PDA

View Full Version : Vài Nét về Phật Giáo và Mê Tín



Kiên Bùi
12-10-2016, 05:38 AM
“Mê tín” thường được hiểu là “tin vào những gì mê hoặc, sai lầm”. Có một định nghĩa nữa, khách quan hơn, đó là “những niềm tin hay ý niệm phát xuất từ lòng dễ tin không dựa trên lý lẽ hay kiến thức - nhất là khi những niềm tin hay ý niệm nầy không cần có bằng chứng vững vàng và đầy đủ.”

Tôi cho rằng đa số quan điểm tín ngưỡng và thực hành trong Phật giáo nằm trong hai định nghĩa trên.
Có những mê tín trong Phật giáo rất dễ nhận thấy thí dụ như cúng sao, cầu an, cầu phước, cầu siêu, xin xăm, bói tướng, v.v. như thường gặp trong sinh hoạt ở các chùa chiềng. (4)

Có những mê tín khác trong Phật giáo rất ít ai nhận biết, kể cả giới tăng ni; đó là các khái niệm như “nhân quả”, luân hồi”, “đầu thai” hay “Tây Phương Cực Lạc”. Hơn nữa, tôi cũng cho rằng những khái niệm nầy rất có thể không phải là lời Thích Ca đã dạy. (4)

Không ai thật sự biết Thích Ca Mâu Ni đã dạy gì trong lúc còn sinh tiền. Đó là vì khoảng 500 năm sau khi ông qua đời thì các đệ tử mới bắt đầu ghi chép lại các lời ông dạy thành những tập kinh đầu tiên. (2)

Hầu hết những gì gọi là “lời Phật dạy” trong tất cả kinh sách Phật giáo xưa nay đều đã bị pha trộn ít nhiều bởi định kiến riêng của người sao chép lại, bởi ảnh hưởng của các tôn giáo khác nhất là Lão giáo và Ấn Độ giáo, bởi phong tục tín ngưỡng dân gian, bởi áp lực chính trị trong tôn giáo. (3)

Có hai giáo phái chính trong Phật giáo đó là Tiểu thừa (còn gọi là Nguyên Thủy hay Nam Tông) và Đại thừa (còn gọi là Bắc Tông). Trong phạm vi của hai giáo phái chính này, có hàng trăm tông phái chi nhánh khác nhau. Mỗi tông phái có những hình thức và nội dung tín ngưỡng hoàn toàn khác hẳn với các tông phái khác.

Tông phái nào cũng cho rằng chỉ có kinh sách của mình mới là “chánh tín”, tức là lời Phật dạy thật sự. Tông phái nào cũng cho rằng những khác biệt trong các kinh sách khác là mê tín, ngoại đạo. Chỉ nội hiện tượng nầy thôi cũng đủ để chứng minh lời nhận định ở trên của tôi rằng không ai ngày nay biết rõ Thích Ca đã thật sự dạy gì khi còn sinh tiền. (3)

Tuy vậy, có một số ít hình thức và nội dung tín ngưỡng trong Phật giáo có vẻ như giống nhau trong đại đa số các tông giáo. Tôi gọi chúng là các nguyên lý cơ bản của Phật giáo. (1)

Các nguyên lý cơ bản nầy nằm trong các khái niệm “vô ngã”, “vô thường” và nguyên tắc diệt khổ “Tứ Diệu Đế”. Trong Tứ Diệu Đế, nổi bật nhất là các nguyên lý như Bát Chính Đạo, Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Định, v.v. (1)

Tuy có thể chỉ là ngẫu nhiên, các nguyên lý nầy diễn tả những nhân sinh quan và vũ trụ quan phù hợp với giá trị đạo đức và nhận xét khoa học ngày nay.

Theo nhận xét của tôi, vì chỉ có những nguyên lý cơ bản của Phật giáo đề cập ở trên là giống nhau trong kinh sách của hầu hết mọi tông phái nên rất có thể chỉ các nguyên lý cơ bản nầy là những gì Thích Ca đã dạy lúc sinh tiền. (2)

Nói cách khác, theo tôi thì đại đa số những gì truyền dạy trong Phật giáo Đại thừa đều là mê tín và huyễn hoặc; còn nguyên lý tín ngưỡng của Phật giáo Tiểu thừa thì tuy phản ảnh trung thực hơn những gì Thích Ca đã dạy nhưng cũng vẫn chứa đựng không ít vấn đề huyền bí huyễn hoặc. (3)

Theo tôi, những kinh sách nổi tiếng như kinh Duy Ma Cật, kinh Thủ Lăng Nghiêm, kinh Viên Giác, kinh Pháp Hoa, v.v. đều là những Phật pháp biến thái do các Trưởng lão, các Tổ của những tông phái như Thiền tông, Tịnh Độ tông, Mật tông, Pháp Hoa tông, Phật giáo Tây Tạng, v.v. chế tạo ra (3). Theo tôi, các nhân vật như Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ tát, v.v. đều là những sản phẩm tưởng tượng. (5)(6)

Trong những thập niên gần đây có vài trường phái nhỏ cố gắng loại bỏ phần lớn các mê tín ra khỏi triết lý của Thích Ca. Những tác giả như Thích Thông Lạc, Thích Từ Thông của phái Tiểu thừa hay Steven Batchelor của phong trào “Phật giáo phi tín ngưỡng” là những tác giả tiêu biểu của các trường phái nầy (7).

Tuy đây là một tiến bộ vượt bực trong vấn đề truyền bá triết lý của Thích Ca, các trường phái trên vẫn giữ lại một số những đặc thù huyền bí của tôn giáo. Nổi bật nhất là quan niệm “nhân quả”, một quan niệm có giá trị nặng về tín ngưỡng hơn về thực tế. Hơn nữa, các nhân vật nồng cốt của trường phái nầy vẫn có khuynh hướng khẳng định chỉ có họ mới là “chánh đạo” mặc dù ngay từ ban đầu họ cũng xác nhận rằng không ai thật sự biết rõ Thích Ca đã dạy gì.

Theo tôi, điều đáng tiếc nhất của Phật giáo là vị thế của tăng ni thường đòi hỏi họ có nhu cầu bám víu vào những điều huyền bí. Và họ có khuynh hướng truyền bá niềm tin của họ như là một sự thật tuyệt đối. Nói cách khác, họ khẳng định giá trị của những khái niệm, những sự kiện mà họ không hề có bằng chứng là đã có, hay có thể, xảy ra hay không.

Chú Thích:
(1) Xem bài “Các nguyên lý cõ bản của Phật giáo”
(2) Xem bài “Lời Dạy Nguyên Thủy của Thích Ca”
(3) Xem bài “Kinh sách Phật giáo”
(4) Xem bài “Mê Tín trong Phật Giáo”
(5) Xem bài “Phật A Di Đà và Phật Di Lặc”
(6) Xem bài “Quan Thế Âm Bồ Tát Chỉ Là Một Sản Phẩm Tưởng Tượng”
(7) Xem bài “Một Phật Giáo Phi Tín Ngưỡng”
(8) Xem bài “Luật Nhân Quả”
(9) Xem bài “Đầu thai và luân hồi”