PDA

View Full Version : Điếu văn của người em gái cho Steve Jobs 11/19/2011



ngocdam66
12-08-2011, 01:52 PM
“Steve Jobs”, cuốn tiểu sử về Steve Jobs, sáng lập viên Apple được phát hành cuối tháng qua đã trở thành “best seller” - sách bán chạy nhất trên amazon.com (http://amazon.com/) và e-book cho độc giả tải xuống. Nó còn hứa hẹn là món quà Giáng Sinh bán chạy trong năm nay. Qua cuốn sách, người ta hiểu thêm về con người bí ẩn của Steve Jobs cùng các suy nghĩ của ông về nhiều vấn đề khác. Hồi đầu tháng này, New York Times cũng đã đăng tải điếu văn của nữ văn sĩ Mona Simpson, em cùng mẹ khác cha với ông và là người bạn thân thiết của Steve Jobs. Chuyên mục một lần nữa quay lại với Steve Jobs với bài điếu văn này, qua sự chuyển dịch của Đinh Từ Bích Thúy, Chủ biên tạp chí văn chương Da Màu.




http://trenews.net/MediaResources/Pictures/kien_thuc_tre/web_ktt_753.jpg

http://trenews.net/MediaResources/Pictures/kien_thuc_tre/web_ktt_753b.jpg

Mona Simpson


Mona Simpson là một nhà văn và giáo sư dạy môn văn chương Anh tại Đại học UCLA. Tác phẩm nổi tiếng đầu tay của bà là tiểu thuyết Anywhere But Here (Bất cứ Nơi Nào Không Phải Nơi Này), về cuộc sống chật vật và di chuyển thường xuyên của một người mẹ không chồng và đứa con gái trong tuổi teen. Năm bà bắt đầu viết Anywhere But Here cũng là năm bà gặp anh ruột mình lần đầu tiên trong đời.

Bố của Steve Jobs và Mona Simpson là ông Abdul Fattah Jandali, xuất thân từ Syria, vào thập niên 1950 là một giảng viên môn Khoa học Chính trị (Political Science), và mẹ ruột của Steve và Mona là bà Joanne Schieble, con gái của một thương gia gốc Đức ở Wisconsin. Hai người gặp nhau ở đại học Wisconsin. Lúc mang thai Steve Jobs, vì chưa có hôn thú và sợ dư luận dị nghị, bà Schieble đã bay sang California để sinh Steve Jobs và làm thủ tục giao con cho một cơ quan nhận con nuôi. Paul Jobs (thợ máy cho xưởng làm laser) và Clara Jobs (kế toán viên), một cặp vợ chồng cư ngụ ở tỉnh Cupertino, California, trở thành bố mẹ nuôi của Steve Jobs vào năm 1955.

Ít lâu sau ông Jandali và bà Schieble lấy nhau và sinh ra Mona Jandali vào năm 1957, nhưng cuộc hôn nhân không được lâu dài vì những cách biệt văn hóa. Bà Schieble lấy người chồng thứ hai, ông George Simpson, và đổi tên họ của mình và con gái sang tên họ Simpson.

Mona Simpson đọc điếu văn cho anh trai mình, Steve Jobs, vào ngày 16 tháng 10 năm 2011, tại lễ tưởng niệm cho ông ở giáo đường Memorial Church của Đại học Stanford. Bà cho phép tờ New York Times xuất bản bài điếu văn dưới đây trong mục Op-Ed (Ý kiến) đăng ngày 30 tháng 10, 2011.


Mona Simpson
Đinh Từ Bích Thúy chuyển dịch


Tôi lớn lên là con một, sống với bà mẹ đơn thân. Bởi vì chúng tôi nghèo và bởi vì tôi biết cha tôi là dân di cư từ Syria, tôi thường hình dung ông như tài tử Omar Sharif. Tôi hy vọng ông giầu có và vị tha, sẽ tham dự vào cuộc sống của chúng tôi (sẽ chung sống trong căn phòng thuê chưa được sắm bàn ghế của chúng tôi) và giúp đỡ chúng tôi. Nhiều năm trôi qua, sau khi tôi đã gặp cha tôi, tôi cố bám víu vào niềm tin rằng ông đã thay đổi số điện thoại và không cho ai biết địa chỉ chuyển tiếp của mình bởi vì ông là một nhà cách mạng đầy lý tưởng, đã chọn sống một cuộc đời cách xa gia đình trong lúc mưu đồ một thế giới mới cho người dân Ả Rập.

Mặc dù tôi ủng hộ nữ quyền, suốt cuộc đời tôi đã chờ đợi một người đàn ông để yêu và có thể yêu tôi. Qua nhiều thập kỷ, tôi nghĩ rằng người đàn ông đó sẽ là cha tôi. Khi tôi 25, tôi đã gặp người đàn ông đó và chàng là anh trai của tôi.

Lúc đó, tôi đang sống ở thành phố Nữu Ước và gắng sức viết cuốn tiểu thuyết đầu tay. Đồng thời tôi làm việc tại một tạp chí văn chương nhỏ trong một văn phòng với kích thước của một tủ áo, cùng với ba người bạn đồng nghiệp cũng mơ tưởng con đường thành danh qua văn chương như tôi. Một ngày kia, khi một luật sư gọi điện thoại cho tôi - tôi, một đứa con gái thuộc giới trung lưu từ California, người lúc nào cũng hạch sách ông xếp về chuyện mua bảo hiểm y tế cho nhân viên văn phòng - được cho biết rằng thân chủ của vị luật sư là một người giàu có, nổi tiếng và cũng là anh trai của tôi đã mất liên lạc từ lâu, các người bạn trẻ tuổi cùng trong ban biên tập của tôi đã reo hò phấn khởi. Lúc đó là năm 1985, thời chúng tôi làm việc tại một tạp chí văn học tiền phong, nhưng tôi đã rơi vào tiểu thuyết của văn hào Charles Dickens và chính ra là cốt truyện mà ai ai trong chúng ta cũng yêu thích nhất. Qua điện thoại vị luật sư từ chối không cho tôi biết tên của anh trai tôi, do đó các đồng nghiệp của tôi bắt đầu một trò chơi đánh cuộc. Ứng cử viên hàng đầu: tài tử điện ảnh John Travolta. Nhưng tôi thầm hy vọng một hậu duệ văn học của Henry James - một người tài năng hơn tôi, một nhà văn xuất chúng mà không cần cố gắng.

Khi tôi gặp Steve, anh trông như một người đàn ông xấp xỉ tuổi tôi mặc quần jean, hao hao nét Ả rập hoặc Do thái và đẹp trai hơn cả Omar Sharif.

Chúng tôi đã đi bộ thật lâu một sinh hoạt mà hóa ra cả hai chúng tôi đều yêu thích. Tôi không nhớ nhiều về những gì chúng tôi đã nói trong ngày gặp đầu tiên, ngoài cảm giác anh có vẻ như người mà tôi sẽ chọn làm bạn. Anh giải thích rằng anh làm việc với máy vi tính.

Tôi không biết nhiều về máy vi tính. Khi mới gặp Steve tôi vẫn sáng tác trên một máy đánh chữ bằng tay hiệu Olivetti.

Tôi nói với Steve rằng lúc đó tôi đang đắn đo việc mua một máy tính đầu tiên trong đời, một cái máy với tên hiệu là Cromemco.

Steve nói với tôi chuyện tôi chờ đợi là một việc tốt. Anh cho biết anh đang chế tạo một vật đẹp không thể tả.

Tôi muốn chia sẻ với các bạn một vài điều tôi học được từ Steve, trong ba giai đoạn riêng biệt, qua gần 27 năm mà tôi đã may mắn được gần anh. Chúng không phải là khoảng thời gian của những năm tháng, mà là những trạng thái sống. Cuộc sống tròn đầy của anh. Căn bệnh của anh. Quá trình đạt tới cái chết của anh.

Steve đã tận tâm với mọi điều anh yêu thích. Anh làm việc cần cù. Hàng ngày.

Điều này cực kỳ đơn giản, nhưng đó là sự thật.

Anh là nghịch thân của sự đãng trí.

Anh không bao giờ xấu hổ về chuyện anh làm việc chăm chỉ, ngay khi kết quả chỉ là sự thất bại. Nếu người thông minh như Steve không thấy xấu hổ trong việc công nhận sự cố gắng của mình, có lẽ tôi cũng chẳng cần xấu hổ về những thất bại văn chương của mình.

Thời anh bị loại ra khỏi Apple là một thời hết sức khó khăn cho anh. Anh kể tôi nghe về một bữa ăn tối mà 500 nhà lãnh đạo kỹ thuật vùng Silicon Valley đã có dịp giao tiếp với giám đốc đương thời của công ty Apple. Steve không được mời tham dự bữa tiệc.

Anh rất buồn nhưng anh vẫn tiếp tục làm việc ở NeXT, công ty anh sáng lập sau khi rời Apple. Anh đi làm mỗi ngày, không bao giờ vắng mặt.

Cái mới lạ không được Steve coi như điều trên hết. Nhưng cái đẹp là lý tưởng cao nhất của anh.

Tuy là một nhà cách mạng kỹ thuật, Steve là người khá trung thành với nền nếp. Nếu anh thích một cái áo, anh sẽ đặt hàng mua 10 hoặc 100 cái áo giống y như vậy. Căn nhà ở Palo Alto của anh có thể chứa đủ áo cô-tông cổ lọ màu đen cho tất cả mọi người tham dự buổi lễ tưởng niệm anh trong nhà thờ này.

Anh không ủng hộ thị hiếu hoặc những mánh lới quảng cáo. Anh yêu thích những người cùng tuổi với mình.

Triết lý thẩm mỹ của anh làm tôi nhớ đến một thành ngữ đại loại như sau: "Thời trang là những gì trông đẹp mắt lúc này nhưng sẽ thành xấu xí về sau, còn nghệ thuật thì có vẻ xấu xí lúc này nhưng sẽ trở nên đẹp về sau."

Steve luôn luôn khao khát tạo cái đẹp cho mai sau.

Anh sẵn sàng chấp nhận chuyện bị hiểu lầm.

Không được mời vào bàn tiệc, anh tiếp tục lái chiếc xe màu đen có lẽ là hiện thân thứ ba hoặc thứ tư của loại xe thể thao mà anh yêu thích nhất đến NeXT làm việc, nơi anh và nhóm chuyên viên của anh đã lặng lẽ phát minh ra nền tảng mà Tim Berners-Lee đã áp dụng để thiết kế chương trình software cho mạng luới toàn cầu World Wide Web.

Steve giống như một cô gái mới lớn vì anh bỏ ra rất nhiều thời giờ bàn tán về tình yêu. Tình yêu là đức tính tối thượng, thần linh cao nhất trong các vị thần của anh. Anh luôn theo dõi và lo lắng về đời sống tình ái của những người làm việc chung với anh.

Bất cứ lúc nào anh thấy một người đàn ông mà anh nghĩ rằng một phụ nữ có thể coi là bảnh trai hay lịch thiệp, anh không do dự chào mời "Này, ông bạn còn độc thân chứ? Ông bạn có muốn đi ăn tối với em gái của tôi không?"

Tôi nhớ lần anh gọi điện thoại cho tôi ngày anh mới gặp Laurene, "Anh mới gặp một cô nàng rất xinh đẹp và nàng rất thông minh và nàng có con chó và anh sẽ lấy nàng làm vợ."

Khi bé Reed ra đời, anh nựng nịu, xoắn xuýt với thằng bé không ngừng. Anh là một người cha rất gần gũi với mỗi đứa con của anh. Anh lo ngại về những bạn trai của Lisa, chuyện du lịch và chiều dài váy của Erin và sự an toàn của Eve bên cạnh những con ngựa mà con bé yêu mến.

Không ai trong nhóm chúng ta là những người đã tham dự bữa tiệc mừng ngày Reed tốt nghiệp trung học sẽ quên cảnh Reed và Steve khiêu vũ chậm với nhau.

Tình yêu bền bỉ dành cho Laurene là sức sống của anh. Anh tin rằng tình yêu xảy ra trong mọi thời gian, ở khắp mọi nơi. Trong sự nhận thức cốt yếu này, Steve không bao giờ mỉa mai, không bao giờ hoài nghi, không bao giờ bi quan. Tôi vẫn cố gắng học hỏi điều này từ anh.

Steve thành danh từ lúc còn trẻ, và anh cảm thấy điều này đã cô lập anh. Hầu hết những quyết định mà anh đã lựa chọn từ ngày tôi biết anh đã được thi hành để đập tan những bức tường xung quanh anh. Là một thanh niên thuộc giới trung lưu từ Los Altos, California, anh đã yêu Laurene, một thiếu nữ thuộc giới trung lưu từ New Jersey. Đối với Steve và Laurene, điều quan trọng là cả hai người cùng dạy dỗ con của họ, Lisa, Reed, Erin và Eve, thành những đứa trẻ tự tin, bình thường. Nhà của họ không bề thế, không có những bức tranh nghệ thuật đắt giá hoặc đồ trang trí sang trọng; thật ra, qua nhiều năm đầu mà tôi biết hai người như cặp vợ chồng, bữa ăn tối thường được trải trên bãi cỏ, và đôi khi chỉ có một loại rau. Rất nhiều rau, nhưng chỉ một loại rau. Một loại thôi. Bông cải xanh. Trong mùa cải. Nấu giản dị. Với gia vị đúng điệu, cũng là rau (thơm), vừa hái từ vườn.
Ngay lúc anh là một triệu phú trẻ tuổi, Steve luôn luôn đi đón tôi tại sân bay. Anh thường bận quần jean khi đứng đợi tôi ở phi trường.

Khi người nhà gọi điện thoại cho anh ở sở làm, cô thư ký Linetta của anh luôn trả lời, "Bố cháu đang ở trong một buổi họp, cháu có muốn cô vào nói với bố là cháu cần nói chuyện với bố không?"

Khi Reed khăng khăng đòi mặc quần áo như một phù thủy vào mỗi Halloween, Steve, Laurene, Erin và Eve đều mặc quần áo đi xin kẹo như một nhóm phù thủy.

Một dạo cả gia đình anh bắt tay vào công trình sửa sang lại nhà bếp; chuyện này đã mất nhiều năm. Trong lúc sửa sang bếp, họ nấu cơm bằng cái bếp cắm điện trong ga-ra để xe. Trụ sở của hãng phim Pixar được xây cất trong cùng thời kỳ đã hoàn thành chỉ trong nửa quãng thời gian. Và chỉ có căn bếp là được sửa sang lại ở ngôi nhà Palo Alto. Những phòng tắm vẫn nguyên cũ và đây là một điểm quan trọng khởi đầu ngôi nhà đó đã là một ngôi nhà tuyệt vời. Steve đã chăm lo chuyện đó.

Tôi không có ý nói rằng anh đã không tận hưởng sự thành công của mình: anh rất vui về những thành quả anh đã đạt được, nhưng niềm vui của anh không bao gồm những con số zero ở chương mục ngân hàng. Anh nói với tôi anh rất thích đi đến tiệm bán xe đạp ở Palo Alto và hân hoan nhận ra rằng mình có thể đủ khả năng để mua chiếc xe đạp tốt nhất ở đó. Và anh đã làm chuyện này.

Steve là người khiêm tốn. Steve thích luôn được học hỏi.

Một lần, anh nói với tôi nếu anh đã lớn lên trong một môi trường khác, có lẽ anh đã trở thành một nhà toán học. Anh tôn sùng những trường cao đẳng và anh thích đi bộ chung quanh khuôn viên đại học trường Stanford. Trong năm cuối cùng của cuộc đời anh, anh nghiên cứu một cuốn sách về những bức tranh của họa sĩ Mark Rothko, một nghệ sĩ anh đã không được biết đến trước đây, nghĩ ngợi về những gì có thể truyền cảm hứng cho giới sinh viên trên các bức tường của khuôn viên đại học Apple trong tương lai.

Steve vun xới mầm đột phá của sáng tạo. Có vị giám đốc kỹ thuật nào đã biết rõ về lịch sử hoa hồng trà Anh Quốc và Trung Hoa, đồng thời yêu chuộng một loại hoa hồng có tên là hồng "David Austin"?

Anh có những ngạc nhiên giấu trong mọi túi áo của anh. Tôi đoán chị Laurene sẽ tiếp tục khám phá những điều thú vị về Steve, những bài hát anh yêu thích, một bài thơ anh đã cắt ra và cất đâu đó trong một ngăn kéo thậm chí sau 20 năm sống trong một cuộc hôn nhân đặc biệt tương đắc. Tôi nói chuyện với anh cách ngày một, nhưng khi tôi mở tờ New York Times và đọc một bài viết về sơ đồ sáng chế của công ty Apple, tôi vẫn còn ngạc nhiên và vui mừng khi thấy một phác thảo cho một cầu thang hoàn hảo.

Với bốn đứa con của mình, với vợ anh, với tất cả chúng ta, Steve đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Anh nâng niu hạnh phúc.

Sau đó, Steve bị bệnh và chúng tôi chứng kiến cuộc sống của anh bị khoanh vào một vòng tròn nhỏ hơn.

Không một ai trong chúng ta biết chắc chuyện mình sẽ ở trên thế gian trong bao lâu. Vào những ngày khá của Steve, ngay trong năm cuối cùng của đời anh, anh đã bắt đầu nhiều dự án mới và đòi bạn bè anh ở Apple hứa là sẽ hoàn thành. Một vài nhà làm thuyền ở Hà Lan có khung thép không rỉ tuyệt đẹp sẵn sàng được bọc gỗ. Ba cô con gái của anh vẫn chưa kết hôn, hai cô nhỏ vẫn chỉ là hai bé gái, và anh hằng mong được một ngày đi cùng với mỗi cô trên lối dẫn đến bàn thờ như anh đã đi với tôi trong ngày cưới của tôi.

Tất cả chúng ta sẽ chết ở trạng thái media res. Ở giữa một câu chuyện. Giữa nhiều câu chuyện.

Có lẽ không chính xác khi gọi cái chết của một người đã sống với bệnh ung thư trong nhiều năm là một cái chết đột ngột, nhưng cái chết của Steve rất đột ngột đối với chúng tôi. Điều tôi học được từ cái chết của anh trai tôi: nhân vật là cốt yếu. Những yếu tố đã cấu tạo ra anh, cũng là những yếu tố định nghĩa cái chết của anh.

Buổi sáng Thứ Ba trong tuần, anh gọi tôi để giục tôi bay lên Palo Alto. Giọng nói anh trong điện thoại tràn đầy tình cảm thân thương, nhưng giống như một người với hành lý đã bỏ lên xe, một người đã bắt đầu cuộc hành trình của mình, tuy rằng anh ân hận, hết sức và sâu xa ân hận, khi phải bỏ chúng tôi ở lại.

Anh bắt đầu chào tạm biệt tôi trên điện thoại và tôi ngăn anh lại. Tôi nói, "Chờ em. Em sẽ đến. Em đang trong một xe taxi chạy ra sân bay. Em sẽ gặp anh."

"Anh muốn chào tạm biệt bây giờ vì anh sợ em sẽ không đến kịp, em cưng của anh."

Khi tôi đến, anh và nàng Laurene của anh đang nói đùa với nhau như họ vẫn cùng nhau sống và làm việc mọi ngày trong suốt cuộc đời của họ. Anh nhìn sâu vào mắt vào những đứa con như anh không thể gỡ đi cái nhìn của mình.

Cho đến khoảng 2 giờ chiều, vợ anh vẫn có thể đánh thức anh, để anh nói chuyện với các bạn bè ở Apple.

Một lúc sau, rõ ràng là anh không thể thức dậy được nữa.

Nhịp thở của anh thay đổi, trở nên khó nhọc, tập trung, có mục đích. Tôi cảm thấy như anh đang đếm từng bước một, gượng sức đi xa, xa hơn tí nữa.

Đây là điều tôi đã học được: anh cũng cố gắng trong cái chết. Cái chết đã không xảy ra cho Steve, anh đạt được nó.

Anh nói với tôi, trong lúc anh chào tạm biệt tôi trên điện thoại anh nói với tôi rằng anh tiếc, thật lòng tiếc chúng tôi sẽ không cùng nhau chia sẻ đời sống cho đến tuổi già, rằng anh sắp đi đến một nơi tốt đẹp hơn.

Bác sĩ Fischer nói rằng anh có 50 phần trăm cơ hội sống qua đêm.

Anh đã sống qua đêm, Laurene nằm bên cạnh anh trên giường thỉnh thoảng giật mình khi chị cảm thấy có một khoảng ngưng dài hơn giữa những nhịp thở của anh. Chị và tôi nhìn nhau, sau đó anh lại thở ra một hơi dài và bắt đầu lại.

Thử thách này phải được vượt qua. Ngay trong lúc này, anh vẫn còn vóc dáng nghiêm nghị, vẫn đẹp trai, vóc dáng của một con người tuyệt đối, một nhà lãng mạn. Hơi thở của anh báo hiệu một cuộc hành trình gian khổ, với đường dốc, độ cao.

Anh như người leo núi.

Nhưng cùng với ý chí, với sự tận tâm trong trách nhiệm, với nghị lực đó, anh Steve yêu dấu của tôi cũng tràn đầy những giấc mơ về điều kỳ diệu, niềm tin lý tưởng của một nghệ sĩ, mong đợi một tương lai đẹp, đẹp hơn.

Lời cuối của Steve, trước đó, là những đơn âm, lặp đi lặp lại ba lần.

Trước khi lên đường, anh quay nhìn Patty, em gái nuôi của anh, sau đó anh nhìn thật lâu những đứa con của anh, đến Laurene, người vợ đồng hành trong cuộc đời anh, rồi anh ngước nhìn lên cao, cao nữa, qua bờ vai của những người thân.


Lời cuối của Steve là:
OH WOW. OH WOW. OH WOW.

PhPhuongVy
12-08-2011, 02:48 PM
Một cuộc sống luôn luôn chọn lựa.
Một điếu văn chân thật và lãng mạn.
Một bản dịch nói được giùm tác giả.

***

gun_ho
12-08-2011, 03:38 PM
Làm nhớ chị Trinh với anh Sơn.

ốc
12-08-2011, 08:17 PM
Vậy chắc chị ấy có họ hàng với nhà anh Thức. Dịch kiểu này sao thấy nó bộ hành quá chị Phương Vy à.

PhPhuongVy
12-08-2011, 09:24 PM
Bộ hành là đúng điệu chứ Ốc. Giá Ốc dịch sang thể điệu khác thì chị vỗ tay ngay và xin cảm ơn Ốc trước.

ốc
12-08-2011, 09:47 PM
Em mà dịch thì chị nhớ đem sang bên mục Giáo dục hay là Phê bình Văn học Nghệ thuật.

PhPhuongVy
12-08-2011, 09:52 PM
Chị cũng thử rồi Ốc ơi, nhưng BĐH đem chị qua đây.

Triển
12-08-2011, 09:56 PM
Em mà dịch thì chị nhớ đem sang bên mục Giáo dục hay là Phê bình Văn học Nghệ thuật.

http://i43.tinypic.com/29cuo2r.png

ốc
12-08-2011, 10:08 PM
Trong mục Ngôn ngữ thì phải "Thảo luận hoà nhã." Trong hai mục Phê bình và Giáo dục thì tha hồ choảng nhau không thấy cấm.