PDA

View Full Version : Nhìn Lại Mình - TRÍCH ĐOẠN 10: MỘT HƯỚNG ĐI KHÔNG THỰC TẾ



LeKhoi
11-13-2011, 09:47 AM
Nhìn Lại Mình - TRÍCH ĐOẠN 10: MỘT HƯỚNG ĐI KHÔNG THỰC TẾ

Những suy nghĩ tản mạn về nhiều vấn đề trong những đêm khó ngủ.


……………….

Ðêm ... tháng ... năm ...

Mới đây đọc tin tức biết được một số học sinh Việt Nam đi thi Toán, Lý quốc tế được giải nhất, giải đặc biệt thấy cũng vui và cũng hãnh diện. Vậy mà hay, lâu nay người mình đạt được khá nhiều những giải thưởng quốc tế về những môn học đó. Cũng tốt. Ờ ... mà không biết có tốt không?

Ở Việt Nam mình biết có những lớp chuyên luyện cho học sinh các môn học Toán, Lý, Hoá để đi thi trên thế giới. Các học sinh này suốt ngày ngồi giải những bài toán khó khăn nhất, lắc léo nhất. Họ đi thi và đậu là điều đáng khen và hợp lý. Công sức bỏ ra bao lâu để đi thi và đạt được kết quả là việc đáng mừng. Nhưng không biết dạy và học những điều như vậy trong một đất nước như Việt Nam hiện giờ có thực tế không? Ðoạt giải rồi để làm gì?

Nghĩ cũng mắc cười. Hồi xưa đi học ở Việt Nam, những môn như Toán, Lý, Hoá rất được coi trọng, phải học giỏi những môn này mới được coi là ... học giỏi. Những bài toán, bài thi, bài kiểm tra cho những môn này lúc nào cũng nặng nề lý thuyết trừu tượng, chẳng có gì thực tế mà rất khó khăn lắc léo. Càng lắc léo càng hay. Cũng lạ, nhớ lại chuyện mấy đứa bạn mà mắc cười. Thời gian đó học sinh đứa nào cũng phải đi học thêm ở ngoài, ngoài giờ học trong trường. Mỗi lần có bài toán nào khó khăn, lắc léo, quanh co thì mấy đứa lại nói, “Bài toán này hay lắm.” Cứ lắc léo, quanh co là mọi người đều cho là bài toán “hay”. Thế mới lạ chứ.

Thật đáng buồn. Có khá nhiều học sinh Việt Nam và sau này nhiều du học sinh qua Mỹ khá “giỏi” Toán vì được học trước tại Việt Nam và bị áp lực học Toán tại Việt Nam. Vì vậy họ thấy Toán ở một trình độ nào đó quá dễ. Một số người trở nên khinh thường người Mỹ và những giống dân khác khi họ không “giỏi” Toán. Có người còn nói ra rằng “Mấy thằng Mỹ này ngu quá. Tụi Mỹ học dở lắm.” Người Mỹ có “ngu” không? Có “học dở” không? Mong rằng những học sinh này suy nghĩ lại, suy nghĩ thật kỹ xem ai là người thông minh, có khả năng; ai là người “ngu”, ai là người chỉ biết “học” cho “giỏi”, hoặc chỉ có khả năng “học” cho “giỏi”.

Ngay cả khái niệm của hai chữ “học” và “giỏi” cũng đã có sự khác biệt giữa hai dân tộc rồi. “Học” nghĩa là học và nghiên cứu để ứng dụng, phát triển, và phát minh chứ không phải chỉ có gạo bài, “memorize”, huấn luyện giải Toán, và giải Toán. “Giỏi” cần phải giỏi trong việc học và trong việc ứng dụng, phát triển, và phát minh thêm chứ không phải chỉ có giỏi giải Toán. Chúng ta cần suy nghĩ và tự hỏi xem chúng ta có nhà Toán học, Vật Lý học nào có khả năng thiết lập những chương trình Toán học phức tạp để khám phá và giải quyết những vấn đề bí mật của vũ trụ, của nguyên tử, v.v. không? Họ có nhiều lắm. Hơn nữa đối với rất nhiều ngành chuyên môn thì giỏi Toán chưa chắc đã là điều cần thiết nhất. Tại sao chúng ta ai cũng phải giỏi Toán như mức độ đòi hỏi của nền giáo dục và nền văn hoá Việt Nam?

Nói chung lại thì để hiểu rõ vấn đề hơn, chúng ta nên tự đặt những câu hỏi đại khái như sau: Nếu chúng ta “giỏi” thì tại sao chúng ta không “dạy” mà chúng ta lại phải “học” từ người khác trong mọi lãnh vực từ xưa đến nay? Nếu chúng ta “giỏi” thì tại sao chúng ta không “cho” mà chúng ta lại “xin” (viện trợ tài chánh, chuyển giao kỹ thuật chẳng hạn)? Nếu chúng ta “giỏi” thì tại sao chúng ta cần họ mà họ không cần chúng ta? Nếu chúng ta “giỏi” thì tại sao chúng ta không lãnh đạo thế giới mà lại bị họ lãnh đạo? Chúng ta có khả năng đầu óc; tuy nhiên, chúng ta cũng cần thường xuyên xét lại mình để không bị sống trong một “illusion” thông minh, giỏi giang quá … như chúng ta tưởng.

Ðang nói về chuyện thực tế. Không biết cách dậy học ở Việt Nam có thực tế không? Những bài toán cao siêu, lắc léo chẳng liên quan gì tới cuộc sống hàng ngày được nhồi nhét, ép buộc học sinh phải học và phải tiêu hóa. Những bài toán có nhiều tính chất lý thuyết đó để làm gì bây giờ? Khi làm những bài toán như vậy, nó cũng giúp tăng cao khả năng phân tích, khả năng tìm giải pháp, nhưng trong cuộc sống hàng ngày có cần phải học những bài toán quá khó đó không? Ðể sau này lên đại học học cũng được vậy, nếu cần thiết và nếu muốn đi sâu hơn. Không hiểu tại sao người ta bắt mình học sớm quá. Áp lực học những môn đó quá nhiều, nhức cả đầu. Thời gian và sức lực để đầu tư cho những môn khác và cho những hoạt động khác không còn nữa. Thời gian và trí óc để suy nghĩ về những việc khác có lợi cho sự phát triển cá nhân con người, cho xã hội bị những công thức toán học lấy mất. Thời gian để đi làm thêm, để thu thập kiến thức, kinh nghiệm làm việc thực tế ngoài xã hội không còn nữa. Thời gian giải trí cũng mất tiêu. Nghĩ lại thấy thật bực mình. Hồi đó học như một cái máy, máy giải toán. Không biết nó cống hiến vào sự phát triển trí thông minh của mình bao nhiêu? Không biết nó cống hiến vào sự phát triển tính thụ động, đờ đẫn, máy móc, không sáng tạo của mình bao nhiêu?

Đa số học sinh Việt Nam, trong nước cũng như ngoài nước, chỉ học giỏi theo tính cách đọc sách, học bài, làm bài, làm bài thi, rồi được điểm cao mà thôi. Điều này chưa chắc cho thấy nhiều về sự thông minh. Ra ngoài đời rồi mới biết. Nền giáo dục Việt Nam cũng được tổ chức theo cách đó, và gia đình Việt Nam cũng khuyến khích học sinh học theo cách đó. Các học sinh Việt Nam có được điểm cao là do học như vậy. Các giáo sư nước ngoài, báo chí nước ngoài có ca ngợi học sinh sinh viên Việt Nam cũng là ca ngợi “học” … như vậy mà thôi. Điều này không nên tự hào nhiều và ca ngợi nhiều. Cách học như vậy và tổ chức giáo dục như vậy chỉ đào tạo ra những con người … giỏi làm việc cho người khác mà thôi.

Quan trọng hơn và tốt hơn là nền giáo dục Việt Nam nên được tổ chức lại để học sinh không những … giỏi đọc sách, trả bài, và làm bài, mà còn phải được giáo dục và giỏi về khả năng quản lý, khả năng lãnh đạo, khả năng sáng tạo, khả năng làm việc chung, khả năng lập chiến lược đường lối, v.v. Cả một xã hội Việt Nam cần thay đổi cách nhìn về thế nào là “giỏi”, “học giỏi”, và “thông minh”. Có như vậy thì người Việt Nam mới khai thác được và chứng minh được sự thông minh thực sự của mình. Có như vậy thì Việt Nam mới không suốt đời ở vị trí kém cỏi so với các quốc gia khác và người Việt Nam mới không phải suốt đời làm việc cho người khác.

Không biết bao nhiêu công sức, tiền của, thời gian bỏ ra huấn luyện những học sinh thi đạt giải quốc tế rồi để làm gì? Có lẽ những giải thưởng đó có một giá trị tinh thần cho học sinh và giá trị “status” cho đất nước. Những học sinh đó về lại nước có sử dụng những kiến thức của mình một cách thực dụng hay không? Chắc có nhiều người sẽ vào lại những trường đại học để tiếp tục dạy những môn học đó. Không biết những lý thuyết Toán, Lý đó người ta có đem ra áp dụng trong thực tế được không hay lại chỉ là những công thức, định lý, giải pháp trên giấy trắng, trên bảng đen? Chắc cũng có những người kiếm được cơ hội có việc làm tốt để mà áp dụng kiến thức của mình. Không biết tình hình kinh tế Việt Nam hiện giờ có tạo cơ hội cho những người này áp dụng kiến thức của họ không? Mong là công lao học tập của họ sẽ đưa đến những kết quả thực tiễn cho họ.

……………….

Chỉ mong công sức, tiền bạc đầu tư vào việc giảng dậy và học hỏi những ngành này sẽ không bị bỏ phí. Sau bao nhiêu năm học hỏi, mệt nhọc, hy vọng mà ra trường không có việc làm chắc sinh viên bị khủng hoảng tâm lý nhiều lắm, chắc bực tức lắm. Không biết họ có hối hận hay không? Không biết họ có thất vọng hay không?

……….......

Với tình hình kinh tế, xã hội và khoa học ở Việt Nam hiện nay, những nhà vô địch olympic, những nhà Toán học, Vật Lý học này thực sự chưa cần thiết. Họ sẽ không đem đến phát triển cho Việt Nam vào lúc này. Trong thời điểm hiện tại Việt Nam không cần những nhân vật đó. Và Việt Nam cũng không có môi trường để họ nghiên cứu, phát triển, và ứng dụng trí thông minh của họ. Họ sẽ ra nước ngoài và làm việc trong những công ty, viện nghiên cứu, và trường đại học nước ngoài mà thôi. Đây là một hướng đầu tư nhiều lãng phí về tài chánh, về thời gian và lãng phí về nhân lực và trí thông minh của con người.

...…………..