PDA

View Full Version : Ký ức Bao Vinh



Tuấn Nguyễn
07-12-2017, 05:44 PM
Bao Vinh trong ký ức tôi là những tháng ngày bình yên với thằng tôi nhỏ xíu thường theo cha đi đến nhà bà con ở xóm rèn phía bên này cầu và nhà hai ông bác ở dưới Địa Linh.
Được cha chở ngồi yên sau, xe đi trên con phố Huỳnh Thúc Kháng, Hàng Bè. Dọc đường tôi quan sát cảnh vật chung quanh: sông Đông Ba, hai bờ hẹp, bên này ngó được bờ bên kia. Trên bến tấp nập người giặt rửa. Những chiếc đò đậu san sát trên sông, một khu dân cư sinh hoạt, người ta gọi là vạn đò. Người mua kẻ bán diễn ra nơi đây, những chiếc bè chở tre, đò chở cát sạn vẫn dừng lại để bán cho khách hàng. Đi dưới chiếc cầu sắt Đông Ba, tôi cứ lo cầu sập, cũng như không quên ném tầm mắt nhìn qua bên kia bờ. Càng đi tôi càng cảm thấy hiếu kỳ, phía bên kia, đường Bạch Đằng, ngôi chùa Diệu Đế ẩn chứa sự tịch mịch, trầm mặc. Nhà cửa thưa thớt, ẩn khuất sau những vòm cây che kín như có một bí mật, hàm ngụ một câu chuyện cổ tích.
Phía bên này đường HTK sát đường, tôi nhìn vào A- Ba - Toa, rồi trường tiểu học Thanh Long, đó là những nơi chốn người Pháp để lại luôn cho tôi một ấn tượng về một thời vang bóng. Và khi đi ngang qua khúc cua tôi nhìn ngôi nhà lầu cổ mà người ta vẫn thường gọi là lầu kẽm, không biết của ai mà trông buồn buồn: Cửa luôn đóng kín, tôi chẳng thấy bóng người lai vãng. Sau nầy lên học Đại học chơi với Hồ Văn Trọng, tục gọi là Trọng – Thượng Đế, con của ông chủ KS An Vinh, hắn cho biết, đó là nhà anh tau. Đi thêm một đoạn nữa, đến xóm rèn, toàn là người làng Hiền Lương, đa phần là bà con với nhà tôi. Đoạn cua này bên phải, tôi thấy được dòng sông uốn lượn nhấp nhô. A mà con sông đi từ cầu Gia Hội đổ về Bao Vinh người ta gọi là sông Đào. Có thể đây là sông do người ta đào ? ngoài ra còn có tên Đông Ba hẳn là tên gọi cầu Đông Ba. Từ đoạn này, nhà lên san sát che khuất sông mà mỗi nhà ở phía bên phải này nhìn ra sau hè hay vườn sau tiếp cận với con sông êm đềm dùng làm nơi giặt rửa.
Phía trái là nhà anh Khoái. Cha tôi vẫn thường đến đây, nhất là những ngày sau tết ông thường hay qua đây chơi cờ oai. Cha của anh Khoái là ông thầy dậy nghề rèn cho cha từ thời Pháp thuộc. Sau đó có thời gian cha tôi lại đi làm đường xe lửa tuốt trong Trà Kiệu cho Pháp. Trở về cha vẫn tiếp tục qua làm nghề tại đây cho đến khi gặp được một người khách, thấy cha, cảm mến, vị khách nầy đã tạo điều kiện để lại khu đất ở Chợ Dinh cho cha tôi. Đó là nền móng cho sự nghiệp của cha sau này.
Có điều này thật lạ, trở thành thói quen ? Năm nào cũng vậy, cứ ngày 30 tết là con anh Khoái, anh Mão qua nhà , hỏi xin mượn tiền cha tôi. Và cha tôi bao giờ cũng thế, vui vẻ đưa tiền để làm vui lòng anh Khoái.
Ký ức tôi còn ghi nhớ ngôi nhà anh Khoái . Nhà quá rộng, phần đất phía trước làm sân thênh thang mà ngôi nhà chính ở giữa nhìn như một sự khiêm tốn. Khi nào cũng thế cha qua đây và ngồi nói chuyện với anh Khoái nơi nhà rèn. Một bộ bình trà và nước trà thiết quan âm. Cứ thế chuyện trò, làm ăn, chuyện làng nước kỵ giỗ, cưới hỏi cho các cháu, …Anh Khoái còn có mấy người em ruột nữa cũng ở gần kế cận cách vài nhà. ấy là anh Lạc, anh Em, cũng làm nghề rèn. Tôi ít khi ghé qua nhà hai người này.
Về bên phải nhìn xéo xéo là nhà o ruột tôi. Chồng của O là dượng Chung cũng họ Huỳnh, bà con với 3 anh em Khoái, Lạc, Em.
O là con út của bà nội tôi, như tên gọi, cũng làm nghề rèn. Lò rèn sát đường không rộng như nhà anh Khoái. Mỗi lần qua O Dượng tôi cảm thấy chóng mặt bởi tiếng ồn, hơi nóng của lò lửa. Khác với cha tôi, Dượng Chung chuyên làm khâu rèn là chính, dao rựa, kéo, cuốc, ,,, còn cha tôi, chuyên làm cửa ngõ, làm sắt đúc cho các nhà trên. Tôi nhớ ngày ấy cửa kéo là sản phẩm chính của cha.
Sau này khi đi học Nguyễn Du Huế, tôi biết có một bạn tên là Huỳnh Kim Nam ở đây. Mới đây tôi ghé vô thăm thắp hương cho O, Dượng Chung, tôi hỏi thăm người con về bạn Nam, thì được biết Nam vẫn còn và là con của ôn Khánh?
Từ nhà dượng về một đoạn nữa là nhà dì Quế, tức là chị ruột của mẹ tôi. Dì sống với các con, anh Thanh cũng làm nghề sắt nhưng sau này thuê chỗ làm garage sửa xe hơi, tận bên đường Thuận Hóa. Mỗi lần qua dì, nhà xưởng để trống, mặc dù lò rèn, chỗ làm vẫn y nguyên. Anh Thanh thuê chỗ sát trường trung học Nguyễn Tri Phương. Kỷ niệm nung nấu trong tôi. Thỉnh thoảng đi học ngang qua garage anh kêu tôi vào và dúi tiền để tôi tiêu. Dì Quế còn có hai người con nữa đều là anh của anh Thanh đi tập kết ra Bắc.
Tôi vẫn thỉnh thoảng ra sau vườn nhà dì để ngắm mấy bụi chuối, mấy vạc môn, đàn gà của dì. Trong ký ức tôi luôn có hình ảnh quen thuộc này. Vườn sau của dì Quế có độ dốc thoai thoải đi xuống mép sông. Tôi nhìn qua bên kia, hai bờ sao ngắn quá, đây là một đoạn cua của sông mà sau này, người Mỹ đã xây một cây cầu để dễ vận chuyển. Tôi nhớ những lần đi với chị Chanh ra thăm mẹ ở Cồn Mồ. Bao giờ hai chị em cũng đi thêm đoạn nữa. Đến bến đò này, gọi là Đò Doi. Trong khi chờ đợi đò hai chị em vẫn đưa mắt nhìn qua tìm kiếm: Có khi thấy dì lom khom bên mấy vạc môn, …
Đến đầu cầu Mỹ, nhìn thẳng là cổng đi vào sân rộng của nhà dì Dung, chị dì Quế. Ngày xưa ấy đi với cha tôi, những năm 60, 61, 62 tôi nhớ Dượng Thường, chồng của dì Dung, Dượng Thường nụ cười hiền lành, dượng có để chòm râu dưới căm. Bao giờ cũng vậy cha ngồi nói chuyện uống trà với dượng là tôi xuống ngồi với dì tại bộ ngựa để kề bên nhà rèn.
Mãi cho đến bây giờ tôi nghĩ cha tôi chắc bị hụt hẩng nhiều do mẹ tôi qua đời quá sớm nên những năm kế tiếp cha tôi đi đâu cũng chở tôi theo. Đi ăn chiều, đi nhà bà con. Nói chuyện làm ăn, chuyện họ, làng, chuyện cũng giỗ. Bao Vinh trở thành một ký ức đi kèm với hình ảnh người cha mà bây giờ mỗi lần nhắc tới Bao Vinh tôi như thấy mình vẫn còn bé xíu, được cha nuông chìu, hai cha con có nhau như hình với bóng mỗi khi đi chơi hay đi thăm nhà bà con, ….
Từ nhà dì Dung, rẻ trái đi khoảng 50 mét là đầu cầu Bao Vinh. Đây là một địa giới mà tôi ít khi đi qua vì một lẽ dễ hiểu, cha tôi ít về Địa Linh.
Tôi nhớ là qua khỏi cầu, đi tiếp là đến phố cổ, những ngôi nhà ngói mái thấp, những cánh cửa gỗ then cài, các nhà đều buôn bán mà hai bên đường có thể nhìn nhau và la to là nghe được. Lạ một điều, ngày xưa ấy, sao tôi không thấy vẻ đẹp của con phố này ?. tuổi con nít tôi chưa cảm nhận cái đẹp của nó ? Bây giờ về già có cơ hội nhìn lại, tôi chợt nhận ra con phố quá đẹp. Vẻ đẹp phố Bao Vinh tự nhiên, không sửa chữa, không nâng cấp. Sự hoang tàn của con phố làm ta như thấy được dấu vết của người xưa hiện hữu. Đi hết dãy phố, ta đi qua một cái cống gọi là cống Địa Linh. Từ đây tiếp tục một đoạn nữa là đến nhà bác Hè, bác Chái. Hai bác này là cháu của mệ nội tôi kêu mệ bằng o ruột. Ngôi nhà bác Chái là một vùng đất rộng. Nhà lọt sâu vào trong, để một cái sân rộng mênh mông. Cha tôi chỉ về đây mỗi khi có kỵ giỗ hay đi chạp . Có một lần kỵ, bác Hè đã cho làm một con heo to và để trước sân quay nó. Tôi thích ngôi nhà bác Hè, bác Chái vì cảnh quan thơ mộng. trước mặt là con sông đi qua, nước phẳng lững lờ, êm đềm mát mẽ. Bác Hè, bác Chái chuyên nghề ca Huế. Thời ông Diệm, có lần cả hai bác cùng mấy con lên hò mái nhì tại trường tiểu học Phú Mỹ Huế.
Năm 2015, tôi theo ông anh về Địa Linh bằng xe Honda, đến lại ngôi nhà ngày xưa – quang cảnh hoang tàn. Ngôi nhà đã trở thành nhà thờ, cửa đóng then cài, không người chăm sóc và chiếc sân, người ta trưng dụng để đủ thứ đồ, hổn độn, nhớp nhúa. Buồn.
Khi trở ra, đi về, rẻ phải, ở góc đường, chúng tôi gặp thấy con đường nhỏ,dừng lại hỏi thăm hai v/c trẻ, họ sống ẩm thấp trong một căn lều xiêu vẹo. Thì ra đúng là cháu ngoại của bác Hè, kêu bằng cố. Người cháu sống trong căn lều lợp tôn, thấp chật, nóng nực. Chúng tôi hỏi chuyện thì được biết, Bác Hè, bác Chái đã qua đời, mấy người con kẻ sống người mất, có hai người sống tại Mỹ:
- Tại răng hai chị nớ được đi Mỹ sướng rứa
- Nhờ ca hát chầu văn lên đồng !
- Ủa răng lạ rứa, khi mô, mà răng tụi Mỹ biết mà quen ?
- Trong một buổi lên đồng tại điện Hòn Chén đó ôn, Hai bà mặc áo quần màu sắc lòe loẹt nhảy cà tưng, hai ôn Mỹ nớ thấy lạ, tìm hiểu và quen, rứa là ưa. Làm đám cưới ba đi !
- Hehehe răng sướng rứa. Rứa còn anh Nương, anh Náu ?
- Bác Nương chết rồi. Bác Náu hiện ở trong thành, gần Hồ Tịnh Tâm
- Chị Chờ ?
- Ở bên Chợ Mai.
Ông anh rút tiền biếu tặng người cháu một ít rồi đi về.
Trên đường dọc theo con sông, vượt qua cống Địa Linh, qua đình làng Bao Vinh, tôi cảm nhận một cách rõ ràng hình ảnh cha chở tôi đi trên đường nhựa đầy ổ gà và ký ức tôi như cuốn phim lần lượt tái hiện hình ảnh những ngày tôi bé tí đi đâu cha cũng chở theo. Huế như chiếc nôi ru tôi, dẫn tôi đi về nơi chốn thân yêu: Bao Vinh, Địa Linh, An Hòa, Tây Lộc, Thành Nội, An Cựu, xa hơn làng Hà Đa Hà Đá. Xa hơn nữa, làng Hiền Lương và xa hơn nữa là Sịa. Kể cả Quảng Trị, ở đó có ngôi nhà chú Khanh, một người chú em thúc bá với cha tôi.
Cha tôi đó, chân dung người đàn ông bao giờ cũng đến trong ký ức tôi những kỷ niệm thật bồi hồi bằng những chuyến đi khó quên. Phải chăng những ảnh tượng đó đã góp phần tạo nên con người tôi, tan trong từng tế bào mạch máu, làm nên cái tôi hiện hữu.

https://scontent.fdad2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-0/p320x320/18194940_10212238355652030_5480709913860636347_n.j pg?oh=d8237aa121397cb6a3da0c3c35da557a&oe=59CA0AA2
(https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10212238355652030&set=pcb.10212238359292121&type=3)https://scontent.fdad2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-0/s280x280/18193958_10212238368612354_3450622313286410894_n.j pg?oh=b3d58f8368c9b675a5dd0aefd69f57c4&oe=5A10A5B8
(https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10212238368612354&set=pcb.10212238359292121&type=3)https://scontent.fdad2-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-0/s240x240/18193856_10212238373412474_338271269345937470_n.jp g?oh=4590d214125c8f195a6f036533933c5c&oe=5A0DFBB3
(https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10212238373412474&set=pcb.10212238359292121&type=3)