Register
Page 3 of 7 FirstFirst 12345 ... LastLast
Results 21 to 30 of 63
  1. #21
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,669
    Ngày ở Charlie , phi đoàn trực thăng Thần Tượng cũng có mấy chiếc ....bỏ đường bay , một chiếc bốc khói ngay trên đầu tôi, tôi chỉ thấy khói đen ở phần đuôi bay vòng tròn từ từ rơi xuống , thấp dần...thấp dần... đến lúc xuống gần ngọn cây vẫn không có ai nhẩy ra , cuối cùng một khối lửa bùng lên ....sau này tôi hỏi pilot , sao không phóng ra thì được giải thích là độ rơi của máy bay nhanh hơn của người , nhẩy ra là bị cánh quạt chém

  2. #22
    Kính tặng các anh Chiến Sĩ Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù, để hoài niệm đến những Cánh Dù không về đến điểm hẹn.



    Huy hiệu binh chủng Nhảy Dù VNCH..



    Anh bảo tôi viết lại những kỷ niệm về Tiểu Đoàn 7, về Dương Thuyết Phong, về " Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu ".....Anh Phi thân mến, những năm tháng bình yên nơi xứ người đâu phải ngắn ngủi, đã gần ba mươi năm rồi, phải không anh ? chiến tranh đã chấm dứt từ lâu nhưng mặt trận miền Tây nơi tôi vẫn không ......yên tĩnh nỗi . Thỉnh thoãng tôi vẫn nằm mơ.......

    Người đi Tây tiến mùa Thu ấy
    Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi...

    Lòng tôi thương nhớ, quặn đau khi nghĩ linh hồn Phong còn vất vưởng nơi chiến trường Campuchea xa lạ ấy . Người ta nói rằng, người chết ở đâu, linh hồn sẽ lẩn quẩn ở mãi nơi đó, như luyến tiếc, như cầu mong cái hình hài ấy thức dậy, chuyên chở cho mình về lại kiếp người, để gặp mặt vợ con, thân nhân, bạn bè...

    Chiến tranh đi nhanh và khốc liệt quá, nhiều khi mình không kịp nhận thức cả tuổi xuân của tụi mình. Tôi nhìn ảnh Tuấn Phi ngày đó trẻ quá, anh Phong chết khi tuổi đời chắc cũng độ bằng anh dạo ấy, cũng cấp bực Thiếu Úy, Phong học Trung học Võ Trường Toản SG, trường sát ngay bên cạnh Trưng Vương, rồi học năm thứ nhất ban Khoa Học, thi rớt, động viên vào Thủ Đức năm 1968. Về binh chủng Nhẩy Dù, đi hành quân liên miên, thường vắng nhà đến nỗi, sau khi anh chết đi, gia đình anh em xót thương nhưng không cảm thấy trống vắng. Đó là sự thiệt thòi của những người lính ngoài mặt trận, họ vắng mặt nơi mái ấm gia đình quá nhiều nên người thân cũng quen dần đi. Đâu đó, trong tâm tưởng vẫn còn lẫn lộn, chừng như các anh đi hành quân chưa về !!!

    Anh Phi ơi, Phong chết tôi không được thấy mặt, nên tôi sống trong hoài nghi, đau khổ chập chờn, tôi hy vọng một tối nào đó, có tiếng chuông reo cửa của anh về, tôi hy vọng anh lạc trong rừng như chuyện kể của những người lính tìm về đơn vị sau chiến trận Hạ Lào, sau khi đơn vị đã báo tin chết không tìm thấy xác.

    Tôi hy vọng ác đức và ích kỷ là xác ấy không phải của anh Phong mà là của một người nào đó. Tôi chờ đợi mãi, ngày tháng nguội dần rồi chợt bùng lên như ngún lửa mong manh sau hiệp định ngưng bắn 1973, trao trả tù binh đôi bên. Tôi mua báo đọc hàng ngày với một hy vọng nhiệm mầu, có tên Dương Thuyết Phong trong danh sách trao trả tù binh. Ngày qua ngày, tháng qua tháng tiếp nối, và bãng danh sách cứ ngắn dần rồi chấm dứt trong vô vọng.

    Nỗi trông đợi không tưỡng ấy như tôi tự đánh lừa chính tôi. Phong ơi ! dù bạn bè và gia đình xác nhận là anh đã chết nhưng em vẫn chờ đợi, mỗi một mùi hương, một bài hát là một kỷ niệm nhớ thương. Anh hiền lắm, tụi mình chẵng mấy khi giận nhau, có đôi khi cãi nhau vu vơ, rồi em lại nghĩ.......ngày phép chẳng có là bao, giận hờn làm chi rồi kẻ ở nhà hối hận, người ra đi cũng chùng bước, hoang mang, Hùng Phi cứ nói giỡn với em ...." Anh trở về viên đạn đồng đen, em sang sông cho làm kỷ niệm ".., em có làm gì cho nó giận không, mà anh cứ thấy nó hát hoài câu ấy, nghe rét quá. Bạn bè trong TĐ7, cấp Th/u, Tr/u đều biết chuyện. Có lần gần ngày thi Tú Tài 2, em " cúp cua " nhiều quá, nên bài vỡ ứ đọng. Dạo đó, TĐ về Saigon, đóng quân ở Tao Đàn, em phải nhờ anh giúp, hôm sau đến tìm anh Phong, chú lính cười cười " Thiếu úy mới chép bài cho cô xong rồi, chắc ổng đi uống café bên quán, cô ngồi đợi một chút ". Sau khi anh chết, mỗi lần nhìn lại tranh vỡ với bút tích của anh, em không thể nào cầm được nước mắt, nước mắt nhạt nhoà rơi xuống tranh giấy, trong bóng đêm, em ngậm ngùi mong hư ảnh anh về, chiếc áo anh mặc cuối cùng, em vẫn còn giữ, mùi hương vẫn còn đây nhưng hình hài đã vùi lấp nơi miền gió cát thê lương. Em không hiểu là anh có biết mình bị thương hay cái chết đến quá bén ngọt đến nỗi anh chưa kịp nhận thức ra thì đã từ giã cõi đời. Em mong một lần nào cho em gặp anh để được hỏi : anh chết thật rồi sao ? Em không tin là anh đã xa em .........thật xa như vậy.

    Em đi học, những giờ học trở thành buồn tênh, vô nghĩa, em không còn nỗi náo nức nhìn đồng hồ mong cho sớm hết giờ, em tủi thân khi trên đường nhìn thấy áo hoa, nón đỏ đâu đó. Em có gặo Chuẩn úy Đàm đứng bâng khuâng nơi đường Lê Lợi, một cánh tay băng vải trắng quàng vai, khuôn mặt ngỡ ngàng của người lính trẻ về thành phố sau cuộc thử lửa 72 kinh hoàng. Saigon sống vội, sống cuồng, nhức nhối với tin chiến trận hàng ngày đưa về hậu phương..." Hỡi người chiến sĩ đã để lại chiếc nón sắt bên bờ lau sậy nầy "...Không, anh Phong là người bằng xương, bằng thịt của em, không phải là ảo ảnh của một người tình không chân dung !!!Em không nghĩ là em đã mất anh trên cõi đời nầy.

    Em trông đợi anh về hằng đêm, em nghe đâu đây tiếng đàn của anh, nơi chổ đóng quân vườn Tao Đàn, em nghe mơ hồ bên tai lời anh hát....." Người ơi, chiều nao có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi. Tình có ghi lên đôi môi, sầu có phai nhoà cuộc đời..." Và em vĩnh viễn thương tiếc......" Những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ, dù đã quên lời hẹn hò....Thời hoàng kim xa quá chìm trong phôi pha. Chờ đến bao giờ tái sinh cho người........" Vâng, em chờ, chờ đến bao giờ tái sinh lại cho em một tuổi thanh xuân không ngớt lệ vì cuộc chia tay quá nghiệt ngã của hai đứa mình.

    Anh Tuấn Phi thân mến, những kỷ niệm bao năm ấp ủ, sầu không nguôi, tình không quên, tóc xanh đã phai mầu với thời gian, nước mắt vẫn không ngừng rơi khi nhắc đến chuyện của anh, một người trai đã làm tròn bổn phận với núi sông nhưng lại lỗi hẹn với người tình. Tôi đã đi hết hai phần ba của đoạn đường trần, tôi vẫn còn hoài nghi thắc mắc, có phải chết là hết không ??? Sao anh Phong không một lần hiện về trong mơ với hình hài tan vỡ vì mãnh đạn hận thù, để chứng minh với tôi thật sự là anh đã chết, để tôi yên tâm sống những ngày cuối đời không ray rứt và chờ gặp lại nhau , nối lại dòng đời của tuổi hai mươi.

    Hoài niệm về những cánh Dù không về đến điểm hẹn.



    Em tiếp tục đi học trường tư, làm thư ký hạng bét cho Ngân hàng Đông Phương. Thi đậu Tú tài 2 và em lấy chồng không cưới hỏi, với một chàng Thiếu Úy Nhẩy Dù, sống hùng, sống mạnh....mà không có sống lâu.Chàng tên là Dương Thuyết Phong, gia đình Công giáo, đạo gốc, gia đình có người làm Linh Mục nên quan niệm rất cổ và gia giáo. Ra trường Thủ Đức, Phong chọn ngay binh chủng Nhẩy Dù, rồi Tiểu Đoàn 7, để xa nhà và sống theo ý mình.

    Tụi em vừa gặp lại nhau ( vì Phong là bạn của anh ruột em ), rồi lấy nhau chỉ được 11 tháng. Phong tử trận ngày 29 tháng 11 năm 1971, tại chiến trường Campuchea khi tuổi đời vừa được 24, còn em - nửa đàn bà, nửa nữ sinh - mới vừa 19. Em không được đến nhà nhìn mật Phong lần cuối, em nhờ Mỹ và Tuệ Tâm, là hai chứng nhân của cuộc đời em, mang hộ vòng hoa đến viếng tang, chỉ vỏn vẹn hai chữ" Thương Tiếc " trên băng vải tím buồn.

    Em nhớ lá thư cuối cùng Phong viết về cho em.." thầy bói nói là anh không có số xuất ngoại, vậy là sai rồi...Anh đã xuất ngoại, không những vậy, mà còn theo cả em nữa, đó là tấm ảnh của em lúc nào anh cũng để nơi túi áo ngực....." Đâu có thể ngờ rằng anh đã đi vỉnh viễn không về nữa. Kỷ vật cho em là một tấm thẻ bài và hai bức ảnh của em, loang máu của anh vào mặt sau, mặc dù bạn anh là Trung úy Võ Hùng Phi, đạ cố gắng phơi khô nhưng vẫn không hết mùi tanh của máu.

    Ngày đưa anh về lòng đất, em đi lặng lẽ như bao người khác. Bạn bè anh, những người lính mà em cùng sống trong trại gia binh nơi Tam Hiệp, họ không có mặt vì họ còn miệt mài hành quân nơi sình lầy, đất ruộng của xứ Campuchea xa lạ, chỉ có hai người bạn của anh khi còn đi học là biết chuyện chúng mình. Đám tang xong, mọi người đi về hết, em đứng lại một mình, ngẩn ngơ với cây thánh giá gỗ chơ vơ. Như vậy là anh chết thật rồi sao Phong ??? Tại sao anh chết ??? Em và anh, chẳng ai nghĩ có ngày hai đứa phải xa nhau oan nghiệt như thế nầy. Vậy mà hôm nay, anh lại là kẻ đào nhiệm vỉnh viễn, khi cuộc hành trình của em và anh chỉ mới ở bước khởi đầu. Tại sao mảnh áo đài trang của người nữ sinh bỗng chốc trở thành mầu áo tang bay phất phới nơi đồi trọc, với hàng hàng, lớp lớp tuổi trẻ trong khoảnh khắc bỗng ngưng đời.???

    Lá cờ vàng ba sọc đỏ phủ quan tài anh, giờ che nắng cho khối đất vô tri, ấp ủ hình hài của chàng trai hiền lành nhưng không ngoan đạo. Anh nằm đó, bên cạnh người lính truyền tin, cùng chết với anh bởi quả đạn pháo kích. Anh nằm xuống, nước ruộng bùn của Campuchea phủ ngập người anh, Trung úy Phi chạy đến, xốc anh lên......." miệng nó còn cười như đang nói chuyện với ai, tối hôm qua, nơi chỗ dừng quân, nằm tờng ten trên võng, tôi còn hỏi nó, mày có thấy lạnh cẳng không Phong ?..Bàn tay vỗ lên ngực áo, nó trả lời..tao có bé Hằng đây, đâu thấy lạnh lẽo gì...."

    Anh chết như đi vào giấc ngũ của trẻ nằm nôi. Anh giờ đã yên phận anh, còn em thì sao ? người ở lại biết làm gì cho qua hết những buổi sáng chờ thư từ mặt trận........11 tháng làm người yêu lính, em chẳng có được mấy ngày vui...Dăm bẩy buổi ciné, chạy trốn giả tạo vào đất trời phương Tây bình yên và tự do, một vài lần đi nghe nhạc.....Trả lại em yêu con đường học trò.....với nhiều luyến tiếc, những quán café thịnh hành với lời nhạc......Anh trở về dang dở đời em. Ta nhìn nhau ánh mắt không quen...Không, ta đã không còn được nhìn nhau nữa. Số phận đã chia anh và em, mỗi người một nơi, người đi về với lòng đất vô thức, kẻ ở lại với quay quắt, nhớ thương từng kỷ niệm của tháng ngày đã qua.

    Em không còn nước mắt để khóc cho anh, em không còn nước mắt để khóc cho em, người con gái nhẹ dạ của thời chiến tranh.Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi...Xưa nay, chiến trận có mấy ai về, Phong ơi ! Đứng bên mộ anh, em không được vật vả khóc như những người vợ tử sỉ khác, em không được khóc ngã quỵ với thân nhân dìu đỡ hai bên. Em một mình can đảm, khóc ngậm ngùi cho sự chia tay ngắn ngủi của chúng mình, em ngước mặt nhìn trời, dấu lệ với mọi người, em oán ai bây giờ. Trời cao rất cao, trời xanh rất xanh, nơi khoãng trời trong xanh ấy, có thấy chăng một cánh Dù bay mãi không về điểm hẹn Delta, bỏ lại nơi đây, cuộc tình dang dở của mình em. Những mong được làm lại cuộc đời, chỉ xin một cuộc đời tầm thường của người vợ lính, như bao người khác mà trời chẳng thuận cho.

    Liên tiếp ba năm, để làm tròn một lời hứa, mỗi tuần thứ bẩy, em một mình đem hoa lên nghĩa trang Quân Đội, thắp hương cho anh, nhổ cỏ dại quanh mồ. Đôi khi, em chập chờn với ý nghĩ, mình đến đây để làm gì ? Em tiếc thương anh hay em tội nghiệp em còn lại bơ vơ, những ngày tháng chẳng biết làm gì, hay là em " kên " đời, thách thức với gia đình anh đã không chấp nhận em ?

    Có lúc em lên thăm mộ, gặp gia đình anh cũng lên thăm. Em phải tránh mặt, ngồi xa xa nhờ nơi mộ người khác. Người sống còn có thể đứng trú mưa nhà người lạ, kẻ chết rồi có còn gì đâu, vậy mà em vẫn phải tránh mặt nơi ngôi mộ một người không quen......

    Những ngôi mộ mới vẫn tiếp nối nhau, không phân biệt quan, lính. Những lá cờ Vị Quốc Vong Thân rồi cũng dãi dầu với năng mưa, ngày tháng. Và em, vẫn một mình lầm lũi đi cho hết đoạn đường trần.



    Nguyệt Hằng
    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  3. #23
    Kính chào anh Cao-Nguyên,
    Thật vui mừng và cảm-động khi đọc được những bài cùng hình-ảnh về quân-đội oai-hùng của chúng ta trước kia! Lòng yêu nước không dành riêng cho ai, vì vậy cho phép Trầm nói lời ngưỡng-mộ dù rằng cái nhìn của Trầm chỉ quanh-quẩn xó bếp, sân nhà.
    Quân-đội chúng ta oai-hùng, can-đảm, thiện-chiến như vậy mà rồi cũng đành bó gối quy-hàng kẻ thù không xứng gọi là đối thủ. Sự oán-hận, đau-thương không những cho người sống, mà còn cho bao anh-linh anh-hùng, tử-sĩ vị quốc vong thân.
    Những bạn của Trầm bảo là "vận nước nó như thế". Như vậy có nghĩa là công-lao của tiền-nhân đã trôi sông, trôi biển hết rồi!?
    Lời viết lúc xúc-động nếu có lỗi xin anh vui-lòng bỏ qua.
    Kính,

    H.Trầm

  4. #24




    giọt lệ hồng

    " chợt nghe từ đá hồn thương tích
    vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa "
    (Thanh Nam)


    đã có bao lần
    em thấy
    giọt lệ hồng
    rơi!

    đã có bao lần
    em hiểu
    vì sao
    giọt lệ - hồng?

    những giọt lệ pha máu
    từ tim
    chảy xuyên qua mắt
    buốt đau theo giòng chảy
    cay đắng suốt trăm năm

    đã có bao lần
    em biết
    tại sao có giọt lệ hồng?

    nó kết tụ bởi máu và nước mắt
    từ những cái chết
    vì muốn bảo vệ quê hương và đồng loại
    vì muốn đối kháng với những quyền lực quỷ ám
    vì muốn giữ lại lương tri trong nghiệt cay thù hận


    em hiểu
    tại sao hôm nay
    anh bị chấn động
    viết những dòng
    không thường hằng có trong anh
    bởi chỉ vì
    hôm nay
    anh muốn viết
    về một thời đã qua
    đầy nước mắt và máu
    của bạn mình
    chết bởi
    một viên đạn
    một liều thuốc độc
    một dây treo cổ
    ....
    giọt lệ hồng
    đang chảy trong anh
    và chung quanh anh

    *

    có thể anh sẽ viết cho em
    hiểu thêm những điều gì đó
    về những giọt lệ hồng
    trong tháng Tư đen và trước nữa
    mà cũng có thể là không
    vì anh sợ mình không vượt khỏi
    những lần tim chảy máu
    những giọt lệ hồng
    mãi chảy
    trong anh
    trong đời bạn bè anh
    trong giòng sống
    trong giòng chết

    giọt lệ hồng không ngưng tụ
    trong đá sỏi
    trong giá băng
    trong câm lặng
    mà chảy xuyên suốt qua mọi rào cản
    của vô tri

    bất giác
    anh đang cảm thấy
    lòng mình thổn thức
    bên cạnh những ngôi mộ
    chôn trong ký ức
    từng dãy
    từng hàng
    xác của bạn anh
    những người ruột thịt của anh
    họ đã đứt ruột ra đi
    họ đã chia thịt cho xứ sở
    và máu họ trộn vào
    không gian mưa lũ
    đỏ au!

    Em ơi
    có thể đây là bài thơ tự do hay nhất
    mà anh viết
    có thể đây là một đoạn
    trong bài điếu văn anh gởi cho bạn bè
    cho những Cha, Chú, Anh, Em
    đã nằm xuống
    vì những chữ Tự Do, Bác Ái, Nhân Quyền

    Bài viết hôm nay
    em nhớ
    không nặng lòng thù hận
    mà nặng nỗi tiếc thương
    những người đã hy sinh
    cho quê hương
    và gởi lời cảm xúc
    đến những con tim
    đang chảy
    giọt lệ hồng

    em cũng nhớ
    không có sự bi thảm
    vì người anh hùng không chết
    cho những cưu mang lừa dối
    và lòng thương hại


    và em nên nhớ
    sự ra đi
    chững chạc và dứt khóat
    của những con người
    có trái tim chân chính
    xuyên qua
    những giọt lệ hồng.


    Cao Nguyên

    h
    giọt lệ hồng
    thơ Cao Nguyên . diễn đọc Dzuylynh

    ttp://www.box.com/s...a8z1xch89jvykdq

    Last edited by cao nguyên; 02-18-2012 at 06:26 AM.
    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  5. #25
    Biệt Thự Vịnh Nghi's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    3,557
    Quote Originally Posted by hoài vọng View Post
    Ngày ở Charlie , phi đoàn trực thăng Thần Tượng cũng có mấy chiếc ....bỏ đường bay , một chiếc bốc khói ngay trên đầu tôi, tôi chỉ thấy khói đen ở phần đuôi bay vòng tròn từ từ rơi xuống , thấp dần...thấp dần... đến lúc xuống gần ngọn cây vẫn không có ai nhẩy ra , cuối cùng một khối lửa bùng lên ....sau này tôi hỏi pilot , sao không phóng ra thì được giải thích là độ rơi của máy bay nhanh hơn của người , nhẩy ra là bị cánh quạt chém
    Bác Hoài Vọng, ba Nghi kể, có 1 lần ba Nghi bị rớt máy bay ở Quãng Tín (hay Quãng Ngãi chi đó) nhưng may mắn thoát chết, rờn rợn ở chỗ là chú của Nghi, năm sau đó, cũng bị rớt máy bay gần như cùng 1 nơi, lại trùng ngày trùng tháng đó, chỉ khác năm...và cũng may mắn thoát chết. Và cả hai người đều không nhảy thoát ra máy bay kịp.

  6. #26



    TỰA

    Tôi không phải là một nhà văn, mà tôi chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ, và những điều tôi viết trong quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể lại bằng chữ. Tôi viết những điều mà những thằng lính chúng tôi đã trực tiếp tham dự nhưng không ai viết lại, trong khi nhiều người đã viết về những chuyện chiến trường thì hình như chẳng có ai dự.

    Trong lứa tuổi của tôi, lứa tuổi dưới mười khi theo gia đình di cư từ Bắc vào Nam, ngoại trừ những người có thân nhân ruột thịt bị giết bởi Việt Cộng, còn hầu hết, có bao nhiêu người thực sự căm thù Việt Cộng đâu, vì rõ rệt một điều là từ lứa tuổi tôi trở xuống, có đứa nào biết Việt Cộng là cái gì đâu. Cũng y như lứa tuổi dưới mười khi theo cha mẹ qua Mỹ từ năm 1975 ở đây bây giờ. Cũng thù ghét Việt Cộng vậy, nhưng chỉ là cái thù gia truyền, cha mẹ thù ghét thì mình cũng thù ghét theo thế thôi, chứ chẳng có gì là sâu đậm cả. Cho đến khi lớn lên, đầu óc đã tạm đủ để suy xét thì khổ một nỗi, hệ thống tuyên truyền của Việt Nam Cộng Hòa lại có giá trị phản tuyên truyền nhiều hơn là tuyên truyền. Cho nên khi vào quân đội, tôi tình nguyện vào đơn vị tác chiến thứ thiệt vì căm thù kẻ địch thì ít mà vì cái máu ngông nghênh của tuổi trẻ, vì bị kích thích bởi những cảm giác mạnh của chiến trường thì nhiều.

    Tuy nhiên, vì ở một đơn vị thường xuyên tác chiến, cùng gian nguy, cùng sống chết với nhau nên tôi đã gắn bó với bạn bè, đồng đội trong đơn vị như với anh em ruột thịt. Tôi yêu đơn vị tôi, tôi yêu màu mũ, màu áo tôi, tôi yêu thuộc cấp tôi và tôi kính trọng thượng cấp tôi. Tôi bình thản chấp nhận mọi thói hư tật xấu của thượng cấp và thuộc cấp, và chính tôi cũng có quá nhiều thói hư tật xấu.

    Nhưng, khi hai ông xếp lớn của tôi là đại tá lữ đoàn trưởng và trung tá lữ đoàn phó bỏ lữ đoàn gồm bốn tiểu đoàn tác chiến và các đơn vị phụ thuộc tổng cộng vào khoảng trên dưới bốn ngàn người trong cơn quẫn bách để chạy lấy thân thì lòng căm hận của tôi đột nhiên bùng dậy. Tôi giết Việt Cộng không gớm tay nhưng không bởi lòng căm thù vì giữa chúng tôi và Việt Cộng đã có lằn ranh rõ rệt, hai bên chiến tuyến hẳn hòi, hễ cứ thấy mặt nhau là giết, dùng mọi mưu mọi cách để giết nhau. Còn đằng này, vừa mất niềm tin vừa tủi nhục vì những người mình vừa kính trọng vừa phải tuân lệnh một cách tuyệt đối.

    Làm thuyền trưởng thì phải sống chết theo tàu, làm đơn vị trưởng thì phải sống chết theo đơn vị. Tôi muốn nói đến tinh thần trách nhiệm của người chỉ huy. Người có quyền hành mà không có trách nhiệm nào có khác gì kẻ phản bội. Chúng ta thua không phải vì kẻ địch mạnh mà vì trong hàng ngũ chúng ta có quá nhiều kẻ phản bội và hèn nhát. Chính vì lòng thù hận sự hèn nhát và vô trách nhiệm của cấp chỉ huy nên hình ảnh và diễn tiến những ngày cuối cùng trước khi cả lữ đoàn tan rã và bị bắt bởi khoảng hơn một đại đội du kích Việt Cộng vào nửa cuối tháng Ba năm 1975 đã như một cuốn phim nằm in trong trí nhớ của tôi, chỉ cần một cái ấn nút là được chiếu lại một cách rõ nét với đầy đủ những suy nghĩ và phản ứng của tôi, với từng diễn tiến nhỏ mà tôi đã phải trải qua.
    Tôi ôm cái kỷ niệm đau đớn và tủi nhục này cả chục năm nay, qua những năm tù đày, qua những ngày tháng lang thang ở trại tỵ nạn, qua đến Mỹ, tôi đọc được lời tuyên bố của một ông tướng cũ nào đó trên báo đại khái "Ðể mất nước là tội chung của mọi người, làm lớn thì tội lớn, làm bé thì tội bé". Tôi nghĩ ngay đến một điều là những thằng đâm sau lưng chiến sĩ có tội, và những thằng chiến sĩ đưa lưng cho xếp của mình đâm cũng có tội luôn. Ðiều này đã là cái ấn nút để tôi kể lại câu chuyện này.

    Ðiều tôi muốn nói trong quyển sách này là không ai là không quay lại nhìn chỗ mình vừa ngã, và cũng không ai là không quay lại nhìn đống phân mình vừa thải. Ngã là lỗi của chính mình, và phân có thối cũng là phân của mình, vậy mà tại sao cả chục năm nay vẫn không thấy ai dám quay nhìn lại cái lỗi đã làm cho mình ngã lên ngay trên đống phân của mình, mà chỉ có toàn những lời chửi bới và đổ lỗi cho người khác, can đảm lắm cũng chỉ dám nhận một cái lỗi chung chung "lớn lỗi lớn, bé lỗi bé" đúng theo cái kiểu "Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách". Thằng thất phu còn có lỗi thì còn ai mà không có lỗi, tôi cũng đành có lỗi vậy.

    Tôi không nhớ câu này của ai: "Cái đám quân thần của triều đình cũ chẳng có gì phải ngại cả, vì khi có quân có quyền trong tay họ còn chẳng làm được trò trống gì, thì bây giờ, chỉ còn trơ lại có mỗi cái thân giá áo túi cơm, hỏi rằng họ sẽ làm được gì hơn ngoài cái giá và cái túi".

    Ðâu phải đất nước ta là một bàn cờ để hễ đánh thua ván này, xóa đi xếp quân làm lại bàn khác mà tướng vẫn là tướng, quân vẫn là quân. Ðâu phải những con xe, con mã, con chốt đã chết đi đều có thể dựng đầu dậy để làm lại một trận mới.

    Trí đã không mà dũng cũng không, chỉ có mỗi cái tài dở dở ương ương là sử dụng một cách bừa bãi cái dũng của người khác đến nỗi phải bỏ cả đất nước mà chạy, đánh lừa để bỏ hàng triệu thằng dám chiến đấu tới cùng vào trong những trại tù đỏ, vậy mà vẫn còn dám chường mặt ra đòi tiếp tục làm cha mẹ dân thì quả là quá lắm lắm. Cái dĩ vãng thối tha và hèn nhát thì dù cho người đương thời có thể bỏ qua, nhưng lịch sử đâu có tha thứ. Vẫn cái chính danh là chống Cộng nhưng cái ngôn của các ông trước kia làm xếp lớn đã không thuận rồi, bây giờ phải để cho lớp người mới. Với tư thế mới, họ mới là những người thuận ngôn. Danh chính ngôn thuận mới có thể thắng được Việt Cộng, khôi phục lại được đất nước. Những con chốt thấp cổ bé miệng, những thằng bị đè đầu sai khiến ngày xưa và những người mới lớn bây giờ mới có quyền nói và mới là người có tư cách làm.

    Quyển sách này không hề là một tiểu thuyết mà là một hồi ký. Bởi vì tôi chưa từng là một người cầm bút và tôi cũng không biết cách sắp xếp câu chuyện như thế nào. Tháng Ba thì mọi người đã rõ, còn Gãy Súng, tôi muốn nói lên một điều đau lòng cho những thằng lính cầm súng, khẩu súng mà không có đạn thì giá trị không bằng một khúc củi mục, chính tôi đã dẫn đại đội xung phong lên chiếm mục tiêu mà chỉ bắn bằng mồm. Súng của chúng tôi có phải là đã bị bẻ gãy không khi mà vẫn có thể tiếp tế đạn cho chúng tôi để chúng tôi chiến đấu? Ai đã bẻ gãy súng của chúng tôi? Tôi đặt chữ Gãy Súngcho quyển sách này là như vậy.

    Và tôi gọi Tháng Ba Gãy Súng là hồi ký vì tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về những điều tôi viết, tất cả những địa danh, những tên người, tên đơn vị, tất cả những diễn tiến đều là thật, thật một trăm phần trăm. Tôi không lồng vào đấy bất cứ một hư cấu nhỏ nào, chắc chắn là tôi đã quên khá nhiều chi tiết, và với cấp bậc và chức vụ thấp kém của tôi, chắc chắn là có rất nhiều dữ kiện mà tôi đã không được biết. Tôi viết lại hoàn toàn sự thật những điều mắt thấy, tai nghe, những điều tôi đã nhận lệnh và đã thi hành.

    Nếu Tháng Ba Gãy Súng là tiểu thuyết thì tôi lại phải thêm một câu màu mè đại khái "những nhân vật và những sự việc đều do sự tưởng tượng của tác giả, mọi sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên ngoài ý muốn...", trong khi tôi chỉ có một điều ngoài ý muốn là tôi đã không đủ khả năng để viết tất cả những điều tôi phải viết.

    Cao Xuân Huy

    ° ° °

    Xem hồi ký THÁNG BA GÃY SÚNG của Cao Xuân Huy
    http://vietmessenger...=thangbagaysung
    Hoặc ở đây:
    http://vnthuquan.net...q83a3q3m3237nvn
    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  7. #27


    đối diện

    “Mỗi con người bắt buộc phải một lần đối diện”
    Đó là câu kết của của Ấu Tím viết về “Cao Xuân Huy – vài mẫu chuyện” đăng trên tạp chí Nguồn số 51/Xuân Tân Mão 2011.
    Những mẫu chuyện đời, không riêng của Cao Xuân Huy mà có cả những người trong truyện nghe kể chuyện về mình. Bởi họ cùng một thời trước và sau “Tháng Ba Gãy Súng” . Nên mỗi trang giấy lật qua, nghe có tiếng gào của thép vỡ, nghe cả hơi thở cuối của bạn mình. Mới thấp thoáng đó mà đã xa hút hơn ba mươi năm. Niềm đau không chịu biệt tàn, vẫn lởn vởn xoay tròn trước mặt .

    như vừa mới ngã mũ chào
    mà phơ phất bóng chiến bào tầm xa
    ngựa dòn gõ vó bôn qua
    bụi hồng sương quyện khói nhòa mắt cay

    Người đi buồn rạn chân mây
    nhạc tình giao phối Chương Đài phù vân
    nghiệp duyên quá cuộc hồng trần
    kiếm cung biệt diện tần ngần sử thi

    rượu còn sóng sánh ngang ly
    mà Người đã khuất hương nghi ngút mờ
    đành ta rót rượu vào thơ
    mở đêm giao thức ngồi chờ đối âm!
    (giao thức / cn)


    Mỗi câu chuyện của Cao Xuân Huy làm sống lại từng đoạn đời của một thời bão lửa, kể cả lúc mình đứng giữa ngục tù hoặc sống kiếp lưu vong. Ai đó bảo hoài niệm chi những tang thương! Không, với chúng tôi, đó là những hoài niệm đẹp, sau tang thương còn sinh động và sáng chói tình người, tình đồng đội trong cuộc dấn thân vì Tổ Quốc – Danh Dự và Trách Nhiệm.
    Chúng tôi đã gãy súng, nhưng Tổ Quốc – Danh Dự và Trách Nhiệm vẫn còn. Không còn súng, chúng tôi chiến đấu bằng cây bút với chút tâm huyết còn sót lại. Để còn xứng đáng được con cháu gọi tên mỗi khi nhắc chuyện sơn hà. Bởi chữ nghĩa cũng có sức mạnh xuyên phá những tư duy bẩn chật, những thù hận cực đoan chủ nghĩa, những khối óc vong bản, những hoang tưởng lợi danh … Đã ăn gian, trục lợi cả mồ hôi, nước mắt và xương máu của chiến hữu và đồng đội của mình.
    Tất cả người kể và người nghe chuyện đang ngắm lại mình đã đi qua hành trình giữ nước, có thương yêu cười rạng rỡ, có vụn vỡ khóc lệ nhòa ! Hiện cảnh ngỡ đã xa mà chuyện kể bày ra trước mặt buồn đến nao lòng .
    Có buồn mà sảng khoái, thế mới lạ. Cái sảng khoái là còn được ngồi bên nhau với bạn cùng thời, cùng tâm chí mà kể chuyện bất kể ngoại nhân nhìn những tửu sĩ vỗ bàn Đ.M … đời, sau khi ực trọn một cốc rượu cay.
    Trong cơn chếnh choáng thế thời, tửu sĩ vỗ bàn như vỗ đỉnh càn khôn để nghe tiếng khua hổ lốn của trần ai về nỗi nhục vinh rớt vào hố thẳm. Giữa mỗi quãng lặng yên, tửu sĩ thèm uống rượu Hồ Trường, xem chinh nhân mài kiếm dưới trăng.

    Ôi! Ta muốn nhập cuộc quá chừng, để uống cạn cùng bạn những giọt tri âm, rồi chen lời cuồng ca:
    ca ư!
    hề! khúc cổ sầu
    lợi danh hư ảnh, công hầu huyễn mơ

    cuồng ư!
    hề! vọng nguyệt lầu
    thuyền quyên chạm bóng, lòng đau tử thành

    tình ư!
    quan họ giang đầu
    trù ca vỡ phím, bạc câu giao hoàn

    đời ư!
    hông thủy càn khôn
    mồ hôi thắm máu quyện chung lệ hồng
    (cuồng ca / cn)

    Bạn ngó ta, chạm mắt xuyên đêm. Ta khều mặt trời hóa rượu để đáp lễ tri giao.



    rót tràn đêm, rượu mặt trời
    uống đi người hỡi một đời mấy khi
    say quên mặt đã lầm lì
    biết ta chưng hửng đã đi vào đời

    uống đi, say nhé người ơi
    giữa ta có ánh mặt trời xuyên tâm
    nóng ran như vết đạn găm
    tim đau nhói ngược, bạn trăm năm rồi!
    (rượu mặt trời / cn)

    Ơi những người bao năm cũ, hồn ở đâu cả rồi! Phải chăng như lời sử thi “hồn tử sĩ gió ào ào thổi” khi hình tượng người chiến sĩ bị thù hận và đố kỵ đánh gục trên chiếc bệ tôn vinh nơi nghĩa trang quân đội ?
    Súng gãy, hinh tượng gãy chỉ là bề mặt của sử thi. Còn sự gãy vỡ của tâm thân đồng đội đang sống lưu đày giữa quê nhà, hay nơi cõi lưu vong đã vực ta đứng dậy vung bút đâm vào mọi ngụy trá của thế gian, bởi:

    ta muốn ngắm nét chữ ngời bia đá
    những di thư viết bởi mực sơn hà!
    ..
    ta muốn nghe trong điệu kèn ly biệt
    có niềm tin mãnh lệt cuộc hồi sinh!
    (lộng bút / cn)

    Dẫu chiến bào đã cháy, súng đã gãy, khi còn cây bút trong tay, ta vẫn vỗ ngực tự hào nói với bọn ngụy trá rằng: đời nhờ có bọn ta không gian mới hừng hực sáng ánh thép khua trăng, rượu mặt trời pha lệ đỏ. Nhờ có bọn ta khinh miệt lũ vong ân mà chúng tìm trong thù hận học được lời sỉ vả những kẻ tự bứt tim mình hiến dâng cho Tổ Quốc ! Chẳng tin ư ? Kẻ vong ân cứ nhập vào đoàn lữ hành du ca hát bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” để thấy nỗi thẹn mình lớn biết chừng nào .
    Này hát đi:

    Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
    Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang

    Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
    Xương da thịt này cha ông miệt mài
    Từng ngày qua , cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
    Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang

    Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
    Còn Việt Nam , triệu con tim này còn triệu khôi kiêu hùng
    (Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ / Nguyễn Đức Quang)

    Từ thuở nọ đến nay ta vẫn là người hàn sĩ, nhưng rượu vẫn lưng bầu chờ đãi bạn, vắt cạn giọt sầu, kháo chuyện trầm thăng. Ta cũng kẻ mặc ngôn, nhưng chữ nghĩa vẫn còn hưng phấn, chạm nhẹ vào tâm ý tri âm là thoát bay vào cõi bềnh bồng non nước. Thời nay, vãi chữ lên trời cũng là một lạc thú, được dàn trải tâm tư vào vũ trụ đời. Mặc kẻ ngắm thuận lòng bảo lời chí phải, hay người xem phật ý phán nghĩa ngạo cuồng . Chỉ vì ta cũng muốn chữ ta “như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn”!
    Mỗi con người bắt buộc một lần đối diện. Một định đề thật hay. Đối diện với chính mình hay đối diện với sự chết mà dửng dưng, cũng khó như kẻ sĩ đối diện với bạo quyền mặt không biến sắc. Phải không trân trọng quá về mình, mới thấy đời nhẹ như lông hồng phất phới bay theo cơn gió vào vô định. Bởi nó là vật thể của ảo ảnh, như cuộc đời của phù du, như chinh nhân đã quên cái ta giữa hiện hữu thiêng liêng của núi sông cưu mang hồn dân tộc.
    Ta đang đứng trong lũng chiều vàng quan ngoại, thỉnh thoảng thấy một chiếc lông hồng quen thuộc bay qua - mà lẽ ra nó đã bay trên miền quan nội từ mùa hè đỏ lửa hay từ mùa xuân hồng thủy – Nhờ có kiếp lưu vong mà đèo bồng thêm mấy độ xuân thì. Nên bay muộn hơn giữa trời mặc tích!
    Chiếc lông hồng Cao Xuân Huy vừa bay qua, chiếc lông hồng Nguyễn Đức Quang vừa qua cũng chớm bay. Nhẹ hều thân đời, nhẹ hều danh lợi. Cái chớp mắt nhìn chính mình bay thoát qua khung cửa hẹp cuộc đời vào cõi vô hằng đẹp vô cùng. Giữa chập chùng sương khói, thấy lòng ưu ái của bạn bè còn nấn ná trong quán gió, uống rượu thấm lời chuyện kể . Ngẫu hứng nâng đàn hát khúc tâm ca, là hạnh phúc vô tận của tình người.
    Hôm nay ta thèm hát vang vang dưới ánh mặt trời như hồi đó ta thèm thét lên trong bóng tối ngục tù gọi đời tự do, gọi tình thân ái. Ta cũng thèm kể cho con ta nghe mẫu chuyện về mẹ nó vượt ngàn dặm xa chập chùng sông núi vỡ giữa mùa đông rét buốt để thăm chồng bị giam cầm giữa núi rừng Việt Bắc .
    gồng gánh gian nan qua cầu tủi nhục
    gọi tên Chồng, xé giữa ngực lời đau
    giọt nước mắt đang rơi mà chảy ngược
    uống cạn lời thổn thức giữa tim nhau!

    nhớ Đông xưa, lòng anh buồn ray rức
    nhìn chân em xuyên suốt nỗi cơ hàn
    bàn chân bám đời đau cùng với đất
    da tím bầm chưa hở một lời than!

    em mải miết đi, chẳng cần nhìn lại
    vì Chồng, Con - Thế gới bỗng nhiệm mầu
    thuở yêu anh, em uống lời bùa ngãi
    nhủ đời vui, mặc khải chữ cơ cầu!
    (nhớ đông xưa / cn)

    Góp chuyện ta, chuyện người hỏa táng, tàn tro bay lãng đãng chuyện tử sinh.
    Mốt mai ta cũng nhìn ta bay khi phải đối diện một lần cuối phận người, mỉm cười nhìn chiếc lông hồng biệt thế.
    Ta tự rót cho mình cốc rượu từ bầu rượu chưa vơi, ngồi độc ẩm. Tiếc là không có bạn ngồi bên để vỗ bàn Đ.M…đời nghe sảng khoái. Đành nhịp trên phím chữ gõ thêm một trầm khúc vãi lên trời .
    Cám ơn Ấu Tím, đã mớm nghĩa cho chữ ta bật dậy như cây cỏ cám ơn vạt nắng xuân khơi mầm cây trỗ mùa xanh.

    Cao Nguyên
    MD - Mar 01, 2011
    Last edited by cao nguyên; 02-15-2012 at 08:13 PM.
    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  8. #28
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,669
    Anh Cao Nguyên , đọc xong Tháng Ba Gẫy Súng , tôi thấy mình cũng không đau xót bằng TQLC

  9. #29
    Những ngày cuối cùng 30-4-1975








    Bản Tin Tức Cuối Cùng Của Đài Phát Thanh Sàigòn Tháng 4-1975






    Last edited by cao nguyên; 02-16-2012 at 06:48 AM.
    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

  10. #30
    Người Tiểu Đoàn trưởng cuối cùng của TĐ1 Quái Điểu TQLC/VNCH





    9 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, TÐ/TQLC di chuyển bộ từ Long Bình về hậu cứ tiểu đoàn nằm trong căn cứ Sóng Thần. Ðứng trước cổng trại Phạm Khắc Dật, Thiếu Tá Dương Văn Hưng ra lệnh cho tôi (Tr/U Châu) tái trang bị các Ðại Ðội. Quay sang Ð/U Bùi Bồn, TÐP, ông nói: - Anh cho bố trí con cái thật cẩn thận, đây là vị trí sống chết cuối cùng của chúng ta.
    Bộ chỉ huy hành quân tạm đặt phía sau văn phòng tiểu đoàn hậu cứ. Trong lúc ông đang ra lệng cho Trưởng ban 3 lo bố trí hầm hố cho BCH/TÐ, thì điện thoại ở cổng chính gọi vào báo có một đơn vị Bộ Binh do một Trung Tá chỉ huy đang đứng ngoài cổng, ông Tr/Tá muốn xin gặp TT/TÐT. Tôi trình Th/Tá Hưng, ông nói:
    - Anh ra mời và hướng dẫn Tr/Tá vào gặp tôi.
    Gặp ông, ông tự giới thiệu:
    - Tôi là TÐT Tiểu Ðoàn Ðịa Phương Quân này.
    Nhìn đơn vị của ông thật là nghiêm chỉnh và trật tự. Trên cánh tay phải mỗi quân nhân đều mang miếng vải màu vàng. Họ đang đúng hút thuốc, nói chuyện cười đùa vui vẻ với những người lính TÐ1/TQLC. Tôi mời ông theo tôi gặp Th/Tá Hưng (rất tiếc vì thời gian tiếp xúc quá ngắn ngủi nên tôi không nhớ tên và đơn vị của ông ta).
    Tại BCH/TÐ, vị Tr/Tá BB cho Th/Tá Hưng biết đơn vị của ông đóng tại Củ Chi. Sau khi Củ Chi thất thủ, ông đưa TÐ về căn cứ Sóng Thần và đến thẳng TÐ1/TQLC. Ông xin Th/Tá Hưng cho ông hợp tác để cùng chiến đấu. Th/Tá Hưng đồng ý lời đề nghị này. Sau đó hai ông bàn thảo kế hoạch. Doanh trại TÐ1 đã trở thành căn cứ cuối cùng của hai đơn vị BB và TQLC vào ngày 30/4/75.


    10 giờ 30, lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh được phát ra từ đài phát thanh Sài-Gòn làm tất cả mọi người bàng hoàng sững sốt. Trong căn phòng dùng làm BCH/HQ hoàn toàn không một tiếng động. Thế là hết! Chúng ta không còn gì nữa cả!!!
    Ð/U Bùi Bồn từ bên ngoài bước vào, với vọng nói sang sảng của anh đã phá tan sự ngột ngạt của căn phòng. Anh mời hai vị TÐT cùng tất cả Sĩ Quan BCH tiểu đoàn ra nhà anh kiếm chút gì để uống và chờ xem tình hình sẽ ra sao! Th/Tá Hưng chẳng nói tiếng nào, ông đúng lên cùng vị Tr/Tá BB ra xe, chúng tôi cùng đi theo ông. Nhà của Ð/U Bùi Bồn nằm cạnh cổng sau căn cứ Sóng Thần, kế bên là nhà của Thượng Sĩ 1 Rít, trưởng ban quân lương TÐ và đối diện là quán nhậu của Thương Sĩ Tuân, trung tâm huấn luyện.
    Th/T Hưng ngừng xe trước nhà Ð/U Bồn, nhưng khi bước xuống ông lại đi vào nhà T/S 1 Rít vì trước sân nhà anh Rít đã có sẵn một cái bàn lớn. T/S 1 Rít mang ra 2 chai whisky mời chúng tôi. Mọi người ngồi uống, hút thuốc nhưng chẳng ai nói lời nào. Tôi không biết Th/Tá Hưng đang nghĩ gì? Vị Tr/Tá BB và mọi người đang nghĩ gì trong đầu họ? Riêng tôi chẳng nghĩ gì cả, đầu óc tôi trống rỗng. Sự việc xãy ra quá bất ngờ, quá đột ngột, đã làm tôi không còn gì để nghĩ.


    Trong lúc mọi người đang im lặng, cái im lặng thật nặng nề khó chịu! Bỗng nổi lên những tiếng hò hét, kêu gọi nhau hòa với những bước chân chạy rầm rập, gây nên cảnh thật náo loạn tại cổng sau căn cứ. Chúng tôi thấy khoảng trên 100 người ở trần, mặc quần xà lỏn, đi chân đất đang chạy về hướng chúng tôi. Thật sự lúc bấy giờ, tôi không nghĩ họ là những người lính. Vâng! vì tôi chưa một lần gặp hoặc nhìn thấy cảnh này bao giờ. Th/Tá Hưng đứng bật dậy như chiếc lò xo, ông với tay cầm khẩu XM16 bên cạnh, lên đạn và chạy thẳng ra đường. Phản xạ tự nhiên, chúng tôi cũng đứng bật dậy và chạy theo ông. Tôi chẳng hiểu việc gì xảy ra. Với nét mặt giận dữ, ông hét lớn:
    - Ðứng lại
    Khẩu XM16 trên tay, ông chỉa thẳng vào toán người đó, nói như hét với họ.
    - Làm gì phải cởi quần áo như vậy? Không biết nhục hả?
    Tất cả đám người đó đều im lặng, không ai dám trả lời và cũng chẳng ai dám nhúc nhích. Họ nhìn ông, rồi nhìn chúng tôi. Sự sợ hãi của họ cũng giảm đi phần nào khi nhìn thấy TT Hưng và toàn thể SQ TÐ1/TQLC vẫn mặc quân phục và mang vũ khí. Th/Tá Hưng ra lệnh cho họ quay trở vào căn cứ và mặc lại quân phục. Ông nói:
    - Nếu tôi còn thấy một người nào ở trần đi ngang qua đây, tôi sẽ bắn ngay.
    Toán người đó răm rấp tuân lệnh quay trở về căn cứ. Sau đó, tôi chỉ thấy một số ít anh em mặc quân phục trở ra đường cũ, còn đa số tìm đường khác cho an toàn hơn.
    Hành động vừa rồi của Th/Tá Hưng đã làm cho những người dân xã Tam Bình lo sợ giùm cho ông, nhưng tôi biết chắc một điều là họ rất kính phục ông. Ðồng thời cũng nhắc chúng tôi nhớ tới Danh Dự của người lính, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải giữ gìn. Ðiều thứ nhất trong 7 Ðiều Giáo Lệnh của QLVNCH mà tất cả chúng ta phải học khi mới bước chân vào quân trường là: Luôn luôn nêu cao DANH DỰ của Quân Ðội. Hy sinh vì DÂN TỘC, TRUNG THÀNH với TỔ QUỐC.


    Gần 12 giờ trưa ngày 30 tháng 4/75, một chiếc xe Jeep mui trần của TQLC chạy từ căn cứ Sóng Thần ra ngừng ngay trước chỗ chúng tôi đang ngồi, bước xuống xe là một tên thượng uý vc, hắn mặc bộ đồ màu nâu còn mới tinh, bộ quần áo hơi rộng so với hắn, do đó hắn phải xăn hai ống quần lên tận mắc cá và đi chân đất. Th/Tá Hưng, vị Tr/Tá BB và Ð/U Bùi Bồn bước ra gặp hắn. Hắn tự giới thiệu:
    - Tôi thượng uý...(tôi không nhớ tên, nhưng chắc Ð/U Bồn nhớ rất kỹ, vì sau này chính hắn đã chiếm căn nhà của Ð/U Bồn).
    Th/Tá Hưng cũng tự giới thiệu:
    - Tôi là Th/Tá Hưng, TÐT/TÐ1/TQLC.
    Tên vc nói:
    - Thôi bây giờ tôi gọi anh bằng anh đi, không gọi cấp bậc nữa được không?
    Th/Tá Hưng:
    - Bây gìờ anh muốn gọi tôi là gì cũng được, vì chúng tôi là kẻ chiến bại mà!
    Hắn tiếp tục hỏi:
    - Anh là người chỉ huy căn cứ này phải không?
    - Không. Tôi chỉ là TÐT của một TÐ nằm trong căn cứ này thôi.
    Hắn yêu cầu Th/Tá Hưng tập họp tất cả binh sĩ trong căn cứ lại.
    - Không thể được, vì bây giờ tôi không còn quyền hạn gì nữa. Th/Tá Hưng đáp.
    Sau một chút suy nghĩ, Th/Tá Hưng nói tiếp:
    - Tuy nhiên tôi có thể dùng tình cảm để làm điều đó. Nhưng sau khi tập họp được họ rồi lấy gì tôi nuôi ăn họ? Anh có thể làm được không?
    Tên vc im lặng không trả lời. Sau đó hắn lên xe trở vào căn cứ. Chuyện thật đau lòng và cũng thật là nhục nhã vì tên tài xế cho hắn lại là một ông chuẩn úy già TQLC. Một việc xãy ra trong lúc Th/Tá Hưng đang nói chuyện với tên vc. HS Phước, người mang máy truyền tin cho Ð/U Bồn, vừa khóc, vừa đâm bổ vào tên thượng úy. Th/Tá Hưng thấy vậy, ông vội la lên:
    - Ð/U Bồn, anh giữ Phước lại và mang đi chỗ khác cho tôi.
    Ð/U Bồn ôm anh lính truyền tin của mình và đưa ra xa. Vị Tr/Tá BB thấy HS Phước khóc và làm dữ quá, ông đi tới vỗ vai Phước và nói:
    - Anh biết các em là những người lính có tinh thần cao, nhưng rất tiếc chúng ta không có người lãnh đạo đúng đắn. Anh rất phục các em.
    Trở lại chỗ ngồi, Th/Tá Hưng khóc. Ông khóc vì uất hận, ông khóc vì ông đã không làm được những gì ông muốn. Ông khóc vì sự tan rã của QLVNCH. Hạ sĩ Phước tiến lại gần ông mếu máo:
    - Ðại Bàng đừng đầu hàng tụi nó. Hãy ra lệnh cho tụi em đánh đi. Tụi em sẽ đánh tới cùng.


    Những lời van nài thiết tha của người lính TQLC xin lệnh đánh đã làm mọi người có mặt hôm đó thật xúc động, không ngăn được nước mắt. Th/Tá Hưng không nói gì cả, ông chỉ đưa tay phẩy phẩy (ý muốn nói thôi anh đừng nói nữa. Anh đừng làm tôi điên tiết lên bây giờ). Ông quay sang nói với chúng tôi:
    - Thôi bây giờ các anh người nào muốn về với gia đình thì về đi. Riêng tôi, tôi sẽ ở lại đây.
    Ông nói với Th/S 1 Rít, ban quân lương TÐ:
    - Anh còn giữ một số tiền gì đó, hãy mang ra phát cho mỗi người 50 ngàn đồng để họ làm lộ phí.
    Sau khi mọi người nhận tiền, ông bắt tay từ giã vị Tr/Tá BB cùng tất cả sĩ quan tham mưu của ông. Mọi người đi hết rồi, giờ chỉ còn lại ông, Ð/U Bồn, Th/S 1 Rít và tôi. Chúng tôi lại ngồi xuống uống rượu. Từ sáng đến giờ, chúng tôi chưa ai ăn gì cả, nhưng không ai cảm thấy đói. Tôi đề nghị với Th/Tá Hưng:
    - Chúng ta nên cởi quân phục và thay đồ dân sự.
    Ông nhìn tôi và nói hơi gắt gỏng.
    - Việc gì phải thay đồ. Anh sợ hả? Nếu sợ anh cứ việc thay. Tôi thì không.
    Thấy ông gắt gỏng như vậy tôi không dám nói gì thêm nữa. Ông không chịu cởi quân phục thì Ð/U Bồn và tôi làm sao cởi bỏ được, đành thôi.
    6 giờ chiều ngày 30 tháng 4/75, Th/Tá Hưng nói với tôi:
    - Anh có thể lái xe đưa tôi về nhà một chút được không?
    Một lần nữa tôi lại đề nghị với ông:
    - Trình Ðại Bàng, tôi và Ð/U Bồn lúc nào cũng sẵn sàng, nhưng với điều kiện Ðại Bàng phải thay đồ civil. Nếu không, chúng ta sẽ bị bắn ngay khi ra tới ngã tư Gò Dưa.


    Cuối cùng ông đồng ý. Chúng tôi cởi bỏ quân phục vào lúc 6 giờ chiều ngày 30 tháng 4/75. Tôi lái chiếc xe Jeep của ông cùng với Bồn để đưa ông về Sài Gòn. Trên đường đi, chúng tôi nhìn cảnh tượng thật đau lòng! Quần áo lính, súng ống, nón sắt, ba lô vất ngổn ngang đầy đường. Dọc xa lộ Ðại Hàn, dân chúng kéo nhau ra xem tăng vc và cũng để nhìn những tên lính vc. Tôi cho xe chạy từ từ vì đường quá đông người. Tôi hơi yên tâm vì chẳng thấy ai hỏi han gì cả? Nhưng khi xe tới ngã tư Bình Phước thì một toán vc chận lại lấy xe. Th/Tá Hưng nói với Bồn và tôi:
    - Thôi các anh quay về đi, tôi đi bộ về Sài Gòn cũng được.
    Chúng tôi đứng nghiêm chào ông. Bắt tay chúng tôi, ông nói:
    - Sáng mai, tôi trở lên hậu cứ sớm.
    Trên đường trở về nhà Bồn, tôi suy nghĩ mãi về câu nói của ông. Ông trở lên hậu cứ để làm gì? Còn gì nữa đâu mà lên? Sự thật tôi không nghĩ ra!
    Sáng ngày 1 tháng 5/75, khoảng 8 giờ sáng, giữ đúng lời hứa, ông đã trở lại hậu cứ. Tại phòng khách nhà Ð/U Bồn, ông nói với chúng tôi:
    - Theo tôi biết, lính TÐ1 còn kẹt rất đông trong căn cứ, vì những người này không có nhà cửa ở Sài Gòn. Hiện họ đang tá túc trong các trại gia binh, nhất là trại gia binh TÐ1. Vậy chúng ta làm sao để giúp họ? Ða số là không có tiền để về xe, rồi họ lấy gì để ăn trong những ngày này?
    Th/Tá Hưng nói với Ð/U Bồn thử vào liên lạc với tên chỉ huy đơn vị vc chiếm đóng trong căn cứ Sóng Thần. Yêu cầu hắn cho mở kho gạo của TTHL TQLC để phân phối cho anh em và gia đình của họ. Nhận lệnh của Th/Tá Hưng, Ð/U Bồn vào căn cứ gặp tên chỉ huy. Bồn còn đe dọa, nếu anh em không có gì ăn chắc sẽ làm bậy. Tên chỉ huy có vẻ hơi run nên hắn đã đồng ý những đề nghị của Th/Tá Hưng do Ð/U Bồn chuyển đạt. Mọi việc ổn thỏa, tôi vào trại gia binh thông báo cho anh em quân nhân TQLC và gia đình. Và mọi người ra tập họp tại sân cờ TÐ1 theo lệnh của Th/Tá Hưng. Chỉ trong vòng không đầy 15 phút, sân cờ TÐ1 đã đầy ấp. Không riêng gì quân nhân TÐ1 mà còn đông anh em ở TÐ khác trong căn cứ Sóng Thần, Bộ Binh, Ðịa Phương Quân. Chúng tôi đã cắt cử người và dùng một xe Dodge để đi lấy gạo về phân phối cho anh em.

    Ðây là lần thứ hai mà tôi được chứng kiến nỗi lo lắng của một đơn vị trưởng đối với thuộc cấp. Lần đầu, khi mới về nhận chức TÐT/TÐ1, ông đã tập họp TÐ để nói chuyện. Ông cho họ biết những quyền lợi mà họ được hưởng như: thực phẩm tươi, lương khô, thực phẩm phụ trội cũng như tiền ăn của họ trong thời gian đi phép. Ông đã nói rằng "Nếu những người nào không được hưởng như ông nói thì cứ lên gặp trực tiếp ông. Ông sẽ giải quyết".
    Công việc phân phối gạo cho anh em binh sĩ và gia đình họ trong căn cứ kéo dài được 5 ngày. Sáng ngày 5/5/75, cũng như thường lệ Th/Tá Hưng đang phân phối gạo cho anh em thì một toán du kích xã Tam Bình kéo vào với súng ống đầy đủ. Họ đã chĩa súng vào Th/Tá Hưng và chúng tôi. Họ yêu cầu phải ngưng ngay việc làm này và giải tán khỏi sân cờ TÐ1 (mặc dù có sự đồng ý của tên chỉ huy căn cứ bộ đội vc, nhưng du kích lúc bấy giờ có quyền hành hơn).

    Ðứng trước sân cờ TÐ1/TQLC, Th/Tá Hưng chào tạm biệt những thuộc cấp mình. Ông khuyên anh em nên tìm phương tiện để trở về quê quán, ông chúc họ và gia đình gặp nhiều may mắn. Mọi người điều xúc động với những lời nhắn nhủ và lo lắng của ông đối với họ.
    Cũng cần mở ngoặc ở đây:
    Một tuần trước khi TÐ1 di chuyển từ Biên Hòa về căn cứ Sóng Thần, người anh ruột của Th/Tá Hưng, ông Dương Văn Thịnh đã đến BCH/TÐ/HQ nhắc ông rằng: "Gia đình đang đợi ông về Sài Gòn đi Mỹ, hiện tại không còn tia hy vọng nào cả?" Th/Tá Hưng đã chỉ các quân nhân TÐ và nói:
    - Lính tráng của tôi còn đó, tôi bỏ đi thế nào được!
    Sau bao nhiêu năm ở tù, cũng chính gia đình người anh này bảo trợ ông sang Mỹ.

    Kính chào Ðại Bàng Dương Văn Hưng, vị Tiểu Ðoàn Trưởng cuối cùng của TÐ1 Quái Ðiểu TQLC. Ông thực sự chấm dứt nhiệm vụ của mình vào sáng ngày 5/5/75.

    Iowa ngày 5/5/99
    Mũ Xanh Nguyễn Minh Châu



    Tượng đài Thủy Quân Lục Chiến VNCH -Thủ Đô Sài Gòn]

    thời gian còn đủ không em
    cho mình nhớ lại mông mênh tình người
    @};-

 

 

Similar Threads

  1. Thời gian và kỷ niệm ...
    By hoangtruc in forum Không Gian Riêng
    Replies: 53
    Last Post: 10-02-2015, 10:17 AM
  2. Ảo Tưởng
    By chieubuon_09 in forum Tùy Bút
    Replies: 8
    Last Post: 08-13-2014, 08:48 AM
  3. Replies: 0
    Last Post: 01-14-2012, 05:30 AM
  4. Mỹ tạo ra 200 ngàn việc làm vào tháng 12
    By Lotus in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 0
    Last Post: 01-10-2012, 11:07 AM
  5. Vần thơ tháng hạ
    By Man Ho in forum Thơ
    Replies: 18
    Last Post: 11-25-2011, 02:18 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:05 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh