PDA

View Full Version : Kiếm Đạo



sôngthương
11-11-2015, 11:10 PM
Kiếm Đạo


http://i789.photobucket.com/albums/yy180/Lakichi/sitting1.jpg


Tương truyền ngày xưa, khi Hoàng tử Tất Đạt Đa cưới Công chúa Da Du Đà La, chàng phải trải qua những cuộc thi cả văn lẫn võ. Cuộc thi đấu kiếm được xem là gay cấn hơn cả vì hồi đó giới quí tộc có rất nhiều những tay kiếm kì cựu. Những nhát kiếm phăng phăng làm đứt thân cây không lời từ tạ cho đến nhát cuối cùng của Thái tử thì người ta không thể nào tin nổi. Sau cái ra tay nhẹ nhàng, thân cây vẫn không hề lung lay. Bỗng một cơn gió nhẹ thoáng qua và cây đổ sụp. Trời ơi! Hoá ra nhát kiếm quá bén, quá phẳng đến nỗi phải chờ có gió mới ngã xuống được. Và Tất Đạt Đa đã thắng thuyết phục trước hàng con mắt chứng kiến. Để rồi nhát kiếm ấy mấy ngàn năm sau còn làm thổn thức những bậc võ sư, những tu sĩ và những ai qúy trọng cái nghệ thuật sống ở đời...


KIẾM ĐẠO (http://hkzanh.vnweblogs.com/post/4184/193260)

Vị tu sĩ lặng lẽ bước đi trong chiều, một buổi chiều không mang nhiều sắc nắng giữa cánh rừng rải đầy lá cuối thu. Năm đó gió trở mùa sớm và lá tự dưng đổ xuống đột ngột trong một ngày khiến người tu sĩ không thể tĩnh tâm ngồi thiền được. Người bước đi, chiếc áo cà sa cũng khá mệt mỏi cứ vướng víu vào những gốc cây như thể còn những mối bận bịu chưa dứt được. Hôm ấy vị tu sĩ tròn hai nhăm tuổi đời và tám tuổi đạo. Màu áo cà sa bàng bạc những tháng năm khất thực đủ để vị sư nhắn nhủ với đời rằng sự tu tập đã đến một độ nào đó nhất định. Dĩ nhiên vị sư thừa hiểu cái việc đi tìm đạo thì không có cái tận cùng mà chỉ như một con dã tràng xe cát biển đông, chắt lọc lại cho đời những hạt ngọc quí báu. Vị sư nhớ lại tám năm trước, cái ngày mà chàng trai mười bẩy tuổi quyết định xuất gia và rồi đam mê một nhát kiếm...


* * *

1.
Khi sinh ra đời hắn đã mang một vết sẹo sau gáy, nhát sẹo nằm chéo như thách thức với cuộc đời. Ông nội nhìn cái vết trêu ngươi ấy và lắc đầu một cách buồn bã, dường như định mệnh từ tiền kiếp đã gán lên thân thể hắn ngay từ thuở lọt lòng.

Ông lấy cái bảo kiếm mắc giữa căn bảy bàn thờ tổ, cả nhà sợ hãi dõi mắt, chưa ai ở trong nhà này dám can ngăn ông nội hắn làm một điều gì. Đó cũng là lần đầu tiên mọi người nhìn thấy ông đưa tay tháo cây kiếm ra, từ trước giờ nó vẫn yên vị ở trên đó. Cây kiếm sáng loáng dưới cái nắng ban mai bổng loé lên những tia lửa khiến những con mắt không khỏi lạnh lùng sợ hãi. Ông dùng hai ngón tay vuốt nhẹ từ chuôi đến đầu kiếm, một lớp bụi được cuốn đi để hiện rõ lên bảy chữ Hán, ông đọc to "Tề Gia Trị Quốc Bình Thiên Hạ". Không ai hiểu ông sẽ làm gì với cây bảo kiếm ấy, một đường quyền chăng? Thế rồi ông lẳng lặng đi vào căn buồng của người con dâu. Vị sản phụ đã ngất đi sau khi dồn hết sức để cho thai nhi ra đời, còn đứa bé thì rống khóc lên như thể nó muốn vùng vẫy với đời lắm rồi!

Ông nội đi vào, tiếng thét gào của hài nhi bỗng im bặt, tất cả những ai có mặt hôm đó tái mặt đi và hồ nghi nghĩ đến một cơ sự không lấy gì làm vui. Nhưng họ thừa hiểu rằng ông là một người đức độ từ xưa đến nay, trong làng ngoài xã chưa ai chê ông một cái gì, họ biết ông sẽ làm những điều cần thiết. Lát sau ông đi ra, đưa nhát kiếm ngang trước mặt mọi người, vết máu tươi vẫn còn nóng hổi dính trên mé kiếm.

- Cái nhau thai của nó cũng cứng như cái mặt nó vậy! - Ông nói một câu điềm nhiên không mang một niềm vui hay nỗi buồn.

Hoá ra là nãy giờ ông đã dùng cây bảo kiếm để làm cái công việc của một bà đỡ. Giờ thì tất cả yên tâm, thế là nó được tự do cắt hẳn khỏi sự ràng buộc chín tháng mười ngày bấm đốt ngón tay người mẹ. Ông móc lại cây kiếm lên bức vách rồi đi ra ngoài sân, thét một tràng cười sảng khoái khiến đứa bé mới lọt lòng cũng gào theo. Tiếng thét của ông vang đi xa tận dãy núi cách đó mấy dặm và dội lại cái âm ỉ sau khi ông dứt. Đó là cái ngày hắn ra đời, không ai hiểu được những nghi lễ mà ông nội hắn đã làm cho cuộc hiện sinh của một hoài thai. Có thể đó là một định mệnh chăng?

Ba ngày sau ông nội chết, không ai rõ nguyên do của sự ra đi vội vàng ấy. Chỉ biết đêm trước đó là lần đầu tiên, lần duy nhất và cũng là lần cuối cùng ông đi quyền - ông là một võ sư có tiếng về cả tài năng lẫn đức độ. Cũng chẳng ai nhìn thấy ông múa kiếm như thế nào. Sau bữa cơm tối nhẹ, ông nhấp chén trà gừng như thói quen rồi lẳng lặng bồng đứa cháu nội mới sinh ba hôm, khoác thêm cây bảo kiếm đi về hướng Tây. Một canh giờ sau người ta nghe thấy những tiếng kêu chém gió từ phía miếu làng vọng về, đó chính là tiếng kiếm của ông, sắc lạnh và đanh thép, nghe hãi hùng nhưng làm cho người ta yên tâm. Lát sau ông về nhà, đặt đứa bé vào tay mẹ nó và nói: "Thế là cuối cùng ta cũng đã yên tâm, không hổ với tổ tiên rồi! Nó đã được xem ta đi hết bài Bạch Nhật Khai Quang Kiếm và ta tin chắc nó đã tiếp thu được hết những tinh hoa của gia tộc, nó sẽ thay ta làm những việc cần làm của một bậc quân tử". Ông móc lại cây kiếm và đi nằm. Sáng hôm sau thì ông không dậy nữa, chỗ ngực trái vẫn còn nong nóng nhưng người ta vẫn không cố làm cho trái tim kia đập lại được. Họ hiểu ông ra đi như vậy là nhẹ nhàng rồi, không nên níu giữ lại làm gì...

Hắn lớn lên, không hề biết về cái chuyện ngày sơ sinh của mình bởi không ai kể cho hắn cũng như không được biết cái vết sẹo, ở đời có ai nhìn được phía sau gáy mình có gì đâu? Những ẩn ý của số phận chưa một lần được gọi tên, hắn cứ sống và tỏ ra là một đứa bé thông minh. Cây bảo kiếm vẫn treo ở căn bảy, sau ngày ông nội mất vẫn chưa có ai khác được phép sờ vào, chỉ có hắn là tò mò khi dọn dẹp bàn thờ. Mỗi lần như thế, hắn lại đưa tay sờ vào những chữ Hán trên đó. Song, có một điều kì lạ là chưa lần nào vuốt được hết cả thảy bảy chữ vì cứ vuốt đến giữa lưỡi dao thì hắn nghe bên tai có lời ai đó thét lớn: "Tâm chưa tĩnh! Dừng lại!",vậy là hắn hốt hoảng bỏ tay ra. Cái lời thét kia cứ làm hắn suy nghĩ và băn khoăn: "Tại sao lại có lưỡi kiếm kì lạ đến vậy?". Hắn không dám hỏi ai cả vì hắn nhận ra bất kì ai vào nhà hắn đều nhìn lưỡi kiếm với vẻ ái ngại, kể cả những người trong nhà cũng chỉ đưa mắt liếc qua mà thôi!

Hắn là một đứa bé kì lạ, khuôn mặt phúc hậu lắm nhưng chưa hề thấy khóc cười bao giờ. Vấp đá ngã, hắn tự đứng dậy. Máu chảy, điềm nhiên vặt cỏ ven đường bỏ vào mồm nhai rồi đắp lên vết thương, không một cái nhăn mặt rên xiết. Hắn không chơi những trò chơi con trẻ và không kết bạn với lũ đồng trang lứa.

Hắn bị câm. Mẹ hắn không buồn bởi bà hiểu, nó là đứa con của trời đất, nó câm bởi cái vết sẹo kia đã thay lời tất cả những gì muốn nói. Người ta thường thấy hắn ngồi trầm ngâm lâu ở bên miếu làng, chỗ mà ngày xưa ông nội đã đưa hắn lên để diện kiến đường kiếm độc nhất vô nhị. Hắn chỉ ngồi thế, không ai biết trong đầu đứa trẻ lên mười đang nghĩ gì vì hắn đâu có nói được gì. Người qua đường thấy thế lâu rồi cũng thành quen, mà cũng chả ai dám nhìn hắn lâu, không ai đàm tiếu về cái sự lạ ấy. Có lẽ hắn là một nhân ảnh của ông nội khiến người ta phải kính nể nên không dám lời ra tiếng vào.

Sự có mặt của hắn trong ngôi nhà đôi lúc thành thừa. Dường như họ chỉ công nhận sự hiện diện của một thực thể để chứng tỏ cái nhà này không thất truyền, để không hổ thẹn với tổ tiên mà thôi. Thế nhưng từ ngày có hắn và sau khi ông nội mất thì người ta cảm thấy cái bảo kiếm treo ở trên kia không cô tẻ. Ít ra là nó đã có chủ nhân cho cuộc nối tiếp...

Năm lên mười bảy, hắn là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, mã ngoài lực lưỡng, chỉ mỗi tội không nói được. Thế rồi hắn ra đi, vào một ngày đông mưa gió lớn, sấm giật rung mạnh quật ngã hai cây đa ở miếu làng. Người ta bảo nhau có sự lạ. Và thật thế, thằng câm đã ra khỏi làng, mang theo cây bảo kiếm với bảy chữ "Tề Gia Trị Quốc Bình Thiên Hạ". Không ai buồn hay tỏ ra thương xót cho cái sự ra đi kia vì họ như hiểu được đó là chuyện tất dĩ đến, chỉ có điều sớm hay muộn mà thôi. Còn với hắn thì sao, mười bảy năm ở trong ngôi nhà ấy như một nhân sự biết thở đủ chán chường để cho một cuộc thay đổi lớn. Và hắn ra đi không một lời từ tạ hay một điều gì nhắn nhủ ngoài cái chỗ trống còn lại trên bức vách giữa bàn thờ tổ - cây bảo kiếm đã được hắn mang theo.

Làng từ đó vắng bóng hai cây đa trầm tư bên miếu, sau trận sấm sét động trời như cắt ngang một quá khứ, chẳng ai còn nhớ đến hình bóng một vị võ sư già, một thằng câm và một lưỡi kiếm, hoạ chăng chỉ còn lại tiếng khua chém gió của nhát kiếm mười bảy năm về trước mà thôi!

2.
Bỏ khỏi làng, hắn lần theo dấu sỏi phía tây để đi, không biết đi đâu, hắn tự nhủ sẽ theo dấu sỏi ấy bao giờ hết thì thôi. Dường như ai đã rải những viên sỏi cuội màu trắng trong trên cái lối đi ấy để dẫn dắt một thằng câm chiều nay. Hắn đi, cái lưỡi kiếm khoác sau lưng thi thoảng cắt gió phát ra tiếng kêu sắc lẽm lạnh hồn. Hắn vẫn không biết là mình đi đâu, như một cuộc trốn chạy đời sống mà mỗi bước chân còn nghe vang vọng sau lưng lời ai gọi, và hắn cố bước thật nhanh để khỏi nghe thêm những âm thanh ấy. Ba ngày ba đêm thì chân mỏi, bụng đói, những lối đi giờ chỉ còn lưa thưa sỏi, những viên sỏi cuối cùng của cuộc hành trình nằm rải rác đủ cho hắn hiểu mình sắp được dừng chân. Trước mắt hắn là một cái chòi lá cọ, đó là ngôi chùa mà lần đầu tiên hắn được thấy.

Ngôi cổ tự nằm uy nghiêm tĩnh mịch sau gốc cây bồ đề. Những chiếc lá hình trái tim rơi xuống nối tiếp những viên sỏi cuối cùng của cuộc hành trình, hắn hiểu từ nay sẽ dấn thân vào một con đường mới, không còn là lối sỏi khô khốc nữa mà là con đường rải bằng lá bồ đề...

Hắn thoát y khi ngón chân cái vừa chạm đến viên sỏi màu trắng cuối cùng, chỉ mặc mỗi chiếc quần cọc và cầm cây kiếm. Với cái tư thế ấy thì hắn giống một tay anh hùng võ hạng. Dù đã ba ngày không ăn uống, mỏi mệt nhưng hắn vẫn cố đi những bước thật vững chãi trên lá bồ đề. Vị sư già từ trong ngôi cổ tự bước ra, trên tay lần chuỗi hạt, trông thấy hắn với cái thân thể cường tráng, chợt trong tâm trí vị sư trụ trì hiển hiện hình dáng của một kẻ thù mấy chục năm về trước. Hắn gập đầu xuống đất, không phải cúi chào sư cụ mà chỉ là do đuối sức quá rồi. Cái vết sẹo sau gáy đập vào mắt nhà sư, nó giống hệt cái vết sẹo mà kẻ thù đã để lại cho sư thầy. Ông nội thằng câm chính là kẻ thù của vị sư già này. Trong phút giây, sư nhắm mắt niệm: "A di đà Phật! Vậy là nó cũng đã đến như một lẽ vô thường, hoạ hay phúc thì âu cũng là chuyện nhân quả ở đời. Ta đã tu mấy chục năm, mọi lẽ biến hoá vạn pháp thấu hiểu cả nhưng không thể cưỡng lại cái quả ngày hôm nay".

Vị sư đỡ thằng câm vào chùa, dắt dìu nó trên thảm lá bồ đề một cách vô tư bằng đôi tay gầy gò. Cũng đôi tay ấy chính ngày xưa thầy đã cầm kiếm tranh tài với ông nội hắn, cuộc đấu kiếm giữa hai chàng võ sĩ thuộc hai môn phái khác nhau chỉ vì cái nỗi hiềm khích tranh nhau chức thống soái võ hạng. Ông nội hắn là dân miền biển nên vũ khí là chiếc mác như dáng cánh buồm căng ra hứng gió, còn vị sư già là kẻ ở miền cao nên cầm trong tay cây kiếm nhọn như những cây phi lao rừng. Cuộc đấu diễn ra căng thẳng. Cả hai bên đều hiểu đây không phải là một cuộc tương tàn mà chỉ là sự tranh nhau địa vị, vì thế họ đều cố tình không làm tổn thương nhau, ấy là cách đấu võ của bậc quân tử. Nhưng một phút sơ suất, cây kiếm tuột khỏi tay kẻ ở miền cao, nó lao lên không trung rồi xuyên qua mái tranh đâm thẳng vào ngực vợ đấu thủ, bà nội hắn chết với một tiếng kêu thất thanh. Trước khi kẻ thù bỏ chạy thì ông nội thằng câm đã kịp phang một nhát dao vào cổ đối phương và để lại vết sẹo bây giờ sau gáy vị sư già.

Sau cuộc đấu kiếm, bà nội thằng câm mất, ông nội nó đem cây dao xuống bờ sông và ném đi vì tự thấy xấu hổ. Thứ nhất là chỉ vì ông mà vợ đã chết oan uổng, thứ hai là ông đã chém một nhát vào kẻ thù, như thế là sai luật, là không quân tử, và ông tự hứa với mình sẽ chẳng bao giờ tập luyện võ thuật nữa. Cây kiếm găm vào ngực người vợ được ông đem treo lên giữa bàn thờ không biết với mục đích gì. Để rồi tháng năm qua nó vẫn lạnh lùng một điều bí hiểm chả ai dám nhắc đến.

3.
Thằng câm tỉnh dậy sau khi đã được húp một bát nước cơm nhà chùa và nằm ngủ nửa ngày. Nó chợp mắt thì được nghe tiếng chuông và hồi kinh mà sau này hắn biết đó là kinh Sám hối. Thầy đã tụng xong hồi kinh buổi sớm, đang ngồi thư thái bên tảng đá thì hắn bước đến từ phía sau. Vết sẹo thẫm màu sau cổ vị sư đập vào mắt hắn dễ dàng bởi cái đầu thầy bóng nhoáng sau mấy chục năm trường chay niệm kinh. Hắn hơi bất ngờ trước cái vết cắt xéo ấy, ngần ngại dừng chân. Vị sư vẫn điềm nhiên ngồi, không quay lại mà chỉ nói nhẹ.

- Con cứ yên tâm đừng sợ, hãy lại đây ta kể cho nghe về cái vết sẹo kia rồi sau đó thế nào thì tuỳ con. Ta giờ cũng hết luỵ đời rồi, có sao đi nữa thì cũng được.

Vị sư kể lại tất cả câu chuyện về cuộc đấu kiếm mấy chục năm về trước cho nó nghe một cách chính xác tỉ mỉ. Cái lối kể không phải để cầu xin một sự tha thứ, không phải một sự phân bua mà là kể chân thực như không còn chi hệ luỵ. Hắn lắng nghe từng lời như nuốt lấy mẫu nước cháo sáng nay thầy cho uống, vốn bị câm nên hắn chẳng thể phản lại một từ nào, đến đoạn kể cái chết của bà nội thì hắn hơi giật mình rồi lại bình tâm.

- Thế đó! Tất cả ta đã kể hết cho con, ta đã giết chết bà nội con và niệm kinh sám hối ba mươi năm nay nhưng ta vẫn thấy chưa chuộc hết tội lỗi của mình. Bây giờ thì tuỳ con hành xử, thế nào ta cũng chấp nhận hết, không một lời oán trách.

Vị sư nhắm mắt, chờ đợi trong sự an nhiên một nhát kiếm từ tay thằng câm. Công phu tu luyện mấy mươi năm khiến thầy thấy bình tâm đến lạ trước cái chết đón chờ. Bỗng nhiên thằng câm đổ sụp gối xuống trước mặt vị sư, cây bảo kiếm vẫn khoác chéo sau lưng không hề được gỡ ra. Lát sau vị sư già mở mắt ra, nhận thấy trên khoé mắt thắng câm rơm rớm lệ. Hắn không nói được nhưng thầy đọc thấy trong đôi mắt kia những lời nhắn gửi: "Không thể lấy oán để đền oán được, nếu cứ thế thì cái nghiệp báo nặng nề sẽ còn mãi. Nay con xin theo thầy làm một đệ tử vì chỉ có cách đó mới chuộc lỗi được cho ông nội con".

Vị sư già nhắm mắt, lần trên tay đủ tám mươi mốt hạt cườm rồi nói.

- A di đà Phật, vậy là ta đã tìm được một đệ tử xuất sắc. Coi như ta lấy cái công dạy pháp cho con để sám hối lỗi lầm trong kiếp này vậy.

Thế là từ đó ngôi cổ tự có hai vị sư, một sư già và một sự trẻ sớm hôm niệm kinh. Vị sư già dạy cho thằng câm hôm nào rất nhiều những pháp môn, những kinh điển của nhà Phật. Tuy nó vẫn không nói được nhưng qua những cái gật đầu, cách bước đi và cách lần tràng hạt đủ để thầy thấy sự tiến bộ của người tu sĩ trẻ. Thầy giảng cho vị sư trẻ chuyện nhân quả nghiệp báo ở đời. Cái vết thẹo ở cổ con là do nghiệp báo của nhát đao mà ông nội con chém vào cổ ta, còn cái việc ta không thể có vợ và phải lên chùa làm sư là do đã lỡ tay giết vợ người ta, con có thấy luật nhân quả ở đời công bằng quá không? Rồi cứ thế hai vị sư như thể hai thầy trò, có khi như hai người bạn cùng tu. Vị sư già dạy, ở đời do tham - sân - si mà con người ta khổ, ta và ông nội con đều do ngu muội mà đem đao kiếm ra đấu nhau, cái chuyện danh lợi ở đời nó có đáng để tương tàn nhau như thế không?

Không chỉ dạy về kinh thư, vị sư già còn truyền lại tất cả các bộ pháp võ của mình cho người tu sĩ trẻ. Những bộ quyền khoẻ khoắn, nhát kiếm sắc sảo vuốt cong cả khoảng không gian, chém vào hư vô như muốn cắt đi phiền não. Thầy dạy cho vị sư trẻ phép thiền kiếm như một cách để luyện tâm.

- Con nhớ đây, tất cả pháp đều do tâm làm chủ, tâm dẫn đầu tạo mọi nghiệp duyên. Chính vì thế mà mỗi nhát kiếm phải được chém ra từ trong tâm, phải biết nhát kiếm ấy chém vào đâu và để làm gì. Người xưa xem kiếm là vũ khí để tự răn mình. Đó cũng là cái mục đích cao cả và đúng đắn của võ thuật mà mỗi người tập võ luôn luôn tâm niệm.

Tám năm như thế, hai vị sư hôm sớm chuyên tu, một vị sư già niệm kinh còn vị sư trẻ kia chỉ biết lần tràng hạt và gõ mõ. Thế nhưng vị sư già vẫn rất tâm đắc người học trò xuất sắc của mình và nhận thấy sự thức tỉnh nhanh chóng cũng như con đường mà vị tu sĩ trẻ kia đang đi hoàn toàn là hướng đến giác ngộ.

Một hôm, hai thầy trò đang dạo bước sau chùa thì bắt gặp một gốc cấy khá già cỗi. thầy bảo đó là cây si mà người đã trồng nên từ hồi còn rất trẻ. Chính cây si đó là gốc rễ của tội ác mà thầy gieo nên ba chục năm về trước. Thầy đã chuyên tu, cả luyện kiếm pháp để mong một ngày chém đứt cây si đó nhưng đến bây giờ vẫn không thể, bởi để cắt bỏ hoàn toàn những ngu muội nơi mình thì tự thân thôi chưa đủ mà phải có nhân thân, có bạn đồng tu. Nay thầy thấy con là người đáng tin cậy để cắt bỏ giúp thầy cây si đó. Con hãy luyện nhát kiếm thật sắc bén như nhát kiếm mà Thái tử Tất Đạt Đa - đức Phật sau này - đã ra tay trong cuộc tranh tài ngày ấy để trừ bỏ cái "si" giúp ta.

Sau lần ấy, người tu sĩ trẻ sớm hôm luyện tập miệt mài hơn nữa với bảo vật mang theo hòng học được nhát kiếm của Thái Tử Tất Đạt Đa. Nhát kiếm ấy không chỉ để cắt đứt cái gốc rễ si mê giúp thầy mà còn là để cắt bỏ nghiệp chướng cho chính mình. Hơn ai hết, vị tu sĩ trẻ hiểu rằng, muốn độ đời trước hết phải độ cho chính mình cái đã.


* * *


Chiều nay vị tu sĩ dạo bước tĩnh lặng và thấy khang khác trong mình. Vẫn cái im lặng cố hữu do dị tật bẩm sinh mà thầy không oán trách ai cả, vì thầy hiểu đó là nghiệp chướng của tiền kiếp. Vị tu sĩ bước đi, cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái, khác hẳn cái bước chân tám năm về trước khi lần theo lối sỏi lên chùa.

Hoàng hôn đã đổ, vậy là chiều sắp tắt cho một ngày chìm vào bóng đêm. Nhẽ ra giờ này như mọi ngày thầy đã nghe được tiếng chuông chiều của vị sư già, nhưng sao hôm nay thầy đợi mãi vẫn không nghe thấy. Chắc hẳn có sự lạ rồi!

Vị tu sĩ trẻ vẫn điềm nhiên bước, lòng tự nhủ, chuyện gì đến thì nó sẽ đến như cái lẽ vô thường, ta có gấp gáp đi chăng nữa thì cũng không cưỡng lại luật đời. Cứ thế, thầy bộ hành về đến chùa. Không gian im ắng trong cái hoàng hôn se lên một màu lam thanh tịnh, vị tu sĩ trẻ bước vào khánh điện và thấy vị sư già đã viên tịch, pháp thể toạ xuống nền đất với vẻ toại nguyện, chuỗi hạt vẫn khoác trong tay.

Vị tu sĩ trẻ nhắm mắt nhẩm một câu kinh tiễn linh rồi quay ra, đi về phía sau chùa với cây bảo kiếm. Hôm nay vị sư trẻ sẽ phang nhát kiếm sắc lạnh, kết quả công phu mấy năm đeo đuổi vào gốc cây si.

Thật bất ngờ, khi vị tu sĩ đến nơi thì gốc cây si đã chết héo, mới hôm trước thấy còn tươi tốt nhưng bây giờ, trước mắt thầy chỉ là cái xác khô gầy không một chiếc lá. Thầy khoác lại cây bảo kiếm trên lưng, thế là cái si mê nó tự chết đi khi nào ta thức tỉnh chứ không cần đến một nhát kiếm. Mà nhát kiếm có sắc đến đâu cũng chưa chắc chém đứt được, vì để trừ diệt gốc rễ si mê là cả một quá trình tu nhân tích đức, tạo nghiệp tốt. Si mê là do tâm ta tạo ra thì nó sẽ bị chính tâm ta trừ khử khi nào đủ công hạnh.

Lần đầu tiên sau tám năm cải tục làm sư, hôm nay vị tu sĩ trẻ mới thấy mình học được bài học thâm thuý đến vậy. Trước mắt thầy, hoàng hôn khép lại một ngày nhưng lại mở ra con đường rải đầy cỏ hoa và lá bồ đề - đó là con đường tỉnh thức để đến với bờ giác an vui.

Minsk, đêm 10.12.2007
HOÀNG CÔNG DANH



http://www.chutluulai.net/forums/showthread.php?p=57696

sôngthương
11-16-2015, 10:34 PM
Luyện nước

Buổi sáng như thường lệ, sư thầy dậy sớm, ướp sẵn tách trà hoa đại rồi bước ra vườn khai tâm thất tâm nhĩ bằng một bài quyền bộ. Tùy theo hơi sương khí trời mà chọn bài đi phù hợp. Sáng nào nhiều sương thì đánh bài Ngọc Trản, lấy chén ngọc hứng tinh hoa ban mai. Hễ trời quang đãng thanh tịnh lại đi bài Bát Tiên, như một cung cách gọi mời tám vị tiền bối cùng ngồi tri ẩm.

Riêng sáng nay thầy không đánh quyền mà chỉ luyện trung bình tấn cho tụ khí đan điền và tập trung suy nghĩ một phương pháp giáo dục đệ tử. Từ khi điệu Sanh vào chùa, thầy phải lo thêm nhiều thứ, đôi khi xảy ra nhiều chuyện rắc rối tại điệu ấy hiếu động. Thầy nghĩ, có lẽ ta nên dạy điệu Sanh tập võ, lấy sự vận động để tiêu diệt hiếu động. Hơn nữa, cũng để tập cho điệu thói quen dậy sớm. Người nhà chùa mà cứ mê man giữa ban ngày thì làm sao khai thị được chúng sanh. Tất nhiên, phương pháp nào cũng có hai mặt của nó, đôi khi vận dụng không khéo lại có tác dụng phụ ngoài mong muốn. Thầy vẫn chưa quên trong lịch sử, cuối thời nhà Trần có vị tu sĩ Phạm Sư Ôn, là đệ tử của sư Vô Trụ. Phạm được đào tạo võ thuật, cho đến một ngày nhận ra an nhiên tu để thoát tục dài và khó quá, chi bằng tìm kiếm cái quyền lực giữa đời mà hoằng pháp, thế là dùng đao kiếm. Mà đao kiếm vô tình, nếu lưỡi không cứng thì nó quay lại phản chủ. Thời thế mỗi lúc một khác, đạo Phật vốn có tính khế thời, tùy nghi hành pháp cho phù hợp. Con người ngày nay lại nhiều cám dỗ, thầy không chắc điệu Sanh sẽ bền chí.

Trở vào tịnh thất, thầy nhấp chén trà, nhìn điệu Sanh vẫn còn ngủ rồi quyết định sẽ cho điệu ấy tiếp xúc với võ học. Dù kết quả có thế nào chăng nữa vẫn phải thử, như một phép toán dẫu không đưa đến đáp án thì cũng thu lượm được những kỹ năng.

Chỗ tập võ ở sau nương chùa, thầy không muốn quấy tan không gian yên tĩnh trước cửa thiền. Hai thầy trò cùng nhau luyện tập nơi khoảng đất nhỏ ấy thôi, bên cạnh có một hồ nước. Hồi mới về chùa, sư thầy đã cấy những cọng sen xuống đây, đến năm sau sen đã bung lá trên mặt nước, tạo thành từng trảng như những chiếc mẹt con thả nổi. Bây giờ thì sen đã lan ra đầy hồ, lâu lâu thầy lại lội xuống ngắt bỏ những chiếc lá đã quá già, nhường chỗ cho các lá non. Vào cuối thu, mỗi buổi sớm sen đơm búp trắng như chắp tay cầu nguyện. Ở chính giữa hồ, thầy thả nổi trên mặt nước một khung tre hình ngũ giác, kích thước mỗi cạnh chừng sải tay thôi, ngăn không cho cánh sen len vào. Thầy làm thế để chính giữa hồ có một khuông thoáng. Tâm phải phẳng lặng. Từ bên bờ hồ, bắc một nhịp cầu tre nối ra phần mặt thoáng đó. Vào dịp rằm tháng tư, thỉnh một tượng nhỏ hình Đức Phật Đản Sanh đặt chính giữa hình ngũ giác, cho mọi người đến chùa múc nước tắm Phật.

Sáng hôm ấy, điệu Sanh đã được báo trước chuyện tập võ nên thức dậy sớm, tỉnh táo hẳn chứ không ngáp ngắn ngáp dài như mọi bữa, vẻ hứng thú. Bắt đầu với những thế tấn: trảo mã tấn, đinh tấn, trung bình tấn... Ở mỗi thế tấn, ngoài việc hướng dẫn cách đặt chân sao cho đúng, thầy còn giảng về những đạo lý và cách dùng. Chẳng hạn trung bình tấn là chia đều trọng lực cho các chân, người ta muốn đứng vững giữa đời thì phải biết tự cân bằng cuộc sống của mình. Trảo mã tấn dùng trong đòn nhá, dồn mọi trọng lực vào chân sau, chân trước như là bình phong hộ mệnh. Điệu Sanh chăm chú lắng nghe và làm theo. Có vẻ đối với chú tiểu học võ dễ hơn nhiều so với học pháp. Ở đời, hầu cái gì dùng tay chân cũng dễ hơn kiến thức kinh viện.

Bữa sau lại học tiếp năm đòn đánh tay và tám đòn cước chân sơ cấp. Các đòn tay đơn giản, thầy đi một lần là Sanh làm theo y chang. Các đòn cước chân khó hơn. Đến nghịch đảo cước là đá ngược vòng chân lui sau, rất dễ ngã. Tám đòn cước chân đi liên hoàn trên một đường thẳng. Hai thầy trò nghỉ mấy phút, lúc ấy thầy tranh thủ đi vào nhà ủ trà, còn điệu Sanh vẫn một mình luyện các đòn cước chân. Giẫm phải hòn sỏi, đau chân. Điệu nhặt nó lên, ném thẳng xuống chỗ mặt thoáng giữa hồ. Thầy bước ra, nghe tiếng tõm nhỏ, mặt nước gợn lên những vòng sóng đồng tâm loang dần ra.

Thầy hỏi sao con ném đá xuống hồ. Sanh đáp: “Ai bảo nó làm con đau”. Thầy cười, không dưng lại đi giận hòn đá, thật là trẻ con. Mà chẳng riêng gì trẻ con, người lớn cũng thường giận vô cớ. Có khi còn vô minh và vô tâm hơn thế, họ ném tất tần tật mọi thứ thừa thãi xuống các hồ nước đấy thôi. Người tập võ phải khác, tâm mình đang thanh sạch thì đừng ném cái bực bội vào đó, và cũng không thể dùng tay chân để trút bỏ giận hờn. Ở khía cạnh này, việc luyện võ giống với sự tu hành của đạo Phật. Giữ cho tâm bình yên, bước chân an lạc, ý nghĩ và hành động phải trong sáng.

*
Nhớ ngày xưa, trước khi vào chùa, sư thầy là chàng trai phẫn chí, bỏ nhà đi lang bạt, rồi dừng chân nơi miền cao, được một vị võ sư phái Long Phi gốc Sông Bé cho ở nhờ. Hằng ngày chàng trai có nhiệm vụ đi gánh nước. Buổi sáng về tưới vườn rau quanh võ đường. Buổi chiều gánh về cho các võ sinh rửa tay chân sau khi tập luyện. Còn thêm mấy thùng nước sạch nhất lấy ở chỗ khe chảy ra, đem về để nấu ăn. Gánh như thế được một tháng thì chân tay chàng nhỏ lại, nhưng rắn chắc hơn. Bấy giờ vị võ sư mới cho chàng tham gia vào lớp tập luyện. Chàng mừng ra mặt, nói hôm mới vào đây con muốn xin thầy theo học lắm, nhưng ngó thầy khó nên con không dám, chỉ xin được tá túc vài bữa thôi. Vị võ sư già ngẩng mặt lên cười.

- Không riêng gì con, tất cả môn đệ của ta đều thế cả. Muốn theo học đều phải trải qua một tuần trăng gánh nước. Mục đích trước hết là để cho da thịt săn chắc, xương khớp dẻo dai trước khi tham gia vào võ đường. Sau nữa, điều quan trọng là gánh nước để thanh tẩy tâm mình. Võ học như thiền định vậy. Và sau cùng, sự tưới tẩm sẽ làm nẩy sinh những mầm xanh. Ngay bây giờ con nên ghi nhớ châm ngôn của võ học cổ truyền: “Hãy biến sức mạnh thành tình thương đi gieo rắc khắp quê hương, mãi bao giờ Việt Nam còn thì võ học còn, nhằm đáp báo ơn sư và rạng danh môn phái”.

Chàng trai theo thầy tập luyện bốn năm trời, miệt mài bền bỉ, và sớm được thăng cấp hồng đai tứ đẳng. Đai đỏ là huấn luyện viên cao cấp rồi. Khi ấy chàng mới hai mươi ba tuổi, phải đợi thêm năm năm nữa, đủ hai mươi tám tuổi mới được làm luận để thăng tiếp bạch đai và cấp chuẩn võ sư. Nhưng chừng ấy năm theo học với sư phụ, những đường quyền ngọn cước đã giúp chàng khai ngộ ra nhiều điều, bỏ đi những tâm tánh ngang ngược, thế là được rồi, cần chi võ vị nữa. Chàng xin phép sư phụ được rời võ đường. Trước khi đi không quên hứa hẹn, năm năm nữa sẽ quay lại, hứa là để sư phụ an tâm rằng học trò của mình vẫn còn nhiệt huyết với võ học. Sư phụ chấp thuận cho chàng đi và dặn, hễ đến đâu thấy điều kiện thuận lợi thì nên truyền thụ cái đã học được, một phần giúp người, phần nữa là duy trì môn phái. Nhưng nhớ, đừng mãi võ kiếm cơm…

Hai mươi ba tuổi, thanh niên chừng ấy đã có nghề nghiệp để làm ăn. Chàng thì vẫn chưa có gì ngoài sức lực. Thời gian ở với sư phụ, ngoài luyện võ thì chỉ trồng trọt mà thôi. Cuối cùng chàng vào một ngôi chùa và ở lại đấy, hằng ngày cùng sư trụ trì chăm tỉa vườn tược và học đạo. Nói vậy nghe có vẻ vì vô công rồi nghề, sợ đói mà vào chùa. Thật ra, người ta tu là có duyên cả, đừng tưởng có cơm ăn chỗ ở mà sống được chốn thiền đâu. Tu cũng là một cái nghiệp đấy thôi.
*

Kể từ ngày rời võ đường đã ba mươi năm, những bài quyền có quên một vài bộ, mấy câu thiệu có bị lẫn lộn trước sau chút ít. Nhưng thầy cố gắng nhớ, cái gì nhớ không nổi thì có thể tự nghĩ ra, làm sao cho bài quyền đi thông suốt là được. Ngày xưa sư phụ chẳng đã dạy, chính do tam sao thất bản mà võ học Thiếu Lâm ngày nay phong phú là gì. Bây giờ thầy dạy điệu Sanh, cũng là một dịp để thầy nhớ lại những bộ pháp. Mỗi người thầy là một học trò cần mẫn ôn bài.

Nghĩ lại thấy công phu gánh nước luyện võ của sư phụ ngày ấy thật thâm thúy. Như một thứ công án thực hành của nhà Phật. Nhờ gánh nước mà tuổi trẻ nông nổi của thầy được cải thiện, thuần hóa. Thầy tự đặt cho công án này một cái tên là “luyện nước”, và tính chuyện đem ra áp dụng đối với điệu Sanh.

Ngày hôm sau, trước buổi tập võ, sư thầy chỉ tay ra hồ nước, hỏi điệu Sanh còn nhớ chuyện hôm qua không. Điệu ngơ ngác:
- Chuyện gì hả thầy?
- Thì chuyện con ném hòn sỏi xuống hồ, con đã làm bẩn hồ nước, một hòn sỏi nhỏ chừng đó đủ để làm cho mặt nước bớt tĩnh tại. Bây giờ thế này. Mỗi ngày trước lúc tập võ con hãy đi quanh hồ, nhặt những chiếc lá úa rụng xuống đó.

Điệu Sanh nghe lời thầy. Bữa đầu nhặt hơi lâu vì lá rụng nhiều ngày dồn lại, những lần sau thì điệu chỉ đi một vòng, loáng cái là xong nhiệm vụ. Thầy nói nếu người ta năng làm sạch một nơi nào đó thì mỗi lần làm sẽ nhanh hơn. Cái tâm con người ta nếu ngày nào cũng đem ra mài giũa thì dễ tiến bộ hơn.

Có buổi tập xong, buồn tiểu quá, Sanh kéo quần vãi luôn xuống hồ nước. Quen. Lần sau điệu Sanh lại cứ xả tự nhiên. Xem ra tiểu ở chỗ này cũng vui vui. Những vòng tròn đồng tâm cứ loang ra trên mặt thoáng, vài chú cá tưởng sắp được ném mồi cứ vây tới đớp đớp.

Rồi sư thầy cũng bắt gặp điệu Sanh đi bậy. Thầy lại giao cho Sanh thêm một nhiệm vụ. Cứ sau buổi tập điệu phải múc năm gáo nước ở chỗ đó, đem tưới vào hàng hoa lan đất trước cổng. Làm ô uế nước hồ thì múc nó đi. Lần phạt này xem ra điệu Sanh không hào hứng như bữa bị bắt nhặt lá sân chùa, hay vớt lá mặt hồ. Điệu nghĩ, múc hết cái hồ này chắc phải đến sang năm. Bây chừ lại là mùa đông, vườn chùa ngày nào cũng trút lá, gió quét lá xuống hồ. Dăm ba bữa lại có trận mưa, nước hồ đầy lên. Xem chừng nhiệm vụ vớt lá và múc nước của điệu Sanh còn dài.

Cho đến một bữa, bất ngờ sư thầy thôi phạt điệu Sanh. Đấy là ngày điệu đi trọn vẹn bài Thiền Sư Vạn Tự quyền đúng đồ hình chữ Vạn của nhà Phật, thuận theo một chiều như nước trôi, mỗi thao tác đã tuân thủ những quy luật nghiêm ngặt của tâm.




(Trích từ “Cõng nhau trong một cõi người” - Hoàng Công Danh )





https://www.vinabook.com/images/thumbnails/product/240x/47265_53808.jpg

sôngthương
11-26-2015, 11:51 PM
Trắng trước đỏ sau
Hình dung màu sắc của cô mấy ngày ấy chỉ có trắng và đỏ. Trắng. Đỏ. Theo đúng thứ tự, trắng và đỏ. Trắng trước. Đỏ sau.

Cô đi lễ. Vào đền thờ, ngồi chắp tay cầu nguyện trước Thần Bảo Vệ Vishnu. Pho tượng Vishnu trong hiện thân Krishna, trang phục sặc sỡ, nhưng nhiều nhất vẫn là màu đỏ. Đĩa lễ vật dâng cúng có mấy loại hoa quả, một tràng hoa nhài, một tràng cúc vạn thọ. Hoa thiêng. Hoa nhài trắng. Hoa cúc vạn thọ vàng. Cúc vạn thọ vàng thẫm ngả sang màu đỏ, thì cứ coi là màu đỏ. Cô muốn quy nó về màu đỏ. Hoa trắng và hoa đỏ.

Rồi cô hướng sang tượng Sarasvati, nữ thần Trí Tuệ. Trang phục trắng, ngồi trên một bông sen trắng. Cô cầu nguyện.

Trắng. Xứ này coi màu trắng là tổng hòa của bảy màu khác nhau. Màu trắng vì vậy tiếp nhận tính thiêng liêng của cả bảy màu. Các vị thần nổi bật đều có màu trắng trên trang phục. Người đàn bà theo đạo Hindu thì mặc đồ trắng trong đám tang chồng.

Cô mang đĩa lộc cúng tế, đi bộ về nhà. Ở ngã tư, đèn vàng bật sáng mấy giây rồi chuyển đèn đỏ. Xe dừng hết cả lại, nhường đường cho xe cộ theo hướng đi ngang trước mặt. Cô cũng đứng lại, nghĩ, vàng trước đỏ sau. Đèn giao thông không ai sử dụng màu trắng. Bây giờ thì cô thầm quy ước vàng là trắng. Trắng trước, đỏ sau.

Cô treo tràng hoa nhài và cúc vạn thọ lên hai cái đinh phía sau cánh cửa, rồi mang đĩa hoa quả sang cho con bé ở phòng bên cạnh. Đến thuê nhà mấy tháng trời, mỗi lần đi lễ về, cô đều mang lộc cho con gái bà chủ nhà. Con bé đang ngồi giữa cả đống bi đổ tung tóe ra nền nhà. Hàng trăm viên bi thủy tinh đủ màu sắc. Một nữ thần tí hon nổi bồng bềnh trên mặt biển, giữa những trái bóng muôn màu.

Con bé rủ cô ngồi xệp xuống nền nhà cùng chơi.
- Cho chị chọn trước. Chị lấy màu nào?
Cô im lặng nhặt những hòn bi, để riêng ra một bên.
- Em cũng thích màu đỏ và màu trắng. Nhưng em còn thích màu xanh dương nữa.
Con bé reo lên. Nó lau chau nhặt thêm những viên màu xanh nước biển bỏ vào bên cạnh.
- Không, chị chỉ chọn hai màu thôi, trắng và đỏ.
Cô dứt khoát gạt những hòn bi của con bé ra.

Hai người chơi trò nhặt thóc, như trong một cổ tích. Đàn chim xuống giúp người nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo. Đây thì nhặt riêng ra những viên bi màu đỏ và màu trắng. Những màu khác thì dồn hết lại, bỏ vào một cái hộp đồ chơi to tướng.

Trên tivi đang phát bản tin của đài truyền hình toàn Ấn Độ về ngày bầu cử đầu tiên. Hôm nay. Còn ngày mai, chủ tịch đảng Quốc Đại Rajiv Gandhi sẽ về Madras diễn thuyết trước quần chúng, chuẩn bị cho cuộc bầu cử ở đây.

- Chị nhận trước đi, chị bên đỏ hay bên trắng?
Con bé nhắc. Cô đang mải nhìn cái màn hình tivi. Hơi giật mình, dân chúng không mấy quan tâm những chuyện như vậy, xem làm gì.
- Chị nhận bên đỏ.

Hai người bắt đầu chọn màu cho bên mình. Đỏ ra đỏ. Trắng ra trắng. Con bé vun những viên màu trắng về phía nó, chăm chú nhìn đống bi theo kiểu một vị tướng nhìn những chiến binh mũ trắng trước khi xung trận.

- Em đi trước đi.
Cô bảo.
- Sao chị lại nhường em? Sao chị không đi trước? Anh trai em thì bao giờ cũng tranh phần đi trước.
- Vì chị là chị, chị không phải là anh của em.
- Chị có anh trai không? Anh ấy có tranh phần của chị không?

Cô hơi thừ người ra. Có không nhỉ? Có chứ, những hai người anh trai. Họ có bao giờ bắt nạt hoặc tranh chấp với cô hay không? Ngay lập tức thì không thể nhớ ra. Mọi thứ đều mờ nhòa, kể cả gương mặt họ.

Truyền hình đang nói về xung đột ở vùng đông bắc xứ Sri Lanka. Du kích người Tamil bên ấy đòi thành lập một nhà nước riêng rẽ, đòi ly khai và gây xung đột với quân chính phủ. Lực lượng gìn giữ hòa bình Ấn Độ được gửi sang bảo vệ quyền lợi cộng đồng người Tamil, nhưng lại bị chính du kích người Tamil quay lại tấn công. Hận thù lại chĩa mũi nhọn vào Ấn Độ. Những người Tamil chủ trương ly khai bên ấy thề sẽ trả thù “nước mẹ” Ấn Độ.

Mấy năm qua, trai tráng Tamil bị cuốn vào cuộc chiến, có nhà cả mấy anh em đi chiến đấu, cả mấy anh em đều chết. Tang tóc khắp nơi...
- Chị đừng xem tivi nữa.
Con bé xoay người, bấm nút điều khiển từ xa, tắt cái tivi.
- Chị gái em cũng hay tranh phần của em. Ngày mai trường cho nghỉ, đi chào mừng ông Rajiv Gandhi đến diễn thuyết, chị ấy cũng tranh phần đi, bắt em ở nhà.
- Em đừng có đến đấy.

Cô nhăn mặt ghê sợ. Trẻ con, chúng nó biết gì. Chỉ là đi xem mặt ông cựu thủ tướng trẻ và đẹp trai. Nếu không thì cũng là một ngày được nghỉ học, được đi chơi, được phát nước ngọt và bánh mì.

- Nhớ nhé, trẻ con đừng có đi mít tinh.
Cô nhắc lại.

Cô vẫn nhớ một giai thoại về chính ông thủ tướng này. Khi Rajiv Gandhi lên chín tuổi, bị ngã gãy tay, người mẹ là Indira Gandhi đã bảo con: đời con, rồi sẽ còn nhiều lần vấp ngã, nhiều lần đau đớn hơn là gãy tay nữa. Người dạy con câu ấy sau này hai lần làm thủ tướng, rồi bị ám sát. Người con ngày ấy bây giờ rất có thể sắp làm thủ tướng lần thứ hai.

Cô bảo con bé:
- Bây giờ thì em đi trước đi.
- Không, em nhường chị đi trước - Con bé vẫn tỏ vẻ rộng rãi.
- Không được. Màu trắng phải đi trước.
Con bé không nhận. Nó vẫn muốn nhường.
Cô phải nói dối:
- Các thần đã quy ước như vậy. Trắng trước, đỏ sau.
Rồi phải nói thêm:
- Nếu em muốn đi sau thì phải đổi bên. Em phải chuyển sang màu đỏ.

Con bé chấp nhận đổi bên. Hôm nay nó trở nên hào phóng đột xuất, và muốn bày tỏ thiện cảm đặc biệt với cô. Nó chỉ thích nhường cô. Nó nhấc tấm sari đứng dậy, đúng kiểu nữ hoàng maharani của một vị tiểu vương thời trước. Nó khoan thai bước, ba bước chân là cả một một chặng tam cấp của nữ hoàng bước lên ngai. Nó đi sang phía cô, trong khi cô phải nhổm dậy, chuyển sang ngồi bên phía nó.

Bây giờ thì cô trắng, nó đỏ. Trắng được đi trước, theo đúng quy ước của cô.

Một cuộc bắn phá từ trắng sang đỏ. Một cuộc phản công từ đỏ ngược trở về trắng. Trắng bắn đỏ. Đỏ bắn trắng. Chiến trường toàn màu trắng tang tóc.

Chiến trường toàn màu đỏ của máu. Đấy là cô nghĩ. Con bé kia chỉ thấy trắng đỏ hòa hợp, những màu đẹp và thiêng. Thiêng vì trên y phục các thần bao giờ cũng có hai màu này, rồi mới đến các màu khác phối hợp.

Rốt cuộc thì màu trắng đã thắng. Cô bị hao hụt khá nhiều đám quân lính mũ đỏ của mình. Trong khi kiểm quân, số lượng mũ trắng của con bé áp đảo.

Nó hể hả vui mừng. Nó đã hào phóng xử sự cho ra mặt một nữ hoàng, nhưng đối phương vẫn thua cuộc.
- Ngày mai có thể chị sẽ gỡ lại được. Mai chị lại sang chơi nữa nhé.
Con bé tỏ vẻ cảm thông.
- Mai chị không thể sang được.

Cô lắc đầu, rồi lại lấy làm tiếc là mình đã nói ra như vậy.

Ngày hôm sau, chính là ngày 21-5-1991. Chủ tịch đảng Quốc Đại Rajiv Gandhi đến bang Tamil Nadu vào ngày bầu cử thứ hai trên toàn quốc. Ông có cuộc gặp gỡ quần chúng ở huyện Sriperumbudur, cách thủ phủ Madras khoảng 40 cây số. Vị cựu thủ tướng 47 tuổi tin tưởng rằng lần này mình sẽ trở lại ghế thủ tướng, một lần nữa. Khi ông đến gần lễ đài thì một đám đông quần chúng hân hoan vây lấy ông, bày tỏ tình cảm. Một cô gái còn cúi xuống chạm tay vào bàn chân của ông, tỏ lòng kính trọng theo kiểu Hindu. Một tiếng nổ dữ dội. Rajiv Gandhi gục xuống không toàn thây.

Con bé ngồi trước màn hình, nước mắt lã chã chảy xuống gò má từ bao giờ. Nó khóc vì sự ghê rợn. Nó khóc vì thương ông cựu thủ tướng mà nó thấy là rất đẹp trai. Nó chạy sang gõ cửa phòng cô gái thuê nhà, có thể cô chưa biết tin.

Người ta sớm xác định được danh tính của kẻ đánh bom liều chết. Đó là một cô gái người Tamil ở Sri Lanka, vượt biển xâm nhập vào Ấn Độ để đánh bom trả thù. Cô ta có hai người anh trai bị chết trong lúc giao tranh với lực lượng gìn giữ hòa bình Ấn Độ. Thuốc nổ được quấn quanh người, bên ngoài phủ tấm sari màu đỏ rực che khuất tất cả. Kẻ đánh bom liều chết hai tay nâng một tràng hoa đến dâng cho Rajiv Gandhi, choàng lên cổ ông. Khi ấy, một tay cô ta lần bên sườn, bấm nút khởi động pin, nút màu trắng. Cô ta cúi xuống kính cẩn chạm tay vào bàn chân ông, đồng thời bấm nút thứ hai, màu đỏ. Nút trắng trước. Nút đỏ sau.

Con bé đẩy cửa bước vào phòng của cô gái. Không có cô trong phòng. Phía trong cánh cửa, nó thấy hai tràng hoa hôm qua cô đi lễ mang về. Móc trên hai chiếc đinh. Từ trái sang phải, tràng hoa nhài rồi đến tràng hoa cúc vạn thọ. Hoa nhài trắng. Hoa cúc vạn thọ thẫm đỏ. Trắng trước. Đỏ sau.
Đỏ. Màu đỏ là màu thiêng nhất, hay được dùng nhất trong những dịp cầu phúc lành như hội hè, cưới xin, ngày sinh... Trong lễ cúng, người ta tung bột màu đỏ lên những pho tượng thần. Phụ nữ thường quệt lên đường ngôi mái tóc một vệt son đỏ, dấu hiệu đã có chồng. Có hai lần người đàn bà vận y phục đỏ: một lần trong đám cưới, và lần cuối, khi đã chết và được đưa ra bãi hỏa táng.

Con bé nhớ hôm qua, lúc cô ra về, nó hẹn:
- Ngày mai chị lại sang chơi nữa nhé.

Cô lắc đầu:
- Mai chị không thể sang được.

Ngừng rất ngắn, nó lại cố hẹn:
- Rồi chị em mình sẽ gặp nhau nữa chứ?

Cô bảo:
- Chắc chắn. Rồi tất cả chúng ta sẽ gặp lại nhau.

Hồ Anh Thái

http://vnthuquan.net/(X(1)S(qs1rikuggiu00kflw1vjd03f))/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn0nmn2nvn31n343tq83a3 q3m3237nvn

sôngthương
12-12-2015, 09:24 PM
Rót rượu

Tôi đã xong hội nghị nhà văn quốc tế ở Busan. Các đại biểu khác đã lục tục rời khách sạn về nước. Lẽ ra tôi cũng đã về nước. Nhưng người dịch sách của tôi sang tiếng Hàn đã xuống Busan đón tôi về thủ đô chơi thêm mấy ngày. Anh là giảng viên đại học ở Seoul, kiêm nhà phê bình văn học, kiêm dịch giả, anh đọc sách bằng tiếng Anh, thấy hay hay thì dịch ra in ấn, rồi đưa vào chương trình giảng dạy cho sinh viên của mình.








Buổi chiều xám lạnh, chúng tôi đi trên đường phố dọc theo bờ biển, nhìn ra bãi tắm thấy vẫn có người đang giỡn sóng. Phục. Lạnh giá 5 độ C, mình còn mặc áo ấm khăn quàng mũ mão, thế mà kia người ta nhảy ra giỡn sóng. Dân Busan có cái mạnh mẽ khoáng đạt phương nam, anh bảo. Busan hay là Pusan, tôi hỏi, thấy phiên âm mỗi tài liệu một khác. Busan hay Pusan đều là nó, anh bảo. Do cách phát âm tùy từng vùng. Hiểu. Cũng là cách nói lẫn lộn cặp phụ âm bê và pê, như kiểu pê phở bê bò ở miền Nam của ta vậy.
Anh rủ thêm hai người bạn đi nhậu. Hai người bạn thời phổ thông ở thủ đô, sau này họ xuống Busan làm ăn, ít có dịp gặp nhau. Một người mở cửa hàng internet cafe, thấy đùa là toàn ngồi trông bọn thanh niên sát phạt trò chơi điện tử. Một người buôn bán hải sản. Mày bây giờ là giáo sư, mày cho tao gửi đứa con năm tới vào đại học ở thủ đô. Họ gửi gắm qua lại và đùa nhau những chuyện của đám bạn bè lâu lâu không họp lớp. Họ thay nhau rót rượu cho tôi. Chỉ nhớ họ rót rượu cho người khác rất ân cần. Chỉ nhớ một buổi tối trong quán nhậu khá đông vui và không ồn ào. Chỉ nhớ cái tua con bạch tuộc ăn sống vẫn còn ngoe nguẩy trong chén nước chấm mù tạt. Món gỏi ăn sống ở đây phải là loại hải sản đánh bắt xa bờ, đảm bảo nơi nước biển chưa bị ô nhiễm vì chất thải công nghiệp gần bờ. Anh giải thích thế.
***
Có lẽ tôi không định kể về Busan. Chỉ là muốn nhắc chuyện anh từ thủ đô xuống đón tôi lên Seoul. Đi tàu cao tốc KTX tốc độ tối đa 350 km/giờ thì mất hơn hai tiếng. Giá tiền cái vé là 90.000 won, kém bữa nhậu bốn chúng tôi đêm hôm qua một chút. Tàu lao vun vút từ phía nam lên phía bắc. Hai bên đường tàu là những bức tường cao đến hơn 4 m, chạnh nghĩ ở ta mà tàu cao tốc thế này, tường cao thế này, thì vẫn có kẻ trèo vào để gỡ vài con ốc vài cái bù loong bán lấy vài chục nghìn và chấp nhận rủi ro cho tàu đâm bét xác.
Có lẽ tôi cũng không định kể về chuyến tàu cao tốc. Chỉ nhớ anh không chịu cho tôi trả tiền bữa rượu và tiền tàu xe. Ở trên đất Hàn Quốc này tôi là khách. Anh bảo. Bao giờ sang Việt Nam thì anh sẽ chấp nhận là khách của tôi.
***
Ở Seoul, một đám bạn bè văn chương lại tụ tập để đón khách. Họ đang cùng nhau làm một tạp chí văn học song ngữ, tiếng Hàn và tiếng Anh. Họ từng đưa in một số tác phẩm của tôi trên tạp chí nhưng bây giờ mới gặp. Lại những bữa rượu. Trong đám nhà thơ nhà văn nhà biên tập có một cô gái. Cô chỉ ngồi yên, chỉ cười, chỉ chăm chăm xem ai hết rượu thì rót tiếp. Đến lượt tôi, cô vừa đưa chai rượu lại gần định rót thì tôi đỡ lấy tỏ ý tự rót được. Ô không, tập quán người Hàn là rót rượu cho nhau chứ không ai tự rót. Anh bạn bảo. Rồi anh giải thích, anh cầm lấy chai rượu và tự rót thì cũng giống như anh tỏ ý tôi không cần đến các người.
A, đi một ngày đàng học một sàng khôn, có những cái nếu không trực tiếp học thì không thể biết.
Người đang rót rượu cho anh cũng là một hiện tượng văn chương đấy. Một nhà văn bảo rồi cười. Cô gái chỉ mỉm cười mà không nói gì. Cô ấy từng là người sửa bản in thử cho tạp chí của chúng tôi. Một nhà biên tập nói thêm và không cười. Cô gái vẫn chỉ mỉm cười mà không nói gì.
Không ngờ sau đó tôi được nghe chuyện của hiện tượng văn học, nghe chính cô kể vào ngày hôm sau, lúc cô được mọi người phân công đưa tôi ra chợ Daenammun để mua đồ lưu niệm, mua sâm và linh chi Hàn Quốc mang về cho bạn bè ở Việt Nam.
***
Từ tòa soạn, cô đi bộ đến khách sạn đón tôi, rồi xăm xăm đi bộ tiếp, dẫn tôi đến chợ. Cái chợ thuộc cổng ô phía nam thành phố, cổng ô bằng gỗ hàng trăm năm, vài tháng sau khi tôi đã trở về Hà Nội thì nghe tin nó bị đốt. Một thương gia bị giải tỏa đất đai thế nào đấy, kiện tụng mãi mà không được thế là ông ra đốt cái cổng ô. Nhớ lại mà tiếc.
Cô bảo em phải dẫn anh đi mua, chứ anh tự mua thì rất có thể mua phải sâm Tàu, xứ sở sâm Cao Ly cũng có sâm Tàu đem sang để lẫn vào anh ạ. Đúng là nhờ có thổ công. Tôi mua những chiếc chuông đồng nho nhỏ, dây chuông thả lõng thõng những con cá đung đưa, reo lên lanh canh khi có gió đẩy. Những con búp bê nhỏ trang phục hanbok truyền thống sặc sỡ. Mấy thứ đồ lưu niệm làm tôi vui và hình như khiến cô dễ dàng vào chuyện.

Cô trở thành hiện tượng văn học là một sự tình cờ. Tình cờ như mọi bữa rượu của cánh nhà văn nhà biên tập. Tình cờ như sự nổi lên của mọi hiện tượng văn chương khác. Ngày nọ, một tạp chí văn chương đăng chùm truyện ngắn của cô. Giật mình. Sôi động. Xao xác. Cánh văn chương và người đọc giật mình thấy một cái bút danh con gái mới lạ viết về vùng Hadong núi non sông nước. Đồn nhau xôn xao. Nghe đâu còn trẻ lắm. Nghe đâu người miền núi. Nghe đâu chưa học hành gì nhiều.

Lời đồn đúng cả. Cô vào tòa soạn làm công việc sửa bản in thử cũng là một sự tình cờ. Nhà biên tập là bạn của cha cô khi còn học phổ thông ở miền núi Hadong. Một lần ông từ thủ đô về thăm quê, cha cô gửi gắm, cháu nó vừa hết phổ thông, nó muốn nhìn thấy thủ đô, chú đưa nó về Seoul, có việc gì chú cho nó làm. Thế mà thành sự thật. Cô lên Seoul làm tạp vụ cho tòa soạn, rồi được hướng dẫn kỹ năng sửa bản bông. Mọi sự cứ thế trôi qua nếu không có ngày chùm truyện in ra ký tên cô và cô bỗng chốc trở thành hiện tượng văn học.

Xôn xao cả lên. Trong một bữa rượu của cánh nhà văn nhà biên tập, bỗng nhiên một anh nhà văn vỗ ngực bảo: Hiện tượng văn học nào, cây bút nữ nào, tao đây này, tao chính là Kim Sun Mi.
Kim Sun Mi là tên cô đồng thời là bút danh đi kèm chùm truyện kia.
Đang bữa rượu, không ai để ý, mà bị cuốn triền miên sang những đàm tiếu khác.
Chỉ có cô biết đó là sự thật.
***

Anh chàng nhà văn ấy mới chính là tác giả. Anh đội tên cô. Anh lấy tên cô làm bút danh. Lâu lâu trước đó, anh đưa cô chùm truyện ngắn của anh, cô đọc và khen hay. Cô thực sự thấy hay, như những truyện trước đó anh đưa cô đọc khi chưa gửi in, anh viết về quê cô, vùng núi Jirisan và sông Seomjingang. Rồi khi chùm truyện in ra mang tên cô, anh bảo cô hãy nhận là mình viết. Thực ra cũng chẳng phải nhận, cô chỉ cần im lặng và mỉm cười như lâu nay. Mỉm cười và im lặng cũng là một cách trả lời đầy hàm nghĩa trước mọi câu hỏi phỏng vấn. Ít khi người ta nghĩ rằng một nhà văn mỉm cười và im lặng chính là vì trong đầu không có gì để nói.

Thôi thì ồ ạt tràn tới những cuộc phỏng vấn của báo chí. Anh chàng nhà văn kia đạo diễn cho cô, cô xử sự đâu ra đấy. Không bao giờ cô nhận trả lời phỏng vấn trực tiếp mặt đối mặt với phóng viên. Dạ anh chị cứ đưa câu hỏi trên văn bản hoặc gửi qua email. Sau vài ngày, văn bản được trả lời bằng văn bản đánh máy. Sau vài ngày, thư điện tử được trả lời bằng thư điện tử. Những câu trả lời khôn ngoan, hay ho và đầy tính văn chương, có khi nghiêm túc, có khi gia giảm tí chút hài hước, có khi chất phác pha tí ngô nghê núi non. Anh nhà văn viết những bài trả lời phỏng vấn cho cô, nhập hồn vào cô, đóng vai cô. Đóng đạt. Qua vài năm cô cứng cáp trong cách xử sự giữa giới văn chương báo chí, anh biết đã có thể đôi lúc cho cô ra trực tiếp đối diện truyền hình hoặc trực tiếp giao lưu người đọc. Trước mỗi cuộc tiếp xúc, anh đều ngồi với cô cả buổi, lường trước những câu hỏi cơ bản, và cảnh báo cô rằng sẽ có những câu hỏi phát sinh phải tự xử lý.

Xong, cô ra diễn trực tiếp. Bên cạnh những điều đã viết ra về quê hương mình, chị còn gì để nói thêm? Nói thêm? Núi không cao và sông không sâu. Người miền núi quê tôi có câu tục ngữ: ở nơi ấy đàn ông gian tà đàn bà dâm dục.

Xong, câu hỏi tiếp: Tác phẩm của chị có bao nhiêu phần trăm sự thật? Một trăm phần trăm. Chị có thể cho biết vì sao có thể tính chính xác trăm phần trăm? Tôi nói: trăm phần trăm. Số học và văn chương có thể hòa hợp chính xác đến thế ư? Vâng, trăm phần trăm.

Thực sự thì cô cuống quá, trong lòng thôi, còn thì cô lì ra, lì bên ngoài mặt. Cái câu trăm phần trăm nhắc lại lần thứ ba thì giống như một công án thiền. Chỉ ba chữ mà bao nhiêu hàm ý, có khi bao gồm cả vũ trụ. Anh nhà văn ngồi bên dưới cùng với khán giả phải xuýt xoa trong lòng. Cái ngố của con bé lại thành ra cái đa nghĩa của văn chương. Giống như có người hỏi một thiền sư: Tôi có thể hỏi đại đức một câu được không? Ngài hỏi đi. Tôi đã hỏi rồi. Bần tăng đã đáp rồi. Đại đức đáp chi? Ngài hỏi chi?

Cứ thế những câu trả lời cụt lủn, rất ngắn, vài ba chữ, có khi lạc đề, có khi chỉ là nhắc lại câu hỏi của người ta. Cử tọa toàn là những người nghe một suy diễn mười. Tắc lưỡi thích thú. Chà chà, ngắn gọn mà sâu sắc. Chà chà, vài chữ mà chứa đựng nhiều ẩn ý bên trong. Buông lửng mà đủ diễn tả những điều chưa nói hết. Người ta đã viết được văn thì một chữ của người ta không bao giờ chỉ đơn nghĩa, chỉ một hàm ý, chỉ là một con ruồi vô tình bay qua.
***

Nhưng có người ngờ vực. Mấy ông bà nhà văn nhà phê bình và thêm mấy ông bà người đọc. Cô này ba mươi tuổi nhưng nhân vật chính hầu như toàn người già. Cô này con gái mà nhân vật chính hầu như toàn đàn ông. Hay viết truyện nhậu nhẹt rượu chè. Cô này học ít mà ngôn ngữ và cách cấu trúc cách dẫn truyện theo kiểu châu u. Cách tư duy cũng đúng kiểu châu u. Một người như vậy phải là Tây học hoặc đọc nhiều văn học châu u, thiên kinh vạn quyển.

Tất nhiên mấy phẩm chất ấy là của anh nhà văn nấp ở đằng sau kia. Thêm một nhà biên tập cứng cựa có thể mông má nhuận sắc cho ngay cả những bản thảo còn ngổn ngang. Anh nhà văn đã vỗ ngực trong bữa rượu, hiện tượng văn chương là tao đây này, lúc ấy không ai để ý, lúc ấy anh đã hé lộ sự đắc thắng đang lừa được người đời. Anh báo hận, anh phục thù. Anh viết văn mãi, viết khá hay, mà hơn ba chục tuổi vẫn chẳng mọc mũi sủi tăm lên được. Thời này ai cũng viết văn, nhà văn vòng ngoài đông hơn nhà văn vòng trong, nhà văn blog trên mạng đông hơn nhà văn sách in. Viết thế chứ viết nữa cũng chẳng nổi lên được. Thế thì phải làm thế nào? Anh băn khoăn, anh trăn trở, anh thao thức đêm đêm vằng vật sớm sớm. Rồi anh tìm ra.

Nhiều hiện tượng văn học có một mẫu số chung. Một công thức.
Nhà văn mới xuất hiện, muốn nổi tiếng thành hiện tượng văn chương phải có đủ ba yếu tố.
Một, phải là người rất trẻ. Trẻ thế mà viết giỏi thế!
Hai, phải là nữ. Phụ nữ mà viết hay thế!
Ba, phải là người vùng sâu vùng xa. Điều kiện khó khăn thế mà viết ngon lành thế!

Ba yếu tố ấy, cô gái tạp vụ trong tòa soạn có đủ. Anh reo lên một mình như chính anh phát hiện ra cô. Anh muốn chứng minh, trước hết với chính mình, rằng đây là xứ sở người ta có thể viết mãi mà chẳng nổi lên được, nhưng chỉ cần một con bé vơ ở đâu đó xuất hiện là báo chí lẫn người đọc tưng bừng lên ngay.

Được dăm bảy năm. Anh tạo ra một hiện tượng, anh nuôi dưỡng hiện tượng, anh nấp đằng sau làm nghệ sĩ múa rối, con rối không hư hao gì, nghệ sĩ đang làm cho nó múa may mới đổ mồ hôi, nhiều khi mệt mỏi với đám khán giả đang cười rộ ngô nghê trong nhà hát. Anh leo lên lưng hổ, anh đang cưỡi hổ, anh muốn xuống thoát khỏi con hổ. Có lúc chán nản, anh muốn hé lộ cho người đọc biết sự thật. Trong một vài bài báo chí phỏng vấn cô mà anh lặng lẽ viết phần trả lời, anh hé ra đôi ý để đánh động những người tinh ý. Con bé này nào có biết gì, sách là của người khác, còn khi phải nói thì nó nói năng ngô nghê sai lạc so với sách được coi là do nó viết ra. Nhưng phần lớn người đọc không nhận ra dụng ý hé lộ của anh. Những câu trả lời trực tiếp của cô ngắn ngủn bỏ giữa chừng vẫn được khen giống như công án thiền.

Cho đến một ngày báo chí đưa tin về một vụ án văn chương ở xứ Séc xa xôi. Một anh chàng nhà văn người Séc bịa ra một cái bút danh là Phạm Thị Lan, tên một cô gái Việt Nam, rồi viết truyện về cộng đồng người Việt ở Séc. Người đọc tò mò tìm đọc và tin. Bút danh cũng đúng một công thức: trẻ, nữ, thuộc cộng đồng ít người.
Vụ việc này là gợi ý cho anh chàng nhà văn xứ Hàn đã đến lúc ra mặt công khai. Đúng thời cơ. Mượn ngay hoàn cảnh của người mà tranh thủ bộc lộ quan điểm về việc đội tên của mình, thế là cũng có tính triết học trong ấy. Tóm lại, nếu muốn ra công khai thì đây là thời điểm lý tưởng.

Anh đắn đo suy tính rồi quyết định.
Không.
Anh nói với cô.
Không.
***

Đây chính là chuyện anh nhà văn kể cho tôi nghe. Cũng lại trong một bữa rượu. Anh mời tôi đến nhà. Bữa rượu có ba người: anh, cô sửa bông và tôi.

Anh đi xem bói. Bà thầy kích động như một bà đồng shaman. Bà hú hét tí chút rồi bảo có cái linh đang bám theo anh. Nó đang cưỡi trên lưng hổ cùng với anh, xuống bây giờ thì cả đôi cùng chết. Anh suy ra rằng xuống bây giờ sẽ thành một xì căng đan bê bối lớn. Người đời nông nổi, họ chỉ cho đó là lừa đảo, là mạo danh, là đội tên, là bóc ảnh hộ chiếu dán ảnh người khác vào.

Không bao giờ họ chịu chấp nhận rằng tên ai cũng được, bút danh nào cũng được, miễn là độc giả có sách hay để đọc. Vẫn cuốn sách mà họ đang tấm tắc khen ấy, họ sẽ thấy nó dở nó tầm thường khi biết rằng người viết là đàn ông. Họ không coi đó đơn giản chỉ là đổi một cái bút danh. Đó là nỗi nhục của họ, bị coi thường bị lừa bị xúc phạm.

Thôi. Đã gáy lên một tiếng thì cứ thế mà gáy tiếp. Công lao của cô lâu nay vẫn được thỏa thuận bốn mươi phần trăm. Nhuận bút sách, nhuận bút bài báo, tiền công phỏng vấn giao lưu, tất tật bốn mươi phần trăm. Không phải trăm phần trăm như cái câu công án thiền của cô. Chia chác sòng phẳng và cái hiện tượng văn chương anh tạo ra cũng đem lại lợi nhuận lớn cho anh. Lợi nhuận không dễ bỏ. Lớn hơn nữa là cái thú thấy một mình ta có thể dắt mũi cả thiên hạ, có thể bắt họ tin vào một điều không có thực.

Thôi.
***

Được vài tháng tự bảo quên đi thôi đi. Một hôm trong bữa rượu với đồng nghiệp, lại có cô ngồi bên rót rượu. Một mình cô con gái ngồi giữa đám đàn ông. Chi chút rót chu đáo rót. Đúng kiểu Hàn. Tay phải cầm chai rượu, bàn tay trái đưa ngang, nắm lấy cổ tay phải, rồi cứ thế mà rót cho người ta.

Anh nhìn hai bàn tay cô. Bàn tay trái đưa sang đỡ lấy cổ tay phải. Bàn tay phải nghiêng chai rót rượu vào cốc. Bỗng nhiên, anh giật lấy chai rượu từ tay cô. Tự rót.

Người Hàn không làm thế bao giờ.

Ngày hôm sau, anh quyết định sẽ ra công khai trên báo chí.

***

Ngày hôm sau, cô chìa cho anh một tập bản thảo. Truyện cô mới viết. Bấy lâu nay cô chỉ đánh máy chép lại những truyện anh viết. Chép mãi, nhập tâm mãi, dựa vào đấy để trả lời phỏng vấn và đối đáp với độc giả mãi, nhưng tác phẩm không phải là của cô.

Giờ thì cô mới viết thật. Anh nhà văn ngớ người. Anh ngạc nhiên sững sờ. Đọc xong thì anh bỏ kính ra, run run lau hai mắt kính mờ nhòa, lắp bắp mấy câu lặp đi lặp lại. Thế này mới là văn. Thế này mới là văn.

Truyện in ra, người ta tấm tắc trước một Kim Sun Mi đã biết tự làm mới mình. Lâu nay vẫn có người khen, vẫn có thêm người hâm mộ, nhưng người tinh tường và bản thân anh nhà văn cũng biết mình đã hụt hơi đã nhàm đã lặp. Anh phải đi tiếp vì lợi nhuận, vì không thể dừng lại, chứ sâu xa trong lòng anh đã rời rã chán chường. Nhưng cái truyện ngắn cô thực sự viết đã hồi sinh cho cái bút danh. Anh sắp gục xuống thì có cô đến chạy tiếp sức. Phong cách văn chương của anh đã ngấm vào cô nhưng được bổ sung bằng cái bản năng thô ráp chỉ cô mới có. Anh biết cái bản năng ấy rồi cũng chẳng đi xa lắm đâu, nhưng ít ra nó sẽ kéo dài cái chặng đường họ đang phải chạy tiếp sức phía trước.

Bây giờ anh có công khai tuyên bố sự thực là anh viết thì người đời cũng chẳng tin. Họ sẽ coi đó chỉ là một cách anh gây náo loạn, anh dây máu ăn phần, anh nhận xằng nhận vơ, anh muốn bôi xóa danh tiếng của cô nhà văn Kim Sun Mi.

Nghe lời bà thầy shaman, anh ngậm tăm luôn.
Ngay cả việc cô và anh kể cho một đồng nghiệp nước ngoài như tôi biết. Biết thì biết. Nhưng biết mà tung hê lên báo chí thì người ta chỉ nghĩ là tôi muốn gây chú ý bằng cách bịa ra xì căng đan.

Rồi một kết cục mà không phải ai cũng hiểu được, cô sửa bản in thử, bây giờ là cô nhà văn nổi như cồn, lại thành bạn thân của gia đình anh. Có một cái gì gần như truyện giả tình thật. Người này nhập tâm nhập hồn vào người kia, mượn tên mượn tuổi lẫn nhau, chạy tiếp sức cho nhau, biết là cũng chẳng chạy được xa nữa, nhưng đã trót dính vào nhau. Thôi thì cứ chạy.

Cô năng đến nhà anh, cùng vợ anh làm kimchi kimbap, ngày cuối tuần nấu nướng ăn uống tưng bừng với nhau, đi dã ngoại cả nhà với nhau. Tuần nào cô không đến, vợ và con gái anh lại nhắc. Có lần cô ngã bị gãy chân phải băng bó thì vợ anh đến đẩy xe lăn cho cô ra bến xe buýt rồi đến nhà ăn uống chuyện trò, tối lại đẩy xe ra bến xe buýt đưa cô về tận nhà. Cứ như thể đồng nghiệp của anh đã chuyển sang thành bạn của vợ anh. Chỉ có chuyện văn chương chữ nghĩa thì anh và cô bàn bạc sau lưng vợ anh.

Anh viết truyện mới, anh đưa cho cô đọc trước. Cô viết truyện mới, cô đưa anh đọc trước. Nhất trí xong rồi mới gửi in. Luân phiên với nhau dưới một cái bút danh. Truyện nào cô viết thì công thức ăn chia đổi ngược lại, cô sáu mươi phần trăm, anh bốn mươi.
Nhiều cặp vợ chồng, chồng lấy tên vợ làm bút danh, nhiều cặp bồ bịch, chàng lấy tên nàng làm bút danh, thơ phú in ra phơi phới, cho đến khi bỏ nhau thì không thấy các cô nàng thơ phú gì nữa. Tịt luôn. Nhưng hai người này thì không thế. Giả sử sau này họ không chơi với nhau nữa thì cô vẫn viết. Có khi cô vẫn chơi với vợ anh. Vợ anh vẫn hâm mộ những tác phẩm mang tên cô. Người vợ có lẽ cũng cảm thấy một cái gì giữa cô và chồng mình, nhưng là cái gì thì chị không phân tích cụ thể ra được.

Còn cô, ngày trước cô là một con bé sửa bông thì bây giờ cô là nhà văn, là biên tập viên chính thức trong tòa soạn. Cô vẫn im lặng và mỉm cười, không có gì khác. Công chúng đã nghiện cái im lặng mỉm cười nói ít hiểu nhiều của cô. Vẫn có người tin im lặng và mỉm cười cũng nhiều hàm nghĩa như một công án thiền.

***

Tôi không định kể lại cái truyện ngắn đầu tay của cô tiếp sức cho anh nhà văn. Kể lại một tác phẩm là cách hữu hiệu nhất để giết chết tác phẩm ấy. Tác phẩm văn chương đích thực chỉ có thể phải đọc trực tiếp bằng mắt mình, đọc lấy văn.

Nhưng truyện ngắn ấy liên quan đến việc anh giật lấy chai rượu từ tay cô, tự rót. Từ nay tôi chẳng cần đến cô nữa. Cô viết trong cơn uất giận. Cô nhớ chuyện ở quê cô có hai dòng họ thù nhau truyền đời bắt đầu từ việc rót rượu. Trong một cái hội làng, say sưa lời qua tiếng lại khích bác thế nào đấy, một ông đã giật lấy chai rượu từ tay ông kia, tự rót. Tao không cần đến mày. Rút dao đâm nhau ngay giữa hội làng. Một nhân mạng. Con cháu người chết mang chén rượu về nhà, đợi cho đến khi chén rượu tự khô đi, không còn một giọt, thì mang dao mang súng đi rình giết kẻ đã đâm chết ông cha mình. Sát nhân giả tử. Mạng đổi mạng thế tưởng là hòa. Nhưng con cháu nhà bên kia lại đặt lên bàn thờ cha một chén rượu, lại đợi cho nó khô đi, không còn một giọt, rồi mang dao mang súng đi rình giết người con trai cả của nhà bên này.

Cứ thế, rất nhiều chén rượu đã khô đi giữa hai dòng họ.

Cái truyện ngắn ấy, cô đặt tên là Chén rượu khô.


Hồ Anh Thái
(Trích từ "Người bên này , Trời bên ấy")

sôngthương
01-03-2016, 07:21 AM
CÚI XUỐNG VÙNG NON XANH MÁT .


Nhưng tuổi hai mươi gặp gì cũng hăng hái đeo mang, thấy gì cũng hớn hở vơ lấy vào mình, lỉnh kỉnh những phấn son, tô vẽ và xiêm áo, tuổi hai mươi ấy giờ nằm lại ở đâu?




http://www.truyenngan.com.vn/images/Phuongvtm/2015-04/cui-xuong-vung-non-xanh-mat.jpg


Cạnh quán cà phê Văn Nghệ có ông trải chiếu ở vỉa hè bán đồ cổ, hay mở cái băng nhạc Trịnh Công Sơn Hát cho quê hương Việt Nam 1 thu âm năm 1969. Nghe lần đầu, thề có mấy lá bàng rơi bữa đó, tôi muốn chạy qua ôm ông đồ cổ một cái, vì ông đem những bài hát này ra con đường vốn chỉ rùng rùng nhạc vũ trường, nhạc trẻ kiểu "yêu thì nói hông yêu cũng nói"... Giữa bụi đời mù mịt, giữa xe cộ ngược xuôi, cô Ly của bốn mươi năm trước cất tiếng hát trong veo, "Cúi xuống. Cho bóng đổ dài. Cho xót xa mặt trời. Cho da thơm trên người nay cũng phôi pha...", nghe mát rượi lòng, nghe khoẻ dễ sợ.

Nhạc "nghe khoẻ", là chữ của thằng nhỏ ở tiệm bán băng đĩa quen. Một lần tôi ghé qua, nó khoe "em có nhạc này nghe khoẻ lắm, bảo đảm chị thích", rồi nó đem ra mấy cái đĩa nhạc thu âm hồi năm một ngàn chín trăm mấy mươi gì đó. Gương mặt của Thái Thanh, Hà Thanh... trên bìa đĩa coi trẻ măng, trong sáng, hơi quê quê, dễ thương kinh khủng. Nghe chúng lần đầu, tôi đã nghĩ, tình cờ thằng nhỏ tặng mình quà quý.

Nhưng thằng nhỏ không tình cờ chút nào khi miêu tả cảm giác về một bài hát bằng chữ "khoẻ", mà không phải là "hay", là "xúc động", là "sởn tóc gáy". Khoẻ, vì dễ chịu, khoan khoái, thoải mái. Vút khỏi tiếng đệm guitar bập bùng, là chơi vơi tiếng hát non trong, mộc mạc, chân phương, đôi lúc vụng về, run rẩy. Ca sĩ không dùng bất cứ phương tiện nào kỹ thuật nào để nương dựa, lấp liếm hay che đậy, cứ hồn nhiên như vậy cất cao tiếng hát từ đáy lòng, thanh thoát.


Những ca sĩ ấy sau này khi đạt đến đỉnh cao của tài năng, họ rực rỡ, họ nổi tiếng, họ thu nhiều bản nhạc gần như hoàn hảo, nhưng sự giản dị năm xưa mãi mãi ở lại với... năm xưa. Tôi ngã lòng vì sự giản dị đó. Kiểu giản dị mà mười năm trước chưa chắc tôi đã thích, bỗng dưng bước chân qua tuổi ba mươi, bỗng dưng thấy... khoẻ khi đứng trước những tấm ảnh trắng đen, những bức tranh lụa, những trang viết của Thạch Lam, những minh hoạ nguệch ngoạc mấy nét chì, những bản nhạc thu âm năm xửa năm xưa, hay những bản demo trên mạng...

Ông già bạn tôi có lần nói, viết sao cho càng giản dị thì văn chương càng đẹp. Tôi cười nói, "câu này của chú mười một chữ, mà hai mươi hai năm nữa chưa chắc cháu làm được".

Ông cười cười, "sai bét, cháu đã làm được rồi, mấy cái truyện đầu tay đó". Nhưng những trang viết giản dị, ngây ngô có phần khờ khạo đó tôi càng sống càng trải đời càng rời xa chúng. Giờ mà viết được vậy, coi bộ khó hơn lên trời.

Ngó qua ngó lại, tôi thấy cải lương cũng vậy. Hồi trước, tôi mê cải lương, mê ngẩn ngơ những bản vọng cổ xa xưa thu trên đĩa nhựa. Nghệ sĩ giọng nào ra giọng nấy, chữ nào tròn chữ nấy, ngón đờn dù tài hoa lả lướt đến đâu vẫn giữ sự trong trẻo, hồn hậu, vẫn tôn giọng ca lên hàng đầu. Thứ vọng cổ này nếu ngồi kế cassette thưởng thức chưa đã, phải dỏng tai nghe ké bên hàng xóm, hay ngồi ngoài vườn nghe trong nhà vẳng ra, chỉ tiếng ca và tiếng ca, gió đàn qua đánh lại, mùi ác liệt. Cải lương giờ đã qua thời hoàng kim, người ta biện ra nhiều lý do, nhưng nó làm rơi mất một đứa hâm mộ như tôi chỉ vì một bữa kia Vũ Linh nắm tay Tài Linh chạy lên đồi cỏ non. Xét theo tính hợp lý, tôi chấp nhận được chuyện ca vọng cổ lúc yêu nhau, đánh nhau, bắn giết nhau, miễn là xảy ra trên sân khấu, trên sàn diễn, nhưng giữa đường tự nhiên có hai người vừa ôm khít rịt mắt nhìn đắm đuối vừa ca khơi khơi chắc tôi phải nghĩ tới bệnh tâm thần. Tô Ánh Nguyệt năm xưa đau nỗi đau xa con chỉ cần nghẹn ngào bước từng bước run lẩy bẩy, nắm tiền trong tay bay bời bời; Tô Ánh Nguyệt bây giờ vừa gào thét vừa bứt xé hàng khuy áo khoe da thịt, mệt gì đâu.

Chia sẻ ý nghĩa này với ba đứa bạn, một đứa cười "vậy mới là tìm tòi, sáng tạo", đứa kia hỏi vặn "bộ khùng sao mà đi coi cải lương", đứa còn lại nói "thấy ghê thiệt nhưng thời này nó... phức tạp vậy". Ừa, đúng là thời này phức tạp thiệt, bữa trước muốn mua cái áo "nhìn thấy khoẻ", màu sắc nhã nhặn, hoa văn đơn giản, kín đáo mà phải lục tung cả cửa hàng trong con mắt căm hờn của chị chủ. Sách, băng đĩa thì nhất thiết phải siêng năng lục lọi, lâu lâu mới rinh được một cuốn văn đẹp kiểu Thạch Lam, lâu lâu mới chộp được một vài đĩa "nhạc nghe khoẻ", sao chép lại từ những nguyên bản của mấy chục năm trước nên chất lượng cũng được chăng hay chớ.

Có lần hỏi thằng nhỏ mấy cái đĩa nhạc cổ lỗ sĩ này bán chạy không, nó nói "người ta mua nhiều lắm, nhưng chị là trẻ nhất". Lại hỏi tiếp, "bộ thấy tôi mệt mỏi già nua lắm sao mà nghĩ nhạc này hợp với tôi". Thằng nhỏ cười, "tại em thấy chị không đeo vòng vàng gì hết". Câu trả lời này làm tôi nhớ mấy giai thoại thiền, kiểu như hai ông đi bên bờ sông, một ông hỏi đại niết bàn là gì, sư trả lời, "mau". Hỏi "mau gì", ông sư trả lời, "xem nước". Hiểu chết liền.

Bữa qua ngồi quán chiều vắng ngắt, ông đồ cổ lại mở cái đĩa hát cổ, cô Ly đổ giọng ca mát rượi ra hè phố, "Cúi xuống. Vùng non xanh mát. Và cao tiếng hát cho cơn ưu phiền tan..." bỗng thấy tâm hồn mỏi mệt của mình đang được sự giản dị nào đó cứu chuộc. Cảm giác gan bàn chân tôi vừa chạm vào mặt đất, hình như tôi vừa tháo giày ra bỏ bên đường.

Nhưng tuổi hai mươi gặp gì cũng hăng hái đeo mang, thấy gì cũng hớn hở vơ lấy vào mình, lỉnh kỉnh những phấn son, tô vẽ và xiêm áo, tuổi hai mươi ấy giờ nằm lại ở đâu?


Nguyễn Ngọc Tư

hoài vọng
01-03-2016, 07:38 PM
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi viết Cánh Đồng Bất Tận đã bị đánh ...lên bờ xuống ruộng...nên bà ấy đã viết " hiền hiền " một chút rồi...

gun_ho
01-03-2016, 09:04 PM
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi viết Cánh Đồng Bất Tận đã bị đánh ...lên bờ xuống ruộng...nên bà ấy đã viết " hiền hiền " một chút rồi...

Cô Tư mà sợ ai, có đánh cổ thế nào cổ cũng cứ viết thôi. Thay đổi cách viết có lẽ cổ nhận ra những chiêu nọ không nhất thiết phải có để tạo nên một án văn hay.

hoài vọng
01-03-2016, 11:51 PM
Anh Súng , tôi thấy cô Tư cũng e dè đấy dù được khen ngợi , nếu không , cô ấy không còn được xuất bản mấy cuốn truyện sau này , chứ không như tác giả Bên Thắng Cuộc nói là phải đem ra in ở nước ngoài ( nếu bố nó cấm đố nó dám in ), tôi không tin luận điệu mấy thằng việt cộng .

sôngthương
01-04-2016, 07:19 PM
St cám ơn các anh chị đã ghé vào đọc truyện với St nha :z57::z56:

@Chị Lan Huệ , thỉnh thoảng chị đem những clip nhạc chị đã làm trước kia lên cho cả nhà thưởng thức lại chị nhé :z57:



Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi viết Cánh Đồng Bất Tận đã bị đánh ...lên bờ xuống ruộng...nên bà ấy đã viết " hiền hiền " một chút rồi...

Dạ, anh Hoài vọng , St lại nghĩ cô Tư sẽ viết hiền hay không là do đề tài cô ấy chọn . Tại vì lần này cô Tư viết về vùng non xanh mát , và đang mang giày chứ không phải là mang guốc ...gót nhọn :z13:



Cô Tư mà sợ ai, có đánh cổ thế nào cổ cũng cứ viết thôi. Thay đổi cách viết có lẽ cổ nhận ra những chiêu nọ không nhất thiết phải có để tạo nên một án văn hay.

Dạ, anh Gun_ho (St gọi là anh Súng luôn được không ạ ? ) , St cũng nghĩ cô Tư không sợ đâu , vì nếu đã viết như thế , là đã biết sẽ lên bờ xuống ruộng . Thay đổi cách viết có thể là lựa chọn của cô , để vẫn đưa được những vấn đề khác đến với người đọc , mà không nhất thiết phải ...lên bờ xuống ruộng . :)


@ Anh Hoài vọng, anh Gun_ho : Sau đó , cô Tư viết một số tác phẩm khác , bằng những áng văn khác, không còn hiền hiền nữa. St không biết độc giả có thích lối viết ấy không , vì đọc xong thấy rất ...khắc khoải. Trong đó , truyện dài ”Sông” là một ví dụ, cứ khiến St liên tưởng đến truyện của Kawabata . Trong ”Sông” có những câu như thế này “Nước mắt chảy từ con mắt là thứ thường thôi, có thứ nước mắt không chảy ra kiểu vậy.” …

Lan Huệ
01-04-2016, 08:02 PM
Mến chào Sông Thương,
trước hết chị cám ơn Sông Thương đã đem về những truyện hay :z57:.
Về các clip nhạc, chị hoàn toàn mù tịt cách làm, có lẽ ST muốn nhắc tới các PPS của chị Huệ Hương phải không? Nếu vậy, chị HH ơi, vẫn có nhiều người thích thưởng thức các PPS của chị đó.

sôngthương
01-04-2016, 10:29 PM
Mến chào Sông Thương,
trước hết chị cám ơn Sông Thương đã đem về những truyện hay :z57:.
Về các clip nhạc, chị hoàn toàn mù tịt cách làm, có lẽ ST muốn nhắc tới các PPS của chị Huệ Hương phải không? Nếu vậy, chị HH ơi, vẫn có nhiều người thích thưởng thức các PPS của chị đó.


Dạ, St mến chào chị Lan Huệ , chị Huệ Hương :)

Chết em rồi ! :), Dạ, trước tiên cho em xin lỗi chị Huệ Hương thiệt nhiều chị nhé :z57:
Và cám ơn chị Lan Huệ thiệt nhiều vì đã chỉ cho em :z57:. Nên em biết thêm là có tới hai chị , một chị Lan một chị Hương . Chị nào cũng có tài riêng . Khi nào chị HH cho em xem những PPS tâm đắc của chị nha :)

em sôngthương

sôngthương
01-07-2016, 04:11 AM
Chị Lan Huệ ui :z57: :z56:

-------


Một cuộc đua


Thấy tôi tái xanh tái xám, mồ hôi mồ kê bước vào nằm chuồi ra giường, con Thuý ngừng đọc báo :
- Mất dạy hả ?
- Ừ. Thằng quỷ bảo hôm nay em trúng gió, cô cạo gió giùm em. Rồi hắn cởi áo... Tao dằn lòng lắm mới không cho nó cái tát. Đạp xe đi về gần 15 cây số tốn hao bao ca lo mà chẳng được gì. Chỗ gặp học trò trời sợ. Chỗ thì phụ huynh cứ giả vờ quên ngày trả tiền, chỉ tặng đồ quá đát...

- Có cái này dành cho mi đây ! Coi gặm được không ? - Con Thuý chìa tờ báo. Tôi dán mắt vào chỗ hắn chỉ :
“Cần một giúp việc nữ dưới 25, lí lịch rõ ràng, ngoại hình khá, dễ mến, trình độ phổ thông trung học, có khả năng chăm sóc người bệnh nằm một chỗ. 50.000đ/2 giờ. Thử việc 3 buổi...”.

- Dạy kèm không ra gì, tiếp thị bia không xong thì giúp việc nhà thời công nghiệp vậy. Tính ra tháng bằng 4 chỗ dạy kèm ! ăn học thoải mái.
- Tiền nào mệt nấy !
- Đồng tiền lương thiện bao giờ cũng nhọc nhằn. Lấy xe máy tao đi !
- Đi giờ ?
- Chụp giật liền. Lương cao khối đứa nhào vô. - Con Thuý giục.
- Giúp việc nhà mà làm như tranh suất học bổng đi nước ngoài ! Lại còn ngoại hình khá !

Tôi càu nhàu nhưng vẫn nghe lời con Thuý, đứng dậy. Hắn đáng nể. Tiếp thị bia để ăn học mà tâm hồn, thể xác 2 năm rồi còn nguyên xi. Hắn tránh né những thói sàm sỡ bằng thứ dịu dàng bọc thép, còn tôi mới làm chưa được một tuần đã tung chưởng bốp vào má một sếp tuồn tay vào váy và lập tức bị nghỉ việc. Tôi thay cái quần jeans cũ rồi nhìn mình trong gương. Đứa con gái trong đó nhìn lại tôi. Tóc ngang vai, không trang điểm, không “dễ mến”. Gai nhọn trong ánh nhìn. Môi khép hờ như nụ hồng nhưng mở ra có thể là 2 lưỡi dao bén. Tôi nhớ những từ người ta quẳng vào mình : Con mọi cứng đầu. Thứ không mẹ không cha. Nghèo mà chảnh !..

Tôi đến địa chỉ trong báo. Đúng là giàu. Biệt thự mặt tiền. Xe hơi phủ vải ở ga-ra. Béc-giê xổ một tràng tiếng cẩu. Một người đàn bà khoảng dưới 40 nhìn tôi qua cửa sắt. Tôi chìa tờ báo có mẩu tìm người. Bà ta gật đầu rồi mở cửa. Cuộc phỏng vấn tiến hành chớp nhoáng :
- Hãy giới thiệu ngắn gọn về mình.
- Tên Phượng, 21 tuổi, sinh viên.

Nghe đến đó, bà ta chìa tay. Tôi hiểu ý rút ví lấy thẻ sinh viên. Bà ta nhìn ảnh rồi nhìn tôi săm soi từ đầu đến chân.
- Cô biết đùa, hát karaoke, nói chuyện phiếm giải buồn không ?
- Biết.
- Kiên nhẫn chịu khó không ?
- Tôi dễ thương tổn nhưng lì lợm, không dễ đầu hàng.
- Mấy người trước dội ra đều bảo họ thừa dịu dàng kiên nhẫn. Tôi thấy cô thẳng thắn, cứng cáp. Nếu cô trụ được, cô có thể được 2 triệu 1 tháng để ăn học. Còn không, 200.000đ cho 3 buổi rồi đi. Mai cô bắt đầu. Từ 3 đến 5 giờ chiều. Để lại địa chỉ, thẻ sinh viên hoặc chứng minh thư.
- Công việc cụ thể của tôi là gì ?
- Trò chuyện, chịu đựng người bệnh, giảm áp lực buồn chán vì nằm một chỗ.

Trên đường về, con Hai Triệu tung tăng chạy trước ngoắc ngoắc tôi. Vì nó, tôi sẵn sàng gồng mình chịu đựng 2 giờ cho 22 giờ còn lại, cho cuộc đời tôi tự chọn và đi bằng đôi chân mình. Đêm ấy con Hai Triệu và một người không hình dáng chập chờn quấy nhiễu giấc ngủ tôi. Nam hay nữ, già hay trẻ, người hay quỷ ?

Buổi đầu...
Bà quản gia dẫn tôi đến phòng bệnh nhân. Bà thì thào : “Cậu chủ ngủ. Ngồi đợi”.
Phòng rộng, thoáng nhưng bề bộn đồ đạc. Trên giường cũng bề bộn một hình hài. Tóc nhuộm hai màu chọi nhau. Chăn mỏng đắp hờ ngang bụng. Hai tay giăng ngang như bị đóng đinh. Lũ gối lớn nhỏ vây quanh cả chục cái. Tôi ngạc nhiên nhìn gương mặt trẻ măng đang ngủ mà mày nhíu lại như vật lộn với nan giải.
- Khi cậu chủ dậy, cô giới thiệu cô là người thứ mười ba.

Bà ta đi ra. Tôi cúi nhặt mấy tờ báo trên nền bỗng bị một cái gối ném trúng. Ngẩng lên, tôi chạm phải đôi mắt đầy hận thù trên gương mặt khoảng chừng đôi mươi.
- Mày là con đĩ nào ?

Tôi đã hình dung nhiều tình huống nhưng vẫn không phải tình huống này. Máu dồn lên mặt nhưng con Hai Triệu vuốt giận tôi.
- Người thứ mười ba. - Tôi đáp.
- Đứng dậy !

ánh mắt thằng nhãi lướt trên tôi rồi cắm vào đôi chân lành lặn của tôi với vẻ ganh tị :
- Mày có cặp giò mặc váy chắc đẹp. Tao... - Hắn bỏ dở câu nói rồi ném vào chân tôi cái gối. Tôi đón lấy. Cái nữa... Cái nữa...
Tôi cáu :
- Tôi sẽ quẳng lại nếu cậu tiếp tục.

Gối cứ tỉnh bơ nhắm tôi bay tới. Tôi gạt phăng con Hai Triệu qua bên, chụp lấy ném trở lại vào mặt thằng chủ. Thấy tôi ném hăng quá, thằng nhãi nhà giàu ngạc nhiên :
- Không sợ mất việc hả ?
- Mày tưởng có tiền rồi làm cha thiên hạ chắc ? - Tôi chống nạnh trừng mắt.
Thằng nhãi trố mắt nhìn tôi, rồi bật cười :
- Trông mày cũng hay hay. Đỡ buồn ! - Nó chống tay ngồi dậy nhưng không được.
- Giỏi ném nữa đi !
- Đỡ tao ngồi dậy ! Tao thuê mày để làm việc đó.
- Nhưng nếu tao không cần làm thuê nữa thì mày gọi đứa thứ mười bốn tới mà đỡ ! Tao đi đây ! - Tôi quay lưng.
- Này... ! - Thằng chủ gọi giật.

Tôi dừng. Đời tôi, tôi chưa đầu hàng cái gì trong vòng 15 phút.
- Tôi cần tiền. Cậu cần người giúp đỡ. Có tôn trọng nhau thì hợp tác. Không thì thôi. Không có màn sỉ nhục. - Tôi đứng ở cửa ra điều kiện.
- Tên gì ?
- Phượng.
- Sinh viên hả ?
- ừ.
- Lại đây đỡ tao !

Tôi đến gần... Con Hai Triệu động viên : “Hắn không đứng dậy được. Đừng sợ !”.
- Bế tao ra xe lăn ! - Thằng chủ chỉ tay về phía cửa sổ.
Tôi định lật mền nhưng hắn thì thào : “Để thế !”.
Tôi luồn tay qua cổ hắn và cảm nhận cái mềm mỏng rủ xuống ở tay kia. Hắn quàng tay qua tôi, mắt lấp lánh ánh tinh quái. Tôi đe :
- Chớ dại ! Nếu không sẽ bị quẳng ngay xuống đất.

Thằng nhóc lè lưỡi nép vào tôi. Lần đầu tiên tôi chạm vào một người đàn ông, dù hắn ta dường như chỉ còn một nửa !

Buổi thứ hai...
Vừa dựng xe đạp tôi đã nghe tiếng gào, tiếng khóc, tiếng chửi rủa sa sả. Một quý bà sực nức son phấn và nước hoa từ phòng cậu chủ đi ra, vừa đi vừa lau nước mắt. Thấy tôi, bà dừng lại :
- Nghe nói cô đã qua buổi đầu tiên êm thấm với nó. Nếu cô làm dịu những cơn khủng hoảng thần kinh của con tôi, cô sẽ được trả gấp đôi.
- Tôi có thể biết nguyên nhân và tình trạng của cậu ấy được không ?
- Đua xe. Bạn gái chết, còn nó phải cắt cụt đôi chân vì xe tải nghiến nát. Đã 2 tháng nay tôi sống trong địa ngục, sợ những cơn cuồng nộ của nó đến không dám ở nhà...

Tôi vào phòng, đến bên hình hài tàn phế đang nằm thở dốc và khóc.
- Thứ mười ba đến rồi. - Tôi báo.
- Trả chân cho tao ! - Gã gào lên.
- Tôi không lấy chân của cậu. Có chân không đi, trời lấy lại.

Gã há miệng như nghẹt thở rồi cầm “con dế” bên gối định ném tôi. Nghĩ sao, gã lại vứt nó qua cửa sổ.
- Ông không còn chân, gọi thằng nào cũng không đến !
- Đúng là ném tiền qua cửa sổ !
- 7 triệu đấy, nhưng tiền để làm gì ? - Gã tì tay xuống gối lấy gì đó ném vào tôi. Gã luôn ném để khẳng định mình còn đôi tay quyền lực.

Tôi nhặt lên, ngỡ ngàng nhìn tờ trăm đô xếp thành hình con hạc giấy. Cảm nhận được sức nặng của con hạc trong tay nhưng tôi vẫn ném trả. Gã lại ném qua... Cả bầy hạc giấy dưới chân tôi...
- Nằm một chỗ, bà già vẫn phát lương. Còn mua sẵn chiếc xe hơi an ủi. Nhưng giờ tôi chỉ muốn chết. Hãy chỉ cho tôi cách chết ít đau đớn nhất. Tôi sẽ trả công cho cô.

Tôi nhặt hết 5 con hạc giấy đặt xuống gối gã.
- Cho đấy !
- Tôi làm công nhận lương, không nhận tiền cho không.
- Nghèo mà chảnh nhỉ ! - Gã ngạc nhiên.
- Hôm nay có mấy kiểu chết trên báo, cậu chọn kiểu nào ? Nhảy từ cà phê 33 tầng vào sinh nhật thứ 21. Hỗn chiến tại quán bia, bị đâm. Một nữ sinh 17 tuổi dắt xe đạp băng qua đường sắt bị tàu đụng. Một thanh niên đi xe máy sụp ổ gà bị xe rác cán chết.
- Toàn ghê rợn ! - Gã nhăn mặt.
- Làm gì có cái chết dịu dàng ! Để tới cái chết phải băng qua đau đớn.

Và bỗng nhiên hình ảnh mẹ tôi nằm chết trên mặt đường hiện ra trong vũng nắng.
- Cô sao thế ?

Tôi lau vội giọt nước mắt ứa ra, lắc đầu...
- Cậu chọn cái chết thì cũng chẳng cần người giúp việc nữa ! Tôi về đây. Mất thì giờ !
- Đừng để tôi một mình. - Gã kéo tay tôi - ở thêm với tôi, tôi trả cô một con hạc. Đây là tiền công chứ không phải tiền cho không.
- Được. Dại gì không lấy. Giờ cậu muốn tôi làm gì ?
- Cô sẽ làm gì nếu mai cô chết ? - Gã hỏi lại.
- Tôi sẽ đấu tranh đến cùng để mai tôi vẫn sống. Một ngày là một cuộc chiến.
- Giá nghèo như cô, tôi sẽ không bất hạnh thế này. Không có xe để đua, không có tiền để đốt đời mình...
- Tại cậu chưa nếm mùi nghèo khổ đó thôi ! Tàn bạo, khốc liệt lắm, cuốn trôi bao ước mơ, đè bẹp bao số phận. Nhưng khi thừa mứa quá, nỗi đau trong tim còn dữ dội hơn cả cái đói. Một nhà văn đã nói thế.
- Cô nói đúng. Tôi thừa tiền mà đầy trống vắng. Nhà tôi ai cũng sống giả dối, mọi thứ dùng tiền mua. Mà này, cô e bằng tuổi tôi sao “già” thế ?

- Một chiếc xe chở ba người đã cướp mất tuổi thơ của tôi khi tôi lên 6, bởi vậy tôi ghét những đứa giết người rồi bị người giết như cậu... Tôi văng khỏi chiếc xe đạp khóc ré lên còn mẹ tôi nằm trên đường trưa im lặng... Tôi không có cha. Người đàn ông nào đó đã bỏ mẹ tôi khi tôi tượng hình. Ông cậu đem tôi về, lấy hết tiền người ta bồi thường, cho đi học một nửa buổi còn nửa buổi sai vặt, bưng bê trong quán cà phê của họ... 14 tuổi, tôi bị bà mợ ép bán trinh cho một doanh nhân. Tôi cầm chai rượu quật vào ông ta...
- Rồi sao ?
- Ông ta bưng đầu chạy. Còn tôi từ đó không nhà, lang thang vất vưởng rồi nương thân trong một mái ấm toàn những đứa trẻ không có tuổi thơ như mình. Tôi tự kiếm sống bằng mọi cách, giương vuốt bảo vệ mình và cố đổi thay số phận.
- Đời cô buồn nhỉ !
- Bởi vậy mỗi ngày của tôi là một cuộc chiến, chiến đấu để tồn tại, để biến đời buồn thành vui...

Buổi thứ ba...

Ngày thứ ba gã không la hét cũng không ném thứ gì. Gã nói chuyện, cùng tôi thi hát karaoke. Bà quản gia dường như không tin tiếng hát vọng ra từ phòng gã, sững sờ đứng chôn chân ở cửa. Gã thắng tôi dễ dàng.
- Tôi thích sự thách thức. Chính vì vậy mà tôi lao vào cuộc đua. - Gã thở dài.
- Giờ cậu dám đua nữa không ?
- Đua với ai khi thế này... ?
- Với tôi. Chúng ta đua ngoi lên dưới ánh mặt trời. Thời hạn 5 năm.

Gã không trả lời tôi, tư lự. Khi tôi bế gã từ xe lăn trở lại giường, gã nhìn vào mắt tôi :
- Cô có đôi mắt rất đẹp. Thăm thẳm nỗi buồn nhưng ánh nhìn quyết liệt. Đôi mắt ấy...
- “Khóc người một con”... (Bùi Giáng) - Tôi nhìn gã đáp.

Tôi qua trót lọt 3 buổi thử việc nhưng không “có duyên” với con Hai Triệu. Ngày hôm sau, một người đến tận chỗ tôi trọ gửi tiền công 3 buổi và một gói quà. Mở ra tôi thấy một bầy hạc châu đầu vào một đoá hồng. Đoá hồng là một cái thư, còn bầy hạc mười con xếp bằng tiền đôla thật. Tôi và con Thuý đọc :

“Cô không cần đến buổi thứ tư. Tôi vốn là một đứa sáng dạ, chỉ cần ba buổi là ngộ... Tôi nhận lời “đua” với cô, đua ngoi lên dưới ánh mặt trời để “còn hai con mắt khóc người một con”. Mười con hạc giấy này tôi tặng cô. Nó chỉ bằng chai rượu tôi uống trong những đêm đốt đời mình. Trước khi bay, người ta cũng cần đôi cánh. Đừng chảnh, hãy nhận nó vì tấm lòng thành của tôi. Hẹn gặp lại cuối đường đua”.

- Thằng này chưa phải là đồ bỏ. Hoặc điên, hoặc rất lãng mạn. - Con Thuý bảo.

- Không ai là đồ bỏ cả. Đi mua máy tính với tao. Tao khởi đầu cuộc đua đây ! Mau lên ! - Tôi giục con Thuý.

(Quế Hương)

http://www.art2all.net/gophuong/quehuong/motcuocdua.htm

sôngthương
01-25-2016, 03:26 AM
Cám ơn các anh chị đã ghé qua đọc truyện với St nha :z57::z56:

-----------------


Những vì sao


(Thân tặng Christina Lee Sok Tin )

“Cốp”, cúi đầu nhìn vào túi để lấy món quà cuối cùng nằm ở tận đáy, đầu tôi cụng vào một bộ râu, và tất nhiên cái tiếng “cốp” là do trán tôi va vào phía sau bộ râu, tức là cái cằm. Cú cụng làm trán tôi đau điếng, từ đó suy ra cái cằm của kẻ đối diện chắc là ê ẩm.
“Xin lỗi nghen”,

tôi vừa nói vừa vén bộ râu xồm xoàm để kẻ đối diện nhìn thấy nụ cười cầu hòa của mình. Và cũng là để cho mặt mũi được đón chút gió mát. Hai tiếng đồng hồ trong bộ áo quần và mũ mão râu ria ông già Noel, tôi nóng nực kinh khủng.

Chợt nhớ ra, tôi vội buông mớ râu về vị trí cũ. Nhưng bọn nhóc đã nhìn thấy, chúng nhảy tưng lên trước phát hiện tôi là một “bà già” chứ không phải ông già Noel. Thậm chí chúng còn biết rõ bà già Noel trước mặt là ai nữa vì suốt từ sáng đến giờ, các bạn trong đoàn và tôi sinh hoạt chơi đùa và cùng ăn trưa với chúng.
Nếu không bị câm điếc, hẳn phát hiện một ông già Noel lại là “cái bà” đã trở thành một trận cười náo nhiệt và cả trêu chọc. Nhưng trong những tiếng chân nhảy tưng lên chỉ là những tràng ú ớ liên tục, một bé gái có vẻ linh lợi nhất phát âm một cách đĩnh đạc “áu iếc ồi, ô ông ải ông à Ô en”.

Âm thanh đã kéo những đứa bé khiếm thị đang nhận quà của ông già Noel đằng kia đi đến gần. Bằng một cách nào đó, bọn trẻ câm điếc đã “nói” cho bọn trẻ khiếm thị hiểu chúng đã phát hiện ra một “bà” trong những ông già Noel. Đám trẻ khiếm thị nhao nhao với tay lên mặt tôi:
- Bà già Noel có râu không?
- Bà ơi bà bao nhiêu tuổi rồi?
Tôi lấy giọng ồm ồm:
- Bà nhiều tuổi đến nỗi không thể đếm được.

Đám khiếm thị cười vang và “dịch” lại câu trả lời của tôi cho đám câm điếc hiểu bằng cách vẽ gì đó trong lòng bàn tay. Những khuôn mặt cười ú ớ phản đối.
Tình thế này thì cách hay nhất là... Vả lại túi đựng quà trên vai tôi cũng đã phát hết rồi. Tôi gỡ hẳn bộ râu ra, nhoẻn một nụ cười hết cỡ, bọn nhóc vỗ tay rần lên trước chứng cớ của sự phát hiện cực kỳ chính xác!

Tôi gắn hai quai của bộ râu vào hai vành tai của đứa nhóc đứng gần nhất, bộ râu che mất hai phần ba khuôn mặt và thòng xuống tận ngực, nó bẽn lẽn rùn chân lại mà mắt nhìn bạn bè chung quanh một cách hãnh diện. Tôi gỡ mũ ra trùm lên đầu một đứa khác, và tôi quàng cái túi lúc này đã lép kẹp qua vai một đứa khác nữa. Cái túi lép kẹp nhìn chẳng quyền uy chút nào nhưng đã lỡ quàng qua vai của đứa nhóc mất rồi. Mười ngón tay của nó nắm cái quai túi một cách sung sướng.

Tôi chìa tay về ông già Noel vừa bị mình cụng đầu:
- Cứu bồ với.
Ông già Noel gật gật tỏ vẻ đã hiểu ý tôi muốn có một vài gói quà đặt vào cái túi lép kẹp cho nó phồng lên, nhưng rồi tiếp theo là cái lắc đầu tỏ ý rất tiếc. Tôi ngạc nhiên nhìn cái túi trên vai ông vẫn còn cộm lên, rõ ràng còn khá nhiều quà bên trong. Ông lắc lắc đầu rồi vẫy tay ra hiệu cho tôi đi theo.

Vào tới một trong những lớp học được mượn làm nơi tập kết cho đoàn sinh viên tình nguyện tổ chức đêm Giáng sinh ấm, ông già Noel gỡ bộ râu ra nhìn tôi với đôi mắt một mí ánh lên vẻ láu lỉnh. Và cái mũ cũng tuột xuống lộ mớ tóc đen nhánh và khuôn mặt bầu bĩnh. Hóa ra cũng là một bà già Noel. Tôi nhận ra đó là một trong những thành viên của đoàn tình nguyện viên khuyết tật đến từ Singapore.
Từ hôm qua tới giờ bận rộn biết bao nhiêu việc nên chúng tôi chỉ kịp chào nhau rồi bắt tay vào thực hiện kế hoạch đã bàn bạc giữa hai đoàn từ trước, tíu tít lo mua sắm sách vở kẹo bánh và phân thành từng gói, quấn giấy làm những cái mũ chỏm đính kim tuyến và những đôi cánh thiên thần... Rất nhiều việc phải làm trong không khí Giáng sinh chộn rộn khắp nơi khiến tôi không kịp nhớ rõ ai là ai, ngoại trừ một anh kỹ sư đã 40 tuổi có cái nickname rất kêu là Amstrong, và lý do nữa vì Amstrong là người duy nhất trong những người khiếm thính trò chuyện không cần ra dấu vì chỉ bị điếc nhẹ.

Đeo cái máy trợ thính, Amstrong xuất hiện rất đúng lúc ở những chỗ mà cuộc chuyện trò đến lúc bí rị. Và hình như sự cứu vãn tình thế không phải vì Amstrong dịch đúng! Tôi thấy sau mỗi lần Amstrong nghiêng tai lắng nghe phía bên này nói (bằng tiếng Anh, và tất nhiên là không phải ai cũng diễn đạt đúng điều mình muốn nói dù một trong những tiêu chí của Câu lạc bộ Tình nguyện viên quốc tế là phải giỏi tiếng Anh!) rồi huơ tay diễn giải cho bên kia, là tiếng cười vang lên ở đoàn Singapore rồi lan qua đoàn Việt Nam. Cách phát âm cộng thêm tính lém lỉnh của Amstrong mà không khí im ắng của sự thiếu vắng trao đổi ồn ào trêu chọc trở nên dễ chịu hẳn lên.
Mắt một mí cởi găng tay bên phải ra rồi nhìn quanh và ngồi thụp xuống, đầu ngón tay trỏ nguệch trên nền nhà đầy bụi dòng chữ “Christina Lee Sok Tin. Your name?”. Tôi viết chữ “Liên”.

Christina gật đầu mỉm cười rồi cởi nốt găng tay kia và hai tay kéo rộng miệng cái túi màu đỏ ra, bên trong chỉ là những vỏ hộp bánh. Rồi Christina đưa hai bàn tay lên ra dấu.
Tôi không hiểu các dấu hiệu, nhưng tôi cảm được Christina muốn nói gì. Quà đã phát đủ cho các em rồi, nhưng cái túi của ông già Noel thì không thể trống rỗng trước mặt bọn trẻ!

Giải thích về cái túi xong, Christina đưa tay xoa xoa cằm rồi chỉ vào trán tôi và chỉ vào bộ áo quần màu đỏ viền trắng trên người. Tôi gật đầu và cũng huơ tay ra dấu - “Hết sức xin lỗi, tôi đã làm bạn đau lắm phải không?”.

Những ngón tay của tôi chắc chắn đã diễn tả ngược lại cái điều Christina muốn tôi hiểu. Hay nói đúng hơn là... đã diễn tả sai bét! Khuôn mặt của Christina lộ vẻ không đồng ý rất rõ ràng. Lại nhìn quanh. Tôi hiểu Christina muốn có tờ giấy và cây bút. Tôi cũng vậy. Từ lúc biết trong đoàn có đa số là sinh viên khiếm thính, tôi đã chuẩn bị một quyển sổ dành riêng cho việc bút đàm. Nhưng lúc này đồ đạc cá nhân của tất cả mọi người để ở phòng bên kia.

Tôi ngồi xuống, nguệch ngón trỏ lên nền bụi “Sorry, I made you ...”, cái vốn tiếng Anh lõm bõm khiến tôi ngừng tay lại. Đã lõm bõm mà còn viết thành câu cú chữ nghĩa rõ ràng nữa thì...

“Sorry, your chin was hurt by me”, hình như phải viết thế này mới đúng! Tôi liếc qua ngón tay của Christina - Một bức tranh! Vẽ mặt người này tựa đầu vào ngực người kia, và trong tư thế đó thì cái trán và cái cằm tựa vào nhau rất trìu mến.

Ngẩng nhìn phản ứng của tôi rồi Christina mỉm cười cúi xuống nguệch hai từ - OK?
***
Sau tiết mục phát quà là những trò chơi.

Bọn trẻ khiếm thị cười nắc nẻ vì té lăn chiêng trong trò kéo co, tưởng sau khi lồm cồm ngồi dậy chúng sẽ khó mà tìm đúng người của phe mình, nhưng rồi tôi ngạc nhiên nhìn thấy chúng tìm ra nhau rất nhanh và rất chính xác. Có đứa lướt hai bàn tay rất nhanh lên mặt một ông già Noel và reo lên “A, anh Am -xờ -trong đây này”.

Quả đúng là Amstrong dù Amstrong đã phồng má và bành miệng ra, hai hàng lông mày nhướng xếch lên. Một đứa ôm ngang người tôi và lần tay lên vai rồi xuống ngực, tôi né người nhưng không kịp, nó ấn tay vào ngực tôi như để xác định một lần nữa và reo lên: “A... bà già... Chị hồi chiều đeo râu cho thằng An đây này. Chị tên gì?”.

Trong bóng hoàng hôn phủ nhanh xuống sân trường, những đôi mắt trống trải không bị ánh sáng phơi bày rõ ràng khiếm khuyết, nhìn bọn trẻ ôm eo nhau cong người kéo cật lực và hò hét “một hai ba...”. Thật khó tin trước mặt mình là những đứa bé mù lòa.
Tôi đi qua phía bọn trẻ khiếm thính đang nhảy điệu múa sạp một cách điệu nghệ dù chẳng nghe được tiếng nhạc “sòn sòn sòn đô sòn, sòn sòn sòn đô rê...”... Có vẻ như những thanh tre sắp kẹp chân đứa bé nào đó nhưng rồi bàn chân linh hoạt nhấc lên đúng lúc hai thanh tre chập lại. Rồi ai nấy phá lên cười khi chính một trong những ông già Noel hướng dẫn điệu múa này bỗng nhảy vọt ra và vung tay la oai oái vì bị kẹp chân. Cú nhảy vọt bất ngờ khiến tôi bị va một cái “cốp”.

Amstrong. Lần này là cái cằm của tôi.
Hai ông già Noel ngã lăn cù ra. Mọi người chung quanh cười râm ran.
Xem ra những sinh viên cũng được vui hả hê không kém bọn trẻ! Nhìn những bộ râu rung rung tôi cũng muốn cười theo, nhưng vừa nhúc nhích môi thì cái cằm đau thốn lên.
Amstrong đỡ tôi ngồi dậy:
- Sorry...
Nhận ra tôi không phải là con trai, Amstrong bối rối đến nỗi không nói được như thường lệ. Chỉ ánh mắt lộ vẻ áy náy ghê gớm.

Tôi xoa cằm và ra hiệu cho Amstrong đi theo mình. Băng qua sân trường, tôi đi vào lớp học chiều nay Christina đã vẽ trên nền nhà. Lạy trời cho bức tranh không bị nhát chổi của ai đó quét đi. May quá. Nó vẫn còn đó. Tôi chỉ tay vào bức tranh. Amstrong nhíu mày. Có tiếng chân bên ngoài. Christina hiện ra trên ngưỡng cửa, chìa trước mặt tôi hộp dầu gió xanh. Tôi xức dầu vào cằm mình và đưa hộp dầu cho Amstrong. Thật bất ngờ, Amstrong trở lại vẻ láu lỉnh quen thuộc, anh nghiêng chai dầu vào đầu ngón tay và ngồi xuống... xức cho cái cằm trong bức tranh.

***

Dưới ánh trăng mười ba sáng rạng rỡ, những bộ áo quần màu đỏ lụng thụng khiến ai cũng giống ai, nhưng tôi nhận ra Christina và cũng vậy, Christina nhận ra tôi. Thỉnh thoảng, hai đứa tôi chạm ánh mắt nhau, tôi cười và biết sau đám râu um tùm Christina cũng đang cười.

Được một người mới quen biết nhận ra mình giữa đám đông và có ai đó đang mong mình nhận ra họ... cảm giác thật khó tả. Nhất là trong một dịp đặc biệt thế này, ngoại trừ sinh viên của đoàn Việt Nam hướng dẫn các em khiếm thị bằng lời nói, còn lại đều ra dấu bằng tay, mọi cảm xúc đều dồn lên khuôn mặt và ánh nhìn khiến mắt ai cũng long lanh.

Ánh long lanh rơi xuống thành nước mắt khi giờ chia tay đến. Những em bán trú phải về đúng giờ vì phụ huynh đã đến đón. Những em nội trú nấn ná thêm một chút với lý do chính đáng rằng ngày mai là thứ bảy, các em có quyền dậy muộn. Nhưng rồi cũng phải đến lúc để các em đi ngủ.

Lưu luyến cầm tay níu gấu áo... Tôi gỡ bộ râu ra để một em khiếm thị rờ rẫm trên mặt. Rồi những ngón tay tuột xuống eo lưng tôi thành một vòng ôm:
- Chị Liên ơi, sang năm chị có đến nữa không?
Giọng thì thầm tràn ngập mong mỏi.

Em hòa vào các bạn vừa bước đi vừa ngoảnh lại, khiếm thính thì vẫy tay, còn khiếm thị thì nghiêng tai như đợi một lời gọi. Rồi tất cả khuất sau lối rẽ hành lang.

***

Lần đầu tiên tôi ngắm trời trong đêm Noel. Có lẽ vì đêm có trăng, và tôi đang nằm giữa sân của một ngôi trường vùng ven. Lúc chúng tôi trải tấm bạt ra sân, ông bảo vệ trường nhìn nhìn chưa hiểu tiết mục gì đây. Rồi thấy chúng tôi từng người nằm dài xuống bên nhau, ông lắc đầu nói:
- Ngoài này nhiều muỗi lắm.
Tôi dịch Amstrong nghe. Amstrong phẩy tay:
- No problem!
Cách phát âm của Amstrong khiến ông bảo vệ hiểu khác. Ông nhìn tôi, xuống giọng:
- Nó nói nó tới đây là một sự lầm lẫn hả? Ở nhà nó có máy lạnh quen rồi nên ngủ trong lớp học lợp mái tôn của mình nó thấy nóng hả?

Tôi phì cười. Christina ngồi dậy lấy giấy bút ra đặt lên gối chân và bật cây đèn pin nhỏ xíu, hí hoáy viết “What did he say?”. Có lẽ Christina nghĩ ông bảo vệ bắt tất cả phải vào trong phòng. Tôi viết “He said you are very nice”. Christina cười, gạch ngang chữ “you” và viết bên trên chữ “we”.

Chúng tôi nằm xuống.
Tiếng chân ông bảo vệ dần xa.
Có bao giờ bạn thấy những sinh viên tụ tập bên nhau mà không tiếng ồn ào chưa?
Yên tĩnh nôn nao.
***

Lúc này đây, ngồi viết những dòng này, trước mặt tôi là tấm ảnh tinh nghịch những gương mặt cười, Christina đứng ngoài bìa, một tay choàng qua vai tôi, tay kia cầm mép tấm băngrôn nhiều màu sắc có dòng chữ thật to “Team H3 – Hopes, Hearts, **** City”.

Hiện ra trong tôi vầng trăng Giáng sinh đêm mười ba tròn như trăng mười sáu. Và những thân người nằm lặng vì mệt, vì vui, vì những suy nghĩ mới mẻ và vì niềm đồng cảm dịu dàng lan tỏa.

Chứng minh lời cảnh báo của ông bảo vệ, tiếng muỗi vo ve như mừng rơn. Đáp trả lại là tiếng đập bép bép. Nhưng không ai chịu vào trong phòng cả. Vì trăng đẹp quá? Vì gió tinh khiết quá? Vì không gian trong trẻo quá... Hoặc đơn giản là vì ở ngoài này chúng tôi có thể cầm tay nhau mà không bị ngăn cách bởi mùng màn.

Lúc ấy tôi nghĩ gì nhỉ? Không nghĩ được gì. Chỉ cảm thấy. Christina bóp nhẹ tay tôi... Lần thứ nhất, tưởng Christina muốn nói gì, tôi đợi ánh sáng của cây đèn pin lóe lên nhưng không. Lần thứ hai, tôi khẽ quay mặt về phía Christina chờ đợi cử chỉ ra dấu. Nhưng cũng không, Christina vẫn lặng lẽ nhìn lên trời, vầng trăng lộng lẫy giữa mênh mang những đám mây màu thẫm nhiều hình thù, tóc Christina bay vờn trên mặt tôi.

Cái bóp tay lần thứ ba, tôi trả lời bằng động tác tương tự và thấy nỗi xúc động dâng lên mi mắt. Ôi, Christina... Tôi đã nhìn thấy rồi, ánh sáng trăng rạng rỡ đã đẩy những ngôi sao về phía xa xôi. Những vì sao...

NGUYÊN HƯƠNG
(Củ Chi 25-12-2004, Buôn Ma Thuột 1-1-2005)


http://lmvn.com/truyen/?func=viewpost&id=2g3tuLTjrqXclMyCAu0bd580ySx2ODtv

sôngthương
02-04-2016, 08:59 PM
Cám ơn các anh chị đã ghé qua đọc truyện với St nhé :z57::z56:

-----------------

Khúc Ba Mươi

http://bantruongxua.vn/wp-content/uploads/2013/03/avatar.aspx_-150x150.jpg (http://bantruongxua.vn/wp-content/uploads/2013/03/avatar.aspx_.jpg)Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực không mà hôm đó cả nhà đều phải làm công chuyện tối mắt tối mũi. Đến nỗi, nhắc tới Tết là thấy chữ “Ba Mươi” chình ình, choán chật cả ký ức.

Đó là cái ngày duy nhất trong năm cả nhà sum họp mà không sum họp. Ai nấy túi bụi với chuyện của mình. Cánh đàn ông con trai (nói cánh cho ham vậy, chỉ hai người thôi, chứ mấy), cánh này quan trọng, lãnh phần dọn dẹp, lau chùi, làm đẹp nhà. Nào là quét mạng nhện trên trần, lau cửa kính, tủ bàn, kỳ cọ mấy cái lư đồng, đem phơi nắng. Mệt phờ. Lúc dọn dẹp, bày biện bàn thờ thì mùi chiên xào dưới bếp bay lên, trời, lại phải bỏ ngang công việc đang làm dở, chuẩn bị mâm bàn cúng rước ông bà. Xế chiều rồi, chớ giỡn…

Cúng kiếng xong, cánh đàn ông tiếp tục chuyển sang đánh trận… ngoài sân, còn má vẫn hì hụi trong bếp, vừa trông chừng nồi thịt kho, vừa làm thịt nguội, sau lưng má, củ cải với dưa leo đang chờ tới phiên mình trở thành món… dưa chua. Tết của má dài thăm thẳm, phải kể từ hôm tát đìa bắt cá làm mắm, xẻ khô. Cá còn phơi trên mấy hàng bông bụp má bắt tay vào làm củ kiệu. Hồi chị còn nhỏ, má lãnh luôn phần làm mứt, nướng bánh kẹp, bánh bông lan. Chị lớn, chị giành lấy, nói để chị làm, nên cả ngày ba mươi tụi nhỏ không thấy chị liếc, chị rầy, bởi chị cũng cắm đầu làm mứt, nào là mứt chùm ruột, mứt gừng, không biết ai ăn cho hết mà ôm đồm, vừa ngào chảo mứt dừa vừa chạy ra coi mớ mứt tắc (quất) phơi ngoài sân không biết có kiến bò lên không. Cái dáng chị khum khum, tay đấm lia lịa vào lưng, than mỏi quá nhưng vẻ mặt thì tươi rói, ngây ngất. Giống hệt cả nhà, miệng kêu cực mà hớn hở, như thể ngày cuối năm này không có việc gì làm mới là niềm đau khổ lớn.Tụi con nít cũng bận lắm, chạy đi chạy lại, “lấy dùm ba cây bàn chải”, “chặt dùm má mấy trái dừa”, “ê, coi chừng mấy con chó chạy giỡn làm đổ mớ mứt đang phơi…”, “chạy đi mua cho má mấy bịt muối, cho đầy hũ, nhỏ ơi”. Trên đường chạy đầu này đầu nọ, tụi con nít không quên thò đầu vô tủ vuốt ve mấy bộ đồ mới, ứa nước miếng, trông mau tới chiều để mặc, nên có khi má kêu hai ba lần mới chịu đi làm, bịu xịu càu nhàu trong bụng, không biết ông trời sinh ra ba mươi Tết làm chi, công chuyện quá trời.


Mà, việc nào cũng quan trọng, quan trọng khủng khiếp, không thể để đến ngày mai. Tuyệt nhiên, chẳng ai chần chừ, “để làm sau..”. Cứ như là không còn ngày mai nữa, cả nhà làm cho bằng hết việc, đến xanh mặt, mướt mồ hôi, như ai đó đuổi đằng sau, như làm bây giờ để mai mốt không động tay vào bất cứ việc gì nữa.

Tụi con nít buồn cười, vì cữ kiêng lắm thì chỉ thảnh thơi được ngày mùng Một, bữa sau ba má cũng ra vườn tưới rau, chị nhất định phải rửa chén, giặt đồ, anh đến cơ quan, mọi người trở lại với công việc thường ngày của mình, Ba Mươi cũng đâu có thay đổi được gì mà làm muốn nín thở?
Tụi nhỏ không biết, thật sự của Tết là bữa ba mươi này. Khi tụi nhỏ mặc bộ đồ mới đi khoe dài dài xóm, khi ba và anh tắm táp xong ra hàng ba ngơ ngẩn ngắm hoa sao nhái đốt lửa vàng run rẫy trước sân, khi má nhốt than trong những bếp lửa tàn, khi chị đứng chải tóc trước gương, thì Tết đã chớm hết, Mùng Một, Mùng Hai là Tết phai; Mùng Ba Mùng Bốn Tết tàn.

Tụi nhỏ không biết, mãi về sau, khi lớn lên, trong ký ức Tết ấu thơ, những ngày mùng rất nhạt, đơn điệu, chỉ chơi và chơi. Nhưng bữa ba mươi luôn sống động, lung linh những mồ hôi, những nụ cười, những khoan khoái, những ngọt ngào…


Nguyễn Ngọc Tư

http://bantruongxua.vn/nguyen-ngoc-tu-khuc-ba-muoi/

sôngthương
03-30-2016, 12:15 AM
St mời các anh chị đọc những truyện dắt ta về với tuổi thơ nhé :z57:
-------------------

Nhà ảo thuật

(Trích từ truyện Nhà Ảo Thuật – Tập truyện Kính Vạn Hoa - Nguyễn Nhật Ánh)

…Giữa những tiếng la chí chóe của đám trẻ bát nháo, bộ tịch Tiểu Long nom đến tội. Nó cứ xoay hết bên này đến bên kia, nhấn cổ được ông nhóc này ngồi xuống thì ông nhóc khác lại nhổm lên, cứ hệt như một chị nhà quê đang cuống cuồng đuổi bắt đàn vịt sổng giữa chợ.

Quý ròm nhìn quang cảnh trước mặt, vừa tức vừa buồn cười. Cuối cùng, thấy Tiểu Long cứ loay hoay mãi vẫn không dẹp được bọn lỏi tì, nó liền cầm lên chiếc đũa thủy tinh gõ “coong coong” vào chiếc bình trước mặt.
– Yên lặng! Yên lặng! Màn ảo thuật thứ nhất bắt đầu!

Mưu kế của Quý ròm quả nhiên hiệu nghiệm như thần. Nó vừa cất tiếng, bọn nhóc lập tức im bặt, mắt đứa nào đứa nấy thò lỏ nhìn về phía nó.

Ðến bây giờ bọn nhóc mới để ý đến chiếc áo khoác lửng trên người Quý ròm và chiếc mũ đen Quý ròm đang đội. Ừ, thằng này nom cũng có vẻ ảo thuật gia ra phết! Nhiều đứa nghĩ, và vì thế chúng ngồi im trố mắt xem thử Quý ròm định làm trò gì, quên bẵng mất nỗi lo dơ quần dơ áo.

Thấy bọn nhóc đã bắt đầu tập trung chú ý đến mình, Quý ròm buông chiếc đũa thủy tinh xuống và từ từ nhấc hai chiếc bình trước mặt lên, giọng trịnh trọng:
– Thưa các bạn! Thưa quý ông quý bà!

Quý ròm mới nói đến đây đã nghe phía dưới có tiếng cười hí hí, nhưng nó phớt lờ, tiếp:
– Màn ảo thuật lạ lùng mà tôi sắp trình diễn với quý ông quý bà đây có liên quan đến một vụ án thời xưa…


Nói đến đây, Quý ròm cố ý ngưng một chút, cốt tạo sự hồi hộp cho khán giả. Quả nhiên, nghe nói có “vụ án”, bọn nhóc há hốc mồm, lắng tai chờ nghe tiếp:

– Cái vụ án đó là như thế này! – Quý ròm hắng giọng kể – Ngày xưa có một tay nhà giàu nọ muốn cướp vợ của một người hàng xóm nghèo, bèn lập kế gọi người hàng xóm đó đến xay gạo giùm, rồi vu cho anh ta tội ăn cắp vàng bạc của gia chủ. Vụ án lập tực đước báo lên quan. Quan ăn của đút của tay nhà giàu từ trước nên mặc cho người hàng xóm kêu oan như bộng, vẫn đổ riệt tội trạng lên đầu anh ta và kêu án đày biệt xứ. May thay lúc ấy có một người thuật sĩ đi ngang qua, nghe chuyện, liền xin vào ra mắt. Sau khi hỏi han đầu đuôi tự sự, người thuật sĩ biết vụ án có nhiều oan khuất, bèn đứng ra minh oan cho anh hàng xóm nghèo và vạch trần âm mưu đổi trắng thay đen của tên nhà giàu quỷ quyệt. Lý lẽ vững chắc của người thuật sĩ khiến quan cứng họng không cãi lại được tiếng nào. Tức mình, quan bèn đập bàn hét “Trắng là trắng, đen là đen! Ðổi trắng thay đen thế nào được mà nhà ngươi cứ lải nhải mãi thế!”. Trước trận lôi đình của quan, người thuật sĩ vẫn bình tĩnh dáp “Thưa ngài, đổi trắng thay đen là chuyện thường tình ở đời. Ngay cả thứ nước màu trắng trong chiếc bình trước mặt ngài đây, tôi cũng có thể biến nó thành màu đen trong chớp mắt, huống gì những chuyện xa xôi!”…

Kể đến đây, Quý ròm lắc lắc hai chiếc bình đang cầm trên tay rồi nhẹ nhàng đặt xuống, giọng nghiêm nghị:
– Ðó chính là hai chiếc bình này đây!
Bọn nhóc lập tức chen nhau chồm tới trước để nhìn cho rõ hai chiếc bình.
Một đứa hỏi:
– Như vậy là người thuật sĩ có cả thảy mấy chiếc bình? Hai chiếc hay một chiếc?

Quý ròm khịt mũi:
– Tất nhiên là hai chiếc!
– Sao khi nãy mày bảo chỉ có một chiếc? – Thằng nhóc cãi lại.
– Tao chả bảo gì cả! – Quý ròm nổi quạu – Một chiếc hay hai chiếc cũng vậy thôi!
Một đứa khác tỏ ý nghi ngờ:
– Nhưng chắc gì đây là hai chiếc bình của người thuật sĩ nọ?
Quý ròm gầm gừ:
– Chắc hay không gì thì dang ra rồi mày sẽ biết!
Vừa nói Quý ròm vừa nháy mắt ra hiệu cho Tiểu Long “dẹp loạn”. Hiểu ý bạn, Tiểu Long vội vàng dang rộng hai cánh tay vạm vỡ lùa đám khán giả đang chồm chồm trở về chỗ cũ:
– Ngồi xuống! Ngồi xuống!

Khi bọn nhóc đã ổn định trật tự, Quý ròm liền cầm hai chiếc bình đưa qua đưa lại trước mặt:
– Quý ông quý bà nhìn kỹ đi! Trong hai chiếc bình này, một chiếc đựng nước trắng, một chiếc đựng bột trắng. Nói chung chỉ toàn màu trắng. Và người thuật sĩ đã làm như thế này đây!

Nói vừa dứt câu, Quý ròm nhanh tay đổ chất dịch lỏng trong suốt vào bình chứa bột. Xong, nó lấy chiếc đũa thủy tinh quậy lên.
Trong thoáng chốc, trước ánh mắt ngỡ ngàng của bọn nhóc, chiếc bình thủy tinh đột ngột sẫm màu lại và bắt đầu bốc khói. Và chừng vài phút sau, một khối cứng màu đen bỗng trồi lên khỏi miệng bình đến mấy phân, nổi bật trên nền trắng của tấm drap căng phía sau và kéo theo nó những tiếng xuýt xoa thán phục:

– Chậc, chậc! Tài quá hén!
– Ðúng là “đổi trắng thay đen”! Hay thật!
– Có thế mới đáng đồng tiền bát gạo chứ!

Tiểu Long ngồi lẫn trong đám nhóc, nghe khen, sướng phổng mũi, luôn miệng cười hì hì.
Quý ròm cũng khoái chí không kém, nhưng lỡ đóng vai David Copperfield, nó phải cố giữ vẻ đĩnh đạc và phớt tỉnh để xứng đáng với tầm vóc của mình.

Sau khi dẹp hai chiếc bình và đặt lên bàn một tấm bìa cứng, Quý ròm gõ gõ chiếc đũa thủy tinh xuống bàn:
– Quý ông quý bà lưu ý! Ðây là màn ảo thuật thứ hai, còn ly kỳ hấp dẫn hơn màn thứ nhất! Màn này…
– Khoan đã! Màn khi nãy đã xong đâu! – Một ông nhóc bỗng chồm dậy vọt miệng chen ngang.

Ðám đông đang nôn nóng chờ xem màn tiếp theo, thình lình bị ông nhóc này làm cụt hứng, bèn nhao nhao phản đối:
– Ðồ phá đám, ngồi xuống đi!
– Người ta đã đổi trắng thành đen rồi, còn xong với chưa xong gì nữa!

Ông nhóc gãi đầu:
– Nhưng còn người hàng xóm nọ…
– Người hàng xóm nào? – Có tiếng hỏi.
– Thì người hàng xóm trong câu chuyện khi nãy chứ người hàng xóm nào! Rốt cuộc anh ta có được tha hay không?
– Tất nhiên là được tha rồi!
– Sao mày biết?
– Sao lại không biết!
– Ðừng có dóc! Câu chuyện vừa rồi đã kể hết đâu!
– Kể chưa hết cũng biết! Nếu không được tha thì chẳng ai kể làm gì!

Thấy cuộc đối đáp lạc đề này có nguy cơ kéo dài đến vô tận, Quý ròm vội vã can thiệp:
– Thôi đừng cãi nhau nữa! Tóm lại là người hàng xóm được tha, tên nhà giàu vô ngục! Bây giờ xin mời quý ông quý bà xem tiếp…

– Quý ông quý bà hãy nhìn kỹ đây!
Vừa nói Quý ròm vừa chìa ngón trỏ tay phải ra phía trước.
– Có thấy gì không? – Nó hỏi.
Bọn nhóc nhìn sững vào ngón tay của nhà ảo thuật:
– Thấy.
– Thấy gì?
– Thấy… ngón tay.

Quý ròm hừ giọng:
– Thấy ngón tay thì nói làm gì! Chứ chả lẽ đó là… ngón chân?
Vẻ phật ý của Quý ròm khiến bọn nhóc ngơ ngác. Chúng chả hiểu nhà ảo thuật muốn gì.
Quý ròm lại đằng hắng:
– Quý ông quý bà cố nhìn kỹ đi! Trên ngón tay có gì không?
– Có gì là có gì? – Nhiều cái miệng nhao nhao.
Quý ròm lạnh lùng:
– Có thấy máu không?
Nghe đến máu, bọn nhóc bỗng dưng rụt cổ lại:
– Máu ư? Không, không thấy!
Quý ròm nhếc mép:
– Nhưng bây giờ thì quý ông quý bà sẽ thấy!

Nói xong, Quý ròm thò tay vào ngăn bàn lấy ra một con dao găm. Nó huơ huơ con dao trong không khí:
– Tôi sẽ dùng con dao này cắt ngón tay mình chơi!

Bọn nhóc trố mắt nhìn con dao, đứa nào đứa nấy trống ngực đập thình thịch. Một đứa run rẩy hỏi:
– Cắt đứt lìa ngón tay ra luôn ư?
– Chả cần phải cắt đứt lìa làm gì? – Quý ròm vừa đáp vừa rủa thầm – Chỉ cắt tí xíu đủ để chảy máu thôi!

Nghe vậy, bọn nhóc đồng loạt thở phào. Mặc dù bấm bụng bỏ tiền mua vé cốt để xem những trò kỳ bí, không đứa nào muốn nhìn thấy ngón tay của nhà ảo thuật bị cắt bỏ một cách thương tâm. Nhưng dù đã được nhà ảo thuật cho biết trước là chỉ cắt một tí tẹo trên đầu ngón tay thôi, khi Quý ròm bắt đầu kê ngón tay vào lưỡi dao, mặt mày bọn nhóc cứ đuỗn ra vì xúc động và vì sợ hãi. Bọn con gái thì thét lên the thé và nhắm tịt mắt lại.

Tiểu Long mở mắt thao láo, tay áp lên ngực. Nó chưa thấy bạn nó diễn trò này lần nào.
Quý ròm có vẻ thích thú trước vẻ mặt căng thẳng của bọn nhóc. Nó liếc mạnh lưỡi dao lên ngón tay kêu đánh “soẹt” một cái rồi thản nhiên giơ ngón tay lên:
– Xong rồi! Nhìn đây!

Bọn nhóc nhìn lên, đứa nào cũng cố mở căng mắt để nhìn thật rõ ngón tay của nhà ảo thuật. Quả nhiên có một vệt máu trên đầu ngón tay của Quý ròm. Dưới ánh đèn nhờ nhờ, vệt máu như đang thẫm lại. Không khí trong phòng bỗng chốc như đông lại. Dường như tất cả bọn nhóc đều nín thở.

Mãi một lúc, có tiếng con gái kêu lên:
– Eo ơi, kinh quá!
– Chẳng có gì gọi là kinh cả! – Quý ròm nhún vai – Bây giờ tôi sẽ dùng ngón tay này để vẽ tranh.

Dùng tay trái xoay tấm bìa cứng trên bàn lại, Quý ròm chìa ngón tay đẫm máu vẽ lên đó hình con bướm. Ðầu ngón tay nó vạch đến đâu, những nét đỏ thẫm hiện ra đến đó khiến bọn nhóc cứ há mồm ra và tự động nhích gần lại chiếc bàn lúc nào không hay.
Màn ảo thuật “lấy máu vẽ tranh” của Quý ròm đã thực sự hớp hồn khán giả. Bọn nhóc sững sờ đến mức khi thấy Quý ròm cất tấm bìa và đang loay hoay sắp xếp dụng cụ chuẩn bị cho màn diễn tiếp theo, ba bốn đứa đã tranh nhau nhắc nhở:
– Kiếm bông băng buộc ngón tay lại đã!

Vẻ lo lắng chân thành của tụi nhóc khiến Quý ròm dở khóc dở cười. Dĩ nhiên nhà ảo thuật của chúng ta dại gì cắt tay mình. Màu máu đỏ vừa rồi chẳng qua chỉ là phản ứng của sắt clorua bôi trên ngón tay với dung dịch kali thioxynat đã được phủ trên lưỡi dao và trên tấm bìa từ trước. Nhưng để cho bọn nhóc khỏi nghi ngờ, Quý ròm vẫn quay lại phía Tiểu Long, vờ ra lệnh:
– Lấy thuốc đỏ và bông băng mau! Tao đã nghe đau đau rồi đấy!

Vừa nói nó vừa tặc lưỡi ra vẻ vết thương đã bắt đầu hành hạ.
Sau khi đã xức thuốc và quấn một cục băng trắng toát, to sụ nơi đầu ngón tay, Quý ròm bắt đầu màn trình diễn thứ ba.

Lần này, đồ nghề của nó chỉ có một cái túi treo. Trên bàn là một bình nước và một chiếc cốc.
Cũng như màn thứ nhất, trước khi vào cuộc, nhà ảo thuật đi một đường giới thiệu “đại ý” và “xuất xứ”:
– Thưa quý ông quý bà, sở dĩ tôi biết được bí quyết “biến nước thành lửa” này là do một anh bạn truyền thụ lại. Anh bạn tôi là một nhà đi biển. Sau nhiều chuyến vượt đại dương thành công, một ngày kia chẳng may chiếc tàu của anh bị một cơn bão lớn đánh tan thành từng mảnh…

Quý ròm ngừng lại một vài giây đúng theo “bài bản” rồi mới đảo mắt nhìn khắp lượt khán giả, thủng thẳng tiếp:

– Khi rơi xuống biển, anh may mắn vớ được một tấm ván, nhờ vậy anh thoát chết. Nhưng anh chỉ thoát cái chết trước mắt, còn cái chết từ từ vẫn đang chờ đợi anh. Lênh đênh trên biển cả mênh mông, hằng ngày anh có thể bắt cá sống ăn cầm hơi nhưng cái lạnh ban đêm trên biển dần dần đánh quỵ anh. Cho đến khi anh không thể chịu đựng hơn được nữa, chỉ còn chờ thần chết tới rước đi, tâm linh anh tự nhiên sáng suốt và anh chợt nghĩ ra một bí quyết có thể biến nước thành lửa. Nhờ bí quyết này, từ hôm đó anh có thể nướng cá để ăn và nhất là đã có thể chống chọi lại cái lạnh chết người giữa đại dương để bình tĩnh chờ tàu đến cứu. Sau khi thoát được về đất liền, anh tình cờ gặp tôi và chỉ cho tôi cái bí quyết thần kỳ đó. Bây giờ quý ông quý bà hãy xem đây!

Quý ròm cầm chiếc bình lên từ từ rót nước ra cốc. Và trước những cặp mắt hau háu đang chăm chú kia, nó bưng cốc nước uống một hớp:
– Quý ông quý bà thấy đấy! Ðây là nước! Tôi vừa mới uống!
– Cho uống một hớp coi nào! – Một ông nhóc háo hức nài nỉ.

Quý ròm hơi cau mày nhưng nó vẫn bước lại trao chiếc cốc cho tay khán giả “phá đám” kia:
– Uống một tợp nhỏ thôi đấy nhé!

Ðược nhà ảo thuật cho uống “nước phép” quả là một đặc ân! Ông nhóc mừng rơn, cầm chiếc cốc bằng hai tay một cách kính cẩn và rụt rè nhắp môi vào miệng cốc.

Chả biết ông nhóc đã uống được tẹo nước nào vào bụng chưa, chỉ thấy khi nó vừa chạm môi vào cốc, nhà ảo thuật đã thò tay giật phắt chiếc cốc:
– Uống thế đủ rồi! Muốn uống nữa thì về nhà mà uống!

Hành động thô bạo của Quý ròm chẳng khiến vị khán giả may mắn kia phật lòng tí ti nào. Nó chép miệng, vẻ thỏa mãn:
– Quả là nước thật! Uống cứ mát cả ruột!

Quý ròm vội vàng nắm ngay lấy cơ hội:
– Quý ông quý bà đã nghe rõ cả rồi đấy nhé! Ðây là nước chứ chả phải xăng dầu gì sất!

Rồi vẫn cầm chiếc cốc trên tay, nó bước lại chỗ túi treo, cao giọng:
– Bây giờ thì quý ông quý bà hãy nhìn đây!
Vừa nói Quý ròm vừa từ từ giơ cao chiếc cốc.

Như bị một sức mạnh vô hình thu hút, bọn nhóc chen nhau dồn tới trước, xúm xít quanh chiếc bàn, mắt đứa nào đứa nấy căng hết cỡ.
Quý ròm lẹ làng nghiêng cốc và thoắt một cái, dốc hết chỗ nước còn lại vào túi. Ngay từ khắc, từ trong túi một ngọn lửa phực lên và bốc cao gần cả thước, sáng rỡ, chói lòa. Căn phòng đột ngột rực lên như bốc cháy.
Mặc dù đã đề phòng từ trước, bọn nhóc vẫn kinh hoàng. Cả bọn thét lên be be và quýnh quíu lùi lại. Trong khi nhốn nháo xô đẩy nhau, chúng hất đổ cả chiếc bàn khiến chiếc bình rơi xuống đất vỡ loảng xoảng.

Trong khi Tiểu Long đang luống cuống chưa biết xoay xở ra sao thì Quý ròm đã nhảy xổ lại, gầm lên:
– Ngồi cả xuống! Tụi mày làm trò ngu ngốc gì thế?

Ðang cơn điên tiết, nhà ảo thuật của chúng ta chả buồn gọi khán giả của mình là “quý ông quý bà” theo đúng phép lịch sự như khi nãy nữa
Nhưng mặc dù cho Quý ròm gầm thét, bọn nhóc vẫn đứng trơ ra, có vẻ như sự sợ hãi đã đóng đinh bọn chúng xuống đất. Vẻ kinh khiếp mỗi lúc một hiện rõ trên mặt bọn nhóc khiến Quý ròm rất đỗi ngạc nhiên. Nó quay phắt lại và điếng người khi thấy tấm drap treo trên tường đang bắt đầu bén lửa.

Hóa ra khi chiếc bàn ngã xuống, nó đã hất đổ và làm vỡ cả bình ête êtylic thừa đặt hờ hững trên thùng các-tông kế đó. Ête êtylic vốn là chất dễ gây cháy. Ðó chính là chất mà Quý ròm đã đổ và túi treo cùng với kali để biểu diễn trò “biến nước thành lửa”.
Vừa rồi ête văng ra, bắn vào tấm drap và lập tức bắt lửa từ túi treo.

Lúc này Tiểu Long cũng vừa phát hiện ra đốm lửa trên tấm drap. Liếc vội Quý ròm, thấy bạn mình mặt mày tái mét, nó hiểu ngay đó là cháy thật chứ không phải ảo thuật gì sất, liền nhảy chồm chồm:
– Nước, nước! Ðứa nào chạy đi lấy nước, lẹ lên!

Một ông nhóc dợm chân định chạy, Quý ròm đã đưa tay cản lại:
– Không được! Tạt nước nguy hiểm lắm!
Nhà ảo thuật sợ chất kali còn rơi rớt đâu đó sẽ tỏa hyđrô khi gặp nước, và như vậy chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa.
– Vậy thì lấy mền phủ lên! – Một đứa nói.

Quý ròm càng lúng túng. Lấy mền phủ lên chắc chắn sẽ dập tắt được lửa, nhưng đợi đến khi được tấm mền từ phòng ngủ qua đây, tấm drap của anh Vũ lúc ấy hẳn đã ra tro.
Ðang bồn chồn vô kế khả thi, mắt Quý ròm chợt sáng lên. Nó “à” một tiếng và nhảy phóc tới trước, cầm tấm drap bặm môi giật mạnh.
Các mép drap tuột khỏi móc, rơi ngay xuống đất. Quý ròm cúi xuống, lẹ làng cuộn tròn tấm drap lại, “nhốt” cả ngọn lửa vừa bén vào trong rồi sấp người đè lên trên.

Cách xử trí sáng suốt và kịp thời của Quý ròm khiến cuộc hỏa hoạn vừa mới chớm đã nhanh chóng bị dập tắt. Lúc này ngọn lửa đằng túi treo cũng đã tắt ngóm.

Bọn nhóc sau khi hoàn hồn, liền cất tiếng hò reo và ùa lại tìm cách giúp đỡ Quý ròm bằng cách tranh nhau đè lên cái thân hình còm nhom của nhà ảo thuật khốn khổ.

Cuộc viện trợ muộn màng này chẳng có ý nghĩa gì thiết thực ngoài việc làm nhà ảo thuật nghẹt thở đến nỗi phải gắt om lên:
– Thôi, thôi! Tụi mày giải tán đi cho tao nhờ!

Trong khi bọn nhóc lục tục ngồi dậy và ngơ ngác nhìn nhau, không biết Quý ròm nói thật hay nói đùa thì ngoài cửa phòng đột ngột có tiếng hỏi:
– Cái gì ầm ầm trong này thế?

Nghe tiếng bà, Quý ròm điếng hồn. Nó ôm tấm drap lồm cồm ngồi dậy. Còn bọn nhóc thì không đợi giục đến lần thứ hai, nối đuôi nhau lấm lét chuồn ra cửa.
– Ôi, còn cái gì đây nữa? – Bà la lên khi nhìn thấy chiếc bàn ngã chổng kềnh và các mảnh bình vỡ đang tung tóe trên nền nhà.
Lúc này bà đã bước hẳn vào phòng, đứng đối diện với Tiểu Long và Quý ròm.
Tiểu Long nhìn bà, giọng lo lắng:
– Ðấy là do bọn nhóc làm ngã!

Bà khẽ lắc đầu:
– Thật cứ hệt như giặc cướp mới vào nhà!
Rồi bà chép miệng bảo Tiểu Long:
– Cháu dựng chiếc bàn lên đi! Rồi lấy chổi gom những mảnh vỡ lại! Kiểu này không khéo què chân cả lũ!

Nghe vậy, Tiểu Long thở phào nhẹ nhõm. Nó bước lại dựng chiếc bàn dậy rồi lật đật co giò phóng xuống bếp. Trong khi đó, Quý ròm vẫn đứng đực tại chỗ, tay ôm khư khư tấm drap trước bụng.
Bà chìa tay về phía nó:
– Ðưa đây bà đi giặt! Còn tiếc gì mà chưa chịu buông ra!
Quý ròm vẫn không nhúc nhích. Nó ngần ngừ:
– Nhưng đây không phải là tấm drap khi nãy!
Bà hừ mũi:
– Cháu đừng có bướng! Chẳng phải tấm drap khi nãy thì là tấm drap nào?

Quý ròm nuốt nước bọt:
– Nó là tấm drap khi nãy, nhưng bây giờ nó khác rồi!
– Khác là sao? – Bà hỏi, chẳng hiểu cháu mình muốn nói gì.

Quý ròm chớp mắt. Nó lưỡng lự một thoáng rồi mím môi giũ mạnh tấm drap trên tay cho nó trải ra:
– Khác là như thế này này!
– Chúa ơi! – Vừa nhìn thấy cái lỗ thủng nám đen, xấu xí nằm ngay giữa tấm drap, bà sửng sốt kêu lên – Cháu làm sao mà nó lại ra hình thù thế này hở cháu?
– Cháu chẳng làm sao cả! Cháu chỉ lỡ tay thôi! – Quý ròm vừa nói vừa khịt khịt mũi.
– Hừ, lỡ tay! Lỡ tay cái tổ mẹ mày!

Thỉnh thoảng bà hay nói “tổ mẹ mày”. Khi đó, không phải bà giận dữ, mà bà đang lo lắng. Như lúc này, bà đang lo Quý ròm sẽ không thoát khỏi đòn trừng phạt của anh Vũ – cái thằng Vũ cộc tính, như bà vẫn nghĩ.

Thấy bà lộ vẻ đăm chiêu, Quý ròm biết ngay là bà đang tính kế gỡ tội cho mình. Bụng mừng rơn, nó ngậm chặt miệng, cố giữ yên lặng cho bà “làm việc”.
– Thôi, được rồi, cháu cứ đưa đây! – Cuối cùng, bà nói – Bà sẽ bảo với anh Vũ của cháu là tấm drap này do bà làm cháy!
– Bà ư? – Quý ròm tròn mắt.
– Chứ chẳng lẽ lại là cháu?
– Nhưng bà làm cháy thế nào được? – Quý ròm nhìn bà ái ngại.
– Sao lại chẳng được! – Bà nhún vai- Bà sẽ bảo là bà lôi tấm drap ra ủi. Và trong lúc lơ đãng, bà quên nhấc bàn ủi lên. Thế là…

Bà ngừng lại, khẽ tặc tặc lưỡi và nhẹ nhàng đón lấy tấm drap trên tay Quý ròm rồi lặng lẽ bước ra khỏi phòng.

Một lát, Tiểu Long lại xuất hiện với chiếc chổi trên tay.
– Bà mày đem tấm drap đi đâu đấy? – Nó bước lại gần Quý ròm, hồi hộp hỏi.
– Bà tao đem đi giặt.
Tiểu Long vẫn chưa hết thấp thỏm. Nó liếm môi:
– Thế bà mày đã biết tấm drap bị cháy chưa?
– Biết rồi.
Tiểu Long nín thở:
– Thế bà mày nói sao?
– Bà tao bảo đó là chuyện vặt, ai mà chẳng có lần làm cháy drap!

Tiểu Long gật gật đầu. Bây giờ thì nó có thể hoàn toàn yên tâm nghĩ đến chuyện dọn dẹp. Nó bước ra giữa phòng, dọ dẫm từng bước một vừa cúi lom khom vừa thận trọng đưa từng nhát chổi.

Trong thoáng mắt, những mảnh chai lọ vỡ được gom lại một chỗ. Tiểu Long dồn tất cả vào chiếc ki nhựa rồi đem đổ vào thùng rác đặt trước hiên.
Ðâu đó xong xuôi, nó vỗ vai Quý ròm:
– Tao về.
Rồi móc ra một xấp giấy bạc đặt lên bàn, Tiểu Long hắng giọng:
– Mày giữ đi!
– Tao giữ tiền làm gì? – Quý ròm khẽ kêu lên.

Tiểu Long điềm nhiên:
– Theo tao, mày cần phải mua lại một tấm drap mới!
– Ðừng có điên! Chuyện đó đã có bà tao lo rồi!

Quý ròm gạt phắt. Vừa nói nó vừa cầm xấp tiền nhét vào túi áo bạn:
– Mày phải cất kỹ chỗ tiền này! Không phải vì mày mà vì nhỏ Oanh! Hiểu chưa, đồ ngốc!

Rồi không để Tiểu Long kịp nói tiếng nào. Quý ròm mím môi đẩy thằng bạn to đùng ra khỏi phòng và nhanh tay đóng sập cửa lại…


http://1phut.mobi/tu-sach/tuoi-hoc-tro/kinh-van-hoa-01-nha-ao-thuat.html/5

sôngthương
04-10-2016, 01:57 AM
Các anh chị và các bạn ui , dọc truyện tiếp nhé :z56:

---------------------

Chuyện bụi đời

Chuyện được kể lại, có nhiều tình tiết hư cấu, tên nhân vật có thể khác. Chuyện có nhiều tình tiết bạo lực, cần cân nhắc trước khi xem.

Chuyện bắt đầu từ Nha Trang, một thành phố nhỏ xinh đẹp nằm trên một trong 20 cái vịnh biển đẹp nhất thế giới.

Nhân vật đầu tiên là Lượm. Không ai biết nó bao nhiêu tuổi, tên giấy tờ của nó là Nhân Ái. Nó được bỏ ở một ngôi chùa lúc chừng hơn 1 tuổi và được nhà chùa nuôi ăn học đến lớn như một chú tiểu.

Nhưng chú tiểu Lượm là đệ tử của Lỗ Trí Thâm nên khoái rượu thịt hơn đậu hũ và khoái đánh lộn hơn đọc kinh. Năm mười lăm tuổi, nó bưng nguyên cái thùng công đức của nhà chùa nửa đêm bỏ trốn, bắt đầu cuộc sống bụi đời.

Cái thùng công đức toàn tiền lẻ vậy mà mua được hơn 3 cây vàng, nó quay lại chùa bỏ 3 cây vàng vô miệng con Lân bằng xi măng, chỗ nó thường hay dấu thịt heo quay, rồi tham gia một băng bụi đời, đóng ở gần ga.

3 năm sau, cái tên Lượm Lì khét tiếng trong giang hồ. Nó to lớn, người đầy thẹo và hình xăm, nó là thằng nhiều chữ nhất trong đám bụi đời.

Hai nhân vật tiếp theo là anh em thằng Rớt. Thằng Rớt ngoài hai mươi tuổi, con Bé em nó thì chừng mười bảy. Cha nó chết lúc tụi nó còn nhỏ, sau đó mẹ nó bị khùng, đi lang thang mất biệt. Hai anh em nó sống với nhau trong cái nhà nhỏ, sâu trong hẻm Núi Một, lần lữa lớn lên trong tình làng nghĩa xóm, không có ai là ruột thịt. Thằng Rớt cũng khét tiếng khắp khu Núi Một, cũng có dưới tay gần chục thằng sĩ tốt máu mặt.

Thằng Rớt không biết chữ nhưng nó bắt con Bé đi học đàng hoàng. Con Bé hiền lành, khôn ngoan, lại nhất mực thương anh nên thằng Rớt cưng khỏi nói.

Một nhân vật nữa là bà Má. Ông bà đều gốc gác ngoài bắc, đều là cán bộ nhà nước, chỉ có hai vợ chồng ở với nhau mà không có con cái gì (hình như do bà không thể sinh nở được). Một hôm ông đi tắm biển về bị tai biến, chết ngắc ở tuổi ngoài năm mươi. Từ đó còn chỉ mình bà thui thủi trong căn nhà vắng lặng. Bà xin về hưu non, lấy mặt tiền căn nhà làm chỗ bán tạp hóa, sống qua ngày.

Nhân vật cuối cùng là một thằng làm thơ nhưng hứng chí giang hồ, theo chơi bời với đám thằng Lượm, thằng Rớt và là người kể lại câu chuyện này.

Câu chuyện bắt đầu.

Một hôm thằng Lượm đụng độ với một đàn em của thằng Rớt, thằng Lượm tát thằng nọ một tát và nhắn: “kêu thằng Rớt có ngon thì kiếm tao”

Thằng Rớt nóng mặt, cùng thằng em nọ lận mã tấu, sáng sớm canh đường thằng Lượm ra quán cà phê để chém. Thằng Lượm mất cảnh giác, sáng sớm bị đuổi chém, trúng nhát đầu vô bả vai, nên quăng xe vừa chạy vừa đánh trả. Vết chém khá nặng, lại cùng đường, nên thằng Lượm lao đại vô quán tạp hóa vừa mở cửa của bà Má.

Bà Má già thấy cảnh hai thằng đuổi chém một thằng đã bị thương thì bất bình lắm. Đẩy thằng Lượm vô buồng, bà quay ra cầm cái móc đồ (để lấy đồ trên cao) chĩa thằng vào đám thằng Rớt, miệng không ngớt la làng: Bớ làng xóm ơi, quân giết người, bớ làng xóm ơi. Cái giọng bắc kỳ của bà cộng với cây móc đồ khua loạn xạ đã bảo vệ được thằng Lượm. Đám thằng Rớt xụi lơ, quay đầu về.

Bà Má kêu xích lô chở thằng Lượm đi bịnh viện. Bà đóng tiền phẫu thuật, mua cháo đút cho thằng Lượm, như một người mẹ. Thằng Lượm lờ mờ nhận ra cái bóng của tình thương, thứ mà trong đời nó thậm chí cũng chưa từng mơ tới.

Chuyện xảy ra ban sáng thì đến chiều đám anh em của thằng Lượm hay tin. Mười mấy thằng vác mã tấu, kiếm tràn vô hẻm Núi Một loạn đả. Cư dân hẻm Núi Một cũng không vừa nên chỉ sau mấy phút đầu bị động, đã ngay lập tức đánh trả. Thằng Rớt đang nhậu cũng chạy ra nghênh chiến vì không nghĩ trận tập kích là dành cho mình. Thằng Rớt trúng một dao chí mạng, lúc đưa vô viện thì cái lưỡi lê còn ghim trên ngực, cứng ngắc.

Xui rủi thế nào. Thằng Rớt và Thằng Lượm lại nằm cạnh nhau trong bệnh viện. Con Bé đi học về mặc nguyên áo dài vô bệnh viện khóc ngất lên ngất xuống. Bà Má phải ra dỗ luôn con Bé. Bà Má nhận ra mặt thằng Rớt, hình dung ra ngay toàn bộ câu chuyện giang hồ.

Bà Má khuyên can thằng Lượm, rồi đến thằng Rớt. Bà cứ ngồi cạnh bên, thủ thỉ chuyện gia đình, chuyện ân oán, chuyện đời. Bà không cho ai vô thăm hai thằng, đứa nào ló đầu vô bà dọa kêu công an. Rồi bà bắt hai thằng làm huề nhau trong bịnh viện. Bữa đó có thằng bạn làm thơ vô thăm thằng Lượm, chứng kiến hai thằng bắt tay nhau và hứa làm huề trước mặt bà Má. Chẳng hiểu bà này ở đâu ra mà quyền hành quá trời, cũng không dám hó hé.

Thằng Lượm ra viện trước. Bà Má bắt nó đem thẳng về nhà, không cho quay lại chỗ lũ anh em. Cũng chẳng qui ước gì, tự nhiên má má, con con làm thằng Lượm không dám cãi, theo má về. Nó cũng chịu nghe lời má, nhưng nó nói: Má à, giang hồ vô dễ mà ra khó, ân oán đầy rồi, muốn sống bình thường không được đâu. Má nói: ở đây không được thì vô Sài Gòn.

Vậy là thằng Lượm vô Sài Gòn. Nó quay lại chùa, thọc tay vô miệng con Lân bằng xi măng lấy 3 cây vàng rồi đêm đó bắt xe vô Sài Gòn. Hai má con nó khóc ngoài bến xe như bao gia đình ly tán khác. Dù cả hai mới gặp nhau có một tuần lễ trong đời.

Anh em thằng Rớt bỏ hẻm Núi Một về ở chung với bà Má vì con Bé đang học lớp 11, tất nhiên cũng xưng má má, con con luôn. Hàng xóm hỏi thì bà nói con nuôi. Thằng con nuôi nhìn như một con thú hoang.

Thằng Lượm vô Sài Gòn đi làm công nhân in lụa. Nó làm việc siêng năng, học hành chăm chỉ. Mới đầu làm thợ phụ, rồi một năm sau làm thợ chính. Rồi nó thuê một căn nhà nhỏ gần đó, mở cơ sở in lụa, làm ăn khá dần.

Thằng bạn làm thơ thì đang ở Sài Gòn, thỉnh thoảng cũng ghé uống với nó chén rượu. Nó thổ lộ một chuyện động trời: Nó thương con Bé. Thằng bạn làm thơ khuyên nó nên viết thư, nó cũng viết, nhưng thư nó viết cộc cằn như chính con người nó, kiểu như: Bé, khỏe không? Học giỏi không? Thằng Rớt sao? Nhớ lo cho má. Hết

Con Bé viết thư lại, cũng tình cảm, còn chép thơ tặng nó. Thằng Lượm mừng quá, kêu thằng bạn làm thơ làm giùm một bài để nó tặng con Bé. Khó muốn chết, làm thơ cho cái thứ giang hồ đọc còn khó hơn viết ca dao, thằng bạn cũng rặn được mấy câu:

Thầm thương trộm nhớ bấy lâu
Quê người đơn độc dạ sầu tương tư
Tình này muốn tỏ cùng thư
Thư chờ thư đến, lòng như bằng lòng

Ba hôm sau, thằng Lượm nhận thư chỉ có 2 chữ: BẰNG LÒNG.

Cái nhà thằng Lượm thuê của một ông nọ, có bốn đứa con, hai trai hai gái. Ông chủ rao bán căn nhà vì muốn chia tiền cho con, đứa nào cũng giành giật, đến mức còn dọa chém nhau. Nghe đâu rao bán 100 cây.

Thằng Lượm hớt hả chạy đi tìm chỗ mới. Ở nhà bà Má với anh em thằng Rớt cũng lo quắn đít, nhưng cũng quyết định giúp thằng Lượm. Một tháng sau, bà Má, thằng Rớt và con Bé xuất hiện ở Sài Gòn lúc sáng sớm, trong ba lô là 100 cây vàng. Bà Má đã bán nhà.

Mua lại căn nhà mặt tiền lụp xụp rồi, bà Má làm một mâm cơm nhỏ coi như tiệc cưới, đứng ra gả cưới cho thằng Lượm và con Bé luôn.

Hai vợ chồng thằng Lượm hạp tuổi, làm ăn lên như diều. Nó thế chấp nhà, mua đất ở Bình Chánh, mua máy in offset, thuê mướn công nhân làm một xưởng in lớn, giao cho thằng Rớt coi. Công nhân của nó toàn giang hồ đem ở Nha Trang vào, nhìn thằng nào thằng nấy thấy gớm.

Rồi nó cất căn nhà lên 3 tầng. Vợ chồng nó đẻ cho bà Má liên tiếp 3 đứa cháu, đứa nào cũng đẹp như thiên thần. Bà Má cười suốt ngày nên trông bà trẻ ra đến chục tuổi. Hàng xóm gặp bà ai cũng tỏ ra ganh tị, thiệt tình, chưa thấy ai mà đẻ con “đã” như bả, mấy thằng con coi bặm trợn vậy chứ nó hiếu thảo nhất đời. Bà Má cười thôi.

Rồi thằng Rớt cũng lấy vợ. Gần bốn mươi tuổi mới lấy vợ. Hỏi ra mới biết, con vợ nó cũng mồ côi, cũng theo người ta qua Đài Loan làm dâu, làm vợ một ông già hết xí quách, chừng 3 năm thì ông già chết ngủm nên nó bỏ về Việt Nam. Đi theo người ta bán cà phê. Nó tên là con Đẹp.

Đám cưới thằng Rớt với con Đẹp khá hơn đám thằng Lượm. Đãi ở khách sạn năm sao, uống rượu tây, đãi đúng năm bàn. Đám cưới mà có màn hình Karaoke, ăn nhậu rồi hát đến nửa đêm. Đó là cái đám cưới vui nhất thế giới.

Bữa đám cưới không có đàng trai, không có đàng gái, thằng bạn làm thơ thì không chịu phát biểu nên thằng Lượm phải lên làm chủ hôn.

Nó cầm micro nói được một câu: Má. Hôm nay là ngày vui của thằng Rớt (Anh vợ nó mà mười mấy năm nay nó vẫn kêu bằng “thằng”), con mừng quá, má…

Tới đây tự nhiên nó khóc hụ hụ, rồi nó vừa khóc vừa kể lại toàn bô câu chuyện trong đám cưới, nước mắt nước mũi chảy tè lè, nhìn bắt ớn.

Rồi bà Má khóc, rồi cô dâu chú rể khóc, rồi khách khứa khóc, đến cả mấy đứa phục vụ nhà hàng cũng quay mặt lau nước mắt.

Đó là cái đám cưới kỳ quặc, khi mà tất cả đều khóc.

Đêm đó thằng bạn làm thơ uống say té lên té xuống.

Đúng là thứ bụi đời, không giống ai.

Đảm Hà Phú
(http://www.damhaphu.com/search/label/Truy%E1%BB%87n)

sôngthương
04-30-2016, 01:50 AM
Cám ơn các anh chị nhé :z57:. Đây là một câu chuyện cũ, nhưng St vẫn thích đọc lại ...
---------------

Hủ tiếu và cuộc đời
Hạnh Nguyễn

- Tặng anh Vũ bưng hủ tiếu gần nhà tôi.


Mẹ đã đau lòng đến thế nào khi sinh ra gã, mẹ cũng đã khóc quá trời khi từng ngày nhìn gã phải lớn khôn. Thật tâm mẹ muốn gã bé thơ mãi mãi, muốn ở mãi trong vòng tay mẹ. Mà mẹ cũng biết, ừ thì gã có lớn lên đó nhưng tâm hồn gã mãi mãi chẳng lớn lên được tí teo nào đâu.

Lúc còn nhỏ thì không sao, gã cũng không ấn tượng với dáng đi chấm phẩy của mình. Gã chỉ thấy sao vặn vẹo mà đau quá thôi, nhìn gã chập chững tập đi, mẹ gã nhìn gã mà khóc. Mắt mẹ khóc nhưng miệng mà cười, môi mẹ nói rằng, ráng bước đi đi con. Tự mình phải bước đi trên đôi chân của mình dù đôi chân ấy có khập khiễng, mẹ muốn gã hiểu ý nghiã sâu xa đó, nhưng trí óc non nớt của gã "giới hạn" sự hiểu biết mẹ à. Nhưng mẹ an tâm, gã nhủ lòng, vì tim gã biết thổn thức khi nhìn mẹ khóc đấy thôi. Gã yêu mẹ nhất, và mẹ yêu gã nhất!

Khi gã lớn khôn, mà chỉ nói là nói thế thôi, chớ gã chỉ lớn mà chưa khôn ra bao nhiêu. Chẳng sao cả, gã vẫn sống bên cạnh mẹ. Lớn rồi gã cũng thấy sao nhà mình nhiêu đó hà, không có gì thay đổi, nhìn nhà bên cạnh thấy cái gì cũng to. Thắc mắc hoài không biết hỏi ai, đành hỏi mẹ chứ ai. Hỏi lần đầu tiên, duy nhất và từ đó gã chẳng hỏi thêm, vì hỏi rồi gã thấy mẹ khóc. Mẹ còn hỏi gã thích nhà to hay nhà nhỏ, thích cái gì thì nói mẹ mua cho, muốn ăn gì mẹ nấu cho. Sao mẹ cho mà mẹ khóc, sao mẹ nói mẹ cho mà mẹ lại buồn. Không giống như những lần mẹ cho gã gì đó trước đây… Ngây ngô gã hỏi, ngây ngô trả lời, rồi tự cái ngây ngô ấy gã cũng nhận sự khác biệt của mẹ mình và mẹ người ta. Mẹ mình tóc màu trắng, mẹ người ta tóc vàng vàng đen đen. Mẹ mình tay gân cục cục, mẹ người ta tay trắng và có nhiều màu vàng. Mẹ mình ở căn nhà nhỏ, mẹ người ta ở căn nhà to. Mẹ mình phải thức khuya dậy sớm, mẹ người ta cả ngày trong nhà thôi. Mà mẹ người ta thì thương người ta, mẹ mình cũng thương mình, đôi khi gã cũng thấy mẹ người ta thương mình nữa mà. Phải rồi, mẹ của ai người nấy thương, cũng như nhà của ai người nấy ở. Gã cũng có mẹ có nhà, tội gì làm mẹ khóc khi đặt câu hỏi như thế, gã biết mà, hiểu hết mà, chẳng qua gã không có nhiều từ ngữ để diễn đạt thôi. Buồn thật buồn cho kẻ biết suy nghĩ mà lại không thể diễn đạt, chỉ đứng bên rìa mọi thứ vô tình mà thôi.

Là trẻ con thì gã được mẹ chăm lo, lúc ấy tóc mẹ màu đen.

Là người lớn thì gã phải chăm lo lại mẹ, vì tóc mẹ bây giờ màu trắng rồi.

Gã hiểu thế đấy, nhưng làm gì bây giờ, đôi chân khập khiễng, đôi tay khập khiễng… làm gì bây giờ? Đâu đó ở căn nhà to vọng qua lời nhạc "hai bàn tay trắng nghèo xơ xác nghèo...". gã nghe sao hiểu vậy thôi! Gã thấy thương mẹ quá trời quá đất.

Người ta nói ở đời chẳng có chi là đường cùng cả, gã còn có ích. Một lần mẹ bệnh, gã hớt hơ hớt hải bưng bê tô cháo về nhà cho mẹ (Mẹ vẫn bảo gã dại khờ lắm, dại khờ mà biết mẹ bệnh, dại khờ mà biết mẹ cần thuốc, dại khờ mà biết đi mua cháo, dại khờ mà biết chạy thật nhanh về với mẹ sao mẹ!). Nơi gã sống moị người quen nhìn gã rồi, chẳng ai đâu ở không mà chọc với ghẹo, cũng chẳng ai nỡ làm tổn thương gã cả. Vì hễ là con người ai mà chẳng thương chẳng xót những gì thơ dại, bởi thế lần bưng cháo cho mẹ, người ta phát hiện ra gã vẫn còn có ích. Tức là có khả năng lao động kiếm tiền bằng chính sức mình. Từ sau hôm ấy gã thành anh bồi bàn, kêu thế cho nó sang chứ thật ra gã bưng bê hủ tiếu cho hàng hủ tiếu gần nhà thôi.

Bắt đầu bưng bê hủ tiếu và trở thành công việc thường nhật kiến cho gã vui, cho mẹ vui, cho tóc mẹ ít trắng đi một chút, cho mẹ không thở dài xót xa khi nghe câu hát:

"Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi
Mồ côi khổ lắm ai ơi..."

Mồ côi thì ai chẳng khổ, nhưng ai cũng biết với gã nỗi khổ ấy lớn lao biết chừng nào. Bây giờ hằng ngày, hai bàn tay gã vui, hai bàn chân gã vui, cái tô hủ tiếu gã bưng chẳng khi nào bị nghiêng dù gã đi nhiều người nhìn theo ái ngại, sợ đổ mất cái tô hủ tiếu. Mà được ăn hủ tiếu hồi hộp nhìn theo từng bước đi của gã đôi khi làm một vài người cho là thú vị, trước cái ăn phải có "sự kích thích" nào đó thì ăn mới ngon. Người ăn hủ tiếu thích gã, gã thì thích bưng hủ tiếu, "cung" và "cầu" thoả mãn nên cả hai cùng khoái chí lẫn nhau.

Vậy là gã sống hạnh phúc bằng cái nghề bưng bê hủ tiếu của mình. Nhưng mà, có một bữa trời mưa, có đứa bé ngồi chờ tô hủ tiếu của gã bưng đến, đứa bé hỏi chớ: "Chú bưng hủ tiếu suốt đời luôn hả chú?". À, nếu có bà mẹ đứa trẻ ở đó hẳn là sẽ la lên "Sao con hỏi vậy với chú, thôi lo ăn đi!" nhưng vì chú bé ngồi một mình và không có mẹ theo kèm, nên nhận được câu trả lời khó nhọc mà cũng khó hiểu từ gã rằng: "Hủ tiếu là cuộc đời!".

Đúng rồi, hủ tiếu đâu có chết bao giờ, hủ tiếu đâu có sợ thất nghiệp, hủ tiếu đâu có sợ người ta quên nó. Hôm nay không hủ tiếu thì ngày mai hủ tiếu, hủ tiếu chẳng biến đi đâu cả, chẳng bao giờ mất cả, ăn để sống là qui luật rồi mà! Gã chọn hủ tiếu là cuộc đời là chọn sự bất diệt trong những ngày sống có ích, ngày nào người ta chẳng ăn để sống, không ăn món này thì ăn món kia. Ngày nào cũng có người ăn hủ tiếu, không phải người này thì cũng là người kia. Đâu có gì khó khăn khi chọn hủ tiếu là cuộc đời đâu, gã ngày nào cũng lao động, lao động nhiệt thành nữa ấy chứ. Phải bưng bê bằng tay nè, đi bằng chân nè, suy nghĩ bằng đầu óc nè, suy nghĩ để giữ cho tô hủ tiếu không nghiêng nè. Đã làm việc hết mình như thế thì không đáng quý sao, không đáng trân trọng sao, không đáng được bù đắp gì đó sao. Gã đã có một cuộc đời sống hết mình trọn vẹn bên hủ tiếu, hơn bao giờ hết, mẹ gã hạnh phúc vì nhìn thấy như thế! Mẹ cứ yên tâm rằng gã biết chọn cuộc đời cho mình như thế mà mấy ai hiểu được.


o O o

Một lúc nào đó bạn vô tình có ăn hủ tiếu, hãy thử nhớ đến một gã trai như thế. Để thấy rằng làm một con người rất khó, chọn cho mình một cuộc đời còn khó hơn nhiều. Chọn rồi thì mình phải sống ra sao cho nó chu toàn, cho nó nồng nhiệt, cho cuộc đời mình có ích theo một cách nào đó. Chúng ta tự cho mình quá đầy đủ nhưng đôi khi ta không biết thế nào sống cho nó cảm thấy vừa vặn. Còn với gã, chọn hủ tiếu là cuộc đời dù rằng gã không trọn vẹn nhưng gã đã sống vừa vặn trong cái không trọn vẹn đó biết bao.

Được hết mình chạy tới ngày mai là sung sướng biết bao nhiêu vậy mà mấy ai trong chúng ta có thể làm được…

(nguồn : Xitrum.net)

sôngthương
05-05-2016, 08:55 AM
Tuần lễ của mẹ :z57:

-----------

Quà của mẹ

Chị suy đi tính lại mãi. Sinh nhật... " Sinh nhật là chuyện của những đứa con nhà giầu". Chị lẩm bẩm thành tiếng: "Nó không thể trách mình được, lo cho bầy con ăn học hàng ngày là một chuyện vất vả lắm rồi. Còn sinh nhật, picnic... Trời ạ!"

Chị thấy tội cho con gái. Mười lăm tuổi, lứa tuổi bạn bè mơ mộng này nọ, thì nó, ngoài giờ học phải khom người bên cái cối xay đậu nành giúp chị, rồi khi chị gánh đậu hũ đi bán thì cơm nước giặt giũ... Tội nghiệp, buổi tối nó xin chị đi học thêm tiếng Anh mà tám ngàn đồng mua quyển sách chị vẫn chưa cho con tiền muạ Tối nào nó cũng mượn sách của bạn về ngồi chép lại bài.

"Nếu mình có tiền... " Chị thở dài, nỗi ước mơ thường hiện trong tâm trí. Thôi thì lại an ủi con: "Nhà mình nghèo quá, tìm cách khéo khéo từ chối bạn bè nghe con". Đã bao nhiêu lần nhận được thiệp mời sinh nhật của bạn bè, con chị phải lắc đầu kiếm cớ không đến...

Nhưng tấm thiệp màu hồng chiều nay thật khó xử - " Đây là lần cuối cùng tao còn gặp gỡ bạn bè. Vài ngày nữa tao theo ba má xuất ngoại. Nhớ đến với tao nghe Thuỳ".

Nhìn con gái cứ đọc đi đọc lại tấm thiệp rồi cắn môi nhìn đâu đó trên trần nhà, chị lo lắng"..\ .Con gái lớn... Biết đâu... "
- Đọc cho mẹ nghe cái thiệp viết gì vậy Tèo ?

Thằng Tèo, đang học lớp hai, phồng môi phồng má đánh vần những dòng chữ bay bướm nghiêng nghiêng. Chị nghe xong thở dài !

Nếu một ngày dài ra thêm một buổi thì chị sẽ gánh thêm hàng đi bán . Nếu mình trúng số... Nếu... Nếu... Nhưng chẳng có cái "nếu" nào xảy ra cả. Chị buồn rầu nhìn con lặng lẽ làm công việc thường ngày và vẫn ngoan ngoãn "da" mỗi khi chị gọi.
- Con có dịnh dự tiệc chia tay với bạn không ? - Chị bật hỏi.
- Gần thi rồi, con ở nhà học bài mẹ ạ!

Con chị trả lời thản nhiên nhưng chị thấy nỗi luyến tiếc đầy trong mắt nó.

Chị thấy thương con đến quặn lòng:
- Sang năm mẹ sẽ tổ chức sinh nhật cho con - Chị buột miệng. Vì muốn bù đắp cho con nên chị muốn nói điều gì đó thật đặc biệt mà chị không kịp suy nghĩ.

Thùy kinh ngạc mở to mắt nhìn mẹ.

* * *
Cuộc sống dường như có mục đích mới. Chị tằn tiện dè sẻn từng đồng. Chị nhất định cho con có một ngày vui. Mục đích này khiến chị phấn chấn hơn. Chừng như chị đã vượt qua được những lo toan cơm áo hàng ngày để vươn tới một mối quan tâm tốt lành hơn.

Buổi tối, khi các con ngủ say, chị ngồi nhẩm tính đã giành dụm được bao nhiêu. Rồi chị làm một việc rất ư lãng mạn là nhớ ngày sinh của các con. Ngày sinh thằng út là ngày buồn nhất vì anh chết trước đó máy tháng. Thằng Tèo sinh ra vào một ngày mùa hè, cây phượng ngoài sân bệnh viện sản đỏ rực hoa. Còn Thùy là một ngày giáp Tết, anh chị đã mua sắm cho đứa con đầu lòng bao nhiêu là quần áo thêu xinh xắn... Chị mỉm cười vui vui tưởng tượng đến một ngày sang năm, con của chị mặc một cái áo đầm màu hồng kết thật nhiều ren và những cái nơ xinh xinh cài trên tóc.

Trận sốt xuất huyết của cu út làm tiêu tan số tiền dành dụm của chị . Thùy dường như đã quên lời hứa đột ngột của mẹ, cô bé vẫn làm công việc như thường ngày và dạo này lại còn nghêu ngao hát. Chị lặng im vì biết vậy là thôi rồi. Biết là thôi mà lòng vẫn bứt rứt. Càng gần đến ngày sinh của Thuỳ, chị càng thấy nao nao.

Buổi chiều vào đúng ngày sinh của Thuỳ, chị đặt gánh đậu hũ dưới bóng mát của mái hiên một cửa hàng bán sách. Cô bán hàng gọi một chén đậu hũ.

Trong lúc ngồi chờ cô bán hàng ăn, chị nhìn dãy kệ cao chất bao nhiêu là sách bìa trắng, bìa đỏ, bìa vàng... Đập vào mắt chị là quyển sách quen thuộc mà đêm đêm Thùy mượn bạn bè về ngồi chép lại. Chị không biết chữ nhưng quyển sách quen đến nỗi chị nhận ra ngay - Bìa màu xanh dương, dày khoảng một đốt rưỡi ngón tay và hàng thẳng, chỗ dài, chỗ ngắn chị nhớ rất rõ.

- Quyển sách đó bao nhiêu vậy cổ- Chị rụt rè hỏi.
- Quyển nào hở chị ?
- Dạ đó, quyển có chữ đầu cong cong...
- À! Stremline tập một. Tám ngàn

Chị thò tay nắm cuộn giấy bạc được cột dây thun cẩn thận trong túi. Nó cần quyển sách này từ năm ngoái, thằng út mới đau dậy, tiền thuốc, tiền thầy... Đủ thứ tiền trên đời.

- Cô bán cho tôi quyển đó đi... Rồi cô viết dùm...
-...
- Cô viết dùm tôi... "Mẹ tặng con vào ngày mẹ sinh ra con"- Chị bối rối đến đỏ mặt...

- Viết như thế này hay hơn - Cô bán hàng vui vẻ cầm bút - " Con yêu quí của mẹ, mẹ tặng con nhân ngày sinh nhật. Mẹ yêu con lắm".
- Da... cám ơn cô !
- Có cần gói giấy màu thắt nơ không chị ?

Chị ngần ngừ. Cô bán hàng nhìn vẻ phân vân của chị rồi cô nhìn ra gánh đậu hũ bên ngoài, giọng cô dịu dàng:
- Con của chị bao nhiêu tuổi?
- Da... mười sáu
- Tôi tặng chị giấy gói và cái nơ màu tím này.

Cô bán hàng gài cái nơ thật khéo lên gói giấy màu vàng hoa cúc và mỉm cười trao cho chi.

* * *

Sợ lũ nhỏ ganh tỵ, chị đợi cho tất cả đi ngủ rồi mới đưa gói quà cho Thuỳ.
- Sao mẹ biết con thích màu tím?- Cô bé thì thầm
- Ừ... màu tím- Chị nhìn cái nơ và thì thầm lập lại. Chị quên mất chính cô bán hàng đã chọn cái nơ màu tím tặng cho chị. Hình như chính chị đã chọn cho con gái. Đúng như vậy !

- A... Mẹ! Thùy kêu lên khi mở gói giấy ra.
- Con cần quyển sách này phải không ?

Thùy mân mê quyển sách và ngước nhìn chị. Hai mẹ con ôm nhau dưới ánh đèn khuya.

* * *
Cô bán hàng nhìn cô bé mười sáu tuổi ngập ngừng bước đến:

- Hôm qua mẹ em đẫ mua quyển sách này ở đây phải không chị?
- Hôm qua... Mẹ em là ai? À... Có phải bà bán đậu hũ không ?
- Dạ phải.
- Có chuyện gì vậy?
- Em đã học xong quyển một rồi mà mẹ em không biết nên... Chị đổi dùm em tập hai được không ?
- Nhưng... Mẹ em đã viết vào sách rồi, làm sao tôi bán cho người khác được?
- Viết? - Cô bé mở to mắt - Mẹ em viết?
- Tôi viết dùm. Em không mở sách ra sao?

Cô bé ấp úng:
- Em đã thuộc lòng quyển sách này, vả lại mở ra em sợ dơ khó đổi. Xin lỗi chi... Em không biết mẹ em đã...

Cô bán hàng nhìn theo cô bé đang dợm chân quay ra. Cô suy nghĩ rất nhanh:
- Này cô bé, đưa đây tôi đổi cho.

Cô bé nhìn cô bán hàng rồi cúi lật trang đầu của quyển sách trên taỵ" Con yêu quí của me... "

- Thôi, chi... Em không đổi đâu - Cô bé nhẹ lắc đầu. ánh mắt cô bé đọng lại nơi bàn tay của cô bán hàng đặt trên quầy - Lời yêu thương của mẹ được viết bởi bàn tay này. Trái tim cô bé thổn thức đập.

Cảm thấy bàn tay mình nong nóng, cô bán hàng rụt tay lại. Khả năng giao tiếp linh hoạt thường ngày biến mất, cô lặng im nhìn cô bé ôm quyển sách màu xanh bước đi giữa trời trưa nắng.

Nguyên Hương

http://kilopad.com/truyen-ngan-c197/doc-sach-truc-tuyen-qua-cua-me-b7424/chuong-1-ti1

sôngthương
06-19-2016, 11:32 AM
Chị Thuỵ Khanh và các anh chị :z56:

------------
Tuần lễ của cha :z57:




Mẹ con Đậu Đũa







Cuộc thi bé khỏe bé ngoan bắt đầu bằng việc xòe tay. Một cậu bé nhất định giấu tay ra sau lưng.
- Cháu sao vậy? - Tôi hỏi.
- Thưa cô, sáng nay má cháu đang cắt móng tay cho cháu thì có người hỏi mua lúa, nên...
- Vậy còn mấy ngón chưa cắt? - Tôi hỏi thật nghiêm trang.
Du hích vai tôi:
- Vừa phải thôi, bộ mặt hình sự của mày làm các cháu chết ngất bây giờ.
- Đã gọi là thi thì phải tuyệt đối - Tôi trả lời Du bằng mắt và ra hiệu cho cậu bé xoè tay. à, chẳng những móng tay dài mà còn dính gì đó nâu nâu.
- Thưa cô không phải đất! - Mũi cậu bé đỏ lên
à, sôcôla... Vậy thì... Tôi ra lệnh:
- Cháu há miệng ra.
Một hàm răng sâu.
Tôi nguyệch một điểm hai.

Du lắc đầu:
- Trời ơi, mày làm như khám tuyển tiếp viên hàng không vậy. Giám khảo nào cũng như mày thì cuộc thi bể mất.
- Phải có một tuyệt đối trên đời này, đó là sự công bằng trong thi cử - Tôi trả lời.
- Lý sự cùn! - Du cáu kỉnh
- Sự trong trẻo trong tâm hồn các cháu có còn giữ được hay không là do chính cách cư xử của chúng ta.
- Cái con khỉ! - Du lườm lườm.
Tôi bật cười. Du cũng cười theo dù hơi nhăn nhó. Đến phần khám tai, các cô bé nghiêng nghiêng đầu chìa ra những đôi bông tòng teng.

Một bà nói như rên:
- Trời ơi, sáng nay tôi quên ngoáy tai cho nó.
Một người khác:
- Mua cái áo đầm ren với đôi giày cho con hết mười ký đậu và tiền xe đi chợ phố mà không đoạt giải gì thì uổng quá.
- Cô ơi, cô có con chưa?

Phớt tỉnh trước câu hỏi ấm ức, tôi ra lệnh cho các thí sinh cởi giày để khám vệ sinh chân.
- Thúy ơi! - Du la lên bên tai tôi - Sau các cháu còn đến phần các bà mẹ thi nữa. Mày làm họ sợ quá không ai dám thi bây giờ.
- Nếu không chuẩn bị tốt thì không thi cũng đúng thôi - Tôi cau mày, bắt đầu thật sự khó chịu. Nếu không vì nể Du, cô bạn phụ trách công tác phụ nữ, thì giờ này tôi đang ở nhà. Một ngày chủ nhật nghỉ ngơi thư giãn, vừa nhấm nháp bánh qui vừa xem tivi hoặc nghe nhạc. Chạy xe suốt tám mươi cây số đường nắng lại đến cái xã heo hút này không phải để làm một giám khảo hờ cho vui.

Ơ... gì đây? Tôi ngẩn ngơ trước một cô bé đẹp như tranh nếu không kể bộ áo quần loè loẹt và vô số đồ trang sức bằng nhựa lủng lẳng khắp người.
Trên sân khấu bằng gỗ dựng vội vàng trong khoảng đất trống bên cạnh ủy ban, giữa những tấm phông màu sắc lì lì buồn, giữa tiếng nhạc rè rè phát ra từ cái cassette cũ kỹ... cô bé mở to đôi mắt nâu trong trẻo nhìn tôi, sống mũi thanh tú và đôi môi hồng mịn như cánh sen. Tim tôi đập nhanh không duyên cớ.
- Cháu kính chào cô! - Giọng cô bé thanh thanh ngòn ngọt.
Tôi cắn môi, thấy lòng chùng lại mà không hiểu vì sao.
- Cháu tên gì?
- Thưa cô, cháu tên Đậu Đũa.
Tôi phì cười.
Du lầm bầm:
- Hy vọng tên của cô bé này khiến mày rộng rãi được một chút.
- Ai đặt tên cho cháu? - Tôi buột miệng hỏi một câu không dính dáng gì đến cuộc thi.

- Dạ thưa cô... dạ, tôi... - Người đàn ông cao lêu khêu, bộ áo quần lao động lốm đốm dấu đất. Ông đi lên sân khấu, từng bước ngượng nghịu về phía cô bé, tay khum khum gỡ cái mũ lát rộng vành ra khỏi đầu. Rõ ràng ông rất lóng ngóng, e dè, rõ ràng ông không muốn đứng cao hơn mọi người như thế này và nhất là đối mặt với một giám khảo lạ hoắc và khó tính như tôi, rõ ràng ông muốn ngay lập tức chạy biến đi về cầm cuốc còn dễ chịu hơn... Nhưng ông đã bước lên, tiến đến gần con gái, đứng sát cạnh và sẵn sàng che chở như một con gà mái xù cánh bảo vệ gà con.
- Ba lên đây làm gì? - Đậu Đũa phụng phịu, vòng hoa tai màu đỏ to bản lúc lắc lúc lắc.
- Ba... ừ... ba... - Người cha vội vàng lùi lại một bước. Rồi ông nhìn tôi nhoẻn một nụ cười mộc mạc phân trần - Nó không biết trả lời câu hỏi của cô đâu. Dạ nó thích đi thi quá nên tôi chiều... Hồi đó, hồi mẹ nó mang bầu nó, nhà không có gạo ăn, toàn ăn đậu đũa luộc chấm muối mà đẻ ra được nó đó cô.

Ông nhìn con gái một cách tự hào.
- Ba xuống đi! - Đậu Đũa xua lia lịa, những cái vòng đủ màu trên tay khua lanh canh.
- ờ... để ba xuống. Cô còn hỏi gì cháu nữa không cô?
Tôi im lặng. Du thì thầm:
- Làm ơn hỏi một câu thật dễ.
Một cách vô thức, tôi cầm một chữ cái cắt bằng giấy cứng giơ lên.
- Thưa cô chữ O!

Du thở phào. Tôi hạ bút viết điểm sáu, điểm cao nhất trong các cô bé.
*
* *

Phần thi của các bà mẹ thật sôi động. Các cháu nhấp nhổm lo lắng và cũng bàn tán lào xào. Có cháu la to:
- Cái áo mới của mẹ tao đẹp nhất.
- Con đừng nói "áo mới" mà phải nói là "trang phục" mới đúng - Người cha nhắc nhở.

Người phụ nữ ửng hồng đôi má quay lại nhìn chồng con. Tôi nhìn quanh. Hầu như ai cũng mặc áo quần mới. Cuộc thi này đã khiến các bà mẹ bỏ công việc ruộng rẫy bao nhiêu ngày để đi chợ phố chọn vải may áo mới? Và như bao phụ nữ bình dị khác, đã sắm cho mình thì chồng con ắt cũng phải có. Và thôi, đã đi phố thì mua về cho chồng con thức ngon cho bõ những ngày khoai sắn quen thuộc. Vỏ thuốc lá ngoại, vỏ giấy gói bánh kẹo Thái Lan, Trung Quốc vứt đầy sân bãi... Bao nhiêu đậu mè chắt chiu dành dụm đã bán đi cho một cuộc thi như một lễ hội điểm xuyết cuộc sống bình lặng làng quê? Những ông chồng nửa tự hào nửa lúng túng đứng quanh đây chờ vợ con đi thi về, ai sẽ là người hạnh phúc nhất sau cuộc thi này?

Tôi nhìn bảng điểm của Du, có khá nhiều điểm cao. Tôi chợt hiểu Du hơn.
Mẹ bước lên sân khấu hồi hộp hơn con, có người run đến nỗi mồ hôi ướt đẫm tóc nhỏ giọt xuống trán. Có mẹ đỏm dáng hơn con, cái áo đỏ rực thêu hình rồng phượng lộng lẫy... Tôi lắng nghe, lòng tự nhủ sẽ cho điểm nới tay hơn cho dù câu trả lời có ra sao.
- Chị nghĩ thế nào là một gia đình hạnh phúc?
- Gia đình hạnh phúc là ông chồng không uống rượu!
Nếu căn cứ vào đáp án để chấm điểm thì người phụ nữ này không được điểm nào cả. Tôi chờ đợi... Cây bút trên tay Du ngần ngừ, tôi cũng ngần ngừ... Không giống đáp án, phải, nhưng hạnh phúc có khi chỉ giản dị thế thôi.

áo xanh hoa trắng, áo tím hoa vàng, áo hồng, áo màu hoa cúc... Những phụ nữ xúng xính áo mới lần lượt bước lên sân khấu, biến những câu trả lời luân lý trong đáp án thành trang giấy trắng.
- Khi chồng chị nổi nóng, chị cư xử thế nào?
- Nhờ trời thương, chồng tôi hiền lắm. Lấy nhau mười năm nay chưa hề nói nặng với vợ một câu.
- Khi con chị với con nhà hàng xóm gây gổ, chị cư xử thế nào?
- Dạ... thì để hàng xóm khỏi xích mích, dắt con mình về đánh một trận trước, phải trái tính sau.
- Nếu gia đình bên chồng gặp khó khăn cần giúp đỡ, chị cư xử thế nào? Tại sao?
- Dạ... thì mình phải giúp chứ sao không? Tại vì mình cũng có con trai...

Mỗi câu trả lời đều nhận được những tràng vỗ tay và tiếng cười rung cả sân khấu. Toàn ban giám khảo cũng bật cười rộ. Tôi hỏi Du, lòng thật sự bối rối:
- Chấm điểm sao đây?
- Cứ chấm đại đi - Du nguệch lia lịa những con số hào phóng.

Ai là mẹ bé Đậu Đũa? Tôi kín đáo quan sát. Cô bé không hề giống ba, nhưng cũng không bà mẹ nào có khuôn mặt hao hao cô bé cả. Ai? Bà mẹ nào đã chọn cho con gái một bộ váy áo kỳ khôi như vậy? Cái áo diêm dúa thùng thình lua tua ren, váy màu đỏ, giày màu da cam. Màu sắc trên người cô bé là một sự phô trương chói mắt đến buồn cười.

Ai? Tôi nhìn đến dãy ghế xa nhất. Chỉ còn hai bà mẹ đang hồi hộp đợi đến phiên mình. Một trong hai, ai là người sinh ra một đứa con xinh đẹp đến vậy? Tôi nhận ra mình đang sốt ruột một cách khó hiểu. Bỗng nhiên tôi muốn cả hai mẹ con Đậu Đũa đều đoạt giải, ít nhất là giải khuyến khích. Nhìn những tờ giấy gấp tư trên khay nhôm, tôi chợt hồi hộp.
- Kính mời mẹ của bé Đậu Đũa.
Không ai trong hai người phụ nữ nhúc nhích cả. Tôi ngạc nhiên chờ đợi.
Và...

Người đàn ông bước từng bước, vẫn từng bước ngượng nghịu lóng ngóng, vừa sẵn sàng bỏ chạy vừa sẵn sàng đương đầu. Tiếng vỗ tay rào rào nổi lên. Tôi chưng hửng. Du nói khe khẽ:
- Xin mày hãy rộng lượng với người này
- Ông ta là... đàn bà à?
- Không! - Du chợt sừng sộ với tôi - Nói năng gì lạ vậy?
-...
- Vợ chết vì kiệt sức sau khi sinh con, một mình ông ta, chỉ một mình nuôi con từ lúc còn oe oe.
Vừa nhìn bàn tay thô kệch của người cha run run bốc thăm câu hỏi, Du vừa tiếp tục kể:
- Vợ ông ta đẹp lắm, cô ấy đã từ chối lời cầu hôn của Chủ tịch huyện để làm vợ người này.

Phân vân thật lâu, cuối cùng người cha bốc một tờ giấy và mở ra; giọng ông lạc đi đến nghèn nghẹn: "Trước khi cho con bú, người mẹ phải làm gì?"
Nắng xiên qua tấm phông đổ lên sân khấu một vạt nắng lún phún bụi. Tôi nghe hơi thở Du nóng hổi bên tai. Người cha vò vò cái mũ, những sợi lác nhàu gãy rơi xuống sân khấu như những khe hở trên một bức tường cũ.
- Thưa quý cô... cháu nó ham đi thi quá nên tôi...
Du bấu vai tôi:
- Cho ông ta bốc thăm lại nghe Thúy?
Tôi ngồi như pho tượng. Người cha ngượng ngùng xọc tay vào túi quần, lom khom tấm thân lêu khêu như muốn trốn. Tiếng rì rào phía dưới lắng dần rồi tất cả lặng im, tưởng như có thể nghe được tiếng bụi bay.

Một đám bùng nhùng sặc sỡ chạy vụt lên sân khấu, dải nơ to bản ngang lưng bay phớt phơ như hai lá bùa, cái kẹp bươm bướm màu lục rung rinh trên chùm tóc ngắn cũn như đuôi gà con.
- Ba ơi, ba đừng sợ!...
"Có con đây". Tôi đợi nghe Đậu Đũa nói nốt phần còn lại, nhưng đụng phải ánh mắt tôi, cô bé im bặt lè lưỡi bước lùi.

- ờ... ba đâu có sợ! Thưa... hồi đó... mỗi khi cho cháu bú, tôi rửa bình sạch lắm. Dạ... thì cũng nhìn người ta rồi bắt chước. Tôi ngâm núm vú bằng nước sôi... rồi thì.. pha đúng như bà bán sữa bày cho... Trong tháng là muỗng rưỡi sữa với chừng này nước - Ông đưa ngón tay ra dấu - Rồi ra ngoài tháng tăng dần dần. Đêm dậy buồn ngủ mấy tôi cũng vẫn nhớ súc bình... Tôi pha bao nhiêu cháu bú hết bấy nhiêu, không để cháu bú sữa nguội bao giờ. Dạ... hồi đó cháu đái dầm ghê lắm.. thay tã hoài...

Du giằng bảng điểm trước mặt tôi viết thật nhanh điểm 10.
Những gói phần thưởng bao giấy màu đặt trịnh trọng trên bàn, phần thưởng cao nhất là một xấp vải áo dài màu biển.
Tôi nhìn Đậu Đũa đang nôn nao đợi ba, hình dung đến một ngày cô thiếu nữ thướt tha trong tà áo xanh.



Nguyên Hương

(http://music.vietfun.com/trview.php?ID=3778&cat=16)

passenger
06-19-2016, 12:41 PM
Mẹ con Đậu Đũa

Love this warm hearted story!
Miss little future blue dress shoud get an eight.
"Tôi" should get a ten for writing this fun & beautiful "melody".
And "Mẹ Đậu Đũa" must get an eleven - one extra point for being a wonderful Dad.
Thanks, ST!:z57:

sôngthương
06-21-2016, 02:53 AM
Chị Thụy Khanh, chị Passenger và cả nhà ui :z56:




Love this warm hearted story!
Miss little future blue dress shoud get an eight.
"Tôi" should get a ten for writing this fun & beautiful "melody".
And "Mẹ Đậu Đũa" must get an eleven - one extra point for being a wonderful Dad.
Thanks, ST!:z57:


St cám ơn chị Passenger :z56:
Chị có giọng văn rất đặc biệt , ngay cả khi ”còm” :z57: , mỗi khi đọc mấy câu ngắn ngắn mà dí dỏm của chị , St lại nhớ đến cách viết khác của anh Ốc và chị Phiulinh :)

sôngthương
10-06-2016, 02:04 AM
Những mũi tên trưởng thànhTấtcả nến trong phòng đều sáng. Ngay đến những mẩu nến nằm trong góc kẹt, bụi bámđầy, cũng lăn ra giữa phòng cười thật tươi với ngọn lửa hồng mịn màng.

Họ nhà nến thì thầm với nhau:

- Chúng ta sẽ rực rỡ, vui chơi cho đến giọt sáp cuối cùng.

Ang Đèn Ống, vật máy móc và có vẻ ích kỷ nhất, cố gắng góp một chút ánh sáng trắngmờ. Nhưng anh ta chỉ tạo nổi vệt sáng màu ngà trên trần.

Cụ Sách bảo:

- Như thế lại hay, căn phòng hôm nay chỉ cần một thứ ánh sáng ấm cúng và mộtbầu không khí trang trọng.

Hàng ngàn sợi dây nhỏ, kết bằng giấy bóng đủ mầu, chăng kín tường và rủ xuống,lung linh tha thướt như mưa nhẹ trong một bầu trời còn gió, còn sót nhiều tianắng bâng khuâng vàng.

Giấy màu vây quanh từng ngọn nến xoay tròn, đùa nghịch một cách kỷ luật nhưđoàn Hướng đạo sinh xoay quanh lửa trại. Chúng in màu trên tường pha trộn vàonhau, biến đổi vô cùng tựa lòng kính vạn hoa.

Chú quay Sừng nôn nao vì sắc màu, chú không thể nằm yên. Chú xoay tít chạyquanh nhà, chân đinh của chú sáng loáng. Thân Sừng óng ánh. Bông Hoa phê bình:

- Chú giống hệt một viên kim cương khổng lồ.

Chú va vào chân ghế, dội ra, chú chạm nhẹ vào chân bàn, giả vờ lảo đảo. Chúchạy vụt vào gầm tủ, rồi vòng ra, đuổi theo chị Bóng bay.

Bác Đinh già nhận xét:

- Lúc này Quay Sừng đang đóng vai một viên kim cương say rượu.

Chị Rèm cửa mỏng manh thướt tha giăng mình đầy khung cửa sổ và cất lời cáo lỗi:

- Xin bác Gió đừng giận, xin ánh trăng đừng buồn nhé! Bữa nay chúng tôi tổ chứclễ, trong phạm vi thân mật. Mong quí vị trở lại đêm mai.

Rèm cửa biết dư rằng Nến không ưa Trăng. Họ nhà nến vẫn chê ánh trăng nhạt mờ,ngoài tính cách trang trí không còn dùng được vào việc gì. Bác Gió thì làm hạisức khoẻ nến. Tốt hơn hết Rèm cửa chặn họ lại ở ngoài khung cửa sổ.

Tuy nhiên thỉnh thoảng có chút gió tò mò, đẩy nhẹ chị Rèm, lọt vào phòng. Họhàng nhà nến xôn xao, hàng ngàn sợi dây màu uốn mình, bốn phía tường như cóhàng ngàn bông hoa muôn sắc lướt qua.

Cụ Sách trầm tư xét lại những dòng chữ trong lòng mình, cụ muốn tìm những câuchúc tụng văn hoa bay bướm nhất.

Chiếc xe hoả móp đầu, năm chiếc xe hơi nhựa nối đuôi nhau chạy khắp phòng. Chúcon Quay vui đùa hỏi:

- Các bạn đi đâu cho tôi quá giang với?

Đoàn xe đáp:

- Rất tiếc chúng tôi thuộc loại xe chuyên chở nhẹ. Xe chở đầy ắp niềm vui rồi.Chú con Quay cảm phiền nhé.

Anh Chổi lông gà, suốt đêm trước lo quét bụi cho mọi vật trong phòng bây giờmệt còn ngủ say. Nhưng anh đã cẩn thận căn dặn Giỏ rác:

- Nhớ đánh thức tôi vào lúc nửa đêm nghe.

Giỏ rác cố thu mình vào góc phòng với những vật đã bị loại ra khỏi cuộc đời.

Chị Tranh vô cùng kiêu hãnh. Trong ánh sáng muôn màu chị được mặc cái áo mớichắc chưa từng có trên thế gian. Khung cảnh cánh đồng nơi chị màu xanh nhạt đổiqua màu tím sậm rồi màu vàng, màu hồng, màu ngọc thạch….Đôi lúc những màu ấychen lấn xô đẩy nhau. Chị Tranh tưởng rằng mình vừa được ban chiếc áo thần củamột bà tiên tính tình bất nhất, chỉ thích đổi thay.

Cây đàn nằm trên góc tủ so lại dây. Chàng sẽ dành cho đêm nay một tấu khúctuyệt diệu, một tấu khúc vui tươi, hân hoan không thua gì những nụ cười của họhàng nhà nến.

Suốt từ tối tới giờ ông Bàn, vật khó tính nhất trong phòng, không càu nhàu mộttiếng. Chỉ thỉnh thoảng ông nhắc khẽ bình hoa:

- Này! nhớ giữ cho bông hồng thật tươi đấy. Đêm nay là đêm trọng đại.

Chỉ có bé Đinh ốc chẳng hiểu gì, đang thắc mắc. Bác Đinh già phải giải thích:

- Đêm nay mọi vật tổ chức mừng thọ ông Cung tên.

Biết bao thế hệ lịch, những vật có đời sống kéo dài đúng một năm trời đã quađi, ông Cung tên vẫn vững bền khoẻ mạnh. Thân thể ông thuộc loại gỗ quí. Da ôngđen bóng như sừng, thời gian không tạo một nổi vết nứt. Ông nói:

- Ngay lúc này ném tôi ra giữa trận tiền, tôi vẫn có thể chiến đấu mạnh mẽ nhưmột trăm năm trước.

Mọi vật mừng thọ ông, mừng vị anh hùng đã chống cự bền bỉ với kẻ thù nguy hiểm,lạnh lùng nhất: thời gian.

Khi bác Đồng hồ điểm lên mười hai tiếng đều đặn trong veo, cụ Sách đại diện cảphòng cất lời chúc tụng.

Anh Chổi lông gà được đánh thức giật mình, tung cả bụi lên, nhưng những hạt bụicũng óng ánh muôn màu.

Ông Bàn tiếp lời cụ Sách:

- Đáng lẽ tôi phải giữ mặt thật sạch sẽ để mừng thọ ông Cung tên. Nhưng ôngbiết đấy, lũ ranh con ở nhờ trên mặt tôi không bao giờ giữ vệ sinh chung. Vácbộ mặt nhem nhuốc này ra mừng ông, thật tôi xấu hổ quá. Tôi có bông hồng nhỏcòn tươi, xin tặng ông. Mong ông không từ chối món quà tầm thường của lão giàthô lỗ này.

Nhà quí phái Cung tên vô cùng cảm kích.

Ông hiểu rằng quà tặng ông không phải riêng có lời chúc tụng của cụ Sách, bônghồng tươi của ông Bàn. Tất cả những sắc màu rực rỡ, hân hoan của mọi vật trongphòng đều dành riêng cho ông. Ông Bàn khỏi cần bày đặt tặng hoa. Một ngày khôngcàu nhàu, lại chịu khó giữ khuôn mặt thật sạch sẽ của ông cũng là một món quàvô giá, khiến ông Cung tên có thể kiêu hãnh.

Ông Cung tên cám ơn mọi vật, ông ngập ngừng nói rằng không biết kể sao cho hếtlòng mến thương tất cả. Ông đã sống quá lâu, đã thấy hàng trăm thế hệ lịch từtường rơi xuống, nhưng ông không mệt mỏi, ông còn muốn sống lâu nữa vì mọi vậtcũng thương mến ông….

Tất cả những ngọn nến trong phòng rực sáng thêm. Anh Đèn ống reo lách tách.Chiếc xe lửa và mấy cái xe hơi nhựa, đoàn xe chuyên chở niềm vui, tăng tốc độ.Chú quay Sừng vướng chân vào sợi chỉ buộc chị Bóng bay. Chú ngã chúi vào gócnhà. Nhưng chú vùng dậy ngay, đuổi theo mấy chiếc xe hơi. Chú vẫn giống mộtviên kim cương lóng lánh.

Cây đàn bắt đầu tham dự cuộc vui. Chàng nghệ sĩ ồn ào nhất phòng này tung rahàng ngàn nốt nhạc nhỏ xíu. Chúng ca hát, bay tung tăng khắp phòng, chúng lướtqua những ngọn nến, khiến tất cả những ngọn lửa trong phòng đổi từ màu da camsang màu vàng rực. Những nốt nhạc rơi xuống như trận mưa mà tất cả những giọtnước đều hồng.

Gió tò mò, chịu không nổi, xô nhẹ chị Rèm, tràn vào. Những sợi tơ giấy đủ màuuốn mình xao xác. Gió bắt cóc hàng trăm nốt nhạc, đẩy ra ngoài khung cửa sổ,bay vút lên cao.

Bông Hồng trong bình nở tung, một bông hồng lạ kỳ, đổi màu theo từng cơn xaođộng của dây giấy bóng và ánh nến.

Chị Bóng bay lăn vào gầm tủ thủ thỉ với bác Đinh già:

- Tôi đã từng dự những cuộc lễ lớn. Họ hàng nhà tôi biết bao kẻ đã được baycùng hàng ngàn con chim câu trên một nơi người đông như biển. Nhưng tôi chưatừng thấy có cuộc mừng lễ nào vui tươi như đêm nay.

Khi chàng đàn trình diễn, ông Cung nói:

- Quí vị làm tôi nhớ tới cái đêm mình tổ chức lễ tiễn đưa mấy cháu nhỏ nhà tôilên đường. Cũng căn phòng này….

Cụ Sách biết ngay là ông Cung nhắc tới đêm những cậu tên trưởng thành.

Cụ Sách nói:

- Hồi ấy, căn phòng này còn hẹp hơn, bốn phía là vách ván không phải tườnggạch.

Ông Cung tên hỏi:

- Khi đó ông Bàn về đây chưa nhỉ?

Ông Bàn đáp:

- Rồi! hồi ấy tôi trẻ măng, da dẻ nâu sẫm, nhẵn bóng chứ đâu có như bây giờ,mặt đầy sẹo ngang dọc, lem luốc.

Để các vật trẻ trung trong phòng hiểu rõ về kỷ niệm mình vừa nhắc tới. Ông Cungtên bắt đầu kể:

Ông Cung có năm con. Đêm ấy cả năm cậu Tên đều đến tuổi trưởng thành nghĩa làđược bay đi khắp bốn phương trời.

Mũi tên nhọn hoắt, thân tên thẳng tắp, cả năm đều đã đủ điều kiện để làm nhiệmvụ giang hồ.

Vì mến ông Cung, các vật trong phòng tổ chức lễ tiễn đưa thật long trọng. Vảlại đây cũng là dịp các cậu Tên vĩnh biệt tất cả để sống một đời sống khác hẳn,họ hoàn tất cái sứ mạng đầy ý nghĩa họ mang từ lúc chào đời.

Tình cờ, đêm lễ mừng trưởng thành của năm cậu gần ngày Trung thu nên trongphòng có đủ loại đèn. Tất cả những ngọn nến đều tìm được nơi trú ngụ đầy màusắc cả căn phòng cũng sáng muôn màu.

Cụ Sách đọc một bài thơ giã từ, lời lẽ ngậm ngùi, quyến luyến nhưng rất hàohùng.

Các chú đèn con Cá, đèn Thiềm thừ, đèn con Thỏ chia nhau đứng ở các góc phòng.Bác đèn ông Sao đứng chính giữa, nơi các màu sắc trộn lẫn với nhau.

Ông Bàn cho phép chú Ngăn kéo hé ra một chút để tất cả những vật trong lòng chúđược dự lễ.

Anh Diều giấy nói:

- Chà! mấy cậu Tên sẽ bay cao lắm đấy nhé. Tôi phải có hai cuộn chỉ mới bay caobằng các cậu.

Cậu Tên anh cả khiêm tốn:

- Nếu chúng em bay cao xa được là cũng nhờ sức của cha em.

Cụ Sách nói:

- Đúng vậy, ông Cung còn mạnh lắm. Ông sẽ đẩy các cháu bay xa không thua bất cứmột mũi tên nào.

Ông Cung vội nói:

- Quí vị có lòng thương nói vậy chứ thật ra hồi này chúng tôi cũng sa sút lắm.

Cậu Tên anh cả rất điềm đạm, bình tĩnh, trái lại cậu hai cậu ba thì nôn naolắm, cả hai nói nhỏ với nhau, chỉ mong những nghi lễ rườm rà sớm chấm dứt đểchúng được lên đường. Chúng đã nghe tiếng gọi của thinh không.

Đúng giờ mấy cậu Tên khởi hành, bên ngoài khung cửa sổ rộng mời mưa lất phất.Cụ Sách tỏ ý lo lắng:

- Thời tiết xấu, hay chúng ta dời chuyến bay của các cậu Tên lại.

Bác Ô đen trấn an:

- Không sao, mưa nhỏ mà. Bay nhanh như các cậu ấy thì không thể nào ướt được.

Anh Diều giấy vẫn ngần ngại:

- Trời gió to không?

Chị Rèm cửa đáp:

- Gió rất nhẹ.

Ông Cung cảm ơn sự lo lắng của mọi vật, nhưng cho biết tên bay bất kể thờitiết. Tên bay trong nắng gay gắt hoặc trong giông bão. Chuyến bay càng cam gothì đời của Tên càng có ý nghĩa.

Cậu anh cả, thay mặt các em, hỏi ông Cung câu cuối cùng:

- Thưa cha! Cha còn dạy chúng con điều chi nữa không?

Ông Cung nghiêm trang:

- Cha chỉ có một lời khuyên, cha nhắc lại: Phải kiêu hãnh và bay cho thậtthẳng.

Mũi tên đầu phóng đi như một lằn chớp.

Mọi vật quá chú ý vào đường bay của từng mũi tên đến nỗi, sau khi mũi thứ tưlên đường, mới khám phá ra mũi tên thứ năm; cậu Út đã trốn đâu mất tiêu.

Ông Cung hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra, ông cố cứu vãn bằng cách nói nhẹ nhàng:

- Thằng Út đâu rồi? Sửa soạn chậm quá vậy?

Mọi vật im phăng phắc chờ đợi. Không có tiếng trả lời.

Ông Cung sẵng giọng:

- Út!

Vốn là một nhà quí phái, ông Cung luôn luôn tỏ ra điềm đạm bình tĩnh. Khi giọngông gay gắt như thế là ông đã giận lắm.

Tất cả đèn trong phòng rực sáng thêm một lần để tìm kiếm. Bỗng có tiếng cậu Útcàu nhàu:

- Con muốn ở nhà, con chẳng đi đâu hết.

Hoá ra cậu Út trốn dưới gầm ông Tủ.

Ông Cung lịm đi, không nói gì. Ông giận quá và có lẽ hơi xấu hổ với mọi vật vìtình trạng bất ngờ này.

Anh Diều giấy nói nhỏ:

- Cậu làm vậy cha cậu sẽ buồn lòng lắm.

Cậu Út nói to:

- Cha tôi giận, tôi chịu. Nhưng tôi không đi đâu hết, tôi ở trong phòng nàyquen rồi. Bây giờ phải bỏ đi, tôi chịu không nổi.

Ông Bàn lên tiếng:

- Các anh của cậu đi cả rồi đấy.

- Mấy anh ấy khoái giang hồ. Tôi khác, tôi nhất định không đi đâu hết. Tại saoông Bàn, ông Tủ, anh Diều được ở đây mãi mãi? Như cái bọn Giầy Dép, bác Ô đenthì ra đi rồi cũng lại trở về? Tại sao tôi phải bỏ nơi này?

Ông Bàn nói:

- Tại vì chú thuộc loài Tên. Nếu chôn chân vĩnh viễn ở đây thì chú có bốn cẳngnặng chịch như bọn Bàn chúng tôi, chớ đầu chú nhọn hoắt làm chi.

Cụ Sách cũng nghiêm khắc:

- Còn một lý do nữa: chú sanh ra là con của ông Cung. Đừng để mọi vật nghĩ rằngchú không xứng đáng được có một ông cha như thế.

Cậu Út lặng thinh. Ông Cung vẫn chưa chịu nói gì.

Bông Hoa giầu tình cảm, rất hiểu nỗi khổ của cậu Út, hoa ngậm ngùi héo mất mộtcành.

Một lát sau, cậu Út nói nhỏ như một tiếng thở dài:

- Nhà chỉ có năm anh em tôi, chúng tôi bỏ đi cả, cha tôi sẽ buồn và cô đơn.

Cụ Sách nói:

- Nếu cậu nhất định không đi, làm buổi lễ tiễn hành, làm chính cuộc đời cậu mấthết ý nghĩa, cha cậu sẽ đau khổ gấp ngàn lần.

Ngoài khung cửa mưa đã tạnh. Một chút ánh trăng tò mò nhìn vào phòng, cậu Útnói:

- Xin quí vị tha lỗi cho, thật tôi làm phiền quí vị quá.

Cậu trở lại với ông Cung, ngoan ngoãn đặt mình trong vị trí khởi hành.

- Con xin lỗi cha. Con thương mến căn phòng này và con cũng sợ năm anh em conđi hết thì cha cô đơn.

Mọi vật trong phòng rực rỡ, vui tươi trở lại, tất cả đã tha thứ cho cậu Út. ÔngCung vẫn lặng thinh, nhưng sự im tiếng của ông không cò vì buồn giận.

Khi cậu Út hướng cái mũi nhọn lên trời cao ngoài khung cửa sổ, ông Cung mớinói:

- Nhớ kiêu hãnh và bay cho thật thẳng. Đừng bao giờ để mọi vật lầm tưởng con làmột mũi tên mềm.

Cậu Út cũng phòng vụt đi như một lằn chớp.

Bấy giờ ông Cung mới ngậm ngùi nói:

- Xin quí vị tha lỗi cho thằng cháu Út, nó giầu tình cảm quá. Nó nói cũng khôngsai. Quả thực, năm anh em nó đi hết tôi cô đơn và buồn, nhưng hạnh phúc củachúng nó là quan trọng.

Đúng như lời ông Cung nói. Khi đó, cậu Út đang hưởng cái sung sướng tuyệt vờicủa một mũi tên bay.

Những đám mây kéo nhau về phía chân trời, trăng vằng vặc, đầy ấp thinh khôngbao la. Cậu lên cao, lên cao hoài, cậu hân hoan reo một tiếng thật dài. Giữacõi mênh mông, cậu kiêu hãnh, ngất ngây với đường bay xuyên gió.


(Trích từ Những Giọt Mực - Lê Tất Điều)

sôngthương
10-06-2016, 02:06 AM
Những giọt mựcĐêmhơi lạnh. Ánh trăng lọt qua cửa sổ, soi sáng một chút mặt ông Bàn. Bình mựcthủy tinh đổ nghiêng, mang trên mình mảnh trăng nhỏ xíu, lấp lánh, xa vời.

Dòng mực xanh chảy lan trên mặt ông Bàn đã khô. Đáy bình còn một gợn đen đậmnhỏ. Đó là ba giọt mực cuối cùng.

Ông Bàn giận lắm. Chưa bao giờ ông giận đến thế. Chú Ngăn kéo sợ ông sẽ quẳngtất cả các vật trên thân thể ông xuống, kể luôn chú. Chú gắng thu xếp các vậttrong lòng mình, cho chúng nằm thứ tự gọn gàng. Ở đậu trong bụng ông Bàn, chúNgăn kéo luôn tế nhị, giữ gìn.

Nhưng lần này, lỗi không ở chú Ngăn kéo.

Ông Bàn to tiếng:

- Ông Cung, cụ Sách nghĩ coi: tôi làm sao chịu nổi. Trong phòng này tôi là mónđồ xui xẻo, cực khổ nhất.. Vật gì cũng có thể nhảy lên mặt tôi được. Ban ngàytôi còn phải cõng cả ánh nắng, ban đêm cõng ánh trăng, toàn những món đồ do chịCửa sổ mang về.

Cửa sổ nhỏ nhẹ:

- Ánh trăng và ánh nắng nhẹ tênh mà.

- Đồng ý. Nhưng chị phải biết ánh nắng có thể làm tôi vỡ mặt ra. Tuy nhiên việcđó bỏ qua. Tôi xin hỏi mọi vật: tôi là bàn tôi đâu có là anh hề nhựa, sao mặttôi ngày một bẩn thỉu, kỳ cục, đầy những vết mực dọc ngang, lộn xộn?

Anh Bút chì nằm bên cạnh cô Vở quăn góc nói nhỏ:

- Cháu chỉ lỡ vẽ trên mặt bác một cái xe hơi, một cái nhà…

Anh Bút bi cũng lên tiếng:

- Cháu vẽ một con vịt.

Ông Bàn giận dữ hơn:

- Hình đó đâu phải là con vịt. Đó là một thứ quái vật, đầu to như đầu ngựa, haicẳng như cây tăm. Tôi yêu cầu các cháu từ giờ đừng có trổ tài hoạt hoạ nữa.

Cụ Sách lên tiếng nghĩa là mở cửa kho đạo đức:

- Những vật trên mặt ông Bàn không biết điều chút nào. Hãy noi gương những vậtở nhờ trong lòng ông Tủ. Họ tới, họ đi, biết bao đợt rồi, lòng ông Tủ vẫn sạchsẽ.

Ông Cung góp lời:

- Vật cẩn thận không bao giờ để lại dấu tích nơi mình đã cư ngụ, nhất là nhữngdấu tích mất vệ sinh. Ngày xưa, khi còn đi theo các chiến sĩ, ta đã từng cắmtrại, các chiến sĩ không để lại một cái hố nhỏ.

Sau câu nói của ông Cung, ông Bàn đã bớt càu nhàu, nhưng chưa nguôi giận.

- Lỗi tại tôi xin ông Bàn tha thứ. Tôi đứng không vững nên mới ra cớ sự.

Đó là câu nói của bình mực thủy tinh. Tất cả xôn xao của mọi vật, cùng cơn giậncủa ông Bàn hình như bây giờ mới làm hắn bừng tỉnh. Không phải hắn lì lợm,bướng bỉnh. Hắn là vật đãng trí mơ mộng nhất trong phòng.

Dù chứa mực trong lòng, thân thể hắn vẫn có những phần trong veo. Cảnh vật inhình trên đó, nhỏ xíu, mơ hồ. Không giống mặt gương, phản chiếu hình một cáchmáy móc, chính xác. Bình mực bóp méo khuôn mặt mọi vật theo ý hắn.

Những đêm trăng như đêm nay, đứng gần cửa sổ, hắn chứa cả trăng sao, bầu trờiyên tĩnh. Vài cành cây bên cửa xao động làm cho mảnh thế giới in trên bình mựcsinh động, đẹp tuyệt vời. Tất cả mang một màu xanh hơi tối. Nếu một chú kiếnlạc vào thế giới nhỏ bé, xinh xắn ấy, chú sẽ biến thành thi sĩ.

Vì vậy, bình mực của chúng ta hoá ra là một vật mơ mộng.

Bình mực đổ, từ cái miệng tròn vo của hắn, mực trào ra, hào hứng như bọn tùvượt ngục. Mặt ông Bàn thêm một vết đen lớn khủng khiếp. Đó là lý do khiến ônggiận dữ, nói những lời cay đắng, trách móc lung tung. Tai họa xảy tới từ hồichiều.

Bình mực đã công khai nhận lỗi, dù chậm, ông Bàn cũng hài lòng. Ông già rồi,không chú ý tới dung nhan mình. Vết mực loang lớn thật, nhưng so với những hìnhvẽ lăng nhăng, những vết dao chém, nó cũng chẳng làm ông xấu hơn được. Tuynhiên ông Bàn vẫn doạ:

- Bây giờ anh mới biết lỗi à? Tôi sẽ quẳng anh xuống đất, cho anh vỡ tan xácra.

Ông Bàn rung nhẹ, các khớp gỗ kêu cót két. Nhiều vật tưởng ông quyết liệt hạbình mực, đều hoảng kinh. Cụ Sách cất tiếng:

- Xin ông Bàn bớt nóng.

Những cây Bút mực cũng cuống quít can ngăn:

- Anh Bình mực thật dễ ghét, nhưng thiếu anh ấy, chúng cháu mất kho nhiên liệu,hoá vô dụng. Mong ông nghĩ lại.

Chỉ có Bút chì im lặng. Đương sự rất đắc chí vì có thể tự lực, tự cường. Hắnviết ra những chữ mờ nhạt, nhưng khỏi cần nhờ vả , lệ thuộc anh nào. Bình mựcsống chết chả ăn nhậu gì tới hắn. Bút chì bị mang tiếng ích kỷ và vụng về. Hắnphải đeo kè kè ở sau đuôi một cục tẩy tròn chuyện việc xoá những bước đi lỗilầm của hắn.

Những bông hoa thuộc loại tình cảm, nghe chuyện cãi vã xô xát đã thất kinh.Giọng hoa run rẩy:

- Ông Bàn chớ làm vậy! Ông Bàn chớ làm vậy!

Chỉ có ông Cung, vật từng trải, lão luyện là biết ông Bàn doạ chơi. Một vật dễgiận, dễ to tiếng, rồi dễ nguôi như ông Bàn, ít khi làm chuyện ác độc.

Bình mực thủy tinh cũng sợ hãi. Rơi từ mặt bàn xuống, chắc tan xác thật? Nhưngvật đãng trí và mơ mộng này lại tự an ủi bằng trí tưởng tượng. Cần quái gì. Hắnnghĩ. Nếu tan thành trăm mảnh, ta sẽ là trăm mảnh lóng lánh sáng, trăm mảnhmang hình trăng tròn, trăm mảnh bầu trời ngoài khung cửa sổ….không còn một giọtmực nào dính trên thủy tinh, cả trăm mảnh sẽ trong veo.

Tuy nhiên trăm mảnh rực rỡ đó không sống lâu, sẽ gặp nhau trong sự tăm tối của thùngrác. Kẻ mơ mộng, sau phút tưởng tượng tới sự tan tành đẹp đẽ, bỗng biết ớn:

- Tôi đã nhận lỗi rồi mà. Tôi xin hứa sẽ cẩn thận hơn.

Bình mực chưa dứt lời, mọi vật bỗng nghe tiếng khóc. Tiếng khóc vang lên từtrong lòng bình mực. Tiếng khóc tỉ tê tuyệt vọng.

Mọi vật sững sờ, im lặng, lắng nghe. Ông Bàn bối rối trước tiên:

- Này chú Bình mực, ta doạ chơi vậy thôi, sao mà nhút nhát quá vậy?

Bình mực cãi:

- Ông lầm rồi, tôi đâu có khóc.

Quả vậy, đó là tiếng khóc nhỏ bé của ba giọt mực cuối cùng, còn đọng dưới đáybình.

Ba giọt mực tụ lại, như một giọt nước mắt đen lớn buồn thảm.

Hàng ngàn giọt mực đến rồi giã từ bình mực. Bình mực biến thành nơi tạm trú củachúng. Mới đầu vật mơ mộng này cũng lưu luyến, tất cả những khách trọ. Sau đóquen đi, hắn trở về với nếp sống riêng tư.

Tiếng khóc của ba giọt mực khiến hắn kinh ngạc.

Bông hồng khẽ hỏi:

- Làm sao các em lại khóc?

Một giọt mực nghẹn ngào:

- Bọn em đang khô dần.

Giọt mực thứ hai:

- Chúng em không bao giờ được làm bổn phận của loài mực.

Giọt mực thứ ba tiếp lời:

Tất cả những giọt mực cùng sinh ra đời với chúng em đều đã sống đầy đủ. Họ đượcnhững anh chị bút đón ra khỏi bình, họ biến thành chữ, thành hình vẽ. Họ khôtrong danh dự vinh quang, chúng em không như vậy. Chúng em đang héo tàn trongđáy bình mực một cách vô duyên.

Những câu than thở của ba giọt mực khiến cho muôn ngàn chữ trong tất cả nhữngsách vở bừng tỉnh.

Sau đó muôn ngàn chữ cùng hân hoan. Tiếng than của kẻ hậu sinh như lời khentặng các vị tiền bối.

Cả những giọt mực đã khô hàng trăm năm, đang mờ tới nét chữ cuối cùng cũng gópniềm kiêu hãnh.

Những giọt mực khô trong lòng cụ Sách thì reo vui hơi quá lố. Chúng ất tiếngcười dù cố đè nén, vẫn làm cho những trang sách rung rung. Tất cả những giọtmực vào lòng cụ Sách đều biến thành lời đạo đức, khôn ngoan, dạy dỗ loài người,phác giác những chuyện huyền bí của vụ trụ. Những giọt mực ấy đã tìm được mộtđịa vị hết sức cao trọng, như giọt mực xấu số thứ ba đã nói: " Họ khôtrong danh dự vinh quang ".

Cụ Sách phải nạt khẽ:

- Này! Cười vui trước nỗi đau khổ của vật khác là vô ý thức.

Căn phòng đỡ mất trật tự.

Nhưng muôn ngàn chữ vẫn sung sướng, cười thầm, và ba giọt mực đang khô trongđáy bình, tiếp tục khóc tỉ tê.

Chỉ có năm sáu giọt mực khô trong lòng chị Vở cất tiếng an ủi:

- Không ra khỏi bình các em đừng buồn. Như bọn ta đây, đâu có gì là sung sướng.Chúng ta không hoá thành chữ, mà thành một cái hình quái gở.

Quả thực, cậu bé đã dùng những giọt mực này để vẽ một hình người đầu tròn, tóclởm chởm, không có mũi, chân tay cong queo, kì dị.

Những giọt mực khác, biến thành hình vẽ xấu xí trong vở, trên bìa sách, trênmặt bàn, cũng đua nhau an ủi ba giọt mực. Họ cho rằng ở vĩnh viễn trong bìnhcòn hơn là biến thành những quái thai.

Hàng trăm giọt mực, vết loang lớn trên mặt ông Bàn, bây giờ mới đủng đỉnh lêntiếng:

- Còn bọn chúng tôi thì sao? Cũng nhục nhã lắm chứ. Cả trăm mạng hoá thành vếtđen dơ dáy trên mặt ông Bàn, chúng tôi đâu có khóc.

Ba giọt mực vẫn khăng khăng:

- Thà làm một vệt đen còn hơn khô héo trong đáy bình. Chúng tôi biết không phảigiọt mực nào cũng gặp may mắn khi ra đời. Nhưng đã là mực, phải được ghi mộtvết ở đâu đó. Là chữ, là hình vẽ, là một cái chấm xấu xí cũng được, chúng tôimuốn ra khỏi bình. Chúng tôi không muốn chết non và chết vô ích.

Các vật trong phòng lặng thinh. Ba giọt mực cảm thấy mình đang khô héo mau hơn,lại tỉ tê khóc. Bông hồng nghe thấy chuyện chết chóc, buồn rũ cánh. Chị Bóngbay thơ thẩn lăn tới một góc nhà, ngậm ngùi thương những vật nhỏ bé mong manh.

Chú con Quay muốn cất lời an ủi. Nhưng chính chú cũng nghĩ rằng một vật sinh rađời chẳng để làm gì, chẳng có ích gì thì vật đó buồn phát khóc là phải.

Bỗng dưng ông Bàn hỏi to:

- Sao? Cụ Sách, trong cái bụng đầy nhóc thông thái của cụ, không có ghi câu nàoan ủi ba giọt mực hả?

Hồi này, ông Bàn ưa trêu cụ Sách. Ông nghi cụ vẫn có ý coi thường ông. Bụng cụđầy chữ, bụng ông chỉ có chú Ngăn kéo dốt nát. Thỉnh thoảng ông tìm cách đưa cụSách vào thế kẹt. Chẳng hạn ông hỏi cụ: tại sao giầy dép không có chân lại đikhắp nơi, bàn ghế có tới bốn chân thì nằm một chỗ.

Bây giờ ông lại làm cụ Sách lúng túng.

- Ờ….ờ…nghĩ rằng ba giọt mực không nên buồn quá thế. Trời sinh ra muôn vật: mỗivật có một số phận….

Chưa bao giờ cụ lại nói một câu thiếu dứt khoát như vậy.

Ông bàn bỗng phá lên cười:

- Ha! Ha! Ha! Xin lỗi cụ Sách! Nhà cháu không đồng ý với cụ. Theo quan niệm củavật dốt nát này thì ba giọt mực không có quyền khóc. Cả ba phải reo mừng vì đãsống những ngày đầy ý nghĩa.

Cả phòng kinh ngạc, ba giọt mực nín khóc lắng nghe. Ông Bàn vẫn cười ha hả:

- Hãy coi cái thân tôi này. Tôi là bàn, tôi có hoá ra gì đâu, nhưng tôi đã đểcho biết bao nhiêu vị ngồi trên mặt. Các vị ấy đều có ích, thế là cuộc sống củatôi có ý nghĩa.

- Ba giọt mực dưới đáy bình đâu có vô ích. Nếu họ không ở đó thì làm sao cácanh chị bút có thể với tới hết tất cả những giọt mực khác?

- Ba giọt mực cuối cùng đã làm một việc có ý nghĩa nhất: họ đội những đứa kháctrên đầu, suốt ngày này sang ngày khác. Nhờ vậy, những giọt đứng trên đầu họmới bám vào ngòi bút, ra ngoài, biến thành chữ.

- Chú Bình mực phải biết điều đó chứ. Bao nhiêu thế hệ mực đã qua trong lòngchú? Mỗi thế hệ đều có ít nhất ba giọt mực nằm dưới đáy, nâng các giọt mực kháclên cao. Sau đó, những giọt hy sinh khô đi trong lặng lẽ.

- Khi nãy, tôi nghe các chữ, những giọt mực khô trong lòng cụ Sách đã cười.Thật là một lũ vô ơn. Dù vinh quang hiển hách đáng lẽ lũ ấy phải biết tới nhữnggiọt mực đã đội chúng lên, những giọt mực chịu nằm dưới đáy bình, chịu nhụcnhằn, tăm tối và thiệt thòi.

- Vậy ba giọt mực bé tí teo, các cháu có quyền kiêu hãnh. Các cháu đóng góp vàorất nhiều sách vở. Và hàng tỉ chữ, hằng sa số hình vẽ trên cõi thế gian này đềumang ơn những giọt mực nằm dưới đáy bình.

Ông Bàn không cười nữa, căn phòng im lặng hoàn toàn.

Một lát sau, cụ Sách nói với ông Cung tên:

- Lần này, tôi chịu thua lão già lỗ mãng. Lão chỉ có một cái bụng rỗng tuếch màkhôn ngớm!

Trong bình thủy tinh lóng lánh, ba giọt mực cuối cùng kiêu hãnh hân hoan bốcthành hơi.


http://vn.cddmmtanaheim.org/wp-content/uploads/2012/06/Nh%E1%BB%AFng-Gi%E1%BB%8Dt-M%E1%BB%B1c-c%E1%BB%A7a-L%C3%8A-T%E1%BA%A4T-%C4%90I%E1%BB%80U.pdf

sôngthương
10-21-2016, 02:33 AM
Cảm ơn chị Thụy Khanh :z57:, Nhã Uyên :z57:và các anh chị ghé đọc truyện với St :z56:

-----------------


Ở Sài Gòn

...Cho bloggers: Lún, Ngọc Lan, Hương, anh D.Hoàng...và ai đang nhớ SG
...

Tôi viết nhiều vậy mà chưa viết về Sài Gòn, kể cũng là thiếu.

Tôi sinh ra ở Hà Tĩnh, lớn lên ở Nha Trang và định cư ở Sài Gòn từ năm mười tám tuổi đến giờ. Vậy mà năm lần bảy lượt muốn viết một cái gì về Sài Gòn, tôi viết rồi lại ngưng vì chẳng biết viết gì.

Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta chẳng biết viết gì, nói gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta thương nó bằng một thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt đến ngạt thở, như kiểu một thứ tình nghĩa khác, không phải là quê hương.

Tôi đến Sài Gòn lần đầu tiên năm 1991, trên một cái xe cấp cứu. Không phải xe chở tôi, là tôi quá giang xe cấp cứu chở một bệnh nhân viêm màng não từ bệnh viện Khánh Hòa chuyển viện vào Chợ Rẫy. Tôi nhớ như in khi người tài xế lần đầu vào Sài Gòn đã đi vào đường một chiều và bị hàng loạt xe gắn máy suýt đụng phải. Tôi nhớ mình đã tháo cái nhẫn 2 chỉ vàng trên tay để nhét vô vớ vì nghe nói cướp ở Sài gòn sẳn sàng chặt tay bạn chỉ để cướp một chỉ vàng.

Ngày đó, ấn tượng đầu tiên của tôi là Sài Gòn quá lớn và quá đông.

Tới bây giờ, ấn tượng của tôi cũng vẫn là Sài Gòn quá lớn và quá đông.

Sài Gòn lớn. Tôi đồ nó phải lớn hơn cả Singapore hay HongKong. Từ ruộng đồng Hóc Môn ra đến biển Cần Giờ, từ vườn cây Thủ Đức mút đến miệt Bình Chánh xa xôi. Ở đâu cũng là đất Sài Gòn. Câu nói ấn tượng nhất về Sài Gòn tôi nghe từ một ông già đã 40 năm chạy xe xích lô: “Không thằng nào dám vỗ ngực nói mình biết hết đất Sài Gòn”.

Sài Gòn đông. Ngoài đường, trong chợ, hàng quán…đều ngùn ngụt người. Từ khu Chợ Lớn đầy người Hoa nói tiếng Hoa đến khu Dân Sinh kiếm cái gì cũng có, mà không có người ta cũng kiếm cho bằng được. Từ những đường phố luôn tấp nập người xe đến những cái chợ bán buôn thâu đêm suốt sáng. Đâu đâu cũng đầy người, càng ngày càng đông. Tôi dám cá rằng hơn phân nửa số người bạn gặp ở Sài Gòn đều không phải là người Sài gòn chính gốc. Như tôi.

Ở Sài Gòn có một thứ không khí khác, có lẽ được quánh đặc bởi bụi, khói, bởi mùi mồ hôi, mùi đồ ăn, bởi tiếng xe, tiếng người bởi muôn ngàn thanh âm, màu sắc mà một khi đã quen hít thở với nó, bạn sẽ không bao giờ quên được, nếu không nói là khó mà rời xa được.

Ở Sài Gòn, đất dung nạp vào nó đủ mọi hạng người, từ anh trí thức hàn lâm đến chị bán trôn nuôi miệng đều cảm thấy đất này dễ sống hơn chỗ khác, từ giới nghệ sĩ có tài và bất tài đến mấy bà buôn thúng bán bưng đều nuôi mộng lập nghiệp nơi mảnh đất lắm người nhiều xe này.

Ở Sài Gòn, bạn hay chứng kiến những tai nạn giao thông nho nhỏ do xe máy, thường cả hai bên va chạm đều tự dựng xe lên, nhìn ngó xe của mình, xuýt xoa vài tiếng rồi nổ máy xe, mạnh ai nấy đi, thậm chí họ cũng chẳng nhìn nhau. Ở Sài Gòn thỉnh thoảng có người chạy theo bạn ngoài đường chỉ để nhắc bạn nhớ gạt chân chống xe hoặc coi chừng bị rớt cái ví lòi ở túi quần sau.

Ở Sài Gòn, bạn dễ thấy những quán xá tạm bợ và tối giản đến không ngờ, nhiều quán cà phê chỉ với một cái lon bò húc làm biểu tượng vậy mà một ngày bán không dưới 300 ly café bằng cách bưng đến tận nơi, có một xe bánh mì nhỏ chỉ bán buổi chiều tối mà doanh thu hằng ngày lên đến cả chục triệu, có một bà chỉ bán nước sâm vỉa hè mà sau ba năm đã mua được căn nhà mặt tiền to vật ở chính nơi mà bà xin đặt xe nước sâm của mình.

Ở Sài Gòn có nhiều bạn trẻ mặc đồ như tây, ngồi ở café máy lạnh với laptop trước mặt và viết đơn xin việc, nhưng cũng có nhiều bậc trung niên mặc quần đùi uống café cóc ở vỉa hè bàn chuyện xây cao ốc cho thuê. Ở Sài Gòn bạn có thể xin làm phụ việc ở bất cứ đâu mà lương tháng vẫn bằng một kế toán mới tốt nghiệp đại học, người ta có thể mua cùng một món đồ với giá chênh lệch nhau đến cả chục lần mà không hề áy náy.


Có nhiều nữa, nhiều thứ nữa ở Sài Gòn mà tôi muốn viết mà vẫn không viết được, tôi xin kết bằng một câu chuyện nhỏ, của tôi.

Công việc đầu tiên mà tôi làm để sinh nhai ở đất Sài Gòn này là làm bốc xếp ở cảng. Một bữa tối nọ, chừng hơn mười giờ, trời mưa lớn, tôi đạp xe từ cảng về sau ca làm. Đói, lạnh và mệt làm tôi lả đi, tôi tấp đại xe đạp vào một mái hiên và ngồi bệt xuống, ngủ thiếp đi.

Đột nhiên tôi chợt thức vì tiếng cửa sắt kéo ra, một người phụ nữ mở cửa và hỏi thăm tôi bằng giọng nam bộ rất phúc hậu. Bà mở rộng cánh cửa cho tôi vào, bà đưa cho tôi một cái áo để thay và chỉ ít phút sau, bà lại xuất hiện với một tô mì gói nghi ngút khói, có cả mấy cọng ngò. Bà chỉ nói gọn: “Ăn dzô là phẻ liền hà”. Mà thiệt tình, ăn hết tô mì tự nhiên tôi thấy “phẻ” quá, có lẽ vì từ đó, tôi không nghĩ mình có thể sống ở đâu tốt hơn mảnh đất này. Tôi “phẻ” luôn từ đó đến giờ.

Tôi chịu không thể nhớ căn nhà ấy, nó nằm đâu đó trên đường Lý Chính Thắng. Tôi cũng chịu, không nhớ nổi gương mặt người đàn bà ấy, như mọi người đàn bà ở thành phố này. Bạn đừng nói tôi vô ơn. Ở Sài Gòn, nói chuyện đó chỉ nhận được một cái khoát tay và câu trả lời trớt quớt: “Bỏ đi. Ơn nghĩa gì cậu ơi”.

Rồi tôi cũng giúp một người khác như thế, rồi tôi cũng nói giọng Sài Gòn, tôi cũng khoát tay khi người ta cảm ơn: “Bỏ đi. Ơn nghĩa gì cậu ơi”.

Sài Gòn là một mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Vậy đó


http://www.damhaphu.com/2013/08/sai-gon-bao-nho.html

sôngthương
11-17-2016, 07:56 AM
St cảm ơn các anh chị ghé qua đọc truyện với St :z57::z56:

--------------

Sẹo của nước



NGUYỄN NGỌC TƯ

Thứ mất đi không cách nào tìm, chính là khoảnh khắc đắn đo chừng như vô tận. Người ta vẫn tưởng chém vào nước thì không để lại sẹo. Chẳng nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng chúng vẫn ở đó, rách bươm, còn lâu mới lành .

.


http://static.new.tuoitre.vn/tto/i/s626/2016/11/10/a6f32152.jpg


Minh họa: VIIP


Cũng không cần phải gặp thằng Chơn, cứ ghé bất cứ nhà nào trong xóm Cầu Đôi, đứa con nít cũng có thể đưa bạn về một đêm tháng sáu năm trước.

Trăng mười hai không sáng đến mức có thể nhận mặt nhau, nhưng đủ để Chơn nhìn thấy một người nằm bất động bên đường khi chạy xe ngang qua vườn mía. Trớn xe trờ qua một đoạn, nhưng thằng nhỏ vòng lại, nghĩ khuya khoắt mà nằm đó chắc gặp chuyện không hay.

Dù là thằng cha xỉn say thì nằm phơi sương vậy cũng phải lay dậy, biểu về nhà. Nhưng người phụ nữ đang nằm sấp, chết ngất kia không say, cô bị cướp.

Một bên phổi giập và mấy giẻ sườn gãy, mạch nhảy yếu ớt, cô gái được Chơn xốc đưa vô bệnh viện mà không chút đắn đo nào.
- Bởi vậy mà thằng Chơn bị bắt.

Chỉ là một cái xuống dòng trên văn bản, một cái dừng nghỉ lấy hơi của người kể chuyện, nhưng bạn cảm thấy như đang dạo trong siêu thị thì bị sụp ổ gà. Chới với trong vô lý. Lấy cảm giác ấy nhân lên ngàn lần thì ra tâm trạng của Chơn, khoảng tối đen ngòm nó rơi vào không chỉ cái hố, mà là vực thẳm.

Mấy ông phá án quả quyết thằng Chơn là thủ phạm, trên người nạn nhân đầy những dấu tay nó, chẳng phải thì ai vô đây. Không thì nó đâu có biến mất sau khi đưa cô gái tới bệnh viện, rồi lên xe đò bỏ trốn, không thì nghèo quắt queo như nó sao có nhiều tiền trong người lúc bị chặn bắt ở dọc đường.

Những án oan, kiểu này kiểu khác, nhưng luôn được làm lên bởi một cách: người cầm quyền tự bẻ công lý theo ý mình.

Cùng với nhục hình, thứ chưa bao giờ cũ, họ đã vẽ nên một đêm trăng non tháng sáu khác, với nhân vật phản diện tên Chơn, đã ra tay cướp những thứ không phải của mình. Thằng nhỏ nghèo thân đơn thế cô, chẳng người thân làm chỗ dựa, nhưng không phải vì vậy mà chỉ sau một tuần giằng co, nó nhận tội cho rồi.

- Bởi tui nghĩ ông trời đui. Hồi còn sống má tui nói mình sống sao trời thấy hết, là nói xạo thôi.

Lòng tốt bị ngược đãi không phải bởi còng tay, bị đánh, mà còn vì cô gái mà Chơn ra tay cứu giúp đã không thèm nhìn nó mà xác nhận luôn đây là kẻ tấn công mình. Chỉ dân Cầu Đôi là không tin.

Thím chủ quán nước ngay bên cầu nói ai chớ thằng Chơn thì không bao giờ là lưu manh hết, có lần mướn nó sửa chuồng gà, ngang qua chỗ má thím ngủ quên nằm co ro trong gió lạnh, nó kéo cái mền đắp cho bà già.

Một ông nói mấy lần đang chở nước đá xe lăn ra chết máy, thằng Chơn gặp cảnh bèn ghé vai vác cây nước đá cuốc bộ giao cho khách giúp ông.

Chị làm cỏ mướn nói tiền mà thằng Chơn lận trong người là của chị chớ đâu, là chị nhờ nó ngồi xe đò lên biên giới mua giùm cặp bò, bòn mót mấy năm mới được bao nhiêu tiền đó, chị thuộc lòng từng tờ giấy bạc, không tin thì chị kê ra bao nhiêu tờ mệnh giá nào cho coi.

Hết thảy dân xóm đều bỏm bẻm vài ba chữ, mù luật văn bản, nhưng luật trời thì ai nấy đều chắc chắn, chỉ những kẻ có tội mới bị trừng phạt.

Bà con tìm cách nhắn với thằng nhỏ đang bị tạm giam chờ kêu án rằng thằng nhỏ Chơn ở xóm Cầu Đôi không bao giờ là kẻ cướp, còn gió nam còn gió chướng họ còn tin vào điều đó. Họ nói đang trông Chơn về, dọn nhánh cây si, thông cái máng xối bị nghẹn nước, xây hàng rào, lặt vặt thôi mà không biết kêu ai.

Thằng nhỏ vốn buông xuôi mặc kệ rồi, nghĩ rằng không có trời, nếu có thì ổng cũng đui, nhưng nhận được những lời nhắn từ thím Bảy chú Ba, nó đứng dậy.

Cuộc đòi tự do cho Chơn thì dài, cực nhọc với bao nhiêu thủ tục giấy tờ bao nhiêu lạnh nhạt và hứa hẹn lần lữa. Bạn đừng bị ảo giác rằng chuyện rất dễ dàng bởi cách kể nhảy rào của ai đó, hay bản tin in trên trang báo, khi họ nói gọn một câu “Vậy rồi thằng nhỏ được thả về”.

Làm sai mà chịu nhận sai, con nít thì làm cái rột, nhưng kẻ nắm quyền lực trong tay quên mất hành vi cơ bản ấy lâu rồi, họ cần có thời gian học lại, hoặc giả bộ sao cho lời xin lỗi họ xuất phát tự đáy lòng.

Chuyện của Chơn, cũng không cần gặp nhân vật chính, bất cứ cư dân xóm Cầu Đôi nào cũng có thể đưa bạn về tháng trước, trong cái buổi người ta tổ chức buổi họp dân xin lỗi thằng nhỏ. Một ông bước ra tặng hoa nhưng thằng Chơn từ chối nhận, bởi vẫn còn giận. Hoa đẹp mấy cũng không làm nó quên được cái lạnh rợn của chiếc còng khi họ tra vào tay.

Chơn nói đường xa lắm, không tiện mang hoa về, “nhưng tiền thì được”. Lúc đó có kẻ bĩu môi như một cách bày tỏ, kiểu như à hóa ra cũng là nằm vạ đòi tiền.

Nhưng anh ta thu dọn đôi môi mọng bọt bia khi nghe Chơn nói, nó cần chín trăm mười bảy ngàn để gửi lại cho bà con Cầu Đôi đã chi xài khi đi kêu oan cho nó - một thằng nhỏ ai mướn gì làm đó, đổi công lấy chén cơm, người không phải bà con quyến thuộc gì của họ. Chơn không đòi thêm gì cho mình, bởi như nó nói, “lúc bị nhốt tui cũng được cho ăn cơm, coi như huề”.

Chơn trở lại những ngày bận rộn tay chân, dân Cầu Đôi nhẹ lòng, “trời có mắt”. Mọi thứ trông có vẻ bình thường, như trước cái đêm trăng non tháng sáu, khi lòng tốt chưa bị thương. Chỉ khi bạn hỏi, nếu một bữa gặp một người bị nạn bên đường, Chơn có ra tay cứu nữa không?

Sau giây lát chần chừ là cái gật đầu nhẹ đến khó nhận ra. Không riêng gì Chơn, dân Cầu Đôi ai cũng nói phải nghĩ coi nên cứu hay không. Thứ mất đi không cách nào tìm, chính là khoảnh khắc đắn đo chừng như vô tận. Người ta vẫn tưởng chém vào nước thì không để lại sẹo. Chẳng nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng chúng vẫn ở đó, rách bươm, còn lâu mới lành.■

http://cuoituan.tuoitre.vn/tin/van-hoa-nghe-thuat/tap-but/20161115/seo-cua-nuoc/1216786.html

hoài vọng
11-18-2016, 11:08 PM
. Người ta vẫn tưởng chém vào nước thì không để lại sẹo. Chẳng nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng chúng vẫn ở đó, rách bươm, còn lâu mới lành.■

http://cuoituan.tuoitre.vn/tin/van-hoa-nghe-thuat/tap-but/20161115/seo-cua-nuoc/1216786.html Làm sao mà lành được ! Nó thành vết sẹo lồi lõm , gồ ghề , xấu xí .

cuocsi
11-20-2016, 10:39 PM
:z57:

Theo tôi,


Vết thẹo trên nước đuợc hình thành từ lúc :


1- TA MUỐN CHÉM. ( ý tưởng )
2- TA VUNG TAY ĐẾN KHI KIẾM CHẠM MẶT NƯỚC. ( hành động )
3- Hình ảnh ta thấy được trên mặt nước và âm thanh tạo ra khi kiếm chạm mặt nước đã là hai dấu vết hiện hữu.
4- Hình ảnh của một kiếm sĩ vung gươm đã phản chiếu trên mặt " gương nước " kia, trôi xa về biển rộng, kiếm sĩ không chạy theo...lôi kéo cái bóng của mình lại được.
5- Ta không thấy vết thẹo hằn sâu nhưng " nước, cỏ cây, chim, cá và ong bướm đã thấy "


Mỗi lời nói, hành động ta thoát ra từ cơ thể luôn tạo một âm thanh, một hình ảnh IN
trong không gian, vượt thời gian và " LOANG RA XA NHƯ MỘT LÀN SÓNG NHẤP NHÔ TỪ CỘI ".
Cái âm thanh của kiếm trong gió và trên nước, trước khi vang xa, nó đã lọt vào tai kiếm sĩ trước ai hết, não bộ sẽ ghi lại.


" La vibration et l'onde choc " = sự rung động và chấn động sẽ biến thành một hay nhiều sóng hiệu mang tần số cao và thấp như sóng truyền tin, radio...(tiếng trống, chuông, mõ cầu kinh, hồi chuông xóm đạo...)


Có đôi khi, phải " THẤY " bằng một cách khác :
Phải " THẤY " bằng TIM, những căn bản đơn thuần thì " Vô hình " dưới mắt.


Antoine de Saint-Exupéry có viết trong cuốn " Le Petit Prince " :
..."" Il faut voir avec le cœur, l'essentiel est invisible par les yeux. ""
https://fr.m.wikipedia.org/wiki/Le_Petit_Prince


Chưa dám nói đến " HUỆ NHÃN " của Phật học .
http://kienthuc.net.vn/giai-ma/nang-luc-khai-mo-hue-nhan-cua-dai-su-tay-tang-325003.html



Ai ơi đừng nói " Nước vô Tình "
Vết hằn tuy xoá, vết đau chưa liền !
Xưa kia sông Hát * không dài,
Vết " Trưng " Nữ kiệt khắc hoài sử xanh !

* : Hát giang


cuốc sĩ
2016-11-21

sôngthương
11-22-2016, 12:10 AM
Làm sao mà lành được ! Nó thành vết sẹo lồi lõm , gồ ghề , xấu xí .

Dạ, đúng vậy đó anh , rách bươm hay gồ ghề xấu xí, thì cũng đều là sẹo ...

sôngthương
11-22-2016, 12:12 AM
:z57:

Theo tôi,

Vết thẹo trên nước đuợc hình thành từ lúc :

1- TA MUỐN CHÉM. ( ý tưởng )
2- TA VUNG TAY ĐẾN KHI KIẾM CHẠM MẶT NƯỚC. ( hành động )
3- Hình ảnh ta thấy được trên mặt nước và âm thanh tạo ra khi kiếm chạm mặt nước đã là hai dấu vết hiện hữu.
4- Hình ảnh của một kiếm sĩ vung gươm đã phản chiếu trên mặt " gương nước " kia, trôi xa về biển rộng, kiếm sĩ không chạy theo...lôi kéo cái bóng của mình lại được.
5- Ta không thấy vết thẹo hằn sâu nhưng " nước, cỏ cây, chim, cá và ong bướm đã thấy "

Mỗi lời nói, hành động ta thoát ra từ cơ thể luôn tạo một âm thanh, một hình ảnh IN
trong không gian, vượt thời gian và " LOANG RA XA NHƯ MỘT LÀN SÓNG NHẤP NHÔ TỪ CỘI ".
Cái âm thanh của kiếm trong gió và trên nước, trước khi vang xa, nó đã lọt vào tai kiếm sĩ trước ai hết, não bộ sẽ ghi lại.


" La vibration et l'onde choc " = sự rung động và chấn động sẽ biến thành một hay nhiều sóng hiệu mang tần số cao và thấp như sóng truyền tin, radio...(tiếng trống, chuông, mõ cầu kinh, hồi chuông xóm đạo...)

Có đôi khi, phải " THẤY " bằng một cách khác :
Phải " THẤY " bằng TIM, những căn bản đơn thuần thì " Vô hình " dưới mắt.

Antoine de Saint-Exupéry có viết trong cuốn " Le Petit Prince " :
..."" Il faut voir avec le cœur, l'essentiel est invisible par les yeux. ""
https://fr.m.wikipedia.org/wiki/Le_Petit_Prince


Chưa dám nói đến " HUỆ NHÃN " của Phật học .
http://kienthuc.net.vn/giai-ma/nang-luc-khai-mo-hue-nhan-cua-dai-su-tay-tang-325003.html



Ai ơi đừng nói " Nước vô Tình "
Vết hằn tuy xoá, vết đau chưa liền !
Xưa kia sông Hát * không dài,
Vết " Trưng " Nữ kiệt khắc hoài sử xanh !

* : Hát giang

cuốc sĩ
2016-11-21


Dạ, cảm ơn Cuocsi đã góp ý kiến về nhiều khía cạnh nhé. :z57:

St chưa hiểu về kiếm pháp, tần sóng, hay Huệ nhãn, lịch sử thì biết chút chút thôi nên không dám lạm bàn . Hoàng Tử Bé thì St vẫn phải đọc tới đọc lui để ngẫm nghĩ mỗi khi có dịp đến thăm một tinh cầu lạ, gặp những người lạ lạ mà không thể « nhìn » bằng mắt . Riêng với chuyện trên , đọc xong, St nhớ ngay câu rất ngắn này « khi lòng tốt chưa bị thương »

cuocsi
11-23-2016, 01:52 AM
Chào bạn Sông thương,

Cuocsi là thành viên mới của diễn đàn, vô đây đọc và học được nhiều điều hay, ý đẹp
Nhân dịp này cũng muốn góp phần mình, những buồn vui riêng, những băn khoăn về vận nước,
đọc bài trang Kiếm đạo thấy Sông thương đã chia sẽ nhiều bài hay và làm suy nghĩ, giúp cho
mở rộng kiến thức, nên cuocsi thấy cũng nên ghi lại một chút gì bằng thiện tâm, một hình thức
biết ơn với căn nhà mình đến viếng.

Trong câu trả lời của Sông thương trên đây được khởi đầu với lời cám ơn kèm theo bông hồng và chấm dứt với câu :
" ... đọc xong, st nhớ ngay tới câu rất ngắn này "" khi lòng tốt chưa bị tổn thương ""
Câu kết này đươc bỏ lửng như vậy làm cho tôi có chút băn khoăn, không hiểu ý của St muốn nói gì ?
Trực tính cho thấy mình đã có gì sai quấy qua sự đóng góp đường đột chưa được chủ nhà cho phép ?
Hay vì mình đang " múa riều " đang " dạy đời " ?
câu này của St cũng làm suy nghĩ : " ...gặp những người lạ lạ mà không thể nhìn bằng mắt "
Qua những ghi nhận trên đây, cuocsi mong đón nghe St giúp để hiểu rỏ hơn, tránh sự ngộ nhận về phần mình
và cũng giúp cho các chuyến thăm viếng khác ( nếu có thì giờ ) sẽ là niềm vui, là sự thoải mái sau những giờ làm việc.

Mong rằng những yêu cầu này sẽ được đón nhận theo chiều hướng tốt đẹp, xây dựng.
Chúc St ngày vui.

cuocsi

sôngthương
11-23-2016, 06:31 PM
:z57:

Theo tôi,
Vết thẹo trên nước đuợc hình thành từ lúc :

1- TA MUỐN CHÉM. ( ý tưởng )
2- TA VUNG TAY ĐẾN KHI KIẾM CHẠM MẶT NƯỚC. ( hành động )
3- Hình ảnh ta thấy được trên mặt nước và âm thanh tạo ra khi kiếm chạm mặt nước đã là hai dấu vết hiện hữu.
4- Hình ảnh của một kiếm sĩ vung gươm đã phản chiếu trên mặt " gương nước " kia, trôi xa về biển rộng, kiếm sĩ không chạy theo...lôi kéo cái bóng của mình lại được.
5- Ta không thấy vết thẹo hằn sâu nhưng " nước, cỏ cây, chim, cá và ong bướm đã thấy "

1/Phần này St hiểu là Cuocsi muốn nói đến kiếm pháp

-------------
Mỗi lời nói, hành động ta thoát ra từ cơ thể luôn tạo một âm thanh, một hình ảnh IN
trong không gian, vượt thời gian và " LOANG RA XA NHƯ MỘT LÀN SÓNG NHẤP NHÔ TỪ CỘI ".
Cái âm thanh của kiếm trong gió và trên nước, trước khi vang xa, nó đã lọt vào tai kiếm sĩ trước ai hết, não bộ sẽ ghi lại.


" La vibration et l'onde choc " = sự rung động và chấn động sẽ biến thành một hay nhiều sóng hiệu mang tần số cao và thấp như sóng truyền tin, radio...(tiếng trống, chuông, mõ cầu kinh, hồi chuông xóm đạo...)

2/Phần này St hiều là Cuocsi muốn nói đến sóng truyền và rung động

------------
Có đôi khi, phải " THẤY " bằng một cách khác :
Phải " THẤY " bằng TIM, những căn bản đơn thuần thì " Vô hình " dưới mắt.


Antoine de Saint-Exupéry có viết trong cuốn " Le Petit Prince " :
..."" Il faut voir avec le cœur, l'essentiel est invisible par les yeux. ""
https://fr.m.wikipedia.org/wiki/Le_Petit_Prince

3/Phần này St hiều là Cuocsi muốn nói đến câu trên trong truyện Hoàng Tử Bé

------------------

Chưa dám nói đến " HUỆ NHÃN " của Phật học .
http://kienthuc.net.vn/giai-ma/nang-luc-khai-mo-hue-nhan-cua-dai-su-tay-tang-325003.html

4/Phần này St hiều là Cuocsi muốn nói đến "Huệ Nhãn"

--------------------


Ai ơi đừng nói " Nước vô Tình "
Vết hằn tuy xoá, vết đau chưa liền !
Xưa kia sông Hát * không dài,
Vết " Trưng " Nữ kiệt khắc hoài sử xanh !

* : Hát giang
5/Phần này St hiểu là Cuocsi muốn nói đến lịch sử




cuốc sĩ
2016-11-21


Để St giải thích lại nhé
Chúng ta đang trao đổi về chuyện Sẹo của nước ,

St tách phần góp ý của Cuocsi ra để dễ cắt nghĩa (St dùng màu tím)

Phần 1,2,4 St không am hiểu nên không dám bàn
Phân 5 : St chỉ hiểu chút chút
Phần 3: St có đọc truyện Hoàng Tử Bé



đọc " Khi lòng tốt chưa bị tổn thương "
Chào bạn Sông thương,

Cuocsi là thành viên mới của diễn đàn, vô đây đọc và học được nhiều điều hay, ý đẹp
Nhân dịp này cũng muốn góp phần mình, những buồn vui riêng, những băn khoăn về vận nước,
đọc bài trang Kiếm đạo thấy Sông thương đã chia sẽ nhiều bài hay và làm suy nghĩ, giúp cho
mở rộng kiến thức, nên cuocsi thấy cũng nên ghi lại một chút gì bằng thiện tâm, một hình thức
biết ơn với căn nhà mình đến viếng.

Trong câu trả lời của Sông thương trên đây được khởi đầu với lời cám ơn kèm theo bông hồng và chấm dứt với câu :

2/" ... đọc xong, st nhớ ngay tới câu rất ngắn này "" khi lòng tốt chưa bị tổn thương ""

Câu kết này đươc bỏ lửng như vậy làm cho tôi có chút băn khoăn, không hiểu ý của St muốn nói gì ?
Trực tính cho thấy mình đã có gì sai quấy qua sự đóng góp đường đột chưa được chủ nhà cho phép ?
Hay vì mình đang " múa riều " đang " dạy đời " ?

1/câu này của St cũng làm suy nghĩ : " ...gặp những người lạ lạ mà không thể nhìn bằng mắt "
Qua những ghi nhận trên đây, cuocsi mong đón nghe St giúp để hiểu rỏ hơn, tránh sự ngộ nhận về phần mình

và cũng giúp cho các chuyến thăm viếng khác ( nếu có thì giờ ) sẽ là niềm vui, là sự thoải mái sau những giờ làm việc.

Mong rằng những yêu cầu này sẽ được đón nhận theo chiều hướng tốt đẹp, xây dựng.
Chúc St ngày vui.

cuocsi



Trở về câu hỏi của Cuocsi (post #30 )

St xin phép đặt số 1, 2 vào để dễ giải thích nhé

1/câu này của St cũng làm suy nghĩ : " ...gặp những người lạ lạ mà không thể nhìn bằng mắt "
Qua những ghi nhận trên đây, cuocsi mong đón nghe St giúp để hiểu rỏ hơn, tránh sự ngộ nhận về phần mình



Do Cuocsi đã đề cập tới chuyện Hoàng Tử Bé (phần 3, phần mà St biết vài điều )



Cuosi đã trích dẫn câu này ..."" Il faut voir avec le cœur, l'essentiel est invisible par les yeux. "" nên St trả lời : Hoàng Tử Bé thì St vẫn phải đọc tới đọc lui để ngẫm nghĩ mỗi khi có dịp đến thăm một tinh cầu lạ, gặp những người lạ lạ mà không thể « nhìn » bằng mắt , là để bàn về trích dẫn của Cuocsi, trích dẫn ấy nói đến một cách nhìn khác được đặt trong câu đó.

Và vì rất nhiều câu trong chuyện Hoàng Tử Bé tuy đã đọc vài lần, vẫn luôn khiến St phải ngẫm nghĩ


2/" ... đọc xong, st nhớ ngay tới câu rất ngắn này "" khi lòng tốt chưa bị tổn thương ""

Trọn vẹn câu trả lời của St là
Riêng với chuyện trên , đọc xong, St nhớ ngay câu rất ngắn này « khi lòng tốt chưa bị thương »

Chúng ta đang nói về « sẹo của nước », mà nguyên nhân của những cái sẹo đó chỉ là vì lòng tốt bị thương. Nếu lòng tốt của chàng trai tên Chơn chưa từng bị thương, thì Chơn đâu phải mang trong lòng những cái sẹo nát nhàu đó .

Chỉ giản dị là vậy thôi Cuocsi ạ , vì chúng ta đang bàn về nội dung câu chuyện liên quan đến lòng tốt trước khi và sau khi bị thương mà . Nên khi Cuocsi bỏ đi câu « riêng với chuyện trên… » , là cách hiểu đã có thể khác đi .
.
Nếu sau này có những ý kiến của Cuocsi về những điều St không am hiểu, cho phép St bỏ qua (thí dụ như phần 1,2,4 ở trên) , chỉ bàn về những gì St biết chút chút , vào vấn đề đang trao đổi , như vậy sẽ không có sự ngộ nhận Cuocsi nhé .

Cảm ơn Cuocsi đã kiên nhẫn đọc những gì St giải thích :z57:

sôngthương
12-02-2016, 03:38 AM
https://www.youtube.com/watch?v=_zwh9dPyidA

sôngthương
12-02-2016, 03:39 AM
https://www.youtube.com/watch?v=Cjq50t_-JFo

sôngthương
12-08-2016, 10:56 PM
Bên mảng tường mơ .



Có những sáng thứ bảy, tôi lặng người trước những bức tranh trên mảng tường nơi chân cầu thang bệnh viện ung bướu. Những bức tranh mang mơ ước khát khao của các em nhỏ nơi đây. Đối với nhiều người, đó chỉ là những sinh hoạt quá đỗi dễ dàng, quen thuộc, nhưng với các em, để làm được điều đó, cần đến một phép mầu...

Những câu nói ngây thơ khiến tôi quặn lòng. “Chị bị xương hả? Em bị mắt!”. Và những chuyến xe đưa các em về trong đêm sao mà đau xót đến vậy.

Đó là những câu chuyện thực, tôi sẻ chia với những ai đã trải...

Nguyễn Ngọc Hoài Nam


http://static.new.tuoitre.vn/tto/i/s626/2016/12/01/1b7ecfe7.jpg
(




(Nô đùa - bức tranh của bệnh nhi Nguyễn Hoàng Nam, 15 tuổi, đã mất năm 2015 (vẽ tặng chương trình “Ước mơ của Thúy”)









TTCT - Lần đầu Nhiên gặp cô bé lúc đi xét nghiệm. Cô bé nhỏ thó, ngồi như nấp sau gầm cầu thang tối, đầu trụi lủi không một sợi tóc, y hệt những đứa trẻ khác ở đây.

Gương mặt cô bé méo xệch, một bên mắt phồng to. Nhiên giật mình hoảng sợ ngay khi vừa trông thấy, liền vội nép vào vai ba.
Mấy hôm sau đi xét nghiệm về, Nhiên lại giật mình khi trông thấy cô bé. Giật mình, nhưng Nhiên vẫn tò mò. Cô bé ngồi một mình, trống trải, mặt quay vào bức tường gần sát cầu thang, tay vẽ màu nguệch ngoạc chăm chú say mê, không để ý gì đến vạt nắng nghiêng trưa từ ngoài sân bệnh viện hắt vào chỗ ngồi.

Những hình vẽ Nhiên không nhìn thấy rõ. Khi cô bé bất chợt quay sang trông thấy Nhiên liền nhoẻn miệng cười. Nụ cười nửa e dè làm quen, nửa tươi tắn hiền hậu, khiến Nhiên dù vẫn để ý đến con mắt to của cô bé nhưng đã vơi bớt cái sờ sợ ám ảnh từ những ngày hôm trước. Dù vậy, Nhiên vẫn chưa dám cười đáp lại mà theo ba đi thẳng về phòng.

Những câu hỏi thắc mắc cứ nảy nở trong đầu Nhiên. Những cái đầu trọc lốc. Những gương mặt biến dạng. Những cục u, vết mổ chằng chịt. Biết bao hình ảnh lạ lẫm của những bạn nhỏ nơi đây khiến Nhiên trải qua thật nhiều cảm xúc. Sốc. Giật mình. Ngạc nhiên. Sợ hãi. Thắc mắc. Tò mò.

Vậy mà từ bữa vào bệnh viện đến giờ, ba má vẫn chưa lần nào trả lời những câu hỏi của Nhiên cho thật đầy đủ, cặn kẽ. Ba má đang buồn vì cái chân đau của Nhiên, Nhiên biết. Nhưng chỉ đau cái chân thôi, có gì nghiêm trọng đâu, sao má lại buồn đến mức hở chút là bụm miệng mếu máo khóc vậy.

Nhưng lặng im hóa đá như ba còn nặng nề khổ sở hơn. Nhiên có cảm tưởng ba má đang che giấu điều gì đó. Không được giải đáp, Nhiên cứ bứt rứt khó chịu, không còn cái vẻ nhanh nhẹn hoạt bát mọi khi.

Đến tối, một lần nữa Nhiên lại lấy hết can đảm nói với ba:
- Ba, con hỏi này chút nha.
- Chuyện gì con?
- Ba hứa trả lời nha.

Ngập ngừng một lát, ba khẽ gật đầu:
- Ừm, con nói đi.
- Cái bạn lúc trưa nay ngồi ở cầu thang, ba có thấy không?
- Có, ba có thấy.
- Sao bạn ấy có con mắt to vậy ba?

Ba nhìn Nhiên một lát mới trả lời:
- Chắc bạn ấy bị té nên mắt bị sưng lên.
- Vậy hả ba. Rồi... bạn ấy có hết không ba?
- Bác sĩ sẽ chữa cho bạn ấy hết sưng mà con.
- Giống chân con bị sưng, cũng chữa hết luôn hả ba?

Ba nghẹn giọng:
- Đúng rồi con...
Nhiên định hỏi thêm, chợt nghe tiếng má mếu máo khóc ở góc giường nên im lặng không dám nói tiếp. Nhưng chỉ một lát, như sực nhớ điều gì, Nhiên lại hỏi:
- Ba, bạn đó cười với con, vậy con cười lại với bạn đó được không?
- Được chứ con - ba gật đầu.
- Dạ.

Ngày chủ nhật cuối tuần nên bác sĩ không tới khám. Nhiên dậy trễ hơn mọi bữa. Đã gần tuần lễ cả nhà Nhiên dọn vào ở trong bệnh viện, cũng vì cái đầu gối bỗng nhiên đau và sưng to của Nhiên. Mẹ nghỉ phép. Còn ba đi làm cũng không thể yên được, tranh thủ giờ rảnh lại chạy vào bóp chân xoa nắn cho con gái.

Chưa kể các cô chú cậu dì hai bên nội ngoại, bạn của ba má lo lắng hốt hoảng, hỏi han hoài không hết. Mỗi hốt hoảng lo lắng lại kèm theo một phần quà thăm bệnh, như thể là cách để động viên san sẻ phần nào. Giờ quà xếp quanh giường bệnh của Nhiên đã cao chất ngất, trong ánh mắt thèm thuồng của bọn nhỏ cùng phòng.

Bệnh viện đã cho Nhiên làm nhiều xét nghiệm. Đã tìm thấy một khối u ngay đầu gối. Nhưng xét nghiệm quan trọng nhất để biết khối u lành hay ác thì vẫn phải đợi chờ kết quả. Đợi chờ trong sợ hãi lo âu. Đợi chờ trong cầu xin hi vọng. Đợi chờ trong căng thẳng tột cùng.
Cả nhà ai cũng chờ, trừ Nhiên. Nhiên có hiểu gì nỗi đợi chờ thấp thỏm ấy đâu. Nên Nhiên chỉ cảm thấy hình như mỗi ngày một đau hơn, đi lại khó khăn hơn, và vì thế cần phải nhõng nhẽo nhiều hơn.

Nằm mãi một chỗ trên giường chơi iPad cũng chán, Nhiên xin ba má cho đi loanh quanh bên ngoài. Chiều ý, ba dìu Nhiên đi.
Đến sảnh cầu thang, Nhiên lại gặp cô bé có con mắt to đang ngồi dưới nền nhà vẽ lên tường. Lần này Nhiên không còn giật mình như những ngày trước.

Có thể vì Nhiên đã thấy quen, và cũng có thể vì cô bé đã kịp nở nụ cười thân thiện với Nhiên ngay khi Nhiên xuất hiện. Nhiên khẽ cười đáp lại, có chút ngại ngùng, rồi cà nhắc bước tới gần. Ba Nhiên để con chơi với bạn, ra ngồi ghế đá ngoài sân bệnh viện nhìn vào.
- Chị bị xương hả? - cô bé nhìn cái chân đi cà nhắc của Nhiên hỏi.
- Bị xương... là sao?
- Là bị ung thư xương chứ sao. Giống anh Nhân này nè - cô bé chỉ tay vào một hình vẽ ở góc tường. Hình vẽ cầu thủ bóng đá thật đẹp, đang chuẩn bị tung cú sút.
- Ai vẽ vậy em?
- Em vẽ tặng anh Nhân đó. Anh Nhân mê đá banh lắm, nghe đâu được chọn vào đội bóng thiếu niên của thành phố, mà ảnh lại bị xương, rồi bị cưa chân. Bị xương như chị đó.

Nhiên giật mình:
- Không, không đâu. Chị chỉ đau cái đầu gối chút xíu thôi. Ba chị nói chị sắp khỏi rồi. Sắp về nhà rồi.
- À, vậy hả chị. Vui hen.
Cô bé lại chăm chú vào những hình vẽ mới trên tường. Một thoáng im lặng giữa hai người. Nhiên trầm ngâm nghĩ ngợi, rồi như sực nhớ điều gì, cất tiếng quan tâm:
- Em nè. Em bị té nên mắt sưng to vậy hả?

Cô bé ngừng tay, nhướng con mắt quả cam đang ươn ướt đầy ghèn nhìn Nhiên:
- Em bị mắt.
- Bị mắt... là sao?
- Là bị mắt đó chị. Con mắt này... - cô bé chỉ tay vào con mắt to - Nó không thấy gì hết. Bác sĩ nói tuần sau mổ lấy nó ra, và chữa cho em con mắt này - cô bé hồn nhiên chỉ tay vào con mắt còn lại.

Nhiên lặng người. Những điều cô bé nói không giống với giải thích của ba hôm qua. Nhiên không hiểu “bị xương” hay “bị mắt” là sao, nhưng rõ ràng đó là bệnh nặng, rất nặng. Chân sẽ phải cưa cụt đi. Mắt sẽ không còn nhìn thấy.

Ở tuổi mười ba, Nhiên đã đủ lớn để nhận thấy một nỗi sợ hãi đang nảy nở và lan dần. Giờ Nhiên mới hiểu ra vì sao ba buồn rầu ủ rũ, và má mếu máo khóc mỗi khi Nhiên thắc mắc về bệnh của mình.

- Em thích vẽ lắm, hôm tết vừa rồi em có tranh được triển lãm ở nhà thiếu nhi đó chị. Bác sĩ nói sẽ chữa con mắt này cho em để nhìn thấy đường mà vẽ - cô bé nở nụ cười tươi.
- Ừ, em vẽ đẹp thiệt - Nhiên buột miệng khen, dù trong đầu vẫn lởn vởn những ý nghĩ về căn bệnh của mình.
- Anh Tùng vẽ mới đẹp. Bữa triển lãm tranh, anh Tùng được giấy khen hạng nhất. Nhưng bữa đó ảnh vô thuốc, mệt xụi lơ nên không đi được. Ảnh nằm trong phòng khóc quá trời.
- Vô thuốc là sao? Mà ảnh bị gì em?
- Vô thuốc chỗ này nè chị - cô bé chỉ vào cái ven đã được đặt sẵn ở cổ tay - Vô thuốc mệt lắm, bỏ ăn luôn. Ảnh cũng bị mắt. Bị luôn hai mắt...
- Bị vậy... sao ảnh vẽ được nữa...
- Ảnh mê vẽ mà, sao bỏ được. Mấy anh chị lớn vẫn chỉ cho ảnh vẽ. Ảnh vẽ cái này nè chị, vẽ lúc hổng còn thấy gì, trước khi ảnh về nhà...
Cô bé chỉ tay vào hình vẽ trên cao. Hình vẽ có mấy bụi hoa vàng, ông mặt trời tỏa nắng, ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, một cậu bé đứng trước giá vẽ trên thảm cỏ xanh rì. Nhiên bỗng cảm thấy xúc động.
- Ảnh khỏe rồi về nhà hả em?
- Không đâu chị... - cô bé chùng giọng xuống - Anh Nhân cũng về nhà lâu rồi. Mấy ảnh toàn về lúc nửa đêm, tụi em ngủ không hay gì hết.

Nhiên thấy khó hiểu, nhưng cũng không hỏi thêm. Quá nhiều điều bí ẩn ở đây, trong bệnh viện này. Nhiên lảng qua chuyện khác.
- Em học lớp mấy rồi?
- Em chuẩn bị học lớp sáu thì bị bệnh phải vào đây. Nếu không giờ em lên lớp bảy rồi.

Ngừng một lát, cô bé nói tiếp:
- Em mê đi học lắm. Lên cấp hai đi học được mặc váy, đẹp ơi là đẹp mà em chưa được mặc lần nào. Ở đây lâu lâu em lại mặc váy xách cặp đi lòng vòng ngoài sân bệnh viện cho đỡ ghiền. Hi hi... - cô bé bật cười nhìn Nhiên như phân bua cho hành động “đỡ ghiền” của mình.

Nhiên mỉm cười theo, chia sẻ.
- Em đang vẽ gì vậy?
- Em vẽ cái bánh và quà sinh nhật. Hôm qua coi tivi thấy phim chiếu cảnh sinh nhật mà em thích quá. Ước gì em được vậy.
- Sinh nhật em ngày nào?
- Em không biết nữa chị.

Nhiên nhìn quanh, cả mảng tường đầy màu sắc của những hình vẽ, cũ có mới có.
- Mấy hình ở đây của em hết hả?
- Dạ gần hết. Có mấy cái của tụi nhỏ nữa. Tụi nó cũng khoái vẽ lắm.
- Hèn gì cái đầu thì tròn quay, mấy trái tim thì lung tung, méo xệch.
- Thì tụi nó có biết vẽ gì đâu chị, chỉ biết vẽ mấy trái tim bay tùm lum. Còn mấy cái đầu tròn quay thì phải rồi. Vô thuốc riết rụng hết tóc, đứa nào cũng láng o hết à.

Bất giác Nhiên đưa tay lên đầu vuốt mái tóc đen mượt của mình. Cô bé vẫn say sưa kể:
- Cái này là nhà em ở dưới quê. Ba em, mẹ em và em bé mới sinh. Em vẫn chưa biết mặt em của em nữa.
- Vậy ai ở đây với em?
- Dì Út. Chứ ba đi làm hồ rồi, còn mẹ ở nhà chăm em bé.
- Ba mẹ hay vào thăm em không?
- Lát nữa ba vào đó chị. Cuối tuần là ba thăm em.

Cô bé chỉ một hình vẽ khác:
- Còn cái này em vẽ bé Vân, đeo bông tai cười toe toét.
- Đôi bông tai đẹp hen - Nhiên như bị cuốn vào những hình vẽ.
- Dạ. Em ước gì có cái bông tai đó thiệt ngoài đời để em cho bé Vân.
- Bé Vân thích bông tai hả em?

- Nó có rồi chị. Mà mẹ Vân hết tiền, tháo bông tai Vân đi bán để mua thuốc. Nó không nói gì nhưng buồn lắm. Từ bữa đó nó nằm một chỗ quay mặt vào tường chẳng ra ngoài chơi nữa. Đến bữa bệnh nặng rồi về nhà luôn...

Nhiên lại lặng người, nhớ đến hộp đựng quà trên bàn học ở nhà, trong đó có cả chục đôi bông tai, đủ kiểu đủ loại của các cô dì ba má tặng những dịp vui. Nhiên là con một, và lại là đứa cháu duy nhất, được nuông chiều chăm bẵm, nên những món quà đó cứ hiển nhiên đến như một điều bình thường, như cơm ăn áo mặc hằng ngày, không có gì quý giá cả.

Chưa bao giờ Nhiên hình dung một đôi bông tai lại như niềm ước mơ khao khát, mang đến niềm vui hay tạo ra nỗi buồn.

Cô bé vẫn liến thoắng:
- Còn cái này em tự vẽ em nè chị. Hai con mắt tròn đẹp không?

Nhiên nhìn hình vẽ cô bé vừa chỉ. Bé gái có hai bím tóc, miệng cười thật duyên, và đôi mắt to tròn tinh nghịch. Cô bé vẽ chính mình, đã không còn con mắt sưng to, đã không còn cơn đau bệnh, không còn nỗi sợ không nhìn thấy đường để tiếp tục vẽ. Một hình vẽ giản đơn mà Nhiên vẫn thường thấy ở bất cứ đâu, của bất cứ ai.

Nhưng tại đây, trên bức tường trong một góc nhỏ nơi sảnh cầu thang bệnh viện này, giữa cái nắng ngọt vàng của buổi sớm mai, hình vẽ ấy lại mang cả một niềm mơ ước hồn nhiên cháy bỏng của cô bé, của biết bao bạn nhỏ. Nhiên nhìn sang cô bé, vừa lúc cô bé quay lại phía Nhiên. Cả hai cùng mỉm cười, thân thiết.
- Chị vẽ không?
- Thôi chị vẽ xấu lắm. Em vẽ tiếp đi.

Bàn tay cô bé nhanh nhẹn đưa lên hạ xuống, qua phải qua trái như con thoi nhảy múa trên mảng tường. Những màu sắc, những hình ảnh dần hiện. Một chiếc bánh sinh nhật, một hàng nến thắp, một con gấu bông. Buổi tiệc sinh nhật giản dị đã được vẽ lên, trên mảng tường sơn vôi cũ kỹ.
Vẽ xong, cô bé nghiêng đầu hài lòng ngắm nghía lại bức tranh của mình, trong ánh nhìn đã thôi không còn nhiều ngỡ ngàng khó hiểu của Nhiên.

Một lát, cô bé nhướng con mắt sưng to nhìn Nhiên. Con mắt bỗng như biết cười.
- Giờ em vẽ chị nha. Vẽ chị có đôi chân dài thiệt đẹp đứng cạnh em...

Buổi tối trước khi ngủ, Nhiên khẽ nói với ba:
- Ba, con biết con bị bệnh gì rồi...

Ba lặng thinh nhìn Nhiên. Má bụm miệng mếu máo...

Sáng thứ hai, bác sĩ mời ba lên văn phòng khoa. Má ngồi trong góc phòng chắp tay lần chuỗi hạt, lầm bầm khấn vái cầu xin. Nhiên mở iPad chơi cùng mấy em nhỏ, chốc chốc lại ngước nhìn đồng hồ treo nơi cửa ra vào.

Mấy đứa nhỏ đầu láng o, thích thú vây quanh màn hình iPad, chỉ trỏ trầm trồ. Có đứa đang truyền nước biển cũng cố chen vào, tay giơ ra ngoài, bình nước biển lủng lẳng trên tay người mẹ đứng với theo. Nhìn những đứa nhỏ vui, Nhiên cũng nguôi bớt hồi hộp.

Chừng nửa tiếng ba về. Chỉ nửa tiếng nhưng như dài sâu thăm thẳm. Cả phòng đồng loạt ngước nhìn ra ngoài khi thấy ba xuất hiện nơi khung cửa.

Ba chẳng nói gì, đi một mạch tới chỗ Nhiên, ôm Nhiên thật chặt vào lòng, bật khóc. Má giằng lấy tờ giấy thông báo kết quả xét nghiệm trên tay ba, đọc ngấu nghiến, rồi mếu máo với mọi người đang vây quanh:
- U sụn... u lành...

Cả phòng vỡ òa tiếng reo vui. Hình như lâu lắm rồi, rất lâu, rất hiếm mới có được không khí này nơi đây. Niềm vui của ba má Nhiên đã trở thành niềm vui chung của mọi người, của cả những đứa trẻ gầy gò đầu láng o da đen sạm đang chụm đầu khoái trá vào chiếc iPad ở giữa phòng.

Nhiên hiểu tiếng bật khóc của ba, tiếng mếu máo của má cùng những reo vui của mọi người lúc này. Vậy là đầu tóc Nhiên sẽ không trụi lủi. Đôi chân Nhiên sẽ không mất đi. Nhiên chợt nghĩ đến cô bé có con mắt biến dạng với những hình vẽ gửi gắm niềm mơ trên mảng tường cầu thang cũ kỹ.

Niềm mơ không chỉ cho riêng mình mà còn cho tất cả mọi người. Niềm vui chợt đến, bất ngờ, khi Nhiên đã hiểu được bệnh tình nơi đây, hiểu được những mất mát sẽ tới với mình như đã tới với các bạn nhỏ. Nhiên vui. Nhiên định mỉm cười, nhưng rồi lại bật khóc.

Sáng nay Nhiên được bác sĩ cho về nhà. Khối u sụn đầu gối đã được xếp lịch để cắt bỏ tại một bệnh viện khác. Chân đi còn khập khiễng cà nhắc, nhưng sẽ lành, sẽ đẹp. Bác sĩ cười trấn an Nhiên như thế.

Nhiên ôm con gấu bông to nhất trong đống quà được tặng tìm cô bé có con mắt to. Những món quà còn lại đã được Nhiên chia hết cho các bạn nhỏ, và nhìn thấy các bạn nhỏ nở nụ cười hạnh phúc, reo vui “hu ra”.

Những nụ cười và tiếng reo vui khiến Nhiên lâng lâng trong lòng. Chỉ còn con gấu bông to và đẹp nhất, Nhiên muốn tặng cho cô bé, món quà sinh nhật trên mảng tường mơ dù có thể không đúng ngày.

Sảnh cầu thang vắng hoe làm Nhiên ngạc nhiên hết sức, vì sáng nào cô bé cũng ngồi ở đấy, vẽ những niềm mơ giản dị cho Nhiên xem. Ba đưa Nhiên vào từng phòng tìm, đến phòng gần cuối hành lang mới biết cô bé đã được đưa đi mổ khối u mắt từ sớm.

Ca mổ cho niềm mơ đôi mắt tròn xoe tinh nghịch, cho niềm mơ ánh sáng để được vẽ của cô bé. Nhiên lặng người, gửi lại món quà nhờ chuyển cho cô bạn nhỏ, lòng thầm cầu xin.

Đi qua sảnh cầu thang, Nhiên dừng lại trước những hình vẽ đầy màu sắc, những niềm mơ ước giản dị mà khao khát thiết tha. Những mái đầu tròn quay trọc lốc nắm tay nhau giữa tùm lum trái tim méo xệch. Anh Tùng họa sĩ đứng trước giá vẽ trên bãi cỏ xanh rì.

Anh Nhân cầu thủ đang rê dắt bóng và tung cú sút dũng mãnh. Bé Vân đeo đôi bông tai lấp lánh. Buổi tiệc sinh nhật cùng con gấu bông vui tính hiền lành. Lớp học có cô giáo và những chiếc váy xanh. Gương mặt cô bé tròn xoe đôi mắt. Và Nhiên bên cạnh, đôi chân thon dài...

Nhiên cúi xuống, nhặt những vụn màu rơi rớt dưới chân tường, vẽ thêm những trái tim quanh hình vẽ hai chị em. Những trái tim tròn đầy, yêu dấu.■

Nguyễn Ngọc Hoài Nam


http://cuoituan.tuoitre.vn/tin/van-hoa-nghe-thuat/truyen-ngan/20161205/truyen-ngan-ben-mang-tuong-mo/1228450.html

sôngthương
12-15-2016, 08:53 PM
Yes, there is a Santa ClausNăm 1897, một cô bé 8 tuổi gửi thư lên tờ The New York Sun hỏi "Ông già Noel có thực không". Không ngờ bức thư phúc đáp trở nên nổi tiếng, hơn 100 năm qua được kể lại mỗi mùa Giáng sinh.
Những ngày cận kề Giáng sinh năm nay, cư dân mạng tiếp tục lan truyền bài xã luận Yes, Virginia, there is a Santa Claus, đăng ngày 21/9/1897 trên tờ The New York Sun.

Hầu hết mọi đứa trẻ đến mùa Giáng sinh đều hoài nghi liệu Ông già Noel có thực không. Gần 120 năm trước, cô bé Virginia O'Hanlon, 8 tuổi ở Manhattan (New York, Mỹ) cũng có câu hỏi tương tự với bố mình. Thay vì trả lời, bố Virginia đã gợi ý con gửi thư cho tờ The Sun, tờ báo nổi tiếng ở New York vào thời điểm đó.

Cô bé viết: "Xin chào quý báo. Cháu 8 tuổi. Một số bạn của cháu nói rằng Ông già Noel không có thực. Bố cháu thì bảo nên hỏi The Sun. Xin hãy cho cháu biết sự thật: Có Ông già Noel không?".

Biên tập viên Francis Pharcellus đã viết một bức thư trả lời cô bé, đồng thời đăng câu chuyện này lên số báo ngày 21/9/1897. Nội dung bức thư trả lời: “Virginia, các bạn cháu nói không đúng. Những người như họ luôn hoài nghi mọi thứ. Họ chỉ tin vào những gì họ tận mắt nhìn thấy và hiểu được, mặc dù trí óc của họ nhỏ bé biết bao. Virginia à, trí tuệ của con người, dù là người lớn hay trẻ em, tất cả đều nhỏ bé. Trong vũ trụ vĩ đại mà chúng ta đang sống, nếu ta hình dung chân lý rộng lớn như là một không gian bao la thì kiến thức của con người chỉ nhỏ nhoi bằng một con kiến mà thôi.

Đúng thế, Virginia, ông già Noel có thực. Ông có thực cũng như tình yêu và lòng quảng đại luôn hiện diện quanh ta, nhờ đó mà cuộc sống của chúng ta được vui tươi và hạnh phúc. Nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta ảm đạm biết bao. Nếu không có những em bé như cháu thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Khi đó cuộc sống sẽ chẳng có những tâm hồn trẻ thơ, chẳng có thi ca, chẳng có lãng mạn. Con người chỉ là những cỗ máy khô khan. Ánh sáng niềm tin và hy vọng của trẻ em trên khắp thế giới cũng sẽ tiêu tan.

Nếu không tin có ông già Noel, cháu cũng sẽ chẳng tin vào những chuyện thần tiên. Cháu có thể nói với bố nhờ người canh cửa trong đêm Giáng sinh để bắt gặp bằng được ông già Noel, nhưng ngay cả nếu như không gặp được ông đi chăng nữa thì cũng đâu chứng minh được điều gì? Chưa ai tận mắt gặp ông già Noel bằng xương bằng thịt cả nhưng điều đó không có nghĩa là ông già Noel không có thực. Những điều chân thực nhất trong thế giới chúng ta là những điều mà trẻ em và người lớn đều không thể thấy được. Cháu có bao giờ nhìn thấy các nàng tiên nhảy múa trên thảm cỏ chưa? Dĩ nhiên có thể là chưa nhưng đó đâu phải là bằng chứng để cho rằng không có chuyện đó.

Không ai có thể hiểu và tưởng tượng được những điều kỳ diệu mà họ chưa từng thấy và không thể thấy được trong thế giới của chúng ta. Cháu có thể dễ dàng đập vỡ một cái lúc lắc để tìm xem cái gì kêu lách cách bên trong, nhưng trên đời này có một thế giới kỳ diệu được bao phủ bởi một bức màn kiên cố mà không một sức mạnh nào của thế gian có thể xuyên qua được. Chỉ có bằng niềm tin và tình yêu chúng ta mới vén được bức màn và cảm nhận được vẻ đẹp lộng lẫy huy hoàng bên trong. Những chuyện đó có thực không? Virginia à, đó là điều chân thực nhất trên thế gian này.

Ông già Noel không có thực ư? Nhờ Chúa, ông vẫn sống và sẽ sống mãi. Hàng nghìn năm sau Virginia à, mà không phải, hàng trăm nghìn năm sau, ông vẫn sẽ tiếp tục mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những tâm hồn trẻ thơ trên khắp hành tinh này. Chúc cháu Giáng sinh hạnh phúc".







http://m.f13.img.vnecdn.net/2014/12/24/vn2-9139-1419396948.jpg








Bức thư của biên tập viên Francis Pharcellus Church là hành trang theo suốt cuộc đời Virginia. Trọn đời bà đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục và trẻ em tật nguyền.




Những thông điệp từ bài báo đã tác động đến hàng triệu người đọc. Hơn một thế kỷ sau nó vẫn được giữ nguyên, được đăng tải trên các tờ báo, sách vở ra hàng chục ngôn ngữ, phim ảnh, tem, áp phích...

Tại thành phố New York, một đài truyền hình đã kể lại những câu chuyện mỗi dịp Giáng sinh trong suốt 30 năm qua. Tờ The Sun đã đăng tải câu chuyện mỗi mùa Giáng sinh suốt từ năm ra đời đến khi tờ báo đình bản năm 1950. Ngày 21/9/1997, kỷ niệm 100 năm thành lập, báo The New York Times đã xuất bản một bài viết phân tích về sức hấp dẫn lâu dài của bức thư "Yes, there is a Santa Claus".

Biên tập viên Francis Pharcellus Church là một cây bút bình luận kỳ cựu của báo. Ông viết bức thư này khi 57 tuổi và qua đời năm 1906, ở tuổi 66. Còn Virginia O’Hanlon đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục và trẻ tật nguyền. Bà mất năm 1971, ở tuổi 81 và đã mang lá thư phúc đáp của ông Church suốt cuộc đời mình.

Phan Dương (theo nysun)


http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/buc-thu-ve-ong-gia-noel-van-lay-dong-con-tim-sau-hon-mot-the-ky-3124975.html

sôngthương
12-15-2016, 09:05 PM
Chuyện của những ông già Noel


Câu chuyện buồn nhất của một ông già Noel

Ông già Noel không chỉ gắn liền với niềm vui và những câu chuyện thần tiên của mùa Giáng sinh…

Ông cụ Eric Schmitt-Matzen (60 tuổi) mỗi năm đều vào vai ông già Noel trong khoảng 80 sự kiện diễn ra vào dịp cuối năm, nhưng có một câu chuyện khiến ông sẽ vĩnh viễn không bao giờ quên, đó là lần ông tới thăm một cậu bé đang sống trong những ngày cuối đời ở một bệnh viện nằm ở bang Tennessee, Mỹ.

Ông Eric vốn là một kỹ sư điện máy, ngoài ra, ông còn nhận lời đóng vai ông già Noel sau giờ làm việc vào mỗi dịp cuối năm, cách đây một tháng, khi ông vừa đi làm về thì nhận được một cuộc gọi khẩn từ bệnh viện. Một nữ y tá làm việc tại bệnh viện, nơi ông thường nhận lời tới thăm các bệnh nhi, cần sự giúp đỡ của ông ngay lập tức.


https://dantri4.vcmedia.vn/7a7517334e/2016/12/13/19-1481602493071.jpg

Có một cậu bé 5 tuổi bệnh nặng cần được gặp ông già Noel khẩn cấp và thời gian còn lại của cậu bé chỉ được tính bằng giờ. Ông Eric vội vã lao tới bệnh viện và có mặt sau 15 phút. Mẹ của cậu bé đã chuẩn bị sẵn một món đồ chơi và đưa cho ông.

Cảm nhận được sự nghiêm trọng của tình huống, ông Eric đề nghị: “Nếu mọi người nghĩ sẽ không thể kìm nén được, vậy xin đừng có mặt trong phòng. Nếu thấy mọi người khóc, tôi cũng sẽ khóc và không làm tốt phần việc của mình”.

Ông Eric bước vào phòng và gặp cậu bé. Em đang nằm trên giường bệnh, nhỏ bé và yếu đuối như thể đã sẵn sàng để chìm vào một giấc ngủ sâu: “Này cháu bé, ta nghe người ta nói rằng cháu sắp bỏ lỡ dịp Giáng sinh này… Không bao giờ lại có chuyện như vậy. Tại sao ư? Tại vì cháu chính là tiểu quỷ số một của ta”.
Ông Eric tặng cho cậu bé món quà mà mẹ cậu đã chuẩn bị từ trước trong sự ngỡ ngàng sung sướng của cậu bé…

Ông Eric Schmitt-Matzen thường vào vai ông già Noel vào mỗi dịp cuối năm. Ông thường đưa theo cả vợ mình để vào vai… bà già Noel. Trong hàng trăm lần nhập vai, có một câu chuyện xảy ra trong bệnh viện khiến ông vĩnh viễn không thể quên.
Cậu bé sau đó đã có một câu hỏi lớn dành cho ông già Noel: “Cháu sắp ra đi. Vậy cháu sẽ đi tới đâu hả ông?”. Câu hỏi khiến ông Eric bối rối nhưng vẫn kịp thời xoay xở: “Khi tới nơi, cháu sẽ biết ngay thôi, cháu chỉ cần nói rằng mình là tiểu quỷ số một của ông già Noel, và họ sẽ để cháu bước vào ngôi nhà của ta”.

Cậu bé sung sướng ôm lấy ông già Noel và dành cho ông một câu hỏi cuối cùng: “Ông già Noel, ông có thể giúp cháu khỏi bệnh không?”. Đó chính là những âm thanh cuối cùng cậu bé cất lên trong cuộc đời này. Ông Eric ôm cậu bé trong vòng tay và trước khi ông kịp nghĩ ra câu trả lời thì cậu bé đã qua đời ngay trong vòng tay ông.

Dù đã vào vai ông già Noel cả trăm lần qua mỗi mùa Giáng sinh nhưng câu chuyện này thực sự gây chấn động đối với nội tâm ông Eric.
“Tôi ngước nhìn lên trần nhà và nước mắt đã đầm đìa trên gương mặt. Tôi ôm cậu bé trong tay một lúc. Khi gia đình cậu bé ùa cả vào phòng với những tiếc nức nở, tôi trả cậu bé lại cho mẹ của cậu và cố gắng rời đi càng nhanh càng tốt. Trên đường lái xe về nhà, tôi không thể ngừng khóc… Nhiều ngày sau đó, tôi vẫn không thể thoát ra khỏi câu chuyện buồn”, ông Eric cho biết.
Câu chuyện tính đến nay đã xảy ra được hơn một tháng và ông Eric đã có lúc quyết định sẽ vĩnh viễn bỏ lại bộ đồ ông già Noel.

Thế rồi khi ông ngồi ở nhà và nhớ những nụ cười trẻ thơ mỗi khi ông xuất hiện, ông Eric hiểu rằng tại sao ông không được phép đầu hàng những cảm xúc buồn bã này. Trong vòng 6 năm qua, ông Eric đã có 4 lần đến bên giường bệnh của người đang hấp hối trong bộ đồ ông già Noel để giúp họ hoàn tất những tâm nguyện cuối cùng trong cuộc đời.

Có một lần khi ông được mời tới thăm một cô bé đang bệnh nặng, khi ông vừa bước vào ngưỡng cửa phòng bệnh, tất cả các chuông báo tình trạng khẩn cấp vang lên khiến ông tưởng như sự xuất hiện của mình đã làm hại cô bé, nhưng tất cả chỉ bởi em bé 9 tuổi đã quá xúc động khi nhìn thấy ông và các chỉ số liền bị rối loạn.

Sau những trải nghiệm của mình, ông Eric hiểu rằng những em bé lâm bệnh nặng thường thất vọng vì không kịp trải qua Giáng sinh, không được nhận thêm quà của ông già Noel, hơn là buồn bã vì phải đối diện với tử thần…

Để vào vai ông già Noel, ông Eric phải chăm sóc rất kỹ lưỡng cho bộ râu dài của mình. Dù vậy, một thực tế phải chấp nhận trong công việc này, đó là trẻ nhỏ thường muốn… giựt râu ông: “Sau mỗi mùa Giáng sinh, bộ râu của tôi thường khá te tua. Vợ tôi thường nói đùa rằng tôi chăm sóc bộ râu của mình còn cầu kỳ hơn cả bà ấy chăm sóc mái tóc”.

Ngay cả khi ông Eric không mặc bộ trang phục ông già Noel, thì bộ râu trắng của ông vẫn khiến ông thu hút sự chú ý mỗi khi đi ra ngoài: “Bộ râu này đưa lại cho tôi những cuộc chuyện trò thú vị”. Ông Eric cũng thường không nề hà mỗi khi có trẻ nhỏ nhờ bố mẹ hỏi giúp xem liệu các em có thể chụp hình với “ông già Noel mặc thường phục đang bước đi trên phố” kia không.
“Những đứa trẻ bước đi trên phố và vẫy tay chào ông già Noel. Thật tuyệt vời khi bạn có thể mang tới niềm vui cho mọi người quanh năm, không riêng gì dịp Giáng sinh”, ông Eric tâm sự về nghề nghiệp làm thêm đặc biệt của mình.

Bích Ngọc
Theo Huffington Post/Daily Mail


http://dantri.com.vn/van-hoa/cau-chuyen-buon-nhat-cua-mot-ong-gia-noel-20161213120013286.htm


---------------------------------------------------------------



Vai diễn đầu đời

TTCT “Ông sẽ đến” - người nghệ sĩ già nói lớn trong lúc hai giọt nước mắt của ông lăn dài. Ông hình dung căn phòng trắng toát lạnh lẽo của khu xạ trị tràn ngập những đóa hoa. Các cháu đón ông già Noel với nụ cười xinh. Và ông, người kịch sĩ chuyên đóng vai phản diện, lần này sẽ sắm một vai khác hẳn...


Sau những ngày vỡ hoang, tập thoại rồi lên sàn ứng tác hành động, hôm nay là buổi tập then chốt khó nhất của một vở kịch gọi là phá cách. Trong đó có cảnh độc thoại của nhân vật chính, một vai phản diện có xung đột nội tâm.

Lúc nào nhà hát chưa có khán giả thì nó có vẻ rộng hơn, ví von như lon thịt hộp trống không, ngược lại cũng có lúc vẫn chính không gian đó lại thu hẹp, tù túng, chật chội. Lần này chỉ một người đàn ông đứng trên sân khấu, ông ta có giọng nói tốt, vang vang cho tới tận bức tường cuối căn phòng: “Kịch là giả, kịch vốn là giả, chính vì giả cho nên gọi là... kịch. Nghịch lý thay càng diễn tự nhiên, cố làm ra vẻ tự nhiên lại càng giả, càng kịch. Càng sáng tạo thì than ơi lại càng tối tạo bấy nhiêu. Bản thân tôi không thích xem kịch nhưng tôi là đạo diễn kịch, thế mới lạ, hay là... nhiều khi cả tôi cuối cùng cũng giả nốt”.

Người vừa nói không phải là diễn viên sắm vai nhân vật chính, mà là nhà đạo diễn nổi tiếng lập dị, còn diễn viên kịch thật sẽ đóng vai phản diện kia lại ngồi dưới hàng ghế dành cho khán giả. Ông ta có khuôn mặt khá tối, ngồi im như bức tượng sáp, cũng nổi tiếng không kém gì đạo diễn. Do ngang cơ cho nên buổi tập cứ dừng lại và rồi trở thành cuộc tranh luận mà lý lẽ chẳng hề nghiêng về ai. Ông diễn viên này nói ít, kiệm lời, tiết chế các động tác ngoài đời và cả trong vở kịch; thuộc dạng bẩm sinh ích kỷ sợ hao chút calori vốn đã khiêm tốn của mình. Lúc nào ông cũng hình như ngồi, chỉ ngồi và cứ ngồi yên, rất thụ động.

Ông đạo diễn nói về mình, về kịch chừng như không tôn trọng cho lắm cái nghề mà chính ông yêu thích nhất. Ông diễn viên có khác nhưng vẫn là bi quan, nói nhỏ nhẹ gần như thở dài: “Ông khoa trương không khác con lân nghe tiếng trống. Tôi thì không thích múa lân lẫn đám đông, không thích ai nhìn tôi và nói cái con khỉ gì với tôi. Nhưng rồi suốt đời tôi, tôi phải đứng trước đám đông, khó có đêm nào khỏi bị người ta nhìn ngắm.

Cũng lạ, tôi đã nói trơn tuột nhiều lời không hề là của tôi nghĩ ra, diễn biết bao nhiêu vai không nhớ nổi. Cho dù tôi nhập quá nhiều vai, cho dù là tôi thành công với các vai đó, nào là tướng cướp, chính khách, nhà bác học, tên trùm sex tour hoàn lương... trong tôi vẫn mong đợi một vai đầu đời, chính mình nói lời của mình, để khóc cười với nó”. Ông đạo diễn phá lên cười: “Làm sao có một vở không có người viết kịch bản sẵn? Ông lại muốn có một cuộc cách mạng mới về cái giả à, về kịch à?”.

Cả hai vị nghệ sĩ trông dễ thương ngộ nghĩnh. Đạo diễn lập dị có vài sợi râu màu cỏ úa, bề bộn bận bịu thu nạp mọi thứ vào thân người còm cõi của ông. Nào là áo thun màu cỏ úa, áo gilê nhiều túi cũng màu cỏ úa, quần nhiều túi lớn nhỏ, với đôi giày khủng bố và cái nón lưỡi trai đội lệch cũng là màu cỏ úa. Ngay chính khuôn mặt nhiều nếp nhăn và đôi mắt u buồn ẩn khuất sau khói thuốc lá cũng đã úa tàn. Một người theo nghề đạo diễn lâu tới nỗi ông còn khó biết mình nghĩ gì, làm gì khi dàn dựng miếng mảng cũ, cảnh trí cũ, lời thoại cũng cũ. Kể cả sáng tạo có lúc lóe lên, lại cũng sáo mòn.

Người diễn viên kịch nổi tiếng kia, ngược lại với ông bạn đồng nghiệp, tước bỏ tất tần tật những gì có trên người ông ta, may là chưa cởi truồng. Cái áo hờ hững cho có, áo không có túi nào, quần cũng vậy, ông không hề mang giày, chỉ có mỗi đôi dép lê, một buổi chuồn nhanh ra khỏi nhà hát chân ông xỏ lộn dép của người khác, nhìn không khác chi con cá da trơn.

Ông không có chỗ nào cất bao thuốc lá hay bật lửa, nếu như ông có nó. Tuy vậy ông lại là cây đa cây đề trong làng sân khấu kịch nói. Ông diễn như không diễn, tiếng nói sân khấu khi trầm khi bổng, có rất nhiều khán giả hâm mộ. Ông nói: “Tôi trở thành một thợ diễn từ lúc nào không hay và không cưỡng lại được”. May thay hằng ngày có một ít người hay mơ về những điều mới hơn.

Người diễn viên gạo cội này muốn nói chính lời của mình, ông khắc biết chuyện đó đã diễn ra từ rất... khuya, khi xưa trên sân khấu tuồng, đạo diễn chỉ nói với diễn viên về cái sườn tuồng, còn thì các nghệ sĩ ra sân khấu ứng diễn nói lời của mình. Người xưa gọi là hát cương. Thỉnh thoảng ngày nay cũng có diễn viên nói chen lời của mình, nếu là diễn viên giỏi, nhưng số người có tài như vậy không nhiều.

Chia tay như thường lệ, đạo diễn đi uống bia, ông diễn viên ra quán uống trà đá. Chính ra ông cũng có chiếc điện thoại di động bèo nhèo. Và lúc này thì tiếng chuông reo, ông nói: “Dạ tôi nghe”; bên kia: “Chú có đọc tin về một cô bé chết vì ung thư xương chưa?”. “À tháng trước đoàn kịch tập liên tục và rồi có nhiều chuyến lưu diễn xa nên chú chưa đọc tin này”. “Thưa chú, tụi cháu có một chương trình giao lưu và phát quà cho các cháu bị bệnh ung thư vào ngày Noel tại bệnh viện ung bướu... Chú ơi chú có nghe không?”. “Tôi vẫn nghe đây”.

Bên kia: “Một cô bé bị ung thư xương qua đời có nguyện vọng sau cùng là mời cho được chú đóng vai ông già Noel phát quà, rồi diễn kịch vui cho các cháu bị ung thư xem”. “Nhưng... sao không mời người khác, tôi thường đóng các vai phản diện, mặt mày tâm địa khó chịu, theo tôi biết thì thánh Nicolas lại là một ông già nhân từ...”. “Cháu hiểu chú, nhưng cô bé đó có xem nhiều vai diễn khác của chú trên sân khấu kịch, cả trên truyền hình nữa, nói chú có một cặp mắt buồn, không thiếu trắc ẩn nhân hậu. Chú ơi, chúng cháu dự trù sẽ tổ chức buổi giao lưu sớm hơn dự định, bởi vì các cháu bé cũng lần hồi... không còn nhiều...”. “Sao?”. “Mỗi ngày hay mỗi tuần đều có một vài em qua đời, có em còn chưa thấy ông già Noel lần nào...”. “Sao sao...”. “Cháu xin cái hẹn gặp chú để chú đọc những lá thư các cháu bệnh ung thư gởi cho ông già Noel”.

“Tôi sẽ làm những gì?”. “Đầu tiên chú sẽ hóa trang để không có cháu nhỏ nào nhận ra chú là một kịch sĩ nổi tiếng, việc đó chính là giữ nguyên các ấn tượng thân thương của các cháu với ông già Noel. Thứ nữa là chú vốn kiệm lời, cháu tin chú sẽ hiểu lời nói nào của chính chú làm vui lòng các đứa trẻ tội nghiệp này”. “Kể cả những món quà phải đúng địa chỉ của từng cháu nhỏ nhé cháu, người ta hay sơ suất trong tổ chức biểu diễn lắm, đừng nói tới chấm điểm thi ca nhạc hay phát giải thưởng điện ảnh, chú sợ có bé bị sốc khi trong lòng nó mơ một con búp bê hiền lành mà khi nhận lại là món khác”.

“Cám ơn chú đã góp ý chu đáo, quả là có những trường hợp tréo ngoe như vậy. Thưa chú, như vậy là chú đã nhận lời”. “Chẳng những nhận lời mà có lẽ đây là một vai diễn đầu đời của tôi, vai diễn mà một kẻ buồn hiu mặt lạnh như tôi phải diễn sao cho những người u buồn hơn cả tôi cười vui. Vai diễn mà tôi nói chính lời nói của trái tim mình. Tôi hình dung ra một gian phòng buồn nản với các khán giả chờ chết, tôi phải làm gì với số thời gian ít ỏi của các cháu và cả chính tôi. Chúng tôi sẽ cười như cô bé có nguyện vọng mời tôi đã cười”.

Và rồi sáng hôm sau, trong một căn phòng thật rộng, ông già diễn viên khoác bộ trang phục của thánh Nicolas. Cái nón vải màu đỏ có cái ngù trắng như tuyết, chiếc áo thụng với đai nịt bụng, độn thêm cái gối lớn, quần chẽn và đôi ủng đi tuyết cao, trông ông lùn tịt và buồn cười không khác chi trái banh, nếu như quả banh thật sự là buồn cười. Tay ông cầm cái chuông bằng đồng lắc nhẹ, từ đó phát ra tiếng leng keng vui tai. Ông diễn viên kịch 64 tuổi ngồi xuống chiếc ghế dài đọc những lá thư của các bệnh nhi ung thư, từ bệnh viện gởi tới cho ông.

Kính gởi ông già Nôen

Con, bệnh nhân Nguyễn Thị Kim Cương, 11 tuổi, cầu nguyện gởi ông già Nôen. Xin Chúa và ông già Nôen ban phước lành cho con mau lành bệnh và có sức khỏe để chống lại căn bệnh hiểm nghèo này. Con xin ông già Nôen phù hộ cho con trúng số để con có tiền trị bệnh cho con, cho cha mẹ con bớt khổ, trong lúc này con muốn sống và đi học như các bạn khác...
Ngày 7-12-2007


Kính gởi ông già Nôen.

Năm ngoái con được gặp ông già Nôen ở bệnh viện. Con rất vui. Con muốn lại được chơi đùa với ông. Con đã khá rồi, con ước lớn lên sẽ làm ca sĩ. Con chúc ông già Nôen vui, khỏe, để năm nào cũng đi phát quà cho các bạn nhỏ. Con là Huỳnh Tiến Đạt, 7 tuổi.
Dạ con xin tặng ông già Nôen một nụ cười

Bé Thái Bảo Trân, quê ở Bà Điểm, Hóc Môn.


Con là An Khang,

Ông già Noel ơi, Noel năm nay con muốn được vui chơi cùng bạn bè. Con muốn ông mang đến cho chúng con một phép mầu. Làm sao cho tất cả chúng con đều hết bệnh để chúng con được về quê. Con chúc ông già Noel sức khỏe để mang đến phép mầu cho chúng con.


Phòng số 1.

Kính gửi ông già Noel. Con tên Nguyễn Hồng Sơn, 9 tuổi. Con bị ung thư máu. Đã lâu lắm rồi con mơ về ông như một ông tiên có nhiều phép màu thật kỳ diệu. Sắp tới ngày Noel rồi, con biết sẽ gặp được ông, và lúc đó con chỉ xin ông một điều ước. Ông có biết điều ước đó là gì không? Con ước được mau chóng mạnh khỏe, được tới trường đi học và vui đùa cùng các bạn với một cơ thể khỏe mạnh. Không biết ông có đến thăm con không? Con rất mong được gặp ông để kể cho ông nghe về căn bệnh của con. Về nỗi buồn và niềm vui con đã có cùng các bạn có hoàn cảnh như con. Lần cuối vì con không biết con có còn ở trên đời này một vài hôm nữa để nói chuyện của con không. Cuối thư con chúc ông già Noel và mọi người thật mạnh khoẻ. Dù con mong điều đó đến với con từng ngày từng phút mà chắc là cũng không được. Một đêm Giáng sinh vui vẻ ông nhé. Ông có đến với chúng con không?

“Ông sẽ đến” - người nghệ sĩ già nói lớn trong lúc hai giọt nước mắt của ông lăn dài xuống đôi má hóp. Ông hình dung căn phòng trắng toát lạnh lẽo trước kia của khu xạ trị. Trong ngày hội lớn của các cháu bệnh ung thư, những người lớn sẽ sơn nó một màu xanh ngát như bầu trời. Rồi cả không gian đó tràn ngập những đóa hoa. Các cháu đón ông già Noel với nụ cười xinh. Và ông, người kịch sĩ chuyên đóng vai phản diện, lần này sẽ sắm một vai khác hẳn, một vai mới tinh trong suốt cuộc đời sân khấu của ông.

MẠC CAN
(Nguồn : TTCT )

sôngthương
01-23-2017, 09:16 PM
ĐƯỜNG VỀ NẺO THIỀN (http://hkzanh.vnweblogs.com/post/4184/379962)


Sớm nào cũng vậy, hễ sư thầy đánh thức điệu Sanh dậy để đi học là điệu lại làm biếng. Mùa thu ở miền cao này mỗi buổi tối hơi đá phả ra, đến tận lúc trời sáng ai cũng thèm trùm chăn ngủ thêm chút nữa. Điệu Sanh mắt ngái ngủ, cứ nằm ì ra. Có khi thầy phải xốc lấy hai nách điệu kéo ra khỏi mùng màn. Sanh khóa chéo hai chân lại, ưỡn thẳng người, gân cơ căng cứng, cố ý đừng để ai lôi mình dậy.

Thầy vừa bồng điệu Sanh, vừa nhỏ nhẹ:
- Dậy thôi con. Sáng trợt sáng trời rồi.
Rồi thầy bế hẳn Sanh xuống khỏi giường. Khi hai chân điệu vừa chạm đất là thầy thốt lên “ui, xịch”.
Hôm ấy là ngày tựu trường nên thầy đánh thức điệu Sanh dậy sớm hơn mọi ngày. Miễn cho điệu ấy việc tụng kinh đầu ngày. Thầy chỉ cử mấy hồi chuông rồi đi rửa mặt mày tay chân cho điệu Sanh. Lát sau Sanh đã tỉnh hẳn, quay sang nói với thầy:
- Lát thầy dẫn con đến trường nghe thầy.
- Ừ, thầy đưa con tới cổng thôi.

Điểm tâm sáng xong, thầy lấy ra bộ áo quần lam mới. Bộ áo quần này do chị bán vải ở chợ tặng cho điệu Sanh nhân ngày chú ấy nhập học. Sanh mặc áo quần vào, ngửi mùi vải thơm, tự dưng thèm đến trường. Thầy lấy chiếc mũ xà cút tứ ân màu xanh lá mạ đội lên đầu Sanh. Ngắm nghía chú tiểu của mình. Trông cũng hay hay. Lần đầu tiên Sanh mới đội mũ chóp tứ ân nên điệu thấy hơi cấn cái, cứ ngúc ngoắc đầu rồi hỏi thầy sao gọi nó là mũ tứ ân. Thầy nói tứ ân là bốn ân lớn cần đặt lên trên đầu. Thứ nhất là ân cha mẹ, thứ hai ân thầy cô bạn bè, thứ ba ân quốc gia xã hội, và ân tam bảo nữa là thứ tư.

Thầy khoác lên vai điệu Sanh chiếc túi xách may bằng vải lam bên trong đựng ba quyển vở với cây bút.
- Chà, ra dáng học trò thư sinh dữ nghe. Gắng học con. Đến trường có bạn bè chơi vui lắm, nhưng đừng hoang nghịch. Đến trường phải nghe lời thầy cô.
Sanh dạ, rồi hai thầy trò cùng men theo con đường mòn tới trường.

Sanh không đi học lớp vỡ lòng, nhưng từ lúc vào chùa sư thầy đã dạy cho điệu toàn bộ bảng chữ cái. Nhờ vậy nên mới tới trường chưa đầy một tháng, Sanh đã ghép chữ đánh vần được. Vì thế điệu rất thích đọc, hễ gặp bất cứ nơi đâu có hình thù chữ cái là điệu dừng lại đọc cho bằng được mới chịu đi. Hôm đi học về, ngang qua một quán nhỏ nằm bên chân núi, Sanh đọc biển gỗ nhỏ màu xanh treo nơi thân cây. Bảng chữ hai câu xếp theo hai hàng. Hàng trên màu vàng ghi chữ: “Quán nhậu bình dân”. Phía dưới ghi: “Chùa cách 100 mét”, chữ màu trắng nhỏ hơn.

Tấm biển này mới đóng lên cách đây mấy hôm. Đang mùa vu lan, biết khách thập phương tụ về chùa đông, đường về chùa lại khó tìm nên chủ quán đề thêm cái dòng chữ chỉ dẫn phía dưới. Có người khen chủ quán cũng có tấm lòng. Nhưng lại có người bảo như thế chẳng qua là một cách câu khách. Đa phần người lên chùa đều cố giương mắt tìm một vài chỉ dẫn. Và cứ thấy biển chữ là người ta đọc xem có phải hướng dẫn không. Nhưng đập vào mắt người ta dòng chữ quán nhậu trước tiên, to và rõ hơn dòng chữ hướng dẫn lên chùa. Vài người nói ra nói vào làm vậy không có được. Thà không chỉ dẫn còn hơn là chỉ dẫn thiếu nhã nhặn.

Đường lên núi đã khó, leo dốc từ dưới kia lên đây đã mệt, chỉ mong tới được chùa. Dẫu còn một trăm mét thôi nhưng giữa hai dòng chữ ấy, giữa hai lối ấy, một lên chùa, hai đi vào quán, thời ai cũng muốn ghé vào nghỉ chân chút. Đàn bà mệt uống nước, nhưng đàn ông khát cứ thèm ngụm bia cho khỏe. Trừ số ít người mặc áo lam đến chùa, còn phần nhiều cánh đàn ông khi vào chùa đều đã có mùi men.

Điệu Sanh nói với thầy:
- Hôm bữa có một bác đến chùa ôm lấy con mà mùi bia rượu nồng nặc. Tại cái quán kia bán đồ nhậu đó thầy.
Thầy cũng biết điều đó, nhưng cấm người ta sao được. Thầy chỉ quản lý được ngôi chùa nhỏ này và khuôn viên chừng một mẫu đất, dưới kia là của người ta rồi. Mà đường về nẻo thiền thì dài và trắc trở, người ta mệt muốn nghỉ ai dám cấm. Đường về nẻo thiền của thầy và các chú tiểu cũng còn dài và trắc trở, chính thầy cũng đâu có dám tin tưởng mình đi trọn vẹn và thông tâm được. Bằng chứng là mỗi cuối tuần thầy đều cho điệu Sanh ăn một bữa mặn ở cái quán ấy. Điệu Sanh còn nhỏ, cần có chút mặn mòi để lớn. Thế có khi thầy cũng duồng theo người ta rồi chứ chẳng chơi. Chao ôi, cùng trên một tấm biển mà có hai lối đi. Chay và mặn, đạo và đời, tịnh và phàm sao gần nhau quá.

Một hôm, điệu Sanh về muộn hơn thường ngày. Cái tính mải chơi ham vui của điệu ấy khiến cho sư thầy lo lắng. Thầy bảo điệu Năng đi tìm coi điệu Sanh ở đâu. Năng lớn hơn Sanh hai tuổi, tính tình lại ôn hòa nhẹ nhàng và biết nghe lời nên thầy nhủ cái là Năng đi ngay. Năng cũng thương Sanh như em ruột, nên nếu thầy lo cho Sanh mười phần thì Năng cũng lo cho sư đệ sáu bảy. Điệu Năng rảo bước lần theo đường về dưới phố, vừa đi vừa niệm chú Quán Thế Âm để cầu mong không có điều gì bất trắc xảy ra với sư đệ.

Đến ngang quán nhậu, mùi thơm thịt hầm đã xốc ngay vào mũi. Nước bọt cứ ứa ra chèn lấy cổ họng Năng khiến điệu không thể niệm chú được nữa. Bước chân cũng nhấc chậm lại, nặng nề hơn. Điệu Năng thấy túi vải của Sanh móc ở cổng nên an tâm chắc sư đệ đang ở đây. Năng bước đến nép tựa vào gốc cây nhìn. Điệu Sanh đang ngồi trong bàn ăn. Chễm chệ như bao thực khách khác. Trước mặt là tô bún bò bốc khói ngậy. Điệu Năng nhớ sư thầy dặn rằng, trời đánh tránh bữa ăn. Đừng quấy rầy lúc người ta đang ăn mà mắc tội. Thế nên điệu cứ đứng ngoài đợi cho Sanh ăn xong bước ra chứ không gọi.

Điệu Sanh ăn xong, cảm giác khoái khẩu vẫn còn. Một xíu lá hành xanh còn dính bên mép môi. Năng đưa tay quệt đi cho sư đệ. Sanh hỏi:
- Huynh tới lâu chưa, sao không vào ăn cùng em?
- À, cũng mới. Tui không được phép Sanh ạ. Về thôi. Thầy mong.
Đi một chặng, điệu Sanh quay sang nói với Năng:
- Hôm nào huynh lén đi ăn mặn với em nghe.

Điệu Năng không nói gì. Có vẻ cũng thèm đấy, nhưng ngay lập tức phải loại trừ ham muốn ấy đi. Thầy dặn rồi, cái gì có mầm nguy hiểm đừng nên tiến hành, ý nghĩ nào phạm giới nên ngưng ngay. Năng nói:
- Hôm nay chưa cuối tuần sao Sanh ăn mặn vậy. Sư thầy quở chết.
- Hì, tại em đói quá. Sáng nay giờ ra chơi chạy nhảy nhiều mau đói. Mà thầy không nạt em đâu.
Hai chú tiểu về đến chùa. Sư thầy đã ngồi bên mâm cơm chờ ăn cùng. Thấy đệ tử, thầy hỏi:
- Sao đi học về muộn thế con. Lại ham chơi đẩu đâu đúng không?
Năng đỡ lời cho sư đệ:
- Điệu Sanh mải hái hoa thôi thầy ạ!
Hai chú tiểu cùng vào mâm cơm. Sanh thò đũa chọn một vài hạt đậu lạc ướp xì dầu rồi thôi.
- Sao ăn kỳ vậy con? – Thầy hỏi.
Sanh nhanh nhảu đáp:
- Dạ, lúc nãy con ghé vào “quán nhậu bình dân chùa cách một trăm mét” ăn bún bò rồi thầy.

Năng nghẹn đi. Thế là điệu Sanh nói thật rồi. Mất công Năng nói đỡ cho điệu Sanh.

Sau bữa cơm, thầy trách khéo điệu Năng:
- Hôm nay con vừa phạm hai lỗi. Thứ nhất là nói dối thầy. Thứ hai là bao biện cho sư đệ. Như thế là không nên. Đừng có ủng hộ cho cái sai của người khác con ạ. Làm vậy là mình cũng sai theo.

Đêm trăng non, thứ ánh trăng mong mỏng khiến sư thầy thích uống trà. Dù biết rằng buổi tối mà uống trà là khó ngủ. Hai chú tiểu đang ngồi học bài trong tịnh thất. Thầy nhẹ nhàng đi lấy nước sôi, tự tay pha một ấm nhà nhạt rồi bưng ra đặt nơi chiếc bàn kê đầu hiên. Có lần, điệu Năng buổi tối ra ngồi ở chiếc bàn này ngắm trăng, vẻ nhơ nhớ một điều gì đấy. Cái cảnh trăng đêm dễ khiến người ta thèm bầu bạn, thèm tự do và nhớ một chốn nào đó xa xôi. Bữa ấy thầy biết Năng thèm về với đời, nhưng quê ở đâu mà về, điệu Năng bị bỏ rơi trước cửa chùa từ khi đỏ hỏn. Sau lần đó thầy cố ý không cho các đệ tử ngồi ngắm trăng đêm nữa, sợ những phút giây xao lòng làm lệch lạc chí hướng tu tập. Thế mà đêm nay thầy ngồi ngắm trăng và uống trà.

Cái biển gỗ treo ở quán nước gần chùa ám ảnh thầy. Dù chỉ mới nghe qua lời kể của điệu Sanh chứ thầy chưa tận mắt nhìn thấy. “Quán nhậu bình dân, chùa cách một trăm mét”. Gần quá. Buổi tối tiếng khách rôm rả dưới ấy thỉnh thoảng vẫn vang lên đây. Thiên thời địa lợi. Trời đẹp, quán nằm treo bên bìa rừng. Đối với người thích du hí thì không quản ngại chạy năm cây số đường đêm để tìm một chốn hữu tình.

Địa cơ ở đây tốt, chùa chắc sẽ nên thôi. Hồi sư thầy mới về gây dựng chùa đã có một cụ ông trong làng đến xem đất mà nói vậy. Nhưng ở đời cái chỗ tốt không chỉ riêng mình biết, cái miếng ngon đâu chỉ riêng mình dùng. Chốn đẹp có chùa thì cũng có dịch vụ quán xá nổi lên. Mấy cái quán bán nước cho khách nghỉ chân, bán nhang đèn cho người ta viếng Phật thì không nói làm chi. Đằng này tự dưng quán làm thêm dịch vụ nhậu nhẹt. Mà còn treo tấm biển lạ kỳ. Nhưng thầy không cấm được. Cõi người lắm tham sân. Nhiều khi vì miếng cơm manh áo buộc lòng người ta làm những điều mình cần, dầu biết việc ấy gây ảnh hưởng xấu đến người khác. Thầy cũng không buồn nhiều về chuyện đó, thầy chỉ lo cho các đệ tử của mình thôi. Trước đây đã có vài đệ tử bỏ thầy mà đi. Rời đạo về với đời. Thầy tự trách cái đức của mình ít, chỉ đủ để tu dưỡng cho bản thân chứ chưa nâng đỡ được nhiều đệ tử.

Hai chú tiểu vẫn đi học qua về con đường ấy. Chỉ một con đường dẫn từ chùa xuống núi để đến trường mà thôi. Điệu Sanh học buổi sáng, điệu Năng học buổi chiều. Cứ cuối buổi chiều, lúc Năng đi học về là quán thường có khách ngồi nhâm nhi. Đôi khi điệu Năng đi quá một đoạn rồi nhưng vì mùi thơm hành mỡ khiến điệu chững lại, đi chậm hơn. Cho đến khi nghe tiếng chuông chùa điệu mới rảo bước đi cho dứt được. Vài lần điệu Năng đi học về muộn hơn, sư thầy biết là điệu ấy bị cái mùi mặn mòi ngoài kia làm chậm bước chứ Năng chẳng ham chơi như điệu Sanh đâu. Thế nên canh chừng lúc điệu Năng gần về tới chùa là thầy thỉnh mấy tiếng chuông vọng ra.
*
Một hôm điệu Sanh hí hửng báo với thầy cái biển gỗ ở quán đã không còn nữa. Quán vẫn bán bình thường nhưng chỉ cất tấm biển đi thôi. Thầy ừ với điệu Sanh một tiếng. Rồi nghĩ, cái biển đã cất đi nhưng đường về nẻo thiền vẫn chỉ một lối ấy. Đường đạo đường đời chung nhau, dầu có chỉ dẫn hay không thì điều quan trọng là do người đi mà thôi.

Hôm khác đi học về, điệu Năng vẻ buồn buồn, mếu miệng nói với thầy:
- Thầy ơi con không đi đường ấy nữa đâu.
Sư thầy xoa vai Năng an ủi:
- Có một con đường ấy thôi con, chẳng thể còn lối nào khác. Đi cho khéo là được.

(Trích ”Cõng nhau trong một cõi người – Hoàng Công Danh)


"Đường đạo đường đời chung nhau, dầu có chỉ dẫn hay không thì điều quan trọng là do người đi mà thôi."

sôngthương
04-09-2017, 10:42 PM
Một chút anh hùng.


Những vật mới đến được treo ở hai cây đinh, nơi góc phòng, trong bóng tối.
Đêm vừa bắt đầu, một trong những vật lạ lên tiếng:
- Chào quý vị.
Chỉ có cụ Sách, ông Bàn, ông Cung cất tiếng chào lại. Những vật khác mải chú ý tới vụ cãi vã giữa những viên gạch nền nhà và hai anh Giầy. Họ gây nhau suốt từ chiều tới giờ. Mấy chú Gạch có vẻ công phẫn lắm:
- Trong tuần lễ này ngày nào hai anh Giầy cũng lôi bùn đất về, bọn tôi chịu gì nổi. Hai anh làm xấu mặt chúng tôi quá, các anh ra đường tưởng học được nhiều điều khôn ngoan lễ phép. Ngờ đâu càng ngày các anh càng bất lịch sự và làm phiền vật khác.
Hai anh Giầy không giữ được bình tĩnh. Một anh nói:
- Tôi xin nhắc lại với các chú gạch rằng: chúng tôi ra đường hoàn toàn vì bổn phận. Tháng này trời mưa đều đều làm sao chúng tôi giữ gìn được. Bị ướt sũng chúng tôi đâu có sung sướng gì.
Gạch nhao nhao hỏi:
- Sao trước khi đi lên mặt chúng tôi, hai anh không chịu tắm rửa sạch sẽ?
- Xin lỗi, chuyện đó các anh đi hỏi cậu bé. Cậu ấy lười biếng và cẩu thả thì chúng ta phải chịu tai hoạ như nhau cùng dơ dáy bẩn thỉu cả. Kêu ca nỗi gì.
Mấy chú Gạch hơi đuối lý. Một Giầy tấn công thêm:
- Vả lại, khi chúng tôi đem bùn với cát về thì chỉ khổ Chổi, xà phòng và giẻ lau nhà. Sáng mai thế nào các chú cũng được lau mặt thật sớm, việc chi mà làm ồn lên.
Một chú Gạch nói:
- Vật nào cũng có quyền bảo vệ cái mặt sạch sẽ của mình. Chỉ có họ nhà Giầy Dép các anh ưa nhảy vào tất cả những chỗ đầy bùn đất…
Một anh Giầy nổi giận:
- Đúng đấy, bởi vì chúng tôi được đi khắp nơi, cuộc đời không đến nỗi tê liệt, dính cứng một chỗ như bọn gạch.
Nghe câu đó, tất cả những chú gạch nền nhà đều khó chịu. Gạch trên tường cũng nhao nhao lên, phẫn nộ vì anh Giầy đã chỉ trích theo lối vơ đũa cả nắm, đụng chạm tới sự yếu kém của một tập thể.
Tất cả nhiếc mắng anh Giầy là vật nói năng hàm hồ, vô ý thức. Búa đinh đột nhiên đứng về phe Giầy, hắn nói một câu vô ý thức hơn:
- Tôi đồng ý với hai anh Giầy, tôi không khoái họ nhà gạch. Mỗi lần có dịp giúp một chú Đinh xuyên thủng tường tôi giúp hết sức mình. Tôi có thể đập đổ tường không khó khăn lắm. Các chú Gạch đừng tưởng nhầm là các chú vững vàng chắc chắn…
Một viên gạch già trên tường mỉa mai:
- Bác Búa ơi! Phá hoại thì dễ, xây dựng mới khó. Thế giới này được họ hàng nhà Búa đinh cai trị chắc đã biến thành sa mạc từ lâu.
Những vật tê liệt dính cứng một chỗ như nhà họ gạch đứng về phe các chú này. Trong khi đó bạn đinh nhỏ sẵn sàng bênh vực búa đinh.
Tình hình khá căng thẳng.


Vật lạ bỗng lên tiếng, giọng thật oai vệ:
- Yêu cầu quý vị đừng cãi nhau lộn xộn nữa. Hai anh Giầy đem bùn đất về phòng này là vì đã đi đón chúng tôi. Phòng này chật hẹp, mọi vật lại không hòa thuận. Tôi chê.
Phòng trở lại hoàn toàn yên tĩnh. Trước giọng nói lạ, câu nói hách dịch kia, hai anh Giầy, mấy chú Gạch kinh ngạc và hơi e ngại.
Vật lạ tiếp tục nói thật dõng dạc:
- Một căn phòng thiếu sự chỉ huy như căn phòng này không thể nào có hòa bình và tiến bộ được. Bắt đầu từ giờ phút này mọi vật phải hoàn toàn nghe lệnh tôi.
Vật lạ nằm trong vùng bóng tối. Giọng nói phát ra từ một nơi thiếu sáng sủa thường có vẻ bí hiểm đối với vài vật nhút nhát. Ngay đến chú Quay sừng hiếu động lần này cũng không dám nhúc nhích. Đèn Cầy và họ hàng nhà nến sửa soạn đem ánh sáng tới.
Từ ngày bác Đèn xếp hy sinh một cách kiêu hùng để cứu cụ Sách thì Nến và Đèn cầy hối hận luôn luôn túc trực ban đêm, không ngủ say nữa.
- Những vật gây rối như bọn Gạch đáng bị trừng phạt, hai anh Giầy cũng vậy. Tuy nhiên vì hai anh có công đi đón tôi về nên được ân xá.
Mấy chú Gạch có vẻ lo sợ. Chúng hướng về phía ông Cung và cụ Sách mong đợi một sự can thiệp. Hai vật này vẫn im lặng.
Chỉ có một mình ông Bàn bướng bỉnh lên tiếng hỏi lại vật lạ:
- Này anh bạn. Anh mới đến phòng này, anh là cái quái gì mà lên mặt dạy dỗ lại còn đòi chỉ huy bọn tôi?
Vật lạ dõng dạc đáp:
- Bởi vì tôi là một vị anh hùng. Không những thế, tôi đã làm cho chú bé biến thành một anh hùng.
Ông Bàn hơi ngẩn ngơ, tuy ông chưa hiểu gì. Vật lạ tiếp:
- Tôi lại có thể giúp cho bất cứ vật nào trong phòng này biến thành anh hùng tức khắc, nếu vật đó thích.
Đột ngột vật lạ ra lệnh:
- Bọn Nến đốt lửa lên để mọi vật được nhìn thấy ta.
Căn phòng sáng dần, bóng tối bỏ chạy. Ba vật được treo ở góc phòng hiện rõ ra là ba cái mặt nạ.
Chiếc mặt nạ đòi chỉ huy căn phòng này, quả thực, có khuôn mặt của một ông Tướng thời xưa. Đôi mắt tròn, lớn, hơi xếch, lông mày rậm. Trán có ba nếp nhăn, tai to dầy, miệng thật rộng, mũi như mũi sư tử. Da mặt đỏ rực.
Trong ánh nến chập chờn khuôn mặt ông Tướng thời xưa linh động và dữ dằn.
Chú Quay sừng chui vào góc nhà, nấp sau bác Ô đen. Anh Ngăn kéo nằm yên trong bụng ông Bàn, không dám hé ra. Hai nụ hoa trong bình không dám nở.
Mặt nạ kể:
- Suốt buổi chiều nay nhờ tôi mà chú bé có khuôn mặt anh hùng. Tất cả bạn bè của chú ấy đều phải khâm phục.
Ông Bàn lặng thinh. Khuôn mặt oai vệ của mặt Nạ quả có khiến ông e ngại kiêng nể. Tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy có một cái gì không ổn trong vụ mặt Nạ đòi chỉ huy mọi vật trong phòng. Ông có thể lép vế, nhưng không lẽ cụ Sách, ông Cung cũng phải thần phục kẻ mới tới.
Giọng nói của mặt Nạ đột nhiên nghiêm khắc, cứng rắn. Mọi vật nhìn qua ánh nến, tưởng như đôi lông mày rậm của ông Tướng nhíu lại:
- Tất cả những kẻ nghi ngờ hay chống đối quyền lực của ta đều bị trừng phạt thật nặng. Như ông Bàn có thể bị chặt thành từng mảnh nhỏ dùng làm củi đun bếp.
Ông Bàn vừa tức vừa hơi sợ. Ông hỏi nhỏ ông Cung:
- Tôi già nua dốt nát, không được đi đây đi đó chẳng biết gì, nhưng ông Cung vốn rành chuyện chiến tranh và lịch sử, ông thử ngắm giùm tôi xem bạn mới của ta có thực là một vị anh hùng không?
Ông Cung đáp ngập ngừng:
- Tôi cũng không biết rõ lắm, nhưng khuôn mặt này đối với tôi khá quen thuộc. Ngày xưa, khi còn xông pha nơi trận mạc, tôi vẫn nằm trong tay những vị anh hùng có khuôn mặt thế này…
Bây giờ thì ông Bàn ngán quá. Mặt Nạ hình như cũng nghe được những lời của ông Cung, kiêu hãnh hơn:
- Ta đã từng tham dự hàng trăm trận, chỉ huy hàng vạn người. Ta là một vị tướng bách chiến bách thắng. Mọi vật trên khắp đất nước này đều mang ơn ta, không có ta bảo vệ tất cả đã cháy tiêu.
Sợ bị chẻ làm củi đun bếp, ông Bàn cố cãi:
- Thì cũng phải cho tôi nghi ngờ một chút chứ. Ông mới đến, chưa kể thành tích, làm sao tôi biết ông là một vị anh hùng.
Giọng mặt Nạ đột nhiên trở nên vui vẻ:
- Ta sẵn sàng ân xá cho tên Bàn ngu dốt, miễn là từ nay phải nhớ tuân lệnh ta.
Trước vẻ thua cuộc của ông Bàn, những vật nhỏ bé trong phòng kể như đã hoàn toàn bị mặt Nạ khuất phục. Chúng khiếp hãi và tê liệt trước uy dũng của một vị anh hùng.
Mặt nạ hét:
- Nến sáng hơn chút nữa. Bóng bay lại đây.
Bóng bay ngơ ngác, chưa dám rời xó nhà. Chị cũng muốn nấp sau bác Ô đen như chú Quay sừng.
- Ta sẽ biến Bóng bay thành một vị anh hùng để mọi vật trong phòng biết rõ quyền lực của ta.
Bóng bay thu hết can đảm tiến về phía mặt Nạ. Mọi vật hồi hộp chờ. Chú Ngăn kéo đã hé ra một chút để những vật trong lòng chú được thấy những chuyện lạ lùng sắp xảy ra.
Thế rồi, đột nhiên chị Bóng bay biến mất. Mặt nạ chuyển động lắc lư:
- Quý vị thấy tôi ra sao?
Giọng nói ngập ngừng của chị Bóng bay phát ra từ cái miệng ông Tướng.
Vô cùng kinh ngạc, mọi vật reo lên:
- Chị Bóng bay đã biến thành vị anh hùng.
Mặt Nạ cười ha hả, lui về góc phòng. Chị Bóng bay từ phía sau mặt Nạ lướt ra, trở về chỗ cũ. Chú Quay sừng bớt sợ, chú xoay tròn, chạy ra giữa nhà:
- Tôi cũng muốn biến thành vị anh hùng trong một lúc.
Mặt Nạ đồng ý giúp chú con Quay ngay. Quay sừng lướt tới góc nhà rồi cũng biến mất và nói bằng cái miệng của ông Tướng mắt xếch, mặt đỏ:
- Quý vị thấy tôi ra sao?
Mọi vật lại reo:
- Chú con Quay đã biến thành vị anh hùng.
Thế rồi lần lượt bác Đèn cầy tắt lửa, bác Đồng hồ, chị Tranh đều đòi được là anh hùng trong khoảng khắc. Mặt Nạ hăng hái giúp đỡ tất cả.
Khi biết các vật đã phục mê tơi tài nghệ đặc biệt của mình. Mặt Nạ nghiêm trang trở lại:
- Các vật phải triệt để tuân theo lệnh này: Hãy sống có trật tự và hòa thuận với nhau.
Nhiều vật hét lớn:
- Tuân lệnh.
Mặt Nạ cười:
- Tốt lắm, bây giờ hãy tỏ lòng trung thành. Ta muốn thấy mọi vật tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ để hoan hô ta.


Mặt Nạ vừa dứt lời, cụ Sách bỗng cất tiếng, giọng khoan thai và lạnh lùng:
- Thôi chứ chú mặt Nạ, chú làm quá rồi. Nhờ mấy nét vẽ mà chú xưng là anh hùng thì chả hoá ra cả hai bạn của chú em là Heo với Khỉ thật cả chăng?
Bây giờ mọi vật mới chú ý hai chiếc mặt nạ im lìm kia. Cái mang hình mặt Heo, cái mang hình mặt Khỉ.
Bị cụ Sách tấn công bất ngờ, mặt nạ mang khuôn mặt Tướng hơi lúng túng. Tuy nhiên hắn vẫn dõng dạc nói:
- Cụ Sách nói chi ta không hiểu. Nhưng cụ phải nhớ rằng chính ông Cung cũng công nhận ta là vị anh hùng.
Ông Cung bình thản:
- Chú em lầm. Ta không nói chú em là anh hùng, ta chỉ nói chú em có khuôn mặt thật giống.
- Nhưng ta đã làm cho Bóng bay, Quay sừng…đều hoá thành anh hùng trong chốc lát mà.
Cụ Sách điềm tĩnh hỏi:
- Khi nãy có thực chị Bóng bay đã biến thành vị anh hùng không?
Chị Bóng bay ngập ngừng:
- Tôi không cảm thấy đổi khác gì. Tôi đứng sau lưng mặt Nạ và mọi vật gọi tôi là anh hùng.
Chú Quay sừng, bác Đèn cầy nhao nhao:
- Tôi cũng vậy! Tôi cũng vậy!
Hai chiếc mặt nạ Heo và Khỉ lúc này cười lên tiếng:
- Thôi bồ bị lật tẩy rồi, đừng khoác lác thêm nữa.
Mặt nạ ông Tướng lặng thinh. Nhưng khuôn mặt Tướng vẫn oai vệ, dữ dằn như trước.
Mặt nạ Khỉ nói với cụ Sách:
- Trong mấy anh em chúng tôi, nó ưa khoác lác dóc tổ nhất. Đi đâu nó cũng đòi chỉ huy. Mặt chúng tôi xấu xí tầm thường hơn, chúng tôi chỉ có mục đích chọc cười. Xin các vị trong phòng đừng giận nó, nó trót mang khuôn mặt một vị anh hùng.


Cụ Sách nói:
- Tôi biết! Tôi biết mà; dòng họ mặt nạ các anh vừa ra đời đã phải nói dối rồi. Cuộc đời các anh cũng chỉ là một câu chuyện nói dối dài. Các anh nói với vật trước mặt rằng vật sau lưng các anh là Heo, là Khỉ hay là một vị anh hùng. Các anh làm nhiệm vụ, tôi đâu có trách. Nhưng thay vì dối trá để vui chơi, chú em kia lại làm quá.
Mặt nạ Heo buồn rầu:
- Riêng tôi, tôi chán cái nghề nói dối quá rồi.
Cụ Sách an ủi:
- Mặt trước chú em nói dối, nhưng mặt sau thì lại rất thành thực.
- Mặt sau thì tụi này giống nhau, đều có một sợi cao su và một mảnh giấy bồi chưa được sơn phết.
Biết chắc mặt nạ không phải là vật đầy quyền uy và nguy hiểm nhiều vật khoan khoái dễ chịu. Búa đinh ngủ một giấc thẳng cán, hoa tiếp tục nở. Có vài vật cảm thấy tiếc cái mộng trở thành anh hùng trong chốc lát.
Nhưng ông Bàn thì nổi giận, ông hét lên:
- A! Thì ra từ nãy tới giờ tôi bị bịp hả?
Mặt nạ ông tướng phá lên cười:
- Đùa chút xíu mà, có hại chi đâu.
Ông Bàn vẫn gay gắt:
- Đùa gì. Chính chú doạ sẽ chặt tôi ra làm củi đun bếp.
Ông Cung mỉm cười:
- Kể ra ông Bàn cũng đáng bị đưa vào bếp thật. Lỗi tại ông mà.
- Tôi đâu có làm gì.
- Ông phạm tội bất cẩn. Trước khi tuân lệnh một vật nào ông phải coi xem phía sau của vật đó. Phía sau mặt nạ hoàn toàn trống rỗng mà.
Ông Bàn bớt giận, chỉ càu nhàu:
- Tại cái mặt nó coi ghê quá.
Các vật trong phòng bật cười vui vẻ.

(Trích từ Những Giọt Mực - Lê Tất Điều)

sôngthương
04-14-2017, 04:56 AM
Những Ngọn Lửa Dầu Hỏa Đầu Tiên Tại V.N.



https://4.bp.blogspot.com/-YVWHrHt0HAQ/WN526O5fBlI/AAAAAAAAKFA/eCn22QAASPEZy8RZi1Sh5DZcuZmsfk3uQCLcB/s1600/Nhung%2Bngon%2Blua%2Bdau%2Bhoa.jpg

Sáng nay gió thổi nhẹ. Mặt biển chỉ hơi gợn nhưng nước biển trong và xanh ngắt. Ánh nắng buổi sáng chưa đủ nóng để có thể mang đi những đám sương mù còn vất vưởng trên mặt biển. Mọi người trên giàn khoan Ocean Prospector đều đang bận rộn với công việc. Kẻ lo khuân vác dọn dẹp các ống khoan, kẻ lo sửa soạn những dụng cụ thí nghiệm, kẻ lo kiểm soát các bộ phận máy móc. Tất cả đều chuẩn bị sẵn sàng để thí nghiệm lưu lượng sản xuất của giếng Dừa I-X vào ngày hôm nay, ngày 23-10-1974.

Trên ngọn tháp của giàn khoan, mọi người cũng đang bận rộn kiểm soát lần chót các hệ thống thí nghiệm sản xuất. Ống sản xuất đi từ lòng đất lên, đang nhịp nhàng lên xuống theo nhịp của sóng biển. Dầu, hay nói đúng hơn là dầu thô, nước và khí thiên nhiên, từ trong lòng đất sẽ theo ống nầy để lên trên mặt đất. Sau khi đi qua hệ thống “van”, cả ba chất cùng được dẫn vào một “hệ thống phân đoạn ba trạng tướng” (three phase separator). Tại đây, hỗn hợp dồn khí, nước sẽ được phân đoạn thành ba phần riêng biệt : dầu, khí và nước.

Thông thường, nếu sản xuất ở trên đất liền, dầu và khí sẽ được dẫn vào các bồn chứa và nước được thải đi. Tuy nhiên ở ngoài biển, việc tồn trữ dầu và khí không phải là chuyện dễ dàng và đơn giản chỉ vì một lý do duy nhất là không có bồn chứa. Chính vì vậy mà dầu và khí phải được đốt đi nếu không muốn (mà đương nhiên là không muốn) đổ chúng xuống biển để làm ô nhiễm cả vùng biển.

Tất cả mọi người đều sẵn sàng, hồi hộp nhìn về phía “loa đốt”., nơi dầu và khí sẽ được phun ra để đốt. “Bù… ùm”, một ngọn lửa tung lên gầm thét. Đồng hồ chỉ chin giờ đúng. Ngọn lửa dầu hỏa đầu tiên ở Việt Nam phải chăng là đây? Không, đây chỉ là ngọn lửa đang đốt chất dầu Diesel được cho vào lòng giếng từ trước. Tuy nhiên, “van” đã mở, ống sản xuất đã thông suốt. Hỗn hợp dầu, khí, nước chắc chắn giờ này đang rời lòng đất nóng bỏng để đi lên mặt đất. Mọi người đều chăm chú nhìn vào chiếc ống cao su nhỏ được nối với hệ thống “van”, một phần những chất trong lòng giếng chảy lên sẽ đi qua ống cao su này để kiểm soát. Một dòng nước đục ngầu, sền sệt chảy ra. “Vẫn còn là bùn”, một người trong bọn nói thế. Phải, đây vẫn chỉ là bùn khoan đã xâm nhập vào trong lòng đất từ khi đào giếng. Ngọn lửa ở loa đã ngừng cháy vì không còn gì để cháy nữa cả. “Ê nó lên rồi”, một người kêu lên mừng rỡ. Trong dòng dung dịch chảy ra từ ống cao su xuất hiện những giọt dầu bóng loáng. Mọi người chăm chú nhìn những giọt dầu lấp lánh mà lòng đầy bồi hồi rung cảm. Nhìn những giọt dầu hỏa thực không có gì là lạ cả nhưng sao người ta cảm thấy xúc động vô cùng. Có lẽ nỗi vui mừng này còn lớn hơn nỗi vui mừng khi nhìn chiếc trứng chim cút từ từ nứt rạn và con chim bé nhỏ lách đầu chui ra vào thời mà “chim cút” thịnh hành và đắt giá trước đây.

Từ miệng “loa đốt”, một dòng dung dịch đục ngầu đang phun ra và rơi xuống mặt biển. Đây chỉ là dung dịch nước bùn, chỉ trong chốc lát nước bùn đục ngầu đã tan biến vào lòng đại dương xanh ngắt. Có tiếng loa từ trên tháp khoan vọng xuống kêu gọi mọi người tránh xa loa đốt vì sắp sửa phun dầu và khí ra. Tiếng kêu gọi bằng Nhật Ngữ và sau đó Bằng Anh Ngữ.

Liền sau đó, những giọt dầu hỏa đầu tiên của Việt Nam đã thực sự được phun ra. Ngọn lửa vẫy vùng, cuồn cuộn gào thét. Từng cuộn khói đen ngòm bốc lên rồi kéo dài ra, tạo thành một luồng khói kéo lê thê trên mặt biển. Những luồng hơi nóng tạt vào những người đứng gần đó khiến họ phải rút lên tháp khoan. Dù vậy, nơi đây hơi nóng vẫn còn hắt lên nóng hổi. Mặt người nào người nấy đều đỏ hồng vì hơi nóng.

Chiếc tàu yểm trợ của giàn khoan Ocean Prospector lúc này cũng đã túc trực ở gần phía loa đốt để sẵn sàng tiếp cứu trong trường hợp có gì nguy hiểm xảy ra. Chiếc tàu của Hải Quân Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ cho giàn khoan này đang lướt sóng từ xa tiến tới gần. Tới một khoảng cách an toàn chiếc tàu Hải Quân ngừng lại. Bên hông tàu xám lố nhố các bóng người, tuy không thấy rõ nhưng ai cũng hiểu đó là những chiến sĩ Hải Quân của Việt Nam Cộng Hòa. Chắc họ đang phân vân không biết chuyện gì xảy ra ở bên này. Chiếc tàu yểm trợ của giàn khoan đang tiến lại gần và đậu cạnh chiếc tàu Hải Quân. Chắc họ đang giải thích cho nhau nghe về ngọn lửa đang lồng lộn ở đây. Giờ đây chắc chắn đã có thêm những người Việt Nam có cùng một tâm trạng khi được tận mắt thấy ngọn lửa dầu hỏa đầu tiên của nước mình. Những người Việt Nam có mặt tại đây chắc chắn là rất khó khăn để có thể viết ra được tất cả những tâm trạng của mình lúc này.

Chiếc van được đóng lại, ngọn lửa dầu hỏa cũng thu nhỏ lại và tắt ngấm. Việc thí nghiệm sản xuất sơ khởi đã hoàn tất. Mọi người lại bắt tay vào việc, sửa soạn mọi dụng cụ cần thiết để có thể thực hiện việc thử nghiệm chính thức vào buổi chiều.

Bữa ăn trưa diễn ra vội vã, mọi người đều nôn nóng về việc thử nghiệm chính thức. Đúng 15 giờ chiều, ngọn lửa dầu hỏa lại bắt đầu lồng lộn gầm thét giữa đại dương. Từng cụm khói đen vẫn thi nhau bốc lên. Màu khói đen là dấu hiệu của dầu nhiều hơn là khí thiên nhiên. Như vậy là chúng ta đã có dầu và ngọn lửa dầu hỏa dài như thế kia lại còn chứng tỏ chúng ta có nhiều dầu là đằng khác. Chúng tôi đi quan sát bộ phận ghi nhận áp suất trong lòng giếng và rồi lại xuống xem xét hệ thống phân đoạn ba trạng tướng để ghi nhận các kết quả về lưu lượng của dầu và khí sản xuất. Chúng tôi mở một van phụ của hệ thống phân đoạn để lấy dầu ra. Một dòng dầu đen chảy ra và bốc khói vì còn nóng. Việc đo tỷ trọng của dầu đã được thực hiện và ghi nhận. Lưu lượng của giếng cũng thật khả quan : mỗi ngày sản xuất được 1514 thùng dầu và 5,8 triệu “bộ” khối (1514 BOPD, và 5,8 MMCF). Tỷ trọng của dầu được ghi nhận là 390 API hay tương đương với 0,83. Đây là một loại dầu nhẹ và do đó sẽ đắt giá hơn. Những kết quả thật là khả quan và chắc chắn sẽ đưa tới một điều mà trước đây vài năm chưa ai dám nghĩ tới : Việt Nam là một quốc gia sản xuất dầu hỏa.

Chiếc loa đốt vẫn đang khạc lửa, ngọn lửa vẫn mạnh mẽ, hùng dũng lồng lộn như con rồng lửa ở giữa biển khơi. Cuộc thử nghiệm chính thức thường kéo dài lâu. Một vài người công nhân đang phải dùng những chiếc vòi rồng để phun nước làm nguội những dụng cụ máy móc chung quanh. Chiếc tàu yểm trợ vẫn đang ở tư thế sẵn sàng tiếp cứu. Nhiều đám mây bay đến và làm mưa rơi nhẹ, gió cũng thổi nhiều không hiểu có phải vì ảnh hưởng của sức nóng do ngọn lửa dầu hỏa sinh ra hay không? Nhìn luồng khói đen dài lê thê đang ép mình trên mặt biển dưới cơn mưa nhẹ, mọi người đang nghĩ đến một tương lai tươi đẹp. Ngọn lửa dầu hỏa này chính thực như là một ánh đuốc bất ngờ hiện ra soi sáng và dẫn đường cho người dân Việt Nam vậy.


Phí Lê Sơn
M. Sc. Kỹ Sư Dầu Hỏa

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 233 (https://3.bp.blogspot.com/-FnC8_X30rww/V9EmQRRmCvI/AAAAAAAAIHM/XiOfNsu-9VMqM_q9cqXPU69Ei5WGiM4-QCLcB/s1600/TH%2B233.jpg), ra ngày 1-4-1975)

VỀ BÀI

NHỮNG NGỌN LỬA DẦU HỎA

Bài này TH xin phép trích trong Nguyệt San Quản Trị Xí Nghiệp số 4, tháng 10-1974. Tác giả, Kỹ Sư PHÍ LÊ SƠN, là người Việt Nam duy nhất có mặt trên giàn khoan Ocean Prospector trong suốt thời gian thử nghiệm.


https://tuoihoandmore.blogspot.in/2017/04/nhung-ngon-lua-dau-hoa-au-tien-tai-vn.html

sôngthương
04-21-2017, 04:07 AM
http://3.bp.blogspot.com/_o2RIaXNcPUY/Sf6Ro0WfNGI/AAAAAAAAAF8/bUcteHZ0PDk/S259/tottochan.jpg


…Viết về những câu chuyện thật xảy ra trong cuộc sống còn đọng lại trong ký ức thường có sức lôi cuốn người đọc đến kỳ lạ, vì nó thật như dòng đời đang tuôn chảy trong ta và quanh ta. ‘Totto-Chan, Cô Bé Bên Cửa Sổ’ được dịch từ bản tiếng Anh ‘Totto-Chan, the Little Girl at the Window’ là một cuốn hồi ký sinh động kể lại những việc rất thật và rất người như thế. Phải chăng, ở đây, những câu chuyện trẻ thơ chỉ đơn thuần là những câu chuyện?
Giác Kiến (Phong Lệ)

14. HÃY ĐẶT NÓ TRỞ LẠI (http://tottochancobebencuaso.blogspot.in/2009/06/14-hay-at-no-tro-lai.html) Trong cuộc đời mình, Totto-chan chưa bao giờ phải vất vả đến như thế. Cái ngày cô bé đánh rơi chiếc ví mình yêu thích xuống hầm nhà vệ sinh mới thê thảm làm sao. Không có tiền trong ví, nhưng vì Totto-chan thích chiếc ví này quá, thế là cô bé đem nó theo khi vào nhà vệ sinh. Đó là chiếc ví vải lụa bóng có ca rô màu đỏ, vàng và xanh rất đẹp. Chiếc ví này có hình vuông và phẳng, thêu con chó xù Scốtlen giống như một cây trâm ở trên cái nắp ví hình tứ giác để cài ví lại.

Cho đến bây giờ, Totto-chan vẫn có thói quen tò mò. Ngay cả khi còn nhỏ cũng vậy. Mỗi khi đi vệ sinh, cô bé cố cúi nhìn xuống lỗ hầm cầu sau khi đi xong. Hậu quả là, ngay cả trước khi bắt đầu tuổi đi học, cô bé đã làm mất nhiều chiếc mũ, có cả chiếc mũ rơm và chiếc mũ có viền đăng ten trắng. Vào thời ấy, nhà vệ sinh không có hệ thống dội nước mà chỉ có hầm chứa ở dưới mặt đất, do đó một khi mũ bị rớt xuống là nổi lềnh bềnh trên mặt hầm. Mẹ thường bảo Totto-chan đừng nhìn xuống lỗ hầm cầu sau khi đi vệ sinh xong.

Hôm đó, khi Totto-chan đi vào nhà vệ sinh trước khi lớp học bắt đầu, cô bé quên bẵng đi lời mẹ dặn. Totto-chan cúi đầu nhìn xuống hầm cầu khi đi vệ sinh xong. Có lẽ lúc đó cô bé không nắm chặt chiếc ví trong tay, thế là nó tuột ra khỏi tay và rơi xuống hầm cầu làm nước bắn tóe lên. Totto-chan bật khóc vì không hy vọng gì khi nhìn dưới hầm chỉ thấy tối ngòm.

Totto-chan nén khóc, nhưng không chịu mất chiếc ví. Cô bé vào nhà kho lấy ra một cái gáo lớn có cán gỗ dài dùng để tưới vườn. Cái cán gáo dài gấp đôi chiều cao của Totto-chan, nhưng điều này không làm cô bé nản lòng chút nào. Cô bé vác cái gáo đi quanh ra sau trường, cố gắng tìm chỗ đầu nối mà hầm cầu dẫn chất thải ra để phân hủy. Cô bé nghĩ nó ở bên ngoài bờ tường nhà vệ sinh. Thế nhưng sau khi tìm kiếm một hồi không có kết quả, cuối cùng Totto-chan thấy một cái nắp đậy miệng cống bằng bê tông hình tròn cách đó khoảng một thước Anh. Giở cho được cái nắp này lên là cả một vấn đề khó khăn. Khi giở lên được rồi, cô bé phát hiện đây chính là đầu nối mà cô bé muốn tìm. Cô bé trườn đầu vào bên trong.

“Sao thế này? Nó lớn như cái hồ ở Kuhonbutsu thế nhỉ!” cô bé la lên.

Thế là Totto-chan bắt đầu lấy gáo múc những gì chứa trong hầm phân lên. Lúc đầu, Totto-chan thử khoanh vùng nơi cô bé đánh rơi chiếc ví. Thế nhưng cái bồn chứa này sâu, tối và lại rộng quá, vì cả ba nhà vệ sinh đều chảy về đây. Vả lại, nếu thò đầu vào sâu quá sẽ dễ bị lộn nhào xuống hầm thì nguy hiểm. Do đó, cô bé quyết định cứ tiếp tục dùng gáo múc đổ lên trên mặt đất gần miệng hầm, hy vọng may ra sẽ tìm được chiếc ví.

Cô bé quan sát kỹ trong mỗi lần múc lên, xem thử có chiếc ví trong đó không. Totto-chan không nghĩ mình phải mất nhiều thời gian đến thế để tìm lại chiếc ví, nhưng vẫn chưa thấy tăm hơi đâu cả. Nó ở đâu nhỉ? Chuông vào lớp đã vang lên rồi.

Totto-chan phân vân chưa biết nên tính thế nào. Cô bé đã đi quá xa rồi, thôi thì cứ tiếp tục vậy. Cô bé lại múc càng hăng say hơn.

Khi cô bé múc đổ được cả một đống lớn ở trên mặt đất, bất chợt thầy hiệu trưởng đi ngang qua.

“Em đang làm gì vậy?” thầy hiệu trưởng hỏi.

“Em làm rơi chiếc ví,” cô bé trả lời rồi tiếp tục múc, không muốn bỏ phí một giây lát nào.

“À, thầy biết rồi,” thầy hiệu trưởng nói rồi đi thẳng, hai tay đan vào nhau ở phía sau lưng và đó là thói quen của thầy mỗi khi đi dạo.

Thời gian cứ trôi đi mà cô bé vẫn không tìm thấy chiếc ví đâu cả. Cái đống phân bốc mùi hôi thối càng lúc càng cao.

Thầy hiệu trưởng quay trở lại, và hỏi:“Em có tìm được chưa?”

“Dạ chưa,” Totto-chan đang đứng giữa đống phân, mồ hôi nhễ nhại, đôi má đỏ ửng, trả lời.

Thầy hiệu trưởng bước lại gần hơn và bằng một giọng thân thiện, Thầy nói “Rồi em sẽ đổ đống này xuống lại khi em làm xong chứ?” rồi ông lại đi tiếp trong dáng điệu như hồi nãy.

“Dạ,” Totto-chan vui vẻ trả lời, rồi tiếp tục công việc của mình. Thế rồi một ý niệm vừa khởi lên trong đầu cô bé. Totto-chan nhìn vào đống phân và nghĩ “khi mình làm xong rồi, phần đặc này mình đổ xuống lại, thế thì còn phần nước thì sao?”

Phần chất lỏng thấm nhanh vào đất. Totto-chan dừng tay và cố hình dung ra, làm thế nào để cô bé trả lại phần này xuống dưới hầm đây, vì cô bé đã hứa với thầy hiệu trưởng là phải đổ chúng lại trong hầm mà. Cuối cùng cô bé quyết định là sẽ hốt luôn phần đất ướt này bỏ xuống hầm vậy.

Đống phân múc lên chất cao như núi và bây giờ cái hầm gần như khô cạn mà vẫn không thấy tăm hơi chiếc ví đâu cả. Có thể nó vướng vào ở một nơi nào đó bên thành hầm cầu hay nó nằm tận dưới đáy gì đó. Nhưng Totto-chan không quan tâm. Cô bé bằng lòng với những gì mình làm được. Sự bằng lòng của Totto-chan rõ ràng xuất phát từ lòng tự trọng cô bé cảm nhận được khi thầy hiệu trưởng đã không la rầy Totto-chan mà còn đặt niềm tin tưởng ở cô bé nữa. Điều này quá phức tạp và khi ấy, Totto-chan không thể hiểu được như thế.

Hầu hết người lớn, khi thấy cảnh Totto-chan làm như vậy, sẽ phản ứng bằng cách la lên: “Trời ơi, em làm gì chẳng giống ai hết vậy?” hay là: “Nguy hiểm lắm, đừng có làm vậy,” hay khác hơn một tí là giúp cô bé một tay.

Tưởng tượng xem, thầy hiệu trưởng chỉ nói: “Rồi em sẽ đổ đống này trở lại khi em làm xong chứ?” Một thầy hiệu trưởng tuyệt vời. Mẹ nghĩ như vậy khi nghe Totto-chan kể lại câu chuyện trên.

Sau chuyện này, Totto-chan không bao giờ cúi nhìn vào hầm cầu sau mỗi lần đi vệ sinh nữa. Cũng kể từ đó, cô bé cảm thấy thầy hiệu trưởng là người mình đặt niềm tin tuyệt đối và cô bé kính thương thầy hơn bao giờ hết.

Totto-chan giữ lời hứa và đổ tất cả những gì cô bé đã vớt lên xuống lại hầm cầu. Thật là một việc khủng khiếp khi vớt cả ngần ấy lên trên đất, nhưng dù sao, đổ xuống lại vẫn nhanh hơn. Cô bé cũng bỏ luôn xuống hầm phần đất ướt nữa. Sau khi khỏa đất cho bằng phẳng, đậy nắm hầm lại đàng hoàng, Totto-chan đem gáo về cất lại trong nhà kho.

Đêm hôm đó, trước khi ngủ, Totto-chan nghĩ nhớ đến chiếc ví xinh đẹp đã đánh rơi vào nơi tối tăm. Cô bé buồn vì mất chiếc ví nhưng suốt cả ngày nỗ lực khiến cô bé mệt nhoài và trong chốc lát, Totto chan đã đi vào giấc ngủ.

Trong khi đó, nơi cô bé đã nhọc công tìm kiếm, ánh trăng lung linh mờ ảo rọi trên nền đất ướt như một cái gì trông thật đẹp.

Và chiếc ví vẫn yên lặng nằm im lìm ở một nơi nào đó.

60. BỮA TIỆC TRÀ (http://tottochancobebencuaso.blogspot.in/2009/08/60-bua-tiec-tra.html)Ryo-chan, người phu trường ở Tomoe mà tất cả học sinh đều rất thích, cuối cùng cũng bị gọi nhập ngũ. Chú ấy đã là người lớn, thế mà bọn trẻ vẫn thích gọi chú bằng cái tên trẻ con của chú. Ryo-chan là một thần bảo vệ, luôn có mặt để cứu giúp mọi người khi họ gặp khó khăn. Chú ấy có thể làm đủ loại công việc. Chú rất ít nói, chỉ mỉm cười, nhưng chú luôn biết cần phải làm gì. Khi Totto-chan bị rớt xuống hầm cầu, chính chú ấy là người vớt cô bé lên ngay lập tức, rồi tắm rửa cô bé sạch sẽ mà không nhiều lời cằn nhằn.

“Chúng ta hãy tổ chức một bữa tiệc trà tiễn đưa Ryo-chan.” thầy hiệu trưởng nói.

“Một tiệc trà à?”

Ở Nhật, người ta uống trà xanh nhiều lần trong ngày, nhưng không phải để giải trí - ngoại trừ bột trà pha chế thành một loại nước uống dùng trong các dịp lễ. ‘Tiệc trà’ là một điều mới lạ ở trường Tomoe. Nhưng bọn trẻ thích ý kiến đó. Chúng nó thích làm những điều chúng nó chưa từng biết. Bọn trẻ không biết đó thôi, chứ thầy hiệu trưởng chỉ chế ra một từ mới, sawakai (tiệc trà) thay vì thông thường người ta nói sobetsukai (tiệc chia tay) cho cùng một mục đích. Một bữa tiệc chia tay nghe sao buồn quá, và học sinh lớp lớn sẽ hiểu được rằng có thể là chia tay thật nếu chú Ryo-chan hy sinh ngoài chiến trường và không trở về nữa. Thế nhưng chưa có đứa nào đã từng tham dự một tiệc trà, nên chúng rất phấn khởi.

Sau khi tan học, thầy Kobayashi cho học sinh sắp xếp bàn ghế thành vòng tròn như chuẩn bị cho bữa cơm trưa vậy. Khi tất cả đều ngồi vào thành vòng tròn, thầy phát cho mỗi đứa một miếng mực khô nướng để ăn trong lúc uống trà. Chừng ấy thôi cũng đã là quá sang trọng trong những ngày chiến tranh như thế này. Thầy ngồi xuống bên cạnh Ryo-chan, đặt cái ly có một ít rượu sa kê trước mặt chú ấy. Đó là phần chỉ dành riêng cho những người sắp ra chiến trận.

“Đây là tiệc trà đầu tiên ở trường Tomoe,” thầy hiệu trưởng nói. “Tất cả chúng ta hãy cùng vui với nhau. Em nào có điều gì muốn nói với chú Ryo-chan thì cứ nói. Các em cũng có thể trò chuyện thoải mái với nhau, chứ không nhất thiết chỉ nói với chú Ryo-chan thôi. Lần lượt từng em một, hãy bước ra giữa vòng tròn nhé.”

Đây không phải là lần đầu tiên chúng nó ăn mực khô nướng ở trường Tomoe, nhưng đây là lần đầu tiên cùng ngồi ăn với bọn trẻ có chú Ryo-chan và lần đầu tiên chúng nó thấy chú Ryo-chan nhấp nháp rượu sa kê.

Bọn trẻ lần lượt từng đứa một đứng dậy, đến đối diện chú Ryo-chan và nói vài điều với chú ấy. Mấy đứa trẻ đầu tiên chúc chú ấy giữ gìn sức khỏe và đừng có đau ốm gì. Rồi đến lượt Migita, bạn học cùng lớp với Totto-chan, nói: “Lần sau cháu về nhà ở quê, cháu sẽ mang về cho chú mấy cái bánh bao đám tang.”

Bọn trẻ cười rộ lên. Hơn một năm rồi kể từ khi Migita nói với chúng nó lần đầu tiên về mấy cái bánh bao cậu đã ăn ở một đám tang và nó ngon như thế nào. Mỗi khi có dịp, cậu bé cứ hứa là sẽ cho chúng nó mấy cái, nhưng cậu bé không bao giờ thực hiện lời hứa này.

Khi thầy hiệu trưởng nghe Migita nói đến bánh bao đám tang, thầy giật nảy mình. Thông thường, đề cập đến bánh bao đám tang trong những tình huống như thế này là một điềm báo xấu. Nhưng Migita nói điều này một cách hồn nhiên thôi, khi muốn chia sẻ với bạn bè một cái gì đó ngon, nên thầy cũng cười với bọn trẻ. Ryo-chan cũng cười vui vẻ. Thì ra, Migita nói với chú ấy từ rất lâu rồi là sẽ đem cho chú ấy mấy cái bánh bao đám tang.

Rồi Oe đứng lên và hứa với chú Ryo-chan rằng cậu bé sẽ trở thành người làm vườn giỏi nhất ở Nhật. Oe là con trai ông chủ một vườn ươm rộng lớn ở Todoroki. Aoki đứng dậy và không nói gì cả. Cô bé chỉ khúc khích cười e thẹn như thường lệ, rồi cúi đầu chào và về lại chỗ ngồi. Totto-chan vội vàng chạy ra và nói hộ cho Aoki: “Những con gà ở nhà Keiko-chan có thể bay! Một hôm nọ, cháu thấy chúng bay!”

Rồi đến lượt Amedera nói: “Nếu các bạn thấy có chó hay mèo bị thương, hãy đưa chúng đến mình, mình sẽ chữa cho chúng khỏi.” Takahashi-chan quá nhỏ. Cậu bé bò dưới bàn để đến giữa vòng tròn, thoắt nhanh như chớp. Takahashi nói với một giọng vui vẻ: “Cám ơn chú Ryo-chan. Cám ơn tất cả mọi thứ. Tất cả mọi thứ.”

Tiếp đó Aiko Saisho đứng lên. Cô bé nói: “Chú Ryo-chan, cám ơn chú đã có lần băng bó cháu khi cháu bị té ngã. Cháu sẽ không bao giờ quên.” Người chú vĩ đại của Saisho-chan là đô đốc Togo nổi tiếng trong thời chiến tranh Nhật-Nga, và Atsuko Saisho, một người bà con khác của cô bé là nhà thơ nữ lừng danh dưới triều vua Meiji. Nhưng Aiko không bao giờ đề cập đến những người này.

Miyo-chan, con thầy hiệu trưởng, hiểu Ryo-chan nhiều nhất. Mắt cô bé đẫm lệ, cô bé nói: “Hãy bảo trọng nhé, nhớ nha chú. Nhớ giữ liên lạc, viết thư về nha.”

Totto-chan có rất nhiều điều muốn nói nhưng cô bé không biết mình nên bắt đầu từ đâu. Do đó, cô bé nói: “Chú Ryo-chan, ngay cả khi chú đi rồi, chúng cháu sẽ có tiệc trà mỗi ngày.”

Thầy hiệu trưởng cười vang, Ryo-chan cũng cười. Cả hết bọn trẻ đều cười, Totto-chan cũng cười theo.

Thế nhưng lời nói của Totto-chan trở thành sự thật ngay từ ngày hôm sau. Mỗi khi chúng có thời gian rảnh, bọn trẻ lập thành từng nhóm và chơi trò ‘tiệc trà.’ Thay vì ăn mực khô, chúng nó mút một thứ gì cũng được, như vỏ cây chẳng hạn. Chúng nó nhấp nháp những ly nước thay vì trà và đôi khi giả bộ xem đó là rượu sa kê. Một đứa nào đó nói: “Mình sẽ mang cho cậu mấy cái bánh bao đám tang nhé,” và cả bọn rộ lên cười. Sau đó, chúng nó nói chuyện và kể cho nhau nghe những suy nghĩ của mình. Ngay cả khi chúng không có gì để ăn, những ‘tiệc trà’ của bọn trẻ vẫn vui như thường.

‘Tiệc trà’ như là một món quà liên hoan tuyệt vời để chú Ryo-chan chia tay bọn trẻ. Và mặc dù lúc ấy, chẳng có đứa nào biết mô tê gì cả, tiệc trà thật ra là một trò chơi cuối cùng của bọn trẻ ở trường Tomoe trước khi chúng nó chia tay nhau và rồi mỗi đứa đi mỗi ngả.

Ryo-chan ra đi trên chuyến tàu Toyoko. Sự ra đi của chú ấy trùng với sự ập đến của những chiếc máy bay Mỹ. Cuối cùng, chúng xuất hiện trên bầu trời nước Nhật ở Tokyo và dội bom hàng ngày.


61. SAYONARA, SAYONARA! (HẸN GẶP LẠI! HẸN GẶP LẠI) (http://tottochancobebencuaso.blogspot.in/2009/08/61-sayonara-sayonara-hen-gap-lai-hen.html)
Trường Tomoe bị cháy sập. Sự kiện này xảy ra vào ban đêm. Miyo-chan, với em Misa-chan và Mẹ, những người đang sống trong ngôi nhà nối liền với trường, chạy trốn ở nông trại Tomoe bên hồ tại đền Kuhonbutsu nên đã thoát nạn.

Máy bay ném bom B-29 thả nhiều quả bom cháy xuống những toa tàu lửa dùng làm lớp học.
Ngôi trường vốn đã nằm trong giấc mơ của thầy hiệu trưởng giờ đây bị ngọn lửa cháy rực nuốt trọn. Thay vì những âm thanh mà thầy yêu thích như tiếng cười, tiếng hát của bọn trẻ, giờ đây tiếng ngôi trường sụp đổ trong lửa đỏ nghe rùng rợn. Ngọn lửa, không thể nào dập tắt được, đã thiêu trụi mọi thứ thành tro bụi. Ngọn lửa lan tràn đến khắp vùng Jiyugaoka.

Ở giữa cảnh ấy, thầy hiệu trưởng vẫn đứng bên đường và nhìn ngôi trường Tomoe cháy. Như thường lệ, thầy mặc bộ đồ ba mảnh sờn mòn màu đen. Thầy đứng đặt đôi tay trong túi áo khoác.

“Tiếp đến chúng ta sẽ xây loại trường nào?” thầy hỏi cậu con trai Tomoe, là sinh viên đại học, đang đứng bên cạnh thầy. Tomoe lắng nghe Ba mà như chết lặng người.

Tình yêu thương trẻ em và tâm huyết với nghề dạy học của thầy Kobayashi mạnh hơn cả ngọn lửa đang bao trùm ngôi trường. Thầy hiệu trưởng cảm thấy vui.

Totto-chan đang nằm trên một chuyến tàu tản cư đông đúc, chen chúc giữa những người lớn. Chuyến tàu chạy về hướng đông bắc. Khi nhìn qua cửa sổ, bên ngoài tối đen, cô bé nghĩ nhớ đến lời chia tay của thầy hiệu trưởng “chúng ta sẽ gặp lại!” và những lời thầy thường xuyên nói với cô bé mỗi khi gặp “em có biết không, em thật sự là một cô bé tốt.” Từ trong tâm tưởng, Totto-chan tin chắc rằng cô bé sẽ gặp lại thầy Kobayashi trong một thời gian không xa. Và cô bé thiếp đi.

Chuyến tàu ầm ầm chạy dọc trong bóng đêm chở những hành khách đầy lo lắng.


Trích từ Totto-chan, Cô Bé Bên Cửa Sổ
Tác giả: Tetsuko Kuroyanagi
Phong Lệ dịch từ bản Tiếng Anh Totto-chan, The Little Girl at the Window
Nhà xuất bản: Kodansha International (Nhật Bản)

http://tottochancobebencuaso.blogspot.in/

(TOTTO-CHAN - The Little Girl at the Window
By Tetsuko Kuroyanagi
Translated by Dorothy Britton)

http://www.arvindguptatoys.com/arvindgupta/Tottochan.pdf

sôngthương
04-26-2017, 11:50 AM
Chiếc Rolex ân nghĩa



https://3.bp.blogspot.com/-TunH67ihujs/WP1ygsCSlmI/AAAAAAAAKWk/9UcpnXzJtw05nFxLwb9osWpswsyP9v48gCLcB/s640/Chiec%2BRolex%2Ban%2Bnghia.bmp (https://3.bp.blogspot.com/-TunH67ihujs/WP1ygsCSlmI/AAAAAAAAKWk/9UcpnXzJtw05nFxLwb9osWpswsyP9v48gCLcB/s1600/Chiec%2BRolex%2Ban%2Bnghia.bmp)





Đakao ngày 30-10-1971

Kính gửi Thiếu Uý Bùi Dương Uy KBC 6757


- Anh Uy ơi!

Anh chết thật rồi hả anh Uy?

Cho đến bây giờ em vẫn chưa tin là anh đã chết.

Chết gì mà dễ quá vậy? Chết gì vô lý vậy hả anh?


Tối hôm qua em đem cái đồng hồ Rolex đến nhà thì cậu anh cho hay anh vừa tử nạn ở Qui Nhơn ngày 24-10-1971, máy bay do Thiếu Uý Nguyên bạn anh lái bị trục trặc sao đó đâm vào núi Chúa. Toán trực thăng cấp cứu đã tìm được xác anh, hiện giờ anh đang nằm ở nhà xác Quân Y Viện Qui Nhơn. Mợ anh hay tin, xúc động đến ngất xỉu, vừa được chở vào nhà thương.


- Trời! Thật không ngờ cuộc sống con người lại kết thúc bất ngờ và thảm khốc đến như vậy!


Em đứng khựng như chôn chân ở trước cửa nhà. Trên mặt tủ chè giữa nhà, tấm hình bán thân của anh đặt trước tượng Thánh Giá, hai ánh nến lung linh. Cặp mắt anh… Trời ơi! Em sợ quá, cặp mắt trong tấm hình sao mà tinh anh đến thế! Anh nhìn em chằm chằm. Em chợt giật mình thảng thốt nhớ đến chiếc đồng hồ Rolex đang cầm nơi tay, lũ quái trong băng “Batman Dakao” cướp giựt của anh hôm thứ bảy, chúng nhờ em đem hoàn trả lại anh. Nhưng… anh không còn nữa, chỉ còn cậu anh đứng giữa căn phòng vắng lặng. Gương mặt ông hốc hác trông thật thiểu não, cặp mắt như thất thần, chắc ông không nhìn thấy di vật quí giá của anh trong tay em.


- Không hiểu sao lúc ấy em lại không trao luôn chiếc đồng hồ Rolex cho cậu anh cho rồi! Em bỏ vào túi, lẳng lặng quay đi. Hình như em đã khóc.


Anh Uy, anh có nghĩ rằng việc xui xẻo mất đồng hồ đã là điềm báo trước cái chết bi thảm của anh không? Anh có nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ cần đến đồng hồ nữa? Thời gian đâu còn nghĩa gì với anh bây giờ anh nhỉ! Bây giờ, với anh, tất cả đều là hư vô. Trong cái hư vô bất tận, thế giới của thần linh, đã có linh hồn anh, tấm linh hồn tuyệt đẹp và thánh thiện. Đã đành anh hoàn toàn trút bỏ vật chất. Song em vẫn ân hận rằng, khi chết trên tay anh không còn chiếc Rolex này.


Chiếc đồng hồ mà lũ quái Batman Dakao coi là một kỷ vật vô cùng quí giá. Lũ chúng không bao giờ quên được ngày anh đem nó đến tiệm Cầm Đồ Bình Dân cầm lấy 40,000đ đưa cả cho băng Batman Dakao để lo chôn cất gia đình thằng Mọi Cà Chua – Bố Mẹ và hai đứa em nó bị pháo kích chết hồi Mậu Thân. Ngay thằng Mọi Cà Chua cũng không ngờ anh thương nó đến thế. Hằng ngày mỗi buổi sáng nó đều đến đánh giày cho anh trước khi đi làm, và tối thì đến nhà bỏ báo. Nó kể chuyện, có một lần nó khều cái bật lửa Zippo của anh, bị anh chộp được, anh nổi nóng đã gài cho nó hai cái bạt tai. Vậy mà hôm thấy nó mang hai cái khăn trắng đại tang, cặp mắt ngấn lệ sưng húp, quì sụp xuống đánh giày cho anh, khi hỏi và biết gia đình nó vừa bị pháo kích chết sạch, anh đã khóc lên rưng rức với nó. Rồi bất ngờ anh đi cầm đồng hồ lấy tiền cho nó.



https://4.bp.blogspot.com/-gXMlaKfE6Mk/WPnJQgthUMI/AAAAAAAAKRY/IF6CCfHLO_AaK9iqJZBsBbplXciRuHlggCLcB/s400/Bui%2BDuong%2BUy.jpg (https://4.bp.blogspot.com/-gXMlaKfE6Mk/WPnJQgthUMI/AAAAAAAAKRY/IF6CCfHLO_AaK9iqJZBsBbplXciRuHlggCLcB/s1600/Bui%2BDuong%2BUy.jpg)
Anh biết không! Thằng Mọi Cà Chua và cả băng Batman Dakao đã ngẩn ngơ trước nghĩa cử từ thiện và cao đẹp của anh, tụi nó họp băng lại tìm cách đáp lễ anh, và chúng đã hành động theo thể thức đặc biệt du đãng. Thằng Út Ghẻ bám anh suốt hai buổi chiều ở Thanh Thế “choọc” cho được cái bóp, lục tìm thấy tấm giấy cầm đồ, rồi lại bí mật nhét bóp vào túi anh. Anh coi tụi nó nghề chưa! Trong suốt ba tháng, băng tụi nó cặm cụi đánh giày, bán báo, bán kem, v.v… cố dồn tiền chuộc lại cái Rolex. Nhưng rốt cuộc chỉ gom góp được có 20 ghim thành thử không thực hiện được ý định đó. Thật ra nếu muốn có bốn, năm mươi ghim một cách phi pháp, đối với chúng chẳng khó khăn gì. Chỉ túa ra “mồi” một bữa là dư đủ, song chúng đã không làm vậy, mà quyết tâm “làm ăn lương thiện” để đáp lại tấm lòng vàng từ thiện của anh.


Hôm thằng Mọi Cà Chua giỗ trăm ngày gia đình nó, anh được mời tới dự và đã phải kinh ngạc khi chúng đưa trả lại tấm giấy cầm đồ, và đã phải kinh ngạc khi chúng đưa trả lại tấm giấy cầm đồ kèm 20 xấp, anh liền từ chối số tiền đó, và vì thế, băng “Batman Dakao” càng kính mến anh hơn. Vài ngày sau anh đi chuộc lại cái đồng hồ, và đã đồng ý cho băng tụi nó khắc vào mặt sau câu kỷ niệm “Ghi ơn đại ân nhân Batman Dakao”.


Thế mà trước khi chết, anh lại bị chính một quái Batman Dakao tước mất cái Rolex ân nghĩa này.

- Anh Uy biết thằng chó nào thủ phạm không?


Thằng Chín Chìa Vôi đấy anh! Nó là anh bà con của thằng Mọi Cà Chua, thế mới khốn nạn, dã man, tàn bạo, vô nhân đạo, ác ôn côn đồ chứ!


Nhưng, thưa anh… quả đó là một sự ngẫu nhiên, một ngẫu nhiên vô cùng bi thảm.


Để em kể anh nghe:

- Chiều hôm thứ sáu 22-10-1971 thằng Mọi Cà Chua ngồi đếm báo ở rìa đường Lê Lai, một chiếc xe du lịch ào qua đụng tung nó lên lề, máu họng trào ra ngất liền tại chỗ. Khốn khổ! Thân phận nó mồ côi mồ cút, như anh biết đó! Bà con thân thích chẳng còn ai ngoài thằng Chín Chìa Vôi. Thằng Chín khóc nức nở đưa em vào bệnh viện, trong tui không có lấy một đồng bạc. Rồi chẳng hiểu cách nào mà nó đớp được cái Rolex.


Vừa nhìn thấy là em biết ngay của anh. Giận quá, em chửi toáng lên:


- Tiên sư nhà mày! Cái thằng Chìa Vôi! Bộ hết “địa mập” rồi sao mà nhè ngay Bố Ân Nhân của băng, mày “lương” cái “đổng” này.


- Ủa! Sao lạ vậy cà! – Chín Chìa Vôi trợn mắt – Mày nói gì? “Đổng” này của “khứa” nào?


Em lật mặt sau đồng hồ dí hàng chữ khắc kỷ niệm vào sát mặt Chín Chìa Vôi, hét lên


- “Khứa” nào à! Anh Uy đây nè! Bố Ân Nhân nhà mày đấy con ạ.


- Úi cha! – nó sững sờ, bứt tai bứt tóc – Tổ trác tao rồi! Hèn chi tao thấy cái lưng trông quen quen.


Cơ khổ! Tính thổi bậy một quẳn kiếm “địa” cứu sống thằng Mọi, dè đâu lại gặp anh Uy. Rồi nó năn nỉ với em:


- Thôi tao nhờ mày, bằng mọi cách đem trả lại ảnh dùm tao, bữa nào thằng Mọi nó khỏi, anh em tao sẽ đến lậy ảnh xin lỗi.


Em đã nhận lãnh chiếc đồng hồ. Nhưng em không giúp được nó theo ý muốn, vì anh đã chết rồi. Anh Uy yêu quí của chúng em ơi! Sao sự việc xảy ra lại bất ngờ và bi thảm đến thế nhỉ.


Bi thảm thêm nữa, là khi em cầm cái Rolex trở về thì thằng Mọi Cà Chua đang hấp hối, trong tay Chín Chìa Vôi, chung quanh đủ mặt băng Batman Dakao, em về hơi trễ, song em còn nghe được một câu của thằng Mọi, nó nói với băng:


- Anh Uy… muốn chúng mày làm ăn lương thiện, tao cũng chán cái nghề ăn trộm ăn cướp rồi… có lẽ tao chết… tao xin chúng mày nghe lời anh Uy, nghe lời tao… từ nay… bỏ… bỏ hẳn.


Giọng nó nói thều thào không còn nghe rõ, song khi em giơ cái đồng cái đồng hồ ra, mắt nó vụt sáng lên, nó lắp bắp mấy tiếng:


- Anh Uy! Anh Uy!...


Rồi nó đi theo anh luôn!


Anh Uy ơi! Bây giờ thì em đang khóc thật đây. Không biết em khóc vì anh hay vì thằng Mọi, nhưng có điều chắc chắn, tâm hồn em bỗng thấy bình tĩnh lạ thường. Em có thể đoan chắc với anh là tụi Batman Dakao, từ nay có ai vứt “đổng” ra giữa đường cũng sẽ không có thằng nào “lương” nữa. Tụi nó đã thề độc trước thi hài thằng Mọi Cà Chua là “làm ăn lương thiện”, lời thề như dao chém cột, anh cứ tin đi!


Còn cái Rolex của anh… Anh ơi! Em đã mại được 30 xin, số tiền này vừa đủ để tụi Batman chôn cất thằng Mọi.


Anh Uy ơi! Hôm nay em lên An dưỡng Viện Biên Hòa thăm mộ anh, em sẽ đốt lá thư này để gửi nó về thế giới thần linh cho anh, em biết không bao giờ anh giận tụi em, anh luôn luôn thương chúng em, và nếu anh chứng kiến được lời thề độc của Batman Dakao, hẳn anh sẽ hài lòng và mỉm cười rất tươi nơi chín suối.


Vĩnh biệt anh.
Em của anh.


Tái bút: Anh Uy ơi! Băng “Batman Dakao” xin em biên tên thánh Phêrô của anh để tụi nó nhớ và cầu nguyện mãi mãi cho Linh hồn Anh. Em đã phải dậy chúng nó “làm dấu” và đọc một kinh ngắn: “Chúng tôi cậy vì danh Chúa nhân từ cho Linh hồn Phêrô được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy một Đức Chúa Trời, sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.”

Vĩnh biệt anh một lần nữa.
Em của anh.



QUỐC BẢO

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 17, ra ngày 5-12-1971)



https://tuoihoandmore.blogspot.se/2017/04/chiec-rolex-nghia.html

sôngthương
05-12-2017, 08:06 AM
Nỗi buồn rực rỡ

Anh nó dúi vào tay nó thùng đồ nghề sửa xe và bảo: "Làm việc cho đỡ buồn và đỡ đói". Thế là nó trở thành anh thợ sửa xe trước một công viên nhỏ trong Thành Nội năm nó mười sáu tuổi. Họa hoằn mới có kẻ xìu lốp, trật sên ngang qua đó, còn thì nó nằm dài trên ghế đá, bụng đói meo, ngắm mảnh trời xanh qua kẽ lá. Có khi nó nhìn tụi học trò đi quạ Mới năm ngoái nó còn như chúng! Nó nuốt ực nỗi tủi nghẹn xuống họng và vớ cái que vẽ đầy mặt đất những thứ ngổn ngang trong lòng nó. Nó vẽ giỏi hơn sửa xe đạp cả triệu lần. Khi bố mẹ còn sống, nó đã từng mơ trở thành họa sĩ.

Mùa hè đến. Có một kẻ lạ xâm chiếm ghế đá của nó. Nhánh phượng trong tay cô chói chang như ngọn lửa. Bỏ thùng đồ nghề xuống, nó nghênh chiến:
- Đi chỗ khác. Ghế ni của tui.
- Ơ... ghế nhà anh chắc? - Địch thủ không vừa.
- Như... ng... t... ui... giành... tr... ước...
- Ghế công viên ai đến trước ngồi trước.

Đuối lý, nó ngồi bệt xuống cỏ. Nếu nó tiếp tục, nó chỉ rặn ra từng chữ làm trò cười cho cô tạ Bao giờ xúc động, nó cũng cà lăm rất nặng.

Kẻ chiến thắng mân mê nhánh phượng, loay hoay đến nỗi làm rơi. Cô bé đứng bật dậy. Nhánh phượng ngay dưới chân mà cô cứ mò mẫm, sờ soạng dọc chiều dài ghế đá. Cơn giận đột nhiên tắt ngúm. Nó biết đó là một cô bé mù.
- Đây nì! - Nó nhặt và đưa cho cô nhánh phượng.
- Cảm ơn... Trả ghế cho... đây!
- Không cần nữa.
- Rứa mình ngồi chung được không?

Lần đầu trong đời, có đứa con gái đề nghị với nó như vậy. Nó cố đẩy tiếng "được" ra khỏi miệng nhưng âm và thanh cứ lấp ló sau lưỡi nên đành đứng lặng ngó cộ .Bây giờ thì nó nhận ra cô bé rất xinh. Con gái cả trường nó không ai được như vậy. Cô áp má vào nhành phượng và bỗng nhiên nó muốn vẽ hình ảnh ấy đến cháy lòng.
- Hoa phượng mầu đỏ phải không? - Ngập ngừng cô tiếp - Mầu đỏ ra răng?
- Hắn... như... mầu... lửa... mầu... m... Ôi...

Bối rối, nó lại cà lăm. Tả là phải so sánh. Cô không nhìn thấy làm sao hình dung?
- Đẹp lắm phải không? Phải đổi hai con búp bê len đấy.
- Không nói tui hái cho.
- Đã quen mô mà bảo! - Cô cười, lúm đồng tiền dễ thương chi lạ!
- Nó còn được gọi là hoa học trò phải không?
- Ừ.
- Có đi học không?
- Nghỉ rồi.
- Răng rứa?
- Cha mẹ tui bi... tai... nạn chết... không ai nuôi.
- Buồn quá nhỉ! Còn em thì chưa bao giờ thấy cha mẹ em. Ba em bảo sẽ cho em chữ nổi. Đọc ri nì... - Cô làm bộ sờ vào trang sách tưởng tượng.

Nó im lặng. Tiếng "em" ngọt ngào làm nó sững sờ. Nhánh phượng trong tay cô đỏ nhức nhối. Trong trường nó cũng có một cây, bây giờ đang thắp lửa. Tụi con gái sẽ năn nỉ tụi con trai khèo lén. Tại sao nó vĩnh biệt mùa hè sớm thế?
- Anh mấy tuổi?
- 18 - Nó thêm đại hai tuổi để chắc được gọi bằng anh.
- Lần này em đoán trúng - Cô thở phào - Có lần em gọi một thằng nhỏ 10 tuổi bằng anh. Giọng nó như ông cụ. Nì... anh có muốn làm bạn với em không? Sáng nào em cũng ra đây chơi. Em muốn có bạn lắm nhưng... ai chơi với em cũng chán. Em mù mà!
- Không... ch... án... mô! - Nó dứt khoát.
- Ngoéo không?

Cô giơ ngón tay út xinh như chồi lan đợi nó. Nó chùi tay vào quần rồi lồng ngón tay mình vào đó. Hơi run.

Ngày tháng nhẹ thênh từ khi có bạn. Nó chẳng ngồi thừ hay nằm dài nữa. Nó đến sớm, cố ăn mặc sạch sẽ hơn dù cô không nhìn thấy nó.

Cô hỏi nó đủ thứ trên đời nhưng ngôn ngữ nó quá nghèo nàn để mô tả. Những khi bí, nó thường cà lăm và cô chịu khó nhặt lấy từng tiếng.

Giá cô nhìn thấy, nó sẽ vẽ chúng ra. Vẽ dễ hơn tả.

Thường cô ngồi trên ghế đá với một nhúm len vụn đủ mầu. Cô biến nó thành những con búp bê len xinh xinh còn nó giúp cô sắp xếp mầu sắc. Có hai đứa những con búp bê len trở nên ngộ nghĩnh hơn. Nhiều khi cô thẫn thờ, không làm, không nói. Nó biết cô buồn, len lén thả vào lòng cô tặng vật ngớ ngẩn - chiếc lá, hòn sỏi... Cô ve vuốt chúng, đôi mắt vô hồn lặng lẽ mở tọ Nó đọc thấy một tiếng kêu nghẹn tắt, da diết, tuyệt vọng: "ánh sáng! Hãy cho tôi ánh sáng!".

Một ngày, trên đường về, nó nhặt ở đống rác một chú mèo con gần chết. Một tháng sau, nó tặng cộ Con mèo vàng hơn nắng, trắng hơn tuyết, óng ả, mượt mà, bé bỏng và bàn tay cô cảm nhận được điều đó. Cô mừng đến nỗi không nói thành lời, chỉ chìa tay cô cho nó. Nó nắm lấy bàn tay thật xinh ấy, viết vào lòng bàn tay chữ mèo. Cô ngẩn người còn nó cắt nghĩa:
- Tên hắn viết rứa.
- Anh viết lại đi. Thật chậm - cô hồi hộp.

Nó lặp lại từng nét rồi cầm tay cô viết vào lòng bàn tay nó. Sáng đó hai đứa không làm chi nữa ngoài chữ mèo. Chúng bò lổm ngổm trên mặt đất, chữ nọ chồng chữ kia nhưng cô sung sướng không tả xiết. Cô bảo: "Anh sẽ dạy em viết tên em, tên anh, tên mọi thứ quanh mình chứ?". Nó trở thành thầy lẫn thợ trong suốt mùa thu, một mùa thu có "em ngồi đây tóc ngắn và mùa thu rải nắng ở chung quanh". Học trò nó rất ham học. Nó mua cho cô phấn, bảng con và tập cho cô viết các chữ cái. Ngày cô ghép chúng là một ngày quan trọng. Cô ngồi trang nghiêm, bảng cầm taỵ Nó hái một ngọn lá đặt vào tay cô rồi xướng to: "L... a... la... sắc lá... ". Cô nghiêng đầu lắng nghe như hứng từng âm thanh trước khi chúng rơi xuống mặt bảng. Chữ L và chữ A run rẩy chồng lên nhau hoặc có khi đứng xa nhau cả quãng, dấu sắc lọt thỏm ở giữa nhưng cô bé thì tái nhợt vì xúc động. Thế giới tối tăm và tĩnh lặng của cô bị xáo trộn. Mọi vật không im lìm nữa. Chúng rạo rực dưới tay cô, hăm hở kêu lên: "Viết tên em đi! Tên em nữa! Em nữa...!".

Cô say sưa viết còn nó lặng lẽ vẽ khi không có việc. Con mèo luẩn quẩn bên cạnh học vồ những chiếc lá rơi. Đó là những ngày êm đềm nhất của nó từ khi cha mẹ nó mất. Nó vẽ những ngày vui ấy vào một quyển vở, vẽ cả ước mơ của cô và của nó. Trong đó dĩ nhiên cô hết mù và nó cũng hết làm thợ sửa xe. Nó đã quen việc nhưng không quen ý nghĩ làm anh thợ sửa xe suốt đời. Trong giấc ngủ nó cũng vùng vẫy thoát khỏi số phận.

Mùa đông đến, vô cùng khắc nghiệt đối với người nghèo. Công viên vắng tanh. Khách không có, cô bé mù không đến. Nó co ro, môi thâm tím vì lạnh nhưng không bỏ đi chỗ khác. Kết quả nó ốm một trận nên thân. Khi nó đi làm lại, lác đác đã có người đến bán mai ở công viên, những cành mai đầy nụ phong kín nắng tháng chạp. Nó chờ hoài, chờ hoài nhưng cô bé mù bạn nó vẫn không đến. Những gì còn lại của cô là một con búp bê len, lem luốc, ẩm ướt, gần như vùi trong lớp lá.

***

- Đi thôi em. Bức tranh có gì đâu mà xem hoài!
- Nhưng em thích. Không biết có phải vì mầu hoa chói chang như lửa đó không?
- Hoa phượng đó mà!
- Hoa phượng ư? ôi hồi nhỏ em đã đổi hai con búp bê len lấy một nhánh nhỏ xíu. Em đã thèm thấy nó xiết bao!
- Hè đến tha hồ thấy. Chỉ cần đến một trường học.
- Nó là hoa học trò phải không?
- Ừ. Đi thôi!

Nhưng người đàn bà đẹp, khá sang trọng cứ đứng chôn chân trước bức tranh vẽ một cô thiếu nữ ngồi trên ghế đá, áp má vào nhành phượng. Hoa phượng hắt cả nỗi buồn rực rỡ lên khuôn mặt cộ Bức tranh lạc lõng giữa đám bạn bè bí ẩn, xa xôi, đại diện cho các trường phái, khuynh hướng, chiếm một góc lẻ loi nhỏ bé ở tận cuối phòng. Có phải mùa hoa chói chang và nét buồn khôn tả của thiếu nữ trong tranh đã níu chân bà lại hay tại cách áp má vào hoa của cô ta quen thuộc quá chừng? Càng nhìn, những cánh hoa dường như càng xòe to, lập lòe. Hàng mi dài như hai vệt tối của cô thiếu nữ động đậy, trào ra lai láng nỗi buồn. Hoa phượng rực rỡ, tuổi thanh xuân rực rỡ mà sao bức tranh vẫn buồn khôn tả. Bà nhắm mắt lại. Mầu hoa vẫn sáng rực trong bóng tối. Khi bà mở mắt ra, một mùa hè xa xôi bỗng thức dậy, chói chang kỷ niệm. Bà tưởng như thấy một người nữa trước cô bé, một người bà chưa hề biết mặt. Người ấy xướng to: "L.. a... la... sắc lá" bằng một âm sắc mà ngần ấy năm trời bây giờ bà vẫn nghe rõ dường như hôm quạ Bà ngửi thấy mùi hoa phượng hăng hắc, cả mùi dầu mỡ phả ra từ hoài niệm. Hai mươi năm. Đủ để làm nên phép lạ cho đời bà. Bà được đi xa chữa mắt. Được... Được... Nhưng còn người ấy?
- Đi em!
- Chút nữa!
- Nếu em thích quá thì anh hỏi mua vậy. Họa sĩ ơi!

Trong một góc, cái đầu bù xù động đậy.
- Bức tranh vẽ cô gái với nhành phượng giá bao nhiêu? Không thấy đề giá.
- Bức đó à? Tại sao không là bức khác?
- Tại vì vợ tôi thích.
- Nhưng bức đó không bán.
- Bao nhiêu tôi cũng mua.
- Rất tiếc. Đó là tranh người ta gửi.
- Ông làm ơn cho tôi... gặp người ấy được không? - Người đàn bà xen vào.

Người họa sĩ đứng tuổi có khuôn mặt mệt mỏi, nhàu nát nhìn người đàn bà chăm chú rồi thở dài:

- Cả tôi cũng không biết anh ta bây giờ ở đâu, còn hay mất. Anh ta không phải là một họa sĩ nhưng anh ta vẽ dễ dàng như người ta thở. Chúng tôi tình cờ quen nhau. Thỉnh thoảng anh ta đến xem tôi vẽ. Rồi một ngày anh ta bỗng đem gửi tôi bức tranh này. Đó là tác phẩm sơn dầu đầu tiên của anh ta nhưng nó khá quá chứ. Chỉ với kỹ thuật thôi không thể được như thế. Tiếc là không có bức thứ hai!
- Tại sao thế?
- Anh ta gửi rồi đi... Đã nhiều năm rồi không trở lại. Tranh chẳng ai hỏi mua mà có hỏi mua tôi cũng chẳng nỡ bán. Đó có thể là tác phẩm đầu tiên và cuối cùng của một người. Giá bà nhìn thấy anh ta lúc gửi gắm cho tôi nửa tâm hồn anh ta nhỉ?

Họa sĩ nhìn ra đường, ánh mắt xa xăm:
- Bà thấy kia! Dòng đời như nước. Ai biết anh ta bị cuốn về đâu?

Người đàn bà lặng lẽ khóc. Bà đã quen lối khóc không trào lệ cả thời thơ ấu tối tăm.

- Nếu bà còn thích, một năm nữa bà quay lại. Tôi giữ thế cũng đã lâu rồi. Một năm nữa anh ta không trở lại, tôi sẽ trao nó cho người biết trân trọng nó.
- Dạ.

Tiếng "dạ" nhỏ nhẹ, thẫn thờ rút ra như tiếng thở dài khép lại cuộc đối thoại. Nó cũng mênh mang, bất định như cuộc đời. Người đàn bà đứng trước bức tranh với một dáng vẻ khiến người họa sĩ già không thể không phác họa bằng mắt. Bà lặng lẽ từ biệt nỗi buồn rực rỡ rồi đi ra khỏi phòng tranh.

Họ đi rồi. Họa sĩ cảm thấy trống trải. Ông nhìn những bức tranh. Chúng cũng lặng lẽ nhìn ông, thì thầm trong vô thanh. Chụp lấy mũ, ông lê những bước chân cô đơn, mệt mỏi trên hè phố và mất hút trong dòng người nặng trĩu vui, buồn, bất an...

Quế Hương

http://vnthuquan.org/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn1nqnmn31n343tq83a3q3 m3237nvn

sôngthương
05-24-2017, 11:26 PM
Kỷ niệm "đêm hôm trước"


Tôi dành buổi sáng không có tiết dạy để đi mua thịt. Một tháng, cả nhà đợi ngày trọng đại này, ngày bếp rộn ràng dao thớt, sực nức mùi mỡ rán, thịt kho.

Tối hôm trước, các con nôn nao hẳn vì chúng biết ngày mai được ăn thịt. Tôi không ngủ được, 3g sáng đã đi. Trời vẫn còn tối lắm, mặt người chưa tỏ, chỉ thấy lố nhố hình dáng. Thế mà trước cánh cửa sắt đã gần kín chỗ. Ai cũng muốn đứng gần cửa để khi cửa mở chạy ào vào giành chỗ. Đêm vẫn còn sau cánh cửa bởi người bán và những con heo thịt còn ngủ. Nhưng trước cửa... không còn đêm!

Bám vào cửa, tay cầm khư khư miếng bìa ghi sẵn tên và cục đá chặn, tôi mơ tưởng đến miếng thịt tiêu chuẩn của 30 ngày. Một miếng thịt vừa có nạc cho con bồi dưỡng trưa nay, vừa có mỡ rán để dành cho mẹ kho nấu cả tháng.

Khi mặt trời rọi vào những gương mặt bơ phờ mất ngủ, cánh cửa sắt rít lên. Cửa vừa hé, ai cũng cắm đầu chạy. Mới qua khỏi cửa, tôi bị đẩy té nhào. Một thằng nhóc ngoảnh nhìn rồi chạy tiếp. Cái nhìn đủ để tôi nhận ra đứa học trò mình. Cái thằng học bình thường nhưng là đứa duy nhất trong lớp mặc áo trắng mùa đông. Nhìn kỹ mới thấy áo len độn trong áo trắng, hằn những vệt ngang đủ màu, dệt bằng những mẩu len thừa thẹo.

Hắn cũng nhận ra tôi, quay ngoắt lại không phải đỡ tôi dậy hay xin lỗi tôi mà giật phắt miếng bìa trên tay tôi lao tới như tên bắn. Xếp hàng cho đá xong xuôi, hắn mới đi chân không đến gần tôi lí nhí: “Em xin lỗi...”. Còn tôi cảm ơn hắn khi thấy miếng bìa ghi tên tôi đặt trước bìa hắn, được chặn bởi chiếc dép của hắn vì hòn đá tôi vẫn cầm trên tay. Sau lưng hai thầy trò, đá nối đá dài dằng dặc trong tích tắc!

Đi sớm thế mà mãi đến 10g mới có thịt mang về. Tôi thầm cảm ơn hắn lần nữa bởi sau tôi hai sổ, mậu dịch viên tuyên bố hết thịt. Hắn bê thịt ra mặt không vui. Mạ em rầu lắm đây! - hắn nhìn tảng thịt - Thịt ăn hết liền nhưng mỡ còn rán để dành ăn lai rai. Bỏ vào chén nước mắm muỗng mỡ hơ chảy là cơm độn gì cũng hết! Hên nhất là được miếng tóp. Hắn nuốt nước bọt hít hà.

- Thịt nạc nhiều đạm bổ hơn em ạ! - tôi nghèn nghẹn trả lời rồi đưa cho hắn miếng mỡ - Cô cho.

Nó lắc đầu bảo tôi: Về nhanh cô ơi, bếp đợi!

Hắn ôm thịt chạy, còn tôi đi như bay. Trong đầu hai cô trò đặc kín hình ảnh bữa cơm có thịt, có mỡ, không dành một khe nhỏ nào cho chữ...
Trưa ấy, cái bếp đen sì bồ hóng nhà tôi mở đại tiệc mừng “miếng thịt của 30 ngày“. Nhìn những miếng mỡ quý giá thau dần thành những miếng tóp giòn tan thơm phức, tôi bỗng nhớ hắn.

Trút mỡ ra tô, tiếc cái chảo còn láng lườm, tôi lấy ít bột mì tiêu chuẩn, thứ cao lương ngày ấy, làm món bánh mì áp chảo. Lũ con tôi hoan hô kịch liệt, ngồi quanh nuốt nước bọt đợi. Miếng bột nặng trịch lấm tấm mọt như rải mè đen ấy được tôi nướng bằng cái chảo còn láng mỡ, vàng mặt này trở qua mặt khác. Mặt trên còn được điểm mấy miếng tóp mỡ ngon lành đến nỗi tụi nhỏ và mẹ chúng đều nuốt nước bọt. Tôi chia chiếc bánh làm sáu phần đều nhau dù nhà chỉ năm người. Miếng thứ sáu điểm hai miếng tóp, tôi gói lại. Chiều đi dạy tôi ngoắc hắn ra...

Sau này nhiều lần nếm bánh pizza trứ danh đắt tiền, chẳng bao giờ tôi thấy ngon bằng miếng bánh mì áp chảo điểm mọt và tóp mỡ hồi ấy. Mới biết thiếu để được thèm, để cảm thấy ngon cũng là hạnh phúc.

Giờ mấy ai thèm mỡ. Vả lại thời nay ra chợ mà coi, kiếm thịt siêu nạc thì dễ, kiếm mỡ mờ con mắt.
Chạm mỡ là nhớ nỗi thèm xa xăm. Ra chợ thấy thịt ê hề mà sợ thịt. Nhưng thừa thứ này lại thiếu thứ khác còn quan trọng hơn. Đôi khi tôi ngồi nhớ những thứ thiếu vô hình vô tướng ấy đói cồn cào chảy nước mắt...

QUẾ HƯƠNG



http://cuoituan.tuoitre.vn/tin/van-hoa-nghe-thuat/tap-but/20111120/ky-niem-dem-hom-truoc/465552.html (http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/thu-hoi-cong-van-van-dong-giao-vien-mua-10-kg-thit-lon-374445.html)



"Nhưng thừa thứ này lại thiếu thứ khác còn quan trọng hơn. Đôi khi tôi ngồi nhớ những thứ thiếu vô hình vô tướng ấy đói cồn cào chảy nước mắt..."


****

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/thu-hoi-cong-van-van-dong-giao-vien-mua-10-kg-thit-lon-374445.html (http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/thu-hoi-cong-van-van-dong-giao-vien-mua-10-kg-thit-lon-374445.html)

Chỉ thấy xót xa, sau chừng ấy năm, vẫn là nỗi khổ của người dân , từ “thái cực” này qua “thái cực” khác …

***

@ St Cảm ơn anh Ngọc Hân và các anh chị đã ghé đoc truyện :z57:

sôngthương
05-28-2017, 10:31 PM
Chỗ Ngồi May Mắn


Suốt gần một năm nay, nhà hàng của Dennis liên tục ế ẩm vì thời buổi kinh tế khó khăn sau cuộc khủng bố 9/11 đã làm chùn bước nhiều khách hàng. Nhà hàng của anh trước kia cũng đã có lúc khách đợi sắp hàng dài nhất trong khu shopping này, thế mà bây giờ thì cả chủ và thợ đều phải ngáp gió đập ruồi cho qua ngày tháng.Dennis đã ráng cầm cự hơn sáu tháng nay, mỗi tháng anh phải mượn nợ từ bạn bè, thân thuộc để trang trải tiền công cho thầy thợ, tiền thuê cửa hàng. Nhưng tuần rồi anh bắt buộc phải tập hợp những người cộng tác của anh lại để thông báo cho biết là dịch vụ của nhà hàng sẽ phải tạm đình chỉ từ cuối tháng này. Anh đã cẩn thận cộng đi cộng lại sổ sách nhiều lần, mỗi tháng dịch vụ thương mại của anh đều vướng phải một số âm to tướng.

Trương mục tiết kiệm dành cho ngày dưỡng lão cũng biến thành một chữ số Zero. Dennis bắt đầu cảm thấy tay của anh giá lạnh như thể anh là một tay chơi trong sòng bài đang đến lúc cùng đường mạt vận. Buộc lòng anh phải nghĩ đến quyết định sau cùng là: Hãy bán hết ngày hôm nay, có thể anh phải đóng cửa kể từ ngày mai, tức là hai tuần sớm hơn dự định.

Đã đến giờ ăn tối mà sao khách của nhà hàng đi đâu hết rồi. Ở một góc khuất của quán ăn chỉ có hai cha con nọ đang ngồi đợi thực phẩm dọn lên, đứa nhỏ trông có vẻ nghịch ngợm, hết khua chén rồi lại gõ đĩa, người cha hình như có vẻ phiền muộn, không màng ngó ngàng đến đứa con đang làm huyên náo khung cảnh yên lặng của nhà hàng vắng khách.

Lúc đó, một người đàn ông ăn mặc sang trọng nhưng có gương mặt tái nhợt bước vào, Dennis chua chát nghĩ thầm: "Có thể đây là người khách cuối cùng của đêm nay mà cũng là người cuối cùng của nhà hàng mình chăng? Hay là ta đặc biệt chiêu đãi để tạo cho người ta có một thiện cảm với mình. Sau này, dù mình không còn mở cửa, nhưng biết đâu hình ảnh nhà hàng mình sẽ để lại trong lòng ông ta một ấn tượng đẹp đẽ!”

Người khách ngồi xuống gọi ngay một cốc rượu mạnh rồi mới bắt đầu lướt mắt qua tấm thực đơn đi tìm những món ăn đặc biệt nhất của tiệm Dennis. Không đợi ông gọi, Dennis tự động bước tới hớn hở nói với ông ta:

- Chúc mừng khách quí, ngài đã chọn đúng một chỗ ngồi tốt nhất, may mắn nhất trong tiệm của chúng tôi, vì vậy đêm nay không những ngài được miễn phí chiêu đãi mà những món ăn của ngài lại là phần ăn của một VIP.


Người khách ngây người nhìn Dennis một chặp rồi hỏi:
- Không ngờ tôi lại may mắn đến thế cơ à?
Dennis tiếp theo đó đã mang ra một phần ăn đặc biệt nhất trong tiệm anh để chiêu đãi người khách này. Đến món tráng miệng, thay vì chỉ một mẩu kem nhỏ thì anh mang ra một chiếc bánh ngọt hạng trung màu sắc rực rỡ và có nến thắp sáng giống như một chiếc bánh sinh nhật. Người khách lạ lúc này mới chịu nở một nụ cười tươi tắn.


Đứa trẻ bàn bên cạnh thấy chiếc bánh ngọt mang ra quá đẹp cũng ngây người nhìn một chặp rồi nó vòi vĩnh với cha:
-Ba à, con cũng muốn ăn chiếc bánh sinh nhật to như vậy đó.

Cha đứa bé nạt ngang:
-Cha con mình đâu có nhiều tiền để ăn những món đắt tiền như vậy đâu con.N
gười khách may mắn thấy sự việc như vậy nên quay lại nói với Dennis:
-Đứa bé có vẻ thèm bánh ngọt, thôi thì anh hãy mang sự may mắn của tôi san sẻ với những người chung quanh của tôi vậy.

Dennis vâng lời chia cái bánh của ông làm đôi rồi mang nửa chiếc sang tặng cho cha con người khách ngồi bàn kế cận. Đứa bé hớn hở đón nhận tặng vật và múc ăn ngon lành. Người cha của đứa bé thấy con mình vui nên ông cũng cảm kích bước sang bên này để cảm ơn ông khách tốt bụng.

Hai ông khách từ những câu xã giao thông thường rồi bắt đầu bước vào thăm hỏi nhau qua nghề nghiệp. Ông khách sang trọng tự giới thiệu ông tên là Kent, chủ nhân kiêm giám đốc một hãng thiết kế điện tử ở Thung Lũng Hoa Vàng. Cơ sở của ông tuy còn rất nhỏ nhưng đã có những sản phẩm ăn khách bán chạy và bắt đầu có lời. Cha của đứa bé thì nghẹn ngào cho biết ông làm nghề địa ốc, nhưng tình hình kinh tế hiện nay đã khiến cho những tay dealer mua bán nhà cửa như ông gần như khánh tận. Ông đã nhận được giấy báo của công ty bắt đầu cho ông nghỉ việc kể từ đầu tháng tới.

Kent, ông khách sang trọng ngẫm nghĩ một chặp rồi nói với người cha đứa bé:
-Công ty của tôi đang cần những người saleman có khả năng, hay là anh vào hãng của tôi tạm thời làm thử một thời gian xem có thích hợp hay không?

Cha đứa bé bất ngờ gặp được quí nhân thì mừng rõ vô cùng, ông ta rối rít cảm ơn người khách lạ rồi họ trao đổi số phone và địa chỉ liên lạc …

Qua đêm hôm đó, Dennis bỗng nhiên bỏ qua ý định dẹp tiệm, anh nghĩ còn nước thì còn tát chớ có sao đâu. Bắt đầu từ ngày hôm đó, mỗi ngày anh chọn một vị trí may mắn trong nhà hàng của anh để chiêu đãi miễn phí cho một vị thực khách với tất cả sự vinh hạnh đúng nghĩa. Cái tin này được loan ra, thiên hạ ùn ùn kéo đến không ngớt.

Người ta không chỉ muốn ăn miễn phí mà hình như ai nấy cũng muốn thử thời vận của họ xem có được là người may mắn trong đêm của nhà hàng nổi tiếng này hay không?

Độc chiêu của Dennis bỗng nhiên hiệu nghiệm khiến nhà hàng của anh tức thì trở thành đông khách nhất khu vực tuy rằng trong giai đoạn kinh tế khó khăn này.

Mấy năm trôi qua, ông Kent đã trở thành khách thường trực và là bạn thân của Dennis. Một đêm cuối tuần, khi đợt khách cuối cùng đã ra về, được dịp Kent mời Dennis một ly rượu mạnh, ông bỗng hỏi Dennis một câu như sau:
- Anh có biết cái đêm hôm đó khi đến tiệm của anh, tôi đang nghĩ ngợi và có dự định gì trong đầu hay không?

Dennis lắc đầu, Kent gật gù nói:


-Buổi chiều ngày hôm đó tôi nhận được email của nhà tôi, bà ta cho biết là không thể nào chịu đựng thêm được cái tính say mê công việc (work-aholic) của tôi. Bà ta cho rằng dưới mắt tôi, bà ta không là gì cả, cho nên từ 6 tháng trước đó bà đã ngoại tình và hôm đó bà đã chính thức bỏ tôi để đi theo tiếng gọi của con tim. Tôi đã suy nghĩ cả một buổi chiều, ruột gan tôi rối tung lên. Đêm đó, trong đầu tôi dự định là sau khi ăn uống no say tôi sẽ trở về nhà để kết liễu sinh mạng của mình. Anh nên biết, cuộc đời tôi đã đi từ thành công này sang thành công khác, nhưng lúc đó tôi mới nhận ra là tôi đã thất bại hoàn toàn ngay từ bước đầu tiên. Kim tự tháp của tôi đã bị hỏng nền cho nên tôi chỉ còn cách là kết liễu sinh mạng của tôi thôi. Thế rồi tôi được anh chỉ cho một chỗ ngồi may mắn, tôi cảm thấy ngỡ ngàng và tưởng chừng như ông trời đang giở trò châm biếm tôi.
Nhưng sau khi tôi mang nửa cái bánh tặng cho đứa bé, rồi mang một việc làm giúp cho cha đứa bé thì lúc đó tôi mới thấy là cuộc đời của tôi cũng còn có một chút xíu giá trị và hữu dụng. Cuộc đời tôi mới bắt đầu đứng lên từ lúc đó. Cho nên phải nói chính anh đã cứu lấy cuộc đời của tôi. Cám ơn Dennis, người bạn thân thiết của tôi.

Dennis cảm động ôm chầm lấy Kent, mắt anh cũng đoanh tròng ngấn lệ,bây giờ anh mới hiểu ra, sự may mắn chỉ có thể đến với ta khi nào lòng ta mở rộng vị tha. Nếu như anh không nghĩ ra cách mang tặng một phần ăn miễn phí, thì có thể là cơ nghiệp của anh đã không có được như ngày hôm nay. Bản thân anh phải chăng cũng chính là một nhân vật may mắn nhất trong chuỗi cờ domino dài nhằng đang xảy ra nhan nhản trên khắp quả địa cầu mà chúng ta đang cư ngụ.

(Phạm Huê dịch)

Một chút suy tư
Kent tâm sự:
Anh nên biết, cuộc đời tôi đã đi từ thành công này sang thành công khác, nhưng lúc đó tôi mới nhận ra là tôi đã thất bại hoàn toàn ngay từ bước đầu tiên. Kim tự tháp của tôi đã bị hỏng nền cho nên tôi chỉ còn cách là kết liễu sinh mạng của tôi thôi.


http://gpbanmethuot.vn/content/ch%E1%BB%97-ng%E1%BB%93i-may-m%E1%BA%AFn

sôngthương
06-03-2017, 09:08 AM
Người Bán Thuốc Dạo



https://3.bp.blogspot.com/-0s2etm6clYk/WS6r4soi0qI/AAAAAAAAK2w/pq2FaS8V6jItlzwpBtHHBXhSKRA3LhrlACLcB/s1600/Nguoi%2Bban%2Bthuoc%2Bdao.bmp (https://3.bp.blogspot.com/-0s2etm6clYk/WS6r4soi0qI/AAAAAAAAK2w/pq2FaS8V6jItlzwpBtHHBXhSKRA3LhrlACLcB/s1600/Nguoi%2Bban%2Bthuoc%2Bdao.bmp)






Nắng sớm trải vàng trên những dãy nhà cao thành phố, bầu trời trong và mát rượi. Ngộ như người nhàn hạ thả dọc theo một bên lề đường hướng về chợ Bến Thành. Qua ngang những góc đường, trên những vỉa hè, ngày ngày vẫn những khuôn mặt khốn khổ, vất vả như Ngộ. Những gánh hàng rong đặt ở một vài góc đường, rải rác người mua. Những người đàn bà bán hàng cũng uể oải theo sự mua bán rời rạc. Bác bán bánh mì ổ với một cần xé to được ràng kỹ sau yên xe, vừa đạp chậm vừa rao inh ỏi. Tiếng rao của bác không thua gì chiếc kèn hơi, lúc trước bác dùng nó để thay thế tiếng rao mỗi sớm đạp quanh trong những khu xóm lao động. Những bác phu xích lô ngồi trong quán cóc mở sớm, trên miệng bập điếu thuốc, mắt ngóng ra đường chờ đợi người khách đầu tiên. Những khuôn mặt đó, vẫn còn một tâm hồn thảnh thơi sau khi gác công việc trở về nhà. Còn Ngộ lúc nào cũng chừng như áy náy, lo lắng vì việc làm không lương thiện của ông bà Bảy giao cho.


Trên đường đi Ngộ không dám ngước lên nhìn thẳng vào ai hết! Ánh mắt nào cũng làm Ngộ lo sợ, tưởng chừng như những ánh mắt đó thấy rõ ràng việc nó sắp sửa làm. Từ hôm thằng Hạo bị bắt vì giựt hụt cái bóp của ông Mỹ đến nay, Ngộ phải đi làm ăn một mình. Ngộ không tin việc làm của mình sẽ được trơn tru như mấy thằng nhỏ cùng ở chung nhà ông bà Bảy. Tụi nó đứa nào cũng quá quen với công việc, tối mò về con ngõ đều đưa đầy đủ số tiền góp trong ngày ông bà Bảy ấn định.


Đến con đường thành phố chính, Ngộ thả chậm lại những bước chân trên vỉa hè. Hàng sách, hàng vải và nhiều hàng tạp nhạp khác bày bán dài dài trên lề đường chỉ chừa lối đi một khoảng nhỏ. Những tiền giấy sáng choang trong đầu Ngộ từ nơi những túi quần khách hàng móc ra, đến người bán thối lại. Ngộ nhìn sững. Ngộ chần chừ đứng lại bao lần và lần nào Ngộ cũng giả lơ đôi mắt xuống đường đi thẳng.


Ngọn roi cá đuối của mụ Bảy hiện lớn trong đầu Ngộ vừa khuyến khích vừa hăm dọa. Đôi mắt nghiêm nghị của ông cảnh sát trong phòng tạm giam hôm nào như bắt Ngộ dừng tay lại. Ngộ không nhớ nổi, không đếm được bao nhiêu lần nó đã đi đi, lại lại trên vỉa hè này. Đôi chân mỏi đuối, hai tay xuội lơ, đôi mắt muốn nhắm lại để không thấy những đồng tiền vung vãi từ những cánh tay sang giàu này, đến những cánh tay giàu sang khác. Ngộ nhớ đến Hạo, thằng bạn nhỏ thân nhất của nó cùng ở trong con ngõ tối. Không có một con đường nào Hạo thèm rảo chân đến ba, bốn lần, cũng không chậm rãi, quá nhút nhát như Ngộ. Ở nơi thằng Hạo có nhiều điều rất lạ, từ chuyện nó không thèm xớ rớ đến một người Việt nào trên đường cũng là một chuyện khó hiểu! Những cái bóp đầy ứ tiền của người ngoại quốc mới làm mồi cho Hạo mà thôi.


Ngộ mang thắc mắc đó hỏi Hạo:


- Sao lúc nào tao cũng thấy mầy tránh né người mình, chỉ đụng đến mấy ông Mỹ to lớn kềnh càng. Rủi có hôm không may mấy ổng tóm được, chỉ một bạt tai thôi, mầy cũng đủ té lăn ra chết quá Hạo ơi!


Hạo cười cười:


- Tao tự hứa như vậy.


- Sao mày không tự hứa bỏ luôn cái nghề móc túi này cho rảnh?


- Muốn lắm! Nhưng đợi dịp tao mày trốn xa nhà ông bà Bảy đã.


- Lúc nào mày cũng nói như vậy hết à! Mình bỏ đi biệt còn lâu ổng mới tìm cho ra. Hay là mầy còn thích cái nghề này nên chưa muốn rời vợ chồng ông Bảy?


Ngộ nghi ngờ người bạn nhỏ của mình. Lần đó, giọng thằng Hạo chùng xuống:


- Mầy hiền quá Ngộ ơi! Ông bà Bảy là con cọp dữ mà mình đang ngồi trước mặt họ. Phải đợi đến lúc nào con cọp quên phứt mình đi mới tìm đường chạy được. Mầy thấy, có ai ưa được cái nghề xấu xa của mình đâu! Lúc nào cũng sợ sệt, lúc nào cũng không dám ngẩng mặt lên nhìn những người chung quanh. Như thế đó nên không bao giờ tao dám lớ quớ đến người mình dù họ có sang trọng mấy đi nữa.


Hạo nói một hơi dài và kể cho Ngộ nghe lần đầu nó đi làm ăn một mình, nó cũng sợ hãi và lo âu như Ngộ bây giờ.


Một buổi chiều Hạo đứng lấm lét trước một quán ăn sang trọng. Nó chờ đợi những người khách lơ đễnh từ trong quán bước ra. Bất cứ cái bóng nào xuất hiện nơi cửa kính quán ăn Hạo cũng nhìn chằm chằm không tha. Một dịp may đến với Hạo, từ trong quán một đôi vợ chồng đi với hai người con bước ra. Đứa con gái lớn độ chừng 12, 13 tuổi đi bên người mẹ, còn đứa nhỏ được người chồng bồng trên tay. Hai ông bà nói đủ thứ chuyện. Hạo không nghe được câu chuyện của họ, nhưng Hạo biết chắc là vui lắm, vì đứa con gái lúc nào cũng cười luôn miệng. Hạo cố chờ đợi xem người đàn ông có để ý gì đến mình không, nhưng người đàn ông vẫn vui vẻ nói chuyện, không một mảy may biết có người rình rập.


Hạo lẹ chân trờ tới. Nhưng không may cho Hạo, đứa con gái đi bên cạnh người đàn bà thoáng thấy hét lên:


- Ba! Thằng nhỏ móc túi kìa.


Người đàn ông quay lại thật lẹ, xiết chặt cườm tay Hạo vặn chéo. Cái bóp da đen sóng sánh rơi xuống hè đường. Người đàn ông vẫn còn nắm cổ tay Hạo, ông nghiêng người xuống lượm cái bóp bỏ vào túi quần sau. Người vợ đứng sựng lại nhíu mày nhìn Hạo. Đứa con gái đưa đôi mắt khinh bỉ.


Khuôn mặt Hạo xám ngắt, nó muốn nói một câu gì đó để người đàn ông buông tha nhưng lưỡi nó ríu lại. Hạo chờ đợi bàn tay rắn rỏi của ông giáng mạnh xuống khuôn mặt. Nhưng không, ông nới rộng bàn tay xiết chặt và thả lỏng cánh tay Hạo xuống.


Tiếng người vợ vang lên trong trẻo:


- Thôi tha cho thằng nhỏ đi mình.


Những người đang ăn trong quán đổ ra, người đi đường dừng lại ; đôi mắt ai cũng lườm nhìn Hạo khó chịu. Hạo chôn chân cứng ngắc, đôi mắt nó nhìn xuống lòng đường nghe cay. Hạo nghe trong đám đông có nhiều tiếng nói:


- Đánh bàn tay nó cho nhừ ra, cho thiệt nhão để khỏi móc túi.


- Con nhà ai mới chút tuổi đầu bàn tay đã dính keo! Kêu lính xúc nó bỏ bót cho rồi!


Người đàn ông không giống những người chung quanh chút nào. Ông có đôi mắt rộng lượng của bầu trời xanh trong khi người chung quanh có đôi mắt hẹp và tối. Giọng ông trầm xuống:


- Thôi em nhỏ đi đi! Ráng kiếm một nghề khác sinh sống nghen.


Sự việc xảy ra trái với suy nghĩ Hạo đang có! Sự việc trái ngược như cái tát tai vào sự ích kỷ, hạn hẹp chung quanh. Hạo “dạ” lí nhí trong miệng, bờ môi bậm cứng cho khỏi bật tiếng khóc. Hạo ngẩng mặt lên để nhìn thấy rõ những người quá tốt với mình, nhưng nó chỉ nhìn thấy sau lưng hai vợ chồng và hai đứa con gái đã sang đến bên kia đường.


Người đàn ông mà Hạo kể đó, không bắt buộc Hạo phải giữ lời hứa, nhưng chính Hạo tự hứa với nó không bao giờ lạng quạng đến một người Việt nào hết. Với người ngoại quốc hạo cũng thấy áy náy.


Nghĩ đến người bạn nhỏ của mình, từ sớm đến giờ Ngộ đã qua thật nhiều con đường và đã bao lần nó chần chừ đứng lại trước những dịp may, nhưng lần nào cũng có một điều gì đó bắt nó đi thẳng.


Ngộ đảo ngược con đường Lê Lợi một lần nữa, xong nó quay vòng về hướng chợ cũ. Nơi đây lúc nào cũng đông người, từ sáng tinh mơ đến chiều xẩm tối may ra Ngộ kiếm được chút đỉnh gì chăng? Dọc trên một hè đường rộng, những gian hàng thú vật được bày bán như một sở thú nhỏ : Những con sóc quẩn quanh trong chuồng sắt ; một vài chú khỉ nhe răng, trợn mắt như muốn nhát người đi đường ; những chú gà tre oai phuông như một ông tướng, lưỡi kiếm là đôi cựa dài vuốt nhọn, khinh bạc không thèm nhìn ai, chỉ chú ý đến những hột lúa vung vãi cạnh đó. Còn những chú chó, cao có, lùn có, vằn vện, đốm ; những chú chó đốm ở đây đáng nghi! Người bán ở đây có thể lấy mực tàu vẽ đốm lên mình chó. Người mua khoái chó đẹp đem về vài ngày sau tắm rửa chó sẽ bạc phếch như bông. Một lần Ngộ nghe Hạo kể như thế, nó không nín cười được khi nhìn một chú chó đốm đang đưa đôi mắt nâu ngó ra đường.


Cũng vỉa hè này xa xa một chút, Ngộ chú ý một đám đông đang quây tròn. Không hiểu người ta đang coi gì ở đó? Ngộ bước tới chen chân với những người đã đứng trước, cho nửa thân mình vào phía bên trong. Đó là một đoàn hát nhỏ của người bán thuốc dạo. Trước mặt Ngộ, những chai lọ, những gói giấy kiếng màu được sắp gọn gàng vào một chỗ. Bên cạnh đống thuốc, một cô gái trạc tuổi Ngộ, trong bộ đồ màu hồng đã cũ, nhưng sạch sẽ. Con nhỏ có đôi mắt sáng lóng lánh như hai ngôi sao, cái miệng lúc nào cũng cười chúm chím với chú chó to lớn đang nép đầu trong đôi tay nhỏ. Người bán thuốc dạo là một ông lão khỏe mạnh, đầu tóc bạc trắng búi lại một cục ở sau gáy. Chòm râu ông để dài cùng với màu tóc. Đôi mắt ông sáng trưng, chứ không đờ đẫn thảm sầu như vài ông lão Ngộ gặp trên đường. Bộ đồ bà ba màu nâu, quần rộng bó túm càng làm tăng vẻ quắc thước, khỏe mạnh nơi ông. Ông bước những bước chững chạc vòng quanh đám khán giả vỉa hè, với giọng quảng cáo thuốc nghe như tiếng chuông kêu.


Nói về đủ thứ thuốc, về cách trị bệnh của mỗi loại xong, ông lão xuống giọng hết sức chân thành:


- Đoàn bán thuốc dạo chúng tôi đã đi khắp miền lục tỉnh, đâu đâu cũng được bà con, cô bác tín nhiệm! Hôm nay chúng tôi đáo về thành phố vừa bán vừa quảng cáo thuốc người mình. Chúng tôi lấy công làm lời, không mua một bán hai như những đoàn bán thuốc dạo khác. Mời bà con, cô bác nhanh tay, chỉ còn độ chục chai nữa là hết.


Không hiểu có phải ông lão bán thuốc dạo rao hàng hấp dẫn, hay những chai thuốc bổ gì đó quyến rũ mà sau khi ông nói dứt câu, có tiếng người nhao nhao kêu mua:


- Lấy một chai đi bác.


- Thầy Hai bên này một chai.


- Thêm một chai nữa đi bác.


- A, cô Tư thêm một chai nữa. Bà con cô bác lẹ lẹ nhanh tay chỉ còn một vài chai nữa thôi.


Con nhỏ đi theo ông lão thật tự nhiên và lanh lẹ! Mỗi chai thuốc được bán đi đều kèm theo nụ cười làm mát lòng người mua. Tuần tự, người này mua, kẻ khác mua ; con nhỏ lui tới uyển chuyển trong vòng tròn người, chiếc nơ bươm bướm màu hồng kẹp dính vào mái tóc rung rinh theo ngọn gió nhẹ, như muốn bay lên khoảng trời xanh trong vắt trên cao. Một thoáng, những chai thuốc bổ hết, giọng con nhỏ vang lên thật trong:


- Vàng đâu ra chào bà con cô bác.


Chú chó to lớn tự nãy giờ nằm lì cạnh đống thuốc vụt đứng dậy bước tới khoảng giữa vòng tròn sân. Con nhỏ ngồi thụp xuống bên cạnh đưa bàn tay vuốt nhẹ dưới cổ con Vàng nói:


- Vàng đi một vòng cám ơn bà con cô bác nghen. Giỏi, đứng lên.


Như nghe được tiếng con nhỏ, chú Vàng đứng thẳng bằng hai chân sau, hai chân trước co quắp trước ngực khập khễnh thân mình bước đi. Đám con nít ngồi chồm hổm vòng quanh phía trước vỗ tay reo khuyến khích. Người lớn đứng vòng ngoài đưa mắt ngạc nhiên, chắc lưỡi khen. Con Vàng làm xong phận sự, cúi mọp thân xuống chào mọi người, mỗi lần cúi xuống chiếc vòng lục lạc trên cổ vang lên những tiếng rộn vui.


Sau màn trình diễn của con Vàng lại đến màn quảng cáo thuốc. Ông lão lại lui tới trong vòng tròn người, từng cử chỉ, điệu bộ của ông coi vẫn còn lôi cuốn được người nghe. Có một vài người đã bỏ đi, nhưng một thoáng sau họ lại quay lui, để xem còn thứ thuốc nào tốt họ cần đến.


Ngộ đứng nghiêng người về phía trước, hai tay thọc sâu vào túi quần. Đôi mắt nó mở lớn nhìn những đồng tiền để bừa bộn trong cái giỏ đan, bên cạnh những chai thuốc. Ngộ bỗng dưng ngán ngẩm cái nghề của nó hơn bao giờ! Phải chi nó kiếm được đồng tiền một cách tự do và lương thiện như thế. Dưới mắt Ngộ, một nghề mới lạ và thích thú. Đoàn bán thuốc dạo vỏn vẹn chỉ có ba người kể luôn con Vàng. Họ rày đây mai đó, cuộc sống lúc nào cũng tươi vui, như giờ phút này Ngộ thấy họ không một chút bận tâm buồn phiền trên mặt. Họ tranh thủ kiếm sống thật hồn nhiên, không quần quật, không cúi lòn, không một ông chủ để họ tranh đua xu nịnh. Tất cả thân chủ của họ đều là khách, những người khách cởi mở thân thiện. Phải chi Ngộ được cuộc sống dễ thương như ông lão và con nhỏ đó! Ngộ sẽ không nghe bức rức dày vò trước những cặp mắt đổ dồn, Ngộ sẽ ngẩng mặt tươi vui như con nhỏ trong đoàn bán thuốc dạo, bờ môi như lúc nào cũng có nụ hoa hồng nhiều cánh dễ thương quá đỗi.


Trong vòng tròn người, ông lão và con nhỏ không còn chào mời thuốc nữa. Ông lão đưa mắt sáng đảo một vòng chung quanh:


- Cám ơn bà con, cô bác đã mua thuốc của chúng tôi. Để đáp lại thịnh tình nồng hậu đó, một nghệ sĩ nhỏ trong đoàn bán thuốc dạo của chúng tôi, em Thanh Nhã, xin trình diễn một bài ca mang tựa “Kiếp tằm”.


Ngộ cũng như bao đứa nhỏ khác náo nức theo lời giới thiệu của ông lão. Sau lời giới thiệu, con nhỏ tên Thanh Nhã nở nụ cười chào mọi người. Đôi mắt sáng như hai ngôi sao và nụ cười mở ra, Ngộ tưởng chừng nụ cười đó đang cười với mình.


Ông lão bước tới chỗ để mấy chai thuốc lấy cây đờn một dây, và ngồi xếp bằng xuống chiếc chiếu trải rộng cạnh đó. Cây đờn độc huyền được đặt ngang trên đùi ông ; sợi dây mỏng manh bắt đầu vang tiếng nhạc thênh thang bay vút lên cao, dặt dìu, ảo não khi tiếng nhạc xuống thấp. Tiếng đờn độc huyền ở cung bậc nào nghe cũng buồn. Năm ngón tay điêu luyện của ông lão uốn nắn trên cần trúc. Con nhỏ Thanh Nhã thả đôi mắt lơ lửng, bàn chân nhịp xuống vỉa hè. Lời ca quấn tròn bờ môi hồng nhỏ. Bài ca đã buồn, tiếng đờn độc huyền càng buồn làm cho đám khán giả vỉa hè nghe như chết lặng.


Từ khi tiếng ca vang lên, những đứa nhỏ ngồi chồm hổm chung quanh bỗng im phắt, cũng như những người lớn đứng vòng ngoài. Họ lặng yên nghe theo câu chuyện trong bài ca con nhỏ Thanh Nhã kể. Cho đến khi câu cuối của bài ca chấm dứt, tiếng đờn độc huyền của ông lão bán thuốc dạo vẫn còn vương vấn người nghe.


Vòng tròn người trên vỉa hè bắt đầu tản rộng và thưa ra. Trên vỉa hè còn lại một vài đứa nhỏ chưa muốn dợm chân bước đi. Chúng đứng nhìn ông lão đang ngồi xếp lại những chai thuốc bỏ vào thùng sữa và con nhỏ Thanh Nhã đang ngồi đưa mắt giỡn với con Vàng.


Ngộ vẫn còn đứng dưới bờ thành phía bên trong lề đường, cách chỗ ông lão và con nhỏ Thanh Nhã không xa lắm. Cái giỏ đan đựng tiền vẫn còn để nằm trên một thùng sữa, những tờ giấy bạc nằm phơi dưới nắng làm Ngộ phát thèm! Ngọn roi cá đuối của ông bà Bảy hiện lớn trong đầu Ngộ, ngọn roi mỏng manh từ từ lớn dần, lớn dần vừa hăm dọa, vừa khuyến khích. Ngộ cúi gầm mặt xuống nhìn những ô gạch vuông trên vỉa hè, tránh đôi mắt sáng của con nhỏ Thanh Nhã tình cờ ngước lên.


Con nhỏ không nhìn Ngộ lâu, đưa mắt sang ông lão:


- Ngoại à, ở đây người ta mua thuốc mình nhiều ghê hén ngoại?


Ông lão cắm cúi thu dọn, nói:


- Lâu lâu ông cháu mình trở lại đây một lần họ mới mua như vậy đó, chứ ở đây hoài ế ẩm lắm con ơi!


Thanh Nhã đưa mắt nhìn ra con đường rộng:


- Ở đây rộng thênh thang và đông người. Ngoại và con bán không được chỗ này dời đi chỗ khác! Chứ về những miệt lục tỉnh sao con ngán ơi là ngán! Ngoại nhớ kỳ về Vĩnh Long hôn? Có bữa hổng bán được chai thuốc nào hết, trong khi con Vàng đi mỏi cả đôi chân sau thiệt là tội nghiệp, còn con ca khan cả cổ cũng hổng ai mua nổi một chai dầu gió. Thiệt rầu thúi ruột hén ngoại?!


Ông lão bán thuốc dạo cười rung hàm râu trắng:


- Lâu lâu về đây một lần thì được, nhưng ở hoài thì không! Ở quê mình dù có hôm không bán được đi nữa, nhưng vẫn có gạo, có khoai của bà con người ta cho cũng còn sống đỡ, còn trên này bán không được, chắc có nước nhịn ăn!


Hai ông cháu Nhã mải nói chuyện không để ý gì đến Ngộ. Đôi mắt Ngộ lâu lâu vẫn liếc vào chiếc giỏ đan đựng tiền. Ngộ chỉ cần có hai trăm thôi, số tiền không lấy gì làm lớn lắm với những người có mức sống bình thường ở thành phố ; nhưng với Ngộ là cả một số tiền lớn, sẽ đổi được nhiều thứ : Bữa cơm tối nay ở nhà vợ chồng ông Bảy sẽ được đầy đủ, ngọn roi cá đuối sẽ yên lành máng trên vách không vun vút giận dữ để lại những dấu vết thâm tím trên da thịt nó.


Bằng một thúc đẩy nào đó, Ngộ bước tới lẹ làng chiếc giỏ đan đựng tiền trên thùng sữa. Không ai thấy hành động của Ngộ, nhưng còn con Vàng. Chú chó tinh khôn lẹ như chớp phóng tới, cái mỏ dài thượt của nó quạp vào phía sau lưng Ngộ dính cứng chiếc áo.


Một tiếng hét vang trong trẻo:


- Vàng, làm gì đó?


Chú chó tinh khôn vẫn ngậm cứng chiếc áo của Ngộ, làm mặt nó không còn một chút máu, đứng chôn cứng xuống vỉa hè. Ông lão bán thuốc dạo đang cắm cúi xếp thuốc ngẩng mặt lên. Con nhỏ Thanh Nhã thoắt chạy tới trước mặt Ngộ.


- Thả người ta ra Vàng, làm gì cắn người ta hoài vậy?


Con Vàng nhả chiếc áo Ngộ ra, nhưng đôi mắt nâu của nó vẫn mở lớn canh chừng như không muốn cho Ngộ chạy. Thanh Nhã nhìn cử chỉ ngượng ngập đau khổ của Ngộ, con nhỏ buồn cười quá đỗi. Đôi mắt Nhã bỗng mở sáng khi nhìn thấy tờ giấy một trăm đỏ nằm dưới chân Ngộ. Không giận dữ như Ngộ nghĩ trong đầu, con nhỏ hồn nhiên kêu lên:


- Chứ bộ định lấy tiền của ngoại tui hả?


Ông lão bán thuốc dạo nghe vậy đứng lên bước tới chỗ Ngộ. Khuôn mặt ông không một chút thay đổi ; đôi mắt ông lúc nào cũng sáng trưng làm người đối diện bối rối. Ngộ thấy thấp thoáng đôi mắt nghiêm nghị của người cảnh sát hôm nào ở phòng tạm giam ; nhưng đôi mắt ông lão ở đây khác người cảnh sát, có một chút gì trìu mến bên trong hơn là nghiêm khắc đến phát sợ. Ông lão khom người lượm tờ giấy bạc dưới chân Ngộ, giọng ông nhẹ hẳn lại:


- Con túng lắm phải không?


Ngộ không nói một lý do nào hết, giọng nó thảm não, sợ sệt:


- Dạ.


Nắng vàng rạng rỡ trên đầu Ngộ, trên hai khuôn mặt ông cháu Nhã. Thằng nhỏ đứng trước mặt ông là một đứa trẻ không may, và trên dải đất này biết bao đứa trẻ không may như thế. Chiến tranh kéo dài đã sinh ra trăm ngàn nỗi khốn đốn mà chính tuổi nhỏ cũng tham dự, chia phần. Trước những khốn đốn, tuổi nhỏ bao giờ cũng quá tội tình. Người lớn, một số đông đã ích kỷ không dám nhìn thẳng vào sự thật, nói thật với tuổi nhỏ. Họ đã vẽ bày nỗi vui rộn rã, sự sung túc bên cạnh những khốn đốn bất hạnh ; những điều không thực trước một sự thật bi đát. Không một đứa nhỏ nào sinh ra tự bản chất nó xấu, vì cuộc sống chung quanh thiếu ý thức, vô trách nhiệm mới sinh ra cái xấu cho chúng mà thôi.


Ông lão nhẹ vuốt chòm râu bạc:


- Con có còn ai thân thích không?


Ngộ không hiểu ông lão hỏi mình như thế để làm chi, giọng ông trìu mến càng làm Ngộ thêm phần lúng túng. Nó thành thật:


- Dạ, con có mỗi một mình và vài người bạn.


Con nhỏ Thanh Nhã nghe nói vậy, giọng con nhỏ bỗng dưng quen thân:


- Anh giống tui, nhưng tui may mắn còn ngoại thương yêu.


Ông lão đưa tờ giấy bạc ra trước mặt Ngộ:


- Ông cho con, hãy cầm lấy. Con hãy cố gắng vươn lên.


Ngộ do dự, Nhã cười tươi:


- Ngoại tui cho anh đó, cầm lấy đi.


Ngộ cầm tờ giấy bạc trong tay, đôi mắt nó nhòa đi. Hai hàm răng nó kềm cứng lại để khỏi bật khóc. Những trận đòn trên vỉa hè, những ngọn roi cá đuối của ông bà Bảy rát đau trên thân thể chưa bao giờ làm Ngộ đổ một giọt nước mắt. Nhưng lòng nhân ái của ông cháu Nhã đã làm Ngộ khóc, lần đầu từ ngày nó trốn khỏi viện cô nhi.


Ngoài đường, nắng đổ lung linh theo hai cái bóng của ông cháu Nhã. Đôi vai ông lão nặng trĩu gánh thuốc, còn Nhã và con Vàng rảo chậm theo sau. Ngộ đứng trên vỉa hè không biết là bao lâu, đến khi hai cái bóng ông cháu người bán thuốc dạo khuất một ngả, Ngộ mới lê đôi chân mỏi đuối trên đường. Ngộ đã có một quyết định: không bao giờ nó đặt chân về ngôi nhà vợ chồng ông bà Bảy nữa. Tiếng ông lão trìu mến âm vang trong đầu Ngộ:


- “Con hãy cố gắng vươn lên.”




NGỌC PHƯƠNG





(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 223 (https://2.bp.blogspot.com/-ldeOskzMT-E/V9ElwUT8gUI/AAAAAAAAIG4/v8JQNV7tdHcX588axutTAmSYxlTr42vjACLcB/s1600/TH%2B223.jpg), ra ngày 1-6-1974)

https://tuoihoandmore.blogspot.se/2017/06/nguoi-ban-thuoc-dao.html

sôngthương
06-11-2017, 09:29 PM
Những câu chuyện, như những viên gạch nền , để hiểu thêm và biết yêu quý cuộc sống của mình, của người …






https://3.bp.blogspot.com/--eJmbLQsVGg/WTY0g9hzp6I/AAAAAAAAK9g/jq11vyI6ZCw9BNotCT3vpDjVYbPXVZwUACLcB/s1600/Mua%2Bcao%2Bnguyen.jpg

Tôi vớ lấy khẩu súng săn rồi lặng lẽ bước ra khỏi nhà. Kể từ khi tới đây tôi chưa có dịp nào thuận tiện để đi săn cả. Rừng núi cao nguyên vào mùa này mưa như trút, mưa nhạt nhòa cả cảnh vật. Đến bây giờ trời mới sáng sủa một chút, tôi mang ngay đồ nghề lên đường, đồ nghề đây chỉ vỏn vẹn một khẩu súng và ít đạn. Tôi được tới đây cũng là một nỗi may mắn hiếm có. Nguyên bác tôi tình cờ ghé thăm sau mấy ngày ở lại nhà tôi chơi, ngỏ ý muốn mời mấy cháu theo bác lên cao nguyên chơi. Trong anh em tôi chỉ có mình tôi là muốn lên. Thực ra tôi cũng không muốn ở chơi một miền núi rừng heo hút nhưng có lẽ vì những thú vật, chim muông thúc dục tôi đồng ý thì đúng hơn. Chẳng còn lạ gì khi tôi có súng s8an mà chưa bao giờ được sử dụng cho sướng tay. Lên đây, cũng là một dịp may cho tôi vậy. Và cái dịp may ấy, có ngờ đâu lại là cả một câu chuyện...





Khi tôi mới lên đây Đức là người bạn đầu tiên của tôi. Tên anh là Đức nhưng thực ra anh lại là một thiếu niên thượng. Anh nói rất sõi tiếng Việt, có lẽ ở gần nhiều người Việt và chính những người đó đã gọi anh là Đức, thay vì phải gọi tên của anh, một tên của người thượng mà họ không quen gọi, nghe nó có vẻ làm sao! Da Đức ngăm đen, mớ tóc dài phất phơ làm tăng thêm vẻ rừng rú. Mắt anh to mà đen, đôi mắt ấy đập ngay vào nhãn tuyến của người khác. Người anh dong dỏng cao, toàn thân như chứa đựng một sức lực tiềm tàng của những người gần gũi với thiên nhiên từ thuở còn bé. Đó chính là vài nét sơ lược về Đức mà tôi muốn nói ra ít nhiều. Tôi còn nhớ hôm mới quen nhau Đức nói chuyện huyên thuyên. Anh kể chuyện có duyên lắm, nhất là về rừng rú, phong tục của những người dân thiểu số. Nghe Đức kể mà tôi cũng biết được ít nhiều về những gì ở đây vậy. Tôi chơi với Đức đây cũng là vì Đức rất tốt nhịn. Thật thế, tôi có nhiều tính xấu lắm. Tôi thích hơn người, tôi cứng đầu khó bảo, tôi hay bắt nạt những người yếu đuối, tôi lười biếng... Tôi biết rằng tôi có tính xấu nhưng tôi ích kỷ, tôi cho rằng nó chả hại cho tôi tý nào. Không có gì bắt tôi phải rũ bỏ những tính ấy. Giờ tôi đang nghỉ hè, còn lúc đi học, ở lớp tôi chả chơi thân được với tất cả anh em bạn. Họ chơi với tôi được một thời gian rồi cũng phải lánh xa. Bạn tôi chỉ còn là những người tâm tính như tôi mới họa may có thể chơi được lâu, nhưng cũng không gọi được là suốt năm học. Bây giờ tôi ở vùng này xa cách nhà tôi một khoảng đường dài, nhưng tính tôi không vì miền lạ mà thay đổi. Tôi còn nhớ cách đây mấy hôm, khi trông thấy một đứa trẻ ôm một con gà đá, tôi đã chạy lại định giựt. Không ngờ một đám thiếu niên thượng trông thấy chạy lại bênh vực đứa trẻ. Nếu không có Đức chạy lại thì cuộc ẩu đả đã xảy ra rồi. Lúc ấy tôi ức quá. Những thiếu niên thượng bỏ ra về, chỉ còn một mình Đức bên tôi. Tôi nhìn Đức bằng ánh mắt giận dữ mặc dầu tôi biết rằng Đức không dính dáng gì đến chuyện đó cả. Tôi nói to lên cốt để cho Đức nghe rõ : – "Một lũ mọi mà cũng lên nước!!" Nhưng Đức không có một phản ứng gì cả. Mãi đến lúc chia tay về nhà Đức mới bảo tôi : "Chúc bồ nguôi giận nhá" Tôi không có một lý do gì để giận Đức nhưng sao tôi vẫn tưng tức Đức.





Tôi đi được một quãng đường thì gặp Đức. Đức giơ tay chào tôi:


- Bồ đi săn đó hả?


Tôi gật đầu chỉ tay vào khẩu súng:


- Súng săn chim đấy.


- Cho tôi cùng đi nhá.


- Đi thì đi.


Tôi cần Đức đi cùng cũng là vì tôi sợ lạc đường. Đức ở đây từ thuở nhỏ chắc chắn phải thông thạo rừng núi ở đây. Hai chúng tôi lặng lẽ cất bước về khu rừng. Một ý nghĩ thoáng qua, tôi hất hàm hỏi Đức:


- Rừng ở đây có nguy hiểm không?


Đức lắc đầu:


- Rừng này không nguy hiểm đâu. Bồ đừng lo.


- Thế hả.


- Trước kia rừng này cũng có một ít thú dữ. Sau chúng bị mấy tay thiện xạ trừ khử dần. Cuối cùng chỉ còn có một con, người ta biết rõ như vậy, một con báo. Báo bị săn đuổi cả chục lần nhưng đều thoát cả. Người ta lập bẫy nhử mồi. Báo mắc lừa mò tới bị bắn mù một bên mắt. Sau đó ít lâu không ai thấy nó đâu nữa. Có người bảo nó chết rồi, có người bảo nó chạy sang miền khác. Nhưng dù sao con vật tinh ranh ấy cũng đã tởn đến giả. Bồ thử tưởng tượng coi, một phát đạn xuyên mắt, đau lắm chớ.


Đức ngừng kể chuyện. Lúc đó tôi dồn tất cả ý nghĩ về con báo. Chắc nó ghê gớm lắm. Nhưng chả cần, nó đi đâu rồi còn gì. Nhớ tới con dao trong túi quần, tôi vội rút ra cốt để khoe Đức. Đức trông thấy xuýt xoa hỏi tôi:


- Dao này của bồ đó hả?


Tôi hãnh diện:


- Chớ sao.


Dứt lời, tôi bấm bật lưỡi dao. Lưỡi dao trắng bóng, sáng ngời hiện ra.


- Dao bấm!


Tôi không nói gì cả nhưng lúc ấy tôi sướng lắm. Tôi hãnh diện vì con dao bấm quý giá này. Hai chúng tôi đã đi đến khu rừng, tôi cầm dao phóng vụt vào một thân cây gần đấy. Nhưng dao bị trợt rớt xuống đất. Tôi ngượng chín người quay nhìn Đức, Đức vẫn thản nhiên.


Khu rừng với những cây cao vòi vọi, cỏ hoa mọc nhan nhản khắp nơi. Mặc dầu bữa nay trời nắng ráo mà mặt đất vẫn ẩm ướt, nhiều nơi lại có cả vũng nước. Mặt đất thì như bị lún xuống nếu tôi không cẩn thận bước đi hết sức nhẹ nhàng. Tôi ngắm nhìn từng tảng lá cây, từng đóa hoa rừng một cách thích thú.


Tôi nghĩ đến cú phóng dao lúc nãy mà ngượng thầm. Tôi lại rút dao ra, tôi cần phải phóng lại để cho Đức biết. "Tách", con dao bật lưỡi. Tôi ngắm kỹ vào một thân cây. Con dao lao đi trong nháy mắt đã cắm phập vào cây, nhưng sai vị trí đã định nên lại ở phía thân cây trên cao. Bây giờ làm thế nào để lấy xuống đây. Đúng lúc ấy, Đức leo vụt lên cây nhanh như cắt. Mặc dầu thân ướt át nhưng Đức leo vững chãi khác thường. Thoáng một cái, con dao đã được mang xuống.


Đức trao con dao cho tôi:


- Bồ nhớ đừng phóng ẩu, chẳng hạn lúc đi đường. Trúng người thì khổ.


Thật Đức nói trúng tâm lý tôi. Nhưng sao tôi cảm thấy khó chịu. Tôi giật con dao khỏi tay Đức:


- Ối giời! Khỏi cần khuyên.


Tôi đút dao vào túi quần lặng lẽ đi theo Đức. Thỉnh thoảng bóng con chồn chạy vụt qua, len lỏi giữa những kẽ lá rủ sát mặt đất. Từ đấy câu chuyện giữa tôi và Đức có vẻ nhạt nhẽo. Chính tôi tạo ra cái nhạt nhẽo ấy thì mới đúng.



Bữa nay là ngày thứ hai tôi và Đức lại vào rừng. Lần trước tôi chưa muốn bắn một phát đạn nào vì tôi còn muốn đi xem rừng cho sướng mắt đã. Giờ đây tôi rất sẵn sàng, tôi đã cẩn thận lau dầu vào súng mặc dầu lâu lắm tôi mới có dịp dùng nó.


- Này bồ trông kìa!


Tôi trông theo hướng tay Đức chỉ. Một con chim lạ mầu sắc rực rỡ đang mớm mồi cho bầy chim con trong tổ. Con chim ở cách tôi không xa. May bữa nay tôi lại đi cùng Đức, đây chính là một dịp để tôi khoe tài bắn súng. Trong khi Đức đang chăm chú nhìn con chim thì tôi cũng lên súng, sẵn sàng ở thế nhả đạn.


- Này bồ coi này.


Tôi vừa nhắm vừa gọi Đức.


Nhưng đến khi tôi vừa đặt tay vào cò thì một bàn tay cứng như sắt kéo giật tôi lại. Hóa ra Đức. Đức giơ tay phác một cử chỉ ngăn cản:


- Bồ đừng bắn.


Tôi hằn học hỏi:


- Tại sao?


Đức nói chậm rãi.


- Bồ bắn nó làm gì, tội nghiệp! Trước kia tôi cũng ham đi săn chim lắm, ham kinh khủng. Nhưng một ngày nọ lang thang trong rừng tôi trông thấy một con chim đẹp lắm. Tôi giương tên bắn. Chim trúng tên nhưng quái ác thay, nó bị mắc giữa những lùm cây. Tôi phải trèo lên để lấy và tôi thấy...


- Thấy cái gì?


- Một tổ chim con, phải một tổ chim con. Chim con thì kêu gào ầm ĩ, có lẽ chúng đói mồi. Nhưng chim mẹ chết rồi còn gì. Từ đấy tôi không ưa bắn chim nữa. Nhất là mấy thứ này đâu làm hại mình. Nếu bắn thì bắn diều hâu còn hơn. Bồ thấy không?


Tôi cười khẩy:


- Thương tâm quá nhỉ. Bồ nói chuyện nghe chịu không nổi.


- Nhưng bắn nó vô ích.


- Hà! Hà! Để tôi thử khẩu súng này một chút chứ. Hồ mới tới đến giờ tôi chưa bắn phát nào cả...


Đức cắt ngang:


- Bồ quên! Bồ bắn một phát chỉ thiên làm mọi người xôn xao, bữa nọ đó. Vả lại lát nữa đây thiếu gì mồi.


Tôi không nói gì nữa. Tôi lặng lẽ đặt súng nhắm kỹ con chim. Chim vẫn chưa bay, có lẽ nó không hay biết gì cả. Nó còn mải mớm mồi.


- Đừng!


Khẩu súng của tôi bị gạt rơi xuống đất. Lần này tôi tức quá, tôi lừ lừ nhìn Đức:


- Sao anh cản tôi hoài vậy?


Đức nói thản nhiên:


- Bồ đừng bắn nó. Tôi không thích bồ bắn nó.


- Hừ, sao đạo đức thế.


- Không phải như vậy, nhưng...


Nhìn vẻ mặt Đức tự nhiên quá, tôi tức ngùn ngụt:


- Mày muốn ăn thua đủ phải không?


- Xin bồ bớt nóng.


Con chim vỗ cánh bay đi.


Tôi sấn lại phía Đức quát ầm lên:


- Phải không?


- Đừng bồ.


Tôi tung một cú đấm vào mặt Đức nhưng Đức nhẹ nhàng tránh khỏi. Đức lanh lẹ như một con sóc. Như một con thú dữ tôi lao vào Đức.


Nhưng Đức lùi lại, đồng thời đưa một tay ra phía trước đỡ. Tôi chạm phải tay Đức, và vì mặt đất hơi trơn, tôi ngã sóng soài. Người tôi lấm đất be bét.


Tôi loạng choạng đứng dậy. Giờ đây trước tôi là khuôn mặt Đức. Sao tôi thấy Đức đáng ghét thế.


- Mày đi đi, không ai chơi với mày nữa!


Tôi tức giận xách súng bỏ đi. Khuôn mặt người thiếu niên thượng thoáng vẻ hớt hải âu lo. Đức chạy lại níu lấy tay tôi:


- Bồ, bồ đừng giận.


Tôi quay lại nhìn Đức:


Tao chả cần làm bạn với mày. Không khiến...


Câu nói bỏ lửng. Tôi hất tay Đức và rảo bước. Lá cây rừng hơi rì rào, tiếng động nghe mơ hồ. Tôi mỉm cười nghĩ đến Đức : chắc mày đau khổ lắm.


- Minh! Minh!


Tiếng Đức gọi sau lưng. Tôi vẫn lặng lẽ bước không thèm ngoái cổ lại.

*


Tôi đã giận Đức được bốn ngày rồi. Lỡ gặp nhau, tôi làm vẻ phớt tỉnh như không. Tôi biết rằng Đức cũng muốn làm thân lại lắm, nhưng tôi thì lại không muốn tí nào. Tôi giận Đức, cơn giận ấy chưa nguôi. Tôi còn nhớ rõ sau hôm x6ảy ra vụ cãi nhau giữa tôi và Đức, tôi đã nghĩ cách trả thù Đức cho bõ ghét. Ba Đức thích chơi những loại hoa. Vì thế trong vườn đa số cây ông trồng đều là cây hoa cả. Ông yêu hoa như yêu con, những lúc rảnh rỗi ông thường bỏ ra hằng giờ để săn sóc chúng. Sáng chiều ông lại giao cho Đức tưới nước. Những lúc ông vắng nhà, Đức luôn luôn chịu trách nhiệm về vườn cây này.


Đó chỉ là một khoảng đất hẹp ngăn cách với nhà bác tôi bởi một hàng giậu thưa hết sức sơ sài. Từ bên này người ta có thể nhảy qua bên kia thực dễ dàng. Tôi chả cần phải nhảy hay leo gì cả. Tôi khum sát người xuống, tôi đã nghĩ ra cách trả thù, tôi với tay bứt mấy cây hoa gần đó. Cây bị bứt rễ nằm lăn lóc trên mặt đất.


Tôi sung sướng nhìn chiến thắng của mình. Chắc chắn Đức bị đánh vì tội không trông nom để gà lạ vào phá phách. Tôi hành động như thế mà không một ai hay. Hàng rào nhà Đức thì thưa lại sơ sài, thế nào ba Đức cũng cho là gà phá phách.


Quả thật như thế, tôi chả phải chờ lâu. Đến chiều hôm ấy, Đức bị đòn dữ dội. Tiếng hét la quát tháo của ba Đức nghe rõ mồn một. Tôi cười mừng cho chiến thắng của mình...


Tiếng người gọi làm tôi quay phắt người lại. Đức đứng ngoài hàng rào chõ vào nói với tôi:


- Này bồ, con báo chột đã về rồi. Một người bị báo vồ gẫy chân đó Minh ạ. Mấy người ở buôn bàn tán xì xào lắm. Hình như họ định đặt bẫy gì đó. Tôi khuyên bồ nghỉ đi săn ít lâu đi.


- Đi về đi. Đừng có làm quen.


Lời nói sẵng, vẻ mặt lạnh lùng của tôi làm Đức tiu nghỉu bỏ về. Tôi nhìn theo bóng dáng người thiếu niên thượng khuất dần. Mày muốn cho tao không đi rừng thì có, tao bắn chim dữ quá mà!



*


Tôi quanh quẩn giữa những bụi cây lá rừng nhan nhản. Con chim vừa bị bắn rớt rơi ngay đây mà sao tôi kiếm vẫn chẳng thấy. Hay nó đã bị lá cây che khuất. Tôi dùng tay bới từng tảng lá ra, những bụi gai cứa vào tay tôi đau nhói. Hoài công! Chả có gì cả! Tôi chán nản xách súng trở lại. Những cây rừng cao vòi vọi, những tàng lá cây bụi cây rậm rạp như ôm bọc lấy tôi. Tôi chán nản khác thường. Rừng không một tiếng chim hót, đâu đây những tiếng rì rào của lá cây bị thổi. Văng vẳng tiếng nước chảy róc rách. Trời đã về chiều, chắc mọi người giờ này đang ăn cơm. Tôi ham chơi quá! Tôi đi biền biệt từ trưa đến giờ, lang thang giữa cả một giải rừng. Càng lang thang nhiều tôi càng lý thú. Những chỗ rừng sâu có thật nhiều thú vật. Tôi bỏ chiếc mũ ra, đầu tôi ướt đẫm mồ hôi. Cảnh vật sao hoang vắng quá!


Tôi chợt nhớ tới con báo chột. Lời Đức nói là sự thật. Con báo đã trở về, người ta bàn tán xôn xao, người ta lập bẫy bắt nó nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả gì. Nếu bây giờ tôi không đi săn nữa thì đúng là tôi nghe lời Đức. Không, không thể thế được, một ý nghĩ thoáng qua tâm trí tôi : dã thú ưa đi săn ban đêm. Nhưng tôi lại vào sâu trong rừng, nhỡ chạm ngay chỗ ẩn náu của báo...


Tôi chúm môi huýt một bản nhạc vui vui, tạo cho mình nỗi phấn khởi. Nhưng lúc này tôi mệt quá, tôi cất bước chậm chạp như một bà già. Nỗi lo lắng dù sao cũng bớt ngự trị trong trí óc tôi...


Nhiều tiếng sột soạt làm tôi giật nẩy người. Chuyện gì xẩy ra vậy? Tôi không định rõ được tiếng động ấy phát xuất từ đâu nữa. Tôi chỉ cảm thấy sợ lắm, một sự sợ hãi đến rợn người. Tay tôi nắm chặt lấy khẩu súng. Và... khi ấy, khi tôi cố sức trấn tĩnh lại thì, trước mặt tôi : một con báo. Phải, một con báo, nhưng cành lá che khuất chỉ để lộ ra đầu nó. Một mắt vàng xanh như thôi miên lấy tôi. Còn mắt bên kia? Trời ơi! Báo chột! Sao lúc ấy tôi sợ quá. Tôi run lên bần bật, chân tôi quýnh lại. Tay tôi đánh rớt khẩu súng từ lúc nào. Con vật nhìn tôi, một mắt lừ lừ, cái miệng hơi mở ra gừ gừ như sẵn sàng ăn tươi nuốt sống tôi. Lá cây rung động.


Đến bây giờ tôi mới nhận thấy những lời nói của tôi lúc trước khi ấy sao "hăng" thế. Tao mà gặp hổ báo, tao đánh tay đôi. "Tác dăng" mà. Sức mấy sợ nó. Nhưng bây giờ tôi đã làm được gì. Tôi đứng trân mắt nhìn con vật. Mồ hôi ướt đẫm cả lưng. Mình làm sao thế này? Tiếng chuyển mình của báo làm tôi thót người. Tôi phóng mình chạy bất kể cỏ cây gai rừng đầy rẫy. Huỵch! Chưa chạy được một tí nào tôi đã vướng rễ cây ngã lăn. Sợ quá, tôi đâm liều. Con dao bấm rớt trên mặt đất làm tôi chợt nhớ đến nó, tôi vớ vội bấm "tách". Tôi chưa kịp nhổm dậy thì con báo đã lao tới rồi. Hai bàn chân đầy móng vuốt cào soạt lên bả vai tôi. Tôi hét lên đau đớn. Dao trong tay, tôi đâm túi bụi vào con vật. Như không biết sợ là gì, con báo lăn xả vào ngoạm lấy chân tôi. Tôi cuống cuồng né tránh ngã lộn. Quần áo rách tả tơi, máu đầy mình tôi bật dậy chống đỡ... Vầm!!! Hông tôi đau rợn người. Tôi đánh rớt dao ngã quỵ xuống.


Đúng lúc ấy, khi sự nguy hiểm tưởng đã gần kề, tôi còn đủ sức nhận thấy một thiếu niên thượng lao vào. Thiếu niên bình tĩnh nhìn con vật coi thường, khinh mạn nó. Tôi kịp nhận ra : Đức! Phải rồi chính Đức!...


Đức lùi lại mấy bước, con dao dài lưỡi chĩa ra đằng trước ở thế sẵn sàng xáp chiến. Con vật thấy người lạ ở gần mình thì bỏ tôi chồm tới phía Đức. Tôi thấy Đức lẹ làng quá. Đức nhìn con vật cười. Một nhát! Hai nhát!... Con dao trong tay Đức đâm liên tiếp vào mãnh thú. Con báo lồng lên dữ tợn. Tôi cố gượng ngồi dậy để giúp sức Đức nhưng không được. Toàn thân tôi ỉu xuống. Tôi chỉ còn biết ngước mắt nhìn người và vật đang quần thảo. Sao giờ đây tôi hối hận quá. Giữa tôi và Đức là cả một sự cách biệt. Đức có đủ tính tốt, còn tôi, thật tôi quá xấu xa, ti tiện. Tôi hối hận. – Tôi sẽ rũ sạch mọi tính xấu của mình – Trời ơi! Con báo quơ bàn chân đầy vuốt vào mặt Đức. Đức né sang một bên rồi đâm một nhát thật mạnh. Lưỡi dao cắm phập vào bụng con vật chỉ còn lộ cán ra ngoài.


Máu đỏ phun ướt đẫm cả người Đức. Mặt Đức, chân tay Đức dính đầy máu. Đức tay không. Con báo chưa chết lao vụt tới. Sao nó khỏe quá. Tôi thấy người và vật quần thảo trên mặt đất hung bạo hơn bao giờ hết. Con báo đè hẳn lên người Đức. Đức rút được con dao ra. Tôi không trông thấy người Đức đâu nữa, cánh tay Đức vòng lên quơ trong khoảng không vài cái rồi đâm một nhát vào cổ họng con thú. Con vật gầm vang rồi gục xuống.


Tôi không thấy Đức trở dậy. Đức sao thế? Xin Đức tha thứ cho tôi những lỗi lầm ngày trước. Giờ đây Đức vẫn nằm yên, bất động, máu đầy người, máu của những vết thương lẫn máu của con vật. Đức bỏ tôi rồi sao?


Mưa bất chợt ào xuống. Mưa ào ào bao phủ miền cao nguyên núi rừng. Người tôi lạnh ngắt. Tôi thoáng trông thấy, qua màn mưa mờ ảo, những bóng người mỗi lúc một tiến gần hơn, núi rừng trùng điệp lờ mờ khi ẩn khi hiện. Mưa thật to. Tôi giơ một tay làm hiệu cho đám người nhìn thấy dễ dàng hơn. – Tôi đây này mấy ông! – Tiếng kêu gọi của tôi lạc lõng tan biến vào khoảng không gian đang bị cơn mưa cao nguyên chế ngự.


Mưa tàn bạo hơn bao giờ hết. Tôi gục xuống thiếp đi.


HOÀNG ĐẠI NGUYỄN THI HÙNG
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 165, ra ngày 15-11-1971)


https://tuoihoandmore.blogspot.in/2017/06/mua-cao-nguyen.html

sôngthương
07-02-2017, 11:16 PM
Trên tay có đá - Nguyễn Ngọc Tư


http://us.cdn.tuoitre.vn/assets/tto/c6f6b489v790/images/transparent.png (https://www.facebook.com/sharer/sharer.php?u=http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20100509/tren-tay-co-da---nguyen-ngoc-tu/377628.html&display=popup&ref=plugin)
http://us.cdn.tuoitre.vn/assets/tto/c6f6b489v790/images/transparent.png (https://plus.google.com/share?url=http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20100509/tren-tay-co-da---nguyen-ngoc-tu/377628.html)
http://us.cdn.tuoitre.vn/assets/tto/c6f6b489v790/images/transparent.png
http://us.cdn.tuoitre.vn/assets/tto/c6f6b489v790/images/transparent.png


TT - Trên một ngọn núi cao lêu đêu đứng khều mây, có ông thầy. Lần đầu tới chơi, thầy kêu bỏ mấy cục đá xuống cho rảnh tay múc giùm ta gàu nước. Bạn cãi ủa con có cầm đá gì đâu. Thầy cười, khi nãy con định ném đá cho bể đầu ông xe ôm dưới chân núi mà.

Tại thằng cha đó lấy tiền công mắc quá, mới chạng vạng mà tính giá gấp đôi lúc ban ngày, bạn ngoay cái miệng phân trần. Thầy lại cười, mấy chục ngàn đó cũng còn rẻ, vì chở con là chở theo một đống đá, nặng lắm chớ đâu phải chơi.
Giọng thầy không có chút cà rỡn nào, làm bạn ngờ ngợ ngờ ngợ ngờ ngợ miết. Không nén được, bạn xòe tay ra coi và thật kỳ lạ, bạn thấy trên tay mình thiệt tình là có đá. Thiệt tình là bạn đang lăm le chực chờ ném vào người khác, giống hệt cái cách người đời hăng hái ném nhau.
Bạn về nhà rồi, chuyện mấy cục đá cũng lẽo đẽo theo về, đeo bám dai dẳng. Đôi khi bạn bĩu môi lườm nguýt ai đó, mắng xiên chửi xéo ai đó... mà thấy rõ ràng là mình vừa ném đá vào người ta. Đôi khi viết một đoạn chữ mà thấy lổn nhổn nặng nề như đá. Đôi khi chỉ nói nửa câu mà thấy người nọ rúm ró vì đau. Ném đi rồi thấy sướng phút đó, hể hả phút đó nhưng dường như người không nhẹ bớt, vì cục đá thiên hạ ném trả bạn nhặt lấy mang theo bên mình, rình chờ cơ hội chọi lại.
Những hòn đá đó không bao giờ rơi xuống đất, bởi không người này cất thì người kia cũng cầm. Vì nó mà mình đau nhưng người ta vẫn giữ gìn để tiếp tục làm đau người khác, hòn đá được ném đi ném lại trong một hành trình sát thương không ngơi nghỉ. Sách nói vậy. Sau này, bạn nghiền ngẫm sách thiền các loại, bạn nghiên cứu kinh Phật, Kinh thánh, kinh Coran...
Bạn cố không lẫn lộn giữa chê bai và lăng mạ, giữa phê bình và đạp đổ, giữa gièm pha và hạ nhục... để nếu có ném đi thì chỉ là những hòn đá con con. Thấy chưa ăn thua, bạn hay lên núi nói chuyện với ông thầy học cách làm sao bỏ đá khỏi tay. Ông thầy cười nói phải có cách nào thì ta đâu có bỏ chạy lên đây, ở một chỗ chỉ có mây và vài nhà hàng xóm. Ít người lại qua, ít va chạm, ít thị phi thì đỡ phải ném đá nhau...
Nhưng bạn ở một chỗ nào? Chỗ mà sáng sớm dừng ở đèn đỏ có kẻ chạy xe lấn đường xước cả tay bạn. Chỗ mà sáng sớm phát hiện ra chị kia thản nhiên cân thiếu. Chỗ mà sáng sớm anh cảnh sát giao thông ngoắc bạn lại kiếm tiền lót tay. Chỗ mà sáng sớm mở trang báo thấy bao nhiêu chuyện nát lòng: chó người giàu cắn chết người nghèo, mẹ ngược đãi con, chồng giày vò vợ...
Chưa hết, biển thông tin đưa bạn tới gần những sự thật, ở đâu đó người ta đào bới tận diệt thiên nhiên. Ở đâu đó có những đứa trẻ bị đẩy ra đường phơi mưa nắng kiếm tiền khi vẫn còn ẵm ngửa. Ở đâu đó có những người phụ nữ bị bán mua rẻ mạt...
Bạn nghe lửa bốc lên đầu, giận đầy ứ họng. Căm. Uất. Ngột ngạt. Nghe đá ở đâu bỗng chất oằn cả người, kẻ thủ ác mà đứng trước mặt bạn dám ném cho họ chết lắm. Nhưng đó là “ở đâu đó...”, giờ chuyện xảy ra ngay ở quê hương bạn, cách chỗ bạn chỉ hai mươi cây số. Nghe đâu, coi bản tin thấy hai vợ chồng trẻ người mà tàn ác man rợ, nhục hình tra tấn thằng nhỏ làm công mà tỉnh bơ như thở, như ăn, có một bà già quê đập bể tivi rồi xách dầm xuống xuồng bơi đi “đi đánh hai đứa ác ôn đó coi tụi nó biết đau không?”.
Như thể hết cách rồi, đá phải được đáp trả bằng đá. Bạn giận mình sao không được như bà già đó. Những cuốn sách về nghệ thuật buông bỏ, hạn chế sân hận trải rộng tình thương... đã trở nên vô nghĩa.
Không thể buông bỏ ở cái thời thế còn ngổn ngang này. Đến cha mẹ mà tàn tệ với con, không phải loạn thì là cái gì. Ông thầy trên núi gọi điện thoại xuống, nói ông coi tivi rồi. Lặng đi giây lát, ông nói “ta thấy sợ...”. Ông thầy sợ vì tôn giáo mà ông đeo đuổi làm sao cứu rỗi được người đã đánh mất chất người. Còn bạn sợ vì luật pháp làm sao cải tạo, thay đổi được người mà không phải người. Sách nói không có gì là rác hết, bạn đã từng tin vậy nhưng giờ chê sách xạo, thiệt tình.
Tội ác biết đâu nảy sinh từ những cú ném đá lặt vặt nhỏ nhít mà người ta không nhận ra. Cho đến một ngày...

NGUYỄN NGỌC TƯ

(Theo TTCTO)

sôngthương
07-08-2017, 06:55 PM
Những lúc rất buồn, tôi hay tìm quyển sách để đọc. Sau Hoàng Tử Bé, tôi đã chọn thêm được "chàng trai đẹp" này bỏ trong ba lô . Với kiến thức và tấm lòng, em đã khiến tôi khâm phục , gần gũi, dung dị và chân thành ...
Chỉ cái tựa cũng đủ để lòng bình an , và tôi tin …
“Luôn luôn trong xô bồ,
Lúc nào cũng có ấm áp …

Tôi đã nhặt được những ngôi sao lấp lánh , cất vào túi , mang theo , đôi khi muốn đặt lên bàn để chis sẻ …
Lô-tô.
Và anh ấy đã trúng.
___________________
Tui luôn muốn ảnh lớn lên và có những trải nghiệm như tui đã từng.
Nhớ cách đây hơn hai năm, khi nghe cô ca sĩ Trúc Ly hát trên sân khấu này, ảnh hỏi tui người đó là con trai hay con gái. Tui biểu con gái. Ảnh hoang mang "Ủa sao con gái mà hát giọng con trai?".
- Do cô đang bị cảm nên cái giọng vậy đó con.
Tối nay quay lại, ảnh cắc cớ "Cổ vẫn còn bịnh cảm kìa".
Chưa biết trả lời sao, ảnh tới luôn:
- Con biết rồi. Hồi xưa cổ là đàn ông.
- Rồi bây giờ con thấy cổ là đàn ông hay phụ nữ?
- Cổ thích làm phụ nữ, mình phải cho cổ làm phụ nữ chớ.
Tui vui khi tin rằng lớn lên, ảnh sẽ trở thành một người biết-cảm-thông-với-con-người.

***
Trưa muộn, sau khi tiểu phẫu xong cái răng khôn, đang thiêm thiếp trên xe về quê, anh tài xế biểu "Hải ơi, có nhà thuốc kìa, vô mua đi, coi chừng về Long An hổng có mấy thuốc này".
Ừ, thì dừng lại, vô mua. Ba cái kháng sinh với giảm đau ấy mà. Và trong cái nhà thuốc ở đâu đó An Lạc, thằng tui đã quên mất cơn đau khi chứng kiến một câu chuyện thật buồn nhưng cũng đẹp quá chừng.
Đang đợi cô dược tá lấy thuốc, thấy một chị gái chắc trạc tuổi mình nhưng hom hem khắc khổ hớt hãi ẵm thằng bé chừng hai tuổi bước vô.
- Em bán cho chị với bé trước đi, anh hổng có gấp đâu.
Chỉ chờ có vậy, chị gỡ cái khăn tắm trùm thằng bé ra, rơm rớm "Con em nó sốt mấy bữa nay hổng bớt, chị bán em thuốc gì mạnh mạnh được hôn chị?".
Nhìn thằng bé khóc ngặt, đập vào mắt tui đầu tiên là cái miệng lở khá nhiều. Tui mơ hồ nhận ra điều gì đó. Kêu em bán hàng lấy thuốc cho mình, tui kéo mẹ con chị ra ngoài.
- Cháu bị vầy lâu chưa chị?
- Dạ cũng vài lần rồi anh, từ mới đẻ. Mà mấy lần trước nhanh hết sao lần này kỳ quá.
- Sao chị hổng đưa vô nhà thương?
- Nói thiệt với anh là mấy bữa rày nó bịnh em phải nghỉ buôn bán, phải đi mượn tiền ăn nữa, đâu có tiền đâu mà đi.
- Con nít sẽ có bảo hiểm miễn phí mà.
- Em đâu có biết xin bảo hiểm ở đâu.
- Thôi, theo tui.
Chở mẹ con chị ngược về bệnh viện Nhi Đồng 1. Trên đường đi, hỏi thăm mới biết ba cháu đi tù, bỏ lại cháu cho bà nội nuôi mà bà nội cũng mới mất mấy tháng trước.
Vô tới phòng cấp cứu, thấy chị cứ ngơ ngác, cứ rấm rức, tui biểu thôi để tui nói chuyện với bác sĩ. Vừa khám sơ cho thằng bé, bác sĩ hỏi tui là gì.
- Dạ, cậu.
- Ba mẹ cháu còn sống không?
(Nghe câu này, tui đã xác định lại nỗi ngờ vực trong lòng mình).
- Dạ còn.
- Anh có nghĩ cháu mình bệnh gì không?
- Dạ có.
- Chắc là anh nghĩ đúng rồi đó.
Trước khi đi đóng tiền tạm ứng, kéo mẹ cháu ra ngoài.
- Thấy tình cảnh chị như vầy, tui xót lắm. Nhưng trả lời thiệt cho tui cái này. Chị có vấn đề gì về sức khoẻ không? Ba cháu nữa? Chị có biết cháu đang bị gì không?
Nếu không có gốc cây để tựa vào, chắc chị đã đổ gục. Rồi chị nấc lên "Dạ em biết, em sợ quá. Em chỉ có mình nó, em sợ nó bỏ em. Giờ phải sao anh ơi?".
- Chị bị bao lâu rồi?
- Ủa, bị gì anh?
- Nhiễm.
Bất giác, chị gục mặt xuống, như trốn chạy ánh mắt tui. Đợi một hồi lâu, chị cũng ngẩng lên:
- Xin lỗi anh, em hổng phải mẹ nó. Nhưng sao em thương nó dữ lắm.
Và đây là câu chuyện thật, đằng sau.
Chị chỉ là hàng xóm của thằng bé. Chị không lấy chồng vì phải nuôi ba má già yếu. Ông bà cũng mất mấy năm rồi. Ba thằng bé đi tù, để bà nội nuôi vì má nó cũng bỏ đi lang thang. Nghe đâu chị ấy cũng mất rồi. Hồi nội nó còn sống, chị cũng hay qua giữ phụ, tưng tiu nựng nịu mỗi ngày. Bà mất, chị đem về nuôi luôn. Bán có cái mẹt trái cây nhỏ xíu mà nhịn ăn nhịn mặc mua sữa cho nó. Hai ba tháng còn đi thăm nuôi ba nó nữa...
Là chị thương ảnh, thương hai chục năm rồi. Thương mà hổng có dám nói...

***
Đêm buồn tỉnh lẻ, anh em nhà Hải chở nhau ra chợ mua sầu riêng.
Trái sầu riêng 2 ký, anh phụ bán hàng biểu trăm mốt.
- Trăm mười được hôn anh?
- Hổng được đâu anh, em bán mướn, chủ nói trăm mốt em bán trăm mốt chứ bớt là chết em.


****

Lâu lắm mới có một bộ phim Việt chính thức ra mắt tại một rạp lớn của Mỹ nên dù không thích lắm phim nước mình nhưng vẫn phải đi coi, coi để ủng hộ những người bạn đã chịu khó, đã có lòng mang nó qua đây.
Sẽ không so sánh với kịch vì sân khấu và điện ảnh có ngôn ngữ không giống nhau. Chỉ thấy phim xây dựng nhân vật hơi cường điệu. Để khắc hoạ thật đậm sự khác biệt giữa những thế hệ, giữa những nền văn hoá, những người làm phim đã cho cô cháu gái mang một tính cách rất-Mỹ. Họ xây dựng nhưng không hiểu lắm về thế hệ trẻ bên này. Có thể chúng không thể hiện nhiều tình cảm như người Á đông, có thể chúng sống rất lý trí nhưng không như nhân vật trong phim, chúng không hỗn hào, không mất dạy.
Nói chung, anh chị em bên này nếu có thời gian, nên đưa cha mẹ ông bà đi coi để họ được khóc chơi.
Phim còn chiếu tại AMC BLOCK, đi coi đi, để đỡ nhớ quê nhà. Đỡ nhớ không phải vì bộ phim mà vì không khí khán phòng. Lu bu ồn ào như cái chợ chồm hổm. Vui dã man.
***

Mỗi lần xuống San Diego, tui đều dành thời gian thăm mẫu hạm USS Midway. Và lần nào, nghĩ về câu chuyện này cũng thấy ấm áp, thấy nể trọng tinh-thần-Mỹ.
Đây là một trong những tàu sân bay lớn nhất của hạm đội 7, hải quân Hoa Kỳ, được hạ thuỷ năm 1945 và kết thúc nhiệm vụ năm 1992.
Ngày Saigon thất thủ, nghe phong thanh về cuộc di tản mà Midway dành cho miền Nam Việt Nam, thiếu tá phi công Lý Bửng đã lái chiếc máy bay quan sát (máy bay thám thính) từ Saigon ra, tìm gặp chiến hạm này ngoài khơi Vũng Tàu. Máy bay L-19 chỉ chở được hai người (phi công và người quan sát) nhưng hôm ấy, ông chở thêm 6 người: vợ và năm đứa con. Vì không liên lạc được với chiến hạm bằng radio nên ông đã nháy đèn ra hiệu xin hạ cánh. Bên dưới từ chối vì không còn chỗ, họ ra hiệu ông cứ đáp xuống biển, họ sẽ ra vớt người. Ông lấy giấy viết ghi lời khẩn cầu rồi quăng xuống nhưng sau ba lần, vì gió, chúng đều rơi xuống biển. Lần thứ tư, ông biên giấy gắn vào cây súng và thả xuống, một người lính nhặt lên và chạy vào bên trong, có lẽ để xin lệnh của hạm trưởng. Tờ giấy ghi như vầy: "Làm ơn hãy dời những chiếc trực thăng đi một chút để cho chúng tôi một chỗ đáp xuống, chúng tôi sắp cạn nhiên liệu rồi. Ký tên: Trung tá Lý Bửng, vợ và 5 con".
Khi biết trên máy bay có trẻ con, các bạn biết người Mỹ đã làm gì không? Họ xô mấy chiếc trực thăng trị giá hàng chục triệu đô thời đó, xuống biển, để nhường chỗ đáp cho chiếc máy bay nhỏ.
Và trên đường rời đi, họ đã vớt rất nhiều thuyền nhân Việt Nam khác trên những chiếc thuyền đánh cá mong manh giữa biển Đông.
_____________
Ngày nay, nó đã thành USS Midway Museum, được bảo tồn gần như nguyên trạng.
_____________
Chiếc L-19 của thiếu tá Lý Bửng giờ cũng là một hiện vật rất có giá trị của bảo tàng Midway. Nó như một biểu trưng của tính-nhân-văn-Mỹ.

***
Và những còm rất dễ thương :)
đá chơi cơ.See Translation (https://www.facebook.com/chris.le.98)
Like (https://www.facebook.com/chris.le.98)Show more reactions
·
18 (https://www.facebook.com/ufi/reaction/profile/browser/?ft_ent_identifier=1182992518477492_11829960551438 05&av=100007993217231)
· May 24 at 9:18am (https://www.facebook.com/chris.le.98/posts/1182992518477492?comment_id=1182996055143805&comment_tracking=%7B%22tn%22%3A%22R2%22%7D)

Hồng Hải (https://www.facebook.com/chris.le.98?fref=ufi) Hahaha. Tội nghiệp em. Tội nghiệp anh. Tội nghiệp tất cả chúng ta đã bị dạy dỗ bằng rất nhiều thứ dối trá
Like (https://www.facebook.com/chris.le.98)
·
79 (https://www.facebook.com/ufi/reaction/profile/browser/?ft_ent_identifier=1182992518477492_11829967451437 36&av=100007993217231)
· May 24 at 9:20am (https://www.facebook.com/chris.le.98/posts/1182992518477492?comment_id=1182996055143805&reply_comment_id=1182996745143736&comment_tracking=%7B%22tn%22%3A%22R2%22%7D)

Michael M L Nguyen (https://www.facebook.com/michael.m.nguyen.1?fref=ufi) bạn nói sao chứ mình đọc được là bộ đội ta dùng xẽng đào đánh rớt máy bay Mỹ Nguỵ cơ!!! như là siu nhưn ấy!!!

Vậy là Chấn Hưng nhà tui đã học xong lớp 1. Vượt ngoài sự mong đợi của tui là chỉ cần...không ở lại lớp, anh ấy đã rũ bùn đứng dậy sáng loà: được lãnh thưởng.
Má ơi, nghe cái tin, cảm giác còn hơn trúng Powerball nữa. Tui phải hỏi anh Hồng "Ba ba, ba có hối lộ cô giáo hôn vậy?".
Bị vì ảnh giang hồ, ảnh bất cần, ảnh lạ lùng quá mà, đi học y như đi chơi, thích gì làm nấy. Làm toán giỏi lắm nhưng tập đọc thì thôi rồi. Viết chữ như cua bò mà mỗi ngày đi học về, mất một cây bút chì, đều trân vậy nguyên năm. Lý do: cho bạn.
Ảnh mới tâm sự mỏng rằng hổng ấy giờ mình đừng học tiếng Việt nữa, khó đọc quá, mình học tiếng Anh đi, hổng có dấu, dễ đọc.

****
Ở Hà Nội, trong một lớp học kia, có đám học trò cuối cấp 2 ngồi nắn nót những dòng yêu thương lên từng cuốn sách nhỏ này để tặng thầy cô giáo của mình.
Chú cảm ơn bọn con thật nhiều. Thấy thương hết biết.
Thật sự hàng chục ngàn bản sách này cũng mang đến cho tui một khoản tiền nhưng điều đó hoàn toàn không thể so sánh với niềm vui khi biết được rằng giữa những xô bồ, vẫn còn có chỗ cho yêu thương lan toả, nhen nhóm và thắp lên.

***
Chuyện anh Nghị đáng thương
Tôi không mở comment cho đại chúng vì trước hết, không có thời gian dành cho việc tranh luận; thứ hai, đạo quân dốt mà hăng dạo này đông hơn quân Nguyên; cuối cùng, chẳng hứng thú nghe những lời khen ngợi. Nói thật, muốn tranh luận một cách tử tế và văn minh, hai phía phải có ít nhất hai điểm chung: tri thức và vốn sống.
Nhiều kẻ đặt avatar ảnh Phật, lấy nick name cũng đầy Phật tánh mà ôi thôi, ai nói gì khác ý một chút, họ lồng lộn lên chửi rủa bằng những ngôn từ hạ đẳng nhất mà con người có thể nghĩ ra. Đó là họ đang báng bổ Phật pháp đấy thôi.
Giờ kể chuyện này,
Tôi hiếm khi comment gì vào FB một ai đó nhưng sáng nay, thấy bên nhà chị Hoàng Xuân, một nhà báo hiếm hoi tôi quý trọng cả tâm lẫn tầm, chia sẻ bài viết của một nhà báo khác về anh Nghị có hai con teo não, tôi vào ý kiến chút. Đại loại dù có một người cha gà trống nuôi con, dù có một người mẹ dứt áo ra đi, dù rất dễ mủi lòng, dù đã gặp cha con anh ấy một lần nhưng sao anh vẫn không nhen được lên trong lòng tôi chút xúc cảm nào. Đó hoàn toàn là cảm tính, không lý giải được. Có lẽ kinh nghiệm trong những cuộc tiếp xúc quá nhiều mảnh đời khốn cùng đã đúc cho tôi cái cảm tính ấy. Và có nói thêm rằng, nếu tôi là anh, tôi sẽ biết thế nào là "đủ", sẽ dừng lại để không phải mỗi ngày lôi hai đứa trẻ ra đường làm diễn-viên, tội chúng.
Kết quả? Tôi bị chửi là "đồ thú vật".
Thật ra là vầy, tôi biết anh Nghị này từ vài năm trước, và chỉ sau một bài báo trên Dân Trí (có lẽ là tờ đầu tiên viết về anh), anh đã có hàng trăm triệu. Nhắc lại, hàng trăm triệu chỉ sau mỗi bài báo ấy, vài năm trước.
Có một điều làm tôi khó hiểu về dân mình. Họ ngộ lắm, trong gia đình, chưa chắc họ mua được một món ngon cho cha mẹ; với bạn bè, chưa chắc họ đã quan tâm đủ; bước ra đời, họ cứ lạnh lùng lướt qua những phận người nhưng khi trên mạng có một trường hợp nào đó thương tâm (chưa biết thực hư), thể nào họ cũng hăng hái tìm đến... Câu hỏi đặt ra là tại sao người ta lại chỉ có thể rung cảm với những phận người bằng những cảm xúc được nhen nhóm từ kẻ khác, mà những kẻ ấy, chắc gì đã không mang theo sau lưng một mục đích nào. Và trong cơn-lên-đồng-thương-xót ấy, chỉ cần một góc nhìn khác hơn, những con-người-từ-tâm sẽ hoá kiếp ngay thành những con-báo con-hùm. Tại sao???
Cố nhiên, tôi vẫn cho rằng cho-đi là việc tốt đẹp nhất người có thể làm cho người. Nhưng, cho cũng cần đúng chỗ và phải cách.
Tôi biết rất nhiều trong số họ cho-đi là để tích-phước nhưng nghĩ lại đi, đó không còn là cho nữa, chỉ là gởi-tiết-kiệm mà thôi. OK, bạn không cần biết người nhận thế nào, bạn cứ cho, đúng không? Vậy, hãy trả lời câu hỏi này. Nếu chỉ vì để được nhận của bạn, người ta phải trở nên gian dối thủ đoạn thì việc bạn làm có hại hay không? Đó là bạn đang tạo nghiệp chướng cho họ và chính bản thân mình, mà không hề hay biết.
Quay lại chuyện anh Nghị. Mới vài tiếng trước, vợ anh ấy đã vào Saigon và lên tiếng. Chị lên tiếng vì nghe người ta nguyền rủa quá nhiều một người mẹ bất nhẫn, vô lương tâm. Và sự thật là sao? Chị không bỏ con. Khi mang bầu đứa con thứ ba với anh, gia đình hục hặc, anh đánh đập chị như cơm bữa. Chị thôi. Hai vợ chồng, mỗi người chia ra nuôi một đứa. Chị bị khối bướu ác tính ở cổ đã di căn nhưng vẫn đẻ đứa thứ ba lành lặn nên nhờ anh giữ giùm luôn cả hai thằng, chị ôm đứa nhỏ về Nha Trang mua gánh bán bưng. Mỗi năm đều vào Saigon thăm con. Chị không lên tiếng từ vài năm nay bởi nghĩ thôi thì người ta giúp anh cũng là giúp con mình. Mới hôm trước, anh về Nha Trang mua căn nhà 600 triệu và cho chị...thuê lại, giá rẻ hơn giá thị trường,... Thôi, tới đây đủ rồi.
Bởi nên, tôi luôn nói rằng cho đi là một việc rất khó, đòi hỏi nhiều thứ vô cùng. Bố thí ba-la-mật là pháp hành phải học cả đời chớ chẳng chơi.

Vương cung thánh đường chánh toà Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Saigon (nhà thờ Đức Bà) đã được toà thánh Vatican tấn phong Basilica, là một trong những công trình có giá trị bậc nhất Saigon, và ngay cả trên toàn Việt Nam. Giá trị lịch sử, giá trị tôn giáo lẫn giá trị kiến trúc.
Từng viên gạch này được người Pháp chở từ xứ họ sang đây. Sau hơn một thế kỷ, chúng vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, vẫn rói tươi, vẫn vẹn nguyên, không bám dù chỉ một sợi rêu hay mốc.
Vậy mà khắp nơi, trên mấy bức tường là chi chít những thứ này đây. Thấy mà xót lòng khủng khiếp. Hỡi những bạn trẻ, chúng tôi không cần các bạn phải cống hiến hay giữ gìn, không cần các bạn phải thay avatar "Tôi chọn cá", không cần các bạn phải xuống đường kêu gào bảo vệ môi trường, không cần các bạn phải khóc tượng khóc cây khóc bậc thềm. Chỉ cần các bạn đừng mất dạy, đừng ngu dốt bằng cách phá hoại những di sản theo cách này, là tốt lắm rồi.
Học hành cho lắm, ăn mặc cho đẹp mà văn-hoá-nền như cứt, phải biết nhục chứ.






Mother's Day năm nay
Hổng có má nhưng bù lại, thằng Ịch có bà nội, bà Tư.
Năm nay, dù thế nào cũng phải dành thời gian làm bánh, cái màu đỏ nội thích. Tui luôn tin rằng nếu thương yêu một ai đó, hãy cứ làm tất cả những gì có thể để mang đến cho họ niềm vui, ngay lúc còn hiện hữu bên mình.
Để sau này, không phải tiếc.

Ở Hà Nội, trong một lớp học kia, có đám học trò cuối cấp 2 ngồi nắn nót những dòng yêu thương lên từng cuốn sách nhỏ này để tặng thầy cô giáo của mình.
Chú cảm ơn bọn con thật nhiều. Thấy thương hết biết.

Thật sự hàng chục ngàn bản sách này cũng mang đến cho tui một khoản tiền nhưng điều đó hoàn toàn không thể so sánh với niềm vui khi biết được rằng giữa những xô bồ, vẫn còn có chỗ cho yêu thương lan toả, nhen nhóm và thắp lên.
Cả nhà ngồi nhắc chuyện xưa, chuyện thời đói khổ, tự nhiên thấy ông nội buồn buồn.
Hỏi ông có tiếc gì về cái ngày 30 tháng 4 năm đó không. Cứ ngỡ câu trả lời sẽ là địa vị của một quan chức cấp cao, sẽ là người đưa kẻ đón, sẽ là lắm kẻ phục tùng,...
Nhưng không.
- Phải chi mấy ổng vô trễ vài ngày thì đỡ quá. Đầu tháng mới được lãnh lương. Vô ngay 30 tháng 4 làm ông nội mất tháng lương đó. Tiếc chớ.
Hahaha
Bài học rút ra: với những việc đã xảy ra và không thể thay đổi, hãy nhìn nó ở góc ít tiêu cực nhất có thể. Để chi? Để sống an, sống vui và sống lâu.
P.S. Ông nội đọc được cái này nhớ like một cái ủng hộ thằng cháu đích tôn nghe. Thank you. Like thằng cháu để bớt đi like dạo tùm lum.

Bà Tư đi Mỹ
Trước hết, phải giới thiệu chút. Bà Tư là chị bà nội. Mồ côi ba má từ nhỏ, hai chị em nương tựa nhau mà sống mà lớn lên. Bà nội đẹp nhưng bà Tư không được vậy. Chữ nghĩa cũng hổng nhiều nhưng được cái hiền như cục đất và ham làm lụng. Bà Tư ở nhà lo cho bà nội đi học. Rồi bà nội đẻ đàn con, bà Tư chăm. Chị em tui, con cháu tụi tui cũng lớn lên bằng những bữa cơm của bà Tư. Mấy thế hệ của cái nhà này luôn chứa một ngăn lòng đầy ắp hình ảnh bà Tư. Nếu không có bà, chắc là nội không thể một mình ôm nổi đàn con cháu. Nhà nghèo, đi chợ toàn mua cá rẻ cá ươn mà đem về, qua tay bà, thành tươi hết. Với tui, những bữa ăn của bà Tư là ngon nhứt trần đời. Hồi đó, thằng Ịch hễ đi học về là kiếm bà trước tiên.
Lúc nào bà cũng hịch hạc cười, cái cười móm sọm thấy cưng hết biết. Tiếp xúc bà, tui tin ai cũng được truyền cho một nguồn năng lượng tích cực. Bà hổng bao giờ trách giận hay buồn phiền gì ai. Sống đơn giản thành ra dù có vất vả, ngả lưng xuống là thanh thản, là ngáy pho pho. Nhiều lúc học bà hoài chỗ này mà học chưa được trọn. Bà lúc nào cũng "Thôi kệ".
Bà Tư rất tân thời. Hổng khoái cải lương hay phim Việt, bà chỉ mê coi phim Mỹ, xem thi hoa hậu với Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng thôi.
Mấy tuần trước, nghe nội bịnh, bà Tư rầu rầu "Tự nhiên sao tao nhớ quá, muốn qua gặp Út một lần". OK, cho bà Tư đi.
Đặt chưn xuống đất Mỹ, bà biểu tụi bây nói làm tao run chứ tao thấy đi Mỹ dễ ợt.
- Dễ là dễ sao, bà Tư kể nghe chơi đi.
- Tao vô phỏng vấn, cái cô Mỹ kia hỏi tao đi đâu, tao nói đi thăm em tui bị bịnh, tao cười hề hề cái cổ cho đi liền. Cổ còn cám ơn tao nữa chớ.
- Còn máy bay, đi lần đầu thấy sao bà Tư?
- Ui, y chang đi xe đò, khoẻ ru.
Sẽ không kể cái khúc hai chị em được ôm nhau vào lòng vì đó là điều dành cho cảm nhận. Chỉ thấy rằng sau có một ngày được ôm, được nắm tay, được ăn, được ngủ cùng bà Tư, nội tươi tỉnh ra thấy rõ.
Tối đến, ngồi ngó xung quanh, thấy đâu đâu cũng treo tivi, bà Tư biểu "Nhiều vầy coi sao hết tụi bây?".
Khuya, nhìn ra ngoài sân, "Tụi bây đậu xe thấy ghê quá, sao không làm cổng rào rồi khoá lại?".
- Ủa, bà Tư có sợi dây chuyền vàng mà, sao hổng đeo qua Mỹ cho đẹp?
Móc ra sau hai lớp áo, bà thỏ thẻ "Để ra ngoài, bị giựt đó".
Cám ơn cuộc đời đã cho con có bà nội, bà Tư.

Tối nay rủ thằng Nobi đi ăn tối ở một nhà hàng trên cao, xoay vòng vòng để ngắm toàn cảnh thành phố Los Angeles. Lúc đậu xe, vì làm biếng nên tụi tui chọn valet parking (có nhân viên khách sạn lái xe đi đậu cho mình). Ăn xong, xuống nhận xe, thấy cậu nhân viên kia đang đứng ở cái booth đón khách để trả xe, người Việt, vì cậu đeo bảng tên họ Nguyen. Tự nhiên cậu nhìn tui hồi lâu rồi chạy lại quầy lật lật gì đó, quay trở lại ngập ngừng "Anh là Hồng Hải".
- Ủa, sao em biết?
Cậu không trả lời mà quay lại chỗ mình mang tới trước mặt tui cuốn Thương...
- Nhỏ bạn về Việt Nam mang qua bắt em đọc nè. Trời ơi mừng quá, ở ngoài anh cũng giống cái hình trong sách nè, mà trẻ hơn. Anh ác ghê, viết cái gì mà em đọc em gồng dữ lắm, vẫn khóc. Mỗi ngày đi làm, em đọc một chuyện, về nhà đọc lại mới dám khóc, khóc cho đã...
Rồi cậu cám ơn, rồi cậu xin ôm một cái.
- Anh biết hôn, em hận ba mình lắm, hận vì ổng bỏ má con em. Nhưng đọc sách của anh, em tha thứ cho ổng rồi. Dễ ợt. Dễ ợt vậy mà hơn ba chục năm nay em làm hổng được đó anh...
Tip cho em một ít, em không nhận mà lại móc bóp ra, ấp úng:
- Nói thiệt, em làm ở đây cũng không khá gì nhưng anh cầm giùm em 100 này, để lúc nào gặp ai đó cần, anh giúp họ giùm em. Em hông được tinh tế như anh, sợ giúp không đúng người...
Đó, cứ vậy mà tui mắc nợ cuộc đời hoài.
Độ rày có thêm việc: bán trái cây.
Mấy bữa trước, có dì kia chắc ngoài 60, đẹp người, đậu chiếc xe Van trước chỗ tui, bước vô chào rồi "Dạ cậu ơi, cậu cho tui đậu nhờ trước tiệm một chút được hôn cậu?".
- Dì cứ thoải mái đi, parking này là của chung mà, thấy trống thì đậu thôi dì.
Dì cám ơn rồi mở cốp xe, sắp xếp những chuối, những mít, những rau vô mấy chiếc mâm lớn rồi khệ nệ bưng qua trước nhà hàng, bày ra. Dì bán bên đó vì lúc nào cũng có khách ra vô.
- Nặng lắm, dì cứ sắp đi, để con khiêng qua bển cho.
Đó là một người đàn bà Nam bộ hiền lành, khiêm nhường và hào sảng. Nói chuyện với ai cũng thưa cũng dạ, ai trả giá bao nhiêu cũng bán. Đã vậy còn hay hốt cho thêm lúc nhúm ớt, khi lọn hành. Tự nhiên thấy biết ơn dì vì đã mang nguyên cái miền nhớ, mang nguyên cái chợ Việt hồn hậu bày ra đây, trước mặt mình.
Sau khi bày hàng ra xong, dì quay về đóng cốp xe. Tui kêu "Dì cứ mở đi, không sao đâu. Con ngó chừng cho, ai mua con bán giùm. Được thêm nhiêu hay nhiêu dì ơi".
Hôm bữa, có chị kia ghé vô hỏi miếng mít này nhiêu vậy em trai.
- Dạ 15 đồng chị ơi.
- Sao bà già bên kia bán miếng cỡ vầy có 13 mà ở đây 15?
- Dạ chị thông cảm giùm em, 2 đồng là tiền trả cho trai đẹp bán đó chị.
Vậy mà chỉ cũng mua. Mua mà không quên chửi "Thằng quỷ sứ, cái miệng dẻo đeo". (Đôi khi bạn phải chấp nhận một thực tế rằng đẹp trai và có duyên, rất có lợi. Hé hé)
Khi đã thân nhau hơn, hai dì cháu có kể cho nhau nghe chút chuyện mình. Thằng con trai dì giỏi à nha, dược sĩ chớ bộ. Nó đâu có cho dì đi buôn bán cực khổ vầy nhưng ở nhà dì buồn tay buồn chưn. Bán buôn kiếm thêm ít gởi về bên nhà cho mấy anh chị em còn nghèo, nuôi bà má đau yếu. Miệng kể, môi cười mà mắt hổng có vui.
Rồi cuối cùng, tui cũng biết ra rằng dì nói dối. Thằng con dì thấy xấu hổ hay sao đó mà biến mất khỏi cuộc đời mẹ mình, để bà thui thủi, vất vả và chông chênh. Hèn gì, hôm bữa khiêng phụ đồ xong, tự nhiên dì nắm tay tui mà rơm rớm "Dì ước có được đứa con giống vầy nè".
Còn một khúc nữa, buồn như cải lương Đời Cô Lựu nhưng thôi, hổng kể. Chỉ ước rằng mình có một người mẹ như vầy nè, một người mẹ mà con cái có sai quấy, có tệ bạc tới đâu, cũng giành hết phần lỗi về mình.
Dù ở đâu trên trái đất này, mẹ vẫn muôn đời là Mẹ-Việt-Nam.

Cả cuộc đời chỉ biết lo và nghĩ cho người khác. Tới non nước này rồi, vẫn vậy.
Thằng cháu đi làm về, chạy vô mới được năm bảy phút là đuổi "Về đi Ịch, về ngủ sớm sáng còn đi làm". Con cháu nào vô cũng bị đuổi. Là bởi nội không bao giờ muốn làm phiền bất cứ ai.
Ông nội vừa vô thăm, bà hỏi liền "Ông khoẻ hôn, ăn gì chưa?". Ông khóc oà tại chỗ "Đáng lẽ ông nội phải hỏi bà nội trước mà, bà nội đang bịnh mà".
Bác sĩ nào vô nhìn thấy đầy cả phòng những con cháu cũng cười với nội "Bà thật may mắn". Bởi ở đây, cảnh này thực sự không nhiều.
Bác sĩ hay y tá vô thăm khám, nói tiếng Anh, nội có hiểu gì đâu mà họ nói xong câu nào, nội "dạ" câu đó.
Trước khi họ quay đi, lúc nào nội cũng "Dạ, cám ơn".

Chuyện United
Tui chỉ mới bay với UAL có hai chặng, thấy mọi thứ rất ổn. Và tất nhiên, tui có coi đoạn clip về chú bác sĩ họ Đào, rồi đọc rất nhiều tin cũng như nghe nhiều phản ứng từ dân tình khắp nơi cho đến những chuyên gia uy tín trong các lĩnh vực luật, hàng không, y khoa...
Vì chỉ xem được một đoạn ngắn ngủi nên tui không dám có ý kiến. Tui không biết điều gì đã xảy ra lúc chú ấy mua vé hay check-in, lúc chú phản ứng khi bị buộc xuống máy bay hoặc lúc chảy máu. Tui cũng không dám chắc về chuyện có kỳ thị bởi khá khó tin nếu một hãng lớn như UAL lại dám làm điều đó (ở đây, trong hợp-chủng-quốc này, bạn có thể kỳ thị bất cứ ai nhưng nếu khôn ngoan và biết luật, hãy giữ riêng điều đó cho lòng mình biết bởi nếu thể hiện ra ngoài, bạn sẽ...mệt, rất mệt).
Nhưng có một điều chắc chắn: tui sẽ không bay với UAL một lần nào nữa. Thiệt ra, tui là một hành khách khá hiền ngoan và biết thông cảm nên nếu có gặp sự cố, chắc cũng không đến nỗi. Hôm bữa bay có hơn tiếng từ San Jose về Santa Ana mà bị delay hết...4 tiếng. Mấy hành khách khác hơi khó chịu nên tui nhiều chiện, biểu "Phi trường John Wayne gần nhà tui nên tui biết, mấy hổm rày sương mù dày lắm, ra đường chỉ nhìn thấy vài chục feet thôi. Kệ, ráng đi bà con, đợi sương tan hết, mình bay rồi đáp cho an toàn héng". Cô nhân viên hãng nghe vậy, tới cười cám ơn tui.
Tui không bay với UAL vì có rất nhiều chọn lựa khác, giá còn rẻ hơn. Tỉ như Southwest tiếp viên xấu quắc nhưng thân thiện như bạn bè. Tỉ như Alaska cả phi công lẫn tiếp viên đều vui vẻ tưng tưng. Tỉ như Virgin America toàn máy bay mới, chiếu đèn tím hường rất pê đê,...
Tui giận United nhưng vẫn cho rằng đó là một sự-cố chứ không phải văn-hoá của hãng.
Rồi, giờ mới vô vấn đề chính muốn nói.
Rất nhiều người trong nước hả hê "Đó, mơ mộng Mỹ đi, Mỹ nó cũng du côn vậy đó", "Tưởng gì, nước Mỹ cũng thấy ghê" hay "Mỹ đó sao?",... Thưa bà con, dù hình ảnh ấy không đẹp, đáng lên án hay dễ gây căm phẫn thì nó vẫn chỉ là một sự việc riêng lẻ và hoàn toàn không đại diện cho cảnh sát Mỹ, hàng không Mỹ hay đất nước Mỹ. Tuyệt nhiên không.
Ở phía ngược lại, tui cũng không tán đồng việc chỉ trích tất cả mọi việc xảy ra trong nước theo kiểu chụp mũ "Việt Nam là vậy".
Khi nuôi một cái nhìn tỉnh táo, chúng ta sẽ thấy rằng không một đất nước nào đẹp hoặc xấu hoàn toàn. Vấn đề chỉ là mỗi người hãy tự nhận ra cái xấu cái đẹp để so sánh rồi chọn lựa nơi tốt nhất cho mình thôi. Còn nếu không thể lựa chọn, cũng hãy bớt bỉ bai hay chửi bới. Để chi? Để đời sống của chính mình được nhẹ nhàng và vui tươi chứ chi.
P.S.1 Bận này, chú bác sĩ sẽ có một đống tiền. Đây mới chính là khác biệt lớn nhất nếu so sánh Mỹ và Việt Nam.
P.S.2 Nhìn số tiền hàng trăm triệu đô mà UAL vừa mất chỉ trong ngày, đọc sự căm phẫn của cả nước Mỹ, xem cái cách hãng giải quyết khủng hoảng truyền thông giữa thời đại dân mạng có thật nhiều quyền lực, tất cả doanh nghiệp dù ở đâu cũng sẽ rút ra được nhiều bài học cho mình.
Hồi nãy ăn tối xong, thấy kế bên nhà hàng có cái tiệm Marshalls, lơn tơn bước vô kiếm thứ gì re rẻ mua chơi.
Dạo cả buổi, chỉ mua được cho ba 6 cái áo lót, 22 đồng. Ra xếp hàng tính tiền, trước tui là một chị gái nhìn lam lũ lắm. Chị mua một cái mền mỏng, hai bịch chips và chai coke. Tổng cộng hết $17.45. Thấy chị móc một nùi tiền lẻ và tiền xu ra vuốt, đếm. Vuốt hoài đếm hoài mà chỉ đâu đó hơn 13 đồng.
Chị ngại ngùng với cậu thu ngân "Xin lỗi, tôi chỉ lấy cái mền thôi, chắc sẽ đủ tiền".
Tui bước lên cười chào chị, "Cất tiền vào đi, tôi sẽ trả cho chỗ này. Tiền ấy chị cứ để dành mua thứ khác".
Chẳng có bao nhiêu nhưng chị cám ơn quá chừng. Rồi còn xin ôm tui nữa chứ.
Chị đi mà cứ quay lại, đặt tay lên ngực, cúi đầu và cười. Tui nhìn theo chị tới khi khuất cửa. Quay qua, đã thấy cậu thu ngân bỏ mấy cái áo vô bịch tự hồi nào.
- Oh xin lỗi, của tôi bao nhiêu vậy?
- Không cần đâu. Chúa đã trả cho anh rồi. Chúa cũng thương anh như cái cách anh thương chị ấy vậy.
Sau vài giây sững sờ, tất nhiên, chúng tôi lại ôm nhau.
Tui tin ba mình sẽ vui sẽ quý lắm, khi cầm mấy chiếc áo này và biết rằng chúng không phải quà của tui, mà là của-Chúa.

Cô bé Mễ tui hay kể, hôm nay quay lại.
- Con chào chú. Chú có nhớ con không?
- Nhớ chứ. Trước đây con có ghé chú mua hoa tặng sinh nhật mẹ đúng không? Hôm nay con cần gì?
- Con muốn hỏi rằng ngày mai, chú có mở cửa không, để con quay lại mua hoa.
- Có. Ngày mai lúc nào con cần?
- Thật ra hôm nay thì tốt hơn, vì hôm nay sinh nhật mẹ con.
- Ồ, nhanh vậy à? Mới đây mà đã một năm. Sao con không mua hôm nay luôn?
- Hôm nay con có mang vỏ lon đi bán nhưng cái xe thu mua đâu mất rồi, không ở chỗ cũ nữa. Con dự định ngày mai đi kiếm chỗ khác.
Thật ra, việc cho em một vài cành hoa để tặng sinh nhật mẹ mình là điều quá đơn giản nhưng tui không làm vậy. Năm ngoái, tui vẫn lấy của em 2 đồng, cũng tiền em bán ve chai. Như vậy, món quà em tặng mẹ sẽ ý nghĩa hơn bởi nó là công sức, là yêu thương, là trách nhiệm của em.
- Chú vẫn muốn con tặng hoa cho mẹ đúng hôm nay. Bây giờ vầy nhe. Bên kia đường có một ngôi nhà hoang, cỏ và hoa dại mọc um tùm ngoài rào. Con cứ hái những cái con thích, mang về đây, chú sẽ làm cho nó đẹp lên.
Em mừng rỡ chạy đi...
Đó, thấy chưa, khi vun vén đủ thì không cần lan hay hồng, hoa dại bên đường cũng có thể trở thành chất liệu của yêu thương.

https://scontent-arn2-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/17629632_1127979200645491_315592800790093455_n.jpg ?oh=d0990ed0b6e05837fe6faa8f1e7c3fb1&oe=5A0465AB



https://scontent-arn2-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/17553592_1129041623872582_8289804012542908626_n.jp g?oh=cb311174728660c5478bc0917282c6ef&oe=5A06CD3F

https://www.facebook.com/chris.le.98

sôngthương
07-08-2017, 07:13 PM
Dù cuộc đời có khô cằn và héo úa như mùa đông thì hãy gắng giữ lòng mình thật tươi rỡ và son sắt.

--------------------
Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia là một trong hàng chục bảo tàng đồ sộ thuộc Viện Smithsonian toạ lạc tại thủ đô Washington.
Viện Smithsonian được ra đời từ tiền hiến tặng của ngài James Smithson, một khoa học gia người Anh và...chưa từng đặt chân đến Mỹ. Đến tận hôm nay, vẫn không ai hiểu vì sao ông lại làm điều đó, chỉ biết rằng khi viết di chúc để lại toàn bộ tài sản cho nước Mỹ, ông muốn dùng số tiền đó để bảo tồn, phát huy và truyền bá tri thức cho nhân loại.
Đây là bảo tàng khoa học tự nhiên lớn nhất thế giới với hơn 2.5 triệu mẫu vật, là nơi làm việc và nghiên cứu của những nhà khoa học tự nhiên hàng đầu từ khắp nơi. Lịch sử tiến hoá loài người, các giống loài, lịch sử hình thành trái đất,... Từ trên trời xuống mặt đất, từ mặt đất xuống biển, từ đáy biển vô lõi địa cầu có cái gì, trong này bày cái đó.
Đặt biệt nhất là những viên hột xòn hột bẹt, ru-bi ru-biếc, tô-ba tô-bốn, ta nói, viên nào viên nấy không tính ca-ra mà tính lạng tính ký không hà. Chọi chó chết tươi. Chúng là những thứ đắt tiền nhất, thậm chí vô giá.
Mệt quá òi, hông viết caption cho từng bức được, bà con tự đọc trong hình nha. Nhưng nhớ lưu ý viên kim cương Hy Vọng ba tăm năm tục tịu đô nha.
Nếu hỏi tui New York có gì hấp dẫn, câu trả lời sẽ là hàng ngàn thứ nhưng đầu tiên, phải là bảo tàng. Những kiệt tác mỹ thuật trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại đang hiện diện đầy ắp trong cái thành phố đáng yêu này.
Bỏ ăn uống, bỏ chơi bời mà mới đi được 5 cái thôi.
Mấy tỉ phú Mỹ đáng ngưỡng mộ quá. Họ làm ra nhiều tiền, họ sưu tầm tác phẩm nghệ thuật. Trước khi mất đi, họ hiến cho bảo tàng. Tự đáy lòng, tui mang ơn họ vì điều này.
Giới thiệu sơ qua vài kiệt tác vĩ đại có lẽ ít ai không biết.
Và nhớ, hãy xem giá dưới mỗi bức

sôngthương
07-17-2017, 04:07 AM
Nguồn sống

Bài này chỉ dành cho các bạn từ 30~40 tuổi thôi nhé (nói vậy chứ các bạn khác mà ngưng đọc là tôi buồn đấy) vì hôm nay tôi mới chính thức bàn đến chuyện đại sự, chuyện tế thế kinh bang, chuyện hệ tư tưởng và hệ giá trị đây, mại dzô, mại dzô.

Vậy nguồn sống là gì, đó là nguồn tư tưởng và giá trị để bạn sống, sống là lớn lên, hiểu biết và bắt đầu phân tích về nguồn sống, hehe. Nguồn sống của tôi có thể gói gọn trong ba thứ: Hột É, Mô Tô Bay và Khương Đại Vệ.

1.
Hột é thì nhiều người biết và cũng nhiều người không biết, ai không biết thì tự tìm hiểu nhé. Hột é một thời là món cốc tai bình dân và bổ dưỡng nhất xuất hiện ở nhiều gia đình và nhiều quán xá. Uống ly hột é vào rất mát (kêu bằng tối ngủ khỏi đội nón), có miếng đường thì ngòn ngọt, có miếng đá thì lành lạnh. Nói chung không ngon và không dở, có thể uống ở quán hoặc mua hột é về nhà ngâm nước nóng tự làm. Hột é không sang cũng chẳng hèn, có thể dùng đãi bàn bè: sinh nhật đãi hột é, tình nhân dắt tay nhau đi ăn hột é, gia đình cuối tuần ăn hột é…Hột é có cũng được, không có cũng được, nhưng nó đã có, ở một đất nước, một giai đoạn lịch sử và cần thiết phải ghi nhận nó.

Những người mẹ thời ấy thường có hột é trong nhà, để làm quà cho con trẻ, thay đổi khẩu vị vốn dĩ không mấy gì làm phong phú lúc cơ cực. Tôi lớn lên bằng rất nhiều hột é, ngâm nở tè lè, đựng trong những cái ly thủy tinh mậu dịch to đùng và ngắn củn, pha thêm đường miếng màu vàng, thỉnh thoảng có lẫn vài thứ vào phải lấy lưỡi nhằn ra, nhưng hơn tất cả, đó là một món quà thơ bé của tôi, là nguồn sống của tôi, thứ mà từ nó, tôi nhìn thấy tình yêu của mẹ, và tôi lớn lên.

2.
Mô tô bay là một loại hình xiếc trình diễn. Người dựng rạp ở một bãi đất trống, giữa rạp là một cái lồng hình trụ dựng đứng được ghép bằng thép tấm. Người lái xe mô tô sẽ ở giữa cái lồng hình trụ ấy và bắt đầu lái vòng tròn theo thành lồng, từ thấp lên cao. Khi lái như vậy cả người và xe gần như quay tròn và lơ lửng trong không khí, chỉ duy nhất bánh xe chạm vào thành lồng. Khách đứng trên đỉnh lồng và vỗ tay tán thưởng, nếu ai cho tiền thì người biểu diễn sẽ vừa chạy vừa nghiêng xe xuống và nhặt tiền, tạo thành một pha rất ngoạn mục.

Tôi rất thích coi mô tô bay, mỗi lần coi là mỗi lần hồi hộp đến ná thở, tôi vẫn không hiểu tại sao người ta có thể có đủ can đảm để làm việc ấy, lái chiếc mô tô lơ lửng trong vòng tròn. Bây giờ thì chẳng ai trình diễn mô tô bay nữa, có lẽ các bạn trẻ không còn cơ hội để xem. Vả lại các bạn nhỏ bây giờ học giỏi, nhất định sẽ phát hiện ra lực ly tâm của việc lái vòng tròn quanh lồng đã lớn hơn lực hấp dẫn mà cái xe phái chịu, nên nó bay được cũng là thường tình, chẳng có gì thú vị.

Sau này khi lớn lên, ở một buổi hội thảo sinh viên, tôi có bài phát biểu về nguồn sống, bài phát biểu của tôi có tựa đề là: Hãy Nâng tâm Hồn Lên. Tôi nói đại ý thế này: ai cũng phải chịu lực hấp dẫn của mặt đất, chính nó làm cho ta té ngã, càng sợ ngã càng dễ ngã, đến nỗi ta chấp nhận nó như một vấn đề mặc định của mình và ta chỉ biết ngưỡng mộ sự bay bổng. Thực ra ai cũng có thể bay bổng và điều gì cũng có thể trở nên thăng hoa, chỉ cần bạn biết cách thắng được chính trọng lượng của mình.

3.
Khương Đại Vệ là một nam diễn viên Hồng Kong, năm nay có lẽ đã ngoài 60. Thực ra cùng thời với mình, Khương Đại Vệ không nổi tiếng bằng nhiều người khác, kể cả Địch Long, người chuyên đóng cặp với ông. Khi bắt đầu học võ và thích xem phim võ thuật, tôi thường có thói quen nhìn xem diễn viên có thực sự hiểu biết về võ thuật hay chỉ là kỹ xảo, và đại ca họ Khương thực sự làm tôi ngưỡng mộ.

Tôi đã xem rất nhiều phim của Khương Đại Vệ, nhất là những vai diễn anh hùng hảo hán, rất khí phách và bất khuất, nhiều phim tôi xem đi xem lại nhiều lần, tôi làm quen và mời thuốc lá mấy anh soát vé để có thể coi đi coi lại hằng đêm. Tôi treo hình Khương Đại Vệ ở đầu giường và tự làm một thanh kiếm giống như thanh ông cầm trong “Thập Tam Thái Bảo”, chỉ có điều nó không đủ sát thương bằng nguyên bản.

Dù là con một gia đình điện ảnh nhưng Khương Đại Vệ sớm mồ côi cha, phải lăn vào đời, bỏ học sớm và làm đủ thứ nghề để sống trước khi đến với điện ảnh, với tôi, riêng điều đó cũng đã quá đủ để ngưỡng mộ ông, huống chi là những vai diễn đầy chất kiêu bạc mà một đứa trẻ luôn hằng mơ ước.

Ví Khương Đại Vệ và những vai diễn của ông là nguồn sống thì có lẽ hơi quá và hơi sính ngoại, nhưng cũng như hột é và mô tô bay và nhiều thứ khác nữa, những thứ xuất hiện trong trí óc trắng trơn và non nớt của tôi và nhiều bạn bè khác, đã nuôi tâm hồn tôi khôn lớn.

Hehe, đặt cái tựa câu khách thôi, chẳng qua muốn kể chuyện xưa…

(Nguồn : Đàm hà Phú fb)

sôngthương
07-20-2017, 07:33 AM
Chàng ngốcNguyên Hương
“Quán bình dân thôi mà ngon lắm”, anh nói. “Sao anh biết?”, em hỏi lại với một cái lườm. Đàn ông con trai gì mà quán xá ngõ hẻm nào cũng tỏ tường. Anh cười: “Hôm nọ mấy thằng bạn thất nghiệp rủ nhau đi ăn nên anh mới biết”. “Đã có ai xin được việc làm chưa?”, em cố giữ cho giọng mình không có vẻ dò hỏi. “Một đứa. Mới chỉ là nhân viên hợp đồng trong một công ty tư nhân thôi”. Không muốn không khí bị chùng xuống, em lảng qua chuyện khác: “Còn xa không anh?”. “Vài bước nữa thôi, kia kìa”, giọng anh trả lời áy náy. Câu hỏi của em vậy là lỡ miệng rồi. Vài bước nữa thôi... vài bước nữa thôi... Mắt anh bứt rứt nhìn xuống con đường dưới chân, hẻm nhỏ biết bao giờ mới được tráng nhựa, lại thêm những chỗ trũng chỗ lồi được đắp vá bằng cây gỗ mục và gạch đá vụn vỡ. May là hôm nay em không mang gìay cao gót.

Quán vắng. Ít người đi ăn bánh bèo vào giờ trưa thế này. Mấy bộ bàn ghế có vẻ buồn. Cô chủ quán cũng có vẻ buồn, nụ cười khi nhìn thấy chỉ hai người khách vào quán chẳng tươi tỉnh lắm. Hai dĩa thập cẩm. Chè thập cẩm thì nghe từ lâu nhưng bánh bèo thập cẩm thì đây là lần đầu. Em tò mò nhìn theo bàn tay sắp xếp trên dĩa. Anh bật cười: “Chỉ là cách gọi tếu của bọn anh thôi”. Ra vậy. Bánh nậm, bánh bột lọc, bánh hỏi, bánh bèo nằm bốn góc xếp chéo lên cái dĩa tròn: “Có bốn thứ mà dám gọi là thập cẩm. Thật là đại ngôn”. “Cộng cả hành, mỡ, ớt, tôm nhụy, nước mắm và bánh tráng giòn nữa”. Cả hai cùng cười. Tiếng cười khiến cô chủ quán ngạc nhiên nhìn lên. Rồi cô cúi xuống với cái nồi bốc hơi nghi ngút trên bếp lửa. Hai cái thúng to bên cạnh đựng đầy những cái chén tí xíu. “Ăn được không em?” “Ngon”. Anh cười rất vui: “Thêm dĩa nữa tí về khỏi ăn cơm”. Ăn dĩa nữa thì gật đầu ngay nhưng về khỏi ăn cơm là không được. Phải ngồi ngoan bên bàn, không bới thêm nữa thì phải nhâm nhi kéo dài chén cơm trên tay cho đến khi cả nhà cùng xong bữa. Công của người nấu nướng là quan trọng lắm. Nấu mà không ai ăn, mợ giận lần sau treo nồi luôn là chết. Gọi thêm một dĩa rồi chia đôi là vừa. Anh vui vẻ sớt qua dĩa của em phần nhiều hơn. Em nhai ngon lành, lần này là ngon lành thật sự chứ không phải là cố làm cho anh vui như cơm hến lần trước. Trời ơi, làm sao biết là ngon hay dở khi mà miệng mồm răng lưỡi bỏng rát cơn cay xé. Vậy mà em cũng ăn được hai chén. Dặn lòng không bao giờ đi ăn cái gì với anh nữa.

* * * * *

Chút tài còm đàn hát thuở sinh viên giúp anh có được việc làm trong mùa cưới. Hóa ra vậy mà sang. Cùng với ban nhạc, anh ra vào những nơi trước đây chỉ ngang qua mà không dám nhìn vào. “Trong restaurant đó có gì hay không anh?”. “Hôm nào anh đưa em vào cho biết”. A, lên mặt chưa kìa: “Nói sao mà đưa em vào?”. “Thì nói là em gái”. “Chỉ là em gái thôi à?”. “Chứ nói thật là người yêu thì chết anh. Mấy cô ca sĩ ghen cố tình hát sai nhịp rồi lại bảo tại anh đàn sai”. “Vậy mấy tay trống nhìn em gái anh thì sao?”... Á... à...

Chẳng cô ca sĩ nào ghen cũng chẳng tay trống nào nhìn em. Ai cũng bận rộn với công việc của mình. Em ngồi ở cái bàn cạnh khu vực đám cưới, nhìn anh, rồi nhìn quanh. Cô dâu đẹp mê hồn. Chú rể lúng ta lúng túng đến buồn cười. Điều làm chú rể lúng túng nhất hình như chính là cái váy của cô dâu, nó căng phồng thành một vòng tròn khá rộng như muốn đẩy chú rể ra xa, lại còn rất dài, chú rể cứ kéo lê đôi giày chứ không dám nhấc cao có lẽ vì sợ dẫm lên vô số lớp ren xoè trên mặt đất. Chà, có bạn bè ký túc xá của em ở đây thì xuất khẩu thành thơ ngay.

- Xin được hân hạnh phục vụ cô.

Cậu hầu bàn trẻ măng cúi người trước mặt em. Em giật mình nhận ra sự vô lý của mình. Chỉ một ly cam vắt mà dám chiếm hẳn một bàn của restaurant sang trọng thế này. Nhưng...

- Cái anh trong ban nhạc nói chị dùng gì xin cứ ra lệnh.

Ra vậy. Anh thật là.

- Tôi đợi anh ấy xong rồi sẽ... Xin cám ơn.

Cậu hầu bàn quay đi. Anh ra hiệu gì đó em không hiểu, nhưng thấy cười là yên tâm rồi.

Tại sao hôm nay em lại đến đây? Để làm gì? Đón anh, đó chỉ là cái cớ. Thật ra thì em không nên làm anh bị phân tâm thế này. Đừng nhìn em nữa. Em ngồi một mình thì đã sao. Anh tưởng em phải cần có người nâng đỡ dịu dàng bên cạnh đó à? Cậu hầu bàn lại nhìn em cười. Nụ cười gợi nhớ quá đỗi. Rất gợi nhớ...

“Nghĩ gì mà trầm tư vậy?”. Em giật mình nhìn quanh. Tiệc cưới đã tan. Anh ngồi xuống ghế đối diện em, tia cười trong mắt lóng lánh. Vui gì vậy? À, mai có đám cưới, một cái sáng, một cái chiều, ngày mốt cũng có. Tuần tới có không? Liên tiếp cả tuần đều có. Vậy là đánh đàn đến mỏi nhừ tay nhé. Đáng để ăn mừng. “Em ăn gì nào?”, anh đưa bảng thực đơn dài dằng dặc. “Thừa sức đãi em bất cứ món gì”. Chà, vênh vang vậy thì người ta gọi cho biết tay. Gà nhồi nấm, bò đốp... “Bò đốp là cái gì?”. Có lẽ... khi xọc đũa vào nó nổ đôm đốp. Cười. Không được cười to đâu, trong restaurant người ta chỉ cười mím chi thôi.

Rất ngạc nhiên anh nhìn em thành thạo tay dao tay nĩa, bao nhiêu món chính là bấy nhiêu món chấm. Gà quay chấm với sốt mazône. Anh lạ lùng nhìn chén sốt màu vàng dẻo quánh đặt trong lòng đĩa. “Anh biết món này làm từ gì không? Lòng đỏ trứng gà đánh với dầu ăn cho tới khi hoà tan vào nhau”. “Anh nghe báo chí nói nhiều về ngộ độc màu thực phẩm...” “Không phải đâu, màu trứng gà và dầu ăn cho ra màu vàng như vậy đó. Cũng như màu gà quay này là từ cà chua. Người ta bằm cà chua thật nhuyễn rồi vắt lấy nước”. Sao anh bỗng nhiên buồn thế kia? Ánh buồn lảng bảng trong mắt, trên cả môi cười? “Em có vẻ sành những món ăn quý tộc...”

oOo

Bao nhiêu ngày rồi... Kể từ bữa thịnh soạn trong restaurant anh không đến. Nói đúng hơn là anh chỉ ghé ngang, bâng quơ vài câu rồi đi. Không rủ đi nước mía góc đường, không chè hẻm, không cơm bụi...

Em cười thầm. Để xem cục tự ái lớn đến chừng nào cho biết. Nghĩ vậy nhưng rồi chính em cũng buồn. Cậu hỏi: “Hai đứa hục hặc gì đó?”. Mợ không hỏi gì, chỉ cười.

Em đứng trên ban công nhìn xuống. Anh ngang nhà... chậm lại... rồi đi qua. Có cái lối giận hờn vô lý vậy. Em không cười thầm nữa mà thấy giận anh, giận thật sự, chẳng phải buồn một chút. Nếu em sinh ra là tiểu thư con nhà giàu thì chúng ta đến đây là chia tay thật sao? Ngốc.

Em không hề là tiểu thư, chưa từng là tiểu thư mà chúng ta chia tay vì khoảng cách ấy thì thật là vô lý. Nước mắt em lăn xuống má. Chẳng có khoảng cách nào giữa hai đứa mình đâu, ông ngốc ạ! Ông còn có tài đàn hát để mưu sinh. Còn tôi, chẳng có gì, chẳng một chút tài lẻ nào...

Những năm tháng ấy em chẳng tìm được một việc gì khác hơn là làm thuê. Hàng phở cần người bưng bê, không phải là chạy loanh quanh những cái bàn nằm gọn trong quán mà là bưng đến tận sạp cho những người đang buôn bán trong chợ. Anh biết không, phải thật nhanh sao cho khi người ta ăn vẫn còn nóng hổi và phở vẫn còn dai. Đón tô phở từ tay người múc đặt vào mâm, làm sao cho mỗi chuyến đi được nhiều tô nhất. Sợ trên đường người khác đâm sầm vào cái mâm của mình. Lối đi trong chợ thì rất hẹp mà ai cũng bày hàng lấn ra, lại thêm buổi sáng đông người. Sau, em xin làm bên hàng cơm. Chạy cơm cũng cực nhưng an toàn hơn phở, ít nhất là không bị bỏng tay. Vả lại, cơm là vào bữa trưa, giờ đó chợ vắng. Rồi em xin được chân rửa chén bát trong nhà hàng. Khi không rửa chén bát, em phụ bếp. Nhổ lông gà vịt, nhồi bột, lột hành tỏi... Bữa tiệc nào có món hành ngâm giấm, lột xong hàng rổ hành mắt em cay xè tối không học bài nổi. Rồi đánh sốt mazône, bằm cà chua... Những món ăn quý tộc ấy... Có những tiệc chỉ đòi các món đặc sản đồng quê... Khêu con ốc ra, khêu thật sạch, giữ cho vỏ ốc còn nguyên vẹn rồi chà rửa cho không còn tí mùi bùn. Thịt ốc bằm thật nhuyễn trộn với gia vị rồi nhồi lại vào vỏ ốc xong đem hấp với gừng. Từng thúng ốc từng thúng ốc... Không tự tay làm thì không ngờ vỏ ốc nhìn hiền hoà vậy mà làm cứa từng đầu ngón tay như dao sắc.

Ngày từ giã thị trấn nhỏ bé về thành phố này, bước vào phòng thi đại học, hai tay em đầy những vết nứt nẻ. Và trái tim đầy nỗi sợ hãi. Sợ mình dốt xa học trò thành phố, thi rớt thì không biết làm sao. Số tiền chắt chiu dành dụm tiêu hết vào chuyến đi này mà công việc thì đã có người thay ngay khi em vừa xin nghỉ. Công việc cực nhọc trở thành quý giá bởi vì nó cho những bữa ăn no nê ngoài tiền lương, tuy chỉ là thức ăn thừa của khách nhưng vẫn rất ngon.

Và sợ thành phố mênh mông xa lạ, sợ ánh mắt của bà chủ nhà trọ nhìn mình xoi mói, sợ tiếng cười khúc khích của đứa con bà chủ trọ “Con nhỏ nhà quê cứ ôm khư khư cái túi”.

Sợ cả ngôi biệt thự của cậu mợ nữa. Cầm địa chỉ trong tay mà không dám đến, đến rồi không dám nhấn chuông. Nghèo... sợ vô cùng những nỗi tổn thương. Thà mình không đến để tự trách là tại mình không đến. Rồi tự nhủ sẽ đến khi có một cái gì đó.

Cái gì đó là kết quả kỳ thi và kết quả này đã cho em cơ hội tìm được chân gia sư.

Vậy đó, ngốc ạ. Chưa bao giờ anh hỏi để em kể cho anh nghe về những đắng cay. Cứ như người xa lạ, còn hơn vậy nữa!

* * * * *

“Sao cháu bắt nó đợi tội nghiệp vậy?” Mợ bước vào phòng với nụ cười trên môi. Ai? Ai đợi? Mợ lắc đầu: “Hai cái đứa này...”. Em chạy ra đầu cầu thang nhìn xuống, phòng khách phía bên kia nên chẳng nhìn thấy gì. Nhưng có thể hình dung ra anh đang nhìn đâu đó trên bức tranh treo tường rồi thỉnh thoảng liếc về phía chân cầu thang. “Nó khoe vừa xin được việc làm”. Mợ nói gì? “Ông chủ nhà hàng cái chỗ tổ chức đám cưới khen nó đàn hay. Rồi trò chuyện biết nó có bằng Đại học. Vậy là...” Ô la la... Tuyệt vời quá! Chúc mừng anh. Không, đáng đời anh. Em không xuống đâu. Em vẫn cứ ngồi yên trên này, đúng như một cô tiểu thư kiêu kỳ. Và anh cứ ngồi đợi chờ khổ sở lúng ta lúng túng trước mặt cậu, trước mặt mợ. Và với sự ngốc nghếch của anh.

http://4phuong.net/ebook/22976192/chang-ngoc.html

sôngthương
07-23-2017, 10:57 PM
whatever comes from the heart can touch the heart!

Đứng dưới một hàng hiên trú mưa chiều có cậu sinh viên, chị thuốc lá, cô hàng gánh, và tui.
Đang bâng quơ với nhau chuyện mưa gió bão bùng, chợt nghe cái rầm. Một cậu trai bo cua kiểu gì, chắc đường trơn, tông mạnh chiếc xe đạp của cô bán xôi. Cả hai té lăn cù. Và xôi, kính thưa các loại, văng tả tơi trên mặt đường.
Mấy người trong này chạy ra xúm xít đỡ hai người kia dậy. Cô bán xôi xây xát chút đỉnh nhưng chẳng quan tâm, chỉ mếu máo "Thôi chết tôi rồi". Cậu trai cũng gượng đau xin lỗi quá chừng. Kéo nhau vô hàng hiên, cậu nói mình ở tận Tân Phú, trong túi còn có mấy chục sao đủ đền. Rồi cậu biểu để cậu gọi bạn mượn tiền. Gọi năm bảy lần, bên kia vẫn tò tí te, cậu chừng như sắp khóc vì bất lực...
Em sinh viên móc bóp ra, vét sạch được trăm tư. Cô hàng gánh cho năm chục. Chị thuốc lá hổng chịu.
- Thôi giờ vầy, mưa gió quá mà, xui rủi đâu ai muốn. Vốn cái thau xôi này bao nhiêu? Vốn thôi nha.
- Dạ ba trăm mấy.
- Thôi tính tròn ba trăm đi. Mấy chục kia bà chịu đi. Tụi tui còn năm người đây, mỗi người sáu chục. OK hết hôn?
Rồi tất cả móc túi ra, lẹ làng và ngọt ngào, như thể ai cũng có trách nhiệm với cú ngã và thúng xôi kia.
Cô bán xôi giọng Bắc, em sinh viên miền Tây, cô hàng gánh Quảng rặt, chị thuốc lá giọng Saigon. Một đám lộn xộn lu bu mà đối đãi với nhau thiệt là sài-gòn.

-----------------------------

Chắc mọi người cũng thấy thời gian qua, thằng Hải hiếm khi viết về các vấn đề xã hội.

Bởi đơn giản thôi, đâu có đọc báo, cũng chẳng lướt news feed luôn. Cái kiểu đứng ngoài lề của xa lộ thông tin vậy. Mà nói thiệt, tự nhiên thấy tâm hồn mình thanh thản hẳn ra nhe. Tới từng tuổi này, phải biết cách bỏ ra khỏi mình những điều không đáng. Tiếp xúc và bị cuốn vào những tin tức tiêu cực rồi sân si riết ám khí vây bủa mình. Ủa, tự nhiên ngược đãi chính mình vậy? Thôi, cứ nuôi cho mình một nguồn năng lượng tích cực. Làm được vậy, ngoài thương bản thân, cũng là cách truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Ở nhà, nhà vui; ra gặp bạn, bạn vui; lên FB, người đọc vui. Vậy là được rồi héng.

Nói thiệt, hồi xưa quyết định đi Mỹ có 10 giây, sau cái đêm bị thằng kia bóp còi sau lưng đã rồi chạy lên chửi đụ má mày. Kiểu như không thể hít thở chung bầu không khí với những loại người ấy. Giờ về lại khác. Người ta vẫn vậy, thậm chí tệ hơn vậy nhưng không làm mình khó chịu nữa. Nhìn họ thiếu văn hoá, mình vỗ về cái bụng rằng thật tội nghiệp, chắc do nghèo do ít học do ít đọc do bạn bè xấu do môi trường,...hay thậm chí do bản tánh trời lỡ sanh vậy biết sao giờ. Đó, nghĩ vậy nên nhìn ai cũng thấy thương. Cái cảm giác này nó dễ chịu lắm nghe.

Vài đứa bạn, khi gặp chuyện gai chướng từ cộng-đồng-mạng, cũng vô biểu viết đi, viết đi, mày viết có nhiều người đọc nhiều người nghe. Hoy, mệt. Mình hèn mọn, thay đổi bản thân mỗi ngày còn nhọc nhằn, sao dám làm điều đó với ai khác. Dạy thằng Chấn Hưng còn chưa muốn xong. Thú thiệt, hồi tre trẻ, đôi khi cũng có ý đó, cái ý giúp người khác hay thậm chí xã hội khá hơn lên. Nhưng rồi nhận ra việc ấy khó hơn hái sao trên trời. Tự nhiên thấy thương mấy câu của anh Nguyễn Sĩ Đại,

"Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp luỹ xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh".

Ừ, vậy đi. Cho mình xanh cái phận nhỏ của mình. Viết lách cho lắm, trái ý đám đông thiếu tư duy thừa cuồng nộ, chẳng ích gì. Lượm mấy ngàn lai chẳng đổi được điếu thuốc nhưng bị đem ra đấu tố, mắng chửi sấp mặt lồn. Hổng sợ. Nhưng nản. Nên thôi.

Chữ nghĩa để dành viết sách. Nói thiệt, viết sách, nhứt là sách bán chạy, có tiền hơn mình nghĩ nhiều. Ahihi. Vậy đi.

Cuốn sắp phát hành, Sông Mê Chưa Cạn, là một tác phẩm văn học đúng nghĩa. Hổng biết có hay không nhưng tin rằng nó có-giá-trị. Tin.

P.S. Ủa mà nãy giờ tui viết gì, bà con đọc có hiểu hôn? Chứ tui là tui hông hiểu rồi đó. Đói như một con chó lạc mà mưa quá, không ra đường được nên bày chữ ra chơi vậy thôi hà.

------------------------------------



Đây là bức ảnh mình thích nhất trong những năm gần đây. Chỉ một khoảnh khắc nhưng nó kể lại được câu chuyện về mối gắn kết 38 năm.
Trong tất cả những sự kiện vui của đời mình, ba lúc nào cũng có mặt nhưng luôn theo cách như vầy. Âm thầm và lặng lẽ trong bóng tối, nhìn thằng con ngoài sáng. Vì bởi "Thôi, ba quê mùa, ba dở ăn nói, ba có biết gì đâu...".

Sau buổi chiều ấy, ba chỉ nói với mình đúng một câu, "Thấy con được người đời thương yêu quý trọng vậy, ba mãn nguyện lắm rồi". Và cố nhiên, đó cũng là tất cả những gì mình cố gắng cùng cực trong đời sống này.

Ba rất hãnh diện với mọi người vì có đứa con nhìn xa trông rộng hơn mình. Nhưng ba có biết vì sao như vậy không?
Vì con luôn được đứng trên đôi vai ba.:z57:

https://www.facebook.com/chris.le.98

sôngthương
07-25-2017, 11:02 PM
LỜI NGUYỀN CỎ HOA

Trích - Tuỳ bút Hoàng Công Danh

Khi nặn ra cỏ hoa, Thượng đế cho mỗi loài một lời nguyền để giữ gìn sự sống và xác tín sự có mặt của mình. Có lẽ vì điều này nên hầu như bất cứ loài hoa loại cỏ nào ở quê nhà cũng đều cố hữu một niệm thiêng và hóa hợp thành linh hồn.


Có hai loại hoa giữ cùng một lời nguyền, nhưng lại biểu hiện khác nhau. Đó là hoa Trinh Nữ và hoa Nứt Nẻ. Lời nguyền của chúng rất dễ thương, rằng: “Anh đừng có chạm vào em, em sẽ ngại lắm đấy!”.
Hoa Trinh nữ nhiều người biết rồi, nếu chạm tay vào thì lá nó cụp lại một cách e lệ như những cô gái đến tuổi biết yêu; nó khư khư giữ mình như các cô gái giữ trinh tiết cho cuộc dâng hiến đẹp nhất – chính vì thế có tên Trinh Nữ. Ở làng mình, cỏ Trinh Nữ còn được gọi là cỏ ngủ, tại khi chạm tay vào thì lá nó khép lại như mi mắt vừa nhắm.

Hoa Nứt Nẻ lại kết chiếc búp xinh xắn như hai bàn tay chụm lại. Nếu ta chạm nhẹ tay vào chiếc búp đó thì ngay tức khắc nó bật nở ra thành một bông hoa đẹp. Cũng nhờ việc bung đó mà những hạt giống hoa văng ra, rồi vài bữa sau cây con mọc lên xung quanh. Bàn tay con người chính là tác nhân cho cuộc sinh sản của loài hoa này. Hay nói cách khác, khi con người giải thiêng cho hoa Nứt Nẻ thì đồng nghĩa với việc cho phép chúng được sản sinh. (Cũng như ở Ấn Độ có chuyện Nữ thần đồng trinh Savitri vậy. Nàng Savitri giữ một lời nguyền của thần thánh để đảm bảo cuộc sống an lành cho thần dân. Chừng nào nàng trinh nữ còn làm Savitri thì chừng đó nàng phải nắm giữ một lời nguyền là không được chung đụng với đàn ông).


. Hoa Cỏ may lại mang trong mình lời nguyền hẹn ước. Cỏ may mọc nhiều ở những bãi đất, đường đê hay trên chân ruộng. Trai gái ở làng yêu nhau hay hò hẹn ra đê ngồi tình tự, hoặc đi làm đồng cùng nhau. Khi ấy hoa Cỏ may bám vào đũng quần như ấn định một lời nguyền: “Tao găm vào cho chúng bây ưng chắc mãi mãi… “. Bởi thế nên người nhà quê yêu nhau chân thật và sống được với nhau lâu dài. Bây giờ trai gái yêu nhau mau chia tay là vì họ dẫn nhau đi những chỗ sang trọng, họ quên mất rằng chính những nơi dân dã tự nhiên quê mùa có loài hoa Cỏ may giữ giúp tình yêu một lời nguyện ước vĩnh cửu.


. Hồi nhỏ, lũ trẻ chúng tôi hay ngắt hoa bậy bạ ở ngoài đồng để ăn. Hoa Me cánh hồng tím chua chua; hoa Mâm xôi đầy lên như đĩa xôi gấc đỏ, ăn vào ngọt lịm; hoa Cẩn cái có cuống tim hút ra nước mật bùi bùi. Ăn xong thì mấy đứa khoác tay sang vai nhau vừa đi vừa hát một khúc đồng dao và làm động tác tương ứng: “Bạn bè, cặp kè. Ăn rau Mè, ngồi xuống. Ăn rau Muống, đứng dậy. Ăn tầm bậy, ngả ra”. Chính trò chơi với cỏ hoa quê hương ấy đã nhắn nhủ với chúng một lời nguyền, rằng: “Đã coi nhau là bạn thì sống cho tử tế với nhau. Đứa nào làm chuyện bậy bạ ta sẽ bắt nôn cho lòi cuống hoọng ra!”. Đó là lời nguyền đẹp nhất mà chưa bao giờ chúng tôi muốn giải thiêng.

sôngthương
08-01-2017, 07:50 PM
Cám ơn các anh chị đã ghé đọc truyện với St :):z57::z56:


HỚT TÓC SÀI GÒN

Đó là một tiệm hớt tóc nhỏ xíu, ở Phú Nhuận Sài Gòn, trang trí theo kiểu cũ, với bốn thợ, có lúc nhiều hơn nhưng chưa bao giờ ít hơn, bốn ông thợ già, người trẻ nhứt cũng ngoài năm chục. Tôi đã hớt tóc ở tiệm này từ năm chín bảy, nghĩa là đã mười bảy năm, tính tôi luộm thuộm nên cứ để tóc thiệt dài rồi hớt thiệt ngắn rồi lại để thiệt dài mới hớt tiếp, nên hầu như năm chỉ ghé tiệm đôi ba lần.

Tiệm nhỏ, lại nằm ở đường nhỏ nên ghế ngồi kê san sát, mấy năm gần đây làm thêm dịch vụ gội đầu phía sau cho mấy quí ông chứ lúc trước không có.

bốn ông thợ già, nói giọng Sài Gòn xưa, âm ấm ngang ngang, thứ giọng nói mà bạn thường nghe trên mấy chuyến xe đò miền tây, rao thuốc nam trị đau nhức. Bốn ông thợ hiền, tẩn mẩn tỉ mỉ săm săm soi soi hớt từng nhánh tóc được vuốt ngược lên bằng chiếc lược ngà mỏng, chiếc kéo trên tay cầm dù khi không hớt vẫn được gõ từng nhịp tanh tách tanh tách, đôi kính trễ xuống tận mũi, chăm chú theo từng đường kéo nét dao, đó là kiểu làm việc của những người đam mê, và không bao giờ, không bao giờ mắc sai lầm.

xưa tiệm còn xài miếng da lớn, treo từ quá đầu người xuống sát đất, và cây dao cạo râu xếp dài với lưỡi dao bóng loáng, như cách đây một trăm năm, sau khi bôi kem lên mặt khách bằng cây chổi tròn, ông thợ già cầm con dao đó liệng qua liệng lại trên miếng da, vừa liệng dao vừa nói chuyện này chuyện nọ, trẻ nít thì ông nói chuyện ma quỷ, thanh niên thì ổng kể chuyện trai gái, ông già thì ổng nhắc thời chinh chiến loạn lạc cũ, người khách lim dim mắt, nghe cũng được mà không nghe cũng được, ổng cứ nói một mình trước khi đặt lưỡi dao trên hàm râu… sau này, có vụ sida nên cũng sợ con dao xài chung, chỉ dùng dao lam xài một lần rồi bỏ.

hầu như tiệm chỉ có khách quen, hoặc giả khách lạ lần đầu rồi cũng thành khách quen, như tôi, mà khách quen thì câu chuyện cũng quen, đôi khi tới trúng bữa cơm khách cũng sà vô ăn cơm chung, hay tiệm có mua món quà vặt chi, bánh trái mía gim cóc xoài xôi chè đậu đen đậu đỏ cũng làm một phần nhỏ mời khách, khách cũng không mấy khi từ chối. Có khách Việt Kiều vừa xuống sân bay, chưa vội về nhà, kéo va ly to đùng vô ngồi tiệm, tặng mấy ông thợ già chai dầu gió hiệu con ó, nằm lấy cái ráy tai cho sướng chút, nói năm ba câu chuyện cũ cho đã chút, rồi mới về nhà. Có khách bị tai biến, biết mình sắp về với ông bà, vẫn kêu con trẻ đẩy xe lăn ra tiệm, hớt cái tóc cạo cái râu cho nghiêm túc trước lúc ra đi, một ông thợ hớt còn hai ông thợ kia giữ cái đầu khách cho thẳng thớm, tiễn khách ra về lần cuối, khách thì cười mà bốn ông thợ già nước mắt ròng ròng.

có lần nọ, có một khách từ xa xuống, đâu từ Buôn Mê chi đó, người mà cả bốn ông thợ rất đỗi kính trọng, gọi là Trung Úy, khi Trung Úy đến, họ không tiếp khách nữa, dặn con cháu mua chai rượu với chút mồi, đóng cửa ôn chuyện xưa cũ, tôi mới biết là họ đều từng là lính, từng chung chiến hào, của bên thua cuộc. Họ không cay đắng cũng không hề nuối tiếc, đơn giản đó là một phần đời, một phần tuổi trẻ của họ, họ trân trọng nó, như một thứ kỷ vật, lâu lâu lấy ra lau chùi ngắm nghía


đó là một tiệm hớt tóc nhỏ xíu ở Phú Nhuận, Sài Gòn, trang trí theo kiểu cũ, với bốn ông thợ già. Tôi đã hớt tóc ở tiệm này từ năm chín bảy, nghĩa là đã mười bảy năm, hồi xưa tôi ở trọ gần đó nên có qua một lần, giờ về Gò Vấp xa xôi cũng ráng ghé, rồi giá thuê đắt đỏ nên tiệm lại dời tuốt trong đường nhỏ, tôi cũng ráng ghé, ghé không phải chỉ hớt tóc, ghé ngồi nhìn mấy ông thợ già, tỉ mỉ tỉa từng đường kéo, chăm từng nhát tông đơ, nghe mấy bản nhạc vàng như mưa nửa đêm, tỉnh lẻ đêm buồn… ghé chỉ để nghe câu chào, thằng Hai lâu quá không ghé mậy, đi mần măn mà để tóc tai thấy ớn, vậy thôi

Nguồn: damhaphu.com

sôngthương
08-03-2017, 10:53 AM
Chị Thuỵ Khanh , anh HoàiVọng, Chị CCG :z57::z56:
---------------------------------
Bạn

Cách đây hai ngày, tôi nhận được tin nhắn của một người đàn ông lạ. Và chiều nay, tôi quyết định đến nhà anh, sau khi về Saigon.
Ngôi nhà rộng rãi nhưng ấm cúng, treo nhiều bức phong cảnh sơn dầu trong veo. Gia đình ba người đón tiếp tôi cũng thật ấm cúng. Khác với tưởng tượng trên đường, không khí nơi ấy thật vui vẻ, tràn ngập tiếng cười.
Khi tôi đến, nhìn qua cổng, đã thấy cả nhà họ đang ngồi đợi. Cậu bé con mười bốn tuổi chạy ra trước tiên. Em ốm nhom, xanh xao và yếu ớt nhưng vòng tay ôm rất chặt...
Tôi được biết em rất mê vẽ nhưng không nghĩ tất cả những bức tranh đang treo trong nhà đều là tác phẩm của em. Bất ngờ đến sốc. Chúng đẹp và có hồn lạ thường. Ngồi nói chuyện một chút, em mời chú Hải lên phòng học. Một nửa dành cho góc sáng tác. Đang ngồi vẽ với nhau, em quay sang tôi, "Con đang không mơ phải hôn chú?".
- Tất nhiên là không. Chú Hải đang ở đây, với con.
Là em được cô giáo tặng cuốn sách của chú, lúc vừa phát bệnh mấy tháng trước.

- Chú biết hôn, vừa đọc xong câu chuyện đầu tiên là con thấy thương chú liền. Thương dữ lắm. Con ước được gặp chú nhưng không biết cách nào liên lạc. Mấy tuần trước, con thấy mình yếu quá nên mới thổ lộ mong ước này với ba. Không ngờ ba cũng liên lạc được với chú. Mà may mắn nhất là chú đã đến thăm con.

- Chú cũng thấy mình may mắn vì được gặp con.
Và thật nhẹ nhàng, em kể về mình,
- Con bị ung thư máu giai đoạn cuối rồi đó chú. Nhưng chú đừng lo, nhà con rất vui vẻ. Con cũng vậy. Hehe. Nhưng bây giờ con mệt rồi, muốn đi nằm một chút, chú qua phòng con chơi nhe, đừng về sớm nhe chú.

Ngồi bóp chân cho em, nghe tiếng bước, quay lại, thấy ba em đang sau lưng. Anh khóc.
- Chú yên tâm, ba con khóc vì vui đó.
(Trời ơi, có phải tôi đang đối diện một người-đàn-ông-mười-bốn-tuổi không đây?)
- Đúng rồi đó Hải. Anh rất hạnh phúc vì đã tìm ra Hải và mời được Hải về nhà. Vậy là nguyện ước lớn nhất của cháu đã thành rồi. Dù chỉ có mình cháu nhưng anh nghĩ mười mấy năm qua được làm cha cháu cũng đã là một ơn phước lớn của anh rồi.
- Em cám ơn anh vì đã chia sẻ với em suy nghĩ này, ngay trong lúc em cần đến nó nhất...
Rồi em chồm dậy kéo tôi đến gần, thỏ thẻ vào tai "Nếu có một điều ước, chú biết con ước gì không?".
- Ước gì, kể chú nghe coi.
- Nếu có kiếp sau, con ước được làm một người bạn của chú.
- Cần gì kiếp sau. Chúng ta đang là bạn rồi nè.
Và em níu cổ hôn lên má tôi...
Anh T., em mang ơn anh vì đã cho em cơ hội này, cơ hội để em xác tín lại lẽ-vô-thường trong lòng, để đối diện thật nhẹ nhàng với những bất trắc trước mắt. Mang ơn anh vì đã cho em một người bạn.
Và cuối cùng, mang ơn anh vì đã cho em thấy em sống một cuộc đời không hoài phí chút nào.

https://www.facebook.com/chris.le.98

sôngthương
08-10-2017, 10:25 PM
Chuyện ở phi trường Saigon, với anh công an cửa khẩu,
- Bồi dưỡng chút đỉnh đi ông anh.
- Ủa, tại sao tôi lại phải bồi dưỡng anh?
Trở mặt ngay,
- Mày về đây làm gì, ở bao lâu?
Chuyện ở phi trường Los Angeles, với anh viên chức Bộ Nội An,
- Chào mừng anh bạn trở về nhà.
- Cám ơn anh.
- Sao anh đi lâu vậy?
- Ba tôi đau nặng, tôi phải dành thời gian cho ông ấy.
- Oh, tôi rất lấy làm tiếc, anh bạn. Ông ấy đã khá hơn rồi chứ?
- Cám ơn anh. Ông ấy OK.
- Thật là một tin tốt lành.
Chuyện nhỏ xíu, chẳng phải để so sánh gì. Chỉ để nói rằng mấy chuyện nhỏ xíu như vậy mới chính là những thứ làm nên sức-mạnh-Mỹ.
--------------------------


Cũng áo sờn vai, nón lá rách. Cũng đôi gót chân nứt nẻ. Cũng chiếc kim tây cài miệng túi áo. Bà mang mấy trái mít ra trước chợ, xẻ từng miếng mời chào. Tự nhiên thấy nguyên cái quê mình được bày ra đây. Thơm phức, ngọt ngào, hồn hậu.
Thơm phức, ngọt ngào và hồn hậu từ mùi hương, hình ảnh tới lời ăn tiếng nói. Bà lớn vậy mà nói chuyện với mình cứ một tiếng dạ, hai tiếng thưa.
Yêu quá, tiếng Việt mình, hồi xưa. Thương quá, người Việt mình, hồi xưa.
--------------------------


Trưa, online, thấy sale nhiều quá nên mua ít áo quần. Xong xuôi, tối về quỡn, lên coi tiếp. Má ơi, nó sale thêm nữa. Nếu so với buổi tối thì trưa nay, mớ đồ đó, mình đã mua hớ rất nhiều. Ta nói nó xót cái bụng, đi ra đi vô mà khó chịu, vì tiếc tiền.

Giờ sao ta?

Máu gian nổi lên. Thôi thì mình mua lại với giá sale mới. Mớ đồ kia, vài bữa giao tới, mình sẽ gởi trả. Ahihi.

Hông biết mình làm vậy là có gian manh hôn ta? Cũng thấy áy náy. Nhưng thôi kệ, mình được phép mà.

Bởi vậy ta nói, muốn làm người tốt, bạn phải đấu tranh dữ lắm. Lúc đó, bạn phải cho lý trí và bản năng mình làm một cuộc đấu mà ở đó, bạn là trọng tài.

Tỉ như quay về Mỹ, thấy hộp đồ mua hồi hai tháng trước. Thiệt sự cũng không nhớ mình đã mua cái gì. Mở ra, à, dây nịt với cà vạt. Nhưng người ta giao dư một cái cà vạt. Coi lại receipt, thấy trả tiền có một mà nhận những hai. Tự nhiên trong đầu nổi lên một cuộc tranh luận.
- Ôi, kệ đi, kiếm ai đó tặng. Hãng này lớn quá mà, cái cà vạt nhằm nhò gì. Đi trả mất công quá.
- Nhưng lỡ người nhân viên đóng hàng bị đền rồi sao? Cái cà vạt đâu có rẻ.
- Không sao, chắc không đền đâu.
- Mà nếu hổng đền, cũng phải trả. Nếu không, mình thành ăn cắp. Thôi, trả.

Thiệt ra, cuộc đối thoại kết thúc bằng chữ "Trả" ấy, diễn ra nhanh lắm. Tổng cộng chắc chừng hai ba giây.

Tui cũng là người, cũng có những tham lam rất bản năng. Nhưng trong những lúc như vậy, tui thường để lý trí dẫn dắt. Làm-người-tốt (dù rằng tui chưa được vậy) là cả một quá trình dài thực hành việc đè-nén-bản-năng. Dần dà, sẽ thành thói quen. Và khi đã có thói quen ấy,

việc quyết định làm điều phải, lẽ đúng diễn ra rất nhanh.

Với tui, điều quan trọng nhứt để tự rèn giũa mình trong đời sống này là phải-biết-xấu-hổ, trước hết là với chính bản thân mình.

Và điều đáng mừng là dù đôi khi làm những việc không sai nhưng tui vẫn nuôi dưỡng được sự áy náy trong lòng. Chưa làm được người-tốt thì trước mắt, làm người-không-xấu cái đã.



https://www.facebook.com/chris.le.98

sôngthương
09-05-2017, 01:24 AM
Cám ơn anh, chị đã ghé qua , St mời cả nhà đọc truyện tiếp nhé :z57:

---------------------------


Trên núi Chứa Chan có một ngôi chùa, dân thường gọi là Chùa Núi hay Chùa hang, vì chùa này khởi thủy do một nhà sư cụt tay nối các hang đá lại làm nơi tu hành. Theo đề nghị của các bạn và các học trò cũ ở Bảo Chánh, tôi xin đăng truyện ngắn thứ 2 của tôi lấy cảm hứng từ ngọn núi này:

CHIM BAY VỀ NÚI

(Truyện ngắn Nguyễn Một)

Hồi trước, vùng núi Chứa Chan rất vắng vẻ. Cư dân thực sự ở đây, tính từ đỉnh núi xuống lác đác được dăm người. Giữa lưng chừng núi có một nhà sư trẻ sống với nhà sư già bị cụt một cánh tay. Dưới chân núi, có lão Dần sống nhờ cái quán nhỏ, bán nhang đèn cho các thiện nam, tín nữ đến viếng chùa vào các ngày rằm, mồng một. Họ cất công leo lên chùa Hang không phải để ngoạn cảnh, mà để cầu cho chuyện làm ăn. Nhưng rồi thiên nhiên ở đây đã tự làm hại mình, bằng cái kho tàng ủ trong lòng đã không khéo léo để lộ ra ngoài. Từ ngày vàng được phát hiện ở Suối Lớn, con người lũ lượt kéo đến đây. Lúc đầu, họ đãi vàng bằng phương pháp thủ công, từng mảnh đất đá dưới chân núi dọc theo suối bị băm vụn rồi sàng lọc để tìm thứ bụi màu vàng. Dần dần, họ mang cả thuốc nổ, máy móc đến. Tiếng động ầm ì cả ngày đêm. Quán hàng của lão Dần trở nên tấp nập. Lão bán đủ thứ từ cây kim đến cái cuốc, từ muối đến rượu thịt. Lão phải viết thư về xứ gọi hai vợ chồng thằng cháu vào phụ việc.

Sau khi ăn cơm chiều xong, những người đào vàng tạm nghỉ để chuẩn bị lao vào cuộc đỏ đen, rượu chè rồi đánh đập, chửi bới cho đến nửa đêm. Lão Dần khoan khoái gom mớ bụi vàng đựng trong mấy cái lọ penicilin. Đơn vị trao đổi ở đây không phải bằng tiền mà bằng cái thứ bụi vàng tạp chất này. “Ngày mai biểu thằng cháu xuống thị trấn phân kim đổ thành vàng nhẫn”. Hai Sơn ngửa cổ nuốt ực ly rượu vào bụng, lè nhè ghẹo lão Dần :
- Kỳ này lão Dần có đủ vàng cưới vợ rồi!.
- Ôi, vợ con gì nữa chú Hai ơi! Hơn sáu mươi tuổi đầu rồi.
- Hà! Hà! Vậy lão không nghe người ta nói : “Lạt mềm buộc chặt anh ưa, bảy mươi có của cũng vừa mười lăm” đó sao?
Lão Dần chép miệng :
- Tôi có làm ráng kiếm vài chỉ để mai mốt về xây dựng mồ mả ông bà ngoài đó. Hồi này lụt lội dữ quá, mồ mả sụp lở hết trơn!
Hai Sơn lắc cái đầu bờm xờm râu tóc càu nhàu :
- Thời buổi bây giờ người sống còn chưa lo xong hơi đâu lo cho người chết.
- Chú nói vậy chớ…
Ngoài sân có tiếng động cơ gầm rú cắt ngang lời nói của lão Dần. Hai chiếc xe be đồ sộ xình xịch rồi tắt máy dừng lại trước quán. Một đám người to khỏe bước xuống.
Hai Sơn lẩm bẩm rồi khật khưỡng đi về lán trại.
Tên đi đầu tiến đến cabin xe, đưa tay đón một thiếu phụ.
- Mời chị Hai xuống xe, tới nơi rồi.
Thiếu phụ khoan thai bước xuống theo đà đỡ của hai cánh tay lực lưỡng. Nàng độ ba mươi tuổi nhưng trông trẻ trung trong bộ đồ quần Jin bó sát người. Mái tóc cột cao ngỗ ngược hất về phía sau. Họ ồn ào đi vào quán. Thiếu phụ đến trước mặt lão Dần.
- Này bác, bác có phải chủ quán ở đây?
- Dạ phải. Cô Hai cần gì không ạ? Ở đây cái gì cũng có.
- Được, bác cho một bữa ăn tối cho anh em đây. Nhớ đừng bán cho họ quá nhiều rượu. Kiếm cho tôi một chỗ nghỉ ngơi thật tốt. Tiền bạc không thành vấn đề.
- Dạ có ngay, nhưng mà có phải cô Hai đến để tìm vàng không? Tôi có thể chỉ cho cô Hai sang lại những vùng đất có nhiều vàng.
Thiếu phụ bật cười hồn nhiên
- Không, chúng tôi đến đây không phải để tìm bụi vàng ấy đâu. Chúng tôi đến đây để lấy một thứ quý hơn vàng, vì nó đẻ ra được vàng cục đấy bác ạ!
Lão Dần tròn mắt nhìn thiếu phụ. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ lão chưa nghe thấy thứ gì quí hơn vàng.
Nhà sư già Trí Thông đưa bàn tay còn lại của ông che ánh nắng chiều đang rọi vào mắt, nhìn mông lung xuống phía chân núi. Nơi mà dân đào vàng đã phá cho loang lổ. Những mảnh đất trước đây được phủ bởi lớp cây xanh đang phơi mình đỏ quạch trong ánh hoàng hôn cây cối đổ ngổn ngang. Một bầy chim theo thói quen đang bay về. Chúng đảo vài vòng trên vùng đổ nát rồi bay lên đỉnh núi. Nhà sư khẽ thở dài.
- Bạch thầy, tại sao họ cứ phải tìm cái thứ bụi màu vàng ấy làm gì? – Nhà sư trẻ lên tiếng hỏi thầy.
- Trí Huệ con! Đó là một trong những thứ đưa con người vào bể trầm luân.
Nhà sư Trí Huệ còn trẻ. Khuôn mặt trắng trẻo, mũi cao, cặp mắt đẹp và buồn. Cằm hơi đưa ra trước thể hiện nét quyến rũ đầy nam tính. Nhà sư Trí Thông nhìn học trò của mình. Linh cảm của ông như mách bảo : Người học trò của ông kiếp này chưa thể thoát được nghiệp chướng. Ngày đó, ông nhặt cậu bé đang ngồi khóc trước căn nhà sang trọng ngoài thị trấn. Cha của cậu là sĩ quan chế độ cũ, sau khi thất trận, người cha đã giết cả gia đình và tự sát. May mà sáng hôm ấy, cậu bé tò mò chạy ra ngoài chơi và bị thất lạc trong đoàn người chạy loạn. Đến chiều mới tìm ra được đường về nhà. Ông mang cậu về đây với hy vọng cửa Phật sẽ giúp cậu rửa sạch những oan nghiệt của gia đình. Trí Huệ càng lớn càng thông minh và đẹp trai. Một vẻ đẹp làm cho nhà sư thấy thoáng qua đó vầng mây đen số phận.
- Trí Huệ! Con xuống thắp nhang miếu thần núi rồi công phu chiều đi con!.
Trí Huệ thong thả cầm thẻ nhang lần từng bước xuống miếu thần núi. Miếu được dựng dưới gốc lim già trước chùa. Cây lim dễ có đến ngàn tuổi. Nhà sư Trí Thông chọn mảnh đất sau cây lim này để tu hành vì nó toát lên vẻ ung dung tự tại và siêu thoát vô cùng. Từ ngày những kẻ đào vàng và đám thợ cưa phá cây rừng khuấy động sự yên tĩnh, ông rút sâu vào tịnh cốc. Mọi chuyện phụng sự, ông để cho Trí Huệ lo. Sau khi cắm xong nhang miếu thần núi, nhà sư trẻ dợm bước thì mấy người đàn ông mang theo cưa máy xăm xăm đến gốc lim. Họ bàn bạc, chỉ trỏ trên thân cây.
- Phải cắt nhánh kia trước.
Một gã choàng tay ôm gốc cây định leo lên. Nhà sư đưa tay cản lại :
- Hãy khoan, các thí chủ định làm gì?
Gã to lớn quay lại nhìn nhà sư cười khẩy
- Cưa chứ làm gì?
- Xin thí chủ chớ chạm đến nơi cư ngụ của thần linh!
- Làm gì có thần với linh. Ông đi tu thì vào trong chùa mà ở, việc gì ngăn cản bọn ta.
- Mô Phật! Xin thí chủ chớ hồ đồ
- Thôi, mặc gã, cưa đi anh em!
- Hãy khoan!
Một giọng nói thánh thót vang lên. Thiếu phụ xuất hiện sau lưng nhà sư. Nàng chắp hai tay :
- Mô Phật!
- Mô Phật!
- Xin thầy bỏ qua cho. Đám thợ cưa không biết nên xúc phạm cửa thiền. Anh em hãy lui ra đi tìm cây khác đi.
- Mô Phật. Xin cám ơn thí chủ…
Trái tim nhà sư trẻ khẽ rung lên khi ngước nhìn cô gái, chưa bao giờ Trí Huệ nhìn thấy cô gái đẹp đến vậy. Chắp hai tay đưa lên ngực, Trí Huệ trấn tĩnh :
- Xin phép thí chủ.
Nói xong nhà sư vội vàng quay gót.
Trái tim người thiếu phụ cũng muốn nhảy tung ra khỏi lồng ngực ngay từ lúc nàng ngước nhìn cặp mắt của nhà sư trẻ. Phải chăng cái mà người ta gọi là tiếng sét ái tình đã giáng xuống trái tim nàng. Diễm ra về lòng ngây ngất khó tả. Với kinh nghiệm già dặn, nàng nhanh chóng nhận ra sự rung động của nhà sư. Một cảm giác rạo rực lan tỏa khắp người, cảm giác này chưa một lần nàng có được với người chồng quá cố và những người tình sau này. Diễm vốn là một người đàn bà có cá tính mạnh mẽ, nàng theo đuổi sự nghiệp của chồng để lại. Bằng sự khéo léo và sắc đẹp trời cho, Diễm phát triển cơ ngơi vốn đã đồ sộ ngày càng đồ sộ hơn lên. Với hàng chục chiếc xe be và cái doanh nghiệp khai thác gỗ, nàng đã tung hoành hầu hết các cánh rừng trong dãy Trường Sơn. Ngọn Chứa Chan là đỉnh núi cuối cùng nàng sẽ chinh phục, trong đó có một con người. Diễm bật cười sảng khoái. Phải chinh phục cho được nhà sư trẻ đẹp trai ấy.
Pho tượng Phật có chiều cao hơn ba mét đã được nhóm thợ điêu khắc hoàn thành và an vị trên tảng đá lớn bên hông chùa. Diễm quay lại nhìn nhà sư mỉm cười:
- Bạch Thầy! Có đẹp không ạ?
- Mô Phật! Rất đẹp nhưng khuôn mặt chưa được thanh thoát lắm.
Diễm cúi đầu mỉm cười. Một nụ cười bí ẩn. Từ hơn ba tháng nay, khuôn viên chùa Hang được sửa sang và xây dựng bề thế hơn. Toàn bộ vật liệu và công cán đều do Diễm cúng dường. Hầu như ngày nào nàng cũng có mặt ở chùa để chỉ huy đám thợ xây. Từ ngày Diễm xuất hiện đến giờ, tâm tưởng Trí Huệ luôn biến động. Những cảnh êm đềm của một gia đình hạnh phúc ngày xưa cứ luôn hiện về trong tâm trí nhà sư. Một ước muốn kỳ lạ dần dần xâm chiếm nhà sư.
- Bạch Thầy, đệ tử xin phép, trời tối rồi ạ!
- Cám ơn thí chủ.
Nhà sư đưa mắt nhìn theo người đàn bà và đám thợ cho đến khi bóng họ khuất sau miếu thần núi. Nhà sư quay gót vào chùa lo cơm nước cho sư thầy và công phu khuya.
Vầng trăng mười sáu tròn vành vạch cô tịch giữa núi rừng hoang vu soi bóng xuống dòng suối trong vắt phía sau chùa. Những nơi nước chảy qua đá, bóng trăng tách thành mảnh nhỏ rồi ráp lại ở vùng suối rộng nằm phía dưới. Như những đêm trăng khác, sau khi công phu khuya xong, Trí Huệ thường đi dạo bên bờ suối để đắm mình trong sự huyền ảo của thiên nhiên, nhưng đêm nay nhà sư không còn thấy sự bình yên nữa. Dừng lại bên bờ suối nơi vùng nước yên tĩnh nhất, Trí Huệ ngẩn ngơ với chiếc bóng lẻ loi của mình in đậm trên tảng đá dưới chân. Nhà sư đưa mắt nhìn xuống suối, bỗng bóng trăng vỡ ra, Diễm xuất hiện sừng sững trước mặt nhà sư. Nàng từ từ hiện rõ cả thân người và tiến vào bờ. Trên người nàng, những giọt nước lóng lánh ánh trăng như những viên ngọc bích lăn nhè nhẹ từ khuôn mặt xuống bờ vai nõn nà. Một thứ ma lực liêu trai cuốn hút nhà sư lại gần…
Ánh trăng khuất dần sau tàng lá khổng lồ của cây lim già… Gà rừng eo óc gáy. Người đàn ông quay về hướng tịnh cốc quỳ lạy. Hai bóng người lặng lẽ xuống núi.
***
“… Khi cây lim oằn oại, rên rỉ ngã xuống trong tiếng reo hò của đám thợ cưa, miếu thờ thần núi dưới gốc bật lên, ngói văng tung tóe cũng chính là lúc nhà sư già Trí Thông trút hơi thở cuối cùng trong tịnh cốc với tư thế kiết già.
Đêm hôm ấy, có một trận cuồn phong dữ dội và trận mưa lớn chưa từng thấy từ trước đến nay. Trời gầm rú, đất chuyển động. Cả ngọn núi rùng mình. Nước cùng với đá ầm ầm đổ xuống. Từ vết lở những miệng hang của dân đào vàng, đất đá tróc ra từng mảnh đổ ụp xuống đầu họ. Mọi người đổ xô tìm đường tháo thân. Chỉ qua một đêm nơi đây đã trở thành mồ chôn của biết bao mạng người. Đến sáng, chúng tôi lò dò từ trong hang sâu bước ra bới đống đất đá để tìm cụ Dần. Thân hình cụ giập nát, trong tay vẫn còn cầm chặt túi đựng vàng. Vì nó mà ông cụ đã lao ra khỏi hang bất chấp sự ngăn cản của chúng tôi. Lúc ấy, tảng đá lớn lao xuống và căn nhà bị đè sập. Tội nghiệp! Ông cụ đang tính về quê xây lại mồ mả ông bà. Vợ chồng chúng tôi và một vài người nữa còn sống sót lại sau cơn cuồng nộ của núi rừng. Bây giờ người ta đang cố gắng phủ xanh đồi trọc trên vùng núi sụp lở cho nên chúng tôi vẫn có thể sống được bằng một cái quán nhỏ này và mấy mẫu tràm ngoài kia…”

Lữ khách trung niên với thân hình tiều tụy ngước mắt nhìn theo cánh tay của chủ quán.
- Xin ông dùng trà kẻo nguội mất!
Chủ quán mời khách.
- Ông bỏ qua cho cái tật nhiều chuyện của tôi. Hình như ông không phải là người vùng này.
Vị khách lặng lẽ gật đầu.
- Chắc ngày trước ông đã từng ở qua đây?
Vị khách lặng lẽ gật đầu
Chủ quán này lấy làm lạ với ông khách kỳ dị này. Nhất là sau khi nghe kể về sự thay đổi của ngọn núi, khách trở nên buồn bã hơn. Đôi mắt rất đẹp của ông ta thất thần xa vắng.

Chủ quán nhấp ngụm trà rồi đưa ra cái kết luận của câu chuyện mà anh đã kể hàng trăm lần cho các đoàn địa chất và khách tham quan : Nhiều người cho rằng thần linh đã nổi giận khi nhà sư trẻ ở đây bị một cô gái quyến rũ bỏ chùa xuống núi. Nghe đâu khi thành vợ thành chồng họ không thể hòa hợp được với nhau. Không chịu được sự tàn nhẫn và tư tưởng thực dụng của cô gái nhà sư đã rủ bỏ cuộc tình với những tiện nghi vật chất, nhưng ông ta đi đâu thì không ai rõ. Để trả thù, cô gái đã cho người đến hạ cây lim già trước chùa…

- Thật là buồn! – chủ quán hạ giọng – Kể từ lúc thiên tai xảy ra đến giờ, ngôi chùa bị bỏ hoang không ai chăm sóc, rêu phong phủ kín cả trong chính điện
Vị khách thở dài, đôi mắt đẹp của ông long lanh hai giọt lệ. Ông buồn bã đứng lên và đi về hướng núi.
Từ đó về sau, cứ mỗi buổi chiều, người ta thấy có một nhà sư ngồi trên đoạn gốc còn sót lại của cây lim già để ngắm đàn chim xao xác bay về núi cho đến khi mặt trời lặn.

Rằm tháng bảy âm lịch năm 1995
https://www.facebook.com/nguyen.mot.904/posts/1843799318971523

Ảnh : Cây đa 2 gốc trước Chùa Núi


https://scontent-sin6-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/21078356_1843799208971534_8974616344543816323_n.jp g?oh=c2bb9fe878de8e9bd15dca71a6e9a9f4&oe=5A19D31B

sôngthương
09-07-2017, 10:33 PM
St mời cả nhà đọc truyện tiếp nhé :z57:


Con heo đất và ba cục gạch
(Truyện ngắn của Mạc Can)
Chuyện Con heo đất và ba Cục Gạch là chuyện thật về Mẹ tôi.

Có ai mà không cần một mái nhà, một cái bếp, một ít tiền dự phòng khi trái gió trở trời. Nhất là các bà nội trợ, người vợ và người mẹ. Mẹ tôi cũng cần và cần hơn ai hết. Nhưng số phận đặt bà vào hoàn cảnh sống khác thường. Bà khó có thể có một mái nhà, mà bếp lửa của bà cũng phiêu bạt lạ kỳ, nói gì tới chút tiền nhàn rỗi gởi ngân hàng. Tôi nói cái bếp lạ kỳ vì nếu như nó khá hơn cũng không căn cơ ổn định.
Ông bà xưa thường nói an cư thì mới lạc nghiệp. Mặt khác, chưa an cư cũng khó mà dành dụm. Lúc Mẹ còn trẻ hầu như Mẹ chưa hề nghe ai nói tới hai chữ ngân hàng, tín dụng, hay là nơi gởi chút tiền tiết kiệm. Nhưng đổi lại Mẹ có một con heo đất.


Mỗi ngày. Chúng ta trông thấy, biết bao con người chung quanh. Và rất nhiều vật dụng. Đôi khi mắt chúng ta bỗng dừng lại ở một vật dụng quen thuộc, có lúc nó là một cái muỗng múc canh cũ mòn, có khi là cái ghế gãy. Điều nầy ngẫu nhiên giúp chúng ta sống lại với một vài ký ức, một hồi tưởng nào đó. Mà trong các mảnh vỡ vụn của dòng hồi tưởng, hiện lên nhiều hơn các vật dụng thuộc thế hệ trước vì nó đã có mặt lúc xa xưa.

Tôi cũng không khác bạn. Có khác chăng là tôi hay dừng mắt lại ở các vật dụng bằng đất nung. Xúc động hơn, nếu đó là con heo đất hay là ba cục gạch. Khi đó dòng hồi tưởng của tôi càng mãnh liệt. Làm cho tôi thấy lại hình ảnh Mẹ tôi cùng với những năm tháng lưu lạc, với toàn thể thành viên tiếu ngạo giang hồ của gia đình tôi.

Cha tôi là cột trụ. Thời còn trẻ ông làm ra đồng tiền, tới tuổi trung niên ông cũng giỏi làm ra tiền. Nhưng khổ nỗi, Cha tôi không hề để lại một đồng xu nào cho ngày mai, khái niệm tương lai không bao giờ có trong bộ não vô cùng phóng túng của ông. Bên cạnh một người chồng như vậy, Mẹ tôi phải chắt chiu từng đồng. Mỗi ngày Cha tôi phát tiền chợ cho bà, và chỉ có vậy, cho nên Mẹ dành lại một chút bỏ vào cái bụng ỏng của con heo đất.

Quỹ “tiết kiệm” nầy dành cho mỗi khi mưa gió, gánh hát nghỉ, hay lúc khó khăn túng quẫn. Mẹ tôi lấy chút tiền “ngân hàng” đó ra trang trải. Tôi thường thấy Mẹ rút tiền một cách độc đáo. Cách nào bạn thử đoán: lần đầu thì thông thường, vẫn phải khẽ đập một cái lỗ nhỏ dưới bụng con heo, sau đó dán nó lại bằng giấy báo, lần sau chỉ có việc moi thủng nơi đó, tiết kiệm tối đa để khỏi phải đập bể con heo, khỏi tốn tiền mua con khác. Tờ giấy báo mong manh là vậy, với biết bao do dự, vượt qua hay giữ lại một ít đồng, trong khó khăn chi tiêu hàng ngày, vậy mà Mẹ vừa cứu đói, vừa cầm chắc được ngân quỹ trong nhà. Đôi khi khó quá bà cứ tần ngần nhìn con heo lúc đó tôi biết Mẹ khổ tâm lo lắng biết bao.

Mẹ chi tiêu đo lường từng việc nhỏ, cuộc sống chúng tôi di chuyển và va chạm thường xuyên. Tôi đã thấy con heo đất nầy khi tóc Mẹ tôi hãy còn đen cho tới khi tóc bà bạc trắng, bà vẫn còn nó bên cạnh, mà bà vẫn nghèo. Số chi nhiều hơn thu vào, cung cầu bấp bênh. Tôi sẽ kể nhiều hơn, ngay phần sau về cái bếp của Mẹ tôi, câu chuyện con heo đất xứng đáng cho các bà mẹ trẻ ngày nay học chút kinh nghiệm.
Chính số tiền tích cốc phòng cơ nầy đã giúp Cha tôi chữa lành thương tật khi ông bất ngờ ngã té gãy xương chân, nằm một chỗ, không kiếm được tiền. Tôi nghĩ thêm, lúc còn trẻ, tình nhân yêu thương nhau, nên vợ nên chồng, khi già tình yêu thời trẻ phôi pha, người ta sẽ sống bằng cái nghĩa.

Con heo đất cũng giúp anh em tôi đỡ lòng trong nhưng cơn khốn cùng kiệt cạn. Tôi sẽ kể thêm về lai lịch của con heo đất độc đáo và cả về cuộc đời của Mẹ tôi nữa. Để cho những ai, vì lẽ nào không quý mến Mẹ mình, cho tới khi Mẹ không còn mới tiếc thương làm sao.
Tôi có dịp xem người ta làm con heo đất, với khuôn ép đất sét. Khi đất khô quánh lại, người ta mở khung, cắt dọc thành hai mảnh, rồi gắn lại, cho vào lò nung. Người ta sơn nửa thân trên lưng nó màu đỏ, kẽ hẹp bỏ tiền ở mông. Còn cái bụng thẳng băng phía dưới luôn còn màu trắng ngà của đất sét mộc mạc. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn còn thấy con heo đất trong các tiệm tạp hóa ở các vùng quê, hay trong xóm nhỏ. “Ngân hàng tín dụng tiết kiệm” đầu tiên tôi thấy là con heo đất, sau đó mới tới ông Thần tài và Con Gà Đẻ Trứng Vàng.

Cả nhà chúng tôi sống trôi dạt trên một chiếc ghe, sau khi Cha tôi bán chiếc ghe đi, mọi người lên bờ. Lên bờ nhưng không sống trong một ngôi nhà nào cho đúng nghĩa là nhà. Mà là đình là chợ là rạp hát cũ kỹ hoang tàn. Đêm trường thao thức Mẹ tôi ngồi trên chiếc xe tải “chuyển bến”. Trong cái rương bằng thiếc của bà có con heo đất nằm ngủ bình yên. Nói gì thì người ta vẫn yên tâm hơn khi có chút tiền dự phòng. Tôi cũng phóng túng và liều mạng khó khác Cha tôi.

Song khi lớn lên, tôi nghĩ Mẹ tôi có lý khi mỗi ngày, hay là nhiều ngày một lần, bà cố gắng bỏ vài đồng tiền, tiền giấy thì xếp lại vuông vắn, hay vài xu con vào bụng heo. Kiến tha lâu đầy tổ, nhưng khó mà đầy. Dù đầy vẫn vơi, nước lớn nước ròng, có đầy chăng cũng không dùng vào việc gì lớn hơn, là cơm áo.

Khó mà hình dung ra cảnh sống của chúng tôi. Cái nghiệp hát xướng lưu lạc khắp chốn. Mỗi một nơi chỉ diễn vài ngày lại đi. Tôi thường nhìn theo Mẹ tôi đi ra đi vào các “ngôi nhà” xiêu vẹo nầy. Với chiếc rương thiếc, trong cái lạnh khốn khổ, với cơn buồn ngủ chết được. Tôi bật khóc vì quá thương Mẹ tôi, khi tôi thấy bà với các vật dụng nấu bếp. Cái chảo nhỏ mất cả quai, vài nồi nhôm móp vẹo, chén đĩa sứt tay gãy gọng, cái muỗng sành mòn cũ, bó đũa chiếc thấp chiếc cao.

Dụng cụ hay là đồ dùng nhà bếp cũng tạm gọi là có. Nhưng tuyệt nhiên không thấy vai chánh thứ thiệt là ông lò, nói cho hay hơn Mẹ tôi không có cái bếp chính danh. Mà chỉ có ba cục gạch mòn mỏi. Ai có thể tin rằng, cuộc sống của một người đảm đang như Mẹ, vẫn thiếu hẳn một bếp lò đàng hoàng để xào nấu, chế món ngon cho chồng cho con.

Mẹ quý những hạt gạo dù cho rẻ hay mắc tiền. Mẹ có cái lu nhỏ đựng những viên ngọc của trời, theo lời Mẹ nói. Mẹ hay cúi nhìn vào bụng cái lu nhỏ, khi nào lưng gạo thì Mẹ thở dài Mẹ không lo cho Mẹ mà lo cho bầy con. Và Mẹ cũng thường cầm Con heo đất trên hai bàn tay gầy, lắc lắc cái bụng ỏng của nó, khi nào nghe tiếng va chạm của những đồng tiền xu trong “bao tử” của nó, Mẹ khá yên tâm. Tôi nghĩ rằng con người, dù là ai, ở đâu, cũng nên biết dành dụm một chút.

Những người tiền sử không biết sử dụng đồng tiền cũng phải phơi ngoài nắng, hay vùi những tảng thịt hoặc sữa xuống tuyết để dành khi đói. Thiên nhiên khắc nghiệt, hay thời thị trường tiền nong, vẫn hay gây khó khăn cho người đó thôi. Nó đã là quy luật.
Mẹ tôi là bếp trưởng của cái “nhà hàng không sao” nho nhỏ của bà. Trời cho mọi điều suôn sẻ, mặc dù ông lò của Mẹ tôi chỉ là ba cục gạch vô danh hèn mọn. Mà cũng có niềm vui, vì năm nào thì trong cuộc đời lang thang không nhà của Mẹ tôi. Ông Táo vẫn được bà tôn trọng. Không biết nên cười hay nên khóc, khi nhìn Mẹ tôi đốt vài nén nhang, rồi để nhẹ mấy cái bánh, cục kẹo, trên cái đĩa nhỏ làm lễ đưa ông Táo nhà nghèo của nhà tôi bay về trời đàng hoàng như ai.

Buổi lễ nầy Mẹ tôi lấy kinh phí từ quỹ dự phòng trong ngân hàng heo đất. Có ngân hàng nào dùng logo con heo đất làm biểu tượng không. Tôi nghĩ nếu có nó sẽ là một hình ảnh vui vẻ và rất thân mật. Con heo mộc mạc, mập ú, thật thà, đáng tin cậy. Con heo đất có cái nền xuất phát bình dân, dễ thương biết bao. Nó cũng đồng nghĩa như nuôi một con heo thịt, cũng tiết kiệm cực nhọc chắt chiu.

Còn về cái bếp. Khôi hài thật, tôi cứ hay nhìn rồi mỉm cười khi thấy ba cục gạch đã quen lửa. Hình dung lão Táo rất hề, sao lại còn giữ nổi hàm râu, với tôi ông ta là vị thần ngộ nghĩnh nhất trên đời. Ông Táo của Mẹ tôi cũng cưỡi con cá chép, bay chung với mấy cái ông lò chụm củi, ông cà ràng đốt bằng lá dừa, thậm chí là xác mía, Ông lò khác, là cái ống dài, bằng đất nung, đốt bằng than đá, ông khác lạ hơn, đốt bằng mạt cưa, hay bằng trấu. Các ông vui vẻ bay lên nhiều tầng mây, với lá sớ phất phơ bọi là “ráp bo”.

Nhiều dạng ông Táo. Bởi lẽ họ hàng nhà ông Táo Việt Nam mình khá nhiều chi. Có chi bếp hiện đại rất sáng tạo, về công dụng và hình thể. Các vị thần bếp nầy nhiều kiểu dáng, còn trong làng bếp dân gian, vốn rất phong phú. Điển hình như ông Táo trề môi vừa mới kể gọi là cái cà ràng ngộ nghĩnh. Dù cho hình dáng ra sao, cũng còn thua xa ông Táo gánh hát của Mẹ tôi là ba cục gạch trần trụi, đơn giản chỉ có ba cục gạch mà cũng “nóng hơ” không thua ông nào.

Kiếp đời du mục của những nghệ sỹ lang thang vào thế kỷ trước. Tới nay đã thay đổi nhiều. Bước vào chuyện phong lưu tiện nghi. Ăn không chỉ để no mà còn ăn ngon, và nhâm nhi thưởng thức. Ông Táo gas du lịch, ngồi ngay trên bàn ăn, lửa cháy xanh vui mắt.

Nghệ sỹ chạy show bằng máy bay, nhiều người có xe hơi, nhà lầu, bếp núc sang trọng. Chiếc ghe, rồi chiếc xe tải cục mịch và cái ông lò ba cục gạch của Mẹ tôi chỉ còn là kỷ niệm của một thời bôn ba. Ngày nay tôi trông thấy nhiều bếp lò quá đẹp, và những ông Táo trẻ trung khác.
Ông Táo Gas, ông Táo Viba, ông Táo điện v.v... Rất tiện nghi và tinh tươm. Song tâm hồn tôi vẫn cứ nhớ về ông Táo Gánh hát cùng kham khổ với tôi thời thơ ấu cực nhọc, trôi sông lạc chợ. Tôi nhớ cái bếp chỉ có ba cục gạch ám khói đen thùi lụi, mà Mẹ tôi luôn ẵm theo triền miên khói lửa. Từ miền nầy qua miền khác. Cùng với Mẹ bếp lửa hẻo và hài hước nầy, là những hình ảnh không thể nào tôi dám quên. Ông Táo nghèo với con heo đất của Mẹ tôi, và Cha tôi đã nuôi tôi khôn lớn, từng bước thành người.

Người ta sẽ nhớ lại cái bếp lửa, nhớ Mẹ một cách khác hơn tôi. Bếp trong ngôi nhà khang trang no ấm. Còn tôi nhớ những dòng sông, nhớ vài cục gạch Mẹ lượm được ở đâu đó, vào một ngày đã xa. Mang theo cả đời người, từ chiếc xe tải, bà ẵm nó vô các rạp hát, ngôi đình, nhà lồng chợ, đặt cái bếp độc đáo nầy ở các góc. Mẹ như một người lãng du mải miết vui chân phiêu bạt. Nay về nhà dù cho đó là rạp hát.

Mẹ khơi lên ngọn lửa nhỏ hắt hiu, ngậm ngùi, phiền muộn. Cuộc mưu sinh khó khăn đã qua, bây giờ với tôi chỉ là hoài niệm một thời thơ ấu giang hồ khắp chốn với sông nước, tình làng nghĩa xóm. Một nhánh sông cuối chân trời nơi chỉ có dải nhà lá và nhà lồng chợ trong gió mùa lất phất. Kỷ niệm sống dậy khi nhìn thấy những vật dụng bằng đất nung, đặc biệt là con heo đất hay cái lò lửa cũ kỹ đó.
Tôi nhớ tha thiết, nhớ biết bao là nhớ con heo đất và những viên gạch. Bếp lửa sáng chiều của Mẹ tôi. Bài học kham khổ nầy giúp tôi vượt qua bao khó khăn. Cho tới ngày hôm nay chúng tôi có cuộc sống sung túc hơn. Chúng tôi đã có nhà, tôi chú trọng tới việc thiết kế một gian bếp đàng hoàng cho Mẹ tôi. Ngày đầu tôi đem về tặng Mẹ một cái bếp gas, Mẹ cứ nhìn nó không dám đưa tay đụng vào. Nhưng chỉ vài ngày sau Mẹ đã biết dùng bếp mới.

Tôi tò mò nhìn Mẹ, bà để ông Táo đời mới trên cái nền xây bằng gạch tráng men thật tinh tươm. Nhưng Mẹ lại để cái bếp gas trên ba cục gạch cũ, thì ra bao lâu nay Mẹ vẫn còn giữ. Tôi thấy bà ngắm nghía hai ông Táo già trẻ nầy với nụ cười móm mém, cùng ánh mắt vui thật là vui.

Con heo đất cũ kỹ vẫn còn nằm trong cái rương thiếc của Mẹ. Bà vẫn hàng ngày bỏ vào cái bụng nó vài đồng tiền kẽm. Bao nhiêu năm, giờ thì lại có những đồng tiền kẽm, thỉnh thoảng bà cũng xé miếng giấy báo dán dưới bụng con heo đất. Chia tiền cho mấy đứa cháu trong nhà. Tính ra con heo đất nhà tôi đã được hơn năm chục tuổi. Sau khi Cha tôi lên thiên đàng, thì mới đây Mẹ tôi cũng qua đời. Tôi để con heo đất và các viên gạch bên cạnh ảnh của Mẹ.

Chuyện đời xưa, hay là chuyện cổ tích về Mẹ tôi là vậy. Tôi hiểu rằng người ta phải đi chân đất thì sau đó mới có giày. Người ta phải nhớ về cái bếp cũ của mình, chỉ vài miếng dưa hành, mới có bữa ăn sung túc ngày hôm nay. Con tôi nói bếp gas già lửa xào cải hay chiên trứng gà ốp la ngon hơn các bếp củi cũ. Quả là vậy đối với người sành ăn. Nhưng bếp cũ trong một ngày mưa gió nào đó, khói làm cay mắt, cho tới bây giờ vẫn còn cay. Con tôi hỏi: Sao Ba khóc. Tôi nói: Ba nhớ chuyện cổ tích về một bà già và ba viên gạch thần. Con tôi nói: Của bà nội. Tôi gật đầu.

Caprio
09-12-2017, 04:18 PM
ST ui, thấy giống kiếm đạo nên Cap gửi ké vô đây nhá :


9+9=20 ???
http://media.doisongphapluat.com/thumb_x400x/537/2017/2/27/thay-giao-3.jpg
“Đúng vậy, mọi người đều đã nhìn thấy rất rõ, câu cuối này đã bị tính sai. Nhưng… (Ảnh minh hoạ)Trong buổi họp phụ huynh cuối năm, thầy giáo viết 4 đề toán đơn giản trên bảng, đơn giản đến nỗi học sinh tiểu học cũng làm được… và tự tay lần lượt viết đáp án như sau:

2+2=4
4+4=8
8+8=16
9+9=20

Các bậc phụ huynh vừa thấy đáp án cuối cùng đều nhao nhao cả lên: “Thầy đã tính sai một câu rồi.”

Thầy giáo quay người lại, chậm rãi nói rằng: “Đúng vậy, mọi người đều đã nhìn thấy rất rõ, câu cuối này đã bị tính sai. Nhưng tôi đã giải đúng 3 đề toán đầu tiên, tại sao lại không có ai khen tôi vậy, mà chỉ nhìn thấy đề toán mà tôi đã tính sai?”

Các bậc phụ huynh nghe vậy đều ngẩn cả người, cả căn phòng bỗng chốc im lặng như tờ.

“Kính thưa các phụ huynh, khi giáo dục con trẻ, điều hay không nằm ở việc chúng ta đã phát hiện ra bao nhiêu chỗ sai của trẻ, mà nằm ở việc chúng ta đã dành bao nhiêu lời khen ngợi, động viên mỗi khi các em đã làm đúng“, thầy giáo chầm chậm cất tiếng.

Câu chuyện trên hẳn sẽ khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ về cách giáo dục con cái hiện nay. Đấy chính là bài học trả giá cho sự không dạy dỗ con cái biết nhận ra và ghi nhớ những điều tốt của người khác. Để những đứa trẻ chỉ nhớ đến các việc xấu mà người khác làm còn những điều tốt thì dường như chúng đã quên đi mất.

Con người ra trong cuộc sống thực chất cũng vậy, dù bạn có đối tốt với họ cả trăm lần nhưng họ lại nhớ mãi một lần không thuận lòng, tất cả những việc tốt đẹp bạn đã làm đều có thể bị quên lãng, chẳng có ý nghĩa gì. Đây là chính mặt trái trong nhân tính của con người: 100 – 1 = 0.

Vậy tại sao ta thường không nghĩ nhiều đến điểm tốt của họ, trong khi những điểm ấy còn nhiều hơn điểm xấu nhiều lần. Và tại sao ta không nhớ những gì họ làm đúng mà chỉ nhớ lần họ làm sai, cho dù ta biết rằng mỗi người đều không hoàn hảo.

Khi trong mắt ta, họ chỉ có sai lầm và xấu xí, thì tâm hồn ta liệu còn chỗ để những điều tốt đẹp ngự trị, như lòng bao dung, vị tha (nghĩ cho người khác hay vì nghĩ cho mình), thông cảm, sẻ chia..?

Chính vì vậy, câu chuyện trên cho ta thấy rằng "hãy trân trọng những điều tốt ở người khác, ghi nhớ điểm tốt của họ thay vì chỉ nhìn vào điều xấu ít ỏi mà họ có, hay chỉ nhớ về sai lầm của họ. Hãy bao dung với sai lầm của người khác, cho họ cơ hội thay đổi cũng như thay thứ cho họ."

(Sưu tầm: http://m.doisongphapluat.com/doi-song/su-that-phia-sau-phep-tinh-9920-cua-thay-giao-bi-phu-huynh-nhao-nhao-che-sai-a182301.html )

Triển
09-12-2017, 08:38 PM
và tự tay lần lượt viết đáp án như sau:

2+2=4
4+4=8
8+8=16
9+9=20

Các bậc phụ huynh vừa thấy đáp án cuối cùng đều nhao nhao cả lên: “Thầy đã tính sai một câu rồi.”

Thầy giáo quay người lại, chậm rãi nói rằng: “Đúng vậy, mọi người đều đã nhìn thấy rất rõ, câu cuối này đã bị tính sai. Nhưng tôi đã giải đúng 3 đề toán đầu tiên, tại sao lại không có ai khen tôi vậy, mà chỉ nhìn thấy đề toán mà tôi đã tính sai?”



Ông thầy này lái xe leo lề :). Ông thầy dạy Toán không phải dạy Triết hoặc là dạy Công dân giáo dục. Cho nên phụ huynh chỉ chú trọng xem xét kỹ năng tính toán của ông ấy. Ví như Phật tử ngồi trước các vị sư nghe thuyết pháp thì không ai lao nhao phản bác ông thầy tính nhẩm sai cả.

sôngthương
09-14-2017, 04:42 AM
Vậy tại sao ta thường không nghĩ nhiều đến điểm tốt của họ, trong khi những điểm ấy còn nhiều hơn điểm xấu nhiều lần. Và tại sao ta không nhớ những gì họ làm đúng mà chỉ nhớ lần họ làm sai, cho dù ta biết rằng mỗi người đều không hoàn hảo.

Khi trong mắt ta, họ chỉ có sai lầm và xấu xí, thì tâm hồn ta liệu còn chỗ để những điều tốt đẹp ngự trị, như lòng bao dung, vị tha (nghĩ cho người khác hay vì nghĩ cho mình), thông cảm, sẻ chia..?

Chính vì vậy, câu chuyện trên cho ta thấy rằng "hãy trân trọng những điều tốt ở người khác, ghi nhớ điểm tốt của họ thay vì chỉ nhìn vào điều xấu ít ỏi mà họ có, hay chỉ nhớ về sai lầm của họ. Hãy bao dung với sai lầm của người khác, cho họ cơ hội thay đổi cũng như thay thứ cho họ."
:z57:

A, chắc Cap biết St vốn lý sự nên đem chuyên này vô dụ St cãi ha :) . Đồng ý là như vậy, nhưng không đồng ý với cách diễn giải vấn đê của tác giả. Vì đó là thầy. St giả sử là thầy Toán nha , nếu thầy nói vậy, khi làm bài , nếu bị sai câu nào, St sẽ xin thầy cho điểm luôn, vì “em đã làm các câu kia đúng, thầy bỏ qua không trừ điểm câu này nhe thầy” :).

Cap quả là người bạn hiền lành đáng mến . Cảm ơn Cap lắm nha :z57:, St hiểu ý Cap mà. Đề từ từ St có thời gian St sẽ kể chuyện gần đây xảy ra với bạn St … :z51:



Ông thầy này lái xe leo lề . Ông thầy dạy Toán không phải dạy Triết hoặc là dạy Công dân giáo dục. Cho nên phụ huynh chỉ chú trọng xem xét kỹ năng tính toán của ông ấy. Ví như Phật tử ngồi trước các vị sư nghe thuyết pháp thì không ai lao nhao phản bác ông thầy tính nhẩm sai cả:z57:

Dạ, đồng ý với anh Năm , ông thầy này leo lề, hoặc dùng ví dụ khác thì sẽ thuyết phục hơn :)

sôngthương
09-14-2017, 04:49 AM
St mời anh Hoài Vọng, anh Năm, Chị Thụy Khanh, Du lan , chị CCG, Cỏ May, Cap, và cả nhà cùng đọc chuyện khác nha …Mong tất cả đều được bình an , nhất là những anh chị đang ở gần vùng có bão :z56:

---------------

Những đoạn văn buồn của tôi về Boléro...

.....Chúng tôi đến khu tạm cư Chánh Phú. Đây là khu nhà tạm lợp bằng tôn nóng hầm hập được xây trên bãi cát Phú Lộc dành cho những gia đình chiêu hồi gần khu gia binh của lính VNCH. Sư Đoàn 3 bộ binh chế độ Sài Gòn thất trận ngoài Quảng Trị, nghe nói tướng Vũ Văn Giai bị ra tòa án binh giáng xuống binh nhì. Những người lính thất trận ủ rũ, dắt vợ con vào tá túc, trong khu gia binh và chia tay gia nhập vào sư đoàn khác để tiếp tục ra chiến trường. Suốt ngày trong khu gia binh phát những bài hát buồn thảm của Trần Thiện Thanh: “Nếu em biết rằng có những người đi đấu tranh chưa về, mang lời thề lên miền sơn khê từng đêm địa đầu hun hút gió sâu. Nếu em đã gặp mẹ già thương con khấn nguyện đêm rằm .Vợ yêu chồng đan áo lạnh từng đông .Thì duyên tình mình có nghĩa gì đâu Anh hỏi một câu khi trong đêm dài vọng về tiếng súng……Nếu anh trở về khi tàn chinh chiến xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em!”.

Lần đầu tôi nghe cảm giác lâng lâng bởi lời của bài hát, nhưng quá nhỏ để không biết nó có ý nghĩa gì? Sau này lớn lên nhớ lại quá khứ, nghe lại bài hát tôi mới nhận ra tính nhân văn cao cả của nó. Tình yêu của mỗi cá nhân có đáng gì với nỗi buồn của đất nước mang trên mình những vết thương bị chà xát bởi lòng hận thù vô lối. Nếu anh trở về khi tàn chinh chiến xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em! Vâng em không nên quá mừng bởi vì bạn bè anh đã ngã xuống trên chiến trường.

Những ám ảnh của chiến tranh theo suốt trong các giấc mơ của đời tôi. Khi đã lớn lên trong đói nghèo bệnh tật chúng tôi đã sống nhờ vào những giai điệu buồn bã như thân phận của dân tộc tôi, đất nước tôi. Sau này trong tiểu thuyết Đất trời vần vũ của mình tôi đã viết: “ Ở cái thế giới này, ai gặp tôi cũng hỏi: “- Lúc này làm ăn có khá không? Tôi buồn kinh khủng em ạ! Sao không ai hỏi tôi: - Có tồn tại tình yêu đích thực nào trong cuộc đời này không? Sao không ai hỏi: - Con người có làm gì để thế giới vật chất này bớt hận thù không?.... Những tháng ngày đó, tôi, bạn bè tôi và đất nước tôi cơ cực bần hàn. Chúng tôi ăn những bữa cơm hẩm từ hạt gạo mục nát, độn sắn lát và bo bo, với nồi canh chuối xanh chát ngắt. Tôi lên lớp rao giảng những giáo điều trái với thực tế cuộc sống . Đám học trò ngây thơ ngồi trên mấy chiếc bàn tre mục nát để nghe tôi nói, nuốt từng lời của tôi, còn tôi nuốt sự cay đắng cùng với bụi phấn mịt mù.

Em biết không, chúng tôi đã hằm hè nhau vì vài lạng thịt tiêu chuẩn mà bà giáo viên đời sống chia không đồng đều. Tôi cũng hùng hục tranh giành miếng ăn, để rồi đêm về nằm khóc trong tủi nhục. Nhiều lần tôi đã muốn hủy bỏ thân xác cặn bã này để trở về với thế giới song song, nếu không có em và tình yêu của chúng ta từ trong tiền kiếp.

Sau giờ dạy học, tôi giết thời gian bằng rượu và boléro, những bài hát buồn như thân phận con người vậy em ạ. Tôi đã bị khiển trách, bị kiểm điểm vì đã hát cho học trò nghe những câu hát ủy mị ấy. Không uống rượu và không boléro thì tôi làm thơ và tôi đi tìm em. Em đã lớn, tôi cũng đã đến cù lao Dao và gặp em.”...


https://www.facebook.com/nguyen.mot

Caprio
09-17-2017, 07:53 PM
:z57:

A, chắc Cap biết St vốn lý sự nên đem chuyên này vô dụ St cãi ha :) . Đồng ý là như vậy, nhưng không đồng ý với cách diễn giải vấn đê của tác giả. Vì đó là thầy. St giả sử là thầy Toán nha , nếu thầy nói vậy, khi làm bài , nếu bị sai câu nào, St sẽ xin thầy cho điểm luôn, vì “em đã làm các câu kia đúng, thầy bỏ qua không trừ điểm câu này nhe thầy” :).

Cap quả là người bạn hiền lành đáng mến . Cảm ơn Cap lắm nha :z57:, St hiểu ý Cap mà. Đề từ từ St có thời gian St sẽ kể chuyện gần đây xảy ra với bạn St … :z51:


:z57:

Dạ, đồng ý với anh Năm , ông thầy này leo lề, hoặc dùng ví dụ khác thì sẽ thuyết phục hơn :)

:)
ST và anh 5 lý sự giỏi ghia :z67: : - )

Lại nói chuyện leo lề làm Cap nhớ lại ông thủ tướng trán hói nọ qua Đức diễn giải câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân và chị Việt Nga viết thêm . Ông ta thẳng tưng nhét vô mồm nhà thơ Giang Nam , chẳng ai phản bác , lại còn vỗ tay rầm rầm .

Làm quan được quyền leo lề mà ! Làm thầy chắc cũng được quyền vậy : - ) j/k

Triển
09-17-2017, 09:20 PM
Cũng may mắn là hôm đó anh Fúc không có ăn đậu. Nếu không thiên hạ sự lại có thêm nhiều giai thoại ly kỳ.

sôngthương
09-17-2017, 11:09 PM
St cảm ơn các anh chị đã ghé qua đọc truyện :z57::z56:. St mời cả nhà đọc tiếp ạ .


ST và anh 5 lý sự giỏi ghia :z67: : - )

:):):) Cap ui, chỉ có St bà cụ non từ bé mới hay bị rầy là lý sự , chứ anh Năm là lý luận nha :)

---------------------
Phố Hoài


Đại học Đà Nẵng, nơi mời ông về thỉnh giảng, khi biết ông muốn thăm phố cổ Hội An, đã cho xe đến đón nhưng ông từ chối. Ông muốn đi xe đò, hay nói đúng hơn thằng Dậu đòi đi xe đò...

Vẫn loại xe buýt cổ lỗ sĩ từ thuở thằng bé đi nhưng người thì ép nhau như mắm. Kẹp ông vào giữa là hai cha con. Ông bố tỉnh bơ hút thuốc phả khói vào không khí sặc mùi xăng. Còn con bé khoảng mười một mười hai trông rất tinh ranh. Nó quan sát ông rồi bảo:
- Việt kiều mà đi xe đò!
- Thế cháu hay đi xe đò không?
- Chủ nhật, lễ hội là gâu (1)
- Ngày xưa Phố êm đềm lắm không hội hè chi cả.
- Chừ tua-rua (2). Nhờ rứa kiếm chác được.
- Kiếm gì?
- Mơ-ni (3). Con bé phát ngôn như trộn món hổ lốn.

Thằng Dậu quay đầu nhìn ra ngoài. Hắn từng háo hức ra khỏi phố cổ đến một thành phố hiện đại và náo nhiệt. Bốn mươi năm sau, vẫn cái vẻ hăm hở không nguội lạnh ấy, ông lại mải mê nhìn những đụn rơm ngất nghểu, những nón sắn khoai phơi vô tư trên mặt đường, những con trâu đủng đỉnh bước không hề mang vẻ tất bật sợ hãi của con người... Băng qua con đường gập ghềnh còn nét thôn dã ấy, ông đi tìm lại thời gian đã mất.
*
Bỏ đôi thùng đã múc đầy nước cho mẹ gánh, thằng Dậu chạy một mạch đến trường Trần Quý Cáp. Chiều nay công bố kết quả thi tuyển vào lớp đệ nhất (4). Bài làm gần như trọn vẹn, hắn vẫn lo. Hỏng là ở nhà đi bán bánh ít lá gai.
Thủ khoa... Nguyễn Văn Dậu, sinh ngày 10-2-1945... Tai hắn lùng bùng. Tiếng xì xào vang lên. Thằng Dậu con bà gánh nước thuê đó! Đúng mình mà! Thằng bé chui ra khỏi đám đông, chạy một mạch về giếng Bá Lễ. Mẹ đang đặt gánh lên vai.

Nước òa ra đất. Mẹ òa khóc.

Phần thưởng mẹ dành cho thủ khoa là một tờ mười đồng mới toanh, tờ bạc đầu tiên thằng bé sở hữu. Mẹ bảo ăn gì tùy thích. Hắn nắm chặt tờ bạc và ra phố. Hắn đi qua gánh lục tào xá, qua tiệm mì Quảng, cao lầu, qua mẹt xôi ngọt, rổ bánh ít lá gai của con bé gần chùa Cầu. Nước bọt tứa qua kẽ răng nhưng thằng bé cứ đi thẳng. Hắn đi ra bến xe.
- Cháu có mười đồng... cháu muốn ra ngó Đà Nẵng cho biết. Chú cho cháu đi với!
- Rứa mi có quay vô không?
- Có.

- Đi khứ hồi mà mười đồng thì bèo quá nhưng tau đang ế khách. Cho mi đi nhưng xuống bến cũng ngồi trên xe nghe chưa! Tau quay vô là mi hết về. Đưa tiền đây, quý ông!

Thằng bé nhìn thấy Đà Nẵng từ trên xe - một trời náo động! Hắn tự nhủ nhất định sẽ ra đấy học. Hắn sẽ bay đến những thành phố náo nhiệt và to hơn nữa, bay qua cơ cực đói nghèo bằng đôi cánh học vấn.

Vâng, ông đã bay rất xa! Để bất chợt chiều qua, khi khách sạn dọn tráng miệng bằng món bánh ít lá gai của Phố, con chim hải âu lại thèm làm con chim sẻ, chí chát đánh chuyền bằng âm thanh trên một mái cổ thấp lè tè, rêu phong cũ kỹ. Ông đã ăn lại món thèm thời thơ ấu trong nỗi cồn cào khó tả và bỗng nhớ những đốm sáng lập lòe trong nhà xe nơi mẹ ông cô đơn khát khao rít từng hơi thuốc Cẩm Lệ.

Phố không là quê nhưng là một mảng đời ông, một cuộc đời cứ như bị chặt khúc theo từng bước mưu sinh nhọc nhằn của mẹ. Cha bỏ mẹ. Mẹ bỏ làng với cái thai trong bụng. Quê hương chính là những nơi bao dung với kẻ phiêu bạt bất hạnh trong đó dịu dàng nhất vẫn là Phố! Đêm ấy ông ngồi vẽ nguệch ngoạc trên giấy khung trời tuổi nhỏ của mình. Hai dãy phố hẹp thân tình chập chùng mái ngói âm dương uốn lượn. Những ngôi nhà sâu hun hút, cũng như nếp nhà cổ cất giữ kỷ niệm ở phố Hoài. Ông vẽ con hẻm có cái giếng Chăm tuổi ngót nghìn năm cho nước ngọt ngào trong vắt. Hồi ấy gần như nhà nào cũng uống nước giếng Bá Lễ. Người ở Phố tin thiếu thứ nước ấy, bát cao lầu trở nên nhạt, chén trà sớm vô duyên. Giếng được rào che chắn bốn bề. Người vào gánh nước đi qua một lối nhỏ. Lấy nước sẽ sàng, không vương vãi, không được tắm. Mẹ thuê một góc nhà vừa kê cái chõng và nuôi ông ăn học bằng nghề gánh nước thuê cho Phố. Mười năm trời, giếng là nguồn sống của mẹ con ông. Ông vẽ cái chõng của hai mẹ con bằng một hình chữ nhật bé tí và chất lên đó những chấm tròn - cái thúng đựng đồ linh tinh của mẹ, cái rương nhỏ bằng gỗ đựng sách vở của ông trong đó có quý nhất là xếp giấy khen và bức tranh phác họa chùa Cầu bằng bút chì, phần thưởng của thầy giáo lớp nhất (5)... Hồi ấy ông nổi tiếng nghèo nhưng thông minh học giỏi. Thị xã nhỏ biết cái thằng bé không cha, con chị gánh nước thuê không chồng, quanh năm suốt tháng đi học với cái bị lát, sách toàn mượn chép. Chép xong coi như học xong.
*
Quý khách vui lòng xuống đây. Mọi phương tiện giao thông đều không được đem vào phố cổ trong ngày lễ hội. - Bác tài thông báo. Con bé ngồi cạnh tỉnh bơ lôi từ trong bị bộ quần áo cũ rách choàng lên bộ cánh đẹp. Tích tắc, hai vị khách ngồi bên ông biến thành hai nhân vật cái bang.
- Bye! - Con bé nheo mắt tinh quái rồi hai cha con biến mất trong dòng người. ánh mắt và nụ cười nó khiến ông phải đưa tay sờ túi! Cái ví ông để một ít tiền tiêu vặt đã không cánh mà bay!

Chưa bao giờ Phố đông như thế! Con đường nhỏ bề ngang vừa một chiếc xe bốn bánh ngập tràn khách nội, ngoại và phóng viên. Những ngôi nhà rêu phong cũ kỹ, thấp lè tè, sâu hun hút bị khuấy động tỉnh giấc thập thò nhìn những vị khách đẫm sắc mầu hiện đại.

"Ông có thấy con chó mầu đen có hai chấm vàng ở mắt không... hu... hu... đông quá, nó lạc rồi!" - "Chó khôn lắm, biết đường về nhà mà!" - "Cháu về rồi, không có" - "Cháu ở mô?" - "Đường Nguyễn Huệ" - "Hay quá! Hồi nhỏ ông cũng ở gần đó. Cháu có biết cô Rêu con thầy Toản không?" - "Cháu không biết, hu... hu... Milou ơi!". Ông chợt nhận ra ông đang hỏi thằng bé khoảng mười tuổi, trái tim bé bỏng đang tan nát. Thầy Toản mất lâu rồi. Con Rêu cũng chẳng phải là tên chị. "Chị thích rêu, mầu của Phố! Gọi chị là Tường Rêu!" - "Răng không gọi là ngói rêu?" - Chị tủm tỉm cười khoe đôi lúm đồng tiền xinh lắm. - "Đừng khóc. Ông cháu mình đi tìm". Ông và thằng bé như bị cuốn đi bởi thác người. Thỉnh thoảng ông nghe tiếng nó nức nở khóc gọi con chó nhưng không thấy nó. Gần như cả Đà Nẵng đổ về. Từ thời hiện đại, đi có ba chục cây số để trở lại thời quá khứ nên quá đi chứ! Ông đã chứng kiến trên đường về Hội An những chiếc xe máy của đám thanh niên choai choai sốt ruột lội bừa xuống ruộng để vượt lên cái đám đặc kín mặt đường. Càng về đêm càng nhốn nháo. Người khuấy động Phố. Phố bị che khuất bởi người. Đáng lẽ ông đừng trở lại vào ngày hội. Hồn Phố sẽ tan biến trong náo động, mầu mè.

Ông ghé vào quán cao lầu ông ăn lần đầu cách đây bốn mươi hai năm. Anh chàng phục vụ đóng bộ áo tàu đen cài khuy với cái quần jean và giày đinh bưng tới cho ông một bát.

"Mang tiếng ở Phố mà chừ ăn cao lầu lần đầu hả? Tội chưa? Chị kêu cho tô nữa hỉ? Ăn từ từ mới thấm cái ngon. Ngó ri chớ không nơi mô bắt chước được. Thiếu nước giếng Bá Lễ, tro củi cù lao Chàm, rau sống Trà Quế, cao lầu dở ẹt!".

Ông húp nuốt vội vã như thằng bé được ăn bát cao lầu đầu tiên. Cổ nghẹn lại vì hồi ức. Sau này cũng vẫn những món ăn đó, không có chị ngồi trước mặt, hương vị Phố nhạt hẳn.

Hân, Phi, Cẩm, Phô... Dậu... Chị Rêu ngân nga xướng ngược thứ tự năm cái tên đứng đầu lớp trong tháng - 5 tên được miễn phí theo thông lệ của thầy Toản. Thầy vốn là một công chức rất giỏi tiếng Pháp không hiểu vì lý do gì lại nghỉ việc ở nhà mở lớp dạy Pháp văn. Giàu nghèo không kể, con ai không biết, hễ xếp từ thứ nhất đến thứ năm thầy không lấy tiền. Hồi hộp nhất vẫn là đứa đứng nhất. Đứa ấy được con gái kiêm phụ tá của thầy thưởng riêng một món đặc sản Phố. Chị Rêu biết thế nên công bố vị thứ như kiểu người ta công bố kết quả hoa hậu, đứa giỏi nhất sau cùng. Có lần thằng Dậu đã khóc nức nở khi bị tước niềm vui lớn đó. Chị Rêu mắng: "Con trai mà mu khóc (6), tham ăn. Mi ăn hoài để cho đứa khác ăn với chứ! Con khỉ!".

"Con khỉ" năm ấy mười ba, còn chị Rêu mười tám có đôi má lúm đồng tiền và tiếng - cười - bánh - đập. Cười đã xinh mà nghe cười còn mê hơn nữa. Xốn xang rộn ràng. Chị thích những món có bánh tráng còn thằng Dậu thích nhìn chị ngồi ăn bánh tráng nướng ở góc đường. Chị ăn như đứa bé. Tần ngần khi bẻ mảnh đầu chiếc bánh tròn vành vạnh điểm những "vì sao" hột mè sau đó mê mải, giòn tan, say sưa cho đến mẩu cuối cùng. Người Quảng thích bánh tráng. Nhưng hắn chưa thấy ai ăn bánh tráng với ánh mắt long lanh, với niềm vui thơ trẻ giòn tan say đắm như chị.

Chị yêu cũng giòn tan say đắm. Chị yêu thầy Tường dạy văn nổi tiếng thị xã. Chị mê thầy như hầu hết những đứa con gái học thầy nghe thầy dạy Truyện Kiều. Thầy giảng Kiều như kẻ bị Kiều ám. Thầy thuộc Kiều như kẻ ngoan đạo thuộc kinh. Thầy vẽ cả sơ đồ mười lăm năm lưu lạc của nàng Kiều. Cứ nghe thầy thao thao bất tuyệt về tình yêu của Kiều và chàng thư sinh Kim Trọng tụi học trò há hốc miệng. Rồi hết học hết mê. Chị Rêu không thế. Hết học thầy, chị tiếp tục có mặt trong giờ văn của thầy bằng cách nghe kể lại.

Chị thương thằng Dậu vì hắn nghèo mà học giỏi và vì... hắn đang là học trò cưng của thầy Tường! Buổi nào có giờ văn, chị túm hắn bắt tường thuật. Từ cái áo thầy mặc, đến bài thầy giảng, lời mắng mỏ khen chê học trò... Chị trả công tường thuật bằng sách. Chị cho hắn mượn sách của chị và đôi khi còn cả gan lén cho hắn mượn một đôi quyển trong tủ sách gia đình.

Thầy Toản quý sách hơn cả của cải. Sách được xếp ngay ngắn trong tủ, đánh số, xếp thứ tự theo từng loại nên nhìn vào biết ngay thiếu đủ. Ngôi nhà cổ thâm nghiêm trở nên thân tình và đầy mê hoặc. Hắn thích sờ vào những đồ vật gợi dĩ vãng hào phú sang trọng, ngắm những kèo cột chạm trổ tinh vi, kinh ngạc về vẻ đẹp thách thức thời gian của chúng. Thầy Toản ngoài giờ dạy học thường ra hậu viên chăm sóc cây kiểng và hòn non bộ. Vũ trụ được thu nhỏ trong vuông sân, khoảng trời bé bằng manh chiếu. Căn nhà ấy hẳn già cỗi và lặng lẽ lắm nếu không có tiếng cười của chị Rêu. Dường như để át tiếng thì thầm của quá khứ trong mọi góc xó, chị cười to lắm. Tiếng cười không tan ngay mà vang vọng như trò cút bắt trong rường cột, tường vách rồi ẩn trong tâm hồn thằng Dậu. Hắn thích nghe chị cười nên giành mẹ đổ nước cho nhà thầy. Trông hắn cõng nước, chị Rêu không thể nín cười được. Hắn còn cố ý ve vẩy như mụ đàn bà để chọc chị cười. Đổ nước xong chị Rêu thường mở vung nồi cơm cho hắn một khoanh khoai Trà Đỏa mật vàng ươm, nóng hôi hổi. Hắn ngồi ăn, còn chị ngồi hỏi chuyện thầy Tường. Chị kể hồi ấy, chị ngồi gần cửa sổ. Suốt giờ học chị chống tay lên má say sưa quan sát sự chuyển động của cục yết hầu thầy, nơi phát ra những ngân rung sâu thẳm. Khi giảng bài, ánh mắt thầy thường tìm chỗ đậu như để neo lại nếu thầy đi xa quá. Vô tình đúng chỗ chị Rêu ngồi, bên cửa sổ lớp. Thầy nhìn chị mà! - chị Rêu khăng khăng. Thằng Dậu cũng khăng khăng: Chừ em ngồi chỗ nớ. Thầy cũng ngó em.
*
"Tưởng thấy xe ngựa, xe kéo, hình bóng người xưa té ra toàn dân hiện đại. Thị xã như sân khấu" - Người khác bước bên cạnh ông nói. - "Nhưng đêm diễn hoành tráng đấy chứ! Trên cạn, dưới nước, đủ mọi loại hình văn hóa".
- "Theo tui mọi ngày ở đây đều là ngày phố cổ. Làm ri tuy yêu Phố nhưng lại khuấy động không khí cổ tự nhiên của Phố. Du lịch phát triển, tui sợ Phố không còn là Phố ngày xưa..." - Rứa xa Phố Hoài bao lâu rồi?" - "Hai mươi sáu năm" - "Còn tui... bốn mươi năm!".

Bốn mươi năm, đủ để đời người vụt qua, để nước dưới cầu cạn. Dưới mắt các nhà khoa học, sau bốn thế kỷ tồn tại, chùa Cầu đang bị lún nghiêng, già rạc nhưng dưới mắt ông, trong ánh sáng huyền ảo dịu dàng của những ngọn đèn lồng, cầu vẫn diễm lệ như mỹ nhân cổ. Chị Rêu đứng bên tê cầu, gần tượng hai chú khuyển. Tóc chị buộc túm bằng khăn mùi xoa trắng. Má chị hồng và mắt chị long lanh. Thằng Dậu đứng bên ni cầu, cạnh tượng hai chú hầu. "Mi ngó tề! Hai con khỉ ngó hai con chó mấy trăm năm rồi không chán nhau!".

Khuya. Hội tàn. Người hăm hở về rồi lũ lượt đi. Còn những ngọn đèn lồng thức trước hiên vỗ về mấy dãy phố cổ chưa kịp hoàn hồn bởi đông đúc náo động bằng thứ ánh sáng mờ ảo xao xuyến. Phố lấy lại vẻ rộn ràng trong yên tĩnh. Nhà thồi thụt, mái lô nhô, những nét lượn mềm mại, nao lòng. Loanh quanh luẩn quẩn cho lòng bớt sóng sánh, ông về lại nhà thầy Toản.

Ông nhận ra ngôi nhà bởi vẻ tàn tạ cũ kỹ và bướng bỉnh kiêu hãnh của nó. Vẫn hai cái bát quái lót vải điều tròn xoe như mắt cửa ngoái nhìn quá khứ và canh chừng hiện tại. Vẫn bậc thềm, ngưỡng cửa, vách gỗ tự tại trong cũ càng. Tựa lưng vào quá khứ, ngôi nhà vẫn tạo cho ông cảm giác bí hiểm và cuốn hút như ngày nhỏ. Hồi còn sống, thầy Toản không bao giờ để bàn tay nào chạm vào tu sửa. Thầy theo Tây học nhưng ngọn gió thời đại dường như không lọt qua nổi hai ô cửa nhỏ trên cái gác thấp lè tè, nơi những bức tranh cổ họa về hoa, điểu, tứ thời, bát tiên... của ông cha án ngữ. Mùi xạ thơm dường như vẫn phả ra từ căn gác tối sâu hun hút ấy. Thỉnh thoảng khi thầy vắng nhà, thằng Dậu được chị Rêu cho lên gác thăm lão đầu hói, mặt tròn, cười trong râu mà chị giới thiệu là lão Lạt Ma. Hắn thích lão lắm. Trông lão thật sống động từ cái liếc mắt đến nụ cười, dáng vẻ đến nếp áo. Cái vẻ hồn nhiên tự tại của lão rất dễ thân thiết.

Ông ngồi tựa vào vách. Còn thằng Dậu nhào qua lần cửa đóng đi tìm chị Rêu, đi thăm lão đầu hói, thăm tủ sách nơi nó đã từng ước mình là con mọt để chui vào... Ông vuốt ve những khe gỗ nứt nẻ bởi thời gian và có cảm tưởng nghe chúng đáp trả bằng tiếng thì thầm bí mật của xa xăm.
- Trò Dậu, trò lấy ở mô những bài thơ vịnh các nhân vật Truyện Kiều rứa? - Thầy Tường cầm quyển vở thuyết trình hỏi:
- Dạ... trong sách.
- Cho thầy mượn sách một hôm được không?

Nghe hắn về kể, chị Rêu hối hả bảo hắn đưa sách cho thầy, còn nảy ý tặng luôn cho thầy bản Kiều cổ mà ba chị rất quý.

Thằng Dậu được giao nhiệm vụ trao sách với lời dặn: đừng nói tên thật của chị vì hồi học với thầy chị dốt văn lắm! Hắn mở trang đầu đọc dòng chữ nắn nót: Thương quý tặng thầy, người dạy Kiều hay nhất. Học trò cũ. Tường Rêu.
- Học trò của thầy không có đứa mô tên ri cả. Tên ngộ quá hè! - Thầy Tường ngỡ ngàng.
- Thầy khen rứa hả? - Chị đỏ mặt như nhận một lời tỏ tình.

Niềm vui âm thầm nhảy múa suốt mùa đông bởi cứ sau mỗi cơn mưa, chị lại rủ thằng Dậu đi ngắm phố rêu. "Mầu thời gian không xanh. Mầu thời gian tím ngát..." (7). Còn với chị, mầu thời gian xanh mướt. Từ mái đến tường, từ hẻm đến phố chợ... tất cả được khoác tấm áo nhung rêu óng mượt. Những sắc độ xanh chồng chồng lớp lớp, gối lên nhau như những mảng thời gian được lưu trữ. Chị bảo chị không thể xa Phố được vì chị lỡ say rêu. Chị có thể ngồi lặng cả giờ để ngắm một bức tường rêu phủ. Rêu chảy từ trên mái xuống tường, non nỏn đến dại lòng, thăm thẳm đến tê tái. Đôi cây hoa dại cheo leo trên mái học đánh đu nghịch ngợm trên tường, hồn nhiên toét miệng cười. Mái ngói âm dương như những khuôn mặt thời gian đủ mầu đủ vẻ, sau mưa chợt ngời sáng bởi vô số nụ hoa rêu li ti rộn ràng. ấy là lúc phố đẹp đến mềm lòng.
Tình yêu non dại của chị âm ỉ như lò than nướng bánh tráng. Mỗi buổi học, thằng Dậu lại về kể chuyện thầy Tường, cả chuyện học trò cáp đôi thầy với cô Hoa dạy Sử ở đường Bạch Đằng, chuyện gặp thầy đi ăn chè với cô Hoa, chuyện hai người ra Đà Nẵng xem phim... Chị vẫn cười khi nghe kể, có điều tiếng cười như tiếng thủy tinh vỡ.
Đám cưới thầy Tường với cô Hoa diễn ra chóng vánh và độc đáo. Chú rể rước dâu đi bộ qua phố cổ, qua khỏi chùa Cầu mới lên xe về Đà Nẵng. Học trò rồng rắn đi coi cười nói tưng bừng. Chị Rêu đứng ở cửa nhìn ra. Chị cười nhiều hơn cả. Khi đám cưới khuất cuối phố, nụ cười vẫn đông cứng trên môi chị. Đôi lúm đồng tiền lún sâu kéo theo hai khóe miệng căng ra tưởng chừng không thể khép lại được. Cứ thế chị cười đến chảy nước mắt. - "Răng chị cười dữ rứa?" - "Tau cười con ranh ngốc nghếch". Sau đó chị quạt lò nướng bánh tráng, ăn một lần ba cái đến sình bụng, bỏ cơm. Năm ấy, chị rớt tú tài vì chỉ học một mình môn văn. Vỡ luôn tiếng - cười - bánh - đập. Tết, thầy Toản tìm bản sách cũ bói Kiều phát hiện mất sách quý, cái tủ sách chỉ mình thầy và cô con gái được đụng vào. Thầy hỏi. Chị im lặng. Im lặng ngay cả khi chịu đòn. Vẻ trơ lì đó càng khiến thầy giận đánh dữ. Thằng Dậu núp bên ngoài chịu không nổi chạy vào nằm sụp xuống tự nhận mình trộm sách. Thầy buông roi. Nhưng ánh mắt bỏng rát hơn roi quất. Đứa học trò cưng bị cấm cửa từ đó.
Ông đã bước ra khỏi ngôi nhà cổ này năm mười sáu tuổi. Nỗi buồn còn hôi hổi tựa hôm qua. Chị Rêu bắt kịp ở mái hiên ôm chầm thằng Dậu òa khóc. Nước mắt chị mặn hơn nước biển cửa Đợi. Da chị mịn mướt hơn rêu Phố. Hắn vùi mặt trong tóc chị hít hương thơm dìu dịu, ngai ngái mùi hoa cỏ và cảm thấy dễ chịu đến bàng hoàng. "Thằng ranh, mi làm chi rứa?" - Chị ngạc nhiên xô hắn ra.

Thỉnh thoảng, mái hiên đầy bóng tối và nước mắt ấy lại hiện về trong giấc mơ thằng Dậu. Cả cảm giác đớn đau ngất ngây bàng hoàng chưa hề gặp trong đời ấy. "Thằng ranh, mi làm chi rứa?". Tuổi mười sáu của hắn chưa kịp xanh đã chớm vàng trong nỗi quay quắt được thành người lớn. Lớn mau, lớn mau, hỡi thằng ranh con!

Hết năm, thằng Dậu chuyển ra Đà Nẵng học. Bốn năm sau, một mình quay lại Phố. Bấy giờ hắn cao hơn một mét bảy, đã đỗ tú tài toàn hạng ưu, vừa được một suất học bổng ở nước ngoài. Hắn đứng trước ngôi nhà đóng kín cửa, cao hơn cửa, choán hết cửa. Hàng xóm bảo chị Rêu lấy một người Hoa gốc Hội An vào lập nghiệp ở Chợ Lớn. Người lớn đứng khóc, nước mắt rỏ ướt thềm.
*
* *
Ông sờ lên những vệt nước mắt. Ông tin Phố lưu lại tất cả bởi thời gian nơi đây không trôi, chỉ quẩn quanh rồi dừng lại. Trăng gầy như nét vẽ. Mái cúi thấp để trời thêm cao. Ai đó ném một tiếng ho khan vào tĩnh lặng.

Thằng Dậu đã ra, theo sau là chị, vừa đi vừa cười. Tiếng - cười - bánh - đập roi rói tươi nguyên như mới lấy ra từ hoài niệm. Họ đi qua ông. Ông đứng dậy theo họ. Ông nghe tiếng chị:
- Lần ni mi ưa ăn chi?
- Bánh tráng đập.
- Mi ưa gặm bắp nướng rưới nước mắm ở bờ sông mà!
- Em ăn ngó. Ngó chị ăn bánh đập đủ ứa nước miếng. Ăn như mở toang cảm giác tận hưởng hương vị.
- Đợi cả tháng để ăn ngó à, thằng ngu! Không chi khổ bằng ăn ngó mi biết không? Nì, thầy Tường có thích ăn bánh tráng đập không hỉ?
- Chị làm con ruồi chui vô nhà thầy thì biết.

Tiếng cười đuổi nhau loăng quăng trong phố hẹp rồi mất hút ở một khúc quẹo mềm mại.

Ông lang thang trong phố theo họ. Thỉnh thoảng dừng bước trước một căn nhà say ngủ. Nhà thằng Phan hồi ấy ông đến học ké sách bằng cách giải cho hắn chép giờ là ngôi nhà tân thời, mầu vôi trắng bệch, mái ngói đỏ tươi. Nhà con Hòa béo, học trò đầu đời của ông còn nguyên cái bảng hiệu bằng gỗ. Con bé dữ tợn ấy ra sao rồi nhỉ? Hồi ấy, đỗ đầu trong kỳ thi tuyển vào đệ nhất trường Trần Quý Cáp, thằng bé nhà nghèo học giỏi được ngay một chủ tiệm vải thuê kèm đứa con gái học sau hai lớp. Được trả tiền, được cho vải may quần áo chỉ khổ nỗi con học trò mười tuổi coi thằng thầy mười hai tuổi không ra chi.

Có gì không vừa ý, bà chằn lập tức thò tay, nghiến răng ngắt véo thằng thầy đến bầm tím da. Thầy bỏ dạy vì trò dọa: "Ba tau nói mi học giỏi, sau gả tau cho mi. Khi nớ ngày mô tau cũng ngắt mi chảy máu".
Ông về lại xóm giềng, đi qua trường Nam tiểu học, trường Trần Quý Cáp... ánh sáng huyền hoặc của trăng non và đèn lồng soi đường cho ông tìm về dĩ vãng.

Phố hẹp, loanh quanh. Đường ngắn, luẩn quẩn. Khi trời sáng, ông nhận ra mình đang ở trong một con hẻm nhỏ, trước cánh cửa hông nhà chị. Ngày xưa, chị hay tựa cửa chơi trò đố rêu nói gì trên bức tường trước mặt. Mùa rêu, bức tường tựa như tấm thảm kỳ diệu biến đổi từng ngày dưới đôi tay người thợ dệt tài hoa. Chị đọc bao nhiêu điều, tưởng tượng bao nhiêu cái từ nét mục rêu ngẫu hứng trên bức tường loang lổ mầu thời gian ấy. Thằng Dậu vắt trí tưởng tượng giải mã ngôn ngữ rêu bí ẩn ấy như chơi cút bắt với tâm hồn chị.

Bức tường ấy đang hiện ra trước mắt ông còn chị hiện ra trên rêu, ngửa cổ cười.

*
Phố thức dậy với tiếng chân, tiếng rao quà. Những cánh cửa lần lượt mở. Những cây dù, tấm bạt lại được căng ra. Cư dân hiện đại trong lòng Phố bắt đầu một ngày mới thong thả, khẽ khàng. Một người đàn ông lam lũ chở bắp luộc bằng chiếc xe đạp dừng bên mời ông mua mở hàng. Ông mua hai quả bắp nóng hổi và trả bằng tờ giấy bạc 50.000 vì ví tiền lẻ đã bị mất trên xe buýt. "Cháu đã bán chi mô. Bác đợi cháu đi đổi hí!". Ông gật đầu. Thằng Dậu hối hả lột, gặm nhai bằng những chiếc răng đã mòn của ông. Quả thứ hai hắn gỡ từng hàng, ăn từng hạt như sợ hết. Hắn ăn mê mải không để ý người bán bắp đã quay trở lại với mớ tiền thối. Anh ta mỉm cười nhìn vị khách sang trọng ngồi mút nước ngọt từ cái cùi bắp - "48 ngàn tiền thối đây bác?" - "Hồi nhỏ bác còn nhai cả cùi nữa kia! Ngọt lắm! Còn chỗ tiền thối, cháu bán cho bác trái nữa để hắn ném từng hạt vào miệng" - "Hết rổ bắp của cháu cũng chưa hết chỗ tiền nầy bác ạ!" - "Ăn thương ăn nhớ giá khác, cháu cứ cầm đi!".

ấm bụng, ấm lòng, ông ngồi ngắm những nụ hoa rêu nhỏ nhắn lấm tấm bên trên mái cổ. Trên gương mặt chập chùng lô xô những con sóng thời gian kia là mầu biển lặng, lặng đến độ soi mình thấy lòng thanh thản. Lâu lắm, ông mới được hưởng một buổi sáng thư thái như thế này. Một niềm bình an kỳ lạ xâm nhập tâm hồn ông khiến ông có cảm giác mình đang đứng dưới bóng râm thời gian đợi chị mở cửa với lời chào quen thuộc: "Mi tới đổ nước hả?".

Quế Hương

--------------------------------------
(1) Tiếng Anh: go (đi)
(2) Tiếng Pháp: toujours (luôn luôn)
(3) Tiếng Anh: Money (tiền)
(4) Lớp đầu tiên của cấp phổ thông cơ sở.
(5) Lớp cuối cùng của cấp tiểu học.
(6) mau khóc
(7) Thơ Đoàn Phú Tứ

sôngthương
09-26-2017, 12:34 AM
ị Chi CCG :z57:, Dulan :z57:, đọc truyện tiếp nhé :z56:


Nhắm mắt mà đi

Ngày Bình vào thành phố sống, chị gái dặn Bình ở đây cứ thân ai nấy sống, ra đường thấy chuyện gì thì nhắm mắt mà đi.

·
Dặn dò vậy vì chị biết tính thằng em hay động lòng thương người. Tính đó tốt quá đi chứ, có gì phải lo, chỉ sợ lòng tốt đặt không đúng chỗ phiền phức thôi.

Bình cười hề hề bảo nhắm mắt làm sao mà đi được. Chị trừng mắt, rồi mày sẽ biết ngay em ạ. Ở thành phố không dễ sống đâu, chớ chủ quan.

Sáng mới dặn xong, chiều về chị đã không thấy cái máy nghe nhạc đâu. Trong khi chị luống cuống lật xáo đồ đạc trong phòng tìm thì Bình chạy vào bảo vừa cho cô bé cuối dãy trọ mượn rồi.

Chị tức tốc chạy qua lấy máy về rồi ca một trận với Bình. Em ơi là em, mày mới vào đây hai hôm, chưa quen biết người ta đã cho mượn đồ đạc, cái máy đó chị để học cải thiện tiếng Anh mày biết không.

Bình cãi. Người ta cần dùng mới mượn chớ, không lẽ chỉ có chị mới cần ngoại ngữ. Người ta còn ở đấy chứ có đi đâu mà sợ mất.

Chị nói xóm trọ trên này không phải như cái làng ngoài quê mình. Có khi nó sống đấy, lát sau đã biến ngay, biết chưa. Từ nay ai đến mượn cái gì, mày cứ bảo không có là chắc ăn nhất.
Sống thế cũng chán, nhỉ. Bình ngớ mắt hỏi, cứ như tự nói với mình.

Ờ, nhưng quen rồi lại thấy hay. Của ai người ấy dùng, khỏi phải lo lắng mất cắp hay bị đánh tráo mấy đồ linh tinh. Chị kể ở xóm này, trước đây có người cho mượn xe máy.

Mấy hôm sau phát hiện cái bình ắcquy điện hàng xịn mới thay bị đổi thành cái bình hàng nhái. Biết người mượn đánh tráo nhưng chịu, không bắt tận tay không có bằng chứng đành im lặng.
Hôm sau đi làm về, chị không thấy Bình trong phòng, chạy quanh tìm thì gặp thằng em đang loay hoay trèo lên mái nhà sửa điện cho một phòng trong xóm.

Chị túm ngay tay Bình kéo về. Mày về đây chị nói, đừng có dại dây dưa vào mấy chuyện đó. Điện đài hỏng có thợ người ta đến sửa. Mày là thằng chuyên gia về điện được đào tạo ở nước ngoài chứ có phải thợ điện đâu.

Đừng nghe người ta khen mấy câu mà nhiệt tình em ạ. Dây điện ở thành phố này nó chằng chịt lộn xộn như mạng nhện, mó tay vào giật chết tươi.

Ba năm trước, ngày Bình đi học nước ngoài, chị gái vào thành phố làm việc, cả nhà lo cho chị hơn lo cho Bình. Thằng con trai dù gì cũng cứng cáp dạn dĩ hơn, còn con gái nhẹ dạ yếu lòng

Cha nói thằng Bình đi học tận bên kia đại dương thế chứ yên tâm, còn chị nó chỉ ở cách đây trăm cây số mà sợ, xứ này không dễ sống đâu. Mẹ lúc đó cứ lo chị thân gái lơ ngơ dễ bị mắc lừa thiên hạ ở chỗ người dưng nước lã.
Mới ba năm mà giờ chị khôn ra nhiều. Chị dạy ngược lại Bình phải sống lạnh lùng hơn. Chị tập sống đề phòng đến mức giờ vẫn chưa có bạn trai.

Chị nói đàn ông tứ xứ không tin được, nó quen ba bữa là lợi dụng mình chuyện này chuyện nọ cho mà coi. Rồi chị dặn Bình quen con gái ở đây cũng phải cẩn thận. Có thằng bị bạn gái rủ đi cà phê xong quay ra không thấy bồ lẫn xe máy đấy.
*

Hôm đi làm về, thấy một đám đông ở đầu đường hẻm vào nhà trọ, chị nhào đến xem, bụng lo lo. Đến nơi thấy xe Bình dựng bên vỉa hè. Chị tái mặt tưởng thằng Bình có chuyện chẳng lành.

Chen vào đám đông, chị túm được thằng Bình sau khi nó bồng người bị tai nạn lên xe taxi. Về nhà, chị mắng cho Bình một trận.

Không có mình sẽ có người khác ra tay giúp em ạ. Mày sấn vào đấy, lỡ họ chết trên tay là mày mang họa đấy. Còn cái xe máy dựng bên vỉa hè nữa, may chiều nay nó chưa bị cuỗm đi luôn đấy. Nhiệt tình kiểu đó sớm muộn cũng mang họa vào thân.

Bình bảo hồi chiều em cũng định làm lơ rồi nhưng nhìn cái xe chở rau văng giữa đường, người ta chắc từ dưới quê lên đi đứng không quen, thấy tội nghiệp.

Lúc đấy em ngờ ngợ người này quen lắm, cứ như bà con họ hàng xa với nhà mình ngoài quê lâu rồi em không gặp. Thế nên em vẫy taxi bảo đây là người nhà của em, xin chở giúp đến bệnh viện.

Chị trợn mắt. Cái gì, còn nhận người thân nữa à. May chị đến kịp đấy em ạ, không thì người ta túm luôn mày lên cái taxi đó đi cùng vào bệnh viện lo cho người ta. Chị đã dặn cứ nhắm mắt mà đi, còn không chịu nghe. À, mà hôm nay đi nộp hồ sơ xin việc mấy chỗ người ta bảo sao?

Lúc đó Bình mới nhớ ra mấy bộ hồ sơ kẹp ở xe lúc quay ra đã không còn. Người ta lấy cái thứ đó làm gì nhỉ, toàn giấy tờ cá nhân, chắc họ lục tìm không thấy gì dùng được sẽ đặt lại chỗ đó thôi. Mai em sẽ ra đấy xem, biết đâu nhặt lại được.

Chị chua chát. Mày khùng quá, người ta mà tốt bụng như vậy thì đã không ăn cắp. Cái hồ sơ vào tay kẻ cắp chỉ là thứ giấy lộn, không xài được nó ném sọt rác chứ có đâu trả lại chỗ cũ.

Ngồi đó mà chờ. May mà bằng cấp gốc chị để ở nhà đấy. Mai mang đi phô tô làm lại hồ sơ xin việc làm cho rồi, rảnh quá toàn nghĩ chuyện cho người khác. Lo cho bản thân mình trước đã ông thư sinh.
Nửa đêm, thấy chị chưa ngủ được, Bình từ trên gác lửng hỏi với xuống. Chị ơi, không biết cái người lúc chiều có còn sống không nhỉ.

Có khi nào tài xế taxi sợ liên lụy rồi thả giữa đường không. Mà, bệnh viện người ta có cứu một người không có thân nhân đi cùng không nhỉ.

Em vẫn thấy cái người bị tai nạn đó quen lắm, hay sáng mai gọi điện hỏi mẹ xem bà con họ hàng nhà mình ngoài quê có ai vào đây buôn rau không. Em cứ nghĩ mãi khó ngủ quá. Biết thế hồi chiều lỡ thương thì thương cho trót, đỡ áy náy.
Chị quát. Ngủ thôi. Từ mai cứ nhắm mắt


(HOÀNG CÔNG DANH)

sôngthương
10-03-2017, 05:28 AM
St cám ơn các anh chị đã ghé qua đọc truyện :z56:
-------------

THEO DẤU TIỀN NHÂN
Nguyễn Một
Kỳ 1 HUYỀN THOẠI VỀ NGÔI CHÙA CỔ
Hành trình mở cõi của dân tộc Việt Nam là hành trình Nam tiến. Thời gian có thể làm cho sông cạn đá mòn nhưng dấu chân của cha ông để lại trên vùng đất phương Nam mênh mang sông nước này không thể xóa nhòa dù đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử.
Tại ngã ba dòng sông Đồng Nai đoạn chảy qua thành phố Biên Hòa có một vùng đất đặc biệt nơi còn lưu rõ dấu chân của cha ông trên bước đường Nam tiến. Vùng đất này có tên gọi là Cù Lao Phố.
"Con sông Đồng Nai như cặp vợ chồng thuận thảo dìu nhau vượt qua bao thác ghềnh vất vả vậy mà khi êm ả dòng sông giận dỗi tách làm đôi. Cũng may hai nhánh sông đã kịp làm hòa với nhau trước khi tan vào biển lớn. Phút giây đỏng đảnh ngắn ngủi ấy đã để lại cho đời một cù lao trù phú và màu mỡ".

Cù Lao Phố chính là nơi đây. Thành phố đầu tiên của cư dân Việt ở phương Nam.

Ngày nay người ta hay nhắc đến Đức ông Trần Thượng Xuyên và Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh vì Trần Thượng Xuyên có công tạo nên thương cảng sầm uất trên cù lao và Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh có công định biên miền đất này vào năm 1698.
Nhưng trước khi Trần Thượng Xuyên và Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam đã có nhiều người Việt sinh sống tại đây. Họ là những người có công khai phá đất cù lao. Một trong những người có công đầu là công chúa Ngọc Vạn. Vì sứ mệnh tổ quốc giao phó phải bang giao với phương Nam công chúa Ngọc Vạn đành gạt lệ ra đi bỏ lại sau lưng hoàng cung lầu son gác tía để vào miền sông nước này. Thời gian đã xoá đi dấu vết của người. Cũng may một nhà sử học xứ Biên Hòa ông Lương Văn Lựu đã cất công sưu tầm và ghi lại vài dòng về vị công chúa đã bị lịch sử lãng quên. Trong cuốn Biên Hòa sử lược ông viết:

Theo gia phả của chúa Nguyễn được Tôn Thất Hân sưu nghi thì chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên sanh năm Quý Hợi (1563) vương tôn bà Mạc Thị Giai làm chánh hậu. Bà này sanh hạ ba lệnh nữ: công chúa Ngọc Vạn là con thứ hai. Năm 1620 Lạp Vương Chây Chét Ta II xin cầu hôn hoàng nữ nước Việt. Sãi Vương thuận gả công chúa Ngọc Vạn cho Chân Lạp. Về sau bà là Hoàng Thái Hậu. Nhân lúc tình hình Chân Lạp rắc rối nhân dân cầu cứu bà đã nhờ chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần can thiệp. Vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân xin nhượng đất Nông Nại cho phủ chúa. Kể từ đây các cư dân Đại Việt đặt chân đến vùng "gạo trắng nước trong" dưới sự bảo trợ của bà Ngọc Vạn.
Những người sinh sống trên đất cù lao ngày hôm nay ai là hậu duệ của đoàn người theo chân công chúa Ngọc Vạn ngày ấy? Cù Lao Phố hôm nay vẫn bình an thanh thản hiền lành và thủy chung như hàng trăm năm trước như ông lão đưa đò đã chở chúng tôi đi quanh cù lao.

Ngày xưa mẹ ông cũng đưa đò ở bến sông này và bây giờ hết đời mình ông lại truyền cho con cháu. Những cây cầu hiện đại chẳng thể làm thay đổi thói quen trong tâm thức người Việt với hai tiếng "đò...ơi" thân thương trong hành trình mở cõi.
Ông lão đưa đò còn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện tình kỳ lạ bên ngôi chùa cổ nhất miền Nam một câu chuyện làm chúng tôi kinh ngạc dù có thể nó chỉ là truyền thuyết.

Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành (không rõ năm sinh) là nhà sư đầu tiên ở miền Nam được phong quốc sư. Với kiến thức Phật học uyên bác ông được vời về kinh để giảng dạy cho hoàng tộc. Tại kinh đô bà cô ruột của vua Minh Mạng thọ giới bồ tát được ông ban pháp danh Tề Minh Thiện Nhựt. Trong những ngày theo học đạo có vị Hoàng cô em ruột của vua yêu ông say đắm. Năm 1821 sư phụ của ông là Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc viên tịch ông trở về miền Nam chịu tang rồi ở lại. Những tưởng tránh được oan tình ràng buộc nào ngờ vị Hoàng cô si tình tìm đến tận nơi. Ông quyết định nhập thất hai năm tránh không gặp mặt người đàn bà si tình nhưng Hoàng cô quyết liệt xin được nắm tay ông. Cảm động trước tấm chân tình ấy ông đưa tay ra cửa sổ cho bà hôn. Ngay trong đêm ông đã tự thiêu sau khi ghi lại bài kệ trên vách để bày tỏ tấm lòng trong sạch của mình. Điều lạ là mọi thứ cháy hết nhưng bài kệ ông ghi trên vách vẫn còn đến nay nhiều nhà sư vẫn thuộc bài kệ này của ông. Ba ngày sau khi an táng thiền sư Hoàng cô cũng uống độc dược quyên sinh tại chùa Đại Giác.

Chúng tôi lên bờ và tìm đến với ngôi chùa được xác định là ngôi chùa của người Việt cổ nhất miền Nam. Theo thư tịch còn lại thì chùa Đại Giác thành lập từ năm 1412 có nghĩa là trước sự có mặt của công chúa Ngọc Vạn hơn 2 thế kỷ. Ngày đó ngôi chùa là một cái am nhỏ thờ Phật của người Việt dần dần dân cư đến sinh sống đông đúc họ xây trên mảnh đất ấy một ngôi chùa lớn.
Chùa Đại Giác còn có tên gọi khác là chùa Tượng ni sư Diệu Trí Huệ giải thích: Chữ "tượng" ở đây không phải là tượng Phật mà là voi vì 1802 vua Gia Long đã cho đàn voi đến chở đất đắp sân xây lại chùa. Khi công trình hoàn thành ông cho thợ tạc pho tượng Phật Di Đà bằng gỗ quí cao gần hai mét đến nay vẫn còn thờ tại chính điện.

Năm 1781, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi Nguyễn Ánh đã có đến trú ẩn tại đây. Đến Năm 1801 khi cầm quan chinh phạt lại Tây Sơn Vương đã cho bầu đoàn thê tử trú ngụ tại đây. Trong bầu đoàn thê tử của ngài có công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh là người uyên thâm về Phật học công chúa xuất gia đầu Phật và ở đây cho đến khi vua cha lên ngôi và triệu hồi về kinh. Theo nhà sư Huệ Thiền thì không ai rõ tên Đại Giác tự có từ lúc nào khi công chúa về kinh bà đã để lại bài kệ giải thích ý nghĩa hai chữ Đại Giác.
Câu chuyện của Đại Giác tự và câu chuyện công chúa Ngọc Vạn có thể khẳng định những cư dân Việt có mặt tại đây từ năm 1650. Ngày nay trên cù lao vẫn còn những cảnh hoang sơ như thời mở cõi những cảnh làng quê thanh bình yên ả bên dòng Đồng Nai bốn mùa xanh thẳm. (còn nữa)

(https://www.facebook.com/nguyen.mot)

sôngthương
10-06-2017, 02:25 AM
Du lan :z57:

----------------

Kỳ 2: CUỘC PHỐI NGẪU HOA VIỆT VÀ THÀNH PHỐ ĐẦU TIÊN

Vùng đất này chính thức sáp nhập vào nước Đại Việt ta từ năm Kỷ Mùi (1679). Khi ấy dưới đời chúa Hiền Nguyễn Phước Tần, Trần Thượng Xuyên dẫn ba ngàn quân tướng nhà Minh chạy về phương Nam lánh nhà Thanh được chúa Nguyễn cho phép khai phá phương Nam đến vùng sông nước mênh mông cây cối xanh tốt nai ăn cỏ từng đàn trên bờ cá bơi lềnh mặt nước đất lành chim đậu Trần Thượng Xuyên cho dừng quân tại ngã ba sông này và lập ra xã Thanh Hà có nghĩa là sông nước trong.

Cuộc di dân với quy mô lớn của cộng đồng người Hoa đã để lại cho mảnh đất Cù Lao Phố nhiều di sản quý báu một trong di sản ấy còn tồn tại đến ngày nay là chùa Ông. Chùa Ông nguyên thuỷ là miếu Quan Đế thờ Quan Công và các vị tổ của các nghề cổ như: nghề mộc nghề nông nghề đá. Ngày nay chùa Ông còn có tên chữ là Thất Phủ Cổ Miếu. Đây là ngôi chùa được ông nội của Trịnh Hoài Đức xây dựng trước nhất ở miền Nam vào khoảng năm 1684.

Chùa Ông được xây dựng theo kiến trúc hình chữ khẩu. Bên ngoài chùa là cả một công trình độc đáo các tượng gốm men xanh về các đề tài như hát bội hát tuồng múa hát cung đình tượng ông Nhật bà Nguyệt... Thêm vào đó các bức tượng bằng đá ở mặt tiền chùa do thợ đá Bửu Long tạc đã tạo nên kiểu dáng và hình thức đặc trưng cho kiến trúc Minh Hương trên vùng đất Biên Hòa.

Trong vòng vài mươi năm, nhờ tài tháo vát Trần Thượng Xuyên cùng đồng bào Hoa - Việt mở mang đường sá xây nhiều phố phường lập thương cảng sầm uất. Cảnh phồn thịnh của Cù Lao Phố lúc bấy giờ được sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại: "Nhà ngói vách vôi lầu quá đôi từng rực rỡ trên bờ sông liền lạc năm dặm và phân hoạch làm ba nhai lộ: Nhai lớn giữa phố lót đá trắng nhai ngang lót đá ong nhai nhỏ lót đá xanh...

Trong đoàn người theo Đức ông Trần Thượng Xuyên ngày ấy có một số người nước Sùng một nước chư hầu thời cổ đại ở phía bắc Trung Quốc bị đày xuống Quảng Đông. Khi nhà Thanh cai trị họ chạy theo Trần Thượng Xuyên vào Đồng Nai. Người Việt gọi họ là người Hẹ. Những cư dân này có nghề làm đá họ là những người đục đá lát đường cho Cù Lao Phố. Nghề đá truyền dần cho người Việt. Làng đá Bửu Long là làng nghề thủ công truyền thống lâu nhất ở Đồng Nai nó tồn tại hơn 300 năm nay. Thời gian sau những người Việt vùng Ngũ Quảng theo chân Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào khai phá vùng đất này. Một số người gia nhập vào đội quân của người Hẹ. Ngày nay còn những người miệt mài thổi linh hồn vào tảng đá vô tri để lưu giữ chút dấu tích của người xưa.

Chúng tôi tìm về nơi người xưa đã lấy đá tạo nên thành phố đầu tiên này đó là một hồ nước xanh ngắt. Theo lời người dân Cù Lao Phố thì hồ nước này ngày xưa vốn là núi đá do quá trình lấy đá lâu ngày mà núi biến thành hồ như ngày nay.
Cuộc di dân của những người Hoa đến Cù Lao không chỉ tạo ra vùng Nông Nại đại phố sầm uất mà cuộc phối ngẫu đẹp đẽ ấy còn để lại cho đất nước những con người xuất sắc. Và một trong những con người được sinh ra bởi cuộc "hôn nhân Hoa Việt" ấy chính là Trịnh Hoài Đức người đã để lại tác phẩm bất hủ Gia Định thành thông chí.

Trịnh Hoài Đức sinh năm Ất Dậu - 1765 tại Bình Trước (Biên Hòa) tự Chỉ Sơn hiệu Cấn Trai. Năm 1775 cha ông qua đời khi ông mới 10 tuổi mẹ ông đem con về trấn Phiên An (tức Gia Định) sinh sống. Đến năm 1782 bà cho con đến thọ giáo nhà giáo dục nổi tiếng thời bấy giờ là Võ Trường Toản. Khi quân Tây Sơn vào đánh đất Gia Định ông lánh nạn sang Chân Lạp (tức Campuchia ngày nay). Năm 1788, ông thi đỗ và được nhà Nguyễn bổ chức Hàn lâm viện chế cáo ngày càng được vua Gia Long trọng dụng. Ông lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn và thẳng tiến trên hoạn lộ: tri huyện phủ Tân Bình, Đông cung thị giảng lo việc giảng dạy cho hoàng tử. Rồi được phong Hiệp bộ thượng thư, Thượng thư bộ hộ, Thượng thư bộ lại Tổng trấn Gia Định... Có thời Trịnh Hoài Đức được cử làm thượng thư của cả hai bộ: bộ Lại và bộ Binh. Nhiều lần ông được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc.

Ông mất năm Ất Dậu (1825) hưởng thọ tròn 60 tuổi. Đương thời vua Minh Mạng vô cùng thương tiếc truyền bãi chầu 3 ngày, truy phong Thiếu phó cần chánh diện Đại học sĩ. Thi hài ông được rước từ kinh đô Huế vào Biên Hòa do hoàng thân Miên Hoàng trực tiếp đứng ra tổ chức rồi đưa về tận quê hương Bình Trước an táng.
Ghi nhớ công lao to lớn và tấm gương thanh khiết của Trịnh Hoài Đức trải bao đời người dân vẫn tỏ một lòng tôn kính và biết ơn ông.

Sinh thời tuy làm quan to nhưng Trịnh Hoài Đức nổi tiếng thanh liêm suốt đời ,sống thanh bạch, mang cốt cách của một nhà nho, nhà nghệ sỹ lớn. Cùng với Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh, Trịnh Hoài Đức lập ra nhóm Bình Dương thi xã được người đời xưng tụng là Gia Định tam gia. Ông để lại hai tập thơ: Cấn Trai thi tập và Bắc sứ thi tập làm trong thời gian đi sứ Trung Quốc. Khi ông mất theo ước nguyện của ông di hài được an táng tại quê mẹ. Tương truyền người bạn của Trịnh Hoài Đức là Ngô Nhơn Tịnh vốn là nhà địa lý giỏi đã chọn thế đất đẹp có dòng suối bao quanh xanh mát chảy ra hồ nước trong vắt quanh năm để làm nơi yên nghỉ cho Trịnh Hoài Đức. Ngày nay con suối đã biến mất thay vào đó là cảnh phố xá nhưng bờ hồ nơi ông nằm nhìn ra vẫn còn, dù chẳng thể đẹp như ngày xưa.

(còn tiếp)

(https://www.facebook.com/nguyen.mot)

sôngthương
10-08-2017, 09:26 PM
Kỳ 3: LÀNG NGHỀ TRÊN BẾN ĐÒ XƯA

Ba trăm năm đã trôi qua, kể từ lúc Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh và những cư dân vùng Ngũ Quảng đặt chân đến Cù Lao Phố này. Một cái chớp mắt của lịch sử nhưng là một quãng thời gian quá dài đối với con người. Bây giờ khó có thể hình dung được cảnh những đoàn di dân ngày ấy hành phương Nam ra sao chỉ thấy dấu vết lưu truyền lại trong lời người xưa:
Tới đây xứ sở lạ lùng
Dưới sông sấu lội trên giồng cọp um.

Đồng Nai theo các nhà sử học ngay tên gọi này đã nói lên tính hoang sơ của nó. Đó là những cánh đồng hươu nai ăn cỏ từng bầy thiên nhiên hiền hòa trải rộng ngút tầm mắt. Cư dân Việt đến đây được đất mẹ dang tay đón nhận. Họ làm ăn sinh sống phát triển dần dần. Từ Cù Lao Phố họ tiến dần ra các vùng lân cận.

Chúng tôi rời Cù Lao Phố ngược dòng sông Đồng Nai cố gắng tìm lại chút dấu tích xưa. May chăng hai bên bờ sông còn lưu lại điều gì liên quan đến những nét sinh hoạt làm ăn của tiền nhân.

Đặt chân lên bến đò Trạm chúng tôi xao xuyến bởi khung cảnh quê mùa nằm ngay bên cạnh thành phố công nghiệp ồn ào náo nhiệt ở đây như thể lùi sâu vào quá khứ xa lạ với cuộc sống hiện đại. Một bến đò vắng. Một ngõ nhỏ buồn tênh. Một con đò nhỏ sắp sửa cập bờ. Dòng sông hiền hòa. Lắp ghép những lời kể của các cụ cao niên chúng tôi lần trở lại nguồn gốc của bến đò này.

Ngày xưa trên con đường từ Bắc vào Nam nhiều đoạn đường chỉ là rừng núi hoang vu không có người ở. Vì vậy phải lập ra những trạm nghỉ chân dùng cho ngựa đưa thư hoặc cho quan quân di chuyển đến đó mà nghỉ. Cứ mỗi đoạn đường dài bằng một ngày ngựa chạy thì có một trạm nghỉ chân như vậy. Bến đò này cũng là một nơi người ta nghỉ chân trước khi vượt dòng Đồng Nai nên có tên là bến đò Trạm và giữa hai trạm có đồn lính gọi là Thủ ngày này còn tên gọi xưa như: Thủ Đức, Thủ Thiêm ,Thủ Dầu Một nhưng có lẽ bến đò Trạm chỉ còn là điểm duy nhất giữa Thành phố Biên Hòa
Bến Bến đò trong văn hóa Việt Nam là một biểu tượng quen thuộc và thân thương. Ở bến đò này ngoài ý nghĩa đó ra nó còn làm gợi nhớ đến những nỗi niềm khác.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo.

Một buổi chiều nào của mấy trăm năm trước ai đã bước xuống bến đò này ngoảnh nhìn trở lại cố hương mịt mờ phía sau. Công chúa Ngọc Vạn hay Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh từng bước chân đến bến đò này? Đâu là dấu chân họ đã đặt lên trên bến đò?

Chúng tôi hôm nay những hậu duệ của bậc tiền nhân mở cõi tìm về quá vãng để lưu giữ lại chút hồn cổ xưa. Những con đò có lẽ ngàn năm qua không thay đổi hình dáng. Lặng lẽ qua sông, lặng lẽ trở về. Một khoảng cách ngắn ngủi đôi bờ nhưng dài đến mấy trăm năm rồi. Còn lòng người thì sao? Có thể nào giữ mãi như buổi nguyên sơ?
Ngoài bến đò văn hóa Việt cũng gắn liền với những vật dụng bếp núc bằng đất nung. Nó đã đi cùng dân tộc Việt từ thuở xa xưa rồi theo chân đoàn người di dân vào phương Nam. Chắc chắn rằng trên lưng ngựa vào những ngày đầu cũng có mặt những chiếc nồi đất. Dần dà người ta phải tìm cách sản xuất tại chỗ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Chúng tôi tìm đến một nơi mà xưa kia gọi là làng nồi đất. Nó nằm ngay trong lòng thành phố Biên Hòa cách bến đò Trạm không xa.

Ở đây chuyên sản xuất những chiếc nồi đất và những vật dụng bếp núc khác. Bà Năm Thừa một nghệ nhân lâu đời của nghề làm nồi đất tại đây cho biết ngày xưa làng nghề này cung cấp những vật dụng thiết yếu bằng đất nung cho cư dân cả miền Nam. Hồi ấy mỗi ngày hàng chục chiếc thuyền cập bến đò Trạm để chở nồi đi khắp miền Đồng Nai- Gia Định.
Vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi cho thứ đất sét đặc biệt dễ khai thác dễ nhào nặn thành hình. Những cái nồi được nặn từ đất này ra sau khi nung lên có màu đỏ tươi gõ vào phát ra âm thanh rổn rảng. Nồi đất nấu cơm làm hạt gạo thơm hơn kho cá làm con cá ngon hơn. Vì thế mà trở nên nổi tiếng.

Nhưng làng nồi đất qua bao thăng trầm giờ sắp sửa lụi tàn. Từ một làng nghề đông đúc hàng trăm gia đình ngày nay chỉ còn duy nhất một gia đình giữ lại nghề truyền thống này. Đó là gia đình bà Năm Thừa. Trên đường tới đây chúng tôi lo rằng gia đình cuối cùng này có thể đã chuyển nghề khác. Nhưng may mắn thay họ vẫn còn giữ nghề.
Giữa con đường đất dẫn ra sông, là dãy nồi đất đỏ au phơi ven đường. Theo chỉ dẫn của một người thợ, tôi dễ dàng tìm được nhà của bà Năm Thừa một nghệ nhân lâu đời của làng. Bà cụ đang ngồi bên bàn xoay, dấu vết thời gian in hằn trên đôi tay xương xẩu của bà.

Bà Năm Thừa vừa thoăn thoắt xoay cái nồi đất sét, vừa hò:
-Hò ..ơ chứ giàu như Thạch Sùng xưa còn thiếu mẻ kho, huống chi em bậu lại so đo chuyện đời.
Rồi bà nhìn tôi tủm tỉm cười, hỏi rằng:
- Đố chú biết mẻ kho là cái gì?
Tôi chưa kịp trả lời, bà đưa tôi xem cái nồi đất bể và giải thích :
- Ngày xưa dân nghèo của mình ở vùng nông thôn chủ yếu dùng đồ đất, khi nồi đất bị bể, họ dùng các mảnh vỡ để kho cá, kho mắm.

Ngày còn nhỏ ở quê tôi, bà ngoại tôi chỉ thích ăn cơm nồi đất, cá mẻ kho, uống nước chè xanh trong niêu. Tôi thường bị mắng vì vô ý làm bể nồi. Nồi đất nấu cơm đang nóng để trên đất ướt, nồi nứt cái tách và bể làm đôi, bà tôi dùng những mảnh bể để kho cá. Sự tích con Thạch Sùng tôi cũng thường nghe bà ngoại tôi kể từ nhỏ. Chuyện “cái mẻ kho” là chuyện của ngày xưa, chứ bây giờ chẳng còn ai dùng mẻ kho nữa. Nhưng cũng may là món mắm kho quẹt vẫn còn. Bây giờ, nghề làm nồi đất sống được là nhờ nhà giàu. Phong trào cơm niêu, cơm đập, cá kho tộ, mắm quẹt... nở rộ trong các nhà hàng, nên làng nghề này làm không đủ cung cấp cho Biên Hoà, Sài Gòn. Xóm Lò nồi nằm ngay trong lòng thành phố Biên Hoà có lịch sử hàng trăm năm nay. Theo bà Năm Thừa thì từ đời ông cố nội của bà nghề này đã rất hưng thịnh. Hồi ấy, mỗi ngày hàng chục chiếc thuyền cập bến sông Đồng Nai để chở nồi đi cung cấp cho cả miền Nam.

Bà Năm Thừa kể rằng:
Nghe cha ông truyền lại ngày xưa khi các cư dân vùng ngũ Quảng vào đây lập nghiệp, các cụ tạo ra các sản phẩm từ đất để phục vụ cho cuộc sống. Nhưng nồi làm ra, nung không chịu chín. Các cụ rủ nhau lên núi Châu Thới cầu xin, đêm ấy cụ tiên chỉ nằm mơ thấy một vị thần đầu đội nồi đất, mặt đỏ như lửa hiện về đứng trước lò nung, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất. Giật mình tỉnh dậy, cụ truyền cho dân làng cách dùng bổi đốt bên dưới lấy lửa ngọn, đổ than bên trên để nung. Mẻ nồi đầu tiên đỏ tươi rất đẹp, từ đó về sau mỗi khi đốt lò thợ lò đều cúng tổ.

Xóm lò nồi ngày nay còn được hai lò với gần mười lao động . Làm ngày nắng, ăn ngày mưa, nên dù sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường, cuộc sống của họ cũng chỉ ở mức trung bình. Ông Trần Văn Tám em ruột của bà Năm Thừa là một người đàn ông duy nhất ở xóm kiên định theo nghề. Lò của ông cho ra khoảng ba chục loại sản phẩm khác nhau, loại nào cũng được thị trường ưa chuộng. Vào giai đoạn những năm tám mươi xóm này tan tác, sản phẩm làm ra không ai mua. Thợ nồi chạy khắp nơi, tìm nghề khác mưu sinh, chị em ông vẫn cặm cụi làm nồi. Hàng làm ra ông đèo trên xe đạp đi rao bán cùng các làng quê ngõ hẽm. May mà hương vị cơm nấu từ nồi đất bao giờ cũng ngon hơn, miếng cơm cháy vàng ươm từ nồi đất vẫn còn hấp dẫn, nên nhiều người dân quê vẫn mua sản phẩm của ông. Nồi đất Bửu Long còn có loại hoa mè mà nơi khác ít có. Kỹ thuật nung nồi hoa mè, hiện nay còn có vài người làm được, loại này rất được khách nước ngoài ưa chuộng.Mùa khô năm hai ngàn xóm Lò Nồi sống lại không khí sôi nổi của một thế kỷ trước, người xe nườm nượp. Đó là khi mà một số doanh nhân người Hàn Quốc đến đặt hàng vạn món hàng bằng đất nung. Những mẫu mã mà họ đưa ra chưa hề có ở Việt Nam, nhiều mặt hàng khá cầu kỳ như bình rượu cổ, ly cổ của người Hàn. Xóm Lò nồi họp lại và giao cho bà Năm Thừa làm thử. Bà già gần bảy mươi tuổi mà bàn tay khá điệu nghệ, cục đất vào tay bà sau vài phút là thành nồi, thành chảo, thành khuôn bánh...Sau mẻ đầu tiên ra đời, khách hàng cực kỳ hài lòng và họ đặt số lượng lớn, tất nhiên ngoài sản phẩm theo ý họ, họ còn mua nồi đất hoa mè của xóm. Lần đầu tiên xóm Lò Nồi mướn người ngoài vào làm phụ. Trước lúc giải nghệ bà Năm Thừa có thể tự hào rằng sản phẩm của xóm Lò Nồi lần đầu được xuất ngoại. Nhưng rồi sau đó vì kinh doanh thất bại họ đã không quay trở lại xứ này. Tuy nhiên theo ông Tám thì hơn trăm năm trước các "chú khách" đã mua nồi đất ở đây chở về bán tại quê hương của họ bên Tàu.
Bây giờ làng nồi đất xơ xác lắm, nói làng theo thói quen vậy thôi chứ nó chỉ còn lèo tèo vài ba nhà trong xóm nhỏ, mà chủ lực là ba chị em bà Năm Thừa, ông Tám, bà Chín. Bà Chín buồn rầu nói:

- Chị Năm dạy nghề cho tôi từ năm lớn tám tới giờ, cuộc đời của tôi không may mắn như người ta, chồng chết sớm nhờ mấy cục đất sét này mà nuôi cả bầy con, bây giờ trưởng thành hết rồi. Chỉ có mỗi đứa con gái theo nghề này.
Cô con gái Lê Thị Tỉnh con gái bà Chín, là thợ làm nồi trẻ nhất vùng này tuổi cũng đã ngoài bốn mươi, cũng nhọc nhằn như mẹ mình. Cô tâm sự:
-Em muốn được đưa nghề truyền thống lên truyền hình cho bà con mình biết với. Chứ vài năm nữa Biên Hoà phát triển khu này giải toả thì làng nồi đất cũng chẳng còn.

Bà Chín phụ hoạ lời con gái:
- Mà giả như chẳng giải toả thì vài năm nữa khi chị em tôi theo ông bà thì chẳng ai theo cái nghề lấm láp này nữa chú ạ.
Nắng chiều xiên xiên, bỏng rát trên dãy nồi đất nung đỏ rực bên đường, tạo nên bức tranh buồn và lạc lõng giữa phố thị ồn ào, cuối con đường làng, dòng sông Đồng Nai trầm mặc chảy, bình thản trước biến động của cuộc đời. Cô Lê thị Tỉnh
ngước mắt nhìn chúng tôi. Đôi mắt buồn quá!

(còn tiếp)

https://scontent.fsgn6-1.fna.fbcdn.net/v/t31.0-0/p480x480/20988419_1835405363144252_5282631534473289231_o.jp g?oh=357c7e747f7ee27ec4fcac48485511dd&oe=5A537185

sôngthương
10-10-2017, 07:31 AM
Kỳ 4: LÀM TRAI CHO ĐÁNG NÊN TRAI

Chia tay làng nồi đất, chúng tôi tìm đến người đàn ông là hậu duệ của bậc tiền nhân mở cõi. Cư dân sinh sống lâu đời ở đây ít ai không biết đến ông Mười Cao. Ông đã là một người Biên Hòa gốc. Còn nhớ có lần cùng ông uống cà phê bên sông Đồng Nai, ông hỏi tôi :

"Chú có biết vì sao người miền Nam gọi con đầu là anh Hai chứ không phải anh Cả như miền Bắc? Rồi ông giải thích:" Thứ nhất vì Chúa Nguyễn Hoàng là em thứ hai vì di dân vào miền Nam đa số là người con thứ 2 vì người con cả phải ở lại miền Bắc để giữ từ đường. Nhưng quan trọng hơn cha ông mình gọi người tàu là thứ ba - Mấy chú Ba Tàu!- Một thông điệp tuyệt vời của tiền nhân" Chưa có điều kiện kiểm chứng lời ông nói đúng sai nhưng nghe có lý và tôi nhớ mãi.

Nay đã hơn 70 tuổi, nhưng ông thường lang thang nơi này nơi kia để tìm về cội nguồn cha ông xưa. Và nhờ thế ông đã thu thập được nhiều tư liệu quý giá. Ông Mười Cao sẵn lòng cung cấp cho chúng tôi những tư liệu về mảnh đất nằm ven con sông Đồng Nai này. Những câu chuyện về dòng sông như máu thịt của cuộc đời ông. Dù là dòng họ Lê, nhưng ông Mười Cao luôn chịu khó tìm hiểu thêm về các dòng họ khác. Đó là dòng họ Nguyễn của Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh và dòng họ Trần của Đức ông Trần Thượng Xuyên. Trở lại Cù Lao Phố để thăm đền thờ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh cùng ông Mười Cao chúng tôi bồi hồi như được chạm tay vào lịch sử. Bằng giọng hiền hòa của người Nam bộ ông kể:

Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650 mất năm 1700 là khai quốc công thần của triều đình nhà Nguyễn. Ông sinh tại huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình con thứ ba của danh tướng Nguyễn Hữu Dật. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Thiện. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu ông được xem là người xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất phương Nam vào năm 1698. Kể từ thời điểm đó Biên Hòa - Gia Định chính thức trở thành một đơn vị hành chính thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Năm Mậu Dần 1698 ông được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào kinh lược phía Nam. Ông đã lập Gia Định phủ huyện Phước Long dựng dinh Phiên Trấn và đặt các chức vị quản trị. Do công lao này ông được coi là người đặt nền móng cho công cuộc mở đất phương Nam: chiêu dân lập ấp thiết lập nền hành chánh cai trị và gìn giữ biên cương.

Theo Quốc sử quán triều Nguyễn thì vào năm Mậu Dần (1698) chúa Hiến Tông - Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất mà chúa đã chỉ định cho bọn Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình vốn là các di thần nhà Minh trước đó không chịu thần phục tân triều nhà Thanh nên đã đem 3.000 hàng quân cùng gia quyến và 50 chiến thuyền đến cư trú xin làm dân Đại Việt. Vùng đất ấy bao gồm từ khu vực Cù Lao Phố (Biên Hòa) đến Mỹ Tho. Giữa vùng này có các đồn binh trấn giữ làm luôn nhiệm vụ thu thuế thương chánh cho cả vùng. Lúc bấy giờ nơi này đã được khoảng 40.000 hộ bao gồm cả người bản địa và lưu dân.

Khi vào đến nơi Nguyễn Hữu Cảnh đã ra sức ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng "lấy đất Nông Nại đặt làm
Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai là huyện Phước Long dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn".

Ông tâu chúa Nguyễn điều thêm dân từ miền Trung vào khai hoang người Việt kéo vào rất đông. Bởi vậy Đàng Trong truyền tụng những câu:

Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về
hay
Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải Đồng Nai cũng từng

Năm 1699, rộ lên nhiều vụ đánh cướp người Việt tại nhiều nơi hẻo lánh dọc theo sông Cửu Long, Nguyễn Hữu Cảnh nhận lệnh đem quân dẹp loạn. Gần cuối tháng 4 năm 1700, tình hình tạm yên Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao (sách gọi cù lao Sao Mộc hay Tiêu Mộc hoặc châu Sao Mộc - sau này dân địa phương gọi cù lao Ông Chưởng thuộc huyện Chợ Mới tỉnh An Giang) báo tin thắng trận về kinh.

Chiều chiều quạ nói với diều
Cù lao ông Chưởng có nhiều gà con
Câu ca dao cho thấy nới đây khá phồn thịnh.

Theo Gia Định thành thông chí ở đây một thời gian ông bị "nhiễm bệnh hai chân tê bại ăn uống không được. Gặp ngày Tết Đoan Ngọ, ông miễn cưỡng ra dự tiệc để khuyến lạo tướng sĩ rồi bị trúng phong và thổ huyết bịnh tình lần lần trầm trọng. Ngày 14 ông kéo binh về, ngày 16 đến Sầm Giang (Rạch Gầm Mỹ Tho) thì mất. Khi ấy, thuyền chở quan tài về tạm trí ở dinh Trấn Biên, rồi đem việc tâu lên, chúa Nguyễn Phúc Chu rất thương tiếc sắc tặng là Hiệp tán Công thần ,thụy là Trung Cần hưởng 51 tuổi. Người Cao Miên lập miếu thờ ông ở đầu châu Nam Vang. Nơi cù lao ông nghỉ bệnh nhân dân cũng lập đền thờ được mạng danh là cù lao Ông Lễ. Còn chỗ đình quan tài ở dinh Trấn Biên cũng lập miếu thờ".

Trong các sách Hoàn vũ ký Nhất thống dư địa chí , Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam dư địa chí, Ước biên Nam Kỳ địa chí... đều có ghi rõ những nơi lập đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh như Biên Hòa, Long Xuyên, Châu Đốc, Sài Gòn, Nam Vang... Trong đó đền thờ lớn nhất tại Cù Lao Phố là nơi ông dừng chân khi đến phương Nam và cũng là nơi dừng linh cữu ông trước khi đưa về cố hương.

Sau khi Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh mất, những nông dân vùng Ngũ Quảng xưa kia theo chân Đức ông đến Cù Lao Phố đã ngược dòng Đồng Nai đến một cù lao khác là cù lao Tân Triều, họ lập làng, lập ấp và đặt tên làng Tân Bình, lấy tên một huyện của quê hương Đức ông ở Quảng Bình. Nhớ Nguyễn Hữu Cảnh nhưng thật bất công khi chúng ta quên các đời chúa Nguyễn, bởi không có vua hiền thì không thể có tôi sáng và nếu không có người nhìn xa trông rộng như Chúa Nguyễn Phúc Chu thì liệu công lao của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh có được nhắc đến như hôm nay? Trên con đường đi tìm lại dấu vết xưa chúng tôi đã bao lần bồi hồi xúc động khi lần giở lại từng trang lịch sử và nhiều lần tự thán: Đâu rồi đường Hiền Vương, đâu rồi trường Nguyễn Hoàng?!

Hoàng hôn buông xuống trên Cù Lao Phố.
Ngàn vạn buổi hoàng hôn êm đềm như thế này đã đi qua đây. Hồn tiền nhân nay ở đâu? Chỉ thấy gió ngàn xưa lay động trong bóng dừa.

(hết)
(https://www.facebook.com/nguyen.mot)

sôngthương
10-17-2017, 05:39 AM
St cám ơn anh Hoài vọng, chị Thuỵ Khanh, chị CCG , Du lan, Nhã Uyên , Cap đã ghé qua đọc truyện :z56:
-------------------


Chuyện buồn tình yêu
Trưa nay,vô Nordstrom Rack (cái mall chuyên bán đồ thời trang qua mùa, giá rẻ) để muamấy đôi vớ. Lựa xong, trên đường ra tính tiền, đứa bạn gọi rủ tối đi ăn. Nóichuyện xong, vừa bỏ phone vô túi, có chú kia tới bên cạnh, tay cầm cái túi xáchnữ màu mận chín.
- Cậu cậu, cậu là Việt Nam hả cậu?
- Dạ, có chi hôn chú?
- Cậu làm ơn coi giùm tui cái giỏ này nhiêu tiền, tui thấy tùm lum, hổng biếtcái nào là giá tiền.
- Dạ cái này 95 đô, sale còn 65, giờ sale thêm nữa là còn 40.
- Là khoảng nhiêu tiền Việt mình hả con?
- Hơn 900 ngàn đó chú.
- Nghe trong này đồ rẻ mà vầy thì cũng đâu rẻ lắm đâu. Mà thôi kệ đi, cổ ưngmàu này. Kiểu này chắc cổ cũng chịu.
Tự nhiênhơi lấn cấn trong đầu. Đàn ông Nam bộ đâu có gọi bà xã mình là "cổ"đâu ta? Nhưng vẫn ghẹo.
- Chú tinh mắt ghê, lựa cái giỏ đẹp quá chừng. Chắc là cô sẽ thích lắmnè.
- Mấy chục năm nay có tặng cổ được gì đâu. Lần này hổng lẽ đi Mỹ du lịch vềhông có quà, cũng kỳ. Thôi mua đại đi héng?
- Mua đi chú.
- Mà rầu quá con ơi, mua rồi sao mang về?
- Nhẹ mà chú.
- Hông phải, chú không biết đem về nhà rồi nói sao với con gái mình. Nó hổng cóthích cổ.
Rồi thấynhư được lắng nghe, chú rút ruột rút gan ra với thằng trai xa lạ. Nghe xong,tui cười "Con có cách rồi. Con sẽ giữ cho chú. Sắp tới ngày về, chú gọicho con, con sẽ ra dịch vụ gởi về Vĩnh Long cho chú. Chú về bển, vài ngày sausẽ nhận tại nhà, rồi đem qua tặng cổ".
- Nếu được vậy, chú mừng quá.
Chuyện làvầy,
Cô chú thương nhau từ hồi mười mấy. Nhà cũng gần nhau. Thương lắm, thề hẹn đủthứ. Nhưng ba má chú hổng ưng vì hai người không hạp tuổi. Họ chọn cho chúngười vợ ở xóm trên. Kể tới đây, chú nói chú hèn quá con, hông dám đấu tranhvới ba má mình để giữ người mình thương.
Lấy vợ màchú thấy có lỗi với người ta lắm. Khổ hơn nữa là người ta cứ ở vậy tới giờ,không chồng con gì, cứ thui thủi mình ên. Tới giờ này mà mỗi lần đi ngang nhàcổ, tim chú cứ thót lại, như đau một nỗi gì không thể gọi tên. Vợ chú cũnghiền, cũng thảo, sống riết chú cũng thương. Nhưng thương đó là thương cái nghĩachứ chẳng phải cái tình. Đêm nằm cạnh vợ mà nghĩ tới cảnh người mình thương gốilẻ, chú xót xa lắm. Thấy mình có lỗi với cả hai người đàn bà.
- Bà xã chúcó biết không?
- Biết chứ con. Cũng vòng vòng đó thôi mà. Bả biết mà hổng nói gì nên chú mớinể bả. Bả mất mấy năm rồi, trước khi mất, bả còn biểu chú thôi ông coi sao rồiqua với người ta đi, trả nợ tui nhiêu đó là đủ rồi.
- Thôi dù sao cô cũng đã mất mấy năm, giờ chú tới với người chú thương đượcrồi.
- Con chú nó hổng chịu, nó nói cổ làm khổ má nó. Chú có ba đứa. Nhỏ gái lớn bênnày, thằng giữa ở Sài Gòn, thằng út ở với chú. Hai thằng con trai không nói gìnhưng nhỏ con gái khó lắm. Nó nuôi chú...
- Tội chú quá. Tội cho cả ba người.
- Con có vợ chưa? Nếu thiệt thương hãy cưới nghe con. Đừng như chú. Nặng tìnhnặng nghĩa khổ lắm con. Nằm bên người này mà nhớ người kia khổ lắm con.
Rồi con gáichú tới đón. Tiễn chú ra xe, tui có tới chào chị và xin số phone với lý do làchú cháu mới gặp nhau nhưng thấy quý quá, muốn bữa nào gọi chị để qua thăm chúhoặc đưa chú đi ăn gì đó. Chị vui vẻ lắm. Đó là một người phụ nữ vô cùng lịchthiệp và đằm thắm. Thật ra, là tui muốn có một buổi nào đó, xin chị cái hẹn,ngồi nói chơi chuyện đời, chuyện người, chuyện tình... Và tin mình sẽ thay đổiđược cái gì đó.
Thương nhaumà ngang mặt hổng dám chào, nát bụng chứ chẳng chơi .


https://www.facebook.com/chris.le.98/posts/1299176323525777
***

Hôm nay có vài niềm vui
Niềm vui đầutiên là tui đã hẹn được con gái của ông chú Vĩnh Long. Và sau một buổi thật cởimở, thật chân tình, chị đã cầm cái giỏ xách màu mận chín hôm trước về cho chú.Rồi chị khóc. Trước khi chào nhau, chị còn biểu để cuối tuần sẽ đi lựa cho cổcái áo đẹp đẹp.
Tối nay, saukhi đi chùa, tui chạy ra biển, đến đài Đức Mẹ Long Beach. Nửa đêm, gió biểnthốc tê tái, trong cái ánh sáng lờ mờ của mấy ngọn nến ai đó thắp đầu hôm, tuithấy một dáng phụ nữ quỳ gục đầu dưới chân Mẹ,hai vai run run. Tới gần hơn, mới biết chị đang khóc, khóc nức nở. Đứng đợi hồilâu, chị cũng nín và ngẩng mặt lên. Quay qua thấy tui, chị quệt nước mắt. Tuibước tới,
- Khuya quá rồi, chị có lạnh không? Ngoài xe tôi cójacket. Tôi ra mang vô cho chị nhe?
- Cám ơn cậu, không cần đâu.
- Rất xin lỗi vì hồi nãy đã nghe lời nguyện cầu củachị. Chị xin Mẹ mang mình đi đúng không? Đừng chị. Mẹ chỉ ban phước lành thôi,không mang ai đi đâu hết. Tôi chắc rằng chị đang khó khăn lắm. Có thể trong mộtlúc nào đó, chúng ta thấy bế tắc nhưng thật sự là luôn luôn có cách chịà.

Chị lại bật khóc.
- Chắc chị đang cần một cái ôm hay một bờ vai? Tôicó đây.
Rồi tui dang tay ra...
Chiềunay, chị đón nhận tin dữ từ nhà thương. Đón nhận một mình. Rồi chị đi vô định,cuối cùng tới đây lúc nửa đêm.
Tui kể chị nghe chuyện bà nội mình tám mươi tuổi nhưng chiến đấu kiên cường làmsao để bây giờ khoẻ mạnh thế nào. Tui kể chị chuyện ba mình để chị tin phép màulà có thật...
Chị cứ trố mắt thật hả thật hả.
Rồicuối cùng, chị cũng đứng dậy lau nước mắt, vuốt tóc lại gọn gàng, và cười...

Nhã Uyên
10-19-2017, 04:14 AM
Cám ơn sôngthương đã mang bài về cho NU và các ace được đọc ké. Sông Thương đã xem phim Phố Hoài chưa? Xưa NU có coi phim qua YouTube nhưng bi chừ không biết anh ở đâu ... ú u ù anh ở đâu.

Nghi Bình
10-19-2017, 09:34 AM
Hi sôngthương, thấy tựa là "Kiếm Đạo" tuởng là truyện kiếm hiệp nên NB không bao giờ mở ra . Hôm nay thấy Nhã Uyên (hi Nhã Uyên :)), NB tò mò "ơ, NU cũng đọc kiếm hiệp ?" nên NB mở ra xem thì hỡi ơi, mới biết bao lâu nay NB bỏ lỡ bao nhiêu là bài hay :z51: ...

Bây giờ sẽ đọc từ đầu ... Cám ơn sôngthương :z57:

sôngthương
10-21-2017, 06:58 AM
Hi Nhã Uyên, Hi Nghi Bình , và các anh chị , các bạn ghé đọc truyện :z56:

St rất vui khi NU và NB ghé đọc truyện, St thích truyện ngắn nên truyện nào hay là đọc xong nhớ liền . Theo St , viết truyện ngắn khó hơn truyện dài , nên St chả viết được , chỉ đọc rồi mang về để mời cả nhà cùng đọc . Có được sự đồng cảm là St đã rất vui rồi , cảm ơn NU nhé và NB nhé :z57:

@ Nhã Uyên : Phim Phố Hoài St cũng đã từng xem, lâu rồi NU ạ , nhưng không thích bằng truyện, nhân vật đóng vai nữ chính là một phụ nữ xinh đẹp, nền nã . Tuy nhiên, phim không lột tả hết được cái thần của truyện (thường là vây) , truyện đậm đà, sâu sắc hơn . Nhưng phim ghi lại được khung cảnh Hội An , và những góc phố hẹp , tường đầy rêu , và đèn lồng , rất đẹp, rất Hội An . St tìm được link này,
http://hplus.com.vn/xem-video-clip-pho-hoai-40497.html

nhưng không xem được NU ơi , có thể vì cô Đạo diễn đã gặp rắc rối khi tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc .

@ Nghi Bình : Truyện kiếm hiệp hay lắm đó Nghi Bình , có lúc đọc say mê không dừng được luôn, và thường chứa đựng đầy triết lý , đầy những hỉ nộ sân si cõi người . Riêng chuyện Kiếm Đạo này được viết bởi chàng trai chỉ mới hơn 20 tuổi , là tài quá . St nghĩ, có thể tác giả đã chơi chữ đó NB, Kiếm Đạo không chỉ là thuật kiếm, mà có thể còn mang nghĩa là « kiếm tìm đạo lý » . Người dùng kiếm nên học đạo lý của việc cầm kiếm trong tay trước khi học kiếm pháp

St mời NU, NB và cả nhà xem tiếp truyện nhé !

sôngthương
10-21-2017, 07:00 AM
Ngày nắng đầu tiên

-Vô sân rồi – Quá đã ! - Thằng Quý nhảy cỡn lên
- Bên tau vô thềm rồi ! Nước vô nhà là giàu . Mai mốt nhà tau giàu hơn nhà mi – Thằng Tí nhà sát bên chõ miệng sang khoe. Con Tẻo em nó, quần xắn cao , đang mải mê vớt kiến bằng một thanh nứa.

Nhà tau giàu nhất ! – Thằng Được và ba em nó là con Mùa, thằng Khoai, con Lúa ré to, hí hửng đón nước vô căn nhà lụp xụp . Chúng cười toe tóet, thật khoái khi được nghỉ học, lội nước. Dòng nước đục ngầu đến đâu, chúng hoan nghênh đến đó . Chúng vừa bì bõm lội vừa đồng thanh ré : « Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống. Lấy nước tôi lội. Lấy nước thả thuyền ... » Chỉ có con Vàng nhà thằng Quý là cảnh giác với vị khách lạ. Nó đón làn nước đục ngầu lừng lững vào sân bằng tràng sủa ông ổng.

Chúng ngừng chơi khi mẹ thằng Tí về . Chị ướt đẫm, môi tím ngắt. Chỉ cái thúng đội đầu là khô ráo . Chưa kịp đặt thúng xuống chị đã hớt hải :

- Chết đến nơi còn chơi ! rứa cha bây về chưa ?
- Về rồi, nhưng lại đi đốn tre với chú Tư.
- Nước ri răng đốn được ? Rứa bây cho gà heo lên cao chưa ?
- Gà lên giàn củi rồi còn heo tha không nổi – Thằng bé phụng phịu.
- Chết cha rồi ! Heo con...

Chị Thiệt lội ào vô chuồng heo . Máng ăn, rơm, phân nổi lềnh bềnh . Ả lợn nái thòng hai hàng vú trong nước kêu ụt ịt không ngớt nhưng trên lưng ba chú lợn con vẫn hồng hào khô ráo. Chị phì cười :

- Mấy mẹ con mi giỏi thiệt !

Cái bàn duy nhất trong nhà được lật ngửa đặt trên bộ phản thành cái chuồng heo. Giường kê cao chất ngổn ngang khoai gạo, lúa giống…Nước lên mau quá. Cái hàng rào chắn với nhà thằng Quý đã biến mất trong nước . Mấy anh chị em thằng Được đã thôi cười. Chúng kinh hãi nhìn nước xóa dần ranh giới của những ngôi nhà. Một biển nước đục ngầu, cuồn cuộn, cuốn phăng phăng rác rưởi…

- Răng má chưa về ? – Con Lúa bốn tuổi níu áo anh nó mếu máo.

Thằng Được bắc loa miệng qua nhà thằng Tí :
- Thấy má con mô không thím Thiệt ơi ?
- Chắc về chừ! Chị Thiệt trấn an tụi nhỏ lẫn mình . Chị sốt ruột nhìn hoài ra cổng ngóng bóng chồng. Thằng Tí bỗng nhớ lại chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh. Nước dâng cao đến đâu, núi dâng cao đến đó. Nhưng bây giờ chỉ có thần nước hung hãn Đã thế, chúng còn rồng rắn hoan nghênh ông ta. Nó nhắm mắt, chắp tay lên ngực lầm rầm chuộc lỗi: “Lạy trời mưa tạnh, nước rút”. Con Tẻo hỏi :
- Anh mần chi rứa ?
- Tau niệm chú cho nhà mình lên cao. Mới đó mà nước mấp mé giường rồi !
- Rứa răng anh biểu nước vô nhà là giàu ?
- Thì nghe người ta nói. Ui ! Cha về ! Cha về !

Mẹ nó lội ào ra. Cha nó nước ngập tới bụng đang bặm môi cố đẩy hai cây tre vào ngõ. Chẳng hiểu bằng cách nào cha đã đốn và đẩy được tre về đây.
- Má thằng Tí ơi ! Lũ...lũ chứ không phải lụt thường mô ! Nước lên mau và mạnh lắm . E không thua năm Thìn
- Sắp tới ngày cả làng giỗ rồi. Dễ sợ cái năm Thìn ấy... ! Chị Thiệt rùng mình bỏ dở câu nói đi lấy áo cho chồng thay. Chồng về, chị như trút được khối đá đè trên ngực. Còn lại...nhờ Trời.

Anh Thiệt không kịp nghỉ đã bắt tay làm giàn . Anh gác hai cây tre lên xà nhà và ô ừngthông gió rồi thả lên đó cái giường tre, buộc chặt, chắn ván quanh như cái cũi . Khi anh Thiệt làm xong thì nước đã lấp lửng cửa sổ . Lại ra sức kê gác để cứu lũ gà, heo...Trong mắt thằng Tí, cha nó đúng là Sơn Tinh . Mưa vẫn xối xả. Nuớc tứ bề, cứ dâng, dâng mãi...Trong mắt Sơn Tinh, lo lắng cứ hiện dần . Thằng Tí đã thấy sợ, nó ngồi trên chiếc giường tre nhìn qua nhà thằng Quý . Thằng Quý bảo nhà nó có xuồng, có gì lên xuồng bơi ra Đà Nẵng. Nhà nó không có xuồng , nếu nước lên thấu cái dàn tre thì...

Con Tẻo nhăn nhó :
- Em không thích lụt nữa ! Em sợ chết trôi.
- Tau cũng rứa.

Để trấn áp nỗi sợ, thằng Tí lại vạch quần ra đái . Đang đái, nó bỗng nghe tiếng thằng Được vọng qua :
- Chú Thiệt ơi, má cháu chưa về !
Giọng nó mưa tại liêu xiêu, run run, ướt đầm . Anh Thiệt dừng tay hét qua :
- Đừng sợ, để tau qua .
Quay qua vợ, anh bảo
- Tui phải qua coi răng, toàn tụi lít nhít , không có người lớn . Má thằng Được chừ chưa về thì lội răng nổi. Có chi ăn gói cho chúng một ít.

Lát sau thấy con Lúa ngồi trên mặt nước còn thằng Khoai ngồi trên miếng xốp bự lù lù tiến vào sân như con Thủy thần . Đến gần mới thấy anh Thiệt. Nước đã ngập đến cổ anh . Con Lúa ngồi trên vai ngó xa như ngồi trên nước.

Chị Thiệt nhăn nhó :
- Mình lo không xuể, còn...
- Má hắn chưa về, khóc như ri . Không cứu thì ai cứu ?
- Còn hai đứa tê ? Chị Thiệt hỏi .
- Tui lót ván lên xà nhà bồng chúng lên đó rồi, để gói khoai bên cạnh . Còn hai đứa ni , anh hắn lo không nổi mô, đem qua đây sống chết có nhau. Má hắn không biết ra răng ?

Chị Thiệt im lặng, lũ trẻ ngồi trong cái cũi tre ngó qua nhà thằng Quý . Nhà nó đang sửa sọan đi .

Chiếc xuồng hiện ra, mỏng manh như chiếc lá mà lại chở đủ thứ - người, lợn và cả chiếc Honda mà cha thằng Quý thường chở ra Đà Nẵng bán . Thằng Quý bắc loa miệng chào :
- Tí Tẻo ơi ! Được Mùa Khoai Lúa ơi ! Tau ...đi... đây !

Nó vẫy vẫy. Tụi nhỏ cũng vẫy lại rồi chiếc xuống khuất bóng . Khỏang hai tiếng sau, chính thằng Tí phát hiện ra chiếc xuống . Nó theo dòng nước réo sôi trở lại chỗ cũ, nằm úp bụng trên nước , mũi mắc vào chạc cây sầu đông đầu ngõ mà sáng nay hai đứa còn trèo lên đái tong tong xuống nước .

- Cha ơi ! ... – Thằng Tí líu lưỡi đưa tay chỉ chiếc xuồng trên nhánh cây .
- Họ mô hết rồi ? – Con Tẻo hỏi nhưng không ai trả lời nó .

Đêm dài vô tận, cả sáu người ôm nhau trên chiếc giàn tre vẫn không vơi niềm sợ hãi . Anh Thiệt dở mái thò đầu ra mong thấy bóng thuyền cứu hộ. Thằng Khoai, con Lúa gọi mẹ khắc khoải . Nước lần lượt dìm mọi thứ. Mẹ nó khóc òa khi tiếng ụt ịt của con lợn nái tắt hẳn. Tiếng tru thảm thiết và vô vọng của con Vàng nhà thằng Quý thì cứ dập dềnh đâu đó trên mặt nước . Rồi đến bao lúa, bao khoai trôi vun vút như những chiếc thuyền giấy nhẹ tênh...Tiếng mưa không át nổi tiếng khóc sợ hãi của mấy đứa nhỏ và tiếng kêu cứu vô vọng của ngàn vạn sinh linh trong biển nước hãi hùng. Trong tiếng mưa và tiếng nước réo , thằng Tí vẫn nghe mồn một tiếng thằng Quý : « Tí Tẻo ơi ! Được Mùa Khoai Lúa ơi ! Tau ...đi... đây ! »

Những gì diễn ra sau đó đều tựa như một giấc mơ – ca nô cứu hộ, mì gói, áo quần , những đoàn người nối nhau về xã cứu trợ ...Căn nhà rẽa rệu của bốn anh em Được, Mùa, Khoai, Lúa được dựng dậy nhưng nó tựa như cái xác không hồn . Chủ nó không về, người ta chưa tìm thấy xác chị nên những đứa nhỏ không tin mẹ chúng chết vẫn ngồi trước cửa đợi . Bốn đứa mặc áo quần cứu trợ dài lòng thòng , mì gói cầm tay, vừa ăn vừa khóc gọi mẹ. Sinh vật duy nhất còn sót lại của thằng Quý là con Vàng . Nó bị nhốt trong nhà, trôi loanh quanh rồi tấp vào đâu đó , vẫn sống . Lũ rút, nó đi khắc xóm tìm chủ rồi trở về, gối đầu lên lớp bùn non buồn bã từ chối mọi thứ người ta cho.

Ngày nắng đầu tiên, nhà nhà đem phơi tiêu điều mất mát . Thằng Tí, con Tẻo nhập vào bầy con nít chạy khắp nơi coi các anh bộ đội , các đoàn thể thanh niên lợp mái, sửa nhà hộ dân . Các đoàn cứu trợ tới tấp ghé nhà Được Mùa Khoai Lúa . Chúng bơ vơ ngơ ngác giữa đống quà ngổn ngang . Thằng Được mười một tuổi trở thành chủ hộ của gia đình bốn khẩu . Tuổi thơ nó đã trôi theo dòng nước lũ .

Cô giáo đi thăm học trò, mắt cô đỏ hoe. Cô bảo nước không chỉ cuốn trôi một đứa trong lớp cô mà còn cuốn trôi tháng năm cắp sách của cả chục đứa nữa . Sau lũ, chúng không tể đến trường . Tụi học trò đem sách vở ướt sũng ra phơi . Chữ đi theo lũ chỉ còn những trang giấy bạc thếch nhão nhọet chạm vào là rã - Bữa ni cô hết dò bài – Chúng hồn nhiên an ủi nhau.

Cả xóm còn một cái cặp duy nhất căng phồng sách vở , hoàn toàn nguyên vẹn khô ráo được tìm thấy trong ngày nắng đầu tiên ấy . Đó là cái cặp của thằng Quý , treo tòn ten trên nóc nhà . Người ta đem nó xuống . Con Vàng đang nằm phục trước hiên bỗng đứng dậy ngửi ngửi cái cặp, bảo vệ nó bằng hàm răng nhọn hoắt rồi nằm gối đầu lên đó, ngóng ra cổng . Thấy thằng tí, nó vẫy đuôi nhè nhẹ chào buồn bã . Thằng Tí loanh quanh trong không gian quen thuộc nay bỗng xa lạ vì sự im lặng ngự trị . Bặt tiếng người nói, tiếng con gà gáy , tiếng ngọn rau thở, tiếng sắn khoai phập phồng trong đất ...Nó thơ thẩn trong vuông sân gạch mẹ thằng Quý thường phơi lúa còn chúng dùng đánh đáo, đá banh. Sân nắng chang chang . Nắng đẹp lạ thường, vàng rực . Nắng phơi khô lớp bùn như chuộc lỗi . Nắng tươi rói như nụ cười làm lành của Trời Đất sau cơn giận nhau . Ở cuối sân, nó cúi xuống nhặt một vật gì đó tròn tròn bọc trong bùn . Nó gỡ bùn và nhận ra đó là viên bi đá của thằng Quý, viên bi thần kỳ mà bọn nó vẫn dùng nẻ đôm đốp những hòn bi chai óng ánh đẹp đẽ của chúng nó . « Bi vua đây. Chấp mọi bi chai, bi nhựa, bi đất sét... ». Miệng thằng Quý toét đến mang tai . Cha nó bảo làm ăn ra nhờ nụ cười của nó . Cứ thấy thằng Quý lên bảng là cả lớp không thể nín cười dù hắn sợ cô bặm chặt môi lại , nghiêm trang như ông phổng. Khi ông phổng thành ông Địa cả cô giáo cũng hé môi cười . Bây giờ, bạn nó đang đứng trước nó , nụ cười nở ra như đóa hoa dị thừơng trong nắng nhưng lại khiến nó mếu . Tảng núi nhỏ đè nặng trên trái tim nó bỗng quẫy cựa rồi cứ chuyển động dần lên phía họng khiến nó nghèn nghẹn . Nó ngồi xuống bên con Vàng, giơ cho con chó thấy cái vật nó vừa nhặt được . Con chó thè lưỡi liếm hòn bi , liếm cả tay nó . Cục nghẹn bóp chặt cuống hầu nó bỗng bật ra rồi phăng phăng tuôn thành dòng sông nước mắt .

Khi anh Thiệt gọi thằng Tí về ăn bữa cơm trắng đầu tiên, thấy trong mắt con nước lũ lại dâng đầy...

Quế Hương.

sôngthương
10-26-2017, 08:39 PM
Chị Ngô Đồng :z57:, chị Thuỵ Khanh :z57:
-----------------

Má ơi, đừng mót lúa...

1. Nhà làm ruộng, năm đứa con. Ruộng cộng dồn hết miếng to miếng nhỏ miếng vừa cũng chỉ có bảy sào thiếu, không hơn.

Vậy nên gặt xong lúa nhà là má xách bao đi mót lúa. Má bảo làm ruộng giỏi lắm lấy công làm lời, muốn có hột lúa bán cho bây ăn học thì phải làm thêm. Ba cằn nhằn, bà cứ đi mót hoài người ta cười cho. Má chống nạnh, long mắt: Cười hở mười cái răng, ông sợ cười thì cứ ở nhà, tui đi…
Má mót lúa “nghề” lắm. Xong mùa, lúa mót để dành đủ ăn, lúa nhà gặt đem bán lo giỗ chạp, học hành, phân thuốc. Khó tin phải không?
Lũ bạn ở trường nghe tôi kể chuyện không đứa nào tin. Chúng bảo tôi điêu. Lúa mót thì được mấy hột mà “để dành ăn”?
Đứa ác miệng hơn: Vậy chỉ có nước má mày đi… gặt trộm! Hi hí, ha há. Tôi quăng cặp, xông vào đấm cái thằng nói đểu chảy máu mũi. Giằng co, túm tóc lôi vai, nện qua nện lại chí tử.
Lũ nhỏ quây vòng ngoài hò la “trợ chiến” như đang xem gà chọi, mãi cho đến lúc bác bảo vệ phát hiện, chụp đầu hai đứa lôi ra mới thôi.

Ta/địch đồng bị điệu lên văn phòng, đồng bị “giũa” te tua, bắt viết kiểm điểm. Bên can tội nói năng xúc phạm người lớn; bên can tội… manh động, chưa gì đã “động thủ”, con gái con đứa chi mà hung tợn dữ dằn!

Chiều về, má ngán ngẩm nhìn khuôn mặt tôi tím bầm, nhìn chiếc áo sơmi rách toạc, lấm lem. Nghe thủng chuyện, má không đánh, chỉ chép miệng thở dài: Toi công một ngày mót lúa của tao rồi, con ơi…

2. Nói má mót lúa “nghề”, đủ gạo ăn cho cả nhà không ai tin cũng phải thôi. Không tin, cho đến khi tận mắt chứng kiến!
1.001 cách thế (nhưng không có cách nào “phi pháp” như thằng bạn trời đánh của tôi nói láo). Nói đi mót không chỉ là nhặt nhạnh lúa rơi, lúa sót sau lưng người gặt; gặp thời cơ, má còn xin chủ ruộng cho vào gặt phụ. Má gặt giỏi, chủ nào cũng ưa.
Hết đám được cho nguyên bó lúa (tự gặt, tự bó) coi như trả công. Đương nhiên khá hơn chuyện đứng ngoài mót “chay”. Ngày chưa có máy tuốt, lúa gặt về đạp chân sót dính thóc nhiều, má xin rơm đi đạp lại.

Hai bàn chân má lúa cắt rớm máu, nát bươm, chiều về không dám nhúng chân vô nước. Có máy tuốt rồi má xin giũ lại rơm tận thu lúa rớt. Núi rơm to đùng, phải thức trắng đêm giũ lẹ kẻo ngày mai chủ rơm mang phơi thì hết ăn.
Được non thúng thóc, nhưng má gầy rộc, chân bước liêu xiêu vì thức đêm nhiều. Kệ tao, không chết đâu. Bây ăn lúa mót mà học cho… hay là tao ưng.

Hết mùa, má đi rê lúa lép. Những đống lúa lép đổ dồn ra ruộng, ra vệ đường, ra mé sân kho chờ “hỏa thiêu”.
Đợi trời gió to, má cùi cụi mang thúng mang nia xúc lúa lép đem rê. Đống lép bự rê đi rê lại mãi cũng chỉ được vài tô lúa lừng (*). Chị Hai xúc lép mỏi tay, bức xúc giậm chưn giậm cẳng càm ràm. Má “vỗ an”: Kệ, có còn hơn không.
Của đi mót có đâu đòi nhiều con. Kiến tha lâu đầy tổ… “Đầy” thật. Xong mùa, nhà có đến mấy bao lúa lừng chất nguyên góc bếp. Chẳng hiểu má rê hồi nào mà ra được từng ấy lúa. Lúa lừng má đem nuôi gà vịt.

Lũ gia cầm lớn nhanh, giáp tết mang ra chợ bán được bộn tiền, có sắm tết. Má cười: Bây còn chê lúa lép nữa không…
Nhà con năm đứa má cho đi học đủ năm. Ra mỗi điều kiện: học sao học, mỗi năm một lớp, lưu ban là nghỉ. “Xui” cho má, chị em tôi nhất định không đứa nào chịu lưu ban!

3. Tôi lên trung học phổ thông, lọt được trường chuyên. Học khá, xinh gái nên bạn bè đông, nhiều trai ngấp nghé.
Bạn mới đa phần con “đại gia”, quần là áo lượt, bạc tiền rủng rỉnh. Tôi bức xúc chuyện xe cộ cà tàng, áo quần lỗi mốt về ì xèo với má.
Má hỏi tỉnh: Mầy tính đi học hay đi đàn đúm? Lên trường học giỏi người ta khen hay áo quần là lượt người ta khen con? Thằng bạn trai chung lớp, “đại gia” xóm bên vô tư: Hôm qua gặt ruộng nhà, tui thấy mẹ bạn có qua mót lúa….

Cười rần cả đám. Tôi sạm mặt, về khóc, má đừng đi mót lúa nữa, con mắc cỡ với bạn… Má trợn mắt, nổi điên, không mót thì mày… cạp đất ăn đi học chắc?
Tao đi mót lúa chớ trộm cắp của ai mà mày xấu hổ? Cái thân mày, bữa nay trắng da dài tóc, chữ nghĩa bằng ấy là nhờ lúa mót đó con! Không học nữa thì… nghỉ! Khỏi nói oong đơ...
Tôi lủi thủi đạp xe lên trường, vừa đi vừa hù hụ khóc...

4. Chúng tôi tốt nghiệp ra trường, có công việc, vợ chồng, con cái, nhà cửa riêng. Làm công chức nên không có ruộng, má không cho mua gạo ăn.

Má bảo lương ba đồng ba cọc, gạo mua đắt đỏ, ăn nhanh hết lại không tốt bằng gạo nhà. Về má lấy gạo ăn. Tao bán rẻ cũng tiếc, thà cho con cháu ăn. Bây làm có đồng tiền thì phải biết chắt chiu, phòng lúc bệnh đau… Chí lý.
Mỗi bận về thăm má, tôi mang bao theo, tỉnh bơ xúc gạo cộ về. Chồng tôi cự, đã không đem cho ba má thứ gì còn lấy gạo! Tôi cười toe, yên tâm đi, nhà em làm ruộng lúa nhiều, ba má già, ăn có bao nhiêu…

5. Tôi tập huấn chuyên môn dưới phố. Trưa, tranh thủ về thăm nhà. Ngày mùa, nhà cửa vắng hoe. Sang hàng xóm hỏi thăm người ta bảo má ra đồng.

Lúa nhà cháu gặt xong lâu, má cháu ra đồng chi? Trời, bộ mày… trên núi mới xuống sao? Chưa gặt/gặt xong gì bả (**) chẳng ra đồng. Đi mót chớ đi đâu. Xứ này mót lúa ai qua nổi má mày hả con?

Tôi về. Tháng 4 đầu hạ đổ lửa chang chang. Nhìn ra cánh đồng ngùn ngụt nắng vắng hoe, thấp thoáng một hai bóng người cô độc lui cui giữa rạ rơm. Má ơi…

Tôi bật khóc.
_________
(*): Lúa lép nửa hạt (phương ngữ Phú Yên)
(**): Bà ấy (phương ngữ Nam - Trung Bộ)
http://tuoitre.vn/truyen-ngan-1200-chu

hoài vọng
10-27-2017, 03:09 AM
Sông Thương ! Tương lai phải trông nom cháu ngoại nữa rồi :z51:

sôngthương
10-29-2017, 12:19 AM
Sông Thương ! Tương lai phải trông nom cháu ngoại nữa rồi :z51:

Dạ, anh Hoải Vọng. Đa số các bà mẹ Việt Nam thường tần tảo cả một đời , rồi sau đó sẽ là “ Bây giờ mẹ nằm , lá đổ ngoài sân , để ru mẹ ngủ” (TCS) :z51:

St mời anh và cả nhà đọc tiếp truyện nhé

---------------

Bờ sông

Sự lãng mạn sẽ kết thúc khi chúng ta đi hết con đường bờ sông.









Anh biết như thế. Và anh không quên dặn em rằng chỗ đó có mùi hôi, nhất là vào những buổi chiều, trước giờ thủy triều lên, nước cạn và chảy lừ đừ như một dòng nhớt thải luênh loang, đen sì.

Em cũng biết điều đó. Nhưng em vẫn lẩm nhẩm trong miệng, vừa đủ để anh nghe một đoạn trong bài Hẹn hò của Phạm Duy mà mẹ hay hát: “Một người ngồi bên kia sông buông theo nước cuồn cuộn mau / Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào”.

- Thơ mộng dữ anh há! - em nói và chỉ vào một cái túi nilông màu trắng nổi lềnh bềnh trên sông. Không trôi cũng chẳng phải dừng.

- Ừm - anh phụ họa - cứ như trong bài hát mà em đang hát. Một bài tình ca buồn và lãng mạn da diết.
- Mà sao anh biết chỗ này hay vậy?
- Anh từng đến đây...
- Với những cô khác chứ gì?
- Thì là... mà chuyện đó quan trọng gì. Bây giờ anh đang sống với hiện tại, với em, với tình yêu của chúng ta.
- Anh thề đi. Nếu có bề gì là chúng ta sẽ chọn chỗ này để chết đó nghe.

- Vì sao? Cuộc sống vốn thay đổi - anh nói câu đó và định sẽ nói một câu khác có vẻ triết lý hơn, một câu nổi tiếng của Heraclitus, đại khái không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông, nhưng anh kịp dừng lại bởi vì không nên hình dung đến chuyện tắm táp với bất kỳ lý do nào trong tình trạng dòng sông như thế này, dù là sự tắm theo nghĩa triết học. Và thay vì dẫn câu triết lý trên, anh nói một ý mà anh biết là sáo rỗng, nhưng em, cũng như những cô gái trước đây, sẽ thích - Cuộc sống luôn thay đổi nhưng anh luôn yêu em.

- Nắm tay người ta đi.

Anh làm theo đề nghị của em như kẻ lệ thuộc tuân theo một mệnh lệnh. Cái gì đến thì phải đến. Anh nhìn về phía dãy nhà nghỉ cho thuê theo giờ bên kia sông.
Anh thở đều và sực nhớ mình chưa ghé tiệm thuốc tây mua bao cao su.
*
- Chỉ nắm tay và hôn thôi thì có bầu không vậy mẹ? - con gái hỏi.
- Không - bà mẹ vừa nói vừa làm bếp - Ủa, vậy mày cho nó nắm tay và hôn rồi sao?
- Dạ. Con chỉ cho phép chừng đó, nhưng anh ấy còn làm nhiều chuyện khác.
- Việc khác là việc gì?
- Dạ, là anh ấy vò chỗ này - con gái nói và chỉ lên hai trái đào căng trên ngực.

Bà mẹ dừng tay dao đang chặt chém khúc xương đùi heo, nhìn thẳng vào mắt con gái:
- Chết rồi, nó còn làm gì nữa không, nói cho mẹ nghe.
- Dạ, ảnh bật điện thoại lên để trên bàn quay phim rồi cho bàn tay vào trong váy của con. Như vậy thì có bầu không mẹ? - mắt nó vẫn đăm đắm ngờ nghệch như có một đám mây bay lửng lơ.

- Nếu bỏ cái tay thôi thì không sao. Mà sao mày cho phép nó làm chuyện đó? Con cái gì mới tí tuổi đã mê trai để bị lợi dụng.
- Dạ không, tụi con yêu nhau - con gái rướn cổ nói.

Bà mẹ thấy mắt nó đã hơi ướt, cổ nổi lên một sợi gân xanh xanh. Bà thở dài, rồi dịu giọng:
- Rồi, con gái của mẹ, nó có làm gì nữa không? Ý là sau khi cho cái tay của nó vào trong váy của con ấy...

Con gái đỏ mặt, sượng sùng. Nó khóc:
- Mẹ ơi, con không biết. Làm ơn đừng có tra hỏi con nữa. Con không biết như vầy thì có bầu hay không.

Tay con gái vân vê vải áo trước bụng. Mắt nó sũng nước. Môi nó mím chặt để không bật ra tiếng khóc. Và lần này thì bấy nhiêu thông tin thu thập đã cho người mẹ một linh cảm rất xấu.
- Nó là thằng nào, con nhà ai, ở đâu?
- Con không biết. Tụi con mới chỉ gặp nhau lần thứ hai.
- Phây của nó là gì?
- Hoàng Tử Mưa Xanh.

- Chết rồi con ơi, sao chỉ mới gặp nhau có hai lần mà tụi mày đã...
- Tụi con đã yêu nhau qua Phây lâu rồi. Tụi con nhấn like mọi thứ thuộc về nhau. Mẹ làm sao hiểu được.
- Thôi, giờ vầy, để mẹ nói cho con nghe. Có cách nào để hẹn hò cho mẹ gặp thằng đó không?
- Dạ có, chiều nay tụi con hẹn gặp để hỏi vụ này.
- Vụ này là vụ gì?
- Con sợ bị có bầu. Con phải hỏi ảnh. Qua Phây ảnh không chịu trả lời.

Giọng con gái nghẹn lại. Bà mẹ dồn hết mớ xương ống vô nồi áp suất rồi xả nước lạnh rửa tay. Bà vuốt ve trên bờ vai xo ro của nó, gỡ mớ tóc xơ rối trên lưng nó, rồi nói: “Để mẹ lo vụ này cho”. Con bé chợt rùng mình. Nó thấy lạnh rúc trong lưng sau câu nói vắn gọn đó của mẹ nó.

***
Tháng bảy âm. Mưa. Trận mưa khan không đủ để làm đầy con sông đen ngòm, trơ đáy.

Anh nói cho em nghe một chuyện quan trọng. Ngày mai anh sẽ đóng Phây. Có gì em cứ liên lạc với anh qua điện thoại. Em đừng kêu mẹ em đến đây nữa làm gì, nếu muốn cuộc tình chúng ta vẫn tiếp tục. Và như mọi khi, chúng ta sẽ hẹn nhau vào mỗi buổi chiều. Ở đây. Ngắm dòng sông. Anh uống cà phê đá, em uống nước chanh dây. Rồi sau đó, vẫn ở khách sạn cho thuê theo giờ Bên Sông. Em đừng lo nghĩ gì cả. Em đã mười tám tuổi từ lần đầu mình vào đó. Còn anh đã hăm ba tuổi. Tụi mình cũng đã yêu nhau trên Phây lâu rồi chứ có phải ngày một ngày hai.

Anh nhắc lại, đừng để mẹ em đến quậy anh. Bà ấy hiểu cái gì mà dám can thiệp vào tình yêu đẹp của chúng ta.

***
Thủy triều lên. Khúc sông nhuộm hoàng hôn đỏ. Mùi nhợn tanh vẫn còn váng vất trong gió.

Nó không mảy may gây dị ứng với những buồng phổi đã quen của những cư dân nơi đây. Nó trở thành một thứ mùi trung tính với họ. Họ như lũ cá đã quen lội trong vùng nước đó, vẫn lầm lũi sống, tìm thức ăn, đẻ trứng, sinh sôi.

Người mẹ thắp nhang lầm rầm khấn dưới gốc cây.
Rồi đội nón ra về.

http://tuoitre.vn/truyen-ngan-1200-.htm (http://tuoitre.vn/truyen-ngan-1200-bo-song-979534.htm)

sôngthương
10-31-2017, 11:12 PM
Hoa phù dung dưới núi

TRẦN THÙY MAI Khi mới vào tu học, tôi được giao chăm sóc vườn hoa trước chùa. Tên vườn là Vô Ưu, nghĩa là không phiền não. Vậy mà tôi đã bắt đầu ưu phiền từ đó. Tiết mạnh xuân, thầy tôi cho dựng thêm mấy nếp nhà cỏ men hồ. Đệ tử dạo này đã hơn mười người, phải có chỗ để tĩnh tâm, tụng niệm. Mỗi nếp nhà được đặt một cái tên. Nhà tôi ở ngay bên khóm hoa súng tím, gọi là Lăng Hoa Cốc.



Giữa những sơn cốc nho nhỏ hiền lành là khoảng đất vừa khai hoang. Chúng tôi trồng những thứ cỏ cây mà khách hành hương đem tới. Một hôm tôi hỏi: “Bạch Thầy, người ta nói Phù dung sớm nở tối tàn, nó vô phước vô phần, không phải là hoa dâng Phật. Mình có trồng không?”. Thầy bảo: “Thế nào là hữu thế nào là vô, thế nào là sớm thế nào là tối, người đời có lý giải được chưa, sao lại đem gán cho hoa?”

Tôi vào chùa sau chót, ai cũng là sư huynh, ai cũng được hầu thầy còn tôi chỉ có việc loanh quanh trong vườn, không mấy khi lên chính điện. Hóa ra nhờ vậy tôi được gần thầy hơn ai hết. Sớm, chiều, thầy xuống thềm, thăm cây, có lúc cùng tôi tưới hoa. Rủi cho tôi, tươi tốt chưa bao lâu thì có lũ bọ vàng từ đâu bay về. Giống này đặc biệt thích những cánh hoa mỏng và có vị ngọt. Hoa Phù dung hồng, hoa Nương tiêu tím bị chúng ăn như ăn rau. Một góc vườn đang rợp hoa, chúng bu lại nửa giờ sau chỉ còn một đám lá xơ rơ tơi tả. Tôi điên lên, cầm cái chổi tre, thấy con nào sán đến là vung lên đập. Những con bọ nát bét trên mặt đất, máu của chúng tím như nước mồng tơi bắn ra, dính cả vào áo tôi.

Sư huynh Đăng Minh nhìn thấy, bảo: “Vì cái đẹp mắt trong một buổi, mà giết mỗi ngày mấy chục mạng, có đáng không?” Tôi đang tức, dang tay vun vút đập thêm cả chục con. “Thứ đồ phá hoại này, để làm chi hại đời”. Đập mãi không tiệt nọc, tôi hùng hổ vào gặp thầy, xin tiền mua thuốc trừ sâu. Các sư huynh ngồi đấy đều cười. Tôi càng tức. “Con bọ có mạng sống vậy bông hoa không có mạng sống ư? Bạch thầy, xin thầy giảng cho con nghe phải làm sao? Giết bọ cứu hoa hay bỏ hoa để nuôi bọ?”. Thầy mỉm cười bảo tôi: “Việc có chừng đó con không tự ngộ được sao?”. Tôi thở hắt ra: “Con xin chịu!”. Thấy tôi bực bõ như vậy, thầy bảo thôi, ngày mai giao vườn cho người khác, tôi vào làm thư ký giúp thầy.

Thầy viết sách, soạn kinh, lúc nào cũng viết trên giấy trắng. Chùa xa không có điện, không có máy vi tính. Bản thảo của thầy, tôi đem xuống phố đánh máy cho người ta đem in. Nhiều khi thầy làm tôi buồn lòng. Tiền đánh máy đem đi bao nhiêu, đánh xong hết bao nhiêu, mỗi ngày thầy đều đếm trang, bảo tôi kê khai rõ. Thấy tôi buồn lộ rõ trên nét mặt, thầy hỏi. Tôi thưa: “Thầy giao cho Đăng Minh cầm tiền triệu đi mua sắm, không bao giờ hỏi. Chúng con đều là đệ tử của thầy, sao phân biệt như vậy?” Thầy đặt bút xuống, nhìn tôi. Trong chùa, chỉ có tôi là dám hỏi vặn thầy như thế. Thấy thầy không trả lời, tôi lại cố hỏi. Thầy bảo: “Con không tự biết mình, dù thầy có nói tại sao, chưa chắc con đã cam lòng”. Ngày mai, thầy để tôi tự ý, không xem xét gì nữa.

Có lần thầy hỏi: “Con ở chỗ sơn lâm, bây giờ ngày nào cũng vào phố, lên mạng, có bỡ ngỡ không?”. Thầy e bước vào một thứ phương tiện hiện đại mới mẻ như computer, tôi không bắt kịp. Đó là vì thầy không biết đó thôi. Trong cái máy tính kia còn có những thế giới huyền ảo xa xưa hơn cả mái chùa trong sơn ao này... Thầy không biết, những ngày này, qua phép màu của game online, tôi đang ẩn náu ngay trong Tàng kinh các của Thiếu Lâm tự.
Tên ác ma đã chạy rồi, nhưng Lăng Hoa Tử, tức là tôi, vẫn mải miết đuổi theo. Tiếng chân, tiếng hú của địch nhân vang dội trong núi rừng. Mặc. Tôi ráo riết. Không thể tha cho hắn. Mới vừa rồi hắn đã khống chế cô gái tội nghiệp, bắt quắp vào nách mang đi.

Tôi vung kiếm. Hắn mặc giáp sắt. Nhưng kiếm của tôi là thanh kiếm bén, đoạt được sau nhiều lần trừ gian diệt bạo lắm rồi. Máu tóe ra từ bụng hắn, đỏ bầm, tung tóe từng chấm lai láng trên màn hình tinh thể lỏng... Cô gái tạ ơn tôi. Cô ta xưng tên là Dung muội, cũng là một nữ kiếm thủ. Nhìn khăn áo và khí giới của nàng thì cũng biết là vào làng game thủ từ lâu rồi, dù bản lĩnh không bằng tôi. Nguy rồi, tình huống mới đã xảy ra, từ bốn nẻo rừng, bọn ác nhân bịt mặt đang túa ra. Dung muội bảo tôi: “Muội phải cắm vào sọ chúng nó mấy chiêu Cửu âm bạch cốt trảo. Huynh giúp muội một tay nhé”.
Lúc đó đã đến giờ về chùa. Dung muội rỉa tôi là đồ nhát như thỏ đế, thấy lũ bịt mặt thì hoảng nên chạy làng. Tôi phân trần một lúc mới out được... Về đến chùa, trời đã tối. Tôi ngồi ăn một mình trong Lăng Hoa cốc. Những chiêu kiếm loang loáng trong tâm trí. Thầy bước vào cốc mà tôi không hay. Thầy gọi: “Phước Tuệ!” Tôi giật mình, buột miệng: “Có tại hạ”. Thầy đến sát một bên rồi mà tôi vẫn còn thấy Dung muội cầm kiếm chạy băng băng trước tên ác ma. Mãi khi thầy vỗ lên vai, tôi mới sực tỉnh: “Dạ, thầy gọi con?” Thầy ngồi xuống chiếc chiếu trải giữa nền ván, gọi tôi đến ngồi trước mặt, niệm chú lâm râm rồi nhẹ nhàng đặt tay lên trán tôi. Thầy bảo: “Ngày mai là bắt đầu mùa an cư. Thời thầy mới xuất gia, ba tháng an cư không ai được ra khỏi chùa, ai cũng phải an tĩnh để trì tụng. Nay khác rồi, có công việc thì đi, nhưng phải về chùa trước sáu giờ chiều”. Tôi nghe, nhướng mắt kinh hoàng, vẻ mặt tôi khi đó chắc nhuốm sắc khí mơ màng của người say thuốc.

Tuy vậy, tôi cũng giữ ba tháng an cư không sai phạm điều gì. Dễ lắm, những bài giảng Phật pháp của thầy, tôi thuê người ta đánh máy hết. Thời gian của tôi dành để lang thang hành hiệp, cùng Dung muội lên núi cao, xuống vực thẳm, có khi rơi vào hầm bẫy của bọn hắc đạo. Dung muội bản lĩnh còn non, bởi thế rơi vào cạm bẫy bọn ác tăng không biết bao nhiêu lần. Tôi thì cao tay hơn. Bây giờ, trong võ lâm giang hồ, nhiều thằng ác ma thấy Lăng Hoa Tử xuất hiện liền phải năn nỉ: “Lạy anh xin tha cho em”. Tha sao được, thằng này chính là thằng dâm tặc luôn đón đường bắt cóc Dung muội. Tôi mắng nó: “Tao chờ mày để giết lâu rồi”. Kiếm tôi vung lên, xọc ngay vào bụng thằng ác. Máu nó túa ra, bắn những giọt đỏ tươi trên màng hình tinh thể lỏng. Sao nó giống những tia máu màu tím mồng tơi của lũ bọ vàng tôi đã đập chết vô cùng. Một cảm giác cuồng hăng ào lên, tôi vung kiếm bốn phương tám hướng, xọc vào bụng tên này, chém rụng đầu tên kia, tôi dũng mãnh vô song, tôi là vô địch...

Giữa mùa an cư, thầy cho đệ tử họp lại trước chính điện. Chúng tôi được nghe tam quy và ngũ giới. Sát giới, sắc giới, tửu giới... Ha ha, có bao giờ thầy tưởng tượng được Phước Tuệ này đi dung dăng dung dẻ với cô bé Dung muội nẩy lửa từ núi cao đến vực sâu, chém rụng không biết bao nhiêu là cái đầu và nốc bao nhiêu bình mỹ tửu để luyện “túy quyền”... Nhưng đâu có can gì, đó là trò chơi mà, đâu phải thực. Sự thực tôi vẫn mỗi ngày trì giới ở đây, mỗi ngày từ chùa vào phố đến ngồi trước cái máy tính hiền lành, chiều lại về đúng giờ. Sư huynh Đăng Minh bạch thầy: Phước Tuệ siêng năng việc Phật sự, giữ đúng thanh quy, công việc đánh máy thầy giao chưa bao giờ trễ nải. Thầy nghe, lặng im không nói gì.

Sau này tôi tự hỏi: Lúc ấy sao thầy im lặng? Nếu lúc ấy thầy nói thì có thể chuyện sẽ khác đi? Nhưng thầy tôi vẫn bảo: Ngăn dòng nước chảy có ích gì? Lúc ấy, trong tôi không phải dòng nước, mà một dòng thác đang cuồn cuộn ập xuống.
Tôi dần dần nổi tiếng trên chốn giang hồ. Điểm chơi của tôi đã ngoài bảy trăm. Uy tín một cao thủ võ lâm đâu cho phép dừng tay gác kiếm mỗi lần đến giờ về Lăng Hoa Cốc. Mùa an cư chưa dứt mà giờ tụng kinh ở chùa dần dần vắng bóng tôi... Một chiều, mải chạy tìm tung tích Dung muội trong trại giặc, đến khi giải cứu được nàng, tôi thở phào một hơi dài, liếc ra ngoài trời, ngạc nhiên thấy trời hôm nay sao sáng lâu đến thế. “Bác ơi, cho cháu tính tiền giờ”. Liếc nhìn phiếu thanh toán, tôi ngạc nhiên, lúc này là 9 giờ sáng, té ra tôi đã chơi thâu đêm mà không hay! Tôi xô ghế đứng dậy, bỗng trước mắt đầy đom đóm, trong tai ù ù những tiếng thét khủng khiếp thất đảm của lũ môn đệ phái Độc Vật. Tôi ngã người ra sau, cảm thấy mình đang rơi xuống vực, mê man.

Người ta chở tôi về chùa. Bây giờ thì cả chùa ai cũng biết tôi đi chơi games. Thầy thở dài: “Đời đã ảo, lại chơi trò ảo. Vậy là ảo đến hai lần”. Nghỉ ngơi mấy hôm, tôi dần hồi sức. Ngồi nhìn ra từ Lăng Hoa cốc, thấy những cây phù dung trong vườn Vô Ưu đã cao quá đầu, mỗi sáng nở đầy hoa. Đến trưa, hoa chuyển sang hồng thắm, xế chiều thì cuộn tròn đỏ thẫm màu sen. Trong đêm, hoa rụng âm thầm, sáng dậy thấy những cuộn tròn đỏ lác đác trên mặt đất. Trên cành lại hiện ra thật nhiều hoa mới, cánh trắng phớt hồng. Tôi thầm nghĩ: Không biết vì sao chẳng thấy lũ bọ vàng quay lại?
Vừa khỏe lên một chút, tôi liền quay lại với giang hồ. Vía tôi đã nằm trong thế giới đó, những gì ngoài đời này chỉ là cái bóng của sự sống. Những đêm dưỡng bệnh trong Lăng Hoa Cốc, tôi nghe tiếng ai kêu thảm thiết trong những hẻm núi hư vô: “Lăng Hoa Tử!” Mồ hôi tháo ra đẫm áo, tôi vùng dậy, thấy cái vía mình chạy hoảng hốt lang thang dưới ánh trăng, trên những con đường mòn quanh co trong Thung Lũng Đoạn Hồn. Tiếng ai gọi tôi, thê thiết quá... Đúng rồi, tiếng của Dung muội, tôi đã bỏ nàng một mình, tả xung hữu đột với bầy ác tặc. Tôi vùng dậy, điên cuồng đi quanh bốn góc chòi tranh. Đăng Minh đang ngồi bên chiếu. Sư huynh đã thức suốt đêm canh chừng tôi, nhưng lúc ấy tôi không nhìn thấy gì cả... Mở cửa liếp, tôi bước ra ngoài trời sương, lao mình theo tiếng kêu cứu của Dung muội. Sư huynh ôm ghì lấy tôi. “Em đang sốt, nằm xuống, đừng đi”. Trong đôi tay của sư huynh tôi vùng vẫy kịch liệt, rồi gục xuống, mắt dại đi...

Hôm sau, tôi trốn ra khỏi chùa. Đúng như linh cảm của tôi, Dung muội đã chết. Nàng bị Đông Hải Ma Đầu phóng kiếm trúng, ngã lộn nhào từ núi xuống đáy vực. Một mình nàng làm sao đương cự. Một mình nàng. Không có tôi...
Vậy nhưng trên Yahoo messenger, cái con người đã chết ấy cứ gọi tôi, tiếng gọi tha thiết và đầy âm vọng làm tôi điêu đứng. Tôi rã rời, không còn thiết quay lại chốn võ lâm nữa. Không có nàng, tôi cũng dừng bước giang hồ. Lăng HoaTử gác kiếm khi điểm chơi đã quá chín trăm, không có tay chơi nào trong võ lâm không nể mặt... Bây giờ, tôi mới biết Dung muội quan trọng đến mức nào, trong cuộc sống của tôi.

Cuối cùng, chúng tôi nhất định phải gặp nhau.
Trong góc quán ven sông, tôi gọi một ly rum , chờ nàng tới. Cả hai chúng tôi đều chọn cùng một dấu hiệu: chiếc khăn mua soa buộc quanh cổ tay. Thiếu gì cách làm dấu, nhưng tôi và Dung muội đều cho rằng cái khăn quấn quanh cổ tay trông có vẻ phiêu du lãng tử...

Nàng đến. Tôi thấy nàng dễ dàng từ chỗ ngồi hướng ra cổng. Bước xuống taxi, vừa đi nàng vừa nhớn nhác nhìn lui như sợ có ai nhìn thấy. Bây giờ thì nàng đang sải bước qua những khóm Bonsai trước quán. Tim tôi đập như vũ bão. Nàng không giống hình ảnh của Dung muội trên màn hình, không có bộ ngực cương nở, không có kiếm đeo vai, không có đôi mắt to choán gần hết gương mặt. Nàng gầy mảnh, ẻo lả như hoa phù dung, da trắng xanh như chưa hề gặp nắng trời. Trong bộ quần áo rất mốt nhưng nhàu nát, nàng bước đi ngập ngừng như đang lạc vào một thế giới xa lạ, mắt ngơ ngác nhìn quanh với vẻ ngu ngơ xao xuyến đến não lòng. Không giống trên màn hình, nhưng cốt cách ấy chính là Dung muội của tôi: người nữ kiếm khách tuổi teen luôn níu lấy tôi nhờ chở che, vì có nàng mà tôi thành anh hùng, vì có nàng mà tôi thành vô địch. Tôi run run bước lại bên nàng. Nàng nhìn tôi, lặng phắt.

“Anh không phải là Lăng Hoa Tử!”. Thật bất ngờ, nàng kêu lên, cái miệng xinh xinh méo đi, đau đớn. Rồi nàng bật khóc, khóc tức tưởi. Đôi mắt thỏ trong veo cứ nhìn, đầy vẻ trách oán. Ức quá, nào tôi có lỗi gì đâu?

Sau này tôi mới hiểu vì sao nàng thất vọng. Còn lúc ấy, chỉ thấy tức giận và hụt hẫng. Lúc đó tôi không thấy mặt mũi mình. Đôi mắt trõm lơ, gò má hốc hác, chiếc áo nâu cũ xốc xếch. Nàng khóc ròng như cha chết, làm nhiều người trong quán bắt đầu quay lại nhìn. Vụt cái, nàng quay lưng, như muốn bỏ trốn. Trong lòng tôi cuồng nộ bỗng nổi lên như lửa. Cơn cuồng nộ này đã thường xuyên đến với tôi lâu rồi, nó đã giục tôi xọc kiếm vào bụng, bủa gươm vào đầu những con người ảo. Nó cho tôi niềm sướng khoái của chiến thắng khi những giọt máu ảo văng tung tóe, chẳng khác chi thứ máu màu tím mồng tơi của lũ bọ vàng... Dung muội cũng là ảo. Cô gái đang chối bỏ tôi đây cũng là ảo. Cơn cuồng nộ cháy bùng, tôi chộp lấy vai nàng, kéo lại. Tôi thà bóp chết nàng, chứ không để nàng bỏ tôi đi...

Nàng hét lên, dãy dụa vuột ra. Cuống cuồng, nàng lao vào những đám người trên phố. Trông giống hệt con mèo chạy trên đường lộ, chẳng biết chi đến những quy tắc của loài người. Cứ thoăn thoắt như đang chạy thoát thân giữa những vách đá, trong Thung Lũng Đoạn Hồn...
Nhưng đây không phải là dãy Nga Mi với những cánh đồng hoa xuyên tuyết giá băng dưới chân núi.
Tôi hoa mắt. Một tiếng thét kinh người. Nàng ngã xuống giữa đèn xe nhấp nhóa. Tôi thấy máu. Máu nàng không tím, máu nàng đỏ. Không phải là máu ảo.

Một lần nữa, Lăng Hoa Cốc lại ấp ủ tấm thân rạc rài của tôi. Tôi thấy như mình chết rồi, như đang đứng trên cầu Nại Hà nhìn xác thân mình trôi bập bềnh dưới kia, trên sóng nước. Đăng Minh đút cháo cho tôi. Tôi không muốn mở miệng. Thầy cúi xuống, cầm tay tôi, lắng nghe mạch đập. “Gắng đi con. Không ăn làm sao sống?” “Con không muốn sống nữa. Trên đời chẳng có gì lôi kéo nổi con nữa rồi”. Thầy bảo: “Không còn gì lôi kéo được nữa, chính là giải thoát. Chết có khó gì, sao không can đảm sống để đi cho hết nghiệp chướng của mình?”.

Tôi nghe lời thầy. Mấy tháng trời, các sư huynh theo giữ, không cho tôi đi đâu. Tôi cũng không thiết đi đâu, ngày ngày cầm bình tưới theo Đăng Minh ra vườn Vô Ưu tưới hoa. Trong vườn, sắc màu dịu dàng chen nhau như những nụ cười hiền hòa dịu ngọt. Tôi cố tìm lũ bọ vàng, nhưng chẳng thấy chúng đâu. Nếu thấy, chắc tôi chẳng biết xoay xở làm sao. Bây giờ tôi sợ máu, sợ vô cùng.

Đăng Minh và các sư huynh khác loay hoay gỡ những vành rơm nhỏ xuống từ thân cây. Tất cả được gom vào trong bao, buộc lại. “Làm gì vậy?” Tôi hỏi. Đăng Minh bảo: “Trong mùa đông, côn trùng vào trốn rét trong những vành rơm này, chúng sống trong đó, đẻ trứng trong đó. Mình gom lại, mỗi lần lên núi đem theo, cho vào chỗ hoang dại. Khỏi phải dùng đến thuốc trừ sâu”. Tôi ngước nhìn phù dung nay đã thành cây lớn, sắc hồng rợp trời. Sắc hồng làm tôi bỗng đau lòng... Thầy ơi, con phải đi. Phải đi cho trọn nghiệp của mình...

Thầy cho tôi làm lễ cởi áo. Lòng nao nao, tôi quỳ trước mặt thầy. Thầy bảo: “Ta vốn biết con không có căn duyên ở chùa. Nhưng ở đời mà sống lành, cũng là tu Phật”.

Tôi đi tìm Dung, khi ấy đã được gia đình đưa về Bắc. Hơn hai tháng điều trị trong bệnh viện mà đôi chân bị cưa vẫn chưa lành hẳn. Những ngày tĩnh tâm đã khiến khuôn mặt tôi dần lấy lại được dáng vẻ nhân hậu của mặt người... Vậy mà Dung vẫn lấy gối che mặt để khỏi nhìn thấy tôi. Mãi sau, nàng bỏ gối xuống, nước mắt chảy tràn trên mặt. Không phải trong thế giới ảo, đây là cuộc đời thực cay đắng. Dung cứ sụt sịt khóc, còn tôi lặng đi không còn lời để nói.
“Không có ai chăm sóc em sao?” Tôi hỏi. “Hôm nay thì không. Ba và dì ghẻ em thay phiên nhau, mỗi tuần mới vào một lần. Có thuê một người nuôi bệnh. Vài ngày nữa bà ấy nghỉ, mấy hôm nay dì đang cáu vì lo không tìm được người khác”.
Tôi thầm cảm ơn Trời Phật đã thôi thúc tôi đến đây đúng lúc.

Một tháng trời tôi cần mẫn chuộc tội bên giường bệnh. Mẹ kế Dung cứ ngỡ tôi là người làm thuê lấy tiền, nên thường xuyên bắt tôi nghe những lời than vãn. Con bé èo uột, con bé được ba nó cưng chiều quá sinh hư. Suốt ngày đóng cửa ngồi trong phòng với cái máy, lớn tướng rồi mà ngây ngô như ngỗng đực. Ai rủ rê mà nó đem chiếc xe đạp Nhật mới kít bán có hơn trăm bạc, mua vé xe tốc hành đi vào . Đi rồi vác cái thân què về, sau này phải nuôi nó cả đời. Dung nghe mẹ kế một cách lơ đãng, miệng lẩm nhẩm hát, hình như cô bé đã nghe nhiều lần lắm rồi, cái tâm hồn non nớt và dại ngộ đã sớm gan lì với nỗi đau. Về sau, gặp lúc vui vẻ, cô bé kể cho tôi nghe: lần đó vì chỉ đủ tiền mua vé xe nên dọc đường phải nhịn suốt, trời lại mưa, vừa đói vừa lạnh, ngồi co ro như con mèo ốm. Vậy mà chẳng biết khổ cực gì cả, chỉ mong mau đến để gặp Lăng Hoa Tử.

Nghe nhắc đến cái tên ấy, tôi bật cười. Hai bàn tay Dung nhỏ bé , mềm và lạnh, đầy mồ hôi, ấm dần lên trong tay tôi. Giờ phút ấy tôi biết định mệnh của mình. Cả hai chúng tôi đều rất đau, nên sẽ phải dựa vào nhau mãi mãi.

Mùa thu năm sau, chúng tôi dọn về gian nhà nhỏ trong thung lũng dưới chân đồi. Tôi trồng cây, khai hoang, lúc rảnh thì đi nhận hàng thêu cho Dung. Thầy mỗi lần xong bản thảo vẫn sai đệ tử đưa xuống cho tôi. Bây giờ không như trước, tôi vừa đánh máy vừa suy ngẫm những điều thầy viết.

Đến rằm, mồng một, Dung cũng theo tôi lên chùa lễ Phật. Thấy tôi đẩy xe lăn cho Dung qua đường dốc gập ghềnh, các sư huynh cho đắp đá con đường lên núi. Qua ba con dốc dài, vườn Vô Ưu hiện ra... Dung ngước nhìn tôi, hỏi:
- Người ta nói phù dung sớm nở tối tàn, sao chùa lại trồng trong vườn hở anh?

Tôi cười, nhớ lại có lần mình đã hỏi thế. Tôi giảng giải cho nàng hay: So với những sinh linh chỉ hiện hữu trong một sát na, thì hoa phù dung là quá thọ. Và sự sống dù là mong manh thoáng chốc, cũng đáng cho ta nâng niu yêu quý vô cùng.

Trong sân chùa, tôi gặp lại các sư huynh. Ai cũng trêu đùa vợ chồng tôi. Tôi cũng tự trêu: “Ì ạch theo xe vợ thế này, càng lúc càng xa Niết bàn”. Thầy nghe, lại cười. Mùa xuân qua, thầy có hành hương sang đất Phật. Thầy bảo tôi: “Niết Bàn không phải là một địa danh. Ở xứ Phật, người ta bảo, để cho lò than niết bàn đi, để cho ly nước niết bàn đi. Không vọng động, không sôi sục, ấy là Niết Bàn ngay trong lòng. Nào ai biết giữa chúng ta, ai xa, ai gần nơi ấy?”.

Huế tháng chín 2008
Trần Thùy Mai

http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c121/n1056/Hoa-phu-dung-duoi-nui.html

sôngthương
11-14-2017, 11:46 PM
Thư Giáng Sinh "Em chọn người khác đó là quyết định của em, tôi chọn em đó là quyết định của tôi. Em có thể sẽ thay đổi quyết định của em, nhưng tôi thì không bao giờ!"

***
Cô vì được lĩnh phần thưởng học sinh giỏi nhất trường, nên đứng lên bục nhận thưởng.
Cả trường biết mặt.
Anh trở thành kẻ ngưỡng mộ.
Năm đó anh mười bốn tuổi.

Một hôm tan học, anh phát hiện cô không những chỉ ngồi cùng chuyến xe bus, lại còn xuống cùng bến, nhà cô chỉ cách nhà anh một con ngõ nhỏ.
Anh nhờ tấm thiệp Giáng sinh để viết thư cho cô: "Hy vọng mình trở thành bạn".
Kết quả được hồi âm là... bị giám thị cầm lên đọc trước toàn trường và những tiếng cười rúc rích chế nhạo.
Lá thư này làm cả trường đều biết "cóc nhái đòi ăn thịt thiên nga".
Một đứa ở lớp cá biệt đòi lọt vào mắt xanh của nữ sinh gương mẫu nhất trường?
Anh tiếp tục viết thư, viết rồi cất đi.
Đến mùa Giáng sinh năm lớp chín thì mang tất cả bỏ vào hòm thư nhà cô.
Cô không trả lời, giám thị cũng chẳng nhắc nhở.
***
Kỳ thi vào cấp ba có kết quả, cô thi đỗ vào trường nữ sinh số một Đài Bắc ngay sát phủ tổng thống.
Trường anh cách đó chẳng xa, anh học trường bổ túc khoa học tự nhiên.
Vẫn thường đi cùng tuyến xe bus với cô, nhưng chưa hề bắt chuyện.
Anh chỉ có thể lén nhìn màu áo đồng phục xanh lục kia, âm thầm cầu chúc cho cô, và tự động viên chính mình.
Anh vẫn viết thư, vẫn gửi cả tập vào mỗi mùa hoa hoa trạng nguyên tháng 12.
Cô vẫn không ngó ngàng.

Lên đại học, cô vào Đại học Sư phạm Đài Loan, anh xuống miền Nam học trung cấp.
Để được nhìn thấy cô thường xuyên, anh ở miền Nam khổ học một năm trời, cuối cùng thi đỗ kỳ chuyển trường, vào khoa Giáo dục Công nghiệp của Đại học Sư phạm Đài Loan, lại trở thành bạn học của cô.
Còn nhớ, ngày nhìn thây tên mình trên bảng trúng tuyển, anh lẩm nhẩm tên cô, phóng xe như bay đến con ngõ nhỏ để lần đầu tiên bấm chuông cửa nhà cô.
Chuông cửa kêu, đầu óc anh chỉ có hình ảnh cô, khao khát nói với cô một câu nói một đời người, nhưng cô không để ý.
Cô đã có bạn trai, nhưng anh vẫn viết thư cho cô:
"Em chọn người khác đó là quyết định của em, tôi chọn em đó là quyết định của tôi. Em có thể sẽ thay đổi quyết định của em, nhưng tôi thì không bao giờ!"
Cô rốt cuộc vẫn không ngó ngàng gì tới anh, với sự si tình có vẻ như khủng bố tinh thần kia.
***
Mùa Giáng sinh năm đó, anh nhập ngũ, cô cưới chồng.
Không lâu sau, cô sang Mỹ, anh cũng được tin cô đã sinh con gái.
Nhưng anh không tuyệt vọng, từ nhỏ chưa bao giờ anh nghĩ mình sẽ đi Mỹ, vẫn nghĩ, đi Mỹ là chuyện không tưởng, như kiệu vàng có bao giờ đến thân kẻ phàm trần.
Anh cứ tưởng mỗi học kỳ học cho thật chắc đã là quá tốt rồi, nhưng cô đã gợi lên giấc mơ nước Mỹ, và anh đến Mỹ du học, mới hiểu ra những mùa Giáng sinh trên tuyết trắng thật đẹp và tin sự lựa chọn của tuổi mười bốn.
***
Ba mươi mốt tuổi, anh tốt nghiệp, trở về Đài Loan, dạy ở một trường đại học, vẫn chỉ yêu một người.
Anh vẫn viết thư, mỗi lần Giáng sinh lá thư lại đặc biệt dài.
Chỉ có điều anh không gửi đi, anh định chờ đến lúc tròn hai mươi năm quen nhau rồi tính.
Anh muốn đơn sơ mang mối tình đơn sơ vào tuổi trung niên.

Mùa Giáng sinh năm ba mươi ba tuổi, cô đến tìm anh.
Đã mười chín năm rồi! Cuối cùng thư đã có hồi âm.
Cô đã mất nhiều thứ, cô mang con gái quay về, không việc làm, nghĩ anh là giảng viên đại học, quan hệ rộng, nhiều bạn tốt.
Anh, tất nhiên, giúp cô quay lại giảng đường.
Anh cần cô, anh dùng cái tình đơn sơ của năm mười bốn tuổi.
Nhưng cô vẫn từ chối, vì giờ cô không còn xứng đáng với anh nữa.
Cô không còn là cô học trò giỏi giang ngày xưa nữa.
Giờ cô chỉ là một thiếu phụ cay đắng sau cuộc hôn nhân thất bại!

Anh mang hai hòm thư đến nhà cô để cầu hôn. Anh cảm ơn cô đã cho anh tất cả.
Không có cô, có lẽ anh chỉ học hết cấp ba bổ túc mà thôi.
Không có cô, sẽ không có cử nhân, không thạc sĩ, không tiến sĩ.
Không có cô, ai dắt anh qua những tháng ngày đằng đẵng.
Không có cô, anh sẽ đi về hướng nào của cuộc đời?
Không có cô, chữ của anh sẽ không được luyện ngay ngắn thế, văn của anh sẽ không mượt mà thế.
Không có cô, một người học khoa học tự nhiên không thể yêu văn chương, thi ca như anh.
"Văn chương, thi ca đã ở bên tôi, tôi trở thành tôi ngày hôm nay!"
"Em hãy để cho anh cả đời chỉ yêu một người!"
"Em chưa nợ anh điều gì, yêu em là điều tốt đẹp nhất đời anh."
Mùa Giáng sinh năm ba mươi tư tuổi.
Anh và cô bước vào thảm đỏ trong lễ đường.
Anh nhất định đòi con gái cô làm tiên đồng trong đám cưới.
Câu chuyện này chưa kết thúc, họ đã sống bên nhau hơn mười mùa Giáng sinh hạnh phúc trong khu tập thể nhà trường, những bông hoa trạng nguyên nhà họ nở sớm nhất, thắm đỏ hơn cả, và lâu tàn nhất.
Tôi biết câu chuyện này, vì tôi từng học giáo sư Bành Hoài Chân, khoa Giáo dục Công nghiệp, Đại học Sư phạm Đài Loan.
(Theo family.saycoo.com)
Trang Hạ dịch

http://www.truyenngan.com.vn/truyen-ngan/truyen-ngan-yeu/1320-thu-giang-sinh.html

sôngthương
11-30-2017, 11:55 PM
St mời các anh chị , các bạn xem tiếp truyện, truyẹn tuổi thơ ạ :)

----------------

GƯƠNG TỐT

Phải chịu một gương mặt thật xấu xí ngay từ lúc mới chào đời, Vua của đảo Hoàng Yến đã ra lệnh cho các triều thần phải đập vỡ tất cả những tấm gương soi trong cung điện vì nhà Vua không muốn thấy mình trong gương. Hơn thế nữa, nhà Vua cũng đã cấm ngặt mọi người trên đảo dùng gương.

Ai nấy đều sợ hãi tuân lệnh Vua, vì vậy trên đảo không đâu còn một tấm gương. Nhiều lúc nhà Vua cũng cảm thấy ân hận vì mệnh lệnh của chính mình vì mỗi lần ngự triều nhà Vua nhận thấy tất cả các phu nhân của những vị đại thần đều áo quần sộc sệch, đầu tóc không được gọn ghẽ chải chuốt. Nhưng nghĩ đến khuôn mặt xấu xí của mình nhà Vua không thể hủy bỏ lệnh cấm được mà lại thường nhắc nhở các thị vệ trong cung là mệnh lệnh của nhà Vua vẫn phải luôn luôn được tôn trọng, nếu không sẽ bị những hình phạt nặng nề.

Một hôm có tin đồn đến tai Vua là có một thiếu nữ thường dân chắc hẳn còn giữ một tấm gương. Vì đầu tóc của nàng lúc nào cũng được chải chuốt, áo quần nàng lúc nào cũng ngay ngắn, bảnh bao.

Khi nghe được tin này, nhà Vua nổi giận đùng đùng:

- “Con ranh con sẽ bị trừng phạt thật nặng… Dám coi thường ta à? Ta sẽ tới tận nhà nó để xem tận mắt nó ra sao và chính ta sẽ đập tan tấm gương đó.”

Một cỗ xe tứ mã đã đưa nhà Vua tới căn nhà tranh nghèo nàn của cô gái đó.

Giản dị nhưng duyên dáng, gọn gàng trong bộ quần áo lụa, Mỹ Lan đang ngồi nói chuyện trước ngưỡng cửa nhà thì xe của nhà Vua tới. Cô ta quá xúc động và hồi hộp khi người hầu cận của Vua loan báo nhà Vua tới. Cô run sợ khi nhận thấy bộ mặt giận dữ của nhà Vua và đôi lông mày nhíu lại biểu lộ sự tức giận tột độ của ngài. Cô quỳ xuống kính cẩn chào Vua.

- “Mặc dù ta đã cấm, nhà ngươi vẫn giữ một tấm gương, nó đâu hả con bé hỗn xược?” Nhà Vua giận dữ thét. “Đưa ngay cho ta không thì ta cho kéo sập căn nhà này”.

Mỹ Lan run sợ lắp bắp tâu:
- “Thưa Bệ Hạ… Một tấm gương? Hạ thần làm gì có gương!”
- “Đừng nói láo! Sự ăn mặc gọn ghẽ của mi đã chứng tỏ là mi nói láo.”

Dù sợ hãi vô cùng, cô gái mỉm cười :
- “Thưa Bệ Hạ, Ngài nói đúng. Nhưng tấm gương của hạ thần không giống những tấm gương khác.”

Cô ta xin phép được đưa nhà Vua vào bếp của cô ta. Trên vách của giàn bếp những soong chảo bằng đồng chiếu sáng bóng vì được cô ta đánh chùi mỗi ngày. Cô ta lấy một cái chảo lớn dâng Vua và tâu:

- “Thưa Bệ Hạ, đây là tấm gương của hạ thần. Hạ thần chưa hề có những tấm nào khác ngoài nó ra.”
Nhà Vua nguôi giận tức khắc và cười:

- “Ta khen con, tất cả những người đàn bà trên đảo này nên lấy đó làm gương. Nhưng có được bao nhiêu người như con!”
Nói xong nhà Vua cho Mỹ Lan một túi tiền vàng và tự nhủ sẽ dùng câu chuyện nàng Mỹ Lan làm gương cho dân chúng trên đảo.

NGÔ BÁ TÙNG kể

https://tuoihoandmore.blogspot.com/2014/04/guong-tot.html

sôngthương
12-05-2017, 08:58 PM
St cảm ơn anh Hoài Vọng ghé đọc truyện ạ. :z57:

------------------



Câu hát tìm nhau









Chương 1

Tôi gặp lão lần đầu trong quán thịt chó của bà Tư béo, nơi tôi đến bỏ rượu gạo hàng chiều sau giờ đi làm. Lão xuất hiện với bộ dạng một người lỡ đường, tay bị, tay mũ cối, gương mặt rỗ hoa lấm tấm bụi đường và mồ hôi. Tưởng lão là người ăn xin, bà Tư đuổi như đuổi tà:

- Đi ra! Để người ta bán, đừng có hãm tài.

- Thưa bà, tôi không xin. Tôi tận Hà Bắc vào đây tìm người quen. Bà cho tôi hỏi... bà có biết người này.

Lão chìa ra mảnh giấy bọc ép nylon như thẻ căn cước, ghi dòng chữ: Hai Xuân, người Bắc Ninh, có chồng tên Tuất. Sau 1975 có người gặp sinh sống ở Đà Nẵng.

- Mơ hồ thế có trời biết! Không đường, không số nhà... Già rồi lẩm cẩm. Con cháu sáng suốt không sai đi tìm. Thôi đi chỗ khác. Đây cũng là dân ngụ cư thôi! Không biết!

Bà chủ quay ngoắt, dềnh ngang bộ mông núng nính đi vào bếp. Lão lẩm bẩm:

- Cả tuần nay... hỏi ai cũng trả lời chừng đó!

Thương hại lão, tôi gợi chuyện:

- Thế bà Xuân người như thế nào?

- Cô ấy người dong dỏng. Trắng tươi. Hát haỵ Xinh đẹp.

Bàn thịt chó bên cạnh lập tức nhao lên:

- ồ ! Cháu lão hả? Bao nhiêu tuổi? Để tụi này tìm giúp coi có “xơ múi” chi không?

- Cô ấy thua tui một tuổi?

Cái quán ven đường bỗng òa vỡ tiếng cười. Tiếng đập bàn, la ó, huýt gió, hô hố... náo loạn.

- Thế thì "cố" chứ "cô" gì! Làm tụi này tưởng bở bố ạ! Cỡ ấy ra nghĩa địa tìm dễ hơn.

- Mà cố Xuân là gì của lão? - Gã để râu xồm xoàm vừa nhai vừa hỏi.

- Xưa cô ấy là bạn hát quan họ của tôi.

- Lão vượt đường dài ở tuổi này để tìm một bạn hát xưa già khú đế à?

- Vâng.

- Trời ơi... là trời... ở mô rớt xuống ông ngố đa tình như ri hở trời! - Gã giọng Huế cùng bàn cúi gập người rên giữa một tràng cười. Còn lão điềm tĩnh, kiên định hỏi tiếp:

- Mua bản đồ thành phố ở đâu mấy chú?

- Thôi lão ơi, có khát tợp ít ngụm rồi mua vé về nhà nằm nghỉ. Kiếp sau yêu cho dài ngày rộng tháng.

Rồi để thưởng câu nói mà gã tự cho là ý vị ấy, gã để râu ngửa mặt lên trời, ném điệu nghệ một miếng dồi chó vào miệng, nhai nghiến ngấu, tợp một ngụm rượu, khà một tiếng khoái trá.

- Ngoài tôi, chỉ có món xào và rựa mận là để bát đĩa. Còn các món khác đựng trong lá tất... Ăn bốc mới đúng điệu. - Đột ngột lão góp ý.

- Coi bộ cũng là dân nghiện mộc tồn.

- Phải thật thoải mái, không cần giữ ý tứ. Bữa ăn phải đượm mùi hoang sơ của những người lục lâm tứ chiếng.

- Mở đầu được đấy ! Mần ly rượu nói tiếp đi!

Câu chuyện xoay quanh chó: cách chọn chó, nấu chó, ăn chó... Lão sành đến nỗi những cái mặt đỏ gay, những cái miệng bóng nhẫy đều quay về phía lão hóng chuyện. Cái mông núng nính của bà Tư cũng yên vị trên chiếc ghế dựa hồi nào. Bà chủ đang há hốc miệng nghe lão bày cách chế biến từ bảy món cầy cơ bản thành mười món hoặc hơn nữa. Lạ là lão sành món “hương nhục” đến thế lại từ chối động đũa vào đĩa chó. bà Tư đích thân bưng đến đặt trước mặt lão để mong thụ giáo. Lão giải thích hễ lão cầm đũa là phải ăn no mới thôi. Cái thứ này hễ ăn là say, ăn mãi... ăn thì phải đúng điệu với bạn tri ân để say còn khóc cười cho hả...

- Khách của tui đủ giới, ở khắp thành phố này - bà chủ lên tiếng - Dò tìm một cố Xuân nói giọng Bắc, vấn khăn, cao dong dỏng, biết hát quan họ không phải là khó. Tui sẽ nhờ anh em... sẽ để lão ăn thịt chó thỏa thuê không lấy tiền... với điều kiện lão giúp tôi tiếp khí sắc cho quán. Dãy này bốn quán... phải có ngón nghề đặc biệt mới kéo khách về mình...

Chương 2

Quán thịt cầy của bà Tư béo từ độ có lão bỗng đông khách hẳn. Thịt bao giờ cũng lớn bùi, bé mềm, cả tơ cả cứng cho đủ vị cuộc đời. Lá sen, lá dong riềng, lá chuối được thay đĩa men. Quán có đến mười hai món “hương nhục”, thơm điếc mũi. Buổi tối quán tắt đèn điện thắp đèn cầy ăn thịt cầy... âm âm u u thế mà gọi mời đáo để. Những câu chuyện về đời, về chó của lão dưới ánh nến bao giờ cũng khiến khách ăn cảm thấy bữa rượu thịt đậm đà. Bữa nào lão không tới, họ lại ăn uể oải đòi lão có mặt. Bọn họ gọi lão là "lão Tầm Xuân". Cái quán ven đường rôm rả hẳn lên khi ông lão mặt rỗ hoa, ăn mặc nhếch nhác bước vào. Họ hát ong ỏng đón lão:

“Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Em đi lấy chồng anh tiếc lắm thaỵ Già rồi tiếc vẫn chưa nguôi. Xắn quần anh lội suối, khòm lưng anh vượt đèo...”.

Có hôm, men rượu không giải được nỗi sầu vô vị, họ lại đem lão ra giải buồn. Họ đổi những tin “dỏm” về cố Xuân bằng những câu chuyện của lão hoặc một cú tẩm quất sướng ê người. Nếu quán vắng khách, họ nằm ườn ngay trên nền quán, ưỡn tấm thân trẻ trung rã rời cho lão tẩm. Xương bật giòn tan, còn bọn họ lè lưỡi: “Hồi trẻ, lão phải vật trâu!”

- Hồi trẻ, tôi giật đến hai giải thi vật - Hứng chí lão khoe.

- Thế mà không vật nổi cô Xuân dong dỏng, trắng tươi, hát hay xinh đẹp.

Cả bọn cười ồ còn lão bỗng tiu nghỉu. Lão ngừng đấm hỏi:

- Lần này "dỏm" không đó?

- Dỏm 50%. 50% có thể thật. Đứa nào nói dối 100% hộc bia ra ngay.

Chân dung cố Xuân thay đổ xoành xoạch. Khi thì cố Xuân ở tận bên làng biển An Hải, mù vì khóc lão. Khi thì ở trên Hòa Khánh, điếc đặc. Khi thì ở tận Hòa Cường, suốt ngày ho sù sụ...

Có lúc bọn trẻ kéo vào quán một bà già nghễnh ngãng, ré lên: "Lão Tầm Xuân ơi, cố Xuân đây nè!". Bà già chửi te tua còn bọn chúng cười hô hố. Chỉ có lão không nói một lời. Tôi có cảm tưởng có cái gì nặng hơn chiếc lá khô vỡ tan tành trong lòng lão. ôi lão Tầm Xuân! Lão tìm trong cuộc đời nước chảy mây trôi như một hình bóng của ký ức thì tìm sao đặng? Những cuộc "gặp" ấy để lại trong lòng lão dư vị cay đắng. Lão ngồi uống rượu suông, mắt mờ đục như có khói và lão hát. Dĩ nhiên không phải để cho chúng tôi nghe! Lão hát hay lắm. Hay đến nỗi có lần tôi phải chở vợ đến nghẹ Nàng đứng ở ngưỡng cửa nghe lão hát bài ruột: "Khi tương phùng, khi tương ngộ. Xuôi lên bộ, văng vẳng tơ tình. Chiêm bao lần chẵn năm canh. Bao lần anh ngồi tựa trăng thanh. Thương nhớ sâu oanh. Lẻ loi chim nhạn. Bạn tình ơi! Em biết đến bao giờ gặp mặt sánh đôi. Suốt năm họa là. Duyên bén ngãn, văng vẳng tơ tình. Trước không phải, sau đền duyên ba sinh".

Khó tưởng tượng một giọng hát say đắm ngọt ngào dường kia lại thoát ra từ một lồng ngực hom hem phô những giẻ sườn. Vợ tôi bảo không phải lão hát mà tình yêu lão hát. Nàng có đôi chút học vấn để nhận xét: đằng sau vẻ ngù ngờ, xấu xí, già nua kia là một trái tim thực có một cô Xuân dong dỏng, trắng tươi, hát hay, xinh đẹp trên đời. Cô Xuân ấy không bao giờ già, không bao giờ xấu, không bao giờ chết trong lão!

Sau lần nghe lão hát và những câu chuyện tôi kể về lão, vợ tôi bỗng trở nên “ái mộ” lão. Nàng bảo tôi chở lão đến nhà chơi rồi lão trở thành khách quen thuộc của cả nhà. Họ cũng bị lão “mê hoặc” như cả quán cầy tơ của bà béo. Lũ con tôi quý lão vô cùng. Lão bày chúng hát nghêu ngao những bài quan họ. “Sớm đi chơi hội, tối về quay tợ Dải yếm phất phợ Miếng trầu, mồi mốc. Miếng ăn, miếng buộc. Miếng gối đầu giường. Muốn tìm người thương. Tìm đâu cho thấy?”... Lão cho chúng những đồ chơi thật ngộ - những con vật bằng lá dừa biết ngúc ngắc, con gà trống bằng đất sét lòe loe.t xanh đỏ tím vàng kẹp chiếc kèn lá có thể cất tiếng gáy... Bếp nhà ấm áp khi có lão. Lão nếm rượu chính xác như đo, hàn giúp cái xoong, cái nồi rất khéo. Lão mơ màng kể cho chúng tôi nghe những ngày hội Lim, những liền anh áo the khăn xếp, liền chị thắt lưng hoa lý, yếm đào con nhạn, mắt lá răm lúng liến hát thâu đêm. Tôi ngồi nghe lão tả những làn điệu quan họ đắm say miên man dìu dặt và yêu cầu lão hát nhưng thường lão lắc đầu. Lão bảo hát quan họ phải có đôi, có bạn, có chỗ. Ký ức lão còn giữ nguyên vẹn những ngày hội quê lão: Hội làng, Hội Xuân, Hội mùa... Trai thi mạnh, gái thi mềm. Thi hoa, thi vật, kéo co, hát chèo, nấu cơm, đánh đu, cờ người...

- Lão gặp cố Xuân ở những ngày hội đó à?

- Vâng. Đó cũng là ngày hội quan họ, cả vùng như ngấm men say, phát cuồng vì hội lễ. Năm ấy anh cu Rỗ là tôi tròn 18 tuổi, được cử vào bọn quan họ làng để luyện giọng thi hát với bọn quan họ làng bên kia sông. Nhà tôi ba đời hát quan họ. Tôi luyện trên dưới 200 giọng, thế mà khi hát đôi với cô ấy tôi run. Tâm hồn tôi lơ lửng không đặt hết vào lời. Cô ấy là tiên quan họ. Ngày xưa cô Tấm cũng đẹp thế là cùng! Giọng hát sóng sánh. Mắt đen lóng lánh. Môi cắn chỉ đỏ thắm. Cần cổ như cuống hoa huệ... Tôi say, say lời hát, say cô ấy, quên cả ngón ruột phải tung ra vào phút chót để thắng dứt điểm. Cuộc thi kéo dài đến ba ngày. Tiếng trống dứt mới giật mình ngơ ngẩn. Dĩ nhiên tôi thua...



Chương 3

- Đa tình thế sao không lấy?

- Lệ quan họ những đôi trai gái đã kết bạn quan họ không lấy nhau. Tình yêu có nảy sinh thì cũng gửi thương gửi nhớ qua lời hát. Kết nghĩa quan họ như kết nghĩa anh em, được cha mẹ hai bên, dân hai làng chấp nhận. Tình bạn ấy chân thành, thủy chung, thắm thiết không chỉ đời mình mà có khi còn đến đời sau. Làng tôi có nhiều cặp quan họ khi đầu bạc răng long, tình yêu trong câu hát xưa vẫn không tàn. Có dịp gặp nhau trên chiếu quan họ, họ lại sống lại thời xuân sắc. Anh em kết nghĩa quan họ gặp nhau “xuân thu nhị kỳ”, đến thăm nhau, ăn uống, vui chơi, ca hát với nhau. Mỗi bên có chuyện vui buồn đều tổ chức đi lại thăm viếng. Tôi nhận ra một điều: người ta có thể cho nhau niềm hạnh phúc to lớn biết dường nào và chẳng lần nào giống lần nào... Rồi cô ấy cũng phải đi lấy chồng. Bọn quan họ chúng tôi đến chia vui. Tôi đau lòng hát miên man...

Mắt lão bỗng mơ màng xa vắng. Rồi một giọng hát trẻ trung đằm thắm da diết cất lên: "Ăn quả nhãn lồng. Ước sao người ấy tôi bồng trên taỵ..”. Không phải lão Tầm Xuân tóc bạc da mồi hát mà anh cu Rỗ tóc đen như mun, da mầu đồng, có giọng hát Trương Chi hát! Cô ấy hiểu lòng tôi, chú ạ! -

Lão lại ngưng hát, kể: Tôi hát bài "Khi tương phùng, khi tương ngộ" ngang nửa bài thì cô ấy xen ngang, hát tiếp: "Bạn tình ơi! Em biết đến bao giờ họp mặt sánh đôi... Trước không phải, sau đền duyên ba sinh". Chúng tôi cắt câu quan họ làm đôi, mỗi đứa giữ một nửa. Hẹn kiếp sau chắp lại.

Sau đó là chiến tranh... nạn đói... Câu quan họ tan tác trăm phương. Tôi vào Vệ quốc quân, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, khi hòa bình lập lại, tôi về làng thì nghe cô ấy đã theo chồng... nghe nói vào Nam.

Rồi tuổi già đến. Già buồn lắm chú ạ! Cô đơn và bất lực. Chết không đáng sợ bằng tuổi già. Sống đến đó, người ta mới nếm tận cùng chén đắng cay của đời. Tôi sợ hình ảnh ông hàng xóm ngày nắng được bế cả người lẫn chăn ra hong nắng. Nắng rực rỡ đọng thành từng vũng quanh ông ấy, còn ông ấy nhăn nhúm trong cái chăn rách... Tôi có cảm tưởng ông được đem phơi cho chết vi trùng. Có bà, được mua cho một cỗ hậu sự thật tốt. Lâu không chết, áo quan bị mọt đục. Ngày nắng con cháu đem ra phơi, trở qua lật lại rửa ráy càu nhàu... Luật đời chú ạ! Già thì lụi tàn, phải chết. Sống lâu thành nợ của mọi người ngay con cái cũng chán... Một lần tôi ốm, trận ấy ốm thương hàn, thập tử nhất sinh. Trong những cơn mê, tôi cứ nghe một giọng hát lảnh lót níu tôi lại trần thế: "Người về bỏ bạn sao đành. Người về em vẫn đinh ninh tấm lòng...". Giọng cô ấy! Chỉ có cô ấy mới có cái giọng la đà sát ngọn cỏ, cao vút chạm mây xanh, thầm thì luồn lách trong da trong thịt. Tôi tỉnh lại đang mơ màng thì nghe giọng dâu con thở than gần hết ngày tốt mà cha chưa chịu đị Tôi mở mắt, chúng nó lại ríu rít hỏi han, làm ra vẻ vui mừng... Sau lần ốm ấy, tôi nghĩ đến chuyện đi tìm cô ấy. Chính cô ấy níu tôi lại cuộc đời này. Tôi phải đi tìm nửa câu quan họ cắt đôi. Trẻ không lấy nhau được, già ở bên nhau, hát với nhau cho đỡ côi cút. Trước sau vẫn là bạn có gì sai trái đâu?

Lão im bặt. Đôi mắt già nua chìm trong cõi vắng. Thời gian với lão chỉ là lớp bụi mờ. Gió thổi, bụi bay, dĩ vãng lại hiện ra nguyên vẹn trước mắt lão. Đêm ấy, lão hát miên man bên bếp lửa tàn. Một mình hát, một mình nghe, một mình mở hội đồi Lim, lúng liến, đắm say, chân tình lai láng.

Thế mà sau một tuần đi công tác xa về, con tôi đã mếu máo níu áo ngoài cửa đòi tôi đi tìm lão Tầm Xuân. Thì ra lão đã bỏ đi... Tự nguyện theo lão là con chó mập ú của bà Tư cầy. Dường như chán gặm xương đồng loại, nó bỏ theo lão Tầm Xuân.

Tôi cũng vô tình quên lão nếu không có lần gặp lại ở Hàng Xanh, Sài Gòn cách đó hai năm.

Đó là một buổi trưa nắng chang chang. Con hẻm em gái tôi ở vang lên tiếng rao lạc lõng: “Ai hàn xoong hàn nồi, mài dao mài kéo không...? - Tiếp liền sau một giọng hát cất lên :"Khi tương phùng khi tương ngộ, xuôi lên bộ văng vẳng tơ tình... thương nhớ sầu oanh, lẻ loi chim nhạn. Bạn tình ơi...”. "ôi!". Lão. Lão chứ còn ai nữa. Không kịp xỏ dép, tôi chạy nhào ra hẻm gọi ơi ới: “Lão mài dao... lão Tầm Xuân". Lão quay phắt lại rồi ôm chầm lấy tôi mừng rỡ. Mới hai năm mà lão già thêm nhiều. Lão đã thực sự già thêm nhiều. Lão đã thực sự già! Gương mặt chằng chịt nếp nhăn lỗ chỗ nốt rỗ như tấm gỗ mọt. Đôi mắt mờ đục, giọng hát khào khào. Lão mang lỉnh kỉnh dụng cụ hàm mài. Câu quan họ lầm lũi lạc theo, lạc lõng trong thành phố hoa lệ. Con chó vàng của bà Tư cầy lẽo đẽo theo bên. Chỉ khác là nó không còn mập ú nữa, nó xơ xác gầy nhom như chủ.

Chúng tôi tấp vào quán nước bên đường. ở đó tôi được biết vì sao lão bỏ đi đột ngột. Bà chủ quán thịt cầy cùng dãy với bà Tư béo bảo có gặp một bà người Bắc đi xin ở Gia Định biết hát quan họ và y hệt cô Xuân của lão. Thế là họ đi!... Quán bà Tư mất hấp lực, đâu lại vào đấy. Tôi nghĩ thế nhưng không nói ra, sợ lão buồn. Tôi định bụng khuyên lão trở về quệ Không ngờ lão cũng nói:

- May gặp nhau lần cuối... Tuần sau tôi về chú ạ. Tiền tàu xe đủ rồi... Tôi về để mười ba tháng Giêng tới dự hội Lim lần cuối. Hội Lim giờ đâu như xưa nữa... Nhưng tôi vẫn nghe tiếng trống vào hội giu.c giã lòng tôi. Tôi yếu rồi! Tôi đã nghe đất gọi Quê gọi Đành hẹn kiếp sau vậy...



Chương 4

Tôi nhìn lão, còn lão nhìn dòng xe cộ nườm nượp đến chóng mặt. Chiều tà dần trong đôi mắt mầu hoàng hôn.

- Lâu ngày gặp lại, tui với lão mần đích đáng một bữa thịt chó đi! ở đây có Bồng Lai quán nghe nói khá lắm, ăn hoài không đã miệng. Tui mời lão.

- Cảm ơn chú! Nhưng năm rồi tôi không đụng thứ đó. Tôi sẽ không đụng cho đến ngày cuối đời...

Lão cúi xuống vỗ về vào lưng con vàng. Con chó ngước đôi mắt nặng trĩu yêu thương nhìn lão rồi không dằn lòng nổi, nó đứng trên hai chân sau, vừa kêu ư ử hài lòng vừa liếm khắp người lão.

- Chú thấy đấy! Cứ tưởng tượng nó thành những đĩa dồi, đĩa luộc, đĩa xào, xáo... là tôi lợm giọng rồi... Không có nó tôi không sống nổi ở đây đến hai năm... Nó sưởi ấm tôi, kéo tôi đứng dậy, nó bị đánh què cẳng vì ăn cắp của người ta để cho tôi ăn những ngày tôi ốm... Nó từng sung sướng... theo tôi nó mới cực thế này... Nó...

Lão nghẹn ngào, mắt hấp háy. Giọt lệ tuổi già chắt mãi mới thành dành cho kẻ đồng hành bốn chân!

Khoảng mươi hôm sau, con dao chặt thịt bị mẻ, em tôi nhắc:

- Không thấy lão mài dao kéo vào xóm... cái lão thật lạ, không lo kiếm khách chỉ lo hát... Có đồng nào mua đồ ăn lại chia đôi cho chó một nửa. Con chó cũng đáo để, không bao giờ ăn trước chủ dù có đặt trước miệng... Người già cũng lạ! Trại dưỡng lão em làm có một bà già... nhập trại ba năm không nói một lời, tưởng câm, khi gần chết hóa ra biết hát. Cái giọng cái điệu, cái lời na ná như lão mài dao.

- Đâu? Bà ấy ở đâu? - Tôi chụp tay nó.

- ở trong, sắp chết rồi. Mà anh hỏi làm gì?

Tôi kéo áo nó, bắt nó chở đi rồi tôi sẽ giải thích. Dọc đường tôi kể vắn tắt chuyện lão Tầm Xuân đi tìm nửa câu quan họ. Tôi linh cảm đó là cố Xuân.

- Ba năm trước, một người đàn ông sang trọng, gương mặt tràn trề nhân ái dẫn bà ấy vào trại. ông ta bảo với Ban quản đốc ông ta thấy bà già cơ nhỡ, ngủ trước hiên nhà nên thương xót dẫn giúp vào đây. Ba năm ở đây, bà ấy sống lặng lẽ như bóng không hề nói, nằm quay mặt vào vách. Nhưng cách đây một tháng, dường như không nén được nỗi đau đớn, bà ta khóc rống lên: "Hắn là con tôi, cái thằng dẫn tôi vào đây chính là con tôi". Mấy hôm nay bà ta hát... không ăn, không uống... chỉ phều phào hát... -Em tôi kể.

Bây giờ nằm trước mặt tôi, trên chiếc chiếu tỏa mùi khai thối trải trên nền gạch loang lổ là bà cụ tóc trắng như bông vấn vành khăn nhung đã sờn, mỏng như giấy, mặt vàng, hơi thở dốc...

"Dong dỏng, trắng tươi, hát hay, xinh đẹp..."

Hình hài ấy không còn nét nào giống lão Tầm Xuân tả. Thời gian cho, thời gian lấy hay tôi đã lầm? Tôi định lui ra nhưng chiếc lá khô ấy bỗng khẽ khàng động đậy. Rồi từ lồng ngực thoi thóp hơi tàn, phều phào những tiếng, lời rời rạc. "Bạn tình ơi! Duyên bén ngãi, trước không phải... sau đền... duyên... ba sinh".

Đdúng rồi! Cố Xuân đây rồi! Tôi reo to giữa những gương mặt già nua ngơ ngác - Lão Tầm Xuân ơi! Nửa câu quan họ đây rồi.

Lão tìm ba năm, nay biết tìm lão ở đâu.

Bà cụ mấp máy môi hát, âm sắc yếu dần... yếu dần... Nhanh trí, tôi nắm lấy bàn tay còn xương với da ấy và tôi lập lại lời hát của lão Tầm Xuân: "Khi tương phùng, khi tương ngộ, xuôi lên bộ văng vẳng tơ tình..." Giọng hát vụng về thô ráp như đọc của tôi cất lên, và lạ lùng thay, nó tựa những giọt nước cành dương diệu kỳ... Mí mắt bà lão động đậy, ngực phập phồng rồi giọng hát yếu ớt cứ rõ dần hòa với cái giọng vịt đực ồ ồ của tôi. Những bà già trên nền nhà lập tức ngồi dậy. Họ không hiểu nhưng họ vỗ tay như những đứa trẻ. Họ reo, họ hò, họ hát ru... Những đôi mắt mờ mờ đục chất ngất nỗi buồn và bất hạnh bỗng háo hức như mắt trẻ con. Một bà lão lục đục trong hai ba lần áo một cái gói nhỏ mở hai ba lớp nylon bày một nhúm thịt chà bông, chần chừ ngắm rồi nhón tay bốc hai sợi thịt đem tới đút vào miệng tôi một sợi, miệng cố Xuân, bị lời hát đẩy ra, còn trong miệng tôi, trào thành nước mắt!

Tôi lập tức đạp xe đi quanh vùng Gia Định tìm lão Tầm Xuân nhưng bóng lão bặt tăm... Hình như lão đã về quê rồi. Em gái tôi góp ý nhắn lão trên tivị Mẩu tin kỳ quái được nhắc lại hai hôm: “Lão Tầm Xuân! Đã tìm ra nửa câu quan họ. Đến gấp trại dưỡng lão số 3, đường... Mau lên kẻo không kịp".

Không kịp thật. Cố Xuân hắt ra hơi thở cuối cùng, lão vẫn bặt tăm. Chiếc xe tang của trại đưa cố đến lò thiêu. Không một vành khăn, không dòng nước mắt.

Có lẽ giờ này lão Tầm Xuân đang lê bước trở về. Nửa câu quan họ lầm lũi theo lão... Chơi vơi... Chơi vơi...






Quế Hương

https://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/cau-hat-tim-nhau-2750114.html

hoài vọng
12-06-2017, 12:26 AM
St cảm ơn anh Hoài Vọng ghé đọc truyện ạ. :z57:

Giờ đây chẳng còn ai có mối tình như Lão Tầm Xuân nữa , có chăng ...đôi ba năm...chợt nhớ thoáng qua vài giây

Kiến Hôi
12-08-2017, 11:43 PM
Giờ đây chẳng còn ai có mối tình như Lão Tầm Xuân nữa , có chăng ...đôi ba năm...chợt nhớ thoáng qua vài giây

Bài "Nửa Câu Quan Họ" "Lão Tầm Xuân", không biết ai viết mà hay đến rùng mình. Cảm ơn Sông Thương nhắc lại.:42::41:


_________________________


sợi tóc bạc dần ..

sôngthương
12-10-2017, 09:42 PM
Giờ đây chẳng còn ai có mối tình như Lão Tầm Xuân nữa , có chăng ...đôi ba năm...chợt nhớ thoáng qua vài giây

Dạ, anh Hoài vọng :z57:, có lẽ, cái tình yêu rất người ấy nó phụ thuộc vào phần tỉ lệ “người” trong mỗi "con người" hiện đại . St nhớ , có một nhà văn đã viết “Nói chung, khi người ta lớn lên, người ta yêu cha mẹ, yêu anh chị em, yêu ông bà, yêu thầy cô , yêu bạn bè và cuối cùng là yêu …một người đáng yêu. Thiếu người đó thì chịu không nổi, gặp người đó cũng chịu không nổi ! Trời đất cỏ cây gì cũng đẹp hơn lên! Chuyện gì cũng hóa linh thiêng ra ! Người ta dễ trở thành những anh chàng “ngọng nghịu đứng làm thơ” (@Đỗ Trung Quân) . Do vậy, nó hoàn toàn xa lạ với kiểu yêu mà la toáng lên , yêu mà bày tỏ ồn ào như đi…biểu tình , yêu mà quyết liệt…chiếm đọat rồi quất ngựa truy phong hoặc yêu theo phong trào cho bằng bạn bằng bè…Nói chung…người ta ngày càng khắng khít với nhau, nhận ra nhiều nét đẹp của nhau chứ không phải bị cuốn hút nhất thời bởi một “cú sét” hay vì một chút hào nhoáng “đẹp từng cm” bên ngoài … ” (Trích “Tình yêu thứ thiệt”- Đỗ Hồng Ngọc)



Bài "Nửa Câu Quan Họ" "Lão Tầm Xuân", không biết ai viết mà hay đến rùng mình. Cảm ơn Sông Thương nhắc lại.:42::41:

Dạ, St cảm ơn anh Kiến Hôi đã ghé đọc truyện :z57:. Anh nhận xét rất chính xác “ hay đến rùng mình” vì người đọc cảm nhận được cái mong manh , nỗi thống khổ của những con người, sống và yêu hết lòng trong cái hữu hạn của kiếp nhân sinh …

Tác giả - văn sĩ là một cô giáo dạy văn người gốc Huế anh ạ. Chị viết nhiều truyện ngắn rất hay , St đã đem vào đây , như “Một cuộc đua” , như “Nỗi buồn rực rỡ” . Chị từng nói : “Đọc và viết giúp tôi bước ra khỏi "khung cửa hẹp" của đời mình, thấy thế tục thẳm sâu hơn, cõi người lung linh bí ẩn hơn” St thích cách viết của chị , tinh tế , sâu sắc và nhân ái , có những chuyện chị viết, đọc xong cứ ngậm ngùi xót xa mãi, vì “hay đến rùng mình” .

sôngthương
12-10-2017, 09:51 PM
Như những đêm Noel ngày xưa , St đã say mê nghe chị kể chuyện cô bé quẹt đến que diêm cuối cùng trong đêm đông lạnh giá, hay chuyện chú bé hồn nhiên gõ trống tặng Chúa Hài Đồng …

St gửi tiếp lên đây vài câu chuyện , như món quà Giáng Sinh nhỏ bé St mến tặng các anh chị, các bạn trong Phố . Mong rằng cả nhà sẽ có một đêm GS ấm áp quây quần bên gia đình , người thân, cùng kể cho nhau (nhất là các thành viên trẻ thơ- nghe những câu chuyện ngọt ngào, những kỷ niệm đẹp đẽ ,sẽ trao tặng nhau những món quà giản dị mà đậm đà yêu thương .
Nếu những ai không có điều kiện sum họp cùng gia đình vào những ngày cuối năm , St mong rằng, những câu chuyện này sẽ như ngọn lửa sưởi ấm trái tim tất cả trong những giây phút muộn phiền …
St xin chúc Một GS an lành và một năm mới hạnh phúc đến tất cả các anh chị, các bạn trong Phố :z57::z56:



https://thiepmung.com/source/text-noel/demo2/demo-4.jpg
-----------------------------------------------



món quà không hẳn là quan trọng, mà tình thương yêu mới là quan trọng


Hướng đạo sinh đêm Giáng Sinh

Thay cho sự rộn ràng và những tiếng cười giòn giã, cậu bé Frank Wilson mười ba tuổi không hề thấy vui vẻ chút nào. Sự thật là Frank nhận được đầy đủ những món quà mà cậu mong muốn, và cậu rất thích không khí gia đình sum họp truyền thống trong đêm trước Giáng Sinh - năm nay được tổ chức tại nhà cô Susan. Buổi họp mặt không ngoài mục đích để mọi người trao đổi quà tặng cũng như những lời chúc tốt đẹp nhất.

Nhưng Frank không vui, vì đây là mùa Giáng Sinh đầu tiên cậu đón mà không có mặt anh trai của cậu. Anh trai Frank đã mất vì tai nạn giao thông trong năm. Frank rất nhớ anh ấy, nhớ mối quan hệ thân thiết mà hai anh em từng có với nhau.
Frank tạm biệt mọi người và giải thích với ba mẹ rằng cậu phải về sớm để gặp một người bạn. Rồi từ nhà người bạn, cậu có thể cuốc bộ về nhà. Vì trời bên ngoài lạnh giá, Frank mặc chiếc áo khoác ca-rô mới vào người. Đó là món quà mà cậu thích nhất. Còn những món quà khác cậu nhét chúng vào chiếc xe trượt tuyết - cũng là quà mới được tặng.

Rồi Frank bước ra đường, hy vọng có thể tìm ra anh đội trưởng đội tuần tra Hướng Đạo Sinh của cậu. Dù có kiến thức rộng, người đội trưởng ấy sống ở khu Flats - một khu vực dành cho những người nghèo nhất của thị trấn - và anh ấy làm nhiều công việc kỳ quặc để kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Nhưng Frank đã thất vọng, anh đội trưởng không có nhà.

Khi Frank đang cuốc bộ dọc theo con phố để về nhà, cậu thoáng thấy vài cây thông Giáng Sinh và dây đèn trang trí trong nhiều căn nhà nhỏ. Rồi, qua một ô cửa sổ phía trước, cậu thấy một căn phòng tồi tàn với những chiếc tất mòn xùi đang treo lủng lẳng trên cái lò sưởi trống rỗng. Một phụ nữ ngồi gần đó đang khóc rấm rứt.

Mấy chiếc tất nhắc Frank nhớ đến những năm trước, hai anh em cậu luôn treo tất bên cạnh nhau. Và sáng hôm sau, chúng căng phồng ra vì những món quà tặng. Một ý nghĩ thoáng qua đầu Frank, cậu vẫn chưa thực hiện "việc tốt" cho ngày hôm nay.

Frank gõ nhẹ cánh cửa. Giọng nói buồn bã của một phụ nữ vọng ra:
- Vâng?
- Cháu vào được không ạ?
Người phụ nữ vừa mở cửa vừa nói:
- Mời cháu vào...

Nhưng khi nhìn thấy chiếc xe trượt chất đầy quà, bà ấy tưởng Frank đi quyên đồ đạc nên nói nhanh:
- Nhưng tôi không có thức ăn hay quà gì cho cháu đâu. Thậm chí tôi chẳng còn gì cho lũ trẻ nhà tôi nữa.
Frank trả lời:
- Đó không phải là lý do để cháu đến đây. Xin bà cứ chọn và lấy ra khỏi chiếc xe những món quà nào bà muốn tặng các con bà.

Người phụ nữ kinh ngạc thốt lên với vẻ biết ơn:
- Chúa ơi! Xin Chúa phù hộ cho cháu!

Bà ấy lựa vài gói kẹo, một thiết bị chơi game, một máy bay đồ chơi và một hộp ô chữ. Khi bà ấy cầm cái đèn Hướng Đạo Sinh mới toanh, Frank suýt buột miệng kêu lên. Cuối cùng, mấy chiếc tất đã căng phồng.

Khi Frank chuẩn bị ra đi, người phụ nữ vội hỏi:
- Cháu không cho cô biết tên ư?
Frank trả lời:
- Bà cứ gọi cháu là Hướng Đạo Sinh Đêm Giáng Sinh.

Chuyến thăm viếng để lại trong tim cậu bé một cảm giác ấm áp. Cậu hiểu rằng nỗi đau của cậu không phải là nỗi đau duy nhất trên đời này. Trước khi Frank rời khu Flats, cậu đã kịp phân phát hết những gói quà con lại. Cái áo khoác ca-rô mới toanh đã nằm gọn trên người một đứa trẻ đang rét run vì lạnh.

Cuối cùng Frank mệt nhọc lê bước trên con đường lạnh lẽo để về nhà. Cho đi hết cả một chiếc xe đầy quà, giờ đây Frank không thể nghĩ ra bất cứ lý do gì để giải thích với ba mẹ. Frank tự hỏi làm sao cậu có thể làm cho họ hiểu được.

Khi Frank vừa bước vào nhà, ba cậu hỏi ngay:
- Quà của con đâu hết rồi, con trai?
- Con đem cho hết rồi ạ.
- Cái gì? Chiếc máy bay của cô Susan? Cái áo khoác ca-rô của bà nội? Cây đèn pin Hướng Đạo Sinh của con? Ba mẹ tưởng con rất vui với những món quà đó.

Frank rụt rè trả lời:
- Con đã... rất vui ạ.

Mẹ cậu lên tiếng hỏi:
- Nhưng Frank à, sao con có thể bốc đồng như vậy? Ba mẹ sẽ giải thích ra sao với mọi người đây? Họ vì yêu thương con mà dành ra nhiều thời gian để đi mua sắm cho con!

Giọng ba cậu cứng rắn:
- Frank, đó là sự lựa chọn của con. Ba mẹ không có đủ tiền để mua quà cho con đâu.

Anh trai thì đi xa mãi, ba mẹ thì thất vọng về cậu, đột nhiên Frank cảm thấy hoàn toàn cô độc. Cậu không hề mong đợi phần thưởng cho sự rộng rãi của cậu. Vì cậu biết bản thân của một việc làm tốt luôn là phần thưởng cho cậu. Nó đáng giá hơn bất cứ điều gì khác. Vì vậy cậu không muốn lấy lại những gói quà đó, tuy nhiên, cậu tự hỏi, trong đời cậu, liệu cậu có còn nhận thêm một niềm vui thật sự nào nữa không.

Frank tưởng cậu có được một buổi tối trọn vẹn, nhưng nó trượt đi mất. Frank nghĩ về anh trai và thiếp ngủ trong nước mắt.

Sáng hôm sau, Frank bước xuống cầu thang thì thấy ba mẹ cậu đang nghe chương trình nhạc Giáng Sinh qua ra-đi-ô.

Thế rồi một giọng thông báo cắt ngang chương trình:
- Chào quý vị, chúc mừng Giáng Sinh Vui Vẻ! Câu chuyện Giáng Sinh hay nhất mà sáng nay chúng tôi sẽ kể đến từ khu Flats. Sáng nay, một cậu bé tàn tật ở khu Flats đang có chiếc xe trượt tuyết mới, một cậu bé khác đang có một chiếc áo khoác ca-rô mới nguyên... Và nhiều gia đình ở đó kể lại rằng đêm qua con cái của họ rất vui vì nhận được quà từ một cậu trai trẻ tuổi, người đã khiêm tốn tự giới thiệu là một Hướng Đạo Sinh Đêm Giáng Sinh. Không ai có thể nhận ra lý lịch của cậu, nhưng bọn trẻ ở khu Flats tuyên bố rằng người Hướng Đạo Sinh Đêm Giáng Sinh chính là đại diện của ông già Nô-en.

Frank cảm thấy cánh tay ba cậu quàng quanh vai cậu, và cậu thấy mẹ cậu mỉm cười qua làn nước mắt. Bà âu yếm nói:
- Sao con không nói cho ba mẹ biết? Ba mẹ đã không hiểu điều đó. Con trai à, ba mẹ thật sự hãnh diện về con.

Samuel D.Bogan

sôngthương
12-10-2017, 09:56 PM
Chú bé đánh trống


Tôi không thể nào kích động hơn nữa. Mục sư và vợ ông ấy sẽ đến nhà tôi dùng bữa tối! Trong đời, tôi chỉ yêu thích có vài người - và một trong số đó chính là mục sư Shick. Mỗi lần tôi gặp ông, không cần biết chúng tôi đang ở đâu ông đền giang rộng hai cánh tay to lớn mà thân thiết ôm tôi.

Khi ba mẹ báo sẽ có ông bà mục sư đến dùng bữa tối, tôi nhảy nhót loi choi với niềm vui sướng ma chỉ có đứa trẻ bảy tuổi mới biểu hiện như vậy. Ngay sau đó, tôi chợt nhớ mình chẳng có món quà nào đó để tặng ông ấy, mà không hơn 10 ngày nữa là đến Giáng Sinh rồi.

Quỳ xuống gần những gói quà được chất đống quanh gốc cây, tôi bới bới lên, hy vọng ba tôi hoặc mẹ tôi dành riêng một món quà nào cho ông ấy. Nhưng không có ói quànào dánnhãn "Mục sư Shick" cả.
Lúc thẳng người lên, ánh mắt tôi bắt gặp một món đồ trang trí trên cành thông. Đó là một chu` bée đánh trống bằng gỗ, cao khoảng tám cm. Tôi nghĩ bụng: Tố qua tại nhà thờ, James, con trai của mục sư Shick, đã đánh trong khi một thiếu niên khác đứng hát bài "Chú Bé Đánh Trống". Hẳn mục sư thích bài hát lắm nên mới cho con trai ông diễn cảnh đó vào mùa Giáng Sinh.

Tôi vội vàng giật hình người bằng gỗ ra khỏi cành cây, chộp lấy một mảnh giấy màu sặc sỡ và hối hả chạy về phòng ngủ của mẹ. Tôi nhanh tay gói hình người trong mớ giấy màu và bọc nguyên cái gói nhỏ với nguyên cuộn băng keo.

Chẳng bao lâu, mục sư và vợ ông ấy bước vào trong nhà. Chúng tôi cùng ngồi xuống bàn ăn, và tôi bắt đâu ăn món thịt băm với mì ống spaghetti trong khi người lớn trò chuyện. Thức ăn ngon tuyệt và cuộc nói chuyệ cực kỳ ấp dẫn tới nổi tôi suýt quên mất món quà. Mãi khi món tráng miện được dọn lên, tôi mới nhớ.

Thò tay dưới ghế, tôi chộp lấy món quà, bất ngờ giơ cái gói giấy dán chằng chịt băng keo lên mà chẳng mào đầu gì cả:
- Đây ạ. Chúc Mừng Giáng Sinh.
Mặt ba mẹ tôi xanh lè xanh lét. Họ hoàn toàn không biết tội tặng cho mục sư cái gì.
Mục sư cầm lấy món quà nhỏ và mỉm cười:
- Michele, con thật là tử tế.

Ông ấy mất nhiều phút để mở gói quà ra, nhưng không được. Ông ấy đành quay sang ba tôi và nói:
- Có lẽ tôi phải mượn ông bà một cây kéo. Ông bà có sẵn không ạ?
Ba tôi đứng lên, lấy một cây kéo trong ngăn tủ đưa cho mục sư.

Với vài nhát kéo và một cái giật thật mạnh, mục sư Shick phát hiện ra cái gì nằm dưới lớp băng keo chằng chịt đó: một chú bé đánh trống bằng gỗ. Lúc này, trông hình hài chú ta nhỏ bé hơn va thảm hại hơn.

Mục sư hả to miệng và thở mạnh:
- Chúa ơi! Món quà này hay vô cùng, con gái à.
Tôi mỉm cười e thẹn:
- Nó làm con nhớ cảnh tối qua, khi James đứng đánh trống. Con thích bài hát "Chú Bé Đánh Trống" lắm!

Sau khi chúng tôi ăn kem xong, mụs sư thân thiết ôm tôi và hai vợ chồng ông ấy ra về. Tôi không chắc ông ấy có thích món quà của tôi không, nhưng tôi sung sướng là mình vẫn nhớ đến ông ấy theo một cách đặc biệt nào đó.

Mục sư Shick vừa khuất dạng ngoài kia thì ba tôi quay sang tôi và tra hỏi ngay:
- Tại sao con tặng mục sư món đồ trang trí cũ xì đó.

Tôi lắp bắp:
- Con tưởng mục sư thích nó.
Ba tôi cảnh cáo:
- Lần sau, muốn lấy cái gì ra khỏi cây Giáng Sinh là phải hỏi, nghe chưa? Nếu con muốn tặng mục sư món đồ trang trí, con nên tặng một trong những thứ pha lê xinh đẹp này.

Bây giờ tôi mới biết rằng món quà của tôi không được ai hoan hô, và mắt tôi dán chặt xuống nền nhà:
- Con xin lỗi.
Chủ Nhật tới, tôi cảm thấy "quê độ" đến nỗi không muốn bước chân vào nhà thờ. Tôi nghĩ, có lẽ ba nói đúng. Lẽ ra tôi nên tặng mục sư một vật trang trí to lớn hơn, một vật nhiều màu sắc và lấp lánh lên khi có ánh sáng. Rốt phải, chẳng phải mục sư Shick là một nhân vật quan trọng sao?
Như thường lệ, chúng tôi ngồi ở dãy ghế đầu tiên. Mặt tôi cùi gầm xuống và không tài nào ngước lên được. Tới giờ giảng, tôi bắt đầu rục rịch trên ghế và chân nọ đá chân kia.

Mục sư giơ vật trang trí chú bé đánh trống quen thuộc lên và nói:
- Hôm nay tôi muốn nói với mọi người về một món quà Giáng Sinh tuyệt vời mà tôi nhận được hồi tuần trước. Món quà cho thấy, thậm chí một đứa trẻ bảy tuổi cũng biết lý do tại sao chúng ta tặng quà cho nhau và ngày Giáng Sinh. Trong số những món quà mà tôi nhận được trong năm nay, món quà này có ý nghĩa rất nhiều đối với tôi. Và tôi xin giải thích với mọi người tại sao... Với những ai không tham dự buổi nhạc thánh ca, thì hôm đó, con trai đã diễn cảnh đánh trống trong bài "Chú Bé Đánh Trống". Và hôm qua, con trai tôi quay trở lại trường đại học rồi.Tôi sẽ để vật này trên bàn làm việc của tôi, nó nhắc nhở tôi rằng dù con trai tôi đang ở đâu, nó vẫn là chú bé đanh trống của tôi.

Cả hội trường vỗ tay rào rào lên.
Cặp mắt mục sư rân rấn nước. Ông ấy nói mạnh mẽ hơn:
- Cháu bé nhắc tôi nhớ rằng món quà không hẳn là quan trọng, mà tình thương yêu mới là quan trọng. Tận đáy lòng, tôi muốn nói lời cảm ơn cháu bé.

Sau buổi lễ, tôi tới gặp mục sư và nhận được một cái ôm hôn thân thiết vào ngày Chủ Nhật. Mục sư cảm ơn tôi lần nữa về món quà giản dị đó. Những người đứng chung quanh biết tôi là cháu gái đã tặng món quà chú bé đánh trống, họ đều mỉm cười với tôi.

Cuối cùng, tôi lên tiếng được và lắp bắp:
- Khi con tặng nó cho mục sư, con lo lắng quá, không biết mục sư có thích không, vì nó quá nhỏ bé.

Mục sư trìu mến nhìn tôi:
- À, con cũng nhỏ vậy, và mục sư rất yêu con.
- Nhưng nó không đẹp. Nó không chiếu sáng lấp lánh.
- Nhưng với ta, nó lại rất đẹp như chính tấm lòng con vậy.
Cho tới tận hôm nay, vào mỗi mùa Giáng Sinh, khi tôi nghe bài hát "Chú Bé Đánh Trống" tôi đều nhớ tới gia đình mục sư Shick. Với tôi, vật trang trí bằng gỗ đó quá bé nhỏ, nhưng ý nghĩa của nó rộng lớn hơn cả cuộc sống. Từ lúc bảy tuổi, tôi đã biết rằng bản thân món quà không quan trọng; mà việc nó đem lại niềm vui cho người khác, nó biểu lộ yêu thương và chia sẻ với người khác, mới đúng là tinh thần của trao tặng.

Michele Wallace Campanelt

---------------------

Chiếc xe đạp

Năm lên chín tuổi, tôi cần kiếm tiền túi nênhỏi ông Miceli - đại lý của tờ báo Herald-American, sống ở gần nhà tôi - xemthử tôi có giao báo ngoài giờ đi học được không. Ông Miceli nói nếu tôi cóchiếc xe đạp, ông ấy sẽ đồng ý.

Lúc đó ba tôi đang làm tới bốn công việc lận.Vào ban ngày, ông lắp đặt bảng hiệu bằng đèn neon tại một cửa hiệu trang trí.Sau đó, ông đi giao hoa tận nhà khách hàng cho tới tám giờ tối. Rồi ông lái xetaxi tới tận nửa đêm. Vào ngày cuối tuần, ông gõ cửa từng nhà để bán bảo hiểm.Ông mua cho tôi một chiếc xe đạp cũ, nhưng ngay sau đó, ông phải nhập viện vìbệnh viêm phổi và chưa có dịp nào tập tôi chạy xe.

Nhưng ông Miceli không yêu cầu xem tôi chạyxe. Ông ấy chỉ yêu cầu thấy chiếc xe. Thế là tôi dắt nó tới gara của ông ấy, đểông ấy nhìn nó một cái, rồi tôi được nhận công việc giao báo.Ngày đầu tiên, tôi quàng cái túi vải đựng đầynhững tờ báo cuộn tròn lên tay lái rồi dắt chiếc xe đi dọc lề đường.

Nhưng việcđẩy môt chiếc xe đựng đầy báo không phải là việc dễ dàng. Vài ngày sau, tôidựng chiếc xe ở nhà, và mượn chiếc xe đẩy hàng bằng kim loại của mẹ tôi.Cần phải khéo tay mới có thể giao báo bằng xeđạp được. Mỗi tờ báo tôi chỉ được phép ném một lần, nếu quăng tờ báo lên hànghiên mà quăng hụt hoặc quăng thấp quá, thì thật là tệ hại. Thế nên tôi để chiếcxe đẩy của mẹ nơi lề đường và đem từng tờ báo bên trong khung cửa lưới của mộingôi nhà. Nếu là tòa nhà tập thể, thì tôi quăng báo vào các hành lang. Gặp lúcmưa rào hoặc tuyết rơi, tôi mượn áo mưa của ba, trùm kín chiếc xe đẩy để giữcho báo được khô ráo.

Dĩ nhiên giao báo bằng chiếc xe đẩy mất thờigian hơn giao báo bằng xe đạp, nhưng tôi chẳng ngại điều đó. Tôi có dịp gặp gỡmọi người trong khu vực nhà tôi, những người lao động nói tiếng Ý, tiếng Đứchoặc tiếng Ba Lan. Họ đều tử tế với tôi - mỗi người theo một kiểu khác nhau.Trê đường giao báo, nếu tôi nhìn thấy điều gì hay hay, thí dụ như một con chómẹ với bầy chó con hoặc một cầu vồng nhiều sắc màu, tôi có thể dừng lại để xem.Khi ba tôi xuất viện, ông tiếp tục công việcban ngày, nhưng vì ông còn quá yếu sức nên đành phải bỏ hết những công việckia.

Bây giờ thì gia đình tôi cần từng xu một để trả tiền các chi phí, nên bamẹ quyết định bán chiếc xe đạp đi. Vì tôi vẫn chưa biết cách cưỡi xe, tôi chẳnghề lên tiếng phản đối.Hẳn ông Miceli biết chuyện tôi không sử dụng chiếcxe đạp, nhưng ông ấy chẳng nó gì với tôi cả. Thật ra, ít khi ông ấy nói chuyệnvới đám trẻ giao báo chúng tôi, trừ phi ông cần la rầy chúng tôi vì quên giaobáo cho một khách hàng nào đó hoặc vì quăng báo xuống một vũng nước...

Trong vòng tám tháng, tôi nâng số người đăngký báo từ ba mươi sáu lên năm mươi chín - phần lớn là do các khách hàng giớithiệu tôi với hàng xóm của họ. Đôi khi cũng có người chặn tôi giữa đường, bảotôi ghi tên họ vào danh sách giao báo. Mỗi tối thứ Năm tôi đều đi gom tiền báo,và vì hần hết khách hàng đều đưa dư chút đỉnh, nên chẳng bao lâu tôi có thểkiếm được số tiền "boa" nhiều bằng số tiền mà ông Miceli trả cho tôi.Điều này rất hay, vì ba tôi vẫn chưa thể làm thêm ngoài giờ nên tôi phải đưacho mẹ hết số tiền công.

Vào buổi tối thứ Năm trước ngày Giáng Sinh,tôi nhấn chuông cửa ngôi nhà người khách hàng đầu tiên. Mặc dù trong nhà sángđèn, không ai đi ra mở cửa nên tôi sang ngôi nhà kế tiếp. Cũng không ai trảlời. Chuyện xảy ra y hệt như vậy với ngôi nhà thứ ba, thứ tư... Chẳng bao lâu,tôi đã tới hầu hết các khách hàng đăng ký báo của tôi, nhưng không một ai cómặt ở nhà. Trong lòng tôi lo lắng lắm; bởi mỗi thứ Sáu tôi phải đi nộp tiền báocho ông Miceli rồi! Dù chỉ còn vài hôm là Giáng Sinh, tôi không tin mọi ngườilại rủ nhau đi mua sắm cùng một lúc.

Tới ngôi nhà cuối cùng là nhà của gia đìnhGordon, tôi mừng rỡ vô cùng khi nghe tiếng nhạc và tiếng cười nói vọng ra. Tôiliền nhấn chuông.Cánh cửa bật mở ngay lập tức và hầu như ôngGordon lôi sềnh sệch tôi vào bên trong. Chen chúc trong gian phòng khách của ông ấy là năm mươi chín người khách hàng của tôi. Và ở giữa gian phòng và chiếcxe đạp hiệu Schwinn mới toanh. Chiếc xe đạp màu đỏ ửng của kẹo táo, nó có cáiđèn pha chạy bằng đy-na-mô và có cả chuông leng keng. Một cái túi vải căngphồng lên với các phong thư đủ màu được quàng nơi ghi đông xe.Bà Gordon nói:- Đây là món quà tặng cháu. Tất cả chúng tôiđều hùn vào đó.Trong mỗi chiếc phong thư đựng một thiệp mừngGiáng Sinh, kèm theo số tiền đăng ký báo hàng tuần.

Hầu như ai cũng tính dư thêm dăm bảy xu cho tôi. Tôi cảm thấy mình cứ đứng đờ người ra đó, không biếtphải nói gì.

Cuối cùng, một phụ nữ yêu cầu tất cả im lặng và bà ấy dịu dàng dẫntôi tới giữa phòng.Bà ấy nói với tôi:- Cháu là người giao báo giỏi nhất mà chúngtôi từng biết. Cháu chưa hề giao báo thiếu một ngày nào, và chưa hề để báo ướtmột tờ nào. Tất cả chúng tôi đền nhìn thấy cháu đi giữa trời mưa hoặc giữa cơntuyết, với chiếc xe đẩy nhỏ bé. Bởi thế, chúng tôi nghĩ cháu cần phải có mộtchiếc xe đạp.

Tôi chỉ có thể thốt ra hai chữ "cảmơn" Và tôi cứ nói đi nói lại hai chữ đó mãi.Về tới nhà, tôi đếm được hơn môt trăm đô latiền "boa" - nó khiến tôi trở thành người hùng của gia đình và nó làmcho cả nhà có được một mùa nghỉ lễ thật tuyệt vời.

Hẳn có ai đó đã gọi điện và kể cho ông Micelibiết, nên hôm sau, khi tôi tới gara của ông ây để lấy báo, tôi thấy ông ấy đangđứng đợi tôi ở bên ngoài cửa. Ông nói với tôi:- Ngày mai, lúc mười giờ, chú mày mang chiếcxe đạp mới lại đây. Ta sẽ tập cho chú mày cưỡi xe đạp.

Và tôi làm đúng điều ông Miceli bảo.Trong ngày Giáng Sinh năm đó, các khách hàngcủa tôi còn cho tôi thêm một món quà nữa: Đó là bài học về lòng tự hào ngay cảvới công việc hèn kém của mình - một món quà Giáng Sinh mà tôi cố gắng sử dụngthường xuyên, mỗi khi tôi nhớ tới lòng tốt mà mọi người đã tặng cho tôi.

Marvin J.Wolf

sôngthương
12-10-2017, 09:59 PM
Món quà vô giá

Người ta nói rằng có quá nhiều bạn bè đôi khi cũng gây phiền phức, và điều đó xảy ra trong trường hợp của tôi.

Một tuần lễ nữa là đến Giáng Sinh rồi, thế mà tên năm người thân trong danh sách của tôi vẫn chưa được tôi mua quà. Bởi vì bạn tin được không, trong túi tôi chỉ còn đúng ba đôla! Làm sao tôi mở miệng nói với ba mẹ tôi và ba người bạn của tôi rằng tôi chỉ có thể chi cho mỗi người sáu mươi xu thôi?

Tôi đề nghị với Joanie, bạn thân của tôi:
- Năm nay tụi mình nên đặt ra giới hạn cho từng món quà đi.

Joanie đồng ý ngay:
- Hay đấy. Thế thì mỗi món không được quá năm đôla nhé?

Tôi cảm thấy mình đúng là "trùm sò" khi kỳ kèo với nó:
- Nếu mỗi món không được quá sáu mươi xu thì cậu nghĩ sao?

Joanie mỉm cười:
- Mình cho rằng đây là lúc mình cần phải nhấn mạnh: quà cáp không quan trọng, chỉ có tình cảm mới quan trọng. Nhưng đừng trách mình nếu cậu sẽ nhận toàn là kẹo cao su!

Hoàn toàn không dễ dàng khi tôi cần lựa mua mỗi món quà với giá sáu mươi xu. Cho nên nó phải là những món quà nhỏ xíu với ý tưởng rất lớn lao. Chưa bao giờ tôi mất nhiều thời gian cho công việc suy nghĩ này, làm sao để tặng quà cho đúng người.

Cuối cùng, ngày Giánh Sinh cũng tới. Tôi lo lắng lắm, không biết người ta sẽ nghĩ gì sau khi nhận món quà "rẻ tiền" của tôi.
Tôi tặng mẹ một cây nến thơm cùng với dòng chữ "Mẹ là ánh sáng rực rỡ nhất trong đời con." Mẹ tôi suýt khóc khi đọc hàng chữ đó.

Tôi tặng anh tôi một cây thước gỗ. Trên mặt sau cây thước, tôi viết "Trên đời này, không người anh trai nào có thể so sánh được với anh". Anh tôi tặng lại tôi gói đường với dòng chữ "Em thật ngọt ngào". Tôi xúc động lắm. Anh tôi chưa từng nói câu đó với tôi bao giờ.

Phần Joanie, tôi sơn phết một đôi giày cũ, đính những bông hoa ép khô lên trên đó và kèm theo mảnh giấy nhỏ viết rằng "Không ai có thể chất đầy đôi giày của cậu." Nó tặng lại tôi một cái lông gà và một băng cá nhân. Nó nói rằng tôi thường cù lét vào sườn nó, làm nó cười lăn lộn cho tới khi nó bị xốc hông.

Và hai người bạn kia, một đứa thì tôi tặng cây quạt giấy, và viết trên đó hàng chữ "Mình là một fan cuồng nhiệt nhất của cậu." Còn đứa kia, tôi tặng cái máy tính giá một đôla và viết "Bạn luôn có thể tin cậy nơi mình." Tụi nó tặng lại tôi một cái móng ngựa rỉ sét để lấy hên, và một bó que được cột chặt bằng sợi dây đỏ, bởi vì "bạn bè phải luôn sát cánh bên nhau".

Trong mùa Giáng Sinh năm đó, những món quà "rẻ tiền" là thứ mà tôi nhớ nhất. Anh tôi nghĩ rằng tôi ngọt ngào. Mẹ tôi biết bà ấy là người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Joanie nghĩ tôi luôn làm nó tức cười - và điều đó thật cần thiết, vì ba nó mới bỏ đi và nó nhớ ba nó lắm.

Trước Giáng Sinh, tôi lo mình không có đủ tiền mua quà cho mọi người, thế mà tôi vẫn mua đủ và còn dư lại những hai mươi xu! Giờ đây, chúng tôi thường nhắc lại những món quà "rẻ tiền" đó, giá cả chỉ tính bằng vài chục xu, nhưng chúng tôi thật sự thổ lộ tình cảm ra cho nhau biết.

Trên kệ sách, tôi còn giữ lại một gói đường, một cái lông gà, một móng ngựa và một bó que... Và chúng hoàn toàn vô giá.

Storm Stafford


http://kilopad.com/truyen-ngan-c197/doc-sach-truc-tuyen-nhung-cau-

sôngthương
12-16-2017, 06:53 AM
Cảm ơn Du lan đã ghé đọc truyện với St nhé :z57:

----------------------



Nguyên Hương

Lỡ mình không có gì
(Nguyên Hương)



- Tôi là mẹ của cô dâu.
Bản nhạc mừng hôn lễ đang rộn ràng, nếu bà muốn có thay đổi gì thì rất có thể là chúng tôi không kịp trở tay.

- Dạ - Tôi mỉm cười - Có chuyện gì vậy ạ?
Người đàn bà đặt tay lên ngực:
- Cô làm ơn nói dàn nhạc thay người giùm.

Công việc lễ tân cho tôi khả năng đoán biết khách hàng muốn gì khi họ chưa nói ra và hiểu ngay được cái điều họ đang tìm cách diễn đạt. Nhưng lúc này, tôi không thể hiểu ra người đàn bà này nói gì.
- Dạ... Cụ thể là bà muốn thay ai ạ?
- Cái cậu thọt chân ôm cây ghi ta điện.

Tôi “dạ” và đi nhanh lên lầu, khéo léo trẹo chân một cái rồi kêu lên “úi da” chứng tỏ cho người đàn bà thấy sự nhiệt tình của tôi trước yêu cầu của bà. Sau cú trẹo chân này, và sự khiếu nại của bà là lầm lẫn, thì coi như tôi ghi được điểm A trong ca trực này.

Bà đi theo tôi, tà áo dài gấm cuốn trong tiếng đế giày lốp cốp cố bước nhanh:
- Đám cưới là chuyện cả đời người ta, ai cũng muốn tròn trịa phải không cô.
- Dạ đúng rồi. Dọn cái chén bị mẻ tí xíu cũng không được nữa là.
- Cô hiểu ý tôi rồi đó - Giọng bực bội chuyển qua hồ hởi - Chẳng phải tôi khó khăn gì đâu. Có thờ mới thiêng, có kiêng mới lành phải không cô.
- Dạ có lẽ ai đó trong khách dự tiệc muốn vừa hát vừa tự tay đàn thôi. Xin bà yên tâm.

Sự quả quyết của tôi đã trấn an được bà, bà đi chậm lại chứ không như chạy cho kịp tôi nữa. Lên tới nơi, tôi nhìn về sân khấu. Một cô gái tươi cười trong điệu nhạc vui. Vậy là người thọt chân đã hát xong và đã...

Một khuôn mặt lạ đang đứng cạnh Hưng. Trên tay chàng trai là cây ghi ta điện đúng như người đàn bà nói. Ống quần màu xanh đen bên chân phải lùng thùng nhúc nhích phụ họa theo chân trái đang nhịp theo điệu nhạc một cách hào hứng. Những ngón tay dài như múa trên phím đàn và cái cười rộng miệng khiến tôi nghĩ nếu không vì cái chân thì chàng trai này đã ôm eo cô gái mà nhảy mới thỏa lòng. Miệng cười của chàng trai toát lên niềm vui chinh phục và dâng tặng.
- Cô thấy chưa? - Giọng người đàn bà vang lên ngay sau gáy tôi.
- Dạ...

Ra hiệu cho Hưng cần gặp gấp, chớp nhoáng trong đầu tôi những phương cách để đôi bề được trọn vẹn, làm sao để kéo chàng trai này rời khỏi sân khấu mà không bị tắt ngấm nụ cười hào hứng trên môi.

Người đàn bà chìa cổ tay đeo đồng hồ ra hiệu. Tôi nhìn đồng hồ trên tay mình. Chỉ còn năm phút.
Hưng đến bên tôi:
- Chuyện gì vậy Tuyết?
- Anh chàng ôm cây ghi ta điện...

Hưng cười toét miệng ngắt lời tôi:
- Lọt vô mắt xanh của trưởng phòng lễ tân rồi hả? Vậy là...
Tôi cắn môi nói nhanh:
- Người nhà cô dâu chú rể không...

Một tràng tiếng nổ của hai chùm bong bóng khổng lồ treo ở phía cầu thang, cô dâu chú rể xuất hiện trong tiếng nhạc rộn rã tưng bừng chào đón.
Cái đồng hồ của người chủ hôn chạy nhanh hơn đồng hồ của tôi bốn phút.

° ° ° ° °

Hưng và tôi bị gọi lên phòng giám đốc trên tầng sáu. Hưng bị nhắc nhở vì tội làm từ thiện không đúng cách còn tôi thì vì trách nhiệm liên đới. Lẽ ra chỉ dừng lại đó nhưng tại Hưng hùng hồn “Không phải từ thiện đâu thưa sếp. Tôi mời Thuận đến vì năng lực thật sự”. Sếp lạnh lẽo “Năng lực thật sự của cậu để đâu mà không nhớ tiêu chí đầu tiên của một nhân viên khách sạn là ngoại hình?”. Hưng ngang ngạnh “Thưa, chơi nhạc thì ngoại hình xếp sau tài năng”. Tôi níu áo Hưng lại nhưng không kịp, sếp nổi trận lôi đình “Nếu sự có mặt của bạn cậu mà đủ tài làm cho khách hàng kéo đến nhiều hơn thì tôi mời làm giám đốc luôn”.

Ra khỏi phòng sếp, Hưng và tôi nhìn nhau rồi nhìn xuống lòng đường chấp chới màu sắc.
Hưng hích vai tôi:
- Đừng có nhảy xuống rồi công an phân tích nguyên nhân là tại mình nghe.
Câu nói như một lời xin lỗi. Tôi cười:
- Mình chỉ tính chuyện nhảy xuống khi nào Hưng tỏ tình với mình rồi đi với cô khác thôi.
- Làm ơn lập lại đi.
- Anh chàng đó ở đâu ra vậy?
- Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Dìu Dắt.
- Làm gì ở đó?

- Thuận sống nhờ ở đó từ nhỏ. Bây giờ học được nghề nhạc rồi, người lớn rồi - Hưng thốt hai từ “người lớn” bằng giọng bông lơn - Người lớn mong muốn được làm việc. Chính đáng quá phải không? Kéo Thuận đến chơi nhạc cho đám cưới là mong có một cơ hội nào đó. Ai ngờ...

Tôi nhớ hình ảnh Thuận nồng nhiệt trên sân khấu.
- Hưng dạy Thuận chơi đàn à?
- Ban đầu là mình dạy chơi chơi để Thuận sinh hoạt với mấy em ở Dìu Dắt cho vui. Sau nhận ra Thuận có năng khiếu nên mình khuyên Thuận đi học. Vừa tốt nghiệp hè năm ngoái.
- Từ hè năm ngoái tới nay Thuận làm ở đâu?

- Mình nhường lại Thuận dạy vài mối con nhà khá giả. Nhưng dạy vậy thu nhập không ổn định vì môn năng khiếu này ít có em theo được lâu dài. Mình có lương cố định của cơ quan nên kiếm thêm kiểu đó được chứ Thuận thì bấp bênh lắm. Lại thêm từ nhà này đến nhà kia phải có phương tiện đi lại mà Thuận thì không. Định xin sếp cho phép căn phòng tập thể của mình làm chỗ dạy nhạc đứng tên mình mà người dạy là Thuận. Nhưng vậy là hết hy vọng rồi.
- Tại Hưng làm sếp cáu.
- Ừ, tại mình. Mình không biết cách thuyết phục người khác dù mình đúng.
- Lại là mình đúng! - Tôi lắc đầu.
Hưng cười:
- Ngu nữa rồi. Thôi, chỉ giáo giùm đi.
- Sếp không phải là cánh cửa duy nhất.
- Tuyết cùng gõ những cánh cửa khác với bọn mình nghe!

° ° ° ° °
Tôi gõ được bốn cánh cửa của những doanh nhân hay đặt tịêc ở công ty. Vậy là Thuận có thêm bốn cô cậu học trò nhí. Tuyệt nhất là có một chủ nhà đồng ý cho Thuận sử dụng phòng học của con mình làm chỗ dạy các bé, Thuận không phải đi lại nhiều. Lớp học nhạc mở ra được hai tuần thì nhà hàng xóm nghe tiếng đàn cũng xin cho con mình qua học cho vui.
Hưng trêu chọc là với cái đà này thì biết đâu đất nước lại chẳng có thêm một nhạc sĩ của thiếu nhi vốn là mảng mà ai cũng nói quá thiếu. Biết vì sao quá thiếu không? Vì khó. Chứ sao. Đâu phải ai cũng giữ được niềm tin yêu trong trẻo để đồng điệu được với các bé. Hả, doanh nhân thì tiếc gì tiền mà không mời nhạc sĩ thành danh, chẳng qua họ cần tìm đúng người cần cho đứa con yêu quý, ai là người đáng tin cậy để họ yên tâm giao phó tâm hồn trong veo của bé, ai là người xứng đáng viết lên đó những nốt đầu tiên...

° ° ° ° °
Những giấc mơ đẹp quá thường tan nhanh.

Khó khăn bắt đầu lập lại. Mùa thi, các em đồng loạt xin nghỉ để lo ôn tập văn hóa.

Một việc làm ổn định cho người mong muốn được tự nuôi thân chứ không ăn bám lòng từ thiện! Vắng khách, Hưng và tôi chuyện phiếm, viết dòng chữ này ra giấy và vo viên bỏ vào mũ cùng với những viên trống không khác. Nào, bốc thăm may mắn cho Thuận đi. Không ai dám mở viên giấy của mình ra cả. Hình ảnh Thuận tự tin nhoẻn cười trên sân khấu hôm nào như một điều hư ảo.

- Hay hai đứa mình cưới nhau rồi rủ Thuận về mở quán cà phê nhạc sống... - Hưng kề mặt tới sát mặt tôi.
Tôi trừng mắt giơ tay lên. Hưng lùi lại, cười, bỏ chạy hút vào thang máy.

° ° ° ° °

Bà Hồng nhờ tôi gọi giùm taxi đưa tới Trường Đại học Tây Nguyên.
Trong lúc đợi taxi đến, bà đứng ở quầy của tôi nhìn bâng quơ. Tôi hỏi cho có chuyện:
- Cô có con học ở đó?
- Không. Cô đi tìm vài sinh viên y khoa năm cuối để mời về cơ quan của cô làm việc.

Chuyện lạ. Tôi kinh ngạc. Bà giải thích:
- Cơ quan cô vừa xa xôi vừa phức tạp. Người ta không thích về đó.
- Xa xôi là ở đâu ạ?
- Bình Phước.

Tôi nhớ đã từng được khách trọ đến từ nơi này tặng cho hộp hạt điều.
- Cơ quan của cô có cần nhạc công không?
- Rất cần cho những hoạt động văn hóa văn nghệ. Cháu có người bạn nào chơi đàn hay và nhiệt tình giới thiệu cho cô một hai người đi.
Tôi nín thở:
- Bị thọt chân được không cô?
- Càng tốt.

Tôi gọi Hưng xuống gấp để chứng kiến phút giây thần thoại này. Và tôi cũng sợ mình nghe nhầm nữa. Phải có ai đó bình tĩnh hơn tôi mới được.
Thang máy nhấp nháy nút đỏ. Hưng vừa đi ra vừa nhìn tôi dò hỏi.

Bà Hồng sôi nổi:
- Cô là Giám đốc trại Giáo dục lao động Phú Nghĩa, trại viên toàn là những chàng trai cô gái còn trẻ măng. Một người tật nguyền mà hăng hái làm việc sẽ là tấm gương sống động thuyết phục nhất.

Taxi dừng lại trước cổng, bà lấy ra tấm danh thiếp đặt lên quầy:
- Cháu nói bạn liên lạc với cô nhé.
Chiếc taxi lướt đi, tôi đẩy tấm danh thiếp về phía Hưng:
- Lần này là phải khao thật lớn.
- Hai đứa mình góp chung tiền khao nghe? - Hưng quàng qua vai tôi.
Lại lợi dụng tình thế rồi. Tôi giơ cao tay lên. Hưng đưa mặt ra. Tay tôi lơ lửng dừng giữa khoảng không. Rồi chẳng hiểu sao tôi nhắm mắt lại.

° ° ° ° °

Hưng chở tôi đến chỗ trọ của Thuận. Mở cửa phòng là một người khác. Bà chủ nhà lắc đầu:

- Cậu Thuận còn nợ tôi hai tháng tiền. Thấy tật nguyền tôi cũng thương nhưng sao mà thương hoài được.

Hưng phóng xe hú họa đến Dìu Dắt. Qua khung cửa sổ, tôi nhìn thấy Thuận đang ôm đàn ngồi trên cái giường ở góc phòng. Ba dãy song song, mỗi dãy hai mươi cái, ngắn và hẹp, giường dành cho các em. Tôi hình dung Thuận nằm cong người trong đêm tối.

Quanh Thuận là những em bé mù đang lắng nghe Thuận hát về một dòng sông dửng dưng cuốn trôi tất cả mọi thứ mà dòng chảy lạnh lùng của nó đi qua. Tiếng hát buồn thê thiết. Tiếng hát trái ngược với tất cả những gì bấy lâu tôi nhìn thấy nơi Thuận. Tiếng hát khiến tôi nhận ra Thuận đã cố gắng thế nào để có thể nhoẻn cười. Tiếng hát buồn đến nỗi tôi sợ hãi ôm chặt lấy Hưng, sợ một nỗi... Lỡ mình không có gì để tin...

Tôi muốn gõ cửa nhưng Hưng giữ tay tôi lại:
- Hãy để Thuận trút hết nỗi buồn rồi bắt đầu chương mới.

Nguyên Hương

sôngthương
01-23-2018, 12:58 AM
St mời cả nhà đọc truyện tiếp nhé :z56:

----------



Bóng đổ trên đường đi

Đêm thiếu trăng, sân chùa vắng lặng, tịnh không một bóng người. Chỉ có cái bóng đèn móc ở trên mái hiên hắt sáng một vùng như chiếc màn phủ chụp lấy khoảnh sân. Từ đầu hôm, sư thầy đi thăm nhà một đạo hữu trong vùng đến giờ vẫn chưa về.

Điệu Sanh bước xuống thềm hiên giỡn bóng, trò nghịch này có lần sư thầy đã khuyên điệu bỏ đi, đừng có đeo đẳng cái ám ảnh con người ta như thế. Nhưng hình như Sanh quên mất, lại vốn tính tò mò nên điệu luôn tìm cách khám phá những điều bí ẩn mà đôi khi người khác cho là vớ vẩn.

Từ trong cái quầng sáng ở sân, điệu Sanh cố đưa mắt nhìn ra vườn cây, song chẳng thấy một thân cây nào, chỉ tuyền một màn đen. Sanh đi thẳng ra vườn, khi đã chìm trong bóng tối thì điệu nhìn rõ cả những chiếc lá đang đung đưa trên cành, vài nhánh khô gẫy rơi dưới đất nữa. Lạ quá, đứng trong chỗ sáng thì không thấy gì, ra chỗ tối lại thấy được?

Điệu đem thắc thỏm này hỏi ngay khi sư thầy vừa vào đến cửa chùa. Sư thầy là một người thông tuệ, ngoài kinh kệ văn chương thầy còn giỏi cả kiến thức của các lĩnh vực khoa học tự nhiên. Rõ ràng đây là chuyện của ngành vật lý, hiện tượng đồng môi trường quang học, thầy biết căn cớ của nó. Nhưng nói chuyện vật lý với điệu Sanh chẳng khác nào bắt trẻ con mang đá vào đầu, nặng lắm! Hơn nữa, nếu như nhà thơ thi vị hóa cuộc sống, nhà văn tô vẽ cuộc đời, thì bậc tu hành có thể cảm nhận mọi hiện tượng tự nhiên thông qua một thứ lăng kính gọi là nhân sinh quan. Thầy sẽ giải thích điều đó với điệu sanh bằng cách vừa dễ hiểu mà lại thấm nhuần đạo pháp, trước nay vẫn vậy.


Hai thầy trò vào ngồi ngay ngắn trong tịnh thất. Buổi học của điệu Sanh bắt đầu, người truyền thụ không ai khác chính là vị sư khả kính. Sanh đã quên khuấy cái điều lúc nãy, quên như kiểu người ta vẫn nói trẻ con ngủ một giấc, sáng mai quên hết ấy mà. Nhưng sư thầy lại không nghĩ thế, thầy không cho cái sự thắc thỏm của điệu là “đồ trẻ con, để ý làm gì”. Sanh lật vài trang sách lấy khí thế cho buổi học. Trong lúc đó sư thầy đang sắp sẵn những ý tưởng để dạy, cốt sao cho điệu dễ hiểu. Xưa nay, học trò càng nhỏ càng khó dạy là vậy.

- Hôm qua chúng ta đến đoạn thái tử Tất Đạt Đa xin phép vua cha cho đi coi tình hình dân chúng rồi, phải không điệu Sanh? – Thầy hỏi khẽ một câu cốt là để nhắc lại coi điệu có nhớ bài không mà thôi.

Sanh sắp buồn ngủ, định ngáp vặt một cái thì phải há mồm dạ một tiếng rõ to. Sư thầy kể tiếp chuyện về lịch sử đức Phật Bổn sư Thích Ca. Sau khi được vua cha cho phép ra khỏi cung điện. Dù vua cha đã khuyên đoàn tùy tùng đừng để cho thái tử nhìn thấy cảnh cơ cực của dân chúng. Song, mọi sự khó qua được đôi mắt tinh anh của chàng hoàng tử có vầng trán thông minh ấy. Ra khỏi ánh sáng hoàng cung, hòa mình vào cảnh cơ cực của con người và sinh vật, Tất Đạt Đa đã nhận ra nỗi khổ thế gian.

Kể đến đấy, sư thầy dừng lại, úp nhẹ lòng bàn tay vào vai điệu Sanh.

- Cái điều con hỏi lúc nãy, chính là đây. Khi ở nơi ánh sáng, ta khó nhận ra được những điều ở trong bóng tối. Như thái tử Tất Đạt Đa sống sung sướng trong hoàng cung thì không thấy hết nỗi cơ cực của cuộc sống ngoài kia. Chỉ khi ở trong cùng hoàn cảnh, con nhớ chưa, chỉ khi ở trong cùng hoàn cảnh người ta mới thấy rõ nhau.

Buổi học kết thúc ở đó. Hình như Sanh chẳng để ý lắm đến câu chuyện mà thầy vừa kể, điệu nhíu mắt lại. Sư thầy cũng cảm thấy diễn giảng như thế còn trúc trắc khó hiểu và hơi xa vời so với một học trò chưa đầy mười tuổi, chi đành cho điệu ấy tận mắt chứng kiến.

Trước khi nghỉ, thầy dặn điệu Sanh sáng mai hãy cùng thầy xuống phố. Sanh mừng quá, tan cơn buồn ngủ. Xuống phố vui lắm, đông người, nhiều xe cộ, lắm trò thích nhé! Tối đó điệu Sanh nằm trơ mắt khá lâu, cảm giác ngóng chờ đến sáng để được đi chơi cùng thầy. Trong căn phòng không ánh đèn, điệu nhìn thấy biết bao nhiêu thứ, đúng ra là điệu đang tưởng tượng ra nhiều điều, xen lẫn vào cả giấc mơ.

***
Sáng hôm sau điệu Sanh dậy sớm hơn mọi ngày. Thường thì sau khi thầy thỉnh xong hồi chuông điệu mới dậy hẳn. Riêng sáng nay, có lẽ do muốn xuống phố nên Sanh bật dậy trước khi nghe chuông. Súc miệng xong, điệu bước vào chánh điện, quỳ đảnh lễ cùng thầy. Nghi thức hành lễ đầu ngày không quá dài, kết thúc bài kệ Hồi hướng trời vẫn chưa sáng hẳn.

Trong chút nhờ nhờ ảo mị, ánh sáng ban mai quyện với sương, chỉ đủ để mắt nhìn ra tới cổng chùa, hai thầy trò tay nải bắt đầu chuyến đi. Đây là lần đầu tiên điệu Sanh được xuống phố cùng sư thầy. Một năm ở chùa, quen với cảnh ở đấy rồi, thành ra Sanh cũng không mấy nghĩ gì đến việc được đi tới những nơi ồn ào đông đúc. Vả lại, trong đầu Sanh, hình ảnh phố xá cũng là thứ xa xỉ mà thôi. Có thì tốt, không cũng chẳng sao, cái hứng thú đi phố hôm nay chẳng qua là tính hiếu kỳ trẻ con.

Riêng sư thầy lại khác. Chuyến đi theo dự tính vỏn vẹn một ngày thôi nhưng thầy không muốn vô bổ. Mỗi bước đi của người tu hành đều phải có chơn niệm và mang lại chơn quả.

Ý định đi xuống phố mới nảy sinh tối hôm qua, lúc thầy giảng bài cho điệu Sanh xong coi bộ hàn lâm quá, đành phải tiếp cận hiện thực, như cách giáo dục học đi đôi với hành. Lại nhớ lời dạy của đức Bổn sư trước khi nhập diệt đã nói với ông Tu Bạt Đà La, đại ý, con đừng có tin vào bất cứ ai cả, dầu đó là lời nói ra từ một đức giáo chủ, con hãy tin vào chính mình. Hòa mình vào cuộc sống ngoài kia cũng là một nhiệm vụ của người tu hành, để tìm được chân lý cho niềm tin vững chắc chứ không nhất thiết chỉ dựa vào kinh kệ pháp thư truyền lại. Một công đôi việc, đi để dạy cho điệu Sanh, cũng là để cho thầy tu tập.

Quãng đường từ chùa xuống phố thả bộ chừng nửa tiếng. Mải ngắm cây cỏ ven đường nên thi thoảng điệu Sanh rớt lại phía sau thầy vài bước. Nắng bắt đầu lên. Sanh đi sau, giẫm chân chạm vừa đến cái bóng đổ chập chờn của sư thầy. Chợt nhớ có lần bị thầy quở vì trò giỡn bóng, điệu bước vội lên trước. Lát sau đã tới cái nơi cần tới.

Phố hôm nay y như rằm thầy nhỉ? Sanh thốt lên một câu ngộ nghĩnh trước cảnh người xe ngược xuôi rộn ràng trên đường.

Ở chùa, chỉ có rằm mới đông, mà cũng không đông như ngoài phố. Lui tới vẫn những khuôn mặt quen thuộc của đạo hữu và phật tử trong vùng thôi. Ngoài phố đúng là ngày nào cũng đông như rằm thật đấy, nhưng họ không dễ gì quen mặt nhau, mỗi giờ mỗi phút lườn lượt người qua quả là khó nắm bắt được vẻ hình. Nếu có gặp người quen chưa chắc kịp chào nhau một câu cho trọn vẹn.

Một quãng đường vốn là nơi kẹt xe vào giờ tan sở, ùn lại, người sau đẩy người trước. Buộc phải đi. Gấp gáp thế nhưng chẳng tiến được là bao, thầy nhỉ? Thỉnh thoảng điệu Sanh lại hỏi những câu giản đơn khiến thầy băn khoăn. Hình như người ta buộc phải đi và sống theo kiểu đó. Ai cũng biết càng chen lấn chỉ tổ làm chậm vướng chân nhau, nhưng không ai chịu nhường ai vì không tin tưởng người kia cũng có ý thức nhường nhịn như mình. Thành ra cái lòng tin dần dần nhạt đi!

Từ lề đường, thầy dắt tay điệu Sanh len hẳn vào giữa cái đám đông như ghim đinh nhau ấy. Những người cầm lái xung quanh thấy hai cái đầu trọc ngồ ngộ, nửa tò mò ngắm nghía nửa muốn nhường giới tu hành nên không lấn át nhau nữa. Có ý thức một chút rồi. Và họ đâu có ngờ rằng, mười mấy năm sau, tức vào cái thời điểm tác giả đang kể câu chuyện này, có một nhà sư thực hành nhất bộ nhất bái. Trên con đường quốc lộ xe cộ chạy như đua, hình ảnh một nhà sư thong dong chậm rãi đi một bước cúi xuống vái một lạy đã khiến nhiều tài xế lưu tâm mà giảm tốc độ cho.

Đến ngã năm không có bùng binh, nhưng toán xe cộ đã vô tình cô lập hai thầy trò ở chính giữa, và tự dưng hai thầy trò hệt một cái bùng binh tưởng tượng cho từng loạt xe vo cua. Người vẫn xoáy quanh như quấy xô đa, đặc quánh lại. Có người lái xe chạy hết một vòng quanh hai thầy trò mà vẫn chưa tìm ra nghẽ ngách nào để rẽ về nhánh đường của mình. Thế đấy, đôi khi biết con đường đúng rồi mà không thể đi vào được, đành phải luẩn qua luẩn quẩn. Những biển báo chỉ dẫn đường đi chi tiết. Ai cầm lái đều có bằng, có hiểu luật giao thông. Song, không phải ai cũng tuân thủ. Vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, đi sai làn đường… Biết sai cả đấy, thế mà vẫn cứ liều. Có khổ không!

Hai thầy trò đi thêm vài con phố nữa. Tuy không đông đúc như cái phố trung tâm. Đường có thưa hơn nhưng người ta phạm luật thì vẫn cứ. Thấy thưa thớt thì đánh võng, đua xe, hoặc không đua mà vẫn ráng bồ cóc ra chạy vút cái lèo.

***
Đứng giữa phố phường, tự dưng Sanh nhớ ngôi làng nhỏ bé của mình, nơi ấy Sanh đã sống mấy năm tuổi thơ trước khi vào chùa. Nhớ là vì hồi đó mấy đứa trẻ con trong xóm cứ ao ước được lên phố cho biết, nghe nói trên phố người ta giàu sang sung sướng lắm. Chả bù cho cái làng được bao quanh toàn đồng ruộng của mình.

Bắt đầu mùa, nhà nhà dắt trâu ra đồng cày ruộng. Nắng trưa hành hạ người cày. Người cày cầm roi tre quất trâu đi, đứng đó mà thở đấy à? Đi! Đi! Giống cảnh người trên này húc bánh xe vào nhau mà thúc. Bóng người bóng trâu úp lên nhau trên mặt đất bùn lô hốc lô hiểm. Đến mùa gặt nắng lại càng to. Bà con mừng lắm vì nắng càng to phơi lúa càng sướng. Còng lưng đưa vằng vơ từng bó lúa. Bóng người bóng nón trải lên trên khóm chẹn lúa vàng. Phăng tay gặt luôn cái bóng. Điều này người ta rất kiêng kỵ, cũng phải làm thôi. Phang vằng rồi cái bóng vẫn ở trước mặt.

Mấy đứa trẻ con rủ nhau đi tát cá ở những hố bom giữa đồng. Lấm la lấm lết bùn dính từ đầu xuống chân. Bắt được oi cá đem về cho mạ nấu ăn. Cả nhà mừng lắm. Nhưng ba lại buồn, nói tụi bay sau này đừng có ở làng này nữa. Cực! Kéo nhau lên phố mà ở cho sướng.

Thì bây giờ Sanh đang đứng ở phố này, nghĩ bụng, phố cũng chẳng phải sướng đâu.

***
Về đến cổng chùa thì đã chiều muộn. Trời nhá nhem mờ mờ như hồi sáng ra đi. Ngày thứ nhất xuống phố, hai thầy trò chẳng quan sát được gì nhiều ngoài chuyện xe cộ. Chỉ chừng ấy thôi, ý thầy là để điệu Sanh thấy cái xô bồ tất bật của cuộc đời, cảm được cái khổ của sự đua chen chứ không phải đơn thần chỉ quan sát giao thông. Hơn nữa, bài học đầu tiên của chương trình thực hành là bài học về con đường. Người ta phải biết được con đường mình đi như thế nào đã rồi mới đi được. Sự tu tập cũng khó khăn như thế, và cũng cần có một con đường, không gì khác ngoài việc đi thẳng vào cuộc đời chẳng ngại lánh né.

- Xuống phố một ngày con thấy được gì, điệu Sanh? Thầy hỏi khi hai người đã về tới vườn cây trước chùa, những mong điệu Sanh ngộ ra một cái gì đó để tự trả lời cho điều thắc thỏm tối hôm qua.

Khi ấy, nắng đã tắt hẳn một cách chóng vánh. Trong bóng tối vườn chùa, điệu Sanh như nhìn thấy những mặt người lo âu khắc khổ hiện ra, chen lấn với lá cành. Riêng có một thứ ở trong chiều muộn này không thể nhận ra được. Và Sanh đem nó ra trả lời.

- Dạ, con thấy dưới phố ai cũng đeo theo mình một cái bóng đen, cả thầy cũng có. Làm sao dứt được cái đó hả thầy?
Lại thêm một câu hỏi khó cho thầy nữa rồi, đành hẹn bữa sau.

(Hoàng Công Danh)

sôngthương
01-25-2018, 11:23 PM
Cảm ơn anh Hoài Vọng, Du lan, Thu Vàng, Nhã Uyên và Cap và các anh chị đã ghé đọc truyện nhé :z57::z56:

----------------

Trên cao

Cái nóng bốn mươi lăm độ giữa mùa hè ở New Delhi khiến người ta thấy một căn phòng lạnh là vào ngay. Nhưng phòng lạnh dưới mười độ thì có vào không?
Vào.

Tôi quen Pemba trong một cái hàn sảnh như vậy. Ngoài trời nóng như thiêu mà trong này chỉ có tám độ, mình áo ngắn tay rét run cầm cập.

Tôi bước vào, thầm đặt tên cho nó là Hàn Sảnh, cái phòng lạnh. Đấy là xưởng nặn tượng bằng bơ trong nhà văn hóa Tây Tạng.

Mấy nhà sư Tây Tạng đồng thời là nhà điêu khắc đang chi chút chạm khắc từng tiểu tiết cho nhóm tượng Phật và Bồ Tát. Sắc cà sa nâu đỏ màu mận chín của các thầy và sự tĩnh lặng bao trùm tạo không khí thiền.

Chất liệu là bơ cất từ sữa bò yak trên cao nguyên Tây Tạng, bơ được nhuộm các màu nguyên thủy. Người ta dùng thứ bơ sánh sệt ấy để đắp tượng.

Trên cao nguyên Tây Tạng thì khí lạnh tự nhiên đã thành cái nhà bảo tồn cho những pho tượng bơ. Nhưng trong nhà văn hóa giữa thủ đô Ấn Độ, tượng bơ phải cần đến phòng lạnh. Suốt quá trình tượng được tạo tác, rồi sau đó trưng bày, tất cả đều phải trong hàn sảnh.

Pemba đang là nghiên cứu sinh bên Đại học Tổng hợp Delhi. Anh đến giúp việc cho mấy điêu khắc gia tạo tác tượng.
Xoay chuyển pho tượng tịnh tiến theo nhiều chiều khi các nhà điêu khắc yêu cầu. Đưa hộp màu, đưa bút, pha màu cho bơ, thậm chí dùng bút chấm điểm những tiểu tiết theo thiết kế hoặc theo ngẫu hứng của nhà điêu khắc.

Các điêu khắc gia dùng những chiếc bút to, bút theo nguyên lý bóp nặn giống như tuýp thuốc đánh răng, để nặn bơ màu, đắp lên tượng.

Rồi tôi sẽ còn kể tiếp chuyện giữa mùa hè đổ lửa ở New Delhi, tôi phải đi tìm những cái hàn sảnh để nương náu như thế nào.

Phòng trong ký túc xá chỉ có một cái quạt trần quạt ra gió nóng, ngồi trong cái phòng như hấp cách thủy, phát điên vì cái nóng mà chẳng nghĩ ngợi làm lụng được gì.

Tôi phải tìm đến những trung tâm văn hóa nước ngoài, ở đấy có máy lạnh, ở đấy được sử dụng thư viện, được thưởng thức các chương trình nghệ thuật. Và lần đầu tiên tôi được biết về nghệ thuật nặn tượng bằng bơ, như ở đây.
Trao đổi với nhau dăm ba câu, rồi để tránh làm phiền các nhà sư đang nặn tượng, Pemba và tôi chuyển sang phòng triển lãm lịch sử Tây Tạng. Pemba nói Tây Tạng là nóc nhà thế giới, ở trên ấy quanh năm buốt giá, ấy thế mà người Tây Tạng khi chạy tị nạn lại kéo sang Ấn Độ xứ nóng.

Nói vậy thôi, miền Bắc Ấn dưới chân dãy Himalaya cũng quanh năm mát lạnh. Ngay cả mùa đông ở New Delhi cũng có khi xuống dưới mười độ. Cha của Pemba năm 1959 chạy sang Ấn Độ cũng đã hai mươi chín tuổi.
Vào trại tị nạn phấp phỏng nheo nhóc, miếng ăn còn thiếu, tấm chăn còn thiếu, thế mà người tị nạn cũng yêu nhau dan díu với nhau, đẻ ra cả một đàn con. Ít năm sau người tị nạn được ra trại, tìm đến xây dựng trung tâm Tây Tạng ở vùng Dharamsala là nơi có Đức Dalai Lama ngụ lại.

Chỗ này khí hậu mát lạnh quanh năm, là đất lành với người Tây Tạng. Pemba ra đời nơi đất lành ấy.
Cha mẹ Pemba, hai con người tìm thấy nhau trong trại tị nạn, dính líu vào nhau, gá nghĩa với nhau ở cái nơi bấp bênh khốn khó.

Nhưng khi đã tìm được chỗ định cư, đã bớt cái phải lo, thì lại chia tách. Người cha từ biệt vợ và hai đứa con, lên đường theo đuổi đời sống tâm linh.

Cuộc hành hương hàng trăm cây số đến với đất Phật, ông cùng với những người pháp hữu đi bộ theo kiểu tín đồ Tây Tạng. Hai bàn tay xỏ vào một đôi guốc gỗ, hoặc là guốc da guốc nhựa.

Đang ở tư thế đứng, họ cúi người xuống, trượt nhanh về phía trước, từ thế đứng chuyển xuống thành thế nằm sấp trên lề đường.

Lực toàn thân lúc ấy dồn hết vào hai bàn tay xỏ trong đôi guốc. Nằm sấp. Sau đó, họ đứng lên, tiếp tục tiến về phía trước bằng cách lặp lại động tác lao người xuống đất trên đôi tay. Lại nằm sấp.

Cứ thế. Ròng rã hàng tháng trời cho một cuộc hành hương. Và hành xác. Có khi tóe máu đôi bàn tay, đôi bàn chân, hai đầu gối.

Chấp nhận cái đớn đau của thân thể mà đào sâu tư duy hướng đến đức tin. Để hiểu tận cùng nỗi đau nơi trần thế. Để tìm đường xua hết khổ đau trong cuộc đại giải thoát pari nibbana.

Rốt cuộc, Pemba không ở cùng với mẹ trên vùng núi Himalaya. Anh về thủ đô New Delhi học và ở lại luôn làm việc.

Thế hệ đầu tiên sinh ra trên đất Ấn, coi Ấn Độ là quê hương thứ hai. Anh nói đến thế thì tôi bảo Ấn Độ cũng có thể coi là quê hương thứ hai của tôi, ở nơi này tôi thấy mình được chọn lại một con đường. Như vậy, anh với tôi là đồng hương.

Khoảng nửa tháng sau, tôi trở lại nhà văn hóa Tây Tạng, đúng dịp tết Losar. Nhóm tượng bơ tạo tác hôm trước là để chuẩn bị cho lễ đón mừng năm mới này.

Tết kéo dài nửa tháng đầu năm theo lịch Tây Tạng. Ở đấy tôi gặp cô bạn của Pemba, chúng tôi cùng đứng xem điệu múa Gumpa kèn sáo réo rắt. Chuyện trò mãi rồi chuyển sang tình thân, ba chúng tôi rủ nhau đi chơi xuân.
Xuống phía nam thành phố, cùng nhau trèo lên tháp Qutab Minar gần ký túc xá của tôi. Những năm ấy quanh cái cột sắt di tích chưa có hàng rào bảo vệ.

Cột sắt hai nghìn năm mà không gỉ, cao đến bảy mét, đường kính cột khoảng một người ôm.

Ba chúng tôi đều thử đứng áp lưng vào cột sắt, hai tay vòng ra sau lưng cố ôm trọn cái cột, 
đứa nọ kéo cho giãn tay đứa kia ra, cố làm sao cho hai tay gặp được nhau. Người nào mà tay gặp được nhau ở sau lưng thì sẽ may mắn.

Riêng ngọn tháp Qutab Minar hồi ấy vẫn còn cho phép một lượng khách hạn chế trèo lên. Độ cao 73m, như một cái kim nhọn giữa trời. Sa thạch đỏ, sa thạch hồng, sa thạch trắng và xám, một cuộc phối màu ấm áp hiền dịu.

Ấy thế gần bảy trăm năm trôi qua, tháp khét tiếng bởi những vụ tự tử. Không quá nhiều, nhưng kỳ lạ. Pemba kể đường kính chân tháp là 15m, tháp nhỏ dần lên đến ngọn thì đường kính chỉ còn 2,5m.
Chúng tôi trèo lên đến độ cao hơn bảy mươi mét, nhìn xuống đất mà thấy ngợp. Lại nhớ phim “Vertigo” chứng sợ độ cao của Hitchcock.

Choáng không? Tôi hỏi. Pemba bảo anh sinh ra trên đất Ấn Độ nhưng trong huyết quản vẫn là máu Tây Tạng. Người Tây Tạng không biết đến chứng sợ độ cao.

Ở trên cao ấy áp suất thấp, khí loãng. Người trên ấy từ trong bụng mẹ đã biết chịu lạnh, không sao, chứ người nơi khác đến đấy, vừa bước chân ra khỏi máy bay là có thể nghẹn thở, xây xẩm mặt mày, tức ngực, thậm chí ngất xỉu.

Khách du lịch đến Tây Tạng có khi phải mua thiết bị thở oxy mang theo bên người trong mấy ngày thăm viếng.
Khí hậu khắc nghiệt, thời cha của Pemba ra đời, ông bà anh còn phải đem đứa trẻ sơ sinh ra suối lạnh, làm lễ cúng thần linh bên bờ suối, rồi nhúng đứa bé xuống dòng suối băng giá. Đứa bé khóc ngằn ngặt cho đến khi tím tái cả người gần như không khóc được nữa.

Đứa bé sau đó được đem lên sưởi bên đống lửa cho đến khi hồng hào trở lại. Nó đã qua được cuộc thử thách đầu tiên trong đời, một cuộc chọn lọc tự nhiên, nó sẽ lớn lên mà có thể miễn nhiễm được bệnh tật trên cao nguyên buốt giá.

Một người cô của Pemba sau đó vài năm thì không chịu nổi, lễ nhúng nước lạnh lập tức trở thành lễ tang của cô bé.
Đã kể thì kể luôn. Ông thầy vừa làm lễ cúng khai sinh ngay sau đấy chuyển sang làm lễ cúng ma. Làm lễ thiên táng.

Người Hỏa giáo bên Ba Tư theo tục thiên táng, không chôn tử thi xuống đất để tránh làm ô nhiễm đất, không thủy táng để tránh làm ô nhiễm nước, không hỏa táng để tránh làm ô nhiễm lửa thiêng. Người Tây Tạng cũng chọn thiên táng để gửi linh hồn trực tiếp lên thẳng với chư thiên.

Linh hồn đã bay lên trời rồi, như vị thần trong cây đèn của Aladdin đã thoát ra khỏi chiếc đèn mà bay đi rồi thì thi thể nằm đấy chỉ còn là chiếc đèn rỗng.

Chiếc đèn khi ấy trở thành vô nghĩa, nó có thể được tiêu hủy. Thi thể nằm đấy cũng chỉ còn là cái bình rỗng, thi thể cũng nên được tiêu hủy.

Người ta có thể đập vỡ cái bình đi. Cũng thế là việc ông thầy cắt xẻ cái tử thi rồi ném từng khúc cho đám kền kền đang lảng vảng bên bờ suối. Một vòng đời ngắn ngủi đã hoàn tất, linh hồn đã bay đi, thể xác cũng theo đàn chim mà bay đi.

Chuyện sự sống và cái chết trở lại lúc này với truyền thuyết về những vụ tự tử ở tháp Qutab Minar. Người ta đã thiết kế tháp theo nguyên lý nào đó mà những bancông tròn đồng tâm to dần, từ trên đỉnh tháp xuống dưới chân tháp.

Đứng trên bất cứ một bancông nào ở trên đỉnh, nếu thả một hòn sỏi xuống, hòn sỏi sẽ không rơi xuống một bancông tầng dưới mà chỉ đập vào lan can rồi lại rơi tiếp xuống. Cứ thế.

Một người tự tử đâm đầu trên tầng cao xuống sẽ đập vào lan can tầng dưới, rơi tiếp xuống lại đập vào lan can, lại cứ thế mà đập hàng chục lần vào các lan can bên dưới. Xuống đến mặt đất thì đã be bét không toàn thây.

Choáng không? Tôi lại quay sang hỏi Diki, cô bạn gái của Pemba. Cô bảo cô là người gốc Tây Tạng hiếm hoi làm chiêu đãi viên ở Hàng không Ấn Độ Air India.

Người Tây Tạng vốn đã trên nóc nhà thế giới. Cô chiêu đãi viên bay trên đầu thế giới. Độ cao nhiều khi trên mười nghìn mét. Vừa Tây Tạng vừa hàng không, cái tháp cao bằng tòa nhà ba mươi tầng này chưa nước non gì với cô.

Chúng tôi xuống khỏi tháp cao. Tranh thủ lúc Diki đang ngắm nghía những phù điêu chạm khắc trên các bức tường di tích, Pemba hạ giọng với tôi.

Chắc mình sẽ cưới cô gái này cậu ạ. Anh bảo tên của Diki có nghĩa là vừa khỏe mạnh vừa giàu, vừa cường vừa phú. Còn tên anh có nghĩa là ngày thứ bảy. Cuộc sống gia đình của họ sẽ vừa cường vừa phú vừa thảnh thơi như ngày thứ bảy.
Vài năm sau, tôi đã chuyển vào làm việc ở đại sứ quán, tối hôm ấy tôi tháp tùng đại sứ đi dự buổi biểu diễn của đoàn ca múa Tứ Xuyên.

Qua được mấy tiết mục múa các vùng đất nước Trung Quốc thì cửa ngách bên trái khán phòng Mavalarkar rung lên bần bật. Tiếng đấm cửa nhốn nháo bên ngoài.

Lúc đó trên sân khấu đã chuyển sang một điệu múa Tây Tạng. Cô gái trao dây giày cho chàng trai, như vậy tức là đã nhận lời cầu hôn. Chỉ đến đấy thì một người thanh niên đi từ cánh gà ra giữa sân khấu. Thoạt đầu cả khán phòng đều tưởng đấy là một nhân vật nữa của điệu múa.

Nhưng cặp trai gái kia thì trang phục dân tộc sặc sỡ, còn người thanh niên này thì quần áo chỉnh tề hiện đại, áo sơmi cắm thùng. Anh ta chỉ vào cặp diễn viên múa mà nói: Xin quý vị lưu ý, tiết mục này không liên quan gì đến Trung Quốc. Tây Tạng và Trung Quốc là hai nước 
khác nhau.

Tôi giật mình. Nhận ra. Đấy là Pemba.

Đúng lúc ấy, cửa ngách khán phòng bật tung ra. Hàng chục người Tây Tạng ùa vào chạy theo tam cấp lên sân khấu. Cặp vũ công Sichuan chạy dạt vào hậu trường. Biểu ngữ tiếng Anh tiếng Trung phản đối sự xâm lăng và đàn áp. Tiếng hô khẩu hiệu vang dậy.

Các đại sứ và cánh ngoại giao đoàn phải lảng ra xa rồi giải tán dần. Tôi cũng phải vừa đi vừa che chắn cho ông đại sứ không bị xô đẩy ra khỏi khán phòng. Có một lần tôi quay lại nhìn, thấy Pemba vẫn đứng hàng đầu ở giữa sân khấu. Anh đã tìm được một cái micrô và tiếp tục nói. Cả Diki nữa, trong tay cô cầm một tấm bảng hình vuông bằng tiếng Anh.

Chúng tôi còn gặp nhau vài lần nữa. Một lần tình cờ trong di tích thành cổ Purana Qila. Ở Delhi bằng ấy thời gian, hễ có dịp là tôi lại tìm đến cái thành cổ này, tôi mê nó hơn cả cái Thành Đỏ Red Fort còn nguyên vẹn.
Thành cổ vẫn đồ sộ quyền uy trong khung cảnh rêu phong sụp đổ từng phần. Nó khơi dậy trong người ta sự nể phục và kính trọng.

Đang lang thang trong quần thể thì tôi nhìn thấy Pemba và Diki. Họ đứng trên tháp canh có cái chóp giống hình chiếc mũ của hiệp sĩ thời trung cổ.

Tháp cũng bong lở, trơ ra những bức tường đá xám đen, vẻ cứng cáp như muốn nói rằng nó không thể đổ hơn được nữa, nó sẽ cứ mãi sừng sững như vậy.

Diki và Pemba đưa tay vẫy tôi từ trên tháp cao. Tôi ở dưới này vẫy lại. Tình cờ mà hai vị trí ấy lại là một ẩn ngôn. Dù có vật đổi sao dời thì họ vẫn là những người đến từ miền cao, một cao nguyên mà người ta còn gọi là nóc nhà thế giới

(Hồ Anh Thái)

https://tuoitre.vn/tren-cao-1386307.htm

sôngthương
01-31-2018, 01:52 AM
Vạn thọ hương

https://dotchuoinon.files.wordpress.com/2009/07/van-tho3.jpg

Có nhiều năm, tôi nán lại Sài Gòn đến tận hai mươi chín, ba mươi Tết, mặc dù mẹ cứ gọi điện thúc giục về mau.

Nán lại, để đợi lãnh hết các thứ tiền lương thưởng, rồi mới rộn rã chạy ra chợ Trần Hữu Trang mua mấy thứ bánh, mứt ở quê không có. Thứ mứt dừa non mềm và dẻo của Sài Gòn khác xa loại mứt dừa già tự sên ở nhà, chưa kể mứt me, mứt bí, hạt dẻ, các loại bánh kẹo “sang trọng” mà khi mời khách, bao giờ mẹ cũng thêm một câu “cái này mua tận Sài Gòn đó, ở đây không có đâu”. Xong lại chạy một vòng ra đường Hai Bà Trưng, Lê Văn Sỹ mua cho mấy đứa em chục chiếc áo sơ mi và quần jeans hàng thanh lý bán ở lề đường. Gom góp hết mấy tờ lịch treo tường được tặng. Vội vàng gói ghém cho kịp chuyến tàu tối.

Bình thường khi đi tàu, mạnh ai nấy ngồi. Những câu chuyện cảnh giác đầy rẫy trên báo khiến cho mọi người trở nên khép kín. Tôi thường trải qua những đêm trên tàu bằng cách ngủ co chân trên ghế, sao cho không phiền đến người bên cạnh.

Nhưng chuyến tàu Tết thì khác. Khi con tàu bắt đầu xình xịch lăn bánh ra khỏi ga Hòa Hưng, tôi nghe quanh mình bỗng đầy ắp những tiếng thở dài nhẹ nhõm. Về quê ăn Tết. Những lo toan thường ngày đã xếp lại. Mặc kệ những lo âu về việc phải tìm một chỗ ở mới hay thậm chí chỗ làm mới khi trở vào sau Tết. Tất cả đều thấy lòng xôn xao, chút tiền còm trong túi, chút quà mọn trong giỏ, và niềm vui được về quê kéo mọi người lại gần với nhau. Trong chốc lát, bỏ lại đằng sau những ánh đèn thành thị, tiếng nói chuyện bắt đầu tràn ngập toa tàu. “Quy Nhơn hả?” “Nha Trang cháu ở đường nào?” “Quê đâu mà nhìn mặt quen quen?”

Gần như tất cả những người bạn đường của tôi trên toa ghế cứng chật ních người đều đã qua một năm lao động mệt mỏi ở Sài Gòn. Những khó nhọc và bụi bặm của cuộc sống thường ngày vẫn vương bám trên vầng trán đầy nếp nhăn và những đôi bàn tay cáu bẩn. Nhưng trong khoé mắt họ ánh lên niềm vui. Những gói giấy, túi, giỏ nhét chật căng để chen chúc dưới gầm ghế.

Một năm kia, dưới chân tôi là hai chậu vạn thọ.

Chàng trai đen sạm ngồi ngay lối đi cười ngượng nghịu: “Chật quá, chị làm ơn cho để ké chút…” rồi như phân bua, anh nói tiếp “bông thọ này ông bác ở Củ Chi tặng, chứ ở ngoài quê rẻ rề”

Tôi mỉm cười. Đúng rồi, rẻ rề. Cái thứ vạn thọ lùn, bông tròn, màu vàng chanh hay ngả sang màu nghệ, một chục ngàn mua được vài chậu.

Có một lần, tôi tình cờ nhấp vào trang web từ điển mở Wiktionary ở ngay từ vạn thọ. Thấy trong đó viết: “Loài cúc, hoa có nhiều cánh, màu vàng, trồng làm cảnh”, ở dưới chêm một câu xanh rờn “Hoa vạn thọ rẻ tiền”. Tự dưng thấy nhoi nhói.

Chợt nhớ cô bạn đi du học ở Úc, năm kia Tết không về được, ra chợ người Việt nhìn bông vạn thọ mà òa khóc. Cô bảo rằng chợ Tết ở xứ xa chỉ có độc hoa vạn thọ, đích thị cái thứ hoa nhà quê mà sao sang đến đó lại nao lòng quá vậy.

Bạn nức nở qua điện thoại kể một năm nào đó ở lại Sài Gòn ăn Tết, tối ba mươi đi chợ hoa muộn, nhìn thấy mấy chậu vạn thọ không bán hết bị người bán bỏ lăn lóc bên lề đường, chưa qua giao thừa mà cánh đã rụng tả tơi. Bạn tiện chân đá bụp cả chậu vô đống rác, miệng than: “Chời chời, cái thứ bông này mà ở Sài Gòn cũng bán nữa nè chời?”

Kể lại, để thấy thương làm sao. Vạn thọ ơi vạn thọ, nếu không vì cái tên chắc mày còn thiệt thòi nữa. Vì cái màu vàng tròn đầy quá phô phang hết cả cái duyên, vì cái mùi thơm nồng hắc quá khiến người ta phải nhăn mặt.
Trên chuyến tàu về Tết năm ấy, người bạn đồng hành còn cho tôi biết thêm nhiều bài thuốc từ hoa vạn thọ. Rằng hoa vạn thọ phơi khô dùng nấu nước uống rất mát. Lá và hoa tươi giã ra trộn với chút muối đắp vào những chỗ sưng sẽ tan máu bầm rất nhanh… Tôi tiếc không ghi lại, chỉ nhớ sơ sơ.

Nhưng tôi vẫn nhớ rằng, người bạn đó là một sinh viên trốn vé, suýt nữa thì bị nhân viên tàu đẩy xuống cùng với hai chậu hoa và chiếc ba lô nhẹ tênh. Vài ba người ngồi quanh đó đã cùng tôi góp tiền mua vé cho anh tiếp tục cuộc hành trình. Đáp lại với đôi mắt long lanh và nụ cười ngượng nghịu, anh tặng tôi một chậu vạn thọ trước khi nhảy xuống ở một ga xép. “Chẳng có gì, chị nhận giùm cho tui khỏi áy náy”.

Ông cụ già ngồi cùng hàng ghế với tôi, vuốt chùm râu trắng bé xíu dưới cằm, khe khẽ đọc:

Nhất nhơn tác phước, thiên nhơn hưởng,
Độc thọ khai hoa, vạn thọ hương.*

Tàu lại xình xịch đi. Đêm mát và đen như thạch. Tôi nhìn xuống những bông vạn thọ chợt bừng sáng lạ lùng trong ánh điện mờ, mùi hương nồng tràn ngập toa tàu. Tết đang đến gần, gần lắm!

(ĐặngNguyễn Đông Vy)

* Câu này nguyên là “Nhất nhân tác phúc thiên nhân hưởng/ Độc thụ khai hoa vạn thụ hương”(Một người làm phúc, ngàn người được hưởng; một cây trổ hoa, vạn cây được thơm lây).

https://dotchuoinon.com/2009/07/01/v%E1%BA%A1n-th%E1%BB%8D-h%C6%B0%C6%A1ng/

sôngthương
02-04-2018, 11:44 PM
St cảm ơn chị Thuỵ Khanh, Thu Vàng vá các anh chị , các bạn đã ghé đọc truyện :z57::z56:

------------------

Cuộc gặp gỡ.

Viết cho Édouard Rod

Hoàn toàn tình cờ. Ông nam tước Étraille, mệt mỏi vì phải đứng quá lâu, dạo bước đi tham quan tất cả các phòng của công nương, vì trong ngày lễ, tất cả các buồng trong nhà công nương đều để ngỏ, và cuối cùng đi vào phòng ngủ vắng lặng và gần như có thể nói là tối tăm sau khi vừa ra khỏi các phòng khách sáng rực đèn hoa.

Ông tìm một chiếc ghế sô-pha để ngả lưng, chắc chắn là vợ ông sẽ không chịu rời khỏi buổi tiệc trước bình minh. Ông nhận thấy ngay từ lúc vừa bước đến cửa một chiếc giường lớn được khảm lá ngọc hoa vàng, chiếc giường được đặt giữa phòng rộng, gần giống như một chiếc quan tài lớn nằm giữa nhà táng, nơi đó hẳn đã chôn vùi tình yêu của công nương vì công nương không còn trẻ nữa. Phía sau giường là một mảng sáng gây cảm giác như nhìn ra một hồ nước mênh mông qua một chiếc cửa sổ cao. Đó là một chiếc gương, rất lớn, lấp sau những tấm rèm nặng, đôi khi người ta thả những tấm rèm đó xuống, nhưng thường thì những tấm rèm đó được vén lên. Tấm gương là nhân chứng, là tòng phạm trong mọi việc đã từng diễn ra nơi đây. Người ta có thể nói rằng những tấm gương có kỷ niệm, có những buồn vui. Như trong những lâu đài bị ma ám, người ta sẽ có thể trông thấy những khuôn mặt phẳng lừ, những bóng hình phơ phất, những vòng tay âu yếm, những bóng dáng phụ nữ xinh đẹp quyến rũ với áo khăn hững hờ, những cái siết mạnh của những vòng tay đam mê.

Nam tước đứng im, hơi xúc động một chút khi đứng ở ngưỡng cửa tình yêu này. Nhưng đột nhiên, một cái gì đó hiện lên trong gương như thể những bóng ma đã được dựng dậy trước mặt ông. Có một người đàn ông và một người phụ nữ đang ngồi trên một chiếc trường kỷ rất thấp được đặt trong một góc tối, họ đứng lên. Và chiếc gương, một tấm kính trong suốt, phản chiếu bóng hình họ, chiếu hình họ đang cùng đứng dậy, hôn môi đầy tình tứ trước khi tạm biệt.

Nam tước nhận ra đó là vợ ông và bá tước Cervigné. Ông quay đi, lánh đi vì ông bá tước là người mạnh mẽ và là cấp trên của ông. Ông đợi cho trời sáng để đưa bà nam tước về nhưng giờ ông không còn thấy buồn ngủ nữa.

Ngay khi chỉ còn lại mình ông với vợ, ông bảo cô:

- Thưa cô, tôi vừa trông thấy cô trong phòng ngủ của công nương Raynes. Không cần phải giải thích gì hết. Tôi không muốn trách mắng, đánh chửi, chế giễu gì cô. Để tránh tất cả những phiền nhiễu khó chịu đó, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ chia tay nhau một cách lặng lẽ, không ầm ỹ. Các luật sư sẽ giải quyết rất nhanh gọn theo lệnh của tôi. Cô sẽ nhanh chóng được tự do sống theo sở thích của mình, nhưng không phải dưới mái nhà của tôi. Nhưng tôi cũng báo trước cho cô biết, nếu cô còn gây ra một vụ tai tiếng nào khi còn đang mang tên họ của tôi, tôi sẽ phải dùng tới các biện pháp cứng rắn với cô.

Cô muốn nói, nhưng ông ngăn cô lại, cúi đầu chào một cách vô cùng lịch sự, ông bỏ về phòng riêng ngay.

Ông cảm thấy ngạc nhiên và buồn nhiều hơn là cảm thấy đau khổ. Ông đã từng yêu cô biết mấy trong thời gian đầu mới lấy nhau. Nhưng rồi sự cuồng nhiệt đó cứ nguội lạnh dần theo thời gian. Và giờ đây, với cô, ông có những tình cảm biến đổi rất thất thường, lúc thì rất yêu, lúc lại thấy bình thường, vô cảm, tuy nhiên ông vẫn luôn tỏ ra yêu quý cô.

Cô còn quá trẻ, cô mới chỉ vừa hai mươi tư tuổi, nhỏ nhắn, xinh xắn với mái tóc vàng như ánh nắng mặt trời, gày nhỏ, quá gày. Cô là mẫu điển hình của búp bê Paris, rất xinh đẹp, rất được yêu chiều, lịch lãm, đỏm dáng, khá hóm hỉnh, rất duyên dáng. Đã có lần, trong một lần tâm sự với anh trai, ông đã nói một cách thân mật về cô: "Vợ em vô cùng duyên dáng, quyến rũ, chỉ có điều... cô ấy sẽ không thể nằm lâu trong tay bất cứ ai. Cô ấy giống như những ly rượu sâm panh đầy bọt. Khi ta đã uống cạn đến đáy, dù sao cùng tốt, nhưng hơi quá ít".

Ông đi đi lại trong phòng, bồn chồn và nghĩ đến hàng nghìn điều. Đến lúc này, cơn giận dữ mới dâng lên trong lòng ông, và ông mong muốn cồn cào được nói toáng lên điều bí mật đó để phá tan sự nghiệp của tên bá tước, để dồn hắn vào tròng. Rồi ông tự nhận thấy nếu ông làm điều đó, thì người bị cười nhạo trước tiên sẽ là ông chứ chẳng phải ai khác. Sự ngoại tình của vợ làm tổn thương tính kiêu căng của ông nhiều hơn là làm ông đau lòng. Ông lên giường đi nằm nhưng không sao chợp mắt được.

Một vài ngày sau, ở Paris mọi người biết rằng ông và bà nam tước thuận tỉnh ly hôn vì không hợp nhau. Không ai nghi ngờ gì, không ai bàn tán gì, và cũng chẳng ai lấy làm ngạc nhiên gì.

Tuy nhiên, để tránh những cuộc gặp mặt có thể khiến ông thấy khó xử, ông nam tước đã lên đường đi du lịch. Mùa hè năm đó ông đi tắm biển, mùa thu ông đi săn và ông trở về Paris vào mùa đông. Suốt cả năm đó, ông không hề gặp lại vợ mình.

Ông thấy rằng mọi người chẳng hề dị nghị gì về cô. Ít nhất thì cô cũng đã để ý giữ thể diện. Ông đã không đề nghị cô làm điều đó.

Buồn chán, ông lại lên đường đi du lịch, ông tu sửa lại lâu đài của ông ở Villebon, việc tu sửa đó đã khiến ông mất đến hai năm; rồi ông mời bạn bè đến đó chơi, ít nhất ông cũng mất đến mười lăm tháng dài chơi bời thiết đãi bạn bè. Nhưng mệt mỏi vì những trò vui đã nhàm, ông quay về ngôi nhà ở phố Lille sau sáu năm ly dị.

Giờ ông đã bốn mươi lăm tuổi, vẫn còn khá tráng kiện với mái tóc đã lốm đốm bạc, hơi có bụng. Sầu muộn, chán nản, không còn thấy hứng thú gì với bất cứ ai, bất cứ cái gì.

Một tháng sau khi về Paris, ông bị cảm lạnh và húng hắng ho vì một hôm đi chơi về khuya. Bác sĩ đề nghị ông về Nice nghỉ qua mùa đông.

Thế là ông lại lên đường vào một buổi tối thứ hai, trên một chuyến tàu tốc hành.

Ông đến muộn, khi ông đến nơi, đoàn tàu đang bắt đầu lăn bánh. Chỉ còn có một chỗ trên khoang phụ. Ông đi lên, sâu phía trong đã có người ngồi, người đó quấn kín trong bộ áo lông thú và măng-tô nên ông thậm chí không đoán nổi đó là một phụ nữ hay một người đàn ông nữa. Khi thấy rằng ông sẽ không biết gì hơn về người bạn đồng hành, tới lượt mình, ông cũng tìm một tư thế cho thuận tiện, bỏ chiếc mũ rộng vành đi đường của mình xuống, mở chăn ra, quấn chặt mình trong chăn và ngủ thiếp đi.

Mãi đến khi bình minh lên ông mới tỉnh giấc. Ngay khi vừa tỉnh giấc, ông nhìn ngay sang chỗ người đồng hành, người này vẫn nằm yên ở tư thế từ hôm trước không hề cựa quậy và vẫn có vẻ đang say giấc nồng.

Ông Étraille tranh thủ thời gian để làm vệ sinh buổi sáng, chải lại râu tóc, và ngắm nghía khuôn mặt mình, sau có một đêm mà khuôn mặt đã thay đổi biết mấy, khuôn mặt có vẻ thay đổi thật nhanh khi người ta nhiều tuổi.

Một nhà thơ lớn từng nói: Khi ta trẻ, mỗi buổi sáng thức dậy, ta đều thấy hân hoan vui sướng!

Khi người ta trẻ, khi thức giấc ta thấy cuộc sống thật vô cùng tươi đẹp, với làn da rạng rỡ, với đôi mắt sáng long lanh, với mái tóc rực rỡ đầy sức sống.

Khi người ta già, mỗi sáng thức dậy, ta thấy mọi vật đều ảm đạm thê lương, đôi mắt lờ đờ, má phình phình đỏ, môi dày trễ nải, tóc tai bù xù và râu ria xồm xoàm khiến cho khuôn mặt có một vẻ già nua, mệt mỏi.

Nam tước mở hộp đồ dùng cá nhân ra, lấy ra một cái lược và chải qua loa râu tóc một chút. Rồi ông ngồi đợi.

Tàu hú một hồi dài rồi ngừng hẳn lại. Người dồng hành cựa quậy, hẳn là người đó đã thức giấc. Một ánh nắng xiên chéo vào trong toa, gần như chiếu thẳng vào người đang say ngủ, người này lại cựa quậy, và lúc lắc đầu như một chú gà con đang chui ra khỏi vỏ, cuối cùng thò cả mặt ra ngoài.

Đó là một phụ nữ trẻ, tóc vàng, da dẻ mịn căng, rất xinh đẹp và đậm người. Cô ngồi hẳn dậy.

Nam tước sững sờ nhìn cô. Ông không tin nổi vào mắt mình nữa, trước mặt ông là... đích thị là cô vợ cũ của ông, nhưng đã hoàn toàn thay đổi một cách đáng ngạc nhiên... so với trước đây, cô đã béo lên rất nhiều, béo nhiều hơn cả ông nữa.

Cô điềm tĩnh nhìn ông, có vẻ như không nhận ra ông, bình thản gấp lại chăn, áo cho gọn.
Cô có vẻ bình thản và vô cùng tự tin, một vẻ bình thản tự tin ở một phụ nữ hoàn toàn rất tự tin vào bản thân mình.

Nam tước hoàn toàn mất bình tĩnh.
Phải đó là vợ ông không? Hay đó chỉ là một người giống cô ấy? Ông đã không gặp lại cô từ sáu năm nay rồi, có thể ông nhầm.

Cô ngáp dài, ông quen biết mấy cử chỉ này.

Nhưng một lần nữa, cô quay về phía ông và nhìn ông, một cái nhìn lạnh lùng, không cảm xúc của một người nhìn một người lạ mà mình không quen. Rồi cô quay sang ngắm cảnh nông thôn.

Ông hoàn toàn bất ngờ và vô cùng bối rối. Ông ngồi và thỉnh thoảng lại lén nhìn trộm cô.

Nhưng rõ ràng là vợ ông mà, Chúa ơi! Sao ông có thể nhầm lẫn được cơ chứ? Không thể có hai người có cùng một cái mũi giống nhau đến thế. Hàng nghìn kỷ niệm lại ùa về, kỷ niệm về những cái vuốt ve âu yếm, những chi tiết nhỏ trên cơ thể của cô, một nốt ruồi nhỏ giữa ngực và một cái khác nằm trên lưng đối xứng với cái trước ngực. Ông đã hôn lên chúng biết bao lần! Ông lại cảm thấy cảm giác ngất ngây sung sướng thuở xưa, ông như thoáng ngửi thấy mùi hương cơ thể cô, như đang thấy miệng cô cười khi cô vòng tay ôm cổ ông, như đang nghe giọng nói ngọt ngào thỏ thẻ của cô bên tai, như cảm thấy những vuốt ve yêu đương trên da thịt.

Nhưng cô mới thay đổi biết mấy, đẹp lên rất nhiều, đúng là cô nhưng lại như không còn phải là cô nữa. Ông tìm lại được một phụ nữ chín chắn hơn, đằm thắm hơn, đàn bà hơn, quyến rũ hơn rất nhiều.

Vậy mà người phụ nữ xa lạ kia, người phụ nữ mà ông gặp một cách tình cờ trên toa tầu này đã từng là của ông, đã từng thuộc về ông cả thể xác lẫn linh hồn. Ông chỉ cần nói: "Tôi muốn" là có thể có được cô.

Xưa kia, ông đã từng nằm ngủ ngon lành trong vòng tay kia, từng sống trong tình yêu của cô. Giờ đây ông đã tìm lại được cô, đã thay đổi đến mức ông phải khó khăn lắm mới nhận ra được. Đó vừa là cô, vừa là một con người khác: một người vừa mới được sinh ra, lớn lên, trưởng thành từ ngày ông lìa xa cô. Đó chính là cô gái mà ông đã từng sở hữu, ông đã nhận ra được phong thái đã khá đổi khác của cô, nụ cười đã bớt yểu điệu, cử chỉ đã tự tin hơn. Đó là hai người phụ nữ trong một con người, hòa lẫn trong một người đó là một phụ nữ hoàn toàn xa lạ và một người phụ nữ mà ông đã từng vô cùng yêu quý. Điều đó thật lạ lùng, gây nhiều bối rối. Đó chính là vợ ông trong một cơ thể mới, trong một da thịt mới, cái da thịt mà môi ông chưa từng chạm vào.

Quả thật, ông nghĩ, trong sáu năm chúng ta đã thay đổi biết mấy. Ngay cả đến cảnh vật sau sáu năm có thể có cảnh vẫn nguyên như cũ nhưng cũng có thể có cảnh đã hoàn toàn biến mất nữa là.

Máu, tóc, da, tất cả đều có thể thay đổi, tất cả đều có thể đổi khác. Và khi lâu ngày không gặp lại, người ta có thể gặp lại được một con người hoàn toàn khác, dù rằng ông vẫn thế và ông vẫn mang tên họ cũ.

Và con tim cũng có thể đã thay đổi, tư tưởng tình cảm cũng có thể đã đổi khác rất nhiều, có thể đã đổi mới đến nỗi mà ở tuổi bốn mươi, dần dần, một cách chắc chắn, mỗi người đã có thể biến đổi thành bốn năm con người mới hoàn toàn khác so với con người cũ.

Ông suy nghĩ và rung động đến tận tâm can. Kỷ niệm về buổi tối xưa cũ ở nhà công nương lại tràn về, hôm đó ông đã không hề phẫn nộ. Nhưng hôm nay, trước mặt ông không còn là cô búp bê Paris mỏng manh xinh xắn hồi đó nữa rồi.

Ông sẽ làm gì? Ông sẽ nói gì với cô? Ông sẽ xử sự với cô thế nào? Chẳng lẽ cô hoàn toàn không nhận ra ông sao?

Tàu lại dừng, ông đứng lên, chào và nói: "Berthe, cô có cần gì không? Tôi có thể mang đến cho cô..."

Cô nhìn ông từ đầu đến chân và trả lời, không hề ngạc nhiên, không bối rối, không giận giữ, thậm chí còn hơi có vẻ lạnh lùng: "Không, không cần gì hết, cảm ơn".

Ông đi xuống, loạng choạng như thể đầu còn đang bị choáng sau một cú ngã. Ông sẽ làm gì bây giờ? Leo lên một toa khác ư? Ông sẽ có vẻ như trốn chạy. Tỏ ra ga lăng, ân cần săn đón ư? Ông sẽ có vẻ như hối hận. Lên giọng ông chủ ư? Ông sẽ có vẻ như một tên tồi, một kẻ bất lương. Vả lại, thực ra thì ông làm gì có quyền lên giọng ông chủ với cô nữa.

Ông lại lên tàu và ngồi vào chỗ của mình.

Cô cũng vậy, trong lúc ông xuống sân ga, cô đã đi vào phòng vệ sinh để chỉnh trang lại trang phục. Giờ cô ngồi xuống ghế của mình một cách thoải mái, rạng rỡ, tự tin, không một chút e ngại, bối rối.

Ông quay về phía cô và nói:

- Berthe quý mến, do một ngẫu nhiên tình cờ, chúng ta cùng có mặt ở đây sau sáu năm xa cách, sáu năm xa cách không một chút ồn ào, liệu chúng ta có nên tiếp tục nhìn nhau như nhìn kẻ thù không đội trời chung không? Liệu chúng ta có nên tiếp tục giữ mãi thái độ thù hằn với nhau không? Dù sao thì tôi, tôi cũng không muốn như vậy. Cho nên, liệu chúng ta có thể nói chuyện với nhau như... như... những người bạn trong cuộc hành trình này được không?

Cô trả lời một cách bình thản:
- Tùy ý ông.

Chưng hửng, ông không biết nói gì thêm. Nhưng rồi, lấy lại được dũng khí, ông tiến lại gần, ngồi vào ghế giữa và nói bằng một giọng ngọt ngào:

- Em có biết là em đã thay đổi biết mấy kể từ khi chúng ta không gặp nhau không. Gặp lại em làm tôi vui quá, em mới duyên dáng làm sao. Có lẽ tôi phải chinh phục lại em một lần nữa thôi, em biết không, chưa một phụ nữ nào làm tim tôi rộn ràng xao xuyến đến thế khi nhìn thấy bóng áo lông thú của em đi vào. Thật đấy, tôi không thể ngờ em đã thay đổi đến thế...

Cô nói, không hề quay đầu sang, không hề nhìn ông:

- Tôi không tin lắm, bởi ông đã từng vô cùng nhầm lẫn.

Ông đỏ mặt, bối rối rồi cười một cách cam chịu:
- Em thật cứng rắn.

Cô quay hẳn về phía ông:

- Tại sao? Tôi đã thấy. Ông đã không hề có ý định dành cho tôi tình yêu của ông, không phải thế sao? Vậy thì tôi cho rằng ông tốt hay xấu thì cũng vậy thôi. Nhưng tôi thấy rằng chủ đề này làm ông khó chịu. Vậy thì chúng ta sẽ chuyển chủ đề khác, ông đã làm gì kể từ khi tôi không gặp ông.

Ông hoàn toàn mất tự chủ, ông ấp úng:

- Tôi á? Tôi đã đi du lịch, tôi đã đi săn, tôi đã già đi, như cô thấy đấy. Thế còn cô?

Cô nói một cách thản nhiên:
- Tôi, tôi đã giữ thể diện như ông đã yêu cầu.

Ông suýt buột miệng chửi thề, nhưng ông kìm lại được, nhưng ông cầm lấy tay cô, hôn lên tay cô và nói:
- Cảm ơn cô.

Cô ngạc nhiên. Ông thật sự mạnh mẽ, và luôn là chủ cô.

Ông nói tiếp:
- Vì cô đã chấp nhận lời đề nghị đầu tiên của tôi, cô có đồng ý để chúng ta cùng trò chuyện mà không chua chát mỉa mai gì nhau.

Cô có một cử chỉ khinh miệt.

- Chua chát mỉa mai ư? Nhưng tôi đâu có làm thế. Ông làm tôi hơi lạ đấy. Tôi chỉ có ý nói chuyện vui thôi mà.

Ông nhìn cô không chớp mắt, ông muốn chinh phục lại cô cho dù cô có tỏ ra thô lỗ với ông, một cảm giác lạ lùng xâm chiếm ông, một cảm giác mạnh mẽ dai dẳng, cảm giác cần phải chinh phục cho được cô.

Cô lại nói, rõ rằng cô đang làm ông tổn thương:
- Ông bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Tôi tin rằng ông trẻ tuổi hơn là vẻ ngoài của ông.
Ông tái mặt:
- Tôi bốn lăm.

Rồi ông hỏi:
- Tôi quên không hỏi công nương Raynes có gì mới không. Cô có hay gặp công nương không?

Cô ném sang ông một cái nhìn thù địch:

- Ồ! Tôi rất hay gặp công nương, công nương vẫn rất khỏe, cảm ơn ông đã hỏi thăm.

Họ ngồi cạnh nhau, hai người cùng vừa xúc động vừa bực mình. Đột nhiên, ông tuyên bố:

- Berthe thân mến, tôi vừa thay đổi ý định. Em là vợ tôi, tôi mong rằng em sẽ trở về sống dưới mái nhà tôi ngay ngày hôm nay. Tôi thấy rằng em đã trở nên rất xinh đẹp và có cá tính, tôi sẽ lấy lại em. Tôi là chồng em, đó là quyền của tôi.

Sửng sốt, cô nhìn sâu vào mắt ông, mong đọc được ý ông. Trông ông có vẻ vô cùng cương quyết, cứng đầu và không thể lay chuyển.

Cô trả lời:
- Rất lấy làm tiếc, nhưng tôi không có ý định đó.

Ông cười:
- Kệ em, luật pháp cho tôi quyền đó. Tôi sẽ sử dụng quyền đó.

Tàu đi đến Marseille, tàu hú một hồi dài và đi chậm lại. Nữ nam tước đứng lên, cuộn lại chăn một cách cẩn thận, rồi quay về phía nam tước:

- Raymond thân mến, đừng lạm dụng cuộc gặp mặt mà em đã chuẩn bị trước. Em đã muốn có một cái cớ, theo lời khuyên của ông, để không có gì phải e ngại, không bị thất thố trước ông hay trước mọi người cho dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa. Ông đi Nice, đúng không nào?

- Anh đi đến đâu em đến.

- Hoàn toàn không đâu. Nghe em nói đây, và em đoan chắc rằng ông sẽ lại để cho em yên thôi mà. Lát nữa, ông sẽ gặp công nương Raynes, nữ bá tước Henriot và chồng của họ đến sân ga đón em. Em muốn họ sẽ nhìn thấy chúng ta, ông và em, cùng bước ra, em muốn họ biết rằng chúng ta đã cùng nhau qua một đêm trên toa xe này. Đừng e ngại gì hết. Những người này sẽ loan báo sự kiện đó cho cả thành phố biết, điều đó sẽ gây ngạc nhiên chấn động lớn đối với mọi người cho mà xem.

Lúc nãy em đã nói với ông rằng, em đã tuân thủ rất nghiêm chỉnh mọi dặn dò của ông, em đã giữ gìn cẩn thận danh tiết cùng như tăm tiếng của mình. Không hề có chút dị nghị gì, đúng không? Thế nên, để tiếp tục được như thế, em cần có cuộc gặp này. Ông đã ra lệnh cho em phải giữ gìn rất cẩn thận để tránh mọi vụ tai tiếng, em đang cố hết sức để tránh đây, ông thân mến.... bởi em sợ... em sợ...

Cô đợi cho con tàu dừng hẳn lại, và bởi lúc này đã có rất nhiều bạn bè cô đang chạy ào tới cửa xe và mở nó ra, cô nói nốt:

- Em sợ mình có mang.

Công nương chìa tay về phía cô, ôm hôn cô. Nữ nam tước vừa nói vừa chỉ tay về phía ông nam tước đang sững sờ ngạc nhiên, và đang cố đoán sự thật là thế nào:

- Các bạn không nhận ra Raymond sao? Quả là anh ấy đã thay đổi biết mấy. Anh ấy đã đồng ý đưa tôi đi để tôi không phải đi một mình. Thỉnh thoảng chúng tôi cùng trốn đi như thế này, bên nhau như những người bạn tốt. Chúng tôi không muốn sống chung nhưng thỉnh thoảng chúng tôi muốn cùng nhau đi chơi thay đổi không khí như thế này. Vả lại, chúng tôi cũng sẽ chia tay nhau ở đây thôi vì anh ấy đã chán ngấy tôi rồi.

Cô chìa tay cho ông và ông cầm lấy nó một cách máy móc. Thế rồi cô nhảy xuống sân ga, vào giữa đám người đang đứng đón cô.

Ông nam tước đóng sầm cửa toa lại, quá xúc động đến nỗi ông không nói được một lời nào cũng như không kịp phản ứng gì. Ông nghe tiếng cô, nghe thấy tiếng cười vui vẻ hạnh phúc của cô xa dần.

Ông không bao giờ gặp lại cô nữa.

Và ông không bao giờ biết được những lời cô nói là thật hay vờ.

(Guy de Maupassant)

http://vietmessenger.com/books/?title=truyen%20ngan%20ky%20la&page=25

sôngthương
02-13-2018, 01:07 AM
Sạp hàng nhỏ của hai thằng sinh viên .

Mười tám năm trước, cũng mùa này, đang ngồi ăn cơm, tui và thằng bạn thân chợt lóe lên cái ý định kiếm tiền Tết. Nhưng buôn bán cái giống gì bây giờ ta?

"Quê tao Long An có dưa hấu nổi tiếng."

"Hà Nội của tao có đào."

OK, bán dưa hấu và đào. Việc đầu tiên là thuê một gian hàng trong chợ hoa công viên Lê Văn Tám. Tui sẽ về vùng dưa Long Trì nổi tiếng xứ mình lựa hàng đẹp, những trái trên chục lý để trưng thôi. Thằng bạn nhờ ông bác ngoài Hà Nội mua đào chuyển vô. Tính ngon lắm nhưng kết lại, tui giật mình ngơ ngác.:

"Ủa, mà hái lá me làm tiền hả?"

"Ừm...Tao sẽ đem cầm chiếc xe máy"

Chuyện trang trí cho gian hàng được bắt mắt là quá đơn giản với hai thằng họa sĩ tương lai. Cũng dễ sợ lắm, trang trí hấp dẫn chỉ để gây ấn tượng thôi. Muốn khách hàng dừng lại và móc tiền ra, băng - rôn phải là "Gian hàng hoa đào và dưa hấu SINH VIÊN". Thủ đoạn ha?

Ngày 23 tháng Chạp, tụi tui khai trương theo chợ. Thời đó, tui nghĩ mình là người đầu tiên nghĩ ra chuyện lấy dầu ăn lau mấy trái dưa, cho nó bóng. Tui nhắm tới nhiều phân khúc khách hàng lắm nha. Bình dân nhất sẽ là mấy trái dưa được dán miếng giấy đỏ hình quả trám, trên đó là những chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tài được viết theo kiểu thư pháp. Khá hơn một chút là dùng acrylic vẽ trực tiếp lên dưa những cành mai, cành đào, thỏi vàng hay bộ ba Phúc Lộc Thọ. Cao cấp nhất là những trái được khắc long phụng hay con giáp trực tiếp lên vỏ dưa. Cái này mắc tiền vì tốn khá nhiều công. Ngoài ra còn có dịch vụ khắc, vẽ theo yêu cầu.

Gian hàng tụi tui lúc nào cũng đông đen, phần lớn bu lại nhìn thằng tui ngoài làm việc bởi hồi đố, chuyện trang trí lên cặp dưa Tết chưa thịnh như bây giờ. Có mấy cô chú trầm trồ: "Sinh viên trường gì mà khéo tay quá." Mệt lắm, chỉ ngẩng đầu lên cười một cái thay lời cám ơn.

Mà không mệt sao được khi ở trong đó suốt cả tuần. Tối đến, tới giờ đóng của, hai thằng không còn sức mà đếm tiền, chỉ biết lăn ra đống rơm lót dưa mà ngủ khò. Để đảm bảo an toàn, tiền sẽ được chia tạm ra làm hai, bỏ vô hai bịch ni lông rồi nhét vào...quần lót.

Thằng bạn lanh lợi hơn tui nên làm nhiệm vụ buôn bán, thu tiền và kêu xích lô hay ba giác giao hàng. Những trưa rảnh, nó ngồi lấy những tờ tiền mới cứng mệnh giá một ngàn xếp thành hình đồng tiền hay thỏi vàng treo lên mấy cây đào. Tui tin rằng nếu không vì cái mác sinh viên, nếu không vì hai thằng đẹp trai hay cười, dưa và đào của tụi tui, tự thân nó cũng đủ hấp dẫn gọi mời. Và tất nhiên, ý thức được điều đó nên sản phẩm của tụi tui luôn có giá...cao nhất chợ. Cao mà vẫn bán tốt.

Những ngày đó tụi tui cực mà vui. Vui vì buôn bán thuận lợi, vui vì được nhiều người lớn trầm trồ: "Mấy thằng nhỏ này tài hoa quá, giỏi giang ghê" (mới tanh tanh ra đời mà, được khen, thằng nào hổng sướng.) Có cô kia hôm nay mua đào, thấy tội nghiệp hai thằng vất vả, qua hôm sau biểu con gái mang cơm ra cho ăn. Có chú nọ mua một lúc sáu gốc đào với năm cặp dưa, mang đi biếu. Sài Gòn, thiệt là nhân hậu. Còn nữa, vui vì bạn chợ ai cũng dễ thương, nghĩa tình. Chú vạn thọ từ Hóc Môn, vợ chồng chú cúc mâm xôi từ Sa Đéc hay anh cúc cao tận Nha Trang tối tối dọn hàng xong, hay kêu hai thằng qua ăn uống mấy đồ quê họ đem theo.

Tối 29, tụi tui đã bán hết sạch, bán luôn cả gốc đào thằng bạn định mang về cho mẹ nó. Chạy đi chuộc chiếc xe về, đếm lại, lời được sáu triệu bảy trăm hai mươi tám ngàn, là đã trừ hết chi phí gian hàng, màu mè và ăn uống. Chia đôi số tiền, cầm xong, thằng bạn nói thật chậm, và rõ:

"Cái này tao gửi cho ba mày. Thật ra, là tao giúp mày kiếm tiền thôi. Mày biết rồi, tao đâu có thiếu."

Tui đứng sững một hồi rồi bước tới ôm nó. Chỉ vậy thôi, chẳng cần một lời cảm ơn nào. Ngay tối đó, nó xách xe chở tui đi sắm áo quần cho ba cho chị cho cháu, đi mua bánh mứt cho nhà. Nhảy lên chiếc xe đò đêm cuối năm chật cứng ồn ã, bướm bay rợp lòng.

Với tui, nó không chỉ là một thằng bạn thân. Trên hết thảy, nó là một người thầy, một người ơn lớn.

Bây giờ nó đang rong chơi một miền nào đó nhưng chắc là sẽ vui khi biết rằng tui đã lo xong cái Tết cho mẹ và vợ con nó, trước cả gia đình mình.

Trích từ “Thương được cứ thương đi -Hồng Hải”
http://khotruyen24h.net/read/thuong-duoc-cu-thuong-di---hong-hai_6156_447369974.html

sôngthương
02-17-2018, 07:51 PM
St cảm ơn các anh chị, cac bạn , mời cả nhà xem truyên nữa nhé :z56:

------------
Nắng Chiều Xuân Cũ


https://4.bp.blogspot.com/-WP3_pfL9gfc/WnGJMHVjRcI/AAAAAAAANy0/_d01mdamyHEsAVRzUcnLS7ehzg2KSp_LgCLcBGAs/s400/Nang%2Bchieu%2Bxuan%2Bcu.jpg (https://4.bp.blogspot.com/-WP3_pfL9gfc/WnGJMHVjRcI/AAAAAAAANy0/_d01mdamyHEsAVRzUcnLS7ehzg2KSp_LgCLcBGAs/s1600/Nang%2Bchieu%2Bxuan%2Bcu.jpg)


Mỗi năm chúng ta chỉ được nhìn thấy nắng xuân duy nhất một lần khi Tết sắp đến. Những vạt nắng chiều cuối đông êm ả và đầy vẻ lãng mạn, mặc dù ẩn giấu ít nhiều những tia buồn hiu hắt nào đó, luôn làm lòng tôi chùng xuống, mắt chợt nhìn xa xăm, và bâng khuâng xao xuyến, tôi lại bồi hồi nhớ về những mùa xuân trong dĩ vãng thuở ấu thời.

Trước 1975, khi Lăng Ông Bà Chiểu còn là biểu tượng của Sài Gòn, thì mỗi khi Tết đến xuân về, những chàng họa sĩ nghèo tha phương không chỉ "rũ áo phong sương trên gác trọ, lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang" mà còn phóng bút ghi lại hình ảnh mỹ miều của Lăng Ông lên những tấm thiệp chúc Tết xinh xắn làm bằng lụa, rồi đem ký gởi tại những tiệm bán sách, trong số đó có nhà tôi, để dân Sài Gòn tha hồ lựa chọn khi muốn trao nhau cánh thiệp đầu xuân đầy ý nghĩa. Mùa nào thức nấy, tiệm sách của gia đình tôi nhân dịp Giáng Sinh sẽ bán thiệp Noel, và khi năm hết Tết đến thì bán thiệp chúc Tết, ngoài sách, vở, nhạc và dụng cụ văn phòng, dụng cụ học sinh thì được bán quanh năm, đông khách nhất là vào dịp khai trường. Cuối năm, khi ánh nắng xiên khoai bắt đầu dịu lại, và gió chiều se se lạnh bắt đầu hây hây thổi, đó là lúc ba tôi sẽ lôi một cái bàn giấy từ trên lầu xuống, dùng để bày bán thiệp Tết. Ba tôi trang trí cho nó bằng cách quấn một tấm vải trắng dài bao quanh ba mặt của bàn, mà mặt trước đã được ông sơn hay dán lên đó dòng chữ Cung Chúc Tân Xuân màu đỏ tươi thắm nổi bật. Ba tôi còn treo thêm những giây bóng đèn trái ớt xanh đỏ nhấp nháy quanh bàn để làm cho nó bắt mắt hơn. Thế là Tết sắp đến rồi! Lũ trẻ con chúng tôi lo bán thiệp Tết thì ít mà lo chơi đùa chạy nhảy thì nhiều: chơi cá sấu lên bờ, chơi năm mười, và chui ra chui vào cái bàn đó, nơi đã biến thành chỗ ẩn nấp lý tưởng – hai trong một – Nhưng dĩ nhiên là tôi không thể nào quên được những tấm thiệp Tết xinh xắn đó: có tấm in hình hoa bìm bìm phơn phớt tím! (ô là la!), cũng có tấm dán những cánh hoa pensée ép khô thoang thoảng hương thời gian, hay khi những chàng họa sĩ nghèo túng kia, đã vẽ chán chê hình Lăng Ông cùng với hàng cây thốt nốt đặc trưng, hoặc những cô thiếu nữ mặc áo dài hoa sặc sỡ rủ nhau đi lễ chùa, bèn quay sang phác họa ông đồ già ngồi viết câu đối dưới rặng hoa đào, những cậu bé con xúng xính áo dài khăn đống đang túm năm tụm ba chơi đốt pháo, là thú vui không gì sánh kịp của những đứa trẻ tinh nghịch lúc bấy giờ, trên khắp mọi miền quê hương đất nước khi xuân sang.


Anh Hải tôi có đời nào chịu làm ngoại lệ? Tôi nhớ có năm, chắc tại tình hình chiến sự căng thẳng leo thang, khiến nội thành cũng không yên ổn, cho nên tuy Tết đã gần kề nhưng không khí vẫn trầm lắng, vì chính phủ đã ra lệnh cấm đốt pháo. Một hôm, khi ba tôi vừa đi khỏi thì anh Hải tôi nhân dịp đó đã vội "mọc đuôi tôm" và phóng ngay ra đường để gia nhập cùng bọn trẻ đầu phố chơi đốt pháo. Tiếng pháo lẹt đẹt nổ xa xa cùng với mùi pháo khét lẹt thoang thoảng trong không khí đã làm cho khu phố khởi sắc hẳn lên, vì rất ra dáng Tết. Bỗng nhiên, một đám người tuy đông nhưng không ồn ào xuất hiện trước cửa nhà tôi! Thì ra anh Hải tôi đã bị một chú công an chìm bắt quả tang, tóm cổ (theo đúng nghĩa đen) về tới tận nhà! Chú ấy sừng sộ hỏi má tôi rằng tại sao lại cho nó chạy ra đường đốt pháo như vậy, và có biết là năm nay người ta cấm đốt pháo hay không? Má tôi ôn tồn trả lời rằng, cháu nó còn nhỏ dại, còn nghịch ngợm lắm! Thôi anh tha cho nó đi, rồi tôi về tôi sẽ dạy dỗ cháu nó lại sau! Chú công an chìm mặc thường phục chằm chằm nhìn má tôi một lát, rồi không nói thêm lời nào, buông anh tôi ra, và quay gót đi mất. Anh Hải tôi, thoát nạn , vội vàng phóng ngay lên lầu. Mấy ngày sau đó, tôi cố để ý nhưng chẳng thấy má tôi "dạy dỗ" anh tôi điều gì, như lời bà đã hứa với chú công an!


Cận Tết, ba tôi thường hay chở mấy anh em tụi tôi đi chợ Bến Thành, không phải để đi sắm Tết (con nít biết gì mà mua với sắm), mà là để anh em chúng tôi đi chơi Tết, giải khuây sau những tháng ngày phải miệt mài học tập vất vả. Từ đàng xa, khách du xuân đã có thể nhìn thấy những gian hàng hột dưa, pháo bông, bánh chưng bánh tét, trà rượu, kẹo mứt, dưa hấu... bày bán Tết san sát nhau, thi nhau chăng đèn kết hoa sáng rực cả một vùng, đua nhau mở loa phóng thanh chát chúa khi thì chào mời, lúc để quảng cáo sản phẩm như gian hàng bán kem đánh răng Hynos (Hynos cha cha cha!)... Hi hi! Người đứng bán, kẻ đi mua rộn ràng, chen lẫn với những vị khách chỉ đi xem và chẳng những không mua sắm gì như lũ con nít tụi tôi, mà lại còn được thoải mái "nếm thử" mứt kẹo miễn phí, khiến khu chợ Tết Bến Thành càng về khuya càng thêm phần ồn ào, náo nhiệt. Gian hàng bánh mứt nào cũng được lũ trẻ ranh chúng tôi chiếu cố hết sức tận tình: nào mứt bí trắng phau, mứt gừng, mứt hột sen, mứt khoai lang ươm vàng, mứt chà là nâu bóng, mứt me quấn trong giấy bóng kiếng nhìn vô cùng hấp dẫn, mứt dừa nhuộm phẩm xanh đỏ trông thật thích mắt... Rồi mứt trứng chim bé bé xinh xinh, thèo lèo cứt chuột nhưng thật ra lại là kẹo đậu phọng, kẹo mè đen, nhưng vì còn bé nên tôi cứ tưởng là phân chuột thật, nên không bao giờ dám đụng đến, cho dù miễn phí! Lũ trẻ chúng tôi tay bốc, miệng nhai, vừa ăn vừa phủi những hạt đường sên dính đầy mặt mũi, và nhìn nhau cười khúc khích, tưởng mình được lạc bước vào xứ thần tiên!

Sau khi quay gót từ giã chợ Bến Thành rộn rịp với không ít niềm lưu luyến (hi hi!) chúng tôi cuốc bộ sang chợ hoa Nguyễn Huệ ngay gần đó. Khi mùa xuân đến, chợ hoa nhóm họp tại đại lộ Nguyễn Huệ, ngày trước khi còn đúng nghĩa là chợ hoa truyền thống, là một thế giới khác hẳn so với chợ Bến Thành mà chúng tôi vừa tiếc nuối để lại sau lưng! Nơi đây, trên vỉa hè là một rừng hoa, dưới lòng đường là một rừng người, và trên đầu chúng tôi là cả một bầu trời đêm thăm thẳm dường như rực rỡ hẳn nhờ các vì sao long lanh chiếu, lấp lánh như chiếc áo dài thêu kim tuyến. Lòng người ai nấy đều náo nức hân hoan đón chào chúa Xuân giáng trần. Dòng người chen lấn xô đẩy nhau đông như trẩy hội. Có cả những cô gái đôi tám, hai mươi xênh xang áo dài hay váy ngắn, hớn hở sà vào những giỏ hoa thược dược, bụi cẩm chướng đủ màu sặc sỡ, những đóa hồng đài các kiêu sa, những khóm hoa mào gà oai vệ đỏ ối bên đường, rồi làm điệu làm duyên đủ kiểu để các bác phó nhòm giơ cao máy chụp hình ghi lại vài pô làm kỷ niệm. Yêu hoa ngay từ thuở còn thơ, tôi cứ chúi mũi vào khóm vạn thọ nhị sắc ngát hương đồng nội, cúc đại đóa hương gây niềm nhớ, những cành hoa mai mùi thơm dịu dàng thanh khiết, hay mơn man những cánh hoa cẩm tú cầu màu hồng phấn đẹp mê ly. Nhưng các anh tôi thì lại thích ra mặt những cây tắc với từng chùm trái vàng da cam căng tròn, bóng lưỡng, lủng lẳng gọi mời. Len lén trông chừng những người đứng bán, các anh tôi đưa tay bứt hết trái này đến trái khác và nhét đầy túi quần, mặc dù sau đó vì không biết làm gì với chúng, sau khi đã lột vỏ nếm thử thấy chua lè, đã dùng chúng để chơi chọi nhau hoặc làm trái banh để đá trên vỉa hè trước cửa nhà! Hương hoa xuân ngào ngạt trong làn gió đêm xuân mát rượi làm dịu hẳn hơi người toát ra từ muôn vàn du khách. Chen vai thích cánh nhau, họ say sưa ngắm nhìn, thưởng lãm mọi hương sắc của khu chợ muôn hồng nghìn tía đang cố phô bày, hiến dâng trọn vẹn nét xuân tươi thắm cho đời, mỗi năm chỉ một lần, nhân dịp xuân về. Chúng tôi quyết định đi "lô ca chân" về nhà để tận hưởng cảm giác nao nao , rộn ràng, rạo rực đang lây lan vào lòng những ngày cận Tết. Hai bên đường, người Sài gòn nhà nào nhà nấy cũng đều đang bận bịu quét sân, lau cửa, chà lư hương... chuẩn bị đón mừng năm mới. Chúng tôi chìm vào giấc ngủ êm đềm với nhiều mộng đẹp đêm xuân, trong khi ngoài kia, pháo đã bắt đầu rộn ràng đì đùng nổ giòn! Mai là đêm trừ tịch rồi ! Một mùa Xuân mới lại về trên quê hương loạn ly đầy khói lửa!

Nhưng ngày vui thường qua mau : mọi sự nhanh chóng trở nên tồi tệ. Chiến tranh, nếu trước kia đối với lũ con nít chúng tôi chỉ là một hiện thực xa xăm, mơ hồ nào đó, bỗng thình lình nhe nanh giơ móng vuốt tàn bạo của nó ra và xé toang cuộc đời của tất cả chúng tôi : anh Hải, người anh mà tôi yêu thương nhất đời, đã vĩnh viễn ra đi, không bao giờ trở về ngay cả vào mùa xuân, mùa được mệnh danh là của yêu thương, đoàn tụ. Một chương đời buồn vui lẫn lộn đã khép lại, một chương mới bất định mở ra, không có anh! Kể từ đó, không có anh tôi, Tết không còn là Tết đối với tôi nữa!

Chiều nay, một lần nữa, xuân lại ngấp nghé đến bên thềm. Trong ánh nắng quái võ vàng của một buổi chiều xuân quạnh quẽ, có một dáng người cứ mải miết đi tìm một hình bóng cũ, như cố góp nhặt lại chút dư ảnh êm đềm của màu nắng xuân xưa. Người qua kẻ lại đi sắm tết đông như mắc cửi, nhưng chẳng ai là anh tôi hết! Tôi đứng lại tại một bùng binh, phân vân tự hỏi mình và hỏi Trời, bây giờ tôi phải đi đường nào để tìm thấy anh tôi?...Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người. Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ. Chiều nay hoa xuân bay nhiều quá, chiều tàn dần phai trên ngàn lá, tìm đâu bóng hình ai! (Nhớ Một Chiều Xuân – Nguyễn văn Đông)



Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)

Cho những mùa xuân xưa
và hương hồn anh Hải

https://tuoihoandmore.blogspot.com/2018/02/nang-chieu-xuan-cu.html

sôngthương
03-04-2018, 05:31 AM
St mời Thu Vàng, Cap và cả nhà đọc truyện tiếp nhé :z57:

--------------------

Bước nhảy lượng tử

Hôm nay là ngày bảo vệ niên luận. Tôi đến phòng hội thảo rất sớm. Nhưng Dasa đã tới trước tôi, nàng ngồi bên chiếc máy bán cà phê tự động, có lẽ nàng biết sở thích điểm tâm sáng của tôi nên ngồi ở đây đợi. Dasa mỉm cười hỏi: - Cậu đã sẵn sàng cho Bước nhảy lượng tử chưa?

1. Dạo mới sang, người con gái tôi quen đầu tiên chính là Dasa. Nàng có một vẻ đẹp lặng thầm, ẩn kín như những chiếc metro chìm dưới lòng đất; làn da trắng như tuyết ngày đông, như sương mùa hạ; và tâm hồn điển hình cho những cô gái Nga.

Sau mỗi buổi tan giờ, tôi cùng Dasa đi dạo quanh vườn cây trong khuôn viên trường. Vào cuối mùa thu lá chín vàng như tấm voan phủ lên những nóc cây, dưới đất lại như được dát vàng lá của ngài Cấp Cô Độc trong khu vườn thái tử Kỳ Đà ở Ấn Độ hai ngàn năm trăm năm về trước. Đấy là vẻ đẹp cổ điển mang màu sắc hoài niệm và đầy chất thơ.

Tôi kể cho Dasa nghe chuyện thời Đức Phật còn tại thế, có một ông nhà giàu tốt bụng tên là Cấp Cô Độc muốn dâng tặng Phật một khu vườn để Ngài thuyết pháp. Ở xứ Ấn có một khu vườn rất đẹp của thái tử Kỳ Đà. Ông Cấp Cô Độc ngỏ lời muốn mua khu vườn này, nhưng thái tử Kỳ Đà thách nếu Cấp Cô Độc có đủ vàng để rải kín khu vườn thì thái tử sẽ bán.

Tưởng nói đùa, ai ngờ Cấp Cô Độc đã đem vàng rải kín khu vườn. Cảm phục trước sự mộ đạo đó, thái tử Kỳ Đà đã cùng với Cấp Cô Độc dâng tặng khu vườn này để Đức Phật làm nơi giảng đạo. Từ đó người đời gọi khu vườn là "Cấp Cô Độc viên Kỳ Đà thụ".

Dasa quay mặt sang phía tôi:
- Cậu có vẻ tin vào Đức Phật nhỉ?
- Ừ, tớ tin vào tất cả các tôn giáo và Thượng đế. Đó là niềm tin về cái đẹp và lòng tốt luôn có mặt trong đời sống này!
- À, mà cậu có nghĩ rằng dân Vật lý cũng cần lãng mạn và trí tưởng tượng không?
- Để làm gì?

Dasa nhắm mắt, mím môi cười và lắc nhẹ đầu như không muốn trả lời. Đó là một bí ẩn của tự nhiên. Trên cao, bầy chim đã bay về hót lời hoan ca khúc khích. Hai chúng tôi đến trước bức tượng Fransics Scorina. Ở chỗ này có một lối bậc cấp thang đá trắng dẫn lên chân bức tượng. Dasa nhủ tôi:

- Cậu lên nhảy đi, nhảy chập đôi như chim chuyền cành ấy, tớ thích ngắm điệu tác đó!

Tôi gật đầu, khép hai bàn chân sát nhau và bắt đầu nhảy lên. Có tất thảy mười tám bậc thang đá. Vừa nhảy tôi vừa đọc: "Chuyền, chuyền một đôi. Chuyền, chuyền hai đôi..." Dasa ở phía dưới nhìn lên, reo cười thích thú.

- Cậu đọc thơ đấy à?
- Không. Đó là bài đồng dao trẻ con ở Việt Nam thường hát khi chơi trò nhảy nhón chân.
- Giống chim nhỉ? Ước gì hai đứa mình là đôi chim để cùng nhảy.

Lòng tôi thoáng buồn khi nghe Dasa nói câu ấy. Lần nào cũng chỉ mình tôi nhảy, còn nàng đứng ngắm. Tôi nhảy như một nốt nhạc trên bản ký âm của khu vườn, còn Dasa như một dấu lặng khóa cuối bản hòa âm. Và kết thúc mỗi buổi chiều ngập tràn niềm vui, riêng tôi vẫn day dứt một nỗi niềm khôn tả.

Chính Dasa, hay đúng hơn vì trò chơi nhảy chuyền ấy đã khiến tôi chọn đề tài niên luận là "Bước nhảy lượng tử". Ngày nhận đề tài, Dasa trố mắt nhìn tôi:
- Sao cậu lại chọn đề tài đó?
- Tớ cũng không biết nữa. Có thể là một sự liên tưởng với trò chơi của chúng mình.
Dasa cười khoái chí: - Bây giờ thì cậu đã tin dân Vật lý cũng cần trí tưởng tượng chưa?

2. Nhóm chuyên ngành Nguyên tử có tất cả bảy sinh viên. Đến phiên tôi lên trình bày, Dasa ngồi dưới vẻ mặt đầy lo lắng. Sau bảy phút tóm tắt sơ lược đề tài, tôi đứng nghiêm ngắn chuẩn bị trả lời phản biện, nhưng mắt lại hướng về nhìn Dasa. Tôi nghĩ rằng ở Dasa có một điểm tựa cho mình tự tin hơn. Câu cuối cùng, thầy phản biện hỏi:
- Theo anh có Bước nhảy lượng tử không?

Một thoáng bối rối, tôi nhìn thẳng vào mắt Dasa và như nhận được câu trả lời từ phía nàng. Tôi đáp:
- Có. Nếu chúng ta tin vào sự huyền nhiệm của cuộc sống và lòng bao dung của Thượng đế!
Buổi bảo vệ kết thúc, thầy phản biện có lẽ không hài lòng lắm với câu trả lời của tôi. Thầy nói câu trả lời ấy hơi trừu tượng, Vật lý cần sự khách quan hơn. Nhưng tôi thì thấy vui, vì đó là câu nói tôi muốn gửi gắm cho Dasa.

Sau buổi bảo vệ, tôi và Dasa lại đi ra vườn cây, đến chỗ bức tượng quen thuộc. Dasa có vẻ buồn, mắt ẩn chứa chút giận hờn:
- Sao lúc nãy cậu lại trả lời như vậy?
Tôi cười.
- Thôi, đừng buồn nữa. Để tớ lại nhảy chuyền đôi cho cậu vui nhé!
- Không cần. Hãy giải thích với tớ đi đã. Tớ biết cậu có câu trả lời khác xác đáng hơn mà!
Tôi nheo mắt cười, và bắt đầu nhảy lên. Chuyền, chuyền một đôi; chuyền, chuyền hai đôi.
- Dasa! Tớ lên tới bậc thứ mười tám rồi này.
- Không thèm. Giải thích với tớ đi, không là tớ về ngay đấy!

Tôi chạy xuống, giữ lấy tay Dasa như sợ nàng giận mà bỏ về thì thật tiếc một buổi chiều đẹp nắng như thế này.
- À. Hay để tớ tập cho cậu nhảy lên những bậc thang này nhé!
- Nhưng mà... Tớ...
- Khoác tay vào vai tớ đi, Dasa!
Nàng mau mắn làm theo. Tôi vòng tay phải ôm lấy eo nàng. Và luôn thể hất cây gậy nàng đang chống. Dasa vốn bị tàn tật bẩm sinh, chân phải gầy teo tóp như một ống hóp. Cây gậy là phương tiện trợ giúp cho nàng đứng vững và đi lại được. Nàng đổ người vào tôi. Hai đứa bắt đầu nhảy. Tôi cố đứng thật thẳng cho nàng tựa vào. Chuyền, chuyền một đôi; chuyền, chuyền hai đôi.

Dasa thốt lên:
- Đây là lần đầu tiên trong đời tớ được nhảy lên bậc cấp mà không cần đến cây gậy, vì đã có cậu. Cậu là cây gậy cứng cáp rồi, Hoàng ạ! Này, tớ đang thực hiện Bước nhảy lượng tử đấy!

- Giờ thì cậu đã biết vì sao hồi trưa tớ trả lời câu hỏi phản biện như vậy rồi chứ? - Tôi nói.
Cả hai đứa cùng cười vang. Âm thanh dội qua bốn bìa vườn và trả về một câu nói như lời khải thị: "Hãy tin tin vào sự huyền nhiệm của cuộc sống và lòng bao dung của Thượng đế!".
Hoàng Công Danh

https://sites.google.com/site/hoaivanwebpage/van-tho-toi-thich/hoang-cong-danh--truyen-ngan

sôngthương
03-15-2018, 09:48 AM
St cảm ơn chị Ngô Đồng, Cap và Thu vàng nhé :z57:

-------------

Sáng hôm sau, ngồi ở giữa phòng, tôi xé mở hết hộp quà này đến hộp quà khác. Tôi cũng không hiểu tại sao tôi chỉ thấy buồn bực, tôi chỉ chán ngán liếc nhìn chúng và quăng chúng vào góc phòng. Cả đống ùn lên ở đó, có cả chiếc máy ảnh Polaroid, một máy thu thanh bán dẫn, một đoàn tàu chạy điện phức tạp và nhiều phong bì dán kín đựng tiền. Tôi biết, tôi sẽ chẳng bao giờ tiêu xài đến tiền hoặc nghe máy thu thanh, chiếc tàu điện sẽ chẳng bao giờ chạy trên đường ray trong phòng tôi. Tôi chẳng muốn bất cứ thứ gì của cái đống đó hết - tất cả đều là đồng tiền máu. Baba sẽ chẳng bao giờ tổ chức cho tôi một bữa tiệc như thế, nếu tôi không thắng trong cuộc đấu diều.

Baba cho tôi hai món quà, một món chắc chắn trở thành sự thèm thuồng của mọi đứa trẻ trong vùng; một kiểu dáng mới của hãng Schwinn Stingray, vua của mọi loại xe đạp. Chỉ một dúm trẻ con ở toàn Kabul sở hữu một chiếc Stingray mới, và lúc này tôi là một trong bọn chúng. Nó có bộ tay cầm vươn cao, tay nắm bằng cao su đen, và bộ yên hình nải chuối nổi tiếng. Càng xe màu vàng và khung xe màu đỏ, như một chiếc kẹo táo. Hoặc máu. Bất kỳ đứa trẻ nào khác cũng muốn nhảy lên xe ngay lập tức và phóng một vòng mấy dãy nhà. Tôi đã có thể làm được điều đó nếu là vài tháng trước.

- Con thích nó chứ? - Baba nói, tựa lưng vào khung cửa phòng tôi.
Tôi ngượng ngùng nhe răng cười với ông và nói câu cảm ơn thật nhanh. Giá mà tôi đã có thể can đảm hơn thế.

- Chúng ta có thể cưỡi xe đi một lúc, - Baba nói. Một lời mời, nhưng chỉ thật lòng phân nửa thôi.
- Có lẽ lát nữa. Con đang hơi mệt, - tôi nói.
- Được thôi. - Baba đáp.- Baba ạ?
- Có chuyện gì?
- Con cảm ơn vì pháo hoa, - tôi nói. Một lời cảm ơn nhưng cũng chỉ thật lòng một nửa.
- Nghỉ một chút đi, - Baba vừa nói vừa bước về phòng mình.

Món quà kia Baba cho tôi, và ông cũng chẳng thèm đợi xem tôi mở hộp quà - là một chiếc đồng hồ đeo tay. Nó có cái mặt xanh, đôi kim vàng hình tia chớp có dạ quang. Tôi cũng chẳng buồn đeo thử. Tôi quẳngnó vào cái đống ở góc phòng. Món quà duy nhất tôi không quăng lên núi quà, đó là cuốn sổ bọc da của chú Rahim Khan. Đó là món quà duy nhất mà tôi không cảm thấy như đồng tiền máu.
Tôi ngồi ở mép giường, giở cuốn sổ trong tay, nghĩ về những gì chú Rahim Khan đã nói về Homaira, việc cha chú đã đuổi cô cuối cùng vẫn là điều tốt nhất như thế nào. Cô ấy hẳn sẽ đau khổ. Giống như những lần chiếc máy chiếu của Kaka Homayoun lưu luyến mãi một chớp hình, cái hình ảnh ấy vẫn còn loé sáng mãi trong tâm trí tôi: Hassan, mặt gằm xuống, đang hầu rượu cho Assef và Wali. Có thể đó mới là tốt nhất. Giảm bớt sự đau khổ của cậu ấy. Và của tôi nữa. Đằng nào thì, điều đó cũng quá rõ ràng: Một trong hai chúng tôi phải ra đi.

Chiều muộn hôm đó, tôi đem chiếc xe đạp Schwinn ra cho bon lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Tôi đạp vòng quanh dãy nhà hai lần rồi trở về. Tôi đạp trên lối xe vào nhà đến sân sau, nơi Hassan và ông Ali đang dọn dẹp những đống rác rưởi từ bữa tiệc hôm trước. Những cốc giấy, những khăn ăn nát vụn, những vỏ chai soda lăn lóc ở sân. Ông Ali đang gấp ghế, đem dựng ở dọc tường. Ông trông thấy tôi liền vẫy vẫy.

- Salaam, ông Ali! - Tôi chào và vẫy lại ông.
Ông giơ một ngón tay lên, bảo tôi đợi, và bước về chỗ ăn nghỉ của ông. Một lát sau, ông hiện ra với thứ gì đó trong tay:

- Đêm qua chẳng hở ra được lúc nào để Hassan và tôi tặng cậu món quà này, - ông vừa nói vừa trao cho tôi một chiếc hộp. - Nó là thứ tầm thường, không đáng gì với cậu. Amir agha ạ. Nhưng chúng tôi vẫn mong cậu thích nó. Chúc mừng sinh nhật.

Một cái gì dâng lên như chẹn họng tôi. Tôi nói:
- Cảm ơn, ông Ali.

Ước gì họ đừng mua cho tôi bất cứ thứ gì. Tôi mở hộp thấy một cuốn sách Shahnamah 1 bìa cứng bọc vải, có những tranh minh hoạ vẽ màu trên giấy láng bóng phía dưới các đoạn trích. Đây là Ferangis đang chăm chú nhìn đứa con mới sinh của mình Kai Khosrau. Kia là Afrasiyab đang cưỡi con ngựa chiến, thanh kiếm tuốt trần, dẫn đầu đoàn quân. Và tất nhiên, có cả Rostam đâm một nhát chí tử vào con trai mình, chiến binh Sohrab.

Tôi nói:
- Đẹp quá.
- Hassan bảo bản in của cậu cũ rách rồi, có chỗ lại thiếu trang, - ông Ali nói. - Tất cả những tranh trong này đều được về tay bằng mực và bút sắt, - ông tự hào bổ sung, dán mắt vào cuốn sách mà ông cũng như con trai ông đều không đọc nổi.

- Thích thật, - tôi nói. Và đúng là thích thật. Và tôi cũng đoán chừng nó không hề rẻ. Tôi muốn nói với ông Ali là không phải quyển sách, mà là tôi không xứng đáng. Tôi lại nhảy lên chiếc xe đạp và bảo ông:
- Cảm ơn Hassan hộ tôi.

Cuối cùng thì tôi cũng quăng cuốn sách lên đống quà ở góc phòng tôi. Nhưng mắt tôi vẫn cứ ngoái lại dán vào đấy, vì vậy tôi vùi nó xuống đáy. Đêm đó trước khi lên giường ngủ, tôi hỏi Baba xem ông có thấy chiếc đồng hồ mới của tôi ở đâu không?

Sáng hôm sau, tôi ở trong phòng đợi cho ông Ali dọn dẹp bàn ăn sáng ngoài bếp. Đợi ông rửa bát đã lau chùi quầy bếp xong. Tôi nhìn qua cửa sổ phòng ngủ của tôi và đợi, cho tới khi ông Ali và Hassan đi ra phố chợ mua hàng, đẩy chiếc xe cút kít trước mặt.

Thế rồi tôi lấy vài cái phong bì tiền từ đống quà và cái đồng hồ của tôi, kiễng chân rón rén đi ra ngoài. Tôi dừng lại trước phòng đọc của Baba, nghe ngóng. Sáng nào ông cũng ở trong phòng, gọi điện thoại. Ông đang nói chuyện với ai đó về việc chuyến tàu biển chở thảm trải phải đến vào tuần sau. Tôi xuống thang gác, đi ngang qua sân, vào nơi ở của ông Ali và Hassan bên cây sơn trà. Tôi nâng tấm đệm của Hassan lên và nhét cái đồng hồ mới của tôi với một nắm tiền giấy Afghan xuống dưới.

Tôi đợi ba mươi phút. Rồi tôi gõ cửa phòng Baba và kể cho ông nghe những gì tôi hy vọng sẽ là lần cuối cùng của cả một chuỗi dài dối trá.

Qua cửa số phòng ngủ của tôi, tôi theo dõi ông Ali và Hassan đẩy chiếc xe cút kít chất đầy những thịt, bánh naan, trái cây và rau tươi trên lối xe vào. Tôi thấy Baba từ trong nhà đi ra, bước tới gặp ông Ali. Miệng mấp máy những tiếng gì tôi không nghe rõ. Baba chỉ về phía ngôi nhà và ông Ali gật đầu. Họ tách ra, Baba trở về nhà, ông Ali đi theo Hassan về phía túp lều đất của họ.
Vài phút sau Baba gõ cửa phòng tôi. Ông nói:

- Đến phòng làm việc của ta. Tất cả chúng ta sẽ ngồi xuống và giải quyết việc này.
Tôi đến phòng đọc của Baba, ngồi lên ghế sofa da. Độ ba mươi phút, hay hơn thế, rồi Hassan và ông Ali đến góp mặt với chúng tôi.

Cả hai đều khóc. Tôi có thể nhận ra từ đôi mắt họ sưng đỏ lên. Họ đứng trước Baba, tay trong tay, và tôi tự hỏi, làm thế nào và khi nào tôi lại trở thành kẻ có thể gây ra nỗi đau khổ này.
Baba hỏi thẳng thừng:
- Có phải cháu đã ăn cắp món tiền này không? Hassan, cháu đã ăn cắp chiếc đồng hồ của Amir à?
Câu đáp lại của Hassan là một từ đơn độc, thốt ra bằng một tiếng nhỏ, cộc lốc:
- Vâng.

Tôi nao núng, như thể bị tát vào mặt. Tim tôi lịm đi, tôi suýt phải nói ra sự thật. Rồi tôi hiểu: Đây là lần hy sinh cuối cùng của Hassan cho tôi. Nếu cậu ấy nói không phải, Baba hẳn sẽ tin cậu ấy, bởi vì chúng tôi đều biết, Hassan chẳng bao giờ nói dối. Và nếu Baba tin cậu ấy, thì tôi mới là kẻ bị kết tội. Tôi sẽ phải giải thích, và sẽ bị vạch trần những gì tôi đáng phải nhận. Baba sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho tôi, mãi mãi. Và điều đó lại dẫn đến một cách hiểu khác: Hassan biết. Biết tôi thấy hết mọi chuyện trong cái ngõ đó, biết tôi đứng đấy và không hề làm gì. Biết tôi đã phản bội cậu và tuy vậy, cậu đang cứu tôi một lần nữa, có thể là lần cuối cùng. Lúc đó, tôi yêu cậu, yêu cậu hơn bất kỳ ai tôi đã từng yêu, và tôi muốn nói thẳng với tất cả bọn họ rằng, tôi là một con rắn trong đám cỏ, một con quỷ trong lòng hồ. Tôi không xong đáng với sự hy sinh ấy, tôi là một kẻ dối trá, một tên lừa đảo, một đứa trộm cắp. Và tôi có lẽ đã nói, nếu không có chuyện một phần trong con người tôi lại thấy mừng. Mừng là tất cả sẽ sớm qua đi. Baba sẽ đuổi họ, sẽ có một chút đau khổ đấy, nhưng cuộc sống lại tiếp tục vận động. Tôi muốn thế, tiếp tục vận động, quên đi và bắt đầu bằng một lý lịch sạch sẽ. Tôi muốn lại có thể thở được.

Ngoại trừ Baba đã làm tôi choáng váng, bằng câu nói:
- Ta tha thứ cho cháu.

Tha thứ ư? Nhưng trộm cắp là một tội không thể tha thứ, là mẫu số chung mọi tội lỗi. Khi con giết một người, là con đánh cắp một cuộc đời. Con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp người cha của những đứa con. Khi con nói dối, con ăn cắp quyền của ai đó đối với sự thật. Khi con lừa đảo, con ăn cắp quyền đối với sự chính trực. Không có hành động nào cực kỳ xấu xa hơn ăn cắp. Chẳng phải Baba đã bế tôi lên lòng ông và nói những lời ấy với tôi ư? Thế thì làm sao ông lại có thể chỉ tha thứ cho Hassan? Và nếu Baba có thể tha thứ chuyện đó, vậy tại sao ông lại không thể tha thứ cho tôi vì đã không là đứa con trai như ông hằng mong muốn? Tại sao?

- Chúng tôi sẽ đi, Agha sahib, - ông Ali nói.
- Cái gì - Baba nói, mặt tái đi.
- Chúng tôi không thể sống ở đây được nữa, - ông Ali nói.

- Nhưng tôi tha thứ cho nó, Ali, ông không nghe rõ à? - Baba nói.

- Sống ở đây bây giờ là không thể đối với chúng tôi rồi, Agha sahib. Chúng tôi sẽ đi. - ông Ali kéo Hassan lại gần ông và quàng cánh tay qua vai con trai mình. Đó là một cử chỉ bảo vệ, và tôi biết ông Ali đang bảo vệ con mình khỏi ai. Ông Ali liếc nhìn xem thái độ của tôi bằng một cái nhìn lạnh lùng và không tha thứ, tôi biết Hassan đã kể lại cho ông. Cậu đã kể lại cho ông biết hết mọi chuyện, về những gì Assef và lũ bạn của nó đã làm đối với cậu, về chiếc diều, về tôi. Thật lạ lùng, là tôi lại lấy làm mừng, rằng ai đó đã biết tôi thực sự là người như thế nào. Tôi đã mệt mỏi vì phải giả vờ.

- Tôi không quan tâm đến tiền và cái đồng hồ, - Baba nói, hai cánh tay ông mở ra, lòng bàn tay ngửa lên - Tôi không hiểu tại sao ông lại làm thế... Ý ông nói "không thể" là thế nào?

- Tôi xin lỗi, Agha sahib, nhưng đồ đạc của chúng tôi đã đóng gói cả rồi. Chúng tôi đã quyết định rồi.
Baba đứng lên, một nỗi đau buồn thoáng lướt qua mặt ông:
- Ali, phải chăng tôi đã không chu cấp đủ cho ông? Phải chăng tôi đã không tốt với ông và Hassan? Ông là người anh em ruột thịt mà tôi chẳng bao giờ có nữa, ông Ali, ông biết thế mà, xin ông đừng làm thế.

- Agha sahib, xin đừng làm việc này khó khăn hơn nó vốn dĩ đã vậy, - ông Ali nói. Miệng ông xoắn lại, và trong một khắc, tôi nghĩ tôi thấy một cái nhăn mặt. Đó là khi tôi hiểu được chiều sâu của nỗi đau tôi đã gây ra, cái bóng đen của nỗi sầu đau tôi đã mang đến cho mọi người, đến nỗi ngay cả bộ mặt bị liệt của ông Ali cũng không thể ngụy trang được nỗi đau buồn. Tôi ép mình phải nhìn Hassan, nhưng cậu cúi gằm, hai vai cậu trễ xuống, ngón tay vê vê sợi dây rút ở gấu áo sơ mi.
Lúc này, Baba đành nài xin:
- Ít nhất cũng phải nói cho tôi biết tại sao chứ. Tôi cần phải biết.

Ông Ali không nói cho Baba biết cũng như ông đã không phản đối khi Hassan thú nhận ăn cắp. Tôi sẽ không bao giờ biết tại sao, nhưng tôi có thể hình dung ra cả hai người trong cái lều nhỏ nhờ nhờ tối ấy, khóc lóc. Hassan nài xin ông đừng để lộ ra tôi. Nhưng tôi đã không thề tưởng tượng nổi sự kiềm chế mà ông Ali phải gắng để giữ lời hứa đó.
- Ông sẽ cho chúng tôi đến bến xe buýt chứ?
- Tôi cấm ông không được làm thế, - Baba rống lên. - Ông có nghe rõ tôi nói không? Tôi cấm ông!
- Thưa, nhưng ông không thể cấm tôi bất cứ điều gì, Agha sahib. - ông Ali nói. - Chúng tôi không làm việc cho ông nữa.
- Ông sẽ đi đâu - Baba hỏi, giọng rưng rưng.
- Hazarajat.
- Đến nhà họ hàng à?
- Vâng. Ông sẽ đưa chúng tôi tới bến xe chứ, Agha sahib?

Rồi tôi thấy Baba làm cái điều mà trước đó tôi chưa từng thấy bao giờ. Ông khóc. Nhìn một người lớn khóc khiến tôi hoang mang đôi chút. Các ông bố không được phép khóc.
- Xin ông, - Baba nói, nhưng ông Ali đã quay ra đến cửa và Hassan đi theo ông. Tôi sẽ không bao giờ quên thái độ của Baba khi nói điều đó, nỗi đau đớn trong lời cầu xin của ông, nỗi sợ hãi.

Ở Kabul, hiếm khi mưa vào mùa hè. Bầu trời xanh cao và xa thẳm, mặt trời như một khối sắt nung thui cháy gáy bạn. Những nhánh sông mà Hassan và tôi thia lia đá suốt mùa xuân đều đã trở nên khô cạn, và nhưng chiếc xe kéo khuấy bụi khi ầm ầm lăn bánh qua. Dân chúng đi đến các nhà thờ Hồi giáo thực hiện mười Raka't 2 buổi trưa, và rồi rút lui tới bất cứ nơi nào có bóng mát để đánh giấc ngủ trưa, đợi cái mát mẻ của buổi chiều sớm. Mùa hè có nghĩa những ngày dài dặc ở trường, nhễ nhại mồ hôi trong những lớp học chẳng hề thông thoáng dồn chặt người để học đọc các ayats trong kinh Koran, vất và với những từ uốn lưỡi ngoại lai Ẳ rập. Có nghĩa bắt ruồi bằng lòng bàn tay, trong khi ông giáo sĩ tiếp tục giọng đều đều đọc kinh và một làn gió nóng mang theo cả mùi phân từ cái nhà vệ sinh phía bên kia sân trường, khuấy bụi lầm lên quanh chiếc vòng bóng rổ xộc xệch, bơ vơ.

Nhưng buổi chiều hôm Baba đem ông Ali và Hassan ra bến xe buýt, trời mưa. Những tràng sấm rền vang phủ khắp bầu trời một màu chì xám. Chỉ mấy phút, những vạt mưa đã quét rầm rập, tiếng rít không ngừng của nước đổ ào ào trong hai tai tôi.

Baba ngỏ ý sẽ tự mình chở họ đến tận Bamiyan, nhưng ông Ali từ chối. Qua cửa sổ đầm đìa mờ mịt nước mưa phòng ngủ của tôi, tôi dõi theo ông Ali kéo cái vali cô độc đựng tất cả nhưng gì thuộc về ông tới chiếc ôtô của Baba đang nổ máy bên ngoài cánh cổng. Hassan lặc lè tấm đệm, bó chặt bằng sợi thừng, trên lưng. Cậu đã để lại tất cả đồ chơi của mình trong túp lều trống rỗng. - Ngày hôm sau, tôi phát hiện ra chúng được xếp đống ở góc nhà, giống hệt như đống quà sinh nhật trong phòng tôi.

Những hạt nước mưa trơn tuột nhỏ ròng ròng xuống cửa sổ phòng tôi. Tôi thấy Baba đóng sầm cửa xe lại. Người ướt sũng ông bước sang bên phía ghế lái xe, ngả người vào trong xe nói một điều gì đó với ông Ali ở hàng ghế sau, có lẽ một cố gắng cuối cùng hòng thay đổi ý định của ông Ali. Họ nói chuyện như thế một lúc, Baba ướt sũng, cúi lom khom, một cánh tay dựa trên mui xe. Nhưng khi ông đứng thẳng lên, tôi chấy trên đôi vai rũ xuống của ông, cuộc đời mà tôi từng biết từ khi tôi được sinh ra đã qua rồi. Baba luồn vào trong xe. Đèn pha bật lên, rạch hai luồng sáng trong mưa. Nếu đó là một trong những bộ phim Hinđi Hassan và tôi vẫn thường xem, thì đoạn cảnh ấy sẽ là tôi chạy ùa ra ngoài, đôi chân trần của tôi đạp tung toé nước mưa, tôi sẽ đuổi theo chiếc xe, la hét thất thanh cho xe đừng lại. Tôi sẽ kéo Hassan ra khỏi hàng ghế sau và nói với cậu ấy, tôi xin lỗi, rất xin lỗi, nước mắt tôi hoà lẫn nước mưa. Nhưng đó không phải là bộ phim Hinđi. Tôi rất hối tiếc nhưng tôi không khóc, và không đuổi theo chiếc xe. Tôi nhìn chiếc xe của Baba lao khỏi lề đường, mang theo một con người, mà tiếng tập nói đầu tiên của người ấy là tên tôi. Tôi bắt được hình bóng cuối cùng mờ nhạt của Hassan ngồi rũ ở ghế sau trước lúc Baba rẽ trái chỗ góc phố, nơi chúng tôi từng chơi bi đá không biết bao nhiêu lần.

Tôi lui vào và tất cả những gì tôi thấy là mưa lọt qua tấm kính cửa sổ trông như bạc nấu chảy.
--------------------------------
1 Shahnamah: trong nguyên bản là cuốn sách có tên là
Shahnamah Truyện về một quốc vương - ND.
2 Raka't: Một lượt thi lễ Salat (cầu nguyện), gồm các động tác đứng, quỳ, phủ phục hai lần, và ngồi thiền.

http://www.truyenngan.com.vn/tieu-thuyet/kinh-dien/824-nguoi-dua-dieu/26230-chuong-9.html

sôngthương
03-15-2018, 09:59 AM
Tháng 3- 1981

...Một thiếu phụ ngồi đối diện với chúng tôi. Chị mặc một chiếc áo dài màu xanh ô liu, với một chiếc khăn san màu đen quấn chặt quanh mặt để chống lại cái lạnh giá ban đêm. Mỗi lần chiếc xe tải nảy lên hoặc vấp phải ổ gà, chị lại buột miệng cầu kinh, tiếng cầu "Bismillah!" của chị vút cao theo mỗi lần xe lắc mạnh hoặc xóc. Chồng chị, một người đàn ông vạm vỡ quần dài ống thụng, khăn quấn đầu màu xanh da trời, nâng niu bế một em bé trong vòng tay, bàn tay lần tràng hạt. Đôi môi mấp máy cầu nguyện thầm. Kể cả những người khác nữa là mười hai, bao gồm cả Baba và tôi, ngồi ôm vào giữa hai chân, bị ép cứng cùng những người xa lạ, dưới cái mui bằng vải bạt của chiếc xe tải Nga đã cũ.

Ruột gan tôi cứ cồn lên kể từ lúc chúng tôi rời khỏi Kabul sau hai giờ sáng. Baba chẳng bao giờ nói ra, nhưng tôi biết ông coi việc tôi say xe lúc đó chỉ là một mặt khác của sự yếu ớt của tôi - tôi thấy rõ điều đó trên vẻ mặt sượng sùng của ông đôi lần bụng tôi quặn lại quá tệ đến nỗi tôi phải rên lên. - Khi người đàn ông vạm vỡ lần tràng hạt - tức chồng của thiếu phụ cầu nguyện hỏi liệu tôi có sắp say không, tôi nói tôi sắp. Baba ngoảnh đi. Người đàn ông vén góc mui vai bạt lên, gõ vào cửa kính của lái xe yêu cầu dừng lại. Nhưng người lái xe, tên là Karim, một người đàn ông gầy nhom, da ngăm đen, với bộ mặt diều hâu xương xẩu, bộ ria mép mảnh như kẻ bằng bút chì, lắc đầu, quát trả lại:

- Chúng ta ở quá gần Kabul. Bảo nó có cái bụng khoẻ vào chứ.

Baba càu nhàu gì đó nghe không rõ. Tôi muốn nói với ông tôi xin lỗi, nhưng bất chợt tôi bị chảy nước miếng, sâu trong họng tôi có vị mật đắng. Tôi quay đi vén vải bạt lên và nôn thốc qua thành xe đang chạy. Phía sau tôi, Baba đang xin lỗi những hành khách khác. Như thể say xe là một tội lỗi. Như thể anh không được phép say xe khi anh đã mười tám tuổi. Tôi nôn thốc nôn tháo hai lần nữa trước khi Karim đồng ý dừng xe, chủ yếu để tôi không làm bẩn xe của hắn ta, công cụ mưu sinh của hắn. Karim là dân chở lậu người - một nghề rất béo bở, chở dân chúng thoát khỏi Kabul đang bị quân Shorawi 1 chiếm đóng, sang vùng tương đối an toàn hơn ở Pakistan. Hắn sẽ đưa chúng tôi đến Jalalabad cách Kabul 170 km về phía Đông Nam, nơi em hắn, Toor có một chiếc xe tải lớn hơn để chở chúng tôi, cùng một đoàn người tị nạn đang đợi nữa, vượt qua đèo Khyber vào tỉnh Peshawar 2.

Chúng tôi còn cách thác Mahipar vài cây số nữa về phía Tây thì Karim tạt xe vào lề đường. Mahipar - có nghĩa "Cá Bay" - một đỉnh núi cao với độ dốc dựng đứng nhìn xuống xí nghiệp sử dụng lực chảy của nước do người Đức xây dựng ở Afghanistan từ năm 1967. Baba và tôi đã từng lái xe qua cái đỉnh đó không biết bao nhiêu lần trên đường chúng tôi tới Jalalabad, thành phố của những cây bách và những cánh đồng mía mà người Afghan đến nghỉ đông.

Tôi nhảy xuống phía sau xe, lảo đảo bước tới lề đường đầy bụi. Miệng tôi đầy nước dãi, một dấu hiệu của cơn buồn nôn sắp đến lúc bật ra. Tôi loạng choạng đến bở vách đá trông xuống một thung lũng sâu bóng tối bao trùm. Tôi cúi rạp người hai tay ôm đầu gối chờ mật xanh, mật vàng. Đâu đó một cành cây gãy răng rắc, một con cú kêu. Gió dịu và lạnh rì rào qua những cành lá và làm chao đảo các bụi cây rải rác nơi sườn dốc. Và từ phía dưới, tiếng nước đổ ào ào qua lũng sâu.

Đứng trên mép đường, tôi nghĩ về cung cách chúng tôi rời khỏi ngôi nhà mà tôi đã từng sống cả đời, như thể chúng tôi chỉ ra ngoài một chốc: những chiếc đĩa còn dính đầy món kofta chất trong chậu rửa, quần áo là ủi trong cái rổ đan bằng liễu gai ở ngoài tiền sảnh, giường bề bộn, quần áo mặc khi giao dịch kinh doanh của Baba treo trong tủ tường. Nhưng tấm thảm vẫn còn treo trên tường phòng khách và những cuốn sách của mẹ tôi vẫn chất đầy các giá sách phòng đọc của Baba. Những dấu hiệu của tha hương thật mơ hồ: Bức ảnh đám cưới của cha mẹ tôi đã bị tháo mất cùng với tấm ảnh lụa của ông nội tôi và quốc vương Nader Shah đứng bên ngắm con nai chết. Một vài bộ quần áo không còn trong tủ tường. Cuốn sổ tay bìa bọc da chú Rahim Khan đã cho tôi năm năm trước đây cũng đã mất.

Vào lúc sáng, Jalaluddin - người ở thứ bảy của chúng tôi trong năm năm qua - có thể sẽ nghĩ chúng tôi đi tản bộ hoặc lái xe đi dạo. Chúng tôi đã không nói với ông ta. Không thể tin ai ở Kabul nữa - chỉ cần được giúi cho ít tiền hoặc lo bị hại, là người ta sẽ tố cáo nhau, hàng xóm tố hàng xóm, con cái tố cha mẹ, em tố anh, đày tớ tố chủ nhà, bạn bè tố nhau. Tôi nghĩ đến ca sĩ Ahmad Zahir, người đã chơi phong cầm tại buổi sinh nhật lần thứ mười ba của tôi. Ông ấy lái xe đi cùng với mấy người bạn, và sau đó, người ta tìm thấy xác ông bên lề đường với một viên đạn đằng sau gáy. Các rafiq, tức là các đồng chí, có mặt ở khắp nơi, và họ đã xẻ đôi Kabul thành hai nhóm: nghe lén và không nghe lén. Cái khó là chẳng ai biết ai thuộc bên nào. Một nhận xét ngẫu nhiên với bác thợ may, trong khi thử cho vừa một bộ quần áo có thể dẫn bạn vào hầm tối nhà lao Poleh-charkhi. Phàn nàn về lệnh giới nghiêm với ông hàng thịt, và điều sau đó bạn nhận ra là mình đã ở đằng sau những song sắt, mắt hoang mang nhìn vào cái họng của một khẩu Kalashnikov. Ngay cả tại bàn ăn trong nhà riêng của mình, dân chúng cũng phải nói năng một cách đắn đo - các rafiq có cả ở trong lớp học nữa, họ dạy trẻ con do thám cha mẹ mình, chú ý nghe những gì, kể lại với ai.

Tôi đang làm gì trên con đường này, vào giữa đêm khuya? Lẽ ra tôi phải nằm trên giường, dưới tấm chăn, với một cuốn sách góc quăn tai chó ngay bên cạnh. Điều này hẳn là một giấc mơ. Phải là như thế. Sáng hôm sau tôi thức dậy, nhòm ra ngoài cửa số. Không bóng dáng đám lính Nga vẻ mặt dữ tợn tuần tiễu trên hè, không xe tăng bất thình lình xuất hiện trên đường phố của thành phố tôi, tháp súng xoay đi xoay lại như những ngón tay đang kết tội, không còn đồng rúp, không còn lệnh giới nghiêm, không còn những xe quân sự của Quân đội Nga như thoi đưa ở khu phố chợ. Rồi, phía sau tôi, tôi nghe thấy tiếng của Baba và Karim đang hút thuốc, bàn cãi về việc thu xếp ở Jalalabad. Karim đảm bảo với Baba rằng em hắn có một chiếc xe tải lớn "chất lượng cao loại thượng hạng" và hành trình di cư sang Peshawar đã trở nên quá thông thường rồi. "Nó có thể nhắm mắt đưa ông đến đó," Karim nói. Tôi thoáng nghe thấy, hắn bảo Baba là hắn và em trai hắn biết lính Nga và lính Afghan làm việc ở những trạm kiểm soát ra sao, hắn đã cạ với chúng việc thu xếp "hai bên đều có lợi" như thế nào. Việc đó không phải là chuyện mơ. Như thể để kết thúc việc thảo luận, một chiếc MIG bất chợt rú lên bay qua đầu. Karim quăng điếu thuốc và rút khẩu súng ngắn ở thắt lưng ra. Chĩa súng lên trời, hắn làm động tác bắn, rồi chửi và nhổ về phía chiếc MIG.

Tôi tự hỏi không biết Hassan ở đâu. Rồi đến điều không thể tránh khỏi. Tôi nôn lên đám cỏ dại, tiếng nôn khan và rên rỉ của tôi chìm hẳn trong tiếng gầm rú điếc đặc của chiếc MIG.

Hai mươi phút sau, chúng tôi tới chỗ trạm kiểm soát ở Mahipar. Tài xế của chúng tôi để chiếc xe tải nổ máy, và nhảy xuống chào đón những giọng nói đang tiến lại. Chân day day sỏi. Vài lời trao đổi ngắn gọn, kín kẽ. Một nhát quẹt của chiếc bật lửa. "Spasseba" 3.

Lại một nhát quẹt khác của bật lửa. Ai đó cười. Tiếng cười the thé chói tai làm tôi nảy người lên. Tay của Baba ghìm chặt đùi tôi xuống. Người đàn ông đang cười bỗng hát lên líu la líu lường lạc điệu, một bài hát trong hôn lễ của người Afghan, nặng trịch giọng Nga:

Ahesta boro, Mah-e-man ahesta boro
Lên từ từ, vầng trăng yêu dấu của ta, lên từ từ.

Những gót ủng lộp cộp trên đường nhựa. Ai đó mở tung tấm vải bạt phủ phía sau xe tải, và ba bộ mặt thò vào. Một là Karim, hai kẻ kia là hai tên lính, một tên người Afghan, tên kia, một lính Nga nhăn nhở, mặt như mặt chó biển, thuốc lá phì phèo lệch một bên miệng. Phía sau bọn chúng là một vầng trăng trắng hếu như xương khô lơ lửng trên bầu trời. Karim và tên lính Afghan trao đổi ngắn gọn bằng tiếng Pashtu. Tôi hiểu được đôi chút, một cái gì đó về Toor và vận rủi của hắn. Tên lính Nga thò mặt vào phía sau xe tải. Hắn vẫn đang ê a bài hát cưới, ngón tay gõ nhịp vào mép thành hậu của xe. Ngay cả trong ánh trăng lờ mờ, tôi vẫn thấy được cái nhìn đờ đẫn trong đôi mắt của hắn, khi lia từ hành khách này sang hành khách khác. Mặc dầu lạnh, mồ hôi ròng ròng chảy từ lông mày hắn xuống. Đôi mắt hắn dừng lại ở người thiếu phụ chít khăn san đen. Hắn nói tiếng Nga với Karim, mắt không rời người đàn bà. Karim trả lời bằng tiếng Nga cụt lủn, rồi tên lính đáp lại gay gắt và còn cộc lốc hơn. Tên lính Afghan cũng nói một điều gì đấy giọng nhỏ nhẹ và biết điều hơn. Nhưng tên lính Nga quát lên cái gì đó, khiến hai tên kia ngần ngại. Tôi cảm thấy Baba ngồi sát vào tôi. Karim hắng giọng, cúi đầu xuống. Nói tên lính Nga muốn có nửa giờ với người thiếu phụ ở đằng sau xe tải.

Người thiếu phụ kéo chiếc khăn san xuống trùm kín mặt. Oà lên khóc. Đứa trẻ ngồi trên lòng chồng chị ta cũng oà khóc theo. Mặt người chồng trở nên nhợt nhạt như mảnh trăng lởn vởn trên trời. Ông ta bảo Karim yêu cầu "ông lính Sahib" thể hiện một chút tình thương, có thể ông có một người em gái hoặc một bà mẹ, cũng có thể cả một người vợ nữa. Tên Nga nghe Karim nói và sủa lên một loạt những từ gì đó.

- Đó là cái giá để chúng ta được đi qua. - Karim nói. Hắn không dám nhìn vào mắt người chồng.

- Nhưng chúng tôi đã trả một giá rất sòng phẳng rồi, - người chồng nói.

Karim và tên lính nói với nhau.

- Nó nói... nó nói, mọi giá đều phải chịu thuế.

Thế là Baba đứng phắt dậy. Đến lượt tôi phải níu chặt tay tôi vào đùi ông, nhưng Baba gỡ tay tôi và rút chân ra. Khi ông đứng lên, ông che khuất ánh trăng:

- Tôi muốn anh hỏi người đàn ông kia một điều, - Baba nói. Nói với Karim, nhưng nhìn thẳng vào tên sĩ quan Nga. - Hỏi hắn, sự liêm sỉ cua hắn để đâu?

Họ lại nói với nhau.

- Hắn nói đây là chiến tranh. Không có liêm sỉ trong chiến tranh.

- Bảo với hắn là hắn nhầm. Chiến tranh không huỷ bỏ phép tắc. Nó đòi hỏi phép tắc thậm chí còn hơn cả thời bình.

Bố cứ phải luôn luôn là một người anh hùng ư? Tôi nghĩ. Tim đập loạn xạ. Bố không thể chỉ một lần bỏ qua sao? Nhưng tôi biết ông không thể. Điều đó không có trong bản tính của ông. Vấn đề là bản tính của ông sẽ làm cho tất cả chúng tôi bị giết.

Tên lính Nga nói gì đó với Karim, một nụ cười nhếch lên trên đôi môi hắn.

- Agha sahib, - Karim nói, - cái lũ Roussi 4 này chúng không giống chúng ta. Chúng chẳng hiểu gì về tôn trọng và danh dự.

- Nó nói cái gì?

- Nó nói nó cũng thích được nã một viên đạn vào người ông không kém gì... - Karim nói nhỏ dần không nghe rõ nữa, nhưng gật gật đầu về phía người thiếu phụ đã rơi vào con mắt của tên lính canh. Tên lính búng điếu thuốc đang hút dở của hắn đi và rút khẩu súng ngắn ra khỏi bao. Vậy đây là nơi Baba sẽ chết. Tôi nghĩ. Chuyện sắp xảy ra như thế. Tôi đọc thầm một câu kinh trong đầu.

- Bảo với nó tôi sẽ nhận một nghìn viên đạn của nó trước khi tôi để cho sự vô luân xảy ra. - Baba nói.

Tâm trí tôi chợt bừng lên cái ngày mùa đông sáu năm trước đây. Tôi, từ góc phố chăm chú nhìn vào sâu trong ngõ. Kamal và Wali đè Hassan xuống. Những cơ mông của Assef ép chặt và nới lỏng, đôi hông của nó giúi vào kéo ra. Cứ cho tôi đã từng là một anh hùng nào đó đi, tôi vẫn đang bị cái diều dằn vặt. Đôi khi, chính tôi cũng không biết mình có thực sự là con trai Baba không.

Gã người Nga mặt chó biển nâng khẩu súng lên.

- Baba, con xin bố ngồi xuống. - tôi vừa nói vừa giật mạnh ống tay áo ông. - Con nghĩ nó thực sự định bắn bố đấy.

Baba gạt bàn tay tôi ra, giận dữ nói:

- Ta đã không dạy con chút nào ư?

Rồi ông quay về phía tên lính đang nhăn nhở:

- Bảo nó, tốt hơn là hãy bắn tao một phát chết ngay. Bởi nếu tao không ngã xuống, tao sẽ xé nó thành nhiều mảnh, chết tiệt cái thằng bố nó!

Tên lính Nga không chịu thôi nhăn nhở khi nghe phiên dịch lại. Hắn gạt chốt hãm trên khẩu súng, chĩa nòng súng vào ngực Baba. Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực, tôi lấy hai tay che mặt.

Khẩu súng gầm lên.

Thế là xong. Tôi mười tám và đơn độc. Tôi chẳng còn ai trên đời này. Baba đã chết và bây giờ tôi phải chôn ông. Tôi chôn ông ở đâu? Sau đó tôi đi đâu?

Nhưng cơn lốc xoáy nhưng ý nghĩ dở dang quay cuồng trong đầu tôi dừng lại khi tôi giương mi mắt, thấy Baba vẫn đứng. Tôi thấy một viên sĩ quan Nga thứ hai cùng với những kẻ khác. Chính là khói cuộn lên từ họng súng của ông ta chĩa lên trời. Tên lính định bắn Baba đã tra súng vào bao. Hắn đang lê chân bước đi. Tôi chưa từng bao giờ cảm thấy muốn dở khóc dở cười hơn như thế.

Viên sĩ quan Nga thứ hai, tóc đốm bạc, bệ vệ nói với chúng tôi bằng tiếng Farsi bập bẹ. Ông ta xin lỗi chúng tôi về cách xử sự của tay đồng chí của mình. Ông ta nói:

- Nước Nga gửi họ đến đây để chiến đấu. Nhưng họ mới chỉ là những chàng trai, và khi tới đây họ tìm thấy khoái lạc của ma tuý. - Ông ta nhìn tên sĩ quan trẻ bằng đôi mắt buồn rầu của một người cha bực tức với đứa con trai mất tư cách của mình. - Thằng này cũng dính dáng đến ma tuý đấy. Tôi cố ngăn nó... - Ông ta vẫy ra hiệu cho chúng tôi đi.

Một lát sau, chúng tôi phóng xe đi khỏi. Tôi nghe thấy một tiếng cười, rồi tiếp đến cái giọng sền sệt lạc điệu của tên lính lúc đầu hát bài hát cổ trong đám cưới.

Chúng tôi đi trên xe trong im lặng khoảng mười lăm phút, trước khi chồng người thiếu phụ bất chợt đứng lên và làm một điều tôi đã từng thấy nhiều người khác làm trước ông ta: Hôn tay của Baba.


http://www.truyenngan.com.vn/tieu-thuyet/kinh-dien/824-nguoi-dua-dieu/26229-chuong-10.html

sôngthương
03-27-2018, 08:17 PM
Ai nhặt lá

Sư thầy đang ngồi trong thư phòng soạn lời cho buổi pháp thoại sắp tới thì đột nhiên điệu Sanh chạy vào. Vẻ gấp gáp, điệu Sanh túm lấy hông áo thầy và giục: “Thầy nhanh ra coi!” Dù chưa rõ chuyện gì, nhưng sư thầy luôn chiều theo ý của điệu Sanh.

Thầy bước đến thềm cửa, nhìn ra chỗ gốc cây si ở trước sân chùa, thấy một nam một nữ đang ngồi ở ghế đá, tựa vai vào nhau. Điệu Sanh nói với vẻ tiếc nuối: “Thầy ra sớm chút nữa là hay rồi!”

Từ hôm đó sư thầy phạt điệu Sanh bằng cách phải nhặt lá si ở sân chùa. Trước nay, sân chùa mỗi ngày chỉ quét một lần vào sáng sớm, nhưng bây giờ thầy nhủ hễ lá nào rơi xuống thì điệu Sanh phải nhặt lên, cho vào chiếc giỏ mây mang theo bên mình. Điệu Sanh khoác giỏ vào, lâu lâu nếu trời đứng gió, lá không rụng thì điệu ngửa mặt lên kêu: “Thổi đi gió ơi cho tôi lượm lá!” Có vẻ điệu Sanh thích thú với nhiệm vụ mà sư thầy gọi là “công án thiền - nhặt lá rụng trong tâm”. Điệu Sanh hỏi: “Thầy ơi! Có phải nhặt lá là để các cô các chú ngại con, không dám tới đây tựa vai nhau nữa?” Thầy mỉm cười, không trả lời mà chỉ nhủ điệu Sanh: “Con cứ nhặt đi, bao giờ con thấy sạch rồi thì sẽ rõ thôi”. Điệu Sanh ngơ ngác nhủ thầm: “Cây rậm tán thế biết đến khi nào mới rụng hết lá si được?”

***
Ngôi chùa này nhỏ thôi, chỉ có sư thầy và mấy đệ tử, nhưng khách đến viếng không phải ít. Một hôm, có nữ thí chủ độ bốn mươi tuổi vào thăm chùa. Trông chị có vẻ khá giả, ăn mặc đẹp, đeo dây chuyền vàng, mặt thoa phấn trát son thơm phức. Sư thầy rót trà tiếp khách, như thường lệ mỗi lần có người đến chùa. Đối với thầy, mọi người đều đáng kính như nhau, vào cửa Phật, sang hèn đều là hư ảo mà thôi. Ngó qua dung mạo, thầy biết nữ thí chủ có nỗi khổ tâm. Mà thật ra ai cũng mang nỗi khổ tâm cả, lắm người đến đây lúc đầu giấu giếm, cứ bảo hạnh phúc bình an, nhưng hồi sau thấy thầy gần gũi nên dần dần họ bộc bạch mong được hóa giải giúp.

Thầy nghiêng vòi ấm cho nước vào chén. “Uống đi chị! Trà này ướp hương sen từ tối qua”. Nữ thí chủ cầm tách trà, nhấp môi, khen trà thơm rồi hỏi thầy cách ướp trà. Thầy nói sau nương chùa có hồ sen, ban đêm thả vào nhụy đóa một ít trà sao.

Sương suốt đêm thấm vào trà và quyện lấy hương sen. Sáng ra khẽ tay hứng nhúm trà đó đem cho vào ấm. Hoa cũng như người, vẻ ngoài dẫu thanh cao hay hèn mạt thì trong lòng vẫn có hương thơm, chỉ cần khéo một chút là ta nhận được niềm vui từ lòng nhau.

Thầy tiếp khách tự nhiên như thế, không cần phải hỏi han tên tuổi gia cảnh hay nỗi niềm. Cứ để cho khách tự mở lòng mình. Buổi đầu đến chùa, chị cũng không nói gì nhiều, bảo chỉ đến thăm viếng cho biết thôi. Khi sư thầy tiễn chị ra sân, trông thấy điệu Sanh chạy tới chạy lui giỡn lá, chị quay sang: “Chú tiểu này ngộ quá, thầy ha?” Nói xong, chợt chị chạnh buồn, vái tay chào thầy rồi đi ngay.

Qua vài lần tiếp xúc, thầy cũng được biết hoàn cảnh của nữ thí chủ. Chị đã từng có chồng nhưng không sanh được con nên đồng ý ly dị, anh đi lấy người khác để kiếm con. Từ đó chị ở một mình, bán vải ở chợ. Thu nhập cũng không đến nỗi nào nhưng chị hay buồn rầu, nhất là mỗi lúc thấy người ta dắt con vào quầy sắm vải. Những khi ấy chị thường không lấy tiền vải, chị bảo chỉ cần thấy trẻ con là vui lắm rồi. Thấy trẻ con, chị đều coi như đó là con mình.

Thỉnh thoảng thầy vẫn gặp những người có hoàn cảnh như chị đến chùa. Có người muốn vào chùa xin bế trẻ con về nuôi, ấy là những đứa trẻ từ khi còn nhỏ bị bỏ rơi trước cổng chùa. Trường hợp này thầy cũng đã gặp vài lần. Có người lại muốn vào chùa xuống tóc đi tu luôn, những khi ấy thầy thường tìm cách khuyên giải, chuyển hóa. Nếu họ vẫn nằng nặc đòi tu thì thầy cho phép ở lại trong chùa nhưng bảo họ khoan xuống tóc. Cửa từ bi luôn rộng mở nên không cần vội vàng.

Tuy nhiên, nữ thí chủ này lạ lắm, chị đến đây không phải vì hai nhẽ trên. Cứ ngày rằm hay mùng một hằng tháng chị lại đến chùa, đôi khi ở chơi suốt buổi. Có bữa chị nói rằng thầy tuy không gia đình nhưng lại có rất nhiều con. Những chú tiểu, rồi các thí chủ đều xưng con với thầy. Còn chị, chị đã từng lập gia đình mà lại chẳng có con. Rồi chị cười, méo xệch.

Khách đến viếng chùa thấy chị hay lui tới cũng sinh dị nghị. Một người đàn bà có nhan sắc, lụa là son phấn mà đi một mình là chắc có nhẽ gì rồi? Bụng dạ người đời không xấu, nhưng trông thế ít nhiều người ta cũng thoáng nghi ngờ chị vướng tơ lòng với sư thầy.

Tháng trước chị đến chùa, vẻ buồn thảm hơn mọi khi. Thầy coi bộ chị muốn khóc lắm rồi, nếu vậy thì nên đưa chị ra ngoài cho thoáng, ngồi trong chùa lại quấy quá cửa thiền. Thế là thầy mời chị ra ngồi ở ghế đá dưới cây si, chỗ thầy từng thấy đôi trai gái hôm bữa. Sư thầy vẫn chưa biết chị cần gì, chị không cần xin con nuôi, cũng không muốn đi tu. Tự dưng chị chảy nước mắt, tựa đầu lên vai thầy. “Đôi khi con cũng muốn có một bờ vai để tựa lắm, thầy ơi!” Sư thầy vẫn cứ ngồi yên như hóa tượng.

Vài lần sau chị đến chùa, lại xin thầy cho tựa đầu vào vai một lúc. Chỉ thế thôi, không hề ngợi nghĩ đến cảm giác trần tục. Đơn giản là chị muốn được nhắm mắt để trí óc yên tĩnh trên một bờ vai chân chính.

Từ dạo đó khách đến chùa vãn đi trông thấy. Lại nghe phong thanh chuyện quý đạo hữu đề nghị giáo hội mời sư thầy khác về làm trụ trì. Mấy đệ tử trong chùa ngó thấy cảnh này đâm ra không còn tin tưởng thầy như trước, họ xin thầy cho đi chùa khác tu. Thầy đồng ý, tự nhủ với lòng mình điều tâm niệm thứ mười của nhà Phật: oan ức không cần bày tỏ.

Tuy đã tu lâu rồi, lòng thầy như đã an lắm rồi, nhưng nhìn từng đệ tử khoác túi vải rời chùa, thầy cũng chạnh buồn chút chút. “Các con của ta cứ bỏ mà đi. Biết đâu đến một lúc ta lại thành không con, như nữ thí chủ ấy. Đó là lẽ vô thường chăng? Sắc sắc không không”. Riêng điệu Sanh vẫn ở lại với thầy, vì điệu ấy nhỏ tuổi nhất, còn vô tư lắm. Điệu Sanh chưa biết những chuyện phải trái trong cõi người. Hay ngược lại, chính điệu Sanh mới là người hiểu rõ nhất?

Thầy đang đứng trước thềm chùa vẩn vơ nghĩ ngợi thì điệu Sanh chạy tới kéo thầy ra dưới tán si. Điệu trỏ tay xuống nền: “Thầy ơi, ngộ quá! Có hai chiếc lá đang tựa vào nhau. Gió thổi mà chúng vẫn không hề xê dịch như mấy chiếc lẻ đơn kia”.

Sư thầy xoa đầu điệu Sanh: “Ừ. Khéo quá ha. Bữa nay thầy cho phép con thôi nhặt lá”. Điệu Sanh hơi bất ngờ, ngước mặt lên hỏi lại: “Thế ai sẽ nhặt hả thầy? Các sư huynh đi cả rồi. Có phải thầy sẽ nhặt không?”.

Ừ. Phải chăng bây giờ đến phiên thầy nhặt lá si? Câu hỏi bâng quơ của điệu Sanh khiến thầy giật mình. Im lặng. Chợt điệu Sanh nhớ lại chuyện hôm bữa có hai cô chú ngồi ở chỗ ghế đá này, điệu reo lên:

“A! Con biết rồi. Cứ để yên thế cho người ta tựa vai vào nhau, khỏi ngần ngại. Phải không thầy?”

***
Đêm mưa gió, lá ngoài kia trút nhiều. Điệu Sanh nằm nghĩ chắc sáng mai phải dậy sớm cùng thầy quét chùa, rồi ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ điệu Sanh thấy các sư huynh mang tay nải quay lại chùa, quý đạo hữu cũng đến viếng chùa đông như mấy bữa. Trước chùa, không có ai nhặt lá mà sân sạch, si sạch.

(Hoàng Công Danh )

sôngthương
04-05-2018, 04:07 AM
Ma và người

(Gởi những ai sợ hãi bóng đêm)

Hồi tôi sống với ngoại, lúc sáu, bảy tuổi gì đó, tôi bắt đầu biết sợ... ma. Sợ vì tin rằng có ma trên đời. Để ý thì thấy, lần nào ngoại tôi vấp chân, bà cũng từ tốn nhìn quanh, giọng nửa trách móc, nửa tôn kính: “Mô Phật, ai mà giỡn kỳ, đẩy bà già này làm chi?”. Không ai trả lời, chỉ có gió rợn sau nhà. Đám giỗ, ngoại bày năm mâm cúng, lúc nâng ba cây nhang nghi ngút khói ngang trán, ngoại lâm râm vái có kinh có kệ có dò có dọc như thể người nào đó đang ngồi chình ình trước mặt. Tàn nhang cong queo, ngoại mừng húm nói bữa nay có ông bà về. Nhưng ngoài tôi ra, trước sân chỉ rụng xuống một vài lá vú sữa rập rờn. Tôi tin có những người nào đó tồn tại quanh mình, trong một thế giới vô hình, dù ngoại không hề dọa ma. Vì vậy, suốt những năm sống với ngoại trong khu vườn gần đồn Chẹt, tôi chẳng bao giờ lẻn ra vườn bởi ghê cái ao trước đây có ông lính cộng hòa say rượu té chết, một mình không dám ra sông vì ngoại kể hồi chiến tranh, sông trôi xơ xác những xác người. Cũng không leo trèo hái trái trên những cây me cổ thụ, loại cây mà ma khoái ở (thì nghe nói vậy). Nửa đêm thoi thóp nghe chim cú kêu bên hè (khốn khổ, vì vườn xưa, nhiều cây cao nên chim cú thích ở, đêm nào cũng kêu xa kêu gần). Quãng đó tôi sống tốt dễ sợ, đến nỗi không dám... ăn vụng vì nghĩ mình làm bất cứ chuyện xấu xa nào cũng có kẻ nhìn thấy, ớn muốn chết.

Ma đem lại cho tôi rất nhiều cảm xúc mãnh liệt (điều này hơi giống... tình yêu). Trong sợ hãi có một chút thích thú. Muốn quay đi nhưng cũng rất tò mò, hiếu kỳ. Sợ, nhưng thích xem phim kinh dị, tới đoạn rùng rợn lại che mặt. Người sợ ma nhất luôn có bộ sưu tập nhiều chuyện ma nhất. Và trí tưởng tượng được sử dụng hết cỡ. Những cây tre cọ vào nhau trong đêm giông, tiếng cú kêu, tay chuối khô vật vờ bay trong đêm, vài con bướm lớn màu xám lặng lẽ đậu im lìm trên vách, một góc nhà hơi tối và lạnh lẽo... đều là mối dây liên hệ với... ma. Ngay cả chạy trên đường, tiếng bước chân mình mà tưởng chân ma rượt, báo hại càng chạy càng thấy nó đuổi sát bên mình. Buộc phải sợ, thế giới đó quá bí hiểm, chưa ai được mon men ra biên giới giữa hai cõi hỏi thăm, người đi về cõi đó cũng không trở lại để... kể.

Phải sợ, vì người ngoài sáng, ma trong tối. Ma lượn lờ quanh mà mình chẳng thấy, đến lúc chợp mắt, ma lại hiện ra trong những giấc chiêm bao. Tôi, cũng như nhiều người chưa thấy ma bao giờ, nhưng nghe kể chuyện đã thấy ám ảnh, hãi hùng. Người đời thêu dệt hàng ngàn câu chuyện ma khác nhau, nhưng đối tượng chính thì giống hệt, thường là những người phụ nữ xinh đẹp mặc toàn đồ đen hay trắng (có lẽ thế giới đó không chuộng mốt, chưa nghe ma mặc áo chim cò, áo yếm hoặc váy ngắn), tóc đen dài, và khi muốn làm con người sợ hãi, ma khoe cái lưỡi dài, đỏ lòm. Ma hay vật vờ than khóc trên những cây cổ thụ, hay mời người ăn bánh (nhưng khi tỉnh ra thì thấy bánh là bùn). Rất nhiều truyện kể ma đứng bên đường quá giang xe những người đàn ông, rồi biến mất bằng nhiều cách, hoặc đi vào ngôi cổ miếu nào đó, hoặc lặng lẽ tan đi mặc cho anh nọ vẫn nói huyên thuyên đằng trước.

Những câu chuyện ma bắt đầu làm cho tôi thích thú, đơn giản vì tôi hết sợ. Tôi không tin tuyệt đối vào sự huyền bí, nếu có thì ma đâu sao không vặn cổ bọn người xấu đang nhởn nhơ giữa đời kia. Hiểu ra điều đó, tôi tiếc vì mất đi một lý do để mình sống... tử tế. Nghịch lý, là khi tôi tỉnh táo, thấu đáo được một điều gì đó thì đời bỗng buồn hơn.

Bỗng ngỡ ngàng thấy người đáng sợ hơn ma. Chẳng biết được ai là bạn, là thù, ai yêu mình, ai ghét mình, trong khi ma đã tách bạch ở một giới tuyến tối tăm khác. Nói tới ma, biết ngay là giặc. Còn người thì lẫn lộn trắng đen, khó nắm bắt. Ma muôn đời đơn điệu vài chiêu dọa người, người lại nghĩ trăm phương nghìn cách hại nhau. Vậy mới sợ.

Phát hiện ra điều này, tôi buồn suốt một khúc thời gian, ganh tị với kẻ sợ ma rón rén trông buồn cười mà hạnh phúc. Tháng Giêng rồi, tôi đi H. chơi. Nghe nói nhà trọ xây trên nền nghĩa địa cũ, cả đêm hai đứa con gái cùng phòng mở đèn sáng rực, nghe gió rít qua khe cửa sổ, trằn trọc chờ... ma. Báo hại tôi ngủ không được. Trăn trở nghe bụng cồn cào, tôi mò ra quầy bar, mua ly sữa nóng. Anh chàng trực quầy cao lớn đang ép nước trái cây. Lúc anh ngẩng lên, tôi giật mình trước nét mặt đẹp, rất nam tính nhưng lạnh tanh, thật ngầu. Lúc ấy tôi bị bội thực những nụ cười giao đãi nên thấy thích anh chàng này, đứng nấn ná nói một vài câu chuyện bâng quơ. Tôi kể mình vừa thấy ma. Anh cười. Tôi nói em thấy ma thiệt. Anh lại cười. Tôi nói bạn em cũng thấy ma, nó đang sợ phát khóc trong phòng.

Mắt anh ta nhìn tôi có vẻ tần ngần, cuối cùng anh hỏi, con ma ra làm sao. Tôi ngập ngừng, ra bộ vẫn còn hãi hùng lắm, nói chị đó mặc đồ nâu đen, tóc dài, cài nơ đen. Anh ta im lặng, nhìn chăm chăm vào cái máy xay đang kêu tè tè. Anh bỗng ngẩng lên: “Em à, con nhỏ đó hiền lắm”.

Tôi đứng day ly sữa trong tay, cảm động muốn chết. Chẳng ai nói về ma, về nỗi sợ hãi thường trực trong lòng bằng cái giọng ấm áp, bao dung, bình thản, chân thành như vậy. Như thể anh đang nói về một đứa em nhỏ, một người bạn thân, một đồng loại...

Thật đơn giản, lâu nay người ta cứ nghĩ ai đó là kẻ thù trong khi họ cũng có thể làm bạn. Tôi lại tin có ma ở trên đời, nhưng không phải để sợ hãi...

(Nguyễn Ngọc Tư)

http://www.viet-studies.net/NNTu/NNTu_MaVaNguoi.htm

sôngthương
04-10-2018, 03:05 AM
GHÉT CÁI RĂNG KHỂNH


Tôi có một cái răng khểnh. Khi đến trường, tụi bạn bảo đó là cái răng bừa cào. Mỗi lần tôi cười chúng cứ chỉ vào đó:

- Ha ha, bừa cào kìa ! Mày cho tao mượn về chải chí đi !

Từ đó, tôi không dám cười nữa. Tôi rất đau khổ. Tôi ghét những đứa có hàm răng đều. Chúng còn chỉ vào mặt tôi nói: "Đó là vì mày không chịu đánh răng. Những người đánh răng, răng mòn đều".

Một hôm, bố tôi hỏi:

- Sao dạo này bố không thấy con cười ?

Tôi nói:

- Tại sao con phải cười hả bố ?

- Đơn giản thôi. Khi cười, khuôn mặt con sẽ rạng rỡ. Khuôn mặt đẹp nhất là nụ cười.

- Nhưng khi con cười sẽ rất xấu xí.

- Tại sao vậy? Bố ngạc nhiên. Ai nói với con ?

- Không ai cả, nhưng con biết nó rất xấu, xấu lắm bố ơi !

- Bố thấy nó đẹp. Bố nói nhỏ con nghe nhé ! Nụ cười của con đẹp nhất !

- Nhưng làm sao đẹp được khi nó có cái răng khểnh ?

- Ái chà ! Bố bật cười. Thì ra là vậy. Bố thấy đẹp lắm ! Nó làm nụ cười của con khác với những đứa bạn. Đáng lý con phải tự hào vì nó. Mỗi đứa trẻ có một điều kỳ lạ riêng. Có người có một đôi mắt rất kỳ lạ. Có người có một cái mũi kỳ lạ. Có người lại là một ngón tay. Con hãy quan sát đi rồi con sẽ thấy. Con sẽ biết rất nhiều điều bí mật về những người xung quanh mình.

Tôi biết một điều bí mật về cô giáo: cô có cái mũi hồng hơn những người khác. Và tôi đã nói điều đó cho cô hay. Cô ngạc nhiên lắm.

- Thật không ? Cô trợn mắt.

- Em nói thật ! Mũi cô rất hồng. Em còn phát hiện một điều nữa, khi trợn mắt, mắt cô thật to. Những người có con mắt nhỏ không làm được như vậy đâu. Bố em nói đó là một điều bí mật. Cô đừng nói cho ai biết nhé. Khi cô nói điều bí mật ra, cô sẽ quên cái mũi cô ngay.

- Vậy à ! Em có nhiều điều bí mật không ?

- Dạ có. Nhưng em sẽ không kể cho cô nghe đâu. Em sợ em sẽ quên nó.

- Không sao đâu. Khi em kể điều bí mật cho một người biết giữ bí mật thì bí mật vẫn còn. Khi gặp cô, em sẽ nhớ là có hai người cùng giữ chung một bí mật.

Và tôi đã kể cho cô nghe bí mật của tôi. Tôi cũng muốn kể cho các bạn nghe nữa, vì như vậy các bạn sẽ giữ giùm tôi một điều bí mật; khi tôi và bạn gặp nhau, bạn sẽ nhớ bí mật đó. Chuyện là như vầy: ngày xửa ngày xưa ở một khu làng nọ, có một đứa bé luôn cười suốt ngày. Các bạn biết tại sao không, tại vì nó có một cái răng khểnh !

( Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - Nguyễn Ngọc Thuần )

thuyền nhân
04-11-2018, 09:59 PM
cô cười rơi giọt nước mắt
xuống môi
mằn mặn

...

anh đã được như ý
bản án đã tuyên
mười lăm năm
khoảng thời gian đủ để một con người sinh ra lớn lên và có tình cảm cùng hiểu biết và chan chứa nhiệt tâm

...

anh yêu say đắm
mùi lúa
mùi bùn
mùi sông
mùi biển
mùi quê hương

...

anh nói anh yêu em vì em có tất cả các mùi hương quê ấy

...

có thật anh yêu em ?

...

mười lăm năm ...

...

bản án đã tuyên

...

họ đã sợ

họ SỢ

TÌNH YÊU

của anh

...

anh ơi

đó có phải tình yêu

anh dành

cho

em ?

...

sôngthương
04-13-2018, 10:22 AM
...


anh nói anh yêu em vì em có tất cả các mùi hương quê ấy

...

có thật anh yêu em ?

...

mười lăm năm ...

...

bản án đã tuyên

...

họ đã sợ

họ SỢ

TÌNH YÊU

của anh

...

anh ơi

đó có phải tình yêu

anh dành

cho

em ?

...

St cảm ơn anh Thuyền nhân đã ghé qua kể câu chuyện tình yêu bằng thơ :z57:

St lại nhớ đến câu chuyện tình yêu mà bản án không cần tuyên , dù có thể "mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình" . St mang vào mời anh và cả nhà cùng đọc nhé
--------------

(http://kilopad.com/truyen-ngan-c197/doc-sach-truc-tuyen-dolly-b10241)DollyNhìn mình trong tấm gương bầu dục, nàng mỉm cười. Suốt chiều nay, nàng soi gương tập mỉm cười. Cuối cùng thì nàng cũng tìm được một nụ cười mỉm có thể hài lòng được.

Thu người trong ghế bành, nàng lắng nghe tiếng bước chân của chồng. Một, hai, ba, bốn, năm… Ngày mới dọn về ngôi nhà này, hai đứa con của nàng chạy lên chạy xuống cầu thang thi nhau đếm bậc… Mười hai, mười ba, mười bốn… hai mươi lăm… Giờ thì nàng nghe cả tiếng anh thở, và tiếng chìa khoá xoay trong ổ.
Rồi tiếng bật công tắc đèn, ánh sáng bừng khắp phòng và giọng anh ngạc nhiên:
- Sao em… Sao tối thế này?

Anh đi đến trước mặt nàng. Hai người nhìn nhau. Không ai nói gì. Anh thở dài não nề.

Chợt anh nghe tiếng nàng cười. Đúng vậy, nàng cười khúc khích, vui vẻ và tinh nghịch:
- Anh biết tại sao em để nhà tối không?
- Thôi, đừng vậy nữa. - Anh cắn chặt răng. - Cuộc họp đang tiếp tục nhưng anh bất cần. Anh muốn nói với em…
Nàng vươn tay bịt miệng lại:
- Em hiểu rồi. - Nàng đằm thắm. - Em hiểu anh mà.
Mắt anh ngấn nước:
- Anh là kẻ chẳng ra gì.
- Em yêu kẻ chẳng ra gì đó.
Anh ôm choàng lấy nàng. Khuôn mặt anh qua vai nàng đối diện với tấm gương bầu dục nhăn nhúm khổ sở.
- Anh nghĩ lại rồi. Mặc kệ mọi sự ra sao thì ra.
- Đừng nói vậy. - Nàng ngọ nguậy đầu trong ngực anh. - Không thể mặc kệ được.
- Nhưng anh không thể… Chính anh không thể chịu nổi…
- Em cũng không chịu nổi. Một mình anh một mình em thì không thể. Nhưng hai chúng ta thì có thể.
Im lặng. Im lặng thật lâu. Trái tim nàng đập mạnh trong lồng ngực dội lại tiếng đập của trái tim anh. Từ từ nàng lùi lại nhìn anh chăm chú.
- Em sao vậy?
- Em muốn ngắm anh. Em sợ… ngày mai em sẽ khác, anh sẽ khác.
- Thôi đi. - Anh hét lên. - Anh sẽ không…

Tiếng hét kinh khủng đến nỗi tấm rèm nhung lay động.
- Không nhắc đến chuyện đó nữa. - Giọng nàng điềm tĩnh và chuyển sang nghịch ngợm. - Anh không thấy em đang mặc cái áo này sao? - Nàng e thẹn.

Anh mở to mắt… Cái áo màu hồng nhạt điểm những chấm tròn nho nhỏ màu đỏ. Từ lâu… Cái áo đêm tân hôn.
- Hình như em đã mập ra rất nhiều. Nhưng không sao, mày mà hàng thun nên em vẫn mặc được. Nó vẫn còn đẹp phải không anh? Mười lăm năm… Em không nghĩ là đã mười lăm năm rồi. Nhanh quá! - Nàng ngắm nghía và vuốt ve những nếp xếp.

Khuôn mặt anh đờ ra tê dại. Nàng mím môi như thể anh là một tên ngốc.
- Anh tắt điện đi.
Anh đi về phía công tắc nhấn ngón trỏ vào cái nút màu trắng như một cái máy.
- Ôm em đi.
- …
- Lần cuối cùng của chúng ta đấy…
- …
- Em sẽ không còn là vợ như trước đây… như ngày hôm quạ Chúng ta… Hãy ôm em đi. Anh hiểu em nói gì mà, phải không? Đừng để em phải nói nữa. Em yêu anh.

***
Mười một giờ đêm, nàng ra khỏi nhà. Chiếc taxi đang đợi ở góc phố. Anh nói để anh đưa nàng đi nhưng nàng không muốn, việc này nàng một mình phải lẽ hơn.

Vừa ra khỏi cổng, nàng khựng lại một chút rồi nhớ ra mình phải tiếp tục làm gì. Chiếc taxi đang đợi ở góc phố. Nàng muốn khóc, nàng nhận ra mình muốn khóc. Người tài xế sẽ nói gì về những giọt nước mắt của người đàn bà lúc mười một giờ đêm? Nàng hít một hơi dài, hãy đi đứng an nhiên mệnh phụ, bình thản đoan chính, nụ cười trên môi lụa là.
- Em đi đây. - Nàng nói khe khẽ với cánh cổng. - Mẹ đi đây, ngủ ngoan nhé. - Nàng nói khe khẽ với cánh cổng.
ánh đèn trên ban công bừng sáng. Tim nàng thắt lại. Vậy là anh không giữ lời hứa. Nàng không muốn bất cứ đưa tiễn nào, kể cả ánh mắt. Anh thật là… Nàng mím môi dấn bước. Giữ cổ thẳng cứng không nhìn lên nơi ánh sáng toa? xuống, nàng đi về phía taxị Hơi ẩm thoang thoảng. Ban nãy, khi nàng cuộn người trong vòng tay anh, trời oà mưa. Mưa luôn luôn là đồng minh cho một giấc ngủ ngon. Và nàng đã ngủ thiếp đi trong mùi mồ hôi quen thuộc. Nếu anh không lay thì chắc nàng đã ngủ quên.

Người tài xế xuống xe cúi chào và nhanh tay mở cửa. Sự lễ độ này làm nàng lại muốn khóc. Nhưng bây giờ thì càng không thể khóc được nữa rồi.
- Cô có muốn dạo một vòng trước khi chúng ta về nhà không? - Câu hỏi thốt lên bằng giọng rất hoà nhã.

Nàng sững sờ nhìn về ghế tài xế. Hắn. Hắn… Quen nhìn thấy hắn dáng vẻ thẳng cứng trịnh trọng, nàng đã không nhận ra… cái áo sơ mi xắn tay tận khuỷu, bắp tay rắn chắc hờ hững vòng qua vô lăng.
- Cô có thấy rằng tôi khá hiểu cô không? Tôi đoán thế nào cô cũng đến với tôi bằng taxi.

Nàng nhìn con đường chạy lùi về phía sau, hai hàng đèn như bóng mặt trăng liên tục sa xuống.
Tiếng ho khẽ:
- Trời hơi khó chịu. Tôi có mang theo khăn quàng cổ cho cô, nó ở phía sau lưng cô.

Nàng thẳng người lên như bị điện giật.
- Cô không nên căng thẳng quá như vậy. - Giọng hắn mềm mại. - Tôi cho xe chạy một vòng quanh phố nhé? Có lẽ tôi phải cám ơn cộ Từ lâu rồi công việc và công việc. Không ngờ phố xá thay đổi nhiều quá.
- Không phải chính ông tạo nên những thay đổi đó sao? - Nàng bật ra và thấy trên khuôn mặt nhìn nghiêng của hắn là vẻ hài lòng, hắn chỉ muốn nàng trò chuyện, về bất cứ điều gì.

Nàng khó chịu với chính bản thân quá đỗi. Bị lừa thật dễ dàng.

Liên tục cho xe rẽ trái rẽ phải như đùa, hắn nhìn nàng qua kính chiếu hậu:
- Cô biết tôi nghĩ gì không? Tôi nhớ câu chuyện về anh chàng Alibaba may mắn, may mắn lớn nhất của anh ta là có nàng hầu gái rất thông minh và trung thành. Loại truyện cổ tích đó đáng cho người lớn đọc. Thôi chúng ta về nhé.
Nàng rùng mình ớn lạnh. Giọng hắn êm như ru:
- Khăn quàng ngay sau lưng cô đấy thôi.

Căn phòng thoang thoảng mùi thơm trang nhã. Mọi thứ đều trang nhã… Cái đồng hồ kiểu cổ viền khung màu đồng, tranh thiếu nữ, bức thư pháp, bộ bàn ghế mây với bình hoa như cỏ… Và cái giường rộng phủ drap lụa bóng mượt trong ánh đèn mờ mờ.

Hắn đi vào phòng bên và quay lại trong bộ pyjama màu nhạt viền đen.
Nàng ngồi im không nhúc nhích. Nàng đã nghĩ mình sẽ nhắm mắt lại mà mỉm cười cho xong sự đời. Nhưng nàng không thể mỉm cười như ý muốn. Nàng đã có ý khinh bỉ hắn, nhưng lúc này đây nàng chỉ thấy sợ.
Hắn đi đến bên nàng, đặt tay lên vai xoa nhẹ rồi động tác này dừng lại ở cổ tay nàng:
- Tôi không làm bất cứ điều gì nếu cô không muốn. Thật. Ngay bây giờ nếu cô muốn về tôi sẽ đưa cô về.
Câu nói khiến nàng mỉm cười. Kịch. Nàng chỉ sợ khi hắn thật, nàng không sợ khi hắn kịch. Hắn biết nàng không còn chọn lựa nào khác.
- Cô hãy cười như thế. - Hắn ngồi xuống cái ghế đối diện nàng, thủ thỉ. - Tôi rất phục khi cô đến đây. Vợ tôi, nếu tôi ở địa vị chồng cô hiện nay thì chắc chắn một điều là bà ấy sẽ quơ quào nốt những gì chưa bị phát hiện rồi cao chạy xa baỵ Tôi ghen với chồng cô đấy.
Nàng tự hỏi hắn nói điều này để làm gì?

Cái đồng hồ cổ trên tường chỉ mười hai giờ ba mươi, bắt đầu một ngày khác.
Hắn chồm tới vuốt má nàng:
- Cô đẹp lắm. Tôi thích cộ Từ lâu rồ… Từ khi tôi và chồng cô còn làm chung công tỵ Nhưng nếu chỉ thích thì chúng ta không có đêm nay.
Hắn sẽ nói hắn yêu mình say đắm? Nàng tự hỏi và thấy lợm giọng. Không cần trò ve vuốt này, hoàn toàn không cần. Nàng biết mình phải làm gì. Nàng rướn thẳng người lên:
- Thưa ông…
- Khoan, nghe tôi nói hết đã. - Hắn thầm thì. - Cô có nghĩ là chúng ta sẽ có một đứa con không?
Nàng lạnh người. Hắn muốn gì?
- Không có trong hợp đồng. - Nàng bật ra thảng thốt.
- Chưa có.
- Sao ông không nói sớm hơn?
- Sớm hơn thì sao? Ngay lúc này quyền lựa chọn vẫn thuộc về cô mà.
Nàng cứng họng.

Chai rượu xuất hiện trên tay hắn như một trò ảo thuật, hắn rót ra cái ly và chậm rãi nhấp môi, mùi anh đào thơm lừng:
- Tôi có một bà vợ ngu dốt và hai đứa con trai phá gia chi tử. Khi còn làm ở công ty, có quy định tiêu chuẩn cán bộ giỏi phải là con cái cũng học giỏi. Cái quy định chết tiệt này khiến năm nào tôi cũng xếp hàng phía sau người khác, còn chồng cô thì nhờ quy định này mà vớt vát được cái khoản vụng về trong chuyên môn. Cả công ty đều khen chồng cô có phước, khen cô giỏi dạy con. Tôi thì tin gien di truyền. Tôi ao ước có con với cô từ đó. Mỗi lần bình xét thi đua, không ai tin những tấm bằng khen của kẻ khác mang nộp, trừ của con cô.
- Ông… - Nàng mấp máy môi.
Hắn dí ngón trỏ ngang môi nàng:
- Hãy nghe tôi nói hết đã. Không phải muốn có là được. Đó là số phận. Nếu số phận khiến chúng ta có một đứa con…
- Ông…
- Cô hãy thề là nếu có thai, cô không được huỷ nó.

Nàng bật lên căm giận. Nàng biết sáng mai trở về, nàng sẽ nhơ nhuốc. Nhưng nỗi nhơ nhuốc này mình nàng chịu. Nàng và anh sẽ đưa các con đi nơi khác và vùi chôn sự việc vào quá khứ. Tất cả sẽ bắt đầu lại, một kiếp khác.

Nhưng hắn lại muốn hiện diện vĩnh viễn trong gia đình nàng, mãi mãi kiếp ô nhục này. Không bao giờ! Không.
- Vậy thì tôi sẽ đưa cô về ngaỵ Tôi thích cộ Nhưng không thích đến độ đem uy tín và thanh danh ra để cứu chồng cô thoát khỏi cái án tù, chẳng những vậy mà còn giữ lại tất cả những gì đang có cho gia đình cộ Cô tin mình cao giá vậy sao?
Hắn dốc cạn ly rượu, đứng phắt dậy đi về phía căn phòng kế bên. Nàng lạc giọng:
- Một con cừu Dolly mà cao giá vậy sao?
Hắn đứng lại, ngoái đầu nhướng mắt nhìn nàng. Rồi hắn bật cười:
- Dolly là một cái tên hay hay.
- Là không tình yêu…

Hắn nheo mắt rùng vai như nàng đã mở ra một đề tài thú vị bất ngờ:
- Con của chúng ta ít ra cũng có sự thiết tha từ một phía. Mà sự thiết tha này đâu phải bỗng nhiên. - Bất thần, hắn lấy vẻ mặt nghiêm túc và bước thêm một bước.
Nàng nghẹn ngào:
- Ông … khoan đã.
- Tôi biết là cô sẽ nghĩ lại. - Hắn quay về phía nàng, bước chân như mèo và giọng nhẹ nhàng. - Và khi rời khỏi nơi này cô sẽ tiếp tục nghĩ lại nữa. Vậy nên, tôi muốn có một lời thề của cô.

Nàng câm lặng. Sự xuống giọng nhẹ nhàng đầy thuyết phục này nàng đã nghe nhiều lần khi ông ta xuất hiện trên ti vi, sau khi thật gay gắt, hắn hạ xuống dịu nhẹ như không. Nàng từng khâm phục, chồng nàng cũng vậy.
Nhưng không sao. Không sao. Bây giờ thì hắn muốn nói gì cũng được. Bất cứ điều gì. Hắn sẽ được cái hắn muốn. Nàng mỉm cười.

- Cô hãy cười như thế. Tôi thích nhìn cô cười. Cô hãy thề đi. Nếu trời cho chúng ta có một đứa con mà cô huỷ nó đi thì…
Nàng lạnh lùng ngắt lời:
- Thì tôi sẽ chết không toàn thây.
- Tôi muốn cô thề trên những gì cô yêu quý hơn. Ví dụ như nếu cô lừa dối tôi thì chồng và hai đứa con của cô sẽ không ra sống mà chết cũng chẳng được.

Nàng rùng mình, cổ cứng đờ. Ngón tay trỏ của hắn di nhẹ trên sống mũi nàng rồi dừng lại nơi cằm. Nàng ứa nước mắt.

Nàng không muốn khóc trước mặt hắn, suốt chiều nay nàng đã tập cười, nàng đã chọn cho mình một nụ cười, nàng đã chọn cho mình một tư thế để rời khỏi nơi này vào sáng mai. Nhưng nàng đã lầm, chồng nàng đã lầm. Kẻ này… Môi hắn vờn trên cổ, nàng nhớ đến ma cà rồng và toàn thân lạnh toát.
- Em làm sao vậy? - Hắn dịu dàng nâng ly rượu nghiêng vào môi nàng. - Em sẽ thấy ấm áp hơn, dễ chịu hơn, chỉ một chút thôi. Nào…
Hắn vỗ về… Nàng gồng người lên… Rượu qua môi cay cay rồi chảy qua họng nóng bỏng, nàng nuốt nhanh cảm giác xé rát… Mọi thứ trở nên bồng bềnh bồng bềnh… Cánh tay mạnh mẽ luồn qua cổ khiến nàng phải ngửa lên, và cánh tay kia luồn phía dưới gối chân nàng.

Nàng lơ lửng giữa khoảng không chới với. Cái đồng hồ kiểu cổ trước mặt nàng quay quay, cây kim ngắn chỉ số hai. Mùi anh
đào phả trên mặt. Mưa oà rơi. Vẫn còn một điều để nàng bấu víu… Nàng mỉm cười… Ban chiều… nàng đã hết mình dâng hiến và anh ân cần biết bao. Không còn gì cho hắn. Đúng, chẳng còn gì.
*
Một giây, hai giây… ba giây… ba mươi giây… một phút… năm phút… Nàng trân trối nhìn que quickstich cắm trong cái chén nhỏ xíu. Hai vạch đỏ. Hai vạch màu đỏ. Đúng, hai vạch.
Nàng khuỵu xuống. Nàng đã cầu nguyện suốt ngày đêm… gọi cả vong linh cha mẹ Ông bà từ kiếp trước…
Không ai nghe cả! Không ai…
- Em làm sao vậy?
Nàng nhìn chồng như không nhìn thấy gì.
- Mẹ làm sao vậy?
Nàng nhìn con như không nhìn thấy gì.
- Cô có khoẻ không?
- Cám ơn ông, tôi khoẻ. - Nàng đáp lời. Không thể không đáp lời một con quỷ. Quỷ vào nhà không cần mở cửa, quỷ ngáng đường không cần hiện hình, quỷ không nhìn mà vẫn thấy.

Nàng cúi xuống cái bụng lùm lùm của mình. Tiếp tục nguyện cầu níu kéo. Yêu thương sẽ được đền đáp yêu thương. Đứa con này là của anh. Của anh. Của anh. Của anh! Của đau khổ của tuyệt vọng, của cùng đường và là của ân ái yêu thương.
Nàng vào khoa sản vào một ngày tháng năm. Trời cũng như đêm tạo thành đứa bé. Sản phụ quá suy nhược nên bác sĩ quyết định mổ. Nàng tỉnh dậy giữa bốn bức tường trắng toát, bên cạnh trống không.
- Con tôi đâu? - Nàng bật hỏi. Lòng đau thắt. Vết khâu ở bụng đau thắt.

Không nghe cô y tá trả lời. Nàng không biết câu khắc khoải của mình chỉ là mấp máy môi.
- Nó giống ai? - Nàng tiếp tục và cũng không ai trả lời.
Cô y tá chăm chú quan sát từng giọt dịch truyền rất chậm.
Anh đâu rồi?

Chồng nàng đang đứng ngoài hành lang, cái điện thoại nhỏ xíu áp vào tai.

Chuyện cổ tích kể rằng có một ông vua bị thủy thần túm tóc. Gã lùn kỳ dị hứa sẽ cứu nhà vua với điều kiện vua phải tặng cho gã cái mà vua nhìn thấy đầu tiên ngay khi trở về. Vua hứa. Và vua nhìn thấy hoàng tử trong tay hoàng hậu trước cổng cung điện, dẫn đầu đoàn người nghênh đón.

Anh đi dọc theo hành lang dài hun hút, áp mặt vào cửa kính nhìn thằng bé ngủ ngon trong lồng ấp. Anh thấy nó giống hắn lạ lùng. Tại sao nàng không nói với anh? Tại sao? Đứa bé cựa quậy khóc oe oe… Cả tiếng khóc cũng giống hệt giọng điệu của hắn! Cổ họng anh đắng nghét. Bác sĩ nói hai mẹ con quá yếu, ông muốn biết anh sẽ chọn ai nếu điều không may… Anh đã van xin ông cố cứu cả hai mẹ con. Anh nghiến người nhớ lại phút giây nồng nhiệt. Tại sao nàng không nói với anh? Tại sao? Và rõ ràng là nàng cũng không nói với hắn. Tại sao?

Tại sao? Anh cuồng nộ móc cái điện thoại ra khỏi túi. Hắn cần phải biết. Cả hắn cũng phải nếm mùi…
- Vậy à? - Hắn cười khẽ. - Cậu vẫn kịp cướp vét trước à? Không sao. - Giọng hắn dửng dưng. - Tôi nhóm máu O.
Anh khạc một tiếng. Ngu xuẩn! Anh tự rủa mình. Bên kia vang tiếng tằng hắng:
- Cùng nhóm máu với cậu à? Không sao. Còn cách khác mà. Tôi chỉ yêu cầu một điều nếu thằng bé là của tôi thì cậu phải xử sự như một quân tử. Đổi lại, tôi lo cho con tôi thế nào thì con của cậu cũng sẽ được như vậy. Tất nhiên…
Tiếng cười khẽ lại vang lên trước khi cắt máy. Tiếng cười nói nốt phần còn lại.

Anh đập mạnh cái điện thoại vào tường và chạy vào phòng nàng như điên. Chợt nhớ ra, anh vội ghìm lại nhưng đã muộn. Đôi mắt đờ đẫn của nàng đã nhìn thấy nỗi điên giận phẫn nộ, nàng đã nhìn thấy, xuyên qua màn sương mù… Chỉ điên giận phẫn nộ mà thôi.
Và bỗng nhiên, cũng từ trong màn sương mù, nàng nhớ đến đêm định mệnh ấy, tiếng mưa rơi như đang rơi, suýt nữa nàng đã ngủ quên nếu anh không lay nàng dậy.

***
Cuộc thanh tra đã phát hiện những sai phạm tày trời. Hắn tháo chạy trước khi công an ập tới. Lệnh truy nã. Cả đường dây rung động. Kẻ chưa bị lộ cố thu mình.
Anh là một trong những kẻ thu mình khéo léo nhất, cẩn trọng nhất. Việc xác định nhân thân của thằng bé cũng dừng lại. Không một điều gì bất thường có thể lọt vào tầm ngắm của bất kỳ ai.

Vợ đau nặng sau khi sinh trở thành tấm bình phong cho anh. Không còn tiệc tùng chiêu đãi liên miên cho những vụ làm ăn, anh lấy cớ chăm sóc vợ từ chối những cuộc vui vô thưởng vô phạt để tránh xuất hiện nhiều trước mọi người.

Anh chăm sóc nàng tận tình, chu đáo, nhiệt thành. Bác sĩ này chẩn đoán nàng bị rối loạn chức năng gì đó, bác sĩ kia nói là nàng bị trầm cảm… Còn bà nội bà ngoại thì nói nàng bị hậu sản, bệnh này rất hại người.

Nàng mỉm cười trước mọi lời khuyên về sức khoẻ, rồi nụ cười tắt ngấm khi bà ngoại nói thêm "Cho mình và cho con".

Nàng không bế thằng bé được lâu, sức khoẻ không cho phép nàng giữ trong tay một cái gì đó nặng hơn ly sữa. Cả ly sữa cũng đã có lần rơi xuống vỡ tan vì chuông điện thoại reo. Cái điện thoại ngay lập tức chuyển đi nơi khác. Mọi tiếng động đều cách lỵ Thân thể nàng như được lắp đặt bởi ốc chốt đinh vít và mọi thứ đều rệu rã cả rồi.

Vậy mà, một chiều đi làm về, anh thấy hai mẹ con ngồi trên ghế, trong vòng tay nàng, thằng bé ngủ saỵ Trưa nay, khi anh hôn lên trán nàng thay cho lời tạm biệt, nàng vẫn là một bệnh nhân bạc nhược. Lúc này, nàng khác hẳn.
Anh ngồi xuống bên nàng:
- Em thấy trong người thế nào?
Nàng nhìn anh. Cả ánh mắt cũng khác. Và giọng nói.
- Em muốn nói với anh một chuyện.
- Em nói đi.
- Bắt đầu từ tối naỵ - Nàng vỗ nhè nhẹ vào mông thằng bé. - Nó sẽ ngủ với em.
Anh không chờ nàng nói điều này. Chuyện gì đã xảy rả Anh nhìn quanh phòng. Quần áo trẻ con, tã lót, cái bô, gấu bông, cái lúc lắc… mọi thứ của thằng bé ở phòng bà vú đã nằm trong phòng vợ chồng.

Anh không chờ điều này. Trước mặt nàng, anh bế thằng bé lên và hôn bầu má mịn màng lớp lông tơ như của mẹ nó. Nàng có hài lòng? Nó không phải là con của anh. Luôn có một sợi dây vô hình thiêng liêng giữa tình ruột thịt. Anh không hề cảm thấy điều này. Ngược lại.

Thỉnh thoảng hôn nó một cái trước mặt nàng là chuyện rất khác với việc nó ngự trị trên cái giường của anh và nàng. Rất khác.
Chuyện gì đã xảy ra?
Thằng bé ngọ nguậy trong lòng nàng và cất tiếng khóc. Tiếng chân bà vú chạy vội lên cầu thang. Nàng nói mà không nhìn anh:
- Anh bảo bà vú khi nào cần em sẽ gọi.

Anh lặng nhìn nàng dỗ dành nó, nàng cầm tay nó, nụ hôn dài trên từng đầu ngón tay nhỏ xíu.
Anh kinh ngạc. Cái gì khiến nàng mạnh mẽ và đầy vẻ bảo bọc như vậy? Anh ngồi xuống bên nàng, không biết bắt đầu từ đâu.
- Nếu anh không đồng ý, em sẽ ngủ ở phòng khác cũng được. - Nàng áp bàn tay nhỏ xíu vào má mình, cứ như là nói nựng với thằng bé.

Anh biết mình không nghe lầm. Nhưng cái gì khiến nàg sẵn sàng đối đầu với anh như vậy?
Cái gì?
Anh nhìn thấy tờ báo cũ. Hàng tít đăng tin hắn và lệnh truy nã đã chìm lặn dưới bao sự kiện hàng ngày đang phơi ra lồ lộ trên bàn.
Anh không biết nên nói gì. Thật sự không biết mình phải nói gì. Anh nhớ mình đã từng sai lầm tai hại khi nàng vừa tỉnh dậy sau khi mổ. Anh đặt tay lên vai nàng, vuốt nhẹ xuống khuỷu tay, nơi cái đầu của thằng bé đang dựa vào, chạm những sợi tóc loe hoe, anh gai người. Anh cố hết sức để cúi xuống hôn nó. Đã nhiều lần anh hôn nó, nhưng lần này…
Nàng oà khóc:
- Em xin lỗi anh. Con của em…
- Anh hiểu mà. - Cổ anh tắc lại.

***
Thằng bé chỉ ngự trên cái giường của anh và nàng một đêm. Duy nhất. Duy nhất và mãi mãi.

Suốt đêm anh căng thẳng tột độ. Như là trên giường có ba người! Sáng hôm sau, anh đi làm trong tâm trạng lừng khừng mệt mỏi. Tâm trạng này khiến anh về sớm. Không có nàng ở nhà. Bà vú nói nàng đã đưa thằng bé đi chơi. Định đi sớm cho mát mẻ nhưng đến lúc đi thì thằng bé lăn ra ngủ, phải đợi. Rồi thì nó đi ị, phải lau rửa. Rồi thì cho bú và nó oẹ ra áo phải thay…
- Tôi sợ trưa nắng nên nói để sáng mai hay chiều mát hẳn nhưng cô vẫn… - Bà vú phân buạ - Tôi nói để tôi đi theo bồng cháu nhưng cô không chịu, cô nói cô muốn hai mẹ con với nhau thôi. Cô có mang theo cái xe nôi. - Bà vú nói thêm cho anh yên lòng.

Anh bật ti vi rồi tắt phụt. Cầm tờ báo rồi vứt qua một bên. Giờ cơm trưa, nàng chưa về. Anh điện hú hoa. về nhà nội, về nhà ngoại. Không có. Nàng đi đâu? Anh căng óc cố nhớ đêm qua mình có sơ xuất nào không. Bà vú se sẽ đậy cái lồng bàn lên mâm cơm nguội lạnh như gương mặt ông chủ.

Mười hai giờ. Anh gọi điện thoại đến hãng taxi, câu trả lời rất gọn “Tôi đưa bà nhà và cháu đến công viên Đầm Sen rồi sau đó là Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế".

TrungTâm Thương Mại Quốc Tế! Thằng bé đáng được đến một nơi như thế! Đáng được mua sắm ở một nơi như thế! Bù đắp vậy mới thoa? lòng! Nỗi đau trong anh trương phình. Anh dắt xe ra cổng, định là đến đó nhưng rồi tay lái lại rẽ vào một quán rượu.

***
Mọi chuyện là không thể tin. Không thể… Nàng không thể vĩnh biệt anh như vậy. Và con trai của anh…

Co rút người cố thu nhỏ, nằm lên chỗ bên cạnh đêm qua còn vương mùi sữa, anh mơ thấy con trai vui sướng được đến một nơi nhiều màu sắc rực rỡ vậy. Nó tò mò háo hức nhìn ngó, vung văng chỉ trỏ rồi ngủ bình yên trong chiếc xe nôi. Nàng đẩy con qua những gian hàng, con đã ngủ, giờ thì nàng nghĩ đến anh… Cơn mơ không cho anh thấy nàng đã mua những gì cho con, cho các con, và cho anh. Vĩnh viễn anh không được biết nàng chọn những món quà như thế nào vào ngày định mệnh đó. Trận hoa? hoạn đã thiêu cháy vợ con anh, tiêu huỷ những món quà nàng muốn bù đắp cho tất cả.
- Ông chắc là bà nhà đến đây chứ?

Anh gật đầu, không nói nổi một lời. Ông tài xế taxi ứa nước mắt lập đi lập lại rằng ông đã khen thằng bé sao mà kháu quá. Đúng vậy, đường nét thanh tú của nàng.

Những thi thể méo mó không thể nhận dạng. Phải xét nghiệm ADN mới xác định được ai là thân bằng quyến thuộc của ai.
Anh cắn nghiến quai hàm bật máu. Em, anh không đáng được tha thứ nhưng anh biết em đã tha thứ cho anh rồi. Em là vậy, em yêu. Anh quỳ xuống đây…

Con trai của bạ Ba quỳ xuống đây.

(Nguyên Hương)

http://kilopad.com/truyen-ngan-c197/doc-sach-truc-tuyen-dolly-b10241/chuong-1-ti1

Nhã Uyên
04-22-2018, 05:43 AM
(http://kilopad.com/truyen-ngan-c197/doc-sach-truc-tuyen-dolly-b10241)Dolly
(Nguyên Hương)

http://kilopad.com/truyen-ngan-c197/doc-sach-truc-tuyen-dolly-b10241/chuong-1-ti1


Đọc truyện ngắn này thì nghĩ đến Indecent Proposal.

Trong Indecent Proposal thì vợ chồng Demi Moore-Woody yêu nhau tha thiết và đời sống chăn gối mặn nồng nhưng họ nghèo. Rồi thì có tay tỉ phú đẹp trai phong độ Robert Redford (giờ nghĩ lại thì thái độ hơi kiểu bác Trâm gàn nhưng không có mái tóc comb-over quái đản) đưa ra lời đánh đổi một triệu đô cho họ nếu Demi bằng lòng “một đêm thôi” với tỷ phú. Ahaha, tỷ phú Hoàng Kiều còn biết liệu tay gắp mắm chớ có chào hàng cao dữ dội, đằng này lại là Robert Redford! Quả là … ước mơ của tất cả mọi phụ nữ! :4:

OK, nghiêm chỉnh mà nói thì câu hỏi đưa ra trong Indecent Proposal là : có nên đùa với lửa? Tình yêu có thể đổi chác bằng tiền? Trong lúc đọc mình tưởng là tác giả kể lại truyện phim. :4:

thuyền nhân
04-22-2018, 10:25 PM
.

Nhã Uyên,

Cái thử thách của "con người", là mình có thể vừa "tử tế" (decent/ thiện). vừa "không tử tế" (indecent / ác) .
Lửa và Nước đều cấu thành bởi Hydrogen và Oxy .
Ranh giới giữa Nhã va Khiếm Nhã
hay Uyên và Uyên Nguyên
từng làm nhiều thế hệ người (Việt) chao đảo ...

Để trả lời câu hỏi của Nhã Uyên : "tình yêu có thể đổi chác bằng tiền ? "
thì đây là câu trả lời của túi khôn Việt :
"Nếu là duyên tiền định, thì tình yêu không thể đổi chác bằng tiền",
Nếu là duyên người định, thì tình yêu có thể đổi chác bằng tiền" !

Điều mà Nhã Uyên cần làm, là minh định giữa "duyên tiền định" và "duyên người định",
và có sự phân biệt rõ ràng giữa "tiền" và "người" !

Chúc thành công .....

"Sóng vỗ miên man như câu ru êm của Mẹ dịu dàng ..."

https://www.youtube.com/watch?v=X8IHc2in710


https://www.youtube.com/watch?v=X8IHc2in710
.

sôngthương
04-23-2018, 12:36 AM
St cảm ơn Nhã Uyên, anh Thuyền Nhân và các anh chị đã ghé đọc truyện :z57:



Đọc truyện ngắn này thì nghĩ đến Indecent Proposal.

Trong Indecent Proposal thì vợ chồng Demi Moore-Woody yêu nhau tha thiết và đời sống chăn gối mặn nồng nhưng họ nghèo. Rồi thì có tay tỉ phú đẹp trai phong độ Robert Redford (giờ nghĩ lại thì thái độ hơi kiểu bác Trâm gàn nhưng không có mái tóc comb-over quái đản) đưa ra lời đánh đổi một triệu đô cho họ nếu Demi bằng lòng “một đêm thôi” với tỷ phú. Ahaha, tỷ phú Hoàng Kiều còn biết liệu tay gắp mắm chớ có chào hàng cao dữ dội, đằng này lại là Robert Redford! Quả là … ước mơ của tất cả mọi phụ nữ! :4:

OK, nghiêm chỉnh mà nói thì câu hỏi đưa ra trong Indecent Proposal là : có nên đùa với lửa? Tình yêu có thể đổi chác bằng tiền? Trong lúc đọc mình tưởng là tác giả kể lại truyện phim. :4:

NU nhận xét rất đúng :z57:, đọc cứ như đang xem truyện phim. Và St nghĩ, nếu dựng phim chắc sẽ hay lắm …

St nghĩ , TY thường không thể đổi chác bằng bất cứ thứ gì , trừ khi, đó là tình yêu giả vờ hoặc nhân danh, hoặc lợi dụng , hoặc “yêu” để có dịp khoe cái tôi to đùng, nó choán lấp hết mọi thứ . Người ta hay thích phóng đại những “tình yêu” mình “chinh phục” được, chỉ để có cảm giác thỏa mãn tội nghiệp . Đùa với lửa thì sẽ phỏng tay. Đùa với tình yêu thì sẽ phỏng …tim . Đùa với lòng tin của người khác thì sẽ có lúc bị tổn thương còn nhiều hơn người từng bị mình đem ra đùa :z51:

Trong Indecent Proposal, tình yêu đã từng là có thật, nhưng một khi sự tính toán được đưa vào , dù nghĩ là để “bảo vệ tình yêu”, thì một ngày nào đó, tình yêu cũng sẽ bay đi . Vì TY là tự do và tự nguyện, không ai cướp giật được TY của ai, cũng không ai ban phát được tình yêu cho ai . Khi đôi cánh của TY bị cột lại, nó không thể bay và sẽ chết dần chết mòn .
Demi Moore đóng rất hay trong phim này, và còn hay hơn trong phim Ghost , với đôi mắt thật trong sáng .:)





Nhã Uyên,

Cái thử thách của "con người", là mình có thể vừa "tử tế" (decent/ thiện). vừa "không tử tế" (indecent / ác) .
Lửa và Nước đều cấu thành bởi Hydrogen và Oxy .
Ranh giới giữa Nhã va Khiếm Nhã
hay Uyên và Uyên Nguyên
từng làm nhiều thế hệ người (Việt) chao đảo ...

Để trả lời câu hỏi của Nhã Uyên : "tình yêu có thể đổi chác bằng tiền ? "
thì đây là câu trả lời của túi khôn Việt :
"Nếu là duyên tiền định, thì tình yêu không thể đổi chác bằng tiền",
Nếu là duyên người định, thì tình yêu có thể đổi chác bằng tiền" !

Điều mà Nhã Uyên cần làm, là minh định giữa "duyên tiền định" và "duyên người định",
và có sự phân biệt rõ ràng giữa "tiền" và "người" !

Chúc thành công .....

"Sóng vỗ miên man như câu ru êm của Mẹ dịu dàng ..."

https://www.youtube.com/watch?v=X8IHc2in710

"Nếu là duyên tiền định, thì tình yêu không thể đổi chác bằng tiền",
Nếu là duyên người định, thì tình yêu có thể đổi chác bằng tiền" !

Dạ, anh Thuyền Nhân và NU , cho phép St góp ý chút nha . Thường người ta gặp và yêu nhau nhờ duyên tiền định, nhưng sau đó, đa số họ đã biến “tiền định” thành “người định” khi để sự toan tính bước vào . Ai cũng có phần Thiện và Ác, quan trọng là họ nuôi phần nào nhiều hơn, để nó lớn nhanh hơn .

Khi lòng tin mai một , thì TY cũng không còn. Ai đó bỏ tiền (hoặc thứ gì khác) để mua tình yêu, chỉ là để mua sự thỏa mãn những dục vọng (thể xác, tinh thần) của chính mình - mà họ cứ lầm tưởng là đã sở hữu được tình yêu .

Cảm ơn anh đã đem Mẹ Trùng Dương vào:z57:. Dạ , tình mẹ là một thứ tình bao la không thể đổi chác và là duyên tiền định .
Nhưng vẫn có những bà mẹ đem con đi bán…:z51:

St mới đọc câu này về tình yêu, thấy hay nên đem vào chia sẻ “ Không cần thề non hẹn biển, nói được làm được là được / Không cần phân tích thiệt hơn, đôi bên hiểu nhau là được/ Không cần mãnh liệt sôi nổi, gắn bó đến cùng là được / Không cần nửa bước không rời, có nhau trong lòng là được (trích từ “thả trôi phiền muộn” - Suối thông)


Ngày tốt lành đến NU, anh TN và cả nhà nhé . :):z56:
St mời cả nhà đọc truyện tiếp ạ

sôngthương
04-23-2018, 12:41 AM
Những âm thanh đẹp nhất

Năm nay tôi 10 tuổi. Có nghĩa là trước đây 10 năm tôi vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Mỗi khi đi đâu, mẹ mang tôi đi. Tôi chưa biết khóc. Một đứa trẻ khi nằm trong bụng mẹ chắc chắn là không biết khóc. Tôi muốn các bạn tưởng tượng điều này. Lúc đó chúng ta như thế nào nhỉ? Chúng ta không có ai làm bạn, ngoài mẹ ra. Cho nên bố tôi nói, một đứa trẻ ra đời là một sự may mắn; ngày tôi ra đời là ngày tôi may mắn có thêm bạn mới... Chẳng hạn, làm sao tôi có thể quen thằng Tí và chọn nó làm bạn thân nếu tôi không ra đời?


Cũng theo lời bố tôi nói, một đứa trẻ khi ra đời, bà mụ sẽ đập đập vào mông gọi nó dậy. Khi còn nằm trong bụng mẹ, nó ngủ. Có nhiều đứa phải đánh đến bốn năm cái, thật buồn cười vì nó cứ tưởng vẫn còn đang nằm trong bụng mẹ.

Tôi là một trường hợp như vậy. Tôi ngủ rất say. Bà mụ phải đánh đến bảy lần. Mẹ tôi nói những đứa như vậy rất lì và hình như tôi cũng thấy đung đúng. Ở lớp, tôi nói xạo tụi bạn, bà mụ đánh tôi đến năm mươi chín lần!
- Trời ơi, cái mông mày phải sưng to lắm. - Chúng trợn mắt tròn lên.

Hôm sau chúng khoe với tôi, mẹ chúng nói, bà mụ đánh chúng đến một trăm cái. Có đứa còn nói hai trăm. Thật không tưởng tượng nổi cái mông. Con Hồng mít ướt đụng một chút là khóc nhè còn dám nói đến bốn trăm cái. Chúng tôi cười ồ lên. Thằng Toàn thành thật nói: "Tao có hai cái à". (Hồi nãy nó nói hai trăm). Ðứa khác thì ba cái, bốn cái, còn con Hồng mới đẻ ra đã khóc rồi. Hai con mắt nó mở to lên, thế là nó khóc. Bà mụ rảnh tay, không phải nhọc công.

Bạn có khi nào hỏi mẹ mình chuyện này chưa? Tôi nghĩ sẽ rất thú vị. Bạn sẽ biết về mình lúc mới chào đời. Bạn có biết mở mắt nhìn bố mẹ không? Bạn bao nhiêu kí? Khi ngủ, bạn khóc mấy lần trong một đêm? Bạn có tóc không, màu gì? Cả trăm chuyện để biết về mình. Nhưng tôi muốn nói với bạn một điều, chúng ta phải bí mật. Chuyện đó phải riêng tư. Khi bạn giữ một điều bí mật về mình hay về ai đó, bạn sẽ không bao giờ quên. Những chuyện bạn nói ra rồi, bạn sẽ quên mất. Tôi dám chắc như vậy. Và còn một điều nữa, bạn phải tăng số lần bà mụ đánh lên, bởi vì như bố tôi nói, chúng ta không bao giờ có cơ hội được bà mụ đánh lần thứ hai. Chúng ta chỉ được khóc một lần khi chào đời, một cái khóc dễ thương nhất. Bố tôi vẫn nhớ mãi cái ngày tôi khóc. Tức cái ngày tôi chào đời. Mẹ tôi nói: "Anh ơi! Hình như em sắp sinh em bé". Bố tôi hoảng hốt ẵm mẹ đặt lên xe rơm. Ngặt một nỗi, con bò không có ở đó. Bố đã nhờ cậu tôi dắt nó đi ăn cỏ. Thế là một mình, bố kéo xe xuống thị xã. Dọc đường, mẹ cắn rơm chịu đau không la một tiếng. Bố tôi nói: "Em cứ la lên, không sao cả!". Mẹ vẫn không la. Bố nói mẹ là người cừ nhất!

Khi kể cho tụi bạn nghe chuyện này, chúng cũng bảo mẹ chúng không la. Các bạn đừng cho là chúng nói xạo nhé. Mà phải cho đó là một điều bí mật. Những điều bí mật sẽ cho chúng ta nhớ mãi, không quên.

Và mọi chuyện như tôi đã kể, bà mụ đánh tôi bảy cái. Bố thốt lên sung sướng: "Trời ơi, con trai. Cái thằng này nó lì lắm đây! Sao tôi ghét nó quá". Nói rồi ông hôn vào cái miệng đang khóc của tôi. Ông còn áp tai vào cái miệng đang khóc của tôi. Mặc cho người ông dính đầy đất cát cùng những giọt mồ hôi của ông nhỏ vào mặt tôi. Bố tôi nói, chưa bao giờ bố thấy tôi xinh đẹp như vậy. Những ngày làm việc vất vả trên đồng, bố không ngớt tưởng tượng về tôi. Bố nghĩ mặt tôi sẽ dài lắm. Cái miệng thì thật to. Ðôi tay săn chắc. Bố đã nuôi sẵn một con bò dành cho tôi cỡi rồi mà. Nhưng eo ôi, cái tay tôi bé xíu. Da thịt tôi mỏng tanh. Bố lấy tay tôi đặt lên mặt bố, rồi bố cứ nằm im như vậy. Bố nói, chưa bao giờ có một bàn tay bé xíu đặt lên mặt bố. Bé lắm. Bé khủng khiếp. Nhìn thấy tôi, bố cứ tưởng tượng như đang lạc vào xứ sở của người tí hon. Mà ở xứ sở của người tí hon thì người ta không vội vàng được. Ví như từ nhà đến trường, bạn đi vèo một cái là xong. Ở người tí hon thì không phải vậy, họ phải đi một năm. Họ không vội vàng được. Trước một đứa bé, cũng như xứ sở người tí hon, bố không vội vàng được. Muốn ẵm tôi lên, bố phải từ từ. Bố nói, ẵm một đứa bé còn mệt hơn cày một đám ruộng. Bởi vì đám ruộng bạn có thể sửa chữa nó, còn đứa bé thì không. Nó cũng không biết nói: "Ối tôi đau quá. Con kiến nó cắn mông tôi!".

Vậy đó, cái ngày tôi chào đời. Và bố muốn được nghe tôi khóc. Buổi tối, bố phải đi nhẹ chân - một nỗi khổ của bố. Bố tôi khỏe lắm, cái gì chạm phải tay ông đều kêu rổn rảng. Muốn đi nhẹ là việc cực kỳ khó khăn. Nhưng vì tôi, bố đã tập dần.

Bố nói, giấc ngủ của đứa bé đẹp hơn một cánh đồng. Ðêm, bố thức để được nhìn thấy tôi ngủ - cánh đồng của bố. Bố rất tiếc không được biết bà mụ đánh bố bao nhiêu cái, bố có hay khóc không? Ông bà nội tôi mất sớm. Khi đó bố còn rất nhỏ nên chẳng được nghe ai kể lại. Những người thân trong gia đình là những người nhớ về mình nhiều và đầy đủ nhất. Những người giữ bí mật của mình.
Ngày tôi ra đời, bà mụ hỏi bố:
- Ðặt tên cậu ấm là gì nào?
Cậu ấm có nghĩa là một cậu bé sung sướng. Bà muốn tôi được sung sướng.
Bố tôi choàng dậy:
- Ừ nhỉ, sao tôi quên khuấy mất. Tôi cứ tưởng tượng về nó mãi, đâm quên.

Theo bố tôi, cái tên quan trọng lắm. Bởi nó là cái tiếng đẹp đẽ nhất mà người ta sẽ gọi trong suốt cuộc đời một đứa trẻ.

Ðứa trẻ này khác với đứa trẻ kia trước tiên là một cái tên. Khi nhớ một cái tên tức là ta nhớ về một con người có cái tên đó. Không gì tuyệt diệu hơn khi mình gọi tên người thân của mình. Mẹ là cái tên chung cho tất cả những ai làm mẹ. Khi ai đó gọi mẹ ơi, tức mình hiểu người phụ nữ đó đã làm và yêu thương những công việc giống mẹ mình. Mẹ cũng là một cái tên đẹp nhất, bao giờ cũng dịu dàng. Một người tên Dũng, mình sẽ nghĩ không phải là con gái. Người tên Loan, sẽ không phải là con trai. Khi mình lớn, cái tên vẫn đi theo. Mình sẽ giữ nó như một kỷ niệm về người bố và người mẹ. Ðó cũng là tình cảm ưu ái mà bố mẹ muốn dành cho.

Bố tôi nói với bà mụ:
- Tôi muốn nó một cái tên thật hùng dũng.
- Vậy tên Dũng nhé!
- Tôi muốn nó phải thông minh nữa.
- Vậy thì Trí Dũng.
- Tôi còn muốn nó phải có hiếu nữa kia.
Và cuối cùng cái tên của tôi cũng được đặt xong. Một cái tên thật dài nhưng tôi luôn nhớ.

Bố tôi nói:
- Không có gì đẹp bằng cái tên của mình. Một cái tên là một tình thương lớn.


Bạn tên gì vậy? Có khi nào bạn hỏi bố mẹ tại sao bạn lại có cái tên đó không? Tôi tin rằng bạn sẽ được nghe một câu chuyện thật dài về nó. Ðó là một bí mật về bạn. Một bí mật mà chỉ bố và mẹ bạn biết. Và chỉ khi đó bạn mới biết tại sao một cái tên lại là một tiếng nói đẹp đẽ nhất. :)

https://gacsach.com/doc-online/27572/vua-nham-mat-vua-mo-cua-so-chuong-01-02.html

sôngthương
04-27-2018, 07:09 PM
Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ.Nhà tôi có khu vườn rất rộng. Bố trồng nhiều hoa. Buổi chiều ra đồng về, bố thường dẫn tôi ra vườn, hai bố con thi nhau tưới. Bố làm cho tôi một bình tưới nhỏ bằng cái thùng đựng sơn rất vừa tay. Bố lại lấy hộp lon gò thành cái vòi sen nữa. Bố hay bảo tôi nhắm mắt lại, sau đó dẫn tôi đi chạm từng bông hoa một. Bố nói:


- Ðố con hoa gì?

Tôi luôn nói sai. Nhưng bố nói không sao cả, dần dần tôi sẽ nói đúng. Những buổi chiều tôi hay nhắm mắt sờ những bông hoa rồi tập đoán. Tôi đoán được hai loại hoa: hoa mồng gà và hoa hướng dương. Bố cười khà khà khen tiến bộ lắm! Một hôm khác, tôi đoán được ba loại hoa. Bố nói:

- Phen này con sẽ đoán được hết các loại hoa của bố mất thôi!

Và đúng như vậy, không bao lâu, tôi đã đoán được hết vườn hoa. Từ trong nhà ra ngoài vườn, tôi có thể chạm bất cứ loại cây nào và nói đúng tên của nó. Tôi cũng đã thuộc khu vườn. Tôi có thể vừa nhắm vừa đi mà không chạm vào vật gì. Những lúc rảnh rỗi, bố hay đứng trong vườn rồi đố tôi tìm ra bố. Bố nói:

- Bố thấy con hé mắt!

Tôi cãi lại:
- Không! Con không có hé mắt. Con biết chỗ cây hoàng lan mà!
- Thật không? - Bố giả vờ nghi ngờ.

Trò chơi này không chỉ diễn ra ngoài vườn mà còn trong nhà. Bố hay giấu cục kẹo đâu đó rồi đố tôi, và lần nào tôi cũng tìm thấy. Bố còn đố khi tôi nhắm mắt, bố đứng cách tôi bao xa.
Lúc đầu tôi luôn đoán sai nhưng sau thì đúng dần. Mỗi lần như thế, bố đều lấy thước ra đo đàng hoàng.

Bây giờ, khi đang còn vùi đầu trong mền, tôi vẫn biết bố đang cách xa tôi bao nhiêu mét khi chỉ cần nghe tiếng bước chân.

Trò chơi này làm chú Hùng ngạc nhiên lắm. Chú cứ hay nghi ngờ rằng không thể được, cháu đã ăn gian. Cháu hé mắt. Thế là tôi lại lặp trò chơi cho đến khi chú phải thốt lên:
- Thật không thể tin nổi, cháu có con mắt thần!

Trò chơi này, tôi có một kỷ niệm đáng nhớ. Sau nhà tôi có một con sông nhỏ. Những ngày nghỉ bố hay dẫn tôi ra đó tắm. Bố tôi bơi giỏi lắm. Bố có thể lặn một hơi dài đến mấy phút. Hôm đó, khi cả nhà đang ăn cơm thì bỗng nghe một tiếng hét lớn.

Sau đó hoàn toàn im lặng. Mọi người nhìn quanh, không biết tiếng hét xuất phát từ hướng nào. Nhưng tôi đã nói ngay:
- Cách đây khoảng ba chục mét, hướng này!
Mẹ tôi chồm dậy:
- Chết rồi, ngoài bờ sông!

Bố quăng chén cơm rồi băng vườn chạy ra... Tôi và mẹ chạy theo, quả nhiên đúng như vậy. Dưới cái hụp xoáy, một thằng bé chới với chỉ còn lòi ngón chân.

Nó là thằng Tí, con bà Sáu. Nhân buổi trưa, nó trốn ra bờ sông vọc nước, không ngờ trượt chân té xuống. Bố tôi ẵm nó về nhà. Bụng nó đầy nước, bố phải nắm ngược hai chân dốc xuống như làm xiếc. Sau đó cả xóm mới hay tin chạy ra. Người ta bu quanh tôi, hỏi đủ chuyện. Bà Sáu còn cám ơn tôi. Bà khóc. Bà nói không có tôi, thằng Tí con bà sẽ chết. Nhiều người không tin rằng tôi có thể lắng nghe âm thanh tài tình như vậy bèn thử tài, thật may phước lần nào tôi cũng đoán trúng. Họ hỏi làm sao biết hay vậy? Bố nháy mắt và chúng tôi cười ồ. Tôi biết đó là một bí mật, không thể tiết lộ! Một bí mật giữa bố và tôi.

Nhưng tôi đã hứa, tôi sẽ chỉ cho thằng Tí bí mật này. Nó là bạn thân của tôi mà. Tôi thấy tên nó đẹp hơn mọi tên, khi đọc lên, âm thanh cứ du dương như một bài hát.

Ở trường tôi hay gọi nó:
- Tí, Tí!
Nó hỏi:
- Cái gì?
Tôi mỉm cười:
- Chẳng có gì!


Nó ngạc nhiên lắm. Nó không hề biết rằng tôi đang nghe âm thanh từ cái tên của nó.
Bố tôi nói, mỗi cái tên là một âm thanh tuyệt diệu. Người càng thân với mình bao nhiêu thì âm thanh đó càng tuyệt diệu bấy nhiêu.


Tôi tin bố. Tôi hay gọi tên bố chỉ để nghe âm thanh.

Sau vụ đó, tôi dám cá với các bạn, thằng Tí không dám ra bờ sông một mình nữa. Lần nào đi, nó cũng chờ bố tôi. Bố tôi cõng nó một bên vai, cõng tôi một bên vai. Nhưng tôi có qui định với nó, cái cổ của bố phải để tôi ôm. Bố tôi mà! Nó đồng ý.

Mỗi lần ra sông vui lắm. Bố làm chiếc xuồng, hai chúng tôi cỡi trên lưng. Bố nói, đây là xuồng máy nên không cần phải chèo, chỉ cần xăng, chúng tôi phải đổ xăng vào. Bố nói, đừng có đổ vào lỗ tai, chỗ đó là cái đèn.

Thằng Tí hay đem cho bố tôi những trái ổi. Nó trèo cây giỏi lắm, nhà nó có một vườn ổi. Những trái ổi to được nó lựa dể dành cho bố đều có bịch ni-lông bọc lại đàng hoàng. Những trái ổi như thế bao giờ cũng vừa to vừa mềm, cắn vào rất đã. Bố tôi ít khi nào ăn ổi, nhưng vì nó, bố ăn.

Tôi nói:
- Sao bố kính trọng nó quá vậy?

Bố cười xòa:
- Không phải đâu, bố không cưỡng lại được trước món quà. Một món quà bao giờ cũng đẹp. Khi ta nhận hay cho một món quà, ta cũng đẹp lây vì món quà đó - Bố còn nói thêm - Một nụ hôn cũng là một món quà sang trọng. Một giấc ngủ của tôi cũng chính là một món quà, cả con người tôi đều là món quà cho bố.

Tôi đi nhẹ ra vườn. Tôi hiểu, khu vườn là món quà bất tận của tôi. Mỗi một bông hoa là một món quà nhỏ, một vườn hoa là món quà lớn. Tôi nhắm mắt và chạm tay rồi gọi tên từng món quà. Tôi chạm phải bố. Tôi la lên:
- A! Món quà của tui đây rồi. Ôi cái món quà này bự quá!

Bố lại nghĩ ra trò chơi khác. Thay vì chạm vào hoa, bây giờ tôi chỉ ngửi rồi gọi tên nó. Bố đưa bông hoa trước mũi tôi rồi nói, hoa gì? Trò chơi cứ được diễn ra liên tục cho đến hồi tôi nhận diện được tất cả mùi hương của các loài hoa.

Ðêm, tôi mở cửa sổ và nói:
- Hoa hồng đang nở kìa bố ơi!

Bố không tin, xách đèn ra soi và đúng vậy. Những bông hoa cứ đem hương đến cửa sổ như báo cho tôi biết từng mùa. Hoa gì nở sớm, hoa gì nở muộn. Tôi còn phân biệt đồng một lúc những hoa gì đang nở. Bố nói tôi có cái mũi tuyệt nhất thế giới!

Bạn hãy tưởng tượng, một buổi sáng mờ sương. Bạn vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, và bạn chợt hiểu khu vườn nói gì. Bạn hiểu bây giờ là mùa gì và bông hoa nào đang nở, tên gì. Từng tiếng bước chân trong vườn, bạn biết chính xác người có bước chân đó cách xa bạn bao nhiêu mét. Bạn còn biết tiếng chân đó là của ai, bố hay mẹ. Bạn sẽ giả vờ hỏi:

- Ai đó? Có phải là người khách lạ không?
- Không. Tôi là khách quen! - Người đó trả lời.
Bạn sẽ nói:
- Khách quen sao tui không biết vậy cà? Tui nghe bước chân lạ lắm.
- Ðó là tại vì tui đang hồi hộp. Tui thấy khu vườn nở nhiều hoa quá.
- Hoa hồng và mào gà phải không?
- Ôi! Sao anh biết hay quá vậy?
Bạn sẽ nói to lên:
- Tại vì tôi có con mắt thần.
- Con mắt thần nằm ở đâu vậy?
- Nằm ở mũi tui.

Ðó chính là một điều bí mật mà tôi muốn chia sẻ với bạn. Bạn hãy thử đi rồi sẽ thấy, khu vườn sẽ lớn lên rất nhiều. Những bông hoa thơm hơn và khi nhắm mắt, bạn vẫn nhìn thấy nó. Không chỉ vậy, bạn còn thấy nguyên cả khu vườn. Bạn có thể nhìn thấy bông hồng ngay trong đêm tối. Ðêm bạn nằm, đắp chăn kín người nhưng bạn vẫn có thể đi dạo. Bạn sẽ không bao giờ lạc trong bất cứ một khu vườn nào, bởi vì, những bông hoa sẽ chỉ lối cho bạn, một lối đi an toàn và thơm ngát.

Và lúc đó, bạn sẽ tiếc lắm nếu thế giới này vắng đi những bông hoa. Bạn sẽ tự hỏi, tại sao trong khu vườn không có người dẫn lối? Người ta sẽ ngạc nhiên hỏi lại, người dẫn lối nào? Bạn sẽ từ từ nói, đó là NHỮNG BÔNG HOA...
Những bông hoa chính là người đưa đường!

https://gacsach.com/doc-online/27574/vua-nham-mat-vua-mo-cua-so-chuong-05-06.html

sôngthương
05-03-2018, 09:45 PM
Cái nhìn khắc khoải



Khoa điện thoại cho tôi từ phòng lab:
- Hình xong rồi, đã lắm. Mày kiếm đâu ra ông già ngon vậy?

Tôi cười, gác máy rồi xách xe chạy lại chỗ Khoa. Những tấm ảnh đen trắng treo trên dây còn đọng nước, giọt rất tròn và trĩu. Khoa nghiêng đầu ngắm:
- Mày coi, hình như, trong mắt ông già này có nước.
- Mày cận bao nhiêu độ rồi?
Khoa mắc cở tháo cặp kính ra, đôi mắt đờ đẫn.
- Hôm trước ba rưỡi, bây giờ chắc ba tám rồi.
- Mắt mày cũng còn ngon lắm.

Khoa lại hỏi tôi cái câu ban nãy, "mày kiếm ông này ở đâu mà thần thái vậy?". Tôi không trả lời, ngước mắt nhìn về những bức ảnh của tôi. Trong mảng tối sáng trong vắt, khuôn mặt một người đàn ông hiện lên, trầm lặng mà sâu sắc.
Và tôi lại thấy mình ở trong một căn chòi chăn vịt cất dựa mé kinh Chiếc. Căn chòi đầy khói. Cái mẻ un ám khói chất đầy giỏ dừa khô. Khói ngùn ngụt khói. Ngồi trên cái sạp ghe đóng thưa bằng tre chẻ thẻ, một người đàn ông ngồi nhìn ra cửa. Cô độc. Gió vụt vụt vô chòi. Ông làm nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng. Hôm nay ở đồng Rạch Mũi, ngày mai ở Nhà Phấn Ngọn, xa nữa lại dạt đến Cái Bát không chừng. Ông đậu ghe, dựng lều, lùa vịt lên những cánh đồng vừa mới gặt xong, ngó chừng chừng sang những cánh đồng lúa vừa mới chín tới và suy nghĩ về một vạt đồng khác lúa vừa no đòng đòng. Đời của ông là một cuộc đời lang bạt. Một cuộc sống trên đồng khơi. Chòi cặm ở đâu cũng được, miễn có chỗ khô ráo cho ông nằm. Buổi sáng, ông lùa bầy vịt ra đồng, tay cầm cây trúc không róc đọt, bù xù. Bầy vịt ngàn hai trăm con, ngoi quẫy, vẫy vùng, rúc vào những nùi rạ mới, nhặt từng hột lúa. Con vịt xiêm tên Cộc cũng ào ra cùng bọn chúng, những lúc đó, không phải vì bụng đói, mà vì mùi rạ thơm quá, ngọt quá, ngụp mỏ vào thấy sướng người. Ông ngồi bệt trên bờ mẫu, khăn sọc cũ quấn đầu, nón vải nâu lốm đốm mủ chuối. Ông ngó lũ vịt và vấn điếu thuốc châm lửa, phà khói lên trời. Và trời rất xa xanh, trong. Ông kêu :
- Cộc, biểu!

Con Cộc chạy lại, vẫy nước và cọ đầu vào bắp đùi đen bóng của ông.

Buổi tối buồn lắm. Đêm nào cũng như đêm nấy, lùa vịt vô chuồng, tắm táp qua loa, ông khom lưng thổi phù phù vô cái bếp un cho căn chòi đầy khói rồi nằm đưa võng. Gió vụt vụt vô chòi. Con Cộc lò mò ra đống rơm dập dềnh dưới mé kinh, vùi mình vào đó ngủ một giấc. Nó tưởng lâu vậy, dài vậy mà lúc ngó lên vẫn thấy chao chát ngọn đèn đỏ lòm. Ông kêu:
- Cộc, giận gì mà xuống đó vậy mậy?
Cộc lạch bạch đi lên. Nó ghé ngang cái lưới bao rào vịt, thò mỏ vào mổ một con vịt ta khác. Gây chuyện chơi cho vui. Nó là con vịt chúa gây chuyện. Ngoài những lúc này, nó khá cộc cằn, tư lự. Mấy người bạn lang bạt của ông chụm lại nhậu lần nào cũng nhằn: "Cha nội sống như vầy rầu thấy mẹ, mai mốt con vịt xiêm đó chết rồi, cha sống với ai". Ông cười, "còn thằng con tao". Nó ở chợ. Lâu lắm mới về thăm ông một lần, về tới, ngoài việc kêu ông bán bầy vịt ra ngoải sống với nó, còn chuyện ông cưới vợ, nó nói, nó con trai, biết cô đơn là cái gì rồi, khổ lắm, buồn lắm. Nó giục ông từ năm nó mười hai tuổi. Ông ngạc nhiên lắm. Nhưng rồi ông biết rằng, nó đã học được ông cái tánh rộng lòng đồng khơi, như trời cao. Ông vò đầu nói với nó, cũng khó khăn thiệt, nhưng ông quen rồi. Nghề nuôi vịt mà, nghèo, lang thang, đeo mang người nữa, không đành.
Tháng Tám. Ông trở về kinh Mười Hai, quê ruột của ông. Chèo gần tới nhà ông thấy một người phụ nữ ngồi dưới bực cỏ đợi tàu. Chiều rồi, tàu cuối chạy lúc ba giờ rưỡi đi qua đã lâu lắm. Dưới ghe ngó lên, mặt người phụ nữ buồn so, buồn như sắp đâm đầu xuống sông mà chết. Ông chèo lựng khựng cho ghe đi tới. Qua khỏi đám lá, ông quạt chèo trở lại. Ông hỏi chị nọ đi đâu, chị khóc như mưa bấc, "Tôi cũng không biết mình đi đâu". Lãng xẹt vậy đó. Ông ngại ngần ngó những tia nắng đỏ cuối cùng đậu phía dưới đám dừa nước:
- Cô có sao không?

Người phụ nữ lắc đầu. Ông biểu chị xuống ghe cho quá giang. Chị vẫn khóc.

- Tôi biết đi đâu mà quá giang bây giờ. Hay ... làm ơn cho tôi theo anh đêm nay nghen.

Ông suy nghĩ rất lâu và trả lời một câu nhỏ xíu trong khi tụi vịt đạp đầu chen nhau dưới sạp ghe bằng tre đóng thưa thớt rộ lên lạc cạc inh ỏi. Đôi chân đàn bà dè dặt bỏ xuống đầu ghe, con Cộc cuối đầu không nói không rằng lùi lụi lại tính mổ một cái vô chân chị mừng chơi nhưng ông la: "Cộc! Bị đòn nghe mậy". Nó dừng lại, đủng đỉnh qua đi. Chị khịt mũi cái sột, lau nước mắt kêu: "Trời, vịt gì mà khôn quá vậy?". Con vịt ngoắc ngoắc cái đầu lại, ý nói, Vịt Xiêm chứ vịt gì, thiệt tình.

Qua thêm ba đám lá dày nữa là về tới nhà ông. Nhà vắng, vườn hoang, lúc chạng vạng buồn hiu hắt. Ông đi năm ba tháng về một lần, về đúng vạt đồng sau vừa chín. Hồi đi, con tắc kè ễnh bụng kêu è è, hồi về đã thấy đeo trên cột nhà mấy con tắc kè con, da chưa bông chưa hoa, mốc cời, đầu chờ vờ như cá lóc gặp nước mặn. Ông đẩy cửa bước vô trước, tay quơ mớ váng nhện lùng nhùng, đốt cái đèn, thổi lù lù mớ củi ướt. Chị ôm cặp đồ ngồi gá nhẹ mép ván, ngó quanh. Ông lượng xượng, "Nhà bỏ lâu, bê bối quá chừng". Rồi khói bay lên, ấm áp.

Ở căn nhà lá cũ mèm này, ông có nhiều kỷ niệm. Mỗi khi trở về nó lại chảy thành dòng dịu ngọt trong ông, nó chảy khẽ giửa những mạch máu. Những ngày thơ ông có ba má, những ngày trẻ ông có người chăn gối cùng. Có cây lụa bên hè làm chứng, mỗi lần nhà đổ bánh xèo, vợ ông ra hái đọt lụa, đứng tần ngần, "phải ảnh có nhà để ăn". Chiến tranh, ông đi biền biệt. Ngày về, chỉ còn đứa con trai. Nó khóc, kể, "Bửa đó cúng đình, có cải lương, má rủ con đi. Tuồng Thoại Khanh Châu Tuấn đó ba. Hát chưa xong khúc Thoại Khanh ngồi đờn cho công chúa Châu Tuấn nghe, thì pháo đằng đồn Chẹt bắn lại, má con chết luôn". Mùa đó lụa ra lá từng chùm trắng xanh, non nhuốt. Ông bắt thèm ứa nước mắt. Cũng thằng con ông, sau này nó nhằn: "Chuyện buồn mà ba nhớ làm chi cho tới già vậy không biết. Ông bảo ông có nhớ gì đâu. Thiệt đó, thằng nhóc, có nhớ gì đâu. Thằng con chép miệng, "Khổ quá!"

Người phụ nữ ông lượm chiều đó còn khổ hơn. Chị quê Cây Khô, lỡ thời, thương thằng (xin lỗi!) thợ gặt miệt Bình An đổ xuống. Không biết gốc gác, cội nguồn người ta mà thương gì ác nhơn vậy không biết. Làm vợ thợ gặt, sống đời thợ gặt. Chị ngồi vấn vạt áo: "Ai cũng nói em ngu, cực cỡ nào em cũng chịu, miễn là mình thương người ta". Vậy mà thằng đó (xin lỗi!) tệ thiệt, làm ít, nhậu nhiều. Tới đây, nhậu nhẹt, nợ nần, chị ra gánh trả. Nợ nhiều quá, mấy cái quán tạp hóa đòi lấy xuồng, nửa đêm chồng chị trốn đi, bỏ chị lại. Không biết quê chồng, không về được quê mình, chị ra bờ sông ngồi khóc.

- Cô Út không ngại, cứ ở lại đây, chừng nào có hướng đi đâu, mần ăn gì thì đi, nghen.

Nghe xong câu chuyện của chị, ông bập một hơi thuốc lá, nói một câu, bập hơi nữa thì hết điếu.

Chị chịu ở lại. Buổi sáng, chị thức dậy bắc ấm nước lên bếp cho ông uống trà, xong lùa vịt ra đồng. Thả vịt ruộng gần, chị đem cơm ra tới chỗ, dọn trên bờ mẫu, ngồi nhìn trời, nhìn đất, nhìn vịt, chờ ông ăn xong mới đi vô. Ruộng xa, chị thức dậy từ ba giờ sáng nấu cơm dỡ cho ông xách theo. Thuốc gò, giấy quyến mới vơi một ít, chị bỏ lại cho đầy để ông bỏ túi, "Nửa chừng mà hết thuốc chịu không thấu anh Hai à, giửa đồng mông quạnh, buồn chết, hồi đó ảnh ...", chị bỏ câu nói nửa chừng. Mờ mờ trời, chị lụi hụi vô chuồng lấy hột vịt, rồ chở ra chợ xã bán, chị tính:

- Chịu khó ra ngoài đó một chút, bán giá cao hơn anh Hai à. Sẵn hái ít đọt lụa bán luôn, thứ này người ta khoái lắm.
- Nhưng phiền cô quá....
- Có gì đâu.
Chị làm cỏ ngoài sân, trồng lên dấp cá với húng lủi. Chị súc lu đợi trời mưa hứng nước. Chị giặt mùng mền phơi cho thơm nắng. Ông cằn nhằn:
- Cô làm gi như người ở đợ cho tôi vậy?
- Có gì đâu, anh Hai, được ở lại đây là em mừng rồi.
Ông ngoái lại, nói:
- Thiệt tình, cô ở lại để chờ người ta phải hôn cô?

Chị không trả lời, chị cuối đầu đi thẳng. Chị không đẹp lắm, nhưng lúc thổi lửa có duyên. Chị không có duyên lắm nhưng lúc bậm môi bửa củi thấy đẹp. Ông chắc không để ý chuyện này, ông bận đốn so đũa cặm cột, dừng lá dừa nước làm cái nhà tắm cho chị. Ông vừa mài cây búa vừa nói nhỏ nhỏ với con Cộc:

- Mình đàn ông gì cũng được, giờ có thêm người... Ông ngừng lại, vuốt cánh con vịt -vậy hen Cộc?
Cộc không trả lời, kêu cóc cóc, há mỏ đớp vô mắt cá chân ông. Thì vậy chứ còn sao nữa, ý nó muốn nói vậy. Rồi nó đủng đỉnh đi chơi, dạo dạo bậy bạ kiếm trùn đất ăn. Ông nghĩ trong bụng hoài, "Làm vịt như mầy coi bộ sướng. Cộc à, làm người, hỏng làm thì thôi, làm phải cho ngon, thiệt khó".

Thằng con ông đi công tác qua nhà thấy có người lạ nó ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng xong thì mừng. Nó nói: "Ba lúc này ngon rồi nghen". Ông gạt phăng phăng, "Mày chỉ giỏi bậy bạ". Ông không nói với nó vẫn thường thấy chị ôm cái áo người cũ ngồi khóc, chị thường hay kho cá bỏ me, ông vốn không thích. Hễ hổng đi chợ thì thôi, đi về y như rằng mua chai rượu, ông có uống gì nhiều đâu. Thằng con không biết. Thằng con đi dài dài xóm, ai cũng xầm xì chuyện của ba nó với người đàn bà gặt mướn. Cô Ba nó nói: "Tao thấy con mẻ không xứng với ba mày đâu, bỏ nhà theo trai, bị trai bỏ, giờ mới bám víu vô đàn vịt của ổng, đàn bà đàng hoàng, ai ở lại dễ dãi vậy". Thằng con cười, "Sao cũng được, cô Ba à, trước là trước, bây giờ là bây giờ, tốt xấu gì ba con biết, miễn sao ba vui là được rồi". Cô Ba chẩng hẩng.

Nhưng thằng con hơi thất vọng. Hễ chạng vạng, nhốt vịt, tắm rửa xong, ông kêu con Cộc đi dài xóm chơi. Con vịt thì chạy xà quần rượt cắn đám con nít, ông chơi lai rai với bè bạn, họ hàng. Chờ khi khuya mới về. Về ngủ nhà xuồng cặp mé kinh. Nhà mục rồi, đêm nằm nghe mối ăn trẹo trẹo, sợ chị ngại, ông nói: "tánh tôi ở đồng quen rồi, ngủ có gió mới ngon". Không lẽ nói trắng ra, nằm trong nhà, bên này nằm nghe bên kia thở nghe sao được. Những lúc nửa đêm, con Cộc cắm đầu cắm cổ chạy, ông cũng cuốn mùng chạy. Chị mở cửa năn nỉ ông vô nhà, để lạnh chết. Cực chẳng đã ông mới vô, ngồi chí mí ván, chong chong nhìn ra cửa chờ tạnh hột. Chị cảm động ứa nước mắt.

Chị vẫn thuờng đón ghe hàng bông hỏi thăm tin tức cánh thợ gặt An Bình. Tin tức ngày càng xa. Ở đây, trăm ngả sông nuớc, làm sao mà kiếm. Tin tức ngày càng vắng. Lúc rày, mua nắng thất thuờng. Nắng một hơi năm bảy ngày, mưa một hơi năm bảy ngày, bà con nông dân gặt ngay mưa, phơi lúa không được rầu muốn chết. Chị đi chuyên nuớc vô lu, đôi dép Lào cu mỏng dính, trợt một cái trật gân. Tội nghiệp quá chừng. Ông về nạt nộ một hơi, đã nói mà, cô có chịu nghe tôi đâu. Nói vậy thôi, ông di chợ huyện mua thuốc cho chị, sẵn mua đôi dép mới làm chị ngại trong lòng lắm. Ông bảo:

- Đôi dép cô mỏng thiếu điều cạo râu đuợc rồi, tiếc làm chi, để té nữa thì khổ.

Những chiều, lùa bầy vịt no căng luờn từ ngoài ruộng về, ông xúc tô com, ngồi ngoài gốc cây vú sữa đã bị cưa thành cái đôn, vừa ăn vừa nhìn cây chanh núm bắt đầu ra trái. Dưới cầu ao, chị đang lật đít xoong chùi lọ nghẹ, cảnh chiều êm đềm.

Cô Ba đi qua, tròn con mắt.
Một bữa, mưa nhiều, lúc ông đội áo đi, chị dặn:
- Mưa lúc này gầm dữ quá, sét nhiều, anh Hai nhớ vô sớm nghen.

Ông gật đầu, day qua dặn lại:
- Cô Út thôi đừng hứng nước mưa nữa, hỏng chừng mai mốt tôi đi, ai mà uống.

Chị chưng hửng hỏi ông đi dâu, ông trả lời giọng rất buồn:
- Thì cho vịt ăn hết đồng này phải lùa đi chổ khác chớ cô. Vịt đang đẻ rất quạo, nhốt một hai ngày là mất sức. Tôi ở nhà cả tháng rồi, cũng buồn.

Nói vậy rồi ông quay lưng đi. Chị vịn tay vào cửa, nhìn theo.

Buổi chiều, ông về sớm, chị giũ áo mưa của ông phơi lên vách, miệng quở ông trời mưa dai thấy sợ. Chị xúc chén lúa đổ cho con Cộc, miệng hỏi lãng như không: "Cộc, mưa lạnh hôn con?". Cộc không trả lời, nó nghinh lên, ý nói vịt mà lạnh gì, ổng lạnh sao không hỏi, thiệt tình. Ăn cơm xong, chị dọn ra xị rượu nướng mấy con khô cá chạch:

- Anh Hai lai rai cho ấm bụng, mưa quá, nhâm nhi đỡ buồn.

Chị ngồi lắc võng, may hai cái bìa khăn mới mua cho ông, vừa may vừa nói:
- Bây giờ người ta làm khăn mỏng dính, hỏng may xổ chỉ ra nùi nùi hết trơn.

Ông không nói gì, đi xúc chén lúa lại đổ cho đầy mẻ, biểu "Cộc, lại ăn nè". Con vịt không chạy lại cái mẻ mà lạch bạch đi tới chỗ bộ ván ngựa sần sùi nó chui xuống gầm. Cái thau nhôm hôm nắng ông lấy nấu chai trét chiếc ghe giờ được làm mẻ un đang phì phì khói. Ông ngồi trước chai đế trầm ngâm. Chị dè dặt lên tiếng:

- Anh Hai tính chừng nào đi?
- Hai ba bữa nữa. Đi chuyến này qua tới miệt Khánh Hà, chắc đi lâu mới về.

Người đàn bà cui xuống cắn chỉ, che cái thở dài.
- Cô Út à, tôi... có chuyện muốn nói với cô.
Chị làm rối chỉ:
- Gì vậy anh Hai?

- Sáng nay tôi gặp thằng bạn, nó mới chạy bầy vịt từ nông trường qua. Tôi hỏi, nghe nói có thợ gặt An Bình ở đó.
- Anh Hai!

Ông bước xuống đẩy mớ vỏ dừa vô mẻ un. Xơ dừa mịn, cháy rực, rồi tắt ngắm.
- Ảnh tên Sinh phải hôn cô Út? Ờ, Sinh, ảnh... cũng đang gặt bên đó, cô Út à.
- Anh Hai!

Chị buông cái khăn xuống kêu bàng hoàng.

- Tàu từ chạy nông trường lúc năm giờ, ngang đây, chắc cỡ sáu giờ rưỡi. Cô ráng đón chuyến đó. Để lỡ tới bữa sau, sợ mấy ảnh lại chuyển đồng, kiếm cực lắm. Tính vậy nghen cô Út.

Con Cộc lại hì hụi đi ra, ngỏng cổ lên nhìn ông. Khuôn mặt ông mờ mờ sau làn khói. Khói mắt dịch, làm cay con mắt muốn chết. Cái võng chị ngồi sau lưng ông, chị khom xuống cắn mớ chỉ rối mà buồn. Ông rót ly rượu uống mà buồn.

- Anh Hai à, sao anh tính vậy?
- Tôi biết cô còn nặng lòng cùng ảnh. Qua bển hỏi đầu đuôi gốc ngọn ra làm sao. Nói có tình, mình ở lại, biết đâu người ta có nỗi khổ gì...

Chị bật khóc. Con Cộc điềm đạm lại cái mẻ lúa, nó ăn chậm rãi. Ý nói làm sao mà tôi tội nghiệp hai người quá đi, làm người mà khổ vậy, làm vịt còn sướng hơn. Đêm đó, ngoài nhà xuồng, nó nghe ông thở nhẹ mà rất dài. Ai biểu...

Sáng sau ông lùa vịt ra đồng khi trời còn tối mịt tối mò. Ông đuổi vịt đi xa thiệt xa nhưng vẫn nghe tàu bè ghé bến nào rất gần. Ông ngồi bệt bên bờ mẫu, khăn cũ, nón cũ, kêu: "Cộc, biểu!" mà không thèm để ý nó có lại hay không. Kêu chơi vậy thôi. Nhưng Cộc là con vịt có nguyên tắc. Nó vẫn chạy lại, gác đầu lên đùi ông, cọ cọ an ủi. Rồi bất ngờ, ông lùa vịt cắt vạt đồng hối hả trở vô. Ông bỏ quên bịch thuốc trong nhà, thèm quá. Tới liếp tràm bông vàng trong vườn, ông ngồi lại, lũ vịt tràn xuống ao rau muống tắm táp. Ở đây, bỏ ba liếp chuối nữa là tới nhà. Ở nhà, không biết có còn ai...? Ngồi đây thôi, bước vô đó lỡ không còn ai... Hồi lâu, ông nói như chỉ nói với mình:

- Mai mốt mình đi nữa hen Cộc?
Con vịt cạp mắt cá ông, đi thì đi chớ gì.

- Mày đi hoài, mầy mệt không?

Nó há mỏm đóm đen cạp ngón cái chân ông, thì mệt chớ.
- Tao đốn tràm, làm nhà lại, ở luôn nghen.

Con Cộc mổ vô ống quyển ông, rồi nhóng cần cổ dòm ông lom lom, có phải ông chờ bà đó quay lại không? Ông nhìn lên ngọn tràm và thấy mấy cái bông vàng như mấy con sâu rọm đang dịu dàng rơi xuống. Có phải chỉ cần nhìn lại một chút, ông sẽ thấy ngọn khói bay lên không? Gió lùa lá chuối khô giống hệt bước chân ai vậy. Ông mắc ngoái nhìn. Và tôi đã chụp được chân dung ông trong ngoái nhìn khắc khoải đó.

Tôi bảo Khoa:
- Những người như ông già này có rất nhiều ở xứ mình, Khoa à, tao đâu có kiếm gì đâu.
Khoa nhìn tôi và nhìn lại những tấm ảnh, nó ngờ ngợ, "Mầy đang kể về ba mầy, phải không?"

(Nguyễn Ngọc Tư)

http://www.viet-studies.net/NNTu/NNTu_CaiNhinKhacKhoai.htm


Ông nghĩ trong bụng hoài, "Làm vịt như mầy coi bộ sướng. Cộc à, làm người, hỏng làm thì thôi, làm phải cho ngon, thiệt khó".

sôngthương
06-15-2018, 02:35 AM
Nước chảy về đâu

(Nguyễn Ngọc Tư)

Chào nhau lúc thị trấn lên đèn, một mình em trở về thành phố. Bốn mươi cây số. Bạn ái ngại cho đứa con gái đường xa vạn dặm, một mình, trong đêm tối…

Em nói em lang thang hoài, quen rồi, không sao đâu. Nhưng nói thẳng ra, em thích lênh đênh trên đường một mình như thế này thì hóa ra quái dị trong mắt của người ta. Bởi cô đơn chẳng phải là nỗi khiếp sợ của người đời sao?

Cứ một năm vài ba đợt em phải tham gia đoàn công tác đi huyện, mỗi đợt kéo dài bốn, năm ngày. Sớm đi, chiều về. Cực chẳng đã, mưa quá, hay nắng quá, hay khúc đường hiểm trở nhiều ổ voi ổ gà quá, em mới chui vào xe ô tô của mấy ông trong đoàn. Em nói em say xe, nên không thích. Sau đó mọi người phát hiện ra em chưa bao giờ say bởi bất cứ gì, (kể cả say người), em đành nói em không quá giang để rồi chờ đợi mệt mỏi, tự dưng không quyết định được chuyện đi ở, tự dưng để người khác giữ chân mình, em không thích. Người trong đoàn không nói gì, nhưng tia nhìn hơi khó chịu, hơi mỉa mai, “người ta nhà văn, nên phải ngạo mạn, lập dị như vầy…”. Em buồn cười, lên xe máy đi tuốt.

Bởi có nói đến Tết thì chẳng ai hiểu được, một mình trên đường là nỗi cô đơn tuyệt vời nhất. Bồng bềnh. Phiêu diêu. Cảm giác không ai theo kịp mình, thấy mình như con bướm cứ chập chờn, chập chờn, không ai nắm bắt được. Vậy là không cần diễn, không cần đối phó, vậy là gương mặt cứ mềm ra, ngây ngây, vậy là ý nghĩ mông mênh, vu vơ không ra đầu cuối, đang nhớ người này, sực nhớ người kia, đang nghĩ tới màu tím của những bông dừa cạn bên đường thì cái vệt xanh của vạt cỏ ống phớt qua, kéo theo những bông lau già bạc phơ phất.
Đây mới là mình. Cái cảm giác đó em chỉ có khi… ngủ. Nhưng vì ngủ sâu nên không ý thức được, không ngây ngất, vui sướng được. Cảm giác đó cũng đôi khi xuất hiện lúc em chen chúc giữa cái chợ đông người. Người lúc nhúc, nhưng ai nấy đều phải bươn tới, phải tất bật, phải giữ cái túi mình đề phòng bọn bất lương, phải cãi cọ đôi co để giằng lại chút tiền nhỏ nhoi. Chẳng ai nhìn lâu vào một cái gì, mắt họ lướt đi trên những món hàng đẹp đẽ, và em được tự do.

Nhưng ở đó, em không có được ngọn gió này, bờ cỏ này, vạt năn cháy nắng, cánh đồng hoang vắng, đìu hiu kia. Theo vòng bánh xe quay, ý nghĩ của em cũng trôi theo, đến nỗi em còn không theo kịp mình. Những cây lức trổ bông trắng xoá bên đường, cái cây quỷ này hồi nhỏ má hay đâm với muối để bó chân mình. Một hàng cây so đũa đang mùa ra trái, mấy chị lỡ thời chắc chạnh lòng, trời ơi, so đũa còn có đôi, huống chi… Một khúc cây nhỏ treo cái chai nhựa tòn ten trước một quán hàng nhỏ, ui trời, đây chắc là “biển hiệu” bán xăng, bà con mình nhiều khi cũng quá trời sáng tạo, treo bẹo cả trên bờ. Và con heo dơ èm ủi đất bên sông, cái xuồng ngập lé đé trong nước, những đứa trẻ tha thểu ngoài sân, bắt chuồn chuồn, cái panô vô “khu dân cư văn hóa”, những người đàn ộng chạy xe ôm chờ khách cháy da dưới nắng, người con gái đội rổ rau nước còn chảy ròng ròng đẫm vai, tổ chim trên lủng lẳng trên đường dây điện rối… những hình ảnh xui mình vừa nghĩ ngược về tuổi ấu thơ lại ngẩn ngơ chuyện hiện tại, chuyện tương lai của… đất nước, chuyện người với người, chuyện bữa cơm trong nhà người, chiều nay…

Và trong đêm tối mịt mùng đêm nay, những con đường cũng không vì thế mà mất đi vẻ biến ảo, lung linh. Em không vì cây cỏ bên đường chìm vào đêm mà thôi nghĩ. Bởi đêm không sao giấu che được sự không công bằng (mà dưới ánh sáng ban ngày, cái - sự - không này bày đầy ra), ở ánh đèn nhỏ le lói trong nhà này và rực rỡ chói lóa trong nhà khác; ở chăn chiếu rách nhà này và chăn nệm ấm ở nhà khác; ở những xóm nghèo chìm lặng như thuở hồng hoang và những khúc chợ đầy tiếng chạm cốc lanh canh lẫn trong tiếng karaoke vống lên trong tối. Nghĩ chán về sự công bằng (vốn không bao giờ có), em day sang những vì sao trên trời, vệt đèn pha của người đồng hành, những cô gái đứng bên vệ đường thẹn thò chờ người yêu tới, mùi cỏ đêm ngai ngái, gió đêm trong trẻo, mát lành… Tất cả những thứ đó em thường nghe thấy, nhưng trong cái thế bị nhìn, trong lúc đang đối phó, và cho dù em tự nhủ mình đang sống rất thật với lòng, nhưng mặt vẫn kênh lên, mắt vẫn tỉnh bơ, nên cảm giác với chung quanh cũng ráo tạnh. Bây giờ, chỉ một mình trôi đi, thấy mọi thứ cùng mông lung với mình, đẹp mà lạ, như mới gặp lần đầu, ngọt lành, mộng mị.

Sông dường như vẫn thường trôi như vậy.

Bạn gọi điện thoại, hỏi, về tới đâu rồi? Em ngơ ngác, không biết bạn ơi. Bạn nhằn trong điện thoại, trời đất, đi tới đâu cũng không biết nữa, đầu óc để đâu. Em cười, và nghĩ, cho tôi làm nước chảy chút nữa đi, làm ơn.

Và nước thì đâu thèm quan tâm mình chảy về đâu…

thuyền nhân
06-15-2018, 08:52 PM
Nước chảy về đâu

(Nguyễn Ngọc Tư)

Và nước thì đâu thèm quan tâm mình chảy về đâu…



Dù có quan tâm hay không, nước cũng luôn luôn chảy về nơi thấp nhất .


.

sôngthương
06-17-2018, 11:44 PM
Dù có quan tâm hay không, nước cũng luôn luôn chảy về nơi thấp nhất .


.

Dạ đúng là vậy đó anh . Nhưng không phải luôn như vậy ...

...Dẫu rằng sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
Non xanh đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn…


(trích: Thề non nước - Tản Đà)

sôngthương
07-04-2018, 12:13 AM
Những Quả Nho ... Dữ Dội!Đất nước tôi, một rẻo đất tẻo teo khốn khó nép mình bên rìa Thái Bình Dương quan năm giông bão, của cả trời đất lẫn nhân sinh, trong suốt gần một thế kỷ, chưa có một ngày đứng gió.

Mỗi một mười năm, là một cơn dâu bể đầy khinh ngạc của kiếp người, của dân tộc. Không cơn dâu bể nào giống cơn dâu bể nào, ngoài một điểm chung duy nhất: niềm đau.

Những người sinh ra vào khoảng năm 20 phải chứng kiến đất nước bị xâm lăng và đô hộ. Một đất nước không chùn bước trước vó ngựa Nguyên Mông, bỗng một ngày trở thành thuộc địa, đó, chẳng phải là một biến cố lớn?

Nhưng chỉ 10 năm sau đó, những người sinh ra thời 30, phải chứng kiến cảnh đau thương hơn nhiều lần: đất nước chia đôi, nồi da nấu thịt. Súng của ngoại bang chĩa vào da thịt người mình. "Xương chất đầy đồng, máu chảy thành sông". "Niềm đau" có là một từ quá nhẹ?

Mười năm sau, hơn hai triệu con người người sinh vào những năm 40 phải gồng gánh nhau, dắt díu nhau bỏ lại nhà cửa ruộng vường, bỏ lại phần mộ tổ tiên để chạy loạn. Dân tộc tôi chứng kiến một cuộc di cư lớn chưa từng có trong lịch sử. Và nếu không phải do bị cấm cản, cuộc thiên di ấy có lẽ sẽ còn vĩ đại hơn nhiều. Và như thế, dân tộc tôi đã bắt đầu rách bào, chia đôi, bắt đầu viết những trang sử sau đó bằng nước mắt và bằng máu.

Những người sinh khoảng năm 50, ngắn gọn là: một dân tộc, hai định mệnh! Tôi không còn chữ nghĩa nào hơn để diễn tả nỗi bất hạnh cùng cực ấy.

Những người sinh khoảng năm 60, chứng kiến sự sụp đổ của một thể chế, sự tái thống nhất một đất nước, và sự chia đôi vĩnh viễn của lòng người. 40 năm qua đi mà vết cứa vẫn rịn máu tươi. Vết thương lòng chưa thấy ngày se mặt.

Những người sinh khoảng năm 70 có cơ hội chứng kiến cuộc thiên di thứ 2 trong lịch sử. Hàng triệu triệu con người phải mạo hiểm tính mạng bản thân, gia đình, để tháo chạy khỏi quê hương. Đất nước tôi đó, những năm tháng lầm than, kêu trời không thấu, kêu đất chẳng nghe. Dân tộc tôi lạc lõng, bơ vơ như những con thuyền lênh đênh trên biển.

Và những người sinh vào những năm 80, là tôi đây, 10 năm sau "giải phóng", những-tháng-năm-cấm-vận.

Có lẽ ký ức tuổi ấu thơ là những ký ức hằn dấu nhất, ám ảnh nhất của một đời người. Tôi nhớ hoài mẹ tôi, bà đáng ra còn trẻ lắm, mà dáng đã còm cõi, bà bòn từng đồng, lo chạy bữa cho con. Có những ngày trời mưa, mẹ tôi ngồi co ro bên vệ đường, gánh hàng quạnh hiu. Bà chẳng lo mình sẽ nhiễm phong hàn, chỉ lo làm sao? cho đủ sống! Có đất nước nào khốn nạn như đất nước tôi? Có bà mẹ nào khốn nạn như mẹ tôi, người mẹ Việt Nam? Tôi lớn lên, mang theo trong tiềm thức vóc dáng mẹ tôi, còm cõi như đòn gánh, co ro như một dấu chấm hỏi. Một dấu chấm hỏi xiêu vẹo trong những ngày mưa.

Tuổi thơ tôi gắn với những ngày mưa Sài Gòn, xoong chảo nồi niêu, có gì ... hứng nấy bởi cái mái tôn nhà tôi ... "đưa ánh nắng vào nhà" (mẹ tôi bảo thế), đêm nằm có thể nhìn thấy trăng sao. Những khi trời trở bão, gió giật từng cơn, tôi sợ sấm sét chui qua lỗ đinh vào nhà.

Tôi nhớ đôi dép cọc cạch, bên trái con trai, bên phải con gái, mẹ tôi bảo dép "uyên ương". Chiếc bên trái là của anh Hai để lại, chiếc bên phải mới là của tôi. Và cả hai chiếc đều vá chằng vá đụp, bằng chỉ bố, mẹ để dành từ quân phục của ba. Quần áo mới chỉ được bận 3 ngày tết, và cũng là của anh hai tôi để lại. Mẹ luôn mua rộng ra mấy tuổi, anh Hai bận chật rồi đến phiên tôi. Quần áo của con trai đấy, nhưng chỉ cần mới, chỉ cần không ... vá đít là đủ hấp dẫn rồi!

Và quả nho, những quả nho ... dữ dội nhất của tuổi thơ tôi. Tết năm đó, chỉ duy nhất tết năm đó, mẹ tôi mua nho Mĩ về biếu nội. Những quả nho mẹ chắt chiu từ gió sương của cả năm trời, gom góp lại để biếu mẹ chồng dịp tết đến. Những quả nho mập ú, căng tròn, hệt như trong phim Mĩ, giống y chang mấy chùm nho ... giả, loại những quán sinh tố trong xóm hay treo làm cảnh. Trời ơi! Dòn! Mọng! Ngọt! Mẹ đã dặn đi dặn lại không được ăn, mẹ còn cất tuốt lên nóc tủ. Vậy mà mấy trái nho như có ma lực, cái đứa tôi như bị thôi miên! Tôi lén trộm một trái. Trời ơi! Ngon! Rồi 1 trái nữa, rồi trái nữa! Từng trái, từng trái một, như một kẻ đã hoàng toàn mộng mị, không còn có thể cưỡng lại được sự quyến rũ phát ra từ mấy trái nho. Mẹ sẽ đánh nát tay tội ăn vụng, tôi nghĩ, tay ... vẫn tiếp tục công cuộc ... mưu cầu hạnh phúc. Cảm giác tôi lúc đó vừa hoảng loạn, vừa lo sợ, vừa ... sung sướng. Vừa sung sướng, vừa hoảng loạn sợ hãi. Tột cùng của sự hoảng loạn sợ hãi là khi chùm nho của mẹ chỉ con trơ lại ... cọng. Khốn nạn thân tôi! Rồi tôi sẽ phải sống tiếp phần ... ngày còn lại ra sao đây? Vậy mà mẹ không đánh tôi. Bà chỉ ôm tôi vào lòng ... và khóc, khóc nấc nghẹn lên, khóc trào ra. Khóc như một đứa trẻ. Mẹ tôi đó. Ôm con vào lòng, gào khóc lên như trút hết hơi sinh vào từng tiếng nấc.

Năm tháng qua đi, cuộc đời mang lại cho tôi thừa mứa. Giờ tôi muốn ăn gì thì ăn, muốn đi đâu thì đi, muốn mua gì thì mua. Tôi ngán đủ thứ, chả muốn ăn gì, chỉ còn ăn được mỗi nho. Bởi với nho, tôi không ăn bằng trực giác, mà thưởng thức bằng mùi vị của ký ức. Và vì với nho, tôi mua được một vé đi tuổi thơ. Hai mươi mấy năm trôi qua, ký ức vẫn chưa ráo mực. Mỗi lần ăn nho, tôi thấy mình bé lại, và được một bàn tay vô hình kéo tuột về thủa ấy, những-năm-tháng-cấm-vận.

Tôi chỉ là một cá nhân, một cá thể, trong một tập thể những con người thế thệ 8x. Và chỉ là 1 thế hệ, trong nhiều thế hệ con người. Nhưng nói như một nhà văn Nga: "Cây đời có hàng triệu chiếc lá, và nói về một chiếc lá, là cũng đang nói về hàng triệu chiếc lá khác".

Cứ mỗi mươi năm, con Tạo quái ác xoay vần, là dân tộc tôi lại được gán cho một định mệnh mới. Tôi đã nghe rất nhiều người bảo tôi "thời em sướng rồi, thời của anh khổ lắm", còn tôi, tôi chỉ thấy thời nào cũng khổ. Và chẳng cái khổ nào giống cái khổ nào. Cái nào cũng "đặc thù" và cái nào cũng "nhất"!

Người mình khổ quá, đất nước mình đau thương quá. Phải không mẹ? Phải không anh?

(Nancy Hanh Vy Nguyen)

https://www.facebook.com/notes/nancy-nguyen/nh%E1%BB%AFng-qu%E1%BA%A3-nho-d%E1%BB%AF-d%E1%BB%99i/645325822248343/

Ps : tác giả chắc đã đọc John Steinbeck

sôngthương
07-18-2018, 11:52 PM
Những ngày bình thường .

Mùa mưa ẩm thấp lại đến. Những cơn mưa đêm lướt qua, vừa lạnh lẽo vừa ồ ạt. Bằng cái màu trắng của mình, chúng đã biến đổi cả một khoảng trời trong giấc ngủ tôi

Tôi hay sang nhà chú Hùng, chui vào cái ụ rơm như một con chim chui vào cái tổ. Tôi cũng hay tưởng tượng mình sẽ mọc cánh, những cái cánh dài vừa vặn với thân thể của tôi. Một buổi chiều đầy gió tôi bay về phía cuối bầu trời. Nơi đó có những đám mây mang gương mặt của bé Thương.

Vào ngày nắng, tôi xếp đôi cánh vào cái sọt nhỏ để dưới gầm gường của mình. Hàng đêm đôi cánh vẫn cứ mọc dài và ngúc ngoắc.

Trong những giấc mơ lơ đãng, tôi cũng có một đôi cánh khác. Ðó là những đôi cánh vải mềm và trong suốt đưa tôi đi. Nhưng tôi cũng biết trong những giấc mơ, tôi có bay cao xa cũng không ra khỏi khu vườn. Tôi đã hiểu thế nào là một khu vườn rồi. Tôi cần đi đến một nơi khác khu vườn tôi đã có. Tại sao không chứ? Mẹ tôi nói, khi một đứa trẻ lớn lên, chúng cần biết nhiều điều bên ngoài khu vườn. Mẹ đã hé cho tôi thấy một khu vườn không bao giờ đủ cho một đứa trẻ.

Tôi đã âm thầm vùi bốn củ khoai vào tro nóng mỗi đêm. Tôi sẽ làm công việc đó liên tục hàng ngày. Một ngày nào đó, chắc chắn nó sẽ đến, khi cảm thấy đủ sức rời khỏi khu vườn, tôi sẽ có bốn củ khoai nóng mà đem theo.Nhưng mùa mưa cứ dai dẳng và âm ỉ khiến sự chờ đợi của tôi mòn mỏi dần và tôi quên nó. Một ngày nọ bỗng nhớ đến, ôi thôi, củ khoai đã thành tro rồi còn đâu. Tôi cười xòa rồi quên cái ý định ra đi. Thành thật mà nói, với bốn củ khoai đó, tôi chỉ có thể xa mẹ đúng một ngày. Một củ cho điểm tâm, ba củ còn lại dành cho sáng, trưa và chiều. Tôi chưa bao giờ có thể xa mẹ hơn thế nữa. Tôi đành giấu kín chuyện này, xem nó như là một bí mật của đời tôi.

Từ ngày không được làm bố, chú Hùng ít ghé nhà tôi. Mẹ tôi nói, chú muốn lao vào công việc để quên bé Thương. Tờ mờ sáng, chú đã vác cuốc ra đồng cho đến tối mịt mới trở về. Cô Hồng đã đi làm lại. Cô có vẻ hơiốm, chiếc áo dài màu xanh trông rộng hẳn. Khuôn mặt gầy gầy, âu lo. Tôihay sang thăm cô vào mỗi buổi chiều, phụ cô làm một cái gì đó. Cô đã đan xong chiếc nón cho tôi như đã hứa. Những hôm mưa, tôi đem ra đội vàngồi thu lu nhìn ra khu vườn trong hơi ấm từ chiếc nón phả ra. Tôi thấy ấm lòng hẳn. Tôi hay nghĩ ngợi nếu có bé Thương, chắc cô Hồng sẽ đan cho nó nhiều cái như vậy, những chiếc nón thật đẹp. Nếu là con gái sẽ thêm nhiều cái tua, những tua xanh đỏ như tôi vẫn thường thấy người ta bán ngoài chợ.

Một ngày lạ, vườn tôi bỗng xuất hiện loài hoa mới, cánh vàng nhụy trắng. Tôi âm thầm chờ đợi nó lớn lên, âm thầm nâng niu như một đứa trẻ. Những bông hoa lạ luôn gây cho tôi cảm giác ai đó đã ghé khu vườn lúc tôi đang ngủ. Họ ngồi chờ mãi không được, đành gieo mầm hoa xuống đất rồi bỏ đi mà không kịp gởi gấm hãy chăm sóc giùm tôi, hãy tưới nước ngày ba lần.

Bố tôi vẫn nói phần thưởng cho người làm vườn là hoa quả.

Cuối mùa mưa, cây hoa đó nảy ra nhiều nhánh và hạt của nó đã mọc ra nhiều cây con. Tôi đã hái tặng cô Hồng đóa hoa đẹp nhất, vào một ngày đẹp nhất. Cô trìu mến nhìn tôi. Ngay cả đêm về, co mình trong chăn, tôi cũng không thể nào quên được ánh mắt ấy. Ðó là cái nhìn của một người mẹ dành cho con. Tôi đã ngủ suốt đêm ngon giấc chỉ vì cái nhìn đó.

Sáng ra, cảm giác là lạ choáng váng cả phòng. Một bàn tay ai đó đang nắm cái chân tôi, giọng nói quen quen:

- Ai đang "nướng" trong cái mền vậy cà!

Tôi hét lớn:

- Chú Hùng!

Chú cười sằng sặc dưới cái chân tôi.

- Tại sao chú không báo trước cho cháu biết chú sẽ sang đây? Cháu sẽ thức nguyên đêm chờ chú.

- Ðể làm gì vậy cà! Ai mướn vậy cà! - Chú cười khùng khục.

Lâu lắm rồi tôi quên luôn cái cảm giác ôm cổ chú, cái cần cổ của người anh hùng, to lớn, vững chãi.

Tôi nói:

- Lâu rồi, cháu chưa được ôm cái cổ của chú. Chú cũng không chịu ăn cái chân của cháu nữa.

Mẹ tôi nói khi chú Hùng sang đây tức là chú đã nguôi ngoai chuyện bé Thương.

(Nguyễn Ngọc Thuần - Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ)

http://webtruyen.com/vua-nham-mat-vua-mo-cua-so/nhung-ngay-binh-thuong_538835.html

sôngthương
08-17-2018, 03:09 AM
Mắc cạn

Gần trưa trời mưa dữ dội, thằng Sáu chạy xộc vào nhà gọi Nhẫn gấp gáp bảo qua bên suối mà dắt trâu về, nước lũ đang lên cao.

Lúc ấy Nhẫn đang lúi húi trong bếp chuẩn bị đồ mồi rủ mấy người bạn trong đội thợ nề đến nhậu. Mưa gió, đâu có xây trét được gì, nhậu là sướng nhất. Trên thượng nguồn có hồ thủy lợi chứa nước, lúc nào mưa to liên tục người ta chả xả đập. Độ hơn giờ đồng hồ là nước rút, suối lại cạn dòng thôi, có gì đâu phải quan trọng hóa. Mà nước dâng càng hay. Thương, vợ Nhẫn sẽ ngồi bên đó trông bầy trâu chờ nước rút, khỏi phải về sớm cằn nhằn cảnh chồng nhậu nhẹt.

Cái bộ dạng Sáu vẫn đứng ở cửa vẻ chần chừ như giục Nhẫn phải đi ngay. Nhẫn phát ghét, bảo việc nhà tao kệ tao lo được, mày thương thì đi mà dắt nó về. Sáu vùng vằng bỏ đi ra cổng. Mưa vẫn to và nước ngoài suối lên cao, đứng trong nhà Nhẫn có thấy được một vệt trắng xóa quét ngang làng.

Chập tối lũ rút hết, chỗ suối trước mặt nhà Nhẫn nước cạn lợt bình thường như mọi khi, có thể lội qua về được. Thương đã đưa ba con trâu về chuồng, móc dây cẩn thận. Nhẫn thức dậy sau cơn say, mặt vẫn còn hồng miệng phả mùi men, hỏi Thương sao nước rút từ hồi chiều mà đến giờ mới về tới nhà.

Thương mặt buồn, mắt hơi đỏ như vừa khóc xong, bảo có người làng mình chết đuối.

- Ai?
- Anh Sáu xóm trên.

Nhẫn định nói thằng Sáu lúc chiều vừa qua đây, nhưng chợt khựng lại. Biết đâu vì lời nói thách của Nhẫn mà thằng Sáu bơi qua nước lũ rồi dính xui xẻo. Dễ thiệt lắm, Nhẫn chơi với thằng Sáu từ thời còn mặc quần xà lỏn nên rõ cái tính dứt khoát của Sáu. Cái thằng có bàn tay thừa một ngón nên gọi thành tên Sáu. Cái thằng mồ côi cha mẹ ấy chẳng chuyện gì nó sợ. “Bơi giỏi nhất làng mà chết đuối dễ rứa bây”. Nhẫn chỉ buột miệng được mỗi câu này. Không biết là đang thương tiếc hay dè bỉu.

Đưa tang Sáu một đoàn người dài, đứng đếm thì biết cả làng không sót một ai. Đám tang ở quê là dịp để người ta kể về một người đang nằm trong quan tài. Câu chuyện cuộc đời Sáu được người đi đưa tang rủ rỉ. Trai chưa vợ mà chết cũng tội quá. Hay, có khi lại đỡ tội hơn vì thằng Sáu mồ côi, lại chưa vợ con, coi như nó chết thì chỉ mình nó thiệt thân.

Và đúng là trong cái đoàn đưa tang chỉ có mấy bộ áo quần chế, mấy cái khăn tang xô của chú thím ruột cùng mấy đứa em họ.
Những thằng đàn ông đi trong đám tang thỉnh thoảng đưa mắt nhìn vợ xem có thái độ gì không. Có thương tiếc Sáu, có nhỏ nước mắt không. Vì Sáu cần mẫn tốt bụng nên con gái trong làng rất thích. Chỉ mỗi tội Sáu rụt rè, không chịu lấy vợ, bảo để làm thợ mộc kiếm tiền giúp chú thím nuôi mấy đứa em ăn học xong xuôi đã, coi như đáp đền công chú thím. Từ hồi cha mẹ Sáu mất, chú thím đưa Sáu về nuôi, lớn lên cho đi học nghề.

Tốt quá, giỏi quá nhiều khi người ta cũng ghét. Nhất là khi những thằng cùng tuổi đã lấy vợ đẻ con mà Sáu vẫn là trai đơn thân. Biết đâu có đứa vợ đêm nằm với chồng vẫn mơ đến vòm ngực vạm vỡ của thằng thợ mộc, hay tưởng tượng bàn tay sáu ngón chắc ôm mình chặt hơn chẳng hạn.

Thương có khóc trong đám tang này, lúc hạ quan tài xuống huyệt. Nhẫn thấy nóng ran trong người suýt nữa chạy qua kéo vợ về. Nhưng người ta đang ào ào khóc như mưa, Nhẫn không khóc được thì cũng gắng đứng yên cúi mặt cho phải nhẽ.

Tối về Sáu hỏi Thương sao khóc. Thương bảo thì bạn bè cùng quê mất, cũng buồn chứ. Nhẫn nghĩ chẳng may nếu mình chết, Thương có khóc cỡ đó không nhỉ? Làm sao biết được, vì lúc đó Nhẫn đã vào quan tài. Cũng như Sáu giờ đã nằm dưới lớp đất phủ cỏ, đâu có làm ăn gì được nữa mà Nhẫn phải tỵ hiềm căn ke.

Nhẫn hỏi Thương có biết lý do tại sao thằng Sáu chết nước không? Thương lắc đầu. Cả làng không ai biết. Chỉ đoán mò chắc nó lội chơi đâu đó nên trượt chân. Hoặc nó tiếc mấy khúc gỗ trôi từ rừng về nên lao ra kiếm chác. Hoặc nó chán đời, sầu đời, đàn ông không vợ hay mắc suy tư kiểu đó lắm.

Nhẫn cũng có lý do riêng để suy xét. Xem ra lý do này đích xác hơn cả. Nhẫn yên tâm và kiên quyết không nói với ai. Vì nếu hở ra có khi người ta trách tại Nhẫn thách thức Sáu. Thương không biết càng hay, để khỏi bận tâm áy náy.
Từ sau cái hôm buồn thảm đó, mưa vẫn không dứt, cứ rề rà hôm này qua hôm khác. Đám thợ nề của Nhẫn coi như thất nghiệp trong mùa mưa gió, lại tụ tập lúc chỗ này lúc chỗ kia uống rượu quên trời đất. Say lên có thằng cười bảo vậy hóa ra hay, từ lúc thằng Sáu chết con vợ tao hết đường so bì.

Nhẫn thường loáng choáng về nhà lúc trời tối. Ngó cảnh Thương rải cỏ cho trâu ăn mà tức anh ách. Nghĩ, hẳn không thể vì mấy con trâu mà có người đánh đổi mạng sống. Chỉ có thể là… vì người chăn trâu thôi. Những nhan sắc tầm thường đôi khi cũng có giá trị nhất định.
Rồi Nhẫn lao vào đánh Thương mấy cái bạt tai, quạt mấy cú đá. Thương đứng yên chịu trận. Có thể vì một kẻ say không đủ sức làm đau người khác. Hay một người đang đau trong lòng không còn cảm giác ở bên ngoài.

Một trưa nắng to sau những ngày mưa dầm dề, Nhẫn đi sửa mấy thứ đồ nghề để đi làm trở lại. Qua chỗ suối cạn, nhẫn muốn cởi áo xuống vọc nước chút. Chỗ này mọi khi nhậu về Nhẫn thường xuống tắm rồi lên nằm trên tảng đá phơi nắng cho đến khan. Cũng nhờ tảng đá này hôm bữa xác Sáu mắc lại chứ không mất tiêu rồi.

Nhẫn nhìn chằm chằm và nghĩ chỗ này đã có người chết nước. Không phải, thế này mới đúng: Chỗ này đã có người chết cạn.
Nghĩ đến đấy chợt thấy lạnh người. Nhẫn mặc lại áo, không tắm nữa, về kẻo Thương chờ cơm tội nghiệp.

(Hoàng công Danh )

http://tuvientuongvan.com.vn/van-hoc/truyen-ngan-hoang-cong-danh-mac-can-p553.html

sôngthương
09-11-2018, 09:18 PM
Níu một bờ tâm

Buổi chiều sư thầy đi làm lễ an vị tượng Phật cho nhà một đạo hữu trong vùng về, vừa bước vào thềm hiên đã ngửi thấy có mùi thơm là lạ. Lòng thầy trỗi lên một chút thắc mắc, chẳng lẽ có ai đến viếng Phật mà xức nước dầu hoa thơm đến vậy? Thầy đi vòng về phía sau thất, thấy mấy bộ áo quần được giặt giũ, treo phơi phía sau hiên nắng. Chợt như đã nhận ra điều gì đó, thầy ậm ừ rồi đi vào phòng.

Lát sau điệu Sanh chạy vào. Gặp thầy, điệu hỏi:
- Thầy có thấy mùi thơm không?
- Có, thơm lắm con.
- Dạ. Hồi nãy cô bán vải tới đây, gom mấy bộ áo quần của thầy và con đem đi giặt. Giặt xong cô cho thêm nước xả vào nên thơm vậy đó. Mùi này thích thật, thầy nhỉ?
- Ừ. Nhưng con mặc áo quần thơm như vậy không sợ người ta đến ôm riết hay sao?
Nói xong thầy mỉm cười, điệu Sanh cũng bật cười theo.

*
Tối hôm đó thầy ngồi soạn pháp, mấy bộ áo quần lúc chiều phơi khô tuy đã xếp cất trong ngăn tủ nhưng mùi hương vẫn tỏa ra ngập căn phòng. Cái thứ hóa chất thời hiện đại ghê gớm thật. Ngày trước ông bà mình dùng quả bồ hòn giặt áo, sau có bánh xà bông của Liên Xô đã là mừng. Thế mà nay giặt xà phòng thơm, còn thêm nước xả vải sực nức. Càng ngày cái hương bám trên áo quần càng phong phú, có nghĩa cái sự tu hành của thầy cũng gặp phải nhiều mê hoặc quyến rũ.

Từ trước tới nay, việc giặt giũ thầy tự lo tất. Kể cả khi có điệu Sanh vào chùa thì thầy cũng giặt thêm đồ áo quần của điệu ấy. Thầy định bụng thêm một thời gian nữa sẽ cho điệu Sanh tự tắm rửa, giặt giũ. Tập cho điệu ấy thói quen tự lập. Thế mà hôm nay chị bán vải lại đến giặt giúp. Công ơn ấy thầy mang. Nhưng làm thế phiền phức lắm. Có khi lại khiến cho điệu Sanh lười biếng ỉ lại thì công sức tu tập cải nghiệp hóa bằng không.

Dạo này trong vùng có nhiều việc cần đến thỉnh thầy. Vì thế sư thầy trở nên bận rộn hơn với công tác bên ngoài chùa. Nhà thì cầu siêu độ linh, nhà lại an vị tượng Phật. Xem ra công lao hoằng hóa của thầy đã có nhiều thiện duyên tốt đẹp và trổ những mầm pháp nhiệm mầu. Nhưng đôi lúc ham đối ngoại mà quên mất phần đối nội. Cứ lo việc độ sinh mà quên sửa mình thì chưa phải đắc tu. Có khi bộ áo quần thay ra chưa kịp giặt, thầy đã phải xách tay nải đi cho kịp giờ hẹn với người ta. Chị bán vải biết rõ chuyện bận rộn của sư thầy, nên cũng muốn cáng đáng giúp thầy một tay, ít nhất là những công việc thuộc về nữ công.

Hôm nay chị lại đến, sư thầy không có ở chùa, chỉ mình điệu Sanh chơi ở ngoài sân. Chị hỏi chú Sanh mặc áo cô giặt có được không? Sanh nói thơm lắm cô. Chị cười, vui. Vậy để cô giặt tiếp nghe. Nói xong chị đi vào trong thất, lấy bộ áo quần sư thầy treo bên vách. Điệu Sanh nhanh nhảu ôm thêm phần áo quần của mình, vo cuộn trước bụng. Đây nữa cô.

Sanh ra giếng theo chị. Điệu quay trục gỗ, kéo gầu nước từ giếng lên. Cái trục quay này thầy mới làm từ hồi có Sanh vào chùa cho điệu ấy tập kéo nước. Lần đầu điệu Sanh kéo không quen, chiếc gầu chao đảo nên khi lên tới miệng giếng chỉ còn được phân nửa. Kéo lần thứ hai thì dây gầu đứt. Thầy phải dùng cái sào khều lên. Vừa nối dây thầy vừa dạy cho điệu. Kéo như con vừa mất sức, lại hao nước. Muốn kéo gầu phải từ từ, điềm đạm, bình tĩnh. Quay đều trục để gầu nước không chao đảo. Nếu bất ngờ giật mạnh thì dây gầu căng quá mức sẽ bị đứt. Tu cũng thế, phải canh giữ tâm mình như giữ nước trong gầu. Nếu vồn vã bộc trực thì cái tâm rời bỏ ta ngay. Phải lần theo từng nấc gầu lên như lần tìm tâm ta. Tối hôm đó thầy lại dạy tiếp cho điệu Sanh về mười bức tranh thiền trong Mục ngưu đồ. Thầy dừng lại ở bức thứ hai, có tên “Kiến tích”, tức thấy dấu. Khi đứa trẻ chăn trâu để con trâu đi lạc thì phải lần theo từng dấu chân trâu mà tìm. Đó chính là sự minh họa cho việc tìm lại tâm ta khi bị lung lạc. Bây giờ thì Sanh đang kéo nước lên cho chị giặt áo, kéo đều đặn như niệm kinh.
Sanh ngồi bên, vốc lấy một ít bọt xà phòng rồi đưa lên thổi cho bong bóng bay. Nắng chiều soi qua quả bóng nhỏ ánh lên màu sắc khiến điệu thích thú mà cười reo lên. Chị ngồi giặt áo, trông thấy sự hồn nhiên dễ thương của điệu cũng vui lây, nhưng đỏ hoe con mắt.

Sư thầy đã về, nghe tiếng cười ran sau thất biết chắc điệu Sanh đang ở đó. Thầy thong thả bước lui giếng. Chị bán vải đang dở tay vò áo, ngẩng lên chào thầy. A Di Đà Phật, thầy lượng thứ, con đang bận tay chút. Thầy cũng chào chị, rồi nói:
- Chị đến hồi nào, sao không ngồi chơi, bầy ra giặt giũ làm chi cho cực.
Chị cười nhẹ:
- Con cũng vừa đến. Có gì đâu thầy. Nghe chú Sanh nói mấy bữa nay thầy bận. Con thì buổi chiều thư thả, lên đây coi đỡ đần được thầy chút nào cho thầy an tâm đi làm Phật sự.
- Phiền chị quá. Dạo này cũng có bận chút ít thôi chị.

Nói xong thầy vào trong tịnh thất, cất tay nải. Mùi thơm nước xả vải hôm trước vẫn còn phảng phất quanh đây. Ngoài giếng thêm tiếng cười nghịch của điệu Sanh pha với tiếng cười vui của chị. Thầy cảm thấy rộn lên trong lòng một chút xốn xang. Nắng lọt qua khe cửa. Hương thơm và tiếng người. âËm áp sum vui hay quấy động cửa thiền đây? Thầy cũng khó nghĩ quá. Thà chén cơm thìa canh cúng dường, thì thầy hoan hỉ nhận. Ngày xưa đức Phật tu hành cũng dựa vào sự bố thí của chúng sanh đó thôi. Đằng này chị đến giặt giũ, việc ấy chạm vào hơi sâu cuộc sống cá nhân của thầy trò. Mà thầy vẫn mạnh khỏe, có bận việc đôi chút nhưng chưa đến nỗi không thể tách ra nửa giờ đồng hồ để vo vải.

Sư thầy lấy tờ văn sớ cầu an ra, định đề nội dung vào, chuẩn bị để tối nay đi làm lễ nhà một đạo hữu trong vùng. Tờ sớ cầu an giấy vàng, chữ ở trong đã có in sẵn Hán tự và phiên âm Hán -Việt. Thầy chỉ việc điền thêm nội dung tên gia chủ, ngày tháng, lễ vật… Thầy lật tờ sớ, cầm bút lên, rồi bất chợt tay thầy mềm lụn không thể thảo chữ được. Tâm có an đâu mà bảo viết sớ cầu an cho đặng.

Xếp tờ sớ lại, thầy đi kiếm nước pha trà rồi bê ra đầu hiên. Chị đang xả vải sau giếng. Mùi nước xả thơm phức len tới tận chỗ thầy đang ngồi. Thầy ngắm ao sen bên vườn. Tháng bảy sen nở muốt mát, bung cánh trắng, hương sen thoảng nhè nhẹ. Thầy thích cái mùi hương ấy, nhẹ như không. Bây giờ thì cái mùi nước xả lất át hết làm cho thầy có cảm giác sợ.

Chị gái đã phơi áo quần xong, đi khẽ về phía thầy, kéo ghế ngồi. Thầy rót trà.
- Chiều nay nắng nhẹ, gió phây phẩy, mát thầy nhỉ?
- Ừ. Nhưng gió làm mùi hương tỏa đi ngát quá.

Thầy đáp. Miệng mỉm cười. Câu nói hóm hỉnh nửa như khen, nửa lại nhắc khéo.
- Chú Sanh thì thích mùi này lắm. Còn thầy, không biết sao.
- Cũng thơm đấy chị ạ. Nhưng… Tôi thấy ngại. Trong bát quan trai mà đức Phật dạy hàng tăng chúng đệ tử, có một giới tịnh là không nên nằm giường cao nệm đẹp và xa hoa.
- Cái mùi hương thì có gì đâu mà xa hoa hả thầy? – Chị thắc mắc.
- Là tại vì những thứ như vầy, ăn ngon mặc đẹp, nó khiến người tu hành dễ lún vào si mê, kích thích lòng tham sân, xao nhãng việc tu tập.

Chị thoáng buồn, có cảm giác như việc làm của mình bị thừa ra. Tại chị mới tới chùa một thời gian ngắn, vừa để an tịnh tâm mình, đôi khi nghe thầy mạn đàm chuyện đạo chứ chị chưa học luật. Không biết rõ những giới nghiêm của nhà chùa âu cũng là chuyện thường tình.

Sư thầy nhận ra ngay cái sự rầu tức thời của chị. Đàn bà họ thế, dễ chạnh lòng lắm. Nhất là những người không chồng không con như chị, họ càng dễ tủi thân. Thầy pha một chuyện đùa cho vui.
- Tôi nói cái này nghe mà cười. Biết là chị bán vải, nhưng vẫn kể. Ví thử người ta mải mê trang trí làm đẹp cho bản thân thì có thời giờ đâu nữa để học hỏi, sửa mình, đúng không. Và lúc đó chắc chị bận rộn bán cả ngày, cũng không tới chùa được đâu nhỉ.
Hai người cùng cười. Chị đã thấy vui. Cái chỗ hay của sư thầy là ở đó. Mỗi khi có sự buồn phiền mà có thầy an ủi là buồn chóng tan. Thầy đọc được tâm lý của người ta và có cách để chia sẻ với họ trong mọi tình huống. Chị thích lên chùa gặp thầy, thích sự nhẹ nhàng, trìu mến mà không kém phần dí dỏm trong từng lần pha chuyện.
- Dạ, con nghe. Thế lần sau con không dùng nước xả nữa.

Còn lần sau nữa sao. Ái chà chà, rắc rối quá. Tưởng nói xa nói gần cái chuyện nước xả để chị hiểu ra rằng thầy tự lo được. Ai ngờ chị ấy chẳng chịu hiểu cho. Thầy nhớ có lần hồi thầy đang là thanh niên ở làng, thầy không cho ai giặt áo quần của mình cả. Một hôm mẹ thầy giặt cho thầy, bà không biết cứ dùng cả hai tay mà xát cho sạch khiến cái áo nhăn nheo hết. Thầy phải nhúng áo vào nước giũ một hồi lâu mới đỡ nhăn. Bà mẹ thấy thế thì trách, tôi biết anh rồi đấy, đang tuổi đi gò đi ghẹo sợ mặc nhăn nhúm con gái nó không ưa chứ gì. Nói cho anh biết nhé, nó đã phải lòng thì anh có ở truồng nó cũng theo. Thầy bật cười, vui vui. Mới đó mà hơn ba chục năm. Bà cụ thân sinh đã về bên kia, mà thầy còn nhớ cái sự ngúng nguẩy của bà khi bị đứa con tỏ vẻ không cần giặt áo giúp. Và bây giờ đây, thầy cũng không dám nói thẳng, sợ làm tổn thương đến chị.

*
Chiều hôm sau, nghỉ trưa xong là thầy gom áo quần ra giếng. Điệu Sanh cũng tỉnh giấc, dậy theo.
- Sao hôm nay thầy giặt sớm thế?
- À, tranh thủ trời nắng, giặt phơi cho chóng khô. Chiều lỡ có mưa.

Điệu Sanh không hỏi nữa, đi theo thầy ra giếng quay nước.
Thầy vo vải nhanh hơn mọi khi. Vội vội vàng vàng như sợ ai tranh mất việc. Điệu Sanh mới ngủ dậy, hơi uể oải, kéo chậm dây gầu khiến thầy phải nhắc.
- Nhanh con. Áo rút khô hết xà bông rồi đây này.
Điệu Sanh bất ngờ quay mạnh tay trục, dây đứt, chiếc gầu choảng xuống giếng kêu lên một tiếng rõ to.
- Con không cẩn thận. Lại phải mất công thầy nối dây rồi - Sanh nói
Nhưng thầy nhỏ nhẹ:
- Tại ta quên giữ tâm đó thôi. Lấy chiếc sào quấy tìm thôi con.

(Trích “Cõng nhau trong một cõi người” - Hoàng Công Danh)

sôngthương
10-11-2018, 05:04 AM
ĐƯỜNG VỀ NHÀ

Mười tám tuổi, tôi khoác ba lô, giã từ mẹ về thành phố học đại học. Sau tất cả những dặn dò chi li cẩn thận, lúc tiễn tôi ở cuối con đê đầu làng mẹ bỗng dưng bảo tôi: "Đường về nhà là con đuờng xa nhất, con giai ạ! Mai sau con có đi khắp chân trời góc biển thì cũng chẳng có con đường nào xa hơn đường về nhà mình đâu."
***
Tôi cười và không hiểu tại sao mẹ lại nói như thế với tôi. Trong lòng tôi chẳng bao giờ tin, đường về nhà lại là đường xa nhất. Từ Hà Nội về nhà tôi chưa đến 50 km. Mẹ sai rồi!

Những năm đầu tôi năng về nhà thăm cha mẹ người thân, và cũng để ngấm ngầm nói về mẹ, đường về nhà là đường gần nhất đấy.
Nhưng những lần về đó cứ thưa dần, thưa dần như những điều may mắn tốt đẹp hay hạnh phúc của đời một con người.

Tôi ra trường, ở lại Hà Nội, lăn xả vào đời, chiến đấu như một con ngựa dũng mãnh những mong tìm được một chỗ đứng trong cát bụi phồn hoa.

Đi qua quá nửa đời người, dấu chân phiêu lãng in mòn khắp nơi, năm châu bốn biển, tôi mới chợt nhận ra rằng, đường về nhà là con đường xa nhất. Mẹ hoàn toàn có lý!

Khi ấy tôi mới giật mình nhớ lại và suy nghĩ. Quê hương tôi bao người trùng trùng lớp lớp đã ra đi mà có thấy ai trở lại bao giờ. Không phải bởi quê hương tôi nghèo khó hay đời sống tinh thần từ túng như bao làng quê khác. Họ chỉ quay đầu khi mắt nhắm tay buông, thân xác hòa tan trong lòng đất mẹ.

Có hàng trăm ngàn vạn lý do chính đáng và không chính đáng để bước chân người ra đi không thể quay trở về được nữa, dù trong trái tim vẫn đau đáu một hình bóng quê nhà. Dù đường về quê chỉ là những con số toán học chẳng có nghĩa lý gì!
Ngay cả với tôi bây giờ, khi gối mỏi chân chồn, tan nát từng ước mơ, vẫn không thể (không muốn thì đúng hơn) trở về mái nhà xưa được nữa.

Bởi đường về nhà là con đường xa nhất trong những chuỗi hành trình vô tận miên man của một đời người ngắn ngủi mà lắm gian nan!

Kao Nguyên

(http://moingay1cuonsach.com.vn)

sôngthương
10-16-2018, 09:30 PM
Niềm Tin Chưa Mất


Thằng con tôi ở trần và dang nắng cả ngày. Hỏi lý do vì sao, nó không chịu nói. Tôi phải ôn tồn giảng cho nó nghe rằng dang nắng lắm nhiều khi cũng nguy hiểm: có thể bị nhức đầu, bị cảm nắng sinh bệnh.

- Con đừng nên làm phiền Ba. Ba đi làm vắng cả ngày thế mà lỡ con bệnh thì ai săn sóc cho con? Những lần con đau con có nhớ rằng Ba phải thức suốt đêm bên giường con không?

Thấy tôi thật tình lo lắng, nó nói:

- Nhưng mà... lũ học trò cứ gọi con là heo luộc.

- "Heo luộc" là cái gì?

Tôi ngơ ngác hỏi.

- Tụi nó nói da con trắng như heo luộc.

Không thể nín được, tôi bật cười to một tràng dài. À ra con heo luộc phải dang nắng để thành con heo quay đây mà! Thời đại đổi thay, ngày xưa người ta yêu màu da trắng trẻo còn ngày nay người ta chuộng màu da rám nắng. Quả tình có nghe con tôi nói tôi mới để ý thấy rằng độ này da dẻ nó có rám đen đi phần nào. Ngày còn má nó, da nó trắng như con gái. Tôi nhớ đến những buổi trưa mười giờ, bãi biển đầy những cô gái nằm phơi nắng. Họ đội mũ lác rộng vành và đeo kính râm. Những chàng trai da nâu hãnh diện đi đi lại lại. Quan niệm đẹp có thay đổi nhiều thật nhưng tôi không ngờ nó lại ăn sâu cả vào lớp trẻ con mới mười tuổi. Hồi tôi còn nhỏ đi học thầy giáo yêu nhất những học trò mặt mũi trắng trẻo đã đành, cả đến chúng tôi cũng chỉ thích chơi với những đứa bạn mặt mày trắng trẻo. Những đứa đen đủi nhiều khi bị chế giễu một cách tàn nhẫn.

Tôi nhìn kỹ lại con tôi hơn. Nó chỉ đánh một cái quần đùi màu đỏ, - mãi đến bây giờ tôi mới tự hỏi tại sao chị ở lại cứ bắt nó mặc quần đùi đỏ, mua chi mà một lần đến ba, bốn cái quần đùi đỏ, - còn thì mình trần cả ngày. Tôi tưởng tượng đến một lúc nào mình nó sẽ đen như một con heo quay. Và tự nhiên tôi nghĩ đến một hình ảnh, không phải trong tương lai mà chính ngay trong quá khứ tôi đã sống. Tôi nhớ đến anh Tộc, người bạn học của tôi hồi còn lớp Tư. Lúc bấy giờ chúng tôi vào khoảng mười, mười một tuổi. Mình Tộc gầy đét, hai chân như hai cái que. Đã thế lại chuyên môn mặc quần đùi khiến chúng tôi mỗi lần gặp anh là phải để ý ngay đến cặp chân que tăm. Không biết anh ta khéo xếp thế nào mà cái quần đùi nào anh mặc cũng cũ, cũng sờn đít hoặc rách đít. Tôi chưa hề thấy anh mặc một cái quần đùi mới. Không mới mà có cũ, thế có lạ không? Anh không bao giờ mặc áo. Đi từ đầu làng đến cuối làng mà cũng để mình trần. Đánh bi đánh đáo cả ngày, hết bắt dế đến câu cá, lúc nào anh cũng phơi mình dưới nắng khiến da cứ tím sậm lại. Người lại gầy, xương sống chạy một hàng dài gồ lên, còn xương sườn thì đếm đủ mười hai đôi. Hai núm vú thâm dán sát vào da như đầu của hai chiếc đinh bảy phân ai đã đóng vào ngực. Ngực lép và bụng lép nhưng cái rún lại béo bở. Rún của ai cũng thõm vào, hoặc tròn như lỗ đáo, hoặc méo xệch như cái miệng cười mỉm, chỉ riêng rún của Tộc thì lồi ra một đoạn dài gần hai phân, trông như cái núm vung. Rờ tay vào thấy mềm mềm những thịt. Lúc bấy giờ ở xóm tôi có một gánh hát bội đến trình diễn thường xuyên, chúng tôi cứ đợi đến chín giờ khuya rạp thả giàn là ùa vào coi khỏi mất tiền. Rạp hát lấy tên rạp là Thạnh Xương. Thấy Tộc mình chỉ toàn những da và xương, một người bạn có nhiều sáng kiến bỗng đặt tên cho Tộc là thằng Thạnh Xương. Tộc không phản đối mà nhận cái biệt hiệu mới một cách vui vẻ. Do đó mỗi khi đùa nghịch chúng tôi có thể gọi tên Tộc hay tên Thạnh Xương cũng được.

- Ê Tộc, thách mày lặn một hơi cho qua bờ sông bên kia đó.

- Thạnh Xương, Thạnh Xương, leo lên cây bàng gỡ dùm con diều cho tao một tí mày.

Tộc không chịu thua một cuộc thách đố nào, không từ chối một sự nhờ vả nào. Kết quả của những cuộc mạo hiểm là mình Tộc mang đầy những vết sẹo. Anh em ai cũng mến Tộc vì Tộc chấp nhận mọi sự đùa nghịch của anh em. Tộc không bao giờ cáu vặt. Hoặc là thách đánh nhau hoặc là tha thứ không thèm chấp, thế thôi. Không thèm trả thù ngầm, không thèm nói láo.

Tộc ham chơi đáo đến nỗi có hôm mê mải ăn thua mà đứa nào giấu áo không biết. Đến lúc trống đánh, chạy đi tìm áo, hỏi ai cũng bảo không biết, lạy ai cũng không chịu chỉ giùm khiến Tộc òa ra khóc. Tộc sợ thầy lắm. Nhưng mà cái tật ở trần cởi áo vắt vai, Tộc vẫn không thể bỏ. Đến sân trường thì bỏ sách vở xuống cỏ, đặt áo đè lên trên rồi thì chơi mải chơi mê không còn biết trời đất gì nữa. Mãi đến khi trống đánh vào lớp mới lật đật bỏ trò chơi mà vội vã mặc áo vào. Có lần vừa cãi vã ăn thua vừa hẹn hò tái đấu, anh cài hột nút này sang khuy áo kia mà không biết. Khi sắp hàng vào lớp, ai nấy đã ngồi an vị rồi thì thầy Nghĩa, thầy giáo chúng tôi, đi soát qua lớp một lượt. Thầy chỉ tay sang Tộc, gọi:

- Tộc, lên bảng.

Tộc vụt đứng dậy, nhanh quá, như một cái gân bị giật. Có lẽ người anh chỉ có gân và xương nên sự phản ứng mới lẹ như thế. Anh thoăn thoắt bước lên bảng, vô tư như khi đi nhặt một hòn bi. Đứng cụng nhằm bảng đen mới dừng lại. Rồi im lặng, một ngón tay bôi lên bảng vẽ hình con cua con quạ gì đó. Thầy Nghĩa quát:

- Quay mặt trở lại!

Anh vâng lời quay mặt trở lại và cả lớp cười rộ lên vì hai cái vạt áo gài khuy so le. Anh ngơ ngác không biết vì sao các bạn cười mình, thầy hỏi:

- Hồi trưa mày làm gì?

Tộc trả lời ngay, không phải suy nghĩ:

- Dạ thưa thầy hồi trưa con ăn cơm xong thì mẹ con sai con gánh nước mắm qua nhà bà Chức Ba. Kỳ nước mắm trước bị thiếu nắng, dang không kỹ nên mới để nửa tháng mà đã trở, thúi quá...

Lũ học trò cười rộ lên, to hơn trước, thế mà Tộc vẫn điềm nhiên nói tiếp. Nhưng tiếng ồn ào lớn quá, chắc cả lớp không nghe được gì, duy chỉ có những đứa ngồi bàn đầu như tôi là nghe rõ tiếng Tộc chậm rãi tiếp:

- ... Bà Chức Ba bắt đền nói mẹ con mà không đổi nước mắm khác cho bà ta thì bà ta...

Đến đây thầy Nghĩa đập mạnh thước gạch vào mặt bàn một tràng dài và cả người nói lẫn người cười đều im lặng, Thầy giận dữ nói:

- Ý tao muốn hỏi mày hồi trưa mày làm gì mà đi học mặc áo xốc xếch như vậy. Chớ mày gánh nước mắm cho bà Chức Ba hay bà Chức Tư gì thì tao đâu cần biết, nước mắm của mẹ mày thúi hay thơm cũng thây kệ mày.

Tộc cúi xuống nhìn vạt áo của mình và lặng lẽ cởi nút ra rồi gài lại, vẻ thản nhiên như không có việc gì xảy ra. Thầy nói:

- Thôi cho đi xuống.

Tộc "dạ" một tiếng, lủi thủi đi xuống nhưng khi đến dãy bàn thứ tư không quên nháy mắt sang một đứa bạn bên cạnh. Chúng tôi ai cũng biết thầy Nghĩa không có cảm tình với Tộc, nhưng Tộc, hình như anh lại không để ý đến điều đó. Tính thầy Nghĩa cẩn thận, ưa sắp đặt trang hoàng cho lớp đẹp đẽ. Những khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn, Trọng thầy mới được làm thầy, Chăm chỉ sạch sẽ...", được thầy cắt bằng giấy màu treo cân đối. Những hình vớ vẩn xanh đỏ lòe loẹt như hình Phúc Lộc Thọ, Sư tử hí cầu thầy cắt ở nhãn pháo hay nhãn hương, những tấm bưu thiếp hình chợ hình phố, thậm chí có những ảnh ả xẩm thầy cũng lồng giấy bóng treo khắp tường, chi chít, rộn ràng bên cạnh những tấm địa đồ, bản đồ nghiêm trang, đứng đắn. Thầy coi chừng tóc tai và quần áo của học sinh luôn. Không phải với mục đích bảo vệ sức khỏe, chắc thế, mà chỉ vì sợ đốc học hay thanh tra bất chợt tới. Sách vở bút mực thì khỏi phải nói. Mỗi lần sắp có thanh tra tới khám trường thì chúng tôi thật là khổ sở với thầy. Thầy tập đứng dậy, tập ngồi xuống, thầy bắt bao lại sách vở, bắt cắt tóc, bắt cắt móng tay, bắt mặc bộ quần áo nào đẹp nhất. Sợ lũ chúng tôi quên đi những lễ nghi tối thiểu, thầy bắt chép và học thuộc lòng một bài nhan đề "Lời khuyên học trò". Bắt đầu như thế này:

Trống trường vừa đánh mau mau,

Sắp hàng ngay ngắn trước sau đàng hoàng.

Đừng nói chuyện chớ làm ồn

Học trò như vậy mẹ cha vui mừng.

Sau này tôi mới biết rằng đó là một bài thơ dở, sai âm luật. Chắc do thầy sáng tác. Vì lâu lâu thầy lại cho phép thêm một đoạn ám chỉ khuyết điểm nào đó mà thầy vừa khám phá ra. Ví dụ hôm thầy đè cổ thằng Hùng đánh ba roi vì tội hái trộm dưa leo bị bà Tang lên mét giữa lớp thì chiều đó thầy bắt chép thêm một đoạn "Lời khuyên học trò" (tiếp theo):

Dưa cà là của người ta

Mình đừng khuấy phá hái mà không nên.

Bắt được đã phải chịu đòn

Lại làm xấu hổ tổ tiên ông bà.

Tôi không biết bao giờ bản trường ca này mới chấm hết. Chỉ biết mỗi lần thầy dạy dư giờ hay những chiều mùa đông chưa tan học mà trời tối quá không thấy mặt chữ thì thầy bắt cả lớp ê a đọc bài "Lời khuyên..." như những tín đồ tụng niệm giáo điều. Tất nhiên là với một thầy giáo cẩn thận dường ấy và nhất là sợ thanh tra tới mức ấy thì Tộc không phải là một cái hoa đẹp đáng để cho lớp và cho thầy hãnh diện. Tóc thì dễ thường đến hai tháng mới cạo một lần, - cạo chớ không phải cúp, - thành ra tóc mọc lấn xuống trán, tóc mai chỉa nhọn xuống nửa má. Cái mặt trở nên quắt lại bằng bàn tay. Áo quần thì như trên đã nói. Thành ra thầy có nhiều thành kiến đối với Tộc, những thành kiến khiến có lần Tộc bị mắng oan. Một hôm giữa lúc sắp hàng, thầy khám sạch sẽ. Thầy kéo hẳn Tộc ra khỏi hàng, chỉ vào cặp chân đen:

- Mày ở dơ thế kia?

Tộc thưa liền:

- Thưa thầy con mới tắm ạ.

- Mới tắm cái gì? - Thầy sừng sộ nói - Cái cổ đầy những đất thế này.

Thầy vừa nói vừa lùa ngón tay kỳ cọ nơi cổ của Tộc. Nhưng quả không có một lằn đất nào dính nơi tay thầy cả. Thầy hoi ngượng, đứng im nhìn kỹ Tộc từ đầu đến chân. Rồi thầy chỉ xuống hai cái mụt Tộc mang ở cổ chân:

- Ở dơ - ghẻ chốc thế kia mà nó còn cãi tao nữa.

Tộc vẫn trả lời tỉnh bơ:

- Dạ, thưa thầy không phải ghẻ ạ. Đây là vết đỉa cắn. Hôm chủ nhật con đi mót lúa đám ruộng ông Thuận bị đỉa bâu cắn. Con rịt thuốc mãi mà chưa lành. Mẹ con nói đỉa mén nó cắn là độc lắm.

Thầy không trả lời, nhún vai một cái rồi ra lệnh cho vào lớp. Ở trong lớp có ai làm quấy, ví dụ làm đổ mực xuống nền xi măng, bôi tay dơ lên vách, ném đá bể ngói... mà thầy chưa tìm ra thủ phạm là y như thầy nghi cho Tộc. Chúng tôi cứ tưởng Tộc thù thầy, nhưng tuyệt nhiên không. Đi cùng chúng tôi đến nhà thầy nộp bài, Tộc hay đảo mắt nhìn khắp đó đây rồi liên tiếp đề nghị:

- Thưa thầy cây cau ở ngang chái bếp của thầy đã có buồng đầy rồi đó. Để con leo bẻ cho thầy. Hai hôm nữa thì già mất.

Thầy hỏi:

- Mày leo gì được?

Thì Tộc vồn vã ngay:

- Ồ! Con leo giỏi lắm. Để con leo thầy coi. Con leo không cần "nài" mà.

Thế là từng thót một, Tộc thoăn thoắt leo lên bám ở trên đọt cau, nhanh nhẹn bẻ cả một buồng rồi tuột xuống. Lần khác đến thăm thầy, sau khi cả bọn chia tay nhau vục gáo vào vò nước lã uống lấy uống để, Tộc bỗng nhăn mặt nói:

- Nước hôi bùn quá!

Chúng tôi đưa mắt lừ Tộc, có ý bảo: "Chết! Sao mày ăn nói hỗn vậy? Nước nhà thầy mà mày chê hôi".

Nhưng Tộc thản nhiên nói bô bô:

- Muốn hết hôi thì phải đảo. Ở dưới đáy giếng thiếu gì bùn non rồi những dây gàu đứt, đồng xu, mẻ sành, cắc bạc.

Thế rồi bỏ chúng tôi, Tộc chạy lên nhà trên thảo luận gì với thầy không biết. Lúc ra về, Tộc nói:

- Chủ nhật tới, tao lại đào giếng giùm cho thầy.

Tộc sống tự nhiên quá, thấy việc thì làm không câu nệ, nghĩ gì nói nấy không giấu giếm. Hình như anh không có mặc cảm. Nhà nghèo, mặt mũi không đẹp, áo quần xốc xếch, nhưng tôi chưa bao giờ thấy anh ngượng ngập rụt rè. Tôi có cảm tưởng tâm hồn anh hiền lành như một cây xanh, cây ổi cây bàng nào đó đang sức lớn. Đâm chồi, ra lá, nứt hoa... Cây cứ bình tĩnh làm nhiệm vụ của mình, không cần nhìn xem những phản ứng của các cây đứng xung quanh nó. Không thấy cây xấu hổ vì những lá héo, giấu giếm những cành gãy, mà cũng không thấy nó hãnh diện vì chồi xanh non mướt hay hoa nở đầy cành. Tộc cũng giống như vậy. Nhưng tội nghiệp cho Tộc là Tộc không hoàn toàn được là một cái cây. Cái cây không phải học bài và làm bài. Còn Tộc thì phải khổ sở rất nhiều mỗi khi phải mó vào sách vở. Tộc học rất dốt, không mấy khi thuộc bài. Tính thầy Nghĩa lại thích lái cho học sinh không thuộc bài nói bậy mà Tộc thì nói bậy một cách tín cẩn. Đủ biết anh chẳng hề ngó qua bài một lần. Mỗi khi thầy nhắc sai và anh dò dẫm nói theo là cả lớp im phăng phắc để đợi nghe những sự bất ngờ lý thú. Chẳng hạn bà Trưng thù ông Thi Sách đã giết chồng bà là Tô Định..., hoặc nước Việt Nam đông giáp vịnh Thái Lan, tây giáp bể Nam Hải v.v... Đến giờ đọc tiếng Pháp thì thật là không thể nín cười được. Anh không phân biệt được chữ nào đọc là "ơ" chữ nào đọc "e", chữ z, w, ch anh đọc cứ lộn phèo cả lên rồi thêm dấu huyền dấu nặng, rồi ậm ừ, rồi cà lăm nữa. Một người pha trò khéo cũng không thể làm cho lớp học náo hoạt hơn anh. Tật cà lăm sau này gần thành một cố tật của anh. Tôi cho rằng đó là do những giờ học Pháp văn mà ra. Mới đầu năm khi còn học bài một bài hai thì anh cà lăm ít, đến chừng sang bài hăm bảy, hăm tám thì anh cà lăm nặng hơn, cuối cùng thì anh chỉ "cà" chứ không nói nữa. Mà mỗi lần "cà" như vậy thì trông anh khổ lắm. Mắt cứ nhắm tít đi còn cái lưỡi và hai hàm răng thì run bấn lên. Thầy giáo chịu thua phải cho anh về chỗ.

Lẽ cố nhiên là học hành như vậy anh không đỗ nổi bằng sơ học yếu lược. Và cuối niên khóa anh phải nghỉ học. Khi chúng tôi, vài đứa, mang sách đi học ở trường huyện, chúng tôi thỉnh thoảng gặp anh ở bến đò đầu làng. Vẫn gầy, vẫn đen, tưởng chừng nếu xòe một cây diêm châm vào là anh bốc cháy thành ngọn lửa ngay. Gặp chúng tôi, anh toe toét cười:

- Đố tụi mày "la ma-rơ" là cái gì? (1 )

Rồi không đợi chúng tôi trả lời, anh nói luôn:

- Tao ngồi buồn mở cuốn sách Langue Francaise đọc lại mà hóa ra giỏi tụi mày ơi. Té ra bây giờ tao mới biết chữ Tây là gì. Nè, tao đọc cho tụi mày nghe, nghe không: la lame, la lac, papa a vu kilo, à Hanoi il y a un pont... 1 (https://vietmessenger.com/books/?title=la%20van%20xanh&page=2#n1)

Anh đọc hàng tràng dài, đọc sai âm sai giọng nhiều lắm nhưng trông chừng hỉ hả và không còn ngọng khổ ngọng sở như ngày xưa nữa.

Tôi hỏi:

- Bây giờ mày ở nhà làm gì?

- Tao đi củi.

- Có còn đánh đáo nữa không?

- Tao đánh ách-xì, bài cào, không thèm đánh đáo nữa. À, bữa nào tao cho mày một cái ná cao su. Tao đi củi kiếm được nhiều cái chạng "ngon" lắm.

Sau đó, tôi càng ngày càng ít gặp Tộc dần. Có một độ nào tôi nghe Tộc mê con gái ông xã Chín nhưng bị cô này chê. Tộc thất tình bỏ ăn bỏ uống và đâm ra lừng khừng như người sắp điên. Người ta tưởng Tộc có thể nhào xuống Bầu Di hay cầu Ông Chừ để tự tử vì vụ thất tình này nặng lắm. Người nhà phải canh gác dòm chừng Tộc luôn. Nhưng bỗng một hôm Tộc mất tích. Cả nhà đổ xô đi tìm. Mẹ Tộc khóc mếu máo. Tự tử thật chăng? Nhưng tự tử sao lại mang hết quần áo, nịt, mũ và cái bi-đông nước theo làm gì? Tuy vậy mẹ Tộc vẫn khóc mếu máo đi tìm. Chợt nghe tin ở xóm Long Hòa con Lành, con ông Câu Hò, cũng mất tích đúng vào đêm đó. Ông Câu không khóc mếu máo mà chỉ chửi. Ông nốc rươu vào thật nhiều, - nhà ông nấu rượu lậu nên tha hồ cho ông nốc, - khiến mặt đỏ tía như một con gà đá rồi oang oang kể tội con gái ra mà chửi. Ông bảo con ông mê ngu mê dại một thằng chỉ có cái rựa và đôi dép cao su. Ông bảo cái nhà thằng đó không bằng cái chuồng heo nhà ông. Ông bảo con mẹ nó không đáng xách giày xách dép cho ông. (Say rượu rồi nói khoác vậy thôi chớ thực tế ông không bao giờ mang giày mang dép, chỉ thỉnh thoảng lắm mới mang guốc). Người ta đồn rằng hai đứa, Tộc và con Lành, rủ nhau bỏ đi hoang nhưng người ta không biết hai đứa đi đâu. Nhà Tộc nghèo không có phương tiện đi tìm xa còn nhà ông Câu đông con nên bỏ đi một đứa cũng không thiếu. Đi đâu thì đi, hết muốn đi thì về, chẳng ai thèm tìm. Tôi không phải là bà con của hai người nên tôi càng có lý do để không biết rõ hành tung của hai người sau đó.

Lẽ ra thì sự quan hệ giữa tôi và Tộc chỉ có thế, chỉ dừng lại ở mức đó mà thôi. Nếu không vì một thằng con thích ở trần và dang nắng thì tôi đã quên hẳn người bạn ngày xưa của tôi rồi. Cuộc sống bon chen bận rộn đâu có cho phép tôi năng nhìn về dĩ vãng để tìm gặp lại những dáng người quen? Vả lại, mỗi khi có dịp hồi ức tôi cũng ít khi chịu khó vẹt đám người đông đảo lẫn lộn ngày xưa để tìm cho ra đúng cái dáng gầy gò đen đủi của anh. Thế mà, ngược với ý muốn của tôi, sự việc đến đây vẫn chưa chịu chấm dứt. Trong khi tôi ngồi mơ màng nhớ đến anh, đến giai đoạn cuối cùng của cuộc đời anh mà tôi biết, giai đoạn bỏ nhà ra đi với đủ cả dây nịt và bi-đông nước, có thể với con gái ông Câu Hò vì đó chỉ mới là dư luận, ức đoán, thì có bất ngờ không, - ở một nơi xa xôi kia anh cũng nghĩ đến tôi. Một bức thư không mong đợi đem đến cho tôi sự khám phá êm đềm này. Số là cách đây chừng nửa tháng tôi nhận được một bức thư. Nhìn nét chữ lạ viết ở phong bì, nhìn con dấu nhà bưu điện Ban Mê Thuột, tôi rất hồi hộp. Tôi không thích những bức thư của người lạ vì nó hay làm cho tôi bồi hồi lo lắng. Ở Ban Mê Thuột tôi không chắc có người quen nào. Hay có ai gửi lầm chăng? Nhưng nhìn lại địa chỉ người nhận thư thì quả là tên tôi. Tôi lật đật xé toẹt phong bì, không kịp lấy kéo cắt. Nội dung bức thư như sau:

Ban Mê Thuột, ngày.... tháng.......

Thưa anh, tôi là Trần Văn Tộc. Anh có còn nhớ Trần Văn Tộc không, Tộc "Thạnh Xương" của các anh đó mà. Riêng tôi vẫn còn nhớ anh rõ lắm, anh học trò trắng trẻo mà tôi thường gọi đùa là "con chuột rụt rè". Anh còn nhớ không, anh tức mình gọi lại tôi là "con mèo khiêu khích" nhưng thay vì con mèo mun (vì tôi đen) anh lại gọi ác là con "Bạch Tuyết". Nhưng con mèo không vồ con chuột mà yêu con chuột lắm. Đến bây giờ xa cách vài mươi năm rồi mà vẫn nhớ đến con chuột đây.

Tôi có đọc mấy truyện của anh viết về những ngày thơ ấu của chúng ta khi còn học ở trường Ngân Sơn. Tôi cảm động nhớ lại những ngày xưa, nhớ lại ông Cai Tròn, nhớ lại thầy Nghĩa mà trong truyện anh đổi tên lại là thầy Hiền. Thầy Nghĩa đã chết rồi, chắc anh đã biết. Bây giờ ngồi nhớ lại thầy, tôi thấy tôi thương thầy hết sức. Đành rằng tôi học hành chẳng đỗ đạt được gì, nhưng đó toàn là lỗi của tôi. Tôi học dốt mà lại lười quá. Giá vào tay một thầy giáo khác thì tôi đã bị đuổi học lâu rồi. Thế mà thầy vẫn chịu đựng, vẫn chấp nhận tôi, vẫn cố dạy cho tôi biết rằng la mare là cái ao, le kilo là quả cân... những kiến thức đó, ra đời tôi không dùng được gì, nhưng chúng cho tôi một cảm tưởng êm đềm là ngày thơ ấu của tôi không đến nỗi bị bạc đãi. Lớn lên khi được biết rằng những người học trò tệ lậu như tôi dễ làm cho thầy giáo bị ghi điểm xấu, bị chậm tăng lương, chậm thăng ngạch trật, tôi thấy áy náy trong lòng vì tôi cho rằng sở dĩ thầy phải già đời ngồi dạy ở một xó nhà quê này, biết đâu chẳng phải vì tôi. Năm 1959 tôi và nhà tôi cùng mấy cháu có về quê thăm. Lúc bấy giờ tôi mới được biết rằng ngôi trường cũ của chúng ta ở đầu núi đã bị phá hoại vào những năm kháng chiến. Cây cà-te cao to, trụ sở của lũ ma quỉ mà ngày nhỏ các anh sợ, đã bị chặt mất rồi. Tất cả chỗ ấy bây giờ còn là khoảng không. Hình ảnh của chúng chỉ còn lại trong tâm hồn của chúng ta thôi.

Anh bây giờ đã được mấy cháu rồi? Tôi thì được năm cháu. Ba cháu lớn học ở Lycée Yersin. Vợ tôi cũng thường ở Đà Lạt hơn ở Ban Mê Thuột, chúng tôi có tậu được một vi-la ở cité Saint Benoit. Tôi bây giờ nhờ trời làm ăn cũng khá dư đủ. Có được hai nhà máy cưa và một rạp hát. Anh có biết tôi đặt tên cho rạp hát của tôi là rạp gì không? Chắc anh không đoán được đâu. Tôi đặt là rạp Thạnh Xương. Để nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa.

Thôi, giấy ngắn tình dài, chúc anh và quý quyến sức khỏe. Nghỉ hè rảnh rỗi mời anh lên Ban Mê Thuột chơi nghe? Tụi mình gặp nhau mới nói hết chuyện.

Nhớ ghi địa chỉ là:

Ông Trần Minh Thạnh

4I, đường Ama Trang Long

Ban-mê-thuột.

Đọc xong thư Tộc, - bây giờ là Trần Minh Thạnh, - tôi vui vẻ như chính tôi đã làm giàu, đã làm chủ hai nhà máy cưa và một rạp hát Thạnh Xương. Tộc không nói rõ về người vợ Tộc, tưởng như ai cũng đã biết rồi, nhưng tôi đinh ninh rằng đó là cô Lành con ông Câu Hò. Tôi tưởng tượng thấy một chiếc ô-tô sang trọng chở Tộc và cô Lành đỗ xịch trước cái quán của bà mẹ Tộc ở đầu làng. Bao nhiêu người hàng xóm bâu lại xem, trầm trồ bàn tán. Những đứa trẻ con ở trần và đen đỉu như Tộc ngày xưa đứng vây quanh chỉ trỏ, sờ mó. Chiếc xe ấy lại đỗ xịch trước nhà ông Câu Hò. Ông Câu Hò hẳn là thôi không chửi nữa. Nghĩ đến ông Câu tôi chợt cười thành tiếng. Tôi nhớ đến những đôi giày đôi dép tưởng tượng của ông ngày xưa khi ông cất tiếng chửi "thằng" Tộc đi hoang đã dụ dỗ con Lành ngu dại của ông. Niềm vui khi đọc thư Tộc tôi giữ cho đến suốt ngày. Tôi cảm thấy bớt đơn chiếc và cuộc đời dễ sống hơn. Tộc đại diện cho một loại nhân cách miễn nhiễm, không tà khí. Lúc nào cũng nghĩ tốt cho người, không ác ý, không đối phó, không bị lôi cuốn, và sẵn sàng làm điều tốt cho người, không mưu tính, không mặc cả. Tôi tin chắc sự làm giàu của Tộc rất trong sạch. Lòng thương yêu thầy mà Tộc nói trong thư chắc chắn là thành thật chớ không phải là một lời sáo, một công thức xã giao. Những mẫu sinh hoạt vụn vặt của Tộc khi còn đi học chắc chắn là không chịu sự chi phối của một thành kiến nào. Tâm hồn Tộc như cái phòng rộng trống trơn, không có xó kẹt, không có bóng tối. Tộc làm những điều mình nói và có thể nói cả những điều mình làm. Có thể nói cả những điều mình nghĩ nữa. Trong một xã hội nhiễm độc mà dối trá đã thành điển-lệ, mà thù hằn đã thành khí giới phổ thông, quả tình nhân cách của Tộc vươn lên như một chồi cây mạnh giúp tôi tin cậy ở cuộc đời.
--------------------------------


(1 (https://vietmessenger.com/books/?title=la%20van%20xanh&page=2#t1))

lưỡi dao, cái hồ, cha đã thấy quả cân một ký, ở Hà nội có một cái cầu.




https://vietmessenger.com/books/?title=la%20van%20xanh&page=2

sôngthương
10-20-2018, 03:50 AM
Đôi bữa làm mây…


Bữa đó bạn đang trên đường xứ lạnh chơi, à không, là họp (nhưng ở xứ mình họp với chơi có khác mấy đâu??). Dự định chớm khuya sẽ đến nơi. Hội nghị khai mạc vào sáng hôm sau, chiều có chương trình tắm suối buổi tối đốt lửa trên đồi. Đọc báo thấy bảo nơi đó nhiệt độ đang xuống thấp, và những bạn đồng hành trên xe hớt hãi hỏi nhau đã mang theo đủ áo lạnh chưa?

Ngồi bên trái bạn là một thằng nhỏ mắt ướt tai to chừng mười, mười hai tuổi. Đó là một thằng bé mơ mộng, nó hay tì trán vào kính xe ngó nghiêng xóm làng phố xá trôi đi ngoài kia. Bạn đã có thời như thế, nhưng giờ đi xe bạn chỉ ngóng về phía trước, phía bạn sẽ đến hoặc phía có cái màn hình ti vi đang phát dở một vở tấu hài... Chợt đứa nhỏ níu tay bạn hỏi, dì ơi, quẹo theo đường đó là đi tới đâu? Bạn dòm theo tay nó, đó là một con đường không có vẻ gì đặc biệt, cũng hàng quán lèo tèo cũng cây cối xanh xao cũng xe cộ vội vàng. Thấy chẳng huyền bí hiểm trở như những lối mòn trên sườn núi, cũng không ra dáng mời gọi quyến rũ như những con đường có nhiều cửa hàng mua sắm sáng láng. Tóm lại là đường chẳng có đặc điểm nào khiến người ta phải thắc mắc nó đi mải miết những đâu. Nhưng thằng nhỏ tỏ ra quan tâm, nó nhắc lại câu hỏi một lần nữa. Bạn không biết, bèn lấy bản đồ ra coi. Bản đồ chỉ vẽ một con đường mảnh như sợi chỉ bay bâng quơ trong gió, như một mạch máu nhỏ mà không thêm thông tin gì. Bỗng bạn xao động, bỗng bạn cũng muốn biết con đường đó đi về đâu, như hồi bạn trạc tuổi thằng nhỏ và hay thổn thức hỏi bầy chim trời kia bay về đâu, nơi đâu là ở cuối cơn gió, chiếc ghe hàng bông kia từ đâu tới, con hẻm rối bời này sẽ trổ ra khúc đường nào?

Bạn quyết định xuống xe. Một mình. Và chênh chao một lúc khi nhìn theo chuyến xe có thằng bé mơ mộng nhòe dần trên đường. Quay trở lại ngã ba, chờ cả buổi rốt cuộc một chiếc xe đò ọp ẹp cũng đưa bạn vào con đường lạ. Đi miết miết thì tới Lạt Mốt - một xóm chài. Biển đằng trước mặt. Hết đường. Hỏi một cô gái bán chuối nếp nướng sao lại gọi là Lạt Mốt, cô ngẩn ra cười rồi day qua hỏi một ông già vá lưới.
Ông già ngơ ngác cười hỏi bà già đang phơi cá khô. Bà già tần ngần ngẫm ngợi cũng lắc đầu chịu thua, nói chắc ông Chín biết, ổng già nhất xứ này. Nhưng ông già đã đi dự đám cưới của thằng cháu cố ở thành phố, phải mai mới về.

Trong nỗi xao xuyến không cơn cớ, bạn nghĩ thôi thì ở chơi tới mai, chờ ông già Chín về để hỏi coi sao chỗ này lại có tên Lạt Mốt. Thời gian chờ đợi, bạn đi theo đám trẻ con lem luốc xóm chài bắt còng bắt cua tắm truồng đánh trận nên chẳng mấy chốc cũng trở nên lem luốc. Đi ngang cuộc rượu có mấy ông rủ xáp vô nhậu lai rai ca nghe vọng cổ dài dài. Bạn len lỏi vào bếp của những người đàn bà xứ biển ăn vụng món cá thòi lòi kho nước cốt dừa, mắm còng cơm nguội… Đêm xuống, bạn nằm xãi lai trên sàn những ngôi nhà thả cửa đón gió trời ngủ một giấc đã đời. Chỉ một lần chực nhớ đến cuộc đi đã bỏ dở của mình nhờ người ở Ban tổ chức gọi điện hỏi chị ơi đã đi tới đâu rồi. Câu trả lời rơi ra khỏi môi bạn rồi bị chìm lỉm giữa tiếng sóng trùng khơi, mát lành êm đềm như cái lưỡi dài của con chó liếm lên một vết thương còn tươi.

Bữa sau người bạn lâng lâng như lên cơn sốt nhẹ. Bữa sau, tới cuối chiều ông già Chín về. Nghe hỏi ông cười môi run phần phật, nói hồi nhỏ ông nội ta có kể, nhưng ta quên rồi, chuyện đâu có quan trọng gì nhớ làm khỉ gì cho mệt. Thôi, vô đây uống bậy vài ly cho ấm bụng, nói chuyện trời nghe chơi. Tối mịt rồi, gấp chi… Mai về.

Và áo lạnh đem tặng lại cho bà già xóm biển để dành mặc vào mùa bấc, bữa ra đi.

Và bạn vẫn còn nghe rung động đến hoài. Cái xóm chài Lạt Mốt ấy không có phong cảnh hữu tình núi xanh thác trắng. Bãi biển chỉ toàn sình, cả nước biển cũng đục ngầu phù sa. Gió tanh tanh mùi cá khô phơi không đặng nắng. Chợ lèo tèo họp đến quá trưa thì vãn, để cả không gian đìu hiu cho ruồi nhặng ò e. Lạt Mốt không có gì đặc biệt nhưng có lẽ cách bạn đến với nó đặc biệt.

Nên bạn nhớ, nhớ lần buông bỏ, ngẫu hứng, túc tắc la cà như mây. Nhớ cú rẽ trái khỏi một cuộc đi đã được sắp xếp hoạch định từng chi tiết. Nửa đời bạn đã bị vây bởi một kế hoạch lớn với muôn vàn kế hoạch con, nhưng từ khi tạt qua Lạt Mốt, đôi khi bạn thay đổi hành trình lên chuyến xe bất kỳ, chỉ vì màu rèm che đẹp, vì anh tài xế có nụ cười hay hay…

Như anh chồng mẫu mực trên đường đi đón vợ đã thoáng phải lòng nụ cười của nhan sắc ngược chiều.

Như đứa trẻ trên đường đi tới lớp học hè dừng lại ngó nghiêng một cánh diều…


Nguyễn Ngọc Tư

http://www.viet-studies.net/NNTu/NNTu_DoiBuaLamMay.htm

sôngthương
10-28-2018, 05:15 AM
Phòng tư vấn số 18: Câu chuyện thứ 11

Chuông reo lúc chín giờ tối. Tôi đang đứng ở ban công nhìn xuống. Chiều nay hoa viên bên kia đường có văn nghệ khu phố, bóng đèn đường chiếu ngay xuống chỗ dựng sân khấu, cái bục và phông màn đã dọn đi rồi, còn lại những khúc dây kim tuyến và xác bong bóng nhiều màu vương vãi.

Tôi đi vào trong và cầm ống nghe. Có quá nhiều lạo xạo, âm thanh thưa dần rồi lại bật lên: “Hãng hàng không... xin thông báo...”.
- Tôi đang ở sân bay. Bị hoãn chuyến. Không biết làm gì nên chuyện phiếm cho vui.
Có vẻ như người gọi đã đi tới một nơi ít ồn ào hơn nên giọng nói dễ nghe hơn. Nhiều tạp âm nên tôi chưa kịp nhận xét gì, chỉ cảm thấy được cách xưng hô.
- Dạ, chị - Tôi cười và để cho tiếng cười của mình truyền qua đường dây - Chắc chị đã biết gọi tới đây tốn năm ngàn một phút.
Cứ như tôi tin ngay chỉ là chuyện phiếm.
- Không sao. Tôi mà rủ bạn đi uống nước để nghe tôi tâm sự thì còn tốn hơn nhiều, mà đâu dễ có người chịu nghe - Tiếng cười vui vẻ - Câu trước qua câu sau chê mình ngu là cái chắc.

Khẩu khí chừng như là sếp. Có những người thích hạ mình một cách kiêu hãnh.

Tay tôi vẽ bâng quơ một dáng người và lần này tôi vẽ cái áo trước, áo vest cổ chữ B, và cái ghim cài hình lượn sóng trên ve áo. Vệt sóng lượn khiến tôi nảy ý vẽ thêm cái mỏ neo, hơi nghịch so với cổ chữ B nhưng tôi mặc kệ.
- Tôi vừa mới gặp lại người yêu cũ cô à. Mười bốn năm. Đúng mười bốn năm mới gặp lại. Thật tình là có chút bâng khuâng. Không phải tôi xao lòng đâu cô. Nếu có cảm giác nào đó thì tôi hận anh ấy dễ dàng quay lưng với tôi. Mà tôi hết hận ghét yêu thương rồi. Chỉ là khiến tôi nhớ cái thời khờ khạo của chính mình.
- Mối tình đầu - Tôi hỏi mà như nói.
- Mối tình đầu. Yêu nhau suốt bốn năm sinh viên. Người ta nói tình đầu hiếm khi là tình cuối. Nhưng hai đứa tôi chia tay rất vô duyên.
- Chuyến bay của anh ấy có bị hoãn không? - Tôi hỏi.
- Không. Bay rồi.

Vậy là người đàn ông không coi đây là cơ hội với cố nhân. Đã qua. Nhưng người phụ nữ thì xao xuyến. Muôn đời là phụ nữ.
“Anh chị có trò chuyện với nhau không hay chỉ là chị thoáng thấy lướt qua trong đám đông?” - Tôi ngậm câu hỏi lại trong cổ. Một câu hỏi ngu xuẩn.
Tay tôi tô đậm đường viền cổ áo. Vẫn chưa hình dung được khuôn mặt. Người đàn ông vẫn tiếp tục hành trình của mình. Chắc là người phụ nữ này không còn xinh như xưa? Có người tới tuổi trung niên bị xổ ra, mập phì, bất kể mọi bài tập thể dục và mọi lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng. Hay vì phong thái sếp quá mà người ta không thành đạt, không bằng vai phải lứa? Cảm giác tôi nghiêng về lý do này.

Tôi vẽ cái miệng hơi rộng và đôi mắt nhìn thẳng cả quyết.
- Hồi đó hai đứa tôi mới ra trường, long đong xin việc. Bà chị họ làm ở công ty quảng cáo tư vấn là thời buổi này cứ phải sô hết ra, có được tấm chứng chỉ nào cũng kẹp vô, có tí chút khả năng nào cũng cứ ghi bừa vô cho hồ sơ được đẹp để lọt qua vòng gửi xe cái đã. Cứ phải lọt qua vòng gửi xe để được có mặt ở vòng phỏng vấn trực tiếp. Căn cứ theo thứ tự thì phỏng vấn trực tiếp là quan trọng nhất nhưng thật ra khâu này chỉ là hên xui. Đụng sếp thích đặt ra tình huống lắt léo liên quan tới đạo đức kinh doanh kiểu như công ty đang có lô hàng cần gấp mà nhân viên hải quan đòi chung chi, bạn sẽ giải quyết cách nào? Hoặc oái oăm hơn là nếu công ty bên bờ vực phá sản thì bạn sẽ ra đi hay ở lại? Những câu hỏi kiểu đó rõ ràng là hên xui còn gì. Cho nên kinh nghiệm xương máu là đừng có đặt nặng ở vòng phỏng vấn...

Giọng nói to dần và đầy tính thuyết phục như là đang đóng vai bà chị họ. Có vẻ như cuộc gặp đã xới tung tới đáy ký ức và kỷ niệm về bà chị họ khá sâu đậm.

- Cái chính là mục viết luận. Công ty tây có chi nhánh ở ta thì ăn thua là ở bài luận. Dám cá là chủ nhân của bài luận phải viết đi viết lại hàng chục lần tốn bao cú điện thoại hỏi đông hỏi tây phải viết ra làm sao cho đúng, trong khi vấn đề không phải là viết cho đúng ý người khác mà viết sao cho người ta thấy được mình. Chữ “thấy” trong ngoặc kép. Tóm lại là nên chịu khó tốn tí tiền tí thời gian đi học một khóa viết luận. Bà chị họ nói vậy, còn tôi thì nghi ngờ bà chị vừa ký hợp đồng quảng cáo cho lớp học viết luận ở trung tâm nào đó - tiếng cười vang lên - Hồi đó tôi chỉ là tép riu so với bà chị thôi, nhưng mà tôi đã đoán đúng. Lúc nộp tiền khóa luận, cả tôi và Dũng được giảm hai mươi phần trăm học phí. Sau này mới biết hai mươi phần trăm đó là hoa hồng bà chị được nhận trên mỗi đầu học viên.

- Bà chị xử sự vậy là có tình mà - Tôi nói, phụ họa là chính.
- Ừ, ai cũng nghĩ có tình. Tôi cảm ơn bà chị bằng câu nói trịnh trọng “sau này đám cưới tụi em mời chị ngồi bàn hai họ”, ý tôi là sự giúp đỡ của chị không chỉ hai đứa tôi ghi nhận mà cả gia đình hai bên đều biết. Bà chị quạt luôn: “Ngồi bàn hai họ làm chi, dự tiệc búp phê và tiễn cô dâu chú rể ra phi trường bay chuyến trăng mật trời tây thích hơn”. Tôi đã không hiểu đúng ý câu nói đó cũng như không hiểu đúng cái liếc nhìn thách thức về phía Dũng. Tôi cứ tưởng đó là lời chúc hai đứa mau được lương cao đủ đi trăng mật nước ngoài.
Hơi thở mạnh. Bà chị họ biến mất. Tôi hình dung cô gái trẻ đầy háo hức.
- Ngày phỏng vấn, tôi không bị đụng câu hỏi hên xui. Tôi thật tình tưởng mình may mắn và thông minh. Tôi trúng vé làm thư ký cho sếp nhờ bài luận viết lưu loát và sâu sắc. Bà chị nói trong hàng chục hồ sơ đó là bài luận duy nhất lọt vô mắt xanh của sếp. Tôi cảm ơn bà chị không biết để đâu cho hết. Sếp tuyên bố cần một thư ký đúng nghĩa, tôi sẽ thay mặt sếp trả lời thư tín, xếp lịch hẹn làm việc, soạn thảo hợp đồng và đủ thứ dính dáng tới giấy tờ. Thử việc ba tháng, nếu làm tốt được ký hợp đồng dài hạn.

Dũng xui xẻo dính ngay câu hỏi oái oăm “Nếu công ty bên bờ vực phá sản...”. Biết trước câu hỏi này rồi và hai đứa tôi đã cùng soạn câu trả lời cho cả hai phương án “ra đi” và “ở lại” nhưng thật tình là phương án nào cũng mông lung.

Có lẽ nhìn lưng áo Dũng khi đi ra cửa ướt mồ hôi tội nghiệp quá, sếp hỏi thêm một câu: “Hồ sơ cho biết bạn có bốn năm làm trợ lý huấn luyện viên một câu lạc bộ võ thuật, bạn có muốn làm bảo vệ công ty không?”.

Dũng đỏ bừng mặt mũi đi thẳng ra cửa và đi luôn ra khỏi cuộc tình tôi. Cứ như việc làm thư ký sếp là tôi đồng lòng xúc phạm Dũng. Trong khi trước cuộc phỏng vấn chính Dũng nói: “Nếu chỉ được một đứa thì coi như tụi mình thành công năm mươi phần trăm”. Có lẽ khi nói câu đó Dũng nghĩ mình là người chia sẻ tiền lương cho tôi trong cảnh thất nghiệp.

Tôi gọi điện thoại, Dũng không nghe. Tôi nhắn tin điện thoại, Dũng không trả lời. Tôi nhắn tin Facebook, Dũng im lặng. Tôi tới phòng trọ, bà chủ nói Dũng không ở đây nữa. Tôi nghĩ mình đang tìm kiếm một cái bóng.

Mà sếp thì rất thật, gần gũi, ân cần, thông minh, dí dỏm... “Anh vừa đọc Facebook của em, hóa ra cách đây ba năm em là người tổ chức quyên góp những kỷ vật trong sinh viên để bán gây quỹ. Em viết là có những kỷ vật quý giá nhưng đến lúc nào đó nó trở thành vướng víu mà bỏ thì thương, vương thì tội, vứt thì phí, chi bằng hãy để nó trở lại là một món hàng trên kệ. Có đúng là em nghĩ vậy không?”.
Là người xếp lịch làm việc cho sếp nên tôi biết sếp bận kinh khủng, sếp lấy đâu ra thời gian đọc ngược Facebook của tôi từ cách đây ba năm? Mà đọc cả những thứ nhảm nhí của một thời.

Khi người ta thật lòng yêu...
Nhắm mắt đón đợi nụ hôn, thoáng qua đầu tôi ý nghĩ “Có nhanh quá không?”. Chưa hết thời gian thực tập. Tôi lùi lại. Tôi không muốn mình là một cô gái nhẹ dạ.
“Anh đợi giây phút này từ lâu lắm rồi. Anh yêu em từ lần đầu tiên gặp em. Anh vẫn nhớ hôm đó em mặc áo ca rô nhìn rất nghịch, như một cô bé”.

Bình tĩnh lại sau nụ hôn say đắm, tôi nhớ lại khi mình đi phỏng vấn. Tôi nhớ rõ mình rất phân vân, muốn mặc một bộ thật nổi để gây ấn tượng đầu tiên nhưng vì không muốn tôi và Dũng khác nhau quá, cuối cùng thì tôi chọn sơ mi trắng.
Sếp nhớ nhầm cô gái nào rồi. Tôi chỉ thêm một mẩu chuyện trong vô số mẩu về sếp và thư ký thôi. Tôi chảy nước mắt cho sự cả tin của mình.

Sếp cười bí ẩn, tay này lau nước mắt cho tôi tay kia nhấp chuột. Hiện ra tấm hình mừng tân gia bà chị họ, tôi mặc áo ca rô xanh đỏ tay giơ cao ly rượu tham gia màn hò hét trăm phần trăm, Dũng ngồi bên cạnh tôi, miệng cười rất ngoan đúng kiểu lần đầu ra mắt nhà bạn gái...

***
Giọng nói bị chìm trong chùm âm thanh náo động: “Xin mời những người khách cuối cùng của chuyến bay...”.
- Tôi chợt hiểu ra, cô à - Giọng nói cố lấn át sự ồn ào.
Tôi ngừng tay vì không biết nên vẽ mái tóc ra sao. Tém, khỏe khoắn trẻ trung? Hay là hơi dài, hơi quăn, vén cao hai bên vành tai rồi buông thả sau gáy?

Đường dây bỗng im ắng đáng ngạc nhiên. Rồi tôi nhận ra người phụ nữ đã tìm được một nơi yên tĩnh. Có lẽ là phòng vệ sinh. Có tiếng nước xối mạnh rồi yên lặng.
- Hả? Cô đoán được không? - Giọng nói đòi hỏi phải có trả lời.

Nãy giờ người phụ nữ tuôn một mạch và đóng tất cả các vai, không để tôi chen vào dù chỉ một tắc lưỡi tỏ vẻ đồng cảm. Rồi bây giờ thì muốn kéo tôi vào câu chuyện. Có nên chia sẻ bằng cách tham gia không? Hay chỉ lắng nghe thôi? Tôi lưỡng lự tự hỏi. Đã là quá khứ rồi. Ý kiến của tôi không làm đổ vỡ thêm gì cả.
- Bà chị họ sắp xếp để chị và Dũng cùng nộp hồ sơ vào công ty và mục viết luận chỉ là chiêu trò thôi phải không? - Tôi nói khẽ.
- Đúng vậy đó. Tôi ngu quá đi. Hồi đó tôi cứ tưởng mình viết luận hay lắm, tưởng mình thông minh lắm. Bà chị kể sếp bị tiếng sét ngay tiệc tân gia, biết tôi đang học năm cuối mà có người yêu rồi... Còn phân bua là sếp hoàn toàn nghiêm túc muốn tiến tới hôn nhân.

- Chắc là bà chị quen thân với sếp lắm? - Tôi hỏi.
- Sau này tôi biết sếp giúp bà chị mua được lô đất giá phải chăng, có được căn nhà ngon mặt tiền là nhờ sếp. Khi tôi hiểu ra sự việc và nổi giận, bà chị họ nói là tôi đừng khờ nữa. Tôi bèn khôn ra bằng cách lặng lẽ đợi hết thời gian thử việc, khi sếp cầm bút ký hợp đồng dài hạn và tự tin đã làm chủ linh hồn tôi. Lúc mở túi xách lấy mấy món quà sếp tặng trả lên bàn của sếp, tôi nói thầm trong lòng: “Dũng à, em trả thù cho anh đây”. Mà sao tôi không khóc cô à. Có lẽ tôi phải cảm ơn bà chị và sếp đã luyện cho tôi một bài học khiến tôi bớt ngu và cứng cỏi hơn. Tôi hài lòng thấy sếp đỏ mặt ngạc nhiên hỏi vì sao. Tôi đáp lại bằng câu status mà sếp đã đọc trên Facebook: “Vì những kỷ vật đến lúc trở thành vướng víu...”. A lô, cô còn nghe không?
- Dạ, chị.

- Cô à - Giọng nói thì thầm - Lúc nãy, khi gặp lại, tôi tự hỏi Dũng có biết rõ những gì xảy ra sau khi anh ấy bỏ đi không hay chỉ biết cái đoạn tôi và sếp bồ nhau thôi? Cô nghĩ Dũng biết không? Hay trong lòng anh ấy tôi vẫn chỉ là kẻ phản bội?

Tôi im lặng. Phụ nữ muôn đời bận lòng không đâu. Suốt mười bốn năm người ta không tìm gặp, chỉ là tình cờ đụng nhau ở phòng chờ, và sau đó người ta vẫn bay đúng chuyến.
Mà còn phải hỏi sao?
Tôi chuyển qua đề tài khác:
- Bây giờ chị còn làm thư ký không?

- Bây giờ tôi làm thư ký cho chồng tôi - Giọng nói ngập ngừng một chút rồi cười xòa - Nhớ lần tôi đọc trong sổ tay của chồng thấy có câu được gạch chân “làm sao cho đối thủ tự rút lui”, tôi giật mình tưởng bà chị họ lẻo mép cho chồng tôi biết. Cuộc đời nghĩ cũng luẩn quẩn hả cô?

Tiếng nước róc rách nhẹ. Có lẽ có người đi vào phòng vệ sinh và họ đang rửa tay, rồi âm thanh máy sấy rù rù...
Và sự ồn ào tăng dần, chắc là người phụ nữ đã ra ngoài và đi gần tới phòng chờ.

Bỗng vang tiếng reo: “A, chào người đẹp. Ra đây công tác mà sao không a lô cho em út biết mà đón tiếp”.
- Thôi chào cô - Giọng nói vội vàng - Cảm ơn cô đã lắng nghe.

Vang ba tiếng tút tút tút. Tôi đặt ống nghe xuống và nhìn bức vẽ còn dang dở. Không có tóc, mà lại là áo vest gài ghim hình mỏ neo, nhìn người phụ nữ này như muốn gây gổ.
Chị có tiếc không?

(Nguyên Hương)

https://thanhnien.vn/van-hoa/phong-tu-van-so-18-cau-chuyen-thu-11-truyen-ngan-cua-nguyen-huong-814297.html

sôngthương
11-12-2018, 02:02 AM
Ma và người


tạp văn
Nguyễn Ngọc Tư

(Gởi những ai sợ hãi bóng đêm)

Hồi tôi sống với ngoại, lúc sáu, bảy tuổi gì đó, tôi bắt đầu biết sợ... ma. Sợ vì tin rằng có ma trên đời. Để ý thì thấy, lần nào ngoại tôi vấp chân, bà cũng từ tốn nhìn quanh, giọng nửa trách móc, nửa tôn kính: “Mô Phật, ai mà giỡn kỳ, đẩy bà già này làm chi?”. Không ai trả lời, chỉ có gió rợn sau nhà. Đám giỗ, ngoại bày năm mâm cúng, lúc nâng ba cây nhang nghi ngút khói ngang trán, ngoại lâm râm vái có kinh có kệ có dò có dọc như thể người nào đó đang ngồi chình ình trước mặt. Tàn nhang cong queo, ngoại mừng húm nói bữa nay có ông bà về. Nhưng ngoài tôi ra, trước sân chỉ rụng xuống một vài lá vú sữa rập rờn. Tôi tin có những người nào đó tồn tại quanh mình, trong một thế giới vô hình, dù ngoại không hề dọa ma. Vì vậy, suốt những năm sống với ngoại trong khu vườn gần đồn Chẹt, tôi chẳng bao giờ lẻn ra vườn bởi ghê cái ao trước đây có ông lính cộng hòa say rượu té chết, một mình không dám ra sông vì ngoại kể hồi chiến tranh, sông trôi xơ xác những xác người. Cũng không leo trèo hái trái trên những cây me cổ thụ, loại cây mà ma khoái ở (thì nghe nói vậy). Nửa đêm thoi thóp nghe chim cú kêu bên hè (khốn khổ, vì vườn xưa, nhiều cây cao nên chim cú thích ở, đêm nào cũng kêu xa kêu gần). Quãng đó tôi sống tốt dễ sợ, đến nỗi không dám... ăn vụng vì nghĩ mình làm bất cứ chuyện xấu xa nào cũng có kẻ nhìn thấy, ớn muốn chết.

Ma đem lại cho tôi rất nhiều cảm xúc mãnh liệt (điều này hơi giống... tình yêu). Trong sợ hãi có một chút thích thú. Muốn quay đi nhưng cũng rất tò mò, hiếu kỳ. Sợ, nhưng thích xem phim kinh dị, tới đoạn rùng rợn lại che mặt. Người sợ ma nhất luôn có bộ sưu tập nhiều chuyện ma nhất. Và trí tưởng tượng được sử dụng hết cỡ. Những cây tre cọ vào nhau trong đêm giông, tiếng cú kêu, tay chuối khô vật vờ bay trong đêm, vài con bướm lớn màu xám lặng lẽ đậu im lìm trên vách, một góc nhà hơi tối và lạnh lẽo... đều là mối dây liên hệ với... ma. Ngay cả chạy trên đường, tiếng bước chân mình mà tưởng chân ma rượt, báo hại càng chạy càng thấy nó đuổi sát bên mình. Buộc phải sợ, thế giới đó quá bí hiểm, chưa ai được mon men ra biên giới giữa hai cõi hỏi thăm, người đi về cõi đó cũng không trở lại để... kể

Phải sợ, vì người ngoài sáng, ma trong tối. Ma lượn lờ quanh mà mình chẳng thấy, đến lúc chợp mắt, ma lại hiện ra trong những giấc chiêm bao. Tôi, cũng như nhiều người chưa thấy ma bao giờ, nhưng nghe kể chuyện đã thấy ám ảnh, hãi hùng. Người đời thêu dệt hàng ngàn câu chuyện ma khác nhau, nhưng đối tượng chính thì giống hệt, thường là những người phụ nữ xinh đẹp mặc toàn đồ đen hay trắng (có lẽ thế giới đó không chuộng mốt, chưa nghe ma mặc áo chim cò, áo yếm hoặc váy ngắn), tóc đen dài, và khi muốn làm con người sợ hãi, ma khoe cái lưỡi dài, đỏ lòm. Ma hay vật vờ than khóc trên những cây cổ thụ, hay mời người ăn bánh (nhưng khi tỉnh ra thì thấy bánh là bùn). Rất nhiều truyện kể ma đứng bên đường quá giang xe những người đàn ông, rồi biến mất bằng nhiều cách, hoặc đi vào ngôi cổ miếu nào đó, hoặc lặng lẽ tan đi mặc cho anh nọ vẫn nói huyên thuyên đằng trước.
Những câu chuyện ma bắt đầu làm cho tôi thích thú, đơn giản vì tôi hết sợ. Tôi không tin tuyệt đối vào sự huyền bí, nếu có thì ma đâu sao không vặn cổ bọn người xấu đang nhởn nhơ giữa đời kia. Hiểu ra điều đó, tôi tiếc vì mất đi một lý do để mình sống... tử tế. Nghịch lý, là khi tôi tỉnh táo, thấu đáo được một điều gì đó thì đời bỗng buồn hơn.

Bỗng ngỡ ngàng thấy người đáng sợ hơn ma. Chẳng biết được ai là bạn, là thù, ai yêu mình, ai ghét mình, trong khi ma đã tách bạch ở một giới tuyến tối tăm khác. Nói tới ma, biết ngay là giặc. Còn người thì lẫn lộn trắng đen, khó nắm bắt. Ma muôn đời đơn điệu vài chiêu dọa người, người lại nghĩ trăm phương nghìn cách hại nhau. Vậy mới sợ.

Phát hiện ra điều này, tôi buồn suốt một khúc thời gian, ganh tị với kẻ sợ ma rón rén trông buồn cười mà hạnh phúc. Tháng Giêng rồi, tôi đi H. chơi. Nghe nói nhà trọ xây trên nền nghĩa địa cũ, cả đêm hai đứa con gái cùng phòng mở đèn sáng rực, nghe gió rít qua khe cửa sổ, trằn trọc chờ... ma. Báo hại tôi ngủ không được. Trăn trở nghe bụng cồn cào, tôi mò ra quầy bar, mua ly sữa nóng. Anh chàng trực quầy cao lớn đang ép nước trái cây. Lúc anh ngẩng lên, tôi giật mình trước nét mặt đẹp, rất nam tính nhưng lạnh tanh, thật ngầu. Lúc ấy tôi bị bội thực những nụ cười giao đãi nên thấy thích anh chàng này, đứng nấn ná nói một vài câu chuyện bâng quơ. Tôi kể mình vừa thấy ma. Anh cười. Tôi nói em thấy ma thiệt. Anh lại cười. Tôi nói bạn em cũng thấy ma, nó đang sợ phát khóc trong phòng. Mắt anh ta nhìn tôi có vẻ tần ngần, cuối cùng anh hỏi, con ma ra làm sao. Tôi ngập ngừng, ra bộ vẫn còn hãi hùng lắm, nói chị đó mặc đồ nâu đen, tóc dài, cài nơ đen. Anh ta im lặng, nhìn chăm chăm vào cái máy xay đang kêu tè tè. Anh bỗng ngẩng lên: “Em à, con nhỏ đó hiền lắm”.

Tôi đứng day ly sữa trong tay, cảm động muốn chết. Chẳng ai nói về ma, về nỗi sợ hãi thường trực trong lòng bằng cái giọng ấm áp, bao dung, bình thản, chân thành như vậy. Như thể anh đang nói về một đứa em nhỏ, một người bạn thân, một đồng loại...

Thật đơn giản, lâu nay người ta cứ nghĩ ai đó là kẻ thù trong khi họ cũng có thể làm bạn. Tôi lại tin có ma ở trên đời, nhưng không phải để sợ hãi..

Mang Mộc
11-13-2018, 10:27 AM
"Đám giỗ, ngoại bày năm mâm cúng, lúc nâng ba cây nhang nghi ngút khói ngang trán, ngoại lâm râm vái có kinh có kệ có dò có dọc như thể người nào đó đang ngồi chình ình trước mặt.".
ST hoặc có ông đi qua bà đi lại nào hiểu rõ cái đoạn tô đen thì giải thích hộ với. Lần đầu tiên trong đời, tôi mới đọc thấy đám chữ ngồ ngộ này. Đọc nguyên câu thì hiểu nghĩa chung chung, nhưng mà lạ quá chừng, mới quá chừng.....

sôngthương
11-14-2018, 11:00 AM
"Đám giỗ, ngoại bày năm mâm cúng, lúc nâng ba cây nhang nghi ngút khói ngang trán, ngoại lâm râm vái có kinh có kệ có dò có dọc như thể người nào đó đang ngồi chình ình trước mặt.".
ST hoặc có ông đi qua bà đi lại nào hiểu rõ cái đoạn tô đen thì giải thích hộ với. Lần đầu tiên trong đời, tôi mới đọc thấy đám chữ ngồ ngộ này. Đọc nguyên câu thì hiểu nghĩa chung chung, nhưng mà lạ quá chừng, mới quá chừng.....





:):) Dạ, anh MM, thấy cách anh nhặt chữ là St biết anh đỡ cảm rồi . Uống thêm một tách trà gừng mật ong nho nhỏ nha :z61:

có kinh có kệ có dò có dọc , St nghĩ là cách viết theo lối nói đối xứng cho văn vẻ ,theo cảm hứng , cũng như ông đi qua bà đi lại vậy .
Nếu không đúng thì St lại giải thích mò bằng …hình dung vậy , ở chùa, khi các cụ đọc kinh hay dò tay trên từng trang và dò theo chiều dọc (có thể do kinh viết bằng chữ Hán hay chữ Phạn)

Cô Tư có lối viết rất ngộ, thường dùng những chữ/ cụm chữ rất …dân gian . Giống như cô bé hát bài “xin tiếng ca đây không ngừng bụi sương cũng vui” (bên trang cười) , cô nói một chữ cũng ngộ lắm . “Em thấy viết vậy nó dài, nó thừa bừa quá”
Chắc St cũng mắc bệnh …thừa bừa rồi :z13:

sôngthương
11-14-2018, 11:02 AM
Lục bình

Nguyễn Ngọc Tư

Quán đẹp, tên quán đẹp, ngó ra dòng sông đẹp. Đằng trước người ta quây rào tre giữ lại một đám lục bình đang trổ bông, cũng đẹp. Tôi đứng nhìn mãi những bông hoa tím co ro trong gió, trong chiều nắng tắt, quặn lòng, như gặp lại người bạn cũ.

Từ dạo con tôm lên ngôi, dài theo những dòng sông quê xứ đã xa vắng lục bình, mỗi khi có dịp đi đâu đó, gặp loại cỏ thuỷ sinh ấy, tôi mừng húm. Có điều, lần này, gặp bạn trong hoàn cảnh trái thường bởi lục bình trong nỗi nhớ, trong giấc mơ tôi lúc nào cũng trôi mênh mang trên một dòng sông nào, xa vắng. Lục bình mà bị cầm tù thì còn gì là lục bình nữa.

Con người ta có tật kỳ cục, chuộng cái đẹp nhưng không biết cách nuôi dưỡng cái đẹp. Hay tại tham lam nên cái gì cũng vơ vào mình.

Lục bình, phần nào đó như ngựa ở thảo nguyên, chim trên trời, gió ngoài đồng, hợp với sự hoang dã và tự do. Chỉ long đong cùng sông nước, lục bình mới thể hiện hết bản chất, vẻ đẹp và sức sống của nó. Nên lục bình ở quán bờ sông ấy có lạ, có biếc đến đâu thì cũng không bằng lục bình của những buổi chiều nắng phai, gió cũng phai như nắng. Kẻ ngồi bên sông chờ đò muốn ứa nước mắt. Một ao lục bình không buồn như vậy, một đám lục bình vướng vào đám chà trên sông cũng chưa gọi là buồn, một về lục bình chậm rãi trôi gợi buồn ít thôi, nhưng bụi lục bình duy nhất, với một nhánh bông duy nhất, liu riu thiu thỉu trên mặt sông đầy, thì buồn chết giấc.

Đó là lần đầu tiên tôi phát hiện ra vẻ đẹp của nỗi cô đơn, sưu tập thêm một biểu tượng của cái buồn xứ sở, cùng với khói đốt đồng phơ phất dưới hoàng hôn, cùng với tiếng bìm bịp thăm thẳm theo con nước, bầy đom đóm leo lét trên rặng bần. Một vẻ buồn rất lạ, đằm sâu, nhưng không giam hãm con người, không tù đọng, không cùng quẫn. Cái buồn trãi dài, thông thống, mênh mông, cởi mở…

Có lần đi Kiên Giang, qua phà Tắc Cậu, tôi lại thấy ở lục bình một hình ảnh khác, rất “đời”. Nơi này gần cửa biển, lục bình từ các sông trôi đến dìu dập. Nhưng lạ, bầy đàn đông đúc, mà có vẻ tan tác cô đơn. Hăm hở trước biển khơi mà như dùng dằng nuối tiếc dòng nước cũ. Lựa chọn nhưng vẫn hoài nghi, hoang mang. Hay lục bình chỉ là lục bình thôi, chỉ tôi gởi tâm trạng của mình vào rồi thấy mình là lục
bình trôi trôi ngơ ngác.

Tình cờ tìm tư liệu cũ, nghe bảo lục bình được nhập từ Braxin từ những năm 1905, tôi vẫn không nguôi được ý nghĩ trời sinh lục bình từ
khi vùng đất này có sông. Lục bình làm sông trở nên dịu dàng, sâu sắc. Dù vậy, nhiều người, trong đó có anh bạn tôi, chê lục bình dở òm, tiêu cực, cam chịu sống đời lênh đênh vô định, không phương hướng. Anh bạn có tật mắc cười, là hay gán lý tưởng, tính chiến đấu cho bất cứ gì, bất cứ ai, lục bình cũng không ngoại lệ. Buồn miệng, tôi cãi chơi, lục bình đang sống theo lẽ tự nhiên, tụi mình dấn thân vào đời, bươn tới những đích nào đó cũng theo lẽ tự nhiên, của con người. Nói đến đó bỗng cồn cào nỗi hoài nghi, người ta sống với tham vọng chồng chất ngút ngất là thuận theo lẽ trời ư?

Và chiều nay, trong cái quán lạ bên dòng sông xa lạ, tôi hơi đắng đót bởi ý nghĩ, con người ta còn tự cầm tù mình bằng những ảo vọng ngông cuồng được thì sá gì đám lục bình hèn mọn này, sá chi con chim trong lồng kia… Thôi, trở vô bàn ăn sướng hơn. Mình cũng bị nhốt như đám lục bình đó, mắc gì tiếc thương cho chúng.

Mang Mộc
11-14-2018, 11:06 AM
Đọc nguyên câu thì hiểu như “có lối có lề có hè có hẻm”, nhưng con nhỏ Tư này nó ở miệt dưới, nên khg hiểu là chữ nó chế, hay bà con miệt đó vẫn hay dùng? Bả chế ngồ ngộ rất nhiều mà công nhận có phần hay, cũng như dí dỏm.

sôngthương
11-14-2018, 11:16 AM
Dạ, cô Tư là nhà văn, chắc đã biết làm các con chữ sinh động hẳn lên anh nhỉ :), dù đang ở miệt nào

sôngthương
12-02-2018, 09:03 PM
Khi người ta trẻ .

1. Giỗ cô tôi vào khoảng tháng sáu âm lịch. Tôi không nhớ rõ ngày, chỉ biết trong cái tháng âm ấy, vào gần những ngày tang tóc ấy, bà tôi như một người khác, lờ đờ, uất ức, lẫn lộn...

Cô tự tử bằng thuốc ngủ. Không ai cứu được vì cô là sinh viên y và lại hay đọc tiểu thuyết, nên cô dùng thuốc với liều chết thật chắc chắn, ở một nơi không ai có thể can thiệp được. Còn lại mình bà sống trong căn nhà rộng, hằng ngày đốt nhang cho hai bàn thờ của ông và của cô.

Bà tôi nói với mẹ: "Để con Hoàn về với bà". Mẹ tôi không vui nhưng biết sao! Công việc của tôi là đi học, đi chợ, làm vài việc vặt. Bà tôi nấu ăn, nuôi gà, tưới phong lan và gắng giữ sao cho cả một ngày dài lúc nào hương cũng lập lòe trên hai bàn thờ.

2. Cô là một người đầy mâu thuẫn, ngông nghênh mà lại sợ dư luận; ăn nói ác độc, kiêu căng mà rất tự ti, chơi rất nhiều mà học cũng rất nhiều. Cô nhiều bạn nhưng chỉ thích tiếp bạn ngoài quán cà phê; là một người không bao giờ làm được việc gì đến nơi đến chốn, trong ngăn kéo còn lại vô số những bản tự cam kết. Sẽ không... Nếu không...Trong tủ đầy những mảnh vải thêu cắt dở dang, những cuốn tiểu thuyết gập góc ở những trang gần cuối. Thích đấy rồi chán đấy, cô làm khối kẻ điên tiết...

3. Rồi cô cũng dừng chân lại. Người cô yêu (hơn là người yêu cô) cả tính tình lẫn dáng vẻ đều còn rất trẻ con. Tôi gọi Vỹ bằng thằng vì nó bằng tuổi tôi, nghĩa là thua cô hai tuổi. Sau lưng, cô cũng gọi nó là thằng - thằng Vỹ. Hẹn, nó không đến, cô chửi: "Đồ khốn nạn!". Nó đến, cô lại ngỏn ngoẻn đi chơi, không hề dám giận. Mười một giờ đêm cô về, có bữa vui vẻ kể đủ chuyện, có bữa lặng lẽ lên giường ngủ thẳng. Bố tôi bảo: "Coi chừng!". Bà tôi chỉ cười. "Nói thì nó làm ngược lại. Thôi kệ!".

4. Kệ! Cô tôi vẫn đi đi về về cùng Vỹ dù rằng anh "công tử Bạc Liêu" này đã có một già nhân ngãi, non vợ chồng dưới Long Xuyên. Hằng ngày, từ Sài Gòn, anh chàng phóng như bay trên cái xe đẹp nhất trường về tỉnh, mặc kệ điểm danh thực tập, mặc kệ những buổi học giảng đường, mặc kệ cô tôi ở lại trơ vơ tráo váo. Dăm bữa sau anh chàng lên lại với tiền đầy túi không rõ từ đâu, với những bộ quần áo thật model. Cô hỏi "Về làm gì?" "Hết tiền!". "Có gặp Ngân không? Vui không?". "Không, chán rồi! Nó cà chớn lắm!". Cô tôi tự lừa mình mà vui được ít ngày, để rồi sau đó tự an ủi: "Nó còn nói thật là còn yêu!". Khi Vỹ nhịn không được, liền kể cho cô nghe về một căn nhà ở dưới đó, trong một đường hẻm có bán cơm tấm thật ngon, Ngân và Vỹ nằm dài tán dóc. "Mệt lắm, chẳng muốn tí nào!". Cái câu than thở này thật chẳng thích hợp tí nào với khuôn mặt rạng rỡ của Vỹ.

Mẹ tôi hỏi: "Sao em có thể chịu đựng được cảnh một gà hai mề thế hả Xuyên?". Cô ngồi băm thịt như chém vào mặt thớt, cười nhạt: "Nó có phải chồng em đâu, chơi cho vui vậy thôi. Đi với ai cũng được, ngủ với ai cũng được, em không quan tâm!". Mẹ tôi lí nhí: "Đừng có đùa, em! Rồi khó dứt ra lắm!".

Khó dứt thật, cô tôi ngày ấy thật khó trở lại với những quán cà phê khiêm tốn, với những buổi đi chơi "chay" ít xu. Thế giới sách vở của cô thu lại bé tí, cô làm những bài thơ tình quanh quẩn chẳng ai thèm đăng, cô viết những trang nhật ký u uẩn chỉ ba nhân vật: cô, Vỹ, Nhân. Cô không dám đề nghị một sự chọn lựa thẳng thừng ở Vỹ, sợ rồi Vỹ sẽ thẳng thừng chọn Ngân khi bị dồn vào chân tường.

5. Hồi ấy, tôi hay sang chơi với bà, phụ bà hái xoài, vú sữa, thông ống máng hay xách nước khi cúp điện... là những công việc không bao giờ cô làm. Cô ngồi ở cái bàn gần cửa sổ có cây hồng xiêm thò cành lá vào, vui thì chơi với hai bà cháu, buồn thì mở nhạc, ngồi viết nhật ký, thư từ, ai đụng đến cũng quạu quọ. Bà bảo tính cô thất thường như ông. Có điều ông không mê chơi, phù phiếm như cô. Bà bảo cô dễ tủi thân, buồn bã nhưng uất quá đến nỗi không khóc được, mặt chỉ lì ra, u ám. Tôi đã từng chứng kiến và hoảng hồn trước bộ mặt này khi cô đợi Vỹ trễ hẹn. Nó dữ tợn và tang tóc. Tôi kể lại, mẹ tôi bảo: "Mày chỉ khéo tưởng tượng!".

6. Bạn bè cô xa dần. Những anh học trò nghèo hiền lành. Những anh văn nghệ sĩ nửa mùa đang say sưa với cái nghèo tài tử chợt giật mình khi thấy cô đánh đổi tất cả để đến với Vỹ. Họ phân tích bằng cách này hay cách khác, xa hay gần, cho cô thấy rằng Vỹ chỉ là "thằng Vỹ" mà thôi. Một thằng Vỹ ít nói vì không biết gì để nói, một thằng nhà giàu ích kỷ, chơi bời và tàn bạo. Mặc kệ, cô gọi những cái ấy là đàn ông, là amateur. Cứ như vậy, giảng đường trở nên xa lạ với cô và Vỹ. Cúp học liên miên. Thi lại cũng liên miên. Trong ngăn tủ lại thêm rất nhiều những mẩu giấy kể từ mai phải học, phải... nếu không...

7. ... Rồi những tháng hè đến. Cậu Vỹ thì biến đâu mất. Cô tôi càng lầm lì, bỏ cà phê, ca nhạc... Hằng ngày cô vẫn ngồi bên cái bàn cạnh cây hồng xiêm, học bài và viết những trang giấy bé như bàn tay. Bà hỏi: "Con chưa nghỉ hè à?" "Thi lại!". Đây là chuyện cơm bữa, bà tôi cũng chẳng nói gì, lại nhờ tôi làm giúp các việc vặt để cho cô nấu sử sôi kinh.

Sinh nhật cô, không mưa sụt sùi, không nắng chói chang nhưng cũng chẳng ma nào đến ngoài hai bạn gái cùng lớp khệ nệ mang đến một bó hoa với vài cục xà bông. Cô tôi cắm hoa vào cái ly cũ không cần sửa sang, rồi đặt vào một góc bàn. Ngày ấy, tôi mang quà của bố mẹ tôi sang và nấu cho cô nồi chè. Cô nằm trong màn không thức, không ngủ. Tôi hỏi: "Cô đi uống cà phê với cháu không?". Cô bật dậy ngay: "Đi, ở nhà mệt quá!". Tôi dẫn cô ra quán cà phê Phi Vân là nơi tôi hay uống. Cô ngơ ngáo nhìn đường mới, nhìn xe qua lại, không nói năng gì. Rồi cô hỏi: "Hoàn, cháu có bồ chưa?" "Bạn thôi cô!". Tôi hạnh phúc và ngượng ngùng khi cô hỏi đến "người" của tôi. Cô hỏi: "Làm gì? Có tốt không?" "Học cùng với cháu. Hiền lắm, nông dân lắm, tốt lắm!". Cô cau mày: "Nông dân lắm là sao?" "Là thật lắm, cháu đùa sao cũng tin là thật!". Cô cười một cái cười xanh xao, đôi mắt u ám chợt trở nên buồn và trong veo kỳ lạ. Tôi "lịch sự" hỏi lại: "Tối chú Vỹ mới đến hả cô?" Cô sa sầm: "Không, chẳng ai đến cả. Cô bây giờ ít bạn lắm rồi!". Ít bạn lắm rồi, có thế, vào cái ngày này tôi mới được ngồi với cô ở đây chứ!

8. Bà tôi nhớ lại, trước khi chết vài ngày, cô vui vẻ lại, đi uống cà phê, mua quà bánh, chở bà đi chơi lung tung: "Con thi xong hết rồi!". Rồi như các tiểu thuyết vẫn có mà chẳng ai ngờ, cô xin đi Long Hải hai ngày. Để ít ngày sau, bà tôi nhận xác cô từ một khách sạn ở Vũng Tàu. Không một cái thư tạ lỗi như người ta hay làm, không trách móc ai, bên cạnh cũng không có ảnh của ai, chữ của ai. Chỉ có cô và vỉ thuốc trống rỗng.

Bà tôi mặc cho cô cái áo màu rêu cô hay mặc, cái quần thùng thình cô hay diện đi chơi, chải cho cô cái đầu bụi đời. Cô út đã cho bà một đòn nặng. Cô đi không để lại lý do làm cho mọi người đâm áy náy, mọi người đều kiểm tra lại xem đã có chuyện gì để cô tôi - cái người hay hờn dỗi ấy - tủi thân không?

Đám tang cô không có "chú Vỹ". Nghe đâu "chú" đi Quy Nhơn chưa về. Ở ngoài ấy, tôi chỉ mong sao sóng cuốn phăng nó đi!

9. ... Hai năm rồi, chẳng còn ai nhớ về cô rõ ràng nữa, ngoài bà. Nếu biết ra điều này hẳn cô đã chẳng tự tử làm gì cho mất công! Bố tôi kết luận: "Con điên! Điên như nó không chết trước cũng chết sau!". Mẹ tôi bảo: "Chắc có gì với thằng Vỹ rồi!". Có hay không, chẳng ai biết được. Nhật ký cô để lại không ghi cái gì cụ thể, chỉ thấy u ám. Mưa hay nắng cũng u ám, đi chơi cũng u ám, đi học cũng u ám. Cái gì cũng có vẻ như không lối thoát. Đến nỗi đọc xong, tôi có cảm giác: "Chết đi là vừa!". Với cái đầu tò mò mà ấm ớ, tôi thử làm một bản tổng kết và qui ra rằng cô đã đổi tất cả đề rồi Vỹ ta cao chạy xa bay; rằng cô đã không chịu nổi cảm giác ở lại thêm một năm học để bị bạn cười thương hại. Mẹ tôi lại bảo: "Vớ vẩn, có đáng gì đâu". Có đáng gì đâu?

Đáng lắm chứ. Tôi bám vào cánh cửa, ngoài vườn mưa như giông. Nếu mẹ tôi hiểu, ở cái tuổi này người ta điên đến mức nào, ngông cuồng đến mức nào và cần có bạn bè để an ủi biết bao nhiêu, người ta lại thích trả thù nữa chứ! Khi chết, hẳn cô đã tưởng tượng ra mọi người khóc lóc, Vỹ hoảng sợ, hối hận, ôm lấy quan tài như muốn xuống mồ theo...

Than ôi, ngày đám tang cô, Vỹ ta tắm biển. Vui lắm và nắng lắm!

Phan Thị Vàng Anh

https://vietmessenger.com/books/?title=khi%20nguoi%20ta%20tre&page=8

sôngthương
12-26-2018, 12:16 AM
Dòng nhớ .

Sáng nay, má tôi lại ra đứng tần ngần ở chợ Ba Bảy Chín, nghiêng nghiêng ngó ngó một hồi, biểu con nhỏ chèo đò chèo dài dài chợ nổi. Chợ rao bán rau trái dậy động cả một khúc sông, má tôi thấy ghe nào cũng lần xuồng lại, dòm mặt chủ rồi đi. Con nhỏ chèo đò chắc là chèo mối, nó biết bà già định đi đâu, định làm cái gì nên nó biểu:
- Hỏng hỏi thăm thì vô phương kiếm ra, ngoại ơi.

Má tôi ngẩn ngơ. Hỏi chớ, chú ơi, thím ơi, tôi muốn hỏi thăm một người quen. Tên gì? Ghe bán gì? Hai Giang. Ghe bán hàng bông. Trời đất, ở xứ này có tỷ tỷ ghe bán hàng bông, cũng có biết bao nhiêu người tên Giang, vậy tướng tá người đó ra làm sao. Bây giờ đâu có biết ra làm sao, gặp được một lần mười sáu năm trước, nhớ sao tả vậy nghen. Ðàn bà, chừng sáu mươi, trạc tuổi tôi, tóc dài, da ngăm ngăm, không đẹp không xấu. Mới đầu đi với chồng, sau chồng bỏ lên bờ vì cơ cực quá trời, hồi trẻ có đứa con gái đầu lòng chừng bảy tháng tuổi thì rớt xuống sông chết.

- Vậy thì đông lắm, người sống trên chợ này hễ mười thì có năm người y chang hoàn cảnh vậy, dân Ba Bảy Chín mà, "ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh", chị hỏng nghe sao?
Má tôi chẩng hẩng:
- Vậy a?
- Ừ, người đó quen sao mà tìm coi bộ cực dữ?
- Quen. Chà, hỏng biết nói sao bây giờ, dài dòng lắm, vợ của chồng tôi.

Nếu vậy thì dài dòng thiệt, chuyện tình tay ba mà phim dính vô chuyện nầy cũng năm bảy tập trở lên, còn cải lương lâm ly không biết bao nhiêu là nước mắt.
Má tôi cũng khóc nhiều rồi.

Má tôi nói hoài, ba mươi tám năm bà về làm dâu nhà chồng, cực có, sướng có, chưa bao giờ nội tôi khắt khe, nhỏ nhặt, khó chịu với dâu, nhưng má tôi vẫn hận nội tới chết mới thôi. Hỏi sao kỳ vậy, má tôi kéo chéo khăn lên chậm chậm vô đôi mắt: "Bộ hết người rồi sao mà nội bây cưới tao cho ổng, đó - bà chỉ tay ra bến - gần hết đời rồi tao có được vui đâu".

Ðó là lúc "ổng", tức ba tôi chống cây gậy khật khừng lang thang xuống bến. Ông dừng lại chỗ mấy cây tra, lấy tay rờ rẫm, săm soi từng cái lá, cái bông như tay bắt mặt mừng thằng bạn lâu năm mới gặp. Rồi ông lần ra tới đầu bến, đứng dưới hàng mắm già ngày xưa ông trồng để giữ đất cho khỏi lở, để mặc cho mấy cái hoa nắng vàng xơ rơ đậu xuống cái đầu húi cua, bạc trắng của mình, ông già tha thiết nhìn ra sông. Chỉ vậy thôi rồi khật khừng quay lên, cái chân trái yếu ớt như tựa hẳn vô cây gậy, cứ mỗi lần chân bước, đầu gậy lại xoáy sâu vô đất một lỗ tròn tròn.

Cảnh thì quen lắm, thì ngày nào, buổi nào ba tôi chẳng làm vậy nhưng cứ tụm cả nhà lại, rồi ngồi lặng lẽ dòm, ai cũng nghe đau đau xót xót như ai lấy cật tre cứa tới cứa lui trong lòng. Bởi cái lúc này là lúc sum họp đây, vậy mà sao vẫn thấy thiếu một người, mà thiếu đúng cái người đang lững thững đi dưới nắng kia mới chết.

Sau đợt tai biến mạch máu não lần thứ nhất, nửa người bên trái ba tôi yếu hẳn đi, tưởng chỉ vậy thôi, đến lần thứ hai bỗng dưng tâm trí ông già nhớ quên, ít nói, lẩn tha lẩn thẩn. Nhưng còn sống, còn tự mình đi đứng được là may lắm rồi, ai cũng nói vậy. Lúc đó cả nhà đang ở chợ, ba tôi càng lúc càng buồn, hay chống gậy đi, mấy lần cả nhà bỏ tiệm may đi kiếm ông. Sau này chỉ cần một mình tôi, vắng ông, tôi chạy xe dọc theo con đường về vườn cũ là gặp. Thấy tôi, ông già khựng lại, không nói gì, nhưng cặp mắt khẩn cầu, da diết, tôi làm như không biết, cầm gậy, đỡ ông lên xe chở về, có lần ba tôi khóc, ông khóc rưng rức, nước mắt nước mũi nhễu nhão, lòng thòng.

Sau lần ấy, cả nhà quyết định đưa ông về sống trong vườn nhà nội. Vườn bỏ lâu nay, nhưng nhờ cô dượng Ba ở kế bên nhà trồng trọt, trông coi nên chỉ cần dựng căn nhà lên là ở được. Chuyện cắt cử người ở lại với ba tôi thì khỏi phải bàn bởi chừng nào mà má tôi bỏ ông được, "làm gì má cũng phải giữ ba", tôi đùa. Má tôi xua tay:
- Ổng còn nguyên đó chớ có đi đâu, trước không mất giờ còn sợ mất mát gì nữa -giọng má chợt cay đắng, hồi đó giờ ổng có phải của tao đâu mà giữ.

Nói rồi má tôi trùm cái khăn lên đầu bước xuống xuồng, đưa tôi qua sông, tới bờ bên kia, ngó lại, ba tôi đứng chênh vênh trên bến, đôi mắt như đang nhìn da diết mà không biết nhìn ai, chỉ thấy mông mênh vậy thôi. Chơ vơ, cô độc. Má biểu tôi đi đường cẩn thận rồi bơi xuồng trở về, còn nói với theo:
- Sao má lo quá, má sợ ba mầy, ổng mà chết ổng cũng xuống sông để chết.

Lo cũng phải, không phải ba tôi nhớ vườn xưa mà chống gậy về, ông nhớ sông, một ngày ba bốn lượt lủi thủi chống gậy ra bến, cặp mắt như ngó mong, như hờn giận. Ba tôi vốn là người của sông mà. Ông đang ở đây nhưng tâm hồn ông, trái tim ông, tấm lòng ông chảy tan vào dòng nước tự lâu rồi.

Và cũng y như má tôi, ba cũng không sống được mấy ngày vui, vui thật, vui đúng nghĩa. Hồi tôi còn nhỏ, còn sống chung với bà nội, đêm đêm cả nhà đi ngủ, ba tôi ngồi hút thuốc trên bộ vạc kê trước nhà, chống rèm lên, ngó ra sông. Kiểu ngồi một chân xếp bằng, chân kia dựng lên, rồi tì cái tay cầm điếu thuốc lên cái đầu gối, đêm này qua đêm khác, kiểu ngồi không đổi. Nửa đêm, má tôi đi ém mùng lại, tôi thức giấc, ngó ra chỉ thấy đốm lửa lập lòe, lúc đỏ rực, lúc lại tắt thiu tiu. Má tôi ngồi trong mùng lặng lẽ nhìn ba, còn ba thì nhìn ra sông. Sông cách nhà một cái bến dài chẻ ngang đám dừa nước, đám ô rô mọc lởm chởm chồm từ mé lá lên. Những đêm trăng sáng, nếu không vướng mấy bụi ráng, bụi lức dại có thể thấy một dòng chảy líu ríu, sáng loáng, lồng lộng. Ban đêm, con sông trước nhà tôi không ngủ, nó thức theo những chiếc tàu rầm rì chảy qua, theo tiếng mái chèo quẫy chách bụp rất đều. Dài từ ngã ba Vàm đến đây, nước chảy êm, khuất gió, những chiếc ghe đi đêm hay đậu lại, nghỉ ngơi. Lâu lâu, có chiếc ghe hàng bông lặng lẽ neo lại ngoài bến nhà tôi, treo ngọn đèn chong lên cây đước chơm chởm những cái nhánh con, mỗi nhánh lủng lẳng trái khóm, trái bầu dầm nắng mưa đã teo héo. Không thấy bóng người, chỉ nghe tiếng gàu tát nước cọ vô xuồng xao xác. Hừng đông chạy xuống bến thì ghe đã đi rồi. Những đêm đó, ba tôi hút thuốc dữ, cứ nhìn chong chong ra ngọn đèn đỏ ối, nhỏ nhoi, buồn hiu ngoài kia. Ba tôi thở dài. Má tôi thở dài, chạy qua buồng bên khóc với bà nội tôi, không biết nói cái gì, chỉ nghe lõm bõm, tiếng nội làu bàu: "Vậy ra má đã làm sai cái gì?" và má tôi tuyệt vọng: "Kiểu này biết chừng nào ảnh mới quên chuyện xưa hả má?".

Ngày xưa ba tôi cũng yêu thương một người. Nội tôi dứt khoát không chịu (nội có tỷ tỷ lý do để không chịu), ba tôi mới dắt díu người ta bỏ nhà đi, sống kiếp thương hồ. Hai người trải qua biết bao nhiêu cơ cực, nào là gặt mướn, làm cỏ lúa, đắp bờ... mới có được một ít vốn, ba tôi sắm cái máy Koler xuống rẫy bán hàng bông. Họ sống nghèo lắm. Mỗi lần đi ghe đi ngang qua nhà, ba tôi khắc khoải ngó lên, vừa nhớ, vừa đau vì cãi nội. Rồi hai người có với nhau đứa con, nhưng chị bạc mệnh chết đuối, tận cùng đau khổ, ba tôi bỏ về nhà, được về, ba tôi cũng phải đáp ứng vài điều kiện của nội, vậy là ba tôi bỏ người ta giữa dòng bơ vơ. Tôi biết được có bao nhiêu đó thôi, kể ra cũng mấy dòng vậy thôi. Mà, cũng phải đợi tới năm mười lăm tuổi, cả nhà mới cho tôi biết. Tôi bật ngửa, chuyện xảy ra lâu rồi, nhưng người ta vẫn còn nhớ, vẫn còn cắm sào trước bến nhớ ba tôi, vậy mà biểu ba tôi quên cái rụp thì làm sao quên được.

Mà, cũng vì ba tôi quên không được má tôi mới thương ông nhiều, sau nầy, lớn lên, biết yêu thương rồi, tôi mới ngộ ra. Con người ta, nhất là đàn ông thương ai mà vì nỗi gì đó quay lưng lại quên mất tiêu thì đúng là không tử tế, không đáng tin chút nào. Với tôi, ba tôi thì quên hay không cũng được, ba đã sống tốt với cả nhà tôi lắm rồi. Ông sống tử tế đến vô cùng, đến thừa, dường như ông gởi gắm tình thương yêu đến cả người vắng mặt.

Ở cái xóm quê, mười người đàn ông thì nhậu nhẹt hết chín, trong chín người hết năm nhậu về chửi vợ, đánh vợ như đánh bịch muối, ba tôi là người duy nhất còn lại. Ông ít nói, hiền lành, từ tốn với má tôi, những lần má tôi bệnh, ba chèo một hơi mười mấy cây số vừa đi vừa về đưa má tôi ra trạm xá, không than mệt, không thở ra, tận tụy. Lúc nào cũng mình mình tôi tôi, mấy bà hàng xóm nghe tủi cho mình mà khóc, má tôi cũng òa khóc theo, cảnh mỗi người tự người đó biết, người ta hay đứng núi này trông núi nọ vậy mà.

Mơ hồ dường như mình mắc nợ ai đó, cả nhà tôi lúc nào cũng cảm thấy không vui, dù hạnh phúc (hai thứ này sao lại không thể đi chung). Không thấy ai đòi nhưng nợ vẫn cứ là nợ, nó rờn rờn quanh quất trong chái bếp ngày ngày khói tỏa, trong mấy chiếc giường ngủ con con, trong hai bữa ăn mỗi ngày. Ngồi quây quần như vầy trong bụng cứ nghĩ, có một người nào đó cô độc, bơ vơ. Mà tội nhất là nội tôi, vốn mê cải lương, nhưng bữa nào ti-vi chiếu mấy tuồng có bà mẹ chồng ác nghiệt chia rẽ duyên của con, dâu là thấy nội tôi rầu. Cho tới lúc cuối đời, chắc nội tôi vẫn băn khoăn trong lòng câu hỏi: "Vậy ra, mình giống mấy bà già trong đó thiệt sao?".

Má tôi thấy nội bứt rứt cũng không tỏ ra phiền muộn nữa, cốt để an ủi nội tôi lúc cuối đời. Khi nội tôi vừa khuất, má quyết định gặp đối thủ một lần, chỉ định nhìn vậy thôi, chưa biết làm gì mà cũng không biết làm gì người ta, nhưng chắc chắn phải biểu người ta buông tha ba tôi ra, còn gì nữa đâu mà neo ghe trước nhà ngó mong hoài.

Chờ đợi, rình rập hụp hửi mấy lần, chiếc ghe nhỏ với ngọn đèn đo đỏ lại về đậu trước bến nhà tôi, như mong đợi của má. Bữa đó, má nói với ba tôi chèo xuồng về chơi bên ngoại một đêm. Gà gáy chập đầu, bà trở lại, trên xuồng chất đầy mấy thứ rau đồng, bà giả đò làm người đi chợ sớm.
Ngang qua, má tôi tấp xuồng lại kế bên chiếc ghe, than:
- Tính đi chợ cho sớm mà gió quá, chèo không lên, bậy thiệt.
Má tôi tin rằng, người đàn bà kia, cũng như ba tôi, những đêm như vầy không bao giờ ngủ. Mà thật, dì đang chong đèn ngồi thêu áo gối, nghe tiếng má tôi, dì quay lại, dường như sững sờ, bất ngờ một chút dì cười:
- Dà, đêm nay nhiều gió thiệt - Dì vẹt mớ quần áo, kim chỉ trên cái sạp tre - Chị vô mui ngồi cho ấm, chờ bớt gió rồi đi, ngồi ngoài đó cảm sương chết.

Má tôi không từ chối, bà buộc dây xuồng lại, bước qua ghe. Bà cao người nên ngồi trong cái mui lợp bằng lá chầm đóp phải khom một chút. Họ ngồi đối mặt với nhau. Má tôi thấy lòng mình bình lặng lạ lùng, hồi ngồi dựng cái cảnh gặp mặt nầy, cứ tưởng là phải làm một cái gì ghê gớm lắm. Có thể vì người đàn bà của ba tôi hiện lên rất hiền, dì mặc chiếc áo cộc tay mầu cau khô ở trong, khoác thêm chiếc áo bà ba ở ngoài, mỏng te, nhiều mụn vá. Tóc đã bạc nhiều, lơ thơ vài cọng rủ xuống mặt. Sương gió đã làm cho khuôn mặt dì đen sạm, nhăn nheo. Má tôi nghĩ thầm trong bụng: "Xấu hơn mình nhiều". Má tôi sợ cứ nhìn chằm chằm người ta hoài cũng không phải nên má ngó lơ chỗ khác. Ðồ vật trên ghe món nào cũng nhỏ nhắn, tuềnh toàng.

Ngay sau lưng chỗ má tôi ngồi, bỏ khoang tát nước có một cây ớt hiểm, một cây sống đời đang trổ bông trồng chung trên miệng cái khạp bể. Dì lúi húi dẹp miếng vải đang thêu dở, với lấy bình thủy, châm nước vô cái bình trà sứt vòi, ho khúc khắc. Má tôi chép miệng: "Cha có trà uống thì còn gì bằng, mà chị bịnh hả, mấy lá sống đời nầy ngậm với muối cũng đỡ ho lắm". Dì ngước lên cười: "Dà, lúc nầy trở gió, cũng nhờ nó...".

Má tôi hỏi:
- Chị đi ghe một mình à, một mình cũng được sao?
- Dà, cũng được, chị.
- Ủa, chồng chị đâu?
- Dà, dì bối rối, ảnh... đi xa lắm.
- Còn chồng tôi thì theo vợ bé mất rồi, má tôi nói luôn.

Dì nhìn sững má, dường như để xem xem nỗi đau mất chồng của má với dì có giống nhau. Hồi lâu, dì chợt cúi mặt:
- Uống trà, chị, hoàn cảnh của chị cũng buồn thiệt. Nhưng thể nào rồi ảnh cũng quay về. Thiệt đó chị, đa số đàn ông đều tốt.

Tốt sao? Người ta bỏ cô để cưới tôi mà là tốt à, má tôi ngồi lặng, tự hỏi, mà không biết nói gì nữa, cái câu quan trọng nhất chắc không phải nói lúc nầy. Má tôi ngồi ngó quanh, một ánh đèn nhỏ nhoi thôi cũng đủ hắt sáng vài xâu cốm gạo treo trên vách, mấy hũ kẹo, bánh ngọt, tiêu tỏi để bên này, trái cây như khóm, bí rợ, khoai lang thì chất thành hàng bên kia. Sát bên hông dì, dưới tấm vải trắng thêu dở là hai xấp quần áo cũ, người lớn có, trẻ con có được xấp ngay ngắn, nhưng hết thảy đều cũ kỹ, bạc mầu. Má tôi vọt miệng:
- Ủa, chị có cháu nhỏ à?

Sau nầy, má tôi nói, đó là cái câu tàn độc nhất mà má lỡ miệng đánh ngay vào nỗi đau của dì. Dì nhìn trân trân vào ngọn đèn, cái nhìn đau nặng. "Con bé Phước nhà tôi vô phước lắm chị à, tại tôi không cẩn thận nên cháu vừa mới biết bò đã té sông, trôi mất. Cũng mười mấy năm rồi, bây giờ nó còn sống, chắc tôi thêu gối cưới cho nó cũng vừa. Tôi... tôi chiêm bao thấy cháu nó hoài, chiêm bao lãng nhách hà, tự nhiên tôi thấy con tôi biết nói, nó biểu má đừng bỏ con, trời ơi, tiếng nó thấy cưng lắm kìa, vía tôi trả lời, mẹ sẽ sống trên sông hoài với con, vía tôi thấy nó cười...". Dì nói một hơi dài, giọng dì hơi nghẹn lại: "Trời ơi, chị có chuyện buồn lòng mà tôi lại kể chuyện buồn lòng nữa, chắc chị phiền tôi lắm. Mớ đồ nầy tôi cất lâu rồi, sợ mốc, cứ mấy tháng là tôi đem ra giặt lại, của con bé con tôi có, của chồng tôi có. Chồng tôi... tôi chỉ còn giữ lại bao nhiêu đây thôi. Chị coi, tôi khùng hôn, không giặt thì không được mà giặt hoài, tới hơi chồng cũng bay, tôi cũng quên mất rồi...".

Dì cười quay quắt. Má tôi chút nữa đã bật khóc, bà cố nén nghẹn ngào:
- Ðàn bà mình sao khổ vậy?

Tiếng gà gáy xa xa, con nước đêm nay mau lớn quá, mới đây thôi đã ngập nửa cây sào neo ghe rồi. Lúc nầy, nước lớn không nghe bìm bịp kêu, mà nhờ không có, chứ nghe bìm bịp kêu càng buồn nữa. Má tôi ngồi bình tâm lại, vậy thì mình nhỏ nhen gì mà giành với người ta chút nầy nữa. Năm nầy qua năm khác mình được sống chung với ảnh, ban ngày ngoài ruộng, ban đêm chung giường. Ngó mặt nhau ăn cơm, ngủ cũng đấu mặt lại ngủ... Còn người ta, nhớ thương đứt ruột, có thể chạy ào lại để gặp nhau nhưng vì lương tâm không làm được, đành ngồi đây ngó lên, ngồi ở trên ngó xuống. Ðau lắm chớ. Má tôi nhìn ra ngoài trời, vẫn còn khuya lắm, nhưng đã thấy mấy chiếc xuồng đi chợ sớm lướt qua, tiếng mái chèo quẫy chũm trên mặt sông ngọt, nhẹ, cứ tưởng từng lát nước xếp lên nhau như những lát đất cày. Dường như trời bớt gió nhiều rồi. Dì nghiêng đầu ra ngó trời, chừng như nuối tiếc, thảng thốt:
- Trời đất, đêm qua lẹ thiệt. Chắc tôi phải đi bây giờ.
- Sớm vậy sao?
- Dạ, tôi thường đi... trước lúc người ta thức...
- Tại tôi nhiều chuyện làm chị thêu không xong...
- Không, người đàn bà cười, nét mặt thốt nhiên buồn bã, tôi thêu cho hết đêm, xong rồi lại tháo chỉ ra thôi, tôi sợ, nếu không làm gì, tôi... tôi sẽ nhớ chồng con tôi rồi mắc... khóc, cầm lòng không được. Mà, đàn ông chịu cực khổ nhiều lắm rồi, lấy nước mắt trói buộc họ nữa, tội họ lắm, chị à.

Vậy rồi hai người chia nhau đi. Ghe nổ máy rồi, khói xịt tơi bời, dì còn dặn lại: "Nếu ảnh có quay về, chị đừng giận ảnh nghen. Người ta có đi đâu làm gì thì cũng thương mình chị thôi". Má tôi không nói, quay đi và khóc.

Tháng sau, má tôi quyết định gom mớ của cải cả nhà có được ra chợ, mua cái nhà. Ba tôi biết chút ít nghề mộc nên nhận đóng tủ, bàn ghế ở nhà, má tôi chiên đậu hũ bỏ mối, chị tôi mở tiệm may, tôi vào đại học. Mọi thứ được sắp đặt lại, mới mẻ, gọn gẽ. Má tôi bắt ba phải xa sông, nhưng chính bà cũng biết, những dòng nhớ vẫn tiếp tục chảy mãi trong hồn ông. Má tôi cũng không kể với ba cái đêm gặp "tình địch" ấy, nhưng mãi mãi, mỗi khi cả nhà ngồi ăn cơm, tim má lại hiện lên hình ảnh cái rổ úp chén đan bằng nan tre đã xỉn mầu, trên đó có cái dĩa, cái tô và ba cái chén, ba đôi đũa như thuở người đàn bà trên ghe còn nguyên một gia đình.

... Bây giờ má tôi muốn gặp dì, nhưng lâu quá, chờ hoài không thấy dì ghé lại đậu ngoài bến như ngày xưa, đã mười mấy năm rồi, không biết có biến cố gì không. Chỉ tội má tôi tảo tần kiếm cho kỳ được. Tôi hỏi má tìm làm gì, má tôi nói để cho hai người gặp lại, coi thần trí ba mầy có đỡ hơn không. Rồi thì ba tôi cũng mỏi mòn nằm xuống trên mảnh vườn của nội tôi, bình yên. Má tôi vẫn không ngừng tìm kiếm dì, hỏi để làm gì, má tôi nói để cho dì hay và nói với dì, nếu sống mà không gần được chừng nào chết, mời dì lên nằm trên đất vườn tôi.

Ðó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về những dòng sông miên man chảy.

Nguyễn Ngọc Tư
https://isach.info/story.php?story=dong_nho__nguyen_ngoc_tu

sôngthương
01-12-2019, 04:15 AM
Nhặt hòn sỏi ở sân chùa

Điệu Sanh và điệu Năng cùng tu ở một chùa. Cuộc sống ở chốn đạo dường như giống nhau cả, nhưng hoàn cảnh mỗi người một khác.

Sanh bảy tuổi, Năng mười tuổi. Điệu Sanh vốn bướng bỉnh nên gia đình cho vào chùa để cải nghiệp. Còn điệu Năng là đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa, được sư thầy đem vào nuôi nấng chăm sóc.

Điệu Sanh còn quá nhỏ, lại không quen ăn chay nên mỗi tuần, vào thứ bảy, sư thầy cho điệu Sanh ra quán gần chùa ăn một bữa mặn. Các đệ tử thắc mắc sao đã vào cửa Phật mà còn cho ăn mặn? Sư thầy bảo điệu Sanh chỉ tu để cải nghiệp chứ không phải để thành người nhà
Phật, vả lại điệu ấy còn nhỏ, cần có cá thịt mới lớn được.

Thứ bảy hằng tuần, điệu Sanh đến quán ăn cách chùa nửa cây số để chén một bữa mặn. Điệu Sanh không thích ăn mặn, nhưng vì sư thầy cho phép (mà như một cách bắt buộc) nên điệu ấy mới làm theo. Vốn tính bướng bỉnh, nhưng từ khi vào chùa thì điệu Sanh biết nghe lời thầy.

Điệu Năng thương điệu Sanh và coi như em ruột. Giản đơn một nhẽ, bởi điệu Năng không biết cha mẹ, không biết họ hàng thân thích nên muốn tìm một người để tự an ủi. Con người ta luôn tìm kiếm cái mình thiếu và cần. Mỗi thứ bảy, điệu Năng đi theo điệu Sanh đến quán ăn mặn. Sanh nói em đi một mình được, huynh không cần phải đi theo nữa. Nhưng điệu Năng thương điệu Sanh, sợ sư đệ đi một mình không an toàn. Đến quán ăn, điệu Năng đứng ngoài chờ, điệu Sanh vào quán gọi một tô cháo. Điệu Sanh thích ăn cháo bò hơn, nhưng lại gọi chủ quán cho một tô cháo gà và thêm một cái túi ni lông. Chủ quán bưng tô cháo ra. Chúc ngon miệng, chú tiểu! Điệu Sanh nhòm theo chủ quán rồi nghĩ bụng, chắc người ta cà khịa mình. Trước khi ăn, điệu Sanh lóm lém nhìn quanh rồi vớt cái đùi gà cho vào túi ni lông. Đánh chén một cách ngon lành xong, điệu Sanh mặc nhiên bước ra khỏi quán, tiền thì sư thầy sẽ trả sau. Ra ngoài cổng quán ăn, điệu Sanh đưa cái đùi gà lúc nãy cho điệu Năng. Nhưng điệu Năng một mực không ăn. Tui là người nhà Chùa, từ đỏ hỏn đến nay đã thế, giờ không quen ăn mặn. Nói thì nói vậy, chứ thật lòng điệu Năng rất thèm, dọc đường về Năng cứ nuốt nước bọt ực ực. Điệu Sanh ngó qua, hỏi huynh sao vậy? À, chỉ là tui bị nấc cụt thôi.

Đêm đó điệu Năng nằm nghĩ, hay là mình xin sư thầy cho ăn mặn giống điệu Sanh, hoặc trốn khỏi chùa để sống cuộc đời trần tục. Chao ôi, cứ mỗi lần xem ti vi, Năng lại thèm thuồng cuộc sống ngoài kia, được ăn nhậu thỏa thích. Bàn tiệc ăn xong còn thừa mứa những sơn hào hải vị. Ngoài kia cuộc sống hấp dẫn thế mà sao mình lại tự trói buộc bản thân thế này? Nghĩ. Rồi nghĩ lại. Điệu Năng thấy mình thật chả ra làm sao, đội ơn sư thầy nuôi nấng từ đỏ hỏn đến nay mà giờ bỏ đi thì chẳng khác nào kẻ bội công.

Điệu Năng và điệu Sanh ở chung một phòng, hai chiếc giường riêng, một bàn học chung để tiện chỉ bảo nhau. Chữ Hán là một môn bắt buộc đối với các chú tiểu. Hôm học đến chữ “Tử” và chữ “Kiết”, điệu Năng giải thích cho điệu Sanh hiểu rằng hai chữ này mẫu tự gần giống nhau, chỉ có khác ở nét gạch. Chữ “Tử” ( ) phải gạch nét ngang bằng phẳng, còn chữ “Kiết” ( ) thì nét ngang bị bẻ xiên. Điệu Sanh thắc mắc sao lại như thế? À, vì “Tử” là biểu hiện cho con người tử tế, nên chi cuộc sống luôn ổn định cân bằng. Còn “Kiết” là cô đơn, không người thân thích thành ra cuộc sống bấp bênh, thế nên nét ngang phải vạch xiên. Điệu Sanh cười, vậy huynh là chữ “Kiết”, em là chữ “Tử” nghe! Điệu Năng gật đầu, rồi buồn vì chạm phải thân phận mình. Ừ, mình là cô đơn chứ gì nữa, cô đơn ngay từ lúc mới sinh ra. Những người cô đơn thường tìm đến chùa nương náu là vậy chăng?

Thứ bảy khác, điệu Năng vẫn đi theo điệu Sanh để canh phòng điều bất trắc. Trong lúc đứng chờ, điệu Năng quyết định hôm nay mình sẽ ăn đùi gà, chắc sư thầy cũng không biết đâu, hôm trước thấy Sanh quẳng cái đùi đi tiếc hùi hụi à. Nghĩ đến đấy thôi điệu Năng đã nuốt nước bọt thèm thuồng. Chao ôi cái đùi gà béo ú tròn lăn quay, chút màu ớt đỏ vàng, vài lá hành bám quanh hấp dẫn. Nước bọt theo nhau trôi. Ực. Nhất định. Ực. Nhất định. Ực. Nhất định hôm nay mình sẽ cạp đùi gà. Thèm quá không chịu nổi. Điệu Sanh bước ra khỏi quán, điệu Năng đã vội chạy tới. Nhưng trên tay điệu Sanh không có gì cả. Cái đùi gà đâu rồi? Điệu Năng định hỏi nhưng thôi. Điệu Sanh cười hì hì khen hôm nay tô cháo ngon hơn mọi bữa. Năng cúi mặt giục về thôi.

Một hôm, đột nhiên điệu Năng hỏi điệu Sanh bao giờ thì về nhà. Về làm gì? – Sanh thắc mắc. Điệu Năng không hỏi nữa. Người có thì không muốn, người muốn lại không có. Cuộc đời như chơi khăm người ta. Điệu Năng ước mơ một gia đình, có mẹ và có cha. Cha ơi cha là ai? Mẹ ơi mẹ là ai? Cha ơi cha ở đâu? Mẹ ơi mẹ ở đâu? Những câu hát trong bài “Dấu chấm hỏi” của nhạc sĩ Thế Hiển cứ vang vang trong đầu. Hôm bữa lễ Vu Lan, điệu Năng đã hát bài này khiến rất nhiều khán giả nước mắt đầm đìa. Nhất là cái đoạn Năng cầm túi vải đi thẳng xuống dưới sân khấu, các cô các bà đã ôm chầm lấy điệu Năng mà khóc. Riêng điệu Năng vẫn ráo hoảnh, đôi mắt ấy chưa bao giờ có nước mắt để khóc.

Hồi lên năm tuổi, có mấy lần điệu Năng được người ta đến nhận làm con nuôi. Nhưng lúc ấy nhỏ quá, điệu Năng chưa muốn; sợ người lạ, sợ xa sư thầy. Bây giờ mười tuổi rồi, ai người ta nhận nữa. Nhận con nuôi, người ta cũng chọn những đứa trẻ còn rất nhỏ, chưa ý thức được về máu mủ ruột rà. Như kiểu chơi chim ấy, phải bắt những con mới nhú lông cánh, đem về mớm thức ăn kèm nước bọt thì sau này nó mới mến người nuôi. Tiếc quá đi! Ngày ấy giá mà Năng gật đầu một cái thì bây giờ đã có một gia đình, cha mẹ dù không ruột rà thân thích nhưng có còn hơn không. Một cái gật đầu nhẹ để đổi lại rất nhiều đùi gà cầm tay nằng nặng. Đã có nhiều lần điệu Năng định trốn khỏi chùa, kiếm một lối thoát khỏi sự gò bó, thoát khỏi những câu kinh. Kinh kệ, phiên âm từ tiếng Phạn l�sutta (hay sutra). V�sutta còn có nghĩa là dây buộc. Sợi dây ấy buộc con người ta vào một phép tắc, trói là trói để được giải thoát sau một quá trình đằng đẵng. Thế mà điệu Năng lại muốn thoát ngay. Thoát ra, cũng được, nhưng thoát ra rồi về đâu bây chừ? Năng chỉ biết một chốn yên bình nhất là ngôi chùa này. Thoát ra rồi biết đâu lại làm một đứa trẻ lang thang. Đêm khuya bên hè vắng, đứa bé mồ côi, đang nằm co ro, như dấu chấm hỏi.

Cũng đã có một lần vào năm ngoái, khi sư thầy nhủ điệu Năng đi lấy rau ở chợ về nấu cơm chiều, điệu đã lẻn đi xuống phố. Nhưng trời mới tối thì mưa rơi lạnh quá. Thế là điệu Năng mò về chùa. Cúi đầu nhận tội trước sư thầy. Sư thầy không nói gì, xoa đầu điệu Năng rồi vào lấy áo lam thay cho điệu. Từ hôm ấy điệu Năng tự hứa không bao giờ bỏ đi nữa. Thế mà bữa nay thấy điệu Sanh ăn cháo, cái đùi gà hấp dẫn quá, điệu Năng lại nảy ra ý định trốn đi.

Năng rủ Sanh cùng đi. Buôn có bạn, bán có phường, bụi đời cũng có hội chớ. Điệu Sanh ngúc ngắc từ chối. Ở đây sướng thế này sao lại phải bỏ đi? Điệu Sanh nói. Thích gì cũng có, ăn còn ngon hơn ở nhà. Ngày ở với cha mẹ đâu có cháo đùi gà. Họa hoằn đến tết làm ra con gà thì mới được một cái. Nhà em nghèo lắm, được ở chùa thế này thì dại gì về hả huynh? Nghe đến đấy điệu Năng lại tủi thân. Ừ, nhà điệu Sanh nghèo, nhưng gia tài quý báu của Sanh là cha mẹ. Ở đời có tiền mua tiên cũng được, nhưng làm sao mà mua cha mẹ hả trời? Nghĩ thì nghĩ thế, rồi điệu Năng lại an ủi mình bằng cách lấy tấm gương của thái tử Tất Đạt Đa mà noi theo. Tất Đạt Đa dòng dõi hoàng tộc quý phái, song thân đầy đủ cuộc sống dư thừa, nhưng rồi chàng cũng bỏ cung điện và chấp nhận sự khổ ải, thế thì ta đáng gì mà phải day dứt?
Mùa an cư kiết hạ, chư tăng đạo hữu hội tụ về chùa. Trong số ấy có một đôi vợ chồng đạo hữu không con cái ngỏ ý muốn xin điệu Sanh đem về nuôi. Sư thầy trả lời là điệu Sanh còn cha mẹ, vào chùa chỉ để cải nghiệp thôi. Lúc ấy điệu Năng đứng bên cạnh, nhưng chẳng ai đoái hoài. Mặt điệu Năng vốn không dễ mến. Da thì đen đủi. Môi dưới có một vết thẹo bẩm sinh khiến cái miệng méo trông thấy. Có lẽ ông trời đã làm dấu để sau này cha mẹ dễ bề tìm kiếm lại Năng. Mười năm rồi, cha mẹ không thèm nhớ đến mình – điệu Năng nghĩ. Nếu “họ” còn nhớ thì đã đi tìm rồi. Có khó gì chứ, vứt ở đâu thì đến đấy mà hỏi. Vứt trước cửa chùa là còn biết thương con chút chút. Điệu Năng nghĩ thế là để tự an ủi thôi.

Bốn năm ở chùa, điệu Sanh đã chán tất cả. Quang cảnh đã nhàm, lui tới vẫn chùa, vẫn cây si ở sân, vẫn cái đại hồng chung mát đến lạnh lùng. Những câu kinh bài kệ thì lặp đi lặp lại như một điệp khúc. Quán ăn mặn thực đơn chẳng thay đổi, nước cháo, thịt ướp vẫn công thức gia vị cũ. Ở đây khách chủ yếu vãng lai, ăn một lần rồi thôi. Riêng điệu Sanh ăn thường xuyên nên mới thấy chán.
Ngày điệu Sanh rời chùa, điệu Năng vừa mừng vừa thương vừa tủi thân. Điệu Năng ôm chặt Sanh. Em về rồi phải ngoan nhé, nhớ vâng lời cha mẹ. Sanh gật đầu, chỏm tóc dính vào ngực điệu Năng. Tiễn Sanh ra cửa, điệu Năng cứ ước giá mình cũng có cha mẹ đến đón về. Chào tạm biệt, bàn tay điệu Năng phát qua phát lại nhẹ nhàng mà sao lòng lại nặng trịch.

Lối thoát. Điệu Sanh đã được thoát khỏi cửa chùa, về lại nơi đã sinh ra. Điệu Năng vẫn chưa tìm ra lối thoát, chưa có ai cho điệu ấy biết ruột rà quê quán. Chọn lựa: giữa việc tự đi tìm cha mẹ để thoát khỏi kinh kệ và việc an phận tu để được thoát kiếp. Ừ, thì cũng là kiếp người cả, nghiệp chướng đằng đẵng.

***

Về nhà nhưng thi thoảng vài tháng cha mẹ lại đưa Sanh vào chùa để thăm sư thầy và điệu Năng. Những lần gặp nhau huynh đệ quấn quýt, hỏi han như người lớn. Quà của Sanh mang theo là một túi trái cây, một đùm xôi đậu mè. Nhận quà, điệu Năng lại nhớ cái đùi gà ngày nào mà điệu Sanh đã vứt. Bây giờ thì mãi mãi Sanh không thể đưa đùi gà cho điệu Năng nữa rồi.

Những cuộc thăm viếng thưa dần. Nghĩa tình ở đời sâu nặng đến mấy rồi cũng phải mòn thôi, làm sao giữ mãi như thuở ban đầu. Cha mẹ Sanh bận bịu công việc, Sanh cũng bận học hành. Thoát khỏi chùa mà Sanh vẫn phải bị trói buộc trong những mối lo lắng khác. Lối thoát chỉ là sự tượng trưng, một khái niệm cục bộ, như người ta đọc xong trang này lại phải sang trang kia trong một cuốn tiểu thuyết cuộc đời dài dằng dặc.

Năng vẫn ở chùa. Vẫn là điệu Năng khuôn mặt không mấy dễ mến dù cho tính tình rất hiền hậu. Người ta bảo xem mặt đoán tướng, xem cái mặt điệu Năng thì lấy đâu ra tướng tốt. Chao ôi, cái mớ lý thuyết suông mà loài người nắm lòng đâu phải lúc nào cũng đúng. Đấy là lỗi lầm của Tạo hóa, một lỗi lầm khiến con người ta không lần ra lối thoát khỏi mặc cảm tự ti, không lần ra lối thoát khỏi sự đánh giá phiến diện. Theo dõi tin tức, điệu Năng biết có thể chỉnh hình những dị tật bẩm sinh. Ví như cái vết thẹo của điệu đơn giản lắm. Chỉ cần cha mẹ bỏ tiền ra, rồi cha mẹ ký vào giấy cam kết là được. Cha mẹ ngọt ngào nhưng đâu phải là cái kẹo móc từ trong túi ra.

**

Hai mươi năm sau. Điệu Sanh ngày nào nay đã trở thành một giám đốc chưa đầy ba mươi tuổi, năng động tự tin. Tam thập nhi lập. Ba mươi tuổi mới có thể tự lập. Thế mà Sanh đã đạt được sớm hơn, một phần cuộc sống ấu thơ ở trong chùa đã góp phần cho thành công hôm nay. Dẫu vậy, Sanh vẫn cảm thấy một nỗi chênh vênh. Ngày ở chùa Sanh được dạy rằng giao tiếp đừng cầu lợi mình, thế nhưng khi đi giao dịch với đối tác thì giám đốc Sanh luôn kỳ kèo từng chút. Kinh doanh mà, mình không ăn của người thì người ta ăn của mình. Đến khi về nhà, đặt mình xuống giường rồi mà Sanh vẫn gác tay lên trán suy nghĩ cho kế hoạch ngày mai. Chiếc giường bằng phẳng mà sao cứ bấp bênh nghiêng nghiêng. Nhớ lại bài học ngày nào về chữ “Tử” và chữ “Kiết”. Một nét vạch ngang sơ suất chút xíu là thành ra chữ khác rồi. Đời nghiêng. Nhạc sĩ bảo thế. Đời cứ như đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ. Thời ở chùa, Sanh tự nhận mình là chữ “Tử” với nét vạch ngang. Nhưng rồi đời bẻ nghiêng vạch ấy thành chữ “Kiết”.

Tưởng như về trần tục là được hòa đồng, nhưng không phải, hiện tại Sanh vẫn cô đơn. Chuyện yêu đương lập gia đình của Sanh vẫn lận đận, phú quý sinh lễ nghĩa, cứ phải chọn người môn đăng hộ đối, người đẹp. Càng lớn đàn ông càng khó tính và kén chọn. Đấy là nét khác biệt với phụ nữ. Đàn ông lúc đầu dễ xiêu lòng chấp nhận, rồi lớn lên họ cảm thấy quyền năng của mình nên tự ý chọn lựa. Nấu nồi khoai chín, củ ngon nằm trên, lại cứ nghĩ củ dưới ngon hơn nên lục tung, rồi tới đáy nồi thì vấp phải củ hà củ sâu củ mẻ. Lên rừng đốn củi, núi cao xiên, trông lên cứ thấy cây trên kia cao hơn, thế là mò lên cho tới đỉnh. Cuối cùng chặt trúng củi dở, ở đỉnh núi nước không nhiều, cây còm cõi. Chặt xong lại phải mang về xa.

Đêm nay giám đốc Sanh gác tay trên trán mà chẳng tìm ra được mẹo mực nào cho cuộc đàm phán ngày mai. Sanh chỉ nghĩ được về sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ, thì cũng là một cõi người bí ẩn và bí bức. Lối thoát ở đâu? Cứ y như nhà đang bốc lửa cháy, khói mịt mù vây kín. Mọi người hoảng loạn kiếm lối thoát thân. Chẳng còn ai nhớ đến cái bình cứu hỏa.

Một đêm qua đi, Sanh gần như thức trắng. Chiều đến phòng hiệp thương mà Sanh vẫn đeo đẳng chuyện tối qua. Buổi thỏa thuận giữa bên A bên B đã xong. Ổn cả. Hai bên đều có lợi. Giám đốc Sanh dường như không quan tâm đến chuyện ấy. Sau buổi họp, như thường lệ của các cơ quan ban ngành là phải đánh chén một trận tơi bời. Cơ quan tư nhân hay cơ quan nhà nước đều vậy. Từng ly bia giải khát cơn nóng nực gần bốn chục độ xê. Dzô! Thì dzô này! Ly này chúc sức khỏe. Ly này mừng thành công giữa chúng ta. Ly này là mong còn được hợp tác. Bia sẵn, chỉ còn bày ra lý do để uống cho xứng. Giám đốc Sanh chạm ly ken két. Cũng phải vui với người ta chứ không nhẽ đeo mãi cái tâm trạng u sầu.

Giám đốc bên kia mời Sanh một cái đùi gà. Cái này tôi mời anh khen anh còn trẻ mà năng động. Chúc anh càng vững vàng đôi chân để còn đá tốt như gà. Cả bàn nhậu rôm rả khen vị giám đốc văn thơ lai láng ý tứ dồi dào. Sanh nhận lấy đùi gà, cố cười thì cái miệng càng méo đi. Sao giống cái miệng điệu Năng ngày nào quá. Bây chừ Năng đã thành đại đức, chỏm tóc cạo sạch, trông nho nhã thư thái lắm chứ không to béo nặng nề như Sanh đâu. Chấm nước mắm đi! Sanh chấm đùi gà vào chén nước mắm ớt tỏi, miếng da gà gặp nước mắm Phan Thiết quăn trớt cả lên. Sanh khẽ khẽ đùi gà vào mép bát nước chấm để gạt bớt nước lòng thòng. Tự dưng Sanh nhớ Năng quá. Động tác này giống với cách gõ chuông của Năng. Giờ này, Sanh đang gõ đùi gà tại bàn tiệc thì Năng lại gõ dùi gỗ vào chuông. Sanh xin phép. Đi tìm lối thoát. Nhưng thoát ở đâu cũng phải có lý một chút, cả bàn tiệc đang theo dõi từng bước chân của giám đốc Sanh. Có lẽ thoát vào… toa lét là chắc nhất. Lý do thích hợp. Dập cánh cửa phòng vệ sinh, mùi xú uế đâu thế này. Nhà hàng hạng sang mà sao nhà vệ sinh lại hôi thế không biết. Hóa ra là vừa mới có gã say vào đây nôn mửa. Kiếm một chút thư thả cũng khó, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Sanh bước ra khỏi toa lét, chân loạng quạng, phần vì say, phần vì tâm trạng bấp bênh. Cô thư ký quê đâu không biết, ngồi ở bàn nhậu quay mặt về phía Sanh và nhắc to.
- Đây lày anh ơi, đi qua nối lày cơ mà!

Sanh ngờ ngợ hình như có tiếng chỉ dẫn, một câu chỉ dẫn không chính xác. Vậy là cứ mãi luẩn quẩn không tìm được lối.

***

Hôm sau Sanh quyết định quay lại ngôi chùa cũ, dù công việc dạo này khá nhiều. Quay lại chùa. Tu hay chỉ ghé thăm, Sanh cũng chẳng biết nữa, chỉ muốn gặp lại sư huynh Năng bây giờ đã lên hàng đại đức. Sanh thèm nghe tiếng tụng kinh của sư Năng. Ngày trước điệu Năng miệng méo nhưng nhả kinh nghe rất hay. Có tật có tài. Tật này được trời an bài cho Năng để vào cửa chùa đây mà.

Suốt quãng đường dài ngồi trên xe ghế đệm, Sanh nhớ lại ngày còn nhỏ. Những kỷ niệm giữa huynh đệ. Bữa chay bữa mặn, khuôn đậu vuông cái đùi gà tròn. Chữ “Tử” chữ “Kiết”, nét vạch ngang nét vạch xiên. Bữa đó điệu Sanh tự nhận chữ “Tử” về phần mình. Chữ “Kiết” cô đơn thì ám cho điệu Năng. Nhưng bây giờ Sanh lại thấy cô đơn, nét ngang chữ “Tử” bẻ xiên thành chữ “Kiết”.

Chùa xưa không thay đổi gì nhiều, như cửa thiền vốn định tâm sẵn vậy. Cây si trước sân vẫn rậm lá, gió nhập gió, lá lao xao lòng lao xao.

Hai chú tiểu nhỏ đang chơi trò bắn bi vòng tròn ở sân. Cái vòng tròn vạch lên nền đất như sợi dây sutta trói buộc, hai hòn bi tròn lăn, mỗi hòn đều cố gắng giữ mình ở trong. Ai để bi tuột ra ngoài là thua. Bữa xưa điệu Sanh cũng từng chơi trò này với điệu Năng. Cuối cùng Sanh đã ra khỏi vòng ấy. Sanh thoát trước nhưng lại rơi vào một vòng tròn khác. Vậy là lại phải tiếp tục chơi. Ở vòng chơi này Sanh giữ được mình giữa rất nhiều đối thủ, Sanh phất lên như diều gặp gió. Thắng hay thua? Ai còn trụ lại ai đã tuột ra?

Vào chùa hỏi thăm mới biết vị đại đức – Năng sư huynh của Sanh – đã bỏ chùa mà đi cách đây một tháng. Đi đâu? Chẳng ai biết. Nhà chùa vốn bình tâm, không muốn rộn ràng rao hỏi. Có thể vị đại đức đã đi lên núi tìm chốn tĩnh mịch hơn nữa để thiền. Lên cao cho dễ giải thoát. Cũng có thể đại đức đã hoàn tục, cởi bỏ tăng y khoác áo đời làm chàng trai Năng. Thoát tăng y thoát cõi đạo. Nhưng dù có đi đâu thì cũng để kiếm chân lý mà thôi.

Sanh nhặt lấy một hòn sỏi tròn ở sân chùa nhét vào túi quần, đem về dưới phường phố kia mà chơi.

(Truyện ngắn của Hoàng Công Danh)

sôngthương
01-18-2019, 04:45 AM
Tin vào mùa xuân .

Nghe tin ông già mới được một tờ báo nào đó đặt bài, mà lại là bài tết khiến cả xóm nháo nhào.

Cái tin ấy từ miệng thằng nhỏ đánh giày được truyền nhanh khủng khiếp. Nhanh đến mức mới xế chiều mà cả xóm dạo đã từ khắp mọi nẻo đường trở về đông đủ. Chỉ chờ nhân vật chính xuất hiện là nhao nhao hỏi. Nhuận bút báo tết chắc là cao lắm hả? Đủ tiền mua vé vào nam thăm cháu ngoại không ông? Ủa mà báo nào vậy nhỉ? Mày không biết chữ thì hỏi để làm chi? Thì để hôm đó đi bán báo tui còn rao: “Cô chú mua báo đi. Báo có bài của ông bạn già xóm dạo viết chơi. Mua đi! Mua đi! Bảy mươi năm mới có một lần”. Rao gì mà kỳ vậy mày, sao lại bảy mươi năm? Thì không phải năm nay ông già vừa tròn bảy mươi cái xuân xanh hay sao? Ông cứ nói khơi khơi là ông viết báo mà tụi mình đâu có thấy bài đăng. Hy vọng lần này tụi mình không mừng hụt. Hay là cược cái gì đó cho vui? Một chầu bia đã đời có kèm thêm mực nướng, chơi không? Ủa mà bài báo tên gì? Ai là nhân vật chính vậy ông ơi? Sau câu hỏi đó thì đám người lại nhao nhao: “Tui này! Tui này! Viết về tui đi này”. Ông già nãy giờ vẫn ngồi cười, gió lùa vào hàm răng đã có nhiều chỗ trống. Hỏi chỉ để vui vậy thôi chứ cả xóm này ai cũng biết nhân vật chính đâu có đến lượt mình.

Nhân vật chính là bà già từng bán xôi dạo nhưng giờ có khi không còn bán nữa. Chú Bảy xe ôm nói: “Hôm nọ đứng bắt khách ở bến xe tình cờ chở một người cùng quê với bà già. Nghe đâu bà già đã tìm thấy con trai ở mãi tận Sài Gòn nên bà gồng gánh vào đó cho gần con cháu”. Ông già nghe thấy thì vui lắm nhưng đêm vắt tay lên trán lại nghĩ ngợi hoài nghi. Giữa biển người mênh mông này muốn tìm lại người thân đâu có dễ. Nhất là khi bà thất lạc con từ lúc nó còn đỏ hỏn. Mà manh mối kiếm tìm chỉ dựa vào một nốt ruồi son ở đằng sau gáy. Có khi theo thời gian nốt ruồi đã mất đi, vài cái sẹo nào đó lại chen ngang trên mặt. Nhiều đêm ông mường tượng ra cảnh người đàn bà mình thương đang rong ruổi ở ngõ chợ, bờ sông hay đoạn đường vắng ngắt. Trên chiếc quang gánh là thúng xôi nóng hổi chỉ chờ cất tiếng rao là dậy lên hương vị. Bà già ấy lúc xới xôi cho khách luôn tìm cách nhìn vào gáy người ta. Đến cả lúc khách quay gót đi xa bà vẫn dán ánh nhìn vào gáy họ trút một tiếng thở dài khe khẽ. Thỉnh thoảng bà cũng kể câu chuyện về đứa con mất tích như một cách hỏi dò. Trong đó có đoạn “nó quấn chiếc tã được cắt từ chân quần cứng còng queo. Mắt nó đen láy tròn xoe. Hai bàn tay bụ mẫm như hai nải chuối mắn. Lúc nào cũng chỉ thích rúc vào ti mẹ. Ngày đó tôi ăn toàn sắn, sữa vừa ít vừa nghèo chất. Tội nghiệp thằng nhỏ…”. Người ta nghe cũng chỉ biết tặc lưỡi xót xa chứ kể như bà làm sao biết thằng nhỏ là đứa nào trong hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ thất lạc gia đình.

Hồi xưa ông hay chở xe ôm thuê trong nhà ga thành phố. Hành nghề lâu đến mức cái gốc bàng già được dân xe ôm mặc định đó là “nhà” của ông. Ngoài giờ đón khách mỗi khi tàu về ga, còn lại thời gian ông dựng chiếc xe cà tàng rồi nằm vắt vẻo trên đó đọc báo, ngắm người qua lại chờ một cái vẫy tay của khách. Ông ở đó suốt bốn mùa. Từ khi cây bàng khoác lên mình bộ áo già nua với những chiếc lá bám đầy bụi bặm. Cho đến khi cây bàng thay lá trụi trơ ông vẫn ngồi đó ngửa mặt nhìn trời qua cành nhánh khẳng khiu. Ngủ một giấc mùa đông, mở mắt ra đã thấy những chồi non bừng nở. Ngồi cho đến khi bà già xuất hiện thì ông bỏ nghề xe ôm đi bán nước trà. Thiên hạ hỏi đang làm xe ôm kiếm cũng được mà sao lại bỏ nghề? Ông cười bảo “già rồi, xương khớp yếu đi. Đâu có thể luồn lách ngoài đường mãi”. Vẫn gốc bàng xưa, vẫn chiếc xe máy cũ dọn thêm vài cái ghế cho khách ngồi thế là thành quán nước. Người đi tàu thường ghé qua quán của ông bắn điếu thuốc lào, làm cốc trà nóng. Ai cũng mê ông chủ quán hóm hỉnh, chuyện trên trời dưới đất đều thấy tỏ tường. Đâu ai biết ông thường nhòm vô gáy người ta đăm đăm kiếm tìm một cái nốt ruồi màu đỏ. Nhưng dễ gì mà thấy. Bà già nói nốt ruồi chỉ bằng cái đầu tăm. Mắt ông thì mờ. Đôi lúc muốn chạy lại vạch gáy từng người nhìn cho thật kỹ. Người trong xóm dạo bảo nhau “hèn gì ông bỏ nghề xe ôm. Nghề xe ôm thì suốt ngày ngồi phía trước cho người ta nhìn gáy của mình. Chứ có mấy khi ngó được gáy người ta”. Ừ nhỉ…

Ông già tính làm cái bảng ghi dòng chữ “tìm nốt ruồi son sau gáy” rồi treo dưới gốc bàng. Nhưng làm vậy kỳ lắm. Người có nốt ruồi son đã chắc gì người ta muốn nói. Nhiều khi chính họ cũng không biết gáy mình có nốt ruồi nhỏ xíu ấy hay không. Mà giờ giả dụ tìm được người có nốt ruồi son sau gáy cũng chẳng biết bà già ở đâu mà báo tin. Ông để thất lạc bà từ mùa đông ba năm về trước. Một sáng trước khi gánh thúng xôi đi bán bà có dặn “tối cứ ăn cơm trước, đừng chờ”. Thế rồi bặt tin nhau đằng đẵng. Manh mối tìm lại người thương không có gì nhiều ngoài “bà già bán xôi đi tìm nốt ruồi son”. Xóm dạo nghĩ thể nào ông già cũng bỏ việc cất công đi tìm bà khắp nơi. Nhưng không, ông vẫn ngồi đó dưới gốc cây bàng già ngóng về phía nhà ga thành phố. Bởi ông biết có tìm thấy cũng không giữ nổi bà. Một người mẹ chừng nào chưa tìm thấy con mình thì làm sao còn tâm trí sống những ngày thanh thản. Thỉnh thoảng ông có kể về bà với những người xuôi ngược bắc - nam. Ông tin rằng rồi sẽ có ngày một ai đó gặp bà, họ kể về ông già ngồi dưới gốc bàng già để đợi một bà già quay lại. Bọn nhỏ trong xóm dạo bảo nhau “chuyện tình già còn mùi mẫn hơn chán vạn tụi trẻ bây giờ. Cần gì phải yêu đương thề thốt mà vẫn giữ chặt được tim nhau”. Ừ thì…

* * *
Xóm dạo nằm lọt thỏm trong lòng thành phố. Từ đường lớn ồn ã rẽ vào một con ngõ nhỏ, đi quanh co chừng hút xong điếu thuốc là đến xóm dạo thôi mà. Gọi là xóm dạo vì cả xóm làm nghề bán dạo. Vé số dạo, báo dạo, cà phê dạo, đánh giày dạo đến thúng bánh đúc, bánh khoai, hàng hoa, mẹt quả cũng đều đi bán dạo khắp đường cùng ngõ hẻm. Yên tĩnh như một ốc đảo giữa thành phố, chui qua chiếc cổng vòm là hiện ra những mái nhà cấp bốn nối nhau. Gọn gàng, sạch sẽ chứ không giống như mường tượng về một khu ổ chuột dành cho những người lao động nghèo. Ngay cả những chiếc áo cũ sờn cũng thơm tho mùi nắng. Phòng nào cũng đơn sơ, đồ đạc chẳng có gì ngoài những vật dụng thiết yếu. Tủ đồ đã cũ, vài chiếc bát ăn cơm, những đôi giày được xếp ngay ngắn trong góc nhà. Chiếc đài cát sét thỉnh thoảng lại lẹt xẹt dò sóng. Cũng có phòng tậu được chiếc ti vi cũ sóng nhiễu nhập nhằng, mặt cô diễn viên bị kéo dài méo xệch từ góc này đến góc kia màn hình. Ngoài giếng những người về sớm ngồi quây lại nhặt rau, thái thịt. Họ hỏi nhau hôm nay kiếm được nhiều không? Khách có đông không? Thằng nhỏ đánh giày nói mai nó phải ra bưu điện gửi ít tiền về nhà đóng tiền học cho em. Chị bán vé số tính đi mua ít quần áo ấm cho chồng con, shop hàng thùng đầu ngõ mới mở kiện đẹp mà cũng hợp với túi tiền. Ông già ngồi nhìn cây đào bích đang khẳng khiu thay lá, đặt bút viết những dòng truyện tết đầu tiên.

Thực ra ông già đâu phải dân viết chuyên nghiệp. Ngày trẻ cũng thơ phú ra trò nhưng chỉ để bạn bè đọc cho vui. Hồi còn chở xe ôm, những lúc rảnh chẳng biết làm gì ông hay mua báo đọc chơi. Hôm bà già xuất hiện đến ngồi nhờ dưới gốc bàng bán xôi ông cũng đang đọc đi đọc lại tờ báo chi chít chữ trên tay. Bà già ngồi tỉ mẩn cắt những tờ báo cũ thành từng mảnh nhỏ bọc xôi cho khách. Ông để ý thấy bà cắt lạ lắm, chẳng theo hình khối gì. Như thể bà không nỡ cắt đôi một bài thơ hay chia năm xẻ bảy một trang truyện ngắn. Mỗi mảnh báo gói xôi là trọn vẹn một tác phẩm, một chân dung nào đó. Ông cười: “Cắt báo gói xôi thôi mà bà. Cần phải cắt có tâm đến vậy không? Bà cắt vậy để người ta vừa ăn xôi vừa đọc thơ tình yêu chắc? Trời ơi, sáng ra người ta bận trăm công ngàn việc. Nhiều khi cố nhét ít xôi vào bụng để có sức chiến đấu. Chứ còn thời gian, tâm trí đâu mà thưởng thức thơ văn”. Bà chép miệng “Ừ thì…”. Bà cứ hay “ừ thì” như thế, ông nghe cứ thấy xót lòng. Có bữa ngồi đọc Coi tay vào sáng mưa của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, bà già lấy tay áo lau nước mắt. Như thể từng câu chữ là muối trắng xát vào lòng người mẹ mất con. Tư kể về câu chuyện người đàn bà rất giỏi coi tay đoán vận mệnh cuộc đời. Do từ bé đã được đọc mười ba cuốn Thuật pháp nhân tướng học của ông nội. Sau này vì mải coi tay cho người ta mà bà để lạc mất con ở một cái chợ Sương nào đó. Người đàn bà ấy sau này đã bỏ nghề coi tay vì không chịu đựng được ý nghĩ “mình níu người dưng đây mà buông bỏ máu thịt của mình”. Đến một ngày có người mang đến một bàn tay đã bị chém đứt lìa đặt trước mặt bà nhờ coi thử. Bàn tay xanh và lạnh ngắt ấy có một chiếc bớt đỏ trên cổ tay và lóng cuối cùng của ngón út bị gù do một lần đứt sâu băng bó cong queo. Đó là bàn tay đứa con mà bao năm nay bà chờ đợi, kiếm tìm. Cũng là bàn tay của tên tội phạm bị mã tấu chặt đứt trong một cuộc thanh trừng băng nhóm. Bà thầy bói già trong câu chuyện sau bao năm thất lạc con cuối cùng cũng chỉ tìm lại và níu giữ được một bàn tay đã chết. Ông già nhớ khoảnh khắc bà già bán xôi bo chặt lấy ngực mình. Như thể một cơn đau tim vừa mới chạy qua, nó mang theo hình ảnh nốt ruồi son sau chiếc gáy của một đứa trẻ còn thơm tho mùi sữa. Bà già lạc nó ở sân ga quê nhà. Lúc đặt nó nằm ngủ trong chiếc thúng, còn bà thì đội mẹt bánh gai, ngô luộc trên đầu chạy khắp các toa tàu mời khách. Tàu chạy, bà quay lại đã không thấy con đâu. Mấy chục năm qua bà chỉ biết lần theo nốt ruồi son bé xíu mong tìm thấy máu mủ của mình. Bà già từng ước ao: “Giá mà tôi cũng biết viết truyện như cô Tư thì có lẽ tôi sẽ viết về nốt ruồi son đằng sau gáy. Như một ngôi sao luôn lấp lánh ở phía trước, giúp tôi đi qua bao chặng đường tăm tối mịt mù”. Ông già nhủ thầm “có khó gì đâu...”. Kể từ đấy người xóm dạo thấy đêm nào ông già cũng chong đèn ngồi bên trang giấy. Họ không biết ông viết những gì? Viết gửi cho ai? Thằng nhỏ đánh giày từng ghé tai nói nhỏ với chị bán vé số: “Chiều nay thấy ông già đứng tần ngần trước cửa một tòa soạn báo. Tay ông cầm mấy trang giấy chi chít những dòng chữ ngoằn ngoèo”.


Biên tập viên cầm bản thảo của ông khẽ rụt cổ, lắc đầu. Thời đại công nghệ mấy ai còn viết văn bằng bút mực trên giấy trắng như ông. Bản thảo gửi đến tòa soạn chủ yếu qua hòm thư điện tử, được đánh máy sạch sẽ, trình bày đâu ra đấy. Ấy thế mà có khi còn bị bỏ xó vì lượng bài cộng tác gửi về nhiều quá, sức nào đọc nổi. Nhưng tác phẩm nào của ông già ban biên tập cũng phải phân công nhau đọc, không bỏ sót một chữ nào. Vừa đọc vừa dịch những nét chữ xô đẩy lẫn nhau. Vừa mường tượng ra một ông già run tay đêm nào cũng dồn hết tâm trí và sức lực vào cây bút. Có chỗ nét bút ghì xuống giấy hằn sâu như vết sẹo. Lại có chỗ nét bút bỗng dưng nguệch ngoạc như thể ông già vừa viết vừa chống chọi lại một cơn ho rạc cổ. Trong phòng khách của tòa soạn luôn có một ấm chè được pha sẵn chờ ông già ghé đến chơi. Người ta nói “văn mình, vợ người”. Nhưng chẳng ai như ông già, văn bị chê tả tơi mà vẫn cười hào sảng. Chê đâu sửa đó, ông già cần mẫn nhặt chữ dành dụm vốn liếng cho mình. Chắc vì đồng cảm với một ông già yêu chữ nghĩa. Nên ban biên tập bảo nhau “hay là tìm một truyện được nhất rồi biên tập lại để đăng cho ông già vui?”. Nhưng ông già phẩy tay chối từ: “Thôi khỏi. Đời cầm bút của tôi chỉ cần được đăng một lần duy nhất. Kể một câu chuyện duy nhất mà thôi”. Họ tò mò hỏi đó là câu chuyện gì? Ông chậm rãi rót trà, chậm rãi uống, chậm rãi kể về bà già bán xôi và cuộc kiếm tìm một nốt ruồi son mọc đằng sau gáy.

Nghe xong hình như mũi họ cay, hình như ai đó vừa buông tiếng thở dài hoặc cũng có khi chỉ là tiếng gió. Họ ngậm ngùi bảo báo xuân năm nay sẽ dành hẳn một trang khổ lớn để ông già đăng tin tìm dấu vết thương yêu qua truyện ngắn của mình.

Truyện của ông được mở đầu dung dị như một lời thủ thỉ thế này: “Thằng nhỏ đánh giày kiếm đâu được một đôi giày vải tuy đã cũ nhưng chất thì “ngon lành lắm”. Nó nói để phần bà già đi bán xôi mùa đông vừa ấm lại vừa mềm. Không lo tấy đỏ gót chân sau mỗi ngày gánh rong ngoài phố như đi đôi giày nhựa cũ. Chú Bảy xe ôm vừa cầm áo rách mà than “giá mà bà già còn ở đây thì đã có người khâu áo giúp mình”. Thực ra đâu phải không có người để nhờ khâu áo. Nhưng khâu mà từng đường kim mũi chỉ thẳng thớm trên thớ vải thì chỉ có bà già mà thôi. Tụi trẻ bây giờ khâu qua quýt cho xong. Đâu có để hồn mình trong vết sờn vết rách. Nên cũng không có cảnh vừa khâu áo vừa than “chú em mặc áo rách chắc là muốn để ai ngó mà thương. Nhưng trước khi người thiên hạ xót lòng thì mình đã xót da xót thịt. Mình không thương mình thì còn mong ai thương hả chú em”. Có nhiêu đó thôi mà vẫn thường nhắc nhau. Như hôm gió mùa về, trong bữa cơm “chú em” bỗng dừng đũa chống cằm bảo: “Chẳng biết bà già đang ở đâu? Nơi ấy hôm nay liệu gió mùa về? Nếu chỉ một thân một mình không biết bà già có ăn uống điều độ hay không? Nói vậy thôi chứ bà già chắc biết tự thương mình”. Cây bàng già chỗ tôi với bà từng ngồi hình như nó vừa mới cựa mình. Những chồi non ẩn sâu trong lớp vỏ xù xì thức giấc vươn vai gọi mùa xuân đến. Bà từng ví chúng giống như những mầm yêu thương chồi lên trong tâm hồn già nua, cằn cỗi của mình.

Mùa xuân về thật rồi bà ơi. Mùa này người ta hay quàng khăn ấm cho nhau nên tôi ít nhìn thấy gáy...”.

Ông viết đến đó thì dừng bút vì vừa ngửi thấy trong gió xuân có mùi của hoa đào, hoa cúc. Xóm dạo có thêm người bán dạo vừa mới chuyển đến mấy hôm. Cũng một đôi quang gánh, mấy bộ quần áo rét và ít nồi niêu xoong chảo. Y như ngày bà già theo ông đến đây, đồ đạc không có gì ngoài một đôi quang gánh. Người mới đến đang đảo những mẻ mứt nóng hổi để sáng sớm còn kịp mang đi bán. Chị ta nói mình là người đàn bà bán mùa. Mùa thu bán cốm, mùa hè gánh bán hoa sen, mùa đông cần mang hơi ấm chuyền tay nhau trong mùi hạt dẻ. Đến mùa xuân thì để từng vị mứt kể câu chuyện vùng miền. Nhìn cái dáng lom khom nhóm bếp than của người hàng xóm mới khiến ông già nhớ tới bà. Dù ngày hè nóng bức hay mùa đông lạnh cắt da cắt thịt thì cứ bốn giờ sáng là bà đã thức dậy lụi cụi thổi xôi. Chiếc bếp ngoài trời được ông mua mấy tấm fibro xi măng lợp lên để che chắn mưa dầm sương lạnh. Mấy năm trước cũng vào những ngày này, cũng lất phất mưa bay. Ông dậy cùng bà nhóm bếp, hơ hai bàn tay lạnh cóng trên lửa ấm rồi chờ nồi xôi của bà vừa kịp chín. Giữa lúc ông mải đắm chìm trong ngọn lửa đầy ma mị thì bất chợt thấy gáy mình nóng ran. Bà từng bảo gáy ông cũng có nốt ruồi son nên mắt bà có đôi lần vướng víu. Trong ánh lửa bập bùng nốt son như một hòn than ấm. Âm ỉ và nung nấu tâm can…
Ông già viết xong truyện lúc người ta chở hoa về khắp phố. Những chợ hoa tự phát mọc lên, đào từ rừng xuống phố vẫn còn e ấp nụ.

Trên sạp báo đã thấy có vài ấn phẩm báo xuân bày bán sớm. Thư ký tòa soạn nheo mắt qua cặp kính, khẽ thở dài:
- Viết buồn vậy làm sao đăng báo tết chú ơi?

- Không lẽ cứ cười nói khơi khơi mới là vui? Tôi đâu có viết buồn. Chẳng qua là tôi giấu cái vui trong từng con chữ đấy thôi. Mà vui hay buồn còn là do cảm nhận của từng người anh bạn à. Giả dụ nếu bà già bán xôi đọc được thì thể nào bà cũng sẽ thấy vui.
- Ông có chắc bà già ấy sẽ đọc được không?

- Thì như tôi đã viết ở cuối truyện đấy thôi. Bà già hay mua báo cũ để gói xôi. Nhưng trước khi mang gói xôi bà đều đọc rất kỹ. Thể nào cũng có ngày truyện của tôi được ủ ấm trong thúng xôi rong ruổi.

Anh thư ký tòa soạn khẽ tủm tỉm cười. Giờ thì anh thấy ông già nói đúng, trong những câu chữ buồn vẫn lấp lánh thứ niềm vui bình dị. Một bà già bán xôi, một nốt ruồi son nào đó bỗng nhiên khiến buổi sáng của anh dường như chậm lại. Anh pha trà mời ông già ngồi chơi, tần ngần hỏi:
- Liệu bà già trong truyện có tìm thấy con không?

- Tôi không dám chắc đâu. Vì anh bạn biết đấy, đâu phải mọi cái kết đều có hậu. Nhưng mà tôi hy vọng…
Họ lại ngồi im lặng bên nhau. Ngồi rất lâu, nghĩ gì đó rất sâu. Anh đủng đỉnh rót trà, đủng đỉnh trêu ông già đang ngồi vân vê những sợi râu mường tượng:

- Nhuận bút báo xuân của chúng tôi thấp lắm chú ơi.

- Thì tôi cũng chỉ cần được trả nhuận bút bằng một gói xôi thôi là đủ. Mà phải là xôi của bà già trong câu chuyện mới ngon.


Vũ Thị Huyền Trang

https://thanhnien.vn/van-hoa/tin-vao-mua-xuan-truyen-ngan-cua-vu-thi-huyen-trang-786421.html (https://thanhnien.vn/van-hoa/tin-vao-mua-xuan-truyen-ngan-cua-vu-thi-huyen-trang-786421.html)

sôngthương
03-19-2019, 03:05 AM
Tôi muốn về làm sáu tuổi.




https://4.bp.blogspot.com/-OU8rLSf20LY/ViZNcLTIDZI/AAAAAAAACfg/chrc2dp039g/s320/Finding%2BSea%2BShell.bmp

Tôi muốn được về làm sáu tuổi.

Tôi muốn vào quán bán bánh kẹo bên đường và nghĩ rằng đó là một nhà hàng sang trọng và nổi tiếng nhất toàn cầu.

Tôi muốn được xếp tàu giấy thả trôi trên những vũng nước bùn sau cơn mưa, và lấy đá thảy vào tạo thành những con sóng nhỏ.

Tôi muốn nghĩ là kẹo quý báu hơn tiền bạc, vì chúng có thể ăn được.

Tôi muốn được chạy đá banh với chúng bạn trên sân vào những giờ ra chơi. Tôi muốn được thức thật khuya trong đêm giao thừa để đón ông bà và núp lén xem ông táo.

Tôi nhớ lại những ngày xa xưa khi cuộc sống thật giản dị. Khi những gì tôi biết chỉ là mười hai màu căn bản, một bảng toán cộng và vài bài ca dao học thuộc lòng. Nhưng mình không có vấn đề gì hết. Vì tôi không hề biết những gì tôi không biết, mà tôi cũng chẳng cần muốn biết.

Tôi muốn được đến trường, ăn hàng rong với chúng bạn, ra sân chơi, chạy đuổi nhau và đi cắm trại.

Tôi muốn được vui cười, vì tôi không biết về những gì mình cần nên buồn giận. Tôi muốn nghĩ rằng thế giới này rất công bằng, và ai ai cũng thành thật và tốt bụng với nhau. Tôi muốn tin là bất cứ việc gì mình muốn đều cũng có thể làm được.

Ðôi lúc, trong khi lớn lên, tôi đã được học quá nhiều. Tôi học về chiến tranh nguyên tử, về sự kỳ thị, về nghèo đói, về bệnh tật, về tàn bạo, về ly dị, về lường gạt, về những đớn đau, và về cái chết.

Tôi muốn được về làm sáu tuổi.

Tôi muốn nghĩ là tất cả mọi người trên trái đất này, trong đó có tôi, sẽ sống đời đời, vì tôi không biết ý niệm về cái chết.

Tôi muốn mình ngu ngơ trước những rắc rối, phức tạp của cuộc đời, và mừng vui với những hạnh phúc rất nhỏ nhặt.

Tôi muốn những chương trình ti-vi là một cái gì tôi xem để cười vui, chứ không phải là một phương tiện để tôi chạy trốn cuộc đời hoặc tránh né những bổn phận của mình.

Tôi muốn sống và biết rằng, những điều nhỏ mang lại cho tôi niềm vui, và chúng cũng sẽ vẫn đem lại cho tôi hạnh phúc ấy, y như là lần đầu tiên tôi bắt gặp.

Tôi muốn được về làm sáu tuổi.

Tôi muốn được ngây thơ đủ để tin rằng, nếu tôi được hạnh phúc thì mọi người khác cũng thế.

Tôi muốn được đi trên bãi biển và chỉ nghĩ đến cát trắng mát dưới bàn chân, và hy vọng tìm thấy một viên đá thuỷ tinh màu xanh thẩm mà tôi hằng mơ ước.

Tôi muốn bỏ ra những buổi chiều trèo cây, chạy xe đạp với đám bạn, để mặc cho người lớn lo nghĩ về ngày mai, về những cuộc hẹn bác sĩ, và làm sao để có tiền sửa xe, đóng bảo hiểm.

Tôi muốn tự hỏi mình sẽ làm gì khi lớn lên, mình sẽ ra sao, trở thành người như thế nào, và không hề lo lắng về chuyện tôi thật sự sẽ ra sao, nếu một mai ước mơ kia không thành sự thật.

Tôi muốn được lại cái thời gian ấy.

Tôi muốn được dùng nó bây giờ như một nơi để trở về nương náu, vào những lúc chiếc máy điện tính của tôi gặp sự cố, khi giấy tờ cần giải quyết chồng chất trên bàn, hay khi có người bạn đang gặp tuyệt vọng, khổ đau, hoặc lúc gây gổ với người bạn đời, trước những ngày vui qua mau, hoặc những lúc không biết việc mình làm là đúng hay sai.

Tôi có thể trở về ngày tháng ấy, để được tung tăng chạy ra ngoài sân thả diều, và không lo nghĩ gì khác hơn ngoài việc cánh đồng nào chiều nay có trời lộng gió.

Tôi muốn được về làm sáu tuổi.

Nguyễn Duy Nhiên phỏng dịch
Tác giả Unknown


http://nguyenduynhien.blogspot.com/2019/02/toi-muon-ve-lam-sau-tuoi.html

sôngthương
05-19-2019, 09:04 PM
Nhà thuê có hoa nở

HẠ TUYÊN

Nếu không phải hoàn toàn, thì vẫn sẽ có những đoạn đời bạn phải trải qua trong những ngôi nhà có mái tôn mỏng, trần nhà sà thấp, và vách vôi mốc xì thốc lạnh những ngày mưa.


Căn hộ đầu tiên trong đời nàng thuê là loại nhà đã xuống cấp trầm trọng, mái tôn cũng mỏng như vậy, trần cũng thấp như vậy, nàng nói bừa là hóa ra như vậy lại gần với trời. Nàng thường có lối tự lừa mình như vậy, càng ngày càng cao tay.

Mỗi đêm mưa to gió giật, nàng nghe rõ tiếng ì ầm trên mái, tiếng sầm sập trên mái, tiếng đùng đoàng lở trời long đất trên mái, và mưa mỗi hột to tướng dộng kỳ công, cẩn thận, hột nào ra hột nấy, trên mái. Nhà lúc đó là một cái quán nhỏ thầm thì. Ban khuya quán đóng cửa, có hai con mèo ở lại nghe mưa nghe sấm cùng nàng, dúi mình vào hõm eo nàng, vừa sợ hãi vừa yên ủi. Tiếng động nào cũng có lúc tan đi. Có điều mái nhà mỏng như vậy, tan có hơi chậm đi một chút.

Trước cái quán đã từng có một cái quán khác. Chừng hai mươi ngày, trên đường Tú Xương. Nơi mà từ đó nàng có thể hát: “Mai đây anh về qua đường Tú Xương, quán vắng mưa khuya, bước ai trên đường...”(*). Nàng vẫn thường chọn gần ai đó hoặc cái gì đó vì một câu hát vu vơ như vậy, nên thường vui vẻ trả giá.

Quán nhỏ ở Tú Xương, lẽ ra rất vừa vặn. Không hẳn là đẹp. Vừa vặn. Không thêm không bớt. Không khiến người ta phải cân nhắc đắn đo. Chẳng phải nghĩ gì nữa. Cho nên thật thiếu xót thương, vị đại diện tạo hóa nào đó ấy, bởi vì ký ức ở Tú Xương lại hoàn toàn không vui. Nàng ở đó hai mươi ngày. Có âm thanh tra tấn của những chiếc loa thùng công suất lớn. Có xã hội đen mặt rô múa đao dằn mặt. Xe ra vào cán đinh liên tục, và đỉnh điểm là mấy bịch mắm tôm ném vào người, lúc nửa đêm.

Chẳng ai nghĩ mình sẽ rớt vào câu chuyện đó. Giữa Sài Gòn. Nàng cũng không. Loại chuyện trên phim ảnh, trong tiểu thuyết. Người ta dàn trận ra vì một mảnh đất. Một đại gia thèm muốn một mảnh đất của tiểu gia. Và không khoan nhượng. Và không thể thỏa thuận. Và chiến sự bắt đầu nổ ra. Và nạn nhân trực tiếp là những người qua đường, đôi khi là những cành hoa lả lả nép mình tìm một chỗ tá túc.

Nàng lúc đó vừa vận dụng toàn bộ công lực để tẩu thoát khỏi một trận đại chấn của đời riêng. Đầu mang sẹo và lòng mang sẹo. Nàng thường cắm bông hồng để tự vuốt mắt mình, ban đầu không nghe ra âm thanh của chiếc loa thùng công suất lớn, hay để ý đến mấy gã mặt rô vẫn sáng chiều lởn vởn. Những ngày này Như hay ghé qua, khoác theo chiếc ukulele. Hai chị em cùng ăn bánh mì quẹt bơ mứt. Tập cho nhau những hợp âm đã quên. Những ngón tay con gái lần đầu bấm vào dây phím. Dè dặt. Khúc khích.

Nàng nói, em mua bông hồng này ở chợ Tân Định. Ba nghìn một bông. Cắm và nở suốt tuần. Như nói chuyện đó thật kỳ diệu. Như cắm bông hồng không bao giờ nở. Một bông hồng muốn nở cần phải thuận duyên với người cắm nó. Nàng nghĩ, với bàn tay còn ám mùi mắm tôm, với thể hồn xiêu lạc, và muôn trùng nhiễu loạn ì ầm, còn có thể thuận duyên đủ để cắm một bông hồng - nở rất lâu - hay sao.

Bởi vì đêm đó bịch mắm tôm ném vào nhà.

Nửa đêm nàng bật dậy vì tiếng động đầy thù địch phát ra từ cửa lớn. Xung quanh bắt đầu dậy mùi. Kiểu mùi xồng xộc, vừa lạ vừa quen. Nàng lúc đó đang không có chỗ ở, chỉ trải một manh chiếu mỏng nằm giữa bừa bộn bàn ghế công xưởng đang đóng dở. Giấc ngủ thấm lâu ngày đã bắt đầu chập chờn vì những bóng thanh niên hung hãn đầu đường. Mùi hôi bắt đầu bắt lên những vũng nhầy nhậy. Phải mất một lúc lâu nàng mới hình dung được tình thế thực tại. Không bật đèn. Chẳng biết làm gì bèn ngồi thẳng lưng suốt cả đêm. Nàng không muốn nằm xuống mà bị mắm tôm giội lên người. Làm như ngồi mà mắm tôm giội lên người thì mình sẽ giữ được phẩm hạnh nhiều hơn hay sao đó.

Cảnh đó thực ra cũng giống như trong xi-nê. Và để gia tăng phần điện ảnh, bọn ve trong vườn vẫn thản nhiên gáy kịch liệt. Ánh đèn vàng ngoài đường hắt sáng loang lổ trên sàn gạch cũ. Lá cọ xào xạc trên quanh đường viền cây sứ. Một cảnh đầy thơ và dư dả mộng tưởng. Người coi phim sẽ không ngửi được mùi mắm tôm. Một “nhân vật” ẩn danh, vô hình, và mang tính quyết định. Có thể cho bất cứ một di cư nào, dù lếch thếch, dù cùng đường, dù của một cành nhánh lả lả đang tìm nơi nương náu khổ sở. Sài Gòn yêu dấu. Sài Gòn Tú Xương. Sài Gòn mắm tôm.

Khi nàng chuyển đi thì cành hồng vẫn nở. Nàng nghĩ đó là cảnh cuối cùng nàng lưu lại ở Tú Xương. Ký ức đó bây giờ nghĩ lại, vẫn là một thành phần quan trọng trong quãng đời gấp gãy nhiều phen bờ ruộng đó. Như một thước phim sẫm tối chạy qua, nói yêu thì là nói dối, vì hoảng sợ nhiều quá. Nhưng nói ghét cũng không phải. Ai lại ghét được một bông hồng đã nở toe toét như vậy, trong một buổi sáng nắng xiên qua mái, mặc cho những phân tử mắm tôm dù sao cũng đã bám trên cánh, một cách li ti, li ti.

Căn nhà mới thuê cũng có vách mỏng, tường vôi rơi lỗ chỗ, và những ngày mưa thì mái dột. Ban đầu nàng thực sự muốn chuyển đi, vì phát hiện người chủ cho nàng thuê nhà đã không trung thực. Anh ta không phải chủ nhân. Anh thuê lại của một người thuê lại, nên giá cả đội lên cao hơn mức độ cho phép. Không bao nhiêu tiền, nhưng điều đó khiến ruột nàng sà xuống đất. Nhân gian sống sao thảm thiết. Nhân gian thật là buồn so. Về sau, nàng phát hiện ly mì gói mình ăn cũng vận hành theo cách như vậy. Thùng nước uống. Gói muối. Cọng hành. Tất cả đều vận hành theo cách như vậy. Có khi cả nàng nữa. Cũng đã quá đề cao bản thân rồi.

Bọn mèo thì không nề hà gì chuyện ấy. Chuyện sống trong một căn nhà bị độn giá lên đôi ba chút. Mái dột, nhà xiêu các kiểu. Chúng sống rất vui vẻ. Nhịp đuôi theo điệu nhạc. Vật nhau đến mệt lử. Ăn cuống lên nếu đói. Thư thả nằm chờ nàng tắm xong, lại độn cơm cho ăn. Lần này sẽ ăn từ tốn hơn vì không còn quá đói nữa. Rồi vắt cổ lên nhau ngủ.

Đoạn đời này nàng thường trải qua trong những ngôi nhà có mái tôn mỏng, trần nhà sà thấp, và vách vôi mốc xì, thốc lạnh những ngày mưa. Nàng vẫn còn nghĩ, điều này vốn là một dạng hợp lý, bởi vì đó là cách để nàng gần hơn với trời. Mọi âm thanh nàng đều có thể nghe được mà không phải cầu kỳ tìm kiếm hay tìm cách đón đợi. Căn gác trổ ra các mái nhà trong phố. Thỉnh thoảng chim chóc ghé lại. Nắng mưa cường độ thế nào đều có thể đứng trên mái mà trông rất rõ. Sấm chớp cũng vậy. Gió giật tung chiếc chuông gió, và bọn mèo quýnh quáng chạy về.

Một chiều như vậy, Như đem qua một bó hồng nhờ nàng cắm giúp, vì Như mà cắm thì chúng lại chết gục rất nhanh thôi. Sau này nàng nghĩ Như đã dùng một liệu pháp tinh thần để nàng tin rằng, dưới bàn tay nàng vẫn còn những điều đẹp đẽ đang sống, chứ không tuyền là vời vợi những mất mát bi thương. Hoặc có thể, Như cũng đã dùng cách đó mà rời đi khỏi vũng lầy của chính mình. Nhấc bổng mình ra. Không một vọng âm nào còn lại.


(*) Nhạc của Nam Lộc.

https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20190402/nha-thue-co-hoa-no/1493536.html

sôngthương
06-04-2019, 02:05 AM
Những Mũi Tên Trưởng Thành


https://3.bp.blogspot.com/-Dhn6I9KrX8o/WpTYwfAkN7I/AAAAAAAAOB8/ybtZBSF_qtI9xElWmiz3OoEr-9mA33r0QCLcBGAs/s1600/Nhung%2Bmui%2Bten%2Btruong%2Bthanh.jpg (https://3.bp.blogspot.com/-Dhn6I9KrX8o/WpTYwfAkN7I/AAAAAAAAOB8/ybtZBSF_qtI9xElWmiz3OoEr-9mA33r0QCLcBGAs/s1600/Nhung%2Bmui%2Bten%2Btruong%2Bthanh.jpg)


Tất cả nến trong phòng đều sáng. Ngay đến những mẩu nến nằm trong góc kẹt, bụi bám đầy, cũng lăn ra giữa phòng cười thật tươi với ngọn lửa hồng mịn màng.

Họ nhà nến thì thầm với nhau:

- Chúng ta sẽ rực rỡ, vui chơi cho đến giọt sáp cuối cùng.

Anh Đèn Ống, vật máy móc và có vẻ ích kỷ nhất, cố gắng góp một chút ánh sáng trắng mờ. Nhưng anh ta chỉ tạo nổi vệt sáng màu ngà trên trần.

Cụ Sách bảo:

- Như thế lại hay, căn phòng hôm nay chỉ cần một thứ ánh sáng ấm cúng và một bầu không khí trang trọng.

Hàng ngàn sợi dây nhỏ, kết bằng giấy bóng đủ mầu, chăng kín tường và rủ xuống, lung linh tha thướt như mưa nhẹ trong một bầu trời còn gió, còn sót nhiều tia nắng bâng khuâng vàng.

Giấy màu vây quanh từng ngọn nến xoay tròn, đùa nghịch một cách kỷ luật như đoàn Hướng đạo sinh xoay quanh lửa trại. Chúng in màu trên tường pha trộn vào nhau, biến đổi vô cùng tựa lòng kính vạn hoa.

Chú quay Sừng nôn nao vì sắc màu, chú không thể nằm yên. Chú xoay tít chạy quanh nhà, chân đinh của chú sáng loáng. Thân Sừng óng ánh. Bông Hoa phê bình:

- Chú giống hệt một viên kim cương khổng lồ.

Chú va vào chân ghế, dội ra, chú chạm nhẹ vào chân bàn, giả vờ lảo đảo. Chú chạy vụt vào gầm tủ, rồi vòng ra, đuổi theo chị Bóng bay.

Bác Đinh già nhận xét:

- Lúc này Quay Sừng đang đóng vai một viên kim cương say rượu.

Chị Rèm cửa mỏng manh thướt tha giăng mình đầy khung cửa sổ và cất lời cáo lỗi:

- Xin bác Gió đừng giận, xin ánh trăng đừng buồn nhé! Bữa nay chúng tôi tổ chức lễ, trong phạm vi thân mật. Mong quí vị trở lại đêm mai.

Rèm cửa biết dư rằng Nến không ưa Trăng. Họ nhà nến vẫn chê ánh trăng nhạt mờ, ngoài tính cách trang trí không còn dùng được vào việc gì. Bác Gió thì làm hại sức khoẻ nến. Tốt hơn hết Rèm cửa chặn họ lại ở ngoài khung cửa sổ.

Tuy nhiên thỉnh thoảng có chút gió tò mò, đẩy nhẹ chị Rèm, lọt vào phòng. Họ hàng nhà nến xôn xao, hàng ngàn sợi dây màu uốn mình, bốn phía tường như có hàng ngàn bông hoa muôn sắc lướt qua.

Cụ Sách trầm tư xét lại những dòng chữ trong lòng mình, cụ muốn tìm những câu chúc tụng văn hoa bay bướm nhất.

Chiếc xe hoả móp đầu, năm chiếc xe hơi nhựa nối đuôi nhau chạy khắp phòng. Chú con Quay vui đùa hỏi:

- Các bạn đi đâu cho tôi quá giang với?

Đoàn xe đáp:

- Rất tiếc chúng tôi thuộc loại xe chuyên chở nhẹ. Xe chở đầy ắp niềm vui rồi. Chú con Quay cảm phiền nhé.

Anh Chổi lông gà, suốt đêm trước lo quét bụi cho mọi vật trong phòng bây giờ mệt còn ngủ say. Nhưng anh đã cẩn thận căn dặn Giỏ rác:

- Nhớ đánh thức tôi vào lúc nửa đêm nghe.

Giỏ rác cố thu mình vào góc phòng với những vật đã bị loại ra khỏi cuộc đời.

Chị Tranh vô cùng kiêu hãnh. Trong ánh sáng muôn màu chị được mặc cái áo mới chắc chưa từng có trên thế gian. Khung cảnh cánh đồng nơi chị màu xanh nhạt đổi qua màu tím sậm rồi màu vàng, màu hồng, màu ngọc thạch….Đôi lúc những màu ấy chen lấn xô đẩy nhau. Chị Tranh tưởng rằng mình vừa được ban chiếc áo thần của một bà tiên tính tình bất nhất, chỉ thích đổi thay.

Cây đàn nằm trên góc tủ so lại dây. Chàng sẽ dành cho đêm nay một tấu khúc tuyệt diệu, một tấu khúc vui tươi, hân hoan không thua gì những nụ cười của họ hàng nhà nến.

Suốt từ tối tới giờ ông Bàn, vật khó tính nhất trong phòng, không càu nhàu một tiếng. Chỉ thỉnh thoảng ông nhắc khẽ bình hoa:

- Này! nhớ giữ cho bông hồng thật tươi đấy. Đêm nay là đêm trọng đại.

Chỉ có bé Đinh ốc chẳng hiểu gì, đang thắc mắc. Bác Đinh già phải giải thích:

- Đêm nay mọi vật tổ chức mừng thọ ông Cung tên.

Biết bao thế hệ lịch, những vật có đời sống kéo dài đúng một năm trời đã qua đi, ông Cung tên vẫn vững bền khoẻ mạnh. Thân thể ông thuộc loại gỗ quí. Da ông đen bóng như sừng, thời gian không tạo một nổi vết nứt. Ông nói:

- Ngay lúc này ném tôi ra giữa trận tiền, tôi vẫn có thể chiến đấu mạnh mẽ như một trăm năm trước.

Mọi vật mừng thọ ông, mừng vị anh hùng đã chống cự bền bỉ với kẻ thù nguy hiểm, lạnh lùng nhất: thời gian.

Khi bác Đồng hồ điểm lên mười hai tiếng đều đặn trong veo, cụ Sách đại diện cả phòng cất lời chúc tụng.

Anh Chổi lông gà được đánh thức giật mình, tung cả bụi lên, nhưng những hạt bụi cũng óng ánh muôn màu.

Ông Bàn tiếp lời cụ Sách:

- Đáng lẽ tôi phải giữ mặt thật sạch sẽ để mừng thọ ông Cung tên. Nhưng ông biết đấy, lũ ranh con ở nhờ trên mặt tôi không bao giờ giữ vệ sinh chung. Vác bộ mặt nhem nhuốc này ra mừng ông, thật tôi xấu hổ quá. Tôi có bông hồng nhỏ còn tươi, xin tặng ông. Mong ông không từ chối món quà tầm thường của lão già thô lỗ này.

Nhà quí phái Cung tên vô cùng cảm kích.

Ông hiểu rằng quà tặng ông không phải riêng có lời chúc tụng của cụ Sách, bông hồng tươi của ông Bàn. Tất cả những sắc màu rực rỡ, hân hoan của mọi vật trong phòng đều dành riêng cho ông. Ông Bàn khỏi cần bày đặt tặng hoa. Một ngày không càu nhàu, lại chịu khó giữ khuôn mặt thật sạch sẽ của ông cũng là một món quà vô giá, khiến ông Cung tên có thể kiêu hãnh.

Ông Cung tên cám ơn mọi vật, ông ngập ngừng nói rằng không biết kể sao cho hết lòng mến thương tất cả. Ông đã sống quá lâu, đã thấy hàng trăm thế hệ lịch từ tường rơi xuống, nhưng ông không mệt mỏi, ông còn muốn sống lâu nữa vì mọi vật cũng thương mến ông….

Tất cả những ngọn nến trong phòng rực sáng thêm. Anh Đèn ống reo lách tách. Chiếc xe lửa và mấy cái xe hơi nhựa, đoàn xe chuyên chở niềm vui, tăng tốc độ. Chú quay Sừng vướng chân vào sợi chỉ buộc chị Bóng bay. Chú ngã chúi vào góc nhà. Nhưng chú vùng dậy ngay, đuổi theo mấy chiếc xe hơi. Chú vẫn giống một viên kim cương lóng lánh.

Cây đàn bắt đầu tham dự cuộc vui. Chàng nghệ sĩ ồn ào nhất phòng này tung ra hàng ngàn nốt nhạc nhỏ xíu. Chúng ca hát, bay tung tăng khắp phòng, chúng lướt qua những ngọn nến, khiến tất cả những ngọn lửa trong phòng đổi từ màu da cam sang màu vàng rực. Những nốt nhạc rơi xuống như trận mưa mà tất cả những giọt nước đều hồng.

Gió tò mò, chịu không nổi, xô nhẹ chị Rèm, tràn vào. Những sợi tơ giấy đủ màu uốn mình xao xác. Gió bắt cóc hàng trăm nốt nhạc, đẩy ra ngoài khung cửa sổ, bay vút lên cao.

Bông Hồng trong bình nở tung, một bông hồng lạ kỳ, đổi màu theo từng cơn xao động của dây giấy bóng và ánh nến.

Chị Bóng bay lăn vào gầm tủ thủ thỉ với bác Đinh già:

- Tôi đã từng dự những cuộc lễ lớn. Họ hàng nhà tôi biết bao kẻ đã được bay cùng hàng ngàn con chim câu trên một nơi người đông như biển. Nhưng tôi chưa từng thấy có cuộc mừng lễ nào vui tươi như đêm nay.

Khi chàng đàn trình diễn, ông Cung nói:

- Quí vị làm tôi nhớ tới cái đêm mình tổ chức lễ tiễn đưa mấy cháu nhỏ nhà tôi lên đường. Cũng căn phòng này….

Cụ Sách biết ngay là ông Cung nhắc tới đêm những cậu tên trưởng thành.

Cụ Sách nói:

- Hồi ấy, căn phòng này còn hẹp hơn, bốn phía là vách ván không phải tường gạch.

Ông Cung tên hỏi:

- Khi đó ông Bàn về đây chưa nhỉ?

Ông Bàn đáp:

- Rồi! Hồi ấy tôi trẻ măng, da dẻ nâu sẫm, nhẵn bóng chứ đâu có như bây giờ, mặt đầy sẹo ngang dọc, lem luốc.

Để các vật trẻ trung trong phòng hiểu rõ về kỷ niệm mình vừa nhắc tới. Ông Cung tên bắt đầu kể:

Ông Cung có năm con. Đêm ấy cả năm cậu Tên đều đến tuổi trưởng thành nghĩa là được bay đi khắp bốn phương trời.

Mũi tên nhọn hoắt, thân tên thẳng tắp, cả năm đều đã đủ điều kiện để làm nhiệm vụ giang hồ.

Vì mến ông Cung, các vật trong phòng tổ chức lễ tiễn đưa thật long trọng. Vả lại đây cũng là dịp các cậu Tên vĩnh biệt tất cả để sống một đời sống khác hẳn, họ hoàn tất cái sứ mạng đầy ý nghĩa họ mang từ lúc chào đời.

Tình cờ, đêm lễ mừng trưởng thành của năm cậu gần ngày Trung thu nên trong phòng có đủ loại đèn. Tất cả những ngọn nến đều tìm được nơi trú ngụ đầy màu sắc cả căn phòng cũng sáng muôn màu.

Cụ Sách đọc một bài thơ giã từ, lời lẽ ngậm ngùi, quyến luyến nhưng rất hào hùng.

Các chú đèn con Cá, đèn Thiềm thừ, đèn con Thỏ chia nhau đứng ở các góc phòng. Bác đèn ông Sao đứng chính giữa, nơi các màu sắc trộn lẫn với nhau.

Ông Bàn cho phép chú Ngăn kéo hé ra một chút để tất cả những vật trong lòng chú được dự lễ.

Anh Diều giấy nói:

- Chà! Mấy cậu Tên sẽ bay cao lắm đấy nhé. Tôi phải có hai cuộn chỉ mới bay cao bằng các cậu.

Cậu Tên anh cả khiêm tốn:

- Nếu chúng em bay cao xa được là cũng nhờ sức của cha em.

Cụ Sách nói:

- Đúng vậy, ông Cung còn mạnh lắm. Ông sẽ đẩy các cháu bay xa không thua bất cứ một mũi tên nào.

Ông Cung vội nói:

- Quí vị có lòng thương nói vậy chứ thật ra hồi này chúng tôi cũng sa sút lắm.

Cậu Tên anh cả rất điềm đạm, bình tĩnh, trái lại cậu hai cậu ba thì nôn nao lắm, cả hai nói nhỏ với nhau, chỉ mong những nghi lễ rườm rà sớm chấm dứt để chúng được lên đường. Chúng đã nghe tiếng gọi của thinh không.

Đúng giờ mấy cậu Tên khởi hành, bên ngoài khung cửa sổ rộng mời mưa lất phất. Cụ Sách tỏ ý lo lắng:

- Thời tiết xấu, hay chúng ta dời chuyến bay của các cậu Tên lại.

Bác Ô đen trấn an:

- Không sao, mưa nhỏ mà. Bay nhanh như các cậu ấy thì không thể nào ướt được.

Anh Diều giấy vẫn ngần ngại:

- Trời gió to không?

Chị Rèm cửa đáp:

- Gió rất nhẹ.

Ông Cung cảm ơn sự lo lắng của mọi vật, nhưng cho biết tên bay bất kể thời tiết. Tên bay trong nắng gay gắt hoặc trong giông bão. Chuyến bay càng cam go thì đời của Tên càng có ý nghĩa.

Cậu anh cả, thay mặt các em, hỏi ông Cung câu cuối cùng:

- Thưa cha! Cha còn dạy chúng con điều chi nữa không?

Ông Cung nghiêm trang:

- Cha chỉ có một lời khuyên, cha nhắc lại: Phải kiêu hãnh và bay cho thật thẳng.

Mũi tên đầu phóng đi như một lằn chớp.

Mọi vật quá chú ý vào đường bay của từng mũi tên đến nỗi, sau khi mũi thứ tư lên đường, mới khám phá ra mũi tên thứ năm; cậu Út đã trốn đâu mất tiêu.

Ông Cung hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra, ông cố cứu vãn bằng cách nói nhẹ nhàng:

- Thằng Út đâu rồi? Sửa soạn chậm quá vậy?

Mọi vật im phăng phắc chờ đợi. Không có tiếng trả lời.

Ông Cung sẵng giọng:

- Út!

Vốn là một nhà quí phái, ông Cung luôn luôn tỏ ra điềm đạm bình tĩnh. Khi giọng ông gay gắt như thế là ông đã giận lắm.

Tất cả đèn trong phòng rực sáng thêm một lần để tìm kiếm. Bỗng có tiếng cậu Út càu nhàu:

- Con muốn ở nhà, con chẳng đi đâu hết.

Hoá ra cậu Út trốn dưới gầm ông Tủ.

Ông Cung lịm đi, không nói gì. Ông giận quá và có lẽ hơi xấu hổ với mọi vật vì tình trạng bất ngờ này.

Anh Diều giấy nói nhỏ:

- Cậu làm vậy cha cậu sẽ buồn lòng lắm.

Cậu Út nói to:

- Cha tôi giận, tôi chịu. Nhưng tôi không đi đâu hết, tôi ở trong phòng này quen rồi. Bây giờ phải bỏ đi, tôi chịu không nổi.

Ông Bàn lên tiếng:

- Các anh của cậu đi cả rồi đấy.

- Mấy anh ấy khoái giang hồ. Tôi khác, tôi nhất định không đi đâu hết. Tại sao ông Bàn, ông Tủ, anh Diều được ở đây mãi mãi? Như cái bọn Giầy Dép, bác Ô đen thì ra đi rồi cũng lại trở về? Tại sao tôi phải bỏ nơi này?

Ông Bàn nói:

- Tại vì chú thuộc loài Tên. Nếu chôn chân vĩnh viễn ở đây thì chú có bốn cẳng nặng chịch như bọn Bàn chúng tôi, chớ đầu chú nhọn hoắt làm chi.

Cụ Sách cũng nghiêm khắc:

- Còn một lý do nữa: chú sanh ra là con của ông Cung. Đừng để mọi vật nghĩ rằng chú không xứng đáng được có một ông cha như thế.

Cậu Út lặng thinh. Ông Cung vẫn chưa chịu nói gì.

Bông Hoa giầu tình cảm, rất hiểu nỗi khổ của cậu Út, hoa ngậm ngùi héo mất một cành.

Một lát sau, cậu Út nói nhỏ như một tiếng thở dài:

- Nhà chỉ có năm anh em tôi, chúng tôi bỏ đi cả, cha tôi sẽ buồn và cô đơn.

Cụ Sách nói:

- Nếu cậu nhất định không đi, làm buổi lễ tiễn hành, làm chính cuộc đời cậu mất hết ý nghĩa, cha cậu sẽ đau khổ gấp ngàn lần.

Ngoài khung cửa mưa đã tạnh. Một chút ánh trăng tò mò nhìn vào phòng, cậu Út nói:

- Xin quí vị tha lỗi cho, thật tôi làm phiền quí vị quá.

Cậu trở lại với ông Cung, ngoan ngoãn đặt mình trong vị trí khởi hành.

- Con xin lỗi cha. Con thương mến căn phòng này và con cũng sợ năm anh em con đi hết thì cha cô đơn.

Mọi vật trong phòng rực rỡ, vui tươi trở lại, tất cả đã tha thứ cho cậu Út. Ông Cung vẫn lặng thinh, nhưng sự im tiếng của ông không còn vì buồn giận.

Khi cậu Út hướng cái mũi nhọn lên trời cao ngoài khung cửa sổ, ông Cung mới nói:

- Nhớ kiêu hãnh và bay cho thật thẳng. Đừng bao giờ để mọi vật lầm tưởng con là một mũi tên mềm.

Cậu Út cũng phòng vụt đi như một lằn chớp.

Bấy giờ ông Cung mới ngậm ngùi nói:

- Xin quí vị tha lỗi cho thằng cháu Út, nó giầu tình cảm quá. Nó nói cũng không sai. Quả thực, năm anh em nó đi hết tôi cô đơn và buồn, nhưng hạnh phúc của chúng nó là quan trọng.

Đúng như lời ông Cung nói. Khi đó, cậu Út đang hưởng cái sung sướng tuyệt vời của một mũi tên bay.

Những đám mây kéo nhau về phía chân trời, trăng vằng vặc, đầy ấp thinh không bao la. Cậu lên cao, lên cao hoài, cậu hân hoan reo một tiếng thật dài. Giữa cõi mênh mông, cậu kiêu hãnh, ngất ngây với đường bay xuyên gió.

LÊ TẤT ĐIỀU

https://tuoihoandmore.blogspot.com/2018/02/nhung-mui-ten-truong-thanh.html

sôngthương
06-24-2019, 02:54 PM
Vết xước.

Chị Mùi của tôi đột ngột trở về.

Hai mươi lăm tuổi mà bụng chị đã xệ ra, dáng vẻ đường bệ như một bà chủ.

Chồng chị là con trai của một ông giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên sản xuất bao bì carton, bao bì nhựa các kiểu, các loại giấy in, giấy pelure, giấy gói, dây nhựa niền thùng... Ở đất cảng Hải Phòng, nơi các tàu buôn quốc ngoại lẫn quốc nội ra vào tấp nập, công ty đó làm ăn trúng lắm.

Tiếng võng đưa cứ như rít lên.

Bố mẹ và tôi, ai cũng gầy gầy, bé nhỏ, có lên võng nằm đưa mạnh, tiếng võng cũng chẳng bao giờ rít lên như thế, có lẽ tại trọng lượng của mỗi người chẳng lấy gì làm ghê gớm.

Sau khi sinh con, người chị tôi cứ xồ ra, “cũng đã tập cả mấy khóa thể dục thẩm mỹ rồi mà không gọn lại được, nên thôi luôn” - Tôi nhớ, chị đã viết thư về cho bố mẹ tôi bảo thế. “Sáu mươi lăm ký, không tụt xuống hơn được”. Sáu mươi lăm ký ột trăm năm mươi tám centimet chiều cao, vị chi mỗi centimet gánh... Tôi bật cười khi quẹt cục than xuống nền bếp làm một con tính.

Tôi nấu cơm xong thì bố mẹ tôi cũng đi làm đồng về.

Bữa cơm có rau muống xào, mấy cái trứng cáy chưng lên và tô nước rau có dầm một quả cà chua. Đang nấu cơm thì chị Mùi lù lù xách túi đi vào ngõ, tôi pha cho chị cốc nước chanh rồi chạy ù ra chợ mua mấy bìa đậu. Tôi ráng đậu vàng lên, cắt ra xếp cũng được đầy một đĩa nhỡ. Trong hủ vẫn còn một ít mắm tôm, tôi múc ra bát giã ớt tỏi cho vào, vắt thêm một chút chanh. Mùi đậu ráng thơm phức, lẫn với mùi mắm tôm, chanh ớt khiến chị tôi nhổm dậy khỏi võng, và chừng như không kìm lòng được chị xuống bếp nhón một miếng đậu chấm vào bát mắm rồi nhai ngon lành. Tôi nhìn chị, chợt thấy gần gũi và thương thương...

***
Long Xuyên.

Chị tôi đặt phòng đôi ở khách sạn Thái Bình rồi kêu xe hon đa lôi chở hai chị em đến Minh Hương Hội Quán. Nhìn chị sì sụp khấn vái trước bàn thờ Ông Bổn tôi lại thấy thương thương...

Em chồng chị là một cậu bé bị bệnh bạch tạng. Mái tóc nó vàng như râu ngô và cặp mắt cứ suốt ngày nheo lại - Nó cận thị khá nặng. Khi xem ảnh, nếu chị không nói có lẽ tôi sẽ bảo rằng đó là một đứa bé lai. Nó học không giỏi lắm và suốt ngày lờ đờ như một người ngái ngủ. Trong căn phòng sang trọng của bố chồng chị, nó lạc lõng và chẳng cần cho bất cứ ai. Mười lăm tuổi, lần đầu tiên có người trong nhà cần nhờ đến nó giúp đỡ. Đang lau dỡ căn phòng khách, chợt nghe tiếng cu con khóc ré lên ở phòng ngủ trên lầu, chị tôi tất tưởi vứt giẻ lau đấy, chạy lên, ngoái cổ bảo nó lúc ấy đang ngồi im lìm ở một góc ghế sa lon:
- Bình! Lau tiếp nhà giúp chị với.

Nó ngẩn người ra một lúc, rồi bắt đầu cầm giẻ lau nhà. Nó lau rất kỹ, tẩn mẩn chùi từng kẻ gạch một. Lau xong được chỗ nào, nó lại cúi sát xuống đất xem đã sạch chưa. Nó bò vào dưới gầm bàn chùi đi chùi lại thật kỹ vệt cà phê ai làm sánh dưới sàn. Hài lòng với công việc của mình, nó cứ thế mà đứng thẳng lên, và đội nguyên cả cái bàn nước lên theo. Tấm kính đặt trên bàn nhào xuống đất vỡ tan, cả cái bình hoa bằng pha lê tuyệt đẹp bố chồng chị tôi mua về từ một chuyến đi Thái Lan làm ăn cũng vỡ nốt. Hoảng hốt, nó cố vẫy ra cho thoát khỏi cái bàn đang đè nặng trên đầu. Choảng! Cái bàn văng vào góc tường, đập vỡ tanh bành cả cái tủ buýp-phê lắp kính màu bày toàn ly, tách ngoại...

Chị tôi đã cho nó mấy cái tát nên thân và rít lên:
- Đồ ăn hại! Cút đi đâu thì cút, còn đứng đó định ăn vạ nữa hả?

Nó đã cút đi thật. Cả năm tháng rồi. Chị tôi khi nguôi giận, cảm thấy mình đã tàn ác với nó quá. Bố chồng chị tôi cho nhắn tin trên đài, trên tivi mấy lần mà cũng không thấy phản hồi gì. Bà vợ của ông sau khi sinh nó được ít lâu thì mất. Nó cứ lừng lững mà lớn lên như một túm cỏ dại. Ông cũng chẳng buồn để ý xem tại sao trông nó lúc nào cũng lờ đờ như người ngái ngủ, tại sao nó cứ nheo mắt muôn thuở, tại sao... Ông biết mình không yêu nó bằng những đứa con khác. Biết chắc nó là đứa con mình đã rứt ruột tạo ra nhưng ông vẫn thấy khó chịu mỗi khi nhìn thấy nước da trắng bủng và mái tóc vàng hoe của nó...
Hai chị em về lại khách sạn. Chị tôi đem các thứ quà đã chuẩn bị trước để biếu người đã viết thư báo tin về thằng Bình ra gói thành một gói. Riết mối dây cuối xong, chị ngồi thừ ra:

- Chị không biết ăn nói ra sao khi gặp nó đây. Chị tát nó mấy cái mà nó giận bỏ nhà đi từ bấy đến giờ. Năm tháng. Nó làm cách
nào mà trôi dạt từ Hải Phòng vào đến tận An Giang này chứ.

Tôi ngã người trên giường nệm trải drap trắng. Cậu em chồng của chị tôi sẽ xử sự ra sao khi gặp lại bà chị dâu nhỉ?

***
Giữa những vùng đồng bãi hoang sơ của châu thổ Cửu Long có một giống lúa trời mọc lên như huyền thoại. Không ai gieo, không ai cấy, lúa tự mọc lên, tốt mịt mù và khỏe như thần thánh, không chuột bọ nào phá nổi, không con nước lụt nào phá nổi...
Cây lúa trời cứng cỏi, lá to, hạt nhỏ. Những hạt chín lưa thưa xen lẫn lớp hạt còn xanh... Những mùa đồng nước mênh mông như biển lớn, khạp trong nhà không còn một hạt gạo, rau muống đồng, bông điên điển cũng nhọc nhằn lắm mới kiếm nổi... Lúa trời là những hạt ngọc cứu những người nghèo qua khỏi bước gieo neo. Hạt chín đem về xay, giã, nấu ăn. Hạt xanh còn lại trên cây cho đến khi chín tiếp. Không ai mang về tất cả những hạt chín xen lẫn những hạt xanh. Họ biết nâng niu những hạt ngọc của trời gieo xuống...

***
Roàn... roạt, roàn... roạt...

Tiếng cưa gỗ ở trong sân vang ra tận ngoài ngõ.
Hai chị em tôi đứng lại. Căn nhà của người báo tin đây rồi. Ba cây dưa xếp một hàng thẳng bên cổng trái. Chị tôi e dè đánh tiếng...

Tiếng cưa gỗ dừng lại, rồi một người trông rất khó đoán tuổi bước ra. Anh ta (hay ông ta nhỉ?) có dáng vóc của một đứa trẻ mười hai tuổi, tóc còn rất đen, nhưng mặt thì đầy nếp nhăn như một ông già.
- Thưa, cô hỏi ai vậy ạ?
- Cho tôi hỏi đây có phải là nhà ông Ba Dừa?
- Thưa, phải. Mời hai cô vào chơi, tôi đi kiếm ảnh liền.

“Lâu rồi, cũng mấy năm rồi, khi cái lần đầu vợ chồng thằng Ba đưa về nhà nuôi dưỡng một cụ ông đang sống vật vưởng ở trong chợ Long Xuyên, chòm xóm ai cũng ngạc nhiên, nghĩ cả hai vợ chồng nó điên hết rồi hay là đang tính chơi nổi để lên báo chơi, chứ có được lợi gì từ ông già đó đâu. Hổng biết con cái ổng đâu mà để ổng lê lết ăn xin tội quá. Người ngợm ghẻ lở tùm lum à... Vợ chồng thằng Ba đưa về, phục dịch thuốc thang, chăm sóc cũng hết khẳm mới lành lặn đó. Được ít bữa tụi nó lại chở thêm một cụ cũng vậy nữa về nhà phụng dưỡng... Cái thằng thiệt tốt mà con vợ nó cũng thiệt lành nữa. Nhà tụi nó thì cũng xơ rơ xác rác như cái quán của tao đây thôi. Hiểu nó rồi thì cả làng, cả xóm ai cũng thương. Tụi thanh niên ở đây cũng xúm vô phụ với thằng Ba, chứ bây coi, chăm ấy ông già bà lão sắp xuống lỗ như tụi tao thì biết mấy tiền cho đủ? Già cỡ tao, đau ốm hoài à...”

Tôi ngồi trên cái ghế cây ở ngoài vườn, nhớ lại lời bà già chủ quán nước kể cho nghe khi hai chị em tôi hỏi đường đến nhà anh Ba. Ngoài đời cũng có những người tốt đến thế sao?

Chi tôi đã trở lại, vẻ mừng mừng, tủi tủi:
- Chị gặp thằng Bình rồi. Nó đang tắm ột đứa nhỏ. Nó lạ lắm...

Chị kéo tay tôi đi.

Tôi nhận ra Bình ngay. Mái tóc vàng và nước da thật trắng. Cái lạ mà chị tôi nói đó là cặp kính cận trên mặt Bình. Quả thật, trông nó dễ coi hơn, không có vẻ ngơ ngác như tấm hình nó chụp với cả nhà với cặp mắt nheo muôn thuở.

Nó nói với chị tôi, giọng chậm rãi:
- Em không về nhà đâu. Em sẽ ở đây, vì ở đây em là người cần thiết ít ra là cho đứa bé này.

Nó chỉ vào đứa bé trai chừng hai tuổi đang ngóc đầu lên nhìn nó. Đứa bé đã ngừng vọc nước trong cái chậu tắm từ khi hai chị em tôi đến.
Thằng Bình với tay lấy cục xà bông để trong hộp, trên cái giá gỗ đóng cạnh bờ giếng xuống xoa khắp người thằng bé, kỳ cọ rồi múc từng gáo nước nhỏ dội cho trôi bọt xà bông. Thằng bé nhảy như choi choi, nó cười, và vỗ tay đen đét vẻ thích thú...
- Em còn phải về đi học nữa chứ?
- Ở đây, em cũng được đi học. Em còn đi làm nữa. Em đã biết đánh xe trâu và biết gặt lúa. Em còn biết chẻ củi và nấu cơm.

Anh Ba cũng cần em, thằng nhỏ này cũng cần em...
- Anh Ba đã viết thư cho chị về em...
- Em biết rồi. Ảnh có hỏi qua em, ảnh nói cần cho cả nhà biết tin là em còn sống và hiện đang ở đâu để cả nhà không phải lo buồn. Em nói tùy ảnh thôi, nhưng em sẽ không về. Em ở lại. Ở đây em cần mọi người hơn ở nhà.

***
Hai chị em tôi về khách sạn.

Chị tôi nằm vật ra giường nghĩ ngợi. Có mỗi cặp kính cận thôi là thằng Bình đã hết vẻ lờ đờ ngái ngủ. Mỗi một điều đơn giản ấy thế mà sao cả nhà không ai nghĩ ra được nhỉ?

***
Tôi hỏi thằng Lâm:
- Ông hồi trước ở đâu vậy?
Thằng Lâm bứt tóc, vẻ suy nghĩ, rồi nó lắc đầu:
- Tui không kể đâu.
Cứ “tôi không kể đâu” hoài. Nãy giờ tôi hỏi mãi mà chẳng được gì cả về nó, ngoài cái tên, điều mà khi tôi hỏi, nó cũng phải bứt tóc một lúc rồi mới trả lời được.

Lâm chính là cái ông cụ non mà hai chị em tôi gặp hôm đến hỏi thăm anh Ba Dừa. Bằng tuổi với thằng Bình - mười lăm, nhưng Lâm có vẻ mặt của một ông già, thêm cái cung cách bứt tóc mỗi khi suy nghĩ càng làm nó giống ông già hơn.

Bình kể:
- Nhà thằng Lâm ở Định Quán, Đồng Nai. Bố nó mù và nó phải dắt bố đi ăn xin từ khi còn bé tí. Mỗi lần ế ẩm, ông bố nó lại giơ gậy đánh nó giải buồn. Lỳ đòn rồi, nó cũng chẳng ngán mấy đòn gậy đập như đuổi ruồi của ông bố mù đâu, chỉ có điều từ những lúc đó nó đâm ra có thói quen bứt tóc. Ban đầu thì chẳng để làm gì cả, ngồi buồn, nó nhẩn nha tự nhổ từng sợi tóc. Sợi tóc giựt khỏi ra đầu nghe tê tê, êm êm... nó khoái, cứ nhổ mãi, đầu trọc từng mảng nhỏ.

Thằng Lâm xách quần áo ra giếng giặt. Người nó còm nhom, xương sườn lộ ra đếm được từng dẻ.

Thằng Bình tự dưng mĩm cười:

- Chị mà gặp thằng Lâm hồi nó mới đến đây thì sợ phát khiếp lên được. Nó rất lười tắm, sợ nước vô cùng, suốt ngày cứ ru rú trong góc nhà rồi bứt tóc thôi. Nó bỏ ông bố mù đi vì nghe mấy người bảo ông ấy không phải là bố nó, chỉ là người thuê mướn nó thôi. Nó bỏ đi để tìm bố mẹ thật của nó đấy.

Tôi theo Bình vào nhà. Thằng bé mà Bình tắm hồi trưa không chịu cho tôi bế, nó chưa quen tôi. Nó ôm lấy cổ Bình, khua khua hai bàn tay bé xíu lên mặt, lên tóc Bình.
- Ba Bình ru Đức ngủ nha.

Thằng bé cười ngỏn nghẻn. Nó vỗ vỗ vào miệng Bình rồi ngửa cổ ra sau cười hắc hắc.
Bình đặt nó xuống giường, buông màn cẩn thận, rồi vỗ về nó, vừa hát nho nhỏ bài gì đó.

Tôi ngồi ngoài sân chờ Bình ra.

Nó ngồi xuống một khúc cây chưa xẻ, nói mà không nhìn tôi:

- Anh Ba đưa thằng Đức về nhà khi nó lên cơn sốt. Ai đó bỏ nó ở bến phà Long Xuyên. Thằng nhỏ được bọc trong mấy cái tã rách nát, cũ vàng, khóc không thành tiếng nữa rồi. Nó còn đang bú mẹ, vậy mà... Chị Ba phải bế nó đi khắp xóm xin người ta cho nó bú nhờ. Cụ Tiến trong nhà đặt tên cho nó là Đức. Khi em đến, nó đã biết chạy lũn cũn, nó cứ bám theo em hoài gọi em là “ba, ba”. Em thấy thương nó quá. Không biết nó gọi tên anh Ba hay nó coi em là bố của nó. Nhưng em không rời nó được. Nó cần có em mà.

***
Người ta kể, những con trai có ngọc là nhờ những hạt cát lọt vào trong kẽ mắt của trai. Đau, nước mắt trai ứa ra, bọc tròn lấy hạt cát. Ngày lại ngày, nước mắt cô thành ngọc. Soi lên trong nắng, hạt ngọc nào cũng có một tâm cát ở trong.

Có những con trai có ngọc và có những con trai không có ngọc.

Những con trai có ngọc - khởi đầu từ một vết đau...


(Trích từ “Lối đi ngay dưới chân mình” – Nguyễn Lê Mỵ Hoàn )

http://sstruyen.com/doc-truyen/truyen-teen/loi-di-ngay-duoi-chan-minh/chuong-3/347862.html

sôngthương
10-03-2019, 04:29 PM
Hoàng yến nở hoaHơn ba giờ chiều, Duy nhắn tin: “Nhà có sao không Thư? Có gì nhớ gọi anh nha!”. Đó cũng là tin nhắn của Duy kể từ rất lâu, sau khi anh trở thành chồng Mai.
----

Hôm Thư dọn tới nhà mới, đó là một ngày nắng hanh hao. Bầu trời ở đây có vẻ như cao hơn. Những tảng mây không bồng bềnh mà yên vị một chỗ. Nhìn từ xa, chúng như những dãy núi phủ tuyết trắng xóa. Cái nóng hầm hập của thời khắc vừa sang hè khiến người ta chỉ muốn tìm một bóng mát trú thân. Căn nhà mới của Thư không có bất cứ cây gì để làm thành bóng mát. Có vậy thôi mà Thư thấy mình trơ trọi. Nỗi cô đơn được ngăn cách bởi bức tường thành kiên cố vẫn ập về như một cơn gió, lại là gió mùa hè nên càng thổi càng thấy rát bỏng…

Mình sẽ trồng một loại cây có tán lá phủ rộng khắp mảnh sân, nếu có hoa nữa thì càng tốt. Thư nghĩ ngay đến loài hoa ngọc lan. Không hiểu sao mỗi lần chạm phải mùi hương có khả năng gây nghiện ấy, Thư lại thấy lòng mình thanh thản lạ kỳ, cảm giác như những muộn phiền vừa được một bàn tay êm ái xoa dịu.

Việc đầu tiên Thư làm ở căn nhà mới là đi mua cây ngọc lan. Mục đích là như vậy nhưng mỗi lần đến cửa hàng bán hoa, Thư luôn bị cám dỗ bởi rất nhiều loại hoa trong gian hàng. Từ những cánh hoa cúc mặt trời vàng rực, chỉ nhỏ li ti như những ánh sao hằng đêm cô ngắm nhìn đến những chậu tường vi phủ một màu hồng dịu ngọt, những khóm hồng rực rỡ sắc màu lung linh trong nắng… Tất cả như đang hướng về phía Thư, những lá non mát lạnh mơn man tha thiết mời gọi khiến Thư khó có thể chối từ.

Duy ngắm nhìn mảnh vườn nhỏ mà Thư tự tay sắp xếp. Ở góc bên trái của sân, Thư dành một khoảng khá rộng, trồng cây ngọc lan mà cô rất thích. Cây mới cao khoảng 2 gang tay với vài chiếc lá nhưng xanh mướt, bóng nhẫy và đầy sức sống. Duy chỉ vào nó: “Đây không phải cây ngọc lan nghen Thư!”. Thư đang trộn đất với xơ dừa để bón cho cây.

Cô đưa tay quệt mồ hôi, giọng quả quyết:
- Rõ ràng nó là ngọc lan, em nhận ra lá của nó mà.

Đúng là lá loài cây này khá giống với ngọc lan. Nhưng Thư không biết đó thôi, rất nhiều loại cây khi còn nhỏ có lá giống nhau. Loại lá dài, xanh đậm này hầu như rất ít khác biệt ở những cây như ngọc lan, xoài, sao, lêkima… Duy vẫn kiên quyết:
- Đúng là lá của nó có giống, nhưng không phải ngọc lan.
Thư bắt đầu có chút hoang mang:
- Vậy anh nói xem, nó là cây gì?
Duy gãi đầu, cố lục tung trí nhớ những thứ anh biết về cây trồng:
- Hiện tại thì anh chưa nhớ, chỉ biết nó không phải cây ngọc lan.

Thư bỏ dở công việc đang làm, đi về phía cây ngọc lan mới trồng. Hôm qua, Thư đã có một giấc mơ thật đẹp, cây ngọc lan nở hoa trắng muốt, phủ rợp mảnh sân trong một đêm trăng. Ánh trăng bàng bạc, phả xuống nhân loại thứ ánh sáng hão huyền với màu sắc khó phân định nhưng không buồn và lạnh như Thư nghĩ. Cả căn nhà của Thư được ướp bởi hương ngọc lan. Ở giữa sân, nơi có ánh trăng rọi xuyên qua kẽ lá, chồng Thư đang đón từng bước đi đầu đời của cô con gái. Tiếng bập bẹ của trẻ nhỏ xen lẫn tiếng lá cây xào xạc như câu hát ru êm đềm khiến cho Thư chỉ muốn thời gian ngừng lại.

Nhưng Thư đã thức giấc ngay sau đó, sau cú quẫy đạp của đứa trẻ trong bụng. Mở mắt, Thư thấy mặt trời chiếu những tia nắng đầu ngày qua song cửa. Sao Thư vẫn không cảm nhận được đã sang ngày mới? Thư không có bất cứ thứ năng lượng nào để ngồi dậy. Cô nằm dài cho đến khi có tiếng chuông cửa. Duy đến để giúp Thư khoan tường treo di ảnh và lập bàn thờ của chồng Thư.

Hôm chồng và Thư đi đặt cọc nhà, hai người đã bàn bạc thật kỹ cách sắp xếp sao cho căn nhà ngăn nắp, thẩm mỹ. Chỗ Duy đang khoan tường để đóng kệ lập bàn thờ Khang, lúc đầu Khang nói sẽ treo ti vi ở đó, loại ti vi đời mới có kèm bộ loa với nhiều mẫu mã rất đẹp, rồi hai vợ chồng cùng ngồi xem phim trong những buổi tối rảnh rỗi. Vì Khang bảo, vợ chồng mình về đây, hơi xa trung tâm, chắc bạn bè chẳng ai rảnh tới thăm và tụi mình cũng chẳng đủ siêng để chạy lên ấy xem phim, ăn tối. Khang còn hỏi: “Em có sợ buồn không?”, Thư lắc đầu.

Cô đã qua cái tuổi la cà phố xá với bạn bè sau giờ làm việc. Thư cũng không có sở thích dạo chơi hay mua sắm ở những trung tâm thương mại sực nức mùi nước hoa. Thư chỉ thích về nhà sau giờ làm, bạn bè của cô giờ cũng chẳng đến nhà nhau chơi như trước. Muốn tám chỉ cần cầm điện thoại lên, đủ các phương tiện để họ nói với nhau miễn phí cả ngày, cần gì gặp nhau. Khang chọn mua căn nhà ở ngoại ô này vì giá còn rẻ. Cùng số tiền ấy, thay vì chỉ mua được căn hộ chung cư vài chục mét vuông, về đây, Khang thực hiện được lời hứa dành mảnh vườn nhỏ trước sân nhà cho Thư trồng hoa.

* * *
Thư ngồi thừ người nhìn cây mà cô cứ ngỡ là ngọc lan, không khóc mà nước mắt ứa ra lúc nào không hay. Ngay cả việc chọn cây hoa mà cô cũng làm sai. Duy bối rối khi chạm phải ánh mắt ngấn nước của Thư:
- Để anh thay bằng cây ngọc lan!
Duy nói và đưa bàn tay về phía nhánh cây bé tí. Bàn tay anh quá to, cảm giác như một con quái vật đang chuẩn bị cướp đi sự sống bé mọn của nhánh cây yếu ớt. Bất giác Thư hất tay anh ra:
- Đừng!
Duy bị bất ngờ với phản ứng của Thư. Ngay lập tức, Thư nhận ra mình sai. Cô chạy vào nhà đóng mạnh cửa phòng.

Khang vẽ ra trước mắt Thư biết bao nhiêu bức tranh đẹp, hứa hẹn với Thư biết bao nhiêu điều. Vậy mà chỉ một việc duy nhất anh đã từ chối Thư, đó là khi bàn tay Thư siết chặt tay anh trong phòng cấp cứu sau tai nạn, ánh mắt anh đục ngầu nhìn Thư không chớp, sợi gân trên cổ anh nổi thành một đường dài, rồi anh gục xuống như một cái lắc đầu chối từ cái siết tay mà anh thừa hiểu ý Thư muốn gì. Thư cảm nhận thế giới ngay dưới chân mình đã đổi khác. Cô không còn nhớ mình đã đến đây bằng cách nào sau khi nghe tin. Bàn chân Thư, ngay lúc ấy, hình như không còn chạm đất nữa. Thư không biết mình là ai, đang ở đâu. Tất cả những bức tranh lung linh biến mất ngay trong tích tắc.

Cả nhân vật chính trong bức tranh cũng hóa thành người khác. Chẳng ai chịu được tính khí của Thư, trừ Duy. Duy có lạ gì Thư, cô bạn cùng bàn từ thời tiểu học. Duy đã cùng Thư lớn lên, đi qua những thăng trầm, niềm vui và cả mất mát. Đồng nghiệp của Thư lần lữa đủ mọi lý do để từ chối đến nhà cô sau biến cố ấy, chỉ vì họ quá ít thời gian cho bản thân. Mỗi tuần đều cặm cụi ở chỗ làm nên ngày nghỉ là khoảng thời gian quý như vàng để họ “trả nợ” những việc chưa làm được trong tuần, rồi còn chồng con, gia đình hai bên nội ngoại. Chỉ có Duy luôn sẵn sàng chạy qua chạy lại đoạn đường gần 20km mà cứ như vài bước chân. Chỉ cần Thư có việc gì, nửa tiếng sau chắc chắn Duy sẽ có mặt.

* * *
Cảm giác cũng không tồi khi trồng một cái cây không rõ nguồn gốc. Thư thích ngắm những mầm xanh lớn lên, để thấy sự sống luôn chuyển biến không ngừng. Thư cũng không còn quan trọng liệu nó có phải là cây ngọc lan không. Nếu không là ngọc lan thì nó là cây gì? Bởi dù là bất cứ cây gì, nó cũng đã thân thuộc với Thư, cùng Thư vượt qua chuỗi ngày đau khổ lẫn hạnh phúc. Mỗi ngày Thư đều quan sát sự thay đổi của nó, hôm qua ra thêm chiếc lá, ngày nay trổ thêm nhánh…

Đến một buổi sáng chớm đông thì thân cây đã to bằng cổ tay Thư, cao gấp đôi bé Mi. Bé Mi cũng háo hức như mẹ nó, mỗi ngày đều hỏi mẹ cây gì, có hoa không, hoa nó màu gì, có xanh như màu trời không... Mi giống ba ở tính cách thích tìm hiểu, hay mọi đứa trẻ lên ba đều thích tìm hiểu mọi thứ xung quanh như vậy. Buổi sáng, Mi còn hỏi mẹ Thư sao lâu rồi không thấy chú Duy ghé chơi. Thư tần ngần định nhắn tin cho Duy, thuật lại lời của bé Mi nhưng nghĩ sao cô lại thôi. Duy không còn như thời thanh niên chưa vợ để chạy qua chạy lại với mẹ con Thư.

Từ ngày có bé Mi, Thư chuyển hẳn công việc về gần nhà để đỡ phải đi lại. Thư sợ phải vượt qua chặng đường xa khi chỉ có một mình. Và nhất là trở về từ một nơi thật xa, đến nơi, mở cửa ra cũng chỉ có một mình. Những ngày đầu, Duy bảo sẽ tìm một chỗ ở gần, để đi về cùng Thư. Thư chối từ ngay, không chỉ vì thường xuyên chạm phải ánh nhìn sắc lạnh của Mai - cô đồng nghiệp thích Duy - mà còn vì Thư không muốn Duy lãng phí thêm thời gian cho mối quan hệ chẳng đi tới đâu. Duy là người tốt, anh xứng đáng có một mái ấm hạnh phúc, nhưng không phải với Thư. Thư đã nói với Duy như thế vào một ngày trời đột nhiên trở lạnh.

Trong lúc đứng đợi cho nước sôi để pha tách trà nóng, Thư nghe tiếng gió rít lên từng cơn sau mái hiên, vài tiếng chó sủa khan trong xóm vắng. Thư tỉ mẩn chọn từng lá trà tươi mới hái ngoài vườn, vừa xối nước vừa miết ngón tay lên từng chiếc lá cho sạch bụi. Xong, đợi cho ráo nước, cô vo nhẹ lá trà trong lòng bàn tay. Tiếng lá vỡ vụn báo hiệu độ tươi, già của lá trà. Lá trà này lạ lắm, chúng chỉ cho ra loại nước vàng sóng sánh và thơm đậm đà khi đạt đến độ vỡ vụn trong lòng bàn tay. Hóa ra vẫn có những sự vỡ vụn nhưng mang ý nghĩa vẹn tròn.

Đến khi mùi hăng của nhựa lá trà bốc lên, có cái gì đó thư thả như nhả ra theo từng lọn khói. Thư cố ý nán lại lâu hơn để Duy không phải đối diện với sự bối rối khi Thư chối từ. Anh là người đàn ông nhạy cảm nhất mà Thư biết. Thư không muốn làm tổn thương thêm bất cứ ai.

Ngày bão. Chẳng ai tin Sài Gòn mà có bão nên mặc kệ. Mọi người vẫn mải mê với công việc của mình, mặc cho tin bão phát ra rả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hơn ba giờ chiều, Duy nhắn tin: “Nhà có sao không Thư? Có gì nhớ gọi anh nha!”. Đó cũng là tin nhắn của Duy kể từ rất lâu, sau khi anh trở thành chồng Mai.

* * *
Chẳng có cơn bão nào đi qua mà không để lại dư chấn gì. Bão kèm triều cường nhấn chìm mảnh sân trước nhà Thư. Bé Mi được nghỉ học, Thư xin nghỉ làm để xử lý hậu quả sau cơn bão. Cả xóm lội nước bì bõm, trẻ con sẩy người lớn là lao xuống sân thích thú nghịch nước; người lớn bận tối mắt, hối hả đi nhặt dép, đồ đạc trôi nổi mất kiểm soát trong đêm. Họ còn tranh thủ chia sẻ với nhau những thông tin sau cơn bão, ở đâu có người chết, ở đâu có nhà sập... Hàng xóm đi chợ về ngang dừng lại bẻ cho nhau từng miếng bánh, nắm xôi, ân cần dặn dò: “Ở ngoải, nước còn tới đây nè. Ngồi trong nhà kiếm gì ăn đỡ đi!”. Trong hoạn nạn, bao giờ người ta cũng dễ xích lại gần nhau hơn.

Thư ngồi bất lực nhìn ngọn cây tựa cánh tay yếu ớt giơ lên khỏi mặt nước như cầu cứu. Vài khóm thạch thảo, cải ngồng chỉ còn thấy cái lá li ti. Trời đã ngớt mưa từ đêm qua, những tia nắng yếu ớt len lỏi sau những đám mây một cách khó nhọc, vẫn chẳng thể bừng sáng lên cho thỏa thích.
Đến chiều thì nước rút. Thư xắn tay áo xới đất, trộn xơ dừa vô từng gốc cây, khóm hoa. Thư chẳng có chuyên môn gì về trồng cây, nhưng mỗi lần Thư làm vậy, cây có độ thoát nước nên xanh tốt hơn. Đôi khi chỉ cần có niềm tin là sẽ có tất cả, Thư nghĩ vậy. Xong việc, cô ngước nhìn nhánh cây đã cao khỏi đầu mình, nói với cây mà như nói với mình: “Cố lên, sẽ ổn thôi!”.

* * *

Một buổi sáng, Thư mở cửa cho ánh bình minh tràn vào nhà, cô sững sờ trước chùm hoa màu vàng tươi đu đưa trên nhánh cây. Loại hoa như chuỗi ngọc với nhiều hạt li ti óng ánh trong nắng sớm. Thư đã muốn khóc ở khoảnh khắc ấy. Cô nhớ ngay đến Duy, vội chụp tấm hình rồi nhắn với Duy: “Em là muồng hoàng yến(*), chào ngày mới anh Duy!”. Duy nhắn lại bằng icon nụ cười đầy bí ẩn. Hóa ra ngay từ đầu Duy đã biết nó là cây gì.

Duy nhắn thêm một tin nhắn ngay sau đó, nhanh đến độ Thư cảm giác như được anh soạn trước cách đây 5 năm, khi Thư vừa về nhà mới: “Anh thích gọi nó là hoa xuân muộn hơn. Loài hoa ấy sẽ mang lại cho em may mắn, sự tươi mới, niềm hy vọng và sự an lành”.

(La Thị Ánh Hường)

(*) Hoa muồng hoàng yến còn có tên là hoa xuân muộn, bò cạp vàng, osaka…


https://www.phunuonline.com.vn/van-hoa-giai-tri/hoang-yen-no-hoa-164413/

sôngthương
10-16-2019, 10:56 PM
Như gió thoảng qua

Căn phòng của My ở cuối dãy chung cư. Đoạn hành lang đã hẹp, có khúc còn phải lách người do vướng tay lái chiếc xe đạp. Khiếp, chẳng lẽ mỗi lần đi về phải khiêng xe qua cầu thang để lên tầng 1 này? Mệt chết.

Vậy mà họ vẫn chọn mệt hơn là đóng mấy chục ngàn tiền gửi xe tháng. Ở đây toàn người nghèo.

Ở đây còn có ma - Kim, cháu gái My, nói vậy. Hôm Kim chở My đến xem nhà, nó nói thấy bóng người múa may sau song cửa, lúc đó mới 3 giờ chiều chứ mấy. Nó sợ quá dụi mắt mấy lần, nhìn lại thì không thấy đâu nữa.
Rồi nó còn kể lúc lên sân thượng ở tầng 3, nó nghe tiếng hát ma mị lắm. Nó kết luận: "Con không dám ở đây với dì đâu nha!".

Hôm My tới nhận nhà, Kim không đến cùng thật! Lúc đi qua dãy hành lang, tự dưng My thấy lạnh dù trước đó đến đây nhiều lần cô không hề có cảm giác này. My cắm cúi đi thẳng, không dám nhìn vào ô cửa sổ song sắt.

Đến khi My ngẩng đầu lên thì giật thót: một bà lão tóc trắng lơ thơ nửa búi nửa xõa, không rõ người hay ma. Giữa khoảnh khắc của phản xạ tự nhiên, hoặc là hét lên, hoặc là lùi về phía sau thì My kịp thấy nụ cười tươi của bà lão.
"Đến nhà mới là phải cúng kiến trước khi vô nhà nha con. Có kiêng có lành, con à!". Thì ra bà đứng đợi chỉ để nhắc My như vậy. Bà là hàng xóm, ở căn hộ đối diện phòng My. Hôm đó, bà còn kéo tay My qua phòng bà cho biết.

Căn phòng hơn 20 mét vuông nhưng rộng thênh thang vì chỉ có bức ảnh treo tường khổ lớn. Trong ảnh là một thiếu nữ mặc trang phục cải lương, thần thái rất có sức sống. Chỉ có điều bức ảnh to quá khổ nên khá kệch cỡm, không phù hợp với căn phòng.
Nhưng bà không quan tâm người khác đang nghĩ gì, hồ khởi khoe: "Bà hồi trẻ đó! Đẹp không?". My à lên: "Bà là nghệ sĩ hả?". Bà cười móm mém: "Không, bà chỉ là người phụ thay trang phục cho nghệ sĩ.

Bữa đó, mượn bộ đồ mặc vào chụp hình thôi!". Rồi bà lặp lại: "Mà thấy đẹp không?". My nhìn vẻ hồn nhiên ít thấy của một bà lão, cô hình dung ra mình ở tương lai, làn da này, cái lúm đồng tiền này rồi sẽ chỉ hóp sọp lại khi hàm răng dần rụng hết, như bà lão. Nhưng chắc gì nụ cười lạc quan đó My có thể giữ?

Bà lão sống với con gái nhưng My rất ít thấy con gái bà. Chỉ có bà quanh quẩn bên xe bánh mì trước chung cư từ sáng sớm đến tối mịt. Tổ trưởng chung cư ưu tiên một phần chỗ để xe cho bà mưu sinh.

Hơn 80 tuổi mà không nơi nương tựa, nếu không cho bán thì bà lấy gì sống? Dù vậy, bà cũng không ta thán hay than khổ kể nghèo gì với ai. Ai thương cho tiền thì bà lấy, nhưng bà cũng nhét cho ổ bánh mì ú ụ thịt bảo xách về ăn.

Mỗi lần mua bánh mì của bà, My thường ngồi ăn tại chỗ. Bà cũng quen, thấy My là kéo cái ghế chồng đôi ra cho My ngồi. Bà kể đủ thứ chuyện thời trẻ. Hóa ra, cả chung cư này ngày xưa là nơi ở của đoàn cải lương. Ngót nghét cũng hơn 50 năm rồi, hèn gì mà nó cũ nát, có những đoạn bậc thang bị bào mòn, lõm vào.

Một lần, My đánh liều hỏi: "Ở đây có ma không bà?". Bà lão bật cười, vẫn kiểu cười nhìn vô lo: "Là bà "múa cột" đó! Khổ lắm, hơn 80 tuổi, bị lẫn rồi. Con cháu nhốt hẳn trong nhà luôn. Hồi trẻ bà ấy hát rất hay và giỏi trong màn biểu diễn múa cột. Đến khi lẫn, thỉnh thoảng vẫn đứng múa may, có khi còn hát nữa".

Kể cả không ăn bánh mì, My vẫn thích ra ngồi cạnh nghe bà kể chuyện. Dạo này My còn canh gần đến giờ dọn dẹp lại xuống phụ bà những việc lặt vặt. Hôm nay cũng vậy, My phụ bà dẹp cái bếp, lau tủ kiếng, quét vụn bánh mì...

Phần việc sau cùng của bà là xếp gọn ghế bố lại. Nhưng hôm nay bà không làm vậy, bà trải hẳn ghế bố ra. Nhìn vẻ ngạc nhiên của My, bà xua tay: "Con gái nó vướng đề đóm, bán nhà rồi. Bà ngủ ở đây!". Vẫn giọng lạc quan như chỉ là chuyện nhỏ thôi, ngủ đâu cũng được… Đêm đó, sau khi thuyết phục bà lên ngủ nhưng không thành, My cũng thức trắng.

Bà chính thức mất nhà. Hôm My đi làm về đã thấy tài sản duy nhất của bà là tấm ảnh dựng ngoài hành lang. Cửa khóa ngoài. Tổ trưởng cũng xuống xác minh sau một đêm hay tin bà lão ngủ tại xe bánh mì.
Trong lúc đang tụm năm tụm ba hỏi thăm thì bà đi lên, giọng vẫn tỉnh queo, nhưng là bà than: "Cái chân mỏi rồi, đi cầu thang khó khăn nên bà ngủ dưới đó luôn cho tiện". Đó là vì bà đã hay tin tổ trưởng khuyên bà lên hành lang nằm ngủ để tránh mưa gió. Bà kiên quyết lắm nên xem như mọi thứ khép lại.

Có điều, tấm ảnh quá to, bà không thể mang xuống chỗ xe bánh mì nên gởi lại. Mà gởi ai, chẳng ai nhận vì phòng ai cũng chật, chưa kể tranh ảnh có linh hồn, của ai người ấy giữ chứ ai dám nhận. My cũng vậy.

Không bao lâu sau thì chủ mới dọn đến. Ở không gian chật hẹp này, bất cứ một người nào cũng đều muốn sở hữu trọn vẹn khoảng không, dù chỉ là hành lang trước nhà.
Chủ mới không cho gởi tấm ảnh quá to, thà là tranh khung cảnh họ còn tận dụng treo lại, đằng này là người lạ. Gặp My, cô ta nói sẽ chở tấm ảnh đi bỏ, tiện lúc xe chở đồ đến vào chiều nay.

Chiều muộn. Gã tài xế khiêng bức ảnh đi, để lại luồng gió thoảng nhẹ. Nhẹ tênh thôi mà sao khiến My nhìn theo bùi ngùi.

Khi gã xuống tới đường thì đúng giờ kẹt xe. Gã ngồi nán lại chỗ xe bánh mì, định ăn ổ bánh mì lót dạ chờ cho đường bớt đông. Nhưng gã gọi mãi không thấy bà lão trả lời…

Một trong số những người chạm vào thân thể bà cho biết da thịt bà còn mềm lắm, chắc cũng mới đi đây thôi…

LA THỊ ÁNH HƯỜNG
https://tuoitre.vn/nhu-gio-thoang-qua-2019072111164068.htm

sôngthương
10-24-2019, 08:18 PM
Tình lơ

1.TTXuân - 1. Lâu rồi, má tôi có đi coi phim Công lý báo thù người ta chiếu đằng sân xã ủy. Dượng Bảy (lúc chưa phải là dượng Bảy) bữa đó cũng coi chung, ngồi kế bên má, gần cái phông vải lớn.

Coi hát thì chỗ này là ngon lành nhất, nhìn đào kép rõ, mụt ruồi giả của họ bị rớt, hoặc áo vua rách mình cũng thấy, nhưng đây là chiếu bóng, cái phim từ đầu tới cuối chỉ ca hát với đánh nhau.

Cứ mỗi lần nhân vật ra đòn là má tôi né, thấy máu má tôi che mắt kêu trời, tới cảnh mấy con trăn rắn lớn bò tới thì khán giả đều sụt lùi ngã rạp sắp lớp lên nhau la ré. Má tôi sợ tới quên trời đất, dúi mặt vô lưng người thanh niên lạ hoắc bên cạnh, tức dượng Bảy. Khi phim gần hết, nam nữ chính múa hát ứ ư thì dượng Bảy đã chính thức chạm vào ngón tay út của má.

Hết phim má tôi để lại một cái lông ngỗng: “Em là cháu ông xã Nghiệp”, rồi chìm mất vào dòng người. Năm bữa sau dượng Bảy (lúc đó sắp là dượng Bảy) nhờ một người bạn của ông ngoại tới nhà. Bữa đó má tôi chở mía đi lò đường để ép, dì Bảy ở nhà nấu cơm. Bạn già của ông ngoại khều dượng Bảy hỏi: “Mầy thương đứa đó hả?”.

Dượng ngó cái người thấp thoáng trong bếp, thấy cái eo thon, đuôi tóc dài, gương mặt nhỏ nhắn xinh xẻo, môi lúc nào cũng nhoẻn cười, dượng tưởng người quen liền gật đầu. Tới đám ăn trầu uống rượu mới hay dì Bảy có người chị sinh đôi, tức là má tôi. Hai người giống nhau đến mức khó mà phân biệt được, nên đã nhiều người há hốc: “Ủa, mới thấy con Bảy xách giỏ đi chợ cái độp giờ sao nó làm cỏ ở nhà rồi?”. Dượng Bảy cũng cầm khay rượu há hốc, hết nhìn cô chị rồi tới cô em. Bẽ bàng. Lỡ làng.

2. - Cô không phải người tôi thương.
Dượng Bảy phũ phàng nói thẳng trong một tối say mèm, say đến nỗi thay vì chỉ thẳng dì Bảy thì dượng dứ dứ vô cái gối. Dì Bảy mắc cười quá, khẽ khều sườn chồng, nhỏ nhẻ: “Em bên này nè anh”. “Tôi nhớ em từ bữa đi coi chiếu bóng tới giờ...”, dượng nói sau khi day lại ôm dì, sau khi cầm ngón út nhỏ nhắn của dì nắn mãi. Dì kệ, để tay mình ở đó, mặt héo lòng hon, phải như bình thường dì đã thanh minh giòn giã: “Đây Bảy à nghen, con Bảy, không phải Sáu...”. Nhưng dì biết nói gì cũng muộn, người nhầm lẫn là chồng dì, tối đó đúng tối tân hôn.
Bữa sau ra vườn đắp mấy họng đìa, hồn vía để đâu mà dượng xắn lưỡi vá vô chân, máu chảy đầm đìa. Dì Bảy bứt lá chuối non nhai nghiến ngấu đắp lên vết thương của dượng, máu trôi bã chuối này dì đắp lên bã chuối khác, miệng không hay chát. Dượng lắc đầu nói: “Cô không phải người tôi thương, người ta kia thấy máu trên phim còn không dám nhìn”...

Hôm gặt, dì đẩy xuồng lúa bó trên mương ruộng cạn, mồ hôi này chưa khô mồ hôi kia lại tươm bê bết, lúc ăn cơm dượng ngồi gần nhăn mặt, cô không phải người tôi thương, đàn bà gì đâu mà chua lè, người ta kia thơm phức như múi mít...

Năm sau vợ chồng cãi nhau, bữa đó chồng có rượu nói ngang, tức quá vợ đá vô ống quyển của dượng rồi té chạy. Chồng rượt sát đằng sau. Lọt qua cây quao che khuất tầm nhìn, vợ liền xõa tóc đủng đỉnh đi ngược lại, hỏi lớn: “Dượng Bảy, cầm chổi chà chạy đâu gấp vậy?”.

Chồng tưởng chị vợ tới chơi, khựng lại sượng trân: “À, tôi... tôi đuổi mấy con gà...” rồi mời vợ vô nhà, rót nước cho vợ uống, hỏi vợ đói bụng không để chồng nấu cơm. Vợ nằm chờ cơm đòng đưa trên võng, ngó dượng chổng mông thổi lửa, mắc cười nhưng buồn quá, không cười được. Tối đó chồng chắc lưỡi hít hà xoa dầu gió vô chỗ chân bầm tím, chồng nói: “Cô không phải người tôi thương, người ta kia thấy đánh nhau trong phim còn sợ”...
Năm sau dì sinh con gái đầu lòng, tóc rụng xơ xác, dượng Bảy ngó lom lom vào đỉnh đầu trống trải nói “cô không phải người tôi thương, người ta kia tóc nắm một vốc, mướt rượt”...
“Cô không phải là người tôi thương”, sau này dượng còn nhắc đi nhắc lại câu này, mỗi khi say. Mà nghề thợ mộc cất nhà của dượng thiếu gì dịp say.
Dỡ gỗ, nhậu. Lên đòn dông, nhậu. Lợp nhà, nhậu. Nhưng say nhất là về đám giỗ bên vợ, phải ngượng ngập gặp chị vợ lúc này cũng đã có chồng, phải nhớ lại mùi tóc, làn da, ngón tay nhỏ xíu nóng rẫy năm xưa.

Nhưng đáp lại cái câu tạt mặt phũ phàng vô duyên vô dùng là một cái nhoẻn cười, cũng đôi khi dì Bảy hỏi lại: “Chắc không à?”, mà dượng có lần dõng dạc nói chắc, dì vặn ngay: “Vậy sao hồi hôm ôm tui?”. Dượng Bảy không biết trả lời sao, đành ngoẹo đầu ngáy o o.

Có lần dượng đi đám giỗ ba bữa chưa về, dì lấy tờ giấy vẽ bản đồ nhà mình, vẽ sông Cái Tàu cong cong ẹo ẹo qua rạch Giồng Ông, vẽ chòm cây trâm bầu dưới bến, vẽ cái nhà có bàn ông Thiên đằng trước, ghi chú rõ ràng “Nhà Hai Hiệp”. Trâm bầu thì dì viết chữ “trâm bầu”, không thôi người ta nói đó là so đũa sao. Xong dì sai con đem tờ giấy cho dượng. Đi te te về, dượng nạt: “Ý cô nói tui đi nhậu không biết đường về nhà hả? Cô sâu cay hết biết. Thiệt là... cô không phải người tôi thương, người ta kia mủ mỉ thật thà”...

3. Ba mươi năm sau, dượng Bảy đột quỵ. Chân yếu, miệng méo, xãi lai nằm một chỗ, mỗi khi dì dìu đỡ vào nhà tắm, giặt khăn với nước ấm lau khắp người, thay quần áo cho, dượng mắc cỡ quá nói câu gì đó, dì Bảy phiên dịch là: “Cô đâu phải người tôi thương. Người ta kia kín đáo, ý tứ tới cái tên còn không dám nói thẳng ra...”. Dượng nghe chảy nước mắt. Dì hết hồn, hớt hải nhắn xuống xóm Rẫy kêu má tôi qua, để an ủi tinh thần dượng.

Buổi đó nhá nhem, đèn đỏ ối, dượng Bảy nhìn má tôi rồi ngơ ngác ngó quanh tìm dì, rướn cái cổ lên dượng nói từng chữ lục cà lục cục: “Chị không phải người tôi thương...”.

NGUYỄN NGỌC TƯ

https://tuoitre.vn/tinh-lo-360455.htm

sôngthương
11-14-2019, 10:11 PM
Chiếc lá hình giọt lệ


Suốt thời niên thiếu, tôi nghiện hương vị tết phả ra từ căn bếp chị Thời. Hương vị ấy ăn sâu, bám mãi trong lòng tôi, dai dẳng, da diết mỗi độ xuân về.

Sau tiết đại hàn, khi mưa chỉ còn lất phất, lâm thâm và rét đã đằm đi, dịu lại, cây mai vàng trảy lá sớm của chú Tâm lác đác vài nụ chúm chím, chị Thời bắt tay chuẩn bị tết. Từ bên ni hàng rào chè tàu ngăn hai nhà, tôi thấy chị tất bật đi về với những giỏ xách nặng trĩu. Mẹ nhìn qua lẩm bẩm: "Cái con giỏi thiệt! Tau mà thằng Tâm..." - Mẹ bỏ lửng câu nói nhìn chú Tâm ngồi thẫn thờ ngắm nắng, lắc đầu.

"Mai nắng to không anh Tâm?" - chị Thời nhìn chú, hỏi qua rào. Chú Tâm nhìn trời ngâm nga: "Trời mưa thì mặc trời mưa. Tôi phơi dưa món... trời chừa tôi ra!". Chị tủm tỉm cười bắt tay làm dưa món. Nhìn chị tỉ mỉ tỉa dưa mà không nỡ ăn. Ngọn lá, cây thông, hoa đào, trái lựu bằng đu đủ đẹp như ngọc; những con thú bằng cà rốt, su hào xinh như đồ chơi. Có một năm chú Tâm dự báo thời tiết không đúng, chị phơi dưa vào ngày không được nắng. Dưa thiu, chị ỉu xìu, còn chú Tâm quạt lửa than cho chị ngồi hong đến nửa đêm. Cái thẩu dưa món không trắng ấy chị gọi là "dưa - nắng - ốm!".

Cái tết đối với tôi không chỉ ba ngày. Nó dài ra theo những ngày làm mứt và ăn mứt nếm của chị. Đi học về là tôi chạy bổ sang nhà chị. Bao giờ cũng thấy chị ngồi trong bếp gọt me, gọt quất, gọt gừng, rim mứt... tóc rối ren, người sực nức mùi mứt ngào ngạt. Học xong, tôi lại qua ngồi canh mứt với chị, đợi chị cho ăn mứt vét. Đối với tôi, không có thứ mứt nào trên đời ngon lạ ngon lùng như thế. Tinh túy cả thau mứt dường như lắng lại trong những vụn đường, vụn mứt dưới đáy thau. Vụn dừa béo ngậy. Vụn gừng nồng nàn. Vụn khoai bùi đậm mê người. Vụn sen ngon đến bối rối... Có khi đợi không nổi, tôi ngủ gục trên vai chị. Cả trong giấc ngủ tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp, thơm tho không bờ bến vây bọc lấy mình trong đêm cuối đông.

Chú út Tâm của tôi mắc bệnh thất tình từ khi chị Hà, người yêu chú, đột ngột đi lấy chồng. Chú hay lẩm bẩm đọc thơ hoặc ngồi im như bụt. Nhưng chớ dại chọc chú nói. Chú sẽ tuôn ra như nước chảy miên man câu chuyện tình đầy ắp ký ức chú đến lần thứ một ngàn lẻ một. Chỉ có một người lắng nghe lần thứ một ngàn lẻ một chuyện tình của chú mà không trêu chọc, đó là chị Thời.
Nhà chị Thời có ba cô con gái. Chị là con đầu, không đẹp nhưng lại có mái tóc còn đẹp còn hơn tóc người mẫu quảng cáo dầu gội đầu. Tôi thích nhìn chị mặc áo lụa, túm hờ hai lọn tóc mái bằng chiếc nơ nhung đen đằng sau. Nghe nói hồi đi học có nhiều người "chết đuối" trên suối tóc chị nhưng không hiểu sao chị vẫn chưa có chồng. Mái tóc ấy luôn gội bằng bồ kết, hong khô bằng gió trời, ngan ngát mùi hương bưởi, hương nhu, óng ả, mềm mại, dìu dịu bay bay đến say lòng. Tôi hay nhìn chị hong tóc qua bờ rào. Cả chú Tâm cũng nhìn, nhưng khi tôi hỏi chú có đẹp không thì chú lại lạc đề về một mái tóc khác. Rồi không hiểu vì cớ gì chị cắt phăng mái tóc dài đẹp nhất xứ Huế. Tôi tiếc ngẩn ngơ, nhặt chiếc nơ nhung đen chị quẳng ép vào cuốn từ điển chẳng biết để làm gì. Tết năm ấy, tôi không còn được ngủ gục trên mớ tóc dài ngan ngát hương mứt của chị nữa. Năm ấy vụn mứt đượm mùi khét đắng.

Mẹ rủ chị Thời lên chùa Linh Mụ cúng giải lời thề cho chú Tâm vì bệnh chú mỗi ngày một nặng. Chú cứ lang thang dọc đường Lê Lợi để đón chị Hà tan trường dù chị Hà đã theo chồng tận đẩu đầu đâu. Những cặp tình nhân ở Huế không mấy ai chọn chùa Linh Mụ làm chứng cho sự thề nguyền vì sợ nữ thần áo đỏ của chùa nổi cơn ghen giáng xuống bất hạnh. Thế mà chú và chị Hà lên chùa học thi, dại dột thề nguyền chi nơi đó... Rồi không phải nữ thần giải lời thề mà chính chị Hà về lôi chú ra khỏi cơn mê hoang tưởng về một mối tình vĩnh cửu. Tôi không nhận ra chị vì chị như một quý bà, béo ra, đầy trang sức và son phấn. Chị thương hại nhìn chú Tâm gầy gò, xơ xác, lầm bầm đọc những câu thơ dành cho chị và chợt rùng mình vì không gắn kết số phận với một người như thế. Chú Tâm dường như tỉnh lại bởi cái rùng mình của người chú đã yêu điên dại cả tuổi thanh xuân. Chiều ấy, những bài thơ tình chép bằng mực tím lả tả thả bay trong gió. Tôi tiếc chạy theo lượm đem cho chị Thời. Chị ngồi đọc, chậm rãi như uống từng giọt trong bóng hoàng hôn.

Hai cô em song sinh của chị Thời, thua chị mười tuổi, học cùng lớp với tôi hoàn toàn trái ngược với chị như nước và lửa. Hai đứa giống nhau như đúc, đẹp đến phát sợ, nổi tiếng từ ngày còn mặc áo đầm đi học mẫu giáo qua các kỳ thi bé khỏe, bé đẹp, hoa hậu nhí... Một đứa mặc đầm vàng, một đứa đầm xanh để dễ phân biệt. Hai sắc màu ấy trở thành tên thường gọi của chúng - con Vàng, con Xanh. Con Vàng dễ ghét lại ngồi gần tôi. Hễ tôi chạm vào cái áo đầm xòe to như cái hoa hướng dương của hắn thế nào cũng bị hắn véo. Có cái gì khoe, hắn cướp ngay. Nắm đấm chưa chạm vào người, hắn đã bù lu bù loa nằm vạ. Con Xanh hiền hơn, dẫu vẫn khuôn mặt búp bê giống hệt con Vàng. Tôi và hắn hay chơi trò nấu ăn, trò vợ chồng. Cơm nấu trong cái nồi đất nhỏ xíu, chưa kịp xới ra những cái chén bằng lá mít đã bị con Vàng ném đá bể nồi. Con diều cắt dán cả tuần chưa kịp thỏa khao khát trời xanh đã bị hắn xé toang rồi lấy chân giẫm lên. Tôi nắm áo bắt đền, hắn nắm tóc tôi tru tréo. Tôi gọi chú Tâm. Hắn gọi chị Thời. Kết cục mỗi đứa bị đét vào mông một roi mới yên chuyện.

Tôi càng lớn, chị Thời càng làm mứt tết ít đi. Bánh hộp, kẹo hộp, mứt công nghiệp ê hề ra đó, vừa đẹp vừa rẻ, chỉ cần một giờ ra chợ là có ngay cái tết nên chẳng mấy ai bỏ cả chục ngày dài để làm như chị ngày ấy. Có làm cũng chẳng mấy ai ăn. Mốt mứt đã tàn lụi. Món mặn và đồ nhắm lên ngôi. Đi nhà nào cũng thấy giò chả, nem tré, thịt nguội, đồ nhắm đưa cay. Tôi đi học xa về, sà vào bếp chị. Ông Táo về trời mấy hôm rồi mà bếp vẫn lạnh tanh, chỉ mấy thẩu đồ chua trên kệ, chị bảo nhà không cho làm. Bạn con Vàng, con Xanh thì nhấm nháp kẹo sôcôla, hạt điều. Bạn bố thì thưởng thức đồ nhắm nguội mua sẵn. Mứt ế phải đem cho bọn con nít nghèo trong xóm. Không có cái bếp sực nức mùi mứt của chị Thời, hương vị tết đối với tôi bỗng nhạt hẳn. Tôi bỏ đi chợ tết với bạn gái. Cô ấy không biết làm mứt và cũng không cần biết, chỉ mặc thật đẹp ra phố, dạo qua hàng mứt bánh nhón nếm và chọn mỗi thứ một ít. Thế mà hồi nhỏ tôi bảo với chị Thời lớn lên em chỉ lấy cô nào làm mứt ngon như chị.

Tết năm nay về nhà, tôi lại thấy bếp chị rộn ràng. Những trái me dầm đẹp như ngọc xúm xít nhau trong thẩu. Những trái quất rim vàng óng gối đầu lên nhau. Rồi mứt hạt sen đài các, mứt khoai dân dã, mứt khế như cô bé lọ lem mà tôi mê mẩn cũng có mặt.

Trên lò than âm ỉ nóng lại là thau mứt dẻo rối lòng rối dạ bởi sự hòa quyện màu sắc, hương vị cay chua ngọt đắng như đời... Người chị lại sực nức mùi mứt, ấm nồng hơi lửa, má đỏ hồng, tóc rối ren... Chị giải thích năm nay có khách xa về ăn tết. Con Xanh lấy chồng ở nước ngoài về thăm nhà sẽ đem theo một ông Việt kiều về giới thiệu cho con Vàng. Vả lại có em và anh Tâm về... - Chị nhìn tôi rồi nhìn ra cửa, ánh mắt đợi mong. Tỉnh giấc mộng tình, chú Tâm cầm cái bằng tốt nghiệp trường sư phạm tình nguyện về nơi cuối đất làm thầy giáo ở đất rừng U Minh. Chú hẹn năm nay về ăn tết.

Con Xanh trở về đúng lúc chị Thời vừa hoàn thành món bánh bó mứt. Tôi đứng nhìn chị trộn các loại mứt quất, gừng, cam, bí... đã cắt mỏng vào chảo đường bột đánh nhuyễn trên bếp, sau đó bưng cả chảo trút lên cái mâm rải sẵn bột nếp khô, lấy tay nắn thành đòn dài. Con Xanh lao vào bếp, hôn tới tấp lên đôi má dính bột nếp của chị Thời, rên lên: "Em nhớ nhất cái bếp của chị!". Nó quay qua tôi hôn đánh chụt vào trán "ông chồng thời thơ ấu" rồi ngắt đại một miếng bánh trên mâm cho vào miệng nhai ngấu nghiến như kẻ đói khát hương nhà. Nó vẫn như ngày nào, đẹp rực rỡ và không để cho người khác yên.

Con Vàng thất vọng vì ông Việt kiều con Xanh dẫn về đã già nhưng con Xanh bảo chỉ hơn chồng nó năm tuổi. Nhiều lắm là như bài hát "Năm anh hai mươi, em mới sinh ra đời. Ngày anh bốn mươi, em vừa tròn đôi mươi...".

Đó là một kẻ tha hương bị lưu đày trong nỗi nhớ quay quắt trở lại quê nhà thì đúng hơn. Con Vàng không hợp gu với ông Việt kiều đẫm hương đồng nội này. Những bộ áo váy cực kỳ thời trang phô thân thể son trẻ của nó không tác dụng. Vẻ đẹp từng quyến rũ bao hội đồng chấm thi thời trang, sắc đẹp từ bé đến giờ không lọt qua cửa sổ tâm hồn của người đàn ông đang là đối tượng săn đuổi của nó. Ông ta thích lang thang một mình theo những lối mòn của ký ức để tìm lại thời gian đã mất hơn là đi nhảy nhót với nó. Ông ta mê mải nhặt những từ cổ lỗ sĩ, quê bỏ xừ của các mụ nhà quê, các gánh bún bò, cơm hến hơn là ngôn ngữ thời thượng của nó. Một lần nghe chị Thời mắng yêu tôi "ăn như thúng lủng khu" ông hớn hở nhặt ngay như nhặt được cục vàng, cám ơn chị rối rít làm chị ngỡ ngàng. ông bảo hồi nhỏ ông bị mạ ông mắng như rứa khi ăn một lần ba tô cơm hến. Nghe lại nhớ quá! Nhà chị Thời mời đi ăn cơm vua ở khách sạn Hương giang, ông lại xin ăn một bữa cơm dân tại gia. Chị Thời phụ trách trong bóng tối bữa cơm ấy để con Vàng được là tác giả ngoài ánh sáng. Cá bống thệ kho tiêu kiểu Huế cứng ngắc, cong vòng, canh rau dền nấu tôm, chột nưa kho, thịt phay chấm tôm chua kèm đĩa chuối chát, vả, khế, rau thơm trình bày đẹp như một tác phẩm nghệ thuật và chè khoai tía tráng miệng. Bữa cơm nhà bình thường ấy đem lại kết quả mỹ mãn. Ông Việt kiều ăn như mở toang cảm giác đón nhận hương vị, ăn chầm chậm như ngậm mà nghe mùi vị nhung nhớ trào về rồi thở hắt ra lời khen rất Huế: "Răng mà ngon dễ sợ!". Ông nhấp đắm say từng ngụm nước chè tươi thơm nức mùi gừng và bảo hai mươi năm rồi ông mới lại được ăn một bữa cơm đượm khí vị quê nhà như thế. Mẹ con Vàng được dịp khoe hắn nấu nướng giỏi, coi bộ chịu chơi vậy chứ nếu cần cũng đảm đang lắm. Còn con Vàng bảo chuyện đó đối với hắn dễ dàng như ngồi sơn móng tay.

Hai mươi tám tết, chú Tâm vẫn chưa về. Tôi phải thay chú canh nồi bánh tét. Nhà chị Thời cũng nấu. Hai bếp lửa chụm đầu nhau bên rào. Cây mai nở rộ, toàn thân như tỏa ánh vàng trong bóng đêm, phả một mùi hương nhớ. Chị Thời kể cho tôi hồi bé chị hay trèo lên cây mai mở to mắt không chớp để rình coi mai nở. Thế nhưng chẳng bao giờ chị chộp được khoảnh khắc ấy vì chú Tâm ác lắm cứ nắm áo kéo chị xuống. Có lần chị kéo bị té gãy chân phải bó bột, còn chú chuộc lỗi bằng cách cõng chị đi chơi cả tháng... Chị phụ mẹ làm mứt bán tết từ thuở mười ba. Khi mẹ đẻ con Xanh, con Vàng chị làm một mình, tay sứt sẹo, nứt ra vì gọt me, gọt quất... Chú Tâm thấy tội hay qua gọt giùm. Chú gọt me giỏi vì thế... Chị ngồi bó gối, giấu ánh mắt trong ngọn lửa bập bùng, gương mặt buồn và kiêu hãnh có phần héo hon bởi năm tháng, mái tóc để dài lại gói trong chiếc kẹp cứng ngắc. Tôi lục tung đống sách cũ tìm chiếc nơ nhung đen bị gián gặm lỗ chỗ đưa cho chị. Chị cài lên tóc, cười mà mắt như có nước.
Chú Tâm về vào chiều 30 tết. Nghe tiếng reo mừng chú bên kia rào, chị Thời luống cuống suýt đổ cả nồi chè đậu xanh đánh nấu cúng giao thừa. Mặt chị tái đi nhưng đôi mắt ngời ngợi một niềm vui không tả nổi, xôn xao chảy tràn trên khuôn mặt vốn trầm tĩnh của chị. Môi chị run run nửa cười nửa mếu. Dưới thứ ánh sáng kỳ diệu của tình yêu mãnh liệt mà câm nín ấy trông chị đẹp lạ lùng. Tôi và chị chạy ào ra cửa bếp. Chị nhìn sững chú Tâm, còn tôi nhìn sững một bóng người đứng dưới cội hoàng mai. Đó là bóng một cô gái. Trái tim tôi bỗng thắt lại bởi một linh cảm vừa ào tới. Tôi quay lại nhìn chị Thời như cố khắc ghi thoáng hạnh phúc mong manh rờ rỡ trên mặt chị trước khi nó lịm tắt.

Mứt của chị Thời năm nay không ế. Chị bỏ bùa trong những món mứt khiến ông Việt kiều quanh quẩn mãi bên nhà con Vàng nhấm nháp mứt với nước trà. Hắn khoe cá sắp cắn câu vì ổng tưởng hắn làm. Ông khen món ăn nhà nó đậm hương vị quê hương, có mùi văn hóa, ăn ngậm mà nghe. "Kiểu này lấy ổng, tao phải đem theo bà Lạc Thời!" - con Vàng cười. "Rồi ổng biết mi không nấu được nước sôi thì mần răng?". "Dễ ợt. Qua đó không hợp thì ly dị. Khối người rứa. Chết ai mô!". Tôi ngắm đôi môi tô son tím lịm mốt Hàn Quốc của nó đang dẩu ra và không hiểu tại sao nó là em ruột chị Thời.

Ông Việt kiều chính thức ngỏ lời với nhà chị Thời, nhưng không phải xin cưới con Vàng mà là chị Thời. Đúng là một quả bom nổ!

Mẹ chị ngồi sững không biết nói thế nào. Con nào cũng là con. Con Vàng há hốc miệng rồi nanh nọc: "Tân thời không ưa, lại ưa lạc thời. Dắt nhau về thế kỷ 19 mà sống, đây đi lấy chồng Hồng Kông!". Nó nguýt ông Việt kiều cổ lỗ sĩ một cái tưởng như cắt ông ta làm mấy mảnh rồi rú xe ra khỏi cổng, chấm dứt những ngày đóng vai yểu điệu thục nữ, công dung ngôn hạnh.
Tôi không ngạc nhiên. Tôi không tin một người sâu nặng với kỷ niệm và quá khứ như ông Việt kiều lại chọn một tạo vật xinh đẹp phù phiếm như con Vàng thay vì một người lặng hơn nước, thấp hơn cỏ nhưng sức sống tâm hồn vẫn trào dâng ngay cả khi ngồi im lặng.

Chị Thời không nhận lời cầu hôn lại được xem là quả bom nổ thứ hai trong vòng một ngày. Không đẹp, lớn tuổi, coi như thuộc loại ế thế mà chị từ chối không luyến tiếc cơ may vừa có chồng giàu vừa được xuất ngoại. Mặc cha mẹ và con Xanh phân tích hơn thiệt, cả chú Tâm cũng khuyên vào, chị ngồi im, lặng lẽ ngó qua bên kia hàng chè tàu, nơi trước kia chú Tâm thường thờ thẫn đi lui tới lẩm bẩm mấy câu thơ:
"Tình thơ dại ai ngờ sâu nặng thế.
Năm tháng đi mà tình yêu vẫn ở
Mai cho dù tóc trắng với ngàn lau" (*)

Nắng hoàng mai vừa tắt, chú Tâm đã bàn chuyện hôn nhân của chú. Cô kia cũng dạy học, mồ côi, neo đơn nên cưới hỏi một lần cho tiện, sau đó dắt nhau vào lập nghiệp ở quê người. Chú bảo trong đó dân tình ấm áp, đơn giản, dễ sống lắm. Chú đã tìm lại niềm bình an. Mấy mâm cỗ cưới chú trông cậy vào đôi tay khéo léo đảm đang của chị dâu (tức là mẹ tôi) và cô bạn thân từ thuở thơ ấu. Chị Thời nhận lời và bắt tay vào việc chuẩn bị. Tôi hay xót xa nhìn trộm chị nhưng chỉ gặp một chị Thời lặng lẽ, khép kín không thể thấm qua. Ngày cưới càng kề, chị càng bận rộn như thể đám cưới chị. Ánh đèn trong bếp vẫn đỏ cho đến nửa đêm.

Chị thức làm bánh gatô, bánh phu thê... Thấy chị ngồi tỉ mỉ dưa chua, tôi bỗng cáu:
- Kệ họ! Đi ngủ cho khỏe!
- Em cưới vợ, chị còn thức hơn thế nữa.
- Em không khiến. Dọn nhà hàng. Đã rứa... còn hành người ta!
- Làm việc luôn tay... khỏi nghĩ trong đầu.

Chị cười ngu ngơ rồi lại cắm cúi tỉa dưa. Chẳng biết làm gì, tôi xúm vào giúp chị cho mau xong việc. Chị vẫn tỉ mỉ như ngày nào làm dưa món. Tôi chợt thấy trên tay chị rơi xuống những chiếc lá mất cuống, thiếu răng cưa, thuôn thuôn hình giọt lệ, những giọt lệ đu đủ đẹp như ngọc, những giọt lệ cà rốt hồng tươi như máu. Tôi nhận ra chị Thời đang khóc.

(*): Thơ Võ Quê (trong bài Nơi con sông)

(Quế Hương)
Theo TTOL
https://ngoisao.net/buon-chuyen/chiec-la-hinh-giot-le-2501593.html

sôngthương
12-14-2019, 03:32 AM
Đó là đêm trước Noel

(Mary Maredante)

Hai lần Giáng Sinh trước, bố vẫn gọi điện để hỏi tôi muốn quà gì cho ngày lễ. Tôi nói tên của một cuốn sách nhưng ngừng ngay lại và nói: “Không phải, con muốn bố ghi âm cho con cuốn ĐÊM TRƯỚC NOEL”. Bố im lặng một lúc lâu rồi mới nói bằng giọng chắc nịch của mình: “Ồ lạy Chúa, Mary, sao con lại muốn thế chứ? Con đã bốn mươi tuổi rồi!

Tôi ngừng lại, cảm thấy bối rối nhưng cương quyết: “Bố à, con nhớ lúc được bố ẵm hết mấy anh chị em trên ghế trường kỉ và đọc cho chúng con nghe cuốn ĐÊM TRƯỚC NOEL thật là vui. Con vẫn nhố giọng nói khoẻ khoắn của bố, cảm giác bình yên bên cạnh bố và cái cách bố giả giọng nhân vật. Con thật sự muốn bố làm điều đó, vì hiện nay con đang sống cách nhà gần hai ngàn năm trăm dặm và không thể về, vì vậy được có bố ở bên cạnh, con sẽ hạnh phúc lắm!

Bố trả lời với giọng dịu dàng hơn, nhưng vẫn ngạc nhiên: “Ý con là muốn bố kể chuyện giống hệt ngày xưa, với những tiếng chuông, tiếng huýt sáo và những thứ khác nữa?
- Vâng vâng, đúng đấy bố ạ.
Ông lại im lặng một lúc, rồi nói: “Bố sẽ đọc cho con nghe cuốn sách đó”

Tôi nghe rõ ràng có sự quả quyết và chút nhượng bộ trong giọng nói của ông, “Được rồi, bố sẽ gọi lại cho con vào Giáng Sinh”.

Chúng tôi nói thương yêu nhau rồi gác máy. Tôi cảm thấy man mác buồn và cố gắng nghĩ xem tại sao. Có thể là tôi đòi hỏi một
người đã bảy mươi sáu tuổi làm một việc nhiều chất tình cảm quá, và có thể bố đang nghĩ về một người lớn như tôi mà đòi hỏi chuyện đó thì hơi điên rồ. nhưng cũng có thể không phải vậy. Tôi chỉ biết rằng cứ mỗi lần nói chuyện với bố, tôi cảm thấy giọng bố dần mệt mỏi hơn. Và tôi bắt đầu biết chấp nhận, nhưng không biết vào lúc nào, rồi sẽ đến cái ngày chúng tôi chẳng bao giờ được nghe giọng nói ấy nữa…

Trước đêm Giáng Sinh, một gói quà nhỏ gói giấy nâu được buộc kĩ lưỡng với rất nhiều băng dán và con dấu được gửi tới. Tên và địa chỉ của tôi được viết bởi nét chữ hoa mỹ của bố với những dấu nhấn hơi là lạ. Bên trong là một cuộn băng có tựa đề viết tay: “ĐÓ LÀ ĐÊM TRƯỚC NOEL.

Tôi bỏ cuộn băng vào máy và lắng nghe giọng nói bố vang lên thật to: “Đó là vào một đêmmmm… trước Giáng Sinh khi tất cả những ngôiiiiiii… nhà… “giống y như hồi chúng tôi con nhỏ! Đến đoạn cuối cùng ông nói tiếp, “Và bây giờ bố sẽ đọc cho con nghe truyện CÁI MÁY NHỎ DIỆU KÌ”. Tôi hiểu ý bố khi ông quyết định gửi kèm cho tôi một trong những mẩu chuyện được yêu thích nhất của chúng tôi ngày xưa. Đó cũng là câu chuyện mà chúng tôi đã đọc cho mẹ nghe lúc bà mất vì một căn bệnh ung thư ba năm trước.

Cuộn băng còn tiếp tục với tiếng hát của ca đoàn Mormon Tabenacle trong bài hát “Silent Night”, bài hát yêu thích mà gia đình chúng tôi cũng đã từng hát với nhau trong đêm Giáng Sinh trước khi đi ngủ. Rồi bài “ Oh Come All Ya Faithful”… hết bài này tới bài khác cho đến cuối cuộn băng. Tôi đi ngủ thật ngon trong đêm Giáng Sinh và thầm cám ơn Thượng đế đã mang lại một phép màu nữa cho bố.

Tháng Năm sau đó bố mất thật bất ngờ. Không còn những cú điện thoại vào những ngày Chủ nhật, cũng không còn ai gọi điện hỏi tôi: “Gia đình Gospel thế nào rồi, Mary?” và cũng không còn ai nói “Bố yêu con” nữa. Nhưng giọng nói của ông thì vẫn còn và luôn nhắc nhở tôi rằng, tôi có thể thực hiện được những điều tôi đã quyết, và tôi cũng có thể dùng tình cảm của mình để bao bọc, chở che người khác, ngay cả khi có khó khăn. Đó là sức mạnh của tình yêu.

Giáng Sinh năm nay tôi sang lại cuộn băng của bố và gửi cho các anh chị em của tôi, điều đó làm họ rất bất ngờ. Em gái út của tôi gọi điện đến và nghen ngào nói: “Mary, em mới nhận được cuộn băng. Chị có để ý là bố bảo đó là ngày mười chín tháng Mười hai trong cuốn băng không? Hôm nay đấy. Lúc em mới bỏ cuộn băng vào máy ở phòng khách, thì Holden, đứa con trai hai tuổi rưỡi của em từ nhà bếp chạy ra kêu thật lớn: “Ông ngoại đến, ông ngoại đến!” Có lẽ chị có thể thấy được bố đấy! Mary, nhìn xung quanh xem. Bố đang ở đây đấy!

Tôi nhớ mãi lời nói đó của em tôi.


http://dev.kilopad.com/truyen-ngan-c197/doc-sach-truc-tuyen-tap-truyen-ngan-nuoc-ngoai-b4438/chuong-1-do-la-dem-truoc-noel-ti1

sôngthương
01-21-2020, 12:44 AM
Bởi Yêu Thương

Nguyễn Ngọc Tư

Bao giờ qua cửa Sáu Tâm cũng cằn nhằn. Bao giờ qua cửa anh cũng thấy Điệp lúi húi dọn dẹp, nấu nướng gì đó, “Mấy chuyện lặt vặt, để tôi làm, sao không chịu nằm nghỉ không biết”. Bữa nay thì tới lượt chị nhằn, Sáu Tâm về nhà với đôi đầu gối bê bết máu :
- Tâm lại té à. Đi đường phải cẩn thận chớ.
- Không - Anh bảo - Hôm nay dạy con San nó đi gối .
- Tuồng gì ?.
- Phàn Lê Huê.
Chị bắt anh ngồi xuống gường, khẽ khàng vén ống quần lên, tháo cái chân giả ra, băng bó lại đầu gối cụt chỏng chơ vẫn còn tươm máu. Sáu Tâm nghe một giọt nước mặn nhỏ xuống làm rát bỏng chỗ vết thương, anh càm ràm ( như tía chị ); “Khóc cái gì. Chút xíu vậy cũng khóc “.

Hồi trưa này, San cũng ôm đầu gối anh mà khóc.
San là học trò của anh, nó làm tiếp viên ở quán Mây Lang Thang. Trưa nào, anh kéo cái bội khăn đi ngang cũng thấy nó ngồi băng đá đằng trước sân ngó cuộc đời. Son tô, phấn trát đậm như mấy người lên đồng. Có bữa anh dừng lại chỗ gốc bàng, đứng rao : “ Mười ngàn năm cái khăn. Khăn Mỹ … Tho có ho như thầy Minh cũng không rách. Mua khăn cô nhỏ. Khăn mới lau tủ cũ, cũ lau xe …”, anh thấy nó cười. Một bữa nó hỏi, có phải ngày xưa Sáu Tâm từng làm kép hát không ? Sáu Tâm tự trào, tôi mặt rổ như “ ga-mo-qua-xa-ky “( gà mổ quá xá kỹ) , đầu tóc bù xù, xi cà que, mình mẩy lúc nào cũng hôi mồ hôi mà là kép chánh sao? Nói chơi hoài.

Nhưng San tin. Hồi đó đoàn Mây Mùa Thu về hát ở đình Tân Thuận. Hôm ấy, đoàn hát vở “Đời cô Lựu” thiệt khuya. Ông bán khăn này còn trẻ lắm, ông đóng vai Luân, mặc bộ đồ bà ba vá chằng vá đụp, quần thì xăn ống thấp ống cao. Lúc xả giàn (* ) là tới đoạn Luân quỳ xuống ngang gối, ôm cô Lựu ngẩng mặt lên, kêu mẹ. Trời ơi, San bưng rổ khoai ế đứng nhìn mà rưng rưng nước mắt, sao mà cô Lựu ôm Luân gọn gàng trìu mến đến như vậy, sao Luân hạnh phúc và sung sướng đến như vậy.

Đó là lúc San ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành đào hát. Ừ, trở thành đào hát, không cần phải đóng vai chánh, nổi tiếng làm gì, hát phụ cũng được, đóng vai ác, vai hầu gái, cung nữ, bà già cũng được… Nhưng San mê vai có má nhất. Dù người mẹ nghèo bị hắt hủi cỡ nào, người mẹ giàu tàn nhẫn cỡ nào để chia cắt duyên con (như mấy tuồng cải lương bây giờ hay hát), nhưng có làm gì thì hết thảy đều vì quá thương con mình.

San hai mươi bốn tuổi, hai mươi bốn năm má mất. Bà chết vì sinh khó. Cha San thường sau rượu, lúc say phà cái mùi hèm khăm khẳm vô mặt San, “ Tại cái con vô dụng này nên tao mới khổ sở như vầy, vợ cũng chết, tiền cũng hết”.
San cố sống để khỏi phải là đứa vô dụng. Áo cha rách, San khâu. Cha kêu buồn ói, San chạy lấy thau lại hứng, dấp khăn nóng cho người. Sáu tuổi nó đã è ạch nách cái rổ khoai lang luộc, xách thùng mía lạnh rảo chân khắp làng trên xóm dưới. Mười hai tuổi nó xin chạy bàn, rửa chén ở quán “ Mây Lang Thang”, mười tám tuổi nó lấy chồng. Phải lấy chồng mới có tiền lễ để cha nó đổi chiếc xích lô lấy cái Honda. Mà, đời kỳ thiệt, San lấy ngay cái thằng hồi nhỏ nó ghét cay ghét đắng. Nó nhớ như in những lần na cái thùng mía lạnh ngang qua nhà, thằng chồng nó lúc đó chừng mười, mười hai tuổi chuyên chặn nó lại, giật mía mà ăn. Có bữa San cự, thằng nọ vạch quần ra đái tỏn tỏn vô thùng mía, vừa đái vừa cười ha hả. Hôm đó, San về nhà mà trong tay không có tiền. Dì nắm tóc nó mà đánh, San có nói gì thì dì cũng không tin. Bây giờ lại lấy nhau, mỗi lần thấy chồng tuột quần, lòng San dậy lên một nỗi căm thù. Được hai tuần, San thôi, lại bỏ về quán Mây Lang Thang, nhưng không còn rửa chén mà ngồi trong mấy cái buồng vuông vuông nhỏ nhỏ để tiếp khách.

Ước mơ xưa chưa bao giờ trở thành hiện thực. Những khi quán vắng, San cố ngủ cho nhiều, ngủ là khỏi thấy lòng buồn, má hy sanh cho cái phận bọt bèo này làm chi không biết. Ngủ để coi có mơ thấy mình trở thành đào hát không. Ngủ vì không thích tụm lại với chị em để đánh bài, bàn số đề, giũa móng tay, nặn mụn hay đi mua sắm áo dây, váy ngắn.

Mất gần một tháng Sáu Tâm mới nghe hết câu chuyện đời của nó. Mỗi bữa ngồi đụt nắng dưới gốc cây còng trước quán, San kể anh nghe một đoạn. Nhưng anh kép cũ không nhắc gì đến vầng hào quang cũ, chỉ San ngồi nhắc hoài, nó kêu anh dạy nghề. Sáu Tâm bảo, “ Nghề hát bạc lắm “. San bảo, nghề của em còn bạc hơn, bạc tại chỗ, những thằng mằn nắn mình, kêu mình bà xã ơi, cưng ơi, toàn là tụi coi khinh mình như rác. Dứt khoát, em phải trở thành đào hát, như đào Điệp ở đoàn chú vậy .

San nhớ, cô đào thiệt hiền, dân dã, tan buổi diễn để nguyên bộ áo dài nâu, cái đầu bới ngồi ăn cháo vịt. Thấy San cứ tần ngần nhìn, cô hỏi San đói không. San gật đầu, không đói nhưng vẫn gật đầu. Cô gọi thêm một tô cháo, biểu San ăn đi, ngồi kế cô mà ăn. San ngồi trước tô cháo nhưng cứ nhìn cô, chỉ mong được nép vô lòng kêu tiếng má. Đào Điệp hỏi, con bán khoai hả, sao tan hát rồi mà không về? Khoai còn hết? Cô mua cho. Ăn xong, con mau về đi, tan hát rồi, đường tối lắm.

San nhớ hoài cái khuôn mặt dịu dàng đó, bao giờ nó cũng nghĩ, má mình còn sống dứt khoát giống cố ấy. Nó kết luận, chỉ gặp một lần thôi mà em thương cổ suốt đời.

Câu chuyện làm cho Sáu Tâm xúc động, gương mặt đen đúa trầm lặng như tượng gỗ bỗng mềm lại. Anh bảo anh sẽ dạy. Ở đâu ư? Tại cái sân dưới gốc cây bàng này. Sân chật đầy lá rụng có bữa bỗng dưng biến thành sân triều. Sáu Tâm gọi, “Cung nữ !”, San dạ, te te đi ra tay dâng chén rượu ngang mày. Người đời qua lại, có cười.

Đám khách nhậu trong quán biết Sáu Tâm là anh kép hết thời, cứ đòi nghe cho được. Mấy lần bà chủ quán ra biểu anh, “ hát vài câu đi rồi có tiền” (như bà mẹ biểu đứa con nít ăn cơm đi rồi cho kẹo), lần nào Sáu Tâm cũng lắc đầu. Bà phật lòng, nghèo còn sĩ diện, nghèo mà không biết nghe lời người có tiền. San hỏi, anh bảo :
- Có làm gì, đi đâu, chưa bao giờ tôi quên mình là nghệ sỹ, nghệ sỹ là người của công chúng, người ta yêu mình bởi họ thấy mình cao quý hơn họ, tôi không thể vì tiền mà sống hèn được. Cô nhỏ, sau này có trở thành đào hát, cô nhớ lời tôi nghen.

Mỗi ngày, Sáu Tâm ghé chỗ San chừng mười mười lăm phút. Thời gian còn lại anh kéo cái bội đan bằng nan tre có gắn mấy cái bánh xe đi bán khăn, áo dạo. Anh cần tiền, nhiều tiền. Nhưng anh cũng muốn về nhà. Nên lúc nào trong lòng anh cũng như lửa đốt.

Nhà Sáu Tâm ở xóm Gò Mả. Xóm nhỏ tụm lại trên nền nghĩa địa cũ. Những ngôi nhà cửa trước luôn mở về phía nội ô như bị người ta lấn tới nên giật lùi đến đây. Nhà anh cất kề chòm mả lạng, anh không sợ, ma cũng như người, mình tử tế với họ thì họ cũng tử tế với mình. Chỉ ngại, những lúc anh không ở nhà, chị thế nào cũng mở cửa ra, nhìn những chòm cỏ xa xanh kia và nghĩ về cái chết.

Điệp càng ngày càng yếu. Chị ốm, mỏng như hột cốm dẹp. Tóc đã rụng đến nỗi ở xa chừng mười bước có thể đếm được từng sợi, từng sợi còn sót lại . Chị thôi xót xa rồi. Thôi từ cái bữa Sáu Tâm đã làm vỡ gương, chị nhắc hoài anh chưa mua lại. Thôi từ cái bữa mơ màng thấy anh nhặt tóc chị rụng trên gường đem đi giấu ở cái thùng đạn hồi trước đựng đồ nghề vá xe. Chị níu lấy anh, vùi nước mắt vô ngực anh mà ướt :
- Tâm ơi ! Tâm khổ vì tôi chi vậy ?.

Đâu mà biết nà. Tại duyên nợ. Điệp lớn hơn Tâm tròn con giáp. Lúc anh mới vô đoàn hát, anh gọi Điệp bằng chị, xưng em. Điệp toàn hát vai má anh, ráng lắm thì cũng vai em trai, loại em chuyên đi đưa thơ cho người yêu chị gái mình. Vậy mà yêu, yêu tréo cẳng ngỗng, cũng không biết để lòng thương lúc nào, ghê lắm cái lối thương thầm, thấy đầm đầm vậy chứ rứt không ra. Lúc đầu thì Điệp thấy buồn cười lắm, chị cứ theo chọc anh hoài, thí dụ tụi mình làm vợ chồng, phải gọi làm sao, Tâm ha ?.

Cho tới cái bữa về hát Vàm Lẽo, nữa đêm trải chiếu nằm ngủ dưới khán đài, sàn diễn đổ sập xuống, Sáu Tâm đẩy Điệp ra, chỉ anh là còn kẹt lại trong đống đổ nát. Xương ống quyển bị dập. Đau lắm, nằm một chỗ, không xoay mình được. Ông bầu cũng nghèo, tiếc tiền, cứ bảo, trặc chân chút đỉnh rồi sai người đi hái thuốc về bó, đắp thuốc tới khúc chân bị hoại, lầy lụa, người ta mới đưa anh đến bệnh viện. Tháo khớp. Nỗi đau không nói được bằng lời, lìa khúc chân là mãi mãi đứt lìa sân khấu.

Đó là những năm sân khấu cải lương lâm vào cảnh khó khăn. Đoàn hát phải biễu diễn khắp cùng quê xó, phải trưng dụng những dụng cụ phụ diễn đã bị nắng mưa làm mục nát. “ Mưa Mùa Thu” rã gánh, ông bầu bảo, còn ai hát hò gì nữa, tới Hồng Điệp cũng phải bỏ nghề rồi, trông mong gì. Điệp cùng Sáu Tâm dìu dắt nhau đến cái xóm Gò Mả này. Chị không hối tiếc, cuộc đời người ta ngoài ăn với ngủ, thời gian còn lại là đi tìm một nữa của chính mình. Chị thì có anh.

Hai người, hai đôi tay hồi nào giờ chỉ quen múa gươm, lẫy roi, sảy ngựa với ba cái chân để kiếm sống. Cực khổ nhọc nhằn nhưng không nguôi thương nhớ nghề xưa. Điệp xin từ ông bầu rất nhiều món đồ diễn, đem về cất kỹ, thỉnh thoảng, chị mặc áo đính kim sa hát Mạnh Lệ Quân với anh. Lúc đó Điệp vẩn chưa phát bệnh.

Bây giờ chị không còn sống bao lâu nữa. Khối u ở cổ đã đi vào não. Gương mặt xinh đẹp của chị biến đổi, nhiều bữa ngủ thức dậy, đôi mắt sưng húp, mũi chảy máu ròng ròng. Tai bắt đầu ù ù không nghe rõ. Nếu không phải trang trãi tiền thuốc cho chị, Sáu Tâm đã không lang thang ngoài đường. Anh muốn được ở nhà, ở bên chị, nắm nuối từng giây từng phút, để lúc chị đau anh giúp cho ly nước, vốc thuốc, cái khăn ướt lau mặt, để ôm ghì chị vào lòng mỗi khi lên cơn vật vã. Nhiều bữa mưa dầm đụt ở mái hiên nhà nào đó, Sáu Tâm thèm được khóc. Anh nhìn mãi đôi tay mình. Đôi tay từng đi làm mướn, đi bốc mả, vá xe, đôi tay từng bưng bê ở nhà hàng này, quán nhậu nọ sao lại bất lực không thể níu giữ người mình thương.

Nhưng bao giờ anh cũng về nhà với khuôn mặt tươi cười. Cười không phải vì vui. Anh nghĩ, may mình là nghệ sỹ, nếu không, sao có thể cười giòn khi đang tan nát lòng đau. Nhiều khi, về tới đầu xóm, Sáu Tâm phải dừng lại, đốt điếu thuốc để lắng cảm xúc của mình lại.

Anh sợ cả lúc bước vào nhà thấy chị đang nằm ngủ, Điệp biết hết. Nên mệt mỏi thế nào chị cũng làm cái gì đó để đợi anh về. Chị thương anh quá.
May mà có San. Câu chuyện của nó làm cho cả hai người nhận ra họ đã sống một đời nghệ sỹ đầy ý nghĩa. Như San, họ chưa thay đổi được cuộc đời bất hạnh của nó nhưng đã an ủi nó nhiều. Điệp bảo :
- Em không tiếc gì đâu. Tâm đừng buồn cho em nữa, nghen.

Chị dặn, đừng nói cho San biết chị sống với anh, lại bệnh hoạn như vầy, “ nó đã giữ trong lòng một hình ảnh đẹp để ước mơ, mình đừng phá hư đi “. Nhưng rồi một đêm chị không ngủ mà nằm nghe trái tim anh đập từng nhịp gấp rãi, anh đang sống, chị nói với lòng, cái cơ thể này đang sống, mình nỡ nào để anh tạnh nguội theo mình. Vô tình, chị nghĩ đến San.

Bất ngờ, một buổi trưa, San tới. Hôm đó Sáu Tâm không đi bán mà ở nhà lợp lại cái mái che đằng trước, lúc này trời trở gió, mưa cứ tạt vô nhà. Anh còn kịp chạy lại lấy cái khăn vắt đầu gường đội lên đầu cho chị như vẫn thường làm khi khách đến nhà. San hơi khựng lại, nhưng nó nhận ra cô đào Điệp năm nào. Vẫn còn đó một đôi mắt hiền, hơi ướt, dịu dàng :
- San phải không ?.
Và còn đó một giọng nói mềm như lá lụa non.

Đó là một ngày trời oi nắng, mây đứng trân trên trời. Đó là ngày San nhận ra, trước người đàn bà đau ốm này đây, mình vô tình gây nên tội, tội đẹp. Và tim nó thắt lại một cái đau nhói, vậy ra, người đàn ông bán khăn áo dạo không ở một mình. Không biết làm gì, San lại mở cửa sổ ra, nhìn những chòm cỏ xa xanh,nó kêu lên, “trời ơi, ở đây bảnh thiệt, em thích một căn nhà như vầy lắm”, lòng vừa đau vừa thẹn thùa cười cái cọc đi kiếm con trâu.

Sau này, mỗi khi rảnh, dù Sáu Tâm có kéo cái bội khăn lang thang trên đường phố, San cũng lại nhà. Căn nhà mà hồi mới thấy xa xa, nó tưởng là nhà của mình. Bây giờ, lại đó, San quét nhà, nấu cơm, đợi Điệp ngủ San kéo mềm tới cằm cho chị rồi lượm những sợi tóc buồn xơ xác như những chiếc lá lìa cành đem đi giấu. Bữa trưa đầy gió, chị biểu San đem lược lại chị chải tóc cho. Nó có mái tóc hệt chị ngày còn trẻ. “Tụi mình có nhiều cái giống nhau nghen. Chị cũng không có má, lớn lên trong trại mồ côi. Chị đến với sân khấu để vay mượn những thâm tình mà mình chưa hề có. Hồi nhỏ chị cũng cực lắm, nhưng không đến nỗi sa chân như San. Chị em mình còn một chuyện giống nhau nữa, đố San biết, tụi mình cùng thương anh Sáu, thương lắm, phải không ?”.

San ngơ ngác hết mấy giây rồi lắc đầu. Chị bảo đừng giấu chị. “ Ừ, nếu không chê Tâm tàn tật thì bao giờ chị đi cho chị gởi lại. Em làm lại cuộc đời đi, Tâm rộng lòng lắm, không chấp nhứt chuyện này nọ đâu. Tâm dễ tánh. Mặc gì cũng được, ăn gì cũng xong. Con người đàng hoàng, nghệ sỹ mà đàng hoàng, không phù phiếm, buông thả. Kiếm người tin được không phải dễ đâu, San”.

San không trả lời, không thể nói dối lòng rằng ” Thôi! ”, nhưng cũng không thể gật đầu cái rụp. Có phải là trao trái chanh trái bưởi cho nhau đâu mà một người đàn bà trao người mình thương yêu nhất cho một người đàn bà.

Sáu Tâm không biết chuyện này. Tối lại nằm gối đầu lên tay anh, chị bảo, “ San nó thương anh lắm”. Anh cười, “Tôi bây giờ đã thành ông già, còn cô nhỏ đó …” Chị cũng cười, “Có sao, như Tâm với em”. Sáu Tâm biểu, “ Ngủ à nghe”. Nhưng chị biết anh vẫn thức bởi những ý nghĩ mới mẻ trong lòng. Chị thì ngủ, giấc cuối cùng, sâu thiệt là sâu. Đắp cỏ muôn đời.

…. San bỏ quán Mây Lang Thang, chiều chiều ngồi bán chuối, khoai lang nướng mỡ hành bán ngoài cổng nhà văn hoá. Hỏi về giấc mơ trở thành đào hát. Nó cười đã bỏ lâu rồi. Đi hát lỡ nổi tiếng, thí dụ thôi nghen, người ta biết lúc trước tôi từng làm tiếp viên quán bia thì nhơ danh cả một giới nghệ sỹ, làm người ta mất cảm tình với cải lương, vậy khác nào hại cả nền sân khấu nước nhà.

Cũng giống như phim tình cảm, đôi khi người ta vì yêu mà rứt ruột lìa xa người mình yêu. Biết làm sao, hoàn cảnh vậy mà .

https://kilopad.com/truyen-ngan-c197/doc-sach-truc-tuyen-boi-yeu-thuong-b11486/chuong-1-ti1

sôngthương
02-09-2020, 07:55 PM
CHƯƠNG 26

Ta không biết là mi đã bao giờ nghĩ đến cái điều lạ lùng này chưa, ấy là cái tôi. Ta càng quan sát nó, nó càng thay đổi, như khi nằm trong cỏ, bạn nhìn đăm đăm vào mây trên trời. Thoạt đầu nó giống như một con lạc đà, rồi một người đàn bà, cuối cùng hóa thành một cụ già râu dài. Nhưng không cái gì là cố định cả, vì trong nháy mắt chúng đã thay hình đổi dạng.

Thì nói chẳng hạn vào nhà vệ sinh ở một căn hộ cũ kỹ đi, ở đó các bức tường bị nước vấy bẩn, hàng ngày mi vào nhà vệ sinh, các vết nước lưu niên kia đều có sự thay đổi. Lúc đầu, mi thấy nó giống một mặt người, rồi một con chó chết, lòng ruột xổ tung ra. Lần sau, nó thành một cái cây có một đứa bé gái cưỡi một con ngựa gầy còm ở bên dưới. Mười hay mười lăm ngày sau, có thể nhiều tháng sau, một sáng nọ, thình lình mi phát hiện ra thấy những vệt nước kia lại mang hình một mặt người.

Nằm trên giường mi nhìn trần nhà. Do ánh đèn chiếu vào, cái trần nhà trắng cũng có thể xảy ra những biến hóa. Mi chỉ cần tập trung xem kỹ vào cái tôi của mi, mi sẽ thấy cái tôi này của mi nó đang đi xa dần ra khỏi cái hình dạng mà mi quen thuộc, nó sẽ mang nhiều bộ mặt khiến cho ta kinh dị. Thế cho nên ta sẽ không thể không hãi hùng, nếu như ta phải diễn tả tóm tắt bản chất chủ yếu của chính ta. Ta không hiểu trong nhiều bộ mặt của ta, cái nào nó tiêu biểu cho ta hơn cả, ta càng quan sát chúng, các biến hóa lại càng rõ rệt hơn lên.

Mi cũng có thể chờ, chờ cho các vệt nước trở lại hình thù ban đầu, một mặt người, và mi cũng có thể hy vọng, hy vọng một ngày nào đó nó sẽ sinh ra một hình thù nào đó. Nhưng kinh nghiệm cho ta thấy rằng thời gian càng trôi đi, hình ảnh kia càng ít biến hóa theo ý mi mà hoàn toàn trái lại, nó thường trở thành một cái quái thai mi không thể chấp nhận, nó bung ra mà xét cho cùng nó lại là thoát thai ra từ cái tôi của mi, mi không thể chấp nhận.

Một hôm, ta chú ý tới bức ảnh dán trên thẻ xe tháng của ta ở trên bàn. Mới đầu ta cảm thấy cái mỉm cười này là mong cầu cho mọi người vui vẻ nhưng sau lại thấy đúng ra là nó mỉa mai, hơi đắc ý, hơi lạnh, đẻ ra từ lòng tự yêu mình, tự thưởng thức, tự cho mình cao hơn hẳn mọi người. Kỳ thật lại có một thứ sầu não để lộ le lói ra nỗi cô đơn, rồi lại có một thứ sợ hãi bất an vụt lóe ra chứ không phải là vẻ một kẻ ưu đẳng thắng cuộc, một thứ chua chát nữa.Đương nhiên không có được nụ cười thông thường đẻ ra từ hạnh phúc hồn nhiên mà lại nghi ngờ hạnh phúc đó. Cái đó trở thành đáng sợ thậm chí vô dung, hư vô, một cảm giác rơi xuống mãi không tới đáy, thế là ta bèn chẳng thiết cả nhìn lại vào cái bức ảnh đó nữa.

Sau đó ta đi quan sát người khác, khi quan sát họ, ta phát hiện thấy cái tôi đáng ghét và ló mặt ra ở khắp nơi kia cũng đã lại xen cả vào đây rồi, nó không để cho một bộ mặt nào mà không bị nó can thiệp khi ta quan sát, cái này thật là ngán hết sức. Khi ta quan sát kẻ khác, ta vẫn tiếp tục quan sát bản thân ta. Ta tìm kiếm các bộ mặt ta yêu hay một biểu hiện mà ta chấp nhận được.

Nếu một bộ mặt không khiến ta xúc động, nếu trong những người đi ngang qua trước mặt ta, ta không tìm được ra kẻ để ta nhận dạng ra chính ta thì ta sẽ quan sát họ mà chẳng hề thấy họ. Trong một phòng chờ xe, trong một toa xe lửa, trên một boong tàu, trong một quán cóc hay một công viên hay thậm chí trong lúc dạo chơi ngoài phố, ta đều chỉ có nắm bắt những bộ mặt hay những hình dạng tựa hồ đã gần gụi quen thuộc với ta, hoặc là, ta kiếm lấy ở đó một vài ám dụ có thể làm nổi lên lại một kỷ niệm đang vùi trong trí nhớ. Khi quan sát người khác, ta đều coi họ như những cái gương cho ta soi vào trong chính ta và sự quan sát này hoàn toàn lệ thuộc vào điều kiện tâm trí ta lúc đó. Ngay cả khi nhìn một cô gái, ta cũng dùng cảm quan của chính ta để nắm bắt cô, dùng kinh lịch bản thân ta, cộng thêm tưởng tượng, trước khi cho ra một phán đoán. Thật ra sự hiểu người khác, kể cả đàn bà, ở ta là hời hợt, võ đoán. Trong con mắt ta, đàn bà chẳng là cái gì ngoài những ảo tưởng ta tự tạo để mê hoặc bản thân ta. Đó là điều bi ai ở ta. Cho nên các quan hệ của ta với đàn bà đều thất bại. Ngược lại nếu ta lại là đàn bà thì chung sống với đàn ông ta cũng lại khổ đau như thế. Vấn đề là ở sự tỉnh ngộ trong nội tâm của ta, con quái vật dằn vặt khiến cho ta không thể yên tĩnh này. Lòng tự yêu mình, tự tàn hại mình, sự giữ gìn ý tứ, lòng đố kỵ và căm ghét đều bắt nguồn từ đó mà ra, cái ta thật sự là căn nguyên bất hạnh của loài người. Vậy thì phải giải quyết bất hạnh này chẳng phải là lại cần bóp chết đi cái mà nó tỉnh ngộ ra kia sao?

Cho nên Đức Phật dạy mọi hình ảnh đều giả, không hình ảnh cũng giả?

(Trích từ "Linh Sơn" - Cao hành Kiện - Trần Đĩnh dịch )

https://isach.info/story.php?story=linh_son__cao_hanh_kien&chapter=0027 (https://isach.info/story.php?story=linh_son__cao_hanh_kien&chapter=0027)

sôngthương
02-16-2020, 10:25 PM
Thách thức

Tôi đang ngồi đọc báo trong nhà, bỗng con Tuyến, cháu nội cô Ba tôi, chạy vào mếu máo mách:

- Chú Phương ơi, anh Thắng ảnh đánh Tuyến!

Tôi buông tờ báo, đứng lên:

- Cha chả, cái thằng ăn hiếp em há!... Thôi nín đi cưng, để chú xử tội nó.

Đoạn tôi bước ra ngoài tìm thằng Thắng. Thấy nó còn đứng trước sân, lấm lét nhìn vào, tôi quát:

- Thắng, vô đây!

Nó ngần ngại, coi bộ muốn bỏ chạy đi. Nhưng rồi, có lẽ liệu chắc khó thoát khỏi tay “già” chú có cặp giò sếu vườn nầy, nên nó ngoan ngoãn đi vào. Nó vừa đến gần, tôi lấy mặt hầm hầm, quắc mắt hỏi:

- Sao mầy đánh em, hả?

Nó bướng bỉnh nghênh mặt, trả lời một hơi:

- Ai biểu nó đạp mấy cục đạn đất của tui. Công người ta ra ruộng móc đất sét về, vò nắn cả buổi mệt thấy mồ, mới đem phơi, nó chạy ngang đạp dẹp đép hết trọi, tức hôn?...

Con Tuyến xen vào:

- Tại em hổng thấy mà, anh phơi ngay đường đi ai mà biết.

- Chỗ đó có nắng, tao phơi chứ sao. Con gái gì mà đi hổng coi trước coi sau, nhảy choi choi như con khỉ!

Tôi nạt:

- Thôi im! Kiếm chuyện rầy trở lại người ta để chạy tội hả?... Chuyện có thế cũng đánh em. Vậy mà mầy nói thương nó lắm đa!

Thắng cúi đầu, lặng thinh một lúc rồi nói:

- Tui đâu có muốn đánh nó…

Tôi cười:

- Không muốn đánh mà phát vào lưng người ta đau đến khóc được. Mầy nói nghe lạ quá!

Nó giải thích:

- Hồi đầu tui chỉ dọa nó thôi. Tui nói: “Tao vố mầy một bạt tai bi giờ”. Nó hổng sợ, còn nghinh nghinh bảo: “Ừ, ngon đánh đi, dám dữ!”. Tức quá, tui mới thụi đại nó đó chứ bộ.

Nghe xong, tôi quay sang la con Tuyến:

- Tuyến, đáng kiếp lắm! Sao thách nó chi vậy?

Giọng tôi biểu lộ cả một sự trách móc ghét giận, vì chính thật lòng tôi lúc ấy bỗng dưng tràn đầy bực tức. Con bé đã bị anh đánh còn thêm chú Phương rầy nữa, uất ức khóc òa lên. Nhìn cái miệng nhỏ mếu xệch, đôi mắt ướt nhòe của nó, lòng tôi dịu lại dần. Hơi hối hận, tôi đưa tay vuốt tóc nó, nhưng chẳng nói chi. Đầu óc tôi mải để đâu đâu, những chuyện xa xưa, những hồn ma cũ vụt hiện về trong tâm tưởng.

Tôi rầy con Tuyến không phải vì bênh thằng Thắng. Lâu nay tôi vẫn cưng nó hơn thằng anh nghịch ngợm của nó nhiều. Tôi gay gắt với nó, chỉ vì một nguyên nhân sâu xa đã ghi đậm vào hồn tôi một ấn tượng không tốt, đối với bất cứ một lời thách thức nào, của ai. Tôi vừa chợt nhớ đến Thảo, cô bạn gái nho nhỏ ngày thơ. Kỷ niệm ấu thời theo đó lại đến, khuấy động hồn tôi bao nỗi xót xa buồn giận.

*
Hồi đó tôi đâu tám chín tuổi, Thảo cũng xuýt xoát vậy. Nhà hai đứa ở gần, thường chơi đùa với nhau, thân lắm. Tôi chỉ có mình Thảo là bạn lối xóm – mẹ tôi không muốn tôi giao thiệp với tụi trẻ du côn quanh đấy – nên tôi dành trọn cảm tình cho Thảo. Tôi mến Thảo nhiều vì ưa tánh nết dịu hiền, và cũng vì cảm thương cảnh sống đáng buồn của bạn. Tuy còn bé tôi cũng nhận ra đời Thảo rất khổ, chịu lắm thiệt thòi, bất công.

Nhà Thảo không nghèo kém gì. Thảo có ba má đàng hoàng, và có cả em nữa. Sống trong một gia đình đầy đủ như vậy đúng lý Thảo được sung sướng mới phải, nhưng mà ngược lại : Thằng Phúc, em Thảo, được ba má tưng tiu nuông chiều bao nhiêu thì Thảo bị đối xử tệ bạc bấy nhiêu. Ba Thảo hờ hững với Thảo như người dưng không bằng. Má Thảo thì hở một chút là đánh đập, chửi bới Thảo, chẳng khác nào một bà mẹ ghẻ ác độc. Lâu lâu tôi lại nghe Thảo bị đòn. Đứng bên nhà mình, tôi hồi hộp nghe rõ tiếng Thảo khóc ré lên, xen lẫn tiếng dì Ba Cang, má Thảo, rít lên giận dữ. Thường là:

- Tại sao mầy bỏ đi chơi, không đưa võng em?

- Đồ bò, để em té vậy hả?

- Tao mượn xách có thùng nước mà cũng cằn nhằn cửi nhửi… Nầy, nầy… cho bỏ cái tật làm biếng…

Những lúc ấy tự nhiên tôi cảm thấy ghét giận cái dì Ba đó quá. Tại sao dì nỡ tàn nhẫn với con thế? Mẹ tôi không bao giờ đối xử với tôi như vậy. Những lần tôi phạm lỗi mẹ chỉ rầy rà khuyên bảo thôi. Song như vậy mà tôi sợ, cố gắng không làm mẹ phiền lòng nữa. Tôi nhớ, từ nhỏ tới lớn hình như tôi bị mẹ đánh đòn đâu có vài lần, và lần nặng nhứt là lần tôi bắt chước tụi trẻ trong xóm dùng lời tục tằn với chị tôi. Mẹ đánh chẳng nương tay, giận dữ bảo:

- Ở nhà nầy không có cái thứ ăn nói như vậy, nghe không!

Bị nếm đòn phen ấy, tôi khó quên được : Những lằn roi quất vào mình rát như xé thịt, đau điếng người đi. Tôi bị có mấy roi mà “tởn tới già”. Còn Thảo bị đòn liền xì chịu sao nổi?

Mà thật ra theo tôi thấy, Thảo có vô dụng lười biếng gì đâu? Hằng ngày Thảo phải giữ em, giúp đỡ lặt vặt cho ba má, còn gì nữa? Đành rằng đôi khi Thảo cũng phạm lỗi lầm, nhưng con nít làm sao tránh được điều đó.

Nhận thấy cảm tình của dì Ba, dượng Ba đối với Thảo có cái gì lạt lẽo làm sao ấy, có bận tôi hỏi mẹ:

- Mẹ, sao ba con Thảo coi bộ hổng thương nó, hổng để ý gì đến nó hết, còn má nó dữ với nó quá…

Mẹ gạt ngang:

- Thôi nè, con nít đừng tìm hiểu chuyện người lớn làm chi.

Không bỏ được sự tò mò, một hôm tôi hỏi ngay Thảo:

- Nè Thảo, phải dượng Ba, dì ba là ba má mầy thiệt không, sao mà… kỳ vậy?

Chúng tôi vẫn quen xưng hô mầy tao thế. Thảo có vẻ buồn, đáp:

- Ba tao thì tao hổng biết có phải thiệt hôn, chứ má tao thì tao chắc thiệt. Tao có thấy hình chụp má tao ẵm tao hồi nhỏ mà.

- À, hay ba má mầy là ba má ghẻ đó? Tao nghe người ta nói ba má ghẻ ghê lắm, hổng có thương con.

- Tao cũng hổng hiểu… Mà ba má ghẻ là ba má làm sao hả Phương?

- Ờ, là… thì… để bữa nào tao hỏi mẹ tao coi.

Quả thật thuở đó tôi không biết cha mẹ ruột, cha mẹ ghẻ là thế nào. Nhiều khi tôi có ý nghĩ buồn cười: Cha mẹ ruột là cha mẹ có nhiều ruột, cha mẹ ghẻ là cha mẹ có lắm… ghẻ!

Bấy giờ tôi đã đi học. Phần Thảo không nghe dì Ba nói chừng nào cho cắp sách đến trường. Thảo đi học ai coi giữ thằng Phúc? Tôi nghĩ đó là một điều may mắn cho Thảo, và ước sao được vậy. Ở nhà khỏe, đi học mệt nhiều : nào phải học bài, nào sợ thầy phạt, còn bị tụi bạn ăn hiếp nữa. Nhưng Thảo thì xem ra thích đi học lắm. Tôi hay đọc những bài ám đọc ở trường cho Thảo nghe để khoe tài. Thảo mê ghê, đòi tôi dạy lại, học thuộc lòng thôi. Thảo ưa nhất là bài “Con Cò”. Ngồi không, hai đứa thường đọc ăn rập với nhau:

“Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ông vớt tôi nao!
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.”

Thảo còn năn nỉ tôi dạy học chữ nữa. Tôi cũng chẳng hẹp hòi gì mà từ chối. Vả lại, bỗng dưng được làm thầy giáo, còn chi khoái bằng. Hai đứa dắt nhau đến chỗ vắng, tôi kẻ chữ xuống mặt cát mà dạy Thảo đọc theo viết theo:

- i… đi học, u… đánh đu, ư… cái lư, ơ… quả mơ…

Thỉnh thoảng Thảo đọc hay viết sai, tôi bắt chước giọng ông thầy ở trong lớp, gắt:

- Chà, cái trò nầy dở quá, xè tay ra phạt hai khẻ, hột vịt!

Bị đánh, Thảo không khóc, mà lại cười vì thật ra tôi cũng không nỡ đánh mạnh. Hơn nữa phạt vạ trở nên vô ích với Thảo. Dù tôi không đánh, Thảo cũng tự cố gắng sửa chữa điểm sai lại. Có lúc tôi hỏi:

- Nè Thảo, mầy tính học chữ để làm gì chớ?

Thảo đáp:

- Thì để đọc nhựt trình hay học những bài ám đọc như mầy vậy. À, mấy bài mầy đọc, hay ghê nha!

Tôi nghĩ mà thầm phục sự siêng năng của Thảo. Tôi, hằng ngày đến trường có thầy chỉ dẫn đàng hoàng, tối về lại được mẹ kềm dạy thêm, nhưng tôi ngán chữ hơn ngán cơm nếp, đâu như Thảo vậy.

Tuy phải giữ em, giúp việc cho má, và gần như bị cấm đoán sự vui đùa, nhưng Thảo cũng cố tìm dịp gặp tôi thường để cùng bày trò chơi. Ấy là những lúc tôi nghỉ học, ba má Thảo đi vắng, hay thằng Phúc đã ngủ say. Tuy biết rủ Thảo đi chơi là hại Thảo – dì Ba bắt gặp thì Thảo phải đòn về tội bỏ nhà, bỏ em – song với lứa tuổi con nít đó, chúng tôi không thể dẹp bỏ sự chơi đùa đi được.

Thảo ưa chơi cất nhà chòi. Cô ta đi kiếm cây làm sườn. Còn tôi lén đánh cắp mấy tấm lá chằm dựng sau hè nhà mình đem lợp mái, vừng vách. Cái nhà làm xong, nhỏ như một cái hộp, chỉ vừa đủ hai đứa chui vào ngồi. Với hình dáng méo mó lạ lùng của nó, không biết nên gọi nó là cái nhà không, nhưng bấy giờ chúng tôi lại thấy đẹp, thích chí, mãn nguyện trước công trình xây cất của hai đứa nhiều. Thỉnh thoảng tôi quên lửng đang ngồi trong chòi vụt đứng dậy đi ra. Thế là, tôi đội luôn cả cái mái, cột kèo bị nhổ gốc, ngã xiêu xó hết trọi. Thảo la chói lói. Hai đứa lại phải mất công làm lại.

Có nhà rồi, Thảo đi nhặt lá cây hái hoa “nấu đồ ăn” bán cho tôi. Tôi xin được của mẹ mấy cái chung nhỏ, một lưỡi dao cùn cho Thảo làm vật dụng. Ở trong chòi sửa soạn “hàng quà” xong, Thảo cất tiếng trong trẻo rao:

- Ai ăn chè bột khoai đường cát hôn?...

Hoặc:

- Mại vô mại vô, bánh bò nóng hổi vừa thổi vừa ăn đây!

Tôi đi ngang, dừng lại hỏi:

- Có ngon không mà rao om sòm đó thiếm?

- À, ông Hai, ngon lắm chứ, ông dùng thử thì biết.

Tôi ngồi xuống:

- Đâu múc cho tôi một tô coi nào.

Chúng tôi sống rất thật với cảnh mua bán giả đó. Tiếp lấy tô chè – toàn bằng hoa lá – Thảo trao, tôi vừa giả bộ ăn, vừa cằn nhằn:

- Thiếm nầy, bán cái gì mà mắc đắng!

- Chè ngon mà ông Hai. Lúc nầy đường cát lại lên giá, tôi phải bán mắc một chút để kiếm lời chớ sao.

Nhiều khi đang giữa cuộc chơi, bỗng nghe thằng Phúc khóc ré trong nhà, hay tiếng dì Ba réo gọi, Thảo hoảng hốt vất cả chén bát, bỏ chạy đi. Còn một mình tôi ngồi ngơ ngác như “ngỗng đực”.

Một hôm tôi bày thêm một trò chơi mới. Học được cách xếp tàu ghe bằng giấy của mấy đứa bạn trong lớp, tôi về xếp ngay hai chiếc ghe thiệt đẹp, có lợp mui, có vẽ con mắt đằng trước mũi. Tôi gò gẫm viết lên hông từng chiếc những chữ to : “Của Phương”, “Của Thảo”. Đoạn tôi đem chiếc “Của Thảo” tặng cho cô bạn. Thảo thích thú nhận lãnh, trầm trồ khen ngợi hoài khiến tôi sướng phổng mũi. Thảo hỏi:

- Sao chiếc ghe cũng có con mắt ha?

Tôi giải thích:

- Tao nghe mẹ tao nói thì hồi xưa ở dưới sông có cá sấu cá mập nhiều lắm, người ta phải vẽ mắt cho ghe để chúng tưởng con quái gì hổng dám lại gần… Mà có con mắt, chiếc ghe coi ngộ ghê chứ hén?

Thảo gật gù:

- Ờ, ngộ thiệt!

Tôi rủ Thảo đem thả ghe ngoài ao trước sân nhà tôi – Cái ao nhỏ ấy ngày nay đã cạn mất rồi – Tôi lấy xà bông gắn sau lái ghe. Thả xuống nước, xà bông tan đẩy ghe chạy tới như có máy vậy. Đứng ven bờ nhìn ghe chạy, chúng tôi vỗ tay reo hò như cổ võ. Chợt, Thảo nói:

- Ghe “Của Phương” chạy chậm hơn ghe “Của Thảo”, ê!...

Quả nhiên tôi cũng nhận thấy điều đó và đang tức bực đây : Ghe mình cho người ta lại tốt hơn ghe của mình. Đã vậy người ta còn ngạo mình nữa, ghét chưa! Tôi cãi:

- Ê, tại ghe “Của Phương” chưa xả hết ga.

- Chứ không phải nó liệt máy? Coi kìa, nó chạy rề rề như miếng giấy trôi!...

Tôi đổi giọng:

- Thôi, đừng có làm tàng nghe mậy!

Thảo nguýt:

- Làm tàng cái gì? Có mầy nói hổng lại rồi nổi cộc đó.

Tôi bốc giận, cung tay:

- Ừ, tao cộc rồi mầy làm gì tao? Nói lớ quớ tao xô xuống mương bây giờ.

Thảo hất mặt, trề môi, xê mình lại gần tôi:

- Giỏi xô đi, dám xô dữ à!

Đôi khi hai đứa gây lộn, Thảo cũng ưa thách thức như thế, tôi chịu thua không làm gì. Nhưng hôm ấy, bỗng dưng tôi nóng giận lạ, thấy vẻ mặt khinh khỉnh của Thảo đáng ghét vô cùng. Thình lình, tôi đưa hai tay đẩy mạnh Thảo xuống ao. Chỉ nghe Thảo thét lên một tiếng kinh hoàng. Tiếp đó, một tiếng “ùm”, nước văng tóe vào mặt tôi.

Cái ao không sâu lắm, nhưng đủ làm chết hụt những đứa trẻ cỡ như tôi và Thảo. Tôi thấy Thảo chìm sâu dưới mặt nước, rồi trồi lên, quạt tay chới với, cứ há miệng toan la, nước lại tràn vào òng ọc. Bấy giờ tôi mới hoảng hốt, kêu to lên:

- Mẹ ơi, mẹ!


https://4.bp.blogspot.com/-npqkqxmuFzU/W1J7IRF_vAI/AAAAAAAAPis/Obup16drk_4dvVqfxhaH5A94qPvqIPw6ACLcBGAs/s1600/Thach%2Bthuc%2B2.jpg

Mẹ tôi đang ở trong nhà, không kịp mang guốc, tức tốc chạy ra:

- Cái gì vậy?

- Con Thảo té mương!

Bước vội lại bờ ao, mẹ cúi xuống vớ lấy tay Thảo kéo lên. Cô bé ướt loi ngoi, đứng run rẩy, mặt xanh chành còn in rõ nét hãi hùng cùng tột. Sau khi hoàn hồn, Thảo vụt khóc òa, rồi bỏ chạy về nhà mình luôn.

Mẹ tôi nhìn theo, hỏi:

- Sao nó lại té vậy Phương?

Tôi cúi đầu, ngập ngừng đáp:

- Dạ… tại… con xô nó!...

Mẹ trợn mắt:

- Mầy xô nó?,,, Chơi ác vậy hả Phương?

Đoạn mẹ phát vào mông tôi, lôi vào nhà:

- Tội nặng lắm! Tao phạt mầy năm ngày không được đi chơi!

Tôi lặng thinh, lòng hối hận hết sức. Giả thử mẹ phạt tôi mười ngày hay đánh tôi cả chục roi đi nữa, tôi cũng chẳng than van. Tôi tự trách mình sao đang tâm hành động thế ấy. Đã rồi, tôi lại giận Thảo : Một phần cũng tại nó. Bị mình dọa, sao nó không làm mặt giận hờn, bỏ về nhà, “xả” mình ra, có phải mình sẽ xuống nước xin lỗi nó không? Nó lại thách đố nầy nọ làm chi cho nên nỗi.

Tôi đang ngồi cú rũ trong góc nhà để mặc ăn năn xấu hổ dày vò, bỗng nghe Thảo khóc thét lên, cùng tiếng dì Ba mắng chửi vang rõ bên kia. Chắc rằng thấy Thảo chạy về với thân hình ướt đẫm, dì Ba đã hạch hỏi và đánh mắng nó. Nghe tiếng khóc của Thảo tôi càng xốn xang trong bụng. Chợt mẹ tôi từ dưới bếp bước lên, lại nắm tay tôi lôi đi:

- Theo tao, mau!

Tim tôi đập thình thịch, chưa biết mẹ có ý gì thì người đã kéo tôi vào nhà Thảo. Dì Ba đang vũ động con roi, dừng lại, nhìn mẹ tôi dò hỏi. Mẹ đẩy tôi về phía dì:

- Xin chị tha cho con Thảo, chỉ thằng nầy mới đáng tội, làm ơn đánh nó giùm tôi!

Tôi run rẩy thụt lùi lại. Sẵn ghét sợ dì Ba, tôi càng kinh hãi hơn. Trời ơi, với bàn tay đó, con roi mây đó mà quất vào mình một cái thì chết mất! Nhưng may thay, dì không làm theo lời mẹ tôi, lại lộ vẻ ngạc nhiên, hỏi:

- Chị nói gì tôi không hiểu? Sao chuyện con Thảo lại dính dáng đến thằng Phương nữa?

- Ủa, thế chị không biết à? Thằng Phương đã xô con Thảo xuống mương…

- Vậy sao? Con Thảo nó nói với tôi là đi trật chân té, chứ ai dè.

Tôi liếc nhìn Thảo đang đứng nép trong cánh cửa khóc thút thít, lòng rạt rào cảm mến. Thảo đã không khai tội tôi ra! Tại sao?

Mẹ tôi hỏi:

- Chị Ba, chị xử tội thằng khốn nầy đi chứ!

Dì Ba khẽ cười:

- Ối, chị dắt cháu về đi. Tôi đánh con Thảo thật ra chỉ vì tội nó bỏ nhà đi chơi không coi em đó. Cháu Phương, từ nay đứng chơi dại vậy nữa, nghe.

Mẹ tôi nạt:

- Phương, còn đứng trơ đó à, không lại xin lỗi, cám ơn dì Ba tha tội cho, còn chờ gì?

Tôi lật đật vâng theo, bước lại gần dì khoanh tay, cúi đầu thật thấp nói lí nhí mấy lời cám ơn, xin lỗi. Tôi thật không ngờ dì ác với Thảo mà rộng lượng với tôi thế.

Từ bữa đó tôi không được gặp Thảo. Tôi bị mẹ phạt không được ra khỏi nhà. Còn Thảo cũng chẳng thấy đi đâu. Không biết cô bạn nhỏ của tôi có giận tôi lắm không? Tôi mong có dịp xin lỗi riêng Thảo mới yên lòng. Nghĩ cũng kỳ, tôi phạm lỗi mà Thảo bị đòn. Rồi đáng lẽ phải xin lỗi Thảo, tôi lại bắt buộc xin lỗi dì Ba!

Ba ngày trôi qua, buồn ơi là buồn! Đi học về, lại phải lấy sách ra học, đem cửu chương ra nhẩm, ở miết trong nhà, tôi thấy bực bội khó chịu khác nào một con nai tơ bị buộc cẳng. Sân cỏ trải rộng trước nhà, căn chòi còn đứng nép dưới gốc mận bên mấy bụi hoa kia, thế giới diễm ảo của tôi và Thảo còn mở ra đó, nhưng hai đứa vì đâu ngày ngày không còn dắt tay nhau bước vào nữa vậy? Tay cầm quyển sách, miệng lẩm bẩm đọc, song tôi không ghi được chữ nào vô óc. Trước kia tôi học rất chóng thuộc bài, học rút để đi chơi chứ. Nhưng mấy ngày nầy, không hy vọng có chuyện đi chơi, tự nhiên tôi học tới đâu quên tới đó. Thật ra, tôi có chăm chú vào bài vở đâu. Tôi mải nghĩ:

- Chà, mấy hôm trước, giờ nầy mình với con Thảo đang ở ngoài chòi đây.

- Phải chi mình được dông ra sân chạy nhảy một hồi cho đã thì khoái biết mấy!

Ngày phạt thứ tư, xế chiều, thấy mẹ mắc bận dưới bếp, tôi vứt tập, chạy ra trước hàng ba ngồi ngó mông ra lộ xem người đi cho đỡ buồn. Chợt nhìn sang nhà Thảo, tôi bắt gặp Thảo đang lui cui nhổ cỏ trước sân. Ngập ngừng suy tính một lúc, tôi quyết định sang xin lỗi bạn. Bước nhẹ đến bên Thảo, tôi gọi khẽ:

- Thảo!

Thảo liếc nhìn tôi rồi lại cúi đầu, lặng thinh bứt cỏ. Tôi ngồi xuống một bên:

- Mầy còn giận tao lắm sao? Tao biết lỗi của tao nặng lắm, nhưng mầy tha cho tao một lần đi nhen. Từ nay tao không dữ với mầy nữa.

Thấy Thảo không lay chuyển, tôi tiếp:

- Mầy bỏ giận, tao xếp cho mầy hai ba chiếc ghe, hai ba chiếc tàu, xếp đầu lân nữa… Ngộ lắm Thảo ơi!

Bấy giờ Thảo mới vùng vằng thốt:

- Thôi đi, mầy làm bộ cho tao, rồi của tao tốt hơn mầy, mầy lại tức gây lộn, xô tao nữa, tao hổng thèm đâu!

Thảo đã mở miệng, một điều đáng mừng. Tôi nói:

- Không đâu, chuyến nầy nhứt định tao hổng có xấu vậy. Nếu tao xấu mầy nghỉ chơi tao luôn.

- Thiệt hôn?

Câu hỏi gián tiếp chấp nhận. Tôi vui mừng đáp:

- Thiệt mà!... À, hôm mầy bị đòn có đau lắm không?

- Sao không?

- Tao xè tay nè, mầy đánh lại tao trừ.

Thảo mỉm cười vỗ vào tay tôi, bảo:

- Đó, cho chừa nghe! Thôi về đi, để tao nhổ sạch mấy cọng cỏ nầy. Bằng không má tao ra thấy chưa xong lại bị mắng.

- Ừ, tao cũng phải về ngay. Mẹ tao phạt tao không được ra khỏi nhà. Tao đi như vầy bả thấy rầy chết.

Và rồi, tôi với Thảo lại hòa, chơi như cũ. Tuổi nhỏ dễ giận, chóng quên là thế. Tình thân giữa hai đứa còn có phần khắng khít hơn xưa, vì tôi đã cố chiều chuộng, nhường nhịn Thảo để chuộc lại những lỗi lầm đã tạo.

Tôi những tưởng tình bạn của hai đứa sẽ không bao giờ rời rã. Thằng Phương và nhỏ Thảo sẽ được ở gần nhau, vui đùa có nhau mãi vậy. Nhưng, mấy ai đoán trước được sự đổi thay đột ngột ở đời. Một hôm tôi vừa đi học về, mẹ tôi báo ngay cho tôi biết : cả gia đình Thảo vừa dọn đi phương xa, nhà bán lại người khác. Nghe qua tôi bàng hoàng cả dạ. Bực tức, giận dỗi, nuối tiếc xáo trộn, tôi như vừa đánh mất một cái gì quí báu. Thôi hết, Thảo đã rời xa tôi mất hút đi rồi! Biết đến bao giờ hai đứa mới gặp lại? Hình bóng cô bạn nho nhỏ đó từ đây tôi muốn tìm họa chăng chỉ lần trong ký ức. Còn chi xót xa bằng, hai đứa chia tay xa nhau mãi mãi mà không một lời tiễn biệt?

Suốt mấy hôm, tôi nhớ Thảo. Thơ thẩn tìm đến những nơi hai đứa họp mặt thường ngày, tôi đứng lặng một mình, nghe lòng trơ trọi, buồn chán làm sao! Hoa nở rộ bên rào kia, nhưng không có Thảo cùng lo trang hoàng căn chòi thì hái để làm gì. Trong chòi, chén bát đồ chơi còn ngổn ngang đó, mà bàn tay xinh xắn vén khéo của “cô hàng” đã biến mất tận đâu? Ô, cảnh sao mà buồn vậy?

Từ đấy tôi không còn gặp Thảo. Nhưng nếu chuyện chỉ có thế, chắc bé Tuyến không bị tôi rầy, tính thách đố không đến nỗi bị tôi “lên án”. Đâu năm sáu năm sau, sự buồn thương luyến nhớ của tôi đối với Thảo đã chìm dần vào quên lãng. Tôi quên phức Thảo, đến nỗi muốn gợi lại hình ảnh của cô bạn thân nầy, cũng khó lòng hình dung được. Thời gian thật tàn nhẫn, nó cứ chực xóa đi tất cả những gì mình đã ghi vào hồn trong tuổi ấu thơ. Trừ cái kỷ niệm xô Thảo xuống ao, những chuyện khác liên quan giữa tôi và Thảo, tôi chỉ nhớ mang máng, còn lãng quên không buồn ngẫm lại. Chính lúc ấy thì tên của Thảo được nhắc đến, và đã gieo thêm cho tôi một sự đau lòng.

Một chiều, chợt có bạn thân của mẹ tôi là cô Tư Liên ghé qua nhà. Trước kia cô cũng ở trong xóm, sau khi buôn bán xa, bẵng đi một dạo, nay mới có dịp trở về đây ghé thăm mẹ tôi luôn thể. Gặp tôi, cô vui vẻ hỏi:

- Thằng Phương đây hả? Cha, mới ngày nào còn khóc lè nhè nhõng nhẽo mẹ, đòi khúc mía củ khoai om, mà nay lớn đại. Mau thiệt há!

Rồi cô nói huyên thuyên, chuyện xưa tiếp đến chuyện nay, đem ra kể cả dọc. Tính cô vẫn vậy, ăn nói hoạt bát lắm, nên buôn bán dễ dàng cũng phải. Đang thuật chuyện đi đó đi đây bỗng cô hỏi mẹ tôi một câu khiến tôi chú ý:

- Nầy, chị còn nhớ chị Ba Cang hồi trước nhà ở kế đây không?

Dì Ba Cang, chính má Thảo! Mẹ tôi nói:

- Nhớ chứ. Hiện giờ chỉ ở đâu, làm nghề gì?

- Tôi gặp chỉ ở dưới Bình Đại. Hai vợ chồng mở tiệm hàng xén, làm ăn coi bộ cũng khá.

- Mấy đứa con của chỉ chắc cũng mạnh?

Mẹ tôi hỏi chính câu tôi mong. Cô Tư đáp:

- Chị hỏi tôi mới nhớ. Hiện chị ấy chỉ còn cậu con trai. Đứa con gái, con Thảo con Thiết gì đó, chết lâu rồi…

- Thảo chết! Sao vậy?

Mẹ và tôi đồng kêu lên sửng sốt. Cô Tư tiếp lời:

- Theo chị Ba Cang thuật lại thì bữa nọ chị em nó dẫn nhau ra chơi ngoài cầu tàu. Rồi chẳng rõ cớ gì hai đứa lại sinh cãi vã. Thằng em dọa xô con chị xuống sông, con chị thách lại, thế là gây nên chuyện…

- Lúc con nhỏ té xuống sông không ai thấy sao?

- Cũng theo lời chỉ thì lúc ấy cầu vắng người. Hơn nữa phải chị có đi miệt Bình Đại hẳn biết, sông ở dưới lúc nước ròng, nước chảy xiết, sóng nhiều, bờ sông lại cao lắm, té xuống quả khó vớt.

Nghe xong tôi cúi đầu than thầm : lại cũng thách thức! Câu chuyện gây gổ về hai chiếc thuyền giấy ngày xưa giữa tôi và Thảo vụt hiện đến với tôi. Sao nó trùng hợp với chuyện cô Tư Liên vừa thuật thế? Nhưng, trong khi kết quả lời thách thức của Thảo trong vụ đó chẳng có gì, thì kết quả lời thách thức sau nầy thật bi đát quá. Tôi không bao giờ có thể ngờ được.

Thách thức! Than ôi, thách thức! bắt đầu từ đó tôi căm thù những lời thách thức.

DẠ NHẤT PHƯƠNG

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 48 (https://4.bp.blogspot.com/-fI6A92-PiEk/V2OIpJ2AgEI/AAAAAAAAHMY/siGPdh1jPKYaSFg_PZc23ZOJ_HC0Rlx9wCLcB/s1600/TH%2B48.bmp), ra ngày 1-7-1966)

https://tuoihoandmore.blogspot.com/2014/07/thach-thuc.html

Câu chuyện từ tuổi thơ, đọc rồi vẫn nhớ ...:z51:

sôngthương
02-25-2020, 10:53 PM
Những người cô đơn .

Vài ý nghĩ khi đọc lại cuộc đời của Bác Sĩ Semmelweis

Trong cuốn Gương Hy Sinh của học giả Nguyễn Hiến Lê, tác giả có thuật chuyện đời một vĩ nhân xứng danh vĩ nhân, một người đã chịu "chết để cho người khác sống" vì thấy không còn cách nào khác để cảnh tỉnh mọi người ngoại trừ cái chết của chính mình. Đó là bác sĩ Ignace Philippe Semmelweis, sinh năm 1818 ở Hung Gia Lợi, chết vì nhân loại năm 1865. Bác sĩ Semmelweis đã CHẾT VÌ NHÂN LOẠI bởi vì khi bác sĩ đã tự thấy mình hoàn toàn bất lực trước sự câu nệ, cố chấp của mọi người thời đó, thấy họ đang vô tình giết hàng loạt người mà lời van lơn, giải thích, cảnh cáo của mình không được họ để vào tai, cuối cùng, quá thất vọng sau khi tìm đủ mọi cách để mọi người tin phát giác của mình về lý do khiến các sản phụ bị chết vì sốt sản hậu, mà không ai chịu tin, bác sĩ Semmelweis đành phải đem chính bản thân ra làm vật thí nghiệm, để tự rước lấy cái chết mà mà bác sĩ đã biết chắc từ trước. Điều cầu xin mọi người của bác sĩ Semmelweis để cứu cả triệu mạng người chỉ giản dị là: "HÃY RỬA TAY TRƯỚC KHI ĐỠ ĐẺ", rửa tay để sát trùng. Chỉ có thế thôi! Chỉ cần rửa tay cho sạch, là đã có cả triệu sản phụ khỏi chết! Nói nghe dễ quá! Nhưng tranh đấu để mọi người nghe theo điều đó, chính người phát minh đã phải dùng cái chết của mình để đánh đổi. Ngay đầu truyện, tác giả Nguyễn Hiến Lê đã ngậm ngùi:

"Làm được một việc thiện không phải là dễ! Có đủ sáng suốt để thấy con đường phải, đủ nghị lực để theo con đường đó, lại được bạn bè giúp sức, mà rồi phải thất bại trước sự ngu muội mênh mông của người đương thời, tánh thủ cựu bất di bất dịch của nhân loại, thói tranh quyền cố vị của người trên, lòng ghen ghét ti tiện của đồng nghiệp, đó là trường hợp chua xót của Ignace Philippe Semmelweis, một người trong ba chục năm hô hào bằng diễn văn, bằng sách, báo mỗi một việc rất dễ dàng là rửa tay để cứu hàng triệu nhân mạng mà chẳng ai theo cả, lại còn cản trở, chế giễu nữa, đến nỗi thấy đàn bà trẻ con chết cứ như rạ, ông đau lòng quá, mất trí tìm cách tự tử rồi tắt thở trong nhà thương điên, xa quê hương xứ sở".

Đọc lên lời than của học giả Nguyễn Hiến Lê, rồi đọc tới đoạn nói về những cố gắng của ông, đến lòng hy sinh bao la, đến sự tận tụy từng giây từng phút, đến sự tranh đấu từng ngày từng giờ, để cảnh tỉnh những người vì vô tình mà đã trở thành sát nhân ta nhận thấy nếu người như ông mà cũng chỉ nhận là người thôi, thì kẻ tầm thường như đa số chúng ta phải mắc cỡ vì được đứng vào hàng NGƯỜI hàng danh dự, trong đó có BÁC SĨ SEMMELWEIS.

Trên đường phục vụ nhân loại của ông, một con kỳ đà lớn nhất đã cản trở, đó chính là xếp trực tiếp của ông, bác sĩ Klein, giám đốc khu hộ sinh mà ông hành nghề. Bác sĩ Klein là một người tham quyền cố vị, nịnh bợ cấp trên mà tác giả Nguyễn Hiến Lê đã mô tả là:

"Bác sĩ Klein năm mươi hai tuổi, dốt, không có cao vọng, chỉ mong cố bám chặt lấy địa vị nhờ chính sách luồn cúi, gây bè đảng, triệt để tuân lệnh bề trên. Mỗi lần đi thăm bệnh, ông chỉ chú trọng xem giường có ngay hàng không. Ông cầm cây thước đo, hễ kẻ sai một phân là quát tháo ầm ỹ..."

Nhưng tội nặng nhất của ông Klein là tội ngu, làm nhà khoa học mà không chịu thí nghiệm tìm tòi, lưu ý đến những phát minh mới lạ. Thậm chí có một bác sĩ dưới quyền ông Klein chỉ có tội đã dám dùng cái ống nghe (cái mà ngày nay các bác sĩ đều dùng) để chẩn bệnh, bèn bị ông Klein đuổi ra khỏi nhiệm sở, phải về phục vụ tại một nhà thương điên. Lý do mà bác sĩ Klein viện ra để trừng phạt thuộc cấp là "cái ống nghe đó do người Pháp phát minh. Đại dưỡng đường ở đế đô thế này không thèm dùng món đồ của người Pháp"!

Hạng người thiển cận như thế mà cầm cân nẩy mực cho sinh mạng biết bao nhiêu người thì thật là đại họa đã xẩy ra. Vào thời gian đó các sinh viên y khoa sau khi mổ xẻ thây ma để học tập, bèn rửa tay qua loa hoặc chùi sơ, rồi đi đỡ đẻ. Cho nên vi trùng tử thi xâm nhập vào cơ thể sản phụ bèn sinh ra sốt nóng, mê sảng, sưng màng óc, sưng phổi, sưng ruột v.v... rồi bệnh nhân mạng vong! Có nơi sản phụ chết cả trăm phần trăm, hoặc ít ra cũng sáu bảy chục phần trăm.
Đến nỗi nhiều sản phụ đã lạy van bác sĩ, xin được đẻ ngoài đường, đẻ ở đầu bờ xó bụi cũng được, rồi hãy vào nhà hộ sinh nằm sau. Vì kinh nghiệm cho họ biết rằng đẻ như thế thì sống, còn đẻ ở nhà hộ sinh thì chết. Điều đặc biệt đó, không ai giải thích được.

Người giải thích được là bác sĩ Semmelweis thì thấy mọi người không nghe lời khuyên rửa sạch tay của mình, cứ dùng bàn tay dơ dáy để đỡ đẻ, để sản phụ cứ chết, đã cố gắng tranh đấu bằng trăm ngàn cách không được, đến phát điên lên, tự rạch tay mình rồi bôi mủ máu ở những tử thi mà các sinh viên giải phẫu để học tập vào, quyết nhận lấy cái chết vì nhiễm độc từ xác chết, giống như các sản phụ đã bị nhiễm độc. Ông quyết dùng mạng sống của chính ông để cảnh tỉnh các đồng nghiệp, để họ khỏi giết người nữa. Và ông đã chết. Và thế giới lúc đó mới lắng nghe tiếng kêu cứu của ông.

Nhưng phải đến 14 năm sau, bác sĩ Pasteur mới tìm ra vi trùng Streptocoque trong máu bệnh nhân rồi lại phải chờ cho lớp bác sĩ bác cựu, cố chấp cũ chết hết, lớp thủ sĩ tân tiến lên thay thế, phương pháp ngừa độc của bác sĩ Semmelweis mới được áp dụng. Rồi sau đó, thì nước Hung Gia Lợi là nơi ông sinh ra, nước Đức nhận là tổ quốc của ông và nước Áo nhận là có công đào tạo ông đều tranh nhau nhận ông là của mình, tranh nhau đòi giữ xác ông, đòi làm quốc táng cho ông. Bởi vì bây giờ ông đã trở thành vĩ nhân, vào hàng ân nhân của nhân loại.

Ấy thế mà khi còn sống, còn đang lăn xả vào tranh đấu cho quyền sống con người, thì ông lại bị các giáo phái phản đối, bị áp lực mà mất chức. Vì phe thủ cựu không muốn có những sự cải tổ, sợ mất chỗ đứng, nên họ tìm đủ cách hất ông ra, giữa khi nhờ sự cương quyết bắt áp dụng điều lệ: PHẢI RỬA TAY TRƯỚC KHI ĐỠ MỖI SẢN PHỤ mà không còn ai chết vì sốt sản hậu. Mỉa mai thay, nhờ điều lệ đó, sản phụ không chết nên khi ông bị đuổi ra khỏi nhiệm sở, một sản phụ thoát chết đã xỉa xói, mắng nhiếc ông:

- Về Hung Gia Lợi đi! Ở đây chúng tôi không cần ông! Đàn bà chúng tôi dơ quá mà! Nếu khám tụi tôi xong bác sĩ phải rửa tay! Về Hung mà rửa tay rồi khám các sản phụ của mi.

Khi chân lý chưa được soi sáng thì những kẻ ngu xuẩn đã viện vào đủ mọi bình phong để vênh vang đắc thắng, trong số đó có mụ đàn bà ngu xuẩn vô ơn kể trên. Thời nào cũng có đầy dẫy hạng đó! Gặp những cảnh trớ trêu như thế mà ông không nản chí, vẫn lăn xả vào mà biện bạch, van lơn xin mọi người đừng tiếp tục giết sản phụ. Hãy rửa tay! Hãy rửa tay! Hãy rửa tay!

Than ôi! Sao lại có người nhân từ và bác ái đến thế.


ĐỖ PHƯƠNG KHANH

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 125 (https://3.bp.blogspot.com/-K2WGohSzGp4/V9GPV7xhF_I/AAAAAAAAIJc/DdI4xr81Nj4tXBYSv0kWeLHcXjq-DYpJgCLcB/s1600/TN%2B125.jpg), ra ngày 1-6-1974)

https://tuoihoandmore.blogspot.com/2020/02/nhung-nguoi-co-on.html

sôngthương
05-19-2020, 10:56 PM
Vực mở
(Nguyễn Ngọc Tư)

Có con, chuyện con có bồ cũng tự nhiên như nó ho, sổ mũi hồi vài ba tuổi. Nghĩa là cũng quan trọng đó, nhưng không nguy cấp tính mạng, thủng thẳng lo được. Hiểu biết chung quanh chuyện trai gái hồi trước chỉ trông cậy vào lời khuyên bảo mù mịt hoang đường của người già, giờ thì kiến thức đâu cũng có, từ trường học, sách, mạng… Con biết chắc hôn môi tuyệt đối không có bầu, mình đỡ phải nói gần nói xa chuyện chạm da va thịt, những thứ mà nói bằng lời cũng sượng. Chỉ phải nhắc con, nhớ chọn người tử tế.

Vài ba năm trước một bà mẹ vô lo còn nghĩ vậy khi con đưa bồ về nhà ra mắt, giờ thời thế trở quẻ, yêu là mạo hiểm rủi ro như leo núi. Đi bên những bờ vực. Bất trắc không phải ở những khúc quanh, từng gờ đá, mà từ người bạn đường thân thiết nhất. Cái câu “chọn người tử tế” tưởng nhẹ tênh, hóa ra là một nhiệm vụ xương xẩu. Tử tế sống chung đến nửa đời cho đến khi vợ bị chồng đẩy xuống sông. Tử tế yêu nhau cho đến khi oằn dưới những nhát dao quyết liệt từ tay bồ giữa một cuộc cãi cọ chẳng đáng gì.

Mấy anh bạn đào hoa lúc này không biết đã có chút lấm lét chưa, khi nhắc đến chữ ‘bồ”. Những cuộc chia tay cho đến lúc này xảy ra êm đẹp, chưa cô nào đặt kíp nổ trong xe để úm ba la hai đứa chết chùm. Nhưng chưa chẳng có nghĩa là không có. Những bờ vực luôn mở khi những người yêu nhau còn nghĩ anh ấy hoặc cô ấy là của mình. Da thịt nọ của mình, cứ nghĩ rơi vào tay người khác thôi là đã không đành. Cầm tù nhau bằng cái khóa thề mang tên “mãi mãi” coi bộ không chắc ăn, kết luôn án tử. Cái bi kịch “của mình” này cuốn Nguyệt thực nổi tiếng của Trung Quốc viết rồi, cả chương Ba là quang cảnh nông trường chăn nuôi phá sản, những nông dân đi giành lại những thứ “của mình”. Một cô bé vì quyết liệt giữ cái nồi nấu cám mà bứt đứt lìa cánh tay. Ôm cái nồi vẫn còn cánh tay bé bỏng kia bám cứng trên quai, gã thắng trong cuộc cướp bóc đem về treo trên giàn bếp. Mới nhớ ra đứa bé ấy là đứa con rơi “của mình”. Mẹ đứa nhỏ dặn nó phải cố giành nồi nấu cám cho bằng được để làm quà nhận lại cha.

Ngoài mấy bài giảng tập hợp thành sách của những vị thiền sư bày trên kệ sách tôn giáo, chẳng thấy trường lớp nào dạy cách buông bỏ. Giữ rịt, vơ níu bất chấp từ những lĩnh vực nhập nhoạng như chính trị, hào nhoáng như giới giải trí, đến lãng mạn như tình yêu. Xưa, phải lòng người mua chiếu mà anh bán chiếu Cà Mau buồn thỉu buồn thiu, nghĩ người ta đã có đôi rồi, thôi mình vác cặp chiếu bông trở về. Giờ yêu đơn phương mãi không được đáp tạ, tưới xăng mồi lửa người thương giữa đường. Lan trong tuồng cải lương nổi tiếng Chuyện tình Lan và Điệp không buông bỏ được nên chết héo chết sầu, Lan bây giờ không buông bỏ được xách mã tấu chạy đến đám cưới của thằng bồ vừa kịp cũ. Sinh viên có kiểu thanh trừng người yêu bằng dao kéo, ca sỹ có kiểu lên báo hài tội bồ cũ của ca sỹ, chính khách cũng có kiểu riêng thanh toán đồng chí của mình. Không tin, mời coi báo.

Bỗng sến và xưa quá cỡ cái bảng lảng của buổi tiễn đưa người yêu đi lấy chồng, có người đứng lặng trông, xác pháo tan nát lòng. Nhạc của thời loạn lạc mà thấy tình yêu dường như lành lặn, không vết chém, không hận thù. Là chỗ nương tựa giữa buổi đạn nổ pháo cày. Là nín nhịn hy sinh, thôi em về với người ta, quên thằng nhạc sỹ nghèo này đi. Có ông còn nhận thẳng thắn nhận ra chuyện người tình không lấy mình là lựa chọn sáng suốt, lúc đầu hỏi “con đường em theo đó đúng hay sai em”, sau tự trả lời luôn , con đường em đi đó đúng đấy em ơi.

Tình yêu là một vết thương không kín miệng, mấy ông danh nhân nói vậy. Lâu lâu chảy chút máu chơi, cho thú vị đời, chẳng chết ai. Nhưng giờ người ta chảy máu đến chết dưới tay người yêu nhiều quá, những cái vực mở hút sâu khi thời thế khiến thiên hạ sống ngày càng táng tận ráo riết.

Nụ hôn sẽ có vị gì khi nghĩ tới bồ bịch đang giấu dao trong áo ?

Cuộc đời đúng là kinh ngạc hết sức, tưởng đã thấu hiểu đến đáy của phi đạo đức rồi, mà đáy vẫn đầy những ngách hang ngoắt ngoéo. Chẳng lẽ đổ lỗi cho củ gừng Tàu tẩm độc, ai ăn vào cũng phát điên ?


http://www.nguyenngoctu.net/2013/06/nay-thi-vuc-mo.html

sôngthương
06-13-2020, 06:45 AM
Dỗ dành cũng khác






Đời sống dời đổi không ngừng, nên vỗ về nhau cũng không thể xài cách cũ .

https://cdn.thesaigontimes.vn/Uploads/old1/Articles04/156294/d8d1d_do_danh_200.jpg





Thằng em họ bán đất bỏ xứ đi sau bốn mùa tôm thất bát, không phải tự dưng bạn nghĩ cái kết cuộc cả nhà nó đùm gói lên xe đò đi miền Đông làm mướn cũng có phần lỗi của mình. Mùa đầu nó trắng tay, bạn bảo không sao đâu. “Rồi xui rủi sẽ qua, ngày mai là ngày mới”, bạn nói vậy ở mùa hai. Mùa ba em trắng tóc với những món nợ như thòng lọng treo trước mặt, bạn vẫn khăng khăng trời đâu phụ người ta hoài.

Bây giờ nhớ lại, cái gọi là động viên, lại giống như ru thằng em ngủ quên trong ảo tưởng. Bởi lúc nói những lời hời hợt đó, cả hai ngồi ngay dưới bến, ngó dòng sông vẫn cợn phù sa, nhưng sắc nước bầm lại, xanh xám như con bịnh lâu ngày. Đồng tôm của thằng em chỉ cách những ống xả thải của mấy nhà máy chế biến thủy sản chừng chục cây số, và khoảng cách chừng đó về phía Bắc, là chợ, nơi còn hàng ngàn căn nhà dầm chân trên quãng sông nhuộm nước đen trong bao nhiêu tắm giặt, rác rến.

Lạc quan cho mấy, cũng biết con sông mà chị em bạn từng tắm mát của ba mươi năm trước, nơi những người đàn bà xóm Lá giặt áo gội đầu, dòng nước tinh sạch ấy không bao giờ trở lại. Giờ rửa chân còn ngại, nói gì đến lấy nước đó làm chỗ sống cho tôm, vốn là loại đỏng đảnh khó chiều. Vậy mà bạn vẫn bỏ qua thực tại, dỗ lấy được, giống hệt dân xóm Lá động viên nhau sau những rằm những ba mươi giở lú chỉ thấy toàn rác và bọt nước, rằng không sao đâu, biết đâu mùa tôm đang chờ ở con nước tới.






Cũng những con người này, hồi còn làm lúa vụ một vụ hai, có năm mưa dầm nhấn chìm ruộng sạ, họ nói có sao đâu, còn chút lúa đít bồ, nay mai nước rút ủ giống lại. Có quãng bắn nhau dữ quá, họ phải bỏ xóm ra chợ tản cư, tự nhủ không sao đâu, bom đạn rồi cũng tạnh (nghe nói bom mắc lắm, tiền đâu mà mua dội xuống hoài), chừng ngừng chiến lại về vườn lên liếp trồng rau. Còn đất còn sông là còn hy vọng.

Những lời khích lệ kiểu đó bắt rễ từ đáy lòng, nở trên môi, như một cách đỡ nhau đứng dậy, khi căn nhà trong xóm bị bom vùi, khi người đổ xuống vì đạn lạc, khi cơn bão đi qua, mùa giáp hạt quá dài. Mấy chữ “không sao đâu”, “kệ nó, tính sau, sớm mai mặt trời lại mọc” mang tinh chất của hy vọng, cơ hội làm lại, tin vào sự từng trải trước bất trắc ở đời. Ông trời đâu có xéo xắt con người ta mãi được, ý nghĩ ấy như đức tin.

Coi lại, dân xứ mình dễ dỗ. Mấy cuộc chiến qua, xương thịt mất đi được yên ủi bởi tấm bằng tổ quốc ghi công treo vách, một chút tiền cho người thân, buổi thăm chớp nhoáng nhân ngày lễ. Bên thất trận, vẫn những bó xương buồn hiu, được vỗ về bằng một vài đại lễ cầu siêu, rất lâu sau. Và người bị bứt, bị nhổ khỏi rừng ruộng, bị ru ngủ trong những khu tái định cư sực mùi vôi mới quét, để thức dậy thấy mắt cay chẳng biết sinh kế ra sao, kiếm ăn cách nào với cuộc đời phía trước.

Chỉ trẻ con mới khiến người lớn biến dỗ dành thành nghệ thuật. Đứa trẻ tập xe đạp xước gối sẽ nhớ ba nó vừa thổi vào vết thương vừa nói, “cái thẹo này chắc tự hào lắm, nhờ nó mà cu Tí biết chạy xe”, hay cậu học trò yếu đuối không quên điểm mười của ông thầy thể dục dù cậu về đích sau cùng, “bởi vì em đã không bỏ cuộc”. Cũng là một cách bảo con nín đi, mẹ lại nói có muốn uống chút sữa không, khóc nhiều thì phải bù nước.

Bạn từng nghĩ cuộc san sẻ khó nhằn nhất là với ai đó vừa tiễn người thân về đất. Nói với bà mẹ vừa mất con rằng thôi cứ nghĩ duyên nợ với nhau chỉ chút này, hay “thằng nhỏ vẫn ở đâu đây, chỉ cần mình tin là có”, thực chất là sáo mòn. Rồi nhận ra, với một số nỗi đau, góp mặt đã là vỗ về, ngồi im lặng bên họ, nghe tổn thương lên tiếng, không nhất thiết phải nói gì, nhất là những lời vô nghĩa.

Từ biển bị bức tử, lại thấy dỗ dành những con người bị mất biển kia cũng khó kém gì. Tới với họ, ngồi nghe nỗi mặn, không xoa dịu là bao. Nói “đêm rồi sẽ qua”, có khi bị đánh chảy máu mũi, bị phỏng rát dưới bao ánh nhìn thù nghịch, “rốt cuộc thì mi chọn bên nào?”. Bởi những con người đó, kể cả đứa trẻ vừa mới chào đời kia, sẽ không chờ được ngày biển hồi sinh, trở lại như hồi chưa bị đầu độc.

Bảo “không sao đâu” là lừa gạt, “sẽ có cách” là trì hoãn (thực chất là chẳng có cách nào), nhưng nói “khổ gì cũng trải qua rồi, cố chịu thêm chút nữa” thì đã bước qua ranh ác. Họ còn phải cố tới chừng nào, trên mảnh đất nhàu nát bởi bão lũ. Nhưng cuộc biển bị bức tử, sông chết mòn này đâu phải bởi trời. Thật không biết an ủi gì cho phải với những người trước mặt là núi chắn, biển chết sau lưng, chỉ còn những đám mây trên đầu, lủ khủ nhưng không ăn được.

Đời sống dời đổi không ngừng, nên vỗ về nhau cũng không thể xài cách cũ. Ngoài những ưu phiền tự nhiên như tuổi già, bệnh tật, quanh bạn ngó đâu cũng thấy người cần được dỗ, như thanh niên xóm Lá lần lượt bỏ xứ đi làm mướn, thằng bạn bị lọt hố ga gãy mấy cọng xương sườn, bên nhà em chồng trận mưa nào cũng ngập vì nước ngoài đường tràn vào.

Tới lúc nào đó, mạnh ai nấy tự dỗ mình, chứ còn sức đâu mà ủi an nhau. Khi ấy người ta ru tổn thương bằng gì khi “không sao đâu” đã hoàn toàn vô dụng. Nhưng cách nào thì dỗ dành ai đó đang đau, tuyệt đối, không thể nào, bằng bạo lực.

Nguyễn Ngọc Tư

https://www.thesaigontimes.vn/156294/Do-danh-cung-khac.html (https://www.thesaigontimes.vn/156294/Do-danh-cung-khac.html)

sôngthương
07-23-2020, 07:10 PM
Đọc để thấy các thế hệ trước vất vả thế nào, chúng ta hôm nay thừa hưởng các giá trị, hãy biết trân trọng những giá trị ấy.


BỆNH BẠCH HẦU
==============
Đêm 27 tháng 1 năm 1925, một tiếng còi tàu đã xuyên qua sự tĩnh lặng của thành phố Nenana khi kiện hàng quý giá là một gói huyết thanh 20 pound được bọc trong túi da nhồi lông thú bảo vệ, sẽ được chuyển đến thị trấn nhỏ Nome ở Alaska để cứu sống những đứa trẻ đang thở hổn hển vì bệnh bạch hầu.

Thị trấn Nome cách Nenana 674 dặm (1.085km) về phía Bắc.
Nài đua xe kéo chó hoang dã Bill Shannon nhận lệnh từ 9 giờ tối, nhiệm vụ của ông là vận chuyển gói bưu kiện huyết thanh đặc biệt, Shannon buộc nó chắc chắn vào chiếc xe trượt tuyết.
Nhiệt độ ngoài trời là -46⁰C.
Bill Shannon ra hiệu lệnh, 11 chú chó lao về phía trước, những móng chân sắc nhọn đã cắm sâu trên con đường đầy tuyết, nó mở đầu cho “Cuộc đua Nhân từ Vĩ đại - Great Race of Mercy” không có người thua kẻ thắng, nhưng nó đã khắc sâu vào lịch sử phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm của loài người.

Đêm mùa đông ở Alaska, nhiệt độ luôn dưới -60⁰F, nhưng Shannon hiểu rằng mỗi giây trôi qua là một khoảnh khắc vô cùng quý giá với những đứa trẻ đang nằm chờ chết. Những con chó đua của Shannon dường như cũng hiểu điều đó, chúng chạy quá nhanh và thở quá sâu, trong điều kiện băng giá như vậy phổi của chúng có thể bị bỏng và chết.

Mặc dù Shannon chạy bên cạnh chiếc xe trượt tuyết để làm tăng nhiệt độ cơ thể, nhưng thân nhiệt của ông vẫn bị hạ và tê cóng, Shannon ngã xuống trước lần dừng chân thứ nhất khi mới được 84km.
Thời điểm đó là lúc 3 giờ sáng.

Thời gian dự định dừng chân là 7 giờ sáng, sớm hơn 4 tiếng, nhiệt độ lúc đó là −52°C. Ba con chó đua Cub, Jack và Jet đã vĩnh viễn nằm xuống vì chấn thương phổi do lạnh, Bill Shannon bị bỏng nghiêm trọng toàn bộ vùng mặt. Sau khi huyết thanh được làm ấm, Shannon để 8 chú chó sống sót tiếp tục lên đường, nhưng 1 con cũng chết ngay sau đó ít giờ trước khi hoàn thành đường đua thứ nhất.

Ròng rã 6 ngày đêm, Cuộc đua Nhân từ Vĩ đại của 150 con chó với sự chỉ huy của 20 nài đua, đã xuyên qua quãng đường 1.085km, qua những vùng đất hoang vu gồ ghề, qua những dòng nước lạnh lẽo có những tảng băng lớn trôi trên lãnh nguyên Alaska.
Những đứa trẻ ở thị trấn Nome đã bắt đầu chết rải rác từ đầu tháng 1 năm 1925.

Bác sĩ duy nhất của Nome, Tiến sĩ Curtis Welch, ông đã chẩn đoán những đứa trẻ bị bệnh bạch hầu và bắt đầu lo sợ dịch bệnh có thể khiến thị trấn gần 2000 người gặp nguy hiểm, tính mạng cả người lớn và trẻ con đều bị đe dọa nghiêm trọng.

Ngay từ đầu tháng 1, khi mỗi ngày thị trấn Nome lại có thêm ca mắc mới, Tiến sĩ Curtis đã ban hành lệnh kiểm dịch khẩn cấp, nhưng ông hiểu chỉ có vắc-xin kháng độc tố bạch hầu mới có thể giúp ngăn chặn hiệu quả căn bệnh đang lây lan.

Bắt đầu xuất hiện từ Thế kỉ V Trước Công nguyên, bạch hầu là một căn bệnh khủng khiếp, nó giết chết trẻ em nhiều nhất và người lớn ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng không được tha .

Sau khi nhiễm căn bệnh này, độc tố vi khuẩn tạo thành màng giả mạc rất dày màu trắng xám, nó bám chặt vào hầu họng và amidan làm cho những đứa trẻ bị nghẹt thở và thở hổn hển. Giả mạc và tổn thương viêm không dừng lại ở cổ họng, mà nó lan xuống thanh quản, tạo nên tiếng ho thanh quản rất điển hình, TIẾNG HO ÔNG ỔNG và rít lên NHƯ TIẾNG CHÓ SỦA.

Vì nạn nhân tổn thương giả mạc bám ở hầu họng, cổ bị sưng lên rất to, ho sặc sụa ông ổng như chó sủa và không thể thở được, nên người Tây Ban Nha gọi căn bệnh này là “kẻ treo cổ - el garatillo”. Tên gọi “bạch hầu – diphtheria” xuất phát từ tiếng Hy Lạp ‘diphthera – giả mạc’ được bác sĩ người Pháp Pierre Bretonneau sử dụng từ năm 1926.

Pierre Bretonneau cũng là người đầu tiên mô tả bệnh bạch hầu.
Đến năm 1883, hai nhà vi khuẩn học người Đức là Edwin Klebs và Fredrick Loeffler soi dưới kính hiển vi đã phát hiện ra vi khuẩn bạch hầu và đặt cho chúng cái tên Klebs-Loeffler. Tên gọi này được thay đổi 3 lần theo thời gian. Cuối cùng, dựa vào hình dáng vi khuẩn mảnh khảnh và hơi cong, danh pháp hiện nay được dùng là “corynebacterium diphtheriae”.

Tìm ra vi khuẩn nhưng cơ chế gây bệnh vẫn là một bí ẩn.
Trước khi đến Việt Nam định cư và làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội, Yersin đã bắt tay nghiên cứu vi khuẩn bạch hầu, ngay sau buổi nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ ở tuổi 24.

Yersin phát hiện ra tử thi trong máu không có vi khuẩn bạch hầu, trong khi các tạng bị phù nề, đặc biệt là cơ tim và tuyến thượng thận, hay các cơ quan khác đều có thể gặp tổn thương. Gây bệnh thực nghiệm trên động vật, Yersin cũng phát hiện điều tương tự, xét nghiệm máu không thấy vi khuẩn.

Từ hiện tượng đó, Yersin cùng với đồng nghiệp Roux đã đưa ra giả thuyết, rằng có một loại chất độc rất mạnh hình thành nên giả mạc ở chỗ vi khuẩn phát triển là vùng hầu họng, độc tố từ đó lan vào máu gây tổn thương đa phủ tạng.

Giả thuyết này được Yersin và Roux chứng minh bằng cách dùng nước lọc nuôi cấy vi khuẩn bạch hầu, loại bỏ toàn bộ vi khuẩn, tiêm nước lọc đó cho động vật thực nghiệm. Kết quả, động vật thực nghiệm xuất hiện các triệu chứng tương tự bệnh bạch hầu.
Yersin và Roux đã công bố kết quả nghiên cứu vào năm 1888.

Cơ chế gây bệnh đã được Yersin và Roux làm sáng tỏ, đó là ngoại độc tố do vi khuẩn bạch hầu tiết ra, nó đi vào máu và gây viêm cơ tim dẫn đến đột tử, tổn thương thần kinh và các tạng khác cũng hết sức nghiêm trọng; tỉ lệ tử vong có thể tới 20% đặc biệt ở 2 lứa tuổi dưới 5 và trên 40.

Công trình nghiên cứu của Yersin và Roux đã trở thành cuộc cách mạng trong điều trị bệnh bạch hầu, Emil Adolf von Behring và Shibasaburo Kitasato đã nghiên cứu về kháng độc tố áp dụng vào điều trị, còn gọi là “thuốc chống bạch hầu”. Ban đầu, 2 ông đã tiêm độc tố bạch hầu vào động vật thí nghiệm, nhằm mục đích kích thích tạo ra kháng độc tố. Do nhu cầu huyết thanh điều trị cho người quá nhiều, nên các động vật lớn được đưa vào thử nghiệm như bò và lừa, cuối cùng chỉ có ngựa phản ứng tạo ra kháng độc tố tốt nhất.

Các chuồng nuôi ngựa hút máu chữa bạch hầu phát triển khắp nước Mỹ và châu Âu.
Năm 1901, Emil Adolf von Behring đạt giải Nobel Sinh lí & Y khoa đầu tiên, với công trình huyết thang kháng độc tố bạch hầu. Nhưng đóng góp của Behring là chưa đủ, thật không may do thiếu vắc-xin hiệu quả, số người nhiễm bệnh bạch hầu trên thế giới vẫn còn quá nhiều. Năm 1921, hơn 206.000 người Mỹ mắc bệnh bạch hầu, trong đó 15.520 ca tử vong. Bạch hầu đứng thứ ba trong số các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em ở Anh và xứ Wales.

Chính Behring đã chế tạo vắc-xin bạch hầu vào năm 1913. Ông trộn độc tố bạch hầu và giải độc tố, sau khi tiêm hỗn hợp này, cơ thể có biểu hiện bệnh ở mức độ nhẹ, đồng thời sinh ra kháng thể chống bạch hầu.

Năm 1926, nhà miễn dịch học người Anh Alexander Glenny đã tối ưu hóa vắc-xin bạch hầu (toxoid). Vào những năm 1930, vắc-xin bạch hầu được phổ biến ở nhiều quốc gia khác nhau để tiêm chủng, từ đó số người mắc bệnh bạch hầu đã giảm đáng kể trên toàn thế giới. Từ năm 1980 đến năm 2000, tổng số trường hợp mắc bệnh bạch hầu được báo cáo trên toàn cầu đã giảm> 90%.
Ở Việt Nam, Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) bắt đầu từ năm 1981, tỉ lệ bệnh bạch hầu giảm nhanh chóng đến năm 1985 là 3,95/100.000 dân, năm 2000 giảm xuống còn 0,14/100.000 dân.

Vắc-xin giải độc tố bạch hầu xứng đáng là vắc-xin hiệu quả nhất!
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xếp vào nhóm B, rất dễ lây lan khi ho, hắt hơi và thậm chí nói chuyện, hay sờ vào các vật dụng có vi khuẩn, nếu hệ thống miễn dịch không được tiêm vắc-xin sẽ rất khó để có thể đối phó.

Một đợt bùng phát dịch bệnh bạch hầu ở Alaska năm 1925 đã đi vào lịch sử với 150 chú chó đua Nenana-to-Nome trở nên nổi tiếng bất đắc dĩ, khi chó lần đầu tiên tham gia vận chuyển và điều hành thuốc kháng độc tố để chữa trị cứu sống những đứa trẻ đang bị bệnh ở Alaska (Mỹ).
Thời điểm đó, bác sĩ Curtis Welch không có chất chống độc tươi trong tay, ông chỉ có một lô thuốc đã hết hạn trong khi lô thuốc mà ông đặt hàng năm 1924 vẫn chưa đến. Curtis đã gửi một bức điện tín yêu cầu chính quyền liên bang chuyển thuốc chống độc. Trong lúc chờ đợi, bác sĩ Curtis không thể bó tay, ông đành mang lô thuốc đã hết hạn tiêm cho các bệnh nhân, nhưng một bé gái trong số những trẻ đó đã tử vong.

Nhận được yêu cầu của bác sĩ Curtis, một bệnh viện ở Anchorage đồng ý cung cấp 300.000 đơn vị thuốc kháng độc, nhưng tàu hỏa chỉ vận chuyển được đến Nenana, khoảng cách từ đó đến Nome còn xa 1.085km. Mùa đông đã đóng băng Alaska, tất cả phương tiện giao thông đường thủy và đường bộ đều bị băng tuyết phủ kín không còn khả năng di chuyển, máy bay có buồng lái hở cũng không thể bay ở nhiệt độ liên tục thấp hơn -51⁰C vì máu của phi công sẽ bị đóng băng, động cơ làm mát bằng nước nên sẽ bị đông cứng trong giá lạnh.

Thời điểm đó, thống đốc Scott C. Bone hi vọng chỉ có những con chó được nuôi trên những cung đường đầy tuyết ở Alaska mới có thể cứu sống gần 2000 cư dân thị trấn Nome, và ông đã tổ chức “Cuộc đua Nhân từ Vĩ đại - Great Race of Mercy” có 1-0-2 trong lịch sử loài người.
Vào đêm 27 tháng 1 năm 1925, một tiếng còi tàu đã xuyên qua sự tĩnh lặng của thành phố Nenana khi kiện hàng quý giá là một gói huyết thanh 20 pound được bọc trong túi da nhồi lông thú bảo vệ, sẽ được chuyển đến thị trấn nhỏ Nome ở Alaska để cứu sống những đứa trẻ đang thở hổn hển vì bệnh bạch hầu.

Cuộc hành trình của 150 con chó cùng với 20 nài đua đã vượt qua 1.085km trên những cung đường khắc nghiệt nhất của nước Mỹ. Dưới ánh trăng, mùa đông Alaska chẳng còn phân biệt ngày và đêm, tất cả cùng chung màu tối lờ mờ. Những con chó chạy tiếp sức không ngừng nghỉ chạy được 6 dặm mỗi giờ, chúng phải chiến đấu với nhiệt độ thấp kỉ lục trên đường đi và chỉ dừng lại mỗi khi cần làm ấm huyết thanh.
Nhiều con chó đã chết.

Tuyến đường vận chuyển bưu kiện huyết thanh từ Nenana đến Nome chia làm 5 chặng. Chặng đầu vượt qua vùng nội Alaska cằn cỗi, đến bờ sông Tanana, kéo dài 220km. Chặng thứ hai bắt đầu từ làng Tanana ở ngã ba với sông Yukon, rồi vượt qua vùng Yukon, với quãng đường 370km đến Kaltag. Chặng thứ ba tiếp tục sau đó, đi về phía tây 140 km qua trạm vận chuyển Kaltag Portage đến Unalakleet trên bờ biển vịnh Norton Sound. Chặng thứ tư tiếp tục đi 335km về phía tây bắc xung quanh bờ phía nam của bán đảo Seward, tuyến này không có địa hình che chắn gió mạnh và bão tuyết, trong đó có 68km trải dài trên mặt băng đang dịch chuyển của biển Bering.

Đến Minto lúc 11 giờ sáng ngày 28 tháng 1, Shannon và 7 chú chó đua đã kiệt sức và rơi vào tình trạng nguy hiểm, ông phải bàn giao lại huyết thanh cho nài Edgar Kalland. Sau khi huyết thanh được sưởi ấm, Kalland cùng với đoàn chó đua của mình bắt đầu xuyên rừng, nhiệt độ ban ngày đã tăng được một chút lên -49⁰C, nhưng đến trạm nghỉ chân lúc 4 giờ chiều, người ta đã phải đổ nước nóng mới có thể rút được đôi tay đã đông cứng của Kalland ra khỏi tay lái của xe trượt tuyết.

Hệ thống bão tuyết từ lục địa liên tục tấn công, nhiệt độ ở Alaska thấp kỉ lục trong vòng 20 năm, những cơn gió với vận tốc 40km/h quét tuyết thành những lớp dày lên tới 3 mét, mọi con đường đến thị trấn Nome đều vô cùng nguy hiểm.

Gunnar Kaasen, người đàn ông 42 tuổi cùng 13 con chó của mình tham gia vận chuyển túi huyết thanh. Trên đoạn đường đến làng Solomn, lúc băng qua đồng bằng Bonanza, Kaasen gặp một cơn bão tuyết. Dân làng khuyên anh dừng lại tránh bão, nhưng Kaaren cùng chú chó dẫn đầu Balto vẫn quyết tâm vượt qua khó khăn, để kịp mang huyết thanh đến với những đứa trẻ nhỏ.

Tuyết rơi dày đặc đến nỗi đôi mắt nheo nheo của Kaaren không thể nhìn thấy bất cứ chú chó nào trong đội đua của mình, anh càng không thể nhìn thấy đường đua. Chú chó dẫn đường Balto cũng không thể nhìn thấy đường, nhưng bù lại Balto có khả năng khứu giác cực tốt là dựa vào mùi hương thay cho tầm nhìn, để dẫn dắt 13 con chó vượt qua con đường phủ đầy băng tuyết. Đột nhiên, một cơn gió hung tợn với tốc độ gần 130km/h đã lật úp chiếc xe chở 20 pound thuốc giải độc tố. Kaasen hoảng loạn lao vào đống tuyết cào bới, đôi bàn tay tê cóng thật may mắn, cuối cùng anh cũng tìm được túi huyết thanh.

Một nài đua khác là Ed Rohn đang chờ Gunnar Kaasen để đưa túi huyết thanh về thị trấn Nome, nhưng bão tuyết quá khủng khiếp, vì thế mà Kaasen quyết định không dừng chân để tránh nguy hiểm cho nài mới, anh lặng lẽ tiếp tục hành trình 34km cuối cùng trong bảy tiếng rưỡi, đến Nome vào lúc 5:30 sáng Chủ nhật ngày 2 tháng 2 năm 1925.

Gói huyết thanh nặng 20 pound đã được trao cho bác sĩ Curtis Welch.

Những đứa trẻ và người dân trong thị trấn nhỏ Nome đã được cứu thoát khỏi dịch bệnh bạch hầu nhờ gói huyết thanh đó. Nhưng 4 con chó trong tổng số 150 con chó đã vĩnh viễn ra đi, trong đó có một chú chó bị tuyết vùi sâu và chẳng bao giờ tìm thấy di hài để chôn cất.

Trở về từ cuộc đua lịch sử, chó Balto được hãng Hollywood mời đóng bộ phim dài 30 phút, nói về cuộc đua mang vắc-xin đến Nome. Tháng 12 năm 1925, một bức tượng đồng chó Balto được dựng lên, là biểu tượng ghi nhớ công ơn những chú chó tại Công viên Trung tâm của New York.
Tất cả các chú chó đều xứng đáng dựng tượng đồng.

Đặc biệt là chó Togo dẫn đầu đội 6 chó đua, đã vượt qua chặng đường dài nhất tới 146km, trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, những cơn gió giết người và cơn bão tuyết chưa bao giờ suy yếu, nguy cơ lạc và bỏ mạng giữa đường rình rập bất cứ lúc nào, nhưng chó Togo bằng khứu giác của mình luôn dẫn cả đoàn đi đúng lộ trình cho đến trạm dừng chân Dexter tại Golovin thì chó Togo và đồng nghiệp của mình đã hoàn toàn kiệt sức.

Cuộc đua Nhân từ Vĩ đại là chiến công cuối cùng của chó Togo. Những ngày tháng sau đó không thoát khỏi bệnh tật, chó Togo qua đời năm 1929, thi hài của Togo được bảo quản và đưa vào Trụ sở Đua chó Sled Iditarod Trail ở Wasilla, Alaska.

Sau ánh đèn sân khấu mờ dần, chó Balto sống những ngày cuối đời tại sở thú Cleveland, thi hài của Balto cũng được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Cleveland.

Từ năm 1973 cho đến nay, để tưởng nhớ tới công lao của 150 con chó đã cứu sống cộng đồng dân cư Alaska khỏi dịch bệnh bạch hầu, cuộc đua chó mang tên Sled Iditarod Trail được tổ chức vào tháng 3 hàng năm trên những cung đường mà chó Balto và Togo cùng 150 chó đồng nghiệp đã đánh bại trong cuộc đua dữ dội phòng chống dịch bệnh bạch hầu của gần 100 năm về trước.


https://www.facebook.com/Bs.Phuc.Radiologist/



https://www.youtube.com/watch?v=c5cpLyErs5I&fbclid=IwAR2GWd9QJ-QjMTLv60sCrt1CeMY51jCwjBlFJlXh4Ei0hPMHBoKKuDiD_e0 

Triển
07-24-2020, 01:10 AM
Đọc để thấy các thế hệ trước vất vả thế nào, chúng ta hôm nay thừa hưởng các giá trị, hãy biết trân trọng những giá trị ấy.


https://www.youtube.com/watch?v=c5cpLyErs5I&fbclid=IwAR2GWd9QJ-QjMTLv60sCrt1CeMY51jCwjBlFJlXh4Ei0hPMHBoKKuDiD_e0


Lòng biết ơn. :)

sôngthương
07-27-2020, 09:38 PM
Lòng biết ơn. :)


Dạ, túm lại rất gọn thì đúng là như vậy :z67::)

"Đọc để thấy các thế hệ trước vất vả thế nào, chúng ta hôm nay thừa hưởng các giá trị, hãy biết trân trọng những giá trị ấy."

Câu này là của tác giả bài viết, St chỉ copy lại thôi ạ :)

Triển
07-27-2020, 10:28 PM
Câu này là của tác giả bài viết, St chỉ copy lại thôi ạ :)

Dà, thì bảo vệ tác quyền cũng là biểu hiện của "Lòng biết ơn" chứ răng! :) :z67:

sôngthương
08-16-2020, 10:28 AM
Dà, thì bảo vệ tác quyền cũng là biểu hiện của "Lòng biết ơn" chứ răng! :) :z67:

Dạ dạ :):z13:

---------

CHƯƠNG 54

Mi thường xuyên tìm kiếm tuổi thơ của mi, cái đó trở thành bệnh thật sự. Ở tất cả những nơi mi từng sống thời thơ, mi đều muốn tìm thấy lại một phen cái căn nhà, mảnh sân, góc phố ám ảnh các kỷ niệm của mi.

Mi biết rằng mi đã sống ở trên gác một ngôi nhà nhỏ biệt lập, lạnh lẽo, trước nhà là bãi đất đầy những gạch đá đổ nát. Mi không biết đấy là tàn tích một trận hỏa hoạn hay một trận bom. Giữa các bức tường hoang tàn mọc lên những cỏ đuôi chó và đôi khi dưới các viên gạch vỡ, ngói vỡ, dế bò len lỏi. Có một loại dế đặc biệt tinh khôn, gọi là Hắc tử, đôi cánh đen nhánh của nó rung lên phát ra một âm thanh cói lói. Loại khác, gọi là Hoàng trùng, to con, chọi giỏi, rẳng mở rất rộng. Mi đã qua hàng giờ tuyệt diệu trên khoảng đất trồng đầy gạch vỡ, vữa vụn này.

Mi còn nhớ mi ở trong cùng cái sân mà lối vào được một cổng lớn đen ngòm dầy nặng đóng lại, mi phải kiểng chân để với tới cái vòng sắt đập cửa. Một khi cánh cổng nặng nề mở ra, mi phải men vòng bức tường cuốn thư, bức tường có đôi kỳ lân đá tạc chầu hai bên sừng sáng bóng lên vì đã bị dùng nhiều, trẻ con mỗi lần đi qua lại chạm tay vào nó. Sau bức tường cuốn thư, mi phát hiện ra mảnh sân trong ẩm ướt, góc phủ đầy rêu. Đó là chỗ người ta đổ nước thải, ở đấy trơn. Hồi ấy, mi nuôi hai con thỏ trắng giống albinos. Một con bị chồn cắn ngay trong chuồng sắt. Con kia ít lâu sau đã biến mất. Mi lại tìm thấy nó sau vài ngày khi chơi ở sân sau, lông lấm lem, chìm trong chậu nước tiểu. Mi đã xem xét nó hồi lâu rồi từ đấy mi nhớ là mi không bao giờ chơi ở cái sân sau ấy nữa.

Mi còn nhớ đã ở trong một cái nhà có cửa hình mặt trăng, cúc vàng và hoa mào gà đỏ tía mọc ở đấy; có lẽ vì thứ hoa đó mà mặt trời chiếu rực rỡ đến thế ở trong nhà. Trong cùng, một cửa con con mở ra cầu thang bằng đá, dưới chân cầu thang là một cái hồ trải ra mênh mông. Đêm trung thu, ngừơi lớn mở cái cửa này ra, kê ở đó một bàn đầy những bánh mặt trăng, dưa, hoa quả. Người ta ngắm trăng trên mặt hồ, cắn hạt dưa, uống trà. Đằng xa xa, mặt nước tối sầm nói liền với bầu trời có vầng trăng tỏa sáng, tròn xoe. Một mặt trăng khác lấp lánh trong nước hồ, bị kéo dài ra quá đáng. Một tối, một mình mi đến đây rút then cửa ra. Lập tức mi sững sờ vì nước hồ, đen thẫm và êm ả. Vẻ đẹp quá sâu xa này, một đứa trẻ không chịu đựng được, mi liền bỏ chạy. Sau đó, mỗi khi qua lại cái cửa này, mi chú ý không đụng vào then cửa.

Mi còn nhớ mi đã ở một căn nhà khác, có vườn hoa, nhưng mi chỉ nhớ rằng mi có thể đánh bi trong gian phòng lát gạch men trang trí nằm ở tầng trệt. Mẹ cấm mi chơi ở trong vườn. Thời ấy, mi ốm yếu nên phần lớn thời gian là phải nằm trên giường; mi chỉ có thể cho các viên bi đủ màu lăn trong gian phòng. Khi mẹ không ở đấy, mi bèn đứng ở trên giường để nhìn ra ngoài, tay bám vào cửa sổ, những lá cờ nhiều màu sắc cắm trên các tàu thủy lớn vẫy phần phật trong gió ngoài ke.
Mi đã trở lại những nơi xưa cũ ấy nhưng mi chẳng tìm thấy gì nữa. Bãi đất rộng đầy gạch đá vỡ, căn nhà nhỏ, cánh cửa to, nặng và đen ngòm với một vòng sắt, con phố nhỏ yên tĩnh chạy qua đằng trước, tất cả đã biến mất, cả mảnh sân với bức tường có cuốn thư. Ở chỗ đó, có thể đã mở một con đường nhựa đầy xe cam nhông còi kêu chói ta, chất ngất hàng hoá, bụi và các giấy gói kem que bay tung lên, những xe khách đường dài kính cửa xộc xẹch, mui đầy những va li và ba lô chứa căng đủ mọi loại sản phầm địa phương, quần áo may sẵn, những mặt hàng thông dụng, đối tượng của mọi chuyến buôn bán; mặt đất ngập hạt dưa và vỏ mía nhổ từ cửa xe. Không rêu nữa, không còn cửa hình mặt trăng nữa, không còn cúc vàng rợi và hoa mào gà đỏ tía nữa, không còn những ánh phản chiếu kéo dài ra trên mặt nước hồ nữa, không còn cô đơn và độ sâu ghê rợn nữa, chỉ là một dẫy những căn nhà thô sơ bằng gạch đỏ xếp hàng dọc theo lối đi chật hẹp, ở trước cửa mỗi nhà đều có lò thn. Bên bờ sông, tiếng cờ vẫy phần phật của các con tàu thủy lớn đã câm bặt. Chỉ còn là những nhà kho, nhà kho, nhà kho, nơi ký gửi, những nhà kho, nơi ký gửi, những nhà kho, những bao xi măng bằng giấy dai, chắc, những bao phân bón bằng chất dẻo dầy và những tiếng hú gào hay những ca khúc chói tai do các loa tiếp âm đài phát thanh ọe ra.

Mi đã lang thang như thế từ thành phố này đến thành phố khác, từ huyện lỵ sang thủ phủ địa khu, từ thủ phủ tỉnh này sang thủ phủ tỉnh khác, cứ thế lân đi không dứt. Một hôm tình cờ mi bất ngờ phát hiện ra một ngôi nhà cũ, cửa rộng mở, trong một phố con con ngang nhiên bị kế hoạch hóa đô thị quên mất hay kế hoạch hóa chưa để mắt tới nó, hay nữa, kế hoạch chưa có ý đồ để mắt tới nó hay thậm chí không thể bao nạp nó vào trong kế hoạch. Mi đã dừng lại ở ngưỡng cửa, đã ngắm nhìn mảnh sân bên trong có áo quần phơi trên sào tre. Mi có cảm tưởng chỉ cần bước vào là mi quay ngay về với tuổi thơ rồi đem lại sức sống vào các kỷ niệm mơ hồ của mi.
Mi còn nhận ra rằng những nơi mi đi qua đều quả tình cho phép mi tìm lại dấu vết của tuổi thơ mi: mảnh ao phủ đầy bèo, những quán ăn ở thị trấn nhỏ, các cửa sổ của căn nhà trông ra phố, cây cầu có những vòm đà và các con tàu phẳng dẹt đi qua ở bên dưới, những bậc dẫn từ cửa sau các căn nhà ra bờ sông, một giếng cạn bỏ không; tất cả hòa trộn vào các kỷ niệm thơ ấu của mi, khêu lên trong mi một niềm buồn thương không thể nén nổi, cho dù đó chẳng hề là cái nơi mi từng sống. Những căn nhà cũ kỹ mái ngói xanh ở thị trấn nhỏ Tân Hải kia chẳng hạn, và dãy bàn vuông kê trước các nhà để uống trà và hóng mát, làm dội lên ở trong mi nỗi sầu nhớ quê.

Lại nữa, ngôi mộ của nhà thơ Lục Quí Mông đời Đường, có thể chỉ là ngôi mộ chứa các mũ áo của ông, nằm trong khoảnh sân, sau ngôi trường cũ đầy tầm gửi và gai dại mà mi chưa hề nghe nói đến bao giờ. Cạnh đó những thửa ruộng trải dài và sừng sững một cổ thụ. Ánh chiều tà càng làm cho nỗi buồn man mác của mi tăng thêm. Không cần nói đến những cái sân với một tòa tháp của vùng dân tộc Di, khép kín, hoang vắng, cô quạnh mà ngay ở trong mơ mi cũng chưa bao giờ trông thấy, đến những kiến trúc bằng gỗ trên cột của các xóm Mèo thấp thoáng trên sườn núi xa xa, chúng cũng nói với mi một cái gì. Mi không thể không thầm hỏi phải chăng mi đã có một mệnh khác, còn giữ lại được vài mảng kỷ niệm kiếp trước, mà nếu không phải thế thì đó là kết cục của một kiếp sau chăng. Những kỷ niệm ấy có lẽ giống như rượu, cũng mang theo một quá trình chắt lọc và làm mi ngây ngất vì hương vị.

Nói cho cùng kỷ niệm thời thơ nhỏ là gì? Làm sao ta cố thể chứng minh được sự tồn tại của chúng? Tốt nhất là giữ lấy chúng ở trong lòng, kiểm chứng chúng làm gì?
Mi bất ngờ nhận ra rằng cái tuổi thơ mà mi uổng công tìm kiếm không bắt buộc đã diễn ra tại một nơi nhất định. Cái mà người ta gọi là quê hương chẳng phải cũng là tương tự như thế ư? Khói lam chờn vờn trên mái ngói nhà ngừơi ta ở thị trấn nhỏ, tiếng lửa tí tách reo trong lò đun củi, con côn trùng màu vàng gần như trong suốt, chân cao cẳng mảnh, bếp lò trong nhà dân miền núi, các đõ ong bằng gỗ treo trên tường, trát kín bằng đất, gợi lên ở trong mi nỗi sầu quê. Đấy, chúng lại trở thành quê hương cố xứ mà mi nhìn thấy trong mơ.

Tuy mi sống ở trong thành phố, lớn lên ở thành phố, qua gần cả đời ở thành phố, mi vẫn không sao coi được cái thành phố đồ sộ này là quê hương mi. Có lẽ vì chúng quá lớn nên mi chỉ có thể tìm ra kỷ niệm thuần túy thuộc về mi ở một chỗ nào đó, một góc nào đ1o, một gian phòng nào đó, một khoảnh khắc nào đó trong cái thành phố ấy mà thôi. Chỉ có trong thứ kỷ niệm ấy mi mới có thể bảo toàn bản thân mi, không để bị thương tổn. Rút lại trong cõi người mang mang này, quá lắm mi chỉ là một giọt vừa nhỏ nhoi vừa yếu đuối của bể dâu thôi mà.

Mi nên biết cái mà mi tìm kiếm ở cõi thế này không nhiều, chẳng cần phải có lòng tham đến thế. Tất cả những gì tựu chung mi thu về được chỉ là kỷ niệm, mơ hồ, lờ mờ như các giấc mơ và không bao giờ nhờ vả đến chữ nghĩa. Khi mi miêu tả lại kỷ niệm thì lúc đó chỉ là những câu cú sắp xếp rất có thứ tự lớp lang, được cấu trúc ngôn ngữ tu sức bôi lên cho chút ít nước mầu.

(trích từ Linh Sơn – Cao Hành Kiện )

https://isach.info/story.php?story=linh_son__cao_hanh_kien&chapter=0055 (https://isach.info/story.php?story=linh_son__cao_hanh_kien&chapter=0055)

sôngthương
08-27-2020, 09:39 AM
trong lòng bàn tay ...




https://www.youtube.com/watch?v=1TeiLUjN928

sôngthương
09-02-2020, 08:58 AM
At 40, Franz Kafka (1883-1924), who never married and had no children, walked through the park in Berlin when he met a girl who was crying because she had lost her favourite doll. She and Kafka searched for the doll unsuccessfully.

Kafka told her to meet him there the next day and they would come back to look for her.

The next day, when they had not yet found the doll, Kafka gave the girl a letter "written" by the doll saying "please don't cry. I took a trip to see the world. I will write to you about my adventures."

Thus began a story which continued until the end of Kafka's life.

During their meetings, Kafka read the letters of the doll carefully written with adventures and conversations that the girl found adorable.

Finally, Kafka brought back the doll (he bought one) that had returned to Berlin.
"It doesn't look like my doll at all," said the girl.

Kafka handed her another letter in which the doll wrote: "my travels have changed me." the little girl hugged the new doll and brought her happy home.

A year later Kafka died.

Many years later, the now-adult girl found a letter inside the doll. In the tiny letter signed by Kafka it was written:
"Everything you love will probably be lost, but in the end, love will return in another way."


Source: English Literature

https://www.facebook.com/Artisawayofsurvivall/photos/a.505579859898797/1030359070754204

sôngthương
09-17-2020, 08:55 AM
Có hạt sương vừa tan .

18 tuổi, Di bị mất hết số sách mình có. Với khoản tiền tiết kiệm ít ỏi ở cái tuổi chưa làm ra tiền, Di vẫn dành nó cho sách. Một số người biết Di thích sách nên thỉnh thoảng gửi sách tặng Di. Thế là Di có thêm một ngăn kệ riêng để lưu giữ những cuốn sách ấy.

Dạo đó, những người làm việc liên quan đến viết lách cực kỳ có sức thu hút với Di. Di có thể ngồi cả buổi để nghe họ nói về việc viết lách. Đó chẳng phải buổi tọa đàm hay thảo luận gì cả, chỉ đơn giản là trên bàn nhậu. Đương nhiên Di không biết nhậu. Sau đó, Di có thêm ngăn kệ đựng những cuốn sách mà Di cho là quý nhất: sách của chính tác giả ký tặng.Di lấy đó là tự hào và cả tự tin bước vào hành trình làm bạn với chữ nghĩa của mình.

Vậy mà đùng một cái, số sách bay vèo cùng người đi mua ve chai trong xóm. Di khuỵu xuống trước kệ tủ trống hoác. Đứa cháu ở tuổi mê game, trong một lúc kẹt tiền đã nông nổi gây ra sự việc.
Bình tĩnh lại, Di hỏi thằng cháu mới học lớp Mười về người mua sách. Nó tả tỉ mỉ nhưng hình như 100 người đi mua ve chai ở vùng này đều giống nhau: mặc đồ cũ kỹ, lếch thếch, mặt hóp lại khắc khổ, đi xe đạp…

2.
Trong một bài phỏng vấn online, khi phóng viên hỏi Di về kỷ niệm với chữ nghĩa, Di đã kể về sự cố mất sách đó.
“Bây giờ thì sao, chị làm cách nào để giữ những thứ mà mình trân quý?”.

Giữa lúc ấy, có cơn gió thốc mạnh đập vào cửa, cái lạnh ùa vào, Di nói với cậu phóng viên mình tạm dừng ở đây vì trời đang chuyển mưa, Di phải làm một số việc.

Nói vậy nhưng Di vẫn ngồi thừ người nhìn ra mảng mây xám bay tan tác trên vòm trời. Di miên man nghĩ về thời gian, về những thứ mình đang có trong tay sau khi đi qua ngần ấy con đường, những đớn đau, mất mát, liệu Di có giữ được những thứ mà mình trân quý?

Di không có quá nhiều thứ trân quý, một người mẹ già đến tuổi lẩn thẩn, cả ăn rồi hay chưa cũng không nhớ khiến Di nhiều lần phát cáu. Nhưng mẹ cũng chẳng còn ở trần gian để Di còn cơ hội nổi cáu rồi day dứt với chính cái sự nổi cáu của mình.

Cuối đời, mẹ cũng chỉ thấy Di chìm vào những cơn cô đơn cùng cực không thể thoát ra bởi sự nghiệp viết lách mà cô đeo đuổi: “Sao con không chọn một cái nghề gì đó cho cụ thể hơn?”. Di biết trả lời sao, đành rằng bản thân mỗi người đều có quyền tự quyết cách sống của mình, nhưng Di không thể giam mình trong một môi trường công việc khác mà cô thấy không phù hợp.

Di nhìn ra màn trời bàng bạc. Nó không phải màu nắng hay màu mưa, nhưng nó có sức mạnh kéo sụp tinh thần Di xuống mỗi khi nhìn. Quân đi làm về, nhìn Di rúm ró trong góc nhà giữa tiếng sấm chớp, anh chép miệng: “Em bao nhiêu tuổi rồi mà còn mẫn cảm với thời tiết?”. Mỗi lần nghe Quân nói vậy, Di không khỏi bùi ngùi, tưởng như chỉ mới hôm qua đây thôi, Quân còn nắm lấy bàn tay Di thủ thỉ: “Mọi việc đã có anh lo, em thương anh thì chỉ cần sống vui vẻ cho anh yên tâm”.

Đó là khi Di chùng tâm trạng xuống mỗi khi trời trở gió hay mưa giông ầm ầm trên mái nhà. Quân bảo anh chưa bao giờ gặp một người như em, mong manh với cả thời tiết. Trong lời nói của Quân khi ấy chỉ toàn những thương cảm chân thành, không như bây giờ.

Một lần Quân bảo: “Anh già rồi, phải khác cái thời dẻo miệng tán gái chứ”. Hóa ra chỉ có phụ nữ nhẹ dạ mới tin lời nói của đàn ông. Mà sao dạo này Di hay nghĩ ngợi quá, hay là xin một đứa con về nuôi cho bận tay bận chân, đỡ để ý chuyện nắng mưa? Quân thì bảo, sao lại đi nuôi con người ta, mình còn chưa cố gắng hết sức mà. Chưa kể y học ngày càng phát triển, biết đâu một vài năm nữa sẽ có phương pháp can thiệp khác, vợ chồng mình cũng còn trẻ chán, vội vàng gì. Rồi anh nói: “Dũng rủ vợ chồng mình đi chơi với vợ chồng nó tuần này, anh tùy em quyết định”.

3.
Nơi nhóm Di đến là mảnh rừng vắng dấu chân người. Xe quẹo vào con đường đất đỏ ban đầu còn nhẵn nhụi, sau đó chỉ còn lại những rễ cây gồ ghề. Nhích thêm được vài đoạn nữa thì Dũng dừng hẳn xe, nói tụi mình cuốc bộ vào trong vì cách đó không xa có cái hồ rộng, trên bờ hồ có thể dựng trại, đốt lửa chờ câu cá lên nướng ăn.

Di rất thích không khí của những chuyến đi như thế, nhất là đi với hội bạn thân. Trong số những người bạn mà Di còn liên lạc, Quân có thiện cảm nhất với Thư. “Có thiện cảm” ở đây chỉ là chịu chào hỏi chứ không lẩn đi như mỗi khi Di có bạn đến nhà. Thỉnh thoảng anh còn hỏi hai cô có muốn ăn gì không anh tiện ra đường có chút việc rồi mua về cho. Anh còn gợi ý giờ này hàng bánh xèo, chè bà ba dọn ra rồi đó. Thư bảo: “Vậy mà mày nói ông Quân khô như ngói, ông Dũng nhà tao mới là ngói thứ thiệt”.

Thành thói quen, vào những dịp cuối tuần nếu rảnh họ sẽ sang nhà nhau hoặc rủ nhau đi dã ngoại. Được cái cả Quân và Dũng đều siêng nấu ăn, lại nấu ngon nên Di và Thư rất hào hứng trong mỗi chuyến đi. Cả hai chỉ việc chuẩn bị tươm tất vật dụng cần thiết cho cả nhóm, sau đó thì thoải mái chụp hình cho đến khi nào nghe mùi thức ăn dậy lên thì quay về.

Thư bảo nếu biết kết hôn mà vẫn có nguyên khoảng trời tự do như vậy thì không phải mất công lo lắng. Đúng là đôi khi lo lắng quá sẽ thành thừa, vì không phải ai cũng thấy rõ con đường trước mặt mình, cứ thế đi thôi, đến nơi sẽ biết cả. Nói thì nói vậy, nhưng thỉnh thoảng Thư vẫn hỏi Di, tụi mình sẽ mãi mãi như thế này phải không? Di gật đầu.

Từ ngày kết hôn, Di càng thấy trân quý tình bạn. Có những điều chẳng biết nói với ai ngoài bạn thân. Di còn hình dung đến ngày cả hai có con, rồi những chuyến đi sẽ ồn ào hơn với những tiếng bi bô. Khi ấy, Di và Thư biết đâu còn gọi nhau là “chị sui” như những cặp bạn bè có con nhỏ xung quanh Di. Dù chỉ là trong ý nghĩ nhưng Di cũng thấy hân hoan hẳn lên.

Ngồi chờ mãi vẫn chẳng có con cá nào cắn câu, nhưng không ai sốt ruột vì khung cảnh nơi này đẹp quá.

Di nhìn lên bầu trời, vẫn là màn trời bàng bạc nhưng không có cơn mưa nào chực chờ. Cả cánh rừng như dịu dàng trong tiết trời chuyển mùa se lạnh. Lửa đã bập bùng từ phía xa, khói lẫn vào màn sương bảng lảng tan ra phía mặt hồ. Thư chọc, chắc em phải lấy lương khô ra thôi. Quân cười ha hả, nói tụi anh biết em chuẩn bị lương khô theo nên mới chưa ra tay. Dũng thì nhăn trán nói, câu cá chứ đâu phải bắt cá đâu mà sốt ruột, cứ từ từ thì cá lớn mới cắn câu.

Di đã nhóm xong lửa, bên cạnh là xấp mực khô to hơn bàn tay, cô lưỡng lự cầm lên rồi bỏ xuống, suốt chặng đường dài cô nghĩ đến món cá nướng nên thứ mực đặc sản kia dường như cũng chẳng còn giá trị.

4.
Chuyến này, Thư nhất định đòi ngủ với Di khi cả nhóm rời cánh rừng về thị trấn lúc trời đã tối hẳn. Bóng tối càng đen sẫm khi bốn bề đều là núi rừng. Cái lạnh từ vách đá rỉ rả những hạt sương đêm càng lúc càng thấm vào da thịt. Thư líu ríu níu lấy cánh tay Di, nói nhỏ: “Lát hai ông kia ngủ, tụi mình lẩn ra ngoài ăn khuya hen?”. Mọi lời rủ rê của Thư đều có sức thuyết phục khó chối từ. Ở đây, thịt rừng nướng là đặc sản, kèm với hớp rượu vừa đủ cay nữa thì còn gì tuyệt bằng.

Không ngờ Thư lại uống say đến vậy. Lúc Di dìu Thư lê từng bước về khách sạn cách đó không xa, Thư vẫn hỏi lại Di câu hỏi cũ: “Tụi mình sẽ mãi mãi như thế này phải không Di?”. Biết Thư say nên Di chỉ ậm ừ cho qua chuyện nhưng Thư vẫn không “cho qua”, bám lấy vai Di mà lè nhè: “Tụi mình…”. Di phát cáu: “Ừ, biết rồi, im đi không hai ông kia nghe thấy”.

Đến khi Di đưa được Thư về giường thì có tiếng gõ cửa. Giờ này đã khá khuya, sao ai còn gõ cửa, Di phập phồng đi ra, bên ngoài là giọng nhân viên khách sạn: “Chị ơi, em mang trà gừng và chanh vào cho chị”. Di mở cửa đón lấy ly trà trong thắc mắc. Cô bé nhân viên hiểu ra, nhanh nhảu: “Có anh ở phòng 8 nhờ em mang trà lên phòng chị!”. Di nhìn sang, là phòng của Dũng với Quân. Có lẽ lúc về, Thư hơi to tiếng nên hai người ấy nghe thấy.

Sáng sớm, cả nhóm đã lên kế hoạch sẽ leo núi nhưng không vội vàng gì mà cứ ngủ cho thỏa giấc. Hôm qua Quân nói vậy vì biết thể nào hai cô gái ngủ với nhau cũng tám chuyện đến khuya lơ khuya lắc.

Nhưng có tiếng chuông điện thoại từ rất sớm đã đánh thức hai đứa. Lúc đầu, Thư còn mê ngủ nên tắt vội đi, tiếng chuông lại dồn vang, thêm vài lần tắt nữa thì Thư tỉnh ngủ hẳn, đưa máy lên nghe. Đó là một cuộc đối thoại rất ngắn gọn, Di còn chưa thấy

Thư trả lời gì, nó thẫn thờ quay sang Di: “Bà tao mới mất, giờ phải về”.
Không khí trên xe lắng xuống đến không còn một tiếng động, chỉ khi nhìn đám cây cối nghiêng ngả ven đường mới biết ngoài trời gió gào thét dữ dội.

Thư phần vì đau buồn, phần vì còn mệt do cơn say đêm qua nên nó thiếp đi, trước đó còn đưa hẳn điện thoại cho Di, dặn: “Người nhà gọi thì nói đang trên đường về”. Di cầm sẵn điện thoại trên tay, vì biết thể nào người nhà cũng gọi. Ai cũng biết Thư yêu quý bà nó nhất. Mất mát này, dù không quá bất ngờ do bà cũng lớn tuổi lại đang bệnh nặng nhưng vẫn chẳng dễ dàng gì để chấp nhận.

Điện thoại có tín hiệu tin nhắn ở chế độ rung, không cần mở ra thì dòng tin nhắn vẫn hiện lên màn hình cảm ứng: “Em ổn không?”. Người gửi là Quân. Di bỏ hẳn điện thoại vào túi áo khoác. Phía sau thành ghế cao khỏi đầu cạnh Dũng, Di chỉ thấy khuỷu tay của Quân đang ở tư thế bấm điện thoại. Mọi thứ đến quá bất ngờ nhưng không gian bây giờ là của riêng Di.

Di kéo cao cổ áo, nhắm hẳn mắt để những câu chuyện được xâu chuỗi lại. Ánh mắt lấp lánh niềm vui của Quân khi Thư đến nhà chơi, những câu ngợi khen Thư mà Quân lặp lại không ít lần với Di. Có lần Quân còn bảo Thư chính là mẫu phụ nữ hiện đại, vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối mà nhiều anh chàng thích. Ly trà chanh gừng để dã rượu. Và cả Thư với những khắc khoải trong cơn say và cả khi tỉnh: “Tụi mình vẫn mãi mãi như thế này phải không Di?”.

Thư trở mình, lúc này đầu nó ngoẹo hẳn lên vai Di, nhìn nó yếu mềm như một cành non.

5.
Thư đưa cả nhóm xuống căn phòng lưu niệm của bà. Nó bảo:
- Đang tổ chức nghi thức theo tôn giáo, lát xong mình lên thắp nhang sau. Với lại phải tranh thủ khóa phòng, ở đây toàn những thứ bà quý, mà chú Tư chỉ lăm le bà mất là đem bán rồi dọn ra đây ở riêng.

Dũng thở dài:
- Thì chỉ là thứ bà quý nhưng bà cũng có giữ được đâu, có mang đi được đâu? Trong khi người sống thì không có nơi để ở.
Dũng nói xong quay qua tìm sự đồng cảm từ Quân nhưng Quân trầm ngâm chẳng nói gì, Dũng liền quay sang Di:
- Em thấy anh nói đúng không?

Di nhìn một loạt bức chân dung có chữ ký của bà, có những bức đã ố vàng theo thời gian, cô đáp lí nhí:

- Đúng là mình chẳng thể giữ lại gì cho riêng mình, cả những thứ mình trân quý nhất nhưng một lúc nào đó nó cũng tự bỏ mình ra đi - Thư và Quân cùng đồng loạt nhìn Di, Di hít một hơi dài - Chẳng phải cả thứ quý nhất là tính mạng thì vẫn phải theo quy luật sinh lão bệnh tử mà!

6.
Cậu phóng viên gọi điện cho Di, hối:
- Chị có thời gian chưa, trả lời giúp em ít câu hỏi nữa để em hoàn thành bài viết nha chị!
Di dịu giọng:
- Chị quên mất, mà mình nói đến đoạn nào rồi em nhỉ?
- Cái đoạn “làm cách nào để giữ lại những điều mình trân quý” ấy chị!

Di nhìn vào bức ảnh cưới của vợ chồng cô treo giữa phòng khách, vài tia nắng tươi mới của buổi sớm chiếu vào khiến nước hình trên bức ảnh như sáng hơn, Di như thấy được cả nụ cười của mình ở tuổi 20, trong như những hạt sương lấp lánh còn sót lại trên mái hiên. Chỉ lát nữa thôi, khi ánh nắng bừng hẳn lên, những hạt sương sẽ tan vào thinh không nhưng ai dám phủ nhận việc chúng từng tồn tại.

Di đang nghĩ gì nhỉ, à, về việc níu giữ những yêu thương, liệu có cần thiết không?

La Thị Ánh Hường

https://www.phunuonline.com.vn/truyen-ngan-co-hat-suong-vua-tan-a1409860.html (https://www.phunuonline.com.vn/truyen-ngan-co-hat-suong-vua-tan-a1409860.html)

sôngthương
09-19-2020, 10:34 PM
Khi người ta trẻ …tài giỏi , nông nổi, háo thắng... Rồi trả giá và trưởng thành
Một câu chuyện học làm người thực tế và giá trị , sẽ thành sách , có thể sẽ thành phim …
Cuộc trò chuyện bắt đầu từ phut 9:30

-----------------------

Ngô Minh Hiếu (1989, Gia Lai) nổi tiếng với nickname Hieupc hay Traztaz659; sau 07 năm thụ án vừa được thả khỏi nhà tù Mỹ cuối tháng 8/2020 và trục xuất về quê hương. Báo Mỹ đưa tin, Hieupc đang hoàn thành đợt cách ly Covid-19 bắt buộc tại Việt Nam trước khi tái hòa nhập cộng đồng!
-----------------
.
Nói về hacker lừng danh này, thì khoảng 2008-2009, Hieupc là du học sinh tại Học viện Công nghệ Unitec ở Auckland (New Zealand). Báo chí New Zealand khi đó cho hay, Hieupc liên quan tới một vụ lừa đảo tín dụng bằng tài khoản TradeMe và đã thừa nhận hành vi của mình. Sau khi trở về Việt Nam giữa kì nghỉ và xin trở lại thì visa bị bác. Sau đó, Hieupc đã hack website của trường và của ĐH Auckland.
Chắc do…giận https://dtphorum.com/pr4/image/png;base64,iVBORw0KGgoAAAANSUhEUgAAABAAAAAQCAYAAAA f8/9hAAACqElEQVQ4EW3TXWjVZRwH8HORF95kMIXWMZxRm2C7CTVa 7MWthc3cUDPNakZkGjaCojZxTDChvCoLMtxY3jS6GHoopdIS6i K3Y83FxFyns 3stc29NfcWhJ/4779pkg98n f7/F6 /H7PS8SdxlQf176j 7MQAZ/svVOkyG3WyRSJalpyufIYyQKS60PeksfvB5jqvi3llsBYK60lp PJJlZLaQU95iICnykgV8GsJY5duioQC0338XEyqkOQWenYxUMH gWyECHtgCX6oojJ0OWwoF2g/QkUOilL5yhiu4VsVIDaM1DFcxVEHviyTL6Hicq/vnqoiY7ufCWhJFdG3zd/IFk50V/HWQ0cOMH2bmEINv8ufL9G0LYy sYapPxMC3/JJNoths4hlv7C1V8tQGvZffZuY9/4y/q 7jcnl5 baUrtcU20Tnk7RkM/CNiGQtlx6mPd/IxY3W5WyVtrzUD2de48YR13uqFRUW2f7sJvv2bLZja6GJeC5t2 fxxXET7cZozaV3rxtVidR9sV135vInk64xWMvSOgbZ99O9meKf Bpo1mm9YQz6L9UxGpr/k g6bVtMyfRWoz3c/RvYuel jfSW8ZVwrMBr3HV4c5XadFTA3Q ADnM/gxi Zs2tbNtSTxBB3B9RYYOv IyqejYlXL WkljSuZ6p9/iWf3EkvjyyjnMgydelDH5w8ZjK1y USWhooVdq9a5v2y 1w/eT9fLeXsnvlrDJaxbuqz GIJJ5eJH4qqyY2qyUm3/9F0RzZExQ u4FSUxnuoz2S06z8CAe2/SF0WdYs5scRM3b2Gj6WbqE2nYSkNd1O/mNpMepvnkoPp1l8IdqOdnHmVo2l8dBfHFvHJIj4MkMbpVxjpuJ n8f4EF13iK32LEj4YI FhY8kLIwvovUfU3YSQXx wAAAAASUVORK5CYII=
-----
.
Vào tháng 2/2013, các đặc vụ của FBI đã dụ Hieupc rời khỏi Việt Nam qua một đề nghị làm ăn. Khi vừa tới Guam, Hieupc lập tức bị bắt và được đưa tới New Hampshire, Hoa Kỳ.
.
Tòa án New Hampshire đã cáo buộc Hieupc, từ 2007 - 2013 cùng John Doe [nick trong giới hacker là rr2518 và Wan Bai] điều hành các trang bán thông tin cá nhân như SuperGet.info và findget.me.
.
Hieupc đã sử dụng máy tính tại Việt Nam để hack vào nhiều hệ thống và lấy trộm khoảng 200 triệu số thẻ an sinh xã hội, thông tin về các tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, tên, địa chỉ, số điện thoại, ngày sinh…của hàng triệu công dân Mỹ; Và bán lại cho các nhóm tội phạm trên mạng với các gói chào hàng tiền khủng!
.
Vào 14/7/2015, thẩm phán Paul J. Barbadoro đã tuyên phạt Hieupc 13 năm tù giam!
---
.
KrebsOnSecurity – một trang chuyên về an ninh mạng do Brian Krebs, cựu phóng viên của Washington Post, điều hành – đã trích nguồn tin điều tra cho biết, Hieupc đã lấy thông tin bằng cách đóng giả điều tra viên tư nhân ở Mỹ. Vào thời điểm 2013 khi bị FBI bắt, thì bạn hacker này đã kiếm được hơn 03 triệu USD từ việc bán dữ liệu. Các đặc vụ Mỹ cho rằng, họ chưa biết bất kỳ tội phạm mạng nào khác đã gây ra thiệt hại về tài chính cho nhiều người Mỹ hơn Hieupc!
Yeah, Việt Nam là số 1 https://dtphorum.com/pr4/image/png;base64,iVBORw0KGgoAAAANSUhEUgAAABAAAAAQCAYAAAA f8/9hAAACg0lEQVQ4EW2TXUhTYRzGd1UXQVGRFxHEEAr8CPPjRi2n qZsFlh9lhFKrJmSt0QcUaYEYeOGFKF1Etmxp3YRQuY0sb4rsQy 1chjXLtjm/2tz8KKeW9Iv3PZpJvvCc85z/83ufc Cco2K5NTUI31qhv16RrxXEbJmlWjKb8kJvGbzbCT2J8CUF jTQk6TMRPbDs2TLYsFYFzj2gFsD7mzwHATvYUXCy5kGHLtBsPN LKQgNQkcmeHaBOw G9TB8CnznwXdO8WLmyVOYTi2EBmSFUuAsg75k8OQw5ypk2nUCJ i9B4AoELsP3UqZdJcx9LZSMZJ2l8wWhIWhLAHc6QUcu /elEB XSNczE8xUSjmem0iITyJ/bwqBrlzJ8jIBQkOoGHkKHTHMdqdz2pCJvjCbLJ0OTaqW2UAFPw MVpKXp0Gl16IuyMR7PZOZ9BnTGwMgTVPSa4cV2xm0ZWKvzwWFg 9K2RpoaT/PKVM cvp6mhBH nUWa26lwmrKnQFgu9daj4bAZbHFiy4HYBNBdBtwF8Z2D0Avgvg v8sfChWMsFYdGCPA6cocD Gxkio0fH7aj72Y4l8NOvAcwiCRyGoh/4iPt3KkplgBEtjFLjsqJgcgLoouJ4M17Tc028jR72eqgNqHpZH S1UVqMlRr PukWjJSPZGJEx6UV5jiwks4VAfCQ9ieVMZQcWOzZi2bpQS/nVlhMwkI9gW4z/fwZhHeYo7a6EhDJo3gT2ciftbpLCFKzORCUbcfcz9T4Gwg 1wMwLMq8C8BupXg2VewouZyAQz0C43i8PivyCugm6wFkNtGNSs hNoVioSv2QBWAwRdfzf/X7AQTXjB QheVSsSfrx/IV1y/gMPlC0Pf9p43AAAAABJRU5ErkJggg==
----
Trong thời gian đang cách ly Covid-19 ở Việt Nam, Hieupc đã liên hệ với KrebsOnSecurity muốn kể câu chuyện của mình; và cảnh báo những người khác tránh xa vết xe đổ. Có thông tin là Hieupc từng được BCA tuyển dụng...như phim Hollywood, nhưng bạn hacker đã từ chối https://dtphorum.com/pr4/image/png;base64,iVBORw0KGgoAAAANSUhEUgAAABAAAAAQCAYAAAA f8/9hAAACqElEQVQ4EW3TXWjVZRwH8HORF95kMIXWMZxRm2C7CTVa 7MWthc3cUDPNakZkGjaCojZxTDChvCoLMtxY3jS6GHoopdIS6i K3Y83FxFyns 3stc29NfcWhJ/4779pkg98n f7/F6 /H7PS8SdxlQf176j 7MQAZ/svVOkyG3WyRSJalpyufIYyQKS60PeksfvB5jqvi3llsBYK60lp PJJlZLaQU95iICnykgV8GsJY5duioQC0338XEyqkOQWenYxUMH gWyECHtgCX6oojJ0OWwoF2g/QkUOilL5yhiu4VsVIDaM1DFcxVEHviyTL6Hicq/vnqoiY7ufCWhJFdG3zd/IFk50V/HWQ0cOMH2bmEINv8ufL9G0LYy sYapPxMC3/JJNoths4hlv7C1V8tQGvZffZuY9/4y/q 7jcnl5 baUrtcU20Tnk7RkM/CNiGQtlx6mPd/IxY3W5WyVtrzUD2de48YR13uqFRUW2f7sJvv2bLZja6GJeC5t2 fxxXET7cZozaV3rxtVidR9sV135vInk64xWMvSOgbZ99O9meKf Bpo1mm9YQz6L9UxGpr/k g6bVtMyfRWoz3c/RvYuel jfSW8ZVwrMBr3HV4c5XadFTA3Q ADnM/gxi Zs2tbNtSTxBB3B9RYYOv IyqejYlXL WkljSuZ6p9/iWf3EkvjyyjnMgydelDH5w8ZjK1y USWhooVdq9a5v2y 1w/eT9fLeXsnvlrDJaxbuqz GIJJ5eJH4qqyY2qyUm3/9F0RzZExQ u4FSUxnuoz2S06z8CAe2/SF0WdYs5scRM3b2Gj6WbqE2nYSkNd1O/mNpMepvnkoPp1l8IdqOdnHmVo2l8dBfHFvHJIj4MkMbpVxjpuJ n8f4EF13iK32LEj4YI FhY8kLIwvovUfU3YSQXx wAAAAASUVORK5CYII=

-------------------
Gặp gỡ Ngô Minh Hiếu tức Hieupc, hacker nổi tiếng vừa ra khỏi nhà tù Mỹ vào đêm nay (19/9) cùng với 02 hacker Dương Ngọc Thái và Huân Trương. Ngoài ra còn có Junnie Nguyễn, cựu nhân viên Facebook phụ trách điều tra các vụ lừa đảo, giả mạo và đánh cắp danh tính!
Do Junnie đang ở Ireland, Thái thì ở Mỹ và Hiếu vừa xong đợt cách ly bắt buộc tại Việt Nam, nên livestream sẽ bắt đầu lúc 22:00 VN nha!

Một số nội dung mà có lẽ nhiều người quan tâm:

Bàn về tình trạng lừa đảo, giả mạo và hack facebook, cũng như cách sử dụng Internet an toàn..vv. Đặc biệt là từ những ...người trong cuộc. Ngoài ra, lần đầu tiên một cựu nhân viên Facebook chia sẻ những thông tin này ^-^

Đây cũng là lần đầu Hieupc lộ diện và tâm sự về con đường trở thành một hacker nguy hiểm bị FBI truy lùng, những trải nghiệm và trả giá trong nhà tù Mỹ; cũng như quá trình nhận thức, trưởng thành và quyết tâm hoàn lương đóng góp cho xã hội của Hieupc https://dtphorum.com/pr4/image/png;base64,iVBORw0KGgoAAAANSUhEUgAAABAAAAAQCAYAAAA f8/9hAAACqElEQVQ4EW3TXWjVZRwH8HORF95kMIXWMZxRm2C7CTVa 7MWthc3cUDPNakZkGjaCojZxTDChvCoLMtxY3jS6GHoopdIS6i K3Y83FxFyns 3stc29NfcWhJ/4779pkg98n f7/F6 /H7PS8SdxlQf176j 7MQAZ/svVOkyG3WyRSJalpyufIYyQKS60PeksfvB5jqvi3llsBYK60lp PJJlZLaQU95iICnykgV8GsJY5duioQC0338XEyqkOQWenYxUMH gWyECHtgCX6oojJ0OWwoF2g/QkUOilL5yhiu4VsVIDaM1DFcxVEHviyTL6Hicq/vnqoiY7ufCWhJFdG3zd/IFk50V/HWQ0cOMH2bmEINv8ufL9G0LYy sYapPxMC3/JJNoths4hlv7C1V8tQGvZffZuY9/4y/q 7jcnl5 baUrtcU20Tnk7RkM/CNiGQtlx6mPd/IxY3W5WyVtrzUD2de48YR13uqFRUW2f7sJvv2bLZja6GJeC5t2 fxxXET7cZozaV3rxtVidR9sV135vInk64xWMvSOgbZ99O9meKf Bpo1mm9YQz6L9UxGpr/k g6bVtMyfRWoz3c/RvYuel jfSW8ZVwrMBr3HV4c5XadFTA3Q ADnM/gxi Zs2tbNtSTxBB3B9RYYOv IyqejYlXL WkljSuZ6p9/iWf3EkvjyyjnMgydelDH5w8ZjK1y USWhooVdq9a5v2y 1w/eT9fLeXsnvlrDJaxbuqz GIJJ5eJH4qqyY2qyUm3/9F0RzZExQ u4FSUxnuoz2S06z8CAe2/SF0WdYs5scRM3b2Gj6WbqE2nYSkNd1O/mNpMepvnkoPp1l8IdqOdnHmVo2l8dBfHFvHJIj4MkMbpVxjpuJ n8f4EF13iK32LEj4YI FhY8kLIwvovUfU3YSQXx wAAAAASUVORK5CYII=

https://www.facebook.com/lenguyenhuongtra.de




https://www.youtube.com/watch?v=wjABQ4ODQkM

Triển
09-20-2020, 09:58 PM
[B][I]Khi người ta trẻ …tài giỏi , nông nổi, háo thắng... Rồi trả giá và trưởng thành


hack kiếm tiền làm gì có vụ rảnh rỗi sinh nông nổi.

sôngthương
09-24-2020, 12:35 AM
hack kiếm tiền làm gì có vụ rảnh rỗi sinh nông nổi.


Dạ anh Năm, nông nổi ở cách kiếm tiền đó ạ :) :)
Đám bạn đồng (khẩu) nghiệp của St bàn tán, chàng trai này chắc bận lắm luôn, tay thì gõ phím, đầu mắc dựng ...kịch bản (nên đánh sập web nào...) , chân chuẩn bị …tẩu vi :z13:

Triển
09-24-2020, 03:38 AM
thằng bé này đâu có đánh sập web nào. Nó phải để
cho web, server đứng vững để ra vô chôm chỉa chứ :).
Tuy nhiên hacking là một process, muốn làm phải đầy
đủ "kịch bản" và ... mồ hôi. Không phải bốc đồng hay
thiếu suy nghĩ mà có thể làm được.
Cho nên chữ "nông nổi" thì xin can hai đàng. Những
đứa này phải cho ngồi gỡ lịch lâu chút mới biết đá biết
vàng.

sôngthương
10-01-2020, 11:20 AM
thằng bé này đâu có đánh sập web nào. Nó phải để
cho web, server đứng vững để ra vô chôm chỉa chứ :).
Tuy nhiên hacking là một process, muốn làm phải đầy
đủ "kịch bản" và ... mồ hôi. Không phải bốc đồng hay
thiếu suy nghĩ mà có thể làm được.
Cho nên chữ "nông nổi" thì xin can hai đàng. Những
đứa này phải cho ngồi gỡ lịch lâu chút mới biết đá biết
vàng.


Dạ, cám ơn anh Năm đã …xin can hai đàng :)

Bạn ấy tự đánh sập web của chính bạn tạo ra đó anh ( đoạn 1 : 46' 20'' - theo kịch bản) để né bị truy lùng. Nhưng cuối cùng vẫn sa lưới . Sau khi bị kết án 13 năm, nhờ “học tập tốt” và cải tà quy chánh vì nhận ra mình đã hại những ai, bạn ấy học 7 năm thì “được” tha , "được" trục xuất về và có dịp ... kể lại . Bạn ấy cũng nhìn nhận, do trẻ người non dạ háo thắng mới thế , giờ thì hết nông nổi , đã nhận ra mình giỏi thì vẫn có nhiều người giỏi hơn .
Đó là những gì St hiểu từ bạn ấy kể , nếu sai về "chuyên môn" thì khi nào rảnh anh Năm giải thích thêm dùm St nhé :z57:

sôngthương
10-10-2020, 04:20 AM
Có sông nào không chảy?Bà
Bà xòe những ngón tay, cái áo vải lụa bèo nhèo rơi ra khỏi bàn tay như một mớ chất lỏng. Năm ngón tay tựa hồ vô lực. Bà cúi xuống, nghe nhoi nhói ở vùng thắt lưng. Cảm giác có một cái gì đó lọt thỏm từ cổ họng rơi xuống dạ dày. Biến mất. Bà chậm chạp di di những ngón tay như chiếc bàn ủi làm phẳng từng cái áo, rồi từ từ xếp ngay ngắn vào chiếc túi du lịch nhỏ.

Bếp than hãy còn đỏ rực, bà toan nấu nồi xương hầm để hôm nay ông về ăn mà chưa kịp. Bất giác nhớ rằng, mình chỉ cười không trả lời con cháu là sao ít khi nấu bếp gas dù chúng sắm sửa đầy đủ. Bà giữ lấy như một bí mật thú vị của riêng mình. Đám lửa cháy ngọn cao ngọn thấp, rồi thành than, thành tàn tro khiến bà thích hơn cái phừng phừng rồi vụt tắt ngay một cách hụt hẫng của bếp gas. Cũng có thể cái bếp than này gắn bó quá lâu với đời một người đàn bà nông dân như bà. Cái gì quen rồi không nỡ bỏ.

Hơn 50 năm sống với ông, nếu có thể tháo thời gian ra mà nối lại thành một đường thẳng cơ chừng xa bằng từ đây đến Sài Gòn hay còn xa hơn nữa, tận những nơi thăm thẳm mà bà chưa bao giờ đặt chân tới, chỉ nghe qua ti vi như Cà Mau, Hà Nội chẳng hạn. Trên con đường dài ấy, ông bà ngồi chung một chuyến xe, có không ít những cú ngoặc tay lái ngỡ như mọi thứ vỡ vụn tựa bong bóng xà phòng. Vậy mà cũng qua.

Bà cho rằng không có gì trên đời này có thể sánh với việc một người đàn bà lần đầu làm mẹ, từ thai nghén đến chuyển dạ sinh con rồi ở cữ. Nó như quá trình sâu hóa thành bướm, với những khoảnh khắc không diễn tả được bằng lời. Có chăng người ta chỉ có thể đi qua rồi cảm nhận bằng một mối đồng cảm trong thinh lặng. Đàn bà đẻ, như con cua lột. Bằng nỗi sợ và khoảng cách má chồng nàng dâu, bằng sự ngỡ ngàng chưa kịp thích ứng với việc trở thành một người mẹ, bằng việc được nuôi ở cữ với những kinh nghiệm dân gian bao năm không cần biết đúng sai, chỉ là được rỉ tai “nghe nói”, “ông bà bảo vậy!”, vậy nên sanh con đầu lòng được đôi ba ngày, đôi chân bà mất dần cảm giác, gần như liệt. Con gái khóc oe oe, trong gian buồng tối được cất tạm bợ kề nhà bếp, bà khó nhọc nhích từng phần cơ thể, nước mắt cứ thế chảy ra không biết từ cơn đau nào.

Đàn bà thời ấy, không chỉ đi biển mồ côi trong khoảnh khắc nơi bàn sanh mà còn suốt thời gian sau đó cũng chỉ loay hoay một mình. Đàn ông không được chàng ràng nơi đàn bà đẻ. Ngẫm nghĩ cũng lạ, lúc đó người vợ cần ai hơn chồng mình, đẻ một đứa con sao lại có thể là dơ bẩn xui rủi? Ừ, chắc người xưa có lý do nào đó. Bà vẫn nghĩ vậy.

Rồi má bà đón con gái xanh xao, gầy ốm vêu vao, nước mắt chảy quanh, nghẹn ngào nói không thành tiếng. Hơn một năm thang thuốc với sự chăm sóc của nhà ngoại, bà đi lại được. Ngày trở về nhà chồng, chân liêu xiêu bước qua những cây cầu khỉ, bà mơ hồ nghĩ đến con đường hãy còn dài lắm.

- Bà Năm gọi con?
- Ờ thằng Mười hả, nãy giờ bây đâu? Cầm chìa khóa, coi nhà giùm bà. Ông khám bệnh, bệnh nặng phải nhập viện. Cô út mới báo. Bà đi ra xe đò lên với ông.
- Chiều rồi bà đi luôn sao? Hay để sớm mơi đi?
- Còn xe con, giờ mới gần 5g. Mày lẩm cẩm hơn tao!

Chiếc nệm xe đò cũ kỹ bong tróc, gặp những đoạn đường gập ghềnh như có ngón tay ai cào nhẹ dưới đùi. Bà nhích người ra ngoài cửa sổ. Đằng tây mặt trời treo mình sát đất như thể chỉ cần nhảy lên là chạm được. Hồi trẻ, ông thường nhảy lên như vậy khi hái một quả xoài, quả ổi hay đặt một tổ chim chìa vôi với dăm ba cái trứng nhỏ bằng đầu ngón tay bị một cơn gió thốc rơi xuống đất. Lần này, liệu sau năm lần bảy lượt mổ xẻ, với tuổi ngoài 70, ông có thể ngồi dậy cười khì khì “tui có làm sao đâu!”, để cùng uống với bà bình trà mỗi hừng đông, để cùng nói hàng trăm lần về những đứa con gái đang ở xa, về đám cháu nhộn nhạo ầm ĩ suốt ngày. Và thi thoảng len lén bà, lần giở những cuốn sách ngả vàng hoen ố giấu dưới kệ tủ thờ, nhìn thắt thỏm vào tấm hình cô gái tóc dài, áo dài trắng tay cầm quyển sách đang mở, mơ màng nhìn ra ngoài khung cửa sổ lớp học. Cô gái son trẻ ấy không phải là bà.

Bà biết.

Biết trong thinh lặng. Chưa bao giờ bà thốt thành lời kể cả lúc ông đi gặp người ta khi bà ở cữ út. Nhìn thấy ông trở về như một miếng vải ngâm trong thuốc tẩy đã lâu, cơ hồ chỉ cần đụng tới là bục ra từng mảnh, nhìn năm đứa con gái lít nhít, bà lặng im như không biết rằng có một tấm hình kẹp trong quyển sách ố vàng nơi đáy tủ thờ suốt ngần ấy năm.

Trời tối dần. Xe loang loáng lướt qua những dãy nhà với cơ man nào là bảng hiệu xanh đỏ. Bà nhắm mắt lại cho đỡ mỏi. Trong tâm trí chờn vờn hình ảnh bếp lửa than, nồng đượm le liếm nóng rực, tắt dần rồi thành tàn tro âm ấm suốt một ngày dài nơi góc bếp ấm của mình.


Mẹ
Chị thả ánh nhìn uể oải vào chiếc gương nơi bàn trang điểm, nghe cảm giác cô độc và yếu ớt xâm chiếm toàn bộ con người mình. Chuyến bay không dài nhưng thời tiết xấu, khiến chị mỏi mệt. Dùng ngón cái và ngón trỏ, chị miết nhè nhẹ lên má. Làn da đã bắt đầu nhũn nhão với những lỗ chân lông to hai bên cánh mũi, hố mắt trũng xuống mệt mỏi.

Biết bao nhiêu ngày qua - mỗi sớm, mỗi trưa và mỗi tối - chị đã cố gắng tô trét bao nhiêu thứ lên mặt mình, rồi ngắm vuốt với niềm tin và tự hào thơ trẻ, thậm chí là huyễn hoặc vào bản thân. Người đàn bà trong chị thật phù phiếm. Chị sợ nhìn vào khuôn mặt nhợt nhạt của mình, cũng như sợ đối diện với cuộc đời mình.

- Má, má đã từng hạnh phúc, đúng không?
- Con nói đi!
- Sao con thấy mọi thứ với con tự nhiên không còn háo hức gì nữa. Con già rồi sao?
- Mày già bằng má? Mới ngoài 40, trẻ non. Mấy chục năm đời má có quá nhiều thứ phải lo toan, cái ăn cái mặc, cái nghĩa vụ làm dâu làm con nó rượt sau lưng không kịp nghĩ, chỉ biết vắt chân lên cổ mà chạy. Thời má cực quá nên không thư thả như tụi con bây giờ để mà còn kịp thắc mắc có hạnh phúc không.

Chị chải từng lọn tóc. Sự an ổn thư thả âu cũng là điều mong ước hết sức bình thường của con người. Chị chẳng đã từng vì mưu cầu sự an ổn mà lấy chồng đó sao? Con gái chấp chới vừa tốt nghiệp đại học ở tuổi ngoài hai mươi có một người yêu mình, trưởng thành chững chạc, có điều kiện kinh tế là một sự chọn lựa đáng cân nhắc.

Chị đã chọn đi con đường đời mình bằng những cân nhắc toan tính đó.

Thế nhưng, ngày qua ngày tháng qua tháng rồi năm qua năm, thức ăn ngon, quần áo đẹp, cuộc sống tiện nghi liệu có đem đến cho người ta sự thỏa mãn? Lúc các con còn nhỏ, chị gần như không có thời gian cho những ý nghĩ về bản thân. Giờ các con đã lớn, có nhiều đêm chị ngồi trong quầng ánh sáng của chiếc đèn nơi bàn làm việc, mở toang mình như quyển sách trước mặt, thấy rất rõ một khoảng trống hoác, khoảng trống mà chị ngỡ hai viên đá nặng mang tên thời gian và trách nhiệm sẽ đủ sức lấp đầy.

Chị gặp người đàn ông ấy khi có hẳn một gia đình và hiểu ra yêu thương là một nhu cầu chứ không hề là sự lựa chọn. Mà đã là nhu cầu tự khắc nó sẽ trào khỏi cơ thể như dòng nước dồn nén mạnh đến nỗi kéo người ta đi ngỡ không có gì giữ lại được. Chị đi trong sự giằng xé, trong mặc cảm tội lỗi và cả những niềm hạnh phúc hiếm hoi chưa bao giờ có.

- Là ai?
- Là một người bạn.
- Ừ. Anh hiểu! Em tự biết phải làm gì cho đúng mà, phải không?

Chồng chị cười. Nụ cười chậm rãi như một tên đao phủ ngắm nhìn nạn nhân của mình. Giọng anh phẳng lì. Không khí quanh hai người căng thẳng như dòng nước bị một con đập chặn lại. Chỉ nghe tiếng thở hắt từng cơn của anh. Chị biết anh đang cố giữ bình tĩnh. Làm chủ cảm xúc trở thành kỹ năng tuyệt vời của anh mà không phải ai cũng có được. Anh luôn tính được gần như chính xác thứ mình sẽ có.

- Hơi thân tình một chút vì quen biết từ hồi nhỏ và dạo này hay nói chuyện. Nhắn hỏi thăm nhau, thời buổi giờ ai nhìn vào mấy cái tin nhắn này để đánh giá một mối quan hệ đâu anh!

Những lời nói của chị tuôn ra như miếng băng gạc che đậy một vết thương. Chỉ có chị mới rõ đằng sau miếng băng gạc ấy là những gì. Chị cũng phải tháo miếng băng ra thôi, phải chăm sóc cho nó lành sẹo. Có ai sống một đời khi mang trên mình mãi một miếng băng?

Điện thoại reo.
- Mẹ, con và út đang ở phòng mổ. Ông ngoại đang mổ. Mẹ về ngay nhé!


Con gái
Cô khẽ đưa tay chạm nhẹ vào mu bàn tay nhăn nheo của ngoại. Khác với những ngón tay thon dài, đầu móng búp măng rất đẹp của mẹ, những ngón tay ngoại ngắn, tròn to chắc chắn. Ngoại ngồi im, mắt như dán vào cánh cửa im ỉm đóng. Thi thoảng có một dáng áo xanh trùm đầu, đeo khẩu trang kín mít bước ra và cánh cửa nhanh chóng được khép lại. Ánh sáng xanh nhờ nhờ của bóng đèn được mắc tít trên cao, hắt xuống mái tóc không còn sợi nào đen của bà trông như phủ một lớp bạc mỏng. Tự dưng cô thèm lẩm nhẩm bài hát ngày đi học mẫu giáo, cứ hát đi hát lại theo bước chân sáo trên đường về khi ngoại lên thăm rồi đón cháu: “Bà ơi bà cháu yêu bà lắm, tóc bà trắng màu trắng như mây…”.

- Mấy giờ rồi con? Mẹ con sắp về chưa?
- Dạ sắp! 10g hơn rồi ngoại.
- Ừ. Trong đó lạnh không con? Ông ngoại hay lạnh. Hay bà mang mền cho ông con? Ở nhà khuya bà phải thức dậy mang mền. Nhiều khi ông ngủ mê không biết đâu.
- Đang mổ mà ngoại, khi nào ông ra phòng hồi sức mình sẽ mang mền vô.

Cô nghe có cái gì nhẹ nhàng êm ái như bàn tay trẻ con vuốt ve má mình. Cụ bà tóc trắng đang run rẩy kia như thể đã tiêm thẳng vào cô liều amphetamin đầy năng lượng. Những căng thẳng âu lo phút chốc hình như vơi đi chút ít. Nó không hẳn là một sự vỡ òa hay phát hiện được cái gì lớn lao kỳ vĩ. Chỉ như sáng sớm mai mở cửa, nhìn thấy trước sân nhà một vài bông hoa he hé nở, hay mấy hạt thóc hôm trước thả cho bồ câu ăn, chui tọt vào đáy chậu kiểng, hôm nay bỗng vươn lên chiếc mầm xanh bé tí. Sao tình yêu thương của người với một người giản dị, thâm trầm và hay ho đến vậy?

Cô nhớ mẹ.
Mẹ ngỡ như cô không biết gì. Ai tả tơi sau cơn giông bão trở về nhà mà người thân quen lại không biết? Cô đã lớn để có thể dễ dàng nhận thấy giữa ba và mẹ có một khoảng cách hoàn toàn không phải do họ tạo ra hay do thời gian và gánh nặng cuộc sống. Một khoảng cách của một cái ly nhựa và một cái ly thủy tinh, khác nhau về chất. Bằng trái tim của đàn bà, của đứa con gái thân như một người bạn, cô biết mẹ cô đơn.

Cô đã nhìn thấy mẹ như một miếng ni-lông ai mang lên bếp lửa hơ cho rúm ró ngày trở lại sau cơn sóng cuồn cuộn trong lòng.

Cô đã thấp thỏm cầu xin bình an cho mẹ trong thinh lặng khi bà tự băng bó vết thương. Và phải chăng chính điều đó khiến không ít lần cô hoang mang khi nghĩ đến anh - người yêu hơn ba năm của cô. Cô thấy mình hệt một cụ bà, yêu anh như một thói quen, mỗi ngày bỏ đồng xu nhỏ vào con heo tiết kiệm ú tròn trên kệ tủ, không cần biết nó có bao nhiêu, để làm gì và cũng không có ý định mang ra ngồi đếm. Có một nỗi sợ vô hình lẩn khuất quanh cô.
“ - Em nghe anh!
- Sao em không nói với anh đang ở bệnh viện với ngoại? Em ăn cháo trắng nhen! Anh mua cháo trắng, sữa cho em và ngoại.

Có áo khoác đó không?
- Lát nói nhen anh. Không nói chuyện nhiều được!”.
- Thằng Khoa gọi hả con?
- Dạ!
- Cái thằng cũng ngộ! Đàn ông con trai ân cần vậy sau này sống chung đỡ lắm con!

Cô nhìn ngoại, hai má bà hồng hồng nhăn nheo như quả cà chua chần qua nước sôi. Đuôi mắt dài, ánh nhìn mông mênh sâu hun hút nhưng bình lặng tựa mặt hồ yên tĩnh. Chưa bao giờ cô thấy ánh mắt mẹ giống ngoại như bây giờ, không biết cô có giống họ không?

Hành lang im ắng, một vài người nhà bệnh nhân nằm co ro trên những chiếc ghế tròn màu vàng như chữ C khổng lồ. Cô khẽ rùng mình vì cơn gió lùa bất chợt. Quấn lại chiếc khăn quàng cổ cho ngoại, cô tựa sát vào vai bà, nghĩ đến những dòng sông nhỏ chằng chịt ở quê. Có sông nào không chảy?

Triệu Vẽ

https://www.phunuonline.com.vn/truyen-ngan-co-song-nao-khong-chay-a1399378.html

sôngthương
10-19-2020, 02:13 AM
màu sắc kể chuyện ...



https://www.youtube.com/watch?v=kZNC6k5YVsc

sôngthương
11-12-2020, 07:46 PM
Có những vết thương tồn tại lâu hơn cả đời người.

Ngày xưa, nơi ấy có những thảo nguyên mênh mông. Có những chú lạc đà chung thủy. Có những con người biết cưỡi ngựa trước khi biết đi. Và có những vết thương tồn tại lâu hơn cả đời người.

Tin vị tướng tử nạn nhanh chóng truyền đi khắp nơi, nhanh như cơn gió chạy qua thảo nguyên. Có người vui, vì kẻ tàn phá quê hương mình đã chết. Có người khóc, vì người anh hùng đã bỏ họ ra đi. Và có người khóc, vì không còn được tự tay giết chết con người đã xéo nát quê hương gia đình họ


Cả cuộc đời chinh chiến, vó ngựa, thanh gươm, vị tướng đã tạo ra quanh mình quá nhiều ân oán. Vị tướng sẽ được an táng ngoài thảo nguyên, theo nghi thức đã làm với những vị tướng ngày trước:

Ngày đưa vị tướng đi, một đội kỵ binh tinh nhuệ nhất theo bảo vệ từ xa, không cho kẻ thù theo tấn công và theo dõi. Người ta còn cẩn thận chọn hai mẹ con lạc đà khỏe nhất, đẹp nhất, dẫn theo.

Hai mẹ con lạc đà theo đoàn người ra thảo nguyên.
Thảo nguyên một màu xanh.

Sau khi chôn vị tướng, người ta giết lạc đà mẹ, lấy máu tưới lên trên mộ, trước mắt lạc đà con. Đội kỵ binh xếp thành 10 hàng ngang, ra sức xéo nát nơi vừa chôn cất, một vùng rộng lớn chỉ toàn vó ngựa, xóa sạch dấu vết nơi vị tướng vừa yên nghỉ, vó ngựa xóa hết dấu vết một con người. Kẻ thù có muốn quật mộ, lấy xương về giã nát ra cho hả giận cũng không được.

Thảo nguyên mang một vết thương rất lớn.

Sau vài cơn mưa, cỏ mọc trở lại. Thảo nguyên lành vết thương. Một màu xanh, mênh mông, bằng phẳng, bình yên. Không người nào trên thế gian này còn nhớ nơi chôn cất vị tướng nữa, trừ bé lạc đà con.

Từ thời điểm ấy, mỗi lần muốn ra thăm mộ, người ta lại nhờ lạc đà con dẫn đi.

Lạc đà con vẫn còn nhớ con đường hai mẹ con đã đi qua, nhớ mùi của mẹ, nhớ chính xác cả nơi người ta đã giết mẹ mình, nhớ nơi máu mẹ thấm vào đất.

Khi thấy chú lạc đà con quỳ xuống, rống lên thật thảm, nước mắt ứa, không chịu đi nữa, nơi ấy là mộ vị tướng. Người ta bày biện ra tí lễ vật, ngồi với vị tướng một lát rồi về, thụ dọn cẩn thận mọi thứ, không để lại dấu vết gì, dáo dác nhìn quanh, xem thử có người nào theo dõi mình không.

Lạc đà con được con người bảo vệ chăm lo cẩn thận, lâu lâu nó lại dẫn con người ra thăm mộ. Ngày lạc đà con già, nó vẫn còn nhớ con đường ngày xưa, vẫn nhớ mẹ thật nhiều, mọi thứ chỉ mới như hôm qua.

Và con người, bao năm vẫn vậy, luôn thấp thỏm âu lo, như mới hôm qua.

Ngày nọ, khi đưa con người ra thăm mộ, lạc đà con ngày xưa, giờ đã già, thấy người ta dẫn theo đứa con bé nhỏ của nó.

Hai mẹ con lạc đà dẫn đoàn người ra thảo nguyên.
Thảo nguyên vẫn một màu xanh.

Vô Thường

https://www.facebook.com/cuocsongnhintuocuathien/posts/1436229709842418/

sôngthương
11-27-2020, 01:11 AM
Vẫn chưa đến Tết

Sớm ra, đợi cả nhà thức dậy, bà nội chống gậy tìm tới từng người rồi thủ thỉ bảo tối qua ông bây lại về.

Như chưa đủ khiến người trong nhà thấy nặng nề và sợ hãi, bà mô tả cụ thể chuyến về của ông: “Ông bây ngồi đầu giường ngó tau ngủ. Có khi tau sắp theo ông cũng nên”.

Những người già thường rủ rỉ kể nhau nghe về cái chết và con đường đến đó. Hình như phải đi qua một cây cầu dài, có người dẫn đường và mình chỉ cắm cúi đi theo. Bà nội thường thắc mắc không biết ai vẫy tay dẫn ông đi. Và thắc mắc thêm không biết lúc về dưới, người ta sẽ tiếp tục già hay cứ ở mãi cái tuổi vừa chết. Nghĩ tới đó, bà níu áo tôi kêu sợ, nhỡ bà tiếp tục già họm hẹm trong khi ông bây vẫn ở tuổi cũ thì khi gặp lại ắt khó coi.

Ba cười hiền, nắm tay bà rồi nhẹ nhàng bảo chắc tại bà ngủ mê thôi. Quay sang nháy mắt với mẹ, ba dặn tí đi chợ nhớ mua ít hạt sen về nấu cháo cho bà. Bà cứ ăn ngon ngủ ngon để sống lâu với con cháu, ông luôn mong bà sống vui mà. Ngúng nguẩy như đứa trẻ nít cần dỗ dành, bà nội lay tay tôi rồi nhắc lại: “Không, rõ ràng là ông bây. Bây không tin tau à? Nhưng vẫn chưa tới Tết, tau chưa đi đâu”.

Thực tình, lời bà nội nói xưa giờ không ai dám tin trọn vẹn. Bà có tật hay bịa chuyện hoặc nói quá lên chuyện đã xảy ra. Dù rằng lời đó không gây hại đến ai nhưng đôi khi làm người ta khó chịu. Hồi tôi còn nhỏ, bà hay thơm má tôi rồi bảo: “Cháu đích tôn của bà thông minh hơn người, mai mốt nhất định sẽ làm to”. Trong khi tôi học hành không mấy giỏi giang, trầy trật lắm mới xong cấp ba, bà nội vẫn mang nỗi tự hào thái quá dành cho con cháu mình như vậy. Mỗi lần giỗ chạp hay gặp bà con hàng xóm, bà vẫn thường khoe ba mẹ, chú thím tôi hiếu thuận thế nào, biết mần ăn ra sao, anh em tôi học giỏi, thông minh này nọ. Mẹ nói có lần đi chợ nghe người ta quở nhà mình sắp mua ôtô, mà trời ơi, mình sắp mua hồi nào mà mình không biết. Hỏi quanh mới hay, ra là bà nội nói với người ta như vậy. Ba bảo đó là niềm vui của người già nên cứ vờ như không nghe không biết, đừng tỏ thái độ làm bà buồn lòng.
*

Thế nhưng, chuyện bà bảo trông thấy ông cứ khiến chúng tôi hoang mang. Lần đầu bà làm cả nhà sởn da gà là lúc đang làm lễ cúng cơm cho ông. Bà kêu đẩy cái bát cơm tới một tí, ông bây với tay không tới. Cả đám con cháu nhìn nhau, tặc lưỡi nghĩ tại thương nhớ ông nên bà nói sảng. Hiếm có người già nào thương nhau kiểu như ông bà nội. Niềm yêu thương đó ít khi được nói bằng lời. Tại ông tôi điếc nặng, gần như không nghe được.

Bữa vừa xong bốn chín ngày của ông, bà tả đêm đó ông đi quanh nhà rồi ngồi khóc ở phòng khách. Bà cứ nói chút chút từng chi tiết một làm thằng cháu nhát gan như tôi rùng mình ớn lạnh. Vẫn biết là ông của mình nhưng nếu xuất hiện trong nhân dạng khác thì sợ lắm. “Ông bây mà sợ chi”, bà nội gõ trán tôi rồi cười khì khì.

Không ai nghĩ ông mất trước bà. Ông chỉ điếc chứ tay chân xương khớp linh hoạt, đi đứng thẳng băng. Sức khỏe của bà kém hơn ông. Bà ăn uống ít, lại hút thuốc nhiều. Mỗi khi trời trở lạnh, bà thường lên cơn hen, phải nhập viện cả tuần. Lúc bà nằm ốm yếu trên giường bệnh, ông lại gần, ngó vào mắt bà rồi hiền hòa bảo: “Chưa tới tết mà”. Bà gật đầu, cười tươi rói. Trăm lần như một, câu nói đó cứ như thần chú làm bà tôi khỏe lại. Dăm ba bữa sau, bà sẽ ngồi dậy ăn cháo, uống thuốc, lại cười nói với chúng tôi mỗi ngày.
Hồi ông còn sống, chúng tôi hay bực mình và buồn cười vì sự điếc của ông. Nói gì ông cũng không nghe, phải tiến sát lại gần, gần như hét vào tai ông mà có câu nghe được, có câu ông hiểu sai ý. Có điều, ông điếc rất dễ thương. Không nghe người ta nói gì, ông sẽ dí sát vào mặt họ rồi cười rạng rỡ, thì thào: “Bây nói to lên, tao điếc”.

Ông thương bà bằng cách chiều bà như đứa con nít. Bà nghiện thuốc nặng, loại thuốc vấn đặc quánh mùi mà đứa trai như tôi cũng thấy hôi rình. Mẹ có lần bảo sao bà không chuyển qua nhai trầu như mấy bà già khác, so với thuốc hẳn mùi trầu dễ chịu hơn. Bà nghiện thuốc từ hồi trẻ, vắng thuốc vài ngày là người lờ đờ, buồn tay buồn chân. Thuốc bà hút do ông trồng, tự thu hoạch và chuẩn bị kỳ công. Sau khi hái vào, ông xỏ dây và treo cả dãy trước sân, phơi qua vài đợt nắng rồi hì hục cắt thành sợi nhỏ. Ba bảo hồi xưa, mỗi năm ông thường làm hai, ba đợt như vậy rồi cho vào bao tải cất trữ để bà dùng dần. Mấy mùa lũ lụt, người ta hớt hải chạy ngược xuôi lo lúa gạo khỏi ướt thì ông nội tất tả lo cất bao thuốc cho bà. Thế mới nói, trên đời này chẳng ai chiều bà như ông.

Bà đáp lại bằng cách hiểu thấu sự điếc đác của ông, bước vào thế giới không âm thanh đó chẳng bằng một âm thanh nào. Nhiều bữa tôi thấy ông bà nội ngồi uống trà bên nhau, không ai nói gì mà như đang thủ thỉ rất nhiều chuyện. Tôi khều mẹ thắc mắc, mẹ bảo nhà này mà cụ thể là ông bà có nhiều chuyện mẹ chưa tường tận dù mần dâu cũng ngót nghét hơn hai mươi năm. May sao tình cảm thì luôn đong đầy, không thiếu tiếng cười, tiếng chuyện trò sớm tối. Nói thì nói vậy nhưng tôi biết mẹ luôn chờ đợi được bà dốc bầu tâm sự với mình. Khi nào những nỗi niềm chung riêng san sẻ hết, khi đó yêu thương mới không còn giới hạn.

Mỗi tối, lựa lúc bà xem phim, ông sẽ soạn đồ ra quấn thuốc để sẵn đó. Bữa trước, ông đi khi quấn xong số thuốc dành cho cả tuần. Nhẹ nhõm như không, ông trút hơi thở từ trong giấc ngủ. Ngó cảnh bà nhìn ông trân trối đầy thắc mắc mà ai cũng đau lòng. Hiện diện cùng nhau mấy chục năm trên đời nên khi thiếu vắng đột ngột, bà buồn quá mà nhớ nhớ quên quên mọi chuyện.

Mức lú lẫn nhớ quên của bà chưa đến nỗi nặng, bà vẫn tỉnh táo biết chờ đến tết. Độ ấy đã tới tháng chạp nhưng cả nhà nhất trí thời gian sẽ ở mãi tháng mười. Sớm nào bà cũng ngó tờ lịch vẫn còn tháng mười mà ba tôi cất công xé dán. Cả nhà “thông đồng” cùng nhau rằng ngày tháng trong nhà, một là đứng yên, hai là đi lùi.

Có điều, tết đến thì vẫn phải đón. Mẹ tôi giấu giếm soạn sửa này nọ thì bị bà bắt gặp. Bà quở sao bây mua hành kiệu chi sớm, mới tháng mười đã bày rau củ mứt trái hả bây. Mẹ phân bua, con tranh thủ nắng nôi phơi cho ráo, nghe đâu mai mốt mưa gió triền miên. À, ba mấy đứa kêu thèm mứt, con làm nhiều để tết ăn luôn. Bà gật đầu ừ hử rồi thở dài than Tết năm nay lâu tới quá!

Không phải mình bà đợi tết. Hồi trước, ông nội còn nôn nao ngóng tết hơn cả bà. Sự chờ đợi tết đến xuân về của ông bà không như đám con nít chờ được nghỉ học, chờ được mặc đồ mới, chờ được đi chơi... nhưng niềm háo hức và ngóng trông thì hệt vậy. Năm nay, bà đợi để khấp khởi vui thêm phần của ông.
“Tết nào đó, tôi sẽ về”. Từ ngày nghe một lời ngắn ngủi được tường thuật lại từ môi người khác, trước đó đã băng qua vài ba người nữa, xuyên biên giới nửa bán cầu, không rõ là bao nhiêu năm, ông bà tôi bắt đầu đợi. Lời nhắn nhủ mong manh kia đã níu những ngày sống cuối đời của ông bà nội. Đáng tiếc ông không chờ được.

Bác là anh cùng cha khác mẹ với ba tôi. Mối quan hệ giữa bà nội và bác là mẹ ghẻ con chồng. Mẹ tôi bảo chắc chắn hiềm khích nào đó giữa ông bà và bác rất sâu đậm nên bác tôi cắt đứt toàn bộ liên lạc trong mấy mươi năm. Mâu thuẫn mẹ ghẻ con chồng thì hẳn lắm lý do, có thể bà làm gì đó, nói năng sao đó nên bác giận lẫy. Rồi nhìn kiểu ông thương bà thì biết ông bênh bà nên bác càng giận chớ chi. Những rạn nứt đó hình như chẳng ai rõ ngọn ngành, kể cả ba và chú út bởi đâu nghe ai nhắc tới.

Mấy bữa tháng mười lẩn quẩn lặp đi lặp lại, bà lên cơn hen suyễn đến ba lần. Bác sĩ có lần tuyệt vọng lắc đầu bảo không dám chắc bà có gắng gượng qua nổi cái tết này không. Bà nghe thấy, cười móm mém với chúng tôi, được chớ, còn chưa tới tết, bà chưa đi đâu. Nhớ câu nói hiệu nghiệm nọ, ba tôi nắm chặt tay bà, tin tưởng và hy vọng. Vậy rồi cũng qua, uống thuốc vài ba ngày, bà được cho về nhà điều trị.
Năm nay nhà tôi chẳng trang hoàng tết nhất như mọi năm. Cây mai trước sân nở sớm, nở đúng mấy dịp bà nằm trên giường bệnh. Thế nên, sự báo hiệu tết đến xuân về bằng cách nào đó đã khuất mắt bà nội. Đó là gốc mai chính tay ông trồng. Hồi ông còn, ông chăm sóc ngắt lá đúng ngày nên năm nào mai cũng nở bung đều đặn.

Độ này, điệp khúc “hồi ông còn” được chúng tôi nhắc tới nhiều hơn. Ba nhắc chuyện hồi còn nhỏ, ông nghiêm khắc với ba và chú út ra sao. Mẹ ngậm ngùi nhớ mấy ngày đầu về làm dâu, mẹ ít nói nên ông bảo cứ ăn nói tự nhiên, ông không nghe đâu mà lo. Ký ức của tôi về ông nội có nhiều niềm vui tiếng cười. Nhớ lúc hai ông cháu chơi cờ, bực bội vì ông suy nghĩ lâu, tôi hay mần áp lực kiểu ông nghĩ lâu thì con không chơi nữa. Gõ đầu tôi, ông nộ: “Cha tổ bây, chơi cờ rồi còn…đi bơi chi nữa”.

Khoảnh sân trước nhà in đậm bóng dáng của ông nội. Góc nào cũng do ông chăm bẵm, bắt sâu, tỉa lá. Có lần tôi banh tai ông ra để kể lể mấy chậu lan, gốc tiểu quỳnh hay chậu sen mini kia biết bao giờ mới trổ hoa, trồng vậy con thấy nản. Ông nói người ta sống cần kiên nhẫn, cần biết chờ đợi chớ con. Hồi đó, tôi nghĩ ông an ủi mình khi ra trường cứ trầy trật bởi việc làm và thu nhập. Hóa ra, mỗi người trong nhà đều âm thầm mang một nỗi đợi chờ nào đó na ná nhau.

Ba thắp thuốc ngồi trầm ngâm trước hiên nhà, tôi nghĩ có khi ngay cả ba cũng không chắc bác tôi có về hay không. Là tết năm nay, năm sau hay nhiều năm sau nữa? Tôi chỉ mong những cái tết sẽ đến trong rộn ràng thật sự để có thể nghe tiếng dép lẹt xẹt của bà nội ở hành lang. Bà chống gậy ra sân đứng ngó ông trời bữa nay mần mưa hay nắng. Rồi lại quay qua ngó tờ lịch, lẩm nhẩm tính nhiêu ngày nữa tới tết. Nếu năm nay bác tôi chưa về thì chắc là năm sau. Có thể năm nay hết vé, có thể bác bận việc đột xuất. Luôn có lý do để người ta không trở về sum họp với gia đình khi hết năm tàn tháng.
Ba nói bác chết hụt hồi năm ngoái. Vừa lúc có ý định về thì gặp tai nạn, giờ nằm một chỗ. So bề công nuôi dạy chăm sóc thì bà chăm lo cho bác còn tường tận hơn ông và thương bác hơn cả thương ba. Kiểu tình thương khó lý giải và hiếm tồn tại giữa mẹ ghẻ, con chồng. Bác bỏ đi vì giận dỗi ông nội cấm cản chuyện yêu đương với một người phụ nữ hơn bác chục tuổi. Bác đi theo người đó và lén cầm thêm mấy khâu vàng mà bà nội chắt chiu dành dụm. Sau này, tại đi xa nên không có cơ hội quay về, chứ thật tâm bác luôn hướng về nhà. Ba để bà nội giữ nguyên ý nghĩ bác sẽ về sum họp vào một ngày nào đó, bởi sẽ tốt hơn ý nghĩ bác khó có thể về. Tất cả chỉ để quãng thời gian nhắc về bà nội sẽ không phải bằng cụm từ “hồi bà còn” như đang nói về ông.

Cuộc điện thoại từ phương xa làm cha con tôi khấp khởi. Đó là bác tôi. Ba nói trong nước mắt, dặn dò bác giữ gìn sức khỏe, chừng mô thật khỏe hẳn tính chuyện về. Có nhiều bao biện để giải thích phân bua cho nguyên do sao lâu nay không hề liên lạc. Một cuộc gọi như thế này có thể được kết nối từ lâu lắm rồi, từ hồi ông còn chẳng hạn. Hẳn bác đã chuẩn bị câu trả lời nhưng ba tôi không hỏi. Chỉ cần bác nói đã đặt vé đợt ra giêng, ba mỉm cười bảo để em báo lại cho bà mừng.

Gật đầu cười tươi và ngó bâng quơ ra cửa sổ, bà nội rớm nước mắt rồi nói thầm trong miệng: “Đã tới tết đâu, ra giêng e còn lâu lắm”.

Lâu cách mấy, bà vẫn đợi được cho coi, huống hồ khi đó giao thừa cũng vừa đến.

Diệu Ái
https://thanhnien.vn/van-hoa/van-chua-den-tet-truyen-ngan-cua-dieu-ai-931811.html

sôngthương
12-13-2020, 08:18 PM
Chậm từng giọt chữ…

(Nguyễn Ngọc Tư)

Có lần ngồi nói chuyện văn chương với Già, ông nói bây giờ người ta đọc nhiều nhưng không đọc kỹ… Bạn thấy nhột ran, thấy trong hai chữ "người ta" đó có mình. Những lần Già nhắc tới cuốn sách nào đó bạn hớn hở kêu đọc rồi, nhưng nhắc một đoạn trong đó thì bạn không nhớ. Những lần bạn ngắc ngứ không gọi được tên một nhân vật. Những lần bạn quên tên tác giả hoặc nhớ tác giả thì quên tên sách. Những lần bạn khen cuốn sách X đó hay những hay làm sao thì bạn không diễn tả được. Giống như lướt đi trên những mối tình hờ hững, đã từng yêu nhưng có lẽ thiếu đậm sâu, đến nỗi chả nhớ nốt ruồi cô ấy nằm ở đâu.

Già thì khác. Tám mươi sáu tuổi Già vẫn giữ cách đọc sách kỳ lạ. Mỗi chữ trong sách với Già là thưởng hớp trà, ngụm rượu. Nên còn gì sướng bằng trà rượu ngon. Già xướng một câu, chắc lưỡi hít hà một cái, gật gù khen quá đã. Có những đoạn văn bạn đã từng lướt qua trên trang sách giờ qua ngữ điệu duyên dáng của Già bạn thấy ngỡ ngàng, tươi mới bao nhiêu. Và bạn thấy lạ lùng bao nhiêu khi ngó Già đọc lại một câu văn tâm đắc, dù Già dùng hai chữ "thấy ghê", sau khi rướn cái cổ gầy gò nhăn nhúm nuốt nước bọt.

Già nói thấy ghê, nhưng không phải chê, mà nghe trong đó sự ngưỡng mộ, nể nang, thán phục. Già hay thảng thốt "thấy ghê" sau mỗi câu văn hay ho mà Già đã đồng cảm đến mức thuộc nằm lòng. Mà Già thì thuộc nhiều câu dài lắm, kinh điển lắm, phức tạp lắm… đến Sông Đông êm đềm chữ như rừng vậy nhưng Già vẫn có thể tỉnh bơ đọc một đoạn nào đó, bằng trí nhớ mẫn tiệp, bằng tình yêu văn chương, bằng sự trân trọng sách, bằng cách đọc thật chậm, nâng niu từng câu chữ.

Chống chế rằng cái thời Già sống sách hiếm hoi, nên người ta quý sách, người yêu sách coi sách như miếng ăn, hơi thở. Nhưng cái thời cầm sách đọc mà sợ hết qua rồi, giờ sách đầy rẫy, đẹp, sang… không đọc nhanh thì tiếc. Và đọc sách như một công việc, không phải thú chơi. Trong bạn bè của bạn, có nhiều người đọc sách để điểm tin trên báo, đọc sách để khoe (rằng đã đọc), đọc sách để học viết, đọc để… kể lại. Nên ai cũng mau mau cho đến trang cuối cùng. Lâu lắm rồi bạn không còn nhấm nháp từng trang sách, như bụi lục bình trôi nhẩn nha trên sông, lúc tấp bờ này khi dạt vào bụi nọ. Bạn cũng đam mê, cũng nghiến ngấu mà như là nghiến ngấu bánh mì kẹp thịt, tô phở… không phải ngồi nhẩn nha vừa thổi vừa gỡ lớp vỏ cháy khét của củ khoai lùi.

Bạn cảm thấy bệnh sống nhanh sống gấp dường như đã di căn đến thú nhàn nhã cuối cùng của mình, xộc vào thành lũy cuối cùng. Và chỉ khi gặp Già, ngồi giữa căn nhà lấp ló trong vườn dừa của Già nghe Già đọc một đoạn văn của Hemingway, Lỗ Tấn, Lev Tolstoi… thì mới cảm thấy thật rõ ràng. Chỗ Già gì cũng chậm, nước trà rót chậm, điếu thuốc cháy chậm, tiếng nước mương vườn chậm rãi chảy, và giọng Già nhẩn nha mà nghiêm cẩn, "Hằng năm, tôi đợi mùa thu tới, để buồn…" (*).

Văn chương va vào Già thì sống dẳng dai. Những vẻ đẹp của trang sách vẫn tồn tại ngay khi không còn tồn tại trên những tờ giấy úa. Ngó bộ chắc phải dạy sắp nhỏ lại, nên có bữa Già khẽ khàng lôi ra một tờ báo cũ in một truyện cũng cũ của Già, biểu bạn đọc. Mà không được đọc thầm đâu, phải thành tiếng thành câu. Chữ nào bạn đọc sai Già nhắc chừng chừng trong lúc khói thuốc bảng lảng vờn trên mặt. Bạn quen đọc thầm, giờ giọng cứ vấp dúi dụi trên trang báo dày những chữ, đến truyện ngắn thứ hai đã cảm thấy mệt đứt hơi, muốn nhanh cũng không nhanh được.

Kết quả của buổi chiều làm bài tập đọc đó là bạn nhớ dẳng dai một câu trong cái truyện ngắn xa xưa của Già, "Viết thơ cho nhau và tìm thăm nhau là việc làm của những kẻ yêu nhau quá ít còn đang sợ hãi chuyện quên nhau. Tình yêu của tôi không hời hợt thế"

Vậy nên, thưa Già, nếu lâu lắm thưa vắng tin nhau, cũng không có nghĩa bạn nhỏ này đã quên Già rồi…

(*) Ernest Hemingway


http://www.viet-studies.net/NNTu/NNTu_ChamTungGiotChu.htm

sôngthương
12-27-2020, 08:08 AM
Hương dủ dẻ
Tôi rời thị trấn vào một buổi sáng mưa, mưa chảy ngược phía sau lưng tôi, hiền hoà, mênh mang.“Chúc em luôn hạnh phúc, Minh à .Tạm biệt em !”. Tôi thì thầm qua khung cửa ướt nhẹp nước mưa, hy vọng em sẽ nghe thấy, dù thế nào thì chúng tôi cũng đã từng là những người bạn, như em nói là những người lạ quen thuộc.

-Chị Hiên ơi, em mới phát hiện ra cái này hay lắm ! – Sẻ níu vạt áo tôi rồi nó chỉ vào cuối góc vườn, nơi vừa có một cây dủ dẻ mới mọc lên. Chưa gì mà tôi đã thấy con bé vui sướng cười háo hức.
Ở miền quê này không có gì đặc biệt, chỉ có mùi hương dủ dẻ là đủ sức níu bước chân tôi quay lại. Nơi ấy, một màu vàng hoang dại luôn ngập trong ánh nắng mặt trời… nơi vùng quê nghèo ven sông.

Dì, Dượng tôi có hai đứa con, là một cặp sinh đôi một trai một gái – Nấm và Sẻ. Tụi nó nhỏ hơn tôi bảy tuổi, tức là vừa mới học xong lớp năm. Nhớ hồi đó, lần đầu tiên gặp Nấm với Sẻ là lúc tụi nó còn chưa biết đi, vậy mà giờ đã lớn phổng phao rồi, nhưng chỉ lớn vậy thôi chứ nhìn vẫn còn con nít lắm. Tôi đang ngồi vun lại mấy gốc bụi hồng tỉ muội gió mưa làm gãy cành hôm qua, thì Nấm và Sẻ bước đến cùng kéo áo tôi.

-Chị Hiên, ra bờ sông chơi thả diều với tụi em đi !
-Bây giờ sao ?
-Dạ, chứ lát nữa hết gió là diều không bay lên được. Đi, chị.

Sẻ hối đến nỗi tôi còn chưa kịp rửa tay đã phải lẽo đẽo đi theo nó .Từ nhà dì Út ngược về phía núi rồi đi thẳng chừng mười phút đi bộ, là tới bờ sông, nơi bọn trẻ thường chơi thả diều. Ở đây ngoài con sông nước trong vắt quanh năm còn có cánh đồng cỏ lau rì rào trắng muốt, đây đúng là một điểm lý tưởng để thả diều.

Trong số những người hàng xóm gần nhà dì Út, thật ra tôi có để ý một thằng nhóc, cỡ tuổi Nấm nhưng trông nó chững chạc hơn. Tôi gặp nó lần đầu tiên là ở ngoài bờ sông, khi thì nó ngồi một mình, khi thì nghịch nước, lúc lại nhìn bọn kia chơi thả diều .

Tôi thấy nó nhìn vào con diều của Nấm với một ánh mắt khao khát nhưng chẳng bao giờ có cơ hội chạm vào. Nhiều lúc muốn lân la hỏi han nhưng lại không biết phải bắt đầu từ đâu.

Nhưng từ khi quen biết nó thì hình ảnh lem luốc và mái tóc cháy xém của nó cứ không ngừng gieo vào đầu tôi những suy nghĩ lạ lùng .Tôi thấy thật thương nó, một đứa bé mà ngay cả món đồ chơi đơn giản nhất cũng không có được, nó cô đơn trong chính tuổi thơ của nó, đã vậy còn nói lắp bị bạn bè xa lánh .Tôi cũng không hiểu vì sao mình lại có nhiều tình cảm với một đứa bé xa lạ như vậy, thậm chí tôi còn chưa lần nào nói chuyện với nó, chỉ biết là tôi luôn có cảm giác đó, như cỏ lau chiều nào cũng cong mình đón những tia nắng mặt trời vàng óng mà tôi có bao giờ biết lau có màu gì đâu .Tôi nhớ có lần hỏi dượng thì dượng nhìn tôi đầy ẩn ý .“Là màu trắng nhưng cũng có thể không phải, dượng chỉ biết màu của lau rất buồn. Và rất thâm trầm. Như màu của vạt kỷ niệm đang dần phai. Như màu của một hy vọng le lói đang tắt dần. Và như màu của thời gian vô tình trôi đi miên miết”.

Cuộc đời thật rộng, tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người, nhiều cuộc đời. Nhưng không hiểu sao lại yêu làng quê này một cách lạ lùng. Bởi hương dủ dẻ, mùi cỏ lau hay cậu bé nói lắp có nụ cười hồn nhiên ấy.

Mãi sau này tôi mới biết em tên Minh, tôi không muốn gọi em bằng cái tên mà bao người đã từng chọc em, đơn giản vì tôi muốn em có nhiều bạn bè chơi cùng.

Hôm nay Nấm không rủ tôi đi thả diều nữa. Buổi sáng nó ở nhà nấu cơm, quét dọn nhà cửa, tôi phụ nó mấy việc linh tinh, dì dượng lên rẫy đến chiều mới về. Buổi trưa tôi bảo Sẻ ở nhà trông nhà, còn tôi và Nấm dắt hai con bò đi ăn cỏ ngoài bãi cạnh bờ sông. Nhưng mới đi được nửa đường chúng tôi gặp Minh, thấy Minh, Nấm định quay đầu bỏ chạy thì tôi đã kéo áo nó lại.
-Sao thế, mọi ngày em vẫn đi đường này mà.
-Mình đi đường khác đi chị, đi đường tắt nhanh hơn.
-Vấn đề không phải đường tắt hay đường thẳng mà em cố tình tránh mặt Minh, đúng không ?

Thấy tôi nói đúng tim đen Nấm giả bộ ngó lơ đi chỗ khác, một lát sau nó mới quay lại phân trần.
-Không phải đâu chị. Chỉ là em không muốn gặp nó thôi, chứ em có ghét gì nó đâu.
-Nhưng em làm vậy sẽ khiến Minh buồn và cảm thấy tủi thân hơn đó.
Nấm im ru, chẳng biết nó nghĩ gì, hy vọng nó sẽ hiểu những gì tôi nói.

Hôm nay Minh cũng dắt hai con bò đi ăn cỏ, lần đầu tiên tiếp xúc nói chuyện tôi thấy em khá thân thiết. Dường như đã hiểu những gì tôi nói, giữa Nấm và Minh không còn khoảng cách nữa. Buổi chiều đó Minh rủ chúng tôi đi tìm dủ dẻ, ở cái thị trấn nhỏ này có vô số những kiểu chơi mà bọn con nít mê tít, trong đó có trò bứt lá dủ dẻ tết lại làm kèn thổi te te. Không riêng gì Nấm, Minh hay Sẻ, mà những ai đã sinh ra và lớn lên ở thị trấn này đều có rất nhiều kỷ niệm gắn liền với cây dủ dẻ.

Những mùa dủ dẻ chín dường như đã ăn sâu vào ký ức bọn chúng, tôi nhớ có một lần chúng tôi tìm được chùm dủ dẻ vàng ươm, thế là cả đám nhào vô tranh giành đến nỗi quả dập nát bét rớt xuống đất, vậy mà tụi nó vẫn tiếc nhặt lên phủi phủi rồi cho vào miệng để cảm nhận vị ngọt thanh tao nồng nàn từ hương vị đồng quê. Hương thơ (https://caybuttre.vn/tho/)m ấy giản dị mà luôn đong đầy tình cảm.

Có lẽ chỉ những ai đã từng trải qua mới thấy hết vị ngọt quả dủ dẻ đánh thức vị giác mỗi khi nhớ về một miền quê xưa cũ.

Kể ra từ khi về nhà dì Út chơi, tôi được nếm nhiều thứ mình chưa ăn bao giờ hay những thứ ăn rồi lại thấy lạ lẫm. Những trái sim tím chín rực Nấm hái trên triền đồi cao phảng phất một thứ mùi hoang dại, tôi gọi là mùi rừng núi, đến khi Sẻ dúi vào tay tôi chùm dủ dẻ toả hương ngào ngạt tôi cảm giác như hè đang đến, rất gần. Minh đào mấy củ khoai mầm sau vườn rồi đặt lên bếp than nổ lách tách thì y như mùa đông đã dọn dến thị trấn này. Dượng về nhà mang theo mấy con cá rô phi to tướng, ướp gia vị rồi kho trên than hồng, dì nấu một nồi canh cua rau đay nóng hổi, cả nhà vừa ăn vừa nhìn nhau trong cơn mưa lạnh lẽo một chiều tháng tám. Có lẽ đó là niềm hạnh phúc trọn vẹn thứ hai mà tôi từng cảm nhận được ngoài gia đình tôi.
Sau một buổi chiều mưa trong veo, lâu lắm rồi mới có một cơn mưa nhẹ nhàng khiến người ta dễ chịu như vậy. Dì dượng đi từ hồi trưa, lên huyện chắc mai mới về, dì nhờ tôi chăm hai đứa nhóc, Nấm và Sẻ không biết làm gì mà cứ lui cui trong bếp cả buổi đến giờ vẫn chưa ra .Trong khi chờ tụi nó, tôi ngồi trước hiên ngắm trăng, những ngày tháng này là những ngày tháng đẹp nhất đời tôi, bây giờ chiều nào tôi và bọn nhóc cũng tha thẩn trên đồi tìm bông dủ dẻ rồi dạo chơi trong rừng sim hoa tím .Tôi và Sẻ đi cạnh nhau, Nấm và Minh lang thang hướng khác tụi nó cũng đã thân hơn xưa, chúng tôi đôi khi chỉ nhìn thấy nhau thấp thoáng sau những chùm dủ dẻ vàng ruộm. Đó cũng là lúc mùi hương dủ dẻ ngọt ngào lan theo gió, không chiều nào mà Sẻ không ngắt vài bông về bỏ trong cặp sách, treo trên khung cửa hay để ở đầu giường, Nấm và Minh thì không thích hái bông, hai đứa nó chỉ thích vặt hết trái ăn cho đã thèm. Mùi hương dủ dẻ cứ thế dịu dàng, mênh mang ngây ngất theo tôi cả vào trong từng giấc ngủ, vương vít vào tận giấc mơ êm đềm những ngày thơ ấu của bọn nhóc. Mãi nghĩ ngợi vẩn vơ tôi không biết Minh đã sang và đang ngồi cạnh tôi, em chẳng nói gì chỉ mỉm cười nhìn tôi. Nấm và Sẻ cũng vừa từ bếp đi ra, tụi nó mang theo một rổ khoai lang nướng nóng hổi rồi ngồi bệt xuống, háo hức.

-Khoai em mới nướng đó chị. À, Minh, tối nay mày ở lại đây ngủ với tao nha, tao ngủ có một mình à thêm mày sẽ vui hơn ! – Nấm bóc một củ khoai đưa cho Minh.

Chẳng biết hai đứa nó nói chuyện gì mà đứa nói, đứa gật, rồi cười, rồi lại tiếp tục nói. Cứ thế đến khi trăng lên, đêm nay chỉ là một mảnh trăng khuyết treo lơ lửng nhưng vẫn toả ra thứ ánh sáng mờ ảo, phủ màu ấm áp lên đám cỏ ướt mưa trước sân nhà, cộng với mấy con đom đóm đang lượn bay như soi sáng một khoảng trời thị trấn an yên .Trong khoảnh khắc đó, tôi thấy Minh khẽ ngước nhìn tôi như muốn nói điều gì, nhưng em chưa kịp nói thì Nấm đã chen ngang.
-Chị Hiên, Minh suýt phải nghỉ học đó.
-Nghỉ học ! – Tôi ngạc nhiên. Sao lại phải nghỉ học.
-Vì nó không có tiền mua sách giáo khoa, nhưng lúc nãy tụi em đã bàn với nhau rồi, em sẽ cho Minh bộ sách giáo khoa cũ, cũ mà vẫn còn xài được.
-À, vậy ra chuyện hai đứa nhỏ to lúc nãy là chuyện này đó hả.
-Dạ, đúng đó chị ! – Nấm nheo mắt cười, rồi nó nói thay Minh những lời muốn nói với tôi. Minh nói cảm ơn chị nhiều lắm, vì những cây bút và những cuốn truyện tranh chị tặng nó hôm bữa và cả số tiền chị giúp mẹ nó trả tiền viện phí nữa.

Nấm và Minh làm tôi xúc động ghê ghớm. Những việc tôi làm có là gì đâu so với những việc bọn nhóc ở đây đã làm cho tôi. Ừ nhỉ, có những điều kỳ diệu chẳng xa xôi như tôi mải mê tìm kiếm, mà đôi khi đơn giản chỉ là một sự động viên, một lời chia sẻ, là lòng tốt và niềm tin.

Tình yêu làm thời gian trôi đi rất nhanh, có ai đó đã nói như vậy .Trong trường hợp của tôi, câu nói đó thật đúng. Gần hai tháng bám rễ ở đây, tôi không nghĩ đến ngày mình phải nói lời tạm biệt nhưng biết phải nói gì bây giờ.

Nấm và Sẻ chìa ra trước mặt tôi một cái túi vải, trong đó đựng một chùm bông dủ dẻ khô, một mảnh giấy và một cái kèn được tết từ bông dủ dẻ .Tụi nó nhìn tôi, mắt ươn ướt .“Chị lên thành phố thượng lộ bình an nha chị”.Tôi lắc hai bím tóc Sẻ. “Ừ, cảm ơn em, khi nào rảnh chị sẽ lại về đây chơi. À, sáng giờ hai đứa có thấy Minh đâu không ?”.“Minh nói không muốn thấy cảnh chia ly nên nó không qua đâu chị. Nó có viết thư cho chị, là mảnh giấy ở trong túi vải đó, lát nữa lên xe chị mở ra xem nha”.“Ừ, chị biết rồi”.

Tôi rời thị trấn vào một buổi sáng mưa, mưa chảy ngược phía sau lưng tôi, hiền hoà, mênh mang.“Chúc em luôn hạnh phúc, Minh à .Tạm biệt em !”. Tôi thì thầm qua khung cửa ướt nhẹp nước mưa, hy vọng em sẽ nghe thấy, dù thế nào thì chúng tôi cũng đã từng là những người bạn, như em nói là những người lạ quen thuộc.

Khi xe chạy được một lúc, tôi mở lá thư của Minh ra xem, hàng chữ dài thẳng tắp, nhỏ xinh .“Chị Hiên, em xin lỗi vì đã không qua chào tạm biệt chị. Em chỉ muốn nói với chị là em cảm ơn chị, lòng tốt và niềm tin của chị, của những người yêu thương em sẽ khiến em không phải cô độc trên con đường em đang đi và sắp đi. Khi nào rảnh chị lại về đây chơi nữa nha chị”.

Những dòng chữ của Minh, thật kỳ lạ, nó khiến mắt tôi nhoè đi trong một sáng trời mưa dầm dề, rả rích. Chưa gì mà đã thấy nhớ mùi hương dủ dẻ rồi, mùi hương sâu thẳm đọng lại mãi trong chiếc túi áo ngày nào. Đơn giản, bởi đó là hạnh phúc của một tuổi thơ, của tôi, của tất cả chúng tôi…

Phong Lin

https://caybuttre.vn/huong-du-de/
https://www.youtube.com/watch?v=tekN9NtGXOc

sôngthương
01-14-2021, 07:50 AM
Biển của mỗi người .

Ông già nói Tết này chắc ông đi Phú Quốc, còn nếu mua vé máy bay không được, ông sẽ xuống Hà Tiên nằm chơi ít bữa. Đứa trẻ gặp ông lần thứ năm, hay thứ bảy, nó cũng không còn nhớ, chỉ nhớ gặp lần nào nó cũng có vài chuyện để ngớ ra, vì bất ngờ, vì những điều nó chưa biết. Và ngồi ở cái quán café Sài Gòn, chung quanh rựng nắng lên, lần đầu tiên đứa trẻ hay, Tết nào thì ông bạn già nó cũng đi về phía biển.

Đứa trẻ biết ông yêu biển, có chuyến đi chung, ông làm nó ấm ức không thôi, vì nó thích đá, thích rừng ông lại sướng rơn khăng khăng đòi đi biển. Tập thơ mà ông tặng nó chỉ ba mươi bài, thì đã có mười bài ông viết về biển, những bài có chữ “biển” nó không tính. Có một bài thơ rất cảm động, ông đứng ở ngôi “tao” viết cho con chó đã chết của mình, “Tết Canh Tý tao đi tìm buồn ở biển. Mày đau nằm liệt ở góc nhà…”. Đứa trẻ thích bài thơ này, và cứ nghĩ ông bạn già đi biển chỉ vì không muốn nhìn thấy con vật gắn bó với mình đau đớn lìa đời.

Nhưng hóa ra, năm nào ông cũng đi, lúc thì Nha Trang, Vũng Tàu, khi thì Mũi Né, Phú Quốc… Sáng mồng Một, ông đóng cửa, khép rào và làm một chuyến đi tới mênh mông. Đứa trẻ hỏi, “rồi chú làm sao?”. Ông già cười, “châm một bình trà ngồi uống ngó biển chơi”.

Ở đó, ông cũng một mình như lâu nay sống một mình trong căn nhà rộng và sân vườn rộng. Cái sự một mình này ông không giải thích với ai. Ông yêu vẫn yêu nhưng một mình thì vẫn một mình. Và trong sáu ngày đầu tiên của một năm, quãng thời gian người ta sum họp, đoàn viên, ông lại ngồi chơi vơi trước biển, “hồi trẻ ở rừng hoài, mắc chán rồi”, cái lý do đơn giản này che giấu một điều đơn giản khác, ông sợ hãi cái không khí Tết, khi mà sự gặp gỡ, sự trở về của mỗi người đều soi chiếu, nhắc nhớ nỗi cô đơn, xa vắng con người.

Đứa trẻ dĩ nhiên đoán được, nó tợp ngụm café, ngồi ngẫm ngợi, bỗng nhớ tới ông già khác, cũng là bạn thiết của ông bạn này. Cũng một đặc trưng cho mẫu người sợ hãi Tết, năm nào cũng đưa ổ khóa cho hàng xóm khóa cửa ngoài giùm, rồi trốn ru rú trong nhà, vật vờ như một hồn ma. Ông chỉ đặt bốn cái ghế ở phòng khách của mình, như một quy định ngầm, đoàn nào kéo tới năm bảy người, ông tái tê vì khó chịu. Càng khó chịu hơn khi mình lui cui bày biện một lúc thì khách đứng lên ra về, để lại mấy đĩa bánh mứt chưa ai chạm vào, những tách trà chưa ai ghé môi. Thôi, đóng cửa cho khỏe.

Và trong căn nhà gỗ thanh vắng, ông già cũng làm cuộc hành trình đi tới biển cô đơn, theo kiểu của ông. Đứa trẻ không ngạc nhiên với cách ứng xử hơi lập dị đó, khi một ngày nó nhận ra càng ồn ào lễ hội người ta càng cô đơn, càng đông đúc chung quanh ta càng đơn độc, bởi có những tâm hồn không ai chạm thấu được.

Đứa trẻ chỉ buồn cười, chơi với hai ông già, một ở Sài Gòn, một miền tây, gặp ông này nghe nhắc ông kia, và ngược lại. Như sáng nay, trong lúc nắng lên cao, ông già lại hỏi thăm bạn mình có khỏe, đứa trẻ vọt miệng nói luôn, như bắt lại một ý nghĩ bất chợt, sợ nó tan đi mất, “sao chú không xuống ông Chín chơi, ở với ông Chín, Tết này…”.

Ý tưởng của đứa trẻ không phải sáng tạo gì cho lắm, nhưng làm ông già ngỡ ngàng, ờ, tại sao không? Bọn ông sẽ vẫn đóng cửa, trốn trong nhà, pha bình trà quạu, ngồi nói vài câu chuyện phiếm, ngồi cười người đời đang chạy rần rần ngoài kia, không hiểu sao chỉ có được mấy ngày nghỉ, họ không chịu khép cửa lại, để âu yếm yêu thương mà cứ phải tất tả ngoài đường. Hoặc vả, bọn ông chỉ uống trà, không cần nói gì hết, chỉ ngồi đó nghe tiếng sóng của biển cô đơn vỗ rất xa rồi.

Ông già lẳng lặng đặt một vé máy bay. Ông không nhắn gì cho bạn, vì muốn tạo bất ngờ. Mồng Một ông đặt chân lên cái thềm nhà treo lủng lẳng mấy giò lan. Ông gọi cửa. Không có ai. Ông dựa vali ngồi chờ đến trưa, người hàng xóm ngang qua kêu lên, “Ông Chín về quê rồi, hết Tết mới ra”. Ông gần ngồi chèm bẹp, và bỗng dưng thấy biển xanh ngằn ngặt trước mặt mình. Chưa bao giờ ông thấy biển mênh mông, sâu thẳm như vậy, ông lần túi lấy thuốc hút, điện thoại chạm khẽ vào tay. Hy vọng lóe lên rồi lại tắt ngay, bạn chủ trương sống giản tiện hết mức, ghét cái đồ công nghệ mới này, bạn không xài. Ông bỗng nhớ đứa trẻ, cũng sống đâu đó ở thành phố này.

Thời điểm đó, đứa trẻ hoàn toàn rảnh rỗi, thanh thản nằm nghe nhạc, xem phim. Nó hoàn toàn không hay ông bạn già đã lần theo nét vẽ bâng quơ của nó để đến… một biển khác. Nó tắt điện thoại, đó là cách nó tuyệt giao với thế giới này, như bạn bè vẫn thường làm, theo kiểu của họ, người đi núi, người tìm biển, người khóa trái ngoài… Đứa trẻ hoàn toàn không biết ở hiên nhà người, trên đất người, ông bạn già của nó bơ vơ ngồi lau đôi kính ướt. Ông không biết tìm bạn mình ở nơi nào, vì không biết quê quán, không biết bạn đến từ đâu.

Và ở nơi nào đó mà người ta gọi là quê, cũng có một ông già khác, treo võng ngoài bìa vườn, chờ ngày qua, chờ cho hết cuộc hội hè đình đám, chờ cho qua hết cuộc nhắc nhớ sự cô đơn.

Họ sống với biển của mình lâu tới mức, lúc cần tìm người, họ hoàn toàn mất dấu tích của nhau.

Nguyễn Ngọc Tư

https://isach.info/story.php?story=bien_cua_moi_nguoi__nguyen_ngoc_tu&chapter=0000 (https://isach.info/story.php?story=bien_cua_moi_nguoi__nguyen_ngoc_tu&chapter=0000)

sôngthương
02-11-2021, 03:26 AM
"AN" thôi là đủ .

Trễ hẹn. Chị gọi cho bạn, giọng trong trẻo như thiếu nữ: “Thong thả, chị đang ngồi chơi một mình. Mùa dịch bệnh, ai nói lo nói buồn, nghỉ chơi nha nha!”.

Bạn đứng giữa góc ngã tư trước công viên chiều nhạt nắng, lâu lắc chờ một chuyến taxi, nghe lòng tự nhiên nhẹ nhõm trước tiếng cười của chị.

Dưới chân bạn, những chiếc lá khô nằm sát bên nhau mang lại một vẻ an bình thư thả lạ. Cửa hàng quán xá thưa thớt người, ngỡ như Sài Gòn của những ngày tết. Ừ, tại sao không cho phép mình nhận những phút giây bình yên, cớ chi phải căng lên như một sợi dây đàn?

Đứng đây, gọi mãi chẳng được một chuyến xe, bạn chỉ nghe một sự phiền lòng phủ lấy mình? Một chuyến xe không gọi được, một người đối với mình không thật tốt, một cơn dịch bệnh kéo đến… suy tận cùng đâu phải lỗi ở mình.
Hà cớ chi bản thân khiến mình trở nên nặng nề, mang toàn cảm xúc tiêu cực? Sao bạn không thấy tất cả những vẻ đẹp – vốn dĩ luôn có – đang ở quanh mình nhỉ, thậm chí gần ngay dưới chân…

Lòng chợt biết ơn chị, tiếng cười giòn tan và câu đùa như vết dầu loang mang niềm vui từ chị tỏa sang bạn. Đời mình được gần những người lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan và yêu cuộc sống quả là điều may mắn. Bạn ngẩn ngơ nghĩ đến quyền năng vô hạn của nụ cười của niềm vui trong đời mỗi con người.

Phải yêu thương bản thân đến như thế nào thì mới có thể vui vẻ lạc quan được như vậy. Một sự thương thân có chiều sâu hẳn hoi, tựa như hạt giống chỉ nẩy mầm và tốt tươi trên mảnh đất thật sự màu mỡ nhiều dưỡng chất.

Nếu bản thân không nhận ra niềm vui từ tận trong sâu thẳm lòng mình, thì tất cả những thứ vay mượn khác như lớp phấn son, chỉ có thể là dối người dối mình trong giây phút phù phiếm mà thôi. Và trong suốt hành trình cuộc đời, liệu có mưu cầu nào của mình lớn hơn mưu cầu được vui?


https://vanhocsaigon.com/wp-content/uploads/2020/04/An-vhsg.jpg

Chị ngồi bên ngoài bancông quán cà phê tận tầng thứ sáu của ngôi nhà với lối kiến trúc khá cổ kính. “Chị cho coi cái này hay lắm!” – chị đón bạn vẫn bằng tiếng reo trong trẻo như trẻ nít, rút trong chiếc túi nhỏ đeo chéo bên vai một túi vải bóng có hình cành mai bung nở hoa vàng rực rỡ, bên trong túi là tờ giấy màu đỏ được gấp cẩn thận.

“Đừng nhìn chị ngỡ ngàng như vậy! Xem này!” – chị cẩn thận lần giở từng nếp gấp của miếng giấy đỏ được xếp nhiều lần theo hình tam giác. AN.

Chữ AN được viết bằng bút lông đen với lối viết của nghệ thuật thư pháp chữ quốc ngữ hiện ra trước mắt bạn trong nét mặt bừng sáng của chị.

“Năm nào chị cũng đến thăm thầy giáo dạy văn hồi cấp 3, cũng gần hai mươi năm rồi em! Mỗi năm thầy tặng chị một chữ. 5 năm nay chị nhận một chữ này. Cưng không?”. Bạn lại đăm đắm nhìn chị nâng niu gấp tờ giấy y như lúc mở ra…

Không dưng bạn nghe lòng xốn xang. Bạn nghĩ đến chữ bình an cả đời biết bao nhiêu người đã và đang chông chênh chao đảo tự khấn thầm trong thinh lặng như một câu thần chú.

Chị khấn thầm cho những xúc cảm tình yêu thôi đừng cuốn chị đi hết cuộc tình này đến cuộc tình khác, cuộc tình nào cũng vắt gần trọn năng lượng nơi chị.

Anh khấn cho những cơn ho dài chỉ là sự cảnh cáo của cơ thể vì những đêm thức khuya rít từng hơi thuốc chứ không phải là một dấu hiệu của căn bệnh sinh tử khi con anh đang còn tuổi ăn tuổi lớn.

Rồi bạn, rồi biết bao nhiêu người nữa… Từng ấy mặt người là từng ấy lời nguyện cầu. Có ai không từng có một lời nguyện cầu chỉ mong được an yên vui vẻ?

“Ngày mới an vui em!”. Chị thì thầm mà bạn cứ ngỡ chị đã rút chiếc cẩm nang mình trân quý đặt vào tay bạn cũng bằng cả một sự trân quý. Không dưng bạn có ý nghĩ về một phép mầu: chiếc cẩm nang màu đỏ này sẽ được Bụt hóa phép thành hàng triệu gói và đặt vào tay từng người trong cõi nhân gian…

Một chữ AN thôi là đủ cho một ngày mới, một năm mới, là đủ cho một cuộc đời. Phải không?

TRIỆU VẼ

https://vanhocsaigon.com/an-thoi-la-du-trie%CC%A3u-ve%CC%83/

sôngthương
02-16-2021, 11:01 PM
CẤM VIÊN RỘNG MỞ . Vào thuở xa xưa, xưa lắm, cách đây nhiều thế kỷ, vào cái thời người ta đo lường sự phú túc của một người không bằng tiền bạc và các phẩm vật khác hay nhà phố mà bằng diện tích đất đai, bằng số vườn tược người ấy làm chủ ; có một ông già nọ, chủ nhân một khu vườn rộng mênh mông: mặt trước khu vườn giáp bờ sông, phía sau giáp bờ biển.

Dĩ nhiên, ông ta chưa hẳn là một bậc giàu có nhất vùng vì ông ta không phải là chủ nhân của tất cả những ruộng đất tại đây, song một điều ai cũng công nhận: khu vườn của ông ta quả là một khu vườn nổi tiếng nhất mà họ được biết.

Thật vậy! Đó là một khu vườn đẹp tuyệt vời, đẹp hơn bất cứ một Ngự Viên xinh đẹp của bất cứ một vị quốc vương sang giàu nào trên thế giới.

Trong vườn có vô số cây cao, tỏa đầy bóng mát và sản xuất rất nhiều quả vừa ngọt vừa to ; có không biết cơ man nào mà kể những kỳ hoa dị thảo, nhìn ngắm không bao giờ chán mắt.

Cỏ thì xanh rờn, mịn óng ả, từ xa nom tựa một tấm thảm nhung mầu lục trải rộng trên mặt đất.

Hoa thì tỏa mùi thơm ngào ngạt, mỗi đóa mang một mầu sắc và mùi hương riêng biệt: đóa thì rực rỡ nồng nàn như một công nương trang điểm kiêu sa, đài các ; đóa thì nhu hòa mầu sắc, thoang thoảng hương thơm tựa một nàng thôn nữ hiền lành, cả thẹn. Có những cánh hoa be bé, xinh xinh nổi bật trên thảm cỏ, nhún nhẩy trong gió xuân y như một bầy trẻ tinh nghịch đáng yêu. Có những cánh khác hình dáng tựa như những ngôi sao mai, nhỏ nhắn, tươi mát, đẹp một cách đơn giản dịu dàng, dưới cơn mưa phùn nom càng huyền hoặc.

Hoàng Mai, Bạch Cúc, Hướng Dương, Anh Đào, Ngọc Lan, Dạ Lý, Trà Mi, Mẫu Đơn, Phù Dung, hoa Hồng, hoa Quỳnh, hoa Trang, hoa Đại, hoa Sứ, hoa Ngâu, và còn vô số loài hoa khác, không sao nhớ xuể và đếm xuể. Trong hồ bên góc vườn, hương sen man mác, lá sen chiếc nào cũng to bằng cả chiếc nong…

Vào xuân, muôn hoa đua nở, khu vườn lộng lẫy như một vườn tiên – chả ai thấy vườn tiên ra sao, nhưng chắc trên ấy cũng chỉ đẹp đến thế là cùng, không hơn được – Mùa thu, quả chĩu trên cành, lúc nào cũng như sẵn sàng chào mời chim chóc đến. Mà cũng chẳng phải mời chào: mùi thơm của hoa, của quả tỏa khắp một vùng, vượt ra khỏi chu vi rộng lớn của khu vườn, thứ mùi thơm sao mà vô cùng quyến rũ…

Muôn chim tìm đến: chúng tụ tập trên các vòm lá, lễ phép và ồn ào mời nhau nhập tiệc! Rồi sau đó, chúng trỗi giọng véo von chào mời lũ trẻ con. Ta khó mà biết được rằng nhờ hương thơm, mật ngọt của hoa kết tinh trong trái hay do cảnh đẹp kỳ diệu của khu vườn quý mà giọng chim bỗng nhiên thánh thót, du dương hơn bất cứ khi chúng hót ở nơi nào, vào lúc nào. Tiếng hót của chúng cao và trong vắt vọng mồn một vào tận tai lũ trẻ từng chặp, từng chặp, không thôi. Bọn này bỏ dở trò vui, lắng tai nghe chim hót. Và rồi, cả lũ kéo nhau vào tận khu vườn theo tiếng gọi của muôn chim.

Ôi chao! Tuyệt quá! Chưa có khu vườn nào làm lũ trẻ mê đến thế! Chúng chưa từng thấy khu vườn nào có nhiều hoa đẹp, quả ngon, cỏ mềm, cây lớn đến như thế! Chúng tha hồ leo trèo, đuổi bắt, chạy nhảy thỏa thuê, chẳng một ai ngăn cấm. Lối đi thì rậm, bóng mát lại dày, cỏ mượt dưới chân, trượt ngã cứ y như là lăn trên nệm ấm!

Chúng săn bươm bướm, chúng đuổi chuồn chuồn, chuyện trò ríu rít như chim, reo cười theo gió, vui không thể tả.

Chúng trèo lên cành, ngồi trên các nhánh cây to, nhún nhẩy đong đưa, coi chừng như còn thích thú hơn gấp bội khi chúng ngồi trên những cái đu ngày hội.

Có chúng tô điểm cho, vườn càng thêm rực rỡ.

Thời gian ấy, chủ nhân khu vườn vắng mặt. Số là ông ta có một người bạn chí thân ở tít tận một miền trên cao nguyên xa, xa lắm. Đến nỗi mỗi bận nhớ nhau, họ phải vượt không biết bao nhiêu dặm tìm đến thăm nhau. Bận này, đến phiên chủ nhân khu vườn khăn gói gió đưa đi thăm bạn. Thuở đó, người ta còn rộng thì giờ nên người ta không tiếc như ngày nay. Ta không thể nhớ rõ từ khởi hành đến khi gặp bạn, ông ta đã mất hết mấy ngày. Chỉ có một điều để chứng tỏ ông ta đã vượt nhiều dặm trong cuộc hành trình vì tình bằng hữu mà thôi. Thế này này: nguyên trước khi đi, ông ta đắn đo một lát rồi vơ hai cái trứng (trong số đó có một cái do con gà mái vừa sản xuất trên gác bếp) định dùng làm món quà biếu bạn. Chứ sao, không lẽ ta muốn ông phải mang theo hoa hay quả vườn nhà? Có họa là mất trí, vì đến nơi hoa sẽ héo rũ và quả chắc chín rục, nát ngứu trong bọc hành trang.

Dọc đường, có một lần, ông giở bọc hành lý xem chừng hai cái trứng vì sợ vỡ thì, chao ơi! Hai ba tiếng “chíp chíp” vang lên và hai cái đầu tròn trĩnh, vàng óng nhô ra khỏi bọc làm ông giật mình xuýt buông rơi bọc xuống đất nếu không kịp nhận ra. Nhưng quá muộn: hai chú gà con vỗ cánh, phóc ngay xuống đất, chúi mũi chạy tràn. Ông chỉ còn biết há hốc miệng đứng nhìn theo, chưa kịp hành động gì thì hai chú gà đã a đại vào đám ruộng lúa chín, mổ lia lịa. Ông bật cười to lên thích thú.

Thế ra ông đã đi nhiều ngày? Thời gian từ cái trứng lọt khỏi lòng mẹ (rõ ràng là khi ông nhặt hai quả trứng lên, có một cái còn nóng hổi và mẹ nó cũng vừa trên gác bếp nhảy xuống, “cục tác” vang nhà), thay hình, đổi dạng, cựa quậy, mọc lông, mọc cánh… đập vỡ cái vỏ, mở mắt, biết đói, nhâm nhi chút cám vụn, nhá được hạt tấm cho đến khi biết mổ thóc như bây giờ, đâu phải chỉ đếm bằng hai bàn tay mà đủ? Quả ông đã đi xa, xa quá là xa…

Nhưng không sao, tình bạn trên hết, ông chờ cho hai chú gà nhóc no nê, tuốt thêm mươi gié lúa làm thực phẩm dự trữ cho chúng, nhặt chúng lên, cho vào túi áo khoác, đoạn tiếp tục cuộc hành trình.

Đến một hôm kia, khi mặt trời lên khỏi đỉnh đầu thì ông ta cũng vừa đặt chân lên bậc thềm nhà bạn.

Nghe tiếng chó, người bạn hiểu ngay là ai đến thăm mình.

Đôi bên gặp nhau, tay bắt, mặt mừng, chuyện trò miên man, mê mải, quên cả nghỉ ngơi, cơm nước, ngủ nghê! Chao ơi! Cao quí thay tình bạn!

Cho đến khi cả hai đói mẻo đói meo, họ bèn dừng lại tính chuyện ăn uống, mới hay là đôi gà bé bỏng đã chuồn mất tự bao giờ. Hai bên đều tự nhận là lỗi của mình, cho đó là chuyện không đáng kể, họ tìm thực phẩm khác cho qua bữa và tiếp tục trò chuyện nữa. Họ trò chuyện cho đến 368 bận mặt trời lên và xuống mà chuyện vẫn chưa vơi (nghĩa là, nếu tính theo niên lịch ngày nay thì hơn một năm ròng đấy). Nhưng câu chuyện không phải là nước bể, cho nên đến lần 411 khi ông mặt trời lên thì chuyện cũng hầu như càn cạn. Họ bắt đầu hết thấy thú vị để nghe và kể cho nhau nghe. Khi người này kể thì người kia che miệng ngáp dài. Khi người kia kể thì người này (vốn đã thức quá nhiều đêm) chống không nổi với cơn buồn ngủ, đôi mắt cứ như có chất dẻo, cứ chập vào nhau và chỉ trong giây lát ông ta ngáy pho pho… bỏ mặc bạn vừa kể vừa nghe một mình trong bóng tối!

Than ơi! Thế là họ bất bình nhau. Sáng hôm sau ông Khắt Khe (tức là ông chủ khu vườn quý) bảo ông Cô Độc (tức là ông bạn ở xa) bằng giọng mát mẻ:

- Bác đã quý giấc ngủ hơn tình bè bạn thì thôi, tôi xin cáo thoái cho xong!

Ngỡ rằng bạn sẽ vồn vã xin lỗi một câu nào ngờ ông Cô Độc đâm cáu, trả đũa:

- Nếu bác đã chán trò chuyện thì cứ nói toạc ra, bất tất phải dùng lời bóng gió mà gán tiếng xấu cho tôi? Nếu tôi không trọng tình bè bạn thì có mà điên tôi mới chống hai con mắt lên, thức liền 45 lần bà mặt trăng lên cho đến khi bà mặt trăng xuống để mà nghe chuyện bác, một câu chuyện kéo dài nhạt thếch, thua cả nước luộc rau. Tôi, con người quen thói đi nằm ngay khi ông mặt trời về núi và chỉ chỗi dậy vào lúc ông ấy từ dưới nước nhô lên. Đúng ra, bác phải đủ trí khôn mà hiểu rằng tôi hy sinh vì tình bạn nhiều lắm mới phải chứ, có đâu lại…

Ông Khắt Khe tức thì đùng đùng nổi giận:

- À! À! Bác lại kể công với ta chăng? Bác há không biết rằng ta khát nước biết bao nhiêu lần trong khi kể chuyện, mà nào bác có quan tâm đến điều đó đâu!

Ta đã đường xa lặn lội đến đây kể chuyện vườn ta cho bác nghe… Chao ơi! Rõ là tệ bạc! Nếu tình bạn thắm thiết bao nhiêu năm nay giữa hai ta mà đứt thì là do lỗi bác chứ không phải tại ta đó, nghe không?

Ông Cô Độc cũng lồng lên:

- Thôi! Chớ nhiều lời! Tình bạn đâu phải sợi dây mà lo nó đứt? Vả, đã đến nước này thì dù nó có đứt ta cũng chẳng tiếc chi, ta vốn đã quen cô độc, kia mà!

Thế là ông Khắt Khe lên đường, không bắt tay từ biệt bạn. Cuộc chia ly sao buồn thế: hai người đều mạnh tay giật đứt mối dây thân ái mà họ dày công nối tiếp từ bốn mươi năm ròng rã: họ rất yêu nhau, mà họ yêu nhau cũng phải, cả hai đều không vợ không con, cả hai đều khó tính ; nghĩa là nói trắng ra thì họ đều là những kẻ vừa khắt khe lại vừa cô độc, đúng như tên họ mang.

Nỗi buồn chĩu nặng bên lòng, ông Khắt Khe lặn lội trở về vườn trong khi ông Cô Độc đi nằm, ngủ ngay khi mặt trời chưa lên núi.

Vốn nặng ôm khối buồn, vừa về đến nơi lại trông thấy một lũ nhải con trong khu vườn quý, Khắt Khe ta gầm lên:

- Lũ nhải ranh kia! Ai cho phép chúng bay vào đây làm gì, hử?

Trông dáng bộ hung hãn của ông Khắt Khe, lũ trẻ sợ cuống lên, cả lũ đều há mồm mà không ra tiếng. Lão Khắt Khe cũng chả thiết nghe chúng phân trần, lão quát to, giọng oang oang như lệnh vỡ:

- Khôn hồn thì cút xéo ngay! Vườn này là vườn của ta, thuộc quyền sở hữu của ta. Chỉ một mình ta được ra vào, lên xuống mà thôi. Chúng mày không được bén mảng vào đây, nhá! Chỗ này không phải chỗ chơi của lũ bay. Lũ bay không có họ hàng ruột thịt gì cùng ta, không có liên hệ dây mơ rễ má gì cùng ta, ta không chấp chứa lũ bay được! Cút xéo!

Lũ trẻ vừa khóc thút thít vừa đi giật lùi ra khỏi khu vườn một cách miễn cưỡng, buồn rầu. Chúng biết rằng từ đây mà đi chúng không bao giờ được đặt chân vào khu vườn đẹp tuyệt vời kia nữa. Ngoài đường lớn thì đầy cát bụi và sỏi đá, có gì hợp với chúng đâu? Nhà chúng thì chật chội, thiếu ánh sáng và chạy nhảy sẽ vướng chân vì đồ đạc…

Ông Khắt Khe tức thì bắt tay vào việc: ông ta cầy cục xây một bức tường rất cao vây quanh khu vườn, ngoài cửa treo một tấm bảng, kẻ một hàng chữ lớn tướng, dài ngoằng (ý chừng để tỏ cho mọi người biết rằng Khắt Khe ta đây cũng là một tay nho học hẳn hòi?) như sau:

“Đất này là CẤM ĐỊA. Vườn này là CẤM VIÊN. Không được vào đây, ai bất tuân sẽ bị Khắt Khe chủ nhân trừng phạt đúng theo hình luật quốc gia”.

Và lão xoa tay dáng chừng đắc ý về tài văn chương siêu bạt của mình, quên phăng cả sợi dây thân ái mà lão tưởng sẽ làm lão đau đớn xót xa dai dẳng cho đến trọn đời ; ngờ đâu có vài chục lần mặt trời lên xuống (một chặng đường về) là lão đã quên tuốt tuột, thấy nhẹ lâng lâng, nhất là sau khi tống khứ xong lũ trẻ!

Từ bấy giờ trở đi, Khắt Khe ta tự nhủ: “Ta không thèm kết bạn với bất cứ ai nữa. Tình bạn chỉ tổ gây thêm phiền phức, tốn kém mà thôi. Sống một mình với khu vườn quý là hoàn toàn hạnh phúc rồi.”
Nhưng Khắt Khe quả đã lầm to: mùa Xuân như ngắn quá sau khi lũ trẻ bị xua ra khỏi cổng vườn. Mùa Xuân không có chân, không di động được mà chừng như đi theo lũ trẻ? Lão chịu đựng một mùa Hè nóng bức chưa từng thấy trong đời, tiếp đó Thu về nhưng khung cảnh vô cùng ảm đạm và mùa Đông vội vàng ào tới, gấp gáp và dữ dội, xô tạt Thu đi. Vườn cây không kết quả.

Công bình mà nói: từ ấy chỉ có mùa Đông là tồn tại, ở lỳ trong CẤM VIÊN, không muốn dịch chân. Còn đất nào tốt hơn đất này nữa chứ? Xuân, Hạ, Thu thập thò ngoài cổng rồi quay ngoắc đi.

Bên ngoài CẤM VIÊN, Xuân đã trở lại, cây cỏ đua tươi trong tấm áo xanh biếc dịu dàng. Muôn chim đua hót, ngàn hoa đua nở, quả chĩu trên các cành cây.

Trong CẤM VIÊN trái lại: không một bóng chim, không một cánh bướm. Hoa ngừng nở. Hạt không nẩy mầm. Cành cây trơ trụi, khẳng khiu, như những bàn tay gầy giơ lên cao kêu cứu. Lá úa ngập lối đi, che khuất cỏ xanh. Toàn thể khu vườn như được ướp lạnh trong một mầu vàng héo úa, buồn thảm!

Vài mầm cây, vài cánh hoa ngứa ngáy, ngọ nguậy muốn trồi lên, muốn nhô ra hứng sương và sưởi nắng, nhưng vừa lấp ló, trông thấy khung cảnh lặng lẽ, ảm đạm chúng đâm nản vội vã lùi lại, nép vào lòng đất và nhắm mắt ngủ luôn không thèm dậy.

Chúa Xuân mặc áo mây trời, thơ thẩn trên cao, không hề ghé mắt nhìn qua CẤM VIÊN lấy một lần.

Lũ trẻ chẳng hiểu mô tê chi, cứ ngấp nghé, kiễng chân bên ngoài CẤM VIÊN một cách say sưa, thèm muốn. Chúng xuýt xoa:

- Chắc bên trong giờ này tuyệt lắm? Ước chi…

Một cô vành khuyên thóc mách:

- Ấy chớ! Các bạn đừng vào đó làm chi. Mùa Đông ngủ luôn trong ấy. Vườn quý chết rồi. Các bạn xem đây: Chúng tôi có thèm vào đó nữa đâu!

Lũ trẻ còn đang ngơ ngác, chưa hiểu hết lời chim thì con vành khuyên đã vỗ cánh lao đi như một mũi tên trong nắng sớm. Lũ trẻ dõi mắt theo: quả nhiên nó tránh xa khu vườn quý! Lạ chưa?

Lũ trẻ buồn, kéo nhau ra cánh đồng. Dĩ nhiên, cánh đồng rộng, thoáng, chúng tha hồ chạy nhảy, tuy có kém vui không bằng chạy trong vườn thuở trước.

Dần dần, các sinh vật đều xa lánh khu vườn. Lạnh quá, chúng không kham nổi. Chỉ có Băng và Tuyết có vẻ ưa chuộng vườn cấm. Chúng kháo nhau:

- Nàng Xuân biết sợ chúng ta, bạn thấy không?

- Phải! Chúng ta sẽ ngự trị nơi này, tổ chức quân đội, thành lập chính phủ…

- Phải! Phải! Chúng ta ngự trị!

Và chúng hoan hô, cổ võ lẫn nhau. Tuyết phủ cả mảng dày lên cỏ, lên cây cối như một lượt sơn trắng xóa, giá buốt. Chúng cao giọng mời gió Bắc đến chia vui. Bắc nhận lời không do dự.

Suốt ngày, trong lúc Tuyết gieo rắc cái lạnh, phủ thêm sơn trắng lên cây cối thì gió Bắc chạy nhông nhông quanh vườn, rít lên như tiếng kêu rú của loài ma quái. Bắc rít thế này:

- Chỗ này thật thích! Nhưng nó sẽ hoàn hảo biết bao nếu có nàng Sương ở chung với chúng ta.

Và chúng đạt giấy mời, giao cho gió Bắc thân đi đón quí khách. Thế là cô Sương đến ngay, nhập bọn.

Nom bề ngoài cô Sương ẻo lả là thế, nhưng cô có một sức dẻo dai phi thường. Mỗi ngày Sương nhỏ lộp bộp, lộp bộp lên mái nhà không ngừng nghỉ, gõ liên tục, cho đến nỗi mái nhà thủng đi, Mưa và Tuyết tức thì du hành vào đó. Sương thích thú đuổi theo gió Bắc, nhong nhong cút bắt khắp vườn cây!

Tuyết thì réo lên:

- Chúng ta ngự trị! Chúng ta ngự trị!

Ông Khắt Khe rét quá. Ông run bây bẩy trong tấm áo bông dày cộp, nhìn ra cửa sổ, cất giọng buồn rầu (vì nhớ tiếc chim, hoa và lũ trẻ đáng yêu) mà rằng:

- Chao ơi! Sao mùa Xuân đến chậm thế, hả Trời?

Mùa Xuân không đến chậm như Khắt Khe tưởng: Mùa Xuân không đến, Hè cũng vậy và Thu cũng vậy. Cây trơ trụi, không một nhách quả nào. Khắt Khe đâm hoảng.

Khu vườn bấy giờ mặc sức cho Băng, Tuyết, Sương và gió Bắc tung hoành!

Khắt Khe đau nhói tận tim. Ông ta khóc. Than ơi! Những giọt nước mắt vừa trào ra khỏi khóe tức thì đông đặc lại, cứng nhắc và rơi bộp xuống nền nhà! Thì ra Tuyết đã thề rằng sẽ đồng hóa tất cả để dễ bề ngự trị!

*
Một sáng kia, Khắt Khe thức giấc, tuy vẫn còn nằm trên giường ; chợt ông ta nghe đâu đây vẳng lên một điệu nhạc du dương. Tiếng nhạc trầm bổng như ru hồn lão già khắt khe, ích kỷ, tiếng nhạc làm mềm lòng lão già độc ác và cô đơn.

Ngần ấy tuổi trời, quả là lão đã nghe nhiều lần thứ tiếng êm ái du dương kia, song bởi đã quá lâu, chim chóc không thèm vào vườn lão nữa, cho nên lão không được nghe chim hót, đến nỗi bây giờ nghe chim tước hót lão cho ngay đó là tiếng nhạc tuyệt vời. Trầm ngâm một giây, lão cất giọng thành thạo (Lúc nào lão cũng không bỏ thói ưa tỏ ra mình là tay thành thạo đủ mọi vấn đề) mà nói với chính mình:

- Mình đã hóa lẩm cẩm rồi ư? Rõ ràng là ban nhạc của Đức Vua đi ngang mà từ nãy giờ không nhận ra được. Làm gì có ban nhạc thứ hai tấu lên được những đoản khúc tuyệt vời như vậy chứ?

Ấy thế là, lão phóng ba bước ra khỏi giường, không kịp nghĩ đến thay quần áo, sụp ngay xuống để cảm tạ Đức Vua đã quá rộng lượng với lão, gia ơn mưa móc, truyền cho Ban Vương Nhạc đi ngang để lão được thưởng thức thứ âm thanh huyền diệu từ lâu lắm lão hết sức chú ý, lắng tai mà vẫn mãi hoài thất vọng! Lão quyết định sẽ chỉ ngẩng đầu khi ban nhạc qua khỏi cửa.

Nhưng lạ thay: ban nhạc không đi, có huyền diệu chưa?

Khắt Khe ta sinh nghi, ngẩng phắt đầu lên, dõi mắt ra cửa sổ, thì trời ơi! Kinh ngạc xiết bao: trên cái cành thấp khẳng khiu mà từ lâu tuyết bám dầy cho đến nỗi lão đâm nản không thèm ghé mắt, một con chim tước đang so giọng với bạn nó, làm lão tưởng mình nằm mơ. Lão dụi mắt nhìn kỹ lại lần nữa, rõ ràng là cô Sương dai dẳng, gió Bắc độc ác, nàng Tuyết lạnh lùng… tất cả đều rút lui khỏi khu vườn một loạt. Một mùi thơm ngào ngạt tràn qua cửa sổ, ập vào nhà, chui vào hai mũi lão. Khắt Khe choáng váng, tưởng mình sắp ngất đi vì xúc động!

Lão già nhắm chặt hai mắt lại, hai giọt nước mắt lăn dài xuống đôi má nhăn nheo, giọng lão lạc đi vì sung sướng:

- Mùa Xuân! Mùa Xuân! Ta biết, ta vẫn đợi mà, mùa Xuân không nỡ bỏ ta mà!

Và lão chạy ra vườn, không cần đóng cửa theo thói quen từ trước. Một quang cảnh thần tiên hiện ra dưới mắt lão: do một kẽ hở (bởi Tuyết, Sương và gió Bắc nghịch ngợm) ở chân tường, lũ trẻ đã lọt vào trong. Chúng đang ngồi vắt vẻo trên các cành cây, đều đều trên mỗi nhánh cây một đứa. Cây sung sướng vì gặp lại cố nhân, cựa mình vùng dậy, rũ sạch mớ tuyết bám dai dẳng suốt một năm qua. Từ lòng đất, đánh hơi người, các mầm non nhô lên và vô số nàng hoa cùng thức tỉnh, nhoài ra ánh sáng, vươn lên trong nháy mắt!

Gặp sức đối kháng mãnh liệt bất ngờ, toàn thể đạo đại binh của bộ ba Tuyết, Sương và gió Bắc quá xấu hổ, mất hết tinh thần, vội vã rút lui. Và muôn chim cùng tung cánh tìm về vườn cũ. Chao ôi! Chim, hoa và trẻ con! Cảnh đó mới thần tiên, diễm ảo làm sao! Tiếng hót của chim, tiếng cười của lũ trẻ, tiếng lao xao của ngàn hoa lá tạo thành một khúc hòa tấu đặc biệt làm cho Khắt Khe tưởng như mình trẻ lại phần nào!

Khắt Khe đưa mắt nhìn xa hơn. Thì ra mùa Đông chưa đi hẳn, còn nấn ná ở một góc vườn. Đó là cái góc xa nhất, tại đó có một cậu bé, bé thật là bé, đến nỗi cậu đã cố sức mà không thể nào vói tới cành cây. Cậu bé đáng thương vất vả dưới gốc cây và sau cùng tuyệt vọng, để mặc cho những giòng nước mắt tuôn trào. Trông cậu sùi sụt khóc, những giọt nước mắt long lanh, trong suốt như những hạt ngọc, lấp lánh dưới ánh nắng xuân ấm áp làm cho lòng Khắt Khe se lại.

Và bởi, bé chưa trèo được lên cây nên cây không thể rũ bỏ Tuyết bám quanh mình, và bộ ba Tuyết, Bắc, Sương vẫn còn tung hoành dữ dội.

Tuy thế, với tất cả hy vọng, cây se sẽ nghiêng mình xuống thật thấp, khe khẽ khuyến khích cậu bé:

- Hãy gắng trèo lên mình tôi đi, cậu Bé!

Than ơi! Bé đã kiệt sức rồi mà không thể lên được trên cây. Khắt Khe không chịu nổi nữa, ông ta xông đến. Trông dáng bộ vội vã của ông ta, lũ trẻ bỏ chạy tán loạn, chỉ trừ cậu Bé ở góc vườn. Không phải cậu không sợ ông Khắt Khe nhưng bởi màn lệ đã che nhòa cả mắt, cậu còn trông thấy gì nữa đâu, kia chứ? Khắt Khe dịu dàng lại bên cậu Bé, se sẽ ôm cậu vào lòng rồi nhẹ nhàng đặt cậu lên một cành cây vững và thấp nhất. Cậu bé nhoẻn cười trong khi nước mắt vẫn chưa khô và cậu quàng tay ôm Khắt Khe, hôn lên má lão. Khắt Khe nhắm mắt lại, nghe tim mình đập thình thình trong lồng ngực vì quá xúc động – đó là lần đầu lão được hiểu, lão vói tới TÌNH YÊU.

Khi lão mở mắt ra, toàn thể khu vườn đều đã vào Xuân, và lũ trẻ, tuy chạy trốn nhưng vẫn tò mò quan sát, thấy lão không còn hung tợn thì lại kéo vào.

Trên cây cậu bé ngồi, hàng trăm cái hoa nở tung ra một loạt.

Nhìn cảnh ấy, Khắt Khe thật lòng hối hận về hành động của mình trong những ngày qua. Ông ta hiểu rằng vì hành động ngu xuẩn của mình mà mùa Xuân đã xa lánh khu vườn. Và ông ta cất tiếng, ôn tồn bảo lũ trẻ:

- Các con yêu quý! Từ nay vườn này là của các con!

Tức khắc, ông lấy cuốc, xuổng phá bỏ bức tường, hạ luôn tấm bảng cấm viên cấm địa không luyến tiếc.

Từ ấy, lũ trẻ trở thành bạn thân của ông Khắt Khe. Chúng đến chơi mỗi ngày hai bận sau giờ học. Khắt Khe cảm thấy mình là người có diễm phúc nhất trần đời, ông cười luôn miệng. Ông hãnh diện nhìn vườn cây, nhìn muôn hoa, muôn chim, nhìn đám trẻ và tự nhủ:

- Ta có nhiều hoa đẹp quá! Nhưng trẻ con mới thật là những bông hoa đẹp tuyệt trần, đẹp nhất trong các thứ hoa! Cảm ơn Thượng Đế! Cảm ơn Ngài!

Lòng thanh thản, trí óc lâng lâng, ông ngắm nhìn lũ trẻ nô đùa, và thỉnh thoảng khi nào chúng mệt, chúng lại vây quanh, bắt ông kể chuyện cho nghe. Khắt Khe bắt đầu câu chuyện bằng hai tiếng:

- Ngày xưa…

Rồi một hôm, Khắt Khe chợt nhớ, hỏi lũ trẻ con:

- Này các cháu! Thằng bạn bé nhất của các cháu đâu? Lâu nay sao không thấy?

- Thưa ông VUI TÍNH (từ lâu chúng đặt cho ông tên ấy để thay vào hai tiếng Khắt Khe) thằng bạn nào cơ? Chúng cháu tụ họp đủ hết, có thiếu mặt nào đâu?

- Các cháu chóng quên thế? Thằng bé, bé nhất mà ông đã nâng nó lên, cho nó ngồi ở trên cây ấy mà!

- À, à, chúng cháu không quen, nó không phải là bạn chúng cháu, chắc nó ở làng bên, chắc nó về rồi, ông ạ!

Thở dài một cái, Vui Tính căn dặn lũ trẻ đến ba lần:

- Hễ các cháu gặp nó đâu, bảo nó đến vườn ngay, bảo ông nhớ nó, nhớ không?

Lũ trẻ hứa sẽ làm theo lời ông dặn, nhưng ngày tháng dần qua mà thằng bé vẫn bặt tăm. Vui Tính hao gầy vì nhớ nó, ông nhuốm bệnh. Ông cứ nói:

- Ta sắp chết, ta muốn gặp cậu bé ấy quá đi thôi! Không gặp nó, làm sao ta chết được?

Lũ trẻ rất yêu ông, muốn làm vừa lòng ông nhưng chúng tìm đến mòn giày mà không gặp cậu bé ngày trước. Chúng an ủi ông:

- Thế nào rồi ông cũng được gặp nó mà, một người tốt như ông, có lẽ nào…

Vui Tính gượng gạo làm vui, kể chuyện ngày xưa cho lũ trẻ nghe để chúng bằng lòng và an ủi chính mình.

Cho đến một hôm, mùa Đông trở lại. Vui Tính không ghét mùa Đông nữa, vì ông biết đó là mùa Đông của thiên nhiên, rồi không bao lâu, Đông sẽ qua và Xuân lại đến. Chao! Mùa Xuân! Lòng ông náo nức khi nghĩ đến mùa Xuân ông sẽ gặp cậu bé ngày trước, cậu bé đã hôn ông.

Ông đưa mắt ra cửa sổ, bỗng ông dụi mắt bàng hoàng lùi lại: lạ quá thôi, chỗ góc vườn ngày cũ, góc vườn mà mùa Đông nấn ná không đi, trên một cành cây phủ đầy tuyết trắng, có cơ man là những quả vàng chói rực rỡ, hoa thì lấp lánh như bạc và thằng bé… trời ơi! Thằng bé ông mỏi mòn vì chờ đợi đang đứng tựa bên thân cây!

Ông quên cả rét, quên cả mang giày, chạy bổ về phía ấy. Ông ngỡ là cậu bé sẽ mừng rỡ như ông, hóa ra không: cậu đứng yên, như không thấy ông đến gần, đang cúi nhìn vào đôi bàn tay nhỏ bé của mình, đôi bàn tay ròng ròng máu chảy. Vui Tính vừa đau đớn vừa giận dữ, ông hỏi to:

- Cháu nói ngay: ai đã làm cho cháu đau thế? Nói mau! Ta sẽ… không tha, ta sẽ…

Bé đưa đôi bàn tay có dấu đinh đóng cho Vui Tính nắm và trỏ cả đôi chân cũng có dấu đinh như thế, không nói gì, chỉ nhìn ông bằng đôi mắt chan chứa yêu mến và bao dung. Vui Tính nghẹn ngào, hỏi lại, giọng trầm hơn:

- Ai đã làm cho bé đau? Ai ác thế? Ta sẽ không tha hắn. Bé nói đi!

- Không! (Giọng bé trìu mến, nồng nàn) ông chớ quan tâm tìm kẻ ác! Đây là những VẾT THƯƠNG CỦA TÌNH YÊU…

Vui Tính sửng sốt, bàng hoàng lùi lại. Ông lắp bắp hỏi:

- Bé là ai?

Nhưng không đợi câu trả lời của đứa trẻ, một mối kinh hãi dị thường đột ngột xâm chiếm lấy ông. Ông quỳ xuống, không đủ can đảm nhìn vào đứa trẻ. Đứa trẻ ôn tồn bảo:

- Ông còn nhớ không? Đã có một lần ông cho tôi vào chơi ở vườn quí của ông? Ông đã mở rộng cấm viên đón các trẻ vào đó… ông tốt lắm! Ông quả có lầm lạc, ích kỷ lúc đầu… nhưng ai chả thế? Phải không? Bây giờ, ông sắp được đi với tôi đây! Tôi mời ông vào vườn tôi, ở một nơi cao. Đừng sợ hãi! Hãy nắm lấy tay tôi, không! Đừng sợ tôi đau, vì các Vết Thương đã lành rồi!

*
https://4.bp.blogspot.com/-7yWendbQ7MM/UWZENUDEvlI/AAAAAAAAAkA/Y2OSlW-qj-0/s640/Cam+vien+rong+mo.jpg

Trưa hôm ấy, đám trẻ con kéo vào vườn chơi và thăm VUI TÍNH. Chúng tìm thấy ông nằm dài dưới gốc cây, nét mặt thản nhiên, tươi tỉnh như đang ngủ, môi tựa sắp cười. Quanh thi thể ông, ngàn hoa phủ kín. Quả vậy, ông vui vẻ đi vào cõi khác cùng với một Đấng Quyền Năng trong dáng dấp trẻ con.

Minh Quân
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 110, ra ngày 15-7-1969)

https://tuoihoandmore.blogspot.com/ (https://tuoihoandmore.blogspot.com/2013/04/cam-vien-rong-mo.html)

sôngthương
02-23-2021, 06:08 AM
Đứa Con Dị Chủng
Tác giả:
Minh-Đạo & Nguyễn Thạch-Hãn
Bài số 3314-12-28544vb6072911

Tác giả đã góp một số bài viết đặc biệt về chuyện đời tị nạn, và được đề cử vào danh sách chung kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Bút hiệu gồm 2 người: Minh-Đạo là một vị cao niên 86 tuối, viết lách cho... vui, trong khi Nguyễn Thạch Hãn, cư dân Houston, Texas sinh năm 1945, là một cựu sĩ quan Pháo Binh VNCH, hiện làm việc trong một công ty Energy tại thành phố Houston. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

***
Lúc gần đây báo chí và các đài TV Việt ngữ bán tán xôn xao về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, chắc hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam.

Bạn tôi muốn kể cho quý vị nghe về một đứa trẻ bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ trên đất Hoa Kỳ, nhờ mẹ nuôi Việt Nam mang về chăm sóc, dậy dỗ đã trở nên người hữu dụng.
Tôi lượm được thằng Michael ở bên xa lộ 45 South Trên đường từ Houston đi Clear Lake. Dạo đó vào khoảng năm 1982, tôi mới ra trường và bắt được một job thơm phức làm cho cơ quan NASA ở Houston trong Mision Control Center, do một ông bạn học cùng lớp giới thiệu. Cuộc đời tôi gặp bao nhiêu là may mắn bất ngờ, đúng là trời cho. Cho nên tôi vẫn nhớ ơn ông Trời, cố gắng học làm người tử tế, dù có chịu thiệt thòi một chút cũng cam lòng.

Số là hôm đó tôi đi làm trễ, vừa từ xa lộ rẽ vô NASA road 1, thấy một thằng nhóc đi bộ lang thang bên lề đường, vai mang túi sắc to tướng, kiểu túi sắc quân đội, như ngày xưa tôi nhận được khi mới vào trường Võ Bị. Nhóc đưa ngón tay cái lên ngoắc ngoắc xin quá giang. Tôi vội dừng xe lại hỏi:
-Mầy muốn quá giang hả?
-Yes, Sir!
Hắn vội vã quăng cái “sắc” quần áo ra sau xe truck, với tay mở cửa và nhảy phóc lên ngồi cạnh tôi. Mùi mồ hôi bốc lên nồng nặc. Không chịu nổi, tôi phải quay vội cửa kiếng xe xuống. Tôi hỏi chàng “Trẻ Tuổi Bụi Đời”:
-Mày muốn đi đâu?
-Đi đâu cũng được!
-Nhà mày ở đâu?
-Tôi không có nhà, mới từ OMAHA quá giang xe xuống đây.
Tôi nghĩ trong bụng:’Gặp thứ thiệt rồi”.
-Tao phải đi làm bây giờ, thôi tao thả mày xuống Clear Lake Park, ở đó có đủ cả phòng vệ sinh và chỗ che mưa nắng đến trưa tao kiếm cái gì cho mày ăn.

Bà xã tôi hay cằn nhằn về vụ cho mấy tay “bụi đời” quá giang xe. Kể ra thì cũng nguy hiểm, chẳng may gặp anh chàng khùng nào đó coi mạng người như cỏ rác, vậy là giống như trứng giao cho ác! Nhưng tôi quan niệm khác, sống chết có số, ngày xưa lúc còn xông pha trận mạc, mình đâu có tránh đạn được, toàn là đạn tránh mình thôi. Cho nên mỗi khi lái xe một mình, gặp người xin quá giang, nếu thuận tiện tôi vẫn “dzớt” như thường. Kể như đền ơn những người từng cho tôi quá giang hồi mới chân ướt chân ráo bước chân đến đất Mỹ này. Hồi đó, mỗi ngày đi làm phải lội bộ hàng mấy cây số trên đường đầy tuyết. Nếu gặp xe nào cho quá giang thôi mừng hết lớn.

Từ sở làm đến hồ Clear Lake chỉ mất vài phút lái xe, tôi vẫn hay ra đó ăn trưa, dỡn với mấy con chim hải âu bằng cách liệng lên cao một miếng bánh mì sandwitch thế là cả đám nhào xuống kiếm mồi, bu lại chung quanh, tôi chỉ vung tay ra cũng túm được một chú. Đôi khi buồn ngủ quá bèn đánh một giấc như “Những Ngày Xưa Thân Ái”.

Buổi trưa tôi mua 2 phần ăn rồi lái xe đi kiếm “Chàng Bụi Đời”. Đậu xe vào parking, nhìn ra mấy bàn picnic sát bờ hồ, thằng nhóc ngồi đó đang chăm chú xem cuốn album cũ nát. Thấy tôi đến, nhóc vội đứng lên chào và rất mừng rỡ, có lẽ vì túi đồ ăn khá lớn tôi mang đến. Hắn đưa cho tôi cuốn album và giải thích:
-Tôi thấy sau kiếng xe của ông có gián cái huy hiệu nhảy dù, chắc ông là người Việt Nam?
-Sao mày biết?
-Ba tôi cũng từng chiến đấu ở ViệtNam, trên mũ cũng có cái huy hiệu giống như cái ông gián sau xe. Đây ông xem có đúng không?

Hắn vừa nói vừa chỉ vào tấm hình chụp một chàng lính Mỹ mặt non choẹt, trên dưới 25 tuổi, đầu đội mũ đỏ của lính nhảy dù ViêtNam thời xưa, cổ áo mang hai bông mai vàng đàng hoàng. Nếu không có cái mặt Mỹ ai dám bảo không phải là lính nhảy dù VN?

Tôi nhìn tấm hình thấy quen quen, đúng là thằng Doug Salvatore, Trung Úy trong ban Cố Vấn của tiểu đoàn tôi. Sở dĩ tôi nhớ tên anh ta vì hắn hiền khô ít nói, rất thích đội chiếc mũ đỏ nhẩy dù lệch hẳn qua một bên, gặp ai trong tiểu đoàn bất kể cấp bậc, cũng dơ tay chào miệng lẩm nhẩm “hảy đù kú gắn” . Ai cũng cười hiểu rằng hắn muốn nói “Nhảy Dù cố gắng”, Doug cũng cười theo. Hắn hiền khô ít nói, nhưng mỗi khi nhờ gì hắn đều giúp đỡ tận tình, từ việc gọi hải pháo, phi vụ oanh kích, máy bay tải thương đến xin vật liệu xây cất doanh trại. Mấy chiếc xe của tiểu đoàn hết bình điện muốn nổ máy, kêu hắn đến là xong ngay, đẩy xe chạy băng băng một chút xíu, thả chân số là nổ máy liền. Hắn có thêm một biệt danh khác là “cargo 5 tấn”, ý nói mạnh như xe vận tải 5 tấn. Thỉnh thoảng hắn còn mua tặng tôi cả đồ trong PX nữa. Lính trong tiểu đoàn gọi hắn là “Đất”. Biệt danh đó cũng gần giống với tên thiệt. Mỗi lần gọi “Đất” hắn chỉ nhe răng ra cười. Sau này biết được ý nghĩa của chữ “Đất” hắn càng thích thú hơn, Một lần tôi hỏi hắn, sao tên của bạn là Salvatore, hơi giống như Salvadore vậy, thế bạn có phải gốc Nam Mỹ không? Hắn nói chẳng có liên quan gì cả, tổ tiên hắn đến từ Tây Ban Nha.
Hắn đã cứu tiểu đoàn tôi nhiều lần trong các cuộc hành quân thời “Mùa Hè Đỏ Lửa” nhờ xin được kịp thời những phi vụ yểm trợ vũ bão từ đệ thất hạm đội hay từ căn cứ Utapao bên Thái Lan.
Trong trận giải cứu An-Lộc, tuyến phòng thủ của đại đội bị chọc thủng. Tôi bị một mảnh cối vào bụng, cắt hết nửa lá gan, máu ra lênh láng. Thằng Đất một tay bắn M16, một tay kéo tôi vào gốc cây cao xu. Hắn xin trực thăng tải thương vào bênh viện dã chiến Mỹ, nếu không tôi chắc đã đi luôn rồi. Tôi mang ơn cứu tử của Đất từ ngày ấy. Sau trận An Lộc, hắn về Mỹ. Tôi mất liên lạc với hắn từ ngày tan hàng. Bây giờ lại gặp con hắn ở đây, đúng là số Trời. Tôi mừng rỡ ôm lấy thằng bé, hỏi cuống quýt:
Tao là bạn của Doug, ba mày bây giờ ở đâu?
Hắn rớm nước mắt:
-Ba tôi chết cách nay 5, 6 năm rồi.
-Kể tao nghe đi, sao vậy?
-Ổng bị đụng xe trên xa lộ bởi một người say rượu, chết ngay tại chỗ.
-Má mày đâu mà để mày đi lang thang như vầy?
-Má tôi có chồng khác, tôi không thể sống với cha ghẻ nên bỏ nhà ra đi.
-Mầy đi má mầy có biết không?
-Cả nhà còn ngủ, nào ai biết.
-Mầy còn nhớ số phone nhà không.
-Tôi có đây, nhưng giá nào tôi cũng không về đâu.
-Tao đâu có nói là bắt mầy về nhà, chỉ là gọi cho má mày yên tâm thôi, để bả khỏi báo cảnh sát, mầy hiểu không?
-Dạ hiểu.
-Thôi được rồi, quăng đồ đạc lên xe rồi đi theo tao.

Tôi dẫn thằng bé lại Motel 6 và book cho nó một đêm, thủng thẳng tính kế giúp đỡ. Dù sao nó cũng là con của người bạn đã có ơn cứu mạng với tôi, tôi quyết tâm cứu lại con bạn.
Có câu của Phật dạy “xây 7 cái gì gì đó, cũng không bằng cứu cho một người” * Biết đâu cha nó đã dẫn nó lại cho tôi? Tôi dặn thằng bé, tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo đàng hoàng, chờ tôi sẽ tới đón nó trong vòng 2 tiếng đồng hồ nữa.Tôi lái xe về sở, nói chuyện hoàn cảnh của thằng nhóc với xếp và mấy người bạn làm cùng nhóm, xin xếp cho nghỉ vài ngày để giúp đỡ nó. Mỗi người khuyên một câu, đại khái nói tôi phải cẩn thận với mấy đứa trẻ bụi đời. Chúng nó có cả ngàn chuyện rắc rối, hút sách, đánh lộn, cướp giựt, có khi nó còn thưa ngược lại là mình lới dụng làm chuyện bậy bạ v…v…Tôi đã quyết tâm cứu nó nên bỏ ngoài tai tất cả những lời khuyên chân thành đó. Tôi chở thằng nhóc vào sở và giới thiệu với mọi người, đồng thời gọi điên thoại cho mẹ nó, cho biết nó đang đứng cạnh tôi và muốn nói chuyện với bà.

Tôi tránh ra một nơi để hai mẹ con nói chuyện được tự nhiên. Một lúc sau trở lại, nhóc nói mẹ nó muốn đươc tiếp chuyện tôi. Bả ngỏ ý trao toàn quyền cho tôi và cầu xin tôi giúp cháu, bởi vì đời sống trong nhà bà như ở địa ngục, cha ghẻ con ghẻ không ngày nào là không gây gỗ nhau. Tôi chấp nhận lời khẩn cầu của bà, yêu cầu bà viết cho tôi tờ giấy, giao thằng Mike cho tôi, hứa không kiện tung gì cả và phải có thị thực chữ ký đàng hoàng. Tôi cho bà địa chỉ nhà tôi, số điện thoại sở và phone nhà, cần gì cứ gọi cho tôi biết. Tôi nghĩ, có thể sẽ gặp rất nhiều rắc rối sau này, nhưng chấp nhận vậy. Xưa kia tôi đã từng chấp nhận biết bao rủi ro nguy hiểm khi ra trận, bây giờ có chút đỉnh nhằm nhò gì?
Tôi phân vân không biết có nên nói thiệt với bà xã không? Chắc phải nói rồi, nhưng dẫn nó về nhà chắc là bả không thể nào chấp nhận được.Đành phải gởi thằng nhỏ lại bà chị. Chị có một quán ăn VN. Khi còn ở quê nhà, chị cũng mở nhà hàng nho nhỏ, từng nuôi nhiều tay anh chị trong quán cho nên du đãng không đứa nào dám phá phách hay đòi đóng hụi chết!. Tính tình chị phóng khoáng cởi mở, mấy đứa du thủ du thực đều nể mặt.
Buổi chiều, tôi dẫn thằng nhóc lại nhà hàng, kêu cho nó một dĩa cơm đồ biển thật to, thằng nhóc chỉ ăn một loáng là hết sạch, như thể đã nhịn ăn cả tháng rồi. Dặn nó ăn xong cứ ngồi đó. Đợi vãn khách, tôi gặp chị, nói rõ hoàn cảnh của nó xin chị mở rộng tay cứu giúp nó, chỉ có chị mới giúp được nó thôi. Xin chị cho nó một chỗ ở tạm, còn mọi thứ khác tôi sẽ lo. Chị hơi lưỡng lự một chút, thở dài:
-Thôi được, sau khi đóng cửa tiệm, cậu chở nó về nhà, chúng ta sẽ nói chuyện với nó.

Tôi mừng rỡ quá xá, cám ơn chị rối rít, tôi quay đi để che giòng lệ tuôn trào, chị lúc nào cũng quan tâm và che chở bao bọc tôi. Cha mẹ mất sớm, chị săn sóc và nuôi nấng tôi như mẹ, lúc nhỏ tôi vẫn sống với chị cho đến khi nhập quân ngũ. Những lần bị thương thập tử nhất sinh chị vẫn là người bên cạnh tôi. Lớn lên mỗi khi gặp rắc rối trong cuộc đời, tôi đều chạy đến chị. Thật là Ông Trời đã cho tôi một bà chị để thay thế mẹ. Chị góa chồng từ năm 1970, ở vậy nuôi ba đứa con trai. Tôi và gia đình chị đã may mắn thoát được trong những giờ phút cuối cùng của miền nam, nhưng đứa con thứ nhì của chị đã ra đi vĩnh viễn trên đường vượt biên, trong lúc con tàu còn lênh đênh trên đại dương. Qua Mỹ, hai chị em xin được việc làm trong một nhà hàng tàu. Chị phụ nấu bếp, còn tôi làm chân “chạy bàn”. Chị bắt tôi phải đi học, chỉ cho làm cuối tuần thôi. Nhiều khi thấy chị vất vả quá, tôi xin chị cho tôi nghỉ học để phụ giúp gia đình nhưng chị cương quyết từ chối. Chị nhắc nhở tôi đó là bổn phận của chị đã được cha mẹ giao phó trước khi nhắm mắt, phải lo cho tôi ăn học đến nơi đến chốn, thành gia thất đàng hoàng, nếu không sau này làm sao nhìn mặt các người nơi suối vàng. Mỗi năm, vào ngày giỗ cha mẹ, chị bắt tôi phải thề trước vong linh các Người là không được bỏ học dù bất cứ hòan cảnh nào, cho nên tôi cố gắng học, vật lộn với tiếng anh tiếng u, những phương trình đại số và toán giải tích. Những thứ đó chỉ còn lờ mờ trong trí óc cằn cỗi của tôi sau bao nhiêu năm lăn lộn ngoài chiến trường. Nhiều khi làm bài không kịp phải ngủ đêm ngay tại trường trong các phòng học. Có lần mệt mỏi quá, tôi đã ngủ gục khi lái xe về nhà, rõ ràng tôi đã thắng xe lại khi đến đèn đỏ, thế mà vẫn tông vào đít xe trước mặt. Báo hại phải năn nỉ chủ xe rồi bỏ tiền túi ra thường. Đã bao lần tôi muốn bỏ cuộc nhưng tôi tự nhủ “Nhảy dù cố gắng!” nhưng phần lớn vẫn là không muốn phụ lòng mong ước của chị. Ngày tôi ra trường, khi nhìn thấy tôi được gọi tên lên lãnh bằng, chị là người la to nhất hơn cả mấy đứa nhóc. Chị sung sướng hơn cả tôi, tôi ra trường, nhưng mảnh bằng là của chị, công lao là của chị. Hai chị em ôm nhau chụp hình kỷ niệm mà nước mắt chị ướt trên ngực áo tôi. “Thế là tâm nguyện của chị đã thành, chỉ còn việc cưới vợ cho cậu nữa là xong” chị nói với tôi như thế trong buổi tiệc ăn mừng. Tôi đã già đầu rồi, bao nhiêu năm chiến trận, đã từng chỉ huy hơn một đại đội nhảy dù, thế mà chị vẫn nghĩ tôi còn con nít.

Trở lại chuyện thằng nhóc, 10 giờ tối, tiệm bắt đầu dọn dẹp đóng cửa. Tôi dẫn nhóc lại giới thiệu với chị và xin phép chị chở thằng nhóc về nhà trước.
Tôi cắt nghĩa qua loa về phong tục tập quán của người Việt, kính trọng người lớn tuổi hơn mình, nhất là người già cả, thế nào là tiên học lễ hậu học văn, kính trên nhường dưới.

Những điều căn bản đạo đức của người Việt không tìm thấy trong sách giáo khoa ở trên đất Mỹ này. Nhóc hứa với tôi từ nay sẽ chăm chỉ học hành không la cà hút sách nữa. Nghe vậy tôi cũng yên lòng. Tôi thấy thương nó như chính con tôi vậy.

Buổi tối, cả nhà quây quần trong phòng family room. Thằng nhỏ được mang ra trình diện:
-Đây là Mike, còn đây là bà Ánh, hai người con của Bà là Dũng và Trí.
Cả nhà bắt tay nhau và nói lời chúc tụng xã giao. Bà chị tôi dặn thằng Mike:
-Từ nay con gọi ta là Má Ba, mặc dù tên của ta là Ánh, ta đã nhận con là con, ta sẽ đối sử với con như hai đứa con của ta, con có chịu không?
Thằng nhóc nói lý nhí:
- Yes Má Ba.
-Con bao nhiêu tuổi?
-Dạ 13.
-Thằng Trí 16 là anh Hai, Thằng Mike ta đặt tên VN là Mai là anh Ba, thằng Dũng trẻ nhất 12 tuổi là Út cũng gọi là thằng Tư nghe chưa. Tất cả đều dạ ran, Thằng Mike chẳng hiểu đầu đuôi ra sao tôi phải cắt nghĩa cho nó hiểu.

- Con lớn nhất của Má Ba nick name goi là Number two, nó được gọi là number three, trên thằng Tư một bực. Nó thắc mắc sao không có number one. Má Ba trả lời đó là luật lệ. Còn luật nữa là ở nhà chỉ nói tiêng Việt thôi. Bắt Đầu từ ngày mai, thằng Mai cũng phải nói tiếng Việt. Má Ba cho một đặc ân, trong mấy tháng đầu, nếu thằng Mai không biết tiếng Việt cho phép thằng Hai và thằng út nhắc nhở.

Chị tôi nói tiếp:
-Ngày mai cậu Út dẫn thằng Mai đi xin học, về nhà phải học và làm bài tới 9 giờ tối, sau đó muốn coi TV hay làm gì khác tùy ý, 10 giờ tối phải đi ngủ. Chủ nhật phải đi lễ sớm, thằng Mai phải ghi danh học Việt Ngữ ở trường Nhà Thờ như hai đứa kia. Thằng Út lên dọn phòng cho thằng Mai ngủ.
Tôi cười nói với chị:
- Toàn là “phải” này “phải” kia y như bà “xếp” của em vậy. Thằng Mai “phải” nghe lời Má Ba nghe chưa!
Nhóc vội vàng trả lời: “Yes, Sir!”
Chị lườm tôi:
-Mấy đứa này phải dặn kỹ càng như vậy mới được, còn không vào lỗ tai này ra lỗ tai kia mất cậu ơi!

Hướng về thằng Mai chị tôi hỏi:
-Sao mày bụi đời.
Thằng Mai rớm nước mắt, ngập ngừng một lúc mới thốt nên lời:
-Má Ba ơi, con rất cô đơn và buồn khổ, lớn lên không cha. Cha ghẻ của con là một người cọc cằn, khó tánh và nghiện rượu, trong nhà cãi lộn xảy ra hàng ngày. Tất cả giận dữ của mẹ và cha ghẻ đều đổ lên đầu con. Cuối cùng con phải bỏ nhà ra đi.
-Rồi mày ở đâu, làm sao mà sống?
-Con phải ngủ dưới gầm cầu hay trốn vào mấy căn nhà bỏ trống. Ăn cắp đồ, lục thùng rác hay bán cần xa ma túy để kiếm sống.

Chị xoa đầu thằng nhóc và khuyến khích nó rồi dẫn tôi đến thắp nhang bàn thờ cha mẹ, hứa sẽ chăm nuôi thằng Mai như con chị. Chị nói với tôi có lẽ Chúa mang thằng Mai cho chị, để an ủi chị những lúc thương nhớ thằng con đã bỏ chị ra đi. Thế là chị lại có ba đứa con như xưa. Tôi thấy chị lau vội hai giọt nước mắt vừa lăn trên má.
*
Bà chị tôi áp dụng luật lệ giang hồ và rất nghiêm khắc với mấy đứa con. Anh rể tôi qua đời từ khi mấy đứa còn rất nhỏ. Anh là một Phật tử thuần thành, vẫn hay đi Chùa vào những dịp lễ lớn. Chị là con chiên của Chúa, hai người khác đạo nhưng vẫn sống với nhau hòa thuận, đạo ai nấy giữ, mấy đứa con thì vừa cho đi nhà thờ vừa cho đi chùa. Sau khi anh mất chị ở vậy, làm ăn vất vả để nuôi con ăn học. Qua Mỹ, Tôi và chị đi làm công một thời gian, hai chị em để giành được một số vốn nhỏ rồi mở tiệm ăn VietNam. Bạn bè Mỹ của mấy đứa cháu đến nhà chơi phải nói tiếng Việt và ăn đồ ăn ViêtNam. Có lần chị giải thích với mấy đứa con:
-Chúng mày tới nhà bạn phải nói tiếng Mỹ, tiếng của cha mẹ chúng nó phải không? Ăn đồ ăn của cha mẹ chúng nó phải không? Vậy thì chúng nó cũng phải nói tiếng Việt và ăn đồ ăn của tao, thế mới công bình chứ.
Mấy đứa con hết ý luôn.

Mấy đứa nhóc Mỹ ăn đồ ăn VN riết rồi đâm ghiền, món gì cũng không từ, nước mắm, mắm tôm cũng mê luôn. Chúng gọi mắm tôm là mắm “con chuột”.
Chỉ một thời gian ngắn, thằng Mai đã có thể nói chuyện thông thường hằng ngày bằng tiếng Việt. Nó lớn lên trong tình thương gia đình của chị tôi, nó rất hãnh diện có một mái nhà ấm cúng và một người mẹ thương yêu chăm sóc cho nó . Ngày thường cả ba đứa nhỏ đều đi học. Ngày Chủ Nhật, sáng đi lễ nhà thờ rồi theo học lớp Việt ngữ tại đó, chiều đi lên chùa học võ VOVINAM và họp Hướng Đạo. Ngày này qua tháng nọ, thằng Mai đã thành một đứa nhỏ Việt Nam từ cách ăn nói lễ phép, đi thưa về trình hẳn hoi, biết khoanh tay chào người lớn tuổi, biết cầm hai tay dâng đồ ăn cho Má Ba, biết quỳ lạy trước bàn thờ cha mẹ tôi. Ngày Tết cũng biết mừng tuổi chị tôi, biết cầm cờ vàng đi biểu tình ngày quốc hận. Nó hòa đồng với tụi nhóc VN chẳng khó khăn gì. Gặp người Việt họ vẫn tưởng Mai là đứa con lai, ai cũng khen ngoan và lễ phép, có đâu ngờ rằng nó là thằng Mỹ con chính hiệu con nai vàng! Nếu mấy đứa con nít Việt Nam lớn lên trên đất Hoa Kỳ bị gọi là “Chuối” , ngoài da vàng, nhưng trong đầu óc đã Mỹ hóa hoàn toàn! Thì phải gọi thằng Mai là bánh bao, ngoài thì trắng trong thì hầm bà lằng đủ thứ.

Mai và thằng út học chung một lớp, đi đâu cũng có nhau, anh em rất thân thiết. Nó hay săn sóc hỏi thăm sức khỏe chị tôi, bắt chước thằng Út rót nước mời chị mỗi khi chị đi làm về, đôi khi còn nấu những món ăn nhà quê của người bản xứ mời chị ăn. Má con càng ngày càng thắm thiết. Chị cũng rất thương nó, có khi còn hơn cả mấy đứa con ruột của chị. Chị vẫn hay than thở với tôi “Tội nghiệp thằng Mai, có mẹ cũng như không.”

*
Một hôm chị nhờ tôi vô trường xem có chuyện gì sảy ra cho thằng Mai và thằng Út, vì nhà trường yêu cầu chị đón chúng nó về nhà. Hai đứa đã đánh lộn với một đám học sinh khác trên xe bus và bị bị đuổi học hai ngày. Chị tôi chửi cho một trận nên thân và phạt đứng úp mặt vào tường 2 giờ và dặn lần sau không được đánh lộn nữa.
-Tại sao hai đứa mày đánh lộn, chị hỏi.
Thằng Mai giành phần:
-Tại mấy đứa học sinh trên xe bus chọc ghẹo thằng Út ăn hiếp nó, gọi nó là “chink choong” hay “Ê Chinese go home”. Con đã nói thằng Út với con là anh em, chúng nó không chịu để yên thằng Út. Thế là đánh nhau.
-Lần sau phải thưa nhà trường, không được đánh lộn nghe không?, tao bảo không nghe, tao không chửi bằng tiếng Việt nữa đâu. Tao sẽ ra trước cửa nhà chửi chúng mày bằng tiếng Mỹ cho tất cả hàng xóm nghe cho xấu hổ cả lũ.
Từ đó thằng Mai không giám đánh lộn nữa.

*
Mai và Út ra High School cùng một lượt, rồi ghi danh vào UT (University of Teaxas at Austin) cùng với anh Hai của chúng. Tôi mua cho hai đứa một chiếc xe Toyota nhỏ để thỉnh thoảng về thăm nhà. Tôi nhận phần trợ cấp tài chánh cho ba đứa nhỏ thêm vào số tiền trợ cấp của chính phủ, để tiếp tục chương trình đại học. Chị tôi cuối tuần nào cũng lái xe lên Austin để tiếp tế đồ ăn cho mấy nhóc. Chị một đời làm thân cò lặn lội bờ ao, nay tóc đã bạc quá nửa, con cái đã đi hết, nhà cửa thật trống vắng. Tôi mời chị qua ở chung với tôi, nhưng chị một mực từ chối, tôi phải biểu mấy đứa nhỏ nhà tôi qua thăm hỏi chị luôn. Đôi khi chúng ngủ luôn lại nhà chị và coi chị như mẹ chúng.

Một hôm tôi nhận được cú điện thoại của thằng Mai gọi về:
-Cậu Út ơi, cứu con với.
-Mày làm sao vậy?
-Con đang ở City Jail! Cậu đừng cho Má Ba hay nghe, bả biết được, chửi con thì cả hàng xóm đều biết, con xấu hổ lắm không dám về nhà đâu.
-Mày biết xấu hổ sao còn làm bậy.
-Con bị oan Cậu ơi.
-Mấy thằng trong tù, đứa nào mà chẳng kêu oan.
-Cậu không tin con, chứ ai tin con bây giờ?
-Nói tao nghe thử oan nỗi gì.
-Con gọi điên thoại trong nhà tù, chỉ được gọi giới hạn thôi. Cậu lên đây bail con ra rồi con sẽ giải thích cho Cậu nghe, Cậu phải tin con mới được.
Tôi sợ thằng Mai dính vào cần xa ma túy thì tiêu đời, tôi vội hỏi nó:
-Mày buôn bán ma túy phải không?
-Đâu có nào, con bị cánh sát gài bẫy, nói là con solicit prostitutes.
Tôi thở ra nhẹ nhõm, chỉ là tội thường phạm thôi, chắc chỉ bị cảnh cáo hay làm public service vài giờ là cùng.
-Thôi được, mai tao sẽ lên đó lãnh mày về.

Sáng hôm sau lên đến nơi, Mai đã được chuyển về nhà tù của County rồi. Tôi phải nhờ văn phòng “Bail Bond” để lãnh nó ra, trả hết 500 Đô tiền bail và $250 tiền lệ phí cho văn phòng. Sau khi nạp tiền bail, thằng Mai được thả ra chờ ngày ra tòa. Tôi hỏi Mai:
-Mày nói cho Cậu nghe, làm sao mà cảnh sát bắt mày?
-Cậu ơi, oan con thiệt mà. Sáng hôm qua con đi đổ xăng, thấy có con nhỏ bị hư xe, con tới coi giúp nó, cuối cùng là chẳng có hư gì cả chỉ là hết xăng thôi.
-Nó ăn mặc sexy lắm phải không?
-Sao Cậu biết?
-Thì nó muốn làm mờ mắt mày để nó nói gì thì mày cũng OK, tao còn lạ gì chuyện đó.
-Cậu còn chọc quê con nữa! Con nhỏ nói nó đi bụi đời vì không ở nhà được với cha ghẻ, mấy hôm nay sài hết tiền rồi, chẳng còn xu teng nào trong túi. Con nghĩ tới hoàn cảnh của con ngày xưa nên muốn giúp nó, giống như Cậu đã giúp con vậy.
-Thế tao giúp mày tao có bị cảnh sát bắt không?
-Cậu đừng la con nữa mà. Nó nói cái gì nhỏ lắm con nghe không rõ con nghĩ là nó muốn xin tiền để đổ xăng. Dù nó không xin thì con cũng cho mà, thế là con đưa cho nó 20 Đô. Con nhỏ vừa cầm tiền là đám cảnh sát chìm nhào tới còng tay con liền. Con hỏi tại sao họ bắt con, họ nói là con mắc tội mua dâm. Con nói chỉ là cho tiền con nhỏ đổ xăng thôi, không tin cứ hỏi con nhỏ kia thì rõ, đám cảnh sát nói mai mốt ra Tòa mà cãi.
-Con nhỏ đó cũng là cảnh sát chìm để gài bẫy mày thôi, mầy xập bẫy rồi làm sao ra được.
-Con xin con nhỏ nói vài lời công bằng cho con, nó chỉ cười cười thôi. Con muốn đục cho nó mấy cái quá đi.
-May mà mày không đục nó, chỉ nặng tội thêm, thôi được đi kiếm cái gì ăn đã, tội mày cũng nhẹ, để tao nhờ luật sư lo cho. Lần sau muốn giúp ai phải cẩn thận. Mày phải lựa lời nói cho Má Ba biết, kẻo mai mốt bả biết được thì liệu hồn đó.
-Vậy tối nay con sẽ gọi cho Má Ba, Cậu nhớ nói giúp con một tiếng nghe, không thôi bả chửi con sặc máu đó.
-Người ta nói “oánh sặc máu” chứ chửi sặc máu sao được mày!
-Thì con nói vậy Cậu hiểu rồi, Má con chửi cũng sặc máu đó Cậu ơi!
-Biết dzậy sao còn làm bậy.
-Con oan mà Cậu.
Tôi nhờ văn phòng bail bond giới thiệu một luật sư, giá 300 Đô lệ phí.
Vì chưa có tiền án, thằng Mai chỉ bị phạt 2 ngày làm công tác công đồng thôi.
*
Mai và Út ra trường cùng một lượt. Chị Ba và tôi cùng đi dự lễ mãn khóa, Chị rất mừng, ôm hai đứa con mà mắt đỏ hoe nói với chúng:
-Các con ơi, đây là sự thành công lớn nhất trong đời Má, tất cả các con đã thành tài và nên người.
Mẹ ruột của Mai vì bịnh nặng không thể đến được, ba ghẻ của nó cũng không muốn đến. Thằng Út được hãng Boeing ở Seattle nhận vào làm, Út ở chơi với Mẹ hai tuần rồi đi nhận việc. Thằng Mai đã có ý ở nhà với chị tôi, nên ngỏ ý:
-Má à, đã từ lâu con nghĩ, anh hai và thằng Út đều đi làm ở xa, con muốn ở lại nhà để săn sóc Má, cho nên con đã nạp đơn vào trường Baylor College of Medecine ở Houston. Khóa Fall sắp tới sẽ nhập học. Con xin Má cho con về thăm Mẹ con ở OMAHA rồi trở lại ngay. Từ nay con sẽ mãi mãi ở nhà với Má và chăm sóc cho Má suốt đời.
Chị tôi rất cảm động khi nghe những lời chân tình đó, không cầm nổi nước mắt, ôm thằng Mai khóc vùi:
-Má rất cám ơn con đã lo cho Má, con không cần phải làm vậy, Má tự lo được mà.
-Má không sinh ra con nhưng đã cứu vớt con từ bãi xình lầy và ban cho con đời sống mới đầy ắp tình thương, chăm chút cho con từng miếng cơm manh áo. Không kể những ngày đau ốm bênh hoạn, Má luôn luôn ở bên con, cầu nguyện cho con chóng khỏi. Tha thứ cho con bao lỗi lầm.
-Thiên Chúa đã mang con giao cho Má, Má chỉ làm bổn phận của một người mẹ như bao nhiêu người mẹ khác trên thế gian này.

Mẹ ruột thằng Mai bị ung thư phổi, qua đời chẳng bao lâu sau đó. Tôi và thằng nhóc bay về Omaha đưa đám, đó là lần cuối cùng nó gặp lại mẹ và cha ghẻ. Ông nay cũng đã già lắm rồi, những chuyện cũ hầu như không nhắc lại nữa, nhưng khoảng cách thì vẫn còn đó. Khó cho ai mở đầu một cuộc hòa giải, mặc dầu cả hai đều muốn. Tôi phải làm một nhịp cầu để hai người bắt đầu đối thoại và tha thứ cho nhau. Chỉ là những hiểu lầm thôi. Ngày chia tay, Ông Già và thằng Mai ôm nhau khóc vùi, những giận hờn đều trôi theo giòng nước mắt.
*
Mấy năm qua thật mau, Thằng Mai ra trường và nội trú tại Texas Children Hospital trong khu vực Medical Center ở Houston.

Nó muốn trở thành một Bác sĩ con nít để săn sóc cho trẻ em, nhất là những trẻ em bụi đời. Thằng Mai bây giờ đã là một Bác Sĩ, nhưng với tôi nó vẫn chỉ là thằng nhóc bụi đời. Nhóc được rất nhiều trường hoc và Juvenile Probation Center mời đi nói chuyện về đè tài “Run Away From Home”. Trẻ Em Bụi Đời.. Nó trở thành một thần tượng của đám con nít vô gia đình. Nhưng không phải đứa nào cũng may mắn như nó, phải có một cơ duyên và một quyết tâm sắt đá mới vượt qua bao thử thách. Đường đời có bao nhiêu ngã rẽ, được mấy khúc phẳng phiu?


* chú thích: Dù xây chín vạn phù đồ,
Không bằng làm phước cứu cho một người (cadao)

https://quangduc.com/a59540/dua-con-di-chung

sôngthương
03-11-2021, 05:53 AM
Tháng 3

1. Tháng 3.
Con suối nhỏ trước chùa đã khô. Lũ cò phải đi kiếm ăn xa. 4 giờ sáng, dậy chuẩn bị chời thờ kinh sớm, thấy lũ cò đã đánh thức nhau dậy đi kiếm ăn; mãi đến chiều tối, khi trăng lên, lũ cò mới về lại núi. Lặng lẽ đi về.

Mấy hôm nay, có bé cò loanh quan trong vườn chùa kiếm ăn, không theo đàn đi xa, nhìn kỹ, thấy bé cò bị thương ở chân, bước thấp bước cao. Muốn giúp bé cò một bữa ăn, nhưng không được, cò không biết ăn lúa gạo, cò không biết ăn chay…

Có những chuyện, có những người, biết là thương lắm nhưng vẫn phải dửng dưng.

2. Tháng 3.
Những trái gòn ngoài suối bắt đầu khô, trưa nắng, gió nhiều, từng chùm bông nhỏ bung ra trắng tinh, mang theo một hạt gòn đen bé tí bay đi. Hạt gòn bé tí như hạt tiêu mà can đảm, không muốn loanh quanh bên chân mẹ mà theo gió đi, tìm một nơi xa để nảy mầm, để lớn lên.

Mới biết, thế giới ngoài kia rộng lớn bằng chính lòng can đảm của mình.

3. Tháng 3.
Mùa tu hú kêu, tiếng tu hú nghe thiết tha lắm, buồn xa xăm.

Ngày mới vào chùa, làm chú tiểu, bị người đến chùa dọa, “tu mà không trọn sau này làm chim tu hú, lâu lâu bay về vườn chùa ngẩn ngơ”. Ngày đó tin, nên mỗi khi nghe tiếng tu hú trong vườn chùa là như nghe tiếng vị tu sĩ nào đó trong tiền kiếp tiếc nuối cho một kiếp tu dở dang của mình.

Không biết đúng không, chỉ thấy tiếng tu hú tháng 3 trong vườn chùa nghe buồn lắm.

4. Tháng 3.
Mùa hoa gạo. Hoa gạo nhỏ như ngón tay bé con, nhưng trái gạo lại to như nắm tay người lớn. Cuối năm, trái gạo khô, đen bóng, nứt ra, lúc này trái gạo có hình trái tim.

Mới biết, có những thứ, phải một lần rạn nứt, mới có hình trái tim.

Người ngủ ngon, mai thức dậy, thấy lòng như lá non.

Vô Thường.
Chùa Bé Bé. Phan Thiết. 27.3.2018.




Cố Chấp

Lời Kinh trong lòng bàn tay:
“Chỉ khi nào không còn cố chấp vào cả hạnh phúc và khổ đau, khi đó lòng mới hết âu lo…”(1)

Tháng 3, cây gạo ngoài triền suối trút sạch lá để ra hoa, buông hết những chiếc lá mang trên mình đầy vết thương từ những ngày mưa gió đã qua, rồi bình thản mỉm cười, nở hoa.

Hoa gạo đỏ, nhỏ như đầu ngón tay út của một bé con. Trong sắc gạo đỏ của tháng 3 năm nay, có chiếc lá mang đầy vết thương đã hoai mục từ mùa cũ.

Những vết thương cũ một lần được tái sinh trong một hình dạng khác, tươi hơn, vui hơn.

Khi cố chấp vào khổ đau, là chúng ta đang muốn nỗi đau đó là có thật, và chỉ dùng nó để làm ra những bất an trong lòng, mà không dùng nó để làm một hạt nhân cho sự vững chãi sau này. Cố chấp vào nỗi đau, là đang biến tất cả nỗi đau đã qua là có thật.

Khi cố chấp vào niềm vui, là chúng ta đang mong muốn niềm vui đó còn mãi, không được mất, không được phai. Có điều gì sinh mà không diệt? Nên ngay trong lúc cố chấp vào niềm vui là đã gieo vào lòng một hạt nhân nỗi buồn còn-mất cho ngày mai.

Tháng 3, người về, nhìn cây gạo ngoài triền suối gom hết những vết thương ngày cũ của mình làm thành một mùa hoa, nghe nắng gió tháng 3 thuyết câu kinh “bất cấu bất tịnh”, không cố chấp vui buồn, rồi bình thản.

Đừng để mãi khổ đau trong lòng, đừng cất mãi hạnh phúc đã qua trong tâm. Lòng người đôi khi hẹp lắm, như đôi tay của chính họ, khi cố nắm giữ điều gì, thì không thể cầm nắm thêm được điều gì khác nữa.

Vô Thường.
Chùa Bé Bé. Phan Thiết. 8.3.2018

[1] Nguyên Hán văn: 於苦樂二種,亦不生執著,得離諸怖 。Dòng 26, 27, khung thứ nhất, trang 504, bộ kinh mang mã số 0728, 諸法集要經, tập 17 大正新脩大藏經。


https://loikinhtronglongbantay.blogspot.com/2018/03/

sôngthương
03-14-2021, 03:09 AM
https://www.youtube.com/watch?v=sdzNaqISu0I

sôngthương
03-25-2021, 08:44 AM
Đừng vội tin tưởng, đừng vội bài xích

- Gỏi xoài chua quá. Phù chúc quay hôi dầu quá, có lẽ làm lại vài lần rồi.
- Ừa. Nhưng kệ đi. Đừng để những điều nhỏ nhặt làm mất đi một buổi tối mưa dịu dàng như thế này.
- Ông bắt đầu hiển lộ cốt tu rồi đó.

Bốn đứa cùng bật cười.
Thật mà, được ngồi ăn chay cùng những người bạn thân trong nhà hàng, được ngắm mưa qua ô cửa kính... chẳng phải rất thú vị và dễ thương?
- Ê ông Du, ông có nghe cảnh báo mới của FDA về nhóm thuốc DX trong điều trị bệnh đái tháo đường típ 2 không?
- Kể tui nghe với.
- FDA cảnh báo khi dùng thuốc đó có thể gây đau khớp nghiêm trọng và không thể đi lại được. Bổ sung thêm vào tác dụng phụ trước đó là làm gia tăng tỉ lệ nhập viện vì suy tim.
- Vậy mà giá thuốc ở trên trời. Đâu phải cái gì mắc cũng đều có giá trị.
- Nữa, lại thích triết lí giống ông Du.

Lại cười. Ngoài kia, phố xá đã lên đèn thật đẹp, thật dịu dàng. Hàng cây me hai bên đường được tắm gội đã đời.
- Nhớ hồi xưa nhóm RoS(1) mới xuất hiện trên thị trường đã gây bão vì giảm đường huyết hiệu quả, ai ngờ lại gia tăng biến cố tim mạch cho bệnh nhân nên phải rút khỏi thị trường.
- Bao giờ cũng vậy mà, bên cạnh những tác dụng có lợi sẽ có những tác dụng phụ. Quan trọng là bác sĩ có cái đầu tỉnh và cân nhắc thiệt hơn thôi.
- Nghĩ cũng buồn nhỉ.
- Sao buồn?
- Bác sĩ chân chính ra toa luôn cân nhắc từng viên thuốc. Và khi người ta càng biết sâu càng trải nghiệm nhiều, người ta càng dùng ít thuốc đi.
Câu chuyện vẫn tiếp diễn rôm rả trong mưa. Thi thoảng vài tia chớp lóe lên giữa bầu trời đen thẳm. Ở giữa bàn ăn là chậu cỏ khô nhỏ bé nhưng rất đẹp, rất sang. Ừ thì có những thứ rất nhỏ bé, rất tầm thường, nhưng khi biết đặt đúng chỗ, ngồi đúng nơi lại trở nên hết sức ý nghĩa.

Bởi vậy dù là một lời nói hay một hành động nhỏ, chúng ta cũng nên cân nhắc, nếu không lại làm tổn thương cho người khác. Đôi khi những niềm vui niềm hạnh phúc mình mang đến cho người, người sẽ quên rất nhanh, còn một lời nói vô tình, một ánh mắt lạnh lùng... người lại nhớ, nhớ mãi... Rồi đau... Rồi oán hận... Rồi tìm cách đáp trả... Rồi rơi vào vòng lẩn quẩn của hận thù...
- Mưa lớn như vầy chạy xe ngoài đường sợ cây gãy quá, đè chết người chứ chẳng chơi. Nhỏ Loan nói.
- Mấy ông nhớ trong bệnh viện tui ngay trước hồ cá có một cây tùng rất lớn và cứng cáp không?
- Ờ nhớ. Rồi sao?
- Hôm chiều thứ Hai, trời không mưa, không giông gió, tự nhiên nó gãy đổ. Mà gãy đổ ngay gốc. May mà không trúng ai. Khi mọi người chạy lại xem mới biết vì sao nó gãy đổ. Bên trong thân cây đầy mối mọt...
- Thấy không?
- Thấy gì?
- Cây tùng đó, bề ngoài rất xanh tốt khỏe mạnh nhưng bên trong đầy mối mọt. Có những thứ mình nhìn thấy tận mắt, sờ được tận tay... ngỡ đó là tốt là hay... nhưng sự thật, tấm lòng ở bên trong... thì không phải dễ dàng nhìn thấy được.
- Lại triết lý.
Lại cười.
- Mấy ông không nghe nhạc sĩ Vũ Thành An viết đó sao: Tình mình đã chết khi nhìn rõ mặt người... Có hai thứ trên đời này, đừng cố nhìn cho rõ, đó là mặt trời và mặt người đấy.
- Bởi đôi khi họ đeo mặt nạ à?
- Càng trống rỗng, mục nát bên trong càng phải điểm tô chau chuốt chứng minh ở bên ngoài à?
- Ờ... Thì cứ cho là vậy đi. Nhưng theo Du nghĩ: Thời gian là câu trả lời tốt nhất. Đừng vội tin tưởng và cũng đừng vội bài xích.

Mưa tạnh rồi, về thôi... Về thắp nén nhang trầm... để nghe lòng mình nhẹ lại... Chẳng phải tất cả đều là phù vân... Là gió là mây... Rạch ròi chi giữa đúng hay sai, phải hay trái...

Nguyễn Bảo Trung

https://sachvui.com/doc-sach/vo-thuong-nguyen-bao-trung/dung-voi-tin-tuong-dung-voi-bai-xich.html

sôngthương
03-29-2021, 03:12 AM
Tháng ngày qua sống có bình an ?

Cấp cứu... Bác sĩ ơi... Cấp cứu...
Nghe kêu mình vội chạy đến bên bệnh nhân vừa đặt hai tay lên ngực xoa bóp tim vừa kêu: Mau đặt nội khí quản. Bé Linh tiêm Adre hai ống. Chị Hương đẩy giùm em cái máy thở.
- Nhìn ông này thấy quen quen.
- Dịch hút qua nội khí quản màu hồng nhiều bọt.

Ba mươi phút trôi qua, bệnh nhân vẫn mê sâu, đồng tử giãn không phản xạ ánh sáng. X quang phổi bóng tim to, tăng tuần hoàn phổi hình cánh bướm, thâm nhiễm rải rác hai phế trường.
- Em mời người nhà vào đi. Cho thêm Dopa dùm bác. Tiếp tục Adre.

Cửa phòng cấp cứu hé mở.
- Ủa, cô Thu hả? Vậy đó là chú Huy.
- Dạ, bác Tr. Sáu năm rồi không gặp bác.

Cô Thu nói xong cất tiếng thở dài. Ngoài kia bầu trời đang mưa tầm tã kèm theo sấm chớp liên hồi.
- Dạ, mấy ngày nay ổng mệt, bứt rứt, khó thở. Hơn hai giờ trước ổng tự dưng sùi bọt mép, gồng người lên ú ớ rồi tím ngắt. Cô gọi xe cấp cứu đưa vào đây.
- Lúc xe cấp cứu đến thì chú ra sao?
- Lúc đó hết biết gì rồi.
- Ừm, chú đến bệnh viện trong tình trạng đã ngưng tim, ngưng thở. Toàn bộ ê kíp trực nãy giờ như cô thấy đã làm hết sức để cứu chú ấy.
- Có qua được không bác Tr?
- Chắc không.

Cô Thu nấc lên rồi nước mắt chảy giàn giụa. Mưa càng ngày càng nặng hạt. Mình nhớ lại sáu năm về trước cũng một ngày mưa như thế này, cô chú đến phòng mạch của mình và đã ngồi thật lâu.
- Bác Tr, cô chú nói cái này, nhờ bác Tr tư vấn giúp. Thật ra chú đã điều trị ở bác gần hai năm rồi, nên bác cứ xem chú như người nhà.
- Dạ, chú cứ nói.
- Chú muốn qua Trung Quốc ghép thận. Bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối này làm chú quá mệt mỏi và đau khổ.
- Chú đã bỏ thuốc lá chưa?
- Chưa.
- Chú có ăn chế độ giảm đạm, như là ăn chay theo lời cháu dặn không?
- Dạ, không.
- Bản thân chú không chịu cứu chú, thì bác sĩ nào, bệnh viện nào cứu được.
- Nhưng cô chú nghe người ta nói ghép thận xong sẽ khỏe mạnh lại, không cần chạy thận nhân tạo, đúng không?
- ...
- Cô chú nghe nói phải mất gần bốn tỉ đồng, cô chú bán căn nhà là đủ.
- Thì ai đó bán thận hay cho thận. Bác sĩ bên đó nói người có một thận vẫn sống khỏe mạnh bình thường. Và ở bên đó có rất nhiều người đi bán thận, mình mua thận bằng tiền.
- Nhưng nếu không có ai bán thận thì sao? Có một nhóm người vì tiền phải bắt cóc hay mua bán trẻ em mồ côi cho ai cần nội tạng để ghép, cô chú có biết không?
- Bác sĩ nói gì lạ vậy. Y học tiến bộ để cứu chữa con người, khi con người bị bệnh việc cấy ghép nội tạng là nhân đạo.
- Sẽ là nhân đạo nếu có ai đó hiến tạng khỏe mạnh khi đột ngột qua đời, hay khi mắc một bệnh nan y không thể cứu chữa. Nhưng sẽ là bất nhân nếu vì sự sống của người này lại hủy hoại đi sự sống người khác.
- Bác sĩ nói quá rồi.
- Ơ...
- Con vật còn cầu sống huống chi con người. Xin lỗi bác sĩ nhé, cô chú đến đây xin ý kiến về chuyên môn còn chuyện làm sao có thận thì bác sĩ không cần bàn.

Mình chợt lặng người đi. Mình muốn nói nhiều, nhiều lắm nhưng không thể.

Đối với mình sống một ngày một tháng hay một năm nếu sống thật trọn vẹn với trái tim rộng mở yêu thương và biết ơn đã là đủ đầy và hạnh phúc. Kéo dài chi cuộc sống vài ba chục năm mà chỉ toàn khổ đau phiền não? Có bao giờ chúng ta nhìn lại xem mình sống như thế nào?

Có bao giờ vì miếng cơm manh áo, vì nuôi vợ nuôi con mà chúng ta đã giẫm đạp lên nhau, tranh giành và hãm hại nhau?
Có bao giờ vì mạng sống của mình mà chúng ta làm tổn thương mạng sống của người khác?
- Bác, bệnh nhân ngưng tim.
- Thôi, buông đi em. Mạch bằng không, huyết áp bằng không. Ừ thì cả cuộc đời này rồi sẽ bằng không.

Cô Thu vẫn chưa bình tĩnh lại.
- Mất rồi sao bác sĩ. Mới đó mà...
- Dạ, mất rồi.
Hức hức... hức... Cô tưởng sau khi ghép thận xong ổng khỏe mạnh. Tốn bốn tỉ có là gì, cô chú còn ba bốn căn nhà lận. Hức hức...
- Càng nhiều tài sản, càng nhiều danh vọng, càng nhiều con cháu... càng khó ra đi thanh thản và nhẹ nhàng.
- Bác sĩ nói gì?
- Ờ ờ... cháu nói chú ấy ra đi rồi. Cô đừng tiếc thương nữa.
- Con vật còn ham sống mà, huống chi con người. Cô không cam tâm. Không cam tâm...

Mình nhìn ra phía cửa chính, nơi đó có người thân của bệnh nhân nước mắt đang giàn giụa. Cơn mưa tháng Tám tưởng chừng như không bao giờ dứt. Sao mà mưa rơi nặng hạt đến thế…

Khi họ đẩy bệnh nhân ra khỏi phòng cấp cứu để đưa vào nhà xác, mình bỗng dưng muốn hỏi: Thế sáu năm qua cô chú sống có hạnh phúc và bình an không?

Sáu năm qua cô chú có sống hạnh phúc và bình an không?

Còn chúng ta thì sao, thế những ngày qua chúng ta sống có hạnh phúc và bình an? Mỗi bước chân đi, mỗi lời nói hành động của chúng ta có chế tác chất liệu an vui thảnh thơi cho cuộc đời hay đem lại biết bao bi kịch và đắng cay?

Chúng ta có đủ mạnh mẽ vượt qua những thói quen hút thuốc, uống rượu, cờ bạc...? Chúng ta có đủ mạnh mẽ để buông bỏ những thứ không cần thiết cho cuộc sống của mình?

https://sachvui.com/doc-sach/vo-thuong-nguyen-bao-trung/thang-ngay-qua-song-co-binh-an.html (https://sachvui.com/doc-sach/vo-thuong-nguyen-bao-trung/thang-ngay-qua-song-co-binh-an.html)

sôngthương
04-04-2021, 08:47 PM
Mẹ có nghe con đàn không ?

Nhiên gắn bó với cô đã 15 năm, lúc vừa lên 5. Mười lăm năm mà sao như một cái chớp mắt.

Tiễn Nhiên ra về, cô Nhật khẽ khàng khép cổng mà ý nghĩ cứ hướng về cô bé học trò như vệt sóng loang, miên man trong đầu không dứt ra được. Không có cảm quan nào về thời gian rõ ràng cho bằng đồng hành cùng một đứa trẻ. Nhiên gắn bó với cô đã 15 năm, lúc vừa lên 5. Mười lăm năm mà sao như một cái chớp mắt. Có những sáng giật mình thảng thốt soi gương thấy những sợi tóc trắng như ngạo nghễ thách thức, lớp da trên mi mắt trĩu xuống nặng nề.

Ly trà xanh dang dở trên bàn nghe như thể còn vương mùi nước hoa, mùi hương tóc và tiếng cười tựa chuông reo trong gió của cô gái. Tuổi trẻ là món son phấn đẹp nhất cho cõi nhân sinh này. Cô Nhật nghe lòng rộn lên ký ức thanh xuân ngày cũ. Có cái gì như một nỗi ngậm ngùi muốn trào lên nhưng nén lại để nó không thoát ra bên ngoài và phủ trùm lên cô. Cô không muốn buồn. Người già, ai cũng vậy, ai cũng có một vùng lân tinh rực rỡ của những ngày xa xưa. Những giấc mơ dang dở âu cũng là một phần đời. Thiếu nó biết đâu cuộc sống mang một màu sắc khác, kém thú vị hơn.

Những ngày ấy, Sài Gòn bời bời hoang mang trong một cuộc đổi thay. Giấc mơ được mặc áo đầm voan trắng lòe xòe, biểu diễn piano trong dàn hợp xướng nơi nhà hát lớn coi như khép lại. Tựa chuỗi hợp âm cao vút đột ngột im bặt. Hụt hẫng. Bẽ bàng. Nhìn thấy mười ngón tay thon dài từng lướt trên phím dương cầm tẩn mẩn thái rau chuối cho con heo nuôi ở khoảnh sân sau nhà, mẹ cô khóc rưng rức. Vài vết thương không sâu vì những phút lơ đễnh giờ vẫn còn lưu lại thành dấu tích mờ mờ trên ngón tay trỏ của cô.

Gió quật phần phật trên tán cây xoài cạnh khung cửa sổ nhỏ. Áng chừng trời muốn đổ mưa. Buổi chiều mấy hôm nay cứ bị nuốt chửng bởi những cơn mưa ầm ĩ, mới xê xế rồi tối sầm lúc nào không hay. Cô bật lửa thắp cây nhang lên bàn thờ cho mẹ mà cứ trầy trật mãi. Cái lạnh theo hơi gió lướt trên da thịt nghe gai gai người. Không có mẹ, không biết chừng cô có trở thành cô giáo dạy đàn gần 30 năm nay không hay là chạy chợ may vá kiếm chút tiền đắp đổi qua ngày.

– Mẹ dạy con may, con phụ với mẹ lo cho em nghen mẹ.
– Thì con vẫn đang đơm nút áo phụ mẹ đó thôi.
– Nhưng chỉ là việc vặt mẹ… Con không biết may.
– Mười hai năm học đàn của con bỏ đi đâu con gái? Con sẽ tiếp tục đàn. Mẹ hứa. Đời con người chỉ có thể hạnh phúc khi làm điều mình thích. Con hãy còn một đời dài phía trước, nhất định phải làm điều mình thích, con à!
– …
– Con vẫn sẽ tiếp tục đàn, đó là cuộc sống của con.

Không biết bao nhiêu lần trong đời mình, như một đoạn phim, cuộc nói chuyện với mẹ trong một đêm khuya ngày cô 17 tuổi cứ thi thoảng trở đi trở lại trong tâm trí cô Nhật. Chưa bao giờ cô nghĩ mình có thể trở thành cô giáo dạy đàn. Vậy mà đã hơn 30 năm…

Trẻ con quả là kỳ diệu. Bước chân vào thế giới của chúng, rất nhiều người vĩnh viễn không rời khỏi được. Ước mơ, tâm hồn trong trẻo thơ ngây của các con có hấp lực như một thỏi nam châm vậy. Cô không nghĩ mình thích trẻ con, cho đến khi cô dạy chúng. Có rất nhiều giờ dạy, bản thân rã rời mệt đến ngỡ như thở thôi cũng nhọc nhằn, như thể nếu đứng lên là ngã nhào không bao giờ gượng dậy được nữa, vậy mà nhìn những ngón tay mũm mĩm trẻ thơ lướt vụng về trên phím đàn, cả cái bặm môi, chau mày ngộ nghĩnh là cô lại mê man thương mến mà quên đi. Ngẫm đời con người cũng chỉ vì một chữ thương mà đi qua bao nhọc nhằn, cũng vì một chữ thương mà làm nên biết bao nhiêu điều kỳ diệu.

Nhiên là cô bé tài năng nhất trong rất nhiều học trò của cô Nhật. Chùm hoa lavender cạnh con búp bê Nhật, rồi con sư tử đá Singapore, tượng nữ thần tự do be bé… tất cả nằm ngay ngắn trên giá sách cạnh cây đàn của cô là kỷ niệm những chuyến học tập và lưu diễn của cô bé. Đôi khi tỉ mỉ lau chùi những món quà nhỏ ấy, từng tế bào trong thân thể cô nhẹ tênh bay bổng bởi một niềm vui và tự hào không sao diễn tả được. Nó là nỗi niềm hạnh phúc, là ước mơ của chính mình được thực thi bởi người mình thương mến. Tựa như ngày còn bé cứ dõi mắt theo cánh chim thiên di, lòng miên man về một vùng trời khác xa xăm, nơi mà mình mãi mãi không có cơ hội biết đến.

Làm cô giáo tiếp xúc với biết bao trẻ, buồn có vui có, với cô đó là một gia tài vô giá. Cô Nhật lại nhớ chuyện của mấy năm trước. Cũng tầm giờ này, cũng cơn gió thốc rin rít như hôm nay…

Tiếng chuông cửa vang lên rụt rè. Là khách. Con trai cô đi làm xa, không về vào giữa tuần bao giờ. Mưa ào qua nhanh như suy nghĩ.
– Chào cô, chào cô đi con.
– Con chào cô.
– Dạ chào anh. Cô chào con.
– Chắc cô không còn nhớ cháu?
– Vào nhà đã anh, mưa to.

Mãi cho đến khi đặt ba ly nước trà xanh xuống bàn và ngồi ngay ngắn đối diện với hai cha con, cô Nhật vẫn không nhớ ra mình đã từng quen họ hay không. Hẳn nhiên cô có rất nhiều học trò và đôi khi bất thình lình không nhớ ra các em cũng là điều dễ hiểu. Nhất là ở tuổi ngoài 50.

Người đàn ông không trẻ nhưng cũng còn lâu mới già, hơi đậm người, khuôn mặt ánh lên vẻ thông minh và cương nghị. Cậu bé nhìn cô bằng ánh mắt rất sáng. Ánh mắt giống ba như tạc. Ánh mắt này cô mang máng nhớ dường như đã gặp ở đâu rồi thì phải.

– Con tên Quân. Con đã đến đây với mẹ hồi con học mẫu giáo lá. Cô nhớ con không? Mẹ con dẫn con đến xin cô học đàn. Mẹ con thích con học đàn lắm nhưng hồi đó con không thích. Giờ con lại đến xin cô học. Cô dạy con nghen cô.

Cô Nhật lấy làm lạ vì chưa bao giờ có đứa trẻ nào đến học mà nói những lời chắc nịch già dặn như thế. Có rất nhiều em được cha mẹ đưa đến một lần rồi không bao giờ đến nữa. Học đàn không thể ép được, nhất là cần có năng khiếu thẩm âm và rất nhiều khao khát đam mê. Cô nhìn cậu bé, rồi nhìn sang người đàn ông bình thản đưa tay gác hờ lên vai con chở che bảo bọc.

Có một cái gì tựa hồ như một bí mật đang tồn tại giữa hai người đàn ông.
– Con bao nhiêu tuổi rồi Quân?
– Dạ con học lớp Sáu, 11 tuổi cô ạ!

Về lý thuyết thì ai cũng đều có thể học chơi một loại nhạc cụ ở bất kỳ thời điểm nào trong đời, miễn là mình thích. Thế nhưng, tuổi lý tưởng nhất để học piano là 5 tuổi. 11 tuổi đã hơi trễ. Học piano khó khăn hơn các nhạc cụ khác. Cô Nhật phân vân suy nghĩ.

– Trễ quá phải không cô? Cô đừng lo lắng, cháu thích quá. Cô cứ dạy cháu chơi vài bài là tốt rồi cô ạ! Gia đình không đặt nặng việc cháu thành nhạc công hay nhạc sĩ gì đâu.

Giọng nói của người cha thật ấm, truyền cảm. Một giọng nói đẹp. Không biết có phải gần trọn đời sống trong âm thanh, tiết tấu giai điệu hay không, mà cô Nhật đặc biệt quan tâm đến giọng nói của những người mình tiếp xúc. Một hình thể đẹp, chưa hẳn đi cùng một tâm hồn đẹp, nhưng một giọng nói đẹp, theo cô, luôn hàm chứa bên trong một nội tâm phong phú, đáng trân trọng.

Cô Nhật nhận lời. Và nhiều ngày sau đó, cô vẫn vương vít chút hối hận vì đã đồng ý dạy Quân. Quân gần như không có năng khiếu về piano, độ thẩm âm của em không tốt. Em vất vả để ghi nhớ nốt nhạc. Rồi vật lộn với những bản nhạc đơn giản như Happy Birthday, Canon in D, Song from a secret garden, Fur Elise… mà gần như bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể chơi sau vài tháng học. Em học trước quên sau.

Duy có một điều cô lấy làm lạ là em rất chịu khó. Kể cả một vài lần do cơn đau nửa đầu tái phát, do mất bình tĩnh, cô hơi cáu gắt, em cũng chỉ nhìn cô bằng ánh mắt biết lỗi rồi cắm cúi trên những phím đàn. Không nghỉ học buổi nào, em cứ lặng im gõ gõ những ngón tay hãy còn mũm mĩm thơ trẻ trên phím, miệt mài suốt giờ này qua giờ khác. Những âm thanh vụng về rơi ra trong góc phòng và tấm lưng nho nhỏ thanh mảnh ấy không thôi ám ảnh cô mãi về sau này mỗi khi nhớ về Quân.

– Cô ơi, sáu giờ rồi! Quân đâu cô?
– Bạn ấy không đến hả cô?
– Còn 30 phút mới tới giờ biểu diễn, tụi con cứ chuẩn bị trước đi.

Đó là buổi biểu diễn của trường nhạc A.S, nhằm tạo sân chơi cho các em thiếu nhi có cơ hội giao lưu. Các học sinh của cô được mời biểu diễn. Cô Nhật đã từng phân vân mãi, không biết có nên cho Quân đi cùng các bạn nhỏ khác không. Bởi lẽ Quân đàn yếu. Một ý nghĩ sượt qua tâm trí cô: em đến muộn giờ biểu diễn hoặc không đến hóa ra lại hay. Cô thở nhẹ, lờ đi suy nghĩ vừa yếu ớt trỗi dậy trong mình, nó như cảm giác áy náy, xấu hổ. Cô muốn Quân đừng đến giống như muốn che giấu đi cái phần nào chưa tốt, lồi lõm ở mình. Cũng như bao kẻ tầm thường khác trên cõi đời phù phiếm này, cô chỉ muốn trưng bày cái tốt cái đẹp, khoe những học trò giỏi để thỏa mãn niềm tự kiêu phù phiếm của chính cô.

Cô còn nhớ mình nhanh chân đi chỉnh lại chiếc váy cho em gái, thắt lại chiếc nơ bướm trên cổ sơ-mi lịch lãm của em trai, dặn dò em này em kia, quên bẵng Quân tựa hồ như cất được một gánh nặng.
Chiếc màn nhung đỏ của sân khấu buông xuống, sắp đến tiết mục của học trò cô.

– Xin lỗi cô… Tôi có việc… nên đưa cháu đến trễ.

Quân đến.
Cô Nhật nhìn sững hai cha con, không kịp nói gì. Tiết mục sẽ bắt đầu trong giây lát. Thằng bé đầu tóc bù xù, mặc bộ đồ đồng phục thể dục nhàu nhĩ cáu bẩn, chân mang đôi dép lê tuềnh toàng. Đôi mắt Quân ngầu đỏ như vừa khóc. Nó gật đầu chào cô, chăm chăm nhìn lối cầu thang bước lên sân khấu.

***
– A, Quân đến rồi cô ơi!
– Lên sân khấu nào Quân.

Tiếng bọn trẻ lao xao, đưa nhau lên sân khấu. Cô Nhật không kịp nói hay phản ứng gì. Cô đưa mắt nhìn người đàn ông. Vẻ đĩnh đạc chỉn chu, áo sơ-mi quần tây, lái xe ô tô đưa Quân đến nhà cô như mọi khi dường như đã bị đánh rơi ở đâu đó. Không biết có phải do hôm nay có đeo mắt kính cẩn thận nên cô Nhật nhìn thấy rõ hai hốc mắt sâu thăm thẳm như vừa trải qua một đêm dài không ngủ của anh. Có cái gì đó như gãy đổ trong thẳm sâu người đàn ông này.

Khuôn mặt anh rũ xuống nặng nề bất lực. Tự nhiên cô chợt nghĩ đến mẹ Quân. Ừ, mẹ Quân đâu nhỉ? Chỉ có một hai lần trong gần một năm qua, thằng bé có nói qua là mẹ bận lắm. Cô cũng chưa lần nào hỏi. Sao có một người mẹ để con đến buổi biểu diễn trước mặt nhiều người lại ăn mặc như thế? Cô chợt nghĩ đến những bà mẹ trẻ hiện đại, giàu có, thật đẹp, thật thơm tho, sành điệu tung tẩy đi làm, đi du lịch… Và quên nắm tay con…

Bản hợp xướng tốt quá. Quân chơi không vướng vấp như những lần tập trước. Tiếng vỗ tay vang khắp khán phòng. Bất ngờ

Quân bước ra sân khấu, trên tay cầm micro, mắt hướng ra cửa, em nói lớn:
– Mẹ ơi, mẹ có nghe con đàn không mẹ?

Bỗng Quân đổ thụp xuống, ôm lấy ngực mình, nước mắt trào ra.

– Mẹ Quân vừa mới mất lúc năm giờ chiều cô ạ! Bệnh ung thư. Ước mơ cả đời của cô ấy là nhìn thấy Quân ngồi bên phím đàn piano. Con đi học một năm nay là đợi ngày này đàn tặng mẹ…

Giọng nói trầm ấm, vang lên sát bên tai mình. Cô Nhật lập cập tháo cặp mắt kính lão di di trên vạt áo: “Cô xin lỗi con, Quân ơi!”.

TRIỆU VẼ

https://vanhocsaigon.com/truyen-ngan-trieu-ve-me-co-nghe-con-dan-khong/

sôngthương
04-18-2021, 07:18 AM
Nhập thất.

Cứ đến giữa tháng chạp là sư thầy lại rời chùa, đi ngược lên phía núi chừng mười lăm phút thả bộ và ngụ tại một lán tre ở trên đó. Cái lán dành cho giới tu hành gọi là thất, và quãng thời gian ở đó gọi là mùa nhập thất. Phải hết tháng giêng thầy mới rời thất để về lại chùa. Thầy thích yên tĩnh nên có ý đi ở ẩn vào mỗi dịp tết nhất, độ này khách khứa đến viếng chùa đông lắm.

Ngày thầy chuẩn bị nhập thất, điệu Sanh nằng nặc đòi theo. Sanh nói mỗi ngày không thấy mặt thầy con chịu sao nổi. Khuyên mãi không được, thầy đành miễn cưỡng giao cho điệu Sanh nhiệm vụ đưa cơm chiều lên thất. Mấy mùa vào thất trước, thầy đều đùm gạo với muối mè lên trên ấy rồi tự lo chuyện ăn uống. Củi nhặt cành khô, lửa nhúm lá mục, nước đã có bên suối. Thầy chỉ việc kê ba hòn đá lại thành cái kiềng là có ngay bếp nấu. Nhập thất vốn là một công việc hành trì độc lập, người tu hành đến một ngưỡng nhất định mới có thể thực hiện. Lấy sự yên tĩnh làm đầu để thiền quán, dùng sự giản dị tự thân để nương tựa.

Thế mà bữa nay điệu Sanh đòi gặp thầy mỗi ngày, xem ra khó từ chối nên thầy nhủ điệu đem cơm từ chùa lên. Với lại, thời gian này thầy cũng đang hoàn thành nốt cuốn sách nên muốn toàn tâm toàn ý cho việc viết. Điệu Sanh mừng ra mặt: “Vậy con đem thêm phần cơm của mình nữa lên ăn cùng thầy cho vui”. Thầy nghẹn đi, không còn nói chi được nữa, đành lắc đầu nhẹ và cười.

Ngôi thất nằm nép dưới một hòn núi. Mấy năm trước thầy cố ý dựng ở đây để tránh gió mùa thốc vào, nhờ thế nên thất vẫn còn ở được. Mấy cột tre có yếu thì tháp thêm, vách nứa đứt lạt thì buộc lại; vào mùa hạ cỏ gianh tốt ngồng, thầy bứt đem về phơi khô rồi lợp lại cái mái. Riêng việc bện tranh thôi đã là một phương pháp tu tập, vừa gài lá vừa niệm kinh, đánh tranh như gõ mõ. Tranh phải đan khít để nước mưa không thấm qua được, khi ấy mới mong công pháp tu tập che chở được chúng sanh. Một mình thầy dựng thất, sành nghề chẳng kém gì bác thợ mộc hay người miền cao.

Tháng chạp cỏ dại chung quanh dần xanh, vài bông hoa nở trước kỳ xuân đến. Vách núi gió hong khô, trơ ra ngoài những vạt đá màu lam. Buổi sáng thầy dậy sớm, mở cửa thất sương đã tràn vào. Thầy bước ra vừa làm vài động tác thể dục vừa ngắm thiền cảnh. Xong lại vào thất, tọa nghiêm ngắn và thảo chữ.

Lần đầu đưa cơm đến thất, điệu Sanh nhảy chân sáo qua mấy cục đá thầy kê theo lối đi. Chưa tới cửa điệu đã hét toáng lên gọi thầy. Thầy không mắng điệu Sanh mà chỉ lấy giấy ra, viết năm chữ “an lạc từng bước chân” rồi nhủ điệu đem ra dán ở cây săng lẻ bên bậc đá đầu tiên. Từ bữa đó Sanh nhẹ nhàng hơn, nhưng tính ham vui trẻ con thì vẫn còn.

Một lần xách ca mèn cơm lên thất, điệu Sanh gặp mấy đứa trẻ đi bắt chim. Hồi ở nhà Sanh hay cùng trẻ con trong xóm đi bắt chim và bẫy tắc kè nên thấy thế thích lắm. Định bụng chạy đến coi, rồi Sanh nhớ ra hôm bữa học luật có một điều trong sách pháp khuyên không nên săn bắt, thế là điệu cố ý đi nhanh qua. Một đứa kêu:
- Ê, trọc lóc, tới đây chơi!
Sanh bước thêm bước nữa, thấy đi không đành nên quay lại coi chúng bắt tổ sáo. Bắt được bốn con chim non, chia ba đứa ba con, còn một con chúng cho Sanh. Sanh cầm lấy, không biết đặt ở đâu cho phải. Ba đứa kia thì có ba cái mũ lưỡi trai, chúng ngửa mũ ra cho chim vào. Còn sanh, trọc lóc không đội mũ biết lấy cái gì nựng chim. Một trong ba đứa kia góp ý với Sanh:

- Hay trọc đưa cơm cho tụi này ăn, rồi lấy cái cà mèn bỏ chim vào.
Nghĩ cũng phải, Sanh đưa ngay phần cơm cho chúng ăn. Xong, Sanh lấy ít cỏ cú khô cho vào ca mèn để đặt con chim non.

Sanh xách ca mèn lên thất. Dọc đường, thi thoảng chú chim kêu rích rích khiến điệu thích thú. Đến cửa thất, Sanh đưa nguyên cái ca mèn ấy cho sư thầy. Mở nắp, thầy ngạc nhiên nhưng không trách điệu mà chỉ hỏi:
- Con đem chú chim này về rồi cho nó ở đâu?
Nghĩ một lúc, Sanh thốt lên:
- À! Con sẽ làm cho nó một ngôi nhà trên cây, giống cái túp lều tranh này. Thầy ở trong kia, nó ở trên này. Mỗi ngày con đem phần cơm lên cho cả thầy và chim.
- Rồi sao nữa? – Thầy hỏi.
- Bao giờ thầy về lại chùa thì con đem chim về. Đến mùa nhập thất năm sau con lại đưa nó lên đây.

Chiều theo ý Sanh, sư thầy cùng điệu làm một cái tổ nho nhỏ trên chãng ba cây. Điệu Sanh hớn hở vui mừng, nghĩ đến cảnh có hai “ông thầy tu” ở hai túp lều tranh, một ông suốt ngày ngồi im, một “ông” suốt ngày hót. Rộn ràng bên cạnh lặng im, đó là lẽ đời. Lấy thanh tịnh nuôi dưỡng náo nức, đó là pháp đạo.

Riêng sư thầy lại thấy khó xử, thầy biết mình đang đối mặt với một bài toán hóc búa. Cuộc đời luôn đặt ra những khó khăn buộc người ta vượt qua. Với bậc tu hành, thì điều ấy là cần thiết để luyện công án. Ngay khi thầy đang ngồi trong thất, tưởng chừng lánh đời, nhưng thực tế sự chiêm nghiệm về lẽ đời lại nhiều hơn. Còn biết bao người neo đơn đang ở trong những túp lều tranh giống thầy; họ không có cơm ăn, sống từng ngày để đón chờ cái chết. Chính quyền nào cũng có chế độ bảo trợ, nhưng việc ấy làm sao chu tất được. Ví thử cái tổ chim vừa làm xong kia là một căn nhà của người neo đơn, thầy có trách nhiệm bảo trợ.

Chim không thể nghe đọc kinh mà sống. Chính thầy cũng không thể đọc kinh để sống cơ mà? Chú chim non phải được mớm mồi châu chấu. Nghĩa là vì sự sống của loài này, phải hy sinh sự sống của loài khác. Xưa có một vị sư, mỗi lần về thăm nhà đều ghé qua chợ mua cá về cho mẹ. Vị sư ấy cũng đấu tranh tư tưởng giữa hiếu đạo và luật trì. Bây giờ thầy nuôi con chim nhỏ, tức là phải phân vân giữa luật trì với luật trì. Tu là không sát sanh, nhưng không sát sanh châu chấu thì con chim non chết, tức là vô tình mà phải nhún tay sát sanh một trong hai loài. Mới chỉ một chú chim thôi đã thế. Ở ngoài đời kia còn biết bao nhiêu điều tương tự, muốn tồn tại phải đấu tranh. Vì tài nguyên mà nước này đánh nhau với nước kia, súng đạn hạ sát thân người rơi trên chiến trường.

Người kinh doanh phải mẹo mực, sát phạt đến tận cùng đồng tiền của nhau, thương trường là chiến trường.

Người muốn lấy vợ phải khôn ngoan, giành giật nhau chút tình cảm gái trai, tình trường cũng là chiến trường…

Vào thất, tưởng chừng xa lánh cuộc sống ồn ã của loài người dưới kia, nhưng thực chất lại vướng vào chuyện khác. Con người sẽ sống thế nào khi có rất nhiều mối bận tâm như thế. Những mối quan hệ chằng chịt có cả thói ghen tức, ganh đua, tị hiềm, dối trá lừa lọc, tham nhũng, hối lộ… Có lẽ càng cô đơn yên tĩnh, như người tu hành trong một mái thất, thì càng nghĩ ngợi nhiều.

Nhưng đó là lẽ thường, bởi giác ngộ không phải lãng quên tất cả, mà đấy là sự đối mặt với thực tại để tìm ra lối. Sư thầy đang ở trong tình thế khó khăn, phải tìm ra lối thoát cho một chú chim non đã thế, huống hồ dẫn đường cho mọi người.

Ngay trong chiều hôm đó, con chim non đã chết. Không rõ lý do vì sao. Có thể trúng gió độc. Có thể thèm mồi mà chết. Và biết đâu con chim đã ý thức rằng phải hy sinh để loài châu chấu được sống, phải hy sinh để sư thầy không phải bận tâm nhiều về nó.

Sư thầy cùng điệu Sanh đào hố chôn con chim xuống đất. Xong rồi tụng một bài kinh cầu siêu cho chim. Xong rồi tụng một bài kinh sám hối cho mình. Xong rồi nhưng chưa xong. Không thể cứ sám hối chuộc lỗi lầm là hết chuyện. Trong khi ấy thầy vẫn chưa tìm ra cách xử lý bài toán đấu tranh sinh tồn.

Hai thầy trò bước vào trong thất. Bất giác điệu Sanh hỏi:

- Sao dưới kia người ta không làm cái chòi lá thế này để nghỉ ngơi hả thầy?

Ừ, giá mà mỗi người có một cái chòi đơn sơ để nghỉ ngơi và nghĩ ngợi. Một cái thất tự dựng lên trong miền tưởng tượng thôi. Như kiểu Phật tại tâm ấy! Mỗi năm chỉ cần nhập thất một lần vào mùa xuân. Có khi khỏi phải đi chùa cầu an hái lộc bẻ rụi cây, khỏi phải phóng sanh cho cá chết lềnh bềnh, khỏi phải thả rùa tai đỏ cầu may mà gây bệnh hoạn, khỏi phải chen lấn đi dự khai ấn phát lương đền Trần đến mức giẫm đạp lên nhau. Thế thôi.

(Trích từ “Cõng nhau trong một cõi người” – Hoàng Công Danh)

sôngthương
05-24-2021, 08:48 AM
Những tia nắng mùa xuân

Ngày thứ nhất, phòng khách nhà cô đang biến thành một sàn chơi bowling đích thực. Những chiếc cốc nhựa xanh, đỏ, trắng, vàng được ba đứa trẻ xếp thẳng hàng.

Thằng con trai út ba tuổi của cô lẫm chẫm ôm quả bóng cao su bé xíu ra. Vậy là sàn bowling gần như hoàn hảo. Cuối tuần nào vợ chồng cô cũng đưa các con đi chơi bowling tại một trung tâm vui chơi do người bạn học của anh lập ra.

Bọn trẻ quá quen với trò này. Cô chỉ cầm trịch để các lượt chơi diễn ra tương đối công bằng, và dập tắt các cuộc cãi vã, ăn vạ của các con sao cho cuộc chơi kéo dài, mỗi đứa đều được hưởng phần vui vẻ.
Thỉnh thoảng cô chạy tới góc nhà, kiểm tra chế độ quay video của chiếc điện thoại thông minh được để trên bộ chân máy tự tạo khẳng khiu như chân nhện.

Những món tóc tơ lòa xòa trước vầng trán trắng trẻo, tinh khôi của từng đứa, cái lúm đồng tiền của đứa thứ hai lún sâu trên má cả khi nó tức giận lẫn khi cười, dáng đi lạch bạch của đứa út, tất cả đều được ghi lại trong những thước phim nghiệp dư này.
Nhìn các con chơi qua màn hình điện thoại, cô tự hỏi, hai mươi, ba mươi năm nữa, xem lại những thước phim tài liệu gia đình này, phản ứng của mỗi đứa sẽ như thế nào: thằng Mark có lẽ sẽ ngồi xem cùng với một đàn con, "ít nhất ba đứa", như nó đã tuyên bố.

Cô và bọn trẻ sẽ làm gì sau trò bowling này? Ngày còn nhiều tiếng đồng hồ nữa, mà trong đầu cô nỗi lo lắng tựa như một đống lửa, lúc đầu cháy lom rom, sau đó bùng lên với những lưỡi lửa thiêu đốt.

Mở đầu ngày thứ hai, ngay trong bữa sáng, cô "bật mí" với bọn trẻ kế hoạch của ngày: cả nhà sẽ làm bánh. Cô giảng giải những việc phải làm cho các con hiểu, từ nhào bột, nặn bánh, đến chuẩn bị khay đựng đợi các mẻ bánh ra lò.

Thoạt đầu bọn trẻ không hào hứng lắm. Cả ba đứa đều thích chạy nhảy hơn là đứng chôn chân trong phòng bếp hẹp. Cô nghĩ ra ý sẽ chấm điểm và thưởng những viên sôcôla bọc hạnh nhân cho bất cứ đứa nào hoàn thành tốt phần việc của mình, nặn được một cái bánh tròn trịa. Trò làm bánh "giết" được hơn một tiếng đồng hồ của bọn trẻ.

Cuối cùng cả bọn chán trò, chạy ra phòng khách truy tìm chiếc điều khiển tivi, dò được kênh hoạt hình và bắt đầu tranh cãi về quyền được xem thứ mình muốn. Thằng thứ hai, vẫn là thằng thứ hai tinh nghịch nhất, không tranh được chiếc điều khiển liền lẻn vào bếp, bốc một nắm nhân bánh còn thừa, rắc lên đầu thằng lớn khi mà cuộc tranh giành tưởng đã ngã ngũ.

Chiếc điện thoại thông minh thu được hình ảnh thằng bé út cười lăn lộn trên sôpha trước bước ngoặt bất ngờ của cuộc chiến giữa hai anh nó. Dọn dẹp bãi chiến trường là việc của cô sau đó. Ngọn lửa thiêu đốt lại bùng lên trong cô.

Ngày thứ ba. Cô cần phải giải quyết vài việc của viện nghiên cứu nơi cô làm việc. Cô cho phép đứa con lớn dẫn các em nó ra mảnh vườn nhỏ sau nhà chơi tự do với cái vòi nước, con chó phốc, và bất cứ gì ở đó.

Chiếc điện thoại và cái giá tự tạo được chuyển ra sát cửa sổ, và với chế độ quay tự động, nó hoạt động cho đến lúc sập nguồn.
Sau này, khi xem lại video đó cô mới phát hiện ra rằng lũ trẻ chỉ lọt vào camera khoảng chưa đầy mười phút, sau đó chúng chuyển sang chơi ở một góc khác, và những đám hoa dại, những vạt nắng, những chiếc lá kim, vài con côn trùng trở thành nhân vật chính của những thước phim. Mùa xuân đến rồi nhưng cô không nhận ra.

Ngày thứ tư. Ngày thứ năm. Ngày thứ sáu. Mỗi ngày đến rồi đi với nỗ lực sáng tạo các hoạt động tập thể cho một nhóm trẻ dưới mười tuổi, chọn chỗ đứng cho bộ chân khẳng khiu của chiếc điện thoại thông minh, nấu nướng, tắm giặt cho bọn trẻ, và cả trăm việc không tên.

Mỗi giây cô đều phải dùng ý chí của mình để dập ngọn lửa lo lắng đang thiêu đốt trong lòng như người lính cứu hỏa quả cảm nhất. Mỗi ngày của cô đều kết thúc bằng việc cập nhật thông tin và gửi đoạn video clip trong ngày đến địa chỉ cô cần gửi.

Ngày thứ mười cô bắt đầu cảm thấy đuối sức. Cô muốn bùng nổ. Bọn trẻ đã chán việc cô sắp xếp cho chúng chơi mỗi ngày. Chúng thích được chạy ngoài vườn, đuổi con chó phốc chạy quanh nhà, bốc đất nhồi vào những chiếc vỏ lon bia ở góc vườn, không chịu ngủ trưa đúng giấc.

Mỗi đứa đều cáu nhiều hơn, khóc nhiều hơn, chống đối cô một cách ngang ngược hơn. Đầu cô rối tung, chẳng có ý tưởng hay ho nào xuất hiện, cô quên cả những việc của viện nghiên cứu mà mình phải làm online, quên cả việc thanh toán các hóa đơn qua tài khoản điện tử.

Chỉ một việc duy nhất cô không quên là, gửi những video clip cô quay được trong ngày tới nơi đang cần chúng.

Ngày thứ mười một, nhìn bầu trời bừng lên những tia nắng, cô bật khóc. Cô nhận ra mùa xuân đã tới. Cô nhớ cảnh vợ chồng cô đưa bọn trẻ tới trường, đi qua những con đường nhỏ được viền bởi những vạt hoa dại dài tít tắp.

Cô nhớ khoảng thời gian sau đó, cô và anh được giải phóng khỏi những tiếng mè nheo và tận hưởng sự yên tĩnh và phần nào lãng mạn tại quán cà phê quen thuộc bên bờ sông. Lạ lùng thay, khi nghe tiếng khóc của chính mình cô lại bắt đầu quyết tâm huy động trí lực cho hi vọng.

Ngày thứ mười ba, hi vọng bắt đầu lóe lên sau khi cô mở mục tin nhắn, và nhận ra người đang nhắn tin cho cô không phải là bác sĩ của anh mà là chính anh.

Anh, sau gần nửa tháng chiến đấu với virus, đã bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục. Bác sĩ khẳng định anh thuộc về số những người may mắn đã chiến thắng đại dịch. Bác sĩ nói những video cô gửi là công cụ quan trọng để các bác sĩ "giật" anh ra khỏi giấc ngủ, khi anh cần phải thức để nhận oxy.

Cô khóc òa trong phòng ngủ.

NGUYỄN BÍCH LAN

https://tuoitre.vn/truyen-ngan-nhung-tia-nang-mua-xuan-20200419094331442.htm (https://tuoitre.vn/truyen-ngan-nhung-tia-nang-mua-xuan-20200419094331442.htm)

sôngthương
06-17-2021, 01:31 AM
Làm sao để chữa lành ...




https://www.youtube.com/watch?v=xTyLiqWL3uk

sôngthương
06-21-2021, 04:18 AM
Lá thăm

Quán lạnh tanh, khách hiếm như mớ bông trái mùa nở bám nhánh bằng lăng cỗi. Từng là chỗ ăn uống có tiếng dành cho gia đình, buổi tiệc, họp mặt lèn chặt tiếng người; quán giờ xơ xác như người đàn bà quá lứa chẳng còn ánh mắt nán lại chèo kéo.

Dượm bóng người bước vô trả lại chút đỉnh vui vốn có của nơi bán buôn, vậy mà chẳng làm ai thấy khá lên nổi. Khách ngó nhân viên mặt mày xám xịt cố nặn những nụ cười méo mó chào đón cũng không đành giận, tự nhủ mùa dịch này ai nấy đều ám ít nhiều màu buồn.

Khách đâu biết trên đầu mỗi nhân viên đang treo một cục đá bự chảng, chực rớt xuống đè tắt ngúm hi vọng. Ai đó sẽ sụp xuống khóc, hoặc chết giấc, hoặc héo rũ, hoặc lên cơn đau tim; sớm thôi. Khi mà vài giờ nữa sẽ tới lúc chị chủ bước ra xướng lên cái tên đề sẵn trên những lá thăm nặng ngang án tử.

Chỉ tại cái con Côrôna gây nên cảnh trớ trêu này. Chị chủ phải cho nhân viên nghỉ tạm bớt để duy trì hoạt động. Cho ai nghỉ cũng thấy lấn cấn trong bụng, xui rủi lại bị dán cho cái mác thiên vị, chị chủ tính toán tới lui quyết định chọn cách công bằng nhất có thể.

Tất cả nhân viên sẽ được ghi tên lên giấy, bỏ vào thùng, xốc lên như trò rút thăm trúng thưởng. Vài cái thăm sẽ được chị chủ bốc ra trước mặt mọi người khi đến giờ công bố kết quả, kèm sẵn câu an ủi "tạm nghỉ thôi mà".
Nói là nghỉ tạm, chớ ai biết tạm tới bao giờ. Một hay hai ba tháng? Hay nửa năm? Trong lúc rỗi rảnh đó, người ta buộc bươn chải đi kiếm chỗ làm khác đắp đổi cơm áo. Đâu ai dám chắc chắn tới lúc tình hình ổn định, mình sẽ dễ dàng quay trở lại làm việc như trước.

Những suy nghĩ về "án tử" luẩn quẩn trong đầu mọi người như bầy mối bay loạn tránh mưa. Ai nấy cố vây củi lửa thắp cho lòng chút hi vọng mình sẽ thoát, bằng cái bùa cầu may mới thỉnh trong đền Ông Bần "thiêng lắm", bằng lời hứa ăn chay một tháng, bằng khờ khạo rơm rớm mình chăm chỉ vầy chắc trời thương...
Còn Gái xụi lơ, rũ rượi như mớ lá dứa để thơm nhà vệ sinh đã úa chờ thay mới. Gái đang nghĩ đến những khó khăn sẽ ập tới, sớm thôi.

Nếu mất việc, Gái biết lấy gì lo cho hai đứa con bây giờ. Đứa lớn đang học lớp 6, mùa dịch nên trường cho nghỉ ở nhà nhận nhồi thú bông kiếm tiền phụ mẹ. Tội, nó nhồi tới mười đầu ngón tay đỏ lừ cũng không đủ làm nồi cơm đầy thêm bao nhiêu.
Có lần nhìn nó ôm con chó bông chưa rõ dáng mân mê, ôm siết vào lòng với đôi mắt ướt nước thèm thuồng, Gái đã phải quay đi làm như không thấy. Những con thú bông con nhỏ nhồi rồi sẽ tới tay lũ trẻ khác, chứ chẳng thể ở lại, vì Gái đâu có tiền mua cho nó. Tiền, quá ít để trám đầy những lỗ rò của cuộc sống đang ngày càng nứt vỡ.

Đứa nhỏ thì từ lúc mới đẻ đã yếu, uống thuốc như cơm bữa. Đợt trước chắt mót mua được cho con hộp sữa ngoại, Gái chưa kịp mừng khi nhìn con có chút da thịt, giờ đã phải nghĩ đến chuyện gạch khoản tốn kém nhất này ra khỏi sổ chi tiêu.
Thuốc cần hơn, và tiền viện phí nếu lỡ con gặp gì nặng. Đứa nhỏ đâu hay những chuyện toan tính của người lớn, hồn nhiên mút hoài bình sữa đã cạn từ lâu, cố mót mấy giọt bám trên thành bình...

Gái đã nghe loáng thoáng cuộc điện thoại chồng cô nhận được mấy hôm trước. Khách sạn chỗ anh làm đang giảm lương nhân viên để cầm cự. Quang gánh nghiêng dồn lên vai anh, liệu anh trụ được bao lâu với cơn loét bao tử cứ hành mỗi bữa?
Kêu đi khám, anh cứ la để khi nào rảnh thì đi. Rảnh của anh nghĩa là lúc nào dư dư tiền. Mà lúc nào là lúc nào? Gái làm sao biết!

Đã tới giờ bốc thăm. Mọi người nhìn nhau rồi quay đi, ánh mắt xoáy tròn mệt mỏi trộn lẫn với hoang mang. Chẳng ai dám nhìn ai lâu, như sợ cái buồn bã của người khác làm mình bị thương hay chính cái buồn bã của mình chém vào lòng người khác. Là ai?

Ai sẽ bị xướng tên để ngay sau đó vắt óc ra mà nghĩ cách xoay xở cho ngày mai? Đã lờ mờ hình ảnh vài quán ăn lề đường với chân bưng bê còn thiếu; chồng gạch phụ hồ chờ sẵn; những công việc không tên nhỏ giọt đồng lương. Gái bấu vào tay một cái đau điếng để ngăn những suy nghĩ tăm tối nhá lên. Trời ơi, đừng, đừng là lá thăm ghi tên Gái!

Chị chủ bước ra, cười mà như không. Chẳng thấy thùng thăm đâu cả. Vỗ tay kéo sự chú ý của mọi người về phía mình, chị dõng dạc cất tiếng: "Chúng ta có tin mừng, không cần bốc thăm, sẽ không ai bị cho nghỉ cả".

Mọi người xôn xao, chưa kịp mừng đã sợ, thời đại này luôn biết cách cài vào lòng người sự hoang mang. Chị chủ lại cười, lần này môi chếch xuống một bên đã hằn dấu buồn, tiếp lời: "Vì chị Chịu, chị Đỡ xin nghỉ việc".

Những ánh mắt rút khỏi chị chủ đổ sóng cuộn về phía hai người đàn bà mặt đã rõ nếp nhăn. Hai chị cười tỉnh bơ, "dịch quá dịch tụi tui trốn về quê cho an toàn, dưới đó tui mở tiệm tạp hóa bán lai rai" - lời chị Chịu.

"Còn tui về nghỉ ngơi chăm bón lại mấy liếp vườn cho khỏe thân" - chị Đỡ buộc lại mớ tóc lấm tấm bạc bị xổ ra. Những lời nói dối trơn lùi, nghe như thật. Ai mà không biết hai chị chỉ còn một thân một mình, về quê được đã về từ lâu...

Từng giọt nước mắt trào ra, lấp đầy những đôi môi thoi thóp hé mà không biết nói gì. Chị Đỡ vỗ vỗ vai Gái, cau mày chửi khẽ, tụi bây ngộ thiệt tin vui vầy cũng khóc.

Tin vui, mà sao chẳng thấy ai vui!

Phát Dương
https://tuoitre.vn/truyen-ngan-la-tham-202004050145536.htm

sôngthương
07-10-2021, 08:38 AM
ĐỪNG AI LỚN GIỌNG VỚI SÀI GÒN !

Tôi không phải dân Sài Gòn thứ thiệt vẫn cảm nhận cái chữ Sài Gòn nè thân thương ! Tôi dân ở tỉnh nhưng ăn học ở Sài Gòn, cũng được bao người cô, người bạn Sài Gòn giúp đỡ để trưởng thành.

Rồi cả gia đình tôi mưu sinh ở Sài Gòn, con tôi sanh ra lớn lên ở Sài Gòn, thành công dân Sài Gòn. Anh em tôi hầu hết mưu sinh ở Sài Gòn, chúng tôi được Sài Gòn cưu mang.. và tôi làm việc, cống hiến cho Sài Gòn. Hoà chung một nhịp sống Sài Gòn.

Những ngày Sài Gòn trở bịnh, cũng như bao người, ai cũng lo cho Sài Gòn... rồi Sài Gòn bệnh nặng hơn, càng lo lắng hơn. Vẫn chưa thể biết khi nào thì Sài Gòn hết bệnh.

Nhiều người chê, Sài Gòn tệ, dở chống dịch gì mà để dịch bùng ngày càng nặng, không thấy lối ra, không biết học hỏi các tỉnh... rồi bao thứ đâu đó giống “Dậu Đổ Bìm Leo”, nhiều người, địa phương trở nên “xài xể Sài Gòn”, Sài Gòn bị bệnh, bị tổn thương trong tâm hồn, người Sài Gòn, hay người được Sài Gòn cưu mang cũng buồn theo, nóng giận. Rồi người ta tính luôn cái chuyện giúp đỡ Sài Gòn bằng những người gọi là “chuyên gia”, “giàu kinh nghiệm” nhưng là 1 đám hổ lốn, không chuyên môn với thái độ ngạo mạn, khinh khỉnh, một đám đi đánh thuê núp bóng "Tình Nguyện Viên" cứu giúp Sài Gòn, đầy nguy cơ nhiễm bệnh, trây trét dịch thêm cho Sài Gòn nhưng lớn lối mở giọng dạy dỗ Sài Gòn. Họ muốn Sài Gòn phải chịu 1 sự mang ơn theo chiều dài thời gian nhưng lại trở thành 1 vết nhơ, 1 tổn thương, 1 xúc phạm trong lòng người Sài Gòn. Sao họ dám hành xử với người Sài Gòn như vậy ?

Dịch bùng từ 23/4 từ đốm nhỏ, đến đốm lớn, lan ra nhiều tỉnh phía Bắc, bùng luôn Hà Nội.. lúc bấy giờ, Sài Gòn vẫn rất bình yên.

Sài Gòn không hề có một động thái phân biệt đối xử người về từ vùng dịch, cấm vận hay cách ly.. mỗi ngày hàng chục chuyến bay từ Hà Nội ra vô trong sự êm ấm, bình thường...

Sài Gòn là vậy, một sự cấm vận của mình, sẽ tổn thương người của bao nhiêu tỉnh thành, cuộc sống làm ăn ... vì hầu hết các tỉnh thành, từ Bắc chí Nam đều có người con, người thân.. đâu đó liên quan đến Sài Gòn.

Dòng người từ Bắc, Trung đổ vào Sài Gòn làm ăn, sinh sống ở Sài Gòn cũng giống như bản thân tôi gắn bó với Sài Gòn. Sài Gòn vì cái gì, bị áp lực nào để không thể đóng cửa bảo vệ mình? Sài Gòn phải mở để tiêu thụ vải cho Bắc Giang, để họ tự hào mùa vải thành công với 6.800 tỷ đồng, và Sài Gòn phải học hỏi họ cách chống dịch. Sài Gòn phải mở cửa chợ hoa để cứu hoa Đà Lạt.

Sài Gòn bệnh nhưng Sài Gòn vẫn phải gồng nộp 82% thu ngân sách của mình để nuôi nhiều nơi trên đất nước... Sài Gòn bệnh, Sài Gòn cần nhiều thứ để dưỡng bệnh, nhưng lấy gì bồi dưỡng thân thể khi dòng ngân sách không thể khác được. Để rồi người ta sỉ nhục Sài Gòn, chê bai.. "Những thứ đồ chống dịch của Sài Gòn là không đúng chuẩn". Rút tiền ra góp cho cả nước nhưng dân Sài Gòn xài đồ không bằng ai.

Rồi ai đó, đòi hỏi Sài Gòn phải bao dung, hào sảng đến mức người Sài Gòn thua thiệt khắp muôn nơi, từ sân bay, nhà hát, sân bóng, đường xá.. Bao dung hay bung dao cũng tuỳ thái độ người đối diện trước mình. Không thể khác được.

Người Sài Gòn nổi tiếng hào sảng, đôn hậu, giúp người không cần suy nghĩ, thi ân bất cầu báo... liệu người Sài Gòn có khờ để người khác nghĩ vậy mà lạm dụng, xài xể, leo đầu leo cổ... hay một Sài Gòn nổi giận từ những người hiền lành nhất, những trí thức tưởng chừng không muốn mở miệng trước thời cuộc.

Những đồng ngân sách của Sài Gòn tràn đi muôn nơi, trong suốt thời gian quá dài, giúp cho nhiều tỉnh thành đầu tư về hạ tầng vượt trội hơn mình, nhiều tỉnh thành từ đói nghèo được TƯ đầu tư trở thành những tỉnh thành giàu có. Giờ giàu có thì đâu đó cái kiểu bố đời lớn lối “đường Hồ Chí Minh trên không” cho chiến trường Miền Nam hay vì Miền Nam Ruột Thịt rao ra rả kẻ cả.
Nhiều tiếng lớn giọng của nhiều người với Sài Gòn, khiến người Sài Gòn buồn chứ, giận chứ, tổn thương chứ...

Chiều nay nghe tin Sài Gòn sẽ chống dịch triệt để, tôi thấy mừng.. nhưng rồi xem tivi thấy thủ tướng chỉ đạo, Sài Gòn phải đảm bảo chợ đầu mối hoạt động, phải mở đường lưu thông hàng hoá... tôi chợt bừng ra, chuyện chống dịch triệt để là không thể nữa rồi, không phải do chính Sài Gòn quyết được. Tỉnh nào có thể 16 nhưng Sài Gòn thì không chắc.. không triệt để thì dịch bùng, lại truy vết, oằn mình với những giải pháp có thể không còn phù hợp từng giai đoạn chống dịch.. dân Sài Gòn lại cạn kiệt sức lực khi dịch sẽ kéo dài.

Đừng ai lớn giọng với Sài Gòn rằng không biết chống dịch. Sài Gòn mà triệt để chống dịch là bao nơi sẽ khó khăn theo đấy.
Tôi đang bệnh, tôi cần được bồi dưỡng, tôi cần để nhiều “máu”cho chính cơ thể của mình.. dưỡng thương !

Sao tôi phải chia sẻ cho muôn nơi để rồi người ta lớn lối thái độ “biết bố mày là ai không ?”

BS Cao Xuân Minh

sôngthương
07-26-2021, 02:07 AM
Ngày xửa ngày xưa, tại gia đình lương thực ...



https://m.facebook.com/100000253130995/posts/4564148823603510/?extid=0&d=n

sôngthương
01-25-2022, 04:21 AM
Gửi hết nhớ thương vào chợ phiên cuối cùng tháng Chạp.Khi hơi nước bắt đầu bốc lên, lớp váng mỡ nổi tràn trên mặt là lúc gian bếp đầy mùi Tết. Cha vớt ra, cẩn thận xâu miếng thịt vào một sợi lạt rồi treo lên thanh kèo giữa gian bếp. Đó là cách bảo quản để được lâu, vừa không bị chó mèo ăn vụng.Trên con đường làng mờ hơi sương của những ngày cạn Chạp, bóng những bà, những mẹ quê quang thúng chập chùng theo từng bước chân khuất dần vào màn sương phủ.

Mặc cho gió núi mang hơi rét tái tê thổi về len vào khe vách đan bằng cây sơn trắng, tôi cũng dậy thật sớm theo mẹ, lòng ấm áp nghĩ về phiên chợ cuối cùng trong năm với niềm mong mỏi được đổi mua bằng sự vớt vát cuối cùng năm cũ…

Những đếm đong cạn Chạp của mẹ

Cha cũng thức dậy từ rất sớm để giúp mẹ xếp những thảo thơm vườn nhà vào đôi quang thúng. Một bên là gừng tẻ cùng khoai mài ruột tím và chục quả trứng gà, bên còn lại là nguyên buồng chuối lớn có mấy quả trên cùng vừa ửng vàng tươi rói.

Tôi nhìn những quả trứng trắng hồng không giấu nổi sự thèm thuồng nhưng vẫn dứt khoát bỏ vào quang thúng cho mẹ, nuôi giấc mơ thoảng thơm mùi thịt luộc và những vuông cốm xanh đỏ đủ màu.

Mẹ cũng không quên mang hương trầm để khi vãn chợ, trên đường về còn thắp mấy nén hương cho những ngôi mộ dưới gốc gòn già cạnh chợ.
Mẹ bảo đó là những nấm mồ bị bỏ hoang từ lâu vì con cháu tứ tán phương trời tha hương cầu thực. Cạn ngày cạn tháng, lại đang kỳ chạp mộ, cũng coi như ký thác chút nhớ thương gửi cho người đã khuất…

Trên khu đất trống rộng, người ta bày hàng theo từng nhóm. Nổi bật nhất là hàng áo quần được cắt may từ phố huyện mang về với đủ sắc màu treo đung đưa theo gió như mời như gọi. Kế đến là những bà hàng xén với bao nhiêu đồ đạc lỉnh kỉnh từ gạo muối đến rổ rá nhang đèn.
Rồi hàng thịt, hàng cốm, hàng bông và ngồi dọc theo cuối bãi là ông thợ hàn thau, hàn dép cũ…Mẹ lặng lẽ bày đôi quang gánh bên những bà lão bán trầu cau phẩm màu và những người gánh hàng khô từ vùng biển lên.

Họ bảo nhau rằng chuyến này mong bán cho bằng hết rồi cũng mua dăm ba thứ cần vì phải ra Giêng mới sắm chuyến gánh hàng về nữa. Tôi chạy loanh quanh ngắm chỗ này một chút, nhìn chỗ nọ một chút lòng thích thú đến lạ lùng như thể Tết đã ở ngay trước mặt.
Còn mẹ, lại dồn hết hi vọng vào phiên chợ cạn ngày như thế. Những ngày đó, hàng hóa từ chợ huyện đem về nhiều hơn song sự cân đo đong đếm để chu toàn cái Tết với mẹ lại càng lớn.Nếu bán được những món đó một cách kha khá, dẫu có chi tiêu tằn tiện đến đâu, mẹ cũng không ngần ngại mua ký thịt cùng mấy vuông cốm bọc giấy bóng đủ màu.

Và trên chặng đường về, dẫu trong đôi quang thúng giờ nhẹ tênh chỉ vài món đồ, tôi vẫn nằn nì mẹ đảm nhận việc xách ký thịt bọc lá chuối tươi trên tay, thi thoảng nhảy băng băng qua những đoạn đường mịn cỏ, lòng hân hoan đến vô cùng. Và cả ngày hôm ấy, không khí trong nhà rộn ràng hơn hẳn.

Những chắt chiu mùa vụ của cha


Tôi háo hức ngồi bên ngạch địa cửa nơi gian bếp nhỏ, nhìn mẹ cẩn thận luộc miếng thịt với phần mỡ lúc nào cũng nhiều hơn nạc. Khi hơi khói nước bắt đầu bốc lên, lớp váng mỡ nổi tràn trên mặt là lúc gian bếp cũng đầy mùi Tết.

Cha vớt ra, cẩn thận xâu miếng thịt vào một sợi lạt được chẻ từ cật thanh tre tẻ già rồi treo lên thanh kèo giữa gian bếp. Đó là cách bảo quản vừa để được lâu, vừa không bị chó mèo ăn vụng.

Kể từ giây phút đó, mấy anh em chúng tôi dù làm gì đi nữa, vẫn phải đảo qua bếp nhìn xâu thịt trong chốc lát, tưởng tượng về lớp mỡ bóng rẫy béo ngậy ngân ngấn bên ngoài.

Sáng mồng một Tết, mẹ cắt một miếng thịt rồi thái nhỏ, cho vào chiếc chảo đồng rộng miệng trên kiềng bếp đỏ lửa.

Phần thịt mỡ vừa chạm vào lòng chảo nóng già, trong thoáng chốc đã xì xèo thơm nức, mẹ vớt phần tóp mỡ đã đổ sang màu vàng hổ phách, giòn rụm chia đều cho mỗi đứa và đó là thứ quà ngon nhất, mong đợi nhất trong suốt những năm tháng ấu thơ ở làng.

Phần nước mỡ, mẹ xào với bún xắt và cải cay vừa mới trổ ngồng. Đó là loại bún được làm thủ công từ bánh tráng sắn phơi sương cho ẩm, cuốn lại rồi cắt ra từng cọng nhỏ.

Để có món ăn dẫu bình dị ấy, ngay từ đầu Chạp, mẹ đã chọn những củ sắn mì gòn ngon nhất ngâm trong một lu nước lã cho đủ ngày nhão bột, rồi tán mịn ra lọc lại cho trong rồi đợt ngày hảnh nắng để tráng bánh.

Giống cải cay chịu được chất đất cằn cỗi nơi này nên chỉ cần gieo hạt bên những triền soi, mặc tiết trời cuối năm khô hanh lạnh như se như cắt, vẫn nhẫn nại nảy mầm, nhẫn nại trổ ngồng trên những thân cây mảnh mai gầy guộc.

Cho đến tận sau này, dù xa làng tít tắp, mỗi bận được nếm những món ngon quê người hay thức gì có vị đắng đót, tôi lại chạnh lòng nhớ chiếc chảo đồng thơm mùi mỡ và vị ngai ngái của món ăn đầy kỷ niệm sáng mồng một Tết nơi làng cũ, nhớ những tinh sương chợ quê cạn Chạp mà mẹ gánh cả niềm hi vọng về một cái Tết ấm áp hơn vì thoảng thơm mùi thịt trong gian bếp nhỏ.

Hết trường làng rồi đến trường huyện, từ những chắt chiu mùa vụ của cha, những đếm đong cạn Chạp của mẹ để có một sáng mai Xuân ấm áp đoàn viên cả gia đình quân quầy bên chiếc chảo đồng béo thơm mùi mỡ, rồi cũng đến lúc anh em chúng tôi xa làng để cầu chữ nghĩa.

Năm vẫn cứ rộng, tháng vẫn cứ dài và đường đời thì muôn ngả rẽ. Dẫu chọn cho mình hướng đi nào, anh em tôi vẫn nhớ về những thảo thơm quê nhà để học cách sống nhẫn nại, thiện lương, bao dung với đời.

Và không hẹn song cứ cạn ngày năm cũ thì chúng tôi lại về bên nếp nhà xưa, thấy lòng an nhiên khi nhìn khói bếp nhẹ tênh bay trên những mái đầu bạc trắng trước khi len qua ô cửa bám đầy bồ hóng.

Và tôi lại đi trong tinh sương của ngày cuối Chạp, giữa phiên chợ rộn ràng bán mua mặc cả. Hơn hai mươi năm mây bay gió thoảng, làng khác xưa nhiều và những phiên chợ cũng rộn ràng tấp nập gần như chợ huyện.

Thấy vui vì quê hương đổi mới từng ngày song lòng vẫn vời vợi nhớ thương những bà những mẹ quê tảo tần quang gánh, đếm đong chu toàn trong một sớm chợ phiên cạn Chạp của một ngày xa lắc !


NGUYÊN HẬU
https://tuoitre.vn/tet-xua-tet-nay-gui-het-nho-thuong-vao-cho-phien-cuoi-cung-thang-chap-20210131195021615.htm

Ngô Đồng
01-27-2022, 06:39 AM
Bức tranh hồi tưởng thật đẹp phải không Sông Thương - chị vừa xem trên Youtube những chợ hoa chợ Tết "cạn Chạp" quê mình - gánh gồng lủi thủi cũng lưng mẹ lưng cha, bên cạnh xe con xe lớn ồn ào chạy, thương nhớ nào cho vừa em ơi!

Xuân sẽ mang an lành đến em nhé!

sôngthương
02-03-2022, 12:06 AM
Bức tranh hồi tưởng thật đẹp phải không Sông Thương - chị vừa xem trên Youtube những chợ hoa chợ Tết "cạn Chạp" quê mình - gánh gồng lủi thủi cũng lưng mẹ lưng cha, bên cạnh xe con xe lớn ồn ào chạy, thương nhớ nào cho vừa em ơi!

Xuân sẽ mang an lành đến em nhé!

Dạ chị thương, năm mới em chúc gia đình chị luôn bình an, riêng chị luôn xinh đẹp va hát hay :z57::z67: hoài chị nhé :z56:

sôngthương
02-03-2022, 12:09 AM
Dưỡng chất vô hình

Gió chướng mang về cuộc tranh luận bỏ lửng từ năm trước.

Chị gần như chạm tay vào chiến thắng, khi mấy đứa nhỏ chọn đứng về phe mình, tụi nó không còn nghi ngờ chuyện Tết giờ chán hết nói nổi. Những thứ chỉ Tết mới có, khiến người ta dài cổ đợi, chảy nước miếng khi sực nhớ, giờ hoặc lúc nào cũng sẵn (như dưa hấu, bánh mứt) hoặc như pháo, đã biệt mù. Hệt một huyền thoại bỏ đi, từ hồi nào đã tan sạch cái màn sương thần bí mà Tết khoác lên, khiến đêm giao thừa sâu thẳm không giống với đêm nào còn lại, trẻ con rón rén đến nín thở vào ngày đầu năm mới, chỉ xấp bao lì xì mà đếm không biết chán từ tảng sáng tới nửa đêm. Giờ tết chỉ là một tuần lễ nhịu lẫn vào chuỗi thời gian lún trong xỉn say chúc tụng. Cả nhu cầu sum họp gặp gỡ cũng không còn, bởi lên mạng xã hội là biết ai xước móng tay, ai đang ăn tối. Trò thiêng đã giải, bày ra đó những thứ tầm thường, nguội và trơ.

“Mấy ngày đó đóng cửa, kéo nhau đi nước ngoài du lịch thích hơn”, ai đó kết luận luôn, át luôn tiếng đằng hắng của người đàn ông đang mắc kẹt trong đơn độc. Cả khi hắng giọng mấy lần, thao thao như mọi khi, vẫn chẳng xua được cảm giác yếu thế. Không hoàn toàn bởi anh chỉ có một mình, còn vì cái ý nghĩ rằng Tết là lễ hội khó thể thiếu trong đời sống người Việt, giờ anh không chắc nữa. Sự tẻ nhạt của nó, anh cảm thấy được, khi ngồi trong cuộc họp lớp Tết rồi, cảm thấy những câu nói này, cách bọt bia chảy qua kẽ tay này, sao mà giống như năm trước, năm trước nữa. Mâm cúng, khói nhang ba mươi nào cũng như ba mươi nào. Mình còn chịu được sự nhàm chán này bao lâu, lúc đó anh tự hỏi.

Anh từng tin rằng người xứ mình cần khoảng thời gian đặc biệt ấy như một chặng dừng nghỉ để làm tươi mới mình, một nếp gấp xếp cất đi những vui buồn cũ, một cánh cổng cho người bên kia thế giới đi về. Rằng giá trị tinh thần của Tết không phải là thứ đong được, và tiếng gọi của nó phải vang động lắm nên con người ta có ở tận cùng trái đất cũng đáp lời. Những lý lẽ đanh chắc anh từng dùng đáp trả lại cái ý tưởng dẹp tết cho xong của vợ, ai ngờ có lúc thở nhẹ cũng lay. Tháng Giêng năm rồi anh vào viện bó bột cái chân trái, tai nạn xảy ra sau cuộc chúc tết anh em cột chèo. Giờ chỗ thẹo đó nằm trên người anh, nhưng là bằng chứng thuyết phục nhất để chống lại anh.

Bất giác, anh đưa mắt tìm bà mẹ, lúc này đang quét trứng mọt trên trang thờ. Từ lãng tai, bà đứng ngoài những cuộc tranh luận của đám con. Ngó mấy đứa cãi hăng, bà đoán lại bàn chuyện làm giàu, mấy chuyện hồi bà còn nghe rõ, cũng chẳng hiểu gì. Một đứa kêu má lại làm trọng tài cho tụi con, bà mẹ gật đầu, “ờ, năm nay cây xoài rụng bông quá mạng, có khi tới tết không có trái nào bày lên dĩa cúng ba tụi bây”
Cuộc tranh luận năm ngoái cũng ngưng giữa chừng theo cách gần giống vậy, chưa ngã ngủ thì bị bà mẹ ngắt ngang, hối thằng con chở đi lò ấp hốt hai chục vịt con. “Giờ nuôi ăn tết là vừa”, bà nói, trong lúc xỏ thêm cái áo dài tay.

Bà mẹ chưa bao giờ thôi dành dụm cho cái Tết của nhà mình, dù buổi này những thứ cần thiết đều ê hề ngoài chợ, chỉ cần nửa ngày là sắm đủ. Nhưng kiểu bà là Tết này chưa dứt đã bứt rứt Tết sau, khi bảo năm tới nhớ nhắc má vớt bánh sớm một chút. Đứng trong Giêng, bà đã nhón chân ngó hướng Chạp, lúc này hãy còn là chấm nhỏ mịt mùng. Rồi cái điểm ấy lớn dần, bà mẹ có làm gì thì cùng không quên thăm chừng, lắng nghe tiếng gọi của nó. Có buồng chuối, quày dừa, bà luôn tính coi có kịp làm mứt Tết không. Củi khô mùa nắng, bà dành riêng những gộc lớn nhất cho nồi bánh tét đêm giao thừa. Chắt mót từng ngày dồn hết vào đám giỗ chồng và mỗi lễ hội kia thôi. Như thể chỉ những dịp đó bà mẹ mới thật sự ăn, và thở.

Nó có ý nghĩa gì với má mình, mấy đứa con cũng vài lần hỏi. Bà mẹ xua tay nói “ai biết, tự nhiên vậy, quởn đâu mà ngồi nghĩ tào lao”. Như nước sông lúc chảy ngược khi xuôi, rắn mối có chân, ai thèm thắc mắc tại sao. Sinh ra đã thấy, nghĩ trước giờ vẫn vậy, chỉ tụi nhỏ đi học mới biết giải thích chúng theo khoa học. Hỏi có phải suốt thời trẻ sống trong chiến tranh, chỉ dịp Tết đôi bên ngừng bom đạn được vài ba ngày, người ta tạm quên chuyện loạn lạc nên mới quý Tết không, bà mẹ ờ, nói cũng dám vậy lắm. Hỏi hay bởi đất này quanh năm không hội đền lễ chùa chi hết, nên bao vui dồn góp cho cái Tết không, bà mẹ nói nghĩ vậy cũng có lý. Nhận được câu trả lời, nhưng người ta vẫn mông lung.
Chỉ biết Tết được nuôi bằng thứ dưỡng chất mông lung đó. Những đứa con không bao giờ biết bà mẹ tưới tắm Tết bằng gì, mà bao nhiêu năm nó vẫn màu sắc ấy, hương vị ấy. Và bên phía đòi dẹp Tết, dù đã kéo vào đội mình những nhạc sĩ, giáo sư, chuyên gia, biến cuộc tranh luận vượt ra ngoài cổng nhà, đã đưa ra những lý lẽ khó mà bắt bẻ, cũng không sao làm hao hụt thứ dưỡng chất không hình khối, không thể phân chất trong lòng những bà già. Là tình yêu, thói quen, hay bản năng, chính họ cũng không rõ. Chỉ biết mẹ của họ mùa nào cũng dành một công đất cấy nếp, để dành tới Tết quết bánh phồng.

Tết tiếp tục hay dẹp bỏ, không bao giờ bà mẹ nảy ra câu hỏi đó. Có nghe thì cũng lơ đi, như thể nó không dành cho bà. Mấy đứa con nghĩ chừng nào má mình còn, thì Tết không bao giờ mất. Giả sử một ngày nào đó lệnh cấm tết được ban ra, bà mẹ vẫn giấu mấy trái xoài sứt sẹo trong thùng gạo, chờ tới giao thừa bày lên bàn thờ gia tiên, thắp nén nhang rì rầm nói chuyện với hư vô, và cong người che giấu đốm lửa nhỏ bé kia, sẵn sàng nuốt thứ khói bị người đời ruồng bỏ vào lòng, mà không cảm thấy chút nào cay đắng.

Nguyễn Ngọc Tư
https://isach.info/story.php?story=duong_chat_vo_hinh__nguyen_ngoc_tu&chapter=0000

sôngthương
08-11-2022, 01:05 AM
Chỗ ngồi

Bà chuyên viên của hội đồng dẫn đoàn đi. Hơn ba chục sinh viên nước ngoài, da trắng đen nâu vàng đủ cả. Từ New Delhi miền Bắc xuống Bombay miền Đông Nam, đi tàu hỏa, 1.400km.

Bà chuyên viên hội đồng ngồi cùng ghế với một cô Iran, một cô người Ý. Tôi ngồi ghế đối diện cùng một thằng Nam Phi, một thằng Ai Cập.
Thằng Ai Cập thích cô Iran nên chốc chốc nó lại liếm môi cho môi bóng nhẫy, đỏ chót. Giọng tiếng Anh của nó cao vút như chim hót. Tay nó cầm mấy tờ giấy xộc xệch, thỉnh thoảng liếc vào đấy rồi lại quay ra nói chuyện với cô Iran.

Cô Iran hỏi: Cậu đọc cái gì đấy?
Nó bảo: My topic, đề cương ôn thi của tớ, tớ đi chuyến này về là thi.
My topic. My topic. Giọng nó tiếp tục véo von. Nó đứng lên chạy qua chạy lại, mua trà cho nó và cô Iran uống. Thừa lúc nó đi khuất, cô Iran tủm tỉm cười: Điệu quá! Nó quay lại với hai cốc trà sữa, ngồi xuống một lúc thì bắt đầu ngó xuống gầm ghế tìm kiếm.

Tìm gì? My topic. Cuối cùng nó nhấc thằng Nam Phi đứng lên. Hóa ra thằng Nam Phi đã ngồi lên mấy tờ giấy của nó nãy giờ. Oh, my topic! Nó rú lên, giọng vẫn cao vút.

Chuyến tàu xuống Bombay thế là vui. Ở Bombay ba ngày rồi đi tiếp xuống Goa, lần này đi xe khách xuyên đêm, 609km. Chuyện trò râm ran tíu tít. Hết chuyện trò thì quay ra hát, đồng ca. Bài hát đang thịnh từ bộ phim tài tử Aamir Khan lần đầu tiên xuất hiện và chỉ sau một đêm thành sao sáng chói.
Papa kahate he bala nam karega
Beta hamara esa kam karega

"Cha bảo hãy làm nên tên tuổi lớn / Con trai chúng mình như thế này phải làm việc lớn". Hơn ba chục đứa sinh viên nước ngoài thuộc bài hát tiếng Hindi này.

Bởi phim chiếu cả tháng trời ở rạp, người xếp hàng từ sáng đến đêm để vào xem "chàng trai của mọi nhà" gương mặt baby ngây thơ. Đài phát thanh suốt ngày phát mấy bài hát trong phim. Người Ấn thuộc lòng. Bọn ngoại quốc này cũng thuộc lòng.

Đang vui. Xe ra ngoại vi Bombay thì dừng mấy phút. Bà chuyên viên hội đồng chạy xuống đón lên một thanh niên độ tuổi năm cuối phổ thông. Anh ta niềm nở cao giọng: Good evening, everybody. Xin chào mọi người! Tất cả vui vẻ chào lại. Bà chuyên viên tươi cười giới thiệu: Cháu trai tôi đấy, con trai của bà chị tôi!

Bà đưa mắt nhìn sang hàng ghế bên cạnh. Hàng trên, thằng Ai Cập ngồi cạnh cô Iran. Hàng dưới, tôi ngồi bên cửa sổ, thằng Nam Phi ngồi cạnh lối đi. Chỗ của thằng Nam Phi chỉ cách lối đi là sang đến chỗ bà ngồi.
Bà chiếu tướng vào thằng Nam Phi, ra lệnh: Mày đứng lên!

Thằng Nam Phi sửng sốt: Gì cơ, thưa Madam?
Bà chuyên viên thản nhiên: Mày lên trên kia mà ngồi, để cháu tao ngồi đây!
Thằng Nam Phi lắc đầu: Không đâu, thưa Madam!
Cả xe nín thở. Không ai có thể tưởng tượng nổi mọi sự lại xoay ra như thế này.
Tao bảo mày đi!
Tôi không đi!

Xe bắt đầu chuyển bánh. Cũng có thể lái xe muốn bằng cách ấy để mọi sự được dàn xếp cho nhanh. Bà chuyên viên đang đứng bị quán tính dúi nhẹ một cái. Bà đành chỉ đứa cháu lên ngồi phía trên cách ba hàng ghế, rồi bà ngồi xuống chỗ của mình.

Bà và thằng Nam Phi cách nhau một lối đi ở giữa, cái lối đi bây giờ đã trở thành giới tuyến phân chia hai thế lực đối địch. Đối địch chỉ là bà và thằng kia, chứ Ấn Độ luôn luôn ủng hộ cuộc đấu tranh của ông Mandela ở Nam Phi.

Xe đi được ba tiếng thì dừng ở một trạm nghỉ. Mọi người xuống xe, vào uống trà, cà phê, nước ngọt. Thằng Nam Phi ra ngồi với mấy thằng Namibia, Angola, Kenya. Chẳng biết chúng nó nói gì với nhau. Bà chuyên viên và thằng cháu ngồi riêng một bàn.

Mấy đứa chúng tôi ngồi góc khác, bắt đầu bình phẩm râm ran. Cô người Ý cho rằng anh bạn Nam Phi nên chủ động nhường ghế khi thấy cậu kia lên xe, dù thế nào cũng nên để cho dì cháu người ta ngồi cạnh nhau.

Cô Thụy Điển và Iran thì bảo bất cứ ai cũng có thể nhường ghế, nhưng thái độ của bà chuyên viên quá hách dịch và trịch thượng. Đúng rồi, đúng rồi, thằng Ai Cập nghe cô Iran nói thế thì lập tức hót theo.

Trên xe, tôi đã ngồi cạnh thằng Nam Phi. Phía bên kia cô Thụy Điển ngồi cạnh bà chuyên viên. Thực ra cô Thụy Điển và tôi hoàn toàn có thể nhường ghế cho cháu bà, chúng tôi luôn sẵn sàng và đã nhấp nhổm đứng dậy, nhưng bà đã chiếu tướng thẳng vào thằng Nam Phi.

Cô người Pháp, cô người Ý và mấy người khác thì cho rằng anh bạn Nam Phi cũng cứng nhắc. Một cử chỉ nhường nhịn lịch sự là rất cần ở bất cứ đâu.
Mọi người lờ mờ nhận ra một điều, nhưng không ai nói ra. Vào cái năm 1989 ấy, bên Nam Phi đang có cuộc đấu tranh chống chế độ Aparthied phân biệt chủng tộc. Cuộc đấu tranh kéo dài đã mấy chục năm, được các lực lượng dân chủ tiến bộ trên thế giới ủng hộ.
file:///C:/Users/Admin/AppData/Local/Temp/msohtmlclip1/01/clip_image001.gif

Cuộc đấu tranh ấy sắp thành tựu và ông Nelson Mandela sẽ được ra tù vào năm 1990. Ở Nam Phi có nhiều công sở, rạp phim, quán ăn cấm chó và người da đen. Ở Nam Phi có nhiều chuyến xe và ghế ngồi công viên cấm người da đen.
Nhưng Ấn Độ là nước có nền cộng hòa dân chủ sớm nhất và lớn nhất châu Á. Ấn Độ ủng hộ nhiệt tình cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của Nam Phi.

Ở Ấn Độ, không ai có quyền tranh giành chỗ ngồi của ai. Chắc đấy là cái lý của cậu Nam Phi.

Hết ba mươi phút nghỉ, mọi người quay lại lên xe, đã thấy bà chuyên viên bắt đứa cháu ngồi vào chỗ của thằng Nam Phi. Thằng Nam Phi đến đòi ghế, đứa cháu định đứng lên, nhưng bà chuyên viên ấn nó ngồi xuống. Xe đã chạy, thằng Nam Phi đứng một lúc, rồi đành bỏ đi ngồi vào một ghế trống.

Ba tiếng sau, xe lại dừng ở một trạm nghỉ. Đã bốn giờ sáng. Hầu như mọi người đều lờ đờ vì ngủ chập chờn mấy tiếng trên xe. Nhưng xuống uống cà phê, trà sữa xong thì đều tỉnh trở lại, lại chia thành mấy nhóm quan điểm.

Bà chuyên viên thế là cố chấp và hiếu thắng. Trước đó thì bà trịch thượng hách dịch. Cậu Nam Phi thực ra cũng đầy mặc cảm, cậu không nên bê nguyên tinh thần đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi sang áp dụng ở đất nước Ấn Độ dân chủ.

Nào có ai đặt vấn đề phân biệt màu da ở đây (nói cho chính xác, người Ấn với nhau thì người ta vẫn thích người màu da sáng hơn). Cô Iran bây giờ mới nói cô không chịu được cường quyền ở đất nước mình nên cô đã bỏ sang lưu vong ở Ấn Độ nên bây giờ cô cũng không chịu nổi sự cường quyền của bà chuyên viên.

Cô gợi ý mọi người nên ký chung vào một lá thư phản ảnh thái độ của bà, gửi về Hội đồng Quan hệ văn hóa ICCR (Indian Council for Cultural Relations).
Đúng rồi, đúng rồi! - thằng Ai Cập lại hót theo, véo von.

Nghỉ xong, trở lại xe. Thằng Nam Phi đã lên từ trước, ngồi đúng vào chỗ ban đầu của nó. Thằng cháu bà chuyên viên lên sau thấy vậy, lại phải bỏ đi tìm chỗ khác để ngồi. Xe chạy. Bà chuyên viên quay sang thằng Nam Phi, cao giọng: Tao hỏi tên mày là gì?
Bà hỏi tên tôi làm gì? - thằng Nam Phi cứng cỏi.

Bà chuyên viên giở danh sách đoàn ra, nhưng tất nhiên, bà không biết tên thằng Nam Phi thì cũng không tra được xem nó ở trường nào. Đoàn có hơn ba chục đứa, từ hơn chục trường khác nhau. Bà bảo, ba tiếng nữa đến nơi, tao sẽ gửi mày trở lại Delhi.
Bà đi quá xa rồi đấy! - thằng Nam Phi nói.
Không xa đâu! - Bà chuyên viên bảo - Vẫn trong quyền hạn của tao.

Bảy giờ ba mươi lăm phút. chúng tôi đến Goa, vào khách sạn nhận phòng, được một tiếng tắm rửa vệ sinh, rồi kéo nhau đi luôn. Thăm nhà thờ cổ có lăng mộ ba tầng bằng cẩm thạch của vị thánh dòng Tên, Francis Xavier, bên trong có một chiếc tiểu bằng bạc lưu giữ một phần di hài của ngài.
Thăm nhà thờ St. Francis of Assisi, bảo tàng tượng sáp các danh nhân, bảo tàng nghệ thuật Thiên Chúa giáo. Chỉ riêng mấy chục nhà thờ bề thế cũng đã không thể đi hết.

Goa là thuộc địa của Bồ Đào Nha trong khi hầu khắp tiểu lục địa Ấn Độ là thuộc địa của Anh. Năm 1947, Anh buộc phải trao trả độc lập cho Ấn Độ, cả nước được giải phóng, chỉ riêng thực dân Bồ Đào Nha vẫn ở lại, chiếm đóng Goa mãi đến năm 1961 mới chịu đi.
Họ là kẻ thực dân đầu tiên đến Ấn Độ năm 1498, cũng là kẻ thực dân cuối cùng rút khỏi Ấn Độ. Goa bây giờ tràn đầy không khí Bồ Đào Nha. Kiến trúc nhà thờ, pháo đài, khu dân cư của xứ Bồ. Chiếc mũ nan rộng vành và cây guitar xứ Bồ. Mỹ thuật và âm nhạc phảng phất hồn Bồ.
Cả bọn đi rạc cẳng, quên luôn trận cãi nhau trên chuyến xe đêm, quên luôn một đêm mất ngủ trên xe. Chiều tối lên một chiếc tàu thủy đi dọc bờ vịnh.
Nhạc công mũ nan rộng vành ôm guitar hát những bài dân ca Bồ và Goa. Vũ công không quấn sari Ấn Độ mà váy hoa sặc sỡ như những nàng Carmen nhảy múa cuồng dại. Bọn sinh viên đa chủng tộc cũng xông vào nhảy múa, boong tàu rung sầm sập.

Ba ngày ở Goa đầy tràn cảm xúc. Như không phải là lãnh thổ Ấn Độ mà lạc sang một xứ khác, xứ Bồ Đào Nha. Đến món ăn cũng đầy hương vị Bồ. Đồ lưu niệm cũng lai Ấn với Bồ. Lúc lên xe về lại Bombay, lưu luyến như thể chia tay xứ Bồ để quay về Ấn Độ.

Mấy ngày ở Goa, phái chủ trương gửi thư phản ảnh thái độ của bà chuyên viên đã từ bỏ chủ trương. Cánh ôn hòa thuyết phục họ rằng dù gì đi nữa, bà ấy cũng là người chu đáo và nỗ lực rất nhiều để chuyến đi thành công.

Cô Iran còn vớt vát thêm một câu rằng bà có thể là người tốt, nhưng thái độ thô và cứng. Gã Ai Cập lập tức họa theo, đúng rồi, đúng rồi, véo von. Chẳng ai nhịn được cười.

Trên chuyến xe từ Goa trở về Bombay, cậu Nam Phi chủ động ngồi chỗ khác, không đòi lại cái ghế ban đầu nữa. Về đến ngoại vi Bombay, cháu của bà chuyên viên xuống. Anh ta xách túi, đứng ở cửa xe, vẫy tay chào: Goodbye everybody. Chào mọi người! Mọi người!

Xe đưa cả đoàn thẳng ra ga tàu hỏa. Lại 1.400km quay về thủ đô. Về đến New Delhi, tàu đang vào ga, thằng Ai Cập lại ngó nghiêng tìm kiếm. Tìm gì? Đề cương ôn thi của tao. Trong balô, không thấy. Dưới gầm ghế, không thấy.

Bà chuyên viên hỏi tôi về đâu. Tôi bảo sẽ ra bến xe buýt đi về ký túc xá ở Saket, phía nam thành phố. Bà bảo ra bến xe ấy cũng phải hai cây số, lên xe taxi với tao, tao đưa đi. Tôi từ chối. Nhưng bà ép tôi đi bằng được, vẫn là cái giọng ra lệnh ấy.

Tàu dừng, mọi người lục tục đứng dậy. Oh, my topic! - thằng Ai Cập rú lên. Mấy tờ giấy nằm ngay trên chiếc ghế đối diện. Thì ra nãy giờ đám giấy đã bị bà chuyên viên ngồi lên.

Tôi bị bà chuyên viên kéo đi theo ra xe taxi. Bà đã đuổi thằng Nam Phi ra khỏi ghế ngồi của nó. Ai cũng thấy. Sao bây giờ bà chẳng cho ai đi nhờ xe mà lại cho tôi đi. Bà ưu ái tôi. Trước mặt cả mấy chục đứa sinh viên ngoại quốc. Tôi chui vào xe cùng với bà mà chỉ nghĩ đến ánh mắt của mấy chục đứa kia đang nhìn theo.

Hồ Anh Thái

https://tuoitre.vn/truyen-ngan-cua-ho-anh-thai-cho-ngoi-20190802145634397.htm

GenieNguyen
08-13-2022, 07:55 PM
.

"Một câu nhịn, chín câu lành "
Thà cho tầu "lạ" đánh tan tành dân ta ...
"Hồ Anh Thái" ấy thiệt là,
Biết noi gương Bác , nên Bà ấy ... thương ...

Chỗ ngồi, chứ biển cũng nhường ...

Thì ra .. "Tuổi Trẻ" ... cũng phường ấy thôi !
"Bà Chuyên Viên" khéo xem người,
Chắc Bà đã biết Bác thời còn son !

...

.

...

sôngthương
09-01-2022, 10:41 PM
St cám ơn anh/chị GenieNguyen đã ghé đọc truyện và góp ý bằng thơ nhé . Mến chúc anh/chị ngày bình an :z57: