PDA

View Full Version : Nhìn Lại Mình - TRÍCH ĐOẠN 9: NỀN TẢNG XÂY BẰNG GÌ?



LeKhoi
11-08-2011, 07:18 PM
Nhìn Lại Mình - TRÍCH ĐOẠN 9: NỀN TẢNG XÂY BẰNG GÌ?

………………………

2. Nền Tảng Xây Bằng Gì?

Chúng ta chỉ có số lượng lớn những người có bằng cấp trong một vài lãnh vực khoa học tự nhiên mà thôi, và số lượng người thành công tương đối cũng nằm trong những lãnh vực đó. Ðây là vấn đề liên quan tới “nền tảng” mà tôi muốn nói tới. Những ngành nghề cần thiết và căn bản nhất trong việc xây dựng một nền tảng xã hội thì chúng ta thiếu hẳn. Ðây là một sự thật ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Mặc dầu trong nước bây giờ một số ngành xã hội như kinh tế, thương mại, luật, nghệ thuật, và nhân văn đã bắt đầu được phát triển, nhưng nó vẫn còn trong giai đoạn rất phôi thai, và người Việt Nam trong nước cũng vẫn chưa xây dựng được một nền tảng hữu hiệu ở trong nước Việt Nam. Tôi nghĩ những người Việt ở hải ngoại cũng chưa có khả năng góp phần củng cố nền tảng đó ở xã hội nước ngoài nơi người Việt hải ngoại cư trú và ảnh hưởng tới nền tảng xã hội Việt Nam trong nước.

Những ngành chúng ta học và thành công không phải là những ngành tạo nên và ảnh hưởng - một cách trực tiếp và to lớn - lên một nền tảng xã hội. Chúng ta chỉ có thể thành công trên một nền tảng xã hội đã được dựng sẵn lên rồi mà thôi. Chúng ta vẫn chưa có khả năng xây dựng nên một nền tảng hữu hiệu cho chính chúng ta (hoặc chúng ta chỉ đang chập chững bước trên con đường xây dựng đó trong nước mà thôi).

Chúng ta sống trên nước Mỹ hay nước Pháp là những nơi đã có sẵn một nền tảng, hệ thống chính trị khá hoàn chỉnh, công bằng và hoạt động hiệu quả. Hệ thống chính trị này bảo đảm sự an toàn cho xã hội và bảo đảm sinh hoạt của xã hội đạt mức tối ưu. Những đất nước này đã xây dựng nên một nền tảng giáo dục qua hệ thống giáo dục hiện đại, khoa học, và rộng mở, nơi mà mọi người mọi tầng lớp có thể tham gia để phát triển kiến thức, nghiên cứu, và cống hiến một cách tự do. Ở đây chúng ta cũng thấy sự tồn tại của một hệ thống luật pháp công bằng, nhân bản, và bao gồm mọi lãnh vực trong cuộc sống. Hệ thống hạ tầng cơ sở vững chắc hiện đại. Hệ thống thuế má hữu hiệu. Hệ thống tài chánh, kinh tế, thương mại năng động, sáng suốt với cơ hội mở rộng cho mọi người. Hệ thống xã hội, chính trị bảo đảm sự tham gia của mọi người vào những sự vụ của đất nước vững chắc, phổ biến, và công bằng. Hệ thống an sinh xã hội, y tế bảo đảm đối với mọi tầng lớp người dân từ người tàn tật, người già, cựu chiến binh, những bà mẹ, những người nghèo, v.v. Ở những đất nước này mọi thứ đều đã được lập sẵn cho chúng ta. Chúng ta chỉ đạt được một vài thành công nhỏ bé là nhờ chúng ta sống trên một nền tảng đã được xây dựng sẵn đó mà thôi. Trên nền tảng này người Việt Nam chúng ta sống, phát triển, và học những ngành khoa học tự nhiên, Ðiện tử, Nha, Dược, Y. Chúng ta cũng đóng góp vào sự tồn tại của nền tảng đó (ví dụ như qua việc đóng thuế hoặc bầu cử), nhưng đáng buồn là chúng ta chỉ tham gia một cách thụ động mà thôi chứ có quá ít người trong chúng ta học, nghiên cứu, và làm việc trong việc xây dựng và phát triển cái nền tảng đó một cách trực tiếp.

Ðể chứng minh cho sự yếu kém trong việc xây dựng một nền tảng, ta chỉ cần nhìn vào thực tế. Thực tế cho thấy chúng ta chưa có khả năng xây dựng một nền tảng vững chắc trong nước ở một mức độ hữu hiệu tương đối để rồi có thể dựa trên nền tảng đó mà phát triển và ngược lại đóng góp vào sự cải tiến nền tảng đó. Người Việt ở nước ngoài cũng chưa có khả năng tác động trực tiếp vào việc xây dựng một nền tảng ở trong nước. Hãy nhìn vào sự nghèo đói và lạc hậu của đất nước thì sẽ hiểu. Hãy nhìn vào cách sinh hoạt, cách tổ chức xã hội của chúng ta, và nhìn vào sự thiếu vắng của cơ sở hạ tầng vật lý chuyên nghiệp cũng như sự yếu kém của căn bản tâm lý, đầu óc làm việc giao tiếp giữa người với người một cách chuyên nghiệp của người Việt chúng ta ở mọi nơi, trong nước cũng như ngoài nước, thì sẽ thấy (xin nhấn mạnh sự thiếu vắng và yếu kém của căn bản tâm lý, đầu óc làm việc, giao tiếp giữa người với người là ở mọi nơi, trong nước cũng như ngoài nước). Một lý do quan trọng giải thích cho sự yếu kém này là chiến tranh. Một lý do là thể chế chính trị. Nhưng một lý do rất quan trọng khác giải thích việc thiếu khả năng xây dựng nền tảng này là có quá ít người học và làm việc trong những lãnh vực cần thiết cho việc xây dựng nền tảng vật lý và tâm lý đó.

………………….

Xin được trở lại vấn đề nền tảng. Trong khi đó ở trong nước nơi cần có một nền tảng xã hội vững chắc thì nền tảng đó vẫn còn quá thô sơ và yếu đuối. Vì Việt Nam là một nước chậm tiến nên nền tảng xã hội vẫn còn dựa trên căn bản làng xã đơn giản. Mọi việc làm, tổ chức xã hội, liên hệ giữa người với người còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những điều định sẵn, phong tục tập quán, tình cảm, trực giác, và kinh nghiệm làm việc một cách không khoa học. Mặc dầu những cách làm việc và đầu óc hoặc kinh nghiệm tổ chức xã hội này đã được kiểm chứng qua thời gian, nhưng chúng lại không được kiểm chứng bằng kiến thức khoa học và nghiên cứu khoa học. Vì dựa trên căn bản những niềm tin định sẵn, phong tục từ lâu, và tình cảm nên cách tổ chức xã hội lôi thôi, không hiệu quả, và rất khó sửa đổi. Trong khi xã hội ngày nay phát triển nhanh chóng liên tục thì những niềm tin, phong tục, và tình cảm đó thay đổi ở một tốc độ chậm hơn nhiều. Điều này không tốt khi những phong tục, niềm tin đó là những phong tục, niềm tin có hại hoặc không phù hợp cho sự phát triển xã hội hiện đại. Hơn nữa, thể chế chính trị hiện nay còn ngăn cản sự phát triển của nhiều lãnh vực. Ðồng thời con người cũng không được tiếp xúc với những “alternatives” và những lựa chọn mới lạ khác trong việc xây dựng và tổ chức xã hội. Vì quá quen thuộc với cách tổ chức cũ mà đôi khi con người không muốn tiếp nhận những cái mới và đôi khi lại sợ những cái mới. Con người thường “sợ” những điều họ “không biết”. Tuy nhiên để xã hội phát triển thì cần phải mở mình ra để tiếp xúc với những cái mới, và nên cho cơ hội để những cái mới được một dịp thử thách và để con người làm quen với cái mới. Có tiếp xúc thì mới “biết”, có “biết” thì mới hết “sợ”. Biết đâu cái mới sẽ “work” hoặc một sự pha trộn giữa cái cũ và cái mới sẽ “work”.

Nền tảng xã hội có tổ chức và được nghiên cứu một cách khoa học ở Việt Nam chỉ ở trong giai đoạn bắt đầu. Ngày xưa chúng ta theo khuôn mẫu của Trung Quốc (cũng không được nghiên cứu khoa học), và khuôn mẫu này không phải là hay nhất (qua thực tế Trung Quốc chứng minh). Sau đó là sự tổ chức chính quyền, giáo dục, v.v. nằm trong tay người Pháp và được tổ chức theo ý người Pháp. Kế đó là Mỹ và Nga với hai thể chế chính trị, xã hội khác nhau ở phía bắc và nam vỹ tuyến 17. Ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc cũng như ảnh hưởng từ Tây phương sẽ luôn hiện diện trong xã hội Việt Nam, và chúng ta có thể học được nhiều từ những kinh nghiệm của cả hai nền văn minh này.

…………………………..

Hơn nữa tôi không biết khi chấp nhận Chủ Nghĩa Cộng Sản, các nhà lãnh đạo Việt Nam có biết rằng Karl Marx không bao giờ “ghét” Chủ Nghĩa Tư Bản hay không? Thực sự đối với Chủ Nghĩa Tư Bản, Karl Marx vừa yêu và vừa ghét. Ông ta nhận thấy một số điều không công bằng trong Chủ Nghĩa Tư Bản (mà cũng không có thể chế chính trị nào đem lại sự bình đẳng hoàn toàn cả), nhưng bên cạnh đó ông ta rất khâm phục và công nhận những ưu điểm và thành công của chủ nghĩa này. Trong sự đấu tranh xung đột yêu ghét đó, ông ta đã đưa ra một lý thuyết, một lựa chọn mới cho sự phát triển xã hội. Ðó là Chủ Nghĩa Cộng Sản. Ðây là một lý thuyết, một khả năng có thể xảy ra mà thôi. Và vì là một lý thuyết nên nó cần phải đối đầu với và được chứng minh qua áp dụng thực tế. Ðó là một lý thuyết chứ không phải một định lý.

Thực tế đã chứng minh mặc dầu đây là một lý thuyết hay, một lý tưởng đẹp, nhưng không thể nào thực hiện được vì nó không thực tế và khả năng tự nhiên của con người không cho phép họ đưa lý thuyết này thành hiện thực. Ðây là điều dễ hiểu và ai cũng có thể suy luận ra được. Ðiều sai lầm sẽ xảy ra khi con người coi lý thuyết này là một chân lý bất di bất dịch, đúng đắn, và con người không chịu đón nhận những lựa chọn mới. Trên đời này không phải chỉ có một lý thuyết duy nhất đó mà thôi. Như đã nói ở trên biết đâu cái mới sẽ “work” hoặc một sự pha trộn giữa cái cũ và cái mới sẽ “work”, hoặc một sự pha trộn sáng tạo và thông minh nào đó sẽ đem lại thành công.

Với một cái nhìn ngắn hạn thì tôi tin rằng thể chế chính trị tại Việt Nam hiện nay với hoạt động kinh tế bị tập trung trong tay của chính quyền và xã hội thiếu dân chủ cũng là một nguyên nhân đem đến sự nghèo đói và chậm phát triển của đất nước. Tôi dùng chữ ngắn hạn ở đây vì tôi tin rằng thể chế chính trị chỉ có tính cách ngắn hạn, tạm thời mà thôi nếu so sánh với sự phát triển của một nền văn hoá, một nền văn minh, hoặc quá trình phát triển và hình thành sự suy nghĩ, khả năng, và thói quen làm việc của con người. Tuy nhiên trong một giai đoạn thì chính trị rất quan trọng mà trường hợp Bắc Hàn nghèo đói, chậm phát triển trong khi Nam Hàn thịnh vượng là một chứng minh rõ ràng. Mặc dầu cả Bắc Hàn và Nam Hàn đều là một giống dân với cùng một nền văn hóa, nhưng do đường hướng chính trị khác biệt mà đã đem đến hai kết quả phát triển kinh tế, xã hội, dân trí trái ngược nhau. Một ví dụ khác là trường hợp Đông Đức và Tây Đức trước kia.

…………………………….

Chúng ta chỉ đang dọ dẫm trên con đường tìm cho chính mình một hướng đi trong việc xây dựng nền tảng xã hội một cách khoa học và một hướng phát triển mà thôi. Tổ chức chính trị hiện tại của Việt Nam khá vững chắc và đem tới ổn định chính trị. Tuy nhiên nó lại quá gò bó, không hữu hiệu, không đưa đến phát triển, và không công bằng. Nền kinh tế còn nghèo nàn nên con người còn phải tập trung lo cho cái ... bao tử nên chưa thể phát triển những lãnh vực khác như nghệ thuật, triết học, khoa học, và chính trị được. Tuy nhiên khi lo cho cái bao tử thì lại đụng phải một nền kinh tế bị kiềm hãm bởi chính trị. Nền giáo dục đang trong sự bối rối. Hệ thống luật pháp không làm việc được. “Civil society” không hiện hữu, v.v. Nói chung lại là cái “foundation” của đất nước chúng ta vẫn còn chưa được phát triển và còn yếu lắm.

………………………………..

Chúng ta phải thấy rằng mọi việc đều liên quan với nhau như những cái vòng. Trong phạm vi đất nước và chính sách thì đây là những cái vòng lớn. Chính trị liên quan đến kinh tế, kinh tế ảnh hưởng tới giáo dục, giáo dục ảnh hưởng tới đầu óc con người, đầu óc con người tác động vào chính trị. Rồi kinh tế lại tác động chính trị. Chính trị và văn hoá ảnh hưởng lẫn nhau. Văn hoá và môi trường chính trị lại định hướng cho giáo dục. Ðầu óc con người lại tạo nên văn hoá. Giáo dục tác động lên chính trị. Ðầu óc con người ảnh hưởng chính trị và chính trị ảnh hưởng đầu óc con người. Mọi thứ cứ ảnh hưởng qua lại với nhau liên tục và không ngừng như vậy.

……………………

Người Việt chúng ta nói chung và những người được gọi là thành công nói riêng, trong nước cũng như ngoài nước, có khả năng xây dựng hoặc góp phần ảnh hưởng tới việc xây dựng một nền tảng xã hội, kinh tế, chính trị, giáo dục, tâm lý, v.v. hữu hiệu, công bằng, nhân bản, và văn minh cho chính chúng ta trong nước chưa? Nếu câu trả lời là “Có” thì tôi mới thấy dân tộc chúng ta thông minh và thành công.

…………………………………..

Như đã nói ở chương một và hai, chúng ta chưa tiến bộ lắm đâu. Văn minh của chúng ta không phải ưu việt lắm. Chúng ta có “thành công” gì đi nữa thì thực tế vẫn cho thấy rằng với khả năng và lối suy nghĩ của phần đông chúng ta hiện nay thì để có được một nền tảng vững chắc, tương đối hoạt động được sẽ cần một thời gian nữa. Tôi tin rằng chúng ta vẫn tiếp tục cố gắng và mọi người vẫn tiếp tục làm việc để phát triển xã hội và con người. Ðiều quan trọng là chúng ta phải làm cho vận tốc của sự cải tiến cái “foundation” đó nhanh hơn. Tôi tin tưởng rằng phải thấy rõ sự chưa tiến bộ của mình thì sự suy nghĩ và làm việc của mình mới thực tế hơn. Tôi tin tưởng rằng có thấy rõ sự chưa tiến bộ của dân tộc thì chúng ta mới không sống trong một “illusion” thành công, tài giỏi.