Register
Page 2 of 3 FirstFirst 123 LastLast
Results 11 to 20 of 23
  1. #11
    CÁT BỤI TUYỆT VỜI



    Nhạc Trịnh Công Sơn rất triết lý, Mùa Chay lại về, tôi thích nghe bài ca “Cát Bụi”:
    Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy.
    Ôi cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi.
    Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi.
    Ôi cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp không nguôi.
    Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi
    Lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày
    .
    Cát bụi, con người chỉ là cát bụi. Hạt bụi tuyệt vời khi hoá kiếp thân tôi. Hạt bụi mệt nhoài khi tôi trở về làm cát bụi. Khi dùng hình ảnh hạt bụi để nói về thân phận con người, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lấy nguồn cảm hứng trong Sách Sáng Thế: Thiên Chúa dùng bùn đất tạo dựng Adam, sau khi Adam phạm tội bất phục tùng, Thiên Chúa phạt ông và con cháu sau này cũng sẽ trở về với cát bụi ( x St 1,26-3,24)
    Nghĩ cho cùng, tất cả mọi người cũng chỉ là những hạt bụi hoá thân thành kiếp nhân sinh, sớm muộn cũng sẽ tàn lụi với thời gian. Do đó nỗi khắc khoải ngàn đời của con người là tìm kiếm ý nghĩa của sự hiện hữu, ý nghĩa của đau khổ, ý nghĩa của giải thoát, ý nghĩa của cuộc sống.
    Vấn nạn mà con người chưa tìm được câu trả lời:
    Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi?
    Hạt bụi nào hoá kiếp thân bạn?
    Và Hạt bụi nào hoá kiếp thân xác chúng ta?
    Một vòng quay, một trăm năm, một kiếp người có là mấy! “Chợt một chiều tóc trắng như vôi”. Không phải là trắng như bông, như mây hay như tuyết mà là như vôi đổ xuống huyệt mồ. Trịnh Công Sơn không bi quan, ông chỉ nói lên điều ông cảm nghiệm thấm thía về sự mong manh của kiếp người. Cuộc đời đẹp biết bao, sự sống cao quý biết dường nào, nhưng nó cũng như “đoá hoa vô thường”. Đó là một thực tế, nhìn nhận và đối diện với nó cách can đảm để có thể đưa tới một cuộc sống tốt đẹp hữu ích và có ý nghĩa.


    *******************************
    Mùa Chay muốn nhắc nhở chúng ta quay về với sự thật của thân phận con người “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai rồi sẽ trở về bụi tro…” Phụng vụ Giáo Hội muốn diễn tả rằng: cuộc đời này mong manh vắn vỏi, bởi thế nó rất hệ trọng. Số phận đời đời của mỗi người được quyết định trong thời gian tạm bợ này. Người theo Đạo Phật thì tin ở sự đầu thai kiếp sau, luân hồi nghiệp báo. Nhưng người Kitô hữu thì không, vĩnh cữu được gieo mầm trong hiện tại, đừng để thời gian trôi qua cách phung phí, đời người chỉ có một lần, được mất chỉ có một cơ hội.
    Thân phận mỏng dòn mà Phụng vụ Mùa Chay nhắc cho chúng ta đừng quên, không phải chỉ có liên quan đến phần xác hay chết của phận người mà còn cả về mặt tinh thần cũng mong manh yếu đuối. hánh Phaolô đã diễn tả kinh nghiệm đó trong thư Roma “Điều tôi muốn làm thì tôi lại không làm, nhưng điều tôi không muốn làm thì tôi lại cứ làm…. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn tôi lại cứ làm… Tôi khám phá ra luật này là khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm tôi vui thích vì luật của Chúa, nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tôi…tôi thật là một người khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác hay chết này?” (Rm 7,15.19.21-24). Tiếng kêu của Phaolô cho thấy ngài đang muốn trở về với chính mình. Khát khao tìm về một thủa bình yên đã mất. Từ xa xưa, con người là Adam đã ăn trái cấm để mong trở nên thần thánh. Đó là cuộc nổi loạn nơi chính mình không muốn chấp nhận mình là mình. Nguyên tổ bị con rắn cám dỗ trở nên thần linh chứ không phải là cám dỗ nhan sắc, giàu có. Đó cũng chính là cám dỗ Lucifer đã đi qua. Lucifer muốn trở thành Thiên Chúa để có quyền trên mọi tiêu chuẩn tốt xấu. Đây là ước mơ vượt quá bản chất con người. Tội là một hành trình đưa con người đi khác con đường của Thiên Chúa. Vượt qua giới hạn của mình để làm thần thánh. Trong con người có một cuộc phân ly như Phaolô đã kêu lên: “Điều tôi muốn làm tôi không làm. Điều không muốn tôi lại làm”. Trong dân gian có câu đố về con muỗi rất thú vị: Vì mày tao phải đánh tao. Vì tao, tao phải đánh tao, đánh mày. Vui mừng khi giết được con muỗi cắn mình, nhưng máu của mình hay máu con muỗi? Phaolô thốt lên: “Tôi là người khốn nạn”. Ngài vỡ oà trong tiếng kêu: ‘Ai giải thoát tôi khỏi cái xác chết này?” Thánh nhân reo vui niềm hạnh phúc: “Tạ ơn Chúa, nhờ Đức Kitô”. Không có ơn sủng đời sống sẽ nhiều bất hạnh. Có ơn sủng Chúa Kitô, con người sẽ đong đầy niềm vui hạnh phúc.
    Ý thức về sự yếu đuối và tội lỗi của mình, về khuynh hướng xấu, sự bất lực nơi bản thân để mỗi người nổ lực giải thoát khỏi sự thống trị khắc nghiệt của tội lỗi và đó là khởi đầu cho ơn hoán cải và ơn cứu độ. Đó là lối đi của ơn sủng.
    Mùa Chay mời chúng ta vào sa mạc với Chúa Giêsu. Sa mạc là nơi hoang vu trơ trọi, mênh mông. Ở đó người ta mất hết mọi điểm tựa, không còn chi để “chia trí, lo ra”. Chẳng hạn như ngoại cảnh ồn ào, các hoạt động, các thú vui, các quan hệ xã hội; chỉ còn ta với ta và buộc ta phải quay về với mình trong sự đơn độc của chính mình. Trong sự quay về đó ta có cơ may nhìn thấy những điều cốt yếu nhất khi đối diện với chính lòng mình.
    Con người chúng ta thường sống hời hợt bên ngoài, tan loãng ra trong trăm thứ linh tinh hay phụ thuộc khác. Mùa Chay mời gọi chúng ta đi vào sa mạc, nghĩa là tạo một sự trống vắng nào đó, một sự thinh lặng của các giác quan, của trí khôn và của cõi lòng, một sự rút lui vào trong tâm khảm mình để có thể phân định đâu là cái chính cái phụ, đâu là cái cùng đích và cái phương tiện. Đây chính là lúc hồi tâm.
    Biết mình mỏng dòn, nhưng con người theo Phụng vụ Mùa Chay lại không phải là con người mềm yếu, uỷ mị, ngả nghiêng theo mọi lời mời mọc cám dỗ. Con người Mùa Chay là con người dũng cảm chiến đấu. Như Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời hoạt động công khai, Chúa vào sa mạc và tuyên chiến với Satan tức là với mọi mãnh lực của sự ác một cách không khoan nhượng. Và Ngài đã chiến thắng.
    Người Kitô hữu là người biết nói không, là người dám bơi ngược dòng “ Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” ( Pl 2,15). Người Kitô hữu không cố ý sống lập dị, khác người, song đứng trước điều xấu, dù là khi cả xã hội đều làm điều xấu đó, họ vẫn không được ngã theo. Họ phải can đảm từ chối một cơ hội làm giàu bất chính, một liên minh bất công, một mối quan hệ tội lỗi…. Dĩ nhiên điều đó không dễ chút nào. Nhưng đã là môn đệ Đức Giêsu, họ không có chọn lựa nào khác.
    Con người theo Phụng vụ Mùa Chay biết mình tự thân chỉ là cát bụi, nhưng là “cát bụi tuyệt vời”. Nó vẫn tuyệt vời ngay khi trở về với cát bụi trong một chiều “lá úa trên cao rụng đầy”, chứ không phải chỉ tuyệt vời khi “vươn hình hài lớn dậy” mà thôi.
    Đức tin dạy cho chúng ta biết rằng “Hạt bụi” là chúng ta, được tình yêu Thiên Chúa gọi vào hiện hữu và chia sẽ sự sống bất diệt của Người. Kiếp người cho dù có đau thương, có bi đát, đôi lúc tưởng chừng bóng tối lấn lướt ánh sáng. Nhưng cuối cùng, sự sống, chân lý, tình thương vẫn mạnh hơn tất cả.
    Ước chi mỗi gia đình và cộng đoàn Kitô hữu biết tận dụng thời gian Mùa Chay này, để gạt bỏ một bên những điều gì gây lo ra cho tâm trí và tăng trưởng trong những điều nuôi dưỡng tâm hồn, hầu yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Tôi đặc biệt nghĩ tới một sự dấn thân lớn hơn cho việc cầu nguyện, lectio divina, chạy đến bí tích hòa giải và tham dự tích cực vào bí tích Thánh Thể, đặc biệt Thánh lễ ngày Chúa nhật. Với thái độ bên trong ấy, chúng ta hãy đi vào tinh thần sám hối của Mùa Chay. Nguyện xin Đức Trinh nữ Maria, “Nguồn hoan lạc của chúng ta,” đồng hành và trợ giúp chúng ta trong nỗ lực giải thoát tâm hồn khỏi nô lệ tội lỗi, biến nó thành “nhà tạm sống động của Thiên Chúa.”
    Ước gì mỗi người Kitô hữu đều có bản lãnh của Đức Giêsu để chiến thắng sự nặng nề, nhỏ mọn của bản thân; luôn luôn cậy dựa vào Thiên Chúa, sống Mùa Chay thánh thiện để đón nhận nhiều Ơn Phúc Chúa ban.



    Lm Giuse Nguyễn Hữu An

    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


  2. #12
    THA THỨ

    Văn hào Nga Leon Tolstoi có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:
    Có một người hành khất đến trước cửa nhà một người giàu có để xin bố thí. Nhưng mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Ðến một lúc không chịu được những lời van xin đó thay vì bố thí, người giàu có đã lấy đá ném vào người hành khất. Con người khốn khổ ấy lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng:
    - Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế, ta sẽ dùng nó để ném trả lai ngươi.
    Năm tháng trôi qua, lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó người hành khất cũng chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu có vào ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải, tay không rời hòn đá mà người giàu có đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng bên ông.
    Nhưng cuối cùng nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ:
    - Tại sao ta phải mang nặng hòn đá này từ bao năm qua? Con người này, giờ đây chỉ là một kẻ khốn khổ như ta.
    ***
    Lệnh truyền khó thực hiện nhất trong các lệnh truyền của Chúa Giêsu đó là: "Anh em phải thương yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ oán ghét anh em".
    Tha thứ là điều khó khăn nhất, cũng là điều cao cả nhất. Trao ban tiền của, trao ban thì giờ, và ngay cả trao ban chính mạng sống mình là điều xem ra còn dễ làm hơn là trao ban sự tha thứ. Tha thứ là tuyệt đỉnh của yêu thương, bởi vì tha thứ là yêu thương chính kẻ thù của mình. Hiến tế thập giá của Chúa Giêsu đã nên trọn hảo khi Ngài thưa với Chúa Cha: "Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm". (Lc 23,24)
    Tha thứ tức là làm việc thiện cho người gây khốn khổ cho ta. Họ sẽ được an tâm không sợ báo thù, không phải đối phó. Ðời họ nhờ sự tha thứ của ta mà bớt gánh nặng, và bầu khí chung quanh cũng được nhẹ nhàng, dễ thở hơn.
    Tha thứ tức là tạo cho ta một niềm vui trong lòng: Vui vì được Chúa tha thứ tội lỗi cho ta. Vui vì mình đã làm được một nghĩa cử cao đẹp mà ít người làm được. Vui vì mình không phải bận tâm với những tư tưởng trả thù, không bị gò bó trói buộc vào những chuyện đen tối, nhưng sẽ tự do trong cõi lòng thư thái, thong dong.
    ***
    Lạy Chúa, trong cuộc đời bon chen xô bồ này, làm sao có thể tránh được những sự gây gỗ bất hòa. Con chẳng tìm đâu những người vừa ý, hợp tánh, ngay chính con có là người hoàn toàn bao giờ đâu. Xin Chúa cho con biết chấp nhận sự thật đó, không phải bằng cách nuôi giận hờn giữ oán, nhưng là luôn biết tha thứ và quên đi những lỗi lầm của người khác.
    Xin cho con luôn nhớ rằng: Tha thứ là của lễ đẹp lòng Chúa nhất và qua đó, con được nên giống Chúa nhiều hơn. Amen.
    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


  3. #13
    Học Làm Người

    Học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.

    1. Thứ nhất , “học nhận lỗi”.

    Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.


    2. Thứ hai, “học nhu hòa”.

    Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập.


    3. Thứ ba, ” học nhẫn nhục”.

    Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.


    4. Thứ tư, “học thấu hiểu”.

    Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?


    5. Thứ năm, “học buông bỏ”.

    Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới tự tại được!


    6. Thứ sáu, “học cảm động”.

    Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.


    7. Thứ bảy, “học sinh tồn”.

    Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.

    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


  4. #14
    CHIẾN THẮNG CÁM DỖ VỚI ĐỨC GIÊSU

    Người Eskimo nghĩ ra một cách bẫy chó sói rất độc đáo để lấy da chúng làm y phục.
    Người ta dùng một con dao cực bén và nhúng lưỡi dao ấy vào máu súc vật, rồi đem phơi ra ngoài trời tuyết lạnh cho máu đông lại chung quanh. Họ làm lại việc này nhiều lần cho đến khi con dao được bao bọc xung quanh bằng khối máu lớn như quả xoài.
    Đợi đến khi trời tối, người ta đem con dao bọc máu đó ra cắm giữa đồng hoang. Với tài đánh hơi bén nhạy, loài sói sẽ phát hiện rất nhanh mùi máu tươi và sẽ chạy đến liếm vào cục máu đông đó cho đến khi lưỡi dao lộ ra cứa đứt lưỡi chúng. Một khi lưỡi bị cứa đứt nhiều đường, máu từ lưỡi ứa ra và chúng tiếp tục liếm cách điên cuồng hơn chính dòng máu của mình mà chúng không hay biết. Càng liếm, lưỡi càng bị cứa sâu hơn và nhiều hơn khiến máu chảy thành dòng kết thúc cuộc đời của lũ sói tham ăn.
    Cám dỗ trong con người: Có thể nói: con người là con vật phải đương đầu với nhiều cơn cám dỗ nhất. Cám dỗ của miếng ăn, cám dỗ của thức uống (rượu, bia), của thuốc lá, ma tuý, cần sa, cám dỗ của thú vui nhục dục, của tiền bạc, của địa vị, công danh và vô vàn hình thức cám dỗ khác.
    Người ta bị thu hút, bị lôi cuốn vào các cơn cám dỗ như con sói tham lam lao vào liếm cục máu bọc lưỡi dao, như những con thiêu thân lao vào lửa và hậu quả là con người trở nên mềm yếu, bạc nhược, bị lôi cuốn vào dòng thác dục vọng như cánh bèo nhỏ bé bị cuốn vào giữa dòng nước lũ.
    Không rõ con sói một khi biết có lưỡi dao bén ẩn dấu trong cục máu đông, nó có còn dám tiếp tục liếm cục máu đó nữa không, nhưng đối với nhiều người thì dù biết chắc chắn rằng đằng sau những lạc thú có ẩn dấu lưỡi dao của thần chết, thì họ vẫn cứ tiếp tục hưởng thụ những thứ đó, rồi tự biện minh rằng: "thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm" (Xuân Diệu)
    Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ như chúng ta: "Đức Giêsu Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa... nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân. (Philip 2, 6-7)
    Vì trở nên người phàm như chúng ta, "Chúa Giêsu đã từng chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta' (Do-thái 4,15).
    Qua bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, thánh sử Mác-cô cho biết Chúa Giêsu đã vào hoang địa bốn mươi ngày và Người đã thực sự bị Xa-tan cám dỗ. (Mác-cô 1, 12-13)
    Điều đặc biệt là dù phải bị cám dỗ trăm bề về mọi phương diện như chúng ta, Chúa Giêsu không bao giờ thua cuộc, không bao giờ sa chước cám dỗ. Người đã chiến thắng vẻ vang trước mọi cơn cám dỗ, và luôn trung thành đi theo đường lối của Thiên Chúa Cha cho đến cùng.
    Cùng chiến đấu chống lại cám dỗ với Chúa Giêsu: Trâu bò tuy to khoẻ nhưng dễ dàng bị chế ngự bởi một đứa bé cỏn con khi người ta xỏ mũi được chúng. Con người dù có hùng mạnh đến đâu, nhưng một khi bị "xỏ mũi" bởi các đam mê tội lỗi, thì cũng phải ngoan ngoãn lội xuống bùn, sa xuống vực vì sức kéo của những đam mê và dục vọng xấu xa đen tối.
    Mỗi người có một tử huyệt, một chỗ hiểm riêng. Nơi người nầy là lỗ miệng tham ăn tham uống, nơi người khác là bệnh háo sắc hay thói tham danh hám lợi, nơi người khác nữa có thể là lòng ích kỷ, hận thù, ghen ghét, kiêu căng...
    Người đi câu luôn biết lựa mồi hợp sở thích của cá; cũng vậy ma quỷ có thừa khôn ngoan để chọn những miếng mồi phù hợp với "khẩu vị" của từng người, và tấn công vào đúng tử huyệt của ta.
    Trong mùa chay, Chúa Giêsu kêu mời ta đi vào cõi thinh lặng của tâm hồn để nhìn lại lòng mình, rà soát tâm tư mình, xét xem những đam mê nào, những xu hướng tội lỗi nào đang chi phối đời ta mạnh nhất, đó là những tử huyệt cần canh phòng che chắn. Chính những đam mê và xu hướng đó là động cơ xô đẩy con sói tham ăn lao vào chỗ chết; và cũng chính những động cơ đó đã huỷ hoại cuộc đời ta, làm mất thanh danh phẩm giá cũng như giá trị cao đẹp của đời ta.

    ***

    Nguyện xin Chúa Giêsu cùng chiến đấu với con trong mặt trận nguy khó nầy và ban ơn giúp sức để con không bao giờ lùi bước trước bất kỳ cơn cám dỗ nào, nhưng kiên cường chiến đấu để khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và những đam mê xấu xa. Amen

    LM. Trần Ngà
    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


  5. #15
    SA MẠC


    Bốn mươi ngày trong mùa Chay nhắc nhớ chúng ta về tinh thần sa mạc trong Kinh Thánh. Dân Do Thái đã lang thang trong sa mạc bốn mươi năm trước khi vào đất hứa. Bốn mươi năm trong sa mạc là thời gian để dân Do Thái biết rõ về tương quan của họ với Thiên Chúa, Ðấng đã chọn và yêu thương họ để coi họ có thực sự tin tưởng người hay không.
    Sa mạc là nơi rất đặc biệt và thánh thiêng của dân Do Thái, vì chính trong sa mạc dân Do Thái đã gắn bó mật thiết với Thiên Chúa hơn. Thánh Phaolô nói: "Hành trình trong sa mạc của dân Israel cũng là một biểu trưng cho hành trình của chúng ta đến với Thiên Chúa".
    Tất cả chúng ta phải là những dân riêng của Thiên Chúa, dân của sa mạc trong mùa Chay thánh này. Sống tinh thần sa mạc, kinh nghiệm sa mạc trong Kinh Thánh có thể dạy chúng ta rất nhiều về đời sống tâm linh. Cha Charles de Foucauld đã chia sẻ như sau: "Tất cả chúng ta phải đi qua sa mạc để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Vì trong sa mạc, mỗi người sẽ khoét rỗng chính mình, loại ra khỏi mình những gì không phải là Thiên Chúa và những gì không thuộc về Ngài, chuẩn bị và trang hoàng tâm hồn chúng ta cho khang trang và thoáng mát cho Chúa ngự".
    Sa mạc trước tiên là nơi để thinh lặng và cầu nguyện, là nơi linh thiêng để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe và đáp lại tiếng Ngài. Sa mạc cũng là nơi để chúng ta được nuôi dưỡng trong sự an bình của Thiên Chúa và trong cầu nguyện. Sa mạc là nơi thanh luyện và thánh hiến. Chúng ta cần sống kinh nghiệm của sa mạc để chúng ta biết rõ mình hơn và đánh giá được mức độ trung thành, mức độ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, để chúng ta trực diện với Thiên Chúa trong sự thật về chính bản thân mình.

    *****************************
    Mùa Chay là mùa chúng ta sống tinh thần của sa mạc, để tôi luyện tâm hồn trong niềm tin và tình yeu, vì sa mạc là nơi để thanh luyện và thánh hiến. Chúng ta không thể bước ra khỏi sa mạc nếu chúng ta biết mình chưa thực sự hoàn trọn. Chắc hẳn Thiên Chúa luôn ở trong sa mạc và tâm hồn ta như dân Do Thái trong thời gian ở sa mạc, để chúng ta được liên kết và gắn bó với Ngài. Cũng trong tương quan thân tình đó, chính Ngài sẽ thanh luyện chúng ta trong tình yêu của Ngài. Chỉ khi sống trong sa mạc của tâm hồn mình, chúng ta mới phải tự lực cánh sinh để cố gắng vượt qua những yếu đuối và bất toàn của mình cũng như nhận ra sức mạnh toàn năng của Thiên Chúa, để chúng ta nhận biết Thiên Chúa đúng như bản tính Ngài mạc khải cho bản thân chúng ta. Khi đó, chúng ta sẽ lột bỏ khỏi chúng ta những ý tưởng, những hình ảnh giả tạo mà chúng ta có về Ngài. Tiến trình sống trong sa mạc là tiến trình chúng ta được thanh luyện cái nhìn của chúng ta. Tiến trình đó cũng giúp chúng ta nhận ra thực tại tốt đẹp theo đúng bản tính mà Thiên Chúa đã mang cho nó. Những thành kiến bất toàn cũng dần dà bị tước bỏ bởi những kinh nghiệm chúng ta sống với Chúa trong sa mạc.
    Ðể sống được tinh thần của sa mạc, đòi hỏi chúng ta phải thực sự là con người trung thực, can đảm và có thái độ thành khẩn. Phải trung thực là sẵn sàng mở lòng để đón nhận sự thật về Thiên Chúa, con người, các tạo vật và chính bản thân. Phải can đảm vì phải dám quyết định chọn lựa, có nghĩa là phải bỏ lại đàng sau, phải giũ bỏ tất cả những gì chúng ta đã có. Không bám víu vào bất cứ điều gì, là chúng ta không để cho bất cứ điều gì cản trở ta làm cho chúng ta không trung thực và sẵn sàng thực sự sống trung thực, dù biết rằng đó là một đớn đau cho tâm hồn. Trong giai đoạn cần được thanh luyện phải có thái độ thành khẩn vì chẳng có gì chúng ta có thể đạt được nếu chúng ta không thực tình khao khát và mong muốn đạt đến. Thái độ thành khẩn là động lực giúp chúng ta vượt qua những gian nan thử thách để đạt đến đích của mỗi người chúng ta là chính Chúa, Ðấng là chân, thiện, mỹ.

    *****************************
    Lạy Chúa,

    Mùa Chay như là một nhắc nhở mỗi chúng con hãy sống tinh thần của sa mạc, là sống gắn bó với Chúa cách sâu xa hơn. Xin giúp chúng con sống trọn vẹn những ngày hồng phúc này trong tình yêu và ân sủng của Chúa cũng như trong sự liên đới với anh chị em.

    R. Veritas


    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


  6. #16
    Đừng Tức Giận

    Có một câu nói rất hay rằng tức giận là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình, cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình, bởi lẽ đó để có được niềm vui và cuộc sống thanh thản ta không nên truy cứu lỗi lầm của người khác.

    Yêu thương như bạn vẫn thường yêu, sống như bạn vẫn thường sống nhưng với một niềm tin là bạn không thể có cuộc sống này lần nữa.
    Hạnh phúc mà bạn đang có hay nỗi đớn đau mà bạn đang mang là duy nhất, bạn hãy chấp nhận và thưởng thức.
    Như bạn chỉ có thể sống được ngày hôm nay, còn ngày mai, ngày mai đó chưa tới và chắc chắn, ngày mai đó vẫn sẽ tới, nhưng có thể sẽ không còn có bạn.

    Một vị minh sư sau khi bị nhà nước CSTQ giam tù 20 năm, đã vượt biên trốn sang Ấn Độ. Khi được hỏi vị sư già này, rằng trong 20 năm tù kia, nhà sư lo sợ điều gì nhất. Vị sư già trả lời, rằng trong 20 năm trong tù lúc nào cũng chỉ lo sợ có mỗi một điều: Chỉ sợ rằng mình mất đi Tâm tốt, chỉ sợ có khi nào khởi lên lòng oán giận các cai tù, chỉ sợ có khi nào lòng mình khởi lên căm thù... Chỉ sợ lòng mình không giữ được tình thương và nhẫn nhục

    Sao phải đợi đến lúc cô đơn mới nhận ra giá trị của một người bạn?
    Sao phải đợi được yêu rồi mới đem lòng yêu người?
    Sao phải đợi có thật nhiều rồi mới chia sẻ một chút?
    Sao phải đợi một nỗi đau rồi mới nhớ đến một lời ước nguyện?
    Sao phải đợi có thời gian mới đem sức mình ra phục vụ?

    Bạn ơi, sao phải đợi? Bởi có thể rằng bạn không biết bạn sẽ đợi đến bao lâu.
    Đã bao nhiêu lần ta chần chừ để rồi cơ hội vuột đi?…
    Hãy làm những gì mà bạn muốn, làm những gì bạn cho là đúng.

    "Điều gì làm Ngài ngạc nhiên nhất ở nhân loại?"

    " Con người … bởi vì con người phung phí sức khỏe để tích tiền của, rồi lại bỏ tiền ra để tìm mua lại sức khỏe.
    Và vì quá lo nghĩ cho tương lai, con người quên mất hiện tại, đến nỗi không sống với hiện tại lẫn tương lai.

    Con người sống như thể sẽ không bao giờ chết … Nhưng rồi sẽ chết như chưa từng sống bao giờ."

    Có hai chuyện phải lo lắng:
    Hoặc là bạn khỏe mạnh hoặc bạn bị đau.Nếu khỏe mạnh, thì chẳng có gì phải lo lắng. Nếu bị đau, thì có hai điều phải lo lắng: Hoặc sẽ được bình phục hoặc sẽ chết. Nếu đưọc bình phục, thì chẳng có gì phải lo lắng. Nếu bị chết, thì có hai điều phải lo lắng.

    Hoặc lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục.
    Nếu lên thiên đàng, thì chẳng có gì phải lo lắng.

    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


  7. #17
    Làm Sao Để Nhận Định Được Những Linh Hồn Hư Mất?

    Hôm nay Ta muốn nói với các con về những linh hồn hư mất trên thế giới và làm sao để xác định được họ. Những người theo Ta thường phạm sai lầm khi tin rằng những linh hồn hư mất là những linh hồn sống mà phạm tội trọng. Điều này không nhất thiết đúng như vậy.
    Một linh hồn hư mất có thể là một linh hồn của những người không tin vào Ta hay Thiên Chúa Cha Hằng Hữu. Một linh hồn hư mất là linh hồn bị bắt gặp ngày ngày chạy theo việc kiếm tiền, bồi dưỡng sức khỏe, nghề nghiệp và thèm khát của cải vật chất. Tất cả là vì niềm vui mà họ tin tưởng rằng những thứ đó sẽ đem họ tới đời sống tương lai. Đây là những người bình thường, người tốt nhưng quay lưng lại với Ta. [121.3]
    Nhiều con cái của Ta tốt bụng. Họ đầy lòng yêu người, gia đình và bạn bè. Họ có thể rất hòa đồng và được ưa thích. Và họ cũng là những linh hồn hư mất. Các con có thể hỏi sao lại như vậy?
    Bởi vì họ không tin rằng linh hồn của họ cũng quan trọng như những nhu cầu thể lý và như thế họ bỏ bê nó. Khi linh hồn bị bỏ bê, họ thiên về những cám dỗ rơi rớt ở trên đường mỗi ngày. Họ thấy khó mà chống lại của cải thế gian mà không xem xét xem thời gian họ đầu tư cho những tham vọng có thể được dùng để tỏ tình yêu mến người khác qua nghệ thuật chia sẻ.
    Khi theo đuổi tiền bạc họ có thể trở nên kiêu ngạo. Kiêu ngạo làm cho họ khó mà hành xử như một người môn đệ thật của Ta. [121.4]
    Hỡi các con nếu các con dành tất cả thời gian để đuổi theo những giấc mơ mà các con tin rằng thế giới này có thể dâng tặng - của cải, nghề nghiệp và địa vị quyền lực – thì còn lại ít thì giờ để cầu nguyện hay nuôi dưỡng linh hồn các con cho sự sống đời sau.
    Nhiều người trong các con không bao giờ hiểu được tại sao của cải thế gian làm cho họ trống rỗng bên trong. Họ không lắng nghe những người theo Ta, những người biết sự thật. Khi thất bại trong việc nhận thức được sự hiện diện của Chúa, là Cha Toàn năng, họ không thể thành công trong việc làm hài lòng ai khác ngoài chính họ.
    Bề ngoài thì những người này sống tích cực, khỏe mạnh, đầy niềm vui sống không lo lắng gì trên thế giới. Nhưng kiểu sống này không thể đạt được con đường đúng đắn khi không tin vào đời sau. Sự khiêm nhường thiếu vắng trong đời sống họ. [121.5]
    Các con có thể nói, bào chữa cho họ rằng, họ cần phải nuôi sống gia đình và chăm sóc những người khác những người lệ thuộc vào họ và vì thế họ làm việc vì những mục tiêu này? Câu trả lời của Ta là họ không. Họ không nhắm đến việc nuôi gia đình. Trong nhiều trường hợp họ nhắm tới sự thừa mứa để thỏa mãn sự thèm khát của họ. Càng làm như vậy họ càng hư mất đối với Ta và Thiên Chúa Cha Hằng Hữu. [121.6]
    Trừ khi các con thức giấc và nhận ra những đường lối mà Satan dùng tất cả những vinh quang hấp dẫn của thế gian, để thu hút các con vào những cảm giác an toàn giả tạo của vật chất, các con không thể đến với Ta được. Thời gian trong đời sống phải được dùng để ngợi khen Đấng Tạo Hóa. Chăm sóc người lân cận qua những việc làm bác ái. Đặt nhu cầu của người khác trước các con. Đi theo bước chân của Ta. [121.7]
    Trừ khi các con không tin vào Chúa Cha hay tin vào Ngài nhưng chọn những gì thuận tiện rồi đẩy xa lòng kính trọng Ngài sang một bên vì họ quan tâm đến những sự thế gian hơn họ thấy khó mà vào cổng thiên đàng được, Thiên Đàng đích thực mà họ khao khát. Trái đất chỉ là một giai đoạn trong tổng thể. Thiên Đàng, dù chỉ một cái nhìn thoáng qua những gì nó ban tặng, không thể được nghiệm thấy trên trái đất. Không có sự hấp dẫn trần thế nào đáng để theo đuổi nếu nó khiến cho các con đánh mất báu vật là nước Thiên Đàng. [121.8]
    Đặc điểm phụ thuộc để vào Vương Quốc Vinh Quang của Ta là đức tin, đức mến sự khiêm nhường và ước muốn làm vui lòng Ta. [121.9]
    Thầy dạy yêu dấu và Đấng Cứu Chuộc toàn thể nhân loại [121.10] Chúa Giêsu Kitô [121.]

    Dịch giả: Cúc Nguyễn


    IN ENGLISH


    Today I want to talk to you about lost souls in the world and how to identify them. My followers often mistakenly believe that lost souls are those in mortal sin. This is not necessarily true. A lost soul can be a person who does not believe in Me or My Eternal Father. A lost soul can also be those children so caught up in their day to day pursuit of earning money, building wealth, careers and craving after material things. All because of the joy they believe that these things will bring them in their future lives. These are ordinary people, good people but who turn their backs on Me. [121.3]

    Many of these children of mine are good at heart. They can be full of love for their fellow men, their family and friends. They may be popular and well liked. And yet they can be lost souls. How is this you may ask? Because they do not believe that their soul is just as important as their physical needs and so they neglect it. By neglecting their soul they are prone to temptations thrown their way each day. They find it hard to resist worldy goods without considering that the time they invest in their ambitions could be spent showing love to others through the art of sharing. In their pursuit of money they can become proud. Pride makes it difficult to behave like a true follower of Mine. [121.4]
    Children if you spend all your time chasing the dreams that you believe this world has to offer - wealth, possessions and positions of power - there is little time left to pray or nurture your souls for the next life. So many of My children can never understand why worldly goods leave them empty inside. They do not listen to those followers of Mine who know the truth. By failing to acknowledge the existence of God, the Almighty Father, they cannot succeed in pleasing anyone other than themselves. On the outside these people live active, healthy, fun-filled lives without a care in the world. But this kind of lifestyle cannot be achieved in the right way without believing in Eternal Life. Humility is missing in their lives. [121.5]
    You may say, in their defense, but they need to feed their families and look after others who rely on them and so they work towards these goals? My answer is no they don't. They are not aiming to feed their families. In many cases they are aiming for excesses to satisfy their lusts. The more they do this the more they become lost to Me and My Eternal Father. [121.6]
    Unless My children wake up and recognise the ways in which Satan uses all the glorifying attractions of the world to suck you into a false sense of materialistic security you cannot come to Me. Time must be spent in this life in praise of your creator. In looking after your neighbour through charitable works. In putting others needs before your own. By following in My footsteps. [121.7]
    Unless My children who do not believe in God the Father or who do believe in Him but who chose conveniently to push any homage to Him aside because they are more concerned with worldly matters they will find it hard to enter the gates of Heaven, the true Paradise they crave. Earth is just a phase in your entire being. Heaven, even a glimpse of what it offers, cannot be experienced in your lives on earth. None of those worldly attractions are worth chasing if it means you have to forfeit the jewel that is Heaven.
    [121.8]
    The essential traits to enter My Glorious Kingdom are faith, love, humility and a desire to please Me. [121.9]
    Your beloved Teacher and Saviour of all Mankind [121.10]
    Jesus Christ [121.11]

    Source: www. TheWarningSecondComing.com
    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


  8. #18
    TA KHÁT



    Thầy yêu mến!

    Với những sự ồn ào của cuộc chạy đua trong thời đại kinh tế thị trường, một xã hội mà vật chất quan trọng hàng đầu. Ở đâu đâu cũng là những toan tính thiệt hơn, đâu đâu cũng là những bài toán cho việc kiếm tiền. Và ở đâu đó trong sự ồn ào đó con vẫn nghe có tiếng nói tha thiết vọng lại: “Tôi khát!” (Ga19,28). Tiếng nói ấy như xoáy vào trong tâm khảm của đứa con nhỏ bé này.
    Con biết Thầy đang khát, Thầy khát những lời cầu nguyện trong thế giới mà danh vọng và vật chất đã che phủ hết trái tim của con người chúng con – nhiều khi chúng con đã phủ nhận sự hiện hữu của vị Thiên Chúa tình yêu.

    Con biết Thầy đang khát những trái tim biết mở cánh cửa ra để đón nhận nhau, trong một thời đại mà thù hận và ghen ghét phủ kín đi bóng mát của tình yêu – Mà tình yêu thì phát xuất từ Thiên Chúa. “Vì Thiên Chúa là tình yêu.” (1Ga 4, 8).

    Con biết Thầy đang khát những trái tim đơn sơ chân thành chạy đến nép mình trong trái tim Thầy để tìm kiếm bình an, để đắm mình trong tình yêu không điểm dừng không giới hạn của Thầy - một tình yêu dám chết cho người mình yêu.

    Con biết Thầy đang khát những con chiên lạc đàn, Thầy khát khao tìm và đưa chúng về cùng Thầy, về bên Thầy.

    Con xấu hổ với tình yêu của Thầy vì đôi khi con ngại ngần, đôi khi con sợ khó nhọc. Vì khi cuộc đời là hưởng thụ thân xác, thỏa mãn xác thịt thì con biết khi đi trong tình yêu của Thầy là đi ngược lại với dòng chảy của cuộc đời ấy, là đi bên trái con đường ấy, là lội ngược dòng chảy của sự hưởng thụ ấy. Xin Thầy giữ cho con đi đúng con đường mà Thầy đã đi qua, Thầy nhé!

    Thầy yêu mến! Vậy mà đôi khi những bước chân của con như lạc nhịp, con bị dòng chảy của sự bon chen, sự đòi hỏi của xác thịt kéo con ra xa Chúa – khi đó con như đang bị chìm xuống cái hố sâu , một cái hố vắng tình yêu Chúa.

    Thầy yêu mến! Con xin hát lời tạ ơn Thầy – vì khi con đang chìm xuống thì bàn tay Thầy đưa ra nắm lấy con, đưa con trở về để yêu thương con. Con biết rằng khi ở bên Thầy con thấy con chẳng thiếu thứ gì. Xin cho con cũng luôn luôn biết khát, khát khao được sống trong Thầy và với Thầy hàng ngày suốt cuộc đời con, để quả tim của con, hơi thở của con có cùng nhịp với quá tim và hơi thở của Thầy. Thầy nhé!


    Gửi Thầy Giê-su yêu mến!
    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


  9. #19
    HƯỚNG ÐẾN MAI SAU

    Ngày nọ, tại một khu rừng diễn ra một cuộc gặp gỡ của ba con vật: lừa, rùa và ruồi. Cuộc sống của loài ruồi chỉ kéo dài trong một ngày. Con ruồi nói với rùa và lừa như sau:

    - Các bạn thử xem, nếu mà cuộc sống của tôi dài hơn một chút nữa thì dễ chịu làm sao. Thử xem, chỉ trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ mà tôi phải làm mọi việc, nào là được sinh ra, rồi phải lớn lên, phải học biết những kinh nghiệm, phải chịu đau khổ cũng như hưởng những niềm vui, rồi già cỗi và chết đi. Tất cả chỉ diễn ra trong hai mươi bốn giờ đồng hồ thôi.
    Lừa nói:
    - Nếu tất cả chỉ diễn ra trong hai mươi bốn giờ thì tôi thích chỉ được như thế thôi. Tôi sẽ cố gắng cho đi tất cả, rất ngắn ngủi nhưng cũng rất ngọt ngào.
    Rùa nhìn lừa rồi nói:
    - Tôi chẳng thể nào hiểu được các bạn. Tính cho đến lúc này là tôi đã sống được ba trăm năm rồi, vì thế cũng chẳng có thời gian để chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm của tôi bởi tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm. Khi vừa tròn hai trăm tuổi, tôi ao ước cuộc sống của tôi sớm được kết thúc.
    Rồi quay nhìn lừa, rùa nói:
    - Tôi ganh tị với bạn và với ruồi.
    Lừa nói:
    - Thật đáng tiếc cho bạn.
    Lừa lại phát biểu:
    - Sau khi nghe rùa nói, tôi thấy không thể nào tưởng tượng được và ước gì tôi có được cuộc sống dài như vậy. Tôi có thể sống ba trăm năm có được không? Hãy nghĩ xem, nếu có cơ hội được sống lâu như vậy tôi sẽ rất vui vì được nếm hưởng mọi sự trên đời này một cách lâu dài và thật mãn nguyện.
    Rồi cả ba cùng buồn bã nhìn nhau trong im lặng, rồi chúng đo lường cuộc đời của chúng dài ngắn theo thời gian của kim đồng hồ, mỗi kẻ thích một điều, con thì thích đời dài hơn, con khác lại thích đời mình ngắn hơn một chút. Cả ba con vật cùng nhìn ra xa và thấy con nhện đang giăng tơ. Chị nhện vẫn được coi là vật khôn ngoan, được hỏi ý kiến, và xin cho mình một lời khuyên phù hợp. Nhện nhìn rùa và bảo:
    - Rùa ơi, hãy ngưng phàn nàn đi vì nào có ai có được nhiều kinh nghiệm bằng ngươi đâu. Còn chú ruồi cũng đừng nên phàn nàn chi cả, vì có ai có nhiều niềm vui như ngươi đâu, vì chỉ trong hai mươi bốn giờ đồng hồ mà ngươi được nếm hưởng mọi sự trên cuộc đời này. Và lừa ơi, ta chẳng biết phải nói với ngươi điều gì vì ngươi dường như muốn sống lâu như rùa là giống loài muốn sống cuộc đời ngắn như chú ruồi kia, ngươi mãi vẫn chỉ là một loài vật ngốc nghếch.


    ******************************


    Người ta thường dùng câu ngụ ngôn để giải thích tại sao nói ví là ngốc như rùa. Nhưng ở khía cạnh khác của câu chuyện, chúng ta cũng rút ra một bài học hữu ích cho chúng ta khi suy nghĩ về số mạng của mình, như chúng ta đã từng nói với nhau, chúng ta chỉ thực sự hạnh phúc khi chúng ta nhận ra số mạng Chúa đã ủy thác cho mỗi chúng ta. Thái độ đó không làm thui chột khả năng mơ ước của chúng ta. Khả năng mơ ước và ngưỡng vọng của chúng ta thăng tiến cuộc sống của mình. Vì thế, chúng ta nên phát huy khả năng ước vọng Chúa ban cho chúng ta. Nhưng chúng ta cũng đừng đồng hóa khả năng tốt lành đó với một tật xấu khác là sự ganh tị.
    Sự ngưỡng vọng về một tương lai có thể là một tương lai xa mà cùng có thể là tương lai gần, và những chọn lựa của chúng ta trong cuộc sống thường nhật chỉ cách nhau một vài giây sẽ làm cho chúng ta nhìn ra chính con người thật của mình với những ưu khuyết điểm rất rõ ràng. Từ đó, chúng ta sẽ biết mình phải cố gắng phát triển thêm những mặt nào cũng như phải loại bỏ những điều gì không phù hợp trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Thái độ ấy không làm chúng ta thất vọng, trái lại nó làm chúng ta biết khiêm nhường và mau tiến triển hơn.
    Làm sao có hạnh phúc khi nhận ra con người thật của mình trong chương trình của Chúa?
    Chúng ta vui và hạnh phúc là nhờ Thiên Chúa và lời mời gọi nên trọn lành của Ngài để sống vui, trái lại sự ganh tị làm cho người ta cảm thấy nôn nao và lo lắng. Người có tính ganh tị là người chỉ nhìn vào người khác rồi lo sợ và so bì với họ chứ không nhìn vào chính mình. Người có tính ganh tị cũng sẽ là người hoặc tự mãn tự kiêu hay là người luôn tự ti mặc cảm, và những người này không thể nhìn xa hơn để vượt ra khỏi cái nhìn của mình, để rồi cứ quanh quẩn với cái nhìn phiền trách của mình để so đo điều hơn thiệt của mình với người khác. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy luôn nhắc mình để biết nhìn xa hơn, đặt mình trong chương trình của Chúa. Chỉ khi chúng ta được nằm trong tình thương quan phòng của Chúa, chúng ta mới nhận ra giá trị của mình với Chúa hơn, cũng như sống tương quan, với anh chị em mỗi ngày một tốt hơn.


    ******************************


    Lạy Chúa,
    Xin cho chúng con biết sống gắn bó mật thiết với Chúa hơn trong mùa Chay này để chúng con nhận ra ơn gọi của mình và biết trân trọng những khác biệt của anh chị em để sống vui, hạnh phúc và luôn ngưỡng vọng về Chúa kể cả chân thiện mỹ.

    R. Veritas


    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


  10. #20

    Nói đến Giuđa Iscariốt, ai cũng biết, Ông là kẻ phản bội Chúa Giêsu, là kẻ bán đứng Thầy mình. Nhưng khi tranh luận về Giuđa thì nhiều thắc mắc được nêu lên: Giuđa là kẻ có công hay có tội? Là bậc ái quốc đại trượng phu hay là kẻ phản bội tiểu nhân? Giuđa lên thiên đàng hay xuống hoả ngục?
    Mùa Chay lại đến, một lần nữa, tôi và bạn cùng nhìn lại gương mặt nhiều màu sắc ấy của một người từng là môn đệ Chúa. Mùa Chay là dịp thuận tiện để tôi và bạn soi mình vào “tấm gương Giuđa” mà nhìn thấy rõ thân phận yếu đuối, mỏng giòn của con người mình chẳng khác gì con người tội lỗi Giuđa ngày xưa. Để rồi từ đó, tôi và bạn xin ơn biến đổi và cảm nghiệm sâu xa hơn lối đường chúng ta đang chọn, đang dấn thân, cũng như xin ơn nhận ra tình thương bao la của Thiên Chúa dành cho con người và dành cho ơn gọi của tôi và bạn.
    Thường khi nói đến Giuđa, người ta nghĩ ngay đến một người mặc đồ đen từ bên ngoài đến bên trong tâm hồn, tưởng tượng Giuđa với cặp mắt dữ dằn, gương mặt phản trắc của một tên lưu manh… Thật ra, rất có thể tôi và bạn đang sánh vai với Giuđa trong đám đông, đang bàn bạc với Giuđa trong mọi kế hoạch, và có những lúc, tôi và bạn đã quỳ bên cạnh Giuđa trong nhà thờ… vì Giuđa trước hết là một tông đồ mà!
    Có người đồng hoá Giuđa với Satan, và hơn một người đã nâng Giuđa lên hàng thánh nhân, vì lý do: Giuđa là điều kiện không thể thiếu được trong chương trình cứu rỗi của Chúa!
    Thật ra, Giuđa ở giữa hai thái cực đó, giữa một thằng quỷ và một ông thánh, giữa một tên lưu manh và một vị anh hùng. Vì Giuđa là một con người. Có một điều chắc chắn: Giuđa không phải là kẻ đốn mạt, mất trí. Bởi nghi ngờ điều này là nghi ngờ sự khôn ngoan và đường hướng của Chúa và của Thiên Chúa Cha.
    Trong Lc 6, 12-16 viết: Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu ra núi cầu nguyện và Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Ngài kêu các môn đệ lại và chọn lấy trong họ nhóm 12, Ngài gọi họ là Tông đồ: Simon, Anrê… và Giuđa Iscariot.
    - Suốt đêm, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để rồi chọn Tông đồ Giuđa. Điều ấy thật rõ ràng. Giuđa đã được chọn sau một đêm Chúa thức trắng cầu nguyện.
    - Giuđa đã được chọn để trở nên một Tông đồ. Giuđa được đặt ngang hàng với Phêrô, Anrê, Mathêu, Philip và những Tông đồ khác. Giuđa được nghe những gì họ nghe, thấy những gì họ thấy.
    - Giuđa cũng đi rao giảng Nước Trời như họ.
    - Giuđa không được chọn để quay lưng với Chúa, để phản bội Ngài.
    Chúa Giêsu có lầm khi chọn Giuđa không? Tại sao Thiên Chúa lại chọn Giuđa dù biết rõ con người Giuđa?
    Chúa không lầm khi chọn Giuđa. Chúa không lầm khi chọn những Tông đồ khác. Chúa không lầm khi chọn gọi tôi và bạn. Bởi vì, Kinh Thánh cho thấy: đâu phải Thiên Chúa chỉ chọn những con người xứng đáng, mà Giuđa cũng như tôi và bạn, đã được chọn để thanh luyện, để được nâng cao lên, để nên xứng đáng hơn.
    Giuđa đã nhanh chóng đáp lại tiếng gọi của Đức Kitô. Ông muốn trở nên môn đệ Chúa. Ông đã từ bỏ tất cả để theo Chúa không một chút do dự và Giuđa đã được cả nhóm đón nhận. Họ đã chọn ông làm thủ quỹ, vì họ tôn trọng tài năng của ông. Họ quý mến và tin cẩn ông, dù ông là người miền Nam duy nhất trong số 12 Tông đồ.
    Thật ra Giuđa không xuất hiện từ đầu như một người quay lưng lại với Chúa, bởi không ai bỗng dưng mà phản bội. Giuđa không thay trắng đổi đen đầu hôm sớm mai, mà ông đã bước dần đến hố thẳm, ông bước đi từng bước một… và mỗi lần Giuđa bước thêm một bước gần đến hố thẳm là mỗi lần ông được Đức Giêsu nhắc nhở, cảnh báo một cách kín đáo nhưng thật rõ ràng. Tin Mừng có ghi lại cách rõ ràng những bước chân sai phạm đó của Giuđa.
    Lần 1: khi đám đông bỏ đi vì những lời giảng thật khó nghe về bánh hằng sống của Ngài, Chúa đã hỏi các Tông đồ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ Thầy mà đi sao?”. Và trước lời xác quyết chắc nịch của Phêrô Simon: “bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì Thầy mới có Lời hằng sống”. Chúa nói một câu mà chỉ có Giuđa hiểu: “Chẳng phải Thầy đã chọn cả 12 người đó sao? Thế mà một trong anh em là quỷ dữ” (Ga 6, 67). Như thế, Chúa biết trước về Giuđa như Thánh Vịnh 41, 10 tiên báo: “Kẻ cùng con chia cơm sẻ bánh, lại giơ gót đạp con”.
    Chúa Giêsu biết rõ lời tiên báo ứng nghiệm nơi chính con người Giuđa, vì có những dấu hiệu ngày càng rõ: sự suy giảm nhiệt tình, sự cứng cỏi, sự biếng nhác cầu nguyện, sự tự mãn kiêu căng trong đời sống đạo đức, tính ham mê lời khen và sự nể vì. Chính vì thế có lần Chúa đã nhắc nhở: “Nếu anh em yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy”. Và hơn một lần, trước lời trầm trồ của một phụ nữ: “Phúc cho lòng dạ nào đã cưu mang Thầy, và phúc cho vú nào đã cho Thầy bú mớm”, thì Chúa xác quyết: “Ai nghe và làm những điều ta nói đây, thì ví như người khôn xây nhà trên đá”. Chúa Giêsu đã nói nhưng Giuđa nào đâu có biết! Giuđa không nghĩ rằng kẻ tội nghiệp đó chính là mình. Như David xưa cũng không nhận ra tên nhà giàu tham lam, độc ác trong câu chuyên của Nathan lại là chính mình. Giuđa vẫn cảm thấy thoải mái với Chúa, an tâm với công việc mà ông gọi là dấn thân, phục vụ!
    Lần 2: Khi gặp Giuđa, thì ông đã trở nên một tên ăn cắp mà mãi sau này người ta mới phát hiện ra. Lúc Maria lấy dầu thơm trong bình bạch ngọc xức lên chân Chúa, Giuđa bảo: “Sao không đổi lấy 30 đồng mà cho người nghèo ?”. Nhưng Thánh Gioan sau này giải thích: “Giuđa nói những lời này không phải vì bận tâm đến người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp, y giữ ví tiền, nên cái gì bỏ vào túi y là y phỗng mất” (Ga 12, 5-6).
    Giuđa cũng như tôi và bạn đi theo Chúa, ngay từ đầu đều có mục đích, một chí hướng. Nhưng tiếc thay, ý hướng ngay lành đó có thể đang bị méo mó, bị cám dỗ dưới quá nhiều hấp dẫn của sự đời.
    - Ông tỏ ra thương yêu người nghèo, nhưng bên trong đầy những tính toán vụ lợi.
    - Ông đưa ra bên ngoài khuôn mặt nhân ái, để che giấu bên trong lòng ganh ghét đố kỵ.
    - Trên môi ông là những lời lẽ vị tha nhân ái, nhưng trong tâm tư là những nguyên do vị kỷ thấp hèn.
    - Ông là kẻ luôn nói đúng, nhưng lại làm sai hoặc chẳng làm gì cả.
    - Ông là người phục vụ chính mình, thay vì phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
    Và cứ thế mà tiến, những bước chân của Giuđa đã đưa ông đến bờ vực của sự phản bội. Câu hỏi được đặt ra: vì sao Giuđa lại làm thế? Lại trở nên một kẻ chỉ điểm, ám hại, bán đứng Chúa Giêsu? Có nhiều cách giải thích, nhưng Kinh Thánh trả lời: “Satan đã nhập vào Giuđa, gọi là Iscariot”. (Ga 13,2/ Lc 22,3-4)
    Dĩ nhiên, Satan không thể tự tông cửa mà vào, nhưng chính Giuđa đã vui lòng tự ý mở cửa. Giuđa đã phản bội Thầy mình. Thật ra, ông có thể chỉ cho họ biết nơi ở của Chúa Giêsu, có thể mô tả cách ăn mặc của Chúa để giúp họ nhận diện. Nhưng không, chính ông đã đến tố giác Chúa, tố giác bằng một cái hôn. Với Giuđa, dấu chỉ của yêu thương trở thành hành động của sự phản bội.
    Giuđa đã bỏ lỡ nhiều cơ hội Chúa đã dành cho ông. Ông đã từ chối những cánh cửa Chúa đã mở cho ông.
    Chúa Giêsu biết rất rõ Giuđa sẽ phản bội, sẽ bán đứng mình bằng một cái hôn. Ngài còn biết rất rõ rằng: Giuđa có nhiều khả năng, Giuđa có thể đổi đời và Ngài hy vọng ông sẽ đổi đường đi để đời ông đơm hoa kết trái. Chính vì thế, Ngài đã chọn Giuđa. Chúa chọn Giuđa không vì Giuđa xứng đáng mà để ông được biến đổi và nên xứng đáng hơn.
    Bữa tiệc ly bắt đầu bằng một cử chỉ khiêm hạ đến rợn người. Chúa rửa chân cho các môn đệ, cho Phêrô và cho cả Giuđa. Ngài rửa chân cho Giuđa để ông tỉnh thức, để các tông đồ khác sau này hiểu rằng: dù biết trước sẽ bị bán đứng, nhưng Chúa vẫn luôn yêu thương Giuđa. Dù con người bất trung bất xứng tới đâu, Thiên Chúa vẫn một niềm trung tín, vì Ngài là tình yêu… biết mình bị phản bội mà vẫn cứ yêu thương. Ngài cúi xuống rửa chân cho Giuđa, mong ông nhìn ra tình thương của Ngài. Nếu Giuđa bắt được cái nhìn đó, có lẽ ông đã có một “sức bật” như Phêrô và sẽ không đi đến vực thẳm tuyệt vọng.
    Trao tấm bánh cho Giuđa, Chúa muốn mở cho ông một lối thoát sau này. Ngài muốn các môn đệ khác không hận thù, tẩy chay, nhưng vẫn để cho Giuđa là thành viên của nhóm 12. Chúa vẫn rất thương ông dù ông có đốn mạt đến đâu đi chăng nữa. Ngài hy vọng ông sẽ thay đổi và sẽ lại là một tông đồ. Vì Thiên Chúa là Đấng “không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói”.
    Nhưng khốn nỗi, trong bữa tiệc ly hôm ấy, chỉ một mình Gioan là hiểu được tấm lòng của Ngài. Và Chúa Giêsu biết Gioan hiểu mình. Gioan hiểu Chúa muốn anh em đừng làm khổ Giuđa, Gioan hiểu: Chúa muốn ông đứng ra làm chứng nếu sau này anh em có làm phiền Giuđa. Cho đến phút cuối, Giuđa cũng đã nhận ra tấm lòng của Chúa (Mt 27,3-10). Ông hối hận, ông xưng thú tội công khai và sẵn sàng đền tội. Nhưng điều đáng tiếc là cách hành xử của ông đã làm uổng phí những cố gắng của Chúa. Ông đã để lỡ cơ hội của Chúa, vì ông không thể tin rằng ông lại có thể được tha thứ, lại có cơ hội để sửa đổi. Ông đã để lỡ cơ hội của đời mình, vì ông không tin rằng Chúa lại có thể thương mình đến như thế!
    Cái chết của Giuđa vén tỏ một chân lý: quỷ dữ và con người chỉ khác nhau có mỗi một điều: cả hai cùng có thể sa ngã, nhưng quỷ dữ thì sa ngã luôn, còn con người vẫn có cơ hội chỗi dậy, phục hồi và đi tới. Cái chết của Giuđa cho tôi và bạn nhận ra rằng: trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, cho dù có chậm chạp, té ngã nhiều đến đâu, nếu biết chỗi dậy trong hành trình đi theo Chúa, chúng ta không bao giờ trễ cả.
    Một ai đó đã ví von: “hãy nhìn về phía mặt trời, bóng tối sẽ ở sau lưng bạn”. Như thế trở về với Chúa cũng là một cuộc chọn lựa, gạn đục khơi trong, bóc hết lớp vỏ bề ngoài mau qua, để dung nhan Thiên Chúa rạng ngời nơi tâm hồn. Ơn gọi dấn thân, phục vụ của tôi và bạn không phải chạy theo nghi lễ bề ngoài, hay những nhu cầu giả tạo mau qua, cũng không sa lầy vào thói phô trương công đức, hay bằng lòng với một vài hoạt động rình rang nhưng rỗng tuếch vì thiếu sức sống, thiếu tình người. Nhưng là tiếp tay đem ánh sáng thần linh của Đức Kitô soi chiếu vào những mảnh đời tối tăm, những thân phận hẩm hiu, sao cho dung mạo nhân loại chói ngời ánh sáng nhân phẩm, ánh sáng văn hoá, ánh sáng lương tâm và ánh sáng thần linh. Như thế, tôi và bạn đang cộng tác vào việc biến đổi thế giới, đang theo chân Đức Kitô để cùng với Ngài đưa nhân loại vào hành trình phục sinh, khởi đi từ chính những đổi thay ngay từ hôm nay trong lối sống, trong cách nhìn, trong nếp nghĩ của chính mình.
    Mùa Chay là một chặng dừng cần thiết của cuộc hành trình nội tâm của tôi và bạn. Đó là giờ của ân sủng, là thời gian Thiên Chúa yêu thương con người.
    Cuộc hành trình của con sâu gỡ mình ra khỏi tổ kén để trở thành cánh bướm, tương tự như cuộc “lột xác” của tôi và bạn, gỡ bỏ mọi khuynh hướng xấu của đam mê và tội lỗi để có thể gặp Chúa nơi tha nhân, là cuộc hành trình của hạt mầm đâm chồi vươn lên cho vụ mùa tốt tươi. Hãy cúi mình xuống trong chân thành, khiêm hạ để có thể mở rộng tâm hồn với ân sủng Chúa ban qua những biến cố, những thành công, niềm vui và cả những thất bại, rã rời của tôi và bạn, vì biết rằng Chúa vẫn luôn mở ra cho tôi và bạn những cơ hội mới. Bởi dù sao đi nữa, tôi và bạn không bao giờ thất vọng vì tin rằng Chúa luôn bên chúng ta và Chúa cũng không bao giờ thất vọng về chúng ta.


    TuGiaVi
    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


 

 

Similar Threads

  1. Mỗi Ngày Vũ Như Cẩn
    By Lê Nguyễn Hiệp in forum Tâm Tình
    Replies: 3312
    Last Post: 02-14-2022, 11:38 PM
  2. Hạnh phúc lang thang
    By zung in forum Tâm Tình
    Replies: 421
    Last Post: 02-19-2018, 11:01 AM
  3. Ngày nay đôi ngã
    By Cuong2510 in forum Thơ
    Replies: 8
    Last Post: 09-20-2012, 06:49 PM
  4. Bên Bờ Kỷ Niệm
    By Ngọc-Hạnh in forum Truyện
    Replies: 2
    Last Post: 10-16-2011, 03:43 AM
  5. [TPDT] Chương Trình Tưởng Niệm Tháng Tư 2009
    By Ryson in forum Tiếng Hát Đặc Trưng
    Replies: 0
    Last Post: 10-12-2011, 08:12 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 02:02 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh