Register
Page 4 of 7 FirstFirst ... 23456 ... LastLast
Results 31 to 40 of 63
  1. #31
    Trảng Bom Bão Lửa



    Trảng Bom-Hố Nai ngày 29-4-1975

    Bút Ký Chiến Trường
    :::Kỵ Binh Vũ Ðình Lưu:::
    (Chi đoàn trưởng Chi Ðoàn 2/5 Thiết Kỵ)





    Đặc Nhiệm (Sư Đoàn 18 BB) sau những ngày quần thảo ác liệt với Đại binh CSBV tại Quốc Lộ 20, khu vực Dầu Giây, ấp Nguyễn Thái Học bị tổn thất nặng nề. Chiều tối ngày 15-4-75 toàn bộ lực lượng mở đường máu về ấp Bàu Hàm. (xem bài “Quốc Lộ 20, hành lang của Tử Thần” cùng tác giả.)

    Với 12 ngày đêm vừa qua, mặc dù chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi. Nhưng người lính Cộng Hòa đã gánh chịu bao đau thương chồng chất. Lính khổ, gia đình lính chịu nhiều thiệt thòi, lính lấy hai chữ số phận, vì đất nước chưa đến hồi thanh bình để tự an ủi chính mình, nên lính mỉm cười. Nhưng, dân khổ lính không cầm được nước mắt.Vì thế cuộc đã được sắp đặt từ trước của các siêu cường quốc, nên người lính không cản ngăn được sức tấn công điên cuồng của CSBV để cưởng chiếm miền Nam VN.

    Nước mắt của người lính tuôn rơi, khi chứng kiến hàng đoàn người vội vàng, tức tưởi gánh gồng thoát vùng lửa đạn Chiến tranh sắp đến trên Quốc Lộ 20. Những cụ già, những em bé hai chân run rẩy, bỏng rát trên mặt đường nhựa bốc khói của nắng tháng 4. Chỉ trên vài ba chục cây số trên Lộ 20, chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi đã là như thế, huống chi trên khắp quê hương miền Nam trong suốt chiều dài cuộc chiến! Người lính chiến trẻ chúng tôi chấp nhận quá khứ, xếp bút nghiêng để khoác vào người chiếc áo trận.Với hiện tại dù hiểm nguy không sờn lòng và cả tương lai đang mịt mù trước mắt.
    Sáng ngày 16-4-75 Trung Đoàn 52 BB còn lại về Long Bình. Chi Đoàn 2/5 Thiết Kỵ (CĐ 2/5 TK) di chuyển ra Trảng Bom tăng phái cho Lữ Đoàn 3 Xung Kích (LĐ 3 XK). Chi Đoàn được Tướng Khôi cho làm lực lượng Trừ bị và tu bổ xe cộ, bổ sung quân số, tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm; chờ lệnh mới.

    Ngày 18-4-75 CĐ 2/5 TK di chuyển đến Tam Hiệp-Biên Hòa tăng phái cho Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù (TĐ 7 ND) , đóng quân tại hậu cứ Tiểu Đoàn. Liên quân này làm lực lượng phản ứng nhanh cho Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3, có nhiệm vụ chính là tiếp ứng cho các đơn vị bảo vệ thành phố Biên Hòa khi bị CSBV tấn công. Thiếu Tá Nguyễn Lô và tôi còn nhận nhiều lệnh tối mật trực tiếp từ Tư Lệnh Quân Đoàn là Tướng Toàn .

    Đây là lần thứ 4 Chi Đoàn tôi tăng phái cho TĐ 7 ND. Lại gặp một người hùng: Thiếu Tá Nguyễn Lô, một Tiểu Đoàn Trưởng mũ đỏ nổi tiếng. Đơn vị tôi đã từng yểm trợ cho Tiểu Đoàn ông ở mặt trận Hố Bò, Bời Lời, Củ Chi, Bến Cỏ. Trước sức tấn công như vũ bão của lính Dù dưới hỏa lực kinh hồn của Thiết Giáp, liên quân lúc nào cũng làm chủ chiến trường. Một người với vóc dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn, uống rượu như hủ chìm, nhưng chưa bao giờ say .Người đã vượt trại giam, đón xe đò ra đi tìm tự do khi trên người vẫn hiên ngang khoác chiếc áo trận rằn ri (nay thành áo tù).
    Một trong những mật lệnh đó là bất cứ giá nào, phải bảo vệ cho bằng được những nhân vật quan trọng, cao cấp trong Đặc khu Long Biên và Quân Đoàn 3, đặc biệt là các viên chức Dân, Quân sự Ngoại Quốc. Nhưng tình huống xấu đã không xảy ra.

    Đến ngày 20-4-75, TĐ 7 ND và CĐ 2/5 TK di chuyển xuống quận Đức Thạnh (Th/tá Giao làm Quận Trưởng) Tỉnh Phước Tuy. Tối ngày 20-4 liên quân Nhảy Dù-Thiết Giáp này hành quân lên hướng Xà Bang để yểm trợ cho SĐ 18 BB,Tiểu Khu Long Khánh, LĐ 1 Nhảy Dù,Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh (Th/Đ 5 KB-Tr/tá Trần Văn Nô Thiết Đoàn Trưởng, Th/tá Nguyễn Đức Đào Thiết Đoàn Phó) gồm có Chi Đoàn1/5 Chiến Xa (CĐ 1/5 CX-Đại úy Lê Đức Việt Chi Đoàn Trưởng) Chi Đoàn 3/5 Thiết Kỵ (CĐ 3/5 TK-Đại úy Lê Sơn Chi Đoàn Trưởng), BĐQ… từ Xuân Lộc rút về Bình Giả.

    Sáng ngày 22- 4-75 Th/Đ 5 KB gồm CĐ 1/5 CX và CĐ 2/5 TK di chuyển về Biên Hòa Hố Nai ( trừ CĐ 3/5 TK tăng phái cho TĐ 7 ND vẫn còn có nhiệm vụ hành quân khu vực Bình Ba-Xà Bang yểm trợ cho các cánh quân chưa về đến Bình Giả ,như vài cánh quân của LĐ 1 ND có nhiệm vụ rút ra sau cùng)



    Th/Đ 5 KB về đến Hố Nai, phối hợp với TQLC phòng thủ khu vực Bắc sân bắn Hố Nai. Lợi dụng thời gian tương đối yên tỉnh này toàn bộ Thiết Đoàn củng cố lại đơn vị sau 12 ngày đêm quần thảo đẫm máu với CSBV tại Xuân Lộc. (Tôi có gặp Tr/tá Nguyễn Đằng Tống-Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 468 TQLC (LĐ 468 TQLC) khi thị sát vòng đai phòng thủ. Ông là một trong những Đại Đội Trưởng,Tiểu Đoàn Trưởng nổi tiếng của Binh Chủng TQLC.



    Những kỹ niệm thân yêu lại hiện về. “Ngũ quái” TQLC (Chữ của bà chị dâu tôi cũng là chị ruột của Tr/tá Tống) gồm: Tống (Quái Điểu),Tùng (Thần Ưng) Phúc (Trâu Điên), Hoàng, Toàn (Tất cả đều là K 16 VBQG.). Các anh khi về phép thường xuyên lưu lại nhà anh tôi tại Sàigòn và…thiệt tình!… đúng nghĩa với 2 chữ “Ngũ quái”. Anh ta có nói: “ Gặp được mày kỳ này, tao vui lắm, TQLC và Thiết Giáp nhất định phải làm cho Tùng, cho Phúc ở bên kia thế giới hài lòng. Khi nào về phép Sàigòn nhớ cho tao biết để anh em mình cùng đi phòng trà”.
    Trưa ngày 28-4-75 CĐ 2/5 TK di chuyển lên Trảng Bom, đóng quân gần sân bay nhỏ (của Đồn điền cao su) phía Bắc QL1. Tôi đứng trên xe nhìn về hướng Long Thành nhiều cột khói đen bốc lên cao; được biết các Thiết Đoàn của LĐ 3 XK đang giao tranh với Chiến xa CSBV khu vực Trường Thiết Giáp Long Thành.

    Trảng Bom, nằm trên QL1 kế tiếp Hố Nai về hướng đi Long Khánh. Một Thị trấn nhỏ bé, hiền hòa và thơ mộng, bao bọc bởi những rừng cao su xanh mướt. Trảng Bom vốn đã buồn nay lại càng đìu hiu, dân cư đã di tản gần hết, mấy ngày nay chỉ còn lại là lính.
    Đồng bào thôn quê miền Nam mình khổ, bất hạnh đến mức đó sao! Dọc đường 20 từ Định Quán đến Ngã Ba Dầu Giây, rồi đến Trảng Bom, Hố Nai nhà nhà kín cửa then cài, người người tất bật tìm về nơi an toàn hơn. Một dấu hiệu báo trước, một cuộc giao tranh sẽ tiếp theo sau.

    Đến 8 giờ tối tôi xin Hỏa Long (danh hiệu truyền tin cùa Tr/tá Nô) di chuyển Chi Đoàn qua phía Nam Quốc Lộ1, cách vị trí cũ chừng 300 mét, phòng thủ chung với Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn và CĐ 1/5 CX từ Hố Nai vừa mới di chuyển lên. Như vậy lực lượng tại đây là Th/Đ 5 KB (trừ CĐ 3/5 tăng phái cho Tiểu Đoàn 3/48-Th/tá Phúc) và một Đại Đội Bộ Binh tùng thiết. Tuyến đầu lúc này là Hưng Nghĩa, Hưng Lộc trấn thủ bởi 2 Trung Đoàn 43 và 48 thuộc SĐ18 BB thay thế cho LĐ 3 XK đã có nhiệm vụ mới ở khu vực trường Thiết Giáp Long Thành, Quốc Lộ 15.

    Một giờ sáng ngày 29-4-75 trận chiến bắt đầu.Vị trí đóng quân của CĐ 2/5 TK lúc ban ngày, bị hỏa tập bằng đại pháo 130 ly và hỏa tiển 122 ly. Hàng trăm trái đạn trút xuống một vị trí nhỏ bé, bọn chúng tưởng rằng đủ để Thiết Giáp và Bộ Binh tại đây tan nát. Chúng có ngờ đâu đơn vị tôi đã di chuyển và đóng quân cách đó 300 mét. Hướng Hưng Nghĩa lực lượng CSBC cấp Sư Đoàn tấn công dữ dội vào các đơn vị của 2 Trung Đoàn 43, 48 và CĐ 3/5 TK. Đủ loại âm thanh vọng về, hàng trăm ánh Hỏa châu soi sáng, lửa khói mù mịt khu vực Bàu Cá, Hưng Nghĩa. Tất cả mọi người tại đây đều căng mắt nhìn màn đêm, sẳn sàng cho cuộc giao tranh chắc chắn sẽ đến.
    Hỏa Long cứ năm ba phút gọi tôi và Đại úy Việt một lần, trong lòng ông lo âu vì biết trận chiến tàn khốc sắp sửa đến với Thiết Đoàn 5 Ky Binh. Sau hai tiếng đồng hồ căng thẳng từng giây từng phút. Hỏa Long cho tôi và Việt biết CĐ 3/5 hạ được 2 Chiến xa tại Hưng Lộc nhưng phải đổi lấy 2 M 41. Mặt trận tuyến đầu này do Tiểu Đoàn 3/48 BB và CĐ 3/5 TK chống trả quyết liệt trước sức tấn công điên cuồng của CSBV với quân số bộ chiến gấp cả chục lần.Và Chiến xa gấp bội so với số Chiến xa của ta. Nhưng nhờ hai đơn vị thiện chiến đã ngăn cản được phần nào sức tiến công nhanh chóng của bọn chúng về hướng Biên Hòa. Trong lúc đó có nhiều đơn vị bạn đã được lệnh và đang rút về hướng vị trí phòng thủ của Thiết Đoàn. Ông ta lập đi lập lại nhiều lần, thật cẩn thận coi chừng lẫn lộn bạn và địch. Chúng tôi vô cùng phấn khởi trước chiến thắng của hai đơn vị trên.

    Tính của Tr/tá Nô hay lo lắng, mọi việc ông đều tiên liệu từ trước. Sống và làm việc gần ông, Đ/ tá Trần VănThoàn, Tr/tá Thái Minh Sơn nhiều năm (khi tôi ở Ban 3 HQ) lúc nào các ông cũng rất cẩn thận, giải quyết khéo léo mọi vấn đề. Từ khi làm việc ở Ban Tham Mưu đến khi Chỉ huy Chi Đoàn tôi học hỏi được nhiều điều hay và rất vinh hạnh làm việc gần 3 ông . Tr/tá Nô người miền Nam (Sa Đéc) phúc hậu. Ông và Tr/tá Sơn đều có bản tánh chất phác, hiền hoà và thương lính, các ông thể hiện rõ ràng là một cấp Chỉ huy lẫn Tham mưu dày dạn kinh nghiệm. Tr/tá Nô vui tính, hay khôi hài để giảm sự căng thẳng khi làm việc, nhưng với ông lệnh lạc thật rõ ràng, cấp dưói phải nghiêm chỉnh thi hành. Còn Đại Tá Thoàn , với bản tính tự tin ,can đảm và nhanh nhẹn. Ông có cách điều quân khéo léo, tấn công thần tốc, phản ứng chớp nhoáng nên các đơn vị hành quân dưới quyền ông rất an tâm.

    Khoảng 3 giờ sáng, có rất nhiều bóng người xuất hiện cách xa vị trí đóng quân và bị che khuất bởi rất nhiều cây như chuối, chồi, cỏ tranh cao đến cổ. Dưới ánh sáng mờ ảo của Hỏa châu, chúng tôi không thể xác định bạn hay địch vì hệ thống truyền tin của các đơn vị bạn bận rộn, rối ren không liên lạc được. Cũng không thể dùng ánh sáng cơ hữu vì sợ lộ vị trí.Tôi báo cáo cho Hỏa Long biết, ông nhắc lại quan sát thật cẩn thận, phải biết chính xác là địch mới được tác xạ.

    Đoàn người càng ngày càng đông như đi biểu tình, và càng ngày càng tiến gần vị trí Chi Đoàn. Bổng trong hệ thống truyền tin, Th/úy Trự Chi Đội Trưởng nói thật nhanh: “Báo cáo Phi Hổ (Danh hiệu truyền tin của tôi) có nghe tiếng người nói: “Tăng ta hay tăng Ngụy?”. Phản ứng của tôi thật nhanh, ra lệnh các Chi Đội bấm mìn và tác xạ. Hàng chục quả Mìn định hướng (mìn Claymore) được kích hỏa bùng nổ. Hàng chục khẩu Đại liên nhả đạn, súng cá nhân M 16, M 79 của Bộ Binh cùng thi nhau bắn xối xả, như một con sóng lửa đẩy dạt bọn chúng về phía sau. Hỏa Long như hét vào tai tôi “Phi Hổ, coi chừng bắn vào bạn”, tôi xác nhận đó là VC, ông mới an tâm. Tôi lệnh cho 3 khẩu 76 ly của Chiến xa M 41, 3 khẩu 106 ly không giật gắn trên xe M 113 bắn đạn chài khoảng cách nổ 30 mét. Ba khẩu súng cối 81ly của Chi Đoàn và 3 khẩu cối 106 ly của Thiết Đoàn thi nhau phóng những quả đạn nổ với không thuốc bồi chung quanh vị trí phòng thủ. Những quả đạn trái sáng bùng cháy, chúng tôi thấy rõ hàng trăm CSBV với trang bị đầy đủ hốt hoảng dội ngược, la hét chạy tán loạn về phía Đông (hướng chi khu Trảng bom) và hướng Nam (có đường rầy xe lửa). Ngay tức thì hướng Bắc, CĐ 1/5 CX bắt đầu nổ súng càng ngày càng dữ dội. Với hỏa lực của Chiến xa đánh bạt chúng về phía sau một cách nhanh chóng.

    Như vậy CSBV hoàn toàn không biết vị trí của Thiết Đoàn, di chuyển ngang qua và gặp phải Thiết Giáp. Tao ngộ chiến, như chui đầu vô ổ kiến lửa! Quá bất ngờ và dưới hỏa lực mạnh của Thiết Giáp, chúng không kịp có một phản ứng nào, chỉ biết tháo chạy tán loạn. Chừng 10 phút sau tôi và Việt cho ngưng tác xạ để quan sát tình hình. Hỏa Long nhắc các Chi đội của Bộ Chỉ Huy bố trí ở hướng Nam và Tây sẳn sàng tác chiến.Tình hình trở lại im lặng, ngộp thở. Chúng tôi biết lực lượng CSBV không dưới cấp Trung Đoàn sẽ tấn công chúng tôi sau khi chỉnh đốn lại hàng ngũ. Và nhất là chúng sẽ điều chỉnh pháo cường tập vào chúng tôi vì vị trí đã bị lộ. Thật tình nói rằng chúng tôi rất sợ pháo của CSBV. Hai bên xung trận, chết sống chúng tôi không sợ. Nhưng sợ pháo, trong thời gian qua chúng tôi đã bị hứng pháo quá nhiều. Riêng chi đoàn tôi tất cả các xe đều bị trúng mảnh gang của đạn pháo, thành xe M113 nào cũng rổ chằn rổ chịt! Nhưng nhờ ơn trên che chở nên chưa hề có một trái đạn nào… chui lọt vào trong xe cả!

    Nửa giờ sau phòng tuyến phía Nam bị lực lượng CS cấp Tiểu Đoàn tấn công, các Chi Đội Chỉ Huy của Thiết Đoàn chống trả mãnh liệt. Theo lệnh Hỏa Long tôi điều động một Chi Đội Thiết kỵ và 3 Chiến xa M 41 bung ra khỏi vị trí phòng thủ và đánh ngang hông địch. Chừng nửa giờ giao tranh ác liệt chúng rút lui về hướng Nam. Trong trận đụng độ này đơn vị tôi 3 binh sĩ tử thương, một bị thương, một Hạ Sĩ Quan là Tr/sĩ Hiếu bị thương vì một xe M113 bị trúng hỏa tiển B40 bốc cháy. Tôi đưa anh em bị thương về xe Y Tá của Thiết Đoàn để băng bó vết thương và điều 2 Chi Đội trở về vị trí cũ phòng thủ.







    Tình hình lại yên tỉnh, không biết địch mưu toan gì kế tiếp. Chúng tôi không biết sự thiệt hại của lực lượng CSBV như thế nào vì không thể kiểm kê. Nhiều cánh quân tại tuyến đầu là Hưng Lộc, Hưng Nghĩa dựa vào đường rầy xe lửa rút về hướng Hố Nai đã qua khỏi vị trí của Thiết Đoàn. Đến 4 giờ sáng ngày 29-4-75, lực lượng CSBV bắt đầu pháo kích bằng Đại pháo 130 ly. Mới đầu một vài trái rơi khá xa; chúng điều chỉnh từ từ lại gần vị trí đóng quân. Và tiếp theo vài trái rơi chính xác trong chu vi phòng thủ. Hỏa Long cho lệnh bung rộng đội hình để tránh pháo. Sau chừng 10 phút CSBV bắt đầu pháo cường tập vào vị trí. Pháo đủ loại 130 ly 122 ly, cối 82 ly đổ ập xuống vị trí. Chúng tôi bung đội hình rộng thêm, ngay lập tức chạm địch. LLCSBV đông đảo bắt đầu tấn công mãnh liệt. Hướng Nam các Chi Đội Chỉ Huy bị tấn công mạnh bằng Bộ Binh và xử dụng nhiều loại súng chống chiến xa .

    Tôi bấm ống Liên hợp Truyền tin xin Hỏa Long cho 3 Xe phun lửa làm việc vì phía ngoài chúng tôi toàn cỏ tranh cao đến đầu người. Ba xe M132 phun ra 2,400 lít xăng đặc nén tạo nên những đám cháy dữ dội bùng lên ở khoảnh cách 200 mét. Tiếp liền một Xe phun lửa bị bắn hạ bởi Đại bác 75 ly bốc cháy ngùn ngụt. Xe M 113 (Xe Y Tá) bị B 40 bắn thủng hông. Thật xui cho các anh em bị thương vừa qua ở trên xe này phải một lần nữa… suýt chết! (Tr/sĩ Hiếu, một Hạ Sĩ Quan hành quân, trẻ nhưng can đảm và nhiều kinh nghiệm, mới có nửa tháng bị thương lần thứ 3!).
    Hỏa Long và Th/tá Đào tức tốc điều Chi Đoàn tôi đối đầu với địch ở phía Nam (có đường rầy xe lữa Biên Hòa-Long khánh), để trám vào vị trí các Chi Đội Chỉ Huy đang chao đảo. CĐ1/5CX đánh trả ở hướng Bắc và hướng Đông thay đơn vị tôi. Ba hướng: Nam, Đông, Bắc đều bị sức tấn công dồn dập của CSBV. Chúng biết lực lượng đối đầu chúng là Thiết Giáp Binh nên chúng xử dụng toàn các loại súng chống Chiến xa. Những quả đạn hực lửa của B 40, B 41, Đại bác 57 ly, 75 ly không giật, tới tấp bay vào đội hình Thiết Đoàn. Các Chi Đội Chỉ Huy chuyển sang thủ hướng Tây (hướng về Hố Nai). Sau hơn một giờ giằng co bất phân thắng bại. Hỏa Long ra lệnh lui binh.
    Lại lệnh lui binh! Lệnh từ trên ban xuống, chúng tôi là những cấp Chỉ huy nhỏ, chỉ biết thi hành.Tấn công thì dễ, nhưng lui quân khó biết dường nào. Trong Binh pháp lui binh trong lúc giao tranh ác liệt là chiến thuật khó khăn nhất. Hai tuần lễ đầu tháng 4-75, CĐ 2/5 TK này đã lui binh nhiều lần với tổn thất không nhỏ. Đến nổi phải mở đường máu để bảo toàn lực lượng, giờ phút này lại nhận lệnh… lui binh khi trận chiến đang ác liệt chưa phân thắng bại. Tôi nghĩ quá nguy hiểm khi địch biết chúng tôi quay đầu xe rút lui dù xử dụng thế “Chân vẹt” đi chăng nữa.

    Tất cả các đơn vị đều dùng hỏa lực cơ hữu áp dụng thế “Chân vẹt” tối đa để yểm trợ lẫn nhau và tuần tự lui quân. Phi tuần oanh tạc không thấy, Pháo binh im hơi lặng tiếng. Thật sự chiến đấu trong cô đơn và bị động hoàn toàn, buồn thay! Trước đây không lâu tất cả mọi cuộc hành quân chúng tôi chủ động với Phi Pháo yểm trợ đầy đủ. Các đơn vị Trừ bị sẳn sàng nhảy vào vòng chiến nếu cần, còn bây giờ… “mạnh ai nấy lo”, uất nghẹn thay, tủi nhục thay cho một Quân Đội đang bị bức tử.
    Các Chi Đội của Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn dẫn đầu xuôi về hướng Tây ( Hố Nai) . CĐ 1/5 CX chống trả, cản hậu hướng Đông và Bắc. CĐ 2/5 TK đánh trả hướng Nam. Tất cả giữ vững đội hình vừa giao tranh vừa rút lui. Khoảng 6 giờ sáng, mới hừng Đông, chúng tôi nhìn thấy nhiều Chiến xa CSBV xuất hiện và đang đuổi theo đoàn quân của chúng tôi. Tôi biết rằng, Chi Đoàn tôi mặc dù vẫn còn 3 Chiến xa M 41, 3 xe M 113 trang bị súng 106 ly không giật nhưng sẽ không địch lại với nhiều Chiến xa T 54. Còn CĐ 1/5 CX sắp giao tranh với T 54 vì chúng cũng sắp đến trong tầm chính xác của Đại bác 76 ly trên Chiến xa M 41.

    Tôi liền điều động Chi Đoàn qua bên phải đường rầy xe lửa để lấy lợi thế về địa hình và tạo khoảng cách giữa ta và địch cũng như dễ bề xoay xở hơn. Nhờ địa thế này tránh đạn đạo Đại bác 100 ly của T 54 trực xạ vào cạnh sườn trái. Tất cả đều di chuyển về hướng Hố Nai, chỉ tác xạ cầm chừng và khi thấy rõ địch. Không bao lâu CĐ 1/5 CX bị T 54 tấn công. Đơn vị tôi cũng bị Bộ Binh CSBV bám sát và tấn công mạnh từ bên kia đường rầy, xa hơn nữa là T 54 đang bám theo. Đủ mọi loại súng thi nhau tác xạ, những luồng đạn lửa đan chéo nhau giữa ta và địch. Tình hình trở nên nguy kịch vì Chiến xa T 54 đã bám theo kịp và bắt đầu khai hỏa . Những tiếng rít rợn người của đạn 100 ly, từng cục lửa đỏ hực bay vút qua đội hình của 2 Chi Đoàn và nổ ngay giữa đội hình của Thiết Đoàn. Cộng với Súng cối 82 ly của địch đang rót đạn vào đoàn quân. Việt và tôi chỉ biết vừa chống trả với tất cả mọi hỏa lực cơ hữu vừa di chuyển theo hai bên trái, phải Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn rút về Hố Nai.
    Tôi nhìn qua quan sát vài anh em Bộ Binh và Kỵ Binh trên xe Chỉ Huy,họ đang cầu xin một điều gì đó? Xin một phép lạ đến với họ và cho tất cả mọi người đang đối mặt với Tử thần? Trong cơn nguy biến và tuyệt vọng, nói thật ra tâm linh mỗi người đều dậy lên một niềm hy vọng dựa vào các Đấng Quyền Uy. Riêng tôi, đã làm Dấu Thánh Giá cầu xin Đức Chúa Toàn Năng, cầu xin Mẹ Maria đầy ơn phước bao che cho tất cả mọi người lính nơi đây tai qua nạn khỏi. Cầu mong Phép Nhiệm mầu, Quyền năng của Đấng Tối Cao sai khiến và làm thay đồi tình huống cực kỳ nguy hiểm hiện tại.
    Dòng suy nghĩ chợt tắt khi hệ thống Truyền tin, Hỏa Long gọi tôi và Việt tiếp chuyện. Trong lúc thập tử nhất sinh ông cho biết có 2 Phi tuần bom Napalm (Bom xăng đặc) đang bay tới. Tôi và Việt bớt lo phần nào, tôi ngửa mặt lên, nhìn thấy những chiếc Khu trục hùng hổ bay sà sát xuống mặt đất. Chúng tôi chưa kịp nói thêm được gì, yêu cầu đánh ở đâu thì những luồng đạn Đại bác 20 ly nổ tóe lửa cách các xe bìa chừng 50 mét. Tiếp đến, một dòng thác lửa cuồn cuộn bùng lên sát hông trái đội hình Chi Đoàn. Một đám lửa lớn nữa trải dài bên hông phải của CĐ 1/5 CX. Trong đời Binh nghiệp của tôi, tôi chưa bao giờ thấy các Sĩ Quan Không Trợ điều chỉnh chính xác như thế này. Hay các Phi Công tài ba liều lĩnh thả những trái bom hết sức mạo hiểm (không giữ khoảng cách an toàn) như hôm nay.

    Tôi tự nhủ rằng lần sau đừng có đánh bom kiểu này nữa nha anh bạn Phi Công Khu Trục. Nhưng oái ăm thay không có một lần sau nào nữa cả. Đó là những Phi vụ cuối cùng của các anh, hay những quả bom cuối cùng được thả xuống cho cuộc chiến? Cả hai đều đúng. Tri ân các anh bạn Không Quân đã làm thay đổi tình huống nguy khốn.
    Hai đám lửa lớn trải dài kẹp hai bên trái, phải của hai Chi Đoàn và bạt mạnh về hướng địch. Phải khen rằng những anh Phi Công này có kỹ thuật đánh bom Napalm xuất chúng. Khói lửa mù trời, nghẹt thở. Sức nóng bỏng rát của bom xăng hắt vào mặt mọi người và bao trùm bởi khói đen vì những quả bom lửa nổ quá gần vị trí. Thật quá nguy hiểm nhưng nhờ “Thần Lửa” đã tạo ra một khoảng cách khá xa giữa ta và địch, đã đẩy lùi địch về phía sau và đẩy lực lượng ta… về phía trước.
    Tất cả tiếng súng bên ta, bên địch đều ngưng hẳn cùng một lúc. Chưa bao giờ có cái lệnh ngưng bắn cho cả 2 bên hiệu quả như lần này!…Tất cả như hoàn hồn, tôi ngước mắt nhìn lên trời 4 chiếc Khu trục đã cất lên tận trời xanh, xa xa những luồng lửa đạn Thượng liên 12ly8 của địch bắn đuổi theo sau một cách tuyệt vọng.

    Hỏa Long ra lệnh cho tất cả tăng tốc độ tiến về phía trước. Bỏ lại sau lưng một biển lửa mênh mông. Bỏ lại trên vùng đất mang địa danh Trảng Bom hiền từ những gì tệ hại nhất của trận chiến tàn khốc. Một sự trùng hợp khá bẽ bàng Trảng BOM với HỎA Long, trọn nghĩa hơn là bom đạn và lửa khói đang hiện hữu nơi đây.
    Kết quả trận chiến vừa rồi dưới mắt chúng tôi là 1 Chiến xa M 41, 2 M 113, 1 xe M 132 (xe phun lửa) đổi lấy 3 T 54 của địch. Ta- Địch, thua huề hay thắng? Đến giờ phút này, tất cả đều không còn thành vấn đề nữa, theo lệnh trên miễn sao chúng tôi chiến đấu đến cùng. Và chúng tôi đã làm chùn bước trước sức tiến quân của một lực lượng CSBV cấp Sư Đoàn có Chiến xa, Trọng pháo yểm trợ.

    Chúng tôi lại chào tạm biệt thêm một Thị trấn của miền Đông đất đỏ đầy máu lửa chiến chinh!.
    Bộ Chỉ HuyThiết Đoàn 5 Kỵ binh ,CĐ 1/5 CX và CĐ 2/5 TK di chuyển về Hố Nai lúc 12 giờ trưa ngày 29-4-75 và bố trí trên một ngọn đồi thoai thoải thấp phía sau Nhà Thờ Tân Bắc. Tuyến đầu bây giờ là LĐ 468 TQLC phụ trách, cách vị trí chúng tôi 2 cây số về hướng Trảng Bom.
    Theo lời yêu cầu của Tr/tá Nguyễn Đằng Tống Lữ Đoàn Trưởng. Hỏa Long gọi tôi cùng ông gặp Tr/tá Tống để phối hợp phòng thủ. Ba người họp ở bên hông Nhà Thờ Tân Bắc- Hố Nai để phối hợp chiến thuật giữa TQLC và Thiết Giáp trong thời gian sắp tới.

    Tr/tá Nô và tôi xuống xe M 113 Chỉ Huy và đi bộ lại chiếc xe JEEP của Tr/tá Tống. Ông tiến tới đón 2 hai người, ông bắt tay Tr/tá Nô xong quay nhìn tôi chăm chăm một lúc, và hỏi: “Đại úy Lưu có lại không Tr/tá ?”. Tôi liền nói lớn: “Em Lưu nè, anh Tống”, hai mắt anh mở lớn nhìn tôi kinh ngạc, ôm choàng lấy người tôi nói: “Trời! mầy đây hả Lưu”. Tôi chợt nhớ là mình chưa kịp rửa mặt, nhìn xuống bộ đồ trận đã đổi thành màu đen với bụi, tro lốm đốm bám đầy mình. Tôi đi lại soi mặt vào chiếc kính chiếu hậu của chiếc JEEP …tôi cũng không nhận ra tôi vì… không giống ai! Bảng tên trên ngực áo cũng đã mất chữ. Te tua quá đổi! Người lính TQLC nhìn mặt tôi và quay đi với nụ cười lén, anh trao cho tôi một “bình ton” nước. Và tôi xóa đi lớp bụi đen thui, đen thủi. Xóa thêm một cơn ác mộng, cơn ác mộng thứ tư trong vòng chưa đầy nửa tháng!

    Cả 3 người Tr/tá Nô,Tr/tá Tống và tôi thả bộ ra đường phố Hố Nai để quan sát tình hình. Nhà dân, phố xá đóng cửa kín mít, hàng quán không còn bày bán một thứ gì cả. Có nhiều anh em Nghĩa Quân, Nhân Dân Tự Vệ trang bị vũ khí chạy ngang chạy dọc chỉ chỏ lung tung. Ngày trước khu vực này sầm uất buôn bán nhộn nhịp, tấp nập, hôm nay vắng vẻ đìu hiu quá. Tôi gọi một anh Nghĩa Quân có vẻ là toán trưởng lại đề hỏi chuyện. Anh ta mặc đồ dân sự tay cầm khẩu súng phóng lựu M 79 với 2 dây đạn đầu màu vàng (đạn nổ) và một dây đạn chống chiến xa. Trên vai mang một khẩu M 16. Anh ta giới thiệu anh là Trung Đội Trưởng Nghĩa Quân đang phân công anh em bố trí phòng thủ. Tôi hỏi anh ta có cần thêm đạn gì không? Anh ta bảo rằng anh em TQLC mới cho đạn M 79 chống chiến xa,và một số đạn M 16 .






    Đến giờ phút cuối cùng này. Những người Nghĩa Quân chỉ là Lực Lượng Bán Quân Sự, người lính không có số quân còn vững tay súng để sống chết với quê hương! Thán phục các anh, vì lòng yêu làng, thương xóm một lòng với đồng bào đã từ bỏ xứ Đạo, từ bỏ tất cả để từ miền Bắc di cư vào đây năm 1954. Nay các anh cương quyết gìn giữ xóm Đạo, bảo vệ một vùng Đất Thánh! Một hình ảnh đẹp, khó quên. Cầu xin Đức Mẹ ban bình an cho các anh.
    Lợi dụng địa hình để có một chu vi phòng thủ tối ưu. Chín Chiến xa M 41 và 3 M 113 có gắn Đại bác bắn thẳng106 ly không giật bố trí quay súng về hướng Đông chờ Chiến xa T 54 của địch. Tất cả các khẩu Đại bác đều nạp đạn chống Chiến xa và sẳn sàng nhả đạn. Phía dưới thung lủng các Chiến Sĩ Mũ Xanh cũng sẳn sàng nghênh chiến.

    Hai giờ chiều ngày 29-4-75, trận chiến mới, bắt đầu bùng nổ dữ dội phía thung lủng giữa TQLC và Bộ Binh CSBV. Khoảng nửa giờ sau từ trên đồi nhìn xuống chúng tôi thấy nhiều đám bụi xuất hiện. Nhiều Chiến xa địch đang áp sát nơi đang giao tranh, tiếp đến những cuộc quần thảo khốc liệt giữa Chiến Sĩ Mũ Xanh và địch có T 54 yểm trợ….2 T 54 cháy vì trúng đạn M 72 của TQLC.
    Bất ngờ một đoàn trên 10 chiếc Chiến xa T 54 lù lù xuất hiện từ QL 1 di chuyển đến khoảng giữa vị trí phòng thủ của Thiết Đoàn và nơi đang giao tranh dưới thung lũng.Tôi nghĩ rằng chúng dự trù đánh bọc ngang hông lực lượng TQLC và không thấy chúng tôi vì chúng từ dưới địa hình thấp nhìn lên, chúng tôi được che khuất bởi những mô đất trên ngọn đồi.
    Có còn cơ hội nào tốt hơn nữa, các Chiến xa T 54 đang đưa hông trước các họng Đại bác. Với khoảng cách 1 km trong tầm của Đại bác 76 ly của CX M 41 và 106 ly bắn thẳng. Tr/tá Nô, Th/tá Đào đã chỉ thị tôi và Việt phối hợp hành động. Mười hai trái đạn rời nòng bay vút vào các T 54. Hai bốc cháy ,hai bay pháo tháp và lật nghiêng. Sáu chiếc còn lại liền quay đầu chỉa Đại bác 100 ly và tác xạ vào chúng tôi. Những trái đạn nổ tung lưng chừng trên triền đồi thoai thoải. Có những quả bay vút qua đầu với tiếng rít rợn người. Mười hai trái đạn nữa rời nòng, thêm 2 T 54 bị hạ.

    Hướng Bắc bên kia QL1, TQLC và cả Trung Đoàn CS có Chiến xa yểm trợ đang giao tranh cũng được một giờ rồi. Bây giờ chúng tôi lại nghe tiếng súng lớn nhỏ nổ liên hồi ngoài đường phố Hố Nai. Tiếng súng càng lúc càng gần. Sự phấn khởi của tất cả mọi người trước những Chiến xa T 54 bị hạ chợp tắt nhanh chóng, khi nhìn thấy một đoàn Chiến xa T 54 và Bộ Binh CS nữa xuất hiện ngoài QL1và đang hùng hổ tiến tới. Tiếp đến chúng tấn công cuồng bạo vào Bộ Chỉ Huy của LĐ 468 TQLC và cả lực lượng của TĐ 5 KB. Một M 41 và 2 M 113 bị T 54 bắn banh xác…Chúng tôi rút lui nhanh chóng để khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn!!! Lại chia tay thêm một Thị trấn,một xứ Đạo-vùng Đất Thánh Hố Nai.

    Và từ đó tôi không còn gặp lại một người anh, Tr/tá Nguyễn Đằng Tống. Sau này anh đã để lại thân xác trên núi rừng miền Bắc; với 4,5 khúc ruột bị nối vì chiến trận thì làm sao có thể sống được dưới chế độ lao tù CS. Một nén hương lòng thắp lên để nhớ Anh, anh Tống.
    Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh, 2 Chi Đoàn rút về đóng quân tại Ngã 3 Tam Hiệp lúc 7 giờ tối ngày 29-4. Nhìn về hướng Phi trường Biên Hoà nhiều cột lửa bốc cao với khói đen cuồn cuộn. Đêm đó chúng tôi nhìn thấy ngoài xa lộ thỉnh thoảng từng cặp Chiến xa CSBV chạy rất nhanh ngang qua vị trí phòng ngự. Chúng tôi nằm im lìm chờ lệnh…



    “Thế, Quốc biến lấy gì lo Chiến chinh
    -HY SINH-”

    Trong lòng đau đớn tột cùng khi kiểm kê lại sự tổn thất vừa qua. CĐ 2/5 TK bây giờ chỉ còn 10 chiếc M 113. Một chiếc Chiến xa M41 tôi thấy tội nghiệp, lẻ loi quá nên cho về với “mái nhà xưa” là CĐ 1/5 CX. Quân số còn lại chỉ vỏn vẹn 50 Kỵ Binh. Chiến tranh ơi! khốc liệt quá, tàn nhẫn quá, chỉ có 1 ngày CĐ 2/5 TK bị tiêu hủy 2 CX M 41 và 2 M 113, 20 Kỵ Binh các cấp loại khỏi vòng chiến đấu. Mới đây thôi chưa đầy 2 tuần lễ của đầu tháng 4, CĐ 2/5 đã bị mất 1 xe M 41, 8 xe M 113 và hơn 1/4 quân số trên QL 20. Chúng tôi cũng như những đơn vị của QLVNCH và tất cả Dân, Quân, Cán, Chính đã và đang HY SINH. Hy sinh để VNCH sống còn. Nhưng đau thương thay cho vận Nước, VNCH thua cuộc! vì sự xếp đặt trên sân khấu chính trị của các Siêu Cường Quốc.
    Ngày 30-4-75 toàn bộ lực lượng rút về đến cầu Bình Phước lúc 1giờ chiều. Từ đây mọi sự liên lạc bị cắt đứt. Nhớ một người Thầy trong Binh chủng mà tôi đã từng học hỏi nhiều nhất, từ lúc chập chững vào đời Binh nghiệp đến ngày hôm nay. Nhất là Thầy trò cùng nhau gánh chịu tất cả đau thương nghiệt ngã của ngày vừa qua. Người Thầy Tr/tá Trần Văn Nô đã về lòng đất mẹ năm 1987.
    Ngay tại đây Đơn vị tôi bị lực luợng CS khống chế và leo lên các xe.Tôi cố gắng liên lạc với Thiết Đoàn liền bị một Cán binh CS chụp lấy Ống Liên hợp Truyền tin ném đi. Một binh sĩ kề cận tôi chỉa súng vào anh Cán binh này, bị một Cán binh khác dộng báng súng vào người rớt xuống lòng xe. Nếu không có sự kiềm chế tột đỉnh của anh em Kỵ Binh thì chiếc xe M 113 này đã nổ tung, máu lửa tràn ngập. Thế là hết, mất tất cả rồi. Tất cả các súng Đại liên trên xe thay đổi chủ, chúng dẫn 10 xe M 113(thuộc đơn vị tôi) về tại cổng chính Bộ Tổng Tham Mưu. Chúng tôi chứng kiến một cảnh đau lòng, Thiết Giáp ta, Đại liên ta, xạ thủ địch giao tranh với những đơn vị Biệt Kích 81 Nhảy Dù còn cố thủ trong Bộ Tổng Tham Mưu.Vì họ không chấp nhận sự đầu hàng của Lảnh Đạo cao nhất của đất nước. Đau đớn thay! Nhục nhã thay cho một sự đổi đời từ đây!
    Lợi dụng sự hỗn loạn của đồng bào, Quân nhân lũ lượt rời nhiệm sở. Anh em Thương binh vết thương còn rỉ máu bị xô đuổi từ Bệnh Viện Cộng Hòa đi về hướng Sàigòn. Tôi xuống xe bỏ cuộc và tháp tùng theo đoàn người, đi được chừng mấy bước, một họng súng AK 47 đen ngòm chỉa thẳng vào ngực, hét lớn “Quay lại xe, bằng không sẽ bắn bỏ”. Tôi đành phải trở lại xe và tháo bỏ thêm đôi giày trận đã theo tôi gẩn 8 năm trời ròng rã. Tôi xỏ đôi bàn chân vào đôi dép quai dọc, với chiếc quần khaki, và chiếc áo mayô cùng màu ôliu. Một lần nữa tôi và anh em đồng đội thân thuộc trà trộn vào đoàn người đủ mọi thành phần thoát khỏi xe M 113. Trong lòng quặn thắt,tim nhói đau tột cùng, như bị buộc phải thoát khỏi lòng người Mẹ bao năm trời bảo bọc, che chở cho những người con yêu quí, để đi về một phương trời vô định.
    Tôi ra đi trong tức tưởi nghẹn ngào; ra đi trong âm thầm lặng lẽ. Không kịp nói một lời từ giã với các cấp Chỉ huy, bạn bè và đồng đội. Đầu óc choáng váng, nước mắt tuôn rơi, với từng bước chân mệt mỏi rã rời. Từng bước uể oải, nhọc nhằn xiêu vẹo (bàn chân trái của tôi đã từng bị thương 2 lần, nay không quen mang dép đi xa).Tôi vừa đi vừa nhìn xuống mặt đường thấy bóng mình chao đao nghiêng ngã! Từ Lăng Cha Cả về đến cầu Công Lý (gần nhà anh ruột tôi) mà tôi đi đến 3 tiếng đồng hồ.
    Sáng ngày 2-5-75 tôi mới nhờ người cháu chở về nhà tại Thủ Đức với bộ đồ dân sự của ông anh trên người. Tội nghiệp thay! Ba Mẹ vợ và cả vợ tôi vài phút đầu tiên không thể nhận ra tôi. Rồi sau đó tất cả oà khóc. Các con tôi đứng nhìn ngơ ngác, rồi cũng khóc theo (chúng không thề nào nhận ra tôi, vì từ lâu tôi không mặc đồ dân sự ). Mới ngày hôm qua đây, ông Anh rể và bà Mẹ vợ đi tìm tôi qua từng cái xác mặc đồ trận, nẳm gần các xe Thiết Giáp bị cháy, từ ngã tư Thủ Đức đến cầu Rạch Chiếc. Ôi! có hành động nào cảm động bằng. Thương thay !
    Tôi đã trở về trong bình an, làm sao cả nhà cầm được nước mắt sung sướng.Tất cả đều khóc, khóc cho tôi được an lành sau cuộc chiến đẫm máu. Khóc cho tôi thân hình còn nguyên vẹn sau bao lần trên chiến trường nghiêng ngã. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người có con em, có chồng là những người lính VNCH. Hay chính những người lính trẻ như chúng tôi, hai ngày nay đều đã khóc. Khóc mừng cho sự sum hợp. Khóc cho sự mất mát lớn lao. Khóc cho một viễn ảnh Việt Nam Hòa Bình.

    Những nén hương lòng được thắp và dâng lên để tưởng nhớ những Người quá cố. Đã cùng chia sẻ với chúng tôi trong cơn hồng thủy:


    Cố Tr/tá Trần Văn Nô,
    Cố Tr/tá Nguyễn Đằng Tống ,
    Cố Th/tá Nguyễn Đức Đào,
    Cố Đại/úy Lê Đức Việt,
    Cố Đại úy Hồ Thúc Hạ,
    Cố Th/úy Đỗ Chinh Chiến,
    Cố Th/úy Sơn.
    Và tất cả Anh Em Chiến sĩ QLVNCH đã hy sinh cho cuộc chiến tháng 4 năm 1975 dọc theo QL 20 và QL1.
    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  2. #32

    CÁM ƠN ANH

    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  3. #33
    Biệt Thự Vịnh Nghi's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    3,557
    Những hình ảnh quá đẹp, quá bi hùng của quân lực VNCH. Cám ơn bác Cao Nguyên!

  4. #34
    Quote Originally Posted by Vịnh Nghi View Post
    Những hình ảnh quá đẹp, quá bi hùng của quân lực VNCH. Cám ơn bác Cao Nguyên!
    Chào Vịnh Nghi
    Cám ơn Vịnh Nghi thường xuyên vào "Tưởng Niệm Tháng Tư" . Hằng năm vào mùa này, chú lại nhớ đồng đội xưa dù họ mất hay còn . Nét bi tráng vẫn còn trong ký ức những người đi giữ nước dù mộng không thành nhưng không thể quên .
    Chú biết Vịnh Nghi cũng trong gia đình vệ quốc . Hãy giữ hồn thiêng Sông Núi và hồn thiêng những Anh Hùng . Lịch sử vẫn còn đó . Thế hệ mai sau sẽ làm sáng tỏ mọi điều và vinh quang sẽ thuộc về những tấm lòng tha thiết với Quê Hương .
    Trong chủ đề "Tưởng Niệm Tháng Tư", chú muốn đi vào chủ điểm những nét bi tráng mà không nhìn sâu vào quân sử . Chỉ là những đóa hồng trắng và những nén hương tưởng niệm .
    Mỗi dòng thơ văn của chú lồng vào chủ đề là những nén hương tâm niệm, những giọt lệ hồng . Mong Vịnh Nghi tiếp tục cảm nhận cùng chú .
    Chúc cháu luôn mạnh khỏe .
    Thân mến
    Chú Cao Nguyên .
    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  5. #35



    Người Đàn Bà Trên Tỉnh Lộ 7
    Viết cho những khốn khổ những điêu linh của đất nước tôi và dân tộc tôi


    Tôi gấp quyển sách đang đọc dở dang, đưa tay chùi vội những giọt nước mắt vừa lăn dài xuống má.
    Quyển sách đó có tựa đề thật đơn giản “Những người tù cuối cùng” của tác giả Phạm Gia Đại và chính anh cũng là một trong hai mươi người tù cuối cùng được thả ra sau hơn mười bảy năm bị giam cầm, tù đày trong lao tù Cộng sản. Anh và các bạn đã là nhân chứng sống của lịch sử. Những giòng chữ đó có hấp lực thật lạ lùng, càng đọc càng như bị kéo ngược về dĩ vãng – một dĩ vãng đau buồn và uất hận mà tôi đã cố chôn vùi thật sâu trong tận cùng của ký ức…

    Sau biến cố tang thương của tháng 3 năm 1975 rút khỏi Ban Mê Thuột – là những đổ vỡ-những mất mát-những chia lìa-những đọa đày-những uất hận của tập thể Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa của một quân đội hùng mạnh của những người con đã sống chết cho lý tưởng Tự Do và sự phồn vinh của dân tộc. Ba mươi sáu năm qua biết bao thăng trầm – nhưng mỗi lần nhớ về, lại là những lần nhói buốt, nó như vết thương lòng không thể nào lành. Tôi thầm cám ơn tác giả của quyển sách đó đã là động lực để tôi ngồi xuống ghi lại những hình ảnh mà tôi đã chứng kiến của buổi chiều hôm ấy…

    Trong cái lũ lượt của đoàn người di tản từ Pleiku và Kontum qua con đường tỉnh lộ 7. Con đường này bỗng nhiên ồn ào, náo nhiệt trong hỗn loạn, rồi tiếng gọi nhau vang dội cả một góc rừng. Tiếng khóc than, tiếng xe, tiếng súng nổ rền vang, hệt như đàn ong vỡ tổ, người chạy ngược kẻ chạy xuôi, tìm kiếm người thân bị thất lạc, đồ đạc vất bừa bãi, những chiếc xe hư bỏ lại trên đường ngổn ngang. Tôi và Hùng người em trai nhỏ, cũng tất bật trong đoàn người gian truân đó, bây giờ chỉ còn hai chị em, ba mẹ và các em còn kẹt lại Ban Mê Thuột, mấy bữa nay tôi đã chạy đôn chạy đáo để dò la tin tức gia đình, nhưng biết hỏi ai bây giờ, bởi chẳng ai biết rõ điều gì đã xảy ra.

    Trong tâm trạng rối bời đó, tôi chỉ còn nhớ một điều là khi đến lớp, điều làm tôi ngạc nhiên là sĩ số các em học sinh đến trường chỉ còn một nửa, tôi đang tìm câu trả lời thì có một em học sinh đến gần bên tôi nhỏ nhẹ lên tiếng hỏi: ” Thưa cô, ba mẹ em muốn biết là cô có muốn chạy loạn cùng xe với gia đinh em không?”. Chạy loạn!!! Tôi nghe tiếng chạy loạn mà tim nhói đau, có nghĩa là tôi phải rời bỏ nơi chốn này, xa trường, xa học trò thân yêu của tôi, mà đi đâu kia chứ? Nhìn đứa học trò ngoan mà tôi thương nhất lớp chưa biết phải trả lời ra sao?

    Tôi mới ra trường được vài tháng, nhận nhiệm sở ở đây, ngôi trường nằm trên ngọn đồi thoai thoải trông thật dễ thương, tuy mới về nhưng tôi được học sinh, phụ huynh học sinh và các đồng nghiệp thương mến chắc tại cái nhỏ nhoi, yếu đuối của tôi trong làn sương mù và cái se lạnh của PLEIKU chăng? Tôi nghĩ thế.
    “Thưa cô, cô quyết định như thế nào ạ?”, tiếng nhỏ nhẹ của người học trò lại cất lên, cắt ngang giòng suy tư của tôi, tôi lặng lẽ gật đầu. Thế là mọi chuyện cứ tuần tự đi qua như đã được sắp xếp tự bao giờ để giờ này đây tôi cũng có mặt trong đoàn người di tản. Khi chiếc xe bị kẹt cứng, không thể nhích thêm một chút xíu nào, tôi nhảy xuống xe để được thoải mái một lát và đi lần về phía trước, bỗng nghe một giọng ru con lanh lảnh vừa ru, vừa khóc nghe thật não lòng!!…

    “Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học, mẹ đi trường đời”.

    Tôi lần theo tiếng ru hời đó, đến dưới gốc cây to thì thấy một người đàn bà, đầu tóc rối bù, quần áo xốc xếch, ôm chặt đứa con trong lòng mà ru, tò mò bước đến gần để hỏi thăm, chỉ vừa kịp nhìn thấy đứa bé có nước da xám sậm, tôi như muốn ngã quỵ xuống, không biết đứa bé đã chết tự bao giờ, vậy mà người mẹ vẫn cất tiếng ru não ruột để ôm ấp, để vỗ về con mình. Tôi kêu thất thanh “Xin giúp chị ấy, con chị đã chết rồi!”

    Thấy tôi la lớn tiếng, mấy người đang ở gần đấy bèn chạy lại, nhưng không thể nào lấy được đứa bé ra khỏi vòng tay, chị cứ ghì chặt đứa con vào lòng, đứa bé như một bảo vật, một gia tài cuối cùng của chị, vừa khóc vừa ru “Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.

    “Chị đã thi đậu trường đời rồi đó chị”, tôi thầm nhủ như thế định mệnh oan nghiệt đã cướp đi người con yêu dấu của chị, chị cứ thế mà than van, “Con ơi! con bú đi con…” Tôi đưa tay bịt tai lại để không còn nghe giọng ru hời thống thiết của một người mẹ vừa mất đi đứa con nhỏ thân yêu.

    Tôi không thể chịu đựng thêm nữa, bèn quỳ gối, trước khoảng đất trống gần đó mà lạy mười phương tám hướng vừa khóc, vừa van vái. Xin tha cho dân tộc con, cho đất nước con… Tôi úp mặt vào đôi bàn tay nhỏ bé kêu lên “Chúa ơi!”…

    Bỗng một bàn tay, đặt lên vai tôi “Chị ơi, chạy mau đi, không kip nữa đâu.”, tiếng người em trai hối thúc. Tôi vội vàng đứng lên như người vừa hoàn hồn, tôi chạy như bay để lại sau lưng người đàn bà đang ôm ghì xác đứa con đã chết với tiếng ru hời bi thảm…

    Ba mươi sáu năm trôi qua, chẳng biết người đàn bà với tiếng hát ru hời ấy về đâu???


    Hoàng Thị Cỏ May
    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  6. #36
    tháng ba say




    tháng ba, ta bỏ rừng
    (trên đường về thăm biển?)
    không - ta bỏ rừng đi
    vì điêu tàn cuộc chiến

    vì ngọn lửa hận thù
    đốt Trường Sơn linh hiển
    đập vỡ tiếng cồng chiêng
    Giàng ơi! và Giàng ơi! *

    ba-mươi-mốt cái tháng ba
    ta rùng mình say khuớt
    khi hồn bạn theo ta
    qua núi đồi xuôi ngược

    Ôi đỉnh gió Chư Pao
    bình-đông đầy rượu đế
    rót giữa đáy chiến hào
    uống đi - rồi quạnh quẽ!

    Ôi Đức Cơ, Pleime
    cơm sấy và thịt hộp
    rượu cần pha nước khe
    uống say - rồi cúi mặt!

    Ôi Thuận Mẫn, Buôn Hô
    me khô và cóc ổi
    trộn lửa khói Bù Đăng
    uống đi - rồi thức đợi!

    đợi những tháng ba say
    theo hồn bay tám hướng
    tìm vất vưởng chân mây
    những vẫy chào lởn vởn!

    say cùng ta nhé em
    những tấm lòng sông suối
    của rừng núi cao nguyên
    trong nhiều đêm thức gọi:

    bạn ơi và rừng ơi!

    Cao Nguyên
    Mar 2006
    ---------------
    * Giàng ơi! = Trời ơi! (tiếng sắc tộc miền cao)



    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  7. #37



    RỪNG ƠI

    phổ nhạc & trình bày : Dzuylynh
    Mời bấm vào link để nghe :

    http://www.box.com/shared/suqtaavmt2

    @@@

    cư dân cũ, từ vùng trời xa vắng
    gọi rừng xưa,ta nhớ lắm - rừng ơi!
    thương mùa cây cúi đầu buồn tháng Hạ
    lá chịu tang qua mấy chục năm rồi!

    lúc ta đi, rừng sâu còn ngún lửa
    lửa hận thù, cháy quá nửa đời ta
    cháy bỏng màu da, làm sao lành vết sẹo
    chung niềm đau, ta chẻ máu nuôi rừng

    nửa máu ta có giúp rừng sống lại
    đất có mừng lá biếc nẩy chồi xanh
    cây có vui khi chim về hái trái
    hoa có cười cho hương toả vây quanh?

    ôi nhớ quá, rừng ơi! ta nhớ quá
    cao nguyên xanh, hoa lá ấy - hồn ta
    và cả máu chia cho rừng thuở ấy
    nhắc ta về, dù bữa hẹn còn xa

    về xem nắng ghẹo hoa tươi rói mặt
    về thăm cây lành hẳn vết thương chưa
    về ngồi giữa nắng mưa nghe đất hát
    khúc đồng dao từ những khát khao xưa!

    thơ ta đó, rừng ơi! ru chút nhé
    ta chưa về thăm đất mẹ chiều nay
    sợ hàng cây còn long lanh ngấn lệ
    ta với rừng sẽ khóc giữa vòng tay!

    Cao Nguyên


    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  8. #38
    Biệt Thự Vịnh Nghi's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    3,557
    Quote Originally Posted by cao nguyên View Post
    Chào Vịnh Nghi
    Cám ơn Vịnh Nghi thường xuyên vào "Tưởng Niệm Tháng Tư" . Hằng năm vào mùa này, chú lại nhớ đồng đội xưa dù họ mất hay còn . Nét bi tráng vẫn còn trong ký ức những người đi giữ nước dù mộng không thành nhưng không thể quên .
    Chú biết Vịnh Nghi cũng trong gia đình vệ quốc . Hãy giữ hồn thiêng Sông Núi và hồn thiêng những Anh Hùng . Lịch sử vẫn còn đó . Thế hệ mai sau sẽ làm sáng tỏ mọi điều và vinh quang sẽ thuộc về những tấm lòng tha thiết với Quê Hương .
    Trong chủ đề "Tưởng Niệm Tháng Tư", chú muốn đi vào chủ điểm những nét bi tráng mà không nhìn sâu vào quân sử . Chỉ là những đóa hồng trắng và những nén hương tưởng niệm .
    Mỗi dòng thơ văn của chú lồng vào chủ đề là những nén hương tâm niệm, những giọt lệ hồng . Mong Vịnh Nghi tiếp tục cảm nhận cùng chú .
    Chúc cháu luôn mạnh khỏe .
    Thân mến
    Chú Cao Nguyên .
    Cám ơn chú Cao Nguyên!

    Nghi rất cám ơn chú thường xuyên đem những bài viết thật giá trị, thật hay, song song với những hình ảnh, những nét bi hùng, nhưng không thiếu phần lãng mạn, của quân sử VNCH vào phố cho Nghi được đọc và tìm hiểu thêm. Ở thế hệ của Nghi, nét bi tráng, hào hùng trong những bài viết và những bài thơ tưởng niệm của chú, hình như càng đọc càng thấy thấm thía hơn theo thời gian, không hề mai một.....

    Tuy chiến tranh là điều không một ai muốn thấy trên quê hương, nhưng càng đọc những bài viết về những chiến tích, về những gương sáng của cha anh, của những tướng lãnh VNCH thà 'chết với thành,' nhất là được coi những đoạn phim thời sự giá trị đó, Nghi càng thêm tiếc, phải chi Nghi được sinh ra sớm hơn khoảng chục năm thì hay quá. Thực sự được sống trong thời lửa đạn bi hùng đó, có lẽ mới có thể cảm nhận được rõ hơn cái đau đớn của cả dân tộc lúc đó nói chung, của miền Nam nói riêng, trong hơn 20 năm máu lửa đau thương. Nghi thật có phần....ganh tị vì bị sinh sau đẻ muộn, để rồi chỉ có thể nhớ được rất mông lung về những trận pháo kích trong thành phố, những lần mẹ dắt chạy vội xuống hầm, lần chạy giặc từ miền Trung, và những hình ảnh mơ hồ của ba Nghi, của chú, của bác, của cậu, của anh...trong những bộ đồ trận, đồ bay rất oai, rất đẹp.....

    Nghi cũng như chú, tin rằng chế độ cs sẽ cáo chung 1 ngày rất gần đây. Nét bi tráng, kiên trung của những quân binh cán chính VNCH xưa hòa vào hồn thiêng sông núi, sẽ làm mẫu mực để xây dựng lại niềm tự hào, hãnh diện của những thế hệ VN tương lai, chú Cao Nguyên hén.

    Nghi kính chú luôn an vui, mạnh khỏe.

    vn

  9. #39
    Người lính chưa qua sông



    (Cho cháu Trúc Vy khi cháu khôn lớn
    để cháu hiểu và thương ngày xưa của ông ngoại)







    Ngày thứ mười hai của trận chiến, từ khi lên Bộ Tư Lệnh họp và nhận lệnh trở về, Tiểu Đoàn trưởng luôn trầm tư. Nhiều lần Tiểu Đoàn trưởng nhìn Tiểu Đoàn phó như muốn nói gì đó nhưng rồi lại lắc đầu, yên lặng. Qua vô tuyến, các đại đội báo cáo vẫn tiếp tục hoạt động lục soát trong khu vực trách nhiệm và tìm thấy rất nhiều xác lính CS và các loại vũ khí của họ trong rừng cao su hướng Tây Nam thị xã. Tiểu Đoàn trưởng cho lệnh các Ðại Đội trưởng: “không cần thiết phải thu lượm chiến lợi phẩm.” Ðến sáu giờ chiều, Tiểu Đoàn trưởng họp các Đại Đội trưởng cho lệnh chuẩn bị di chuyển lúc sáu giờ ba muơi phút. Im lặng vô tuyến kể từ giờ phút này. Bảy giờ kém mười lăm, khi Tiểu Ðoàn vừa đến điểm tập trung tại ngã ba Tân Phong sát quận đường Xuân Lộc, Tiểu Đoàn phó và các Đại Đội trưởng mới biết lệnh bỏ Xuân Lộc. Mọi người tái mặt nhưng không ai nói gì. Tiểu Ðoàn Truởng nhìn sâu vào mắt Tiểu Đoàn phó Nguyễn Mạnh Tông như muốn san sẻ nổi buồn và sự lo lắng của bạn mình. Nguyễn Mạnh Tông có vợ và mẹ vợ đang ở Xuân Lộc. Bây giờ quân rút, số phận người thân ở lại sẽ ra sao khi quân lính CS tràn vào phòng tuyến trống nội ngày mai. Nguyễn Mạnh Tông nhìn Tiểu Đoàn trưởng gật đầu và nói trong xúc động:

    - Không chỉ riêng gia đình tôi mà còn rất nhiều gia đình vợ con binh sĩ Sư Ðoàn phải chịu ở lại. Buồn và lo thật nhưng đành chịu. Nếu Thiếu Tá có cho tôi biết trước, tôi cũng sẽ không về từ biệt gia đình. Mọi người ai cũng biết đến bài học rút quân đầy cay đắng của quân dân vùng Cao nguyên vừa mới tháng trước đây thôi. Gia đình kéo theo, lính không còn lòng dạ nào để chiến đấu…

    Rút bỏ Xuân Lộc theo tình hình biến chuyển của chiến trường, và tình hình chung của đất nước, nhưng dù sao đi nữa, lòng người lính Sư Ðoàn cũng vô cùng đau xót khi phải bỏ vùng đất nhà quen thuộc. Và còn nữa: sự liên hệ mật thiết với người ở lại, ra đi chẳng khác gì ruột cắt làm đôi. Ðêm đó trên đường hành quân, anh em binh sĩ nhận ra được Tư Lệnh Sư Đoàn kiêm Tư Lệnh Mặt Trận Xuân Lộc, Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo, cùng di chuyển đường bộ với họ… Tại sao Tư Lệnh không xử dụng trực thăng riêng của ông? Buổi trưa họp ở BTL, Tiểu Đoàn trưởng nhận thấy Tư Lệnh không được khoẻ, gương mặt hốc hác với đôi mắt sâu và thâm quần của một người mất ngủ. Thế mà đêm nay rút quân ông lại không xử dụng trực thăng riêng của mình để được khoẻ thân và an toàn như nhiều cấp tướng lãnh chỉ huy khác? Thêm một lần nữa, vị Tướng trẻ chứng tỏ tinh thần sát cánh chiến đấu cùng với thuộc cấp, trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong những giờ phút sinh tử. Với một cấp chỉ huy như vậy thì anh em binh sĩ làm sao mà không hăng say chiến đấu… Nhìn lại, ba năm giữ chức vụ Tiểu Đoàn trưởng dưới quyền ông, vỏn vẹn chỉ có ba chai Martel mình tặng ông trong dịp Tết. Ðáp lại khi Tiểu Đoàn về trú đóng gần bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, ông đã ưu ái tổ chức tiệc, dạ vũ cho tất cả sĩ quan Tiểu Đoàn và chính ông cùng tham dự, lên sân khấu đàn và hát cho anh em binh sĩ nghe.

    Sư Đoàn 18 rút khỏi Xuân Lộc, xe tăng và bộ binh càn qua chốt địch chận trên đường 22 mà đi, về đến Bình Giả vào sáng hôm sau gần như toàn vẹn. Chỉ riêng anh em chiến sĩ Lữ Ðoàn Dù tăng cường cho mặt trận Xuân Lộc rút sau, trách nhiệm đoạn hậu nặng nề đã chạm súng với quân CS bám theo. Trở về căn cứ Long Bình vài ngày để bổ sung vũ khí. Ngày 25 tháng Tư, Tiểu Đoàn theo Trung Đoàn lên lập phòng tuyến tại vùng Trãng Bom, ranh giới Biên Hòa, Long Khánh. Cùng với một Chi Đoàn M113 thuộc Thiết Ðoàn 5 do Đại Úy Nguyễn Sơn chỉ huy, Tiểu Đoàn dàn quân bên này hào sâu cắt ngang Quốc Lộ 1. Quân số Tiểu Ðoàn sau trận Xuân Lộc còn lại trên 300. Một điều khiến các cấp chỉ huy Tiểu Đoàn rất vui là không một người lính nào đào ngũ dù mấy ngày ở Long Bình, Biên Hòa, nơi anh em có nhiều cơ hội để bỏ về Sài Gòn, nơi có gia đình đang trông đợi. Tất cả anh em không đành lòng bỏ lại bạn bè, cấp chỉ huy, tất cả cùng chấp nhận đồng lao cộng khổ cho đến giờ phút cuối cùng.

    Sáng ngày 27 tháng Tư, xe tăng địch bò đến phía bên kia phòng tuyến. Hai chiếc M41 của Thiết Ðoàn 5 nguỵ trang chực sẳn bắn đại bác 90 ly trúng một tăng địch. Nhưng, từ hai mặt phải trái cách quốc lộ 1 khoảng trên 100 mét, cùng một lúc lính bộ binh và xe tăng địch xuất hiện. Thì ra lực lượng địch biết không thể băng qua hào sâu nên len lỏi trong rừng, bọc vòng tạo thành thế gọng kềm để kẹp chặt Trung Đoàn 48. Qua vô tuyến, lúc đó mới biết rằng Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn và Tiểu Ðoàn 1 đóng trong đồn điền cao su Trãng Bom đã rút về hướng Nam từ lúc tờ mờ sáng. Như vậy tại tuyến đầu chỉ còn lại Tiểu Đoàn 3 và một Chi Ðoàn M113 trong lúc xe tăng và bộ binh địch ào ào tràn ra từ ba hướng. Sau lưng không còn lực để dựa thì còn đánh đấm gì được nữa!.Nếu không nhanh chân thì chắc chắn sẽ bị quân CS bao vây cắt đường rút và diệt gọn. Tiểu Đoàn trưởng lệnh cho các đứa em phân tán, rút nhanh ra đường. Tội nghiệp Chi Đoàn M113 của Đại Úy Sơn phải tức tốc phân tán để đón những người bạn bộ binh trong lúc tăng địch bắn phá dữ dội. Nếu thiếu tinh thần chiến đấu và đồng đội thì anh em thiết giáp đã bỏ bạn bè bộ binh, vì thật ra M113 đâu phải là đối thủ của tăng T54 CS. Ngay cả M41 của mình cũng đã quá già nua yếu ớt đối với T54. Nhưng nếu M113 mà bỏ chạy thì đâu còn là chiến sĩ Thiết Giáp Quân lực VNCH. Hơn nữa, Tiểu Đoàn 3/48 với Chi Đoàn 3 Thiết Ðoàn 5 đã quá quen biết giao tình qua bao cuộc hành quân chung khắp vùng 3 chiến thuật và bên kia biên giới Campuchea trong năm 1970. Chi Đoàn M113 của Đại Úy Sơn vốn đã quen địa hình nên sau khi đã gom được bộ binh liền rút rất nhanh. T54 địch đuổi theo, nhưng không làm được gì. Ðây thật sự là một cuộc rút chạy. Ðáng buồn thật. Ðáng buồn vì phải bỏ lại hai chiếc M41 anh hùng ở tuyến đầu, đáng buồn vì đơn vị chưa nổ một phát súng đã tìm đường thoát thân. Nhớ lại đêm nào ở mặt trận Bến Cát Bình Dương năm 1973, lính Tiểu Ðoàn đuổi tăng địch, bắn cháy tăng địch, và mới hai tuần trước đây thôi lúc còn ở mặt trận Xuân Lộc, tăng địch là miếng mồi ngon cho M72. Ðáng buồn khi nghĩ đến anh em chiến sĩ Ðịa Phương quân ở căn cứ Bầu Cá chiến đấu trong tuyệt vọng. Tội nghiệp cho những chiến sĩ và gia đình con bị bỏ lại trong căn cứ Bầu Cá nhỏ bé, cô đơn.

    Ngày 28 tháng tư, Tiểu Đoàn đặt dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Nguyễn Văn Nô, Thiết Ðoàn Trưởng Thiết Ðoàn 5 làm tuyến án ngữ mặt bắc căn cứ Long Bình. Ngày hôm đó, chỉ có tăng của hai bên bắn nhau, còn bộ binh ngồi chơi, la hét cổ võ mỗi lần tăng địch bị trúng đại bác 90 ly của M41. Lúc này mà có M48 lâm trận thì T54 của địch chắc phải cháy như cây đuốc nhiều hơn nữa. Từ đồi cao nhìn xuống Quốc Lộ, người lính Sư Đoàn hết sức khâm phục những người bạn Nghĩa Quân Hố Nai, chỉ với súng carbin và M16 trong tay cũng bố trí chận đánh bộ binh địch nếu địch dám xâm phạm vào vùng đất xóm làng thân thương của họ.

    Ngày 29 tháng tư, lúc 5 giờ chiều, Tư Lệnh gọi Trung Tá Thiết đoàn trưởng Thiết Ðoàn 5 và Tiểu Đoàn trưởng 3/48 đến BTL trong căn cứ Long Bình để họp cùng Tướng Lê Minh Ðảo, Trung Tá Nguyễn Văn Nô và Tiểu Đoàn trưởng Tiểu Đoàn 3/48. Khi đang họp thì chuông điện thoại reo vang . Tướng Tư Lệnh nhấc ống nghe. Một phút sau ông bỏ máy với vẻ chán nản và nói:

    - Tổng Thống Dương Văn Minh hỏi chúng ta có giữ được Long Bình Biên Hòa để chờ thương thuyết không?

    Ông nhìn thẳng hai thuộc cấp rồi chậm rải từng tiếng một:

    - Phải giữ bằng mọi giá, đây là vòng đai cuối cùng để bảo vệ Sài Gòn!

    Ông nhướng đôi mắt sáng lên:

    - Thiết Ðoàn của Trung Tá Nô chưa suy suyển bao nhiêu phải không? Còn em, quân số Tiểu Đoàn còn được bao nhiêu ?

    - Thưa Thiếu Tướng, còn đủ, chưa mất mát người nào từ khi rời khỏi Xuân Lộc!

    Nhìn hai anh em chúng tôi, Thiếu Tướng nói với giọng cương quyết:

    - Các em phải chiến đấu toàn lực, không được để mất thêm một tấc đất nào!

    Trên tấm bản đồ hành quân vùng 3 Chiến Thuật, đầy ký hiệu màu đỏ chỉ các đại đơn vị địch: QĐ 1 từ hướng Bắc theo QL 13, QÐ2 và 4 từ hướng Ðông Bắc đang áp sát Biên Hòa, QÐ 3 từ Tây Bắc theo QL 1 gần Củ Chi, các Sư Đoàn, Trung Đoàn, tổng cộng gần 16 Sư Đoàn quân CS với những mũi tên đỏ cùng chỉ hướng Sài Gòn. Trung Tá Nô lắc đầu khi nhìn khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngủ và lo âu của vị Tư Lệnh. Mình cũng vậy thôi phải không Trung Tá, nhưng dù sao thì chúng ta ngày quần thảo với địch quá mỏi mệt, đêm nằm xuống đầu không kịp suy nghĩ đã bị hơi đất xông lên kéo giấc ngủ đến rất mau. Những giấc ngủ mệt nhưng có còn hơn không. Tư Lệnh thì chắc không ngủ được bởi cái đầu chứa đầy hình ảnh những mũi tên đỏ chỉ về Thủ đô. Ngày mai sẽ có giải pháp, Tổng Thống Dương Văn Minh vừa nói như vậy. Giải pháp như thế nào? Giải pháp gì khi chúng ta đang ở trong thế yếu? Nhượng bộ và nhượng bộ mà thôi! Lời nói của Tổng Thống khi ông nhậm chức ngày hôm kia rõ ràng đã tỏ ra quá nhiều nhân nhượng và sợ hãi kẻ thù, làm mất tinh thần toàn quân. Ông dùng hai chữ “anh em” để chỉ kẻ xâm lược như một đòn tình cảm, nhưng chắc chắn ông chẳng bao giờ được phe bên kia đáp ứng trong “tinh thần anh em” đó.

    Khoảng 11 giờ đêm 29 tháng Tư, đài phát thanh Sài Gòn phát lời huấn lệnh của Tướng ba sao Vĩnh Lộc, quyền Tổng Tham Mưu trưởng QLVNCH:

    - Các cùi cố gắng giúp Tổng Thống hoàn thành nhiệm vụ lịch sử!

    Có phải chăng đây là lời giả biệt của vị Tướng ba sao? Linh cảm cho anh em chiến sĩ biết rằng lại thêm một cấp chỉ huy cao cấp đào ngũ, bỏ nước ra đi. Có một chút gì cay đắng, buồn bực và khinh thường trong lòng những người chiến binh. Không! Chúng tôi không bỏ hàng ngũ! Vẫn còn những người lính Bộ Binh và Thiết Giáp đầy gian khổ nguy nan này, vẫn còn rất nhiều đơn vị trên các trận tuyến chung quanh Thủ Đô yêu quý. Sư Đoàn 5 ở Lai Khê của Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Sư Ðoàn 25 ở Củ Chi của Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá, và hàng hàng lớp lớp chiến sĩ anh hùng các đại đơn vị Tổng trừ bị Dù, Thủy Quân Lục chiến, Biệt Ðộng Quân. Những cánh chim đại bàng của Không Quân VNCH vẫn còn bay, những hạm đội của Hải Quân vẫn còn trên sông ngòi, mặt biển Tổ Quốc.

    Ðêm đó, pháo địch từ mọi hướng rót xuống Long Bình như không ngừng nghỉ. Khoảng 3 giờ sáng toàn thể các đơn vị được lệnh rút khỏi Long Bình kéo về bờ Nam sông Ðồng Nai làm phòng tuyến. Lúc qua thành phố Biên Hòa, thật ngạc nhiên khi nhìn thấy rất nhiều xe tăng tối tân M48 bố trí khắp nơi trong thành phố. M48 nằm đây để chờ T54 của địch vào thành phố rồi mới nổ súng hay sao ? Biết còn có cơ hội nổ súng hay không? Sao Tư Lệnh Quân đoàn Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn không tăng cường M48 cho chiến tuyến Trãng Bom mà giao trách nhiệm nặng nề cho những chiếc 41 có từ Ðệ Nhị Thế Chiến? Tiểu Đoàn Trưởng nuốt nước bọt đắng khô cổ nhưng nước mắt thì như muốn ứa ra đầy uất ức. Người ta quý những chiếc tăng 48 này hơn những mạng người. Một chiếc tăng M48 giá mấy triệu Mỹ kim trong lúc giá một người lính bằng 12 tháng tiền tử tuất. Thôi đi, đừng suy nghĩ vẩn vơ, ngươi chỉ là một sĩ quan chỉ huy nhỏ, cầm Tiểu Đoàn còn chưa xong, biết gì mà vội trách móc các cấp chỉ huy cao cấp của mình!

    Ngày 30 tháng Tư lúc trời vừa hừng sáng, đơn vị vừa xuống xe đang bố trí gần khu Nghĩa Trang Biên Hòa thì quân CS với xe tăng treo cờ MTGP dẩn đầu đoàn Molotova theo xa lộ hướng về Sài Gòn. Họ đi một cách ngang nhiên như đoàn xe diễn hành. Mấy chiếc tăng dẩn đầu, thỉnh thoảng còn nổ súng bắn vu vơ vào hai bên đường, còn bộ binh trên xe Molotova vẫn ngồi yên. Hỏa lực từ vài chiếc M113 trên đồi Nghĩa Trang bắn theo nhưng đoàn xe CS vẫn tiếp tục theo hướng đã định. Lúc này thì Bộ Binh đã tách rời Thiết Giáp. Không biết Thiết Ðoàn 5 sau đó về đâu, còn Bộ Binh gồm Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 48 với Trung Đoàn trưởng Trung Tá Nguyễn Chí Công và toàn bộ Tiểu Đoàn 3 cùng băng đồng tìm cách về Sài Gòn. Trung Ðoàn phó là Trung Tá Khôi đi cùng Tiểu Đoàn 1/48 cũng trực chỉ hướng Thủ Ðô. Người lính lúc này sốt ruột lắm. Phải di chuyển cho nhanh về tiếp tay với các lực lượng bạn ở Sài Gòn để giữ cho được Thủ Đô yêu quý của người miền Nam. VC từ trong các làng, sau các lùm tre bắn đuổi theo, anh em cũng không cần bắn trả lại. Thỉnh thoảng nghe những tiếng nổ lớn từ hướng Sài Gòn, và nhìn những cụm khói đen bốc cao từ lòng Thủ Đô, bước chân người lính như muốn bốc lên khỏi những cánh đồng đất bùn đang làm chậm bước. Thấy lính Sư Ðoàn, anh em Ðịa Phương Quân bỏ đồn bót, xách súng đạn chạy theo để cùng về Sài Gòn chiến đấu. Ðồn bót làm gì nữa khi Sài Gòn sắp mất.

    Nhưng!!!… Lúc đó khoảng mười giờ, cái thời gian lạ hoắc và đáng nguyền rủa. Bàng hoàng, sửng sốt, tuyệt vọng bỗng ào đến giữ chặt cứng những bước chân, làm mắt hoa lên và tim như nghẹt thở khi tiếng nói của một người xa lạ vang lên từ chiếc radio nhỏ người lính mang theo bên mình. Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, ông là ai? Chắc ông không phải là Nguyễn Hữu Hạnh, con cọp Ba Ðầu Rằn nổi tiếng, từng khiến Cộng Sản kinh sợ ở Biệt Khu 41 Phước Bình Thành? Nguyễn Hữu Hạnh này là Nguyễn Hữu Hạnh xa lạ vừa được Tổng Thống hai ngày phong chức Tham Mưu trưởng QLVNCH. Chúng tôi nghi ngờ ông không phải là một vị tướng lãnh của QLVNCH, bởi vì nếu thật ông là Tuớng từng cầm quân trận mạc thì chắc ông đã không quên ý chí kiêu hùng của người lính VNCH. Chúng tôi, những con xe đã ủi hết cuộc đời, những con tốt đã liều lĩnh qua sông, những con mã chạy không kịp thở, những con pháo tự nổ tung xác để làm gì trong bao nhiêu năm tháng qua, để bây giờ phải lắng nghe, tuân thủ cái lệnh buông súng đầu hàng nhục nhã!? Quý vị không thấy nhưng chúng tôi thấy những bạn bè đã hy sinh đang sống lại, khóc lóc và nguyền rủa… Ngay cả những oan hồn người lính CS chết trên đường vào Nam cũng đang cười vào đầu óc ngây thơ của quý vị đang ngồi trong dinh Ðộc Lập, trong bộ Tổng Tham Mưu!! Ðầu hàng! Thật quá dễ. Chúng tôi có thể làm được điều đó ngoài mặt trận, nhưng những người lính trực diện với súng đạn đã không làm vì còn danh dự, trách nhiệm đối với Quân Lực và Tổ Quốc. Không bao giờ chúng tôi nghĩ đến ngày QLVNCH phải đầu hàng. Thực tế tại các chiến trường trong nhiều năm chiến đấu đã cho chúng tôi niềm tin rằng QLVNCH mạnh hơn quân CS Bắc Việt trên mọi mặt. Chúng ta yếu kém hơn họ trên mặt trận tuyên truyền láo khoét mà thôi. Chao ơi, nào ai muốn chiến tranh huynh đệ tương tàn. Nhưng có ai nhận chúng ta là huynh đệ không? Và họ có nghĩ gì đến tổ quốc Việt Nam hay là chỉ phục vụ cho tổ quốc Cộng Sản bạo tàn? Chúng ta không muốn chiến tranh, chúng ta chỉ là kẻ tự vệ. Kẻ tự vệ bao giờ cũng sáng ngời lý tưởng, huống gì lý tưởng chiến đấu của chúng ta là hai chữ Tự Do. Này, các “người anh em”, hãy đến đây nhận lấy vũ khí, rồi trả thù, hành hạ, đánh đập, tù ngục chúng tôi. Khi buông súng là mặc nhiên chấp nhận tất cả. Và để rồi xem ý nghĩa hai chữ “anh em” mà thượng cấp chúng tôi dùng sẽ như thế nào! Anh em đồng đội của tôi ơi, cho đến giờ phút này, tuy lòng đau đớn nhưng chúng ta thật bình thản, không hề mảy may sợ hãi, bởi vì chúng ta đã cầm súng để tự bảo vệ mình. Chúng ta chiến đấu trong tinh thần dân tộc máu đỏ, da vàng, không thẹn với lương tâm bởi tinh thần mã thượng và nhân đạo của con nguời đối với con người nơi trận tuyến. Chúng ta quý mạng sống kẻ thù như mạng sống của mình. Chưa, chưa bao giờ chúng ta nhẫn tâm ném một trái lựu đạn xuống hầm VC vì tiếng khóc của bà mẹ, của người vợ van xin cho đứa con, cho người chồng lầm đường. Chưa bao giờ chúng ta căm thù, hành hạ kẻ vừa bắn ngã đồng đội anh em mình bởi vì chúng ta hiểu đó là quy luật của chiến trường. Những người lính hai bên ai cũng muốn mình chiến thắng. Người lính miền Nam chúng ta nổ súng không có thù hận đem theo. Và đó cũng là một nguyên nhân mà chúng ta thành kẻ chiến bại ngày hôm nay.

    * * *

    Lúc này là 11 giờ 30, mặt trời và mặt đất như chưa bao giờ biết nhau như những người lính chưa bao giờ phải buông súng đầu hàng. Gần ba trăm tay súng, bỗng chốc tự mình làm cho mình còn lại tay không. Tay không trong hiện tại đớn đau và tay không trong tương lai khốn cùng. Ba trăm con người sắp hàng bước đi trước họng súng của mười du kích CS. Có lẽ trong giây phút này đây quý vị trong dinh Tổng Thống cũng không hơn gì chúng tôi. Nơi đây, những du kích này còn lo sợ chúng tôi phản ứng còn quý vị thì đang ngoan ngoãn vâng lời dạ thưa tôi xin bàn giao, tôi xin đầu hàng. Trong dinh tổng Thống không có mẹ già khóc, không có những em nhỏ nhìn theo mến thương, trước đám đông, nhiều đồng bào còn hoan hô các anh chiến sĩ QLVNCH. Ðây là đồng bào thuộc xã Long Thạnh Mỹ, Thủ Ðức, những con dân miền Nam nhân ái , yêu chuộng tự do. Họ đang đứng thành hàng hai bên đường, không phải để đón tiếp kẻ cầm vũ khí trong tay mà đón tiếp những người vừa bị lột trần giày, nón. Những nụ cười rất quen thuộc, thân thương mà kẻ chiến thắng cũng như quý vị cao chạy xa bay, đầu hàng không bao giờ được trao tặng. Cởi giày, cởi áo phải chăng là khúc cuối của vở bi kịch? Phải, chính là bi kịch, nhưng đoạn cuối thì chưa đến. Vì là bi kịch nên cha, mẹ, anh chị, em đứng hai bên đường rơi nước mắt. Tất cả mọi người đều sợ chiến tranh, giờ đây chiến tranh đã chấm dứt mà sao đồng bào nơi đây không cảm thấy có niềm vui. Phải chăng khi đã thật sự thấy tận mắt những gương mặt hốc hác, những nụ cười không lành lặn, trọn vẹn, những áo bạc màu rách vai, những đôi giày vẹt đế đầy bùn đất… đồng bào mới hiểu được có những chịu đựng tận cùng của con người nơi các chiến sĩ miền Nam của họ. Và chính đó là tình thương chân thật . Mừng cho các con còn sống! Mừng cho các anh yên lành! Chúng con nghe mẹ nói, muốn cầm tay mẹ và thì thầm mẹ ơi, chúng con đang chết từ giây phút này, một cái chết dưới thấp hơn tất cả cái chết trên đời thưa mẹ. Các anh muốn nói với em rằng có những vết thương đang hằn sâu, sâu hơn những vết thương các anh nhận từ chiến trận .




    * * *

    Một tên xã đội trưởng du kích hỏi:

    - Ai là cấp chỉ huy ở đây?

    Mọi người chờ đợi. Tiểu Đoàn trưởng trả lời:

    - Tôi!

    - Anh tập họp tất cả binh lính!

    Xã đội trưởng nói, giọng không được tự chủ khi đối diện với mấy trăm con người mắt nhìn hắn như trêu ghẹo… Lúc đó trong sân chùa Long Thạnh Mỹ, những người lính ngồi bệt xuống đất, cởi những chiếc vớ nhà binh rồi đưa lên mũi ngửi, mỉm cười nhìn nhau. Phải không bạn, chúng mình mang những đôi vớ này đã mấy ngày từ hôm rút khỏi Trãng Bom mà không có thì giờ để thay chiếc khác. Cởi những đôi vớ ra, bàn chân thật thoải mái nhưng tâm hồn sao lại u uất. Mùi hôi của vớ không nặng bằng mùi phiền muộn. Khi thấy anh em binh sĩ cởi giày, nhiều bà con chạy về nhà lấy dép ra cho. Lính và dân trao đổi giày nhà binh và dép nhẹ với những nụ cười như muốn nói với nhau: “Cám ơn em đã cho anh đôi dép, đôi dép khiến đôi bàn chân anh nhẹ nhàng. Cám ơn anh đã nhường cho em đôi giày lính, đôi giày này sẽ tiện lợi cho em trong những tháng ngày tương lai.” Thấy đồng bào vui mừng khi nhận đôi bốt mòn đế, người lính ngạc nhiên nhưng rồi chợt hiểu. Phải, chính từ giờ phút này đây, những cuộc đời sẽ thay đổi, những khốn khó đang chực chờ. Tội nghiệp các em đang độ tuổi lớn khôn, chỉ mới ngày đầu mà đã thấy ra con đường tương lai đen tối! Khoảng hai giờ chiều thì đồng bào đem thức ăn đến sân chùa Long Thạnh Mỹ.

    - Các con ăn cơm cho đở đói!

    - Các chú ăn cho thật no nghe!.

    - Các anh cứ tự nhiên như ăn cơm của mình!

    Ðồng bào trong xã mời các anh, thương các anh lắm! Ðã lâu lắm rồi, đây là bữa cơm thịnh soạn nhất mà người lính chiến đấu được hưởng. Cơm gạo trắng, thịt heo kho măng thơm phức. Nhiều đồng bào đứng xem lính ăn, cười mãn nguyện.

    - “Trưa nay ăn thịt kho, chiều nay ăn cá lóc kho nghe các con!” Mẹ nói.

    - “Ra giếng chùa tắm cho mát rồi đi nghĩ cho khoẻ nghe các con!” Cha bảo.

    Tội nghiệp vị sư già gần 70 tuổi, không quen mùi thức ăn sinh vật, nhưng cũng đi từ nhóm này đến nhóm khác thăm hỏi như là một người cha sau bao ngày xa xách con mình. Hầu hết anh em binh sĩ đều ăn uống tự nhiên, rất ngon lành. Những sĩ quan chỉ huy thì không bình yên như vậy. Có người không nuốt nổi vì nước mắt lưng tròng. Khóc vì tủi nhục và cũng vì sung sướng. Nếu chiến đấu không có lý tưởng, không vì tự do hạnh phúc của dân tộc thì sao có được bữa cơm đầy tình nghĩa đáp đền hôm nay.

    Buổi chiều sân chùa vắng lặng vì anh em binh sĩ vào chơi trong làng. Trung Ðoàn Trưởng, Tiểu Đoàn trưởng và vài sĩ quan ở lại nghe vị sư già nói chuyện. Trước đây, sư đã từng có chức vụ trong ủy ban kháng chiến Liên khu 5 ở miền Trung, nhưng sư bỏ trốn vào Nam khi nhận rõ bản chất của người CS. Sư nói:

    - Quân Ðội miền Nam có lý tưởng nhưng không tinh nhuần lý tưởng, lại thiếu khôn ngoan xảo quyệt, nhân nghĩa giả như Cộng Sản.

    Khi được hỏi về tương lai của miền Nam thì vị sư lắc đầu:

    - Thầy e rằng rồi đây ngay những chiếc áo tu nâu sồng nghèo khó cũng khó được mặc!

    Ðôi mắt vị sư buồn nhìn về xa xôi:

    - Từ khi cuộc chiến bùng nổ lớn, mất miền Trung, đồng bào hàng hàng lớp lớp chết vì chạy giặc, kinh kệ không vào trong đầu óc thầy nữa!

    Ðôi mắt sư nhìn sâu vào mắt mọi người với tiếng thở dài. Giọng một người run run:

    -Vì đau khổ của chúng sanh mà tâm thầy không an, đôi mắt thầy hướng ra ngoài cửa Phật, còn chúng con hôm nay có được giây phút an lạc hiếm hoi trong cuộc đời. Chỉ sợ mai đây khi bước ra khỏi bóng chùa…

    Sư chắp tay hướng lên bàn thờ Phật:

    - Mô Phật! Bây giờ thì mọi chuyện đã xong, chỉ mong rằng họ sẽ khôn ngoan giải quyết trong tình nghĩa huynh đệ, đồng bào ruột thịt thì mới mong oán oán không chất chồng!

    Lời Sư trầm hẳn xuống:

    - Các con rồi đây phải cố gắng nhẩn nhục chịu đựng, chấp nhận tất cả. Thầy tin rằng đồng bào mình không ai không thương các con. Hãy tạm quên lý tưởng mà luôn luôn nghĩ đến sự tồn tại thực tế của gia đình mình!

    Khi nghe Sư hỏi thăm gia cảnh mình, tự nhiên mọi người đều ứa nước mắt. Nước mắt sư cũng ứa ra. Vì thương nhớ quê nhà, lo âu cho đạo pháp hay biết trước số phận sắp tới của những con người còn trẻ đang quây quần trước mặt mà thầy khóc? Có lúc nào đó, lòng chợt nhớ đến mẹ. Không biết mẹ còn ở Huế hay lạc bước đến phương nào từ khi Huế mất.

    - Ðêm nay thầy không thỉnh kinh, các con vào chánh điện mà nghỉ!

    Sư nói, rồi nhẹ nhàng đứng dậy. Anh em cũng đứng dậy chào người. Sư bước đi, dáng gầy xiêu xiêu. Màu nắng chiều tháng Tư nhạt nhòa trên vai áo nâu sồng, màu nắng loang lổ trên bậc thềm chùa như những mảnh vá của tâm hồn những người tạm nương nhờ cửa Phật đêm nay.

    Buổi tối anh em binh sĩ về sân chùa đầy đủ. Dưới ánh trăng mờ mọi người nằm la liệt, có người ngủ say bất động như xác chết. Một vài tiếng ho, ú ớ từ đâu đó vang lên. Không ngủ được, Nguyễn Mạnh Tông ngồi dậy nói :

    - Anh Ba ơi, anh em mình đi một vòng trong sân thử xem!*

    Trần Văn Minh ÐÐT Ðại Ðội Chỉ huy, nghe nói cũng ngồi dậy:

    - Em đi với anh Ba và anh Tư!

    Tông hỏi: – Có cần đếm thử xem anh em còn đủ không?

    - Thôi khỏi cần. Chắc không có anh em nào bỏ đi đâu! Tiểu Đoàn trưởng nghĩ thầm: “Anh em ai bỏ đi lúc này cũng được nhưng chắc không ai nỡ, anh em biết rằng nếu có người bỏ đi thì ngày mai các sĩ quan chỉ huy sẽ bị làm khó dể. Anh em ở lại để tỏ rỏ tình huynh đệ và tính kỷ luật của đơn vị một lần cuối. Cám ơn các em. Chúng ta chỉ còn với nhau ở nơi yên tỉnh này một đêm thôi. Rồi ngày mai… “

    * * *

    Mọi người ngước mắt nhìn bầu trời phương xa đang treo lơ lửng một vài trái sáng. Chắc chắn đâu đó, quanh Sài Gòn và ngay trong lòng Sài Gòn giờ phút này vẫn còn có những người vẫn tiếp tục chiến đấu. Còn Vùng 4 Chiến Thuật nữa. Vùng 4 không đầu hàng CS. Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng là những danh tướng, quý vị sẽ không tuân lệnh Tổng Thống Dương Văn Minh. Vùng 4 dân đông, kinh tế phồn thịnh sẽ là nơi quy tụ những anh hùng. Khi ba người trở lại chỗ cũ thì thấy mấy anh em thuộc trung đội Quân Báo của Thượng Sĩ Bé đang ngồi nhìn dáo dác chung quanh. Bé nói:

    - Em giật mình thức dậy không thấy Thiếu Tá và hai Đại Úy nên gọi anh em dậy đi tìm!

    Tiểu Đoàn trưởng cám ơn rồi bảo mọi người đi ngủ. Tình cảm anh em vẫn còn gắn bó quá, thật không có gì thay đổi dù Tiểu Đoàn trưởng bây giờ không còn là Tiểu Đoàn trưởng, sĩ quan không còn là sĩ quan… Ðặt lưng nằm xuống, nhưng ba người vẫn không ngủ được. Giờ phút này, thật sự chỉ có giờ phút này mới nghĩ đến gia đình vợ con, mấy ngày qua chỉ nghĩ đến sự an nguy của đơn vị. Chỉ có những người lính chiến đấu mới biết rõ điều này hơn ai hết. Một đêm yên lành, thể xác bềnh bồng trôi qua đêm. Sáng 1 tháng 5, nắng đã lên ngoài sân chùa.

    - Mời Trung Tá, Thiếu Tá uống trà! Nguyễn Toàn, nguyên là người phụ trách cơm nước cho Tiểu Đoàn trưởng, pha trà và mời.

    -Thôi anh Toàn, đừng gọi trung tá, thiếu tá, đại úy gì nữa, mọi người đều như nhau, cùng một hoàn cảnh cả!

    - Dạ, nhưng tụi em vẫn xem như không có gì thay đổi!

    Tiểu Đoàn trưởng quay qua người lính quân báo bên cạnh, hỏi nhỏ:

    - Cây súng nhỏ của tôi cậu còn giữ không?

    Người lính nở nụ cười:

    - Em xin lỗi, em cố giữ như lời Thiếu Tá dặn, nhưng mấy anh em khuyên em ném nó đi, coi chừng Thiếu Tá nóng nảy làm bậy, khổ cho gia đình. Tụi em thấy mấy người du kích có vẻ nể nang chúng ta, họ không dám làm nhục Thiếu Tá và các vị sĩ quan đâu. Loạng quạng tụi em bẻ họng tụi nó hết!

    Khoảng 11 giờ trưa, xã đội trưởng xuống gặp Tiểu Đoàn trưởng, yêu cầu tập trung binh sĩ để nhận giấy chứng nhận cho ra về. Theo lời Tiểu Đoàn trưởng, mọi người kéo nhau xuống tập họp tại sân xã. Tiểu Đoàn trưởng và các sĩ quan nhận giấy rồi phát lại cho anh em binh sĩ . Ðứng trước anh em đang tập họp, xã đội trưởng VC nghiêm sắc mặt rồi nói:

    - Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam khoan hồng cho tất cả các binh sĩ nguỵ về với gia đình. Yêu cầu khi về địa phương phải đến trình diện chính quyền Cách Mạng. Các sĩ quan cấp Úy cũng sẽ được ra về nội trong chiều nay. Riêng sĩ quan cấp Tá sẽ được chuyển lên Ủy Ban Quận quyết định. Ai nhận giấy tờ xong bây giờ có thể ra về!

    Xã đội tưởng dứt lời, đưa mắt nhìn anh em binh sĩ. Anh em vẫn đứng yên, mắt hướng về những người chỉ huy cũ chờ đợi. Tiểu Đoàn trưởng bước đến trước anh em nhưng miệng như không thốt ra được lời nào. Một phút rồi hai phút, bỗng trong hàng quân có tiếng khóc. Tiểu Đoàn trưởng ứa nước mắt. Anh em ứa nước mắt. Tiểu Đoàn trưởng nói và chớp chớp đôi mắt để làm khô nhanh hạt lệ đang ứa ra.

    - Ô kìa, sao lại… Anh em! Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ thấy một anh em nào khóc, ngay cả khi chứng kiến sự hy sinh của bạn mình. Bây giờ hết chiến tranh rồi, hết chết chóc rồi, anh em sẽ ra về xây dựng cuộc đời mới, sống hạnh phúc với gia đình vợ con thì tại sao lại làm như đàn bà thế, phải vui cười lên chứ. Cười như tôi đây này! Tiểu Đoàn trưởng nói và cố mỉm cười. Cái mỉm cười lạ lùng nhất mà mọi người chưa bao giờ thấy. Anh em mỉm cười theo, có người cười thành tiếng nhưng vẫn có người còn sụt sùi. “TÐ 3/48 chưa bao giờ bại trận, ngay cả bây giờ cũng vậy, không được tỏ ra yếu đuối trước họ, không thể để họ xem thường tinh thần người lính miền Nam”. Tiểu Đoàn trưởng nói thầm với mình rồi quét đôi mắt sáng đầy cương quyết nhìn mọi người. Tiểu Đoàn phó Nguyễn Mạnh Tông gật đầu nhận hiểu. Anh em nhận hiểu như đã nhiều lần nhận hiểu khi nghe cấp chỉ huy mình nói trước giờ xuất quân . – Bây giờ anh em có thể ra về, nhưng hãy trả lời tôi trước khi chúng ta chia tay! Tiểu Đoàn trưởng chống hai tay vào hông, một cử chỉ quen thuộc mỗi lần đứng trước hàng quân. -Tất cả! Ngồi… – Xuống! – Ðứng… – Dậy! Cả ba trăm người trả lời cùng với động tác ngồi xuống và đứng dậy một lượt, âm thanh hùng hồn vang động làm rung rinh tâm hồn những cán binh VC và đồng bào có mặt khiến họ đều nhất loạt vỗ tay. Khi mọi người bắt tay nhau từ giả, Tiểu Đoàn trưởng quay qua hỏi trung sĩ Lê Văn Tạo:

    - Ngoài anh Tạo biết gia đình Sơn, còn có ai biết nữa không?

    - Chỉ một mình em biết thôi, em đã chuẩn bị tất cả rồi, xác Sơn đã được đưa lên xe lam, chốc nữa em sẽ đưa Sơn về nhà cho gia đình Sơn!

    Giọng Tạo thật buồn và anh nói tiếp:

    - Nó cố giữ cái máy truyền tin nên bị hụt cẳng khi qua sông, em kêu nó buông cái máy ra mà nó không chịu nghe… Ðánh nhau không chết bây giờ lại chết, may mà sáng nay xác nỗi lên còn không thì …

    - Có mấy trăm đây, em lấy mà trả tiền xe!

    - Thưa Thiếu Tá không, người chủ xe lam không lấy tiền!

    Sơn ơi! Cái chết của em đau lòng mọi người lắm, nhưng em sẽ bất tử trong lòng anh em bởi vì tất cả chúng ta không ai quên được những giờ phút Tiểu Ðoàn lội qua sông để mong đến với Sài Gòn đang kêu cứu.

    * * *

    Gã tù binh đứng như trời trồng giữa buổi trưa ngày cuối tháng tư nắng gắt. Gã nhắm mắt lại, tai nghe lao xao những lời từ giã. Tay gã muốn cử động khi có bàn tay ai nắm chặt nhưng bàn tay gã như khô đi và cứng ngắt. Gã đứng đó và thấy một dòng sông đang chảy xiết với hình ảnh những người lính vội vã lội qua sông. “Sơn ơi! Sao em không chịu buông cái máy truyền tin, còn giữ nó làm chi trong giờ phút sau cùng khi không còn gọi được một ai, không nghe ai gọi mình!” Hởi con sông đang chảy xiết và sẽ chảy mãi trong trái tim đau đớn của ta! Ta làm sao quên dòng chảy ào ạt của ngươi đã nhận chìm, cuốn trôi đôi tay người lính đang nâng chiếc máy truyền tin lên cao, lên cao. Hỡi người lính muốn qua sông về với Sài Gòn mà chưa qua được! Anh vẫn thấy đôi mắt em hướng về Thủ Ðô buổi sáng 30 tháng Tư. “Ngày xưa khi anh mở mắt chào đời, Mẹ yêu, theo gương người trước chọn lời,… đặt tên cho người nặng tình yêu nước vào nôi ( Phạm Duy). Không biết con sẽ hát bài ca này bao nhiêu lần trong cuộc đời lưu lạc Mẹ ơi!…



    Nguyễn Phúc Sông Hương


    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  10. #40
    Những Ngày Cuối Tháng Tư








    30 Tháng 4 Nỗi Đau Việt Nam



    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

 

 

Similar Threads

  1. Thời gian và kỷ niệm ...
    By hoangtruc in forum Không Gian Riêng
    Replies: 53
    Last Post: 10-02-2015, 10:17 AM
  2. Ảo Tưởng
    By chieubuon_09 in forum Tùy Bút
    Replies: 8
    Last Post: 08-13-2014, 08:48 AM
  3. Replies: 0
    Last Post: 01-14-2012, 05:30 AM
  4. Mỹ tạo ra 200 ngàn việc làm vào tháng 12
    By Lotus in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 0
    Last Post: 01-10-2012, 11:07 AM
  5. Vần thơ tháng hạ
    By Man Ho in forum Thơ
    Replies: 18
    Last Post: 11-25-2011, 02:18 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 11:17 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh