PDA

View Full Version : Mùa Lụt!



Hương-Trầm
11-12-2011, 06:42 PM
Mấy hôm nay mở mail ra là thấy toàn nói về lụt ở Huế, ở Hội-An ... Mình cũng cảm thấy mình ướt đầm những nước, cũng muốn chất cái bàn lên bốn cái ghế để ... tránh lụt.
Không phải mình đùa mà mình bị ám ảnh đến nhập tâm.
Nói về lụt ở Huế là nói về một lời nguyền không giải; một nổi buồn vạn đại cho người dân xứ Huế. Phạm-Duy đã từng: "Quê tôi nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu ăn", đã vậy: "Trời hành cơn lụt mỗi năm ...", nghe thảm thiết làm sao!
Nếu xưa kia mười năm, mười lăm năm, hai mươi năm mới có một cơn lụt lớn thì ngày nay hầu như năm nào lụt cũng lớn, cũng tàn hại không kể vì nạn phá rừng vô tội vạ. Bao giờ! Bao giờ thì cố đô trầm mặc mấy ngàn năm văn hiến của chúng ta thoát được tai trời ách nước và của con người?!

tonthattue
11-12-2011, 07:05 PM
Mấy hôm trước khi nước dâng lên cao ở Huế, tôi nhận tin đất làng Long Hổ lở đến 30 mét chiều sâu . Tôi đã gởi reply với những dòng sau đây.

Khoảng chừng 1956, các tráng đoàn Hướng Đạo ở Huế xin được hai cây sắt đường rầy khá dài và dùng đò chở lên Long Hồ làm một cây cầu bắc qua một rảnh thông thủy vì những cây cầu cũ đã bị nước cuốn đi cùng đất.
Tôi đã nghe những người lớn tuổi nói về chuyện đất chài của làng nầy; mỗi năm một chút thì bây giờ sông đã lùi vào mấy cây số. Người lớn nói dân Long Hồ cứ nhìn ra sông thì thấy bên kia là Nguyệt Hồ cát bồi thêm ra và họ nói đất doi ra như vậy là từ bên Long Hồ đưa qua. Có người đã tìm cách nhờ chính quyền cho họ phần đất bồi nầy để bù lại việc mất đất vì nước xoáy.
Long Hồ là một vùng sơn cước; muốn đến nơi thì bạn phải chạy theo Chùa Linh Mụ. Trong lúc ấy Nguyệt Hồ thì bạn phải đi từ Cầu Lòn của Lan Khuê Cẩm Cát.
Long Hồ ở vào thế phản cung của sông Hương khúc đổi hướng. Nếu chạy từ Tuần xuống, đến Long Hồ dòng nước quẹo bên phải để chảy về Linh Mụ và thành phố. Phản cung là ở ngoài vành tròn, cho nên khi dòng nước còn thẳng thì đâm ngay vào Long Hồ. Trong lúc ấy, Nguyệt Hồ nằm trong bụng của cánh cung.
Phản cung là một thế trong địa (phong thủy); nhà ở nơi phản cung sẽ bị xe cộ chỉa vào làm xáo trộn, gây chấn động, tạo nên một từ trường không thân thiện cho người ở. Một trong những cách trừ khử là để các vật kim loại như tượng đồng, v.v... cũng như ở tiệm thuốc bắc có cái cối giả thuốc để ngay cửa.
Nếu vòng đất là một con rồng thì mộ chôn phía ngoài không lịch lợi gì, phải chôn ở phía kia để con rồng bao quanh.
Hình học có ngữ căn là địa lý (geometrie) là thuật đo đạt ruộng đất, vẽ bản đồ để định mốc trở lại sau khi cơn lũ tràn qua kéo theo các bờ be làm ranh giới. Nhưng đất chài, đất lỡ thì lấy đâu mà đo. Còn những phần phù sa bồi bên kia làng Nguyệt Hồ đâu phải đất bên Long Hồ đem qua. Đất lỡ đã tan trong nước chảy về hạ lưu làm cho lòng sông Hương cạn, gây lụt lội. Đất bồi bên Nguyệt hồ từ thượng nguồn, như Mũi Cà Mâu ngày một thêm phù sa từ chín con rồng tức Cửu Long.
Tình trạng nầy ngày một nguy ngập hơn cho Long Hồ khi thượng nguồn bị đốn cây vô tôi vạ, không có gì làm chậm dòng nước; đất đã trơ trọi và bùng sinh đổ xuống sông Hương đục ngầu. Bên cạnh cái chết của Long Hồ, cả đất thần kinh mất đi cái trong suốt của sông Hương, cái trong suốt cần thiết cho đời sống vật chất và tinh thần người Huế.-


chiều thành nội,
tôn thất tuệ


Ta về đây bâng khuâng chiều Thành Nội
những tấm tôn che nắng dãy súng thần
xe tăng sét đạp đầu Quốc Tử Giám
biến Thượng Tứ ngõ vào Budapest.

Đường Âm Hồn miễu linh tàn tạ
người hiện sinh mà hồn lạc âm ty
màu âm hồn phủ khắp thành phố
ém xuống bùn nét vàng son một thuở.

Ôi Đại Nội, nôi sinh những oan khiên vô lối.
Ấn với kiếm xin trao làm sắt vụn
khi quyền uy, đạo lý, luân thường
phục vụ máu và tương tàn độ nhật.

Chiều cố đô bâng khuâng khúc nguyệt tận
nét Liêu Trai, đẹp? mơ hồ? Không
Rất trần tục, cái kinh thành nhà Nguyễn,
Sử viết lại uốn cong như lưỡi vịt
người hung bạo cầm cân chân lý
khúc nguyệt tận chuyển mình qua khánh tận
Đại Nội nghiêng sắp đổ xuống sông Hương.-

tonthattue
11-12-2011, 07:55 PM
[QUOTE=Hương-Trầm;13917].
Nói về lụt ở Huế là nói về một lời nguyền không giải; một nổi buồn vạn đại cho người dân xứ Huế. Phạm-Duy đã từng: "Quê tôi nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu ăn", đã vậy: "Trời hành cơn lụt mỗi năm ...", nghe thảm thiết làm sao!


Nhà tôi cũng như Hương Trầm nói câu hát nầy của Phạm Duy. Tôi nhớ mấy đứa nhỏ quanh xóm cứ hát: Ba chị em có ba cái miệng, theo bài Hội Trùng Dương của Phạm Đình Chương: tiếng sông Hồng, tiếng Hương và tiếng sông Cữu. Tôi vừa chạy về Phố Cũ và xem lại thì lời ca của Phạm Đình Chương hơi khác chủng 3% đối với lời trich trên đây. Xin copy phần sông Hương và cái link để các bạn tham khảo.

Tiếng Sông Hương

Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương giang, đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than. Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ, bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu. Hỡi hò, hỡi hò. Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn. Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi, khiến đau thương thấm tràn, ngập Thuận An để lan biển khơi, ơi hò ơi hò.
Hò ơi...... Ai là qua là thôn vắng, nghe sầu như mùa mưa nắng cùng em xót dân lều tranh chiếu manh.
Hò ơi...... Bao giờ máu xương hết tuôn tràn, quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn cho em vang khúc ca nồng nàn.
Ngày vui, tan đao binh, mẹ bồng, con sơ sinh, chiều đầu xóm xôn xao đón người trường chinh. Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên.
http://dactrung.net/Bai-nh-8120-Hoi_Trung_Duong.aspx

hoài vọng
11-12-2011, 08:06 PM
Chào cô chủ đất Huế và bắt tay với anh Tuệ nhiều cái ( vì còn thiếu nợ anh mà )
Hồi đó , tôi cũng đã thấy cái dữ dội của mưa Huế từ Hải Lăng cho đến đèo Phước Tượng nhưng nói thật là tôi chỉ nhớ món tré của Huế và nhất là....tuy chỉ ở Huế có ba năm nhưng hơn ba mươi năm vẫn còn nhớ giọng mấy O Huế ....

Hương-Trầm
11-12-2011, 09:00 PM
Cho Trầm xin lỗi vì sơ sót của mình. Cám ơn anh Tuệ đã sửa sai. Xin lỗi Nhạc sĩ Phạm Đình Chương lắm lắm.
Cám ơn anh Hoài Vọng ghé thăm. Lại được anh gọi là cô chủ đất, mừng húm, như vậy Trầm có hy vọng xây được cái nhà là nhà của ta rồi đây. Ở Huế có ba năm nhưng ba mươi năm sau vẫn nhớ giọng mấy O Huế. Phải chăng anh định nói có một O Huế sát cánh bên cạnh và vẫn hay làm tré cho anh ... thời?

hoài vọng
11-13-2011, 10:30 PM
Nếu mà có bên cạnh thì đâu còn nhớ nữa....!

Hương-Trầm
11-14-2011, 03:57 PM
Như vậy mà lại hay anh ạ. Đó là ý-nghĩa chữ hoài-vong?
Một lần nữa, cám-ơn anh đã sốt-sắng đến thăm nhà.

Hương-Trầm
11-14-2011, 04:17 PM
Thưa anh Tuệ,
Hôm qua chân ướt, chân ráo về nhà mới, gặp anh cùng anh HVong đến thăm với quà cáp hậu-hỉ làm Trầm quýnh-quáng quên trước quên sau. Hôm nay định-thần xin hầu chuyện với anh.
Bài thơ Chiều Thành Nội của anh rất hay, nhất là hai câu cuối:
khúc nguyệt tận chuyển mình qua khánh tận
Đại Nội nghiêng sắp đổ xuống sông Hương.-
Tuyệt!
Huế biến dạng rồi anh ạ. Tìm những kỷ-niệm xa xưa thà tìm trong ký-ức. Trở về chỉ thêm nảo-nề, thất-vọng hơn. Đó là thiển-ý của Trầm thôi. Biết bao người trở về và họ vẫn tìm thấy hạnh-phúc, còn hơn ngày xưa nữa. Thế mới biết buồn vui là do lòng mình. Hân-hạnh được quen anh.

hoài vọng
11-14-2011, 08:03 PM
Như vậy mà lại hay anh ạ. Đó là ý-nghĩa chữ hoài-vong?
Một lần nữa, cám-ơn anh đã sốt-sắng đến thăm nhà.

.... rằng hay thì thật là hay
....nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào !

Còn chuyện trở về , nếu mình đứng bên bờ sông... mà nhìn để nhớ...đến câu thơ BHTQ
................
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân ngoảnh lại : trời , non , nước
Một mảnh tình riêng....ta với ta !
Bà Huyện Thanh Quan
Thì sự não nề càng chất ngất ( và tôi thích như thế !)

thuykhanh
11-14-2011, 08:28 PM
Chào anh Tuệ, anh Hoài và chào H.Trầm:



Có chiếc hình sông Hương chụp lần về thăm Huế năm 2007

tk dán vào đây Trầm xem cho đỡ nhớ nhé.



http://i859.photobucket.com/albums/ab159/uc0708/794fbb36.jpg

Hình dưới là sông Hương, nhìn từ chùa Thiên Mụ

http://i859.photobucket.com/albums/ab159/uc0708/23746a62.jpg

hoài vọng
11-16-2011, 02:38 AM
Nhìn dòng sông Hương vẫn thấy êm ả , không biết chị TK chụp bến đò nào chứ hồi đó bến đò chợ Đông Ba ....tấp nập lắm mà !

Hương-Trầm
11-17-2011, 06:00 PM
Cám-ơn chị Thụy-Khanh vô-số-kể!
Hai tấm ảnh rất đẹp; nhất là tấm chụp từ chùa Linh-Mụ. Nói đến chùa, Trầm liên-tưởng một điều ngộn-nghỉnh: ảnh hoa sen của chị TK và tên của em cũng có vẻ hơi ... chùa.
Đùa một chút cho vui, có giận thì Trầm sẳn-sàng đưa đầu cho chị cú vài cái là hết giận..:)!

tonthattue
11-17-2011, 06:27 PM
Nhìn dòng sông Hương vẫn thấy êm ả , không biết chị TK chụp bến đò nào chứ hồi đó bến đò chợ Đông Ba ....tấp nập lắm mà !.

Bến khác với bên đò. Bến là một nơi tiếp giáp với dòng sông để mình lấy nước, tắm hay giặt áo quần. Anh Gun Ho nói mẹ anh hay xuống bến ở bờ sông Bến Ngự giặt áo quần, bến nầy gần chỗ cụ Phan Bội Châu đã neo thuyền. Cạnh Phủ Thủ Hiến có Bến Cát, chỉ là một chỗ khá rộng và cạn (nông) người lớn thường đem trẻ em xuống tắm.
Cái bến Gun Hô nói có lẽ là bến Viễn Đệ. Ông Viễn Đệ ra sông Bến Ngự trước nhà làm một cái bến rất đẹp có một tấm xi măng to kề mặt nước, có cổng khóa. Đó là bến riêng tuy sông và chỗ làm bến thuộc của công, cách nhà bởi một con đường cái. Nhưng sau khi hồi cư 1946 thì dân chúng xuống giặt áo quần vì có tấm thềm xi măng thuận tiện. Những bến riêng xí của công như thế nầy ít xẩy ra. Nhưng các vườn nhà trên bợt sông đều có bến xây, bến đá để tiện dùng và làm cảnh luôn thể. Nếu bạn chèo thuyền về phía Vy Dạ, bạn sẽ thấy những bến xây của mấy ông hoàng thân quốc thích rất kiểu cách.
Bến Phú Văn Lâu xây trên nước nhưng không thực dụng như các bến khác. Câu hát về vua Duy Tân ai cũng biết:
Trước bến Vân Lâu, ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm ai thương ai nhớ ai đợi ai trông Thuyền ai thấp thoáng bên sông, đưa câu hò mái đẩy chạnh lòng nước non.
Có người viết về Huế mà nói rằng Phu Văn Lâu là một bến đò thì không đúng. Cạnh đó ai cũng biết có bến đò Thừa Phủ, nổi tiếng đưa nữ sinh Đồng Khánh qua sông:
xuống bến đò xem những con đò đi
tà áo trắng dài theo mạn gỗ
dòng sông Hương xanh biếc đã đổi màu
màu trắng đẹp thiên nga trường Đồng Khánh
(khung ngọc, ttt)
Bến đò chia ra hai loại: bến đò ngang đưa người qua sông từ bờ nầy qua bờ kia; loại kia là bến đò dọc là nơi cặp bờ của các chiếc đò không biết xuất phát từ đâu, thường thường là các đò chở hàng đến các chợ. Đấy là loại bến mà anh Hoài Vọng thấy ở chợ Đông Ba. Một thứ bến khác gần giống là nơi đến của các bè từ thượng nguồn chở tre, mây v.v.. cho nên có Đường Hàng Bè.
Phía sau chợ nầy cũng có bến đò ngang, chở khách từ Đập Đá qua về trên sông Hương, khoảng đầu Cồn Hến. Bây giờ không biết có còn không.

Hương-Trầm
11-30-2011, 08:08 AM
Mưa tầm-tả.

Mấy hôm nay mưa hoài không dứt, mưa giống như những cơn mưa thúi đất thúi đai ở Huế mà khi chấm dứt cơn mưa, nhìn ra sân thì rêu đã xanh rì gần giống như một bãi cỏ.
"Mưa từ đâu mưa về. Làm muôn lá hoa rơi tả-tơi". Bỗng-nhiên mình nhớ câu hát nầy của nhạc-sĩ Huỳnh-Anh trong bài Mưa Rừng hồi còn nhỏ. Ừ nhỉ! Hỏi cho ra hỏi chứ ai không biết mưa từ trên trời rơi xuống. Nói chi làm hoa lá tả-tơi, còn ngập lụt đất đai, phá-hoại nhà cửa, mùa màng gây bao thảm cảnh cho con người. Mà nói đi phải nói lại, nếu không có mưa thì nhân-loại đã bị tận diệt rồi. Nhớ câu dân gian: "Lạy trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống. Lấy ruộng tôi cày ...". Uống nước mưa là "nghề" của mình. Năm nào cũng hứng ba thùng nước mưa để xài. Bạn-bè chọc là Hai-lúa, là dân Chắc-cà-đao. Muốn nói chi cũng được, mình quên hết khi giòng nước thanh-tao, ngọt ngào ấy trôi qua cổ.
Mùa hè năm nay mình cầu-khẩn mưa quá trời vì nơi mình bị hạn. Ngày nào cũng tưới cây, phải dang nắng 90-95 độ F, có khi cả 100 độ hơn, mà cây cỏ hoa lá cứ xìu-xìu, ển-ển như chủ nó quờ-quạng, liêu-xiêu vào nhà sau khi "xả thân" vì chính-nghĩa. Ngày nào thấy trời âm-u, mây nhiều một chút là lòng rộn ràng, hớn-hở; đoán già, đoán non: chiều nay, tối nay trời sẽ mưa ...
Thật là - "Mưa thương ai mưa nhớ ai. Mưa rơi như nhắc nhở. Mưa rơi trong lòng tôi". Chắc khi viết câu nầy nhạc-sĩ H.Anh ẩn-dụ nổi đau lòng. Mưa cũng như nước mắt đang rơi trong lòng. Thảm thật! Mà ai lại chẳng có một lần: "Mưa như mưa trong lòng tôi"!!!
Vậy mà vẫn có người mong mưa vì mưa mang hạnh-phúc - ít nhất là lúc đó -như thi-sĩ Nguyên-Sa mà nhạc-sĩ Hoàng-Thanh-Tâm phổ nhạc, Ý-Lan hát*. Thú-thật mình không thích cách trình-diễn và tiếng hát quá lã-lơi của Ý-Lan. Nhưng phải công nhận không ai hát bài nầy xuất-thần như cô ấy cả.
Dự-đoán thời-tiết cho biết mưa chấm-dứt chiều nay. Cũng đã đủ để cám-ơn Trời.

H.Trầm.

* http://www.youtube.com/watch?v=d_e1WxYsKSI

nam2010
11-30-2011, 02:06 PM
Chào Hương-Trầm, ttt, hv, tk:

Mời mọi người xem hình Mưa trên Đập Đá:


http://i779.photobucket.com/albums/yy75/nam2010/a6289dae-1.jpg

thuykhanh
11-30-2011, 04:18 PM
Hai tấm ảnh rất đẹp; nhất là tấm chụp từ chùa Linh-Mụ. Nói đến chùa, Trầm liên-tưởng một điều ngộn-nghỉnh: ảnh hoa sen của chị TK và tên của em cũng có vẻ hơi ... chùa.
Đùa một chút cho vui, có giận thì Trầm sẳn-sàng đưa đầu cho chị cú vài cái là hết giận..:)!

Chào Hương Trầm và khách quí của H.Trầm,



Hoa sen và Hương Trầm, chùa thiệt rồi chứ còn gì nữa mà bảo tk cú đầu.

Hôm qua Trầm ghé thăm mà không khỏe, đừng buồn tk nha.



Anh Nam mới mang hình mưa trên Đâp Đá vào cho Trầm kìa.

Hồi học QH, mỗi lần Đập Đá bị ngập nước là tk được nghỉ giờ Triết vì nhà cô Diệu Trang,

giáo sư Triết ở vùng này.



Thăm Trầm chút nha,


tk

Hương-Trầm
11-30-2011, 04:34 PM
Cám-ơn Nam2010 đã cho Trầm và các bạn xem tấm ảnh Mưa trên Đập-đá. Theo đà nầy trong tương-lai Trầm sẽ có một bộ sưu-tập ảnh quí cho mà coi. T.Khanh mở hàng thật đắt địa. Cám-ơn TK lần nữa nè (hôm nào cho Trầm xin mấy nhánh cam đi).
Nam2010 ơi, mai mốt Trầm gọi là Nam, không cần con số 2010 theo sau thì Nam2010 có vui-lòng không? Nói cho Trầm biết không thôi lại: "Ai cho bà gọi tắt tên ...tui".
Cám-ơn Nam2010 lần nữa và xin chúc an vui.

H.Trầm

TB: Mà Nam2010 mời "xem" nghĩa là cho "mượn" xem rồi trả lại chứ không phải cho luôn, phải không?:)! Làm ơn cho Trầm luôn đi, như TK đã cho Trầm vậy, nghe.

Hương-Trầm
11-30-2011, 05:04 PM
Thụy-Khanh ơi,
Vừa trả-lời cho anh Nam (bắt chước gọi theo TK đó) là thấy TK.
Cứ từ-từ không có chi mà vội. Trầm cám-ơn TK không hết thì làm gì có chuyện buồn hay giận TK. Hôm ghé nhà TK, nghe các bạn của TK bàn tán về câu chuyện Vợ hiền của văn-sĩ Tràm-Cà-Mau, Trầm cười hoài. Thú-vị vì những ý-tưởng ngộ-nghĩnh của các bạn ấy.
Chúc TK luôn an vui.

H.Trầm

nam2010
12-01-2011, 12:23 AM
Chào Hương-Trầm,

HT cứ tự nhiên dùng tên đó.
Tôi còn viết tắt tên hơn nữa vì lười gõ chữ. HT cho tôi hay nếu không thích.

Nếu cần hình HT có thể dùng vì nếu cho tôi sẽ không dùng hình đó được nữa!
HT có tính xin chữ ký trên hình không đó?


Mời Hương-Trầm, thuykhanh, ... xem cảnh mưa trên sông Hương:


http://i779.photobucket.com/albums/yy75/nam2010/019e18ea.jpg

goctroiparis
12-01-2011, 01:44 AM
vào đây là thấy mình về tới Huế rồi :)

cám ơn các anh chị đã chia sẻ.

Góc

tonthattue
12-01-2011, 05:16 AM
Hồi học QH, mỗi lần Đập Đá bị ngập nước là tk được nghỉ giờ Triết vì nhà cô Diệu Trang,
giáo sư Triết ở vùng này.

[I]Dear Thụy Khanh,
Tôi không biết Đồng Khánh có đệ nhất hay không và nếu có thì không biết từ lúc mô. Tôi rời QH 1959, khi nớ con gái đệ nhất học chung với gà trống chưa thiến là tụi tui. Tuy chưa thiến nhưng không kè được ai, vì mấy mợ mới xong tú tài bán thì nhìn lên trời mà thôi. QH tụi tui lúc mô cũng nhờ tiếng chuông nhắn ĐK: Muốn chi? muôn chi?. ĐK dùng trống, trống thiệt chứ không phải trống cà rừng nhé, trả lời: Muốn chồng, Muốn chồng.... học cao giàu hơn tụi bây.
Lúc đó, bao trùm môn triết A,B, C đều do cha Luận, tuy cha đã làm Viện Trưởng ĐH Huế. Thầy của Thụy Khanh là cô Diệu Trang. Nếu Đập Đá lụt mà cô không đi dạy được thì cô phải ở phía Vỹ Dạ. Mà cái tên Diệu ...99% thuộc dòng Nguyễn Khoa. (Nói tầm bậy: trong phố nầy có người mang súng thuộc chi nầy).
Nếu tui nhớ đủ, thì ở góc đường Thuận An và ngõ rẽ vô cầu Ông Thượng (kêu theo Nhiếp Chính Vương Tôn Thất Hân), có nhà ông Cả Bính, làm ty lục lộ (công chánh) . Nhà nầy nhiều cô và có hai anh em thầy Chỉnh (và Nghiêm?) nhào vô bợ hai cô. Tôi chưa bao giờ nghe Diệu Trang dạy triết, như vậy Thụy Khanh phải là tiểu muội của "bô hê miêng" ni hí.

(mới thử màu mè ... cho nên post sau sẽ có bài về chuyện học triết).

gun_ho
12-01-2011, 06:07 AM
....có nhà ông Cả Bính, làm ty lục lộ (công chánh) . Nhà nầy nhiều cô và có hai anh em thầy Chỉnh (và Nghiêm?) nhào vô bợ hai cô.

Hình như là bà con rất gần với em đó anh Tuệ, nếu đúng vậy thì họ là vai chị.

tonthattue
12-01-2011, 07:17 AM
Hình như là bà con rất gần với em đó anh Tuệ, nếu đúng vậy thì họ là vai chị.

@ gun_ho: Tôi không chắc ông Cả Bính thuộc hệ Nguyễn Khoa; nhưng nhà nầy nhiều con gái lắm. Thầy Chỉnh dạy tôi Hán Tự năm 1952, hình như về sau thầy đi Saigon học dược. Sau một thời gian vắng bóng thầy trở về Huế và vô nhà ông Cả. Ngoài đường thì thầy ngồi trong chiếc xe hơi Peugeot 203. Có giai thoại truyền khẩu rất nhanh ở Huế về chiếc xe tai họa nầy:
chuyện kể rằng thầy lái chiếc xe xuống phía biển; đường Thuận An chật, thầy lái chậm. Chẳng may chiếc xe phía sau là của ông cố vấn miền Trung, bóp còi mà xe Peugeot không nhường; hôm sau thầy vô tù. Tôi không thể kiểm chứng chuyện nầy nhưng ông cố vấn có nhà nghỉ mát ở nơi phá trước khi qua bãi cát; ai cũng thấy ông cố vấn mặc áo bà ba lụa, đội nón colonial, và chỉ đi xe jeep bầu (gọi theo hình của nắp máy) mà thôi. Bên sau có chiếc jeep thứ hai. Dân quen lái xe nhà hay xe đò đều bằng mọi cách nhường cho yếu nhân đi qua.

@ toàn làng, toàn xóm: bên dưới là một tạp bút của Quỳnh Giao chuyển đến tôi bởi một niên trường kèm theo một nhận xét về triết học nhân khi QG nói về thái độ thờ ơ của học sinh môn triết. Có lẽ trích từ một tập san Phật Giáo vì có hoa sen (phố nầy không nhận paste). Mục post kế tiếp, tôi sẽ xin có ý kiến. Đặc Trưng cũ có nhiều bài viết vế âm nhạc của ca sĩ gốc Vỹ Dạ nầy. QG có thể như Diệu Trang không dám lên phố khi Đập Đá ngập nước.

Yêu thương muôn loài và muôn tánh
Tạp ghi Quỳnh Giao

Khi còn bé, vào lớp học môn Triết, người viết không thấy vui bằng vào chùa, hoặc học nhạc hay... ở nhà!
Quỳnh Giao không hiểu sao và cho đến giờ này vẫn chưa hiểu (!)lý do nào mà học trò trung học lại phải ngồi nghe hàng giờ một số ý kiến về luận lý học, tâm ý hay luân lý học của môn Triết. Thầy cô thì cố gắng nhồi nhét vào đầu lũ trẻ những tư tưởng của mấy ông Bergson hay Descartes xa lạ nào đó, trong khi học trò ngơ ngáo nhìn ra cửa sổ, hay lén chuyền cho nhau mấy hột ô mai!
Chỉ vì sau đó, qua giờ văn chương thì lại được lôi vào một thế giới khác.
Thế giới của những cụ Nguyễn Du với thân phận nàng Kiều hay chuyện “tài mệnh tương đố,” trong khi hai cụ Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát thì cãi nhau về cái lẽ xuất và xử, nên tìm công danh hay nên hưởng nhàn? Ít ra thì mấy tác giả này cũng... nói tiếng Việt, chỉ lâu lâu mới pha câu chữ Hán như “cầm chính đạo để tịch tà cự bí - hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên”!
Về đến nhà thì con bé lại lọt vào một cõi riêng, với người lớn từ u già đến bà ngoại lại nói về phép xử thế ngoài đời, “yêu nhau củ ấu cũng tròn,” hoặc “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”... Ngơ ngác hỏi thì thấy lờ mờ như nghe từ ông Kant, Bergson hay Descartes nào đó ở trong lớp. Rằng chúng ta có bị ngoại cảnh chi phối và nếu không khéo thì học thói xấu của người khác.
“Chọn bạn mà chơi” trở thành chân lý, nhưng vì con nít không biết chọn nên nhiều khi cha mẹ chọn giùm. Con bé đó hay ăn quà, thằng bé này ưa nói dối, đứa nhỏ kia thì cứ liếm mép cả ngày!
Lớn lên một chút và vào bậc đại học thì càng hoang mang hơn khi đoán là các ông thầy Triết ngày xưa phải dùng sách Tây. Vì vậy, các ông phải đánh vật với hai cuốn từ điển Ðào Duy Anh để xem chữ này chữ kia của Pháp thì nên dịch thế nào sang tiếng Việt. Mà thường thì là những tiếng Hán Việt cho nên mới phải có hai cuốn.
Lúc ấy thì mới thấy thông cảm hơn với các tác giả đời xưa khi các cụ viết câu “nhân sinh hào kiệt bất ưng hư - muốn đại thụ hãy ghìm cho lúng túng.” Cũng là chữ Hán-Việt, với hàm ý là trời sinh người tài thì hay bắt trui rèn bằng nghịch cảnh gian nan, để sau này sẽ có lúc dùng! Ðấy là cách giải thích chuyện tài và mệnh, hoặc “chữ tài liền với chữ tai một vần.”
Tuy nhiên, “tài” với “tai” thì cái nào đi trước? Vì bị nhiều tai ách mà trở thành người tài, hay vì có tài nên cứ hay gặp chuyện tai ngược do một ông Xanh nào đó trên trời ganh ghét mà giáng lên đầu mình?
Ngẫm lại thì có thể đoán ra vì sao mà nhiều người phát điên! Nhưng chưa hết đâu.
Vì lũ trẻ sắp trưởng thành lại được giới thiệu với một ông Phờ-rớt nào đó về sau lại được gọi lại là ông Phờ-roi, tức là cha đẻ của môn tâm phân học mà có người khác dịch là phân tâm học! Ðó là Sigmund Freud, khi thì đọc theo kiểu Tây, khi đọc theo kiểu Anh.
Chỉ biết rằng ông cụ này dạy ta là loài người bị chi phối bởi những động lực chìm sâu trong vô thức. Mãnh liệt nhất là những động lực sinh dục. Hóa ra, chẳng có Ông Xanh hay Bà Nguyệt nào đó trên trời mà là những bản năng bẩm sinh từ khi oe oe chào đời đã khiến chúng ta nói thế này làm thế nọ!
Nhiều ông bà viết văn đã đào sâu vào cõi vô thức hay tiềm thức ấy mà sáng tác khiến chúng ta phát khùng vì những truyện con trai yêu mẹ mà có manh tâm giết cha... Truyện như thế mới là tân kỳ chứ?
May là vào ngay thời kỳ hoang mang cùng cực đó, nhiều ông khác lại chỉ ra con đường giải thoát của ông Suzuki qua cuốn Thiền tông! Vô minh cả đấy! Không thật đâu!
Vì thế, đã có một thời mà Sài Gòn năm xưa của chúng ta có ông Freud đứng bên này đường mà chỉ. Bên kia lại có ông Suzuki giơ ngón tay chỏ ra hướng khác, lên tận mặt trăng. Ở giữa là một lớp người ra dáng trí thức vì nhìn sự đời từ một cõi thăm thẳm nào đó rất cao xa. Vào trong chùa thì lại nghe câu “Nam Mô A Di Ðà Phật,” “tứ đại giai không” và thầy giảng là không có vô minh mà chẳng có chuyện hết vô minh, “vô vô minh - vô vô minh tận”!
Bây giờ, khi mọi chuyện đã lắng, đến lượt chúng ta nhìn lớp trẻ và những trằn trọc của chúng.
Nói như Phạm Duy trong bài “Kỷ Niệm”: xin đi lại từ đầu...
Trẻ thơ tất nhiên là bị ngoại cảnh chi phối, nhưng nội tâm cũng có vấn đề hay câu hỏi. Ngoại cảnh khiến chúng càng có nhiều câu hỏi hơn và đôi khi dẫn đến phản ứng mà người lớn không biết nếu không để ý tìm hiểu. Nội tâm của chúng không chỉ có những động lực mờ ám của dục tính và ngoại cảnh cũng chẳng là cha mẹ anh chị em. Ngoại cảnh ấy là bạn bè, trường lớp, truyền hình hay cả trăm trò chơi game và ngàn truyện hoang đường.
Trong thế giới đó đứa trẻ muốn được yêu thương nên sẵn sàng nhường cơm xẻ áo với chúng bạn. Khi ấy, chúng ta thấy là một đứa bé dễ thương. Nhưng cũng đứa trẻ này lại muốn lôi kéo sự chú ý của người khác và đôi khi có phản ứng ganh ghét kèn cựa để được cưng chiều nhất. Giữa tính hòa nhã và lối tai ngược, chúng ta đã mường tượng ra sự đấu tranh giữa thiện và ác, vị tha hay vị kỷ.
Thế rồi khi thấy khó dung hòa được hai ước muốn trái ngược, là có nhiều bạn nhất lớp hoặc là đứa giỏi giang ngang ngạnh nhất trường, đứa trẻ có khi lại chọn con đường thứ ba. Ðó là lủi thủi lui về với con búp bê, ngồi chơi một mình. Chúng nói và hát như Văn Cao, “ta ca trái đất còn riêng ta”!
Khi đứa trẻ cứ phải một mình lòng vòng giữa ba ngả đường, mà hình như ngả nào cũng quy vào cái “ngã,” chúng rất cần đến sự dẫn dắt của người thân ở chung quanh. Trường hợp cực đoan nhất là khi chúng không thể dung hòa được cả ba đòi hỏi tâm lý ấy thì chúng ta có vấn đề!
Quỳnh Giao bỗng dưng bàn lẩn thẩn như vậy vì trời mưa nghe lại một bài “Ðạo Ca,” lời Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy và hòa âm của Hồ Ðăng Tín.
Nghe lại câu “yêu muôn loài và muôn tánh... mai sau chẳng sống một mình.”
Sống một mình có thể là một cảnh ngộ xã hội hay gia đình mà cũng là một hoàn cảnh tâm lý. Nhưng cách mình yêu người, và cả chúng sinh muôn tánh, có khi là cách sống hạnh phúc. Hơn là chỉ chú ý để thỏa mãn những đòi hỏi thâm sâu mà ông Freud nói đến, hoặc chuyện cao xa như ông Suzuki chỉ ra.
__._,_.___

tonthattue
12-01-2011, 09:18 AM
(tiếp theo post #23)

Lời ghi của một cựu giáo sư triết
TÔI KHÔNG LẤY LÀM LẠ TÁC GIẢ BÀI VIẾT NẦY "không hiểu sao và cho đến giờ này vẫn chưa hiểu (!)lý do nào mà học trò trung học lại phải ngồi nghe hàng giờ một số ý kiến về luận lý học, tâm lý hay luân lý học của môn Triết".
LÝ DO NÀNG THÍCH ĂN Ô MAI, THÍCH CHO RUNG CẢM CỦA DÒNG NHẠC RÀO RẠT TRONG TÂM HỒN MÌNH HƠN...CŨNG TỐT THÔI!
TIẾC THAY, VÌ DO ĐÓ CÓ THỂ NÀNG THIẾU MẤT CHIỀU KÍCH LUẬN LÝ CỦA TƯ DUY!
CÁI MÀ NÀNG CÓ THỂ THIẾU TRẦM TRỌNG HƠN LÀ VÀI KHÍA CẠNH TINH TÚY CỦA TÂM TRẠNG CON NGƯỜI (MÔN TÂM LÝ HỌC) CÓ THỂ ĐƯA TỚI SỰ NGỘ NHẬN ĐẠO ĐỨC HỌC (TRIẾT LÝ ĐẠO ĐỨC) VỚI "LUÂN LÝ" GIÁO KHOA THƯ!
LẠM BÀN VÀI PHÁT CHO VUI, NHƯNG VẪN TÔN TRỌNG SỰ LỰA CHỌN CỦA TÁC GIẢ CŨNG NHƯ NHỮNG SUY NGHĨ CỦA TÁC GIẢ TRONG BÀI VIẾT, MỘT BÀI VIẾT RẤT HAY...

Ý kiến ngắn của người gởi
Theo nhận xét trên, Quỳnh Giao mất tầm cở của lý luận tư duy. Nhà mô phạm nầy lo ngại rằng QG mất cái tinh túy của tâm lý học, làm cho nàng NGỘ NHẬN ĐẠO ĐỨC HỌC (TRIẾT LÝ ĐẠO ĐỨC) VỚI "LUÂN LÝ" GIÁO KHOA THƯ!.
Tôi không hiểu sự liên hệ giữa tâm lý học và đạo đức học và tôi không hiểu sự phân biệt giữa đạo đức học và cái gọi "luân lý giáo khoa thư".
Đạo Đức Học (la morale) là một trong bốn phần triết học dạy ở trung học; ít nhất cho đến 1959, hai ban A và B chỉ học đạo đức học và luận lý học, còn C thì thêm tâm lý học và siêu hình học. Bốn phần nầy, học sinh có thể học theo bốn cuốn sách Morale, Logique, Psycholgie, Métaphysique của Foulqué hoặc thoải mái hơn thì mua Tâm Lý Học, Siêu Hình Học, Luận Lý Học và Luân Lý Học của cha Luận, rất "song song" sánh đôi với bốn cuốn tiếng tây, như hai người tình đi bên nhau trên bờ sông Hương.
Về nhận xét "ngộ nhận" nói trên, cần nói rõ, còn không thì lại ngộ nhận chồng lên ngộ nhận. Luân lý trong luân lý giáo khoa thư là những chỉ bảo về lối sống, có tính chất thực dụng, có tính cách tương đối như Pascal đã nói: Buồn cười thay cái chân lý bị bao quanh bởi một dòng sông; sự thật bên nầy là cái giả dối bên kia núi Pyrenee. Huỳnh Thúc Kháng cũng gọi cách hành sử trong đời sống là luân lý để phân biệt với đạo lý. Nhà cách mạng nầy không chê trách luân lý tuy nhấn mạnh tính cách tương đối, ông ca ngợi tính cách phổ quát của đạo lý. Cho có vẻ sách vở, hình nhi thượng và hình nhi hạ sống theo hai thế ẩn hiện.
Chủ trương cắt đôi đạo đức học và cái luân lý tầm thường cần suy nghĩ lại. Việc nầy cũng giống như Phong Hóa Ngày Nay chê bai anh lý trưởng xấu xa cùng lúc đập phá định chế xã ấp, một định chế văn minh có trước sự tự trị tiểu bang và thành phố mà người Hoa Kỳ rất hãnh diện. Cách thức thi hành hiếu thảo trong Nhị Thập Tứ Hiếu đáng chê không hợp thời nhưng tinh thần hiếu thảo không nên tiêu hủy, nhất là không nên tiêu hủy để điền khuyết bằng hiếu với lãnh tụ, thương đến mười mà tình thương cho cha mẹ không được một, còn gì phi nhân hơn. Một tiểu bang Canada hiện có luật buộc con cái phải lo cho cha mẹ già yếu.
Có người đã chê Khổng Học chỉ ở bình diện cõi người và khen Phật Giáo lên đến tầm mức tâm linh.
Họ nói Khổng chỉ lo những vấn đề như quân quân thần thần phụ phụ tử tử. Lối ấy rất phiến diện. Khổng Tử không đề cập đến những câu hỏi siêu hình vì kính nhi viễn chi. Nào có khác chi khi có cả một cuốn kinh dày trong đó Phật bảo đệ tử đừng nói mấy thứ ấy. Khi có mũi tên độc bắn vào người, lo mà chạy thuốc, đừng hỏi vì sao, ai bắn, bắn thuốc độc gì, cung nỏ ai chế ra; tên độc là tham sân si dìm người trong biển khổ. Những lời khuyên của Phật chẳng khác chi Khổng Tử, có những lời khuyên đúng cho lúc đó mà bây giờ không hợp nữa. Phật luôn dùng tục đế để thuyết giảng chân đế.
Phương pháp phân tích, nhị nguyên của tây phương đưa các khía cạnh của một tổng thể xa rời nhau trong lúc chúng thật sự chỉ là những thế ẩn hiện. Luân lý trong giáo khoa thư nằm trong tục đế, nằm trong cái nhìn của Pascal nhưng con người làm ra nó, con người sẽ thích ứng với sự đổi thay. Cái cao siêu của đạo đức học còn khó tiếp nhận bởi học sinh tú tài như QG, huống hồ mấy đứa con nít. Nhưng xã hội cần có những đứa con nít biết tôn trọng người lớn yêu thương đồng loại. Thương người như thể thương thân. Bài học đó đã được thi hào Phạm Thiên Thư tô nết điểm trang thành duyên dáng: yêu thương muôn loài muôn tánh ... mai sau chẳng sống một mình.
QG không nói đạo ca số mấy, tên gì. Nhưng nếu không nhầm là trong bài gì đó nói về tiếng ru của mẹ, có câu chí lý: Câu ru mạch sống đông phương, con ơi mẹ là thượng đế cho con nguyên lý cuộc đời.
Nguyên lý đơn sơ, chưa cần Foulqué với cuốn Morale.
Ý kiến của giáo sư chỉ đưa hai vấn đề khác nhau trong phương pháp phân tách ở nhà trường. Phật nói: kinh đại thừa phương đẳng vừa là thuốc bổ, vừa là thuốc độc.
Bài học của thầy sẽ là thuốc bổ nếu học sinh lấy cái thâm sâu của đạo lý để nuôi các hành vi luân lý hằng ngày.
Bài học của thấy sẽ là thuốc độc nếu học sinh nói rằng cái luân lý giáo khoa thư là đồ bỏ, không dính líu cái cao siêu của đạo đức học; cho nên cậu ta sẽ rất triết mà: - buổi sáng áo mão trịnh trọng thuyết giảng từ Pythagore, xuống đến Tagore, lên đến Đạt Lai Lạc Ma, trở về Bergson; - buổi tối thì đục hàng rào qua lối xóm ngó nghé vô giường người.
Thuốc độc hay thuốc bổ không từ thầy giáo, không từ ông Phật. Mỗi người tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, chánh kiến hay tà kiến do mình mà ra.
tôn thất tuệ

tiếp: vị niên trưởng nầy đã viết thêm sau khi đọc bài tham luận trên đây:

CHỮ MORALE THƯỜNG BỊ NGỘ NHẬN LÀ''GIẢNG" MORALE!
CHO NÊN, TÔI ÍT KHI DÙNG CHỮ MORALE, MÀ THÍCH DÙNG CHỮ PHILOSOPHIE MORALE. BỞI VÌ ĐÂY KHÔNG PHẢI LÀ GIẢNG MORALE MÀ LÀ REMISE EN QUESTION DE LA MORALE CONVENTIONNELLE!(TINH THẦN TRIẾT HỌC LUÔN LÀ UNE REMISE EN QUESTION): LA VRAIE MORALE SE MOQUE DE LA MORALE! (PASCAL)...
RẤT NHIỀU BẬN VÀI VỊ GS ĐẠI HỌC "UYÊN THÂM" (nhất là các thượng tọa) ĐÒI DẠY TRIẾT HỌC ĐÔNG PHƯƠNG Ở TRUNG HỌC. TÔI GÓP Ý LÀ TRIẾT ĐÔNG CHỈ CÓ THỂ DẠY Ở BẬC ĐẠI HỌC. Ở TRUNG HỌC, MÌNH CHỈ MUỐN TẬP CHO HỌC SINH CÁCH LÝ LUẬN TRIẾT HỌC (KHÁC HƠN CÁCH BIỆN LUẬN VĂN CHƯƠNG). QUÍ NGÀI NẦY KÍCH BÁC THÈME THƯỢNG ĐẾ TRONG CHƯƠNG TRÌNH. TÔI GÓP Ý THƯỢNG ĐẾ LÀ UNE QUESTION, UN PROBLÈME PHLILOSOPHIQUE DẪN TỚI MỘT CHỌN LỰA: HỮU THẦN HAY VÔ THẦN. CHỨ KHÔNG PHẢI THƯỢNG ĐẾ LÀ "CHÚA" CỦA THIÊN CHÚA GIÁO, CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ "PHẬT" CỦA PHẬT GIÁO...
TÔI KHÔNG CÓ Ý ĐI SÂU VÀO CHUYỆN DỄ GÂY NGỘ NHẬN NẦY.

thuykhanh
12-01-2011, 01:17 PM
Hồi học QH, mỗi lần Đập Đá bị ngập nước là tk được nghỉ giờ Triết vì nhà cô Diệu Trang,
giáo sư Triết ở vùng này.

[I]Dear Thụy Khanh,
Tôi không biết Đồng Khánh có đệ nhất hay không và nếu có thì không biết từ lúc mô. Tôi rời QH 1959, khi nớ con gái đệ nhất học chung với gà trống chưa thiến là tụi tui. Tuy chưa thiến nhưng không kè được ai, vì mấy mợ mới xong tú tài bán thì nhìn lên trời mà thôi. QH tụi tui lúc mô cũng nhờ tiếng chuông nhắn ĐK: Muốn chi? muôn chi?. ĐK dùng trống, trống thiệt chứ không phải trống cà rừng nhé, trả lời: Muốn chồng, Muốn chồng.... học cao giàu hơn tụi bây.
Lúc đó, bao trùm môn triết A,B, C đều do cha Luận, tuy cha đã làm Viện Trưởng ĐH Huế. Thầy của Thụy Khanh là cô Diệu Trang. Nếu Đập Đá lụt mà cô không đi dạy được thì cô phải ở phía Vỹ Dạ. Mà cái tên Diệu ...99% thuộc dòng Nguyễn Khoa. (Nói tầm bậy: trong phố nầy có người mang súng thuộc chi nầy).
Nếu tui nhớ đủ, thì ở góc đường Thuận An và ngõ rẽ vô cầu Ông Thượng (kêu theo Nhiếp Chính Vương Tôn Thất Hân), có nhà ông Cả Bính, làm ty lục lộ (công chánh) . Nhà nầy nhiều cô và có hai anh em thầy Chỉnh (và Nghiêm?) nhào vô bợ hai cô. Tôi chưa bao giờ nghe Diệu Trang dạy triết, như vậy Thụy Khanh phải là tiểu muội của "bô hê miêng" ni hí.

(mới thử màu mè ... cho nên post sau sẽ có bài về chuyện học triết).


Chào anh Tuệ,



Không ngờ câu chuyện với Hương Trầm làm bận lòng anh.

Dạ GS dạy Triết của tk tên là Tôn nữ Diệu Trang, vợ thầy HDL, GS Toán QH.

Cô Diệu Trang xinh lắm, phục sức trang nhã, trong lớp đi giày kêu cốp cốp và

phụ trách các lớp A và C.


Mấy anh học trò không dám phá, sợ cô khóc. Chừng nào cô giảng thao thao bất tuyệt,

sợ phải học nhiều là mấy ảnh truyền lệnh cho anh ngồi sau khều vai tôi và yêu cầu đặt

câu hỏi để cô giảng chậm lại.
Vậy mà tôi cũng nghe lời, dơ tay xin hỏi, thiệt tình!


Niên khóa 62-63 là năm chót trường QH có nữ sinh ở lớp đệ nhất anh à. Sau đó trường

Đồng Khánh có lớp đệ nhất và ai học trường nấy.




Anh nói: tiểu muội của "bô hê miêng" là gì, tôi không hiểu.

Nói về Đập Đá, tôi chỉ biết tới chỗ có mấy quán bánh bèo và chả tôm thôi thưa anh, chưa qua

đến Vỹ Dạ, bữa trước phải hỏi Gun.




http://i859.photobucket.com/albums/ab159/uc0708/File0002-2.jpg

Đêm văn nghệ nhân ngày truyền thống 26/12/62 của trường QH

Hương-Trầm
12-01-2011, 02:03 PM
Nam cho Trầm là cho theo kiểu "hoa quả" cúng Phật ấy mà. Rồi vật vẫn hoàn lại chủ, không mất chút nào. Chữ ký của quý khách nếu hào-phóng thì kẻ hèn nầy xin thọ lãnh! Không dám xin vì sợ mang tiếng tham-lam. Mà quả là Trầm tham thiệt. Không tham sao thấy mấy nhánh cam của TK, mở miệng xin liền?
Trầm là con mán trong rừng chân ướt chân ráo mới vào thành ... phố. Đường xá chưa quen nói chi dùng hình này nọ. Chỉ ngắm thôi.
Tánh Trầm dể lắm, không hay lý-sự đâu. Bức hình Mưa trên sông Hương hay lắm, có phải Nam mới chụp không? Năm rồi về Huế, nhìn sông Hương mà thương muốn khóc. Nam biết tại sao không? Vì họ cho xáng hút cát từ lòng sông, thêm vào đó dân vạn đò lặn vớt rong bán cho người nuôi heo. Đi đò ngược lên Tuần, nước sông Hương đục ngầu vì nạn chặt cây trên rừng. Màu xanh của giòng sông từng làm dân Huế hãnh-diện rồi một ngày không xa sẽ không còn!

_ Góc ơi, Làm cái gì mà gấp quá vậy, ghé nhà chưa kịp hỏi câu nào đã ù té chạy. Sợ trễ máy bay hả?
Cám-ơn tất cả các bạn đã ghé thăm. Cám-ơn anh Gun_Ho nữa.

H.Trầm

tonthattue
12-01-2011, 04:13 PM
Chào anh Tuệ,

Dạ GS dạy Triết của tk tên là Tôn nữ Diệu Trang, vợ thầy HDL, GS Toán QH.

Anh nói: tiểu muội của "bô hê miêng" là gì, tôi không hiểu.


Thụy Khanh,

1. Bô hê miêng là bohémien một chữ mang ý nghĩa lãng du trong đời sống xã hội hay trong tâm tưởng. Thesaurus.com ghi cho một loạt chữ đồng nghĩa từ tốt đến xấu. May nhờ câu hỏi của TK, tôi mới tra cứu và biết chữ nầy không dính líu đến vương quốc Bohème (Bohemia) xưa cũ nay trong lãnh thổ Tiệp.
Vương quốc nầy nằm trong vùng Đông Âu có những nhóm thiểu số không có chỗ ở nhất định và hay ca hát vui chơi; cái tên gần tổng quát là gypsy. Họ không phải du mục hay du canh (nomade).
TK trích thiếu chữ "ni" trong "bô hê miêng ni", chính tôi là kẻ lãng du. Có bài hát rất lâu: đoàn người tưng bừng về trong cơn gió; hồn như đám mây trắng phất phơ, giang hồ không bờ không bến đẹp như kíp bô he mieng. Thầy dạy nhạc cùa tôi ở đệ thất 1952, ông Nguyễn Hữu Ba không cho hát phần có mấy chữ "kíp bo hê miêng" vì là ngoại ngữ, mà ngoại ngữ thiếu vì "kíp" thay cho chữ hai âm là équipe.
TK ra trường 1963 thì thuộc khóa sau nên tôi gọi là tiểu muội cho có vẻ Kim Dung.

2. May mà tôi viết 99% các cô có tền Diệu thuộc dòng Nguyễn Khoa. 1% an toàn nầy đúng vào cô Tôn Nữ Diệu Trang. Thầy HDL, nếu là Hồng Dũ Lưu thì cũng có cô vợ tên Trang. Thầy Lưu về Huế cùng với một số giáo sư tốt nghiệp sư phạm Saigon, cái nhóm được xem như những hạt bắp nở tung đẹp đẽ sáng rực trong xứ Huế im lìm; và cũng trong xứ ấy nhiều người dành cho các thầy sự quý mến mà họ đã dành cho cựu sinh viên Cao Đẳng Sư Phạm Pháp (Ecole Normale Superieure) tức là mấy ông normaliens viết sách giáo khoa.
Thầy Lưu dạy lý hóa đệ nhị C của tôi. Nhà thầy Lưu ở giữa nhà ông cả Bính tôi nói kỳ trước và Đập Đá. Hình như thầy có cô em là Chi Điền mà bọn tôi cứ chọc là Chi Điên. Nói huyên thuyên chút nữa. Theo một bài nói về nhà văn Cung Giũ Nguyên, nhánh "Cung" ở Nha Trang nầy xuất phát từ đại tộc họ Hồng người Minh Hương Huế. Thầy Lưu còn có người em là Hồng Dũ Trân, trưởng ban hợp ca của QH.
Tôi nhận ra cha Cao Văn Luận ngồi hàng ghế đầu trong tấm ảnh TK đưa lên.

hoài vọng
12-01-2011, 05:28 PM
[QUOTE=tonthattue;18301
. Có bài hát rất lâu: đoàn người tưng bừng về trong cơn gió; hồn như đám mây trắng phất phơ, giang hồ không bờ không bến đẹp như kíp bô he mieng. Thầy dạy nhạc cùa tôi ở đệ thất 1952, ông Nguyễn Hữu Ba không cho hát phần có mấy chữ "kíp bo hê miêng" vì là ngoại ngữ, mà ngoại ngữ thiếu vì "kíp" thay cho chữ hai âm là équipe..[/QUOTE]



......Anh Tuệ ,được anh giảng dậy bây giờ tôi mới hiểu rõ về lối sống của dân " bo hê miêng " chứ từ hồi còn ở ngoài Bắc , tôi cứ nghêu ngao câu hát ....giang hồ không bờ không bến đẹp như Kiếp Bố Hê Miêng...và tưởng tượng đến kiếp sống du mục rày đây mai đó...
Đang chờ nghe tiếp về mấy O Huế.....

thuykhanh
12-01-2011, 07:57 PM
T.Khanh mở hàng thật đắt địa. Cám-ơn TK lần nữa nè (hôm nào cho Trầm xin mấy nhánh cam đi).


Mấy nhánh cam Trầm muốn đây nè, cam này mọc lẹ lắm, đừng lo!




http://i859.photobucket.com/albums/ab159/uc0708/IMG_1484.jpg

nam2010
12-01-2011, 11:30 PM
- H.Trầm tuy chân ướt chân ráo nhưng đã viết nhiều hơn tôi rồi đó!

Tôi có thấy họ làm cái gì ở sông nhưng lúc đó tưởng là họ đang vét bùn?
HT cho xem hình chụp ở Huế đi.


- thuykhanh ơi! Hồi đó chưa có cầu Vỹ Dạ sao?

Hương-Trầm
12-02-2011, 12:05 PM
- T.Khanh ơi,
Cám-ơn T.Khanh nhiều lắm!!! Mai mốt có khách quý Trầm sẽ mời khách ăn cam của T.Khanh. Cam Cali vỏ mềm, thơm. Trầm ăn luôn cả vỏ. Khách thấy chủ nhà ăn cả vỏ, đâu dám vất vỏ, phải bắt chước ăn theo không thôi sợ bị chê là ... bất lịch-sự ...8-}! Ăn xong nhớ đời. T.Khanh hí!


- Nam ơi,
Không phải Trầm viết nhiều hơn Nam mà tại vì Nam không muốn ... gõ (cái nầy là Nam nói à nghe).
Nam muốn giết Trầm hay sao mà đòi coi hình chụp ở Huế!? Trời ơi! Muốn có "khúc gổ" chưng trước mặt nhà để khoe cái bản mặt "Trầm đây nè" mà cũng không biết làm sao cho có, nói chi chụp hình nầy nọ.
Nhưng Nam cũng gợi cho Trầm một ý. Từ-từ Trầm sẽ sắm một máy ảnh, làm "phó nhòm" tài-tử cho vui; khi đó Nam và Thụy-Khanh dạy Trầm nghe. Nói trước là Trầm đầu bò lắm, không thôi khi đó lại mắng thầm : cái con gì ngu tận mạng! Nhỡ Trầm nghe được, cũng cười hì hì, nhất định không giận.
Quên khoe là Trầm có một bạn cũng "phó nhòm" như Nam và Thụy-Khanh, Bạn ấy tặng Trầm một đóa Ngoc-lan ở bên Như Khói Như Sương, đẹp lắm; thêm một hoa Ngọc-lan nữa tại nhà bạn ấy. Cát-Vân đó. Nam và Thụy-khanh có biết bạn ấy không?
Thân mến,

H.Trầm

nam2010
12-03-2011, 12:07 AM
Chào H.Trầm,

HT thăm Huế mà không chụp hình Huế sao?

Về post hình: mới đầu tôi không biết cách, tôi phải hỏi thuykhanh đó!
Còn chụp hình thì thường dùng automatic nên không dám vào các mục hình ảnh đâu.
H.Trầm muốn học chụp hình HT nên vào các mục đó quan-sát và học hỏi!

Tôi mới vào nhà kia của HT và có thấy hoa ngọc-lan rất đẹp.
Tiếc rằng không hưởng được mùi hoa!


Tôi tìm được tấm hình sông Hương này:



http://i779.photobucket.com/albums/yy75/nam2010/a3097b30.jpg

catvan
12-03-2011, 08:34 AM
Chào Trầm và các anh chị.
Trầm ơi,
CV mang tấm hình qua nhà Trầm nè, ai đời tặng mà để nguyên ở nhà mình hà..CV có tập làm hình với chị Thuỵ Khanh đó, ở miệt dưới của phố..
Chúc Trầm và các anh chị một ngày vui


http://i98.photobucket.com/albums/l274/NhonhaKG/DSC_0810crop.jpg

Hương-Trầm
12-03-2011, 10:48 AM
Cám-ơn Nam đã chỉ đường cho Trầm.
Nam làm tiên đi thì sẽ ngửi được mùi hoa. Nếu hoa biết nói chắc xa cách mấy Nam cũng ngửi được há!
Trầm muốn chụp hình với Huế lắm nhưng đi đâu, chổ nào cũng bị lắc đầu quầy-quậy "em chả, em chả". Nói rứa là Nam biết tại răng rồi.
Nam có thấy nước sông Hương bây giờ đục ngầu, không còn trong xanh nhìn thấy rong tận đáy như xưa không? Nhìn hình Nam gởi hôm nay, Trầm bỗng có cảm-giác sông Hương bây giờ giống như nàng Kiều bị đưa vào thanh-lâu vậy. Đau lòng thì thôi!!!
Chúc Nam cuối tuần vui vẻ, dung dăng dung dẻ dắt trẻ đi chơi.

H.Trầm

Hương-Trầm
12-03-2011, 11:05 AM
Cát-Vân ơi,
Hương hoa bát-ngát như vầy mà sao Nam lại không ngửi được nhỉ! Tiếc thì thôi! Hay là tụi mình nên xịt thêm một chút nước hoa nhân-tạo cho nồng lên một tí để bạn ấy cùng thưởng-thức với tụi mình? (Đùa một chút cho vui, Nam đừng giận nghe).
Bây giờ nhà nào Trầm cũng có hoa Ngọc-lan của C.Vân cho, khỏi phải rinh qua rinh về. Cám-ơn bạn lắm-lắm. Từ-từ Trầm sẽ xin thụ-giáo Thụy-Khanh và Cát-Vân.
Chúc bạn một cuối tuần như-ý.

Hương-Trầm

thuykhanh
12-03-2011, 11:26 AM
TK trích thiếu chữ "ni" trong "bô hê miêng ni", chính tôi là kẻ lãng du. Có bài hát rất lâu: đoàn người tưng bừng về trong cơn gió; hồn như đám mây trắng phất phơ, giang hồ không bờ không bến đẹp như kíp bô he mieng. Thầy dạy nhạc cùa tôi ở đệ thất 1952, ông Nguyễn Hữu Ba không cho hát phần có mấy chữ "kíp bo hê miêng" vì là ngoại ngữ, mà ngoại ngữ thiếu vì "kíp" thay cho chữ hai âm là équipe.
TK ra trường 1963 thì thuộc khóa sau nên tôi gọi là tiểu muội cho có vẻ Kim Dung.

2. May mà tôi viết 99% các cô có tền Diệu thuộc dòng Nguyễn Khoa. 1% an toàn nầy đúng vào cô Tôn Nữ Diệu Trang. Thầy HDL, nếu là Hồng Dũ Lưu thì cũng có cô vợ tên Trang. Thầy Lưu về Huế cùng với một số giáo sư tốt nghiệp sư phạm Saigon, cái nhóm được xem như những hạt bắp nở tung đẹp đẽ sáng rực trong xứ Huế im lìm; và cũng trong xứ ấy nhiều người dành cho các thầy sự quý mến mà họ đã dành cho cựu sinh viên Cao Đẳng Sư Phạm Pháp (Ecole Normale Superieure) tức là mấy ông normaliens viết sách giáo khoa.
Thầy Lưu dạy lý hóa đệ nhị C của tôi. Nhà thầy Lưu ở giữa nhà ông cả Bính tôi nói kỳ trước và Đập Đá. Hình như thầy có cô em là Chi Điền mà bọn tôi cứ chọc là Chi Điên. Nói huyên thuyên chút nữa. Theo một bài nói về nhà văn Cung Giũ Nguyên, nhánh "Cung" ở Nha Trang nầy xuất phát từ đại tộc họ Hồng người Minh Hương Huế. Thầy Lưu còn có người em là Hồng Dũ Trân, trưởng ban hợp ca của QH.
Tôi nhận ra cha Cao Văn Luận ngồi hàng ghế đầu trong tấm ảnh TK đưa lên.


Anh Tuệ,



Đúng là thầy Hồng Dũ Lưu nhưng sau thầy dạy Toán anh ạ!

Lớp đệ nhất A1 có Hồng Phương H., cô bạn ngồi cạnh tk là cô (bà con) của thầy, xinh lắm.



Năm 1970 hay 1971, tk có gặp thầy ở trường Võ Trường Toản trong kỳ thi Tú tài. OX tk cũng coi

thi ở đấy, tk chào thì thầy chào lại chứ đâu có nhớ mình là ai.

GS toán của tk ở QH là thầy Thái Doãn Ngà.


Bài hát anh nhắc đến rất phổ thông, ngày xưa người ta vừa chạy bộ tập thể dục vừa hát mà; tk không hiểu anh muốn nói gì nên hỏi, cảm ơn anh đã giải thích.


Dạ, đúng là cha Luận đó anh, người đã có công rất nhiều trong lãnh vực giáo dục hoc sinh, sinh viên Huế.

--------

tk chào anh Hoài:-h

thuykhanh
12-03-2011, 11:49 AM
- thuykhanh ơi! Hồi đó chưa có cầu Vỹ Dạ sao?







Anh Nam,



Nói ra thì xấu hổ nhưng mà tôi không biết hồi đó có cầu Vỹ Dạ chưa anh Nam à. Sau này đọc mạch bài

Cánh buồm xa xưa của Gun, thấy cột cây số đề 1km Vỹ Dạ, hỏi tác giả mới biết là qua Đập Đá thì tới Vỹ Dạ



Anh Nam cũng là người Huế sao?



Về post hình: mới đầu tôi không biết cách, tôi phải hỏi thuykhanh đó!

chỉ trả lời anh là tìm đọc trong mục Thử đăng hình nên không dám nhận công đâu anh Nam

thuykhanh
12-03-2011, 11:59 AM
tk chào Hương Trầm và Cát Vân,

Bây giờ HT giầu rồi nhé, có quang cảnh TP Huế, có cây ăn trái và hoa loại xịn làm tk ghen tỵ quá,
lại thêm tài tán tếu tếu nữa chứ!

Chúc Hương Trầm và Cát Vân một cuối tuần vui vẻ, an lành

nam2010
12-04-2011, 12:01 PM
Chào H.Trầm, thuykhanh,

HT lại được thêm 1 bông ngọc-lan đẹp thanh thoát!
Chắc là làm cho thuykhanh ghen lắm!

Sông Hương khi mưa thì đục nhưng bữa nào trời tốt, có khúc có giòng nước tuy không thấy đáy được nhưng cũng
xanh xanh lững lờ trôi. Thực ra sông ở VN hầu như không có nước trong xanh thấy đáy đâu, hiếm lắm!

HT chụp hình người thì bị lắc đầu nhưng quang cảnh với cây cỏ hoa lá sao biết "em chả, em chả"?

Tôi chỉ là kẻ lang thang đi qua Huế thôi, nhưng tôi có cảm tưởng HT và TK ở Huế cũng không được lâu?
HT có học ở Huế như TK không?



http://i779.photobucket.com/albums/yy75/nam2010/ef792285-1.jpg

Hương-Trầm
12-05-2011, 04:52 PM
Thụy-Khanh ơi,
Cám-ơn TK khen nhà của Trầm. Nhà Trầm có bông hoa, cây trái, tranh ảnh giàu có là cũng nhờ có tay của TK trong đó. Trầm thích nói chuyện tếu, cho vui cửa vui nhà ấy mà. Hôm nọ chọc anh Tuệ, gọi anh là Thiền-Sư. Mấy hôm nay anh trốn biệt (dám tu thiệt lắm đa). A Di Đà Phật!!!
Chúc TK an vui.

Hương-Trầm

Hương-Trầm
12-05-2011, 05:30 PM
Nam ơi,
Nam đã vào đây mà Nam không chịu làm tiên thì thiệt-thòi vô cùng! Tiên hiểu tiếng muôn loài, muôn vật. Đứng ở VN chỉ cần nghĩ thôi là đã thấy ở ... Canada, Huê-kỳ, Pháp, Đức, Anh liền tù tì rồi. Những chuyện khác cũng vậy.
Hình Nam cho xem, từ phía lưng hai người đàn-bà nhìn tới thì trông giống như một phần của trường Đồng-Khánh vì hành-lang có canopy và gạch tường màu đỏ và nếu đúng thì chổ họ đứng là mới xây thêm? Nhưng cách ăn mặc lại giống Ấn-độ hay Hồi. Nam có thể cho Trầm biết chính-xác bức hình nầy chụp ở đâu không?
Chúc vui.

Hương-Trầm

tonthattue
12-05-2011, 09:08 PM
Chào H.Trầm,

HT thăm Huế mà không chụp hình Huế sao?

Về post hình: mới đầu tôi không biết cách, tôi phải hỏi thuykhanh đó!
Còn chụp hình thì thường dùng automatic nên không dám vào các mục hình ảnh đâu.
H.Trầm muốn học chụp hình HT nên vào các mục đó quan-sát và học hỏi!

Tôi mới vào nhà kia của HT và có thấy hoa ngọc-lan rất đẹp.
Tiếc rằng không hưởng được mùi hoa!


Tôi tìm được tấm hình sông Hương này:



http://i779.photobucket.com/albums/yy75/nam2010/a3097b30.jpg



Vét sông:
Hút xán thường nhằm lấy cát hay thổi vào một nơi trủng để đắp cao. Máy cào trong hình làm như vét chỗ nầy đắp chỗ kia rồi cũng trở lại như cũ. Sông Hương và phụ lưu đã cạn làm cho nước chảy khó, gây lụt lội. Ngoài ra vì bùn dơ, bèo lục bình phát triển với rễ chùm tăng thêm sức cản. E rằng dù vét với qui mô cũng không kịp với đất trên nguồn đổ xuống, hậu quả phá rừng.

Sông Lợi Nông

Con sông trong hình Nam đưa lên, theo tôi không phải là sông Hương vì quá hẹp. Theo tôi đoạn nầy hoặc ở Bến Ngự v.v... Nói theo một tên ít ai đụng tới là kênh đào Lợi Nông. Nó đi đến đâu thì mang tên xứ ấy. Sông Bến Ngự, sông Phủ Cam, sông An Cựu. Bắt đầu từ cửa sông gần ga, kênh đào nầy chạy vòng vo xuống đến Đập Đá vào lại sông Hương nếu không bị đập nầy chận lại.
Từ cửa đến An Cựu, kênh nầy mang tính chất thành phố, hai bên nhà của khang trang và hai con đường bờ sông là những giao lộ chính, vì vậy tôi nói hình trên của Nam ở khoảng nầy. Những đường kè (bờ tưởng giữ đất) làm mất nét thiên nhiên nhưng mặt khác chúng không đủ tính cách thẩm mỹ và đồ sộ như ở các nước phát triển khác.
Qua khỏi An Cựu sông mang tính cách đồng quê và có những con hói như hình xương cá; ở đấy kênh mới thực làm công việc lợi nông để có cái tên nầy. Nhưng hầu như không ai nói.
Chừng 1957, các trường ở Huế mở thêm cái tố chức gọi là hiệu đoàn, sinh hoạt như Gia Đình Phật Tử hay Hướng Đạo. Tại QH giám học Văn Đình Hy, huynh trưởng GĐPT, phụ trách chuyện nầy. Ông đưa chúng tôi đi bộ xuống Cầu Ngói Thanh Toàn. Ra khỏi trường, hướng về Đập Đá, rẻ phải vô Chợ Cống rồi tiếp tục đi ven những con lạch. Ôi trời ơi, lúc ấy cũng giống như về sau ở Thủ Đức ôm cây súng Garant, đeo ballot đi học chiến thuật, lần đầu tiên ra bãi ngay ở cỗng sau mà tường như “đường trường xa con chó hóa ra con mèo”. Gặp mấy ông nông dân hỏi còn bao xa thì được trả lời: còn ba khâu rựa. Khâu rựa là cái chi? Rựa có mấy cái khâu sắt niền ở cán gỗ hay tre đâu phải là ki lo mét, hay cây số.
Đêm ấy chúng tôi ngủ trên cầu, cầu ngói có mái che như kiểu cầu ở Hội An của người Tàu. Hôm sau ra chợ mới nhờ giải thích. Khâu rựa là một lần đổi cái rựa từ tay nầy qua tay khác khi mỏi. Như vậy có thể là một trăm mét, một cây số, ba cây số … khi nào mỏi. Thế nhưng đơn vị đo lường cao su ấy vẫn cho dân chúng trong vùng một ý niệm gần xa và không dùng những thứ tạm gọi là chính xác như kilo mét v.v…
Nghĩ tới chuyện trở về mà kinh hãi. Nhưng bỗng nhiên có đến bảy tám chiếc đò cặp bến. Chúng tôi đi đò, không trở lui Đập Đá mà đi tiếp ra An Cựu, Kho Rèn, Phủ Cam rồi Bến Ngự và lên bờ về trường. Êm ru như đi trong hồ vậy. Đó là lý do tôi nói có sự ăn thông con nước từ Ga đến Đập Đá.
Tại sao có Đập Đá. Tôi chưa có sự giải thich chính xác nên tự tìm hiểu, chưa biết trúng sai ra sao. Lý do chính là ngăn nước mặn vào đồng An Cựu. Mùa hè nước sông xuống thấp nên nước biển tràn vào. Do đó Đập Đá sẽ chân lại. Nước biển không đến được cửa sông để vào Bến Ngự chảy xuống An Cựu. Thời Pháp thuộc nhà máy nước Vạn Niên dùng nước sông dưới đồi Lăng Tự Đức nên nước luôn ngọt. Nhưng dân chúng không có nước máy, phải xuống sông gánh.
Mùa nắng người ta dùng đò lên đến Thiên Mụ chở nước ngọt về phố bán. À quên, cấm nói chữ “bán nước” mà “đổi nước”. Ngày nay có lẽ không còn chuyện bán nước uống, mà chỉ có chuyện bán nước với công hàm, với dời cột mốc. Nói theo kiểu đồng dao, đó là điềm báo trước.

nam2010
12-06-2011, 07:43 PM
Chào Hương-Trầm,

Tôi không có trí tưởng-tượng phong-phú như HT nên đành chịu thiệt!

Hình như ở VN chỉ có 2 trường sơn màu đỏ đó? HT đoán ra 1 trường vậy còn 1 trường nữa.
Trời lạnh nên họ khoác thêm áo len. HT thấy giống Ấn-độ hay Hồi sao?



Chào tonthattue,

Hình đó tôi chụp ở khoảng giữa cầu Gia Hội và cầu Đông Ba. Xin lỗi! Có lẽ đó là sông Đông Ba.


Hình này chụp ở sông An Cựu, gần phủ Tùng Thiện Vương:


http://i779.photobucket.com/albums/yy75/nam2010/c98f8df2-1.jpg

Hương-Trầm
12-07-2011, 06:14 PM
Nếu như Trầm có thể giăng võng đu đưa dưới bóng mát của mấy tàng cây nầy, mở cửa nhà (computer) vào dạo chơi trong phố thì lý-tưởng biết bao!
Nam làm Trầm nhớ lại thời tóc xõa ngang vai, Trầm "phải lòng" một chàng bạch đinh vào Huế trọ học. Chàng dẫn nàng Trầm rửa chân trên bến sỏi đá chứ đâu có được như cái bến vương-tôn công-tử của Nam.
Cám-ơn tấm ảnh đẹp và gợi nhớ của Nam.

Hương-Trầm

tonthattue
12-07-2011, 06:52 PM
Chào H.Trầm, thuykhanh,

HT lại được thêm 1 bông ngọc-lan đẹp thanh thoát!
Chắc là làm cho thuykhanh ghen lắm!

Sông Hương khi mưa thì đục nhưng bữa nào trời tốt, có khúc có giòng nước tuy không thấy đáy được nhưng cũng
xanh xanh lững lờ trôi. Thực ra sông ở VN hầu như không có nước trong xanh thấy đáy đâu, hiếm lắm!

HT chụp hình người thì bị lắc đầu nhưng quang cảnh với cây cỏ hoa lá sao biết "em chả, em chả"?

Tôi chỉ là kẻ lang thang đi qua Huế thôi, nhưng tôi có cảm tưởng HT và TK ở Huế cũng không được lâu?
HT có học ở Huế như TK không?



http://i779.photobucket.com/albums/yy75/nam2010/ef792285-1.jpg



Bông rua me xừ Nam,
a) ảnh trường QH tôi nhận ra nhở màu sơn vôi đỏ cùng vài nét kiến trúc và cái canopy nối hai batiment vào nhà chơi. Còn cái nhà kia thì rất xấu không hài hòa với kiến trúc chính. Hương Trầm nói hai cô trong hình là Ấn Độ, điều nầy không thái quá. Cái cô bên phải mặc cái áo gì rất kỳ cục, dài không ra dài bà ba không ra bà ba.
Y phục đàn ông có cái áo ngoài không phổ thông tiếng Pháp là vareuse, lưng lửng trên đầu gối, dài hơn áo vét một chút;trông kỳ kỳ nên ít ai dùng.
Cái cô nầy không nói xấu đẹp nhưng bất bình thường.

b) tôi thiệt tệ về địa dư ở Huế, tôi nghĩ chỉ có con sông Bến Ngự là phụ lưu của sông Hương; trong lúc sông Gia Hội thuyền bè tấp nập, nó chạy sâu xuống Bao Vinh và gì gì xa nữa. Hai bên sông nầy có đường Hàng bè và Hàng Đường.
Nếu Nam nói Thụy Khanh và Hương Trầm không rành về Huế là điều dễ hiều. Một người tự nhận là bô hê miêng như tôi mà chỉ biết quanh quẩn bên phía Bến Ngự, tôi chưa bao giờ đạp xe xuống đến Bãi Dâu hay Bao Vinh, chưa biết phía sau của Thành Nội nghĩa là chưa biết phần đối xứng của Cột Cờ qua Đại Nội. Trong Thành Nội tôi cũng chưa đi hết.
Tôi cố giải thích một cách chủ quan giành phần thắng về mình như sau. Người Huế biết ít địa dư vì họ đều là những người hướng nội, chỉ để ý đến tư duy, nhưng họ cũng không hướng ngã tự kiêu ích kỷ. Cái ni thì Thụy Khanh và Hương Trầm sẽ cho mình 20/20, còn theo lối Mỹ thì A. Nhưng tôi cũng chuẫn bị nghe khện cho hai chữ "phách tấu".
Tôi cũng chuẩn bị đêm nay chừng 12 độ F. Bây giờ 10 giờ Đông Mỹ (Eastern Time) mà đã 20. Tôi phải đi ngay xuống green house đốt thêm lửa, không xa lắm chừng 300 feet, mà đi bộ rất cần thiết cho "thất thập niên nhân" như tôi. Bonne nuit.

thuykhanh
12-07-2011, 07:30 PM
Xin chào anh Tuệ, Hương Trầm và anh Nam

Đây là hình trường Quốc Học, nhìn từ cổng vào

Các thầy:

- Đinh Qui: HT
- Văn Đình Hy : GH
-Phan Danh Đàn: TGT
Niên khóa 1962-1963

Lớp tk, đệ nhất A1 ở phía tay phải, phòng đầu tiên.







http://i859.photobucket.com/albums/ab159/uc0708/f97ac484.png

Anh Tuệ đi đâu cũng được nhưng nhớ mặc ấm
Dự báo thời tiết nói đêm nay chỗ tk có tuyết.

nam2010
12-07-2011, 11:27 PM
Nếu như Trầm có thể giăng võng đu đưa dưới bóng mát của mấy tàng cây nầy, mở cửa nhà (computer) vào dạo chơi trong phố thì lý-tưởng biết bao!
Nam làm Trầm nhớ lại thời tóc xõa ngang vai, Trầm "phải lòng" một chàng bạch đinh vào Huế trọ học. Chàng dẫn nàng Trầm rửa chân trên bến sỏi đá chứ đâu có được như cái bến vương-tôn công-tử của Nam.
Cám-ơn tấm ảnh đẹp và gợi nhớ của Nam.

Hương-Trầm

Chào Hương-Trầm,

Giăng võng đu đưa dưới bóng mát của mấy tàng cây rồi mơ tưởng đến chàng bạch đinh vào Huế trọ học!
Nhất HT rồi!

Hương-Trầm
12-08-2011, 11:09 AM
Nam ui,
Trầm vừa đong đưa võng vừa hát: "Mộng bền năm xưa ... chỉ là mơ qua". Câu nầy trong bài Bên Cầu Biên Giới của Phạm-Duy đó. Thái-Thanh hát bài nầy tuyệt-vời. Mời Nam nghe Thái-Thanh nè.. Mơ-màng và buồn ghê Nam hí!

http://www.youtube.com/watch?v=eCkC_gnMkw8

Hương-Trầm
12-08-2011, 05:39 PM
_Thụy-Khanh ơi,
"Khanh" nói Khanh đang bận chuẩn-bị lo tết nên Trầm không dám "Khanh ơi Khanh à". Thôi đành nhìn nhìn hình Khanh gởi cho ...đở buồn. Bức ảnh chụp từ chùa Linh Mụ càng nhìn càng đẹp, một màu xanh từ sông nước, cây cỏ, mây trời. Hàng cây xanh mát trước trường Quốc-học hay quá, vẫn còn giử được!
Nơi Trầm bắt đầu lạnh.
Chúc bạn vui và dư thời-gian chuẩn-bị tết.

_ Cát-Vân ơi,
Trầm vừa biết thêm một chuyện là có một loại hoa Ngọc-lan màu vàng. Không biết đó có phải là loại mà người ta gọi là Hoàng-lan? (lâu nay cứ ngỡ hoàng-lan mọc trong chậu, quê thiệt!).
C.Vân vẫn khỏe chứ?
Thân,

Hương-Trầm

goctroiparis
12-08-2011, 06:02 PM
Bông rua me xừ Nam,
a) ảnh trường QH tôi nhận ra nhở màu sơn vôi đỏ cùng vài nét kiến trúc và cái canopy nối hai batiment vào nhà chơi. Còn cái nhà kia thì rất xấu không hài hòa với kiến trúc chính. Hương Trầm nói hai cô trong hình là Ấn Độ, điều nầy không thái quá. Cái cô bên phải mặc cái áo gì rất kỳ cục, dài không ra dài bà ba không ra bà ba.


bác Tuệ, có thể là cô bên phải cũng mặc áo dài, nhưng vạt gấp đôi lại rồi lận vào lưng quần cho ngắn, gọn dễ đi xe máy. đến lúc xuống xe rồi quên bỏ ra lại. hồi xưa, Góc cũng hay làm như vậy cho vạt áo không bị quấn vào dây sên.

áo khoác ngoài bây giờ không chỉ là áo len (tự đan hay mẹ đan cho) mà là hằm bà lằng thời trang Âu, Mỹ cộng thêm kiểu vở cóp theo phim Tàu, phim Đại Hàn nên mất đi cái vẻ nhu mì của các o Đồng Khánh rồi.

Góc

hoài vọng
12-08-2011, 06:57 PM
bác Tuệ, có thể là cô bên phải cũng mặc áo dài, nhưng vạt gấp đôi lại rồi lận vào lưng quần cho ngắn, gọn dễ đi xe máy. đến lúc xuống xe rồi quên bỏ ra lại. hồi xưa, Góc cũng hay làm như vậy cho vạt áo không bị quấn vào dây sên.



Bác Tuệ , cô Góc nói dzậy ....có lẽ không phải dzậy ? Vì nếu đi xe đạp , các cô hay dùng cái kẹp , kẹp ống quần để nó không bị cuốn vào dây " sên " ở ngay chỗ cái đĩa răng cưa ...tôi đoán là cô Góc lận vạt áo vào lưng quần là để chùi miệng cho tiện , mỗi khi ăn hàng ( 99% là ...chính xác )
O Hương Trầm ! Hình cái bến của anh Nam thì tôi thấy dọc theo sông Hương từ chợ Đông Ba đến chùa Thiên Mụ có rất nhiều mà ...thường mấy O hay ngồi giặt quần áo hoặc gội đầu ( tôi đã mê mải nhìn một O gội đầu ở Kim Long )

tonthattue
12-08-2011, 08:15 PM
Dốc Mơ: Ngô Thụy Miên + Ngọc Lan

Cẩn bái bà con họ hàng thân bằng quyến thuộc, hàng xóm lân gia gần nhà xa cửa ngõ,
@ Thụy Khanh: hôm qua lạnh nhưng không có tuyết, hôm nay cũng rứa, chỉ khổ tiếc tiền không mở máy gas propane mà phải đốt củi trong green house. Ban ngày tôi hay lấy thứ gì có nhiều khói, lý do: người ta thấy khói thì thấy lòng vui ấm. Còn không thì như trong thơ xưa: Kim dạ hà xứ túc; bình sa vạn lý tuyệt nhân yên. Đêm nay ta trọ nơi nào, trước mắt cát vàng ngàn dặm không thấy chút khói cơm chiều. Buồn ghê.
@ Góc: đúng quá, thời trang bây giờ tả pí lù nhưng nó phản ảnh chung sự thiếu thẩm mỹ (esthetique) khắp thế giới trong mọi ngành từ kiến trúc, âm nhạc, vòng vàng, ngôn ngữ. Ngày xưa cậu Kennedy, tổng thống tương lai, được gia đình dạy không bao giờ hỏi phụ nữ: are you pregnant? mà phải nói are you expecting a child? Bây giờ các vỡ kịch trong các college nhét vào miệng Lincohn trăm chữ F. Còn xứ ta thì có nhà đái gái, xưởng đẻ, và những phiên âm chữ tàu vô nghĩa.
@ Hoài Vọng: anh là làm giám khảo oral thi thiên hạ chết hết, mấy o chỉ khóc ròng. Anh có nghe người Huế dọn mồm (nhọn miệng) chưa: có tội lội xuống sông, mai mốt có chồng thì lại lội lên. Mấy o xuống bến là rứa đó.
Bây giờ xin mời tất cả hát với Ngọc Lan. Dốc Mơ vì giấc mơ trong Bên Cầu Biên Giới mà Hương Trầm giới thiệu chưa đủ đô (dose):
http://www.youtube.com/watch?v=dCU7R4IARtY&feature=related



Dốc MơNgô Thụy Miên

Đêm đã về trên dốc
Gió xôn xao ru yên tình mình
Em có về bên đó
Dõi mắt trông theo
Trông theo tình mình
Mà ngày tháng đâu nào có đợi chờ
Người yêu dấu đưa em về dốc mơ

Đưa em về bên dốc mơ
Là đưa anh vào cõi mong chờ
Tóc rất buồn như áng thơ
Buông hững hờ, tình rồi có như mơ

Em mắt cười như ánh sao
Bờ môi hồng tựa bao lời nói
Nói đi em câu mong chờ
Dấu đêm nay ơ thờ
Tình ơi !

Con dốc này, từ khi được mang dấu giầy em về
Ngày tháng nào đưa em vào ngàn trùng sóng
Hạnh phúc nào từ khi, từ khi quen lối đưa em về qua
Người yêu dấu đã xa thật xa, đẹp như giấc mơ

Em bây giờ như lá khô
Và anh vẫn là nỗi mong chờ
Dẫu đã ngàn trùng cách xa
Bên kia trời biển rộng có bao la

Sẽ có ngày ta có nhau
Thì xin một lần cho lời cuối
Giữ cho nhau thương yêu rồi
Sẽ bên nhau muôn đời
Tình ơi !

Ghi nhận nhanh
ttt

Vợ chồng tôi đã nghe Anh Ngọc hát và đã nhờ ca sĩ nầy thâu vào băng nhựa to như cái dĩa bàn thời cuối thập niên 1960. Cái giọng trang trọng quý phái của chàng như một cổ xe đưa nàng lên dốc mơ. Cái nghiêm trang của chàng trong tiếng hát mang tính chất mà tôi mới sáng chế danh xưng: "lưỡng phi lưỡng" thay cho "bất nhị" qua một câu thơ của một nhà tu vô danh:
Sống là động nhưng lòng bất động
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương *

Nhưng nghiệt ở chỗ nếu lòng chẳng vương vấn thì nghe không khoái cái lỗ nhĩ, vì chính mình cũng rất người, trông ngóng bóng dáng sau dốc mơ.
Chính vì vậy tui thích cái mơ hồ nơi tiếng hát Ngọc Lan, với những khúc rung (vibrato) như sóng mắt lung linh hư ảo, như trong khúc xạ (refraction) của nước hay khí nóng sa mạc.
Người yêu dấu đưa em về dốc mơ, nhưng em thì có phần mâu thuẩn. Mắt em cười như ánh sao, trong lúc ấy tóc rất buồn như áng thơ, buông hửng hờ. Những hiện trạng đó là nền móng cho bâng quơ, cho bâng khuâng. Người yêu dấu đã xa, thật xa, đẹp như giấc mơ.
Ngô Thụy Miên thì rứa đó nhưng tui thì:

Trong giấc ngủ dài như tà áo
một con thuyền lướt nhẹ qua sông
cây đa lạnh in hình trên bóng nước
em về đâu bên đó hỡi em ơi!
Rồi thức dậy, bóng cây dài như tà áo.
Trời nhiều gió mà lá bàng không bay theo gió
em về đâu bên đó hỡi em ơi!

Ở bên trên tui nói cần vấn vương mà nghe nhạc cho đã lỗ tai, nhưng đây với cái dật dờ như lá trong gió không bay, thì thấy cần thương mà không vấn vương. Ngô Thụy Miên: em bây giờ như lá khô và anh vẫn là nỗi mong chờ. Á chà, être c'est avoir, avoir c'est être (sở hữu là thể tính). Anh có nỗi mong mong chờ và anh đã thành sự mong chờ.
Trong mấy chục bản nhạc tình của NTM, Dốc Mơ đơn độc có tính chất thăng hoa (transcendantal) cho dù đem so sánh với Từ Giọng Hát Em gợi từ một câu hát vút cao.
Ngọc Lan, có lần tôi đem so sánh với Francoise Hardy, có lời hát nhẹ không như Mireille Mathieu; nhưng tôi đã sai vì nữ ca sĩ Pháp nầy chỉ có tiếng hát yếu nhưng không truyền cảm, hình như hụt hơi. Ngọc Lan như một tiếng hát tự nhiên, không cố gắng, không làm điệu.
Tui cũng đã cố gắng làm giàu có nét bâng khuâng lưu luyến mơ hồ trong Ngọc Lan/Ngô Thụy Miên với cầm tấu khúc dương cầm của Rachmaninoff. Nhưng không thành công. Tôi đã nghe lại hơn mười lần. Nét mơ hồ xoắn quyện chỉ có trong phần dành cho dàn nhạc trong lúc nhạc chính của dương cầm thiếu sót đòi hỏi ấy.
tôn thất tuệ

chanson de Solveig
http://www.youtube.com/watch?v=l1nXoZQh71k&feature=related
Rachmaninoff, piano concerto #2
http://www.youtube.com/watch?v=4Ud_wGMXRnQ




------------
* Sống
Sống không giận không hờn không oán trách
Sống mỉm cười với thử thách chông gai
Sống vươn lên theo kịp ánh ban mai
Sống an hoà với những nguời chung sống
Sống là động nhưng lòng bất động
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống hiên ngang danh lợi xem thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.
Thiền sư VÔ DANH


Xin lỗi: không thể sửa tiêu đề. Ngô Thụy Miên

Hương-Trầm
12-10-2011, 01:53 PM
Thưa Sư-Huynh Tuệ,
Sư-Huynh muốn sửa tiêu-đề thì muội xin chỉ Huynh một mẹo nhỏ: Huynh cứ hú, hoặc la-làng tùy thích cái tên và câu thần-chú sau đây là phép lạ xảy ra ngay - Úm-ba-la Ôn-Hòa-Mod ơi! Sửa dùm anh cái tiêu ...tùng - Cười nghe! Cấm giận. Cái nầy Góc cũng đã xác-nhận đó.
* Góc ơi Góc à! Góc cứ như sao xẹt vậy. Thăm Góc đây.
* Chào anh Hoài-Vọng. Có vẻ anh cũng hơi-hơi giống Góc. Sao xẹt ấy mà.
Gái Kim-Long nổi tiếng đẹp - Trầm nghe người lớn nói vậy - Thì anh bị một nàng Kim-Long hớp-hồn không có chi là lạ, phải không!?
Cám-ơn tất-cả đã ghé thăm.

Hương-Trầm

hoài vọng
12-12-2011, 12:41 AM
Hương Trầm ! Chẳng biết là đẹp hay xấu vì chỉ nhìn thấy phía sau lưng khi cô ấy ngồi gội đầu và tôi đứng trên xe GMC đang leo dốc ở trước chùa Thiên Mụ .....cứ khoảng một tuần tôi theo xe đi ra Huế một ngày nên....nhìn thấy ai cũng đẹp cả !

goctroiparis
12-12-2011, 03:02 AM
áááááá cái anh bác này ngày nào không nói xấu em là ăn không ngon, ngủ không yên sao á ! nợ nần này Góc hứa sẽ thanh toán với anh bác đầy đủ chứ nhất định không chịu thiệt thòi đâu :)

chị Hương Trầm, Góc xẹt là vì chui vào đọc cọp vẫn thấy thích hơn hìhì. nói chứ Góc không biết nhiều về Huế nên không cứ âm thầm đọc để biết thêm, chị ạ.

bác Tuệ, bác không tự sửa tiêu đề được, phải nhờ đến mod thôi. chị Hương Trầm quảng cáo mod Ôn Hòa vì Ôn Hòa đi ngang qua đây đúng lúc chị yêu cầu nhưng còn nhiều mod khác lắm ạ. lúc đầu, khi BĐH trưng tên mod ra, nhìn thấy ởn luôn :). hơn nữa, đây là mục của chị HT, nếu sửa thì sẽ không còn "Mùa Lụt" nữa !

Góc

hoài vọng
12-12-2011, 06:22 PM
Góc à , có tính lời " xanh - xít - đít - đui " không đó ? Hỏi trước để còn tính toán !

Hương-Trầm
12-12-2011, 07:53 PM
Thưa anh Hoài-Vọng,
_ Nhìn thấy ai cũng đẹp cả ... là nhất anh rồi! Nhưng thường một người có dáng đẹp thì nhất-định phải đẹp, không ít thì nhiều.
Trầm cám-ơn anh Hoài-Vọng. Rất cám-ơn nếu anh là cựu quân-nhân, binh-sĩ của quân-lực Việt-Nam Cộng-Hòa cũ. Những ngày bình-yên cũ của gia-đình Trầm và bà con, bạn bè Trầm có được là nhờ anh và đồng-đội trong đủ mọi binh-chủng. Một lời cám-ơn muộn-màng nhưng với tất-cả sự chân-thành.
Góc ơi,
_ Có Góc xẹt qua, xẹt lại là vui rồi. Lâu nay không thấy Lúa 9, không biết có phải mùa gặt tới, nàng bận việc đồng áng hay không mà biệt tăm.

Hương-Trầm

thuykhanh
12-13-2011, 10:22 PM
Chào Hương Trầm và quý khách của HT,




tk mang vào nhà HT một bài hát về Huế và mượn tấm hình
Mưa trên sông Hương của anh Nam. Mong anh Nam không phiền.

Xin mời bấm lên hình để nghe


(http://www.box.com/s/micin7erbvkj73s019na)

http://i859.photobucket.com/albums/ab159/uc0708/e9e0bfb0.png (http://www.box.com/s/micin7erbvkj73s019na)

Hương-Trầm
12-14-2011, 02:49 PM
Thụy-Khanh ơi,
Đang nhớ Khanh đây nè. "Khanh" có nhớ "Trẩm" không? Đùa một chút cho vui - Khanh biết Trầm hay đùa mà - vì chiều nay tự-nhiên nhớ lại một câu thơ của thi-sĩ Ái-Khanh ngày xưa: "Chủ-nhật nầy Trẩm nhớ Ái-Khanh không?".
Nhạc hay, cảnh đẹp. Trầm hên chi lạ!!! Cám-ơn Ái-Khanh, xí quên, Thụy-Khanh nhiều lắm nghe. Nghe nhạc mà cứ mong trời mưa ...
Đang cười tủm-tỉm vì chiều nay chọc được T.Khanh đây.
Cám-ơn nhiều, nhiều nghe.
Chúc bạn vui nhiều.

Hương-Trầm

Hương-Trầm
08-12-2012, 08:07 AM
HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ.

Bạn hỏi sao lâu rồi không thấy ghé lại chổ: " Kê cái bàn lên bốn cái ghế để tránh lụt". Không biết phải nói như thế nào, đành cười trừ trả nợ. Nói với bạn năm nay lại hạn. Nóng kinh người. Ngày tưới cây hai lần cũng giống như không tưới. Ba Mẹ tôi vẫn còn bị ám-ảnh bởi nhũng cơn lụt xứ Huế nên đến tận nơi nầy mua nhà. A ha! Nếu chàng Thủy-Tinh vễnh râu cá chốt nổi giận đùng-đùng, dâng cao nước hy-vọng nhấn chìm Mỵ-Nương cùng Sơn-Tinh chết ngợp cho hả cơn ghen giận thì cũng toi công thôi nếu cặp uyên-ương nầy đến đây lánh nạn. Bạn cười vui qua điện-thoại.
Nhớ lần đầu nghe lại tiếng bạn sau bao nhiêu năm xa cách, tôi đã khóc ròng, khóc mãi miết; chờ cho đến khi tôi chỉ còn thút-thít, bạn nói: - "Khóc đã chưa?". - "Rồi". Hai đứa lại cùng cười. Bạn nói bạn tìm tôi lâu rồi mà không được, hôm nọ tình-cờ gặp Phương-Hoa ở hội nhớ Huế, Hoa cho bạn số phone của tôi. Bạn cười-cười: - "Tau nói với hắn là tau tìm mi, con Mít Ướt".
Trời ơi! "Con Mít Ướt". Cái tên tôi hầu như đã quên bẵng thuở còn đi học mà bạn bè đặt cho vì cái tội đụng đâu khóc đó của tôi. Nhút nhát lại hay khóc thêm nói "cái tiếng chi mô" nên tôi luôn bị đem ra làm trò cười. Mấy đưa bạn ác miệng khác, cười khúc-khích nói với nhau mỗi khi thấy tôi khóc: - "Coai tề! Coai tề! Coai hắn chảy nước đái tề!". Vừa tức vừa nhục vì cái con không giống ai là tôi, tôi càng khóc to hơn. Lúc ấy, bạn đến với tôi.
Anh em nhà bạn nổi tiếng học gạo, học giỏi. Anh của bạn lại càng được biết đến nhiều vì là người đàn, hát hay trong ban văn-nghệ của trường, chưa kể "hắn" đẹp trai có hạng. Bạn đã nghiêm-trang dặn-dò: - "Chớ có dại mà rớ vô hắn". Tôi đã ngoan-ngoãn nghe theo. Từ ngày trở thành bạn với bạn, tôi không còn bị chọc ghẹo như xưa, và con Huế mất gốc tôi đây đã được Huế hoá.
Chả là Ba Mẹ tôi tuy Huế nhưng khi trưởng-thành lại xa rời Huế tít mù. Ngọai tôi theo con; tiếng Huế rặt, Huế chay của Ngoại được cất kỷ nên tôi là con Nam-kỳ chính-hiệu như Nội tôi đã ngao-ngán thở-dài. Nội nói chuyện với Ngoại - họ là bạn thân của nhau - và Ngoại tôi có vẻ giận-hờn: - "Mi đừng có phách tấu! Giỏi thì vô đây mà chỉ hắn theo ý mi". Không biết Nội nói chi mà Ngoại lại cười dòn dã: - "Nói rứa mà không biết ốt-dột. Cái con ni lạ".
Tôi về Huế ở với Nội mà lòng khổ-sở trăm bề. Tính Nội tôi hoàn-toàn đối nghịch với Ngoại. Ngoại hiền, ít nói, cái chi cũng cười, cũng bỏ qua. Nội tôi trái lại: sắc-sảo, khó tính và kiêu-hãnh; chỉ có một điều giống nhau là cả hai rất thương tôi. "Hắn vô thiên vô địa, cu bồi, nghịch-tặc. Phải cho hắn vô khuôn phép không thì sau ni ai mà dám rinh về". Nội tôi nói như đinh đóng cột. Tôi khóc sướt-mướt khi còn lại một mình, đếm từng ngày mong mau tới hè để được về lại Sài-gòn. Tôi lủi-thủi trong khu vườn chỉ trồng chanh, cam và thanh-trà cạnh hai người đàn-bà luôn im-lặng như hai cái bóng là Nội tôi và người giúp việc trung-thành. Hàng rào vườn của Nội trồng toàn cây Thầu-đâu. Tôi đã lạ-lùng nhìn những thân cây cao với biết bao chùm hoa tím đong-đưa theo gió; chùm trái vàng óng nho-nhỏ dể-thương mà tôi lượm chất đầy trong hộc tủ. Sau nầy tôi biết nó còn có những tên khác như Sầu-đông, hoa Soan; nhưng tôi vẫn thích gọi là Thầu-đâu như Nội tôi đã gọi. Xứ Huế nầy hình như mọi người đều biết nhau và Nội tôi hoan-hỉ khi biết tôi thân-tình với bạn, khen gia-đình bạn hết lời, lại còn hết sức ngọt ngào: "Con ngó hắn dùm mệ con hí. Dạy hắn nói tiếng Huế và lề-thoái của mình, hắn không biết chi hết trơn. Mệ thiệt ốt-dột!". Tôi ngẩn-ngơ vì không ngờ Nội thật tình coi tôi như một con mán; mà có lẽ mấy đứa bạn ở trường cũng thế, nếu không, tụi nó đâu có chọc tôi tàn-nhẫn đến vậy.
Tôi hay đến nhà bạn. Nhà bạn trồng nhiều nhản và tôi rất thích được nằm võng đu-đưa dưới bóng mát trong vườn. Ở đó, bạn cũng học tiếng "Sài-gòn" của tôi. Bạn cười nghiêng-ngã khi tôi nói "chèng đét ơi, mình ên, quá ể", những tiếng tôi biết thêm khi Ba tôi về làm việc ở miền Tây. Cây hoa Oanh-trảo sát bên hai cái võng, mùi thơm ngọt quá nên tôi không thích, hoa lại như vuốt chim. Bạn nói: -"Vậy mới có tên Oanh-trảo". Tôi không hiểu sao mỗi lần nhìn hoa Oanh-trảo, tôi lại nghĩ đến giàn mướp đắng của Ngọai. Giàn hoa chỉ cao ngang ngực tôi, hoa vàng tươi, mong-manh với mùi thơm khó tả: hơi một chút hăng nồng nhưng đôi khi lại dịu-dàng, đằm-thắm, quyến-rũ vô-cùng. Tôi gieo trong vườn của Nội vài hột mướp đắng già. Nó lên cây và ra hoa ngay chổ tôi chọn sau vườn chanh, nơi tôi để cái ghế bố, một cái bàn nhỏ mà sau nầy tôi và bạn vẫn ra đó học bài, đùa giỡn.
Bạn hỏi tôi đủ thứ chuyện. Tôi không dấu bạn điều gì. Có những khoảnh-khắc im-lặng và sau đó bạn hỏi về ngôi vườn của Ngoại tôi, nơi bạn đã sống một mùa hè cùng gia-đình tôi, hỏi về những cây Ngọc-lan, cái mương trồng hoa Mẩu-đơn và cả cái ao sen nhỏ: -"Mình vẫn nhớ những tối tụi mình ngồi bên ao sen cạnh mương Mẩu-đơn". -"Mình thì nhớ những chiều đạp xe trong thành ngửi hương sen".
Vâng! Quên là sao được những buổi chiều sẩm màu hai đứa đạp xe qua cửa Thượng-tứ, đi lòng-vòng bên hồ Tịnh-Tâm. Mùi hương dịu-dàng, thanh-khiết tràn ngập không-gian. Bạn muốn chỉ tôi đường Âm-Hồn, tôi lắc đầu quầy-quậy làm chiếc xe chao-đảo: "Không! Không đi mô! Cái tên chi nghe sợ muốn chết giả". Khi đưa tôi đến cửa, bạn cười: "Lúc đi ngang nhà Bích-Ngoc, mi có biết là tụi mình đang đi trên đường Âm-Hồn không? Chỉ là một cái tên, có chi mà sợ". Còn nữa! Chở nhau trên chiếc Velo Solex lên chùa Linh- Mụ ngồi ngắm chiều tàn trên sông khi những con đò mờ dần theo sương dâng. Lên nhà Quỳnh-Như ở Nam-giao - nhưng phải đi ngang ngôi nhà ở đường Trần-Thúc-Nhẩn, nhìn vào sân có rất nhiều hoa violet, tím ngắt một màu như trãi thảm mà hai đứa rất mê, "rửa mắt" một hồi mới đi; hình như nhà hoang vì ít khi thấy người - ngồi trong sân nhìn chiều lên chầm-chậm phủ mờ cây cỏ khi hương hoa đủ loại thơm ngát theo gió với tiếng chuông chiều! Tôi đã nói Huế làm người ta dể trở thành văn, thi-sĩ, nhưng nếu thất-tình thì chớ dại ở đây. Bạn và Quỳnh-Như đã cười đến làm đổ chén chè.
Tôi cho bạn email. Bạn nói không cần. -"Mình còn thủ-cựu lắm! Mình không muốn viết thư bằng computer. Nó mất đi cái thi-vị và cảm-giác yêu-thương khi mở lá thư và ngửi được mùi hương mong đợi. Mình sẽ gởi thư cho bạn qua bưu-điện". Vài ngày sau tôi nhận được thư bạn với lá thư màu xanh thơm nhẹ giữa mùi hoa-hồng và lavender. Có ba tấm ảnh gởi kèm. Tấm đầu tiên là bạn và tôi, ảnh hơi ngã màu nhưng vẫn thấy rõ hai cô thiếu-nữ choàng vai, bá cổ; cười toét miệng với chùm nhản trên tay. Phía sau là nét chữ nắn-nót bằng mực tím: - "Bạn thân nhất của tôi". Ảnh thứ hai là vợ chồng bạn trong ngày cưới. Nụ cười hạnh-phúc làm sáng rực cả tấm ảnh. Giòng chữ phía sau như một nhát búa đánh vào đầu: - "Đang trên bờ vực thẳm". Bức thứ ba là bạn với đôi mắt to, trĩu nặng những nổi buồn; không một giòng ghi chú. Tôi rơi nước mắt, áp tấm ảnh vào má thì-thầm: -"Trâm-Anh! Trâm-Anh ơi!!!".

Hương-Trầm

Ngoc Han
08-18-2012, 06:21 AM
O Mít Ướt
Đúng là muà lụt mà, hèn chi nhà ăn Mai Thảo tả cảnh một người tình đợi một người tình ở một công viên nào đó, chỉ thấy lệ ngọc cuả Trời. "Tôi đứng đợi em ở một góc công trường, đêm mưa như thác đổ", thi sĩ Nguyên Sa cũng đợi, dĩ nhiên là chẳng có ai tới, đợi dài cả cổ cò. Riêng o Mít Ướt chỉ nghe lại gọng nói của bạn mà đã lụt lội ngập nhà, ôi! Tình bạn. Muà lụt trên phố cổ, có áo tím, tóc dài bay bay, hay tóc đờ mi garçon? Thèm nghe bài Mưa trên xứ thần kinh, Ai ra xứ Huế, ốt dột cho mà biết, nhất là đọc đoạn kết như một " Nhát chém hư vô".

N.Hân

Hương-Trầm
08-20-2012, 01:57 PM
Hân thân,
O Mít Ướt chỉ muốn bị chém một nhát là chết tươi, chết liền tại chổ, chết không kịp khổ!!! Chứ nhát chém hư vô không làm nạn nhân chết ngay; hấp-hối hoài mà không chết được. Sống không ra sống mà chết cũng không ra chết. Ác thấy mồ!
Nói vậy chứ Trời kêu ai nấy dạ. Kêu tới tên Mít Ướt là hắn nói vắng mặt liền.
Thân,

Hương-Trầm

Ngoc Han
08-21-2012, 12:56 AM
O cười!
Hôm qua nghe tin tức, có mấy người bị thương vì bị sét đánh khi đang đi trên bãi biển, trường hợp này rất hiếm thấy, "họa vô đơn chí", hay Trời kêu ai nấy dạ? Mỗi người có một cái số. Nhưng khi bị té nên đứng lên và tiếp tục đi, vậy mới "ngầu"; ngày xưa sau 75 Hân chẳng những bị té mà còn bị đạp nữa.
Thân

N.Hân

Hương-Trầm
08-21-2012, 07:02 PM
Hân thân,
Đàn ông khi nào cũng tự-chủ và mạnh-mẽ hơn đàn bà. Trầm sẽ bắt chước Hân để tập làm "ngầu" cho thiên-hạ "lé" mắt chơi. Trầm sẽ hùng-dũng đi tới, dù là đi cà nhắc.
O cười,

Hương-Trầm

Ngoc Han
08-22-2012, 01:45 AM
Trầm thân
" Hãy lên đường như một con tê giác" không biết câu này cuả ai nói, Trầm không nhớ lại lịch sử VN ngày xưa Hai Bà Trưng, Bà Triệu điều này nhứng tỏ nam nhi chưa chắc bằng phái nữ, dù trong " Thố Ty Hoa" cuả Quỳnh Dao người nữ yếu đuối, nhưng trong lãng mạn.

N.Hân

Hương-Trầm
08-22-2012, 06:40 PM
Hân à Hân,
Tê giác ghê thấy mồ, và xấu-xí cũng như trâu nước. Trầm có đọc một chuyện cười như thế nầy:
Quan tòa hỏi bị cáo:
- Tại sao anh hành-hung anh A?
Bị cáo:
- Tại nó mắng tôi là trâu nước.
Quan tòa:
- Chuyện đó đã xảy ra cách đây sáu tháng, sao bây giờ anh mới đánh anh ta?
Bị cáo:
- Vì tuần trước tôi mới thấy trâu nước.
...................
Trầm không biết Quỳnh-Dao và Thố Ty Hoa. Trầm không xem phim Tàu và Đại-Hàn. Nói cho Trầm biết nhé.
Thân,

Hương-Trầm

Ngoc Han
08-24-2012, 01:24 AM
Phim Tàu phim Hàn quốc ở đâu vậy ta? Chỉ nghe nói bên Mỹ có nhiều đài truyền hình chiếu phim tập, bên VN hình như cũng dị, không biết đúng không. Cánh Hoa Chùm Gửi cuả Quỳnh Dao có đọc đâu mà biết chỉ nhớ đại khái là phái nam là cây cổ thụ, phái nữ là dây leo (quan niệm xưa cuả người Hoa) riêng người Việt mình ngày xưa cũng còn quan niệm cổ, con gái ở nhà nấu cơm, thêu thuà, cho đi học để nó biết chữ viết thư tình cho trai, thì vỡ nợ!!
Hân không biết rượu đậu nành, chỉ nghe nói, rượu đế 1 ly nhỏ là té lăn quay, cán cuốc, vượu chát thì "cinq-quand-dix-corbeaux" mới đụng tới dù đang ở gần vườn nho làm rịu.

N.Hân

Hương-Trầm
08-24-2012, 03:10 PM
Tưởng Hân ngầu lắm, không dè chỉ ngầu sơ-sơ:-|!
"Cát đằng nương bóng tùng quân" xưa quá là xưa rồi. Bây giờ thiên-hạ bỏ nhau ì-xèo, chỉ cần một lý-do nhỏ là đủ. Thêm màn "con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đó" với cái mặt bí-xị hơn bánh bao chiều. Thời buổi hỗn mang mà.
Nếu Hân gởi thư cho một nàng không biết đọc thì khổ thân Hân thôi!:((!
Thân,

Hương-Trầm

Ngoc Han
08-24-2012, 04:07 PM
Trầm ơi
Nếu nàng sơn nữ không biết đọc thì vẽ một trái tim, rồi hai trái tim, vẽ hai ngừ đang nhìn về một chân trời xa tít (ý nói yêu là nhìn về một hướng, câu này cuả ai nói mà hay dị ta! ) Hân uống rịu tùy có bạn, nếu Trầm uống rượu đậu nành mà không say thì Hân mời uống rượu chát đỏ, Bordeaux Château Lafite-Rothschild (grand Cru classé) hoặc ghé vùng Bourgogne thử Clos Vougeot Grand Cru, nhìn màu hổ phách, hương thơm từ rượu, nếm một chút, cho thấm rồi hãy uống, như nhũng tu sỹ khất thực, mỗi ngày chỉ dùng một bưởi cơm, khi bàn tay vắt nắm cơm trắng đưa vào miệng là cả một nghệ thuật, họ sẽ thấy cánh đồng luá bất tận, mùi đồng đồng trong gió thoảng, mùi rạ mới, mùi mồ hôi của bác nông phu, hạt gạo trắng, cái ngọt cuả đầu lưỡi khi nuốt một hạt cơm.
Nếu Trầm muốn thử rượu mạnh có đủ loại Cognac, rót một chút vào ly bầu to, lắc lắc lấy tay đậy lại, hãy ngửi mùi thơm từ rượu chưa uống đã thấy ngây ngất.:))
Thân

N.Hân

Hương-Trầm
08-25-2012, 06:38 AM
Hân thân,
Hôm qua thử rượu Hân mời, lại tham ngửi mùi thơm nên Trầm lắc ly rượu mà không dùng tay che lại; kết-quả là ... quắc cần câu, ngủ một lèo sáng nay mới tỉnh.
Đầu bếp ngửi mùi đồ ăn mãi đâm no. Hân ở gần vườn nho (dĩ-nhiên là có cất rượu), thế hương rượu có làm Hân ... sáng xỉn, chiều say, tối lai-rai, mai làm tiếp?
Cười nhé.
Thân,

Hương-Trầm

Ngoc Han
08-26-2012, 04:57 AM
Trầm ca
Chắc hồi xưa theo ba mạ trên bốn vùng chiến thuật, nếu không làm gì biết "quắc cần câu", sáng xỉn, chiều say, tối lai rai mai làm tiếp, quả không hổ danh đệ tử lưu linh, Lệnh Hồ đại ca gì đó. Đuà chút cho vui, thấy họ làm rượu rồi chắc không dám uống đâu, ( tùy loại rượu chứ không quơ đuả cả nắm) giống như mấy chổ làm bánh (kỹ nghệ= máy móc), ở những nước văn minh mà còn vậy, kể cả nhà hàng sang trọng, họ bốc bằng tay bỏ thịt, cá vô diã (nên những người nầy hay bị kiểm soát thử máu, coi đầu ngón tay có bị "nấm" hay không, ghê lắm, kể cả những nhà hàng 3 sao; còn ai đi du lịch Trung cộng thì khỏi nói, bột ngọt.....và Tào Tháo rượt nếu ăn uống không cẩn thận. Vườn bông ra sao lúc này?
Thân

N.Hân

Hương-Trầm
08-26-2012, 09:50 AM
Hân đệ,
Phục Trầm ca chưa? Hồi đó đi công-tác là Ba của Trầm ca cho Trầm ca đi theo. Tới những nơi họ mời Ba Trầm ca nhậu, Ba Trầm nói:" Cho đệ lần tới, anh em mình nhậu tới bến luôn. Bác-sĩ dặn đệ cử nhậu ba tháng, đợi cái bao-tử nằm yên là được quyền nhậu mút chỉ cà tha". Trầm hỏi vì sao Ba nói vậy (vì Ba không đau bao tử), Ba nói nếu nói không biết uống rượu thì họ sẽ hiều-lầm mình, khó làm việc. Trầm tha-hồ phá mồi!!! Đó là những tỉnh ở miền Nam khi Trầm được "trộng-trộng".
Chắc ông thầy bói ăn hối-lộ của Trầm từ kiếp trước nên đã phán một câu xanh dờn: " Số con nhỏ không thọ". Ông Bà via khiếp vía sợ con chết yểu; cho Trầm tha-hồ quậy, làm dzua trong nhà. Đi đâu Ba Trầm cũng cho Trầm theo.
Ở dơ sống lâu. Ông bà mình đã từng nói vậy. Nhắm mắt ăn càn, hít hà khen ngon khen ngọt là thiên-hạ nhào vô ăn ké liền. Dơ, sạch quê tuốt-luốt.
Thân,

Hương-Trầm

Hương-Trầm
08-31-2012, 05:18 AM
Trầm nè

Đóa đầu tiên của mùa hoa năm nay


như khói như sương


http://i1148.photobucket.com/albums/o573/cvbam/DSC_0641.jpg

Vân thương,
Đem Như khói như sương qua đây để khỏi chạy tới chạy lui mỗi khi muốn nhìn.
" Thương em không biết để đâu
Để trong túi áo lâu lâu lại rờ". (ca dao)
Thương Vân,

Hương-Trầm

catvan
09-01-2012, 05:35 AM
Cưng
Đàn bà con gái người ta học mê kim cương, hột soàn cho nó soang, ai lại đi mê những thứ mong manh, mau rụng mau tàn như thứ ri. :D.

Gởi cho cưng một nường bông nho nhỏ, nhỏ xí thiệt chớ không phải chơi. Năm ngoái lang thang trong shop mùi hương của nó đã bắt V ngừng lại tìm, và cái dáng mong manh của nó đã khiến V phải lòng ngay tức khắc :love_heart: :D.
Đây là bông của năm cũ, năm nay vừa lạnh nó mới chớm nụ thôi, vài hôm nữa sẽ cho cưng xem những bông hoa mới của năm nay.

http://i98.photobucket.com/albums/l274/NhonhaKG/DSC_1020-1.jpg





như hoa


đêm gầy
nguyệt vẽ mày cong
để trôi nét cọ
xuống dòng tương tư

có bông hoa nhỏ
hình như
yêu đêm
tỏa hết hương từ cánh thơm

đêm yên ắng đến dị thường
tôi ngồi
nghe nhịp tim thương
nhớ người

hình như
hoa nhỏ mĩm cười

hình như trăng
cũng mĩm cười
như hoa

Hương-Trầm
09-04-2012, 02:57 PM
Vân thương,
Nền màu cẩm-thạch đậm với chút màu trắng mơ-hồ làm nường áo trắng bé tí thật đẹp và hồn-nhiên. Bài thơ của Vân làm Trầm nghĩ Vân đã nhìn trăng đêm Blue Moon trong vườn. Hoa, thơ đều mơ hồ trong bảng-lãng trong sương khói mông-lung. Một cảm-giác êm-đềm, hạnh-phúc vì có được người bạn cùng những rung-cảm như mình.
Nói cám-ơn thì tầm-thường quá, hơn thế nhiều.
Thương Vân,

Hương-Trầm

catvan
09-09-2012, 07:11 PM
Trầm thương,
Bữa nay đã phải dọn mấy nường hoa lá cành vô nhà hết, lanh tê rồi, tối chỉ còn 5°C. V oải quá xá. Lạnh quá, Trầm bên đó có rung rinh giống V hông? ☺

Hương-Trầm
09-13-2012, 07:39 AM
Vân thương là thương,
Bên Trầm chỉ hơi lạnh một chút thôi. Cuối tháng mười mới phải đem cây vào nhà; nhưng nói vậy chứ có những năm thời-tiết bất thường, giữa tháng mười lại lạnh đến 20F. Có lần Trầm đi chơi, về nhà chỉ có khóc vì những cây hoa nhiệt-đới của Trầm chết hết vì lạnh bất ngờ!
Năm nay thu sớm, hoa Mẩu-đơn vẫn còn ra hoa trắng xóa quanh vườn. Cổ Trầm bắt đầu dài ra như cổ cò nầy Vânb-)!
Thương Vân,

Hương-Trầm

catvan
09-14-2012, 09:41 PM
Thương ơi là thương!
Giờ này bên V là 10°C đó cưng, đoán cái nụ bông ngày mai mới nở, hôm rày lạnh nụ bông chậm lớn lắm. Thôi mà, đừg có giận.

catvan
09-15-2012, 09:08 AM
Đây rồi, sáng nay đã thấy bông hoa nhỏ xòe cánh thơm, bưng ra sân chụp hình, đến tối mới bưng vào nhà.
Nó thuộc họ bông Lài đó Trầm, thơm mùi lài. Trầm nhìn xem, lá nó cũng đẹp lắm.



http://i1148.photobucket.com/albums/o573/cvbam/DSC_0847.jpg

Nguyên chậu nè, hồi V mua chậu nó nhỏ tí thôi, V thay cái chậu bự cho nó mau lớn, nay thì đầu nhánh nào cũng đầy nụ bông


http://i1148.photobucket.com/albums/o573/cvbam/DSC_0849.jpg


À mà V quên, mẫu đơn bên V chỉ nở vào cuối xuân, đầu mùa hè. V kêu peonies là mẫu đơn. Bên Trầm có mẫu đơn nở vào thu, thật ra nó là bông gì vậy hở?

Hương-Trầm
09-15-2012, 04:23 PM
Vân thương thương,
Cám-ơn nhánh hoa của Vân. Đẹp và dịu dàng ghê. Thấy hoa là cổ của Trầm rụt lại như cổ rùa liền. Thương bạn.
Lá của hoa giống như lá của hoa hồng Tỷ-muội Vân nhỉ. Cho Trầm biết tên của nàng đi.
Mẩu-đơn tên Mỹ là Gardenia. Nhiều loại lắm. Hoa cánh đơn và cả cánh kép. Trầm trồng loại cũ, hoa to nhưng chỉ nở khoảng từ tháng 5, và giữa tháng sáu là hết hoa. Giống mới trồng sau nầy có hoa sớm hơn và nở tận cuối tháng mười, có khi qua cả tháng 11.
Trầm lấy từ net cho Vân xem đây.
Thương Vân nhiều,

Hương-Trầm
http://images.meredith.com/bhg/images/2009/03/p_CTG514989.jpg
http://images.meredith.com/bhg/images/2009/03/p_SIP911847.jpg (http://www.bhg.com/gardening/plant-dictionary/shrub/gardenia/)

Hương-Trầm
09-15-2012, 05:05 PM
Vân thương,
Trầm quên nói với Vân tên của giống hoa Mẩu-đơn mới. Augusta Gardenia là tên nàng.
Thương!Thương!Thương ...

Hương-Trầm

catvan
09-16-2012, 06:55 AM
Trầm
V kêu Gardenia là Vành Vành. Vành vành làm thuốc được hay sao á.
Trầm trồng trong chậu hay trồng dưới đất, chỗ V không trồng nó ngoài trời được đâu.
Bông nhỏ của V hồi mua chỉ thấy tên jasmine trên cái tag, sau này đi khắp chợ không thấy có bán nữa.

Hương-Trầm
09-18-2012, 07:21 AM
Vân thương ơi,
Vành-Vành, Dành-Dành hay Mẩu-Đơn đều là nàng tiên áo trắng ấy. Tùy theo địa-phương gọi tên. Trầm trồng thẳng vào đất. Mùa đông lạnh có khi dưới 5 độ F, lá bị cháy nhưng sang xuân lại tốt tươi như thường. Nhìn nàng lại mơ-màng như nghe bản nhạc Cành Hoa Trắng của P.Duy, T.Thanh hát. Vân nghe với Trầm nhé.
Thương Vân,

Hương-Trầm

http://www.youtube.com/watch?v=ok_MPazvGeE&feature=related

tonthattue
09-18-2012, 07:32 PM
http://enka2.netorage.com:9711/harddisk/user/lyk36/phoflower03/z01-23.jpg

Thưa các nường,
Mẫu Đơn là bà mẹ đơn độc, đứng trên các loài hoa. Đó là hậu thân của một nàng tiên phá then vàng đi vào vườn hoa vì không chịu cảnh "trải vách quế gió vàng hiu hắc, mãnh vũ y lạnh ngắt như đồng" (Cung Oán Ngâm Khúc). Nàng đem cả một đoàn tiên dạo nơi tự do của hương gió thiên nhiên. Điều đó làm huyên náo thiên đường. Người cầm đầu bị đọa thành cành hoa trắng, flower of flowers, fleur des fleurs.
Ở Huế, vào thời điểm tệ nhân chưa được để tóc dài mà cúp ca rê như cái bàn chãi, vào dịp tết, quanh Khu Thương Bạc có chợ hoa và những thứ khác đặc biệt cho ngày Tết, cây dành dành thuộc loại quý. Không phải là cái cây đem trồng xuống đất, mà đem về chưng trong nước, nếu có hoa thì hên lắm. Người ta đào cả một khối, rễ chằng chịt rất dễ thương làm cho đầu óc trẻ thơ tưởng như đi vào rừng thiêng chim kêu vượn hú.
Mẫu đơn bên VN thích đất ẩm, nhất là vùng có nước vô ra thủy triều hàng ngày. Mẫu đơn trồng trên mô cao soi bóng nước. Trên các con nước nhỏ ấy có hai thứ mẫu đơn, bóng hoa và hoa thật rơi xuống. Thực thể và đối ảnh liền trùng. Mộng thực bâng quơ. Ở bên cầu Bình Lợi Gia Định, gia đình bố mẹ của Đóa Hồng Tím trong Phố nầy có một thảo trang trồng mẫu đơn bên cạnh những cây mai, trên những mô đất vực cao chen giữa những dung nước vàng đầy phù sa.
Augusta gardenia có hoa nhỏ hơn, là thanh tao và mướt hơn, thơm như các thứ khác, không hơn không kém. Ngoài ra tệ nhân còn trồng anh lùn dwarf gardenia dễ bị nấm và khuất trong cỏ dại.
Mặt khác có hai loại, chịu lạnh và không chịu lạnh, không thể phân biệt theo hình dáng. Khi mua phải biết loại nào ra loại nào, bằng cách xem nhãn hiệu hay hỏi chủ nhân. Những vùng đất sét không thoát nước sẽ làm cho cây thối gốc. Nước không thoát ra cũng có nghĩa nước không thấm vào; khi mưa thì dưới gốc là cái ly nước, khi nắng thì như đá.
Nơi tôi ở trời đã sang thu, ngày quá ngắn. Cả tháng rồi, cái cây quỉ sứ dây leo "poison ivy" đã đỏ rực giữa vòm cây, nó mang đuốc Olympic dẫn đầu mùa lá thay màu, nhưng nó vẫn làm cho mình phù da như phung hủi, cho nên phải tránh xa, kính nhi viễn chi.
City of Gardena, California 90247 quanh Los Angeles không có hoa nhưng nhiều súng, không có hoa rơi trắng trên con nước vàng, nhưng rất nhiều ly foam trắng trên lề đường, có lẽ người xưa viết thiếu chữ nên buồn thảm như ri.----

catvan
09-19-2012, 06:58 AM
Đại Ca thân kính và Trầm rất thương,
Cám ơn Đại Ca kể chuyện nàng Giáng Hương phá then vànng. Thời mới lớn, hay đúng ra là chưa kịp lớn em đã được kể cho nghe câu chuyện này. Trong vườn em có trồng peony trắng và em luôn gọi nó là mẫu đơn. Peony màu hồng thì kết làm hoa cưới rất đẹp.
Kính mời Đại Ca và cưng Trầm nghe Thái Thanh hót Cành hoa trắng

http://i1148.photobucket.com/albums/o573/cvbam/canhhoatrang_zps5068b61b.png

http://k006.kiwi6.com/hotlink/ay4b5akje8/canhhoatrang-thaithanh_v85j.mp3

Hương-Trầm
09-19-2012, 02:09 PM
Kính Đại-ca,
Hoa đẹp và thơm thì ai cũng quí, cũng muốn có trong vườn nhà; nhất là hoa màu trắng tượng-trưng cho sự thanh-cao, thuần-khiết. Ngày xưa nhà Ngoại của Trầm cạnh nhà bác hàng-xóm trồng một vườn toàn Mẩu-Đơn (để cắt hoa bán), bác có hai cô con gái đẹp tên Nguyệt và Nga. Thơ Lục-Vân-Tiên bác đọc như cháo nên ai cũng gọi bác là bác Lục-Vân-Tiên. Bác trồng Mẩu-Đơn quanh bờ mương và cả lá dứa, mãng cầu xiêm. Cả xóm ké hương thơm từ "động tiên" của bác. Vườn rộng vài sào. Hồi nhỏ có lần Trầm bị lạc trong đó vì mương liền mương, cầu liền cầu như bát-quái trận-đồ. Những cái mương đó thông qua một con lạch, con lạch chảy ra sông. Đại-ca tài ghê, cái gì cũng biết.
Bài Cành Hoa Trắng nầy nếu cho các "danh ca" khác hát thì e thành Cành hoa đen mất.
Thân kính,

Hương-Trầm

Hương-Trầm
09-19-2012, 02:31 PM
Vân thương,
Cành Peony trắng của Vân thanh-tao quá!
Trầm có trồng một bụi Peony màu hồng phấn. Hoa của nó to ơi là to. Trầm mà không lấy cây chống thì thế nào nó cũng nằm ẹp xuống đất vì nặng. Trầm cũng có trồng một bụi màu trắng, lại bứng lên vì không vừa ý chổ trồng. Ba, bốn lần bứng lên, trồng xuống như vậy nên chết mất con người ta!
Màu bức tranh trang-nhã, quí-phái một cách cổ-điển. Trầm cũng thuộc loại "đồ cổ" nên thích là chuyện đương-nhiên Vân há.
Cám-ơn Vân về Cành Hoa Trắng. Vân cho đại-ca đem qua nhà chưng cho nó sang; chứ cho cái của Trầm thì ẹ quá dù nó cũng có hoa mà khổ thay Trầm lại mượn của thiên-hạ, lại không bằng của Vân.
Hôm nay lành-lạnh. Ngồi co-ro vừa gỏ cho Vân và đại-ca, vừa nghe Cành Hoa Trắng của Vân nè.
Thương lắm,

Hương-Trầm

Hương-Trầm
09-30-2012, 08:57 PM
LẨN QUẨN



Năm mươi con theo cha xuống biển
Còn lại theo mẹ lên rừng.
Lịch-sử nước tôi bắt đầu như vậy.
Bài học vỡ lòng là sự phân-ly!

Sợ độ cao sợ màu nước biển
Bởi vì yêu nhắm mắt đi càn.
Hơn nửa ngày đánh đu cùng sợ-hãi
Khi gặp người héo-hắt cả dung-nhan


Cây rất xanh và hoa rất đẹp.
Biển bỗng hiền thủ-thỉ êm-đềm.
Hương đất trời hay hương tình tự
Trăng rớt sau nhà, trăng ngã trong đêm


Và anh cũng vượt đại-dương đến thăm em?
Nơi núi tiếp đồi rừng xanh tiếp nối.
Sáng tinh mơ chim hót vang lừng
Nghe trong gió tiếng chân nai chậm rải.


Lạc-Long-Quân ra đi không trở lại.
Âu-Cơ buồn dõi mắt trông theo.
Lịch-sử xoay-vần trở lại
Em với anh ngăn bởi núi cùng đèo.


Sao tổ-tiên tôi không ở một nhà
Sao tổ-tiên tôi phải chia xa.
Để con cháu sau nầy lẩn-quẩn
Đau-đớn lòng hát khúc thương ca.

Hương-Trầm


Hương-Trầm

tonthattue
10-02-2012, 07:17 AM
Hổn man chi sơ
Bàn Cổ thủy xuất
Vị phán âm dương

Nhất nhất thị tại âm dương

Thái cực sinh lưỡng nghi
lưỡng nghi sinh tứ tượng
tứ tượng sinh bát quái.

Sơn Tinh đánh Thủy Tinh chỉ vì muốn đánh nhau, chứ hai chàng nầy sống riêng: "hai con gà trống sống yên vui, một o gà mái đột nhiên xuất hiện". Deux coqs vivaient en paix, une poule survint. Diễn biến tương sinh không mang tính chất bạo động như một số triết gia suy nghĩ. Hạt lúa thối mới phóng thích các chất dinh dưỡng cho mầm, mầm không giết hạt lúa như địa chủ phải bị giết; các chất hữu cơ phải thoái hóa để nuôi sống con người hay thực vật (hiện tượng thối trong nước mắm, chao, phó mát, rác mục v.v...).
Tương khắc là do con người muốn đánh nhau, dù nhân danh những thứ coi bộ ghê gớm nhưng rỗng tếch.
Tiền rừng bạc bể nhưng phải nuôi dưỡng chứ không phải làm theo kiểu: phá sơn lâm đâm hà bá; bây giờ rừng VN trống vốc, biển chỉ chứa rác và chất độc. Ngày xưa Âu Cơ và Lạc Long Quân phân công phân nhiệm lo giữ bờ cõi và môi sinh. Bây giờ thì khác. Hai vị ấy bị "quản thúc" hay biệt giam.

Hương-Trầm
10-02-2012, 06:22 PM
Đang định qua nhà đại-ca, chưa kịp đi thì đại-ca đã tới rồi. Cám-ơn hiền-huynh!
Gà trống vốn thích đá nhau, đâu đợi đến có gà mái mới đá. Đại-ca phải công-bằng chổ nầy.
Đọc mấy giòng cuối của đại-ca mà quặn thắt cả ruột gan!
Gởi đại-ca nghe Trần-Thái-Hòa hát bài Hương Ngọc-Lan và nhìn đóa Ngọc-Lan cho đở nhớ. TTH hát bài nầy đầy xúc-cảm; nhưng nhạc đệm lại lỏi-chỏi làm mất đi cái da-diết, ngậm-ngùi; may nhờ TTH hát hay quá nên đã cứu nguy một bàn thua trông thấy. Những bản nhạc như thế nầy cần đưa tiếng violon solo làm âm-thanh chính; réo-rắt mơ-hồ theo tiếng hát, lướt dài ra cho nổi sầu trãi rộng vạn trường canh ....
Hà! hà! Em lại ba hoa chích chòe rồi.:-|! Chỉ là ngu-ý của mụ nhà quê ở nơi khỉ ho cò gáy, buồn đời nói nhảm với đại-ca cho đở buồn.
Thân kính,

Hương-Trầm





http://www.youtube.com/watch?v=Z8vhE2tYmPA

catvan
10-09-2012, 05:43 PM
LẨN QUẨN



Năm mươi con theo cha xuống biển
Còn lại theo mẹ lên rừng.
Lịch-sử nước tôi bắt đầu như vậy.
Bài học vỡ lòng là sự phân-ly!

Sợ độ cao sợ màu nước biển
Bởi vì yêu nhắm mắt đi càn.
Hơn nửa ngày đánh đu cùng sợ-hãi
Khi gặp người héo-hắt cả dung-nhan


Cây rất xanh và hoa rất đẹp.
Biển bỗng hiền thủ-thỉ êm-đềm.
Hương đất trời hay hương tình tự
Trăng rớt sau nhà, trăng ngã trong đêm


Và anh cũng vượt đại-dương đến thăm em?
Nơi núi tiếp đồi rừng xanh tiếp nối.
Sáng tinh mơ chim hót vang lừng
Nghe trong gió tiếng chân nai chậm rải.


Lạc-Long-Quân ra đi không trở lại.
Âu-Cơ buồn dõi mắt trông theo.
Lịch-sử xoay-vần trở lại
Em với anh ngăn bởi núi cùng đèo.


Sao tổ-tiên tôi không ở một nhà
Sao tổ-tiên tôi phải chia xa.
Để con cháu sau nầy lẩn-quẩn
Đau-đớn lòng hát khúc thương ca.

Hương-Trầm


Hương-Trầm


Trầm cưng
Cưng bán than đâu có ế mà réo V :).
Tổ tiên mình hông chịu ở một nhà nên thấy nhau ở đâu tụi mình vẫn thường hỏi: Đi đâu vậy? Có ai đó nói như vậy.
Đem cho cưng bài hát sư huynh dán cho V nghe hồi năm cũ, và bông hoa V bấm hôm qua dưới phố.

http://i1148.photobucket.com/albums/o573/cvbam/DSC_1040.jpg

http://k006.kiwi6.com/hotlink/s61e9f263o/heomaytinhcu-thaithanh_3a3dq_hq.mp3

Heo may tình cũ

Thơ Cao Tiêu
Nhạc Phạm Đình Chương


Xanh trong bừng sáng mắt chiều
Vàng dâng hoa bướm tim yêu rộn ràng
Tim yêu rộn ràng

Mây bay về nẻo hương quan
Thuyền con chuyển bến thu sang nhớ người
Núi sông đau chuyện đổi dời
Bao thu đằng đẵng cho tôi mỏi mòn
Hỡi ôi thu lạnh vào hồn
Heo may tình cũ có tròn mộng không

Em ơi một giấc mơ hồng
Tình như cánh nhạn muôn trùng nhớ mong
Năm năm lòng vẫn mơ lòng
Mười phương ai dõi tang bồng chốn nao.

Em ơi một thủơ yêu đầu
Mà tươi thắm lại da màu đã phai
Hoa đăng nào sáng đêm dài
Niềm xưa còn đó u hoài còn đây

Hương-Trầm
10-11-2012, 09:33 AM
Vân thương,
Thương Vân, réo Vân mà cũng bị nhăn thì tội cho Trầm chưa!
Cám-ơn bản nhạc Vân gởi, cũng là lần đầu Trầm nghe.
Gởi Vân nghe bản nhạc TT hát mà ngày trước Trầm vẫn chê là sến; rồi có một ngày bất chợt nghe lại, thấy lòng rung động và thấm-thía khôn cùng ...
Thương Vân lắm,

Hương-Trầm

http://www.youtube.com/watch?v=TRHiJadVnLE

Hương-Trầm
12-10-2012, 08:41 AM
TRỜI MÂY PHẢNG-PHẤT …*

Nếu như có một cõi đời khác sau khi nhắm mắt xuôi tay. Ao-ước duy-nhất của tôi là được gặp lại những người thương yêu cũ.

Tôi không biết mình đang nghĩ những gì. Mọi thứ đều hổn-độn, nhạt nhòa trước mắt. Nổi bi-thương, ngậm-ngùi với sự lo-âu làm tôi chùng bước, không muốn đi tới, không muốn trở về.
Cái khao-khát từng đốt cháy lòng tôi hằng ngày, hằng đêm khi chợt nhìn những đóa Mẫu-đơn, Ngọc-lan trắng muốt hay những đêm lặng-lẽ một mình trong vườn nhìn trăng; nhớ đến ngôi vườn thời thơ-ấu, những bạn bè, xóm giềng thật-thà, tốt bụng như trong cổ-tích … Và Ngoại tôi! Ôi! Ngoại của tôi!!!
Ngoại tôi là một phụ-nữ không nhan-sắc nhưng bù lại rất hiền. Không khi nào nổi giận hay to tiếng cho dù với người ăn, kẻ ở. Ngoại hòa-đồng, thiệt-thà, dể tin, dể tha-thứ. Ngoại thích trồng hoa, làm vườn. Vườn Ngoại rộng, trồng đủ cây ăn trái. Sinh tiền, ông Ngoại tôi trồng rất nhiều hoa. Khi ông Ngoại qua đời, Ba Mẹ tôi về ở cùng Ngoại. Vườn nhà Ngoại sát rạch nước thông ra sông, vườn nhà bác Lục-Vân-Tiên kế bên vườn Ngoại. Sở-dĩ có tên ấy vì bác thuộc làu truyện Lục-Vân-Tiên và hai cô con gái của bác có tên Nguyệt và Nga. Bác Lục-Vân-Tiên trồng Mẫu-đơn để bán nên vườn nhà bác khi nào cũng thơm ngát và trắng xóa những hoa là hoa; hoa trồng hai bên bờ những mương nhỏ có cầu ván bắt qua, thông với con lạch quanh năm nước ra vào, tôm cá cũng theo nước vào mương. Ngoài Mẫu-đơn, bác còn trồng thêm Lá dứa, Mãng cầu xiêm. Vào những tối cuối tuần, tôi được qua nhà bác bó những cành Mẫu-đơn lại với nhau. Cứ sáu cành thành một bó sáu bông với vài nụ còn xanh lẫn trong chùm lá biếc nhỏ nhắn, gọn gàng; đựng trong cái thúng lót lá chuối tẩm nước để ngoài sân, sáng sớm mai bạn hàng tới lấy đem ra chợ.
Bắt chước, Ngoại tôi cũng đào một cái mương. Bác Lục-Vân-Tiên hãnh-diện đem Mẫu-đơn, Lá dứa, Mãng cầu xiêm qua trồng cho Ngoại. Mãng cầu xiêm của bác tháp Bình bát nên trái to, ngọt lịm. Ba tôi từ cái mương trồng Mẫu-đơn, nảy ý đào một hồ sen. Mẹ nũng-nịu nói sen che mặt hồ sẽ không thấy trăng vờn bóng nước. Thế là Ba tôi xây những chậu to, rãi-rác khắp hồ để sen không thể mọc ra ngoài; vừa ngắm sen và ngắm được trăng tắm đáy hồ.
Ước mong có đứa con trai tan theo tháng ngày nên tôi bất-đắc-dĩ có bộ dạng bán nam bán nữ theo ý-thích của Ba Mẹ mình. Tóc khi nào cũng cắt tém, quần sọt, áo sơ-mi. Tha-hồ cùng đám con trai trong xóm bắn bi, đánh đáo, chọi dế, tạc hình hay tạc nắp phéng; những trưa trốn ngủ lang thang cả bọn đi hái phượng, hái điệp, hái trái cao-su. Ba tôi hay đi đây, đi đó. Mẹ tôi theo lời căn-dặn của Nội là vợ-chồng phải luôn liền tay, liền chân không được rời xa. Có những lúc không thể mang tôi theo, gởi tôi cho Ngoại; mà Ngoại có bao giờ la rầy tôi điều gì. Thời oanh-liệt của tôi chấm dứt khi Nội tôi từ Huế vào thăm.
Tôi còn nhớ như in gương mặt tái mét rồi đỏ bừng của Nội khi tôi chạy ào vào nhà. Hai cái túi đầy nhóc hình, bi với nắp phéng; tay cầm ná thun, tay bụm một nắm trái trứng cá, mặt dính cát bụi tèm-lem vì vừa chui qua cái vườn bỏ hoang của ông Phán Cẩm. Tôi há họng chưa kịp nói thì Ngoại tôi đã mau-mắn: “Thưa bà Nội mới vô rồi kêu chị Hòa tắm rửa mau lên con”. Tôi lí-nhí làm theo, chạy xuống bếp kêu tên chị Hoà vang lừng khi Nội tôi rên-rỉ: “Trời! Trời!”.
Bấy giờ tôi mới biết Nội tôi có uy-tín như thế nào. Ba tôi là người con chí hiếu, rất nghe lời Nội. Mẹ tôi cho rằng hạnh-phúc Mẹ có được là nhờ Nội vun bồi. Ngoại tôi phục Nội từ khi họ còn là bạn học với nhau vì Nội thông-minh, quyết-đoán. Nội tôi là tiểu-thư con quan nhà giàu. Tài sắc vẹn toàn. Cái không vẹn toàn của Nội là bị ép duyên phải lấy ông Nội tôi cho môn-đăng hộ-đối. Khi Nội tôi về nhà cha mẹ ruột để sinh con đầu lòng là ba tôi thì ông Nội tôi có nhân-tình. Ngày ông Nội đón vợ về. Bà Nội đưa cho ông một gói đồ, nói: “Đây là tất cả nử-trang anh hỏi, cưới. Tôi trã lại đủ. Chúng ta tình đoạn, nghĩa tuyệt”. Ông Nội năn-nỉ, ông bà Cố khuyên-nhủ hết lời nhưng Nội không lay chuyển. Nội tôi cương-quyết ẳm con ra đi nếu ông bà Cố còn ép buộc. Sợ con gái đi Sài-gòn – nơi mà đối với ông bà Cố tôi là chốn cạm-bẩy dẫy đầy – ông bà Cố cho Nội ngôi nhà với cái vườn nghỉ mát của ông bà để Nội ra riêng sinh sống.
Khi biết Ba Mẹ tôi phải lòng nhau, Ngoại tôi hốt-hoảng chạy hỏi ý Nội. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, huống chi bây giờ ông Nội tôi có tới bốn bà. Nội tôi mời Ngoại đến, có cả Mẹ tôi. Nội nói với Mẹ: “Con biết cha hắn tính nết trăng hoa, nếu sau ni hắn giống cha hắn, con chịu được không?”. Mẹ tôi làm thinh cúi đầu chảy nước mắt. Nội nói với Ba tôi: “Nếu con thấy không thể thiếu hắn trong đời thì Mạ vui mừng thấy hai con lấy nhau. Phải hứa - không - phải thề với Mạ là con không được hai lòng”. Ba tôi ôm lấy Nội, rưng-rưng: “ Con thề với Mạ. Con biết Mạ đã chịu đựng như thế nào”. Ba tôi giử tròn lời hứa. Mẹ tôi rất hạnh-phúc. Càng hạnh-phúc, Mẹ tôi càng thương-yêu, quí-trọng Mẹ chồng.
Quyết-định đem tôi về Huế cương-quyết hơn khi Nội gặp cô-giáo dạy nhạc của tôi.
Cô người to lớn, nói năng rổn-rảng, lái chiếc vespa như bay mỗi khi đến nhà. Chồng cô người Pháp, qua đời trong một tai-nạn máy bay. Ba tôi uống rượu rất ít nhưng trong nhà rượu lại nhiều; cô thì uống rượu như trâu uống nước. Có nhiều lần cô đàn sau khi đã nốc vài ly, tôi kinh-hoàng nghĩ rằng cây đàn sẽ gảy dưới bàn tay mạnh bạo của cô. Ba Mẹ tôi thích cô, giao hết tủ rượu cho cô xử-dụng. Trước khi Ba Mẹ tôi đi xa, cô vui vẻ báo tin cô sắp gá nghĩa với một người Mỹ. Nội tôi không chờ cô qua Mỹ với chồng, đã đem tôi về Huế trước đám cưới của cô.
Giờ thì tôi về lại Huế đây. Hởi ơi! Ngày xưa tôi về Huế với tâm-trạng khổ-sở của trẻ thơ nhưng còn có những háo-hức, chờ mong như sẽ được khám phá những dị-kỳ nơi đường xa xứ lạ. Còn tôi hôm nay trở về trong mất mát, chấp-nhận thêm đau thương. Ngoại tôi ở trên trời hay nằm yên trong vườn đất Nội, Ngoại có biết tôi về? Tôi không còn được dúi đầu vào ngực Ngoại, ngửi mùi hương dìu-dịu và nép người trong vòng tay ấm-áp của Ngoại; được Ngoại dẫn đi dạo quanh vườn, hái những đóa Mẫu-Đơn cài lên tóc; cắt những nhánh Ngọc-Lan cúng Phật hay ngồi ở nhà thủy-tạ nhìn sen múa lượn trong hồ theo từng đợt sóng. Ngôi vườn thần-tiên của chúng tôi bị cướp trắng trợn trên tay Ngoại; những kẻ chiến-thắng hỉ-hả chia phần. Ngoại tôi ngơ-ngác như chim non mất tổ. Nội tôi vào Sài-Gòn đón Ngoại ra Huế ở với mình.
Nội nói Ngoại ra đi rất bình-yên, ngủ và đi luôn không một lời trăn-trối. Ngày được tin Ngoại qua đời, tôi ra ngồi dưới gốc Mẩu-Đơn nhìn trời mây lãng-đãng trên cao. Tháng chín ở đây hoa không còn, nhưng ở quê nhà hẳn Mẩu-Đơn nở trắng xóa khắp vườn. Trước mắt tôi chập-chờn tấm ảnh hai bà cháu chụp dưới bóng cây Ngọc-Lan. Tôi oai-hùng chống nạnh cười khoe hai hàm răng sún, Ngoại choàng vai tôi, đôi mắt chứa chan biết bao thương-yêu, trìu mến. Tất cả chỉ còn là mộng-mị, là chiêm-bao. Nội không chịu đi sau cái chết của Ngoại: “Ở lại với hắn cho vui”.
Giờ thì Nội tôi. Sự ra đi được tính từng ngày nhưng Nội dường như không hề chú-ý. Nội cười rạng-rỡ, vuốt tóc tôi. O Chị vừa khóc, vừa cười xoắn-xít như con nít: “Ngó tề. Lạ quá hỉ, ra đường răng mà chộ cho ra”.Tôi cười với O rồi ôm Nội, thì-thầm: “Trời ơi! Con nhớ Nội biết bao!”. Mùi chùm kết thơm thơm từ tóc Nội bay vào mũi làm tôi nhớ ngày xưa Nội vẫn bắt tôi gội đầu bằng chùm-kết và chanh cho tóc mượt, đen huyền: “Con gái đẹp nhờ mái tóc”. Nội hỏi tôi có thấy gì thay đổi trong vườn, tôi nói hình như không có. Một thoáng kiêu-hãnh lướt trên mặt Nội. Hai bà cháu ngồi trước nhà dưới giàn Tường-Vi. Màu trắng hồng của hoa bắt đầu nhòa trong ánh trăng và hương thơm nhẹ lan theo gió. Hàng cây Thầu-Đâu trĩu hoa tím nhạt chỉ còn là những bóng đen xám mờ. Mấy gốc lão Mai cằn cổi, xù xì đến tội soi mình xuống đất theo ánh trăng. Nội nói O Chị đốt lư trầm. Tôi theo Nội bước vào thư phòng. Căn phòng ngày xưa tôi chán ghét, sợ-hãi biết bao. Tôi nhớ những lần Nội bắt tôi ngồi bẹp trên chiếc chiếu hoa, tay đeo móng ngồi khảy đàn đến tàn cây hương mới được. Máu Lương-Sơn-Bạc và láu-cá trong tôi trổi dậy, tôi móc mạnh tay để những con nhạn ngả lăn trên đàn. Nội tôi bình-thản dựng lên, chỉnh dây đàn và … thắp lại cây hương khác. Tôi phải phép, hết dám làm càn. Mổi lần học xong hai chân tê rần, vặn vẹo một hồi đứng lên mới nổi; không như cái đàn tay đập chân đạp, xong giờ là tôi phóng ra khỏi phòng như bay.
Nội thay cái áo dài màu trắng có những hoa cúc Đại-đóa xám. Màu vàng mông lung trôi qua cửa sổ quyện cùng hương khói của trầm. Những ngón tay Nội lướt trên dây đàn. Âm-thanh thê-lương, ai-oán của bài Lý con Sáo chậm rải ngân vang , cuộn dâng những nổi niềm đớn đau chất chứa. Nỗi đau-đớn bi-ai nhập vào tiếng đàn đến xuất thần, đến đứt ruột, nát gan. Nội tôi. Người đàn-bà đẹp lạnh-lùng, cô-độc, khó gần ấy đã che dấu bao năm để bây giờ phát tiết ra như tiếng kêu thương cuối cùng của con chim sắp chết. Tôi òa khóc, úp mặt vào lòng Nội. Nội ôm tôi, nước mắt rơi trên tóc tôi, nghẹn-ngào: “Nội muốn con giử cây đàn nầy. Như một kỷ-niệm của Nội, nó đã thấm-đẩm nước mắt của Nội, hôm nay có cả nước mắt của con”. Một khoảng-khắc im-lặng rồi Nội vuốt tóc tôi, ngập-ngừng, tiếng nhẹ như tơ: “Con gái giòng họ mình không may-mắn về tình-duyên. Con ráng tu, làm thêm việc thiện, biết đâu hoán cải được số-phận của mình. Bớt khóc đi. Nước mắt nó vận vào người không tốt. Nghe lời Nội, con Chim Sâu, con Mít Ướt của Nội”.
Tôi mãi khóc trong lòng Nội; không thấy trăng đã xế, màu trắng lạnh vắt qua song cửa như những lưỡi gươm vô tình.
Nội tôi ra đi mười ngày sau đó. Tôi lặng cầm tay Nội. Hương-hồn Nội đã nhẹ-nhàng bay lên trời. Tôi nhìn trời và ước gì tôi thấy được Nội, được Ngoại, được những ngày cũ xa xưa. Trong màn nước mắt, thấp-thoáng giữa đám mây thênh-thang kia Nội tôi dáng gầy guộc, nét môi không còn lạnh-lùng, mĩm-cười nhìn tôi; Ngoại tôi ẩn-hiện như khói như sương lẫn trong màu trắng của những đóa Mẩu-Đơn, Ngọc-Lan. Có cả ánh trăng của những đêm trăng thơm ngát khi gió rung nhẹ cây Kiến-Cò làm những bông hoa lay động giống như đàn bạch-hạc đang tung mình cất cánh bay cao.
Còn gì nữa không? Còn tôi. Còn tôi bất-lực trong cuộc đời. Nhìn những mất mát yêu quí nhất của mình trôi tuột qua tay.

Hương-Trầm

Hương-Trầm

*”Trời mây phảng-phất nhuốm thời-gian” Thơ Đoàn-Phú-Tứ.

catvan
12-10-2012, 10:36 PM
Người xưa có những cái hay quá hở Trầm? Sống giữa biết bao điều ràng buộc, đau khổ cắn răng giữ lấy một mình.
Giờ V hiểu tại sao Trầm trồng mẫu đơn đầy ngoài vườn.
O mít ướt và O cười thật khác nhau một trời một vực.
O nào V cũng thương....

Hương-Trầm
12-12-2012, 09:33 AM
Vân thương,
Tâm-tình và quan-niệm sống mỗi người khác nhau nên cách xử-sự cũng khác nhau. Cám-ơn Vân thương cả Mít-Ướt lẫn O Cười. Cả hai O ấy cũng thương Vân lắm-lắm, lắm lận. Không vì Vân thì đã lên núi trốn nợ rồi (và vì hai dzợ kia nữa).
Thương Vân,

Hương-Trầm

catvan
12-13-2012, 07:49 AM
Trầm thương,

Phải rồi Trầm há. Cứ thương nhau là đủ, nó thề nhứt địng hong ghen, giống Mờ Mờ. hihihi

tonthattue
12-15-2012, 07:50 AM
http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/4/4b/Chrysanthemum_morifolium_November_2007_Osaka_Japan .jpg/800px-Chrysanthemum_morifolium_November_2007_Osaka_Japan .jpg (http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/4/4b/Chrysanthemum_morifolium_November_2007_Osaka_Japan .jpg)

************************************************** *****************
Trời mây phảng-phất nhuốm thời-gian
Đoàn-Phú-Tứ
trời mây phảng phất
hương trầm

Nếu như có một cõi đời khác sau khi nhắm mắt xuôi tay. Ao-ước duy-nhất của tôi là được gặp lại những người thương yêu cũ.

Tôi không biết mình đang nghĩ những gì. Mọi thứ đều hổn-độn, nhạt nhòa trước mắt. Nỗi bi-thương, ngậm-ngùi với sự lo-âu làm tôi chùng bước, không muốn đi tới, không muốn trở về.
Cái khao-khát từng đốt cháy lòng tôi hằng ngày, hằng đêm khi chợt nhìn những đóa mẫu-đơn, ngọc-lan trắng muốt hay những đêm lặng-lẽ một mình trong vườn nhìn trăng; nhớ đến ngôi vườn thời thơ-ấu, những bạn bè, xóm giềng thật-thà, tốt bụng như trong cổ-tích … Và Ngoại tôi! Ôi! Ngoại của tôi!!!
Ngoại tôi là một phụ-nữ không nhan-sắc nhưng bù lại rất hiền. Không khi nào nổi giận hay to tiếng cho dù với người ăn, kẻ ở. Ngoại hòa-đồng, thiệt-thà, dễ tin, dễ tha-thứ. Ngoại thích trồng hoa, làm vườn. Vườn Ngoại rộng, trồng đủ cây ăn trái. Sinh tiền, ông Ngoại tôi trồng rất nhiều hoa. Khi ông Ngoại qua đời, Ba Mẹ tôi về ở cùng Ngoại. Vườn nhà Ngoại sát rạch nước thông ra sông, vườn nhà bác Lục-Vân-Tiên kế bên vườn Ngoại. Sở-dĩ có tên ấy vì bác thuộc làu truyện Lục-Vân-Tiên và hai cô con gái của bác có tên Nguyệt và Nga. Bác Lục-Vân-Tiên trồng mẫu-đơn để bán nên vườn nhà bác khi nào cũng thơm ngát và trắng xóa những hoa là hoa; hoa trồng hai bên bờ những mương nhỏ có cầu ván bắc qua, thông với con lạch quanh năm nước ra vào, tôm cá cũng theo nước vào mương. Ngoài mẫu-đơn, bác còn trồng thêm lá dứa, mãng cầu Xiêm. Vào những tối cuối tuần, tôi được qua nhà bác bó những cành mẫu-đơn lại với nhau. Cứ sáu cành thành một bó sáu bông với vài nụ còn xanh lẫn trong chùm lá biếc nhỏ nhắn, gọn gàng; đựng trong cái thúng lót lá chuối tẩm nước để ngoài sân, sáng sớm mai bạn hàng tới lấy đem ra chợ.
Bắt chước, Ngoại tôi cũng đào một cái mương. Bác Lục-Vân-Tiên hãnh-diện đem mẫu-đơn, Lá dứa, mãng cầu xiêm qua trồng cho Ngoại. Mãng cầu xiêm của bác tháp bình bát nên trái to, ngọt lịm. Ba tôi từ cái mương trồng mẫu-đơn, nảy ý đào một hồ sen. Mẹ nũng-nịu nói sen che mặt hồ sẽ không thấy trăng vờn bóng nước. Thế là Ba tôi xây những chậu to, rải-rác khắp hồ để sen không thể mọc ra ngoài; vừa ngắm sen và ngắm được trăng tắm đáy hồ.
Ước mong có đứa con trai tan theo tháng ngày nên tôi bất-đắc-dĩ có bộ dạng bán nam bán nữ theo ý-thích của Ba Mẹ mình. Tóc khi nào cũng cắt tém, quần sọt, áo sơ-mi. Tha-hồ cùng đám con trai trong xóm bắn bi, đánh đáo, chọi dế, tạc hình hay tạc nắp phéng; những trưa trốn ngủ lang thang cả bọn đi hái phượng, hái điệp, hái trái cao-su. Ba tôi hay đi đây, đi đó. Mẹ tôi theo lời căn-dặn của Nội là vợ-chồng phải luôn liền tay, liền chân không được rời xa. Có những lúc không thể mang tôi theo, gởi tôi cho Ngoại; mà Ngoại có bao giờ la rầy tôi điều gì. Thời oanh-liệt của tôi chấm dứt khi Nội tôi từ Huế vào thăm.
Tôi còn nhớ như in gương mặt tái mét rồi đỏ bừng của Nội khi tôi chạy ào vào nhà. Hai cái túi đầy nhóc hình, bi với nắp phéng; tay cầm ná thun, tay bụm một nắm trái trứng cá, mặt dính cát bụi tèm-lem vì vừa chui qua cái vườn bỏ hoang của ông Phán Cẩm. Tôi há họng chưa kịp nói thì Ngoại tôi đã mau-mắn: “Thưa bà Nội mới vô rồi kêu chị Hòa tắm rửa mau lên con”. Tôi lí-nhí làm theo, chạy xuống bếp kêu tên chị Hoà vang lừng khi Nội tôi rên-rỉ: “Trời! Trời!”.
Bấy giờ tôi mới biết Nội tôi có uy-tín như thế nào. Ba tôi là người con chí hiếu, rất nghe lời Nội. Mẹ tôi cho rằng hạnh-phúc Mẹ có được là nhờ Nội vun bồi. Ngoại tôi phục Nội từ khi họ còn là bạn học với nhau vì Nội thông-minh, quyết-đoán. Nội tôi là tiểu-thư con quan nhà giàu. Tài sắc vẹn toàn. Cái không vẹn toàn của Nội là bị ép duyên phải lấy ông Nội tôi cho môn-đăng hộ-đối. Khi Nội tôi về nhà cha mẹ ruột để sinh con đầu lòng là ba tôi thì ông Nội tôi có nhân-tình. Ngày ông Nội đón vợ về. Bà Nội đưa cho ông một gói đồ, nói: “Đây là tất cả nử-trang anh hỏi, cưới. Tôi trả lại đủ. Chúng ta tình đoạn, nghĩa tuyệt”. Ông Nội năn-nỉ, ông bà Cố khuyên-nhủ hết lời nhưng Nội không lay chuyển. Nội tôi cương-quyết ẳm con ra đi nếu ông bà Cố còn ép buộc. Sợ con gái đi Sài-gòn – nơi mà đối với ông bà Cố tôi là chốn cạm-bẩy dẫy đầy – ông bà Cố cho Nội ngôi nhà với cái vườn nghỉ mát của ông bà để Nội ra riêng sinh sống.
Khi biết Ba Mẹ tôi phải lòng nhau, Ngoại tôi hốt-hoảng chạy hỏi ý Nội. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, huống chi bây giờ ông Nội tôi có tới bốn bà. Nội tôi mời Ngoại đến, có cả Mẹ tôi. Nội nói với Mẹ: “Con biết cha hắn tính nết trăng hoa, nếu sau ni hắn giống cha hắn, con chịu được không?”. Mẹ tôi làm thinh cúi đầu chảy nước mắt. Nội nói với Ba tôi: “Nếu con thấy không thể thiếu hắn trong đời thì Mạ vui mừng thấy hai con lấy nhau. Phải hứa - không - phải thề với Mạ là con không được hai lòng”. Ba tôi ôm lấy Nội, rưng-rưng: “ Con thề với Mạ. Con biết Mạ đã chịu đựng như thế nào”. Ba tôi giữ tròn lời hứa. Mẹ tôi rất hạnh-phúc. Càng hạnh-phúc, Mẹ tôi càng thương-yêu, quí-trọng Mẹ chồng.
Quyết-định đem tôi về Huế cương-quyết hơn khi Nội gặp cô-giáo dạy nhạc của tôi.
Cô người to lớn, nói năng rổn-rảng, lái chiếc vespa như bay mỗi khi đến nhà. Chồng cô người Pháp, qua đời trong một tai-nạn máy bay. Ba tôi uống rượu rất ít nhưng trong nhà rượu lại nhiều; cô thì uống rượu như trâu uống nước. Có nhiều lần cô đàn sau khi đã nốc vài ly, tôi kinh-hoàng nghĩ rằng cây đàn sẽ gảy dưới bàn tay mạnh bạo của cô. Ba Mẹ tôi thích cô, giao hết tủ rượu cho cô xử-dụng. Trước khi Ba Mẹ tôi đi xa, cô vui vẻ báo tin cô sắp gá nghĩa với một người Mỹ. Nội tôi không chờ cô qua Mỹ với chồng, đã đem tôi về Huế trước đám cưới của cô.
Giờ thì tôi về lại Huế đây. Hởi ơi! Ngày xưa tôi về Huế với tâm-trạng khổ-sở của trẻ thơ nhưng còn có những háo-hức, chờ mong như sẽ được khám phá những dị-kỳ nơi đường xa xứ lạ. Còn tôi hôm nay trở về trong mất mát, chấp-nhận thêm đau thương. Ngoại tôi ở trên trời hay nằm yên trong vườn đất Nội, Ngoại có biết tôi về? Tôi không còn được dúi đầu vào ngực Ngoại, ngửi mùi hương dìu-dịu và nép người trong vòng tay ấm-áp của Ngoại; được Ngoại dẫn đi dạo quanh vườn, hái những đóa mẫu-đơn cài lên tóc; cắt những nhánh Ngọc-Lan cúng Phật hay ngồi ở nhà thủy-tạ nhìn sen múa lượn trong hồ theo từng đợt sóng. Ngôi vườn thần-tiên của chúng tôi bị cướp trắng trợn trên tay Ngoại; những kẻ chiến-thắng hỉ-hả chia phần. Ngoại tôi ngơ-ngác như chim non mất tổ. Nội tôi vào Sài-Gòn đón Ngoại ra Huế ở với mình.
Nội nói Ngoại ra đi rất bình-yên, ngủ và đi luôn không một lời trăn-trối. Ngày được tin Ngoại qua đời, tôi ra ngồi dưới gốc mẩu-đơn nhìn trời mây lãng-đãng trên cao. Tháng chín ở đây hoa không còn, nhưng ở quê nhà hẳn mẫu-Đơn nở trắng xóa khắp vườn. Trước mắt tôi chập-chờn tấm ảnh hai bà cháu chụp dưới bóng cây ngọc-lan. Tôi oai-hùng chống nạnh cười khoe hai hàm răng sún, Ngoại choàng vai tôi, đôi mắt chứa chan biết bao thương-yêu, trìu mến. Tất cả chỉ còn là mộng-mị, là chiêm-bao. Nội không chịu đi sau cái chết của Ngoại: “Ở lại với hắn cho vui”.
Giờ thì Nội tôi. Sự ra đi được tính từng ngày nhưng Nội dường như không hề chú-ý. Nội cười rạng-rỡ, vuốt tóc tôi. O Chị vừa khóc, vừa cười xoắn-xít như con nít: “Ngó tề. Lạ quá hỉ, ra đường răng mà chộ cho ra”.Tôi cười với O rồi ôm Nội, thì-thầm: “Trời ơi! Con nhớ Nội biết bao!”. Mùi chùm kết thơm thơm từ tóc Nội bay vào mũi làm tôi nhớ ngày xưa Nội vẫn bắt tôi gội đầu bằng chùm-kết và chanh cho tóc mượt, đen huyền: “Con gái đẹp nhờ mái tóc”. Nội hỏi tôi có thấy gì thay đổi trong vườn, tôi nói hình như không có. Một thoáng kiêu-hãnh lướt trên mặt Nội. Hai bà cháu ngồi trước nhà dưới giàn tường-vi. Màu trắng hồng của hoa bắt đầu nhòa trong ánh trăng và hương thơm nhẹ lan theo gió. Hàng cây thầu-đâu trĩu hoa tím nhạt chỉ còn là những bóng đen xám mờ. Mấy gốc lão mai cằn cổi, xù xì đến tội soi mình xuống đất theo ánh trăng. Nội nói O Chị đốt lư trầm. Tôi theo Nội bước vào thư phòng. Căn phòng ngày xưa tôi chán ghét, sợ-hãi biết bao. Tôi nhớ những lần Nội bắt tôi ngồi bẹp trên chiếc chiếu hoa, tay đeo móng ngồi khảy đàn đến tàn cây hương mới được. Máu Lương-Sơn-Bạc và láu-cá trong tôi trổi dậy, tôi móc mạnh tay để những con nhạn ngả lăn trên đàn. Nội tôi bình-thản dựng lên, chỉnh dây đàn và … thắp lại cây hương khác. Tôi phải phép, hết dám làm càn. Mỗi lần học xong hai chân tê rần, vặn vẹo một hồi đứng lên mới nổi; không như cái đàn tay đập chân đạp, xong giờ là tôi phóng ra khỏi phòng như bay.
Nội thay cái áo dài màu trắng có những hoa cúc đại-đóa xám. Màu vàng mông lung trôi qua cửa sổ quyện cùng hương khói của trầm. Những ngón tay Nội lướt trên dây đàn. Âm-thanh thê-lương, ai-oán của bài Lý con Sáo chậm rải ngân vang , cuộn dâng những nỗi niềm đớn đau chất chứa. Nỗi đau-đớn bi-ai nhập vào tiếng đàn đến xuất thần, đến đứt ruột, nát gan. Nội tôi. Người đàn-bà đẹp lạnh-lùng, cô-độc, khó gần ấy đã che dấu bao năm để bây giờ phát tiết ra như tiếng kêu thương cuối cùng của con chim sắp chết. Tôi òa khóc, úp mặt vào lòng Nội. Nội ôm tôi, nước mắt rơi trên tóc tôi, nghẹn-ngào: “Nội muốn con giữ cây đàn nầy. Như một kỷ-niệm của Nội, nó đã thấm-đẩm nước mắt của Nội, hôm nay có cả nước mắt của con”. Một khoảng-khắc im-lặng rồi Nội vuốt tóc tôi, ngập-ngừng, tiếng nhẹ như tơ: “Con gái giòng họ mình không may-mắn về tình-duyên. Con ráng tu, làm thêm việc thiện, biết đâu hoán cải được số-phận của mình. Bớt khóc đi. Nước mắt nó vận vào người không tốt. Nghe lời Nội, con Chim Sâu, con Mít Ướt của Nội”.
Tôi mãi khóc trong lòng Nội; không thấy trăng đã xế, màu trắng lạnh vắt qua song cửa như những lưỡi gươm vô tình.
Nội tôi ra đi mười ngày sau đó. Tôi lặng cầm tay Nội. Hương-hồn Nội đã nhẹ-nhàng bay lên trời. Tôi nhìn trời và ước gì tôi thấy được Nội, được Ngoại, được những ngày cũ xa xưa. Trong màn nước mắt, thấp-thoáng giữa đám mây thênh-thang kia Nội tôi dáng gầy guộc, nét môi không còn lạnh-lùng, mĩm-cười nhìn tôi; Ngoại tôi ẩn-hiện như khói như sương lẫn trong màu trắng của những đóa mẫu-đơn, ngọc-lan. Có cả ánh trăng của những đêm trăng thơm ngát khi gió rung nhẹ cây kiến-cò làm những bông hoa lay động giống như đàn bạch-hạc đang tung mình cất cánh bay cao.
Còn gì nữa không? Còn tôi. Còn tôi bất-lực trong cuộc đời. Nhìn những mất mát yêu quí nhất của mình trôi tuột qua tay.

Hương-Trầm

***********************
Phần nói ké của người gởi:
Tôi có edit một số chính tả, đổi vài chữ hoa thành chữ nhỏ. Đồng thời giữ chữ hoa khác với thường lệ cho các danh từ chung, những chữ mà người viết gởi gắm nhiều tâm tư như Ngoại, Nội …Hoa cúc ở trên hơi quá to nhưng cóp ở một web không bị lấy lại.Tuy người viết không nói rõ, tôi thấy Nội mặc áo gấm, căn cứ trên hình cúc xám trên nền trắng. Vã lại với tầm vóc xã hội được mô tả thì các bà đều mặc áo gấm. Thời ấy chưa có loại vẽ tay trên áo hay những loại có hình in. Lụa chỉ có một màu vàng ngà. Kỹ thuật gọi là phiếu làm cho bớt vàng, ít chói lọi để thanh nhã và khiêm tốn hơn. Cái áo trong bài có lẽ màu trắng bạc (silver) phối họp dễ dàng với màu xám, màu trắng bạc của lụa có khuynh hướng ngả xám nhạt, thợ dệt đã dùng kỹ thuật sắc thái trên sắc thái (ton sur ton). Tuy kiểu cách, nó gần với chiếc áo lam khi đi chùa. Khói trầm hương ăn nhập với màu cúc xám.
Gấm thất thể cũng là gấm nhưng dùng bảy thứ tơ màu, nên có thể dệt nhiều thứ hoa; thường là quy ước trúc cúc mai lan. Màu của nền chính thay đổi tuỳ lứa tuổi; các tài tử nị ngộ mặc áo dài (xình xám?) có khi dùng màu đỏ và đen. Nhưng ở VN, nền đen cho các bà lớn tuổi và màu đỏ là đại thọ. Lụa cũng như gấm đều dệt từ tơ tằm nhưng gấm thì phức tạp hơn, dày hơn.

Mùa cúc đã hết theo mùa thu, cắt ngang gốc mùa sau sẽ trở lại. Tôi có giống cúc cao bằng người, bổ sấp bổ ngữa. Cho nên đầu xuân là phải cắt ngang, có khi cắt thêm một lần nữa.Mỗi khi dọn vườn cúc, tôi nghĩ tới cách trồng cúc và thực dược ở Huế sao mà phức tạp và khó quá. Chậu cúc hay thược dược chỉ có bốn nhánh đứng theo bốn cái chói tre. Đọt non hai thứ nầy dâm cho có rễ, trồng vô chậu, cắt ngang để trổ hai nhánh rồi cắt nữa thành bốn nhánh. Ở đây sau mùa, tôi phải dùng xe bò ệt mà chở các cành héo, nhìn lại gốc thì nó to như cái rỗ đi chợ.

Hương-Trầm
12-15-2012, 09:18 AM
Trầm thương,

Phải rồi Trầm há. Cứ thương nhau là đủ, nó thề nhứt địng hong ghen, giống Mờ Mờ. hihihi

Không ghen Trầm cũng không dám tham-lam. Nhiều dzợ quá tổn thọ, bỏ ba ái hậu lại là ... ngỏm củ tỉ mà không nhắm mắt đó à nghen.
Thương Cưng,

Hương-Trầm

Hương-Trầm
12-15-2012, 09:57 AM
Cám-ơn đại-ca sửa lỗi chính-tả dùm, cám-ơn hoa cúc Đại-đóa anh cho. Bắt chước Cát-Vân, tiểu em cài lên tóc đây.
Nếu em nhớ không lầm là tên riêng thì phải viết hoa, người hay vật gì cũng vậy, cho nên em viết hoa chữ Kiến-cò vì đó là tên riêng của cây mà hoa của nó màu trắng nhìn giống như con cò hay con hạc (vì vậy có nơi gọi là cây Bạch-hạc) Cũng có thể em thuộc loại tiếng Mỹ chưa biết, tiếng Việt quên hết trơn http://mail.yimg.com/ok/u/assets/img/emoticons/emo31.gif!
Nội em mặc áo dài nội hóa đại-ca ạ. Gấm anh nói là gấm thất thể của Thượng-hải, dầy và nặng.
Tiểu em mấy hôm nay xách bị đi quanh, để dành mua được chai champagne và ít ham, thêm một con gà tây làm sẵn. Noel nầy xin mời đại-ca, đại-tẩu tới chung uống, chung ăn. Không say không về.http://mail.yimg.com/ok/u/assets/img/emoticons/emo31.gif!http://mail.yimg.com/ok/u/assets/img/emoticons/emo31.gif!http://mail.yimg.com/ok/u/assets/img/emoticons/emo31.gif!
Thân kính,


Hương-Trầm

catvan
12-19-2012, 06:47 PM
Trầm thương,
Phải tơ nội hóa của mình nhìn mát và đẹp hơn gấm Thương hải không? hay là V mang tật nói ngược rồi :D :D :D.
Em Linh chuẩn bị cho ngày sinh nhật của người thương, còn cưng thì đang làm gì? Mờ Mờ nữa, rồi V chạy lên đây một hồi kím mí cưng rồi lặn tới nghĩ lễ nha.
Thương chúc Trầm những ngày thư thả , vui tràn..

Hương-Trầm
12-19-2012, 07:34 PM
Vân thương,
Đúng là tơ nội hóa, mềm, óng ả như ...tơ b-)!
"Người ta" đang tủi thân đây nè! Hồi mới quen, tới lễ lạc là quà cáp; bây giờ nói vài tiếng là dông, là phủi tay. Người gì mà ăn ở bạc thì thôi:((!:((!:((!
Lặn thì có người lặn theo.
Có nên nói thương Cưng không?
Thương Cưng,

Hương-Trầm

catvan
12-19-2012, 07:56 PM
hihihi
tướng công chi mừa nhõng nhẽo thì thôi ..:D, không biết ngoài V ra có ai kia chịu thấu đời không đó .. :))
Chừa cho cưng tấm xí xíu này, V ngồi bôi lâu nhất đó :D, thương cưng nhiều lắm mừa.

http://i1148.photobucket.com/albums/o573/cvbam/GS4.jpg

.

Ngoc Han
12-20-2012, 12:15 PM
http://image.slidesharecdn.com/merrychristmascanadaquebecmagnifique-1227310836705903-9/95/slide-35-728.jpg?1227303658
Cát Vân
Cho Trầm qua xứ Cà ở mới thấy hơi ấm là gì.
*Hình ở vùng Québec trên Net

Hương-Trầm
12-20-2012, 01:51 PM
Cưng ơi,
Tướng-công với ai chứ với Cưng thì tướng-công vẫn muốn nhõng-nhẽo để được Cưng cưng như thường http://mail.yimg.com/ok/u/assets/img/emoticons/emo31.gif!
Trầm vừa nghía qua nhà Cưng, thấy có con két hết xẩy, vừa đẹp vừa hấp-dẩn. Đợi qua lễ Cưng dìa bọn mình làm thịt. Ăn nó không sợ mang tội sát sanh nên càng ngon miệng :))! Trầm làm sẵn chén muối ớt rồi nè. Đang nuốt nước miếng. Cưng có biết thế nào là sự chờ đợi không?

Nhớ và chờ Cưng.


Hương-Trầm

Hương-Trầm
12-20-2012, 01:55 PM
Hân ơi,
Cảnh đẹp quá nhưng có phải là tuyết không? hay là cà-phê sữa, chó-có-lát sữa? Nếu là hai thứ sau thì tụi mình ra bốc ăn nghe http://mail.yimg.com/ok/u/assets/img/emoticons/emo31.gif!

Sẵn Hân ghé nhà, Trầm chúc Hân sức-khỏe nè, luôn tươi trẻ nè, lái tàu ngầm khỏe re nè và ăn đồ biển bao nhiêu cũng không sợ ... (cũng vần e hỏi ẻ ... nè)http://mail.yimg.com/ok/u/assets/img/emoticons/emo31.gif! Thôi! Trầm vừa cười vừa chạy đây, chậm chân thế nào Hân cũng cú vài cái cho bỏ tật nói trây.

Hương-Trầm

mờ mờ
12-22-2012, 06:55 PM
Trầm thương, thật an bình vui vẻ trong mùa lễ nha. mm sẽ không quên Trầm đâu.

http://farm9.staticflickr.com/8080/8299122138_fbeabd2a36.jpg

catvan
12-22-2012, 08:32 PM
Trầm hong thương. :D
Nhõng nhẽo hoài thấy ghê lắm ợi... :D. Anh Hân nhát tuyết hoài, tuyết có gì đâu chứ, tuyết rớt có khi cũng đẹp lắm mừa, và những đêm tuyết rơi nhiều bên ngoài sáng rực lên đó Trầm. Tấm hình đó chỉnh wb không trúng nên tuyết thành ra dàng dàng é.
Anh H là KQ hong phải HQ đâu mừa lái tàu. V bép xép chắc bị cốc u đầu qué.. :D

Thùy Linh
12-24-2012, 02:30 PM
Hình tuyết trên net thành vàng chắc do chỉnh màu bằng photoshop, Ngọc Hân phải đền tự chụp cho Trầm tấm khác đi, nhỏ lớn TL chưa thấy tuyết nhiều như vậy, nghe nói tuyết càng dầy thì thấy lạnh ít lại, khg biết có đúng không ?


Trầm cưng nhõng nhẽo ăn bánh Giáng Sinh nè

Chúc Trầm Noel nhiều niềm vui nhiều hạnh phúc năm mới sức khỏe dồi dào mọi việc như ý
Thương Trầm


http://i28.photobucket.com/albums/c202/ThuyLinh_/Tranh%20tho/Christmas_Cookies1.jpg

Ngoc Han
12-25-2012, 07:57 AM
Chắc không có chỉnh hình đâu, hai bên đường cây bị tuyết đè nên ánh sáng thiếu , nếu có đèn thì rỏ hơn, thêm hình ở Rimouski nè, hình chụp 18-12-12 (Net) . Thùy Linh qua xứ Cà muà đông sẽ tha hồ ngắm tuyết rơi, bên Úc hôm qua nghe nói nóng hơn 30 độ C?

http://rstorage.filemobile.com/storage/9153410/1085

Hương-Trầm
12-31-2012, 09:17 AM
MM thương,
Bình hoa của MM tặng tối nay Trầm đem chưng trên bàn, cạnh dĩa bánh của Linh, thêm trà, cà-phê vv... rồi tối nay bọn mình bộn đựa ngồi bên nhau đón mừng năm mới. Giao-thừa chúc mừng năm mới năm nay phải ôm nhau hôn vài cái mới đượchttp://mail.yimg.com/nq/mc/1_0_0/mesg/tsmileys2/04.gif!http://mail.yimg.com/nq/mc/1_0_0/mesg/tsmileys2/04.gif!http://mail.yimg.com/nq/mc/1_0_0/mesg/tsmileys2/04.gif!
Thương MM nhiều,

Hương-Trầm

Hương-Trầm
12-31-2012, 09:19 AM
Linh cưng,
Giỏi ghê nơi, biết Trầm hảo ngọt, tặng cái bánh hết xẩy!
Tối nay bọn mình hẹn nhau ở nhà Cát-Vân đón giao-thừa, ăn bánh và khi đồng-hồ gỏ mười hai tiếng thì tụi mình cùng nhau: "Ò e Rô-be đánh đu, Tặc-dzăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng ..." nghe.
Thương Linh nhiều,

Hương-Trầm

Hương-Trầm
12-31-2012, 01:24 PM
Vân thương ơi,
Trầm không nói thì làm sao Sư-huynh biết mà ký đầu Cưng cho được. Chuyện nầy chỉ hai đứa mình biết thôi. Sống để bụng, chết mang theohttp://mail.yimg.com/ok/u/assets/img/emoticons/emo31.gif!
Hẹn Cưng tối nay,




Hương-Trầm

Hương-Trầm
02-01-2013, 02:30 PM
http://i1358.photobucket.com/albums/q768/hoangthochau/Tr1EA7m-H1B001A10ng136_zpsccb4223d.jpg


MÙA LỤT

Ngoc Han
02-03-2013, 01:06 AM
http://i766.photobucket.com/albums/xx303/lucky80luke/100_1872_zpsfa64f77c.jpg

"Hãy lên đường như một con tê giác " nè bang chủ.

cái bang hai túi

catvan
02-24-2013, 12:16 AM
Trầm thương ơi,
Nhớ cưng,

http://k007.kiwi6.com/hotlink/3z8cf5c8qe/nhungmuahoabolai-tranthaihoa_6vsw.mp3

catvan
05-05-2013, 07:26 AM
mang cho Trầm bầy linh lan non tơ...@};-

http://i1148.photobucket.com/albums/o573/cvbam/83d18da5-faa7-45d2-add0-2acee347a962_zpsd8aabf10.jpg (http://s1148.photobucket.com/user/cvbam/media/83d18da5-faa7-45d2-add0-2acee347a962_zpsd8aabf10.jpg.html)

catvan
05-20-2013, 06:52 AM
linh lan trổ bông rồi nè trầm :)

http://i1148.photobucket.com/albums/o573/cvbam/7941249f-05fe-4b76-a601-2a33b1c2f330_zps20597384.jpg