Register
Page 3 of 3 FirstFirst 123
Results 21 to 23 of 23
  1. #21
    LỄ LÁ

    Với Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, Giáo Hội mời gọi ta bước vào Tuần Thánh. Tuần Thương Khó Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng ta đã bắt đầu.
    Hôm nay Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua, mang lại Ơn Cứu Độ cho con người. Nhìn bề ngoài, việc tiến vào thành Giêrusalem giữa đám đông dân chúng nô nức phất cao cành lá, giữa tiếng tung hô vang dội: “Hoan hô Con Vua Đavít”. Điều này có vẻ như là một cuộc vinh quang toàn thắng. Nhưng thực ra đây lại là việc mở màn cho cuộc Thương Khó. Đây cũng là một việc mỉa mai nhất vì hôm nay dân chúng giơ cao tay tung hô chúa, nhưng chỉ mấy ngày sau, cũng chính những cánh tay ấy lại được giơ cao để hò hét lên án Chúa. Và có lẽ đây cũng là giai đoạn bi thương nhất của cuộc Thương Khó. Bởi vì Chúa biết rõ rằng trong niềm phấn khởi chóng qua của dân chúng, đã chất chứa một sức phản bội với những tiếng kêu gào và những bàn tay nắm chặt đưa lên cao: “Đả đảo! đả đảo! Đóng đinh nó vào Thập giá!”
    Rước lá đi theo Chúa Giêsu trong vài giờ không phải là một điều khó khăn lắm. Đi theo Chúa giữa lúc Ngài bị mọi người bỏ rơi và lên án, điều đó còn khó hơn nhiều. Tin Mừng không thấy nói đến một người nào dám lên tiếng bênh vực cho Chúa Giêsu, mà chỉ thấy người ta bênh vực cho Baraba, lên tiếng đòi phóng thích cho tên trộm cướp mà thôi.
    Nếu người kitô được định nghĩa là người đi theo Chúa Giêsu, thì chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều cảm nghiệm về những khó khăn vất vả trên đường theo Chúa. Con đường bước đi theo Chúa có lúc vui, lúc buồn. Chắc hẳn ta phải có mặt trong đám đông hoan hô Chúa khi Ngài vào thành Giêrusalem, và cũng không thể vắng mặt khi Ngài hấp hối trên thập giá.
    Hãy thử bình tâm để hỏi lại lòng mình: Nếu tôi sống tại Giêrusalem trong thời Chúa Giêsu , tôi sẽ là ai ? Sẽ đứng trong nhóm người nào? Tôi sẽ có thái độ nào trước bản án của Giêsu? Tôi sẽ là Simon vác đỡ thánh giá cho Chúa ? Sẽ là Phêrô chối Chúa ? Sẽ là Giuda bán Chúa ? Sẽ là Philatô dửng dưng rửa tay trước kẻ vô tội ? Sẽ là các vị thương tế và kinh sư âm mưu cáo gian để kết án Chúa? Sẽ là những người dân thấp cổ bé miệng, bị thúc dục và lôi kéo vào trong đám đông để hò hét “ Giết! Giết!! Giết nó đi!!! Hãy đóng đinh nó vào thập giá!
    Bạn thân mến! Trong tuần thánh nầy, mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy dành thời giờ để đọc lại một cách chậm rãi cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Hãy canh thức với Chúa trong vườn Cây Dầu. Hãy bước đi theo Ngài qua từng chặng đường, từ tòa án đạo đến tòa án đời. Hãy cùng đi với Ngài, cùng vác với Ngài cây thập tự của chính mình để cùng đi với Ngài ra pháp trường, và hãy ở lại thật lâu với Ngài trên Núi Sọ… Đừng theo Chúa như một người xa lạ, bởi lẽ mọi sự Ngài chịu là vì bạn và tôi. Bởi lẽ Ngài thương yêu ta, hy sinh mạng sống của Ngài vì ta…
    Trong cuộc khổ nạn của Chúa, ta bắt gặp rất nhiều tình huống tăm tối của cuộc đời: vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết..v..v.. Nhưng trên hết, ta gặp được một tình yêu. Tình yêu vô cùng lớn lao của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha và nhân loại. Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau trở thành giá trị cứu độ. Vậy ta hãy cảm nếm thật sâu nỗi khổ đau thân xác và tinh thần của Chúa Giêsu, nhưng đừng quên nhận ra tình yêu bao la tiềm ẩn trong từng phản ứng, từng lời nói của Ngài.
    Ước gì ta có thể đón nhận những gai góc của cuộc đời với thái độ của Chúa Giêsu. Càng suy nghĩ về cuộc khổ nạn, ta sẽ thấy mình càng yêu thánh giá của Chúa hơn, càng yêu thánh giá của mình hơn và càng kính trọng thánh giá của người khác nhiều hơn.
    Hãy cảm nghiệm sâu xa tình yêu bao la của Giêsu dành cho đời ta. Hãy để cho tâm tình, lời nói và hành động của Ngài thấm nhuần và biến đổi đời ta. Bạn nhé !
    ***
    Lạy Chúa Giêsu,
    Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Cây Dầu, xin ban cho con sức mạnh để đối diện với những khó khăn vất vả trong cuộc sống.
    Vì Chúa chịu sỉ nhục và bị nhạo báng, xin cho con luôn biết khiêm nhượng và vâng phục.
    Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề , xin cho con biết noi gương bắt chước Chúa, biết can đảm chấp nhận vác lấy thập giá của đời mình.
    Vì Chúa bị lột áo, xin cho con biết cởi bỏ những đam mê yếu hèn của kiếp người, biết mặc lấy tâm tình thống hối và yêu thương.
    Vì Chúa bị đóng đinh, xin cho con đóng đinh tính xác thịt của con vào thánh giá Chúa.
    Vì Chúa đã giang tay chết trên thập giá, xin cho con biết qúy trọng Ơn Cứu Độ vì Chúa đã chết để cho con được sống, để con được hưởng nhờ Ơn Tái Sinh mà Chúa đã hứa ban, Amen .

    Tổng hợp từ R. Veritas
    (BĐ1: Isaiah 50:4-7 - BĐ2: Phil 2:6-22 - PÂ: Mc.14,1-15.47)
    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


  2. #22
    TÔI KHÔNG BÁN CHÚA

    Cho đến hôm nay, vẫn còn nhiều người tự cho mình là vô can trong vụ án Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thập tự giá. Trong số đó, có thể có tôi, có bạn, những người vẫn xưng mình là Kitô hữu, hoặc hơn thế nữa, những người vẫn đang nhiệt tình tổ chức hoành tráng, cờ hoa rực rỡ, đón rước linh đình, tung hô vang dội và kêu gọi mọi người hãy cất tiếng: “Hoan hô con Vua Đavit. Chúc tụng Vua Israel, Đấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời”.
    Hai mặt thiện ác trong mỗi con người tưởng như là luôn lẩn tránh nhau, đối nghịch nhau, thì lại song hành cách đồng thuận trong tâm hồn khi con người bị thần dữ thống trị. Thần dữ Satan có phép biến những gì mà một người cho là chân lý, thành công cụ phục vụ cho mưu đồ gian ác của chúng, khi người ấy nhận tất cả về mình những gì mình có: học thức, hiểu biết, tài năng, và nhất là đức tin. Đó là trường hợp của những luật sĩ, biệt phái, kinh sư… Họ vẫn nghĩ rằng đức tin của họ là do sự hiểu biết siêu phàm hoặc do tài năng mà họ có được. Đối với họ, đức tin của họ không được soi dẫn bởi Thánh Thần, mà là bởi cái tôi chủ quan và mù quáng của họ. Bởi vậy, họ không thể chấp nhận một Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đến cứu chuộc trần gian, khi hiểu biết của họ vẫn chưa chịu nhường chỗ cho sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Họ dựa theo suy luận thấp bé mà cứ tưởng cao siêu của họ để định dạng, định hình một Đấng Cứu Thế có thể thỏa mãn những nhu cầu của họ. Vì thế, có thể hôm nay họ hoan hô Chúa Giêsu, nhưng ngày mai họ đả đảo dẫn tới cái chết của Con Thiên chúa.
    Có thể chúng ta đã lên án họ, rằng chính họ chủ mưu trong vụ án Đức Giê-su vô tội bị lãnh án tử hình nhục nhã nhất lịch sử nhân loại. Còn chúng ta, nghĩ rằng mình vô can sao? Trong khi, mỗi chúng ta, có thể còn kinh khủng hơn họ nữa: nếu họ “hôm qua hoan hô ngày nay đả đảo”, thì hãy coi chừng mỗi chúng ta, vừa hoan hô vừa đả đảo, hoặc hoan hô theo cách đả đảo ngay chính trong cách thể hiện niềm tin của mình.
    Quả thật, chúng ta đã từng có suy nghĩ rằng: tôi không tố cáo kết án Chúa Giêsu, tôi không bán Chúa Giêsu, không nộp Ngài cho thế quyền, không đánh đập Ngài, không sỉ nhục ngài, không đội mão gai cho Ngài, không quất vào ngài khi Ngài té ngã, không đóng đinh Ngài… Chính người Do Thái đã làm tất cả những điều tệ hại ấy, và ấy là chuyện đã rồi của hai ngàn năm trước. Chúng tôi vô can. Nếu nghĩ như thế, thì việc cùng đoàn người rước Chúa Giê-su vào thành thánh cách long trọng với lời tung hô vạn tuế hôm nay, và việc nghe lại trang thương khó đẫm máu của Chúa Giêsu, sẽ không mang lại ý nghĩa, lợi ích gì cho đời sống đức tin của chúng ta cả.
    Phụng Vụ dẫn chúng ta vào tuần thương khó của Đức Giê-su, để chúng ta có cơ hội hiểu rằng: không phải Đức Giê-su đi đường thương khó hai ngàn năm trước mà Ngài còn đang đi đường thương khó ngay hôm nay, ngay lúc nầy….
    Bao lâu tôi không chịu thương khó, thì bấy lâu, Chúa Giê-su còn phải chịu thương khó vì phần rỗi của tôi.
    Bao lâu tôi còn sống trong vũng lầy tội lỗi, thì bấy lâu, Chúa Giê-su còn có lý do để tiếp tục vác Thánh Giá lên Calvê và chịu chết.
    Bao lâu tôi còn vô tâm không màng đến hay bất cần đến cái chết của Đấng Vô Tội, thì bấy lâu, tiếng kêu tha thiết của Chúa Giêsu từ thánh giá vẫn còn vang lên và vọng xa cho tới tân cõi lòng mình: “Ta khát”. Tôi, bạn, cả chúng ta, không thể là những người đứng ngoài cuộc trong vụ án Thập Tự Giá nầy.
    Vì thế, không thể nghĩ rằng: tôi không tố cáo Chúa Giêsu, tôi chỉ bất bình với những lời dạy nghe chói tai, những yêu cầu từ bỏ nghe có vẻ bất thường làm đảo lộn cuộc sống trần gian đang đầy thú vị của tôi. Hoặc, tôi là Ki-tô hữu mà, tôi không hề tố cáo Chúa Giêsu, chỉ là tôi chưa sống đúng như Lời Ngài dạy, vì đời còn dài, có vội chi mà phải nhốt mình trong cái khung chờ chết. Nhớ vào dịp Tết, có người nhận được lộc xuân, anh ta mở ra đọc: “Của Cesar trả cho Cesar. Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”. Anh ta đưa cho ông hội đồng đọc và hỏi: “Nói gì thế?”. Ông hội đồng giải thích: “Chúa bảo đừng có tham lam của thế gian, lo trở về với Chúa”. Anh ta lẩm nhẩm: “Thời buổi nầy, không tham sao sống nổi. Chúng nó hối lộ tham nhũng nhan nhản đầy dẫy kia, ai làm gì được chúng nó”. Ra đến chỗ giữ xe, anh ta vò nát lộc xuân, vất xuống đất, thản nhiên về. Không phải là chúng ta đang tố cáo Chúa Giêsu nói và dạy những điều sai trái đấy sao?
    Cũng không thể nghĩ rằng: tôi không bán Chúa Giêsu ba mươi đồng bạc, tôi chỉ đem thời gian, tài năng, tiền bạc và sức lực của tôi để đổi lấy cho tôi một cuộc sống thoải mái theo bản năng con người, hoặc thiết thực hơn, tôi chỉ ham theo cho hết cuốn phim tình cảm hay, hay đã lỡ hẹn với bạn bè, mà không thể đến nhà thờ dâng lễ, rồi thành thói quen, bỏ cả lễ, quên cả Chúa. Ngày nào, Giáo xứ chưa có linh mục, chưa có nhà thờ, ai nấy khát khao mong mỏi… đến lúc có cha ngon lành, có nhà thờ to lớn xinh đẹp rồi, thì việc của cha là sáng chiều làm lễ, việc của giáo dân là sáng ngủ cho đã giấc, chiều xem phim, hát karaoke, nhậu nhẹt… chẳng màng! Nếu ngày xưa Giuđa đã xem ba mươi đồng bạc có giá trị và cần thiết hơn là tánh mạng của Chúa Giê-su, thì rõ ràng hôm nay, không phải là chúng ta cũng đã từng xem các thực tại chóng qua kia lại có giá trị hơn một thánh lễ, hơn một Thánh Thể Chúa Giê-su đó sao?
    Càng không thể nói rằng tôi không hề bắt Chúa Giêsu phải vác Thánh Giá, không hề đội mão gai cho Ngài, cũng không sỉ nhục Ngài, đóng đinh Ngài… trong khi ngôi nhà tâm linh của chúng ta đã lún, nghiêng theo chiều bất chính hoặc đã đổ sập, nát vụn thành một đống hoang tàn.
    Vâng, không thể nói:
    Tôi không hề bắt Chúa Giêsu vác Thánh Giá, tôi chỉ nhường phần khó nhọc cho anh em và chọn cho mình phần nhẹ nhàng thong thả.
    Tôi không hề đánh đập Chúa Giêsu, tôi chỉ làm ngơ trước những bạo lực của luật rừng đàn áp những người vô tội.
    Tôi không hề sỉ nhục Chúa Giêsu, tôi chỉ ngại lên tiếng bênh vực cho công lý, lại còn đồng tình với những lời đàm tiếu rằng dại chi mà chiến đấu cho công lý để phải mất chức, thiệt thân, còn bị phát lưu, tù đày, hay bị cách ly khống chế.
    Tôi không hề đóng đinh Chúa Giêsu, tôi chỉ làm thinh vô tình trước bao cái chết oan uổng của ngàn ngàn thai nhi bé nhỏ, trước cái chết của những thanh thiếu niên sa đọa vì hút chích, trước những cái chết của những thiếu nữ bán hoa lỡ lầm, trước cái chết của những người nghèo khổ không tiền chạy chữa, và trước cả cái chết muôn đời của một tập đoàn không tin, còn chống lại Thiên Chúa, trong khi tôi có thể góp một phần của mình vào công cuộc cấp cứu.
    Cuộc sống bất chính trong ‘con người tưởng như là công chính’ của mỗi chúng ta đang là lời chứng hùng hồn rằng chúng ta là những người vừa hoan hô vừa đả đảo Chúa Giêsu. Chính chúng ta tiếp diễn vụ án Đức Giêsu ngay hôm nay, trong lúc nầy. Chính chúng ta đang xử Chúa Giêsu theo luật rừng của những con người hoang dã, không phải vì ngu muội do thiếu ánh sáng văn minh của Thiên Chúa, nhưng ngu muội do kiêu căng, cố tình tôn vinh sự hiểu biết, khôn ngoan, tài năng, trí tuệ của mình lớn hơn sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
    Đức Giêsu vô tội “như con chiên hiền lành” bị đem đi giết để chết thay đoàn chiên có tội, là chúng ta, được cứu sống.
    Tuần thương khó mời gọi mỗi chúng ta nhận ra mình là can phạm, nếu không nói là chủ mưu, trong vụ án Đức Giêsu bị đóng đinh và chết trên thập giá. Đồng thời, cũng mời gọi chúng ta thành tâm sám hối tội lỗi để được hưởng ơn khoan hồng vô lượng. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta tham dự vào đường thương khó của Chúa, vào cuộc tử nạn của Chúa bằng cách sống đời sống công chính - đời sống đòi hỏi khước từ những quyến rũ của những thực tại phù vân, đòi hỏi đóng đinh tính xác thịt mình, đòi hỏi chấp nhận đau khổ, chấp nhận hiến thân, hy sinh vì phần rỗi của mình và của người khác.
    Hãy cùng chết với Chúa Giêsu để được cùng Người phục sinh vinh hiển.
    Lạy Chúa Giêsu, chúng con không vô can trong vụ án đóng đinh Chúa. Đời sống bất chính của chúng con với biết bao tội lỗi đã hình thành bản án tử hình Người Vô Tội. Xin cho chúng con biết trân quí ơn Cứu Chuộc nơi Thánh Giá Chúa, để biết thành tâm sám hối, biết cải thiện đời sống, và biết cùng Ngài vác Thánh Giá mình mỗi ngày mà theo Chúa, với niềm hy vọng, niềm tin tưởng Phục Sinh với Ngài. Amen!



    PM. Cao Huy Hoàng
    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


  3. #23
    SỨC MẠNH CỦA THẬP GIÁ




    Vào năm 1856, các nhà khảo cổ đã thực hiện một cuộc khám phá đầy thú vị tại đồi Palatino ở Rôma. Khi đào bới lớp đất bao phủ một trại lính Rôma cổ, trên vách một bức tường họ tìm thấy một cây thập giá được một người lính nào đó dùng đinh hay mũi dao cắt một cách vụng về trên tường. Bên cạnh thập giá là hình một chàng thanh niên giơ tay chào kính thập giá. Trên thập giá có vẽ hình một người nhưng đầu ấy là hình một con lừa. Dưới hai bức hình người ta thấy có viết hàng chữ: "Alexandre Menos thờ lạy Chúa của hắn". Các nhà khảo cổ cho rằng có thể bức tranh đã được thực hiện khoảng giữa những năm 123 và 126 sau công nguyên. Nếu sự phỏng đoán về niên biểu này đúng thì đây có lẽ là hình vẽ về thập giá cổ xưa nhất và đồng thời cũng là một thập giá bị nhạo báng. Người ta có thể đọc được ý tưởng đàng sau hình vẽ ấy như sau: "Nếu Thiên Chúa mà chết trên thập giá thì đây là một hành động yếu hèn, khờ dại như hành động của một con lừa. Và cả những người thờ lạy Thiên Chúa trên thập giá cũng là những kẻ ngu dại như lừa."


    Vào năm 1870, các nhà khảo cổ đã tìm được câu trả lời mà họ nghĩ là của một chàng thanh niên mang niềm tin kitô tên là Alexandre Menos. Ở một cột trụ bằng đá dựng hình một vị thần vốn là thần của chiến tranh, người ta lại đọc được dòng chữ như sau: "Alexandre Menos vẫn vững tin".

    *************************************
    Quả thật, hình ảnh của một Thiên Chúa chịu treo trên thập giá là một hình ảnh khủng khiếp. Hình ảnh này tự nhiên gợi lên sự yếu nhược và khờ dại, nhưng thánh Phaolô lại biện hộ cho hành động mà người đời cho là điên rồ ấy như sau:


    "Tiếng nói của thập giá đối với những kẻ hư hỏng là điên rồ. Còn đối với những người được cứu rỗi, tức chúng ta, thì đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Thật vậy, người Do Thái đòi hỏi phép lạ. Người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan. Còn chúng tôi thì giảng về Chúa Kitô chịu đóng đinh vào thập giá. Người Do Thái cho đó là điều xấu xa, còn những người ngoại giáo thì cho là dại dột. Nhưng với tất cả những ai được Thiên Chúa tuyển chọn thì Chúa Kitô chịu đóng đanh là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa".


    Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta chiêm ngưỡng sự khôn ngoan và sức mạnh ấy của Thiên Chúa. Từ thập giá ấy chúng ta cũng múc lấy sự khôn ngoan và sức mạnh để vác lấy chính thập giá của mỗi người chúng ta. Một người đàn bà tại trại tập trung Ðức Quốc Xã đã viết một lời nguyện và cài vào thi thể của đứa con gái nhỏ của mình. Người đàn bà cầu nguyện như sau:


    "Lạy Chúa, xin Chúa không chỉ nhớ đến những người thiện chí mà cũng thương đến những kẻ ác tâm, nhưng xin Chúa đừng nhớ đến tất cả những khổ đau mà họ đã gây ra cho chúng con. Xin Chúa hãy nhớ đến những hoa quả mà chúng con đã có được nhờ những đau khổ này, đó là tình bạn, sự trung thành, tính khiêm tốn, lòng can đảm, trái tim quảng đại, tâm hồn cao thượng đã đâm chồi nẩy lộc từ những khổ đau ấy. Và khi chúng con ra trước tòa Chúa, xin cho những hoa trái ấy trở thành bảo chứng của ơn tha thứ dành cho họ".


    Bexitanbul, người thiếu nữ cũng chết trong cùng một trại tập trung đã thề nguyền không bao giờ thù ghét những cai tù đã từng đánh đập hành hạ cô. Trong cơn hấp hối, người thiếu nữ này đã thốt lên như sau: "Chúng ta phải nói với mọi người những gì mà chúng ta đã học được ở đây. Chúng ta phải nói với họ rằng không có giếng nào sâu hơn tình yêu của Thiên Chúa".


    Những lời trên đây đã xuất phát từ miệng của những con người đã bị chính người đồng loại của mình đày vào tầng đáy của địa ngục trần gian. Họ đã tìm thấy sức mạnh và lẽ khôn ngoan của thập giá.


    Lạy Chúa Giêsu,
    Chiêm ngắm và hôn kính Thập Giá Chúa trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, xin cho chúng con cũng biết đến kín múc sức mạnh và lẽ khôn ngoan từ thập giá Chúa. Xin cho chúng con biết đón nhận thập giá mỗi ngày và đi theo chân Chúa với tất cả những tín thác và tin yêu.

    R. Veritas


    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


 

 

Similar Threads

  1. Mỗi Ngày Vũ Như Cẩn
    By Lê Nguyễn Hiệp in forum Tâm Tình
    Replies: 3312
    Last Post: 02-14-2022, 11:38 PM
  2. Hạnh phúc lang thang
    By zung in forum Tâm Tình
    Replies: 421
    Last Post: 02-19-2018, 11:01 AM
  3. Ngày nay đôi ngã
    By Cuong2510 in forum Thơ
    Replies: 8
    Last Post: 09-20-2012, 06:49 PM
  4. Bên Bờ Kỷ Niệm
    By Ngọc-Hạnh in forum Truyện
    Replies: 2
    Last Post: 10-16-2011, 03:43 AM
  5. [TPDT] Chương Trình Tưởng Niệm Tháng Tư 2009
    By Ryson in forum Tiếng Hát Đặc Trưng
    Replies: 0
    Last Post: 10-12-2011, 08:12 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:58 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh