PDA

View Full Version : "Chiều ấy em về thương nhớ ai" (Quang Dũng)



Đã Xưa
12-17-2016, 05:03 AM
Lão bạn mình, tuy tính tình cổ hủ và khó chịu như bà cô chồng (mình đếch biết mặt cô chồng là sao, nhưng cứ gán vậy cho nó máu). Dưng được cái là lão ta hầu như thập bát ban võ nghệ, điều gì cũng khá tinh thông. Cổ hủ và dấm dẳn như thế, mà được cái là hình như giời cho thì phải, nên gái thương lão cũng đông như quân Nguyên. Nhiều khi muốn trêu cho lão nổi điên lên, thì mình vừa tu cồn, vừa gạ gẫm: "Anh nhiều chị em ái mộ quá, hôm nào giới thiệu tôi lấy một cô về... về...". Mình chưa dứt câu, lão đã quắc mắt lên mà gầm gừ: "Về làm gì? Cái ngữ của cậu thì chỉ biết làm thiên hạ chán ngán thêm thôi. Hừm, tôi không muốn mang tiếng cả ra, nhé!". Mỗi khi nghe lão từ chối và bôi bác mình như thế, mình ghét lắm, chỉ còn biết dốc căm thù vào tủ cồn nhà lão thôi.


Tuy lão hay dè bỉu mình, dưng cũng biết là mình thầm thương trộm nhớ gái em nhà lão. Cho nên khi nào lão canh gác em mệt rồi, thì lơ là đôi phần. Thế là những dịp như thế, mình đều đánh du kích, năn nỉ gái em ra trước hồ để mình được ngỏ nhời ong bướm. Mười lần thì gái em chỉ ưng có mỗi một lần là nhiều, và luôn nại cớ là mệt, mai phải đi sớm, hẹn bạn đi mua sắm, cho vịt ăn... Những khi bị khoái thác như thế, mình sầu não bỏ mẹ, vòng tay lại năn nỉ: "Em ra một tẹo thôi, cho anh được ngâm thơ hầu em, nào!". Nếu được gái em chấp thuận như thế, mình đều mừng rú lên, thành ra quên hỏi bà nó là tại gái em thương mình, thích nghe mình ngâm tao đàn hay là tại bộ mặt của mình thê thảm quá. Dưng nghĩ lại thì chả thâý cần gì những tiểu tiết đó. Quan trọng là gái em chịu ra bờ hồ ngồi với mình, trong gió chiều thổi từng đợn sóng lăn tăn. Nhiều khi gió lớn, có những sợi tóc của gái em bay qua phủ đầy mặt mình nữa cơ chứ. Bởi vây, mình đẫ có lần đặt ra câu vè là: "Mây xoã đầy vai anh" là thế! Có đợt nghe mình ngâm câu đó xong, gái em che miêng cười khúc khích mãi, khuyến khích: "Hay quá cơ, anh ngâm tiếp em nghe nào!". Tuy sướng run trong bụng, dưng mình cứ thế đực mặt ra rồi gãi đầu, đếch còn biết đặt thêm ra câu vè nào khác. Bất chợt thấy cái vịt đương đưa lũ con đi dạo, thế là mình bèn chỉ ngay vào chúng mà: "Em ơi, vịt... vịt...". Chưa dứt câu, gái em đã quắc mắt lên: "Anh nên quên chúng ngay đi, nhé! Anh muốn nói gì, vẽ gì cũng được, dưng cấm đụng đến vịt nhà em!".


Sở dĩ có sự hiểu nhầm một cách ghê sợ như thế này là vì một ngày nọ, khi đã ngà ngà say với anh em nhà này, mình chợt thấy một đàn vịt đương lội nhởn nhơ dưới hồ thì liền thốt ra nhời: "Hai anh em cứ ngồi đây, tôi lội xuống bắt lấy dăm con về làm tiết canh và nấu cháo mình xơi, nhớ!". Ối giời ơi, thế là anh em lão ta nhao nhao lên mà mắng mình cơ chứ! Lão cổ hủ mắt thì long lên sòng sọc, còn gái em thì chống nạnh, miệng cong cớn cả lại: "Anh đừng hồ đồ như thế nhé! Vịt đây là vịt giời, vịt tiên rủ nhau về, để tạo nên thêm cảnh thần tiên và thú vị cho người phàm. Có phải là vịt chuồng, vịt sông tầm thường đâu mà anh lại cứ thế đòi ăn, hử?". Mình định giả nhời: "Vẽ chuyện, vịt nào chả là vịt! Èo, đói ra đấy thì thần tiên cũng tranh nhau mà gặm ấy chứ!". Dưng đếch dám thốt ra nhời. Nói thật, chẳng qua là lúc ấy, mình còn đương mải ngắm bộ ngực tròn trĩnh của gái em phập phồng lên xuống... Không rõ là kẻ nào nịnh gái dại dột hết mức nói là đã thốt ra: "Em càng giận, càng thấy xinh". Mtc cái thằng nói khoác! Cứ đến đây mà ngắm hai anh em nhà này, lúc nổi giận khi mình đòi bắt vịt đánh tiết canh không thì rõ! Hãi bỏ mẹ, nên mình nào có dám nhìn thẳng vào mặt của gái em xem lúc đó xinh như thế nào! Hừm, thành ra chỉ biết cắm mắt vào ngực gái em mà ngắm cho nó lành. Ừ, ừ... Để hôm nào mình sẽ sửa lại câu nịnh gái bằng nhời này vậy: "Eo ơi, em càng giận, ngực em lại càng hay cơ chứ!". Nhỉ?!


Lão cổ hủ, một hôm nói với mình về Quang Dũng trong bài thơ "Lính râu ria" của ông. Lão muốn mượn nhời câu thơ kia để có ý chê ngầm mình về cái tội uống cồn như uống nước cam lộ, như sau:


"Chị ơi! Ly rượu nhỏ!
Rượu nhỏ một ly thôi
Một ly cho đỏ mặt
Cho lên hương cuộc đời"


Nếu phải đôi co với những cái đầu óc và lối suy luận cổ hủ (như lão này) thì mình không muốn tốn thời gian. Nên chỉ ậm ừ rồi tu cồn tiếp. Nhưng vì nhắc tới Quang Dũng, thì mình cùng còn nhớ lại một vài bài. Thế là xách nguyên hồ lô cồn, lững thững bước ra ngoài hàng hiên, đối diện với mặt hồ. Chiều hôm đó, có mây về tím thẫm. Nhìn trời, mây, nước và bỗng cũng thấy gái em bước gần lại và trên tay là một ly rượu nhỏ; tóc gái em che nửa mặt. Cả hai cùng đứng nhìn ra mặt hồ phía trước, sóng gợn li ti và gió chiều không đủ mạnh để thổi trôi đi những áng mây đang dần tím. Gái em đứng rất sát vào mình, tưởng như nghe luôn được nhịp đập của tim. Vai nàng tựa sát ngực mình và khẽ hỏi: "Thơ Quang Dũng, vào lúc này thì anh thấy câu nào hợp nhất?".


Thế là tự nhiên mình khẽ đọc cho nàng nghe, qua những sợi tóc xoã:


"Chiều ấy em về thương nhớ ai
Tôi chắc đường đi đã rất dài
Tim tím chiều hôm lên bóng núi
Dọc đường mờ những cánh hoa phai"


Cho tới bây giờ, mình vẫn nghĩ rằng sau buổi chiều hôm ấy, chắc chắn là gái em đã có câu giả nhời...

dulan
12-17-2016, 06:15 AM
...


Xin chào anh Đã Xưa đến với Phố và mở topic hay!



Xin chào quan khách ghé quán của anh nhé!




Dulan xin phép mang quà vào tân gia cũng như chúc mừng giáng sinh đến anh Đã Xưa nha
http://i.imgur.com/VfgYpNZ.jpg?1





...



Thôi dulan xin phép lui ra chờ đọc tiếp ạ!

Thân mến và chúc vui,
Dulan


...

Đã Xưa
12-17-2016, 03:36 PM
Cám ơn Dulan nhiều.

Đã Xưa
12-19-2016, 08:46 PM
Mây xoã lên vai.


Lão bạn cổ hủ của mình, lão có con bé em không những giỏi như anh mà còn xinh xắn và duyên dáng vô cùng. Đã từ lâu, mình cứ rắp tâm bắn sẻ với hy vọng rằng biết đâu có một ngày đẹp giời nào đó, con bé này sẽ rụng vào tay mình thì lúc đó sẽ tha hồ mà vui thú với nhau. Dưng đã qua bao năm, điều mơ ước này đương có mòi biến thành ảo vọng mẹ nó rồi thì phải!


Thế là mình chỉ còn biết trút căm hận vào những chai cồn quý nhà lão, với những lý do rất đáng nể là: "Tôi đến thăm anh, xem anh thế nào? Có ăn được, ngủ được hay chăng?". Những khi thấy mình vác mặt đến (mà không cần mời) thì lão chỉ điềm nhiên ngồi trên bàn để tiếp tục ghi chép; mặt khẽ ngẩng lên qua cặp kính rồi gật đầu. Mình ghét lắm, dưng không dám dỗi và đành làm mặt lỳ để nhăn nhở: "Có mình anh ở nhà thôi à? Tôi đến xem anh có cần gì không và thăm anh tẹo", rồi định bước lại ngay tủ cồn mà rót nhanh lấy một vại đầy. Lão dấm dẳn: "Cám ơn cậu, khoẻ cả! Cần gì tôi cũng lo được, chứ đã đến nỗi đi không nổi đâu mà cần đến cậu, hử?". Mặc lão chua chát, mình cười hềnh hệch, lựa chai cồn ngon rồi rót ra hai ly mang lại bàn chỗ lão đương ngồi.


Lão đón lấy ly, khẽ cụng rồi nhấp nhẹ. Mình thì ực ngay một phát, hết bà nó nửa ly. Lão thấy vậy thì khẽ nhăn mặt, dưng không nói gì. Èo, nói về khoản tu cồn thì mình với lão này đếch hợp nhau. Lão thì khề khà, kiểu cách; uống mà cứ như mèo ngửi. Mình thì ừng ực như voi cuốn lá. Nhớ lại có nhiều lúc thấy mình uống cồn như thế, gái em nhà lão cứ thế trợn tròn mắt ra để ngắm (chắc vậy?), ú ớ: "Khiếp nhỉ! Anh uống như vậy, có khi nào không say chưa?". Mình cười mơn trớn: "Nhằm nhò gì vài ly con này, có lần anh uống đến cả vại và càng uống lại thấy mình càng minh mẫn cơ chứ! Rượu thấm đến đâu, anh lại làm thơ hay đến như đó. Anh làm thơ tình tặng em, nhớ!". Nói xong, mình chỉ còn chờ gái em gật đầu thì sẽ ngâm ngay. Dưng lão cổ hủ chợt khoát tay: "Thôi, được! Uống thì cứ uống, nhưng đừng đặt thơ vào lúc này! Tôi xin cậu". Gái em nghe anh nói như thế thì khẽ đưa tay che miệng cười khúc khích. Mình lén lườm lão, gỡ gạc: "Tôi làm thơ cho Mây nghe, chứ có phải để tặng anh đâu mà cản thế kia?". Lão hừm hừm, còn gái em vẫn cười rất tươi. Sư nhà lão, nghĩ lại lúc đó, mình hận lắm! Vì nếu lão không cản, rất có thể là sau khi nghe mình ngâm tao đàn xong, không chừng ngay tối đó gái em đã đi theo mình rồi ấy chứ...
Thành ra vần thơ đầu đời, với tên của gái em: Vương Vào Mây vẫn còn lưng chừng, chưa kết vận được là thế!


Sau khi nghe lão nói là còn đi được chứ chưa đến nỗi liệt để phải nhờ vả gì đến mình thì mình mừng húm. Thế là nốc cạn ly cồn rồi bước lại tủ lấy chai ra rót nhanh cho mình ly khác. Lão chẳng nhìn, cũng chẳng nói, xoay ghế nhìn ra khung cửa cho thấy cả một khoảng sông xanh ngắt một mầu. Những hàng liễu rũ cành gần chạm mặt sông có con sóng lăn tăn. Khung cảnh này đối với mình đã rất quen thuộc và cũng là nơi mà mình đã từng ngồi sát Mây và thì thầm một câu rất ngây ngô: "Phải chi em đừng là mây...". Gió sông nhẹ đổ về, khiến có những sợi tóc bay che dài nửa mặt. Mình nói thêm: "Mây xoã lên vai anh". Gái em cười cười, đưa tay vén lại tóc: "Lần đầu tiên em mới nghe điều 'mây xoã lên vai' thế này!". Mình chụp ngay lấy cơ hội: "Nếu em yêu anh, anh sẽ còn sáng tác được thêm những câu hay hơn thế này nữa cơ!".


Dưng văn đàn thế giới không được ngân nga những lời thơ trữ tình tiếp theo đó, là tại Mây vẫn chưa yêu mình.


Mtc... nỗi nhớ, nên đếch viết thêm được gì...

Đã Xưa
12-30-2016, 06:57 AM
http://cache2.allpostersimages.com/p/LRG/81/8196/RU3A300Z/affiches/passigatti-masquerade-phantom-of-the-opera-mask-on-rusty-bridge-column.jpg


"I need another story
Something to get off my chest
My life gets kinda boring
Need something that I can confess

'Til all my sleeves are stained red
From all the truth that I've said
Come by it honestly I swear
Thought you saw me wink, no
I've been on the brink, so

Tell me what you want to hear
Something that will light those ears
Sick of all the insincere
So I'm gonna give all my secrets away

This time don't need another perfect lie
Don't care if critics ever jump in line
I'm gonna give all my secrets away..."


(Beethoven's five secrets / OneRepublic):


=> https://app.box.com/s/9wntnggocwygmdrpir4r5voum34qjbhd

Đã Xưa
12-30-2016, 07:22 AM
http://cache2.allpostersimages.com/p/LRG/13/1350/14ZS000Z/affiches/vincent-van-gogh-wheatfield-with-cypresses-1889.jpg


Mây ốm rồi.


Mây ốm. Làm việc, nhưng không có sự chú tâm như mọi ngày và cảm giác cứ đứng ngồi không yên, thì ra là thế, vì Mây ốm và lão bạn gọi hỏi về chút điều, đồng thời cũng kể ra luôn là gái em đang mệt từ mấy ngày nay. Mình tóm ngay điều đó, để hỏi tới luôn. Lão chỉ ậm ừ, nói là không sao đâu vì có thể do thời tiết thay đổi thất thường, vì có thể do đi công tác nhiều, vì có thế do ăn uống ngủ nghỉ không giờ giấc. Trong cả trăm thứ lão đoán bệnh em như thế, mình không thấy lão nói là: "Chắc thất tình rồi!".


Mình thở phào, vì trong lòng hoàn toàn không muốn Mây... thất tình! Hum, mình lo hão vậy thôi chứ Mây chỉ làm cho kẻ khác mất yêu thì có, chứ có đời nào Mây lại có thể như vậy cho được, nhỉ? Từ khi mình phải lòng Mây đến nay thì chưa bao giờ Mây nhủ lòng thương để cho mình thành khẩn khai báo cho nàng biết về nỗi niềm chất chứa trong lòng mình ra sao, thế nào. Thành ra chuyện yêu Mây, Mây không hay và cũng không thèm biết nó như thế nào. Mình ấm ức lắm, dưng mỗi khi chỉ có hai đứa và lúc mình hắng giọng để sửa soạn cất nhời thương thì Mây lại gạt đi, bằng cách bắt ngay sang chuyện khác, như: Mấy con vịt trong hồ vừa dắt lũ con đi dạo hôm qua; Cây mộc lan năm nay hoa to ơi là to; Mấy hôm nữa em lại đi xa, anh có cần gì không?... Tuy biết là Mây tránh mình đề cập đến chuyện yêu đương, dưng khi nghe Mây thỏ thẻ những điều (chẳng ăn nhập gì hết cả) thì mình vẫn thỗn mặt ra, ngắm Mây không chớp mắt và cứ như muốn nuốt hết tất cả những cái vớ vẩn mà nàng đã thốt ra.


Nên khi nghe lão kia đoán bệnh của em xong, mình vừa thương (thật đấy), vừa mừng! Èo, Mây ốm đau gì cũng được, miễn là đừng bị thất tình vì cái thằng giời ơi đất hỡi nào đấy là lành rồi! Khi lão tắt điện thoại, mình cứ ngồi thừ ra đấy. Quẳng việc đang làm dở dang sang bên, ngồi suy nghĩ miên man. Một đỗi sau, mình chặc lưỡi: "Hay là... Hay là... Nó đương thất tình mình, nên mới sinh bệnh ra như thế?". Tuy biết rằng suy tưởng này là điều vô lý bỏ xừ, dưng mình tự an ủi và động lực - quên, động viên chứ! - mình rằng là: ở đời này, việc gì cũng có thể xẩy ra được, nhớ! Chuyện Mây ốm tương tư mình, biết đâu là chẳng có thật?


Nghĩ đến đây, mình liền bước qua phòng sếp, vòng tay: "Sếp cho em về sớm nhá! Khó ở trong mình quá cơ, nẫy giờ làm việc mà cứ định ngã lăn ra xỉu ấy chứ!". Mặt sếp đăm đăm, nhìn mình với ánh thép vỏ đạn và định lèm bèm. Dưng với bộ mặt sầu não của mình thì chắc sếp cũng hãi, chỉ sợ là mình ngã ra xỉu thật thì có chuyện nhớn chứ không vừa. Thế là đành gật đầu và cố nhắn thêm: "Mai nhớ giở lại và làm bù đấy, nghe chửa?!". Mình gật đầu, lí nhí: "Nghe rồi ạ!" và trong miệng thì "Sư nhà sếp!".


Mình cỡi ngựa chạy lon ton đến nhà lão cổ hủ nọ. Đẩy cửa bước vào thì thấy lão đương ngậm tẩu phì phà, tay cầm sách, tay cầm bút biên chép gì ấy. Lão chả thèm nhòm lên, nói trỏng: "Cậu đến mà không báo trước thế này? Hộ nhỡ tôi không có nhà, hoặc bận tiếp khách thì sao?". Mình kệ lão lèm bèm, bước nhanh ra quầy rượu, rót ngay lấy một bát rõ to rồi ngửa cổ uống cạn. Xong mình quệt mép, giả nhời: "Lúc nẫy anh hỏi gì, tôi quên bà nó rồi. Thành ra ghé qua để hỏi lại thôi!". Thực sự trong lòng thì chỉ muốn nói thẳng ra là, tôi đến thăm Mây mà nếu anh không có đây thì càng tốt chứ sao nữa. Èo, có cho kẹo thì mình cũng chả dám bạo ngôn với lão như thế. Mình ngó quanh quất, với hy vọng là thấy bóng Mây. Dưng hoàn toàn là một không gian đến thiếu vắng. Sự vắng lặng kèm theo khung cảnh của mặt hồ qua khung cửa, càng khiến mình không dám thở mạnh và chỉ khẽ âm thầm: "Mây ơi, có anh đến thăm em...". Nốc đến bát cồn thứ hai, thứ ba gì rồi thì mình mới dám cất tiếng: "Mây đỡ nhiều chưa, anh?". Lúc này lão mới thí thêm cho mình một câu: "À, cậu vào phòng em nó mà xem thử? Coi nó uống thuốc đủ chưa". Mình chỉ chờ có thế, bước ngay ra khỏi phòng khách, nhẹ nhàng tới trước cửa nơi có Mây, khẽ gõ và đứng chờ. Tiếng Mây nhẹ như không: "Dạ".


Mây nằm đó, trên mình là chiếc chăn mỏng đắp hờ, mặt nhìn ra cửa sổ nơi có cây mộc lan đã tàn hết hoa, mà chỉ còn những cành lẫn lá xanh thẵm khẽ chao người trước gió. Mình khẽ hỏi: "Em đỡ nhiều chưa?". Mây giả nhời là đỡ nhiều, dưng mẳt còn cay lắm và đầu thì nhức. Mình hỏi tiếp: "Em uống thuốc chưa?". Mây nói là uống đầy đủ rồi và lúc sáng, có y tá tới chích thuốc. Nghe đến đây, mình ghét lắm, chửi thầm "Sư thằng y tá dạo!", vì thằng này có diễm phúc là được chọc ngay kim tiêm vào mông của Mây. Mình nhăn mặt: "Èo, làm gì đến đỗi mà phải chích thế kia cơ chứ!". Mây khẽ cười: "Bác sĩ bảo em thiếu kháng sinh nhiều, nên dễ ốm. Nhưng không sao, vì cô này chích rất êm, không đau gì cả!". Nghe đến đây, mình mới hoàn hồn, ừm, thì ra là gái y tá chứ không phải giai. Tha, không chửi nữa!


Mây nằm, mặt có thoáng mệt nhưng vẫn rất tươi. Trong phòng, không hề có mùi thuốc hoặc mùi nào khó chịu khác, ngoài mùi nước hoa Mây vẫn dùng. Mình nhìn Mây, thấy thương lắm cơ. Tự nhiên thốt ra: "Anh muốn chia sẻ với em cơn bệnh này vậy! Bệnh chia hai, chắc sẽ mau khỏi, em nhỉ?". Mình chỉ chực chờ Mây gật đầu là sẽ lên ngay giường nằm sát Mây, để cái bệnh lan mau qua hòng chia sẻ. Dưng Mây khẽ cười: "Cám ơn anh, rồi sẽ mau khỏi mà, anh đừng lo!". Mình đực mặt ra, có điều tiếc tiếc.


Mình đứng tần ngần, ngắm Mây và thấy rằng, cho tới bây giờ thì mình chỉ yêu Mây chứ chưa thấy có thể yêu ai khác, ngoài nàng. Định thu hết can đảm để ngỏ nhời ong bướm với Mây thì nàng xoay mình lại, không nhìn hàng cây qua khung cửa nữa, mà nhìn mình rồi nói: "Hết ốm rồi thì em sẽ lại đi công tác ít lâu. Em sẽ tìm có sách nào hay rồi mua cho anh nhé! Lần này chắc xách được nhiều, vì đi tới hai người". Mình hỏi ngay: "Ai đấy?". Mây nói ra một cái tên, mà tên này thì chẳng xa lạ gì với mình cả! Vì là cái tên của giai mà mình biết rằng đã từng đeo đuổi và tống tình Mây ghê lắm. Mây đã từng có lúc kể rất nhiều về kẻ này và qua giọng kể, thì mình thấy Mây cũng có mòi thích nó lắm chứ không bỡn. Có dạo, mình ghét lắm, định bụng là sẽ đón đường một ngày nào đó để dần cho nó một trận. Dưng sực nhớ lại là Mây đã từng khoe là thằng này có võ gỏi lắm, từng một thân một mình đánh với cả hai, ba chục tên cướp cơ mà. Thành mình tèo nó cái ý đồ đánh ghen nọ mà chỉ còn biết âm thầm mắng rằng, nếu Mây yêu nó thì đúng là thế gian này hết người để yêu rồi.


Mình nuốt nước miếng, run run hỏi: "Mây phải lòng người đó rồi, phải không?".


Nghe mình hỏi thế xong, Mây cau mày: "Anh lại nói vớ vẩn gì nữa thế này? Chuyện yêu đương đâu phải dễ dàng như anh nghĩ vậy đâu! Này, em nói cho anh rõ: Nếu có yêu, em nhất định chỉ yêu anh mà thôi...".


Nghe Mây giả nhời như thế, mình sướng run lên, bát cồn cầm trên tay bỗng rơi ra đất, cồn đổ tung toé và bát vỡ làm mấy mảnh.


Tiếng thuỷ tinh vỡ, làm mình giật bắn người, thì ra đang ngủ mơ, chân đạp trúng ngay vào cái đèn ngủ lăn đùng ra đất!!!


Mình lồm cồm bò dậy mếu máo,dụi mắt : "Mây ơi là Mây, em yêu anh làm gì để đến nỗi anh đạp ngã cả đèn đuốc ra thế này!!!".

Đã Xưa
01-01-2017, 08:19 AM
https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/c/ca/DongKhanh.jpg/225px-DongKhanh.jpg



Vua Đồng Khánh lần đầu ra mắt quốc dân.

Thời quân chủ, uy quyền tuyệt đỉnh là vua. Vì thế, rồng là linh vật được suy tôn hết mực để gắn với hình ảnh của vua thời đó; cho nên khi nói tới là ám chỉ "mặt rồng" chứ đâu có được gọi là... "mặt vua"! Cả đời của các quan có chức tước nhỏ, thị vệ mặc dù sinh hoạt thường ngày trong cung cấm còn chưa được chiêm ngưỡng "mặt rồng", nói chi tới dân đen!


Năm 1886, lần đầu tiên trong lich sử liên quan đến triều đại phong kiến, vua Đồng Khánh là vị vua đầu tiên đã dẹp bỏ mọi giáo đều lẫn lễ nghi, để chính thức ra khỏi ngọ môn cho dân được chiêm ngưỡng dung nhan. Đó là nhân dịp đầu năm mới Âm lịch, ngày 03.02.1886, vua Đồng Khánh đã chịu nghe lời khuyên của tướng Prudhomme, khi ông có ý kiến là vua nên nhân dịp ngày lễ trọng này mà hãy bước chân ra khỏi kinh thành cho dân chúng được thấy và dẹp tan được lời đồn đãi rằng vua đang bị chính phủ Pháp giam lỏng. Đồng thời, với sự tháp tùng của một số quan chức Pháp, sẽ chứng tỏ thêm là triều đình rất đang muốn canh tân và là đồng minh với Pháp (đồng nghĩa với văn minh và kinh tế tốt đẹp), để kéo đất nước ra khỏi lầm than và hôn mê vì thời cuộc.


Vua Đồng Khánh cuối cùng đã chập thuận làm theo ý kiến và lời đề nghị đó của tướng Prudhomme. Đánh dấu hành vi này như là một cách mạng đối với những lễ nghi được áp dụng từ bao nhiêu đời nay trong cung cấm. Một điều chưa từng bao giờ xẩy ra trước kia, và nhờ vậy, sẽ khiến cho dân chúng tin rằng nhà vua có đủ tư cách và khả năng để dẫn dắt đất nước.


Dưới đây là bài thuật lại ngày lich sử đó, do chính tướng Prudhomme viết:


***********


"Nhân dịp này (lễ Tết), và theo lời đề nghị của tướng Prudhomme, vua đã đồng ý để chịu phá cách hết những tục lệ và ra mặt trước dân chúng, mục đích để mọi người biết rằng vua không bị Pháp cầm tù như tin đồn, mà là một đồng minh tự nguyện với họ.


Sáng ngày 03.02, bẩy phát súng thần công vang ra để loan báo ngày đầu năm theo âm lịch An Nam. Sáng sớm ngày 04.02.1886 được vua dành riêng tiếp đón tướng Pháp cùng các sĩ quan và các nhân vật trong cung điện.


Tại sân trong, các đội thị vệ dàn hàng chào. Dưới hàng hiên, ở giữa là các quan được sắp xếp theo chức phẩm; bên trái là dàn nhạc cung đình, bên phải là đội quân nhạc. Chung quanh là thị vệ với cờ xí và lọng, đứng trước các thớt voi trận. Phụ chánh (1) và hai vi quan trong triều bước ra để đón tướng Pháp và tuỳ tùng, sau đó đưa cả đoàn vào đại sảnh nơi vua đang đợi. Vua ngự trên ngai, mặc long bào mầu vàng, đầu đội vương miện gắn nhiều đá quý. Quanh vua là tất cả đội ngũ các quan hầu cận.


Khi tướng Pháp bước tới, vua đứng lên khỏi ngai và tiến lại đưa tay ra ra bắt. Sau đó, người trở lại chỗ ngồi để nghe lời chúc tụng. Linh mục Hoàng, thông ngôn trong đại nội, sau khi quỳ xuống và vái lậy ba lần, liền dịch lại lời của tướng Pháp. Tiếp đó, vua đứng lên và chậm rãi trả lời - vẫn qua lời thông dịch lại của linh mục Hoàng - sau đó thì ban phát sắc chỉ tặng huy chương cho các sĩ quan chỉ huy và dân sự.


Khi lời dịch cho những điều cám ơn chấm dứt, tướng Pháp lui bước và được Phụ chánh cùng hai quan đại thần tháp tùng ra khỏi đại sảnh. Sau đó ít lâu, tại khu chỉ huy, những huy chương đã được mang đến trao tặng một cách rầm rộ. Đó là những kim khánh bằng vàng với nhiều cỡ khác nhau và chúng được đã được cấp ngay liền đó tới những nhân vật được nêu danh trước với lời yêu cầu là họ phải mang lên người trong buổi lễ duyệt binh được tổ chức vào buổi chiều đó (2).


Đúng 14:30, vua ngồi trên kiệu sơn son thiếp vàng, được khiêng ra khỏi cung cấm cho dân được chiêm ngưỡng, tháp tùng bởi tướng Pháp cùng đoàn tuỳ tùng cả quân sự lẫn dân sự. Quanh vua là đội thị vệ, còn hàng đầu và hành cuối đoàn thì do lính Pháp đảm nhiệm. Sau kiệu vua là những thớt voi và các hoàng tử cũng như các quan đại phẩm. Quan tiểu phẩm thì đứng dàn chào hai bên đường. Kiệu vua được khiêng đi từ tử cấm thành qua tới Đông Ba trong tiếng đàn hoà nhịp của nhạc An Nam. Tất cả các chùa đều chăng đèn và treo cờ. Trong mỗi tư gia, bàn thờ tổ tiên được thắp hoa và nến đủ mầu; giấy vàng giấy bạc được rải vung vãi bên những lư hương toả khói trầm nghi ngút. Khi kiệu vua đi ngang, tất cả người dân đều quỳ phục xuống, dập đầu trên đất rồi họ đứng dậy tỏ ý mừng vui bằng sự hò reo phấn khích và đốt pháo.


Khi tới trại chỉ huy quân sự, Hoàng thượng mới đặt chân xuống đất để đón nhận sự chào đón đã được sửa soạn trước dành riêng cho người và đoàn tùy tùng. Quân nhạc được trổi lên và trên chiếc tầu "La Rafale" (3) đang đậu đã vang lên một tràng đạn danh dự để chào mừng.


Chiều xuống, vua ban đại yến, trong tiếng nhạc cung đình. Sau hết là pháo hoa.


Với ngày lễ Tết này và nhất là qua sự việc vua bước ra khỏi đại nội, đã là một điều vang dội rất lớn. Ngoài điều chứng tỏ cho sự tự do của mình, Đồng Khánh còn cho thấy rằng vua đã muốn cắt bỏ những lễ nghi và cấm kị của chế độ quân chủ, khiến quân vương luôn luôn được coi là cái gì đó rất thần thánh và quá đỗi xa cách với người dân. Vua đã cho thấy là người muốn hiện đại hoá cũng như nghiêng về văn minh Tây Âu..."


Prudhomme.


******


(1): Khi Tôn Thất Thuyết trốn đi với vua Hàm Nghi, tướng de Courcy đã đề cử Nguyễn Hữu Độ (đã là Kinh lược Bắc kỳ) vào Huế để làm Cơ mật đại thần.


(2): Theo lời thuật lại của trung uý Jullien (tùy viên của tướng Prudhomme) thì vào ngày Tết năm 1886, vua Đồng Khánh đã tặng cho tướng này: 1 Kim khánh bằng vàng nặng 1 lượng (38,5grs) với chữ "Vạn thế vĩnh lại"; một bảo kiếm tuyệt đẹp; một cẩm bào dành cho hàng đại quan.


(3): Tầu "La Rafale", do trung uý Lucien Huard làm thuyền trưởng.



( Dịch và chú thích (1, 2, 3) của ĐX)

Đã Xưa
01-02-2017, 05:05 AM
https://lh3.ggpht.com/_9JXxbyxPYyI/SC7wbHQRLoI/AAAAAAAABRU/p-Fdvv1_EvY/s400/Tib%C3%A8re.jpg



"Render therefore unto Caesar the things which are Caesar's' "


Một người bạn rất thân, đã gửi lại cho tôi bài viết cách đây từ nhiều năm trước trong một diễn đàn nọ, với câu nhắn: "Render therefore unto Caesar the things which are Caesar's" (Trả lại César những gì thuộc về César). Bạn của tôi luôn thích mang về làm file riêng tất cả những gì bạn và tôi đã từng viết ở đó. Bây giờ gửi lại tôi với lời nhắn riêng nọ và kèm thêm câu: "Và để anh hiểu tại sao tôi nói anh đã khác nhiều ...".


**************


“Khi xa xứ rồi, có rất nhiều lúc tôi nhớ ngẩn ngơ về một cái tủ rất lớn bằng gỗ quý, ba mặt bằng kiếng. Và ở trong tủ là những bộ chén, bát , bình cổ được lưu truyền từ nhiều đời mãi cho tới thời ba tôi, khi người còn sống. Trong những cổ vật đó, tôi nhớ nhất là hai, ba bộ uống trà bằng sứ nâu. Lúc còn nhỏ, đi qua đi lại một ngày không biết bao nhiêu lần, nhưng chỉ liếc mắt qua rồi thôi. Nhưng như cần có người được chia sẻ, tôi đã nhiều lần bị thân phụ kéo ra bàn ngồi, rồi người lôi ra từng món để chỉ dẫn và nhắc lại một phần giai đoạn lịch sử của mỗi món đó.


Tuy không mấy chú tâm lắm, nhưng lòng vẫn biết đó là những món gia bảo, và thường vâng dạ để thân phụ không mất hứng thú khi truyền bảo một phần gia phả của dòng họ. Mười lời chỉ dậy, chắc tôi chỉ còn nhớ - chưa chắc - đã tới một! Duy có hình ảnh của hai cha con, mơn trớn từng món cổ ngoạn đó là như mới bữa qua thôi.


Ba tôi tuy ra trường và đi làm theo kiểu Tây học, nhưng cuộc sống và cách suy nghĩ rất mực theo Nho. Cũng vì lý do đó, người đã có một số vốn không nhỏ về chữ Hán, và lý do chính đáng nhất (theo tôi hiểu), là chẳng qua người muốn được tự thưởng thức những bài cổ văn viết nhỏ ly ti trên những món đồ quý nọ mà thôi. Về điểm này, tôi lại càng không nối nghiệp nổi tới một phần ngàn!


Những món cổ ngoạn này theo từng bước với gia đình tôi, chưa có khi nào bị thất lạc tới một thứ. Rồi nhiều năm sau, cuộc sống sau '75 rất khó khăn, cơm ăn sợ còn chưa đủ. Ba tôi bị cho thôi việc, thế là toàn gia đình gặp phải một cơn túng bẫn chưa từng có...Đợt chót để có thể mua được gạo, nước mắm, vải vóc may mặc là nhờ vào những món gia bảo trên. Từng món được bán ra cho những ông bà khách sắp xuất ngoại, hoặc trung gian cho những người sưu tầm đồ cổ còn muốn dấu tên, dấu mặt từ Nam chí Bắc. Mỗi lần lấy đồ ra để cẩn thận gói ghém cho người mua, là cả một đau khổ cố dấu nén của thân phụ...Còn quá nhỏ, ngoài chuyện lếch thếch tới trường mỗi ngày, tôi chỉ còn biết lêu lổng với bạn bè. Nên những cuộc buôn bán ở nhà, hầu như rất ít khi tham dự.


Khi món đồ chót là một trong những bộ uống trà còn lại cũng ra đi, là lúc tôi chợt nhận thấy ba tôi bỗng trở nên héo hắt và già hẳn đi thấy rõ! Cái tủ gỗ quý được khách tới chở đi, cũng là vừa đủ để chi phí cho nhà hòm và làm tang cho thân phụ...


Hình ảnh những bộ trà quý theo tôi tới mãi tận bây giờ là thế đó!


********************


(Viết vào đây vài dòng lan man về trà - hoặc về những kỷ niệm nào đó khó phai - chẳng qua là muốn nhắc tới một phần đời yêu dấu...Và cũng vì một lời hứa bất chợt cùng người bạn mới đây. Dù biết rằng, viết những điều không thuộc lãnh vực chuyên môn, sẽ là một chuyện múa rìu qua mắt thợ, coi trời bằng vung...Nhưng hề gì, khi cảm nhận đến tự đáy lòng, cùng với những chân thành muốn gửi. Thôi thì...theo gió tha hương bay về miền xưa vậy).”

Đã Xưa
01-03-2017, 07:44 PM
http://cache2.allpostersimages.com/p/LRG/96/9611/SR3E500Z/affiches/lora-zombie-you-and-your-imagination.jpg


Ta & Nhà ngươi...


Có được những người bạn, mà khi bất chợt ngồi đâu đó một mình với ly café nhỏ hoặc ly rượu rất thơm, tự cảm thấy rằng tôi đã rất may mắn và giầu có về cảm tình trong những mối quan hệ này. Số lượng bạn bè thân thiết, chắc chắn là không vượt quá số ngón tay nếu cần đếm.


Khi nhắc lại đến "em", thời gian quen biết đã nhiều hơn tới 10 năm tròn là ít. Trong thời gian đó, có những lúc rất gần và có nhiều khi cũng biền biệt tăm tích. Nhưng tự thâm tâm, chắc chắn em (cũng như tôi) vẫn thường nhớ đến nhau không ít.


Dĩ nhiên là tôi vẫn rất nhớ lại cái lần đầu khi hai đứa quen biết nhau (nhưng không muốn kể lại vào đây). Lần đó, tôi chưa biết xưng hô ra sao và thế nào với em, nên chỉ rất ngang tàng mà gọi "ta" và "nhà ngươi". Và cũng vì vậy, đã phần nào gây ấn tượng nơi em, một cô gái cũng ngang tàng và... chảnh không kém! Chúng tôi đã đến với nhau bằng cách đó, và rất tự nhiên để càng lúc càng thắm thiết hơn. Đã kể lể cho nhau biết bao điều, mà chắc chắn rằng, nếu không quen tôi, em vẫn giữ trong lòng, không cần thiết để có ai khác mà tâm sự cùng. Những trao đổi bằng mail và những cuộc điện thoại, hầu hết là bằng tiếng ngoại quốc. Chẳng qua là có lần, tôi viết "anh" - "em" với em, thế là em cười phá lên và trả lời: "Ta không quen với danh xưng này, nghe mắc cười!". Tôi cũng phì cười, và trả lời: "Nếu nhà ngươi muốn, thì sẽ tiếp tục để ta là "Ta" và nhà ngươi là ‘Nhà ngươi’ vậy ha!".


Từ đó, Ta & Nhà ngươi là lối gọi nhau giữa chúng tôi, hầu như đã và sẽ không bao giờ thay đổi được. Có lúc, tôi nghĩ rằng, nếu có thấy nhau bất cứ đâu đó trên trái đất này, tôi chỉ gọi: "Ê, tên kia!" thì chắc chắn em sẽ quay ngay lại để trả lời: "Ừm, ta đây! Nhà ngươi đó sao?".


Chúng tôi đã từng gặp nhau nhiều lần trước kia, những cuộc gặp gỡ ngắn, nhưng lại rất nhiều kỷ niệm. Tôi còn nhớ như in mùi Kenzo thoang thoảng từ em (sau này nhắc lại, em cũng quên mất là lúc đó đã mang theo mùi nước hoa này. Thế cơ chứ!), một thân hình nhẹ nhõm và khả ái. Tóm lại, tất cả những điều cần thiết đối với một cô gái rất xinh và thanh lịch. Tóc em rất dài khi đó, trải dài trên chiếc gối trắng tinh và tôi ngồi ngắm em (chứ hoàn toàn không làm gì khác, thật!)...


Trong tất cả những trao đổi về mọi điều (xẩy ra trên thế gian này, kể luôn cả những gì liên quan đến cuộc sống và tình cảm của em, cũng như của tôi), hầu như là 10 lần thì đều cãi nhau chí choé hết cả 10. Tới mức em rành tôi để thốt ra được: "Mỗi khi nhà ngươi đuối lý thì đều nói là ta 'chua'! Hừm...". Đúng ra, không phải là tôi đuối lý, nhưng chằng qua là không muốn gật đầu đồng ý ngay với những gì em nói. Hihihi... Đơn giản là vậy thôi, chứ dại gì mà "Nhà ngươi nói đúng!!!" ngay cho được, nhỉ?! Đôi khi tôi... "mtc hí!" thì lại bị mắng: "Nhà ngươi lỗ mãng quá!". Những khi vậy thì tôi chù ụ cái mặt, em lại ve vuốt: "Ta nói yêu mà...".


Em rất nhiệt tình và năng động. Hiếm khi nào thấy em ngồi yên chỗ hoặc cắn tóc để mơ màng. Có những lúc tôi muốn dụ dỗ em vào con đường cách mạng (quên, con đường "lãng mạng" chứ!), thì đều gửi những bài nhạc mình ưa chuộng cho em thưởng thức. Nhưng đều nhận được sự trả lời: "Nhạc nhà ngươi dở ẹc, với lại ta không có thời gian để nghe đâu!". Tôi ghét lắm, nhưng cũng chẳng có cớ gì để gây lại; thế là đành ngậm ngùi về lại chốn cũ để gặm nhấm nỗi đau lòng này. Nhưng tự thâm tâm, tôi biết là em chỉ thích làm tôi đau (một hình thức... trừng phạt nào đó, mà em cũng vì tự ái, không thể thốt ra lời cho đúng với lý do) và nổi khùng... Hihi... Cho nên, chẳng bao giờ em tự thú nhận rằng em cũng mơ mộng và lãng mạn như những ai khác! Cũng có thể để chống lại những điều mà em cho rằng xa xỉ và lỗi thời này, nên em không ngớt xách valise để thường xuyên đi chu du khắp nơi. Những nơi mà khi về em kể lại thì đều bị tôi chê: "Có năn nỉ đi cũng không thèm!". Hihi... Dĩ nhiên là tôi ba xạo cho em tức lên thôi. Mà em tức thật, nên chỉ biết: "Xí, ai thèm rủ?!".


Vậy chứ cũng có lúc em rủ rê đi cùng. Nhưng lần đó, tôi đã có chương trình đi xa khác nên không thể đi được cùng em. Nhưng để chọc em, tôi giao hẹn: "Ừ, đi chung, nhưng phải ở cùng hotel và ở chung phòng mới được!". Nhưng em lắc đầu, trả lời: "Cái gì với nhà ngươi cũng được, nhưng về khoản này thì never, never!!!". Thế cơ chứ, và tôi lại tức vì bị gạt tay ra một cách mạnh bạo đến như vầy. Tôi suy nghĩ điều này đến nửa ngày trời, sau đó nhắn tin: "Cái này là nhà ngươi dại lắm! Có vui có sướng mà lại em chả, em chả thì đừng tiếc, nha cưng!"...


Từ đó, mỗi khi gặp lại hoặc có dịp để nói chuyện với nhau, tôi đều nhắc lại để chọc em. Em lại hầm hừ và lại mắng. Tôi vẫn nhăn rằng cười hì hì, lại nói: "Nhà ngươi đừng có tiếc thầm, nghe chưa?!".


Em vẫn có câu trả lời chắc nịch: "Còn khuya, còn khuya!!!"...


Tôi biết là em vẫn tiếc (chắc chắn vậy rồi, hihi...). Riêng tôi, tôi không hề tiếc, vì có một điều rất đơn giản là: Tôi may mắn là có em, một cô bạn trẻ ngang tàng, cứng đầu, chảnh... để thường xuyên cãi lộn và luyện dây thanh cổ!!!


Cám ơn... nhà ngươi, ha!

Đã Xưa
01-08-2017, 05:46 AM
http://cache2.allpostersimages.com/p/LRG/80/8048/8ZV4300Z/posters/book-cover-showing-a-female-nude-strewing-roses-in-a-landscape-1904.jpg


Huyền Trân công chúa.


(Dưới đây là một bài viết của cụ Cao Văn Chiếu, đã được đăng trong "Bulletin des Amis du Vieux Huế", số tháng 4 - 6, năm 1944.


Bài dịch dưới đây là phần nhắc về công chúa Huyền Trân, khi về với vua Chàm và số phận cuối cùng của đời bà trên vùng đất kinh kỳ: Huế).


*****************************


Như trong những câu truyện cổ tích thần tiên tuyệt vời, thành phố của chúng tôi đã được hai nàng tiên khai sinh, nâng đỡ vận mạng. Hai người mẹ đỡ đầu này - mặc dù hậu thế vẫn chưa có những tôn vinh công trạng cho xứng đáng - chính là các Công chúa: Huyền Trân triều Trần và Ngọc Báu đời Nguyễn.


Dưới những triều đại đầu tiên của An Nam, Huế là một giải đất được bao bọc bởi hậu địa của Chàm. Sông Gianh là đoạn chia cắt giữa An Nam và Chàm, nơi có những xung đột thường xuyên. Chiến tranh thảm khốc thường kỳ xẩy ra giữa hai quốc gia này, và thỉnh thoảng mới có vài cuộc đình chiến ngắn ngủi.


Thế là vào một trong những cuộc giao hoãn đó, vua Trần Nhân Tôn đã có ý định xây dựng hoà bình lâu dài giữa hai miền, nên đã có một cuộc du hành ngoại giao tới Chàm. Để thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai vương quốc bằng một sự gắn bó không tan được, vua An Nam đã hứa gả con gái của mình là Công chúa Huyền Trân cho vua Chàm.


Để chứng tỏ lại lòng cảm kích trước sự kết nối này, vua Chàm đã tặng lại cho An Nam hai vùng đất sát biên giới hai bên, là: Ô và Lý. Gồm Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên; và mạn Bắc của Quảng Nam hiện nay.


Vào một buổi sáng tươi đẹp của mùa xuân năm 1307, Công chúa Huyền Trân đã lên đường đi về phương Nam cho một cuộc đại phiêu lưu. Người ta có thể hiểu tâm trạng của Huyền Trân khi đó, một công chúa nết na thùy mị, luôn núp bóng bên những tường ốc sơn son thiếp vàng; bỗng ngày trước ngày sau phải rời bỏ hết tất cả những gì mà nàng quý nhất trên đời: quê hương, gia đình, đời sống trong cung điện, sắc đẹp và duyên dáng của tuổi mười tám, để đi về một vùng đất xa lạ cùng một định mệnh chưa biết sẽ ra sao. Nhưng ý muốn của phụ thân đã được đặt ra, thêm luận cứ quốc sự đã bắt nàng phải tuân phục với sự hy sinh này.


Có người kể lại rằng, trên đường tới miền đất xa lạ đó, khi tới đèo Hải Vân thì Công chúa đã yêu cầu đoàn tùy tùng dừng chân trên đỉnh, hướng về phương Bắc và nghỉ tại đó nhiều ngày, để hồi ngóng quê hương đang càng lúc càng xa dần. Trong giờ khắc đau lòng đó, nàng đã cảm tác một bài thơ buồn diệu vợi. Mà hiện nay, vào những đêm trăng thanh trên giòng sông Hương, những ca nữ hay hát lại bằng giọng tiếc nuối trong tiếng đàn nguyệt:


Nước non ngàn dặm ra đi
Cái tình chi!
Mượn mầu son phấn
Đền nợ Ô - Lý.
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì.
Số lao đao hay là nợ duyên gì?
Má hồng da tuyết,
Cũng liều như hoa tàn trăng khuyết,
Vàng lộn theo chì!
Khúc Ly ca sao còn mường tượng nghe gì!
Thấy chim hồng nhạn bay đi.
Tình lai láng,
Hướng dương hoa quì.
Dặn một lời Mân Quân:
Như chuyện mà như nguyện
Đặng vài phân,
Vì lợi cho dân,
Tình đem lại mà cân,
Đắng cay muôn phần (*)


Ngày nay khi du khách có đi qua đèo Hải Vân, tới ngay chỗ mà Công chúa Huyền Trân đã ghé qua, hãy ngưng lại một phút và gửi tới nàng công chúa bạc mệnh một tưởng nhớ, vì sự hy sinh đáng kính phục nọ của nàng.


Nhưng qua những gì được lưu lại, thì nàng chưa thoát khỏi cảnh bể dâu. Chưa tới một năm sau, vua Chế Mân băng hà. Cổ tục Chàm bắt buộc rằng, trong ngày thiêu xác các vua của họ, chính thiếp của vua cũng sẽ phải leo lên giàn lửa để chịu thiêu hòng theo chồng về bên kia thế giới. Biết được tin không may này, vua Trần Anh Tôn - vừa kế vị vua cha chưa bao lâu, là Trần Nhân Tôn - khẩn cấp ra lệnh cho tướng Trần Khắc Chung, với tính danh là mang phúng lễ của vua An Nam tới vương quốc Chàm, phải tìm ngay cách để cứu lấy mạng công chúa lúc đó như chỉ mành treo chuông, trước số phận nghiệt ngã và kinh hoàng nọ.


Trần Khắc Chung đã thành công tốt đẹp, hộ giá công chúa về quê mẹ một cách an toàn.


Cũng theo lời truyền lại, trên con đường quy cố hương, công nương của triều đình đã không tránh khỏi có một vài cảm tình nhẹ nhàng, chen lẫn với sự mang ơn và thầm phục đối với ân nhân của mình. Nhưng trước danh dự của một bà hoàng, thủ tiết của một phụ nữ goá chồng đã khiến nàng phải chôn kín vào tận cùng, tiếng lòng của mình.


Đường trở lại quê nhà cũng không qua khỏi nhiều thăng trầm, cuối cùng cũng đặt chân vào cung điện. Đây cũng là lúc nàng tỏ ý nguyện theo Phật, xuống tóc và quy y tại một thiền viện. Để cuối cùng trái tim được bình an và thanh thản trong tâm hồn qua những câu tụng niệm, mà đúng ra, cuộc đời của nàng đã chỉ biết tới nhung lụa và châu báu.


Lòng hy sinh của nàng đã không hoài công: vì triều đình An Nam, không tốn tới một giọt máu, không thua thiệt trong một sự đổi chác nào khác. Đã mang về được cho mình bốn mảnh đất phì nhiêu và giầu có nhất. Tính luôn Thủ Đô hiện nay (**).


Cao Văn Chiếu.


(*) Nguyên tác trong bản tiếng Pháp. Ngay sau đó, cụ đã chuyển nghĩa lại qua Pháp ngữ bài trên.


(**) Ý là kinh đô Huế.

Đã Xưa
01-08-2017, 06:00 AM
http://cache2.allpostersimages.com/p/LRG/17/1750/M7T3D00Z/posters/oswald-wirth-tarot-17-les-etoiles-the-stars.jpg


Đêm. Đêm của những vì sao đi lạc...


Đêm. Với những ngôi sao lấp lánh đầy trời và ánh trăng toả sáng soi rõ từng bước chân. Tôi và em sánh bước trên bãi biển vắng người này, bỏ sau lưng tiếng ồn ào và những bóng đèn nhiều sắc mầu của thành phố.


Đêm. Và là những câu nói đứt khúc bởi tiếng vang vọng của từng đợt sóng vỗ cùng những cơn gió thổi về từ biển. Em nói: "Mình tìm một chỗ ngồi đi anh, vì nếu cứ tiếp tục đi như thế này, sẽ không hiểu hết những gì muốn nói". Thấy một tảng đá rất to gần đó và rất sạch, tôi đặt chiếc áo khoác đang cầm tay, trải lên mặt đá cho em ngồi xuống. Tôi rất nhớ khuôn mặt em khi đó, với những lọn tóc loà xoà trên mặt do gió thổi tới. Châm điếu thuốc và không nói gì thêm, tôi ngồi sát bên em, nói: "Có những lúc trước kia, dù không nói lời nào bên nhau, anh vẫn có thể hiểu được tất cả những gì em muốn nói. Bây giờ thì đúng là khó khăn hơn nhiều, vì không những vì sóng, vì gió mà còn là... em một bên, biển một bên". Em khẽ cười nụ, trả lời rằng, sự hóm hỉnh và biết pha trò của anh thì không còn hợp tình hợp cảnh của đêm hôm nay. Tôi khẽ ngửa mặt lên trời và phà nhẹ khói thuốc. Đêm vẫn còn đầy sao và giọng trách móc của em còn vang vọng. Tôi vuốt những sợi tóc loà xoà trên khuôn mặt khả ái, nhẹ nhàng: "Anh muốn không nghĩ thêm rằng, nếu có sự chia tay nào đó giữa em và anh, thì cũng sẽ là như những ánh sao trời. Nghĩa là không ảm đạm và đem lại cho chúng ta những buồn phiền khó dấu... Điều đó, không có nghĩa là anh không nghĩ tới và mong muốn nó xẩy ra. Nhưng em thấy đó, mọi việc đã diễn ra một cách không thể tự nhiên hơn và bình thường hơn được. Sự chia ly, anh muốn nghĩ rằng, sẽ là sửa soạn cho một cuộc tái hợp sau đó mà thôỉ”.


Khi nói những lời này, tôi đã thấy rất rõ, đó là những che dấu và như trốn chạy trước một sự thật.


Em vốn thông minh và nhậy cảm như từ ngày đầu quen biết, kéo tay tôi xuống và đặt lên đó một nụ hôn. Em nói: "Em không nghĩ như anh, để cho rằng chia ly sẽ là sửa soạn cho một cuộc tái hợp nào khác sau đó. Triết lý trừu tượng và phản logique này của anh cứ như là những bối rối và thiếu can đảm thì phải?". Tôi cảm thấy như đứa trẻ ăn vụng kẹo bị bắt quả tang, nhưng cũng đành khẽ cười và nói lại: "Ít nhất là em đã không lòng vòng như anh!" và tiếp tục hút thuốc, nghĩ rằng khói thuốc là để giúp mình như qua tấm màn hầu che đậy được một phần nào đó của sự thật. Sự tương phản của tâm trạng là những điều hầu như chúng ta đều có lần vướng phải, nhưng mức độ "nặng" - "nhẹ" thì không thể như nhau. Bởi vậy, em và tôi đã không cùng có chung một định nghĩa, là thế.


Đêm. Đêm đầy sao, nhưng không như đêm có sao ngập trời lúc Stéphanette dựa lên vai của người chăn cừu để ngủ, trong truyện ngắn của Daudet. Đến mức người chăn cừu đã nghĩ rằng có một vì sao nào đó (nhưng là vì sao sáng nhất trong giải Ngân Hà), đã đi lạc để về dựa ngủ trên vai mình. Tôi đã có được những vì sao nào đi lạc, dựa ngủ trên vai?!


Nhưng bây giờ, chỉ duy nhất là em và đêm thì vô cùng.


Tôi ghé sát tai em, thì thầm: "Em có phải là vì sao đi lạc, đến với anh đêm nay không?". Em nhắm mắt lại, giọng trong tiếng sóng biển: "Anh mới là vì sao lạc, chen vào mái tóc em". Tôi nói: "Em và anh, chúng ta đều đi lạc, đến nỗi sẽ mất luôn nhau, phải vậy không?".Em không trả lời. Và những tiếng sóng ngân vang trong đêm trên bãi, có gềnh đá với hai tâm hồn ngổn ngang trăm mối...


Đêm. Đêm còn rất dài trước mặt. Và cả hai, dù không nói ra, nhưng vẫn biết rằng đoạn đường đi chung đã qua, sẽ có điểm kết thúc khi trời hừng sáng. Để khi đó, những tinh tú sẽ mờ dần trước hừng đông. Stéphanette khi bừng mắt dậy, sẽ không còn nhớ rằng mình đã dựa lên vai chàng chăn cừu để say ngủ. Và chàng chăn cừu sẽ quên rằng, đã có vì sao bay lạc đến bên mình.


Đêm. Và mùi hương từ tóc em như đọng lại cho riêng mình. Em ôm chặt lấy tôi, nói vừa đủ nghe: "Em cũng muốn là một vì sao đi lạc, không tên. Dựa lên vai anh, không phải cho hết đêm nay, mà mãi mãi sẽ vẫn cần một bờ vai để dựa. Cho em bờ vai anh đi...".


Nụ hôn tôi đọng rất lâu trên mái tóc em. Tôi nghĩ rằng với điều này, em không cần phải nghe rõ ra là: "Chúng ta yêu nhau". Và sự chủ quan này đã đưa đến cho chúng tôi đi với nhau đêm nay, tưởng để là nói ra điều không tưởng: "chia ly". Nhưng tự thâm tâm, cả em và tôi đều biết rõ rằng: những vì sao lạc, luôn biết tìm đến nhau để dựa chung mái đầu.


Đêm. Những vì sao lạc và chúng tôi đã tìm lại thấy nhau...