Register
Results 1 to 10 of 23

Hybrid View

  1. #1

    Suy Niệm Hằng Ngày

    LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA



    In Jesus we trust, In Spirit we pray.


    Lạy Chúa! Xin dạy chúng con biết quảng đại: biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, biết hy sinh mà không sợ thiệt thòi, biết phục vụ mà không chờ một phần thưởng nào khác hơn là biết rằng: Chúng con đang làm theo ý Chúa. Amen.
    Last edited by Nắng Hạ; 02-11-2012 at 02:25 PM.
    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


  2. #2
    Kinh Cầu Với Ðức Mẹ Lộ Ðức

    Ôi Maria Vô Nhiễm Khiết trinh, là Mẹ của Lòng thương xót, là Sức khỏe của người bệnh, là Chốn ẩn náu của người tội lỗi, là Niềm ủi an của người đau khổ, Mẹ biết rõ những ước muốn, khó khăn, và đau khổ của chúng con. Xin Mẹ đoái nhìn đến chúng con với Lòng thương xót. Khi Mẹ hiện ra nơi hang đá Lộ đức, Mẹ đã biến nơi đó thành chốn linh thiêng, nơi mà chúng con đến nhận những ơn lành của Mẹ, và là nơi những kẻ khốn khổ đến nhận sự chữa lành bệnh tật về tâm linh và thể xác của họ. Vì thế, chúng con chạy đến với lòng tin tưởng hoàn toàn vào Mẹ và van xin lời cầu bầu của Mẹ. Hỡi Mẹ yêu dấu của chúng con! Xin Mẹ nhận lời kêu xin của chúng con. Chúng con cố gắng học các nhân đức của Mẹ, để một ngày kia chúng con sẽ cùng chia sẻ hạnh phúc và dâng lời chúc tụng Mẹ trên nước thiên đàng. Amen


    Last edited by Nắng Hạ; 02-10-2012 at 06:00 PM.
    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


  3. #3
    Hãy làm ơn cho mọi người còn sống hay đã chết, cũng đừng từ chối làm ơn.

    HC 7:33

    Hãy cầu nguyện, và xin lễ cầu cho các linh hôn đang phải khốn khó trong luyện nhục.
    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


  4. #4
    TÌNH YÊU LÀ NĂM CHIẾC LÁ




    Ngày 14 tháng 2, Giáo hội mừng lễ Thánh Valentinô. Trong khi đó xã hội lại mừng Ngày Tình Yêu.

    Ngày lễ Thánh Valentinô được mừng như Ngày Tình Yêu đã trở nên nhộn nhịp vào khoảng đầu thế kỷ XVI. Những người yêu nhau viết cho nhau những bức thư tình, gửi tặng cho nhau những đoá hoa hồng.

    Khởi sự là Ngày Tình Nhân rồi trở thành Ngày Tình Yêu, ngày lễ Thánh Valentinô trở thành lễ của các mối tình khác nhau. Năm 1981, các cặp vợ chồng tại Baton Rouge, Louisiana đề nghị thống đốc tiểu bang và Giám mục công bố lễ Thánh Valentinô là “Ngày Hôn Nhân”. Năm 1983, cả nước Hoa Kỳ và một vài nước khác đã mừng “Ngày Hôn Nhân Thế Giới”. Ngày này đã được cử hành vào ngày Chúa nhật thứ hai của tháng hai hàng năm. Tại Việt nam, lễ này mới xuất hiện trong vòng 10 năm qua. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban phép lành Toà thánh cho những ai tham dự nghi lễ mừng Ngày Hôn Nhân Thế Giới này.

    Nhân Ngày Tình Yêu, chúng ta cầu chúc cho các đôi hôn phối sống thuỷ chung, hạnh phúc, trung tín giao ước tình yêu suốt đời.

    Tình yêu và hạnh phúc song hành cùng nhau. Có tình yêu mới có hạnh phúc. Càng hạnh phúc tình yêu càng dạt dào.

    Có bài thơ “Về Năm Chiếc Lá” của Dạ Thảo Phương nói về tình yêu và hạnh phúc.

    Hạnh phúc là một chiếc lá
    Âm thầm nảy lộc đêm đông.
    Buồn đau là một chiếc lá
    Rụng trong nhựa úa mai hồng.
    Nhớ mong là một chiếc lá
    Run vô cớ giữa lặng không.
    Hờn ghen là một chiếc lá
    Lay lắt mãi giữa cành không.
    Tình yêu chỉ năm chiếc lá
    Mà làm thành một cơn giông
    .


    Bài thơ về năm chiếc lá là khúc hát về tình yêu của muôn người, muôn đời. Hạnh phúc, buồn đau, nhớ mong, hờn ghen, cô đơn, mỗi trạng thái tình yêu ấy ứng với một chiếc lá đời. Tình yêu muôn thưở vẫn là thứ tình cảm kỳ lạ và khó hiểu. Khi ngọt ngào hạnh phúc, khi hờn ghen giận dỗi cách vô cớ, lúc lại tin ỵêu mãnh liệt. Có người đã cho tình yêu là một loại thực phẩm với đủ năm mùi vị: ngọt, đắng, chát, chua, cay.

    Nảy mầm từ tình yêu chính là hạnh phúc. Hạnh phúc là mong ước ngàn đời của con người. Ai cũng muốn được hạnh phúc. Ai cũng đi tìm và xây đắp hạnh phúc.

    Hạnh phúc là một chiếc lá, âm thầm nảy lộc đêm đông. Cũng như chiếc lá lặng lẽ vươn mình giữa đêm đông, hạnh phúc con người chỉ có được khi biết dày công chăm nom gìn giữ, biết vượt qua khó khăn thử thách. Hạnh phúc là quà tặng, là hồng ân, con người phải biết trân trọng, nâng niu giữ gìn những gì mình đang có. Bởi lẽ, biết đâu rằng giông bão cuộc đời nổi lên cuốn theo chiếc lá hạnh phúc mong manh.

    Buồn đau, nhớ mong, hờn ghen, cô đơn là mỗi chiếc lá cảm xúc của tình yêu. Chiếc âm thầm trong hạnh phúc. Chiếc rụng úa bởi buồn đau. Chiếc run lên vì mong nhớ. Chiếc hờn ghen khi vở tắt. Chiếc cô đơn giữa lặng không.

    Tình yêu là năm chiếc lá mà làm thành một cơn giông. Năm chiếc lá hạnh phúc, buồn đau, mong nhớ, hờn ghen, cô đơn là năm khía cạnh của tình yêu đôi lứa. Năm chiếc lá ấy dẫu mong manh, bé nhỏ nhưng lại tiềm tàng một sức mạnh lớn lao là làm thành một cơn giông. Cơn giông của tình yêu đầy sức mạnh. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Tình yêu là nguồn sống cho đời. Ai đã một lần yêu mới thấu hiểu tình yêu. Người mình yêu là lẽ sống trên đời.

    Tình yêu rất huyền nhiệm Tình yêu kỳ diệu nó gõ hồn ta vào những giờ không định như Xuân Diệu viết:

    Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,
    có nghĩa gì đâu một buổi chiều,
    nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
    bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.

    Chỉ một lần chạm tay nhau thôi, về nhà đã mang bệnh tương tư:
    Hôm qua lỡ chạm tay nhau,
    về nhà đó có bị đau không nào,
    riêng đây chẳng biết vì sao,
    chạm tay lần ấy đau vào đến tim
    .

    Đau vào đến tim chính là khởi đầu cho những xao xuyến rung động của tình yêu.
    Khi yêu rồi thì sức mạnh của tình yêu giúp con người vượt qua tất cả mọi thử thách, mọi khó khăn để có nhau:

    Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.
    Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
    Yêu nhau bất kể giàu nghèo, dù cho lên ải xuống đèo cũng cam.
    Yêu nhau mọi sự trở nên ngon ngọt:
    Thiếp xa chàng ăn vàng cũng đắng,
    thiếp gần chàng ăn muối trắng cũng ngon
    .
    Bài thơ “Lạ chưa” đã diễn tả sự kỳ diệu ấy của tình yêu:
    Lạ chưa vẫn ở bên em,
    mà anh cứ nhớ cứ thèm gần hơn.
    Cứ lo em giận em hờn,
    mải mê anh để cô đơn em buồn.
    Cớ chi chắp được đôi hồn,
    như chim đôi cánh lượn hôn mây trời.
    Cớ chi đi suốt đường đời,
    như hình với bóng sóng đôi tháng ngày.
    Em cười anh cũng vui lây,
    em đau anh lại lệ cay xót thầm.
    Qua bao xao động thăng trầm,
    tâm ca được mấy tri ân không lời.
    Tình yêu là thế em ơi,
    hai người mà hoá một người trăm năm
    .

    Tình yêu thật đẹp và thật kỳ diệu. Vì thế, quyết định sống chung với một người suốt đời là điều hết sức quan trọng. Quyết định mà không hiểu biết đó là liều lĩnh và mù quáng sẽ dẫn tới bất hạnh. Sự hiểu biết về mình và đối tượng mình chọn lựa luôn cần thời gian dài khá dài tìm hiểu,thử thách, đo lường.

    Thời gian chính là thước đo tình yêu. Chân thật hay giả dối, thuỷ chung hay hời hợt chóng qua, thời gian sẽ xác định cho một tình yêu. Bởi vậy ông bà chúng ta khôn ngoan khuyên dạy con cháu, cần phải có thời gian dài để tìm hiểu kỹ lưỡng rồi mới tiến tới hôn nhân.

    Ngày nay, người ta yêu nhau vội vàng, cưới nhau vội vã và bỏ nhau cũng mau chóng. Vì chưa hiểu nhau và chưa có đủ thời gian để tình yêu nên sâu đậm. Tựa như tình yêu hờ hững mà Mỹ Tâm hát trong bài ca “Hát với dòng sông”: tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc. Yêu nhau mà không mong đợi, không hối tiếc thì đâu phải là yêu thật tình.

    Các đôi vợ chồng cũng cần có thời gian dành cho nhau. Cảm thông, chia sẽ những khó khăn vui buồn của nhau trong cuộc sống. Khi người vợ quá lo lắng về con cái. Bận rộn cơm áo gạo tiền. Họ tự bó chặt trong những thứ vụn vặt ấy. Khi người chồng bị cuốn hút trong công việc và bè bạn. Họ không còn dành thời gian cho vợ con. Đó là những nguy hiểm cho rạn nứt và bất hoà gia đình. Cần lắm thời gian vợ chồng dành cho nhau, cho gia đình mình.

    Sách Sáng Thế định nghĩa: Thiên Chúa là Alpha và Omêga,là khởi nguyên và cùng tận. Điều ấy có thể diễn tả cách khác: Thiên Chúa là thời gian.

    Thánh Gioan xác định: Thiên Chúa là tình yêu.

    Thiên Chúa là thời gian và là tình yêu. Như thế tình yêu và thời gian song hành là một. Sống trong Thiên Chúa là sống để yêu và sống trong thời gian là yêu để sống. Kẻ sống trong Thiên Chúa là người biết quý chuộng thời gian.

    Con người không làm chủ được thời gian. Quá khứ đã qua rồi. Tương lai chưa tới. Chỉ còn hiện tại. Hiện tại là thời gian quý nhất mà con người có trong tay. Sự giàu có của chúng ta là giây phút hiện tại. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta hãy sống giây phút hiện tại. Kinh Lạy Cha,Chúa dạy: Xin Cha cho chúng con hôm nay và nhắc nhở rằng, ngày nào cũng có sự lao nhọc, cũng có niềm vui của ngày đó.

    Sống giây phút hiện tại bằng yêu thương chính là hạnh phúc.

    Cầu chúc cho những người đang yêu, những đôi vợ chồng đã yêu luôn sống hạnh phúc. Cho dẫu tình yêu như năm chiếc lá buồn đau nhớ mong hờn ghen cô đơn thì hạnh phúc vẫn luôn là chiếc trên cành mãi màu xanh. Xanh hy vọng. Xanh niềm vui và sự sống.



    Lm Giuse Nguyễn Hữu An






    Last edited by Nắng Hạ; 02-11-2012 at 02:30 PM.
    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


  5. #5
    Công Bố Sứ Điệp Mùa Chay 2012 Của Đức Thánh Cha

    VATICAN. Trong Sứ điệp mùa chay năm nay, công bố sáng ngày 7-2-2012, ĐTC Biển Đức 16 cổ võ các tín hữu quan tâm đối với nhau, để khích lệ nhau trong việc thực thi bác ái và các công việc lành.
    Đây cũng là chủ đề Sứ điệp mùa chay của ĐTC được ĐHY Robert Sarah Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, giới thiệu với giới báo chí trong cuộc họp báo sáng hôm qua tại Phòng báo chí Tòa Thánh.
    Sứ điệp được phổ biến bằng 7 thứ tiếng: Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Đức , Ba Lan. Và Mùa chay năm nay sẽ bắt đầu từ ngày thứ tư lễ tro, 22-2, và kết thúc vào ngày lễ Phục sinh 8-4 tới đây.

    Chủ đề của Sứ Điệp Mùa Chay là câu 24 trong đoạn thứ 10 của thư gửi tín hữu Do thái. Trong đoạn này tác giả giải thích thành quả việc đón nhận Chúa Kitô là một đời sống được phát triển theo 3 nhân đức hướng thần, đó là: tiến đến gần Chúa ”với con tim chân thành trong sự viên mãn của đức tin” (c.22), giữ vững ”việc tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta” (c.23) trong sự luôn chú ý thi hành ”đức bác ái và các việc lành” (c.24) cùng với các anh em khác.
    ĐTC lần lượt giải thích 3 ý tưởng nổi bật trong chủ đề của Sứ điệp:

    Trước tiên là lời mời gọi ”Chúng ta hãy quan tâm”. Lời này nhắc nhở về trách nhiệm của chúng ta đối với người anh em. Thái độ quan tâm đối với tha nhân, không dửng dưng đối với những người anh chị em như thế là điều rất cần thiết. Ngày nay, con người thường có thái độ ngược lại: dửng dưng, không tha thiết, đó là những thái độ nảy sinh từ lòng ích kỷ, được che đậy bằng cái bình phong là ”tôn trọng đời tư của người khác”. ĐTC viết: ”Ngày nay, Chúa cũng yêu cầu chúng ta trở thành những người canh giữ anh em mình (Xc St. 4,9), thiết lập những quan hệ ân cần đối với nhau, quan tâm đến thiện ích của tha nhân”. Trong chiều hướng trên đây, ĐTC đặc biệt kêu gọi thực thi giáo huấn của Kinh Thánh về sự ”sửa lỗi cho nhau” trong ý hướng nhắm phần rỗi đời đời của tha nhân.


    Ý tưởng thứ hai được ĐTC giải thích trong chủ đề mùa chay là ”tính chất hỗ tương đối với nhau”. Ngài viết: ”Ở đây chúng ta động chạm đến một yếu tố rất sâu xa của tình hiệp thông: cuộc sống của chúng ta có liên hệ tới cuộc sống của người khác, trong điều thiện cũng như trong điều ác; tội lỗi cũng như những việc lành bác ái đều có một chiều kích xã hội.. Quan tâm đến tha nhân trong tinh thần hỗ tương cũng là nhìn nhận điều thiện hảo mà Chúa làm nơi họ và cùng với họ cảm tả vi những kỳ công ân phúc mà Thiên Chúa nhân lành và toàn năng tiếp tục thực hiện nơi các con cái của Ngài”.


    Yếu tố thứ ba trong chủ đề là ”Để khích lệ lẫn nhau trong đức bác ái và trong việc lành”: tức là cùng nhau hành trình trong sự thánh thiện.
    ĐTC tố giác cám dỗ ngày nay của nhiều người sống trong nguội lạnh, bóp nghẹt Thánh Linh, từ khước làm sinh lợi những nén bạc đã được ban cho chúng ta để mưu ích cho bản thân và tha nhân (Xc Mt 25,25ss).
    ĐTC cũng nhấn mạnh rằng: ”Đứng trước một thế giới đang đòi hỏi các tín hữu Kitô một chứng tá được đổi mới về tình yêu thương và lòng trung thành với Chúa, tất cả chúng ta cảm thấy sự cấp thiết phải nỗ lực thi nhau làm việc bác ái, phục vụ và làm việc lành (Xc Dt 6,10). Lời kêu gọi này đặc biệt mạnh mẽ trong mùa thánh chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh” (SD 7-2-2012)


    G. Trần Đức Anh OP

    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


  6. #6
    Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Nhân Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân 2012

    VATICAN. Thứ bẩy 11-2-2012 sắp tới là Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 20, năm nay được cử hành với chủ đề ”Hãy đứng lên và đi; đức tin của con đã cứu con!” (Lc 17,19). Trong thời gian qua, ĐTC đã cho công bố sứ điệp của ngài để hướng dẫn suy tư và việc cử hành Ngày này, đồng thời ngài mời gọi các tín hữu nêu cao giá trị của các bí tích chữa lành là bí tích Thống Hối hòa giải và bí tích xức dầu bệnh nhân. Sau đây là bản dịch nguyên văn sứ điệp của ĐTC.

    Anh chị em thân mến,
    Nhân dịp Ngày Thế giới các bệnh nhân, mà chúng ta sẽ cử hành ngày 11-2-2012, lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, tôi muốn tái biểu lộ sự gần gũi tinh thần với tất cả các bệnh nhân đang ở nơi điều trị hoặc được chăm sóc trong gia đình, bày tỏ với mỗi người mối quan tâm và lòng quí mến của toàn thể Giáo Hội. Khi quảng đại và yêu thương đón nhận mỗi sinh mạng con người, nhất là những người yếu đuối và bệnh tật, tín hữu Kitô biểu lộ khía cạnh quan trọng trong chứng tá Tin Mừng của mình, theo gương Chúa Kitô, Đấng đã cúi mình trên những đau khổ thể lý và tinh thần của con người để chữa lành họ.
    1. Năm nay, là năm chuẩn bị gần cho việc cử hành trọng thể Ngày Thế Giới các bệnh nhân sẽ tiến hành tại Đức vào ngày 11-2-2013 và sẽ suy tư về hình ảnh biểu tượng của Tin Mừng về người Samaritano (Xc Lc 10,29-37), tôi muốn nhấn mạnh về ”các bí tích chữa lành”, tức là Bí tích Thống Hối và Hòa giải, và bí tích Xức Dầu bệnh nhân, các bí tích này được viên mãn tự nhiên trong sự Hiệp Thông Thánh Thể.
    Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với 10 người phong cùi, được thuật lại trong Tin Mừng theo thánh Luca (Xc Lc 17,11-19), đặc biệt là lời Chúa nói với một người trong số họ: ”Hãy đứng lên và đi, đức tin của con đã cứu con!”, giúp ta ý thức tầm quan trọng của đức tin đối với những người đang chịu đau khổ và bệnh tật mà đến gần Chúa. Trong cuộc gặp gỡ Chúa, họ có thể thực sự cảm nghiệm rằng ”ai tin tưởng thì không bao giờ lẻ loi!” Thực vậy, trong Con của Ngài, Thiên Chúa không bỏ mặc chúng ta cho những lo âu và đau khổ của chúng ta, nhưng Ngài gần gũi chúng ta, giúp chúng ta chịu đựng chúng và Ngài mong ước chữa lành tâm hồn chúng ta một cách sâu xa (Xc Mc 2,1-12).
    Đức tin của người phong cùi duy nhất, khi thấy mình được chữa lành, đầy kinh ngạc và vui mừng, không như những người khác, đã lập tức trở lại gặp Chúa Giêsu để biểu lộ lòng biết ơn; đức tin ấy cho chúng ta thấy rằng sức khỏe được phục hồi là dấu chỉ một điều quí giá hơn so với sự khỏi bệnh thể lý, là dấu chỉ ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Chúa Kitô; điều ấy được biểu lộ qua lời Chúa Giêsu: ”Đức tin của con đã cứu con”. Ai ở trong đau khổ và bệnh tật mà kêu cầu Chúa, thì chắc chắn tình yêu của Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi họ, và cả tình yêu của Giáo Hội sẽ không bao giờ thiếu, tình yêu này chính là sự kéo dài trong thời gian công trình cứu độ của Chúa”. Như thế, sự lành bệnh thể xác, diễn tả ơn cứu độ sâu xa, tỏ cho thấy tầm quan trọng của con người đối với Chúa, trong toàn thể linh hồn và thân xác của họ. Vả lại, mỗi bí tích diễn tả và thực hiện sự gần gũi của chính Thiên Chúa, Đấng theo một thể thức hoàn toàn nhưng không, ”đánh động chúng ta qua những thực tại vật chất... mà Ngài dùng chúng, biến chúng thành những phương thế để chúng ta và Ngài gặp gỡ nhau” (Bài giảng, Thánh lễ làm phép Dầu, 1-4-2010)
    Nghĩa vụ chính yếu của Giáo Hội chắc chắn là loan báo Nước Thiên Chúa, ”nhưng chính việc loan báo này phải là một tiến trình chữa lành: ”.. băng bó các vết thương của tâm hồn tan nát” (Is 61,1)” (Ibid.). Vì thế, sự liên kết giữa sức khỏe thể lý và sự canh tân những sâu xé trong tâm hồn giúp chúng ta hiểu rõ hơn ”các bí tích chữa lành”.
    2. Bí tích Thống Hối thường ở trung tâm suy tư của các vị Chủ Chăn trong Giáo Hội, chính vì tầm quan trọng của bí tích này trong hành trình đời sống Kitô, xét vì ”toàn thể giá trị của Sự Thống Hối hệ tại trả lại chúng ta cho ơn thánh của Thiên Chúa, liên kết chúng ta với Ngài trong một tình bạn thân mật và cao cả” (Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, 1468). Giáo Hội, khi tiếp tục loan báo ơn tha thứ và hòa giải mà Chúa Giêsu làm vang dội, không ngừng mời gọi toàn thể nhân loại hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng. Giáo Hội lập lại lời kêu gọi của thánh Phaolô Tông Đồ: ”Nhân danh Chúa Kitô.. chúng tôi là những sứ giả: qua chúng tôi chính Thiên Chúa nhắn nhủ. Nhân danh Chúa Kitô, chúng tôi nài xin anh em: hãy hòa giải với Thiên Chúa” (2 Cr 5,20). Trong cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu loan báo và làm cho lòng từ bi của Chúa Cha hiện diện. Ngài đến không phải để lên án, nhưng để tha thứ và chữa lành, để mang lại hy vọng cả trong tình trạng tăm tối nhất của đau khổ và tội lỗi, để trao ban sự sống đời đời; vì thế, trong Bí tích Thống Hối, trong ”y dược của phép giải tội”, kinh nghiệm về tội lỗi không làm nảy sinh tuyệt vọng, nhưng gặp gỡ Đấng là Tình Thương tha thứ và biến đổi (Xc Gioan Phaolô 2, Tông Huấn hậu THĐGM ”Hòa giải và Thống Hối”, 31).

    Thiên Chúa, ”giàu lòng xót thương” (Ep 2,4), như người cha trong dụ ngôn của Tin Mừng (Xc Lc 15,11-32), không khép kín tâm hồn đối với một người con nào, nhưng Ngài chờ đợi họ, tìm kiếm, tìm đến với họ tại nơi mà sự phủ nhận tình hiệp thông khép kín họ trong sự cô lập và chia rẽ, kêu gọi họ tụ tập quanh bàn ăn của Ngài, trong vui mừng của đại lễ tha thứ và hòa giải. Những lúc đau khổ, khi mà bệnh nhân dễ bị cám dỗ rơi vào tình trạng nản chí và tuyệt vọng, có thể biến thành một thời điểm ân phúc, giúp họ trở về với chính mình, và như người con hoang đàng, nghĩ lại cuộc sống của mình, nhìn nhận những lỗi lầm và thiếu sót, nhớ nhung vòng tay ấp ủ của người Cha, và tái khám phá con đường về Nhà Cha. Trong tình yêu thương bao la, Ngài luôn tỉnh thức canh chừng cuộc sống chúng ta, chờ đợi chúng ta để trao tặng cho mỗi người con trở về cùng Ngài hồng ân hòa giải trọn vẹn và niềm vui mừng”.
    3. Khi đọc Phúc Âm, chúng ta thấy rõ Chúa Giêsu luôn tỏ ra đặc biệt quan tâm tới những người yếu đau. Không những Ngài sai các môn đệ đi săn sóc các vết thương (Xc Mt 10,8; Lc 9,2; 10,9), nhưng Ngài còn thiết lập cho họ một Bí tích đặc biệt: bí tích Xức dầu bệnh nhân. Thư của Thánh Giacôbê làm chứng về sự hiện diện của cử chỉ bí tích này trong cộng đồng Kitô đầu tiên (Xc 5,14-16): Với việc Xức dầu bệnh nhân, kèm theo lời cầu nguyện của các linh mục, toàn thể Giáo Hội phó thác các bệnh nhân cho Chúa đã chịu đau khổ và được vinh hiển, để Ngài thoa dịu những cơ cực và cứu vớt họ, Giáo Hội cũng khuyên họ hãy kết hiệp trong tinh thần với cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, để góp phần vào thiện ích của Dân Chúa.
    Bí tích ấy đưa chúng ta đến chỗ chiêm ngắm hai mầu nhiệm về Núi Cây Dầu, nơi Chúa Giêsu đứng trước con đường Chúa Cha đã chỉ cho Ngài, con đường khổ nạn, cử chỉ tột đỉnh của tình thương, và Ngài đã đón nhận con đường ấy. Trong giờ thử thách đó, Ngài là Đấng trung gian, ”mang trong mình, nhận lấy đau thương và khổ nạn của thế giới, biến nó thành tiếng kêu lên Thiên Chúa, đưa đau khổ tới trước mắt và trong tay của Thiên Chúa, và qua đó mang đau khổ thực sự vào thời điểm cứu chuộc” (Lectio divina, Cuộc gặp gỡ hàng giáo sĩ Roma, 18-2-2010). Nhưng ”Núi Cây Dầu .. cũng là nơi từ đó Ngài lên cùng Chúa Cha, vì thế đó là nơi cứu chuộc... Hai mầu nhiệm này về Núi Cây Dầu cũng luôn luôn ”tác động” trong dầu bí tích của Giáo Hội.. dấu chỉ lòng nhân từ của Thiên Chúa Đấng động đến chúng ta” (Bài giảng, Thánh Lễ làm phép Dầu, 1-4-2010). Trong việc Xức Dầu bệnh nhân, có thể nói chất liệu bí tích dầu được ban cho chúng ta ”như dược phẩm của Thiên Chúa.. thuốc này giờ đây làm cho chúng ta chắc chắn về lòng từ nhân của Ngài, nó phải củng cố và an ủi chúng ta, nhưng đồng thời, vượt lên trên thời kỳ bệnh tật hiện nay, hướng chúng ta về sự chữa lành chung kết, là sự sống lại (Xc Gc 5,14” (Ibid.).
    Ngày nay Bí tích này đáng được để ý hơn, trong suy tư thần học, cũng như trong hoạt động mục vụ cho các bệnh nhân. Khi đề cao nội dung kinh nguyện phụng vụ được thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau của con người với bệnh tật, và không những vào lúc cuối đời mà thôi (Xc Sách Giáo Lý Công Giáo, 1514), Bí tích Xức Dầu bệnh nhân không thể bị coi là một bí tích ”hạng nhỏ” so với các bí tích khác. Sự quan tâm và chăm sóc mục vụ cho các bệnh nhân, một đàng là dấu chỉ sự dịu hiền của Thiên Chúa đối với người đang đau khổ, và đàng khác mang lại lợi điểm tinh thần cho cả các LM và toàn thể cộng đoàn Kitô, với ý thức rằng những gì được làm cho người bé nhỏ nhất, chính là làm cho Chúa Giêsu” (Xc Mt 25,40).

    4. Về ”các bí tích chữa lành”, thánh Augustinô khẳng định: ”Thiên Chúa chữa lành tất cả các bệnh tật của con”. Vì thế, con đừng sợ: tất cả bệnh tật của con sẽ được chữa lành.. Con chỉ cần để cho Ngài chữa lành con và đừng đẩy xa bàn tay của Ngài” (Giải thích về Thánh Vịnh 102,5: PL 36,1319-1320). Đó là những phương thế quí giá của ân thánh Chúa, giúp các bệnh nhân ngày càng trở nên đồng hình dạng với Mầu Nhiệm sự chết và phục sinh của Chúa Kitô”. Cùng với hai Bí tích này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể. Khi được lãnh nhận trong lúc bệnh tật, Thánh Thể góp phần đặc biệt vào công trình biến đổi ấy, liên kết người được nuôi sống bằng Mình Máu Thánh Chúa Giêsu với hy tế Ngài tự hiến dâng lên Chúa Cha để cứu độ mọi người. Toàn thể cộng đoàn Giáo Hội và nhất là các giáo xứ, hãy quan tâm đảm bảo cơ hội cho những người, vì lý do sức khỏe hoặc tuổi tác, không thể đến nơi thờ phượng, được thường xuyên rước lễ. Như thế những anh chị em ấy có thể củng cố mối quan hệ với Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại, với cuộc sống của họ được dâng hiến vì tình yêu Chúa Kitô, tham dự vào sứ mạng của chính Giáo Hội. Trong viễn tượng ấy, điều quan trọng là các LM phục vụ tại các nhà thương, các dưỡng đường và tại tư gia của các bệnh nhân, hãy cảm thấy mình thực sự là những người phục vụ các bệnh nhân, là dấu chỉ và là phương tiện của lòng từ bi Chúa Kitô, cần được biểu lộ cho mọi người đang chịu đau khổ (Sứ điệp nhân Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 18, 22-11-2009).
    Sự trở nên đồng hình dạng với Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, cũng được thực hiện qua việc rước lễ thiêng liêng, việc làm này có một ý nghĩa rất đặc biệt khi Thánh Thể được ban và đón nhận như của ăn đàng. Trong thời điểm ấy của cuộc sống, những lời của Chúa càng âm vang một cách quyết liệt hơn: ”Ai ăn Mình Thầy và uống Máu Thầy thì có sự sống đời đời và Thầy sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,54). Thực vậy, Thánh Thể, nhất là như của ăn đàng, theo định nghĩa của thánh Ignatio thành Antiokia, là ”phương dược bất tử, là thuốc chống lại sự chết” (Thư gửi các tín hữu Ephêsô, 20: PG 5,661), là bí tích chuyển tiếp từ sự chết đến sự sống, từ trần thế này đến cùng Chúa Cha, Đấng chờ đợi mọi người trong thành Jerusalem thiên quốc.
    5. Chủ đề sứ điệp này nhân Ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 20, ”Hãy đứng lên và đi, đức tin của con đã cứu con!”, cũng liên hệ tới Năm Đức Tin sắp tới, sẽ bắt đầu từ ngày 11-10-2012, là dịp thuận tiện và quý giá để tái khám phá sức mạnh và vẻ đẹp của đức tin, để đào sâu nội dung đức tin cũng như để làm chứng đức tin trong đời sống thường nhật (Xc Tông thư Porta fidei, 11-10-2011). Tôi muốn khuyến khích các bệnh nhân và những người đau khổ luôn tìm thấy một chiếc neo chắc chắn trong đức tin, được nuôi dưỡng bằng sự lắng nghe Lời Chúa, bằng kinh nguyện bản thân và các bí tích, trong khi tôi mời gọi các vị Mục Tử ngày càng sẵn sàng cử hành các bí tích cho các bệnh nhân. Noi gương Vị Mục Tử Nhân Lành và trong tư cách là những người dẫn dắt đoàn chiên đã được ủy thác, các linh mục hãy tràn đầy vui mừng, ân cần đối với những người yếu đuối nhất, những người đơn sơ và tội nhân, biểu lộ cho họ lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa với những lời đầy hy vọng” (Xc S. Augustino, Lettera 95, 1: PL 33, 351-352) (SD 3-1-2012)
    Tôi tái bày tỏ lòng biết ơn của tôi và của Giáo Hội đối với những người hoạt động trong thế giới sức khỏe, cũng như các gia đình, nhìn thấy nơi những người thân của mình Khuôn mặt đau khổ của Chúa Giêsu, vì trong khả năng nghề nghiệp và trong thinh lặng, tuy nhiều khi không nêu đích danh Chúa Giêsu, họ vẫn biểu lộ Ngài một cách cụ thể (Xc Bài giảng, Thánh lễ làm phép Dầu, 21-4-2011).
    Chúng ta hãy hướng lên Đức Maria, Mẹ Từ Bi và là Sức Khỏe của các bệnh nhân, cái nhìn đầy tín thác và kinh nguyện của chúng ta; Ước gì lòng cảm thông từ mẫu của Mẹ, - được sống cạnh Chúa Con sinh thì trên Thánh Giá, - tháp tùng và nâng đỡ đức tin và đức cậy của mỗi bệnh nhân và người đau khổ trên con đường chữa lành các vết thương thể xác và tinh thần.
    Tôi cam đoan nhớ đến tất cả mọi người trong kinh nguyện, trong khi tôi ban Phép lành Tòa Thánh đặc biệt cho mỗi người.
    Vatican ngày 20 tháng 11 năm 2011, Lễ Chúa Kitô, Vua Vũ Trụ.


    Biển Đức 16, Giáo Hoàng.
    A person who truly loves you will never let you go no matter how hard the situation is.

    Nắng Hạ


 

 

Similar Threads

  1. Mỗi Ngày Vũ Như Cẩn
    By Lê Nguyễn Hiệp in forum Tâm Tình
    Replies: 3312
    Last Post: 02-14-2022, 11:38 PM
  2. Hạnh phúc lang thang
    By zung in forum Tâm Tình
    Replies: 421
    Last Post: 02-19-2018, 11:01 AM
  3. Ngày nay đôi ngã
    By Cuong2510 in forum Thơ
    Replies: 8
    Last Post: 09-20-2012, 06:49 PM
  4. Bên Bờ Kỷ Niệm
    By Ngọc-Hạnh in forum Truyện
    Replies: 2
    Last Post: 10-16-2011, 03:43 AM
  5. [TPDT] Chương Trình Tưởng Niệm Tháng Tư 2009
    By Ryson in forum Tiếng Hát Đặc Trưng
    Replies: 0
    Last Post: 10-12-2011, 08:12 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 03:51 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh