PDA

View Full Version : Nhìn Lại Mình - TRÍCH ĐOẠN 5: VÒNG LUẨN QUẨN - NHẠC HAY, NHẠC DỞ



LeKhoi
11-05-2011, 02:01 PM
TRÍCH ĐOẠN 5: VÒNG LUẨN QUẨN - NHẠC HAY, NHẠC DỞ

………………………

Những suy nghĩ về âm nhạc Việt Nam đã đến với tôi từ lâu rồi, nhưng động cơ thúc đẩy tôi viết về những điều sau đây bắt nguồn từ một bài báo tôi đọc được nói về tình hình âm nhạc hiện đại trong nước. Bài báo đại khái kể lại rằng trong một cuộc họp bàn thảo về âm nhạc Việt Nam hiện nay nhiều nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo, v.v. đã tỏ ý buồn bã và than phiền là nhạc Việt Nam bây giờ chất lượng kém quá, kỹ thuật nhạc yếu đuối, lời ca trống rỗng, còn ca sĩ thì hát dở và sai quá nhiều. Một số người chỉ ra rằng có nhiều nhạc sĩ sáng tác và ca sĩ bắt chước nhạc nước ngoài thành ra những bài hát nghe không khác gì nhạc Trung Quốc, Hàn Quốc, hoặc ca sĩ thì thích gào thét hay thêm thắt, luyến láy cho giống Tây phương nhưng nghe thật khó chịu cái ... lỗ tai và dở. Tôi chỉ đồng ý một phần với những ý kiến trên. Tôi sẽ đưa ra một vài nhận xét chủ quan về tình hình âm nhạc Việt Nam hiện nay và bàn về cái vòng lẩn quẩn để giải thích tại sao âm nhạc Việt Nam bây giờ không có chất lượng cao.

Khi nhìn vào nền âm nhạc Việt Nam hiện nay, tôi không có những cái nhìn hoàn toàn bi quan chỉ thấy những cái không hay. Mặc dầu tôi đồng ý ở một số mặt, âm nhạc Việt Nam hiện nay còn nhiều giới hạn, nhưng bên cạnh đó cũng có những điều tiến bộ và đáng khen ngợi.

…………………….

Xin trở lại nhận xét của một số nhạc sĩ về âm nhạc Việt Nam sau này có quá nhiều bài không hay về kỹ thuật cũng như lời hát và nhiều nhạc sĩ bắt chước nhạc nước ngoài. Ðiều quan trọng ở đây là tìm hiểu tại sao lại có trường hợp như vậy. Tôi có một lý do để giải thích cho vấn đề đó; đó là môi trường sáng tác. Tôi nghĩ rằng trong một môi trường mà sự diễn tả suy nghĩ bị nhiều giới hạn trong một thời gian dài thì dĩ nhiên khả năng sáng tạo và khả năng sáng tác của con người bị mất đi hoặc bị giảm đi rất nhiều. Ðiều đó làm cho sản phẩm của sự suy nghĩ và đầu óc thông qua âm nhạc hay bất cứ hình thức nghệ thuật nào khác bị giảm chất lượng. Mặt khác trong một môi trường mà những tác phẩm âm nhạc hay, những tác phẩm âm nhạc lớn về kỹ thuật cũng như tâm hồn và ý nghĩa không được phổ biến và truyền bá hoặc giảng dậy thì dĩ nhiên sự phát triển âm nhạc sẽ bị chậm lại hoặc thụt lui.

Cũng xin lưu ý một điểm rất quan trọng là sự giới hạn của những tác phẩm hay này có hại trong hai lãnh vực. Lãnh vực thứ nhất là khả năng trau dồi học hỏi và cải tiến của các nhạc sĩ và ca sĩ bị mất đi. Lãnh vực thứ hai là khán giả không còn được nghe và thưởng thức những tác phẩm hay nữa thì khả năng thưởng thức, trình độ phân tích nhận xét về âm nhạc của họ sẽ kém đi. Kết quả là mọi người sẽ dễ dàng chấp nhận những tác phẩm không có chất lượng. Ðây là điều rất nguy hại vì cả một tổng thể rất lớn nhiều người trong xã hội bị giảm sút khả năng thưởng thức và khả năng phân tích âm nhạc, một lãnh vực rất quan trọng trong một nền văn hoá.

Qua phân tích ở trên chắc có lẽ các bạn cũng đã thấy được một cái vòng lẩn quẩn bắt đầu hình thành rồi. Trong một môi trường mà sự diễn tả suy nghĩ bị gò bó, giới hạn, hoặc cơ hội học hỏi không được rộng mở thì sẽ sản sinh ra ít nhạc sĩ có tài. Ít nhạc sĩ có tài thì sẽ ít nhạc phẩm hay. Những nhạc phẩm không hay này đáng buồn thay lại được thưởng thức bởi rất đông mọi người vì những người này đã bị mất đi hoặc giảm đi khả năng thưởng thức và suy luận âm nhạc vì sống trong môi trường như trên. Và vì những nhạc phẩm đó được đám đông thưởng thức nên các nhạc sĩ lại tiếp tục sáng tác những nhạc phẩm ở mức độ chất lượng như vậy (hoặc chưa sáng tác được những nhạc phẩm ở mức độ cao hơn) hòng nhằm thoả mãn đám đông. Ðám đông tiếp tục nghe và thưởng thức, tác giả tiếp tục sáng tác. Cứ như vậy xoay vòng.

…………………….

Nhân tiện đây tôi xin được bày tỏ một vài suy nghĩ cũng liên quan tới âm nhạc trẻ theo phong cách Tây phương ở Việt Nam hiện nay. Những suy nghĩ này xin gửi đến các bạn trẻ ở Việt Nam, và hy vọng các bạn sẽ đọc được những dòng chữ này. Tôi biết nhiều nhạc sĩ trẻ ở Việt Nam đang cố gắng học hỏi từ âm nhạc của các nước khác và đã sáng tác nhiều nhạc phẩm khá hay. Có nhiều nhạc phẩm của các bạn tôi rất thích. Bên cạnh đó dĩ nhiên có một số tác phẩm chưa hay lắm. Ðó là điều tự nhiên thôi. Tôi nghĩ điều này không sao cả vì chúng ta chỉ mới được thoải mái sáng tác sau này thôi. Chúng ta vẫn còn đang học hỏi và vẫn còn tiếp tục cải tiến thêm. Phải có nhiều bài hát thì mới kiếm được những bài hay. Ðiều quan trọng là chúng ta phải càng ngày càng tăng số lượng bài hay trong tổng số bài hát.

Ðối với các ca sĩ cũng vậy. Tôi thấy một sự cố gắng rất lớn của các ca sĩ để làm cho bài hát của mình được đa dạng qua những cách luyến láy, thêm những chữ u, a, e, hoặc đổi giọng, và “gào thét”, v.v. Mặc dầu bây giờ những kỹ thuật đó vẫn còn “crude” và chưa hay theo ý cá nhân tôi, nhưng đây là bước đầu, là giai đoạn thử nghiệm. Phải có thử nghiệm thì mới học hỏi được và cải tiến cho tốt hơn. Qua thời gian tôi tin tưởng các kỹ thuật trên của ca sĩ Việt Nam sẽ hay hơn nhiều. Tôi mong các bạn sẽ ngày càng cải thiện hơn kỹ thuật của mình. Các ca sĩ hiện nay có thể nói đang đi tiên phong cho việc thêm thắt những kỹ thuật đó vào âm nhạc Việt Nam. Tôi cũng mong các nhạc sĩ trẻ sẽ viết thêm trong nhạc của mình những chi tiết kỹ thuật trên, những lúc cần luyến láy, đổi giọng, nhấn giọng một cách “professional” hơn. Hoặc các ca sĩ cần có những người “vocal coach” chuyên nghiệp để hướng dẫn những chi tiết kỹ thuật trong việc ca hát của mình.

……………………..

Trong âm nhạc cần có sự đa dạng. Nhờ sự đa dạng mà âm nhạc phong phú hơn, nhiều màu sắc, và đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của nhiều người. Cũng nhờ sự đa dạng mà chúng ta mới có cơ hội học hỏi và so sánh nhiều loại âm nhạc với nhau và nhờ vậy mà nhận biết giá trị của những loại nhạc khác nhau, biết nhạc nào hay, nhạc nào dở. Điều quan trọng là chúng ta phải biết học hỏi để nhận ra được giá trị của từng loại nhạc. Điều quan trọng là chúng ta cần phải trau dồi kiến thức âm nhạc, phát triển khả năng thưởng thức theo thời gian và có những đòi hỏi ngày càng cao hơn, tăng dần theo sự “mature” và “sophistication” của mình. Điều quan trọng là chúng ta cần tạo nên một xã hội mà trong đó những giọng hát có chất lượng thực sự, và số lượng nhạc sĩ sáng tác và người nghe những loại âm nhạc có giá trị cao trở thành đa số; và những gì không có chất lượng, giá trị trở thành thiểu số.

Tôi viết quyển sách này năm 2002. Bây giờ (2010) tôi đọc lại để hiệu đính một số chi tiết. Có một điều tôi cần nói ra trong phần viết về âm nhạc này. Đó là gần đây tôi có về thăm Việt Nam và đã nghe, tìm hiểu nhạc trẻ ở đây. Tôi thấy có một giòng nhạc được khá nhiều người ưa thích. Để diễn tả dòng nhạc này, tôi chỉ có thể dùng hai chữ mà thôi … khủng khiếp. Không biết có quá đáng và công bằng không khi dùng hai chữ đó, nhưng theo ý kiến cá nhân tôi thì thực sự khủng khiếp, từ âm nhạc, ca từ của những … “nhạc sĩ”, cho đến giọng ca, kỹ thuật, và cái gọi là “phong cách” của những “ca sĩ”. Tôi không biết mô tả loại nhạc/nhạc sĩ/ca sĩ này như thế nào nhưng những bài đó hát lên giống như đọc những bài văn xuôi hạng bét với lời lẽ thật vớ vẩn, tầm thường, ngây ngô, nhạt nhẽo, trẻ con, thô thiển, gượng gạo, rẻ tiền; nghe như bị chửi vào lỗ tai, mỗi lần nghe là tôi muốn nôn ói. Và “giọng hát” cùng “phong cách” (cách đi, cách đứng, cách ăn mặc, kiểu tóc, cách sử dụng microphone, cách nói chuyện, v.v.) của những “ca sĩ” thì dĩ nhiên hoàn toàn phù hợp với các “nhạc phẩm” đó: vớ vẩn, tầm thường, ngây ngô, nhạt nhẽo, trẻ con, thô thiển, gượng gạo, trơ tráo, rẻ tiền, máy móc, giả tạo, mỵ dân (đối với những màn “giao lưu”), đóng kịch, v.v. Thực ra máy móc, giả tạo, mỵ dân, đóng kịch vụng về, kiểu cách rởm được thấy khắp nơi, ở mọi tầng lớp ca sĩ, nghệ sĩ.

Trên đây tôi đã nói âm nhạc là một lãnh vực rất quan trọng của xã hội. Thật đáng buồn và đáng lo lắng khi những loại “nhạc” đó, loại “nhạc sĩ” đó, loại “ca sĩ” đó lại đang rất phổ biến và đang được rất nhiều thanh thiếu niên, từ thành phố cho tới nông thôn tại Việt Nam, nghe và thưởng thức. Hy vọng rằng những cái gọi là “âm nhạc”, “nhạc sĩ”, và “ca sĩ” đó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi. Những cái hay cũ sẽ trở lại vị trí đúng, và những cái hay mới sẽ được ra đời.