PDA

View Full Version : Nhìn Lại Mình - TRÍCH ĐOẠN 12: MỘT TƯ TƯỞNG VỚI QUÁ NHIỀU VẤN ĐỀ



LeKhoi
11-28-2011, 11:37 AM
Nhìn Lại Mình - TRÍCH ĐOẠN 12: MỘT TƯ TƯỞNG VỚI QUÁ NHIỀU VẤN ĐỀ

Những suy nghĩ tản mạn về nhiều vấn đề trong những đêm khó ngủ.

………………………

Ðêm ... tháng ... năm ...

Kinh tế Việt Nam lúc này có lẽ khá hơn trước. Hy vọng càng ngày sẽ càng tốt hơn. Kinh tế Á Ðông nói chung và Việt Nam nói riêng chậm phát triển hơn phương Tây một phần vì ảnh hưởng của đạo Khổng. Dĩ nhiên có nhiều lý do nhưng đạo Khổng chắc chắn đóng một vai trò quan trọng.

Ðạo Khổng bắt nguồn từ Trung Quốc đã không coi trọng giới thương gia. Trong xã hội Trung Quốc đứng đầu là những người đi học, những người làm quan, những người làm ... thơ (???), v.v. Những người làm kinh doanh, kinh tế đứng ở cuối cùng của hệ thống giai cấp xã hội. Ðạo Khổng nhấn mạnh đến việc rèn luyện con người để trở thành người “quân tử”, và vì những thương gia thường không được đi học, bị nghi ngờ là gian dối, vật chất, không “tinh khiết” thành ra họ không bao giờ được coi là quân tử, “righteous”, và được xếp ngang hàng với những người được học về thơ văn hay “đạo đức thánh hiền” cả.

Ðạo Khổng cũng nhấn mạnh đến việc tổ chức quyền lực xã hội tập trung từ trên xuống nên mọi người đều cố gắng đi học để đạt được vị trí trên cao, và dùng “tài”, “đức” của người quân tử để cai trị thiên hạ từ bên trên. Những người được gọi là có học này, không phải giới thương gia, mới là những người được tôn kính.

Nhưng tại sao người Trung Quốc lại có vẻ có khiếu về giao thương và khá thành công về kinh tế vậy? Ðiều này cũng chính là hậu quả của ảnh hưởng đạo Khổng. Sự coi trọng những người quân tử có học (nhưng không phải học về Kinh Tế, mà thực sự ngày xưa Trung Quốc cũng không có Kinh Tế học) khuyến khích nhiều người theo đuổi việc trường lớp. Nhưng không phải ai cũng có khả năng và có điều kiện để học. Vì vậy một khối lượng lớn dân chúng phải tham gia vào những việc khác. Giao thương chính là một trong những công việc khác này. Họ không còn lựa chọn nào khác thành ra họ phải đi buôn bán. Và họ đã tạo nên một đội ngũ thương gia khá lớn và thông thạo việc thương mại từ lâu (mặc dầu sự thông thạo này có nhiều tính chất “instinct” và thành công chỉ ở mức nhỏ mà thôi). Ðiều lý thú là có những người thành công về thương mại nhưng rồi cũng lại muốn cho con cái mình học và làm những việc không thuộc về kinh doanh thương mại. Ðó một phần cũng do ảnh hưởng không tốt của đạo Khổng.

Một điều tương tự như vậy đã xảy ra đối với người Do Thái. Ngày xưa những người có quyền hành, những người chủ, nắm giữ chức vụ là những người có quyền sở hữu đất đai. Người Do Thái suốt lịch sử của họ thường ở trong vị trí bị thống trị và bị làm nô lệ. Họ không phải là những người có quyền có đất để làm nông nghiệp. Vì vậy họ phải quay qua một nghề khác là buôn bán, và một trong những lãnh vực buôn bán tập trung nhất là nữ trang và đá quý. Chính vì vậy mà người Do Thái ngày nay đã trở nên tài giỏi trong việc buôn bán nói chung và buôn bán nữ trang và đá quý nói riêng.

Một ảnh hưởng không hay khác có thể bắt nguồn từ việc trọng quân tử (và cũng là đề tài thú vị để nghiên cứu về đạo Khổng) là: niềm tin vào sự hoàn hảo của người quân tử lý tưởng sẽ tạo nên đòi hỏi con người phải “perfect”. Một ví dụ là việc chúng ta nhìn vào cuộc sống riêng của người khác, đặc biệt là những “public figures”, và đòi hỏi rằng ngoài những công việc tốt cho xã hội, họ phải là những cá nhân tốt đẹp nữa. Điều đáng buồn là theo sau sự để ý này sẽ là phê phán và bài bác, chê bai. Sự phê phán này có chính xác, chân thật, vô tư hay không lại là một vấn đề khác. Những cá nhân chê bai người khác có hoàn hảo, tốt đẹp hay không lại là một chuyện khác. Có những người đã cống hiến rất lớn cho xã hội, nhưng vì sự moi móc mà danh tiếng, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng không ít. Dường như chúng ta không phân biệt được và không có khả năng tách rời “public life” và “private life”.

Bất cứ xã hội nào cũng không có người hoàn hảo, mặc dầu ai ai cũng nên cố gắng làm một người tốt, nhưng xã hội Khổng Giáo hình như đã có những đòi hỏi không thể thực hiện được (và thường đòi hỏi người khác chứ không phải đòi hỏi chính bản thân mình). Những dân tộc khác cũng làm điều đó, nhưng mức độ và sự ảnh hưởng của vấn đề này trong xã hội Việt Nam lại quá lớn. Sự chen chân vào cuộc sống riêng tư của người khác như vậy và tác động của nó có ảnh hưởng rất lớn trong một xã hội có tính chất cộng đồng (communal), quan trọng “mặt mũi” (“face” culture), và xã hội Confucius như Việt Nam.

Một tác hại khác và là kết quả của những vấn đề trên là có những người có khả năng nhưng lại lo lắng khi ra đời làm những công việc xã hội. Họ không muốn những sự phiền toái. Họ e ngại cuộc sống cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng. Vì vậy họ sẽ không tham gia làm việc xã hội. Kết quả là xã hội sẽ bị mất đi những cống hiến quý báu từ những người này.

Ảnh hưởng tốt xấu của đạo Khổng trong xã hội là một đề tài rộng. Tuy nhiên ảnh hưởng quá lớn của đạo Khổng trong xã hội Việt Nam chính là một lý do làm cản trở sự phát triển của đất nước. Không những đạo Khổng không thúc đẩy kinh tế thương mại phát triển mà còn có nhiều tác hại trong những lãnh vực xã hội, chính trị, giáo dục khác nữa ngoài những giá trị tích cực của triết lý này.

(Một vài đặc điểm của đạo Khổng được nhiều người thích là sự trung thành; hy sinh; giá trị gia đình, cấu trúc gia đình (và ở một góc cạnh nào đó cấu trúc xã hội) vững chắc; tôn trọng người lớn tuổi và thế hệ đi trước; dễ dàng trong việc áp đặt kỷ luật; v.v. Tuy nhiên đạo Khổng lại tạo điều kiện cho những vấn đề có hại sau đây phát triển: sự trung thành, hy sinh, tôn kính một cách mù quáng; khuyến khích sự áp đặt và chèn ép; cơ cấu thưởng phạt không công bằng; dễ tạo nên tâm lý “dictatorship”; khuôn khổ và cứng nhắc; không khuyến khích sự sáng tạo và phát triển khả năng trí tuệ; không cho phép ý kiến và tranh luận; không khuyến khích sự đa dạng và sự khác biệt; không khuyến khích sự thay đổi; mất niềm tin vào thế hệ trẻ; v.v.)

Ngày nay thì khác rồi. Kinh doanh thương mại là một trong những ngành quan trọng sống còn của một đất nước. Những nước đang phát triển như Việt Nam đã bắt đầu thấy được tầm quan trọng của kinh doanh thương mại. Kinh doanh thương mại còn có khả năng giúp con người trở nên giàu có, có quyền hành và địa vị. Kinh doanh thương mại đã được tôn trọng và đạt được vị trí đúng của chúng. Nhiều người đã học và làm kinh doanh. Ðây là một điều đáng mừng. Về Việt Nam thì thấy không khí làm ăn kinh doanh thương mại rất hăng say. Tinh thần “entrepreneurship” có ở nhiều người. Con người đã học hỏi được nhiều về phương cách làm ăn hữu hiệu của Tây phương và nhiều người đã thành công lớn. Mong là môi trường sẽ càng ngày càng thuận lợi hơn cho họ. Dân có giàu thì nước mới mạnh mà. Bao tử mà còn đói thì đố ai làm gì được.

Người Trung Quốc trước kia chỉ kinh doanh buôn bán theo thói quen và theo cái khiếu mà thôi chứ không phải làm việc một cách khoa học. Những thành công lớn sau này ở Trung Quốc, Ðài Loan, Hong Kong, hay Singapore có tác động chuyển đổi xã hội của họ đều nhờ vào những kiến thức kinh tế và kinh doanh học được từ phương Tây. Những kiến thức này bao gồm lý thuyết kinh tế, chiến lược kinh tế, chiến lược tài chánh, ngân sách, chiến lược ngoại thương, cách tổ chức công ty, cách quản lý, các định hướng, cách nghiên cứu thị trường, kỹ thuật quảng cáo, kỹ thuật tiếp cận thị trường, kỹ thuật tài chánh, tiêu chuẩn kế toán, v.v. Không có những kiến thức kinh tế và kinh doanh khoa học này, các nhà doanh nghiệp Á Ðông chưa chắc đã đạt được những thành công như hiện nay. Một vài tính chất của văn hoá đạo Khổng ví dụ như sự trung thành cũng giúp ích cho sự vận hành một công ty, nhưng đây chỉ là những chi tiết nhỏ mà thôi nếu nhìn vào một bức tranh kinh tế lớn.

Người Việt Nam muốn thành công trong kinh tế chắc chắn cần tập trung vào việc học hỏi và áp dụng những kiến thức kinh tế, kinh doanh khoa học và hữu hiệu của phương Tây. Sau đó hãy áp dụng những kiến thức đó cùng với cái khiếu làm ăn và tinh thần “entrepreneurship” để thành công. Nước Việt Nam muốn thành công thì người Việt Nam ngay từ bây giờ phải mau chóng từ bỏ những lối suy nghĩ cổ hũ, những “mentality” ngây thơ, những cái nhìn nhỏ hẹp, sai trật về giới thương gia; người Việt Nam hãy mau chóng không những chỉ ủng hộ, khuyến khích mà còn phải ca ngợi những người làm thương nghiệp, kinh doanh, và thấy được cống hiến, vị trí của giới doanh gia; và những người làm kinh doanh cũng phải tự chứng minh và khẳng định vai trò to lớn của mình trong xã hội, và đòi hỏi vị trí đúng của mình trong xã hội.

Hy vọng rằng sau này khi xã hội phát triển hơn thì Việt Nam sẽ có, và mọi người biết ca ngợi, những anh hùng kinh tế, anh hùng thương mại nữa. Anh hùng chiến đấu nhiều quá rồi. Thời này kinh tế, khoa học, và khối óc mới là vũ khí lợi hại.