PDA

View Full Version : Nhìn Lại Mình - TRÍCH ĐOẠN 13: LIỀU LĨNH HAY CAN ĐẢM, MẠNH MẼ HAY YẾU ĐUỐI, TÌNH HAY LÝ



LeKhoi
12-03-2011, 03:43 PM
Nhìn Lại Mình - TRÍCH ĐOẠN 13: LIỀU LĨNH HAY CAN ĐẢM, MẠNH MẼ HAY YẾU ĐUỐI, TÌNH HAY LÝ

Những suy nghĩ tản mạn về nhiều vấn đề trong những đêm khó ngủ.

………………………

Ðêm ... tháng ... năm ...

Hồi tối này mới coi một phim về chiến tranh. Nhìn thấy súng đạn, khói lửa, chết chóc lại nhớ tới chiến tranh Việt Nam. Nghe nói tới nhiều về cuộc chiến tranh này nhưng may mắn mình không bị ở trong đó. Nghe nói nhiều người chết lắm, cả hai phía, đều là người Việt. Không biết ảnh hưởng của chiến tranh lên tâm lý con người thì sao?

Chắc chiến tranh làm cho người ta can đảm lắm. Mà can đảm có lẽ người Việt có thừa. Từ xưa tới giờ cứ phải chiến tranh thành ra đặc tính tốt đó được tôi luyện trong người Việt Nam. Không những chỉ những người lính phải ra mặt trận mà ngay cả những người dân thường Việt Nam qua hàng ngàn năm lúc nào cũng phải đối diện với chết chóc, súng đạn, tang thương. Người lính lẫn người dân lúc nào cũng phải sống bên cạnh cái chết, chứng kiến cái chết, lúc nào cũng phải bảo vệ cái sống, bảo vệ mảnh đất hoặc lý tưởng. Rồi họ còn phải sống trong lo sợ hồi hộp. Họ phải đối diện với kẻ thù, với họng súng chĩa ngay trên trán họ. Họ phải chĩa súng vào người khác và bóp cò súng. Họ phải vật lộn với cuộc sống. Biết bao nhiêu là thứ. Chắc chắn người Việt phải có rất nhiều can đảm và phải cứng rắn lắm.

Nhưng không biết ngoài sự can đảm tốt đẹp, họ có liều lĩnh không? Nếu liều lĩnh thì không tốt rồi. Nhiều khi chiến tranh cũng tôi luyện nên sự liều lĩnh. Cứ phải giết người, cứ phải sống bên cạnh cái chết thì người ta cũng trở nên liều lĩnh được. Khi tuyệt vọng cũng trở nên liều lĩnh. Khi bất cần cuộc sống, không sợ cái chết nữa cũng trở nên liều lĩnh. Khi gia đình con cái bị chết hết thì người ta cũng có thể liều lĩnh. Khi đất nước bị chiếm đóng, người dân bị giết chóc, người ta cũng trở nên liều lĩnh. Trong chiến tranh có lẽ cũng cần sự liều lĩnh. Nhưng trong hoà bình thì không biết sao?

Trong thời gian hoà bình chắc không cần nhiều sự liều lĩnh. Nhưng nếu có máu liều lĩnh trong người thì sự liều lĩnh cũng xảy ra. Sự liều lĩnh có thể xảy ra qua việc lái xe ẩu tả, qua việc cướp giựt, giết người. Sự liều lĩnh cũng xảy ra trong việc dùng ma túy, trong quan hệ tình dục khi có AIDS. Sự liều lĩnh cũng xảy ra trong việc hút thuốc, uống rượu, đánh bài. Quá liều lĩnh để rồi không lo tới tính mạng của mình là một điều không sáng suốt. Quá liều lĩnh để rồi ảnh hưởng tới tính mạng và sự an toàn của người khác lại còn đáng trách hơn. Sự liều lĩnh cũng xảy ra trong việc thiết lập đường lối kinh doanh mặc dầu trong thương mại đôi khi cần phải liều lĩnh, nhưng sự liều lĩnh ở đây là sự liều lĩnh có tính toán, có suy nghĩ, nghiên cứu môi trường, thị trường, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, v.v. Sự liều lĩnh cũng có thể xảy ra trong việc buôn lậu, trong việc hối lộ, trong việc buôn bán ma tuý, trong việc biển thủ, v.v. Có lẽ sự liều lĩnh len lỏi vào nhiều lãnh vực lắm.

Mong là mọi người đừng hiểu lầm giữa liều lĩnh và sự can đảm hay gan dạ (cũng như hiểu lầm giữa cương quyết và bướng bỉnh).

Hối lộ, hối lộ… đây là một vấn đề lớn. Sức mạnh là yếu tố quan trọng trong việc nhận hối lộ. Ðạo đức suy đồi, kinh tế khó khăn, luật pháp yếu kém dễ đưa tới việc nhận và cho hối lộ. Người có cuộc sống không thoải mái lắm, lương tháng không nhiều nhận hối lộ là điều đáng chê trách. Nhưng đáng chê trách hơn nữa là những người đã giàu có rồi, đầy đủ rồi mà vẫn nhận hối lộ. Ðây là một điều lạ. Sự sống chết, đời sống kinh tế không bị đe doạ mà vẫn nhận hối lộ hoặc đòi hối lộ. Họ vẫn không chống cự nổi và vẫn đưa tay ra để nhận hoặc mở miệng ra để đòi. Ngoài những lý do như tham lam và đạo đức xuống thấp, sức mạnh có lẽ quan trọng trong trường hợp này. Họ biết nhận hối lộ là không tốt, họ biết họ không cần phải ăn hối lộ để cuộc sống được bảo đảm, nhưng họ vẫn không đủ sức mạnh để rút tay lại và nói “Không được.”

Sự yếu đuối có mặt mọi nơi mọi lúc trong xã hội. Có nhiều lý do để đưa tới những vấn đề sau đây, nhưng trong bất cứ trường hợp nào cũng vậy, có lẽ sức mạnh vẫn luôn luôn là một yếu tố quan trọng. Thiếu sức mạnh đã đã làm nhiều người không thể chống cự lại một việc làm rất nhỏ là xả rác. Thiếu sức mạnh đã làm cho nhiều cô gái trẻ không nói “Không” được khi những người bạn trai đòi hỏi sự quan hệ xác thịt. Thiếu sức mạnh đã làm cho những chàng trai trẻ nói “cởi mở, hiện đại” nhưng không chứng minh được chính mình. Thiếu sức mạnh đã làm cho người ta bỏ qua sự gian dối của chính họ. Thiếu sức mạnh có thể làm cho một số người “yêu” chỉ để lợi dụng. Thiếu sức mạnh đã làm con người nói dối một cách không cần thiết. Thiếu sức mạnh đã làm nhiều người không có khả năng chấp nhận sự thất bại của mình với người khác. Thiếu sức mạnh làm cho con người kiêu ngạo. Thiếu sức mạnh đưa tới sự ganh tỵ. Thiếu sức mạnh làm người ta hay chê bai. Thiếu sức mạnh làm nhiều người trở nên mê tín. Thiếu sức mạnh đã làm cho những ông chồng cất tay đánh vợ. Thiếu sức mạnh đã làm những người vợ đi đánh bài. Thiếu sức mạnh đã làm cho người bố nằm coi TV khi đứa con bốn tuổi đang muốn được nghe truyện cổ tích. Thiếu sức mạnh đã làm người mẹ la mắng đứa con trước mặt bạn bè của nó. Thiếu sức mạnh đã làm cho người ta không mở miệng ra được để nói “Tôi sai.” Thiếu sức mạnh đã làm con người không chấp nhận được cái hay và cái tốt của kẻ thù của mình. Thiếu sức mạnh đã làm người ta không chịu học hỏi từ kẻ thù. Thiếu sức mạnh đã làm người ta nói xấu người khác mặc dầu biết người khác là đúng, là tốt. Thiếu sức mạnh đã làm người ta hạ người khác xuống để đưa mình lên một cách không công bằng. Thiếu sức mạnh đã làm con người không trở thành “good winner” và không là “good loser”. Thiếu sức mạnh đã làm ....

Chiến tranh không biết có làm cho con người ta trở nên bướng bỉnh hơn và phòng thủ hơn (defensive)? Chắc là có. Sự yếu đuối, cộng với bướng bỉnh, và phòng thủ chắc còn làm cho con người khó cải tiến và sửa đổi hơn nữa.

Một nhân vật nào đó đã nói con người là những sinh vật rất yếu đuối. Có lẽ đúng thật. Con người yếu đuối lắm. Con người có thể dễ dàng “rơi” vào những hành động không tốt. Những xã hội bị ảnh hưởng nhiều bởi (hoặc nhấn mạnh nhiều đến) việc “đức trị” có lẽ đánh giá khả năng sức mạnh con người quá cao. Không một cá nhân nào hoàn hảo cả, từ những nhân vật cao cấp nhất cho đến những kẻ bần cùng nhất. Không ai có đủ sức mạnh, đủ đạo đức để mà kiểm soát tất cả mọi việc, mọi hành động được. Ðạo đức là những điều tốt và cần phải phổ biến, nhưng luật pháp cũng quan trọng và rất thực tế trong việc vận hành đất nước. Vì vậy xã hội pháp trị cần phải được xây dựng song song với việc xây dựng đạo đức con người. Ðịnh nghĩa của luật pháp đồng nhất, rõ ràng, và ai cũng hiểu, không như một số giá trị đạo đức chỉ tương đối mà thôi, chính xác với một số người nhưng không chính xác với những người khác. Ðồng thời pháp luật có cơ cấu trừng phạt rõ ràng, thực tế. Vì vậy luật pháp dễ thực thi và hữu hiệu nếu làm đúng. Xã hội cần phải có cả hai: đạo đức và luật pháp.

Pháp luật Việt Nam cũng nhấn mạnh nhiều tới “tình” và “lý.” Điều này nguy hiểm quá. “Lý” thì được. Còn “tình” thì sao đây? Ai xác định “tình”? Định nghĩa của “tình” là gì? Thế nào là “tình” hợp lý? Hợp lý với người này nhưng không hợp lý với người khác thì sao? Trong trường hợp nào thì áp dụng mức độ “tình” nào? Bao nhiêu “tình” thì vừa đủ? Làm sao xác định tỷ lệ “tình” và “lý” trong phán quyết? Tỷ lệ bao nhiêu là công bằng? Giới tính và tuổi tác của bên có tội và người bị hại sẽ tác động thế nào đến “tình”? Tính cách, tình cảm, trạng thái tâm sinh lý của ông thẩm phán ngày xử án sẽ ảnh hưởng đến quyết định “tình” của ông ta ra sao? Sự thiên vị tự nhiên của con người trong ông thẩm phán ảnh hưởng tới “tình” thế nào? Không khí toà án, áp lực của người dự án, áp lực báo chí ảnh hưởng tới “tình” bao nhiêu? Những giọt nước mắt hối hận không biết thực hay giả và những lời van xin, hứa hẹn không biết thực hay giả của kẻ có tội sẽ ảnh hưởng tới mức độ “tình” ra sao? Sự hiện diện của người mẹ già đang bệnh nặng hoặc những đứa con thơ của kẻ có tội trong toà án sẽ ảnh hưởng tới phán quyết “tình” ra sao? Sự hiện diện của người mẹ già đau khổ, của người vợ ngất xỉu, hoặc những đứa con nheo nhóc của bên bị nạn trong toà án sẽ ảnh hưởng tới phán quyết “tình” ra sao? Làm sao cân bằng “tình” cho bên có tội và “tình” cho bên bị hại? Hai ông thẩm phán khác nhau, xử lý cùng một vụ việc, thì những yếu tố ảnh hưởng tới “tình” sẽ tác động hai ông thế nào, sẽ có hai phán quyết hoàn toàn khác nhau không? Khác nhau ở mức độ nào thì chấp nhận được? Khi “tình” bị lạm dụng hoặc lợi dụng khi ra phán quyết (đặc biệt là khi đã được “lót tay”) thì làm sao phản đối cái “tình” đó (vì nó là “tình” mà)? Khi xử phạt những người trong chính quyền, những người có gốc gác, phe nhóm, quan hệ, thì “tình” sẽ có tác dụng gì và được sử dụng ra sao? Khi xử phạt người “công nhiều hơn tội”(?!?) thì làm sao xác định “tình”? Xác định “công” và “tội” thôi là cũng đã dính dáng đến “tình” rồi. Làm sao để xác định “công” nhiều hay “tội” nhiều? Tham gia kháng chiến và điều hành chính quyền sau kháng chiến là “công” nhiều, nhưng tham ô rút ruột dự án xây dựng cầu làm cầu sụp, bao nhiêu người chết (hay chỉ cần một người chết thôi) thì “công” nhiều hay “tội” nhiều? “Tình” và “lý” lúc nào cũng hiện diện trong con người và trong luật pháp, nhưng mức độ áp dụng và nhấn mạnh đến “tình” ở Việt Nam là một điều rất đáng lo.

……………………….