PDA

View Full Version : Truyện Tình - Giang Trân



NgụyXưa
12-23-2016, 12:20 PM
Giang Trân là một bút danh khác của Ngụy Xưa. Thường thì khi viết truyện ngắn, với ít nhiều hư cấu, NX luôn luôn dùng tên thật (TQT), tuy nhiên trong những truyện ngắn mà nhân vật “tôi” là phái nữ thì NX đã dùng một bút danh khác dịu dàng hơn.

Các truyện ngắn của Giang Trân đã được posted tại một diễn đàn khác, và được copied đi nhiều nơi, nhưng NX chưa bao giờ post tại diễn đàn Đặc Trưng. Cuối năm trời nhiều mây, mưa kín khung trời, ngồi buồn nhớ lại những đa đoan của cuộc đời, NX thấy thấm thiá nên muốn chia sẻ với các ACE tại điễn đàn Đ/T, nơi NX sinh hoạt đã hơn mười năm, một chút tâm tình của các bạn thân mà NX may mắn được tiếp xúc trong đời.

“Cuộc đời vui, cuộc đời buồn …”, chúng ta ai cũng có lúc cần có một bời vai nương tưạ, xin hãy rộng lòng cho những cho những người không được may mắn như chúng ta.

Tình thân,

Ngụy Xưa
Dec. 23, 2016

***

Tưởng Như Là Tình Yêu …


Một …

Nghe tiếng mời “Vào đi”, Trọng vuốt lại vạt áo coat, mở cửa bước vào. Người đàn bà ngồi sau bàn giấy bừa bộn vẫn cắm cúi chăm chú nhìn vào cuốn sổ mở rộng trước mặt, chẳng buồn ngẩng lên nhìn, chỉ đưa ta ra hiệu:
- Mời ngồi.
Trọng lặng lẽ kéo chiếc ghế cạnh bàn ngồi xuống chờ đợi. Bà chủ nhà in “Đời Mới” hình như đang chán nản hoặc bực bội với những gì vừa đọc, thở dài đóng cuốn sổ, ngồi thẳng người trong chiếc ghế bành, đưa mắt nhìn Trọng:
- Chào ông. Phải Trọng không?
Trọng gật đầu:
- Vâng. Chào bà.
Trọng nhìn thẳng vào mặt người đàn bà mà anh đã nghe tiếng nhiều lần nhưng hôm nay mới có dịp gặp mặt. Diệp không còn trẻ nhưng nét xuân sắc vẫn còn phảng phất, khuôn mặt trang điểm cẩn thận nhưng vẫn không dấu được những nếp nhăn trên khoé môi. Diệp cũng nhìn thẳng vào mắt Trọng, cái nhìn của gần như soi mói khiến Trọng lịch sự đưa mắt lảng tránh. Diệp ngửa người trên ghế:
- Ông muốn vào làm việc với chúng tôi vậy ông hãy nói qua về mình.
Trọng tằng hắng:
- Thưa bà vâng. Tôi đang thất nghiệp, nghe anh Đỉnh nói bà cần người làm việc trong nhà in ban đêm nên nhờ anh ấy giới thiệu, xin vào gặp bà.
Diệp hững hờ:
- Trước đây ông làm gì?
Trọng thở ra:
- Thợ điện, trước nữa khi còn ở VN thì đủ nghề, kể cả sửa xe, dịch sách, dạy Anh ngữ cho người được phép xuất ngoại.
- Nghe anh Đỉnh nói ông cũng là cựu quân nhân.
- Vâng. Trung Úy Thủy Quân Lục Chiến, xuất thân trường Võ Bị Quốc Gia.
- Ông biết gì về nhà in?
Trọng lắc đầu:
- Không nhiều lắm. Sang Mỹ tôi có viết một cuốn sách về trận Hạ Lào, khi tiếp xúc với nhà in tôi có thấy qua máy móc và cách thức vận hành nhưng không có kinh nghiệm gì cả.
Diệp gật gù:
- Thực ra thì tôi cần người trông coi toán thợ làm việc ban đêm chứ cũng không cần người chạy máy in. Ông đã coi sóc một toán thợ bao giờ chưa?
- Dạ chưa.
- Còn trong quân đội?
- Tôi đã từng là Đại Đội Trưởng, có vài chục lính dưới quyền.
Diệp nheo mắt nhìn Trọng:
- Thế khi lính không nghe lời thì ông làm thế nào?
Trọng mỉm cười vung tay:
- Thì tôi … đập chúng nó thấy mẹ.
Diệp bật cười:
- Thợ không phải là lính, và ở Mỹ này nếu ông đánh đập người ta, họ kiện cho sạt nghiệp.
Trọng nhận thấy câu nói đùa vô lý của mình nên cười trừ:
- Là tôi nói vậy thôi. Nhân viên làm không được việc, nói không nghe thì mình cảnh cáo một lần, tái phạm thì sa thải chứ khó khăn gì, phải không bà.
Diệp thở dài:
- Nguyên tắc thì là như vậy, nhưng kiếm được người thợ vững tay nghề và chịu khó cũng không dễ nên mình cần khéo léo.
Diệp ngừng nói, kín đáo quan sát vóc dáng của người đàn ông ngồi trước mắt. Trọng đã khá nhiều tuổi, có lẽ cũng đã trên dưới sáu mưới, nhưng trông còn rất khoẻ mạnh, tóc hớt cao như thể vẫn còn trong quân đội, thân hình dong dỏng cao, cộng với đôi mắt sáng không đeo kính khiến Trọng trông còn rất trẻ. Diệp hài lòng:
- Để tôi nói qua về công việc cho ông biết. Công ty của chúng tôi in và phát hành cho hầu hết các sách báo, tạp chí và giấy tờ linh tinh cho các cơ sở thương mại trong vùng. Gay go nhất là các nhật báo, phải được in ban đêm, phát hành sáng sớm, trễ nải là coi như hỏng, do đó tôi cần một người làm việc từ 12 giờ khuya tới 8 giờ sáng, coi sóc toán thợ in, đốc thúc họ làm việc chăm chỉ, ông nghĩ thế nào? Liệu có đảm nhiệm được không?
Trọng nhếch mép cười:
- Khó khăn gì. Tôi làm dư sức!
Để thuyết phục Diệp, Trọng sôi nổi tiếp lời:
- Cho tôi ít lâu, tôi học cách chạy máy in được ngay. Anh thợ nào làm khó dễ hay vắng mặt, tôi nhảy vào làm thế, không để việc phát hành trễ nải!
Diệp có vẻ thích thú:
- Thôi được. Tôi sẽ để cho ông thử việc ba tháng. Nếu công việc trôi chảy ông sẽ trở thành nhân viên thực thụ. Anh Đỉnh sẽ chỉ dẫn cho ông những ngày đầu, còn lương bổng thì …
Diệp ngừng nói, viết một con số trên tờ sticky note, trao cho Trọng:
- Như vậy ông có vừa ý không?
Trọng liếc nhìn mảnh giấy, gật đầu:
- Cám ơn bà. Bao giờ tôi bắt đầu?
- Ngay tối mai. Tôi sẽ báo cho phòng hành chánh và anh Đỉnh biết tin. Ông còn câu hỏi gì nữa không?
Trọng lắc đầu:
- Dạ không.
Diệp đứng lên, đưa tay bắt tay Trọng, nói bằng tiếng Anh:
- Welcome aboard.
Trọng cũng đứng lên, xiết nhẹ bàn tay mềm và ấm của người đàn bà, và cũng trả lời ngắn gọn bằng tiếng Anh:
- Thanks.
Diệp để nguyên bày tay mình trong tay Trọng, bàn tay đàn ông vững trãi làm Diệp thấy nôn nao. Đã hai người đàn ông đi qua đời, hai lần đổ vỡ, Diệp không còn nghĩ đến hạnh phúc gia đình, chỉ chú tâm vào công việc, và tạm quên niềm cô đơn bằng những gặp gỡ ngắn ngủi với những người đàn ông xa lạ. Khi Trọng chào giã từ, quay lưng đi ra, Diệp vẫn đứng yên nhìn theo mỉm cười.

Hai …

Sau khi cả hai người đã ngồi yên trước ly cà phê bốc khói, Trọng mở lời:
- Muốn mời anh một ly cà phê để cám ơn anh nhưng bận quá, hôm nay mới có dịp. Anh vẫn khoẻ?
Đỉnh mỉm cười:
- Thường thôi. Bạn bè với nhau đâu cần khách sáo thế. Sao, hơn tháng rồi, công việc không có gì khó khăn chứ?
Trọng nhún vai:
- Có gì mà khó khăn. Coi mấy người thợ, nhắc nhở họ đừng trễ nải, vui vẻ chuyện trò với họ là đâu vào đấy. Tôi cũng đã học được cách thức chạy máy in và máy đóng sách. Trong xưởng in ai cũng dễ chịu. Ngay cả bà Diệp, bà ấy …
Trọng ngần ngừ không muốn nói tiếp nhưng Đỉnh cũng đã hiểu, vì anh làm việc cho “Đời Mới” đã lâu năm, đã thấy và biết rất rõ về bà chủ của mình. Anh nói nhẹ:
- Ông nên cẩn thận. Người đàn bà đó giầu có và đầy thế lực nhưng cũng rất khó làm cho bà ta hài lòng.
- Tôi làm việc hết sức mình, Diệp không có gì phải than phiền.
Đỉnh ngắt lời:
- Không phải chỉ là công việc.
Trọng tần ngần:
- Tôi không hiểu.
- Ông không muốn hiểu thì đúng hơn. Người đàn bà đó muốn nhiều thứ lắm. Nhà in rất phát đạt, và chủ báo nào cũng là con nợ của bà ta nên bà ta nói sao cũng phải nghe nếu không sẽ bị đình bàn, và có thể vỡ nợ. Họ tâng bốc bà ta hết lời.
Trọng ngắt lời:
- Tôi thấy cũng có tờ nói xấu bà ta đấy thôi.
- Ông đừng làm bộ ngây thơ. Đó là tờ báo ở tiểu bang khác, không phải là những tờ báo in tại xưởng nhà, và không là con nợ của Diệp.
Trọng thở dài ngồi yên. Đỉnh đưa mắt dò hỏi:
- Ông gặp riêng bà ta tại nhà chưa?
Trọng nhè nhẹ gật đầu:
- Vài lần.
Đỉnh nhếch môi:
- Và bà ta đã đưa cho ông cell phone riêng, để có thể gọi ông bất cứ lúc nào?
Trọng chỉ cúi đầu không trả lời. Đỉnh thở hắt ra:
- Bây giờ thì ông hiểu là tại sao tôi ngần ngừ khi ông nhờ tôi giới thiệu với bà ta để xin việc làm. Thành phố này ai cũng biết thành tích của Diệp và những người đàn ông bị bà ta vắt chanh bỏ vỏ. Tôi sợ là ông cũng đến thế thôi.
Trọng cười buồn:
- Tôi còn gì nữa mà vắt. Diệp giúp đỡ tôi thì đúng hơn.
- Bà ta đã hứa hẹn với ông những gì?
- Sẽ tăng lương và chính thức trở thành “Giám Đốc Điều Hành” ngay, không cần đợi hết 90 ngày, và …
- Gì nữa?
Trọng ngần ngừ:
- Sẽ ra một tờ nguyệt san để cho tôi làm chủ bút!
Đỉnh lắc đầu ngao ngán:
- Vẫn “Con Đường Xưa Em Đi”!
- Ông nói sao?
Đỉnh cay đắng:
- Còn nói gì nữa. Chúc mừng ông, có địa vị, có tiền, và có cả tình nữa. Nhưng tôi cũng nói để ông rõ, dù rằng có thể ông đã biết rồi. Những người đàn ông trước ông cũng đã qua những ngưỡng cửa đó, cũng được bà ta trao cho trọng trách, cũng yêu nhau thắm thiết nhưng chẳng người nào sống sót quá một năm. Ông rồi cũng chỉ đến thế thôi!
Trọng gục đầu:
- Tôi chấp nhận những điều đó, nhưng tôi cũng tin vào bản lĩnh của mình. Có được tờ nguyệt san là mơ ước của tôi từ lâu. Có điều … Diệp bắt tôi phải …
Trọng lại ngần ngừ không nói tiếp. Đỉnh dục:
- Sao? Phải qùy lạy bà ta hả?
Trọng cười buồn:
- Ông đừng mỉa mai tôi. Diệp … Diệp muốn tôi phải ly dị Oanh vì Diệp không muốn mang tiếng là cặp kè với một người có gia đình!
- Biết mà! Thế ông định ly dị vợ thật hả?
- Tôi không biết. Tôi nói với Diệp cho tôi suy nghĩ ít lâu. Mấy hôm nay tôi không gặp Diệp, nhưng chắc là phải trả lời bà ấy ngay chứ không thể trì hoãn thêm được nữa.
Đỉnh ngồi yên không nói, ly cà phê nguội lạnh trên bàn Đỉnh cũng chưa nhấp môi. Còn gì nữa mà nói, và cũng chẳng phải chuyện của mình, mỗi người đều có một đời sống riêng do họ chọn lựa. Mong là họ ý thức được hành động và hiểu rõ hậu quả. Chỉ tiếc là ít nhiều mình cũng đã góp một bàn tay vào việc làm tan nát một gia đình. Đỉnh thở dài.
Trọng cũng yên lặng, ngồi suy nghĩ mông lung và nhớ tới những giờ phút cuồng nhiệt với Diệp mà đã lâu rồi không còn có với Oanh. Người đàn bà với giọng nói uy quyền tại văn phòng nhưng cũng thật dịu dàng trong những lúc riêng tư.
- Anh.
- Gi cơ?
- Em đọc quyển sách anh viết rồi. Dữ dội như …
Diệp cười khúc khích, không nói tiếp, kéo cao mép chăn che gò ngực trần. Trọng thở ra, vòng tay sau gáy nhìn lên trần nhà:
- Viết để nhớ một đoạn đời mình. Vui buồn cũng đã qua, bạn bè thì người mất kẻ còn, anh sống sót nhưng đời cũng long đong.
- Anh phải là nhà văn chuyên nghiệp hơn là người cầm súng.
- Đâu được chọn lựa!
- Trước đây thì có lẽ không, nhưng bây giờ thì có thể.
Trọng lơ đãng:
- How?
Diệp sôi nổi:
- Em cũng thích văn chương, đã từ lâu muốn ra một tờ nguyệt san, tập tành viết lách cho cuộc đời bớt khô khan. Bây giờ có anh, chúng mình hợp tác nhé. Em bỏ vốn, còn anh làm chủ bút!
Trọng ngạc nhiên, xoay người nhìn Diệp:
- Thật không?
Diệp gật đầu, vòng tay kéo Trọng vào sát mình, thì thầm:
- Yes dear. I love you.

Trọng thở dài nhớ tới lần gặp gỡ riêng tư vừa rồi trong căn nhà gần biển của Diệp. Diệp đã gọi Trọng tới nhà buổi tối nhiều lần để bàn thảo về công việc, về những dự tính tương lai cho nhà in. Những ly rượu mời chào, những ánh mắt tình tứ lả lơi, và cuối cùng là bắt đầu của một cuộc tình. Đề nghị ra tờ nguyện san của Diệp là một bất ngờ. Vào lúc cuối đời bỗng dưng có một cơ hội để làm những gì mình ước mơ khiến Trọng náo nức. Thế nhưng còn Oanh, còn những tháng năm chia ngọt xẻ bùi, còn những kỷ niệm của một thời hoa bướm trên đường phố Sài Gòn những ngày mặc áo lính trở về thăm người yêu. Biết làm sao bây giờ? Trọng ngước mắt nhìn Đỉnh rồi lại cúi đầu loay hoay với ly cà phê vì không biết nói gì hơn với bạn.

Ba …

Tôi an ủi người đàn bà đang nức nở:
- Cô cứ bình tĩnh kể tiếp cho cháu nghe. Mẹ cháu và cô cũng là chỗ thân tình, cháu lại là social worker của cô nên cháu cũng cần biết rõ mọi chuyện để có thể giúp đỡ cô.
Oanh vẫn nghẹn ngào:
- Cô … cô cám ơn cháu.
- Bổn phận của cháu mà.
Oanh đưa tay gạt nước mắt:
- Anh ấy đã bỏ đi mấy tuần, vừa rồi trở về đưa giấy tờ ly dị đòi cô ký.
Tôi ghi vội vài hàng trong tập hồ sơ, nhẹ nhàng hỏi Oanh:
- Cô đã ký chưa?
Oanh gật đầu:
- Anh ấy đã cương quyết như vậy có từ chối cũng không được. Cô thì cũng đành nhưng đứa nhỏ hãy còn đang đi học, mà cô chẳng có cách gì kiếm ra tiền nên phải tới đây xin trợ giúp.
Tôi trấn an:
- Dù có ly dị chú Trọng cũng phải cấp dưỡng cho cô và đứa nhỏ.
Oanh lắc đầu:
- Anh ấy nói cái job mới trả lương không nhiều, và trả bằng tiền mặt nên theo luật anh ấy vẫn thất nghiệp, không thể giúp đỡ gia đình. Nếu có đưa cho cô cũng chỉ được vài trăm một tháng, không đủ sống. Anh ấy nói ly dị rồi cô đi xin trợ cấp vì có con vị thành niên, và không có việc làm, sẽ được khá tiền hơn.
Tôi thở dài:
- Người ta hay lợi dụng những kẽ hở của luật pháp, nhưng còn đứa nhỏ, chẳng nhẽ chú Trọng không thương con?
Oanh rụt rè:
- Đưa bé không … phải là con anh ấy.
Tôi ngơ ngác:
- Sao?
Nước mắt Oanh lại ứa ra sụt sùi:
- Khi anh ấy phải đi cải tạo, gìa đinh cô túng quẫn, chẳng biết làm sao để nuôi các con nên cô đành chắp nối với một cán bộ có quyền thế. Chỉ có cách ấy các con của cô mới có cơm ăn, gia đình cô mới không bị đi kinh tế mới, và cô mới có tiền đi thăm nuôi anh ấy trên cao-nguyên. Cháu biết mà, cô lớn lên rời ghế nhà trường là lấy chồng, đâu có nghề nghiệp gì nên lúc nào cũng nương tựa vào chồng. Khi anh ấy đi “cải tạo” là lúc cô hoàn toàn bơ vơ. Giá mà không có các con thì cô thà chết …
Oanh nấc nên, không nói hết câu. Tôi bùi ngùi, cố nén xúc động:
- Dạ, cháu hiểu rồi. Như vậy đứa trẻ vị thành niên là con riêng của cô và người cán bộ?
Oanh cúi mặt:
- Đúng vậy. Khi anh ấy được thả ra, cô trở về với anh ấy, thú nhận mọi chuyện và khóc lóc xin anh ấy tha thứ.
Tôi lắc đầu:
- Cô đâu có lỗi gì. Chỉ là sự bắt buộc, và trường hợp này cũng xảy ra khá nhiều.
- Anh ấy buồn lắm nhưng rồi cũng chấp nhận. Khi được xét cho đi định cư tại Mỹ, cô nhất định đòi mang theo đứa con riêng, nếu không cô sẽ không đi. Thấy cô cương quyết nên anh ấy đành chịu. Qua đây mọi chuyện đều êm đẹp, các con cô đều đã lớn khôn, có đời sống riêng, trừ đứa nhỏ đó.
Oanh lại ngồi yên thẫn thờ. Tôi hỏi thêm:
- Sang đây chú ấy vẫn thương yêu cô, và lo lắng cho gia đình?
Oanh gật đầu:
- Anh ấy đi làm, cô ở nhà coi sóc nhà cửa và trông nom các con, không giàu có nhưng cũng đủ sống, và anh ấy không bao giờ dằn vặt cô về chuyện cũ, trái lại đi đâu cũng mang cô theo, nhất là khi gặp bạn bè cùng khoá. Cô tưởng như là tình yêu vĩnh cửu, không ngờ đến lúc gần những tháng năm cuối cùng của cuộc đời lại gặp cảnh chua xót bẽ bàng!
Tôi thở dài:
- Tình người!
Oanh ngước mặt lên nhưng đôi mắt như nhìn đâu đó:
- Cháu biết không, mùa hè đỏ lửa anh ấy bị thương, còn chồng một người bạn của cô tử trận. Bạn cô ôm quan tài khóc thảm thiết, cô nghĩ bạn cô là người bất hạnh còn cô dù sao cũng may mắn, nhưng bây giờ thấy mình mới thực sự là người bất hạnh. Bạn cô ít ra vẫn còn một hình bóng để tôn thờ. Còn cô, bây giờ cô mất hết … Giá mà hồi đó anh ấy cũng chết trận, để cho cô nhớ thương một đời! Ừ, giá mà anh ấy chết đi …
Nước mắt Oanh lại ứa ra. Tôi vỗ về:
- Cháu hiểu. Xin chia buồn với cô, và cháu sẽ cố gắng hoàn tất hồ sơ mau chóng để cô sớm nhận được trợ cấp. Mong cô đừng chán nản, nghỉ ngơi chứ đừng nghĩ ngợi nhiều. Cháu sẽ liên lạc với cô thường. Mẹ cháu nữa. Mẹ cháu vẫn thường nhắc tới cô.
Oanh đứng lên:
- Cám ơn cháu.
Tôi cũng đứng lên, đưa tay đỡ Oanh, và tiễn chân cô ấy ra tận ngoài lobby. Nhìn theo cô tôi thấy thật buồn. Trở lại văn phòng tôi vẫn còn thẫn thờ, bỗng dưng tôi nghĩ tới người tôi yêu nên điện thoại cho anh:
- Anh, anh đừng bao giờ bỏ em nhé.
Tôi nghe tiếng anh cười lớn trong điện thoại:
- Sao hôm nay em ngoan vậy. Trước đến giờ chỉ thấy em dọa bỏ anh thôi.
- Hứa đi!
- Hứa! I love you so much, and I love you forever. Sao, bằng lòng chưa?
- Còn cái này nữa.
- Gì nữa nào?
Tôi ngần ngừ:
- Thôi không nói đâu. Anh ở xa quá. Khi nào gặp em sẽ đòi. Bye anh.
Buông điện thoại, tôi cố tìm một lý do xin nghỉ vài ngày để bất ngờ lên thăm anh. Seattle lúc này mưa và gió lạnh, tôi muốn được anh ôm trong vòng tay ấm nồng, và tôi sẽ gục đầu vào ngực anh tìm lại mùi hương. Nghĩ tới người yêu tôi thấy vơi bớt nỗi buồn, nhưng vẫn không quên được dáng đi xiêu vẹo của cô Oanh lúc tiễn cô ra về. Còn có niềm bất hạnh nào hơn khi bị phụ bạc vào lúc cuối cuộc đời? Tôi nhẹ thở dài.

Giang Trân
Jan. 15, 2010

NgụyXưa
12-31-2016, 10:41 AM
Cám ơn các ACE đã tới thăm, và nhất là đã để lại dấu ấn đồng cảm. Cuối năm xin kể thêm một chuyện tình, chẳng biết là buồn hay vui ...

***

Một Tháng Hay Một Năm


Tình cờ gặp lại Vũ trong quán cà phê. Anh hầu như vẫn như xưa, ánh mắt nhìn vẫn ấm áp nhưng có vẻ thoáng buồn.

Tôi hỏi anh về người yêu cũ, anh bật cười cải chính:
- Không thể gọi là người yêu được, lúc đó chúng tôi rất thân nhau nhưng chỉ có tôi yêu cô ấy, còn cô ấy không bao giờ yêu tôi, không bao giờ coi tôi là người tình.
Anh trầm ngâm trước khi nói tiếp:
- Quả tình tôi không biết bây giờ cô ấy vui hay buồn, có lẽ cả hai. Qua bạn bè tôi biết hình như cô ấy có chút cay đắng vì cho rằng tôi đã đem những lời yêu đương dành cho cô ấy trước đây gửi một người khác, và cô ấy nghĩ là tôi đã giả dối trong tình yêu.
Tôi chỉ cưởi, hỏi anh:
- Thật không?
Anh lắc đầu:
- Cô ấy trách tôi mà không nghĩ tới nguyên nhân, và thực ra tôi cũng chẳng có tình yêu mới nào. Bạn bè gặp nhau chào hỏi thân tình chứ không có nghĩa là yêu đương như cô ấy nghi ngờ.
- Anh vẫn còn yêu cô ấy?
Anh thở dài:
- Tôi vẫn nhớ và nghĩ tới cô ấy rất nhiều. Không biết như thế có phải là yêu không!
Tôi bật cười:
- Có thương mới nhớ. Chưa quên tức là vẫn còn yêu.
Anh cũng nhẹ mỉm cười:
- Cái gì cũng cần có thời gian. Một tháng hay một năm rồi cũng qua.
Tôi định hỏi nữa nhưng anh đã xua tay:
- Cô hỏi tôi thế là đủ, còn cô dạo này ra sao?
Tôi cười buồn:
- Cùng một lứa bên trời! Anh không thấy Thúy đi uống cà phê một mình đây sao.
- By choice?
- Cứ cho là thế, vì cũng đâu có lựa chọn nào hơn. Châu về VN dạy học và làm từ thiện. Thúy không có chút cảm tình nào với nơi đó nên không đi theo.
Anh đưa mắt nhìn xa vắng:
- Có một thời tôi cũng muốn làm như vậy nhưng hoàn cảnh không thuận tiện. Cũng may vì bạn bè tôi ai cũng phản đối dù tôi chỉ muốn về phục vụ cho quần chúng, cho lớp người trẻ, chứ không phải cho chế độ.
- Châu cũng nói với Thúy như vậy, nhưng đọc về những gì đang xảy ra bên đó Thúy thấy như đất nước thiếu an ninh, thiếu cả tình người, nhất là đối với những người ở xa về thăm quê hương.
Anh nhìn tôi dò hỏi:
- Cô cũng lớn lên ở Mỹ như Châu, tại sao quan điểm lại trái ngược, nhất là đã học cùng trường, biết nhau từ nhỏ, yêu thương nhau từ khi ra đời?
Tôi thở dài:
- Có lẽ là ảnh hưởng gia đình. Bố Thúy là cựu quân nhân, bị đầy ải hơn mười năm trên rừng núi Bắc Việt, căm thù chính quyền bên đó nên dù rất nhớ thương quê cũ, hơn hai mươi năm nay vẫn không trở về một lần. Ông ấy không can thiệp vào đời sống của Thúy nhưng đã từng nói thẳng với Thúy là sau này không muốn thấy Châu trong nhà mình.
- Ông cụ hơi khắt khe, thế nhưng cũng không trách được những người đã mang một mối thù cá nhân với chế độ hiện thời ở VN như bác.
Tôi buồn rầu nói thêm:
- Thúy cũng không nghĩ là Châu sẽ trở về, và có trở vể cũng sẽ mang theo một cô Tiền Giang tóc dài da trắng, mảnh mai yêu kiều chứ đâu có “tomboy” như Thúy.
Anh lắc đầu tủm tỉm cười:
- Thúy cũng đã khác xưa nhiều. Không còn để tóc ngắn, mặc quần short, đeo backpack, cưỡi xe đạp chạy long nhong trong trường như xưa!
Tôi bật cười nhưng rồi chợt thấy luyến tiếc:
- Ngày vui qua mau, phải không anh? Thoáng một cái mà Thúy đã ra trường được hơn năm năm.
- Vẫn làm cho hãng KPMG International?
- Dạ. Còn anh?
- Long đong hơn Thúy nhiều. Hơn mười năm nay làm cho mấy hãng, và hãng nào cũng lăn quay ra chết ngắc! Hiện đang “between jobs”
- Ha ha! Tại anh ham làm giầu, chọn toàn startups. Đúng không?
Anh gật đầu:
- Thất nghiệp đi chơi long nhong cũng vui. Và cũng có thì giờ viết lách lăng nhăng cho đời đỡ buồn. Cũng như một cuộc tình, niềm thất vọng về đời sống một tháng hay một năm rồi cũng sẽ qua.

Anh nói vậy nhưng mắt anh nhìn xa vắng, có lẽ đang nghĩ tới một điều gì mông lung. Tôi biết anh từ ngày mới vào trường, khi đó anh đang là chủ tịch hội sinh viên VN, và đang làm luận án tốt nghiệp. Anh đã coi tôi và Châu như em, dẫn dắt chúng tôi những bước đầu tiên dưới khung trời trường đại học. Sau này thỉnh thoảng tôi vẫn gặp anh trong những sinh hoạt của cộng đồng người Việt, và cũng nghe bạn bè nói nhiều về anh khi anh và Kiều Oanh, một thời là hoa hậu của trường, gắn bó với nhau.

Uống cạn ly cà phê tôi đứng lên:
- Thúy phải trở về hãng, hết giờ break rồi. Rất vui gặp lại anh, thỉnh thoảng email cho Thúy nhé.

Anh gật đầu, giơ cao tay vẫy chào. Ra tới cửa tôi quay đầu lại, anh vẫn ngồi đó nhìn theo lặng câm. Một mối tình buồn, những ngày trống vắng vì không có việc làm – tôi nghĩ thầm – và bỗng dưng tôi thấy thương anh.

***

Hơn một năm nay, từ ngày Châu về VN theo đưổi lý tưởng của riêng mình, tình yêu của chúng tôi hầu như đã phai mờ. Thỉnh thoảng Châu vẫn viết thư cho tôi, vẫn thiết tha và nhiệt tình với những gì đang làm, vẫn nói là nhớ tôi – I miss you so much – nhưng hầu như không bao giờ nhắc tới những ngày chúng tôi yêu nhau khăng khít. Trả lời Châu cũng chỉ là những lời thăm hỏi thường tình tôi vẫn dùng mỗi khi liên lạc với bạn bè. Tôi cũng không còn cay đắng như xưa khi Châu chia tay tôi, chọn lý tưởng thay vì tình yêu. Có lẽ anh Vũ đã nói đúng, một tháng hay một năm rồi chuyện buồn nào cũng sẽ qua, nếu không có những biến cố làm thức dậy những gì tưởng như là đã chết cùng thời gian. Tôi đã khóc nước mắt nhạt nhoà khi nghe tin Châu sẽ không bao giờ trở về, hay đúng hơn là Châu đã trở về trong chiếc bình đựng tro tàn.

Hạnh, em gái Châu gọi, vừa khóc vừa báo tin:
- Anh Châu mất rồi.
Tôi hốt hoảng:
- Em nói gì? Anh Châu mất rồi sao?
Có tiếng nấc trong điện thoại:
- Cuối tuần anh ấy được một người bạn chở bằng xe gắn máy đi chơi. Anh Châu rất mê chụp hình, đi đâu cũng đeo chiếc camera to đùng, chẳng may bị kẻ gian kè theo xe, giật máy làm anh ấy ngã đập đầu xuống đường, chở vào nhà thương thì đã hôn mê. Mẹ em được tin, lập tức bay về VN nhưng cũng không kịp. Anh ấy qua đời khi mẹ em còn kẹt trong phi trường vì thủ tục hải quan rườm rà.
Không thấy tôi trả lời nhưng nghe tiếng tôi nức nở, Hạnh bùi ngùi:
- Đúng là số phận! Nhưng dù sao thì anh Châu cũng đã theo đưổi và phần nào thực hiện được ước mộng của mình. Gia đình em ai cũng buồn, và em chắc là chị cũng vậy. Mẹ em đã mang tro tàn của anh Châu về chùa Liễu Quán, và sáng chủ nhật tuần này sẽ làm lễ cầu siêu cho anh. Em báo tin để chị tùy nghi.
Cố nén tiếng nấc, tôi thẫn thờ:
- Cám ơn em. Chị sẽ lên chùa dự lễ. Cho chị gửi lời chia buồn với hai bác và gia đinh em.
Hạnh tắt máy sau khi nói thêm vài lời chỉ dẫn đường lên chùa. Tôi lau nước mắt ngồi thừ người nghĩ về những ngày vui khi tôi và Châu có nhau. Ngay lúc đó Vũ gọi chia buồn với tôi vì anh cũng đã nghe tin. Giọng anh trầm ấm nhưng tôi cũng không biết nói gì, chỉ cám ơn anh và vắn tắt hẹn gặp anh trên chùa vào cuối tuần.

***

Liễu Quán là một ngôi chùa nhỏ, ở một nơi xa thành phố nên ít người tới hành hương. Buổi lễ chưa bắt đầu nhưng người nhà của Châu đã có mặt đầy đủ. Tôi ngại ngùng tới chào mẹ của Châu, và lúng túng nói lời chia buồn. Bà ôm tôi khóc vùi làm tôi cũng ứa nước mắt. Từ ngày tình yêu tan vỡ tôi chưa một lần trở lại thăm gia đình Châu nhưng tôi biết mẹ Châu lúc nào cũng thương mến tôi, và trước đây đã từng coi tôi như con cái trong nhà. Rời vòng tay bà, tôi tới gần bàn thờ thắp nhang cúi lạy trước di ảnh người quá cố. Trong hình mắt Châu sáng ngời và nụ cười thật tươi. Tôi thấy đau quặn, và dù không muốn nước mắt tôi lại trào ra lăn dài trên má.

Thân nhân của Châu đều ngồi trước bàn thờ với cuốn kinh mở rộng khi buổi lễ bắt đầu. Tôi lùi lại phía sau, đứng dựa lưng vào tường, mơ hồ nghe lời kinh như từ một cõi xa vời, không biết là Vũ đã đến gần cho đến khi anh nắm nhẹ bàn tay tôi.
Tôi thì thầm:
- Anh mới tới?
Anh gật đầu, ghé sát tai tôi:
- Cũng đã khá lâu nhưng đứng bên ngoài. Có nhìn thấy Thúy thắp nhang cho Châu.
Chúng tôi đứng sát vào nhau cho tới khi tan lễ. Vũ nói nhỏ là anh chờ tôi ngoài sân, trong lúc tôi chào từ giã gia đinh Châu. Mẹ Châu vẫn còn quyến luyến, ôm vai tôi dặn dò, mong tôi tới nhà chơi thường, nhưng tôi biết là tôi sẽ không bao giờ trở lại vì tôi không muốn khơi lại nỗi buồn. Một cuộc tình đã đi qua, tôi còn một đời để sống, để nhớ và để quên.

Gặp lại Vũ ở ngoài sân chùa, tôi nói vu vơ:
- Anh đợi Thúy lâu không?
Anh lắc đầu, hỏi tôi có muốn đi uống cà phê với anh không. Tôi trù trừ rồi nhẹ thở dài:
- Khi khác đi anh. Thúy mệt, muốn về nhà nằm nghỉ một chút. Cám ơn anh đã tới chia buồn.
Anh chỉ nhẹ gật đầu, theo tôi ra tận chỗ đậu xe, mở cửa cho tôi, và khi tôi đã ngồi yên trước tay lái anh mới nói:
- Thúy lái xe cẩn thận. Gọi cho anh khi thấy buồn, hay vì bất cứ một lý do gì.
Tôi nắm nhẹ bàn tay anh:
- Thúy về. Gặp lại anh sau.
Khi xe đã lăn bán, tôi quay cổ lại nhìn. Anh đưa tay vẫy. Bóng anh đổ dài trên bãi đậu xe, trông anh thật cô đơn. Chợt tôi nhận ra là anh đã vừa đổi cách xưng hô. Lần đầu tiên anh xưng “anh” với tôi, và tôi cũng nhớ ra là lúc đứng sát nhau trong chùa anh đã giữ bàn tay tôi trong bàn tay ấm áp của anh thật lâu. Nghĩ tới bóng dáng cô đơn của anh, và sự trống vắng trong lòng mình, tôi ngừng xe bên vệ đường, lấy điện thoại bấm số gọi anh. Khi anh trả lời, tôi nói vắn tắt:
- Anh đến quán cà phê chỗ cũ. Em chờ.
Không để anh trả lời, tôi tắt điện thoại, ngượng ngùng vì mình vừa xưng “em” với anh.

Giang Trân
January 2013

NgụyXưa
01-13-2017, 11:54 AM
Nhện Chờ Mối Ai


Tôi bồng con trên vai, vỗ nhẹ lưng thằng bé, ru con như ngày nào mẹ tôi ru tôi ở quê nhà.

Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai… (Ca dao)

Giọng tôi trầm đục mênh mang một nỗi buồn. Nhện chờ mối ai, còn tôi, tôi mong mỏi gì lúc này ngoài những tháng ngày bình yên mà sao thấy quá mong manh. Anh vẫn ngồi im lìm trước TV nhưng không biết là anh có nhìn thấy những hình ảnh đang nhẩy múa hay là anh đang thả hồn đâu đó, nghĩ đến những buồn phiền của riêng mình, không biết đến tôi đang hiện diện trong căn nhà.

Gần hai năm rồi từ ngày chúng tôi lấy nhau, và bé Dũng cũng đã gần sáu tháng. Tôi biết anh yêu tôi, và đã kiên trì theo đưổi tôi cho đến khi tôi mềm lòng, mặc dù anh biết tôi vẫn chưa quên được Lân khi tôi gật đầu nhận lời cầu hôn của anh. Tôi đã cố gắng quên người tình cũ để yêu anh thế nhưng đôi lúc tôi vẫn nhớ Lân đến thẫn thờ. Anh cũng biết vậy, và nhiều lần tôi đã thấy niềm đau trong mắt anh, thế nhưng những lúc như lúc này làm sao tôi không nhớ đến Lân?

Khi bé Dũng đã ngủ say tôi đặt con trong nôi, đắp cho con chiếc chăn mỏng, hôn nhẹ trên má con trước khi mở cửa bước ra sân sau nhà. Sáng thứ Bảy, trời Arizona trong xanh, nắng vàng nhẹ như tơ trời. Hoa vẫn ngồi im lìm dưới bóng cây, ly cà phê hình như chưa đụng tới. Tôi kéo ghế ngồi gần, lơ đãng nhìn cụm mây trắng lơ lửng trên đầu núi xa xa. Hoa nhìn tôi thở dài:
- Cháu ngủ rồi hả chị?
Tôi gật đầu:
- Thằng bé ngoan lắm. Ngủ say rồi.
Hoa bâng khuâng:
- Mốt chị đi xa, ai trông cháu cho đến khi chị về?
Tôi cố nén nỗi buồn:
- Anh ấy …
- Biết có được không?
- Chị không biết nữa. Nhưng không có cách nào khác. Bà nội cháu Dũng đã qua Texas sống với con gái, nhất định không nhận trông nom cháu. Ở nơi vắng vẻ này không có chỗ nào giữ trẻ nhỏ. Anh ấy vụng về không biết săn sóc con, chị nghĩ hoài nhưng không biết làm sao. Mang con theo thì không được, bỏ việc làm thì lấy gì nuôi nhau, mất nhà nữa, ở đâu bây giờ!
Tôi cố giữ nhưng một giọt nước mắt cũng ứa ra, lăn dài trên má. Hoa trao cho tôi chiếc napkin:
- Chị không thể để tình trạng này kéo dài.
- Chị biết. Đang kiếm việc khác nhưng kinh tế xuống dốc, người ta chỉ sa thải chứ không có hãng nào mượn người.
Cả hai chúng tôi lại im lặng thẫn thờ. Lâu lắn Hoa mới lại lên tiếng:
- Em không hiểu được, tại sao bà cụ … cháu nội mình chứ ai!
Tôi ngần ngừ:
- Trước đây chị cũng thắc mắc như em, nhưng mới đây nghe bà ấy nói bóng nói gió hình như Dũng không phải là con của anh Dinh. Chị vừa tức giận vừa buồn, và cũng tự ái nên cũng chẳng thèm cải chính. Thử DNA là biết ngay Dũng là con anh ấy hay là con người khác chứ khó gì.
Hoa cười buồn:
- Đâu có ngờ! Giá hồi đó chị đừng quá cứng rắn với anh Lân. Ai cũng có những lỗi lầm, và anh ấy đã xin lỗi chị nhiều lần nhưng chị vẫn không tha thứ. Chị tự ái, em biết, muốn trả thù, muốn anh Lân thật đau khổ nên nhận lời lấy anh Dinh để bây giờ làm khổ cả ba người.

Tôi cúi đầu im lặng, ngẩn ngơ nhớ về ngày tháng cũ, ngày tháng say đắm nồng nàn khi Lân và tôi yêu nhau. Tôi khóc thầm, tại sao anh theo bạn bè về VN chơi, tại sao anh có con với người ta để em xấu hổ với gia đinh, để tình yêu chúng mình tan vỡ, để bây giờ anh đau khổ và em cũng đâu có yên vui.

Tôi cố gắng để nước mắt đừng ứa ra, ngẩng mặt nhìn Hoa hỏi cho có chuyện:
- Mai em về Cali?
Hoa gật đầu:
- Sang thăm chị cho khuây khoả, nhưng …
Tôi thở dài:
- Hoa nè.
- Dạ.
- Đừng mắc cùng một lỗi lầm như chị trước đây.
Hoa cười nhẹ:
- Em đâu có gì nghiêm trọng như chị ngày xưa. Chỉ là chuyện vu vơ.
- “Người ta” trở về với người yêu cũ, không liên lạc với em nữa, đúng không?
Giọng Hoa có chút hằn học:
- “Người ta” đâu có yêu thương gì. Chỉ là gian dối, đầu môi chót lưỡi. Em …
- Chị em mình đã tâm sự với nhau nhiều lần, và ngày nào chị cũng vào diễn đàn đọc những bài thơ em post. Chị hiểu em.
- …
- Qua thơ của em và nhất là của “người ấy”, chị thấy được niềm chân tình. Em nói chỉ là thơ, không hề yêu, nhưng chị không nghĩ là người ta có thể viết được những lời nồng ấm như vậy khi trái tim không thật sự rung động. Có lẽ em cũng không hiểu rõ được lòng mình.
- Sao chị nghĩ vậy?
- Đâu có phải là lần đầu. Trước đây cũng đã có vài người viết thư làm quen và làm thơ tán tỉnh em. Nhớ ông Tài, ông Thái không? Khi em “get rid” được họ em vui mừng chứ đâu có bực bội như lần này. Những bài thơ mới đây của em có những câu trách móc, không còn cái mượt mà yêu đương trong sáng như trước đây, khi em và “người ấy” còn giữ được mối giao tình, mặc dù em cố tình viết “không có người tôi vẫn vui”.
Hoa ngần ngừ chống chế:
- Em vẫn vui thật mà. Không có “người ấy” đã có người khác. Chị nhớ Du không? Anh ấy lại mới viết cho em, cả ông Tính nữa, ngày nào cũng chọc cho em cười.
Tôi thở dài:
- Chúng mình đều thuộc nòi “lãng mạn”. Chị sợ là em rồi cũng như chị, sẽ khổ vì tình.
Hoa không trả lời, chỉ mỉm cười vu vơ. Tôi cũng giữ im lặng ngước mắt nhìn làn mây trắng bồng bềnh trôi tận cuối trời, thở dài nghĩ tới những ngày sắp tới, bỏ con tại nhà cho Dinh, qua New York vì công việc, không rõ là một tuần hay một tháng mới trở về.

***

Hoa đã trở về Cali. Tối Chủ Nhật tôi đã xếp xong valise để mai lên đường sớm. Dinh vẫn im vắng ngồi bất động ngoài phòng khách nhìn ra ngoài đêm đen. Tôi biết là nếu tôi mở lời thì có thể lại xảy ra chuyện cãi cọ nhưng không có cách gì khác hơn, chỉ biết cố gắng thật nhẹ nhàng:
- Mai sáu giờ anh đưa em ra phi trường nhé.
Dinh nhìn tôi dò xét:
- Sao sớm vậy?
Tôi phân trần:
- Tám giờ sáng máy bay cất cánh. Từ nhà ra phi trường cũng mất nửa tiếng đồng hồ, còn phài check-in, xếp hàng qua security nhiều khi rất lâu. Sáu giờ không quá sớm đâu anh.
Dinh trả lời cộc lốc:
- Sáu giờ con còn ngủ!
- Em sẽ dạy sớm, lo cho con đầy đủ trước khi chúng mình cùng ra phi trường. Em biết là phiền anh và khổ con, nhưng …
Tôi như muống nghẹn lời. Dinh chua chát:
- Biết vậy sao em không xin miễn.
- Em đã giải thích nhiều lần với anh. Nghề auditor của em đòi hỏi em phải tới tận nơi xem xét sổ sách kế toán của các công ty trước khi ký giấy tờ chứng nhận. Lần trước em đã khai bệnh không đi Boston vì anh nghi ngờ em qua đó “gặp thằng ấy”! Anh biết là từ lâu Lân không còn liên lạc với em, không rõ là anh ấy còn dạy ở Boston University nữa hay không, nhưng chỉ vì muốn làm anh vui lòng em đã phải nói dối. Lần này em không thể nào từ chối đi New York, nếu không muốn nghỉ việc luôn.
Dinh hậm hực:
- Nghỉ thì nghỉ, chết ai đâu mà sợ.
- Anh biết là em đang cố gắng tìm việc khác, một công việc không phải travel để có thì giờ ở nhà chăm sóc con. Chưa có công việc mới mà thôi việc đang có ngay lúc này thì xoay sở ra làm sao? Ước gì anh anh kiếm được nhiều tiền hơn để em khỏi phải đi làm.
Nói xong câu đó tôi biết là mình đã lở lời. Dinh vẫn có mặc cảm nghề địa ốc của anh lúc này sa sút, và anh không làm ra tiền nhiều bằng luơng accountant/auditor của tôi. Mắt Dinh long lên, cằm bạnh ra:
- Em nghĩ anh là thằng vô dụng, không lo được cho gia đinh. Đúng không?
Tôi vội vàng:
- Ý em không phải thế. Anh đừng hiểu lầm em.

Dinh không buồn trả lời, lặng lẽ đứng lên mở cửa bước ra ngoài. Tôi nghe tiếng máy xe gầm rú, tiếng bánh xe cọ xát trên đường nhựa trong đêm vắng và rồi tất cả chìm vào vắng lặng mênh mông. Nước mắt lại ứa ra, tôi nặng nề bước vào phòng ngủ, co mình như con tôm trên giường, đau như thể là có ai đang bóp nát trái tim.

Tôi thiếp đi lúc nào không biết, cho đến khi có người lay nhẹ vai tôi:
- Em …
Tôi mở mắt, duỗi thẳng người. Dinh ghé sát vào mặt tôi, tiếng anh run rẩy:
- Em, anh xin lỗi …
Tôi dùng cả hai bàn tay ôm lấy khuôn mặt Dinh, trong ánh đèn mờ tôi thấy mắt anh hình như ướt, lòng tôi chùng xuống:
- Anh!
Ôm sát đầu anh vào ngực, rôi thì thầm:
- Em đã làm anh buồn. I’m so sorry.
Anh trườn người, hôn nhẹ lên môi tôi:
- Anh lái xe lang thang, suy nghĩ nhiều và thấy mình đối xử với em quá hẹp hòi. Lúc này chúng mình không có giải pháp nào tốt đẹp hơn. Mai anh đưa em ra phi trường. Em yên tâm anh sẽ trông nom con cẩn thận, có gì cần anh sẽ điện thoại để em chỉ dẫn cho anh. Mọi chuyện rồi sẽ yên. Em đừng lo lắng nữa.
Tôi vuốt ve mái tóc anh:
- Cám ơn anh đã hiểu cho nỗi khổ tâm của em. Em sẽ điện thoại về hàng ngày. Buổi tôi nhớ lên nét chat với em. Em thật sự không muốn xa con và xa anh.
Anh ôm chặt tôi vào lòng:
- I’m going to miss you.
Anh luồn tay vào trong chiếc áo ngắn tôi mặc trong nhà. Tôi rùng mình, trái tim đập mạnh, người tôi nóng hổi, và chúng tôi yêu nhau thật nồng nàn.

Đêm yên vắng, không một tiếng động ngoài tiếng thở điều hoà của anh. Tôi nằm im tận hưởng những giây phút bình yên của cuộc đời vì biết rằng có thể chỉ là những giây phút rất mong manh.

Giang Trân
January 2013

NgụyXưa
02-10-2017, 02:17 PM
Có Nhau Bên Đời


Tôi định đưa tay gõ cửa nhưng rồi tôi đứng lặng yên. Tiếng dương cầm từ trong nhà vọng ra nghe mơ hồ. Anh luôn luôn đợi tôi bằng tiếng đàn, để tạm quên thời gian như ngừng lại vì chờ mong. Tôi như nhìn qua được cánh cửa, thấy anh mắt nhắm hờ, mái tóc xoã che vầng trán, thân hình nghiêng ngả theo dòng nhạc trong lúc những ngón tay trắng dài lướt nhanh trên phím đàn. Tôi yêu tiếng đàn của anh, tiếng dương cầm mang chúng tôi lại gần nhau, và tôi yêu anh.
Khi tiếng đàn đã chìm lắng vào buổi trưa mùa hè, tôi vuốt lại mái tóc, kéo lại tà áo trước khi rụt rè đưa tay gõ nhẹ cánh cửa gỗ nâu hồng. Anh ra mở cửa cho tôi, nhẹ mỉm cười. Tôi gọi khẽ như nói thầm “Anh”, và kiễng cao gót chân hôn nhẹ anh trên vành môi.
Anh dìu tôi tới chiếc sofa kê giữa phòng khách:
- Mang gì cho anh thế này?
Ngồi xuống ghế, tôi dụi đầu vào vai anh:
- Kẹo ngậm cho anh đó. Hôm rồi em thấy anh húng hắng ho.
Anh nhẹ thở dài:
- Cám ơn em. Anh đã gần như bình thường.
Mỗi lần gặp gỡ chúng tôi không nói với nhau nhiều. Tôi thích dựa vào anh, cầm bàn tay anh lên mơn trớn, bàn tay và tiếng đàn tôi yêu, lâu lâu đưa nó lên môi hôn. Anh chỉ yên lặng nhìn, xoa lưng tôi, và lâu lâu buông nhẹ một tiếng thở dài.

Không phải là mối tình đầu. Cả anh và tôi đều đã trải qua một cuộc tình đổ vỡ. Tôi quen anh tại tiệc cưới của Trúc vì anh và tôi là hai kẻ cô đơn được xếp ngồi gần nhau. Lại thăm anh những lần sau đó, mê đắm tiếng đàn của anh, tôi không chờ anh tỏ tình, đã gục đầu vào vai anh một lần khi anh tiễn tôi ra về. Anh ôm tôi, bàn tay anh run rảy, môi anh chạm trên mái tóc, và tiếng anh thì thầm:
- Cám ơn em.
Tôi rướn người tìm môi anh, thì thào: “I love you”, và chúng tôi hôn nhau lần đầu.

Tôi đã là người đàn bà trưởng thành nhưng với anh tôi như “con mèo ngái ngủ trên tay anh”. Anh nâng cầm tôi lên, nhìn vào mắt tôi:
- Tới giờ em phải trở lại sở rồi đó.
Tôi lắc đầu, nghiêng người như muốn lăn vào lòng anh:
- Cho em ngồi với anh chút nữa. Chiều nay department không có họp hành gì cả, em về muộn một chút cũng không sao.
Anh luồn những ngón tay vào tóc tôi, tiếng anh rất nhỏ, kèm theo tiếng thở dài:
- Ước gì …
Tôi chồm dạy, vòng tay ôm cổ anh:
- Gặp em không vui sao mà cứ thở dài. Anh biết mà, em yêu anh nhiều lắm. Được gần anh như thế này là em đủ vui. Em không mong gì hơn. Anh … anh đừng nghĩ ngợi xa xôi.
Anh vuốt tóc tôi nhưng mắt anh nhìn xa vắng. Tôi đứng lên, kéo anh lại gần và chủ động hôn anh trước khi quyến luyến nói lời giã từ.

***

Đã gần nửa đêm, tiếng chuông gọi cửa là tôi bực mình. Tôi không muốn ra khỏi giường, nhưng tôi biết là Công sẽ không để tôi yên, sẽ đập vào cửa liên hồi, gây náo loạn trong khu apartment yên tĩnh về khuya.
Tôi mở cửa, nhăn mặt vì điếu thuốc lá Công cầm trên tay:
- Giờ này anh còn tới đây làm gì?
Mặc tôi nhăn nhó, Công vứt điếu thuốc lá xuống sàn gỗ, lấy chân dập tắt đốm lửa, và cười nhăn nhở với tôi:
- Tới thăm con chút hổng được sao.
Tôi gắt gỏng:
- Con ngủ rồi. Không được phá nó.
Công lại cười, nắm cánh tay tôi, đẩy về phía phòng ngủ:
- Vậy thì tới thăm em. Hì hì …
Tôi hất tay Công ra:
- Đừng có nham nhở. Tôi với anh đâu còn gì. Anh đã ra khỏi nơi này hơn năm nay rồi, không nhớ sao!
Công vẫn lì lợm, xông tới ôm lấy tôi:
- Anh vẫn thương em mà.
- Xí, đừng xạo nữa.
- Hổng thương sao về thăm em hoài nè.
Tôi vùng thoát khỏi vòng tay Công, chạy vào phòng ngủ, định đóng cửa khoá lại nhưng không kịp, Công đã lẻn vào, đẩy mạnh tôi xuống giường. Tôi hét lên:
- Anh không buông tôi ra tôi la lớn đó.
Giọng Công đã bắt đầu lè nhè, trong lúc tay luồn vào trong áo tôi:
- Thôi mà. Em có la lớn cũng đâu có hàng xóm nào nghe. Con nó thức dạy thấy kỳ lắm.
Công leo lên người tôi. Tôi vẫn cố dãy dụa, không để Công kéo chiếc quần lót của tôi xuống, nhưng mỗi lúc tôi mỗi yếu dần, không còn cựa quậy nổi, mặc Công hăm hở trên người tôi, y như xưa khi chúng tôi còn là vợ chồng. Hơi nóng từ thân thể Công lan dần sang tôi, mắt tôi từ từ nhắm lại, vòng tay ôm bờ vai, rướn người đón nhận thân hình Công.
Khi cơn khoái cảm tới tột cùng, tôi bật lên một tiếng rên, và cũng là lúc Công nằm vật xuống bên cạnh tôi, cười nham nhở:
- Thích thấy mồ mà còn làm bộ.
Tôi gác cánh tay phải lên che mặt, co chân đạp Công ra khỏi giường:
- Anh cút đi cho khuất mắt tôi.
Công cười hề hề, nhặt quần áo đi ra khỏi phòng, khua cánh tay:
- See you later!.
Tôi dấu mặt xuống gối, nước mắt tôi muốn trào ra. Tôi nhớ tới anh, tôi nhớ bàn tay dịu dàng trên cánh tay, trên bờ vai, trên mái tóc mỗi lần anh vuốt ve tôi. Tôi yêu anh, nhưng tôi là đàn bà, và tôi biết là có ngày Công sẽ trở lại, như hôm nay!

Tôi không quên được buổi tối đó. Tôi tới với anh, và muốn cùng với anh lên tới tuyệt đỉnh yêu thương, nhưng tôi bật khóc vì ngượng ngùng khi anh đẩy tôi ra. Mặt tôi đỏ bừng vì cơn ham muốn hãy còn đong đầy. Mặt anh cũng đỏ ửng, nhưng hằn nét đau. Anh gục đầu thu mình vào một góc sofa, tôi cũng cúi mặt, kẹp hai bàn tay giữa đùi. Chúng tôi ngồi như thế lâu lắm tôi mới khó khăn mở lời:
- Em xin lỗi anh. Tại em yêu anh … em yêu anh nhiều lắm anh biết không?
Anh ngửng đầu, quay mặt nhìn tôi. Không có đôi mắt nào buồn hơn, và không có tiếng nói nào xót xa hơn:
- Tại anh chứ không phải lỗi của em. Em xích lại đây, lại gần anh để anh nói cho em nghe chuyện buồn này.
Tôi dạ nhỏ, và rụt rè xích lại gần anh. Anh vươn cánh tay ôm bờ vai tôi, hôn nhẹ lên dòng nước mắt còn đầm đìa trên má tôi:
- Em ly dị với Công vì tính tình phóng đãng của anh ấy, còn anh, em có biết vì sao anh và Phương xa nhau không?
Tôi lắc đầu:
- Em chỉ nghe Trúc nói là hai người không hợp tính nhau.
Anh cười buồn:
- Không hẳn là vậy. Tính anh em đã biết, anh lúc nào cũng chiều chuộng và khoan dung với người anh yêu, và anh rất yêu Phương.
Tôi e dè:
- Như vậy chị ấy phải có lỗi lầm gì ghê gớm lắm khiến anh không tha thứ được?
Anh lắc đầu, thở dài:
- Không phải vậy. Phương … Phương cũng rất yêu anh, nhưng rồi bọn anh đành đọan chia tay chỉ vì …
Giọng anh nghẹn ngào, mặt anh co lại đau đớn như vừa bị quất mạnh một ngọn roi. Tôi nắm chặt bàn tay anh:
- Anh … anh không cần nói cho biết chuyện buồn của riêng anh.
- Em phải biết, vì em là người chịu thiệt thòi. Anh rất đau khổ nhưng em cần biết.
Anh ngừng nói, như cố nuốt nỗi đau trước khi đưa mắt nhìn xa xôi:
- Anh bị một cơn bệnh, yếu đến độ không đi nổi, bác sĩ cho uống nhiều thứ thuốc cực mạnh, kể cả hóa trị. Anh dần dần bình phục, gầy đi nhiều và xanh xao, nhưng …
Anh lại ngừng nói, nuốt nước bọt, tôi cũng yên lặng, xiết nhẹ bàn tay anh, và dựa vào vai anh, chờ cho cơn xúc đông của anh qua đi. Cuối cùng anh cũng nói cho tôi biết nỗi đau quằn quại dày vò anh bấy lâu nay::
- Anh không còn khả năng…, dù vẫn còn đôi chút ham muốn. Bác sĩ cũng bó tay. Còn Phương, Phương khóc nhiều lắm, giấc mơ có con cái và gia đinh êm ấm tan thành mây khói, hơn nữa luôn luôn phải đè nén nhu cầu ham muốn của người đàn bà khiến Phương gục ngã. Phương bỏ đi, và một năm sau gửi giấy tờ ly dị về cho anh ký. Anh không trách Phương nhưng đau xót vô cùng. Nhiều năm rồi anh sống cô đơn, hầu như quên hết chuyện tình cảm, cho đến khi anh gặp em. Đáng nhẽ anh không nên yêu em. Anh … anh thật là có lỗi với em.
Nét mặt anh lại hằn lên nỗi đau như bị roi quất, nước mắt tôi nhạt nhoà, tôi bàng hoàng, gục đầu vào ngực anh, không biết nói gì để an ủi anh. Anh nâng đầu tôi lên:
- Bây giờ em biết hết rồi. Anh yêu em, nhưng không dám giữ em cho anh. Một ngày nào rồi em cũng như Phương mà thôi.
Tôi nhìn anh xót xa:
- Em hiểu rồi, nhưng em vẫn yêu anh. Anh, tình yêu đâu chỉ là xác thịt. Chúng mình đã với nhau những tháng ngày lãng mạn, đã đi với nhau trong những con đường vắng, những chiều hoàng hôn xem mặt trời lặn trên bãi biển, những buổi tối ôm nhau trên balcony nhìn sao trời, và tiếng đàn của anh.. Em còn muốn được mãi như vậy.
Anh lắc đầu:
- Những lãng mạn đó rồi cũng phôi pha. Không có cuộc tình nào lý tưởng mãi như vậy được đâu.
Tôi cố thuyết phục anh:
- Đâu ai biết trước được đoạn cuối của một chuyện tình, nếu không đi hết con đường. Em tin là tình yêu của chúng mình đủ mạnh để chỉ yêu nhau bằng tâm hồn.
Tôi nắm tay áo anh giật nhẹ:
- Anh nhé, đừng hất hủi em. Em yêu anh và không bao giờ muốn xa anh.
Anh không nói, chỉ gục đâu ngồi yên lặng. Tôi mạnh bạo đứng dạy, kéo anh lên, vòng tay ôm anh:
- Anh xem này, nếu anh muốn làm em sung sướng tận cùng, anh vẫn có thề làm được. Anh … anh hôn em đi.
Anh buồn dầu nhìn tôi, dùng cả hai tay kéo đầu tôi lại, nhưng chỉ hôn nhẹ lên bờ môi.

Kể từ hôm đó tôi thường tới anh vào buổi trưa, mang thức ăn để vừa ăn vừa thủ thỉ chuyện trò. Có những buổi tối mẹ tôi trông dùm bé Trang, tôi thường tới rủ anh ra biển, lang thang dọc theo con đường lộng gió, trước khi đưa nhau đi uống một ly cà phê ấm nồng.

***

Công vẫn thường tạt qua apartment nơi mẹ con tôi trú ngụ, và dù không muốn thỉnh thoảng tôi vẫn để Công ở qua đêm. Tôi không bao giờ dám hé răng nói với anh chuyện đó, nhưng Trúc ở gần nên biết rõ. Nó sỉ vả tôi trong lúc tôi gục đầu:
- Tại sao mày còn để cho tên loser đó về nhà. Nó vô trách nhiệm, chẳng thương yêu gì mày, chỉ lâu lâu cần thân xác mày để giải khuây.
Tôi chống chế yếu ớt:
- Taị còn bé Trang. Nó vẫn còn quyến luyến cha nó. Còn tao … tao không biết.
Trang thở hắt ra:
- Mày thực sự cần một người đàn ông đàng hoàng. Để tao giới thiệu Vỹ cho mày.
Trang không biết là tôi yêu anh. Nó hăng hái nói thêm:
- Vỹ làm chung I.T. department với tao. Vợ người Tàu ngoại tình nên đã ly dị. Xứng đôi với mày, và đủ sức bảo bọc cơm áo cho mẹ con mày.
Tôi hững hờ:
- Biết người ta có thích mình không!
- Chưa gặp thì làm sao biết. Cứ để đó cho tao.
Tôi cười trừ:
- Thôi đừng chửi tao nữa. Ừ, bữa nào gặp thì gặp.

Vỹ đến apartment đón tôi với một bó hoa nhiều màu. Chúng tôi nói vài câu khách sáo chào hỏi trước khi Vỹ lịch sự dẫn tôi ra chiếc BMW để tới một tiệm seafood gần bờ biển. Tôi chỉ muốn làm vui lòng Trúc chứ không có ý định gì nên cũng chẳng trang điểm, và ăn mặc rất thoải mái. Vỹ trái lại mặc sport coat, không mang tie nhưng áo shirt trắng tinh cử chỉ lịch sự như Tây chính hiệu làm nhiều lúc tôi phải tủm tỉm cười.
Đúng lúc Vỹ chồm người qua bàn, ân cần hỏi tôi thích uống gì thì anh được người waiter dẫn vào bàn kế bên. Tôi sững sờ nhìn anh, trong lúc anh cúi mặt ngó đi chỗ khác như thể là không thấy tôi nhưng cũng đủ cho tôi thấy nét mặt đau như bị roi quất ngày nào.
Tôi gọi khẽ:
- Anh Phong!
Nhưng anh làm như không nghe thấy, lặng lẽ đi ra phiá cửa, bỏ mặc người bồi bàn đứng ngơ ngác. Tôi muốn đứng lên chạy theo anh nhưng lúng túng vì bất ngờ. Vỹ vẫn cắm cúi nhìn vào tấm thực đơn to lớn nên không thấy nét mặt hốt hoảng của tôi, chỉ khi nghe tôi gọi tên anh mới ngửng lên đưa mắt nhìn:
- Thục thấy người quen hả?
Tôi thờ thẫn lắc đầu:
- Tưởng vậy, nhưng không phải.
Đèn trong tiệm ăn tối mờ nên Vỹ không thấy nét mặt khác lạ của tôi, vẫn vồn vã đề nghị món ăn, và order bằng thứ tiếng Anh chuẩn như người bản xứ. Vỹ cười với tôi:
- Tôi phải cám ơn Trúc, đã giới thiệu cho tôi một người bạn thật là dễ thương.
Tôi mỉm cười nói mấy câu khách sáo, yên lặng nghe Vỹ nói về mình và chi trả lời những gì Vỹ hỏi chứ không hề chủ động trong câu chuyện. Vỹ nghĩ là tôi còn e dè vì mới gặp nhau lần đầu nên không quan tâm, có biết đâu rằng lúc đó tôi chỉ nghĩ tới anh, tới nét mặt đau đớn của anh mà thương anh đến xót xa.

Trên xe về nhà tôi yên lặng, có trả lời Vỹ thì cũng chỉ là những câu nhát gừng. Ngay khi Vỹ mở cửa xe, tôi vội vã cám ơn, chào Vỹ và chạy ngay vào nhà, không đợi Vỹ dẫn tôi tới cửa theo phép lịch sự. Tôi gọi ngay cho anh nhưng điện thoại reo nhiều lần mà không ai bốc máy, không biết anh chưa về nhà hay thấy ID của tôi nên không trả lời. Tôi gọi nhiều lần nhưng không có kết quả, thẫn thờ ngồi vào bàn viết gửi email cho anh.

“Anh,

Em biết là đã làm anh buồn vì đi chơi với một người bạn mới quen mà không cho anh biết. Anh ấy chỉ là bạn thôi và là đồng nghiệp của Trúc. Em chỉ yêu anh, một mình anh. Anh tha lỗi cho em.

Hãy gọi cho em bất cứ lúc nào, dù là nửa đêm. Em thương nhớ anh vô cùng.

Hôn anh,

Em.”

Anh không bao giờ gọi lại, cũng không trả lời email. Hôm sau và nhiều hôm sau nữa tôi đến tìm anh, gõ cửa đến đau ngón tay nhưng vẫn không có người trả lời. Cũng không có tiếng dương cầm. Anh nằm trong phòng ngủ vùi hay anh đã đi đâu đó để tránh mặt tôi. Anh dạy nhạc tại City College nhưng lúc này trường đóng cửa nghỉ hè, tìm anh ở đâu bây giờ? Cuối cùng tôi tới gặp người manager của khu apartment anh cư ngụ, nhờ ông ta mở khoá xem có chuyện gì xảy ra cho anh không, thì mới được biết là anh đã trả phòng, dọn đi nới khác và không để lại địa chỉ liên lạc. Tôi bật khóc trước đôi mắt ái ngại của người Mỹ già. Ông ta vỗ nhẹ vai tôi:
- It’s OK. Don’t be sad, lady.

***

Đã hơn sáu tháng từ ngày anh bỏ tôi mà đi. Vỹ càng ngày càng yêu tôi, muốn làm lại cuộc đời với tôi, ngay khi giấy tờ ly dị với cô vợ người Tàu kết thúc. Tôi cũng đã chán ngấy cái mùi nồng nặc của Công mỗi lần Công ghé lại nên nói với Vỹ là anh có thể move-in với tôi bất cứ lúc nào. Tôi biết tôi vẫn cần một người đàn ông cho cái xác thịt yếu mềm, nhưng dù sống với ai tôi cũng không quên anh.
Anh đã bỏ đi nhưng tôi biết là anh vẫn còn yêu tôi, tôi tin thế, và tôi cũng vậy, tôi vẫn yêu anh. Tâm hồn chúng tôi đã thuộc về nhau, dù có anh ở gần hay xa cách, chúng tôi vẫn thuộc về nhau, vẫn có nhau bên đời.

Giang Trân
June 20, 2010