học ngành nào mình thích. Tôi chọn học Triết vì qua triết học tôi tìm được nhiều điều rất thú vị, hay vì người tôi ái mộ nhiều nhất lúc đó là "dân triết học"? Sau khi đậu dự bị Triết, bạn bè rủ tôi thi vô Đại Học Sư Phạm. Khi nghe tin tôi đậu vô ĐHSP ba rất hài lòng vì ba quan niệm, “Con gái Việt Nam chỉ có nghề dạy học là phù hợp nhất. Sau này có gia đình tuy ra ngoài xã hội đi làm, nhưng vẫn có giờ chăm sóc, phục vụ chồng con, lại biết cách giáo dục con cái cho tốt.Phụ nữ Việt Nam phải lấy gia đình làm gốc con à!”.

Về phương diện bạn bè, ba cũng để tôi tự do chọn lựa, ngay cả việc hôn nhân cũng vậy.Tôi thấy thời bây giờ nhiều cha mẹ còn ép con học ngành nghề mình muốn (ở O.C. cách đây mấy năm đã có 1 án mạng đáng tiếc, mẹ ép con trai học Y khoa trong khi anh không muốn và không thích..., rồi xảy ra cãi vã giữa 2 mẹ con, trong lúc nóng giận anh đã bóp cổ để mẹ khỏi nói nhiều, nhưng vì quá tay, mẹ đã chết mà anh không biết!) Ngoài ra cha mẹ cũng hay phản đối quyết liệt chuyện hôn nhân của con khi không đúng ý mình. Những lá thư kêu cứu của các con thường thấy xuất hiện trong các mục tâm tình trên các báo. Như vậy so với thời đó tôi thấy ba tôi quả là rất tiến bộ. Ba đã cho tôi một món quà quý giá nhất trên đời: luôn luôn tin tưởng ở tôi. Cám ơn ba đã cho con gái một thời tuổi trẻ thoải mái, có thể quyết định và tự chịu trách nhiệm mọi chuyện quan trọng cho cuộc đời mình, ngay cả việc "cưới xin"... Ngày đám hỏi của tôi cả nhà đều cực, vì theo tục lệ Việt Nam, đám hỏi nhà gái phải lo hết mọi chuyện từ A-Z, từ việc trang hoàng nhà cửa, mượn bàn ghế, xếp đặt chỗ ngồi cho tới việc dọn tiệc, dẹp tiệc rồi đi trả bàn ghế... Tôi nghĩ ba là người cực nhất, nhưng buổi tối sau khi mọi người về hết, ba nói với tôi:

- Bữa nay ai cũng cực hết, nhưng người cực nhất là T, người đến sớm nhất và là người về sau cùng. T còn trẻ, khỏe xốc vác nên đảm đương mọi chuyện. Con phải gặp T cám ơn tử tế đàng hoàng mới được. Ba chưa từng thấy người thanh niên nào tốt và cư xử cao thượng như T.

Tôi nghe ba nói tới chữ "cao thượng" mà giật mình, thì ra tuy không xen vào những quyết định của tôi, nhưng ba vẫn âm thầm lặng lẽ quan sát và biết hết những chuyện chung quanh tôi. Anh T quen tôi từ khi còn học GL, nhưng tính anh người miền nam hiền lành chân thật và ít nói. Anh luôn ân cần chăm sóc và bảo vệ tôi mọi lúc, nhưng không hề nói gì hết..., nên tôi vô tư đón nhận như sự chăm sóc của 1 người anh trai (vì tôi không có anh). Sau này khi trải qua những thăng trầm của cuộc sống tôi mới nhận ra những tình yêu thầm lặng là những tình yêu chân thật “cho đi tuyệt đối mà không hề đòi lại chút xíu nào”. Ngày ấy tôi còn ngây thơ, chưa thể nhận ra được những tình cảm giấu kín phía sau những ân cần. Giá như ngày đó anh T:

**"Đừng giấu em
Anh có một trái tim biết khóc
Một trái tim khao khát vỗ về..."**

Nhưng thôi, có lẽ mỗi người đều có một số phận đã an bài. Biết đâu đó cũng là điều may, vì người ta thường nói:"Tình chỉ đẹp khi còn dang dở". Ba ơi! có những lúc con vô tâm, cám ơn ba đã có cái nhìn tinh tế để nhắc nhở con phải cư xử thế nào cho đúng! Ba đúng là "điểm tựa cần thiết" của đời con mọi lúc, mọi nơi. Ba là phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống của con.

chieclavotinh
11-05-2017, 02:14 AM
Ba mãi là điểm tựa cần thiết đời con
Phượng Vũ

"Ba là bóng mát giữa trời,
Ba là điểm tựa bên đời của con."

Biến cố 30/4 đã như đưa tôi từ đỉnh cao xuống vực sâu, sau khi bị cướp sạch sẽ trên đường di tản về Saigon, tôi đã thực sự trở thành “vô sản” chân chính. Tôi bắt đầu một “cuộc sống mới” trong “xã hội mới” (XHCN) với 2 bàn tay trắng để gánh vác cả gia đình nhỏ của mình (nuôi chồng trong tù cải tạo và nuôi con thơ) trên đôi vai mỏng manh. Ba luôn là người “đồng hành” với tôi trong những tháng ngày hoang mang tột cùng, đau khổ tột đỉnh để tôi đủ sức đứng vững trên đôi chân mà bươn chải trong cuộc đời “đổi trắng thay đen” nhiều chông gai, nhiều cạm bẫy để làm tròn “trách nhiệm mới” với gia đình nhỏ của mình. Ngoài giờ đến trường, thời gian còn lại tôi phải lăn lóc giữa chợ đời mà tôi gần như chưa có kinh nghiệm gì, vì nó hoàn toàn đối lập với cuộc sống êm đềm trước kia của tôi. Do đó thành công thì ít mà thất bại thì nhiều và ba luôn là người nâng đỡ tôi, là điểm tựa để tôi tựa vào lấy sức rồi đứng lên đi tiếp. Ba ở nhà trông con cho tôi (sau 30/4, ba bị mất việc luôn), mỗi tối khi tôi về nhà sau 1 ngày “truân chuyên”, ba chỉ cần nhìn nét mặt tôi là ba biết ngày đó tôi buồn hay vui? Ba giống như "người bạn thân" hiểu tôi một cách thấu đáo.Tôi luôn thấy thấp thoáng ánh mắt ba lặng thầm sáng lên niềm vui khi ngày đó tôi may mắn nhưng thường "buồn thì nhiều, vui chẳng có bao nhiêu!" Những lúc thấy tôi buồn, ba luôn ân cần hỏi han để tôi có dịp kể lể nổi niềm đắng cay, rồi sau đó tôi nghe ba thở dài não nuột!, chắc lòng ba cũng tan nát vì thương con gái gian nan. Sau thấy ba già rồi mà cứ buồn sầu từng ngày theo "chuyến xe đời gian khổ" của tôi hoài coi bộ không ổn, tôi bèn học cách “giấu nỗi buồn” của mình.

Buổi tối khi ngồi ở góc hè phố hay bên lề đường chờ chuyến xe bus cuối cùng để về nhà tôi phải “tự ru” mình qua việc nhớ lại đoạn đời êm ả trước kia: “Tôi đi dạy bằng cyclo tháng, tôi đưa thời khóa biểu cho bác cyclo. Sáng nào tôi đi dạy, sau khi ăn sáng (có người giúp việc chuẩn bị sẵn), thay áo dài, xách cặp ra cửa thì đã có cyclo chờ sẵn đưa tôi đến trường. Hết giờ dạy, đã có cyclo chờ sẵn ở cổng trường đưa về nhà. Về nhà thì cơm nóng, thức ăn ngon đúng ý đã chờ sẵn...”. Giấc mơ về quá khứ này giúp tôi thư giãn, nên khi về nhà chắc nhìn khuôn mặt tôi có vẻ êm đềm, ba vui vẻ hỏi: “Mọi chuyện hôm nay tốt hả con?” - "Dạ, ba!". Tối nào gió thổi nhiều, lạnh lẽo nhìn chiếc áo đang mặc mỏng tang rách vá lưng, vá vai, tôi hồi tưởng lại "Ngày xưa tôi có cả tủ lớn áo dài đẹp, mặc hoài không hết, mấy em nữ sinh mê cô giáo mặc áo dài đẹp đếm áo dài riết không xuể..." Cứ như thế mỗi tối tôi lại có một “giấc mơ xưa” khác nhau, nó giúp tôi tạm quên đi nỗi buồn thực tại và giúp ba cũng đỡ âu lo về tôi...

Thời gian này gia đình ba má tôi cũng khổ không kém, gần 30/4 cái “chết mất xác” của em trai tôi là một cú sốc quá lớn nên cả nhà như rơi vào cơn mê muội, không thiết làm bất cứ điều gì, ngay cả việc theo giấy mời của đơn vị em tôi đi lãnh tiền tử. Đến khi tỉnh lại thì mọi sự đã muộn màng, tiền tử trận của em tôi không lãnh được mà ngay cả tiền trong nhà băng, tiền công khố phiếu cũng không rút ra kịp, rồi thời buổi xáo trộn má tôi bị giật hụi tùm lum nên cuộc sống cũng tràn đầy khó khăn, không ai giúp đỡ được ai. Má tôi hằng ngày cũng bắt đầu phải bươn chải ra chợ mua bán để kiếm tiền chi tiêu trong nhà và khi cuộc sống quá nhiều cực khổ khó khăn, người ta dễ bực mình, dễ cắng đắng nhau. Mỗi lần buôn bán ế ẩm, má thường hay cắng đắng với tôi đủ chuyện. Tình cảm con người hình như rất mỏng manh, không bền chắc, và rất dễ gãy đổ, từ tình vợ chồng, mẹ con hay anh em, và nghèo đói là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với tình cảm. Tôi không trách má, vì tôi biết má cũng quá khổ nên tôi phải nuốt nước mắt vào trong, dằn lòng để nhẫn nhịn. Nhưng ba rất tinh ý, ba hỏi han tôi rồi rầy má, làm tôi sợ không dám tâm sự với ba nữa.Tôi chỉ còn biết lao đầu vào công việc triền miên để quên đi những niềm đau phải giấu kín trong lòng.

Sau thời gian mong ngóng chồng được thả về trước khi sinh con đã hoàn toàn trở nên vô vọng, tôi sinh con trong lẻ loi. May mà có ba mỗi ngày vẫn đạp xe vô bịnh viện phụ sản thăm con, thăm cháu, nếu không tôi sẽ tủi thân biết là chừng nào khi nhìn các sản phụ chung quanh lúc nào cũng tấp nập người thăm viếng. Khi tôi sinh con được hơn 1 tháng thì nhận được giấy họ gửi về cho địa chỉ để đi gửi quà qua bưu điện cho thân nhân cải tạo. Tôi lo mua quà gói lại cẩn thận sẵn sàng, sáng sớm ngày đi gửi quà tôi lo thức thật sớm cho con bú no rồi pha thêm 1 bình sữa để sẵn phòng hờ. Trước khi đi, tôi chạy lên lầu định dặn khi nào nghe em bé khóc thì nhờ ai chạy xuống coi giùm, tôi gặp ba trên lầu đi xuống quần áo chỉnh tề. Tôi ngạc nhiên vội hỏi

- Ba đi đâu sớm vậy?

- Ba đi gửi quà cho chồng con, con mới sinh không được ra sương sớm, nhiễm lạnh rồi về bịnh. Ở nhà lo cho em bé, để ba đi cho.

Nói xong ba giành lấy gói quà trên tay tôi, rồi dắt xe đạp ra đi khi ngoài trời vẫn còn mờ sương và giá lạnh. Tôi ngồi xuống bậc thang, nhìn ba khuất sau cánh cửa mà lòng bồi hồi tự hỏi: “Ba ơi! Sao ba lúc nào cũng tự nguyện lo cho con hết vậy?” Một niềm thương ba, cảm phục ba dâng lên tràn ngập hồn tôi. Tôi cảm nhận: "Tình Cha ấm áp như vầng Thái Dương". Ba thương con gái rồi thương luôn con rể, thỉnh thoảng ba lại tắc lưỡi: “Tội nghiệp, không biết bây giờ nó ra sao? Tù tội chắc là khổ và đói rét lắm."

Thời gian sau 75, nhiều người miền Bắc vô Nam nhận họ hàng, nhà tôi cũng được mấy chú bộ đội ghé thăm nhận cháu họ, nghe ba tôi kể có chàng rể đi học tập cải tạo, mấy chú bộ đội bèn hứa sẽ dẫn đi thăm nuôi và có khi còn bảo lãnh cho về. Nghe vậy ba tôi mừng quá hối tôi lo mua đồ để đi thăm nuôi chất 1 giỏ đầy. Tôi định không cho ba đi, vì ba bị trợt chân té gẫy xương phải bó bột, mới tháo ra chưa lành hẳn, bây giờ còn phải đi “cà nhắc”, nhưng ba kiên quyết đòi đi cho được: “Tội nghiệp, có cơ hội thì phải rán lo đi thăm tiếp tế cho nó ít quà để nó mừng con à!”. Thế là ba tôi lên đường đi Tây Ninh theo mấy chú bộ đội để tìm thăm rể.
Khi trở về nhìn mặt ba sạm đen, tôi ngạc nhiên:

- Sao con nhớ đã đưa nón cho ba đem theo mà ba lại quên đội để nắng cháy sém da mặt đen thui hết rồi.

- Đâu phải ba quên đội nón, nó dắt ba đi qua những cánh đồng nắng cháy, những nông trại..., rồi chỉ cho ba thấy đám tù cải tạo đang lao động phía đó. Đông quá làm sao ba nhận ra ai, nên tuy dưới trời nắng gắt, ba cũng phải ráng để đầu trần chậm rãi đi qua đi lại, đi tới đi lui nhiều lần, may ra chồng con thấy ba thì đưa tay ngoắc. Rồi ba mới nói với họ cho phép gặp để đưa quà. Nếu ba đội nón làm sao chồng con thấy mặt ba rõ được?

Nghe ba giải thích mà tôi nghẹn ngào. Vậy là mấy ngày qua ở xứ Tây Ninh nóng cháy da người, ba tôi chân đau đi cà nhắc mà vẫn phải rán lê lết với đầu trần, đi từ trại cải tạo này qua trại cải tạo khác chỉ với hy vọng nhỏ nhoi may ra rể nhận ra mình để được đưa quà và nhìn thấy mặt. Tôi ứa nước mắt hỏi tiếp:

-Cực khổ vậy, rồi kết quả ra sao hả ba?

- Không gặp được con à! Cuối cùng nó bảo gửi giỏ quà lại cổng trại rồi họ sẽ chuyển vào sau.

- Chắc mình bị họ gạt rồi ba ơi!

Ba im lặng thở dài, tôi không dám nói nữa sợ ba buồn, vì tình thương con, thương rể ba đã dãi dầu nắng lửa qua mấy ngày rồi. Nhìn chân ba sưng to vì chỗ đau chưa lành hẳn, vì đi bộ nhiều, rồi mặt mũi tay chân ba đen cháy, mắt tôi mờ lệ:

"Ơn cha, hai tiếng thương yêu vô vàn
Sẽ không phai tàn, với bao năm trường."

Ba ơi! từ sâu trong trái tim, con cám ơn cuộc đời đã cho ba là "bóng mát" đời con trong những ngày nắng hạn chói chang. Nếu không có "bóng mát" ấy, chắc là con đã kiệt sức giữa đường! Ba không hoàn hảo, nhưng ba luôn yêu thương con theo cách hoàn hảo nhất.

Sau này mấy lần được giấy đi thăm nuôi chồng, lần nào ba cũng đòi đi theo: "Cho ba đi để ba đỡ đần cho con, và để ba nhìn mặt nó một chút coi nó gầy ốm ra sao?" Mà thiệt, nếu không có ba, tôi không biết phải xoay sở cách nào với 2 đứa con thơ, lại thêm mấy bao đồ thăm nuôi nữa. Đúng là ba đã "song hành" với tôi trên từng bước đường đời gian khổ. Cám ơn đời đã cho tôi có một người cha trên cả tuyệt vời: "Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha".

Tình thương ba lai láng tràn từ con gái qua rể, xuống tới mấy đứa cháu ngoại. Ban ngày ngoài việc đi dạy, tôi lúc nào cũng bận rộn “trăm công, ngàn việc”, nên việc lo cho 2 con phần lớn nhờ vào ông ngoại. Ông lo đưa đón cháu đi học, đi nhà thờ, khi cháu đau ốm, nếu mẹ bận, ông đưa cháu đi bác sĩ, đi bịnh viện..., rồi ông còn nhường cả phần thịt ít ỏi của mình cho cháu. Sau 75 thực phẩm đắt đỏ, hiếm hoi, cái gì cũng vô tem phiếu. Cả tháng mỗi hộ mới mua được một miếng thịt nhỏ, đem về phải cắt nhỏ ra kho, rồi đếm miếng chia phần... Mỗi lần ba được má chia cho vài miếng thịt nhỏ, ba giả bộ ăn, rồi vùi trong chén cơm giấu đem ra cho cháu. Tôi ngồi đút cơm cho 2 con ăn trước nhà, để tránh ba nhường phần ăn cho cháu. Vậy mà ba cũng giấm giúi đem ra đưa, tôi cương quyết từ chối, ba nài nỉ: “Ba già rồi, ba không cần lớn, tụi nhỏ cần chất thịt để lớn con à!" Nhưng tôi nhất định không chịu, bí quá ba bèn xoay qua bảo 2 đứa nhỏ: “Há miệng ra! ông cho cái này" Vậy là tụi nhỏ há miệng lẹ... rồi ăn ngon lành, tôi không bịt miệng 2 con kịp. Ba ơi! con chịu thua ba luôn.

Mới đây khi đi mua đồ chơi cho sinh nhật của cháu ngoại, bỗng nhiên con gái Út buột miệng nói: “Lâu lắm rồi, nhưng nhớ lại con thấy thương ông ngoại ghê! Hồi đó sáng nào mẹ đi dạy, một mình con ở trong căn nhà lớn, rộng nên con sợ, ông ngoại qua chơi với con. Suốt buổi sáng con bắt ông ngoại chơi bán hàng, mua hàng rồi phải giả bộ ăn bao nhiêu món đồ ăn con bày ra bán, vậy mà ông ngoại cũng kiên nhẫn “spend time” với con và chiều theo ý con!” Ba ơi, ba luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng con cháu và hình ảnh đẹp ấy trường tồn với thời gian. Cả cuộc đời ba là bài học sống động về tình yêu thương, về sự hy sinh quên mình để nghĩ tới người khác, để làm vui lòng người khác Con đã học từ ba rất nhiều bài học về sự đồng cảm với nỗi khổ của người chung quanh, bài học san sẻ những gì mình có dù là ít ỏi, chứ không phải đợi có dư mới cho... Ba ơi! ba là “Người Thầy” vĩ đại của con về “Tình Người”, ba nắm tay dẫn con đi trên con đường nở đầy hoa “yêu thương” với những đồng cỏ “cảm thông” để từ đó con biết học:

''Cửa sổ tâm hồn '' trải rộng
Rồi thương nỗi khổ tha nhân..."

Sau này cuộc sống ổn định hơn, chồng tôi được thả về, làm việc ở BV rồi sau mở phòng tư, kinh tế khá dần lên, tôi mua nhà ở khu gần nhà ba má để dễ dàng chạy qua, chạy lại thăm nom. Nhất là khi nấu những món gì ngon, tôi mang qua cho ba má, đối với tôi đó cũng là niềm vui. Nhưng tính ba lúc nào cũng vậy, khi tôi mang sang thức ăn còn nóng, mời ba thì ba luôn muốn nhường cho má những thức ăn ngon (dù biết tính ba tôi luôn mang 2 phần). Ba vẫn thích đợi cho má ăn sáng, ăn chiều chán chê rồi ba mới ăn phần dư còn lại. Sao khổ quá vậy ba? Nhường phần ăn ngon cho chồng con là đặc trưng của phụ nữ VN, mỗi lần làm gà, vịt, thức ăn tôi luôn để phần ngon nhất cho ba má, chồng con trước; nhưng ở đây ngược lại ba luôn nhường má những phần ngon nhất, và để người ăn khỏi áy náy ba luôn đưa ra nhiều lý do khác nhau: khi thì đầy bụng, khi thì còn no, khi thì không thích, khi thì má thích món này... Chị em tôi rành tính ba, nhưng không biết làm sao thay đổi. Đôi khi chị em tôi nói đùa:

- Ba cứ nhường đồ ăn ngon cho má hoài nên ba ăn ít. Do đó ba ít bệnh, khỏe mạnh sống lâu hơn má, dù má trẻ hơn ba nhiều.

Nói tới vụ sức khỏe của ba, tôi nhớ lại có lần ba bị viêm phổi nặng hôn mê phải chở vô bịnh viện A.B. cấp cứu. May là ông xã tôi làm T. K. ở bịnh viện này, nên bịnh viện dành mọi ưu tiên và chăm sóc đặc biệt cho ba. Những ngày đó tôi như rơi vào cơn khủng hoảng, tôi đi nhà thờ mỗi ngày khóc năn nỉ Chúa: "Chúa ơi! Con chưa kịp trả hiếu cho ba đầy đủ, Chúa cho ba con sống thêm 10 năm nữa để con trả hiếu, rồi Chúa bắt con giảm thọ gấp đôi con cũng chịu, hoặc Chúa bắt con phải khổ bao nhiêu để bù lại con cũng đồng ý..." Không biết vì Chúa thấy tôi van xin quá thành khẩn nên nhậm lời hay vì các BS của bịnh viện A.B hết lòng cứu chữa mà ba tôi được hồi phục. Sau lần “thoát tử” đó ba bắt đầu chú ý đến việc tập thể dục thường xuyên, mỗi sáng ba đều tập Tài chí, từ đó ba khỏe ra, ít đau ốm. Ba luôn khuyến khích mọi người tập thể dục để có sức khỏe tốt.

Ba không chỉ là một người cha tuyệt vời mà còn là một người chồng đáng quý! Sau này về già má tôi hay bịnh rề rề, nhưng ba luôn ân cần chăm sóc má từ ly nước tới tô cháo... Những lần ở Mỹ về thăm nhà tôi chứng kiến cảnh: Ban đêm má nằm trong phòng riêng, má bị đau nhức bàn chân, mỗi lần má rên khẽ: “Ông ơi! đau quá!" là ba tôi lập tức thức dậy chạy vô phòng: "Bà đau ở đâu? Để tôi bóp chân cho bà đỡ đau.” Rồi ba kiên nhẫn ngồi thoa bóp chân cho má cả buổi, tới khi má ngủ lại, ba mới rời phòng về giường mình. Cảnh đó tái diễn một đêm mấy lần và ba vẫn cứ lồm cồm ngồi dậy, chạy tới chạy lui mà không một lời than phiền nào. Tôi thầm phục ba sát đất, ba quả là một người đàn ông tuyệt vời! Ba đã “gỡ điểm” giùm rất nhiều cho “cánh mày râu” dưới mắt tôi. Nhìn cảnh đó, tôi ước chi khi cuối đời tôi đau ốm cũng có được 1 người quan tâm chăm sóc, dù chỉ bằng nửa ba là tôi cũng đủ mãn nguyện. Nhưng có lẽ đó chỉ là "giấc mơ trong đời", vì ở thời đại bây giờ những người đàn ông chung thủy, tình nghĩa, tận tụy với vợ, chăm sóc vợ ốm đau cho đến cuối đời như ba hình như đã bị tuyệt chủng rồi! Tôi thương má đau nhức bàn chân, nhưng tôi cũng xót ba vất vả cả đêm. Sau tôi phải vào phòng nói với má:

- Má ơi! má đau nhức là từ bên trong cơ thể, má cần đổi thuốc, đổi BS ngày mai con sẽ đưa má đi. Má chịu khó nhịn đau một chút, nếu má cần bóp chân, má gọi con, con sẽ bóp chân cho má, làm ơn đừng kêu ba nữa. Tội nghiệp ba già rồi, một đêm má gọi mấy lần làm sao ba ngủ được?

Sau lần tôi "góp ý" đó, má không gọi ba nữa. Mãi sau này có lúc bị đau nhức vai không gõ được computer. Nhớ lại, tôi chợt áy náy, có lẽ ngày xưa tôi đã không hiểu hết nỗi đau nhức của má chăng? Con xin lỗi má nếu con đã “góp ý” sai.

Sau khi má mất, tôi về thăm ba thường xuyên hơn. Mấy năm sau tôi làm lễ thượng thọ 90 cho ba thấy ba vui, hài lòng vì nhìn thấy con cháu về thăm ông đầy đủ. Đặc biệt khi đến cảnh con, cháu tụ họp đầy đủ chung quanh, dâng lên ba bó hoa tươi rồi tất cả cùng nhau hát bài “Cầu cho Cha Mẹ” trong tâm tình xúc động biết ơn, tôi hát mà lòng thấy rưng rưng:

"Xin Chúa chúc lành cho đời cha mẹ của con
Công ơn là như núi non
Dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn...
Mai con lớn lên rồi ra đi tung cánh trong đời
Dù xa vô bờ vẫn nhớ đến tình mẹ cha."

Tôi thấy mắt ba cũng rơm rớm vì cảm động, không phải chỉ riêng nhà tôi cảm động mà tất cả những người tham dự bữa tiệc đó đều cảm động. Một số bạn tôi thấy đây là một ý kiến quá hay để làm vui lòng cha mẹ già, nên sau đó họ về nhà áp dụng và quả là ba má họ cũng rất vui và cảm động. Tôi mừng vì đã làm tất cả những gì có thể làm được để ba vui. Nhưng tiếc là tôi không có phép màu để níu lại thời gian, ba mỗi ngày một yếu đi. Lần cuối tôi về thăm ba, khi đi, ôm ba trong tay tôi thấy ba gầy đi nhiều quá, ba chợt nói:

- Có lẽ đây là lần cuối cha con mình gặp nhau con à!

Tôi lắc đầu, nuốt nước mắt vào trong, ôm chặt ba trong vòng tay:

- Không, ba đừng nói vậy, chắc chắn con sẽ về gặp ba lần nữa trước khi... Tôi không đủ can đảm nói tiếp rồi cắm đầu cắm cổ chạy ra xe đi phi trường đã đợi sẵn, nếu không tôi sẽ không đành lòng ra đi.

Trở lại Mỹ tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhà, sức khỏe ba vẫn yếu nhưng không có gì thay đổi. Tôi chuẩn bị mọi thứ để khi cần tôi có thể bay về Việt Nam ngay. Sau kiểm tra lại passport tôi thấy thời gian hiệu lực còn 9 tháng mà bay về VN passport phải còn hiệu lực trên 6 tháng, nên để chắc ăn, tôi lo renew passport. Khi còn 1 tuần nữa tôi sẽ nhận được passport mới, một chiều thứ 6 ở trường về tôi nhận được tin ba mất! Tôi không khóc được nhưng lòng quặn thắt, đúng là "Trẻ tạo hóa đanh hanh quá ngán!" Sao ông trời không cho ba đợi tôi thêm 1 tuần nữa? Tôi điện thoại về VN mới biết thực ra ba đã vào nhà thương gần 1 tuần nay, nhưng dặn nhà giấu tôi, vì sợ tôi bay đi bay về hoài tốn tiền, rồi ảnh hưởng tới công việc làm. Nhưng chị tôi kể ngày cuối cùng ba cứ ngó mông ra cửa, chắc ba đợi em về. Ba ơi! Sao ba nỡ giấu con hả ba? Sao đến lúc gần chết rồi ba vẫn còn nghĩ và lo cho con vậy ba? Giống như bao lần về chơi, tôi muốn đưa ba đi chơi du thuyền trên sông Saigon, ba cứ lo “tốn tiền vì con cũng còn khó khăn”. Sau tôi phải nói với ba "con có bạn quen làm trên đó, không tốn tiền" ba mới chịu đi.

Khi nhìn toàn cảnh Saigon ban đêm với du thuyền di chuyển trên sông ba rất thích thú! Từ đó tôi bắt đầu có "bạn quen" làm đủ các nơi để tôi đưa ba đi chơi mà ba khỏi áy náy... Sáng thứ Bảy tôi chạy khắp các agency, bằng lòng chi trả bất cứ giá nào cho thủ tục khẩn cấp để tôi có thể bay về VN, nhưng cuối tuần các VP chính phủ đóng cửa. Các agency đều trả lời không có passport thì chịu thua, không thể lên máy bay. Không biết có phải vì lời ba má năm xưa nói với tôi: "...Sau này vì ở xa mà không gặp ba má lúc ra đi thì con cũng không nên áy náy làm gì, ba má hiểu lòng con." Đó có phải là lời tiên đoán và nó vận vào người tôi mà sao lần nào tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng nhưng cuối cùng vẫn không về được. Lần trước với má cũng vậy, lần này nếu tôi không lo xa, chuẩn bị kỹ quá đi renew passport thì đâu có sao! Tôi nghiệm ra mọi việc trên đời đều có số "nhất thực, nhất ẩm giai do tiền định" không làm sao cãi được số!? Chiều thứ Bảy cả gia đình tôi đi nhà thờ làm lễ phát tang cho ba. Hình ảnh tôi và cả nhà đeo khăn tang được gửi về Saigon, phóng to đặt cạnh áo quan ba. "Ba ơi hình con và cả hồn con nữa đều đang ở cạnh ba, chỉ còn cái xác "vật vờ" này là ở phương trời xa không về bên ba được mà thôi!"

Cả đêm không ngủ, sáng Chúa Nhật tôi đờ đẫn như người mất hồn. Tôi không cần ai an ủi, tôi thông suốt mọi lý lẽ: Có sinh phải có tử, ba đã thọ trên 90 tuổi, mất không có gì oan uổng, ba ra đi cũng êm đềm... Tôi vẫn nhớ lời tôi khóc nài nỉ với Chúa năm xưa “cho ba con sống thêm 10 năm nữa”. Thời hạn 10 năm đã qua lâu rồi, Chúa đã cho nhiều hơn lời tôi xin...nhưng sao lòng tôi đau quá, trái tim tôi như muốn hóa đá. Sao không cho tôi thực hiện lời hứa trở về với ba trước khi chia tay ba lần rồi? Chẳng lẽ từ giờ trở đi con không còn bao giờ được nhìn thấy ba nữa sao? Những gì con lo nhất, sợ nhất đã đến thực rồi sao? Ba ơi! Ba là điểm tựa đời con, bây giờ ba bỏ con đi luôn, mai kia những lúc con cần con biết tựa vào ai hả ba? Tôi cứ lan man với bao nhiêu vương vấn trong đầu như người rơi vào cơn mê muội, lúc này thần trí tôi như đang bềnh bồng trong một cõi mơ hồ vô ý thức... Ông xã tôi thấy vậy sợ quá bèn đề nghị đưa tôi đi chơi xa cho đầu óc thoáng. Lần đầu tiên chàng tự động đề nghị đưa tôi đi chơi, tôi gật đầu như cái máy. Tôi cần đi, đi đâu cũng được, càng xa càng tốt, đi tới chân trời góc biển nào đó. Vậy là chúng tôi lên đường ngay mà không cần chuẩn bị gì cả.

Xe cứ phom phom trên xa lộ, chỗ nào có view point, chúng tôi xuống xe ngắm cảnh trời mây non nước, rồi lên xe đi tiếp. Thiên nhiên bao la, gió thổi dạt dào như hòa tan nỗi buồn ứ đọng trong tôi. Chúng tôi lang thang xuống San Diego, khi thì tản bộ lên núi, lúc xuống biển đếm sóng vổ bờ.Tôi cảm thấy San Diego là thành phố hữu tình nhất CA vì có "biển một bên và núi một bên". Có lẽ thiên nhiên xinh đẹp quyến rũ hồn tôi, nhất là hoàng hôn trên biển tuyệt vời đã làm tan loãng nỗi sầu chất ngất trong tôi, làm mềm trái tim hóa đá của tôi. Nhìn biển cả mênh mông đang chìm dần vào bóng tối, tôi quay lại nói chàng đi book hotel, còn tôi muốn ở lại một mình với biển. Ngồi xuống bãi biển, vốc một nắm cát biển trên tay, nhìn cát biển rỉ rả chảy theo kẻ tay, tôi mới chợt ngộ ra, tôi không thể giữ ba lại mãi mãi bên tôi:

"Làm sao giữ lại điều không thể..
Cát biển tuôn dần qua kẽ tay"

Nhìn biển cả mênh mông như tình thương của ba, dù ba đã yên giấc ngàn thu, nhưng tình thương đó vẫn còn ở lại trong tôi mãi mãi. Nó khiến tôi chợt nhớ tới một loài chim gắn liền với biển: chim cánh cụt và hình ảnh cảm động của chú chim cánh cụt đực đứng ấp trứng trong 60 ngày liền dù trời mưa gió giông bão. Nó không ăn uống gì và chỉ rời vị trí khi chim con ra khỏi trứng. Biển ơi! Gió ơi! hãy đưa những lời tâm tình của tôi với ba về bên kia bờ Thái Bình Dương giùm nha, lúc này tim mềm và nước mắt tôi mới vở òa ra được, tôi nức nở nói với ba lần cuối:

"Ba ơi, cả đời ba chắc chưa từng đọc một bài thơ, nhưng đối với con tâm hồn ba là một bài thơ "thương yêu" tuyệt vời. Con học được nhiều bài học lớn về yêu thương, về hy sinh quên mình để nghĩ tới người khác...từ ba, nhờ đó mà tâm hồn con biết nhạy cảm hơn với nỗi đau của người chung quanh, biết chia sẻ dù còn khó khăn. Con sẽ nhận chữ "Tâm" của ba để sống đời bình yên. Con luôn luôn tự hào được là con gái ba. Ba đã là điểm tựa đời con những khi giông tố bão bùng, ba đã giúp con mạnh mẽ vượt qua giông gió cuộc đời, sẵn sàng đương đầu với nghịch cảnh mà không hề nao núng, con thực tâm rất biết ơn ba về điều đó. Làm sao con quên được những tháng ngày ba là bóng mát che chở đời con, ngay cả lúc con xa xứ ba vẫn luôn dõi theo bước chân con "sợ đứa con xa xứ nhọc nhằn", lo cho đời con bao nhiêu "trắc trở" vây quanh. Ôi! biển đêm đẹp tĩnh lặng và bao la như tâm hồn ba giản dị, khiêm tốn, nhưng chan chứa tình thương con vô bờ, như biển lớn chứa trong lòng con ốc nhỏ..."

Tôi đứng dậy đi gần hơn về phía biển, muốn hét thật to át cả tiếng sóng đang ào ạt xô vào bờ, cho biển nghe, mọi người nghe và nhất là ba yêu thương vô vàn của con biết rằng:

"Trong tim con vĩ đại nhất trên đời
Là Ba đó không ngoài ai, duy nhất"

chieclavotinh
11-19-2017, 03:39 AM
Chăm Sóc Cha Mẹ Già
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Đang ngồi họp, Vân được cho hay có điện thoại khẩn cấp. Chị vội đứng lên, về phòng. Bà hàng xóm nơi mẹ Vân đang ở, cho hay bà cụ vừa được đưa vào nhà thương. Bà cụ té ngã.

Vân vào cáo lỗi với ông chủ rồi xuống lấy xe lái vào bệnh viện thăm mẹ.

Trên đường đi, nàng dùng điện thoại di động báo cho Huân, chồng nàng hay. Huân hiện đang đi công tác ở miền Trung nước Mỹ, tuần sau mới về. Rồi suốt mười lăm phút lái xe, nàng suy nghĩ mung lung, với nhiều lo âu, bối rối. Sự việc mà nàng hằng nghĩ trước sau gì cũng xẩy ra, thì bây giờ nó đã đến, hơi sớm một chút.

Sau khi ba Vân mất cách đây dăm năm, mẹ Vân dọn về ở với vợ chồng nàng. Rồi sau một thời kỳ thích nghi với hoàn cảnh mới, nếp sống mới của người góa phụ, bà cụ dọn ra ở riêng.

Cụ tới khu người già trong khuôn viên chùa Linh Sơn. Cụ nói lên đây ở để đi lễ bái cho gần, lại có mấy cụ già quanh quẩn với nhau cho vui. Nhất là có hai người bạn học từ thuở xưa ở Hải Phòng, mà họ thường hay liên lạc chuyện trò.

Khu người già được lập ra từ hơn mười năm, có 40 phòng, dành cho các cụ độc thân, còn đủ sức khỏe, đi lại được, còn tự chăm sóc nấu ăn, giặt giũ. Các cụ sống hợp quần với nhau rất vui. Ngày ngày các cụ lên Chùa lễ bái, tụng kinh rồi làm công quả. Lâu lâu nhà Chùa tổ chức đi thăm viếng đây đó hoặc đi lễ hội Chùa tại thành phố khác. Đôi khi trời mưa, các cụ ở nhà rủ nhau làm vài hội chắn hoặc bài cào để tiêu khiển giải trí.

Nhưng từ trong thâm tâm thì cụ không muốn phiền con cháu quá lâu. Từ trước tới nay cụ là người rất hoạt động, phải nói là đảm đang nữa. Cùng chồng, cụ đã đôn đáo tìm đường thoát khỏi Sài Gòn vào biến cố 1975, rồi nuôi nấng, gây dựng cho sáu mặt con từ khi còn ở trong nước tới khi sang Hoa Kỳ hơn ba chục năm nay. Cháu nội ngoai các cụ có hơn một tá.

Mọi việc xuôi sẻ cho đến ngày hôm nay.

Thực ra thì từ năm ngoái, cụ đã không được khỏe lắm. Huyết áp lên cao, các khớp xương thì mỗi khi trái gió, trở trời là đau nhức, khiến cụ mất ngủ. Có đêm, cụ chỉ ngủ được có vài ba giờ, nên ban ngày mệt và hay kêu chóng mặt, nhức đầu.

Cách đây ba tuần cụ phải nằm bệnh viện mất mươi ngày vì sưng phổi. Sau khi xuất viện, vợ chồng Vân muốn mời cụ về ở chung một thời gian cho khỏe nhưng cụ một mực từ chối, nói không sao. Vân đã cho anh chị em biết về tình trạng sức khỏe của cụ và mọi người dự định là tháng tới sẽ về để cùng thảo luận coi xem nên làm gì.

Tới bệnh viện, Vân được cô y tá cho hay tự sự.

Số là sáng nay, mấy ông bà hàng xóm sang rủ cụ lên Chùa tụng niệm, như lệ thường. Gõ cửa không có tiếng trả lời, một lão ông bèn đẩy cửa bước vào và thấy mẹ Vân nằm song soài dưới đất, cạnh bàn điện thoại, nét mặt nhăn nhó. Cụ sửa soạn lên Chùa thì bị một cơn chóng mặt, xỉu đi và ngã xuống nền nhà. Cụ cố với tay tới điện thoai để kêu cứu, nhưng đau quá, không lết thêm được.

Bác sĩ đã khám, chụp hình thì thấy cụ bị gẫy xương hông. Cụ hiện đang nằm trong phòng cấp cứu. Bác sĩ chờ thân nhân tới để thảo luận vì cụ cần được giải phẫu.

Vân vào phòng, thấy mẹ nằm thiu thiu mà nước mắt trào ra. Da mặt bà cụ xanh nhợt, vẫn còn phảng phất nét đau đớn. Vân nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, để mẹ tiếp tục ngủ. Nhìn mẹ mà lòng Vân bối rối. Cả trăm vấn đề hiện lên trong đầu Vân. Sau giải phẫu, mẹ sẽ ra sao? Liệu có đi lại được không? Huyết áp cao, bệnh phong thấp hoành hành, lại mất ngủ thì sức khỏe chắc là phải sa sút.

Mấy tháng trước, khi vợ chồng Vân đến thăm, thấy cụ cứ than là ăn không ngon miệng, nên đôi khi chẳng thèm nấu cơm, mà chỉ uống ly sữa, ăn miếng bánh khô cho khỏi đói bụng. Coi tủ lạnh, Vân thấy mấy món ăn thiu đã lên men. Vào buồng tắm thấy nước vặn bỏ quên không khóa. Vợ chồng Vân đã lo ngại...

Rồi Vân nghĩ tới hoàn cảnh của mình.

Trong sáu người con, Vân là người duy nhất ở gần mẹ. Mà bà cụ vẫn có cảm tình đặc biệt với Vân, nên trước sau cụ vẫn nói là mai mốt nếu cần “tao chỉ ở với vợ chồng con Vân thôi. Nó bướng bỉnh nhưng có lòng”.

Vợ chồng Vân được hai trai một gái đã vào đại học nên cũng nhẹ gánh. Vân mới được lên chức và trong tương lai gần, sở sẽ cho nàng đi học thêm để lấy bằng chuyên môn. Vân đã sắp xếp như vậy cho mình. Chồng nàng thì cứ vài tháng phải đi công tác xa mươi ngày.

Bây giờ, cơ sự sẩy ra như thế này, mọi dự tính của Vân đều phải xét lại. Để chờ cụ giải phẫu xong rồi tuần sau anh chị em về sẽ tính. Nhưng Vân có linh tính rằng nàng sẽ là người đứng mũi chịu sào. Mẹ mình vẫn muốn vậy, nàng tự nhủ.

Bà cụ chợt tỉnh giấc, mở mắt. Nhìn thấy Vân, Cụ gượng cười. Và trong đôi mắt của mẹ, Vân đọc thấy những nét thất vọng, sợ hãi, chịu thua...

Trường hợp của chị Vân là một trong cả trăm ngàn trường hợp tương tự.

Tuổi thọ con người kéo dài lâu hơn, tới 75, 80 là chuyện thường. Chứ không “Thất thập cổ lai hy” như vào thế kỷ trước. Số những người cao tuổi mỗi ngày mỗi gia tăng. Sức khỏe người già có khá hơn nhờ các cụ biết giữ gìn nếp sống cũng như được cung cấp dịch vụ y tế, thuốc men đầy đủ.

Nhưng một cơ thể lâu đời vẫn có những thay đổi tự nhiên theo chiều đi xuống cộng thêm những bệnh kinh niên, những tai nạn bất ngờ, với hồi phục chậm chạp. Biết bao nhiêu mất mát đã chồng chất lên niên kỷ, những xói mòn làm mong manh thân xác.

Dù vậy nhiều người già vẫn gắng gượng tự lo, chưa muốn phụ thuộc vào các con. Họ cũng có những kiêu hãnh riêng tư, những niềm tự trọng, đôi khi cũng chỉ e ngại “cảnh cha mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày ”. Nhưng sức gắng gượng chỉ có hạn, rồi một ngày nào đó cũng yếu đi. Như căn nhà tranh vách đất trước gió bão, cần được chống đỡ.

Và cũng là lúc con cái phải suy nghĩ, xem ai sẽ là người lãnh trách nhiệm. Chắc phải là người có thiện chí, có điều kiện, khả năng và hoàn cảnh thuận tiện.

Phục vụ thân nhân cao tuổi là một vinh dự cho con cái đồng thời cũng là vấn đề quan trọng của nhiều xã hội hiện nay. Tại Hoa Kỳ hiện nay có tới cả 40 triệu người cung cấp chăm sóc không lương cho cha mẹ già. Sự chăm sóc này ảnh hưởng dây chuyền tới nhiều lãnh vực khác. Sẽ có nhiều người vắng mặt ở sở hoặc đi làm trễ; sẽ có dùng nhiều điên thoại để lấy hẹn bác sĩ, gọi mua thuốc. Nhiều nhân viên tới sở than phiền mỏi mệt mất ngủ. Tai nạn tại chỗ dễ sẩy ra. Thay đổi việc làm nhiều hơn. Và số người bị trầm cảm, đau ốm sẽ gia tăng.

Trong thực tế thì có rất ít gia đình đã sửa soạn để sẵn sàng giải quyết việc chăm sóc cha mẹ khi về già. Nhiều việc xẩy đến bất thường, đòi hỏi có quyết định ngay.

Ông bố đang có sức khỏe tốt, đột nhiên bị tai biến não, liệt nửa thân, nằm bất động cần giúp đỡ với nhu cầu căn bản, thiết yếu hàng ngày: ăn uống, tắm rửa, đại tiểu tiện, cho uống thuốc...

Con dâu đang vừa đi làm vừa trông nom bà mẹ chồng, giờ đây con dâu cũng thường đau ốm. Ai là người sẽ lãnh trách nhiệm săn sóc ông bố? Ai sẽ tiếp tay với mình trông nom mẹ chồng?

Theo kinh nghiệm thì dù có nhiều anh chị em, nhưng trách nhiệm chăm sóc không đồng đều chia sẻ khi bố mẹ cần. Có thể là người con gái lớn với cả một bầy con hoặc cô út chưa đi ở riêng, hoặc nàng dâu nhà ở gần bố mẹ. Đôi khi là cậu con trai cưng. Nhưng thường ra thì chỉ có một người đóng vai chính, thường xuyên.

Nói như vậy không có nghĩa lã không có chia sẻ về tài chánh, về công việc chăm sóc mà qua người này mọi việc được giáo phó, phối hợp và thông báo cho người khác khi cần. Một tiểu gia đình cộng thêm hai cụ thân sinh. Thế hệ người chăm nuôi được ví như thế hệ của một chiếc “ bánh mì kẹp chả”, với trách nhiệm làm cha mẹ, bổn phận làm con và đời sống riêng tư của mình.

Nói đến người săn sóc thường thường là ta nghĩ đến vai trò của người phụ nữ: con gái, con dâu, chị em, cháu. Theo kết quả thăm dò tại Hoa Kỳ, cứ 10 người chăm sóc thì 6 người là con gái hoặc con dâu. Cũng chẳng ai hiểu tại sao. Có lẽ đó là thiên chức của họ sinh ra với những nét dịu dàng, nhậy cảm, những quan tâm, linh động, nhất là đức tính hy sinh, nhẫn nại, thông cảm để chăm sóc chồng con, bố mẹ. Điều đó cũng đúng vì việc tề gia nội trợ, việc chăm sóc nâng niu thì cũng hiếm đàn ông làm hơn quý bà được.

Cho nên khi một bà cụ khoe “tôi ở với con trai” thì thực ra phải hiểu là bà cụ đang ở với con dâu mới công bằng, chính xác. Đàn ông cũng làm được công việc đó nhưng tổng quát hơn, sắp đặt nhiều hơn là đi vào chi tiết. Mà những chi tiết mới là điều mà người phụ thuộc cần và quan trọng đối với họ.

Người đàn bà có chín tháng mười ngày sửa soạn để đón chào đứa con ra đời, nhưng họ không có một phần mười thời gian đó để sẵn sàng cho trách nhiệm nuôi cha nuôi mẹ.Vì sự việc xẩy ra không lường trước.

Vả lại, nuôi con là thấy mỗi ngày chúng vươn ra khỏi vòng phụ thuộc, còn nuôi bố mẹ già thì nhu cầu giúp đỡ mỗi ngày mỗi tăng, mỗi đi sâu vào sự lệ thuộc. Nhiều người như bơi lội quay cuồng trong vai trò mới của mình. Kinh nghiệm chưa có, làm sao học được cách thức điều dưỡng trong vài ngày. Tài chánh giới hạn. Sức khỏe kém. Công việc trở ngại. Ngoài việc làm kiếm gạo, mỗi ngày cũng phải dành ra vài giờ cho việc săn sóc. Họ cảm thấy cô đơn, buồn chán, nhiều khi bực bội, bất mãn, tuyệt vọng. Không còn riêng tư cho mình. Tương lai như ngưng lại. Họ mủi lòng cho người thân, người mà bạn đường đã sớm bỏ ra đi, sức khỏe đang hao mòn và biết rằng đang là gánh nặng cho con cháu.

Tình nghĩa gia đình, lòng hiếu thảo, mặc cảm chịu ơn là những hỗ trợ để người chăm sóc tiếp tục. Họ nghĩ là có bổn phận phải chăm sóc cha mẹ như cha mẹ đã nuôi nấng, trìu mến họ.

Tuy nhiên dù có cứng nhưng cũng có ngày ngả nghiêng trước gió táp. Những chia xẻ trách nhiệm, những giúp đỡ từ anh chị em, thân nhân đã tới lúc cần có vì việc chăm sóc là trách nhiệm chung của cả gia đình.

Thường thì một người tình nguyện chăm sóc thường xuyên. Còn người khác phụ giúp khi được yêu cầu hay khi có cơ hội thuận tiện. Sắp xếp sao để tránh khỏi một người bị kiệt sức. Hoặc đưa tới bất hòa giữa anh chị em. Một người mẹ có thể chăm sóc cả bầy con mười đứa, nhưng khi cha mẹ già thì mười đứa con không chăm sóc được một mẹ. Kể cũng éo le, tội nghiệp.

Sau một thời gian cố gắng, người chăm nom bắt đầu có những dấu hiệu khó khăn. Đôi khi họ cố tình gạt bỏ những nhu cầu riêng, quên những đau ốm cá nhân để lo cho người thân yêu. Có người từ chối sự tiếp tay của anh chị em hoặc bạn bè, nhóm hội. Họ cứ nghĩ có đủ sức làm mọi việc và nếu nhận sự tiếp tay là thú nhận thất bại, kém khả năng. Có người cho là chỉ có mình mới chăm sóc chu đáo, không tin ở người khác.

Để rồi kiệt sức, ngã bệnh. Thử tưởng tượng một người không có sức khỏe dồi dào, săn sóc một người không khỏe lắm, thì chắc kết quả cũng chẳng được mấy hoàn hảo, như ý muốn của đôi bên.

Theo mấy ông bà thống kê thì người cống hiến chăm sóc bị cao huyết áp gấp đôi người khác, 91% bị trầm cảm, bốn lần bực bội, cau có hơn người nhận. Họ bất mãn vì đã cố gắng hết mình mà tình trạng người thân mỗi ngày mỗi suy kém, nên họ phải cố gắng hơn trong việc chăm sóc. Họ có cảm tưởng như mình là người duy nhất có thể trông nom chu đáo được cho người thân, luôn luôn e ngại rằng sự săn sóc của anh chị em sẽ làm cha mẹ già suy yếu hơn.

Đôi khi họ thấy không có được một thì giờ dành cho mình, một chút riêng tư với chồng con. Rồi tính tình thay đổi, hay cau có, bực tức, giận dỗi vu vơ; cảm thấy khó chịu với người mình đang trông nom, đã chẳng chịu hợp tác lại còn bướng bỉnh, đòi hỏi.

Lâu lâu họ thấy trong người mệt mỏi, ngủ không được. Nhiều sáng họ sợ không dám thức dậy, sợ phải đương đầu với những thường lệ mỗi ngày lại diễn ra.

Ngoài ra, dịch vụ chăm sóc cũng gây trở ngại cho công việc làm ăn, cho đời sống giao tế hàng ngày. Và đôi khi họ không còn thấy vui vẻ kiêu hãnh về trách nhiệm của mình, hoặc cảm thấy tội lỗi về những ý nghĩ không tốt của mình đối với người thân.

Rồi một lúc nào đó ngã bệnh, buông xuôi...

...Để tiếp tục chăm lo cho mẹ, Vân đã dành cho bản thân chị một vài chăm sóc, nhân nhượng. Vân đã như nghe thấy từng thớ thịt kêu gào với Vân, “cho tôi nghỉ chút xíu chứ, bạn đã sử dụng quá sức lao động của tôi để phục vụ bà cụ rồi đó”!

Vân đã sẵn sàng, dễ dãi tiếp nhận sự giúp đỡ của anh chị em.

Cô Lan ơi, tuần sau lên đón mẹ về với em, đỡ hộ chị mươi ngày nhé, anh chị định đi xả hơi ngoài biển.

Anh Hoan ơi, bác sĩ nói mẹ cần uống thêm sữa đậu nành, hay là anh nói với chị làm hộ em mỗi tuần vài lít nhé.

Chị đã xen kẽ xả hơi và chăm sóc để duy trì sinh lực, lấy lại nhiệt tâm. Dạo này Vân để ý đến ăn uống đầy đủ dinh dưỡng hơn. Ngày nào chị cũng dành 15 phút để vận động cơ thể.

Nàng lo nhất là bị rối loạn giấc ngủ. Ban đêm nhiều khi Vân phải thức dậy giúp đưa mẹ vào phòng tắm, lấy miếng nước, viên thuốc cho mẹ. Vân biết là mất ngủ sẽ mau đưa tới nhiều tiêu hao tinh thần thể xác.

Chị cũng đã nghĩ đến một ngày nào đó phải cần đến sự giúp đỡ của các dịch vụ chăm sóc người già của chính phủ, của các tổ chức trong cộng đồng, tôn giáo, xã hội, những nhóm hỗ trợ tư nhân, trung tâm chăm sóc ban ngày. Các dịch vụ này có sẵn tại mỗi địa phương lớn nhỏ tại Hoa Kỳ.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là nói chuyện với anh chị em. Để phân chia công việc săn sóc, phụng dưỡng người mẹ cô đơn được chu đáo trong những năm tháng còn lại của Mẹ...

Vì:

“Mẹ già như chuối chín cây”.

Rụng lúc nào, không biết.

Cũng như Cha đã về nguồn cách đây mấy năm.

chieclavotinh
12-03-2017, 03:38 AM
Lá Thư Thanksgiving Của Người Bố Già
Cao Đắc Vinh

Lời tác giả: Kính tặng tất cả những ai còn có nghĩa vụ chăm sóc Bố Mẹ già.

* * *

Các con yêu quý,

Thấm thoát trời đã vào Đông.

Những ngày cuối năm thời tiết bắt đầu trở lạnh, năm nay chậm hơn mọi năm vì gần hết tháng 11 rồi còn gì! Nghe tin tức từ miền Đông, tuyết rơi liên tục chôn cả nhà cửa và đường xá vậy mà ở Nam Cali, nhiệt độ ban đêm xuống thấp lại chóng tan vào lúc bình minh dưới nắng ấm ban mai... Ấy là một đặc ân trời ban cho miền Tây này phải thế không con? Tuy nhiên sáng nay, hơi lạnh đầu mùa cũng đủ làm Bố co ro trên giường không muốn dậy. Người già chịu đựng cái cảnh cô đơn và lạnh lẽo rất kém cỏi... Con vẫn biết?

À... Bố vừa nhắc hai chữ “đặc ân” tất sẽ phải nhớ nói câu cảm ơn. Ân với nghĩa như âm dương luôn tương tác sánh đôi không thể có ân mà thiếu nghĩa hơn nữa chúng ta đang bước vào mùa Thanksgiving, lễ Tạ Ơn cổ truyền hàng năm trên đất Mỹ. Nhập gia tùy tục, sống theo phép ơn đền nghĩa trả nhưng khả năng ngồi viết gẫy gọn một lá thư hầu như đã mất nên Bố đành nắn nót tâm tư... qua hơi thở đứt đoạn và nhịp tim già nua chậm chạp! Sức khỏe người già vào mùa lạnh mong manh lắm, nghĩ đến đâu tâm sự đến đó vậy... Con cảm phiền đọc lên bằng trực giác thì may ra mới hiểu cái đầu suy nhược này còn nghĩ vơ vẩn những gì? Hai bàn tay của Bố hiện nay sáng thì run rẩy, chiều lại đau nhức chẳng qua vì đang lận đận với cái tuổi thọ lọt ra ngoài giới hạn trăm năm đời người.

Tạ ơn... Bâng quơ nhoẻn miệng cười mà nói đôi lời cảm tạ thì có gì khó đâu nhưng thổ lộ một lời tạ ơn bằng chánh niệm mới là điều đáng lưu ý để tâm! Tạ ơn Trời đã cho Bố tuổi đời trăm năm này ư? Bao đêm trằn trọc không ngủ vì tâm thân đau đớn hoảng loạn đến khi tỉnh táo là lúc lại đối diện với bối rối chẳng biết mình có phúc hay có tội mà phải sống tuổi già điêu đứng từng ngày? Tạ ơn các con đã thương xót thân già này ư? Trải qua bao lần nhắn nhủ, dù biết rằng mỗi đứa một tính nhưng thực tế vẫn dạ xót lòng đau bởi đa số các con thương để bụng rồi phát chướng! Xót như sát muối vào lòng cũng khó tiêu hóa để chuyển tình thương ấy ra hành động. Thân già cô độc vẫn hoàn cô đơn với nỗi buồn từng phút, từng giờ, từng ngày, từng đêm tháng này qua năm nọ... Thương mà vắng mặt, ở xa đã đành nhưng ở gần cũng thế, tìm cơ hội xa lánh người mình thương thì thương làm gì cho khổ tâm thân? Chẳng ích gì cho nhau cả! Quả thực, nghịch cảnh vô minh ấy đã vô hiệu hóa tình thương nên có đau có xót cũng chỉ pha thêm phần bạc bẽo... Nhiều lần trước mặt các con, Bố đã tỏ ý vui mừng nếu kết liễu được kiếp đời lê thê nặng nợ, xem như ấy là thượng sách chấm dứt tuổi già vô dụng với nỗi buồn lây lan làm ray rứt lòng thương nhưng sáng dậy vẫn thấy mình còn sống ngoài ý muốn.

Quay lại câu chuyện Tạ ơn nhân ngày Thanksgiving 2014, dù hoàn cảnh nào thì gia đình mình cũng chân thành biết ơn nước Mỹ đã cưu mang chúng ta trong những năm đầu lưu lạc xa quê rồi bây giờ các con thành công ngay trên miền đất hứa. Lẽ thường ở đời, con người và sự việc đều bị giới hạn bởi không gian và thời gian, may hay rủi sống ngoài đường biên đã vạch sẵn thì phải tâm niệm sẽ khoác vào thân những ưu phiền. Ấy chính là phận già đau khổ này... Thỉnh thoảng có kẻ hồ đồ bảo rằng: “Cụ ơi sướng mà chẳng biết! Tuổi già như Cụ lẽ ra vào “tu” ở viện dưỡng lão lâu rồi... Còn được ở nhà như vầy là phúc bẩy mươi đời, than vắn thở dài làm chi cho tổn thọ”.

Thôi thì mỗi người một ý... Tuổi già sống thọ mà đầu óc lú lẫn, ngồi cả ngày ngủ gà ngủ gật với tã ướt thì có khác gì phận tù chung thân? Ai đã từng qua cầu, mới mong hiểu nổi dòng sông nước chảy nông sâu khúc nào! “Trẻ cậy cha, già cậy con” là câu ơn nghĩa để đời nhưng phải chăng cái vế thứ hai vì sống vội mà con người văn minh ngày nay ít còn cơ hội khả thi? Tuổi già sáng dậy nhìn Trời cậy Phật chờ con nhưng họa hoằn mới có đứa một công đôi ba việc hững hờ đến thăm... Mỗi đêm nhắm mắt trên giường ngủ tưởng như đã nằm yên trong lòng đất nhưng may mà phiêu diêu được thì tối lửa tắt đèn cũng chẳng có đứa con nào hay biết!

Tâm lý người già sợ nhất cảnh cô đơn nên nếu các con đã hiểu thì hãy thương cho tròn. Tình thương ấy không đánh đổi bằng tấm ngân phiếu kếch xù hay quà bánh đắt tiền mà chính là... thời gian. Một lúc nào đó trong ngày mà các con thấy trống vắng thừa thãi thì hãy mang đến tặng Bố giờ phút vô nghĩa ấy! Bản chất nó vô giá nhưng lại vô cùng quý báu nếu chia sẻ đúng đối tượng... Con dư biết, sáng chiều Bố lủi thủi hết ngồi lại nằm, cô đơn bên cạnh một người trả công chỉ biết im lặng canh chừng. Nếu con đến thăm, nhớ bỏ hết công việc và lo toan ở ngoài xe trước khi vào nhà, tránh cảnh thân tâm mỗi chỗ mỗi nơi để cha con sống thật những kỷ niệm cuối đời bên nhau. Người già như Bố đương nhiên ăn nói sẽ không còn mạch lạc hấp dẫn, xin con đừng nhăn nhó... Hãy nhẫn nại ngồi nghe như thuở nuôi con còn bé, Bố đã từng chăm chú theo dõi tiếng con bi bô học nói... lập đi lập lại nhiều lần một chữ từ ngày này qua ngày nọ liên hồi.

Xin lỗi... Con nhận đi để Bố khỏi bị mặc cảm sống già là có tội, mỗi ngày mỗi tồi tệ và tương lai đang lùi dần về quá khứ bởi thân tâm này mang toàn cảnh vụng dại của một đứa trẻ tiềm ẩn vào thân xác một cụ già. Ấy chỉ là chuyện bình sinh chuyển hóa người già trở về con trẻ trước thời kỳ phải hóa thân đấy thôi... Nếu nghe Bố nói lăng nhăng đầu đuôi lẫn lộn thì hãy tha thứ vì đó là trạng thái bất ổn dẫn Bố từng bước tiến dần đến hồi chung cuộc và rồi chẳng bao lâu nữa, cha con mình sẽ phải vĩnh viễn xa nhau.

Hãy kiên nhẫn với người già để mọi sân hận dễ từ bi buông xả tỷ dụ hôm nọ Bố lỡ tay đổ ly cà phê, bắt con phải chùi rửa cực khổ thì cũng đừng nặng lời như con đã làm bởi vì người già nhiều tự ái nên hay tủi thân. Con còn nhớ hay quên? Buổi trưa hôm ấy, nhìn con giận mà Bố thấy sợ hãi... như một đứa trẻ có phản xạ tự nhiên, Bố chỉ còn biết chắp tay niệm Phật cầu xin. Hối tiếc! Cha con mình cùng hối tiếc thì đã muộn.

Mặc dù Bố luôn tha thiết cần sự hiện diện của các con như người bạn đồng hành trong khoảnh khắc nhưng đôi khi mơ màng ngồi gần nhau cả giờ im lặng... cũng đừng ngạc nhiên bởi khả năng tai với mắt của Bố đã suy yếu gần như mờ và điếc từ nhiều năm nay. Nếu Bố có lập đi lập lại câu hỏi không nghe rõ, dù khó chịu mong con vẫn nhẫn nại trả lời hay thảo xuống tờ giấy cho Bố đọc chứ lẳng lặng cắt đứt câu chuyện là điều khổ tâm vì nó khơi dậy cái tò mò bế tắc và tự ái bị khi dễ trong đầu kẻ đã đầy mặc cảm sa sút.

Những lúc hiếm hoi ngồi gần nhau, con tránh bịt mũi rồi buông lời chê trách vì cái mùi dị biệt từ thân thể Bố toát ra. Người già có mùi của người già như trái chín trên cây thối ủng sắp rụng cành... Lẽ thường, đó là mùi tử biệt chẳng thể nào mãi mãi thơm tho như trái xanh trên cành. Cũng đừng lôi kéo bắt các Cụ phải tắm rửa thường xuyên vì tuổi già sợ lạnh và sợ nước. Thân thể họ gầy còm, yếu ớt, nhu nhược nên dễ bị đau ốm cảm lạnh, họ giống nhau ở điểm này nên con cần ghi nhớ mà thông cảm. Tuổi già sống nhiều với quá khứ vì thế Bố nhớ thuở còn bé, con chạy quanh nhà mỗi khi Mẹ bắt tắm và Bố phải đuổi theo, đến khi tóm được thì con vùng vẫy than khóc thật lâu mới ngừng. Kỷ niệm ấy con còn nhớ... hay đã quên?

Nhẫn nại... Có lẽ chỉ cần thế thôi đối với người già! Các con phải hiểu thì mới thương rồi ân tình giúp đỡ. Nhẫn nại thăm nom chia sẻ, nhẫn nại ngồi nghe tào lao, nhẫn nại dọn dẹp vung vãi, nhẫn nại dắt đi quanh phố, nhẫn nại ngửi mùi khai thối, nhẫn nại chùi rửa vệ sinh và nhất là nhẫn nại giúp họ nhắm mắt thanh thản mỗi đêm... cùng với nụ cười. Từng ấy nhẫn nại, các con có thương thì mỗi người chỉ cần làm một chuyện. Thân già sống lâu mỗi ngày mỗi tệ hại rồi sẽ đến lúc không thể ngồi dậy, nằm trên giường thở, ăn và tiêu hóa. Đáng thương hay đáng tội còn tùy vào sự nhẫn nại hiểu biết của mỗi người.

Được như thế thì giây phút chia ly cuối cùng, Bố sẽ mãn nguyện ra đi và các con cũng khỏi phải nhỏ một giọt lệ than khóc vì chúng ta chẳng còn gì hối tiếc. Tất cả đã đầy đủ bổn phận, tình thương và hiểu biết khi nghĩ rằng mười giọt nước mắt ân tình rơi giữa đám tang thì bẩy giọt đã phát xuất từ sự ân hận, xin lỗi... muộn màng!

Ai cũng biết “cha mẹ có trong con” nên ghét con là ghét chính mình vì thế bức thư này chỉ là một thông điệp nhắc nhở thương yêu. Điều chắc chắn một mai khi Bố ra đi gặp Mẹ, ở thế giới bên kia sẵn phép nhiệm màu, Bố sẽ phù hộ cho cuộc sống các con nhiều may mắn nhưng sẽ từ chối chúc các con phải sống đời trăm tuổi vất vả như Bố hiện nay... không những thế lại còn lây lan bao lo âu khó nhọc sang cả gia đình.

Cuối thư, Bố xin tạ ơn đời, tạ ơn người... Trong cái may có cái rủi và ở cái rủi đã có sẵn cái may, chuyện đời vô thường là thế! Cầu mong quê hương nước Việt thật sự độc lập, dân chủ, hạnh phúc và đất nước hùng cường này mãi mãi no ấm thịnh vượng như mùa gặt cuối thu 1621 của người Pilgrim khởi đầu truyền thống Thanksgiving: Gia đình quây quần bên bếp lửa có gà Tây, ngô khoai, bí đỏ... với hương vị ân tình.

Hôn các con thật nhiều,

chieclavotinh
12-24-2017, 03:30 AM
Một Chút Cay Trong Mắt
Nguyên Phương

Hàng tuần có hai nhóm người náo nức chờ đợi một ngày để được gặp nhau, đó là nhóm chúng tôi do sư hướng dẫn của sư Tinh Cần và nhóm người bệnh trong Health Care Center. Chúng tôi vui vì có niềm vui để đem chia sẻ và các "bác" trong trung tâm vui vì được sinh hoạt cùng chúng tôi.

Sư đã thành lập nhóm này từ vài năm trước đây. Sự có mặt của Sư và nhóm phật tử của Sư đã là một sư thân quen, một sự cần thiết gần như không thể thiếu cho những bệnh nhân sống dài hạn nơi đây. Từ lần đầu tiên tôi gia nhập nhóm này tôi đã nhận được những ánh mắt chào đón, chan hòa niềm vui của quí "bác" (danh từ "bác" tôi dung chung cho những bệnh nhân ở nơi đây không phân biệt tuổi tác, vì có những bệnh nhân còn rất trẻ).

Trung tâm tọa lạc ngay trước một bệnh viện và cạnh một medical center, nên những trường hợp cấp cứu chắc là rất thuận tiện. Lịch sinh hoạt của trung tâm được treo trên tường với một lịch trình cho từng tháng, có rất nhiều phái đoàn vào giúp vui thăm hỏi, nhóm công giáo, Phật giáo, nhóm văn nghệ....

Phòng tập therapy vừa đủ lớn cho số bệnh nhân nằm ở đây. Tôi thấy những nhân viên, y tá dịu dàng dìu bệnh nhân từng bước để tập đi, tập đứng...

Đó là những hình thức bên ngoài nhưng ở bên trong, còn thêm những tâm hồn đáng quí của những nhân viên, một cô nhân viên,chính cô đã đến từng "bác" gái để đánh móng tay, chải đầu cho từng người, kể cả những người nằm trên giường bệnnh. Những người sống ở đây cũng được an ủi phần nào nếu con cháu hay chồng, vợ không có thì giờ đến thăm nom.

"Nhập gia tùy tục" là phương châm để thực hành cho cuộc sống, đời sống ở Mỹ đa số đến tuổi già khi không còn chăm sóc được cho bản thân mình thì đành chấp nhận vào trong viện dưỡng lão, con đường vào viện dưỡng lão là một chuyện bình thường cho người Mỹ nhưng là cả một chấn động mạnh cho phần đông các cụ già Việt Nam, các cụ không chấp nhận được, có cụ đã quỳ xuống lạy con "con ơi đừng bỏ bố vào viện dưỡng lão, nơi nằm chờ chết". Biết làm sao khi con còn cả một đường dài trước mặt, còn phải nuôi nấng con cái, còn phải lo đi làm, còn phải lo cơm, áo gạo tiền.... Nhiều khi các con còn không có đủ thì giờ cho cái gia đình bé nhỏ của họ.

Tại nơi Health Care Center, trung tâm phục hổi chức năng này, tuy đa số là người già, cũng có những người còn trẻ, nhưng 100% đều phải ngồi trên xe lăn.

Có đến nơi đây nghe những lời tâm sư mới nhìn thấy sự vô thường của cuộc đời, mọi bất trắc đều có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, quy luật sanh, lão, bệnh, tử không phải diễn tiến theo đúng thứ tự như vậy. Ngoại trừ một số bệnh nhân bệnh có thể khỏi còn thì nơi đây có lẽ là chuyến xe chót trong cuộc đời của một số đông các "bác". Nơi đây đã thoát ra ngoài những lao xao của cuộc đời, nơi không còn danh lợi, hơn thua, giầu nghèo... Chính vì vậy mà dưới sự hướng dẫn của Sư chúng tôi chỉ sinh hoạt những tiết mục để các "bác " có thể cùng tham dự, cùng vui.

Mở đầu là một thời kinh nhật tụng, sau đó là chương trình sinh hoạt giúp vui, mùa nào sinh hoạt theo mùa đó. Những ngày giáng sinh chúng tôi cùng các "bác" đều mặc áo có chút mầu đỏ, xanh, hát những bản nhạc giáng sinh.

Tết đến hai cô Hằng và Hạnh cũng rộn rã tìm những tiết mục thật là vui nhộn và đầy không khí... tết. Hôm đó chúng tôi hẹn nhau cùng mặc áo dài, những chiếc áo dài đẹp nhất để mặc tết. Ban điều hành nơi đây cũng trang trí thật vui mắt bằng những hình ảnh, những giòng chữ treo trên tường.

Khi chúng tôi vừa vào tới cửa, Có vài "bác" mắt sáng long lanh "cô nào cũng đẹp cả". Chúng tôi hiểu rằng các "bác" nhìn chúng tôi từ những tấm lòng ưu ái.

Chúng tôi như tô điểm thêm cho vườn hoa mùa đông của các "bác" Ngay cả ông giám đốc cũng đến suýt xoa "ước gì các bạn ngày nào cũng mặc áo dài", dĩ nhiên đó là câu xã giao của người Mỹ, nhưng chúng tôi cũng vui vì mang đến một chút xuân nơi chốn quạnh hưu của những người bệnh.

Để tổ chức cho các "bác" thật sự vui tết, bắt đầu cô bé Hằng chiếu video cảnh chợ tết ở Bolsa, hoa và người chen chúc nhau, các "bác" theo rõi không chớp mắt. Người điều khiển chương trình, cô Hạnh cười tươi như hoa nở, giới thiệu từng góc đường. Cô Hạnh cũng nói về sự tích bao lì xì. Sau đó tôi đến từng "bác" trao tặng những phong bì lì xì, với lời chúc sức khỏe. Những phong bì lì xì tôi đã lựa chọn thật kỹ những phong bì mầu vàng, mầu của lá cờ, mầu của hòang tộc và những bông mai vàng với những giòng chữ "Chúc Mừng Năm Mới" cho thật thuần túy của Việt Nam, tránh những bao mầu đỏ với những giòng chữ Tầu, những giòng chữ "Cung Chúc Tân Xuân".

Tiếp theo là văn nghệ mừng xuân.Nét hân hoan hiện lên trên từng khuôn mặt, những cánh tay run run đưa đẩy theo điệu nhạc, những tiếng hát khó khăn thoát ra khỏi bờ môi, một sự rộn rã trong lòng chúng tôi. Sau phần hát, thường là phần câu đố vui có thưởng, để các "bác" có dịp vận động trí nhớ. Chúng tôi ngạc nhiên khi có những "bác" thuộc những câu ca dao dài lê thê, những câu đố mà nhiều khi tôi cũng không đoán được nhưng có những "bác" hăng hái giơ tay và trả lời thật chính xác. Những gói quà nho nhỏ càng làm các "bác" vui thêm. Buổi sinh hoạt rộn rã tiếng cười.

Đến cuối giờ khi chúng tôi chào tạm biệt một "bác" đã yêu cầu chúng tôi dừng lại và yêu cầu nhân viên của trung tâm đẩy xe lăn cho "bác" lên hàng đầu và xin cái micro để nói. Kẹp cái micro dưới cằm, một tay "bác" lần trong cái túi xách lôi ra một cái phong bì, cả hội trường đều im lặng không biết "bác" muốn nói gì.

"Bác" run run cầm micro và nói "chúc mừng năm mới, tôi đã đổi những đồng tiền mới và nhờ mua những phong bao lì xì mầu đỏ này để mang đển tặng các cô trong dịp tết gọi là tiền lì xì và cầu mong các cô vui mãi, mọi sự như ý" chúng tôi mắt rưng rưng, "bác" muốn từng người một lên để tận tay "bác" được "mừng tuổi".

Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nhận được một bao phong bì lì xì mà lòng cảm thấy thật bồi hồi xúc động.

..... một chút cay trong mắt.

Lần khác trong mục đọc truyện, cô Hạnh đã đọc một câu truyện được phổ biến rộng rãi qua những emails. Câu truyện "ly cà phê trên tường" câu truyện xẩy ra trong một quán cà phê ấm cúng ở thị trấn nhỏ gần Venice, Italy. Tác giả thấy khách vào uống cà phê và trả tiền cho cả một ly cà phê mà họ không uống và gọi đó là ly cà phê trên tường vì ly cà phê này chỉ là một mảnh giấy gắn lên tường. Gần đén giờ quán đóng cửa, một người khách ăn mặc rách dưới bước vào quán. Ông nói: "Cho tôi một ly cà phê trên tường". Anh nhân viên vui vẻ lấy ly cà phê mời khách, và gỡ một tờ phiếu ở trên tường.

Đó là hình thức chia sẻ rất đỗi dễ thương của những người dân trong thị trấn với người vô gia cư, nghèo khổ mà ngay cả ly cà phê cũng phải đắn đo vì không có tiền mua thưởng thức.

Sự chia sẻ không làm cho người nhận phải van xin, và đã được đối xử bình đẳng như những người khách trả tiền khác.

Câu truyện chấm dứt và các "bác" yên lặng quên cả vỗ tay như mọi khi. Như thường lệ cô Hạnh hỏi:

- Các "bác" có thấy hay không ạ?

Một "bác" dơ tay xin phát biểu, giọng "bác" hơi khó nghe nhưng qua giọng nói, qua ánh mắt của "bác" chúng tôi cũng đoán được có điều gì như "bác" muốn tâm sự.

Sư có lẽ đã hiểu được qua sự cảm thông nên Sư đã "thông dịch" lại cho chúng tôi nghe, "bác" nói câu chuyện này rất cảm động và đã làm "bác" liên tưởng đến nước Mỹ và người Mỹ. Nước Mỹ đã dang rộng vòng tay ra cứu vớt những người đi tìm từ do và cho tỵ nạn trên đất nước của họ, không những thế những người đi làm đã đóng thuế, tiền thuế cũng được dùng giống như những người đã mua ly cà phê trên tường, để tặng những người cần đến, những người gặp hoạn nạn, xa cơ không phân biệt chủng tộc. Món quà tặng này thật vô giá vì họ đã cho những người nhận với danh nghĩa vô danh, người được nhận những món quà đó không phải cúi mình van xin. "Bác" trân trọng cám ơn nước Mỹ.

..... một chút cay trong mắt.

chieclavotinh
01-07-2018, 03:26 AM
Kinh Báo Hiếu

Thế tôn thủa nọ trụ yên,
Tại thành Xá Vệ, Kỳ Viên tinh đàng.
Cùng chư môn đệ các hàng,
Cả hai muôn lẻ tám ngàn tỳ kheo.
Lại chư Bồ tát cũng nhiều,
Là hàng đại chúng cùng theo ngài thường.

Bấy giờ Đức Phật lên đường,
Cùng chư môn đệ Nam phương tiến hành
Gót vàng lần bước dặm xanh,
Mắt sen chợt thấy rành rành đống xương
Thế tôn dừng bước bên đường,
Chắp tay kính lễ đống xương vô tình.

A Nan ngơ ngẩn bạch trình:
“Ngài là Từ phụ chúng sanh muôn loài;
Thân vàng quy kính ai ai,
Thân vàng đâu lẽ xá dài xương khô?”

Phật rằng: “Xương chất bấy lâu,
Ông, bà, cha, mẹ từ đâu nhiều đời
Trải qua mấy kiếp luân hồi
Sanh đây thác đó ai rồi biết ai.
Chỉ còn phân biệt gái, trai
Mẹ cha nhiều kiếp mượn vay thân hình.
Nay ta kính lễ chí thành,
Ấy là kính trọng ơn sanh nhiều đời”
A Nan muốn hiểu rẽ ròi
Để tâm phân biệt biết người nữ nam
“Đàn ông xương nặng trắng lam
Đàn bà xương nhẹ đen thâm dễ nhìn”

A Nan nghi ngại kính trình:
“Thế Tôn xin giải cho minh lẽ này:
Thường thường phân biệt gái trai
Là nhờ trang sức hình hài điểm tô.
Chết rồi một nắm xương khô,
Nhìn xương khô ấy dễ hồ biện phân?”

Phật rằng: “xương kẻ nữ nhân
Sắc đen chắc nhẹ vì thân hao mòn:
Thời kỳ thai nghén sanh con,
Ba thăng, ba đấu huyết tuôn như ngòi
Thời kỳ bú mớm dưỡng nuôi,
Tám thùng, bốn đấu sữa bồi thân con.
Huyết lưu, sữa vắt cạn mòn
Xương kia đã nhẹ lại còn đen thâm
A Nan nghe nói thương tâm,
Ruột đau như cắt, lệ dầm như mưa.
Khấu đầu lậy Phật lời thưa:
Làm sao báo đáp ơn xưa mẫu từ ?

Phật rằng: Ngươi lắng tâm tư
Nghe ta giảng giải thiệt hư tỏ tường:
Ơn dày mười tháng cưu mang,
Mẫu thân cực khổ trăm đàng vì con
Tháng đầu mới dựng thai non,
Như sương ngọn cỏ mất còn nào hay.
Giữ gìn đến tháng thứ hai,
Mong manh như váng sữa dày lỏng chân.
Ba trăng tựu khối huyết ngưng,
Bốn trăng thì tượng châu thân hình hài.
Năm trăng ngũ thể hiện bày,
Sáu trăng khai mở đủ đầy lục căn.
Bảy trăng xương cốt gia tăng,
Tám trăng tạng phủ công năng viên thành.
Chín trăng đầy đủ vóc hình,
Mười trăng đã đúng kỳ sanh hoàn toàn.
Nếu con hiếu thuận sanh an,
Bằng con ngỗ nghịch ngược ngang thôi rồi.
Quặn đau bụng mẹ vô hồi,
Như ngàn mũi nhọn khoan dùi tâm trung.
Đau đớn ấy nói khôn cùng,
Đau này đau thiệt, lạ lùng kinh nghi
Phúc lành trổ được anh nhi
Mừng vui chi xiết, xiết chi vui mừng!
A Nan, ngươi có tỏ tường
Ơn cha nghĩa mẹ, cảm thương mười điều:
Một là thai nghén nâng niu.
Hai là sanh sản trăm chiều đớn đau.
Ba là có trẻ quên sầu.
Bốn là mớm ngọt, nuốt dầu đắng thô.
Năm là nằm ướt, nhường khô.
Sáu là bú mớm công đồ dưỡng thơ.
Bảy là giặt rửa uế nhơ.
Tám là vắng trẻ trông chờ héo hon.
Chín là tạo nghiệp vì con.
Mười là yêu dấu, lòng son đậm đà.

Lại mười ơn trọng kể ra
CƯU MANG THỨ NHẤT thiết tha ai tầy
Nhân duyên nhiều kiếp sâu dày
Nên chi mượn gá mẫu thai buổi này
Từ khi ngũ thể hiện bày,
Lục căn chừng đã mở khai đủ rồi.
Gìn thai, giữ nghén không thôi,
Khi đi đứng, lúc nằm ngồi, chăm nom.
Yếm khăn chẳng thiết đẹp giòn,
Đài gương hờ hững, phấn son lạnh lùng

THỨ HAI ƠN TRỌNG vô cùng,
Bước đường sanh sản hãi hùng xiết bao:
Hoài thai mười tháng nôn nao
Trông cho hoa nở, giờ nào biết đâu ?
Ban mai rã rượi lo âu
Chiều hôm mỏi mệt, canh thâu ai hoài.
Nghĩ càng sợ, khó trở day.
Buồn riêng lẻ chiếc, lệ dài sóng đôi.
Nỗi niềm khẽ tỏ khúc nôi:
“Những e đi biển, mồ côi một mình!”

THỨ BA ƠN TRỌNG thâm tình,
Sanh con mừng được, khổ mình quên lo
Mẫu từ nằm xếp co ro
Toàn thân bải hoải cơ hồ rã tan.
Bụng đau như cắt ruột gan,
Huyết lưu như xối, nước tràn láng lai.
“Tu oa” tiếng lọt vào tai,
Nỗi mừng chi xiết, dễ ai mừng bằng ?
Mừng rồi mặt lộ nét nhăn,
Đau như cắt cứa, guộc phăng can trường.

THỨ TƯ ƠN TRỌNG khôn lường,
Mớm luôn ngon ngọt, nuốt thường đắng cay.
Thiêng liêng tình mẹ sâu dày,
Lòng thương đâu dễ lợt phai bao giờ.
Đút ngon mớm ngọt con thơ,
Ăn cay uống đắng, dám sơ phận mình.
Trời cao biển rộng thinh thinh,
Trọng ân khó cạn, thâm tình khôn vơi.
Trông con no ấm ăn chơi,
Mẹ dầu đói khát, tả tơi xá gì?

THỨ NĂM ƠN TRỌNG xiết chi,
Nhường khô nằm ướt, nghĩ suy chạnh lòng.
Mẹ nằm chỗ ướt cũng xong,
Nhường con chỗ ráo, ấm nồng khỏi lo.
Đói lòng sữa mẹ bú no,
Gió lòn, áo mẹ che cho đỡ hàn.
Thương con mẹ phí giấc vàng,
Cưng con, mẹ những miên man cợt đùa.
Miễn con ăn ngủ lu bù,
Mẹ dầu cực khổ công phu chi nài.

TRỌNG ÂN THỨ SÁU cao dày,
Dưỡng nuôi bú mớm, chầy ngày công lao.
Ơn cha như thể trời cao,
Đất dày nghĩa mẹ sánh nhau tương đồng.
Trời che đất trở mênh mông,
Mẹ cha thương trẻ tấm lòng khác đâu.
Rủi con tàn tật, mặc dầu,
Rủi con thiếu mắt, niệng đầu quẹo tay.
Vốn con sanh đẻ ngày rày,
Lòng thương há dễ đổi thay bao giờ.

TRỌNG ÂN THỨ BẨY kính thờ
Thương con giặt rửa uế nhơ vui lòng:
Phong tư tựa đóa phù dung,
Tô son, điểm phấn, mặn nồng đẹp xinh.
Mày xuân như lá liễu xanh,
Mặt hoa như đóa sen thanh tuyệt vời.
Nhọc nhằn giặt rửa tanh hôi,
Dung nhan tiều tụy, lần hồi khá thương.
Tóc tai chẳng thiết sửa sang,
Chỉ mong sạch sẽ, gọn gàng áo xiêm.

TRỌNG ÂN THỨ TÁM nỗi niềm,
Con đi xa vắng, trông đêm nhớ ngày:
Thà rằng tử biệt còn hay,
Chớ sanh ly cảnh, thêm bày đau thương.
Con vừa để bước lên đường,
Lòng sầu mẹ gởi, tha hương cõi ngoài.
Tâm tư vời vợi đêm ngày,
Nhớ thương tựa cửa, trông mai ngóng chiều.
Não lòng vượn hú chim kêu,
Nhớ con thổn thức như khêu can trường.

TRỌNG ÂN THỨ CHÍN càng thương,
Vì con tạo nghiệp vấn vương tội tình.
Mẹ cha vất vả mưu sanh,
Trần gian hỏa trạch dấn mình khó khăn.
Chắt chiu nuôi dưỡng nhọc nhằn,
Định bày hôn giá, bổn căn vững vàng.
Trời đông thêm áo ngự hàn,
Bữa ăn nhịn miệng sẵn sàng cho con.
Kiếm tìm vật lạ món ngon,
Sát sanh tạo nghiệp như non chất chồng.

THỨ MƯỜI ƠN TRỌNG vô song,
Tình thương không tột, không cùng trước sau.
Tình thương biết ví thế nào,
Đất dày thăm thẳm, trời cao trùng trùng.
Hành tàng tâm dõi theo chừng,
Gần xa ý những bâng khuâng lo lường.
Mẹ già trăm tuổi tóc sương,
Lo con tám chục năm trường chưa thôi.
Tình thương đâu nỡ dứt dời,
Phân ly họa phúc, số trời đổi sang.

Phật rằng: Này hỡi A Nan,
Ta xem trong cõi trần gian nhân loài.
Lắm người tuy được phẩm người,
Nhưng lòng mê muội, tội đời vương mang.
Ơn cha nghĩa mẹ không màng,
Chẳng lòng cung kính nghiêm đàng từ thân.
Ra tuồng bội nghĩa vong ân,
Ra tuồng bất hiếu, vô nhân, lỗi nghì.
Mẹ xưa cực khổ xiết chi,
Cưu mang mười tháng, đứng đi nhọc nhằn.
Như mang gánh nặng trằn trằn
Như người trọng bệnh, uống ăn bất thường.
Đúng kỳ sanh nở càng thương,
Banh da, xé thịt can trường đớn đau.
Rủi may giây phút biết đâu?
Vô thường lảng vảng nghĩ âu rợn người!
Huyết lưu đầy đất đỏ tươi,
Khác nào huyết thú bị người thọc dao.
Đã chịu ngần ấy khổ đau,
Sanh con ra được biết bao hãi hùng.
Còn lo nuôi dưỡng ẵm bồng,
Ngọt ngon mớm trẻ, mẹ dùng đắng cay.
Rửa lau ô uế hàng ngày,
Chẳng từ khó nhọc, chẳng nài công lao.
Mẹ nằm chỗ ướt quản bao,
Nhường con chỗ ráo, nghĩ nao nao lòng.
Chịu nung nóng, chịu lạnh lùng,
Chẳng từ khổ sở, dám mong thanh nhàn!
Ba năm đằng đẵng thời gian,
Bú nhờ sữa mẹ, nở nang thân hình,
Từ thơ ấu đến trưởng thành,
Mẹ cha dạy dỗ, tập tành lễ nghi.
Học hành nung thúc bôn phi,
Hôn nhân lựa chọn môn mi nếp nhà.
Mong con lập nghiệp thành gia,
Mong con đẹp phận, mẹ cha hài lòng.
Chăm nom cần khổ đến cùng,
Lao tâm khổ tứ dễ hòng kể ân.
Nếu con bệnh vướng vào thân,
Mẹ cha rồi cũng bệnh lần theo con.
Bằng con bệnh hết tật mòn,
Mẹ cha mới thiệt chẳng còn lo âu.
Nuôi con lòng chỉ mong cầu,
Con mau khôn lớn ngỏ hầu thành nhân.
Trưởng thành con lại chẳng cần,
Trên đầu bất hiếu, trong thân bất hòa.
Khinh khi chú bác ông bà,
Đánh xua em út, rầy rà chị anh.
Lung lăng hủy nhục thâm tình,
Lễ nghi phép tắc, gia đình làm ngơ
Mẹ cha răn dạy bấy giờ,
Chẳng hề đếm xỉa, tảng lờ như không.
Anh em khuyên nhủ tiếng lòng,
Không cần lưu ý buông lung tánh tình.
Ra vào đi đứng ngông nghênh,
Quên bề cung kính thưa trình người trên.
Việc làm, lời nói đảo điên,
Tự kiêu, tự phụ, tự chuyên, tung hoành.
Thủa còn thơ, lúc tuổi xanh,
Cha răn mẹ dạy tập tành chẳng tuân.
Đến khi khôn lớn thành nhân,
Chứng nào tật ấy, quen thân, hư đời.
Bạn hiền thì lại tách rời,
Theo cùng chúng dữ học đòi nết hung.
Hành vi ngang trái lung tung,
Ở ăn theo bọn vô luân hoang đàng.
Bị người dụ dỗ mối mang,
Lìa cha, tách mẹ, bỏ làng ra đi.
Quê người mưu sống qua thì.
Hoặc vào binh ngũ, hoặc vì bán buôn.
Ngày qua, tháng lụn, năm mòn,
Thất gia gây dựng, vợ con buộc ràng.
Cách ngăn muôn dặm quan san,
Bẵng xa vằng vặc thời gian không về.
Rồi nơi xứ lạ xa quê,
Khôn hay, cẩn thận, chịu bề nạn tai:
Hình oan, tội phạt, tù đày,
Gông cùm, xiềng xích, tháng ngày lao đao.
Rồi khi bệnh hoạn vướng vào,
Không người chăm sóc, cháo rau đỡ đần.
Ốm gầy trong bước khổ tân,
Đầu đường xó chợ lê thân qua ngày.
Rồi khi bỏ xác đọa đày,
Không người thương xót, liệu bài cất chôn.
Xương tan, thịt nát, lần mòn,
Nắng mưa, sương tuyết, đâu còn chi chi.
Cốt hài tiêu tán chi ly,
Bón phân đất khách, bỏ đi xứ người.
Bao giờ lại được vầy vui,
Về nơi xứ cũ, gặp người thân xưa.
Mẹ cha vò võ sớm trưa,
Trông con đằng đẵng dây dưa tháng ngày.
Hoặc nhân than khóc canh chầy,
Mắt kia thành tật, khổ này bởi đâu?
Hoặc vì bệnh khổ bấy lâu,
Tơ buồn, tằm kết, lưới sầu nhện đan.
Mạng chung xác bỏ trần hoàn,
Nhớ con hồn vẫn, buộc ràng mối thương.
Hoặc nghe con ở tha phương,
Không chăm nghề nghiệp, theo phường hung hoang.
Rượu trà, cờ bạc, tham gian,
Đấu tranh, xúc phạm, xóm làng thọ nguy.
Sáng ra con bước chân đi,
Mẹ cha trông ngóng đến khi chiều về.
Song thân ấm lạnh mọi bề,
Con nào muốn biết, lựa bề thăm nom.
Gối giường nào kẻ chăm nom,
Thần hôn hai chữ ai dòm ngó đâu.
Mẹ cha già yếu thêm rầu,
Hình suy, vóc kém, trí hầu lãng quên.
Hổ lang gặp khách lạ quen,
Sợ e lâm vấp, giận phiền rẻ khinh.
Hoặc khi cha mẹ khổ tình,
Một thân góa bụa, một mình cô đơn.
Con như khách lạ qua đàng,
Ở riêng nhà khác chẳng màng thị phi:
Mẹ cha đói khát kể gì,
Mẹ cha nóng lạnh biết chi đến rày.
Tủi thân khóc lóc đêm ngày,
Tủi thân thở vắn, than dài vì con.
Lẽ ra đạo hiếu cho tròn,
Cung dưng vật lạ miếng ngon cho thường.
Nhưng con nào kể song đường,
Ra tình hổ thẹn, sợ đường cười khi.
Nhược bằng cung cấp thê nhi,
Bao nài tốn kém, quản chi nhọc nhằn.
Vợ con bắt buộc thì vâng,
Mẹ cha khiển trách, chẳng tuân, chẳng vì.
Còn như thân phận nữ nhi,
Lúc chưa gả bán thời y, thời tùng.
Một khi xuất giá theo chồng,
Chút tình hiếu thuận, tấc lòng lưng vơi.
Mẹ cha giận mắng lôi thôi,
Sanh lòng oán hận buông lời ngỗ ngang.
Chồng dầu đánh đập phũ phàng,
Can tâm chịu nhục, giữ đàng nghĩa nhân.
Người dưng khác họ tình thân,
Người thân cốt nhục, tình lần nhạt phai.
Theo chồng ra ở xứ ngoài,
Cách xa cha mẹ, không ngày viếng thăm.
Lại thêm thơ tín vắng âm,
Chẳng tình thương nhớ, chẳng tâm lo lường.
Mẹ cha thắc mắc tư lương,
Nhớ thương con trẻ, ruột dường lửa thiêu.
Ân cha đức mẹ quá nhiều,
Vô biên, vô lượng, khó miêu tả cùng.
Tội con bất hiếu non chồng,
Đại dương mấy biển dễ hòng rửa phai.

Bấy giờ đại chúng ai ai,
Nghe lời Phật nói chân tay rụng rời.
Ngẩn ngơ xúc động đôi hồi,
Cùng nhau rập tiếng thốt lời vang tai:
« Khổ thay, tột khổ, khổ thay !
Đau thay cắt phế, đau thay đoạn trường.
Chúng con mắc tội phi thường,
Ngàn xưa ngu tối, lạc đường trong đêm.
Bây giờ thấy rõ tội thêm,
Kể sao cho xiết nỗi niềm khổ đau.
Phật thương giảng pháp nhiệm mầu,
Dạy con báo đáp ơn sâu song đường »

Bấy giờ tiếng Phật du dương,
Phạm âm bát đức thanh lương dịu dàng :
« Các ngươi nghe lại kỹ càng,
Ví như trong cõi nhân gian có người.
Một vai đã cõng cha rồi,
Một vai cõng mẹ lần hồi bước đi.
Vòng quanh theo núi Tu Di,
Trải trăm ngàn kiếp lần suy thân hình.
Mòn da cho đến xương mành,
Mòn xương đến tủy, huyết lành chảy tuôn.
Cũng chưa đáp xứng công ơn,
Mẹ cha sanh dưỡng sánh hơn biển trời.

Ví như lại có một người,
Gặp cơn đói rét, cảnh đời nguy vong.
Cù lao dốc trả ân hồng,
Đem thân lóc thịt, đỡ lòng mẹ cha.
Ngiền xương như bụi tán ra,
Trải trăm ngàn kiếp gần xa dập dồn.
Cũng chưa đáp xứng công ơn,
Mẹ cha sanh dưỡng sánh hơn biển trời.

Ví như lại có một người,
Vì cha, vì mẹ, vì bài thuốc thang,
Cầm dao khoét mắt vội vàng,
Cúng dâng cha mẹ phương lương nhiệm màu.
Cù lao dốc trả ân sâu,
Trải trăm ngàn kiếp, khổ đau chẳng sờn.
Cũng chưa đáp xứng công ơn,
Mẹ cha sanh dưỡng sánh hơn biển trời.

Ví như lại có một người,
Vì cha vì mẹ, cắt rời tim gan.
Huyết lưu mặt đất dẫy tràn.
Chẳng từ thống khổ, gian nan quản gì.
Cù lao dốc trả vẹn nghì,
Trải trăm ngàn kiếp, lòng ghi không sờn.
Cũng chưa đáp xứng công ơn,
Mẹ cha sanh dưỡng sánh hơn biển trời.

Ví như lại có một người,
Vì cha vì mẹ, chịu nơi khổ hình.
Đao luân đâm bổ vào mình,
Hai bên tả hữu, vòng quanh gót đầu.
Cù lao dốc báo ân sâu,
Trải trăm ngàn kiếp, hèn lâu chẳng sờn.
Cũng chưa đáp xứng công ơn,
Mẹ cha sanh dưỡng sánh hơn biển trời.

Ví như lại có một người,
Vì cha vì mẹ đắp bồi phước duyên.
Đem thân thể đốt treo lên,
Cúng dường chư Phật, diệu huyền pháp đăng.
Cù lao dốc trả nghĩa hằng.
Trải trăm ngàn kiếp khăng khăng tâm hồn.
Cũng chưa đáp xứng công ơn,
Mẹ cha sanh dưỡng sánh hơn biển trời.

Ví như lại có một người,
Vì cha vì mẹ, đập tơi thân mình.
Vỡ xương nước tủy chảy quanh,
Trăm ngàn dao mác, xuyên phanh một lần.
Cù lao dốc báo thâm ân.
Trải trăm ngàn kiếp khổ thân chẳng sờn.
Cũng chưa đáp xứng công ơn,
Mẹ cha sanh dưỡng sánh hơn biển trời.

Ví như lại có một người,
Vì cha vì mẹ, nuốt bồi sắt nung.
Châu thân cháy rực lửa hồng,
Tiêu ra tro mạt, tản trong vi trần.
Cù lao dốc báo thâm ân.
Trải trăm ngàn kiếp, khổ thân chẳng sờn.
Cũng chưa đáp xứng công ơn,
Mẹ cha sanh dưỡng sánh hơn biển trời. »

Vừa nghe Phật nói mấy lời,
Khắp trong đại chúng rã rời tâm can ;
Khóc thôi nước mắt tuôn tràn,
Cùng nhau rập tiếng, nài van khẩn cầu :
« Phật thương giảng pháp nhiệm mầu,
Dạy con báo đáp ơn sâu song đường »
Phật rằng: « Phật tử khá tường,
Kinh này duyên khởi, mở đường báo ân.
Vì cha vì mẹ đôi thân,
Chép biên kinh quý dành phần phước duyên.
Vì cha vì mẹ hiện tiền,
Thọ trì kinh quý cầu nguyền phước ban.
Vì cha vì mẹ khổ nàn,
Ăn năn sám hối cầu tan tội tình.
Vì cha vì mẹ ân lành,
Cúng dường Tam Bảo, phước dành về sau.
Vì cha vì mẹ công lao,
Ăn chay giữ giới, giồi trau vun bồi.
Vì cha vì mẹ thiệt thòi,
Tu duyên bố thí, săm soi phước điền.
Hành y là kẻ hiếu hiền,
Không y là kẻ lọt miền Âm ty.
Bất hiếu vào ngục A Tỳ
Do tuần tám vạn, ngục này rộng ghê.
Thành vây lưới sắt bốn bề,
Đất hừng lửa đỏ, chớp lòe sấm vang.
Nước đồng sôi sục xối tràn,
Chó đồng phun lửa, thịt vàng mỡ tươm.
Những là non kiếm, rừng gươm.
Như mưa rơi xuống, giọt tuôn không ngừng.
Tội nhân đau khổ trăm đường,
Phạt hành nhiều kiếp, dễ thường tạm yên.
Lại vào ngục khác khổ thêm,
Chậu đội đầu lửa, xe nghiền nát thân.
Cháy tan gan ruột, tay chân.
Một ngày phải chịu, muôn lần tử sanh.
Sinh thời bất hiếu tội hành.
Còn người báo hiếu tạo kinh pháp này.
Tạo nên một quyển kinh hay,
Tức là thấy đặng một vì Thế Tôn.
Tạo nên một quyển kim ngôn,
Tức là thấy đặng Thế Tôn mười vì.
Tạo trăm ngàn quyển vân vi,
Thế Tôn tức đặng thấy y trăm ngàn.
Phước duyên sắm tạo kinh vàng,
Phật ân gia hộ bình an song đường.
Đến khi mãn kiếp trần dương,
Được sanh thiên thượng an khương đời đời”

Vừa nghe Phật dạy rẽ ròi
Khắp trong đại chúng phát lời nguyện chung:
“Vị lai đến kiếp cuối cùng
Thân con dầu nát hòa chung vi trần.
Lưỡi con thà bị kéo phăng,
Bị cày máu chảy ngập bằng biển sông.
Đao luân thà bị trăm vòng,
Đâm cùng tả hữu khắp trong thân hình.
Lưới sắt thà bị vấn quanh,
Cối dao thà bị hành hình đâm xay.
Trong trăm ngàn kiếp đọa đày,
Thệ không dám cãi lời thầy chỉ phân.”

A Nan bạch Phật ân cần:
“Thế Tôn, xin dạy kinh văn hiệu gì?
Chúng con chưa biết phụng trì,
Cầu người chỉ bảo vân vi cho tường.”
Bấy giờ Phật bảo A Nan:
“Kinh này báo đáp, vẹn toàn nghĩa nhân
Gọi tên Đại Báo Trọng Ân,
Phụng trì danh tự về phần các ngươi.”
Nghe rồi đại chúng đều vui,
Phụng hành đảnh lễ rồi lui ra ngoài.

chieclavotinh
02-04-2018, 04:15 AM
Đưa tía về quê
Diệp Bảo Khương

Tôi vừa đưa tía tôi về quê.

Chẳng nhớ đây là lần thứ mấy tôi đón tía tôi qua lại Mỹ rồi lại tiễn tía tôi về. Một chặng đường dài thăm thẳm về lại quê xa mà tía tôi chỉ có một mình một bóng, trong lúc tuổi ngoài 90, không biết một chữ tiếng Mỹ, trừ vài tiếng thank you, good bye...

Nhìn dáng người cụm rụm của ông khiến tôi đi từ cái lo này cho đến cái lo khác. Nhưng ông vẫn nói nói cười cười, không thấy lo lắng chi cả. Chắc là dược về lại chốn xưa, nơi có má tôi đang nằm làm ông thêm phần hăng hái. Tôi phục tía tôi quá!

Đưa ông đến tận cổng máy bay, mua cho ông chai nước, gửi gấm ông cho người ta rồi tôi ôm ông thật chặt, lí nhí vài câu chúc tía lên đường bình an rồi tôi quay về mà ngỡ như ánh mắt mờ đục của ông hãy còn dõi theo. Đưa tay xoa xoa má, nơi vừa có cái hôn của tía hôn thằng con trai không còn trẻ khiến tôi bùi ngùi nao nao. Cái hôn ngọt ngào của tình cha con vẫn còn ấm hoài ấm mãi...

Về nhà, tôi mở cửa phòng mà gần cả năm nay tía tôi ở. Căn phòng vẫn còn giường còn gối gọn gàng sạch sẽ. Vẫn còn chiếc bàn tía tôi hàng ngày ngồi đọc sách đọc báo hay viết lách bâng quơ. Nay im ắng lạnh lùng, vì tía về quê rồi.

Quanh quẩn quanh phòng, sờ cái này ngắm cái kia, ngồi ngẩn ngơ trên giường tôi dường như cảm được những bóng hình thân thương vừa đi qua đang âm thầm trở lại. Nhớ tới hai cuốn báo ngày hôm qua tôi đi chợ xin được, định đem về cho tía đọc mà lại quên, giờ vẫn còn nằm quạnh quẽ trong xe.

Tôi ngỡ như nghe được tiếng bước chân lẹt xẹt của tía xuống bếp vào những đêm khuya lơ khuya lắc, lục đục mở nồi lấy cơm ăn vì “Tía thường đọc báo khuya nên đói bụng!”

Nhớ tiếng tía nói chuyện thầm thì một mình, mà có lần tôi nghe rất rõ ông kêu, “Má A. ơi!”

Nhớ tiếng con tôi vô phòng mời ông nội ra ăn.Tai nghễnh ngãng nên câu trả lời của tía nhiều lúc làm tôi phì cười, “Nội tắm rồi.”

Cảm giác trống trải, thiếu thiếu một cái gì đó trong sinh hoạt hàng ngày chắc có lẽ lâu lắm mới làm vơi đi được.

Thôi, tía về thăm má đi, rồi Tháng Giêng này con sẽ đón tía qua trở lại. Từ nay đến đó chắc là lâu lắm. Vì con chỉ còn dám tính đến từng ngày.

Tôi lượm hai tờ báo xếp ngay ngắn đặt lên bàn, mong tía tôi sẽ về để đọc.

Những tờ báo cũng bồn chồn chờ tía tôi về...

chieclavotinh
03-04-2018, 05:08 AM
https://vietbao.com/images/file/jZ0zxGwQ0QgBAG5Y/vu-anh-2-hinh-nguyen-manh-tien.jpg

Bố Tôi
Ký - Vũ Ánh

Tôi mới từ Cùa (tiền sơn Quảng Trị) trở về sau một cuộc hành quân kéo dài đến ba tuần lễ. Cuộc rong ruổi trong vùng đất đỏ và gió Lào với những người lính của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh suốt thời gian ấy chỉ để di chuyển, đóng quân, ăn ngủ trong rừng, rồi đi theo một sĩ quan của đơn vị này trên chuyến trực thăng liên lạc về đến Ðông Hà, để có thể viết một cái tin ngắn khoảng mười dòng đọc về Sài Gòn qua điện thoại quân sự của tiểu khu Quảng Trị. Rồi bản tin ấy sẽ được người chủ bút sắp xếp vào hạng thứ ba hay thứ tư trong bản tin dài năm phút, phát thanh vào lúc năm giờ sáng trên làn sóng điện quốc gia lúc mọi người thành phố còn say ngủ.

Vội vã chìa thẻ báo chí ra tại phi trường Ái Tử để kiếm một chỗ ngồi trên chiếc phi cơ vận tải quân sự C-130, xuống Phi Long, lội bộ ra đón xích lô từ Lăng Cha Cả, ngừng trước phở Công Lý, gọi một tô tái nạm vè giòn, hút một điếu Bastos xanh rồi chiêu một ngụm cà phê đen bỏ ít đường, một ly cà phê được pha rất điệu nghệ bởi tay một trong những cô con gái của chủ tiệm phở này. Cuối cùng, lại “bắt” xích lô về chợ Cây Quéo. Một pha tắm giặt, cạo râu đã đời trong một phòng tắm tiện nghi là chuyện trong tầm tay rồi.

Nhưng khi mở xong ổ khóa nhà, mới thấy một miếng giấy cứng có chữ viết nắn nót của bố tôi: “Khi nào về, đến bố bảo”. “Ðến bố bảo...” có nghĩa là có thể ông cần tôi giúp dịch một thư chữ Anh mà hãng dĩa ở một đất nước xa tít tắp ở bờ bên kia Thái Bình Dương báo cho bố tôi biết giá cả mẫu của một bộ dĩa hát 78 tua nhạc jazz của Benny Goodman; hoặc ông cần tôi chia sẻ với ông những món quê mùa nhất của cái đất Thủy Nguyên (Hải Phòng), quê hương chôn nhau cắt rốn đã xa, ôi quá xa của chúng tôi. Ðó là món bún mắm tôm và đậu hũ bọc lá chuối nướng, hoặc là bún riêu cá chứ không phải là loại canh chua phong phú như người trong Nam được nấu giản dị hơn: cá bống hay cá chim, hành ngò, thìa là, cà chua (có một chút váng mỡ), một chút me. Ông anh cả và thằng em kế tôi, thì quyết liệt không bao giờ chịu chia sẻ với bố tôi những món ăn quê mùa ấy. Chỉ có tôi là còn thưởng thức được cái quá khứ xa xăm của thói quen ăn uống ấy. Không phải vì tôi thương mà chìu ông, một ông bố không bao giờ tìm cách gột rửa chất phèn của đồng chua nước mặn nơi ngôi làng nhỏ ông được sinh ra, chỉ cách bến Ðò Bính có mười cây số, dù rằng suốt đời ông thấm đẫm Tây học. Chính bản thân tôi cũng rất thích những món “đặc sản” của bố tôi. Chẳng hạn, nhiều lần ông phải đạp xe đạp lên tận ngả tư Bảy Hiền, vào một lò bún của một gia đình gốc Phát Diệm đặt làm những “lá bún” (chế biến sao cho những sợi bún xếp thành những bánh hình tròn), sợi nhỏ mịn và khi bún ráo nước được xếp vào những miếng lá chuối đã rửa và lau sạch. Bố tôi đích thân ra chợ kiếm tôm bạc thật tươi đem về để chế biến mắm tôm của người Bắc (trong Nam gọi là mắm ruốc). Mỗi lần như vậy ông làm khá nhiều hũ để mang biếu bạn bè ông, một vài hũ để cho ông và cho mẹ tôi dùng nấu bún thang hay kho với thịt ba chỉ bằm. Ông cụ còn mua đậu hũ về ép cho ráo nước, bọc lá chuối nướng trên lò than, lá chuối cháy xém nên khi dỡ ra, miếng đậu cháy vàng mặt ngoài. Mắm tôm được vắt chút chanh, đánh cho sủi bọt, thêm ớt. Bún ăn với mắm tôm và đậu hũ nướng, rau thơm.

Làng nhỏ của bố tôi có cái tên rất đẹp, Phương Lăng, nhưng lại là một làng nghèo, đất canh tác ít nên số gia đình khá giả rất hiếm. Bà nội tôi chỉ có mười mẫu ruộng thôi, phần lớn ở gần tận chân Núi Ðèo, cấy lúa cũng mùa mất mùa được mà rồi cũng trở thành một trong số mười người chết trong chiến dịch đấu tố ruộng đất. Cho nên, trong cảnh nghèo ấy chuyện thịt thà, mỡ dầu một năm cũng chỉ vài lần vào dịp lễ Tết, thành thử cái món đậu bọc lá chuối nướng ăn với bún mắm tôm trở thành “đặc sản” của quê tôi.

Tôi tắm vội, thay quần áo và lấy xe đạp sang thăm bố tôi, không quên mang theo hộp xì gà tôi mua được ở Ðà Nẵng về tặng bố. Căn nhà mà tôi thuê chung với bạn bè cách nhà bố mẹ tôi chưa đầy năm phút đạp xe. Ðẩy cửa vào nhà, chỉ thấy bố tôi ngồi trong phòng khách với một chồng đĩa hát 78 và 33 tua rất quen thuộc với anh em chúng tôi thời còn học ở Chu Văn An.

- “Mẹ đâu bố. Bố khỏe không?” Tôi hỏi.

- “Ừ vẫn thường. Mẹ mày lên Phương Lâm thăm mấy bạn của bà ấy. Thằng anh mày dẫn học trò đi du khảo ở Nha Trang. Còn út (em tôi) nó bị Quân Y trưng tập đã phải vào Thủ Ðức thụ huấn quân sự rồi. Con đi kỳ này hơi lâu, bố rốt ruột nên để cái giấy ngoài cửa chứ không có gì quan trọng.”

- “Con lại tưởng bố la mắng con điều gì chứ nên vội sang đây.”

Tôi đưa hộp xì gà cho bố và nói:

- Con biết bố thích loại nặng này, đặc sản ở La Havana. Hoàn toàn bằng lá thuốc Cuba cuộn. Mà bố biết con mua ở đâu không? Ở ngay chợ quân đội Mỹ trong Trung Tâm Quốc Gia Báo Chí của Mỹ ở Ðà Nẵng.”

- “Lạ thật, Cuba là xứ cộng sản. Chúng nó (Mỹ) vừa chống cộng lại vừa buôn bán với cộng à. Bố không hiểu nổi.”

Tôi ngồi xuống cạnh bố tôi, nhìn mái tóc gần như đã bạc trắng của ông, lòng bỗng chùng xuống. Năm đó, bố tôi mới gần 60, về hưu được năm năm vì tuổi hưu pháp định của công chức vào thời điểm ấy là 55. Lẽ ra bố tôi có thể xin lưu dụng và tiếp tục đứng ở bục giảng môn Pháp văn thêm ít ra cũng 5 năm nữa, nhưng ông không làm điều đó. Trước ngày về hưu, ông tổ chức bữa cơm gia đình để con cái chúc mừng và cũng là dịp để bố tôi đưa ra một thông điệp cho chúng tôi trước khi ông vui thú điền viên (mẹ tôi nghỉ hưu trước vì bà hơn bố tôi 4 tuổi).

Bài “diễn văn” của ông hôm đó cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ từng chữ một, và còn nhớ cả những dòng nước mắt xúc động của chính mẹ tôi và chúng tôi. Tôi xin viết ra ở đây, những lời của một nhà giáo, mà khi ghi lại vào lúc này tuổi đời của tôi đã gần 65, vì nghĩ nó có thể có ích cho một số bạn trẻ bây giờ. Bố tôi nói với chúng tôi và những người anh em họ đồng thời cũng là học trò của bố mẹ tôi hôm đó như thế này:

“Thế hệ bố mẹ đang có một chỗ dành riêng cho mình. Ðó là nơi để bố chuyển tất cả những kinh nghiệm cho một thế hệ giáo chức mới như thằng cả (anh cả tôi), một thế hệ mà cho đến bây giờ phải đối mặt với cả hai khó khăn lớn: chiến tranh tàn phá và việc trồng người đầy nhân bản và xây dựng ở trong Nam. Bố cho rằng trồng người không phải chỉ làm sao cho đám học trò của mình đạt được bằng cấp và bằng cấp cao, mà chính là làm sao cho họ trở thành một người có giáo dục, có cách cư xử tốt và ngay thẳng với mọi người. Mới hay cũ chung quy chỉ là cách so sánh với những gì đã có trước đó. Một thế hệ trẻ hơn tất phải có cái mới hơn so với cái cũ, nhưng căn bản thực ra phần nhiều vẫn chỉ dựa trên cái nền cũ rồi phát triển sửa đổi theo sự phát triển của khoa học và xã hội mà thôi. Dù biết rằng chỉ còn thằng cả theo nghề giáo, một điều bố mong ước là các con dù có theo nghề nào khác cũng không nên chặt bỏ các gốc cây cổ thụ trong khu vườn của các con. Vì, những gốc cây ấy còn một ích lợi cuối cùng trong đời sống của chúng là giúp các con leo cao hơn để thấy bầu trời trong xanh hơn, thênh thang hơn...”

Bố tôi hỏi, cắt ngang những hồi tưởng của tôi:

- “Suy nghĩ gì mà thừ ra thế. Ngày hôm qua bố kiếm được một cuốn trinh thám Pháp, rất mới ở hàng sách cũ chỗ nước mía Viễn Ðông. Có nhiều ghi chú đặc biệt về Moscow.”

- “Bố đọc xong bộ Z-28 của Bùi Anh Tuấn chưa? Cũng được lắm, có nhiều ghi chú mà con chắc là bố thích.”

- “Bố đọc hết rồi, chờ ông ấy lâu nữa mới có cuốn kế tiếp. Giữa thời gian gián đoạn này bố đọc loại trình thám của Tây cũng được.”

Bố tôi không phải là một người chơi sách. Ông chỉ đọc những gì cần đọc. Căn phòng nhỏ dành cho bố mẹ tôi rất nhỏ, làm gì còn khoảng không gian nào cho những kệ sách. Bố tôi giải quyết bằng cách xếp lên cái bàn viết trong góc phòng. Ông chế những cái chặn hai đầu và xếp chồng lên nhau. Căn nhà bố mẹ tôi tuy nhỏ nhưng hoàn toàn làm bằng gỗ, hai tầng, mái lợp tôn có trần. Vì ở tầng trên, sàn lại bằng gỗ nên mẹ tôi chỉ sợ bố tôi tha nhiều sách về, nặng làm sập xuống thì nguy, nên bà cằn nhằn chồng hoài. Ông giải quyết chuyện này bằng cách thuê đóng những chiếc rương lớn để ở dưới phòng thằng em tôi. Ðọc tới đâu, ông xếp vào rương tới đó.

Bố tôi lại cắt dòng suy tưởng của tôi:

- “Ði đâu thì chiều cũng về ăn với bố.”

- “Thôi bố, chiều nay từ đài về, con đón bố đi ăn.”

- “Nếu con bận với bạn bè thì thôi, còn nếu không thì về ăn với bố, có thịt đông, dưa chua và canh mồng tơi.”

Buổi chiều, làm xong công việc, tôi trở về nhà ăn cơm với bố tôi. Ông tự tay làm những món mà tôi thích. Món nào cũng tươm tất và ngon miệng. Xong, tôi dọn dẹp rửa chén bát rồi ra phòng khách uống cà phê với bố tôi. Tôi giục ông hút thử xì gà tôi mới mua biếu ông thì bố tôi nói để ngày hôm sau vì không ai uống cà phê mà hút xì gà cả. Thay vào đó ông đốt một điều Gaullois, một loại thuốc lá đen, rất nặng do Pháp sản xuất. Khoảng bốn thập niên trước đây, thuốc Gaullois chưa có đầu lọc và bao ngoài sang trọng như bây giờ. Bố tôi giải thích:

- “Ðây là loại thuốc đen, nhưng ngon hơn Bastos xanh nhiều. Ngày xưa, thời Tây, Gaullois được phát không cho quân đội Pháp. Nhiều thằng chê nặng không hút được đem vất đầy đường nên gọi là thuốc “Tây quăng”. Thời bố mới lấy mẹ mày thì tập hút JOB đỏ, rồi sau chuyển sang hút Gaullois. Khi di cư vào Nam, không có Gaullois nữa bố hút lại JOB đỏ. Gần đây bố tìm ra được loại Gaullois này ở các quán thuốc lá trước Bưu Ðiện.”

Bố tôi chợt hỏi sang chuyện khác:

- “Thế nào, tình hình liệu có khá hơn không?”

- “Con không đủ dữ kiện để có thể kết luận khi Mỹ đổ quân vào thì khá hơn, vẫn thế, hoặc bết hơn. Nhưng theo con, vẫn có quan ngại về ảnh hưởng xã hội. Ở Ðông Hà trước đây không có bar rượu, nhưng bây giờ thì bar rượu mọc lên như nấm, gái mại dâm đổ về đây hàng đoàn.”

- “Ðất nước chiến tranh đành chịu. Thời Pháp cũng vậy. Bọn Tây đi đến đâu là có nhà chứa ở đó. Những cái mụn nhỏ ấy sẽ lan ra và sẽ làm ung thối mọi ngõ ngách của xã hội. Mình là người cổ cày vai bừa nói sao được, mà có nói cũng chẳng ai nghe. Bố ưu tư về chuyện này vô cùng.”

Hai bố con ngồi nói chuyện thời sự cho đến khuya. Tôi ngủ lại vì sợ nhà đi vắng hết, đêm hôm khuya khoắt có gì xảy ra cho ông, tôi sẽ ân hận suốt đời. Tuy nhiên, phải nói chưa bao giờ tôi nói chuyện với bố tôi lâu như vậy, một phần cũng để san sẻ với ông nỗi băn khoăn giữa quá khứ và hiện tại. Quá khứ của ông là một cuộc kháng chiến chống Pháp mà ông đã lao mình vào. Ông đem cả vợ con lên chiến khu Việt Bắc, nhưng rồi ông lại đem gia đình trở về thành rất sớm. Thời chúng tôi còn học trung học, có lần ông vui miệng kể lại chuyện ông phải trốn về thành như thế nào, những người bạn của ông trong Việt Nam Quốc Dân Ðảng đưa ông về Hải Phòng ra sao. Lúc đầu, là thanh niên mới lớn, chúng tôi cũng không quan tâm gì về quá khứ của ông vì cho rằng nó chẳng liên quan đến thế hệ của chúng tôi lúc ấy. Trong mớ kiến thức non nớt về lịch sử, tôi cho rằng thời bố tôi là thời Tây, thời kháng chiến. Còn ở vào thế hệ của chúng tôi, những người miền Bắc lớn lên ở Miền Nam, thì mọi điều đã có sẵn, mọi luồng tư tưởng mới mẻ nhất từ Hoa Kỳ và từ những nơi khác cũng đã đủ sức “làm một cuộc cách mạng đánh đổ ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp”. Tôi hãnh tiến bước vào trường Luật với những môn học mới mẻ. Nhưng đến môn Pháp Chế Sử (tôi nhớ không lầm do Giáo Sư Vũ Quốc Thông dạy), chúng tôi lại phải lật lại trang sử của mấy ngàn năm trước và phải nghiên cứu chế độ xã thôn Việt Nam từ thời cổ đại. Thế hóa ra, chúng tôi vẫn có mối liên hệ với quá khứ từ khi ông cố tổ chúng tôi mới chỉ là “hạt bụi vo tròn trong bụng mẹ”?

Khi vào nghề truyền thông rồi, sau khi đã bị đời tát cho năm bảy tát, nhân một dịp ngồi uống cà phê với bố tôi, tôi đã hỏi ông tại sao trong không khí bừng bừng kháng chiến chống Pháp lúc đó mà bố lại bỏ về thành, ông chỉ nói: “Họ (Việt Minh) không thành thật”.

Tôi biết câu nói ngắn của ông phản ảnh tấm lòng u uẩn của một trí thức khi đắp tấm “chăn kháng chiến” vào rồi mới thấy rận ở chăn nhiều quá, tung ra thì mang tiếng bỏ anh em đồng đội, cắn răng chịu đựng thì hậu quả sau này cũng chẳng hay ho gì. Tôi đoán có lẽ cũng vì thế mà khi ông bị ám sát hụt lúc gia đình tôi đang ngồi ăn trong một tiệm mì ở phố Ðông Kinh, Hải Phòng năm 1951, dù ông biết tên sát thủ thuộc ban ám sát của Việt Minh ở Hải Phòng mà cô ruột tôi lúc đó rất có ảnh hưởng với đám này, ông vẫn coi như không có gì xảy ra. Bố tôi cũng không làm đổ vỡ thêm tổ chức của cô tôi, như lời bố tôi đã tiết lộ khi anh em chúng tôi đủ tuổi trưởng thành. Thảm kịch giữa anh em ruột của bố tôi không phải chỉ có thế. Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, cô, chú tôi lại còn ở phía những người thắng trận, trong khi anh em chúng tôi vào tù. Họ đã bị bố tôi mắng khi họ vào thăm bố tôi trong Nam. Ngày tôi đi tù cải tạo trở về, mẹ tôi kể lại rất chi tiết vụ cãi cọ giữa bố tôi và cô, chú tôi. Mẹ tôi thì bao dung hơn. Bà nói với tôi: “Mẹ không hề nhờ vả cô, chú mày bất cứ một điều gì, kể cả việc nhờ dẫn mẹ vào thăm nuôi anh em mày trong tù cải tạo. Nhưng bố mày vẫn là anh ruột và tao vẫn là chị dâu chúng nó. Khi tao không thèm nhờ đứa nào, thì còn gì để sợ nữa để mà không giữ trọn tình máu mủ với nhau”.

Những năm sau này (1969) ông mở một lớp dạy học ngay trong nhà, lúc đó đã thành căn nhà gạch sau khi căn nhà gỗ đầy kỷ niệm của gia đình tôi bị thiêu rụi hồi Tết Mậu Thân. Học trò là con cái của những gia đình nghèo trong xóm. Nói cho ngay, đây là một lớp dạy kèm thì đúng hơn, một lớp dạy cho vui trong cuộc sống hưu trí của bố tôi. Tuy vậy, bố tôi tổ chức lớp học rất quy củ. Ông cũng cho thi xếp lớp dù cái “trường” nhỏ này chỉ có trình độ: lớp nhì (lớp 4) và nhất (lớp 5). Trước khi bắt đầu giờ học, ông khám sách vở, khám tay học trò. Sách vở bị cong mép hay vấy mực, tay dơ dáy, móng tay không cắt ông bắt về nhà hay đổi sách vở khác, cắt móng tay, rửa tay thì được vào lại lớp học. Thấy bố tôi tận tụy với từng đứa học trò, mà học phí chỉ tượng trưng, gia đình nào nghèo thì miễn học phí, phụ huynh các xóm bên cũng kéo đến xin học cho con rần rần. Nhưng ông vẫn chỉ nhận tối đa mười người cho đến khi ông bạn đánh cờ tướng hàng xóm của bố tôi cho mượn căn phòng bỏ trống phía sau nhà ông làm lớp học thì sĩ số tăng lên hai mươi người.

Cuộc sống của một người về hưu như bố tôi êm đềm như thế cũng làm chúng tôi rất mừng. Ai cũng ngại tính tình ông thay đổi vào tuổi già gây khó khăn cho con cái. Nhưng không. Người quyết định mọi việc trong gia đình lúc bố tôi nghỉ hưu là anh tôi. Bố mẹ tôi ít khi còn có ý kiến gì liên quan đến cuộc sống riêng tư của anh em chúng tôi nữa. Có lần tôi thắc mắc nên hỏi mẹ tôi: “Bố có giận gì tụi con không mà không thấy bố bàn tán vào chuyện lấy vợ hay không của anh cả vậy?” Mẹ tôi cười: “Ông ấy nuôi dạy chúng bay thân vóc học hành cho đến bây giờ mà còn chưa nên thân nữa hay sao. Bọn bay bây giờ chỉ có một câu duy nhất cần nói với bố: con đưa bố vài ngàn để bố tiêu vặt hay đi bác sĩ. Nói xong là phải móc ví ra liền, thằng nào chậm tao bắt chìa tay đánh cho vài thước”. Lời của mẹ tôi làm tự nhiên tôi thấy cay mắt.

“Trường” của bố tôi lẽ ra đóng cửa từ ngày 26 Tháng Tư 1975 vì phần đông phụ huynh đều đích thân đến tận nhà bố tôi để xin cho con nghỉ vì tình hình rối ren. Nhưng thực sự nó được đóng cửa vào sáng ngày 30 Tháng Tư 1975, khi hai cậu học sinh nhỏ là Thịnh và Hổ khóc mếu máo gõ cửa vào gặp bố tôi. Chúng khoanh tay nói: “Thưa thầy, chúng con xin thầy cho chúng con nghỉ học. Ba má con đi đâu đến nay vẫn chưa về nhà”.

Mẹ tôi giữ hai đứa học trò ở nhà tôi cho đến ngày 3 Tháng Năm 1975 khi bố mẹ chúng hớt hải sang nhà tôi tìm con. Thì ra lúc hoảng loạn, cả hai vợ chồng chạy Honda ra bến Bạch Ðằng thăm dò đường đi nước bước. Thấy còn chỗ, họ nhảy lên một chiếc tàu hải quân. Nhưng khi ra đến Lòng Tảo mới chợt nghĩ là mình còn hai đứa nhỏ bị kẹt lại. May, khi ra tới Vũng Tàu, chiếc tàu tạm dừng lại để đón một số gia đình hải quân, họ mới xuống được một trong những chiếc ghe chở các gia đình này để vào bờ. Phải mất mấy phùa đánh đu xe đò mới về tới Sài Gòn.

Khi tôi từ trại cải tạo về cuối năm 1988, hai anh em Thịnh, Hổ đã thành người lớn. Mẹ tôi nói: “Nó là hai đứa đại diện cho học trò những lớp dạy kèm của bố mày khênh quan tài ông ấy vào năm 1983, sau khi ông ấy mất”.

chieclavotinh
03-17-2018, 11:27 PM
Mẹ là bà, là cô
Tố Nga

Khi tôi vừa lọt lòng mẹ thì má tôi tắt thở trên bàn sanh, sau một cơn đau tin bẩm sinh. Theo yêu cầu của gia đình, các soeurs trong bệnh viện đem tôi gởi ở phòng dưỡng nhi nhờ các cô y tá chăm sóc. Trong lúc gia đình đang có tang chế, cha tôi không thể một mình chăm sóc con mọn được. Sau đó bà nội tôi đến đón tôi về.

Vú Đấu là người thay mẹ nuôi tôi bú mớm. Gia đình vú ở xa thành phố, nhà nghèo, đông con, khi sanh đứa con thứ tư được một tuần thì em bé bị cảm sốt qua đời. Vú rời gia đình đi ở vú cho bà tôi.

Tôi lớn lên trong sự chăm sóc trìu mến của vú Đấu. Tuổi thơ tôi được ấp ủ thương yêu trong vòng tay bà nội. Bà tôi là một quận chúa, ái nữ của một vị Đức Ông. Cuộc đời bà lớn lên trong cung phủ, mới sanh ra là được hưởng lương. Khi bà tôi lập gia đình thì được lãnh một lần 5 năm lương, gọi là lương ngũ niên có lính lệ gánh tiền về nhà chồng, đó là của hồi môn.

Khi tôi về ở với bà nội thì ông tôi đã qua đời. Bà tôi sống âm thầm trong một căn nhà gạch cũ kỹ với một người giúp việc hầu hạ bà, làm lặt vặt công việc nhà. Có thêm một mụ Câm mà bà tôi nuôi từ thuở nhỏ, làm công việc nặng nhọc, gánh nước, chăm sóc cây trái và đàn gà trong vườn. Thuở ấu thơ bà tôi không được cắp sách đến trường nhưng bà biết chút ít chữ Nho, biết đàn tranh, biết vịnh Kiều. Bà tiêu khiển trong nhàn nhã. Sống với bà nội, tôi không hề biết đau buồn, thương nhớ vì nỗi mất mẹ. Bà cho tôi tất cả tình yêu thương trìu mến của một mẹ hiền. Bà tôi đối xử rất phân minh, độ lượng với người ăn kẻ ở trong nhà. Tôi lớn lên chịu ảnh hưởng của bà tôi hoàn toàn, từ lễ phép với người trên, đi thưa về trình, ăn nói chững chạc, chăm chỉ học hành. Mỗi sáng bà tôi dậy sớm, khoác một chiếc áo dài the rồi ra ngồi ở trường kỷ pha trà. Bà tôi luôn luôn mặc áo dài ở nhà, đó là sự thường tình của phụ nữ Huế.

Một năm đôi ba lần bà tôi soạn quần áo nghi lễ đem ra phơi nắng, một chiếc áo mệnh phụ, một khăn vành, một đôi hài thêu, đó là bộ lễ phục khi bà làm lễ ở từ đường trong ngày hôn lễ và sau này bà mặc vào khi nhắm mắt lìa đời.

Lúc đó tôi vừa đủ 13. Cuộc đời tôi bắt đầu rẽ vào một con đường khúc khuỷu.

Tôi về ở với gia đình cô tôi từ đó. Cô tôi góa chồng lúc còn trẻ, một tay nuôi bốn đứa con nhỏ dại, thêm một đứa cháu côi cút với một đồng lương hưu trí của chồng để lại rất khiêm nhường.

Cũng như bà nội quá cố, cô tôi thương xót tôi hết mực, tôi như là một người con cả trong gia đình. Với lứa tuổi 13, tôi giúp đỡ các em trong việc học hành, không hề biết đến cuộc sống đầy khó khăn của gia đình cô tôi.

Cuộc đời tôi gồm có ba người mẹ. Mẹ sanh ra tôi, tôi không hề có một ấn tượng hay một kỷ niệm nào vì bà đã mất khi tôi vừa lọt lòng. Bà nội là người mẹ thứ hai, đầu óc tôi đầy ắp tình thương yêu và kỷ niệm, mẹ là bà. Cô tôi là bà mẹ thứ ba, bà mẹ đã hy sinh cuộc đời son trẻ, nuôi dạy 5 đứa con cháu nên người trong sự thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần.

Bây giờ tuổi hạc đã cao, tóc đã bạc, lưng còng, nghĩ đến ba bà mẹ đã đi qua trong cuộc đời côi cút của mình, lòng tôi chùng hẳn xuống, nước mắt không ngừng chảy trên gò má nhăn nheo.

chieclavotinh
04-08-2018, 03:36 AM
Mẹ, Một Cõi Trời Riêng

Chuyện bà mẹ trẻ ở New Zealand, cô Danni Bett, không chịu uống thuốc giảm đau sau tai nạn xe hơi vào hạ tuần Tháng Năm vừa qua hầu để dành sữa cho đứa con gái hai tháng tuổi của mình bú đã dấy lên một hình ảnh đẹp về người mẹ ở xứ này. Cái thiên chức vể bản năng làm mẹ mà người ta gọi nôm na là “motherly instincts” của cô đã được báo giới Daily Mail Australia hết lòng ca ngợi.

Không lâu sau đó tại một khu vui chơi ở Disney World, Orlando, hôm 14 tháng 06, bé trai Lane Graves, hai tuổi đã bị cá sấu lôi đi khi em lội xuống chơi ở vùng nước gần bờ của một cái hồ nhân tạo. Tuy cha em đã nhanh chóng lao theo rồi cả mẹ em cũng nhảy xuống để cứu nhưng em cũng bị kéo đi mất tích đến hai ngày sau mới tìm thấy xác. Câu chuyện thương tâm này khiến mọi người bàng hoàng đau xót và các bậc cha mẹ khắp nơi đã chia xẻ nỗi mất mát với cặp vợ chồng nọ về đứa con xấu số của họ.

Rồi ngày 17 tháng 06 tại phía tây bắc của thành phố Aspen thuộc hạt Pitkin bang Colorado, một bà mẹ Mỹ; tay không đã từ trong nhà bếp lao ra vật lộn với con báo núi để giành lại đứa con trai năm tuổi của mình vào một buổi chiều chạng vạng khi nó đang chơi trong sân nhà làm sửng sốt mọi người. Bà mẹ này bị thương ở tay và chân còn em bé bị thương khá nặng ở mặt, đầu và cổ tuy nhiên nhờ sự can đảm mà bà đã cứu được con mình.

Và mới đây nhất, vụ phục kích nổ súng bắn chết năm cảnh sát ở Dallas bang Texas trong đoàn biểu tình tối ngày 7 tháng 7. Bà Shetania Taylor; mẹ của bốn đứa con đã lấy thân mình che chở, hứng đạn cho con đang ở tuổi thiếu niên. Bà bị thương ở đùi và đã được đưa ngay vào bệnh viện chữa trị.

Đọc qua những việc hy sinh cho con đáng kính phục kể trên của các đấng sinh thành khiến tâm trí tôi luôn nghĩ ngợi đến các bà mẹ Việt Nam trong thời chiến và sau này khi chiến tranh đã chấm dứt.

Ngày đó vì kỹ thuật thông tin còn lạc hậu và nghèo nàn cộng thêm với sự bưng bít của chính quyền hoặc vì sự việc xảy ra ở chốn hẻo lánh hoang vu nên ít được ai biết đến chứ thật sự ra thì sự quên mình vì con của những bà mẹ Việt Nam cũng vô cùng to lớn. Đôi khi sự hy sinh ấy của họ tuy không nổi bật nhưng kéo dài suốt cả cuộc đời trong âm thầm mà bây giờ nhìn lại chúng ta cũng thấy đó là các tấm gương cao cả.

Việc các bà mẹ một đời sống chết cho con khiến tôi liên tưởng đến chị Thu. Hình ảnh hai mẹ con cùng chuyến vượt biên với tôi. Bao năm tháng qua, mỗi khi nhớ về chị, lòng tôi vẫn bùi ngùi cảm xúc.

*

…Tôi leo lên miệng hầm sửa lại cái nắp mà hồi trưa thằng Chín lúc phát cơm đã đậy lại không kín khiến cho bây giờ nước mưa đang nhểu vào, tiện thể cũng đảo mắt ngó xung quanh một vòng.

Chẳng thấy gì cả ngoài bầu trời xám đùn đục trong màn nước mưa. Biển động nhẹ, những con sóng khá to liên tiêp vỗ vào nhau rồi tan biến. Mắt tôi chợt dừng lại nơi một người đàn bà đang ướt sũng, tóc lòa xòa xuống trán, mặt bê bết nước, ngồi sát miệng hầm, lưng tựa vào ca-bin đang giấu đứa con gái nhỏ trong lòng.

Tôi vội leo xuống, lục túi xách lấy cái áo mưa “người dơi” bằng nylon của mình rồi trèo lên lại đưa cho bà. Bà ta mừng rỡ chụp lấy, ngước nhìn tôi lí nhí cám ơn. Đó là buổi chiều thứ ba trong hải trình vượt biển năm 1989 tìm tự do của tôi.

Đi thêm ba ngày nữa, tàu chúng tôi tắp đảo El Nido, Philippines. Một hòn đảo lớn, đẹp và yên tịnh. Một chuyến đi bình an ngoài mong đợi! Khi chúng tôi được chuyển vào trong đất liền, dân Phi đã ra tận bãi biển, đứng dọc hai bên vệ đường reo hò, hoan hô, chào đón như các anh hùng trở về trong vinh quang chiến thắng!

Thế là sau sáu ngày đêm lênh đênh, đói ăn thiếu uống, lúc này mọi người đều mệt lả, bước thấp bước cao, đi liêu xiêu như người say rượu, mặt đất thì chao qua chao lại dường như sắp đổ. Mấy cô gái mặt xanh lè, tái ngắt, không đi nổi té lên té xuống phải có người dìu hai bên. Họ lê lết, chân cày trên cát làm thành những vệt dài.

Trong khi ấy, một anh chàng Phi mang cây Saxophone ra trình diễn như để chúc mừng chúng tôi đã đến được “bến bờ tự do!” Nhìn anh ta để hết cả tâm hồn, đứng thổi bài “Careless Whisper” đang rất thịnh hành lúc bấy giờ một cách tuyệt vời và các người khác thì nhún nhảy, say sưa hát theo tiếng kèn đầy hào hứng tôi mới cảm nhận được cuộc sống của họ sao hiền hòa, chân chất quá. Trông họ vui vẻ, hoà mình với niềm hạnh phúc vô biên mà chúng tôi vừa tìm được làm tôi cảm thấy tâm hồn mình ấm lại rồi bỗng chợt nhớ nhà và ước ao không biết đến bao giờ thì người dân Việt Nam mình mới có lại được cuộc sống thanh bình như thế?

Thị trấn hiền hòa, êm ả của El Nido giờ đây bỗng dưng ồn ào náo nhiệt vì đám người tị nạn đông đúc. Ngày cũng như đêm, người ta đi tới đi lui khắp nơi. Kẻ có tiền lo mua áo mua quần, người khác thì tìm cách bán các chiếc nhẫn năm phân hay một chỉ bằng vàng 24 karat cho dân địa phương để lấy tiền đánh điện tín báo tin vui về nhà. Mấy tiệm tạp hoá hết sạch hàng. Hai quán ăn thì lúc nào cũng đầy dân tị nạn vào ăn hay uống cà-phê. Sự yêu đời và sức sống hừng hực của đám thuyền nhân vừa chết đi sống lại làm không khí trên đảo sôi động hẳn lên.

Ghe của chúng tôi dài tới mười chín thước, khoảng ngang rộng nhất cũng hơn ba thước, chở hai trăm bốn mươi sáu người. Trong lịch sử các ghe vượt biên tới Phi chưa có ghe nào to như ghe này nên chính quyền địa phương phải dùng một ngôi trường tiểu học cho chúng tôi tạm trú.

Suốt tuần lễ ở đây chờ Cao Uỷ Tị Nạn đến đón về trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp,) tôi có cơ hội đi loanh quanh, ngắm cảnh, tìm hiểu dân tình trên đảo.

Theo Wikipedia thì vào năm 1521 Ferdinand Magellan; nhà hàng hải Bồ Đào Nha nhưng lại làm việc cho Tây Ban Nha đến Phi mở ra kỷ nguyên thuộc địa hóa quần đảo này. Vì tới năm 1543, Ruy López de Villalobos, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha đã đến đây thám hiểm và đặt tên cho nó là Las Islas Filipinas để vinh danh Quốc Vương Felipe II. Phi chính thức trờ thành thuộc địa của họ.

Khác hẳn với người Phi thuần chủng, phải công nhận là các chàng trai cô gái lai Âu Á đẹp tuyệt vời. Họ có làn da trắng, cặp mắt to với đôi hàng mi cong vút như hàng dừa dọc bờ biển mà mỗi khi đôi mắt họ chớp chớp thì đôi lông mi này rung động như hàng dừa lung lay trong gió khiến cho đám thanh niên tụi tôi nhìn hoài không chán!

Một hôm tôi tình cờ gặp lại hai mẹ con bà bị mắc mưa bữa nọ. Bấy giờ tôi mới biết bà không già lắm, chỉ hơn tôi ba tuổi và tên là Thu còn đứa con gái nhỏ tên Na độ chừng khoảng bốn hay năm tuổi gì đó thôi nên tôi đổi cách xưng hô gọi bà là chị. Chị Thu trả lại tôi chiếc áo mưa và luôn miệng cám ơn nói “nếu không có nó thì chị không biết mẹ con chị có chịu nổi những cơn mưa và cái lạnh thấu xương của gió biển để đến được đất liền hay không vì đồ đạc của hai mẹ con chị đã bị rơi xuống biển lúc lên cá lớn* hết rồí!”

Chúng tôi quen nhau từ đấy!

Một buổi chiều tôi và mẹ con chị Thu tản bộ ngoài bãi biển, trong lúc ngồi chơi chị vô tình kể lại là đêm hôm lên ghe lớn mẹ con chị súyt tí nữa đã chết nếu không nhờ ai đó cứu giúp làm tôi nhớ tới cái hôm ra khơi đầy hổn loạn này.

Bữa đó, xe đò chạy từ Saigon ra tuốt Nha Trang-Đà Nẳng rồi loanh quanh cả ngày lẫn đêm cho đến tận khuya thì dừng lại ở một nơi thanh vắng tới hơn nửa đêm. Sau đấy, một nhóm người lên xe và bắt đầu kiểm vé bằng mật mã của từng hành khách rồi đưa chúng tôi đi bộ thật sâu vào trong qua các bãi cát trắng với những bụi cây nhỏ lưa thưa.

Bằng kinh nghiệm vượt biên nhiều lần tôi bắt đầu sợ và tự hỏi đã quá nửa khuya rồi mà còn lang thang trên bờ thì đường vô “đồn công an” dễ như chơi nên tôi nghĩ là chuyến đi này chắc lại sẽ bị gạt nữa, vì thế tôi quyết đinh quay trở lại tìm lối ra trong khi đoàn người vẫn ào ạt tiến vào trong.

- Ê, đi đâu đấy? Đứng lại!

Tiếng ai đó quát nhỏ nhưng mạnh bạo trong đêm dưới ánh trăng mờ làm tôi giật mình. Một bóng người đi tới nắm vai tôi lôi ngược vào trong cho đến khi bãi biển hiện ra trước mắt với một con tàu đen đậu lù lù ngoài khơi xa. Người đó xô tôi xuống nước và ra lệnh:

- Lên ghe đi!

Anh ta đi rồi mà tôi vẫn còn đứng đó nhìn cả trăm người đang tranh nhau lội ra ghe lớn. Số khác thì còn bơi lóp ngóp trong bờ. Tôi hoang mang bước lần ra cho đến khi nước ngập lên ngang ngực thì đứng dừng lại trên một cục đá. Tôi lội không giỏi nên sợ không dám ra xa. Tôi nghĩ giờ này mới lên ghe thì bao giờ ra khơi và tới khi trời sáng chắc vẫn còn trong hải phận Việt Nam và kiểu này “lớ chớ” lại bị bắt nữa chứ chẳng phải chơi!

Đang còn tính toán tới lui tôi chợt thấy cách tôi một sãi tay có một phụ nữ đang lặn hụp, trồi lên sụt xuống trên mặt nước với một đứa bé trên tay như sắp chết đuối và theo phản xạ tự nhiên tôi vói tay ra chụp lấy chị kéo giật về phía mình. Nhờ cái giật thật mạnh vào trong ấy chân chị mới chạm được vào cục đá bên dưới và chị loạng chọang vài giây mới lấy thăng bằng đứng lên được. Rồi chị lại tiếp tục nhìn ra khơi, người bồn chồn như muốn đi ra nữa. Giữa cảnh rối răm ấy tôi cũng lo lắng cho thân mình nên ít phút sau nhìn lại thì không thấy mẹ con chị đâu và rồi tôi cũng quên bẳng đi mất.

Lúc này đây nghe chị kể lại tôi mới biết thì ra mẹ con người phụ nữ trong đêm tối ấy là chị nên buột miệng:

- Thấy chi ngoi ngóp nên em nắm vai chị lôi lên đấy.

Chị tròn mắt ngạc nhiên nhìn tôi một chặp rồi “ồ” lên:

- À thì ra người kéo chị lên đêm đó là em đó hả? Trời ơi nếu không nhờ em kéo chị khi đó thì chị và bé Na chết rồi. Lần này mẹ con chị mang ơn em nhiều quá!

- Ơn nghĩa gì đâu chị. Nhưng…sao chị không biết lội mà gan quá vậy?

- Chị sợ bị “rớt lại.” Chị không muốn để bé Na sống ở Việt Nam. Chị chỉ muốn đi thôi!

Ngó chị một hồi, tôi nghĩ bụng “tội nghiệp, không biết bơi mà cũng cả gan nhào xuống biển và lại còn ẳm con nữa chớ.” Đúng là “điếc không sợ súng!”

- Ủa, rồi làm thế nào chị lên ghe được hay vậy? Tôi thắc mắc.

Chị chắt lưỡi:

- Hay gì mà hay. Thằng Tỉnh nó chèo thúng tới chở hai mẹ con chị đó chứ.

- A, em cũng được nó lấy thúng đưa ra đó.

Vì ngồi trên boong nên chị Thu biết nhiều chuyện hơn tôi. Chị thì thầm cho tôi biết trong ghe này có cộng sản bởi khi ghe sắp tắp vô đảo thì chị nghe có tiếng súng nổ. Sự tiết lộ của chị làm tôi giật mình. Việc này ngày sau về PFAC tôi biết được rõ ràng hơn nhưng lúc này thì tôi nghĩ thầm “hèn nào mà bữa đó đám tổ chức “đổ quân” xuống bãi như đi chợ vậy!”

*

Hơi nóng hừng hực hắt xuống từ mái tôn (tole) cộng thêm thân nhiệt của gần ba trăm con người gồm đủ nam phụ lão ấu tỏa ra trong buổi trưa hè ở trong “barrack” của trại PFAC khiến tôi không chịu nổi. Vì độc thân, đồ đạc chẳng có gì nên tôi chớ hề lo lắng, gìn giữ chi cả do đó tôi thường xuyên ở ngoài sân hơn là trong láng trại. Hôm nay sang ngày thứ tư rồi mà “group” của ghe tôi vẫn chưa được ra ngoài các khu mà trái lại họ còn đưa thêm vào đây bốn mươi mấy người nữa của một ghe khác nên barrack chật cứng.

Trong nhóm này có một ông trung niên người Bắc độ bốn mươi tuổi ngoài, trông còn khá trẻ, dáng người nhanh nhẹn, tên là Trần Phi, nghe đâu ngày trước là cựu thông dịch viên của quân đội Việt Nam Cộng Hòa gì đó thế nên ông có vẻ am tường nhiều thứ chuyện xưa và nay. Sau này ông làm Chủ Tịch Nhiệm Kỳ thứ 29 của trại rồi Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt ở Thuỵ Sĩ khi đến đây định cư.

Khoảng chừng ba giờ chiều một hôm, tôi đứng trong góc sân nghe ông Trần Phi đang ngồi chòm hổm đấu láo với một số người và xa xa tại một góc khác sát vách barrack cũng có một ông gốc người Bắc, đi cùng ghe với tôi, tuổi tác trạc ông Trần Phi, ở trần, mặc quần xà lõn trắng, ngồi im lặng, lắng nghe thì bất ngờ có vài ba thanh niên từ ngoài leo qua hàng rào lưới B40 của barrack nhảy vào trong và phóng tới nắm đầu người trung niên này lên gối khiến ông bật ngửa.

- Đ.m. đánh chết mẹ nó đi. Thằng này là cộng sản nè bà con. Nó là Lê Hồng Thắng, thượng úy, phó phòng chấp pháp của trại giam ở 84 Trần Phú, Nha Trang đó bà con.

Nói xong, họ còn nhào theo đấm đá ông túi bụi làm náo loạn cả sân. Mọi người lật đật đứng lên, ngưòi trung niên này sau đó lồm cồm đứng dậy chạy vào trong lúc ấy thì cô vợ trẻ đang mang bầu của ông lại chạy ra, la khóc ầm ỉ khi thấy ông bị đánh khiến cho cảnh tượng thêm hỗn độn.

Vài phút sau thì thuyền nhân ở mấy khu gần đó rần rần kéo tới vì trại PFAC đa số gồm người dân ở Nha Trang, Tuy Hoà, Phú Yên…mà rất nhiều trong số này hay thân nhân của họ từng vượt biên bị bắt và là nạn nhân của ông Thắng. Và cuối cùng Ông Cao Ủy Trưởng Jan Top Christensen hấp tấp có mặt với hai ba người An Ninh Việt Nam. Ông vào barrack, giận dữ chỉ trích hành động trả thù vừa xảy ra và tuyên bố:

- Theo công ước quốc tế thì quyền tị nạn không của riêng ai và thậm chí người cộng sản còn có lý do chính đáng hơn khi đi tị nạn chính chế độ của họ nếu họ chứng minh được họ đang bị ngược đãi hay bị đàn áp vì bất đồng chính kiến.v..v.. Do đó tôi yêu cầu bà con hiểu điều này và chấm dứt các sự trả thù cá nhân. Cao Ủy tị nạn có trách nhiệm giải quyết mọi việc. Bà con hãy an tâm!

Từ đó ông Thắng được Cao Ủy cho người “bảo vệ” thêm tới một thời gian khá dài về sau. Riêng ông thì suốt những năm tháng sống trong trại ông chỉ ở yên trong nhà ít khi xuất hiện chỗ đám đông cho đến khi bị bác quyền tị nạn rồi hồi hương trở lại Việt Nam.

Thời gian này, chiều chiều tôi hay cùng mấy đứa em trong nhà lo khiêng ghế ra Sân Khấu Trung Tâm để giành chỗ coi bộ phim “Anh Hùng Xạ Điêu” do Ban Truyền Thông chiếu cho đồng bào xem giải trí. Ghế coi phim này là các chiếc ghế mà đồng bào ở trại vô rừng chặt lấy những thân cây to cở chừng bằng bắp tay, bắp chân, rồi khiêng về trại đóng lấy. Vì có tới gần cả ngàn người xem nên có những chiếc ghế được đóng thật cao tới hai ba thước và dài chừng năm sáu thước để cho chín hay mười người ngồi thành thử chiều nào khi gần tới giờ thì mọi người trong trại sẳn sàng chờ lúc loa Truyền Thông Văn Hoá vang lên cho phép mang ghế ra sân là mọi người thi nhau mang ghế chạy ra kiếm chỗ.

Đứng từ trên cao nhìn xuống cảnh tượng trông rất ngoạn mục, tựa như đàn kiến ở khắp nơi đang tập trung về tổ. Người sống ở trại khó có thể quên cảnh này. Đây là nét đặc thù của một trong những sinh hoạt văn hoá của thuyền nhân tị nạn ở PFAC lúc đó, một hình ảnh đáng yêu mà người ta mang theo mãi trên đường định cư. Ghế nhỏ, thấp thì để trước ghế cao để sau. Nhiều đêm đang coi tới đoạn hấp dẫn bỗng dưng có tiếng kêu răng rắc phát ra đâu đó thế là nhiều tiếng hoảng hốt la lên và người ta rần rần nhảy xuống thì mọi người biết ngay là có ghế bị gãy vì quá tải.

Và theo lệnh của Ban Quản Đốc trại thì ghế xem xong phải mang về nhà vì có một số người ở xa nên lười biếng thường mang vào để trong công viên gần đó làm cho bộ mặt của trại vốn đã cũ kỹ, lôi thôi thêm dơ dáy, nhếc nhách khiến Ban Quản Đốc lâu lâu lại ra lệnh chủ các chiếc ghế kia phải đem về nếu không sẽ bị Ban An Ninh Việt Nam cho nhân viên phá bỏ!

Một hôm, khi nắng chiều đang tàn dần trên mặt biển thì cũng là lúc anh em tôi chọn chỗ đặt ghế xong xuôi rồi trong khi chờ đợi tôi gặp chi Thu cũng lững thững ẳm bé Na ra. Con bé bây giờ trông khá hẳn lên, mặt mày tươi tỉnh chứ không còn đờ đẫn như hôm ở trên ghe nữa. Trò chuyện một lúc thì chị Thu nhắc lại việc ông Thắng bị đánh hôm nọ. Chị cho biết cái người đánh ông Thắng là bởi vì ngày xưa anh của anh ta vượt biên bị bắt về trại giam tỉnh ở 84 Trần Phú. Tại đây khi bị “lấy cung,” ông Thắng đã đánh đập hành hạ anh này một cách rất dã man làm anh ngất xỉu luôn. Mẹ anh ta khi hay được lo sợ, buồn rầu hóa sanh bệnh mà chết nên người em này rất hận ông Thắng!

À, thì ra là vậy! Tôi gật gù và chợt nhớ ra thắc mắc lâu nay nên ấp úng.

- Còn chuyện nổ súng trên ghe mà chị nói với em hôm trước là sao?

- Nghe nói lúc ghe sắp vô đảo thì có ai đó đưa cho thằng Chín cây súng...K…K… gì đó để liệng súng biển. Nhưng nó còn nghịch, bắn thử hai ba phát trước lúc quăng đi nên mình mới biết đó chứ!

- Súng dài hay ngắn chị?

- Ngắn!

- Chắc là K54 hay K59!

Thế là mọi việc giờ đã rõ. Vì ghe tôi có công an tổ chức “bán bãi” nên mới đông và đi tự nhiên như đi chợ vậy. Do đó chuyện trên ghe có công an đi theo là điều chẳng có gì lạ!

Ai trong group của tôi cũng đều công nhận chị Phấn là một phụ nữ quá lanh lợi. Chị thuộc về típ (type) người quăng vào chỗ nào cũng sống được vì rất tháo vát và nhanh trí.

Nhớ có một lần, tôi ra chợ trước cổng trại để mua một ít rau về nấu canh thì tình cờ gặp chị. Vậy là hai chị em “sáp” lại vừa mua đồ vừa tán dốc. Tới trước sạp chạp phô, chị đưa tay chỉ vào gói đường cát vàng đựng trong cái bịch nylon ốm dài hỏi giá:

- Two pesos for one kilogram!

Anh chàng bán hàng Phi trả lời. Chị thúc cùi chõ vào hông tôi:

- Tao còn có một “peso” mày kêu nó bán tao nửa ký đi.

Tôi ngây người suy nghĩ xem nửa ký nói tiếng Anh làm sao. Thấy tôi đứng im lâu quá chị nhích thẳng vô sạp:

- My friend…

Vùa kêu thằng bán hàng chị vừa đưa tay ra dấu cắt ngang phân nửa bao đường và chìa một đồng peso ra trước mặt nó. Vậy là thằng Phi hiểu ngay, gật đầu lia lịa rồi lục tìm cái bao không, chia bịch đường ra làm hai đoạn bỏ lên cân. Cầm nửa bịch đường vô trại vừa đi chị vừa nói:

- Mẹ…tao thấy mày xách tập đi học tối ngày mà nửa ký nói tiếng Anh làm sao cũng không biết là thế nào?

Tôi phân bua:

- Em mới học lớp Hai mà chị!

Thời tôi mới tới, mấy người PA; là những người đi trước ngày đảo đóng cửa (cut off date) hay đùa “yes, yes, no, no, sáu tháng cũng go!” quả là đúng với trường hợp của chị Phấn bởi chẳng biết sau đó chị khai thế nào mà rồi cuối cùng chị đậu thanh lọc, được quyền tị nạn đi định cư ở đệ tam quốc gia trong khi có ông trung úy, đại úy thậm chí ngay cả cựu trung tá Phạm Nhã cũng còn bị “đá!”

Vu Lan 1990, Chùa Vạn Đức tổ chức thật long trọng. Nếu tôi nhớ không lầm thì năm này có một phái đoàn gồm năm, sáu thầy và phật tử từ Úc sang thăm trại do Thầy Thích Quảng Ba làm trưởng đoàn nên ngay từ cả tuần trước đó chùa đã cho các đoàn sinh trong gia đình Phật Tử Quảng Đức vào rừng tìm củi đem về để chuẩn bị cho việc nấu nướng. Ở chùa thì các anh em trong ban trang trí, văn nghệ, kỹ thuật cũng lo chuẩn bị phần vụ của mình khiến cho không khí lễ hội rộn ràng nhộn nhịp hẳn lên

Đến ngày khai mạc đại hội mọi người tề tựu về chùa đông đủ như tôi đã có dịp trình bày trong bài “Chùa tôi” trước đây, có khác chăng bây giờ là Nhiệm Kỳ thứ 30 do ông cựu đại tá VNCH Trần Phước Dũ làm chủ tịch và Cô Naoko Obi; người Nhật, thay thế Ông Jan Top làm Cao Ủy Trưởng mà thôi!

Sau buổi lễ, quan khách ở lại thọ trai, còn đồng bào thì vào chánh điện lạy Phật hay dạo chơi chụp ảnh kỷ niệm trước sân chùa. Số khác ngồi tụ tập dưới mấy tàng cây sứ hoặc dưới chân tượng Phật Bà Quan Âm tán gẫu, đợi chiều xem trình diễn văn nghệ. Hoà lẫn trong đám đông ấy tôi cũng cố chụp cho mình một tấm hình để gửi về cho ba mẹ ở Việt Nam xem như cách bày tỏ lòng hiếu thảo của đứa con xa xứ!

Hôm đó tôi gặp chị Thu ngồi buồn thiu trên băng ghế cây nơi hồ cá. Xa xa gần cây Bồ Đề, bé Na đang vô tư vui đùa với mấy đứa cùng trang lứa. Tôi đến ngồi cạnh chị chuyện trò được dăm ba câu thì chị bỗng nhiên ngẹn ngào:

- Má chị…chết rồi em!

Tôi hoàn toàn bất ngờ trước hung tin của chị, nên nhất thời lúng túng:

- Bác...bác làm sao mất… vậy chị?

Nghe tôi hỏi, chị lắc đầu. Tiếng chị khóc thút thít, sụt sùi khiến tôi quýnh quáng, không biết an ủi thế nào và cảm thấy sự hiện diện của mình là thừa thải. Bấy giờ tôi mới để ý thấy trên ngực áo chị có một bông hồng trắng nằm lặng lẽ như nỗi buồn chị đang mang. Ngay lúc đó có một vị sư thầy từ hậu điện bước ra. Thấy chi khóc, thầy bước tới chấp tay, cúi đầu:

- Nam Mô A Di Phật! Sao con khóc, thầy…có thể giúp gì cho con được không?

Chị im lặng, đôi vai run run một lúc mới ngước nhìn lên, mặt đẳm lệ:

- Má con…má con…ở Việt Nam mới mất được gần một tháng rồi thầy!

Nói tới đó thì chị chợt khóc oà lên làm con bé Na hốt hoảng chạy lại ôm chầm lấy chị và mọi người đang dạo quanh sân chùa hướng cả ánh mắt về phía chỗ chị đang ngồi làm tôi thêm bối rối.

- A Di Đà Phật! Hồng trần là chốn tạm dung. Có sinh thì có diệt! Con hãy vào đây với thầy.

Đoạn thầy dẫn chị vào phòng khách. Giữa phòng có đặt một chiếc bàn gỗ dài với hai băng ghế hai bên. Ở tấm vách phía trong dùng để ngăn với “work shop” đàng sau có ghi ba chữ thật lớn Cúng Dường Pháp trên cao. Tôi và một số phật tử cũng nối gót bước vào theo.

- Tất cả chúng ta ai cũng biết “thành trụ hoại không” nhưng để thấu cái lẽ và sống cho được an nhiên với cái lý ấy thì không phải dễ! Vì sao? Vì chúng ta là con người chưa tu tập hay đang tu tập nhưng chưa thành đạo. Và vì vô minh nên chúng ta chưa giác ngộ được triết lý của Đức Phật.

Nói xong thầy rót lấy một ly nước đang úp trong một cái khay được bày sẵn trên bàn và bước ra ngạch cửa. Thầy hơi nghiêng người, đổ ly nước xuống đất. Nước loang ra một khoảng rộng:

- Các con ai có thể hốt nước đó đổ vô ly lại giùm thầy được không thì xin mời?

Tất cả yên lặng nhìn vũng nước. Vài phút sau nước thấm vào đất rồi tan biến. Chờ đợi một đổi không thấy ai lên tiếng thầy chỉ tay vào chỗ mặt đất còn ướt nói tiếp:

- Chỗ ướt này chút xíu nữa sẽ khô đi và không còn lại gì. Trả lại đất, cát bụi muôn đời cố hữu. Thế còn nước? nước đã đi đâu?

Đột nhiên giọng thầy vút cao:

- Nước đi vào lòng đất, nước về với nguồn, với mẹ, ra sông ra biển, bốc hơi, gặp lạnh ngưng tụ tạo ra những giọt nước nhỏ. Khi nhiều giọt nước nhỏ này tích tụ ở mây lâu ngày sẽ làm mây dày và nặng lên rồi các giọt nước nhỏ sẽ liên kết thành giọt lớn hơn rơi xuống thành mưa. Đó là sự tuần hoàn của nước trong vũ trụ mà thầy giải thích nôm na cho các con dễ hiểu và đó như là “vòng luân hồi,” giáo lý căn bản của Phật giáo mà Đức Phật đã tìm ra. Thế cho nên chúng ta phải hiểu rằng “sắc tức thị không, không tức thị sắc!” Đời này là cõi tạm, thân này cha mẹ cho ta cũng chỉ là tạm bợ. Vạn pháp vô thường! Tất cả đều là không! Vì vậy phải ăn ở hiền lành ở kiếp này để gặt được quả lành cho kiếp sau. Do vậy các con hãy tu tập. Tu ngay hôm nay, tu ngay bây giờ. Nhưng tu làm sao cho đúng và thành chánh quả đó là vấn đề khác mà thầy sẽ nói sau. Tuy nhiên chúng ta hãy niệm Phật mỗi ngày. Niệm trong lúc rãnh rổi! Niệm bằng tâm thành! Mỗi ngày hãy cố gắng lắng lòng xuống chừng vài ba phút để tâm thật tịnh và hướng vể Phật mà niệm. Tịnh Độ là một pháp diệt khổ não cho chúng sinh mà người đời chúng ta ít để ý đến điều đó. Chúng ta chỉ nghĩ tới Phật khi hoạn nạn. Thật là vô minh! Với chị Thu, thầy mong chị sớm thấu cái lý những gì thầy vừa nói để không còn phiền muộn về sự mất mẹ mà hãy cầu nguyện cho mẹ sớm về cõi Phật và mau được đào thai làm người tốt ở kiếp kế tiếp. Không có ai mà có mẹ sống suốt đời với mình nên làm con chúng ta cố gắng làm tròn hiếu nghĩa khi mẹ còn sống như sáng nay các thầy có giảng. Hôm nay nhân ngày Vu Lan con hãy đưa tên tuổi ngày mất của mẹ con cho thầy để chiều nay thầy sẽ làm cho bà một buổi lễ cầu siêu.

Mọi người cúi đầu, nghĩ ngợi miên man. Riêng tôi, bài thuyết pháp ngày ấy của thầy là một bài học lớn làm tôi ngộ ra cái “không” của cuộc đời để có thể an nhiên sống trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đó của đời tị nạn suốt mười một năm dài.

Cuối năm 1992, sau khi bị bác quyền tị nạn rồi tôi xin vào làm thiện nguyện viên ở cơ quan IOM nhằm để khuây khỏa và trau dồi thêm tiếng Anh. Nhiệm vụ của tôi là phụ trách làm thẻ ID mới cho những ai cần. Do đó ngày ngày tôi thường đưa một số bà con ra tiệm chụp hình ngoài phố để chụp hình làm thẻ rồi lấy “charge invoice” đem về, cuối tháng IOM sẽ thanh toán với tiệm theo hợp đồng.

Trưa một hôm khi tôi từ phố về phòng thì nghe thằng Sinh cho hay là hồi nãy chị Thu có qua kiếm tôi vì hình như là con chị đau thế nào đó cần phải qua bệnh viện bên Wescom nhưng IOM không có xe vì anh tài xế Robert đã lấy xe chở Kerry và Mary đi công việc rồi. Nghe thế tôi sang bệnh xá tìm và được chị Muối, thiện nguyện viên y tế bảo là chị Thu quá sốt ruột con nên đã tự đưa cháu sang đó rồi.

Tôi về lấy xe Suzuki nữ 50 phân khối của phòng chạy sang Wescom. Khi tôi dựng xe trước cổng và vừa bước vào trong thì chị Thu đã khóc nức nở khi thấy tôi. Xa xa trên giường bé Na đã được vô nước biển và nằm nhắm mắt ngủ thiêm thiếp. Thằng Đạt, thiện nguyên viên ở đây cho tôi biết là đang chờ bác sĩ. Chúng tôi bước ra ngoài sân, chi Thu mếu máo:

- Bé Na nó ói mửa, mắt trợn trắng và người co giật liên tục mà họ cứ bảo chờ xe về hoài em. Đợi lâu quá không được chị ẳm nó chạy một mạch từ bển sang đây cho rồi.

- Chuyền nước biển vô rồi chắc cũng OK. Để bác sĩ tới xem sao? Thằng Đạt vừa nói vừa lấy tay đẩy cái mắt kính cận đang trễ xuống mũi lên.

Thấy bé Na tạm ổn tôi cáo từ chị trở về mà lòng suy nghĩ mông lung. Đường từ IOM qua đây cũng cả cây số mà chị ẳm con bé chạy bộ giữ trưa nắng như đổ lửa ấy thì thật là tội. Cứ nghĩ tới hình ảnh đầu tóc rũ rượi, mặt mũi bơ phờ của chị khi nãy tôi thấy xót xa làm sao! Đúng là tình mẹ thương con thì to lớn như trời rộng mênh mông mà không có bút mực hay lời văn nào diễn tả hết được. Chỉ có cố nhạc sĩ Y Vân là người duy nhất cho đến hôm nay đã dùng âm nhạc nói lên được cái “tình mẹ thương con không quản thân gầy dù mưa hay nắng” ấy qua bài Lòng Mẹ bất hủ mà chưa có nhạc phẩm nào thay thế nổi!

Năm tháng trôi qua, không chịu tự nguyện hồi hương, chúng tôi cứ ở lì trong trại dù sau cùng Cao Ủy đã rút đi không còn trợ cấp lương thực, đóng cửa trường học, cắt bỏ trợ cấp y tế và các nhu yếu phẩm cần thiết khác. Nhiều hôm ngồi ngoài bãi biển nhìn thủy triều vẫn lên xuống một cách như vô tình xói mòn niềm tin và hy vọng, tôi mới thấy chị Phấn thật tài!

*

Chuyện người tị nạn cuối mùa ở Phi cuối cùng cũng được đi định cư thế nào thì hôm nay ai cũng biết, không cần phải nhắc lại. Tôi may mắn được vào Mỹ và vài năm sau thì hay tin hai mẹ con chị Thu đi Canada. Mừng thay cho cái đám “tiền hung hậu kiết” đầy lận đận của chúng tôi!

New London Healthcare; một cái “nursing home” ở Atlanta của tiểu bang Georgia mà tôi dự trù đi mất tám tiếng đồng hồ từ nhà tôi nhưng nào ngờ vì đường sá sữa chữa, lại kẹt xe nên vợ chồng tôi và thằng con phải mất thêm hơn hai tiếng nữa mới đến nơi.

Chúng tôi đến đây vào một buổi chiều cuối tuần để thăm một ân nhân. Chị Bi là bạn của mẹ tôi và cũng là người ơn của gia đình tôi. Ngày xưa khi ba mẹ tôi túng thiếu chị là người đã giúp đỡ tài chánh để ba mẹ tôi có đủ tiền cất nhà vì lúc ấy chị là chủ tiệm bán ván ép ở đường Trương Minh Giảng nên rất khá giả. Và khi biến cố Mậu Thân 1968 xảy ra, chị đã cất công đi lùng sục ở tất cả các trại tạm cư chứa đồng bào tị nạn chiến tranh tại Saigon-Gia Định để tìm kiếm gia đình tôi đưa về nhà chị tá túc. Tôi không hiểu tại sao hồi nhỏ mọi người cứ bảo chúng tôi gọi chị bằng chị chứ thật ra thâm tâm tôi vẫn xem chị như mẹ, vì chị không nhỏ hơn má tôi bao nhiêu tuổi!

Như lời con trai chị cho biết, cái nursing home này khá khang trang và sạch sẽ. Khi chúng tôi tới anh ra đón và đưa vào trong. Từ lối đi qua lớp cửa kính tôi trông thấy chi đang ngồi trên chiếc “wheel chair,” với mái tóc đã bạc trắng. Trông chị ốm và yếu hẳn đi tuy vậy chị cười rất vui và nói huyên thuyên lúc chúng tôi bước vào. Tôi mừng khi chị vẫn nhớ và nhận ra tôi. Nhưng anh Mosali con chị lại nói:

- Tại anh nói có vợ chồng em đến nên “bả” làm vậy chứ chút xíu là bả quên liền hà!

Khi vợ tôi bắt chuyện với chị, tôi có cơ hội quan sát khắp phòng và cảm thấy thật là buồn cho đời người già ở nursing home bởi xung quanh chị lúc đó cũng có vài ba người tới thăm người thân ngồi gần đấy. Nhìn mấy ông bà già đờ đẩn, gục đầu trên xe lăn như cây sắp lìa cành tôi cảm thấy một bầu không khí ảm đạm chết chóc phủ trùm.

Vợ tôi chợt khều tôi nói nhỏ:

- Chị ấy mới hỏi em anh là ai kìa?

- Thấy hông anh nói mà, từ ngày bả bị té đến giờ trí nhớ bả yếu lắm.

Chúng tôi ở đó độ chừng một tiếng. Tôi cắt móng tay, móng chân cho chị rồi đưa chị về phòng khi chị muốn đi tiểu. Trong phòng tôi thấy có một bà Mỹ già ở cùng với chị đang nằm lim dim trên giường, người lép xẹp, mỏng dính, tóc lơ thơ chỉ còn vài ba cọng, trông rất yếu ớt. Chị nhìn tôi than thở:

- Ở đây buồn lắm, không có người Việt Nam để nói chuyện. Ăn đồ Mỹ ngán quá, chị thèm nước mắm!

Nghe chị nói tim tôi đau nhói và xót xa quá nhưng nào biết làm sao hơn. Cuối cùng rồi chúng tôi cũng phải từ giã chị và anh Mosali để về khách sạn. Đi khỏi cái không khí ảm đạm, bệnh hoạn ấy tôi thấy người bớt nặng nề, tâm trí nhẹ nhàng hơn.

Đêm hôm ấy trong khách sạn, hình ảnh ốm yếu của chị khiến tôi liên tưởng đến một người phụ nữ khác. Chị Thu! Không biết bây giờ chị ra sao? Có giống vậy không vì chị cũng đang ở “nursing home” bên Alberta, Canada.

Mấy tuần trước đây tôi được điện thoại của Tuấn, thằng em ngày xưa cùng Khu Bảy với chị ở trại tị nạn, hiện đang định cư tại Montréal cho biết năm ngoái chị Thu bị “stroke” và té ngã nhưng may mắn là bị nhẹ nên cũng qua khỏi. Tuy vậy hiện hai chân chị yếu phải ngồi xe lăn, tay trái không giở lên được. Tháng trước có việc qua Calgary, tiện thể nó đến thăm chị luôn. Gặp nó chị khóc hoài vì cô đơn!

Bé Na bây giờ là y tá chỉnh hình (Orthopaedic nursing) của một bệnh viện, có chồng là bác sĩ người bản xứ và được một đứa con gái. Nó hôm nay rất giàu có và luôn bận bịu chuyện nhà chuyện chồng con ít có thời gian viếng thăm chị. Chị bảo mùa thu chị không thích ngồi gần cửa sổ trông ra ngoài vì chị buồn và nhớ Na!

Lúc nói chuyện với Tuấn tôi chưa có ý nghĩ không tốt về bé Na nhưng chiều nay thấy tình cảnh của chị Bi tôi tự hỏi “cả đời chị Thu hy sinh cho nó mà sao giờ đây bé Na chẳng sắp xếp để chị được gần gủi nó khi ốm đau?”

Đúng hay sai? Đó là một vấn đề nan giải của người Việt trên xứ người hôm nay. “Tình mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu**” nhưng lòng con thương mẹ ở Mỹ thì lại chỉ như… là lá mùa thu thôi!

Nói về Mẹ là nói về một chuyện rất xưa cũ nhưng không bao giờ dứt vì tình mẹ thương con không gì đong đầy, lòng mẹ thương con bao la như trời biển. Mẹ là một cõi trời riêng, là một tác phẩm nghệ thuật sống vĩ đại không bao giờ phôi phai mà phận làm con chúng ta hãy cố gắng làm tròn bổn phận bằng tất cả những gì chúng ta có thể để mai này khi mẹ mất đi chúng ta thấy rằng chúng ta đã không lỗi đạo!

Mùa Vu Lan Năm Bính Thân. Miamisburg, ngày 02 tháng 08 năm 2016

Triều Phong-TPN

Chú thích:

*: Cá lớn là tiếng lóng ám chỉ ghe dùng để vượt biên trong thời kỳ người Việt tìm được trốn khỏi chế độ cộng sản.

**: Trích trong bài “Lòng Mẹ” của cố nhạc sĩ Y Vân.

chieclavotinh
05-13-2018, 03:09 AM
Con đặt đâu cha mẹ ngồi đó

Một buổi chiều Chúa Nhật, vợ chồng tôi chở các con đi tham dự buổi đấu bóng rổ chung kết giữa các trường Công Giáo ở Hoa Thịnh Đốn và vùng phụ cận về; vừa bước chân vô cửa đã nghe tiếng chuông điện thoại reo inh ỏi. Vợ tôi nhấc điện thoại, nói chuyện trong giây lát rồi quay sang bảo tôi:

- Anh Dũng muốn nói chuyện với anh. Bà cụ Thanh đang hấp hối ở bệnh viện George Washington.

Tôi vội vàng đến cầm điện thoại:

- Hello anh Dũng. Cụ bị sao vậy anh?

- Bà cụ nhà tôi bị mệt vài tuần nay, đã nhập viện được mấy hôm rồi. Sợ không qua khỏi. Anh chị sắp xếp lên một tý được không? Bà cụ muốn gặp vợ chồng anh. Các em tôi cũng tề tựu đây cả.

- Vâng. Chúng em lên ngay.

Vừa lái xe từ nhà lên Washington, DC tôi vừa tưởng nhớ lại kỷ niệm quen biết bà cụ Thanh từ mấy tháng nay...

Tôi đến phi trường Chicago – Illinois vào một buổi tối mùa đông. Ngoài trời gió thổi vù vù, và tuyết vẫn tiếp tục rơi... Hôm đó chuyến máy bay của tôi đến trễ hơn một tiếng đồng hồ vì bão tuyết. Tôi biết mình đã lỡ chuyến bay chuyển tiếp để trở về Washington D..C. nên chạy vội vàng tìm văn phòng lo thủ tục đổi vé. Khi biết tôi là người Việt Nam vì mang họ Nguyễn, cô nhân viên của hãng Delta đã nhờ tôi làm thông dịch viên để nói chuyện với một bà cụ khoảng 80 tuổi đang ngồi ủ rũ bên quầy bán vé. Bà cụ Thanh cũng bị lỡ chuyến bay về Maryland, nhưng vì không nói được tiếng Anh nên cụ không biết phải làm sao, cứ ngồi lim dim, lặng lẽ đọc kinh lần chuỗi...

Lo xong thủ tục giấy tờ cho hai người, tôi quay sang:

- Để con dẫn cụ đi nhận phòng ngủ rồi kiếm gì ăn tối. Sáng mai mới có máy bay cụ ạ.

- Cám ơn cậu. Cậu gì nhỉ?

- Dạ con tên Huy. Cụ để con xách hành lý cho. Con dẫn cụ lên phòng cụ trước, rồi con tìm phòng con sau. Sắp xếp xong con qua dẫn cụ đi ăn tối.

- Cậu cho tôi ở chung với được không? Tôi không biết tiếng Mỹ, làm sao ở một mình trong nhà trọ được.

Tôi dở khóc dở cười trước đề nghị của bà cụ; nhưng đã nhận lời vì nghĩ tới mẹ tôi. Cụ Thanh làm tôi nhớ mẹ thật nhiều với những lần đưa mẹ đi đây, đi đó thăm anh em bà con lúc mẹ tôi qua Mỹ du lịch... Tôi dẫn bà cụ về phòng trọ. Cũng may trong phòng có sẵn hai chiếc giường đôi. Tôi gọi điện thoại
về nhà báo tin cho vợ con biết hôm sau mới về được vì bị bão tuyết. Sau khi nói chuyện với vợ con xong, tôi quay sang hỏi cụ Thanh:

- Cụ có mang theo số điện thoại của các anh chị không? Con giúp cụ gọi điện thoại về báo tin máy bay bị trễ tới mai, kẻo các anh chị ấy lại lo lắng.

Cụ Thanh mở "ruột tượng", lần mãi mới lấy ra một xấp tiền và mấy tờ giấy cuộn tròn trao cho tôi:

- Cậu Huy coi rồi giúp dùm tôi nhé. Tôi có biết số nào ra số nào đâu.

Tôi mở xấp giấy ra xem, có cả một tờ giấy ghi sẵn bằng tiếng Anh phòng khi gặp trở ngại thì trao cho nhân viên ở phi trường để xin giúp đỡ... Tìm ra tờ giấy đánh máy số điện thoại của nhiều người, tôi hỏi cụ:

- Con nên gọi cho ai bây giờ?

- Nhờ cậu gọi về Texas cho con Lành dùm tôi. Vợ chồng nó thương tôi nhất, chỉ tội nghèo. Đi đâu tôi cũng nói chuyện với nó, rồi nó nói lại với mấy đứa khác, nhất là với vợchồng thằng Dũng ở Thủ Đô vì hôm nay tôi về trên đó.

- Nếu thế con gọi thẳng về Maryland cho anh chị Dũng luôn cũng được.

- Tuỳ cậu.

Tôi để lại lời nhắn trong máy cho anh chị Dũng, và hẹn hôm sau sẽ gọi lại cho biết chuyến bay và giờ giấc bà cụ về tới phi trường BWI (Baltimore Washington Internation Airport) để họ ra đón. Phần tôi sẽ bay về phi trường National Airport nên không đi chung chuyến bay với cụ được. Sau khi tắm rửa, tôi mời cụ đi ăn, nhưng cụ từ chối vì trong xắc tay đã có sẵn vài nắm cơm vắt với muối mè và giò lụa. Thay vì ra ngoài kiếm gì ăn, tôi đã nhận lời ngồi lại ăn cơm nắm, muối mè và giò lụa với bà cụ Thanh...

Tối hôm đó, tôi đã thức trắng đêm nghe bà cụ tâm sự.

“Tôi mới qua Mỹ được gần 2 năm nay thôi cậu Huy à... nhưng tôi cứ phải đi lung tung nhiều chỗ vì con cháu mỗi đứa một nơi, và chúng nó cứ đẩy qua đẩy lại làm tôi chóng cả mặt. Tôi buồn lắm, chỉ muốn về Việt Nam, nhưng không biết phải làm sao. Hơn 70 tuổi đầu tôi mới học được điều này là con cháu sang Mỹ khác xưa nhiều lắm. Trước đây ở Việt Nam, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, còn bây giờ qua Mỹ thì... ngược lại: Con đặt đâu cha mẹ ngồi đó! Cậu nghĩ tôi nói có đúng không?”

Tôi đang nằm mơ mơ màng màng nhớ mẹ, chưa kịp lên tiếng trả lời, bà cụ Thanh lại tiếp tục:

- “Vợ chồng tôi có 5 người con; cứ đứa trai rồi đứa gái cách nhau 3 tuổi. Nhờ trời thương, gia đình làm ăn cũng khấm khá nên đứa lớn được ông nhà tôi gởi đi du học bên Mỹ từ năm 70, rồi lấy vợ và ở lại luôn bên này. Năm 75, vợ chồng đứa con gái kế đưa thêm được thằng út nhà tôi đi, bây giờ đang ở bên Ca-li. Thằng thứ ba đi lính ngoài Trung, lấy cô vợ người Huế, rồi làm mai cho ông anh vợ lấy con em gái kế nó. Hai thằng đi cải tạo về rồi cũng sang Mỹ theo diện H.O.. và định cư ở Texas. Vợ chồng tôi có giấy tờ bảo lãnh từ lâu, nhưng ông nhà tôi nhất định không đi; và tôi cũng chẳng ham muốn gì chuyện đi Mỹ, chỉ mong thỉnh thoảng chúng nó đưa các cháu về thăm là mãn nguyện lắm rồi. Nhưng hơn 4 năm trước, Chúa đã gọi ông nhà tôi về với ông bà. Chúng nó cứ thúc ép mãi, nhưng tôi cũng không đi. Ngày giỗ mãn tang ông nhà tôi, vợ chồng thằng lớn về thăm quê hương, và tìm đủ lý lẽ thuyết phục tôi đi Mỹ vì “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” nên tôi đành “nhắm mắt đưa chân”.

Ngày đặt chân đến Mỹ phải nói là ngày hạnh phúc nhất trongđời tôi, cậu Huy ạ. Con cháu dâu rể tề tựu đông đủ hết, cả cô bồ của thằng út Đức cũng bay sang mừng ngày đoàn tụ của gia đình tôi. Nếu như chúng nó chỉ khóc chứ đừng nói gì như lúc gặp nhau ở phi trường thì chắc tôi còn vui nhiều nữa.

Đằng này, vừa gặp tôi, thằng Đức đã xì lồ xì lào có một câu ‘hi mom’ rồi lo quấn quýt với con bồ người Mỹ của nó. Tôi thấy chướng mắt quá, chỉ muốn chửi cho nó một trận, nhưng con Hoa đã phân trần cho em: ‘Con xin mẹ đừng giận cậu út... Nó sang Mỹ từ nhỏ, chúng con lại bận rộn công ăn việc làm nên không có thì giờ dạy cho em nó hiểu phong tục tập quán của mình. Mẹ thấy đó, từ cách đi đứng, nói năng, cử chỉ của em Đức đều đúng y chang là một thanh niên người Mỹ, chỉ khác có màu da. Mẹ đừng buồn.’ *

Cậu Huy nghĩ coi làm sao mà tôi không buồn cho được. Tôi thương thằng Đức nhất nhà vì nó là út đã đành, nhưng vì nó phải xa tôi từ lúc mới 6 tuổi đầu. Hơn 20 năm trời mới gặp mẹ mà có cứ lo xà nẹo với con bồ Mỹ trước mặt tôi và các anh chị nó... và nhất là các cháu nhỏ. Coi chướng mắt hết sức!

Tôi thất vọng quá cậu Huy à. Nhưng đó chỉ là bước đầu...

Suốt một tuần liền chúng nó lôi tôi đi chụp hình khắp thủ đô, rồi mạnh đứa nào bay về chỗ đứa đó, giam tôi một mình trong căn nhà rộng thênh thang của thằng Dũng. Vợ chồng nó đi làm suốt ngày. Hai đứa con cũng đi học và ở luôn trong trường, mà nếu bọn nhỏ có ở nhà cũng chẳng nên cơm cháo gì vì chúng nó chỉ nói toàn tiếng Mỹ! Tôi ngồi một mình suốt ngày nhìn ra đường, lúc nào cũng "vắng như chùa bà đanh" nên tôi cứ nghĩ mình đang bị tù cậu Huy ạ. Riết rồi tôi chịu không thấu nên ngã bệnh. Vợ chồng thằng Dũng đưa tôi đi khám bác sĩ, lấy thuốc uống... Rồi không biết vợ chồng nó bàn nhau sao đó, tự động mua vé máy bay đẩy tôi sang Ca-li ở với vợ chồng con Hoa.

Lúc ở bên nhà, tôi cũng nghe nói Ca-li có nhiều người Việt, có khu chợ Việt Nam rất sầm uất, không khác chi Sài Gòn nên tôi cũng mừng trong bụng. Thêm vào đó, tôi cũng muốn được ở gần thằng út để hướng dẫn nó được tý nào hay tý đó. Gần 30 tuổi đầu rồi mà cứ lang thang, không chịu cưới vợ gì cả...

Nhưng vợ chồng con Hoa lại ở đâu miệt phía bắc, nghe nói phải lái xe cả ngày mới tới vùng Quận Cam nên tôi lại buồn hơn vì vợ chồng thằng Dũng đi làm công sở, khoảng 6 giờchiều đã về nhà. Đàng này vợ chồng con Hoa mở cái tiệm gì đó, tối nào cũng nửa đêm mới về.. Con cái thì mạnh đứa nào đứa đó lo, đi học về là chui ngay vào phòng riêng. Tôi muốn vào nói chuyện với các cháu thì tụi nó không cho, lại còn nói tiếng Mỹ với nhau tỏ vẻ nhạo báng bà ngoại cổ hủ, lỗi thời, không tôn trọng "xi xi" gì đó (privacy).

Tôi tủi thân chỉ biết ngồi khóc một mình.. tuần cũng không gặp được thằng út. Mãi sau này tôi mới biết là nó thuê "pạc-măng" (apartment) ở riêng với con bồ Mỹ chứ chẳng cưới xin gì hết. Chúa Nhật cũng không thấy đi lễ đi lạy gì cả. Tôi khổ tâm lắm, bắt con Hoa gọi nó về, chửi cho một trận. Nhưng tôi nói gì mặc tôi, nó cứ ngồi trợn mắt ngó lên trần nhà chứ có hiểu tôi nói gì đâu!

Quá thật vọng với mấy đứa con và các cháu ở Ca-li, tôi nói với cái Lành mua vé máy bay cho tôi về Texas ở với chúng nó và vợ chồng thằng Hiền. Cậu biết đó, chúng nó mới sang sau này theo diện H.O. nên còn nghèo lắm; được cái là hai anh em lấy hai chị em nên chúng nó hòa thuận thương yêu nhau. Hai gia đình chung nhau mua một cái nhà khá lớn vì cả hai đều đông con.

Thằng Hiền và thằng Khanh đi làm cho một hãng cuốn chả giò vì không có nghề nghiệp chuyên môn. Hai con vợ nhận hàng về nhà may tối ngày sáng đêm. Nhà đông người, lại chất đầy vải vóc, kim chỉ... Thôi thì bụi bậm, rác rưởi không thua gì mấy khu vực lao động bên Sài Gòn. Tôi bảo chúng nó là thằng Dũng và con Hoa đều giàu có, sao không kêu anh chị giúp vốn cho mà làm ăn buôn bán cho đỡ vất vả... Tôi nói mặc tôi, chúng nó không đứa nào trả lời trả vốn gì hết.

Tôi chờ tới hôm thằng Dũng và con Hoa gọi điện thoại hỏi thăm mới la cho một trận là tại sao không giúp đỡ các em. Cả hai đứa đều nại đủ lý do phải chi tiêu khoản này khoản nọ, không có khả năng để cưu mang cho ai. Con Hoa lại còn kể công đã nuôi thằng Đức bao nhiêu năm từ ngày thằng út mới đi học lớp một! Tôi mở hết hầu bao, có vài ngàn bạc để dành từ Việt Nam, tôi giao hết cho con Lành, nói nó dùng làm vốn mở tiệm gì đó buôn bán cho đỡ cực hơn làm nghề may khoán. Lúc đó tôi mới biết là số tiền vài ngàn bạc ở Mỹ này chẳng làm được gì hết!

Ở chung với vợ chồng con Lành và thằng Hiền được mấy tháng thì bệnh suyễn của tôi tái phát. Bác sĩ bắt tôi phải đi ở chỗ thoáng mát, tránh bụi bậm ô nhiễm.... Thằng Dũng đã không biết thương em thì chớ, lại chửi chúng nó là không biết lo cho mẹ, tự động mua vé máy bay bắt con Lành đưa tôi trở về.

Tôi ở nhà vợ chồng đứa con trai trưởng mà cứ nghĩ như mình bị đưa đi tù vậy đó, cậu Huy à. Nó giam tôi từ mùa thu cho tới mùa Xuân, cứ ngồi trong cửa sổ nhìn lá vàng rồi lá rụng, tuyết xuống phủ đầy sân rồi tuyết tan... Tôi cứ thui thủi một mình lần chuỗi suốt ngày, ngoại trừ Chúa Nhật nó chở tôi đi lễ ở nhà thờ Mỹ gần nhà. Tới mùa hè, vợ chồng nó bàn nhau đi "cu" đi "cụ" gì đó (cruise) 3 tuần trên biển, nên gọi cho con Hoa nói sẽ gởi tôi về bên đó vài tháng. Tôi quá thất vọng với con cháu bên Mỹ nên cũng chẳng thèm nói năng gì, mặc kệ chúng nó. Tôi lại lạch cạch khăn gói về Ca-li. Mới ở được vài tháng chúng nó lại "tống" cổ tôi về Houston vì "không có thì giờ để hầu mẹ"!

Tôi chỉ muốn chết đi cho xong, nhưng mình là người Công Giáo đâu dám nghĩ chuyện làm bậy. Không biết vợ chồng hai đứa "nghèo" bàn nhau làm sao mà tôi mới về ở được vài tuần, chúng nó nói sẽ đi mướn một một chỗ riêng cho tôi ở để bệnh suyễn của tôi không phát lại vì bụi bậm trong nhà nó. Tôi thương các con, các cháu còn nghèo nên đòi về lại "nhà tù" của thằng Dũng chịu khổ một mình hơn là gây thêm gánh nặng cho mấy đứa nhà nghèo. Cực chẳng đã, chúng nó đã phải mua vé máy bay cho tôi trở về với thằng Dũng giữa mùa đông như thế này. Cũng may mà gặp được cậu...”

Bà cụ Thanh bật khóc nức nở. Tôi không biết phải làm gì nên cứ để cụ khóc một lúc cho nguôi ngoai... Và chợt nhớ tới khu "nhà già của các cụ cao niên ở gần nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nên nhỏ nhẹ nói với cụ:

- Để mai về bên đó con liên lạc với anh Dũng xem có thể sắp xếp gởi cụ tới ở chung với các cụ trong Hội Cao Niên bên giáo xứ chúng con cho vui. Vừa có bạn bè người Việt, vừa có các bạn trẻ tới chở đi lễ nhà thờ Việt Nam...

- Được thế thì còn gì bằng. Mà ở đó có gần nhà cậu Huy không?

- Cũng gần cụ ạ. Và cũng không xa chỗ anh Dũng lắm đâu, tuy là 2 tiểu bang khác nhau nhưng chỉ cách con sông Potomac...

- Thế cậu Huy giúp dùm tôi nhé. Tôi chẳng trông mong gì nơi vợ chồng thằng Dũng cả.

- Vâng. Đàng nào con cũng đã ghi số điện thoại anh Dũng đây rồi, cuối tuần con sẽ nói chuyện và nếu tiện con sẽ chở vợ con sang thăm cụ cho vui; và thỉnh thoảng chúng con xin phép đón cụ sang bên này đi lễ Việt Nam cho biết..

- Giêsu Lạy Chúa tôi. Được thế thì có chết tôi cũng mãn nguyện. Tôi đi nhà thờ Mỹ cứ như vịt nghe sấm chứ có hiểu gì đâu. Tôi nói vợ chồng nó chở đi nhà thờ Việt Nam nhưng chúng nó bảo giờ giấc không thuận tiện nên chưa bao giờ đưa tôi đi cả cậu ơi!

- Cũng gần sáng rồi, cụ nghỉ một lát cho đỡ mệt rồi còn sửa soạn ra phi trường.

- Cậu nghỉ đi, tôi già cả rồi có cần gì ngủ nghỉ. Tôi làm khổ cậu thức suốt đêm. Xin Chúa Mẹ thay tôi báo đáp công ơn cho cậu.

Sau khi trở về Virginia, tôi đã liên lạc với vợ chồng anh Dũng. Anh chị ấy đã mời chúng tôi qua chơi ngay cuối tuần đó để cám ơn tôi giúp đỡ bà cụ hôm bị lỡ máy bay ở phi trường Chicago. Tôi nói sơ qua về việc gởi cụ vào "nhà già" bên Virginia cho có bạn, có bè... nhưng anh đã kịch liệt phản đối vì sợ các em trách là "vợ chồng anh đẩy mẹ vô viện dưỡng lão"! Tôi giải thích mãi là mình chỉ muốn sắp xếp làm sao cho cụ vui lúc tuổi già, nhưng anh chị ấy cũng không nghe theo. Cuối cùng tôi chỉ xin phép đón cụ sang nhà tôi chơi với mấy đứa nhỏ vài lần vào dịp cuối tuần, và chở cụ đi nh thờ Việt Nam. Ôi thôi, cụ mừng như đứa trẻ mới lớn, lần đầu được mẹ cho đi chợ sắm quần áo mới và sách vở đi học lớp vỡ lòng! Lần nào tôi chở về lại nhà anh Dũng cụ cũng rươm rướm nước mắt, nhưng chúng tôi cũng không biết phải làm sao hơn được. Vợ chồng tôi bàn nhau, nếu mùa hè này mẹ tôi qua Mỹ du lịch lần nữa, chúng tôi sẽ xin phép anh Dũng để cho hai bà đi chơi với nhau một thời gian cho cụ đỡ buồn... Nhưng mùa hè chưa tới!

Vợ chồng tôi vừa bước vào khu vực ICU (Intensive Care Unit, khu chăm sóc đặc biệt) ở nhà thương George Washington đã gặp vợ chồng anh Dũng và mấy người nữa đang ngồi nơi hành lang phòng chờ đợi (waiting room). Anh Dũng chạy tới bắt tay tôi:

“Cha tuyên uý đang làm các phép cho bà cụ nhà tôi.. Chắc cũng sắp xong rồi. Tôi sẽ dẫn anh vào ngay cho cụ gởi gắm ít lời. Cụ nhắc anh mãi. Họ chỉ cho vào mỗi lần 2 người thôi. Bác sĩ nói chắc bà cụ nhà tôi không qua khỏi đêm nay. Cụ đang nuối anh đó, anh Huy à. Tôi là con mà không lo được cho cụ như vợ chồng anh..” Nói rồi anh Dũng giới thiệu vợ chồng tôi với gia đình các em của anh. Chúng tôi ngồi chờ mấy phút thì cha tuyên uý đi ra. Ngài nói vài lời an ủi gia đình rồi lại vội vàng đi xức dầu cho một bệnh nhân ở lầu dưới. Anh Dũng kéo tôi đi vào gặp bà cụ... Đôi mắt cụ sáng hẳn lên khi nhìn thấy tôi và anh Dũng bước tới bên giường. Cụ thều thào:

- Dũng con. Mẹ chỉ còn một ước muốn cuối cùng, và mẹ muốn con hứa với mẹ truớc mặt cậu Huy là con sẽ...

- Vâng, con sẽ nghe lời mẹ. Con xin mẹ tha thứ cho chúng đã làm mẹ buồn lòng.

- Mẹ không buồn giận các con. Hai năm nay mẹ đã đi đông, về tây theo sự sắp xếp của các con... Các con đặt đâu mẹ ngồi đó! Nhưng sau khi Chúa cất mẹ về, mẹ xin con một điều... con cho mẹ được về nằm bên cạnh mộ cha con bên Việt Nam... Cậu Huy, tôi mang ơn vợ chồng cậu nhiều lắm.... đã cho tôi được hưởng sự ấm cúng của một gia đình bên Mỹ. Xin Chúa Mẹ trả công cho... gia... đình...

Tôi đang thầm thì kêu Tên Cực Trọng: "Giêsu, Maria, Giuse.... Xin Ba Đấng gìn giữ và đón tiếp linh hồn Anna" thì nghe anh Dũng òa lên khóc nức nở. Tôi nhìn qua thấy bà cụ Thanh miệng vẫn như mỉm cười nhưng hơi thở đã tắt !

Nguyễn Duy-An

chieclavotinh
06-17-2018, 04:16 AM
Bài Thơ Viết Trên Tường Nhà Dưỡng Lão

Con ơi ! Bây giờ mẹ đi chân không vững,
Nhấc không nổi bước
Mẹ xin con nắm tay mẹ dìu mẹ, chậm thôi...
Như năm đó Mẹ dìu con đi những bước đầu ...

Con ơi ! Khi con còn thơ dại,
Mẹ dạy con cầm thìa, dùng đũa ăn cơm
Mẹ dạy con buộc dây giày, chải tóc, lau nước mũi
Những kỷ niệm về những năm tháng mẹ con mình sống bên nhau
Làm mẹ nhớ thương da diết
Vì thế, khi mẹ chóng quên, mẹ chậm lời
Con hãy cho mẹ chút thời gian, xin con chờ mẹ chút
Cho mẹ suy nghĩ thêm
Cho dù cuối cùng ngay cả định nói gì
Mẹ cũng quên...

Con ơi ! Con quên là mẹ con ta đã tập luyện hàng trăm lần
Con mới thuộc khúc đồng dao đầu đời ?
Con nhớ không mỗi ngày mẹ đáp
Những câu ngây ngô, hàng trăm câu con hỏi từ đâu
Nên nếu mẹ lỡ kể lể nhiều lần những câu chuyện móm răng
Ngâm nga những khúc ru con thời con bé
Xin con tha thứ cho mẹ
Xin con cho mẹ chìm trong những hồi ức ấy nhé !
Xin con đáp lời mẹ kể những chuyện vụn vặt trong nhà !

Con ơi ! Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày,
Ăn cơm vãi đầy vạt áo
Chải đầu tay bần bật run
Đừng giục giã mẹ
Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm
Mẹ chỉ cần có con ở bên
Mẹ đủ ấm.

Con ơi ! Bây giờ mẹ đi chân không vững, nhấc không nổi bước
Mẹ xin con nắm tay mẹ
Dìu mẹ, chậm thôi
Như năm đó....
Mẹ dìu con đi những bước đầu đời.

chieclavotinh
07-08-2018, 04:38 AM
Mùa Vu Lan nhớ mẹ
Thanh Thúy

Một mùa Vu Lan nữa lại đến. Như bao mùa Vu Lan khác, tôi thường phải đi hát xa nhà. Năm nay, khi vừa đặt chân xuống phi trường San Jose... tôi bỗng chợt nghe lòng ngậm ngùi nhớ đến mẹ tôi vô cùng. Càng nhớ, tôi biết mãi mãi mình chỉ là con người bất hạnh - vì mẹ đã chẳng bao giờ còn nữa để tôi có dịp săn sóc mẹ, lo lắng cho mẹ để đáp đền phần nào công lao trời biển của bà. Giọt nuớc mắt tôi hôm nay hình như lúc nào cũng muốn trào ra - nhất là khi tôi đứng giữa hội trường cất lên tiếng hát. Giữa những tiếng vỗ tay thương yêu khen ngợi của mọi người, tôi cứ mường tượng mẹ tôi vẫn lắng nhìn và nghe tôi đang hát như ngày nào: “Mẹ ơi! Mẹ có biết hay chăng? Biết gì! Biết là con thương mẹ không!”. Tôi đứng hát... và hình như cảm thấy mình đang khóc. Bất chợt, tôi nhớ lại những lần trình diễn trong các mùa Vu Lan cũ và một vài kỷ niệm từ đâu bỗng chạy về. Năm 1992, tôi phải bận đi hát 1, 2 nơi xa xôi cùng một ngày, nên khi vừa trình diễn xong Dallas, tôi phải ra ngay phi trường để về lại Orange County lập tức. Đến khi người nữ tiếp viên phi hành khen “hoa đẹp quá”, tôi mới sực nhớ trên áo mình còn cài một đóa hồng màu trắng. Mân mê đóa hoa trên tay, nước mắt tôi chợt dâng đầy. Hơn 30 năm rồi, qua bao mùa Vu Lan, tôi vẫn chỉ nhận được một đóa hoa màu trắng. Những tưởng 30 năm dài có thể xoa dịu nỗi thương đau mất mẹ, nhưng không hiếu sao mỗi khi mùa Vu Lan về, tôi lại càng thấm thìa nỗi cô đơn của một người con lớn lên trong đời mà không có mẹ dắt dìu.

Mẹ tôi đó - một nguời đàn bà cả một đời tận tụy lo cho các con khôn lớn - để rồi cuối cùng bỏ lại tất cả ra đi - khi các con đã bắt đầu nên danh phận. Hôm nay - nhìn một quãng đời trôi qua - nhìn lại những gì gặt hái được trong đời sống, tôi biết đó là nhờ công lao trời biển của mẹ. Và cũng chính bằng tình yêu mẹ và con, kèm theo những ơn phước của Trời ban, tôi hôm nay mới có đuợc những gì hạnh phúc an bình nhất.

Năm 1959, mẹ tôi lâm bịnh nặng. Tiền thuốc thang, tiền nhà thương... thật khó khăn, nan giải vô cùng cho hoàn cảnh chúng tôi lúc bấy giờ. Và đó cũng chính là động cơ - để tôi bắt đầu bước chân vào nghề ca sĩ - mục đích chỉ để sao cho kiếm được tiền về lo thuốc thang cho mẹ. Và đó có lẽ là động lực mạnh mẽ nhất để đẩy một đứa trẻ nhút nhát như tôi lại “dám” lên sân khấu, đứng dưới ánh đèn, trước mặt quá đông khán giả. Mẹ tôi đã vì chúng tôi mà cơ cực, thì có sá gì những lần run rẩy khi được “đẩy” ra sân khấu. Tôi cố gắng dẹp sợ hãi qua một bên, để chỉ nghĩ đến hình ảnh và nụ cười của bà, và cất tiếng hát.

Tôi đi hát chỉ một thời gian ngắn, vừa bắt đầu có tên tuổi là mẹ tôi đã qua đời. Tuy nhiên, bà cũng đã nghe được tôi hát, đã rực rỡ hẳn gương mặt - đã ôm máy radio vào lòng - đã lim dim thưởng thức tiếng ca của tôi, tuy lúc bấy giờ hãy còn non kém. Tôi làm sao quên đuợc cảnh tượng này, khi bà sung sướng và hãnh diện nghe người ta giới thiệu tên tôi. Và cũng không có gì sung sướng và hãnh diện cho bằng có một nguời ái mộ là người mình yêu quý nhất trên đời.

Mỗi mùa Vu Lan về, tôi đi hát để mong mọi người nhớ đến mẹ - để thương yêu - để lo lắng và để săn sóc cho mẹ lúc mẹ còn sống, và tiếc thương nếu mẹ đã qua đời.

Sống đời lưu vong, có nhiều người còn kẹt lại mẹ già nơi quê nhà xa xôi, nên dù được cài hoa hồng đỏ trên áo, tâm trạng họ cũng không hơn gì những người cài hoa hồng trắng. Tôi nghĩ rằng - họ - cũng nghe cay đắng tìm về trong hồn, cũng nghe nước mắt dâng đầy mi mỗi khi mùa Vu Lan lại đến.

Tiếng động cơ nổ mạnh đem tôi về thực tại. Lau vội mấy hàng nước mắt chạy dài trên má, tôi chợt rùng mình. Chợt nhớ đến mấy câu thơ một lần tôi đã được đọc, và đã đuợc thấm thía nỗi nhớ mẹ cùng với tác giả, chỉ khác là tác giả có thể một ngày tìm về mẹ, còn tôi muôn đời chỉ được đến với bà trong những cơn mơ mà thôi.

Mẹ ơi nay áo con đã rách
Con biết bao lâu trở lại nhà
Để mẹ vá dùm, con thấy lạnh
Gió lùa nỗi nhớ thấm vào da...

Còn cái lạnh nào bằng cái lạnh của nỗi nhớ. Càng sống nhiều chừng nào, lại càng nhớ mẹ, hiểu được thế nào là niềm đau mất mẹ.

chieclavotinh
08-19-2018, 04:18 AM
HIẾU THẢO
BBH

Cậu là một kỹ sư. Cô là một dược sĩ. Bề ngoài, trông họ rất đẹp đôi. Bề trong, họ tâm đầu ý hợp, yêu nhau tha thiết. Họ hẹn hò trong ba năm rồi quyết định lấy nhau. Bàn đến hôn nhân, cậu cảm thấy phải cặn kẽ để tránh mọi phiền lòng về sau cho cả hai. Cậu nhắc cô nhớ cậu còn cha già đau yếu, cần bàn tay cậu trực tiếp chăm sóc. Nếu nhận lời về làm vợ cậu, cô được mời chung sống với cha con cậu dưới cùng một mái nhà.

Đến đây, cô ngần ngừ, băn khoăn, hình dung ra cảnh gia đình có một cụ già không còn khỏe mạnh, bèo nhèo, lúc nào cũng cần con cái giúp đỡ chứ không phải cái tổ ấm nên thơ của một đôi tân hôn. Chao ôi! Chắc là phiền nhiễu không ít. Nặng nhọc không ít. Tự do và thời giờ sẽ bị giới hạn. Rồi làm sao mà đi du lịch? Làm sao mà đi dự party với bạn bè lúc khuya muộn? Căn nhà của họ đâu phải là nursing home? Chả lẽ lấy chồng rồi, cô lại phải làm công việc của người y tá mà cô không bao giờ thích cả nếu không nói là cô thấy ghê ghê... Đắn đo với mình mãi, cô trả lời cậu:

“Em nghĩ đâu nhất thiết bố phải sống với vợ chồng mình? Còn nhiều giải pháp khác mà anh!”

Đây là chỗ bất đồng sâu xa giữa cô và cậu vì đối với cậu, thực sự không còn giải pháp nào khác. Và như thế, họ chia tay. Cậu rất đau vì cậu biết cậu yêu cô. Cô tuy có buồn nhưng ít đau vì cô giận, cho rằng trong lòng cậu, chọn lựa cao nhất không giành cho cô. Cùng lắm, cô chỉ chiếm vị trí số 2.

Từ đó, cậu không quen một người bạn gái nào khác nữa. Cậu đi làm về, săn sóc đấng sinh thành, từ cái khăn rửa mặt đến cái ly uống nước, lấy thế làm vui. Tuần vừa qua, cụ ông bệnh, phải vào nhà thương cấp cứu. Cậu nghỉ một tuần phép, kề cận ngày đêm bên bố, không muốn ông cụ bị sợ hãi giữa những người xa lạ. Hết phép, cậu cắt đặt các anh chị em thay phiên nhau vào trông nom bố. Thêm một tuần nữa, các anh chị có người mỏi mệt, hỏi cậu: “Bố ngủ suốt ngày, có biết gì đâu, ngồi ở đây cũng như không thôi!” Cậu trả lời:

“Bố nhắm mắt, chưa chắc đã ngủ. Không có con cái bên cạnh, bố sẽ buồn và sợ. Ai cũng mỏi mệt thì phải chung nhau tiền và thuê người vào trông bố.”

Cậu tìm thuê một người, mỗi đêm thức, ngủ bên cạnh cụ. Ban ngày, các anh chị em vẫn thay phiên nhau vào trông nom bố.

Cụ nằm bệnh viện 4 tuần rồi được bác sĩ cho về nhà. Từ 3 hôm trước, cậu thân hành và kêu gọi anh chị em phụ dọn dẹp trong ngoài phòng nằm của cụ, thay giặt chăn gối sạch sẽ để đón cụ về.

Bạn bè, bà con, ai biết chuyện, có trách móc hay chê bai cô, cậu chỉ nhũn nhặn trả lời:

“Thánh giá của tôi nặng lắm, cô ấy không kham được cũng nên thông cảm.” Thúc dục cậu tìm đối tượng khác, cậu chỉ cười nhẹ, đáp lại:

“Mỗi lúc một việc, bây giờ hãy lo cho cụ đã.”

Không ai đoán được sự bình thản nhìn thấy rõ ở cậu có ngụ ý mong chờ một ngày nào đó, phép lạ của Tình Yêu đôi lứa khiến cô sẽ hiểu một thứ Tình Yêu khác và cũng sẵn lòng chấp nhận như cậu, hay không?

chieclavotinh
09-09-2018, 01:48 AM
Who Will Care for the Caregivers?
https://www.nytimes.com/2017/01/19/upshot/who-will-care-for-the-caregivers.html

Caregiver sacrifices rest for parents
Mary Beth Faller

Marcella Soloway averages about five hours of sleep a night, and even that weighs heavily on her.

“I go to bed with a prayer that when I wake up, they’ll still be breathing,” she says of her parents, whom she cares for in her Gilbert home.

Soloway, like many caregivers, sacrifices sleep. In a Gallup poll released in October, 47 percent of people who care for a chronically ill person reported that their duties interfered with their sleep.

Several factors combine to rob Soloway of a restful night. She works full time as a corporate travel consultant, and she must get up at 5:30 a.m. to prepare meals to leave for her parents, Jerome, 83, who has congestive heart failure, and Bina, 73, who has breast cancer. After work, she shops for food. She unwinds by writing in her journal and goes to bed around midnight.

Often, her parents get up in the night, awakening her.

“I sleep with an intercom and one ear and one eye open,” she says.

If she sleeps through that, often the dog will bark.

“Then the cat meows. It’s like a cartoon,” Soloway says. “When I hear them, when they need something, no matter how tired I am, I get up.”

Says Suzanne Hyde, a medical social worker at the Virginia G. Piper Cancer Center at Scottsdale Healthcare Shea, “It’s a serious problem with serious consequences. We can’t prevent sleep disturbances in our patients, and they sometimes have to wake up.

“But it goes back to the message of self-care, says Hyde, who counsels caregivers that they must take care of themselves properly so they can care for their loved ones.

Lack of sleep promotes crankiness and frustration, which undermines a person’s inclination to take care of herself, Hyde says. It also affects the ability to solve problems, concentrate and prioritize.

“I’m in a constant state of tiredness,” Soloway says. “The doctor told me I can’t drink coffee anymore, but it’s the only vice I have left in my life.”

Every few months, Soloway says, she gets sick for a few days.

“It’s like my body is saying ‘I’ve asked you to slow down,’ she says.

Hyde says that accepting help is the best way to improve sleep for caregivers, although this is difficult for many.

Maybe they can have an overnight caregiver come into the home and look forward to one or two nights of rest. Different home health agencies provide overnight care,” Hyde says.

Also, family members can take overnight shifts to relieve the caregiver.

Soloway has put her life on hold while she cares for her parents, but she says she is happy to do it.

“I told myself when this is over I’m going to get a face lift,” she says. “I have dark circles, but there are a lot of smile lines too, which is nice.”

chieclavotinh
10-07-2018, 02:52 AM
Hương Đêm
PHƯƠNG TRIỀU

Mẹ già lặn lội bờ ao
Kiếm được đồng nào để lại cho con
Mẹ già còm cỏi hao mòn
Một đồng cũng nhịn cho con đủ đầy!

Buổi chiều cuối tuần, anh tôi ghé đón tôi về nhà anh để sáng sớm cùng lên phi trường đi Kansas dự đám cưới. Nhà tôi ỏ St. Paul, trên một con đường lúc nào cũng ồn ào, chợ búa. Nhà anh chị tôi ở Burnsville, Minnesota, trong một khu vực hết sức tĩnh lặng Tôi vốn yêu quí cái không khí yên bình, lặng lẽ của khoảng không gian này nên thỉnh thoảng về đây để phần nào tìm lại cái cảm giác êm đềm thơ ấu của một góc trời quê hương.

Chị tôi có giờ overtime nhưng chị cũng về kịp lúc, tươi cười:

- Hôm nay chị sẽ cho hai anh em thưởng thức chút hương vị Việt Nam.

Hai anh em vừa dọn ly chén ra thì chị cũng vùa bưng lên món nhắm hấp dẫn. Cái tài của người phụ nữ Việt Nam là thế. Ba mươi giây là xong ngay.

Các đấng phu quân quê tôi, tự cổ chí kim thường có một cố tật giống nhau. Nhậu bất kể giờ giấc, bất kể thời tiết và... trên mọi địa hình. Vui quá: nhậu! Buồn quá: nhậu! Không có chuyện gì làm: cũng nhậu! Có tiền thì gỏi gà, cá hấp, cua rang muối... Không tiền thì mắt me, xị rượu cũng đủ làm nên cuộc ngữa nghiêng! Diễn tả cái cảnh khề khà, ly đưa ly đón thì tôi nghĩ không có động từ nào đúng hơn động từ Nhậu. Ông chồng đôi khi chỉ cần nói vắn tắt vài tiếng: “Nhậu nghe mình!”, rồi thì bất biết bà vợ xoay sở ra sao. Vậy mà vẫn tuơm tất, đàng hoàng.

Cái câu “phu xướng phụ tùy” hiểu bằng nghĩa hẹp trong truờng hợp này cũng đủ diễn tả cái tài và cái đức hy sinh của phụ nữ con cháu của bà Âu Cơ. Trong khi cuộc nhậu diễn ra thì bà vợ vẫn thường giữ một vẻ mặt niềm nỡ tươi cười để chồng thêm phần hứng khởi và nhất là hãnh diện với khách tri âm, mặc dù trong lòng bà đôi khi bấn lên vì những món nợ tháng, nợ ngày.

Ở phần đời này của người phụ nữ Việt Nam, tôi không nói đến chức năng làm mẹ của các bà. Công đức người mẹ thì người phụ nữ Việt Nam còn vĩ đại và tuyệt vời gấp vạn lần.

Hai anh em vừa uống bia vừa nhấm nháp món chả và nem nướng, không thiếu chút gì của hương vị quê hương. Ôi, lão bà này thật lắm tài. Chỉ thấy bà thấp thoáng trong bếp, vẫy tay quơ cái đũa thần thì nhà hàng đã... “Có ngay, thưa quí khách!”

Hai anh em, mỗi người một cặp song kiếm, chiến đấu không ngừng. Thoáng cái là đĩa mồi đã hết sạch. Chị tôi tươi cười;

- Hai anh em có vừa miệng không? Nè, chú em, nịnh chị một tiếng, chị cho đĩa nữa.

Tôi cũng cười:

- Khỏi nịnh! Quân ta đã càn quét không còn một địch quân nào trên chiến trường chưa đủ rõ tài ba của bà chị sao? Nè, bà chủ, cho một đĩa nữa đi. Chậm quá, hai anh em tui đi... nhà hàng khác!

Anh tôi cười ha hả. Tôi hơi giật mình. Người anh họ này của tôi ít khi nào cười lớn tiếng, ngay cả trong gia đình. Tiếng cười đó làm mắt chị sáng lên. Thế là chị lại lao vào bếp. Thì ra hạnh phúc nhiều khi thật đơn giản.

“Một mái nhà tranh, hai quả tim vàng”, đôi khi là sáo ngữ, nhưng dù sao câu đó phần nào giúp ta mường tượng được cái bình thường mà quí báu của một hạnh phúc có thật được nuôi dưỡng bằng chất liệu tình yêu. Không bằng mắt mà bằng trái tim, chúng ta có thể dễ dàng thấy nó bàng bạc khắp nơi trong không khí ấm cúng của gia đình.

Anh tôi là một chuyên viên cơ khí, làm việc ở phi trường. Trong ngày đứt phim 30 tháng 4 năm 1975, anh mất liên lạc với gia đình, một mình thoát qua Mỹ. Anh tôi đi trước, như một khinh binh làm nhiêm vụ xich hầu.

Chị tôi và các cháu còn kẹt lại ở Việt Nam. Đến khi nhận được tín hiệu của anh gởi về, chị và các cháu lần lượt tìm đến đoàn tụ với anh qua con đường biển đầy hiểm nguy sinh tử. Giờ thì đã nhất gia đoàn tụ. Các cháu đều đã tốt nghiệp đại học và bốn đứa đã lập gia đình. Anh chị đã trở thành “lão ngoại” và sắp sửa lên ngôi “lão nội”. Thằng con út thì hiện là kỹ sư tập sự.

Nhiều lần anh chị tôi căn dặn các con:

- Nhớ tập cho các cháu nói tiếng Việt và ăn đuợc cái món mắm và rau!

Anh tôi vốn là người nghiêm túc. Dạy con đôi khi cũng có phần khắc khe quá mức. Anh nói:

- Không phải tôi cổ hủ quá đâu, chú! Chỉ mong chúng nó giữ được tư cách con người. Trong cái xã hội có nhiều sắc dân này, mình phải sống thế nào để có thể hãnh diện tự giới thiệu mình là người Việt Nam.

*

Tôi thức giấc lúc ba giờ sáng, ngồi ở vuông phòng cây kiểng của anh tôi, nhấm nháp ly cà phê không đường và hít mấy hơi thuốc lá. Đêm đang chuyển dần về sáng. Chòm cây phong thưa lá, im lìm trong giấc ngủ của đêm dài. Trời khá lạnh, nhưng hương đêm vẫn thoảng những hơi thở nồng nàn.

Thời tiết chưa vào trong Thu mà Minnesota đã bắt đầu rét ngọt. A, hai cái tiếng “rét ngọt” này tôi dùng chắc cũng không chính xác lắm. Mấy tiếng “rét ngọt, rét đậm” tôi nghe được khi còn ở các trại tập trung miền Bắc. Trời dạo đó về mùa Đông, thuờng xuống đến 1-2, thậm chí gần 0 độ C! Người nào cũng đánh bò cạp. Bạn tôi la lên:

- Rét quá đi chứ! Nào có thấy ngọt, đậm gì đâu!

Ở tù bao nhiêu năm, lần lượt di chuyển qua các rừng núi thượng du, trung du và bây giờ ở trên đất Mỹ, tôi cũng chưa đo lường được trời rét khi nào đậm, khi nào ngọt. Chỉ thấy có một điều là hễ rét là rung thôi.

Sinh trưởng ở miền Nam, quanh năm mưa nắng hai mùa, tôi quen hít thở cái không khí đồng bằng và tắm bằng nước mát sông Tiền, sông Hậu. Cái góc trời hiền hòa Sa-đéc chưa bao giờ cho tôi nếm mùi cái rét ngọt, thì biết thế nào gọi là rét đậm! Vậy mà... cái năm đó, tôi mới thật sự biết thế nào là “trời cao đất dày”.

Năm 1976. buổi sáng mùa Đông lạnh buốt xương. Chúng tôi nhồi trộn rơm với đất và nước để trét vách nhà. Động tác phải thật nhanh, cố tình làm cho huyết quản lưu thông, góp phần giúp cơ thể chống lại cái lạnh từ trong xương lạnh ra. Mãi miết với công việc thì cũng quên được phần nào ngoại cảnh. Nhung làm sao quên được cả ngoại cảnh lẫn nội tại trong cùng một lúc. Một trong những cái nhu cầu của cuộc sinh hóa con người. Mắc tiểu. Mắc cầu. Làm sao bây giờ? Không lẽ ị đại trong quần! Đời nào! Người tiền sử cũng chẳng khi nào làm thế, huống hồ là ta, con người sắp bước vào thế kỷ hai mươi mốt vốn là “cây sậy biết suy nghĩ” và văn minh tột bậc.

Thôi thì đành thọc tay xuống dòng suối lạnh như nước đá, kỳ cọ cho sạch bùn đất cái đã.

Ôi trời, cái volume tủ lạnh thiên nhiên này sao mà ghê khiếp! Cũng phải ráng mà qua. Nhưng giai đoạn khốc liệt nhất là chui vào bụi cây, cởi quần đưa cái mông ra ngoài. Thế là mặc cho gió rét thổi vô hồi kỳ trận vào cái mông... đau khổ! Đôi khi nín... thở, tê điếng và quên mất là mình đang làm cái công việc vệ sinh cơ thể!.

Bây giờ ngồi đây, miền Bắc Hoa Kỳ mà khi tôi mới đến, một anh bạn đã nói đùa: “Mình ở miền Bắc Hoa Kỳ tức là mình trở thành dân... Bắc Kỳ”, trong cơn thời tiết chuyển mùa, tôi không khỏi ngậm ngùi thương nhớ một góc trời quê hương thơ ấu.

Ở đó, tôi còn một nguời mẹ già mà trọn đời bà là một chuỗi ngày kết nối bằng những ngóng trông, chờ đợi. Bà đã mất một phần đời son trẻ để chờ đợi cha tôi - người chồng phiêu bạt của bà. Cuộc đời giang hồ lãng tử cùa ông đã khiến ông trải bao ngày tháng trên những con tàu, sân ga, quán trọ nhiều hơn là ở trong mái ấm gia đình. Mỗi lần ông tạt về nhà rồi ra đi thì sau đó, gia đình tôi lại gia tăng dân số. Đến ngày ông mệt mõi, ốm đau dừng bước giang hồ thì mẹ tôi lại có thêm một hướng mong chờ khác: những đứa con bắt đầu trưởng thành và đi học ở phương xa.

Đến khi đất nước lâm vào cuộc lửa binh thì mẹ tôi lại thêm mờ mắt mong chờ những đứa con chinh chiến. Và, khi tàn cuộc thì bà cũng có những đứa con mang thân tù ly xứ và lần lượt rời bỏ quê hương.

Cả một đời mẹ tôi là thế đó. Bây giờ tôi đã cách xa bà nửa vòng trái đất. Sáng nào tôi cũng nhìn vào gương, thầm đếm xem tóc mình đã có bao nhiêu sợi bạc để tính tuổi đời của mẹ. Khi tận cùng thấm thía được nỗi nhọc nhằn của cả đời mẹ thì mẹ đã đến lúc gần đất xa trời. Rồi tôi lại nhìn xuống đàn con, buổi sáng lao xao đi học, đi làm thì một phần nào hiểu được cái nghĩa của món nợ “đồng lần” trải dài từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Từ bé đến giờ, tôi vốn có thói quen thức dậy cùng giờ với mẹ. Ba giờ sáng. Cha tôi bảo tôi có cùng một nhịp thở với mẹ. Khi sinh ra tôi, bà đã tặng tôi một phần quả tim thao thức của bà.

Mấy năm sau này, các em tôi buôn bán gà vịt. Mẹ tôi thức dậy đúng giờ, ngồi lặng lẽ ở hiên nhà. Các em tôi buộc gà vịt để ở giữa sân. Mẹ tôi ngồi trông chừng cho đến khi các em tôi chất hết lên xe chở đi cho kịp buổi chợ sớm. Cái loại gà vịt thì khi nào bị đụng chạm tới là chúng la oang oác và phóng uế vô tội vạ.

Sáng nào cũng vậy, khi các em tôi đi hết rồi thì trong nhà, từ sau ra trước vãi đầy phân gà vịt. Đây là lúc mẹ tôi làm công việc vệ sinh nhà cửa. Các em tôi muốn luân phiên ở lại dọn dẹp thì bà không bằng lòng:

- Hãy để mẹ làm! Có mệt nhọc gì đâu! Mẹ không quen ăn không ngồi rồi báo con báo cháu.

Thỉnh thoảng mẹ tôi lại thở dài.

- Các con cũng nên kiếm nghề khác làm ăn, chớ cái nghề mua sinh bán tử này không tốt đâu các con!

Bà cụ già lụm cụm quét nhà, quét sân, cọ rửa chuồng gà, chuồng vịt. Và, bà đã hít thở cái không khí đậm đặc ô nhiểm đó ngày này qua ngày khác.

Có lần bà đã té bầm cả bắp chân mà cứ giấu không cho ai biết. Cháu tôi bóp chân cho bà, thấy được, hoảng hốt hỏi bà:

- Nội ơi. Nội bị té hả nội?

Bà khoác tay:

- Bậy nào! Nội bị ma cắn đó con!

Phải. Mẹ tôi bị ma cắn. Con ma đói nghèo, cơ cực đã không buông tha bà trong suốt cuộc đời lao khổ. Bây giờ lận đận ở quê người, dành dụm được chút ít gửi về cho bà, tôi vẫn nghĩ là không thể nào bù đắp nỗi sự thua thiệt của bà. Em tôi gửi thư qua “Tiền anh chị gửi về, mẹ chia hết cho các con, không giữ riêng một đồng nào”.

Bây giờ, giờ giấc ở Tây bán cầu khiến tôi không còn chung một nhịp sống với mẹ. Ở đây tôi thức dậy ba giờ sáng thì bên mẹ ba giờ chiều. Cho nên hàng ngày, cứ đến ba giờ chiều, tôi lại có thói quen nhìn đồng hồ rồi lẩm bẩm:

- Giờ này mẹ thức dậy rồi!...

chieclavotinh
11-18-2018, 02:07 AM
BÔNG HỒNG CÀI ÁO
Nhất Hạnh

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi , héo mòn.

Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: “Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ.”

Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chưa chắc chắn phải đến :

Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời !
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi...

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức :

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Ngon biết bao ! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi ", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận.

Công cha như núi Thái sơn,
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra .

Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi được biết tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương.

Đạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.

Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ ( Mother's Day ) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.

Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!".

Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: "Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!"

Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi ngừơi cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.

Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận.

Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi " làm thế nào " nữa!

Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng: Đời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.

Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng nhẽ chị tôi không đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi.

Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. "Cắt ái từ sở thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng qúi báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.

Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: "Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!". Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết -- tôi không giảng luân lý đạo đức -- rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: "Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương". Để chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.

Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ.

Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.

Triển
11-23-2018, 08:40 AM
https://www.facebook.com/luisleo29/videos/2187090958020847/

(bấm lên)

TL4
11-23-2018, 09:28 AM
Cái này coi được nè Anh Triển. Không quá cường điệu, thật! Duy chỉ cái vụ lau bàn và cầm Tay ông bố em nghĩ trong Phim thôi. Ở ngoài đời người Việt ít khi tỏ bày. Cha mẹ già lâu lâu ghé thăm dắt Tay hay bóp chân Tay thì có!

Triển
11-29-2018, 08:42 PM
Duy chỉ cái vụ lau bàn và cầm Tay ông bố em nghĩ trong Phim thôi.

Trong phim người cha bị mù. Cho nên người con phải chăm sóc toàn diện. Ngoài đời cũng có chứ thầy Ti.

chieclavotinh
12-30-2018, 02:46 AM
Mai Vy, Thanh Lan, Mẹ Thương
https://www.youtube.com/watch?v=53pO6-_WpmA
https://www.youtube.com/watch?v=8tVFvxqMC7I
https://www.youtube.com/watch?v=XdjEZcT7a2k
https://www.youtube.com/watch?v=IqSwQMktepM

chieclavotinh
01-13-2019, 12:51 AM
Ở Nursing Home
Thương những bà mẹ ở nursing home
Nguyên Thúy

“Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể
Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày…”
(Thích Tâm Không)

Sau ba tháng du lịch ở Mỹ về, những người quen hỏi tôi điều gì làm tôi tâm đắc nhất. Không chút do dự hay suy nghĩ, tôi trả lời: Ðó là cái Nursing Home.

Họ ngạc nhiên khi thấy tôi không đề cập đến những địa danh nổi tiếng như Las vegas, Hollywood, Disneyland, những tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới hoặc những cái Mall rộng lớn đi cả ngày chưa hết, những viện bảo tàng, những đại lộ thênh thang, chồng chéo lên nhau như những sợi mì… Tôi đã hưởng một chuỗi ngày dài thật tuyệt vời, với biết bao điều mới lạ, hiện đại, tối tân mà từ trước đến giờ tôi chưa hình dung hay tưởng tượng ra nổi.

Thế mà khi trở về Việt Nam, tâm trí tôi chỉ còn lắng đọng một điều làm tôi ưu tư, trăn trở, ray rứt: Cái Nursing Home mà mẹ chồng tôi đang sống.

Chặng cuối cùng của chuyến du lịch, chúng tôi đã ở Los Angeles mười lăm ngày để thăm viếng mẹ chồng. Hằng ngày, chúng tôi phải chuyển hai chuyến xe bus, Garden Grove, Westminster, Bolsa và bao nhiêu đại lộ nữa mà tôi không nhớ hết tên, đưa chúng tôi gần trạm cuối cùng của lộ trình. Rồi chúng tôi còn phải đi bộ khoảng năm trăm mét để đến khu dưỡng lão của một tổ chức tư nhân. Ðó là một khoảng đất rộng, nằm khuất sau đại lộ Huntington hai con đường, cách bờ biển Huntington chưa tới hai cây số. Một nơi yên tĩnh, vắng vẻ, với hai hàng cây sồi đưa vào cái ngõ cụt.

Gồm ba dẫy nhà trệt, ghép thành hình chữ U, nó êm dịu với những cánh cửa sơn màu xanh da trời, nổi bật màu sơn trắng của những bức tường, với những khung kính to trong suốt, lịch sự và trang nhã, bằng những tấm màn voan trắng che rủ. Những khóm hoa hồng, cẩm tú cầu được trồng một cách mỹ thuật trước hàng hiên, dưới cửa sổ, tạo cảm giác vui tươi, hưng phấn khi ngồi trên bộ bàn ghế để phơi nắng hoặc hóng mát dưới tàng cây.

Khi vợ chồng tôi đến nơi, kim đồng hồ của phòng trực chỉ 8 giờ 30 phút, bác sĩ và y tá đang đi từng phòng kiểm tra sức khỏe cho các cụ già. Mẹ chồng tôi tươm tất, sạch sẽ trong bộ quần áo mới thay, nét mặt tươi tỉnh. Họ đã làm vệ sinh cá nhân cho bà từ sáng sớm, trước khi dùng điểm tâm. Mâm thức ăn sáng chưa dọn, còn để trên bàn. Cô y tá người Việt vào kiểm tra huyết áp, đo lượng đường trong máu, rồi rót nước, bỏ thuốc vào miệng bà, ân cần thăm hỏi.

Mẹ chồng tôi không còn nhiều trí nhớ để trò chuyện. Bà hờ hững trả lời những câu hỏi không chính xác, mạch lạc. Những ngày đằng đẵng ở đây đã làm bà trở nên câm lặng. Trái ngược với thuở sinh thời, bà nổi tiếng là người nói nhiều. Ánh mắt vô hồn, lúc nào cũng nhìn lên trần nhà và tách biệt với cảnh vật chung quanh.

Thời gian đầu cách đây mười bảy năm, cô em chồng đã bảo lãnh bà sang Mỹ. Bà đã sống một mình trong một căn phòng mà chính phủ ưu tiên cho người già thuê. Ban ngày bà ở đó, chiều đến con cháu thay phiên đón về nhà ăn, ngủ, tắm rửa. Sáng hôm sau lại tiếp tục, như một em bé đi nhà trẻ, đều đặn từ tháng nọ sang năm kia.

Gần đây, do tuổi tác quá cao (93 tuổi), bà bị té gãy xương đùi, không thể đi lại được, và không thể tự lo vệ sinh cá nhân, nên cô em chồng sau khi bàn tính với các anh chị đã quyết định đưa bà vào đây. Anh em chúng tôi như bị dồn vào ngõ cụt, tiến thoái đều lưỡng nan. Khó tìm một giải pháp vẹn toàn, con đường nào cũng trắc trở, chông gai. Phải chăng là do số phận, do định mệnh hay do nghiệp lực? Cuối cùng phải tự an ủi và chấp nhận, đó là quy luật đời thường mà xã hội đặt ra để giải quyết.

Lúc chưa sang Mỹ, tôi rất có thành kiến không mấy tốt đẹp và phản đối việc đem gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão. Giờ đây tôi mới biết rằng tôi hiểu chưa thấu. Luật pháp ở đây không cho người già yếu và trẻ con ở nhà một mình. Thuê người giúp việc thì không có, hoặc rất là đắt đỏ. Con người ở đây chịu rất nhiều áp lực về công việc làm ăn, tiền bạc.

Ðể đáp ứng nhu cầu vật chất gọi là thiên đường của sự hưởng thụ, người ta phải đánh đổi bằng những món nợ khổng lồ mà người ta truyền miệng nhau: “Không mắc nợ không phải là người Mỹ”, đánh đổi sự mất mát tình cảm, đổ vỡ hạnh phúc gia đình, có khi luôn cả sinh mạng.

Những tấm gương hiếu thảo của thầy Mẫn Tử Khiên trong Nhị Thập Tứ Hiếu: “Thờ cha sớm viếng khuya hầu” sẽ không có chỗ đứng trong thời khóa biểu của các người con ở thời hiện đại này. Chỉ có những viện dưỡng lão mới đáp ứng những lỗ hổng mà người con không thể lấp đầy được.

Ở đây, chỉ cần một cái nhấn chuông là có bác sĩ, y tá, điều dưỡng, sẵn sàng đáp ứng, giải quyết điều mình yêu cầu. Mẹ chồng tôi kêu đau bụng là có ngay hai cô điều dưỡng người Mễ cao to, khỏe mạnh bồng bà đặt lên cái ghế dành cho người khuyết tật, đẩy vào nhà vệ sinh. Tiểu tiện thì tự do thải vào tã lót, đến giờ họ đi thay.

10 giờ sáng và 3 giờ 30 phút chiều, các cụ được tập trung ở phòng giải trí. Những chiếc xe lăn được đẩy tới, xếp thứ tự quanh chiếc bàn dài. Họ tham gia những trò chơi đố chữ, chuyền banh, những trò chơi vận động tay chân, nghe nhạc, xem tivi, và kết thúc bằng bánh ngọt hay trái cây với nước giải khát.

11 giờ 30 và 5 giờ chiều các cụ tập trung ở phòng ăn. Những mâm thức ăn dư thừa năng lượng. Ai không thích ngồi tại đây thì yêu cầu mang vào phòng. Những chiếc xe lăn được đẩy tới, xếp quanh cái bàn tròn. Bàn này có tám người, ba người đàn ông và năm người đàn bà.

Chỉ có mẹ chồng tôi là người Việt. Ông Mỹ đen trên bốn mươi tuổi, bị tai biến mạch máu não, tay không cử động được, nên người điều dưỡng phải đút cho ông và hai bà kế bên. Tôi đặc biệt chú ý đến một bà Mỹ trắng, tuổi trên độ “thất thập cổ lai hi”, nét mặt thanh tú, dáng người thon nhỏ, mảnh mai. Thời con gái chắc bà được xếp vào hàng mỹ nhân. Ðôi mắt to và buồn… đôi mắt như biết nói, khi đối diện với một người nào.

Ngày đầu tiên, bà nhìn tôi cười và chỉ mẹ chồng tôi hỏi “Tôi là gì”. Tôi trả lời là “con dâu”. Câu chuyện giữa tôi và bà chỉ dừng lại ở những câu xã giao thông thường. Vốn liếng Anh ngữ nghèo nàn của tôi, không cho phép tôi tìm hiểu sâu hơn nữa. Hoặc nếu bà có tâm sự, tôi cũng không thể hiểu hết được.

Một bữa, tôi thấy bà không chịu ăn, bà ngồi trầm ngâm rồi những giọt nước mắt liên tục tuôn trào trên gò má xanh xao… Bà khóc nức nở. Những người bạn cùng bàn an ủi, làm bà càng khóc to hơn. Tôi nắm tay bà, lau nước mắt và đút cho bà ăn. Bà vẫn khóc như một đứa trẻ. Liên tiếp ba ngày như vậy.

Tôi được biết qua cô y tá người Việt, là lâu rồi con bà không đến thăm. Hình ảnh tôi đút cơm cho mẹ chồng, làm bà nhớ con và chạnh lòng buồn tủi. Những ngày sau cùng, tôi không dám đưa mẹ chồng ra phòng ăn. Tôi không dám nhìn bà khóc thêm nữa. Lòng tôi cũng xao động, nước mắt tôi cũng chảy dài. Bởi tôi là người rất nhạy cảm và dễ xúc động.

Tôi rón rén ra nhìn. Bà ngồi đó, đôi mắt xa xăm, tư lự. Chắc chắn bà đang nghĩ về con bà. Biết bao câu hỏi, đang quay cuồng trong tâm trí: Sao lâu rồi con không đến, bận rộn hay có sự bất trắc gì đã xảy ra? Bà vừa lo, vừa buồn, rồi giận, rồi thương, nhớ, làm bà không tự chủ, đè nén những cảm xúc của mình.

Chắc chắn, không biết bao nhiêu lần, cuốn phim dĩ vãng của một thời vàng son đã lần lượt, thường xuyên quay lại trong ký ức của bà. Bà nhớ đến người chồng quá cố, nhớ những đứa con bà hết lòng thương yêu, nhớ những ngày đầm ấm hạnh phúc, nhớ những lo toan, thăng trầm trong cuộc sống. Giờ này con bà có biết bà đang mỏi mòn trông đợi hay không?

Ở đây, cái viện dưỡng lão này chỉ giúp người già cải thiện, bù đắp những thiếu sót về vật chất, mà con cái không thể hoàn thiện được. Bác sĩ, y tá, thức ăn, thuốc men, máy móc, chỉ giúp họ hết đau đớn về thể xác. Cái tension mètre chỉ đo được chỉ số huyết áp giao động trong ngày, các máy móc kỹ thuật cao phát hiện những tổn thương sâu trong cơ thể.

Tất cả những thứ đó không giải quyết, chữa trị được những đau đớn tinh thần, những giao động tâm lý, những khắc khoải triền miên của lòng khát khao yêu thương. Ðó là căn bệnh trầm kha mà không máy móc, bác sĩ, y tá nào chữa trị được. Ðó là thứ thức ăn linh nghiệm và hiệu quả mà con người đã mỏi mòn tìm kiếm và chưa bao giờ thấy no đủ.

Mẹ chồng tôi có sáu người con – bốn trai, hai gái. Một mình bà nuôi nấng sáu người con khôn lớn trưởng thành. Giờ đây khi tuổi tác chồng chất, sáu người con không chăm sóc được một mẹ già. Dù rất thương mẹ, dù biết công đức sinh thành dưỡng dục, sâu rộng như trời biển; nhưng không thể nào làm tròn bổn phận, bởi những tất bật, căng thẳng và đa đoan của cuộc sống.

Bên Mỹ có ngày Mother’s day và Father’s day. Việt Nam có ngày Vu Lan-Bông hồng cài áo. Ai còn cha mẹ thì cài một đóa hoa cẩm chướng đỏ hay hoa hồng đỏ. Ai mất mẹ thì cái một bông cẩm chướng trắng hay hoa hồng trắng. Một hình ảnh biểu trưng, chọn một ngày để nhắc nhở những ai diễm phúc còn có mẹ, để mà yêu thương và trân quý. Với tôi một ngày trong một năm như thế là quá ít ỏi. Chẳng khác nào hạt muối trong đại dương.

Mỗi ngày, ít lắm mỗi tuần, tệ lắm mỗi tháng, ta phải tự cài lên áo một hoa hồng đỏ, qua một món quà mà mẹ yêu thích: Cái bánh, củ khoai, trái chuối, ly sữa… một lời thăm hỏi ân cần, một câu nói ngọt ngào, một ánh mắt ấm áp chan chứa yêu thương, một cử chỉ âu yếm, quan tâm, lo lắng. Ðó là đóa hoa hồng đỏ, đã tự nở trên áo của ta, không đợi đến ngày Vu Lan được mọi người nhắc nhở.

Em chồng tôi, đều đặn mỗi ngày ghé thăm mẹ, với những món quà mà bà mẹ Việt Nam yêu thích. Mỗi tuần cô cài đủ bảy hoa hồng đỏ thắm. Bảy ngày hạnh phúc và luôn thầm cảm ơn cái đặc ân còn có mẹ để mà tự nguyện và hiến dâng. Thế mà mẹ chồng tôi vẫn không chịu đựng được sự trống vắng, cô đơn khi không có sự đồng cảm giữa những người xa lạ và ngôn ngữ bất đồng. Lúc nào bà cũng muốn về nhà, khẩn khoản muốn về nhà.

Cùng phòng với mẹ chồng tôi là một bà cụ người Bắc năm 54, mới đưa vào ba hôm. Người con gái lấy chồng lính Mỹ, đã bảo lãnh bà sang đây mười mấy năm về trước. Bà chỉ còn da bọc xương, lưng còng gần 90 độ. Bà nằm co quắp như con tôm luộc chín. Bà không còn đủ sức để ngồi lâu.

Bà chỉ ăn cháo và uống sữa. Buổi trưa, người con gái đem cháo đến đút cho bà, phát hiện đầu bà không ngẩng lên được. Cô ta hốt hoảng la toáng lên: “Tại sao bà không ngẩng đầu lên được, tụi nó đã làm gì bà? Có phải tụi nó giật đầu, giật tóc bà không? Ðể tôi đi hỏi cho ra lẽ?” Bà không còn hơi sức mà trả lời.

Từ khi bà đến nằm trên cái giường này, tôi chưa nghe bà nói gì ngoài tiếng thều thào yếu ớt: “Cho tôi về nhà, tôi muốn về nhà”. Bà nhìn tôi cầu cứu, tôi nắm bàn tay khô đét, lạnh ngắt và hỏi bà cần gì. Bà chỉ nói một câu đó, lập đi, lập lại không biết bao nhiêu lần.

Bà tới đây từ một cái viện dưỡng lão khác, mà cô con gái chê là tệ quá. Cô ta sốt ruột vì thấy mẹ mình suy sụp nhanh chóng. Cô phản ứng lồng lộn. Lòng thương mẹ mù quáng làm cô thốt ra những câu nói không tế nhị. Bác sĩ và xe cấp cứu đến, người ta đưa bà vào bệnh viện lớn để rà soát lại cơ thể. Căn phòng chỉ còn lại một mình mẹ chồng tôi.

Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình
Sáng khuya trưa tối, nhìn quanh một mình
Ðời mong manh quá, kể chi chuyện mình

Ðó là những câu hát não nùng, thật chua chát và đắng cay mà nhạc sĩ Lam Phương đã viết cho số phận của mình vào cuối đời, với những dư chứng của bệnh tai biến mạch máu não.

Chúng tôi về lại Việt Nam, với linh tính biết đây là lần cuối cùng chúng tôi còn thấy mẹ. Buổi chia tay đẫm nước mắt và đau buồn trĩu nặng tâm tư. Mười ngày sau, vào một đêm cuối Mùa Hạ 2006, mẹ chồng tôi đã vĩnh viễn không mở mắt nhìn cái trần nhà, mà mấy tháng ròng rã bà ít khi rời nó. Bà ra đi trong lúc an giấc của mọi người, âm thầm lặng lẽ không một ai hay biết. Còn biết bao bà mẹ khác cũng đã và sẽ ra đi trong cô đơn tẻ lạnh như thế này.

Tất cả con cháu ở rải rác ở nhiều tiểu bang đau đớn khi nhận được tin khủng khiếp này. Cô em chồng tức tưởi vì bà không đợi cô. Chỉ vài tháng nữa cô sẽ nghỉ hưu non, sẽ đem mẹ về nhà phụng dưỡng. Cô đã không điều đình được với Thần Chết. Mọi người câm lặng chịu đựng.

Trong thâm tâm ai cũng trăn trở, ray rứt, xót xa vì biết bao điều chưa thực hiện: “Ðịa ngục chứa đầy những dự định tốt đẹp”.

Làm sao cân bằng lại tâm lý, tìm lại an bình, một khi lòng cứ khắc khoải bởi những dằn vặt, ăn năn.

Thời gian trôi theo sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Người ta đã chế tạo ra nhiều thứ… kể cả người máy, nhưng có một thứ họ không chế tạo được là trái tim người mẹ. Con người vẫn ăn ngủ, làm việc, theo cái đà tiến hóa. Không biết đủ, không vừa lòng, họ có thể bị con lốc cuốn trôi theo cái thảm họa đua đòi vật chất.

Nếu không cảnh giác không dừng lại đúng lúc, họ sẽ là một thứ nô lệ mà suốt cuộc đời họ không hề biết hạnh phúc đích thực là gì. Quên bản thân, quên quyến thuộc, quên luôn cả tử thần đang rình rập, chờ đợi, bất cứ lúc nào cũng có thể cướp đi sinh mạng vốn đã mong manh trong từng hơi thở.

Tại ai? Tại con người? Tại xã hội hay tại ta sinh lầm thế kỷ?

chieclavotinh
03-02-2019, 08:05 PM
Impact of Depression on Family and Friends Is Focus of Survey
Jan 28, 2019
Dear Abby

DEAR READERS: The departments of psychiatry and medicine at Tufts Medical Center want to learn more about the impact caregiving has on family members and friends of people who have been diagnosed with depression or other illnesses.

Because family members and friends play a large part in providing care while also balancing jobs and other responsibilities, the physicians and research scientists at Tufts are asking you, my readers, to share the impact caregiving has on different aspects of your life, including your ability to work and your health and well-being. This information will be used to improve services to caregivers and the people they support.

You may be eligible to participate if you are a:

-- caregiver for a relative or friend with depression or other illnesses,

-- person who has depression that has not improved with treatment,

-- person who is employed and not involved in caregiving.

If you are interested in participating in this important study, please visit bewellatwork.org/NCS/. Participation in this study is voluntary and anonymous. It involves answering a brief set of questions and, if you are eligible to participate, completing an anonymous survey. The entire study is conducted on the internet and is completely private. In the past, readers have generously helped by sharing your experiences, and I hope you will do so again.

chieclavotinh
04-06-2019, 10:36 PM
http://trietvan.com/ngayquaratvoi/kyniem209.htm

Phòng 109 LITTLE SAIGON Inn
Lê Giang Trần

Mẹ già như trái chín cây
Trái chín cây gió lay thì rụng

Sau khi ba tôi qua đời, Vú tôi quyết định bán căn mobilehome ở gần bên khu Phước Lộc Thọ ở Little Saigon để dọn về ở với cô em thứ 8 của tôi bên Texas. May là Diệu em tôi không đi làm, là đứa con rất có hiếu, nên sẵn sàng thay mặt anh chị em nhận trách nhiệm chăm lo cho mẹ mình đến trăm tuổi già. Trước kia đã hai lần Ba Vú tôi ở với vợ chồng của Diệu, một lần ở với đứa em trai út tôi là Út Thu được vài năm, rồi bỗng một ngày đẹp trời đang ở với vợ chồng Diệu-Thắng, bỗng ba tôi đổi ý muốn ở riêng, mà lại không hẳn là vậy, lúc đó vợ tôi vừa từ Việt Nam sang được vài tháng, ba tôi gọi tôi bảo tôi bán căn mobilehome của tôi để về ở chung cùng ông bà.

Tôi đã ba lần bốn lượt về ở chung nhà với ba vú tôi, nhưng cách sống văn nghệ và đi làm báo, chơi với anh em cầm bút, ba tôi không thích cách sống đó, có lần ông nói “tao đặt tên cho mầy rất đẹp, vậy mà giờ mày đổi tên đổi họ, lê giang trần, lê lết trần gian, tao không hiểu nổi”. Cái số của tôi sao đâu, vừa qua tới đảo là vợ đòi đi định cư bên Pháp, nhờ người cậu thứ Bảy bảo lãnh riêng, làm sao được khi đi với chồng và 3 con, người cậu bảy từ chối thẳng. Nhưng khi đến Mỹ thì nàng vợ vẫn giữ quyết định thôi nhau, ngoại trừ tôi phải rời bỏ cha mẹ tôi để đi theo vợ về sống bên gia đình người anh ruột của nàng. Chúng tôi đành chia tay. Và sau đó tôi cũng không ở được với cha mẹ, ra đi sống bụi đời nơi cái chốn gọi là Little Saigon.

Năm 2007, sau khi Ba Vú tôi cơm không lành canh không ngọt với vợ chồng thằng con trai trưởng là tôi, tôi nhứt định bỏ cái nghiệp layout báo, nghỉ ngang công việc đang ổn định là Layout tại nhật báo Người Việt, nghe lời vợ dọn sang Texas, có nhà cửa ở sẵn sàng nơi một thành phố tên Shepherd “người chăn dê cừu”, dân số chỉ hơn hai ngàn người, dù nằm sát quốc lộ 59 North. Sau 2 năm 1 tháng, năm 2009 lúc đó ba tôi trở bệnh, vợ tôi cũng mệt mỏi đi làm nail nuôi ông chồng ở không, đã bảo tôi là anh nên tìm việc làm vì em đuối rồi. Tôi về Cali thăm ba tôi, định ở khoảng 3 tuần, nhưng về gặp lúc nhật báo Viet Herald ra đời, nhớ lời vợ bảo bèn nhận việc layout, cái nghiệp lại mang vào. Vài tháng sau ba tôi qua đời, 4 tháng sau vợ tôi bỏ căn nhà bên Texas chạy về Cali luôn. Cái số lần nữa không cho tôi sống với bạn.

Số tôi cũng không được sống với con, vì khi tôi bị gãy cái lưng nằm xuống thì nàng vợ chia tay, xin tôi cho nàng mang hai con về ở cho có mẹ con với nhau. Nghe cũng phải, chứ dắt con đi ở nhờ garage hoài cũng tội mấy nhỏ, bèn chấp nhận và ra đi bụi đời, sống lang thang hết 20 năm, rồi chùn chân mỏi gối con ngựa hoang nên cưới vợ cho yên đời, được 10 năm thì cô vợ chán ông chồng quá bèn nói lời chia tay để đi tìm một tương lai sáng lạn hơn. Vậy cái số cũng không cho ở với vợ luôn. Tiếc là không đủ sức để đi tu và cũng không đủ gan để về Việt Nam sống bụi đời. Từ đó mặc cho ông trời ổng tính sao thì tính.

*

Vú tôi ở với cô em thứ tám cũng được 5 năm từ khi ba tôi mất. Bây giờ Vú tôi gần như rơi vào tình trạng mất trí, không còn biết gì đến vệ sinh, nhưng cái óc ấy nhất định bắt con Tám phải đưa về Cali. Hai bà chị tôi và 2 cô em gái cùng cô em dâu (là vợ của người em kế tôi đã qua đời năm 1977 vì vượt biên), phải họp lại để tìm phương án. Bà chị kế tôi nói, con tám chịu hết nổi rồi, phải thả nó ra một lúc, bây giờ mình phải xúm lại lo cho Vú thôi. Và, không còn giải pháp nào khác hơn là phải chấp nhận đưa Vú tôi vào Nursing home mới có thể chăm sóc cho bà cụ bị mất trí. Trước khi rơi vào tình trạng mất trí, bà tụng kinh, nghe kinh mỗi ngày 3 cử, ăn chay trường, sau khi bị mất trí nặng không còn kiểm soát được ngay cả việc vệ sinh, làm cho cô em tôi hầu như phải canh giữ 24 trên 24, không còn cho bà đeo món gì trên người, vì có lần bà đã bứt chuỗi hạt đeo ở cườm tay để ăn hạt chuỗi. Chúng tôi ai cũng khóc trước cảnh mẹ mình rơi vào tình trạng quá nặng nề, đành phải chọn giải pháp chẳng đặng đừng.

Hôm nay cô em cùng thêm một cô em bà con, đưa bà cụ đi máy bay về Cali, Litte Saigon. Little Saigon là danh từ mà những người Mỹ trong ngành truyền thông nghe được khi theo dõi về sinh hoạt của người Việt tị Nạn khi họ tập trung về định cư với một con số khá lớn tại thành phố Westminster, để từ đó người Việt gọi là “tiểu Saigon”, nhưng nhà thơ Cao Đông Khánh khi còn sống và định cư tại đây, ông đã không bằng lòng với chữ “tiểu” vì là tiếng Hán-Việt, nó còn giống câu “tiểu na má” của người Tàu nên ông gọi là “Saigon Nhỏ”. Little Saigon được tôi mang làm tựa cho tập thơ đầu tay vào năm 1991, nhưng tôi không chịu thêm chữ “Nhỏ” nên đặt là “Sài Gòn ở phố lưu vong”.

Bà chị tư tôi vô tình lại thuê phòng ở khách sạn “Little Saigon Inn” nằm trên đường Brookhurst gần ngã tư Westminster, ngó xéo qua bên đường là tiệm 99¢, trước kia là motel nhỏ rồi đổi chủ đổi tên mới cho đúng với Little Saigon Town nơi được người Việt gọi là “Thủ đô tị nạn”. Hotel này được du khách Việt từ xa đến chọn ở vì thuận tiện nơi chợ búa, dễ dàng việc ăn uống và đi lại, có thể đi bộ là thưởng ngoạn được trọn vẹn khu trung tâm thương mãi của cộng đồng Việt Nam nằm trên đường Bolsa chỉ cách motel 2 miles, hai ngã tư lớn.

Tôi ghé vào cơm tấm Thuận Kiều gần Motel, mua phần cơm gà nướng togo, 7 giờ 30 phút tối tôi vào motel tìm phòng 109 nơi chị Tư tôi thuê 2 phòng liền nhau có cửa thông qua, tạm ở vài hôm để đi lo giấy tờ cho Vú tôi nhập viện vì bà té u trên đầu còn sưng, sau đó sẽ đưa Vú tôi vào một Nursing home đã chọn, họ đã bằng lòng nhận nếu bà đủ giấy tờ về Y Tế. Tôi ôm Vú tôi, bà chị Ba và chị Tư hỏi bà, Vú biết ai đây hông? bà đáp “thằng chó đẻ” hai bà chị cười, hỏi tiếp, thằng chó đẻ tên gì?, Vú tôi nói ra tên tôi, hai bà chị ganh liền, bảo thằng con trai yêu quý thì nhớ tên, rồi chị Tư quay sang tôi nói, chỉ có mày, còn tao và chế ba thì bà không nhớ tên.

Tôi sang phòng kế ngồi mở phần cơm gà ra ăn trong khi dì Út (em ruột của mẹ tôi) nấu thức ăn từ nhà mang đến rất ngon, nhìn phát thèm vì nhìn thấy thức ăn quen của nhà nấu nướng. Nước mắt tôi cứ nằng nặng từ khi bước vào phòng 109, tôi chỉ muốn nó trào ra, trào ra đi, thế mà nó cứ nằng nặng mờ mờ nằm trong con mắt tôi. Tôi tội cho mẹ mình nghiệp nặng vào những ngày tháng gần đất xa trời. Vú tôi đã 86 tuổi, chỉ độ nửa năm nay bà bị rơi vào tình trạng mất trí, gầy hẳn phân nửa da thịt so với hơn năm trước về Cali chơi mà bà bảo là đi lần chót, bà mập mạnh tươi tỉnh chụp cùng tôi tấm hình trông rất đẹp lão, vì Vú tôi hồi con gái rất đẹp và có duyên, con gái ruộng mà trong 14 anh chị em ruột của bà chỉ có Vú tôi thứ Sáu và dì Út thứ 14 hiện tại là da trắng như bông bưởi.

Vú tôi lấy chồng năm 17 tuổi, làm ruộng đã quá cực rồi, khi bên chồng mở nhà máy xay lúa, vú tôi cực nhọc vô cùng, nào cơm nước hầu hạ cha mẹ chồng, và dù có 2 cô gái giúp việc nhưng cả ba đều làm không xuể tay, nào cơm nước cho công nhân nhà máy ăn, nào một chuồng heo cả chục con, chuồng gà cả trăm con, ao cá phi phải rải cám nuôi, còn cây trái, rau cải trồng quanh nhà. Tinh mơ 4 giờ sáng đã phải xuống ngồi ở căn nhà mát cất sát bờ sông trước mặt nhà máy để đón xuồng của dân trong ruộng chở lúa đến chà gạo, vì xéo bên kia sông có một nhà máy xay lúa nhỏ hơn hiệu Công Thành nên hai bên phải cạnh tranh đón khách. Nhà Máy sau mùa gặt lúa thì chạy 24/24. Khi khách quá nhiều không xay cho họ kịp trong ngày thì vú tôi còn phải lo cho họ có chỗ ngủ qua đêm, phải điều động mang ghế bố đặt dọc theo mái hiên quanh nhà máy hay lẫm lúa, phải giăng mùng vì muỗi rất nhiều. Hết ghế bố thì giăng võng, mà võng cũng phải có mùng, hết võng phải thêm nốp cho đàn ông để chui vô ngủ không bị muỗi. Quan trọng nhất là phải cho họ ăn cho no bụng. Ôi thôi là cực, khi đó tôi chỉ mới là một cậu bé 6, 7 tuổi, vừa biết lội sông nhờ tập lội bằng mang hai trái dừa khô tét một sợi nhỏ của lớp vỏ rồi cột dính lại làm cái phao; không có 2 trái dừa thì ôm bẹ dừa nước, cái phần ở phía dưới của nhánh lá chặt ra, gọi là “bặp dừa”.

Cũng trong thời kỳ làm nhà máy xay lúa độ 5,7 năm này, Vú tôi vì bị mẹ chồng áp lực nặng nề, bà tủi thân nên treo cổ tự vận. Chiều đó bà cho tôi $5, bảo tôi dắt thằng em kế tôi một tuổi, bảo dắt em đi tới chợ nhà Lồng chơi, mua đồ ăn ở chơi khi nào muốn về thì về. Hai anh em tôi có tiền nên đi liền, vì lúc đó có gánh cải lương tới xóm Cầu Sập của tôi dựng rạp vào ban đêm ở chợ Nhà Lồng hát vài bữa để lấy tiền dân quê mê cải lương, một vé bán $5. Đó là năm 1959, tiền còn lớn. Rạp đêm đó chiếu tuồng “Bánh xe lăn xã hội”, chắc nói về chuyện đời hay tình cảm xã hội, tôi gặp chú Năm Hòa là em bà con chú bác với ba tôi, ông là công nhân làm cho nhà máy xay lúa của nhà tôi, vừa mới cưới vợ nên dắt vợ đi xem cải lương, thấy tôi, ông tới gần bên tôi, buồn bã nói chú dắt thím Năm mày đi coi hát mà không đủ tiền, ai dè nó mắc tới $5 một vé, chú chỉ đủ tiền mua một vé, chắc đứng nghe “ô pạc lưa” (loa phóng thanh) ca vọng cổ một hồi rồi dắt thím Năm mày dìa thôi. Nghe chú than, tôi móc ra tờ $5 đưa cho chú, nói Vú con mới cho tiền hai anh em lợi đây chơi mà tụi con không mua gì ăn, thôi chú lấy mua vé cho thím Năm vô coi cải lương cho vui. Chú Năm có lẽ nghe tôi nói cũng có lý nên mặt chú vui ra, cầm lấy tiền, nói thôi thì chú mượn rồi mai mốt chú trả lại. Tôi trong bụng lúc đó không vui thú gì, Vú tôi bệnh nằm ở nhà nên nói với thằng em là mình đi về đi, về nhà sớm cho Vú vui. Rồi hai anh em tà tà cuốc bộ một quảng đường khá xa để về nhà trong bầu trời trăng thanh gió mát.

Về nhà, hai anh em chun vô mùng ngủ thì Vú tôi từ giường bên kia giở mùng chun vô ngồi khóc thút thít, dặn dò tôi phải thương và lo cho em tôi. Tôi lúc đó 7 tuổi, còn quá nhỏ để đoán này đoán kia, nhưng linh cảm là có chuyện không tốt, bèn nói với Vú là con chạy qua nhà máy kêu ba về, rồi tốc mùng đi qua nhà máy kiếm ba tôi thì gặp ông đang châm nhớt cho cái đầu máy to tổ bố đặt trong phòng máy, tôi nói Vú Bệnh kêu ba về, ba nói ba mắc bận châm nhớt, xong rồi ba về. Tôi đứng chờ thấy nóng ruột, lại nói ba về liền nghe, Vú khóc đó, rồi chạy về. Về tới cửa buồng thì Vú tôi đã khóa chốt bên trong, linh tính hay nhờ sợ hãi sao đó mà tôi leo qua vách buồng ngủ vô trong được thì thấy Vú tôi đang treo mình lủng lẳng dưới sợi dây thừng, tôi hoảng vía kêu to lên “Ông Nội! Ông Nội” vì ông nội tôi đang ngồi uống trà ở đi văng giường ngủ đặt ngoài nhà trước, ông nội tôi cũng nhạy bén, ông có nghề võ nên ông phóng cái rẹt là vô trong phòng, tôi đang cố gắng ôm hai cái chân của Vú tôi đỡ lên, ông nội tôi tới tháo sợi dây thừng và ba tôi cũng vừa về tới. Nhờ Vú tôi quấn cái khăng bàng quanh cổ do bị bệnh nên không bị nghẹt thở ngay và cũng nhờ tôi về kịp lúc. Từ đó mãi về sau khi tôi lớn lên, mỗi lần thấy Vú tôi khóc thút thít nằm bệnh là tôi thức sáng đêm không ngủ vì sợ bà lại tự tử nữa, bao nhiêu dây chạc và dao kéo bị tôi lục ra đem giấu kỹ, sợ mẹ mình tìm nó thì mình có thể thành ra trẻ mồ côi.

Giờ đây tôi 62 tuổi già, vậy mà ôm Vú tôi vào lòng mà tôi cứ tưởng mình giống như hồi bảy tám tuổi lúc Vú tôi tự tử. Bây giờ trong lòng tôi cũng chợt nổi lên một nỗi lo sợ là Vú mình sẽ chết bỏ lại mình mồ côi mồ cút. Mà tôi là đứa con bị cha mẹ coi là con hư hỏng, không ưa gì, không tin tưởng gì, vì thật sự mà nói, từ khi qua Mỹ năm 1980 tới bây giờ, tôi chưa có trả được cho cha mình một chút xíu nào gọi là “có hiếu”. Hồi ba tôi còn sống thì mỗi năm tôi chỉ làm được một việc là mua cho ba áo thun, quần lót, vài bộ Pyjama, vớ; hay vào mùa lạnh thì mua cái áo ấm, thật là bình thường và nhỏ bé. Còn Vú tôi thì cũng chỉ mấy món nhỏ nhặt, cái áo ấm, món đồ ăn chơi vui miệng cũng như cho ba tôi, thỉnh thoảng tô mì, tô bánh lọt khi đi ăn quán thấy ngon mua mang về. Tết tới thì đưa cho bà đôi trăm bạc giấy 1 đồng để bà có thêm tiền lì xì cho con cháu. Ngoài ra, tôi chỉ là một con người nghèo nàn lang bạt, sống gần như không có tương lai gì cả.

Giờ đây, đêm nay ngoài trời sao quá giá lạnh, tôi mặc hai ba lớp áo, đầu chụp mũ len, cổ quấn khăn len, tôi đã là một ông già yếu đuối, giờ đây trước cảnh mẹ mình như thế, lòng đau như cắt, một giọt nước mắt cũng không rớt ra được, cảm thấy mình chỉ là một thằng con bất hiếu, bất lực, không lo được gì cho mẹ già. Thấy mình không còn ra con người nữa, những muỗng cơm nuốt vào tưởng chừng như nuốt sạn nuốt sỏi. Định mệnh của tôi ư? Tôi bỗng dưng thù ghét định mệnh và đồng thời chua sót cho cái kiếp sống tha hương, bước vào giai đoạn sống trong tuổi già, trước mắt thật là vô vị và mông lung.

Thế hệ của Vú tôi ít ra còn có những người con thương tâm, cố gắng trả hiếu trả thảo cho cha mẹ và cố gắng lo cho cha mẹ già khi trăm tuổi. Đến thế hệ chúng tôi sống nơi đất khách thì không trông mong gì nơi con cái. Ai cũng mong có một ngày ngủ rồi đi luôn cho nhẹ nhàng, chứ ốm đau ngặt nghèo hay già lẩn trí thì không biết sẽ ra sao. Nhưng mỗi cái chết đều có số phần không thể biết trước, giống như lúc sinh ra đời lọt vào đâu, nơi nhà cao cửa rộng hay nơi nhà nghèo bần cùng, để rồi từ đó, cái thứ ngoài tầm tay của mình thì gọi nó là định mệnh ư?

Tôi có nói gì ghê gớm đi nữa, tôi vẫn phải đối diện. Tôi đang đối diện với hình ảnh của mẹ mình, và ngay cả với chính tôi trong cái gọi là tuổi già bóng xế, một thứ quy luật của sinh diệt. Tôi chỉ là một con người bình thường và có thể cũng tầm thường, tôi không viễn mơ mình có thể sống như một thiền sư chẳng hạn, mà chỉ đơn giản sống theo quan niệm “ở hiền gặp lành”, niệm Phật hiệu hằng ngày như là huân tập cho tâm tưởng đừng mống lên ý tham lam, tham dục, nhất là tham những cái của người khác. Tôi sống như là được Trời Phật nuôi hay Phật Trời độ, nhưng tôi không ỷ lại sự ứng hiện đó qua bao lần tôi gục xuống rồi đứng lên, qua bao lần tan nát rồi bình tĩnh an bình, qua bao lần nếm mùi nhân tình thế thái, tôi đều vẫn tâm niệm “ở hiền gặp lành” mà thôi.

Tình huống của mẹ tôi ở tuổi gần đất xa trời, kết luận cuối cùng về nó là quy nó vào NGHIỆP. Quy “là nghiệp” một cách đau lòng và bất lực. Nếu tôi có thể thay thế cho tình trạng của mẹ tôi hiện tại, tôi sẵn sàng, nhưng khổ nỗi, nghiệp của mỗi người phải tự gánh lấy. Con cái chỉ có thể làm bớt nghiệp của cha mẹ mình bằng cách A,B,C,D theo nhà Phật dạy, và chỉ hết lòng tin tưởng, chỉ hy vọng thật sự được như vậy. Từ đây, ĐỨC TIN và HY VỌNG, trở thành một MẬT LỰC. Mật lực của đức tin vào sự nhiệm mầu cao quý đại từ bi của chư Phật chẳng hạn, và mật lực của con người là niềm hy vọng tuyệt đối bằng đức tin vào nó; hai thứ LỰC này cũng đã phát sinh những hậu quả tốt đẹp bất ngờ. Trong tất cả những phim ảnh về siêu khoa học ngoài không gian, hy vọng là niềm tin cuối cùng mà những con người đang rơi vào một tình huống bi đát nhất phải giữ vững lòng tin. Cho nên tôi luôn có đức tin trong kiếp sống và luôn có hy vọng trong cuộc sống. Tôi sống không bao giờ bi quan.

Người Mỹ có câu “Don’t look back”. Trong kinh Phật có dạy “qua sông quên đò”, “Hỉ Xả” rất quan trọng và được đặt liền theo “Từ Bi”. Vú tôi, bà bị bệnh hội chứng quá khứ, khi sang Mỹ, bà bỗng phát sinh thù ghét cha mẹ chồng vì đã đày đọa bà, từ đó làm cho ba tôi trở thành một nạn nhân bị dính líu, làm cho bà hận chồng đã không yêu thương gì bà, bà chỉ là cái máy đẻ năm một, chẳng hạn, và vô số tội trạng khác. Vú tôi sanh 13 người con, bệnh mất 2 còn 11, sau năm 1975 mất thêm thằng em trai kế tôi do đi vượt biên và mất thêm đứa em gái út 9 tuổi do sốt xuất huyết và chôn cất ở một đảo nhỏ ở Indonesia.

Tôi còn nhớ rất rõ, khi tôi còn bé ngủ bên cạnh Ba Vú tôi, tôi thường chứng kiến cảnh hai người nằm ôm nhau và hôn nhau mùi mẫn, ánh mắt Vú tôi long lanh đầy tình thương yêu vợ chồng. Ba tôi từ khi qua Mỹ, chính ông là người hầu hạ vợ mình, giặt từ cái quần lót cho vợ, nấu cơm canh khi vợ nằm bệnh, bóp tay chân khi vợ đau nhức, cạo gió, làm hết việc vệ sinh trong nhà và ngoài vườn, và ông chịu đựng cái bệnh hội chứng của vợ, chỉ buồn âm thầm, trở nên cô độc, vì Vú tôi không còn ăn chung mâm, không còn ngủ chung giường với chồng nữa. Ba tôi than với tôi rằng, Vú mầy hành tao kiểu này tao chết sớm, và ông qua đời trước mẹ tôi.

Tôi trở về nhà và ngồi vào máy để viết lại những cảm nghĩ bức xúc của mình do tôi quá xúc động khi nhìn thấy mẹ mình rơi vào tình trạng mất trí, tôi hình dung đến lúc Vú tôi phải vào sống trong viện dưỡng lão là lòng tôi nghẹn lên. Tôi chỉ còn biết cầu Trời Phật cho Vú tôi tỉnh trí lại, đòi về nhà ở với con và bà trở về sẽ hiền lành như một đứa bé để cô em tôi có thể lo cho mẹ mình đến khi bà nhắm mắt; còn nếu không, làm sao Vú tôi có thể sống ngoan ngoãn trong viện khi mà trí óc bà không còn kiểm soát được? Sự đau xót của tôi trở thành bất lực trong giây phút này. Mấy chị em của tôi cũng không khác, tất cả đều hiện rõ trên gương mặt một nỗi lo buồn đè nén nhưng đè nặng.

Tôi không muốn viết thêm gì nữa, bấy nhiêu đã đủ nát lòng, bấy nhiêu đã đủ cho tôi trắng đêm trăn trở và nhiều đêm trằn trọc. Chị em chúng tôi sẽ thay phiên chăm sóc và cầu nguyện và hy vọng và tin Trời Phật cũng sẽ có gửi đến một mật lực nào đó ban cho một người đàn bà đã từng đem hết sinh lực thời thanh xuân ra sống trọn vẹn, và bà cũng là tiêu biểu cho hình ảnh còn sót lại của người phụ nữ sống trong suốt thời chiến tranh, nhận chịu bao hậu quả oan nghiệt. Dù có phước được hưởng hay không được hưởng, họ đều đáng thương vô cùng.

chieclavotinh
05-11-2019, 10:41 PM
Cha tôi và những mùa hè năm tháng cũ
Việt Nguyên

Đoạn kết có hậu của cuốn phim Vượït Sóng với hai mẹ con Mai và Lai tìm lại được đời sống mới, hạnh phúc trong một buổi chiều trên cánh đồng với cánh diều bay làm tôi nhớ lại một đoạn trong cuốn sách “Người Thả Diều” (The Kite Runner) của Khaled Hosseini, sắp thành phim qua hãng Paramount. Những cánh diều rực rỡ ngày nào của những mùa hè trên quê hương thanh bình cũ. Những mùa hè hạnh phúc của thời đi học. Những con diều của tuổi thơ đã mất. Mùa hè năm nay, những người bạn thời trung học gần 40 năm mới gặp lại, đã đem đến cho tôi nhiều kỷ niệm của những ngày tháng cũ và nhắc đến hình ảnh nghiêm khắc của cha tôi vào những mùa hè.

Father’s Day! Có ai muốn viết về những người cha nghiêm khắc? “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Mẹ lúc nào cũng rộng lượng, nước lúc nào cũng mát mẻ, còn núi Thái Sơn khô khan, cao không với tới, mà núi Thái thì có ai biết ở đâu? Núi Thái xa xôi ở bên Tầu. Câu ca dao chỉ làm cha xa thêm và mẹ thì gần gụi lại.

Các bạn đã nhắc tôi mùa hè năm 1961, buổi chiều mùa hè cha tôi đứng đợi trước cửa trường trung học Trần Lục để đón tôi đi bộ về nhà sau một ngày thi tuyển vào đệ thất. Cái ngày mùa hè ấy, cậu học trò nhỏ luôn luôn lạc quan là tôi đã bảo đảm với ông rằng tôi chắc chắn đậu kỳ thi tuyển vì đã trúng một bài toán thuộc lòng với hai chiếc xe chạy cùng giờ ngược chiều, một chiếc từ Saigon một chiếc từ Vũng Tầu với hai tốc độ khác nhau, một chiếc 60km/giờ và một chiếc 40km/giờ sẽ gặp nhau ở đâu vào lúc nào? Và bài luận văn “Mùa hè em sẽ lên núi hay đi xuống biển”. Tôi chọn bài luận tủ “Mùa hè em sẽ đi lên núi”. Bài luận văn tủ được chú bé con viết rất dễ dàng vì tôi bị những ngọn núi ở Dalat quyến rũ từ nhỏ. Bài viết hơn sáu trang giấy với kết luận được ông giáo Mai trường Bàn Cờ dặn dò tôi để đi vào con đườøng hoạn lộ: “Em sẽ đứng trên núi nhìn thấy giang sơn gấm vóc và luôn luôn ghi ơn Ngô Tổng Thống!”. Có lẽ nhờ câu kết luận này mà tôi thêm tin tưởng để bảo đảm với cha tôi và có lẽ lần đó là lần duy nhất ông tin vào lời nói của tôi.

Năm tôi sáu tuổi, cha tôi đã ngoài 50, ông về hưu sau những năm làm việc ở hãng buôn Pháp. Hơn năm năm thất nghiệp, ở nhà dậy kèm cho anh tôi (hơn tôi một tuổi) và tôi trong suốt những năm tiểu hoc nhờ vậy chúng tôi có những mùa hè đẹp. Mỗi ngày ông bắt chúng tôi ngồi trước hàng hiên nhà, trên hai chiếc ghế đâu mặt vào nhau qua bàn học nhỏ. Ông bắt chúng tôi gò gẫm từng chữ, từng giòng, tập viết chữ đẹp một cách khổ sở như thời ông đi học. Sáng học toán, trưa được ngủ một tiếng, chiều lại phải học Pháp văn. Những năm ấy có lẽ là những năm đẹp nhất giữa ông và chúng tôi.

Nhờ ông mà tôi yêu Saigon. Mỗi chiều cha con đạp xe trên những ngõ hẹp gập ghềnh từ nhà ra rạp hát Việt Long, vòng qua những ngõ hẻm xóm Vườn Chuối thời Saigon còn thanh bình chưa thấy chiến tranh. Tôi yêu những con đường ở Saigon bắt đầu từ những ngày đi bộ đến mỏi chân với ông từ nhà ra khu trung tâm Saigon, qua Trần Qúy Cáp, Cao Thắng, Lê Văn Duyệt đến Tự Do, Lê Lợi, đi nhìn những ánh đèn Neon buổi tối, những căn phố lầu để ông có dịp kể lại những con đường ở Paris. Nhiều năm sau này khi đến Paris, bước vào những cầu thang máy cũ kỹ với hai cánh cửa sắt đóng xập vào tôi lại sững sờ nhớ lại những ngày còn nhỏ đi Saigon với cha tôi. Những buổi chiều đi bộ với ông khắp Saigon đếân mỏi chân, về đến nhà nằm lăn quay lên giường đọc sách. Ông không đọc sách nhiều nhưng ông đã làm tôi mê sách vở qua những sạp báo bên lề đường và những hàng nước mía khi ngừng chân. Những cuốn sách quyến rũ trên lề đường Lê Văn Duyệt và những cuốn sách trên đường Nguyễn Huệ trước nhà sách Khai Trí. Bắt đầu là những cuốn truyện bằng tranh mỏng, Phù Đổng Thiên Vương, bà Trưng bà Triệu rồi đến những cuốn sách trên sạp báo. Tôi đọc bất kể loại sách nào từ chuyện Tầu, Tề Thiên Đại Thánh, chuyện chưởng, chuyện kiếm hiệp, chuyện tình cảm. Đến 16 tuổi bao nhiêu tiền tôi dành hết cả vào sách và ciné! 17 tuổi tôi lại ham đọc sách triết. Những cuốn sách mới thơm mùi giấy và mực làm tôi quên những buổi cơm chiều, cha tôi phải sai anh tôi đi tìm lôi cổ về nhà. Sách vở đem lại sự bực mình cho cha tôi nhưng đã đem lại hạnh phúc cho tôi, những hạnh phúc của ba tháng hè.

Năm tôi 50 tuổi, các con tôi bắt tôi viết nhật ký với những câu hỏi do chúng đặt ra, về những ngày ở Việt Nam, về những kỷ niệm tuổi thơ, câu hỏi khó nhất là “tôi đã nhớ học được gì từ cha tôi”? Ông là người nghiêm khắc, khó tính với hai con mắt làm bạn bè cùng lớp của tôi sợ hãi. Tôi nghĩ mãi mới nhớ đến chín điều tâm niệm của ông hay lập đi lâp lại, những bài luân lý ông cố nhét vào đầu anh em chúng tôi, sáu anh em trai, như nước đổ đầu vịt.

Điều tâm niệm thứ nhất: Tụi mày, học trò đi học sau này đỗ đạt có bằng cấp là để cho tương lai chúng bay chứ không phải cho cha mẹ. Giảng điều tâm niệm thứ nhất xong, ông nhìn lại không thấy đứa nào, ông phải đợi đến ngày hôm sau để giảng tiếp điều tâm niệm thứ hai: khi nào chúng mày có con, chúng mày mới hiểu lòng cha mẹ. (Điều tâm niệm thứ hai này quả thật phải hơn 20 năm sau khi ông mất tôi mới thấm).

Điều tâm niệm thứ ba của ông được ông em kế thua tôi ba tuổi nhớ kỹ nhất, sau này nó bắt đầu dạy cho con như một ông già: chúng bay học giỏi, sẽ đi làm kiếm được nhiều tiền, có tiền, giầu nuôi được chúng mày và con chúng mày. Cha mẹ không được nhờ đâu. Nước đổ từ trên thác đổ xuống, không chạy ngược lên, đến đời con chúng mày cũng vậy đừng đợi nhờ vả đến chúng. Điều tâm niệm này ông nói hơi nặng lời, hình như khi ấy chỉ có ông anh cả của chúng tôi thấm thía. Điều tâm niệm thứ tư, có lẽ là lời tiên tri cho bọn chúng tôi vì ít khi nào ở VN anh em chúng tôi nghĩ chúng tôi sẽ giầu: Đừng quên gốc gác khi giầu có.

Điều tâm niệm thứ năm làm chúng tôi bực bội nhưng ở cuôí thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21 đúng phóc: Đừng nghiện ngập thuốc phiện! Dù giầu có đến đâu nghiện ngập không có lối thoát.

Điều tâm niệm thứ sáu: đừng quên những người giúp đỡ mình, kéo đến điều tâm niệm thứ bẩy, ông cứ nhắc đi nhắc lại mãi làm chúng tôi chỉ muốn quên: khi giầu đừng quên lúc nghèo!

Hai điều tâm niệm chót thứ tám và thứ chín nặng tình gia đình: anh em phải thương yêu và đùm bọc lẫn nhau và sau cùng phải nhớ đến tổ tiên.

Hình như cứ mỗi cuối năm là ông lập đi lập lại những điều tâm niệm này, càng nhắc chúng tôi càng quên, có lẽ vì ông không tin tưởng lắm vào các con ông. Tôi không biết về phần năm anh em khác của tôi nhưng rõ ràng là ông ít tin tưởng vào tôi. Dậy kèm tôi suốt năm năm tiểu học, đậu hạng năm trường tiểu học Phan Đình Phùng nhưng ông nhất định bắt tôi thi vào trườøng trung học Trần Lục, giản dị là sau bốn năm học Trần Luc rồi thì cũng sẽ vào Chu Văn An hay Petrus Ký. Học ở Trần Lục hai năm rồi nhưng ông lại muốn tôi thi vào trường Cao Thắng cho có nghề! (Ngôi trường cạnh chợ Cũ, chợ chó, học sinh đi học lúc nào cũng có kềm búa trong cặp, các anh em tôi đều tốt nghiệp trường Cao Thắng. Tôi hay đến họp Hướng Đạo, trổ nóc nhà đi qua chợ chó). Tôi phải cố gắng lắm mới thoát được kỳ thi tuyển vào Cao Thắng. Đậu trung học đệ nhất cấp ông và tôi lại tranh cãi một lần nữa. Ông đinh ninh tôi sẽ chọn ban B toán, tôi lại chọn ban C văn chương. Ông giận mất đến mấy ngày, cứ bảo tôi rằng: văn sĩ rách lấy gì mà ăn? (thật ra lúc ấy tôi muốn thành họa sĩ vẽ tranh khỏa thân chứ không muốn viết văn). Tôi thấy văn sĩ trong nước hồi ấy có nghèo thật, nhất là mỗi ngày nhìn ông Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng lảo đảo vào trong xóm, nhưng thích văn chương hơn toán nên vẫn cố cãi bướng. Mấy ngày liền ông cứ đặt câu hỏi: “Mày có chắc sống được với văn chương? Sau này có gia đình lấy gì nuôi con?” Sau đó ông đổi giọng nhẹ nhàng hơn. “Học ban toán sau này thành kỹ sư có nghề nghiệp vững chắc tại sao con lại thích viết văn?” Ông không biết rằng những đêm nằm trên sân thượng nghe ông ngâm chuyện Kiều và buổi tối theo dõi chương trình Tao Đàn ông yêu thích đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn của tôi. Cuối cùng tôi cũng chiều lòng ông chọn ban Toán khô khan. Tôi không biết nếu ngày ấy chọn ban C rồi thì cuộc đời sau này có lận đận như mấy ông bạn thơ Tô Thùy Yên hay Du Tử Lê? Mới đây, đọc những cuốn sách hay của Orhan Pamuk, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ giải văn chương Nobel mới biết văn chương bạc bẽo, hồi nhỏ ông bị mẹ la rầy vì chỉ mong thành họa sĩ và văn sĩ bỏ cả ngành kiến trúc đang học để viết văn hay như nhà văn Tây Ban Nha Paulo Coelho, viết “The Alchemist” ấn bản hơn 100 triệu cuốn, hồi nhỏ nhất định mơ thành văn sĩ bị cha bắt bỏ vào nhà thương điên ba lần hồi năm 17 tuổi, hai lần trị bằng điện giật cho đến năm 26 tuổi mới được xem là bình thường đạt được giấc mộng theo đuổi ngành văn chương.

Học xong Chu Văn An, đậu Tú Tài đôi, cha tôi chọn cho tôi ngành Không Quân! Ông không tin tôi sẽ thi đậu vào Y khoa. Cuộc đời có trời sắp đặt. Tôi đậu Y khoa nhờ may mắn. “Cả năm chỉ thích đi Hướng Đạo, Hội Hồng Thập Tự, làm ban đại diện trường Chu Văn An, làm sao mà đậu được Y khoa?” Giống như Paulo Coelho viết trong The Alchemist “Khi mà mình mơ một điều gì mãnh liệt thì trời đất và mọi sự đều đồng lõa giúp vào”. Kỳ thi vào Y khoa năm 1968 do Gs Trần Ngọc Ninh làm chủ khảo đặt nặng kiến thức tổng quát và sinh ngữ. Lòng yêu sách vở đã giúp tôi. Gần 40 năm qua tôi còn nhớ, buổi chiều đi với anh tôi và một người bạn, đi qua sập báo trước nhà Khai Trí bỗng dưng tôi cầm cuốn sách “Cours de langue Francaise tome IV” đọc bài “Mary đi Mỹ”. Bị anh tôi và bạn thúc dục nhưng tôi bỏ hẳn chầu xi nê rạp Rex để đọc xong bài “Mary đi Mỹ”, đọc ngấu nghiến phần dịch tiếng Việt, phần phân tích mệnh đề, phân tích văn phạm và ngữ vựng. Kỳ thi đó bài Pháp văn là bài Mary đi Mỹ với các câu hỏi hoàn toàn trong cuốn sách đã được đọc. Tôi mất một giờ làm bài, phần còn lại viết tới viết lui cho đẹp! Năm ấy cha tôi không đợi tôi ngoài cổng trường thi nhưng ông lại được ông con ngông nghênh cho biết chắc chắn sẽ đậu vào y khoa dù ông thầy Vũ Bảo Ấu đằng sau nhà nhắc nhở rằng: “Cậu nhớ thi vào Y khoa là thi tuyển đấy”. Tôi đậu vào y khoa rồi, ông vẫn không tin tôi sẽ học. Ngày đầu tiên đến trường ông bắt tôi hứa sẽ không hoạt động xã hội, không đi Hướng Đạo, không được viết báo Chính Luận, không được làm ban đại diện sinh viên. Tôi giữ được lời hứa đúng một tháng nhưng sự tiên đoán tôi sẽ không học hết y khoa của ông không đúng. Năm 1975 tôi tốt nghiệp, ông mất sau ba tháng nhìn thấy cảnh đời tang thương mà không thấy ngày tốt nghiệp của tôi.

Đêm hôm nay, viết những giòng chữ này cho ngày Father’s Day và những kỷ niệm cũ, nếu ông còn sống chắc ông cũng sẽ rằy rà với cặp mắt nghiêm khắc như ngày tôi 18 tuổi: “Mày không đi ngủ sau mấy đêm làm việc chỉ thích viết lách!” Một lần nữa, cha con tôi chắc lại bất đồng ý kiến, ở vào tuổi của tôi ông cũng đã vướng vào những đam mê khác!

chieclavotinh
06-22-2019, 11:19 PM
“Thiền của Đức Sư Tổ Dasira Narada”
https://dtphorum.com/pr4/showthread.php?5754-Coi-ch%C3%B9a/page3 (Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 6))

10 Năm Tụng Kinh Tại Nursing Home
Nguyễn Kim Dục

Sau 911 tôi đang đi làm cho hãng máy bay ở Huntington Beach, hãng này chuyên làm đồ phụ tùng trang bị phía trong máy bay như những cái kệ trên đầu hành khách để hành lý hoặc những xe đựng thức ăn và nước uống đưa đến cho khách thì được cho về vườn đuổi gà cho vợ. Nhiều người trong hoàn cảnh tôi đều lo sốt vó, riêng tôi vẫn bình chân như vại vì tôi đã làm việc trên 10 năm đủ 40 quarters để lãnh tiền hưu, lúc đó tôi trên 62 tuổi, được lãnh tiền thất nghiệp hình như khoảng một năm và tôi làm đơn xin về hưu non.

Ở nhà dài dài cũng buồn tôi xin vào đạo tràng của sư cô Chân Phụng, hàng tuần đi vào các nursing home chỗ nuôi các người già bệnh tật để tụng kinh và đem quà bánh cho họ qua các nursing home ở Westminster, Garden Grove, Santa Ana.

Đúng là công việc ăn cơm nhà vác ngà voi, phải có bồ đề tâm vũng chắc mới trụ lại đến ngày nay cũng trên 10 năm rồi. Với tâm niệm "Niền an vui vẫn luôn có Phật" nên lúc nào cũng có mặt những buổi tụng kinh hàng tuần ở các nursing home. Chủ lễ đã có các thầy, các sư cô, mình chỉ có việc đem hoa quả trái cây sắp lên cúng và đánh chuông gõ mõ. Có chỗ có nhân viên của bệnh viện họ bày bàn thờ Phật cho mình, không có thì mình phải khuân đồ ra sắp xếp bàn thờ để các Thầy, Cô làm lễ tụng kinh, các Phật tử đọc theo cô, Phật tử nam phụ trách chuông, mõ, khánh, hôm nào thiếu người tôi phải làm luôn hai phần việc.

Trong đạo tràng của sư cô Chân Phụng có bốn Phật tử nam và nhiều Phật tử nữ. Bốn ông nam này kiên trì từ ngày thành lập đến nay không bỏ cuộc, còn nữ thì rơi rụng gần hết. Bốn nam than ôi ba ông không biết lái xe, đạp xe đạp tới viện dưỡng lão ở gần nhà, gặp hôm trời mưa coi như bó tay. Cô lại rước không có Cô nói nhờ bác Dục lại chở mấy ông ấy hộ tôi. Tôi đành hoan hỉ nhận vì mình lỡ có cái nguyện mở vòng tay rộng làm tất cả những gì làm được để làm vui vẻ mọi người.

Nói rõ về ba ông thần nước mặn, hai ông sang đây theo diện HO, còn một ông đi diện con lai. Hai ông có pháp danh một ông là Nguyên Khanh, một ông là Tâm Đức, còn ông đi diện con lai là Trường Thọ. Ông Nguyên Khanh trước đây bị ung thư bao tử, nhờ tụng kinh gõ mõ làm Phật sự mà bây giờ khỏi bệnh, chả có ki mô ki miết gì hết mà khỏi bệnh mới tài, thành thử ông ta tin Phật lắm, thường rủ hai ông kia đi nghe pháp và thọ bát quan trai vào những ngày cuối tuần. Vậy là cuối tuần đi tụng kinh tôi phải ôm show một mình, có khi làm chủ lễ nữa vì thầy và các sư cô làm Phật sự ở các nơi khác, còn ba ông thần nước mặn cuối tuần thường thọ bát quan trai ở các chùa hoặc đi nghe pháp để mình tôi tự xoay sở.

Những hôm một mình lãnh đủ đó tôi thường rủ vợ tôi đi để gõ mõ hoặc chuông khánh. Chỗ này tôi không bỏ được vì bệnh nhân ra đông lắm, phải trên 40 người, phần nhiều tỉnh táo để nghe kinh, và sau buổi lễ chúng tôi hát những bài Phật ca, vừa hát vừa vỗ tay, mọi người rất là vui. Hồi trước có anh Tuấn Cường, là con trai của cô Kiều Chinh, cứ vác đàn guitar lại sau khi chúng tôi tụng kinh xong là anh ta vứa đàn vừa ca cho các cụ nghe, họ thích lắm vì anh ta hát những bài tình ca họ quen thuộc, còn trong ban chúng tôi hát những bài Phật ca, hát mãi cũng nhàm, thành ra ở đây chàng nghệ sĩ được hoan hô nhiệt liệt, nhưng chỉ được một thời gian rồi thôi, không thấy chàng ôm đàn đến nữa.

Ba ông thần nước mặn của tôi họ tu rốt ráo lắm, họ xuống tóc, ăn chay trường, thường đi nghe pháp hoặc thọ bát quan trai, họ rủ tôi xuống tóc, ăn chay trường, tôi nghĩ rằng tôi chưa làm được như họ vì chưa buông xả hết vẫn còm tham sân si, còn thích đeo đồng hồ xịn, đi xe đẹp thì làm sao tu được. Đối với các Thầy, các Cô vật chất chỉ là phương tiện thôi. Quan niệm của tôi thì khác, không phải lạy Phật sói đầu sẽ được về Tây phương cực lạc mà mình phải làm nhiều điều tốt, thương yêu chúng sinh, làm lành lánh ác, không có bon chen lừa thầy phản bạn để có lợi cho mình thì không được.

Trong đạo tràng của chúng tôi có ba sư cô và một thầy đại đức, sư cô Chân Phụng đi tu từ nhỏ, không có chồng con, sang đây cũng đi làm các hãng, vừa làm vừa tu, lấy nhà của mình làm cái Thất, lâu lâu mời Phật tử về Thất tụng kinh và phụ trách ngày thứ tư và thứ năm dẫn Phật tử lại nursing home tụng kinh. Vào mùa hè phải vào kiết hạ một hai tháng để tu và lên cấp bậc. Hiện giờ đã lên ni sư coi như thượng tọa bên các thầy. Khi nào vào kiết hạ lại nhờ Quảng Trí Hạnh (là pháp danh của tôi) trong thời gian cô đi vắng giúp cô chở mấy huynh đi tụng kinh hộ ở mất viện dưỡng lão mà cô phụ trách.

Trước yêu cầu trên, không nhận không được, còn ai biết lái xe mà đưa các anh ấy đi, nỗi khổ tâm của tôi, tôi đã biện bạch trong bài "Phật Ở Ngay Trong Ta" trên báo Việt Báo. Ít lâu sau có một độc giả liên lạc với tôi nói muốn tham dự trong đạo tràng của chúng tôi để chở mấy anh không biết lái xe đi tụng kinh vì biết ở tuổi tôi "chê cơm thèm đất thích nghe kèn". Chả biết còn sống bao năm nữa để làm Phật sự. Tôi mừng hơn trúng số.

Đi mấy cái nursing home mà Cô tạm giao cho tôi phụ trách, một cái ở đường Blackbird thì vào muốn dội ra liền vì mùi xú uế từ những bệnh nhân đưa ra vì làm vệ sinh cá nhân không được tốt. Tôi liền liên lạc với các giới chức có thẩm quyền tại đó nếu tình trạng này còn kéo dài thì chúng tôi không lại nữa và họ đã sửa sai, sau này sạch sẽ không còn mùi hôi nữa.

Còn một cái ở đường Chapman thì bệnh nhân đem ra có hai người, một người nghẹo cổ chả nhận được điều gì, còn một người thì đang chuyền serum treo dây tòn teng trên đầu coi quá thảm, tôi nói thôi đi về, không có tụng gì hết, của mình đi năm sáu người, họ đem ra hai người thì tụng ai nghe. Tôi nghĩ bụng vơ bèo vợt tép cho cố mà không dám nói ra sợ phạm tội.

Một sư cô tên là Trí Minh phụ trách ngày thứ năm. Hồi xưa Cô là dân bán vàng ờ Phước Lộc Thọ, có chồng có con mà bỏ tất cả đi tu.

Ngoài ra, còn thêm một Sư cô mới tên Hiền Lương có bằng cao học đi từ năm 1975 làm việc để dành tiền mua được nhiều bất động sản rồi cũng đi tu. Có lần tôi hỏi cơ duyên nào mà Cô bỏ tất cả để cạo đầu đi tu, Cô cười cười, tại tôi dữ quá không ai rớ tới tôi nên tôi đi tu, mà Cô dữ thật. Cô phụ trách ngày thứ bảy. Có Cô đi làm chủ lễ thì không cho Thầy lại, ông thầy cũng bực mình lắm, mà Cô hay đi các bang khác để lo Phật sự. Khi nào không có Cô tôi phải mời Thầy đi, mà Thầy cũng bận, tôi đành phải thay Thầy. Cô làm chủ lễ vì nơi đây các bệnh nhân ra đông lắm. Ở đây có chị Hạnh, cô Nhung và bà Lan (bà này đen nên gọi là Lan đen để phân biệt Lan cao, nhưng không ai dám gọi sợ bà ấy điên lên xáng cho một cái thì không biết đường đâu mà đỡ).

Chị Hạnh thì mua cam, mua nhiều, mỗi lần đem vào 4, 5 bịch cam, còn cô Nhung thì mua chuối đem vào, vừa chuối tiêu vừa chuối sứ, bà Lan thì mua 2 bịch quít, mỗi bịch trên hai chục trái, còn một bà nữa tôi không biết tên đem bánh croissant nhưng không có thường xuyên như mấy người kia.

Trong lúc Thầy, Cô tụng kinh thì mấy người này bỏ vô bịch 1 trái chuối, 1 trái cam, 1 trái quít, 1 cái bánh để lát nữa xong lễ thì phát cho mỗi người một bịch. Họ làm lâu rồi nên quen, người nào ăn được mới phát. Thường thường dư thì đem sang phòng bệnh nhân công giáo, cũng sinh hoạt cùng giờ như bên phật giáo, 2 bên ngăn cách chỉ một bức tường.

Đạo tràng 2 năm trở lại đây xuất hiện thêm một thầy là thầy Thích Viên Pháp, thầy ở trong miền Đông sang đây để thăm dò tình hình Phật giáo bên Cali ra sao. Khi biết được có đạo tràng đi tụng kinh ở Nursing home, Thầy thấy hay quá nên xin các cô cho đi nhập hội, và được phân công phụ trách ngày thứ sáu.

Thầy Thích Viên Pháp sang Mỹ từ năm 1975, học ra kỹ sư, đi làm mấy chục năm có mấy trăm ngàn đô la, không lấy ai hết, quit job rồi cạo đầu đi tu. Năm nay Thầy được 57 xuân xanh. Nhiều Thầy nhiều Cô tuổi đã cao có chùa khang trang muốn mời Thầy về trụ trì mà Thầy không nhận, Thầy mướn một phòng ở Westminster gía 450 đô một tháng, nơi nào mời Thầy đi giảng pháp thì Thầy đi, và Thầy thường hay đi thông dịch cho các Thầy Tây Tạng. Có tiền mà sống một cuộc đời khổ hạnh, không bon chen, không muốn ai biết đến mình, đúng là bậc chân tu. Thầy có tiền nhưng vẫn đi chiếc xe cọc cạch, thành ra vào ngày thứ sáu tôi phải lại đến đón Thầy đi tụng kinh ở Santa Ana vì xe Thầy ẹ qúa đi xa không được.

Ngoài Thầy, tôi còn phải đón 3 ông thần nước mặn kia nữa, tất cả 5 người đi trên một xe. Thường thì trước đó tôi đi mua hoa quả, trái cây lên cúng Phật và cho bệnh nhân, thành ra ngày thứ sáu tôi mất gần 4 tiếng cho Phật sự.

Một hôm tôi hỏi Thầy Thích Viên Pháp:

- Thầy ơi, con người có số không Thầy?

- Có chứ sao không.

- Vậy hồi xưa con đi hành quân có lúc tiểu đoàn đụng trận chết một lúc cả trăm người thì những người đó cùng một số hay sao?

- Vì kiếp trước những người đó gây ra cái nghiệp gần giống nhau nên kiếp này đã run rủi cho họ gom lại 1 chỗ để trả nghiệp xưa.

Giải thích của Thầy đã giải tõa phần nào thắc mắc của tôi.

Trước đây tôi bị cao máu, cao mỡ, tiểu đường phải uống thuốc dài dài mà không khỏi, sau tôi theo khóa tu thiền ở Trường Sinh Học Dasira Narada ở đường Beach đi vô đường 21, ở đó học hết cấp 4 rồi tôi tự thiền ở nhà, và sau một thời gian dài khoảng 2 năm thì bây giờ bệnh tình tôi khỏi hẳn. Vị bác sĩ gia đình thấy tôi hết bệnh cũng ngạc nhiên hỏi có uống gì thêm không? Dạ không, hằng ngày tôi chỉ tập thể dục thôi, tôi trả lời.

Tôi không cho bác sĩ biết hằng ngày tôi ngồi Thiền. Thiền đây cũng như bên Pháp Môn Tịnh Độ, khác một cái là Thiền của Đức Sư Tổ Dasira Narada thì ông Thầy sẽ mở luân xa cho mình. Trong người có tất cả 7 luân xa, khi đã mở ra thì mình hít vô thở ra thấy đường khí chạy khắp châu thân. Đó là vì chỗ nào bị tắc nghẽn thỉ nó đã thông. Khi tuần hoàn thông suốt thì không còn bệnh nữa, bệnh gì cũng hết kể cả bệnh ung thư.

Trước khi ngồi thiền tôi phải hít vô bằng mũi rồi thở ra bằng miệng 3 hơi rồi mới ngồi thiền, sau khi thiền xong cũng lập lại một lần nữa. Hiện giờ hết bệnh rồi, hằng ngày mỗi buổi sáng dậy tôi tâp thể dục nửa tiếng khoa tay múa chân và hít đất nửa tiếng, sau đó tôi thiền nửa tiếng, mấy năm nay không bỏ một ngày nào

Trước đây tôi ăn uống dữ lắm, mỗi bữa ba chén cơm và ăn thịt cá rất nhiều, bây giờ ăn rất ít mỗi bửa lưng chén, thịt cá không thèm nửa mà người rất khỏe mạnh, lái xe phom phom chở các anh đi tụng kinh đều đều không bỏ ngày nào. Tôi nghĩ rằng Phật độ, chứ năm nay 79 tuổi rồi đâu còn sức khỏe nữa

Nhớ câu thơ của ai đó, xin để kết thúc bài này:

"Thôi rồi Phật đến hào quang đến
Là cả trần gian báo thiệp mừng"

chieclavotinh
07-20-2019, 11:40 PM
Góc đời lãng quên
Thái Hà

Chừng nửa năm tôi mới lại có dịp đến thăm hai nơi an trú của quý vị đồng hương cao niên, không còn khả năng tự săn sóc mình: Garden Park thuộc thị xã Garden Grove và French Park, thị xã Santa Ana.

Vẫn ông giám đốc hành chánh/tiếp thị Nguyễn Na đưa tôi đi một vòng thăm các bệnh nhân và phòng ốc tại hai cơ sở. Bình thường, ông Na rất cẩn trọng và nghiêm túc trong cử chỉ cũng như cách phục sức trong giờ làm việc nhưng sáng hôm Thứ Năm, 10 tháng Bảy 2008, tôi hơi ngạc nhiên thấy ông đi dép. Đang phân vân không tiện hỏi, không biết có phải vì đã bước vào Mùa Hè chăng thì ông cho biết chân ông bị đau, không mang giày được và đang chờ giải phẫu.

Tháng năm trôi qua kể từ lần đầu khoảng 5 năm trước, nghe tin viện dưỡng lão Garden Park do ông Nguyễn Na phụ trách trông coi chương trình dành cho người già Việt Nam, hoạt động rất tốt, tôi ghé thăm để tìm hiểu với lòng tưởng nhớ mẹ tôi đã qua đời năm cụ 91 tuổi, từng trải qua những thời kỳ ngắn hạn bị gởi vào viện dưỡng lão của người bản địa mà ký ức tôi còn in đậm nỗi thống khổ kinh hoàng của những bệnh nhân nghèo phải sống qua chuỗi ngày tàn ở nơi đó.

Cùng với thời gian, công việc quản trị có phẩm chất đưa đến uy tín ngày càng tăng tiến, công ty ý thức được tiềm năng đóng góp của khối người Việt cao niên vào phúc lợi của công ty nên họ tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh, luôn luôn với nguyên tắc đôi bên đều hưởng lợi, như người Mỹ thường nói Win Win situation. Cơ sở vật chất ở cả hai nơi Garden Park và French Park thường xuyên được cải thiện. French Park do địa thế rộng rãi và kiến trúc mới hơn, nay có phòng khách sang trọng và ấm cúng để thân nhân vào ra thăm viếng có chỗ nghỉ chân, giải khát với không khí gia đình. Phòng vật lý trị liệu trang bị với đủ loại thiết bị chuyên môn để bệnh nhân tập luyện với chuyên viên, từ nhẹ đến nặng, từ phục hồi chức năng đến chỉ giữ cho tình trạng thể lý người bệnh không suy sụp hơn. Phòng giải trí của quý cụ có TV màn ảnh lớn, có chuyên viên giúp vui với các trò chơi như ném bóng để luyện phản xạ, trau dồi thị lực, khả năng tập trung của quý cụ; như vẫy những cái đuôi diều ngũ sắc để luyện tập cử động tay v.v...

Mười giờ sáng ở cả hai nơi, các phòng ngủ chăn gối xếp gọn ghẽ, rèm cửa kéo lên để nắng vào và không gian tuyệt đối im lặng vì các cụ hoặc đã tự động lăn xe ra các phòng sinh hoạt hoặc được y tá đẩy xe ra. Bên French Park, khoảng sân cỏ mặt tiền nay được nới rộng thêm chỗ bày bàn ghế, để khách thăm và thân nhân ngồi trò chuyện với các cụ. Nắng sớm và quang cảnh nơi này như bức tranh cổ, gợi cảm giác bình yên, thư thái, với thảm cỏ xanh tươi được chăm sóc kỹ lưỡng như công viên. Lúc tôi đến, có vài cụ ngoại quốc ngồi một mình, tắm nắng ban mai trên chiếc xe lăn, không biết các cụ nghĩ gì nhưng ánh mắt đọng nét buồn êm ả của buổi chiều sắp hết. Một thanh niên người Việt, áng chừng vừa bước vào tuổi 40, bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người và óc bị hư phần phát âm, nhìn người qua lại bằng nụ cười ngu ngơ, ánh mắt cam chịu, vương vấn một câu hỏi không ai trả lời anh được ngoài Thượng Đế: Tại sao thế này? Tại French Park, tôi được làm quen với chị Lyly, phụ trách phòng giải trí trên lầu. Trái với thể tạng nhỏ nhắn, thanh mảnh, chị có nụ cười rộng, hàm răng khỏe mạnh, đôi mắt thật sáng với ánh nhìn chân tình. Chị làm việc từ 9 giờ sáng đến 5:30 chiều mỗi ngày. Gặp tôi, chị ân cần hỏi làm sao có báo Người Việt hoặc Việt Báo cho các cụ còn đọc được?

Đành là cái nghề di đôi với cái nghiệp nhưng tôi tin cái nghiệp của những nhân viên làm việc tại các nhà dưỡng lão, tuy nhọc nhằn xong hẳn là rất lành, rất thiện. Những người như ông Na, chị Lyly (và nhiều người khác tôi chưa được làm quen) phải có cái tâm rất từ ái, để chấp nhận san sẻ niềm vui, sự may mắn của họ trong cuộc sống hàng ngày với những người đã mất chúng. Cùng với những vì tường thường xuyên được chăm sóc sạch sẽ, những rèm cửa tươm tất không có bụi bám, những nền nhà bóng loáng không một cọng rác, những phân vuông không khí trong trẻo, không vẩn đục mùi thuốc men và mùi thân thể người già, khuôn mặt nhẹ nhõm, dáng vẻ nhanh nhẹn, nụ cười tươi tắn của tập thể các nhân viên phục vụ là ánh sáng Mặt Trời trên các hành lang chập chờn nỗi buồn tử sinh.

Tôi còn gặp lại đôi vợ chồng già năm trước. Bà cụ vẫn nửa nằm, nửa ngồi trên xe lăn, hai tay múa những điệu vô nghĩa trong thinh không, cái đầu lắc lư kèm với ánh mắt ngây ngô nhìn người qua lại. Cụ ông còn khỏe mạnh, đẩy xe cho cụ bà ra sân sau cho có chút nắng. Cụ bà đã nằm như thế cả mười năm nay và cụ ông ngày nào cũng vào với cụ bà, lúc thì chơi ném bóng, lúc thì quạt, người này là sự yên tâm của người kia. Tôi toan đến gần, hỏi thăm cụ ông đôi điều nhưng rồi lại thôi, chỉ đứng nhìn, nghĩ có nói gì, viết gì, cũng không cách nào diễn tả hết cái tình phu thê phi thường của hai cụ, cũng không cách nào giải thích được vì sao cớ sự xảy ra như thế và cứ cho là cụ ông vui lòng trả ơn người bạn trăm năm của mình thì Thượng Đế ơi, tại sao bắt cụ ông phải đền đáp cách này? Bao giờ thì trả đủ hay khi trả đủ rồi, một mình giữa cảnh chiều tà bóng xế, cụ ông lại tự hỏi “mình sống cho ai đây?” Và cụ bà, liệu có khi nào le lói đâu đó trong khối óc không còn nguyên vẹn của cụ, nỗi ngậm ngùi mình đã không thể ra đi sớm hơn để cất giùm cho nhau gánh ưu phiền to lớn kia?

Ở cả hai trung tâm đều có bệnh nhân nặng. Họ nằm lịm giữa đống giây nhợ lằng nhằng, có người được đặt ống thở. Có lẽ sẽ đến một lúc vấn đề nhân đạo đúng nghĩa phải đặt câu hỏi cho y giới, thế nào là cứu sống một nhân mạng? Có nên giữ con người trong tình cảnh sống dở chết dở như vậy không hay nên khiêm nhượng trả lại quyền sinh sát cho Tạo Hóa? Và sự sống cần có những phẩm chất nào để xứng đáng được bảo vệ và duy trì hơn là hơi thở từ một cái máy bơm vào lồng ngực một thân thể bất động?

Ở một phòng khác, một cậu thanh niên trẻ, bị liệt toàn thân sau một tai nạn, đã dùng cằm để kẹp cây cọ vẽ, sáng tác những bức tranh màu nước với kích thước nhỏ, mô tả những khoảng không gian đầy nắng gió, cây xanh, cát và sóng biển, của những Mùa Hè khi tương lai còn hứa hẹn với cậu những giấc mơ đời tuyệt đẹp... Khi tôi bước vào, cậu đang lơ mơ ngủ. Cánh tay đã lâu không dùng đến của cậu nay như một khúc xương xếp sát vào bên cạnh sườn. Thấy người lạ, đôi mắt cậu thoáng một chút bối rối rồi lập tức lạnh nhạt, như thể cậu không muốn ai đọc được một điều gì trong đôi mắt ấy vì dù ái ngại hay thương cảm, cũng chỉ làm cậu thêm đau lòng.

Ngoài lobby, một ông chừng 60, cũng tai biến mạch máu não, ngồi trên xe lăn, lấy tay chỉ vào một bên chân mang chiếc vớ màu xanh, ú ớ phát âm không thành tiếng, ý muốn nhờ tôi làm một việc gì đấy mà tôi không thể nào hiểu dầu đã cố vận dụng cả trực giác nhưng đành chịu. Ra dấu mãi không được, ông tỏ vẻ tức giận, mặt sưng lên, mắt mở to. Tôi đứng dậy, đi tìm y tá nhờ giúp. Lúc tôi quay lại, ông vội vàng lăn cái xe chặn ngang chiếc ghế tôi vừa ngồi lúc nãy, y như tôi là một kẻ đáng ghét tình cờ xuất hiện trước mắt để ông trút cơn thịnh nộ. Có chút gì trong cái cử chỉ hung hăng, trẻ con của ông khiến tôi vừa thương, vừa nín cười, hình dung ra ông trong những quán nhậu ồn ào khi ông chưa lâm bệnh.

Một bà con gái rụt rè đón đường ông Na để hỏi thăm bao giờ thì căn phòng dành cho bà thân mẫu được sửa chữa xong hầu di chuyển cụ qua? ông Na mở cửa căn phòng ngập nắng nhìn ra hướng Đông, xem xét rồi cho biết chỉ còn cần đóng nốt mấy cái nẹp quanh chân tường, sẽ sẵn sàng vào buổi chiều.

Tôi thành tâm tin tưởng rằng đến một lúc khi gia đình không còn là nơi an toàn cho cha mẹ già hay người thân yêu nữa, Garden Park và French Park là nơi an dưỡng tốt nhất cho các cụ và những ai trong hoàn cảnh này. Ông Na cho biết ngoài những trường hợp thân nhân nghe tiếng mà đến, ông cũng thường xuyên vào các trang mạng của các viện dưỡng lão của người Mỹ để tìm kiếm các bệnh nhân hay các cụ người Việt, giúp đem họ về đây với niềm tin hơi hướm đồng hương là dòng suối an lạc cuối cùng cho mọi người tìm về.

Như mỗi khi đến đây, chỉ một vòng viếng thăm ngắn ngủi, lòng tôi đã đầy ắp những cảm xúc không tên. Nếu phải sống hàng ngày với tất cả từng ấy con người và cảnh ngộ, liệu tôi phải lựa chọn cho mình một thái độ ứng xử thế nào để mỗi buổi sáng, khi thức dậy sửa soạn đi làm, tâm hồn vẫn trong trẻo, nguyên vẹn sự hăng hái như ngày mới bắt đầu ngoài kia? Tôi cảm phục những người như ông Nguyễn Na, chị Lyly. Họ soi những tấm gương không mấy dễ chịu, chấp nhận những câu hỏi khó trả lời cho đến khi tâm họ thực sự bình an, biết rằng họ đã làm những điều tốt nhất trong khả năng mình giữa dòng đời đầy sự bất ngờ và muộn màng.

Có lẽ phần thưởng hiếm quý của họ là cơ hội nhận chân giá trị của vài thứ mọi người thường phí phạm trong cuộc sống hàng ngày: tiếng nói, cử động của chân tay. Con người khi ý thức được sự ngắn hạn của những khả năng trời ban ấy, sẽ bớt được biết bao những lời nói độc địa để chỉ còn chắt lọc yêu thương, sẽ ngừng được biết bao những cử chỉ không có ích lợi gì cho ai để chỉ còn đi những bước chân đến gần nhau...

Tôi ra về, mang theo hình ảnh cái chuồng chim yến bên khu French Park, đặt ở lối vào của phòng giải trí cho các bệnh nhân. Những con chim nhỏ, sạch sẽ, bay nhẩy trên mấy cái cành cây, trong một không gian đủ cho chúng vui đùa bên nhau, có sẵn thức ăn và nước uống, làm sao biết được thân cá chậu chim lồng?

Trên đường trở ra, tôi ghé vào khu hội trường vừa được tân trang, rất sáng sủa và tiện nghi, có cả đàn dương cầm, có lối đi riêng từ bãi đậu xe thẳng vào, biệt lập với khu người già. Ông Nguyễn Na cho biết ban giám đốc French Park sẵn lòng mời các hội đoàn từ thiện/cộng dồng, văn nghệ sĩ, đến đây tổ chức họp bạn, hội thảo, ra mắt, thơ nhạc thính phòng, gây quỹ v.v... Đây là một đề nghị khá độc đáo vì cái Góc Đời Lãng Quên này thường là một địa chỉ ít người muốn nghĩ tới khi họ còn là những cánh buồm no gió ra khơi, hướng về những chân trời mơ ước.

SP500 SPY
08-18-2019, 02:42 PM
Hành trình đi tìm Nursing Home - Heather Pham

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019















https://apis.mail.yahoo.com/ws/v3/mailboxes/@.id==VjN-Df33FNCURKXqWW7mvJDlqxzavhdn_lhaSthemxVetQejIxXoa-AzQo5FvbMqQCuGgCQdIETuVYu2J6TL65SfhQ/messages/@.id==AGOzXHNSAB3lXNMUegTWSLMFANQ/content/parts/@.id==2/thumbnail?appId=YMailNorrin&downloadWhenThumbnailFails=true&pid=2


Mình làm POA (Power of Attorney) cho một người bạn, tháng trước bệnh viện chuyển bạn qua Rehab, nhưng vì không còn chỗ nên Case Manager gợi ý là chuyển tới NH (Nursing Home-Rehab), mình có hỏi bạn để mình kiếm NH tốt, bạn nói không sao vì Social worker nói mấy chỗ NH chung Rehab thường tốt hơn, và hứa sẽ kiếm một chỗ tốt cho bạn, gần bệnh viện, để tiện việc đi lại.

Giải thích cho bạn NH, con quạ nào cũng đen như nhau, chẳng qua nó biết che hay không thôi. Bạn nói thấy mình bận rộn, với lại bạn biết tiếng Anh và còn tỉnh táo chắc không ai dám ăn hiếp bạn. Với lại sau này trước sau cũng vào NH ở, nên coi như trải nghiệm.
<!>
2 ngày sau mình vào thăm bạn, bạn nửa thức nửa ngủ, lờ đờ, Nurse nói bạn ngủ suốt, thường ngày bạn mình là người mất ngủ thường xuyên, mới đầu nghĩ là từ bệnh viện qua, rồi nhiều thuốc mới, có thể chưa quen và mệt. Mình yêu cầu coi list những thuốc bạn đã uống, họ cho tối đa PRN (thuốc yêu cầu khi cần) thuốc ngủ, bạn nói không hề yêu cầu thuốc ngủ, trong khi Nurse một mực nói có.

Trước khi đi mình có chụp hình xung quanh phòng. Hai ngày sau quay lại, rác vẫn chưa đổ, gọi charge nurse complaint, họ đổ thừa là 2 loại rác, house keeping tưởng là rác y tế nên không dọn.

Đồ ăn thì khỏi phải nói, 90% món ăn là đồ hộp hoặc đông đá, thịt gà cứng và khô, rau green bean thì mặn chát, tụi nhà bếp còn cắt luôn khẩu phần sữa, lại phải đi cãi lộn, mình biết tỏng là tụi nó giấu sữa Ensure đem về.

Ngày sau nữa đến, Nurse quên làm wound care, trời ạ, vết thương cần thay băng mỗi ngày 2 lần. Thuốc thì một số prepack trong bịch nhỏ, tụi nó cứ ngắt ra mà không cần coi lại, vì dạng thuốc đóng gói sẵn nên chuyện sai sót thuốc dư thiếu là chuyện bình thường, nhưng nurse không hề kiểm tra lại, thuốc huyết áp mém chút uống gấp đôi. Nói bạn uống phải coi chừng, bạn vì quá đau nhức và không đủ sức khỏe nên cũng không lên tiếng.
Mình biết bạn bị cho uống thêm thuốc ngủ mà không làm gì được.

Đỉnh điểm là khi Nurse Aid đưa cho bạn mình nước, gọi call light cách đó 3 hrs, khi ngửi có mùi rất khó chịu, mình nói sao đưa nước lấy trong rest room hả, she chối. Mình nói giờ she viết giấy xác nhận, mình sẽ gọi State, police liền, đem nước đi phòng lab, coi có phải neglected patient không, she hoảng hồn nói chắc nhà bếp đưa nhầm, xin lỗi rối rít.

Họ nói có transportation riêng đưa đón người trong đó, mình chứng kiến bà làm front desk kiêm tài xế đưa người đi, ai dè lúc đưa người ra khỏi xe, wheelchair bị vướng, ông lão bị lăn cù mèo té không đứng lên được, vì không có kinh nghiệm transfer người, bả mặc váy lùng phùng, quay ông già vòng vòng bầm dập, mình chạy vào gọi người ra giúp. Mình chắc chắn là gia đình họ sẽ không hề biết chuyện này.

Ở NH nên đem đồ nhà càng nhiều càng tốt, thí dụ nước uống, bộ trải giường, hay khăn mặt trước đó họ chùi cái gì thì có trời biết được. Bạn mình thì cứ nói kệ, cho qua đi, bạn chịu khó để ý là được. Ngồi một chút tiếng người già la hét, khóc lóc, tiếng mấy cô nhân viên cũng la hét, mùi hôi khai không thể nào chịu nổi. Mình thừa biết, State muốn kiểm tra, khi qua được cửa thì mọi việc đã khác.

Mình gọi phone cho Bác sĩ nói xin chuyển him đi chỗ khác, lần này mình tìm được NH khác, với rating khá cao, có RN, BSN chứ không phải LPN (*), phòng ốc sạch sẽ không hôi khai. Giường tối tân có gắn sensor, mỗi 2hr sẽ gọi vào beeper có người vào coi chừng, turn, thực đơn thì tương đối phong phú, có chef nấu.
Nói chung mọi thứ vô cùng yên tâm.

Sau 2 ngày thăm bạn, bạn than đau nhức quá, bị muscle spasm liên tục, tự nhiên mình nghi ngờ he bị withdrawal thuốc, hỏi có uống thuốc giảm đau không, he nói có, mình chờ đúng giờ gọi đưa thuốc, nói bạn nhìn kỹ viên thuốc tối nay coi nó đưa đúng thuốc không, y chang nó đổi thuốc thay thuốc Hydrocodone giảm đau loại mạnh, bằng Tylenol, mình lại làm người xấu đi complaint Nurse cãi nói viên đó không phải, sau đó thì mọi việc yên ổn, không còn bị uống thuốc dzỏm. (Tình trạng Nurse ăn cắp thuốc rất phổ biến ở NH)

Nurse ở đây làm việc máy móc, computer bị lỗi software, không hiện thông báo, là có khi không cho thuốc antibiotics (through IV) bạn mình phải setup alarm để nhắc.

Chuyện cái giường hiện đại, cứ 2hrs bất kể ngủ hay không CNA cứ đè bạn mình ra turn trái phải ������ làm 2 đêm đầu mất ngủ. He kể con nhỏ CNA mới đầu thấy him người VN tưởng không biết tiếng Anh, nên vừa ôm phone 8 vừa giúp him, bạn hỏi mày nói chuyện với tao hả, nó nói tưởng bạn mình không biết Anh, sau đó ôm phone xí xố ngôn ngữ khác.

Mình kêu bạn thu âm gửi mình, nhờ cả đám coworker nghe là tiếng nước nào, sau khi biết là Creole nhờ coworker dịch, bả không dám dịch, nói tục quá. Mình nói cứ dịch, hôm sau lai chạy lên nữa gặp Nurse Manager, Social Worker, Administrator nói chuyện, họ tưởng mình là dân làm tiền chuyên nghiệp, kiểu như giả vờ bị abuse neglected rồi giả vờ đòi đi kiện, để được ăn ở free, hay hù dọa kiếm tiền. Bả offer này nọ, mắc cười chết luôn. Mình nói tôi từng làm việc nên biết, chỉ cần take care tốt cho bạn thôi.

Thời gian 3 tuần cũng qua, bạn mình nói đâu ngờ Nursing Home kinh khủng vậy, mặc dù nghe mình nói rất nhiều chuyện, cứ nghĩ biết tiếng Anh, biết luật là không ai ăn hiếp, mình nói tụi nó rành mọi kẽ hở, lơ mơ là mình không làm gì được.

Phải nói thêm là mỗi Nursing Home mình vào thăm, vài ba ngày lại đem hộp bánh, hộp kẹo vào, coi như vừa ủy lạo tinh thần, mình biết công việc NH không dễ dàng chút nào, và cũng ngầm ý, bạn tôi có người nhà.

Mình suy nghĩ rất nhiều trước khi viết bài này. Là một người từng làm Nursing Home, Hospice, Bệnh viện, mình biết người nhà luôn phải tôn trọng, hòa nhã,với nhân viên, cũng là viec bình thường trong giao tiếp. Những ai đã gặp mình ở ngoài biết mình hiền khô à ������ Nhưng nhiều khi cũng nổi điên luôn.

Dù biết mỗi nhà mỗi cảnh. Nếu bạn thật lòng yêu thương cha mẹ và người thân, xin đừng đem họ vào Nursing Home!

(*) BSN= The Bachelor of Science in Nursing cao hơn RN= Registered Nurse, cao hơn LPN= Licensed Practical Nurse.

(NH không phải cái nào cũng như nhau, cũng như ở đâu cũng có người tốt và người xấu.Nếu như không có sự chọn lựa phải vào NH, mình cũng hy vọng anh/chị tìm được một nơi tốt. Bài viết là kinh nghiệm bản thân, không thể dùng làm thước đo cho hệ thống NH ở Mỹ) như không có

sự chọn lựa phải vào NH, mình cũng hy vọng anh/chị tìm được một nơi tốt. Bài viết là kinh nghiệm bản thân, không thể dùng làm thước đo cho hệ thống NH ở Mỹ)

















******************

“Nhà Tù không Đóng Cửa” …

Sống ở Mỹ khá lâu nên tôi ít nhiều cũng bị ảnh hưởng tư tưởng của người Mỹ nên không có ý định nhờ vả con cái khi tuổi về chiều. Một ngày nào đó khi thấy mình không còn khả năng để tự lo cho mình được nữa tôi sẽ vào sống trong các “Boarding care” để có người chăm sóc, nếu tệ hơn sẽ được hưởng những phúc lợi dành cho người cao niên và được bảo vệ bởi hệ thống an ninh xã hội Mỹ.

Ở Mỹ có “Nursing Home” được trang bị đầy đủ phương tiện, kỹ thuật và nhân sự chuyên môn để chăm sóc những người không còn khả năng tự lo cho mình, có “Hospice Service” chăm sóc vật chất lẫn tinh thần cho các bịnh nhân không thể sống hơn sáu tháng, giúp họ ra đi trong yên bình và giúp gia đình họ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Nhưng tư tưởng lạc quan nầy đã hoàn toàn thay đổi từ khi tôi thật sự đối diện với tử thần và nếm mùi bịnh viện sau khi trải qua một cơn bạo bịnh phải nhập viện trong 10 ngày. Tuy đã được thoát chết, vết thương mổ xẻ đã lành, nhưng những đau đớn về thể xác và vết thương tâm thần mà bịnh viện để lại vẫn còn hằn sâu trong ký ức không bao giờ lành. Từ đấy tôi bắt đầu thấy sợ bịnh viện, sợ luôn cả nursing home vì đây chẳng qua chỉ là một hình thức khác của bịnh viện, bịnh viện của người già.

Từ tâm trạng sợ hãi nầy tôi liên tưởng đến 4 năm hãi hùng mà nhạc mẫu tôi phải trải qua trong nursing home trước khi bà mất. Từ đấy những quảng cáo đẹp về nursing home với hình ảnh những cụ già vui chơi hạnh phúc được thay thế bằng những hình ảnh đau khổ của nhạc mẫu tôi và của những cụ già ngồi xe lăn ủ rủ, nghiêng ngả, cong queo, nhễu nhão, những gương mặt mếu máo, những ánh mắt vô thần.

Chúng tôi may mắn được sống chung với cha mẹ vợ vì bà xã tôi là con gái út. Lúc còn khỏe ông bà nhạc của tôi quán xuyến hết mọi chuyên trong nhà để vợ chồng tôi được rảnh tay lo chuyện ngoài xã hội. Hai con tôi gần gũi với ông bà ngoại nhiều hơn với cha mẹ chúng. Đi học về vừa đến cổng nhà là đã réo gọi ông bà ngoại. Tuy nuôi con nhưng thật ra tôi chưa biết thay tã hay cho con bú! Kể cã tiếng Việt chúng nói đều nhờ ông bà dạy từ ngày chúng bập bẹ tập nói.
Nhưng cuộc sống hanh phúc chấm dứt từ khi nhạc mẫu tôi ngã bịnh. Năm 78 tuổi, sau chuyến du lịch Việt Nam về, mẹ nằm suốt trong phòng, than mệt. Ngoài bịnh tiểu đường loại 2 mãn tính, mẹ thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiểu, đau cột sống, ho kinh niên và sau đó khám phá ra bị ung thư phổi. Từ đấy bà ra vào bịnh viện như đi chợ. Thiếu bàn tay của mẹ, gia đình tôi rối loạn lung tung, con cái đi học trể, cơm nước thất thường, nhà cửa bề bộn. Vợ chồng tôi phải tập lại từ đầu cách quán xuyến gia đình, nuôi con, thêm nuôi mẹ già trong bịnh viện. Bố cũng yếu chỉ hụ hợ chuyện lấy thơ, đổ rác, đóng cổng là đã than mệt rồi.


Bác sĩ ung thư khuyến cáo không nên mổ xẻ hoặc trị liệu gì cho mẹ vì ung thư đã di căn đến não. Hơn nữa tuổi mẹ đã quá cao lại bị bịnh tiểu đường nên vết mổ không lành. Hãy để cho thiên nhiên quyết định vận mệnh của mẹ. Tôi dấu nhẹm lời bác sĩ bảo rằng mẹ chỉ sống tối đa là sáu tháng. Mẹ được cho về nhà với lời khuyên “thích ăn cái gì cho bà ăn cái nấy”. Nhưng “Còn nước còn tát” chúng tôi không chịu thua, chạy chửa bịnh cho mẹ bằng thuốc nam. Ai bày thuốc gì ở đâu tôi cũng tìm cho được. Khi lái xe mắt tôi cũng láo liên nhìn bên lề đường, dọc theo các hàng rào tìm cây cỏ “Dendelion” để hái lá cho mẹ ăn. Nghe nhà ai có cây nha đam chúng tôi cũng tìm đến xin hay mua cho bằng được. Bã xã tôi cầu nguyện cho mẹ hàng ngày không xao lãng.

Như được một phép nhiệm mầu, bịnh ung thư của mẹ tôi thuyên giảm dần dần và sau mấy tháng khối u trong phổi tự nhiên biến mất. Bác sĩ gia đình rất vui bảo “đừng thắc mắc, hảy cứ tin là như vây đi”. Nhạc mẫu tôi thì tin là mình đã hết bịnh thật, còn vợ chồng tôi thì gần như kiệt lực, mong sau phép lạ sẽ kéo dài. Bịnh ung tư không thấy trở lại, nhưng bịnh đau cột sống làm mẹ đau đớn không ăn ngủ được nên sinh ra khó tính. Mẹ lại quên trước quên sau. Mẹ không còn kiểm soát được tiêu tiểu nữa nhưng nhất định không chịu mang tã. Bố cũng già mệt mõi, suốt ngày ngủ trong phòng. Ông bà lại không biết tiếng Mỹ, không dùng điện thoại, nên khi vợ chồng tôi đi làm lúc nào cũng phập phòng lo sợ.

Bác sĩ gia đình đề nghị nên cho mẹ vào nursing home để dễ bề chăm sóc. Vợ chồng tôi đồng ý ngay nhưng gặp sự phản khán quyết liệt của nhạc mẫu tôi. Suốt đời mẹ không bao giờ xa gia đình nửa bước nói chi chuyện cách ly vĩnh viễn! Đối với mẹ, mất gia đình là mất tất cã. Chúng tôi nể mẹ nên không dám nói chuyện nursing home nữa, chỉ sợ làm mẹ buồn ảnh hưỡng đến sức khỏe.

Nhưng sức khỏe của mẹ càng lúc càng tệ. Sau lần cấp cứu cuối cùng vì bị ngất xỉu, bác sĩ đề nghị phải đưa thẳng mẹ vào nursing home, vì theo ông, đó là cách tốt nhất để bác sĩ có thể theo dỏi bịnh tình và giữ an toàn cho mẹ.
Ngày đầu tiên vào nursing home không ai nỡ bỏ mẹ một mình nên quấn quít bên bà cho đến tối rồi cũng phải ra về. Đó là ngày đầu tiên trong cuộc đời mẹ phải sống lẻ loi một mình bên những người xa lạ. Tôi còn nhớ rỏ gương mặt thẫn thờ của mẹ nhìn theo con cháu đang bỏ bà mà đi. Tôi không dám nhìn mẹ lâu hơn vì tôi thấy mẹ khóc, một điều rất lạ đối với nhạc mẫu tôi vốn là người đàn bà can cường và cứng rắn. Bố thấy tội nhiệp đòi mỗi ngày chở bố vào nursing home để ông chăm sóc cho mẹ. Được mấy tuần rồi tôi cũng chịu thua vì chuyện đón đưa hàng ngày thật là bất tiện. Còn nếu để bố đi xe bus nếu có chuyện gì xảy ra thì ai lo cho bố đây!

Từ ngày Mẹ vào nursing home vợ chồng tôi thở phào nhẹ nhõm, không còn phải lo lắng như khi xưa khi bỏ mẹ ở nhà. Chúng tôi yên tâm là mẹ được theo dõi và chăm sóc 24/7. Tan sở vợ chồng tôi chở bố vào thăm mẹ, thấy mẹ sạch sẽ thơm tho, giường nệm trắng tinh, kẻ qua người lại tấp nập vui vẻ lắm. Yên tâm chúng tôi dần dần xao lãng việc thăm viếng. Cả hai cháu cũng không còn đòi đi thăm ngọai nữa, nhiều khi phải bắt chúng mới chịu đi. Chúng không thích cái mùi trong nursing home.

Từ ngày sống trong nursing home mẹ hoàn toàn thay đổi, trở nên trầm lặng, ít nói, khác hẳn với mẹ trước đó “quậy” tưng bừng trong bịnh viện. Mẹ chịu mang tã, nằm yên trên giường, không có ý kiến chuyện chung quanh, không đòi hỏi gì, không còn than phiền đau lưng nhức gối, hay càu nhàu vì thiếu ngủ, mất ăn như lúc ở nhà. Sau nầy mới biết bà đã được cho dùng thuốc an thần và thuốc đau nhức nồng độ cao nên lúc nào bà cũng ở trạng thái lờ đờ lim dim ngủ. Có lúc tỉnh táo, mẹ chỉ nhìn qua khung cửa sổ với đôi mắt vô thần. Hỏi mẹ có đau đớn gì không, mẹ lắc đầu. Hỏi có thích ăn uống đồ ăn Việt Nam không mẹ lắc đầu, tuy tôi biết là mẹ rất ghét đồ ăn Mỹ nhất là khẩu phần cho bịnh nhân tiểu đường và cao máu nhạt nhẽo không sao nuốt nỗi. Mẹ chịu đưng, sống âm thầm không một lời than thở.

Cho đến một hôm mẹ nắm tay nhà tôi, nước mắt rưng rưng mẹ van xin:– Mẹ muốn chết con à. Con xin người ta cho mẹ chết đi!

Bà xã tôi sững sờ, ôm mẹ năn nỉ:– Mẹ đừng nói kỳ vậy, phải ráng lên chớ, con biết phải làm sao bây giờ?
Rồi vợ tôi cũng khóc. Tôi chỉ đứng nhìn. “Chúng tôi biết phải làm sao bây giờ”?

Vợ chồng tôi đều nghĩ rằng đã tìm được giải pháp tốt nhất cho mẹ rồi. Mẹ thì đã “ráng” quá nhiều, ráng đến mõi mòn, đến kiêt quệ nên muốn bỏ cuộc. Đã bốn năm dài đăng đẵng mẹ sống nơi đây như cái xác không hồn.

Có lúc chúng tôi vào thăm mẹ vào giờ ăn trưa thấy mẹ ngồi gục đầu trên xe lăn như một em bé ngoan, mắt nhắm nghiền, đợị đến phiên mình há mồm được đút cho ăn. Mẹ không còn thiết tha gì nữa.

Những tháng cuối cùng mẹ nằm trên giường đưa mắt nhìn con cháu, không cử động hoặc nói năng gì. Hình như có điều gì u uẩn trong lòng mà mẹ không nói được hay mẹ có tâm sự gì nhưng muốn giấu kín trong lòng.

Một buổi sáng sớm, tôi nhận được cú điện thoại từ nursing home báo tin là mẹ chúng tôi đã mất đêm qua. Bà mất lúc nửa đêm nên không ai hay biết cho đến sáng ngày hôm sau. Bà âm thầm ra đi không một lời từ giả, không một giọt nước mắt tiển đưa. Chắc mẹ cô đơn lắm lúc trút hơi thở cuối cùng. Suốt đời mẹ lo cho chồng, cho con, cho cháu, ngày mẹ ra đi chỉ có một mình, trong cô đơn. Có ai biết rằng không phải mẹ chỉ cô đơn trong giây phút ra đi mà mẹ đã chết từ lâu rồi, kể từ ngày mẹ bước chân vào ngưởng cửa nursing home, một nhà tù không cần đóng cửa. Tôi chợt hiểu được tại sao mẹ đã khóc ngày đầu tiên đến nursing home. Ngày ấy mẹ chấp nhận bản ản tử hình không văn tự vì muốn hy sinh cho con cái. Ngày ấy Mẹ đã khóc lời vĩnh biệt các con cháu rồi.

Chúng tôi vội vã vào nursing home vừa kịp lúc nhìn mẹ lần cuối cùng trước khi người ta phủ kín mặt mẹ với tấm trải giường màu trắng rồi mang xác mẹ đi. Mọi người đứng nhìn theo chết đứng, ngỡ ngàng, đớn đau, nhưng không ai khóc thành lời. Chúng tôi đã biết là ngày nầy sẽ đến với mẹ, và hôm nay nó đã đến.

Cái chết của nhạc mẫu nhắc tôi nhớ lại chuyện cổ tích về chuyện người tiều phu đẩy xe chở mẹ vào rừng cho thú hoang ăn thịt vì bà đã quá già. Tôi có khác gì người tiều phu đó, đã đưa nhạc mẫu tôi vào nursing home để chết. Đến một ngày nào sẽ đến lượt con tôi chở tôi đi như vậy sao?

Tôi lại nhớ đến chuyện con voi già biết mình sắp chết, nó âm thầm đi vào cái “nghĩa địa voi” là cái hang động cho voi đến để chết. Nó âm thầm gục chết một mình bên cạnh những đống xương voi già đã chết trước nó. Tôi chợt nghĩ nếu con người làm được như con voi già thì con cháu không phải cực khổ vì cha mẹ già, không phải khổ tâm vì mặc cảm là đã làm một hành động bất nhân, bất hiếu, như tâm trạng hối hận của tôi bây giờ đối với nhạc mẫu của tôi.

Nursing home. Cái trạm cuối của cuộc đời mấy ai tránh khỏi!

Bạn đã chọn cho mình cách đến chưa?

(source from Chú Chín Cali)https://apis.mail.yahoo.com/ws/v3/mailboxes/@.id==VjN-Df33FNCURKXqWW7mvJDlqxzavhdn_lhaSthemxVetQejIxXoa-AzQo5FvbMqQCuGgCQdIETuVYu2J6TL65SfhQ/messages/@.id==AAf62esbQ7gBXNMUSgo1SN5cL7A/content/parts/@.id==3/thumbnail?appId=YMailNorrin&downloadWhenThumbnailFails=true&pid=3


https://apis.mail.yahoo.com/ws/v3/mailboxes/@.id==VjN-Df33FNCURKXqWW7mvJDlqxzavhdn_lhaSthemxVetQejIxXoa-AzQo5FvbMqQCuGgCQdIETuVYu2J6TL65SfhQ/messages/@.id==AAf62esbQ7gBXNMUSgo1SN5cL7A/content/parts/@.id==2/thumbnail?appId=YMailNorrin&downloadWhenThumbnailFails=true&pid=2
https://apis.mail.yahoo.com/ws/v3/mailboxes/@.id==VjN-Df33FNCURKXqWW7mvJDlqxzavhdn_lhaSthemxVetQejIxXoa-AzQo5FvbMqQCuGgCQdIETuVYu2J6TL65SfhQ/messages/@.id==AAf62esbQ7gBXNMUSgo1SN5cL7A/content/parts/@.id==4/thumbnail?appId=YMailNorrin&downloadWhenThumbnailFails=true&pid=4



Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm
(04/12/2013) Tác giả : Cao Đắc Vinh

Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, 25 năm ở Mỹ, hiện cư ngụ tại Irvine cùng gia đình. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ tư của ông.

Bố tôi là cụ già đang sống trên tuổi trăm năm.

Cụ bình an ở cõi trần 103 năm tính đến năm nay Quý Tỵ 2013. Con số tuổi thọ của Cụ tiếp tục cao giống như lời chúc mọi người thường tặng nhau mỗi khi Tết đến, xuân về.

Bố tôi vẫn ăn được, ngủ được nên gọi Cụ là "Tiên giáng trần" theo như câu vè lưu truyền trong dân gian: "Ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo..." nhưng thực tế, Cụ vẫn là "người" nên chẳng thể nào tránh khỏi cái chân lý sinh lão bệnh... của kiếp ba sinh.


Một người già sống đến trăm tuổi nếu còn khỏe mạnh thì cũng chẳng khác cỗ xe cũ là mấy! Động cơ hao mòn, lúc chạy lúc ngừng tùy theo thời tiết nắng mưa... Bố tôi cũng đang bước qua chiếc cầu khổ đau của bệnh tật và thường hay than thân trách phận: "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!"

Sống trăm tuổi chắc chắn bệnh tật phải xếp hàng chờ đợi, không nặng thì nhẹ... Có điều là ở đời, nếu ai may mắn ít bệnh nan y lại hay tạo ra cảnh "Nhà giầu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột". Bố tôi chẳng phải ngoại lệ!


Mỗi khi trời buồn đổ mưa, cho dù thuốc men đầy đủ, con cái cũng vẫn nghe tiếng Cụ rên rả rích như tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà! Cụ không còn đủ sức tự chế để an hưởng phúc lợi mà trời ban riêng cho mình ở tuổi "bách niên," có lẽ vì ít thấy cảnh khổ của kẻ khác nên hay bực dọc với bất cứ bất an nhỏ bé nào đến với mình.

Quan sát tuổi già của Bố, tôi nghiệm thấy một sự thật đơn giản là con người ngoài số mệnh sẵn có, sống thọ và ít đau yếu còn nhờ vào sức mạnh miễn nhiễm của cơ thể. Qua bao chu kỳ bốn mùa, hết xuân lại vào thu với dị ứng, cảm cúm rình rập, Bố tôi chẳng lần nào chích ngừa mà vẫn khỏe, vi khuẩn vô tình xâm nhập tấm thân già ấy cũng phải tàn lụi vì hợp chất kháng thể.


Mùa đông vừa qua, bệnh cúm hoành hành khắp các tiểu bang... Tôi đến thăm vào một buổi trưa, bàng hoàng thấy Cụ lâm trọng bệnh. Cụ ngồi ở "sofa", cặp mắt cá ươn lạc mất hồn, mê man nên không than thân như thường lệ! Ói mửa trên người, nước mũi chẩy xuống áo quần, hơi thở ngẹt vì đờm trong cổ làm cả nhà sợ hãi. Anh cả lên tiếng phiền hà em lơ đãng quên chích ngừa cho Bố, em trách anh biết lo xa, thế mà lơ là chẳng giúp? Bác sĩ khám bệnh và kê thuốc ho qua loa, ngạc nhiên chỉ một tuần sau, Cụ bình phục rồi những lúc sảng khoái lại líu lo như chim xuân đang về.

Rượu mạnh Cognac, Whisky... hết còn thích hợp với sức khỏe của Cụ nhưng thỉnh thoảng ăn miếng thịt bò cơm Tây hay "seafood" cơm Tầu thì vẫn nhâm nhi một ly vang đỏ. Bạn bè Cụ đa số đã ra người thiên cổ chỉ còn vài ông bạn già tuổi kém gần thập niên hay một con giáp. Ở tiệm ăn, có người nhận ra Cụ, vui mừng đến chào hỏi nhưng bẽ bàng vì Cụ dửng dưng không còn nhớ kỷ niệm nào với họ...

Tiên sinh Tú Xương một thời đã than, "Một trà, một rượu, một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó quấy ta! Bỏ được thứ nào hay thứ đó..." Bố tôi thì chẳng muốn bỏ thứ nào cả nhưng hoàn cảnh ở Mỹ bây giờ hấp dẫn chỉ còn mỗi mục "trà" nên đành phải lấy cà phê, thuốc lá làm thú giải khuây.


Ngồi buồn một mình, Cụ đốt liên tu bất tận, một ngày một bao thuốc như chơi và phân trần khói thuốc hút vào lại thổi ra như còi tầu, có nuốt vào phổi đâu mà sợ độc hại? Nếu tôi cắt nghĩa về ảnh hưởng của khói thuốc đối với con cháu trong nhà thì Cụ nghĩ tôi gây chuyện làm khó rồi lẳng lặng vào phòng đóng cửa hút, khói bay mù mịt.


Cụ uống cà phê đen có đường thay nước! Mỗi ngày hai ba lần, tôi pha từng đợt để giữ mùi thơm và độ nóng rồi mang ra "patio" chỗ Cụ ngồi cùng với vài điếu thuốc lá. Hút xong là hết cho ngày hôm đó, mục đích hạn chế liều lượng và kiểm soát Cụ thì mới yên ổn sống chung được...

Bữa ăn ngon lành nhất của Cụ là "phở gà phao câu" hay "hủ tiú sa tế". Ăn "steak" thì có Norm s Restaurant trên đại lộ Beach nhưng phải chờ thứ sáu đặc biệt có món súp "clam chowder" mà Cụ thích! Nói chung, Cụ chỉ chuộng những món thuộc loại "kinh dị" chẳng hạn sa tế có nước dừa kẻ thù của cao mỡ, "clam chowder" có "cream" mà người Mỹ thường phải bỏ bớt % "fat" và cuối cùng là cái của quý "nhất phao câu nhì đầu cánh" vì cục mỡ vàng ở đuôi con gà... Hôm nay Cụ đã ăn món này thì mai ăn món kia. Đi không vững, phải dìu từng bước nhưng tính thích đi chơi nên nếu biết sẽ được đến những nơi ấy thì bỗng nhiên Cụ trở thành "em bé" dễ bảo. Do đó tôi thường dùng "chiêu" này để "dụ" Cụ đi tắm, thay tã và quần áo vào buổi sáng đến chăm sóc.

"Cơm hàng, cháo chợ" ăn quen đến nỗi, vừa đến cửa tiệm phở Quang Trung hay hủ tiếu Triều Châu là đã nghe mấy cô cậu làm việc ở đấy kháo nhau ầm ĩ khi hai cha con tôi khập khiễng bước vào: "Bố đến! Phao câu bánh tươi hành trần..." Những người trẻ ấy, lứa tuổi cháu chắt của Cụ nhưng sống bên Mỹ lâu năm, ít nhiều đã quên phép tắc thưa gởi đúng đắn nên chúng tôi chỉ biết cười xòa, miễn sao vui cửa vui nhà và nếu vui cả bà con cửa tiệm thì... càng vui hơn.

Hôm nào ngon miệng, Cụ có thể ăn hết tô phở nhỏ, tay cầm từng miếng phao câu da vàng mỡ, nhai chậm rãi rồi lọc ra cục xương nhỏ, cả thẩy là 7, 8 cái "đít" gà... có khi bùi béo quá, vô ý Bố rớt cả hàm răng giả ra ngoài! Tôi nhìn quanh, lo cho những người ngồi gần bàn mình, thấy cảnh ít thẩm mỹ này sợ họ ăn mất ngon nhưng chẳng ai để ý và phiền trách một cụ già. Biết Bố còn thích ăn tiệm nên buổi trưa nào gặp nhau, dù có vất vả tôi cũng coi như bổn phận, vui vẻ dắt Cụ cùng đi.

Tuổi già xương yếu, đi đứng khó khăn nên Cụ ngồi nhiều sinh ra chứng bệnh táo bón. Cằn nhằn mãi mà vẫn chưa tiêu, uống 2 viên thuốc nhuận tràng "Bisacodyl" không thấm, tự động Cụ lấy thêm 3 viên nữa... Kết quả là tiêu chẩy tung tóe từ phòng vệ sinh đến phòng ngủ và mấy chị em tôi phải giặt giũ, dọn dẹp nửa ngày chưa xong!

Mặc dù phải dắt Cụ từng bước vì lỡ té ngã thì khổ cả nhà nhưng mỗi khi thấy quý bà đến gần hỏi thăm là Cụ tự ý chống gậy đứng một mình, tay đút túi quần ra cái điều vẫn "ngon lành", còn "gân", độc lập, tự chủ không cần ai. Trò chuyện qua loa, các bà thường hay ban tiếng khen vô thưởng vô phạt, Bố tôi tức thì nhăn mặt đáp lễ với lời than thở: "Dạo này, yếu lắm không khỏe!". Tuổi già đau nhức kinh niên, "ỉ ôi" mong đợi sự cảm thông chia sẻ của quý bà.

Chuyện "lấy le" nhỏ như "con thỏ" ấy đôi khi thành to trên đường phố xứ người, gây ra nhiều hiểu lầm với dân Mỹ sẵn bản tính trọng đãi người già!


Ở những chốn ăn chơi như Las Vegas, Big Bear... Cụ muốn chống gậy khập khiễng đi một mình một phố, "complet" "cravate" đầy đủ chỉ cần phong độ và dáng dấp "ngầu" thuở xưa nữa là xong!


Cứ "lê" một bước, Cụ lại đứng nhìn... Tôi cũng phải "lết" theo Cụ canh chừng. Mỗi lần thấy Cụ chậm chạp quá! Tội nghiệp tôi lại gần khoác tay, dắt Bố để cha con cùng đi bên nhau thủ thỉ cho ngày dài thêm ý nghĩa thì Cụ đuổi thẳng thừng: "Đi, đi! Cứ đi trước đi! Ông để mặc tôi..." nhưng đi trước là đi đâu? Thành ra hai cha con cứ đứng giữa đường, kẻ trước người sau ngơ ngác lo cho nhau như đang diễn tuồng!


Khách bộ hành không quen cảnh tượng ấy, ái ngại nhìn hai người như muốn hỏi: "Whats going on?".
Cuối cùng, có ông Mỹ cả nể đến gần hỏi han thì Cụ "nể cả" với nụ cười "ngoại giao" ròn tan, lịch sự líu lo "xổ" tiếng "Phú lang xa" và lẽ dĩ nhiên, tiếng Mỹ tiếng Pháp loạn xạ, chẳng ai hiểu ai rồi ngượng ngùng "Oui Monsieur", "Bye Bye" đường ai nấy đi! Lúc đó, tôi chỉ thấy chán nản vì bất lực... Bố con đi chơi chẳng vui mà như mắc nợ, hành tội nhau khổ sở.
Tính tình như thế nên Cụ không bao giờ thích ngồi xe lăn, lần nào mang xe đi cũng lại vác về ngoại trừ những chuyến đi chơi xa, miễn cưỡng chẳng đặng đừng, Cụ mới chịu "lép vế" an tọa, chờ người đẩy.

"Bách niên" sống lão thì nhân sinh lại quay về điểm khởi đầu nên thân già co cụm trong tâm hồn trẻ thơ là chuyện thường tình. Trời cho Cụ bản chất lạc quan, sức khỏe đặc biệt hơn người cho nên cản trở lớn nhất của Bố tôi đối với gia đình là tính kiêu căng vẫn còn sót ở tuổi già đang quay lại thời "tuổi thơ": giỏi nhất, kinh nghiệm nhất, thông minh nhất, đội đá vá trời... chỉ vì cái tự cao "chủ nghĩa" lẩm cẩm. Bề ngoài giao tế tỏ vẻ "trịch thượng" nhưng nếu tự vấn lòng, khó ai biết sự thật Cụ nghĩ gì?


Ai lỡ yêu thương, vồn vã chăm sóc thì Cụ làm cao, "ăn hiếp" đến "tắt thở" rồi cuối cùng phải dùng đến "đòn phép" mới được yên thân và ngược lại, đứa con nào thờ ơ, không để ý đến Cụ cũng phải nghe phiền trách mỗi khi giáp mặt.

Bên cạnh Bố, tôi thường nghe Cụ than, "Lạ nhỉ! Suốt đời, tôi có ăn ở tệ bạc với ai đâu mà chúng nó đối xử như người dưng nước lã..." nhưng thực tế, từng ấy người con mỗi đứa một tính giống như bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Cụ nghĩ đến "ngón ngắn" vì "thiếu thốn" nên ưu tiên lưu ý đứa "ghét" Cụ hoặc chẳng may bị Cụ ghét, còn đứa thương ví như "ngón dài" đã "đầy đủ" thì Cụ thờ ơ, ít để tâm suy nghĩ. Nói cho cùng, nếu ai lỡ "ghét" cũng do tính tình khó khăn của Cụ vì mỗi lúc không đúng ý là Cụ la mắng và giận hờn nên đa số chán nản, tránh xa phiền muộn do Cụ gây nên để tìm sự bình yên cho riêng mình.

Bố tôi tuổi Thân đã qua hơn 8 lần con giáp! Theo tử vi, bản tính tự cao, tự đại một phần do cái số cầm tinh con khỉ (?). Xin lỗi người tuổi Thân... Tôi nêu ý nghĩ ấy bởi vì đôi lần muốn tìm lại một nơi chốn cũ, Cụ ngồi trên xe vẫn dõng dạc chỉ đường cho tôi nhưng đường nào thì cũng chỉ là bánh vẽ của một ký ức "mù mịt khói sương"...

- "Đi lối này gần! Ông đi lối kia vòng co tam quốc, mất thì giờ chẳng ăn thua mẹ gì, chán quá! Cứ theo tôi. Đấy đấy..." Nghe theo cái "GPS" "cảm tính" kém chính xác của Bố, lái xe quẹo Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc loạn xạ cho nên lần nào xe cũng từ từ đi vào ngõ cụt... Đến khi bí quá thì lại nghe Cụ "phán":

- "Quái lạ! Bây giờ nó sửa đường và xây cao ốc tối tân không còn nhận ra ất giáp gì nữa cả?".

Nhiều lúc tôi phát điên, trả lời Cụ:

- "Bố ơi! Nhà mình có phước hay vô phước hả Bố? Người ta nói: con hơn cha là nhà có phúc mà Bố cứ nhất định đòi giỏi hơn con thì gia đình mình đến thời mạt rệp... à?"

Tuy nói thế, nhưng tôi hiểu mọi sự trên đời đều là hình ảnh một đồng tiền hai mặt, úp và ngửa, có trái thì có phải, cái "phải" nằm sẵn trong cái "trái"... Dù tuổi già "ba hoa", Cụ đã tạo chút không khí ngang ngạnh đáng tiếc nhưng xét kỹ... lại vui vì đó chính là giờ phút hạnh phúc mỗi lúc Bố con gặp nhau. Cụ khỏe mới đi chơi, thể lực mạnh mới xông xáo bầy tỏ đôi ba chuyện "hoang tưởng" vu vơ! So sánh còn thấy hạnh phúc hơn nhiều những lần khác, ốm đau Cụ nằm một chỗ, co rúm im lìm trên giường thì gia đình còn khổ và lo âu đến chừng nào!

Tính tình Bố tôi ở tuổi này thay đổi từng giờ, đang vui đã giận và chưa giận đã cười. Vì thế sống gần Cụ, nên hiểu tâm trạng ấy và đừng để "stress" họa vào thân. Đó là kinh nghiệm đáng ghi nhớ của tôi vì lúc đầu chưa biết rõ hoàn cảnh, tôi đã trải qua giai đoạn thật vất vả lao đao!

Dù sao, cảnh đời cô đơn của Bố cũng rất đáng thương! Mọi sinh hoạt như ngừng lại từ lúc các bạn cố tri lần lượt ra đi và Cụ tiếp tục sống trong tuổi già quên lãng. Ngày ngày, tuy có người trông coi nhưng Cụ vẫn thân một mình, ngồi tự vấn sự đời vẩn vơ... Chờ đợi mòn mỏi đứa con nào đoái thương thân già, thăm hỏi rồi dắt đi ăn uống là một ngày vui ngắn ngủi vì dưới mắt Cụ thời gian hội ngộ luôn qua nhanh. Giờ phút chia tay lần nào cũng nghẹn ngào!


Tôi thường phải nói dối Cụ đi làm "ca" đêm để về với vợ con và lại nghe câu hỏi quen thuộc: "Mấy giờ về... để tôi đợi?". Bố hẹn con tái ngộ ngày mai nhưng ngày mai nào ai biết sẽ đến hay không? Chẳng may có thể là lần cuối (?)! Hai Bố con lặng nhìn nhau lưu luyến như bóng chiều ngập ngừng sắp trôi vào giữa bóng đêm...

Ý thức ngày vĩnh biệt không tránh khỏi nên mấy năm gần đây, tôi đã thu gọn đời sống để tận hưởng niềm vui mong manh bên cạnh người Bố già. Tự nhủ lòng những ngày vui qua mau và giây phút cuối đang đến gần! Cố gắng sống trọn yêu thương với đạo lý hôm nay để lòng thản nhiên trước cảnh tử biệt sinh ly ngày mai... Nếu phải nghìn trùng xa cách từ đây, Bố con sẽ nhìn nhau "an phận" không tiếc nuối như ngày tiễn Mẹ ra đi.

Giống tôi lúc xưa còn bé, đi đâu bây giờ Bố cũng muốn theo vì cuộc đời Cụ cô đơn, lẻ loi và chẳng còn nhiều ý nghĩa! Kỷ niệm những mùa hè, Bố và tôi sống bên nhau trong ngôi nhà miền núi giữa đồi thông... Quên sao được con đường chiều dạo quanh bờ hồ Big Bear, chúng tôi dìu nhau đi giữa cảnh hoàng hôn, mặt hồ chiếu rọi tất cả bầu trời nắng quái vàng cam mang chung ý nghĩa về tính vô thường của một kiếp người: mới hôm nao Bố giúp con vào đời thế mà hôm nay, cả hai đã già cùng sống trong một thành phố xa lạ miền cao nguyên, ảm đạm chẳng khác gì cảnh chiều tắt nắng trên mặt hồ...

Những nơi chúng tôi đã đi qua, khách thập phương thường tỏ sự ngạc nhiên về Cụ. Người Mỹ, người Pháp, Nhật, Đại Hàn... đều ngừng lại thăm hỏi và ngưỡng mộ về lối sống của Bố tôi vì ít ai ở tuổi "bách niên" mà còn lom khom đi lại, ăn uống trên đường phố ở chốn phồn hoa đô hội. Ngày nào, nếu Quý vị thấy một cụ già chống gậy, lưng còng, nắm tay một người trẻ đi vào một nhà hàng trên đại lộ Bolsa thì nhiều phần chính là Bố tôi đó. "Sau này... sẽ nhớ mãi những giờ phút này!" Đó là lời bà Bùi Bích Hà, một nhà tư vấn tâm lý nổi tiếng của Việt Nam nói với tôi đã lâu.

Sống với Cụ thân sinh thọ trăm tuổi, tôi lĩnh hội được nhiều điều hay để biết ơn và sửa đổi. Sinh ra vào đầu thế kỷ 20 nên nhân sinh quan của Cụ nhiều phần khác với thời đại hôm nay chẳng hạn quan điểm về hôn nhân, dân chủ hay câu nói "nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản" đối với gia đình, xã hội... Đã là người thì "nhân vô thập toàn" sẵn mang những khuyết điểm, đáng quý là biết nhận ra mà tránh được.


Cha con sinh ra cùng một dòng giống nên bản chất hay tính tình là cái di sản "đồng lần"... Sống bên cạnh Bố, tôi thường suy tư vai trò làm cha đối với các con tôi để tự sửa đổi chẳng hạn tính nóng giận, lạc quan vô cớ và cố quên cái "ta" chấp ngã... Tôi cảm ơn người di truyền sang gia đình tôi cái "gen" khỏe mạnh "vượt thời gian và không gian", lòng trắc ẩn, tính vị tha mau quên và một tâm hồn nghệ sĩ nặng tình dân tộc...

Suy ngẫm chân lý của người xưa: "Anh em kiến giả nhất phận" đến khi sống chung với các đấng sinh thành trời cho tuổi thọ, chúng ta còn nhận rõ một sự thật không mấy vẻ vang!
Anh chị em một nhà khi khôn lớn, tình nghĩa đổi thay bất ngờ...
Với cha mẹ già cần chăm sóc là một nhiệm vụ, vừa thiêng liêng vừa khó khăn nên câu ca dao "Thức khuya mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người thực hư" đã giúp hiểu rõ tính nết của từng người: có anh ích kỷ, có chị lợi dụng, có em ỷ lại... hoặc người này tốt, kẻ kia xấu minh bạch như ban ngày.
Những lời rao giảng cao đẹp chẳng hạn: đoàn kết, vị tha, công bằng bác ái... mãi mãi nằm yên trong sách vở.
Con nào cũng yêu thương cha mẹ nhưng qua miệng lưỡi thường bầy tỏ hơn 7 lần nên khi hành động chỉ còn 3...

Thuở mới di cư sang Mỹ, cạnh nhà tôi có ông hàng xóm tuổi trung niên khi xưa là đại úy cảnh sát. Qua lại thân thiết nên chúng tôi mời ông sang dự bữa tiệc sinh nhật đứa con đầu lòng. Tình cờ gặp bố tôi, ông nhớ đến bố ông, mừng tủi như sắp khóc rồi đứng giữa nhà bếp, trước bàn ăn đông đủ mọi người, cảm động ông phát biểu:

- "Anh chị may mắn quá! Ráng mà hưởng phúc đức... Bố tôi nếu còn sống mà ngồi "i.." ngay giữa nhà này một bãi, tôi cũng vui sướng hốt chùi không la lối hay than phiền lời nào..."

- "Vâng... giữa sàn "nhà" tôi (!) và chỉ "một lần" thôi nên ông nói vậy!". Nghĩ cho vui nhưng không nói ra vì tôi tin là ông đã trình bầy sự thật của lòng mình theo cảm hứng vào thời điểm đó. Tiếc thay, sự việc sẽ mất tính "cao thượng" khi thêm vào hai yếu tố: nhân bản và luận lý. Đây là trường hợp tiêu biểu "nói dễ làm khó" bởi vì nếu mỗi lúc, mỗi ngày rồi mỗi tháng bố ông "hành hạ" ông kiểu này thì ý kiến ấy sẽ không còn vững bền. Chẳng bao lâu, vài năm sau đó, tôi không biết buồn hay vui khi nghe tin ông hàng xóm đã sớm quy tiên và gặp lại bố ông ở cõi thiên đàng...

Mỗi tuần, tôi lãnh phân vụ trông coi Bố tôi 2 buổi từ sáng đến chiều nên dù hưu trí đã 2 năm nay, tôi cũng chưa dám phác họa một chuyến du lịch xa. Hôm nay, xin ghi lại mẩu đối thoại ngắn như kỷ niệm của Bố con tôi qua câu chuyện: "Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm".

1.
- Chào Bố! Con mới "đi làm" về. Bây giờ 9 giờ rưỡi sáng, Cụ ngủ dậy hôm nay có khỏe không?

- Khỏe cái gì mà khỏe cơ chứ! Ông không biết à? Nó bảo tôi mặc quần áo để đi Sơn Tây, ra đây ngồi đợi mãi. Nó lừa... đi mất rồi!

- Bố ơi! Bố phải để chị ấy "đi làm" chứ! Bố cứ đòi theo thì họ phải nói dối... Nếu Bố muốn lúc nào cũng có bạn bên cạnh thì phải chấp nhận vào ở trong viện dưỡng lão thôi! Hôm nay có con ở với Bố nè...

- Thôi thôi... đừng nói nữa, cảm ơn ông! Tôi biết các ông bà tốt với tôi lắm rồi! Cá mè một lứa... cả đám.

2.
- Hôm nay, Bố muốn ăn gì nào?

- Ăn gì cũng được! Ăn cho no chứ béo bở, ngon lành gì mà cứ hỏi mãi...

- Ok! Vậy thì bánh mì Cali hay bánh cuốn Tân Hồng Mai nào.

- Bánh mì chỉ có ông ăn chứ tôi nhai sao được! Răng đâu mà nhai? Bánh cuốn tôi ăn rồi... khô lắm! Tôi phải có cái gì lỏng... mới dễ tiêu.

- Thế tại sao Bố bảo ăn ở đâu cũng được? Vậy thì "phở gà phao câu" được không?

- Đâu cũng được! Phở gà ăn ở cái tiệm cũ kia! Tôi quen ở đó... Chỗ mới bây giờ làm tồi lắm...

- Lần trước Bố vừa khen, thế mà... lại chê rồi! Không sao... Bố muốn đi đâu mình đi đó.

3.
- Thôi bây giờ mình đi tắm, thay quần áo rồi Bố con đi ăn phở nhớ...

- Tôi vừa tắm xong! Đây này, áo quần vừa thay... mới cả! Có gì mà phải thay mãi thế?

- Mới tắm mà sao "khai" thế này? Bố không tắm thì mình không đi...

- Ông chờ tôi nhớ! Đừng đi như "con" kia...

- Con ở đây tắm cho Bố mà... Làm sao Bố tắm một mình được?

- Ông cẩn thận cái áo này của tôi... nó có tiền! Vô ý là hết cả... Sơn Tây.

- Đây! Con treo trước mặt cho Bố thấy... Không ai vào lấy... Thấy chưa? Yên tâm nhé!

- Không ai lấy! Hừ... Mất hết cả rồi mà ông còn nói... không ai lấy! Mất trâu rồi mới lo làm chuồng... Chán quá!

4.
- Sao Bố ăn phở gà hôm nay có ngon và no không?

- Ngon? Ăn mà không ngon thì ăn làm gì? Hỏi vớ vẩn, hừ... No! Đã ăn tiệm thì phải no chứ... lại còn đói à?

- Bây giờ cà phê nhá!

- Cà phê chứ còn gì nữa... Ông ngừng mua bao thuốc lá cái đã. Hết rồi!

- Còn mà! Con vẫn còn nửa bao nhưng Bố chỉ hút hai điếu thôi nhé!

- "Uẩy"! Cho bao nhiêu thì hút bấy nhiêu. Miễn có hút là được.

- Bây giờ vào nhà con pha cà phê, ngồi ngoài "patio" uống cà phê hút thuốc. Ấy... Bố đi đâu vậy?

- Tôi ghi số xe để ngày mai khi cần tôi "gọi" cho ông chứ nếu không lại đói... chẳng có đứa nào chở đi ăn. Viết cho tôi số... May mà có ông thương thân già này nên còn giúp đỡ tôi.

- Bố lộn rồi! Số téléphone chứ không phải số xe. Vào nhà con ghi cho...

5.
- Sao Bố buồn vậy? Ngủ một giấc trưa đi... cho khỏe.

- Tôi thấy đời vô nghĩa, không muốn sống nữa! Phiền hết con cái... Hôm qua, xin nó hai viên thuốc, bảo uống rồi mai không dậy nữa... thế rồi chắc liều lượng nhẹ quá, chẳng ăn thua mẹ gì! Sáng nay vẫn chưa chết...

- Thế Bố còn muốn đi Sơn Tây không?

- Muốn lắm chứ! Chỉ có 2 tiếng ngồi xe lửa là đến nơi mà không đứa nào nó dắt đi. Con với cái... Khổ cái thân già này! Nó hứa nhăng hứa cuội nhưng tôi có cách... "Moa" bàn với "toa" chuyện quan trọng này nhớ! "Moa" cần 2 ngàn để đi về Sơn Tây. Đến nơi rồi "moa" sẽ trả lại.

- "Toa" trả "moa" bằng cách nào?

- Mấy bữa nay, "moa" nghĩ ra cách kiếm tiền rồi! "Moa" về Sơn Tây mở lớp dậy tiếng Pháp cho người ta học... Thế nào cũng có nhiều "sìn".

- Bây giờ tiếng Anh chứ có ai nói tiếng Pháp nữa đâu Bố ơi là Bố!

- Thế thì tôi về Hà Nội... lại làm giây thép Bưu Điện vậy.

- Bố già lụ khụ... đi không vững! Ai còn muốn mướn Bố.

- Già? Hừ... Đói thì cũng phải cong đít mà làm chứ ai nuôi?

6.
- Nếu có ai dắt Bố về Sơn Tây thì con mới cho Bố mượn tiền. Bố không đi một mình được! Hơn nữa đi xe lửa không bao giờ đến! Bố phải đi máy bay, Bố quên rồi à?

- Sao lại không được! Xưa nay tôi vẫn một mình chứ hai mình bao giờ? Đi xe lửa mà lại... Hừ... Ai bảo ông thế! Người ta vẫn đi hàng ngày mà nói láo... Chỉ nói láo là giỏi! Hay là ông không muốn cho tôi mượn tiền nên ông nói nhăng nói quậy? Thôi... Tôi hiểu ông rồi! Thân già này chẳng còn nhờ cậy ai được. Con với cái... Đồ mất dậy!

- Ấy chết, sao Bố lại nói con thế! Chán thật...

- Ông chán tôi từ lâu rồi chứ có phải bây giờ đâu?

- Thôi con đi làm nhớ!

- Vâng! Ông đi... Mấy giờ về?

- Con không về nữa vì Bố chửi con rồi...

- Tôi chửi ông hồi nào? Ông chửi tôi thì có! Chỉ giỏi ăn hiếp người già!

Bố tôi nói thế rồi quên ngay và ngày mai câu chuyện lại tiếp tục với những cuộc đối thoại vui buồn không dứt! Có tính mau quên và chẳng coi ai là kẻ thù nên vì thế Cụ sống lâu chăng? Dù sự ăn uống chút phần khả quan nhưng tinh thần của Bố tôi cũng đã suy sụp nhiều so với năm ngoái! Chân đi không vững và đầu óc hoang tưởng, vui buồn bất thường... Như đã nói ở phần trên, người già không mắc phải bệnh này cũng mang chứng bệnh kia. Thuốc men chỉ đỡ mà không chữa lành.

Bố "đi" mãi và tôi cũng mong Cụ quên "về" với Mẹ tôi nhưng thực tâm, ai cũng biết rằng tất cả chuyện đời đều phân chia sẵn ranh giới nên mỗi khi ra ngoài giới hạn đã định, chúng ta đều có cái giá phải trả! Người xưa vẫn thường nói: "Bách tuế vị kỳ" mà...

Bố tôi và các con của Cụ đang chia sẻ hạnh phúc và khó nhọc, mỗi ngày một khổ hơn vì thế người nhiều kẻ ít tặng Cụ thời giờ và tình thương để mong Cụ hưởng những mùa xuân êm đềm còn lại trong đời.

Qua kinh nghiệm "Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm" vừa trình bầy, thực tâm tôi không muốn sống trường thọ đến tuổi "bách niên" để phải trả giá dù nhẹ hay nặng bởi vì sự việc đó chắc chắn sẽ liên hệ đến các con và người thân của tôi sau này... khổ đau sẽ nhiều hơn hạnh phúc! Tuy nhiên, muốn là một chuyện, không ai trong chúng ta tránh khỏi số mệnh đã an bài...

Cuối cùng, liệu chúng ta còn nên chúc nhau câu "Bách niên giai lão" mỗi khi xuân về nữa không?


Cao Đắc Vinh
****************************************

Khổ Sống Già


Nói chuyện với Ngọc Bích xong tôi thẫn thờ. Từ cổ chí kim, từ vua chúa cho đến thứ dân, ai cũng mong được trường sinh bất lão nhưng liệu thọ quá có phải là điều hay ho cho bản thân và cho người thân không?...



Tới mừng thôi nôi cháu ngoại Bích Ngọc, không thấy Quế Hương, bạn cố tri của Ngọc, tôi hỏi:
- Sao bữa nay không thấy Quế Hương tới dự thôi nôi cháu bà vậy?
- Dự sao được, mấy bữa nay bả te tua rồi?
- Sao vậy?
- Ừa, thì mấy bữa nay ông già bệnh. Chắc cũng sắp đi rồi.
- Thì trên trăm tuổi rồi. Ông đã như thân cây mục, cũng nên để ông thay đổi hình hài khác đi chứ. Nhưng còn anh cả đâu? Nghe đâu anh cả chăm ông cụ mà.
- Ổng xụm luôn rồi. Mà nói tới ông anh cả của bả mới tội, ổng gần tám mươi rồi mà không được hưởng tuổi già, được sống gần con cái ở Quy nhơn mà phải ở đây lo cho ông già hơn trăm tuổi mới khổ chứ.
- Nhà Quế hương đông mà, sao lại bắt ông già trẻ chăm ông già già?
- Thì tại vì ổng là anh cả với lại mấy người kia ở nước ngoài hết rồi. Phần cũng tại ổng nghèo nhất, không có tiền lo cho cha thì phải lãnh phần chăm sóc ông cụ chứ. Mấy người kia chu cấp tài chánh. Đứa bỏ công, người bỏ của mà.

Nói tới anh em ở nước ngoài của Quế Hương tôi mới nhớ là lâu lâu ông cụ làm mệt, Quế Hương gọi các anh chị mình về. Khi về tới nơi thì ông cụ khỏe lại. Cứ thế trong hai năm các anh chị của Quế Hương phải tức tốc về tới bốn lần mà ông cụ cũng chưa đi. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, có hai người anh của Quế Hương lại dám bỏ việc hoài nên bị mất việc luôn, nhưng bổn phận làm con mà, biết sao giờ?

Không có Quế Hương tôi mất bạn tung hứng nên truy Ngọc:
- Nhưng sao tự nhiên Quế Hương lại te tua?
- Thì ông già hơn tám mươi phải chăm ông già hơn một trăm, nên ông già già chưa khỏe thì ông già trẻ đã sụm rồi. Vậy nên bây giờ Quế Hương phải chăm cả hai ông chứ sao.

Tự nhiên Bích Ngọc cười khùng khục:
- Nhớ bữa hổm ông anh cả than với tui, ổng nói : "Trời ơi, hỏng biết chừng nào ông già chết cho tui khỏe vài năm trước khi theo ông bà tổ tiên đây!”
- Nói gì thảm vậy?
- Bà nói “thảm” là ai thảm?
- Thảm cho cả hai. Bởi vậy mai mốt tốt nhất đừng có chúc ông bà sống lâu trăm tuổi rồi rên nha.

Nói chuyện với Ngọc Bích xong tôi thẫn thờ. Từ cổ chí kim, từ vua chúa cho đến thứ dân, ai cũng mong được trường sinh bất lão nhưng liệu thọ quá có phải là điều hay ho cho bản thân và cho người thân không? Tuổi già lú lẫn, hình hài nhăn nhúm, sức khỏe suy giảm. Tôi nhớ khi còn nhỏ, dù được cả nhà dạy phải biết kính yêu bà cố nhưng đứa cháu nhỏ của tôi dứt khoát không thấy thoải mái với bà. Có lẽ khi nó có ý thức chút thì bà đã nhăn nheo xấu xí quá rồi, hình ảnh của bà không giống với bà tiên trong truyện cổ tích nữa. Khi đó, bản thân bà không tự chăm sóc được nên bao người lớn quanh nó phải dành sự chăm sóc cho bà nhiều hơn cho nó và nó thì luôn bị mắng mỏ vì ồn ào, vì phá phách làm bà không nghỉ ngơi được. Dạy dỗ gì thì nó cũng thấy mình thiệt thòi vì bà nên nó cứ mơ hồ, miễn cưỡng ghi nhận công lao dưỡng dục xa xưa của bà… Thế nên gia đình dòng họ cứ trách móc nó không ngoan, không biết ông bà, bây giờ nó là đứa cháu vô tình, không biết cội nguồn mai mốt chắc là đứa con bất hiếu.

Tôi nhớ có lần đến tiệm làm tóc, con bé làm móng cho tôi khoe:
- Bà cố của con năm nay 115 tuổi rồi, bà được cả chủ tịch tỉnh đến thăm đó cô.
- Bà con thọ quá há. Vậy bây giờ ai lo cho bà?
- Dạ, ông ngoại tám của con nuôi.
- Vậy ai nuôi ông ngoại?
- Dạ mấy cậu mấy dì nuôi.
- Mấy cậu mấy dì khá không?
- Dạ nghèo lắm.
- Có bà thọ đến vậy chắc thích lắm hả?

Nó trầm ngâm một hồi rồi nói:
- Dạ thích chứ cô. Dòng họ con ai cũng thích bà thọ để khoe, chỉ có ông ngoại tám của con thì không thích lắm. Ông nói: ”Phụ tiền bạc chăm lo cho ông bà là chuyện dễ, trực tiếp chăm lo bệnh hoạn, chịu đựng tính khí của người già mới là khó”.

Câu chuyện của con bé làm móng làm tôi nhớ tới câu chuyện buổi sáng khi tôi đi bộ cùng các bạn trong cùng khu phố, đề tài vô tình nói về tuổi già và về việc phụng dưỡng cha mẹ già. Chị Xuân nói:

- Dì của em năm nay tám mươi sáu tuổi rồi mà còn làm dâu đó.
- Vậy bà mẹ chồng chắc thọ lắm.
- Bà đã hơn trăm tuổi. Mấy chục năm trước khi chú em đi bộ đội về hưu, thấy bà đã hơn tám mươi bèn quyết đem bà về nuôi, nghĩ mẹ chắc cũng không còn sống bao lâu nữa, ráng gần gũi phụng dưỡng mẹ vài năm nhưng tới giờ đã gần hai mươi năm bà vẫn ăn khỏe và vẫn đòi hỏi cơm dâng nước hầu, trà thuốc mỗi ngày làm dì em oải muốn chết.
- Nhưng cha mẹ già thì mình phải phụng dưỡng chứ sao!
- Thì đó là bổn phận mà, có điều dì của em cũng đã hơn tám mươi, con dâu dì thuộc thế hệ mới, nó không chịu hầu dì mà dì thì không dám không hầu mẹ chồng.
- Đó là bất hạnh thế hệ của dì đó. Người ta gọi thế hệ 5X là thế hệ trắng tay, hồi nhỏ thì sợ cha mẹ, khi cha mẹ lớn tuổi thì tự cho mình có bổn phận phải phụng dưỡng. Đối với con cái thì không dám uy quyền, nếu không nói là dốc hết sức mà lo cho con nhưng lại không dám mong con cái lớn lên sẽ chăm lo cho mình, sợ làm phiền nó…

Câu chuyện của chị Xuân làm tôi nhớ tới có lần tôi gặp hai bà lão ở New Jersey. Bà lão người Việt cứ theo nài nỉ tôi nhờ tôi nói giúp với cha xứ mà tôi thân, để cha nói với con cái bà cho bà được vào Viện dưỡng lão người Việt. Lý do là vào ngày thường, con cháu bà đứa đi học, đứa đi làm. Tối về thì đứa nào về phòng đó. Suốt ngày bà ở nhà một mình buồn quá, bà ước ao có tiếng nói đồng hương hay tiếng nói của con người cho đỡ cô quạnh. Tôi nói lời thỉnh nguyện của bà với cha xứ, cha xứ nói đó là chuyện riêng của gia đình con chiên, cha không muốn can thiệp.

Rồi cũng trong những ngày đó, cũng tại khu phố đó, tôi lại tiếp xúc với một bà lão gần tám mươi người Mỹ, chân cũng đã run, mắt cũng đã mờ rồi mà lại sống một mình. Bà ham chuyện lắm nhưng khi hỏi bà ở một mình có buồn không, sao không ở chung với con cháu cho vui. Bà nói dứt khoát:

- Con tôi nó có cuộc đời của nó. Tôi không muốn và không thể trói buộc cuộc đời nó vào cuộc đời tôi vì tôi sống già.
- Nhưng đó là bổn phận của con cái đối với cha mẹ lúc về chiều mà.
- Giáng sinh, sinh nhật tôi có khi nó dẫn vợ con về thăm. Vậy là đủ. Còn bình thường mỗi năm nó chỉ có một số ngày phép, tôi không cho phép mình bắt nó về thăm hoài mà để nó thoải mái đưa gia đình đi đây đi đó. Đòi hỏi ở con là ích kỷ.
Đúng là Tây Ta có khác. Tây nuôi con, khi con vừa lớn đủ, Tây thả cho con vào đời, mong con như cánh chim trời, có sức bay càng xa càng tốt. Tây vui khi dõi theo cánh chim bay. Ta nuôi con, ngày nào còn khả năng, ta vẫn còn muốn giang đôi cánh ra để ấp ủ chăm lo cho con dù cho con có lớn đến bao nhiêu tuổi. Rồi cũng vì cách nuôi dưỡng yêu thương không bờ bến đó, khi già, ta mong con cũng quay lại dòm ngó đến ta dù chỉ bằng một phần nào tình yêu thương mà ta đã cho. Ta nắm níu nhau qua lại, ta làm ấm lòng nhau cũng có mà phiền lụy nhau cũng nhiều.

Trở lại chuyện con bé làm móng, tôi hỏi:
- Bà con đẹp lão không, hôm nào cô đưa chú tới chụp hình bà nhá.
- Dạ bà không khỏe lắm đâu cô, bà của con lòa rồi, chỉ nằm một chỗ thôi.

Nghe con nhỏ trả lời tôi lại nhớ tới một bà lão người dân tộc ở Bảo Lộc đã 103 tuổi, da bà đen nhẻm, từng centimet da thịt hiện lên những nếp thời gian trông hay ho và đẹp đẽ lạ lùng. Toàn thể con người trần trụi của bà như một món đồ cổ xưa. Ánh mắt của bà trắng dại đưa ta ngược về cả thế kỷ trước. Nói chuyện với con cháu bà lão mới thấy họ kính yêu và quan tâm đến bà vô cùng, nó nói:

- Hôm trước bà con bệnh, cả nhà con bỏ hết nương rẫy về chăm bà.

Nghe con nhỏ nói về bà với cái giọng thiết tha làm tôi thầm cảm mến em, người dân tộc không cần học Khổng Mạnh cũng biết kính yêu ông bà. Em khoe tiếp:

- Bà em nuôi cả nhà đó cô.
- Nuôi cả nhà? Bà già vậy thì có sức đâu mà làm nuôi cả nhà?
- Dạ, tại cô không biết, già thiệt già thì không cần làm gì cũng có tiền mà cô. Nhà nước cho mỗi tháng vài trăm ngàn. Lâu lâu mấy cô chú vô chụp ảnh chừng vài giờ cũng được cả trăm ngàn. Chưa kể khách nước ngoài đến chụp ảnh thì còn cho cả giấy xanh, bán được nhiều tiền lắm. Cả nhà con kiếm tiền không bằng một mình bà đâu.
- Vậy nếu bà không kiếm được nhiều tiền thì có yêu quí bà không?
- Có chứ cô. Vẫn yêu quí bà chớ nhưng nếu bà bệnh tốn tiền quá thì không mong bà sống lâu đâu. Bà sống đủ rồi thì thôi, để dành ngô khoai nuôi trẻ nhỏ.

Lời con bé người dân tộc làm tôi ngẫm nghĩ hoài "Sống đủ rồi…”. Thế nào là sống đủ, ai có quyền định cái chữ đủ ở đây. Phải chăng sống khỏe như bà lão người dân tộc thì sống hoài vẫn chưa đủ, còn sống mù lòa yếu đuối như bà cố của con bé làm móng là quá đủ. Nhưng đủ hay không đủ thì ai có quyền quyết định, kể cả bản thân của người đó.

Tôi có quen biết một đôi vợ chồng nay đã ngoài bốn mươi rồi mà không dám có con cái gì, ở vậy nuôi chó và chăm hai bà mẹ hai bên với một người giúp việc.

Bà mẹ bên vợ bị bệnh tiểu đường nằm bẹp trên giường không tự lo cho bản thân được. Đã vậy bà lại còn mất trí nhớ, bà chẳng còn nhớ được ai trừ con chó nhỏ vẫn quấn quít bên bà và đứa con gái đang ngày đêm chăm lo. Khi bức bối là bà la hét. Mỗi đêm hai vợ chồng phải thức dậy giúp bà tiểu tiện và tiêm thuốc cho bà. Bà mẹ bên chồng vẫn còn đi lại được nhưng cũng đã đã ngoài tám mươi. Tôi đã chính mắt thấy anh chồng đút cơm cho mẹ mình với một đôi mắt yêu thương. Hai vợ chồng này chưa hề biết đi đâu chơi xa là gì. Đến ngày tết, ngày lễ còn thê thảm hơn vì người làm nghỉ hết, hai vợ chồng phải đích thân lo toan mọi bề cho hai bà mẹ. Tôi nhìn tình cảnh của họ mà cảm kích, thương cho sự hiếu thảo hiếm hoi còn sót lại trong thời buổi này. Tôi nhớ có một người bạn thấy xót cho sự thiệt thòi cực khổ của đôi vợ chồng trẻ bèn xúi dại người chồng:

- Bà mẹ vợ của mầy sống đời thực vật lại không còn nhận biết ai nữa. Để bà sống thì khổ bà mà khổ luôn tụi bây, mầy để bà đi cho rồi…
- Người ngoài bao giờ cũng thấy khác, cảm khác, còn người thân trong cuộc thì không thể dứt ruột ra mà làm vậy được đâu.

Trông người lại nghĩ đến mình. Giờ bản thân cũng đã nghỉ hưu, đã xếp vào hàng “bà bà” rồi, cái ngày mình già nua yếu đuối lẩm cẩm đang sầm sầm bước tới, không biết sức khoẻ mình rồi sẽ ra sao, con cái sẽ đối xử thế nào. Nữa đây khi đã già, đã yếu, đã chết được rồi mà trời chưa cho đi thì có dám tự xử không hay lại kéo lầy nhầy những ngày tàn héo úa.

Đọc báo thấy tổ chức Y tế cứ nói hoài những bệnh của người già, quỹ hỗ trợ người già, nước này đang già, nước ta cũng sắp già rồi... tưởng tượng nếu mai này ra đường thấy ai cũng nhăn nheo, đi đứng chậm chạp, nói năng lập cập mà sống hoài không chịu đi… thì loài người có nên tiếp tục nghiên cứu để con người trường sinh bất tử chăng?


Văn Mỹ Lan


******************************


Truyện ngắn cuối tuần: Muộn...



Mẹ gọi điện cho dì, hắt vào máy điện thoại những tiếng gắt gỏng:

“Để bà ở bên ấy thêm một tuần nữa thì đã sao? Rồi thì tôi trông bà bù hai tuần. Liền hai tuần được chưa? Tôi có việc nếu không tôi chẳng phải tốn hơi nhờ dì…”




https://ecp.yusercontent.com/mail?url=http%3A%2F%2Fanonymouse.org%2Fcgi-bin%2Fanon-www.cgi%2Fhttps%3A%2F%2F2.bp.blogspot.com%2F-uzG5vLStPA4%2FW0qWmxanSwI%2FAAAAAAAAc9E%2Fy7Hl_wB3 HaIeQTvKzmi7ulGb11mYR9y0wCLcBGAs%2Fs400%2F11512.jp g&t=1566181552&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1ccb-3d000101fe00&sig=B7cPfCvvD2pvN6IHtO0Sow--~C (http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/https://2.bp.blogspot.com/-uzG5vLStPA4/W0qWmxanSwI/AAAAAAAAc9E/y7Hl_wB3HaIeQTvKzmi7ulGb11mYR9y0wCLcBGAs/s1600/11512.jpg)


Mẹ ơi...


Dì chắc chắn có gắt gỏng lại. Tính dì nóng nảy hơn mẹ nhiều.

Từ trước đến nay dì chưa thua mẹ miếng nào. Kể từ khi bà bước sang tuổi 90, không tự chăm sóc bản thân được nữa, dì và mẹ thỏa thuận với nhau mỗi người trông nom bà một tuần. Cũng kể từ đó bà như quả bóng bị đá từ đầu sân này sang đầu sân kia và ngược lại. Mẹ và dì nói nhau trong điện thoại suốt nửa tiếng đồng hồ. Mặt mẹ đỏ phừng phừng, hai hàng lông mày của mẹ rướn lên hết cỡ. Mẹ nhắc lại một số lỗi lầm điển hình của dì.

Rồi mẹ kết luận: “Mày chỉ được cái bộ mồm!”

Bố theo dõi cuộc trò chuyện của hai chị em mẹ, lẩm bẩm “chị em mà như chó với mèo!” Mẹ chưa rảnh tay để hục hặc với bố ngay lúc ấy.

Kết thúc cuộc điện thoại mẹ quay sang bố dằn từng tiếng: “Việc của chị em tôi không bận gì đến ông!” Bố im lặng. Bố im lặng nghĩa là bố thây kệ, mọi chuyện muốn ra sao thì ra. Dù có biết điều gì đó nên nói bố cũng chẳng thèm hé răng.

Một tuần trôi qua. Việc bận của mẹ là việc đi chùa theo kiểu đi “tua”. Đi mười bảy chùa trong một tuần. Ăn chay toàn diện. Thành tâm cúng lễ. Tối chủ nhật mẹ mới về nhà. Không ăn uống, chỉ tắm rửa qua quýt mẹ lăn ra ngủ. Bố thây kệ.

Bố không nói với mẹ rằng sáng thứ hai, sau khi mẹ đã lên xe đi cùng đoàn hành hương, dì gọi điện tới, cáu gắt, nói rằng mẹ nhất định phải sang đón bà, vì dì cũng bận. Và vì tuần đó là phiên mẹ trông bà. Dì không đời nào chịu bị buộc chân ở nhà trong khi mẹ cố tình trốn tránh trách nhiệm. Mẹ ích kỷ, còn dì không phải là người dễ nhân nhượng trước sự ích kỷ. Đấy là tất cả những gì bố biết được qua cú điện thoại bố buộc phải nghe trong lúc mẹ vắng nhà. Bố vẫn nhớ những lời dì nói trong điện thoại. Nhưng bố kệ, không nói lại cho mẹ biết.

Ngày thứ hai của tuần tiếp theo bắt đầu. Ngày thứ hai bắt đầu phiên mẹ trông bà, và mẹ sẽ trông bà hai tuần liền để bù cho cả tuần trước mẹ đi chùa. Đến tận tối vẫn chưa thấy dì đưa bà sang nhà mẹ. Mẹ vẫn tức dì, không gọi điện sang nhà dì hỏi tại sao lại như vậy. Cũng có khi mẹ nghĩ cứ để dì trông bà được bao lâu thì trông, khi nào dì đưa bà sang thì khi ấy đến lượt mẹ, việc gì phải lăn tăn.

Một tháng rưỡi trôi qua. Bà chưa được đưa sang nhà mẹ. Mẹ và dì vẫn giận nhau, không ai gọi điện cho ai. Thế rồi một hôm trước cổng nhà mẹ xuất hiện cậu con cả của dì. Cậu ta sinh sống ở nước ngoài, lần này đưa vợ chưa cưới về ra mắt gia đình.

“Chào bác, cháu đưa một nửa của cháu sang chào bà và hai bác đây ạ”.

Cậu ta vừa cười vừa nói với mẹ trong lúc mẹ mở cổng. Mẹ gật đầu chào, hơi hé miệng cười lấy lệ. “Bà đâu hả bác?”

Mẹ cười thành tiếng. “Thằng này, đi Tây về biết hỏi nỡm nhỉ!”

“Bà ở trên gác ạ? Không phải gọi bà xuống đâu ạ. Chúng cháu lên chào bà”. Cậu ta nói, cầm tay vợ chưa cưới kéo lên cầu thang.

Mẹ đứng khựng lại như người bị sét đánh.
“Bà vẫn ở bên ấy mà? Bên nhà cháu chứ đâu”.

“Hì hì, bác cứ đùa!”.

“Không, bà vẫn ở bên ấy mà”.

Mẹ đứng ở chân cầu thang, nhìn quanh ngơ ngác như người mất trí. Thế rồi bốn cái máy di động cùng hoạt động một lúc. Tiếng bấm máy tít tít. Mẹ kêu trời bằng giọng thất thanh. Cậu con cả nhà dì dắt bạn gái lao ra cổng. Chuông điện thoại reo. Tiếng dì kêu khóc ở đầu dây bên kia nghe váng cả óc.

Dì kêu: “Ôi giời ơi là giời. Mẹ tôi đi đâu hả giời. Sáng thứ hai đó, mẹ xách túi quần áo đi ra ngõ, bảo “Mẹ về bên kia đây. Chị cả mày đón mẹ ở ngoài ngõ kia rồi”. Tôi đang bận trông chảo cá rán, chẳng ngó ra được. Cứ ngỡ mẹ được đón sang bên ấy rồi. Ai ngờ! Ối mẹ ơi, giờ này mẹ ở đâu, mẹ ơi!”

Suốt nửa năm trời người của hai nhà chúng tôi đi tìm bà khắp nơi. Chúng tôi đăng tin tìm bà trên nhiều tờ báo giấy, báo điện tử, đăng tin cả trên truyền hình. Chẳng ai biết bà đang ở đâu. Cách đây hai tuần, bỗng nhiên có một người đàn ông tìm đến nhà tôi gặp mẹ. Ông ấy đưa cho mẹ xem một tờ báo có đăng tin bà tôi mất tích. Rồi ông ấy lấy từ trong chiếc ba lô đã cũ ra một chiếc túi vải. Mẹ tôi trông thấy chiếc túi vải, bật khóc nức nở. Chiếc túi vải đó là túi đựng quần áo của bà. Chính tay người đàn ông đó đã đặt bà vào chiếc quan tài mà ông tự bỏ tiền ra mua sau khi phát hiện bà tôi nằm còng queo trước cổng nhà ông, không động cựa và không còn thở.

Chiều muộn hôm đó, tại một nghĩa trang cách nhà chúng tôi gần 60km, mẹ tôi và dì, hai đứa con gái của bà tôi, khóc ngất trước nấm mộ phủ đầy cỏ xanh rì. Một người đi xe máy trên đường, dừng lại bên rìa nghĩa trang nhìn cảnh dì và mẹ tôi khóc vật vã, bùi ngùi nói:

“Thương quá! Mồ mẹ cỏ đã xanh nhường kia mà các con vẫn khóc ngất. Thương quá!”.


Nguyễn Bích Lan

(Blog Trường Tống Phước Hiệp)

SP500 SPY
09-08-2019, 03:13 PM
Hãy nhớ kỹ đừng bao giờ nói với cha mẹ mình 10 câu nói sau:
Posted on 19 Tháng Tám 2015 by Huynh Hue


Dù cho mẹ có là người nuôi dưỡng bạn hay không thì ít nhất mẹ cũng là người đã mang thai gần 10 tháng trời và sinh ra bạn trên cõi đời này. Có thể chứng kiến tất cả mọi điều xảy ra trên thế giới này, cái đẹp cái xấu, cái thiện cái ác, tất cả đều là do Thượng đế và cha mẹ đã ban cho bạn.

Đừng làm những việc sẽ khiến bạn sau này phải hối hận, hãy đối xử tốt với cha mẹ của mình. Đừng để đến khi họ mất đi rồi lúc đó mới thấy quý tiếc, bởi vì khi ấy hết thảy mọi thứ đều không còn kịp nữa rồi.


Nếu như có một ngày, bạn phát hiện sàn nhà và tủ quần áo thường xuyên bám đầy bụi bẩn.
Nếu như có một ngày, bạn phát hiện ra mẹ mình nấu đồ ăn quá mặn rất khó ăn.
Nếu như có một ngày, bạn phát hiện ra mẹ của mình thường quên tắt ga.
Nếu như có một ngày, bạn phát hiện ra một số thói quen của cha mẹ mình đã thay đổi, giống như là họ đã không còn muốn tắm rửa hàng ngày nữa.
Nếu như có một ngày, bạn phát hiện ra cha mẹ của bạn đã không còn thích ăn những loại quả giòn cứng.
Nếu như có một ngày, bạn phát hiện ra cha mẹ bạn chỉ ăn những món ăn được nấu chín nhừ nát.
Nếu như có một ngày, bạn phát hiện ra cha mẹ bạn muốn ăn cháo.
Nếu như có một ngày, bạn phát hiện ra cha mẹ bạn đi trên đường hay các phản ứng đều chậm lại.
Nếu như có một ngày, bạn phát hiện ra cha mẹ mình trong lúc ăn ho không ngừng, đừng nghĩ rằng họ chỉ đang bị cảm lạnh.
Nếu như có một ngày, bạn phát hiện ra cha mẹ mình không hề muốn đi ra cửa…
Nếu như có một ngày như vậy, tôi muốn nói với bạn rằng, bạn phải thật cảnh giác bởi vì cha mẹ bạn đã già rồi! Các cơ quan bộ phận đã thoái hóa đến mức cần người khác chăm sóc rồi.
Nếu như bạn không thể chăm sóc họ, bạn nên tìm người chăm sóc họ, bạn nên thường xuyên thăm nom họ, đừng để cha mẹ bạn cảm thấy mình bị bỏ rơi.

Tất cả ai rồi cũng sẽ già, cha mẹ chỉ là già trước chúng ta, chúng ta phải dùng trái tim yêu thương để chăm sóc cha mẹ, như thế mới có thể nhẫn nại, mới không nói những lời ca thán. Khi cha mẹ không thể tự chăm sóc bản thân, làm con phải luôn chú ý, cha mẹ có thể sẽ làm rất nhiều việc không hay, ví dụ như trong phòng có mùi khó chịu, có thể họ cũng không thể ngửi thấy, xin hãy đừng chê họ bẩn, phận làm con hãy dọn giúp cha mẹ mình. Cũng xin hãy luôn luôn duy trì sự yêu thương, kính trọng đối với họ.

Nếu một mai thấy cha mẹ già yếu…

Khi cha mẹ không còn muốn tắm rửa, xin hãy bớt chút thời gian lau rửa cho họ, bởi vì cho dù là họ tự tắm rửa được thì cũng không thể tắm rửa sạch sẽ được. Khi chúng ta thưởng thức đồ ăn, xin hãy chuẩn bị cho họ một phần đồ ăn lớn nhỏ phù hợp, một bát nhỏ sẽ dễ dàng ăn hơn. Bởi vì họ không thích ăn có thể là do hàm răng đã không thể cắn và nhai được nữa rồi.

Từ khi chúng ta cất tiếng khóc chào đời, mẹ là người cho chúng ra bú sữa, thay tã lót hằng đêm và còn không ngủ nghỉ để chăm sóc khi chúng ta ốm đau. Cha mẹ là người dạy cho chúng ta những kỹ năng sinh sống cơ bản đầu đời, cho chúng ta đi học, ăn uống, vui chơi và tập thói quen, luôn quan tâm không ngừng nghỉ.

Nếu như đến một ngày, cha mẹ đã không thể nhúc nhích được nữa, chẳng phải bạn nên chăm sóc cha mẹ mình sao?

Làm phận con hãy nhớ lấy, “xem cha mẹ chính là bản thân mình trong tương lai” mà hiếu thuận kịp thời, đừng để đến khi “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”, “con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn”..

Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch Nguồn: Đại Kỷ Nguyên
********************************




Khi già ai sẽ nuôi dưỡng bạn?

Posted on 19 Tháng Ba 2019
https://ci3.googleusercontent.com/proxy/MZCIJQ--lAOBeZYb0rSJUjI5u7K-q4oqk7SfrQP_E35qzRDRDuTvs7EV99q3duEzZ9jBGJszK3kOKM g52CT90q2i-jODYW4VxxsWSSiI4kUBt5h-IdxUY8brSKfPzddoXGv4UYdDg47s5bOz-a9h2ChhdQuuYO2EsRjj0eq7NVMtboIb_e6MpDTEsov6qAAu8Fa vUDdOBgWCnHNHyt1mx85kxqUeuP0T78gad0YUs5PG3oG2dPt_G QVkpqTRcLpCP-kyKUeMQ2Vy=s0-d-e1-ft#http://tapchihoaky.info/wp-content/uploads/2019/03/13/tuong-lai-khi-gia-ai-se-nuoi-duong-ban-cau-chuyen-dau-long-nhung-co-the-cho-ban-cau-tra-loi-chan-thuc-tapchihoaky-com-thumb.jpg (http://tapchihoaky.info/wp-content/uploads/2019/03/13/tuong-lai-khi-gia-ai-se-nuoi-duong-ban-cau-chuyen-dau-long-nhung-co-the-cho-ban-cau-tra-loi-chan-thuc-tapchihoaky-com-thumb.jpg)
“Nuôi con dưỡng già” là quy luật bất thành văn từ ngàn đời này. Tuy nhiên, ngày nay khi đọc tin tức, có rất nhiều bài viết về “người già vô gia cư, con tranh chấp tài sản của bố mẹ”, bạn có nghĩ rằng quan niệm “nuôi con dưỡng già” vẫn còn đúng?

https://ci3.googleusercontent.com/proxy/datbP4YCAgiE6Opn7yNyvHwfHG_jp3LM0qG8zVd-uwoWVA-m5EC1v65joWMJDLpcCmd4FZN4IydBZIrGdNHKMboDITjmOQd8n uAxerg_V4TWK9LZtwBm6RXLeimq-EIYUPeB3Iw1rP1UptOnS1SOe-8tXcHCjpHowocILAiFLDDWSEZX0QPFzEN0CljLNcQFIuvhY8tv HwkkEIa_7AL9X6sPUfu5mpJFU6Yzxy0sW3AmfnAmXmDyzGr7-oYZmG3MANnzPA=s0-d-e1-ft#http://tapchihoaky.com/wp-content/uploads/2019/03/13/tuong-lai-khi-gia-ai-se-nuoi-duong-ban-cau-chuyen-dau-long-nhung-co-the-cho-ban-cau-tra-loi-chan-thuc-tapchihoaky-com_1.jpg
Bạn hãy xem câu chuyện bên dưới để suy ngẫm và tìm câu trả lời cho chính mình nhé.

Có một người mẹ đơn thân nuôi con, chồng bỏ đi từ sớm, cô ấy sống bằng nghề dạy học, với thu nhập khá khiêm tốn đã nuôi dưỡng con trai khôn lớn thành tài.

Lúc còn nhỏ, con trai rất ngoan ngoãn, vâng lời. Cô vất vả nuôi dạy con đến tuổi trưởng thành, và cậu con trai được đi Mỹ du học. Sau khi con trai tốt nghiệp đại học đã ở lại Mỹ làm việc, kiếm được khá nhiều tiền rồi mua nhà, và lấy vợ, sinh con, xây dựng một gia đình hạnh phúc đầm ấm.

Người mẹ già này, dự định sau khi nghỉ hưu sẽ đến Mỹ đoàn tụ cùng con trai và con dâu, hưởng phúc gia đình vui vẻ sum vầy. Chỉ ba tháng trước khi cô sắp nghỉ hưu, cô đã nhanh chóng viết một lá thư cho con trai, nói với con về nguyện vọng này.

Trong tâm cô rất đỗi vui mừng khi nghĩ đến chặng đường “nuôi con dưỡng già” của mình sắp đến hồi kết tốt đẹp, cùng những ánh mắt hâm mộ của bà con, bạn bè xung quanh. Vì thế mà một mặt cô đợi hồi âm của con, một mặt cô thu xếp bán nhà và nộp đơn nghỉ hưu.

Vào đêm trước ngày nghỉ hưu, cô nhận được thư hồi âm của con trai gửi từ Mỹ về, mở thư ra xem, trong thư có kèm một tấm ngân phiếu 30 ngàn đô la Mỹ.

Cô cảm thấy rất lạ, bởi vì từ trước đến giờ con trai không bao giờ gửi tiền về, cô vội vàng mở thư, bức thư viết rằng:
“Mẹ à, sau khi vợ chồng con cùng nhau bàn bạc, quyết định là không thể đón mẹ đến Mỹ sống chung được. Cứ cho rằng mẹ có công nuôi dưỡng con trước đây, toàn bộ chi phí đó, thì tính theo giá cả thị trường bây giờ khoảng 20 ngàn đô Mỹ. Nhưng con sẽ gửi thêm một chút, là tấm chi phiếu 30 ngàn đô này. Hy vọng từ nay về sau mẹ đừng viết thư cho con nữa, cũng đừng kể lể về những việc như thế này nữa.”
https://ci3.googleusercontent.com/proxy/rFxffO3jhmK3UB7AyRiZyvQQatvAjqX5aTfPiIJiJjez9oh5uK JJ2RD854JYPxT6abrJXtka4ZLJIGVBKs9bjbet487PBsrfk4WJ uSyKbYpuoGTpSUbe6tZN9V6VgFrfpbRI4s3X9JN9NlnAbQGc_C 1SpDD6kjJ8GvWE6Q73gvjERQNoGB9HBLzN3_MHyfAya_-kcYCy6QbhiR94ByFW3TC0tzlByCOJwy86tGLh17p95dS2Pbgkf OxEF7LgAP1xIpT9aA=s0-d-e1-ft#http://tapchihoaky.com/wp-content/uploads/2019/03/13/tuong-lai-khi-gia-ai-se-nuoi-duong-ban-cau-chuyen-dau-long-nhung-co-the-cho-ban-cau-tra-loi-chan-thuc-tapchihoaky-com_2.jpg
Sau khi người mẹ đọc xong lá thư này thì nước mắt đầm đìa. Cô lặng im một hồi lâu, thật khó mà chấp nhận được sự thật này. Nhưng với tấm lòng người mẹ bao la như biển cả, cô không trách con trai, chỉ cảm thấy tủi phận cho một đời góa bụa. Khi trẻ đơn độc nuôi con, bây giờ cần nơi nương tựa vẫn lẻ bóng, lòng cô đau như cắt!.

Sau đó, cô tìm đến cửa Phật, và bắt đầu học Phật Pháp. Học được một thời gian, cô cảm thấy tâm thái nhẹ nhõm, suy nghĩ cũng thông mọi chuyện. Cô dùng 30 ngàn đô đó để đi du lịch khắp thế giới, lần đầu tiên trong đời, cô được mở mang tầm mắt thấy được quang cảnh thế giới này thật đẹp biết bao.

Như cởi được tất cả mọi sân si, hờn giận, cô thanh thản viết cho con trai mình một bức thư.

“Con trai à, con muốn mẹ đừng viết thư cho con nữa, thế thì, cứ xem như lá thư này là bổ sung cho bức thư con đã gửi mẹ trước đây. Mẹ nhận tấm séc rồi, cũng đã dùng nó để thực hiện một chuyến du lịch vòng quanh thế giới.
Trong chuyến đi này, mẹ đột nhiên cảm thấy rằng nên cảm ơn con, cảm ơn con đã giúp mẹ hiểu thấu được mọi chuyện, có thể buông bỏ nhân tâm, khiến mẹ nhận ra tình thân quyến, tình bạn và tình yêu của con người trên thế gian này đều không phải là vĩnh cửu, chỉ như như bèo dạt mây mà trôi, tất cả đều đang thay đổi từng ngày.

Nếu ngày hôm nay mẹ không thông suốt, vẫn còn ôm giữ bao nhiêu sân si, hờn giận, đau khổ thì có thể một vài năm nữa, mẹ có lẽ sẽ không sống nổi. Sự tuyệt tình của con khiến mẹ ngộ được chữ “duyên” nơi trần gian này, chẳng phải duyên hợp lại tan đó sao! Tất cả đều là vô thường!
Mẹ cũng học được cách giữ tâm mình thanh tĩnh và ung dung tự tại.
Mẹ đã không còn con cái nữa, tâm đã vô lo, nên mới có thể đi đến bất cứ nơi đâu mà tâm không mảy may vướng bận.”

“Thật đáng thương cho cái tâm của các bậc làm cha mẹ trên thế giới này”, vì họ luôn muốn điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình, nhưng kết quả cuối cùng lại chưa hẳn là tốt nhất.

Có một câu nói rằng: “Nhà của cha mẹ là nhà của con cái, nhà của con cái không bao giờ là nhà của cha mẹ. Sinh con là nhiệm vụ, nuôi con là nghĩa vụ, nhưng dựa vào con là sai lầm.”
https://ci3.googleusercontent.com/proxy/dlwc4LjQHfrxZu2yQeJYGD4SXqGPpxlNiHWX8Kh3S6PbHwD_bi 6jbopyapPbhxnyRfSspVtzVDuWpah0OuWk-5yRhaunUqV2IM_HMlE50JlU6YkEPnbOo6zhZv57hILKihLEG7i pcAji1tUNP8fIJv4UOFR8c_x-dHVEEBFSnmeRTvHVuoAzSzmAZtqPHYVw0FQzAjL5PsEr_X1jAw N82IWIr-AL0I-r_lpBhVqqoybzyTjHm9gIcAe6pHLVxAPb_QuKHQ=s0-d-e1-ft#http://tapchihoaky.com/wp-content/uploads/2019/03/13/tuong-lai-khi-gia-ai-se-nuoi-duong-ban-cau-chuyen-dau-long-nhung-co-the-cho-ban-cau-tra-loi-chan-thuc-tapchihoaky-com_3.jpg
Mặc dù không phải tất cả con cái đều vô lương tâm như người con trai trong câu chuyện này. Nhưng những bậc làm cha mẹ nhất định không nên nghĩ rằng sẽ dựa vào con cái của mình.

Chân thành mà nói, bạn hãy chỉ dựa vào chính bản thân mình.

Con cháu nếu có hiếu thảo với bạn, thì đó cũng là phúc đức của bạn. Còn nếu chúng không hiếu thảo, thì bạn cũng không thể cưỡng cầu mà có được. Cách tốt nhất là hãy sớm lên kế hoạch “dưỡng già” ngay từ bây giờ, sẽ không bao giờ là quá muộn cả!.





Khai Tâm Theo Cuộc Sống Mỹ

*******************







Bà Mẹ tội nghiệp



Đoàn Thị

https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2F1.bp.blogspot.com%2F-sAIcalBgR5s%2FXPiV2Lc6XpI%2FAAAAAAAAMJY%2FHlWvFPHZ-M87Oc8wGpNWH7-Zf3SAShT8ACLcBGAs%2Fs320%2Fba%2525CC%252580%252Bch a%2525CC%252581u.jpg&t=1567987204&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c9d-bd000301e200&sig=93xx7s.ECy18f9r7MWCuBA--~C (https://1.bp.blogspot.com/-sAIcalBgR5s/XPiV2Lc6XpI/AAAAAAAAMJY/HlWvFPHZ-M87Oc8wGpNWH7-Zf3SAShT8ACLcBGAs/s1600/ba%25CC%2580%2Bcha%25CC%2581u.jpg)


Năm đó tôi đón xe đò Lộc tại chợ Hòa Bình lên Las Vegas thăm gia đình chị, tôi đến sớm nên được xếp ngồi băng ghế sau lưng bác tài, xe sắp lăn bánh bà khách ngồi cạnh bác tài nhường chỗ cho một ông cụ vừa được con cháu dắt lên xe.

Bà xin tôi ngồi vào trong nhường cho bà ngồi bên ngoài vì bà bị say xe, tôi vui vẻ chấp nhận.

Sau khi an tọa bà mời tôi gói xôi, tôi cảm ơn bà vì tôi không ăn sáng mà chỉ uống cà phê, bà cất gói xôi vào túi thức ăn to kềnh đặt dưới chân bà.

Tôi thầm nghĩ chắc bà “na” (mang) bánh bột lọc, xôi, chè, chả… đặc sản Little Sài gòn lên xứ Sòng Bài như cô em tôi thường làm mỗi lúc đi thăm gia đình chị và cháu tôi.

Xe lăn bánh ra khỏi Santa Ana, bà mở lời :
- Chị lên thăm gia đình ?

- Vâng, mà sao chị biết tôi thăm người nhà ?

- Thì chị cũng mang túi đồ có khác tôi đâu, ai dưới này lên đó thể nào cũng tay xách nách mang thôi.

Tôi cười :
- Chị nói đúng nhưng chỉ một nửa thôi, tôi lên thăm chị tôi nhưng tôi không phải dân Bolsa.

- Thế chị ở tiểu bang nào ?

- Tôi ở tận u Châu chỉ có đặc sản xứ Tây chứ không có thực phẩm Sàigòn Nhỏ.

Tôi đưa cho bà xem mấy hộp Pâté nhỏ như loại cá hộp và biếu bà một hộp ăn thử.

Bà lắc đầu:
- Cảm ơn chị tôi nấu sẵn thức ăn cả tuần, hơn nữa bao tử tôi bây giờ yếu nên không dám ăn đồ hộp có gì lại phiền con cái.

Nghe bà than tôi muốn hỏi thêm nhưng ngại vì vừa mới quen không dám thắc mắc, như đoán được suy nghĩ của tôi, bà tâm sự.

Hai vợ chồng tôi có mỗi một mụn con, từ lúc con bé tốt nghiệp BS nó lên đây làm việc, lấy chồng cũng là đồng nghiệp, sinh thằng cu được sáu tháng rồi đi làm trở lại, thế là tôi phải lên làm vú em. Cứ sáng thứ hai tôi đón xe đò lên trông cháu, sáng thứ bẩy về đến Bolsa chồng tôi ra bến xe đón rồi đưa tôi đi chợ, về nhà chuẩn bị nấu thức ăn cho tôi và ông nhà tôi cả tuần sau, đến tối tôi mệt lã.

Tôi đi đi về về thế này hơn một năm rồi thằng cu chạy nhảy tung tăng đuổi theo nó đuối luôn, còn ông nhà tôi cằn nhằn vì tôi bỏ ông ở nhà cu ki ăn ngủ vào ra một mình nghĩ cũng tội ông thật.

Tôi thắc mắc
- Thế con gái chị nghĩ sao khi anh chị phải mỗi người một nơi ?

- Nó chả nghĩ chi cả, nó bảo chỉ tin mẹ nên không thuê người ngoài trông con, tôi nói chuyện bố nó cằn nhằn tôi mấy lần mà nó có tha tôi đâu.

Nói đến đây mắt bà đỏ hoe, tôi nắm lấy bàn tay gân guốc của bà an ủi :

- Khổ thật chị có một đứa con duy nhất nên cũng khó xử.

Bà chớp mắt thở dài
- Đã thế ông nhà tôi còn làm áp lực bảo tôi phải chọn ông ấy hoặc con gái, chị nghĩ tôi phải làm sao. Tôi hỏi nó tính sao, nó nài nỉ tôi ráng nuôi cháu thêm vài năm, hơn nữa cuối tuần tôi đều về với ông ấy chứ có bỏ đi luôn đâu.

Nghe nó trả lời như thế ông gọi điện thoại mắng nó một trận, cha con giận nhau, tôi ở giữa rối bời, con nó cứ nài nỉ, chồng cắn đắn khổ lắm chị ơi.

Dứt câu bà lại ứa nước mắt, tôi nắm tay bà
- Đúng là bỏ thì thương vương thì tội, chồng chị bực tức cũng phải, anh chị đã tròn nhiệm vụ nuôi con, gã chồng, đáng lý con gái phải báo hiếu cha mẹ chứ sao lại bắt chị xa anh để lo cho chúng nó.

Bà phân trần
- Nó có cho tôi tiền tháng nhưng tôi đâu có cần, ông ấy có tiền hưu, tôi có tiền già, chị nghĩ xem chúng tôi ăn bao nhiêu, quần áo cũng chả cần mua sắm nhiều, tôi chỉ lo tối hôm xảy ra chuyện gì ông ấy một mình xoay trở ra sao, còn thuốc men phải uống mỗi ngày nữa đấy.

Giọng bà nghẹn lại, nước mắt rơi lả chảy, tôi nghe mà cầm lòng không nổi. cùng khóc với bà, qua cơn xúc động, bà kể tiếp:

- Vừa rồi ông ấy dọa sẽ bỏ tôi luôn nếu tôi cứ tiếp tục đi cả tuần, ông làm dữ tôi cũng sợ nhưng lên đây nó nỉ non tôi lại xiêu lòng, cả ngày trông cháu mệt đừ thế mà đêm đến chỉ tôi ngủ vài tiếng thôi, đôi khi chợp mắt được một lúc lại thao thức tự hỏi, mình làm đúng hay sai.

Vừa rồi nó bảo tôi ở lại để nó tổ chức ngày lễ Mẹ cho tôi, gọi điện thoại mời bố lên chung vui với gia đình nó. Ông nổi cáu la nó một trận, ông bảo nếu nó thương tôi thật lòng thì phải chở tôi về cùng vui với ông.

Nghĩ lại ông ấy nói đúng, cả ngày thứ bẩy hai vợ chồng nó đi chơi bỏ thằng cu cho tôi trông, chủ nhật đặt cơm nhà hàng với cái bánh kem và tặng tôi sợi dây chuyền mà tôi có vui gì, thương chồng ở nhà vào ra đơn chiếc.

Nói thật với chị tôi từng trăn trở, gần 70 tuổi mà còn long đong như con thuyền không bến, đôi lúc cũng giận con bé nhưng khi ôm thằng cháu lòng lại nguôi ngoai.

Đêm về cô đơn lắm, nhớ chồng, nhớ thuở HO dắt díu nhau qua đây lập nghiệp, sáng sáng đưa con đến trường, vợ chồng đến sở làm, con bé ra trường lên đây lập nghiệp.

Tôi về hưu trước, năm sau ông về hưu non để vợ chồng “hưởng đời” sau mấy mươi năm lam lũ, chúng tôi đi đây đó thăm bạn bè, rồi đi Cruise với nhóm cựu quân nhân của ông ấy, họ còn rủ đi chơi tận Bắc Âu nữa đấy, mùa hè bên đó đẹp lắm mà chưa có dịp đi.

Ngày con bé lấy chồng chúng tôi mừng, đứa con duy nhất là niềm hãnh diện của gia đình, rồi nó sinh con hai bên nội ngoại vui mừng mẹ tròn con vuông, nó nghỉ sáu tháng nuôi con đến lúc đi làm trở lại nhờ tôi lên chăn cháu.

Ban đầu tôi háo hức lắm, đầu tuần lên đây cuối tuần về thăm chồng, ấy thế mà mấy bà bạn nhắc chừng, trông cháu vài tháng thôi vì tôi còn ông nhà phải chăm sóc, người già ở một mình, đêm dài hay nghĩ vẫn vơ, lúc đau ốm trông cậy vào ai, con cái nó có cuộc sống của nó.

Tôi đâu có tin lời mấy bà ấy, bây giờ hiểu ra thì con gái không chịu buông tha, sức khỏe của tôi cũng yếu hẳn, suốt ngày chạy theo thằng cu sợ nó té u đầu sứt trán mẹ nó than phiền, chân tay tôi va vấp sưng bầm để đỡ cháu mà con gái có hay biết gì, tủi thân lắm chị ơi.

Về nhà lại giấu chồng sợ ông bực tức lên tăng xông, thế mà có qua mắt ông được đâu, ông vạch tay chân tôi hạch tội, lại điện thoại mắng con bé, hôm sau lên đây còn bị nó cằn nhằn rồi lấy kem xoa bóp cho tôi, thế là đâu vào đấy, chồng buồn con gái thì vui, tôi không biết mình phải sống sao nữa
. . .
Tôi an ủi và bảo bà cứ làm theo con tim của bà, tôi biết nói như thế cũng không giúp được bà vì trái tim bao la của người mẹ ôm hết con cháu vào lòng dù phải hy sinh cuộc sống lứa đôi của mình.

Tôi chia tay với bà ở bến xe Las Vegas mà quên hỏi tên vì chị tôi đến xách túi và kéo tôi lên xe chị.

Không biết bây giờ số phận bà ra sao, ngày lễ Mẹ năm nay bà đã được trả về với chồng chưa, con gái có mang chồng con về mừng lễ với bà hay lại giữ rịch bà trên đó để “tranh thu” thêm ngày thứ bẩy không phải trông con đi chơi với chồng như bà kể cho tôi nghe lần đó.

Sau này, mỗi năm đến ngày Mother’s Day tôi lại nhớ đến Bà Mẹ Tội Nghiệp của cô bác sĩ, người phụ nữ tóc muối nhiều hơn tiêu gầy nhom với trái tim bao la đập loạn nhịp vì yêu con yêu cháu.

Hy vọng cô BS đã làm mẹ, tuy chưa được chú bé vài tuổi tặng quà Ngày Lễ Mẹ, hiểu dùm, Mẹ chúng ta chỉ có Một mà thôi và hãy thương yêu trân quý mẹ khi bà còn sống.

Mong lắm giờ này bà khách cùng chuyến xe đò với tôi năm đó được vui sống bên cạnh chồng, sớm hôm có nhau như ngày đầu chúng mình hai đứa, cuối đời cũng chỉ hai đứa đầu bạc phơ nương tựa nhau đi trọn đường đời.


Đoàn Thị
(theo vietvenuocmy.vietbao.com)


************************************************** *

“Không oán trách” cha mẹ là biểu hiện của người con có hiếu

Làm cha mẹ nếu có thể làm được “7 không trách” thì đó vừa là thể hiện của tình yêu thương, vừa thể hiện của lòng tôn trọng con cái.



[*=center]
[*=center]An Hòa•
[*=center]Thứ Ba, 24/07/2018






Trong muôn vàn cái khổ thì cái khổ vì con cái là cái khổ trải dài trong nhiều năm tháng nhất.
Là người con, hãy sống cho trọn chữ “hiếu”, hãy tận tâm chăm sóc cha mẹ của mình và mỉm cười với họ, đừng để đến lúc “con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn”!
https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Ftrithucvn.net%2Fwp-content%2Fuploads%2F2017%2F04%2FCha-me-gia-2.jpg&t=1567987204&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c9d-bd000301e200&sig=YVyzZoITlXPT5Aw6KENovQ--~C(Hình minh họa: Qua Kiplinger.com)

Cổ nhân giảng: “Bách thiện hiếu vi tiên”, nghĩa là trong trăm việc thiện thì hiếu thảo là đứng đầu. Trong cuộc sống hàng ngày, kỳ thực, hiếu thảo thể hiện ở những điều rất đỗi đơn giản.Làm một người con, nếu có thể làm được “5 không oán” thì đã là thể hiện của lòng hiếu thảo rồi.

Làm cha mẹ nếu có thể làm được “7 không trách” thì đó vừa là thể hiện của tình yêu thương, vừa thể hiện của lòng tôn trọng con cái.

Trong gia đình, con “5 không oán”, cha mẹ “7 không trách” thì gia đình ấy tất sẽ không chỉ hòa thuận mà còn có gia phong nề nếp và hưng thịnh.

Làm con “5 không oán trách” cha mẹ là thế nào?

1. Không oán trách cha mẹ không có năng lự

Đừng oán trách nói cha mẹ phải là người như thế này thế kia, hãy tiếp nhận. Cha mẹ dù thế nào cũng là cha mẹ của mình.

https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Ftrithucvn.net%2Fwp-content%2Fuploads%2F2017%2F04%2F001He5rJgy6X7HXKzd N03690.jpg&t=1567987204&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c9d-bd000301e200&sig=_M7wekm1BFzgUBXB8wq8dA--~C(Hình minh họa: Qua Chinazhaokao.com)
Khả năng của con người là có hạn, vì thế nếu có điều gì cha mẹ không làm được cũng là chuyện bình thường. Cha mẹ cho ta sinh mạng, lại vất vả bao năm để nuôi dưỡng chúng ta nên người, bởi vậy xin đừng bao giờ oán trách cha mẹ không có năng lực, tài cán, không thể cho con cuộc sống tốt hơn. Hãy trân trọng và yêu thương cha mẹ bằng tất cả tấm lòng.

2. Không oán trách cha mẹ hay cằn nhằn
Chỉ có người thật sự yêu thương mình mới “dài dòng” mà chỉ bảo, khuyên nhủ mình mà thôi. Cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của mỗi người chúng ta, bởi lẽ rất nhiều chặng đường ta đang đi, cha mẹ đều đã từng trải qua. Với những kinh nghiệm sống của mình, cha mẹ luôn mong có thể chia sẻ để giúp con trở nên tốt hơn, vì thế mới hay “dài dòng” cằn nhằn, nhắc nhở.https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Ftrithucvn.net%2Fwp-content%2Fuploads%2F-000%2F%2F1%2Fbo-me-chong-ngoisao-1-ngoisao.vn.jpg&t=1567987204&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c9d-bd000301e200&sig=D8QjMMGKbnGuS.2FHav3dw--~C (https://trithucvn.net/wp-content/uploads/-000//1/bo-me-chong-ngoisao-1-ngoisao.vn.jpg)(Ảnh: Internet)3. Không oán trách cha mẹ mắng mìnhCha mẹ thường trách mắng vì không bằng lòng với tình trạng hiện tại của con cái. Bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng mong con mình ngày một tiến bộ, giỏi giang để sau này có thể sống no đủ, thoải mái. Cha mẹ có trách mắng cũng vì không muốn ta mắc phải sai lầm họ từng mắc, lãng phí tuổi trẻ vào những thú vui vô bổ sẽ làm ta hối hận sau này.

4. Không oán trách cha mẹ chậm chạp

https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Ftrithucvn.net%2Fwp-content%2Fuploads%2F2017%2F04%2FCha-me.jpg&t=1567987204&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c9d-bd000301e200&sig=TH_d2WS8OsKC9hcjWhID2A--~C(Hình minh họa: Pixabay.com)Khi tuổi ngày một nhiều hơn, việc đi lại tự nhiên cũng sẽ không còn linh hoạt, thần trí cũng không được minh mẫn như trước nữa. Nếu ngày ấy đến, xin bạn đừng chê trách cha mẹ phiền phức, chậm chạp. Hãy nghĩ đến thuở ta còn thơ bé, cha mẹ đã luôn kiên nhẫn dạy ta từng bước đi, chăm sóc ta từng li từng tí như thế nào.

5. Không oán trách cha mẹ ốm yếu
Lúc cha mẹ sinh bệnh, con cái có thể phụng dưỡng cha mẹ được bao nhiêu? “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể”, vậy thì cớ sao “con nuôi cha mẹ lại kể tháng kể ngày”?

https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Ftrithucvn.net%2Fwp-content%2Fuploads%2F2018%2F07%2Fp1410671a448219438-image.jpg&t=1567987204&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c9d-bd000301e200&sig=CgkYQKlq3wZUsyWyJpq1.w--~C (https://trithucvn.net/wp-content/uploads/2018/07/p1410671a448219438-image.jpg)Một ngày khi bố mẹ đã già, bạn phải chăm sóc họ, giống như khi họ chăm sóc bạn khi bạn còn nhỏ. (Ảnh qua NTDTV)

Sinh, lão, bệnh, tử đời này có ai tránh khỏi? Vì vậy, cha mẹ già cả ốm đau cũng là chuyện thường tình. Hơn nữa, khi con cái dần dần lớn lên, cha mẹ sẽ dần dần già đi cho đến lúc lìa đời. Đó là quy luật tự nhiên.Không có cha mẹ sẽ không có chúng ta, cho nên oán giận cha mẹ không bằng đi hiểu cha mẹ. Nếu đến cha mẹ mình mà còn không bao dung được thì lấy gì để dung thiên hạ? Trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu, cho nên ngàn vạn lần đừng mang tâm oán trách cha mẹ!

Làm cha mẹ: “7 không trách mắng” con cái là như thế nào?

Dạy bảo, trách mắng con cái là điều cha mẹ thường làm khi con sai trái. Nhưng “trách mắng” như thế nào để con nghe ra, sửa chữa, thấu hiểu được lòng cha mẹ lại là một nghệ thuật. Trẻ con cũng có lòng tự trọng, tự tôn của mình, cho nên cha mẹ trách mắng con, cần phải đúng lúc và phù hợp hoàn cảnh.

https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Ftrithucvn.net%2Fwp-content%2Fuploads%2F2017%2F04%2Fcha-m%25E1%25BA%25B9-2.jpg&t=1567987204&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c9d-bd000301e200&sig=DD6v5AzBROG2U8zGta184w--~C(Hình minh họa: Pixabay.com)
1. Không trách mắng con ở nơi đông người
Sự tôn nghiêm, danh dự là thứ mà ai cũng có, bất kể người lớn hay trẻ nhỏ. Bởi vậy, cha mẹ cần chú ý không trách mắng con cái trước chốn đông người để tránh làm trẻ thấy xấu hổ, mất mặt

.2. Không trách mắng khi con đã biết lỗi
Ông cha ta đã dạy: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Vì thế, một khi con trẻ đã nhận ra lỗi lầm của mình, biết ăn lăn hối lỗi rồi thì cha mẹ nên ân cần chỉ bảo chứ không nên trách mắng nữa.

https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Ftrithucvn.net%2Fwp-content%2Fuploads%2F2016%2F08%2Ftre-em-nhut-nhat.jpg&t=1567987204&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c9d-bd000301e200&sig=GRZJlq4J0gw61t1RujL5sA--~C (https://trithucvn.net/wp-content/uploads/2016/08/tre-em-nhut-nhat.jpg)
3. Không trách mắng con vào ban đêmĐừng trách mắng trẻ trước khi đi ngủ, bởi làm như vậy sẽ khiến trẻ đem theo cảm giác tủi thân, buồn chán mà chìm vào giấc ngủ. Những lời trách mắng đó có thể khiến trẻ ngủ không ngon, thậm chí gặp phải những cơn ác mộng đáng sợ, ảnh hưởng đến cả sức khỏe và tâm tính của trẻ

.4. Không trách mắng khi con đang vui mừng
Khi con người vui mừng, các kinh mạch trên cơ thể ở vào trạng thái khai thông tốt. Nếu ngay lúc đó lại bị trách phạt, mắng mỏ thì những ức chế tinh thần sẽ khiến kinh mạch đột ngột bị bế tắc lại, gây hại cho cơ thể. Chính vì thế, cha mẹ hãy nhớ đừng mắng khi trẻ đang vui mừng.

5. Không trách mắng con trong bữa ăn
Người ta thường nói: “Trời đánh còn tránh miếng ăn”. Vì vậy, mọi lời phê bình, trách phạt hãy để sau bữa ăn hãy nói. Nếu không, điều đó không chỉ phá hỏng không khí bữa cơm gia đình mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và cảm

giác ấm cúng trong lòng trẻ.https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Ftrithucvn.net%2Fwp-content%2Fuploads%2F2017%2F04%2Fday-con-1.jpg&t=1567987204&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c9d-bd000301e200&sig=gjfXLwjXe.SsvJ4sPIE_MQ--~C (https://trithucvn.net/wp-content/uploads/2017/04/day-con-1.jpg)(Ảnh: Internet)

6. Không trách mắng khi con đang buồn
Những lời phê bình lúc này sẽ chỉ càng làm tâm trạng con bạn xấu đi, tạo thêm áp lực tinh thần cho trẻ. Những áp lực ấy nếu không được giải tỏa kịp thời có thể sẽ làm trẻ thêm buồn bã hơn, thậm chí dẫn đến những hậu quả khó lường.
https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Ftrithucvn.net%2Fwp-content%2Fuploads%2F-000%2F%2F1%2Fthat_bai.jpg&t=1567987204&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c9d-bd000301e200&sig=xMPLgOIAr2AaiJHChMlgjg--~C (https://trithucvn.net/wp-content/uploads/-000//1/that_bai.jpg)(Ảnh: bigstockphoto.com)

7. Không trách mắng khi con đang ốm

Lúc ốm đau là khi cơ thể con người ta yếu đuối nhất, tinh thần cũng mềm yếu, dễ tủi thân nhất. Thay vì trách mắng, điều cha mẹ cần làm là quan tâm và chăm sóc nhiều hơn đến con cái mình. Đối với bất cứ ai, cảm giác ấm áp, được yêu thương sẽ có tác dụng hơn bất cứ phương thuốc nào trên đời.An Hòa

******************

Bức thư tuyệt mệnh của người mẹ 80 tuổi "hối hận vì sinh ra 4 con trai"...



https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2F1.bp.blogspot.com%2F-AFFkGTyyi2I%2FW_6QSIUpMBI%2FAAAAAAAAj68%2F927J2l4C MlABlZ91oJ2EdFbAsEMkXGGYgCLcBGAs%2Fs320%2Fimages.j pg&t=1567987204&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c9d-bd000301e200&sig=pRIfudBbepJuv9y33GRkGQ--~C (https://1.bp.blogspot.com/-AFFkGTyyi2I/W_6QSIUpMBI/AAAAAAAAj68/927J2l4CMlABlZ91oJ2EdFbAsEMkXGGYgCLcBGAs/s1600/images.jpg)


Bức thư tuyệt mệnh của một bà mẹ 80 tuổi ở Trung Quốc với tiêu đề "Cảm ơn vì đã chăm sóc mẹ nhưng mẹ hối hận khi đã sinh ra các con" khiến nhiều người không cầm được nước mắt.

"Các con trai của mẹ,
Hôm nay là ngày 6/6, mẹ đã qua tuổi 80, điều này cũng có nghĩa là mẹ đã sống được 80 năm trên đời rồi.

Trải qua một thời gian dài như vậy, mẹ sinh 4 đứa con và nuôi thêm 8 đứa cháu tất thảy. Tức là trong suốt cuộc đời mình, mẹ đã nuôi 12 người, cả con lẫn cháu. Vì vậy mà mẹ nghĩ rằng mẹ đủ từng trải và đủ tiếp xúc để có thể hiểu rõ về những đứa con của mình.

Đặc biệt là từ vài năm trước, sau khi cha các con qua đời, mẹ cảm thấy một cách rõ ràng rằng các con ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn với mẹ. Nhưng lúc đó, mẹ đã thực sự hy vọng rằng các con có thể đưa mẹ về nhà, mẹ muốn sống với các con và mẹ có thể làm bất cứ điều gì để được như thế.

Mẹ cứ mong chờ nhưng 2 tháng đã trôi qua mà không một ai trong số các con đón mẹ về. Trái tim của mẹ lạnh lẽo như đóng băng vì mẹ biết các con sẽ không bao giờ có ý định đó.

Cũng may là khi ấy các con đối xử với mẹ không tệ. 4 người các con đã chia nhau, mỗi người 1 tuần ở lại với mẹ, nên mẹ không còn sợ hãi khi màn đêm buông xuống nữa.

Thực ra, ai cũng vậy thôi, sống đến ngần này tuổi rồi, điều đáng sợ nhất là gì? Đó chẳng có gì khác ngoài nỗi cô đơn.
Mẹ biết, các con đã dành 1 năm 9 tháng để chăm sóc mẹ, khoảng thời gian đó tương đương với 630 ngày. Là một người mẹ, mẹ cảm ơn các con vì hành động đó.

Thế nhưng sau đó, các con gặp mẹ với gương mặt ngày càng cau có. Khi đến, các con không chào hỏi gì và lúc đi cũng chẳng nói với mẹ một câu nào. Nó giống như là các con đang vào khách sạn và đi lướt qua một bà già xa lạ vậy.
Mẹ không muốn xúc phạm bất kỳ ai trong số các con. Mẹ không ăn của các con một bữa ăn nào, cũng không mặc quần áo của các con và càng không tiêu tốn 1 đồng nào của các con. Nhưng các con luôn cho mẹ cảm giác, việc các con đến thăm mẹ giống như là một món nợ, một gánh nặng phải trả.

Ngay cả khi mẹ đã chẳng còn minh mẫn thì mỗi tối, các con vẫn bỏ về nhà mình, không một ai ở lại với mẹ. Chính điều đó đã khiến cho mẹ cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết.

Sau khi cha các con qua đời, các con đã ở cạnh mẹ 1 năm 9 tháng. Mẹ biết ơn vì điều này nhưng ở phần còn lại của cuộc đời, mẹ sẽ đi một mình.

Trong hơn 2 năm qua, mẹ đã phải vật lộn với nỗi cô đơn. Vào ngày sinh nhật lần thứ 80 của mẹ, các con đã đến và đều chúc mẹ "Sống lâu trăm tuổi!", nhưng lúc đó mẹ chỉ cười và nghĩ, sống trăm tuổi thật vô dụng.

Và gần đây, bệnh tim của mẹ ngày càng nặng hơn. Mẹ không nói điều đó với các con và mẹ không biết phải nói gì. Mẹ mong rằng bệnh tật sẽ mang mẹ đi gặp cha các con sớm hơn, nếu được như vậy thì mẹ sẽ biết ơn cuộc đời này rất nhiều.

Mấy ngày trước, mẹ mơ thấy cha các con. Ông ấy nhìn mẹ cười và nói: "Bà đi với tôi nhé! Bà sẽ không còn cảm thấy cô đơn nữa".

Tỉnh dậy, mẹ nhìn thấy những ngôi sao bên ngoài cửa sổ, thấy mặt trăng tròn và lớn. Mẹ đã mơ thấy cha các con, mơ thấy rằng ông ấy sẽ đón mẹ đi vào một đêm tuyệt đẹp như thế. Trong suốt cuộc đời mình, mẹ biết ơn tình yêu của ông ấy dành cho mẹ và biết ơn sự chăm sóc của các con trong 630 ngày vừa qua.

Bệnh tim của mẹ mỗi ngày một nặng nên mẹ hiểu rằng mình không còn nhiều thời gian nữa. Thế nên mẹ đã viết bức thư này, bởi duyên phận của mẹ con mình cũng chẳng còn bao nhiêu.

Tóc mẹ đã bạc hết rồi, mẹ có thể thề với mái tóc của mình rằng, mẹ thực sự trân trọng những gì các con đã làm cho mẹ. Ngoài câu này ra, mẹ còn muốn nói thêm rằng: "Mẹ rất hối hận khi đẻ ra các con. Nếu có kiếp sau, mẹ không muốn các con là con của mẹ nữa."

Nhưng với tư cách là một người mẹ, mẹ vẫn hi vọng rằng cả 4 người các con sẽ hạnh phúc trong những năm tháng sau này, sẽ không bị 8 đứa con của mình bỏ rơi.

Sau lá thư này, mẹ muốn dừng lại tất cả..."

Cuối cùng, một vài ngày sau, người ta phát hiện bà mẹ 80 tuổi đã nhắm mắt xuôi tay với gương mặt vô cùng bình yên trên chiếc giường của mình, trong tay là bức ảnh duy nhất của bà và chồng.

MISS TƠ - THEO HELINO

**********************************


Mẹ đi về đâu, hỡi Mẹ?
Trong giờ lễ Chủ Nhật, tại nhà thờ Saint Columban, linh mục T. đã làm nhiều người nghe phải nhỏ lệ khi ông kể một câu chuyện về một người Mẹ đã nuôi cả mười đứa con thành công về tài chánh, đứa bác sĩ, đứa kỹ sư, dược sĩ, nhưng rồi cả mười đứa con ấy, không nuôi nổi một bà Mẹ già. Đứa nào cũng có lý do để từ chối không muốn ở với Mẹ.

Linh mục T. cũng kể lại lúc ông còn ở Chicago, có một lần trong thời tiết lạnh giá, đến thăm một bà Mẹ, thấy căn nhà rộng mông mênh, không có ai, vì hai vợ chồng đứa con đi làm cả. Điều ông quan tâm là thấy trong nhà rất lạnh, bà Mẹ phải mặc hai áo nhưng vẫn lạnh cóng. Ông có hỏi bà mẹ tại sao không mở máy sưởi, thì bà Mẹ cho biết là không dám mở vì sợ khi con đi làm về, sẽ càm ràm là “tốn tiền điện quá!” Những đứa con sang trọng kia, có thể chờ đến ngày Lễ Mẹ, thì đưa mẹ ra ăn tô phở, hoặc gọi điện thoại về nhà, nói: “I love you, mom!”
Thế là đủ bổn phận của một đứa con thành công ở Mỹ đối với người mẹ yêu dấu của mình.

Những Bà Mẹ ở đây là hiện thân của Mẹ Việt Nam đau khổ, đã hy sinh cả cuộc đời cho con cái, nhưng khi con cái phụ rẫy, bỏ bê, cũng im lặng chấp nhận cho đến hết cuộc đời.

Có biết bao nhiêu trường hợp như thế trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại? Biết bao nhiêu bà mẹ âm thầm, lặng lẽ chịu đựng tất cả những đau khổ từ khi lấy chồng, sinh con, rồi ráng nuôi dạy con nên người, sau đó lại chấp nhận những đứa con bất hiếu như một định mệnh mà không hề thốt lời than vãn?

http://t3.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcQdMBDCHFVZ7aENc4z6x_UDq2Do9CcnA f-7VpFFhjEgTNLkJw69ig

Một bà mẹ đã dành dụm bao năm buôn gánh bán bưng để cho con vượt biên một mình, sau đó, khi qua đến Mỹ, thằng con sợ vợ quá, không dám để mẹ ngủ trong phòng, mà bảo mẹ phải ngủ dưới đất trong phòng khách. Một lần, con chó xù của hai vợ chồng đứng đái ngay vào đầu mẹ. Bà mẹ kêu lên, thì đứa con dâu cười, trong khi chồng đứng yên, chẳng dám nói gì.


Bà mẹ khác, không được ở chung với con trai, phải thuê một phòng của người bạn, vì sức khoẻ yếu, lúc nào cũng lo là chết không có ai chôn. Khi nghe nói về bảo hiểm nhân thọ, bà có năn nỉ thằng con trai đứng tên mua giùm, để bà bớt chút tiền già và đóng hàng tháng để mai sau, con có tiền lo hậu sự cho bà, nhưng đứa con dâu nhất định không chịu, cho rằng “tốn tiền vô ích, chết thì thiêu, liệng tro xuống biển là xong, chôn làm gì cho mất thời giờ đi chăm sóc.” Bà cụ uất quá, phát bệnh và qua đời. Không biết rồi bà có được chôn cất đàng hoàng theo ý muốn, hay lại bị cô con dâu vứt tro ra biển.


Không thiếu những bà mẹ khi đến thăm con trai, phải ngồi nhìn vợ chồng ăn uống ríu rít với nhau, vì con dâu không chịu dọn thêm một chén cơm mời mẹ. Một bà mẹ nhớ con nhớ cháu quá, đến thăm con, nhưng sợ con dâu sẽ nhiếc móc thằng chồng, nên vừa vào tới cửa đã vội thanh minh: “Mẹ không ăn cơm đâu! Mẹ vừa ăn phở xong, còn no đầy bụng. Mẹ chỉ đến cho thằng cháu nội món quà thôi!”
Không thiếu những bà mẹ vì lỡ đánh đổ một chút nước trên thảm mà bị con nhiếc móc tơi bời. “Trời đất ơi! Cái thảm của người ta cả vài ngàn bạc mà đánh đổ đánh tháo ra thế thì có chết không?”

Có bà mẹ bị bệnh ung thư, biết là sắp chết, mong được con gái đưa về Việt Nam, nhưng con đổ thừa cho chồng không cho phép về, rồi biến mất tăm, sợ trách nhiệm. Mẹ phải nhờ người đưa ra phi trường, nhờ người dưng đi cùng chuyến bay chăm sóc cho đến khi về tới nhà. Từ lúc đó đến lúc mẹ mất, cả con gái lẫn con rể, cháu chắt cũng chẳng hề gọi điện thoại hỏi thăm một lần.

Một bà mẹ già trên 70 tuổi rồi, có thằng con trai thành công lẫy lừng, bốn năm căn nhà cho thuê, nhưng bà mẹ phải lụm cụm đi giữ trẻ, nói đúng ra là đi ở đợ vì phải lau nhà, rửa chén, nấu cơm, để có tiền tiêu vặt và để gộp với tiền già, đưa cả cho… con trai, một thanh niên ham vui, nhẩy nhót tung trời, hai, ba bà vợ. Mỗi khi gặp bà con, chưa cần hỏi, bà đã thanh minh: “Ấy, tôi ngồi không cũng chả biết làm gì, thôi thì đi làm cho nó qua ngày, kẻo ở nhà rộng quá, một mình buồn lắm!”


Trong một cuộc hội thoại, một bà mẹ đã khóc nức nở vì chỉ đứa con gái phụ rẫy, bỏ bà một mình cô đơn. Bà chỉ có một đứa con gái duy nhất, chồng chết trong trại cải tạo. Trong bao nhiêu năm, bà đã gồng gánh nuôi con, rồi cùng vượt biên với con, tưởng mang hạnh phúc cho hai mẹ con, ai ngờ cô con chờ đúng 18 tuổi là lẳng lặng xách vali ra đi. Nước mắt bà đã chảy cho chồng, nay lại chảy hết cho con.

Tại những nhà dưỡng lão gần trung tâm Thủ Đô Tị Nạn, có biết bao nhiêu bà mẹ ngày đêm ngóng con đến thăm nhưng vẫn biệt vô âm tín.

Một bà cụ suốt ba năm dài, không bao giờ chịu bước xuống giường, vì biết rằng chẳng bao giờ có đứa con nào đến thăm. Bà đã lẳng lặng nằm suốt ngày trên giường như một sự trừng phạt chính mình vì đã thương yêu con cái quá sức để đến tình trạng bị bỏ bê như hiện tại. Sau ba năm, bà mất vì các vết lở, vì nỗi u uất, mà những người chăm sóc bà vẫn không biết gia cảnh bà như thế nào, vì bà không hề nhắc đến. Có điều chắc chắn là khi bà còn là một thiếu nữ, bà phải là một mẫu người làm cho nhiều người theo đuổi, quyến luyến, tôn sùng. Chắc chắn bà đã trải qua bao năm tháng thật tươi đẹp, vì cho đến khi mất, khuôn mặt bà, những ngón tay bà, và dáng dấp bà vẫn khoan thai, dịu dàng, pha một chút quý phái. Nhưng tất cả những bí ẩn đó đã được bà mang xuống mồ một cách trầm lặng.


Một buổi chiều tháng 5, tại một tiệm phở Việt Nam, một mẹ già đứng tần ngần bên cánh cửa. Khi được mời vào, mẹ cho biết mẹ không đói, nhưng chỉ muốn đứng nhìn những khuôn mặt vui vẻ, để nhớ đến con mình, đứa con đã bỏ bà đi tiểu bang khác, để mẹ ở với đứa cháu là một tên nghiện rượu, đã hăm doạ đánh mẹ hoài. Hắn đã lấy hết tiền trợ cấp của mẹ, lại còn xua đuổi mẹ như cùi hủi. Hôm nay, hắn lái xe chở mẹ đến đầu chợ, đẩy mẹ xuống và bảo mẹ cút đi! Mẹ biết đi đâu bây giờ?


Trong một căn phòng điều trị tại bệnh viện Ung Thư, một bà cụ đã gào lên nức nở khi người bệnh nằm bên được chuyển đi nơi khác. “Bà ơi! Bà bỏ tôi sao? Bà ơi! Đừng đi! Đừng bỏ tôi nằm một mình! Tôi sợ lắm, bà ơi!” Những tiếng kêu, tiếng khóc nấc nghẹn đó lặp đi lặp lại làm người bệnh sắp chuyển đi cũng khóc theo. Người y tá cũng khóc lặng lẽ. Anh con trai của người sắp đi xa, không cầm được giọt lệ, cũng đứng nức nở. Cả căn phòng như ngập nước mắt. Mầu trắng của những tấm trải giường, mầu trắng của tấm áo cánh của bà cụ như những tấm khăn liệm, tự nhiên sáng lên, buồn bã. Bà cụ nằm lại đó đã không có đứa con nào ở gần đây. Chúng đã mỗi đứa mỗi nơi, như những cánh chim không bao giờ trở lại.

Trên đại lộ Bolsa, thỉnh thoảng người ta thấy một bà mẹ già, đẩy chiếc xe chợ trên chứa đầy đồ linh tinh. Mẹ chỉ có một cái nón lá để che nắng che mưa. Khuôn mặt khắc khổ của mẹ như những đường rãnh bùn lầy nước đọng, đâu đó ở chợ Cầu Ông Lãnh, Thủ Thiêm, gần bến Ninh Kiều, Bắc Mỹ Thuận hay ở gần cầu Tràng Tiền, Chợ Đông Ba?


Mẹ đi về đâu, hỡi Mẹ? Những đứa con của mẹ giờ chắc đang vui vầy…
Chu Tất Tiến

****************************

Hai Câu Chuyện Hay Cho Ngày Từ Mẫu




https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2F4.bp.blogspot.com%2F-KYD5rJsaDSs%2FWt34iN-iDhI%2FAAAAAAAA7bc%2FLoe0UM9MyQAdUnw04wWRo2NWu4ELs LHpwCLcBGAs%2Fs640%2FHappy-Rose-Day-Quotes-11.jpg&t=1567987204&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c9d-bd000301e200&sig=a.iDTFarNIUe1PMM5M2UIw--~C
Hoa hồng tặng Mẹ




Anh dừng lại tiệm bán hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện. Mẹ anh sống cách chỗ anh khoảng 300km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái đang đứng khóc bên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc.

- Cháu muốn mua một hoa hồng để tặng mẹ cháu - nó nức nở - nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi giá một hoa hồng đến 2 đôla.

Anh mỉm cười và nói với nó:
- Đến đây, chú sẽ mua cho cháu.
Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng để gửi cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh và trả lời:
- Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.
Rồi nó chỉ đường cho anh đến một nghĩa trang, nơi có một phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ ngôi mộ và nói:
- Đây là nhà của mẹ cháu.
Nói xong, nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên mộ.
Tức thì, anh quay lại tiệm bán hoa, hủy bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một bó hồng thật đẹp. Suốt đêm đó, anh đã lái một mạch 300km về nhà mẹ anh để trao tận tay bà bó hoa.


Con Để Dành Phòng Khi Đau Ốm




Câu chuyện về một bà mẹ già ở Miền Tây, vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con được 25 năm. Lúc đứa con gái lớn khôn thành danh ở Mỹ, tháng nào cũng gửi về cho bà một lá thư và 200$ tiêu xài.

Hết xuân này đến xuân kia, cô con gái luôn viện cớ này cớ nọ, không chịu về thăm người mẹ thương yêu. Khi người mẹ mất, cô về làm đáng tang rất to nhưng tuyệt nhiên cô không rơi một giọt nước mắt.
Đến khi mở chiếc rương mà bà cụ luôn để ở đầu giường, bỗng cô òa lên khóc nức nở, ôm lấy quan tài mẹ mình hét lên như điên dại: "Mẹ...Mẹ ơi..."

Mọi người vây nhau xem trong chiếc rương có gì. À, thì ra là những tờ đô-la mới toanh còn buộc dây. Và còn một mảnh giấy đã úa vàng, viết nguệch ngoạc được dán dính lại với tấm hình cô con gái lúc mới lọt lòng:

"Tiền nhiều quá, mẹ xài không hết con à. Mẹ nhớ con lắm, mỗi khi nghe tiếng xe ông-đa (honda) là mẹ chạy ra. Lần nào cũng không phải là con hết. Số tiền này mẹ để lại cho con, CON ĐỂ DÀNH PHÒNG KHI ĐAU ỐM nghe con."

Cô con gái đã có tất cả những gì một người phụ nữ có thể có: tiền, danh vọng, địa vị, chồng thành đạt, con ngoan. Nhưng cô đã mất một điều vô cùng thiêng liêng: MẸ!



Sưu tầm

Triển
09-08-2019, 04:25 PM
tất cả đều là do Thượng đế và cha mẹ đã ban cho bạn.


Gieo nhân nào thì gặp quả ấy.
Muốn con cái biết nghĩ đến cha mẹ, thì
hãy cố gắng dạy dỗ, chăm sóc từ khi nó
chưa nên người. Khi chúng nó trưởng thành
rồi đưa ra một đống giáo điều nào có ích gì.

Nên nhớ là cha mẹ có thể chọn con, nhưng
những đứa trẻ không thể chọn cha mẹ từ khi
lọt lòng.

Không có thượng đế nào ban cho bạn mụn
con khi bạn ngồi dưới cây sung chờ trái táo
rơi như Newton, rồi phát minh ra thụ thai nhân
tạo. Ít nhất cũng phải đi gieo "cái nhân" vào ống
thụ tinh. Cho nên phải có trách nhiệm với cái
quả gặt được sau đó cho trọn lẽ duyên phần.
Đừng đi dạy chúng phải làm sao có trách nhiệm
với cha mẹ.

chieclavotinh
10-19-2019, 08:09 PM
Đèn Tắt
Nguyễn Quang Vũ

Có lẽ hôm nay trời rất nóng.

Mấy giờ rồi? Chắc vẫn còn sớm: trời nắng lòa mắt mà không khí vẫn vương tí mát của đêm hè.

Bà không thích mấy những ngày nóng. Lưng bà sẽ ướt đẫm mồ hôi mà bà không còn đủ sức khỏe để lăn qua lăn lại. Ở cái góc tối này trong viện dưỡng lão, chẳng mấy khi y tá trông thấy mà giúp đỡ.

Nghĩ đến mà ghét tuổi già. Nhớ lại ngày xưa, chỉ mấy tháng trước thôi, bà vẫn còn loanh quanh trong bếp. Mỗi ngày lo ba bữa cơm. Mấy đứa cháu một tay bà săn sóc. Kể từ ngày con gái bà mở tiệm nail, nó chẳng còn thời gian nuôi con. Suốt ngày ở lì ngoài tiệm, lâu lâu thẩy cho bà vài ba trăm, coi như là tiền cơm nước. Lúc trước thì bà đưa tiền nhà, bây giờ thì trông con cho nó, coi như là trừ vào tiền ở trọ.

Ở trọ? Chứ còn gì nữa? Kể từ ngày ông mất, con cái ai nấy cũng gọi bà về ở cho đỡ cô đơn. Thấy con út mất chồng sớm, một mình nuôi con, bà thương nên về với nó. Bà vừa về thì nó ra tiệm ngay. Căn nhà mướn của ông bà nay có một cặp vợ chồng già mới vào thuê. Ngày dọn nhà, bà quên vài thứ nên ghé qua để lấy. Thấy hai vợ chồng ngồi trên ghế cùng xem phim, bà rơi lệ. Phải khóc chứ! Khóc tức tưởi. Khóc đau khổ. Thế mới biết ai đi trước là sướng. Bà nay là kẻ góa chồng, ở trọ nhà con gái.

Có tiếng chân...

Thằng Chí, con ông bên cạnh. Cứ mỗi cuối tuần là nó tới thăm bố, lần nào cũng dẫn theo dứa con gái. Con bé xinh lắm, nhưng có lẽ cháu bà xinh hơn. Đã lâu lắm rồi chưa thấy chúng nó! Kể từ ngày bệnh viện chuyển bà về đây, hình như là đã ba tháng, con cháu tới thăm chỉ độ chục lần. Cũng chẳng trách được! Cả năm đứa đều bận rộn, đâu phải ai cũng rảnh rỗi như bà.

Không còn có ích nữa rồi: đi đứng không được, nói năng không được. Của nợ!

Bà cũng có một đứa con trai tên Chí. Nhưng nó đi lính chết rồi. Mất tích chứ! Cũng vậy thôi. Nếu chưa chết sao nó không về nhà? Căn nhà tổ tiên bao năm nay bà không dám bán. Mặc dù con cái nói nhà không hợp thức hóa, lại không phải là bà đứng tên, nếu không bán sớm thế nào cũng mất Nhưng bán đi rồi thì bao nhiêu kỉ niệm: chồng bà, con bà, bàn thờ tổ tiên của bà. cái đi-văng giữa nhà, cây mai trước sân, mất sạch sao? Rồi còn thằng Chí? Nó trở về mà không còn gì cả thì nó ở làm gì? Nó bỏ đi thì bà lại đau một lần nữa. Không, không thể nào bán được!

Nóng quá. Y tá ơi!

Thật không còn gì khổ hơn là nói nhưng không ai hiểu. Mấy đứa con thấy bà ú ớ thì chỉ nghĩ là bà muốn ăn. Mẹ cha tụi bay! Tao ở với chúng mày bấy lâu nay, mỗi ngày chỉ hai bữa cơm nhẹ là cùng. Bây giờ nằm một chỗ thì thốc cho tao một ngày tám bữa. Thế có chán không cơ chứ! Cũng may chúng mày không tới thường. Nếu không mợ đến bội thực mà chết mất.

Lại nghĩ đến chết! Nếu dễ chết vậy thì đã chết từ lâu rồi. Kể từ ngày ông mất, bà cũng đã có lúc muốn chết. Vợ chồng gần sáu chục năm, chẳng lẽ giờ đây mỗi người một nơi? Rồi thì hôm đó bà ngã nặng, tưởng chết nhưng lại sống. Vì sao ngã? Bà dường như đã quên. Lú lẫn rồi!

Có tiếng chân...

Y tá. Rốt cuộc đã đến! Bà không thích cô này. Làm cho bà đau lắm. Mặt mũi thì lúc nào cũng nhăn như bị. Bà đoán chắc cô vẫn còn độc thân.

Cô quay mặt bà vào tường, cởi nút cho bà, lấy khăn thấm mồ hôi, rồi đỡ bà xuống xe lăn, quơ một tấm vải mỏng che cho bà, và đẩy bà xuống nhà tắm.

Nước lạnh quá!

Bà rụt mình. Lần nào cũng vậy. Phải thử nước chứ! Bà rét run, ú ớ vài câu nhưng tiếng nước đã hờ hững át đi. Từ từ rồi nó cũng ấm lên, nhưng chưa đầy hai phút là cô y tá tắt nước, lau qua loa cho bà, khoác vội áo quần, rồi đẩy bà trở về phòng, dựng bà ngồi hướng ra cửa sổ.

Đã 12 giờ trưa…

Hôm nay bà thấy mệt lắm, chưa bao giờ lại mệt như thế này. Ngày Việt Minh vào, gia đình chạy giặc mà không mệt như thế này.

Ngày ông ra Bạch Đằng vượt biên, thân già trên sáu mươi, bà vừa đau lòng, lại vừa nhức đầu vì bị Việt Cộng tra khảo liên miên, nhưng vẫn không mệt bằng bây giờ. Cả cuộc đời bà, buồn nhiều hơn vui, sao bây giờ lại còn đau thế này? Có chút gì đó như vấn vương, muốn níu kéo gì mà sao không thể, mắt mờ nhưng trí óc vẫn rõ ràng hình ảnh. Đừng suy nghĩ, đừng nhớ gì cả! Đã là quá khứ rồi. Yên lặng! Yên lặng đi!

Nhưng bà vẫn nhớ...

Nhớ ngày bà mới qua đây, Mùa Đông Cali quá lạnh. Lạnh mà vui vì gia đình được đoàn tụ nơi chốn tự do này. Chỉ còn thằng con trai lớn nữa thôi là xong: thằng út vượt biên với bố, thằng thứ đi sau, rồi bà được bảo lãnh qua đây cùng hai con gái. Nhưng cũng phải trên mười năm sau thì thằng lớn mới qua. Gia đình nó ở với ông bà được độ vài tháng là dọn ra ngoài ngay. Thấy chúng nó ai cũng sung túc, ông bà vui không kể xiết. Thật chẳng bõ công ông bà cúng chùa bấy lâu nay. Phước cha mẹ thì con cái hưởng, lẽ đời là như vậy.

Sau khi chúng nó yên ổn thì ông bà dọn ra căn nhà nhỏ, trợ giúp bởi chính phủ. Hai vợ chồng sáng đi bộ ra công viên, rải bánh mì cho vịt, cho chim, đến gần trưa thì về. Đó là mùa nóng, đến mùa lạnh thì chỉ ở suốt trong nhà xem ti-vi, rồi nghe đài. Đến khi có hẹn với bác sĩ hay bạn bè thì ông bà lại đón xe buýt, lắm khi phải đón nhiều chuyến.

Bữa trưa đã đến. Bà hờ hững liếc nhìn: cá, cơm trắng, củ cu-ve, cà rốt, nước cam, sữa. Bà chán nản ngước lên. Thôi thì nhịn bữa này vậy.

Cuối tuần nào nhà bà cũng đông con cháu. Nhiều khi bà nghĩ chúng nó chỉ đến thăm cho có lệ, chứ ít khi nào hào hứng lắm. Mấy đứa cháu thì nào mong gì hơi hớm người già. Nhà lại nhỏ, nên đến cỡ trưa là chúng nó lại kéo về, nhà ai nấy ở. Ông bà vẫy tay đưa tiễn, rồi lại quay vào nhà, chờ đến tuần sau.

Con cái bây giờ thật khác xưa! Cũng không trách được, ở nơi này, ai cũng bận bịu. Cha mẹ già giống như là cái nợ không cần trả. Chúng thương thì ngó ngàng, không thì bặt tăm. Kể ra thì ông bà vẫn còn may gớm, mỗi tuần con cháu đều ghé thăm. Chứ như bà Mỹ bên cạnh, một năm chỉ độ hai lần lễ tết, còn không thì ru rú một mình. Khi bà bị đau tim mà chết, bác đưa thư tình cờ nhìn vào cửa sổ rồi báo cảnh sát. Bà đã chết được hơn năm ngày rồi.

Có cái gì đó dường như đau nhói: ở đầu, ở chân, ở tim, ở bụng? Bà không còn cảm thấy gì rõ ràng nữa. Bà muốn nhấc chân tay lên, nhưng chúng nặng quá. Bà nhăn mặt, lắc đầu, nhưng qua phản chiếu trong cửa kính trưởc mặt, gương mặt bà không hề cử động: vẫn tê liệt, hờ hững, vô cảm xúc.

Có bước chân! Thằng Chí con bà. Ôi, đã lâu quá nó chưa tới thăm bà.

Chỉ là y tá. Thấy bữa cơm còn nguyên, cô cau mày rồi nói vài câu với bà. Tôi có hiểu tiếng Tây đâu mà trò chuyện! Vừa mệt mỏi, vừa ấm ức, cô dọn bữa cơm ra ngoài rồi nhanh chóng trở vào, lạnh lùng đỡ bà lên giường. Không muốn nằm! Cho tôi xuống!

Bà đã nằm...

Có con gì đó trườn mình trên chân bà. Bà muốn cử động nhưng không được. Khó chịu quá!

Rồi thì chân bà tê đi, giống như là bà không còn chân nữa vậy.

Thằng Chí bị cưa chân. Nó đau. Nó chết. Đó là vì sao nó không đến thăm bà. Không! Bà mới gặp nó ở đây mà. Lúc nào? Không nhớ! Mới đây thôi. Mới đây...

Rồi bà nhớ chồng bà. Cũng đã lâu rồi ông không tới thăm bà. Chắc ông bận lắm vì đã rất lâu rồi ông bà sống với nhau, ông chưa hề bỏ bà. Ngày ông ra Hải Phòng tìm việc, bà ở Hà Nội chờ dưới một tháng là ông về đón vợ con ngay. Ngày chạy giặc Pháp ông vừa đi vừa đào hầm, qua đến cầu khỉ, ông phải cõng từng người qua cầu, kể cả bà ở. Cầu dài lắm, nhưng bao giờ ông cũng quay lại với bà. Đạn bom tứ phía, ông vẫn quay lại. Từ biệt trên bến Bạch Đằng, bà khóc bao nhiêu là nước mắt, nhưng ông lên đến bờ là thơ cho bà ngay. Rồi mỗi tháng một lá thơ, cho đến khi bà qua với ông mới thôi. Sao bây giờ lâu quá không được tin?

Bà cần muối nấu canh nên bắc ghế để trèo lên. Rồi cái ghế nó quay cuồng. Bà té. Đau lắm.

Con Thảo nó nói giá nhà đang lên, phải mua gấp kẻo sau này sẽ không mua được. Bà muốn giúp con nhưng chỉ còn đủ tiền ma chay. Bà bảo nó chờ thể nào nhà cũng xuống, thế mà nó giận. Cái con khờ! Vợ chồng đều là kĩ sư mà không chịu mua nhà lúc nó còn thấp. Hôm nọ có căn nhà gần ông bà rao bán, trông cũng đẹp lắm. Bà bảo chúng còn chê ỏng chê eo. Đến bây giờ lại trách bà.

Mắt bà nặng. Bà nhắm lại, nhưng mở ra ngay. Bừng sáng! Không thể nhắm mắt được. Chưa thể được.

Có tiếng trẻ thơ ríu rít như giữa trường làng ngày xưa ông dạy. Ngày ông từ giã Hà Nội ra Sài Gòn, chúng khóc đến sưng mắt, tiễn ông ra tận tàu. Đến Sài Gòn, gia đình được nuôi ăn ở cả tuần rồi thì họ mới phát hiện ra là nuôi nhầm nhà. Ông xin cho vợ con ở lại vài ngày rồi đạp xe đi tìm nhà. Hôm sau ông đón vợ con về nhà mới, xập xệ nhưng rẻ mạt. Ông mở lớp dạy thêm, từ đó mà dựng nhà gạch lầu cao. Trẻ con lại ríu rít.

Ngày Việt Cộng vào, ông bà dường như mất sạch. Vì tuổi già nên ông không phải bị tù. Ông bà gom góp tiền mua tàu vượt biên. Bị gạt, tiền mất tật mang. Các con trai thay nhau ra biển, nhưng lần lượt bị bắt bỏ tù.

Ngày thằng Cả về, bẩn thỉu hốc hác như bóng ma, ông bà nát tim. Phải đợi đến năm 1985 ông mới vượt biên lần nữa với thằng út. Lần này thì lên được đảo. Bà và các con mừng vô kể. Công an gọi bà lên tra khảo: “Ông Giáo đi đâu? Cậu Út ở đâu?” Bà chỉ biết trả lời bố con đi buôn xa. Chúng chán nên rồi cũng tha cho bà. Bà giấu thư chồng như tang chứng tội lỗi, âm thầm chờ ngày đoàn tụ. Rồi thằng Toàn đòi vượt biên sau khi thi rớt. Bà khô nước mắt cản con nhưng nó không nghe, sống thấp thỏm cho đến ngày được tin thuyền nó được vớt.

Phải nhắm mắt thôi, mỏi quá rồi. Sẽ thấy gì đây? Bóng tối? Không, có một ánh đèn, sáng rực nhưng không nhòa mắt.

Ai kia? Thằng Chí! Sao mày gầy thế hả con? Khổ chưa! Mợ bảo đi học trên Đà Lạt mà không nghe, cứ đòi đi lính để mợ lo khổ. Mày nói sao? Lại gần đi con. Đừng đi! Đừng đi!

Có tiếng gì đây? Ca nhạc. Ông già lại xem ti-vi khuya rồi. Khổ quá! Ông ơi, vào ngủ này!

Đèn mờ đi. Chưa tắt được! Còn nhiều chuyện lắm...

Bà thấy đầu bà lạnh, thấy nhẹ bẫng, như đang nổi trên không khí. Bà thở mạnh, lưng lại chạm giường. Chưa bay được. Đã xong đâu.

Cháu gái chê canh nhạt. Bà cần thêm muối. Hết muối rồi. Bao muối ở trên cao. Bà bắc ghế trèo lên. Ghế quay cuồng. Bà ngã...

Đừng bán nhà nhé các con. Anh Chí về rồi. Nó cần nhà ở chờ cậu bảo lãnh sang đây. Cậu phải làm giấy tờ ngay kẻo muộn. Mợ thấy gần đây cậu yếu lắm rồi.

Nhớ mỗi năm phải tỉa lá cây mai. Tết nào nó cũng ra hoa đẹp lắm. Mợ yêu cây mai nhà mình quá! Chí phải chăm lo nhà cửa cho mợ rồi cậu sẽ lãnh con sang đây với mợ. Con có nghe mợ nói không? Sao mày hay cãi mợ thế?

Sao mày không ra Đà Lạt mà học?

Tối quá!

Thảo à, đừng giận mợ nữa con nhé. Nếu cần tiền thì mợ cho con. Chỉ có con là chưa có nhà thôi. Phải mua nhà chứ! Cứ ở thuê như thế này thì suốt đời đóng tiền nhà cho thiên hạ à? Mợ cho con tiền. Đừng giận mợ nhé!

Cháu nó chê canh bà nhạt. Phải đi lấy muối...

Tối quá, bà không thấy đường! Không có muối...

Có chuột... Chuột bạch... Nhiều quá! Chúng bò lên người bà. Nhột quá! Bà bay lên, quằn quại vì nhột.

Chuột kéo đi. Bà tê liệt...

Đèn tắt…

Ông ơi, vào ngủ kẻo trễ!

Ông vào ngủ. Ông bà ngủ ngon.

***

Cô y tá hớt hải rung chuông. Bác sĩ đến. Lắc đầu. Cô lập tức chạy về văn phòng, mở tập hồ sơ dày cộm, tìm số điện thoại liên lạc khẩn cấp: Thao Huynh.

Cô bấm số. Điện thoại reng.

Máy nhắn tin.

chieclavotinh
11-23-2019, 08:09 PM
My husband thinks it’s not “his problem” to help stressed-out sister with parents

Dear Carolyn: My husband, “John,” is the oldest of three children. His siblings, “Bill” and “Sue,” both live where they all were raised. Both parents are in declining health. Over the years, Sue has taken on the lion’s share of caring for them. She is a nurse, so a logical person to tend to medical issues, and now works in a high-pressure corporate job in the health care industry.

Bill and his wife help out when specifically asked, but that is all. We have regularly sent money to Sue to help with expenses as we are more able to do so than she.

Mom and Dad tend to call on Sue, believing her work is less important and demanding than Bill’s. Moving them out of their home is not really a possibility. They have recently agreed to have someone help once a week, but now Sue spends time managing her, so while she is relieved of some physical work, she is still involved.

Sue is about to change jobs, and is concerned she will no longer be as flexible as she has been to tend to her parents’ needs. She has spoken with Bill and his wife who have said they will try to help. When I suggested to my husband the three of them get on the phone together to come up with a plan, he told me it “wasn’t his problem” and that he had too much else on his mind. Bill’s attitude is similar.

I’m just a sister-in-law, so have no real say, obviously. But when I talk with Sue, as I do regularly to provide some emotional support, I can see she is at the end of her rope. She told me recently, in tears, that if she could pay $2,500 (the last amount we contributed to the parents’ fund) to be free of her responsibility she would do it in an instant.

I feel terrible that she carries this burden, but don’t know how I can help. The family does not communicate well. Years ago, I asked how my mother-in-law would manage financially if my father-in-law died. You’d have thought I was asking if it was OK to kill him. This head-in-the-sand approach may work for my husband and his brother, but it is obviously not working for Sue. Is there anything I can do? – Frustrated


Carolyn Hax: Yes! You can choose not to retreat in the face of a ridiculous, entitled, sexist response from your husband about the responsibility for his parents’ end-of-life care.

You’re not “just” a sister-in-law here; you’re a spouse. That you’ve described your role relative to Sue and not John says you’ve let yourself be suckered into the notion that this is primarily Sue’s story. Sue, Bill and John have equal standing and equal responsibility here, and that math doesn’t change just because Sue is the only one showing up for it.

A moneyed out-of-towner can spring for more in-home staffing, at least; a strapped one can make and take calls, book appointments, actually care.

Technically, of course, your husband is right. His parents’ well-being is his problem only if he chooses for it to be, and Sue herself has chosen to assume this burden. There is no law or contract in force here.

But this interpretation of who owes what to whom rests on definitions of obligation and choice that take zero account of moral imperatives. Your husband just stated, in so many words – or I should say, in devastatingly few words – that he is perfectly comfortable leaving the messy stuff to everyone else simply because he can.

Unless there’s some backstory here that would excuse your husband of any moral debt to his sister or to the people who raised him, his dismissiveness betrays an utter failure of character. But that hardly excuses and barely explains.

And while time will eventually eliminate this caregiving problem, John’s character problem will be in your marriage (and has been, no doubt) as long as you are. I’d be surprised, too – though genuinely pleased and relieved on your behalf – if it didn’t creep into other aspects of your later years. Imagine if your health spirals and you need him to show up for you when doing that is a lot harder than writing a check. When it’s the hardest thing he’s ever been asked to do, in fact. Will he embrace you as his problem to care for? As his privilege?

So my advice for you is to step far enough back from the Sue-is-overwhelmed problem to see the full scope of the dynamics at play; what they mean for you now and will mean over time; and what is within your power to change.

If nothing else, please, stand up openly for Sue. Tell John, steadily, it’s his “problem” as much as it is Sue’s. Never let him think free rides are actually free.

Email Carolyn at tellme@washpost.com.

chieclavotinh
01-04-2020, 08:58 PM
Tuổi đá buồn
Huy Phương

Cách đây vài chục năm tôi có đọc được một câu chuyện đâu đó mà nay tôi đã quên cả tên chuyện cũng như tác giả. Chuyện kể một cụ già sống trong một chung cư dành cho người cao niên, thường ngày ông lẳng lặng đi về, ít chuyện trò với ai, cũng như không thấy ai lui tới thăm viếng ông. Nghe nói vợ ông mất sớm, ông không có con cái, bạn bè thân thuộc. Một buổi sớm kia, người ở chung dãy phòng với ông, chú ý đã mấy hôm nay ông không ra khỏi phòng, tuy vẫn nghe tiếng nói từ trong máy truyền hình phát ra, sợ có chuyện gì không hay, người kia gõ cửa nhưng không thấy trả lời. Nghi hoặc, người kia báo tin với ban giám đốc chung cư. Khi nhân viên đến mở cửa ra mới phát giác ông cụ đã chết ngồi trên ghế sô-pha, có lẽ từ mấy ngày nay, trước máy truyền hình vẫn mở.

Khi cảnh sát đến lập biên bản và đưa ông cụ vào nhà xác, người ta tìm thấy trong phòng ngủ của ông cụ treo đầy những vòng hoa cườm phúng điếu, mang những dòng chữ: “Vĩnh Biệt Bạn Hiền,” “Muôn Vàn Thương Tiếc,”... dưới vòng hoa là những hàng chữ đề tên người hay nhóm người phúng điếu như: “Ban Giám Ðốc Chung Cư Hoàng Hạc,” “Hội Cựu Chiến Binh,” “Công Ty Bảo Hiểm Vạn Thọ”... Ông cụ đã sợ chết đi, đám tang lạnh lẽo, không ai thăm viếng, đưa tiễn nên ông đã đặt mua những vòng hoa này, giấu giếm đem về vào những lúc vắng người, để sau này tự phúng điếu cho mình. Thể theo ý nguyện của người quá cố, những người đưa ông cụ đến “nơi an nghỉ cuối cùng,” đã đặt những vòng hoa này lên mộ ông.

Ngày xưa, nhiều trường hợp cha mẹ, con cái, cháu chắt cùng sống chung trong một mái nhà, chỉ có một người quản lý tiền bạc, có khi bữa cơm cùng ăn chung với nhau. Họ không hề nghĩ đến tự do cá nhân, có khi hy sinh tình thân riêng tư giữa vợ chồng cho tiếng tăm của đại gia đình. Khi cha mẹ, ông bà về già, không còn khả năng làm lụng hay kiếm ra đồng tiền, phải sống nương tựa vào con cái, nên chúng ta ít thấy trường hợp quý vị già cả phải sống cô độc một mình.

Hoàn cảnh những người già sống cô độc hiện nay trên khắp nước Mỹ không phải là ít vì chúng ta không còn hy sinh sự tự do riêng tư và điều kiện kinh tế khác xa với thời trước. Người già thì muốn tự do, không muốn ràng buộc vì con cái hay mang mặc cảm nhờ cậy, con cái thời nay có khi ít quan tâm đến cha mẹ vì mọi người đều nghĩ là người già có thể tự túc về kinh tế, có đủ trợ cấp, có nhà ở và thuốc men đầy đủ.

Do vậy, người già đau ốm đã có nursing home, người già mạnh khỏe thì có “nhà già” (cao niên). Bây giờ đang vào độ cuối thu, những ngọn lá phong se lạnh đã đổi màu, sau ngày đổi giờ, tôi có cảm tưởng trời tối nhanh hơn. Mỗi đêm tấm chăn đơn không còn đủ ấm, nghe trong xương cốt nỗi đau nhức gậm nhấm, bản thân tôi là một người đang sống gần gũi với vợ con, cũng cảm thấy một nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn, làm sao những cụ già trong nhà dưỡng lão, những vị cao niên cô quạnh một mình không cảm thấy buồn bã, cô đơn.

Ðã từng vào thăm những căn chung cư dành cho cho các cụ đang còn lành mạnh, tôi đã phải đi qua những dãy hành lang tối tăm vắng lặng như thiếu sinh khí, không một tiếng động từ bên ngoài vẳng vào, thiếu những âm thanh sinh hoạt của đời thường. Trên lối đi là những căn phòng vuông vắn, đơn điệu, với cánh cửa đóng im ỉm, có lần tôi đã nhìn trên cánh cửa ấy một vòng hoa tang nhỏ, đánh dấu trong căn phòng này một cụ ông hay cụ bà đã ra đi. Dưới sân, trên những chiếc ghế đá là những đôi bạn già hay những người ngồi hóng nắng; ở góc sân kia, trên một chiếc ghế khác, một bà cụ đang ngồi đan, ngủ gật, hai que đan rơi xuống đùi bà và búp len lăn xuống thảm cỏ.

Trong nursing home, trên đường đến phòng một người quen, một bà cụ ngồi trên xe lăn, quay ngang xe, chận tôi lại trong khi hai tay múa may, miệng nói những lời lảm nhảm vô nghĩa, khiến người nam y tá phải can thiệp vỗ về và đưa bà cụ về phòng. Ðâu đây có tiếng la the thé, tiếng ho ùng ục, gậm gừ như không còn hơi sức để tống đờm dãi ra khỏi lồng ngực, trái lại ở trước vài cửa phòng, có những người ngồi yên lặng bất động như pho tượng buồn nhìn ra lối đi.

Sau bữa cơm chiều được dọn sớm cho nhân viên ra về, những cụ già này trông ngóng một bóng dáng quen thuộc của những đứa con thân yêu đến thăm, có thể cuối tuần này chúng sẽ đưa cụ về nhà tắm rửa, ăn uống để cụ sống lại một ngày ấm cúng trong gia đình mà ngày nay đối với cụ, là một cái gì xa vời, khó kiếm. Ngày xưa đứa trẻ trông ngóng, chờ mẹ tan sở hay đi chợ về, ngày nay người mẹ già trong nhà dưỡng lão đang đợi chờ những đứa con, cũng như thế, nhưng lặng lẽ và an phận hơn. Nhưng rồi bóng chiều đã ngã, ngọn đèn đầu hành lang đã bật sáng, cụ lặng lẽ quay bánh xe lăn về phòng, và biết rằng đêm nay sẽ là một đêm khó ngủ.

Không khí trên những hành lang của những căn nhà già hay cảnh ồn ào, hoặc đôi khi trái ngược, quá vắng lặng ở một góc nào đó trong viện dưỡng lão, một mùi khai nồng ở đâu thoảng lại, nhắc nhở cho ta nhớ đến mùi của một bệnh viện trong những ngày xa xưa ở quê nhà, khiến người thăm viếng như muốn bước qua thật nhanh và rút ngắn thời gian thăm viếng.

Những người già luôn luôn cảm thấy cô đơn, xin hãy mang lại những vòng hoa đẹp đẽ tươi thắm cho người còn sống, vì khi chết đi, nằm trong quan tài, những vòng hoa phúng viếng chỉ trang trí được cho tang lễ cái vẻ rộn rịp, phô trương và cho những người sống đứng quanh quan tài. Những ngày lễ Tết, sinh nhật, giáng sinh, ngày mẹ, ngày cha... những người già cần một đóa hoa tình nghĩa, là những lần thăm viếng, vòng ôm thân ái, những lời thăm hỏi. Tôi không nhớ có lần nào đó, một nhà văn đã viết một cách dí dỏm rằng: “Gả con gái đừng gả quá xa để khi bát canh được mang đến nhà mẹ vẫn còn nóng!” theo ý của câu ca dao: “Gả chồng thì gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho.”

Bây giờ, con cái mỗi đứa lập nghiệp mỗi phương xa, những ngày sum họp cuối năm, tàu bè đi lại khó khăn, kinh tế hết thời phồn thịnh, một năm một lần không về gặp được mẹ cha. Bây giờ, tình cảm mỗi ngày một nhạt phai, thời đại ngày nay không còn “sửa gối, bưng trà” (gối nghiêng ai sửa, chén trà ai bưng?) Với những người già cô đơn và sống cô độc, không con cái, vợ hay chồng mất trước, gặp cảnh trái ngang của cuộc đời, cảnh khổ còn gấp nhiều lần.

Nhiều gia đình, ở trong những căn nhà rộng thênh thang, chỉ còn bóng đôi bạn già, trong khi con cái như những cánh chim trời đã bay xa, để lại cái “tổ trống” lạnh lẽo. Lá ngoài vườn rụng nhiều quét không kịp, trên lối đi rêu đã phủ xanh. Trong căn nhà, vắng tiếng cười, điện thoại nằm yên không một tiếng reo.

Chúng ta đã nghe đến “lệ đá”, “tuổi đá buồn” như nói đến đá cũng biết buồn và biết nhỏ lệ, những tảng đá, qua thời gian đã mòn phai cùng sương nắng, những tảng đá không còn “lăn trên đồi”. Tuổi già chính là những tảng đá nằm trong một góc tối ẩm thấp nào đó, những tảng đá đã xanh rêu. Nỗi buồn cũng an phận lặng lẽ, như tuổi già ở cuối cuộc đời rồi sẽ phôi pha, đắm chìm trong sự quên lãng.

Phước cho ai đã mất hết trí nhớ, để khỏi biết buồn.

chieclavotinh
02-22-2020, 08:07 PM
Nhớ nồi cá kho của má
Nguyễn Hiền

con bưng chén cơm nguội
chờ hâm nồi cá kho
bếp chiều rưng rưng khói
tự dưng con nhớ má

nhớ hồi nào cá nục
má kho qua hai lửa
sao thơm ngon lạ lùng
ăn cứ muốn ăn nữa

nhớ những lúc xế trưa
bụng đói lẻn xuống bếp
cơm chan nước cá kho
ăn ngon lành mấy chén

giờ con cũng kho cá
nhưng thiếu mặn thiếu ngọt
thiếu hình bóng của má
nhiều khi con nuốt nghẹn

chieclavotinh
04-11-2020, 09:59 PM
Mẹ trong hồi ức thi ca tôi
Nguyễn Mạnh Trinh

Có những bài thơ, đọc lại là cả một sự hồi tưởng. Hơn thế nữa, nó còn là một phần đời sống.

Một trong những bài thơ vừa kể, tôi viết năm 1972. Lúc đó, tôi ở Pleiku và quá giang chuyến trực thăng ghé về thăm nhà ở lại một đêm rồi sáng trở lại đơn vị trong cùng một chuyến bay. Khi về nhà, lúc ấy buổi sẩm tối, tôi vội vàng lấy xe để đi chơi thì bất ngờ có một hình ảnh làm tôi khựng lại. Hình ảnh của mẹ tôi ngồi trước bàn thờ Phật với tiếng kinh trầm và mùi hương ngát. Tôi biết mẹ tôi đang cầu nguyện cho đứa con ở xa. Lúc ấy, chiến tranh đang khốc liệt với nhiều chết chóc. Ở xóm tôi, đã có nhiều chiếc xe GMC chở về quan tài phủ cờ của những người lính tử trận là những đứa bạn thuở ấu thời của tôi. Và tự nhiên tôi dắt xe vào nhà…

“Góc hiên đôi mắt cuộn tròn
dong tay nắng cũng hoàng hôn bóng trời
mẹ ngồi chải tóc sợi rời
đậu vai áo một nụ cười thêu hoa
mây rơi rụng xuống mái nhà
màu lá biếc cũng nhạt nhòa cành vui
cổng gió cửa đóng ngùi ngùi
nghe sóng cuộn giữa ghềnh trôi óc thầm
mẹ ngồi bóng xế trăm năm
tay lần chuỗi tiếng kinh trầm trầm bay
khói sương ở đỉnh núi tây
nên xa xăm lắm tháng ngày mênh mông
đi về xuôi ngược bến sông
chiều như đang rụng xuống lòng phố quên
Mẹ ngồi như tạc nỗi niềm
Tóc phơ phất gọi tịnh yên trong hồn
Kinh đen con nước xuống ròng
Trơ gốc cọc để trống không mặt lầy
Ði về tôi vẫn loay hoay
Chợt nghe lạnh ngọn heo may cuối trời
Mẹ ngồi một thuở ấu thời.

Tôi nhớ lại lúc ấy trới mờ mờ tối. Tuy vội vàng vì có hẹn với cô bạn gái nhưng có điều gì giữ tôi lại. Không phải là tiếng kinh hay mùi nhang khói, cũng không phải là đôi mắt Phật Bà hiền từ trên bàn thờ. Mà, bởi vì cái vóc dáng của mẹ ngồi, trong không gian, thời gian vô cùng tĩnh lặng cầu nguyện cho mình. Thế mà, bỏ đi thì không đành lòng. Tối hôm ấy, tôi trằn trọc trong chỗ nằm của mình, với cảm giác bâng khuâng khó tả…

Tôi nghĩ mình không phải là một đứa con ngoan ngoãn. Tôi có tuổi nhỏ ngỗ nghịch và ở trong xóm là đứa đầu têu cho những chuyện nghịch phá. Lớn lên, lại không cố gắng học đại học như anh tôi hoặc đứa em tôi mà lại đi lính. Trong khi mẹ tôi thì chủ trương dù nghèo thế nào chăng nữa các con bà cũng phải học cho đến khi không còn cố gắng được nữa dù bà là một người ít học. Năm Mậu Thân cha tôi mất, rồi nhà bị cháy, nhưng mẹ tôi vẫn cố gắng xây dựng lại với một nỗ lực vô biên.

Cuộc đời mẹ tôi, trải qua nhiều khó khăn nhiều lo toan khổ cực và với đàn con như một con gà mẹ luôn xòe cánh ra che chở và chống đỡ lại những nghiệt ngã của cuộc đời.

Mẹ hay kể lại những năm đói hay những cuộc chạy loạn trong cuộc đời mình. Bà vẫn nhớ những người đã cưu mang giúp đỡ đến nỗi mấy đứa con khi nghe một câu đầu đã tiếp theo ngay câu thứ hai, và bà cười nhưng vẫn tiếp tục cái câu chuyện đã quá quen thuộc ấy. Bà nhắc đến khi chạy loạn, ghé vào chùa của sư cô Khoa có cây khế đã thành thức ăn thanh đạm trong nhiều ngày cho cả gia đình, hay những khi bố tôi phải vào rừng kiếm gỗ đẽo guốc để bán những lúc khó khăn. Thời gian lúc đó, với bà vẫn gần gũi quen thuộc như lúc hiện giờ, sáng sớm ra chợ mở cửa hàng buôn bán như một công việc đã kéo dài năm này qua tháng khác.

Tôi đi xa rồi lại về gần, khi làm việc ở phi trường Biên Hòa gần Sài Gòn nhưng bản tính lông bông nên ít khi ở nhà. Nhưng bên cạnh tôi hình như lúc nào cũng có cái bóng của mẹ tôi, nương tựa thì không đúng hẳn nhưng vẫn là một điều gì giúp đỡ ân cần. Tôi tin chắc, khi có điều gì khó khăn, sẽ có sự chia sẻ của người thân yêu nhất của mình.

Năm 1975, những phi đoàn F5 dời về phi trường Tân Sơn Nhất lúc đầu tháng tư. Và tháng chót trong đời quân ngũ của tôi là thời gian ở đây. Tình hình lúc này nặng nề với bao nhiêu biến chuyển của đất nước. Trong đơn vị, câu chuyện hàng ngày là tình hình và thời thế. Lúc gần như thời gian cuối, vẫn bao quanh câu hỏi đi hay ở. Còn ở gia đình, cũng câu hỏi tương tự. Mẹ tôi vẫn một câu nói. Ðứa nào đi được thì cứ đi, đừng có lo cho người khác, nhất là những đứa có thể có những phương tiện. Bà nói, mẹ đã có nhiều thời gian sống với bọn “họ” rồi. Khổ sở lắm… Khi sửa soạn những túi xách để ra đi, bà cứ chép miệng. Qua Mỹ rồi, làm gì có trầu mà ăn! Những miếng trầu, là cái thú vui của bà cũng như xem và nghe các tuồng cải lương. Những miếng trầu, suốt mấy chục năm, đã thành một thói quen thân yêu không thể nào bỏ. Thế mà, vì nghĩ đến mấy đứa con, bà quên đi cái tập quán ấy, chấp nhận ra đi…

Rốt cuộc, gần như cả gia đình tôi di tản được năm 1975. Riêng tôi, còn nặng nợ nên kẹt lại, dù đã đi xuống phi trường Bình Thủy nhưng không thoát được phải trở về nhà. Cái giây phút phải leo vào nhà sao thê thảm. Cửa dưới bị niêm phong, nên phải leo lên lầu để vào nhà. Khi nhìn thấy vật dụng của những người thân trong nhà tôi thấy nghẹn ngào. Vật thì còn đây nhưng người thì đã đi xa. Tôi nhìn giường ngủ của mẹ, nhìn đôi dép nhung dưới sàn, nhìn ô trầu, nhìn cái áo vắt trên thành giường, tự nhiên tôi muốn òa khóc. Những lá trầu đã héo vàng, những miếng cau đã quăn queo, những vệt vôi têm đã khô bong ra, như biểu tỏ của nỗi niềm chia ly vĩnh viễn. Lúc đó tôi nghĩ chẳng bao giờ gặp lại được những người thân. Cái cảm giác tuyệt vọng làm tôi như muốn ngạt thở. Nhưng rồi vẫn phải nén cảm xúc và vẫn phải sống và thoát đi cái địa ngục đang dần hiện đến của số phần những người thua trận.

Ði tù rồi trở về Sài Gòn, chờ đợi những chuyến vượt biên, thỉnh thoảng tôi lại đi qua để nhìn vào căn nhà thời xưa của mình cũng như sạp bán vải trong chợ Bình Tiên của mẹ ngày xưa. Cảnh vật cũng thê lương ảm đạm như người lúc đó. Buôn bán khó khăn, phiên chợ mất đi cái náo nhiệt thời xưa và người mua kẻ bán tràn ùa ra lề đường với kiểu buôn bán tạm bợ chỉ biết ngày nay mà không thể mường tượng được sinh kế của ngày mai. Từ những người đàn bà buôn gánh bán bưng trên hè phố tôi lại nhớ đến mẹ tôi. Không biết bây giờ bà ra sao và đời sống thế nào? Sau này, khi nghe kể lại, khi tạm cư ở đảo Wake, mẹ tôi thường xuyên ra cầu tàu nhìn mông về phía biển và đợi một chuyến tàu ghé bến có đứa con của mình. Bà chờ đợi và chờ đợi…

Tôi vượt biển tới đảo Kuku rồi Galang năm 1980. Trong vài tháng chờ định cư, tôi đã sống những ngày tự do thật vui vẻ. Mấy đứa em gửi thư qua nói anh hãy xem thời gian hiện tại như là đi nghỉ hè, qua đây sẽ làm việc học hành đến không kịp thở.

Ðến Mỹ, sau một thời gian ngắn tôi lao vào cuộc sống mới. Vừa học vừa làm, với cái tâm tư cố gắng bây giờ cho ngày mai. Mẹ tôi hàng ngày thúc đẩy. Ráng học cho có một cái nghề. Ở đây mà lông bông không nghề nghiệp không bằng cấp thì khổ lắm. Không phải với riêng tôi mà cả với mấy đứa cháu nội, cháu ngoại bà cũng khuyên nhủ như thế. Gia đình mình không có gia tài cha ông để lại, thì phải gắng học để có của cải cho riêng mình. Có lúc có mấy người bạn rủ tôi mở tiệm furniture, lúc ấy làm ăn rất dễ dàng mà vốn liếng chẳng bao nhiêu. Nhưng mẹ tôi cản, nói học phải là công việc chính để chừng nào xong sẽ tính sau.

Mỗi buổi sáng sớm mẹ tôi dậy sớm sửa soạn bữa ăn sáng cho tôi và mấy đứa cháu bới cơm mang đến trường. Trên bàn ăn là một dãy năm cặp lồng cơm để thứ tự và món ăn thay đổi ngon lành. Kết quả là bây giờ, mấy chú cháu, cậu cháu đều tốt nghiệp hậu đại học và đều có công ăn việc làm tốt. Và, như thế mẹ tôi hài lòng lắm.

Thời gian qua đi tôi lập gia đình và mẹ tôi già thêm và sức khỏe cũng dần giảm sút. Một điều không may là suốt trong hơn chục năm sau cùng mẹ tôi bị bệnh đau nhức hành hạ. Mà nguyên nhân thật vô duyên. Mẹ tôi bị bệnh mà người mình gọi là bệnh “dời leo”. Nếu chữa trị đàng hoàng thì có lẽ không bị hậu quả như thế. Ðằng này ông bác sĩ gia đình mà cũng là một nhà văn có viết lách, lại khám bệnh cẩu thả và cho là bị phản ứng thuốc. Ông ta còn có những chuyện mà tôi gọi là vô trách nhiệm, khi mẹ tôi phải vào bệnh viện ban đêm, gọi ông ta thì ông bịt mũi cho khác giọng và trả lời không có nhà. Với một người có quen biết mà cư xử như thế thì thật là hết ý kiến…

Những lúc buồn suy nghĩ về mẹ, tôi hay nghe nhạc bởi vì âm nhạc đã tạo cho tôi thật nhiều xúc động khi nghe những bản nhạc như Ơn Nghĩa Sinh Thành của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân, Bông Hồng Cài Áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ…

Bản Lòng Mẹ tôi đã nghe đi nghe lại ở một băng ghi âm còn sót lại sau những ngày ở Sài Gòn tháng 5 năm 75. Lúc ấy, gia đình tôi đã di tản nhưng chưa biết tin tức thế nào và tôi đã nghe bản nhạc có những câu như “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào. Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu…” đã làm lòng tôi như mềm đi trong nỗi bồi hồi khôn xiết. Tôi nghe mãi đến nỗi băng ghi âm bị mòn đi thành những tiếng rè rè. Và tôi vẫn nghe, tưởng âm thanh rè rè đó là tiếng động của chuyến tàu đã đưa những người thân đi xa mất biệt…

Bản nhạc Ơn Nghĩa Sinh Thành làm tôi nhớ đến những ngày của biến cố Tết Mậu Thân. Lúc ấy cha tôi vừa mất ở nhà ông anh cả của tôi và đêm tôi ngồi cạnh bên quan tài của ông mà nghe bản nhạc ấy một mình với tâm tư rối bời và buồn thảm. Lạ một điều, nghe bản nhạc của Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tôi lại nghe như có một chút gì như muốn chia sẻ nỗi ngậm ngùi của riêng tôi. Từ câu học thuộc lòng thời nhỏ: Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, để thành một dòng nhạc nhắc nhở đạo làm con. Mà tôi thì tự nhận xét mình là đứa con làm phiền lòng cha mẹ nhiều nhất…

Ca khúc “ Bông Hồng Cài Áo” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lấy ý và gợi cảm hứng từ một bài đoản văn cùng tên của Thượng tọa Nhất Hạnh viết năm 1962 ở một trại hè Camp Ockanikon tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ, và phổ biến trong nội bộ đoàn sinh viên Phật tử Sài Gòn bằng cách chép tay thành 300 bản làm quà tặng cho bạn bè. Mỗi bản chép tay đều gắn thêm một chiếc hoa màu hồng cho người còn mẹ hoặc màu trắng cho người mẹ đã qua đời. Rằm tháng bảy năm 1962 tức lễ Vu Lan các sinh viên Phật tử tụ họp tại chùa Xá Lợi và cử hành Lễ Bông Hồng Cài Áo đầu tiên. Năm 1964, nhà xuất bản Lá Bối của thầy Từ Mẫn in quyển Bông Hồng Cài Áo đầu tiên khổ nhỏ và dài có thể bỏ vào bì thư để gửi tặng bạn bè trong ngày lễ Vu Lan.

Bài viết gửi cả tấm lòng của một người đã xuất gia tặng Mẹ. Giọng văn thật thiết tha, ý nghĩa thật sâu sắc, mang một phong thái rất Việt Nam, cô đọng trong từ ngữ nhưng lại mở ra nhiều ý tưởng độc đáo.

Mở đầu với một bài thơ mà ông nhớ từ thuở nhỏ vì nỗi đau mất mẹ:

“năm xưa tôi còn bé
mẹ tôi đã qua đời
lần đầu tiên tôi hiểu
thân phận trẻ mồ côi
quanh tôi ai cũng khóc
im lặng tôi sầu thôi
để dòng nước mắt chảy
là bớt khổ đi rồi
hoàng hôn phủ trên mộ
chuông chùa nhẹ rơi rơi
tôi thấy tôi mất mẹ
mất cả một bầu trời”

Ai đã từng làm cha mẹ mà không phải se lòng với những câu văn thiết tha, với những suy tư rất thực tế mà lại đầy triết lý. Nhất là đoạn cuối có lời nhẹ nhàng hướng dẫn, có ý sâu sắc ngỏ tình, đã mở ra những khung trời yêu thương.

Ðoạn văn ấy đã làm rường cột cho bản nhạc của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ khi ông sáng tác Bông Hồng Cài Áo:

“Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc khi đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên Mẹ. Sẽ bắt Mẹ dừng kim chỉ mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ anh sẽ hỏi một câu làm mẹ chú ý. Anh hỏi “mẹ ơi, mẹ có biết không? Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh vừa cười vừa hỏi “Biết gì?”. Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp “Mẹ có biết là con thương mẹ không?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng sẽ hỏi một câu ấy. Bởi vì anh. Bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, anh sẽ không hối hận đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ. Ðó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm vào trong vô tâm quên lãng. Ðóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.”

Nghe bản nhạc của Phạm Thế Mỹ, hình như tất cả những điều tuyệt diệu của bài đoản văn đã được lột tả trong âm nhạc. Những thông điệp tình thương được gửi đi không những nguyên vẹn mà làm vỗ cánh bay đi xa hơn, làm xao động cao rộng hơn. Thầy Nhất Hạnh đã nhận xét về bản nhạc như sau: “Phạm Thế Mỹ làm bài Bông Hồng Cài Áo rất dễ dàng như thở vào thở ra, tự nhiên như bước chân đi dạo, tự nhiên như khi nâng chén trà lên uống. Tôi không thấy tôi và nhạc sĩ là hai người khác nhau khi nghe ca khúc Bông Hồng Cài Áo, trước kia cũng vậy và bây giờ cũng vậy…”

Với riêng tôi, ca khúc Bông Hồng Cài Áo nhắc nhở ngày mẹ tôi từ trần. Bà mất vào ngày 3 tháng 5 năm 2003 trước Mother’s Day một tuần và đến lễ Vu Lan là ngày cúng 49 ngày của mẹ tôi.

Hôm ấy, có một cô bé trong đoàn Phật tử trong buổi lễ hỏi tôi: Chú cài bông hồng mầu gì? Và tôi trả lời. Mầu trắng. Và cô bé nói con sẽ hát bài Bông Hồng Cài Áo để tặng chú. Khi trả lời cô bé, tôi nhớ lại như một cách phản xạ. Nhớ lại vành khăn trắng, mùi nhang khói, đôi mắt nhắm lại của mẹ ngày nào, tất cả làm tôi như hụt hẫng. Ðọc những câu kinh, nhìn lên bàn thờ Phật, để trấn tĩnh lại. Ðôi mắt Ðức Phật, như có chút gì sẻ chia, như có chút gì an ủi. Mẹ tôi đã đi xa. Bây giờ, hết rồi, không còn nụ cười móm mém mắt cũng cười theo khi nhìn con cháu. Bây giờ hết rồi không còn những chuyện kể ngày xưa lúc ở phố Lạng Sơn hay ở làng Phù Lưu. Bây giờ, mẹ đang nằm trong lòng đất xứ người. Và biết đâu, ở cõi âm phần đó mẹ trở về lại quê hương, để ghé thăm ngôi nhà cũ, ngõ làng xưa. Biết đâu…Và bản nhạc Bông Hồng Cài Áo có khi là một hối tiếc muộn màng của một đứa con nhiều lần làm mẹ buồn như tôi…

Buổi trưa trong nghĩa trang, hình như đầy những chậu hoa. Tôi chợt nghĩ trong đầu những câu thơ… Những suy tư rời rạc của những ngày tháng trôi qua lặng lẽ. Có những người đã ra đi. Vào một thế giới nào, xa vời. Có những bài thơ như một điệp khúc tưởng nhớ…

1.

Có những ngày như sáp nóng chảy
Giữa cơn mơ hừng hực trong đầu
Tháng năm và nụ hoa trắng
Nở vàng trong ký ức.

Khi cơn gió lay ngọn cỏ mơ hồ
Như gót chân một năm đi qua lặng lẽ.
Tôi tự nhủ thầm
Một mình
Trong váng vất dòng sông thao thiết

Một ngày đếm những nụ hoa
Ðếm những hạnh phúc hiếm hoi
Ðếm những dây vạn niên thanh
Giơ lên những nụ gai thời tuổi trẻ

Chợt nghĩ câu thơ Lưu Trọng Lư
Ngày xưa
Như câu hát ru em ru tôi
Ðứt ruột.

Tôi sẽ in những hình bóng
Không bằng dương bản
Trong bộ nhớ tôi
Có câu kinh vời xa
Buổi chiều vàng mầu khói úa

Con chim sáo quen đã về
Màu đen hoang vu
Mổ những hạt cơm cúng khô rời
Cho một phần ăn hữu hạn

2.

Tháng năm và nghĩa trang
Tôi giả vờ nghiêm nghị
Ðóng vai người thuyết giảng
Cho hạt bụi rơi
Trong nỗi nhớ mơ hồ.

Có câu kinh nào cho tôi
Có câu kinh nào cho chúng ta
Khi
Chuyến xe đi đã chờ góc phố

Nơi đến
Một địa chỉ mơ hồ
Bảng chỉ đường không ánh đèn
Ngọn nến thoáng qua
Con mắt cú mèo trong huyền tích

Có những mộ bia
Viết bằng thời gian vô tận
Nét chữ loang trên bóng chiều
Một nụ cười thân yêu
Vời vợi

3.

Một năm
Tôi như kẻ lang thang
Ði tìm giấc mơ
Của nội cỏ hoang vu
Mà vó ngựa phi như hạt bụi
Rơi trong mù mịt vô thường

Một năm
Tôi giấu trong hồn
Một nụ hồng
Màu đỏ đã héo khô
Mà chưa đủ trắng…

(Thơ cho ngày giỗ mẹ đầu tiên)
Nguyễn Mạnh Trinh

chieclavotinh
05-16-2020, 09:35 PM
Bố tôi.
Kathy Trần

Biết bao lần tôi ngồi trước máy, muốn viết về bố tôi nhưng tôi không viết được.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về bố từ khi mẹ tôi mất.

Phải thành thật mà nói, bố tôi không phải là người khéo ăn, khéo nói. Bố ít biết ăn nói ngọt ngào.

Mẹ tôi thường than phiền:

- Bố mày đã vụng về lại cứ hay nói thẳng băng như bổ củi, chả biết tế nhị bao giờ.

Mẹ tôi nói đúng thế nên như phần nhiều gia đình khác, lũ chúng tôi thân mật, gần gũi mẹ tôi hơn bố.

Từ việc ăn món gì? Đi đâu với bạn bè? Cần tiền mua quần áo, muốn mua xe cộ chúng tôi chỉ nói với mẹ rồi mẹ bàn với bố sau, nếu cần. Thậm chí việc có bạn trai, bố tôi cũng là người biết sau cùng và do mẹ tôi thông báo cho bố biết. Nếu mẹ không nói lại thì còn ai trong nhà nói nữa vì chị em tôi ít nói chuyện nhiều với bố.

Bố là hình ảnh mẹ đem ra dọa chúng tôi từ nhỏ. Trong ký ức chúng tôi, bố tượng trưng cho người lo việc trừng phạt con cái trong nhà. Trong hai người, mẹ săn sóc, gần gũi con cái, mẹ đóng vai ông thiện và Bố đành lòng đóng vai ông ác để lũ con ngoan ngoãn đi vào nề nếp.

Trong những kỷ niệm mù mờ của thời thơ ấu, tôi còn giữ mãi hình ảnh ngày bố tôi đi Mỹ về. Đồng phục nhà binh thẳng nếp, thật oai nghiêm, thật đẹp và cũng thật xa lạ, bố xách về mấy cái va-ly thật to sau khi bố đi học Mỹ học 9 tháng.

Tôi núp sau tấm màn cửa từ phòng trong nhìn ra phòng khách. Mẹ tôi cười sung sướng, chị tôi ngồi với bố, bố bế thằng em trai trong lòng, giơ tay vẫy tôi:

- Bố về sao không ra chào bố? Quên bố rồi à? Ra bố cho quà.

Nhìn quà cáp ngổn ngang, tôi muốn ra vô cùng, tôi biết đó là bố tôi và bố có quà cho tôi, thế mà tôi cứ chần chờ mãi đợi mẹ kéo mới dám ra.

Tôi nhớ bố đem về cho chúng tôi con búp bê lớn như đứa trẻ ba bốn tuổi với chiếc áo đầm xòe cô dâu, da thịt mềm mềm như người thật, tóc vàng xõa trước trán và đôi mắt nhắm mở được mầu xanh biếc.

Hàng xóm kéo đến mừng bố tôi đi xa về, cả xóm trầm trồ con búp bê xinh đẹp, “vĩ đại” của chị em chúng tôi. Mấy hôm sau, mẹ cho hai chị em đi uốn tóc để ẵm búp bê chụp hình. Những tấm hình của hai chị em được phóng to, chưng ngay mặt hàng của tiệm để quảng cáo.

Tôi nhớ thằng người bằng nam châm, hễ bỏ nằm vào quan tài lại biết nhẩy tọt ra.

Tôi nhớ những chiếc máy bay được bố cho em tôi ráp từ những mảnh nhỏ gắn bằng keo thơm phưng phức.

Tôi nhớ chiếc máy hát với thật nhiều đĩa nhạc cổ điển có hình những cô đầm mang vớ dài bằng lưới mầu đen và những bộ sách học Anh Văn kèm theo đĩa.

Tôi nhớ chiếc lọ đựng mật ong có nguyên tổ ong với vài ba con ong còn trong tổ.

Tôi nhớ quả cầu đầy nước, có ông già No-el xách túi quà trong mùa giáng sinh. Mỗi lần dốc ngược lên, những bụi tuyết trong quả cầu lại rơi xuống tơi tả.

Bố tôi đem về thật nhiều quà, nhiều kẹo bánh cho chúng tôi và bố cũng đem về cho mẹ tôi những hàng vải may áo dài. Tôi nhớ có một khúc vải mầu xanh da trời với những đóa hoa li ti mầu tím.

Tôi không nhớ được những gì bố đem về và mẹ tặng làm quà cho hàng xóm, bạn bè vì tính mẹ tôi rất thảo, có gì cũng chia xẻ cho người khác. Tôi chỉ nhớ những gì của chúng tôi.

Tôi là một đứa trẻ hay nghịch, phá.

Con búp bê sau này bị tôi cắt tóc ngắn đi.

Chiếc lọ mật ong cũng tôi đập bể nhưng bố tôi không la, bố chỉ lo dọn gấp vì sợ các con đạp vào mảnh thủy tinh.

Ngày ấy tôi chưa biết nói ra nhưng trong thâm tâm, tôi cám ơn bố tôi vô cùng.

Hai chiếc xe đạp đầu tiên của hai chị em tôi do bố dẫn đi mua. Bố cho chọn mầu, chọn kiểu. Những chiếc xe Solex, xe Honda về sau cũng bố mua cho.

Khi chị tôi ra trường Sư Phạm, đi dậy học, vì chị hiền lành, bố sợ không biết đi đường một mình nên cả bố mẹ đưa đến tận nơi.

Tôi thì được coi như nhanh nhẹn, khôn ngoan hơn chị một tí nên chỉ cần mẹ đưa đi ra tận nơi dậy học, tìm nơi ăn, chốn ở trước khi mẹ trở về lại Sài Gòn.

Bây giờ nghĩ lại tôi buồn cười. Cô giáo đi dậy học mà còn phải có bố mẹ dẫn đi, lo mọi chuyện thì dậy dỗ học trò được gì nhỉ?

Nhưng lúc đó chúng tôi thấy rất tự nhiên và yên lòng vì chưa bao giờ chúng tôi rời khỏi tổ ấm gia đình.

Mùa xuân hai năm về trước, tôi mất mẹ.

Mẹ tôi mất thật nhanh, thật bất ngờ.

Mẹ ra đi nhẹ nhàng, thanh thản, không một điềm báo trước, không một lời giã từ vào ngày 28 tết.

Chúng tôi thương mẹ nhưng cũng mừng cho mẹ. Trong 4 cửa sinh, lão, bệnh, tử, mẹ đã may mắn lách nhẹ nhàng qua được cánh cửa sau cùng, nhưng cùng lúc, chúng tôi lo cho bố thật nhiều.

Nói cho cùng, cuối cuộc đời, người cần tới mẹ nhiều nhất là bố.

Trong hơn năm mươi năm hương lửa, bố mẹ tôi cùng cố gắng nuôi dậy đàn con.

Với đồng lương nhà binh, bé nhỏ dần theo với lạm phát chiến tranh, mẹ tôi buôn bán, xoay xở lo cho chúng tôi ăn học. Mẹ lo cửa hàng, mẹ trông nom người làm khi con còn bé, mẹ tay hòm, chìa khóa, mẹ luôn bên cạnh bố khi bố bị thương, khi bố ốm đau, hoạn nạn. Mẹ là hơn nửa cuộc đời của bố.

Mất mẹ, chúng tôi đau đớn nhưng với bố, bố mất hết nửa cuộc đời còn lại.

Mẹ tôi mất đi, bố như người mất hồn, lãng đãng giữa nhớ và quên.

Trong khi mẹ còn nằm trong nhà thương, đôi khi bố quên là mẹ đã đi.

Trong vòng một tháng, do lo lắng cho bố, cậu em tôi đưa bố tôi vào cấp cứu hai lần.

Mỗi lần nghĩ đến những rủi ro có thể xẩy ra cho bố, tôi lạnh cả người.

Cũng may, bố tôi vào nhà thương nhưng không có gì quan trọng lắm ngoài việc mạch máu tim của bố hơi bị nghẹt nhưng không cần mổ.

Mấy tháng trôi qua, bố sụt người trông thấy. Bố như mất hết niềm vui và sức sống, bố chỉ còn hút thuốc và đọc sách báo.

Bác sỹ cấm hút thuốc nhưng bố tôi chẳng thèm nghe:

- Hút thuốc mấy chục năm nay rồi, bảo đừng hút sao được? Người ta “thất thập cổ lai hy”, mình bây giờ gần tám chục tuổi đầu, chết cũng chả sao.

Thế là cả lũ im tăm tắp. Sợ nói nữa cụ giận.

Ngày còn mẹ, tuần nào chúng tôi cũng tụ họp lại nhà bố mẹ ăn uống ồn ào. Mẹ mất, chúng tôi cố giữ lệ cũ được một thời gian để bố bớt cô đơn nhưng hình như bố không còn hứng thú gì nữa.

Dần dần, nhờ sự săn sóc tận tâm của chị tôi, bố đã trở về với tình trạng sống động hơn.

Mỗi ngày, chị tôi sang bố một vài lần, đem cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, nhắc nhở bố uống thuốc, lo đưa bố đi bác sỹ.

Buổi tối, anh chị kéo nhau sang ngủ để canh chừng bố ròng rã hai năm trời.

Bố bây giờ đã khỏe hơn nhiều, chị tôi mới mượn người đến ngủ để canh chừng bố.

Bố tôi thương chị nhiều lắm. Trong một bài luận ngày bố còn đi học Anh Văn, bố viết về người bố yêu thương nhất là chị.

Chúng tôi không phân bì với chị về tình thương của bố, tôi còn cám ơn chị nhiều về sự săn sóc chị dành cho bố và tình yêu chị dành cho các em.

Tôi là một người may mắn, bạn bè tôi đã phân bì:

- Bà đã già mà may mắn còn có mẹ.

Tôi cười, coi chuyện đó tự nhiên.

Bây giờ, hơn năm mươi tuổi đầu mới mất mẹ, nhiều lúc tôi vẫn thấy cần mẹ thật nhiều. Tôi đến thăm mẹ mỗi tuần vì cũng như khi mẹ còn, không đến mẹ là lòng tôi áy náy vô cùng: Tôi nhớ mẹ.

Tôi cứ ân hận hoài là đã không thông cảm, không ngọt ngào, không lo lắng cho mẹ nhiều hơn.

Mẹ mất, tôi hụt hẫng, thiếu thốn nhưng không bao giờ tôi kêu gọi tới mẹ.

Tôi cầu mong linh hồn mẹ như một cơn gió thoảng, tan biến trong hư vô, không hề vướng bận.

Ngày nay, chúng tôi chỉ còn bố. Bố tôi đã vui vẻ lại, đã chịu ra ngoài nhiều hơn sau khi mẹ mất. Bố đã chịu nói chuyện chứ không rút vào cô đơn nhiều như những ngày mẹ mới mất.

Cũng như tôi, chỉ nhớ về những kỷ niệm đẹp, bố nhớ về những ngày thụ huấn tại trường Võ Bị.

Bố nhớ ngày mẹ lên thăm, xách quà cho bố mà, theo kỷ luật, bố không dám xách giùm cho mẹ. Bố nhớ những ngày bị phạt, bố nhớ những người bạn cùng đại đội, bố nhớ rừng thông xanh, bố nhớ Mimosa vàng, bố nhớ Vũ Đình Trường, bố nhớ Hồ Than Thở... của Đà Lạt với đỉnh Lâm Viên.

Bố nhớ những lần đi chơi Washington DC, New York, những khu rừng lá vàng, những chuyến du lịch bằng chiếc xe hơi do mấy anh em mua chung khi đi học Mỹ lần thứ hai...

Những kỷ niệm này, tôi có thể chia xẻ với bố rất nhiều.

Nhờ viết lách, tôi muộn màng lạc vào thế giới của bố.

Tôi quen hay biết với hầu hết những người bạn cùng khóa bố còn lại.

Tôi được thương mến qua tình Võ Bị của bố với các chú, các bác cùng trường mẹ với bố.

Tôi đã từng yêu thương, kính phục người chiến binh, bây giờ tôi có cơ hội tìm tòi, thông cảm với những người lính ngã ngựa. Nhờ đó, tôi có nhiều chuyện để nói với bố hơn.

Hơn tuần trước, nửa đêm bố nằm mơ ông bạn bố rủ bố đi chơi, bố dậy, thay quần áo đòi đi với bạn:

- Ông Tý gọi điện thoại rủ tôi đi chơi.

Bà trông chừng phải gọi điện thoại cho chị tôi sang.

Chị phải để bố đi ra sân, đứng ngóng một lúc, không thấy ông bạn tới, bố mới chịu trở vào ngủ lại.

Chị tôi gọi cho tôi, kể chuyện và kết luận:

- Cô biết không, tôi sợ muốn chết. Lúc ông xách cặp ra đứng ngơ ngác ngoài sân chờ bạn, thấy tội lắm. Cô đơn lắm, buồn lắm. Khi ông đi ngủ, tôi lục cặp cụ, thấy có mỗi bao thuốc lá! Sáng tôi hỏi cụ, cụ mới nói là cụ nằm mơ.

Tôi nghe mà đứt ruột. Tôi thương bố, tôi cảm được cái cảm giác cô đơn, lạnh lùng của bố trong đêm tối mênh mông. Cái thân phận con người cô đơn đến với cuộc đời và cuối đời, dù đã đi với ai suốt cuộc hành trình, rồi cũng vẫn cô đơn.

Có những lúc, không một ai, không cách nào chia xẻ được nỗi cô đơn của một con người.

Bây giờ, điều cầu mong độc nhất của tôi là bố tôi được khỏe mạnh cho đến cuối đời.

Tôi viết ra để bố hiểu rằng tôi thông cảm với bố, tôi cũng muốn nói ra điều tôi rất ít nói được với bố:

- Bố ơi, chúng con yêu thương bố và chỉ cầu mong bố được vui hơn, khỏe hơn trong lúc tuổi già.

SP500 SPY
06-21-2020, 11:47 AM
CHUYỆN TUỔI TRUNG NIÊN

Một người con trai ở bang Texas (Mỹ) đưa cha đi ăn tiệm. Cha anh là một người lính già mắc bệnh tay chân run rẩy, trong lúc ăn làm rơi vãi thức ăn vào người và rơi đầy xuống đất. Một vài người trong tiệm tỏ vẻ khó chịu.

Người con vẫn thản nhiên, ngồi ăn và trò chuyện với cha. Đợi ông ăn uống xong, anh đứng dậy đến bên cha và nhẹ nhàng nhặt các vụn thức ăn trên áo ông, cầm tay dẫn cha vào nhà vệ sinh rửa và lau sạch cho cha, chải tóc và đội mũ, sửa lại áo quần và đeo kính lại cho ông.

Trở lại bàn, anh cúi xuống đất lượm sạch những vụn thức ăn cha mình làm rơi vãi, không để lại một chút rác nào. Xong xuôi anh mới dìu cha ra quầy trả tiền.

Đột nhiên một cụ già thực khách ở bàn kế bên gọi anh và nói to:
"Anh bạn trẻ ơi, anh để rơi lại cái gì kìa".

Chàng thanh niên quay lại nhìn kỹ chỗ cha mình ngồi rồi nói:
"Đâu có, tôi đâu có để lại cái gì đâu?"

Cụ già đứng lên chậm rãi nói:
"Có, anh vừa để lại một bài học quý giá về lòng hiếu thảo cho con cái, và niềm hạnh phúc cho các bậc cha mẹ!"
Cả tiệm đang ồn ào bỗng im lặng, mọi người sững lại vài giây, rồi tất cả vỗ tay ào ào vì xúc động. Những người trước đó đã nhăn nhó và phàn nàn thì ngượng nghịu vì cảm thấy xấu hổ!

Chủ tiệm ăn cũng xúc động, nên tính giá thật đặc biệt cho hai cha con và ghi thêm vào tờ biên lai dòng chữ "Xin cám ơn đóng góp của cụ!"

Còn bạn thì sao? Mỗi khi đi ra đườn
g, bạn để lại điều gì?
Hy vọng không phải là rác rưởi nhé!

Nguyễn Ngọc Lan sưu tầm.

:z57:********************************************: z57:

Bỏ quên Nguyễn Liệu



https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2F1.bp.blogspot.com%2F-jG3aKtkvbA8%2FXq7JLPTw8_I%2FAAAAAAAAN9Q%2FYWWvOHTX bKsWC8x-ls8XXxtlU5L6oXIFACLcBGAsYHQ%2Fs320%2Fnguyenlieu%25 2B00.png&t=1592763262&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c8c-840024010400&sig=BHjzbhtYrf2C54m5X0tidA--~C (https://1.bp.blogspot.com/-jG3aKtkvbA8/Xq7JLPTw8_I/AAAAAAAAN9Q/YWWvOHTXbKsWC8x-ls8XXxtlU5L6oXIFACLcBGAsYHQ/s1600/nguyenlieu%2B00.png)


Nghe tiếng phone reng, Hoàng bực mình cho là phone quảng cáo, nhưng vẫn giở phone lên gắt gỏng :

- Alo ! Cái gì mà gọi hoài vậy.
- Dạ cho chúng tôi gặp ông Lợi, chúng tôi gọi hai ngày nay không ai bắt phone.
- Ông Lợi không có nhà.
- Chúng tôi rất cần gặp ông Lợi
- Ông Lợi đi làm hai giờ chiều mới về, có gì nói với tôi được không, tôi là người nhà ông Lợi,
- Xin bà làm ơn nói với ông Lợi đến nhà dưỡng lão CampBell đưa ông cụ về nhà vì dịch corona nên nhà dưỡng lão được lệnh phải giải tán.

Hoàng hoảng hốt nghĩ cái họa sắp tấp vào nhà, liền xuống giọng năn nỉ :
- Thưa bà, xin bà có cách gì tạm để ông già trên đó không, tốn mấy chúng tôi xin chịu. Nhờ bà làm ơn giúp cho chúng tôi, chúng tôi sẽ hậu tạ riêng bà.

- Không được cô, tôi là nhân viên đâu có quyền hành gì. 19 người già trong viện xét nghiệm có 4 người dương tính, bị nhiễm virus, hiện cho nằm bịnh viện, số còn lại kết quả âm nên cấp tốc trả về nhà cách ly 14 ngày.Đó là lệnh của ban phòng chống dịch. Hiện người ta về nhà hết, trừ ông cụ, bởi vậy cô phải báo cho ông Lợi biết, cấp tốc đến đưa ông cụ về. Thôi, cảm ơn cô.

Bỏ phone xuống Hoàng sững sờ : “Làm sao bây giờ ?”.

Lợi có một bà chị và một đứa em. Gọi phone bà chị, nhờ bà chị nhận ông già về tạm mấy ngày dịch hoành hành rồi sẽ tính sau :
- Chị nên đưa cha về một thời gian ngắn rồi sẽ tính, chị lo cho cha, bọn em chịu tất cả phí tổn cho chị

- Không được, nhà tui có một phòng, lớn nhỏ năm người ở, đưa cha về ở chỗ nào. Nhưng mà cậu mợ nghĩ sao, ba năm nay ổng đã ở yên rồi, thì để ổng ở tiếp cho hết đời, đem về làm gì.

- Bây giờ người ta không cho ở nữa, tất cả viện dưỡng lão đều bị đóng cửa. Thôi để em thuyết phục chú út thử.

Chú út viện lý do hai vợ chồng chú cả ngày đi làm , vì làm y tá ở bịnh viện nên dù mọi người đều phải ở nhà, hãng xưởng đều đóng cửa, nhưng hai vợ chồng chú không được ở nhà, thì làm sao có thì giờ chăm sóc ông già.

Trước lý do đó chị không thể năn nỉ câu thứ hai. Không còn cách gì nữa, năn nỉ ai cũng không được, chị liền nghĩ đến cách cuối cùng là im lặng xem như không được tin tức gì hết, và có thể cảnh sát xem như ông già không có thân nhân, và họ sẽ giải quyết theo hướng đó, hướng không có thân nhân. Chị mỉm cười khen mình người sáng ý, thông minh. Chị biết rất rõ anh bạn của chồng chị, cách nay ba năm, có bà mẹ già ở Pháp sang thăm, bà bị bịnh, anh gấp rút đưa vào bịnh viện, độ vài tuần sau bà cụ qua đời. Bịnh viện liên lạc thân nhân mới hay, đó là số phone giả, địa chỉ giả.

Chiều hôm đó Lợi về hơi sớm. Đường vắng quá, một vài người lớn tuổi đi bộ có vẻ ké né trên lề đường, đeo khẩu trang, ra dáng thận trọng nghiêm nghị khác những ngày thường. Quang cảnh khác hẳn, hơi rờn rợn, hình như ma quái núp trong cỏ cây, nơi nào đâu xa lạ hoang vu, chứ không phải nơi anh thường đi ngày hai bận, đi cắt cỏ cho một trường học gần nhà.

Anh vừa bước vào nhà, nghe phone reng, trong phòng bên cạnh chị chạy ra, nhưng không kịp.
- Alo ! dạ...dạ... dạ vâng…dạ... dạ tôi đến ngay.
Vừa đặt phone xuống, anh nói ngay :
- Bọn nó đuổi ông già về, bây giờ anh phải đi đón về.

Chị cố bình tỉnh, tuy giọng hơi run run :
- Thì anh ăn cơm rồi sẽ tính sau.
-Tính cái con mẹ gì, nó bảo trước đây hai ngày, họ về hết rồi, nếu chiều nay không ai đón về, nó báo cho cảnh sát biết và xem như xong nhiệm vụ.
- Hay là anh để cho cảnh sát nó giải quyết xem sao.
- Làm thế cha anh sẽ chết lạnh dọc đường cái trong đêm nay.

Bực mình, anh vẫn giữ nguyên bộ quần áo cắt cỏ ra xe. Anh nghĩ cũng tại anh, năm đó ông già không chịu đi, lấy lý do già rồi đi làm gì, tiếng Anh không nói được không biết lái xe, hơn nữa, mẹ anh mới mất chưa giáp năm, bỏ đi thấy tội nghiệp quá. Nhưng anh bảo cha anh nên đi, tuổi già ở Mỹ có đủ thuốc men, có bác sĩ giỏi, có binh viện tốt, nhất là tránh được cái nạn dùng thuốc giả, thuốc độc của Trung quốc. Bà chị cả của anh, người em trai út và nhất là vợ anh, liên tục lén anh, viết thơ về khuyên ông già nên ở lại Việt nam lo mồ mả cho mẹ mới mất, rồi sẽ gửi tiền, gửi thuốc Tây về cho ông. Bởi vậy ông quyết định xoá bỏ hồ sơ H.O. Khi được tin xoá bỏ hồ sơ, anh phải cấp tốc về quê khuyên bảo ép buộc ông làm lại hồ sơ. Thế mà phải chờ đến trên mười năm, hồ sơ mới được tái xét, mới được ra đi.

Freeway 17 vắng quá, anh chạy hơi quá tốc độ nên chưa đến một giờ đã ra exit Campbell.
Theo con đường nhỏ đi sâu vào rừng rậm. Tuy chưa đến 4 giờ chiểu nhưng như sắp tối, vắng một cách kinh hoàng.

Anh nghĩ làm nhà dưỡng lão ở nơi này có khác gì một nhà tù nhốt mấy ông già gần đất xa trời.
Đậu xe phía trước, anh chạy vòng vào sân sau, không có một bóng người nào, phía trong hành lang xa, một ông già nhỏ thó ngồi bất động trên cái ghế dài bên cái xách vải.
“Trời ơi ! Cha tôi đây, Trời !”.
Anh nhào tới ôm cha anh, ông già mỉm cười, nước mắt dầm dề :
- Thấy con cha mừng quá. Hai hôm nay cha ở đây một mình. Nếu tối nay con không đến, cha mò lần ra đường cái. Trời còn thương cha.
- Cha ngồi đây lâu chưa ?”
- Hồi sáng giờ. Bà y tá bảo cha dọn đồ ra ngồi chờ người nhà lên, họ đóng cửa.
Lợi xách túi vải nói :
- Con cõng cha ra xe, đường đi nhiều rễ cây dễ bị vấp ngã.
Ông giả lẩm bẩm :
- Cha ở đây đúng ba năm 4 tháng 18 ngày.
Lợi mừng thầm, ông già mình tuy ốm yếu nhưng trí óc còn khá sáng suốt mới nhớ được số ngày tháng năm ở khu rừng này.
- Bọn con đều khoẻ mạnh hết?
- Dạ, vì bịnh dịch đang lan tràn nên ai ở nhà nấy không dám ra đường, nên mình con đi đón cha.
- Hai đứa cháu nội của cha lớn lắm hả, có đứa nào có vợ chưa.
- Chưa cha, bọn nó còn nhỏ, còn đi học mà.

Lợi lái xe chạy chậm vì đoạn đường xấu, sợ xe xóc làm mệt cha già. Nghe tiếng thở đều đều ông già ngoẻo đầu qua một bên thiu thiu ngủ. Lợi định tạm để cha già ở cách ly tại garage xe, và anh định nghỉ cắt cỏ ít nhất 2 tuần để chăm sóc cha. Anh nguyện lần này chính anh, chinh bàn tay anh, sẽ làm mọi thứ, từ nấu ăn, giặt giũ đến tắm rửa, đổ bô, lau cầu, không để ai nhúng vào, nhất là vợ anh. Nhắc đến vợ, anh lo lắng rồi đây anh phải cố gắng chịu đựng, cố gắng nhịn nhục tối đa, để tránh những cuộc đổ vỡ cãi vã to tiếng. Nhất là không để cho ông già nghe được những lời cãi vã. Anh chắc chắn phải làm được vì ông già sống ở garage biệt lập.

Bữa cơm tối hôm đó tuy rất đói nhưng anh ăn không ngon vì hình ảnh cha anh khi chiều làm anh rất xúc động, anh cảm thấy tội lỗi, một ông già gầy ốm một mình ngồi cheo leo ở bìa rừng vắng vẻ tiêu điều, vào một buổi chiều sắp tắt. Tại sao một ông già phải bị đày đoạ như thế. Mâm ăn có 4 người, hai con anh ngồi một bên, vợ anh với anh một bên.

Hai đứa nhỏ và vợ anh mỗi người chăm chú vào chiếc Iphone, không để ý gì đến việc ăn uống.
Bỗng chị hỏi :
-Cha ăn uống gỉ chưa ?
- Cha mệt đang ngủ ngoài garage, anh đang nấu cháo cho cha
- Chắc anh gặp cha đang lang thang ngoài đường cái chứ gì?

Anh giả vờ không hiểu câu nói móc của chị, vì khi ra xe đi đón ông già, anh bảo nếu không lên đêm nay, ông già có thể chết lạnh trên đường cái.
Anh bình thản trả lời :
- Không, ông già ngồi cheo leo một mình ở hè nhà dưỡng lão.
Hai đứa nhỏ thôi ăn đứng dậy, mỗi đứa rót một ly nước, lên lầu
Chị cũng thôi ăn, đứng dậy, anh liền bảo :
- Em ngồi lại anh có vài điều muốn bàn với em.

Chị ngồi xuống nhìn thẳng vào anh.
- Anh đem cha vể đây ở tạm một thời gian, có thể nửa năm, một năm để ổng ổn định sức khoẻ, anh sẽ dẫn ổng về lại Việt Nam ở với bà cô ruột anh cũng đang sống một mình với đứa cháu trong họ.Anh sẽ làm hết mọi việc từ đi chợ, nâu ăn, rửa chén, dọn dẹp trong nhà, lau chùi cầu tiêu nhà cửa, v... v... Anh chỉ tha thiết xin em một điều...một điều... là cố gắng vui vẻ với ông già trong lúc ổng còn ở nhà này với chúng ta.Nghĩa là em sẽ không làm gì hết, cố nhiên việc chăm sóc ông già là việc của anh, nếu em…thấy không thể được thì cũng nên cho anh biết.

Không khí nặng nề im lặng. Chị đứng dậy, chậm chậm đi lên lầu. Khi chị đi rồi, anh bực mình tại sao lại đặt vấn đề với chị một cách thẳng thừng thô bạo như vậy, vô tình đẩy chị vào thế chống đối, anh cảm thấy mình kém cỏi quá, làm vấn đề đáng lẽ đơn giản, hoá ra khó khăn phức tạp hơn.

Nhà anh có 4 phòng, trên lầu 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm. Hai con hai phòng anh chị một phòng.
Tầng trệt 1 phòng ngủ 1 phòng tắm. Khi ông già chưa đến nhà dưỡng lão, ở phòng dưới này. Để ông già nằm một mình ở garage anh không yên tâm, đêm hôm có việc gì ông già kêu không ai nghe, anh đặt môt giường nhỏ anh nằm cạnh ông già.

Lấy lý do vì dịch corona, cách ly xã hội, nên anh yên tâm để ông già ở Garage cho đến khi hết dịch. Cũng vì lý do đó anh giải thích với ông vợ anh và hai con anh chưa dám ra garage.

Thật sự ông già hiểu hết sự việc, nhất là suốt hơn ba năm nay, ba chục người bị “lưu đày” (chữ của các cụ ở nhà dưỡng lão Campbell) ở chung với nhau. Hầu như họ chung một tâm trạng bị con, tống họ ra khỏi nhà, vì tốn kém thì ít, vì người nào cũng có tiền già, tiền chánh phủ cấp cho tạm đủ sống; có lẽ vì người càng già càng làm cuộc sống của chúng mất tươi trẻ, mất hạnh phúc, và cũng chính người già bị gán cho là cái ổ vi trùng, ổ bịnh tật. Người già đồng nghĩa với dơ dáy, v... v... Tất cả họ, những người Việt nam ở trại Campbell, đều là cựu sĩ quan miền Nam Việt Nam sau ngày mất nước tháng Tư năm 1975, trung bình mỗi người chịu gần 10 năn tù cộng sản.

Vì cùng chung một tâm trạng, một ngôn ngữ họ thông cảm với nhau, họ không quá chán nản quá cô đơn như ở các nhà dưỡng lão khác nói tiếng Anh là chính, nên người nào không nói được, chịu rất nhiều thiệt thòi, có khi bị đánh đập vì bị xem như bất tuân các mệnh lệnh của y tá y công. Vì chia sẻ, vì thông cảm, vì cùng cảnh ngộ họ tránh được những cãi vã, những xô xác với nhau, nhưng họ mỗi ngày mỗi chuốt thêm những oái oăm, những nỗi buồn vì bất hạnh với gia đình, với con cháu.

Mỗi ngày họ phết thêm vào bức tranh tập thể đó, một nét buồn thảm ảm đạm. Thế cho nên họ thiếu hẳn niềm vui, người nào cũng mang một bộ mặt âu sầu buồn thảm. Thậm chí có người than rằng ở tù tuy mất tự do, tuy nhục nhã, nhưng ít nhất một tháng, hoặc 6 tháng, có gia đình đến thăm nuôi, và gia đình còn thương xót, còn tôn trọng, còn kính nể người đang ở tù, và còn hi vọng người tù còn có ngày về để cùng xây dựng lại cuộc sống, tạo lại hạnh phúc. Trái lại vào trại dưỡng lão không mất tự do, nhưng gần như không cần tự do nữa, như bước vào giai đoạn cuối cuộc đời. Họ thật sự bi bỏ quên. Có người suốt năm không có người đến thăm.

Theo ông khi vào trại, tổng số là 30 người, và gần 4 năm sau chỉ còn 19 người. Mười một người lìa trần vì buồn bã quá, vì chán nản đến cùng cực, vì tủi thân, vì bị bỏ quên, chứ không phải vì những bịnh nan y. Có những người không chịu uống thuốc, có người phản đối đi bịnh viện.

Từ ngày đưa cha về nhà anh thay thế vợ làm mọi việc trong nhà, anh mới biết rằng tuy công việc nhẹ, nhưng bực mình quá. Quần quật từ sáng đến tối, không hết việc. Anh dọn cho cha anh và chính anh ăn ngoài garage, sợ cha buồn anh giải thích vì trong thời kỳ cách ly nên phải như thế. Vợ con anh ăn trong nhà. Tuy ông hiểu điều giải thích của anh là đúng trong thời kỳ cách ly này, nhưng ông vẫn buồn buồn tủi thân. Ông mỉm cười tự thấy mình càng già càng khó tính, càng cô đơn càng khó tính. Ông nghĩ đáng lẽ ở tuổi mình tuổi gần 80 phải dễ dãi, phải cởi mở, sao cũng xong cũng tốt. Ông nhớ lại cái đề tài này, trong nhà dưỡng lão, thường đem ra bàn luận với nhau trong nhóm anh em, và lúc nào ông cũng ở phe chỉ trích những người khó tính, và quả quyết vì tính xấu đó, mà con cháu nó không muốn sống gần với mấy người già, dù đó là ông bà nội ngoại. Mấy người bạn của ông không đồng ý và cho rằng vì hai nền văn hoá Đông phương Tây phương đối lập nhau, nên mới có những bi kịch như vậy. Rồi họ dẫn chứng ở Việt Nam chẳng hạn (trừ cộng sản) đứa bé lên ba đã được cha mẹ dạy dỗ lễ độ chào hỏi, trong khi ở Mỹ trẻ con lên đại học chưa có thói quen chào hỏi. Vấn đề này với ông, chưa ngã ngũ, chưa tìm ra câu giải đáp thoả mãn.

Từ ngày ra khỏi nhà dưỡng lão Campbell, ông sống một mình ở garage ông hay nghĩ đến người vợ quá cố của ông. Nếu bà còn sống, thì có lẽ đời ông không như thế này, không có chuyện ở nhà “lưu đày Campbell”. Càng nhớ đến bà, ông càng thấy ở bà có phẩm cách cao quí, một người vợ tuyệt vời, một người đàn bà suốt đời biết hi sinh cho chồng cho con, một người kính trọng cha mẹ ông hơn cả ông kính trọng. Có hôm trong giấc chiêm bao ông thấy bà ngồi cạnh giường ông, ông mừng quá ngồi dậy thì bà lặng lẽ đúng dậy ra đi im lặng không nói một lời. Rồi những đêm tiếp theo, ông mong được gặp bà nhưng không thấy. Ông tính sẽ nói với anh lập bàn thờ thờ mẹ để đêm đêm có chỗ ông thắp cây nhang, tội nghiệp. Nhưng ý nghĩ này bị dập tắt ngay, vì ông, và bạn bè ông đều biết, có bao giờ bọn chúng chấp nhận bàn thờ.

Anh vui vẻ hỏi cha :
- Hôm nay con đi chợ, cha muốn mua thứ gì, muốn ăn uống gì, con mua cho cha.

- Không, không, khỏi mua gì con, cha ăn gì cũng được, nhà có gì ăhey nhà có gì ăn nấy.
Anh vừa ra xe, thì chị và hai đứa nhỏ đến cửa từ nhà xuống garage, chị nói lớn trong nước mắt :
- Hai cháu và con chào cha. Nhờ cha nói với ổng có cái thư để trong tủ lạnh. Ổng không cần vợ, không cần con, nên bọn con ra đi.

Nói xong chị và hai đứa nhỏ lui vào nhà. Ông bối rối không kịp nói gì. Mệt quá ông nằm đừ lên giường cảm thấy khó thở. Ông mê mang vào giấc ngủ hồi nào không biết.
Anh đặt mâm cơm lên bàn mới hay cha anh đang ngủ. Anh ngạc nhiên sao giờ này cha anh còn ngủ :
- Cha, cha, dây ăn cơm rồi hãy ngủ cha.
Ông già ngồi dậy bần thần không biết ở đâu. Anh nói lớn :
- Hình như cha bị cảm phải không ?
- Không, hơi mệt thôi, không sao đâu.
Ông ngồi dậy cố nuốt miếng cơm, nước mắt dầm dề :
- Vợ con với hai đứa nhỏ bỏ nhà đi rồi.
- Cha nói cái gì vậy cha ?
Ông lặp lại :
- Vợ con bỏ nhà đi rồi. Nó có ra chào cha và dặn cho con biết có thư trong tủ lạnh.
Anh vội vàng chạy vào nhà. Thư viết : “Ông xem mẹ con tui không ra gì nên chúng tôi phải ra đi”. Viết vội vã chữ nguệch ngoạc, chỉ một câu thôi, không ký tên không đề ngày.
Tức quá anh xé nát tờ thư, ngồi thừ xuống ghế nước mắt tuôn chảy, anh khóc. Anh ngồi như thế đến 1 giờ sáng, giật mình nghĩ đến ông già, anh vội bước ra garage cố điềm tĩnh giấu cha anh.

Cha anh nằm im lặng hình như chưa ngủ, vì ông già cựa mình và thỉnh thoảng ho. Anh nghĩ phải cố gắng bình thản trước cha anh. Mong hết cơn dịch anh sẽ đưa cha anh về Việt Nam rồi anh sẽ đi tìm vợ con anh. Nhất định không để đổ vỡ gia đình. Anh nghĩ, lỗi do mình, mình bất tài quá nên mới ra nông nỗi này.


Nguyễn Liệu
San Jose, ngày 15 tháng 4 năm 2020
Ngày cao điểm của trận dịch corona


*******************************************:z57:



Ước chi mỗi người sau khi đọc xong bài viết này, có một hành đông thiết thực chăm cho lo cho những người già xung quanh mình. Đối với người già, vật chất không quan trọng lắm, sự cô đơn và tâm lý vô dụng mới là cái đáng sợ nhất.

Tương lai của người già

Thứ năm, 5/3/2020,
Ông bà chủ nhà tôi thuê trọ đã 80 tuổi vẫn đi nhặt ve chai mỗi ngày.

Suốt 10 năm, tôi ở trọ một phòng trong nhà họ. Con hẻm nhỏ có thể đi từ đường Điện Biên Phủ hoặc Phan Văn Hân, ngoằn ngoèo với những khúc quanh chật cứng, thông ra đường Nguyễn Cửu Vân, quận Bình Thạnh, TP HCM. Cuộc sống của ông Nghi, bà Vân chật vật. Bữa ăn của vợ chồng già thường là những món rau đơn sơ.

Tôi thấy năm bảy bữa bà mới đi chợ một lần. Tôi nhắc bà mua gì kha khá để ăn, giúi cho bà ít trăm, nhưng trên mâm sau đó vẫn là thức ăn của người khác cho trong lúc đi nhặt ve chai, bà đem về hâm lại. "Ăn vậy tiền để đâu cho hết?", tôi đùa. Bà bảo, "để dành khi có bệnh mua thuốc".
Hai ông bà không con cái. Trước kia, ông là nghề sửa radio, cassette; bà bán quần áo cũ ở chợ. Đến khi tôi về trọ khoảng năm 2005, cả hai đã thất nghiệp. Sau đó ít lâu, bà nhận dán giấy tạo hình ngựa vàng mã, mỗi con tiền công 300 đồng. Mỗi ngày, ông bà kiếm được 90.000 đồng từ việc còng lưng dán 300 con ngựa giấy. Mỗi khi rảnh rỗi, hay buổi tối trời đã hết nắng, bà đi lượm ve chai quanh khu vực chợ Thị Nghè, qua khu bờ kè, đường Điện Biên Phủ tới 11 giờ tối mới về nhà. Người quản lý nhà sách gần đó dặn nhân viên gom các loại rác có thể bán ve chai được để phần cho bà cụ. Khoảng 9 giờ tối, bà đến nhà sách nhận phần "quà" đó và dạo qua các quán nhậu trong khu vực để gom vỏ lon, vỏ chai. Có tối khuya, tôi xuống nhà dưới, thấy bà ngồi ăn ổ bánh mì trong bóng tối, ông nằm dưới sàn đập muỗi, bỗng thấy cảnh già quá đỗi quạnh hiu.

Dù căn phòng nhỏ không tiện nghi, cả nhà chỉ có một toilet ở gầm cầu thang, tầng dưới chỗ ông bà nằm lúc nào cũng chất đầy các bao chứa ve chai, ngựa giấy, nhưng tôi không nỡ dời đi vì ông bà sẽ bị gián đoạn thời gian cho thuê phòng. Khoản tiền 1,5 triệu đồng từ căn phòng 10 mét vuông trên gác hàng tháng của tôi là thu nhập chính của họ. Bà bảo, còn khỏe ngày nào thì phải lượm ve chai để có tiền chi xài.
Việc người già gần hết sức lao động vẫn phải đi làm để có tiền mưu sinh không lạ. Hơn 70% số người cao tuổi tại Việt Nam vẫn phải lao động kiếm sống, theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Còn theo bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người trong số đó sống ở khu vực nông thôn. Trên 40 % trong số họ sau khi nghỉ hưu vẫn phải tiếp tục làm việc để duy trì cuộc sống.

Trong hai con số quá chênh lệch nhau ở trên, không biết số nào gần với sự thật hơn. Tuy nhiên, bức tranh tổng thế cho thấy, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa (https://vnexpress.net/gia-hoa-thanh-cong-3663855.html) dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Có hai triệu người thuộc nhóm từ 80 tuổi trở lên. Dự báo đến năm 2030, người cao tuổi chiếm 17 % và năm 2050 là 25 % tổng dân số Việt Nam.
Thực ra, người già còn sức khỏe để mưu sinh là chuyện mừng, bởi lao động cũng là niềm vui. Vấn đề là có rất nhiều người già, không còn sức vẫn phải lao động, hay vì không có bảo hiểm và các khoản tiền già đủ sống nên trở thành gánh nặng lệ thuộc con cháu, xã hội, hoặc tự bươn bải trong khó khăn. Một cụ từng nói với tôi: "Già, bệnh, nếu không chết liền, phải nằm một chỗ thì con cháu có thương mấy, đến lúc cũng bất hiếu". Cụ bà 88 tuổi ở Tiền Giang đã bị con trai và con dâu bạo hành (https://vnexpress.net/hai-vo-chong-bi-bat-vi-hanh-ha-me-gia-4062166.html) chỉ vì bà không tự chủ được trong sinh hoạt.

Tuy việc bạo hành cha mẹ đã được đưa vào luật hình sự để răn đe, nhưng chiều sâu hơn của vấn đề là các chế độ an sinh cả về tinh thần và vật chất cho người già cũng như nhận thức chung của xã hội về nhóm người già chưa đầy đủ. Đơn giản nhất, nhiều nước có đường dây nóng để bảo vệ người già nhưng ở Việt Nam thì không. Bất cứ khi nào bị ngược đãi, các ông bà cụ đều có thể gọi báo ngay với nhà chức trách. Chúng ta cũng gần như chưa có các chương trình, lớp học giúp người lớn tuổi thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại, hoạt động tư vấn về sức khỏe tinh thần và thể chất trên diện rộng, các sinh hoạt giúp người già bớt cô đơn, lạc nhịp với cộng đồng. Thậm chí, tôi đọc thấy có những đường dây (https://vnexpress.net/cuoc-tron-chay-khoi-duong-day-chan-dat-an-xin-3960955.html) chăn dắt người già, nhất là những người già ở quê nghèo bị đưa vào thành phố, phải đứng ngả nón xin tiền. Cũng có những người coi người già là người thừa trong xã hội.

Ông Nghi khoe với tôi, từ lúc "tròn 80 tuổi" ông đã được nhà nước hỗ trợ "tiền già", 300.000 đồng mỗi tháng. "Tui chia cho bả một trăm đi chợ mua rau rác về ăn. Còn lại ít bữa ăn sáng ngon ngon với ổ bánh mì thịt hoặc tô cháo huyết bình dân", ông bảo. Con người ta dễ chông chênh khi bước vào tuổi già, trong đó có hình ảnh của chúng ta ở thì tương lai không xa. Vì vậy, sắp xếp cho người lớn tuổi một tương lai đủ an tâm ít nhất ở mức cơ bản là bài toán được mong mỏi giải quyết ngay, công bố công khai và thống nhất như một chính sách quốc gia. Đã đến lúc người Việt không nên bám vào câu "trẻ cậy cha, già cậy con" để mặc định đó là một "chính sách" với người già.


************************************************** ********************Lưu Đình Long






Bóng xế, chiều tà


https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Fhieuminh.files.wordpress.co m%2F2013%2F10%2Fcc3a1c-ce1bba5-e1bb9f-quc3aa.jpg%3Fw%3D570%26h%3D378&t=1592763262&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c8c-840024010400&sig=ElVnGg.H82_90AHaPDsVeg--~C (https://hieuminh.files.wordpress.com/2013/10/cc3a1c-ce1bba5-e1bb9f-quc3aa.jpg)Hạnh phúc làng quê. Ảnh: internet

Bài viết của bạn đọc Uyển Vy.

Có những giai đoạn nhất định trong đời người, dù muốn dù không, ta đều phải phụ thuộc vào sự quan tâm chăm sóc của người khác. Đó là khi ta còn thơ trẻ, lúc bệnh tật và khi già yếu. Trong những giai đoạn này, nếu ai may mắn được thương yêu bảo bọc thì còn gì hạnh phúc cho bằng. Lúc còn trai trẻ, nếu chẳng may đau ốm, bạn vẫn có thể tự xoay xở hay dùng tiền và các mối quan hệ để người khác chăm lo săn sóc mình. Riêng với trẻ thơ và người già lão, họ phải được chính những người thân mình chăm sóc như lời ông bà mình đã nói:
“Trẻ trông cha, già cậy con” thì cuộc sống của họ mới có ý nghĩa và hạnh phúc đủ đầy.
Khi ở vào vị thế phụ thuộc vào người khác, thế giới của trẻ em và người già rất khác biệt với những người trưởng thành độc lập. Trẻ em thì mọi người đã nói rất nhiều về thế giới trong veo của các em rồi, nên tôi chỉ muốn viết về những thế giới của những người già quanh tôi, như một lời tri ân đến các vị trưởng bối nhân ngày Quốc tế Người Cao tuổi 1-10.

Trước hết, tôi muốn đề cập đến sự khôn ngoan được ví như quà tặng của Thượng đế dành cho tuổi già. Có một người quen đã đùa với tôi rằng: “Sự khôn ngoan như cây lược Thuợng đế ban tặng cho người già khi không còn tóc”, ý hẳn bác ấy muốn nói rằng già rồi, gần đất xa trời thì có khôn ngoan cũng chẳng để làm gì. Tôi thì không đồng ý với lời nói đùa này bởi vì tôi thấy sự khôn ngoan trở nên có giá trị và ý nghĩa hơn bao giờ hết khi người già lão biết sử dụng nó để bảo ban những người trẻ biết tìm đến họ để học hỏi. Sự kết hợp giữa kinh nghiệm sống của những người trải đời và nhiệt huyết cùng sức lực của những người trai trẻ sẽ tạo nên sức mạnh vô song giúp xã hội cứ tiếp tục phát triển.

Dòng tộc tôi có Ông Bác Cả, ma chay cưới hỏi, việc lớn việc nhỏ mọi người đều chạy đến nhờ cậy Ông. Có lần thằng cháu rể gốc Hoa là đại gia ngành gạo đến trình bày kế hoạch đổi nghề của nó, có nhìn cảnh cái thằng sừng sỏ trên chốn thương trường ngồi gục gặc đầu lắng nghe lời dặn dò của ông lão chưa từng kinh qua buôn bán mới hiểu được tại sao người ta lại bảo

“Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Tôi đồ rằng điều thằng em rể tôi cần từ Bác Cả không phải là làm sao để kiếm lời mà là làm sao cho đúng, cho phải, còn chuyện kia thì nó thừa sức biết phải làm gì.
Về mặt tình cảm cũng như sự kết nối trong gia đình cũng như trong một cộng đồng, sự hiện diện của người già cũng cần thiết như chiếc kim chỉ nam định hướng hay cái mỏ neo vững chãi giúp neo giữ mọi người lại với nhau. Thật lạ lùng với những cảnh nhà có Cha Mẹ già yếu nằm yên một chỗ, ốm đau lẩm cẩm chẳng còn giúp được cho con cháu điều gì, ngay đến một lời khuyên cũng không thốt lên được, ấy thế mà chừng nào họ còn nằm đó thì con cháu vẫn sẽ cứ tề tựu về nơi ấy. Ngày họ không còn nữa, căn nhà xưa đó với di ảnh của họ dường như chẳng đủ sức níu giữ, lôi kéo đám con cái lại với nhau, mọi thứ rồi cũng cứ mai một, lỏng lẻo dần đi.
Cái làng người Bắc di cư từ năm 1954 của gia đình tôi thường tề tựu lại với nhau ở khu Trương Minh Giảng vào những dịp lễ tết, ma chay, cưới hỏi dưới sự dẫn dắt của các Ông Bà cao tuổi. Những năm sau này, lớp người có tuổi cứ lần lượt ra đi, ý tưởng kết nối những người con xa quê lại với nhau cũng dần lung lay, những buổi hội làng cứ dần thưa vắng.
Tôi như nhìn thấy nỗi lo của các Cụ khi vừa giới thiệu đám con cháu với nhau vừa mắng:

“Bọn mày anh em với nhau mà không năng qua lại nên chẳng biết mặt mũi nhau, lớp già chúng tao nằm xuống rồi thì chẳng còn ai biết ai nữa!”
Các cụ nói cũng phải, khi các cụ không còn để làm nhiệm vụ kết nối thì lũ trẻ “cùng làng” thuộc thế hệ thứ 2 như chúng tôi rồi cũng sẽ rã nhanh thôi.



https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Fhieuminh.files.wordpress.co m%2F2013%2F10%2Fhai-ce1bba5.jpg%3Fw%3D950&t=1592763262&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c8c-840024010400&sig=HsGEQQOgHBZgEZA3vEZAlA--~C (https://hieuminh.files.wordpress.com/2013/10/hai-ce1bba5.jpg)Tình yêu đẹp mãi. Ảnh: internet

Điều làm tôi ngỡ ngàng nhất khi có dịp khám phá thế giới riêng của người già lão chính là hành trình quay trở về với tuổi thơ của họ.

Có lần tôi thấy Má tôi tay cầm ba bốn sợi chỉ, lăm lăm sỏ qua cây kim, tôi hỏi:
“Má làm gì vậy?”, Bà bảo cầm nhiều vậy không sợi này thì sợi kia cũng sẽ phải qua lỗ kim thôi!

Còn Ba tôi khi bắt đầu lẫn, cứ hay tần ngần, ngập ngừng hỏi Má tôi: “Sao tới giờ rồi bà chưa cho tôi ăn?” trong khi miệng thì vẫn còn ngậm cây tăm của bữa cơm vừa xong.
Bà Bác tôi ngấp nghé tuổi 90, góa chồng đã hơn 30 năm, dạo gần đây cứ bắt các anh chị họ đưa bà đi đánh ghen.
Chiều chiều, nhìn cảnh các anh chị nay đã ngoài 60, phải chia phiên dắt mẹ “về quê” vừa tức cười vừa cám cảnh cho cuộc hành trình về cái Làng Nấp ngoài Bắc của Bà lão, hành trang vỏn vẹn chiếc bọc ni lông chứa đôi dép và bộ quần áo.
Thương thì thương, nhưng nhiều lúc bực quá, các anh chị tôi cũng phải quát lên vì những chuyến “về quê” hàng ngày cùng vô số những chuyện lẩm cẩm khác của Bác. Ai đã từng chăm người già bệnh đau thì mới thông cảm và không trách các anh chị họ tôi những lúc như vậy.
Những lời hay lẽ phải về lòng hiếu thảo thì rất nhiều, nhưng tôi nhớ nhất đoạn trích này trong Sách Huấn Ca:

“Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng.
Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài.
Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ.
Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng.
Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi.”

Nghe thì có vẻ ngược đời khi yêu cầu con cái phải rộng lượng với Cha Mẹ, nhưng đó là một sự thật chẳng mấy ai làm được cái việc tưởng như dễ dàng ấy khi tuổi tác của Mẹ Cha chất chồng cùng năm tháng làm trí tuệ và thể xác họ sa sút. Những lời dạy bảo này dường như dễ dàng đi vào tâm khảm của tôi hơn khi được Nhạc sỹ Đan Tâm phổ thành nhạc. Người nhạc sỹ tài hoa đã khéo léo tách mỗi lời dạy bảo ra thành một phiên khúc được đan cài bằng Điệp khúc du dương:
“Bởi vì ai yêu mến Cha mình thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính Mẹ mình thì như tìm thấy kho tàng.”


https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Fhieuminh.files.wordpress.co m%2F2013%2F10%2Fdc3acu-nhau.jpg%3Fw%3D950&t=1592763262&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c8c-840024010400&sig=MKCe4Y7EYPsLWNhjGVC9EQ--~C (https://hieuminh.files.wordpress.com/2013/10/dc3acu-nhau.jpg)Ta dìu nhau đến tận cuối trời. Ảnh: Internet


Hôm nay, lên mạng tìm kiếm hình ảnh về người cao tuổi để làm tư liệu viết bài, tôi túm vội lấy tấm hình nhìn từ phía sau của một cặp đôi chắc phải trên 80, với mái đầu trắng phau, tay trong tay dìu nhau chầm chậm qua cầu. Tôi nhớ ngày Ba tôi còn sống, tôi than với Dì tôi rằng sao Ba Má cháu lớn tuổi rồi mà ngày nào cũng cãi vã những chuyện không đâu.
Dì ngậm ngùi bảo tôi rằng khắc khẩu vậy thì mới sống được với nhau, chứ yên ả như Chú với Dì thì Chú phải bỏ Dì đi sớm. Viết tới đây, tôi chạnh nhớ đến một đoạn thơ của Nguyễn Duy mà một người bạn Blog đã recom khi nói về sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau của đôi vợ chồng lúc tuổi đã xế chiều:

Trời cho sống ta cũng già anh ạ
Con thương cha không bằng bà thương ông
Tình như rượu chôn lâu đằm lịm
Cuối đời đem ra nhấm mới mềm lòng
Giờ đây, nếu có ai hỏi tôi mong ước điều gì cho những người già lão nhân ngày Quốc tế Người Cao Tuổi, tôi sẽ thưa ngay rằng tôi mong họ còn đủ đôi cho đến ngày cùng khuất núi, để họ còn có người khắc khẩu cùng như Ba Má tôi ngày xưa ấy, và trên hết, tôi mong con cháu họ hiếu thuận đủ để tuổi già của họ không phải thốt lên cái câu Đa thọ, Đa nhục.


Uyển Vy viết nhân ngày Quốc tế Người Cao Tuổi 1/10/2013

chieclavotinh
08-23-2020, 02:39 AM
Chuyện Mùa Vu Lan: Một Chốn Đi Về
Trần Ngọc Ánh

Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam. Riết rồi cũng quen , không về thì thấy ray rứt bồn chồn, mà về thì “trăn trở bức xúc” đủ thứ chuyện. Biết vậy mà vẫn về!

Sàigòn đầy bụi và nắng nóng, thành phố lúc nào cũng hầm hầm như cái mặt tên Hải quan ở cổng phi trường TSN. Taxi chạy qua những con đường lớn chật cứng xe và người ngột ngạt. Thú thật tôi chỉ muốn về nhà thật nhanh, ít ra ở đó tôi cảm thấy sự bình yên hơn trong không khí thoải mái của gia đình, người thân.

Má tôi lui cui trong bếp, lưng bà như còng hơn trong dáng đi chậm chạp của đôi dép kéo lê, gần 90 tuổi nhưng bà vẫn muốn vào bếp nấu cho tôi nồi canh chua bông so đủa, cái món mà tôi khó tìm thấy khi bôn ba ở xứ người “ Má biết mày thèm.”Tôi ôm bà ấm áp như hồi nhỏ, thấy ánh mắt bà vui hơn.

Má tôi quê Xẻo gừa, lên SG sống gần 60 năm nay nhưng bà vẫn giữ y tánh nết chơn chất của một phụ nữ Nam Bộ, hiền lành nhân hậu, lúc nào cũng chăm lo cho gia đình, thương con quý chồng, tôi dùng chữ quý bởi vì trong cung cách đối xử với Ba tôi lúc nào cũng tương kính như tân, phải nói là Bà tâm phục khẩu phục ông lắm… Tôi nhớ hình ảnh bà sáng nào cũng bắt cái ghế đẩu ngồi cạnh giường ông, kể chuyện con cái, chuyện nhà cửa chợ búa, chuyện cô ba, chú bảy, chuyện hồi đó ở dưới quê….

Ông nằm trong mùng không biết thức chưa hay còn ngái ngũ nhưng thỉnh thoảng ông lên tiếng vài câu, dặn dò nhắn nhủ việc gì đó, nghe tiếng má ừ hử nhỏ nhẹ đều đều như vậy quanh năm suốt tháng. Ngày nào Má không ngồi ở cạnh giường ông thì tới phiên Ba lo lắng ngồi bên cạnh giường bà để biểu bà ăn cháo uống thuốc...

Cảnh đầm ấm đó đám con thấy riết cũng quen mà không thắc mắc nhưng khi lớn lên có vợ có chồng, chúng tôi cũng ảnh hưởng ít nhiều cái tình gia đình êm đềm đó trong cuộc sống riêng tư, và tôi đâm ra ngạc nhiên tự hỏi “Ủa, sao hồi đó Ba Má không ngũ chung giường, gát chân gát tay và nói hằm bà lằng chuyện như chúng tôi bây giờ cho thân mật hơn?”.

Cái tình nghĩa vợ chồng khi về già có lẽ trầm lắng sâu sắc hay chăng? Tôi chưa quá già để nhận ra chân lý sống đó, nhưng tôi biết khi một chiếc dép bị sút quai thì chiếc kia coi như bỏ thùng rác. Ba tôi mất trước và dĩ nhiên Má tôi buồn biết bao nhiêu khi ở lại một mình…

Đám con cháu lại trở về sống vây quanh để bà không thấy lẻ loi. Cuối tuần là bà nấu món ăn ngon, cả bầy xúm lại ăn..xúm lại kể chuyện này kia cho Má tôi nghe, bởi vì Má tôi không đi đâu ngoài khoảng cách 100m từ nhà đến chợ mỗi ngày, và cái TiVi ở phòng khách giúp bà giải khuây bằng những bộ phim dài nhiều tập. Mấy chị em tôi ai cũng có chuyện để kể Má nghe y như hồi xưa bà ngồi thủ thỉ với Ba mỗi sáng… Câu chuyện đôi khi cũng thường, lượm lặt trên net, trên báo nhưng qua nhỏ My thì nó thêm mắm dặm muối tăng thêm phần hào hứng khiến ai cũng cười lăn và người cười nhiều nhất là Má, bởi vì Má tôi luôn tin đó là chuyện có thật, Bà chưa bao giờ biết về internet nên bà đâu thể ngờ trên đó có cả một kho chuyện tiếu lâm..Người ta “đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười”. Còn bọn tôi chỉ mong đổi vài chục năm còn lại để Má sống vui với con cháu.

Trong nhà tôi là đứa đi xa nhất, chuyến đi giống một phép lạ mà mọi người không nghĩ rằng tôi có thể bay dễ dàng như vậy. Chị em ai cũng mừng cho tôi nhưng Má thì im lặng. Tôi biết bà không vui khi có một chim bay khỏi tổ, dù con chim không còn non nớt yếu đuối như Má nghĩ.

Má tôi có 8 người con, 6 gái 2 trai . Các con lần lượt có vợ có chồng ra riêng, sót lại 3 đứa con gái quá lứa. Nhà tôi trong hẻm nhỏ gần chợ NTP, gia đình dọn về đây hơn 40 năm nên cây mận Má tôi trồng trước nhà sum xuê tàng, những trái nhỏ xíu chát ngầm rụng đầy sân để sáng nào bà cũng còng lưng quét.

Nhỏ My làm hướng dẫn viên du lịch, dáng vẻ trẻ trung hoạt bát, đi đây đó hoài nhưng vẫn bị “chống ề” vì tuổi Dần. Một hôm nó về nói với Má tôi “Thầy bói nói nhà mình bị cái cây mận này ếm nên con gái khó đi lấy chồng” và nó đề nghị đốn bỏ. Má tôi chỉ cười hiền “để cho nó mát mà” Nhưng sau đó ít lâu Bà kêu người tới cưa gốc mận, không biết bà tin lời con My hay bà quét sân hoài nên cũng mệt. Có điều vài tháng sau thì con My lấy được chồng. Nó lại càng tin thầy bói hơn nữa, riêng Má tôi buồn vì vắng cái miệng tiếu lâm ồn ào của nó, tuy nhiên bà vẫn mua con gà về cúng vì trước đây Bà có vái “gả được con cọp My” bà sẽ cúng tạ ơn. Tấm lòng bà Mẹ thương con đôi khi cũng mâu thuẩn đến lạ lùng…

Hôm nghe tôi nói sẽ theo chồng qua Mỹ, Má tôi ngồi im một lúc rồi hỏi “ Xứ đó ở đâu? Xa hôn? Xa cở nào?” Tôi lấy chiếc đũa cắm vào trái cam và xoay vòng, giải thích “ Xa lắm Má à, nó ở nửa vòng trái đất, bên này Má ban ngày, bên Mỹ là ban đêm”. Bà có mấy người bạn trong xóm cũng đi Úc đi Canada, lâu lâu về thăm , ai cũng trắng trẻo khỏe mạnh, họ tặng bà mấy hộp thuốc bổ. Bà thấy vui vui và không cần biết nó xa cở nào. Nhưng bây giờ thì bà quan tâm tới điều đó bởi vì con gái bà sắp ra đi, đến một đất nước xa lạ mà cả đời bà không thể nào hình dung được.

Tôi qua Mỹ được vài năm rồi cũng nhớ Má lót tót trở về. Mọi người tụ lại nhà Má đủ mặt dâu rể cháu chắt, ăn uống nói cười vang rân, tôi lại kiếm những câu chuyện vui lạ đó đây trên bước đường rong duổi của mình để kể cả nhà nghe.

Trên chuyến bay có một bà tuổi chừng 90, bà khỏe lắm nói cười còn minh mẫn, chắc bà trở về VN thăm con cháu, bà đi một mình dưới sự chăm sóc đặc biệt của một nhân viên biết nói tiếng Việt. Khi xuống máy bay, bà chống gậy lững thững ra ngoài, đứng giữa sân có đông nghẹt người đi đón thân nhân, bà gõ cồm cộp cây gậy xuống sàn và nhìn quanh hỏi to “Thằng Hai đâu?”. Một mái đầu bạc trắng nhô lên la lớn “Dạ, con đây Má” khiến ai cũng bật cười và cảm động nhìn theo.

Má tôi nghe chuyện cũng cười “Bà đó giỏi quá ha”. Cả nhà chỉ chờ có vậy để thuyết phục Má đi du lịch cho biết đó đây

“Thôi đi, nó nói tiếng Tây tiếng U, Má làm sao hiểu, ở xóm này gặp người quen mỗi ngày cũng vui vậy, coi TV cũng biết chỗ này chỗ kia vậy”. Các con biết tánh Má, bà quen quanh quẩn lũy tre làng…

Trong lúc soạn tìm một số giấy tờ cá nhân tôi gởi Má cất trong ngăn tủ, chợt một chai nước hoa khô queo và cây son xẫm màu từ đời nào lăn ra sàn…Tôi cầm lên săm soi và thấy lòng mình như rưng rưng có lỗi. “Cái này là mỹ phẩm của Má đây sao?” Bấy lâu nay tôi vô tình quên mất Má cũng có lúc cần những món đồ đơn giản như vậy cho mỗi lần đi tiệc tùng cưới hỏi, chị hai mua bóp đầm , chị ba may áo dài, con Nga mua sợi dây chuyền, đôi bông cẩm thạch, nhỏ My , út Lan thì giày dép quai nhung, nhưng không đứa nào nhớ tới gương mặt Má với một chút son phấn tươi tỉnh của tuổi già.

Qua Mỹ tôi thấy có nhiều bà già cỡ tuổi Má, áo quần sang trọng, môi son đỏ thắm,có bà còn xâm môi, cắt mí trông như tài tử Hollywood, sáng nào cũng đứng đợi xe bus đi Casino ăn chơi thư thả. Còn Má tôi quen sống giản dị quê mùa nhưng khi đám tiệc với mấy bà bạn thị thành chắc bà cũng cần một chút trang điểm, cây son và chai nước hoa này ai đó đã tặng bà lâu lắm rồi, nó cũ mốc…

Mỗi lần về nước , tôi hay tặng bạn bè những thỏi son, nước hoa hay Lotion nhưng không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện tặng Má một chai dầu thơm. Nghĩ lại thấy mình đáng trách hết sức, tôi nhớ tới câu thơ của ĐTQ viết về Mẹ

“Đừng để một ngày kia Mẹ mất đi rồi mới giật mình khóc lóc
Dòng sông qua đi có trở lại bao giờ …
Ta làm thơ cho bao người con gái
Có khi nào ta làm thơ tặng Mẹ ta không?”…

Chắc ông cũng ray rứt ân hận như tôi bây giờ khi cầm thỏi son xạm màu thời gian của sự vô tình bạc bẽo. Chuyện đơn giản vậy mà tôi cứ thấy nao nao suốt buổi, Má không biết chuyện này nhưng tôi biết, nghĩ bụng mình nên làm cái gì đó may ra còn kịp để Má vui. Tôi lục trong hành lý ra một chai Chanel mới tinh, một mớ son phấn mà con gái tôi làm quà tặng hôm Mother’s Day (bởi vì nó biết tôi điệu!) lẳng lặng để vào ngăn tủ của Má. Trong mắt chúng tôi, hình ảnh Má vẫn luôn đẹp.

Má tôi thích đi chợ mỗi ngày, thường thì bà thức rất sớm, đi dạo một vòng quanh chợ, người bán người mua lâu đời quen mặt nên gặp nhau ai cũng cất tiếng mời chào, đồ ăn lúc nào cũng đầy tủ lạnh nhưng có lẽ thấy Má dễ tánh nên nhiều người nài nỉ ép mua, thậm chí mang tới tận nhà đủ thứ từ quày dừa tươi tới con gà ký thịt…Chúng tôi cứ dặn Má hoài, ăn không có bao nhiêu đừng mua nhiều quá, thằng em tôi cằn nhằn “Má làm như chợ sắp đóng cửa cả tháng”. Má chỉ cười nói “để dành nấu cho tụi bây ăn, thà dư còn hơn thiếu”. Má ăn mỗi bữa chỉ có lưng chén cơm và nửa khứa cá kho nhưng cái lo thiếu ăn thiếu mặc cho chồng con có lẽ ngấm vào máu Má từ thưở tản cư chạy giặc tới bây giờ…

Tôi giúp Má để dành thức ăn đông lạnh như bên Mỹ, rửa sạch, để ráo rồi ướp gia vị, phân loại thịt cá ra từng bọc riêng để vào ngăn đá, tôi viết chữ to để Má dễ phân biệt, gói này là thịt bò xào xả ớt, gói này là tép nấu canh, gói này là cá lóc kho tiêu.

Vậy mà vài hôm sau lại thấy Má lục lọi kiếm gì đó trong tủ , tôi kêu lên “Má, con viết chữ trong đó rồi mà, Má đọc sẽ thấy.” Má làm thinh không nói.

Hùng kéo tay tôi rù rì “Chị quên là Má mình không biết chữ sao”. Tôi lại ngớ người ra ân hận. Trời ạ! Sao mà tôi ngu ngốc thế, người không biết chữ có lẽ là tôi chớ không phải Má, tôi dốt đến độ vô tâm không hiểu chữ Mẹ phải viết hoa như thế nào cho đẹp, Má tôi quê mùa chơn chất, một chữ bẻ đôi không biết mà nuôi mấy đứa con ăn học đàng hoàng… Tôi xót xa như thể mình phạm một lỗi nặng với Má mà không biết làm sao sám hối.

Nhiều người hay đợi rằm tháng bảy, mùa Vu Lan mới lật đật đi Chùa tụng kinh báo hiếu, cài bông hồng trắng bông hồng đỏ tùm lum trên ngực áo thay vì mỗi ngày mua một món ngon mà Má thích ăn, kể một chuyện vui cho Má cười, chở Má đi thăm người bạn thân ở đâu đó, nắm chặt tay Má mỗi khi Má ngồi im buồn rầu…Tôi nghĩ đó cũng là cách báo hiếu cho đấng sanh thành.

Đôi khi trong cuộc sống tất bật, ta mãi mê đuổi theo công danh cơm áo, chỉ chăm chăm lo cho mái ấm riêng tư của mình, mong có ngày nghĩ để đưa cả nhà đi chơi mà quên rằng có Cha Mẹ già nua lẩm cẩm đợi mình ghé thăm cuối tuần. Nghe tiếng Chùa này to, Chùa kia đẹp, hăm hở đi viếng lạy mà quên mất có một Đấng Phật Mẫu đang nằm ở dưới lầu chờ con thăm hỏi nhưng con vẫn thờ ơ đi qua…

“Mỗi mùa Xuân qua, Mẹ tôi già thêm một tuổi…Mẹ già như chuối chín cây, gió lay Mẹ rụng con sẽ mồ côi.” Chị hai tôi vốn mau nước mắt khi nghe bài hát này. Tôi thì cố thu xếp để mỗi năm trở về bên Má, đâu ai biết được cơn gió nào bay ngang vô tình.

Hạnh phúc thay cho những người bạc đầu mà còn có Mẹ để kính để yêu. Cũng như hôm nay, tôi may mắn còn Má trong đời để có nơi chốn trở về yên ổn giữa muôn ngàn bon chen mệt mỏi.

Triển
08-23-2020, 03:48 AM
Đôi khi trong cuộc sống tất bật, ta mãi mê đuổi theo công danh cơm áo, chỉ chăm chăm lo cho mái ấm riêng tư của mình, mong có ngày nghĩ để đưa cả nhà đi chơi mà quên rằng có Cha Mẹ già nua lẩm cẩm đợi mình ghé thăm cuối tuần. Nghe tiếng Chùa này to, Chùa kia đẹp, hăm hở đi viếng lạy mà quên mất có một Đấng Phật Mẫu đang nằm ở dưới lầu chờ con thăm hỏi nhưng con vẫn thờ ơ đi qua…



Có nhiều đức lang quân xui xẻo có tới 2 Phật mẫu. Một Phật mẫu sinh lang quân ra và một Phật mẫu lang quân rước về. Có khi phải làm vừa lòng Phật mẫu rước về trước mới tới Phật mẫu sinh ra. Với Phật mẫu sinh ra thì là cái phận, với Phật mẫu rước về thì là cái duyên. Duyên và Phận đều có ràng buộc, một bên là máu là mủ, một bên là hôn là thú. Bên nào nặng hơn bên nào? Bên hôn thú bảo đi viếng chùa trước thì nàm thao? :z34:

Triển
08-29-2020, 09:25 PM
3 nỗi lo của con cái khi cha mẹ về già

Cha mẹ sống thọ là điều con cái luôn mong đợi. Nhưng khi cha mẹ già, con cái cũng phải có sự chuẩn bị để đón nhận những vấn đề của chính mình.

1. Cha mẹ già, con cái cũng nhiều tuổi lên

Cơ thể con người là một quá trình lão hóa tự nhiên. Khi cha mẹ ở tuổi cao niên, con cái cũng đã vào tuổi trung niên, không còn được như thời thanh niên.

https://vcdn-giadinh.vnecdn.net/2020/04/04/Cha-me-gia-1-1118-1586002279.jpg
Khi cha mẹ ở tuổi cao niên, con cái cũng không còn như thời thanh niên. Ảnh: WSJ.

Không giống phương Tây, văn hóa Á Đông coi việc chăm sóc cha mẹ ở tuổi già là bổn phận, là trách nhiệm báo hiếu. Điều này vô tình tạo một áp lực về cả vật chất, lẫn tin thần lên người con, mà nếu không làm tròn trách nhiệm báo hiếu, họ có thể phải chịu sự chỉ trích, lên án từ xã hội, cộng đồng và sự xử phạt theo pháp luật.

Việc con cái chăm sóc cha mẹ khi bản thân họ cũng về già sẽ trở thành một khó khăn. Làm thế nào đủ sức lực, đủ tài chính để chăm lo cho bản thân lẫn chăm cho cha mẹ già của mình cũng là một vấn đề đáng lưu tâm.

2. Cha mẹ già cần sự nương tựa tài chính

Người già vẫn có những nhu cầu trong đời sống hàng ngày: lương thực phẩm, quần áo, chi phí thuốc men, thăm khám bệnh viện... Ở độ tuổi này, nguy cơ bệnh tật, sức khỏe giảm sút, mất khả năng vận động... đều ở mức cao, đi kèm với đó là chi phí y tế.

Tất nhiên, một bộ phận người cao tuổi có lương hưu, có tiền để dành dụm trong suốt thời tuổi trẻ nhưng không phải ai cũng vậy. Với những người không có tài chính tích lũy, khi họ về già, việc con cái phải lo lắng chi phí sinh hoạt cho cha mẹ là điều không tránh khỏi. Đặc biệt, khi cha mẹ cao tuổi, con cái cũng bước vào tuổi trung niên hoặc về hưu, khả năng kiếm tiền không còn được như trước, dẫn đến nguồn lực tài chính thu hẹp lại.

3. Cha mẹ già cần sự quan tâm tinh thần

Bên cạnh việc chăm sóc về tài chính, thể chất, một trách nhiệm khác của con cái khi cha mẹ về già chính là chăm sóc tinh thần cho cha mẹ. Trong khi đó, con cái khi bước vào tuổi trung niên sức khỏe, thể chất tinh thần đều yếu đi. Thời gian này, thay vì tập trung tận hưởng cuộc sống, bù đắp những điều tuổi trẻ chưa có cơ hội thực hiện, nhiều người buộc phải tập trung cho việc chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ già, thậm chí phải ở bên giám sát, ngăn ngừa cha mẹ khỏi tai nạn. Do đó, khi cha mẹ già, con cái sẽ đối mặt với vấn đề làm sao để phân bổ thời gian cho bản thân lẫn người thân trong gia đình cho hợp lý.

Vậy có nên coi cha mẹ già là một gánh nặng?

Khổng Tử từng nói về ba mức độ lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ: "Mức độ cao nhất là có thể khiến cha mẹ tin cậy trọn vẹn, thứ hai là không làm cho họ thất vọng, mức thấp nhất chỉ đơn giản là có thể hỗ trợ cho họ kinh tế".

Suresh Rajenthiran, một giám đốc tiếp thị và truyền thông người Malaysia từng chia sẻ quan điểm của mình: "Một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, chúng ta có thể cảm thấy rằng cha mẹ già của mình trở thành một gánh nặng, đặc biệt khi chúng ta đang cố gắng gây dựng sự nghiệp, các mục tiêu hay các mối quan hệ của mình. Nhưng nếu bạn biết những gì cha mẹ đã hy sinh cho bạn, bạn sẽ không còn coi đó là gánh nặng, mà là bổn phận của chính mình.

Đương nhiên, việc chăm lo cho cha mẹ ở tuổi già không bó buộc trong bất cứ quy định nào. Với một số người con, đó có thể là hỗ trợ tài chính để đem đến cho cha mẹ một chất lượng cuộc sống thoải mái, trong khi với những người con khác, đó có thể là việc quan tâm đến các vấn đề sức khỏe cá nhân.

"Chăm sóc" không nhất thiết phải là tiền bạc, vật chất, đôi khi chỉ đơn giản là dành thời gian, thể hiện sự yêu thương. Điều này được thể hiện qua những hành động nhỏ bé, giúp trấn an cha mẹ khi họ rơi vào tâm lý "mình là gánh nặng cho con cái".

Thùy Linh (Theo QQ)



/* src.: https://vnexpress.net/3-noi-lo-cua-con-cai-khi-cha-me-ve-gia-4079672.html

Triển
08-29-2020, 09:32 PM
Bậc phụ huynh nên nhớ rằng con cái không có
sự chọn lựa cha mẹ. Ngược lại cha mẹ luôn có
cơ hội làm điều này thời trẻ trung.

chieclavotinh
10-11-2020, 02:55 AM
Bên nào nặng hơn bên nào? Bên hôn thú bảo đi viếng chùa trước thì nàm thao? :z34:



Chắc phải mỗi tuần một người :-)

Trẻ không chịu nhớ, già mới nhớ
Vũ Thế Thành

Mẹ cô bạn tôi, 90 tuổi, vừa cầm quyển sách tôi tặng, chỉ mới nhìn tựa đề “Những thằng già nhớ mẹ” đã lẩm bẩm: “Trẻ không chịu nhớ, đợi đến lúc già rồi mới nhớ”. Nhận xét của người già thường lẩn thẩn, nhưng ngẫm lại nhiều khi nhức nhối.

Với mấy bà mẹ, nhớ là thương. Thương là phải biểu hiện cụ thể, là quan tâm, chăm sóc,… nếu cần thí mạng như gà mẹ xù cánh đấu với diều hâu cũng được. Hiểu theo kiểu lẩm bẩm của bà cụ 90 thì, trẻ không chịu thương (mẹ), tới già rồi mới biết thương thì còn làm được cái gì nữa. Câu nói hàm chứa bao nỗi chịu đựng sự vô tâm của con cái ngay từ hồi chúng còn trẻ. Viết tới đây thấy chột dạ.

Vì sao nhớ mẹ? Nhớ là…nhớ, là trạng thái tình cảm…. Hỏi vặn vẹo thế ai mà trả lời nổi. Con nít nhớ mẹ, người già nhớ mẹ có chỗ giống nhau, có chỗ khác nhau.

Đứa con út của tôi hồi 5 tuổi, một buổi tối cháu đang ngủ, chợt ngồi dậy dựa tường, mặt mũi buồn thiu. Tôi thấy nước mắt lăn trên mặt nó. “Con nhớ mẹ, phải không?”. Nó gật đầu. Mẹ đi công tác vài hôm, con bé thiếu hơi mẹ trằn trọc, khó ngủ. Khi con tôi trưởng thành, đôi lần nhớ lại mặt mũi buồn thiu của nó, tôi cũng không hỏi cái cảm giác nhớ mẹ của nó lúc ấy thế nào.

Tôi không bao giờ có cảm giác nhớ mẹ, hay thiếu mẹ như vậy. Tuổi thơ của tôi và sau này, mẹ tôi lúc nào cũng sẵn đó, chỉ có tôi ham vui xa bà. Thằng con lãng tử lông bông, đi chán lại mò về. Về rồi thấy mọi thứ vẫn thế, nên ỷ lại. Nhận ra được những giá trị mình đang sở hữu coi vậy mà khó.

Chỉ khi bà mất, tôi mới cảm thấy thiếu. Mọi vật dụng, giường tủ, ly nước, lọ thuốc …còn đó mà như thiếu. Sau đám tang, tôi sợ về nhà, sợ nhìn thấy mấy thứ đó. Thôi, bỏ đi giang hồ vài tháng.

Đến lúc biết quan tâm đến mẹ thì lại lấy cái tỉnh táo của người bình thường so đo với sự lẩn thẩn của người già. Đâu chịu nghĩ hồi xưa, bà cũng kiên nhẫn chịu đựng cái tính ngang ngược của mình gấp nhiều lần.

Lại cứ khư khư mang kiến thức khoa học để ép bà, nay kiêng khem thứ này, mai hạn chế thứ kia. Đâu chịu nghĩ, hồi xưa đời mình còn dài, bây giờ đời bà quá ngắn. Chất lượng cuộc sống và kéo dài cuộc sống, thứ nào quan trọng hơn? Tinh thần thoải mái và vật chất phủ phê, thứ nào bà cần hơn?

Bằng cấp cho lắm vào rồi mờ mắt, nhìn không ra những điều đơn sơ nhất. Nghĩ lại thấy mình láo lếu đủ chuyện.

Những ngày ở Đà Lạt, những cái láo lếu này đeo bám tôi riết. Nhìn lên bàn thờ, rồi nhìn lại mình. Tiếc rồi mới nhớ, hay nhớ rồi mới tiếc? Hai trạng thái đó cứ lẫn lộn. Đôi lúc nghĩ bừa, phận làm con chưa tử tế, coi như xù nợ. Bà là mẹ chắc không để bụng. Nợ gì thì trả được, chứ nợ tình mẫu tử trả sao cho nổi. Vay không lãi, mà nợ cứ chồng lên nợ !

Nhưng rồi cũng đến lúc để bà ra đi thanh thản, gần 5 năm rồi rồi còn gì… Ký ức thì nên giữ, nhưng níu kéo bằng nỗi nhớ thương quay quắt thì chỉ làm người đi không nỡ, kẻ ở bận lòng.

Hôm rồi nhận được email của một độc giả hỏi mua sách. Cuối thư kèm theo lời chúc “Chúc bác một mùa Vu Lan hiếu hạnh”. Trời đất! Làm gì còn cơ hội mà hiếu hạnh ở đây nữa, hở người bạn độc giả phương xa. Muộn rồi!

Lúc nhỏ nhớ mẹ vì nhu cầu, khi già nhớ mẹ vì hối tiếc. Thế những người lớn còn mẹ thì sao? Tôi ngậm ngùi… chúc các bạn một mùa Vu Lan hiếu hạnh.

nvhn
10-11-2020, 11:08 AM
[QUOTE=

Thế những người lớn còn mẹ thì sao? [/QUOTE]

Thì nên chịu khó gọi điện thăm bà :-)

Triển
10-11-2020, 11:38 PM
Chắc phải mỗi tuần một người :-)

Trẻ không chịu nhớ, già mới nhớ
Vũ Thế Thành

Mẹ cô bạn tôi, 90 tuổi, vừa cầm quyển sách tôi tặng, chỉ mới nhìn tựa đề “Những thằng già nhớ mẹ” đã lẩm bẩm: “Trẻ không chịu nhớ, đợi đến lúc già rồi mới nhớ”. Nhận xét của người già thường lẩn thẩn, nhưng ngẫm lại nhiều khi nhức nhối.

Với mấy bà mẹ, nhớ là thương. Thương là phải biểu hiện cụ thể, là quan tâm, chăm sóc,… nếu cần thí mạng như gà mẹ xù cánh đấu với diều hâu cũng được. Hiểu theo kiểu lẩm bẩm của bà cụ 90 thì, trẻ không chịu thương (mẹ), tới già rồi mới biết thương thì còn làm được cái gì nữa. Câu nói hàm chứa bao nỗi chịu đựng sự vô tâm của con cái ngay từ hồi chúng còn trẻ. Viết tới đây thấy chột dạ.

Vì sao nhớ mẹ? Nhớ là…nhớ, là trạng thái tình cảm…. Hỏi vặn vẹo thế ai mà trả lời nổi. Con nít nhớ mẹ, người già nhớ mẹ có chỗ giống nhau, có chỗ khác nhau.

Đứa con út của tôi hồi 5 tuổi, một buổi tối cháu đang ngủ, chợt ngồi dậy dựa tường, mặt mũi buồn thiu. Tôi thấy nước mắt lăn trên mặt nó. “Con nhớ mẹ, phải không?”. Nó gật đầu. Mẹ đi công tác vài hôm, con bé thiếu hơi mẹ trằn trọc, khó ngủ. Khi con tôi trưởng thành, đôi lần nhớ lại mặt mũi buồn thiu của nó, tôi cũng không hỏi cái cảm giác nhớ mẹ của nó lúc ấy thế nào.

Tôi không bao giờ có cảm giác nhớ mẹ, hay thiếu mẹ như vậy. Tuổi thơ của tôi và sau này, mẹ tôi lúc nào cũng sẵn đó, chỉ có tôi ham vui xa bà. Thằng con lãng tử lông bông, đi chán lại mò về. Về rồi thấy mọi thứ vẫn thế, nên ỷ lại. Nhận ra được những giá trị mình đang sở hữu coi vậy mà khó.

Chỉ khi bà mất, tôi mới cảm thấy thiếu. Mọi vật dụng, giường tủ, ly nước, lọ thuốc …còn đó mà như thiếu. Sau đám tang, tôi sợ về nhà, sợ nhìn thấy mấy thứ đó. Thôi, bỏ đi giang hồ vài tháng.

Đến lúc biết quan tâm đến mẹ thì lại lấy cái tỉnh táo của người bình thường so đo với sự lẩn thẩn của người già. Đâu chịu nghĩ hồi xưa, bà cũng kiên nhẫn chịu đựng cái tính ngang ngược của mình gấp nhiều lần.

Lại cứ khư khư mang kiến thức khoa học để ép bà, nay kiêng khem thứ này, mai hạn chế thứ kia. Đâu chịu nghĩ, hồi xưa đời mình còn dài, bây giờ đời bà quá ngắn. Chất lượng cuộc sống và kéo dài cuộc sống, thứ nào quan trọng hơn? Tinh thần thoải mái và vật chất phủ phê, thứ nào bà cần hơn?

Bằng cấp cho lắm vào rồi mờ mắt, nhìn không ra những điều đơn sơ nhất. Nghĩ lại thấy mình láo lếu đủ chuyện.

Những ngày ở Đà Lạt, những cái láo lếu này đeo bám tôi riết. Nhìn lên bàn thờ, rồi nhìn lại mình. Tiếc rồi mới nhớ, hay nhớ rồi mới tiếc? Hai trạng thái đó cứ lẫn lộn. Đôi lúc nghĩ bừa, phận làm con chưa tử tế, coi như xù nợ. Bà là mẹ chắc không để bụng. Nợ gì thì trả được, chứ nợ tình mẫu tử trả sao cho nổi. Vay không lãi, mà nợ cứ chồng lên nợ !

Nhưng rồi cũng đến lúc để bà ra đi thanh thản, gần 5 năm rồi rồi còn gì… Ký ức thì nên giữ, nhưng níu kéo bằng nỗi nhớ thương quay quắt thì chỉ làm người đi không nỡ, kẻ ở bận lòng.

Hôm rồi nhận được email của một độc giả hỏi mua sách. Cuối thư kèm theo lời chúc “Chúc bác một mùa Vu Lan hiếu hạnh”. Trời đất! Làm gì còn cơ hội mà hiếu hạnh ở đây nữa, hở người bạn độc giả phương xa. Muộn rồi!

Lúc nhỏ nhớ mẹ vì nhu cầu, khi già nhớ mẹ vì hối tiếc. Thế những người lớn còn mẹ thì sao? Tôi ngậm ngùi… chúc các bạn một mùa Vu Lan hiếu hạnh.



Hiếu đạo theo quan niệm Phật giáo là như vầy:

1. "Tiểu" hiếu: Cố gắng ăn học cho thành tài đền ơn cha mẹ.

2. "Trung" hiếu: Nuôi nấng, phụng dưỡng cha mẹ lúc cha mẹ về già.

3. "Đại" hiếu: Khuyến hóa cha mẹ tu tập để cha mẹ được giải thoát.

Triển
10-11-2020, 11:46 PM
Còn theo Nho giáo Mạnh Tử thì tội bất hiếu lớn nhất là không sanh con nối dõi. :)




Khi chú giải sách Mạnh Tử, Triệu Kỳ đời nhà Hán viết:

(1) 阿 意 曲 從,陷 親 不 義,一 不 孝 也 (A ý khúc tòng, hãm thân bất nghĩa, nhất bất hiếu dã.)
(2) 良 窮 親 老,不 為 祿 仕,二 不 孝 也 (Lương cùng thân lão, bất vi lộc sĩ,nhị bất hiếu dã.)
(3) 不 娶 無 子, 祖 先 祀,三 不 孝 也 (Bất thú vô tử, tuyệt tổ tiên tự, tam bất hiếu dã.)不 孝 有 三,無 後 為 大 (Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại.)

Dịch nghĩa:

1- Hùa theo cha mẹ để cha mẹ mắc vào chỗ bất nghĩa là tội bất hiếu thứ nhất.
2- Nhà nghèo mà cha mẹ lại già, thế mà không chịu ra làm quan để lấy bổng lộc mà phụng dưỡng cha mẹ là tội bất hiếu thứ hai.
3- Không chịu lấy vợ, không có con nối dõi để cúng tế ông bà tổ tiên là tội bất hiếu thứ ba.


/* src.: http://tuancongthuphong.blogspot.com/p/am.html

SP500 SPY
10-18-2020, 12:50 PM
CÀNG CAO TUỔI CÀNG CẦN ĂN NGON - BS Lương Lễ Hoàng

11 Tháng Mười Một 2018

https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2F1.bp.blogspot.com%2F-PzmzVtZXy5E%2FW9Kr2mPi2II%2FAAAAAAAAU0E%2FqQD9P1IE anUO_V987L4Jmh9xvJbK26FYgCLcBGAs%2Fs640%2Fcao%252B 1.jpg&t=1603050359&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c23-f9001401a300&sig=dZn7mCOjhW0q01LOvfecgA--~D (https://1.bp.blogspot.com/-PzmzVtZXy5E/W9Kr2mPi2II/AAAAAAAAU0E/qQD9P1IEanUO_V987L4Jmh9xvJbK26FYgCLcBGAs/s1600/cao%2B1.jpg)



Chúng ta sống đến tuổi nầy là may mắn lắm rồi! Nên ăn những gì chúng ta thích, đừng hà tiện nữa! Để dành tiền cho con cháu biết bao nhiêu cho đủ? Hơn nữa, chúng nó có bằng cấp, có công việc tốt, chúng nó hẵn nhiên là giàu có hơn mình thì tại sao mình lại hà tiện, chắt chiu để dành cho chúng biết bao nhiêu cho đủ?
(Còn ăn được thì cứ ăn cho thỏa thích, một mai răng rụng hết chỉ còn nhìn mà hít hà thôi!)

Tuy không hẳn vì bất hiếu nhưng do định kiến là người cao tuổi không cần ăn nhiều nên không thiếu người già bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng một cách oan uổng! Thêm vào đó là nhiều người lớn tuổi phải kiêng cữ, thường khi thái quá do con cháu ép buộc vì bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tăng mỡ trong máu…

Vấn đề chưa dừng lại ở điểm cơ thể người cao niên vì thế mà thiếu dưỡng chất. Nguy hơn nhiều là do đó mà sức đề kháng bị xói mòn khiến bệnh bội nhiễm cũng như bệnh do thoái hóa cơ khớp trở thành mối đe dọa thường xuyên cho cơ thể vốn vừa nhạy cảm, vừa dễ thiếu nước khi tuổi đời chồng chất. Nếu xét về mặt dược lý, bữa ăn của người cao tuổi thậm chí quan trọng không kém viên thuốc đặc hiệu.

Quan điểm theo đó, người cao tuổi phải e dè với từng miếng ăn là một sai lầm nghiêm trọng. Nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy hình thức ăn uống dồi dào rau cải tươi, nhiều cá biển và nhất là ngon miệng là chế độ dinh dưỡng lý tưởng cho người già.

Bằng chứng là người cao tuổi ở Địa Trung Hải ít bị nhồi máu cơ tim nhờ khẩu phần đa dạng với thực phẩm “xanh” chiếm tối thiểu 60% tổng lượng. Bằng chứng là người Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới nhờ thực đơn hầu như không bao giờ thiếu cá biển và đậu nành. Ngược lại, người cao tuổi trong các nhà dưỡng lão ở Hoa Kỳ, nơi chế độ ăn uống kiêng cữ được đặt lên hàng đầu lại có tỷ lệ tai biến mạch máu não và tử vong vì nhồi máu cơ tim vượt xa các nước khác!

Từ nhận thức đó, thay vì tiếp tục đề cao hình thức kiêng khem, đa số chuyên gia dinh dưỡng ở khắp nơi đã đồng lòng tán dương chế độ dinh dưỡng mang nhiều nét “đổi mới” cho người già dựa trên các nguyên tắc như sau:

• Người cao tuổi nên ăn tất cả những món ưa thích và ngon miệng, miễn là với lượng không gây trở ngại cho chức năng tiêu hóa.

• Khẩu phần hàng ngày càng đa dạng càng tốt, càng ít thực phẩm công nghệ càng hay.
• Chắc chắn uống đủ nước trong ngày bằng cách chú trọng các món cung cấp nước như rau trái, món canh… thay vì uống nước vì nhiều người già thường chỉ uống khi khát.

• Đừng nấu cho người cao tuổi các món ăn tuy bổ dưỡng về thành phần nhưng với khẩu vị nuốt không vô! Đừng quên cảm giác ngon miệng là đòn bẩy cho sức kháng bệnh.
• Không nhất thiết phải cữ muối tuyệt đối nếu không có y lệnh của thầy thuốc trong giai đoạn bệnh tim mạch cấp tính.

• Không nên thiếu món ngọt nếu thực khách chưa bị bệnh tiểu đường.
• Luôn luôn có rau quả tươi trong khẩu phần.

• Nên có nhiều bữa ăn nhỏ thay vì ngày ba bữa đúng giờ.
• Một ly rượu vang cho mỗi bữa ăn là điều nên làm.

• Chỉ tránh các món ăn gây dị ứng, món chiên xào nếu đã có bệnh trên đường tiêu hóa như viêm đại trường mãn, viêm ruột dị ứng, trĩ…
• Có bữa cơm gia đình cùng con cháu thay vì ăn riêng trong buồn tẻ như người bệnh nặng.
• Vận động nhẹ trước và sau bữa ăn.

Con cháu nếu biết thương ông bà đừng quên là các nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ vừa chứng minh hẳn hòi là: người cao tuổi nếu có da có thịt một chút nghĩa là dư cân, ít bị bệnh và sống thọ hơn bạn đồng niên mình hạc xương mai.

Lượng mỡ dưới da, tất nhiên không nhiều, chính là kho dự trữ dưỡng chất để đáp ứng cho nhu cầu phục hồi của cơ thể người cao tuổi mỗi lần ngã bệnh.

Không cho người già ăn no bụng và ngon miệng là một điều đáng trách cả về lý lẫn về tình.

BS Lương Lễ Hoàng

********************************************

VIỆN DƯỠNG LÃO - Trần Công Bảo


28 Tháng Sáu 2020
Một tài liệu tốt cho người lớn tuổi (nói chung) và cho người Việt sống trên đất Mỹ...

Tác giả: BS Trần Công Bảo đã từng là giám đốc y tế của nhiều viện dưỡng lão với bài viết dưới đây, Ông trình bày ngọn nguồn rất thực tế , cơ quan mà người già hay người tàn tật đã có lần nghĩ thoáng qua, nhưng dĩ nhiên lờ mờ chưa rõ ...

Người già ở hải ngoại: sự am hiểu về VDL là nên,vì không ai biết đươc tương lai ..?
Nếu còn có thể ở nhà được mà vẫn an toàn thì ở nhà tốt hơn. Nếu tài chánh cho phép, thì dù mình không đủ khả năng lo cho mình, mình vẫn có thể mướn người "bán thời gian" (part time) đến lo cho mình vài giờ mỗi ngày, giúp ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp trong nhà, thuốc men, chở đi bác sĩ...

Nursing Home - Viện Dưỡng Lão
Bs Trần Công Bảo
Cổ nhân có câu: "sinh, bệnh, lão, tử". Bốn giai đoạn này không ai có thể tránh khỏi. Chuẩn bị ứng phó với bệnh tật và tuổi già của mình và của thân nhân mình là điều ai cũng có dịp nghĩ tới, kể cả chính kẻ viết bài này là tôi cũng đang sắp sửa bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi”.

Anh bạn thân của tôi, Bs. TNT từ lâu có đề nghị tôi viết một bài về "Viện Dưỡng Lão" (VDL) để giúp bà con mình có thêm một chút khái niệm về VDL vì anh biết trong suốt 27 năm qua tôi đã liên tục săn sóc cho các cụ già tại các viện dưỡng lão và cũng đã là "Giám Đốc Y Tế" (Medical Director) của nhiều VDL trong vùng. Nay tôi muốn chia sẻ cùng qúy bạn một số kinh nghiệm và hiểu biết về VDL.

Trong Việt ngữ chúng ta thường dùng từ Viện Dưỡng Lão, nhưng trong Anh ngữ thì có nhiều từ khác nhau như Nursing home, Convalescent home, Rehabilitation and Nursing center, Skilled nursing facility (SNF), Rest home... Nói chung, VDL là một nơi cho những người bị yếu kém về thể xác không thể tự săn sóc cho mình được trong cuộc sống hàng ngày. Thí dụ như không thể nấu nướng, giặt giũ, đi chợ... nặng hơn nữa như không đủ sức để làm những việc tối cần thiết cho cuộc sống như ăn uống, đi tiêu, đi tiểu... hoặc cần phải có thuốc men đúng lúc mà không thể tự làm được.

Khi nói tới VDL người ta thường chỉ nghĩ tới những người già mà thôi. Thật ra có nhiều người "trẻ" nhưng vì tật bệnh không thể tự lo cho mình được cần phải có sự giúp đỡ của SNF (skilled nursing facility). Vậy thế nào là VDL?

VDL là nơi cung cấp những dịch vụ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày cho những người không đủ khả năng lo cho chính mình. Tùy theo mức độ trầm trọng của bệnh tật mà có những VDL khác nhau:
1- Skilled Nursing Facility (SKF): là nơi cung cấp những dịch vụ cho những người bị khuyết tật nặng như tai biến mạch máu não gây nên bán thân bất toại, hôn mê lâu dài, hoàn toàn không còn khả năng ngay cả trong việc ăn, nuốt, tiêu, tiểu... Thường thường tại SNF có hai phần: phục hồi (rehabilitation) và săn sóc sức khỏe (nursing care). Có những người sau khi được giải phẫu thay xương khớp háng (hip replacement), thay đầu gối (knee replacement), hay mổ tim (bypass, thay valve tim) … cần thời gian tập dượt để phục hồi (rehabilitation). Sau đó họ có thể về nhà sinh hoạt bình thường cùng gia đình.

2- Intermediate care facility (ICF) : cung cấp dịch vụ cho những người bệnh như tật nguyền, già cả nhưng không cần săn sóc cao cấp (intensive care). Thường thường những người này không có thân nhân để lo cho mình nên phải vào đây ở cho đến ngày cuối cùng (custody care).

3- Assisted living facility (ALF): Thường thường những người vào ALF vẫn còn khả năng tự lo những nhu cầu căn bản như tắm rửa, thay quần áo, đi tiêu, đi tiểu một mình được. Họ chỉ cần giúp đỡ trong việc bếp núc, theo dõi thuốc men và chuyên chở đi thăm bác sĩ, nhà thờ, chùa chiền hay mua sắm lặt vặt. Họ vẫn còn phần nào "độc lập".

4- VDL cho những người quá lú lẫn (Alzheimer facility):có những bệnh nhân bị lú lẫn nặng, đến nỗi không nhận ra người thân như vợ, chồng, con cháu nữa. Không biết tự đi vào buồng tắm, phòng vệ sinh để làm những công việc tối thiểu. Họ không biết họ ở đâu, dễ đi lang thang và lạc đường. Nếu ở nhà thì phải có người lo cho 24/24. Những VDL dành riêng cho những bệnh nhân này, thường là "locked facilty", cửa ra vào được khóa lại để bệnh nhân không thể đi lạc ra ngoài... Cách đây khá lâu đã có trường hợp một bệnh nhân đi ra khỏi viện, lạc đường, bị xe lửa cán chết! Từ đó có locked facilty. Đôi khi cũng có những viện bệnh nhân được gắn alarm vào cổ chân. Nếu bệnh nhân đi qua cửa thì alarm sẽ báo động và nhân viên sẽ kịp thời mang về lại.

NHỮNG DỊCH VỤ ĐƯỢC CUNG CẤP TẠI VDL :
Điều này tùy theo từng viện. Tuy nhiên những dịch vụ sau đây là cần thiết:

1- Phòng ngủ.
2- Ăn uống
3 - Theo dõi thuốc men
4- Những điều tối thiểu hàng ngày như tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh cá nhân...
5- 24/24 lo cho những trường hợp bệnh khẩn cấp.
6- Sinh hoạt hàng ngày như giải trí, tôn giáo...

7- Vật lý trị liệu. Dịch vụ này rất quan trọng để giúp người bệnh có thể phục hồi càng nhiều càng tốt. Trong vật lý trị liệu có nhiều dịch vụ khác nhau:
a- Tập dượt (physical therapy): như tập đi, tập lên xuống cầu thang, tập tự vào giường ngủ hay ra khỏi giường một cách an toàn, không vấp ngã...
b- Speech therapy: tập nói, tập nuốt khi ăn uống... Có những bệnh nhân bị stroke, không thể nói hay ăn được, cần được tập để phục hồi chức năng này.
c- Occupational therapy: Tập mang giầy, bí tất (vớ)... Tập sử dụng bếp gaz, bếp điện cho an toàn để tránh bị tai nạn.

AI TRẢ TIỀN CHO VDL?
Có nhiều nguồn tài trợ khác nhau:
1- Medicare
2- Medicaid (ở California là Medi-Cal).
3- Bảo hiểm tư, có nhiều người mua sẵn bảo hiểm cho VDL.
4- Tiền để dành của người bệnh (personal funds).

MEDICARE là do qũy liên bang, chỉ trả tối đa 100 ngày cho những bệnh nhân cần tập dượt để phục hồi chức năng tại một skilled nursing facility (SNF). Thường những bệnh nhân bị stroke, gãy xương... cần dịch vụ này. Medicare KHÔNG TRẢ cho custody care.

MEDICAID là do qũy liên bang và tiểu bang. Qũy này trả nhiều hay ít là tùy từng tiểu bang. Medicaid trả cho dịch vụ y tế và custody care.

BẢO HIỂM TƯ thì tuy theo từng trường hợp sẽ có những quyền lợi khác nhau, nhưng thường rất hạn chế.

Hiện nay người ta ước lượng trên nước Mỹ có khoảng 1.4 triệu người sống trong 15,800 VDL. Các VDL này đặt dưới sự kiểm soát của bộ y tế, đặc biệt là do Centers for Medicare & Medicaid Services (CMS) giám sát. Hàng năm các VDL đều phải trải qua một cuộc kiểm tra rất gắt gao (survey) của CMS. VDL nào không đúng tiêu chuẩn thì có thể bị đóng cửa! Mục đích kiểm tra của CMS là để bảo đảm cho các bệnh nhân tại VDL được săn sóc an toàn, đầy đủ với chất lượng cao. Đồng thời tránh những trường hợp bị bỏ bê (negligence) hay bạo hành (abuse) về thể xác lẫn tinh thần. Tại mỗi VDL đều có lưu trữ hồ sơ kiểm tra cho công chúng xem. Bất cứ ai cũng có thể xem kết quả của các cuộc kiểm tra này. Tất cả các VDL đều phải có các biện pháp để bảo đảm sự săn sóc cho bệnh nhân theo đúng tiêu chuẩn. Nếu không sẽ bị phạt tiền, và có những trường hợp bị đóng cửa.

Trên đây tôi đã trình bày sơ qua về những điểm chính của VDL. Tuy nhiên, như quý bạn đã từng nghe và biết, có nhiều khác biệt giữa những VDL... Theo tôi nhận xét thì quan niệm chung của mọi người là "không muốn vào VDL". Chúng ta từng nghe những chuyện không tốt thì nhiều, mà những chuyện tốt thì ít. "Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa", là câu ngạn ngữ người mình vẫn nói từ xa xưa đến nay.

Tôi đã đọc không biết bao nhiêu là bài viết về việc con cái "bất hiếu", bỏ bố mẹ, ông bà vào VDL rồi không đoái hoài tới.
Tôi cũng thấy nhiều trường hợp các cụ vào VDL một thời gian rồi không muốn về nhà với con cháu nữa! Trên đời này không có gì là tuyệt đối cả, trong cái hay có cái dở, và trong cái dở lại có thể tìm ra cái hay. Vậy chúng ta rút tỉa được kinh nghiệm gì trong vấn đề này?

Tôi chỉ xin nêu lên những nhận xét chủ quan của riêng tôi mà thôi. Có thể quý vị không đồng ý hết, nhưng nếu rút tỉa được ít nhiều ý kiến xây dựng thì "cũng tốt thôi".

NHỮNG "BỆNH" CÓ THỂ DO VDL GÂY RA:

1- Lo lắng (anxiety): Trong tháng 9/2011 những nhà nghiên cứu hỏi ý kiến của 378 bệnh nhân trên 60 tuổi nằm VDL tại thành phố Rochester, New York. Kết qủa là có trên 27.3% trả lời là họ bị bệnh lo lắng, từ vừa đến nặng. Nếu không được chữa trị sẽ đưa đến bệnh trầm cảm (depression). Nên nhớ là 378 bệnh nhân này là người Mỹ chính cống, sinh ra và lớn lên tại Mỹ.


Chúng ta hãy tưởng tượng người Việt mình không biết rành tiếng Anh, không hợp phong tục, tập quán thì sự khó khăn sẽ nhiều như thế nào! Còn một vấn đề nữa là thức ăn, chúng ta quen "nước mắm, thịt kho"..., làm sao mà có thể nuốt hamburger, sandwich… ngày này qua ngày khác! Các vấn đề này càng làm bệnh lo lắng, trầm cảm nặng thêm!

2- Phản ứng của thuốc (adverse drug reactions): Trong tháng 1/2012 ngưòi ta theo dõi các bệnh nhân tại VDL, kết qủa là ít nhất 40% các bệnh nhân dùng trên 9 loại thuốc khác nhau. Uống càng nhiều thuốc thì phản ứng càng nhiều. Có ba loại phản ứng khác nhau:

a- Phản ứng phụ (side effects): thí dụ như uống aspirin làm bao tử khó chịu, thuốc cao máu làm táo bón... Loại này thường xảy ra, không cần phải ngưng thuốc.

b- Drug interference: (tạm dịch là thuốc đối tác với nhau): có nhiều loại thuốc uống chung với nhau sẽ làm tăng hoặc giảm sức tác dụng. Thí dụ thuốc loãng máu coumadin mà uống chung với thuốc tim như amiodarone sẽ làm dễ chảy máu. Có những thức ăn hay nước uống dùng chung với thuốc cũng ảnh hưởng đến thuốc. Thí dụ uống nước bưởi hay nho với một vài loại thuốc cũng sẽ tăng sức tác dụng của thuốc, dễ gây ngộ độc.

c- Dị ứng với thuốc (allergic reaction): Loại này nguy hiểm hơn, thường làm da nổi mề đay, đỏ, ngứa. Nếu nặng thì có thể chết được như phản ứng với penicillin chẳng hạn. Nếu bị dị ứng thì phải ngưng thuốc ngay.

3- Ngã té (fall): Người già rất dễ bị té ngã gây nên nhiều biến chứng quan trọng như chảy máu trong đầu (intracranial bleeding), gãy xương (như gãy cổ xương đùi, tay...). Khi già quá hoặc có những bệnh ảnh hưởng đến sự di chuyển, không còn đi lại vững vàng, nhanh nhẹn như lúc trẻ nên dễ vấp, té ngã.

4- Da bị lở loét (decubitus ulcers): Những người bị liệt giường, không đủ sức để tự mình xoay trở trên giường, rất dễ bị lở loét da gây nên nhiều biến chứng tai hại.

5- Nhiễm trùng (infection): như sưng phổi, nhiễm trùng đường tiểu...nhất là những người cần phải dùng máy móc như máy thở (respirator), ống thông tiểu (Folley catheter)…

6- Thiếu dinh dưỡng, thiếu nước (malnutrition, dehydration): Ở các cụ già thì trung tâm khát (thirst center) trong não không còn nhạy cảm nữa, nên nhiều khi cơ thể cần nước mà không thấy khát không uống nên bị thiếu nước. Cái cảm giác "ngon miệng (appetite) cũng giảm đi nên không muốn ăn nhiều gây nên tình trạng thiếu dinh dưỡng.

VẬY CÓ NÊN VÀO VDL KHÔNG? Việc này thì tùy trường hợp. Theo tôi:

1- Nếu còn có thể ở nhà được mà vẫn an toàn thì ở nhà tốt hơn. Nếu tài chánh cho phép, thì dù mình không đủ khả năng lo cho mình, mình vẫn có thể mướn người "bán thời gian" (part time) đến lo cho mình vài giờ mỗi ngày, giúp ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp trong nhà, thuốc men, chở đi bác sĩ...

2- Nếu không thể ở nhà được, mà tài chánh cho phép thì có thể ở những assisted living facilities. Ở đây thường họ chỉ nhận tiền (personal funds) chứ không nhận medicare & medicaid. Tại đây thì sự săn sóc sẽ tốt hơn.
3- Group homes (nhà tư): Có những người nhận săn sóc cho chừng 4-6 người mỗi nhà. Họ cũng lo việc ăn uống, chỗ ở, thuốc men, chở đi bác sĩ...Thường thì rẻ hơn tùy từng group.

4- Nếu "chẳng đặng đừng" phải vào VDL thì phải làm sao để có được sự săn sóc "tốt nhất"?

a- Làm sao để lựa chọn VDL:
* Vào internet để xem ranking của VDL (tương tự như các tiệm ăn có xếp loại A, B, C....)
* Mỗi VDL đều phải có cuốn sổ phúc trình về các cuộc kiểm tra (survey) do bộ y tế làm hàng năm. Trong đó bộ y tế sẽ nêu lên những khuyết điểm mà họ đã tìm thấy. Cuốn sổ này được để ở khu công cộng (public area) trong khuôn viên của VDL. Hỏi receptionist thì họ sẽ chỉ cho.
* Hỏi ý kiến thân nhân những người có thân nhân đang nằm tại đó.
* Quan sát bên trong và ngoài của VDL: xem có sạch sẽ, không mùi hôi, nước tiểu. Theo dõi cách đối xử, săn sóc của nhân viên với bệnh nhân.
* Nếu có thể thì tìm một VDL có nhiều người Việt đang ở để có nhân viên nói tiếng Việt, có thức ăn Việt, có chương trình giải trí theo kiểu Việt.

b- Nếu đã quyết định chọn VDL cho người thân rồi thì phải làm gì sau đó?
* Chuẩn bị tư tưởng không những cho bệnh nhân mà con cho cả chính mình và mọi người trong gia đình để có được sự chấp nhận (acceptance) càng nhiều càng tốt.

* Thăm viếng thường xuyên: Nếu nhà đông con cháu thì không nên đến thật đông một lần rồi sau đó nhiều ngày không có ai đến. Nếu được, nhất là trong vài tháng đầu, luân phiên nhau tới, mỗi ngày một lần một vài người. Làm lịch trình ai đi thăm ngày nào, giờ nào...

* Nên làm một cuốn sổ "thông tin" (communication book) để cạnh giường. Trong cuốn sổ này mỗi khi ai đến thăm thì viết ngày giờ, tên người đến thăm, và nhận xét xem bệnh nhân có vấn đề gì cần lưu ý, giải quyết. Nếu không có vấn đề gì thì cũng nên viết vào là không có hoặc cho nhận xét về vui, buồn, than thở của bệnh nhân...

* Cuối tuần hay ngày lễ: nên có người vào hoặc mang bệnh nhân về nhà nửa buổi để được sống với không khí gia đình dù ngắn ngủi, hay đưa ra khỏi VDL để làm đầu, tóc hoặc tới tiệm ăn cho khuây khỏa...

* Nên sắp xếp để bệnh nhân có sách báo, băng nhạc bằng tiếng Việt cho bệnh nhân giải trí.
* Cho dù có những bệnh nhân bị hôn mê bất tỉnh lâu dài, nhưng khi đến thăm hãy cứ thì thầm bên tai họ những lời yêu thương, những kỷ niệm cũ. Nắm tay, xoa dầu để tỏ tình thương yêu. Tuy họ không có thể cảm thấy được 100% nhưng chắc chắn họ vẫn còn một chút nhận thức, làm họ hạnh phúc hơn, mặc dù mình không nhận thấy. Để bên đầu giường những băng nhạc, câu kinh mà khi còn khỏe họ đã thích nghe.

* Một điều chót mà theo kinh nghiệm của tôi, rất có hiệu quả: đối xử tốt nhưng nghiêm túc với nhân viên của VDL:
- Đối xử tốt: lịch sự, nhẹ nhàng, không thiếu những lời cám ơn cho những nhân viên phục vụ tốt. Thỉnh thoảng mua một vài món quà nhỏ cho họ (tôi xin nhấn mạnh “nhỏ thôi”– đừng nên coi đây là hối lộ) như đồ ăn, thức uống ... để bày tỏ lòng biết ơn của mình. Mình tốt với họ thì họ sẽ quan tâm đến mình nhiều hơn.
Người mình vẫn nói: "Có qua có lại mới toại lòng nhau").

- Tuy nhiên đối xử tốt không có nghĩa là mình chấp nhận những sai trái của họ. Thí dụ mình đã báo cáo những thay đổi về sức khỏe của bệnh nhân cho họ mà không ai quan tâm giải quyết thì mình phải lịch sự nêu ra liền. Nếu cần thì gặp ngay những người có trách nhiệm như charge nurse, nursing director và ngay cả giám đốc của VDL để được giải quyết.
Nên nhớ là phải lịch sự, nhã nhặn nhưng cương quyết thì họ sẽ nể phục mình.
Tôi đã thấy nhiều trường hợp đạt yêu cầu một cách rất khả quan.

Trên đây là những kinh nghiệm của tôi xin chia sẻ với quý bạn. Dĩ nhiên là không hoàn toàn đầy đủ tất cả những gì quý bạn mong muốn, nhưng hy vọng cũng đáp ứng được phần nào những ưu tư, lo lắng cho người thân của quý bạn.

HAVE A NICE DAY


******************************************

95 tuổi, bạn chí cốt của tỷ phú Warren Buffett làm gì để sống lâu và hạnh phúc?

LÂM PHONG 12/09/2020


BizLIVE - Tỷ phú Charlie Munger, bạn thân lâu năm của Warren Buffett khẳng định bí kíp để sống thật lâu và hạnh phúc rất "đơn giản".
https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Fimage.bizlive.vn%2F1200%2Fu ploaded%2Ftuyennguyen%2F2020_09_11%2Fmoney-lessons-from-warren-buffett-and-charlie-munger_vfew.jpg&t=1603050556&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c23-f9001901a300&sig=aI1TAV5FoVn19UQoUEc_zA--~D
Tỷ phú Warren Buffett (trái) và Charlie Munger. Ảnh: Getty Images.

Tỷ phú Charlie Munger, 95 tuổi, được biết đến là “cánh tay phải” của huyền thoại đầu tư Warren Buffett suốt hàng chục năm qua. Hiện ông giữ vị trí phó chủ tịch của đế chế đầu tư Berkshire Hathaway và sở hữu tài sản ước tính 1,7 tỷ USD, theo Forbes. Ngoài vai trò điều hành bên cạnh Buffett tại Berkshire, Munger còn là chủ tịch của hãng xuất bản Daily Journal Corp và cũng nằm trong hội đồng quản trị của hãng bán lẻ Costco.

Theo CNBC, xét trên mọi tiêu chuẩn, Munger chắc chắn là một hình tượng doanh nhân thành công với cuộc đời và sự nghiệp trải suốt gần một thế kỷ.
Tại cuộc họp thường niên của Daily Journal tuần trước, Munger đã có những chia sẻ về cuộc sống cũng như sự nghiệp của mình. Khi được hỏi về bí quyết sống lâu và hạnh phúc, Munger nói rằng bí quyết “vô cùng đơn giản”.

Tỷ phú 95 tuổi đưa ra một danh sách những điều nên và không nên làm để có một cuộc sống hạnh phúc lâu dài.

“Không ganh tị.
Không oán hận.
Không chi tiêu vượt quá thu nhập.
Luôn cố gắng vui vẻ bất chấp khó khăn.
Giao du với những người đáng tin cậy
Làm những điều đúng đắn.

Đó là những quy tắc đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả giúp cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn, dù nghe có vẻ sáo rỗng”, Munger nói.

Ông khẳng định “luôn vui vẻ” là khôn ngoan và để làm vậy thì phải cố gắng loại bỏ những cảm xúc tiêu cực.
“Liệu bạn có thể vui vẻ khi hoàn toàn chìm trong hận thù và oán giận không? Tất nhiên không thể. Vậy thì tại sao bạn lại để điều đó chi phối?, Munger nói.

Ông Munger lớn lên tại Omaha, bang Nebraska (Mỹ), cùng quê với Warren Buffett - người được mệnh danh là “huyền thoại xứ Omaha”. Ông từng làm việc tại cửa hàng thực phẩm của ông nội Buffett.

https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Fimage.bizlive.vn%2F650%2Fup loaded%2Ftuyennguyen%2F2020_09_11%2F105189545-_y2a2327c_avee.jpg&t=1603050556&ymreqid=bc232f9b-c8bf-0a0f-1c23-f9001901a300&sig=flkkGvGvivQMr_zEMN8Vhw--~D Tỷ phú Charlie Munger từng là luật sư trước khi "bén duyên" với lĩnh vực đầu tư và trở thành một nhà đầu tư lỗi lạc. Ảnh: CNBC.

Trong thư gửi cổ đông Berkshire năm 2014, tỷ phú Buffett đã kể về người bạn chí cốt của mình: “Phải tới năm 1959 tôi mới gặp Charlie (Munger), rất lâu sau khi ông ấy rời khỏi Omaha đến sống ở Los Angeles. Khi đó tôi 28 tuổi, còn ông ấy 35. Vị bác sĩ ở Omaha giới thiệu chúng tôi với nhau từng dự đoán rằng chúng tôi sẽ trở nên thân thiết và đúng thế thật”.

“Trước khi gia nhập Berkshire Hathaway, Munger từng là một luật sư - với mức phí tư vấn pháp lý là 15 USD/giờ”, Buffett cho biết. Chính Buffett là người thuyết phục Munger bỏ nghề luật sư để gia nhập Berkshire bởi cho rằng Munger “hành nghề luật sư là phí phạm tài năng". Và Munger cũng đồng ý với điều này bởi ông thấy hứng thú với việc đầu tư và dần nhận ra bản thân đam mê lĩnh vực này. Ông luôn đề cao tầm quan trọng của đam mê.

"Tôi chưa bao giờ thành công với những điều tôi không quan tâm. Nếu bạn không thể tìm ra điều mình thực sự quan tâm, tôi cho rằng bạn sẽ không thể thành công, kể cả khi bạn cực kỳ thông minh", tỷ phú 95 tuổi nói. "Nếu Warren Buffett đi học múa ballet, có lẽ sẽ chẳng ai biết đến ông ấy như ngày nay. Hãy luôn làm việc mà bạn yêu thích và đam mê, bạn sẽ làm tốt hơn rất nhiều".

Warren Buffett cũng đồng tình với quan điểm này. "Thành công ở hầu hết mọi lĩnh vực đồng nghĩa với việc bạn phải thực sự đam mê nó. Nếu ai đó sở hữu trí thông minh tuyệt vời và niềm đam mê mãnh liệt với điều họ đang làm thì chắc chắn họ sẽ thành công", tỷ phú này nhận xét.

Chưa từng tham gia bất kỳ khóa học tài chính nào, nhưng với trí tuệ hơn người và sự nỗ lực, Munger đã nhanh chóng trở thành “cánh tay phải” của Buffett. Như một "cặp bài trùng", Munger và Buffett đã cùng nhau thực hiện hàng loạt thương vụ thành công, trở thành những nhà đầu tư nổi tiếng thế giới.

Hiện tại, ở tuổi 95, ông vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Ông chia sẻ: “Tôi luôn ăn thứ mình muốn ăn và không bao giờ tập những môn thể thao mình không thích. Nếu tôi thành công, thì đó là bởi tôi luôn vận động não bộ”, Munger chia sẻ.



LÂM PHONG

chieclavotinh
02-21-2021, 01:42 AM
Nỗi Đau Tuổi Già
Huy Phương

Ở đây, chúng ta không bàn chuyện đau nhức, cao máu, tiểu đường...nữa, vì đã có quá nhiều vị bác sĩ quan tâm tới tuổi già trên đất Mỹ này. Những loại đau trên đã có thuốc và có chính phủ Mỹ trả tiền, nhưng có những thứ đau khác không có thuốc chữa và cũng không ai kê vai gánh vác giùm.

Báo OC Register thứ sáu tuần trước có đăng tin một ông già bị người ta đem bỏ trước cổng một ngôi chùa ở thành phố Westminster. Ông lặng lẽ ngồi trước hiên chùa suốt ngày. Cảnh sát đến mang ông vào bệnh viện tâm thần. Ông không có trong người bất cứ một thứ giấy tờ nào để biết được ông là ai, ở đâu. Ông không nói một lời nào, chỉ biết lặng lẽ, đôi khi cười một mình như một người mất trí. Ông là một người Á Châu, Việt Nam cũng chưa chừng, như vậy ông không phải sinh ra ở đây, hay từ trên trời rơi xuống như cô bé Maika trong một tập phim Tiệp Khắc. Vậy là có người chở ông tới và bỏ ông lại đây, không ai ngoài con cái hay thân thích của ông. Lâu nay thỉnh thoảng người ta thấy có những thiếu phụ sinh con rồi đem con bỏ vào thùng rác, nhưng chưa thấy ai đem cha mẹ vứt bỏ ngoài đường. Ông già chỉ cười vu vơ, trí nhớ của ông đã suy kiệt, nếu không ông sẽ đau khổ biết chừng nào?

Trước đây người ta kể chuyện có người chở bà mẹ già bỏ ở cây xăng, tôi không tin, tưởng là chuyện đùa, nhưng bây giờ thực sự lại có người “đem cha bỏ chùa ”.

Cũng lại câu chuyện của một người già. Tháng trước, trong một dịp đưa người thân đi Việt Nam, tại quầy vé China Airline ở phi trường Los Angeles tôi đã chứng kiến một cảnh khá đau lòng. Trong khi mọi người đang xếp hàng trình vé, cân hàng thì một bà cụ người Việt cứ loay hoay lúng túng trước quầy vé với các thứ giấy tờ vương vãi, bề bộn trên sàn nhà. Bà ngồi bệt xuống đất hết móc túi này đến túi nọ, vẻ mặt lo lắng. Một nhân viên an ninh phi trường thấy tôi cũng là người Á Đông, ngỏ ý muốn tôi lên giúp bà cụ. Nhân viên quầy vé cho biết bà có vé máy bay, một visa nhập cảnh Việt Nam nhưng không có passport hay thẻ xanh. Tôi giúp bà moi từ đống giấy tờ ra chỉ thấy một cái hộ chiếu của Việt Nam cấp cách đây mười mấy năm khi bà đến Mỹ đã hết hạn và một cái ID của bà do tiểu bang Florida cấp. Bà mới từ Florida đến phi trường Los mấy giờ trước đây một mình và trình giấy tờ để lên máy bay đi Việt Nam.

Cuối cùng, bà cũng lên được máy bay, nhưng bà sẽ không bao giờ có thể trở lại Florida nữa vì trong tay bà không có passport của Hoa Kỳ, không thẻ xanh, không “entry permit”. Đây là trường hợp một bà mẹ già, quê mùa bị con cái “mời khéo” về Việt Nam. Tội nghiệp cho bà đã ngồi trên máy bay năm sáu tiếng đồng hồ để đến phi trường LAX, sắp tiếp tục chặng đường về Việt Nam nhưng không biết là mình không thể trở lại Mỹ và lòng bất nhân của con cái. Hình ảnh bà già này cứ ám ảnh tôi mãi. Bà vụng về, quê mùa, có lẽ cũng chẳng giúp ích được gì cho con cái mà chỉ thêm gánh nặng. Thôi để cho bà đi, khi biết mình không trở lại Mỹ được thì chuyện đã rồi. Tuổi bà có nằm lại trên quê hương cũng phải, sống chẳng giúp ích gì được cho ai, chết ở đây bao nhiêu thứ tốn kém.

Hai vợ chồng sang Mỹ từ hai mươi năm nay, đi làm nuôi con, mua được căn nhà đã pay off. Khi các con đã có gia đình ra riêng thì ít năm sau ông cụ cũng qua đời. Thấy mẹ hiu quạnh trong một căn nhà khá lớn, mà giá nhà đang lên, các con bàn với mẹ bán nhà đi rồi về ở với các con. Bà mẹ bán nhà, thương con chia đều cho mỗi đứa một ít, còn dăm nghìn dắt lưng, rồi về ở với con. Bà không biết lái xe, không biết chữ nghĩa, cũng không biết trông cháu làm home work, nên cha mẹ chúng phải nhờ người đưa đón. Bà thích nấu ăn, gói bánh, kho cá, nhưng sợ nhà hôi hám, con cái không cho. Lúc đầu thì chẳng sao, lâu dần mẹ thành gánh nặng. Buổi chiều, đứa con gái xô cửa trở về nhà, thấy mẹ đang gồi xem TV, nó hất hàm hỏi: -“Có hiểu gì không mà thấy má ngồi coi suốt ngày vậy?” Có lúc chuông điện thoại reo, đứa con nhấc máy, bên kia không biết ai hỏi gì, trước mặt bà già, nó trả lời nhát gừng:-“Bả đi khỏi rồi!”

Một bà mẹ khác, ở chung nhà với một đứa con nhưng nhờ một đứa con khác đưa đi bác sĩ. Xong việc, nó đưa mẹ về rồi lẹ lẹ dọt xe đi làm. Bà già vào tới cửa, móc túi mãi không tìm ra cái chìa khóa nhà. Bà không có chìa khóa, không cell phone, cũng không có tiếng Anh, sợ sệt không dám gõ cửa hàng xóm. Bà ngồi đó, trên bục cửa cho tới chiều, khi đứa con ở chung nhà đi làm về, thì bà đã kiệt sức vì khô nước, phân và nước tiểu đầy mình.

Đời xưa, người ta kể chuyện trong một gia đình, có hai vợ chồng đối xử với ông cha già đã run rẩy của mình tệ bạc, cho cha ăn trong cái “mủng dừa”. Một hôm hai vợ chồng đi làm về thấy đứa con nhỏ của mình đang hì hục đẽo một cái gáo như thế, được cha mẹ hỏi, nó “thành thật khai báo” rằng “để dành cho cha mẹ lúc về già”.

Đâu phải ai nuôi con cũng nghĩ tới lòng cha mẹ, cũng như nhớ chuyện “trồng đậu có đậu, trồng dưa có dưa”.

chieclavotinh
03-28-2021, 02:46 AM
Man’s devotion to his mom spoils wife’s travel plans
Abigail Van Buren

DEAR ABBY: I have been married to my husband for 38 years. We both had long professional careers and saved diligently for our retirement. Our children are on their own and doing well with their careers. My husband retired six years ago. His daily routine is visiting his mother (every day) in an assisted living facility. It is an expensive place, and they take great care of her. I have just retired. I waited to do it until I was 67, thinking we could start to travel (not move).

My husband has now informed me he doesn’t want to go on any two- to three-week vacations because of his mother. He says he needs to see her every day. Abby, the woman is 98 and going strong! There’s nothing wrong with her except for some forgetfulness. I don’t understand why he feels he “needs” to see her every day. When I try to question him, he gets angry and upset. He makes me feel like I’m the mean one. This is ruining our marriage. I’m not sure what I can do (if anything) to fix it. Help!

— RANKED SECOND IN THE MIDWEST

DEAR RANKED SECOND: When a man marries, his wife is supposed to take precedence over his mother. However, because your husband “needs” to do this, you cannot be perceived as standing in his way, which will cause further resentment. His motive may be devotion. It could also be a feeling he could have been a better son in years past. I find it hard to believe no one else could check in on your mother-in-law for the two weeks your husband would be away. (It could be one of your children, a sibling, another relative or a trusted friend.)

Rather than allow this to affect your marriage, why not consider creating a Plan B? Schedule some trips for yourself. While you’re away, send him lovely postcards with upbeat messages from the places you visit. When you get back, if he mentions he missed you, assure him you missed him too, but you understand right now his mother is his first priority. Then tell him that while no one has a contract with God, “with luck” the two of you will have some nice trips together after “Mom” is gone. Provided, of course, that he still wants to travel after her death.

chieclavotinh
05-02-2021, 01:56 AM
Nếu được đổi đôi chân cho ba…
Ngọc Vân

“Anh ơi, chở dùm em ra chợ mua ít đồ ăn nghe anh!”, “Ba ơi, chiều nay Ba rước thằng Ru một giờ rưỡi nghe Ba!”, “Ông Nội ơi, con thay vỏ xe không được, ông Nội chạy ra làm dùm con nghe ông Nội!”. Người ‘Anh’, người ‘Ba’, người ‘Ông Nội’ đó chính là Ba của tui. Mặc dù đã về hưu, nhưng lịch trình làm việc mỗi ngày của Ba tui không khác nào một người đi làm fulltime.

Một lần qua thăm Ba Má tui vào cuối Tháng Mười, trời Cali buổi sáng còn rất lạnh, mới hơn năm giờ đã nghe tiếng rục rịch trong phòng, tui bước vô nhìn thấy Ba đã trong bộ quần áo tươm tất, đang uống ly nước nóng. “Sao Ba dậy sớm vậy Ba?” “Giờ này Ba thức rồi con, chuẩn bị chạy qua chở hai thằng con anh Q. đi học” “Trời! Về hưu kiểu gì mà năm giờ sáng đã phải tò mò thức dậy để chở cháu đi học!”, ‘Có gì đâu, Ba còn phụ được chút nào hay chút nấy!”

Ba tui là vậy, lúc nào cũng vui vẻ sẵn sàng phụ giúp con cháu, chưa khi nào Ba tui khước từ một sự nhờ vả nào khi con cháu cần. Cuộc sống của Ba đầy ý nghĩa. Ít khi nào tui thấy Ba ở không. Ba cứ tìm việc này việc kia, tự mày mò tìm cách để làm, nhất là những việc liên quan đến máy móc, nhà cửa, xe cộ. “Mướn thợ tốn tiền lắm con” Ba tui hay nói vậy. Cách làm việc của Ba là tấm gương để cho con cháu học hỏi theo. Lúc đã gần sáu mươi tuổi, Ba tui vẫn còn đăng ký học sửa xe hơi trong trường college, Ba tui nói học để cho cái đầu nó làm việc. Khi mới qua Mỹ, cà nhà làm nghề may đồ để kiếm sống, mỗi ngày Ba tui luôn luôn là người đầu tiên bắt tay vào việc và là người cuối cùng tắt máy maý đi nghỉ. Sống sao để đừng làm phiền con, đừng trở thành gánh nặng cho con là phương cách sống của Ba. Mà sự thật là như vậy, nuôi lớn đàn con bảy đứa, cho đến giờ này, con cái vẫn còn phải nhờ cậy đến Ba phụ việc nhà để có thể yên tâm đi làm đi học.

Chân Ba bây giờ không còn sức như trước, đầu gối đau thốn mỗi lần đứng dậy để đi, Ba nói “Có rất nhiều việc Ba muốn làm nhưng không làm nổi nữa, xi cà que rồi con ơi”, Ba vừa nói vừa cười nhưng tui lại nghe xót xa trong bụng. Nếu như có thể đồi chân tui cho Ba, tui sẽ sẵn sàng chấp nhận mà không cần đắn đo suy nghĩ gì cả.

chieclavotinh
06-20-2021, 02:58 AM
Nhớ Mẹ ngày mưa
Cao Quế Lâm

Mùa lễ Tạ Ơn một lần nữa lại về trên đất Mỹ. Và mùa mưa cũng đang đến Cali. Nhìn mọi người vui vẻ đoàn tụ, xe cộ tấp nập phố phường, tôi lại thấy lòng thắt lại với nỗi niềm riêng. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được đầy đủ ý nghĩa của hai chữ “mồ côi” – hai chữ mà không ai muốn phải tự mình nhắc đến trong đời – cho bằng lúc này. Vậy đó, điều tôi lo sợ nhất rồi cũng đã đến- trong đột ngột và nỗi bàng hoàng. Chiều nay buồn, và cũng thật cô đơn, nghe những giọt nước mưa rơi đều trên mái thiếc, nhớ vô cùng về Má đã xa…

Má tôi là người đàn bà bình thường đối với tất cả mọi người. Nhưng đối với anh em chúng tôi thì gười vô cùng vĩ đại. Năm 30 tuổi, Má có đứa con đầu lòng (là anh Tâm tôi bây giờ) với bao nhiêu chờ mong và kỳ vọng. Nhưng Bác sĩ đã cho biết là anh không thể nào sống đến tuổi 20, “Nếu Bà nuôi cậu ấy đến 18 tuổi thì coi như Bà đã lập được kỳ tích trong đời”. Đó là lời Bác sĩ Trí ở dưỡng đường Duy Tân, Sài Gòn đã nói với Má về anh Tâm lúc mới mấy tháng tuổi. Ấy vậy mà nhờ ơn Trời Phật, Má tôi cũng đã chắt chiu từng giọt nắng, muỗng canh, và cả tình thương bao la vô bờ để anh vẫn còn mạnh khỏe sống với tôi đến ngày hôm nay…

Ở tuổi 70, khi bước chân vào thánh đường Công Giáo làm lễ cưới cho tôi, cũng là lúc Má biết rằng Bà đang phải bước qua những định kiến và những lời dèm pha. Những tưởng cuộc hôn nhân dị giáo sẽ sớm đi vào ngõ cụt vì ít ai tin rằng Má tôi có thể hòa hợp được với con dâu trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong vấn đề tín ngưỡng, tâm linh. Thế nhưng, có ai ngờ tình cảm mẹ chồng, nàng dâu lại vững bền hơn theo ngày tháng dần trôi. Cuộc sống vốn dĩ là tập hợp của những tính toán bất thành và cũng của những ngẫu nhiên có hậu. Nếu cuộc sống đã biến đổi Má tôi từ một công chức thành phố chân yếu tay mềm thành mụ nông dân lam lũ đồng áng sau biến cố đổi đời 1975 thì cũng chính cuộc sống đó đã xô đẩy để Thủy-Tiên từ tiểu thư khuê các thành người nội trợ đảm đang, gánh vác giang sơn nhà chồng, lo lắng từng giấc ngủ miếng ăn khi Má trở bệnh. Nếu như tuổi trẻ của Má phủ đầy nước mắt thì bù lại những năm cuối đời lại tràn ngập tiếng cười, thật sự tô đậm nét câu: Tam Đại Đồng Đường…

Tháng Tư năm nay, khi bệnh tình chuyển nặng, Bác sĩ đã chịu thua với lời nhận định Má không sống quá hai tuần. Chúng tôi mang Má về nhà (không muốn Bà ra đi trong Viện Dưỡng Lão) với tâm trạng rối bời vì biết rằng chúng tôi sẽ phải đối diện với cái chết sẽ đến với Má từng ngày, từng giờ, và từng giây phút một. Nhưng một lần nữa Ơn Trên đã ban phép nhiệm mầu, sau vài ngày hôn mê, Má tôi đã gượng dậy trên đôi chân yếu ớt, trở về với anh em chúng tôi. Những tháng ngày sau đó đã là những tháng ngày đẹp nhất, chúng tôi thật sự hiểu thế nào là hạnh phúc, dẫu biết rằng hạnh phúc của mình rất đỗi chập chờn và cũng rất đỗi mong manh…

…Tiếng mưa vẫn rơi đều trên mái thiếc. Tiếng to và giòn, nó không giống tiếng mưa rơi trên mái ngói, tiếng nhẹ và thanh hơn. Tôi thường so sánh tiếng mưa này với cá tánh của Má tôi: dứt khóat và không khoan nhượng. Tiếng mưa đêm giòn tan trên mái thiếc đã ru tôi suốt những năm dài ở tuổi mới lớn đi đôi với những lời dạy bảo, rầy la của Người suốt khoảng đời này. Má tôi đã giữ vai trò của một người cha nghiêm khắc, của một người thầy kỷ luật nhưng cũng không kềm giữ nổi sự bất trị, lêu lổng của tôi. Chỉ có tình thương bao la và giọt nước mắt dịu hiền của người mẹ mới cảm hóa được đứa con hư hỏng này. Người đã mang tôi đến cuộc đời này và cũng chính Người đã nâng đỡ tôi cho đến khi Người nhắm mắt, xuôi tay. Chúng tôi đã là những kẻ trưởng thành nhưng chưa bao giờ kịp lớn. Bao nhiêu năm qua, tôi và anh Tâm đã vô tư vui hưởng từng ngày niềm hạnh phúc bên Mẹ nhưng chưa bao giờ có thể hình dung sẽ có một ngày mình sẽ bơ vơ giữa chợ đời xa lạ, giữa biển người mênh mông.

Giờ đây, ở một nơi bình yên êm ấm nào đó trên cao, có lẽ Má sẽ rất vui vì tất cả những nguyện ước lúc sinh thời đã thành sự thật. Má từng ước ao nếu có ra đi thì thì sẽ được thanh thản, nhẹ nhàng, không mổ xẻ đớn đau. Điều ước cuối cùng đó đã được Ơn Trên chấp nhận. Má còn kịp lên Chùa lạy Phật trước khi giã từ cuộc đời tạm bợ này về dưới chân Phật Tổ từ bi. Nơi Má ở bây giờ không còn bệnh tật ốm đau, cũng không còn phiền muộn lo toan. Má sẽ không bao giờ cô đơn vì trên thì có mười phương Chư Phật độ trì, dưới thì có Chư Tăng hộ niệm cùng thân bằng quyến thuộc gần xa.

Má đã tạo chúng con nên vóc nên hình và cũng đã dạy chúng con nẻo thẳng đường ngay. Triết lý nhà Phật luôn tin vào thuyết luân hồi. Nếu có được một điều ước thì con ước gì kiếp sau sẽ được đầu thai làm con Má thêm một lần nữa, vì con tin rằng con sẽ thêm một lần được che chở dưới bóng mát của Người, suốt cả cuộc đời…

Tiễn Mẹ đi nắng vàng vương héo hắt
Ngõ dậu buồn cây cỏ nhuốm màu tang
Cười trong gió bóng Mẹ nhòa theo khói
Dáng chậm buồn dần khuất bóng hoàng hôn.

chieclavotinh
08-08-2021, 02:21 AM
Ba tôi, người đánh máy mướn
Ðoàn Xuân Thu

Năm 1961, thằng em thứ sáu, vừa lên 5 của tôi, bị viêm màng não rồi chết. Thân phụ tôi đang làm trưởng ty Bưu Ðiện Rạch Giá buồn bã quá, xin đổi về Sài Gòn làm ở Bưu Ðiện Trung Tâm gần Vương Cung Thánh Ðường, dắt cả gia đình chạy trốn một kỷ niệm buồn đau!

Nhà thì chính phủ cho một căn, ở lầu hai cư xá Bưu Ðiện trên đường Hai Bà Trưng, nằm trong con hẻm lớn, đối diện nhà thờ Tân Ðịnh.

Rồi năm 63, cuộc đảo chánh 1/11 của các tướng lãnh. Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và bào đệ là Cố Vấn Ngô Ðình Nhu bị giết. Cái chết của Tổng Thống Diệm đã chấm dứt luôn cuộc sống tương đối dễ thở của các công chức bậc trung. Nhà đông con, vật giá càng lúc càng tăng, con cái ngày một lớn, tiền ăn tiền quần áo tiền trường đè nặng lên vai Ba. Nên Ba phải làm thêm ‘job’ nữa. Ðánh máy mướn!

Vốn xuất thân từ thư ký, sau vừa làm vừa học, thi đậu cải ngạch thành Cán Sự Bưu Ðiện, Ba đánh máy rất nghề, chỉ nhìn vào văn bản mà không cần nhìn vào bàn phím chữ. Ðánh bằng mười ngón, tốc độ nhanh, nghe như tiếng rào rào đổ trên mái tôn. Mưa!

Cuối đường Phan Ðình Phùng, đi về phía Chợ Lớn rồi quẹo tay phải sang đường Lý Thái Tổ có rất nhiều tiệm Ronéo. Trong tiệm, ngoài giàn máy Ronéo, còn có vài cái máy đánh chữ, bàn ghế ngồi do chủ tiệm cung cấp. Làm ăn chia, tứ lục, 6/4.

Muốn in Ronéo, phải đánh trên giấy stencil. Ðó là loại giấy có tráng sáp để khi đánh, chữ sẽ khắc dấu trên sáp; rồi khi đưa vào máy, mực sẽ tràn ra phủ đầy trên những dấu lõm. Dán stencil vào máy, rồi quay bằng tay hay bằng điện. Bài viết sẽ lần lượt được in ra.

Khách hàng đến là các giáo sư mướn đánh máy bài giảng ở trường đại học, bán “cours” cho sinh viên.

Khách hàng cũng có thể là các nhà văn chuyên viết truyện dài đăng trên báo hằng ngày mà Miền Nam lúc bấy giờ gọi là viết “feuilleton” như Dương Hà, An Khê, Ngọc Linh, Sơn Nam… Họ mang những bản thảo viết tay, thường là khó đọc, đến mướn đánh máy cho rõ ràng để thợ sắp chữ nhà in dễ đọc, dễ sắp chữ trên bản kẽm rồi in ra thành tiểu thuyết.

Giá cả có khác nhau tùy theo khách hàng thường xuyên như các giáo sư hay các nhà văn. Ngoài ra cũng có nhận đánh đơn từ các loại.

Mỗi ngày, Ba cỡi chiếc xe đạp đòn dông đi làm theo giờ hành chánh từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Tan sở lại phải chạy xuống tiệm Toàn Thắng ở cuối đường Phan Ðình Phùng để làm cái “job” thứ hai.

Khoảng 9, 10 giờ đêm, mệt mỏi, rã rời sau 16 tiếng đồng hồ làm việc, Ba mới theo đường Phan Thanh Giản, chỉ cho chạy một chiều để quay trở về Hai Bà Trưng, Tân Ðịnh.

Má vẫn thường chờ Ba cơm tối; còn 8 anh em tôi thì đã đi ngủ mất rồi. Hôm nào được lãnh lương hoặc đánh máy có tiền nhiều, Ba vẫn thường ghé qua xe bán bánh mì Tám Cẩu ở ngã tư Cao Thắng và Phan Thanh Giản, gần rạp hát Ðại Ðồng, mua vài ổ bánh mì về cho con.

Về nhà Ba vô giường, bế từng đứa dậy, đặt ngồi ngoài bàn rồi bảo: “Ăn đi con!” Ăn thì khoái thiệt nhưng “bù ngủ” híp con mắt luôn! Em gái tôi cắn miếng bán mì nhai, chưa kịp nuốt thì gục xuống bàn… ngủ tiếp. Ba lại bế từng đứa, cho vào giường ngủ.

Người ta thường bảo người mẹ như cánh cò. Cánh cò lặn lội bờ sông… Ba tôi không phải là cánh cò, Ba tôi là đại bàng nhưng con đông quá, bám vào đôi cánh của Ba nặng trĩu. Ba không bay cao, bay xa được mà chỉ bay là đà; nhưng vẫn phải rán mà bay để tìm mồi về cho vợ và con trong thời khốn khó!

Ba chưa từng bao giờ từ bỏ ước vọng là con mình sẽ được ăn học đàng hoàng, tới nơi tới chốn để cuộc đời chúng nó sau không phải vất vả như Ba!

Bước ra đời, nếu mình có thành công, có giỏi hơn người khác thường là bị gièm pha, xúc xiểm, ganh tị… nhưng mỗi thành công dù rất nhỏ trên trường đời của con thì Ba lại tự hào, hãnh diện coi thành công đó là rất lớn và là chính của Ba luôn!

Năm 63, tôi thi đậu vào Petrus Ký. Ðỡ cho Ba không phải lo tiền trường. Vì nếu rớt, phải đi học tư, tốn lắm! Việt Nam lúc đó đậu vào một trường công lập nổi tiếng như Petrus Trương Vĩnh Ký cho con trai hay Gia Long cho con gái là rất khó. Trường rất có kỷ luật nên học trò trường công không dám “cúp cua” đi chơi nên thường học giỏi hơn học trò trường tư dù giáo sư trường tư lại nổi tiếng dạy hay hơn: Dạy hay hơn nên mới được chủ trường tư mời dạy!

Ngày coi kết quả thi vào Petrus Ký, trời đổ trận mưa to. Thầy Trường dạy luyện thi đệ thất, có danh sách học trò thi đậu, báo tin vui. Ba nhường áo mưa cho con, còn mình đội mưa đến. Thầy và Ba bắt tay nhau, hỉ hả cười rạng rỡ, dù nước mưa còn chảy ròng ròng trên má. Tôi thấy thương Ba quá trời. Sao mà khổ dữ vậy! Tôi thấy đậu vô đệ thất, cho dù là của một trường trung học nổi tiếng nhứt miền Nam đi chăng nữa thì có gì là… lớn lao lắm đâu! Mấy thằng bạn học chung với tôi cũng thi đậu đó thôi.

Rồi khi thi đậu tú tài một, tú tài hai, Ba cũng mừng như chính Ba thi đậu vậy!

Khi vào đại học, Ba muốn con học Luật Khoa để trở thành luật sư chẳng hạn… Có lẽ đường hoạn lộ công danh của Ba đã từng bị xui xẻ, bị đối xử bất công quá hay chăng mà Ba không muốn con mình phải gánh chịu: Phải biết Luật để cho tụi nó sợ mà không dám áp bức lại mình?

Tôi thì thấy những chồng “cours” là đã “ớn.” Lại phải tốn rất nhiều tiền để mua nên không muốn đi học Luật; dù trường đó, trên con đường Duy Tân, thơ mộng và có biết bao nhiêu là con gái, tiểu thơ con nhà giàu chưng diện, ẹo tới, ẹo lui…

Ba nói một, hai lần thì tôi vẫn giả bộ tảng lờ. Nhưng lần thứ ba thì con Ba, cái thằng bất hiếu, cứng đầu cãi lại: “Con là con ếch mà Ba muốn con to bằng con bò! Không được đâu!”

Tôi đã nhẫn tâm làm tan nát niềm ước vọng của Ba tôi rồi; mà tôi cứ “thản nhiên” như không. Trời ạ!

Sau nầy vào Ðại Học Sư Phạm ra trường, đi dạy, một hôm Ba nói: “Thôi không làm luật sư, làm giáo sư cũng được!” Dù tôi chỉ là Giáo Sư Trung Học Ðệ Nhứt Cấp “quèn” mà thôi!

***

Rồi 75 đến, nước mất nhưng nhà tôi nhứt định không tan. Cũng sống lầm than mà cũng không nghe Ba một tiếng thở than: Ði tù cải tạo sáu tháng vì là viên chức ngụy quyền, cấp trưởng ty. Trong tù, Ba tôi vẫn ăn mặc một cách đàng hoàng, tề chỉnh. Ðêm trong trại, Ba xếp quần áo lại, lót dưới gối trên đầu nằm cho thẳng thớm. Sáng ra, mặc áo bỏ vô quần, mang giày như thuở còn đi làm; dù mấy thằng cán bộ nhiều lần mỉa mai, phê bình Ba là còn giữ tác phong”tiểu tư sản”! Ba chỉ nói: “Mình mất nước chớ không mất tư cách!”

Ra tù, Ba lại trở về Sài Gòn, ra Lý Thái Tổ ngồi đánh máy mướn để nuôi đàn con: đứa thì đi tù vì là sĩ quan Ngụy, đứa thì bị đuổi! Ba vẫn ăn mặc rất đàng hoàng, vẫn áo trắng bỏ vô quần, vẫn mang giày, dù cũ, ra đánh máy mướn, làm đơn cho bà con cô bác Sài Gòn đi thăm nuôi chồng, con đang ở tù cải tạo.

Cuộc sống cực kỳ khốn khó mà Ba vẫn không than van; vẫn không phiền trách ai đã làm cho mình mất nước!

Bà con ở Hố Nai, có thời đi lính Liên Hiệp Pháp, xuống nhờ Ba đánh đơn gởi Tổng Thống Francois Mitterrand để xin đi định cư. Là người học chương trình Pháp, Ba viết thơ giùm họ cảm động làm sao đến nỗi ông chánh văn phòng của tổng thống hồi đáp ngay, rồi Ba dịch ra tiếng Việt cho bà con nghe là: “Tổng Thống Cộng Hòa Pháp đã nhận được thơ ông và đã chỉ thị chuyển hồ sơ qua Bộ Ngoại Giao để hoàn tất tiếp hồ sơ!”. Sau đó cũng có vài gia đình được đi Pháp định cư.

Có lần ông chủ một cây xăng ở Rạch Giá bị đánh tư sản, bị đuổi đi vùng kinh tế. Khổ quá, ông trốn về Sài Gòn và gặp lại Ba. Ông vẫn còn gọi Ba là ông trưởng ty như ngày cũ! Ông nói vì không có hộ khẩu nên không làm được thông hành và chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ; dù con ông đã gởi đơn về bảo lãnh. Ba lại giúp ông làm đơn gởi cho bọn công an, bộ phận xuất nhập cảnh ở đường Nguyễn Trãi Chợ Lớn và Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Bangkok, Thailand. Ðơn thành công và ông được ra đi! Bùi ngùi từ giã, ông nói: “Tôi đi rồi, không biết chừng nào mới có dịp gặp lại ông trưởng ty.” Rồi rưng rưng nước mắt, bắt tay chào vĩnh biệt!

Ðọc sử thế giới, tôi nhớ rằng Raoul Wallenberg (1912-1947), nhà ngoại giao Thụy Ðiển, đã cứu hàng chục ngàn người Do Thái ở Hungary thoát khỏi Holocaust, lò hơi ngạt của Phát Xít Hitler trong Thế chiến thứ hai. Ông đã cấp những thông hành bảo vệ (Schutz-Pass) và cho những người Do Thái ẩn náu trong những tòa nhà thuộc tòa đại sứ Thụy Ðiển ở hải ngoại. Ngày 17 tháng 1, 1945, Hồng quân Cộng Sản Liên Xô tiến vào Budapest, Hungary bắt ông giam cầm và ông chết ngày 17 tháng 7, 1947 trong nhà tù Lubyanka ở Moskva. Trái tim vĩ đại của một con người nhân hậu đã mãi mãi thôi đập nữa!

Chủ Nghĩa Phát Xít và Chủ Nghĩa Cộng Sản đều tàn ác như nhau. Chính bọn chúng đã giết đi những người nhân hậu!

Dĩ nhiên thân phụ tôi không thể cứu được nhiều nạn nhân như ông Raoul Wallenberg đã từng làm; nhưng chí ít Ba tôi cũng đã giúp được một số người, dù con số đó rất nhỏ nhoi, vượt thoát khỏi gông cùm cộng sản. Chỉ có một trái tim nhân đạo mới dám làm được như thế! Ba từng nói: “Giúp được ai, dù là chuyện nhỏ, để làm cho họ bớt thống khổ hơn là điều phải làm con ơi!”

***

Năm 81, thằng em thứ 5 của tôi liều chết vượt biên đến được Pulau Bidong, Mã Lai. Về Adelaide, Nam Úc định cư, nó lần lượt lãnh Ba và các anh em qua. Cuối cùng cả gia đình đoàn tụ!

Ðêm nay, ngồi trước bàn phím computer, viết bài này do anh Hoàng Ðịnh Nam, báo Trẻ Garland Texas đặt bài, nhân Father’s Day bên Mỹ, tôi lại nhớ đến cái bàn máy đánh chữ của Ba. Nhớ mười ngón tay xương xẩu, cong vòng của Ba gõ trên bàn đánh máy mà ngày xưa người ta thường cảnh báo về già sẽ bị đau tim mà chết. Nhưng Ba không sợ! Mười ngón tay đó của Ba đã nuôi anh em con ăn học, đủ để sống sót và làm lại cuộc đời nơi đất lạ quê người. Tụi con xin cảm ơn Ba!

Ba bỏ tụi con đi, năm nay nữa là 15 năm chẵn. Tiếng gõ trên bàn máy chữ vẫn rào rào như tiếng mưa rơi… vẫn còn vang động đâu đây!Nhớ và thương vô cùng cái dáng của Ba còng lưng trên xe đạp trong những ngày ngược gió. Nhớ bánh mì Tám Cẩu Ba mua; mà đút vào miệng chưa kịp nhai tụi con đã gục đầu xuống bàn… mà ngủ tiếp. Nhớ cái bắt tay của Ba với thầy Trường ngày con đậu vào đệ thất.

Người ta cần tới Father’s Day, Chúa Nhựt, tuần lễ thứ ba của Tháng Sáu như ở Hoa Kỳ hay Chúa Nhựt, tuần lễ thứ nhứt của Tháng Chín ở Úc để kỷ niệm ngày từ phụ, để nhớ tới phụ thân!

Còn con, con nhớ Ba mỗi ngày, khi còn sống… Và cho đến lúc nào đó con sẽ được gặp lại Ba!

chieclavotinh
08-29-2021, 03:46 AM
Bông hồng cài áo

A Rose for Your Pocket: An Appreciation of Motherhood
Thich Nhat Hanh

The thought "mother" cannot be separated from that of "love." Love is sweet, tender, and delicious. Without love, a child cannot flower, an adult cannot mature. Without love, we weaken, wither. The day my mother died, I made this entry in my journal: "The greatest misfortune of my life has come!" Even an old person, when he loses his mother, doesn't feel ready. He too has the impression that he is not yet ripe, that he is suddenly alone. He feels as abandoned and unhappy as a young orphan.

All songs and poems praising motherhood are beautiful, effortlessly beautiful. Even songwriters and poets without much talent seem to pour their hearts into these works, and when they are recited or sung, the performers also seem deeply moved, unless they have lost their mothers too early even to know what love for mother is. Writings extolling the virtues of motherhood have existed since the beginning of time throughout the world.

When I was a child, I heard a simple poem about losing your mother, and it is still very important for me. If your mother is still alive, you may feel tenderness for her each time you read this, fearing this distant yet inevitable event.

That year, although I was still very young
my mother left me,
and I realised that I was an orphan.
Everyone around me was crying,
I suffered in silence...
allowing the tears to flow.
I felt my pain soften.
Evening enveloped Mother's tomb,
the pagoda bell rang sweetly.
I realised that to lose your mother
is to lose the whole universe.

We swim in a world of tender love for many years, and, without even knowing it, we are quite happy there. Only after it is too late do we become aware of it.

People in the countryside do not understand the complicated language of city people. When people from the city say that mother is "a treasure of love", that is already too complex for them. Country people in Vietnam compare their mothers to the finest varieties of bananas or to honey, sweet rice, or sugar cane. They express their love in these simple and direct ways. For me, a mother is like a "ba huong" banana of the highest quality, like the best "nep mot" sweet rice, the most delicious "mia lau" sugar cane!

There are moments after a fever when you have a bitter, flat taste in your mouth, and nothing tastes good. Only when your mother comes and tucks you in, gently pulls the covers over your chin, puts her hand on your burning forehead - is it really a hand, or is it the silk of heaven? - and gently whispers, "My poor darling!" do you feel restored, surrounded with the sweetness of maternal love. Her love is so fragrant, like a banana, like sweet rice, like sugar cane.

Father's work is enormous, as huge as a mountain. Mother's devotion is overflowing, like water from a mountain spring. Maternal love is our first taste of love, the origin of all feelings of love. Our mother is the teacher who first teaches us love, the most important subject in life. Without my mother I could never have known how to love. Thanks to her I can love my neighbours. Thanks to her I can love all living beings. Through her I acquired my first notions of understanding and compassion. Mother is the foundation of all love, and many religious traditions recognise this and pay deep honour to a maternal figure, the Virgin Mary, the goddess Kwan Yin. Hardly an infant has opened her mouth to cry without her mother already running to the cradle. Mother is a gentle and sweet spirit who makes unhappiness and worries disappear. When the word "mother" is uttered, already we feel our hearts overflowing with love. From love, the distance to belief and action is very short.

In the West, we celebrate Mother's Day in May. I am from the countryside of Vietnam, and I had never heard of this tradition. One day, I was visiting the Ginza district of Tokyo with the monk Thien An, and we were met outside a bookstore by several Japanese students who were friends of his. One discretely asked him a question, and then took a white carnation from her bag and pinned it on my robe. I was surprised and a little embarrassed. I had no idea what this gesture meant, and I didn't dare ask. I tried to act natural, thinking this must be some local custom.

When they were finished talking (I don't speak Japanese), Thien An and I went into the bookstore, and he told me that today was what is called Mother's Day. In Japan, if your mother is still alive, you wear a red flower on your pocket or your lapel, proud that you still have your mother. If she is no longer alive, you wear a white flower. I looked at the white flower on my robe and suddenly I felt so unhappy. I was as much an orphan as any other unhappy orphan; we could no longer proudly wear red flowers in our buttonholes. Those who wear white flowers suffer, and their thoughts cannot avoid returning to their mothers. They cannot forget that she is no longer there. Those who wear red flowers are so happy, knowing their mothers are still alive. They can try to please her before she is gone and it is too late. I find this a beautiful custom. I propose that we do the same thing in Vietnam, and in the West as well.

Mother is a boundless source of love, an inexhaustible treasure. But unfortunately, we sometimes forget. A mother is the most beautiful gift life offers us. Those of you who still have your mother near, please don't wait for her death to say, "My God, I have lived beside my mother all these years without ever looking closely at her." Just brief glances, a few words exchanged - asking for a little pocket money or one thing or another. You cuddle up to her to get warm, you sulk, you get angry with her. You only complicate her life, causing her to worry, undermining her health, making her go to sleep late and get up early. Many mothers die young because of their children. Throughout her life we expect her to cook, wash, and clean up after us, while we think only about our grades and our careers. Our mothers no longer have time to look deeply at us, and we are too busy to look closely at her. Only when she is no longer there do we realise that we have never been conscious of having a mother.

In Vietnam, on the holiday of Ullambana, we listen to stories and legends about the bodhisattva Maudgalyayana, and about filial love, the work of the father, the devotion of the mother, and the duty of the child. Everyone prays for the longevity of his or her parents, or if they are dead, for their rebirth in the heavenly Pure Land. We believe that a child without filial devotion is just artificial. But filial devotion also arises from love itself. Without love, filial devotion is just artificial. When love is present, that is enough, and there is no need to talk of obligation. To love your mother is enough. It is not a duty, it is completely natural, like drinking when you are thirsty. Every child must have a mother and it is totally natural to love her. The mother loves her child, and the child loves his mother. The child needs his mother, and the mother needs her child. If the mother doesn't need her child, nor the child his mother, then this is not a mother, and this is not a child. It is a misuse of the words "mother" and "child".

When I was young, one of my teachers asked me, "What do you have to do when you love your mother?" I told him, "I must obey her, help her, take care of her when she is old, and pray for her, keeping the ancestral altar when she has disappeared forever behind the mountain." Now I know that the word "What" in his question was superfluous. If you love your mother, you don't have to do anything. You love her; that is enough. To love your mother is not a question of morality or virtue.

Please do not think I have written this to give a lesson in morality. Loving your mother is a question of profit. A mother is like a spring of pure water, like the very finest sugar cane or honey, the best quality sweet rice. If you do not know how to profit from this, it is unfortunate for you. I simply want to bring this to your attention, to help you avoid one day complaining that there is nothing left in life for you. If a gift such as the presence of your own mother doesn't satisfy you, even if you are president of a large corporation or king of the universe, you probably will not be satisfied. I know that the Creator is not happy, for the Creator arises spontaneously and does not have the good fortune to have a mother.

I would like to tell a story. Please don't think that I am thoughtless. It could have been that my sister didn't marry, and I didn't become a monk. In any case, we both left our mother - one to lead a new life beside the man she loved, and the other to follow an ideal of life that he adored. The night my sister married, my mother worried about a thousand and one things, and didn't even seem sad. But when we sat down at the table for some light refreshments, while waiting for our in-laws to come for my sister, I saw that my mother hadn't eaten a bite. She said, "For eighteen years she has eaten with us and today is her last meal here before going to another family's home to take her meals." My sister cried, her head bowing barely above her plate, and she said, "Mama, I won't get married." But she married nonetheless. As for me, I left my mother to become a monk. To congratulate those who are firmly resolved to leave their families to become monks, one says that they are following the way of understanding, but I am not proud of it. I love my mother, but I also have an ideal, and to serve it I had to leave her - so much the worse for me.

In life, it is often necessary to make difficult choices. We cannot catch two fish at the same time: one in each hand. It is difficult, because if we accept growing up, we must accept suffering. I don't regret leaving my mother to become a monk, but I am sorry I had to make such a choice. I didn't have the chance to profit fully from this precious treasure. Each night I pray for my mother, but it is no longer possible for me to savour the excellent "ba huong" banana, the best quality "nep mot" sweet rice, and the delicious "mia lau" sugar cane. Please don't think that I am suggesting that you not follow your career and remain home at your mother's side. I have already said I do not want to give advice or lessons in morality. I only want to remind you that a mother is like a banana, like good rice, like honey, like sugar. She is tenderness, she is love; so you, my brothers and sisters, please do not forget her. Forgetting creates an immense loss, and I hope you do not, either through ignorance of through lack of attention, have to endure such a loss. I gladly put a red flower, a rose on your lapel so that you will be happy. That is all.

If I were to have any advice, it would be this: Tonight, when you return from school or work or, if you live far away, the next time you visit your mother, you may wish to go into her room and, with a calm and silent smile, sit down beside her. Without saying anything, make her stop working. Then, look at her for a long time, look at her deeply. Do this in order to see her, to realise that she is there, she is alive, beside you. Take her hand and ask her one short question to capture her attention, "Mother, do you know something?" She will be a little surprised and will probably smile when she asks you, "What, dear?" Keep looking into her eyes, smiling serenely, and say, "Do you know that I love you?" Ask this question without waiting for an answer. Even if you are thirty or forty years old, or older, ask her as the child of your mother. Your mother and you will be happy, conscious of living in eternal love. Then tomorrow, when she leaves you, you will have no regrets.

This is the refrain I give you to sing today. Brothers and sisters, please chant it, please sing it, so that you won't live in indifference or forgetfulness. This red rose, I have already placed it on your lapel. Please be happy.

chieclavotinh
10-31-2021, 02:43 AM
Sự bất hiếu ngọt ngào
Nguyễn Quang Thiều

Có một sự thật là: tình thương yêu và hy sinh vô bờ của người mẹ cho những đứa con từ khi có loài người đến nay chẳng hề thay đổi, nhưng lòng hiếu thảo của những đứa con đối với mẹ mình càng ngày càng trở thành một nguy cơ trầm trọng.

Hai bộ phim hành động Mỹ nổi tiếng mà tôi xem đi xem lại nhiều lần là Godfather và American Gangster. Và trong cả hai bộ phim đầy cảnh bắn giết này có một câu chuyện luôn luôn làm tôi thực sự xúc động. Đó là tình yêu của hai ông trùm Mafia Mỹ đối với người mẹ của mình. Lòng hiếu thảo là một chiếc thước đo đạo đức có giá trị nhất. Đó cũng là phần nhân tính cuối cùng của con người mà nếu đánh mất thì con người không còn gì để nói nữa. Có lẽ vì ý nghĩa ấy mà những nhà làm phim Hollywood đã cố níu giữ lại cho xã hội một niềm tin cuối cùng về nhân tính con người. Bởi phần nhân tính này với nhiều yếu tố là phần nhân tính khó bị suy đồi nhất.

Những năm gần đây, chúng ta phải đau đớn chứng kiến những chuyện bất hiếu. Và có những chuyện bất hiếu đã trở thành những tội ác man rợ. Đó là những câu chuyện bất hiếu đã được các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin và lên tiếng cảnh báo. Nhưng còn có một phía khác của sự bất hiếu mà chúng ta chưa lên tiếng hoặc chưa ý thức rõ về nó mà có người gọi nó bằng một cái tên "Sự bất hiếu ngọt ngào".

"Sự bất hiếu ngọt ngào" là chỉ những đứa con có đủ điều kiện vật chất để nuôi những người mẹ. Nhưng những đứa con đó không cho mẹ mình được tham gia vào những sinh hoạt tinh thần của gia đình. Sự thật là có những bà mẹ chỉ sống giữa những đứa con như một thực thể sống tự nhiên chứ không phải là một trung tâm của tình cảm. Với lý do công việc và với muôn vàn lý do khác, những đứa con đã để mẹ mình sống cô độc ở một làng quê gần, xa nào đó hoặc ngay trong chính thành phố mà họ đang sinh sống.

Thay cho sự hiện diện của họ trước mẹ mình trong những ngày nghỉ là sự hiện diện của một gói quà và những đồng tiền. Thay cho những lời tâm sự của những đứa con với mẹ mình trong những buổi tối khó ngủ của người già là những người giúp việc được trả lương cao. Với đức hạnh của sự hy sinh vô bờ của mình, những người mẹ lại một lần nữa đã gánh chịu một cuộc sống cô đơn như vậy cho đến khi chết.

Một thời gian chúng ta có nói đến việc những đứa con gửi cha mẹ vào nhà dưỡng lão trong các nước phương Tây hoặc châu Âu. Và có không ít người quan niệm đó là sự trốn tránh trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ khi cha mẹ về già. Nhưng sau một thời gian quan sát và có nghiên cứu thực tế ở các nước đó, tôi thấy đó là cách những đứa con tìm cho cha mẹ họ một không gian thích hợp và có ý nghĩa nhất với cha mẹ khi ở tuổi già và đó cũng là một trong những văn hoá sống của các nước đó. Nhất là khi cha mẹ họ có những vấn đề của tuổi tác, sức khoẻ và tâm lý. Nhưng hầu như hàng ngày, họ gọi điện trò chuyện với cha mẹ và hàng tuần, họ vẫn đến thăm cha mẹ trong nhà dưỡng lão. Họ ở lại với cha mẹ có khi cả ngày để trò chuyện và vui chơi cùng cha mẹ.

Có những người mẹ trong những năm cuối đời chỉ mơ một giấc mơ giản dị nhưng thật đau đớn và thương cảm là có một cái Tết được ăn Tết với con cháu mình. "Con bận lắm. Nhiều khách khứa đến làm việc lắm. Mà nhà cửa bỏ đấy trộm nó vào nó khuân hết. Tết con không về được. Bà cần gì thì cứ bảo. Con sắm sửa đầy đủ cho bà". Đấy là những ngôn từ càng ngày càng trở lên quen thuộc của những đứa con nói với mẹ mình trong một ngày cuối năm về thăm mẹ vội vã. Những lý do trên chỉ là sự bao biện cho thói ích kỷ và sự hoang hoá tình thương yêu của những đứa con đối với mẹ mình. Còn vị khách nào quan trọng hơn mẹ mình nữa? Còn của cải nào quí hơn mẹ mình nữa? Và đối với những bà mẹ, tài sản duy nhất có ý nghĩa là những đứa con.

Nhưng những đứa con đó không bao giờ hiểu được người mẹ của chúng không cần bất cứ quyền chức hay tiền bạc chúng đang có mà chỉ cần chúng ngồi xuống bên bà như thuở nhỏ đầy yếu đuối, sợ hãi và tin cậy trong sự che chở của bà hoặc thấy chúng lớn lên làm một người tốt. Nhưng chúng đã xa rời bà mà bà không có cách nào kéo chúng gần lại. Không phải chúng xa rời xa bà bởi không gian và thời gian do điều kiện sống và công việc mà chúng đang xa rời xa sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Bà đã và đang mất chúng.

Tôi đã chứng kiến một bà mẹ gần 90 tuổi mắt đã mờ lần mò làm một con gà cúng đêm giao thừa trong khi những đứa con của bà đang quây quần vui vẻ đón giao thừa với gia đình riêng của họ ở thành phố chỉ cách nơi bà ở không quá 30 km. Không có bất cứ lý do gì có thể biện minh cho những đứa con khi bỏ quên mẹ mình trong những ngày đặc biệt và quan trọng như thế.

"Sự bất hiếu ngọt ngào" còn để chỉ những đứa con bỏ quên những người mẹ trong chính ngôi nhà của họ. Nhưng những người mẹ đó không bị bỏ đói mà ngược lại được "nuôi giấu" trong một đời sống vật chất đầy đủ. Trong không ít những ngôi nhà to, đẹp và đầy đủ tiện nghi, những đứa con đã "giấu" mẹ mình mà nhiều lúc chúng ta không làm sao có thể phát hiện ra là trong ngôi nhà đó có một bà mẹ.

Có những người thi thoảng lại đến thăm bạn mình trong suốt mấy năm trời nhưng không bao giờ được gặp bà mẹ của anh ta. Anh ta đã "giấu" mẹ trong một căn phòng trên tầng 3, tầng 4 gì đó của ngôi nhà. Anh ta dậy sớm đi làm vội vã nhiều lúc không còn kịp leo lên tầng chào mẹ. Trưa thì đương nhiên anh ta không về nhà. Tối anh ta về muộn. Vợ anh ta hoặc người giúp việc đã cho bà mẹ ăn cơm trước với lý do để cụ đi nghỉ sớm kẻo mệt. Anh ta trở về nhà ăn tối cùng vợ con và chuyện trò rồi điện thoại và cuối cùng lăn ra ngủ. Có không ít ngày anh ta hoàn toàn quên mẹ mình đang sống trong cùng ngôi nhà và âm thầm mong nhìn thấy con mình và trò chuyện mấy câu với con.

Càng ngày chúng ta càng được chứng kiến những đứa con khi có khách đến chơi thì khoe hết đồ này vật nọ đắt tiền, thậm trí khoe một con chim cảnh quí hàng ngàn đô la với một giọng nói thật "say đắm" mà chẳng thấy họ khoe một người mẹ vừa ở quê ra chơi hay đang ở đâu đó trong ngôi nhà to, rộng của họ.

Có những người không bao giờ để mẹ ngồi ăn cơm cùng khi vợ chồng anh ta có khách. Có lẽ sự xuất hiện của người mẹ đã già nua không còn phù hợp với những thù tạc, những vui buồn của anh ta nữa chăng. Nhưng anh ta đâu biết rằng, có những đêm khuya bà mẹ không thể ngủ và đầy lo lắng khi nghe tiếng ho của anh ta hay khi vợ chồng anh ta to tiếng. Bà mẹ sống giữa con cháu mà như sống trong một thế giới xa lạ.

Vì thế, có không ít người mẹ đã bỏ về quê sống một mình trong ngôi nhà cũ của mình. Bởi cho dù ở đó bà không được sống với những đứa con của mình thì bà cũng được sống với những gì vốn rất thân thương với bà như con chó, con mèo, cái cây, cái cối. Và thay vào sự chia sẻ, an ủi của những đứa con là sự chia sẻ và an ủi của những thứ kia kể cả những thứ vô tri vô giác. Và thực sự điều này làm cho chúng ta vô cùng xấu hổ và đau đớn.

Đức Phật dạy: Tội lớn nhất của đời người là bất hiếu. Có những kẻ đánh đập, nhiếc móc mẹ mình, có những kẻ bỏ đói, bỏ rét mẹ mình, có những kẻ xưng "bà" xưng "tôi" với mẹ mình như với một người qua đường, qua chợ... Tất cả những kẻ đó đều là kẻ có tội. Và những kẻ vẫn cho mẹ mình ăn ngon, mặc đẹp nhưng bỏ quên mẹ mình trong thế giới tình cảm của họ thì họ cũng mang tội như những kẻ nói trên.

Triển
11-03-2021, 10:53 PM
Sự bất hiếu ngọt ngào
Nguyễn Quang Thiều

Đức Phật dạy: Tội lớn nhất của đời người là bất hiếu. Có những kẻ đánh đập, nhiếc móc mẹ mình, có những kẻ bỏ đói, bỏ rét mẹ mình, có những kẻ xưng "bà" xưng "tôi" với mẹ mình như với một người qua đường, qua chợ... Tất cả những kẻ đó đều là kẻ có tội. Và những kẻ vẫn cho mẹ mình ăn ngon, mặc đẹp nhưng bỏ quên mẹ mình trong thế giới tình cảm của họ thì họ cũng mang tội như những kẻ nói trên.



Sự liên hệ cha mẹ và con cái theo tui không chỉ là nhơn duyên mà còn là nhơn quả.
Tui góp ý với ông chủ tịch hội nhà văn Việt Nam như thế này. Cái tội đầu tiên của
cha mẹ là "sinh con mà không dạy".
"Nhơn chi sơ tính dễ sợ", ủa lộn "tính bổn thiện". Nghĩa là con người lọt lòng vốn dĩ
hiền lành. Nhưng sống ở xã hội cà chớn mà cha mẹ không theo sát dạy dỗ con cái
thì sẽ bị xã hội ảnh hưởng. Ví dụ lo mưu sinh mà bỏ quên cha mẹ. Chưa hết, khi chào
đời ôm tập đến trường thì phải thuộc ngay 5 điều bác chồn dạy:

" Yêu tổ quốc yêu đồng bào
Học tập tốt lao động tốt
Đoàn kết tốt kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn thật thà dũng cảm"

Chẳng có điều nào bảo phải tôn kính, thương yêu và chăm sóc cha mẹ cả. Cha mẹ
không dạy, đảng bác cũng ứ thèm trân trọng thì than van cái nỗi gì?

Hơn nữa, theo ông tàu Mạnh Tử thì: tội bất hiếu lớn nhứt là "vô hậu".
Cứ đẻ tràn lan một đội banh làm vốn là coi như đã giải quyết xong tội lớn nhất.
Không xúi giục cha mẹ đi ăn trộm là giải quyết xong tội lớn thứ nhì
Mỗi tháng lên chùa cúng 1 trăm bạc vô thùng phước sương là ổn thỏa tội thứ ba. :)


"
Mạnh Tử chép trong thiên “Ly lâu thượng” của sách Mạnh Tử, nhưng sách này lại không ghi lời giải thich của Mạnh Tử về hai điều bất hiếu kia.

阿 意 曲 從,陷 親 不 義,一 不 孝 也
a ý khúc tòng,hãm thân bất nghĩa, nhất bất hiếu dã.

良 窮 親 老,不 為 祿 仕,二 不 孝 也
lương cùng thân lão,bất vi lộc sĩ,nhị bất hiếu dã.

不 娶 無 子,絕 祖 先 祀,三 不 孝 也
bất thú vô tử, tuyệt tổ tiên tự,tam bất hiếu dã.

不 孝 有 三,無 後 為 大
bất hiếu hữu tam,vô hậu vi đại.

Dịch nghĩa là:

Nghe theo lời mù quáng, đẩy người thân vào việc làm không chánh nghĩa, là điều bất hiếu thứ nhất.
Thương cha mẹ già, không ra làm việc giúp đời, là điều bất hiếu thứ hai.
Không lấy vợ, sanh con, để dòng họ không người nối dõi, là điều bất hiếu thứ ba.

Trong ba điều bất hiếu đó, không có con là tội nặng nhất.
..."



Nói đùa giữa tuần thôi. Thực sự thì cha mẹ đối đãi với con cái như thế nào thì con cái đối đãi với cha
mẹ như thế nấy. Nếu lúc còn trẻ biết giáo dục con cái bằng tình thương và những mong đợi (không phải
yêu cầu :-) ) vừa phải, thì đến lúc con cái trưởng thành sẽ có ảnh hưởng hay ho. Chứ lấy ba cái nhân
trí lễ nghĩa Phật pháp nào là có tội hay không có tội của sách đạo đức hay kinh Phật ra mà tụng thì không
giúp đỡ được gì cả. Nên nhớ rằng sinh con ra đừng bao giờ chờ đợi con cái hiếu thảo. Hãy làm tròn bổn
phận của cha mẹ trước. Những thứ còn lại là .... "tùy duyên" thôi, thưa chủ tịch hội nhà văn(g) Việt Nam. :)

chieclavotinh
12-19-2021, 01:19 AM
Nếu lúc còn trẻ biết giáo dục con cái...


Be the caregiver you want your kids to be!

Aging caregiver must find respite time for herself
Abigail Van Buren

Dear Abby: How can I convince my aging, sick sister-in-law that her feeble husband's care is too much for her at this point? She can barely care for herself, yet she must help him eat, get out of chairs - everything short of chew his food for him. I have tried telling her she deserves respite care of some kind, to no avail.

Have you any ideas how I can convince her she is literally killing herself and deserves some assistance? Their three daughters are no help at all to them. They turn a blind eye from their parents' situation.

— Relative Who Cares in Ohio

Dear Relative: I can think of a few things you might do to help. The first would be to talk to the daughters and explain your concerns for their mother's health - because if she doesn't get some respite care, she could die before their father does. Be sure to point out that if that happens, their father's care would become their responsibility. When they realize the effect it would have on their own lives, it might motivate them to do something.

The second would be to do some research and see what options are available for part-time caregivers or senior day care centers where her husband would be safe and looked after while your sister-in-law has a few precious hours to herself. The man's doctor could guide you.

Then have a frank talk with her and explain that for her to be as effective a caregiver as she obviously wants to be, she's going to have to take better care of herself because the track she's on right now could cost her her own health or even her life, and that's no exaggeration.

chieclavotinh
02-13-2022, 01:25 AM
Nhớ Má
Trùm Sò

Tôi nhớ Má tôi. Tôi không có kỷ vật nào của Má để lại, nhưng tôi có kỷ niệm cuối cùng giữa hai Má con mà tôi nhớ mãi…

Má tôi già lắm, những năm cuối cuộc đời má bị Alzheimer’s, thần trí không minh mẫn. Mỗi năm anh chị em chúng tôi về thăm má một hai lần, có lúc rủ nhau về chung, có lúc chia nhau mà về, khi thì Hè, khi thì Tết, khi thì giỗ ba.

Mùa Hè 2010, như những lần trước, cả gia đình tôi về quê thăm nhà, vừa đi đây đi đó vài nơi, vừa kết hợp sống những ngày hè ngắn ngủi bên Má tôi.

Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Ba tuần qua rất lẹ, kỳ nghỉ Hè đã hết. Trước ngày về Mỹ, tôi tới ngồi trầm lặng bên Má tôi. Tôi cầm bàn tay gầy guộc của bà, vân vê làn da nhăn nheo cằn cỗi, cảm thấy xót xa tội nghiệp cho cuộc sống cuối đời của người già. Tôi thương Má quá. Tôi muốn nói những lời ấy nhưng tôi lại ngập ngừng. Tôi không quen mở lòng mình như vậy, ngay từ lúc nhỏ hiếm khi nào tôi thủ thỉ với má. Tôi chỉ nói được rằng tụi con chuẩn bị đi, sang năm con lại mang vợ con về thăm Má nữa. Tôi không biết Má tôi có hiểu không, nhưng tôi cảm thấy bà gục gặc đầu.

Tôi ngồi với Má một hồi lâu. Trong không gian tĩnh mịch chỉ có hai mẹ con, tôi nhìn Má, Má lại chậm rãi quan sát tôi trong yên lặng. Tôi buồn buồn, cái buồn buồn nghẹn ngào của một cuộc chia tay. Ðột nhiên tôi cảm thấy hình như Má muốn làm cái gì đó; Má muốn kéo bàn tay tôi gần hơn. Tôi đưa tay lên theo ý Má thì thấy bà kéo tay tôi từ từ ấp vô mặt bà mà hôn. Người tôi như sụm xuống. Mối xúc động tràn lên vỡ òa. Nước mắt tôi nãy giờ lấp ló trên khóe mắt thì nay sẵn dịp túa ra lăn dài xuống gò má. Một tay để nguyên cho Má nắm, tay kia quẹt nước mắt, tôi ngửng đầu nhìn lên nóc nhà, rồi quay ra nhìn góc cửa, cố giằng hơi thở, cố giấu cảm xúc mà lòng thổn thức. Tôi tự an ủi là năm tới mình cũng về ngồi đây với Má nữa mà.

Nhưng tôi không có cơ hội ngồi bên Má tôi lần nữa. Bốn tháng sau, Má mất. Chỉ một lời nói con thương Má lần cuối ấy thôi mà tôi không thốt nên lời. Ngay lúc này tôi lẩm nhẩm những lời trong bài hát “Bông Hông Cài Áo” mà cảm thấy lòng day dứt. Tôi hối hận là mình đã có rất nhiều dịp để nói con yêu Má mà lần lữa hoài nói không xong.

Rồi một chiều nào đó anh về
Nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với mẹ rằng
Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ có biết hay không
Biết gì, biết là, biết là con thương mẹ không

Bây giờ giữa lúc đêm khuya ngồi một mình nhớ Má, tôi nói thầm tự mình nghe “con thương Má,” nhưng Má đâu có còn trên cõi đời để nghe những lời nói muộn màng này nữa đâu?

chieclavotinh
04-24-2022, 03:14 AM
NGÀY SAU SỎI ĐÁ CŨNG CẦN CÓ NHAU (*)
Tường Vi

Tôi trở lại California sau cú điện thoại khẩn của chị Lan:

- Ba đã được đưa vào ICU và có thể “ra đi” bất cứ lúc nào.

Ba tôi bị chứng ung thư Bạch Huyết Cầu. Một vài tháng trước, ông đã có triệu chứng sốt liên tục và ngất xỉu. Tôi ở lại với Ba thời gian đầu khi trị liệu bằng hóa chất. Lúc ấy dù rất mệt mỏi, mắt Ba vẫn sáng lên khi tôi nhắc đến bài thơ của ông vừa được báo Ca Dao đăng. Ba cũng cười run run khi chú Út của chúng tôi ghẹo Ba với cô Y Tá Mỹ. Nụ cười giúp khuôn mặt trơ xương có chút sức sống: “Hôm qua mơ gặp nàng Bonnie- Khuôn mặt nàng xinh tựa bánh mì- Rón rén nàng vào rung chuyển đất....”

Nhưng hôm nay về thăm lại, thì Ba đã mê thiếp đi. Ông nằm co quắp. Cô đơn đến tội nghiệp!

Từ cửa sổ lầu cao bệnh viện nhìn xuống thế giới bên ngoài: ánh nắng ban mai tràn sức sống như “gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu”. Rồi hướng mắt về góc phòng được che kín bằng tấm màn dày nơi Ba đang nằm: một thân già co quắp như cành khô, trong bóng tối chạng vạng giữa ban ngày. Ngậm ngùi tôi nhận ra Ba đang đi dần về phía hoàng hôn của chiếc cầu biên giới Sống-Chết. Cảm giác sắp mất Ba vĩnh viễn rát buốt tim tôi! Nếu biết trước như vậy tôi đã không quá khó khăn, ích kỷ. Tại sao tôi lạnh lùng cản trở không cho chiếc lá vàng ấy hưởng chút tươi mát của giọt sương, giọt mưa, giọt nắng...?

Mẹ tôi ra đi đột ngột vì bệnh tim khi chưa đầy sáu mươi hai tuổi. Ba tôi lúc ấy vừa mới về từ trại cải tạo, sau năm năm Mẹ bươn chải thăm nuôi. Gia tài Mẹ để lại cho Ba là cái chòi che mưa nắng, được dựng lại bằng mấy miếng tole cũ, trong khu vườn nhỏ xíu tại xóm đạo QB. Căn nhà vườn ấy, bầy con gái đã mua bằng tất cả vốn liếng còn lại cho Mẹ, trước khi vượt biên.

Chắc hẳn trong giai đoạn ấy Ba hoang mang và cô đơn tận cùng. Ba viết thư cho riêng tôi rất thường xuyên. Viết như muốn tâm sự với người bạn hơn là cho con gái mình. Ba kể lể về những đêm mưa với ngọn đèn dầu thê thiết; về âm thanh của những cây chuối rung theo cơn gió mạnh ngoài vườn; về những đêm chờ sáng nước mắt cứ chực trào. Ba bảo bài thơ “BUỒN ĐÊM MƯA” của Huy Cận mà ba hay ngâm cho con nghe ngày ấy, bây giờ một mình mới thấm thía “NỖI HÀN BAO LA”.

Tôi cảm giác được nỗi cô quạnh của Ba, nhưng vẫn không khuyến khích ông bán căn nhà kỷ niệm để về lại thành phố sống với gia đình các cô chú.

Chưa đầy năm sau, thư Ba không còn buồn ảm đạm nữa. Vài tấm hình gởi qua có bóng dáng của người phụ nữ. Bài thơ “Thu Hoài” ba mới viết phảng phất hình bóng của cô nàng ấy:

“Hôm qua ra đứng dưới hàng cây.
Thấy lá vàng rơi, ngập sân đầy.
Thu đến bao giờ sao vắng lặng.
Mơ màng em ngắm tận bóng mây...

Trăng trong, cảnh đẹp màu ngọc bích
Một phút HOÀI, đi đến bao giờ!”

Mừng cho Ba có thêm bạn để bớt cô đơn. Nhưng lòng tôi không khỏi chùng xuống khi nghĩ đến Mẹ... Mẹ tôi đứt ruột tiễn con cái ra đi, một mình ở lại chờ ba. Mấy năm dài Mẹ làm thân cò lội suối, trèo đèo gánh nhu yếu phẩm tiếp tế cho Ba. Không có Mẹ cực khổ, Ba đã chết trong trại học tập sâu trong rừng vì đói và sốt rét. Nhưng 5 năm “gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non” ấy được đền bù bằng vài bài thơ “Khóc Vợ”, liệu có công bằng không? Thế rồi đêm ấy tôi vừa khóc, vừa viết tùy bút về người Mẹ rất đáng thương của mình. Bình thường tôi và Ba vẫn trao đổi những bài văn, thơ cho nhau để góp ý kiến. Nhưng lần này tôi vẫn có chủ tâm khi nhờ Ba đặt lên bàn thờ dùm.

Ba tôi rất thương con, Ông không bao giờ muốn các con vì mình mà buồn. Vì thế, dù có khóc một mình, đau một mình... ông cũng cố dấu nỗi cô quạnh vào một góc kín.

Lợi dụng điểm yếu lòng của ba, tôi viện cớ xin thời gian chờ nguôi ngoa nỗi buồn mất Mẹ, mà ép Ba phải sống một mình nơi vườn xưa. Chỉ có sống ở đó, Ba mới mãi hoài niệm về người Mẹ một đời tận tuỵ của chúng tôi!

Đơn bảo lãnh của chị Lan cho Ba cùng lúc được xét với phong trào HO. Ba được đoàn tụ với con cái sau hơn hai năm một mình nơi nhà trống, vườn hoang kia. Đến Mỹ, chị Lan muốn ba ở lại California vì chồng chị vừa mất.

Con chị cũng cần ông ngoại sau giờ đi học về. Kể từ đó, tự do của Ba hoàn toàn bị định đoạt trong tay chị Lan. Ngày ngày Ba cũng chỉ biết làm bạn với cây sáo tre, đàn Mandolin mang từ Việt Nam qua, thêm chiếc Guitar cũ do chú Út tặng.

Độc thoại hoài cũng chán, Ba gọi điện thoại cho tôi bàn luận về bài thơ mới làm. Lúc ấy tôi bận bịu quá, khất với Ba là sẽ gọi lại, nhưng sau đó quên luôn. Hình như các chị em tôi, người nào cũng thế. Ai cũng lo chạy theo công việc, giờ giấc của mình, quên mất rằng có một người thân đang lủi thủi sống bên đời.

Sau những lần họp bạn hay hẹn hò không được sự hưởng ứng của con cái, Ba thu mình trong phòng nhiều hơn. Dù ông vẫn cố vui cười mỗi lần gia đình họp mặt, nhưng tôi không khỏi chạnh lòng nhìn ánh mắt thiếu sức sống của ông. Ngày ấy, tôi nào hiểu rằng Ba rất lạc lõng trong thế giới của chúng tôi. Gia đình là chỗ dựa tinh thần. Nhưng lấp đầy khoảng trống trong tim Ba phải cần cái nhìn âu yếm; nụ cười đằm thắm; lời an ủi vỗ về; những bỡn cợt rất trẻ con... của thứ tình yêu Adam-Eva, chứ không phải là tình thân.

Đôi khi trong đêm, từ phòng Ba vọng ra tiếng hát và tiếng đàn rất khẽ:

“... Tôi không bao giờ quên yêu nàng.
Tình tang tôi nghe như tình lang...

Trăng nay không nàng như trăng thiu
Đêm nay không nàng như đêm hiu...

Ô hay! buồn vương cây ngô đồng.
Vàng rơi! Vàng rơi:
Thu mênh mông” (**)

Nước mắt tôi ứa ra vì thương cảm!

Thay Mẹ giành giật lại tình cảm của Ba; đòi buộc Ba phải trung trinh mãi với một người đã khuất để rồi sau đó tôi bức rức, hối hận hoài. Có lẽ cả đời tôi không bao giờ quên được cái bóng cô đơn ngồi ôm đàn, hát như muốn khóc của ông: “Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông”.

Ba tôi đã ra đi vĩnh viễn trong mùa Phục sinh năm ấy.

Sau tang lễ Ba, chú Út ghé nhà chị Lan để thăm phòng “anh Bốn” lần cuối. Ông chú thứ chín, trẻ trung, lúc nào cũng yêu đời và ưa cà rỡn, hôm nay tư lự đi đi, lại lại trong phòng, cầm cây guitar lên, mặt chú buồn xo. Giọng trách móc mà nghe như có tiếng sụt sùi: “Tụi bây ép Ba bây quá đáng...”

Ngày ấy Mẹ mất, Ba cũng mới sáu mươi hai. Hai mươi năm sau, trong căn phòng của người đàn ông nghệ sĩ ấy, cũng đơn chiếc cái giường với cái gối đơn lẻ. Rải rác quanh giường vài ba tập thơ tình (của người và của mình). Ở góc bên kia là hai cây đàn, ống sáo tre...

...Và câu hát tương tư chắc còn đọng đâu đó từng vách tường nhà của chị Lan: “Tình tang ta nghe như tình lang”?


(*) Diễm Xưa - Trịnh Công Sơn
(**) Tỳ Bà: Thơ Bích Khê... Nhạc Phạm Duy

chieclavotinh
07-10-2022, 02:05 AM
Cõi tịnh không
Bùi Bích Hà

Trong đám tang cụ ông, thọ 97 tuổi, cô cháu nội vừa lau nước mắt vừa vuốt lên mặt chiếc điện thoại thông minh, khoe tấm hình cô mới chụp ông bà nội của cô cách đây vài tuần.

Mấy hôm ấy thời tiết Cali lạnh quá, cô đưa cụ bà đến nhà an dưỡng thăm cụ ông vừa được bệnh viện gởi vào. Cụ bà đội khăn len mỏ quạ, mặc áo bông, chống gậy. Hai cụ ngồi trên hai cái ghế bành, như một đôi bạn già cũ kỹ. Mà hai cụ là bạn của nhau thật, một tình bạn bền vững tới 74 năm. Trải bao mưa nắng. Chia nhau bao cay đắng, ngọt bùi. Thương yêu có, giận hờn có, vinh quang, tủi cực đủ điều. Mặc cho dâu bể tang thương, mặc cho núi mòn, sông cạn, quê hương chia cắt mấy lần, hai cụ không bao giờ rời nhau nửa bước. Đàn con 8 đứa khôn lớn, nên người, như những cánh chim bằng bay ra trời cao, đất rộng. Hai cụ như hai thân đại thụ, tựa vào nhau sống an vui trong căn nhà nhỏ, khu vườn nhỏ quanh năm hoa hồng nở ba phía hàng rào. Cuối thu sang đông năm ngoái, cụ ông không được khỏe, phải vào nhà thương rồi vào nhà an dưỡng. Cụ bà mỗi ngày nhờ con cháu đưa đi thăm cụ ông, trò chuyện vui vẻ như khi hai cụ cùng ở nhà. Thấy cụ bà đến, cụ ông chừng như yên tâm hơn. Cụ bà thấy cụ ông ngồi tề chỉnh trước mặt, nghĩ không lâu cụ ông sẽ lại về bên cụ thôi.

Hôm đó, cô cháu nội chợt nghe cụ ông hỏi cụ bà: “Thế bao giờ thì tôi về nhà?” Cụ bà cười móm mém, trêu cụ ông: “Ông muốn về nhà nào chứ?” Cụ ông ngẫm nghĩ một giây rồi cười mỉm, trả lời: “Về nhà chỗ cột đồng hồ.” (Đây là ngôi nhà cụ ông đã sống thời trai trẻ với cha mẹ và các anh chị em ở Hà Nội trước cuộc di cư năm 1954). Cụ bà cũng mủm mỉm cười, đáp lại: “Nhà ấy bị Việt Cộng lấy rồi, không về được nữa, ông quên à?” Cụ ông lại ngẫm nghĩ rồi bùi ngùi nói tiếp: “Thế thì về nhà ở ngõ Phát Diệm vậy?” (Là ngôi nhà hai cụ ở cùng với các con còn nhỏ lúc mới di cư vào Nam). Biết cụ ông lẫn lộn xa gần chuyện cũ rồi, cụ bà cố làm vui cho cả hai người nên giữ nguyên nụ cười, nói chậm rãi: “Nhà Phát Diệm chúng nó cũng lấy rồi, không về được!” Cụ ông lại ngẫm nghĩ thêm một lúc rồi thong thả, ậm ừ trả lời cụ bà: “Thế thì tôi theo bà. Bà ở đâu, tôi ở đấy!”

Trong đám tang cụ ông, trước bàn thờ nghi ngút khói hương, cụ bà thấm nước mắt trách yêu người bạn đời đã về thiên cổ: “Ông bảo tôi ở đâu, ông ở đấy, thế sao ông lại bỏ tôi mà đi? Bây giờ ông đi đâu hả ông?”

Cái tổ chim rơm rạ ấm áp nay chỉ còn con mái vào ra ngơ ngác, thật buồn, thật đau lòng. Cụ bà kể lể: “Đôi chân yếu ở tuổi gần 90, có khi ra thăm vườn, vấp hòn đất cũng té bổ chửng.” Cụ ông không làm gì được trong lúc chờ có người tới giúp nâng cụ bà dậy thì cụ mở cái ô, đứng ngay bên cạnh, che nắng cho cụ bà nhưng qua cơn ấy rồi, cụ bà lại vui vẻ chập chững vào bếp luộc bó rau, rán miếng đậu hũ, kho con cá cho bữa ăn hàng ngày của hai cụ. Mỗi buổi sáng trên chiếc bàn trong căn bếp nhỏ, bao giờ cũng có 2 tách cà phê sữa thơm lừng, cụ ông một, cụ bà một, ai dậy sớm thì làm cho người kia. Hai cụ vừa nhâm nhi cà phê vừa đọc báo, xem truyền hình hay nghe radio, bàn chuyện thời sự, chuyện cộng đồng, chuyện nước non. Các cụ thuộc hết danh tính và phong cách của các xướng ngôn viên truyền hình/truyền thanh của cộng đồng, tên các chương trình họ thực hiện và cả giờ giấc phát sóng. Cuộc sống của hai cụ êm đềm như một bài thơ lục bát tưởng chừng không có đoạn kết. Cụ bà bản tính cương nghị, quyền biến và rất lạc quan, phần nào lây sang cụ ông. Có ai hỏi thăm, cụ bà vui vẻ phân trần: “Tuổi già cao máu thì uống thuốc, ăn nhạt; cao đường, cao mỡ cũng uống thuốc, bớt ăn chè, bớt ăn bánh ngọt, có sao đâu? Cứ là trăm tuổi.” Khi cụ ông kêu mệt, cụ bà vừa pha ly nưóc chanh đưa vào tay cụ ông vừa dỗ dành: “Ông ơi, cố lên!” Con cái đứa ở xa, thỉnh thoảng điện thoại; đứa ở gần vài hôm tạt về thăm, tùy hỷ. Hai cụ không bao giờ phàn nàn hay trách móc.

Kể từ hôm cụ ông cảm thấy trong người yếu hẳn đi, cụ nói với cụ bà: “Tôi sợ không ở thêm với bà được nữa đâu, tôi có mệnh hệ nào, bà ở lại giữ gìn sức khỏe nhé! Đừng kinh kệ cúng lễ cho tôi nhiều quá, phiền nhiễu cho bà và các con cháu.” Cụ bà xua tay như đuổi tà: “Ôi dào, nay ông yếu thì mai ông mạnh, đừng có mà nói lôi thôi nó thành gở đấy! Ông đi thì tôi theo chứ ở với ai nữa?”

Thế nhưng số Trời đã định, nào ai thoát khỏi tử sinh? Cụ ông ra đi thật nhẹ nhàng, chỉ như cái quả chín khẽ bứt cuống, lìa cành, chao mình nằm yên trên mặt đất, trong vòng tay mẹ hiền Quan Âm mở ra đón đứa con khôn trở về với cõi tịnh không. Chuyện đã xảy ra thật rồi, cụ bà đã nhìn thấy cụ ông nằm ngủ ngoan hiền, thôi không thở nữa trong áo quan, hai tay xếp lại ngay ngắn trên bụng có tờ điệp quy y; cụ bà đã một tay quán xuyến sắp đặt việc chung sự cho cụ ông, kinh kệ chuông mõ theo đúng nghi thức từ nhà tới chùa, từ chùa ra nghĩa trang, đã lịch thiệp tiếp khách/tạ khách tới thăm viếng; đã thấy sô gai trắng toát trên đầu và xung quanh mình nhưng sao trong mắt cụ cảnh vật cứ loàng nhoàng như những buổi sớm mai ngày nào với con phố nhỏ rịn nước, phủ đầy sương muối ở Hà Đông, những lối vào nhà tuyết ngập lạnh lẽo ở Nữu Ước lèng xèng tiếng xẻng khua thời mới đến Mỹ…

Cụ ông đi rồi, ngôi nhà 4 phòng ngủ trở nên vắng vẻ khác thường. Hàng hiên trước cửa vẫn còn cái bàn sắt, cái ghế sắt và cái gạt tàn thuốc sạch sẽ. Tháng chạp, cây quất sai quả không có người hái vàng rực một góc vườn, từ ngọn xuống mặt đất. Những gốc hồng hoa mới chen lẫn những đài hoa cũ đã rụng hết cánh, thâm đen, không che hết được nét võ vàng, tiều tụy của khu vườn thiếu bàn tay ngưởi chăm sóc.

Không gian xê dịch của cụ bà thu hẹp chừng năm bảy bước giữa phòng ngủ và nhà bếp, tạt qua một góc phòng khách bày bộ bàn ghế khảm xà cừ, đệm gấm đỏ dệt chữ thọ vàng đã lâu không ấm hơi người. Phần lớn thời giờ cụ bà ngồi yên trong phòng bếp, đối diện với ảnh cụ ông trên bàn thờ lúc nào cũng đầy ngập hoa quả tươi, tách cà phê pha lúc sáng sớm mỗi đầu ngày, cái máy truyền hình ở góc bên cạnh mở sẵn, âm lượng vừa đủ nghe dường như để căn nhà bớt im ắng hơn là để cụ bà giải trí. Thỉnh thoảng, tiếng cái cửa nhà xe gầm gừ rít lên, khiến cụ nhìn về phía lối vào từ gara, bâng khuâng không biết cô cậu nào trong số hơn chục người vừa con, vừa dâu, rể sẽ khệ nệ bước ra, tay xách nách mang những thứ cụ thật sự không cần đến nhiều như thế nữa mà họ cứ mua và chất đầy các tủ trong bếp. Trước đây, cụ mặc kệ, chờ hai cô Mễ đến dọn dẹp nhà cửa thì cho họ vì cụ biết họ đông con và cần thực phẩm. Sau này, chỉ còn một mình cụ, con cháu thay nhau làm công việc vệ sinh chút đỉnh vài nơi cụ đặt chân hàng ngày nên cụ không biết làm gì với các đồ ăn thừa thãi ấy, cũng không ngăn được họ mua nên càng buồn phiền nhìn chúng bị lôi ra bỏ vào thùng rác.

Cụ muốn nói với họ rằng có một nơi thật trống trải trong lòng cụ không gì có thể lấp đầy kể cả những gì họ mang tới và để lại rồi ra về. Cụ nghĩ thầm: “Phải chi lòng cụ giống như cái tủ lạnh để con cái có thể bỏ vào đấy bất cứ thứ gì họ thu góp được bằng cách vội vã ghé qua chợ này, tiệm kia, hy vọng thay thế họ trong ngôi nhà vắng vẻ mà có lẽ họ thầm mong biết đâu cũng có lúc cụ cần?” Cụ thường chép miệng một mình: “Thật tội nghiệp quá! Làm sao các con có thể hiểu được tâm sự của mẹ khi cái khoảnh đất nhỏ nhoi này là biên giới trôi giạt cuối cùng mẹ đành chấp nhận trên địa cầu nhiều tai ương của loài người?”

Biết cụ kiên quyết gắn bó với nơi chốn sống gởi cho tới lúc thác về này và chỉ có sự chết mới đem cụ ra khỏi đây nên không một người con nào dám ngỏ lời đưa cụ vào nhà già. Cái hôm người con cả rụt rè trao vào tay cụ cái dụng cụ báo động cho phép cụ kịp thời gọi cứu cấp lúc cần, cụ mỉm cười hài lòng, âu yếm đảo mắt một vòng nhìn cái khung cảnh quen thuộc với cụ hơn bốn mươi năm qua, những buồn/vui đã trải, những dự tính hay ao ước hình thành bằng tất cả ý chí và nghị lực của cụ, người duy nhất trong cái gia đình đông đảo này thổi sinh khí vào cuộc sống của mọi người trong mọi tình huống.

Có thể cụ sẽ sử dụng đến cái dụng cụ báo nguy tiện lợi ấy (vì bản năng sinh tồn hay vì cụ chưa nỡ rời) nhưng cũng có thể không (vì có hôm cụ không muốn đeo nó vào cổ) bởi đã suốt một đời phấn đấu cam go không để số phận đẩy đưa, giờ đây đứng trước điểm hẹn cuối cùng, cụ tự biết mình đã cố tới trễ hơn nhiều người khác, kể cả cụ ông mà cụ đang muốn gặp lại, nên cụ buông tay, hưởng đôi ba giây phút nhẹ tênh, thấy thân thể già nua của mình êm ái trôi theo con nước cuốn đi, may ra về lại được quê nhà.

chieclavotinh
08-14-2022, 03:02 AM
Tiếng chuông
Thơ Cung vĩnh Viễn
Oslo – Norvège

Lâu rồi không nghe được
tiếng chuông chùa xa xưa
lâu rồi không có dịp
nhìn lại mình bơ vơ.

Hôm nay ngày giỗ mẹ
thắp hương trên bàn thờ
vợ chồng già đứng lặng
không một người thân sơ.

Qùy khấu đầu lạy Phật
nghe vẳng tiếng chuông xưa
cắm thẻ hương lễ Mẹ
thấy lòng tràn xót xa.

Một đàn con lưu lạc
giỗ Mẹ thật đơn sơ
trong tiếng chuông hồi hướng
nghẹn ngào lời nam mô.

Tiếng chuông xa vắng quá
dội trong lòng ủ ê
chưa tìm ra bờ giác
vẫn la đà bến mê.

Hôm nay ngày giỗ Mẹ
thấm thía niềm bơ vơ
trong gian nhà quạnh quẽ
nuốt thầm giọt lệ khô.

chieclavotinh
10-02-2022, 03:14 AM
Con gái yêu quý của mẹ
Bích Ngọc

Mẹ lạy ông bà ngoại để theo chồng về xứ lạ. Mẹ đến Đức vào mùa Đông tuyết rơi phủ ngập dấu chân. Cả thành phố oằn mình trong cơn bão tuyết. Đặt chân đến một đất nước, văn hóa, ngôn ngữ xa lạ, một mình mẹ không bà con thân thuộc, bạn bè. Tình yêu của ba chưa đủ lớn để mẹ nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương, cội nguồn. Tháng ngày dài chậm chạp trôi qua.

Rồi mẹ có đứa con đầu lòng. Ba mong có con gái lắm!

Không thể nào diễn tả hết cảm giác hạnh phúc tràn ngập trong tim mỗi khi mẹ cảm nhận từng cái quẫy đạp, chồi trườn của thai nhi trong bụng. Mẹ đếm từng ngày, tháng mong ngóng đến ngày sinh con.

Ba mẹ đã vui sướng biết dường nào ngày đón con chào đời cất tiếng khóc oa oa. Mười ngón tay nhỏ bé ôm chặt bầu sữa mẹ, dòng sữa cho con ngọt ngào đầu đời. Nhìn con ngủ ngoan bên nôi, miệng be bé xinh xinh, chúm chím. Mẹ ngắm con mãi, con thoáng mỉm cười trong giấc ngủ, mẹ cảm thấy như cả một mùa Xuân đua hoa sắc thắm.

Mẹ thôi nhớ nhà, mẹ không còn cô đơn, không còn phân biệt giữa Việt Nam-Đức. Mẹ chẳng còn nỗi niềm riêng bâng khuâng khi nhìn thấy tuyết rơi hay thoáng vương vấn ngắm cơn mưa phùn lướt qua khu phố nhỏ. Bởi vì tâm trí và trái tim của mẹ tràn ngập thương yêu cho đứa con đầu lòng – Jenny con gái của mẹ.

Con chập chững biết đi, con chạy nhảy tung tăng, nghịch phá, cười khanh khách. Con đem niềm vui và làm cuộc sống của mẹ hoàn thiện hơn. Mẹ hiểu được ra rằng trong đời có một tình yêu to lớn và sâu sắc nhất đó là tình yêu của mẹ dành cho con. Không gì có thể so sánh và đánh đổi được.

Nhìn con lớn khôn dần theo năm tháng, miệng bi bô học nói chữ đầu tiên gọi “mẹ” và “ba.” Rồi con có thêm em trai Kevin và hai em gái Susi, Anna. Bốn chị em quây quần phá phách, chơi đùa, trò chuyện và học hành.

Như có lần mẹ viết đâu phải chỉ có cha mẹ mới yêu thương, hy sinh và lo lắng, chăm sóc cho con cái?! Mà con – đứa con gái đầu lòng của mẹ – đã quán xuyến, giúp đỡ mẹ trong mọi việc.

Những ngày ba bệnh và mất trí nhớ. Con đã vất vả, ngược xuôi ngồi nhiều chuyến xe lửa hàng trăm cây số từ trường đại học về nhà cuối tuần cùng mẹ và các em lo cho ba. Con dịu dàng, ân cần gài nút áo cho ba, mang cho ba đôi giày, nắm tay dắt ba đi dạo.

Vào tiệm kem, từng muỗng kem ngọt con nhẹ nhàng đút ba ăn. Renato và con cùng các em đã lo cho ba thật trọn vẹn, một tình thương của con cái dành cho ba vô bờ bến.

Những ngày con sắp xếp dắt mẹ và các em đi nghỉ Hè, được nắm tay con và các em đi bất cứ nơi nào, với mẹ, đó là những chuỗi ngày đẹp nhất, hạnh phúc nhất.

Mẹ hiểu ra được rằng đâu phải đi xe xịn, ở nhà sang, tiền bạc đầy trong nhà băng là hạnh phúc!?

Con cái đỗ đạt cao, nhiều bằng cấp, chức vụ to lớn mà xa cách, đối xử lạnh lùng với cha mẹ; không học được cách chia sẻ với người khốn khó, nghèo khổ trong xã hội, đứa con đó chỉ thành tài, chứ chưa thành nhân.

Con cũng đã từng ngồi tranh luận với mẹ về cách giáo dục cha mẹ áp đặt, dạy dỗ và hướng con cái theo ý muốn của cha mẹ, ép đứa con đi theo con đường cha mẹ vạch ra sẵn. Đứa trẻ đó không được học ngành nghề mà nó lựa chọn, nó yêu thích. Con cho đó là sự sai lầm và ích kỷ của người lớn.

Con vẫn luôn nói với mẹ rằng: “Đừng bao giờ so sánh con cái của bạn mẹ với các con đại loại như: Sao con họ học giỏi hơn? Sao con họ tài năng hơn? Sao con họ học trường danh tiếng? Kiếm tiền nhiều…”

Con cho rằng được học hành và làm việc theo đúng ngành nghề con chọn và sống cuộc đời vui vẻ, đó mới thật sự là hạnh phúc mà mỗi con người hướng tới. Đó là cách mà cha mẹ tôn trọng, cảm thông và thương yêu con cái.

Giáo dục bằng cách đối thoại, trò chuyện cởi mở, khuyến khích và nâng đỡ các con trong mọi việc. Giúp con có lòng tự tin vào bản thân; trách nhiệm với cuộc sống và quyết định con mình chọn; can đảm bước vào đời, đối diện thử thách mà không chùn bước.

Jenny, con gái yêu của mẹ.

Tình yêu mẹ dành cho con vẫn đặc biệt hơn các em một chút bởi vì con là con đầu lòng của mẹ. Con gái của mẹ biết sắp xếp, cân bằng giữa việc học nghiên cứu và công việc làm thêm tự lo chi phí cuộc sống. Con luôn có cái nhìn lạc quan về mọi việc và chia sẻ với mọi người một cách vui vẻ. Từ bao năm nay con vẫn đều đặn gởi tiền giúp trẻ em nghèo Châu Phi. Dẫu với số tiền đó con có thể mua áo đẹp hay đôi giày mới. Nhưng đối với con đó là chuyện cần phải làm khi nghĩ về cái nghèo đói của những trẻ em nhỏ trót sanh ra ở đất nước chậm tiến, kém phát triển.

Hôm nay con gái Jenny của mẹ có sinh nhật. Mẹ chúc con nhiều niềm vui, một tình yêu thật đẹp với Renato và bốn chị em luôn thương yêu nhau, sum vầy cười đùa vui vẻ.

Mẹ không có của cải, tiền bạc để cho các con. Chỉ có tình yêu của một người mẹ luôn tràn ngập trong tim dành cho con gái của mẹ mỗi ngày một nhiều hơn, sâu đậm hơn. Được làm mẹ của con và các em là hạnh phúc quý giá nhất trong đời mẹ, con gái yêu ạ! [qd]

chieclavotinh
12-04-2022, 01:37 AM
Chữ Hiếu
Nguyễn Thị Hồng Diệp

Một cụ bạn già của tôi, thuộc cái nhóm Ăn Nhiều Hơn Tu, kể chuyện rằng, cụ cũng không còn nhớ hôm đó là hôm nào, mà cái đài phát thanh cụ mở thường xuyên ấy là đài nào, và cái chương trình cụ nghe được một đoạn cuối nói về cái chuyện gì, cụ chỉ nhớ loáng thoáng rằng có một ông kết luận, những người con bỏ cha mẹ vào nhà dưỡng lão đều là những người con bất hiếu! Hình như ông ta đi thăm nhà dưỡng lão và chụp được một tấm hình, trong đó có những người con bất hiếu, ngày Tết, đến nhà dưỡng lão thăm cha mẹ. Ông giơ tấm hình lên và nói đây là hình ảnh những người con bất hiếu. Cho tôi - tôi đây là cụ bạn chứ không phải là tôi - xin phép phụ đề một câu chả có tí nữa tôi quên mất. Theo ý tôi thì ngày Tết những người con này còn nghĩ đến đi thăm bố mẹ trong nhà dưỡng lão thì cũng đâu có đến nỗi bất hiếu? Nếu bất hiếu thật thì chúng phải dùng thì giờ ấy để đi chơi riêng chứ!

Để tránh tất cả mọi ngộ nhận, hiểu lầm, xuyên tạc, câu chuyện tôi - tôi này mới là tôi - kể lại đây hoàn toàn là một câu chuyện kể đi kể lại qua những người già lẩm cẩm, nói một quên hai. Cụ bạn tôi nghe được chuyện này, trong lúc cụ vừa mới ở nhà thương ra sau một cú tai biến mạch máu não nhẹ, cụ phải vào nhà dưỡng lão để có người coi sóc vì cụ cần phải có y tá chuyên nghiệp chăm sóc, cho uống thuốc thường xuyên. Cụ nghe lời buộc tội của cái ông trong đài, lấy làm công phẫn và cảm thấy bị xúc phạm rất nhiều. Cụ đã từng ở nhà dưỡng lão, mặc dù cụ có rất đông con cháu, và con cháu cụ chăm sóc cụ rất kỹ, nhưng ai cũng có công ăn việc làm, và việc cụ vào nhà dưỡng lão là một chuyện hết sức hợp lý, hợp tình. Cụ đặt cho tôi câu hỏi và khuyến khích tôi nên đưa đề tài này lên báo để thỉnh ý chư quân hải ngoại, xem cái vụ cho cha mẹ vào nhà dưỡng lão là nên hay không nên? Và có thể nào buộc tội tất cả những người con gửi cha mẹ vào nhà dưỡng lão là những người con bất hiếu không?

Theo đúng như yêu cầu của cụ bạn, tôi xin nêu ra câu hỏi và trong khi chờ quí cụ góp ý, tôi xin góp ý của tôi trước.

Trước hết, không phải là ai muốn vào nhà dưỡng lão cũng được đâu cụ ạ. Nhà dưỡng lão dành cho những cụ, chẳng những có medicare mà còn phải có medicaid nữa, thì mới đủ tiêu chuẩn. Còn như tôi đây, ông chả ra ông, thằng chẳng ra thằng, có đi làm, có lương hưu, có medicare, nhưng không đủ tiêu chuẩn để có medicaid thì không hy vọng gì được hưởng dịch vụ này. Cho nên mới nói, ở bên Mỹ này, một là thật giầu, hai là thật nghèo, còn mấy anh dở dở ương ương, chẳng giầu mà cũng không được xếp vào loại nghèo là chỉ có mạt. Nếu muốn được vào nhà dưỡng lão, có chỗ ăn nằm tử tế, không khai, không thối, có y tá thường trực 24 tiếng một ngày, thì phải có cả hai thứ “keo” lẫn “kiết” thì mới được. Nếu không thì một tháng phải chung thêm tiền, xem xém hơn 2 xín nữa. Chứ không dễ dàng gì đâu. Đối với những người trong tập đoàn này thì dù con cái có bất hiếu cũng chả thể nào hy sinh một tháng vài ngàn để bỏ bố mẹ vào nhà dưỡng lão được. Cụ khỏi lo đi.

Còn loại nhà dưỡng lão dành cho những người cùng đinh, thì thật quả, nếu con cái nhẫn tâm bỏ bố mẹ vào đó thì - thật quả - là hơi bất hiếu một tí, vì loại nhà này dành cho dân mạt rệp cho nên bẩn thỉu, hôi hám chật chội và những nhân viên chẳng phải là những người chuyên nghiệp, có lương tâm, mà lại làm nhiều, lương ít, cho nên họ bỏ bê, đôi khi hành hạ, người bệnh kinh hoàng lắm cụ ạ. Bây giờ cứ cho là cụ thuộc thành phần ưu tú, có cả keo lẫn kiết đi nhé. Có nên buộc tội con cái là bất hiếu, khi gửi cha mẹ vào nhà dưỡng lão không?

Tôi thấy, hình như gia đình Việt Nam, cho dù đã Mỹ hóa rất nhiều, nhưng con cái của những thế hệ di cư đầu tiên, vẫn còn biết đến chữ hiếu, vẫn còn giữ được một khái niệm con con về chữ hiếu. Thông thường, không người con nào bỏ cha mẹ vào nhà dưỡng lão trái với ý của bố mẹ. Có nghĩa là, nếu bố mẹ không ở vào tình trạng cần người coi sóc 24/24/7 thì họ không nghĩ đến cho bố mẹ đi hotel nghỉ mát đâu. Hai nữa, cho dù bố mẹ cần chăm sóc thường xuyên, nhưng nếu bố mẹ không đồng ý thì họ cũng không bắt buộc phải đi. Vì thế, thông thường, đi nhà dưỡng lão là quyết định của cha mẹ, chứ không phải là của con cái. Trong trường hợp này, không thể buộc tội họ là những người bất hiếu được.

Vả lại, chẳng bắt buộc phải cho bố mẹ vào nhà dưỡng lão mới đương nhiên trở thành con bất hiếu. Để bố mẹ ở nhà vẫn có thể bất hiếu được. Chẳng hạn như không chăm nom, không săn sóc, không theo dõi thuốc men, không đưa đi bác sĩ. vân vân và vân vân, cũng là con bất hiếu. Chả biết cụ có còn nhớ cái chuyện thiên hạ sự này không? Một ông chủ nhà băng, sống ở Manhattan ở New York, giữ của mẹ 5 triệu đồng, thế mà để cho mẹ ở một mình trong một apartment, không người coi sóc, bà cụ đói khát, bẩn thỉu, không người chăm sóc, tắm giặt, khai thối, lở lói, đến nỗi hàng xóm phải đi báo cảnh sát. Ông con mất quyền giám hộ mẹ, và một bà bạn già khác phải đứng lên xin nhận bà cụ về chăm sóc. Đấy, để mẹ ở nhà kiểu này, thì thà bỏ mẹ vào nhà dưỡng lão lại còn đỡ bất hiếu hơn.

Nếu để mẹ vào nhà dưỡng lão nhưng con cái thay phiên nhau vào thăm nom, chăm sóc thường xuyên, hàng ngày, thì cũng không thể nào xếp những người con này vào loại bất hiếu được. Khi gia đình cân nhắc, thấy vào nhà dưỡng lão đầy đủ tiện nghi, có lợi cho người bệnh hơn là ở nhà, thì quyết định này là một quyết định sáng suốt, theo nhu cầu, chứ không phải là một điều ích kỷ của những người bất hiếu.

Cụ ơi, sống theo thuở, ở theo thời, đời sống bên Mỹ này đa đoan vô vàn, cho người trẻ cũng như cho người già. Cha mẹ cần thích nghi với hoàn cảnh để đỡ khó khăn cho con cái. Chả nên vì sở thích riêng của mình mà gây khổ cho con. Con cái có đời sống riêng của chúng, với biết bao nhiêu trách nhiệm và bổn phận, khi mình không còn chăm sóc nổi bản thân, mình nên giúp con bằng cách vui vẻ vào nhà dưỡng lão, để bớt cho con một gánh nặng. Nếu biết chọn lựa nhà dưỡng lão, thì cũng đầy đủ tiện nghi, mà lại có người chăm sóc, thuốc men. Nhưng nếu ông là những người con thuộc truyện cổ tích Nhị Thập Tứ Hiếu, ông giữ cha mẹ ở nhà, ông bỏ việc làm, bỏ hết bổn phận với vợ, với con, để đêm ngày tự tay hầu hạ, chăm sóc, thần hôn định tỉnh, thì nhất ông rồi.

Ông có quyền chê cả nước bất hiếu!

chieclavotinh
02-12-2023, 01:23 AM
Lời ru của mẹ
NGUYỄN THỊ THÊM

Ai cũng có một bà mẹ để thương yêu. Mà nói cho đúng là ai cũng phải có một bà mẹ để được ra đời, để được mẹ nâng niu và nuôi nấng.

Mẹ là một tiếng gọi thân thương và trân trọng mà bất cứ một dân tộc nào cũng đề cao, tôn quý.

"Không lẽ mày từ đất nẻ chui lên?" Đó là câu người ta hay nói với những người vong ơn hay bất hiếu.

Mẹ và con là bức ảnh đẹp nhất mà Thượng Đế dành cho muôn loài. Là một ân huệ mà đấng thiêng liêng bù đắp cho mọi sự gian lao vất vả của phái nữ. Sứ mạng thiêng liêng duy trì nòi giống, đem lại ý nghĩa cho cuộc sống nhân loại chính là tình Mẹ.

Ta hãy nhìn một con vượn xấu xí, nhưng khi nó ôm con vào lòng, vòng tay dài thô kệch bao bọc lấy con. Nó thương yêu cúi xuống hôn con hay cho con bú. Cái nhìn của chúng ta đối với chúng khác hẳn. Đó là một bức tranh thật đẹp, một hình ảnh về tình mẫu tử tuyệt vời.Tình yêu xóa mờ mọi cái xấu. Nó thoát ra từ những gì thiêng liêng nhất mà Thượng Đế dành cho muôn loài để ca ngợi cuộc sống.

Con vịt xấu xí lẹt đẹt qua đường trông thật buồn cười. Nhưng nếu sau lưng đó đi theo là một bầy vịt con thì hình ảnh đó lại khác. Thật đẹp, thật dễ thương. Ta dừng lại để quan sát, để chiêm ngưỡng hay để một phút nghĩ về mẹ mình và tình mẫu tử thiêng liêng.

Hãy nhìn con gà mẹ. Mỗi ngày đẻ từng cái trứng. Đau lắm, la vang trời "cục tác, cục tác..." và một cái trứng rơi ra. Mười mấy ngày đớn đau đẻ trứng, rồi quên cả đi kiếm ăn chỉ lo ấp cho trứng nở. Thân hình xơ xác, gầy rạc đi trông thấy. Cho đến nỗi chủ nhân cũng chê bai: "Con gà này đang ấp đó. ốm nhom, chỉ xương, đừng làm thịt". Thế là bao nhiêu ngày mẹ chuyền hơi ấm, những chú gà con xinh xinh mổ vỏ chui ra ngoài. Mẹ gà dẫn con xuống ổ và đem con đi kiếm mồi, lo cho con từng chút. Trời mưa mẹ gà dang đôi cánh che cho con khỏi ướt. Trời quá nắng kiếm một bóng râm rồi xòe cánh cho con trốn vào đó ấm êm. Có ai dành ăn với con, mẹ gà trở thành hung hăng đánh bạt hết. Một giang sơn riêng cho con ăn an toàn. Một chú diều hâu lao xuống, mẹ gà la lên cho con chạy trốn và nhảy lên chống lại. Mẹ gà chỉ biết có con, lo cho con quên cả thân mình.

Con chó nhà tôi có mang, nó ì ạch mệt mỏi mấy ngày rồi. Tự dưng một ngày tôi không thấy nó. Thoáng một chút thấy nó về kiếm ăn rồi mất dạng. Bỗng một ngày nó vào nhà nằm bên cạnh tôi và kêu ử ử. Tôi đứng lên đi, nó cắn ống quần tôi lôi lại. Đôi mắt nó nhìn tôi thật lạ. Như van xin, như mời mọc, nửa như lo sợ, nửa như vui mừng. Nó thả ống quần tôi ra và đi trước vài bước, xong dừng lại chờ đợi. Tôi đoán nó muốn tôi đi đâu đó. Không sai nó dẫn đường, cứ chạy một đoạn lại dừng lại chờ tôi đi tiếp. Nó dẫn tôi ra sau vườn, dưới gốc cây dừa nó dừng lại, nó nhìn tôi rồi nhìn vào trong đó, đuôi ngoắc ngoắc khoe khoang... Tôi thấy một cái hang dưới lớp đất được đào lên và trong đó có tiếng kêu ẳng ẳng của chó con. Thì ra con chó tôi đã đào lỗ và sinh con ở đây. Tôi xoa đầu nó khen ngợi và thò tay vào lôi ra một chó con thật xinh chưa mở mắt. Tôi vào nhà lấy một cái thúng và bắt ra cả chục chú cún nhỏ thật đẹp đem vào nhà. Tôi lót khăn cho mẹ con chó nằm dưới bộ ván sau nhà. Thế là từ đó không người lạ nào dám xuống nhà dưới của tôi. Nhất là dám thò tay vào nựng nịu đám chó con. Con chó hiền lành của tôi trở thành hung dữ chưa bao giờ có. Nó sẽ cắn ngay nếu ai nó nghi ngờ muốn bắt con của nó. Và vô hình trung cả xóm đều biết “nhà có chó đẻ” để cẩn thận khi bước vào nhà tôi.

Con chim với đôi cánh nhỏ bé. Chim không có tay để nắm và làm việc. Chim chỉ có đôi cánh tung bay, đôi chân nhỏ xíu không làm gì ra trò. Thế mà từng chút, từng chút tha từng chiếc lá cọng rơm về xây tổ cho con. Tạo hóa đã tạo mọi loài, mọi vật có cách riêng để bảo toàn và duy trì nòi giống. Chị chim "tha lâu cũng đầy tổ" và một cái tổ nhỏ xíu, khéo léo nằm trên một chảng ba cây, hay treo lủng lẳng như chim ròng rọc. Thế là chim mẹ vào đó đẻ trứng và ấp trứng. Khi những chú chim phá vỡ cái vỏ mong manh bước ra ngoài là lúc mẹ chim phải đi tìm mồi cho con. Bay bao xa không biết, kiếm nơi nào chẳng hay. Chỉ biết khi chị về đàn chim con chít chít kêu vang mừng rỡ. Chị đứng ở miệng tổ và mớm mồi cho con.

Khi những chú chim con lớn dần, lông cánh đã phát triển, là lúc mẹ chim tập cho con bay. Mẹ chim dạy cho con biết phải tìm cho mình một cuộc sống riêng tư bằng chính đôi cánh của mình. Chim mẹ bay ra ngoài, ở một chỗ con có thể nhìn thấy mình. Chú chim con đứng ở vành tổ, đập đập đôi cánh nhỏ.

“Sợ quá mẹ ơi! Sợ quá. Chíp, chíp.”

“Không sao đâu con, bay ra, có mẹ nè! Hãy tung cánh lên.”

“Nhưng sợ quá mẹ ơi!, cao quá mẹ ơi! Chíp, chíp.”

“Bay ra! Con yêu! Con sẽ làm được. con đã lớn mà.”

“Mẹ ơi! Đỡ con nghen mẹ. Chíp, chíp.”

“Ngoan nào! Con của mẹ sẽ bay được, bay cao, bay, bay.”

Và thế chú chim lao ra khỏi tổ. Dưới áp lực không khí ,đôi cánh nhẹ nhàng đập mạnh, rồi mạnh hơn. Chú chim loạng quạng giây lát rồi cũng làm chủ được đôi cánh của mình vì đó là bản năng của loài chim. Chú thích thú, sung sướng được bay lượn, được làm chủ cái không gian bao la tuyệt vời này.

“Bay được, con bay được rồi mẹ ơi! Chíp, chíp.”

Và từng con, từng con đứng trước miệng tổ bay ra ngoài. Mẹ không có cách nào đỡ con hay ôm con lại được. Mẹ chỉ biết đã đến lúc con phải bay trên đôi cánh của mình. Con bay được là con vào đời, con không bay được, con rốt xuống mẹ sẽ ở bên con, quanh quẩn săn sóc cho con bình phục. Có những loài chim dữ. Chim mẹ làm tổ thật cao, bên bờ vực và mẹ đứng ở dưới vực cho con lao ra.

Ôi! Bờ núi thật cao, vực sâu thăm thẳm. Nhưng nếu con không đủ can đảm lao xuống thì con sẽ không bao giờ đủ sức chống chọi với thiên nhiên, với bao nhiêu kẻ thù vây quanh. Và như vậy, bài học đầu đời của chú chim là phải đối phó với sự sợ hãi, với thiên nhiên và tìm cách sinh tồn.

Thú vật là như vậy, sinh con, bảo vệ con bằng sinh mạng của mình. Còn con người thì sao?

Thật tuyệt vời khi đề cập đến Mẹ. Khi người phụ nữ có mang, họ đã trở thành một người khác. Một sinh vật nhỏ bé đang tượng hình trong người mình. Một mầm non đang lớn lên từng ngày, từng giờ. Một cái gì hòa đồng nhất thể với mẹ và con. Ăn một miếng cũng nghĩ là dinh dưỡng tốt cho con. Ngủ cho đủ giấc để con khỏe mạnh. Nghĩ việc tốt để con lương thiện. Làm điều tốt để con được phước báo, Nói lời dịu dàng để con luôn hòa nhã. Bước những bước cẩn thận để con an toàn. Đọc sách nhiều để con thông minh, sáng suốt. Nhất nhất mẹ đều nghĩ đến con và sống vì con.

May mắn cho bà mẹ khi mang con không bị thai hành, ăn ngon, ngủ được. Có những đứa con làm khổ mẹ ngay từ lúc mới cấn thai. Mẹ ói mửa, mẹ mệt mỏi, mẹ khó chịu. Cơ thể Mẹ như đang bị con hành hạ, dày vò và Mẹ như thân cây chuối bị gãy, mang quày chuối trên mình, gục xuống chịu đựng.

Khi con đã tượng hình đầy đủ, con đã biết đạp, biết báo tin cho mẹ biết sự hiện hữu của mình thì thật là niềm vui vô bờ của cha lẫn mẹ. Mẹ nghe rõ ràng con đang cùng thở với mình, con đang vui đùa cùng mình.

“Coi nè! Anh coi nè. Em bé máy nè. Nó ngọ ngoạy, nó nhúc chích thấy chưa?”

Mẹ hoan hỉ đặt tay cha lên bụng. Cha nghiêng đầu để nghe tiếng tim thai. Niềm hân hoan và thích thú hiện rõ lên mặt những người làm Cha, làm Mẹ

“Này! cái cùi chỏ con nè!”

Mẹ chụp được khi con tống một cú đau nhói. Cái chân con đạp mạnh làm mẹ muốn đi vệ sinh. Con bơi lội nhởn nhơ trong người mẹ, trong tình yêu thương của mẹ dành cho con.

Và khi con ra đời thì cơn đau như cắt da xẻ thịt. Ngày nay khoa học tiên tiến có thuốc để người mẹ không cảm thấy đau đớn. Nhưng ngày xưa, người mẹ vượt cạn với biết bao hiểm nguy vì cơn đau chuyển dạ chết đi sống lại. Mẹ tôi từng nói khi con chuyển dạ, con đau bụng đến khi nào con bấm vào cột nhà. Cột nhà mềm nhũn thì con sẽ sinh em bé.

Ôi chao! một sự so sánh đơn giản, khôi hài nhưng thực tế biết bao. Khi người mẹ qua sông đơn lẻ một mình, đối diện với bao nguy hiểm để đón nhận đứa con của mình thì con củng cố hết sức mình chòi đạp để được ra ngoài. Hai mẹ con cùng kết hợp nhịp nhàng để một sinh mạng mới chào đời tốt đẹp.

Con cất tiếng khóc đầu tiên là niềm vui lan tỏa ra cả căn phòng. Mẹ như trút được gánh nặng ngàn cân và dang tay đón nhận món quà thiêng liêng ơn trên ban cho mình. Mẹ ngắm con, xoa con và nhìn xem con có toàn vẹn cơ thể. Mẹ ôm đứa bé đỏ hỏn trong vòng tay như tất cả niềm vui và sự sống cuộc đời mình là ở đây.

Giọt sữa đầu tiên cho con bú là biết bao kỳ thú và lạ lẫm của người làm mẹ. Ngày nào đôi nhũ hoa chỉ để làm đẹp, để chứng tỏ sự quyến rũ của người phụ nữ. Bây giờ mới thấy cái giá trị đích thực của nó. Cám ơn tạo hóa đã cho mình nguồn năng lượng bất tận để cho con. Khi vụng về đặt đôi môi nhỏ bé của con vào đôi núm đỏ hồng của người phụ nữ mới sinh lần đầu. Con cũng khó khăn mà mẹ càng lạ lẫm. Khi bé bắt đầu bú. Một cảm giác nhột nhột lạ kỳ. Cơ thể mình dường như rút lại đưa lên tuyến sữa. Những giọt sữa đầu đời tuy ít ỏi nhưng trân quý và mầu nhiệm biết bao cho tình mẫu tử.

Hình ảnh đẹp trong văn chương VN là hình ảnh người mẹ cho con bú và tiếng ru của mẹ.

Tiếng ru không biết có từ lúc nào, nhưng lời mẹ ru con đã đi vào lịch sử. Có những người phụ nữ cả đời không hề ca hát nhưng khi có con, lời ru là bài hát tuyệt vời mà mẹ đem hết tâm hồn, và thương yêu vào đó.

Con ngủ trong nôi, trong võng hay trong vòng tay mẹ thì lời ru cũng đều êm ái đưa con vào giấc ngủ thiên thần.

Không biết các dân tộc khác thế nào, nhưng dân tộc ta lời ru con của người Mẹ là kho tàng văn chương hay nhất.

Dù là ru theo giọng Bắc, giọng Nam hay giọng miền Trung thì lời ru của Mẹ của trầm buồn, ngọt ngào và khó quên.

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ.
Năm canh chầy thức đủ vừa năm...
Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về.....

Hay

Cái ngủ mày ngủ cho say,
Mẹ mày vất vả chân tay cả ngày...

Hoặc:

Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi.
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.

Ngày nay có lẽ không ai còn hát ru con vì chỉ cần một nút bấm thì âm nhạc trỗi lên, bằng nhiều ngôn ngữ, bằng nhiều thể loại. Mẹ không còn dùng âm điệu, làn hơi của mình ngân nga cho con. Những câu hát, lời ru chỉ là chuyện kể của những bà nội, ngoại. Buồn buồn nhắc nhớ, tiếc nuối như người ngồi viết bài này.

Người mẹ trong thế kỷ 21 không thể ngồi nhà chăm con, nấu cơm, giặt đồ. Người mẹ phải bước ra xã hội kiếm tiền và đồng tiền đã thay mẹ phục vụ cho con.

Không còn lời ru, không còn ôm con cho bú mẹ, không còn: 'Bên ướt mẹ nằm, bên ráo nhường con" Mẹ cha ngủ riêng một phòng, em bé một phòng khác. Đêm con khát sữa, hoặc cha hoặc mẹ mắt nhắm mắt mở vội vàng pha cho con tí sữa. Chỉ mong con bú mau rồi ngủ để mẹ còn ngủ tiếp mai đi làm. Sáng chở con đi gửi, chiều rước con về. Mệt mỏi và bao nhiêu áp lực công việc, bà mẹ đôi lúc chỉ mong về nhà nghỉ ngơi.

Do đó dù yêu con, nhưng mẹ cũng không có nhiều thời gian dành cho con của mình.

Đa số những người mẹ hy sinh cho con dù đời sống vật chất như thế nào. Mẹ xem con là lẽ sống đời mình, đi làm về là lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ, bài vở học hành. Mẹ dành thời gian nghỉ vacation để cùng con hưởng những giờ phút sum họp, vui vẻ gia đình. Mẹ vất vả làm việc để đầu tư cho con ăn học, cho con có một tương lai vững chắc sau này.

Nhưng cũng có đôi khi, ở một số gia đình, đời sống và tiện nghi đã khiến mẹ với con thiếu một cái cầu nối. Mẹ không còn dồn hết tâm trí vào con như người mẹ thời xưa. Mẹ cho con tất cả tiện nghi và mẹ cũng đòi hỏi con cho mẹ một không gian riêng.

Con càng lớn cái không gian riêng tư của con và mẹ càng nhiều ra, rộng ra, cho đến một lúc có một bức tường ngăn đôi tình cảm giữa mẹ và con.

Cái không gian mẹ muốn có bạn bè, có giải trí, có những kỳ đi hâm nóng tình yêu. có những nơi mẹ đến con không thể nào có mặt được.

Còn con cũng có những bạn bè và những sở thích riêng. Những trò chơi trên máy, những người bạn trên Face book. Con đóng chặt cửa phòng như một thế giới biệt lập và sống trong thế giới đó quên đi người mẹ, người cha của mình.

Với thời đại tân tiến hiện nay, để bù đắp lại việc không thể bên con như ngày xưa, cha mẹ đã cho con những tiện nghi như Iphone, Ipad, computer... Những phương tiện này giúp con bay ra, hiểu biết nhiều thứ. Đường dây nối kết bên ngoài thì nhiều, nhưng cầu nối giữa con cái và cha mẹ đã bị giới hạn đôi khi trở nên tệ hại vô phương hàn gắn.

Người mẹ trong xã hội của Mỹ và với thế kỷ này khó khăn hơn nhiều so với thế hệ trước. Bởi những phương tiện sẵn có đã cho con một thế giới huyễn hoặc rộng lớn và quyến rũ hơn là ở những gì nơi tình mẹ. Người mẹ đôi lúc muốn bước vào căn phòng của con nhưng phải dừng lại trước cửa, ngại ngần gõ vài cái. Con có cho phép mới dám bước vào. Muốn nói với con phải lựa lời để con không chống lại. Nuôi con bằng cả cuộc đời, trái tim và sức lực nhưng khi con bắt đầu khôn lớn có được bao nhiêu đứa trẻ còn coi cha mẹ là nơi tin cậy để trao gửi vui buồn hay khó khăn trong cuộc sống.

Có phải cuộc sống vật chất đẩy những đứa con rời xa cha mẹ, hay chúng thiếu một chút keo dính tình thương từ hai đấng sinh thành. Chất keo dính đó thành hình từ lúc chúng còn thật bé được cha mẹ yêu thương, quan tâm và chia sẻ. Chất keo đó sẽ theo thời gian và tình gia đình mỗi ngày tốt hơn để khi trưởng thành con cái đặt hết niềm tin nơi cha mẹ.

Tôi yêu những câu hát, lời ru của mẹ. Tôi gắn liền đời mình với hình ảnh mẹ già cơ cực và muốn làm một điều gì để nụ cười móm mém của mẹ tôi luôn nở trên môi.

Vu Lan năm nay tôi đang ở nhà con trai. Nhìn con dâu với cái bụng bầu hơn 7 tháng , tôi yêu nó vô cùng.

Đêm nào thằng con không trực đêm, nó ngồi bên vợ, đọc sách cho con nghe. Em bé trong bụng con dâu tôi đạp máy lia lịa. Tôi đặt tay lên cảm nhận như cháu tôi đang nghe cha đọc sách và cũng đang cùng cha mẹ hưởng hạnh phúc gia đình.

Trong căn nhà nhỏ bé của con tôi đa phần đồ đạc là dành cho đứa bé sắp chào đời. Niềm vui không hẳn chỉ là hai vợ chồng mà còn là của một đại gia đình.

Cháu có biết điều đó hay không? Cháu có biết mẹ cháu đang dành cho cháu tất cả năng lượng cuộc sống của mình không? Hãy ngoan đi cháu cưng của bà. Hãy yên bình và khỏe mạnh để được ra đời.

Lời ru mẹ cháu đã có ngay từ lúc mang cháu vào lòng, đó là những lời ngọt ngào của mẹ thì thầm với cháu.

Và khi ra đời, dù không còn những lời “Ầu ơ, Ví dầu.” hay “À ơi” như thời của bà , cháu hãy nhận lời ru bằng những lời đọc sách dỗ cho cháu ngủ.

Những tiếng nhẹ nhàng, thầm thì của cha, của mẹ sẽ thay thế lời ru đem văn chương, chữ nghĩa, luân lý đạo đức dẫn cháu vào đời.

Và cháu ơi ! Hãy tận hưởng hương vị tình yêu tuyệt vời đó mà lớn lên nghen cháu.

chieclavotinh
04-09-2023, 02:37 AM
Letter from a Mother to a Daughter
Guillermo Peña

“My dear girl, the day you see I’m getting old, I ask you to please be patient, but most of all, try to understand what I’m going through. If when we talk, I repeat the same thing a thousand times, don’t interrupt to say: “You said the same thing a minute ago”... Just listen, please.

Try to remember the times when you were little and I would read the same story night after night until you would fall asleep. When I don’t want to take a bath, don’t be mad and don’t embarrass me. Remember when I had to run after you making excuses and trying to get you to take a shower when you were just a girl? When you see how ignorant I am when it comes to new technology, give me the time to learn and don’t look at me that way... remember, honey, I patiently taught you how to do many things like eating appropriately, getting dressed, combing your hair and dealing with life’s issues every day...

The day you see I’m getting old, I ask you to please be patient, but most of all, try to understand what I’m going through. If I occasionaly lose track of what we’re talking about, give me the time to remember, and if I can’t, don’t be nervous, impatient or arrogant. Just know in your heart that the most important thing for me is to be with you. And when my old, tired legs don’t let me move as quickly as before, give me your hand the same way that I offered mine to you when you first walked. When those days come, don’t feel sad... just be with me, and understand me while I get to the end of my life with love.

I’ll cherish and thank you for the gift of time and joy we shared. With a big smile and the huge love I’ve always had for you, I just want to say, I love you... my darling daughter.”

chieclavotinh
05-28-2023, 02:45 AM
Mẫu tử
Thu Nguyệt

Ngày mẹ mất bông cà na rụng trắng
Hoa như mưa nhòe nhoẹt rối tơi bời
Trong nắm đất con phủ lên mộ mẹ
Có rất nhiều những cánh hoa rơi

Hoa cũng như đời mẹ, mẹ ơi
Nở lặng lẽ và rơi lặng lẽ
Cô đơn nào hơn những người mẹ trẻ
Con chưa đủ lớn khôn để chia sẻ vui buồn

Lời ru buồn len lén hoàng hôn
Hai mươi năm sau đời con mới hiểu
Nỗi cô đơn mẹ âm thầm gánh chịu
Nhiều như bông cỏ dại quê mình

Giờ con cười bên những đứa con xinh
Nghe nước mắt chảy vào trong lặng lẽ
Bông cà na vẫn trắng tinh như thế
Nỗi cô đơn vùi xuống đất muôn đời

Ngắm con thơ con thầm gọi mẹ ơi
Mưa tí tách ngoài thềm như tiếng vọng
Nhìn lên vách con khóc cùng với bóng
Mẹ bây giờ mới hiểu mẹ ngày xưa…

chieclavotinh
07-16-2023, 02:35 AM
The Silent Suffering of Caregivers
Emily Kenway

https://www.youtube.com/watch?v=nj9bKMu-ftY

chieclavotinh
09-03-2023, 03:05 AM
Cuộc sống cuối đời của một số cụ cao niên Việt Nam
Thanh Phong

Nhờ một người bạn cho biết, chúng tôi tìm đến nhà dưỡng lão mang tên French Park, mới nghe tưởng công viên của Pháp, nhưng không phải. Đó là một ngôi nhà lầu 2 tầng xây dựng theo kiểu Pháp thời trung cổ, được dùng làm nơi an dưỡng cho hàng trăêm các cụ cao niên, trong đó có hơn ba chục cụ và một thanh niên Việt Nam bị liệt phải ngồi xe lăn.

Sau khoảng 20 phút lái xe từ tòa soạn Viễn Đông trên đường Moran, chúng tôi chạy thẳng xuống đường 17 về hướng West, qua đường Main rồi tới đường French, quẹo phải vào gặp đường Washington, rẽ trái đi một quãng, thì gặp tấm bảng ghi số 600 French Park, là địa chỉ của nhà dưỡng lão.

Vừa bước vào trong cửa, thấy có một, hai cụ Việt Nam ngồi xe lăn được y tá đẩy ngang qua. Sau khi nói cho người nhân viên trực biết, chúng tôi muốn vào thăm anh Chí Bùi ở phòng số… Người nhân viên chỉ cho chúng tôi cầu thang máy để lên lầu 2. Vào căn phòng của anh Chí Bùi, nhưng giường anh trống trơn, không có anh ở đó. Hai cụ Việt Nam trạc trên 80 nằm trên giường không nhúc nhích, cựa quậy, mặc dù hai cụ đều đang thức. Chúng tôi bước ra ngoài,đi dọc hành lang, vừa lúc có một thanh niên ngồi xe lăn đi tới. Thấy người lạ, anh hỏi:

“Bác đến thăm ai?”. Chúng tôi trả lời: “Tôi muốn thăm anh Chí Bùi”.

Người thanh niên nhíu mày tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng rồi anh nói: “Cháu là Chí Bùi đây, nhưng không phải Chí Bùi mà cháu là Tri, Bùi Ngọc Tri. Ở đây không có ai tên Chí Bùi cả”.

Chúng tôi mừng quá, nói cho anh biết ý định của mình, muốn đến thăm anh và thăm bà vợ một Trung tá mà bà đã kiên nhẫn nuôi chồng hơn 10 năm qua tại đây. Anh Tri Bùi dẫn chúng tôi đến phòng của bà cựu Trung tá đó, nhưng bà không có ở đây. Anh mời chúng tôi về phòng anh. Một căn phòng có bốn giường nằm, thì ba người là cao niên.

Anh Bùi Ngọc Tri kể, sang Mỹ năm 1975, anh định cư tại một tiểu bang miền Đông, đi học như bao nhiêu người khác rồi lên Đại học. Bỗng nhiên vào năm 1977, anh bị một cục bướu nổi lên ngay sau ót (anh chỉ cho chúng tôi xem, cái bướu to bằng trái chanh vẫn còn đó), nó làm cho anh bị liệt hai bàn tay và hai chân, các ngón tay co lại, không còn hoạt động được. Anh đã đi giải phẫu nhiều lần, nhưng không kết quả. Gia đình đưa anh về Long Beach và vào Nursing home ở mấy năm.

Anh nói: “Ở đó cháu buồn vô cùng, vì không có ai bầu bạn, không có người Việt. Mặc dù thông thạo tiếng Anh, nhưng cũng không thể hòa đồng như một người cùng chủng tộc; rồi sau đó, may quá có người giới thiệu, cháu xin chuyển về đây đã 10 năm. Ở đây có tất cả 32 cụ cao niên người Việt, trong đó có mẹ ruột cháu vào đây cũng 5, 6 năm rồi. Cháu thấy các cụ thật dễ thương và tội nghiệp, nên giúp được các cụ cái gì là cháu giúp ngay, và thấy các cụ vui là cháu vui rồi”.

Chúng tôi hỏi, anh thường giúp các cụ việc gì, anh Tri đáp:

“Cháu đến từng phòng xem cụ nào chưa có đồ ăn, cháu đi lấy, hoặc cụ nào làm biếng không ăn, cháu lại nhắc các cụ ăn. Có khi các cụ cần một ly nước cam, nước trà, cháu đi lấy hộ các cụ”.

Chúng tôi hỏi: “Như vậy nhân viên ở đây họ không lo cho các cụ sao?”.

Anh trả lời: “Có chứ, nhưng nhiều khi họ mang đồ ăn vào rồi để đó, các cụ ăn hay không họ đâu có thúc giục. Có cụ cần ly nước kêu họ, rồi có khi họ quên, nên các cụ gọi cháu là cháu phải chạy đến; thành ra công việc của cháu bận suốt ngày nhưng mà vui”.

Thấy anh Tri không tỏ vẻ gì mệt mỏi, chúng tôi hỏi anh: “Anh cũng là người phải ngồi xe lăn như các cụ, vậy động lực nào thúc đẩy anh hăng say, tận tụy giúp các cụ như vậy?”.

Anh cười: “Đôi khi cháu nghĩ Chúa muốn dùng cháu để giúp các cụ; cháu là người Công giáo nên cháu tin như thế, vì biết đâu, nếu cháu không bị như thế này, cháu lại hư hỏng thì sao. Hơn nữa, cháu cũng làm để khuây khỏa và đỡ buồn, chứ nếu tuổi trẻ như cháu mà suốt ngày ngồi một chỗ trên xe lăn thì làm sao sống nổi”.

Anh cho biết thêm: “Ở đây có chị Hồng nấu đồ ăn Việt Nam rất ngon. Mỗi ngày ăn ba bữa. Sáng điểm tâm đồ Mỹ; trưa và tối ăn cơm Việt Nam với ba món: Canh, xào và đồ mặn rất ngon”.

Anh Tri Bùi tâm sự: “Chúa cho cháu còn phục vụ được các cụ là cháu làm; chỉ khi nào cháu nằm xuống mới hết làm, còn bây giờ cháu thấy trong người không có bệnh hoạn gì cả, chỉ không đi đứng và làm việc bình thường như trước thôi”.

Anh dẫn chúng tôi đi tới một căn phòng, anh nói: “Hôm nay có lễ bên Công giáo”.

Đang đi trên hành lang, chúng tôi gặp nhiếp ảnh gia Vy Vy Trần, bà ngồi trên xe lăn. Chúng tôi hỏi: “Chị nhận ra tôi không?”. Không thấy chị nhếch mép hay lắc đầu. Nét mặt chị đượm vẻ buồn, nhưng nhìn chung không thấy chị sa sút lắm, so với thời gian chị còn dạy lớp Nhiếp ảnh Digital.

Vào căn phòng mà anh Tri dẫn tới, đã thấy khoảng hơn 10 cụ ngồi xe lăn đợi sẵn. Một nhân viên người Việt còn rất trẻ, anh tên là Nguyễn Huân, anh cho chúng tôi biết, mới phục vụ tại đây được 2 năm. Anh Huân chỉ làm hai ngày cuối tuần; nhiệm vụ của anh là giúp các cụ theo lịch đã ấn định sẵn (anh chỉ về phía tấm bảng lớn treo trên tường gần đó). Anh cho biết, ở đây mỗi tuần đều có các tôn giáo đến đây giúp các cụ: ai Phật giáo thì có ngày riêng, còn ai Công giáo thì như hôm nay, có một số người đến giúp.

Vừa nói thì phái đoàn Công giáo đến, chúng tôi nhâïn thấy trong đó có hai người quen là bà cố Nguyễn Văn Nhàn và chị Quát cùng ba vị nữa. Đây là Nhóm Legio Maria thuộc Hội được gọi là Đạo Binh Đức Mẹ, có tổ chức trên toàn thế giới. Hội chuyên đi thăm, săn sóc, an ủi các bệnh nhân. Sau khi chào thăm các cụ, bà cố Nhàn cất kinh, và sau đó một thừa tác viên cho các cụ rước lễ; nhưng chỉ có độ 3 cụ có thể rước lễ được, còn các cụ khác mắt nhắm nghiền.

Anh Nguyễn Huân cho biết, thỉnh thoảng có Linh mục đến làm lễ và có khi có Thượng Tọa bên Phật giáo đến thăm, cũng như có những phái đoàn khác đến tặng quà cho các cụ; nhưng anh nói, các cụ thích nhất là được người đến thăm, quà cáp không thành vấn đề. Các cụ cảm thấy cô đơn, nên có ai đến thăm các cụ mừng lắm.

Trở lại với anh Bùi Ngọc Tri, chúng tôi ghé thăm thân mẫu anh. Bà cụ nằm trên giường, anh gọi mấy tiếng cụ cũng không mở mắt, chúng tôi nói với anh để yên cho cụ ngủ. Nhìn trên đầu giường cụ, ảnh Chúa, ảnh Đức Mẹ đang nhìn xuống những thân hình bất động, sống trong chuỗi ngày cuối đời mình; một số may mắn còn có người thân bên cạnh săn sóc, và cũng thật may mắn cho những cụ không có thân nhân, nhưng có anh Bùi Ngọc Tri, một người thanh niên với tấm lòng nhân hậu lo cho các cụ từng ly nước; có cô Hồng, mỗi ngày cố gắng thay đổi món ăn “sao các cụ ăn ngon là mình mừng”; có anh Huân lo cho các cụ phần tâm linh.

Chúng tôi tạm biệt anh Bùi Ngọc Tri, hẹn sẽ trở lại nhờ anh dẫn tới gặp bà vợ ông Trung tá, mà theo lời giới thiệu của người bạn, trên đời khó tìm được một người vợ thủy chung, tân tụy săn sóc chồng liên tục hơn 10 năm qua trên giường bệnh như bà. Hy vọng trong một ngày gần đây, chúng tôi sẽ cống hiến bạn đọc câu chuyện về người vợ thủy chung này.

chieclavotinh
10-22-2023, 02:21 AM
Người Đàn Bà Phi Thường
Vĩnh Hầu

Thưa quý vị, nguời đàn bà phi thường đó chính là mẹ tôi. Một người con khen mẹ mình là phi thường thì củng chỉ là một chuyện bình thường thôi có gì quá đáng đâu, phải không, thưa quý vị?

Nếu đi vào từng gia đình một, thì ai cũng có những kỷ niệm yêu thương, kính trọng, tôn vinh hay hãnh diện về người mẹ. Tuy nhiên đa số người Á Đông chúng ta, bản tính vốn kín đáo, không phải ai cũng muốn bày tỏ tình cảm riêng tư cho mọi người khác hay, bằng lời nói về người thân của mình. Ngày lễ “Mother’s day”, là cơ hội thuận tiện để tôi có thể bộc lộ lòng biết ơn sâu sắc bằng tiếng nói từ con tim về một người mẹ mà riêng đối với tôi, là một Người Đàn Bà Phi Thường.

Với tuổi đời trên 92, mẹ tôi là người con duy nhất trong một gia đình có sáu anh chị em, còn hưởng thọ đến bây giờ. Tôi phải nói rằng cơ thể của mẹ tôi là một cấu tạo tuyệt vời của ĐấngTạo Hóa, gồm đủ hai yếu tố mà không phải ai cũng có được: Đó là một hệ thống miễn nhiễm hoàn hảo và một bộ não trẻ mãi không già!

Thật vây, một điều khá lạ lùng và kỳ diệu, khiến chính tôi cũng thắc mắc và ngạc nhiên không ít. Suốt một đời, từ khi mới sanh ra đến giờ, mẹ tôi chưa bao giờ nhuốm bệnh, ngay cả những bệnh nắng mưa của Đất Trời, như cảm cúm, nhức đầu sổ mũi, đau bụng, hay những bệnh lăt vặt khác. Rõ ràng Trời đã phú cho mẹ tôi một hệ thống miễn nhiễm hoàn hảo, một sức đề kháng bất khả xâm phạm, mà tôi cho rằng, đây là một điều phi thường về mặt ‘cơ thể hoc!’ Thật sự, Mẹ được sinh ra để săn sóc những người bệnh khác, chứ không để ai săn sóc mình.

Cách đây khoảng 5 năm, anh tôi có chở mẹ tôi vào bệnh viện để “check” lại xương hông, vì bà bị té trong buồng tắm vào ban đêm, chỉ cảm thấy đau ở xương chậu, hóa ra đây là lần đầu tiên, bà phải vào bệnh viện giải phẩu vì do bị trợt té, xương chậu đã bị nứt. Trong dịp này, Bác Sĩ bệnh viện cho “brain scan”, tức là soi não để xem có bị ảnh hưởng đến vùng não bộ không. Khi hoàn thành việc soi não, câu đầu tiên, Bác Sĩ chuyên khoa đã tuyên bố với anh tôi như thế này: “ Mẹ của ông có bộ não ở lứa tuổi 40! Qua nhiều năm trong nghề, tôi chưa từng thấy một ai có bộ não sáng suốt, trẻ trung như vầy ở tuổi của Bà cụ!”. Đây là một điều phi thường thứ hai của mẹ tôi, về phương diện cơ thể.

Thật vậy, hiện tại, mỗi ngày mẹ tôi đọc ít nhất là hai tờ báo Việt ngữ, theo dõi tin tức, thời sự, để có thể tham gia, bàn luận với bạn bè, khách khứa, hoặc với những người thân trong gia đình với từng chi tiết của câu chuyện. Hết đọc báo, mẹ tôi lại nhảy qua đọc sách Phật hoặc tụng kinh, đọc chú bằng tiếng Phạn âm Việt khá dài, rất khó đọc và khó nhớ. Đối với tôi, thì đây là những bài học không bao giờ thuộc! Mẹ tôi có một tủ đựng băng thuyết giảng, gồm hơn 200 cuốn của các vị sư chân tu, để hằng đêm, trước khi ngủ, mẹ thường lắng nghe, không biết bao nhiêu lần, tiếng nói của Đạo Pháp qua những lời giảng của các Thầy. Có lẽ, suốt mấy chục năm sống cạnh Ba tôi, Mẹ đã chịu ảnh hưởng khá nhiều về con đường tu học của Ba mà tôi sẽ bàn đến ở phần sau, cũng như việc thường xuyên đi chùa, nghe thuyết pháp, họp mặt Đạo Tràng đã khiến Mẹ càng ngày càng thông cảm và tương đắc với Ba hơn.

Đặc biệt, bình thường Mẹ có giọng nói rất điềm đạm, từ tốn, nhưng khi cần quyết định một việc gì hệ trọng thì bà rất nghiêm nghị, cứng rắn, khiến người nghe phải công nhận tính chất đầy thuyết phục trong giọng nói ấy. Mẹ cũng giao thiệp rộng rãi và biết nắm bắt thời cơ. Khoảng thập niên 70, mẹ tôi vì con cái phải vào Đại học xa, mẹ đã nhanh tay xoay xở để có được một cổ phần trong Hãng làm nước đá, lợi tức cổ phần tăng, nhờ vậy, mấy anh em chúng tôi đã có được một cuộc sống khá đầy đủ của một gia đình trung lưu.

Vào năm tôi lên sáu, một sự kiện xãy ra đối với ba tôi, khiến ai cũng ngạc nhiên và xem đây như là một sự khai ngộ bất ngờ kỳ lạ, mà bên Công Giáo thường gọi là ơn “kêu gọi”. Đó là ngày ba tôi đột nhiên xuống tóc, quy y Phật, ăn chay trường ở độ tuổi 34, khi đứa con út, chỉ vài ba tuổi. Ba muốn trở thành một “tu sĩ tại gia”, với cuộc sống hoàn toàn thay đổi! Nếu xét về mặt Đạo, thì đây là một việc làm cao quý, tốt đẹp, phải có nghị lưc và ý chí mạnh mẽ mới thực hiện được, nhưng xét về mặt Đời, thì: “Xem qua thì thật là hay, xem lại có vẻ ‘đâm hơi’ thế nào!” Vì ba đi tu trong lúc mẹ tôi còn son trẻ, mặc dầu Mẹ đã có 4 con, từ 12 đến đến 2 tuổi.

Sau này, đôi khi nghĩ lại, tôi mới thấy thương Mẹ vô cùng, vì lúc tuổi Mẹ lúc đó mới 31 xuân xanh (thua ba tôi 3 tuổi), thì đã phải sống với một người chồng là một ông thầy tu! Nghĩ cũng tội cho Ba, vì còn nặng nợ gia đình, nên chỉ có thể ‘tìm nẽo Giác’ và ‘vọng cửa Thiền’ tại gia thôi, và vẫn phải đi làm cho đến ngày về hưu. Tuy nhiên, từ đó, mọi công việc quan trọng, Mẹ đều bao thầu, quán xuyến hết để Ba rảnh tay theo đuổi Đạo Pháp.

Vì chúng tôi lúc bấy giờ còn nhỏ tuổi, tâm hồn ngây thơ chưa cảm thấy nỗi đau khổ âm thầm của Mẹ. Tôi không muốn khoe khoang về dung mạo của mẹ mình, nhưng thật sự nhan sắc của bà đã từng làm nhiều chàng trai âm thầm ái mộ, làm sao có thể sống hạnh phúc với một người chồng mà mọi thú vui trần thế đều bị gác qua một bên. Ba tôi đã trở thành một tu sĩ chân chính, triệt để thi hành những điều giới răn của một Phật tử, kể cả chuyện chăn gối thường tình của cuộc sống vợ chồng! Thế nhưng mẹ tôi đã không hề bộc lộ ra bên ngoài một cử chỉ hay hành động nào chứng tỏ Mẹ đang ở tình trạng cô đơn, thiếu vắng một điều gì đó khó giải thích bên cạnh người chồng “tu sỉ”, mà có lúc ông đã quên đi mình vẫn còn là người trần tục, còn nhiều trách nhiệm đối với gia đình.

Mẹ vẫn bình thản làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ một cách hoàn hảo mà không hề than vãn. Mẹ đã phải lo cơm nước đầy đủ vừa chay vừa mặn cho chồng con. Tuy vậy, bà không hề than phiền hay phản đối ba tôi về chuyện ông đã lơ là bổn phận của một người chồng, người cha; ngược lại, Mẹ còn khuyến khích và trợ duyên cho chồng, để ông theo đuổi việc tu hành được thuận lợi. Tôi cho rằng, đây là một sự hy sinh lớn lao đáng kính phục của Mẹ.

Chúng tôi không hề trách ba tôi vì mãi lo việc kinh kệ tu hành mà phải để Mẹ gánh vác mọi trọng trách gia đình. Nhưng có lẽ cũng nhờ phước đức của ba tôi mà qua bao biến cố hiểm nghèo, gia đình chúng tôi đều thoát khỏi, và hiện vẫn sống an vui, đoàn tụ đầy đủ tại xứ Hoa Kỳ này.

Ba tôi bị bệnh lãng tai hồi còn trẻ và khoảng một thời gian sau, tôi không nhớ rõ, ba tôi đã mất hẳn thính giác. Thế là Mẹ lại gánh thêm một “job” nữa, là nghề “reporter” cho Ba, và tôi cam đoan rằng, trên đời này chưa có một ai làm thư ký tường trình một cách tận tâm và hoàn hảo như mẹ tôi! Xin trích một đoạn trong bài thơ tôi làm tặng Mẹ vào ngày lễ “Mother’s Day” năm ngoái:

… “Sắt son một mối tình câm
“Mẹ thường im tiếng, chỉ dùng bút bi
“Hết bi Mẹ lại dùng chì
“Thế gian mọi sự, khắc ghi toàn phần
“Ba xem ró hết từng phân,
“Thiên La Địa Võng, chẵng cần lỗ tai
“ ‘Ráp-po’, ‘rì-pọt’ dài dài
“Con con cháu cháu, phát tài có ai”
“Bạn bè, thân hửu lai rai
“Ai đà khăn gói ‘bái bai’ cỏi Trần”
“Ai còn đứng một bàn chân”
“Một cơn gió nhẹ đứt gân té nhào”…

Nói chung, mẹ tôi là một người đàn bà thuộc loại ‘vượng phu, ích tử’, bổn phận nào Mẹ cũng chu toàn một cách đầy đủ, hoàn hảo, đối với chồng con. Ngay cả bạn bè hoặc người thân xa gần còn sống VN, mẹ cũng thường xuyên nghĩ tới và tìm cách giúp đỡ trong khả năng của mình, khi biết tin họ gặp khó khăn hoặc bệnh tật, cần trợ giúp.

Một kỹ niệm đầy xúc động còn in đậm nét trong tâm hồn tôi mỗi lần nghĩ về Mẹ, là hình ảnh của Mẹ lủi thủi đi sau chiếc xe trâu, trên đường mòn trong rừng thẳm của núi rừng Hoàng Liên Sơn, Bắc Việt, cùng với một số người khác, hướng về Trại Tập Trung để thăm nuôi những người tù cải tạo, trong đó có tôi, đứa con trai độc nhất của Mẹ còn ở lại VN sau biến cố 75.

Hôm đó, đội chúng tôi có nhiệm vụ đi đốn tre và vác về Trại để xây nhà thêm cho lớp tù khác, sắp chuyển tới. Trên đường về, chúng tôi gặp chiếc xe trâu, chở quà thăm nuôi, và khoảng mươi người khác, lếch thếch theo sau xe. Tất cả chúng tôi điều chú mục nhìn xem có ai là thân nhân của mình không, biết đâu bỗng “có tin vui trong giữa tuyệt vọng chăng”? Thật bất ngờ cho tôi, khi nhác thấy trong đó có một người đàn bà, tuổi độ lục tuần, mặc bồ đồ bà ba, nhìn kỹ thì không ai khác hơn, chính là mẹ tôi! Tim tôi đập mạnh, mắt tôi bỗng thấy nhòa đi vì một cảm xúc bất ngờ, khi nhìn thấy hình ảnh khó tin, nhưng có thật, hiển ra trước mặt! Tôi không thể ngờ được, mẹ tôi, lúc bấy giờ tuổi đời đã trên sáu mươi, vì quá thương nhớ tôi, mà phải lặn lội ra tận nơi đèo heo gió hút này. Sau bao chặng đường gian nan, vất vả, kể cả việc ngủ lại đêm ở quán trọ dọc đường, với những phương tiện giao thông nghèo nàn, lạc hậu, từ Nam ra Bắc! Tôi bỗng cảm thấy tràn đầy ân hận, trách mình không lấy vợ sớm, để bắt Mẹ phải lo từ gói quà gởi đi cho đến việc thăm nuôi tận nơi rừng sâu núi thẳm!

Hồi đó, ông anh cả và đứa em út của tôi đã ra được nước ngoài, chỉ còn em gái tôi chưa đi được, nên còn ở lại với chồng và hai đứa con nhỏ, nên cũng không giúp gì được cho mẹ tôi. Mẹ một mình đã lo hết cho tôi! Sống dưới chế độ CS, thời đó đa số ai cũng nghèo ngang nhau, nên một gói quà là một sự hy sinh của người vợ, người mẹ…nhịn ăn nhịn tiêu, lo xoay xở làm sao để mỗi ba tháng, người thân của mình có được một gói quà chứa đựng tình thương và những chất bổ dưỡng để cầm hơi người tù cải tạo cho đến ngày về. Vợ chồng, anh em có thể bỏ nhau vì một lý do nào đó, nhưng người mẹ thì không bao giờ bỏ con, dù bất kỳ ở trong một hoàn cảnh nào.

Mãi đến khi tôi được trả tự do năm 83, thì một tuần sau đó, vợ chồng em gái của tôi và hai đứa con nhỏ mới đến được đất Mỹ, sau nhiều lần vượt biên không thành. Đây là một điều khá lạ lùng, nếu ai không tin tướng số, có thể xem đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi. Nhưng mẹ tôi lại rất tin vào số mệnh, khi nghe ông thầy tướng bảo rằng, đứa con gái của bà không thể đi ra khỏi nước được, cho đến khi nào đứa con trai của bà đi học tập về thay thế chỗ của cô ta! Có lẽ Trời thương ba mẹ tôi, nên không bao giờ để hai người phải sống cô đơn một mình chăng? Hay là số tôi may mắn, luôn luôn được gần Mẹ, để được mẹ săn sóc về vật chất cũng như tinh thần?

Đến năm 90, tôi lại có được cái hạnh phúc đưa ba mẹ tôi sang Mỹ theo diện H.O. và lại được ở gần hai người một thời gian dài, cho đến khi tôi lập gia đình, thì ba mẹ tôi mới bằng lòng đến ở chung với gia đình ông anh cả, vì ông nhất định “dành chánh quyền”, không cho tôi được ưu tiên ở với ba mẹ như trước nữa. Thật ra thì vợ chồng tôi cũng không đủ điều kiện, vì lập nghiệp hơi trể, trong khi đó ông anh lại có nhà cửa khá rộng rãi, tài chánh dồi dào hơn.

Một điều rất hạnh phúc và may mắn cho bốn anh em chúng tôi, là vẫn còn đầy đủ song thân, mặc dù tuổi đời của anh tôi đã vào hạng “thất thập cổ lai hi”! Hơn nữa, cuộc sống thủy chung duy nhất và đầy đạo hạnh của ba mẹ tôi là một tấm gương sáng, có ảnh hưởng không ít đến dòng đời của chúng tôi, trong quá khứ, cũng như tương lai.

Còn gì đẹp hơn hình ảnh dịu dàng, đáng yêu của song thân, sau gần ¾ thế kỷ sống bên nhau mà tình vợ chồng không hề suy giảm, mà ngược lai, càng đậm đà, sâu sắc thêm. Ba mẹ tôi vẫn săn sóc cho nhau ở lứa tuổi “gần đất xa trời”. Quả thật dưới mắt tôi, Mẹ đáng được vinh danh là một NGƯỜI ĐÀN BÀ PHI THƯỜNG trên cỏi đời này!

“...Tóc mây, răng trắng, nụ cười móm xinh,
“Khiến Ba yêu mãi bóng hình
“Trăm năm vẫn giử mối tình thủy chung,
“Buồn vui, sướng khổ đi cùng
“Tương thân tương kính, một lòng Đạo Tâm”.

chieclavotinh
12-17-2023, 01:02 AM
Những Giọt Lệ Hồng
Diệu Nga

Mẹ tôi không muốn di cư sang Mỹ ở tuổi sáu mươi.

“Già rồi, sang bên ấy chỉ ăn bám vợ chồng chúng mày!”.

Bà nói khăng khăng như thế nhưng con gái xuống nước năn nỉ ỉ ôi, bà lại xiêu lòng.

"Ờ, nó nói cũng phải, mình qua bên ấy giữ cháu ngoại cũng vui, lại đỡ nhớ, khỏi phải chờ mong. Mình ở đây nó phải gửi tiền về cấp dưỡng, tốn kém lắm chớ chẳng không!”

Dì tôi cười, nói như lẩy: “Nợ đòi rồi đấy, cứ sang mà trả cho xong!”

Nghe mẹ kể lại lời dì, tôi cảm thấy hơi áy náy. Quả thật tôi cần mẹ không chỉ thuần túy vì tình cảm. Tôi cầu cứu bà sang để chăn bầy cháu bốn đứa. Dạo này buôn bán ể ẩm, tôi không kham nỗi tiền giữ trẻ, cũng không thể tiếp tế đều đặn cho mẹ nên rước bà qua là nhứt cử lưỡng tiện…

Căn nhà ba phòng của vợ chồng tôi, bề ngoài trông cũng khang trang với cây cảnh chung quanh và cửa garage tự động nhưng thật ra chỉ rộng 1100 sf. Trừ phòng ngủ chánh tương đối rộng rãi, hai phòng còn lại vuông vức, nhỏ xíu xiu. Đất ở San Francisco là đất vàng. Căn nhà cũ kỷ năm mươi tuổi này trị giá chừng sáu chục ngàn nhưng lô đất 4000 sf của nó giá hơn bốn trăm, dù là nằm ở vùng ngoại ô xa tít. Thành ra cứ rán giữ, rán nắm dù mệt muốn hụt hơi.

Cửa tiệm fast food bán cho nhân viên các hãng xưởng gần đây cũng theo đà lay-off mà đi xuống. Đến đầu tháng là chúng tôi điên đầu với đủ thứ tiền phải thanh toán.

Tư trang sắm từ những năm phồn thịnh buôn may bán đắt lặng lẽ nuối đuôi nhau đi hết, vào nằm im nơi các tiệm cầm đồ. Chúng tôi không hề nghĩ đến giải pháp bán nhà vì đó là gia tài duy nhất, cũng là mối kinh doanh không sợ lỗ vốn; vả lại bây giờ đi mướn một apartment tồi tàn đủ chỗ chứa sáu người, giá thuê hàng tháng còn mắc hơn số tiền trả góp nhà.

Trong tình thế kiệt quệ này, nếu có mẹ tôi lo cho tụi nhỏ, đưa đón đi học, quán xuyến việc nhà, tôi sẽ rảnh rang hơn để đi làm thêm lặt vặt buổi sáng, trưa về phụ tiệm ăn với chồng tôi. Buổi tối chúng tôi sẽ đi clean các tiệm ăn, chợ búa. Chịu khó một thời gian hi vọng kinh tế sẽ phục hồi trở lại. Mọi người đã hăm hở đón chào thiên niên kỷ mới, ai ngờ nó bắt đầu bằng sự xuống dốc!

Mẹ sang Mỹ vào mùa Thu. Trời khá lạnh đối với mẹ vì chưa quen nhưng màu xanh của biển trời đã thu hút mẹ. Lũ cháu xúm xít lấy bà vì ngày thường không ai gần gũi chúng cả. Chúng xổ tiếng Anh líu lo, thậm chí cô bé út mới bốn tuổi cũng không rành tiếng Việt.

Bà cười dễ dãi: “Sẽ có cuộc trao đổi nhé! Bà dạy các cháu nói tiếng Việt, các cháu dạy cho bà nói tiếng Anh.”

Thấy mẹ vui, tôi an lòng. Thế là bên cạnh cái giường hai tầng của hai cô bé gái là tấm nệm của bà ngoại. Ban đêm, ba bà cháu nói chuyện rì rầm; có khi hai cậu trai cũng gõ cửa xin vào để được hưởng không khí đầm ầm bên bà ngoại rất hiền và rất vui.

Mẹ như bà tiên có chiếc đũa thần đã biến căn nhà bừa bãi đầy phiền muộn của chúng tôi thành một tổ ấm ngăn nấp, sạch sẽ và đầy tiếng cười.

Trước kia, chúng tôi chỉ dùng những thức ăn ế ẩm từ cửa hàng, lắm khi nuốt chẳng trôi. Mẹ bảo cứ bỏ thịt bỏ rau vào tủ lạnh cho bà. Thế là mỗi chiều về gia đình tôi được quây quần chung quanh bàn ăn có cơm canh nóng hổi, hương vị ngọt ngào. Chỉ sau và tháng, các con tôi khỏe mạnh ra, lễ phép ra và biết phụ giúp công việc lặt vặt trong nhà.

Hai cậu con trai lớn, bà phân công lo vườn tược cây kiểng: “Thằng Hùng mười hai tuổi, lớn rồi, lo chăm sóc các cây lớn, tỉa lá, bón phận, Hậu cũng mười tuổi rồi, thay vì ôm máy chơi game, có thể phụ anh quét sân, tưới nước.”

Bà hiền lành nhưng nói gì các cháu cũng nghe. Chúng không còn là những đứa bé “vô tích sự” như thuở trước.

Thật ra chúng không đến nỗi tệ nhưng vợ chồng tôi quần quật với công ăn việc làm, không có thì giờ dạy dỗ, chỉ vẽ. Bảo làm chuyện gì, chúng thực hiện qua loa lấy có, rầy mãi phát mệt thành ra không thèm sai biểu nữa, tự mình làm chóng xong mà vừa ý hơn.

Con Hoa hãnh diện khoe với mẹ: “Bà dạy con nấu cơm. Con biết lặt rau, rửa chén, lại biết tráng trứng nữa cơ!”
Tôi hôn con, thầm cám ơn mẹ đã cho gia đình tôi cơ hội để sống có hạnh phúc thay vì cứ mãi rầy rà, cãi vả, gây ó nhau trong một căn nhà bề bộn, dơ bẩn.

Mẹ vốn là một Phật tử thuần thành. Thỉnh thoảng bà giảng dạy cho tôi về đạo lý: “Hạnh phúc không phải là món quà từ đâu đến, không phải tự nhiên mà có, cũng chẳng thể do phúc đức mà được. Mình phải biết cách sống, biết cách hợp tác xây dựng thì mới có hạnh phúc.”

Thuở ấy, đầu óc tôi quá dầy đặc với những con số để có thể hiểu lời mẹ khuyên, vả lại cũng không có thì giờ… Thôi thì để mẹ lo giùm. Mỗi chiều về nhìn các con ngoan, được ăn bữa cơm tối ngon, đối với tôi đã là đủ rồi.
Tôi bận rộn với nợ nần đến nỗi không mấy khi chú ý đến tâm tình của mẹ.

Bây giờ kiểm điểm lại mới nhớ rằng tôi ít hỏi thăm về sự buồn vui của bà.

Thay đổi môi trường sống, bà bỏ lại sau lưng biết bao nhiêu thứ: chị em, họ hàng, lối xóm, sư ông, bằng hữu… Đôi khi, mắt mẹ thoáng buồn. Tôi chỉ hỏi qua loa: “Mẹ có mệt không?”

Chao ôi, rõ tệ, miệng hỏi mà lòng vái thầm: “Mẹ đừng ngã bệnh, khổ con!” Là con một nên cách suy nghĩ của tôi thường ích kỷ như thế. Cái gì cũng qui về mình, cho mình thôi!

Thắm thoát, mẹ ở với chúng tôi đã được một năm rồi. Gia đình thì ổn thỏa nhưng tình trạng tài chánh càng ngày càng bết bát mặc dù vợ chồng tôi bỏ sức lao động gấp đôi. Giao kèo mướn cửa tiệm sắp hết hạn mà chẳng tìm được người sang lại. Không ký thêm thì mất tiệm, mất luôn năm mươi ngàn bỏ ra sang tiệm trước kia, nhưng tiếp tục thì ngày càng thua lỗ, chẳng kham được nữa.

Chuyện gì đến, phải đến. Tháng sau đó, vợ chồng tôi lủi thủi dọn đồ về trả lại cửa hàng cho người ta sau mười năm làm chủ. Bây giờ hóa ra là kẻ làm công, lại làm những nghề linh tinh quét dọn. Tủi thân mà tức số phận mình.

Mẹ an ủi: “Thôi, như thế đỡ lo con ạ. Tinh thần căng thẳng quá có khi phát dại, hóa cuồng! Trong cái dở có cái hay là thế!”

Chúng tôi lợi dụng thời gian tương đối rảnh rang này để sửa chữa căn nhà hư dột. Anh Thắng chịu khó và khéo tay nên cái gì cũng tự làm được, đỡ tốn tiền mướn thợ. Một hôm anh leo lên mái nhà để lợp lại mấy miếng ngói bể. Sơ ý thế nào chẳng rõ, anh trợt chân té xuống bất tỉnh. Chỉ có mình mẹ ở nhà! Bà bình tĩnh gọi 911, vắn tắt vài câu tiếng Anh: “He falls down from the roof. He stops breathing!” Và rành rọt đọc địa chỉ, số phone nhà cho họ.

Ai ngờ bà âm thầm học chữ Anh mau đến thế! Bà đã cứu mạng chồng tôi!

Thắng bị gãy chân và dập ống quyển. Phải nằm tại chỗ từ năm đến sáu tháng. Tình cảnh này đưa mẹ tôi vào môi trường mới.

Bà tự nguyện thế chỗ cho chồng tôi để quét dọn, lau chùi các cửa tiệm hầu phụ giúp tôi về tài chánh. Mẹ hăng hái trong công việc. Tôi đoán rằng ở nhà mãi mẹ cũng buồn, nay được ra ngoài bà cảm thấy vui hơn. Bà có những người bạn mới: cô thâu ngân vui tính, bà lão phụ trách hàng rau cải, chú “Thoòng” chuyên khuân vác. Mẹ hòa mình với họ, với cuộc sống của những người lao động tay chân. Đâu ai biết rằng trước 1975, mẹ là giáo sự dạy Pháp văn tại một trường công lập lớn ở Sài Gòn. Các con tôi biết hoàn cảnh bi đát của gia đình nên mỗi đứa một tay, cùng nhau lo chuyện nhà. Mẹ tôi hài lòng thấy các cháu tự ý thức được trách nhiệm, biết thương mẹ thương cha.

Ngày anh Thắng trở lại công việc, tôi xin mẹ ở nhà nghỉ ngơi. Mẹ nói: “Con ơi, ra ngoài cũng vui, lại kiếm được đồng tiền. Từ ngày đi Mỹ đến nay đã gần hai năm, mẹ chưa gửi tiền về giúp các em, các cháu bên ấy. Tụi nó nghèo lắm mà chẳng có cách kiếm ra tiền cho kịp đà leo thang của vật giá. Bên này kiếm tiền dễ hơn. Có tiền, mẹ lại có phương tiện cúng dường, bố thí…”

Tôi im lặng nghẹn ngào, chợt nhớ rằng mẹ chưa hề hỏi tôi một đồng xu nào và tôi quên bẵng rằng mẹ cũng có nhu cầu tiêu xài.

Trên thế gian này, không có nhân viên nào làm việc cật lực mà không đòi hỏi thù lao như thế! Vô tình, tôi đã “đòi nợ” mẹ tôi một cách tận tình. Dì tôi cũng có lý khi bà mỉa mai tôi.

Trong lúc tôi đăm chiêu, mẹ nhẹ nhàng tiếp: “Mẹ đã xin được chân rửa chén trong nhà hàng. Rửa bằng máy chả cực nhọc gì!” “Trời đất ơi, rửa chén, cần sức lực của người đàn ông Mễ mới kham nỗi. Nồi niêu son chảo to như cột đình, nặng như búa tạ, làm sao mẹ nhấc cho nổi!” Tôi xuống giọng tiếp: “Mẹ nhìn lại mẹ xem. Tay mẹ gầy yếu, lưng mẹ đã cong, bước đi không còn nhanh nhẹn. Dù họ cần người, mướn tạm, vài hôm cũng cho nghỉ việc thôi!”

Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ mẹ. Bà già thật rồi, cái già đến nhanh quá. So với hồi mới qua, bà như tăng thêm năm, bảy tuổi. Mẹ tôi cúi đầu xuống thấp. Hình như bà cố giấu giọt lệ vừa ứa ra. Tôi nhẹ nâng cầm mẹ lên và nhìn sâu vào đôi cửa sổ tâm hồn ấy. Trời ơi, mắt mẹ đã kéo mây! Đôi mắt bồ câu đen láy ngày nào từng làm điên đảo các chàng trai cùng trang lứa, cột chân ba tôi vào tổ ấm gia đình, giờ đã một phần ngả màu đục lờ như nước gạo vo. Tóc mẹ trắng bơ phờ, đuôi mắt nhăn như rẻ quạt, vầng trán sạm đen vết đồi mồi…

Tôi mủi lòng xót xa. Hai mẹ con ôm nhau, nước mắt người này thấm ướt vai áo người kia. Tôi nhỏ nhẹ: “Con không dám trái ý mẹ, nhưng mẹ rán chờ. Con hứa sẽ tìm công việc nhẹ nhàng hợp với mẹ hơn, mẹ nhé! Vong hồn ba mà biết mẹ cực khổ thế này chắc khó siêu.”

Trời cũng thương tình. Đâu chừng một tháng sau thì bà lão làm rau cải xin nghỉ việc về hưu. Mẹ tôi trở thành “bà cụ hàng rau”. Danh xưng và chức vụ gắn liền với mẹ tôi từ đấy. Vậy mà bà vui. Mỗi tháng bà lãnh được hơn ngàn bạc. Phân nửa số tiền, bà gửi về Việt Nam: phần cúng dường, phần bố thí, phần giúp đỡ các em, các cháu. Số còn lại, bà dành dụm mấy kỳ lương, đưa tôi hơn ngàn bạc. “Mẹ thấy người ta dựng phòng trong garage cũng tiện lắm. Nếu chồng con không phiền, con lấy tiền này nhờ nó mua vật liệu, che tạm cho mẹ một căn phòng nhỏ. Con Hoa, con út bắt đầu lớn, tụi nó cần sự riêng tư. Mẹ cũng vậy, có phòng riêng mẹ sẽ dựng kệ thờ Phật, mỗi ngày mẹ có thể lễ bái, tụng kinh, niệm Phật…” Chồng tôi nghe kể lại, vui vẻ đáp: “Chuyện nhỏ! Mẹ muốn gì anh cũng xin vâng, nói chi việc ấy!”

Từ đấy, mẹ lộ vẻ hoan hỉ lắm. Sáng tối hai thời, ít khi nào bà bỏ lỡ công phu. Bà như một người đạt được mục tiêu cho đời mình, không có gì để ưu tư, khắc khoải.

Mùa Đông năm ấy, thời tiết hơi khác thường. Ban ngày ấm áp xen kẽ với những đêm buốt giá mà nhiệt độ đôi khi hạ thấp đến không ngờ. Vợ chồng tôi mời mẹ tạm trở về phòng cũ vài ba tháng, ngoài garage lạnh quá dễ sinh bịnh. Mẹ nói: “Ở chỗ này quen rồi, dời đi khó ngủ.” “Mẹ nhớ vặn heat cho đủ ấm nhé!” “Ờ, tao biết mà!”

Ngờ đâu mẹ đã không qua khỏi mùa Đông! Buổi sáng chẳng thấy mẹ dậy sửa soạn để đi làm, tôi bảo “đứa nào ra đánh thức bà dậy, nhanh lên kẻo trễ!” Con Hoa quấn mền đẩy cửa bước ra garage miệng kêu léo nhéo. “Ngoại ơi, ngoại à…” Không có tiếng trả lời… Nọ bật đèn, tiến đến cạnh giường: ngoại quấn hai cái mền kín mít, nằm im ỉm. Nó lắc chân ngoại, bà chẳng đáp. Nó lôi cái mền xuống: mặt bà xám xịt, lạnh ngắt, đôi mắt khép hờ… “Mẹ ơi, mẹ! sao kỳ vầy nè!” Cả nhà đổ xô ra. Chồng tôi đạo Chúa, vội làm dấu thánh giá… Tôi xỉu ngay tại chỗ khi loáng thoáng nghe thằng Hùng la lên: “Sao bà không mở heat?”

Cuộc điều tra của cảnh sát quấy rầy chúng tôi một thời gian, cuối cùng họ kết luận: “Bà cụ không thường mở heat; cái máy mua hai tháng về trước còn mới tinh chưa hề được sử dụng!” Tôi như người mất hồn trong đám tang của mẹ.

Sự hối hận như lưỡi dao có răng, nó cưa xé lòng tôi. Trái tim tôi cơ hồ rỏ máu thành những giọt lệ hồng. Bạn bè khuyên tôi nên đến chùa xin cúng thất, thiết lễ cầu siêu cho bà.

Tôi chẳng thể nói năng chi cùng vị sư ở chùa, chỉ biết dập đầu lạy cầu cứu với đôi mắt sưng húp. Chồng tôi bình tĩnh hơn, anh buồn bã kể đầu đuôi tự sự. Câu chuyện khiến thầy thương tâm, thầy thường an ủi, khuyên giải sau những thời lễ cúng.

Khi thấy tôi bắt đầu trở lại bình thường, thầy dành cho gia đình chúng tôi một thời pháp thoại. Thầy giảng về lý vô thường, khổ, không. Các con tôi tỏ ra thích thú với sự thật giản dị và sâu sắc này, chúng đòi được học giáo lý đạo Phật thay vì đi nhà thờ với ba.

Riêng tôi, tôi nhớ mãi câu kết luận của thầy trong buổi nói chuyện ấy: “Con người ta sở dĩ đau khổ triền miên là tại mình muốn nắm giữ! Cái gì cũng khư khư ôm chặt. Làm sao giữ mãi được vì bản chất của chúng là vô thường, là không. Hãy buông bỏ hết đi, chừng nào bỏ được, chừng ấy mới có chân hạnh phúc!”

Phải rồi, nếu chúng tôi không bám chặt vào căn nhà thì mẹ tôi đã không phải vất vả đến thế, không đến nỗi chết cóng ngoài garage. Và gia đình tôi không lụy đến mức này.

Tôi thỏ thẻ bàn với chồng: “Anh à, căn nhà này mình không giữ nỗi thì bán nó đi. Em tính rồi, sau khi thanh toán hết nợ nần mình cũng còn vài trăm ngàn. Dọn sang Texas, nhà cửa rẻ hơn, mình có thể tậu căn khác hoặc là giữ làm vốn, tính chuyện làm ăn…”

” Ờ nhỉ, hồi đó sao mình ngu quá, cứ ôm lấy nó mà cắm cổ đi cày trả nợ. Liệu giữ không được thì sớm buông đi… Nhờ ông thầy giảng dạy, mình mới sáng mắt ra!”

***

Sau khi dọn sang Texas, trước khi bắt tay vào công ăn việc làm, tôi xin phép anh Thắng cho tôi về Việt Nam một chuyến. Tôi về để được quì dưới chân sư ông kể lể hết sự tình, xin sám hối thì lòng tôi mới có thể yên. Sư ông trầm ngâm và yên lặng nghe tôi vừa khóc rấm rức vừa kể về mẹ tôi, đệ tử mà người rất quí mến. Sư ông không hề cắt ngang bằng những câu hỏi. Người không phê phán gì, chỉ để yên cho tôi khóc, khóc oà vỡ như cái đập nước bị ngăn chận, nay có người tháo ra…

Mãi một lúc lâu lắm sau đó, sư ông mới dạy: “Người mẹ nào cũng có trái tim Bồ Tát. Mẹ con hành Bồ Tát đạo ngay trong gia đình trước khi mở rộng ra trong cuộc sống với mọi người. Con hãy hảnh diện có bà mẹ như thế! Con sẽ không cảm thấy hối hận ray rứt nữa nếu con biết đi theo hướng đi của mẹ con, biết xả bỏ cái tôi vị kỷ để lo cho người chung quanh.” Tôi sụp xuống đảnh lễ người đã chỉ cho tôi tháo mở cái gút dây kết mối ân hận trong tôi. Tôi trở về Texas với sự bình yên và tâm nguyện cao cả…

Nhưng khi mùa Vu Lan về, cầm hoa trắng trên tay, tôi không thể ngăn được những giọt lệ hồng phát xuất từ trái tim tôi… Than ôi! Khi tôi biết nghĩ tới mẹ, biết giá trị của trái tim bồ tát, biết thương mẹ thì bà đã không còn nữa trên đời…

Kiến Hôi
12-19-2023, 06:15 PM
Xin cảm ơn Niên Trưởng những bài chảy nước mắt luôn!:z51:

kh

chieclavotinh
02-25-2024, 01:49 AM
Tết trong Nursing Home
Ha Tang

Mến chào các bạn trẻ. Tôi xin phép được xưng hô như vậy vì con tôi nói chắc tôi là thành viên lớn tuổi nhất tham gia Facebook ở đây. Tôi hiện đã là bà nội, bà ngoại trên 70 tuổi rồi.

Mấy hôm nay nhóm NVCL có cuộc thi Ảnh Xuân tôi thích lắm, tôi được ngắm rất nhiều hình đẹp của các bạn đi du Xuân, đi chợ Tết, áo dài thướt tha... Tuổi trẻ tự đã đẹp, đẹp vì nét trẻ trung. Khi các bạn đến tuổi xế chiều sẽ hiểu.

Một cháu admin nhắn tin cho tôi, kêu bác Hà ơi bác tham gia thi đi. Như tôi đã nói, ai cũng có một tuổi trẻ tươi đẹp. Thời của tôi đã qua, tất cả chỉ còn là hoài niệm. Thôi bây giờ tôi xin tham gia cho vui bằng những câu chuyện lan man của người già nhé.

Hồi xưa ở Việt Nam tôi là Dược Sĩ làm trong phòng thí nghiệm. Thời của tôi ở quê con gái ít được học cao. Nhưng tôi may mắn có người cha là thầy giáo, thấy tôi ham học nên ông hết lòng nuôi tôi ăn học đến khi ra trường. Trong cái hay có cái dở, khi mới qua Mỹ tôi không thể nào tìm được việc làm vì từ nhỏ không quen việc chân tay. Thấy chồng con mới chân ướt chân ráo tới xứ người, tiếng Anh chưa rành mà ai cũng phải lao vào guồng máy chóng mặt ở đây để mỗi tháng đối phó với gánh nặng tiền nhà, tiền điện nước, tiền bảo hiểm, một núi hóa đơn! Tôi xót lắm, nên tôi cũng đọc báo rao vặt và xin đi làm. Nhà hàng, quán ăn, quán nước nào cũng xin lỗi nói tôi chậm. Và tôi quá hiền, nghe trong bếp nhân viên cãi nhau to tiếng bằng những lời lẽ mà xin lỗi, tôi không thể kể lại ở đây, là tôi càng hoảng hồn! Cho nên tôi nói trong cái hay có cái dở là vậy, người trí thức mà qua Mỹ khi lớn tuổi cũng khổ, vì đi học lại cũng không xong, mà đi làm việc chân tay cũng không hợp.

Cho đến một hôm, tôi may mắn đọc thấy mẩu tin cần tìm người chăm sóc bà cụ, mà lạ lùng là cụ đang nằm trong nursing home. Đã vô nursing home thì có người chăm sóc 24/24 rồi, sao gia đình họ lại thuê thêm người phụ để làm gì? Các bạn ơi, khi đã vào nursing home tôi mới hiểu. Một cái nursing home dù hiện đại hay mắc tiền đến cỡ nào, nó cũng thiếu. Thiếu cái tình! Tình là nguồn sống, nguồn an ủi cuối cùng của những cụ già. Vào nursing home thì cái phần xác người ta được chăm sóc, nhưng phần hồn sẽ chết dần chết mòn, tôi nhận thấy như vậy đó. Con cái của cụ này quá bận rộn hay sao mà cũng không có thì giờ vào thăm cụ, nhưng họ vẫn còn lòng hiếu thảo để nghĩ đến việc bỏ tiền ra thuê người vào thay. Công việc của tôi khá đơn giản, có thể nói là nhàn hạ. Mỗi sáng tôi ghé khu Việt Nam mua đồ ăn cho cụ, xin tờ báo. Cả ngày tôi ngồi bên cụ, đọc sách đọc báo, kể chuyện hay nghe cụ kể chuyện, đút cụ ăn đồ Việt, vì đồ Mỹ trong đó cụ luôn để nguyên cho hộ lý bưng đi, không hề đụng tới. Khi con cái gởi cha mẹ mình vào nursing home thì trong lòng rất yên tâm vì tin rằng ông bà sẽ được chăm sóc. Tôi không trách nhân viên trong nursing home, họ làm đúng công việc của mình. Đúng giờ họ bưng mâm đồ ăn tới, đúng giờ dìu đi vệ sinh, đi tắm, cho uống thuốc. Hết!

Đúng vậy, hết. Chuyên nghiệp, trách nhiệm, thao tác thành thục. Nhưng họ không thể nào san sẻ cái tình của con cái, của gia đình cho từng cụ. Cụ bỏ ăn, họ không thể ngồi hàng giờ để dỗ dành. Tới giờ đi vệ sinh mà cụ không đi, họ không thể kiên nhẫn ngồi chờ. Họ đâu có rảnh ngồi nghe cụ kể về con về cháu, về thời xưa... Rồi dần dần, các ông bà sẽ trở nên câm lặng, ánh mắt vô hồn nhìn vào khoảng không, sống như một cái cây vô tri không cảm giác. Đối với người già, thiếu cái tình của gia đình nó khủng khiếp lắm các bạn trẻ à. Bà cụ tôi chăm sóc thời trẻ đẹp lắm, nhìn hình cụ treo trên tường, cụ mặc áo dài, đeo kính mát to bản, đứng kế chiếc xe hơi, thời đó là sang trọng kiểu cô Ba Sài Gòn.

Nằm cùng phòng là một bà cụ người Hoa, trên tường cũng treo hình chụp với con cháu xung quanh rất đông..Ai cũng ăn mặc có vẻ sang trọng, hình chụp trong một ngôi nhà rất rộng, khang trang. Vậy mà suốt cả năm trời ở đó, tôi chưa hề thấy một người nào trong hình vào thăm. Bà nằm đó vò võ suốt ngày, Tivi bật mà không nhìn, thỉnh thoảng bà lẩm bẩm vài câu tiếng Tàu cho chính bà nghe hay bà đang nói chuyện với một người thân tưởng tượng, tôi cũng không rõ.

Hằng ngày khi đẩy bà cụ của tôi vào phòng sinh hoạt chung để thay đổi không khí, tôi hay bắt gặp một cụ ông, tuy ngồi xe lăn nhưng tay chân khá dài, tôi đoán khi còn trẻ chắc ông cũng to cao, phong độ lắm. Ông quơ tay múa chân, nói tiếng Anh huyên thuyên, bất kể có ai nghe hay không. Tôi nghe một cô điều dưỡng kể rằng ngày xưa ông từng là sĩ quan không lực, phòng ông có treo hình mặc quân phục phi công rất đẹp trai!

Thời gian đó, mỗi ngày vào nursing home, tôi thấy bao nhiêu ưu phiền, lo lắng, căng thẳng vì cuộc sống ngoài kia dường như phai nhạt hết. Vì tôi thấy cõi đời này quá vô thường. Giận dữ, bon chen, sân si... chả có nghĩa lý gì cả. Rồi đến một ngày tuổi già sức yếu, ai cũng sẽ đến lúc phải nằm bất động trên giường, xung quanh bao nhiêu hình đẹp thời trẻ, bằng khen, huy chương... treo đầy về một thời oanh oanh liệt liệt. Những thứ ấy đều trở nên phù du mà thôi.

Tết này các bạn đi chùa, đi hội chợ Tết, đi hội hoa Xuân, có ai có người quen đang nằm trong nursing home không? Các bạn tạt qua một chút thôi, để thăm hỏi, chúc Tết. Đối với chúng ta là những việc rất bình thường, nhưng đối với những ông bà vì tuổi già phải ở trong đó đến cuối đời, thì đó là một niềm vui không tưởng, một hạnh phúc vô biên giúp họ bừng sáng quãng đời còn lại....