PDA

View Full Version : Nhìn Lại Mình - TRÍCH ĐOẠN 7: Y, NHA, DƯỢC ... "MENTALITY" TAI HẠI



LeKhoi
11-07-2011, 06:59 PM
Nhìn Lại Mình - TRÍCH ĐOẠN 7: Y, NHA, DƯỢC ... "MENTALITY" TAI HẠI

………………………

Phần mở đầu của chương này là một bài thơ nói về “mentality” ham học những ngành Y, Nha, Dược của người Việt (tôi không đăng lên ở đây). Trong đó có những câu đại khái như những người này ngồi nghe nhạc rồi chê nhạc dở nhưng lại không chịu học nhạc; than trách, chê bai đất nước nghèo nàn nhưng làm lơ việc học Kinh Tế, Kinh Doanh; hay những người này làm (hay nói (?!?)) về chính trị, xã hội nhưng lại không hiểu biết nhiều về những lãnh vực đó.

I. Mentality và Vài Vấn Ðề Xung Quanh Việc Học

Ðó là bài thơ do một người quen viết. Tôi thấy rằng bài thơ có một giá trị nào đó và phù hợp với nội dung những điều tôi muốn nói trong chương này. Cho nên tôi xin được viết ra đây để chúng ta cùng đọc, cùng suy gẫm và phân tích một góc cạnh của sự suy nghĩ của người Việt Nam. Hy vọng rằng bài thơ này sẽ đưa đến quý vị và các bạn một cái nhìn khá mới của một cá nhân mà tôi chưa được thấy nói tới nhiều trong xã hội chúng ta. Cũng hy vọng nhờ đó chúng ta sẽ nhạy cảm hơn đối với những sự việc xung quanh và những suy nghĩ của con người trong xã hội.

Tôi nhận thấy rằng nhìn chung những điều tác giả muốn nói phản ánh khá chính xác cái “Mentality” của một số người. Tôi đồng ý với phần lớn những gì tác giả muốn nói. Tuy nhiên có những chỗ tôi không hoàn toàn đồng ý vì bài thơ có vẻ tổng quát hóa, và tôi nhận thấy bài thơ có lẽ hơi “nặng”. Người đọc, nhất là những người học về các ngành như Dược, Nha, Y sẽ trở nên bực mình và tác dụng xây dựng mà tác giả muốn đưa đến mọi người sẽ trở nên vô dụng. Tuy nhiên kèm theo bài thơ tác giả có nói thêm một số suy nghĩ và giải thích để mọi người hiểu rõ hơn ý của mình.

Trước khi lần lượt liệt kê những suy nghĩ và giải thích đó ra, tôi xin được giải thích ý nghĩa của chữ “Mentality”. “Mentality” theo định nghĩa từ điển là cái nhìn hay cách nhìn, cách suy nghĩ của con người. Theo tôi hiểu và cũng theo ý của tác giả thì chữ “Mentality” ở đây cũng gần với chữ “Mindset”. “Mindset” có nghĩa là một thái độ tâm lý đã được định sẵn để con người dựa vào đó mà đánh giá, quyết định, phản ứng, hoặc định hướng. Tôi và chắc quý vị và các bạn cũng nhận thấy rằng cách suy nghĩ hoặc thái độ tâm lý được định sẵn đó bị ảnh hưởng và được uốn nắn bởi môi trường sống, của sự giáo dục, của nền văn hoá, của phong tục tập quán, và cách suy nghĩ chung của một dân tộc. Những yếu tố văn hoá xã hội đó góp phần hình thành cách suy nghĩ và thái độ tâm lý của con người; đồng thời những thái độ tâm lý và cái nhìn lại góp phần giữ vững những yếu tố văn hoá xã hội đã tạo nên cách suy nghĩ đó.

Do được hình thành trong suốt một quá trình sống và phát triển của con người trong xã hội và bị áp lực của văn hoá xã hội cũng như của mọi người xung quanh mà “mentality” được tạo thành rất vững chắc trong đầu óc con người. “Mentality” không dễ gì thay đổi được. Và muốn ảnh hưởng “mentality” cần phải có rất nhiều yếu tố và thời gian. Một vài yếu tố có thể kể đến là sự phát triển của xã hội, sự phát triển của kinh tế, chính trị. Những sự phát triển này sẽ đưa đến những nhu cầu đòi hỏi mới trong xã hội cũng như đem lại những suy nghĩ mới, tầm nhìn mới cho mọi người. Nhờ đó mà con người sẽ “adjust” cái “mentality” của họ cho phù hợp với môi trường và để tồn tại. Một đặc tính tôi nghĩ rất cần thiết để một người có thể “adjust” cái “mentality” hay “mindset” của mình là sức mạnh. Sức mạnh như đã nói ở chương trước rất quan trọng. Không có sức mạnh tinh thần thì không dễ gì thay đổi được những suy nghĩ cách nhìn đã in sâu vào tim óc của một người hay tim óc dân tộc qua nhiều thế hệ. Có thể nhờ sự sáng suốt mà con người sẽ nhận ra những tác hại của một “mentality” hoặc “mindset”, nhưng nếu không có sức mạnh thì không thể nào sửa đổi “mindset” đó được.

Một ví dụ về “mentality” là sự suy nghĩ của các vị vua chúa ngày xưa và các người lãnh đạo đất nước ngày nay ở một số nước Á châu trong đó có Việt Nam là họ là “cha chú” của mọi người. Họ ở vị trí ra lệnh và ban ân huệ. Một ví dụ khác mà sự hiện diện của nó trong xã hội vẫn còn tồn tại tới ngày nay ở một vài gia đình là vai trò lãnh đạo của người bố. Quyền lực trong gia đình nằm trong tay người bố và mọi người phải lắng nghe và phục tùng. Một ví dụ nữa là tâm lý thích học những ngành học Nha, Y, Dược ở Việt Nam. Tất cả những “mentality” và “mindset” kể trên không dễ gì mà ngày một ngày hai bỏ đi được.

Tôi chỉ nói sơ về “mentality” vậy thôi. Sau đây là một số suy nghĩ của tác giả bài thơ cùng với nhận xét của tôi về những suy nghĩ đó.

1. Tác giả chỉ phê phán cái “Mentality” của con người. Tác giả đồng ý và khuyến khích những người có sự ham thích thực sự trong những lãnh vực nói ra trong bài thơ.

Tôi đồng ý với tác giả là cái “mentality” trên không tốt hoặc không còn tốt nữa và nó cần phải được loại bỏ. Tôi cũng đồng ý là không nên “generalize”. Không phải ai cũng học những ngành trên vì những lý do không đẹp lắm và không tự nhiên lắm. Cũng có những người học vì họ thực sự ham thích và đó là đam mê của họ. Những người như vậy thì cần được khuyến khích. Tuy nhiên điều cần để ý ở đây là chữ “ham thích thực sự”. Phải là “thực sự”. Ðể xác định “thực sự” thì hơi khó tại vì có những người ham thích “thực sự” nhưng sự ham thích đó đôi khi cũng đã bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ, văn hoá, áp lực của môi trường họ sống và lớn lên rồi. Tôi đã hỏi rất nhiều người (dĩ nhiên đây chỉ là một “statistical sample” nhỏ thôi) về lý do tại sao họ thích học những ngành kể trên thì 100% trả lời là tại vì họ thích, vì có “interest”. Tôi nghi ngờ tính trung thực của những câu trả lời đó. Câu trả lời đó là điều mọi người nói và theo thống kê thì chúng ta phải chấp nhận. Tuy nhiên tôi không tin vì sự vô lý của nó. 100% số người mà đều có cùng một sở thích thì hơi lạ. 100% có sở thích giống nhau và lại là sở thích giới hạn trong cùng một vài lãnh vực thì vô lý quá. Nếu vậy thì đầu óc bao nhiêu con người đều đơn điệu và giống nhau như vậy hay sao? Ðây là điều khó có thể có được và tin được.

2. Tác giả tỏ ý là khác với Việt Nam nơi mà số lượng ngành học và môi trường để áp dụng những ngành học có rất nhiều giới hạn, ở Mỹ những lãnh vực học hỏi và những ngành chuyên môn rất nhiều thì tại sao số người tập trung vào Pharmacy, Dentistry, hay Medicine lại nhiều quá.

Tôi đồng ý với nhận xét này. Xã hội Việt Nam là một xã hội chưa phát triển nên số lượng những ngành học rất giới hạn. Kinh tế chưa phát triển thì chính phủ và người dân sẽ phải tập trung vào việc học và giáo dục những ngành có tính chất thực tế và dễ áp dụng để kinh tế đất nước được phát triển và sinh viên dễ kiếm việc làm sau khi ra trường để rồi có được cuộc sống vật chất cá nhân bảo đảm.

Những ngành học ở Việt Nam bị giới hạn cũng vì chúng ta chưa có khả năng sáng tạo ra những ngành học. Hầu hết những ngành học trên thế giới hiện đại đều phát xuất từ phương Tây. Phương Tây là nơi tiên phong trong những việc nghiên cứu về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Qua thời gian họ đã tạo dựng nên được những ngành chuyên môn có tổ chức, có kỷ luật, phương pháp, và các chuyên gia trong những lãnh vực đó. Nhờ vậy môi trường học và giảng dậy của họ rất đa dạng.

Xã hội phương Tây cũng phát triển hơn Việt Nam nên người ta có điều kiện, có sự lựa chọn, và có tự tin hơn trong việc chọn ngành học. Ở xã hội tiên tiến có rất nhiều ngành học bổ ích, nhiều lãnh vực nghiên cứu sâu xa mà học sinh có thể học để rồi ra làm việc trong những lãnh vực đó và bảo đảm được cuộc sống. Tôi cũng tự hỏi tại sao số lượng người Việt tập trung vào những ngành trên lại nhiều như vậy ngay cả khi chúng ta đã sống trong xã hội Tây phương? Tôi nghĩ tới một vài lý do rồi lại không thoả mãn với những lý do đó, cho nên tôi vẫn không có câu trả lời chắc chắn. Có lẽ phải nhìn vào văn hoá của chúng ta, nhìn vào cái “mentality”, “mindset” của con người, và mọi người chúng ta cũng như các anh chị học các ngành học trên phải tự nhìn vào chính bản thân mình để tìm ra câu trả lời.

3. Những người học các ngành trên mà làm những việc về chính trị, văn hoá, xã hội thì không những không hợp lý, không có hiệu quả, mà còn có thể sai lạc và có hậu quả tai hại. Tai hại dễ xảy ra vì truyền thống người Việt Nam trọng vọng những ngành này một cách quá đáng. Vì vậy nhiều người lắng nghe và tin tưởng vào những người học các ngành này ngay cả khi họ đang làm hoặc nói về những lãnh vực không thuộc chuyên môn của họ.

Nhận xét này tôi thấy rất đúng và rất quan trọng. Dĩ nhiên người học hoặc được rèn luyện trong lãnh vực nào thì nên làm việc trong lãnh vực đó. Ðiều này hợp lý vì những người học các ngành chuyên môn sẽ được đào tạo một cách chuyên môn và có cơ hội, điều kiện thu thập kiến thức trong lãnh vực đó. Ðặc biệt là hệ thống đào tạo và giáo dục bên Mỹ rất chuyên môn, rất có phương pháp, rất có tổ chức khoa học, và rất thực tế hữu hiệu. Trong môi trường đào tạo như vậy con người được đối diện và tìm hiểu nhiều lý thuyết khác nhau, nhiều sự suy nghĩ khác nhau và có cơ hội bày tỏ, phân tích, tranh cãi suy nghĩ của mình. Họ được học hỏi từ những chuyên gia, giáo sư giỏi với kinh nghiệm làm việc thực tế hoặc kinh nghiệm phân tích và nghiên cứu. Không những vậy phần lớn học sinh trong thời gian đi học cũng đã làm việc và học hỏi kinh nghiệm từ môi trường thực tế. Sau đó là thời gian làm việc một cách “professional” trong môi trường “professional” trong lãnh vực họ được đào tạo.

Một điểm rất quan trọng ở đây là khi đã chọn ngành học và quyết định theo đuổi làm việc trong một lãnh vực nhất định thì nó cho thấy người đó đã tin tưởng có khả năng trong lãnh vực đó, yêu thích công việc đó, và sẽ đầu tư hết công sức thời gian trong việc học hỏi, nghiên cứu, đọc sách, và làm việc trong lãnh vực họ chọn (trừ trường hợp chọn ngành học vì những lý do khác chứ không phải do ham thích thực sự). Vì vậy mà họ trở nên tài giỏi trong công việc họ làm.

Có một số người nghĩ rằng đôi khi không cần sự đào tạo chính thức, họ vẫn có thể thành công được. Những người này tin tưởng vào cái khiếu của họ. Họ cũng tin tưởng vào kinh nghiệm qua làm việc thực tế sẽ giúp họ trở nên hữu hiệu hơn trong việc làm. Tôi đồng ý với điều này và cũng đồng ý kinh nghiệm đôi khi còn quan trọng hơn cả sự giáo dục trong nhà trường. Nhưng nếu có kiến thức giáo dục căn bản lẫn với kinh nghiệm thực tế và cái khiếu thì dĩ nhiên con người sẽ càng hữu hiệu hơn nữa. Thực tế cũng đã chứng minh có rất nhiều chính trị gia, nhiều nhà thương gia đã thành công nhưng họ không trải qua một trường lớp nào cả. Tuy nhiên chúng ta cần phải nhận biết một điều là những người này đã bỏ hết thời gian, đầu tư công sức, trí óc của họ trong việc làm của họ, và họ tự học hỏi không ngừng trong quá trình làm việc để đạt được mức độ thành công như vậy. Nói một cách khác đó là cuộc sống, là tâm huyết của họ. Tuy nhiên có thành công đi nữa thì họ cũng chỉ thành công trong một số ngành nhất định mà thôi chứ không phải trong tất cả các ngành “professional” được, và sự thành công này cũng rất hiếm. Ðồng thời để đạt được thành công đó bên cạnh họ phải có rất nhiều những người tài giỏi được rèn luyện trong môi trường giáo dục chuyên nghiệp.

Còn trường hợp của chúng ta ở hải ngoại thì sao? Qua quan sát tôi nhận thấy rằng có nhiều người làm việc về văn hoá, chính trị, xã hội chỉ là việc phụ mà thôi. Một số người làm vì có lòng muốn làm, trong khi một số lớn khác làm chỉ vì ... vui mà thôi (hoặc những lý do khác như ... muốn kiếm người yêu). Vì những lãnh vực này không thuộc chuyên môn của họ, nên họ không có nhiều hiểu biết về chúng. Những kiến thức có được là do kinh nghiệm làm việc một cách không “professional” và học hỏi qua lại giữa những người làm việc chung không “professional” trong một tổ chức, một môi trường cũng không “professional” của họ. Họ không được “expose” tới những kiến thức và sự “diversity” trong môi trường học và làm việc chính thức, chuyên nghiệp, và đa dạng. Tầm nhìn xa của họ bị giới hạn. Kiến thức và cách làm việc của họ bị giới hạn trong phạm vi nhỏ đó với những người có tầm nhìn và suy nghĩ tương tự như họ. Vì đây chỉ là công việc thứ yếu nên họ không đầu tư hết sức lực, thời gian, và tâm huyết vào việc làm. Tổ chức làm việc không “serious”, không “professional”, và không vững chắc. Thành viên tham gia để rồi vài tháng sau không còn thấy mặt (điều này đặc biệt đúng với những người muốn kiếm người yêu sau khi đạt được mục đích). “Turnover rate” có thể rất cao. Không có “commitment”. Họ gặp nhau không thường xuyên và hoạt động không liên tục. Những chương trình làm việc không to lớn và phức tạp. Dầu có cố gắng cách mấy đi nữa thì những người này cũng không thể thành công và làm việc hữu hiệu bằng những người thực sự được giáo dục, rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và có quyết tâm, đam mê trong công việc của họ. Nếu có những trường hợp thành công đối với những người học một ngành và làm một ngành khác thì số lượng người thành công cũng rất nhỏ theo tôi nghĩ, và mức độ thành công, tầm ảnh hưởng cũng không lớn và sâu.

Nhìn vào trong nước thì sao? Thử lấy lãnh vực chính trị làm một ví dụ, ta sẽ thấy rằng phần lớn các nhà lãnh đạo chính trị trong nước đều đạt được vị trí của họ qua kinh nghiệm làm việc chứ không qua giáo dục chính thức (bây giờ, 2010, đã đỡ hơn, nhưng trước đây hầu hết những người này là những người lính và nông dân). Mặc dầu vậy kinh nghiệm chính trị của họ cũng bị giới hạn trong sự gò bó, nhỏ hẹp, và cứng nhắc. Nếu có được giáo dục chính thức thì sự giáo dục cũng chỉ giới hạn trong lãnh vực rất chuyên môn và tập trung là chính trị mà thôi. Hơn nữa, ngoài sự tập trung vào chính trị và một vài ngành nhất định khác, sự giáo dục chính trị trong nước cũng bị gò bó trong một khuôn khổ không lớn lắm. Trong khi đó chúng ta biết rằng để làm việc trong một ngành, một người cần phải được giáo dục trong rất nhiều những lãnh vực khác nhau nhờ vậy mà trí óc và kiến thức của họ phát triển đa dạng và phong phú hơn. Nhờ vậy cái nhìn của họ rộng hơn, sâu hơn, và uyển chuyển hơn. Điều đó sẽ giúp họ làm việc hữu hiệu hơn.

Sự giáo dục chính trị rất tập trung và chuyên môn ở trong nước cũng có giá trị của nó chứ không phải không. Nhờ cách giáo dục này cũng như kinh nghiệm làm việc ngoài đời mà các nhà chính trị trong nước cũng đạt được kết quả đáng kể là khả năng ổn định chính quyền của họ khá cao. Tuy nhiên, vì thiếu sự giáo dục chuyên nghiệp và “exposure” ra thế giới rộng lớn mà cách làm việc, tổ chức trong nước chưa đạt hiệu quả cao nhất và không khoa học, đồng thời tầm nhìn xa và rộng cũng như sự uyển chuyển và sáng tạo trong cách suy nghĩ và làm việc còn ở mức rất thấp. Ðó là một trong những lý do làm đất nước Việt Nam chưa phát triển.

Xin trở lại điều tác giả bài thơ nói về hậu quả tai hại của việc làm và học tréo cẳng ngỗng ở trên. Như đã phân tích, kết quả của sự không chuyên nghiệp là sự không sâu sắc, không xa, không rộng, không sáng tạo, không vững chắc bền lâu, không hữu hiệu, v.v. Kết quả là đường hướng, mục tiêu, chiến lược, phương cách làm việc đưa ra sẽ không phải hữu hiệu nhất. Không những vậy đôi khi những chiến lược đưa ra còn sai hoàn toàn hoặc có hại mà ngay cả những người vạch chiến lược và những người thừa hành cũng không hay biết.

Tác giả cũng nói tới tác hại có thể dễ xảy ra vì truyền thống người Việt trọng vọng những ngành Y, Dược, Nha một cách quá đáng và sẽ lắng nghe những người này. Tôi chỉ đồng ý một nửa với ý kiến này. Ðúng là người Việt trọng vọng những ngành này quá đáng và sẽ lắng nghe và dễ dàng tin tưởng một người bác sĩ đang phân tích về chiến lược kinh tế hoặc phê phán đường lối chính trị, chính sách tôn giáo. Tôi cũng để ý là có những người nghe và tin theo có thể nói là mù quáng chỉ vì người đang nói có bằng cấp Y hoặc Dược vì họ nghĩ rằng những người có được những bằng cấp này là có khả năng trong những lãnh vực khác. Tuy nhiên tôi cũng không đồng ý với tác giả vì tôi nghĩ rằng con người có đủ khả năng nhận ra được điều gì sai điều gì đúng, điều gì hợp lý và điều gì không hợp lý. Tôi tin rằng con người có đủ khả năng lắng nghe và tin tưởng vào những gì đúng mà thôi. Họ chỉ tin tưởng và lắng nghe những lý luận và bằng chứng chứ không phải họ lắng nghe người nói. Ðiều này sẽ đặc biệt đúng hơn nữa khi ngày nay chúng ta, nhất là thế hệ trẻ, nhận ra được giá trị của những ngành nghề khác nhau và hiểu được thế nào là “professionalization” và “specialization.” Tôi tin tưởng sự tôn trọng quá đáng như tác giả nói ở trên chỉ tồn tại trong thế hệ lớn tuổi và một số nhỏ người trẻ tuổi mà thôi. Theo thời gian sự thiên vị này sẽ giảm dần.

Cũng có những trường hợp người không chuyên môn có thể phân tích, hay bàn thảo, “nói” về một vấn đề, nhưng nhìn chung trong đa số trường hợp thì chỉ những người chuyên môn mới có những phân tích chính xác và sâu sắc. Hơn thế nữa phân tích là một chuyện và tiến hành công việc hoặc đưa ra giải pháp đường hướng là một chuyện khác. Trong việc tiến hành công việc và đưa ra giải pháp đường hướng, chính sách thì chắc chắn chỉ những người chuyên môn mới là những người có khả năng.

4. Xã hội phát triển là nhờ “professionalization” và “specialization.” Ai làm việc nấy và mọi người phải biết lắng nghe ý kiến của người chuyên môn. Mọi người phải biết giới hạn của mình.

“Professionalization” và “specialization” hiện diện rất rõ trong xã hội phương Tây, và đây chính là điều làm cho xã hội của họ phát triển. Nhờ “professionalization” và “specialization” mà khả năng và kiến thức của những người “professional” tăng cao và kết quả của việc họ làm cũng tăng cao. Tôi nghĩ đây là một điều dễ hiểu.

Tôi đồng ý với tác giả bài thơ là mọi người phải biết giới hạn của mình và phải biết lắng nghe ý kiến của người chuyên môn, và tôi nghĩ dĩ nhiên ai cũng biết điều đó. Mỗi người được giáo dục và có khả năng làm việc hoặc kinh nghiệm làm việc trong một lãnh vực nhất định. Mọi người phải biết lắng nghe ý kiến lẫn nhau và nhất là phải biết lắng nghe ý kiến của người chuyên môn, người mà người Mỹ hay nói là có “authority” trong lãnh vực của họ. Không ai nên tự coi mình quá cao và từ chối lắng nghe. Ðôi khi chúng ta còn phải biết chấp nhận ý kiến trái ngược hoặc có vẻ kỳ lạ nữa vì ý kiến đó là từ một người chuyên môn, có “authority.” Người chuyên môn biết, và vấn đề kỳ lạ chỉ vì chúng ta chưa biết tới mức mà thôi. Tôi nghĩ đây là một điểm quan trọng. Có những điều chúng ta cảm thấy kỳ lạ hoặc không “make sense” cũng chỉ vì chúng ta chưa biết tới nơi tới chốn mà thôi, tại vì những điều đó không thuộc lãnh vực học hành hoặc làm việc chuyên môn của chúng ta.

5. Tác giả nghĩ xã hội cần phải được phát triển đồng đều. Nếu chỉ tập trung vào một số ngành nhất định thì xã hội sẽ bị mất cân đối.

Tôi cũng cùng nhận xét với tác giả về điều này. Càng nhiều ngành phát triển trong xã hội thì xã hội sẽ được phát triển cân bằng. Mặc dầu có thể có một số ngành được coi là mũi nhọn và nên tập trung để phát triển hơn, nhưng chúng ta không nên có những ngành mà ai cũng ... lao đầu vào học trong khi đó có những ngành ai cũng ... trốn tránh. Chính vì sự lao đầu và trốn tránh này mà ở Việt Nam không nhiều người học kinh tế, kinh doanh (trước kia), không ai học xã hội học, tâm lý học, không ai học (và không có điều kiện học) chính trị, không ai học khảo cổ, không ai học nhân chủng học, ngôn ngữ học, không ai học về chính sách giáo dục, không ai học về môi trường, v.v. Vì vậy mà kinh tế Việt Nam nghèo nàn, chính trị lạc hậu, nền giáo dục rối tung, nguồn gốc dân tộc chưa được rõ ràng, chính sách xã hội chưa tối ưu, nghệ thuật, âm nhạc, phim ảnh yếu kém, triết học không hiện hữu, ngoại thương, ngoại giao, luật pháp còn sơ khai, ngôn ngữ không có hệ thống kỷ luật, v.v. Cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài cũng vậy. Cán cân thiên về Nha, Y, Dược và Computer Science, Ðiện Tử. Cũng may là nhờ sống trong xã hội Mỹ mà cán cân này của cộng đồng không tác hại nhiều đến toàn thể xã hội Mỹ nói chung vì những người tập trung vào những ngành xã hội và nghệ thuật bên Mỹ rất nhiều. Tuy nhiên có một điều cần phải nhận ra là đôi khi vì nhu cầu thực tế chính đáng của cuộc sống mà chúng ta cần phải chọn những ngành thực dụng.

6. Tác giả nhận xét rằng nhiều người hay than phiền về Kinh tế, Xã hội, Chính trị, Văn hoá nhưng lại không dám học hỏi, nghiên cứu và làm việc trong những lãnh vực này.

Ðiều này là do quan sát của tác giả. Tôi cũng thấy như vậy qua kinh nghiệm cá nhân. Có rất nhiều người, nếu không muốn nói là hầu hết mọi người, trong chúng ta chỉ biết chê bai, than phiền, phê phán, … những vấn đề Kinh tế, Xã hội, Văn hoá, Chính trị, nhưng không ai chịu học và làm việc (xin nhấn mạnh học và làm việc một cách "professional", nghiêm túc, hiệu quả, có tác động rộng lớn, và văn minh) trong những lãnh vực đó. Phần lớn mọi người chỉ biết "ngồi đó" phê phán và trông đợi người khác sẽ học và làm việc trong những lãnh vực trên để … giúp nước … còn chính mình lại chọn những ngành nghề khác. Không biết quý vị và các bạn đọc giả có gặp những trường hợp như vậy hay không?

7. Tác giả phê phán truyền thống tôn trọng một cách thiên vị và vô căn cứ một số ngành học trong xã hội Việt Nam. Tác giả tỏ ý khó chịu về việc không đánh giá đúng mức, và không có khả năng thấy được giá trị và tầm quan trọng của nhiều ngành học của một số người.

Vấn đề này là di sản của một nền văn hoá nghèo nàn, chậm tiến, và khép kín. Ðiều này vẫn còn tồn tại hiện nay, nhưng như đã nói trước kia, tôi tin rằng cái “mentality” này sẽ thay đổi theo thời gian khi con người phát triển hơn và nhận ra được giá trị của nhiều lãnh vực kiến thức. Thế hệ trẻ sẽ từ từ loại bỏ “cái nhìn thiên vị và vô căn cứ” cũng như cái “không có khả năng thấy được giá trị” đó di.

8. Có rất nhiều ngành cần thiết cho cuộc sống và phát triển xã hội như Kinh tế (Economics), Kinh doanh (Business), Luật (Law), Chính trị (Political Science), Public Policy, Xã hội (Sociology), Ngoại giao (Political Science/International Affairs), hoặc những ngành như Âm nhạc, Ðiện ảnh. Ðây là những ngành có tác dụng xây dựng, phát triển, và cách mạng hóa xã hội rất lớn. Những ngành học kể trên rất thú vị, nhiều thử thách, và đòi hỏi trí thông minh rất cao.

Ðây cũng là một điểm tôi thấy rất quan trọng. Nếu chúng ta nhìn lại và suy nghĩ kỹ về những ngành học được liệt kê ở trên thì sẽ hiểu rằng chúng chính là những ngành thực sự có tính chất xây dựng, phát triển, và cách mạng hóa xã hội rất lớn. Ðây là những ngành có tầm với xa và sâu tới mọi tầng lớp con người và tới số lượng lớn con người. Những ngành này có mãnh lực ảnh hưởng thay đổi xã hội rất lớn. Những ngành này có thể đưa xã hội tới đỉnh cao và thành công. Ðây là những ngành tạo nên nền tảng của một xã hội và những ngành khác được phát triển dựa trên nền tảng này, và những con người sống trên nền tảng này. Những ngành này là căn bản của xã hội và của một đất nước. Chúng định ra phương hướng phát triển trong đất nước và sự liên hệ của đất nước với thế giới bên ngoài.

Tôi cũng đồng ý đây là những ngành “thú vị, nhiều thử thách, và đòi hỏi trí thông minh rất cao”. Cứ nghĩ về chúng thì sẽ thấy. Là một doanh gia, một chính trị gia, luật sư đòi hỏi sự thông minh, óc chiến lược, khả năng ứng biến rất cao. Cũng tương tự như vậy, những nhà xã hội học, sử học, tâm lý học, nhân chủng học cần phải có tầm nhìn xa và rộng, óc nhạy cảm cao, khả năng quan sát, phân tích bén nhạy. Còn trong lãnh vực âm nhạc nghệ thuật, điện ảnh thì chúng ta sẽ thấy rằng trí tưởng tượng, óc sáng tạo, tầm nhìn, trí thông minh, nhạy cảm cao là những điều rất cần thiết. Tất cả những ngành này đòi hỏi kiến thức rộng lớn, khả năng ngôn ngữ và giao tiếp cao, và đây là những điều rất khó và nhiều thách đố chứ không phải dễ hoặc đơn điệu như nhiều người lầm tưởng.

Ðây là những ngành có ảnh hưởng trực tiếp lên những lãnh vực khác và quyết định số phận của một đất nước, xã hội. Ðây là những lãnh vực có lẽ dành cho những người có những ước mơ lớn.

9. Công việc trong những ngành học kể trên cũng bảo đảm một đời sống kinh tế vững chắc.

Ðiều này chỉ đúng ở bên Mỹ mà thôi và chỉ đúng một phần ở Việt Nam. Ở Mỹ không những cuộc sống kinh tế được bảo đảm mà làm việc trong những lãnh vực được đề cập tới trong điểm 8 nói trên còn có thể đưa con người lên những thành công về vật chất rất cao. Việt Nam chỉ có cơ hội cho người dân thành công trong một số lãnh vực mà thôi, chứ Việt Nam chưa có điều kiện và không thực tế để phát triển và quảng bá tất cả những ngành nghề nói trên.

10. Thanh niên trẻ hãy học những gì mình thích và không nên bị áp lực của gia đình, họ hàng, cộng đồng, hay bạn bè mà chỉ tập trung vào một số lãnh vực nhất định. Hãy chứng tỏ mình là người tự tin và có khả năng thành công. Cha mẹ không nên gò ép con cái học theo những gì cha mẹ thích.

Tôi hăng hái khuyến khích các bạn trẻ hãy học những gì mình thích và nghĩ là có khiếu hoặc tin tưởng có khả năng thành công cao. Tôi tin rằng với niềm đam mê việc gì cũng dễ thành công. Tuy nhiên tôi cũng biết rằng đời sống thực tế đôi khi lại là điều quan trọng nhất, thành ra chúng ta cũng cần phải nghĩ tới những ngành học khi ra trường dễ kiếm việc và lương khá. Ðó là những điều cần nghĩ tới khi quyết định chọn ngành học. Dù chọn ngành gì đi nữa tôi cũng mong rằng các bạn đừng bị áp lực và ảnh hưởng của gia đình, bạn bè, cộng đồng nhiều quá. Ðừng chọn Y khoa vì ba mẹ nói rằng con của bà hàng xóm hoặc con của chú, bác, cô X, Y, Z đang học Y. Ðừng chọn Dược vì những người bạn của mình ai cũng học Dược. Ðừng chọn Nha vì danh hiệu của nó nghe “đã đã” và có thể về lại Việt Nam “khoe” với bạn bè cũ. Khi bị ảnh hưởng như vậy thì mình không còn là chính mình nữa, và mình không còn gì đặc biệt duy nhất nữa. Hay nhất là mình là mình, mình là người tự tin và cố gắng hết sức để thành công dù là lãnh vực chuyên môn gì đi nữa.

Tôi cũng nghĩ cha mẹ không nên ép buộc con cái học theo ý mình. Ðó là cha mẹ thích chứ không phải con cái thích. Cha mẹ không thể biết và hiểu con cái bằng chính bản thân những người con. Nếu cần, những người con sẽ xin sự khuyên bảo. Cha mẹ cũng nên khuyến khích con cái tìm kiếm sự khuyên bảo của cha mẹ hoặc của những chuyên gia tâm lý. Cha mẹ chỉ nên cho con cái những lời khuyên và hướng dẫn tốt nhất với khả năng của mình mà thôi, và sau đó hãy để người con tự chọn lựa. Sau đó cha mẹ hãy khuyến khích và ủng hộ con mình trong quá trình thực hiện ước mơ của họ. Tôi nghĩ rằng khi muốn con cái đi theo hướng cha mẹ muốn là cha mẹ đang thương chính mình chứ không phải đang thương con cái.

Ðể thấy được tầm quan trọng và giá trị to lớn của nhiều ngành học, cũng như để thấy được việc tập trung vào học những ngành nhất định có tác hại như thế nào chúng ta chỉ cần suy nghĩ và phân tích tình huống sau đây xem sao. Việt Nam và một hoặc vài nước lân bang có tranh chấp và tranh cãi về lãnh thổ, đường biên giới quốc gia, hoặc tranh chấp lãnh hải và những vùng biển. Hãy thử nghĩ xem những quốc gia đó và Việt Nam sẽ làm gì.

Tôi biết rằng những quốc gia đó sẽ có rất nhiều những nhà nghiên cứu, những chuyên gia, những giáo sư về Khảo Cổ Học, Nhân Chủng Học, Dân Tộc Học, Xã Hội Học, Ngôn Ngữ Học; những Luật Sư với kiến thức về Luật Quốc Tế (International Laws) trong những lãnh vực Lãnh Thổ và Lãnh Hải; những nhà nghiên cứu, giáo sư về Ðịa Lý Môi Trường, về Lịch Sử Ðịa Lý, và Ðịa Lý Chính Trị, v.v. sẽ đứng ra phân tích, tranh cãi, lý luận, và đưa ra những bằng chứng thuyết phục trước Việt Nam và quốc tế để chứng minh rằng họ đúng và những điều Việt Nam đòi hỏi là sai trái.

Họ sẽ có những giáo sư và chuyên gia đi tới những trường đại học lớn trên thế giới (hoặc đang giảng dậy trong các trường đại học đó) để nói chuyện trước những giáo sư/nhà nghiên cứu (những người ảnh hưởng tới “policy making” và Giáo Dục) và trước sinh viên (những người sẽ làm “policy” trong tương lai). Họ sẽ có những buổi hội thảo với những tổ chức khoa học, tổ chức chính trị phi chính phủ (những người ảnh hưởng tới “policy” hiện tại). Họ sẽ có những buổi hội thảo với chính phủ các nước (những người làm “policy” hiện tại) để chứng minh và thuyết phục. Còn rất nhiều việc khác nữa họ có thể làm được. Chỉ có đi dự những buổi hội thảo như vậy quý vị và các bạn mới có thể thấy được mức độ ảnh hưởng của chúng to lớn như thế nào đối với giới giáo dục, nghiên cứu, và chính trị thế giới.

Trong khi đó Việt Nam sẽ làm gì? Ðối với trong nước, có rất nhiều ngành nêu ra ở trên không tồn tại và không có chuyên gia. Một vài ngành nếu có thì cũng không được nghiên cứu sâu rộng. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu không nhiều và không được công nhận hoặc nể phục trên trường quốc tế, không có tiếng nói, ảnh hưởng trên thế giới. Nếu có những nhà nghiên cứu giỏi đi nữa thì số lượng quá nhỏ bé. Cuối cùng là chúng ta chẳng làm được gì. Chúng ta sẽ không có những buổi hội thảo, không có những chuyên gia để tranh cãi, chứng minh, không có những buổi giảng dậy trong các trường đại học, v.v. Kết quả là chúng ta sẽ thất bại trong sự tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải đó mà thôi.

Ngoài nước thì sao? Chúng ta chẳng có bao nhiêu chuyên gia, giáo sư trong những lãnh vực đó cả. Nhưng chúng ta lại có rất nhiều Bác Sĩ (và đôi khi một vài nhà nghiên cứu trong lãnh vực Xã Hội học) tổ chức những buổi "hội thảo", hay nói đúng hơn là những buổi họp bé nhỏ, lèo tèo trong những phòng họp nhỏ bé của cộng đồng Việt Nam. Trong những cuộc họp như vậy, chúng ta chỉ đưa ra một số lý luận thô thiển, không sâu sắc, không đầy đủ, và rất nhiều khi không khoa học và không có chứng cớ thuyết phục. Ðôi khi đây chỉ là những cuộc họp để "chửi" những nước đang tranh chấp với Việt Nam mà thôi. Số lượng thính giả nhỏ bé tham dự cũng chỉ toàn người Việt Nam trong những cộng đồng bé nhỏ và không có ảnh hưởng. Sau cuộc họp thì vấn đề tranh chấp lãnh thổ chỉ còn là một câu chuyện vặt để mọi người kể cho nhau nghe.

Có rất nhiều lý do để đưa tới sự "thua cuộc" của Việt Nam trong việc tranh chấp lãnh thổ. Tôi muốn đưa ra một ví dụ để cho thấy ảnh hưởng của những ngành học đối với vấn đề này to lớn như thế nào. Tôi rất mong chúng ta hãy nhìn lại cách chọn lựa ngành học và việc làm của mình để thấy được tác hại rất to lớn của việc tập trung vào Y, Nha, Dược và tác lợi rất to lớn của những ngành chuyên môn khác.

Tôi đồng ý với phần lớn những điều nêu ra trong bài thơ trên đây. Tôi cũng có một vài ý kiến bất đồng, nhưng những bất đồng đó cũng chỉ nhỏ mà thôi. Tôi và tác giả bài thơ bàn về những điều này chỉ với mục đích duy nhất nói lên một vấn đề trong xã hội Việt Nam và trong cộng đồng Việt Nam. Bài thơ không có ý chỉ trích một cá nhân nào, nhưng tôi thấy lời lẽ bài thơ có đôi chỗ “mạnh” quá. Tôi tha thiết mong quý vị và các bạn học các ngành Dược, Nha, Y đừng buồn bực hoặc “take it personal” mà hãy coi đây là một vấn đề chung của xã hội để chúng ta cùng suy nghĩ và nhận xét. Tôi mong quý vị và các bạn xem đây là những ý tốt vì sự lo lắng chung cho xã hội, cho đất nước. Tôi tin rằng không phải tất cả mọi người đều có cái “mentality” đó và theo thời gian cái “mentality” này sẽ mất dần đi mà thôi.

thuykhanh
11-07-2011, 07:11 PM
Anh LeKhoi,

Có thể nào anh cho chấm xuống giòng hay cách đoạn cho dễ đọc không.
Tôi đang đọc nhưng bài dài và chữ liền nhau nên mỏi mắt, chạy ra cầu cứu anh đây!

Cảm ơn anh,

tk

LeKhoi
11-07-2011, 07:21 PM
Tôi vừa "edit" lại rồi. Hy vọng chị sẽ đọc được dễ dàng hơn.