Register
Results 1 to 5 of 5
  1. #1

    Thành Phố Mẹ




    Thành Phố Mẹ

    Cali có Little Sài Gòn
    Paris có Sài Gòn Phố không em?
    mà dẫu có một Sài Gòn ở đó
    cũng chỉ là thành phố mượn tên

    để mỗi lần gọi lên là nhớ
    Sài Gòn - thành phố Mẹ phía bên kia
    (bên tuổi trẻ đã buồn chia máu lệ
    bên niềm vui chỉ để kể người nghe

    vui như lá me bay trong chiều mưa tháng Hạ
    có phượng hồng cài mái tóc yêu thương!)
    ôi nỗi nhớ viết sao vừa giấy mực
    khi tim ta thổn thức nhớ Sài Gòn!

    Chừ em bước trên một thành phố mới
    có những con đường mang tiếng nói Việt Nam
    (những con đường cũng chỉ là khuôn mặt
    tình những con đường ở trên đỉnh hồn ta!)

    Em hãy nhớ, thành phố mình đang sống
    cũng chỉ là một góc cuộc đời qua
    ngày luyến nhớ Paris, Cali, Newyork
    có bằng đêm em khóc nhớ Sài Gòn?

    thành phố Mẹ chúng ta bên kia biển
    những con đường Nguyễn Huệ , Hùng Vương
    những tên gọi Bạch Đằng, Bến Nghé...
    giữa đời ta là cả một trời thương!

    Sài Gòn đó, Sài Gòn bên kia biển
    không phải một thời, mà mãi ngàn đời
    trong tim người, Hòn Ngọc Viễn Đông
    trong Việt Nam, Sài Gòn bất diệt!

    Cao Nguyên
    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  2. #2



    Sài Gòn Qua Các Thời Kỳ


    Hơn 300 hình thành và phát triển, Sài Gòn đã trải qua nhiều thời kỳ, nếm trải thăng trầm lịch sử cùng con người phương nam. Hãy tìm hiểu Sài Gòn thân yêu qua các thời kỳ đó…

    Ngàn năm trước (trước 1698)
    Trước khi Chúa Nguyễn thiết lập bộ máy cai trị (1698) thì Sài Gòn – Gia Định còn là một vùng đất hoang vu, rừng rậm, sông nước, xen lẫn những gò đất cao nằm trong vùng đất mới, rộng lớn, mênh mông ở phía Nam trải dài tới biển Đông.
    Cách đây khoảng 3000 – 4000 năm trên vùng đất này đã có những nhóm cư dân cổ sinh sống với nhiều nền văn hóa từ thời kỳ đồ đá cho đến thời kỳ kim khí. Những cư dân cổ từng sinh sống trên vùng đất Sài Gòn từ nhiều thiên niên kỷ trước đã biết canh tác nông nghiệp và bắt đầu chinh phục vùng đất thấp ở phía nam và phía đông nam. Lúc bấy giờ cuộc sống con người ở đây hết sức tự do, không có lãnh thổ quốc gia, không có địa giới hành chánh và cũng chưa có khái niệm về vùng đất “Sài Gòn.”

    Sài Gòn vào thế kỷ 16 – 17
    Mãi đến giữa thế kỷ 17, vào thời Chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) được đặc quyền cai trị đất Đàng trong, đã bắt đầu công cuộc di dân người Việt đến khai phá vùng đất mới phía Nam. Vùng đất Sài Gòn lúc bấy giờ ở vị thế trung tâm vùng đất mới, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống, là một trong những nơi mà nhóm dân cư Việt đầu tiên đến đây định cư.
    Đến năm 1623 Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho đặt trạm thu thuế thương chính đầu tiên tại Sài Gòn và Bến Nghé. Đây là dấu hiệu ban đầu xuất hiện hình thức kiểm soát của nhà nước trên vùng đất Sài Gòn xưa.
    Tháng 3 năm 1679 Chúa Nguyễn lại cho lập đồn binh Tân Mỹ (vùng chợ Thái Bình, quận I ngày nay). Quyền lực nhà nước của Chúa Nguyễn được áp đặt vào vùng đất mới phía Nam chuẩn bị cho việc hình thành bộ máy cai trị. Cho đến thời điểm này, vùng đất mới phía Nam vẫn chưa phân định địa giới hành chánh. Song Sài Gòn đã giữ vị trí trung tâm vì quyền lực cai trị vùng đất phía Nam tập trung ở đây.

    Về địa danh Sài Gòn
    Tên “Sài Gòn” đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước, cách đây đã hơn 300 năm. Đó là tên gọi một vùng đất (địa danh) do cư dân Việt đặt ra để chỉ một khu vực đông dân cư sinh sống tập trung, sinh hoạt theo vùng đất đô thị ở vùng đất mới phía Nam.
    Tên gọi “Sài Gòn” đã lần lượt để chỉ bốn vùng đất khác nhau. Thoạt đầu “Sài Gòn” dùng để chỉ đất của tiểu quốc Thù Nại, bao gồm phần lớn vùng đất Đông Nam bộ (khoảng 20.000 – 25.000km2). Năm 1698 tên Sài Gòn để chỉ vùng đất huyện Tân Bình rộng khoảng 5.000 km2, tính từ phía bờ tây sông Sài Gòn, một phần của xứ Sài Gòn ngày nay là địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. “Sài Gòn” còn là tên gọi của vùng đất của hai khu vực đô thị được bảo vệ bởi lũy Lão Cầm (1700), lũy Hoa Phong (1731) và lũy Bán Bích (1772) với diện tích khoảng 25 km2. Sài Gòn cũng là tên gọi của khu vực chợ buôn bán của người Hoa vào thế kỷ 18 (rộng khoảng 1km2), sau này trở thành khu Chợ Lớn.
    Thành phố Sài Gòn ngày nay bao gồm cả đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn, tỉnh Gia Định và một phần tỉnh Chợ Lớn cũ, địa bàn thành phố rộng lớn hơn xưa, nhưng cũng là khu vực trung tâm của đất Gia Định xưa.





    Sài Gòn buổi ban đầu
    Năm 1698 là mốc lịch sử đánh dấu sự khai sinh vùng đất Sài Gòn xưa, khi Thống xuất chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh Chúa Nguyễn vào Nam kinh lược lập ra phủ Gia Định để cai quản vùng đất mới phía Nam và lập ra hai huyện đầu tiên Phước Long và Tân Bình thuộc phủ Gia Định. Diện tích phủ Gia Định lúc này khoảng 30.000km2.
    Huyện Tân Bình được lập ra từ xứ Sài Gòn với dinh Phiên Trấn và những đơn vị hành chánh cơ sở đầu tiên (lân, làng, phường, xã, thôn, ấp) là hình dáng Sài Gòn trong buổi ban đầu.

    Sài Gòn thế kỷ 18
    Trong suốt thế kỷ 18, thời Sài Gòn thuộc Gia Định phủ (1698-1802) thì địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ngày nay gồm địa phận hai tổng Bình Dương và Tân Long của huyện Tân Bình, (thuộc Dinh Phiến Trấn) và trên một nửa địa phận tổng Bình An (tức huyện Thủ Đức) của huyện Phước Long thuộc Dinh Trấn Biên. Năm 1795, Le Brun vẽ bản đồ vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn có ghi vị trí thành Bát Quái, các phố thị Minh Hương, Bến Nghé rồi đặt tên chung là Thành phố Sài Gòn. Có thể hình dung tổng quát vào cuối thời Gia Định phủ, địa bàn Thành Phố (nay) được phân biệt bởi hai vùng với hai bộ mặt khác nhau: vùng chợ nằm trong vòng “cổ lũy” và vùng quê đất rộng, thưa dân thuộc các tổng Bình Dương, Tân Long, Bình An.

    Sài Gòn thời Gia Định Trấn và Gia Định Thành (1802-1832)
    Sau khi chiến thắng Tây Sơn lấy lại kinh thành Phú Xuân – Huế (năm 1802), Nguyễn Ánh bỏ Gia Định kinh, đổi Gia Định phủ thành Gia Định trấn và đến năm 1808 lại đổi Gia Định trấn ra Gia Định thành, các “dinh” đều đổi thành “trấn”. Gia Định thành thống quản năm trấn (toàn Nam Bộ). Dinh Phiên Trấn đổi thành trấn Phiên An. Huyện Tân Bình đổi thành phủ, 4 tổng của huyện Tân Bình nâng lên thành huyện lập ra nhiều tổng mới. Thời kỳ này địa bàn thành phố nay bao gồm địa phận của 2 tổng Bình Trị, Dương Hòa của huyện Bình Dương và 2 tổng Tân Phong, Long Hưng của huyện Tân Long (4 tổng trên đều thuộc phủ Tân Bình, trấn Phiên An), phần còn lại là địa phận của tổng An Thủy – Huyện Bình An và một phần của tổng Long Vĩnh – huyện Long Thành (thuộc phủ Phước Long – trấn Biên Hòa).
    Từ sau 1820, dưới mắt của thương gia và phái bộ nước ngoài đã có một thành phố gồm hai đô thị lớn không kém gì kinh đô nước Xiêm ở cách nhau hai dặm, thành phố Sài Gòn (là Chợ Lớn nay) và thành phố Bến Nghé mới xây dựng. Họ gọi chung là thành phố Sài Gòn nơi đô hội cả nước lúc bấy giờ không đâu sánh bằng.





    Sài Gòn thời Lục tỉnh Nam kỳ (1832-1862)
    Từ sau năm 1832, Minh Mạng giải thể cấp Gia Định thành, chia năm trấn thành sáu tỉnh. Trấn Phiên An đổi thành tỉnh Phiên An, trấn Biên Hòa đổi thành tỉnh Biên Hòa.
    Năm 1836, tỉnh Phiên An được đổi tên là tỉnh Gia Định có thêm một phủ mới là phủ Tây Ninh. Năm 1841, phủ Tân Bình lại lập thêm huyện Bình Long (lỵ sở tại Hốc Môn). Vì vậy, sau 1841, địa bàn thành phố (nay) nằm trên địa phận ba huyện Bình Dương, Bình Long, Tân Long (của phủ Tân Bình) và một phần đất của huyện Ngãi An và Long Thành thuộc phủ Phước Long tỉnh Biên Hòa.

    Sài Gòn thời Pháp cai trị (1862-1955)
    Địa bàn thành phố (nay) lúc này bao gồm địa giới của hai huyện Bình Dương, Tân Long của phủ Tân Bình, với phần đất đai của huyện Bình Long thuộc phủ Tây Ninh (tỉnh Gia Định) và cộng thêm trên một nửa địa phận huyện Bình An cùng với địa phận tổng Long Vĩnh Hạ, huyện Long Thành, cùng thuộc phủ Phước Long của tỉnh Biên Hòa.
    Vùng đô thị Sài Gòn – Bến Nghé nằm trên đất của phủ Tân Bình, được xác lập ranh giới từ chùa Cây Mai đến rạch Thị Nghè, nằm trong kênh vành đai giáp tới sông Tân Bình (sông Sài Gòn nay) được qui hoạch là thành phố Sài Gòn (theo bản đồ Coffin năm 1862). Năm 1865 qui hoạch “Thành phố Sài Gòn” lại được chia thành hai thành phố: Thành phố Sài Gòn ở về phía Đông địa bàn thành phố cũ, tức vùng Bến Nghé xưa nơi có tỉnh thành Gia Định và thành phố Chợ Lớn, vùng trước đây gọi là “Phố thị Sài Gòn”.

    Sài Gòn thời kỳ 1956-1975
    Trong khoảng 20 năm (1955-1975), thành phố Sài Gòn cũng có nhiều biến đổi. Từ năm 1956, đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn trở thành thủ đô chính quyền ở miền Nam, được quen gọi là “đô thành Sài Gòn”. Năm 1959, đô thành Sài Gòn được chia thành 8 quận hành chánh, mỗi quận chia ra nhiều phường. Tháng 12-1966, quận I thêm hai phường mới từ xã An Khánh (Gia Định) lập ra. Tháng 1-1967 tách hai phường mới của quận I (xã An Khánh cũ) lập thêm quận 9. Tháng 7-1969 lập thêm quận 10 và quận 11. Từ đấy đến năm 1975, đô thành Sài Gòn có 11 quận.





    by nhatdongan

    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  3. #3
    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  4. #4




    TÊN GỌI SÀI GÒN

    I - Lịch Sử :

    Khi nói tới tên gọi Sài Gòn, chúng ta cũng gặp khó khăn vì không có tài liệu, văn bản hành chính chứng minh rõ ràng. Có nhiều tác giả đã viết về tên gọi Sài Gòn. Trong bài này, chúng tôi xin trích dẫn một vài đoạn bài viết của Gs Nguyễn Ngọc Huy với các giả thuyết sau đây:
    1. Huỳnh Tịnh Của trong tác phẩm "Đại Nam Quốc Âm Tự Vị" giải thích: Sài có nghĩa là củi thổi, Gòn: tên loại cây có bông trắng và nhẹ xốp người miền Nam dùng làm gối và nệm nằm. Về địa danh thì Sài Gòn là tên riêng của vùng Chợ Lớn, bây giờ lại hiểu là đất Bến Nghé. Như vậy, Sài Gòn chỉ vùng Chợ Lớn ngày nay, còn Sài Gòn bây giờ lại thuộc Bến Nghé. Theo hai người Anh là Crawfurd và Finlayson đã đến vùng này năm 1922 thuật lại thì Sàigòn và Bến Nghé (mà các tác giả trên đây viết là Bingeh hay Pingeh) là hai thành phố khác nhau và cách xa nhau độ 1 hay 2 dặm. Bến Nghé là nơi đồn binh và đặt cơ quan chánh phủ, còn Sàigòn là trung tâm thương mãi và là nơi cư ngụ của người Tầu (theo tập san của Hội Cổ Học Ấn Hoa, năm 1942, tập số 2 - Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises).

    Khi người Pháp chiếm ba tỉnh phía đông Nam Kỳ năm 1861, họ dùng tên Sài Gòn để chỉ đất Bến Nghé cũ và dùng nơi này làm trung tâm hành chánh. Đối với người Tây thì Sài Gòn dễ phát âm hơn Bến Nghé. Khi người Pháp cai trị và gọi tên Sài Gòn thay cho Bến Nghé thì dân miền Nam bắt buộc phải theo và gọi Chợ Lớn thay cho địa danh Sài Gòn trước đây.

    1. Trương Vĩnh Ký dựa vào bộ Gia Định Thông Chí của ông Trịnh Hoài Đức, tập Souvenirs historiques, lại kể lại rằng người Khmer xưa có trồng cây gòn chung quanh đồn Cây Mai và chính ông còn thấy vài gốc cổ thụ này tại vùng vào năm 1885.

    1.3 Lê Văn Phát cho rằng trước đây, vùng Sàigòn Chợ Lớn hãy còn bị rừng bao phủ và tên Sàigòn có lẽ phát xuất từ tên Khmer Prei Kor tức là Rừng Gòn (Forêt des Kapokiers). Prei Kor là tên mà người Khmer dùng để gọi một địa phương mà trọng tâm là Chùa Cây Mai ở Phú Lâm ngày nay. Mặt khác, ông Lê Văn Phát cũng cho biết rằng người Lào (mà ngôn ngữ gần như ngôn ngữ Thái) đã gọi vùng này là Cai Ngon, mà Cai Ngon theo tiếng Thái cũng có nghĩa là Rừng Chỗi Cây Gòn (Brousse des kapokiers).

    1. Vương Hồng Sến trong bộ Sàigòn Năm Xưa cho biết rằng theo tiếng Khmer thì Kor có nghĩa là gòn mà cũng có thể có nghĩa là con bò, và Prei Kor có thể là Rừng Bò chứ chưa ắt hẳn là Rừng Gòn.

    Mặt khác, các nhà học giả Pháp nghiên cứu về nước Cam-Bu-Chia đã tìm được trong bộ sử chép tay của nước ấy một dữ kiện quan trọng về vùng này. Theo bộ sử ấy, năm 1623, một sứ bộ của chúa Nguyễn đã đến Cam-Bu-Chia xin vua cho đặt một số sở thuế ở vùng Prei Nokor và Kas Krobey. Vua Cam-Bu-Chia lúc ấy có một hoàng hậu là con gái chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên). Bởi đó, ông đã chấp nhận lời yêu cầu của chúa Nguyễn. Theo ông Etienne Aymonier thì Nokor là xức, quốc gia và Prei Nokor là rừng của vua (forf royale). Nhưng linh mục Tandart lại bảo rằng tiếng Nokor do tiếng nam phạn Nagaram mà ra, và có nghĩa là thành phố của rừng hay thành phố ở giữa rừng (ville de la forêt). Bởi vậy theo ông, Prei Nokor có nghĩa là thành phố. Nhà học giả Pháp Louis Malleret khi nêu ra tài liệu về Prei Nokor đã dựa vào ý nghĩa của tiếng Khmer này theo linh mục Tandart để bác bỏ thuyết của các học giả Việt Nam trước đó cho rằng Sàigòn có nghĩa là Củi Gòn. Ông đã theo ý kiến của một người Pháp khác là Maurice Verdeille theo đó tiếng Sàigòn có lẽ phát xuất từ tiếng Tây ngòn có nghĩa là cống phẩm của phía tây (tribut de l’ouest). Tiến Hán Việt có nghĩa là cống phẩm của phía tây nếu đọc theo VN là Tây Cống và Tây Ngòn hẳn là Tây Cống, nhưng phát âm theo giọng Trung Hoa. Sở dĩ ông Malleret theo thuyết này là vì ông đã dựa vào một dữ kiện lịch sử do ông Trịnh Hoài Đức chép lại, là khi Cam Bu Chia bị phân ra cho hai vua thì cả hai vua nầy đều nạp cống phẩm cho chúa Nguyễn ở Prei Nokor, vốn là thủ đô của vua thứ nhì từ năm 1674 (trong khi vua thứ nhứt đóng đô ở Oudong ở phía bắc Nam Vang).



    Ông Vương Hồng Sến, nhắc lại trong quyển Sàigòn Năm Xưa rằng người Hoa Kiều đã tập trung vào vùng Chợ Lớn ngày nay để mua bán năm 1778 sau khi Cù Lao Phố (gần tỉnh lị Biên Hòa ngày nay) là nơi được thành lập để mua bán từ cuối thế kỷ thứ 17 đã bị Tây Sơn phá tan khi họ kéo vào đánh Miền Nam. Sau khi thành phố này đã vững, người Hoa Kiều đã đáp thêm bờ kinh Chợ Lớn, cẩn đá cho cao ráo kiên cố. Và có lẽ để ghi công việc này, họ đặt tên chỗ mới này là Đề Ngạn, tức là bờ sông cao dốc trên có đe ngăn nước. Đề Ngạn là tiếng Hán Việt, chớ người Trung Hoa phát âm theo giọng Quảng Đông thì nói thành Tài Ngon hay Thầy Ngồnn. Ông Vương Hồng Sến cho rằng tiếng Sàigòn chính do Thầy Ngồnn mà ra. Về đất Bến Nghé thì người Trung Hoa gọi là Xi Cong. Ông Vương Hồng Sến cho rằng đó là họ đọc trại lại tiếng Sàigòn của ta và khi viết ra Hán văn thì họ dùng hai chữ mà ta đọc là Tây Cống.

    II-CÁCH ĐẶT ĐỊA DANH CỦA NGƯỜI XƯA

    Chúng ta có thể nhận thấy rằng trong việc đặt địa danh này, ông bà chúng ta đã theo một số nguyên tắc:

    1-Các cụ có thể phiên âm một địa danh Khmer đã có và bỏ dấu cho thành tiếng Việt Nam. Thí dụ như Psar Deck tiếng Khmer là Chợ Sắt đã được các cụ gọi lại là Sa Đéc, hay Me So tiếng Khmer là Người Đàn Bà Đẹp hay nàng Tiên được các cụ gọi là Mỹ Tho. Trong một bài kỷ niệm ngày 30 tháng tư, đang trong tờ Việt Báo, ông Phạm Nam Sách khi nói về tỉnh Ba Xuyên đã nhắc đến một địa danh mà ông nói là Bảy Sào, Bải Sào, Bảy Sau hay Bải Sau chi đó. Thật sự đó là Bải Xào, một tiếng phát xuất từ tiếng Khmer Bai Xao có nghĩa là Cơm Sống. Địa danh này sở dĩ có là vì trong trận đánh nhau với người Việt Nam, người Khmer đã thua chạy về đến đó và ngừng lại nấu cơm ăn, nhưng cơm chưa kịp chín thì quân Việt Nam lại kéo đến và người Khmer phải bỏ chạy. Để đánh dấu việc này, họ gọi đất đó là Cơm Sống, tiếng Khmer là Bai Xao và các cụ ta bỏ dấu thêm thành Bải Xào.

    2-Các cụ có thể dịch nghĩa một địa danh Khmer đã có. Thí dụ như tên Bến Nghé phát xuất từ tiếng Khmer Kompong Krabei có nghĩa là Vũng Trâu. Theo sử Khmer mà ông Malleret viện dẫn thì ngoài Prei Nokor, vua Cam-Bu-Chia còn cho chúa Nguyễn đặt sở thuế ở Kas Krobey. Chữ Krobey rất gần Krabei, và có thể Kas Krobey với Kompong Krobei cũng là một và có nghĩa là Vũng Trâu, Bến Trâu gì đó.

    3-Nhưng tên theo hai loại trên đây là do người Việt Nam bình dân đặt ra khi mới đến một địa phương, về sau, khi đã có nhiều người Việt Nam ở và triều đình Việt Nam đặt ra các đơn vị hành chánh, thì triều đình lại dùng tiếng Hán Việt như Trấn Biên, Phiên Trấn, Phước Long, Phước Tuy v.v... Mặt khác, khi viết sử hay viết sách địa lý mà gặp một tên nôm do người bình dân đã đặt, các cụ đã dịch phăng nó ra tiếng Hán Việt chớ ít khi chịu chép tên nôm. Như Ba Giỗng, các cụ dịch là Tam Phụ và Bến Nghé, các cụ dịch lại là Ngưu Chử khi chép vào sách chớ không chịu viết tên nôm là Ba Giồng, Bến Nghé. Nếu lấy các qui tắc đặt địa danh của các cụ ngày xưa làm tiêu chuẩn để suy luận thì ta thấy ngay các thuyết trên đây về nguồn gốc và ý nghĩa của Sàigòn không ổn.

    3-Nếu các cụ ta ngày xưa muốn dịch tiếng Khmer Prei Kor ra tiếng Việt thì các cụ đã dùng tên Củi Gòn, Cây Gòn hay Rừng Gòn để đặt cho địa phương này, chớ không ghép một tiếng Hán Việt là Sài với một tiếng nôm là Gòn để thành Sàigòn, cũng như khi dịch Kompong Krabei ra tiếng Việt, các cụ đã gọi là Bến Nghé chớ không nói Tân Nghé, Chử Nghế hay Ngạn Nghé (Tân, Chử và Ngạn là những tiếng Hán Việt có nghĩa là cái cồn nhỏ, bến sông, bờ sông). Nếu bảo rằng gòn là một loại cây không có tên Hán Việt và các cụ đã dùng tên ấy như tiếng Hán Việt thì các cụ đã theo văn phạm Hán Việt mà gọi Củi Gòn là Gòn Sài chớ không thể gọi là Sài Gòn.

    4-Chữ Sài là tiếng Hán Việt có nghĩa là Củi, nhưng cũng chữ ấy mà dùng làm chữ nôm thì lại đọc là Thầy. Vậy, nếu đọc theo tiếng nôm hoàn toàn hai chữ mà ông bà chúng ta dùng để chỉ tên đất ta đang nghiên cứu thì ta có Thầy Gòn. Tên này rất gần với Tây Ngòn hay Thầy Ngồnn là những tiếng Hán Việt Tây Công hay Đề Ngạn đọc theo giọng Trung Hoa. Nhưng các cụ ngày xưa rất sính dùng tiếng Hán Việt. Đến như tiếng nôm hoàn toàn là Ba Giồng, Bến Nghé mà các cụ còn nhứt định phải dịch ra là Tam Phụ, Ngưu Chử khi viết vào sách vở thì không lý do gì các cụ lại không dùng các tiếng Hán Việt đã sẵn có là Tây Cống hay Đề Ngạn, mà lại dùng tiếng Thầy Gòn là tiếng phiên âm theo giọng của người Trung Hoa.



    Xét về mặt nguyên tắc đăt địa danh của ông bà chúng ta ngày xưa, thì vấn đề này có thể kể là tạm giải quyết. Nhưng nghi vấn còn lại là tại sao lại có tiếng Lào hay tiếng Thái lọt vào đây? Hiện nay, không có nhiều tài liệu lịch sử giúp chúng ta có một sự hiểu biết rộng rãi và chánh xác về thời kỳ người Việt Nam mới vào ở đất Nam Kỳ. Chúng ta chỉ có thể dựa vào một số dữ kiện sau đây để suy luận:

    1-Vào đầu thế kỷ 17, nước Cam Bu Chia đã bị người Xiêm (Thái Lan hiện nay) uy hiếp nặng nề, và chính vì muốn dựa vào người Việt Nam để chống lại Xiêm mà vua Chey Chetta II đã đi cưới công chúa Ngọc Vạn (là con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) về làm hoàng hậu năm 1620, rồi đến năm 1623 lại để cho chúa Nguyễn đạt những cơ sở thâu thuế ở vùng Sàigòn, Chợ Lớn ngày nay.

    2-Vùng Chợ Lớn chỉ trở thành một vùng thương mãi thịnh vượng từ năm 1788 với khối người Hoa Kiều tụ tập về đó sau khi Cù Lao Phố bị Tây Sơn phá hủy. Vậy, lúc chúa Nguyễn mới đặt cơ sở thuế hơn 150 năm về trước vùng này chưa có mua bán gì nhiều.

    3-Người Việt Nam chỉ vào ở Nam Kỳ nhiều từ khi có lực lượng của ông Trần Thượng Xuyên đóng thường trực để bảo vệ cho họ từ năm 1680. Vậy, lúc chúa Nguyễn đặt sở thuế ở vùng Chợ Lớn ngày nay, hơn 50 năm trước đó, chưa có đông người Việt Nam và chưa có sản xuất nhiều lúa gạo để bán.

    4-Như thế, cơ sở thuế của chúa Nguyễn chắc chỉ đánh vào một vài sự buôn bán nhỏ, không quan trọng lắm, và do đó mà vua Cam Bu Chia đã dễ dàng cho chúa Nguyễn thâu lấy nguồn lợi này. Nếu có sự mua bán quan trọng và quyền lợi thuế vụ lớn thì vua Cam Bu Chia lúc đó vốn còn hoàn toàn độc lập với chúa Nguyễn, chắc không phải chấp nhận dễ dàng lời yêu cầu của chúa Nguyễn. Vậy, sự mua bán đó dựa vào món hàng gì?

    Có thể một trong những món hàng được buôn bán thời đó là gòn, vì vùng này có nhiều cây gòn, có lẽ không nhiều đến thành rừng, nhưng cũng đạt mức quan trọng để có thể gọi là rừng chổi được. Người Xiêm có thể đã đến đó mua gòn đem về nước dồn gối, dồn nệm. Một ít thương gia Xiêm có thể đã có mặt ở vùng này trước khi chúa Nguyễn đặt sở thuế tại đó, và vì thấy vùng này có nhiều cây gòn, họ gọi nó là Cai Ngon tức là Rừng Chổi Cây Gòn, rồi các viên chức Việt Nam liên lạc với họ để đánh thuế lúc mới đến đã theo họ mà gọi đất này là Sàigòn, thay vì phiên âm hay dịch nghĩa tên Khmer của địa phương này.

    5-Về cái tên Khmer này, các học giả đã không đồng ý kiến với Prei Kor, người thì nói là Prei Nokor. Ông Malleret đã dựa vào sử Khmer mà bảo đó là Prei Nokor và theo linh mục Tandart để dịch Prie Nokor là thành phố của rừng.

    -Nếu Prei Kor có nghĩa là Rừng Gòn hay Rừng Bò thì văn phạm Khmer cũng như văn phạm Việt Nam đăït tiếng rừng lên trên, tiếng phụ nghĩa cho rừng ở dưới. Như vậy Prei Nokor dịch ra là rừng của vua như Aymonier thì vẫn hợp với văn phạm đó, còn dịch ra như linh mục Tandart là thành phố giữa rừng thì lại đi ngược với văn phạm đó rồi. Hiểu theo văn phạm như nói trên đây thì Prei Nokor là rừng của thành phố mới phải, nhưng tên Rừng của Thành Phố thì cố nhiên là không có ý nghĩa gì.
    -Mặt khác, nếu Prei Nokor là thành phố giữa rừng hay rừng của vua thì nó chỉ có thể có từ năm 1674 là năm mà vua thứ nhì của Cam-Bu-Chia cho chúa Nguyễn đến đặt sở thuế tại đó thì đất này hãy còn là một thị xã nhỏ, không có vua ở nên không thể mang tên Prei Nokor là thành giữa rừng hay rừng của vua được.

    Do các nghi vấn trên đây, chúng ta thấy rằng thuyết của ông Malleret không vững. Và chúng ta có thể đưa ra giả thuyết khác: địa điểm mà vua Cam-Bu-Chia cho chúa Nguyễn đặt sở thuế vẫn tên là Prei Kor, vì nơi đó có nhiều gòn và là nơi mua bán gòn. Nhưng sau đó, khi vua thứ nhì của Cam-Bu-Chia đến đóng đô tại đó, nó có tên mới là Prei Nokor (hiểu theo nghĩa là rừng của vua hay thành phố giữa rừng đều được cả).

    Các sử gia Cam-Bu-Chia sau này chép lại việc cho chúa Nguyễn đến địa phương này đặt sở thuế đã chép lại tên Prei Nokor mà họ được biết nhiều hơn mà bỏ tên Prei Kor đi. Với giả thuyết này thì ý nghĩa và nguồn gốc tên Sàigòn có thể giải quyết được: đó là một tên phiên âm từ tiếng Xiêm Cai Ngon có nghĩa là Rừng Chổi Cây Gòn, và phù hợp vớ tên Khmer nguyên thủy Prei Kor cũng có ý nghĩa tương tự.

    Vì không biết ngôn ngữ và văn phạm Khmer và Thái (Xiêm) nên chúng tôi không thể đi sâu vào vấn đề này và chỉ xin nêu ra những nhận xét trên đây. Chúng tôi mong ước rằng có vị nào thông thạo tiếng Khmer hay tiếng Thái lưu tâm đến vấn đề này để làm sáng thêm ý nghĩa và nguồn gốc tên Sàigòn yêu dấu của chúng ta.


    (Nguyễn Ngọc Huy - Viết vào thập niên 80s)
    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  5. #5




    Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông


    Hồi còn nhỏ khi còn học tiểu học, tôi vẫn còn nhớ những lời kể của ngoại tôi về Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông, đó là lần đầu tiên trong đời nghe tên thành phố này mặc dù không hiểu chữ Hòn Ngọc Viễn Đông là gì. Hôm nay sống và học tập tại Sài Gòn tôi dần hiểu hơn về một Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông.

    Thành phố Sài Gòn trong trí óc của cậu học trò bé nhỏ là nơi đúng nghĩa của chữ thành phố với nhà cửa to lớn, với đèn điện sáng choang, với xe cộ dập dìu, với những cửa hiệu đầy những hàng hóa sản xuất tại đây hoặc nhập cảng từ ngoại quốc. Sài Gòn có nhiều cái mới lạ, người đông đúc và đi hoài không hết. Lớn lên vào học ở Sài Gòn, tôi đã hiểu thêm một chút về thành phố hơn 300 tuổi, từng là thủ đô của Miền Nam khi đất nước chia cắt.

    Nhà thơ Chế Lan Viên viết về Sài Gòn trong nhưng năm thập niên 40, ông có nhắc đến những bài ca vọng cổ văng vẳng khắp phố, nghe rất lạ đối với dân miền Trung như ông, và đó là nét đặc biệt nhất mà tác giả ghi nhận.

    Có lẽ thời cách đây mấy chục năm và trước đó, đa số dân cư Sài Gòn nói giọng gần giống dân miền Tây Nam Ky`. Có hai chữ của người con gái Sài Gòn nói làm tôi nhớ nhất là “chời ơi” (trời ơi) và “phải hôn” (phải không), nghe rất ngộ, dễ thương. Cái chữ “ hôn” lại càng hấp dẫn được thốt ra từ miệng người đẹp.

    Khi nền tân nhạc du nhập và phát triển vào Việt Nam, sau thời kỳ đất nước chia cắt năm 1954 thành hai miền Nam - Bắc thì Sài Gòn trở thành nơi quy tụ của biết bao nhân tài từ nhiều nơi. Sài Gòn là niềm cảm hứng cho biết bao nhạc sĩ viết nên các ca khúc về Sài Gòn. Sau này tôi chỉ nghe lại các ca khúc này qua băng, đĩa nhưng tôi rất ấn tượng với các ca khúc.

    Đầu tiên phải nói tới bản Sài Gòn Đẹp Lắm Sài Gòn Ơi của nhạc sĩ Y Vân, gọi tắt là Sài Gòn có câu kết: “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”. Điệu Chacha nhún nhẩy, âm thể trưởng vui tươi, âm điệu dễ nghe dễ hát dễ nhớ làm trở thành bài hát biểu tượng của thành phố. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người Sài Gòn. Ngày nay tôi rất thích khiêu vũ Chachacha với bài này.

    Nhạc sĩ Anh Bằng cũng có bài Sài Gòn Thứ Bảy diễn tả nỗi buồn của một người lính trẻ về thăm kinh đô nhưng sao “Sài Gòn thứ bảy mà nghe cô đơn”.






    Rất nhiều ca khúc tuy không có tựa đề Sài Gòn nhưng người nghe cảm thấy chất thành phố này bàng bạc trong đó. Chẳng hạn như bản Nhớ Thành Đô của Hoàng Thi Thơ : “ Tôi xa đô thành một đêm không trăng sao. Thành đô còn nhớ mãi, nhớ mãi, chiều mưa trên công viên, giờ chia ly sân ga và khi gặp nhau trên lề đường hẹn hò”.

    Một bản mà thập niên 60 rất phổ biến là Bước Chân Chiều Chủ Nhật của Đỗ Kim Bảng với câu hát: “tôi thích lang thang trong chiều chủ nhật, mây tím giăng ngang trên trời Sài Gòn”. Riêng cái âm điệu của câu đầu: si đố si si sol mi sì sì để lại ấn tượng mà sau này bài hát Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn cũng có câu mở đầu giống 90% và lấy câu này làm nét nhạc chủ yếu của ca khúc.

    Tại sao bước chân chiều chủ nhật lại được ưa thích? Chợt nghĩ là thời đó ở Việt Nam làm việc 6 ngày chỉ nghĩ ngày chủ nhật, có chỗ nghỉ chiều thứ bảy. Vì thế ngày chủ nhật bà con đi dạo phố Sài Gòn ăn kem, uống cà phê, mua sắm và ngắm phố phường. Không khí rất thanh bình, không có đông đúc chen chúc hỗn lọan, bụi đường khói xe dày đặc như thành phố bây giờ.

    Sài Gòn cũng là nơi tập trung các đại học nổi tiếng của miền Nam từ xưa cho đến nay và bài hát Trả Lại Em Yêu của Phạm Duy đã đưa những nét của khung trời đại học với trường Luật thơ mộng : “ Trả lại em yêu khung trời đại học , con đường Duy Tân cây dài bóng mát”.

    Nhưng cũng có những bài hát tả những cảnh phố phường Sài Gòn hoa lệ hay những xóm lao động nghèo khổ như bản Xóm Đêm của Phạm Đình Chương, bản Kiếp Nghèo của Lam Phương sáng tác trong một đêm mưa bước về ngang con hẻm nhỏ nghe tiếng ru con. Hay bản Nữa Đêm Ngòai Phố của Trúc Phương, khi cất tiếng hát lên là biết tác giả tả cảnh lang thang ở Sài Gòn lúc về khuya. Sau này những người đi hát dạo, khảy cây đàn guitar thùng, ngân nga những bài hát điệu Bolero tương tự như bản Phố Đêm của Tâm Anh, là cả một bầu trời Sài Gòn hiện ra.

    Sài Gòn là chủ đề lớn, là nguồn cảm hứng phong phú cho nhiều bài hát. Cái tên Sài Gòn, đã gắn liền với cái tên Việt Nam. Hòn Ngọc Viễn Đông.

    nguồn = sưu tầm



    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

 

 

Similar Threads

  1. Thành phố hồng cuối hạ
    By đoa hong tim in forum Truyện
    Replies: 28
    Last Post: 11-22-2015, 05:22 AM
  2. Thành viên mới, xin ra mắt :)
    By Lam SJ in forum Làm Quen/Nhắn Tin/Hỏi Đáp
    Replies: 9
    Last Post: 01-02-2012, 11:30 AM
  3. Thành viên mới xin làm quen
    By D. An in forum Làm Quen/Nhắn Tin/Hỏi Đáp
    Replies: 5
    Last Post: 12-15-2011, 04:20 PM
  4. Thành viên mới
    By Cantho63 in forum Làm Quen/Nhắn Tin/Hỏi Đáp
    Replies: 14
    Last Post: 11-07-2011, 12:32 PM
  5. Thành viên mới.
    By Minhtuong in forum Làm Quen/Nhắn Tin/Hỏi Đáp
    Replies: 3
    Last Post: 10-26-2011, 12:37 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:11 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh