Register
Page 1 of 2 12 LastLast
Results 1 to 10 of 16
  1. #1

    Thành Phố Mẹ




    Thành Phố Mẹ

    Cali có Little Sài Gòn
    Paris có Sài Gòn Phố không em?
    mà dẫu có một Sài Gòn ở đó
    cũng chỉ là thành phố mượn tên

    để mỗi lần gọi lên là nhớ
    Sài Gòn - thành phố Mẹ phía bên kia
    (bên tuổi buồn đã chung chia máu lệ
    bên niềm vui chỉ để kể người nghe

    vui như lá me bay trong chiều mưa tháng Hạ
    có phượng hồng cài mái tóc yêu thương!)
    ôi nỗi nhớ viết sao vừa giấy mực
    khi tim ta thổn thức nhớ Sài Gòn!

    Chừ em bước trên một thành phố mới
    có những con đường mang tiếng nói Việt Nam
    (những con đường cũng chỉ là khuôn mặt
    tình những con đường ở trên đỉnh hồn ta!)

    Em hãy nhớ, thành phố mình đang sống
    cũng chỉ là một góc cuộc đời qua
    ngày luyến nhớ Paris, Cali, Newyork
    có bằng đêm em khóc nhớ Sài Gòn?

    thành phố Mẹ chúng ta bên kia biển
    những con đường Nguyễn Huệ , Hùng Vương
    những tên gọi Bạch Đằng, Bến Nghé...
    giữa đời ta là cả một trời thương!

    Sài Gòn đó, Sài Gòn bên kia biển
    không phải một thời, mà mãi ngàn đời
    trong tim người, Hòn Ngọc Viễn Đông
    trong Việt Nam, Sài Gòn bất diệt!

    Cao Nguyên

    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  2. #2
    Last edited by cao nguyên; 01-27-2012 at 05:31 AM.
    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  3. #3



    Sài Gòn Qua Các Thời Kỳ


    Hơn 300 hình thành và phát triển, Sài Gòn đã trải qua nhiều thời kỳ, nếm trải thăng trầm lịch sử cùng con người phương nam. Hãy tìm hiểu Sài Gòn thân yêu qua các thời kỳ đó…


    Ngàn năm trước (trước 1698)

    Trước khi Chúa Nguyễn thiết lập bộ máy cai trị (1698) thì Sài Gòn – Gia Định còn là một vùng đất hoang vu, rừng rậm, sông nước, xen lẫn những gò đất cao nằm trong vùng đất mới, rộng lớn, mênh mông ở phía Nam trải dài tới biển Đông.

    Cách đây khoảng 3000 – 4000 năm trên vùng đất này đã có những nhóm cư dân cổ sinh sống với nhiều nền văn hóa từ thời kỳ đồ đá cho đến thời kỳ kim khí. Những cư dân cổ từng sinh sống trên vùng đất Sài Gòn từ nhiều thiên niên kỷ trước đã biết canh tác nông nghiệp và bắt đầu chinh phục vùng đất thấp ở phía nam và phía đông nam. Lúc bấy giờ cuộc sống con người ở đây hết sức tự do, không có lãnh thổ quốc gia, không có địa giới hành chánh và cũng chưa có khái niệm về vùng đất “Sài Gòn.”

    Sài Gòn vào thế kỷ 16 – 17

    Mãi đến giữa thế kỷ 17, vào thời Chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) được đặc quyền cai trị đất Đàng trong, đã bắt đầu công cuộc di dân người Việt đến khai phá vùng đất mới phía Nam. Vùng đất Sài Gòn lúc bấy giờ ở vị thế trung tâm vùng đất mới, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống, là một trong những nơi mà nhóm dân cư Việt đầu tiên đến đây định cư.

    Đến năm 1623 Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho đặt trạm thu thuế thương chính đầu tiên tại Sài Gòn và Bến Nghé. Đây là dấu hiệu ban đầu xuất hiện hình thức kiểm soát của nhà nước trên vùng đất Sài Gòn xưa.

    Tháng 3 năm 1679 Chúa Nguyễn lại cho lập đồn binh Tân Mỹ (vùng chợ Thái Bình, quận I ngày nay). Quyền lực nhà nước của Chúa Nguyễn được áp đặt vào vùng đất mới phía Nam chuẩn bị cho việc hình thành bộ máy cai trị. Cho đến thời điểm này, vùng đất mới phía Nam vẫn chưa phân định địa giới hành chánh. Song Sài Gòn đã giữ vị trí trung tâm vì quyền lực cai trị vùng đất phía Nam tập trung ở đây.

    Về địa danh Sài Gòn

    Tên “Sài Gòn” đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước, cách đây đã hơn 300 năm. Đó là tên gọi một vùng đất (địa danh) do cư dân Việt đặt ra để chỉ một khu vực đông dân cư sinh sống tập trung, sinh hoạt theo vùng đất đô thị ở vùng đất mới phía Nam.

    Tên gọi “Sài Gòn” đã lần lượt để chỉ bốn vùng đất khác nhau. Thoạt đầu “Sài Gòn” dùng để chỉ đất của tiểu quốc Thù Nại, bao gồm phần lớn vùng đất Đông Nam bộ (khoảng 20.000 – 25.000km2). Năm 1698 tên Sài Gòn để chỉ vùng đất huyện Tân Bình rộng khoảng 5.000 km2, tính từ phía bờ tây sông Sài Gòn, một phần của xứ Sài Gòn ngày nay là địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. “Sài Gòn” còn là tên gọi của vùng đất của hai khu vực đô thị được bảo vệ bởi lũy Lão Cầm (1700), lũy Hoa Phong (1731) và lũy Bán Bích (1772) với diện tích khoảng 25 km2. Sài Gòn cũng là tên gọi của khu vực chợ buôn bán của người Hoa vào thế kỷ 18 (rộng khoảng 1km2), sau này trở thành khu Chợ Lớn.

    Thành phố Sài Gòn ngày nay bao gồm cả đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn, tỉnh Gia Định và một phần tỉnh Chợ Lớn cũ, địa bàn thành phố rộng lớn hơn xưa, nhưng cũng là khu vực trung tâm của đất Gia Định xưa.





    Sài Gòn buổi ban đầu

    Năm 1698 là mốc lịch sử đánh dấu sự khai sinh vùng đất Sài Gòn xưa, khi Thống xuất chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh Chúa Nguyễn vào Nam kinh lược lập ra phủ Gia Định để cai quản vùng đất mới phía Nam và lập ra hai huyện đầu tiên Phước Long và Tân Bình thuộc phủ Gia Định. Diện tích phủ Gia Định lúc này khoảng 30.000km2.

    Huyện Tân Bình được lập ra từ xứ Sài Gòn với dinh Phiên Trấn và những đơn vị hành chánh cơ sở đầu tiên (lân, làng, phường, xã, thôn, ấp) là hình dáng Sài Gòn trong buổi ban đầu.

    Sài Gòn thế kỷ 18

    Trong suốt thế kỷ 18, thời Sài Gòn thuộc Gia Định phủ (1698-1802) thì địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ngày nay gồm địa phận hai tổng Bình Dương và Tân Long của huyện Tân Bình, (thuộc Dinh Phiến Trấn) và trên một nửa địa phận tổng Bình An (tức huyện Thủ Đức) của huyện Phước Long thuộc Dinh Trấn Biên. Năm 1795, Le Brun vẽ bản đồ vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn có ghi vị trí thành Bát Quái, các phố thị Minh Hương, Bến Nghé rồi đặt tên chung là Thành phố Sài Gòn. Có thể hình dung tổng quát vào cuối thời Gia Định phủ, địa bàn Thành Phố (nay) được phân biệt bởi hai vùng với hai bộ mặt khác nhau: vùng chợ nằm trong vòng “cổ lũy” và vùng quê đất rộng, thưa dân thuộc các tổng Bình Dương, Tân Long, Bình An.

    Sài Gòn thời Gia Định Trấn và Gia Định Thành (1802-1832)

    Sau khi chiến thắng Tây Sơn lấy lại kinh thành Phú Xuân – Huế (năm 1802), Nguyễn Ánh bỏ Gia Định kinh, đổi Gia Định phủ thành Gia Định trấn và đến năm 1808 lại đổi Gia Định trấn ra Gia Định thành, các “dinh” đều đổi thành “trấn”. Gia Định thành thống quản năm trấn (toàn Nam Bộ). Dinh Phiên Trấn đổi thành trấn Phiên An. Huyện Tân Bình đổi thành phủ, 4 tổng của huyện Tân Bình nâng lên thành huyện lập ra nhiều tổng mới. Thời kỳ này địa bàn thành phố nay bao gồm địa phận của 2 tổng Bình Trị, Dương Hòa của huyện Bình Dương và 2 tổng Tân Phong, Long Hưng của huyện Tân Long (4 tổng trên đều thuộc phủ Tân Bình, trấn Phiên An), phần còn lại là địa phận của tổng An Thủy – Huyện Bình An và một phần của tổng Long Vĩnh – huyện Long Thành (thuộc phủ Phước Long – trấn Biên Hòa).

    Từ sau 1820, dưới mắt của thương gia và phái bộ nước ngoài đã có một thành phố gồm hai đô thị lớn không kém gì kinh đô nước Xiêm ở cách nhau hai dặm, thành phố Sài Gòn (là Chợ Lớn nay) và thành phố Bến Nghé mới xây dựng. Họ gọi chung là thành phố Sài Gòn nơi đô hội cả nước lúc bấy giờ không đâu sánh bằng.





    Sài Gòn thời Lục tỉnh Nam kỳ (1832-1862)

    Từ sau năm 1832, Minh Mạng giải thể cấp Gia Định thành, chia năm trấn thành sáu tỉnh. Trấn Phiên An đổi thành tỉnh Phiên An, trấn Biên Hòa đổi thành tỉnh Biên Hòa.

    Năm 1836, tỉnh Phiên An được đổi tên là tỉnh Gia Định có thêm một phủ mới là phủ Tây Ninh. Năm 1841, phủ Tân Bình lại lập thêm huyện Bình Long (lỵ sở tại Hốc Môn). Vì vậy, sau 1841, địa bàn thành phố (nay) nằm trên địa phận ba huyện Bình Dương, Bình Long, Tân Long (của phủ Tân Bình) và một phần đất của huyện Ngãi An và Long Thành thuộc phủ Phước Long tỉnh Biên Hòa.

    Sài Gòn thời Pháp cai trị (1862-1955)

    Địa bàn thành phố (nay) lúc này bao gồm địa giới của hai huyện Bình Dương, Tân Long của phủ Tân Bình, với phần đất đai của huyện Bình Long thuộc phủ Tây Ninh (tỉnh Gia Định) và cộng thêm trên một nửa địa phận huyện Bình An cùng với địa phận tổng Long Vĩnh Hạ, huyện Long Thành, cùng thuộc phủ Phước Long của tỉnh Biên Hòa.

    Vùng đô thị Sài Gòn – Bến Nghé nằm trên đất của phủ Tân Bình, được xác lập ranh giới từ chùa Cây Mai đến rạch Thị Nghè, nằm trong kênh vành đai giáp tới sông Tân Bình (sông Sài Gòn nay) được qui hoạch là thành phố Sài Gòn (theo bản đồ Coffin năm 1862). Năm 1865 qui hoạch “Thành phố Sài Gòn” lại được chia thành hai thành phố: Thành phố Sài Gòn ở về phía Đông địa bàn thành phố cũ, tức vùng Bến Nghé xưa nơi có tỉnh thành Gia Định và thành phố Chợ Lớn, vùng trước đây gọi là “Phố thị Sài Gòn”.

    Sài Gòn thời kỳ 1956-1975

    Trong khoảng 20 năm (1955-1975), thành phố Sài Gòn cũng có nhiều biến đổi. Từ năm 1956, đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn trở thành thủ đô chính quyền ở miền Nam, được quen gọi là “đô thành Sài Gòn”. Năm 1959, đô thành Sài Gòn được chia thành 8 quận hành chánh, mỗi quận chia ra nhiều phường. Tháng 12-1966, quận I thêm hai phường mới từ xã An Khánh (Gia Định) lập ra. Tháng 1-1967 tách hai phường mới của quận I (xã An Khánh cũ) lập thêm quận 9. Tháng 7-1969 lập thêm quận 10 và quận 11. Từ đấy đến năm 1975, đô thành Sài Gòn có 11 quận.





    by nhatdongan

    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  4. #4




    TÊN GỌI SÀI GÒN

    I - Lịch Sử :

    Khi nói tới tên gọi Sài Gòn, chúng ta cũng gặp khó khăn vì không có tài liệu, văn bản hành chính chứng minh rõ ràng. Có nhiều tác giả đã viết về tên gọi Sài Gòn. Trong bài này, chúng tôi xin trích dẫn một vài đoạn bài viết của Gs Nguyễn Ngọc Huy với các giả thuyết sau đây:
    1. Huỳnh Tịnh Của trong tác phẩm "Đại Nam Quốc Âm Tự Vị" giải thích: Sài có nghĩa là củi thổi, Gòn: tên loại cây có bông trắng và nhẹ xốp người miền Nam dùng làm gối và nệm nằm. Về địa danh thì Sài Gòn là tên riêng của vùng Chợ Lớn, bây giờ lại hiểu là đất Bến Nghé. Như vậy, Sài Gòn chỉ vùng Chợ Lớn ngày nay, còn Sài Gòn bây giờ lại thuộc Bến Nghé. Theo hai người Anh là Crawfurd và Finlayson đã đến vùng này năm 1922 thuật lại thì Sàigòn và Bến Nghé (mà các tác giả trên đây viết là Bingeh hay Pingeh) là hai thành phố khác nhau và cách xa nhau độ 1 hay 2 dặm. Bến Nghé là nơi đồn binh và đặt cơ quan chánh phủ, còn Sàigòn là trung tâm thương mãi và là nơi cư ngụ của người Tầu (theo tập san của Hội Cổ Học Ấn Hoa, năm 1942, tập số 2 - Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises).

    Khi người Pháp chiếm ba tỉnh phía đông Nam Kỳ năm 1861, họ dùng tên Sài Gòn để chỉ đất Bến Nghé cũ và dùng nơi này làm trung tâm hành chánh. Đối với người Tây thì Sài Gòn dễ phát âm hơn Bến Nghé. Khi người Pháp cai trị và gọi tên Sài Gòn thay cho Bến Nghé thì dân miền Nam bắt buộc phải theo và gọi Chợ Lớn thay cho địa danh Sài Gòn trước đây.

    1. Trương Vĩnh Ký dựa vào bộ Gia Định Thông Chí của ông Trịnh Hoài Đức, tập Souvenirs historiques, lại kể lại rằng người Khmer xưa có trồng cây gòn chung quanh đồn Cây Mai và chính ông còn thấy vài gốc cổ thụ này tại vùng vào năm 1885.

    1.3 Lê Văn Phát cho rằng trước đây, vùng Sàigòn Chợ Lớn hãy còn bị rừng bao phủ và tên Sàigòn có lẽ phát xuất từ tên Khmer Prei Kor tức là Rừng Gòn (Forêt des Kapokiers). Prei Kor là tên mà người Khmer dùng để gọi một địa phương mà trọng tâm là Chùa Cây Mai ở Phú Lâm ngày nay. Mặt khác, ông Lê Văn Phát cũng cho biết rằng người Lào (mà ngôn ngữ gần như ngôn ngữ Thái) đã gọi vùng này là Cai Ngon, mà Cai Ngon theo tiếng Thái cũng có nghĩa là Rừng Chỗi Cây Gòn (Brousse des kapokiers).

    1. Vương Hồng Sến trong bộ Sàigòn Năm Xưa cho biết rằng theo tiếng Khmer thì Kor có nghĩa là gòn mà cũng có thể có nghĩa là con bò, và Prei Kor có thể là Rừng Bò chứ chưa ắt hẳn là Rừng Gòn.

    Mặt khác, các nhà học giả Pháp nghiên cứu về nước Cam-Bu-Chia đã tìm được trong bộ sử chép tay của nước ấy một dữ kiện quan trọng về vùng này. Theo bộ sử ấy, năm 1623, một sứ bộ của chúa Nguyễn đã đến Cam-Bu-Chia xin vua cho đặt một số sở thuế ở vùng Prei Nokor và Kas Krobey. Vua Cam-Bu-Chia lúc ấy có một hoàng hậu là con gái chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên). Bởi đó, ông đã chấp nhận lời yêu cầu của chúa Nguyễn. Theo ông Etienne Aymonier thì Nokor là xức, quốc gia và Prei Nokor là rừng của vua (forf royale). Nhưng linh mục Tandart lại bảo rằng tiếng Nokor do tiếng nam phạn Nagaram mà ra, và có nghĩa là thành phố của rừng hay thành phố ở giữa rừng (ville de la forêt). Bởi vậy theo ông, Prei Nokor có nghĩa là thành phố. Nhà học giả Pháp Louis Malleret khi nêu ra tài liệu về Prei Nokor đã dựa vào ý nghĩa của tiếng Khmer này theo linh mục Tandart để bác bỏ thuyết của các học giả Việt Nam trước đó cho rằng Sàigòn có nghĩa là Củi Gòn. Ông đã theo ý kiến của một người Pháp khác là Maurice Verdeille theo đó tiếng Sàigòn có lẽ phát xuất từ tiếng Tây ngòn có nghĩa là cống phẩm của phía tây (tribut de l’ouest). Tiến Hán Việt có nghĩa là cống phẩm của phía tây nếu đọc theo VN là Tây Cống và Tây Ngòn hẳn là Tây Cống, nhưng phát âm theo giọng Trung Hoa. Sở dĩ ông Malleret theo thuyết này là vì ông đã dựa vào một dữ kiện lịch sử do ông Trịnh Hoài Đức chép lại, là khi Cam Bu Chia bị phân ra cho hai vua thì cả hai vua nầy đều nạp cống phẩm cho chúa Nguyễn ở Prei Nokor, vốn là thủ đô của vua thứ nhì từ năm 1674 (trong khi vua thứ nhứt đóng đô ở Oudong ở phía bắc Nam Vang).





    Ông Vương Hồng Sến, nhắc lại trong quyển Sàigòn Năm Xưa rằng người Hoa Kiều đã tập trung vào vùng Chợ Lớn ngày nay để mua bán năm 1778 sau khi Cù Lao Phố (gần tỉnh lị Biên Hòa ngày nay) là nơi được thành lập để mua bán từ cuối thế kỷ thứ 17 đã bị Tây Sơn phá tan khi họ kéo vào đánh Miền Nam. Sau khi thành phố này đã vững, người Hoa Kiều đã đáp thêm bờ kinh Chợ Lớn, cẩn đá cho cao ráo kiên cố. Và có lẽ để ghi công việc này, họ đặt tên chỗ mới này là Đề Ngạn, tức là bờ sông cao dốc trên có đe ngăn nước. Đề Ngạn là tiếng Hán Việt, chớ người Trung Hoa phát âm theo giọng Quảng Đông thì nói thành Tài Ngon hay Thầy Ngồnn. Ông Vương Hồng Sến cho rằng tiếng Sàigòn chính do Thầy Ngồnn mà ra. Về đất Bến Nghé thì người Trung Hoa gọi là Xi Cong. Ông Vương Hồng Sến cho rằng đó là họ đọc trại lại tiếng Sàigòn của ta và khi viết ra Hán văn thì họ dùng hai chữ mà ta đọc là Tây Cống.

    II-CÁCH ĐẶT ĐỊA DANH CỦA NGƯỜI XƯA

    Chúng ta có thể nhận thấy rằng trong việc đặt địa danh này, ông bà chúng ta đã theo một số nguyên tắc:

    1-Các cụ có thể phiên âm một địa danh Khmer đã có và bỏ dấu cho thành tiếng Việt Nam. Thí dụ như Psar Deck tiếng Khmer là Chợ Sắt đã được các cụ gọi lại là Sa Đéc, hay Me So tiếng Khmer là Người Đàn Bà Đẹp hay nàng Tiên được các cụ gọi là Mỹ Tho. Trong một bài kỷ niệm ngày 30 tháng tư, đang trong tờ Việt Báo, ông Phạm Nam Sách khi nói về tỉnh Ba Xuyên đã nhắc đến một địa danh mà ông nói là Bảy Sào, Bải Sào, Bảy Sau hay Bải Sau chi đó. Thật sự đó là Bải Xào, một tiếng phát xuất từ tiếng Khmer Bai Xao có nghĩa là Cơm Sống. Địa danh này sở dĩ có là vì trong trận đánh nhau với người Việt Nam, người Khmer đã thua chạy về đến đó và ngừng lại nấu cơm ăn, nhưng cơm chưa kịp chín thì quân Việt Nam lại kéo đến và người Khmer phải bỏ chạy. Để đánh dấu việc này, họ gọi đất đó là Cơm Sống, tiếng Khmer là Bai Xao và các cụ ta bỏ dấu thêm thành Bải Xào.

    2-Các cụ có thể dịch nghĩa một địa danh Khmer đã có. Thí dụ như tên Bến Nghé phát xuất từ tiếng Khmer Kompong Krabei có nghĩa là Vũng Trâu. Theo sử Khmer mà ông Malleret viện dẫn thì ngoài Prei Nokor, vua Cam-Bu-Chia còn cho chúa Nguyễn đặt sở thuế ở Kas Krobey. Chữ Krobey rất gần Krabei, và có thể Kas Krobey với Kompong Krobei cũng là một và có nghĩa là Vũng Trâu, Bến Trâu gì đó.

    3-Nhưng tên theo hai loại trên đây là do người Việt Nam bình dân đặt ra khi mới đến một địa phương, về sau, khi đã có nhiều người Việt Nam ở và triều đình Việt Nam đặt ra các đơn vị hành chánh, thì triều đình lại dùng tiếng Hán Việt như Trấn Biên, Phiên Trấn, Phước Long, Phước Tuy v.v... Mặt khác, khi viết sử hay viết sách địa lý mà gặp một tên nôm do người bình dân đã đặt, các cụ đã dịch phăng nó ra tiếng Hán Việt chớ ít khi chịu chép tên nôm. Như Ba Giỗng, các cụ dịch là Tam Phụ và Bến Nghé, các cụ dịch lại là Ngưu Chử khi chép vào sách chớ không chịu viết tên nôm là Ba Giồng, Bến Nghé. Nếu lấy các qui tắc đặt địa danh của các cụ ngày xưa làm tiêu chuẩn để suy luận thì ta thấy ngay các thuyết trên đây về nguồn gốc và ý nghĩa của Sàigòn không ổn.

    3-Nếu các cụ ta ngày xưa muốn dịch tiếng Khmer Prei Kor ra tiếng Việt thì các cụ đã dùng tên Củi Gòn, Cây Gòn hay Rừng Gòn để đặt cho địa phương này, chớ không ghép một tiếng Hán Việt là Sài với một tiếng nôm là Gòn để thành Sàigòn, cũng như khi dịch Kompong Krabei ra tiếng Việt, các cụ đã gọi là Bến Nghé chớ không nói Tân Nghé, Chử Nghế hay Ngạn Nghé (Tân, Chử và Ngạn là những tiếng Hán Việt có nghĩa là cái cồn nhỏ, bến sông, bờ sông). Nếu bảo rằng gòn là một loại cây không có tên Hán Việt và các cụ đã dùng tên ấy như tiếng Hán Việt thì các cụ đã theo văn phạm Hán Việt mà gọi Củi Gòn là Gòn Sài chớ không thể gọi là Sài Gòn.

    4-Chữ Sài là tiếng Hán Việt có nghĩa là Củi, nhưng cũng chữ ấy mà dùng làm chữ nôm thì lại đọc là Thầy. Vậy, nếu đọc theo tiếng nôm hoàn toàn hai chữ mà ông bà chúng ta dùng để chỉ tên đất ta đang nghiên cứu thì ta có Thầy Gòn. Tên này rất gần với Tây Ngòn hay Thầy Ngồnn là những tiếng Hán Việt Tây Công hay Đề Ngạn đọc theo giọng Trung Hoa. Nhưng các cụ ngày xưa rất sính dùng tiếng Hán Việt. Đến như tiếng nôm hoàn toàn là Ba Giồng, Bến Nghé mà các cụ còn nhứt định phải dịch ra là Tam Phụ, Ngưu Chử khi viết vào sách vở thì
    không lý do gì các cụ lại không dùng các tiếng Hán Việt đã sẵn có là Tây Cống hay Đề Ngạn, mà lại dùng tiếng Thầy Gòn là tiếng phiên âm theo giọng của người Trung Hoa


    .



    Xét về mặt nguyên tắc đăt địa danh của ông bà chúng ta ngày xưa, thì vấn đề này có thể kể là tạm giải quyết. Nhưng nghi vấn còn lại là tại sao lại có tiếng Lào hay tiếng Thái lọt vào đây? Hiện nay, không có nhiều tài liệu lịch sử giúp chúng ta có một sự hiểu biết rộng rãi và chánh xác về thời kỳ người Việt Nam mới vào ở đất Nam Kỳ. Chúng ta chỉ có thể dựa vào một số dữ kiện sau đây để suy luận:

    1-Vào đầu thế kỷ 17, nước Cam Bu Chia đã bị người Xiêm (Thái Lan hiện nay) uy hiếp nặng nề, và chính vì muốn dựa vào người Việt Nam để chống lại Xiêm mà vua Chey Chetta II đã đi cưới công chúa Ngọc Vạn (là con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) về làm hoàng hậu năm 1620, rồi đến năm 1623 lại để cho chúa Nguyễn đạt những cơ sở thâu thuế ở vùng Sàigòn, Chợ Lớn ngày nay.

    2-Vùng Chợ Lớn chỉ trở thành một vùng thương mãi thịnh vượng từ năm 1788 với khối người Hoa Kiều tụ tập về đó sau khi Cù Lao Phố bị Tây Sơn phá hủy. Vậy, lúc chúa Nguyễn mới đặt cơ sở thuế hơn 150 năm về trước vùng này chưa có mua bán gì nhiều.

    3-Người Việt Nam chỉ vào ở Nam Kỳ nhiều từ khi có lực lượng của ông Trần Thượng Xuyên đóng thường trực để bảo vệ cho họ từ năm 1680. Vậy, lúc chúa Nguyễn đặt sở thuế ở vùng Chợ Lớn ngày nay, hơn 50 năm trước đó, chưa có đông người Việt Nam và chưa có sản xuất nhiều lúa gạo để bán.

    4-Như thế, cơ sở thuế của chúa Nguyễn chắc chỉ đánh vào một vài sự buôn bán nhỏ, không quan trọng lắm, và do đó mà vua Cam Bu Chia đã dễ dàng cho chúa Nguyễn thâu lấy nguồn lợi này. Nếu có sự mua bán quan trọng và quyền lợi thuế vụ lớn thì vua Cam Bu Chia lúc đó vốn còn hoàn toàn độc lập với chúa Nguyễn, chắc không phải chấp nhận dễ dàng lời yêu cầu của chúa Nguyễn. Vậy, sự mua bán đó dựa vào món hàng gì?

    Có thể một trong những món hàng được buôn bán thời đó là gòn, vì vùng này có nhiều cây gòn, có lẽ không nhiều đến thành rừng, nhưng cũng đạt mức quan trọng để có thể gọi là rừng chổi được. Người Xiêm có thể đã đến đó mua gòn đem về nước dồn gối, dồn nệm. Một ít thương gia Xiêm có thể đã có mặt ở vùng này trước khi chúa Nguyễn đặt sở thuế tại đó, và vì thấy vùng này có nhiều cây gòn, họ gọi nó là Cai Ngon tức là Rừng Chổi Cây Gòn, rồi các viên chức Việt Nam liên lạc với họ để đánh thuế lúc mới đến đã theo họ mà gọi đất này là Sàigòn, thay vì phiên âm hay dịch nghĩa tên Khmer của địa phương này.

    5-Về cái tên Khmer này, các học giả đã không đồng ý kiến với Prei Kor, người thì nói là Prei Nokor. Ông Malleret đã dựa vào sử Khmer mà bảo đó là Prei Nokor và theo linh mục Tandart để dịch Prie Nokor là thành phố của rừng.

    -Nếu Prei Kor có nghĩa là Rừng Gòn hay Rừng Bò thì văn phạm Khmer cũng như văn phạm Việt Nam đăït tiếng rừng lên trên, tiếng phụ nghĩa cho rừng ở dưới. Như vậy Prei Nokor dịch ra là rừng của vua như Aymonier thì vẫn hợp với văn phạm đó, còn dịch ra như linh mục Tandart là thành phố giữa rừng thì lại đi ngược với văn phạm đó rồi. Hiểu theo văn phạm như nói trên đây thì Prei Nokor là rừng của thành phố mới phải, nhưng tên Rừng của Thành Phố thì cố nhiên là không có ý nghĩa gì.
    -Mặt khác, nếu Prei Nokor là thành phố giữa rừng hay rừng của vua thì nó chỉ có thể có từ năm 1674 là năm mà vua thứ nhì của Cam-Bu-Chia cho chúa Nguyễn đến đặt sở thuế tại đó thì đất này hãy còn là một thị xã nhỏ, không có vua ở nên không thể mang tên Prei Nokor là thành giữa rừng hay rừng của vua được.

    Do các nghi vấn trên đây, chúng ta thấy rằng thuyết của ông Malleret không vững. Và chúng ta có thể đưa ra giả thuyết khác: địa điểm mà vua Cam-Bu-Chia cho chúa Nguyễn đặt sở thuế vẫn tên là Prei Kor, vì nơi đó có nhiều gòn và là nơi mua bán gòn. Nhưng sau đó, khi vua thứ nhì của Cam-Bu-Chia đến đóng đô tại đó, nó có tên mới là Prei Nokor (hiểu theo nghĩa là rừng của vua hay thành phố giữa rừng đều được cả).

    Các sử gia Cam-Bu-Chia sau này chép lại việc cho chúa Nguyễn đến địa phương này đặt sở thuế đã chép lại tên Prei Nokor mà họ được biết nhiều hơn mà bỏ tên Prei Kor đi. Với giả thuyết này thì ý nghĩa và nguồn gốc tên Sàigòn có thể giải quyết được: đó là một tên phiên âm từ tiếng Xiêm Cai Ngon có nghĩa là Rừng Chổi Cây Gòn, và phù hợp vớ tên Khmer nguyên thủy Prei Kor cũng có ý nghĩa tương tự.

    Vì không biết ngôn ngữ và văn phạm Khmer và Thái (Xiêm) nên chúng tôi không thể đi sâu vào vấn đề này và chỉ xin nêu ra những nhận xét trên đây. Chúng tôi mong ước rằng có vị nào thông thạo tiếng Khmer hay tiếng Thái lưu tâm đến vấn đề này để làm sáng thêm ý nghĩa và nguồn gốc tên Sàigòn yêu dấu của chúng ta.


    (Nguyễn Ngọc Huy - Viết vào thập niên 80s)
    Last edited by cao nguyên; 01-27-2012 at 05:38 AM.
    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  5. #5



    Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông

    Hồi còn nhỏ khi còn học tiểu học, tôi vẫn còn nhớ những lời kể của ngoại tôi về Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông, đó là lần đầu tiên trong đời nghe tên thành phố này mặc dù không hiểu chữ Hòn Ngọc Viễn Đông là gì. Hôm nay sống và học tập tại Sài Gòn tôi dần hiểu hơn về một Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông.

    Thành phố Sài Gòn trong trí óc của cậu học trò bé nhỏ là nơi đúng nghĩa của chữ thành phố với nhà cửa to lớn, với đèn điện sáng choang, với xe cộ dập dìu, với những cửa hiệu đầy những hàng hóa sản xuất tại đây hoặc nhập cảng từ ngoại quốc. Sài Gòn có nhiều cái mới lạ, người đông đúc và đi hoài không hết. Lớn lên vào học ở Sài Gòn, tôi đã hiểu thêm một chút về thành phố hơn 300 tuổi, từng là thủ đô của Miền Nam khi đất nước chia cắt.

    Nhà thơ Chế Lan Viên viết về Sài Gòn trong nhưng năm thập niên 40, ông có nhắc đến những bài ca vọng cổ văng vẳng khắp phố, nghe rất lạ đối với dân miền Trung như ông, và đó là nét đặc biệt nhất mà tác giả ghi nhận.

    Có lẽ thời cách đây mấy chục năm và trước đó, đa số dân cư Sài Gòn nói giọng gần giống dân miền Tây Nam Ky`. Có hai chữ của người con gái Sài Gòn nói làm tôi nhớ nhất là “chời ơi” (trời ơi) và “phải hôn” (phải không), nghe rất ngộ, dễ thương. Cái chữ “ hôn” lại càng hấp dẫn được thốt ra từ miệng người đẹp.

    Khi nền tân nhạc du nhập và phát triển vào Việt Nam, sau thời kỳ đất nước chia cắt năm 1954 thành hai miền Nam - Bắc thì Sài Gòn trở thành nơi quy tụ của biết bao nhân tài từ nhiều nơi. Sài Gòn là niềm cảm hứng cho biết bao nhạc sĩ viết nên các ca khúc về Sài Gòn. Sau này tôi chỉ nghe lại các ca khúc này qua băng, đĩa nhưng tôi rất ấn tượng với các ca khúc.

    Đầu tiên phải nói tới bản Sài Gòn Đẹp Lắm Sài Gòn Ơi của nhạc sĩ Y Vân, gọi tắt là Sài Gòn có câu kết: “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”. Điệu Chacha nhún nhẩy, âm thể trưởng vui tươi, âm điệu dễ nghe dễ hát dễ nhớ làm trở thành bài hát biểu tượng của thành phố. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người Sài Gòn. Ngày nay tôi rất thích khiêu vũ Chachacha với bài này.

    Nhạc sĩ Anh Bằng cũng có bài Sài Gòn Thứ Bảy diễn tả nỗi buồn của một người lính trẻ về thăm kinh đô nhưng sao “Sài Gòn thứ bảy mà nghe cô đơn”.





    Rất nhiều ca khúc tuy không có tựa đề Sài Gòn nhưng người nghe cảm thấy chất thành phố này bàng bạc trong đó. Chẳng hạn như bản Nhớ Thành Đô của Hoàng Thi Thơ : “ Tôi xa đô thành một đêm không trăng sao. Thành đô còn nhớ mãi, nhớ mãi, chiều mưa trên công viên, giờ chia ly sân ga và khi gặp nhau trên lề đường hẹn hò”.

    Một bản mà thập niên 60 rất phổ biến là Bước Chân Chiều Chủ Nhật của Đỗ Kim Bảng với câu hát: “tôi thích lang thang trong chiều chủ nhật, mây tím giăng ngang trên trời Sài Gòn”. Riêng cái âm điệu của câu đầu: si đố si si sol mi sì sì để lại ấn tượng mà sau này bài hát Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn cũng có câu mở đầu giống 90% và lấy câu này làm nét nhạc chủ yếu của ca khúc.

    Tại sao bước chân chiều chủ nhật lại được ưa thích? Chợt nghĩ là thời đó ở Việt Nam làm việc 6 ngày chỉ nghĩ ngày chủ nhật, có chỗ nghỉ chiều thứ bảy. Vì thế ngày chủ nhật bà con đi dạo phố Sài Gòn ăn kem, uống cà phê, mua sắm và ngắm phố phường. Không khí rất thanh bình, không có đông đúc chen chúc hỗn lọan, bụi đường khói xe dày đặc như thành phố bây giờ.

    Sài Gòn cũng là nơi tập trung các đại học nổi tiếng của miền Nam từ xưa cho đến nay và bài hát Trả Lại Em Yêu của Phạm Duy đã đưa những nét của khung trời đại học với trường Luật thơ mộng : “ Trả lại em yêu khung trời đại học , con đường Duy Tân cây dài bóng mát”.

    Nhưng cũng có những bài hát tả những cảnh phố phường Sài Gòn hoa lệ hay những xóm lao động nghèo khổ như bản Xóm Đêm của Phạm Đình Chương, bản Kiếp Nghèo của Lam Phương sáng tác trong một đêm mưa bước về ngang con hẻm nhỏ nghe tiếng ru con. Hay bản Nữa Đêm Ngòai Phố của Trúc Phương, khi cất tiếng hát lên là biết tác giả tả cảnh lang thang ở Sài Gòn lúc về khuya. Sau này những người đi hát dạo, khảy cây đàn guitar thùng, ngân nga những bài hát điệu Bolero tương tự như bản Phố Đêm của Tâm Anh, là cả một bầu trời Sài Gòn hiện ra.

    Sài Gòn là chủ đề lớn, là nguồn cảm hứng phong phú cho nhiều bài hát. Cái tên Sài Gòn, đã gắn liền với cái tên Việt Nam. Hòn Ngọc Viễn Đông.

    nguồn = sưu tầm




    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  6. #6

    • Ðọc Marguerite Duras, chợt nhớ Sài Gòn...





      Nguyễn Mạnh Trinh




      Ðất nước của Marguerite Duras, cuộc đất từ thuở nguyên thủy, nơi chốn mà bà vẫn đinh ninh là quê kiểng của mình từ lúc sinh ra đến khi cuối đời, là Ðông Dương (Indo-China). Ðiều ấy đã thành một khuôn mẫu rõ nét trong văn chương và đời sống bà...” Laure Adler, trong cuốn sách “Marguerite Duras, A Life” đã mở đầu chương sách thứ nhất như thế. Trong lần gặp gỡ để viết một tác phẩm ghi chép lại chân dung một nhà văn nữ nổi tiếng vào bậc nhất của văn học thế giới thế kỷ hai mươi, Adler đã dành nhiều chương để nói về những nơi chốn mà Marguerite Duras đã để lại nhiều kỷ niệm. Những nơi chốn của địa danh Việt Nam: Sài Gòn, Gia Ðịnh, Vĩnh Long, Sa Ðéc, Hà Nội... Ít có một ai, lại yêu mến đất nước Việt nam như bà. Trong một cuộc phỏng vấn, bà thố lộ: “Tôi yêu những người nghèo, ở đó tôi tìm được những nét thuần lương chịu đựng. Tôi cũng là một người Pháp nhưng nghèo như họ và tôi cũng hiểu được thế nào là sự áp bức của những người Pháp thực dân. Do đó nhiều lúc tôi như có sự bức bối của những điều cần bầy tỏ”.


      Marguerite Duras là một người Pháp nhưng sinh đẻ ở Gia Ðịnh, năm 1914, ngày 4 tháng Tư. Cha là một giáo sư toán và mẹ là một cô giáo tiểu học nhưng gia đình bà cũng không sung túc lắm. Từ khi mới sanh ra đến lúc mười tám tuổi nơi cư ngụ chính là Sài Gòn, một thành phố mà theo bà có những nét đẹp làm bà không thể quên được. “Tôi không có một ý nghĩ nào về thời thơ ấu của tôi ngoại trừ nước. Thành phố của tôi là một thành phố xây dựng trên nước, bên bờ những con sông rạch. . . ” Bà từ trần năm 1996 và ở ngôi mộ của bà trong nghĩa trang Montparnasse ở Paris là một bia mộ xám nghiêm trang khắc hai đóa hoa và hai chữ viết tắt: M. D. của tên tuổi Marguerite Duras, với hai hình ảnh khắc họa hai chân dung của hai thời kỳ, một của một cô bé ngây thơ đầy khêu gợi trên chuyến bắc ngang qua sông Cửu Long đội mũ đỏm dáng với đôi môi tô son đỏ thẫm, và, một của thiếu phụ với khuôn mặt và thân thể bị tàn phá bởi nghiện rượu, mặc một bộ trang phục thanh nhã. Bà đã nhiều lần điều trị bằng hóa học và chịu 5 tháng bị “coma”. Trước giây phút bà từ bỏ cõi đời đôi môi bà còn mấp máy chữ “Ecrire. ” Bà vẫn muốn viết, vẫn tha thiết với nghiệp dĩ cầm bút của mình. Bà đã viết và yêu những gì bà đã thổ lộ. Bà tự mình sử dụng những kỳ thú mà luân lý cần thiết để bắt bà sống và nghĩ trong một thế giới song hành với thế giới người khác. Tất cả năng lực của bà dồn vào cây bút và bà đã sống trong những chủ động hành động theo tâm thức bà. Khi tuổi mới mười lăm, bà đã nói với mẹ bà rằng điều duy nhất bà muốn là làm người kể chuyện và bà thực sự hứng khởi với tất cả những gì mà trong thời gian ấy chẳng có ai nhắc và để ý đến. Bởi vì, tất cả những mảnh hồi ức đau buồn đều được tinh lọc trong ngôn ngữ văn chương. Mối tình của bà với người đàn ông trưởng giả trong “L'Amant” (bản Anh ngữ “The Lover”) làm nhắc lại những nơi chốn, những phong cảnh mà bà không thể nào quên lãng được. Trong văn chương bà nhắc đến mùi hương thơm đặc biệt buổi sáng của thành phố Sài gòn, đến những phong cách, những sinh hoạt của khu phố Tàu ở Chợ Lớn, đến những đại lộ thênh thang rợp bóng mát của hàng cây me cổ thụ với những ngôi biệt thự rực đỏ mầu hoa sau hàng rào. Và, những tà áo trắng mà bà cho rằng khêu gợi một cách thơ mộng và thánh thiện của thiếu nữ Sài Gòn. Chữ “congais”đã thành một ngôn ngữ lãng mạn để ám chỉ những người thiếu nữ bản xứ. Có người đã phong chức “Ðại sứ của thời kỳ Ðông Dương không quên” cho bà. Qua tác phẩm, tràn đầy một không khí lãng mạn, của những nơi chốn đã in hằn thành nếp trong tâm thức. Bà chỉ sống ở Việt Nam đến năm 18 tuổi, trở về Pháp, học luật trước khi trở thành văn sĩ. Bà đổi tên từ Marguerite Donnadieu thành Marguerite Duras năm 1943, là tên làng xã trong Lot-et-Garonne nơi mà ngôi nhà của cha bà ở đó.







      Laure Adler kể có lần M. D. nói “Cô sẽ không tìm thấy bất kỳ một điều gì từ Việt nam. Ðể Yann (tên một nhân vật của “Yann Andrea Steiner”, mối tình cuối của mười năm chót của bà) dẫn cô đến bờ sông Seine, khoảng ba mươi kilô-mét từ Paris, chỗ khúc quanh của dòng sông, chỗ mà lá cây phủ làm nệm giường trên mặt đất bờ sông và trái đất trở thành một bọt biển khổng lồ. Ở đó, không giống như dòng sông Mekong. Mà, đích thực, nó là sông Mekong. Một dòng sông có thực. . . ” Adler đã làm theo, đến bờ sông Seine, nhướng mắt tìm kiếm. Không có gì lạ. Bây giờ là mùa thu, những cơn gió chướng lay động ánh đèn, sương mù như muốn che phủ một không gian tĩnh lặng. Không có một chút nào Việt Nam cả. Ở đây là xứ Pháp. Và tất cả như phủ định ý muốn kiếm tìm một nơi chốn mà M. D. luôn nghĩ về và tưởng tượng. Không có sông Mekong ở đây trong thế giới hiện thực của Laure Adler. Nó chỉ hiện hữu với M. D. trong niềm yêu mến vô bờ của riêng bà.



      Trong tiểu thuyết của M. D. có hai tác phẩm tràn đầy không gian và thời gian của một xứ thuộc địa của Pháp gọi là Ðông Dương. Ðó là “Un Barrage contre le Pacifique” (bản Anh ngữ “Sea Wall”) và “L'Amant” ( bản Anh ngữ “The Lover”). Có thể gọi đó là một phần đời của tác giả mà chất hồi ký tự thuật nhiều khi thật rõ nét. Cái chết của người cha đã mang gia đình vào sự túng quẫn tài chính. Những người con lớn lên vất vưởng trong đói kém như những người địa phương bản xứ. Người mẹ, Marie Legrand, đã cố gắng phấn đấu để chống lại cái thiếu thốn, cái đói kém. Bà làm việc trong vô vọng trên mảnh đất của bà, đắp đê chống lại sự xâm thực của biển và gió nhưng hoài công. Mấy đứa con lớn lên trong hoàn cảnh ấy. Bà mẹ khám phá ra đứa con gái xinh đẹp gần gũi nhưng xa lạ, ăn mặc phong cách, đời sống tình cảm cũng như tình dục khác với những đứa trẻ cùng lứa tuổi khác và hiểu đó sẽ tạo thành sức hấp dẫn đối với người khác phái. Marguerite Duras gặp người đàn ông Trung Hoa giàu sang và có một tình sử lạ. Muốn trở thành một người giàu có là một ám ảnh dầy vò bà từ lúc thiếu thời. Nhiều năm sau, khi hồi tưởng lại, bà cho rằng tiền bạc cũng chẳng thay đổi được gì bởi vì bà đã luôn luôn giữ cái mặc cảm đáng ghét của người nghèo khó. Ở bà, cái nghèo từ lúc chào đời như một di truyền miên viễn. Và, cũng vô phương để thay đổi. Người đọc sẽ dễ dàng cảm thấy được nỗi thất vọng sâu sắc và nỗi đau thầm lặng phản ánh từ đời sống thực tế.


      “Một ngày kia, tôi đã già, ở một lối vào của một công thự, một người đến gặp tôi.” Ông ta tự giới thiệu mình và nói, “tôi đã biết bà nhiều năm nay... Mọi người đều nói bà rất đẹp khi còn trẻ, nhưng tôi lại muốn nói với bà tôi nghĩ rằng bây giờ bà lại đẹp đẽ hơn lúc ấy. Hiếm có hơn khuôn mặt bà lúc thanh xuân, tôi thích vóc dáng bà bây giờ. Khuôn dáng của tàn phá.” Ðó là những hàng chữ bắt đầu của tiểu thuyết “L'Amant”, một tác phẩm in năm 1984 không những mang đến cho bà giải thưởng lớn nhất Goncourt của văn học Pháp mà còn có ba triệu độc giả và dịch ra hơn 50 ngôn ngữ. Ngoài ra đã được nhiều lần dựng thành phim. Câu chuyện kể về một mối tình của một cô bé người Pháp mười sáu tuổi và một người Tàu triệu phú lịch lãm. Chuyện tình ấy xảy ra ở Việt Nam với khung cảnh của phố xá vùng Chợ Lớn, chuyến bắc ngang qua sông Cửu Long, cổng trường Petrus Ký, những con đường Sài gòn tĩnh lặng, bến Nhà Rồng,...



      Năm 1996 ở Sài gòn, ở hè phố đối diện với khách sạn Continental, những đứa trẻ bán dạo bán những tấm hình của “L'Amant” với một cô bé nhí nhảnh đội chiếc nón theo trang phục ngày xưa. Vóc dáng thì của Marguerite Duras nhưng lại chính là chân dung của nhân vật trong phim. Một thời kỳ như sống lại... Alder kể lại. Bây giờ, Sài gòn khác nhiều so với phong cảnh được tạo dựng lại trong phim. Con đường Catinat của những quán cà phê, tiệm ăn, cửa hiệu bách hóa thanh lịch ngày xưa nay xô bồ hỗn độn với trăm vạn cửa hàng lớn nhỏ chen chúc đầy ngập hàng hóa, từ những chiếc máy điện toán, đến những đồ gia dụng hàng ngày. Khách trên đường cũng không còn những bộ đồ trắng thời thuộc địa, với cái mũ phớt trịnh trọng, với những tà áo dài tha thướt. Bây giờ, là thế hệ của quần blue jean, của những bộ đồ thể thao đặc sệt chất Mỹ, với cái nón base ball trên đầu.








      Marguerite kể rằng khi còn nhỏ mẹ bà có dẫn bà đi xem cinema ở rạp hát Eden. Lúc ấy, rạp chiếu bóng này nằm nép trong một con hẻm nhỏ, bên cạnh một rạp hát cải lương. Bây giờ, chốn ấy đã thành một bãi đậu xe. Thời thế biển dâu, đã gần một thế kỷ rồi nhưng sao đọc lại thấy man mác. Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ? Một cảnh thổ khác đã được dựng lại bởi đạo diễn Jean-Jaques Annaud năm 1992 trong phim The Lover. Ðó là thành phố Sa Ðéc nơi mà gia đình M.D. trú ngụ. Ngôi trường tiểu học nơi bà mẹ đi dạy mỗi ngày cũng như ngôi nhà nhỏ vẫn còn nhưng rệu rã. Thành phố ấy nằm bên bờ sông dậy sóng và Marguerite Duras đã viết như sau: “Mẹ tôi thỉnh thoảng nói với tôi rằng không có nơi chốn nào trong suốt nguyên cuộc đời tôi lại nhìn thấy được một dòng sông đẹp đẽ, vĩ đại và hoang dã như ở nơi đây. Sông Mekong và những phụ lưu của nó đổ ào ra biển, lưu lượng nước khổng lồ tự nhiên biến mất dưới sự xoi mòn của đại dương. Trên một vùng bao la vô tận của tầm nhìn, con sông chảy uốn khúc trong trượt dốc của đất trời thấp xuống...” Ðọc những đoạn như thế rất nhiều trong “L'Amant” chúng ta cảm được lòng yêu thương của bà với đất nước, cảnh thổ này rộng lớn biết bao.

      Trong “L'Amant”, những cảnh Sài Gòn buổi sáng được mô tả tuyệt diệu. Lúc sáng sớm cổng trường vừa mở, không khí nồng nàn mùi cỏ cây, với mùi hoa ngây ngất. Những ngôi biệt thự với mái ngói đỏ đỏm dáng trong màu nắng mới. Những tà áo dài trắng gợi lại một không gian tinh khiết, Marguerite Duras học ở trường Chaaeloup-Laubat. Lớp học bắt đầu lúc sáng sớm khi sức nóng của mặt trời chưa làm khó chịu và mùi của lá me còn thoang thoảng. Bà kể lại: “Ðây là con đường dẫn đến trường học. Ðúng bảy giờ rưỡi sáng. Ở Sài Gòn, thời khắc ấy mát mẻ dễ chịu làm sao khi những chuyến xe công cộng đi qua. Cả phố xá thoang thoảng mùi bạc hà mỗi khi bước chân thiếu nữ da trắng ngang qua, một mùi hương huyền diệu làm ngây ngất những cậu con trai bản xứ...”







      Ðọc “L'Amant” tự nhiên tôi nhớ lại những ngày học trò, thuở mới biết yêu ngu ngơ như những chàng gà trống. Duyên Anh cũng viết “Ngày xưa còn bé” và lột tả được một thời thiếu niên mơ mộng. Với “Người tình”, tình yêu chứa đầy những ẩn ức và nổ bùng ra những “scandal” tai tiếng. Một cô bé chỉ mười lăm tuổi đã yêu một người tình giàu có lịch lãm. Cuộc tình ấy bắt đầu trên chuyến bắc ở Sadec và là một mối tình trưởng thành trước tuổi. Ngây thơ đã được thay thế bằng những cảm nhận khác...

      Tình yêu. Cuộc đời. Nỗi chết. Là những chuyên chở mà Marguerite Duras muốn diễn tả. Nhưng với riêng tôi, tiểu thuyết của bà làm tôi trân quí hơn những kỷ niệm.Tác giả “L'Amant” chỉ sống ở Việt nam có mười lăm năm mà đã yêu đất nước ấy như thế thì tôi đã sinh ra, sống, yêu, đau khổ trên quê hương ấy thì chắc tình cảm phải nồng nàn thắm thiết hơn. Thế mà tôi lại bất lực không viết được những điều ấp ủ thì có phải đáng trách móc và ân hận không? Trong khi quỹ đời đã đến mức tuổi sáu mươi!

    Last edited by cao nguyên; 01-27-2012 at 05:46 AM.
    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  7. #7
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365


    Truyện có lẽ hay hơn phim. Phim này đóng toàn là cảnh làm tình giữa tác giả là
    gái .....Tây với tên công tử .....Tàu, chỉ mỗi cái khung cảnh không gian là......Việt Nam,
    thật ra chẳng có gì đặc biệt cho người Việt xem.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  8. #8



    "Sài Gòn năm xưa" và "Người Sài Gòn thuở ấy"


    Lê Văn Hảo


    Năm 1698 kinh lược sứ Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn ủy nhiệm vào Nam để lấy đất Nông Nại đặt thành phủ Gia Định, rồi lập xứ Sài Gòn, đặt huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Từ đó Sài Gòn trở thành một trung tâm hành chính, văn hóa, kinh tế, thương mại quan trọng, đến nay đã hơn ba thế kỷ. Vì lẽ đó mà cách nay 8 năm (1998) người dân đã vui vẻ ăn mừng sinh nhật ba trăm tuổi của Sài Gòn.

    Vào thời Nguyễn Hữu Cảnh, Sài Gòn đã có phố thị Bến Nghé, ban đầu là tên cái bến sông nằm ở ngả ba, nơi kinh Chợ Lớn đổ ra sông Sài Gòn, sau đó kinh Chợ Lớn lại được gọi là kinh Bến Nghé. Rồi vào thế kỷ 18-19, dân gian thường dùng tên gọi Bến Nghé để chỉ thành Gia Định, hoặc cả vùng Sài Gòn nói chung.

    Bên cạnh phố thị Bến Nghé có xã Minh Hương của Hoa kiều, quen gọi là Chợ Lớn, được Nguyễn Hữu Cảnh ưu ái cho thành lập để người Hoa tị nạn nhà Thanh sống hữu nghị và làm ăn buôn bán với người Việt.

    Từ 1772, Sài Gòn đã trở thành một thành phố. Đến 1788, Nguyễn Ánh lập trấn Gia Định. Từ 1802 đến 1832, đây là thủ phủ của Gia Định thành. Năm 1833 đổi thành tỉnh Gia Định.

    Ba năm sau khi Pháp chiếm Sài Gòn, năm 1861 chính quyền thực dân xác định địa giới thành phố như sau : phía đông là sông Sài Gòn, phía bắc là rạch Thị Nghè, phía tây từ chùa Cây Mai tới đồn Kỳ Hòa, phía nam là Phú Lâm, với tổng diện tích là 25 km2.

    Năm 1865, Pháp tách Chợ Lớn khỏi Sài Gòn ; năm 1931, lại sáp nhập Sài Gòn với Chợ Lớn thành khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 30-5-1954 đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn ra đời và tồn tại cho đến hết thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa.

    Sài Gòn ngày nay, thành phố lớn nhất và đông dân nhất nước, ở giữa đông và tây Nam Bộ, rộng 2.029 km2, gồm 17 quận, 5 huyện. Các quận nội thành từ 1 đến 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Thủ Đức ; các huyện ngoại thành : Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, với một dân số khoảng 5,5 triệu người.





    "Người Sài Gòn thuở ấy"

    Đã có nhiều người viết rất hay về Sài Gòn và Miền Nam , từ Trịnh Hoài Đức (1765-1825) với Gia Định thành thông chí tới các tác giả bộ Địa chí văn hóa , 4 tập, (1987-1998), nhưng theo thiển ý viết về Sài Gòn trước đây hấp dẫn và cảm động nhất có lẽ là cuốn Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển (xuất bản trước 1975, tái bản 1994), và Người Sài Gòn thuở ấy… của Sơn Nam (1998).

    Hai tác giả lớn này đã cung cấp cho chúng ta nhiều hình ảnh về Gia Định, Bến Nghé, Nhà Bè, Chợ Lớn, Sài Gòn, một mẫu mực văn minh vừa thị thành vừa sông biển, với nghề buôn bán sớm phát triển trên qui mô lớn.

    Vài chục năm sau khi Pháp sang đô hộ, Sài Gòn đã mau lẹ tiếp thu văn minh Tây Âu để trở thành một Hòn Ngọc Viễn Đông, và ở Đông Nam Á, Sài Gòn chỉ đứng sau Singapore và Hongkong nhờ cảng sông thuận lợi và khả năng sản xuất dồi dào lúa gạo, cao su, hoa lành, trái ngọt.

    Trên đường phát triển người Việt ở Sài Gòn đã khéo sát cánh với người Ấn (Chà Và), người Khmer Nam Bộ và nhất là người Hoa bình dân đến từ miền Nam Trung Hoa để làm cho Sài Gòn và Nam Bộ ngày càng giàu đẹp về vật chất lẫn tinh thần.

    Nhà văn Sơn Nam đã vẽ lên cái cảnh sinh động : "Chợ Bình Tây, An Lạc, cầu Ông Lãnh, Bà Chiểu, Tân Định, chợ Bến Thành tấp nập người đến kẻ về (…). Quán ăn tấp nập đủ thứ, đủ giá cả dành cho nhiều hạng người. Sẵn sàng làm quen với người dường như chưa từng gặp mặt, chưa rành lý lịch, trả tiền tách cà phê cho người bạn, hoặc bạn của người bạn (chưa từng quen biết), không tính toán vụn vặt, người Sài Gòn thích ăn uống lai rai để tìm cơ hội gặp bạn bè hoặc thư giãn (…). Ham thích di chuyển gần xa, nếu gặp hoàn cảnh thì đi du lịch, thích đi chùa miếu để cầu xin gặp may mắn hoặc sám hối, tạ ơn (…).

    Kinh tế thị trường đồng nghĩa với "khi lên voi, lúc xuống chó". Gặp người làm giàu nhanh, không nể trọng cho lắm. Gặp kẻ bỗng dưng xuống dốc, không khinh rẻ (…). Cuộc sống chộn rộn như vậy, sống lâu ngày rồi quen trở nên bình thản. Tuy bối cảnh ngày nay khác hơn xưa nhưng người Sài Gòn vẫn lạc quan, sống phóng khoáng. Xứ không bão lụt, lúa gạo dư ăn, khí hậu không khắc nghiệt. Chịu khó đi tìm bạn bè, giữ chữ tín thì gặp cơ hội làm ăn (…). Sài Gòn là nơi "lộn xộn" nhưng hiếu khách dầu quen dầu lạ. Thích đọc báo (để tìm lượng thông tin), thích xem ca nhạc, cải lương (thư giãn nhanh với nghe nhìn), thích bóng đá (thư giãn nhanh, đánh thức tiềm năng đang co cụm)"…

    Đồng bào Sài Gòn ta xưa nay là như vậy đó, vô cùng đáng mến, rất đỗi dễ thương....


    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  9. #9
    Tên những con đường ở Saigon từ thời Pháp thuộc đến thời VNCH.





    Boulevard Bonard- Lê Lợi ( Trụ sở Quốc Hội-Nhà Hát Lớn, bệnh viện Đô Thành, nhà sách Khai Trí,nước mía bò bía Viễn Đông, rạp Vĩnh Lợi, quán cơm Thanh Bạch, quán giải khát Pôle Nord, Hà Nội ice cream,quán kem Mai Hương,Thư Viện Abraham Lincoln, Nhà hàng Kim Sơn, Bồng Lai)

    Boulevard Chanson - Lê văn Duyệt Ngã Bảy trở xuống(Trụ sở Tổng Liên Đoàn Lao Công,, Chợ Đủi, trụ sở Tòa Đại Sứ Miên, nơi hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu góc Phan Đình Phùng, rạp Nam Quang-ngã tư Trần Quý Cáp, rạp Kinh Đô sau là văn phòng Usaid, trường trung học tư thục Trường Sơn, Câu Lạc Bộ Kỵ Mã Sài Gòn)

    Boulevard Charner - Nguyễn Huệ ( rạp Rex, rạp Eden, passage Eden, Thương xá Tax, bánh mì pâté Đô Chính, phòng trà Queen Bee, Tổng Nha Ngân Khố, Kỹ Thương Ngân Hàng, Hôtel Palace,Hãng Charner)

    Boulevard Galliéni - Trần Hưng Đạo (Bộ Lao Động, Nha Cảnh Sát Đô Thành, Sở Cứu Hỏa Đô Thành rạp Nguyễn văn Hảo-Hưng Đạo, rạp Đại Nam, vũ trường Tour d’Ivoire,Bộ Tổng Tư Lệnh quân lực Đại Hàn-Bộ Tổng Tham Mưu cũ, sân bóng rổ Tinh Võ,Khiêu vũ trường Vân Cảnh, Arc en Ciel, Đêm Màu Hồng, trường tiểu học Tôn Thọ Tường, Nhà thờ Tin Lành)

    Boulevard Kitchener - Nguyễn Thái Học ( trường tiểu học Trương minh Ký, trường tư thục Huỳnh Thúc Kháng, rạp Nam Tiến, rạp cải lương Thành Xương, Chợ Cầu Ông Lãnh)

    Boulevard Norodom - Thống Nhất (Toà Đại Sứ Mỹ, Phủ Thủ Tướng, Rạp Norodom-Thống Nhất-xổ số quốc gia giúp đồng bào ta mua lấy xe nhà giàu sang mấy hồi-Trần văn Trạch , hãng nhập cảng xe Peugeot Jean Compte, Bộ Tư Pháp, hãng Esso)

    Boulevard Paul Bert - Trần Quang Khải (Đình Nam Chơn, rạp Văn Hoa)

    Boulevard de la Somme - Hàm Nghi (Đài Pháp Á, Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín,BanqueFranco-Indochinoise, Tổng Nha Thuế Vụ, chợ Chó, chợ Chim, trung tâm Cờ Tướng, tiệm incils quân đội Phước Hùng)

    Rue - 11e RIC (Régiment d’Infanrerie Colonniale)- Nguyễn Hoàng (bến xe lục tỉnh, cư xá hỏa xa)
    - Abattoir - Hưng Phú (Lò Heo Chánh Hưng)

    - d’Adran - Võ Di Nguy Phú Nhuận(Chợ Phú Nhuận, rạp Văn Cầm, rạp Cẩm Vân, cư xá Phú Nhuận)

    - Albert 1er - Đinh Tiên Hoàng ( Sân vận động Hào Thành-Hoa Lư-Citadelle, Tổng Nha Thanh Niên, Asam Đakao, mì Cây Nhãn,Chè Hiển Khánh)

    - Alexandre de Rhodes - Lục Tỉnh ( trung tâm quân báo Cây Mai, bò 7 món Ngân Đình) , đường Alexandre de Rhodes tới thời Cộng Hòa thay thế đường Paracels trước dinh Độc Lập

    - Alexandre Frostin - Bà Lê Chân(hông chợ Tân Định, rạp Moderne sau đổi là Kinh Thành)

    - Alsace Loraine - Phó Đức Chính(biệt thự chú Hỏa-Hui Bon Hoa)

    - Amiral Dupré - Thái Lập Thành

    - Amiral Roze - Trương Công Định (Chùa Chà,chạy xuyên qua vườn Tao Đàn- Vườn Pelouse)

    - d’Arfeuille - Nguyễn Đình Chiểu

    - Armand Rousseau - Hùng Vương( Trường Trung Học Chu văn An,cư xá sinh viên Sài Gòn)

    - d’Arras - Cống Quỳnh (Bệnh viện Từ Dũ, rạp Khải Hoàn, trường trung học tư thục Hưng Đạo-Giáo Sư Nguyễn văn Phú)




    - Arroyo de l’Avalanche - Rạch Thị Nghè

    - Audouit - Cao Thắng ( rạp Việt Long, rạp Đại Đồng Sài Gòn, Chùa Tam Tông Miếu, bánh mì pâté Phò Mã, tư gia nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Lâm Tuyền)

    - d’Ayot - Nguyễn văn Sâm(rạp Kim Châu)

    - Ballande- Nguyễn Khắc Nhu

    - Barbier - Lý Trần Quán(chả cá Thăng Long)

    - Barbé - Lê Quý Đôn (Trung Học Lê Quý Đôn-Chasseloup Laubat)

    - Blan Subé - Duy Tân (Viện Đại Học Sài Gòn,Đại Học Luật Khoa, công trường Chiến Sĩ Con Rùa,Vương Cung Thánh Đường)

    - Bourdais - Calmette

    - Catinat - Tự Do ( Bộ Nội Vụ, bánh mì pâté Hương Lan, Nhà Hàng Caravelle, Nhà Hàng Continental Palace, La Pagode, Brodard, Vũ trường Maxim’s, Hotel Restaurant Majestic, rạp Majestic,Tiệm quý kim Đức Âm, nhà may Cát Phương, Adam,Tân Tân, Phòng Thông Tin cho các cuộc triễn lãm)

    - Chaigneau- Tôn Thất Đạm( khu Chợ Cũ, rạp Nam Việt)

    - Champagne - Yên Đổ (Cư xá Đắc Lộ, trường Anh Ngữ Khải Minh)

    - Charles de Coppe - Hoàng Diệu ( hiệu giày Gia, quán nhậuTư Sanh Khánh Hộ-cari dê)

    - Charles Thomson - Hồng Bàng (bệnh biện Hồng Bàng, đại học Nha Khoa)

    - Chasseloup Laubat - Hồng Thập Tự ( Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia, Hội Hồng Thập Tự Việt Nam, RạpOlympic, bàn ghế Phan văn Nhị, khu quán cháo vịt, Bộ Y Tế, Bộ Tài Chánh, Tổng Nha Ngân Sách Ngoại Viện, Cơ quan Tiếp Vận Trung Ương, Hông vườn Tao Đàn-vườn Ông Thượng- vườn Bờ Rô-Pelouse, Hông Dinh Độc Lập, Hông Thảo Cầm Viên, trường trung học kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ)



    Đường Hồng Thập Tự

    - Colonel Budonnet- Lê Lai (Rạp Aristo, tiệm bánh trung thu Tân Tân, cơm chay Vạn Lộc)

    - Colonel Grimaud - Phạm ngũ Lão (Chợ Thái Bình, tòa soạn nhật báo SàiGòn Mới- bà Bút Trà, rạp Thái Bình, ga xe lửa, quày bán vé Hàng Không Việt Nam)

    - Cornulier - Thi Sách

    - Danel - Phạm đình Hổ

    - Denis Frères- Ngô Đức Kế (Ngân hàng Quốc Gia Việt Nam)

    - Dixmude- Đề Thám

    - Docteur Angier - Nguyễn Bỉnh Khiêm (Thảo Cầm Viên hồ tắm Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tổng Nha Trung Tiểu Học&Bình Dân GiáoDục, trường Trung Học Trưng Vương, Võ Trường Toản, Nha An Ninh QuânĐội)

    - Docteur Yersin - Ký Con

    - Đỗ Hữu Vị - Huỳnh Thúc Kháng (Trường trung học kỹ thuật Cao Thắng,khu chợ Trời)

    - Douaumont- Cô Giang (chợ, rạp hát Cầu Muối)

    - Dumortier - Cô Bắc ( hãng cao su Labbé)

    - Duranton - Bùi thị Xuân( trường trung học Nguyễn Bá Tòng, trường Les Lauriers)

    - Eyriaud des Verges - Trương Minh Giảng (Chợ Trương Minh Giảng, rạp Văn Lang, cổng xe lửa số 6, Viện Đại học Vạn Hạnh)

    - l’Église - Trần Bình Trọng( Hôtel Massage Hồng Tá)

    - d’Espagne - Lê Thánh Tôn (Tòa Đô Chánh, Cửa Bắc Chợ Bến Thành,tiệm vàng Nguyễn Thế Tài-Thế Năng tiệm incils quân đội An Thành, Rạp Lê Lợi, nhà may Văn Quân)


    Thư viện Abraham Lincoln(Góc Lê Lợi-Tự Do)

    và cũng là tòa soạn tạp chí thế giới tự do( Free World)

    - Eyriaud des Verges - Trương Minh Giảng (Chợ Trương Minh Giảng, rạp Văn Lang, cổng xe lửa số 6, Viện Đại học Vạn Hạnh)

    - Faucault - Trần Khắc Chân

    - Frère Louis - Nguyễn Trãi từ Ngã Tư Cộng Hoà đổ vô Chợ Lớn (trung tâm đào tạo huấn luyện viên thanh niên thể thao,Nhà thờ Chợ quán)

    - Frère Louis - Võ Tánh (Sài Gòn) từ Ngã Tư Cộng Hòa đổ xuống Ngã Sáu (cổngchính Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, rạp hát Quốc Thanh, phở 79, nhà mồ Á Thánh Matthew Gẫm, trường nữ trung học tư thục Đức Trí)

    - Frère Guilleraut - Bùi Chu (Nhà thờ Huyện Sĩ)

    - Filippiny - Nguyễn Trung Trực (Nhà hàng Thanh Thế với tuyệt chiêu suôn, nhà hàng Quốc Tế, Bồng Lai, Kim Sơn, rạp Les Tropiques, Văn Khoa cũ, Pháp Đình Sài Gòn)

    - Fonck - Đoàn Nhữ Hài

    - Gaudot - Khổng Tử (Chợ Bình Tây)

    - Georges Guynomer - Võ Di Nguy Sài Gòn(Khu Chợ Cũ)

    - Guillaume Martin - Đỗ Thành Nhân

    - Hamelin - Hồ văn Ngà

    - Heurteaux - Nguyễn Trường Tộ

    - Hui Bon Hoa - Lý Thái Tổ (Phở Tàu Bay, quán Hạ Cờ Tây)

    - Jaccaréo - Tản Đà (khu tiệm thuốc Bắc)

    - Jauréguiberry - Hồ Xuân Hương ( Bệnh viện da liễu-Bạc Hà)

    - Jean Eudel - Trình Minh Thế (thương cảng Sài Gòn, kho 5, kho 10)

    - Lacaze - Nguyễn Tri Phương ( Mì vịt tiềm Lacaze, hủ tiếu Mỹ Tiên, hủ tiếu Cả Cần, bánh bao bà Năm Sa Đéc, quán sò huyết lề đường)

    - Lacotte - Phạm Hồng Thái (toà soạn nhật báo Dân Ta-ông Nguyễn Vỹ)

    - Lacaut - Trương Minh Ký(Lăng Cha Cả-Linh mục Bá Đa Lộc-Pigneau de Béhaines)

    - De Lagrandière- Gia Long ( Dinh Gia Long, Bộ Quốc Phòng, Thư viện Quốc Gia, rạp Long Phụng- phim Ấn Độ, tiệm bánh Bảo Hiên Rồng Vàng, tiệm Đồ da Cự Phú, tiệm quần áo trẻ em Au Printemps, tòa soạn nhật báo Tiếng Chuông-ông Đinh văn Khai, nhật báo Việt Nam của ông Nguyễn Phan Long 1936, nhật báo Tiếng Dội, Tiếng Dội Miền Nam, Dân Quyền của ông Trần Tấn Quốc và nhiều nhật báo khác)

    - Larclause - Trần Cao Vân (bộ Thông Tin)

    - Lefèbvre - Nguyễn công Trứ

    - Legrand de la Liraye - Phan Thanh Giản (Bệnh viện Bình Dân, Chợ 20, Trường Nữ Trung Học Gia Long,bệnh viện St Paul,Trường tư thục Phan Sào Nam, Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi- Đất Hộ, cư xá Đô Thành, rạp Long Vân, bánh xèo Đinh Công Tráng)
    - Le Man - Cao Bá Nhạ

    - Léon Combes - Sương Nguyệt Ánh (văn phòng bác sĩ quang tuyến Lý Hồng Chương, võ trường Hàn Bái Đường ở góc Sương Nguyệt Ánh-Lê văn Duyệt 1954)

    - Lesèble - Lý văn Phức

    - Loucien Lecouture - Lương Hữu Khánh (đường rầy xe lửa Mỹ Tho, miền Trung)

    - Luro - Cường Để (thành Cộng Hòa,Trường Đại Học Y,Dược Khoa,Văn Khoa,
    Nông Lâm Súc)

    - Mac Mahon - Công Lý (Dinh Độc Lập, Dinh Hoa Lan, Phủ Phó Tổng Thống, Chùa Vĩnh Nghiêm, trường tư thục Quốc Anh,Thương xá Crystal Palace-Tam Đa, rạp Hồng Bàng)

    - Marchaise - Ký Con

    - Maréchal Fox - Nguyễn văn Thoại ( trường đua ngựa Phú Thọ, bệnh viện Vì Dân)

    - Maréchal Pétain - Thành Thái (trường trung học Bác Ái)

    - de Marins - Đồng Khánh ( tửu lầu Á Đông, Đồng Khánh, Bát Đạt, Arc En Ciel-ĐạiThế Giới)

    - Martin des Pallières - Nguyễn văn Giai

    - Massiges - Mạc Đĩnh Chi (Hội Việt Mỹ, Ty Cảnh Quốc Gia Quận Nhứt, nhà hàng thịt rừng Trường Can,phở Cao Vân, trường trung học Les Lauriers, bộ Canh Nông)

    - Mayer - Hiền Vương (Nguyễn Chí Nhiều dược cuộc, trung tâm phở gà, giò chả Phú Hương, rạp Casino Đa Kao)

    - Miche Phùng - Khắc Khoan (tư dinh đại sứ Mỹ trước đó là tư dinh của tướng Năm Lửa Trần văn Soái)

    - Miss Cawell - Huyền Trân Công Chúa

    - Nancy - Cộng Hoà ( Trung Học Pétrus Ký, Đại Học Khoa Học, Đại Học Sư Phạm, cửa hông Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia)



    Dinh Độc Lập 1955


    - Nguyễn tấn Nghiệm - Phát Diệm

    - Noel - Trương Hán Siêu

    - Ohier - Tôn Thất Thiệp (hủ tiếu Thanh Xuân, Tài Nam Restaurant với món đuôn chà là chiên bơ rất mắc, Chùa Chà Và)

    - d’Ormay - Nguyễn văn Thinh (tòa soạn nhật báo Thần Chung-ông Nguyễn Kỳ Nam, Restaurant Admiral)

    - Paracels - Alexandre de Rhodes (Học ViệnQuốc Gia Hành Chánh cũ, Bộ Ngoại Giao)

    - Paris- Phùng Hưng ( chợ thịt quay vịt quay)

    - Pavie- Trần Quốc Toản (Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Viện Hóa Đạo - Việt Nam QuốcTự, trường tư thục Hồng Lạc, cục Quân Cụ, chợ cá Trần Quốc Toản)

    - Paul Blanchy - Hai Bà Trưng (Chợ Tân Định, Tổng Cuộc Điện Lực, BGI -Brasseries et Glacières de l’Indochine, Phở An Lợi, cà phê Quán Trúc, vũ trường Mỹ Phụng, công trường Mê Linh,nhà thờ Tân Định)

    - Paulin Vial - Phan Liêm

    - Pellerin - Pasteur ( Viện Pasteur, Khu Phở Gà, Phở Minh, Nhà sách Khai Trí, rạp Casino Sài Gòn sau đổi thành rạp Rạng Đông, nước mía bò bía Viễn Đông)

    Toà Đại Sứ Mỹ (Đại lộ Thống Nhất)

    - Pierre Flandin- Đoàn thị Điểm (hông trường Nữ Trung Học Gia Long, hông Tổng Nha Ngân Sách Ngoại Viện)

    - Laregnère - Bà Huyện Thanh Quan ( Cư xá nữ sinh viên Thanh Quan, Chùa Xá Lợi)

    - Renault - Hậu Giang

    - René Vigerie - Phan Kế Bính

    - Résistance - Nguyễn Biểu (Cầu chữ Y)

    - Richaud - Phan Đình Phùng ( Tổng Nha Kiến Thiết và Thiết Kế Đô Thị, Đài Phát Thanh Sài Gòn, Bảo sanh viện Hồng Đức, Kỳ Viên Tự,Trường Rạng Đông, chợ Vườn Chuối, Restaurant Sing Sing, nhà hàng La Cigale, sân vận động PĐP)

    - Roland Garros - Thủ Khoa Huân

    - Sabourain - Tạ Thu Thâu (cửa Đông chợ SàiGòn, Nhà thuốc tây Nguyễn văn Cao, nhà sách & xuất bản Phạm văn Tươi)

    - Sohier - Tự Đức

    - Taberd - Nguyễn Du (Sở xuất nhập di trú, Nhà thương Đồn Đất- bệnh viện Grall, trung tâm văn hóa Pháp-Centre Cul turel Francais )

    - Testard - Trần Quý Cáp (Vũ trường AuBaccara, Đại Học Y khoa cũ, Trường Âu Lạc)

    - Tong-Kéou - Thuận Kiều (bệnh viện Chợ Rẫy)

    - Turc - Võ Tánh(Phú Nhuận) (Văn Phòng Quận Tân Bình, Phở Quyền, Lăng Cha Cả, bệnh viện Cơ Đốc)

    - Verdun - Lê văn Duyệt Ngã Bảy trở lên (Ngã Ba Chợ Ông Tạ,rạp Thanh Vân)

    - Vassoigne - Trần văn Thạch

    - Yunnam - Vạn Tượng



    Hội Trường Diên Hồng (trụ sở Thượng Nghị Viện-Bến Chương Dương)

    - Quai de Belgique - Bến Chương Dương ( Thượng Nghị Viện- Hội Trường Diên Hồng,Tổng Nha Kế Hoạch)

    - Quai Le Marne - Bến Hàm Tử

    - Quai Le Myre de Vilers - Bến Bạch Đằng (Hotel Restaurant Majestic, Phủ Đặc Ủy Trung ƯơngTình Báo, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, bến đò Thủ Thiêm, Cột Cờ Thủ Ngữ-Point des BlagueurS,tư dinh Thủ Tướng, Sở Ba Son-Arsénal-Hải Quân Công Xưởng)

    - Quai de Fou-Kien - Bến Trang Tử


    nguồn: vietlandnews



    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  10. #10
    Dạo phố Bonard chiều Chủ Nhật
    Chu Trinh


    Phố Bonard chiều Chủ Nhật... Bên kia đường là tiệm kem Bạch Đằng.

    “Hàng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm...” về những buổi chiều đi dạo trên phố Bonard, con đường Lê Lợi xôn xao xiêm áo, nơi hội tụ của những trai thanh gái lịch đất Sài thành, Hòn Ngọc của Viễn Ðông, một thời vui nhộn, một thời huyên náo.Trong lòng những người đã từng đi dạo qua đây một thời trẻ trung vẫn đầy ắp những kỷ niệm ấm áp ngọt ngào.
    Ngày xưa ấy có lẽ Sài gòn không có nơi nào vui chơi hấp dẫn hơn phố Bonard hay sao mà bọn choai choai từ khắp nơi cứ đổ về con đường trung tâm này chỉ để ngắm nhau và khoe quần khoe áo, nhất là vào những chiều Thứ Bảy và Chủ Nhật. Khúc đường cũng chỉ ngắn thôi, bắt đầu từ chợ Bến Thành, hướng về trụ sở Quốc Hội cũ nay là Nhà Hát Thành Phố, cứ chọn đi bên lề bên trái là đông vui nhất vì bọn trẻ toàn đi trên quãng đường này còn bên kia chỉ những người có việc mới vội đi qua vì nắng chiều bên đó gay gắt và không vui mắt bằng bên này.
    Trên đoạn đường này việc buôn bán có vẻ sầm uất,đủ các mặt hàng như quần áo, giầy dép, ví da, túi xách, dây nịt, các loại lịch, tranh ảnh nhưng đáng chú ý là nhà sách Khai Trí, hàng kem Bạch Ðằng ở góc Pasteur, hàng nước mía Viễn Ðông ở bên kia đường và hàng thịt phá lấu cũng ở cạnh nước mía Viễn Ðông là các cô cậu chiếu cố nhiều nhất.
    Bọn trẻ lúc đó làm gì có tiền vào ngồi những nơi sang trọng như Brodard, La Pagode bên Catinat, trong túi chỉ có mấy đồng bạc nên sau khi đi tới đi lui khát bỏng cả cổ chỉ có thể rủ nhau uống ly nước mía $2 hoặc mua vài đồng thịt phá lấu xâu trong cái que tăm vừa đi vừa ăn. Sang hơn thì vào kem Bạch Ðằng ngồi ngắm giai nhân tài tử đi qua đi lại cũng chỉ mất khoảng $10. Thú vị là dân đi dạo đều ăn mặc đẹp đẽ lịch sự.
    Các cô hầu hết đều mặc áo dài muôn màu muôn sắc và muôn kiểu dáng. Sau này tôi còn đọc được là nhiều nữ sinh đã tự vẽ áo dài cho mình đi dạo phố khiến thiên hạ trầm trồ vì vừa lạ vừa đẹp. Hơn nữa là họ không đi một mình mà đi hàng đàn, mặt mày tươi vui, ríu rít như đàn bướm rực rỡ. Từ khi kiểu cổ áo dài Ngô đình Nhu ra đời thì áo dài cũng đột phá sang một giai đoạn mới với rất nhiều kiểu dáng lạ, lúc đầu vạt áo dài gần tới chân, sau đó ngắn dần có lúc chỉ dài hơn cái áo bà ba vài chục phân, cỡ ngang đầu gối. Tay áo lúc thon nhỏ, lúc loe ra, lúc ngắn lại, lúc dài che nửa bàn tay. Thân áo thì ngoài nhiều màu sắc ra còn in hình hoa lá hoặc sọc đủ loại.

    Cuối cùng là các kiểu áo vẽ có thể do các họa sĩ được đặt hàng hoặc do chính chủ nhân của cái áo tự thiết kế. Cái quần dài của các cô cũng có những bứt phá không tiền khoáng hậu. Lúc đầu quần bó ống, quần ống loe rồi nó cứ dần dần rộng thêm ra từ mông xuống ống quần đến nỗi thoạt nhìn không biết cô đó mặc quần hay mặc váy. Ăn mặc như vậy thường bị các vị phụ mẫu cấm đoán. Thời đó báo chí có kể việc một ông bố bắt gặp cô con gái mặc quần maxi ngoài phố đã lấy kéo xẻ một đường dài từ ống quần lên tới gần mông ! Còn lai quần lúc đầu được may lại cẩn thận sau đó người ta chỉ hơ lửa cho hết tưa vải! Cái lai quần hơ lửa nhìn mềm mại và có nét duyên dáng riêng.
    Bọn con trai cũng từng đàn ra phố “rửa mắt” nói nói cười cười, ngó ngang ngó ngửa. Thời đó chưa ai biết đến cái khẩu trang là gì nên người thực việc thực là hiển nhiên, không cần phải khám phá như bây giờ. Quần tây nam tuy ít kiểu cách nhưng lúc lưng cao, lúc lưng thấp,lúc ống nhỏ, lúc ống loe, lúc ống suông với áo sơ mi là chính. Có một số người mặc áo bỏ ngoài quần vẽ hình chim cò rất vui mắt và trẻ trung, họ thường là các sĩ quan trẻ đi tu nghiệp nước ngoài về .Thấy hay, một số người cũng bắt chước.
    Về sau còn có áo thung Montagut là hàng cao cấp cũng được nhiều người ái mộ. Dạo phố Bonard thực ra chỉ là đi lên đi xuống trên một đoạn đường, không phải để mua sắm gì mà chỉ cốt để ngắm thiên hạ đi lên đi xuống; nhưng hết tuần này đến tuần khác, hết tháng này đến tháng khác và thậm chí hết năm này đến năm khác các bạn trẻ cũng không chán, mỗi lần đi họ cũng vẫn tìm được niềm vui mới và những điều mới lạ, thích thú.
    Trong những nhóm đi dạo thường có tiếng sầm xì: con nhỏ đó là dân Văn khoa, anh kia là dân Dược v.v... Phải chăng họ đã ghiền cái không khí, ở đó họ được gặp những khuôn mặt vui tươi,cái sinh hoạt náo nhiệt và mong tìm gặp được bóng dáng hạnh phúc của đời mình trong số những người cùng đi dạo như thế.Vì vậy chiều Thứ Bảy và Chủ Nhật phố Bonard lúc nào cũng tưng bừng náo nhiệt, hầu hết là đám thanh niên nam nữ, giới sinh viên, các quân nhân về phép.
    Nơi đó chính là một vườn hoa xuân và con người là những đóa hoa tươi thắm. Hôm nay sau mấy chục năm tôi lại có dịp đi dạo trên hè phố Lê Lợi chiều Chủ Nhật, con đường xưa còn cất giữ nhiều kỷ niệm ngọt ngào không chỉ của riêng tôi mà còn của nhiều người nữa. Cũng đoạn đường cũ nay đã thay đổi khá nhiều, nhà cửa nhiều chỗ khang trang hơn. Nhà sách Khai Trí nay là FAHASA (cơ quan phát hành sách của nhà nước), không còn đông đảo người vào xem như xưa.
    Kem Bạch Ðằng xây lại, lúc tôi đi qua khá thưa thớt: có mấy người trẻ nước ngoài xen với vài cô cậu người Việt. Nước mía Viễn Ðông và hàng Phá Lấu không còn lại dấu vết gì. Tôi không tìm thấy tà áo dài nào tha thướt trên đường, trừ mấy cô bán hàng bị bắt buộc mặc đồng phục, lượng người đi dạo rất lưa thưa và phần lớn là người nước ngoài. Những nam thanh nữ tú giống ngày xưa giờ chẳng thấy bóng dáng một ai:
    Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo!
    (Bà Huyện Thanh Quan)

    Ngày xưa đi giữa đám đông là hòa mình vào đám đông, ngày nay tôi lạc lõng giữa những du khách nước ngoài như đến một vùng xa lạ. Chợt có một bà người nước ngoài hỏi thăm nơi đến một siêu thị, tôi cũng ngỡ ngàng chẳng biết nó ở đâu mà chỉ. Các cửa hàng chỉ thấy những người ngoại quốc ra vào và có lẽ các chủ nhân cũng chỉ mong như thế. Khách hàng thuộc nhiều quốc tịch và màu da mà không còn có từng đàn cậu trai, cô gái trẻ trung vui tươi dắt nhau trên phố, như ngày xưa, từ các trường đại học Việt Nam trong thành phố mà con số hiện nay rất đông đảo. Không biết giờ này họ đang làm gì hoặc vui chơi ở những chỗ nào?
    Những người muôn năm cũ,
    Hồn ở đâu bây giờ?
    (Vũ Ðình Liên)

    Ði mãi, tôi cũng rẽ sang khu thương xá TAX, bây giờ xây lại rất Tây, sang trọng, nhưng khách hàng lưa thưa ít người ngoại quốc và lẻ tẻ vài cặp người Việt. Ở đây tôi có cảm giác mình đang shopping ở một nơi nào không phải Việt Nam.
    Có người bảo không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông. Dòng thời gian trôi đi đã xấp xỉ trên dưới bốn mươi năm, biết bao biến cố đã xảy ra, tinh thần và cả thể xác con người đã thay đổi quá nhiều, trai thanh gái lịch ngày xưa giờ chỉ còn là những cụ già nhăn nheo, lọm khọm phiêu bạt khắp nơi trên trái đất. Những ai muốn tìm lại cảm giác của quá khứ trên con đường này chỉ họa may còn thấy trong giấc mơ.”


    Phố Bonard chiều Chủ Nhật...Bên kia đường là khách sạn Rex..

    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

 

 

Similar Threads

  1. Thành phố hồng cuối hạ
    By đoa hong tim in forum Truyện
    Replies: 28
    Last Post: 11-22-2015, 05:22 AM
  2. Thành Phố Mẹ
    By cao nguyên in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 4
    Last Post: 02-24-2012, 06:48 PM
  3. Thành viên mới, xin ra mắt :)
    By Lam SJ in forum Làm Quen/Nhắn Tin/Hỏi Đáp
    Replies: 9
    Last Post: 01-02-2012, 11:30 AM
  4. Thành viên mới
    By Cantho63 in forum Làm Quen/Nhắn Tin/Hỏi Đáp
    Replies: 14
    Last Post: 11-07-2011, 12:32 PM
  5. Thành viên mới.
    By Minhtuong in forum Làm Quen/Nhắn Tin/Hỏi Đáp
    Replies: 3
    Last Post: 10-26-2011, 12:37 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:22 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh