PDA

View Full Version : God bless America



thuykhanh
11-17-2015, 08:46 PM
**

Đổi Đời, Đời Đổi
12/11/201500:00:00
Nguyễn Hữu Thời (https://vietbao.com/author/post/3457/1/nguyen-huu-thoi)



Lời Tòa Soạn:


Tác giả, một sĩ quan, nhà giáo VNCH, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã hai lần nhận giải. Mười sáu năm qua, ông luôn gắn bó với giải thưởng.

Lời người viết:
Nhân ngày kỷ niệm 25 năm chương trình HO. Tôi thuật lại câu chuyện của em Dương người cùng làng với tôi ở Quảng ngãi, một em bé trong gia đình cựu sĩ quan tù cải tạo, từng bị đầy ải trên vùng kinh tế mới, phải làm thuê vác mướn, nhờ chương trình HO., nay trở thành một Tiến sĩ Giáo sư thực thụ của Đại học Havard.
***
Năm em mười hai tuổi, cha đang bị đầy đoạ trong trại tù cộng sản tại miền rừng núi xa xôi Bắc Việt. Nhà cửa ruộng vườn ở quê bị cộng sản địa phương tịch thu, cướp đoạt, họ đuổi mẹ con em lên vùng cận sơn huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi định cư mà chúng bảo là đi vùng kinh tế mới.
Mẹ em gốc là cô giáo, chân yếu tay mềm, lại phát bệnh từ ngày cha em bị bắt đi tù nên không đủ sức làm lao động, hai em gái còn quá nhỏ, đứa lên sáu, đưa kia lên bốn. Để thoát hiểm sống sót, tuy còn nhỏ tuổi nhưng em đã thấy mình có bổn phận và trách nhiệm lo cho cả nhà. Em gánh vác, cáng đáng mọi công chuyện từ việc trong nhà đến việc ngoài đời.

Từ khi cộng sản về, nói là “giải phóng, cách mạng”, sự sinh hoạt trong cái quận nhỏ bé nầy thay đổi đến tận gốc rễ. Các bậc trưởng thượng trong làng, tuổi cao; từ lâu được dân làng kính nể, trọng vọng, nay bị những người gọi là “cách mạng” kêu bằng thằng nầy, con nọ, nói xách, nói mé, châm chọc đủ điều.

Những đứa trẻ chăn trâu, chăn bò trước năm 75, nay là ông công an, xã trưởng, bí thư, chúng chỉ biết nói tiếng Việt nhưng đọc và viết chưa thông. Nhiều dân làng nói, chúng chưa học hết lớp Tư, lớp Ba trường xã.

Hồi năm 1965, 1966. bọn du kích Việt cọng trên núi thường chờ đêm tối lẻn xuống làng thu thuế, tuyên truyền dụ dỗ, xúi bảo, chúng nghe theo liền bỏ làng, bỏ xóm, bỏ cha mẹ, anh chị em, bỏ trường học nhảy núi theo Việt cọng, tuổi đời lũ trẻ nầy chỉ lên mười lăm, mười sáu.
Nay chúng là những “ông giải phóng, cách mạng”, bí thư xã, công an làng, súng ống, quyền hạn, tiền bạc rủng rỉnh, hò hét, áp bức những người dân thấp cổ bé miệng, ngoài mặt dân làng ai ai cũng tỏ ra sợ sệt, tùng phục; nhưng trong lòng họ không ưa. Hễ vắng bọn chúng là họ chửi thề.

Bà Năm bán rau muống ngồi cạnh bà Chín Trầu bán trái cây ngoài chợ Huyện, ghé tai nói nhỏ với bạn khi thấy thằng Mẹo chăn trâu thuở trước 75 vừa đi qua khỏi:

- Tôi còn lạ gì cái thằng ôn dịch đó, thường ngày thả trâu ăn trên triền núi, rồi lẻn xuống nhà ông Ba Mề bắt trộm gà , bẻ cổ đem lên núi đốt lửa ăn nhậu với đám chăn bò, bây giờ là công an xã, đi đâu cũng dẫn mấy thằng đầu trộm đuôi cướp theo, súng ống kè kè; thường rảo vô chợ dòm ngó, bắt địa, hù doạ, hạch xách đủ điều. Nhà ai có con gái đẹp thì khổ với bọn chúng. Cái mặt chúng lúc nào cũng vênh vênh váo váo, không coi người lớn, kẻ cả vào đâu, không xem dân làng chất phác, thật thà ra gì cả. Thấy bắt ghét. Bọn người đó rồi Trời sẽ không dung, đất sẽ không tha đâu!”

- Ấy chết! Coi chừng bọn nó nghe được bà phải đi cải tạo “mút mùa lệ thuỷ” không có ngày về hay có khi còn mất mạng nữa đó.”

- Tôi sợ gì thằng đó. Trước 75, mẹ nó còn thiếu tôi mấy ang gạo, giờ khá giả, con làm công an xã, tiền bạc rủng rỉnh; xây nhà mới, lợp ngói đỏ chói. Thế mà cũng không thèm đem trả lại nợ cho tôi, cứ lờ đi. Ăn giật như vậy thì có hay ho gì! Hồi cha tôi còn sanh tiền, những lúc rảnh rỗi, ông thường nói "Quan Nhất Thời, Dân Vạn Đại." Bộ tụi ác đó tồn tại mãi sao!

Đó là vài hình ảnh, và sự đối đáp qua lại của những bà già nhà quê buôn thúng bán bưng ở chợ Huyện mà bé Dương còn nhớ, khi hằng ngày ra khuân vác làm thuê. Mỗi ngày, bé Dương được thuê vác những thùng hàng từ xe chở hàng dưới tỉnh vào chợ, và phân phối cho những bà chủ sạp. Tuy công việc nặng nhọc, vất vả nhưng em cũng kiếm được những lon gạo về phụ giúp mẹ và các em sinh sống qua ngày.

Mẹ ở nhà lãnh áo quần về may vá. Hai em gái không được phép đến trường vì là con cái của sĩ quan “Ngụy” đang “cải tạo” ngoài Bắc. Cộng sản Việt nam đã huỷ hoại nền giáo dục đầy tính cách nhân bản và khai phóng của VNCH ở miền Nam trước tháng Tư năm 1975. Chúng truy xét thật kỹ lưỡng lý lịch ba đời của một học sinh khi thu nhận vào trường học; dù đó là những trẻ em xin vào lớp mẫu giáo hay tiểu học.

Tuy không được đến trường học cùng những bạn đồng lứa tuổi; nhưng mỗi tối Dương và các em vẫn được mẹ ra sức dạy dỗ chữ nghĩa theo từng độ tuổi của các em. Mẹ em là người rất sùng đạo Phật, mỗi đêm sau khi hoàn tất việc dạy dỗ học hành cho các con, trước khi đi ngủ, bà cùng các con lần chuỗi niệm kinh Phật Quan Thế Âm Bồ Tát.

Mẹ con em âm thầm sống trong lặng lẽ, chịu đựng, và có niềm tin tột cùng vào ánh sáng của Đức Như Lai Phật Tổ.
Như là một phép màu, dì Út Liên, em ruột của mẹ ở Sài gòn; sau những tháng ngày vất vả tìm kiếm, đã bắt được liên lạc với chị ruột mình, nàng liền ra tận nơi thăm viếng, và ở chơi vài hôm.
Bé Dương nghe dì nói mẹ: “Giấy phép của công an phường ở Sài gòn chỉ cho em rời nơi cư trú có năm ngày, thời gian đi về đã hết ba ngày rồi, em chỉ ở chơi được với chị và các cháu hai ngày thôi. Để xin được giấy phép, phải hối lộ cho bọn công an phường.

Theo lời chỉ dẫn và giúp đỡ tận tình của Dì Út Liên, mẹ con em thu xếp trốn vào Sài gòn. Người mình có câu “Nắm bạc đâm toạc tờ giấy" hay
"Vai mang túi bạc kè kè. Nói phải, nói trái kẻ nghe rầm rầm”. Dì Út Liên áp dụng câu nói trên nên cửa nào của Việt cọng Dì vào cũng lọt. Dì không kể tốn kém miễn là xin được hộ khẩu cho mẹ con em.

Dì Dượng không con cái nên nhận Dương làm con nuôi, và nhờ vậy em được ung dung đến trường học. Thời gian đó Việt cộng chưa đánh tư sản mại bản nên Dì Dượng Liên còn khá, có của ăn, của để. Sau nầy, VC phát động chuyện đánh tư sản mại bản, cướp trắng của cải nên gia đình cha mẹ nuôi Dương cũng lâm vào hoàn cảnh không khác gì mẹ và các em Dương.
Dương phải bỏ học, và kiếm công việc làm công nhân ở hãng làm đồ nhựa của người Việt gốc Hoa trong Chợ lớn. Được một thời gian ngắn, hãng phải đóng cửa vì chủ nhân bị cộng sản đánh tư sản mại bản. Em phải đi thuê xe gắn máy để chạy xe ôm.

Năm 1989, cha em được cộng sản thả về, và cũng là lúc chương trình HO. của chính phủ Hoa kỳ vừa được loan báo. Gia đình Dương được đến định cư tại Mỹ năm 1991. Cha mẹ em kiếm được việc làm ngay tại hãng may gần nhà sau hai tháng đến Hoa kỳ. Ông ủi quần áo, mẹ em may. Lương tiền hai người nhập lại vẫn chưa đủ cho nhu cầu sinh sống gia đình năm người.
Tuy nhiên, qua chương trình giúp đỡ những gia đình có lợi tức thấp của chính phủ Mỹ, gia đình em được tài trợ thêm phiếu thực phẩm và tiền mặt.
Nhờ vậy, Dương và các em ung dung trở lại trường học một cách thoải mái, và không phải đóng học phí, phân biệt đối xử như ở Việt nam. Dương còn có công việc làm “part time” ở trường gọi là "College Work Study Program".

Qua những năm sống dưới chế độ cộng sản thống trị ở Việt nam với đầy những bất trắc, nước mắt, gian khổ, kỳ thị, phân chia, và thiếu thốn mọi thứ, khi đến được Hoa kỳ, chuyện học hành được chính phủ giúp đỡ tối đa, Dương có dịp may trở lại trường học; nên em quyết tâm học tập, và với bản chất thông minh, sáng dạ, em đạt được kết quả thật tốt.

Tốt nghiệp Cao học toán (MS) với hạng tối ưu tại đại học UCLA, em được các giáo sư cảm phục bảo trợ, và giới thiệu đến đại học Harward để hoàn tất chương trình PhD về môn Toán Vi Phân. Đại học Harward là một trường nổi tiếng khắp nước Mỹ và thế giới.
Muốn trở thành một sinh viên của trường, ứng viên không những xuất sắc về các môn học mà còn phải có những thành tích về xã hội, làm việc thiện nguyện, và tư cách, đạo đức vượt trội hơn những ứng viên khác.
Dương có đủ những điều kiện trên nên được thu nhận một cách dễ dàng.

Một số các Tổng thống và các Tổng bộ trưởng Hoa kỳ nguyên là cựu sinh viên của trường. Từ khi có giải Nobel được thiết lập năm 1901, tính cho đến cuối năm 2014, đại học Harvard đã có 150 cựu sinh viên các ngành nghề được trao giải thưởng cao quí nầy.
Ngoài ra, 62 tỷ phú hiện đang sống rải rác khắp nước Mỹ và thế giới nguyên là cựu sinh viên của trường.
Hiện Harvard có 16 ngàn nhân viên; trong số đó có 2,400 giáo sư.

Năm 2013 có 27 ngàn sinh viên nạp đơn xin nhập học nhưng chỉ có 2,175 sinh viên được chấp nhận . Việc được thu nhận vào học trường Harvard thật là khó khăn, và đầy ganh đua tài sức. Dương được thu nhận vào học chương trình Ph.D năm 2008, và đã tốt nghiệp với thành tích xuất sắc nên được nhà trường giữ lại làm Phụ tá Giáo sư (Assistant Professor).

Nhờ làm việc xuất sắc và tận tâm cùng những luận đề em viết, đã đóng góp một một phần đáng kể trong lãnh vực Nghiên cứu Khoa học Không gian của Hoa kỳ. Do những thành tích nổi bật trong lãnh vực khoa học nên tháng Tám năm 2015 vứa qua, em được Hội Đồng giáo sư đại diện ban giảng huấn bình chọn, chấp nhận là Giáo sư Thực thụ chính thức của trường.

Nước Mỹ không những vĩ đại về lãnh thổ, đất rộng, người thưa mà còn vĩ đại về lòng người dân Mỹ nữa. Họ sẵn sàng mở rộng vòng tay bảo lãnh, giúp đỡ những người tỵ nạn cộng sản Việt nam, những sinh viên VN có tinh thần cầu tiến và hiếu học. Nhờ vậy, bé Dương từ một em bé vác gạo ở chợ Huyện quê nhà, làm công nhân hãng nhựa ở Chợ lớn, chạy xe ôm, qua Mỹ trong gia đình H.O. năm 1991, nay đã là một giáo sư thực thụ của Đại học danh tiếng Harvard.

Trong bữa cơm chúc mừng em trở thành giáo sư chính thức của trường; trước mặt bà con, anh chị em cùng quê, em nói: “Không có những ân nhân người Mỹ, nước Mỹ, tôi sẽ không có được ngày hôm nay. Cảm ơn nước Mỹ. Cảm ơn nhân dân Mỹ. God Bless America! ”

Nguyễn Hữu Thời

https://vietbao.com/a245372/doi-doi-doi-doi

thuykhanh
11-20-2015, 07:08 AM
Đêm Halloween đáng nhớ với những người Cảnh sát tử tế






14.11.2015
Đối mặt với nhiệm vụ phải báo tin dữ cho 4 đứa trẻ rằng cả cha lẫn mẹ của các em đã tử vong trong một tai nạn xe hơi vào đêm Halloween vừa qua, một nhân viên cảnh sát Mỹ trẻ tuổi đã không nỡ báo tin dữ giữa lúc các em đang háo hức đón lễ Halloween.
Trong khi chờ đợi bà nội các em từ Florida lái xe lên đón cháu, Nathan Bradley, một nhân viên cảnh sát trẻ tuổi và các đồng nghiệp của anh đã tìm cách giúp các em trải qua một lễ hội Halloween đáng nhớ đầy những niềm vui bất ngờ.

Đêm Halloween 31/10 mới đây, một tai nạn xảy ra khi một chiếc xe trượt bánh và tông vào một thân cây ở tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Cả hai vợ chồng dều thiệt mạng. Nathan Bradley, một cảnh sát viên 24 tuổi, có nhiệm vụ báo tin cho thân nhân.

Bradley kể lại giây phút khi anh và đồng nghiệp gõ cửa nhà của cặp vợ chồng xấu số. Theo lời anh cảnh sát trẻ tuổi, cửa chính hé mở miễn cưỡng và sau cánh cửa lưới còn khoá trái, xuất hiện 4 trẻ em tuổi từ 6 tới 13, mỗi em mặc một bộ trang phục Halloween khác nhau.

Bốn đứa trẻ đang thấp thỏm chờ cha mẹ đi mua sơn về vẽ mặt trước khi trời xẩm tối, sẽ đưa các em đi xin quà ở lối xóm theo truyền thống Halloween - một dịp lễ mà trẻ con Mỹ nóng lòng chờ đợi từ đầu năm.
Xúc động đến không thốt nên lời trước cảnh tượng bất ngờ, anh cảnh sát không nỡ báo tin dữ.

Anh kể lại sau này về giây phút không thể quên đó:

“Ngay lập tức tôi cảm thấy tay chân như bủn rủn, không những những đứa trẻ này sắp được báo tin rằng cả cha lẫn mẹ chúng đều không còn nữa, mà còn phải trải qua đêm Halloween trong một trung tâm tạm giam của quận cho tới khi có thân nhân tới nhận về chăm sóc. Thật là bất nhẫn!”


Bố mẹ các em, Donald và Chrystal Howard đã đi mua thêm kẹo và sơn tô mặt trước khi đưa các con sang lối xóm xin quà theo truyền thống Halloween. Trên đường về chỉ cách nhà chưa tới 2 km, thì tai nạn xảy đến.

Sau khi biết thân nhân kề cận nhất của các em là bà nội đang ở Florida, cách đó 500 km, Bradley và các đồng nghiệp đã tự động bỏ tiền túi ra và tìm đủ mọi cách để những đứa trẻ không may mắn này được trải qua thêm một đêm Halloween nữa trong hạnh phúc.
Các em được Bradley dẫn đi ăn ở những cửa tiệm ăn nhanh yêu thích như MacDonald và Burger King, một hạ sĩ cảnh sát đến thăm hỏi, mang theo bánh kẹo, phim truyện Disney và bắp rang. Cảnh sát trưởng cũng đến thăm với những món quà khác và một huy hiệu cảnh sát nhỏ cho Justin.

Bà nội của 4 đứa trẻ, bà Stephanie Oliver lái xe tới Georgia chỉ mới đi được một đoạn đường và phải 5 tiếng nữa, tức là sáng hôm sau mới tới nơi. Bà giải thích với cảnh sát rằng vì quá xúc động, bà đã khởi hành hơi muộn. Thế là Bradley mời 4 đứa trẻ trải qua đêm ở trạm cảnh sát của anh. Các em rất vui sướng có cơ hội này.

Anh cảnh sát trẻ tuổi nói với tờ The Washington Post rằng những đứa bé dường như không hiểu được những gì xảy ra, ngoại trừ cậu bé Justin, 13 tuổi.
Sau này nói với đài truyền hình NBC, Justin nói em đoán là hình như có chuyện gì xấu đã xảy ra, nếu không thì đã không thấy nhân viên cảnh sát tấp nập đến thăm hỏi với các em như thế.

Bà nội của 4 đứa trẻ tới nơi trước hừng đông hôm sau và vào trong trại đánh thức các em dậy. Bradley và bà đồng ý với nhau là tốt nhất nên để bà nội báo tin cho các em. Chiều cùng ngày, anh cảnh sát trẻ tạt sang nhà thăm hỏi các em. Khi anh tới nơi, Justin đã sà ngay vào lòng anh, và ôm anh thật chặt.


Trả lời báo chí về động cơ đã khiến anh hành động, vượt xa giới hạn nhiệm vụ một cảnh sát, Bradley nói mục đích của anh là giúp các em sau này, khi hồi tưởng lại Halloween năm 2015, sẽ không chỉ nghĩ tới tin xấu về cái chết của cha mẹ, mà có thể nhớ lại những ấn tượng đẹp về những người lạ đã giúp các em trong ngày này.

Trước khi từ giã ra về, Bradley đã để lại cho Justin chiếc mũ cảnh sát của anh thời còn đang tập huấn, anh để lại số điện thoại bên trong cùng với dòng chữ: “Em là một đứa trẻ tuyệt vời. Đừng bao giờ thay đổi”.

Ngày hôm sau, Justin gọi cho anh và than rằng để đưa thi thể cha mẹ về Florida chôn cất sẽ tốn kém khoảng 7000 đôla, Bradley liền mở một trang Gofundme kể lại câu chuyện thương tâm của gia đình Howard và quyên tiền giúp đỡ. Vô số người lạ đã đóng góp kẻ ít người nhiều để giúp những đứa trẻ lâm vào cảnh mồ côi.

Tính cho tới chiều thứ Năm 12/11, số tiền quyên được đã vượt xa mục tiêu, với hơn $480,000 đôla do 12,455 người đóng góp trong vỏn vẹn 9 ngày… Con số này đang tiếp tục tăng. Muốn biết thêm chi tiết về câu chuyện này, quý vị có thể truy cập trang web www.gofundme.com/wreckonhalloween (http://www.gofundme.com/wreckonhalloween)

thuykhanh
12-01-2015, 05:29 PM
Chiều Thanksgiving Nghĩ Đến Cuộc Tình Cờ

Trần Kiêm Đòan



https://4.bp.blogspot.com/-41gq1KsZdzI/VhpsvfyCW3I/AAAAAAAAcfU/HkBTEmCNjmY/s640/Happy-Thanksgiving-Cornucopia-3.jpg








- Tên họ cháu là gì?
- Tony Nguyễn.
- Vậy cháu là người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American) ?
- Không, tôi là người Mỹ (American).
- Không có ai là người Mỹ “ròng” tại xứ Hoa Kỳ nầy cả. Chỉ có người Da Đỏ thường được xem là người Mỹ Nguyên Gốc (Native American) ở đây thôi. Nhưng thực ra họ cũng là người xứ khác đến đây sớm nhất mà thôi.

Đây là đất nước hợp chủng nên mỗi dân tộc trước khi thành người công dân Mỹ đều có tên xứ gốc của mình đứng ở đằng trước như người Mỹ gốc Nhật, người Mỹ gốc Hoa, người Mỹ gốc châu Phi, người Mỹ gốc Anglo...

- Tôi không cần biết chuyện của người khác. Tôi chỉ biết tôi là người Mỹ.
- Không thể được. Theo luật pháp, cháu không có quyền chọn lựa mà phải xác nhận mình là người Mỹ gốc Việt.
- Tôi không quan tâm luật pháp gọi tôi là giống dân gì. Tôi chỉ biết tôi là người Mỹ. Chấm hết!

Thằng bé 16 tuổi, nhưng trông tướng mạo già dặn như trên 20 tuổi. Nó nói tiếng Anh, không hề chêm một âm lai Việt, ngay cả khi nói đến họ Nguyễn của mình, nó cũng phát âm “Uyn” theo kiểu người Mỹ phát âm chữ “win”. Nó có vẻ hoàn toàn dị ứng với hết thảy những gì liên quan đến Việt Nam.


Suốt 18 năm làm việc cho chương trình “CPS” (Children’s Protective Services: Bảo Vệ Thiếu Niên) với nhiệm vụ điều tra cho tòa án về hành động phạm pháp ngược đãi con em của cha mẹ hay người nuôi dưỡng – theo luật pháp Mỹ – đây là lần đầu tôi gặp một thiếu niên Việt Nam cứng đầu và bất chấp đến như thế.

Theo hồ sơ tòa án mà tôi được phân công điều tra và giải quyết, Tony Nguyễn là một thiếu niên “nạn nhân” của trường hợp bị cha mẹ “hành hạ, ngược đãi”. Đây là một gia đình Việt Nam định cư tại Mỹ đã trên hai mươi năm. Chỉ có Tony sinh tại Mỹ và là con con út trong một gia đình có 5 anh chị em, bốn người con lớn đều thành đạt.

Tony muốn tự do cá nhân theo kiểu Mỹ; trong lúc cha mẹ lại muốn giáo dục con cái theo truyền thống Việt Nam bằng cách dùng những biện pháp nghiêm khắc “truyền thống” như la mắng thậm tệ, cấm cản khắt khe, yêu cho roi cho vọt...

Sự xung đột văn hóa âm thầm nhưng mãnh liệt đã tạo ra những ngăn cách thế hệ và những khủng hoảng tâm lý. Lăng kính tiêu cực và chối bỏ mỗi ngày một đậm khi nhìn nhau.

Cha mẹ kết tội con là “đồ Mỹ hóa”. Trong lúc con cái phản ứng lại, xem cha mẹ như “lỗi thời, còn quá Việt Nam”.
Tình cảm kết tụ bằng hiểu nhau và chia sẻ sẽ thành linh động và yêu thương. Cảm xúc chồng chất bằng khước từ và bảo thủ sẽ thành đóng băng và xung đột.

Đang giữa năm học lớp mười, Tony bỏ nhà ra đi, gia nhập băng đảng “Asian Blood” và bị bắt khi đang xung trận đấu đá, thanh toán nhau với các băng đảng khác.
Tony bị đưa vào nhà tù thiếu nhi, đợi tòa án thiếu nhi điều tra và chờ ngày xử án.

Theo thủ tục cơ bản, tôi phải tiếp xúc với cả hai phía nạn nhân và can phạm. Thông thường trong một hồ sơ “trẻ em bị ngược đãi” thì cha mẹ hay người nuôi dưỡng là can phạm và đứa trẻ bị hành hạ là nạn nhân. Nhưng trong hồ sơ nầy, Tony vừa là nạn nhân vì bị cha mẹ ngược đãi trong gia đình, vừa là can phạm vì theo băng đảng gây bạo động ngoài xã hội.

Lần đầu tiếp xúc với Tony trong văn phòng phỏng vấn, tôi không ngạc nhiên vì chẳng lạ gì với tính cách thường làm ra vẻ “hảo hớn” của thiếu niên Mỹ vì biết rằng luật pháp xứ nầy bảo vệ thanh thiếu niên quá mức cần thiết.

Điều làm tôi băn khoăn là thái độ quay lưng chối bỏ quyết liệt nguồn cội của mình. Với tâm trạng đó, hôm sau tôi đến nhà gặp cha mẹ của Tony. Ông bà Nguyễn ở độ tuổi ngoài năm mươi. Gia đình trên mức trung lưu với nhà cửa khang trang và công việc làm ăn ổn định.

Nói về trường hợp cậu con út Tony, ông Nguyễn phản ứng đầy giận dữ. Ông chỉ vào bốn khung ảnh lồng bằng cấp bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, kỹ sư của bốn người con lớn treo ở phòng khách như một bảo chứng điển hình cho khả năng làm cha mẹ đúng đắn của ông bà. Trong lúc bà Nguyễn khóc rấm rức, than thở nhớ thằng con út “đứt ruột đứt gan”!

Nhu cầu công việc và nguyên tắc thu thập dữ kiện không cho phép tôi đi xa hơn những vấn đề cần biết mà chỉ xoáy vào trọng tâm về cách dạy con trong gia đình ông bà Nguyễn có hay không những điều sai trái trên căn bản luật pháp Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn vẫn khăng khăng cho rằng, cách dạy con “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” áp dụng với đứa con út “Mỹ con” của ông là đúng. Theo ông, nếu cách dạy con của ông sai thì tại sao các con lớn của ông đều thành tài, ra trường là bác sĩ, kỹ sư. Vì không ở trong vị thế tham vấn, nên tôi chỉ ghi nhận lời xác định của ông đối với Tony để cho tòa án xét xử và phán quyết.


Những lần sau gặp và nói chuyện với Tony, tôi biết thêm những điều thú vị rằng, cậu bé nói được tiếng Việt kha khá và thích nhạc Việt vì được bà ngoại chăm sóc và nuôi lớn suốt thời hoa niên trong khi cha mẹ suốt ngày bận bịu với công việc làm ăn.

Những đứa trẻ thuộc thế hệ thứ hai của những gia đình di dân trên đất Mỹ thường nhìn về quê hương nguồn cội của mình qua hình ảnh cha mẹ. Ông Nguyễn đóng vai trò then chốt trong gia đình là “bóng dáng quê hương” trước mắt đứa con gốc Việt sinh ra trên đất Mỹ. Bởi vậy, khi ông Nguyễn trở thành “kẻ ngược đãi” trước mắt Tony thì phản ứng chống đối và tâm lý chối bỏ người cha đã lan tỏa làm mờ mịt cội nguồn.

Chuyện tòa án, luật pháp, nguyên tắc... là những quy ước xã hội. Nhưng bên cạnh trách nhiệm hành xử một vụ việc theo quy ước như những chuyên viên đồng sự người Mỹ, tình cảm Việt Nam vẫn thường xuyên cựa quậy trong tôi.

Tâm hồn người cha Việt Nam nửa đời đất khách và đứa con sinh ra ở Mỹ đều được tưới tẩm trong mỗi nền văn hóa Đông Tây. Muốn chung sống hòa hợp cần mở lòng chấp nhận sự khác biệt của nhau. Tôi đã đem điều tâm cảm nầy làm phương tiện hóa giải sự xung đột giữa ông Nguyễn và Tony.


Lễ Tạ Ân – Thanksgiving, với bốn ngày nghỉ liên tục – là thời điểm mang ý nghĩa sum họp, đoàn tụ gia đình thiêng liêng nhất trong năm đối với người Mỹ. Trường hợp gia đình ông Nguyễn đã được giải quyết.

Ông bà Nguyễn bị phạt theo luật định về tội “ngược đãi” con cái.
Tony bị đưa vào trại Giáo dục Thiếu niên (Boys Ranch).

Hồ sơ tạm đóng trong hệ thống công quyền Mỹ nhưng vẫn còn mở trong lòng tôi, tấm lòng của một người Việt Nam sống xa quê hương nhưng không xa tình tự dân tộc.Tôi đã chọn thời điểm nầy làm chiếc cầu nối giữa hai cha con ông Nguyễn.

Chiều Thanksgiving trời lạnh và mưa phùn lất phất, tôi lái xe chở bà ngoại của Tony đến Boys Ranch cách Sacramento chừng 50 cây số. Khu trại nằm lặng lẽ trong mưa ẩn sau rừng sồi già cỗi. Toàn cảnh vắng vẻ vì hầu hết các thiếu niên trại viên đã được gia đình bảo lãnh về nhà ăn lễ Tạ Ân.

Người quản đốc trại, cũng là bạn quen lâu ngày trong công việc, đưa chúng tôi vào khu nhà ngủ của trại viên. Cuối hành lang xa hun hút là phòng của Tony. Tiếng nhạc Việt “Xuân nầy con không về” vẳng ra từ căn phòng nhỏ nghe như âm hưởng lạc loài từ một không gian quá khứ.
Từ bên ngoài khung cửa nhìn vào, hình ảnh Tony ngồi gục đầu trên chiếc bàn nhỏ cạnh cái Ipod đang phát ra lời hát Việt làm tôi nao nao. Từ phía sau, bỗng vang lên tiếng kêu thảng thốt đầy xót xa và thương cảm của bà ngoại lâu ngày không gặp cháu:

- Tony, con ơi! Ngoại đây nì!

Thằng bé ngạc nhiên đứng lên, quay đầu ra và bắt gặp ngay bà ngoại đang dang tay ùa tới ôm cháu. Tiếng kêu mừng rỡ và cảm xúc không còn khoảng trống cho một sự đắn đo ngăn trở.

Tên du đảng hè phố Mỹ chợt hiện nguyên hình là đứa bé Việt Nam cả một thời thơ ấu được thấm đẫm tình yêu gia đình trong tiếng ru của bà ngoại. Nước mắt lưng tròng, nó thốt lên bằng tín hiệu trái tim:

- Ngoại!

Người quản đốc và tôi lãng ra ngoài phòng tiếp tân.

Theo sự dàn xếp trước với ông bà Nguyễn và gia đình, tôi bảo lãnh cho Tony về nhà năm ngày trong dịp lễ Tạ Ân. Khi chiếc xe rẽ vào sân trước vừa dừng lại, ông bà Nguyễn và cả gia đình ùa ra ôm chầm Tony.

Trong phòng khách sáng lên với hoa đèn có đủ mặt gia đình, ông Nguyễn ôm vai Tony, với một chút khó khăn nhưng đầy thương yêu và quyết đoán, ông nói như chưa từng nói với con mình trong quá khứ:
- Ba xin lỗi con. Ba mẹ và cả nhà ai cũng thương con hết, con biết không?
Thằng bé cúi đầu, nói tiếng Việt như lần đầu biết nói:
- Dạ. Con xin lỗi ba mẹ...

Khi tôi khéo léo kiếu từ để trả lại không khí đầm ấm đoàn tụ của gia đình, Tony ngập ngừng, nói với:
- Bác ơi! Bác xin cho con về nhà. Con muốn đi học lại.

Môi trường xã hội như phương Tây, cha mẹ dạy con theo cách của mình như ông bà Nguyễn, hệ thống bảo vệ và giáo dục thanh thiếu niên như Hoa Kỳ là hình ảnh một “dĩa xà lách văn hóa” nhìn thì đẹp nhưng chưa chắc đã là ngon hay có khi khó nuốt nếu không cùng khẩu vị.

Tony cũng như hàng vạn những người trẻ tuổi Việt Nam lớn lên nơi xứ người, mỗi ngày một xa lạ dần với nguồn cội.

Đã có người ví người Việt tha hương cũng mang tâm sự của đàn cá Hồi, cứ năm năm theo sự luân chuyển của suối nguồn tự tại, bản năng tự nhiên lại thôi thúc quay về nguồn cội. Thác ghềnh, gió to, sóng dữ và những gian nguy sinh tử chờ chực khắp nơi trên đường về không ngăn được động lực sinh tồn vô hình vươn dậy.

Mùa Thanksgiving nơi xứ người, nghĩ về quê hương nguồn cội, mình lại lẩn thẩn tự hỏi mình đã ở đâu từ bốn nghìn năm trước và sẽ về đâu qua bốn nghìn năm sau. Dẫu là hư vô hay luân hồi chuyển hóa, lẽ đâu sự có mặt hôm nay lại chỉ là một cuộc tình cờ.


Sacramento, mùa Thanksgiving 2012

( Trần Kiêm Đoàn )

thuykhanh
12-12-2015, 11:28 AM
**




9/11: Một Giấc Chiêm Bao!

Tác giả: Lệ Hoa Wilson



Ngày này, 14 năm trước, khủng bố đã tấn công nước Mỹ. Bài viết mới của Lệ Hoa Wilson là chuyện của một bà mẹ Mỹ Tho kể về người con hiện
là nữ trung tá làm việc tại Ngũ Giác Đài. Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt
Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ.
Ông bà có văn phòng Di Trú-Thuế Vụ tại Long Beach.




* * *

Chúng ta tạm gọi nó là Mì Tô, bạn nhé.

Nó là con gái, sinh năm 1968 tại Việt Nam. Ba Mỹ. Má Việt. Và trước sau nó chỉ có một mình, không có thêm anh em nào nữa.

Mỗi tháng nó theo mẹ về Mỹ Tho thăm bà ngoại. Trong đời nó không có món nào ngon bằng chuối chiên của dì Tám, giò chéo quẩy
của Hai Hửng và nước mía của Má Thằng Lộc. Nó nghe người lớn kêu sao thì kêu vậy và một lần nó ăn một bạt tay nhẹ của bà ngoại
vì nó kéo áo má nó nói: “Con muốn uống nước miá của Má Thằng Lộc”.
Bà ngoại hỏi má nó chớ cô có biết dạy con không, sao để nó ăn nói hỗn hào như vậy? Má nó định nói gì đó nhưng lại thôi.


Cái tát tai không làm nó đau nhưng làm nó khó hiểu. Nếu là ba nó thì ông sẽ giải thích cho nó biết nó làm lỗi gì, phải sửa đổi ra sao
và ông sẽ nheo một mắt, đưa ngón tay cái của bàn tay mặt lên trời và nói “không có lần sau nữa, phải không con gái yêu quí của ba”
và dĩ nhiên nó vui vẻ gật đầu.


Nó cũng không hiểu tại sao khi bị bạt tai nó không khóc mà má nó lại khóc khi bà ngoại nói chuyện nhẹ nhàng với má nó. Nó nằm ngủ trên bộ ván ngưạ, vòng tay ngắn ngủi choàng qua ôm ngang bụng mẹ.

Tiếng hỷ mũi sột soạt và từng cơn nấc làm bụng mẹ nó trồi lên hụp xuống khá nhanh khiến nó tỉnh giấc. Một vài giọt nước mắt rơi xuống mu bàn tay làm nó thấy lành lạnh và trong lòng nó nổi lên một cảm giác là lạ. Nó cố gắng nhớ lại coi những khi ở nhà má nó khóc thì ba nó làm gì?
Hình như ông nói nhiều lắm nhưng nó chỉ nhớ và thích câu “Em hãy tựa đầu lên vai anh và khóc đi, khóc cho tới khi em hết buồn!” Nó nghiệm ra rằng khi buồn thì người ta khóc và khi khóc thì phải khóc cho đến khi nước mắt không chảy ra nữa thì mới hết buồn.


À thì ra má nó đang buồn. Nó sửa soạn ngồi dậy để nói với má nó cái câu ba nó thường nói và sẽ đưa cái vai nhỏ nhắn của nó ra cho má nó dựa vào. Lòng nó thương mẹ nhiều đến đổi nó vùng dậy như một cây tên bật ra khỏi dây cung, miệng méo xệch và mắt ướt nhẹp.

- Má…má…dựa vào…

Nó lắp bắp cố nhớ lại lời ba nó thì bà ngoại đã nạt ngang:

- Con nít biết gì mà lộn xộn. Ra ngoài sân chơi đi!

Má nó đưa tay vuốt đầu nó rồi nhét vô tay nó hai tờ giấy bạc:

- Con xuống bếp nói dì Hai dẫn con đi mua chuối chiên và nước mía đi. Má thương con.


Khi nó trở về từ đầu ngõ, một tay cầm miếng chuối chiên vàng rợm, một tay ly nước mía lạnh ngọt ngào, nó thấy một đám trẻ bu quanh một người đàn bà mà la hét, quơ tay múa chân. Đám con trai thì nhảy loi choi, miệng hò hét nhẩy … nhẩy, đám con gái thì vừa la liệng… liệng vừa vung tay liệng tất cả những gì chúng đang cầm: lá chuối, bông phượng, đất sét, gạch ngói…

Người đàn bà đầu tóc rũ rượi, mồ hôi chảy đầy trán, quần áo xộc xệch vừa nhảy vừa liệng ra tất cả những gì bà đã nâng niu: hai trái chuối xiêm, nửa đòn bánh tét và một tờ giấy bạc nhàu nát.

Có mấy người lớn làm công việc lặt vặt trước cửa nhà nhưng không ai rầy la ngăn cản đám con nít. Có lẽ chuyện nầy xảy ra thường ngày nên họ cũng chẳng buồn để ý.

Lòng của Mì Tô thắt lại. Ba má nó thường dạy nó phải kính trọng và thương yêu người khác, nhứt là những người tàn tật, bịnh hoạn. Hiện tại, dưới mắt nó, bà già nầy đúng là người ba má nó thường khuyên dạy nó phải giúp đỡ và yêu thương.

Nó kéo tay áo dì Hai và cố gắng dùng tất cả tiếng Việt mà nó biết:

- Dì Hai, ngừng đi... ngừng đi.... Bà già mệt rồi... áo ướt rồi...

Dì Hai hiểu nó nên bước lên nắm tay môt thằng nhỏ có vẻ là đầu đàn và la lớn:

- Đủ rồi tụi bây. Bà Sáu khùng gần xỉu rồi. Đồ quỷ, đi chỗ khác chơi!

Thế là tụi nhỏ tan hàng. Bà Sáu đứng lại thở hồng hộc và lết lại gốc cây phượng ngồi xuống. Mì Tô ngồi xuống cạnh bà, đưa ly nước mía:

- Bà ơi uống nước mía của Má...., nó sực nhớ lại cái tát tay nhẹ của ngoại nên nói lảng:

- Nước mía và chuối chiên ngon lắm, bà ăn đi, uống đi.

Người đàn bà đưa tay ra cầm tay Mì Tô, nhìn nó chăm chăm và hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy dài.


Qua lời thuật lại của dì Hai, má nó biết là lúc đó bà Sáu khùng và Mì Tô nắm hai tay nhau, tay Mì Tô còn cầm ly nước mía và tay kia miếng chuối chiên. Hai tay bà Sáu bọc ngoài hai tay nó và họ nhìn nhau. Cảnh tượng lúc đó có cái gì là lạ làm dì Hai nổi gai ốc, hình như có cái gì xoáy tròn, hình như có cái gì nhẹ nhàng bay lên... Dì Hai sợ ma nên kéo tay Mì Tô lôi về.

Sau đó mỗi lần về thăm ngoại, Mì Tô thường hay đem quà bánh nó để dành và đem lại chia xẽ với bà Sáu. Khi gặp nó thì bà Sáu lại tỉnh táo kể cho nó nghe chuyện con Tấm con Cám, chuyện câu cá bắt cua ở quê bà, chuyện cây xoài gây lộn với cây ổi v.v..và nó cười vui vẻ cùng bà. Hình như nó là đứa trẻ duy nhứt hay có thể nói nó là người duy nhứt đối xử với bà Sáu như Một Con Người.

Nhiều năm về sau Mì Tô mới biết những lần về thăm bà ngoại đã ảnh hưởng tới cuộc đời nó huyền diệu đến thế nào. Nó không thể thay đổi được dĩ vãng, nhưng tương lai thì…

*

Năm 1975, mẹ con nó theo ba nó về Mỹ và từ đây nó trở thành cô Maddison.

Cái tên Mì Tô là do ba nó phát âm tiếng Mỹ Tho ngọng nghịu làm mọi người bật cười và gán cái biệt danh đó cho nó. Còn má nó khóc mỗi lần về thăm ngoại là vì bị mẹ rầy rà đay nghiến về cái tội lấy Mỹ! Bận rộn với cuộc đời mới nó quên hẳn tên Mì Tô cũng như bà Sáu khùng.

Đối với Maddison, mẹ cô là người làm cho cô biết thương yêu đồng loại và sẵn sàng chia xẻ. Nhưng ba cô lại tạo cho cô một tình yêu quê hương thắm thiết, đậm đà. Cô yêu nước Mỹ và nước Việt Nam tuy rằng nước Mỹ đối với cô gần gũi, thiết thực còn nước Việt Nam thì xa lạ, mơ hồ.

Trong suốt thời kỳ theo học đại học, cô lúc nào cũng nghĩ tới học môn gì, làm nghề gì cho có ích lợi cho Mỹ và Việt Nam? Và cô đã chọn ngành Criminal Justice và học rành rẽ tiếng Nga vì cô nghĩ rằng người Nga và người Tàu đã giúp cộng sản chiếm miền nam. Lúc đó tiếng Tàu không thông dụng ở Mỹ nên cô chọn tiếng Nga và gia nhập quân đội. Sau nầy nếu cô có là một spy thì ngoại hình của cô sẽ thích hợp với châu Âu hơn là châu Á.

Năm 2001, Maddison đã là một chuyên viên nghiên cứu, theo dõi và cung cấp các hoạt động tình báo của Nga cho Ngũ Giác Đài và mang cấp bậc thiếu tá.

Tối ngày 10 tháng 09 năm 2001, cô ngủ và có một giấc mơ kỳ lạ. Cô thấy lại bà Sáu mà cô đã quên từ rất lâu. Bà hôm đó sạch sẽ hơn và có vẻ tỉnh táo hơn. Bà đứng nhìn cô và nói:

- Bà điên sẽ cứu con, bà điên sẽ cứu con.

Tỉnh dậy rồi ngủ lại, hai ba lần cô đều có cùng một giấc mơ. Đầu óc cô lộn xộn giữa mộng và thật. Rồi cô ngủ, rồi mơ, rồi ngủ...

Sáng 11 tháng 09 thức dậy cô bần thần, đầu óc thiếu ngủ nên dật dờ. Dù vậy, cô vẫn nhớ là hôm nay có một cuộc họp quan trọng với các trưởng lão của Ngũ Giác Đài và cơ quan tình báo Mỹ (CIA) mà cô là người thuyết trình và giải thích một chương trình mới về các hoạt động gián điệp của Nga. Cô vội vã sửa soạn đi làm. Trên đường đi, giấc mơ tối qua làm cô bối rối. Có cái gì đó thúc đẩy cô khiến cô vừa lái xe vừa dùng điện thoại có loa loại đặc biệt gắn riêng cho xe cô, gọi bà mẹ ở California.

Hai mẹ con dĩ nhiên nói tiếng Mỹ nhưng tôi xin viết lại bằng tiếng Việt cho dễ hiểu hơn:

- Mẹ à, tối qua con nằm chiêm bao kỳ quá. Con thấy cái bà già ở gần nhà ngoại đó...

- Bà già nào con? Có bà con với mình không? Phải dì Tám Phong, má anh Nhơn không?

- Không phải mẹ à. Cái bà con hay cho bánh mỗi khi con về Mỹ Tho đó. Cái bà bị tụi nhỏ bắt nhảy tửng tửng đó...”

- À ạ, “bà Sáu khùng!”

- Phải rồi, bà Sáu. Mà sao con thấy bữa nay bà có vẻ tỉnh rồi mà còn nói cái gì lạ lắm con không hiểu.

- Bả nói gì ?

- Bà nói cái gì mà cứ “ ba đen cưu con, ba đen cuu con”.

Mẹ cô bên CA cũng ngẩn ngơ không biết cô nói cái gì vì cái accent tiếng Việt của cô nặng quá. Cái gì mà “ba đen cuu con”? Mẹ cô nghĩ hoài không ra. Hai mẹ con bàn qua tán lại một lúc cũng không đi đến kết quả. Mẹ cô nói hay là con cúp điện thoại đi để mẹ suy nghĩ một lúc rồi con gọi lại nghe.

Mười phút sau, cô gọi lại. Lại một hồi nói ra nói vào. Lại cũng không kết quả. Không biết có cái gì đó trong cô thúc đẩy cô phải tìm hiểu và cô cứ lằng nhằng với mẹ. Khi cúp điện thoại thì cô nhận ra cô đã đi quá con đường chỗ phải exit để tới sở làm. Có hơi quýnh quáng vì sợ trễ buổi họp, cô lái xe nhanh hơn và quẹo vào cái exit kế đó.

Trời ơi, hôm nay không phải là ngày của cô. Đêm thì chiêm bao lung tung thiếu ngủ. Sáng thì nói cả tiếng mà mẹ không hiểu làm cô mất tự tin. Đi làm thì lố cái ngả rẽ. Bây giờ thì đằng trước có cái gì mà xe lại đùn đống như vậy? Mà cái gì đưa đẩy làm cho cô phải chú tâm tới một giấc chiêm bao tào lao như vậy? Đó không phải là tính cách của một quân nhân trong ngành nghề của cô.

Cô thở dài ân hận. Tại sao cô lại không chờ tới tối rồi hãy hỏi mẹ? Tại sao lại thắc mắc về một giấc mộng mị vặt vãnh, bâng khuâng về lời nói của một người đàn bà đã đi qua đời cô quá lâu rồi?


Vậy là đúng vào ngày 11 tháng 09 năm 2001, cô Maddison vì nói chuyện điện thoại với mẹ nên đi lố ngả rẽ và bị kẹt xe trong ngả rẽ tiếp vì có tai nạn xe cộ đằng trước. Đồng hồ cô chỉ 9 giờ 15 sáng mà buổi họp định sẽ diễn ra lúc 9 giờ sáng và kéo dài tới 11 giờ. Nóng nảy, cô kêu viên trung úy phụ tá và nhờ ông thông báo với mọi người liên hệ là cô xin dời lại giờ họp là một giờ trưa và cô xin trung úy nói với đại tá trưởng phòng là cô thành thật xin lổi và sẽ vui lòng nhận chịu mọi trách nhiệm.


9:37 sáng ngày 11 tháng 09 năm 2001, cô Maddison ngồi trong xe đang chờ cảnh sát dọn dẹp đường thì một tiếng nổ kinh hồn bùng lên. Chiếc xe cô lắc lư, rung rinh. Cô thoáng nghỉ trời ơi sao mà xui quá, tai nạn phía trước chưa dọn xong thì lại có tai nạn nữa, kiểu nầy khi tới được sở chắc là bị đổi đi phòng khác nhỏ hơn, chức vụ khác thấp hơn.


Khi cô nhìn lên thấy khói bụi bốc mù mịt từ phía tây của tòa Ngũ Giác Đài thì tim cô từ 70 độ nhảy lên 120 độ và máu thì chảy rần rật trong thân thể. Cô len lõi giữa các xe, lái xe lên bờ lề, bất chấp những tiếng còi và lời ta thán của những người lái xe khác, chìa cái thẻ của NSA (National Security Agency) cho người cảnh sát và lái như điên đến Ngũ Giác Đài.

Chiếc máy bay số 77 của hãng American Airline bị bọn khủng bố lái thẳng vào tầng một của mặt tây tòa nhà làm sụp đổ một phần ba các tầng phòng và giết hại một trăm hai mươi lăm nhân viên dân sự và quân đội.


Cô Maddison đứng nhìn đống gạch đá khổng lồ chất chồng lên những thân hình oằn oại máu me rồi ngồi sụp xuống ôm mặt khóc nức nở. Đây là văn phòng cô làm việc, đây là nơi cô có buổi hẹn sáng nay, đây là thân thể đẫm máu của trung úy Garrison vừa mới Yes, Major. Will do” lúc 9 giờ 15 sáng.

Nếu cô không nằm mơ, nếu bà khùng không nói lảm nhảm làm cô phải kêu mẹ, làm cô đi lố đường, làm cô kẹt vì tai nạn, làm cô trễ giờ đến sở thì trong đống gạch vụn đó với tay chân gảy nát, với tim óc tung tóe đã có thêm một thiếu tá Maddison và 20 viên sĩ quan khác.

Cô kêu mẹ vừa khóc vừa nói Mẹ ơi bây giờ con hiểu bà Sáu nói gì trong giấc mơ của con. Sau khi nghe con gái kể lại mọi chuyện, bà cũng khóc nói bây giờ mẹ cũng đã hiểu “Bà điên cứu con. Bà điên cứu con” là những lời mà bà Sáu đã gởi gấm cho con.


Sau đó, mẹ cô có nói cho cô biết là bà Sáu đã chết năm 1985. Sở dĩ bà bị khật khùng là vì đã chứng kiến cái chết đau thương đột ngột của chồng con. Chồng bà là một quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa.

Năm ngày trước khi chồng bà về nghỉ phép, một ổ đặc công của việt cộng trong làng đã bị quân đội VNCH càn quét, thiệt hại đáng kể. Để trả thu, một trái lựu đạn đã được bọn đặc công còn lại thảy vào nhà ba.

Bốn giờ sáng ngày định mệnh, bà bơi xuồng chất đầy mận, ổi, nhãn ra chợ quận bán để mua thêm thịt cá về đãi chồng trong những ngày nghỉ phép. Khi trở về, Bà đã thả rơi những gói rau thịt xuống đất khi trông thấy xác chồng và đứa con gái 5 tuổi, và từ đó bà đã thả luôn đời mình cho gió bụi và trở thành bà...khùng.

Có lần bà tỉnh lại và tâm sự với mẹ của Mì Tô rằng kể từ ngày bà mất chồng con, chưa có ai đưa cho bà thức ăn với tất cả trân trọng và thương yêu như Mì Tô đã làm. Cũng chưa có ai nhìn bà với ánh mắt như Mì Tô đã nhìn.





Mẹ cô Maddison là cư dân San Pedro, CA. Bà làm cho học khu của quận Los Angeles, phục vụ buổi ăn trưa cho học sinh một trường trung học tại Long Beach. Và bà đến văn phòng tôi làm thuế hằng năm. Nhờ thế tôi được bà kể lại rành rẽ chuyện của Mì Tô.

Bà không phải đạo Phật, chỉ là đạo ông bà nên bà cũng không rành lắm về lý thuyết nhà Phật. Tôi không phải là nhà thần học để hiểu được những liên quan của linh hồn, không phải là một người tu hành đạo cao đức trọng thấy được dĩ vãng tương lai, không phải là bà đồng bóng biết chuyện trò với người đã qua đời. Tôi lại càng không tin tưởng vào thần linh và ma quỷ.

Vậy tôi và bạn phải nghĩ sao đây về hành động đầy tình người của một cô bé lúc sáu tuổi, kết quả là hai mươi mấy năm sau nó đã cứu đời cô? Tôi thật không biết. Trong vũ trụ bao la kia, sự hiểu biết của con người như hạt cát mà sự huyền bí thì vô cùng vô tận.

Dù sao, sau khi nghe chuyện, tôi cũng đã chia xẻ với mẹ của cô Maddison hai điều tôi học được trong chuyện nầy. Đúng hay sai tùy theo cảm nghĩ của từng người.

Thứ nhứt là cháu Mì Tô đã cho người mẹ mất con đau khổ kia một tình thương trong sáng, ngọt ngào. Trong lòng bàn tay của đứa bé 6 tuổi, ly nước mía và trái chuối chiên đã bốc hơi lên thành một cái nhân khí huyền diệu đợi chờ. Trong cái phút hai cặp mắt thương yêu, ơn nghĩa nhìn nhau, một kết quả chắc chắn đã thành hình đâu đó: TÌNH NGƯỜI!


Phải rồi bạn ơi. Tình người đã thành hạt mè và ngày đó, hai mươi mấy năm trước, dì Hai đã cảm thấy nó hình như xoáy tròn bay lên không trung và nằm đó đợi chờ, lại cũng hình như vĩnh viễn ngưng đọng giữa hai trái tim cùng dòng máu đỏ. Như một giọt nước li ti bốc hơi lên từ đại dương và chờ ngày thành đám mưa rơi xuống cứu thoát nhân gian.


Thứ hai là lòng biết ơn của người đàn bà điên loạn. Trong một giây phút ngắn ngủi nhận ly nước mía và trái chuối chiên, sự biết ơn sâu đậm đó, sự cảm nhận được yêu thương đó đã làm sống dậy trong bà một nguồn năng lượng vô biên. Nó làm cho cánh cửa tâm hồn bà mở ra, nhận biết lại khổ đau cũng như hạnh phúc.

Chỉ một sát na. Nhưng trong cái sát na đó, hai loại tình cảm thiêng liêng đã hòa quyện vào nhau thành một cái nhân nằm đó. Rồi một ngày nào đó với đầy đủ đất nước gió lửa, hột mè sẽ nở. Quả sẽ trổ tròn đầy. Ngay trong cuộc đời hay trong giấc chiêm bao. Và huyền diệu thay, giấc mơ lại tác dụng sâu đậm tới hiện thực, hòa quyện vào nhau cứu độ mạng người. Mộng hay Thực? Vô Thường!

Tôi nhớ lại một lời dạy của đức Phật “Đừng khinh những điều thiện nhỏ mà không làm!” Và tôi tin có một chuyện linh thiêng mà ta có thể cầu khẩn để đời ta luôn có nhiều hạnh phúc! Đó là hãy cầu khẩn cho lòng thương yêu nhân loại luôn đâm chồi nẩy lộc trong tâm hồn ta.

Năm 2006 mẹ cô Maddison có cho tôi đọc một bài viết về cô của Ngũ Giác Đài nhân dịp cô được phong lên chức trung tá, có nhắc lại ngày 11 tháng 09 không thể nghĩ bàn của cô.

Vì chức vị và nghề nghiệp của cô nên tôi đã đổi tên cô khác đi một chút. Có một điều chắc chắn là tên giữa của cô có hai chữ M.T., có nghĩa là Mỹ Tho!


Lệ Hoa Wilson

Nguồn: ViệtBáo Online